Mỗi ngày Việt Nam có 205 người chết vì ung thư

 Mỗi ngày Việt Nam có 205 người chết vì ung thư

vietnamnet.vn

 – Số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu. Theo con số trên, mỗi ngày Việt Nam có 205 người chết vì ung thư.

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại hội thảo về ung thư do Bộ Y tế tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

 ung thư, ung thư phổi, ung thư trực tràng, bản đồ ung thư, thuốc trúng đích
Người dân ngồi chờ kết quả sinh thiết tại Bệnh viện K. Ảnh: T.Hạnh

Cũng tại hội thảo này, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về hiện trạng ung thư tại Việt Nam.

Theo đó, tỉ lệ mắc ung thư ở nam giới VN xếp mức 3 (135,2 – 178,3 ca mắc/100.000 dân). Tuy nhiên tỉ lệ tử vong lại thuộc nhóm đầu với trên 142 ca tử vong/100.000 dân.

Qua các năm, số lượng bệnh nhân nam mắc ung thư tại Việt Nam đều tăng, đơn cử như ung thư phổi năm 2000 là 29,3/100.000, đến 2010 đã tăng lên 35,1/100.000 dân. Tương tự, ung thư gan từ 22,6 lên 23,6; ung thư đại trực tràng từ 11,4 lên 19; ung thư thực quản từ 3,7 lên 9,9…

Lý giải điều này, PGS Thuấn cho biết, hầu hết nam giới Việt Nam mắc các bệnh ung thư khó chữa như: phổi, gan, đại trực tràng và phần lớn chưa có ý thức khám chữa bệnh định kỳ, khoảng 70% phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4).

Một số ung thư như gan, tỉ lệ khám và điều trị muộn lên tới 87,8%, ung thư phổi ở mức 84,3%, nên tỉ lệ chữa khỏi giảm đi nhiều.

Trong khi đó tỉ lệ mắc ung thư ở nữ giới Việt Nam khá thấp, đứng nhóm 4 (116,6  – 139,9/100.000 dân), thấp hơn nhiều các nước ở khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Úc.

Tỉ lệ tử vong với ung thư ở nữ cũng tương đối thấp (69,2 – 78,2/100.000 dân), đứng nhóm 4 trong thang đo toàn cầu.

Ở nữ phổ biến nhất là ung thư vú, tỷ lệ mắc năm 2000 là 17,4/100.000 người sau 10 năm tăng lên 29,9/100.000. Riêng ung thư cổ tử cung là loại duy nhất có có xu hướng giảm từ 17,3 xuống 13,6/100.000.

Theo PGS Thuấn, để có được kết quả này là nhờ hiệu quả truyền thông, hướng dẫn cách vệ sinh đường sinh dục, phòng tránh lây nhiễm HPV, qua đó gián tiếp giảm tỉ lệ mắc ung thư.

Nhà hàng đồ Việt gây tranh cãi ở Úc đóng cửa

Nhà hàng đồ Việt gây tranh cãi ở Úc đóng cửa

VOA

Sau khi khai trương, nhà hàng Uncle Ho phải đổi tên nhiều lần.

Sau khi khai trương, nhà hàng Uncle Ho phải đổi tên nhiều lần.

Một nhà hàng bán đồ ăn Việt ở Australia, từng bị phản đối vì cái tên ‘Uncle Ho’, đã phải đóng cửa, và công ty sở hữu nó được đặt trong tình trạng ngưng hoạt động.

Hồi tháng Tư, chủ sở hữu nhà hàng trên đã buộc phải đổi tên gắn với ông Hồ Chí Minh sau khi vấp phải cuộc biểu tình của khoảng 100 người gốc Việt.

Khi ấy, chủ ‘Uncle Ho’ cho biết họ đã bị “dọa giết”, và thậm chí nhận được đe dọa nhà hàng sẽ bị đốt cháy.

Sau sự khởi đầu không mấy suôn sẻ, chủ nhà hàng sau đó đã phải đổi tên hai lần. Lần thứ nhất tên đổi thành Uncle Bia Hoi và lần thứ hai là Aunty Oh’s Bia Hoi.

Chủ nhà hàng từng được trích lời cho biết nhận thức được “sự nhạy cảm” của thương hiệu Uncle Ho.

Một người biểu tình tên Phuong Nguyen từng được báo chí Úc dẫn lời nói: “Đối với người Việt Nam, đặc biệt từ miền nam, những người đã liều cả mạng sống để chạy khỏi đất nước bằng thuyền vào thập niên 70 và 80, chúng tôi ghét cái tên đó”.

Không chỉ vấp phải các cuộc biểu tình bên ngoài nhà hàng, kể từ khi khai trương vào đầu năm nay, tài khoản Instagram của nhà hàng tràn ngập chỉ trích vì đã khơi lại quá khứ.

Theo Courier-Mail, ABC, Daily Mail

PHÉP MÀU

PHÉP MÀU

FB Luân Lê

22-7-2016

H1Trong 90 triệu dân chúng vẫn chăm chỉ nộp thuế cho chính phủ chắc hẳn sẽ không thiếu người có tài và cả đủ phẩm chất để làm đại biểu quốc hội đại diện cho dân, nhưng thật trớ trêu là người dân lại không được lựa chọn các nghị sỹ đại diện cho mình một cách trực tiếp, như các nước văn minh trên thế giới diễn ra một cách công khai và đầy khoa học. Nên hành vi chính trị đơn phương trong bầu cử với cơ chế “đảng cử dân bầu” theo thông lệ đã diễn ra gần một thế kỷ qua cứ lặp đi lặp lại và thắng lợi liên tục là điều đương nhiên và không có gì lấy làm khó hiểu.

Đảng đã có thể tự mình lựa chọn 496 ứng cử viên để bầu cử, thì đảng cũng có thể loại ra bất cứ ai mà đảng thấy không còn tín nhiệm nữa, nên đảng hoàn toàn có thể loại ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi quốc hội dù vừa kiểm đếm xong mà phiếu bầu còn chưa ráo mực, rồi tiếp đến là bà Nguyệt Hường mà trót có thêm một quốc tịch nước ngoài nhưng giấu diếm không khai trong lý lịch – Malta, đất nước nhỏ bé nhưng là thiên đường trốn thuế của các đại gia trên thế giới, và chính thủ tướng nước này cũng đã phải từ chức sau vụ bê bối và rò rỉ hồ sơ panama trước sức ép quá lớn từ những người dân xuống đường biểu tình yêu cầu ông này phải rời bỏ vị trí điều hành đất nước.

