Ca sĩ Celines Diaz đã từ bỏ danh tiếng để thờ phượng Thiên Chúa qua âm nhạc của cô

Ca sĩ Celines Diaz đã từ bỏ danh tiếng để thờ phượng Thiên Chúa qua âm nhạc của cô

Đặng Tự Do

Khi lên 10 tuổi Celines Diaz đã viết bài hát đầu tiên của cô. Kể từ đó, cô đã dành cuộc sống của mình cho sân khấu. Diaz bắt đầu sự nghiệp của mình với việc viết nhạc đời, và vào năm 2001, cô đã ký một hợp đồng thu âm quốc tế.

Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra rằng một cái gì đó đã mất tích trong cuộc sống của cô. Sau khi tham dự một cuộc tĩnh tâm, cô quyết định từ bỏ mọi sự để chỉ hát cho Thiên Chúa thôi.

Celines Diaz tâm sự:

“Tôi đã dành riêng đời mình cho âm nhạc thế tục. Nhưng trong một buổi tĩnh tâm, cảm nghiệm của tôi với Thiên Chúa, với sự tha thứ và tình yêu của Ngài, rất tuyệt vời. Tôi phát hiện ra Chúa Giêsu vẫn sống động. Kể từ lúc đó, tôi muốn dành cho Chúa cuộc sống của tôi, âm nhạc của tôi.”

Tiếng hát Celines Diaz một sớm một chiều tắt ngúm trên các sân khấu đời gây ngỡ ngàng cho nhiều người hâm mộ … và đặc biệt cho các bầu sô.

Nhưng hiện nay người ta gặp gỡ cô dễ hơn. Diaz và ban nhạc của cô lưu diễn trên khắp nước Mỹ và các nước Mỹ Châu La tinh, sử dụng lời bài hát và âm nhạc của mình để truyền bá Lời Chúa.

Celines Diaz cho biết thêm:

“Năm 2014, chúng tôi đang làm việc cật lực để tung ra album thứ hai của mình với tựa đề ‘Chúa luôn trung tín’. Chúng tôi rất vui , rất hạnh phúc để có thể chia sẻ tất cả mọi thứ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi trong những năm qua. Chúng tôi muốn sử dụng âm nhạc để chia sẻ những hồng ân đó. “

ĐTC Phanxicô đã khóc vì ngày nay vẫn còn nhiều Kitô phải tử đạo

ĐTC Phanxicô đã khóc vì ngày nay vẫn còn nhiều Kitô phải tử đạo

VRNs (04.05.2014) – Sài Gòn – Vaticaninsider cho biết, trong bài giảng thường nhật hôm 2 tháng Năm vừa qua tại nhà nguyện thánh Martha, ĐTC Phanxicô nói rằng ngài đã khóc khi xem những tin tức gần đây về việc các Kitô hữu bị đóng đinh. Ngài cho biết thêm trong bài giảng, “Ngày nay vẫn còn nhiều người phải thiệt mạng và chịu bắt bớ trong danh của Thiên Chúa.” Hiện vẫn còn quá nhiều “người kiểm soát lương tâm.” “Ở một số nước, có người vẫn phải đi tù chỉ vì sở hữu một quyển một Tin Mừng hay đeo thánh giá”

140503003

Trong những tuần gần đây, các phương tiện truyền thông đã lan truyền hình ảnh của hai cá nhân bị treo trên một giá bằng gỗ mà theo cáo buộc là ở Syria. Danh tính và tôn giáo của những người trong hình chưa được xác nhận, và cũng chưa thể xác nhận họ đã thực sự thiệt mạng do bị đóng đinh hay chưa. Một số hình ảnh dường cho thấy, họ bị bắn vào đầu và sau đó bị treo trên thập giá.

Suy niệm dựa trên bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều, cũng như bài đọc từ sách Công Vụ Tông Đồ trình bày việc các môn đệ của Chúa Kitô bị đánh đập bởi Thượng Hội Đồng Do Thái (Sanhedrin), ĐTC Phanxicô đã đề xuất ba hình ảnh biểu tượng.

“Đầu tiên là ‘tình yêu của Chúa Giêsu’ dành cho con người, sự chú ý ngài đến những vấn đề của dân chúng.” ĐTC nói rằng, Thiên Chúa không quan tâm đến việc có bao nhiêu người theo ngài, ngài sẽ “không bao giờ nghĩ đến việc thực hiện một cuộc điều tra dân số” để xem “Giáo Hội đã phát triển hay chưa… không ! Ngài nói năng, giảng dạy, yêu thương, đông hành, và đi trên đường cùng với con người, hiền lành và khiêm nhường.” Ngài nói năng có uy quyền, có nghĩa là ngài nói với “sức mạnh của tình yêu.”

ĐTC Phanxicô nói tiếp: “Hình ảnh biểu tượng thứ hai là sự ‘ghen tị’ của các các nhà chức trách tôn giáo thời bấy giờ: Họ không thể chịu đựng được thực tế rằng dân chúng đang đi theo Chúa Giêsu. Họ không thể chịu đựng được và họ ghen tị. Đây là một thái độ thực sự xấu. Ghen tị và đố kỵ, và chúng ta biết rằng cha đẻ của sự ‘đố kỵ’ là ‘ma quỷ’. Thông qua sự đố kỵ, sự dữ đã bước vào thế gian. Những người này biết Chúa Giêsu: họ biết ! Cũng chính những người này đã trả tiền cho các lính canh để nói rằng: các môn đệ đã đến trộm xác của Chúa Kitô!”

“Họ đã trả tiền để bịt miệng sự thật,” ĐTC nhấn mạnh,”con người đôi khi có thể trở nên rất xấu xa! Bởi vì khi chúng ta trả tiền để che giấu sự thật, chúng ta [đã phạm] một điều ác rất lớn. Và đó là lý do tại sao dân chúng biết họ. Dân chúng sẽ không theo họ, nhưng dân chúng chịu đựng họ vì họ có quyền lực, thẩm quyền tôn giáo, thẩm quyền trên kỷ luật của giáo hội tại thời điểm đó, thẩm quyền trên người dân … và dân chúng theo họ. Chúa Giêsu đã từng nói rằng, họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Những người này không thể chịu đựng được sự hiền lành của Chúa Giêsu, họ không thể chịu đựng được sự hiền lành của Tin Mừng, họ không thể chịu đựng được tình yêu. Và họ trả giá đắt cho sự ghen tị, sự căm thù.”

“Trong cuộc họp của Thượng Hội Đồng Do Thái (Sanhedrin), có một ‘người đàn ông khôn ngoan’ đó là Gamaliel, người đã yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo phóng thích các tông đồ.” Do đó, ĐTC khẳng định, “có hai biểu tượng: Chúa Giêsu, Đấng đã xúc động khi thấy dân chúng như bầy chiên ‘không người chăn dắt’ và các nhà chức trách tôn giáo. Những người này, với thủ đoạn chính trị và thủ đoạn tôn giáo, họ tiếp tục thống trị dân chúng… Và như vậy họ cho điệu các tông đồ ra, sau khi người đàn ông khôn ngoan lên tiếng, để đánh đập và ra lệnh cho các tông đồ không nói về danh của Chúa Giêsu. Sau đó, họ phóng thích các tông đồ. ‘Chúng ta phải làm điều gì đó, chúng ta sẽ đánh đập chúng thật mạnh tay và thả chúng về! Thật bất công ! Nhưng họ đã làm điều đó. Họ là những người kiểm soát lương tâm [cảnh sát của tư tưởng], và cảm thấy họ có quyền làm như thế. Những người kiểm soát lương tâm … Thậm chí ngày nay trên thế giới, có rầt nhiều người như thế.”

