NGÀY ÂÝ … BÂY GIỜ …

NGÀY ÂÝ … BÂY GIỜ …

Anmai, CSsR

Thời gian ơi xin dừng lại

Thời gian ơi xin dừng lại

Cho đôi tình nhân

Yêu trong muộn màng

Đừng khóc ly tan …

(Ai đưa em về –
Nguyễn Ánh 9)

Thời gian trôi qua thật mau để rồi người ta cứ muốn kéo thời gian lại nhưng ai
nào kéo thời gian được đâu ?

Chỉ cần một giây trôi qua thôi thì mọi sự đã có thể thay đổi chứ huống hồ chi
một phút, một giờ, một năm.

Dẫu biết thời gian là như thế, con người vẫn muốn thời gian dừng lại để thừa
hưởng, để giữ lại cái vinh quang của tuổi xuân, của thời son trẻ nhưng nào ai
có giữ được. Tất cả đều nằm ngoài bàn tay với.

Danh, phận, sắc, … và tiền bạc cũng thế, tất cả đều trôi theo thời gian. Tiền
và danh cũng như bạc có lúc lên rồi có lúc xuống nhưng cuối cùng cũng trắng
tay. Cách riêng là nhan sắc, dù có cố giữ đi chăng nữa cuối cùng cũng chẳng còn
chi khi bóng ngã chiều tà.

Mới đây, có người cất công đi tìm hiểu về cuộc đời của vai diễn Tam Nương trong
phim ‘Người đẹp Bình Dương’, nữ diễn viên này mang luôn biệt danh này nhờ sự ái
mộ của công chúng. Bà cũng được coi là biểu tượng nhan sắc phụ nữ một thời ở
Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.

Với nhan sắc mà người ta gọi là trời phú cho bà, bà được thừa hưởng quá nhiều
vinh quang của cuộc đời. Thế nhưng, tất cả những vinh quang đó lui lại ở quá
khứ. Tiền bạc, tài sản, danh vọng bà cũng có đó nhưng những ngày luống tuổi, bà
cùng chồng – là người cũng ở trên đỉnh của vinh quang – lại cùng nhau dắt díu
nhau trở về vùng ven của chốn đô thị để tìm lại những ngày còn lại trong cõi
lặng của đời người.

Sau khi trở thành ngôi sao tỏa sáng làng điện ảnh, bà được các hãng phim lúc bấy giờ mời vào vai chính liên tục. Bà đóng rất nhiều phim (khoảng 60 phim) và trở thành nữ minh tinh số 1 với tiền cát-xê 1 triệu đồng cho một vai diễn (tương đương 1 kg vàng 9999 thời bấy giờ).

Có thể nói giai đoạn rực rỡ nhất của bà là khoảng thời gian 1965 – 1972, phim nào có bà đóng cũng đạt doanh thu rất cao. Năm 1969, bà đứng ra thành lập hãng phim riêng mang chính tên của bà là hãng phim mang chính tên của bà.

Không chỉ hợp tác làm phim, đóng phim ở nước ngoài mà đi đâu, dự bất cứ cuộc liên hoan phim nào, bà cũng đều được trọng vọng, sánh ngang hàng với các diễn viên nổi tiếng nước ngoài. Bà là một trường hợp đặc biệt, hiếm có. Đặc biệt, những ân sủng này chính là nhờ sự nổi tiếng, nhan sắc và tài năng của bà. Đồng thời những năm đó, không chỉ tham gia đóng phim tình cảm tâm lý xã hội, bà cũng bước sang lĩnh vực phim hài và phim kinh dị như. Hầu như ở lĩnh vực nào, bà cũng thành công.

Không có gì tồn tại mãi trên cõi đời này, mà điều phù du nhất chính là nhan sắc. Nhưng ở đời không ai được hưởng trọn vẹn may mắn, hạnh phúc luôn tiềm ẩn sự rủi ro, thậm chí cả bi kịch. Những ai hiểu được điều này sẽ đồng cảm hơn với cuộc đời của người phụ nữ nổi tiếng này.

Sau những năm tháng của hào quang, những ngày này, bà tu tại gia, nghiên cứu
Thiền học, làm từ thiện, hầu như ít tiếp xúc bên ngoài. Cuộc đời của một “minh
tinh màn bạc”, một phụ nữ “sắc nước hương trời”, sự nghiệp nghệ thuật lẫy lừng
đã kết thúc với số phận nghiệt ngã. Có lẽ, bà sẽ sống yên ổn với huyền thoại và
hào quang cũ khi đi ra đường bao người ngưỡng mộ kéo nhau theo phía sau để nhìn
mặt và xin chữ ký.

Có lẽ, bà cũng chỉ là một trong nhiều người đã, đang, từng và sẽ nổi tiếng và
thành công bởi sắc đẹp, bởi tài năng, bởi khả năng của mình trong những ngày ấy
nhưng cuối cùng cũng phải đối diện với cái hiện tại, cái thời khắc bây giờ.

Thánh vịnh 90 gửi gấm tâm tình thật hay :

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,

ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

Không phải là bi quan, không phải là yếm thế, không phải là không còn lý tưởng để sống nhưng Thánh Vịnh nói “xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống” để chúng ta biết và nhắc nhớ với nhau rằng :

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,

như cỏ đồng trổi mọc ban mai,

nở hoa vươn mạnh sớm ngày,

chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Nhắc với nhau như thế để chúng ta vẫn sống trong cuộc lữ hành trần thế, ai ai trong chúng ta cũng cần chút tiền chút bạc để trang trải cuộc sống; ai ai trong chúng ta cũng cần một chút danh để lại với đời; ai ai trong chúng ta cũng cần chút sắc đẹp để phô diễn cho trần gian … nhưng cùng đích, căn cốt của con người vẫn là ơn cứu độ.

Sống trên đời này, chuyện quan trọng không phải là giàu hay nghèo, sang hay hèn, đẹp hay xấu nhưng cuối cùng làm sao đạt được Ơn Cứu Độ mà con người ngày đêm vẫn ngóng trông. Thật luống công vô bổ khi ta quá đẹp, ta quá sang, ta quá giàu, ta quyền cao chức trọng nhưng “bây giờ”, giờ ta nhắm mắt xuôi tay ta chẳng được gì. Có chăng được bộ đồ còn lại mặc trong người khi khâm liệm, mà bi đát nhất là cả cái nút áo người ta cũng cắt lại không để mang đi.

Đừng mãi hoài niệm cái “ngày ấy” xa xưa mà quên đi cái thực tại không chừng quá bi đát của “bây giờ” khi không còn chức còn quyền và dung nhan tàn tạ.

