Đạo bất khả tu du ly dã.

        Đạo bất  khả tu du ly dã.                                                                                                                         (Không thể rời xa Đạo dù chỉ trong tích tắc.)                                                                                                            Trung Dung 

Đây là chuyện tôi nghe: 

Có thầy nọ sống đời tu hành rất mực thánh thiện. Không kể những lúc bắt buộc phải nhín chút thời gian dành cho các sinh hoạt cần thiết của đời thường, thầy luôn cố gắng thu xếp tối đa thời gian trong ngày để cầu nguyện, tụng kinh, ngồi thiền, v.v… Đầu óc thầy hầu như không còn chỗ nào trống trải cho các tà niệm sái quấy có thể thừa cơ len lỏi vào. Sau nhiều năm dài tu hành tinh nghiêm, cẩn mật như thế, thầy thấy mãn nguyện trước sự tiến bộ tâm linh. 

Thế rồi khuya hôm nọ, sau khi xong cữ thiền giờ Tý, thầy đi ngủ và mơ thấy mình dự một buổi tiệc lớn gồm toàn những bậc đạo cao đức trọng. Trong lúc chủ tiệc chưa ra tiếp khách, mọi người lần lượt được rước tới bàn ăn rất to và dài. Ai cũng có chỗ ngồi trang trọng theo đúng thứ bậc vì chủ tiệc đã gắn sẵn trên mặt bàn những tấm thẻ nhỏ ghi họ tên từng thực khách. Thầy thấy mình được vinh dự xếp ngồi gần chủ tiệc, nhưng ở vị trí thứ nhì. Vị trí thứ nhất dành cho người bán tạp hóa ở khu phố không xa nơi thầy cư trú. 

Sáng hôm sau, thầy tìm tới tiệm tạp hóa, lựa một góc và nhẫn nại đứng quan sát rất lâu. Tiệm không lớn lắm nhưng lúc nào cũng có khách hàng vào ra nườm nượp. Chủ tiệm chẳng hở tay bán hàng, thu tiền, thối tiền… vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười, nói năng hòa nhã… Tuyệt nhiên không thấy chủ tiệm có cử chỉ, động tác đặc biệt gì tỏ ra ông đang tĩnh tâm hay cầu nguyện. 

Nhân một lúc ngớt khách, thầy bước tới chào chủ tiệm và kể lại giấc mơ kỳ lạ. Chủ tiệm ôn tồn nói: “Tôi cần chiết dầu ăn từ cái thùng hai mươi lít ra hai mươi cái chai xếp sẵn ở góc kia. Xin thầy giúp một tay. Đừng để chai nào đầy quá hay vơi quá. Đừng làm sánh dầu ra ngoài chai nhớp nháp. Lát nữa sẽ tiếp tục câu chuyện của thầy.” 

Thầy chiết dầu vừa xong thì đúng lúc chủ tiệm được ngơi tay bán hàng. Ông ta bước tới hỏi: “Nãy giờ cắm cúi lo chiết dầu ra chai, trong đầu thầy có giây phút nào nhớ nghĩ tới Trời tới Phật không?”

Thầy bẽn lẽn: “Tôi làm không quen, ráng tập trung rót dầu vào từng chai theo đúng yêu cầu của ông, mệt toát mồ hôi. Do đó chẳng được phút giây nào rảnh trí mà nhớ nghĩ tới Phật Trời!”

Chủ tiệm cười hiền: “Nếu thầy bận bịu buôn bán như tôi cả ngày, lu bu quanh năm suốt tháng, thì tâm thầy ắt xa Trời xa Phật mịt mù luôn! Tôi không có phước lớn để được rảnh rang chuyên lo tu hành như thầy. Tôi chỉ ráng tập thành thói quen cho tâm tôi lúc nào cũng nhớ Trời nhớ Phật. Khi bán hàng cho khách tôi nguyện không để ai phải phiền lòng vì bị cân non đong thiếu. Khi chiều chuộng khách hàng tôi nguyện không để ai mích lòng vì thấy tôi thiên vị. Gặp khách hàng xấu tính, tôi nói cười nhã nhặn, thầm nhắc nhở: Thánh Thần giả dạng thường dân tới thử thách mình đây. Tôi tu như vậy đó, thưa thầy.

Huệ Khải

 

Trỗi dậy từ cõi chết

Lễ Phục sinh 2012                                                                                          +TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt

Cv 10, 34a.37-43; Col 3, 1-4; Ga 20, 1-9

Chúa Giêsu đã sống lại. Sống lại lúc nào và thế nào thì không ai được chứng kiến. Tuy nhiên chắc chắn Chúa đã sống lại vì các tông đồ đã được gặp Chúa Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ đó làm thay đổi cuộc đời và con người của các ngài.

Ta thấy sự thay đổi cụ thể của thánh Phêrô trong Bài trích sách Công vụ Tông đồ hôm nay. Trước cuộc Khổ Nạn của Chúa, Ngài nhút nhát chối Thầy, nay Ngài mạnh mẽ, hùng hồn rao giảng Chúa Kitô Phục Sinh cho đông đảo quần chúng, kể cả nơi công đường trước mặt các vị chức sắc cao cấp. Trước đây Ngài không hiểu Lời Chúa, nay Ngài thông suốt Sách Thánh và minh chứng rằng “Tất cả các tiên tri đều làm chứng về Người”. Có sự thay đổi đó vì Ngài đã được gặp gỡ Chúa Phục Sinh như lời Ngài xác quyết: “Còn chúng tôi đây xin làm chứngNgày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tưởng”.

Sáng sớm ngày thứ nhất, mọi người đổ xô ra mộ và đã không thấy gì trừ ngôi mộ trống. Hòn đá bật tung, khăn liệm xếp gọn gàng, còn Người thì họ không thấy. Tất cả không phải là những bằng chứng thuyết phục. Chỉ sau khi gặp Chúa Phục Sinh, các môn đệ mới thật sự tin tưởng và hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Phục Sinh. Niềm tin và hiểu biết đó có những bước tiệm tiến.

Thoạt tiên khi gặp Chúa Phục Sinh, các tông đồ tưởng là thấy ma. Trong đời sống bình thường, thấy người chết là thấy hồn ma của họ.  Hồn ma thuộc về thế giới kẻ chết. Nhưng Chúa Phục Sinh không phải là hồn ma. Người cho các ông xem chân tay. Ma đâu có da thịt thế này. Người ăn uống với các ông. Ma đâu có ăn uống thế này(x. Lc 24, 36-43). Rõ ràng Chúa Phục sinh đang sống. Và Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống nên Người ở trong thế giới kẻ sống.

Không phải hồn ma, Chúa Phục Sinh cũng không phải con người cũ, trở về sự sống cũ trong thân xác cũ. Chúa Phục Sinh không giống như đứa con trai bà góa thành Naim, hay như Lazaro Chúa cho chết bốn ngày sống lại. Sống lại như thế là trở lại thân xác cũ, để rồi một ngày kia cũng phải chết như mọi người khác. Chúa Phục Sinh có một thân xác khác. Tuy vẫn còn mang những vết thương nhưng đó là thân xác hiển vinh. Có thể đi qua những cánh cửa đóng kín. Có thể cùng lúc hiện diện ở nhiều nơi khác nhau. Có thân xác nhưng không còn là thân xác cũ nên các môn đệ không nhận ra Người nếu Người không cho họ biết. Như Bà Madalena(x. Ga 20, 11-18). Như hai môn đệ trên đường đi Emmaus(x. Lc 24, 13-33). Như các môn đệ đánh cá tại Biển Hồ(x. Ga 21, 1-8). Sự sống sau phục sinh của Chúa có gì rất mới, rất lạ. Đó là sự sống trong Thiên Chúa, đồng hiện hữu với Thiên Chúa.

