MỘT MAI VỀ GIÀ – Tác giả : AV Nhẫn

Đỗ Ngọc Diệp is with Hoàng Liên.

Sẽ đến lúc chúng mình cũng già đi

Cùng nhau ngẫm được, mất gì cõi tạm

Hai người già cùng bên nhau bầu bạn

Có khi nào lại buồn chán không em ?

 

Bao nhiêu năm mình tối lửa tắt đèn

Không quan trọng những sang hèn phù phiếm

Mỗi chúng ta mang trên mình trách nhiệm

Một gia đình với bao chuyện để lo.

 

Anh không có gì nên chẳng thể đem cho

Một đời nghèo, em thân cò lặn lội

Anh không giỏi, tài, ấy là cái tội

Nên cố gắng thật nhiều, sớm tối làm ăn.

 

Hai đứa mình đều quá đỗi khó khăn

Đến với nhau bỏ cách ngăn địa lý

Khi yêu nhau chẳng thiếu điều dị nghị

Nhưng mình biết rằng ta chỉ có nhau thôi.

 

Thuở ban đầu bát cơm đẫm mồ hôi

Những đêm khuya mình anh ngồi lặng lẽ

Cắt tiếng thở dài, em ghé tai nói khẽ

“Ngủ đi anh rồi sẽ ổn thôi mà”.

 

Rồi chúng mình chào đón đứa con ta

Hạnh phúc ấy như vỡ òa hai đứa

Nhưng trên vai mình lại thêm chút nữa

Cơm ,áo, gạo, tiền từng bữa lại nặng hơn.

 

Con lớn dần, nhà mình bớt cô đơn

Nghĩa vợ chồng càng keo sơn thắm thiết

Đôi tay anh vẫn ngày đêm mải miết

Làm việc không ngừng giữa náo nhiệt phồn hoa.

 

Nhớ ngày xưa ao ước một mái nhà

Cảnh ở trọ thật là trăm điều khổ

Bởi vậy nên mình ngày đêm gắng cố

Mong ước mái nhà để che gió, che mưa.

 

Cùng tiện tằn với những bữa rau dưa

Cùng cố gắng sớm trưa không ngừng nghỉ

Sau bảy năm hai đứa mình chăm chỉ

Một mái nhà vừa ý cũng dựng nên.

 

Năm tháng nhọc nhằn ta chẳng thể nào quên

Nhờ tình yêu ta vượt lên tất cả

Luôn vì nhau nên sá gì vất vả

Trân trọng thật nhiều những gì đã trải qua.

 

Một ngày kia khi hai đứa đã già

Cùng nhìn lại anh cười khà mãn nguyện

Một kiếp người trải qua trăm nghìn chuyện

Có thăng, trầm , có lùi ,tiến cùng nhau.

 

Một mai kia khi tóc đã bạc màu

Nhưng vẫn được bên nhau mà bầu bạn

Thì cuộc sống có bao giờ chán nản

Mình dù nghèo vẫn hơn vạn người ta.

 

Một mai kia khi ta ta trở về già

Tình yêu vẫn cứ đậm đà em nhé

Cố gắng đừng để phía kia lặng lẽ

Lủi thủi một mình buồn lắm nhé em ơi !.

Tác giả : AV Nhẫn

K.NV


 

NHẮC MÌNH – Nga Trần

Gieo Mầm Ơn Gọi

Chợt thấy mình nhỏ bé

Giữa nhân sinh vô thường

Nên từ giờ ta sẽ

Gieo trồng mầm yêu thương

 

Mình đâu cần thù hận

Rồi oán trách thế nhân

Chỉ cần lòng bình lặng

An nhiên đang ở gần

 

Đừng mong cầu hạnh phúc

Mà tìm kiếm xa xôi

Để một ngày bật khóc

“Thời gian đâu mất rồi?”

 

Ai cũng từng đau khổ

Ai cũng có lỗi lầm

Nếu sai thì hãy sửa

Miễn là mình thật tâm

 

Gió ngàn năm vẫn thổi

Lá trên cành vẫn xanh

Niềm vui đâu có lỗi

Ta bỏ quên sao đành…

Nga Trần


 

TƯƠNG LAI NÀO CHO TÂN TỔNG BÍ THƯ?

Vũ Quốc Ngữ

Công an ngồi vào các ghế quyền lực không ít, chủ tịch nước, chính phủ, quốc hội, tòa án tối cao, viện kiểm sát tối cao… nhưng công an đầu tiên ngồi vào ghế tổng bí thư tột đỉnh quyền lực là ông Tô Lâm.

Các đời tổng bí thư đảng trước nay, khi được đặt vào chiếc ghế quyền lực vẫn được tiếng là trong sạch cho đến khi bị phát hiện có vấn đề, phải lộ mặt mới thôi.

Thế nhưng, với đời tổng bí thư Tô Lâm, khi chưa nhậm chức thì ông ấy đã sớm lộ mặt một cách nghiễm nhiên là nghi can tội phạm quốc tế lẫn nội địa:

Bắt cóc xuyên biên giới: Tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức mang về Việt Nam theo lệnh của Nguyễn Phú Trọng.

Đàn áp nhân dân: Tổ chức tấn công đẫm máu vào dân làng Đồng Tâm, giết chết cụ Lê Đình Kình hơn 80 tuổi đầu. Tổ chức bắt giữ khởi tố hàng loạt người dân có tiếng nói phản biện xã hội. Tổ chức triệt phá hàng loạt các tổ chức dân sự xã hội.

Bảo kê doanh nghiệp thân hữu: Dùng quyền hạn khi ấy là Thứ trưởng Bộ công an lập đến 3 văn bản đóng dấu mật để che dấu thương vụ AVG bán trót lọt 95% cổ phần, gây thiệt hại đến 7.000 tỷ đồng cho Mobifone.

– Sinh hoạt xa hoa: Tham gia buổi tiệc ăn bò dát vàng tại Châu Âu gây phản cảm.

Lũng đoạn lập pháp: Cưỡng ép quốc hội sửa luật căn cước, hộ chiếu nhiều lần, ban hành luật tăng quân số công an.

Vơ vét tài nguyên quốc gia: Cưỡng ép quốc hội ban hành luật cướp lấy 85% tổng số tiền phạt vi phạm giao thông.

– Tống tiền doanh nghiệp: Dùng thủ đoạn phanh phui sai phạm của hàng loạt doanh nghiệp lớn để tống tiền, thay vì xử lý chúng theo quy định.

– Lũng đoạn quyền lực quốc gia: Cưỡng ép chính phủ chia sẻ quyền thủ tướng và các bộ có lợi ích béo bở nhất cho ngành công an.

Thật ra, nghi can tội phạm là tổng bí thư cũng chẳng có gì lạ lùng đối với một hệ thống chính trị nhan nhãn tội phạm thông qua danh sách dài sọc được lập từ chiến dịch “Đốt lò”.

Lúc này, hỏi ai đang có vị thế quyền lực nhất quốc gia, tôi tin có đến 200% dân số sẽ có cùng câu trả lời: Tô Lâm.

Tuy vậy, với cách Tô Lâm tạo nên vị thế tột đỉnh quyền lực như hiện nay, thì thật ra, lúc Tô Lâm đắc thắng nhất cũng là lúc ông ấy đang ở vị thế nguy hiểm nhất trong cuộc đời chính trị của mình.

Thật vậy, trong môi trường chính trị chỉ toàn tội phạm là các cán bộ đảng viên nắm giữ các chức vụ cao cấp, “rờ” đến đâu là lộ diện ra đến đó. Thế nên, khi được giao tư cách làm cánh tay phải của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc “đốt lò” với thẩm quyền và nguồn lực gồm vật lực, tài lực và nhân lực gần như vô giới hạn. Cộng với thế mạnh của công an là điều tra, nắm giữ hồ sơ tội phạm của cán bộ đảng viên đã giúp cho Tô Lâm có tư cách tiêu diệt, trấn áp, khống chế đồng chí của mình nếu không thuộc “cánh hẩu” thân tín.

Những Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh… cùng hàng loạt bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các đầu tỉnh lần lượt nối dài danh sách nạn nhân của Tô Lâm. Vô hình trung, Tô Lâm trở thành khắc tinh và là kẻ thù tiềm tàng cho toàn bộ hệ thống chính trị gồm các chính trị gia còn lại chưa bị lộ diện tội phạm. Thế thì có ai trong số ấy lại không muốn tiêu diệt Tô Lâm để bảo đảm sự an toàn cho chính mình và duy trì các lợi ích đang hưởng thụ?