Vẫn có quyền hoài niệm một chút về “ngày ấy” nhưng hãy sống sao chọ đẹp phút “bây giờ” và quan trọng nhất là ngay “bây giờ” ta có phải ra đi ta hoàn toàn bình an và thanh thản vì ta đã ôm trọn Ơn Cứu Độ trong tay và vui vẻ thốt lên như cụ già Simêon :

Muôn lạy Chúa, giờ đây

theo lời Ngài đã hứa,

xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Israel Dân Ngài. (Lc 2, 29-32)

Anmai, CSsR

Nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (25)

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (25)

Đăng bởi lúc 1:55 Sáng 27/12/12
nguồn: Chuacuuthe.com

VRNs (27.12.2012) – Sàigòn –

Nhận định:

Bài nói của ông Đỗ Mười

tại Hội nghị Cán bộ, ngày 3/3/1994

Trong tình hình Mỹ bỏ cấm vận, mở cửa kinh tế theo thị trường tự do của các nước tư bản, với ‘diễn biến hòa bình’, trong và ngoài nước, ông Đỗ Mười kêu gọi đảng viên “trước hết phải đứng vững trên quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp”.

Giai cấp nào đây? Đây là vấn đề then chốt: Giai cấp những người lao động nghèo đói bị bóc lột ngày hôm nay trên Đất nước này, hay ‘giai cấp công nhân’ không có gì là công nhân, nhưng là giai cấp của các ‘quan cách mạng’, ‘giai cấp mới’ bóc lột nhân dân lao động đến xương tủy. Đấu tranh giai cấp để giai cấp thống trị hiện nay mãi độc quyền, độc tôn, nắm toàn quyền kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế vv…

Để bảo đảm độc quyền của ‘giai cấp mới’ phải nô lệ hóa nhân dân, phải đạp lên con người, đạp lên trên những quyền căn bản nhất của con người. Con người có tự do, không ai có quyền tước đoạt tự do của con người, bằng cách lập luận “mỗi nước có đặc thù, có  truyền thống, có luật pháp của mình”. Truyền thống hay luật pháp bất công, đàn áp con người, thì truyền thống đó, luật pháp đó, phải bị hủy bỏ.

Nhân loại càng thông minh càng phải làm cách mạng hủy bỏ cái truyền thống, cái luật pháp bất công đó. Ông Đỗ Mười nêu lên truyền thống độc quyền, luật pháp vi hiến, chống lại bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam  đã đặt bút ký với các dân tộc văn minh.

Ông Đỗ Mười nói đến công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, xóa bỏ ách thống trị, bóc lột, áp bức bất công, mang tự do, hạnh phúc cho mọi người”. Có phải vậy không? Công nhân thứ thiệt vẫn nghèo đói, vẫn bị bóc lột, vẫn bị áp bức còn hơn thời thực dân. Chỉ có một nhóm người nhỏ tự cho mình là ‘giai cấp công nhân’ mới được giàu có, quyền chức, sống trên đầu trên cổ của người lao động nghèo, những công nhân sống với đồng lương chết đói. Họ xóa bỏ ách thống trị thực dân, để áp một ách thống trị nặng nề hơn, khắc nghiệt hơn.
Lịch sử 73 năm chế độ cộng sản ở Liên Xô và 45 năm ở Đông Âu, và nay ở Trung
Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng đủ để
chứng minh cái ách thống trị độc tôn, độc đảng, độc quyền đó. Ngày nay bóc lột,
áp bức, bất công càng lớn hơn tất cả các chế độ thực dân phong kiến xưa nay.
Thời phong kiến ngày xưa là phong kiến tự phát nơi này nơi khác không có tổ
chức, không để cho nô lệ thiếu đói, chết bệnh, không bắt nô lệ ca ngợi mình.
Ngày nay chế độ cộng sản là một tập đoàn phong kiến có tổ chức: mất hết tự do,
không có hạnh phúc mà người dân phải nói mình có hạnh phúc, mình tự do, mình
sống trong chế độ dân chủ hơn cả triệu lần dân chủ tư bản.

Về đấu tranh tư tưởng, tôi nghĩ những Hà Sĩ Phu, những Nguyễn Hộ, những Phan Đình Diệu, những Bùi  Tín, những Lữ Phương là những đảng viên có cỡ đã nói quá nhiều về sự lỗi thời, sự lạc hậu, sự tàn lụi của chủ nghĩa Mác-Lê.

Ông Đỗ Mười, để ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lê, chỉ lặp lại bài học cũ kỹ: Mác Anghen, Lênin đã phân tích sâu sắc bản chất chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chỉ ra con đường đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giải phóng dân tộc, xóa bỏ ách thống trị, bóc lột, áp bức, bất công, mang tự do hạnh phúc cho mọi người. Ông Đỗ Mười nói thuộc lòng bài học đã nhét vào đầu từ khi mới vào Đảng. Lý thuyết là thế, mà sự thực trái ngược, như mọi người dân hôm nay đều thấy, các
nhà trí thức, các nhà khoa học lên án nặng nề chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội
chủ nghĩa ở Liên Xô. Ở Việt Nam, ông Đỗ Mười nổi sùng đập bàn bảo “cán bộ trong
các viện nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các nhà chính trị,
các nhà văn hóa phải có thái độ, phải lên tiếng. Tại sao ta lại ngồi yên, ở thế
bị động suốt mấy năm nay. Sắp tới ta còn bị động nữa…” Ông Đỗ Mười kêu gào
“đừng để chúng vừa ăn cướp, giết người, vừa la làng”. Ai la làng đây? Tước hết
nhân quyền và dân quyền của người dân, rồi bảo chế độ ta dân chủ hơn cả triệu
lần. chỉ một điểm chính yếu đó cũng đủ biết ai la làng.

Ông Đỗ Mười bảo: “Một số  phần tử xấu nói thể kỷ XX là thế kỷ cộng sản giết người lớn nhất trong lịch sử, nên phải chôn vùi nó”. Chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản chỉ tồn tại hơn 70 năm trên đất nước Liên Xô, 45 năm trên Đông Âu, 40 năm ở Việt Nam, thế mà bao cuộc tàn sát của Stalin, thủ tiêu hàng triệu sinh mạng vì họ là những người vô
tội, bất đồng chứng kiến. Ngay ở Việt Nam bao nhiêu người chết vì bị đấu tố để
cướp đất đai của dân, những cuộc thanh trừng các nhà văn, nhà trí thức, cách riêng
thời ‘nhân văn giai phẩm’, bao nhiêu người bị tù đày, thanh toán vì nói ngược
Đảng. Ở Liên Xô từ ngày có phong trào dân chủ, người ta vạch trần thời ghê rợn
của chế độ cộng sản ở Liên Xô. Vụ hàng ngàn sĩ quan Ba Lan bị tàn sát tại
Katyn, trước kia Liên Xô đổ cho Đức quốc xã, nhưng nay được chứng minh là chính
Liên Xô đã tàn sát một năm trước khi Đức quốc xã đến.