Tuy đồng hiện hữu với Thiên Chúa, Chúa Kitô Phục Sinh không phải là Thiên Chúa xa cách. Gặp gỡ Chúa vẫn là gặp gỡ sống động với một nhân vật cụ thể, chứ không phải chỉ là một cảm nghiệm thần bí. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng các cuộc gặp gỡ thật sống động và cảm động khi Chúa cho ông Tôma đụng tay vào các vết thương(x. Ga 20, 24-29). Khi Chúa nướng cá và cùng ngồi ăn với các môn đệ(x. Ga 21, 9-14). Khi Chúa giải nghĩa Kinh Thánh cho các môn đệ trên đường Emmaus(x. Lc 24, 13-33). Khi Chúa hỏi Phêrô về tình yêu mến và trao quyền cho ông bên bờ hồ Galilê(x. Ga 21, 15-19). Đức Thánh Cha Bênêđíchtô, trong tác phẩm “Chúa Giêsu thành Nagiaret tập 2 đã ghi nhận điều đó nơi thánh Phaolo: “Thánh Phaolo phân biệt rõ ràng giữa những kinh nghiệm thần bí – tỉ như được nâng cao lên tầng trời thứ ba như được diễn tả trong 2 Cor 12, 1-4 – với cuộc gặp gỡ của ngài với Đấng Phục Sinh trên đường Đamas, đó là một sự kiện trong lịch sử, một cuộc gặp gỡ với một nhân vật sống động” (Joseph Ratzinger, Chúa Giêsu thành Nagiaret tập 2, bản dịch Nguyễn văn Trinh, nxb Tôn giáo, 2011, tr. 328).

Chính những cuộc gặp gỡ sống động này đã biến đổi các tông đồ. Mở ra cho các ngài một chân trời mới lạ chưa từng có. Một cảm nghiệm thực đến từng chân tơ kẽ tóc đó là Chúa Phục Sinh vượt lên trên tất cả. Vượt qua mọi không gian và thời gian. Chẳng  có gì giam hãm được Người. Người vượt qua thế giới hữu hạn để bước vào thế giới vô biên, trong bầu trời tự do vô hạn. Tự do đối với quyền lực phàm trần. Với Chúa Phục Sinh các môn đệ xác tín rằng cái ác không thể có tiếng nói cuối cùng. Công lý của Chúa cao vượt trời xanh. Chúa Phục Sinh vượt lên trên trần gian tầm thường, nhỏ nhen, ti tiện. Người đã mở ra chân trời cao thượng, tha thứ tất cả, chấp nhận tất cả, yêu thương tất cả. Và nhất là Chúa Phục Sinh mở ra chiều kích mới cho hiện sinh con người để con người không còn tuyệt vọng vì những giới hạn và tính chất bọt bèo của thân phận, nhưng tràn đầy hi vọng vì con người có thể triển nở đến vô biên và đạt đến tầm vóc viên mãn trong Thiên Chúa. Từ cõi chết, Chúa Phục Sinh làm một bước nhẩy vọt, vươn đến một cuộc sống mới với những phẩm chất cao vượt. Mở ra cho con người một tương lai tràn đầy niềm tin yêu và hi vọng. Đó là một tin vui mừng lớn lao. Đó là lẽ sống của nhân loại.

Xác tín vì gặp Chúa Phục Sinh sống động. Choáng ngợp vì chân trời mới lạ do Chúa Phục Sinh mở ra, các tông đồ phấn khởi, mạnh dạn ra đi loan tin vui mừng cho mọi tạo vật, bất chấp mọi khó khăn, gian lao, thử thách, kể cả tù đầy, khổ hình và tử hình.

Chúa nhật Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Áo Trắng. Vì đây là ngày dành riêng cho người Tân Tòng. Người Tân Tòng vừa được chịu bí tích Thánh Tẩy, mặc áo trắng tượng trưng cho linh hồn rất tinh tuyền đã được rửa sạch trong máu Chúa Kitô. Linh hồn người tân tòng vừa cùng Chúa Kitô chết đi cho con người cũ và cùng Chúa Kitô Phục Sinh sống lại cho con người mới. Con người trong sạch. Con người vượt trên sự sống trần gian. Con người mới thuộc thượng giới. Con người trở thành con Thiên Chúa.  Xin chúc mừng chị Maria Giang đã được sống  lại với Chúa Kitô trong đời sống mới. Và xin mượn lời của thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Côlose trong bài Sách Thánh thứ 2 gửi đến chị: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Đó chính là ý nghĩa của tất cả đời sống người tín hữu.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.

+TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt

Lại một chuyến về thăm quê nhà

LẠI MỘT CHUYẾN VỀ THĂM QUÊ NHÀ

                                                                            tác giả: Phùng văn Phụng

Tôi quyết định vượt nửa vòng trái đất về thăm má tôi vì má tôi tuổi hạc đã quá cao. Năm nay đã được 69 tuổi rồi.Tháng 12 năm tới, năm 2012, má tôi được tròn 100 tuổi. Tôi cũng muốn thăm lại các người thân, bà con hai bên, thăm lại bạn bè cũ và nhân tiện gặp gỡ lại các bạn đồng nghiệp cũ cũng như các em cựu học sinh trường Lương văn Can. Tôi cũng muốn về thăm lại nhà tôi ở hồi còn nhỏ, chỗ tôi lần đầu tiên cắp sách đến trường, được mang tên trường tiểu học Rạch Núi.

Tôi về Việt nam vỏn vẹn có 5 tuần lễ. Sinh hoạt, ăn ngủ, sống ở trong căn nhà cũ .. khi tôi còn học lớp đệ nhất (lớp 12) trường Chu văn An hồi 1961. Cách nay đúng 50 năm, ở đây ba tôi dựng tạm một nhà lá để ba tôi và tôi cùng vài người tài xế xe lam ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Xung quanh nhà tôi ở chưa có ai cất căn nhà nào khác cả. Năm này má tôi vẫn còn sống dưới quê, bán tiệm tạp hóa nhỏ ở làng Đông Thạnh, Chợ núi.

Về Việt nam lần này, tôi đi hảng máy bay Singapore. Máy bay đi từ Houston sang Moscow (Nga) rồi từ Moscow đi Singapore và từ Singapore về Sài gòn. Thời gian đi từ Mỹ về Việt nam cũng như từ Việt nam sang Mỹ mất khoảng 26 tiếng ngồi trên máy bay, kể cả giờ chờ đợi để chuyển máy bay ở phi trường Singapore và phi trường Moscow mất thêm khoảng 6, 7 tiếng nữa. Hôm trở về Mỹ, 5 giờ chiều mới được vào để “check in”lấy vé lên máy bay, vậy mà đến 2 giờ trưa ngày hôm sau mới tới được phi trường “George Bush” ở Houston. Ngồi trên phi cơ gần hai đêm một ngày mới tới nơi. Nếu đi hảng khác như hảng “Continental” chẳng hạn, từ Houston vượt Thái Bình Dương sang Nhật, rồi về Sài gòn, thời gian sẽ ngắn hơn nhiều.
Sau khi rời phi trường Tân Sơn Nhất, vừa về đến nhà, tôi vội vàng gọi cho anh Hồ công Hưng báo tin tôi đã về tới Việt nam để hy vọng anh Hưng tổ chức buổi gặp gỡ các bạn đồng nghiệp cũ cũng như các em cựu học sinh trường Lương văn Can để cùng nhau tâm sự vui buồn với nhau.
Tháng 3 năm 2009, tôi có về dự cuộc họp mặt với các thầy cô cũ và các em cựu học sinh trường Lương văn Can, ra trường 1975 tại nhà hàng Đồng Diều ở quận 8. Tôi có gặp Huỳnh văn Cung. Chuyến về thăm nhà lần này (2011) tôi không còn gặp được Huỳnh văn Cung nữa. Khoảng năm 1985, sau khi Cung ra tù tôi có mời Cung đến nhà tôi ăn một bửa cháo. Tôi cũng ra tù trước Cung chừng hai năm. Về lần này, tôi cũng không còn gặp được bạn đồng nghiệp rất thân là Nguyễn Kim Hùng, cùng tốt nghiệp trường sư phạm, cùng đổi về dạy học tại Quận Đất Đỏ (Bà rịa) những năm 1964,1965. Sau này Hùng đổi về trường Nguyễn An Ninh, đã mất vì bịnh ung thư máu.

Đi thăm quê nội làng Tân Tập, quận Cần Giuộc Long An.

