4 cách truyền giáo

4 cách truyền giáo

Tác giả RYAN EGGENBERGER

TRẦM THIÊN THU
Bạn là người Công giáo và sống yêu thương. Bạn muốn chia sẻ Tin Mừng với những
người quen biết, chẳng hạn các đồng nghiệp. Đó là sống dồi dào trong Đức Giêsu
Kitô nơi Giáo hội Công giáo và là điều tốt lành!
Chúng ta thường nghe nói rằng người Công giáo và người Kitô giáo gây phiền
toái, thúc ép, và cực đoan. Điều này chỉ đúng trong một số ít trường hợp, còn
đa số chúng ta đều là những người thân thiện bình thường.
Tuy nhiên, hành động thân thiện khả dĩ chấp nhận không miễn trừ chúng ta đối
với việc chia sẻ Tin Mừng. Thật vậy, đó là một trong số ít điều mà chúng ta
thực sự phải làm theo lệnh Chúa Giêsu truyền: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở
thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20).
Có nhiều cách để chia sẻ Tin Mừng mà không thúc ép, gây phiền toái và cực đoan.
Mục đích là tạo cơ hội để chia sẻ niềm vui về Đức Giêsu Kitô. Cách tốt nhất là
“làm bạn với ai đó và đem người đó đến với Đức Kitô”. Hãy thử thực hiện những
cách loan truyền Tin Mừng sau đây:
1. Sống hiền lành và hòa đồng
Người hiền lành vui vẻ sẽ thu hút nhiều người khác. Bạn có thể sống vui vẻ và
hòa đồng ở mọi nơi mà không gây phiền toái cho ai. Hãy vui cười và sống tích
cực. Hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô để nhìn mọi người và mọi thứ bằng con mắt đức
tin.
Điều này không có nghĩa là bạn phải tỏ ra ngây ngô. Điều xấu có thể xảy ra,
chẳng hạn như đau khổ. Nhưng đối với những người nhìn bằng con mắt đức tin và
hiểu biết giáo huấn của xã hội, đau khổ có thể trở thành vinh quang của Thiên
Chúa. Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của chúng ta. Người ta sẽ “thắc mắc”
không hiểu sao bạn lại sống lạc quan trong gian khó như vậy. Đó là tín hiệu
tốt!
2. Yêu thương tha nhân
Đó có thể là điều cũ kỹ gây nhàm chán, nhưng đó lại chính là mệnh lệnh của Đức
Kitô: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh emThầy ban cho anh em một
điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy
đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).
Làm sao chúng ta có thể yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta?
Có thể chúng ta cho là khó vì không hợp lý. Điều Chúa Giêsu đã làm trên Thập
giá vì chúng ta là điều không thể lý giải theo trí tuệ của nhân loại: Chúa
Giêsu chịu chết hoàn toàn vì người khác, tức là chúng ta. Như vậy chúng ta cũng
phải sống hết mình vì tha nhân. Tại sao? Chúng ta đã được Chúa thương xót thì
chúng ta có trách nhiệm và bổn phận phải thương xót tha nhân. Đó là công lý!
3. Phát triển các mối quan hệ
Nhiều người không có những người bạn đúng nghĩa, theo cách nói của người Việt là
ít “bạn” mà nhiều “bè”. Đó là một thực tế. Đặc biệt là nam giới, thường chỉ ăn
nhậu với nhau vậy thôi, chứ thực sự chưa hẳn là bạn.
Bạn bè với nhau có thể do cùng mục đích, cùng quan điểm, cùng sở thích,… Thực
ra ai cũng có thể là bạn của nhau, dù khác nhau về niềm tin tôn giáo, nghề
nghiệp, sở thích,… nếu có lòng nhân đạo, tình yêu thương. Tình yêu thương vô
điều kiện, mà tình bạn là một dạng yêu thương, thế nên tình bạn không đòi hỏi
gì cả.
4. Khuyến khích người khác sống tốt
Nhân chi sơ tính bổn thiện. Sinh ra ai cũng có bản chất tốt. Chúng ta luôn phải
cố gắng vươn lên để đạt được điều tốt nhất, và phải nỗ lực tuân theo các giáo
huấn của Chúa trong mọi hoàn cảnh, cùng đích là Nước Trời. Lên trời một mình là
ích kỷ, nên chúng ta phải kéo người khác cùng lên. Thánh Phaolô nói: “Trong
cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một
người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng” (1 Cr
9:24).
TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)
nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Vấn đề lương tâm

Vấn đề lương tâm
Đăng bởi cheoreo lúc 3:13 Chiều 5/12/12
TRẦM THIÊN THU

VRNs (05/12/2012) – Sài Gòn- Tôi có anh bạn lớn hơn tôi 10 tuổi. Chúng tôi gặp nhau hằng tuần cùng uống cà-phê và phiếm đàm nhiều chuyện – từ tôn giáo đến xã hội, từ giáo dục tới kinh tế, từ giao tế xã hội tới đạo hiếu gia đình,… Thậm chí chúng tôi trao đổi cả về cuộc đời và sự chết.

Khoảng 10 năm trước, xe tôi hư, muốn sửa xe mà không quen ai, sợ gặp thợ “vô tâm” làm ẩu và “chém đẹp”. Đứa cháu nói có ông già sửa xe trên khúc đường gần tới nhà
thờ, và nó “láy” một câu: “Ông ấy khó tính lắm”.
Một lần, hai lần, rồi nhiều lần. Tôi đến “ông già” để sửa xe. Cứ thế thành quen,
rồi thân. Tôi nói với đứa cháu: “Có thấy ông ấy khó tính gì đâu!”. Cứ khoảng
hai hoặc ba tuần tôi không ghé là ông lại nhắc: “Lâu quá không ghé, tưởng đi
đâu xa rồi chứ. Nói thật lòng, không thấy Đông ghé tôi cũng thấy nhớ”. Tôi ghé
tiệm sửa xe của anh có khi không sửa xe mà chỉ để phiếm đàm sự đời, tâm sự với
nhau cho quên “khổ ải trần gian” vậy thôi.
Có lần anh nói: “Có những người giàu, buôn bán lấy lời thẳng tay. Có khi lời gấp
đôi, gấp ba lận. Mà không phải người bình thường đâu, họ là con cha cháu ông
đó. Mình nghèo thật, nhưng sửa xe cho khách mà lấy mắc hơn một vài ngàn, đêm
nằm suy nghĩ thấy áy náy lắm. Áy náy thật chứ không giỡn nha”. Tôi cười: “Vậy
chứ sao. Có lẽ vậy nên họ giàu. Mình nghèo có khi còn bị cho là chảnh”.
Đó là vấn đề lương tâm. Có người áy náy vì chuyện rất nhỏ, nhưng có người không hề
áy náy vì chuyện lớn. Lương tâm mỗi người đều có những mức độ khác nhau: Đúng
đắn hay sai lệch? Trong sáng hay chai lì? Còn thức hay đã ngủ? Và người ta
thường “chua cay” nói: Lương tâm không bằng lương tháng. Vâng lương tâm có răng
đâu mà cắn rứt!
Tin tức cho biết: Trên đường Bùi Thị Xuân (Q. 1, TPHCM), hai xe máy va quẹt chưa
xảy ra nguy hiểm nào, nhưng chỉ vì một lời nói không lọt tai mà một thanh niên
đã hung hãn giết hai người chết tại chỗ. Nghe TIN mà TỨC. Do đó mà người ta gọi
là… tin tức.
Rồi trên xe buýt chạy tuyến QL 13 đi Bình dương, một đạo tặc “hai ngón” bị bà già
ngăn cản liền đâm vào mặt bà. Hai thanh niên thấy vậy nên ra tay nghĩa hiệp
cũng bị hắn đâm, một anh bị đâm vào lưng và một anh bị đâm vào đùi.
Đọc báo Tuổi trẻ mà… giật mình, không thể tưởng tượng nổi khi các “cô chiêu, cậu
ấm” của các đại gia còn xài sang hơn “công tử Bạc Liêu” xưa: Họ điểm tâm sáng
vài trăm triệu đồng VN, buổi tối họ vào các bar chi khoảng vài ngàn USD. Với
họ, như vậy là… chuyện nhỏ, và như vậy mới chứng tỏ “đẳng cấp”!
Nhưng, tháng 8/2010, anh lái tàu hỏa tên Thức – với 20 năm kinh nghiệm – đã nhanh chóng quyết định dùng cách khác để thắng đoàn tàu khi gặp sự cố, dù anh biết
nguy hiểm cho tính mạng mình. Anh bị trọng thương, dập nát hai chân và dập lá
lách, nhưng anh đã cứu sống hơn 300 hành khách. Lái tàu có cách thắng khác
không nguy hiểm cho mình, nhưng có thể nguy hiểm cho cả đoàn tàu. Anh đã chọn
phần nguy hiểm về phần mình. Anh có vợ và con gái. Nhà nghèo, chiếc xe máy cũng
chưa mua được, nhưng anh Thức vẫn hoàn toàn là con người vĩ đại với một lương
tâm trong sáng.
Giữa đêm tối bao phủ dày đặc, một que diêm lóe sáng cũng đủ để người ta nhìn thấy.
Cũng vậy, một động thái dù rất nhỏ cũng đủ người khác nhận ra. Muốn giỏi một
ngoại ngữ, người ta cần đan quyện cả 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc (hiểu), Viết.
Cuộc sống cũng cần các kỹ năng tương tự vậy. Hymans nói: “Giá trị mỗi con người
tùy thuộc lý tưởng cao hay thấp mà mình theo đuổi”.
M. Blanchecotte nói: “Hãy tưởng như mình sắp chết và hãy hành động như mình bất
tử”. Quả thật, trong con người luôn có sự giằng co mãnh liệt, do đó “nghĩ đúng,
nói đúng, vậy cũng chưa đúng, mà còn phải làm đúng” (Lachausser). Cuộc sống
phải tích cực và dứt khoát, không được tiêu cực hoặc lừng khừng, vì Chúa nói:
“Ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh
3:16).
Nói đến lương tâm là hiểu ngầm có sự giằng co trong mỗi con người. Điều quan trọng
là chúng ta chứng tỏ bằng chính hành động cụ thể, đừng nghĩ rằng “vắng mợ thì
chợ vẫn đông”. Chân phước Nữ tu Teresa Calcutta đã chia sẻ: “Chúng ta cảm thấy
những gì chúng ta làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ
ít đi vì thiếu giọt nước đó” (We ourselves feel that what we are doing is just
a drop in the ocean. But the ocean would be less because of that missing drop).
Lạy Chúa, xin tạo cho chúng con trái tim trong sạch, lương tâm trong sáng, và giúp
chúng con can đảm hành động. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô,
Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Ba bài giảng sám hối

Ba bài giảng sám hối

(Mùa Chay, tháng 4/1990)

Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – DCCT

(đường Kỳ Đồng, Sài Gòn)

 

Bài giảng thứ hai

Sám hối tập thể Giáo hội

nguồn: chuacuuthe.com

Hôm qua, ta đã đề cập đến sám hối cá nhân: thường ta dựa vào lề luật để xét mình và sám hối (Mười điều răn Thiên Chúa, Sáu điều răn Hội thánh). Tôi đã lưu ý anh chị em việc sám hối dựa trên căn bản của một Kitô hữu: lời gọi nên hoàn hảo của Chúa Kitô và ba chức năng của Kitô hữu (tư tế, ngôn sứ và vương đế).

Hôm nay, ta đề cập đến sám hối tập thể Giáo hội dựa trên mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo hội.

1. Mầu nhiệm Giáo hội:

Trong Hiến chế về mầu nhiệm giáo hội, Công đồng Vatican nói: “Ánh  sáng thế gian chính là Đức Kitô, do đó Giáo hội phải phản chiếu ánh sáng ấy cho muôn dân, khi rao giảng Tin mừng cho mọi người. Giáo hội là bí tích của Chúa Kitô, vừa là dấu hiệu, vừa là phương tiện để mật thiết kết hợp với Chúa và hợp nhất nhân loại với nhau. Vì thế giáo hữu phải biết rõ đặc tính và sứ mạng Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo hội”.

Ý Chúa Cha là cứu độ mọi người: Thiên Chúa muốn nâng mọi người lên tham dự đời sống Thiên Chúa. Con người sa ngã, Chúa Kitô cứu độ. Thiên Chúa muốn những ai tin Chúa Kitô hợp thành Giáo hội. Chúa Kitô lập Giáo hội. Chúa Thánh thần hoàn tất.

Giáo hội nhiệm thể Chúa Kitô: Chúa Kitô là đầu. Một thân mình, nhiều chi thể. Đòi hỏi sự thống nhất trong sự khác biệt các chi thể trong Giáo hội có cố gắng xây dựng sự hợp nhất và tôn trọng sự khác biệt các chi thể.  Để cho Chúa Kitô là đầu lãnh đạo Giáo hội qua lời Ngài không bị bóp méo. Tôntrọng giám mục, không thể cho một đoàn thể nào trong Giáo hội dựa vào quyền lực để điều khiển sinh hoạt của Giáo hội. Tinh thần Đức Kitô hay tinh thần thế gian chạy theo chiều gió chi phối Giáo hội? Giáo hội là một thân thể có phần vô hình và hữu hình, ta làm gì để phát triển? Có phấn đấu để có điều kiện phát triển?

2. Sứ mạng của Giáo hội

+ Chức năng tư tế:

Giáo hội là dân riêng mới của Thiên Chúa, với giao ước mới trong Máu Chúa Kitô, Thượng đế, trao quyền cho hàng Giáo phẩm, ngoài chức tư tế cộng đồng của toàn thể tín hữu và của mỗi tín hữu như đã nói hôm qua.

Giáo hội Việt Nam đã làm gì, đã phấn đấu như thế nào để thực hiện chức năng tư tế của hàng giáo phẩm?

Để bảo đảm chức năng tư tế ta cần:

+ Đào tạo linh mục: tự do lập chủng viện, chọn giáo sư, chọn chủng sinh, chọn chương trình đào tạo.

+ Thuyên chuyển linh mục coi xứ, phong giám mục, linh mục.

+ Tổ chức phụng tự, thánh lễ, cầu kinh có được tự do chưa? Đã phấn đấu như thế nào?

Phải nói đến nay, ta chưa phấn đấu đủ, không phải âm thầm năn nỉ ỉ ôi, mà công khai cho dư luận biết.

+ Chức năng ngôn sứ:

Tự do rao giảng Tin Mừng, giáo lý tân tòng, trẻ em? sách vở báo chí? Kinh Thánh? Giáo hội Việt Nam có nói thẳng nói thật với chính quyền về những vi phạm tự do tôn giáo? Có lên tiếng bênh vực nhân quyền, dân quyền? Hiến chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay nói: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và mối lo âu của con người hôm nay, cách riêng của những người nghèo và tất cả những ai đang đau khổ, đó cũng là vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của môn đệ Chúa Kitô: Không có gì liên quan đến nhân loại mà không  có tiếng vang trong cõi lòng tín hữu Chúa Kitô. Cộng đồng Kitô hữu gồm những con người, được họp lại trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên đường về nước Cha, họ mang sứ điệp cứu độ phải được gửi đến cho tất cả Cộng đoàn tín hữu cảm thấy thực sự và sâu xa liên đới với con người lịch sử nhân loại.”