Nguyễn Phú Trọng, ngày bước vào nhiệm kỳ tổng bí thư thứ 3 vào năm 2021 bằng cách không chính danh, dẫm đạp lên Điều lệ đảng, tạo nên khủng hoảng về niềm tin và sự tôn trọng nguyên tắc. Kế thừa, Tô Lâm cũng vậy, tạo nên vị thế quyền lực tột đỉnh hiện nay cũng theo cách không chính danh, mà nhờ thế lực của những họng súng. Thế nhưng, không chỉ công an mới có những họng súng đen ngòm tạo quyền lực. Hơn nữa, “mãnh hổ nan địch quần hồ”, khi cả rừng xanh đều xem Tô Lâm là kẻ tử thù và chực sẵn tư thế vồ mồi, thì mãnh hổ xem ra cũng khó sống.

Lâm, tên của ông Tô Lâm còn có nghĩa là rừng xanh. Như định mệnh, Lâm sẽ phải chết vì luật của rừng xanh. Thậm chí, điều an ủi cuối cùng cho một bạo chúa, là Tô Lâm có được tặng Huân chương Sao Vàng như chủ cũ, người vừa quá vãng, Nguyễn Phú Trọng, cũng không lấy gì làm chắc chắn.

Chính trường Việt Nam, sẽ còn tanh tưởi đầy mùi máu…

DC, ngày 20/07/2024

Đặng Đình Mạnh


 

Khóc lãnh tụ!- Lâm Bình Duy Nhiên

Ba’o Tieng Dan

21/07/2024

Lâm Bình Duy Nhiên

20-7-2024

Năm 1969, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Bác ơi” để khóc ông Hồ Chí Minh. Bài thơ có nhiều câu hay. Thật vậy, không thể phủ định tài năng của ông. Nhất là khi nguồn cảm hứng là bưng bô, nịnh bợ và tuyên truyền cho chế độ cộng sản.

Trong bài có những câu:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

Như một sự so sánh mưa của đất trời, nước của thiên nhiên với nước mắt của người dân tiếc thương ông Hồ. Một sự tôn thờ lãnh tụ lố bịch chỉ có trong các thể chế chính trị độc tài. Thần tượng hoá lãnh tụ, bao mỹ từ đều được dùng để miêu tả sự bình dị, khiêm nhường, chân chất nhưng rất đỗi cao cả và vĩ đại của các lãnh tụ cộng sản qua các bài thơ “để đời” của Tố Hữu.

Từ hôm qua, sau khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, bỗng dưng cộng đồng mạng và báo chí của đảng nhắc lại câu thơ trong bài “Bác ơi!” của Tố Hữu năm xưa. Cũng “Bác” nhưng là bác Trọng, “người cộng sản chân chính và liêm khiết sau cùng” vừa rời cõi trần, để lại bao nỗi đau và nước mắt cho nhiều người:

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Và xúc động, cảm hứng để cùng nhau chia sẻ trên mạng lời tâm tư dành cho… Bác:

Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.

Chắc chắn, đa số những người chia sẻ câu thơ trên cũng không biết nguồn gốc của nó từ đâu ra. Phải có sự khéo léo, sắp đặt nào đó để lấy lại lời thơ của ông Tố Hữu năm xưa để khóc ông Trọng ngày nay.

Chỉ có trong các chế độ độc tài, như thời Liên Xô và khối chủ nghĩa cộng sản, mới có cảnh quần chúng khóc thảm, nước mắt ướt đẫm đất trời, mỗi khi có lãnh tụ qua đời. Cảnh người dân gào khóc thương Mao, Kim Nhật Thành hay Hồ Chí Minh là những ví dụ cho sự tôn thờ lãnh tụ một cách mê muội và khả năng định hướng quần chúng của nhà cầm quyền.

Người dân khóc bi thảm hơn cả người thân của họ qua đời. Tất cả xã hội cứ như một bộ máy khổng lồ, tự động gào thét, khóc lóc mỗi khi được bật nút tắc/ mở. Họ không còn đủ bản năng để suy nghĩ, để nhận thức. Bản năng duy nhất là sự sinh tồn. Họ chỉ biết phản xạ và phản ứng một cách máy móc để tỏ lòng suy tôn lãnh tụ.

Ông Trọng mất, nhiều người để tang trên mạng, thoạt nhìn, cứ tưởng người thân qua đời. Không biết có sự định hướng nào không từ chế độ hay cái bản năng tôn thờ lãnh tụ lại trỗi dậy nơi người dân ở một xứ sở độc tài! Và phải khéo để tránh hiểu lầm, “Bác” của họ là ông Trọng, chứ không phải “Bác Hồ”, người tưởng chừng độc quyền được gọi bằng “Bác” một cách máy móc bởi không biết bao nhiêu thế hệ trong cái xã hội này.

Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.

Người dân tuôn nước mắt trước bao nỗi thống khổ và khó nhọc của cuộc sống đáng để cho lương tâm chúng ta dày vò hơn là nước mắt dành cho một vài lãnh tụ, dẫu có được mến mộ, mới lìa đời!

…Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

Ruột mềm như đá dưới chân ta.

Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,

Người thức nghe buồn tận cõi xa…

Ôi, còn giọt nước mắt nào cho vận mệnh của quê hương…


 

Nguyễn Phú Trọng: công với ai và tội với ai?-Gió Bấc-RFA

Ba’o Tieng Dan

20/07/2024

Blog RFA

Gió Bấc

20-7-2024

Ngày 17-7, người dân Việt chợt giật mình khi Bộ Chính Trị lần đầu tiên ban bố đặc ân hé ra cho người dân thông tin tối mật về sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng. Té ra bấy lâu nay ông Trọng “vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe” nay đã đến lúc “cần phải tiếp tục ưu tiên dành thời gian để đồng chí Tổng bí thư tập trung điều trị tích cực”.

Thật ra đây chỉ là cái cớ, là thông tin nền, chủ đề chính, nội dung cốt lõi của bản tin này là công bố “tân nhiếp chính vương”: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, trước mắt, Bộ Chính trị phân công đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định” (1).

Bổ nhiệm nhiếp chính khi vua chưa băng hà là ngoại lệ chưa từng có trong các triều đại cộng sản “cường thịnh”, từ Lenin, Stalin ở Nga, Mao ở Tàu hay Lê Duẩn ở ta. Các “lãnh tụ anh minh yêu đảng, yêu nước vĩ đại” luôn phấn đấu hy sinh phụng sự đến hơi thở sau cùng. Chính vì vậy, khi lãnh tụ trút hơi tàn thì đám cận thần phải sống mái dành vị trí quan trọng nhất trong ban lễ tang, vị trí đứng cạnh quan tài để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, cũng đồng thời gián tiếp thể hiện vai trò kế vị. Thông thường là tắm máu. Trotsky đã đào tẩu vẫn bị truy sát. Beria phải dựa cột. Tứ nhân bang phải vào tù để tế cờ cho vương triều mới.

Công bố quyền lực Nhiếp Chính Vương kèm theo lời hiệu triệu “toàn đảng đoàn kết”, vừa huấn thị, vừa răn đe trước khi báo tang, hy vọng quyền lực đã và sẽ được chuyển giao êm thắm mà không phải tắm máu như các tiên triều của đàn anh.

Triều đình ít biến động, chém giết, hy vọng rằng dân đen cũng đỡ lầm than khổ nạn tai bay họa gió. Phải chăng đây là tiên liệu, là sự sắp đặt của “người đốt lò vĩ đại”, vị tổng bí thư ba nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng?

E rằng không mà còn ngược lại! Càng về cuối nhiệm kỳ ba, quyền lực Tổng Trọng ngày càng suy giảm, song hành với tình trạng sức khoẻ; nhưng sự suy giảm quyền lực chừng như không phải do sức khỏe mà do hậu quả những tính toán sai lầm trong “công cuộc đốt lò”, trong việc điều hành các nhóm lợi ích, các phe nhóm dưới trướng. Lửa đốt lò càng lúc càng đậm nhưng củi đưa vào lò càng lúc càng xa tay với của chủ lò.

Về công cuộc đốt lò, nhiều người khen Nguyễn Phú Trọng là đầu tàu chống tham nhũng nhưng có không ít ý kiến nghi ngại đây chỉ là công cụ chiến lược tạo thế cho bọn đàn em thành lũ quần ngư tranh thực để Tổng Trọng tọa sơn quan hổ đấu, ngư ông đắc lợi. Thoạt đầu, củi đốt lò là đàn em thân tín của Ba X như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà… Nhưng trước những thanh củi to Lê Thanh Hải, Vũ Huy Hoàng, lửa lò lại chập chờn khi nóng khi lạnh.

Lửa thật sự dữ dội từ sau “tai nạn” bò dát vàng của Tô Đại Tướng. Câu nói xa gần của Tổng Trọng “Tôi nhớ nhà văn Nga Maxim Gorky có nói: ‘Con người – hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao!’. Nhưng con người cũng có không ít tật: ‘Kém một miếng không chịu được’, ‘Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!’Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” (2).