Ông Đỗ Mười hỏi: “Ai gây ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, làm thiệt mạng mấy chục triệu người?” Ông không nhớ rằng chiến tranh đó Đức quốc xã khởi sự chiến tranh với sự đồng lõa của Liên Xô vào những năm đầu của chiến tranh thế giới thứ hai. Những hàng triệu người chết vì bom đạn của chiến tranh, khác với việc cố tình tàn sát hàng
triệu người vô tội không cầm khí giới chỉ vì họ bất đồng chính kiến với Đảng
cộng sản.

Ông Đỗ Mười tố “các thế lực thù địch vu cáo Đảng ta độc tài, không có dân chủ”. Người ta nói vậy không đúng hay sao? Hay phải gọi độc tài là dân chủ, dân chủ là độc tài? Các chế độ khác có những hạn chế trong một vài lãnh vực, và dân chủ trong nhiều lãnh vực. Ở Việt Nam, độc tài trên mọi lãnh vực: không tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do phát biểu ý kiến, không có tự do tôn giáo cho các giáo hội tổ chức nội bộ,
đặt chức sắc, in ấn sách vở tôn giáo, không được tự do đi lại, cư trú, cái hộ
khẩu nhân dân gọi là ‘hậu khổ’ một tờ giấy cầm tù tại gia. Muốn ở chỗ khác phải
xin phép mà các cơ quan cách mạng tự do từ chối. Còn bầu cử tự do, phải có ứng
cử tự do. Tại Việt Nam chả có ứng cử tự do, hay có để người ứng cử tự do cho có
hình thức, họ cũng bị loại trước khi bầu cử, hoặc làm cò mồi để lót đường cho
các quan cách mạng được Đảng chọn qua cái gọi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự
thật như thế mà gọi là dân chủ, là không độc tài? Là dân chủ hơn cả triệu lần?
Người ta ăn nói mà không ngượng miệng. Người ta coi nhân dân là đám con nít hay
là đám nô lệ cúi đầu chịu, khi Đảng bảo cái đen là trắng thì cố dạ dạ vâng vâng
bảo là trắng. Khổ và nhục cho dân Việt có bốn ngàn năm văn hiến.

Về nhân quyền, ông Đỗ  Mười bảo “Điều thứ nhất trong Công ước của Liên Hiệp Quốc là tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc”. Nhưng độc lập, chủ quyền, tự quyết để làm gì? Là để đem tự do, hạnh phúc cho người dân, nhưng nếu độc lập, để cô lập đất nước bằng một chế độ hà khắc, không muốn ai can thiệp để bảo vệ
con người, thì độc lập đó có lợi ích gì cho con người, cho người dân? Nếu tự
quyết do một đảng phái áp đặt một hệ thống cai trị ngược lại với các quyền căn
bản của con người, thì tự quyết đó không phải là của nhân dân. Đảng Cộng sản
Việt Nam luôn nói nhân dân chọn chủ nghĩa xã hội, nhân dân nào đây? Một nhóm
người rồi bảo nhân dân. Đảng cộng sản thử làm một cuộc trưng cầu ý dân tự do để
coi được mấy người ủng hộ chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội chủ nghĩa hôm nay
trên đất nước. Chắc chắn là ĐCS không dám rồi.

Về kinh tế, ông Đỗ Mười nói “ta đã đi vào thị trường”. Thị trường gì đây? Thị trường tự do với luật lệ hẳn hoi có kỷ cương luật hay là thị trường hỗn loạn, không có luật lệ rõ ràng, tình trạng buôn lậu (người người buôn lậu, nhà nhà buôn lậu, cơ quan nhà nước buôn lậu, kể cả Ủy ban Nhân dân và Đảng bộ như vụ Đỉnh Họt), tình trạng tham
nhũng lan tràn. Kinh tế còn có sự quản lý, can thiệp của Nhà nước, của Đảng như
ông Đỗ Mười nói, kinh tế ấy chỉ làm lợi cho những người có chức, có quyển, có ô
dù, một thứ Mafia được tổ chức khắp nước, khắp tỉnh thành, để làm lợi cho bản
thân họ và cho cả các nước ngoài, để có những hợp đồng sang nhượng đất đai, nhà
cửa, cơ sở với giá thấp. CHXHCN Việt Nam hôm nay, thấy làm ăn quốc doanh lỗ lã,
chạy theo thị trường cách hỗn loạn.

Ông Đỗ Mười nói đến bốn nguy cơ, trong đó có một nguy cơ khách quan và ba nguy cơ chủ quan, đang đe dọa chế độ cộng sản Việt Nam.

Nguy cơ khách quan là các thế lực thù địch muốn lật đổ chế độ: “Chúng đánh ta, ta đánh lại”. Đây chỉ là hoang tưởng. Thời nay là thời mà Đảng gọi là ‘diễn biến hòa bình’. Đảng Cộng sản hôm nay rất sợ diễn biến hòa bình. Vác súng đánh giặt, thì Đảng có nhiều kinh nghiệm. Coi như Cộng sản Việt Nam không ngán chiến tranh, nhưng lại ngán hòa bình. Diễn biến hòa bình, thì ai làm tốt, ai đem tự do, hạnh phúc cho dân
thì dân theo. Nếu ĐCS đem tự do, hạnh phúc no ấm hơn ai hết, thì có gì Đảng
phải sợ ‘diễn biến hòa bình’?

Còn ba nguy cơ chủ quan, ông Đỗ Mười đưa ra trước hết ‘nguy cơ chệch hướng’. Hướng nào đây? Hướng của dân hay của Đảng? Hướng của dân là tự do, là dân chủ, là tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền, dân quyền. đúng là Đảng đi ‘lệch hướng’ của nhân dân và ông Đỗ Mười gọi cái hướng của nhân dân là cái hướng lệch, phải áp đặt thêm nữa hướng độc tài, độc tôn của Đảng. Chính đây là cái nguy cơ chệch hướng đã lâu rồi và Đảng chưa đổi hướng cho đúng hướng của dân.

Nguyễn Trãi nói: “Chở thuyển là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Đừng sợ kẻ thù lật thuyền. Khuyên ông Đỗ Mười đổi hướng cho đúng hướng của người dân.

Về nguy cơ tham nhũng, ông Đỗ Mười tự an ủi là thời nào cũng có tham nhũng, nước nào cũng có tham  nhũng. Tham nhũng của các nước dân chủ có giới hạn và bị phanh phui và đưa ra tòa kể cả Tổng thống, Thủ tướng. Ở đất nước này, tham nhũng tràn lan khắp nơi, khắp mọi lãnh vực, mọi cấp bậc. Có bắt tham nhũng cũng ở cấp nào đó, còn mấy “quan cách mạng” cao cấp lắm ô dù cho tay chân tham nhũng, buôn lậu thì vẫn yên vị hay còn lên chức.