ĐTC Phanxicô sau đó thú nhận: “Tôi đã khóc khi biết tin tức về việc các Kitô hữu bị đóng đinh tại một quốc gia không phải Kitô giáo. Ngày nay vẫn còn nhiều người bị giết và bị bắt bớ trong danh của Thiên Chúa. Ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn thấy nhiều người như các tông đồ, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.”

Hình ảnh “biểu tượng thứ ba hôm nay là Niềm vui nhân chứng.”

ĐTC Phanxicô kết luận bài giảng bằng cách tổng hợp ba biểu tượng. Ngài nói: “biểu tượng đầu tiên: Chúa Giêsu với dân chúng, tình yêu của ngài, con đường mà ngài đã dạy chúng ta, cái mà chúng ta nên đi theo. Biểu tượng thứ hai: sự đạo đức giả của những vị lãnh đạo tôn giáo, họ giam giữ dân chúng với rất nhiều điều răn, với sự vô cảm, đồng thời họ còn là những người trả tiền để che giấu sự thật. Biểu tượng thứ ba: niềm vui của các vị tử đạo Kitô giáo, niềm vui của rất nhiều anh chị em của chúng ta đã cảm nghiệm được theo dòng lịch sử, niềm vui bởi họ được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Kitô. Và hôm nay vẫn còn rất nhiều người như thế! Chỉ cần nghĩ đến một số quốc gia, anh chị em có thể vào tù vì chỉ mang theo một quyển Tin Mừng. Hoặc là anh chị em sẽ bị phạt chỉ vỉ đeo thánh giá. Ba biểu tượng: chúng ta hãy nhìn vào chúng. Đó là một phần của lịch sử cứu độ của chúng ta.”

Pv. VRNs

 

Caritas Nigeria cảnh báo nguy cơ đất nước bị chia rẽ bởi nước ngoài

Caritas Nigeria cảnh báo nguy cơ đất nước bị chia rẽ bởi nước ngoài

Chuacuuthe.com

140503002

VRNs (04.05.2014) – Sài Gòn – Hãng thông tấn Fides cho biết, đã có ít nhất 19 người thiệt mạng và 80 người bị thương. Đây là số thương vong tạm thời trong vụ đánh bom diễn ra hôm 1 tháng Năm, tại nhà ga Nyanya, ở thủ đô Abuja của Nigeria. Vụ nổ xảy ra cách 50 mét từ địa điểm của một vụ nổ trước đó, diễn ra ngày 14 tháng 4, gây ra cái chết của 75 người.

Hành động khủng bố trên được qui cho giáo phái Hồi giáo Boko Haram thực hiện. Nhóm này hiện đang giam giữ hơn 100 nữ sinh bị bắt cóc vào giữa tháng Tư, tại một trường trung học ở Chibok, thuộc bang Borno ở phía bắc Nigeria. Theo báo chí Nigeria, một số nữ sinh đã được đưa đến Cameroon và Cộng Hòa Chad, nơi họ bị bán trong các hợp đồng hôn nhân để đổi lấy một khoản tiền.

Tình trạng bạo lực mà Boko Haram đang tạo ra một cuộc tranh cãi nóng bỏng ở Nigeria, đến mức mà những lực lượng chính trị khác nhau đã buộc tội lẫn nhau trong việc khai thác hoặc thậm chí hỗ trợ cho các hoạt động của nhóm khủng bố. Tổ chức Caritas Nigeria cũng chỉ trích mạnh mẽ thái độ đó trong một tuyên bố.

Ngoài ra, Caritas còn kêu gọi chính phủ nên xem xét nguyên nhân gốc rễ của sự phục hồi các cuộc nổi dậy và lưu ý rằng, việc cho rằng Boko Haram chỉ nhận được tài trợ bởi các chính trị gia liều lĩnh muốn tiếp quản quyền lực là chưa đủ thuyết phục. “Mức độ tinh vi, việc tập hợp vũ khí, sự hỗ trợ hậu cần cho thấy nguồn tài chính là không nhỏ, thêm vào đó là quy mô của những chiến dịch. [Những việc này] vượt quá khả năng của các thực thể [chính trị] địa phương”.

Tuyên bố tiếp tục, chính phủ Nigeria cũng nên xem xét các suy đoán cho rằng, một số quốc gia nước ngoài không hài lòng với tiềm lực của Nigeria và đang có ý định chia cắt quốc gia này bằng cách lợi dụng cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2015.”

Pv. VRNs

 

Kiev tiếp tục tấn công để giành lại quyền kiểm soát miền Đông Ukraina

Kiev tiếp tục tấn công để giành lại quyền kiểm soát miền Đông Ukraina

Chốt kiểm soát Slaviansk : Kiev dồn lực lượng để giành lại miền Đông Ukraina - REUTERS /Baz Ratner

Chốt kiểm soát Slaviansk : Kiev dồn lực lượng để giành lại miền Đông Ukraina – REUTERS /Baz Ratner

Thanh Phương

Hôm nay, 04/05/2014, chính quyền Kiev tiếp tục các cuộc tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát miền Đông Ukraina, hiện đang nằm trong tay phiến quân thân Nga, cho thấy là tình hình vẫn căng thẳng cho dù hôm qua, các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu bị phe ly khai cầm giữ từ nhiều ngày qua đã được trả tự do.

Về phía phe thân Nga cũng ra lệnh tổng động viên để đối đầu với quân đội chính phủ Kiev. Từ Donetsk, miền Đông Ukraina, thông tín viên RFI Daniel Vallot gởi về bài tường trình :

« Rõ ràng là phe thân Nga từ hôm qua quyết tâm tạo ra thêm những điểm căng thẳng ở toàn bộ vùng này. Chẳng hạn như tại Lougansk, họ đã tấn công vào một đơn vị quân đội và vào một điểm tuyển quân. Theo bộ Nội vụ Ukraina, hai binh lính đã bị thương trong cuộc tấn công này.

Tại Donetsk, những người biểu tình thân Nga đã chiếm giữ trụ sở cơ quan an ninh Ukraina địa phương. Các vụ nổ súng và xung đột cũng đã diễn ra ở Mariupol và Konstantinovska.

Các lãnh đạo phe thân Nga ở Donetsk đã nói rõ đây chính là chiến lược mà họ vạch ra và họ cũng đã kêu gọi tổng động viên những người tình nguyện. Những người này sẽ được huấn luyện và trang bị vũ khí.