Tôi về Việt Nam lần này gặp mùa mưa bảo. Hai trận bảo liên tiếp theo nhau. Hết bảo số 5 thổi vào miền Trung kế tiếp là bảo số 6 thổi vào Hà nội, Hải phòng. Do đó miền Nam bị ảnh hưởng mưa nhiều.Tôi về thăm mộ ba tôi ở làng Tân tập, nằm sâu giữa ruộng, phải xắn quần lên tới đầu gối, lội dưới nước sình mới tới được khu đất chứa nhiều ngôi mộ có mộ ông bà, chú bác tôi … trong đó có mộ của ba tôi. Ba tôi được chôn cất ở đây từ năm 2005, hơn sáu năm rồi. Có tin đồn sẽ giải toả khu mồ mả này, sẽ phải bốc mộ dời di nơi khác. Nhà nước sẽ lập khu thương cảng, chừng nào lập, có lập cảng không, không ai biết. Ở vùng Tân Tập này người ta đã bỏ hoang ruộng đất rất nhiều. Đất xấu, năng xuất thấp, cỏ năng mọc đầy, giá nhân công cao nên họ bỏ ruộng hoang không trồng lúa. Một số bà con chuyển sang nghề nuôi tôm hy vọng còn lời chút đỉnh để sống. Đa số người dân vùng này lên Sài gòn làm công hay buôn bán lặt vặt để có tiền lo cái ăn, cái mặc và lo cho con cái học hành. Xe đò có thể chạy từ Chợ lớn xuống tới bờ sông Soi Rạp luôn. Kỳ trước (2009) đường đang làm, xe cộ chưa chạy được, tôi phải đi bộ từ ngả tư đến nhà tôi gần chợ Rạch Núi. Kỳ này xe đò 16 chỗ ngồi có thể chạy trên đường này và đậu trước nhà cũ của tôi. Nơi tôi đã sinh ra, đã lớn lên, đã học từ lớp một cho tới lớp 5. Thầy hai Lang, thầy ba Hương, ông đốc Kiệt v.v…đã dạy cho tôi biết đọc biết viết, dạy cho tôi có kiến thức, hiểu biết thông thường để ra đời làm ăn sinh sống và quý thầy cô cũng dạy cho tôi biết yêu mến cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc, yêu quê hương đất nước qua các bài giảng trong sách Quốc văn Giáo Khoa Thư. Ngày nay đọc lại sách này vẫn còn xúc động, tình nghĩa thầy trò, bạn hữu, xóm giềng thân thương quý mến v.v. Tôi nhìn lại căn nhà cũ tôi ở hồi nhỏ, nay thuộc về chủ mới, chị mười Não con cô Bảy tôi. Căn nhà này ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, không còn phảng phất chút gì của khung cảnh cũ mà tôi đã sống từ hồi tấm bé.

Đi thăm Nhà thờ Tắc Sậy và mộ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Tháng 03 năm 2005 tôi có viếng nhà thờ Tắc Sậy và thăm mộ Cha Trương Bửu Diệp để cầu nguyện, xin ơn. Lúc đó nhà thờ cũ chưa xây. Mộ Cha ở sâu phía trong bên trái nhà thờ Tắc Sậy. Năm nay nhà thờ mới đã xây xong. Mộ của Cha được dời ra phía trước, xây cất khang trang hơn. Khách hành hương viếng mộ Cha Phanxicô càng ngày càng đông hơn. Nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn phục vụ cho khách hành hương tươm tất sạch sẽ hơn nhiều so với năm 2005.
Cha Phanxicô sinh ngày 01-01-1897, thụ phong Linh mục năm 1924 tại Nam Vang. Tháng 03 năm 1930 là cha sở họ đạo Tắc Sậy. Năm 1945-1946 chiến tranh loạn lạc, bà con di tản, Cha bề trên địa phận kêu Ngài lánh mặt khi nào yên ổn lại trở về họ đạo, nhưng Ngài trả lời: “Con sống giữa đoàn chiên, nếu chết cũng chết giữa đoàn chiên”. Ngày 12 tháng 03 năm 1946, Ngài bị bắt cùng với trên 70 giáo dân thuộc họ đạo Tắc Sậy và cuối cùng Ngài đã hy sinh, chết thay cho những người giáo dân bị bắt chung.
Trong bản tóm lược tiểu sử của Cha có ghi :
Tận Hiến Cuộc Đời cho Thiên Chúa
Hy Sinh Kiếp Sống Giúp Con Người.

Ngày nào cũng có khách hành hương đến viếng nhà thờ Tắc Sậy và mộ Cha. Riêng ngày thứ bảy, chúa nhật càng đông khách hành hương. Đặc biệt, hằng năm vào những ngày 11 và 12 tháng ba dương lịch ngày Cha Trương Bửu Diệp qua đời là lúc nhiều người không kể lương giáo từ khắp nơi nô nức đến họ đạo Tắc Sậy, một họ đạo nhỏ nay thuộc giáo phận Cần Thơ, nằm trong địa bàn của xã Tân Phong, huyện Gia Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Người ta đến đây để cầu nguyện với Thiên Chúa thông qua Cha Trương Bửu Diệp xin các ơn cần thiết cho bản thân, cho gia đình, cho thân nhân như xin được khỏi bịnh ngặt nghèo, làm ăn được may mắn, trôi chảy, cầu nguyện cho con cái chịu khó học hành, con hư hỏng trở về đường ngay v.v…hay cầu nguyện cho nhiều nhu cầu về đời sống tâm linh khác nữa. Con người ngoài đời sống vật chất cơm ăn, áo mặc, nhà ở còn đời sống tinh thần, đời sống tâm linh như sự đau khổ, bịnh hoạn, tật nguyền, sự sống, sự chết… con người cần đến Đấng Tối Cao là Thiên Chúa, là ông Trời nâng đỡ, an ủi, che chở, cứu giúp cho. Và ở đây có rất nhiều tấm bảng cũng như ghế ngồi của khách hành hương dâng cúng để tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Cha Trương Bửu Diệp cầu thay nguyện giúp những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho bản thân và gia đình họ. 

                            Nhà thờ Tắc Sậy
Vài suy nghĩ thoáng qua?
* Nếu sống ở Mỹ, khi cảnh sát thấy trẻ em đi ngoài đường trong giờ học từ thứ hai đến thứ sáu, thì trẻ em đó sẽ bị bắt và gọi cha mẹ đến phạt sao không cho con em đến trường và bảo lảnh các em này về, vì ở Mỹ trẻ em đến tuổi đi học bắt buộc phải đến trường. Giáo dục ở bậc tiểu học và trung học hoàn toàn miễn phí. Miễn phí từ lớp một đến lớp mười hai. Phụ huynh học sinh không phải đóng bất cứ học phí nào. Nếu học sinh thật sự nghèo còn được cho ăn trưa miễn phí. Hàng ngày các em còn có xe “bus”đưa rước đến trường. Dầu nghèo, dầu giàu các em đều có cơ hội đồng đều đến trường để mở mang kiến thức. Con của nông dân hay ngư phủ đều có thể trở thành Bác sĩ, Luật sư hay bất cứ ngành nghề nào nếu các em có ý chí và chịu khó siêng năng học tập. Khi đến tuổi vào Đại học các em được vay tiền đóng học phí với lãi xuất nhẹ. Sau khi học thành tài, ra trường làm việc các em trả nợ sau. Ở Việt nam 12 năm đầu đóng nhiều thứ tiền quá nên có nhiều trẻ em phải bỏ học vì cha mẹ nghèo, thật là một thiệt thòi cho các em, từ đó nhân tài có thể bị mai một. Có một buổi sáng khoảng 10 giờ, tôi đã nhìn thấy một cháu khoảng 9,10 tuổi đi bán vé số, đáng lẽ giờ đó em phải đến trường học.
Buổi chiều, nhiều người đi bán vé số quá từ trẻ tuổi đến người lớn tuổi đều có. Đa số họ sinh quán từ miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi v.v… Ở Mỹ việc bán vé số dành cho các tiệm tạp hóa (grocery) bán bằng máy không cần người đi lang thang chào bán, cho nên đỡ rất nhiều nhân công.