Trong tinh thần phục vụ con người, Giáo hội Việt Nam cần xét mình lại xem mình có thực sự và sâu xa liên đới với con người Việt Nam hôm nay.

Người Việt Nam hôm nay hy vọng và lo âu cái gì? Họ lo âu trước tình trạng xã hội tan rã trên mọi phương diện: trong đó họ bị tước đoạt những quyền căn bản của con người và người dân. Con người sinh ra bình đẳng và tự do, có tất cả những quyền căn bản của con người mà Thiên Chúa ban cho họ, thêm vào đó ngày 10/12/1948 Liên Hiệp Quốc đã ra Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền có đoạn nói như sau:

“Xét rằng thừa nhận phẩm giá cố hữu những quyền bình đẳng và bất khả nhượng của con người trong đại gia đình thế giới là đặt nền tảng cho tự do, công lý và hòa bình thế giới.”

“Xét rằng vì không biết rõ và khinh miệt nhân quyền nên loài người đã có những hành động dã man đối với lương tâm và xét rằng sự tiến tới một thế giới trong đó nhân loại sẽ được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do sinh sống không phải sợ hãi và thiếu thốn, đã được tuyên bố là nguyện vọng cao cả nhất của con người.”

“Xét rằng điều tối cần là nhân quyền phải được pháp luật che chở, nếu muốn cho loài người không bao giờ phải dồn đến phương tiện nổi loạn, để chống lại sự tàn bạo và áp bức… Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế này như là một lý tưởng chung cho các dân tộc và các quốc gia phải tiến tới.”

Tiếp đó bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đưa ra 30 điều về nhân quyền:

– Quyền được hưởng tự do và an ninh cá nhân (3),

– Quyền không bị hành hạ hay ngược đãi, bị đối xử hay trừng phạt một cách vô nhân đạo, làm hại phẩm cách con người (5),

– Quyền được bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ (7),

– Quyển khỏi bị bắt bớ, bị lưu đày một cách trái phép (9),

– Quyền được xét xử bình đẳng trước một tòa án vô tư và độc lập (10),

– Quyền được coi như vô tội khi bị truy tố mà chưa có tòa xét xử với bằng chứng để buộc tội (11),

– Quyền không được xúc phạm trái phép đến đời tư, gia quyến, nhà ở, thư từ (12),

– Quyền được tự do di chuyển và trú ngụ bất cứ nơi nào trong nước họ và quyền tự do rời bỏ bất cứ nơi nào, kể cả xứ mình, hoặc trở về xứ mình
(13),

– Quyền tự do kén chọn một quốc tịch theo ý muốn (14),

– Quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng (18),

– Quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá những quan niệm và ý tưởng của mình (19),

– Quyền tự do hội họp và lập hội để theo đuổi mục tiêu hòa bình và không bắt buộc ở trong một hội nào (20),

– Quyền bầu cử tự do (21),

– Quyền hưởng an sinh xã hội (22),

– Quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn việc làm của mình, quyền hưởng số lương phải chăng và đủ để bảo đảm cho mình và cho gia đình một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người, mọi người có quyền lập và gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ những quyền lợi của mình (23),

– Quyền hưởng một mức sống đầy đủ cho sức khỏe và hạnh phúc của mình, của gia đình mình, quyền hưởng tiện nghi giáo dục, y tế (25),

– Quyền cha mẹ lựa chọn giáo dục cho con cái (26)…

Giáo hội Việt Nam trong đó có Hội đồng Giám mục Việt Nam, các giám mục địa phận, các linh mục, tu sĩ và giáo dân, Giáo hội Việt Nam đã làm gì, đã lên tiếng khi thuận khi nghịch, khi âm thầm khi công khai, để người ta trả lại những quyền căn bản của con người cho con người Việt Nam hôm nay?

Phải nói là đau lòng khi thấy Giáo hội quá âm thầm chịu đựng và không dám nói thẳng, nói thật. Có nói âm thầm không, chắc cũng có, nhưng như  đi xin ân huệ, năn nỉ ỉ ôi, trả giá, còn công khai thì thật là hiếm. Còn có ông vỗ ngực đại diện giới công giáo đã vung vít tuyên bố một câu nghe xanh rờn như một lời tuyên xưng đức tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tại buổi họp khoáng đại của Quốc hội (7/7/1976): “Tôi xin phép nói lên tâm tình của một linh mục công giáo (…), báo cáo chính trị (của Quốc hội) càng làm ta xác tín thêm hơn nữa rằng con người mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước, mà mọi người tin vào Chúa Kitô mãi mơ ước, con người mới đó, xã hội mới đó không thể có được, nếu không có Đảng Lao động Việt Nam (Đảng CSVN), đội tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo và tổ chức.”

Không biết linh mục ấy đã ân hận chưa? Có lẽ đã ân hận, vì những gì mắt thấy tai nghe, không thể mù, không thể điếc được thì phải nhức nhối lắm.Nhưng có sám hối chưa? Chưa thấy. Đã công khai nói như thế nào, thì sự sám hối cũng phải công khai.

Một vị ‘yêu nước’ khác lại tuyên bố nào là Nước Thiên Chúa đã đến với chế độ CSVN, nào là Đảng CSVN tạo điều kiện cho ta giữ đạo. Đó là những lời nịnh bợ vô liêm sỉ, khi Giáo hội đang bị bóp chết bằng cách giới hạn đào tạo linh mục, đóng cửa các nhà đào tạo tu sĩ, cấm in sách vở báo chí Công giáo, việc dạy giáo lý bị giới hạn, việc thờ phụng có nơi làm khó dễ, linh mục đi lại giảng đạo nơi khác bị cấm đoán, các hội đoàn tông đồ giáo dân, công tác xã hội giáo dục bị loại bỏ.

Còn một vài vị trong hàng lãnh đạo của Giáo hội Việt Nam hoặc ngây thơ vô tội, hoặc có tính toán, nên người ta ‘cho phép’ cái không cần ‘xin phép’ thì cuống quít coi như ân huệ và khen lấy khen để ông nào đó như câu: “Người  tốt lắm, người chân thành lắm.” Trên đất nước này, người ta coi mọi nhân quyền và dân quyền là ân huệ ngưởi ta có thể ban cho, có thể giới hạn, có thể mở rộng, có thể rút lại. Họ coi họ hơn cả Thiên Chúa – Thiên Chúa ban cho con người tự do và không bao giờ rút lại, kể cả khi còn người phản bội Ngài, đóng đinh con của Ngài. Giáo hội phải đòi hỏi người ta trả những quyền căn bản của con người, chứ không có vấn đề xin xỏ, năn nỉ, ỉ ôi.

+ Chức năng vương đế:

Giáo hội Việt Nam phải phấn đấu để thực thi quyền phục vụ con người và Thánh Kinh gọi là quyền vương đế. Phục vụ người nghèo, người đau khổ, người bị bóc lột, người bị áp bức. Một mục sư như Martin Luther King đã bị ám sát ở Hoa Kỳ vì bảo vệ quyền người da đen, chống phân biệt chủng tộc. Giám mục Roméro và sáu linh mục dòng Tên đã bị ám sát ở Salvador vì bênh vực những người  áp bức. một hồng y như Wyszynski ở Balan đã gặp nhiều khó khăn vì bênh vực Giáo hội, một hồng y khác như Tomasek ở Tiệp Khắc đã phấn đấu cho Giáo hội như lời ngài tuyên bố trước 200 ngàn người biểu tình tại Praha ngày 21/11/1989 và đã được đọc tại các nhà thờ ngày chủ nhật 26/11/1989.

Sau khi đề công chúa Anê miền Bohêmia của Tiệp Khắc vừa được Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II phong lên hiển thánh là một người tuy tu trong một đan viện vì lòng mến Chúa yêu người, nhưng không ngừng ở cạnh dân mình trong những giờ phút vinh quang cũng như trong những lúc tủi phận, Đức hồng y Tomasek nói:

“Về phần tôi, tôi không thể nào tỏ ra xa lạ với định mệnh quốc gia chúng tôi và toàn thể đồng bào đất nước tôi. Tôi không thể im lặng trong lúc tất cả anh chị em đang hợp lực với nhau để phản đối những bất công mà anh chị em phải chịu từ 40 năm nay, người ta không thể duy trì lòng tín nhiệm đối với giới lãnh đạo quốc gia không muốn nói sự thật và đối bỏ các quyền tự do của nhân dân với truyền thống có từ hàng ngàn năm nay, những quyền này vẫn được coi là những quyền bình thường trong những quốc gia trẻ trung hơn trong đất nước ta.”

Rồi ngài kể lại bao nhiêu lần Giáo hội gởi đến Nhà nước những lời khiếu nại nhưng Nhà nước đã làm ngơ, Giáo hội tiếp tục lệ thuộc Nhà nước theo những điều hạn chế được áp đặt trên Giáo hội thời Staline. Trong việc cai quản giáo phận, các giám mục hoàn toàn lệ thuộc Nhà nước và lời nói quyết định trong vấn đề này dường như vẫn là lời nói của cơ quan mật vụ, những cuộc hội họp của các giám mục và linh mục đều bị cản trở vì sự hiện diện của các đại diện Nhà nước trong các buổi họp, bầu không khí thiếu tự do, các tín hữu trưởng thành cũng như con cái họ và nhất là các bạn trẻ công giáo thật khó thở…

Tình trạng đau buồn tương tự như thế cũng xảy ra trong các lãnh vực khác của đời sống, trong lãnh vực văn hóa, thông tin.

Rồi ngài kết luận: “Tôi muốn ngỏ lời với tất cả anh chị em trong giờ phút quyết liệt này của lịch sử của chúng ta. Không ai trong anh chị em được đứng ngoài lề. Hãy lên tiếng hợp với tất cả công dân Tiệp Khắc, cùng với những người thuộc sắc tộc khác, dầu họ là tín hữu hay không có ngưỡng. Quyền tự do tín ngưỡng không thể tách rời khỏi những quyền dân chủ khác, tự do là điều không thể phân chia được.”

Những lời tuyên bố trên đây của Đức Hồng y Tomasek làm cho tôi suy
nghĩ. Và tôi cũng để cho anh chị em suy nghĩ, sau khi tôi đã phân tích tình
trạng thiếu phấn đấu của Giáo hội Việt Nam cho tự do tôn giáo và cho nhân quyền
và dân quyền của người dân Việt nam hôm nay. Mong rằng Giáo hội Việt nam
sẽ sám hối về những điều thiếu sót đó.

Để kết thúc, tôi đưa ra lời nói cuối cùng của hồng y Tomasek trong buổi mít tinh kể trên. Ngài nói : “Tôi xin chấm dứt nơi đây với những lời đã từng vang dội đã lâu trong lịch sử của chúng ta: Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, số phận của chúng ta ở trong tay chúng ta. “Amen”.

 

Lm. Chân Tín

Ta như kẻ hoài nghi đành bỏ cuộc

Ta như kẻ hoài nghi đành bỏ cuộc

Đăng bởi cheoreo2 lúc 5:00 Sáng 5/12/12

nguồn: chuacuuthe.com

VRNs (05.12.2012) – Úc Đại Lợi – Suy niệm Lời Ngài đọc vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng năm C 09.12.2012

“Ta như kẻ hoài nghi đành bỏ cuộc,”

“Ngôn ngữ buồn, khánh kiệt cửa tim đau”

(Dẫn từ thơ Vương Ngọc Long)

Lc 3: 1-6

Hoài nghi chăng, chuyện hoàng-đế rất thượng thừa, nơi đất trời lồng lộng xứ nhà vua. Chẳng ngờ vực, thánh sử nay trình thuật việc Chúa tin tưởng dân con hết mọi người, nên vẫn dạy.

Thánh Luca trình thuật lời dạy của Chúa vào cuối thế kỷ thứ nhất hoặc ở đầu thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Cũng có thể, thánh nhân trình thuật từ vùng Tiểu Á, nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh sử trình và thuật cho dân ngoại nay thành tín hữu chuyên chăm sống cuộc sống gắn bó, có thực thi lời dạy của Chúa. Bởi, dân gian trong vùng vẫn quen sùng bái thần-hoàng-đế cai-trị toàn đế-chế.

Đế chế La Mã thế-kỷ đầu, có dân gian mọi người qui về một mối, vẫn coi Augustus như thần-linh mặc xác phàm. Công đầu của ông, tuy chính-trị, vẫn kết hợp được mọi người để họ có cùng thần linh, hệ-thống giá trị rồi đưa vào truyện kể thời ấu thơ của ông. Những là: mẹ ruột cưu mang ông theo cách lạ kỳ; và, khi sinh ra ông đã được gọi là vua-cha cai quản cả đế quốc.

Ngày sinh ra, đã có mục đồng quẩn quanh xướng hát, tụng ca thật rôm rả. Ngày sinh ra, ông đã được mọi người coi như “Tin vui/mừng” cho mọi người. Bởi, trẻ Augustus được ca tụng như cha-già dân-tộc, đấng cứu tinh toàn thế giới và còn được coi như lãnh chúa, của đế-chế. Thế nên, ông được mọi người coi như đấng bậc đem hoà bình rất mới đến với dân con thời đó. Và, ông còn được coi như thế tử của Đức Chúa Ông, cũng rất mừng.

Năm lên 12, ông đã chứng tỏ mình có khả năng siêu việt, rất dị  biệt, chẳng ai sánh tày. Hoàng-đế Augustus tuy băng hà vào năm 14 sau Công nguyên, nhưng cung cách tư-duy/xử thế của ông vẫn được nối tiếp qua các  hoàng-đế, hệt như thế. Cuối thế kỷ đầu, hoàng đế Domitian lại cũng truyền lệnh cũng một kiểu như thế với dân con mọi người cả với người dấn bước theo Đức Kitô cũng sùng bái chính ông ta.

Nghe chuyện trên, hẳn người Công giáo chúng ta đều kinh khiếp. Kinh và khiếp, là bởi ta quen đọc Phúc Âm Đạo mình thấy ngôn từ cùng ý tưởng ở truyện kể vốn chỉ nên áp dụng độc quyền cho Thiên Chúa và Đức Kitô thôi ư? Không hẳn thế. Truyện kể ấy, đã thành chuyện thường ngày ở La Mã và nhiều nơi, lại vẫn được kể bằng ngôn từ/tình tiết rất thân quen. Nó đã trở thành kho tàng quí báu nơi ngôn ngữ doanh thương/mậu dịch với người ngoài, từ lâu.

Và, thánh Luca đã thuật lại Tin Mừng của Chúa đúng vào thời hoàng đế Domitian hoặc sau đó, lúc mọi người bên Đạo đều chối từ sùng bái thần-hoàng, nên tuẫn tiết. Và, sách Khải Huyền thánh Gioan cũng được viết vào thời này, đã cho thấy thứ ngôn ngữ được khuất kín để rồi con dân Chúa sẽ còn gặp rắc rối hơn trước nhiều.

Thánh Luca, lại có lập trường chính-trị chống lại việc thờ bái thần-hoàng, chống cả Hoàng-đế lẫn tôn giáo của riêng ấy. Thánh sử biết ngọn ngành ngôn ngữ “thánh” là để chỉ Hoàng-đế La Mã mà thôi. Nhưng, thánh sử không dùng lời lẽ thánh thiêng ấy để chỉ ông ấy mà cốt để nói về Đức Giêsu, là Chúa mọi người, không chỉ người của đế quốc La Mã, thôi.