Vậy không lẽ gì mà một ông với niềm hồ hởi rước Formosa vào Hà Tĩnh một cách nhanh chóng bất chấp luật pháp về thẩm quyền ký cho thuê đất, mà thực chất quyền năng đó lại thuộc về chính phủ – lại vẫn cứ thản nhiên im lặng mà làm đại biểu quốc hội kỳ tới. Vậy phải chăng có một phép màu nào đó đã phù phép khiến ông Võ Kim Cự tiếp tục được tín nhiệm mà làm đại biểu cho dân chúng trong khoá mới này, đặc biệt trong cảnh hàng triệu người dân miền Trung vẫn còn đang khốn đốn, vật vờ, từng ngày chờ đợi tiền cứu trợ sau đợt thảm hoạ kinh hoàng do chính đứa con đẻ Formosa gây ra mà được ông ta ưu ái dọn dẹp mời vào mấy năm trước?

Phép màu nào khiến ông Cự trụ vững trước những biến cố và sai phạm còn lớn hơn cả vụ ông Thanh làm lỗ 3.200 tỷ, vì thử hỏi với số tiền 500 triệu đô, thực ra chỉ là con số quá nhỏ mọn so với thiệt hại thực tế nếu tính toán đúng đắn, mà Formosa hứa sẽ bồi thường cho ngư dân, thì số tiền ông Thanh làm thâm hụt ngân sách trong thời gian tại vị tại PVC có thấm tháp và nhằm nhò gì?

Phép màu nào đã khiến ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai mới 25 tuổi về làm lãnh đạo ở những tổng công ty lớn tầm cỡ và liên tục thua lỗ nhưng vẫn tiền tỷ bỏ túi riêng?

Phép màu nào khiến ông Trịnh Xuân Thanh dù làm thất thoát hơn 3.200 tỷ mà liền ngay sau đó vẫn được điều động về làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang và rồi lại nghiễm nhiên trúng cử đại biểu quốc hội khoá 14? Và mới đây lại lộ ra việc ông này trước đó còn bổ nhiệm cậu ấm mới chỉ 24 tuổivà mới chân ướt chân ráo vào làm việc được 5 tháng đã được cất nhắc làm lãnh đạo của Halico?

Phép màu nào đã khiến một ông nguyên bí thư tỉnh uỷ có một căn biệt thự nguy nga như một cung điện giữa thời mà người dân và doanh nghiệp phải vật vã cũng như lao đao vì nền kinh tế èo ọt, kiệt quệ bởi nợ nần và nhũng nhiễu, mà mỗi năm khiến hàng vạn doanh nghiệp phải tức tưởi phá sản hay đóng cửa dù đã tìm mọi cách để cứu vãn?

Và trong những phép màu ấy, chắc chắn người ta sẽ lại có một thứ bình phong rất hữu hiệu để che chắn, đó chính là ba từ “đúng quy trình”, tuy rằng mỗi một vị trí khác nhau lại là một quy trình hoàn toàn không giống nhau.

Và người ta sẽ đại diện cho thứ gì, cho ai và quyền lợi nào nếu đứng giữa quốc hội để bàn thảo những chuyện quốc sách đại sự? Khi nhìn vào những danh sách ấy, người ta chỉ thấy toàn những nghi ngờ, mà thực chất là chẳng còn tin họ ngồi ở đó là vì quyền lợi của người dân, khi chính họ đã từng bất chấp mà khiến hàng triệu dân chúng rơi vào cảnh thảm hoạ tày trời còn đang phải chống chọi với những khắc nghiệt hiện diện từng ngày.

Và sẽ còn bao nhiêu thứ nữa chưa được phanh phui ra sau những chuyện hết sức ngược đời và nực cười như người ta đã bàn tán xôn xao trong sự phẫn nộ về việc, người ta truy bức một ông chủ quán cafe đến cùng ra trước vành móng ngựa, xử nghiêm hai thanh niên trót giật bánh mỳ vì đói ăn, chuyện chàng học sinh vì cứu người giữa đường lại được hưởng 52 ngày tù vì sự bất chấp của các cơ quan tố tụng tại tỉnh này, nhưng lật sang trang kế tiếp, người ta lại thấy sự nương tay, như một sự dung dưỡng cho tội phạm tàn phá hàng nhiều tỷ đồng của đất nước với 18 lần vỡ đường ống nước sạch, chuyện cấp giấy phép giả về an toàn thuỷ hải sản tới 800 loại mà cũng chỉ bị xử lý kỷ luật, cách chức, rồi chuyện xử án treo vì là người nhà lãnh đạo hay vị bí thư huyện đâm xe chết ba người cũng hưởng mức án tương tự như một cô gái do nóng nảy mà chửi công an phường là thằng mặt lxx.

Tôi nghĩ rằng, khi người ta có phép màu nằm ngoài luật pháp văn minh hiện hữu trong tay để có thể làm bậy, thì hãy mường tượng đến lúc sẽ đánh mất nó hoặc trở nên bị vô hiệu hoá bởi kẻ khác, nhất là trong một thể chế chính trị độc đảng, toàn trị và tất cả lại nằm trong sự kiểm soát, kiềm toả tuyệt đối của đảng cộng sản như hiện nay.

Hôm nay là kẻ săn mồi, nhưng mai lại trở thành con mồi cho kẻ khác, đó chính là quy luật sinh tồn của một thể chế ăn thịt.

Người ta có thể lừa dối những công dân là những thiên thần ngây thơ ở xứ OZ huyền diệu bằng một vài trò ảo thuật dối trá ma mãnh, nhưng cũng đã đến lúc, người ta sẽ phải đối diện với sự thật về khả năng hạn hữu của mình để mà làm những điều tốt hơn cho một xã hội văn minh và nhân bản hơn.

Điếu Cầy phỏng vấn Kim Chi: ‘Họ bán nước rồi’

Điếu Cầy phỏng vấn Kim Chi: ‘Họ bán nước rồi’

Nguoi-viet.com  

Nghệ sĩ Kim Chi tại Tòa Soạn Người Việt. (Hình: Người Việt)

Nghệ sĩ Kim Chi tại Tòa Soạn Người Việt. (Hình: Người Việt)

Điếu Cầy/Người Việt

LTS – Nghệ sĩ Kim Chi, người từng vượt Trường Sơn từ Bắc vào Nam hồi chiến tranh Việt Nam, nay trở thành gương mặt tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí tại Việt Nam, mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Nhân dịp bà có mặt tại Hoa Kỳ (lần thứ nhì), blogger Điếu Cầy có cuộc phỏng vấn dưới đây. Xin mời độc giả theo dõi.