Hai mục tiêu của phe phiến loạn thân Nga là thứ nhất, chứng tỏ họ vẫn huy động lực lượng cho dù chính quyền Kiev tiếp tục tấn công và thứ hai, mở ra các mặt trận mới ở miền Đông nhằm ngăn cản quân đội Ukraina tập trung mọi lực lượng vào hai thành phố Sloviansk và Kramatorsk. »

 

Blogger Điếu Cày được đề cử nhận giải nhân quyền Vaclav Havel

Blogger Điếu Cày được đề cử nhận giải nhân quyền Vaclav Havel

Blogger Điếu cày (G) từng biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh tư liệu (Nguồn rsf.org)

Blogger Điếu cày (G) từng biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh tư liệu (Nguồn rsf.org)

Thụy My

Blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải hiện đang thụ án 12 năm tù giam về tội tuyên truyền chống Nhà nước. Ngày 01/05/2014, ông đã được đề cử tặng thưởng giải Vaclav Havel. Trong khi đó thân nhân ông Nguyễn Văn Hải hôm nay 03/05/2014 cho biết, ông đang bị bệnh tật đe dọa nặng nề mà không được chữa trị trong nhà tù.

Giải Vaclav Havel là giải thưởng của Hội nghị các Nghị viện Hội đồng châu Âu dành cho các hoạt động kiệt xuất của xã hội dân sự trong việc bảo vệ nhân quyền tại châu Âu cũng như các châu lục khác, được đặt ra từ năm 2013.

Năm nay trong số những người được đề cử có ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, một tù nhân lương tâm đã bị lãnh án 12 năm tù giam vào tháng 9/2012 vì tội danh tuyên truyền chống Nhà nước. Tháng 3/2013, ông đã tuyệt thực đến một tháng để phản đối điều kiện giam giữ.

Trong số các cá nhân và tổ chức đứng ra đề cử ông Nguyễn Văn Hải, có sáu cựu thành viên nhóm Hiến chương 77 của Cộng hòa Séc, và bảy tổ chức của người Việt trong và ngoài nước. Đó là nhóm Văn Lang ở Praha với tôn chỉ « Vì một xã hội dân sự », nhóm Đàn Chim Việt ở Ba Lan, và các tổ chức tại Việt Nam là Diễn đàn Xã hội Dân sự, Hội Tù nhân Lương tâm Việt Nam, Mạng lưới Blogger Việt Nam, nhóm No-U FC và Nhà xuất bản Giấy Vụn.

Trả lời RFI Việt ngữ, anh Nguyễn Trí Dũng, con ông Nguyễn Văn Hải cho biết :

Nguyễn Trí Dũng tại Việt Nam

 

03/05/2014
by Thụy My

 

Nghe (03:01)

 

 

 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á đến Hà Nội vào tuần tới

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á đến Hà Nội vào tuần tới

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (www.state.gov)

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (www.state.gov)

Trọng Nghĩa

Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua 02/05/2014 thông báo : Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel sẽ dẫn đầu một phái đoàn Mỹ ghé Hà Nội trong hai ngày 07-08/05. Mục tiêu được loan báo là tham gia cuộc họp của cơ chế Đối thoại Mỹ-Việt vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được hai bên thảo luận.

Trong bản thông cáo báo chí ngắn gọn về chuyến công du Việt Nam của ông Russel, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm là Trợ lý Ngoại trưởng sẽ tiếp xúc với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, đồng thời giao lưu với các cựu sinh viên từng tham gia các chương trình trao đổi cấp chính phủ.

Theo giới quan sát, chuyến công du Việt Nam của người trực tiếp nắm hồ sơ Đông Nam Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra chỉ ít lâu sau khi đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm hai nước Đông Nam Á khác là Malaysia và Philippines.

Điều này phản ánh mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo 10 quốc gia trong khối ASEAN chuẩn bị họp Hội nghị Thượng đỉnh tại Miến Điện trong hai ngày 10-11/05.

Trong thời gian qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á – Thái Bình Dương đã không ngần ngại có những lời lẽ rất cứng rắn đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, nêu bật một số hành vi sách nhiễu của Trung Quốc nhắm vào Philippines chẳng hạn, đặc biệt là tại hai bãi ngầm đang tranh chấp là Scarborough và Second Thomas ngoài Biển Đông.

Ví dụ cụ thể nhất là bản điều trần của ông Daniel Russel trước Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 05/02 vừa qua, trong đó ông đã cảnh cáo Trung Quốc về những yêu sách lãnh thổ đáng quan ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Về Biển Đông, ông Russel là một nhà ngoại giao Mỹ hiếm hoi công khai phê phán tính chất không phù hợp với luật pháp quốc tế của tấm bản đồ « Chín đường gián đoạn » mà Trung Quốc sử dụng để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Ông cũng đã chỉ trích các quy định mới đây của Trung Quốc về đánh đánh bắt cá trên một phần Biển Đông, và cảnh cáo Bắc Kinh về ý đồ muốn thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông.

30-4: Để tang, ăn mừng, hay cơ hội để hòa hợp hòa giải?

30-4: Để tang, ăn mừng, hay cơ hội để hòa hợp hòa giải?

Hoài Hương-VOA

02.05.2014

Ngày 30 tháng Tư là một dấu mốc lịch sử đối với người Việt Nam, cả ở trong lẫn ở ngoài nước. Tại Việt Nam, ngày này thường được đánh dấu với những lễ mừng chiến thắng, nhưng ở hải ngoại, các cộng đồng người Việt khắp nơi tụ tập để đánh dấu Ngày Quốc Hận, biến cố đau thương khi Sài Gòn sụp đổ đưa đến sự cáo chung của chính phủ Việt nam Cộng hòa. Năm nay, các lễ lạc ấy dường như đượm thêm một số sắc thái phức tạp hơn.

“Ngày một triệu người vui, một triệu người buồn”, theo lời cố Thủ Tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một tiếng nói lạc lõng đi trước thời đại, chủ trương cải cách hướng tới hòa hợp hòa giải. Năm nay, lại có thêm hai quan chức Việt Nam khác lên tiếng theo cách riêng của họ, tỏ thái độ hòa hoãn hơn nhân cơ hội ngày 30 tháng Tư.

Một bà mẹ và ba người con miền Nam Việt Nam chạy khỏi Việt Nam trên một chiếc tàu của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, 29/4/1975 (Ảnh tư liệu.)

Một bà mẹ và ba người con miền Nam Việt Nam chạy khỏi Việt Nam trên một chiếc tàu của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, 29/4/1975 (Ảnh tư liệu.)

Quan chức thứ nhất là Thứ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, cách đây vài ngày ông Sơn đã đưa ra những phát biểu tỏ ý muốn “xóa hố sâu thù hận” giữa hai bên, và lần đầu tiên nói tới những người bỏ nước ra đi là “những nạn nhân chiến tranh”, thay vì mô tả những người vượt biên vượt biển ra nước ngoài tỵ nạn cộng sản sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 là những kẻ phản động, đi theo đế quốc.

Mặc dù rất nhiều người không đồng ý với ông Nguyễn Thanh Sơn đã gán cho họ cái nhãn “nạn nhân chiến tranh” vì cho rằng họ không phải là nạn nhân bởi vì chiến tranh lúc đó đã chấm dứt, mà họ là những người tỵ nạn không thể, hoặc không muốn sống dưới chế độ cộng sản.