Thánh sử nói: sùng bái thần-hoàng không thể là đường lối để ta áp dụng, mà chỉ có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô mới xứng đáng để ta làm thế. Thuật lại Tin Mừng như thế, thánh Luca đã tìm được chỗ đứng xứng đáng cho Đức Giêsu để Ngài ngự trị trong cung lòng rộng mở của người La Mã cũng như Hy Lạp, thời đó.

Với thánh Luca, niềm tin không chỉ dựa trên những gì là đặc biệt, hoặc ngoại lệ thôi.

Thành thử, muốn cho mọi người dễ chấp nhận đường lối tư duy rất mới này, thánh Luca nghĩ: ông phải sử dụng các truyện kể phổ cập về hoàng đế Augustus vào lúc đó và ông đã xây dựng truyện kể song hành về Đức Chúa, rất Giêsu. Thánh-sử viết về Đức Giêsu theo kiểu đó, là cốt đem đến cho Đức Chúa một cung cách theo kiểu tiểu sử tương tự như hoàng-đế Augustus từng có, nhưng thánh-nhân còn muốn nhấn mạnh hơn tính chất rất “con người” của Đức Giêsu, về sự thật. Chứ, không chỉ mối tính chất rất thánh thiêng của Chúa, thôi.

Người đọc lâu nay nghe rất quen hai chương đầu ở Tin Mừng thánh Luca, đặc biệt là trình thuật về thời khắc có Giáng sinh, như mùa này. Điều mà thánh sử Luca còn muốn nhấn mạnh hơn nữa là định vị Đức Giêsu là Đấng duy nhất chỉ mình Ngài mới xứng hợp mọi danh dự lâu nay con người vẫn dành cho Hoàng đế.

Các truyện do thánh-sử kể cho ta nghe trước khi kể về cung cách Chúa Giáng Hạ -và cả truyện kể về thánh Gioan Tẩy Giả nữa- thánh Luca đều bắt đầu bằng câu: “Số là vào những ngày thời Hêrôđê, vua xứ Giuđê…” (Lc 1: 5) Nhưng khi kể về việc Chúa Giáng Hạ, thánh-nhân lại viết những giòng chữ như: “Trong những ngày ấy, Hoàng đế Augustus ra sắc chỉ ban hành lệnh kiểm tra toàn thể thiên hạ…”(Lc 2: 1) là thánh-sử muốn nối kết Đức Giêsu là người Do-thái với truyện hoàng-đế Augustus, là người La Mã. Nên, ở đây ta cũng thấy khó mà hiểu nổi lệnh kiểm tra này theo tính sử học. Bởi, làm sao khi ấy mấy ai có được khả năng khiến bắt mọi người trong đế quốc và trên toàn thế giới lúc đó lại có thể về nơi mình sinh hạ để kiểm tra được?

Thánh Gioan Tẩy Giả, như phụng vụ hôm nay có trích dẫn, cũng ở trong tình huống chính trị hệt như thế. Ta cứ nghĩ, rằng: thánh-nhân đây chỉ thực hiện một cuộc thanh tẩy giản đơn như đang làm ở nhà thờ nơi đây, lúc này thôi. Nhưng kỳ thực, thánh-nhân đã không làm như thế. Thánh nhân chỉ mỗi tụ họp mọi người về với giòng sông Gio-đan rồi dẫn họ đi vào giòng chảy rồi hụp lặn ở đó như động thái tẩy sạch bụi trần rồi bước qua sông để về đất miền đầy hứa hẹn mà đòi cho được đất miền của mình, do Chúa hứa tặng. Sự thể là, đất miền ở nơi đó lâu nay bị chiếm hữu và dân quân La Mã đã trụ trì, cũng khó đòi. Thánh Gioan khi ấy chỉ là nhân vật lịch sử rất chính trị. Thánh nhân, là đấng bậc sáng chế ra các nghi thức mang tính chính trị ở trong đó.

Thánh Luca, nay lại nói lên một ẩn dụ hàm ngụ tính chất “chính trị của Đạo Chúa” rất chính đáng bằng những lời ca mà thánh-sử gửi đến với ta ngang qua Đức Mẹ, là Mẹ của Chúa, đang lúc cưu mang Chúa, là Đấng cứu độ muôn dân. Và, Mẹ cũng qua đó đi vào với “chính trị” của Thiên Chúa, Giáo hội ta gọi đó là bài ca “Xin Vâng”. Qua bài này, Mẹ đã nói lên rằng Thiên Chúa sẽ làm một số việc ngang qua Con của Mẹ, là Đức Giêsu. Một số việc, bao gộp toàn bộ ý định của Thiên Chúa, trong đó có hành xử:

· Làm tan tác lũ kiêu căng

· Hạ kẻ quyền năng khỏi ngôi báu

· và suy tôn những người khiêm hạ

· Đói khó Ngài cho no phỉ sự lành

· Giàu sang Ngài xua đuổi về không

Một số việc, không là những ý tưởng đạo đức, sốt sắng, mà là thứ “thuốc nổ” rất chính trị. Là, khó khăn của mọi thời, như:

· Lòng tự hào, kiêu hãnh;

· Kẻ quyền năng thiếu công bằng và sự bất công;

· Sự bức bách người khiêm hạ ở dưới thấp;

· Áp lực từ kẻ giàu sang chỉ muốn chất chồng thêm của cải..

Các vấn đề như thế vẫn trải dài nơi Tin Mừng thánh Luca và nhất là  hai chương đoạn nói về thuở thơ ấu của Hài Nhi Giêsu. Chương đoạn đó không dành cho trẻ nhỏ, mà là thứ chính trị lớn cho người đứng tuổi. Bởi, với Giáng sinh, chỉ hiện thực khi nào ta ta đem nền chính trị lớn của Đạo tháp nhập vào với cảnh trí thế giới, mới được.

Bởi, Tiệc Thánh Thể ta tham gia, đều có nghĩa như một cam kết, rằng: các nhà cầm quyền phải nhận ra rằng: của cải/tiền bạc trên thế giới đều thuộc mọi người dân trong đó và phải phân phối đều cho họ. Phải dành ưu tiên phân phát cho người bị bỏ rơi ngoài xã hội và người đói khát nghèo hèn cần thức ăn. Thế mới là món quà Giáng Sinh xứng hợp. Đúng ra, đó không phải là quà cáp hay quà tặng, mà là công nhận quyền lợi căn bản của con người. Quyền làm người. Thành thử, mùa Vọng là mùa nên sắp xếp suy tư mang tính đợi chờ có lợi cho người không được liệt kê trong danh sách những người được hưởng thụ.

Hiểu được thứ chính trị nhà Đạo rất chờ đợi, cũng nên ngâm lại lời thơ trên, rằng:

 

“Ta như kẻ hoài nghi đành bỏ cuộc.

Ngôn ngữ buồn, khánh kiệt của tim đau.

Ta vắt cạn tận cùng trong nỗi nhớ.

Bóng Em về, tha thướt quẩn quanh đâu.”

(Vương Ngọc Long – Đêm Nguyệt Quỳnh)

Hoài nghi hay bỏ cuộc, vẫn cứ chờ. Chờ, ngày Chúa đến Ngài sẽ “tha thướt”, “quẩn quanh”, “trong nỗi nhớ”. Nhớ rồi, ta sẽ cương quyết rao truyền thứ chính trị nhà Đạo rất nhân đạo, nhẹ nhàng của dân con. Mãi mãi.

 

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá luợc dịch

Vấn đề đau khổ

Vấn đề đau khổ

Tác giả: Trầm Thiên Thu

Tại sao có đau khổ? Đó là một câu hỏi rất cũ mà vẫn hoàn toàn mới. Và chắc hẳn chẳng ai có thể trả lời “thấu tình đạt lý” để ai cũng khả dĩ “tâm phục khẩu phục”.

Đau khổ là Tứ Diệu Đế của Đức Phật: Sinh là khổ, Lão là khổ, Bệnh là khổ, và Khổ là khổ. Ông thấy có nhiều thứ đau khổ nên ông đã giác ngộ để có thuyết nhà Phật. Vấn nạn “tại sao có đau khổ?” là câu hỏi về lý do chúng ta chịu đau khổ, loại hàng đầu trong cuộc sống, vì ít nhiều gì thì ai cũng trăn trở suốt ngày thâu đêm, chỉ có người điên hoặc sống thực vật mới không trăn trở và không đau khổ. Nhưng nếu có thể “vắt chân lên trán” thì cũng không tìm ra nguyên nhân chính xác nhất. Theo ý nghĩa nào
đó, tôn giáo là nỗ lực của con người muốn trả lời câu hỏi này và muốn giải quyết vấn nạn này.

Không ai lại không đau khổ. Sinh ra chưa biết gì đã khóc. Vui sao lại khóc? Phải chăng “khóc” là tiên báo  đau khổ? Khóc giống nhau ở tình trạng “chảy nước mắt”, nhưng khóc vì vui sướng thì không “nức nở” và “nhức nhối” như khi khóc vì đau khổ. Và chúng ta thường nói câu cửa miệng: “Đời là bể khổ!”. Phải chăng khổ-ải-trần-gian là “phần cứng” đã được cài đặt mặc định như một định-luật-muôn-thuở?

Xét theo khoa học, nước mắt cũng có lợi là “làm vệ sinh” mắt, vì chất muối mặn giúp sáng mắt và chữa lành các tổn thương nhẹ của mắt. Người chịu đau khổ nhiều nhất là Chúa Giêsu, nên chính Ngài đã chúc phúc cho những người-chịu-đau-khổ:

“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5), và chính Ngài cũng đã thực sự phải chịu đau khổ nhiều (x. Mc 8:31; Lc 17:25). Đồng thời Ngài còn cảnh
báo những người-sống-ung-dung-vui-sướng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ
bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”
(Lc 6:25). Ngài đề cao sự đau khổ, vậy đau khổ không như chúng ta nghĩ. Rồi Ngài còn căn dặn và xác định: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).

Vâng, ngày nào cũng có cái khổ của ngày đó – không thiếu, không thừa, mà luôn “vừa đủ”. Không ai có thể diệt khổ. Càng tránh khổ càng gặp khổ, càng cố diệt khổ càng thêm khổ. Cách thoát khổ tốt nhất là “đi xuyên qua đau khổ”, như kiểu “dĩ độc trị độc” vậy.

Nhưng đôi khi chúng ta thiếu hiểu biết, hiểu lệch lạc hoặc thiếu công bằng khi nhận định về đau khổ. Thấy một người chịu đau khổ – chẳng hạn bị tai nạn, nếu chúng ta quý mến người đó thì chúng ta nói là “thánh giá Chúa trao”, còn nếu chúng ta không ưa người đó thì chúng ta nói đó là “Chúa phạt”. Rõ ràng có sự thiên vị từ trong suy nghĩ của chúng ta. Nhưng tất cả là “để giữ vững kế hoạch Thiên Chúa đã tự do chọn
lựa, mà chọn không dựa vào việc người ta làm, nhưng dựa vào ý muốn của Thiên
Chúa” (Rm 9:10-12).

“Tại sao có đau khổ trên thế gian?” là câu hỏi cơ bản nhưng cũng rất trừu  tượng. Nhưng đau khổ lại là một khái niệm cụ thể, vì hằng ngày chúng ta vẫn phải đối mặt với đau khổ ở nhiều dạng và nhiều mức độ: Bệnh tật, tai nạn, căng thẳng, vất vả lao động, lo lắng, bị hiểu lầm, bị chê trách, bị ghen ghét, thất nghiệp,… Không thể liệt kê hết đau khổ trong cuộc sống. Đau khổ hầu như vượt qua tầm hiểu biết của con
người.

Thánh Ý Chúa quá mầu nhiệm! Đau khổ là một trong những kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta chấp nhận đau khổ không phải do “bị triệt buộc” mà do “đức tuân phục”, nhờ vậy mà đau khổ trở thành đường dẫn đến Ơn Cứu Độ. Chúa Giêsu đã khuyên người ta chịu đau khổ: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14).

Người ta coi đau khổ là điều phải tránh. Họ tránh đau khổ bằng cách nỗ lực tối đa, cố gắng tách mình ra khỏi thế giới, vì thế giới bị coi là nguyên nhân gây đau khổ.
Người Công giáo coi đó là một trong ba đại thù. Người ta còn tránh đau khổ bằng
cách làm ngược lại, bằng cách tích lũy của cải và tìm kiếm những niềm vui ở mức
tối đa. Dù khác nhau, nhưng việc tránh đau khổ vẫn là nguyên lý tột đỉnh để
chúng ta áp dụng.

Ở một góc nhìn khác thì đau khổ thuộc lĩnh vực đức tin Công giáo, đau khổ là thập giá. Chúa Giêsu nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38), và Ngài xác định: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Theo đó, đau khổ không là điều cần tránh. Thực sự là chúng ta cố gắng làm giảm đau khổ của người khác, nhưng giáo lý làm nên đức
tin duy nhất thì đau khổ mang tính cứu độ. Đối với người Công giáo, đau khổ là phương thế để thánh hóa bản thân, là đền tội mình, cầu nguyện cho tha nhân và cứu các linh hồn, là cách tiếp cận Thiên Chúa và chia sẻ đau khổ của Chúa Giêsu Kitô – Đấng đã chịu chết vì toàn nhân loại.

Đau khổ là “chướng ngại vật” mà mọi người đều cố gắng tránh, giảm thiểu hoặc cách ly, nhưng chính đau khổ lại là “chìa khóa vạn năng” để mở cánh-cửa-cứu-độ. Phải có mức can đảm cao thì người ta mới khả dĩ chấp nhận và chịu đau khổ một cách ngoan cường – dù là đau khổ  tinh thần hoặc thể lý. Chứ theo bản năng nhân loại thì không ai đủ sức chịu đựng. Thật vậy, theo nhân tính, Chúa Giêsu cũng đã lo sợ đến
toát mồ hôi trong Vườn Dầu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải
uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”
(Mt 26:39).
Con ngưới rất yếu đuối và luôn sợ đau khổ.

Nhưng một lúc sau, Ngài đã vượt qua nỗi sợ nên thân thưa: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng Ý Cha” (Mt 26:42). Nỗi sợ vẫn đeo bám Ngài đến nỗi trước khi trút hơi thở, Ngài lại phải thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34). Đau khổ lúc đó lên tới mức tột đỉnh ở nơi Ngài, huống chi chúng ta!

Đôi khi chúng ta thiếu bản năng nhìn thấu nỗi đau khổ. Điều này có thể tạo ra “điểm mù” khi chúng ta nói về tình yêu, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, hoặc an tử (cách làm người khác chết êm dịu – mercy killing, euthanasia). Điều này rất quan trọng khi
chúng ta cân nhắc mà không thấu hiểu nỗi đau khổ.

Những căn bệnh trầm kha ở giai đoạn cuối và các chứng rối loạn gen thường là cách biện hộ để áp dụng biện pháp an tử hoặc phá thai. Không vì mục đích của Chúa thì đau khổ trở nên vô nghĩa, hóa gánh nặng, là điều khủng khiếp, và đau khổ lại chồng chất thêm đau khổ. Do đó, cuộc đời càng trở nên ảm đạm!