***

Điếu Cầy: Chào chị. Từng là nghệ sĩ tham gia nhiều phim “cách mạng,” năm 1964, từng cùng chồng là đạo diễn Hồng Sến vượt Trường Sơn vào Nam, cũng từng là MC của đoàn Văn Công “Giải Phóng,” điều gì khiến chị tham gia vào những hoạt động đấu tranh đòi dân chủ trong nước?

Nghệ Sĩ Kim Chi: Khi tham gia đoàn Văn Công Giải Phóng vào chiến trường, tôi mang khát vọng là giải phóng quê hương. Tôi nghĩ như thế, là vì theo thông tin tuyên truyền của báo chí nhà nước thì ông Diệm đang “lê máy chém đi khắp miền Nam” và đang gây ra rất nhiều nỗi đau cho miền Nam. Thành ra tôi nghĩ tôi rất sẵn sàng để tham gia vào cuộc chiến bảo vệ quê hương, thống nhất đất nước, đánh Ngụy đuổi Mỹ.

Cái suy nghĩ rằng trẻ thì dấn thân là như thế. Tại sao tôi là một người như thế mà hôm nay lại thay đổi để đồng hành với mọi người cùng tranh đấu? Phải nói rằng đó là một quá trình nhận thức về sự thực.

Trước đây, thông tin bị bưng bít và tôi cứ nghĩ rằng Ngụy là xấu, Mỹ là âm mưu xâm chiếm Việt Nam. Sau này, thông qua báo mạng, Internet, thì sự thật được phanh phui, và những gì sai trái của nhà nước này, những cái tội ác, tôi đã nhìn thấy. Từ những chuyện như hội nghị Thành Đô và âm mưu chiếm đoạt Việt Nam của Trung Quốc tràn ngập trên mạng. Các thông tin ấy thuyết phục tôi. Tôi mới bừng tỉnh ra là, ô hay, như thế là không phải như mình nghĩ.

Đặc biệt làm cho tôi đau đớn quằn quại là những người dân oan. Một cái Đảng công bố là dân cày có ruộng, mọi người được no ấm, trong nhận thức của tôi bây giờ nó là cái khẩu hiệu, hay nói mạnh hơn, là một sự dối trá.

Tôi không chịu được khi tôi nhìn thấy dân oan ngày ngày ngồi cạnh bên Ba Đình, những người mà người ta đeo biển đòi đất hay những vụ án oan sai, tất cả những điều đó lộ trước mắt tôi. Rồi thì truyền thông, báo mạng đã vạch ra cho tôi thấy những tội ác của cái chế độ hiện nay đối với dân. Đó là điều đã đánh thức tôi. Nên đối với tôi bây giờ, phải nói rằng tôi cảm ơn báo mạng vô cùng, cảm ơn Facebook vô cùng. Nếu không có những cái đó thì tôi còn ngu lâu lắm.

Sự thực như thế và tôi nghĩ rằng vai trò của báo mạng, thông tin của truyền thông quốc tế và trong nước đã giúp mở mang sự hiểu biết cho dân chúng và cho bản thân tôi. Tôi đã có rất nhiều biến đổi trong suy nghĩ nhờ đọc báo mạng, và phải nói thực là hiện nay đến mức tôi không còn quan tâm đến báo giấy nữa, vì ở đó, sự thực nó bưng bít, chuyện như thế này thì nói ra thế khác, nên hoàn toàn không còn để cho tôi quan tâm chú ý nữa.

Tóm lại, tôi thay đổi nhận thức, tôi đồng hành cùng đồng bào là vì tôi nhìn thấy sự thực. Những vụ án oan sai, những cuộc bắt bớ vô lý những người tranh đấu, đó là nhìn thấy thật.

Điếu Cầy: Những người cùng giới văn nghệ sĩ đồng tình với chị không? Có phải ngày càng có nhiều văn nghệ sĩ công khai bày tỏ chính kiến như chị?

Nghệ sĩ Kim Chi: Vâng, có. Hiện thì tôi thấy trong các anh em nghệ sỹ đồng lòng với những việc chúng tôi làm ngày một đông. Minh chứng là trong nhóm câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tôi thấy có một số văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà thơ… Điều đó chứng tỏ sự chuyển biến của giới văn nghệ sĩ. Họ đã bắt đầu có những hành động can trường, dám xuống đường biểu tình, dám viết bài, dám trả lời phỏng vấn, thì tôi thấy đó là những tín hiệu mừng vui. Thật sự thì cũng chưa được nhiều lắm, nhưng mà rồi tôi tin là nó sẽ nhiều.

Điếu Cầy: Năm 2014 chị có chuyến đi đến Hoa Kỳ vận động cho tự do báo chí tại Việt Nam. Từ những kinh nghiệm bản thân mình, chị thấy báo chí tự do có thể góp phần khai dân trí, chấn dân khí, thay đổi xã hội Việt Nam theo hướng minh bạch và dân chủ như thế nào?

Nghệ sĩ Kim Chi: Điều đó rất cần thiết. Tôi nghĩ hiện nay cái công lớn nhất của báo chí tự do là đã phanh phui ra rất nhiều sự thật mà trước đây báo lề Đảng bưng bít tất cả. Nhưng bây giờ, với thông tin hiện đại nhất, nhờ mạng xã hội, Internet, báo chí tự do có thể nói là đã chiếm lĩnh thị trường và có công rất lớn là mở mang dân trí.

Điếu Cầy: Hoạt động của các nhà báo tự do, blogger trong nước hiện nay gặp những khó khăn gì? Đồng bào ở hải ngoại có thể giúp gì cho họ?

Nghệ sĩ Kim Chi: Quỹ hỗ trợ là điều hay; không chỉ cho những bài báo hay những câu chuyện mà cũng có thể là thơ, kịch nói, kịch bản phim, tất cả các thể loại, những gì có thể góp phần mở mang dân trí, vạch trần tội ác những kẻ bán nước và khích lệ những người đang tranh đấu.