Còn nguy cơ ‘cơ sở yếu’, thiếu tính chiến đấu: Thượng bất chính, hạ tất loạn. Trên tác oai, tác quái. Cứ đi điều tra các xí nghiệp sẽ thấy, các đảng viên là những kẻ tác oai, tác quái, tổ chức tham nhũng! Như vậy, làm thế nào mà triệt được tham nhũng như ông Đỗ Mười hô hào rát cả cổ. Đảng chống tham nhũng, tham nhũng càng phát triển cách tinh vi hơn, như báo chí của Đảng mới đây có viết.

Nói tóm, bài nói của ông Đỗ Mười không có điểm nào được cả. muốn đổi mới mà cứ các giáo điều cũ. Không nhìn vào thực tế, cứ mãi chủ nghĩa Mác Lê như hồi trước. Các nước cộng sản sụp đổ mới mở mắt đảng viên, để đổi mới cho đúng với hướng nhân dân. Nếu nay mai, Đảng Cộng sản ở Nga và các nước Đông Âu có ảnh hưởng người dân là vì họ đã đổi mới, đã đòi dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi tự do, đòi nhân quyền cũng như các đảng khác.

 

Lm. Chân Tín


(Tin Nhà số 16, trang 12-13)

 

KHI THIÊN CHÚA BỊ CHỐI TỪ

KHI THIÊN CHÚA BỊ CHỐI TỪ

Vụ bắn giết kinh hoàng vừa xảy ra tại nước Mỹ, trong trường tiểu học Sandy Hook Elementary School ở Newtown, tiểu bang Connecticut, nơi mà một cuộc tàn sát thê thảm đã xẩy ra lúc 9:30 buổi sáng thứ sáu ngày  14/12/2012 đã làm rung động cả thế giới. Tử vong kể cả phạm nhân lên tới 28 người, trong đó có 20 con trẻ lớp 1 tuổi từ 6 cho đến 7, gồm 8 trai 12 gái. Nhiều em là giáo dân cuả giáo xứ St. Rose of Lima.

Adam Lanza, một thanh niên mới 20 tuổi còn ở với mẹ, đã bắt chết mẹ mình rồi vác 3 khẩu súng máy, lái xe tới trường, phá cửa kính xông vào và, không nói một lời, bắn giết 2 lớp học rồi tự sát. Có những thi thể bị bắn tới 11 viên đạn. Cuộc thảm sát xảy ra khi ngày lễ Giáng sinh đã gần kề, những  nạn nhân, phần lớn là các em nhỏ, miệng vẫn còn măng sữa. Sự việc xảy ra, giữa thế kỷ 21, một thế kỷ được cho là thành công của những công nghệ tin học, y học và khoa học. Nhưng tại sao con người lại quá man rợ không khác gì vào những thời nguyên thuỷ, hoang sơ của các bộ lạc khi phải đấu tranh sinh tồn.

Có thể vô vàn những lý do, nhiều những chẩn đoán được đưa ra bàn luận, và cũng có những kết luận. Có thể Adam Lanza là một con người bất bình thường, khi có một hành động gây bao đớn đau cho nhiều người. Nhưng có một điều ít ai để ý: thế giới đang bị huỷ hoại về tình yêu, mà tình yêu đó,  từ nguồn mạch là Thiên Chúa. Thiếu đi nhịp thở yêu thương ấy con người trở nên man rợ đối với anh em đồng loại của mình. Thiên Chúa trong xác thân của một em bé cất tiếng khóc oa oa chào đời cũng đã bị con người khước từ. Thánh Gioan ghi nhận điều này là: “ Ngài đã đến trong nhà ngài, nhưng người nhà đã không tiếp nhận Ngài” (Gá,14).

Khước từ Thiên Chúa, con người không thể chấp nhận tha nhân là anh em mình. Hài Nhi Giê-su đã không có một chỗ nào cho Ngài. Hàng quán, quán trọ, ai cũng hất hủi và Hê-rô-đê thì tìm mọi cách để giết Ngài. Thiên Chúa trong dáng dấp của một bé thơ, vô phương tự vệ, chỉ biết phó thác hoàn toàn cho những sáng kiến của Thánh Giuse, trước sự truy sát của bạo vương Hê-rô-đê. Các trẻ thơ vô tội đã chết trước lòng hận thù trào dâng của con người. Cain giết Aben. Thảm hoạ cho nhân loại khi thế giới vắng bóng Thiên Chúa.

Những trẻ thơ đã tắt thở khi chưa kịp cất tiếng khóc và mở mắt chào đời. Con người không nhận ra trẻ thơ Giê-su chính là Ngôi Hai, con Thiên Chúa đã Giáng sinh trong một con người. Trật tự thế giới rơi vào tình trạng hỗn mang khi Thiên Chúa bị xua đuổi. Nếu xưa trong vười địa đàng, chiều chiều, bước chân Thiên chúa đến dạo chơi cùng con người, thì hôm nay, con người không còn tiếp nhận Ngài đến nữa. Hài nhi Giê-su đến đem bình an, tuổi thơ của Thiên Chúa mang đến cho nhân loại tình thương, sự sống và những ngọt ngào dịu vợi. Sự ác không đến từ Thiên Chúa, chỉ con người một khi nhẫn tâm đẩy Thiên Chúa ra xa lạ, thì tăm tối và tội lỗi sẽ lên ngôi.

Tội nghiệp cho Thiên Chúa, trong một đêm sinh hạ, lẽ ra con người kính thờ Ngài, thì trái lại họ khước từ Ngài. Mãi mãi trong những đêm đông của mùa tuyết rơi, Hài Nhi Giê-su vẫn bị chối từ bởi sự ích kỷ, lòng kiêu căng, thói tự phụ của con người.

Lạy Chúa Hài Đồng, xin mở lòng chúng con để chúng con đón nhận Ngài vào trong cuộc đời của mình, trong đêm Giáng sinh an bình tình yêu.