* Sau 1975, vì không thể làm ăn sinh sống bình thường nên rất nhiều người phải bỏ đất nước Việt nam mà ra đi. Những kỹ nghệ gia, thương gia, bác sĩ, giáo sư những trí thức bị o ép, không được tự do làm việc, tự do phát triển khả năng nên họ tìm đất mới mà dung thân. Sự ra đi ồ ạt của giới trí thức, kỹ nghệ gia, thương gia, những người có tài, học vấn cao đã làm chảy máu chất xám. Các viên chức chế độ cũ bị tù đày (cải tạo) trên ba năm cũng đều được cho đi định cư tại nước ngoài. Đa số họ có trình độ văn hóa lớp 11 trở lên, đó là thành phần ưu tú của miền Nam Việt nam. Nếu ở đất nước cũ họ không được trọng dụng, là thành phần sống bên lề xã hội, nhưng qua đất nước khác, họ là thành phần đóng góp đáng kể vào xã hội mới. Con cái họ với “gene” di truyền của cha mẹ đã cố gắng học tập, chịu khó làm việc nên đã khá thành công trong xã hội mới. . Ngày nay những đứa con thuộc thành phần ưu tú đó đã tốt nghiệp ở các trường Đại học ở Mỹ, ở Âu Châu hay ở Úc. Hiện nay không khéo “cuộc di cư mới của những người con ưu tú” vẫn còn tiếp diễn, chảy máu chất xám vẫn chưa chấm dứt. Tất cả những học sinh giỏi sau lớp 12 hay sau bậc Cử nhân mà đi du học, nếu tốt nghiệp, nếu đậu Master hay PhD đều được các nước sở tại mời làm việc với lương bổng cao. Và dĩ nhiên, các sinh viên này sẽ ở lại nước mình đi du học thay vì trở về Việt nam làm việc. Muốn cho các em sau khi tốt nghiệp ở Đại học nước ngoài này trở về Việt nam làm việc, tài năng của các em phải được phát huy thực sự, các em phải được trọng dụng thực sự, lương trả cho các em phải tương xứng, lúc đó mới hy vọng lôi kéo được các em này trở về nước để phục vụ.Trước năm 1975, đa số các sinh viên đi du học đều trở về nước chứ ít khi họ chịu ở lại. Còn ngày nay đa số đều mong muốn ở lại nước sở tại sau khi tốt nghiệp hơn là trở về Việt nam mặc dầu đất nước Việt hơn 36 năm qua không có chiến tranh. Tại sao vậy?

* Trước cửa nhà tôi là chỗ sửa xe gắn máy và vá vỏ xe. Hai cháu nhỏ tuổi 9X đã văn tục, dùng ngôn từ đ.m. để tỏ thái độ giận dữ vì vỏ xe bị xẹp. Thế hệ trẻ tuổi của Sài gòn có thể phát ngôn thiếu văn hoá như thế sao? Tôi không thể tin rằng “văn hoá chửi thề” do miệng các cháu gái thế hệ 9X lại có thể xảy ra giữa Sài gòn được coi là “Hòn ngọc viễn đông” của Đông Nam Á này.

* Quán xá ăn uống quá nhộn nhịp nhất là về ban đêm. Chỗ nào cũng có thể bán quán nhậu được. Con đường Đào Cam Mộc, khoảng năm trăm mét đã mọc lên chừng 10 quán nhậu. Mà quán nhậu nào cũng đông khách. Có vẻ như dân Sài gòn ăn nhậu nhiều quá chăng?

* Một người cháu làm nghề điện lạnh đã đến một trường học để sửa chửa hệ thống máy lạnh của nhà trường. Anh ta than phiền là ông Hiệu trưởng đã đòi “lại quả” 10% số tiền mà anh đã nhận. Và anh Hiệu trưởng nói: “ anh đưa thẳng cho tôi không cần đưa bao thơ làm gì cả”. Và người cháu này đã nói một câu cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm: “Thầy giáo gì mà lại đòi hối lộ.”
Thầy giáo gì mà lại đòi hối lộ? Có nghĩa là anh ta vẫn rất quý mến nhà giáo, là những kỹ sư tâm hồn hiện nay, anh ta hoàn toàn tin tưởng người làm giáo dục thường rất đàng hoàng, không tham lam, “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, bởi vì thầy cô giáo không chỉ dạy dỗ cho các em nên người hữu dụng cho xã hội mai sau, nhưng nhà giáo còn phải là chứng nhân (làm guơng) cho các em học sinh mà còn làm gương tốt cho xã hội nữa. Cho nên nhiều người vẫn mong muốn: “Thời đại ngày nay không cần thầy dạy mà cần những chứng nhân”.

* Chạy vô đường ngược chiều được xem là bình thường. Khi gặp đèn đỏ xe vẫn chạy là bình thường vì nếu không chạy thì xe phía sau sẽ bóp còi. Xe gắn máy qua mặt rồi chận đầu xe đang chạy phía trước. Khi phải đậu lại vì đèn đỏ, nhiều xe chạy lấn tràn qua phía bên trái, chận đầu, cản trở xe ngược chiều không thể chạy lên được.v.v.. Ở Mỹ xe chạy theo “lane” của mình, muốn sang “lane” chớp đèn báo hiệu trước, rồi sang “lane”. Khi chạy xe ít dùng đến còi xe. Ở Việt nam đường hẹp, lưu lượng xe gắn máy quá nhiều, thường dùng còi xe inh ỏi, lúc nào cũng có vẻ bực mình, tôi có cảm tưởng như người Sài gòn muốn lao vùn vụt đi phía trước, để giải tỏa bớt sự nóng bức của thời tiết, bởi áp lực công việc, bởi nhiều thứ “stress” khác đè nặng lên tâm hồn con người Sài gòn ngày hôm nay.

Thăm Vĩnh hưng, Mộc hóa mùa nước nổi.

Lần đầu tiên thăm vùng nước nổi phải đi ghe máy để vào căn nhà của ông mười Mích, là thân hữu rất thân tình của anh Hưng. Căn nhà gạch lọt thỏm giữa vùng nước mênh mông ở Mộc Hóa gần biên giới Campuchia. Xung quanh toàn là nước phù sa màu gạch bùn. Chính phù sa này sau khi nước rút, đã giúp cho đồng bằng màu mở tốt tươi để bà con nông dân trồng lúa thu hoạch mùa màng năng xuất cao cũng như đem lại đủ loại cá tôm sau khi nước rút.
Xin xem “Về thăm lại Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” tác giả Hồ Công Hưng.

Buổi tiệc tại nhà hàng 241:

Một buổi tiệc do anh Hồ Công Hưng và một nhóm Cựu Học sinh trường Lương văn Can tổ chức tại nhà hàng 241 vào trưa ngày 09 tháng 10 năm 2011. Gặp lại Thầy Hiệu Trưởng Uông Đại Bằng, Cựu Nghị viên Dương văn Long đã hồi phục rất nhiều sau trận tai biến cách nay mấy năm. Gặp lại rất nhiều thầy cô cũ, thầy Trương sui gia với người anh bạn dì ruột, thầy Đinh Trọng Kỳ, thầy Truyền, thầy Trọng v.v…Gặp lại rất nhiều Cựu học sinh Lương van Can mà nay đã đến tuổi U60, đã có sui gia, đã làm ông bà nội, ông bà ngoại. Không khí ấm cúng, yêu thương, lưu luyến của tình đồng nghiệp, thầy trò ngày xưa. Những mẫu chuyện vui buồn hơn 36 năm về trước được kể lại, được nhắc nhở như gói ghém tình nghĩa yêu thương gắn bó với nhau dường như không muốn chấm dứt.

– Ngày 21.10.2011 –
Phùng văn Phụng

Sơ Theresa Cecilia Đỗ Thị Thanh Hương

SƠ THERESA CECILIA ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG

 Sáng thứ bảy, ngày 28 tháng 5 năm 2011, tôi đến nhà dòng Nữ Đa Minh Việt Nam số 5250  đường Gasmer để tham dự Thánh Lễ tiễn đưa Sơ Theresa Cecilia Đỗ Thị Thanh Hương  trở về nhà Cha khi mới tròn 36 tuổi (sinh ngày 20 tháng 04,1975 về với Chúa ngày 23 tháng 05,2011).

 Nhà nguyện chật ních người đến để cầu nguyện và tiễn đưa Sơ. Vì không đủ chỗ ngồi nên rất nhiều người phải đứng để dự lễ. Trên một ngàn năm trăm người tham dự Thánh lễ tiển đưa này.

 Sáng Chúa nhật 22-5 Sơ đi đến Giáo Xứ các Thánh tử Đạo Việt Nam để dạy Giáo Lý, giúp các em Thêm Sức. Sơ đã bị một em 19 tuổi, người Mễ, say rượu từ trong đường nhỏ vượt bảng “stop”, đụng phải Sơ. Vì bị thương tích quá nặng nên ngày hôm sau Sơ đã về với Chúa. Người bạn ngồi cạnh bên tôi đặt câu hỏi:

 ” Tại sao những người hiền lành, thánh thiện như Sơ lại ra đi sớm, trong khi có nhiều người rất ác, hung dữ, sống bê tha, luôn sống lường gạt người khác hay những người tham nhũng, hối lộ hoặc kẻ giết người không gớm tay, họ sống giàu có, sung sướng trên sự đau khổ của người khác mà lại sống lâu, 80, 90 tuổi mới chết.?” Những người đạo đức, hy sinh, đang dạy dỗ cho các em nên người, giúp cho sự thăng tiến xã hội tốt đẹp như Sơ Thanh Hương mà Chúa lại cất đi, còn bọn gian ác, Chúa lại để cho chúng nhởn nhơ sung sướng?