Quan chức thứ nhì là ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, người đã dẫn đầu cuộc thương thuyết để Việt Nam gia nhập WTO. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân ở Hạ Long hôm 29 tháng Tư, ông Trương Đình Tuyển nói “Đã đến lúc nên thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước là quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nói phát biểu của ông Trương Đình Tuyển, mà báo chí Việt Nam cho là khá táo bạo vì đã đề cập tới xã hội dân sự, một đề tài lâu nay vẫn cấm kỵ, có liên hệ tới hiệp ước thương mại xuyên Thái bình dương TPP mà Việt Nam đang ráo riết thương thuyết với Hoa Kỳ và các đối tác khác để vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói:

“Ngày hôm qua (29/04) tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân ở Hạ Long, chính ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương Mại Việt Nam, đã phải nói rằng vòng đàm phán TPP đang có vẻ như vẫn bế tắc. Khó khăn lớn nhất tại vòng đàm phán này chính là Việt Nam. Ông Tuyển cũng kêu gọi đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Xã hội dân sự là cái gì, chính là quyền đi lại, quyền được xuất cảnh tự do, được nhập cảnh tự do của các công dân. Nếu nhà nước Việt Nam chưa tôn trọng điều đó, thì làm sao có thể nghĩ tới một quy chế thị trường để có thể vào TPP được.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng, người vừa được Tổ chức Ký Giả Không Biên giới vinh danh là một trong 100 “Anh Hùng Thông Tin” của thế giới, đã bị nhà nước tịch thu hộ chiếu, không cho sang Hoa Kỳ dự buổi điều trần tại Quốc hội về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

Lời bình luận của hai quan chức Việt Nam ngay trước ngày 30 tháng Tư tuy khác biệt về đối tượng nhắm tới- người Việt ở hải ngoại hay giới hoạt động dân chủ trong nước; về nội dung, cũng như về động cơ -chính trị hay kinh tế, nhiều người cho là những thông điệp đó có thể được coi là để bày tỏ thiện chí, muốn hàn gắn những chia rẽ sau thời chiến, và hòa giải với những người không đồng quan điểm với chính quyền, tham gia các tổ chức xã hội dân sự để đấu tranh cho các quyền tự do căn bản của công dân.

Điển hình như blogger Ngô Nhật Đăng, đang có mặt tại Washington trong cuộc quốc tế vận về tự do báo chí cho Việt Nam, anh chia sẻ trải nghiệm về ngày 30 tháng Tư:

Xe tăng quân đội miền Bắc Việt Nam tiến vào cổng Dinh Độc Lập, 30/4/1975 (Ảnh tư liệu.)

“Ngày 30 tháng Tư năm 75, khi đó chúng tôi mới 17 tuổi, ở Hà Nội sau một đêm rất là vui mừng vì đất nước được hòa bình, lúc đó chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, chúng tôi không phải cầm súng bắn giết nhau và không phải bị chết nữa. Đó là cảm giác đầu tiên vào ngày 30 tháng Tư, cách đây đã 39 năm. Sau đó có một thời gian tôi đi làm, vào trong miền Nam có rất nhiều bạn bè, thậm chí những người anh rất thân là những người trong quân lực Việt nam Cộng hòa, qua đó tôi hiểu được rất nhiều.

Còn về vấn đề hòa hợp hòa giải thì ý kiến của tôi như thế này, là nhân dân không có thù hận, cho nên tôi không nghĩ tới việc hòa giải giữa nhân dân, giữa trong nước và nước ngoài. Sang đây tôi càng thấy rõ điều đó. Tôi gặp rất nhiều người, tình cờ gặp ở ngoài đường thì tất cả mọi người rất là gần gũi như là anh em. Chúng tôi đều đồng ý rằng là những người anh em chưa được gặp nhau vì những ngăn cản do nhà cầm quyền ngăn cản. Vấn đề hòa hợp hòa giải, cái gốc sâu xa của vấn đề là ai gây ra những mối hận thù, thì người đó phải đứng ra mà xin lỗi nhân dân, chứ còn nhân dân từ xưa và đến cả bây giờ đều không có chuyện thù hận lẫn nhau.”

Cũng có mặt trong phái đoàn đi vận động tự do báo chí tại Quốc hội Hoa Kỳ, nghệ sĩ Kim Chi trả lời câu hỏi của Ban Việt ngữ VOA:

“Bây giờ trong lòng tôi nó lạ lắm. 30 Tháng Tư thì tôi cũng thương nhớ đồng đội của tôi vô cùng, nhưng mà tôi cũng thương những người lính Việt nam Cộng hòa, và tôi nhận ra rằng cái cuộc chiến này người thắng người thua cũng đều đau, đều mất mát, đều đổ máu hết cho nên thật lòng mà nói thì tôi cảm thấy nó rưng rưng mà xót xa lắm chị à.”

Ttrong khi đó tại Việt Nam đã diễn ra một cuộc biểu tình vào đúng ngày 30 tháng Tư. Cuộc biểu tình đó do Phong trào Liên đới Dân Oan Tranh đấu tổ chức tại Sài Gòn đã bị công an thẳng tay đàn áp. Tin tải lên trang mạng của Danlambao.com cho biết đoàn biểu tình khởi hành từ công viên Lê Văn Tám đến hết đường Hai Bà Trưng thì một số người tham gia bị công an hành hung.

Cô Hồ Giang Mỹ Lệ, dân oan quận 4 Sài Gòn, là nạn nhân bị hành hung mạnh tay nhất, theo những hình ảnh và những chia sẻ của cô trên YouTube.

Nhưng một số người cho rằng ngày 30 tháng Tư có thể là một cơ hội để khởi sự tiến trình hòa hợp hòa giải, không những giữa những người dân thường ở cả ba miền Bắc Trung Nam, mà còn giữa những người đã cầm súng ở cả hai bên cuộc chiến. Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, chia sẻ quan điểm của ông:

“Tôi tin là trong số hơn ba triệu đảng viên cộng sản cũng có rất nhiều người yêu nước, muốn nhìn thấy đất nước Việt Nam phát triển một cách vững mạnh, muốn nhìn thấy một xã hội công bằng hơn, một đất nước không có tham nhũng, một xã hội lành mạnh. Tôi nghĩ rằng cái ước mơ đó là ước mơ chung của tất cả mọi con dân Việt Nam, bất kể thuộc đảng phái nào. Và cũng nhân ngày 30 tháng Tư đánh dấu 39 năm, tôi nghĩ đây là cái khởi điểm để tất cả mọi người Việt chúng ta cố gắng đoàn kết lại với nhau, cố gắng làm sao để tranh đấu trong tinh thần ôn hòa để đem lại một sự thay đổi tốt đẹp cho đất nước.”