Lm Giacobe Tạ Chúc

Thế hệ “Bánh Mì Kẹp”

http://lh6.ggpht.com/-EedJRJl6PNg/T9CziYp8EWI/AAAAAAAATEo/xUMCWqUekW0/sandwich%252520generation%2525202_thumb%25255B1%25255D.jpg?imgmax=800
Thế hệ “Bánh Mì Kẹp” (The Sandwich Generation)

Tôi ra đời giữa hai cuộc chiến, giữa một trăm năm đô-hộ giặc Tây và hai mươi năm
nội-chiến từng ngày. Sau đó, tôi được đi du-học và tôi đã sống “vô tư lự” bên
trời Âu sung-túc trong khi khói lửa vẫn ngập trời nơi quê nhà.

http://4.bp.blogspot.com/-n6lhwF_4BP4/T2D9i7hwouI/AAAAAAAAEF8/RZy8MPXGEOE/s320/exodus.jpg

Giờ đây, bom đạn đã ngừng tiếng nhưng một lần nữa, gia-đình tôi đã phải cuốn gói rời bỏ quê-hương và mấy triệu người Việt-Nam bỗng nhiên phải sống tản mác trên toàn thế-giới như những cây bị bật rễ, ở những chốn dung-thân như Mỹ, Gia-Nã-Đại, Pháp, Úc…

Phần mất mát vần còn đó, nguyên vẹn, ít ra đối với bố mẹ chúng tôi và chúng tôi, thế-hệ đầu của những người di-dân. Một thế-hệ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, lơ lửng giữa không-gian quê hương, chơi vơi giữa thời-gian thế-hệ, lạc lõng trong tâm-tư văn hoá.  Một thế-hệ “bánh mì kẹp”.

Kẹp giữa hai quê-hương
http://4.bp.blogspot.com/-BwdAyzP-2co/T2D9-PSmr9I/AAAAAAAAEGM/dh5RaLa599k/s320/flags-globe-thumb541425.jpg
Những người di-dân này, ngày hôm nay mang sổ thông-hành Mỹ, Pháp, Úc… nhưng vẫn chỉ là Mỹ (Pháp, Úc…) giấy, phần đông tiếng Mỹ (Pháp, Úc…) vẫn còn ba-xí ba-tú, miệng vẫn hôi mùi nước mắm chứ không hôi hamburger hay camembert, vẫn không có bạn bè Mỹ (Pháp, Úc…) mà chỉ sống quanh-quẩn với nhau, tụ-tập nơi những thương-xá, chợ búa Á-Đông, hay rủ nhau “party”, ăn uống, karaoke với nhau.

Những người Mỹ (Pháp, Úc…) gốc Việt này đã đi tìm một nơi nương-tựa để sống “tạm-bợ” nơi xứ người mà trong thâm-tâm còn cố tưởng-tượng như mình đang sống ở quê nhà, và lúc nào có dịp, có phương-tiện là lại vù về Việt-Nam, một số để “hưởng-thụ”, nhưng phần lớn vẫn vì nhớ nhà.
Tôi không nhớ ai đã có nói:  “Ma patrie, c’est là où je suis heureux”
(Quê-hương tôi là nơi chốn nào tôi sống hạnh-phúc)

Tôi muốn tin ông lắm, tôi cũng muốn tự an-ủi mình lắm, nhưng tiếng gọi của cội-nguồn réo rắt lắm, ông ơi. Tôi cứ ngỡ quê-hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nguồn, là cội, là gốc, là rễ cơ mà ?

Ở hải-ngoại, đương-nhiên chúng tôi được tự-do, phần đông được ăn sung, mặc sướng, đủ tiền mua nhà, chăm lo cho con cái ăn học, đi shopping hay du-ngoạn đây đó… Đời sống này, nhiều đồng-bào ta nơi quê nhà mong mỏi có được, và tôi thừa hiểu chúng tôi « hạnh phúc » hơn rất nhiều người lắm. Tôi không dám than thân, trách phận hay phân-bì với ai cả, chẳng qua nơi đây, tôi chỉ nói lên tâm-sự u-uẩn những người tha-hương chúng tôi mà thôi.
Nhất là trong trường-hợp tôi, hiện đang mang hai quốc-tịch Pháp và Mỹ, sống bên Mỹ nhưng tim vẫn còn « vọng Nam », tâm vẫn còn hướng về Pháp, đôi khi vẫn nhớ về khung trời Bỉ Quốc. Những nơi tôi đã sống, làm sao tôi có thể xóa quên được ?
Quê-hương như người mẹ đã bụng đau, dạ chửa cho tôi ra đời, nuôi-nấng, dậy-dỗ tôi nên người, và quê-hương thứ hai, thứ ba là những bà mẹ đã mở rộng vòng tay, đón-nhận tôi khi tôi không còn chỗ đứng dưới ánh mặt trời.
Ơn-nghĩa này, chúng tôi không quên (từ ngày sang Mỹ, năm 1975, bố mẹ tôi năm nào cũng gửi chút quà giáng-sinh cho gia-đình ông sĩ-quan Mỹ đã giúp nhà tôi sang Mỹ, và sau khi bố tôi mất, mẹ tôi vẫn tiếp-tục gửi, mặc dù người ân-nhân này đã mấy lần đề-nghị nên thôi gửi quà).
Tôi cảm quí những bà « mẹ nuôi » lắm, tôi lại càng xót-thương Mẹ Việt-Nam, quê-hương đau-khổ. Ôi, quê-hương tôi đâu ? Mỹ, Pháp, Úc… ? Hay vẫn là Việt-Nam muôn thuở ?


Kẹp giữa hai nền Văn-hoá

Ngày hôm nay, tôi đã lục-tuần nhưng tôi đã chỉ được sống ở quê nhà có mười tám năm. (Tôi đã mất mát quá nhiều rồi.)

Bao nhiêu năm tháng sống bên Pháp, bên Bỉ, đã rèn đúc tôi với một lối suy-luận, một cách ăn nói, một cách cư-xử xã-giao, một nền văn-hoá mà tôi hãnh-diện mang bên cạnh văn-hoá của mình, Qua bao năm tháng đó, tiếng Pháp đã dần-dà trở thành tiếng tôi thông-dụng nhất, ngay cả để diễn-tả những tâm-trạng sâu-thẳm nhất của mình.

Tuy nhiên, bao nhiêu năm tháng đó chỉ có thể thấm vào cái vỏ bên ngoài, chỉ có thể thay đổi hình-dạng và cử-chỉ của tôi, chỉ có thể tạo nơi tôi những sở-thích ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, chỉ có thể tạc lên cái “Tôi” bên ngoài.

Tất cả những năm tháng đó không hề thay đổi nước da hay sắc tóc tôi (tóc tôi chỉ có thể bạc trắng với thời-gian), không hề lay-chuyển âm-điệu tiếng mẹ đẻ của tôi, không hề làm suy-sút kho-tàng văn-hoá tổ-tiên tôi hay nền giáo-dục bố mẹ tôi.