Chừng như đã kích hoạt năng lượng tiềm tàng của thanh kiếm Tô Lâm, mục tiêu đốt lò dần chuyển hướng. Từ vụ test kit Việt Á, đến chuyến bay giải cứu, rồi đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tăng dần đến Hậu Pháo, Phúc Sơn, cái trật tự quyền lực Công An báo cáo, Kiểm Tra kết luận, Công An khởi tố đã bị đảo lộn. Công An khởi tố sân sau, bắt nóng trợ lý lãnh đạo cấp cao thậm chí cả Ủy Viên Trung ương đảng đương nhiệm như Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Vĩnh Phúc buộc Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ phải tự xin từ chức. Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương phải cập rập bẽ bàng đề nghị kỷ luật đảng viên với những phạm nhân. Uy thế của hai cánh tay quyền lực của Đảng ngày càng mờ nhạt, thụ động hợp thức hóa các quyết định tố tụng của Công  An.

Mới đây nhất, Phó Ban Nội Chính Nguyễn Văn Yên bị bắt giam, cuộc điều tra các dự án môi trường đang mở rộng, số phận của Trưởng ban Nội chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra rung lắc như cây non trong bão lớn, càng cho thấy “công cuộc đốt lò” đã nằm ngoài tầm tay của Nguyễn Phú Trọng và trước sau nó hoàn toàn không nhằm chống tham nhũng như đã nhân danh. Thực chất nó chỉ là cuộc đấu đá giữa các nhóm quyền lực, lợi ích.

Quy mô, tính chất các vụ tham nhũng đã lộ sáng càng về sau càng lớn hơn các vụ trước với cấp số nhân. Với Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng số tiền thiệt hại tham nhũng ngàn tỷ đã là con số khủng nhưng các đại án sau này như Trịnh Văn Quyết, SCB số tiền thiệt hại là chục ngàn, trăm ngàn tỷ. Trong cái nhìn của giới chuyên môn, vẫn còn đó nhiều vụ án tiềm năng giá trị thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ hoặc lớn hơn.

Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng qua ba khóa Tổng Bí thư của Tổng Trọng, hàng loạt ngân hàng phải quản lý đặc biệt, phải mua lại 0 đồng; kinh khủng nhất là ngân hàng SCB, nhà nước phải chi 25 tỉ USD (bằng 6% GDP cả nước năm 2023) để giải cứu. Thế nhưng các Thống Đốc Ngân Hàng Nguyễn Văn Bình, Lê Minh Hưng không chịu trách nhiệm gì, mà còn thăng tiến vào Bộ Chính Trị. Rõ là “công cuộc đốt lò” không ngăn chặn, giảm thiểu, mà tham nhũng ngày càng lớn mạnh hơn.

Giới chức tự xưng yêu đảng, tung hô Nguyễn Phú Trọng có công xây dựng đảng. Quả thật, Nguyễn Phú Trọng nói nhiều, ra nhiều quy định mới, in nhiều sách  về xây dựng đảng nhưng nhìn lại cái đảng sau gần ba khóa được Trọng xây dựng, đã rệu rã như thế nào?

Với tầng lớp lãnh đạo cao cấp do Tổng Trọng đào tạo, tuyển chọn trong khóa 13 này thì 7/18 Ủy viên Bộ Chính Trị bị cách chức, cho thôi giữ chức do bị nhúng chàm. Hơn 30 Ủy Viên BCH TƯ bị bắt, cách chức, cho thôi giữ chức vì tham nhũng. Cấp thấp hơn tuần tự là số trăm, số ngàn. Những thiệt hại nhân sự khủng khiếp chưa từng có, ngay cả trong thời non trẻ hoạt động bí mật bị thực dân Pháp đàn áp hay trong chiến tranh. Đây chỉ là con số nhúng chàm đã bị lộ, con số đảng viên cán bộ nhúng chàm chưa bị lộ thì khó có thể thống kê.

Đảng có trăm tai nghìn mắt, đảng viên ai cũng học theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện 19 điều cấm, kê khai tài sản hàng năm… theo chương trình xây dựng đảng của Tổng Trọng. Thế nhưng, nhờ bọn tin tặc lừa đảo, đảng mới biết chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị chiếm đoạt hơn 170 tỉ đồng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc nhưng cũng chẳng ai giải đáp thắc mắc của người dân số tiền khổng lồ ấy từ đâu mà có. Cơ quan chống tham nhũng, xây dựng đảng thực chất chỉ làm công việc xử lý lấp liếm sai phạm lộ liễu không thể giấu và cố tình che đậy thô thiển những gì có thể che đậy.

Một chính sách lợi hại của Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng đảng là luân chuyển cán bộ. Nhưng thực chất đó chỉ là thủ thuật xào bài, cài người phe đảng để Trọng chiếm đa số Ủy viên Trung ương, lật đổ Nguyễn Tấn Dũng trong đại hội khóa 12 và duy trì quyền lực cho Trọng trong khóa 13. Điểm lại các trường hợp cán bộ lãnh đạo bị lộ, bị xử lý, hầu hết là sai phạm từ nhiều năm trước, từ những chức danh trước đó mấy khóa và chỉ bị lộ ra nhờ những nguyên cớ tình cờ.

Trịnh Xuân Thanh sai phạm từ thời làm ở xây dựng dầu khí, được luân chuyển về Bộ Công thương, luân chuyển tiếp về Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang mới bị lộ nhờ vụ xe bảng trắng bảng xanh. Đinh La Thăng cũng sai phạm từ dầu khí, luân chuyển về Bô Giao thông, Bí thư Thành Ủy Hồ Chí Minh, bị lộ từ nâng đỡ Trịnh Xuân Thanh. Võ Văn Thưởng sai từ khi làm Bí thư Quảng Ngãi, luân chuyển hàng tá chức lên đến Chủ tịch nước thì mới lộ vì đàn em Hậu Pháo…

Nói cách nào đó, luân chuyển là phương cách hữu hiệu để kẻ sai phạm chuyển vùng hoạt động né tránh, che giấu hậu quả sai phạm của mình. Luân chuyển cán bộ cũng là cơ hội, phương tiện cho loại hình tham nhũng mới là mua bán chức quyền.

Có người khen Nguyễn Phú Trọng kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Phú Trọng cũng tự hào về điều đó dù tuyên bố rằng con đường lên chủ nghĩa xã hội còn dài lắm không biết bao giờ mới tới. Chủ nghĩa Mác – Lê có hai phần chính là ảo tưởng về xã hội tốt đẹp phân phối theo lao động, người dân hạnh phúc ấm no nhờ phúc lợi dồi dào mà hiện các nước Bắc Âu đang thụ hưởng. Phần thứ hai là thực thể chuyên chính vô sản với chính quyền độc tài toàn trị và công cụ bạo lực là công an, quân đội. Xem ra ba nhiệm kỳ của ông Trọng những chỉ số phúc lợi an sinh xã hội của nhà nước không có gì khởi sắc nếu không nói là ảm đạm. Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố, năm 2021, dự toán chi ngân sách cho Bộ công an là khoảng 96 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần Bộ y tế (khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng) và Bộ giáo dục là 7,1 ngàn tỷ đồng. Năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng và tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023 (3).

Ngoài ra, ngành Công An còn được trích đến 85% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, bán đấu giá bản số xe,… điều này cho thấy ông Trọng không kiên định với đường lối, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà kiên định và đầu tư chăm chút cho thực thể bộ máy chuyên chính vô sản.

Sự đàn áp, tước đoạt tài sản người dân nhất là trong lĩnh vực đất đai trong ba nhiệm kỳ của Tổng Trọng quy mô lớn, tàn bạo và đẫm máu nhất so với các Tổng bí thư khác từ 1975 đến nay. Nhà nước đã dùng pháp quyền hành chính, hình sự và cả sức mạnh súng đạn để đàn áp người dân vừa cướp đất vừa bắn giết, tù đày những người mất đất. Điển hình là vụ Cống Rộc, Hải Phòng với gia đình Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang, Hưng Yên,… Đặc biệt, vụ Đồng Tâm, Hà Nội, dân thôn Hoành bị cướp hàng chục ha đất. Cụ Lê Đình Kình, đảng viên lão thành trên 60 năm tuổi đảng bị thảm sát, con cháu bị án tử hình, chung thân ngược lại ba hung thủ trong số hơn 300 tên khủng bố nửa đêm xông vào nhà dân bắn giết lại được chính Nguyễn Phú Trọng ký truy tặng huân chương.