Rất cần khích lệ anh em và làm cho những người cầm bút không sợ khi mình đi đến dân chủ thì mình bị đói. Nhiều người văn nghệ sỹ bây giờ họ sợ đấu tranh dân chủ thì sẽ không được đi sáng tác ở Hội, không có tiền nhuận bút, họ rất sợ hãi. Có người trước đây trong Hội Sân Khấu, rất thân với tôi, sau ngày quay lưng lại với tôi, sợ tôi buồn họ nói với tôi một câu rất buồn cười: “Chị thông cảm với tôi, cơm áo gạo tiền nó cần thiết, tôi không thể nào nhịn đói mà tranh đấu được.” Đó là điều tôi hiểu được và thông cảm được. Do đó tôi nghĩ nếu có một cái quỹ thì rất tuyệt; và trong lòng tôi nghĩ tôi sang đây tôi muốn nói với mọi người mong muốn đó.

Điếu Cầy: Hiện còn nhiều tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam. Hầu hết họ là những nhà báo tự do, những blogger chỉ biểu đạt chính kiến ôn hòa trên Internet mà bị tù đày. Trong chuyến đi này, chị có muốn gặp gỡ các vị dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ để vận động cho họ không?

Nghệ sĩ Kim Chi: Đối với tôi, ngày nào còn một người tù nhân lương tâm còn ở trong nhà giam thì đều rất là xót xa, và tôi có cảm giác họ cũng như những người ruột thịt của tôi. Hiện nay, tôi được biết có đến 84 tù nhân lương tâm đang ở trong tù mà nổi bật là những người rất can trường, yêu nước, như Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, dân oan Cấn Thị Thêu, Bùi Minh Hằng và còn nhiều nữa. Như vậy là trên 84 người vẫn còn đang bị giam cầm.

Cái “tội” của họ là yêu nước và nói sự thật. Cho nên tôi nghĩ có cơ hội, nhất định là tôi sẽ đòi tự do cho họ. Cũng như lần trước, tôi cũng đã làm như thế. Lần này tôi nghĩ cũng có thể tự tạo cho mình một cơ hội gặp những người có quyền ở đất nước Hoa Kỳ tự do này, kêu gọi hỗ trợ. Tôi nghĩ đó là lương tâm và trách nhiệm của tôi.

Điếu Cầy: Ngày 12 Tháng Bảy, Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường Lưỡi Bò” trên Biển Đông. Theo phán quyết của tòa thì đã không có bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc có đặc quyền kiểm soát vùng biển và nguồn tài nguyên tại khu vực có tranh chấp. Cả thế giới đã ủng hộ phán quyết của Tòa PCA. Sau phán quyết, nhân dân vui mừng, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn e dè, chưa có công bố cụ thể đối với phán quyết của PCA. Theo chị, phán quyết của PCA ảnh hưởng gì tới Việt Nam?

Nghệ sĩ Kim Chi: Tôi nghĩ việc phán quyết của PCA đã làm chấn động đối với Việt Nam. Những người dân yêu nước khao khát thoát Trung thì rất vui mừng. Tôi rất vui khi ông xã tôi bảo các trí thức Việt Nam tập họp tại sứ quán Philippines tặng hoa chúc mừng. Và đối với tôi thì tôi thầm nghĩ đáng lẽ việc làm này nhà nước Việt Nam phải làm và nhà nước Việt Nam phải học Philippines, phải đuổi Trung Quốc ra khỏi Biển Đông.

Điếu Cầy: Theo chị tại sao họ lại chậm trễ đưa ra công bố và thậm chí lại đàn áp bắt giữ người dân khi họ công khai bày tỏ ủng hộ đối với phán quyết của PCA?

Nghệ sĩ Kim Chi: Tôi nói điều này nghe nặng nhưng mà điều đó chứng tỏ họ bán nước rồi. Chứ nếu họ thật sự yêu nước thì không thể như thế được. Tôi chỉ nói ngắn gọn như vậy thôi.

Điếu Cầy: Chị có nhắn gởi gì đến anh em đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước?

Nghệ sĩ Kim Chi: Tôi mừng vì thấy anh em đội ngũ ngày một đông và can trường, và điều đó hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Nhưng tôi có lo, thực ra nó còn rời rạc là một, chưa thật sự đoàn kết là hai, và cá tính khác biệt đôi khi đánh mất nhau để làm cho nhau tổn thương.

Rồi họ bị bọn, tôi nghĩ là tình báo Hoa Nam, rồi dư luận viên và công an, tìm cách chia rẽ mà chúng ta không cảnh giác để mắc mưu. Cho nên thích hành hạ nhau trên mạng, thích nói xấu nhau, thích làm nhục nhau, thì tôi không đồng tình với việc đó. Tôi mong mọi người tôn trọng nhau, nhìn nhau ở những mặt tích cực, nhìn những sự cống hiến của anh em mình và khích lệ nhau, động viên nhau. Tôi có một ao ước như thế, và trong ngoài cùng đoàn kết. Và cái nhắn gởi cuối cùng là xin nói với đồng bào hải ngoại, rằng anh em trong nước rất biết ơn và mong mỏi luôn được hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để người tranh đấu ở Việt Nam đỡ rơi vào cảnh đói khổ. Hiện nay phải nói là công an Việt Nam, cộng sản Việt Nam đang tìm mọi cách để làm cho người tranh đấu khốn khổ. Ở đâu cũng bị đuổi, bị mất việc làm và bị nhiều thứ cho nên chúng ta cần phải yêu thương nhau, đùm bọc nhau, đoàn kết đoàn với nhau để chung một khối. Các hội nhóm cần liên kết với nhau để cùng thực hiện điều thiêng liêng nhất, đó là dành lại đất nước.

Điếu Cầy: Một câu hỏi thêm, như chị có nói là một số văn nghệ sĩ trong nước bày tỏ với chị là vì vấn đề cơm áo gạo tiền, họ không dám cất lên tiếng nói. Phải chăng các hội đoàn về văn nghệ ở Việt Nam đang chịu sự chi phối của chính quyền và đang nhận những tài trợ từ chính quyền để hoạt động theo định hướng?

Nghệ sĩ Kim Chi: Hoàn toàn là như thế. Người ta nghĩ rằng nếu bị cắt đi những tác phẩm của họ thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Ví dụ như một số văn nghệ sĩ trước đây, Phùng Quán hay một số người khác nữa phải viết chui, viết chui ẩn tên người khác để kiếm sống vì cái chế độ này hễ ai dám nói thật thì bị coi là giặc, mà đã là giặc thì không bao giờ xài đến tên người đó.