Nước Pháp đã ban thêm cho tôi một nền văn-hoá, nhưng không hề thay-thế nền văn-hoá của tôi.
Nhưng có lẽ đó cũng là nỗi khổ-tâm của tôi, nỗi khổ-tâm của những người di-dân trong thế-hệ đầu? Cây cối làm sao sống thiếu gốc rễ? Con người ta làm sao sống thiếu cội nguồn? Làm sao tôi có thể vui sướng bên ngoài khi bên trong trống vắng?
Tôi có thể thích pot-au-feu hay bouillabaisse nhưng bao giờ tôi cũng vẫn thèm một tô phở đặc-biệt, tái-nạm-gầu-gân-sách-sụn.

Tôi có thể mê một chai Saint Emilion hay một chai Volnay nhưng tôi vẫn nhớ hương-vị mấy chai la-ve “33” của “Brasseries et Glacières d’Indochine” (BGI).
http://2.bp.blogspot.com/-5H1wjVHM2gI/T2D9xlLCOpI/AAAAAAAAEGE/xZl2g3yN12Y/s320/roots.jpg

Tôi có thể thích xem phim “action” Mỹ hay nghe Claude Barzotti hát nhưng tôi vẫn thích xem phim bộ… Đại-Hàn (Việt-Nam tôi làm gì có phim hay?), nhưng tôi vẫn thấy thấm-thía hơn khi tôi nghe nhạc Việt, tôi vẫn truyền-cảm hơn khi hát tiếng Việt.
Tôi có thể ngoảnh lại nhìn một cô đầm tóc vàng, mắt xanh nhưng tôi chỉ có thể hạnh-phúc với người đàn bà gọi tôi bằng “Mình ơi!”.

Chỉ vì đó là văn-hoá dân-tộc nằm trong máu, trong xương-tủy tôi, vì đó là giáo-dục bố mẹ, ông bà tôi đã truyền lại cho tôi, vì đó là vết-tích của mấy ngàn năm
lịch-sử.

Chỉ vì tôi là người Việt-Nam.
Kẹp giữa hai nền văn-hoá.

Kẹp giữa hai thế-hệ

Bố mẹ chúng chúng tôi và chúng tôi cùng một làn sóng di-cư (cho dù trong số chúng tôi có những người đã đi trước) nhưng hai điều khổ-tâm cũng có điều khác-biệt.

Quả thật vậy, chúng tôi vẫn cùng một nền văn-hoá với bố mẹ, cùng một nền giáo-dục do cha ông truyền lại. Bố mẹ chúng tôi vẫn được sống với chúng tôi như lúc còn ở Việt-Nam, với nền-tảng Phật-Lão-Khổng, cùng một nhân-sinh quan, cùng một đạo làm người. Chúng tôi vẫn nói tiếng Việt với bố mẹ, tiếp-tục yêu thương, kính-nể bố mẹ, để tiếp-tục lưu-truyền phong-tục, tập quán.

Trong khi chúng tôi giờ bắt-buộc phải chấp-nhận văn-hoá con cháu chúng tôi như một văn-hoá ít nhiều là ngoại-Việt.

Vì sự lưu-truyền đó sẽ gián-đoạn từ đây. Con cái chúng tôi đã bắt-đầu nói một thứ tiếng khác và những điều chúng tôi cố-gắng răn-dậy con cái khó lọt qua được màng-lưới thế-giới bên ngoài.

Tôi đã được chứng-kiến một cảnh-tượng mà tôi không bao giờ quên được. Hôm đó, một người bạn có tổ-chức một buổi tiệc họp mặt với hơn sáu mươi bạn hữu để ăn uống, hát hò, nhẩy đầm.
Về khuya, chúng tôi tạm ngưng chương-trình để ăn một bát cháo gà cho ấm bụng và lấy sức chơi tiếp. Lúc đó, đứa con trai chủ nhà từ trên lầu đi xuống với mấy đứa bạn, bật máy truyền-hình lên và nằm xem, ngay giữa sàn nhẩy. Chúng tôi đã bị “chiếm đất” và đợi một lúc, không thấy tình-hình biến-chuyển, quan-khách lần-lượt xin kiếu-từ.

Tôi á-khẩu. Làm sao tôi có thể tưởng-tượng được cảnh này, với nền giáo-dục của tôi? Hôm đó, tôi đã chợt hiểu nền “độc-tài” của con trẻ trong cái quốc-gia tự-do nhất thế-giới này. Nhưng điều tôi phân-vân nhất là trong tình-trạng đó, hai vị chủ nhà, nghĩa là bố mẹ cậu trai trẻ đó, không hề lên tiếng can-thiệp, hầu như làm ngơ, không nhìn thấy điều gì cả.
Trong khi tôi, đầu đã bạc phơ mà mỗi lần sang thăm nhà, Mẹ bảo tôi cạo râu hay đi cắt tóc là tôi vui vẻ làm ngay, chỉ để vâng lời Mẹ, để cho Mẹ vui. Ngược lại, bên Mỹ này, con gái mới mười lăm tuổi đã đánh mắt, thoa son đi học, bố mẹ nói gì được khi trong trường, bạn bè chung quanh đều như vậy, vả lại có thầy bà nào cấm cản đâu? Bên này, con cháu đi xâm mình (tattoo) hay đục vòng sắt vào môi, vào mắt (piercing) thì bố mẹ nào, ông bà nào ngăn cản được?
Nhà chúng tôi lúc trước không giầu có gì nên không bao giờ dám phí-phạm bất cứ gì, ăn cơm phải vét sạch từng hạt, trong khi con trẻ bên này lấy cho đầy đĩa nhưng không ngần-ngại đổ tuốt nửa đĩa thức ăn khi chúng cảm thấy no.

Tôi đã tận mắt thấy những bố mẹ phải khóc tức-tưởi khi bị lũ con xúm vào “mắng”. Ngày nay, bố mẹ nào dám đánh con mà không sợ chúng nó gọi “911”?

“Trời làm một trận lăng-nhăng, ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông”. Ngày nay, thế-giới đảo lộn và chúng tôi đi lộn đầu, để con cái trèo đầu, trèo cổ thôi.
Lúc trước còn ở bên Pháp, tôi vẫn cố gắng
mỗi năm lấy máy bay sang thăm bố mẹ, và giờ đây sống bên Mỹ, tôi vẫn đi thăm Mẹ
(vì không cùng tiểu bang) và ngoài ra, còn phải đi Pháp thăm con.

Hoá ra, chúng tôi ở trên thì lo cho bố mẹ, ở dưới thì lo cho con cái (ở bất cứ tuổi nào); ở trên thì bị bố mẹ mắng, ở dưới thì bị con trách !?!
Kẹp giữa hai thế-hệ.

Xung-đột cả thế-hệ lẫn văn-hoá

Nói như vậy không phải để trách mắng con cái. Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó không nói được tiếng mẹ đẻ? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó sinh sống tại hải-ngoại? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó hoà mình với môi-trường bên ngoài nhiều hơn là với môi-trường gia-đình (nhất là trong cái tuổi thành-niên này)?