 Tối chúa nhật hôm sau, tôi lại đi tham dự buổi đọc kinh tại nhà quàn Thiện Tâm đường Bellaire cho cụ bà cố Agata Nguyễn thi Chi trong Giáo Xứ Ngôi Lời Nhập Thể có hai người con đi tu, một là Sơ đang phục vụ ở Congo, Phi châu và một người con trai đang là thầy sáu, hai tuần nữa sẽ chịu chức Linh mục.

 Cầm tập sách hướng dẫn cầu nguyện tôi đọc được ,trong bài đọc 1 đã trả lời câu hỏi trên của người bạn như sau:

 Sách Khôn Ngoan 4:câu 10: “Người công chính đẹp lòng Thiên Chúa,

nên được  Thiên Chúa yêu thương”

câu 13:  Người công chính nên hoàn thiện

 chỉ trong thời gian ngắn,

thì kể như đã hoàn tất một sự nghiệp lâu dài.

câu 14: “Tâm hồn họ đẹp lòng Đức Chúa,

nên Người vội đem họ ra khỏi nơi gian ác.

Người đời thấy thế mà không hiểu;

họ không nghĩ được rằng

đó chính là cách Người ban ơn,

thương xót những kẻ Người tuyển chọn

và viếng thăm các thánh của Người.

 Được biết gia đình Sơ Thanh Hương cùng Sơ bề trên nhà Dòng đã đến gia đình của anh người Mễ, người gây ra tai nạn để an ủi gia đình họ. Họ hết sức ngạc nhiên về sự tham viếng này, sự lo âu, bối rối vì đã gây tai nạn chết người cũng được an ủi phần nào. Đó là cử chỉ hành động thể hiện tình yêu thương và sự tha thứ mà Thầy chí Thánh Giê Su đã truyền dạy cho các môn đệ của Ngài.

 Phùng văn Phụng

Sau đây là bài viết “Tình Sử Dâng Hiến” của Sơ Đỗ thị Thanh Hương

“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Thiên Chúa hứa cho con sự sống, “để con yêu mến Chúa và làm cho Chúa được mến yêu” (Gn 20:28; Th. Thérèse Lisieux).

Con luôn giữ mãi kỷ niệm tình Chúa thương con qua biến cố 30 tháng 4, năm 1975. Mẹ con kể rằng, con sinh ra giữa bầu trời mịt mù khói lửa. Tại Bến Tre, miền Tây Việt Nam , người người chạy tán loạn. Mẹ cũng ôm con chạy ẩn núp từ hầm này sang hầm khác. Lúc bấy giờ, Mẹ hầu như đã kiệt sức vì mới sanh con, thân xác đau đớn rã rời bởi những mãnh mìn vụn bắn trúng. Nhưng vì con, Mẹ đã kiên trì chịu đựng để bảo vệ mạng sống cho con. Các cậu dì của con đã tưởng con chết, nhưng quyền năng vô biên vô tận của Thiên Chúa và tấm lòng hy sinh tột độ của Mẹ đã có sức ngăn cản sự chết để con được sống. Từ giây phút nhận lãnh bí tích Rửa Tội, con đã được gọi và chọn để sống sung mãn trong Thần Khí Thánh của Chúa.

Con lớn lên theo dòng thời gian. Khi trí khôn con bắt đầu nhận ra Chúa và hiểu được tình Chúa yêu con, tim con cũng bắt đầu rung nhịp yêu thương. Tiếng Chúa khẽ gọi hồn con, âm thầm, lắng đọng nhưng vang vọng thâm sâu. Tiếng gọi huyền nhiệm ấy mỗi lúc một gần và được xác tín từ lúc Đức Giám Mục Tomayo sức dầu thiêng hình Thánh Giá trên trán con, và đọc: “Hãy lãnh nhận Ấn Tín của Chúa Thánh Thần.” Dầu thiêng và Lời đã thấm nhập vào trí hồn con. Thánh Thần Chúa đến với con thật mạnh mẽ, tim con nóng ran, hồn trào dâng niềm hạnh phúc khó tả. Rồi Đức Giám Mục vỗ nhẹ trên má, chúc bình an và sai con ra đi làm chứng nhân, làm men muối cho đời! Ngỡ ngàng và ngạc nhiên, con tự hỏi mình có thể minh chứng được điều gì cho Chúa đây?

Theo con hiểu, lịch sử cứu độ đã là một lịch sử về một chuỗi lời hứa: Thiên Chúa đã hứa với ông Nô-e rằng cõi đất sẽ không bao giờ còn bị ngập trong đại hồng thủy nữa. Người đã hứa với ông Abraham rằng miêu duệ ông sẽ nhiều như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển. Người đã hứa với ông Môsê là đưa dân Người ra khỏi đất nô lệ để sống như một người con tự do. Và cuối cùng, Ngài thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu Thế qua việc hiến tế Con Một là Đức Giêsu Kitô để cứu chuộc loài người.

Ôi Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa đã hứa và đã giữ lời. Vì con là con của Ngài, nên con cũng dám làm điều mà Cha con đã làm trước. Đó là, vào buổi ban mai của tuổi mười tám với đầy mộng mơ, con đã tự nguyện bước theo tiếng gọi huyền nhiệm để vào Tu Viện Thánh Đa Minh. Với bao năm rèn luyện, tu thân, học tập và những phút giây sống thân mật với Thiên Chúa, con hiểu được hạnh phúc không phải là một cảm hứng nồng nàn chống phai, hay chỉ bao hàm vỏn vẹn một khả năng biết vui với người vui và khóc với những ai buồn sầu. Nhưng con khám phá niềm hạnh phúc bất tận này vào những lúc mà dường như mọi sự là màu đen, khi con phải trải qua những cuộc chiến “xương máu” để lì Ở’ lại, và nên Một’ trong Tình Yêu Thiên Chúa (Jn.15:9).

Con đã gắng giữ lời giao ước: “Lúc bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, lúc vui cũng như lúc bị ruồng bỏ.” Để rồi hôm nay, con nằm phủ phục để dâng hiến một tương lai tự con không biết trước, để chia sẻ những gì con “là”. Qua lời khấn Khó Nghèo, Vâng Lời và Khiết Tịnh, con đánh liều tự buộc mình trung thành, gắn bó với Chúa cho đến chết mà không biết tương lai sẽ ra sao? Con tin vào Chúa chứ không tin vào mình. Với niềm xác tín đó, con tự nguyện tuyên khấn trọn đời, trao mình vào tay Bề Trên, và ” cả những chị em đến sau, rồi còn cam kết vâng phục những người chưa chào đời .” Nữa (Timothy Radclift p.189).

Cha Timothy đã trích lời của Thánh Thomas Aquinas: ” Tuyên khấn, đây là một hành vi chứng tỏ lòng quảng đại triệt để, bởi vì trong khoảnh khắc chúng ta dâng hiến cuộc đời, chúng ta sẽ sống khoảnh khắc ấy liên tục qua dòng thời gian .” Chúa ơi, con như đã hiểu! Những năm dài thực tập sống khoảnh khắc cam kết trọn đời chung thủy, là tiếp nối sứ mệnh Đức Kitô làm chứng cho Lời Hứa Sự Thật. Lạy Chúa là Đấng đã hứa và giữ lời hứa. Chúa biết thế giới ngày nay đang bị đe dọa bởi nhiều sự thất tín, bội nghĩa vong ân, biết bao cuộc hôn nhân dỡ dang, đổ vỡ… Một khi lời hứa mất đi ý nghĩa, thì lời khấn trung thành cho đến chết có nghĩa gì? Chúa ơi, xin dâng lên Chúa tất cả chúng con là những người nam nữ sống đời tu trì cũng như sống đời phối ngẫu. Chúng con rất cần ơn Chúa để nổ lực thi hành sứ vụ, ơn gọi Chúa trao ban, và dám giữ lời cam kết thủy chung trọn đời. Hành vi trung thành giữ lời hứa này rất khó thực hiện. Những nếu ở lại’ với Chúa, chúng con sẽ nên chứng từ hùng hồn cho thế giới nhận biết có một Vì Thiên Chúa đang hiện diện, Đấng đã hứa và đã giữ lời hứa, đầy thành tín và yêu thương chúng con rất mực.

Nguồn: http://www.nutudaminh.org/vni/Unicode/BSN/Sr_Huong.htm

Đường gian truân đi đến tự do

Đường gian truân đi đến tự do.