Báo chí, tôn giáo dưới thời Nguyễn Phú Trọng cũng bị bóp nghẹt hơn bao giờ hết. Quy hoạch báo chí, Luật An ninh mạng, điều 331 đã giết chết hoàn toàn tự do báo chí và cả không gian mạng xã hội. Nhiều nhà báo phản biện hay điều tra chống tiêu cực như Phạm Đoan Trang, Mai Phan Lợi, Nguyễn Hoài Nam, Trương Châu Hữu Danh … bị kết án tù rất nặng nề.

Ngay trong số cán bộ đảng viên, Nguyễn Phú Trọng cũng có sáng kiến độc đáo, vũ khí đặc biệt để đàn áp, bóp nghẹt tiếng nói phản biện. Đó là  khái niệm mơ hồ “tự chuyển biến, tự chuyển hóa, tha hóa mất phẩm chất” và bị kết tội về những hành vi mơ hồ ất ơ lợi dụng chức vụ quyền hạn, trốn thuế như vị lão tướng nhà báo Nguyễn Kim Hoa, luật sư Trần Vũ Hải. Gần đây nhất là Phó ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nhà báo Huy Đức, Luật sư Trần Đình Triển, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Đạo lý của dân tộc, nghĩa tử là nghĩa tận, lẽ ra không nên nặng lời với người đã khuất. Nhưng ngay khi chúng tôi viết những dòng chữ này thì cả hệ thống truyền thông đồ sộ của Đảng đang huy động hết công suất ca ngợi công đức của Nguyễn Phú Trọng bằng ngôn từ dối trá, hài hước không kém “Người kể chuyện phi thường” Hồ Chí Bảo và “Quốc Trung hiền sĩ” tán tụng khen nhau. Một lần nữa họ lại lấy tiền của, phương tiện hiện đại của đất nước, của người dân để đầu độc nhận thức cộng đồng. Ai đã tuyệt nghĩa tử nghĩa tận với cụ Lê Đình Kình khi thi hài cụ bị bị hành hạ, phanh thây, tang lễ cụ bị bao vây? Ai sẽ nói thay những người đã và đang bị cướp tài sản, bị đàn áp giam cầm?

Lịch sử đảng cộng sản, các tổ chức độc tài khác sẽ tán dương công đức, tài trí kinh nghiệm củng cố thể chế chuyên quyền đàn áp của Nguyễn Phú Trọng. Phần còn lại của thế giới cần phải hiểu và nhận diện con người thật của ông ta.

_________

Chú thích:

  1. https://tuoitre.vn/thong-bao-cua-bo-chinh-tri-ve-tinh-hinh-suc-khoe-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-20240718125833601.htm
  2. https://vov.gov.vn/nhung-cau-noi-tham-thia-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-trong-nam-2021-dtnew-350969
  3. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ministry-of-public-security-budget-is-ten-times-of-the-ministry-of-health-and-the-ministry-of-education-08182023150520.html    

 

Bi kịch lớn mang tên Nguyễn Phú Trọng?-Tác Giả: Phạm Đình Trọng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Phạm Đình Trọng

20/07/2024

Cựu TBT Nguyễn Phú Trọng- Ảnh AFP

Ở ông còn giữ được nhiều đức tính tốt đẹp của người nông dân Việt Nam truyền thống: Cả tin. Hồn nhiên. Thật thà. Có ý chí mạnh mẽ thực hiện niềm tin.

Thật thà, cả tin ông mới gửi lòng tin son sắt vào học thuyết cộng sản, cả tin vào xã hội chủ nghỉa, mê mẩn kỳ vọng vào thiên đường cộng sản chủ nghĩa đầy huyễn hoặc, viễn vông, lầm lạc, giả dối và độc ác.

Với bản tính thật thà, dù ở cương vị dẫn dắt người dân đang đau khổ, chán nản, tuyệt vọng trên con đường trần ai xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông vẫn hồn nhiên công khai thú nhận với dân rằng đến hết thế kỉ này, cả trăm năm nữa cũng không biết đã có chủ nghĩa xã hội hay chưa.

Sắt đá gửi lòng tin vào chủ nghĩa xã hội, ông liên tục đi thuyết giảng cho cán bộ, cho dân chúng về chủ nghĩa xã hội mà ông đinh ninh rằng nhân đạo, nhân văn nhất trong lịch sử loài người. Ông hối hả, miệt mài viết hết tập sách đồ sộ này đến tập sách đồ sộ khác khẳng định giá trị vĩnh hằng của chủ nghĩa xã hội, khẳng định sự tài tình, đúng đắn, sáng suốt và công lao vĩ đại của đảng cộng sản Việt Nam với dân tộc, với lịch sử Việt Nam.

Gửi niềm tin vào cái viển vông, sai trái, lầm lạc và mang ý chí mạnh mẽ quyết liệt thực hiện niềm tin lầm lạc là một bi kịch quá lớn trong cuộc đời khá phẳng lặng của ông.
Người thông minh, có trí tuệ sâu rộng không thể u mê gửi lòng tin nhầm chỗ. Không có đủ trí tuệ mẫn tiệp, lại thiếu từng trải cuộc đời, ông vẫn khư khư ôm ấp học thuyết cộng sản đã được thực tế xã hội loài người chứng minh là một sai lầm, một thảm hoạ khủng khiếp, một tội ác man rợ chống lại loài người và đã bị thực tế cuộc sống vứt vào sọt rác lịch sử.
Lòng tin lầm lạc của ông đã chỉ ra trí tuệ hạn hẹp, sự minh mẫn thiếu vắng và tài năng khiêm nhường của ông. Trí tuệ hạn hẹp và tài năng khiêm nhường như vậy mà ông lại có quyền lực tột đỉnh dẫn dắt muôn dân, có tầm ảnh hưởng bao trùm cả đất nước. Đó cũng là một đại bi kịch.

Bi kịch của ông không phải chỉ là bị kịch cá nhân. Là người đứng đầu bộ máy quyền lực nhà nước, chịu trách nhiệm lịch sử dẫn dắt cả đất nước, cả dân tộc, bi kịch của ông cũng là bi kịch của cả đất nước Việt Nam oan nghiệt, bi kịch của cả dân tộc Việt Nam khốn khổ.
Chủ nghĩa xã hội đã tạo ra những người có quyền lực không giới hạn. Khi sống là những ông hoàng hưởng thụ, đến bữa ăn chỉ cần há mồm ra cho người hầu đút miếng thịt bò dát vàng vào tận miệng. Khi chết như ông quan cộng sản bự Trần Đại Quang có mả to đền lớn trên sáu hecta đất bờ xôi ruộng mật của dân.

Cả đời tin vào học thuyết cộng sản tưởng là xoá bỏ mọi bất công, không còn mảy may nghịch cảnh. Cho đến tận lúc sắp rời bỏ cuộc sống dường như ông mới nhận ra sự bất ổn trong niềm tin bền bỉ của ông. Quan chức cộng sản mà lại đua nhau cướp đất sống của dân xây mồ to đền lớn đến vài hecta thì bất công lớn quá, nghịch cảnh đau lòng quá! Ông đã tha thiết căn dặn vợ con: Tôi không phải quan chức khi sống giành ở nhà to, khi chết giành đất của dân xây lăng mộ. Khi tôi chết đưa tôi về chôn ở đất quê nhà Đông Hội, Đông Anh. Đừng giành đất của dân xây lăng mộ cho tôi.

Cả đời ông tất bật đi gieo truyền niềm tin vào chủ nghĩa xã hội tệ hại. Cả đời ông hì hục viết sách răn dạy những điều lầm lạc. Đến cận lúc từ giã cuộc đời ông mới nói được lời đúng đắn: Đừng giành đất của dân xây lăng mộ cho tôi.

Đó là những chữ vàng ghi nhận sự có mặt của ông trong cuộc đời, là lời răn dạy đúng đắn, nghiêm khắc và cần thiết của ông với đám quan chức cộng sản lớp sau ông, với những kẻ đang cố bon chen trên con đường công danh chỉ nhằm khi sống có nhà to, khi chết có mả lớn.

Ông là Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam từ 2011 đến 2024. Sinh ngày 14.4.1944, mất ngày 19.7.2024, trong quãng đời 80 năm ông đã tạo ra bi kịch xót xa cho chính cuộc đời ông và mang bi kịch đau thương đến cho cả muôn dân Việt Nam. Ông mất rồi, bi kịch của cuộc đời ông đã dừng lại nhưng bi kịch của người dân Việt Nam thì vẫn còn đấy!

Vĩnh biệt ông!