Tôi đã có nghe những đứa trẻ nói với bố mẹ:
“Bố mẹ đừng trông mong chúng con trở thành người Việt. Văn-hoá của bố mẹ không
phải là văn-hoá của chúng con. Chúng con là người Mỹ!” Phũ-phàng thay, đau lòng
thay, nhưng chúng nó làm sao hiểu được văn-hoá chúng ta khi chúng nó sống trong
một thế-giới mà nền-tảng là “tự-do” và “đồng đô-la”? Làm sao chúng nó có thể
nghe lời bố mẹ trong khi sự-thật bên ngoài hầu như khác hẳn?

Có lẽ chính chúng nó có lý. Bổn-phận cha mẹ là giúp con cái thành công cuộc đời chúng nó chứ không phải cuộc đời cha mẹ, giúp chúng nó thành-công ngoài đời, trong môi-trường chúng nó đang sống chứ không phải môi-trường bố mẹ chúng đã sống. Sống ở đâu mà không theo văn-hoá nơi đó thì chỉ có thất bại, mà đâu có cha mẹ nào muốn con mình thất-bại khi ra đời, cho nên đành ngậm cay, nuốt đắng mà thôi.
Đây không phải chỉ là vấn-đề xung-đột thế-hệ (thời-điểm nào chả có vấn-đề này, cho dù không “gây cấn” như vậy), mà còn rắc-rối thêm vấn-đề xung-đột văn-hoá nữa. Làm sao bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau và chấp-nhận nhau khi đôi bên không cùng một nền-tảng, cùng những đặc-quan, cùng một nhân-sinh-quan?

Nỗi buồn u-uẩn

Dĩ nhiên tôi không dám vơ đũa cả nắm, không dám nói gia-đình Việt-Nam bên hải-ngoại nào cũng như trên, nhưng có lẽ phần đông là như thế (?)

Nói lên vài điểm cho dễ hiểu, nhưng vấn-đề không giản-dị như vậy và tôi không có khả-năng phân-tích nhiều hơn.
Dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là nỗi buồn u-uẩn, ám ảnh tôi từ bao lâu nay, trong mối liên-hệ với tâm-hồn, với văn-hoá, với gốc rễ của mình.

Tôi không tức-giận, không chua chát. Tôi chỉ cảm thấy buồn, tôi không luyến-tiếc quá-khứ, chỉ là tôi cảm thấy buồn.
Vướng mắc giữa hai quê-hương, giữa hai nền văn-hoá, giữa hai thế-hệ, chúng tôi là một thế-hệ “bánh mì kẹp” (đôi khi còn là “bánh bao” nữa). Ngoảnh nhìn lại chỉ còn kỷ-niệm, nhìn về đàng trước thì tương-lai đã bít kín.
Nhưng thôi, đã biết là mình vướng mắc, là mình “chấp ngã” (như lời Phật dậy) thì chỉ còn có nước “phá chấp”, nghĩa là “buông”, là chấp-nhận.
Vả lại, cha mẹ chúng tôi không có vấn-đề này, con cháu chúng tôi không có vấn-đề này, chỉ có chúng tôi mới có vấn-đề này. Ngày nào cái thế-hệ chúng tôi đi hết rồi thì vấn-đề này sẽ không còn ai bàn đến nữa.
Chúng tôi chỉ là một giai-đoạn chuyển-tiếp, một thế-hệ bị mất mát, bị hy-sinh để dân-tộc di-dân chúng tôi có thể lật qua một trang sử mới.
Để đời sau, con cháu chúng tôi có hy-vọng thành-công trên đất người, đi tiếp con đường mà chúng tôi đã không đi hết.

Được như vậy, chúng tôi cũng sẽ mãn-nguyện lắm rồi.

Xin cảm-ơn Trời Phật, xin cảm-ơn phúc-đức ông bà.
Yên Hà

‘Cái nước mình nó thế!’

‘Cái nước mình nó thế!’

Nguyễn Hưng Quốc

24.12.2012

nguồn: VOA

Từ trên dưới 10 năm nay, một trong những câu nói cửa miệng của mọi người, đặc biệt giới trí thức, ở Việt Nam, chắc chắn là câu “Cái nước mình nó thế!” Nghe nói câu ấy xuất phát từ Hoàng Ngọc Hiến. Nhưng tôi không chắc. Tôi chỉ chắc một điều: mỗi lần nghe đề cập đến tình trạng bi đát, nhiễu nhương, trớ trêu và bất công ở Việt Nam, ai nấy đều buông một câu, thoạt nghe, có vẻ đầy ưu thời mẫn thế: “Cái nước mình nó thế!”

Đường xá càng lúc càng xuống cấp, ở đâu và lúc nào cũng kẹt xe, tai nạn giao thông thuộc loại đứng đầu thế giới ư? – Cái nước mình nó thế! Giáo dục càng lúc càng suy đồi, học trò đạo văn; thầy cô giáo cũng đạo văn; thi cử thì đầy gian lận, bằng cấp giả tràn lan ở mọi cấp ư? – Ừ, thì cái nước mình nó thế! Kinh tế càng lúc càng suy thoái, hết đại công ty này phá sản đến tập đoàn quốc doanh kia phá sản, nợ nần quốc gia cứ chồng chất ư? – Ừ, thì cái nước mình nó thế! Chính trị sa lầy trong bế tắc, đối với dân thì độc tài và tàn bạo; với nước ngoài thì hèn yếu và xu nịnh ư? – Ừ, thì cái nước mình nó thế!

Vân vân.

Câu nói ấy không phải không đúng. Nó đúng ở hai khía cạnh. Thứ nhất, trên thực
tế, quả thật tình hình Việt Nam càng ngày càng bế tắc. Bế tắc một cách đặc biệt, không giống với bất cứ một nước bình thường nào khác. Bế  tắc triền miên. Gỡ cái này thì vướng cái khác. Sửa cái sai này thì cái sai khác lại xuất hiện, có khi còn trầm trọng hơn. Thứ hai, về phương diện tâm lý, nó cũng phản ánh được tình trạng tuyệt vọng của mọi người. Người ta hiểu rõ tất cả bi kịch nhưng không biết cách nào thoát khỏi được bi kịch.

Tuy nhiên, ngay cả khi đúng về hai phương diện vừa kể, câu nói ấy vẫn sai.

Hơn nữa, sai một cách nguy hiểm.

Thứ nhất, nó là biểu hiện của tư tưởng định mệnh chủ nghĩa. Nó làm như mọi thứ
đã được an bài, gắn liền với bản chất của người Việt Nam. Của dân tộc Việt Nam.