(Đã đăng trên báo Người Việt ngày 16 March 2010)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Khoảng Tháng Giêng năm 1983, tôi trở về nhà sau gần tám năm đi tù cải tạo, xa gia đình. Nhìn dọc theo đường Phạm Thế Hiển bên kia cầu Chữ Y, hoàn toàn thay đổi, không còn nhìn ra được các chỗ quen thuộc trước đây.

Nhiều nhà lấn ra phía trước. Nhiều nhà lên lầu. Những nền trống lúc ra đi tôi thấy, nay được xây lầu, nhà mới. Bước vào nhà, tôi thấy bốn năm đứa nhỏ đang ngồi học, tôi không biết đứa nào là con của tôi. Một đứa trẻ đang ngồi học, chạy thẳng ra phía sau nhà nói: “Má ơi có ông nào kiếm má kìa?” Tôi đi theo, ra sau nhà, tôi thấy bà xã tôi đang nấu cơm. Tôi gặp cậu Bảy, tự nhiên nước mắt tuôn trào, tôi khóc!

Tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tôi không ngờ còn sống để được gặp lại cha mẹ, vợ con, vì tôi cứ đinh ninh rằng tôi sẽ bỏ xác ở nơi rừng thiêng nước độc, khó hy vọng sống sót để về tới nhà.

Trước 1975, tôi là giáo sư trung học. Khi cải tạo về, tôi chưa được làm người dân bình thường. Tôi còn bị quản chế, đi đâu cũng phải khai báo, phải trình diện công an hàng tuần. Mỗi sáng thứ hai đem sổ trình công an, ghi rõ từng ngày đã làm gì, tiếp xúc với ai. Nội cái việc trình diện hàng tuần như vậy cũng đủ làm cho tôi không còn sáng suốt, không còn tâm trí để tính chuyện làm ăn. Mà làm ăn cái gì mới được, khi tôi không có đồng xu dính túi. Lúc này nhà cầm quyền cấm tư nhân làm ăn. Ngay cả bán cà phê còn phải bán chui nữa mà. Mọi thứ buôn bán đều phải vô hợp tác xã hết.

Người dân bình thường còn bị khó khăn trong công ăn việc làm, huống hồ gì tôi, người vừa về từ trại cải tạo. Tôi phải xoay sở, kiếm sống bằng nghề lao động chân tay.

Tôi quyết định đi… đạp xích lô

Anh Ðạt, bạn tù, trước ở chung cùng trại cải tạo với tôi ở trại Tân Lập, Vĩnh Phú về trước tôi mấy tháng, có chiếc xe xích lô cho mướn. Sáng sớm, tôi lấy bộ quần áo hơi tệ một chút. Áo sơ mi cũ. Quần tây cũ nhưng lành lặn.

Tôi đến nhà anh Ðạt mượn chiếc xích lô chạy thử, xem có hành nghề xích lô nổi không? Ðạp tới dốc cầu Nhị Thiên Ðường, tôi phải xuống xe, đẩy lên dốc. Nhưng chỉ là chiếc xe xích lô, không có người, nên tôi đẩy chiếc xe không lấy gì làm khó khăn. Tôi thấy vui vui, vì lần đầu tiên… đạp xích lô, dùng sức lao động của mình để kiếm sống.

Tôi đạp xe qua cầu Nhị Thiên Ðường, chạy đến bến xe Chợ Lớn, khu chợ Bình Tây để kiếm khách. Vì là lần đầu chạy xích lô, tôi đâu có biết, là người ta cấm rước khách trước cổng chợ.

Vừa đậu xe trước cổng, bảo vệ chợ đến lấy cái nệm trên xe để dùng cho khách ngồi. Thế là cái xe xích lô của tôi trống trơn. Tôi đạp xe không, chạy vòng vòng một hồi, đến ngã tư đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Tri Phương, gặp khách gọi. Ðó là hai vợ chồng người Hoa mập mạp leo lên xe, bảo tôi chạy từ ngã tư, từ đường Nguyễn Trãi, chạy dọc theo đường Nguyễn Tri Phương để đi lên phía đường Vĩnh Viễn. Tôi không ngờ là đường lên dốc, tôi đạp không nổi vì ông bà người Hoa này quá mập. Chắc hai vợ chồng này cũng phải gần 160 hay 170 kí lô. Sau chuyến xe chở hai người Hoa đó, tôi thấy quá mệt, đành phải đem xe về trả lại cho anh Ðạt. Tôi biết sức mình không thể làm nổi nghề này. Ðêm đó, tôi trằn trọc suốt đêm, tim tôi đập nhiều, đập liên hồi, không ngủ được. Mãi đến mấy ngày sau mới bình tĩnh trở lại, sức khỏe mới bình thường.

Tôi lại đổi nghề, đi làm… thợ hồ

Anh Hai tôi nhờ tôi đi theo để sửa chữa ống cống ở Quận 11. Sáng sớm, tôi cùng anh Hai, mỗi người một chiếc xe đạp chạy qua Quận 11. Tôi xách theo một phần cơm đeo tòn ten ở ghi đông xe. Ðến nơi, tôi phụ anh Hai bốc dỡ các miếng “đan” vuông vức mỗi bề chừng tám tấc, khiêng ra khỏi miệng cống. Anh Hai tôi sửa chữa những chỗ hư hại. Sau đó hè hục khiêng đậy lại chỗ cũ. Sau một ngày làm việc ngoài trời nắng gắt, anh phát cho tôi một ngày “lương” là công tôi phụ giúp khiêng mấy tấm “đan.” Ngày hôm sau anh không nhờ tôi nữa vì tôi không làm nổi những việc nặng nhọc mà anh cần tôi giúp.

Thế là lại đổi nghề, tôi đi bán… vé số dạo

Anh Nguyễn Tấn Th. đang làm nghề bán vé số. Anh đặt cái bàn bán vé số ở chợ Phạm Thế Hiển. Trước năm 1975, anh tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh, làm ở Nha Thuế Vụ, Bộ Tài Chánh.
Bây giờ anh thất nghiệp, lãnh vé số để bán, vừa bán lẻ, vừa giao cho các bạn hàng. Tôi đến nhà anh để nhận vé số về bán kiếm lời. Chỗ ngồi thì bà con đã sắp xếp hết rồi, tôi đâu còn chỗ nào chen chân vô được. Ðành phải đi bán dạo.

Lúc đó, tôi nghĩ phải đi thật xa ra khỏi khu vực Quận 8 thì mới hy vọng không gặp học trò cũ của mình. Tôi nghĩ, trước đây cũng từng đi dạy học, cũng là một giáo sư trung học, mà bây giờ đi bán vé số thì cảm thấy mắc cỡ quá, coi kỳ cục quá.

Sau khi anh Thời đưa sấp vé số cho tôi, tôi đâu dám mời bà con ở Quận 8. Tôi đi bộ qua đò Chánh Hưng, đi vòng qua chợ Xóm Củi cũng chưa dám bán, tôi đi dọc Kinh Tàu Hủ, bến Lê Quang Liêm, qua khỏi Bưu điện Chợ Lớn, khoảng khá xa, tôi hy vọng sẽ không còn gặp ai là người quen nữa.
Tôi đi một khoảng xa đến bến xe xích lô đạp, có mấy anh tài xế đang đợi khách. Tôi nghĩ trong đầu chắc là bán được rồi đó. Tôi liền lấy trong túi quần một cọc chừng năm sấp vé số để mời khách. Tôi vừa đưa sấp vé số, vừa nói:

– “Mời mấy anh mua giùm vé số.”

Vừa mời xong, có một người trong nhóm tài xế nói:

– “Chào thầy. Em là học trò trường Lương Văn Can, mời thầy uống cà phê, hút điếu thuốc.”

Tôi giựt mình, vội vàng đút thật nhanh mấy xấp vé số vào trong túi quần và em này kéo ghế mời tôi ngồi đưa ngay một điếu thuốc thơm đầu lọc, bấy giờ gọi là thuốc “có cán.” Tình nghĩa thầy trò, quí nhau lắm mới mời thuốc lá thơm. Uống vội chút cà phê, hút xong điếu thuốc. Tôi mắc cỡ, thấy ngại ngùng quá nên không dám tiếp tục đi bán nữa. Trở về nhà, tôi giao hết mấy xấp vé số cho đứa con gái út lúc đó chín tuổi, nhờ cháu đi đò qua phường Chánh Hưng bán tới xế trưa khoảng bốn, năm giờ chiều thì hết.