 

Lời kêu gọi Bộ trưởng Y tế Việt Nam từ chức

Lời kêu gọi Bộ trưởng Y tế Việt Nam từ chức

Chuacuuthe.com

VRNs (03.05.2014) – Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam xác nhận lập trường: Không tin tưởng rằng việc từ chức của một bộ trưởng trong thể chế độc tài có thể thay đổi diện mạo nền y tế tồi tệ ở Việt Nam.

Nhưng về nguyên tắc phân chia quyền lực và phân công nhiệm vụ trong Nội các chính phủ của một quốc gia, những thất bại của ngành y tế Việt Nam tất nhiên được quy vào trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế đương nhiệm là bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tuy dịch sởi lan tràn khắp cả nước nhưng hiện nay Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa cho công bố dịch một cách chính thức. Nhiều trẻ em đã chết và rất nhiều số khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; ngay cả người lớn cũng mắc bệnh. Sự hoang mang và căm phẫn đang dâng cao.

Nhiều nhà hoạt động Nhân quyền, nhà báo tự do, những người dùng mạng xã hội đã thể hiện sự bức xúc của mình bằng những hình ảnh và lời kêu gọi Bộ trưởng Y tế từ chức vì sự thất bại của bà trong việc nhiều trẻ em đã chết vì bị tiêm vaccine không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và tình trạng dịch sởi lan tràn không thể kiểm soát do các giới, các ngành vẫn chủ quan khi dịch sởi chưa được công bố.

Là những người phụ nữ đang hoặc sắp có con nhỏ, tất cả thành viên Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam rất bất bình vì tình trạng nêu trên và yêu cầu chính quyền Việt Nam nên áp lực bà Nguyễn Thị Kim Tiến phải hành xử như một người văn minh và có tri thức đúng như địa vị và học vị mà bà đang mang.

Mọi sự ngoan cố, tham quyền cố vị và coi thường dân chúng sẽ càng tạo nên sự bất mãn trong lòng người dân Việt Nam, và tất nhiên đưa đến hệ lụy bất ổn xã hội. Chính nhà cầm quyền Việt Nam là tác nhân gây ra bất ổn xã hội khi giới cầm quyền đã và đang hành động một cách bất xứng như thế.

Ban Điều hành Hội PNNQVN

Ngày 1 tháng 5 năm 2014

 

Hoa Kỳ thêm 8 nước vào danh sách vi phạm tự do tôn giáo

Hoa Kỳ thêm 8 nước vào danh sách vi phạm tự do tôn giáo

Ngôi nhà thờ phái Coptic ở Ai Cập bị đốt cháy

Ngôi nhà thờ phái Coptic ở Ai Cập bị đốt cháy

01.05.2014

Một ủy ban về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa thêm 8 quốc gia vào danh sách vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo được các chính phủ của họ dung túng.

Trong phúc trình hằng năm, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc Tế đã nêu tên Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Syria, Tajikistan, Turkmenistan, và Việt Nam là “những nước đặc biệt quan tâm.”

Ủy ban cũng yêu cầu Bộ Ngoại Giao gia hạn sự xếp hạng này đối với 8 quốc gia khác, những nước không có sự cải thiện là Miến Điện, Trung Quốc,  Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả Rập Xê-ut, Sudan và Uzbekistan.

Phúc trình vừa kể liệt kê 33 quốc gia  trên khắp thế giới, nơi các vi phạm được báo cáo hồi năm ngoái, nhưng không được coi như “các quốc gia đặc biệt quan tâm. Những nước này bao gồm những chế độ dân chủ như Ấn Độ, cho tới độc tài như Belarus và những nơi bị bạo động tàn phá như Cộng Hòa Trung Phi.

Ủy ban khuyến nghị Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, và các thành viên Hạ Viện nhấn mạnh tới tính cách quan trọng của tự do tôn giáo trong mọi cơ hội, kể cả các cuộc họp với giới chức ngoại giao.

Ủy ban này cũng yêu cầu Bộ Ngoại Giao áp đặt biện pháp hạn chế du hành đối với những người chịu trách nhiệm về việc vi phạm các quyền về tự do tôn giáo.

Hội Dân Oan Việt Nam có Ban Đại Diện

Hội Dân Oan Việt Nam có Ban Đại Diện
Thursday, May 01, 2014

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) .- Sau nhiều tháng xin phép hành chính để hoạt động và bị cản trở, Hội Dân Oan Việt Nam vừa loan báo thành phần Ban Đại Diện gồm các tỉnh thành từ Bắc đến Nam.

Dân oan thuộc nhiều tỉnh phía Nam đi biểu tình ngày 29/4/2014 tại Sài Gòn với băng rôn “30-4 dân Việt mất quyền con người”. (Hình: Dân Làm Báo)

Một bản thông báo mới phổ biến trên nhiều diễn đàn và các trang mạng xã hội cho biết Hội Dân Oan Việt Nam ra đời với thành phần gồm ông Nguyễn Xuân Ngữ làm trưởng ban đại diện Dân Oan Việt Nam kiêm đại diện phía Nam.

Có 6 phó ban là đại diện dân oan ở Sài Gòn, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, đều là những nơi có số lượng các vụ khiếu kiện và biểu tình tập thể về đất đai lớn, gây xôn xao dư luận thời gian qua. Bà Lê Hiền Đức, 82 tuổi, một người nổi tiếng về bênh vực dân oan tại Việt Nam, được mời làm chủ tịch danh dự.

Đây là hội đoàn dân sự mới nhất ra đời, một trong những hội đoàn độc lập tự quyết định thành lập và tuyên bố hoạt động mà không cần sự chấp thuận của nhà cầm quyền CSVN vốn cấm cản những tổ chức tư nhân.

Theo bản thông báo đề ngày 30/4/2014, của Hội nói trên “Ngày 24/4/ 2014 ông Nguyễn Xuân Ngữ đại diện Dân Oan phía Nam đã đến Văn Giang, Hưng Yên theo lời mời của nông dân Văn Giang, Hưng Yên để kỷ niệm 2 năm ngày nông dân Văn Giang bị cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật. Đại diện dân oan phía Nam đã gặp gỡ nhiều dân oan các tỉnh phía Bắc, có bàn về ý định thành lập Hiệp hội dân oan Việt Nam và chọn ngày dân oan Việt Nam. Mọi người nhất trí tiếp tục đấu tranh để thành lập hợp pháp Hiệp hội dân oan Việt Nam, trước mắt nhất trí cử Ban Đại Diện Dân Oan Việt Nam.”

Theo đó “Để ghi nhớ sự kiện ngày 24/4/2012 tại Văn Giang, một trong những vụ cưỡng chế thu hồi đất lớn nhất đối với dân oan Việt Nam và hoan nghênh tinh thần đoàn kết, đấu tranh bền bỉ của nông dân Văn Giang, mọi người nhất trí lấy ‘Ngày 24/4 hằng năm sẽ là Ngày Dân Oan Việt Nam’.

Ngày 28/2/2014, Bộ Nội Vụ CSVN gửi cho bà Lê Hiền Đức và ông Nguyễn Xuân Ngữ văn thư từ chối cho họ vận động thành lập Hội dân Oan Việt Nam, lấy cớ “không phù hợp quy định tại khoản 1 điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của chính phủ quy dịnh về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”.