Chuyện mới nhất của tôi thôi là khi tôi đang ở Cam Ranh thì hãng phim tài liệu vào làm phim “Yersin.” Mà tôi cũng đang định thắp hương cho “Yersin” thì cậu đạo diễn mời tôi đến để quay tôi đi đặt hoa cho “Yersin.” Nhưng khi hội đồng duyệt phim của bộ văn hóa đến duyệt thấy cảnh tôi thắp hương thì bắt phải cắt bỏ. Tại sao phải như vậy? Chỉ vì tôi dám tranh đấu mà họ loại hình ảnh tôi ra khỏi phim.

Nhưng tôi trộm nghĩ, một người yêu nước như tôi, nếu phim đó ra hải ngoại mà có hình ảnh tôi thì nó tốt chứ. Nhưng mà người ta coi tôi là giặc nên dẹp bỏ tôi. Ai mà đi với phong trào nhân quyền dân chủ thì đều bị coi là phản động. Nhưng tôi xin nói thật, trong suy nghĩ của tôi, phản động là kẻ đi ngược lại với ý nguyện của nhân dân, kẻ làm cho mất nước, kẻ làm cho đất nước nghèo khổ và mất nhân quyền dân chủ, đó mới là phản động, chứ còn tôi là người yêu nước, tôi luôn tự hào. Tôi rất tự tin kể cả họ có dùng cái chết đối với tôi thì tôi vẫn nghĩ tôi đúng.

Điếu Cầy: Cảm ơn chị dành thời gian cho Người Việt.

Giáo dân Nghệ An tiếp tục biểu tình đòi đóng cửa Formosa

Giáo dân Nghệ An tiếp tục biểu tình đòi đóng cửa Formosa

Nguoi-viet.com  

Người dân với khẩu hiệu “đảng cần tiền nhưng nhân dân cần biển sạch.” (Hình: Facebook Sơn Văn Lê)

Người dân với khẩu hiệu “đảng cần tiền nhưng nhân dân cần biển sạch.” (Hình: Facebook Sơn Văn Lê)

NGHỆ AN (NV) – Hàng trăm ngư dân là giáo dân giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, xuống đường tuần hành đến cùng giáo xứ Song Ngọc dâng thánh lễ cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình, cũng như yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch thông tin và yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa vào sáng Chủ Nhật, 24 Tháng Bảy, 2016.

Tin từ Facebooker Lê Văn Sơn ở Nghệ An cho hay, có khoảng 600-700 giáo dân tham gia cuộc tuần hành ngay từ sáng sớm. Những giáo dân này mặc áo trắng, tinh thần bất khuất đánh đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam, họ không muôn mình chết giống như cá chết.

Tin cho hay, người tuần hành mang theo các khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền như “Bán danh dự, phản bội tổ tiên vì Formosa” và “đảng thích tiền nhưng người dân cần biển sạch.”

Hôm Chủ Nhật tuần trước, khoảng 1,000 giáo dân giáo xứ Phú Yên cũng đã biểu tình chống Trung Quốc và công ty Formosa, cùng một ngày với các cuộc biểu tình tại Sài Gòn, Hà Nội, mà nhiều người đã bị bắt giữ. Các giáo dân tuần hành ôn hòa với khẩu hiệu: “VTV phải công khai xin lỗi Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và các nhân sĩ yêu nước,” “Đừng bán danh dự phản bội tổ tiên vì Formosa,” “500 triệu đô không đủ mua quan tài cho dân Việt…”

Đoàn biểu tình di chuyển bằng xe gắn máy. (Hình: Facebook Sơn Văn Lê)

Đoàn biểu tình di chuyển bằng xe gắn máy. (Hình: Facebook Sơn Văn Lê)

Từ mấy tuần nay, các họ đạo trong Giáo Phận Vinh liên tiếp luân phiên nhau biểu tình tuần hành chống công ty gang thép Formosa đầu độc chết biển miền Trung Việt Nam. Hồi tuần qua, tin tức cho hay công ty này đã đổ tội cho chính quyền Việt Nam hủy hoại môi trường, xả chất thải đầu độc chết một vùng biển dài suốt bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Cùng một ngày với cuộc biểu tình của giáo dân Nghệ An, người dân tại Hà Nội và Sài Gòn đã biểu tình chống Trung Quốc và ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế The Hague. Khoảng ba chục người bị công an bắt giữ tại Hà Nội.

Trước một hôm, ngày 16 Tháng Bảy, tại Nha Trang, những nhà hoạt động đã “nói không với đường lưỡi bò” trước mắt du khách Trung Quốc tại khu vực Hòn Chồng và Tháp Bà Ponagar.

Trong khi đó, đài truyền hình tỉnh Bình Thuận thông báo ngưng chiếu bộ phim của Trung Quốc – Tân Bến Thượng Hải – vì diễn viên trong bộ phim này “ủng hộ quan điểm ‘đường Lưỡi Bò’ và phản đối phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.” (KN)

Nhìn Larung Gar lần cuối

 Trần Trung Đạo

Nhìn Larung Gar lần cuối

Một Lạt ma trẻ nhìn xuống học viện Larung Gar và có thể đó cũng là lần cuối. Nếu không có áp lực nào, và chắc cũng không một áp lực nào, buộc Trung Cộng thay đổi ý định, vài hôm nữa một phần lớn của tu viện nổi tiếng thế giới này sẽ bị phá hủy.

Larung Gar không chỉ là học viện mà còn là biểu tượng văn hóa Phật Giáo Tây Tạng và lý do phá hủy cũng không phải vì đông đúc, thiếu an toàn như Trung Cộng viện lý do nhưng chính là nhằm xóa bỏ giá trị văn hóa.

Bởi vì, như tổ chức Human Right Watch phản bác, nếu chính quyền Trung Cộng cho là đông đúc thì thay vì phá hủy mà giải pháp đơn giản là xây thêm nhiều tu viện khác.

Từ khi chiếm đóng Tây Tạng năm 1950 đến nay, mục tiêu cuối cùng của nhà cầm quyền Trung Cộng là xóa bỏ Tây Tạng, một quốc gia có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, có chính phủ, đơn vị tiền tệ và được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận.

Chính sách xóa bỏ Tây Tạng của Trung Cộng được thực hiện bằng hai cách, (1) diệt chủng văn hóa (ethnocide) nhằm hủy diệt các giá trị văn hóa và (2) đồng hóa chủng tộc qua việc định cư ồ ạt người Hán vào Tây Tạng.