Thế là có nghề mới: giặt bao nylon

Tôi cùng anh Hoàng Văn Ð. đi đến các tiệm mua bán vật liệu phế thải, kiếm bao nylon dơ mà mua. Ðem giặt ở chỗ máy nước công cộng, phơi khô rồi đem đến các cơ sở sản xuất ra bao ny lon mà bán. Ngồi giặt bao nylon cho hết các chất bẩn như dầu mỡ, đất cát, bụi, giặt cho thật sạch cũng rất gian nan. Kiếm chỗ sân vận động để phơi cho thật khô rồi đem đến cho các tiệm làm bao ny lon bán. Nhưng họ ép giá, đòi giá quá thấp cho nên bán xong chỉ lấy lại được vốn là mừng rồi. Giặt sạch, phơi khô, công việc cả ngày mà không có lời nên đành bỏ cuộc, không tiếp tục làm nghề này được.

Chuyển sang nghề mua bán sách báo cũ

Tôi vào trong các tiệm phế liệu ở Quận 7 (cũ), mua bịch nylon, thấy họ có một số sách báo cũ, tôi lựa các sách tạm gọi là “coi được,” mua lại để ở nhà. Sắp xếp loại nào có giá trị đem ra đường Huỳnh Thúc Kháng để bán cho các gian hàng bán sách cũ. Tôi đi với đứa con gái lúc đó khoảng 13, 14 tuổi, ôm phụ giùm các cuốn sách.

Ra đến nơi, mới vừa ôm các cuốn sách để giới thiệu với các quày bán sách, thì bị bảo vệ đến tịch thu sạch trơn, không cho bán, mặc dầu các sách này chẳng phải là sách cấm. Họ nói rằng buôn bán không có giấy phép nên họ tịch thâu. Tôi đau lòng, rất buồn vì thầy giáo không đi dạy được, bán sách cũ cũng không cho. Làm gì để sống đây? Tôi chỉ còn có con đường hồi hương, về quê làm ruộng hay đi kinh tế mới cuốc đất trồng khoai. Ðó cũng là chủ trương của nhà nước lúc bấy giờ.

Trở lại nghề cũ: đi dạy kèm

Phụ huynh học sinh cũ thương tình mời tôi đến nhà để dạy Toán, Anh văn cho con họ. Tôi làm nghề dạy kèm tư gia. Mỗi chỗ dạy chừng hai ba học sinh. Những lúc trời mưa, trời gió cũng đi xe đạp đến dạy. Dạy đâu được vài tháng các em cũng không chịu học nữa vì cái học lúc này không hấp dẫn các em. Bác sĩ ra trường lãnh tháng lương không bằng nghề vá xe đạp ở ven đường. Tôi lại chuyển nghề.

Ði bán bia, nước ngọt

Sau một thời gian dạy học không đủ sống, bà xã tôi có một người bạn dạy chung trường có cơ sở nước ngọt, cần người bỏ mối.

Họ cho mượn năm kết vỏ chai để tôi lấy hàng đi bỏ mối. Tôi đến các quán bán nước ngọt, bán bia, mời chào. Quán đầu tiên là quán… bà Ba, trên đường Liên Tỉnh số năm, dưới dốc bên phải cầu Nhị Thiên Ðường.

Thấy giá rẻ, cho mượn vỏ chai nữa nên bà Ba chịu liền. Tôi mừng quá, lần đầu giới thiệu hàng mới mà có người nhận ngay. Tôi vòng qua chợ Bông Sao, đi dọc theo đường Lộ Ðá Ðỏ hỏi bất cứ quán bán nước nào ven đường. Lúc này, chỉ có một người bỏ mối nước ngọt mà thôi, nên tôi không có gặp sự cạnh tranh nào đáng kể. Tôi ráng hết sức đi lấy hàng và giao hàng.

Có khi trời đang nắng, cái nắng gay gắt của buổi trưa Hè, tôi cũng phải chở nước ngọt bằng xe đạp, hai kết được ràng ở phía sau xe, hai giỏ xách để ở đàng trước chở được một kết nước ngọt, vị chi là ba kết trên xe.
Sau khoảng ba tháng chở nước ngọt bằng xe đạp, tôi bắt đầu bị cảm thường xuyên. Sau một thời gian cảm ho, nằm ngủ không được vì khó thở, tôi phải kê đầu gối lên cao mới ngủ được, mới thở được. Nhiều đêm ho và quá mệt, tôi đành phải đi bác sĩ. Người ta khám phá tôi bịnh lao và phổi có nước. Thế là phải vô bịnh viện Nguyễn Trãi nằm điều trị mất một tháng.

Về nhà phải uống thuốc mất một năm rưỡi nữa mới lành bịnh. Tôi còn nhớ, lúc đó vừa giao nước ngọt và bán thêm rượu bia, có tên là “bia lên cơn,” bia này được nấu bằng cùi thơm hay vỏ của trái thơm để vài ngày lên men, có gas uống cũng chóng mặt, cũng say. Bà con thích uống loại này vì… rẻ, còn bia hơi quá đắt, lại khan hiếm, nên không đủ cung ứng cho nhu cầu.

Ngoài “bia lên cơn,” còn có rượu nhẹ 36, là loại rượu pha cồn công nghiệp, uống vô nhức đầu chịu không nổi.

Lúc mới về, phó chủ tịch phường sai tôi đi đắp kinh.  Sáng sớm phải đội cái nón lá lên đầu, xách theo bình nước lã để uống và phải lội xuống sình để đắp bờ đê. Trong thực tế, họ cho người dẫn chúng tôi đến con kinh nhỏ gần ụ Nam Chành, bắt chúng tôi xuống sình để vét kinh, đào đất đắp lên bờ.
Người ở dưới ruộng, từ xa giữa ruộng, xắn một cục đất tạm coi là khá lớn, chuyền tay cho người thứ nhất đã rớt xuống một miếng, chuyền đến tay người thứ hai đã rớt thêm một miếng đất nữa đến khi miếng đất truyền đến người cuối cùng quăng được cục đất lên bờ thì nó chỉ còn bé tí tẹo.

Sau một buổi làm việc như vậy, số đất đem lên bờ chẳng còn bao nhiêu, chỉ làm cho đường đi càng dơ bẩn hơn mà thôi. Ðối diện với nhà tôi là công an phường. Cho nên sáng ngủ thức dậy là thấy công an rồi. Công an thường xuyên theo dõi xem tôi có liên lạc với sĩ quan của chế độ cũ để tổ chức phản động chống nhà cầm quyền hay không? Ðó là hình thức tù “lỏng” mà thôi. Tôi thì lúc nào cũng lo sợ, hồi hộp không biết sẽ bị bắt lại bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do gì. Lòng tôi không yên. Lo âu hoài. Lo hết chuyện này đến lo chuyện khác. Lo làm ăn. Lo bị đói, không đủ ăn. Toàn gia đình làm việc cật lực mới sống được, mới tồn tại được. Theo luật bù trừ, con cái tôi vì phụ giúp buôn bán nên không còn chú tâm hoàn toàn vào việc học nữa. Còn riêng cá nhân tôi lo bán bia, bán nước ngọt nên không còn thì giờ dạy con cái học hành.

Cám ơn Thượng Đế, cám ơn mọi người.

Hành trình qua Mỹ thật cam go. Khi được cộng sản thả ra từ trại Nam Hà, thành phố Hà Nam Ninh về đến Sài Gòn, một thời gian ngắn khoảng vài tháng, tôi nhờ anh Nguyễn Gia Ph., một cựu giáo sư dạy cùng trường Lương Văn C. về trước tôi khoảng hai năm, cho tôi mẫu đơn để tôi điền đơn gởi sang Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bangkok, Thái Lan để xin định cư tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ít ai dám làm đơn vì còn sợ cộng sản biết được có thể bắt bỏ tù trở lại vì đã ở tù rồi mà còn muốn theo kẻ thù là “Ðế Quốc Mỹ,” còn thích “bơ sữa” của kẻ thù. Như vậy là chưa… cải tạo được.

Tôi quyết định làm đơn rồi “lén,” gởi… chui, nhờ người làm trong bưu điện gởi giùm. Không có ai, không có chỗ nào dám nhận đánh đơn của mình. Tôi phải tự đánh máy lấy và tự gởi, lòng tôi lo âu không biết thơ của mình có tới Thái Lan không? Ðơn tôi có bị công an kiểm duyệt và tôi có bị làm khó dễ khi nộp đơn chui như vậy hay không?