Tuy nhiên, ngày 7/3/2014, bà Lê Hiền Đức và ông Nguyễn Xuân Ngữ gửi đơn khiếu nại nói rằng văn bản của Bộ Nội Vụ CSVN “có nội dung cấm hoặc hạn chế công dân thực hiện quyền tự do lập hội” mà như thế “trái với Hiến pháp 2013 và trái Thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

Đơn khiếu nại dẫn điều 25 của bản Hiến pháp CSVN 2013 nói “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp và lập hội”.

Khi đọc bản thông điệp đầu năm 2014, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong đó rằng “…Người dân có quyền làm tất cả những gì luật pháp không cấm và sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, thư khiếu nại trích dẫn.

Ông Trịnh Bá Khiêm, một dân oan phường Dương Nội quận Hà Đông, bị đám người cưỡng chế hành hung trước khi bị đẩy lên xe Công an đưa đi nhốt. (Hình: Dân Làm báo)

Hiện Hội Dân Oan Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu thành lập nên đại diện các địa phương sẽ được bổ túc trong những ngày sắp tới. Bản thông báo số 12 của Hội dân Oan Việt Nam nói rằng nhiệm vụ trước mắt của Ban Đại diện Dân Oan Việt Nam gồm: “A/.Tập hợp các hồ sơ về dân oan để gửi các lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, gửi công luận trong và ngoài nước để công luận biết rõ tình trạng dân oan VN. B/. Lên tiếng về các vụ việc đàn áp, cưỡng chế dân oan VN. C/. Đấu tranh chống tham nhũng trong những lĩnh vực liên quan đến dân oan. D/. Giới thiệu cho dân oan các luật sư, luật gia, chuyên gia trợ giúp trong việc khiếu nại, giải quyết các vấn đề của dân oan.”

Các cơ quan nhà nước CSVN từng nhìn nhận 70% các đơn từ khiếu kiện trong số hàng ngàn vụ khiếu kiện tập thể diễn ra hàng năm là về đất đai cưỡng chế, giải tỏa đền bù theo kiểu cướp ngày, đẩy người dân vào đói khổ trong khi làm giầu cho một số ít cán bộ đảng viên nhà nước cùng với đám công ty xí nghiệp tay sai của họ.

Mới đây nhất, khoảng gần một chục người đã bị công an bắt giam khi họ chống lại vụ cưỡng chế đất ngày 24 và 25/4/2014 tại phường Dương Nội quận Hà Đông, Hà Nội. Một số người dân đã bị hành hung trước khi bị tống lên xe của công an. (TN)

 

Những câu chuyện về ngày 30 tháng 4

Những câu chuyện về ngày 30 tháng 4

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-04-29

000_Hkg2309681-305.jpg

Tranh ảnh cổ động cho ngày 30 tháng 4 diễn ra hàng năm trên khắp nước Việt Nam.

AFP photo

Sau 39 năm, thời gian đủ để một đứa bé ra đời, lớn lên, có vợ và sinh con, và đó cũng là thời gian đủ để một đứa bé từ chỗ vô tư, hồn nhiên, ngây thơ đến chỗ trưởng thành, biết suy tư về thân phận con người cũng như thân phận một quốc gia. Hơn nữa, thời gian 39 năm đủ để làm lành mọi vết thương nếu như thịt da trên cơ thể lành tính, ngược lại, đó cũng là thời gian quá đủ để một vết thương cắn xé làm đau nhức và dẫn đến hoại thư. Câu chuyện sau 39 năm của một đời người, một dân tộc cùng những nỗ lực hòa giải, hòa hợp cũng chính là câu chuyện làm lành vết thương trên cơ thể Việt Nam.

Những thế hệ lớn lên

Một người bạn yêu cầu giấu tên, sinh đúng vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, anh ra đời trong lúc mẹ anh đang trên đường di chạy từ Xuân Lộc vào Sài Gòn, chia sẻ: “Nói chung là mình chưa thấy đó là một thiện ý thật sự cho những người muốn đặt ra vấn đề hòa hợp hòa giải, tức là đặt vấn đề với những người có quyền lực ấy. Mà mình thấy cái thiện ý đó chưa chân thành, người ta chỉ nói cái gì đó để tuyên truyền là chính thôi. Mình cứ nghe ti vi, đài ra rả đó, đại khái là những vết tích xưa cũ như là tự hào ấy. Cái đó mình cho rằng hòa hợp hòa giải khó mà đạt được, người ta chưa tin. Với những người Sài Gòn cũ thì còn lâu mới đạt được, nói nôm na ví dụ như Sài Gòn, hãy đổi hãy trả lại cái tên Sài Gòn đi sẽ thấy hòa hợp hòa giải liền.”

Theo người bạn này, sau ba mươi chín năm, sau một quá trình gia đình anh vất vả để cưu mang người cha bệnh tật sau khi rời trại cải tạo và sau đó không lâu ông qua đời, anh nhận ra rằng cuộc đời anh buồn nhiều hơn vui. Và khái niệm quê hương, đất nước gắn trong ký ức anh cùng với mùi khoai mì, mùi hạt kê độn và bánh tráng sắn thời thơ ấu. Tuổi thơ của anh bị ám ảnh bởi tiếng kẻng họp đội, tiếng loa phát thanh ngoài đầu xóm và tiếng gõ mõ liên hồi báo động an ninh… Dường như tất cả những ký ức tuổi thơ của anh đều mang mang một thanh âm đượm buồn trong sắc màu trầm, nặng của nó.

Khi lớn lên, anh phải bỏ học sớm và bươn bả ngoài cuộc đời với cái lý lịch không được tốt cho mấy bởi vì cha của anh là “ngụy quyền”. Mặc dù anh học rất giỏi và ước mơ được học đại học như bao bạn khác nhưng hoàn cảnh nghèo túng của gia đình đã khiến anh phải bỏ học, theo làm bốc vác ở bến xe, sau đó sắm xe ba gác để chở hàng và hiện tại, anh đã có xe tải để chở rau cho chợ đầu mối nhưng anh vẫn thấy tiếc nuối thời đi học của mình. Bởi ngày từ nhỏ, anh luôn tâm niệm rằng không có vốn liếng nào tốt hơn vốn liếng tri thức.

Và anh cũng cay đắng nhận ra rằng nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, trong đó có thế hệ của anh đã không có được thứ vốn liếng quí giá của tri thức mà có chăng chỉ là cơ hội để làm việc cật lực và tích lũy tiền bạc. Nhưng rất tiếc, một khi nền tảng tri thức của con người bị hạn chế thì kéo theo vốn văn hóa cũng có nguy cơ bị hạn chế. Có nhiều tiền trên tay nhưng hạn chế về văn hóa là một tai họa. Anh đã nhìn thấy tai họa đó ngay trong thế hệ của anh cũng như nhiều thế hệ khác khi con người, xã hội mỗi ngày thêm lạnh lùng, vô cảm và tham lam.