Phạm Đình Trọng

(Tựa đề cho Đàn Chim Việt đặt) 


 

Để giúp đỡ người khác, bạn không cần một chiếc túi đầy tiền, mà cần một tấm lòng đủ lớn

Gieo Mầm Ơn Gọi

  1. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.
  2. Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy.
  3. Bạn luôn nghĩ mình không có gì để giúp đỡ họ cả, nhưng sự quan tâm của bạn đã là sự cho đi rất ý nghĩa rồi.
  4. Khi một người chết đi, anh ta nắm trong tay chỉ những gì mình đã cho đi khi còn sống.
  5. Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại.
  6. Lòng tốt không chỉ là hành động. Nó là thái độ, biểu cảm, cái nhìn, sự tiếp xúc. Nó là mọi thứ làm cho người khác ấm lòng.

St


 

Tâm không bình, mặt sao an-Mai Thị Mùi

Mai Thị Mùi

Ellon Musk

Chọn bất kì một tấm hình người VN nào đó rồi đem để kế bên một tấm hình một người nước ngoài, dù Châu Âu, Châu Mỹ hay Châu Phi sẽ thấy rõ sự khác biệt. Ngoài các yếu tố về màu da, chủng tộc thì sắc mặt là thứ dễ nhận ra nhất. Nhìn vào gương mặt một người VN không thể nào có nét vô tư, tươi tắn, hồn nhiên và thoải mái như người nước ngoài được. Những lo âu, toan tính, sợ hãi, dè chừng, mưu mô hằn lên sắc mặt của mỗi người.

Người ta nói tâm sinh tướng. Quả thật vậy! Tâm không bình mặt sao an. Nếu trong đầu óc anh toàn tính toán và lo âu, căng thẳng thì những điều ấy nó hiện ra nét mặt. Nhìn sắc mặt của một người VN là cả một xã hội bộn bề, lọc lừa, dối trá, bịp bợm, mưu mô hiện trên đó. Mỗi một nếp nhăn là một bài học mà người sở hữu nó, dù muốn dù không, gặt hái từ cuộc sống.

Không một xã hội nào mà người ta phải đắn đo, suy tính từ cả những việc đơn giản, nhỏ nhặt như ăn cái gì, nói câu gì, chơi ở đâu cho an toàn. Một xã hội cứ hở ra là bịp nhau nên hễ mua cái gì cũng tự động lên giây cót cảnh giác không biết nó có bán cho mình hàng kém chất lượng không, nó có lừa mình không, nó có nhận tiền xong rồi dông không. Bước ra chợ cũng phải đắn đo cái gì có độc cái gì ít độc, rau nào phun thuốc, thịt nào có hàn the, cá nào có u-rê. Bước chân đến chốn công quyền phải nhìn mặt cái đứa gọi là công bộc của dân để liệu lời mà nói chuyện. Nhắm cái mặt nó khó chịu quá thì lại phải nhét thêm tí vào phong bì. Chạy cái xe trên đường cũng phải ngó trước dòm sau. Dừng đèn đỏ mà sau lưng có container thì quẹo phải luôn còn giữ được cái mạng. Có va quệt với đứa nào cũng nín lặng mà đi, cự cãi có khi mất mạng. Dừng xe nghe điện thoại thì tấp vào lề, tay nào cầm điện thoại phải hướng vào phía trong phòng hờ nó giật từ phía ngoài. Đeo túi, đeo vàng, đeo cái gì có giá trị cũng nơm nớp, ngay ngáy. Vào quán ăn có dám vô tư đặt túi chỏng chơ trên bàn rồi đi vệ sinh không? Quên đồ khi ra khỏi quán đừng quay lại tìm làm gì cho mất công. Cứ xác định là mất rồi để đỡ mất thời gian.

Cả xã hội vội vã, cả đất nước vội vã, cả phố phường vội vã. Ai ai cũng vội vã. Vội đến mức đèn đỏ còn 5s đã phóng vút đi. Đứa đứng sau bóp kèn chửi đứa đứng trước sao không đi. Đứa đứng trước chửi mày thích sao không lên mà đi. Thế là đánh nhau. Đèn đỏ được phép quẹo phải. Cái góc đường vừa bằng cái góc phòng, đứa đứng trước dừng xe sát cột đèn, đứa sau muốn quẹo phải không được nên văng tục, đứa đứng trước ngứa tai thế là 2 đứa cùng vào bệnh viện. Hai xe va vào nhau, họ cũng không thể chờ CSGT hay bảo hiểm đến giải quyết mà họ dùng luôn nắm đấm và bạo lực cho nhanh. Tất cả là vì ai cũng vội. Họ không thể chờ dù là 1 phút đèn đỏ. Những cái vội vã ấy nó biến thành cái hằn học, hơn thua, nanh nọc, hằn lên sắc mặt của những người không thích chậm.

Ba đi làm, con đòi theo. Nếu không vội thì có thể ngồi xuống dỗ dành, vuốt ve, phân tích để con hiểu. Nhưng điều ấy sẽ mất của ba 30’ hay thậm chí cả tiếng nên ba gạt con vào phòng lấy cho ba cái nón. Con quay ra ba đi mất. Cái sự lừa dối ấy nó hình thành trong lòng đứa trẻ sự cảnh giác và nghi ngờ. Lần sau cha mẹ nói bất cứ điều gì nó cũng không tin. Con đi mẫu giáo mà ị để cô phải rửa đít là cô cho ăn đòn. Con tự hiểu là phải nín cho đến khi về nhà. Con ăn chậm là cô đánh nên con phải ra sức nhét, nhét không kịp nhai, không kịp nuốt. Mẹ đón con, trước mặt cô con đâu dám nói con bị bạo hành. Về nhà con cũng không dám kể mẹ nghe vì trước đó cô đã dọa kể là cô đánh thêm. Ngay từ những năm đầu đời mà một đứa trẻ đã phải toan tính, dè chừng, lo sợ thì trên gương mặt nó có những nét ưu tư thì cũng đâu có gì lạ.

Rồi nó đi học, nó luôn phải làm hài lòng cha mẹ bằng điểm số, làm vui lòng thầy cô bằng những hộp quà, những cái phong bì do bố mẹ chuẩn bị. Và nó thừa biết những hành động đó không hề xuất phát từ lòng kính trọng, yêu thương, mà nó là một thủ tục để được yên thân. Tự trong lòng nó sẽ hình thành thói dối trá, xạo láo, nịnh bợ. Và tất nhiên Những thói quen này tạo thành tính cách. Những tính cách này lâu ngày lại thể hiện qua lời nói, hành động và nét mặt.

Hành trình sống của một con người ở VN là một chuỗi dài những toan tính. Khi vào đại học, nó lại phải tính xem có nên ngủ với ông thầy này để qua môn không (nếu là nữ), có nên đưa phong bì cho ông thầy nọ để tốt nghiệp không (nếu là nam). Rồi khi ra trường đi làm nó lại phải tính toán bỏ ra bao nhiêu để mua cái ghế ấy, mất bao lâu để gỡ vốn. Hằng ngày phải đối mặt với những dèm pha, dè bỉu của đồng nghiệp. Phải chơi với ai để kết bè. Phải theo phe nào để không bị hạ bệ. Tất tần tật những cái đó nó hằn hết lên gương mặt con người ta.

Về già cũng chưa hết lo. Già rồi hễ dính líu đến thủ tục hành chính mà phải đi lại cũng vất vả. Sang tên cho con thì không biết khi nào dâu/rể nó hất mình ra khỏi nhà. Nên già mà cũng đâu an thân. Cũng còn lắng lo, toan tính lắm chứ. Đau đầu cho đến lúc chết

Không phải người nghèo mới mang những nét ấy trên khuôn mặt. Bọn giàu ở VN nhìn cũng rất khác các tỷ phú thế giới. Nếu nhìn vào gương mặt Ellon Musk người ta dễ nhận ra nét trí tuệ, đĩnh ngộ thì ngược lại gương mặt những đứa giàu ở VN chất chứa toàn nét xảo trá, điếm thúi và gian hùng vì đồng tiền mà chúng có được là từ mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Chữ tỷ phú mà chúng đạt được là từ những kế hoạch cướp nhà, cướp đất của dân, từ những kế hoạch dồn dân vào chỗ chết, từ những chữ kí khiến người dân chỉ biết kêu trời. Tất cả những nét khốn nạn, lọc lừa, bất nhân đó hầu hết đều dễ dàng tìm thấy trên gương mặt những đứa làm cha thiên hạ ở VN.

Chỉ khi nào mà vào quán không phải hỏi giá trước, để quên đồ quay lại vẫn còn, quẹt xe không bị ăn đấm, đi học không bị ăn đòn, đi du lịch không lo bị chặt chém, mua đồ không lo bị hớ, mua chung cư không lo bị lừa, đến cửa quyền không phải vác theo phong bì, vào bệnh viện không lo gửi gắm…thì mới mong gương mặt người Việt giãn ra được.