Thực sự vấn đề đau khổ không thể nào có câu trả lời thỏa mãn theo lý lẽ của con người. Hiểu được và có thể chấp nhận đau khổ thì người ta phải nhờ ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa. Phúc Âm là Tin Mừng cho chúng ta. Chính những đau khổ chúng ta cố gắng chịu đựng có thể đem chúng ta đến với Ơn Cứu Độ. Thánh Gióp và nhiều vị thánh khác đã minh chứng hùng hồn về mối liên quan chặt chẽ giữa sự đau khổ và Ơn Cứu Độ. Trừ thánh Gioan, các Thánh tông đồ và các Thánh tử đạo càng minh chứng rõ ràng hơn về mối quan hệ đó khi các ngài hiên ngang chịu tan xương nát thịt. Như vậy, đau khổ là điểm son chứ không đáng nguyền rủa.

Đau khổ liên quan Đức Tin, nói theo người đời là lòng tin hoặc niềm tin.

Trong số những người không có  niềm tin tôn giáo vẫn có những người có tính chịu đựng hoặc nhịn nhục. Nếu họ không tin vào cái gì đó cao hơn hoặc vô hình thì họ cần gì cam chịu như vậy? Với người có niềm tin tôn giáo thì rõ ràng hơn: Họ chịu đau khổ vì vâng lời dạy của Đức Kitô, để đền tôi mình, để đền tội thay người khác, và để cứu các linh hồn. Đó mới là Đức Tin chân chính, chứ cứ “đường đường chính chính” thì chẳng ai sợ ai, chưa biết ai ăn ai, vì người khỏe ỷ sức mạnh thì người yếu cũng biết
dùng mưu lược.

Lạy Thiên Chúa, xin ban Thần Khí Chúa để chúng con có thể hiểu giá trị của đau khổ mà can đảm đi xuyên qua đau khổ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

 

“Người Samari” nhân hậu hôm nay

“Người Samari” nhân hậu hôm nay

Tâm Thương

 

WGPSG — Đã hơn một tuần lễ nay, các phương tiện truyền thông ồ ạt đề cập đến chuyện một cô gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1984, ngụ P. Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, Tp. Hồ Chí Minh) bị bọn cướp mang trong người dòng “máu lạnh”, chém cánh tay phải gần đứt lìa, hiện đang còn nằm bệnh viện Chấn Thương – Chỉnh Hình Tp. Hồ Chí Minh. Tai nạn kinh hãi này đã làm cho biết bao người không khỏi bàng hoàng, xót xa và lo lắng; đồng thời đã làm dấy lên một làn sóng dư luận xôn xao phẫn nộ trước những con người tàn ác, hoặc những người đi đường vô cảm bỏ mặc chị Thúy bị cướp chém lìa cánh tay khi đang chạy trên cầu Phú Mỹ, hướng từ quận 7 về quận 2.

Thế nhưng, có một người đàn ông can đảm, tốt bụng, đã động lòng xót thương, ra tay cứu giúp chị Thúy trong cơn hoạn nạn “thập tử nhất sinh”. Đó là ông Đặng Văn Nỡ (42 tuổi, ngụ quận 2, Tp. Hồ Chí Minh). Hành động yêu thương xuất phát từ tình người của ông làm tôi nhớ đến người Samari mà Chúa Giêsu đã đề cập trong Tin Mừng gần 2000 năm qua (Lc 10,25-37). Phải chăng vì hành động can đảm, yêu thương như thế mà mỗi Kitô hữu chúng ta có thể ví ông như người Samari nhân hậu hôm nay?

Hành động yêu thương cứu người của ông Đặng Văn Nỡ

Trên tờ báo Dòng Đời số 28, thứ Sáu 30.11.2012, có đề cập đến tình huống ông Đặng Văn Nỡ bắt gặp người bị bọn cướp chém gần đứt lìa cánh tay phải: “Khi vừa đổ dốc cầu Phú Mỹ, trong ánh đèn lờ mờ, ông thấy một cô gái còn rất trẻ đang bò lết dưới đường, trên người đầy máu… Ông vội ra tín hiệu cho một số xe dừng lại cùng ứng cứu nạn nhân nhưng không một xe nào đáp ứng.” Tình huống này làm tôi nhớ đến những người kinh sư, biệt phái đã lặng lẽ làm ngơ bỏ đi khi một người đàn ông đang kêu cứu vì bị bọn cướp chặn đường đánh một trận nhừ tử và cướp hết tài sản. Trong tình huống ấy chỉ có một người Samari tốt bụng, đến gần người bị nạn, cho lên ngựa, đưa về quán trọ nhờ người săn sóc và sẵn sàng thanh toán mọi chi phí cho chủ quán.

Trong trường hợp tai nạn thương tâm và kinh hãi của chị Thúy, xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 24.11 cũng tương tự như dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Tin Mừng. Người đàn ông cứu giúp chị hoàn toàn xa lạ, không nghĩ đến chuyện sợ bị người khác làm liên lụy đến bản thân, sẵn sàng giúp người chị em đồng loại bằng tất cả tình người: “Lúc này, khi bọn cướp đã bỏ đi, nhiều người dân mới dừng lại xôn xao bàn tán. Cô gái đang trong tình thế rất nguy hiểm, máu tuôn xối xả từ cánh tay bị đứt lìa, ông Nỡ nhanh chóng lấy áo của mình bó chặt vết thương cho nạn nhân. Lúc này, có rất nhiều người đứng xem, ông Nỡ nhờ người phụ đưa nạn nhân vào bệnh viện nhưng ai cũng từ chối. Không thể trễ hơn, một tay điều khiển xe, một tay quàng ra sau ôm nạn nhân, ông vội đưa cô gái đi cấp cứu. Sau hai lần chuyển viện, ông ngủ lại ở Bệnh Viện Chấn Thương – Chỉnh Hình Tp. HCM. Chờ ca cấp cứu thành công và người nhà nạn nhân đến ông mới ra về.”

Những “người Samari” nhân hậu hôm nay

Bạn thân mến, cuộc sống hôm nay luôn biến  động, khó khăn về mọi mặt, và ngày càng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như cướp của, giết người, xì ke, ma túy, hay những trò đỏ đen thâu đêm suốt sáng… Điều này dẫn đến những hậu quả tai hại cho chính cá nhân, gia đình và xã hội như vướng vào những căn bệnh nan y, vào tù ra khám, nợ nần chồng chất, người dân hoang mang không dám ra đường vì sợ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, an ninh và trật tự xã hội lộn xộn. Hơn thế nữa, cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay chạy theo đồng tiền, hưởng thụ cá nhân đã làm cho não trạng, tâm lý của phần đông người ta chỉ biết nghĩ đến bản thân, ngại dấn thân và nghĩ đến tha nhân bằng những nghĩa cử giúp đỡ với hết tấm lòng như ông Nỡ đã làm trong câu chuyện trên đây.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn ý nghĩa khi có những người Samari tốt bụng hôm nay. Đó là những mạnh thường quân ủng hộ hàng trăm ngàn phần cơm từ thiện cho nhiều bệnh nhân từ Bắc, Trung, Nam vào Tp. HCM trị bệnh. Đó còn là những người phụ nữ âm thầm, một tuần ba ngày vào bệnh viện gội đầu miễn phí, hoặc chăm sóc những bệnh nhân nghèo neo đơn, ít người thân chăm sóc. Động lực của những người Samari hôm nay là gì? Phải chăng đó là tình thương, sự sẻ chia không toan tính vị lợi đối với những mảnh đời nghèo túng, bệnh tật và cô thế cô thân?

Vậy thì điều cốt lõi để trở nên người Samari nhân hậu hôm nay như Chúa Giêsu muốn đó chính là tình yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thế nhưng, phải làm gì để gọi là yêu thương thật sự, hay tình yêu thương dựa vào những điều gì? Phải chăng đó là những hành động xuất phát từ quả tim muốn sẻ chia và đồng cảm với những buồn vui của kiếp người, hay với những người anh em đồng loại đang trong cảnh nghèo túng, hoạn nạn và khổ đau?

Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta sẽ là những người Samari nhân hậu, trở nên dấu chỉ tình yêu như Chúa muốn trong cuộc sống luôn biến động, phức tạp hôm nay, và cho những con người chưa một lần biết yêu thương bao giờ.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Nói cho con người (Ba bài giảng sám hối): Lm Chân Tín (3)

Nói cho con người (Ba bài giảng sám hối): Lm Chân Tín (3)

Đăng bởi cheoreo lúc 1:00 Sáng 5/12/12

VRNs (05.12.2012) – Sài Gòn – Mấy hôm nay, nhiều độc giả đề nghị chúng tôi phổ biến ngay Ba bài giảng sám hối của cha Chân Tín, vì tuy là sự kiện lớn đối với giới Công giáo vào Mùa Chay năm 1990, nhưng các thế hệ 7x, 8x, 9x, là nguồn nhân lực chính cho mọi sự thay đổi hiện nay của Giáo hội cũng như xã hội Việt Nam, gần như chưa có cơ hội tiếp xúc. Do đó, VRNs xin chấm dứt phần các tham luận của cha Chân Tín tại các cuộc họp với Mặt trận tổ quốc, mà cho đăng lại ngay các bài giảng sám
hối này.

Ba bài giảng sám hối

(Mùa Chay, tháng 4/1990)

Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – DCCT

(đường Kỳ Đồng  Sài Gòn)

 

Bài giảng thứ nhất

Sám hối cá nhân

 

Mùa Chay là mùa Sám hối. Tuần Thánh là chóp đỉnh của cuộc sám hối.

Khi có ý định lấy việc sám hối làm đề tài cho ba ngày tĩnh tâm của giáo xứ ta, tôi cũng có chút nghĩ ngợi: Anh là gì mà đi giảng sám hối cho kẻ khác? Thôi đi ông, ông có nghe câu ngạn ngữ: “Ông lang ơi, hãy chữa mình trước đã!” Đúng thế anh chị em. Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước hết. Hơn ai hết, linh mục là người phải sám hối nhiều nhất, vì đã lãnh năm nén bạc. Mà linh mục là người yếu đuối như ai, cũng bị tham sân si chi phối, cũng chưa thực thi tốt chức năng của người tín hữu và của người có chức vụ linh mục.

Đến đây, tôi nhớ một câu chuyện tiếu lâm nghe được trong một buổi cơm gia đình mà tôi là linh mục độc nhất. Tôi nhớ đại khái: Một hôm, có một linh mục và mấy ông giáo dân của ông sắp vào Thiên Đàng. Vậy cũng ngon rồi. Tuy Chúa đã phán xét rồi, nhưng ông Phêrô còn muốn kiểm tra lần cuối. Thủ kho to hơn thủ trưởng đó mà. Phêrô sai mấy ông thánh tí hon mang một hộp phấn xuống chân cầu thang trao cho mỗi người một cục phấn để vừa đi lên vừa biên tội mình ở mỗi bậc thang. Mấy ông giáo dân người thì xài nửa cục, người thì 2/3, người cao lắm một cục còn ông cha sở lấy một cục phấn hì hục biên tội, lên mãi tận trên. Nhưng thấy ông lại đi xuống. Ông buồn rầu
bảo: Tôi viết hết một cục phấn rồi, mà chưa hết tội, tôi xuống xin thêm một cục
nữa.

Câu chuyện tiếu lâm đại loại như thế, để thấy rằng càng nhiều chức phận, càng nhiều trách nhiệm và đồng thời cũng nhiều sai phạm.

Anh chị em thân mến,

Mỗi người chúng ta là một cá nhân chịu trách nhiệm về đời sống Kitô hữu của ta. Vì thế có vấn đề sám hối cá nhân. Nhưng người Kitô không đơn độc. Chúa đã muốn tụ họp tất cả trong một cộng đoàn, cộng đoàn Giáo hội. Với tư cách là thành viên của Giáo hội, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm về những thiếu sót của Giáo hội. Vì vậy, ta còn phải sám hối trong lòng Giáo hội. Đàng khác, ta là công dân nước Việt nam, ta cũng có trách nhiệm về những thiếu sót của Đất nước ta.

Hôm nay, tôi đề cập đến sám hối cá nhân. Ngày mai, về sám hối trong lòng Giáo hội, và ngày mốt, sám hối trong lòng Dân tộc.

1. Lời kêu gọi của các tiên tri:

+ Joel (2,12-18): “bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy  thật lòng trở về với ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Ngài nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót… Hãy kêu lên: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa… Chúa đã tha thứ cho dân Ngài.”

+ Isaia (58,1-14): “Các ngươi ăn chay trong sự cãi vã, ẩu đả và đánh nhau hung tợn… Ăn chay như ta mong muốn là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, dẹp bỏ mọi gánh nặng, chia sẻ cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước những kẻ phiêu bạc không nhà, cho kẻ trần truồng áo mặc. Nếu người loại bỏ khỏi tâm hồn sự đàn áp, cử chỉ đe dọa và những lời hiểm độc, khi ngươi hết lòng quảng đại
với người đói khát làm cho tâm hồn đau khổ được thư thái, thì sự sáng của ngươi
xuất hiện trong tối tăm.”

+ Giona (3,1-10): “Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị hủy. Dân thành tin tưởng nơi Thiên Chúa, củng cố việc ăn chay, mặc áo nhặm. Vua ra sắc lệnh: phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý và tha thứ chúng ta khỏi chết.” Và Chúa đã tha cho họ.

+ Ezechiel (18,21-28): “Nếu kẻ gian ác ăn năn, sám hối mọi tội nó phạm, tuân giữ mọi giới răn của ta và thực thi công bằng chính trực, nó sẽ sống chứ không phải chết.”

+ Daniel (9,4-10): “Chúng tôi đã phạm tội và làm điều gian ác, chúng tôi đã làm điều bất chính và phản bội, chúng tôi đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa, chúng tôi đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng tôi, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng tôi là phải chịu hổ mặt; vì đã phạm tội. Lòng từ bi và
tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng ta, vì chúng ta phản bội cùng Chúa.”

+ Isaia (10,16-20): “Hãy lắng nghe lề luật Thiên Chúa. Hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy dẹp khỏi mắt ta các tư tưởng xấu xa, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành, hãy tìm kiếm chân lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những kẻ mồ côi và bênh vực cho người góa bụa!”

+ Jeremia (17,5-10): “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ sống xa Chúa. Họ như cỏ cây trong hoang địa, họ ở nơi khô cháy hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc cho những người tin tưởng vào Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ là niềm hy vọng của họ. Họ sẽ như cây trồng bên bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn, mà vẫn đơm hoa kết quả luôn.”

+ Michêa (7,14-15, 18-20): “Có Chúa nào giống như Chúa là Đấng dẹp tan mọi bất công và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi, Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển.”

+ Daniel (3,25, 34-43): “Xin đừng hủy bỏ lời giao ước của Chúa, xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng tôi. Chúng tôi đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng tôi, chúng tôi bị nhục nhã mọi nơi… Với tâm hồn sám hối và với tâm hồn khiêm tốn, chúng tôi xin Chúa chấp nhận… Xin đừng để chúng tôi phải hổ thẹn, xin hãy đối xử với chúng tôi theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa.”

+ Osê (14,2-10): “Các ngươi hãy trở về với Chúa và thưa: xin hãy xóa bỏ tội ác.”