Anh nói rằng nếu như có một cơ hội làm trẻ thơ trở lại, anh sẽ tìm đến một chân trời khác để trưởng thành, bởi vì sự trường thành mà mẹ anh đã dạy chính là phải tích lũy văn hóa, phải biết chia sẻ cùng đồng loại và phải tôn trọng quyền con người. Anh luôn dạy cho con cái mình điều này nhưng anh cũng luôn lo lắng trước môi trường giáo dục quá ư thực dụng hiện tại. Đó là anh chưa muốn nghĩ đến một xã hội đầy rẫy thù hận, tham lam, tranh giành… Như vậy, ít có sự hòa hợp hay hòa giải nào giữa con người với con người một khi quyền làm người không được tôn trọng đúng mức.

Chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc

Một bạn trẻ khác, tên Dũng, có người thân là thuyền nhân của những năm 1980 thế kỉ trước, chia sẻ: “Sau năm 1975 có sự sai lầm là người Việt với người Việt đối xử tàn khốc với nhau, rồi từ đó sinh ra những người trung lập, họ yêu đất nước, họ muốn hòa bình không muốn có chiến tranh gì nữa. Nhưng sự thật là người Việt với người Việt đối xử quá tàn khốc sau chiến tranh. Sau ba mươi tháng tư năm bảy lăm thì có sự thay đổi về văn hóa, chính trị… Tức nước thì vỡ bờ thôi!”

000_HKG2005042754750-305.jpg

Bộ đội cộng sản Việt Nam dẫn giải lính VNCH trên đường phố Saigon sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

Theo Dũng, vấn đề hòa giải hòa hợp giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại là cả một câu chuyện dài không có hồi kết thúc. Vì lẽ, sự khác nhau về phông văn hóa và ý thức hệ cũng như hằng ngàn mối trở ngại xuất phát từ ý thức hệ đã dẫn đến hệ quả nếu có chăng hòa giải hòa hợp thì cũng chỉ trên hình thức chứ khó mà có sự hòa hợp về mặt nội tâm.

Giải thích thêm, Dũng cho rằng mọi sự hòa hợp đều phải có qui trình hòa giải của nó, mà muốn có hòa giải, người ta phải biết lắng nghe nhau và phải biết tôn trọng giá trị cũng như quyền lợi của nhau. Hiện tại, chỉ riêng những ngôi mộ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với thành quách xiêu vẹo, tượng đài bị giật sập, bảng ghi công bị đập nham nhở. Điều này cho thấy có sự phân biệt quá lớn giữa ta và thù, kẻ chiến thắng và người chiến bại cũng như sự tồn tại mọi biểu tượng của đối phương đều không được chấp nhận.

Nhưng, riêng vấn đề người đã khuất, mọi biểu tượng ghi công, nhớ ơn chỉ đóng vai trò thể hiện và biểu cảm những giá trị văn hóa đương đại dành cho người đã khuất, điều này không mảy may đụng chạm đến sự tồn vong của một chế độ nào nếu không muốn nói là là còn nâng tầm cho chế độ hiện tại bởi nét nhân văn và tính tôn trọng quá khứ của họ. Nhưng rất tiếc, điều này thật là khó khăn. Và đáng nói hơn là chính những đồng đội, những cha anh trong chế độ cũ không được mồ yên mả đẹp trong hiện tại sẽ là một bức rào cản rất lớn đối với tiến trình hòa giải để đi đến hòa hợp.

Một bạn trẻ khác, yêu cầu giấu tên, chia sẻ, sự hòa giải, hòa hợp dân tộc như bạn vẫn thường thảo luận với bạn đồng lứa phải đến từ hai hướng, hòa giải giữa người trong nước với nhau và hòa giải giữa người trong nước với người Việt ở nước ngoài. Trục chính của hòa giải gồm những ai? Cũng theo nhận định của bạn trẻ này, ranh giới hòa giải ở đây không phải là đường biên giới quốc gia mà là đường biên ý thức hệ và đường biên quyền lợi.

Về đường biên ý thức hệ, chỉ cần trả lời được câu hỏi rằng liệu mọi đảng viên đảng Cộng sản có thể cùng “người phía bên kia” ngồi chơi, cùng làm việc và cùng chia sẻ trách nhiệm cũng như quyền lợi về quốc gia, dân tộc với nhau hay không? Nếu câu trả lời là có thì mọi việc sẽ dễ dàng đi đến hòa hợp. Về đường biên quyền lợi, chỉ cần trả lời rằng mọi người dân Việt Nam có ai không bị oan, có ai bị ức chế, uất ức hay không? Nếu câu trả lời là không thì vấn đề hòa hợp dân tộc sẽ diễn ra nhanh chóng bởi vì lúc đó, mọi quyền lợi đã được chia đều trên toàn cõi, con người không bị chặn đứng nếp nghĩ trong biên kiến quyền lợi phe nhóm và nhân dân thấp cổ bé miệng.

Một bạn khác tên Ngọc, hiện là giảng viên đại học kinh tế Đà Nẵng thì tỏ ra lạc quan hơn khi bạn nói rằng sau 39 năm, con người đủ trưởng thành và chín chắn hơn để vượt qua mọi định kiến, đi đến hòa giải, hoàn hợp dân tộc. Và đương nhiên, muốn có điều này, mọi nỗ lực phải xoay quanh trục con người và quyền của con người!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhìn lại lần nữa hậu quả của ngày 30-4-1975

Nhìn lại lần nữa hậu quả của ngày 30-4-1975

Hồng Trung, gửi RFA từ VN
2014-04-27

Bộ đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng Tư, 1975

Bộ đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng Tư, 1975

Files photos

30-4-1975 ghi dấu ngày chấm dứt cuộc nội chiến vũ trang, huynh đệ tương tàn của hai miền Nam – Bắc sau hơn 20 năm chia cắt bởi hiệp định Giơ-Ne-Vơ 1954. Nhưng thời điểm này cũng là một trang lịch sử tang thương đau buồn và mất mát chung cho cả dân tộc Việt Nam.

Triệu người vui, triệu kẻ buồn

Khi ông Lê Duẩn đã nói: “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.” thì rõ ràng danh nghĩa phát động chiến tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước chỉ là phụ, mà mục đích chính là để thỏa vọng quốc tế hóa CS thế giới của Liên Xô, Trung Cộng. Hậu quả là dân tộc đã phải trả giá cho cuộc chiến tranh bằng xương máu của hơn 3 triệu sinh linh và sự tàn phá của bom đạn trên đất mẹ.

Như lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về ngày 30-4-75: “là ngày có triệu người vui, triệu kẻ buồn”. Bên Cộng sản Miền Bắc vui vì thắng cuộc, thống lĩnh sự cai trị và được thu lợi những khối tài sản vật chất từ nền văn minh tư bản của chế độ VNCH. Bên Quốc gia ở Miền Nam buồn vì thua cuộc, phải chịu chính sách hà khắc của chế độ mới dưới các mỹ từ “cải tạo, chính sách kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp, quốc hữu hóa. ..” khiến bao nhiêu người không chịu nổi phải tìm đường vượt biên, liều mình trên biển, bỏ xứ ra đi bằng sự đánh đổi mạng sống với tỷ lệ sinh tồn rất thấp.