Năm 1949, chỉ vỏn vẹn 300 đến 400 người Hán định cư ở Lhasa, thủ đô Tây Tạng, nhưng hiện nay tính trên toàn lãnh thổ, người Tây Tạng đã trở thành thiểu số trên chính quê hương mình. Lịch sử vàng son của Tây Tạng đang chìm dần vào quá khứ.

Trong lúc tình cảm của nhân loại yêu chuộng tự do và hòa bình dành cho Tây Tạng luôn tràn đầy, thực tế chính trị cho thấy khả năng Tây Tạng được độc lập lần nữa phải gắn liền với sự tan rã của Trung Cộng, giống như trường hợp của các nước vùng Baltic trong cơ chế CS Liên Xô trước đây.

Tây Tạng là một bài học trước mắt cho người Việt Nam còn quan tâm đến tiền đồ đất nước.

Như người viết đã có lần viết đến, nhìn Tây Tạng để thấy nếu chỉ biết tôn vinh quá khứ mà làm ngơ trước hiểm họa Trung Cộng hôm nay, rồi lịch sử dân tộc Việt với những chiến công hiển hách của các thời Ngô, Đinh, Lý, Trần cũng sẽ chỉ là những tấm bia trong một ngôi đền cổ.

Nếu tất cả chúng ta đều im lặng, làm ngơ, chịu nhục trước hiểm họa Trung Cộng, rồi bốn ngàn năm nữa, những đứa trẻ dòng Việt tộc đi ngang qua di tích đền Hùng, sẽ căm hận biết bao khi nghĩ về tổ tiên nhu nhược của chúng vào bốn ngàn năm trước đó.

Đừng để lại một ngôi đền.

Trần Trung Đạo

TAY TANG

Quốc hội không bàn phán quyết Biển Đông do bị chỉ đạo?

Quốc hội không bàn phán quyết Biển Đông do bị chỉ đạo?

Lễ khai mạc của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12. (Ảnh tư liệu ngày 21/1/16)

Lễ khai mạc của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12. (Ảnh tư liệu ngày 21/1/16)

Quốc hội thứ 14 của Việt Nam đã bắt đầu phiên họp đầu tiên vào sáng 20/7. Một trong những việc quan trọng trong kỳ họp là bầu các lãnh đạo hàng đầu của đất nước.

Gần như chắc chắn Quốc hội khóa này – được bầu ra trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 – sẽ bỏ phiếu để bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang vẫn sẽ là Chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn là Thủ tướng. Ba nhân vật này đã được bầu vào các vị trí vừa kể bởi Quốc hội khóa trước đã kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng Tư.

Việc bầu lại ba vị trí lãnh đạo hàng đầu chỉ có tính chất thủ tục. Từ sau cuộc bầu cử Quốc hội đến nay, đã có nhiều ý kiến của nhân dân trên mạng xã hội về sự rườm rà, lãng phí khi phải thực hiện thủ tục bầu và tuyên thệ cho cùng một dàn lãnh đạo cao cấp tới hai lần. Với tư cách cử tri, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Hoàng Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét với VOA:

“Người dân người ta biết được chất lượng của Quốc hội hay là của những cái bình bầu đều không phản ánh trung thực mà nó được sắp xếp đâm ra người ta coi nó trở thành hình thức. Thì cái việc đấy, tất nhiên là từ cái việc thủ tục đến cái hình thức thì tất nhiên tốn chi phí của dân thì người ta phản ứng là điều dĩ nhiên.”

Báo chí Việt Nam đưa tin trong kỳ họp kéo dài đến ngày 29/7, Quốc hội sẽ quyết định về cơ cấu và các thành viên Chính phủ, bao gồm cả việc phê chuẩn các phó thủ tướng và các bộ trưởng. Tin cho hay Quốc hội sẽ dành khoảng hai ngày để thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và một số nội dung quan trọng khác.

Nền kinh tế Việt Nam phát triển ở mức vừa phải, trong sáu tháng đầu năm có mức tăng GDP là 5,5% so với mức 6,3% của cùng kỳ năm trước. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 19/7 cho rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại do nông nghiệp bị ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng và tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp đã giảm xuống.

httpv://www.youtube.com/watch?list=PL231429C17BE39E34&v=kEsb1WZVQRo

Ngoài ra, tại kỳ họp, chính phủ sẽ gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay tìm kiếm cứu nạn hồi giữa tháng 6, và báo cáo về tình trạng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền trung hồi đầu tháng 4.

Thông tin từ cuộc họp báo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trước khi Quốc hội khai mạc cho thấy sẽ không có phiên thảo luận nào về phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) về Biển Đông, vốn là một mối quan tâm lớn của cử tri, đồng thời là một vấn đề sát sườn với lợi ích của Việt Nam. Nhà hoạt động Hoàng Dũng, người đã biểu tình chớp nhoáng trước Lãnh sự quán Trung Quốc để hoan nghênh phán quyết của PCA, đưa ra bình luận:

“Nó cũng chỉ thêm bằng chứng là Quốc hội này không hoàn toàn tự chủ mà họ toàn theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản thôi. Theo tôi thì Quốc hội tối thiểu phải ra một tuyên bố về Biển Đông, tuyên bố về PCA, và có thể là tuyên bố về đường lưỡi bò. Tối thiểu phải thể hiện một quan điểm. Dù có thể là một quan điểm bị chỉ đạo hay bị kiểm soát nào đấy thì Quốc hội cũng nên có để tỏ ra rằng mình đang tồn tại. Chứ Quốc hội lại không có thông tin gì về vấn đề này thì sẽ lại càng bị người dân không coi trọng.”

Trong tổng số 494 đại biểu Quốc hội chỉ có 20 người không phải là đảng viên cộng sản. Ông Hoàng Dũng nói ông sẽ gửi thư hoặc tin nhắn đến đại biểu Trương Trọng Nghĩa của thành phố Hồ Chí Minh để chất vấn về vấn đề này. Ông Nghĩa được xem là một đại biểu hay phát biểu thẳng thắn về những vấn đề quan trọng hoặc gai góc.