2. Lời kêu gọi của Gioan Tẩy giả:

Chúng ta vừa nghe Tin Mừng theo Matthêô (3,1-12). Gioan kêu gọi dân “hối cải vì Nước Trời đã gần bên”. Đối với những người thật tình sám hối, Gioan làm phép rửa cho họ. Khi họ “xin thú tội lỗi”, còn biệt phái bè Sađốc đến xin làm phép, mà không sám hối, thì Gioan có những lời nặng nề: “Nòi rắn độc, ai mách cho các ngươi cơn thịnh nộ hòng đến. Hãy sinh quả phúc đức xứng với lòng hối cải, đừng tưởng nói được với mình: Ta có cha là Abraham. Tôi bảo các ông: Thiên Chúa có thể lấy những viên đá này mà gầy nên con cái cho Abraham. Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây, cây nào không sinh quả lành sẽ bị chặt và quăng vào lửa. “Rồi Ngài nói với dân chúng: “Phần tôi, tôi sẽ thanh tẩy anh em bằng nước để lo hối cải. Còn Đấng sẽ đến sau tôi, quyền thế hơn tôi và tôi không dám xách dép cho Ngài. Ngài sẽ thay đổi anh em trong Thánh Thần và lửa. Cái rê lúa sẵn trong tay, Ngài sẽ sạch lúa sân Ngài”

3. Lời kêu gọi hối cải của Chúa Kitô:

Tin Mừng theo Luca (14, 1-9) nhắc lời kêu gọi của Chúa Giêsu khi có người đến báo tin cho Ngài về những người Galilê bị tổng trấn Rôma đổ máu hòa với lễ tế họ. Ngài nói với họ: “Các anh tưởng những người Galilê ấy là hạng người tội lỗi hơn mọi người Galilê khác, vì đã khốn như thế. Không đâu. Tôi bảo các anh: nếu các anh không hối cải thì các anh cũng sẽ bị tiêu diệt như thế. Hay 18 người đã bị tháp Siloam đổ xuống đè chết kìa, các ngươi tưởng họ có tội hơn mọi người trú ngụ tại Je1rusalem sao? Không đâu. Tôi bảo các anh: Nếu các anh không hổi cải, các anh cũng sẽ bị tiêu diệt giống như thế.”

Thưa anh chị em, qua lời của các tiên tri cũng như của Gioan và của Đức Kitô, việc sám hối của ta là việc căn bản, nếu chúng ta muốn chấp nhận ơn cứu độ dồi dào của Chúa Kitô trong mùa Phục Sinh này.

4. Thế nào là sám hối?

a. Không phải đấm ngực khóc lóc như ít người làm khi xưng tội, hơn mấy người khóc mướn, nhưng chả có gì cả.

b. Không phải chỉ có ân hận.

+ Juda ân hận đã làm cho Chúa Giêsu bị lên án, trả tiền lại đền thờ, rồi đi thắt cổ.

+ Người trộm dữ ân hận vì bị bắt, bị án xử tử. Nhưng lại thách Chúa Giêsu sao không tự cứu mình và cứu hắn.

+ Mười Vân, giám đốc Công an Đồng Nai: trước tòa y ân hận vì đã tổ chức bảy chuyến di tản để hốt vàng, tổ chức làm ăn phi pháp với lực lượng công an, làm hồ sơ giả để bắt giam người vô tội, hối lộ, tham ô, móc ngoặc. cho thân nhân 118 căn nhà, 87 xe hơi, 19 xe máy, 919 đồng hồ và những máy móc.

+ Cán bộ cao cấp (tỉnh ủy, chủ tịch, trưởng phòng hình sự) dính vào vụ Đường Sơn Quán: ân hận, chưa sám hối.

c. Sám hối là đổi mới sau khi ân hận.

+ Người con trai hoang đàng ân hận vì đói rách (chưa vì cha mình), nhưng đã trở về với cha và bắt đầu cuộc đời mới bằng đứa con có hiếu.

+ Đứa con từ chối làm việc cha nó bảo rồi sám hối và làm như cha.

+ Zakhê: ân hận vì những bất công và sẽ hứa trả gấp bốn lần.

+ Phêrô: ân hận đã chối Chúa và trở lại, hy sinh cả cuộc đời cho Chúa.

+ Phaolô ân hận đã bắt bớ Giáo hội, trở lại trên đường Damas và hy sinh rao giảng Đức Kitô.

+ Một Augustinô, một Foucault, sau một cuộc đời buông thả, đã ân hận, đã sám hối bằng một cuộc trở lại với Thiên Chúa và hiến cả cuộc đời cho Nước Trời.

+ Một số tín hữu quen biết cũng đã có một cuộc đời bê bối, ích kỷ, nhưng sau khi đã ân hận, đã sám hối bằng cách đổi mới cuộc đời.

5. Sám hối về những gì?

a. Thường tình, ta sám hối vì đã phạm luật (Mười điều răn Đức Chúa Trời, Sáu điều răn Hội thánh). Ít khi ta sám hối về thiếu tình yêu đối với Chúa và con người. Ta chỉ sám hối cái tiêu cực. còn cái tích cực mà ta bỏ qua, ta không sám hối. Đây là điều phải sám hối vì rất căn bản.

Ta coi chừng việc thỏa mãn vì đã giữ lề luật. Người biệt phái đã tự mãn, cho mình là công chính. Nhưng lại thiếu bác ái (chống Chúa Giêsu vì đã làm phép lạ ngày Sabat).

b. Sám hối căn bản mà tôi muốn đề cập hôm nay là thực hiện ơn gọi nên hoàn hảo và thực thi ba chức năng của người Kitô hữu (tư tế, ngôn sứ và vương đế).

Nên hoàn hảo.

Tin Mừng theo matêô(5, 48) đề cập đến các mối phúc thật và tin thần yêu thương của đạo mới  và kết thúc bằng lời gọi  của Chúa Giêsu: “Các hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành.”

Cộng đồng Vatican II, trong Hiến chế  về Giáo hội, chương 5, cũng có đề cập đến vấn đề này: “Mời gọi chung mọi người trong Giáo hội phải nên thánh.” Lời mới gọi này, lệnh này của Đức Kitô liên hệ  đến mọi người. Nghe đến đây có người sẽ nói: “Việc nên thánh, việc nên hoàn hảo là việc của mấy ông cha bà phước, chớ đâu là việc của chúng tôi, những giáo dân, ở ngoài đời, có được lên Thiên Đàng cũng ngon rồi.” Nghĩ như vậy là lầm to rồi. Chưa xác tín điều đó thì thấy cần phải sám hối rồi đó. Vì đây là vấn đề căn bản của đời sống Kitô hữu. công đồng nói: “Giáo hội là hoàn toàn thánh
thiện trước con mắt đức tin. Thật vậy, Đức Kitô, con Thiên Chúa cùng với Chúa
Cha và Thánh Linh, được xưng tụng là Đấng Thánh duy nhất đã yêu mến Giáo hội
như hiền thê đã hiến thân để thánh hóa Giáo hội (Ep 5, 15-26). Ngài đã kết hợp
với Giáo hội như thân thể Ngài đã ban đầy ơn Thánh Linh để Thiên Chúa được vinh
danh. Vì thế, trong Giáo hội, mọi người, dù thuộc hàng giáo phẩm hay được hàng
giáo phẩm dìu dắt, đều được mời gọi nên thánh như lời thánh Phaolô: “Vâng,
thánh ý Thiên Chúa là muốn cho anh em nên thánh” (1 Th. 4,3; Ep. 1,4).

Sự thánh thiện này của Giáo hội vẫn thấy là biểu lộ bằng những thành quả do ơn Chúa Thánh Linh phát sinh trong tín hữu; dưới mọi hình thức, sự thánh thiện được thấy qua những người cố đạt tới đức Mến trọn hảo trong lối sống riêng biệt nên gương cho người khác. Là thấy vẫn mẫu mực của mọi sự trọn hảo, Chúa Giêsu đã dạy tất cả và từng môn đệ của Ngài, dù họ ở địa vị nào, phải sống thánh thiện như Chúa là Đấng khởi xướng và kết thúc: “Chúng con hãy nên trọn hảo như Cha chúng con ở trên Trời là Đấng trọn hảo”. Và thực Chúa đã gởi Thánh Linh Người đến với tất cả, thúc đẩy bên
trong để họ “mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết năng lục” (Mc.
12,13) và thương nhau như Giêsu đã thương họ (Gn. 13,34; 15,12). Được Chúa gọi,
không phải vì công đức của họ, nhưng chỉ vì Chúa muốn ban ơn để họ trở nên công
chính trong Đức Kitô; là môn đệ Kitô nhờ phép rửa, họ thực sự trở nên con cái
Thiên Chúa, tham dự vào bản tính Chúa và dĩ nhiên thực sự họ là thánh. Sự thánh
hóa đã nhận được, ta phải giữ gìn và hoàn thành qua cuộc sống của mình. Phaolô
đã khuyến cáo ta sống như những vị thánh (Ep. 5,3), và mặc lấy những tâm tình
từ bi, nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng, chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho
nhau… “Cũng như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em hãy tha thứ cho nhau. Và
trên hết các điều ấy, anh em hãy mặc lấy đức Mến, tức là giềng mối của sự trọn
hảo” (Col. 3,12-14).

Đề cập đến những đặc tính của lòng Mến, thánh Phaolô nói: “Lòng Mến thì khoan dung, nhân hậu, lòng Mến không ghen tuông, không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật” (Co. 13, 4-6).

Như vậy, chúng ta thấy rằng việc nên trọn hảo là lời mời gọi, là mệnh lệnh của Chúa Kitô đối với mọi tín hữu, không trừ ai. Xưa nay ta có bao giờ sám hối về việc nên trọn hảo này không hay chỉ xét mình năm điều bảy chuyện, rồi có khi chả ân hận, chả có sám hối, cốt là đi xưng tội là thấy yên tâm.

Ba chức năng của tín hữu

Đề cập đến mầu nhiệm Giáo hội mà mỗi chúng ta là thành phần, Công đồng Vatican II gọi chúng ta là “dân Thiên Chúa”. Cũng như Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng của Ngài, bằng giao ước cũ, thì nay trong máu Chúa Kitô, Thiên Chúa đã kêu gọi ta làm dân mới của Ngài và đã ký với ta một giao ước mới: Như vậy ta đã trở nên “dòng giống được lựa chọn, hàng tư tế, hoàng  vương, một dân tộc thánh” (1 P. 2,9-10). Chính Chúa Kitô là thủ lãnh của dân mới này, vì Ngài “đã bị nộp vì tội ta và đã sống lại vì công chính hóa của chúng ta” (Rom. 4,25).

+ Chức tư tế:

Người Kitô hữu nhờ sự tái sanh trong Thánh thần, đã được thánh hiến để trở nên đền thờ thiêng liêng và một hàng tư tế thánh, để nhờ tất cả hoạt động của người Kitô hữu,, dâng lên Thiên Chúa những của lễ thiêng liêng của chính bản thân, cũng như hoạt động. Dâng mình làm của lễ hy sinh sống động, chứng tá cho Chúa. Tham gia chứa tư tế của linh mục trong bí tích Thánh thể và tiếp nhận các bí tích, bền tâm cầu nguyện, tạ ơn, từ bỏ mình và bác ái thực sự.

+ Chức ngôn sứ:

Đức Kitô là ngôn sứ của Thiên Chúa, bằng chứng là của đời sống và sức mạnh của lời nói, Ngài đã tuyên bố nước Trời với những đòi hỏi của nó. Muốn làm ngôn sứ, tín hữu phải nghe lời Chúa, đọc lời Chúa, chia sẻ lời Chúa. Người giáo dân còn là ngôn sứ bằng làm chứng tá trong đời sống gia đình, xã hội, trong các cơ cấu trần gian. Tông đồ giáo dân, phúc âm hóa xã hội. Đôi lúc thay thế linh mục làm một số mục vụ.

+ Chức vương tế:

Phục vụ trong khiêm nhường, bền chí, gương mẫu, Chúa Kitô đã phục vụ cho đến chết trên thập giá. Dùng khả năng chuyên môn để nâng cao lao động, kỹ thuật, văn hóa, chia sẻ của cải công bằng, tranh đấu cho tự do, nhân phẩm, cải thiện điều kiện sống. Lành mạnh hóa các cơ cấu và hoàn cảnh, phù hợp với đòi hỏi của công bằng. Đem những giá trị luân lý thấm nhập văn hóa và việc làm của con người.

Như vậy, là chuẩn bị cho cánh đồng để đón nhận hạt giống Kitô giáo. Đón nhận Lời Chúa và mở cửa cho hoạt động của Giáo hội.

Phân biệt tư cách công dân và tư cách người của Giáo hội (quyền lời và nghĩa vụ). Dung hòa quyền lợi và nghĩa vụ.

Lương tâm công giáo hướng dẫn hoạt động trần thế. Hoạt động trần thế được quản trị theo luật riêng của nó nhưng được lương tâm công giáo cho một hướng đi nhân bản.

Cải thiện trật tự thế trần. Đấu tranh cho nhân quyền và dân quyền. Lo nên trọn hảo và thực thi ba chức năng của người Kitô hữu, đó là nội dung của cuộc sám hối của ta hôm nay.

Ta xác tín lời gọi nên trọn hảo như Cha trên Trời, đến mức độ nào hay ta nghĩ đó là chuyện ông cha bà phước?

Ta thi hành ba chức năng tư tế, ngôn sứ, vương đế như thế nào?

Anh chị em thân mến,

Chúng ta phải ân hận, phải sám hối, phải đổi mới tâm tư và sinh hoạt của chúng ta.

Nhân dịp Mùa Chay, mùa sám hối, ta hãy quyết tâm sám hối đến nơi đến chốn, chứ không chỉ tìm một sự công chính theo lề luật.

 

Lm. Chân Tín

(9.4.1994)

Mưa

Mưa

TRẦM THIÊN THU

Cuối năm mà nói chuyện Mưa thì thật là quá lỗi thời. Nhưng có thể chính cái “lỗi thời” đó lại có thể khiến chúng ta biết ơn Mưa, vì hết Mưa nên trời oi ả và nóng bức quá!

Thật vậy, nếu không có Mưa thì chúng ta chết hết. Tại sao? Vì Mưa đổ xuống cho chúng ta, dù  mưa nhỏ hay Mưa to, thậm chí chỉ là Mưa bụi hoặc Mưa phùn. Chính Mưa tăng làm độ ẩm cho đất, và thời tiết cũng khả dĩ trở nên mát mẻ hơn. Nói chung, Mưa rất cần cho mọi sinh vật, cần cho đất đai, cần cho môi trường. Nhưng có khi Mưa… phát ghét. Mưa cũng khổ, cũng có kẻ ghét và người thương!

MƯA là một trong những ca khúc nổi tiếng của Ns Văn Phụng  (*). Với âm thể Dm (Rê thứ), giai điệu giản dị nhưng mượt mà, đều đặn như những giọt mưa rơi và nhẹ nhàng như tiếng Mưa thánh thót, chuyển âm cũng rất đơn giản mà vẫn hay, được lồng trong nhịp Valse (3/4) uyển chuyển, ca từ mộc mạc mà thâm thúy, lại được gieo vần như một bài thơ năm chữ, đã lôi cuốn người nghe như “trôi” theo Mưa và khiến người nghe cảm nhận sự mát mẻ của Mưa, đồng thời đưa người nghe vào “khung trời yêu tuyệt vời”. Yêu ở đây không là chuyện yêu đương đôi lứa mà là tình yêu đồng loại. Tuyệt vời quá!