Tôi gởi nhiều đơn, đơn nào cũng giống nhau cứ vài tháng lại gởi một cái đơn. Tôi cứ gởi đại nhiều lần, hy vọng thơ này lạc còn có thơ khác tới. Tôi cũng gởi cho bà Khúc Minh Thơ để bà gởi sang Bangkok can thiệp giùm tôi.
Ði dạy học trở lại thì nhà nước cộng sản không cho. Tôi hoàn toàn thất nghiệp. Tôi chỉ còn hy vọng lối thoát duy nhất này, đi Mỹ để giải quyết chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cái, nhất là tôi có thể tìm được tự do.

Tôi được người cháu gọi bằng cậu, cháu ngoại bác Hai tôi ở làng Tân Tập nhận bảo trợ cho tôi từ năm 1983. Khi nộp đơn đi Mỹ, người cháu này lo giấy tờ cho tôi và được phía Mỹ chấp thuận từ năm 1984, được gọi là tờ “Loi.” Nếu có tờ giấy này, có thể dùng để xin xuất cảnh ở Việt Nam. Hành trình đi Mỹ của gia đình chúng tôi rất là gian nan. Tôi thường ra Sở Ngoại Vụ, trước dinh Ðộc Lập cũ, để nghe ngóng tin tức. Ôi thôi đủ thứ loại tin tức, thêu dệt đủ thứ về cuộc sống sung sướng, giàu sang ở Mỹ.

Tôi cùng với người bạn, là anh Quang, đi nộp đơn, nhưng vì anh ấy có bảo lãnh trước nên Sở Ngoại Vụ nhận đơn để làm giấy xuất cảnh, còn tôi chỉ có tờ “Loi.” không có ai bảo lãnh cả, nên họ không cho nộp đơn, bảo phải chờ thông báo sau.
Khi cho tù cải tạo nộp đơn, vì nộp trễ, tôi được lên danh sách HO 23. Lúc này có rất nhiều người khiếu nại bên phía Mỹ để xin đi sớm nêu lý do là nộp đơn quá lâu rồi, ở trong nước bị chèn ép, khó khăn, nguy hiểm. Tôi cũng có làm đơn khiếu nại. Cuối cùng tôi được “đôn” lên HO 19, đi trước khoảng một năm.
Trước khi ra đi, phải khám sức khỏe. Khi đi khám bịnh phải lo đủ thứ, lo đủ nơi. Phải lo khám trước ở nhà riêng của bác sĩ, chụp phổi trước xem có bị nám không? Chi tiền cho bác sĩ để đến khi khám bịnh chính thức sẽ được dễ dàng hơn. Khi đi phỏng vấn cũng phải bỏ vô hồ sơ vài chục ngàn đồng để được dễ dàng không bị các viên chức cộng sản làm khó dễ. Tôi quá sức hồi hộp vì sợ có điều gì trở ngại không? Tôi biết hồ sơ tôi rất tốt vì từ năm 1983 khi tôi làm đơn gởi qua Bangkok, Thái Lan, cho đến lúc được phỏng vấn không có gì thay đổi cả.Tháng cuối cùng trước khi tôi được lên máy bay, tôi bị cảm liên miên vì tôi quá lo lắng. Tôi thuộc diện phải giao nhà cho nhà nước quản lý. Tôi có khiếu nại. Họ ngâm hồ sơ không chịu giải quyết để tôi nóng lòng muốn đi Mỹ thì phải ký giao nhà cho họ.Tối hôm Chúa nhật tôi lên máy bay mà cả tuần cuối cùng đó, tôi thường xuyên lên sở nhà đất họ cũng không chịu trả lời, bảo tôi phải chờ.Tôi đã có giấy tờ đăng ký chuyến bay, đã có dịch vụ lo chuyên chở hành lý. Ðã hẹn ngày giờ chở gia đình tôi ra sân bay. Nhưng đến những ngày chót mà tôi cũng chưa có giấy chứng nhận không có nhà cửa. Nếu thiếu tờ giấy này tôi không thể nào lên máy bay được. Sáng thứ bảy, tôi đi cùng một nhân viên dịch vụ của tôi đứng đợi ở Sở nhà đất. Chúng tôi phải chung tiền cho họ vậy mà mãi đến chiều thứ bảy khi sắp đóng cửa, họ mới chịu đưa giấy tờ cho tôi. Trước đó mấy ngày, hôm thứ năm, tôi có nhận được giấy báo đình chỉ chuyến bay. Khi nhận được giấy đình chỉ chuyến bay tôi như người mất hồn không biết giải quyết ra sao? Vợ tôi thúc hối cứ ký giao nhà cho nhà nước để được đi sớm. Lòng tôi rối như tơ vò, tôi không thể làm như vậy được vì nhà này đâu phải là nhà của tôi đâu mà tôi ký giao, tôi chỉ đứng tên cái nền nhà giùm cho ba má tôi mà thôi.Tôi không thể ký giao nhà của ba má tôi được. Cơ sở đại lý bia thì đã bán lại cho em tôi rồi. Ðã cầm lấy tiền, đã thanh toán nợ nầng xong.Trong một tháng cuối cùng tôi không lúc nào yên ổn cả. Lo bán tiệm. Lo khám sức khỏe. Lo thăm viếng bà con, anh em, bạn bè. Lòng tôi ngổn ngang trăm mối, đầu óc quay cuồng bao nỗi lo âu.

Lần ra đi này lại thêm thử thách mới cho tôi, lại phải thay đổi nghề nghiệp nữa, rồi sẽ sống bằng nghề gì đây, lại bắt đầu bằng nghề mới ở tuổi 51, sức khỏe tôi không phải loại tốt cho nên nếu làm nghề gì nặng nhọc đâu có làm nổi. Ở quê hương mình tôi có thể nói tiếng Việt với nhau, làm ăn cũng có cơ sở rồi, phấn đấu gần 8 năm được một cửa hàng để buôn bán, một số khách hàng quen thuộc, sinh sống tương đối rất thoải mái so với người xung quanh như vậy là mình có phước lớn lắm rồi. Cho nên bạn bè mới nói làm ăn rần rần như vậy, còn muốn đi Mỹ làm gì nữa. Nhưng họ đâu hiểu rằng làm ăn như vậy, nhưng có gì chắc chắn đâu. Họ có thể đóng thuế thật cao lên, mình chịu không nổi mà bỏ cuộc hoặc rủi ro có truyền đơn hay có biến động gì họ có thể bắt mình vô tù ngay. Về tinh thần làm sao mà yên ổn được. Do đó, tôi phải dứt khoát ra đi, đi bất cứ xứ sở nào, nếu được đi Mỹ thì còn quí giá nào bằng.

Ngày ra đi mừng vui, lo âu lẫn lộn. Mừng vui vì thoát khỏi chế độ Cộng sản, được tự do đọc báo, đọc sách với mọi tư tưởng, mọi khuynh hướng. Tôi có thể nói về bất cứ điều gì mình cho là đúng, không sợ bị bắt bớ, bỏ tù. Nhưng tôi lo lắng không biết làm gì để sống đây. Anh văn không giỏi lắm, nghề nghiệp chuyên môn không có. Tôi cũng đành phó thác cho “Thượng Đế, Ông Trời” về tương lai của mình. Mặc dầu có lo lắng cho tương lai, nhưng sự ra đi thoát khỏi chế độ Cộng sản cũng là niềm vui đối với tôi và gia đình tôi, để giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc, nhà cửa chật chội sẽ được rộng rãi thêm ra vì vắng một gia đình. Con cái sau này có nghề nghiệp theo ý muốn. Tôi không còn bị sự kềm kẹp của công an. Tôi được hít thở không khí tự do đó chính là niềm ao ước thiêng liêng, quan trọng nhất trong đời tôi.

Hôm lên phi cơ ra đi, phi cơ vừa cất cánh, tôi cảm tưởng như mình vừa thoát khỏi cơn mơ. Tôi thành thật cám ơn tất cả những người thân yêu, bạn bè, thầy cũ, học trò cũ đã quan tâm nâng đỡ tinh thần tôi trong những ngày tháng khó khăn lúc tôi vừa mới ra tù. Tôi vẫn nhớ Bác sĩ Trạm tay cầm hai hộp sửa đến thăm tôi lúc tôi mới về. Tôi vẫn nhớ thầy Hoàn thầy dạy tôi hồi tôi học lớp 9 ở trung học, đã đến thăm tôi rất sớm. Các bạn của bà xã tôi đến ăn mừng tại nhà tôi. Con xin hết lòng tạ ơn Thượng Ðế đã quan tâm, nâng đỡ con, hướng dẫn gia đình con đi được đến bến bờ tự do.

Phùng Văn Phụng