(Mai Thị Mùi)

https://dongtam2020.org/tam-khong-binh-mat-sao-an/


 

CUỘC ĐẤU TRANH HỤT HẪNG VỚI TÍNH KHIÊM NHƯỜNG – Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Thật khó để khiêm tốn, không phải vì chúng ta không đủ thiếu sót để xứng đáng với tính khiêm nhường, nhưng vì bên trong chúng ta có một cơ chế khéo léo thường không cho chúng ta có được tính khiêm tốn.  Nói một cách đơn giản, khi chúng ta cố gắng quên mình, khiêm tốn, không đạo đức giả thì chúng ta lại tự hào về điều đó, và rồi cảm thấy tự mãn, chúng ta trở nên người đi phán xét người khác.

Chúa Giêsu cho chúng ta một dụ ngôn tuyệt vời về chuyện này, nhưng chúng ta thường quên bài học này.  Tất cả chúng ta đều biết dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế.  Chúa Giêsu kể câu chuyện hai người vào nhà thờ cầu nguyện.  Người đầu tiên là người biệt phái sốt sắng, ông nghiêm túc giữ đạo hạnh.  Ông cám ơn Chúa về lòng sốt sắng đạo hạnh của mình và cám ơn Chúa vì mình không như người thu thuế không đạo đức đang ở cuối nhà thờ.  Người thứ hai là người thu thuế nhận biết mình là người không đạo đức (ông chân thành và không biện minh gì), ông là người có tội và xin Chúa tha cho các yếu kém của mình.  Chúng ta đều biết Chúa Giêsu đánh giá hai người này như thế nào.  Người biệt phái thật sự đã không cầu nguyện, còn người thu thuế thì cầu nguyện.  Hơn nữa, dụ ngôn làm nổi bật sự mù quáng bên trong của người người biệt phái, một thứ không thể nào không thấy.  Tất cả những ai đọc câu chuyện này đều không thể không thấy sự thiếu khiêm tốn của ông.

Tuy nhiên, thách thức là xem phản ứng của chúng ta về câu chuyện này.  Ngay lập tức chúng ta thấy sự khác biệt giữa niềm tự hào rởm và tính khiêm nhường thật sự.  Và chúng ta thấy người này kiêu căng đến mức độ nào khi ông nói: “Xin tạ ơn Chúa vì con không như tên thu thuế kia!”  Nhưng, tôi nghĩ 98% trong chúng ta khi nghe câu chuyện này sẽ nghĩ, “tôi không như người biệt phái kia!”  Khi nghĩ như vậy, chúng ta đều giống ông!  Chính xác giống ông, chúng ta đầy tràn ý thức về đức hạnh, chính vì vậy, chúng ta bắt đầu phán xét người khác.  Lời cầu nguyện của chúng ta thường ngược với lời cầu nguyện của người thu thuế.  Chúng ta không cầu nguyện vì tội của mình mà là cầu nguyện: “Con cám ơn Chúa, con đã không mù quáng với bản thân và không phán xét như nhiều người khác!”  Thật khó để được như người thu thuế.  Đức hạnh và tính khiêm nhường của chúng ta luôn quay chung quanh chính mình và làm cho chúng ta tự hào và đi chỉ trích.

Câu trả lời ở đây là gì?  Làm sao chúng ta bứt được cái vòng luẩn quẩn này?  Ở đây chỉ có một cách duy nhất và người thu thuế đã chỉ cho chúng ta.  Như thế nào?  Ông thật sự cầu nguyện cho tội lỗi của mình.  Đó là người phạm tội và ông chân thành thú nhận.  Còn về phần chúng ta, chúng ta nói chúng ta là kẻ có tội nhưng chúng ta không thật sự nghĩ như vậy!  Chúng ta thừa nhận chúng ta có các thiếu sót và đôi khi chúng ta phạm tội, nhưng như người biệt phái, ngay lập tức chúng ta tạ ơn vì chúng ta không có các thiếu sót và tội lỗi như người khác.  Thường thường chúng ta nghĩ theo kiểu: “Chắc chắn rồi, mình cũng có các khiếm khuyết, nhưng ít nhất mình không ngốc và ích kỷ như bạn đồng nghiệp mình!”, “Với tất cả thiếu sót của tôi, tôi cám ơn Chúa, tôi đã không tự ái như ông chủ của tôi!”, “Có thể tôi không có nhiều đức tin nhưng ít nhất tôi không đạo đức giả như nhiều người trong nhà thờ!”, “Tôi có thể có nhiều lỗi, nhưng tôi không có các lỗi như anh Gioan!”  Niềm tự hào luôn luôn luẩn quẩn chung quanh hàng rào phòng thủ của chúng ta và chúng ta để lòng khiêm nhường đứng xa xa.

Nhưng có một trường hợp khác, có thể không giống như vậy, đó là khi chúng ta thực sự nhận biết tội của mình.  Khi chúng ta ý thức được tình trạng tội lỗi của mình, như người thu thuế, chúng ta sẽ không phán xét ai, ngay cả chính mình.  Là linh mục công giáo đã nghe xưng tội trong vòng 47 năm, tôi không ngần ngại nói, những người tốt lành nhất là những người chân thành xưng các thiếu sót của mình . Khi chúng ta thật sự biết tội của mình, chúng ta không phán xét ai.  Trong tinh thần này, chúng ta không bao giờ nghĩ: “Tạ ơn Chúa, con đã không phạm tội của anh Gioan!”  Chúng ta biết bản thân mình là đủ.  Vì thế lời cầu nguyện phải chân thành và theo Chúa Giêsu, thì lời cầu nguyện chân thành sẽ được trên trời nghe thấy.

Và chúng ta phải nhận biết sự tồn tại của tội lỗi của chúng ta và chịu đựng nó.  Các thiếu sót khác, các bất toàn bẩm sinh và cá nhân có thể giúp chúng ta trở nên khiêm tốn, nhưng vì chúng ta không chịu trách nhiệm về mặt cá nhân hay đạo đức, nhận biết các thiếu sót này không phải như nhận biết tội lỗi của mình.  Chúng ta không có trách nhiệm về ADN thể lý hay tâm lý của mình.  Chúng ta không chịu trách nhiệm về sắc dân hay màu da của mình.  Chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về thành phần gia đình, về khu phố, về văn hóa mà chúng ta được nuôi dạy.  Và chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở công viên hay ở sân chơi khi chúng ta còn nhỏ.  Dù vậy tất cả những điều này có một tác động sâu đậm trên các thiếu sót cũng như trên sức mạnh của chúng ta.  Nhưng vì chúng ta không có trách nhiệm nên chúng ta không cần phải khiêm tốn về những chuyện này.

Nhưng chúng ta phải khiêm tốn về các tội lỗi của chính mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutrim

Tô Lâm ‘đảo chính mềm’ thành công, thời đại ‘công an trị’ bắt đầu!

Ba’o Nguoi-Viet

July 19, 2024

Viết Dũng/SGN

Báo chí tại Việt Nam chiều ngày 19 Tháng Bảy đồng loạt đăng tải thông tin giống nhau về việc “Do phải ưu tiên dành thời gian để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung điều trị, trước mắt Bộ Chính trị phân công Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì công việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.”

Tin này được loan trước khi tin ông Nguyễn Phú Trọng từ trần được công bố.

Như vậy, tính đến hôm nay, Tô Lâm đã nắm trọn quyền hành cả trực tiếp lẫn gián tiếp về mặt đảng (chủ trì mọi công việc quan trọng), về mặt người đứng đầu của đất nước theo Hiến pháp (chức vụ chủ tịch nước), và về mặt “thanh gươm và lá chắn” (khi cất nhắc thành công ông Lương Tam Quang lên vị trí Bộ trưởng Công an trước đó).

Ván bài ‘không thể lặp lại’ của Tổng Trọng

Theo một nguồn tin nội bộ trước, do yếu thế hơn phe cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng, là Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam thời đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã liên kết với ông Trần Đại Quang, với giao ước ngầm là nếu thành công, thì ông Trọng sẽ giữ ghế Tổng bí thư nửa đầu nhiệm kỳ, còn ông Quang sẽ làm người đứng đầu nhà nước một cách hình thức (tức chức vụ Chủ tịch nước) nửa đầu nhiệm kỳ. Sau đó sẽ có màn đổi vai, ông Quang sẽ làm Tổng bí thư, còn ông Trọng sẽ giữ cương vị Chủ tịch nước.