Ns Văn Phụng nhận xét tinh tế qua những gì rất đời thường: “Mưa rơi rơi trên đường, Mưa rơi suốt canh trường, Mưa rơi ướt phố phường, Mưa trôi lá trong vườn, Mưa đang tí tách reo ven tường”.

Mưa không rơi trên đường thì rơi đi đâu, không ướt đường thì ướt gì? Chuyện quá dĩ nhiên. Ấy thế mà cái “dĩ nhiên” ấy có mấy ai để ý được như Ns Văn Phụng? Thế mới “độc” – “độc chiêu” hoặc “độc đáo” chứ không “độc hại”. Nghệ sĩ là thế, thấy cái mà người ta không thấy, nhưng có thể lại không thấy cái mà người ta thấy. Ngược nhau là thế. Tia nắng chiếu vào một chiếc lá thì tia nào cũng giống nhau, nhìn lắm lúc thấy bực mình, thế mà người có máu nghệ sĩ lại thấy ánh nắng “không bình thường”, nghĩa là có chút “điên” (chứ không “khùng”), điên-ở-mức-cho-phép. Thế mới “khác người”, vậy mới “lạ đời”!

Có lẽ vì không đủ hiểu giới văn nghệ sĩ mà ông bà xưa nói: “Xướng ca vô loài”. Khổ thật! Nhục thật! Người ta có “loài”, thú vật cũng có loài, sinh vật cũng có loài, nhưng ai “dính líu” vào “bảy nốt nhạc” thì đều “vô loài” (ý chê bai theo nghĩa xấu). Quá nhục!

Kệ. Cái gì “trời cho” đều là “trò chơi”. Cứ chơi cho hết mình. Ns Văn Phụng tiếp tục tả Mưa: “Mưa rơi trên sông dài, Mưa qua khắp non đoài, Mưa cho thắm hoa đời, Mưa cho hết u hoài, Mưa cho đám lúa non mỉm cười”. Mưa làm trôi u buồn nhưng lại tưới gội phù sa làm cho lúa cũng biết cười. Nhân cách hóa hay quá!

Ông nhìn thấy Mưa trải dọc suốt dải đất hình chữ S của Việt Nam: “Mưa đem tươi vui về cho thắm áo nâu, Mưa cho nương dâu và khoai sắn lên mau, Mưa như trút sầu, Mưa tươi lúa đầu, Mưa rơi qua Bến Hải, Cà Mau”.

Mưa không chỉ thấm sâu vào đất mà còn thấm cả vào từng người: “Mưa rơi trên vai chàng, Mưa rơi ướt vai nàng, Mưa rơi khắp thôn làng, Mưa reo những cung đàn, Mưa như tiếng ru con dịu dàng”. Cách ví von của ông rất tự nhiên và chân chất.

Mưa cũng biết yêu chân thành và yêu mọi người: “Mưa yêu bông hoa đời, Mưa yêu biết bao người, Mưa không biết hững hờ, Mưa thương lúa bơ phờ, Mưa yêu lúa mong mưa từng giờ”.

Lạ thật! Mưa mà vẫn biết quan tâm từng chi tiết và chú trọng cuộc sống gia đình: “Mưa yêu thương ai nghèo, Mưa cho lúa ngô nhiều, Mưa cho hết tiêu điều, Mưa cho những ai nghèo, Mưa cho thắm bữa cơm ban chiều”.

Mưa không hề ích kỷ. Mưa luôn đại lượng. Mưa cho mọi người, dù người đó tốt hay xấu: “Mưa rơi phương Đông rồi Mưa rơi tới phương Tây, Mưa gieo hương xuân về trên những luống cày, Mưa rơi chốn này, Mưa cho lúa đầy, Mưa cho duyên ta càng nồng say”.

Không chỉ như thế, Mưa còn rất nghiêm túc và đầy tính nhân bản: “Mưa không yêu ngang đường, Mưa không muốn ai buồn, Mưa yêu nước non này, Mưa yêu mến dân cày, Mưa cho lúa ngô hơn gạo đầy”. Mưa là thế, và mỗi chúng ta phải nhận thức được bài học của Mưa để cuộc đời này giảm bớt đau khổ.

Câu kết (coda) của ca khúc MƯA ngắn gọn và cô đọng: “Mưa còn gieo xuống đời, Mưa về cho lúa thêm tươi”.

Ai cũng mong chờ Mưa, ai cũng khao khát Mưa, vì ai cũng cần nước. Sau một trận mưa, trời sáng hơn, đất hiền hơn, và mọi vật đều đổi mới. Mưa thật kỳ diệu!

Về tinh thần, lòng người như mảnh đất khô cằn, xã hội cũng như bị hạn hán tình người, thế nên luôn cần những Cơn Mưa Yêu Thương với những Giọt Mưa Tình Cảm. Chỉ có loại Mưa đó mới khả dĩ làm tươi mát con người.

Muốn vậy thì chính mỗi người phải là Giọt Mưa Yêu Thương. Mưa cho mình, mưa cho gia đình, mưa cho xã hội, mưa cho đất nước, mưa cho thế giới, mưa cho nhau, hôm nay và mãi mãi…

Mùa Vọng. Mùa khát khao và mong chờ một loại Mưa Đặc Biệt là Mưa Giêsu, Mưa Thánh Ân, Mưa Cứu Độ. Chỉ có Mưa Giêsu mới thực sự giải khát chúng ta, và nhờ đó mà Đất-Khô-Cằn-Chúng-Ta mới hết “hạn bà chằn”.

Nhưng muốn được “đã” cơn khát, chúng ta phải nghe lời người-mở-đường là Thánh Gioan Tẩy Giả: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3:4-5).

Đồng thời chúng ta còn phải hứng Mưa bằng những gì mình đang có, càng lớn càng tốt: Ly, chậu, xô, thùng, bồn,… Lòng càng bớt “quanh co” thì “dụng cụ chứa” của chúng ta càng rộng lớn.

Trời cao hỡi, hãy gieo xuống sương mai

Ngàn mây ơi, hãy mưa đức công chính

Đất nẩy mầm cứu độ linh thánh

Và chính trực sẽ vươn mạnh cao lên

(Is 45:8)

Lạy Chúa, kiếp chúng con khốn khổ quá, xin thương mau ban Đấng Thiên Sai để chúng con được Ngài giải thoát. Chúng con cầu xin nhân Danh
Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

*) Ns Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, là con thứ hai trong một gia đình bốn anh em. Ông học dương cầm từ nhỏ, qua sự chỉ dạy của hai giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng. Năm 1945, Văn Phụng
đã đoạt giải nhất độc tấu dương cầm trong một cuộc tuyển lựa tại Nhà Hát Lớn Hà
Nội với nhạc phẩm “La Prière d’Une Vierge”.

Thời đi học, Văn Phụng là một học sinh xuất sắc. Ông học tiểu học tại trường Louis Pasteur, học trung học tại trường Albert Sarraut. Năm 16 tuổi, sau khi đậu tú tài, Văn Phụng theo học ngành y theo ý muốn của người cha, nhưng chỉ được một năm, ông bỏ học y để theo âm nhạc. Năm 1946, Văn Phụng chạy loạn về Nam Định và trú tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn, rồi ông gặp Lm Mai Xuân Đình và linh mục này đã chỉ dạy cho ông về âm nhạc và giáo lý. Năm 1948, ông quay về Hà Nội. Theo lệnh tổng động viên, ông gia nhập Ban Quân nhạc đệ tam Tiểu đoàn Danh dự. Tại đây, ông đã quen với những người mà về sau cũng trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Nhật Bằng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Văn Khôi, Vũ Thành,… Thời gian đó, ông được nhạc trưởng Schmetzer (người Pháp, gốc Đức) chỉ dẫn về hòa âm.

Ông là nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc tình miền Nam trước 1975. Một số nhạc phẩm của ông được xếp vào thể loại tiền chiến. Ông còn được xem là một trong những nhạc sĩ hòa âm hay nhất của Saigon trước 1975. Một số ca khúc nổi tiếng của ông: Mưa, Mưa Rơi Trên Phím Đàn, Mưa Rơi Thánh Thót, Mộng Hải Hồ, Bức Họa Đồng Quê, Ghé Bến Saigon, Giấc Mộng Viễn Du, Ô Mê Ly, Trăng Sáng Vườn Chè, Trăng Sơn Cước, Vó Câu Muôn Dặm, Xuân Họp Mặt, Suối Tóc, Yêu,…

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

DÂN TRÍ

DÂN TRÍ

Trước khi gặp lại một người bạn người nước ngoài mới trở về từ Việt Nam, nó háo hức ơi là háo hức. Anh bạn này là con trai một người lính Mĩ đã từng sang tham chiến ở quê hương trong những năm 60. Anh lớn lên và được kể cho nghe về những đau khổ do chiến tranh gây ra cho người dân quê hương mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, vì muốn bù đắp lại chút nào đó cho con người Việt Nam, anh quyết định gác lại sự nghiệp riêng để sang Việt Nam.

Nhưng sau khi gặp anh bạn nước ngoài này, sự háo hức của nó bỗng trở thành nỗi buồn vời vợi. Buồn lắm vì nó là một nhà giáo trẻ đầy nhiệt huyết. Làm sao không buồn được khi anh bạn nước ngoài, sau một thời gian cống hiến ở Việt Nam, nói rằng anh không tính sẽ quay lại sống ở Việt Nam nữa, lý do chính nằm gọn trong câu nói của anh: “Dân trí ở đây thấp quá. Rất khó sống.”

Mới đầu nó tự ái lắm khi nghe câu nói ấy. Nó phản ứng ngay: “Việt Nam là một nước có nhiều người đi học, nhiều sinh viên đại học, nhiều người có bằng cấp. Làm sao bạn lại có thể kết luận cẩu thả như thế?”

Nhưng người phương tây thường nói có sách mách có chứng đàng hoàng. Bởi thế, nó chỉ còn biết im lặng mà nghe. Ngậm ngùi. Đau.

Anh bạn nước ngoài kể dài lắm nhưng một cách vắn tắt thì như thế này:

“Tôi yêu quý dân tộc của bạn. Tôi cảm thấy khổ tâm khi thấy những hậu quả của chiến tranh để lại. Mới đầu tôi dự tính sẽ sống ở đất nước bạn lâu dài, mong có thể làm được điều gì đó bù đắp lại những đau khổ do cha ông chúng tôi đã gây ra. Tôi thấy quê
hương các bạn đang từng bước hội nhập vào cộng đồng quốc tế nên tôi hy vọng
giúp các bạn chút vốn liếng Tiếng Anh để các bạn dễ hoà nhập hơn. Tôi không hối
hận đã được cống hiến thời gian và sức lực cho các bạn sinh viên Việt Nam vì
tôi thích làm điều có ý nghĩa. Nhưng thật là khó sống ở đây khi dân trí khá thấp.”

Anh bạn này nói tiếp: “Một lần kia tôi đang đi bộ trong một con hẻm, chợt nghe có tiếng vật gì đang rơi từ trên cao xuống. Theo phản xạ tự nhiên, tôi ngẩng đầu lên xem thì thấy một bịch rác ai đó vứt qua cửa sổ đang rơi xuống. May qía tôi nhảy qua một bên né kịp chứ không thì….Rồi lần khác, đang chạy xe trên đường, tôi giật mình khi
thấy có người ném một con chuột từ trong nhà ra ngoài đường. Tôi hốt hoảng
tránh nó xuýt nữa bị tai nạn. Vứt rác ra nơi công cộng đã là một điều kinh
khủng rồi, bây giờ lại ném cả chuột ra ngoài đường. Chiều hôm đó tôi có việc
phải đi lại trên cùng một con đường, con chuột đã bị xe khác cáng nát be bét.
Nhìn rợn cả gai ốc! À, có chuyện này tôi hỏi bạn. Bạn đã sống ở một số nước
ngoài, bạn có thấy người đi xe hay bấm còi không?”

“Rất ít khi, chỉ khi nào khẩn cấp thôi.” Nó trả lời.

“Đúng vậy. Còn nhiều người ở quê hương bạn bấm còi rất ồn ào bất cứ lúc nào, ngay cả những nơi cần tôn trọng sự yên tĩnh như bệnh viện, trường học. Rồi trong phòng chiếu phim, có không ít người vẫn bật điện thoại lên nói chuyện tỉnh bơ như chỗ không người. Có lẽ họ không thấy chung quanh họ là người bởi vì người thì cần được tôn trọng. Bạn thấy sao?”

“À, thì chuyện đó, tôi cũng không rành lắm vì tôi ít đi coi phim.” Nó miễn cưỡng đáp.

“Tôi quen một cô bạn Việt Nam. Có lần tôi theo cô ấy vào bệnh viện để thăm người nhà đang nằm điều trị tại một bệnh viện công. Thân nhân của người bệnh người thì ngồi người thì nằm nghỉ la liệt dưới nền lối đi. Trong các phòng dành cho bệnh nhân, tôi cũng thấy thân nhân họ nằm dưới đất, thậm chí dưới gầm giường. Chữa trị trong môi trường ồn ào, xô bồ như thế này, làm sao mau khỏi bệnh được! Không chừng tạo ra thêm nhiều bệnh nhân mới nữa ấy chứ. Cô bạn tôi còn kể rằng nếu không có tiền
mà vào bệnh viện thì dù có gặp nguy hiểm cũng vẫn phải nằm đó chờ. Tôi hỏi lỡ
bệnh nhân tử vong thì sao, cô ấy đáp: “Thì chết chứ sao nữa.” Vào phòng thăm
người nhà cô ấy, tôi thấy mỗi lần cô ấy muốn nhờ bác sĩ hay y tá điều gì, để
cho nhanh chóng và vui vẻ thì cô ấy phải bỏ tiền vào phong bì đưa cho họ, gọi
là tiền trà nước. Chẳng lẽ bác sĩ, y tá ở nước bạn cần uống nhiều trà nước vậy
sao?!”

“À, thì chắc là khí hậu ở đấy nóng nên hay khát nước…” Nó đùa cho bớt đau.

“Bạn biết không, lúc tôi đến nước bạn lần đầu tiên, tôi đi chung với một Việt kiều. Lúc vào cửa khẩu kiểm tra hộ chiếu và thị thực, không hiểu sao anh cảnh sát cứ để bạn tôi đứng đó chờ. Cuối cùng thì bạn tôi bỏ vào hộ chiếu một tờ giấy nhỏ màu xanh xanh,
“nhỏ nhưng có võ”, thế là anh cảnh sát vui vẻ cho qua liền và chúc bạn tôi kì nghỉ thoải mái. Tôi là người gốc nước ngoài, hình dáng khác, tiếng nói cũng khác nên không thấy anh cảnh sát nói gì. Chắc cùng là người Việt nên dễ “nói chuyện” hơn! Nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều ấy xảy ra ở nước tôi. Đó sẽ bị coi là một hành vi hối lộ. Ở nước bạn, việc này xảy ra lộ liễu giữa ban ngày như vậy mà không sao nhỉ?”

“Tôi nhớ trước đây báo chí cũng có nói đến việc này, nhưng một thời gian sau thì lại tái diễn và chẳng thấy ai nói gì nữa.” Nó đáp.