Lâu nay, cử tri Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ trên mạng xã hội và đôi khi trên báo chí chính thống rằng Quốc hội cần làm rõ những thông tin về Việt Nam đang nắm giữ những gì ở Biển Đông, cũng như đang phải đối mặt với những vấn đề pháp lý, chủ quyền và quân sự nào. Cử tri cũng nhiều lần đề nghị Quốc hội phải sớm đưa ra luật biểu tình để người dân có thể biểu đạt quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông và các vấn đề khác mà không sợ bị công an, an ninh ngăn chặn, bắt bớ.

Dương Khiết Trì: không cần phải đánh Việt Nam chúng nó! + Hướng dẫn viên người …

Dương Khiết Trì: không cần phải đánh Việt Nam chúng nó! + Hướng dẫn viên người …

Tại sao phải đánh chúng khi hơn 700km2 vùng biên giới phía nam của ta đã được chúng dâng cho ta, một nửa Thác Bản Giốc đã được ta cắm cờ 5 sao, Ải Nam Quan đã trở thành Hữu Nghị Quan mà chúng vẫn cực kỳ coi trọng đại cục hữu nghị giữa hai đảng và nâng niu gìn giữ để trao lại cho những thế hệ mai sau của chúng.
Súng đạn nào mãnh liệt bằng phong bì tống vào miệng chúng để sau đó Đại Hán ta ngồi ngay trên nóc nhà Tây Nguyên, đào mồ xới mã đất Mẹ của chúng, thải chất độc vào môi trường của chúng và Bộ chính trị của chúng vẫn khăng khăng đấy là chiến lược đã quyết, là chính sách công nghiệp hóa hiện đại đất nước không thể ngừng.
Xe tăng đại pháo nào bằng hàng ngàn công trình xây dựng để những sư đoàn Trung Hoa trong bộ áo công nhân có mặt trên xứ sở của chúng, kéo dài từ mũi Cà mau cho đến Hữu nghị quan.
Phi cơ, chiến hạm sao bằng 90% gói thầu của chúng ta đang khống chế nền kinh tế của chúng, hàng hóa thặng dư made in China đang ở trên thân thể chúng, bàn ăn của chúng, bao tử của chúng, nhà cầu của chúng.
Tại sao phải đánh chúng khi chỉ cần đóng đường biên giới là dân của chúng không đủ tiền mua quần áo mặc, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, xe dream và giấc mơ thấp hèn của chúng không còn chạy đầy đường, cắt xăng dầu là cả nước chúng tối đen và chỉ cần một cú nỗ là Tây Nguyên của chúng sẽ nhuộm bùn đỏ.
Chúng ta không phải đánh, không phải bắn một viên đạn nào mà vẫn có thể làm sụp đổ thị trường chứng khoán của chúng, làm tan gia bại sản những tên đồng chí tư bản đỏ mà tài sản vốn liếng có được là nhờ vào và đang lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Hoa made in Vietnam.
Tại sao chúng ta phải đánh!?
Cần gì phải đánh khi cả vùng biển mà chúng gọi là biển Đông đã, đang và sẽ là sân nhà của chúng ta; khi ngư dân của chúng đi đánh cá trên vùng biển của tổ tiên chúng mà lấm lét như đi ăn trộm; khi hải quân của chúng không dám lai vãng trong suốt thời gian giàn khoan khủng của ta chậm chậm tiến vào và khoan vào lòng biển của chúng nó; khi sự chống trả của chúng là những lời tuyên bố đã trở thành trò hề trên sân khấu ngoại giao; khi phản đối của chúng là những cú điện đàm với lãnh đạo ta bằng cái điện thoại không cắm dây; và chúng ta chỉ cần đuổi chúng ra khỏi nhà của chúng bằng vòi rồng phun nước.
Cần gì phải đánh để chúng ta trở thành đạo quân xâm lăng và mang tiếng dưới mắt nhìn của thế giới, làm xấu đi hình ảnh yêu chuộng hòa bình của Đại Hán. Trong khi chúng ta đã từng bước trong hòa bình thành công thu tóm từng tấc đất, tất biển, từng vùng đất, vùng biển của chúng bằng văn kiện do chính chúng ký kết. Trong khi chúng ta vô cùng hiệu quả trong tiến trình biến chủ quyền của chúng thành vùng tranh chấp, biến vùng tranh chấp thành vùng khai thác của ta và chúng chỉ dám vừa lên tiếng như chó sủa người qua đường vừa cúi đầu cam kết tất cả vì đại cục Việt-Trung.
Đó là đối với chúng ta.
Còn đối với dân của chúng:
Cần gì phải đánh khi chúng thay thế ta ngăn chặn, trấn áp, bắt giam, bỏ tù dân của chúng đứng lên phản đối Đại Hán. Đánh chúng sẽ khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc chúng vốn đã là sức mạnh vô biên từng đánh bại chúng ta hàng ngàn năm qua. Đảng của chúng đã tích cực giúp chúng ta tiêu diệt lòng yêu nước của dân tộc chúng trong suốt bao năm qua, đã biến đa phần dân của chúng thành những đàn cừu chỉ muốn sống trong hòa bình của một cuộc đời nô lệ. Chúng đang làm tốt!
Chưa bao giờ trong lịch sử bành trướng, chúng ta có được một đám thái thú địa phương làm tay sai đắc lực và hiệu quả như chúng. Khi chúng ta có mặt ở biển Đông ngay trước cửa nhà chúng, chúng đã ra lệnh hải quân của chúng không được bén mảng sợ làm phiền lòng ta. Khi cần đốt phá, cướp của, giết người để bôi đen những tên biểu tình yêu nước, công an mật vụ của chúng ngoan ngoãn nghe lời ta tạm lánh. Khi cần cấm ngặt từng tên yêu nước năng nỗ xuống đường phản đối chúng ta, chúng đã nhiệt tình như những con chó Tứ Xuyên quên ăn quên ngủ canh gác ngày đêm. Tại sao chúng ta phải đánh chúng và sau đó phải cai trị dân của chúng? Tại sao ta phải làm công việc đối phó với 90 triệu dân của chúng trong khi giống cẩu phương nam này làm giỏi hơn chúng ta?
Chúng ta không cần đánh bởi chúng đã đánh dân của chúng thế chúng ta.
Chúng ta cũng không cần phải cướp vì chúng đã tự cướp nước của chúng để dâng để bán và sẽ tiếp tục dâng, tiếp tục bán cho chúng ta.
Khi cần chúng ta sẽ chuyển quân, kéo đại pháo, xe tăng chạy vòng quanh biên giới để giúp đảng của chúng nhân danh hòa bình, ngăn chặn hiểm họa chiến tranh mà trị đám dân muốn vọng động của chúng.
Người đứng đầu Thủ đô đã ra lệnh dân của chúng rằng:
“Biểu thị lòng yêu nước, yêu Thủ đô thông qua việc ra sức lao động, học tập, công tác và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và ổn định đời sống nhân dân…”
Người đứng đầu nhà nước ra lệnh cho dân của chúng rằng:
“Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sốngvà góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế….”
Chúng đã làm đúng bổn phận của một chư hầu trung thành với chính sách trị dân thuộc địa: hãy lo làm giàu và sống yên ổn. Dân của chúng chỉ được làm giàu và đó là phương thức duy nhất được cho phép để bảo vệ tổ quốc của chúng.
Không cần phải đánh. Cờ đại Hán của chúng ta sẽ từ 5 sao thành 6 sao phất phới trên toàn cõi lãnh thổ của chúng. Không bằng súng đạn mà sẽ bằng những văn kiện ký kết từng phần giao nhượng. Văn kiện sau cùng là văn kiện chúng ta viết sẵn cho chúng để chúng XIN ký kết được làm một vùng tự trị trong Đại hán vĩ đại của chúng ta.
28.06.2016
Vũ Đông Hà
DanLamBao