Ba mươi chín năm trôi qua, cứ mỗi tháng tư về là báo chí truyền thông lề phải trong nước được chỉ đạo ca ngợi tiếp tục sự tài tình của Đảng CS trong chiến dịch HCM giải phóng miền Nam song trong thực tế, chữ “giải phóng” đó có quá nhiều mâu thuẫn và cay đắng.

Xin trích lời thơ của anh Trần Trung Đạo viết tặng em gái tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh:

“Bom đạn đã thôi rơi nhưng tiếng khóc vẫn không ngừng,

Câu hát hòa bình nhưng nước mắt vẫn cứ rưng rưng.”

Chiến tranh vũ trang đã chấm dứt nhưng hòa bình vẫn chưa thực sự trọn vẹn. Vẫn còn đó một mặt trận tranh đấu giằng co quyết liệt từng ngày của những con người đi đòi công lý, nhân quyền, tự do dân chủ. Vẫn còn đó trên khắp ba miền Trung – Nam- Bắc phong trào đấu tranh của những người nông dân biểu tình, khiếu kiện tập thể đòi đất. Và vẫn còn đó những làn sóng bất mãn của giáo dân, tín hữu, đạo hữu của các hội đoàn tôn giáo đòi quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng. Nhà nước CSVN đã dùng vũ lực để trấn áp và qui kết bỏ tù rất nhiều người trong thời gian qua: bằng chứng sống động của sự bất ổn chính trị đương thời. Nhưng công cụ bạo lực của bất cứ nhà cầm quyền nào cũng chỉ là biện pháp trấn áp, đè nén người dân tạm thời chứ không phải là giải pháp chính trị ưu việt để tháo gỡ các bế tắc to lớn của một đất nước.

DSC00315-250.jpg

Băng rôn cho ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5 tại Hà Nội. RFA photo

Ba mươi chín năm là khoảng thời gian dài đủ để Việt Nam có thể tái thiết, khôi phục đất nước, phát triển phồn vinh ngang hàng với các nước Nam Hàn, Thái Lan, Đài Loan, Singapore sau chiến tranh. Nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, đất nước vẫn trong tình trạng chậm tiến, suy thoái kinh tế mặc dù đã vắt cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhà nước cũng đã thâm lạm, lãng phí vô số viện trợ nhân đạo, kinh tế của nước ngoài, chưa kể mấy trăm tỷ đô la kiều hối từ cộng đồng người Việt ở ngoài nước gửi về nước trong bốn thập niên qua.

Sự tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công vẫn tung hoành gây nhức nhối cho toàn xã hội, làm nóng trên diễn đàn Quốc hội và căn bệnh ấy như trở thành thứ bệnh nan y bất trị. Hậu quả là sự nghèo khó cùng với món nợ quốc gia khổng lồ mà “dân chịu” như lời chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu. Theo ước tính của các chuyên gia, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 80,070 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 886,36 USD (gần 20 triệu VND/người. Vẫn còn bỏ ngõ một nền công nghiệp hóa dang dở, đang trên đà phá sản. Việt Nam phải nhập siêu các trang thiết bị, nguyên vật liệu trong công nghệ lắp ráp ô tô và trong ngành xây dựng từ các nhà thầu nước ngoài nên tỉ lệ nội địa hóa rất thấp; trong khi đó Cam-Pu-Chia đã qua mặt Việt Nam trong ngành sản xuất ô tô và cho ra đời dòng sản phẩm AngKor EV 2014 khiến các tiến sĩ giấy của VN phải ngượng ngùng

Dậm chân tại chỗ?

Cùng lúc đó, đến hôm nay nền giáo dục vẫn phải còn loay hoay trong nhu cầu cải cách hầu như toàn bộ với số tiền 34.000 tỷ đồng khiến mọi người dân nghe phải giật mình. Việt Nam có con số hơn 24 ngàn tiến sĩ (đông bậc nhất thế giới) nhưng lại là nước nghèo đội sổ trên thế giới. Những phát minh khoa học, những tác phẩm văn học lớn cũng rất ít có trên đăng ký bản quyền trong nước và quốc tế. Chất lượng đào tạo Đại học kém nên hầu hết các sinh viên thất nghiệp hay làm việc trái ngành chuyên môn. Đáng ưu tư nhất là ngành y tế, với vô số đề tài sôi nổi trên mặt báo, truyền thông trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong tháng tư này. Nạn dịch sởi đã lan tràn trên khắp cả nước cướp đi 118 sinh mạng trẻ em và gây quá tải trong các bệnh viện nhi trung ương ở Sàigòn, Hà Nội cũng chỉ vì một thứ văc-xin. Vì muốn giấu nhẹm những yếu kém, tắc trách trong ngành y tế mà bà bộ trưởng Tiến không dám công bố dịch và ngăn cấm các phóng viên nhà báo vào bệnh viện tác nghiệp.

Song song với những vấn nạn xã hội quốc nội là ngoài biên ải là sự hiểm họa đe dọa xâm lăng của Trung Quốc. Biển đảo, lãnh hải đang nguy cơ mất dần vào tay của “người bạn láng giềng 4 tốt –16 chữ vàng” bởi sự dung túng yếu hèn của đảng cầm quyền. Những dự án lớn trong ngành khai thác xây dựng là những nhịp cầu để đưa người và hàng hóa Trung Quốc vào sâu trong lãnh thổ VN một cách hợp pháp. Từ Cà Mau, Tây Nguyên, Miền Trung (Vũng Áng), Đà Nẳng đến Quảng Ninh đi đâu cũng gặp người Tàu cùng với những khu phố mang bảng hiệu chữ Tàu như một điềm báo nguy cơ cho cả dân tộc.

Lịch sử dựng nước và giữ nước là khoảng dài thời gian trước và sau công nguyên gần 4 ngàn năm, chứa đựng biết bao nhiêu công lao của các bậc tiền nhân anh hùng qua các triều đại của Việt Nam. Triều đại này suy vong, buộc phải nhường chỗ cho triều đại khác thay thế để nối tiếp sứ mạng bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Ngày 30-4-1795 chỉ là một cái mốc lịch sử. Đảng CS cũng chỉ được xem như là một triều đại trong nhiều triều đại trước đây. Đảng CSVN không phải là tổ quốc VN. Vì vậy, không thể bắt buộc QĐND, CAND và ND phải trung thành với đảng CSVN. Công hay tội chỉ có lịch sử mới có quyền phán xét, và chắc chắn sẽ được phán xét công bằng trong một thời gian không xa.

Đảng CS VN cần dừng lại ngay hành động tung hô quá khứ để tự tôn vinh chính mình, và hãy nhìn vào thực trạng hiện tại của đất nước. Đảng CSVN có khả năng gây chiến tranh để chiến thắng miền Nam nhưng đã không chứng tỏ được khả năng xây dựng nên hòa bình trong lòng dân tộc, và ổn định, phát triển đất nước trong suốt bốn thập niên qua. Hãy nhìn kỹ những vấn nạn của đất nước để trả lại quyền lãnh đạo cho dân tộc.

Viết từ Gia Lai (VN) ngày 26-4-2014

Hồng Trung