“Bạn biết không, tôi sẽ không bao giờ quên mùa Giáng Sinh năm vừa rồi của tôi. Chị tôi gửi cho tôi một bánh trái cây (fruitcake) cho chính tay chị ấy làm. Chúng tôi có truyền thống ăn bánh với rượu sữa Bailey vào đêm Giáng Sinh, ngon lắm. Nhận được tin chị báo qua email, tôi mừng quá vì thèm. Nhưng đến khi tôi ra bưu điện lấy quà,
người ta đòi tôi hơn 2 triệu đồng, tức là hơn 1 trăm đô-la Mĩ. Ôi trời ơi, chị tôi mất công làm bánh, tốn kém hết cỡ thì cũng chỉ hai ba chục đô-la. Cuối cùng, tuy tiếc hùi hụi nhưng tôi quyết định không nhận món quà ấy nữa vì tôi thấy quá vô lý và bị xúc phạm. Luật pháp Mĩ rất chặt chẽ về việc gửi hàng, nhất là thực phẩm, nên họ đã kiểm tra hàng gửi kĩ lưỡng. Vậy mà bưu điện bên đất nước bạn lại tự ý mở bánh của tôi ra xem. Ai mà dám ăn bánh đó nữa. Lúc mở ra, biết đâu người ta bỏ cái gì khác vào đó thì sao. Thêm nữa, ở phiếu dán liệt kê các mặt hàng gửi đã ghi rõ nội dung hàng gửi rồi, tại sao bưu điện nước bạn không biết tôn trọng quyền riêng tư, uy tín của người gửi và người nhận. Nếu họ thắc mắc muốn biết chắc chắn hàng gửi có hợp pháp và an toàn hay không, họ cần phải làm việc với bưu điện bên Mĩ chứ không thể tuỳ tiện mở ra được. Vả lại, một cái bánh nhỏ không thể tốn nhiều tiền như vậy. Lúc ấy, tôi rất thất vọng về sự việc này. Sau đó ít ngày, tôi còn thất vọng hơn khi biết rằng một sinh viên trong lớp tôi dạy cũng rơi vào trường hợp tương tự. Có người chị từ California gửi
cho cậu ta một hộp sô-cô-la và một lọ thuốc vitamin C sản xuất tại Mĩ để chúc mừng sinh nhật. Người ta khui cả bưu phẩm ra rồi yêu cầu cậu ta đóng phí 1 triệu 6 trăm ngàn. Cậu ta hỏi tại sao lại phải đóng tiền trong khi chị cậu đã đóng tiền rồi. Nhân viên bưu điện bảo thuốc này cần phải đi kiểm tra lại xem có an toàn không. Cậu ta hỏi ngược lại: “Mĩ là nước có kĩ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới. Các anh có trình độ kiểm tra người ta sao? Mà chỉ là một lọ vitamin C thông thường, chẳng lẽ các anh thật sự quan tâm đến sức khỏe của tôi đến nỗi đi kiểm tra độ an toàn của nó giùm tôi?” Các nhân viên phải xuống nước và giảm phí xuống còn 5 trăm ngàn, nói rằng coi như là xin tiền cà phê sáng. Cậu sinh viên nói với tôi rằng mấy người nhân viên quèn trong đó thôi cũng đã đeo đầy vòng vàng, nhẫn vàng, họ không thiếu tiền uống cà phê sáng đâu.“Bạn có vẻ bức xúc quá. Tôi xin lỗi!” Nó trấn an.

“Đúng, tôi bức xúc. À, còn chuyện này nữa. Hôm nọ tôi đi ăn nhà hàng với mấy thầy cô đồng nghiệp bản xứ của bạn. Lúc ăn, tôi thấy họ xả rác bừa bãi xuống sàn nhà. Sao không để gọn trên bàn hoặc cho vào thùng rác gần đó nhỉ ? Bạn thấy không, có bằng cấp cao  đâu hẳn là có dân trí cao.”

Nó giật mình vì câu nói này. Hoá ra dân trí là một cái gì khác hơn là bằng cấp.

“Bạn biết không,”  người bạn nước ngoài kể tiếp, “mới hôm qua thôi, tôi đang đi ngoài đường thì chứng kiến một vụ va quẹt xe máy. Rõ ràng là người A chạy ẩu quẹt vào người B. Vậy mà người A vừa la hét vừa đánh người B, đổ lỗi hết cho người B. Sao người A lại có thể lỗ mãng, vô liêm sỉ như thế? Có lỗi thì phải can đảm nhận lỗi chứ.
Sao lại muốn đổi trắng ra đen, lật lọng như thế? À, tôi nhớ đến một vụ tai nạn
giao thông khác cách đây không lâu. Người bị nạn nằm trên vũng máu trong khi cả
một đám đông bu quanh để xem mà không ai động đậy một ngón tay để giúp đỡ.
Trước khi đến nước bạn, tôi nghe rằng người dân ở đây có tinh thần cộng đồng
cao lắm. Nhưng tôi thật sự chưa cảm nhận được.”

“Ui, nãy giờ say sưa nói chuyện để thức ăn nguội rồi. Nào ta ăn thôi.” Nó mời bạn.

“Đúng rồi. Mình ăn đi.  Thú thật với bạn, từ ngày tôi trở về Mĩ lại, tôi mới thấy an tâm khi ăn uống. Bên quê hương bạn, quả là có nhiều món ăn rất ngon, tôi rất thích. Nhưng đáng tiếc và đáng sợ vì thức ăn của các bạn không bảo đảm an toàn thực phẩm. Chính tai tôi nghe một số sinh viên trong lớp nói rằng bây giờ ăn uống là “hên xui”.
Ai “hên” thì ăn trúng thức ăn nhiều hoá chất và chết sớm trước khi có con cái. Ai “xui” thì ăn trúng thức ăn có hoá chất bộc phát chậm và để lại bệnh tật di truyền cho con cháu. Tôi nghe mà lạnh hết cả người.”

“Đúng là có chuyện thực phẩm của chúng tôi có nhiều hóa chất độc hại do một số người hám lợi mà thiếu lương tâm.” Nó đồng ý.

“À, có một điều làm  tôi rất ngạc nhiên khi nghe các sinh viên nói với tôi rằng học sinh bây giờ quay cóp trong thi cử nhiều lắm. Hơn nữa, một số người trong vị trí lãnh đạo
còn mua bằng cấp chứ không phải tự trau dồi kiến thức mà có. Các sinh viên còn kể cho tôi nghe rằng nếu một sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm muốn cống hiến tri thức của mình cho các thế hệ tương lai trong một ngôi trường, họ phải đóng tiền gì đó đến cả trăm triệu khi nộp đơn xin việc. Việc họ được nhận vào giảng dạy phụ thuộc vào số tiền kia chứ không dựa trên tài năng của họ. Có thật như thế không bạn?”

“Ừm, tôi cũng có nghe nói đến tình trạng ấy.” Nó miễn cưỡng trả lời.

“Wow, nếu mà như vậy thì làm sao có dân trí được nhỉ?” Người bạn nước ngoài chặc lưỡi, lắc đầu.

Bây giờ thì nó hiểu ra ý nghĩa của dân trí. Dân trí là một điều gì căn bản và cần
thiết cho con người hơn là việc có một tấm bằng lủng lẳng trong nhà. Dân trí không chỉ là đầu đầy chữ nghĩa nhưng là tim đầy vị tha. Dân trí gồm có sự hiểu biết những giá trị tốt đẹp và khả năng chia sẻ chúng. Dân trí đúng nghĩa phải là sự quan tâm đến ích lợi của những người xung quanh. Mình làm gì thì cũng nghĩ đến hạnh phúc của người khác. Dân trí là biết tôn trọng và tự trọng. Dân trí là sống cao đẹp. Dùng bằng cấp, địa vị xã hội chỉ cho việc tìm kiếm tư lợi thì là phản dân trí. Có dân trí là phải biết liên đới với tha nhân bằng tình yêu thương bác ái. Một xã hội dân trí là xã hội gồm có những người biết yêu thương chân thành như vậy.

“À này bạn, tôi cảm  thấy thú vị về đất nước Mỹ của bạn, một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc, đa lý tưởng, đa đảng phái. Thực tế phức tạp vậy mà các bạn vẫn cùng nhau tiến lên đạt được phát triển trên nhiều lãnh vực như kĩ thuật, nghệ thuật, nhân văn, y học,
tâm lý, kinh tế, xã hội, chính trị, từ thiện vào bậc nhất thế giới. Theo bạn thì yếu tố nào đã giúp ổn định và phát triển đất nước bạn như thế?” Nó hỏi.

“Theo tôi, một trong những yếu tố giúp ổn định xã hội phức tạp của chúng tôi chính là yếu tố niềm tin. Nếu thiếu khía cạnh nền tảng này, ắt hẳn xã hội của chúng tôi đã loạn từ lâu. Đánh giá thấp vấn đề niềm tin khờ dại vất bỏ yếu tố giúp ổn định, hài
hòa. Niềm tin chân chính vào một Thượng Đế Tình Yêu giữ cho chúng tôi biết sống có ý nghĩa, trung thực, tôn trọng, vị tha, cầu tiến bằng năng lực của chính mình, bác ái. Khi chúng tôi biết sống những giá trị tích cực ấy một cách tự hào, nhờ có niềm tin, một xã hội phức tạp như của chúng tôi không những giữ được thăng bằng mà còn thăng tiến nữa. Văn minh của chúng tôi là văn minh có lòng nhân ái vị tha làm nền, gọi là dân trí.”

Là người có niềm tin, nó hiểu rõ điều anh bạn nước ngoài vừa nói nên gật đầu: “Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn!”

+++

Lúc chia tay, người  bạn nước ngoài vừa ôm chào nó vừa nói: “Tôi xin cầu nguyện cho dân trí của quê hương bạn. Chúc các bạn bình an!”

Tác giả: O.Carm

 

Nói cho con người – Lm Chân Tín (2)

Nói cho con người – Lm Chân Tín (2)

Đăng bởi cheoreo lúc 9:40 Sáng 4/12/12

VRNs (04.12.2012) – Sài Gòn – Kính thưa quý vị, DCCT VN vừa hoàn tất việc tiễn đưa cha Stêphanô đến nơi an nghĩ cuối cùng. Trong thánh lễ an táng vừa qua, cha giám tỉnh DCCT có nhắc đến biến cố phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam. Để giúp quý độc giả biết rõ hơn quan điểm của cha Chân Tín về biến cố này, VRNs xin
đăng lại ý kiến phát biểu của cha Chân Tín tại trụ sở Mặt trận tổ quốc VN, quận
3, Sài Gòn về vấn đề phong thánh.

Góp ý vào việc Phong thánh Tử đạo Việt Nam

(18.01.1988)

Nhân cuộc họp của giới Công giáo quận 3 vào chiều ngày 18/1/1988 tại trụ sở Mặt trận tôi xin góp một vài ý kiến.

I. Sự việc đã rồi:

1. Các thỉnh nguyện thư xin phong thánh của

– Hội đồng Giám mục Việt Nam (16/11/1985)

– Dòng Đa Minh (28/12/1985)

– Hội thừa sai Paris (2/2/1986)

– Hội đồng Giám Mục Phi (13/5/1986)

– Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha (19/6/1986)

2. Với văn kiện số 1516-1986 (18/4/1986) của Thánh bộ Phong thánh của Giáo hội Công giáo Rôma chấp nhận thỉnh nguyện thư

3. Ngày 22/5/1987 Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã chủ tọa Cơ mật viện để hỏi ý kiến các thành viên bỏ phiếu chấp thuận việc phong thánh cho 117 Tử đạo Việt Nam ngày 29 tháng 5 /1987 Tòa Thánh quyết định phong thánh vào ngày 26/6/1988.

4. Ngày 18/9/1987 Ban công giáo Chính phủ triệu tập ban thường vụ Hội đồng Giám mục để phê phán vụ phong thánh và bàn biện pháp xử lý tình hình phức tạp có lý có tình.

5. Hội đồng Giám mục qua ban thường vụ gửi thư và điện văn yêu cầu duy trì việc kính các chân phúc tử đạo Việt Nam như cũ không làm gì mới khác “có hại đến đoàn kết dân tộc” (thư và điện của Đức cha Nguyễn văn Sang 19/9/1987)

6. Ban Tôn giáo của Chính phủ gửi văn thư số 01-TGCP ngày 12/10/1987 cho UBND. Ban tôn giáo tỉnh, thành phố, đặc khu yêu cầu theo dõi việc thi hành quyết định của Hội đồng Giám mục.

II. Góp ý và đề nghị:

1. Rất tiếc về sự thiếu trao đổi bàn bạc để làm sáng tỏ vấn đề các tử đạo Việt Nam vì hoàn cảnh phức tạp thời đó.

2. Trong các thỉnh nguyện thư có một vài câu quá đáng, cường điệu dùng chữ chưa đúng, khả dĩ gây bất bình, hiểu lầm trong hoàn cảnh phức tạp.

3. Dù vậy các thỉnh nguyện thư đều nói lên lòng khao khát phong thánh cho các tử đạo Việt Nam, đề cao đức tin anh hùng của một số người chết cho một lý tưởng, cho tôn giáo một cách bất bạo động.

4. Thánh Bộ Phong thánh chấp nhận các thỉnh nguyện thư đó cũng như Giáo chủ Gioan Phaolô II quyết định phong thánh vào ngày 26/6/1988 là để đáp ứng sự mong muốn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Phi, Tây Ban Nha, Hội Thừa sai Paris và Dòng Đa Minh cũng như của người Công giáo Việt Nam sẵn có từ mấy thế hệ rồi, chứ đây không phải là sáng kiến của Tòa thánh Vatican có dụng ý chính trị xấu, xuyên tạc lịch sử cách mạng của Nhân dân Việt Nam, kích động tâm lý cuồng tín tử vì đạo theo như văn thư của ông Nguyễn Quang Huy trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tòa thánh thể theo thỉnh nguyện thư của các Hội đồng Giám mục chỉ muốn đề cao hơn một mức nữa các vị tử đạo Việt Nam đã từng được phong chân phúc từ bao nhiêu năm rồi (hằng năm vẫn có lễ mừng các Chân phúc Tử đạo Việt Nam đầu tháng 9).

Xung quanh các thỉnh nguyện thư và quyết định phong thánh, có người nào, nhóm nào đã mon men có ý đồ chính trị chăng? Điều đó có thể có, nhưng chắc các Giám mục và đức Giáo chủ không thể có ý đồ đó. Các ngài chỉ thấy có trách nhiệm đối với các giáo hữu Việt nam cũng như đối với các giáo hữu Nhật Bản mấy năm trước đây.

5. Trong cái nhìn chính trị của Nhà nước cũng như trong cái nhìn lịch sử chưa được sáng tỏ của một số đồng bào, thì Nhà nước không thấy bằng lòng với việc phong thánh này.

Dù vậy, trước những việc đã rồi Nhà nước chỉ yêu cầu “tìm biện pháp xử lý tình hình phức tạp có lý có tình” như văn thư của Ban Tôn giáo đề nghị. Đây là một thái độ thực tế mà Nhà nước đã có cho đến hôm nay để đối phó với việc đã rồi.

Sau đó, Ban thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có văn thư yêu cầu kính các Chân phúc Tử đạo Việt Nam như cũ không làm gì mới khác ‘có hại cho đoàn kết dân tộc’.