Linh Muc Việt Nam đầu tiên làm viện trưởng Viện Thần Học Giáo Hội Công Giáo La Mã

 Linh Muc Việt Nam đầu tiên làm viện trưởng Viện Thần Học Giáo Hội Công Giáo La Mã

Baoconggiao.com

Linh Muc Việt Nam đầu tiên làm viện trưởng Viện Thần Học Giáo Hội Công Giáo La Mã

Sự kiện thứ hai là lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo La Mã có một phụ nữ được chỉ định làm hiệu trưởng trường đại học Pontifical University Antonianum, nữ giáo sư Mary Melone của dòng Franciscan Sisters Angeline.


Linh mục Đinh Anh Nhuệ Nguyễn (Ảnh: heraldmalaysia.com)

Theo heraldmalaysia.com, có 3 sự kiện lớn vừa diễn ra tại Rome trong thời gian qua.

Thứ nhất là sự xuất hiện của Đức Giáo Hoàng người châu Mỹ La tinh đầu tiên.

Sự kiện thứ hai là lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo La Mã có một phụ nữ được chỉ định làm hiệu trưởng trường đại học Pontifical University Antonianum, nữ giáo sư Mary Melone của dòng Franciscan Sisters Angeline.

Sự kiện thứ ba là cha Đinh Anh Nhuệ Nguyễn, người Việt Nam đầu tiên được chỉ định làm viện trưởng Viện Thần Học Giáo hoàng St. Bonaventure – Seraphicum tại Rome.

Vị linh mục 46 tuổi này thuộc dòng Phanxico Viện tu, OFMConv., và từng là kỹ sư điện.

Ông cũng từng là giáo sư của trường đại học Thần Học tại Melbourne, Australia, và hiện nay là giáo sư của trường đại học Pontifical Urbaniana University.

Cha Đinh Anh Nhuệ Nguyễn đã nhận được nhiều giải thưởng, và năm 2014 đã được vinh danh và trao giải Martini International Award, nhờ cuộc nghiên cứu về chủ đề “Thánh Kinh Và Nền Văn Hoá”.

Tác phẩm giúp ông đoạt giải mang tên Thánh Kinh và các nền Văn Hoá Á Châu: Đọc Lời Chúa trong bối cảnh văn hoá của nó và ngữ cảnh Việt nam (The Bible and Asian cultures. Reading the Word of God in Its cultural background and in the Vietnamese context).

Công trình này khảo sát những câu châm ngôn Kinh Thánh trong tiếng Việt; hình ảnh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trong Tân Ước và trong truyền thống Việt nam; và ngôn ngữ tình yêutrong Diễm Tình Ca cũng giống chữ tình trong văn chương tiếng Việt.

Cha Đinh Anh Nhuệ Nguyễn đã vượt qua chặng đường dài từ Nga, đến Ba Lan, và rồi đến Italy để hoàn tất cuộc nghiên cứu về thần học. Theo ông, Thiên Chúa luôn luôn kêu gọi và chuẩn bị cho tất cả mọi người đến với con đường phụng sự Giáo Hội ở mọi thời đại, mọi nơi chốn và mọi quốc gia.

Song Châu / SBTN
https://zenit.org/articles/interview-a

Trung Quốc phá hủy một trung tâm nghiên cứu Tây Tạng

Trung Quốc phá hủy một trung tâm nghiên cứu Tây Tạng

Mai Vân

 RFI
media

Một người phụ nữ Tây Tạng tại ngôi đền Jokhang, ở Lhasa, Tây Tạng. Ảnh chụp ngày 04/06/2016.REUTERS/Joseph Campbell

Theo hãng tin AP ngày 22/07/2016, các nguồn tin từ giới Tây Tạng lưu vong vừa báo động : Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu cho phá hủy các tòa nhà tại Lạc Nhược Hương (hay Larung Gar), một trung tâm nghiên cứu Phật Giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, ở huyện Sắc Đạt, châu Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên.

Trích dẫn tổ chức người Tây Tạng lưu vong Free Tibet, trụ sở tại Luân Đôn, hãng tin Mỹ cho biết là công cuộc phá hủy nhà ở và trục xuất cư dân đã bắt đầu vào sáng hôm trước, 21/07. Theo tổ chức này thì ngay từ tháng Sáu vừa qua chính quyền Tứ Xuyên đã ra lệnh giảm một nửa số lượng tu sĩ tại trung tâm này – nam cũng như nữ – xuống còn 5.000 người, viện cớ quá đông.

Trả lời AP qua điện thoại vào ngày 21/07, chính quyền địa phương cho là không hề có việc phá hủy mà chỉ là việc sửa sang cơ sở tại đấy. Chính quyền không cho biết chi tiết gì thêm.

Trung tâm nghiên cứu Phật Giáo Lạc Nhạc Hương được thiết lập vào năm 1980, nằm trên sườn núi, thu hút hàng ngàn tu sĩ Tây Tạng đến nghiên cứu Phật Học trong những khóa tu tập dài hoặc ngắn hạn.

Vào năm 2001, chính quyền Trung Quốc đã từng trục xuất khỏi trung tâm này hàng ngàn tu sĩ nhưng trung tâm vẫn thu hút đông đảo người đến nghiên cứu từ đó đến nay.