Với những ai quen thuộc với nền chính trị Việt Nam, đều biết rằng trong các chức vị chủ chốt của Bộ Chính trị Cộng sản, thì chức vị Chủ tịch nước chỉ là một chức vụ “hữu danh vô thực”, là đại diện cho đất nước về mặt hình thức nhưng có ít quyền lực thực tế. Có lẽ chính bởi vậy mà sau khi đã “say mùi” quyền lực, ông Trọng không muốn nhả ghế cho ông Quang.

Chuyện gì đến đã phải đến, ông Quang đã bị thông báo là đã qua đời vào ngày 21 tháng Chín năm 2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với một mô-típ quen thuộc: “Mắc bệnh hiểm nghèo, đã được các giáo sư bác sĩ trong và ngoài nước cứu chữa, lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhưng không qua khỏi.” Trong khi chỉ trước đó mấy ngày, ông còn tham gia một loạt các hoạt động như tham gia một cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 19 Tháng Chín, tiếp Tổng thống Indonesia thăm Việt Nam ngày 11 Tháng Chín, đánh trống khai giảng năm học mới 2018-2019… và không có biểu hiện gì của bệnh tật.

Sau khi hạ được đối thủ chính trị, ông Trọng đã có thời gian học tập theo ông Tập Cận Bình, khi cùng lúc nắm giữ 2 chức vụ: Chủ tịch nước (để có quyền hành về mặt hình thức trong các nghi lễ tiếp đón cấp Quốc gia), và tổng bí thư đảng CSVN (để nắm quyền lực thực tế). Nhưng có lẽ sau khi cầm song quyền gần ba năm, ông Trọng cũng tự nhận thấy rằng chức vụ Chủ tịch nước ‘hữu danh vô thực’ đã làm ông mệt mỏi với lịch tiếp đón và làm việc dày đặc, trong khi sức khỏe ông ta lại không thể so sánh với người mà ông ta học theo trẻ hơn ông nhiều lần – Tập Cận Bình, nên ông đã nhả bỏ vị trí trên.

Kể từ đó, chức vụ về Chủ tịch nước đã nhiều lần đổi chủ, và mỗi khi có gì liên quan đến “trách nhiệm người đứng đầu”, lại là nơi bị ông Trọng nhắc đến đầu tiên, thay vì chính bản thân ông ta. Bởi nếu suy luận theo logic thông thường thì Hiến pháp VN ghi đảng cộng sản lãnh đạo, vậy người phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu phải là bản thân ông ta mới đúng. Ông Nguyễn Xuân Phúc và sau đó là ông Võ Văn Thưởng đã phải từ chức trong những trường hợp như vậy

Nhưng việc cất nhắc ông Tô Lâm vào vị trí chủ tịch nước lại hoàn toàn không giống với hai trường hợp trên. Khi diễn ra đấu đá nội bộ, thật hoàn hảo hếu nhấc được đối thủ chính trị vào vị trí “hữu danh vô thực” đó. Bởi vậy, sau khi đẩy được Tô Lâm vào vị trí trên, đồng thời tước bỏ chức vụ Bộ trưởng Công an của ông Lâm, ông Trọng có thể đã nghĩ rằng mình thắng.

Tuy nhiên những gì Tô Lâm đã làm cho thấy ông ta là người quyết đoán, có những hành động táo bạo và quyết liệt, khiến cho chiêu bài quen thuộc của ông Trọng không thể được đem ra tái sử dụng.

Thể chế công an toàn trị – Gorbachov phiên bản Việt Nam – hay sự khởi đầu của ‘ngàn năm tăm tối’?

Sau khi bị tước bỏ chức vụ bộ trưởng Công An, ông Tô Lâm đã có bước đi táo bạo không ngờ: Triệu tập các Giám đốc Công an của 63 tỉnh thành cả nước về Hà Nội vào sáng 28 tháng Năm tại Hà Nội dưới vỏ bọc “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”. Tại đây, ông Lương Tam Quang, một người thân cận với ông Lâm, đã được hội nghị bầu vào nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Công An, đặt sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN vào cái thế ‘sự đã rồi’, khi lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, người nắm giữ chức vụ này không phải là Ủy viên Bộ Chính trị mà chỉ là Ủy viên Trung ương đảng. Không còn cách nào khác, chỉ một tuần sau đó, Quốc hội VN đã phải phê chuẩn chức danh này, đánh dấu cột mốc thế cờ lật ngược ngoạn mục của Tô Lâm.

Sau khi loại bỏ thành công ông Phan Đình Trạc và nhấc được người thân cận của mình vào vị trí Bộ trưởng Công an, ông Lâm đã có động thái vỗ mặt với ông Trọng và phe cánh của ông: Bắt nhà báo Trương Huy San (còn được biết đến với tên gọi Osin Huy Đức). Huy Đức tuy không có vai trò gì to lớn trong Đảng cộng sản VN, nhưng nhiều người biết ông là người một mực trung thành với TBT Nguyễn Phú Trọng. Bằng việc bắt Huy Đức, Tô Lâm đã phát ra 1 thông điệp mạnh để dằn mặt phe đối lập trong cuộc thanh trừng nội bộ. Vậy là những gì mà ông Huy Đức đã từng viết, “(…) bộ chính trị trở thành con tin của công an”, đã trở nên hiện hữu rõ ràng trong chính trường VN hiện nay.

Đứng trước tin ông Lâm thâu tóm mọi quyền hành, giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam cũng có một số chiều hướng nhận định khác nhau. Một số người lạc quan cho rằng ông Tô Lâm lên sẽ là một “Gorbachov của Việt Nam.” Nhưng đại đa số đều cho rằng dưới thể chế độc tài toàn trị từ trước đến nay, thì ông nào lên cầm quyền lực cũng vậy thôi. Thậm chí sẽ tối màu hơn cho tình hình nhân quyền Việt Nam, khi mà một đại tướng công an khét tiếng với ‘bề dày thành tích’ đàn áp các hoạt động nhân quyền của Việt Nam lên cầm quyền.

Bức tranh đó còn ảm đạm hơn, khi mà vừa rồi, một loạt các quyền hành của Chính phủ vừa được chuyển giao cho ông Bộ trưởng Công an. Theo phân tích của Luật sư Đặng Đình Mạnh, thì sau Quyết định số 613/QĐ-TTg của ông Phạm Minh Chính, bộ trưởng Công An từ nay còn có các quyền lực của các ông Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ trưởng Bộ Khoa Học, Bộ trưởng Bộ Công Nghệ và Môi Trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương và còn kiêm luôn cả quyền lực của Thanh Tra Chính Phủ!

Điều này dường như là để bảo đảm không một dự án kinh tế nước ngoài nào có thể “cài cắm” các điều khoản nhân quyền khi đầu tư vào Việt Nam, làm ‘rắc rối’ thêm và ‘gây đau đầu’ cho cơ quan quyền lực lớn nhất Việt Nam hiện nay: Bộ Công An.

Do vậy, dựa đoán bức tranh về nhân quyền Việt Nam trong vòng ít nhất 5 năm tới sẽ khá ảm đạm.


 

Lãnh tụ Việt Nam qua đời-Tác giả: David Brown

Ba’o Tieng Dan

19/07/2024

Asia Sentinel

Tác giả: David Brown

Song phan, dịch

Kết thúc cuộc thập tự chinh cải cách?

Như Asia Sentinel đã đưa tin trước đó hôm nay, ngày 18 tháng 7, một thông cáo công bố ngày 18 tháng 7 gợi ý khá mạnh rằng nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, đang hấp hối. Kể từ đó có tin ông Trọng, người giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011, đã qua đời.

Sau khi lật đổ một kẻ thách thức vào đêm trước đại hội đảng năm 2016 và bất chấp việc bị đột quỵ vào giữa năm 2019, Trọng đã thực thi quyền lực không bị đối chọi cho đến những tháng gần đây.

Câu chuyện ban đầu của chúng tôi bắt đầu ở đây. Mùa xuân này, có thông tin cho rằng Trọng đang điều trị trong phòng ICU (chăm sóc đặc biệt) của Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội và qua đêm ở đó “phòng khi” cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Ông đã bỏ qua, không gặp một số nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm vào đầu năm nay và vào năm 2023 đã hủy chuyến thăm Hoa Kỳ theo kế hoạch. Ảnh của ông Trọng và Vladimir Putin chụp ngày 20/6 trong chuyến thăm ngắn ngủi của Putin cho thấy ông ngồi sụp xuống ghế; không ngạc nhiên khi bức ảnh này của Sputnik News không được truyền thông Việt Nam đăng lại.

Thông cáo do các cơ quan cao nhất của đảng đưa ra là chưa từng có. “Để đồng chí Tổng Bí thư tập trung điều trị tích cực và để bảo đảm công tác điều hành chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, trước mắt Bộ Chính trị phân công đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Báo chí Việt Nam (dĩ nhiên) đưa tin rằng khi nhận nhiệm vụ này, ông Tô Lâm bày tỏ sự quyết tâm vững chắc, tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng và “hành vi tiêu cực” của đảng viên.