Riêng tôi, tôi nghĩ rằng trong tình hình hiện tại, Việt Nam đang bị cô lập hóa trên mọi địa hạt sẽ bị cô lập hóa thêm, nếu ta xử lý việc phong thánh thiếu tình thiếu lý. Nếu Nhà nước chống việc phong thánh tại Việt Nam đa số dân chúng công giáo sẽ không tài nào hiểu nổi điều đó rồi ấm ức, sẽ bớt hăng say trong việc xây dựng Đất nước. Còn ở hải ngoại tay làm chính trị sẽ hô hoán chế độ Cộng sản Việt Nam gây nhiều khó khăn cho công giáo, nếu không nói là bắt đạo và như thế Việt Nam càng bị cô lập hóa
trên chính trường quốc tế.

Vì thế riêng tôi, tôi ước mong Nhà nước ta đi thêm một bước, tức là ủng hộ việc phong thánh, vì việc này đề cao người Việt Nam anh hùng sẵn sàng hy sinh cho một lý tưởng. Đồng thời, nếu cần Nhà nước ta cũng cứ nói lên tình hình phức tạp của thời đó, và sự dè dặt của mình về một một số vị tử đạo và tiếc không có sự thay đổi để việc phong thánh tốt đẹp hơn.

Thái độ mới này sẽ đáp ứng tâm tư đại đa số người công giáo Việt Nam. Không phải vì họ muốn chống những đồng bào ngoài công giáo hay có ý gì đối với chính phủ hiện nay mà từ nhiều thế hệ rồi, họ mong thấy các Chân phúc tử đạo còn được phong thánh nữa. Nếu giới công giáo bỏ phiếu kín, thì ít nhất là 90% sẽ ủng hộ việc phong thánh. Việc Nhà nước ủng hộ sẽ khuyến khích người công giáo hăng say góp phần xây dựng đất nước hơn. Và thái độ này cũng bịt miệng những tay hoạt động chính trị chống chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Sau cùng tôi cũng xin góp ý vào cái gọi là “thỉnh nguyện thư Việt Nam” in bằng roneo, không biết ai đã thảo ra, không đề ngày tháng, để xin chữ ký. Một nhóm người nào đó lại mệnh danh là Việt nam, Việt Nam tức là cả giáo, cả lương, cả Nhân dân, cả Chính quyền. Thế mà họ lại chỉ trích Đức Hồng y Căn vì đã viết “cả dân tộc Việt Nam nhất trí với con”. Phải chăng họ nghĩ rằng họ mới là “cả nước Việt Nam?”

Thỉnh nguyện thư đề nghị hai điều, đề nghị hoãn việc phong thánh để làm sáng tỏ vấn đề lịch sử và đề nghị tách các vị thừa sai ra.

Đề nghị thứ nhất là hoãn việc phong thánh. Với những điều tôi nói trên, chúng ta đã thấy việc không tham dự vào việc phong thánh đã gây bất mãn có hại đến người công giáo Việt Nam tham gia xây dựng đất nước và cô lập hóa thêm Việt Nam trên chính trường quốc tế, thì đề nghị các giám mục xin hoãn việc phong thánh còn tệ hại hơn. Tệ hại như trên. Tệ hại thêm nữa  là người ta nghĩ rằng Nhà nước làm áp lực bắt các giám mục Việt Nam xin hoãn, vì trước kia các giám mục đã phấn khởi xin phong thánh. Có đưa ra ‘thỉnh nguyện thư Việt nam’, thì người ta cũng nghĩ là nhóm ‘yêu nước’ nào đó chỉ theo mệnh lệnh Nhà nước để tạo ra thư đó, hầu có một màu sắc nhân
dân – và có thu được hàng triệu chữ ký thì cũng thế thôi. Thỉnh nguyện thư chỉ
đổ dầu thêm vào lửa. Vô tình họ hại Nhà nước, hại Đất nước. Cái trò thỉnh nguyện thư xin chữ ký là cái trò cũ kỹ quá rồi. Chủ nghĩa hình thức ấy chẳng ai tin, cần phải đổi mới tư duy, đổi mới phong cách.

Đề nghị thứ hai là tách các vị tử đạo thừa sai ngoại quốc. Là một đề nghị của ‘những người công giáo’ thì sẽ được người công giáo gọi là ‘ăn cháo đá bát’. Người cộng sản sẽ tôn kính người cộng sản ngoại quốc thâm nhập bất hợp pháp với bao nhiêu nguy hiểm để tuyên truyền lý tưởng cộng sản và đã bị bắn chết. Các vị thừa sai ngoại quốc, vì đức tin đã bỏ một đời sống thoải mái của quê nhà để đi vào một nước lạc hậu để rao giảng
Tin Mừng cứu độ của Chúa. Họ đã bị bắt, bị tra tấn, bị xử tử do các vua chúa thời phong kiến. Họ đã hy sinh mạng sống cho việc rao giảng là họ tử đạo. Nếu sau này, có vị này vị nọ dính líu vào việc người Pháp xâm chiếm Việt Nam thì phải nói rằng trong lương tâm của họ hồi bấy giờ, họ thấy việc nhờ người Pháp đến để chấm dứt việc bắt đạo là tốt, và ngay việc người Pháp cai trị Việt Nam họ cũng nghĩ là tốt khi họ lầm tưởng rằng người Pháp sẽ đem nề văn minh Kitô giáo cho một nước lạc hậu. Với khái niệm ngày nay về nhân dân tự quyết, độc lập tự do, ta cho là họ sai lầm. Nhưng cách đây vài ba trăm năm, khái niệm đó không rõ ràng lắm. Và ngày nay, tuy khái niệm rõ ràng, cũng còn tình trạng người ta nhờ nước ngoài làm nhiệm vụ quốc tế để chống lại một chính quyền hợp pháp mà tàn bạo. Vậy thì tình hình phức tạp hồi đó có các vị tử đạo không dễ gì mà tránh sự chủ quan. Vấn đề còn được tranh cãi dài dài.

Vì thế người công giáo Việt Nam mà đòi tách riêng người có công đem đức tin Kitô giáo đến cho cha ông họ là ăn cháo đá bát, là vô ơn, tạo chia rẽ trong giới công giáo.

Để kết thúc, tôi có hai kiến nghị, một với Nhà nước, một với Giáo hội:

a. Với nhà nước

tôi ước mong Nhà nước để cho Giáo hội Việt Nam dự vào cuộc phong thánh, vì làm như vậy ích lợi cho đất nước hơn là tẩy chay. Thái độ này sẽ vận động người công giáo Việt nam hăng say xây dựng Đất nước và cũng thuận lợi để vận động thế giới không cộng sản tham gia vào việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam đang cần đầu tư ngoại quốc, đang cần giải tỏa tình trạng bị cô lập và chứng minh sự cởi mở từ Đại hội Đảng 6 và từ ngày Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lãnh đạo Đảng.

b. Với Giáo hội

Tôi mong Hội đồng Giám mục Việt Nam đừng làm trò cười cho giáo dân cũng như cho thế bên ngoài theo kiểu ‘thỉnh nguyện thư Việt Nam’ mà xin Tòa thánh hoãn việc phong thánh và xin tách các tử đạo thừa sai ngoại quốc. Thật là một trò trẻ con không thể chấp nhận được đối với dư luận quốc nội cũng như quốc tế khi Hội đồng Giám mục Việt Nam đã từng phấn khởi xin phong thánh rồi lại xin hoãn, xin tách. Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ mất hết uy tín đối với giáo dân Việt Nam cũng như đối với Giáo hội toàn cầu. Trong tình trạng đó, các giám sẽ không còn mấy ảnh hưởng để thúc đẩy giáo dân Việt nam vừa hăng say xây dựng đất nước vừa trung thanh giữ vững đức tin.

Đàng khác, dù Nhà nước cho tham dự Phong thánh hay không, tổ chức mừng hay không, Giáo hội vẫn phải làm việc đào sâu đức tin để người công giáo Việt Nam sống đạo giữa lòng dân tộc và tiến hành việc nghiên cứu lịch sử về giai đoạn phức tạp của các vị tử đạo. Đó là cách mừng tốt đẹp nhất nhưng là chuyện lâu đài trong tương lai.

Chân Tín

(Tp HCM, 18/01/1988)

GIẬN DỮ

GIẬN DỮ

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

Trong một dịp hàn huyên, Mục sư Phan Thanh Bình bên San Diego có chia xẻ như sau về sự Giận Dữ.

“Giận dữ là bản tính tự nhiên của con người. Giận là một trong những thất tình: Mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn

Giận thì buồn phiền, hờn dỗi cho những người yếu thế. Giận thì quát tháo, chửi rủa, đập phá, đánh nhau đôi khi giết nhau cho những người ở thế mạnh.

Người xưa đã chia giận làm hai loại: Giận huyết khí và giận nghĩa lý. “Huyết khí chi nộ bất năng hữu. Nghĩa lý chi nộ, bất năng vô”. Cái giận nóng tính không nên có. Cái giận nghĩa lý, chẳng nên không.

Người huyết khí chi nộ” hầu hết là người yếu về trí xét đoán: giận đã, xét sau; yếu về tinh thần, không kiềm chế nổi sự giận dữ nơi mình; yếu về lòng thương sót, thông cảm.

Người biết giận “nghĩa lý chi nộ” là người rất mạnh. Mạnh về trí xét đoán, mạnh về tinh thần dù thể xác có yếu và đầy lòng thương xót.

Với tinh thần “cầu an” chúng ta thường bò “ Nghĩa lý chi nộ”. Nhưng chúng ta thường tỏ ra “anh hùng” với “huyết khí chi nộ”.

Người xưa đã phân định: “Người không biết giận là người dại, người không muốn giận là người khôn”. Người kiềm chế được cơn giận phải là người giàu nghị lực.

Kinh Thánh dạy: “Người nào cũng phải mau nghe, chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19).

Biết bao lần chúng ta hối tiếc đã để cơn giận bùng lên chỉ vì nghe chưa thấu, xét chưa tường, mà đã hàm hồ phán đoán.

Nếu phải nổi giận vì cái “nghĩa lý chi nộ”, cũng phải cẩn thận : “Ví bằng anh em đương cơn giận thì chớ phạm tội, chớ giận cho tới khi mặt trời lặn, và đừng tạo cơ hội cho ma quỷ” (Ê-phê-sô 4:26-27).

Ôn lại quá khứ, bởi giận mà chúng ta làm cho “cái sảy nảy cái ung”, “giận chuột ném vỡ bình quý, “giận con rận, đốt cái áo”. Tất cả đều là giận dại. Là không còn sáng
suốt hiểu biết chân lý để nói.

“Giận lên là nổi cơn điên

Người khôn hóa dại, người hiền hóa ngu”

Cảm ơn Mục sư Phan Thanh Bình, người đã viết tới 99 cuốn sách về Chúa Jêsus, Kinh Thánh, Chứng đạo, Gia đình…

Thưa Mục sư,

Nhà Phật cũng dạy: “Ôm lấy sự giận dữ chẳng khác chi nắm cục than hồng định liệng vào người khác, nhưng trước khi ném thì tay đã phỏng cháy”.

Hoặc theo lời khuyên của Thomas Jefferson: “Khi giận hãy đếm tới 10 trước khi nói. Nếu giận tràn hông thì đếm tới 100”.

Mới đếm tới bảy tám mươi đã ngủ khì thì còn giận gì nữa.

Sao mà khéo khuyên!!! Nhẹ nhàng nhưng công hiệu.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

Nguồn: Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam số 185 ngày 01-12-2012

Thư Mùa Vọng.

Thư  Mùa Vọng.

Chúa Giêsu kính yêu của con,

Sáng nay, ngày đầu của tháng 12, quán Cà phê đầu ngõ nhà con đã vang lời ca của một ca khúc quen thuộc “ Dương trần đã vang lên BÀI THÁNH CA, Mùa Đông năm ấy Chúa sinh vì ta . . .”, mở đầu cho một CD hát về Noel. Tác giả không biết có phải là người Công Giáo? Nhưng ít ra là ông biết được “ Mùa đông năm ấy Chúa sinh vì ta “.
Đó chính là ý nghĩa của hai từ GIÁNG SINH .

Những bài hát về một thời gian đẹp nhất trong năm đang vang lên trong từng gia
đình, quán xá. Đông về, một chút lạnh lẽo hiếm hoi chen vào vùng đất Saigon
nhiệt đới, khiến lòng người cũng mềm đi theo tiếng nhạc . Chính tiết đông về
lại báo hiệu cho một năm Phụng vụ mới, một Mùa Vọng mới lại đến.

Mùa Vọng- Mùa trông đợi. Mùa Vọng , mùa của niềm hy vọng, mùa của
những tiếng vọng lên trời :”Trời cao hãy đổ sương xuống, Và ngàn mây hãy mưas đấng chuộc tội “.

Từ hàng ngàn năm trước, trong dân ISRAEL đã vang lên tiếng khẩn cầu mong chờ một vị Thiên sai đến giải thóat họ khỏi kiếp sống nô lệ, bị bách hại, lầm than. Đức Giêsu Kitô đã đến. Người đến không như một vị minh chủ, một lãnh tụ trần gian. Người đến không quan quân hộ tống,không kèn trống oai phong như một dũng tướng chiến thắng trở về. Người đến trong bần hàn, nghèo khó trong thân phận một  hài nhi bé bỏng, trong một túp lều hoang vắng ngòai đồng giữa một đêm đông giá lạnh mà xúm quanh là những mục đồng nghèo hèn, cùng với đàn chiên bò của họ. Người là sứ giả của Thiên Chúa tình yêu, đem đến cho con người sứ điệp YÊU THƯƠNG. Và chính người đã sống sứ điệp ấy suốt cuộc đời mình trên trần thế. Người đến xóa mọi bất công, chỉ đường ngay nẻo chính, chính Người tự nhận là Đường, là Sự thật và là Sự Sống. Người đến cứu kẻ cơ hàn, cho họ được hưởng hạnh phúc bất diệt. Tiếc thay, Người đến trong nhà của dân Người nhưng họ không nhận biết Người .

Hơn 2000 năm đã qua đi, bản di chúc Tình yêu Người để lại vẫn mãi mang tính
hiện thực. Tình yêu ấy vẫn được triển nở để chuẩn bị cho đến khi Người trở lại.
Khi ấy mọi người, mọi dân, mọi nước sẽ qui tụ về làm một. Khi ấy con người trần
gian sẽ được giải thóat khỏi mọi xiềng xích tội lỗi, khỏi mọi hiềm khích, bất hòa, tranh chấp. Con người sẽ sống hạnh phúc bên nhau, một cuộc sống chan hòa yêu thương trong một trời mới, đất mới.  Để đón chờ ngày Chúa đến, Chúa nhắc nhở mỗi người chúng con luôn sẵn sàng, tỉnh thức, “ chớ để lòng mình sinh ra nặng nề vì chè chén say sưa,mà lo lắng sự đời. . . hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn “.

Xin cho mổi người chúng con luôn sống niềm hy vọng của những ngày chờ mong Chúa đến và luôn biết thưa lên rằng :”  Giêsu ơi ! Xin Người ngự đến “. AMEN.

Fx ĐỖ CÔNG MINH

nguồn: Maria Thanh Mai gởi