Nhiệm kỳ tổng bí thư lâu dài của Trọng đã được đánh dấu bằng một chiến dịch không mệt mỏi nhằm thanh lọc những kẻ chệch hướng, ra khỏi đảng cầm quyền (duy nhất) của Việt Nam. Ông được mọi người thừa nhận là một người liêm chính không tì vết. Như Asia Sentinel đã tường thuật vào năm 2022, “Trọng là người thực sự ấn tượng, một nhà lãnh đạo lâu năm không có dấu vết về tầm vóc lớn. Dáng vẻ kiểu già cả và lối sống khiêm tốn của ông dễ ngộ nhận; ông rất sắt đá. Trong một thập kỷ, ông không hề tỏ ra thương xót khi các đối thủ nặng ký của đảng, thậm chí cả đồng chí lâu năm, bị phát hiện đã đổi chác ân sủng lấy tiền hoặc – có lẽ tệ hơn – bị phát hiện đang ấp ủ những nghi ngờ về học thuyết Marxist-Leninist”.

Trong câu chuyện đó, chúng tôi nhận xét rằng “Trong thời đại đầy hoài nghi, [Trọng] là một người có lòng tin thật sự, chưa bao giờ dao động trong niềm tin của mình rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội – kiểu Lenin, trong đó một đảng tiên phong ‘hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân’ mới có thể đưa Việt Nam tới ‘một kiểu xã hội mới có chất lượng’… có thể khai thác một cách tích cực sự sáng tạo, sự ủng hộ và sự tham gia tích cực của người dân”.

“Trọng đã kết luận… rằng Đảng cũng phải chứng minh tính chính đáng về mặt đạo đức của mình bằng cách loại bỏ những kẻ trục lợi và tụt hậu. Trọng nói với Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10 năm 2016: “Một số lượng lớn cán bộ đã xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, và lối sống”. Những cán bộ này còn đi xa hơn tới mức “đòi ‘đa nguyên’, kêu gọi ‘phân quyền’ và [ca ngợi] ‘xã hội dân sự’. … ​​Họ lợi dụng truyền thông và mạng xã hội để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Sáu năm sau, theo thống kê của Tổng Bí thư, gần 17.000 vụ tham nhũng hoặc lạm dụng chức vụ đã bị truy tố, [và] 175.000 đảng viên bị kỷ luật hoặc trừng phạt. Suy ngẫm từ sự kiện hai Phó thủ tướng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị bãi chức vào đầu năm 2023, chúng tôi suy đoán rằng, Trọng đã cảm thấy mình không còn nhiều thời gian.

Bây giờ rõ ràng là khi Trọng bị chậm đi vì bệnh nặng, Tô Lâm, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công an, đã nắm lấy cơ hội để gạt sang một bên những ai có ý muốn kế nhiệm Trọng làm lãnh đạo đảng. Từng người một, ông liên kết những ứng viên tiềm năng cho vị trí này với những vụ bê bối kéo dài cả thập kỷ hay lâu hơn. Bị vấy bẩn bởi những bằng chứng do các điều tra viên cảnh sát đưa ra, Võ Văn Thưởng, người kế nhiệm của Phúc trong vị trí Chủ tịch nước (và được cho là người kế nhiệm ưa chuộng của Trọng), và sau đó là người đứng đầu Quốc hội sáng giá, Vương Đình Huệ, đã làm đơn xin từ bỏ hết các chức vụ nhà nước và đảng và “được cho nghỉ hưu”. Những người khác theo sau. Giờ đây chỉ còn một trở ngại duy nhất cản trở Bộ trưởng Lâm thăng tiến lên chức vụ cao nhất của đảng: Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cả Lâm và Chính đều đã có thời gian làm việc đáng kể trong Bộ Công an, nhưng điều đó không khiến họ trở thành đồng minh. Chính rời Bộ Công an vào năm 2011 để đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh rồi giữ chức vụ chủ chốt trong Ban Bí thư trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 5 năm 2021. Trong khi đó, Lâm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an từ năm 2010 đến năm 2016, và sau đó giữ chức Bộ trưởng cho đến khi được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 5 năm 2024. Rõ ràng, Lâm đã có cơ hội tuyệt vời để xây dựng lại Bộ Công An – đặc biệt là bộ phận thu thập thông tin tình báo – ngay từ đầu, và được cho là đã làm chính điều đó.

Đối với Nguyễn Phú Trọng, việc canh giờ chết đã bắt đầu. Bản tin nói về việc Trọng được miễn công việc thường lệ để tập trung hồi phục sức khỏe cũng cho biết Trọng đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Giải thưởng cao nhất của Việt Nam thường được trao sau khi đã mất.

Tác giả: David Brown là cựu quan chức ngoại giao Mỹ, có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề ở Việt Nam


 

 Di sản nổi bật của Nguyễn Phú Trọng

 Ba’o Tieng Dan

Mai Cuốc Xẻng

19-7-2024

LGT: Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, ngoài di sản mà các nhà báo, nhà bình luận chính trị, hoặc các blogger trong nước nêu ra (nhưng có lẽ họ không dám nói hết), sau đây là các di sản của ông Trọng mà một “còm sĩ” trên Tiếng Dân nói tới:

***

– Định làm Khổng Tử ở đời này xứ Chiều Nay với các chương trình cải cách giáo dục, thay đổi sách giáo khoa như liên xoành xoạch. “San định kinh sách” với “đỉnh cao” là Cánh Diều.

– Kiên định “ta là giỏi nhất”, với liên minh chính trị phái Nghệ Tĩnh làm lực lượng nòng cốt, mưu tiêu diệt các phe cánh khác. Hậu quả là việc lũng đoạn chính trị của Hồ Mẫu Ngoạt, lũng đoạn kinh tế của Nguyễn Sinh Hùng, Vương Đình Huệ …

– Trọng dụng, nghe lời đám đầu trọc, dẫn tới sự rối loạn chưa từng có của Phật giáo trong “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”.

– Tự cho bản thân là “nhà tư tưởng” với những câu nói ngớ ngẩn như “Phật cũng ăn hối lộ”, “nay đã trở nên Người Anh Cả”. Vì là Người Anh Cả nên khinh thường cả vua Hùng, không làm chủ lễ giỗ Tổ 10-3 âm năm 2019, cho đàn bà làm chủ lễ, không khác gì Gia Cát gửi quần áo đàn bà cho Tư Mã. Không biết sao, lại ngã lăn ra ở Kiên Giang đúng hôm ấy.

– Sát nhất miêu cứu vạn thử. Giết cả đàn Mèo mà Chuột ngày càng to.

– Vì lợi ích bản thân và phe cánh, dùng mọi thủ đoạn để đưa Lê Đình Kình, một đảng viên trung kiên thời cải cách ruộng đất, vào bẫy. Cuối cùng là giết chết, phanh thây.

– Không có tài dùng người, chọn người, ưa xu nịnh, nên mới có tình huống khủng hoảng “cán bộ” như bây giờ.

Hiện, gia quyến đang mưu “hối lộ Phật” cầu “giải thoát” …

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tin Tức/ Tiếng Dân edit

***

DânGian: Kính tặng cụ và những đồng chí của cụ còn vô minh trong cõi hồng trần

(Nhạy theo bài SÁM HỒNG TRẦN của Phật giáo, mấy ông sư hay đọc trong ngày cúng “làm tuần” của người chết)

Trụ đồng, một trận lung lay
Hôm qua mới đó bữa nay đâu rồi
Khi nào đứng đứng ngồi ngồi
Bây giờ thiêm thiếp như chồi cây khô
Khi nào tuyên bố hàm hồ
Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài
Khi nào diệu võ vươn oai
Bây giờ gởi xác ra ngoài gò hoang
Khi nào long thể ngọc vàng
Bây giờ một nắm xương tàn lạnh tanh
Khi nào liệt liệt oanh oanh
Bây giờ hai thước tan tành gió mưa
Khi nào mồm mép dối lừa
Bây giờ mây rước trăng đưa mơ màng
Khi nào ngồi giữa luận bàn
Bây giờ thân thích họ hàng cách xa

Khi nào nghĩ mãi chẳng ra
XHCN hẳn là lông bông
Khi nào ảo tưởng viễn vông
Dẫu trăm năm nữa không thấy gì (?!)
Khi nào còn lắm sân si
Tham lam tàn ác cũng đi xuống mồ
Khi nào xu nịnh tung hô
Bây giờ cái lũ bưng bô cút rồi
Cuộc cờ đến lúc tàn thôi
Cái quan định luận, mặc đời khen chê.