Nhưng chắc chắn sự thật không phải như vậy. Tất cả những cái dốt, cái ngu, cái
tham, cái ác và cái vô liêm sỉ trong chế độ cũng như trong xã hội Việt Nam hiện
nay không phải vì “cái nước mình nó thế”. Trong lịch sử, nước mình không thế.
Ngày xưa, cả hàng ngàn năm, người Việt Nam đã từng bất khuất trước một nước
Trung Hoa to lớn và hùng mạnh, hơn nữa, trước một nước Mông Cổ từng giẫm nát
gần hết châu Á và một phần châu Âu. Ngày xưa, ngay cả dưới thời phong kiến, cha
ông chúng ta cũng không phải chịu đựng nạn tham nhũng tràn lan như bây giờ. Chỉ
cách đây hơn 40 năm, ở miền Nam, ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt,
giáo dục cũng không suy đồi như bây giờ; sinh viên và giáo sư không ăn cắp văn
chương của người khác một cách phổ biến như bây giờ; học trò không khinh thường
thầy cô giáo như bây giờ. Ở miền Nam lúc trước cũng như cả thời Pháp thuộc,
người bị bệnh, khi vào bệnh viện, không phải đút lót hết người này đến người
khác, từ y công đến y tá và bác sĩ như bây giờ. Thời nào giới làm chính trị cũng nói dối, nhưng chưa bao giờ họ nói dối một cách trơ trẽn như bây giờ.

Xem cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ là bản chất của dân tộc Việt Nam rõ ràng là không đúng.

Mà thật ra, trên thế giới, không có dân tộc nào có bản chất như vậy cả. Những
cái xấu như thế không có tính chất bẩm sinh. Chúng chỉ là những hiện tượng có
tính chất lịch sử. Ngay cả một dân tộc vĩ đại như Nga hay Trung Quốc, bình
thường vĩ đại, nhưng dưới chế độ độc tài, bỗng dưng thành dốt, ngu, tham, ác và
vô liêm sỉ một cách lạ lùng. Nhiều quốc gia khác ở Tây phương, bình thường đầy
nhân đạo, nhưng thời tư tưởng thực dân chủ nghĩa bành trướng, cũng trở thành
tham và ác, dù không phải lúc nào họ cũng dốt, ngu và vô liêm sỉ.

Bởi vậy, câu “cái nước mình nó thế”, thật ra, là một câu nói vô nghĩa.

Nói “chế độ mình nó thế” thì được. Còn “nước mình nó thế” thì sai.

Thứ hai, gắn liền với chủ nghĩa định mệnh, câu nói ấy cũng mang tính đầu hàng
chủ nghĩa. Trước mọi nghịch cảnh, chỉ cần buông câu “cái nước mình nó thế”, người ta dễ có cảm tưởng an tâm và chấp nhận những nghịch cảnh ngang trái ấy như một cái gì hiển nhiên, đương nhiên, không thể tránh thoát. Nó tiêu diệt mọi ý chí phản kháng, hơn nữa, mọi nỗ lực thay đổi. Nó tạo ra vẻ ưu thời mẫn thế giả. Nó đóng kín mọi lối ra. Thực chất, nó dễ trở thành một sự đồng loã với những cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ.

Nhà cầm quyền Việt Nam không cần một thái độ nào hơn cái thái độ ấy.

Bởi vậy, tôi nghĩ, người Việt Nam hiện nay nên tập nghĩ và tập nói: CÁI NƯỚC
MÌNH NÓ KHÔNG THỂ NHƯ THẾ!

Không thể.

 

MÙA VỌNG VÀ NIỀM TIN

MÙA VỌNG VÀ NIỀM TIN

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

nguồn: Conggiaovietnam.net

Ngày 12 – 12 – 2012, trong giờ triều yết công chúng tại phòng Paul VI, Đức Biển Đức
XVI đã nói về Mùa Vọng và Đức Tin

. Năm nay là Năm Đức Tin, nên xin được chia sẻ về Đức Tin một cách tóm gọn qua bài hướng dẫn suy niệm của Đức
Thánh Cha Biển Đức XVI.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khuyến khích người công giáo nên nuôi dưỡng đức tin của mình bằng cách tìm hiểu về sự trung tín của Thiên Chúa và nghiền ngẫm những hành động của Người trong lịch sử loài người. Ngài nói:

– Đức Tin sẽ được nuôi dưỡng và triển nở nhờ ở chỗ chúng ta biết cố gắng tìm hiểu và ghi nhớ Thiên Chúa là đấng luôn luôn trung thực, đấng hướng dẫn lịch sử, đồng thời là nền tảng vững chắc và bảo đảm cho đời sống con người.
Ngài tiếp tục suy niệm về Thiên Chúa mạc khải.

Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa mạc khải thể hiện trong lịch sử như là “một cuộc đối thoại với loài người bằng tình thương”, một chương trình của Thiên Chúa, trong đó Chúa đưa ra cho mọi người “ một ý nghĩa mới cho cuộc hành trình của toàn thể nhân loại”.

Đức Thánh Cha nhắc đi nhắc lại là, năm nay là Năm Đức Tin, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu Thánh Kinh cho thật thấu đáo, bởi vì Kinh Thánh là “nơi tốt nhất để tìm hiểu và học hỏi những biến cố của cuộc hành trình này”.

“Đọc Cựu Ước –ngài nói- chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của dân Chúa chọn và ban giao ước cho họ như thế nào. Đó không phải là những dữ kiện đã qua thì cho nó đi vào quên lãng luôn, nhưng ngược lại phải biến nó thành “một ký ức sắc bén và tươi mát”. Góp nhặt lại tất cả những dữ kiện đó chúng ta sẽ có một ‘lịch sử ơn cứu độ’, sống động trong ý thức của dân Israel qua việc họ ca ngợi tung hô những biến cố cứu độ ấy”.

“Dĩ nhiên, Đức Thánh Cha nói tiếp, Cựu Ước đã được hoàn thành nơi Chúa Kito, là một loại lịch sử tột đỉnh của lịch sử giữa Thiên Chúa và loài người”.

Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều là những chứng nhân của những giai đoạn của “chương trình tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa”, một chương trình cứu độ nhân loại duy nhất đã được từ từ biểu lộ và thực hiện bởi quyền năng của Thiên Chúa.”

MÙA VỌNG

Đức Biển Đức XVI kết luận bài suy niệm bằng cách gợi ý cho mọi người là Mùa Vọng là thời gian đặc biệt để cho chúng ta suy gẫm một cách hiệu quả nhất về những tác động lịch sử của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài.

“Như tất cả chúng ta đều biết -ngài diễn nghĩa- danh từ “Mùa Vọng / Advent” có nghĩa là ‘đang đến’, ‘ hiện diện’, và nghĩa nguyên thủy đặc biệt của nó là “ông vua hay hoàng đế đang đến một lãnh thổ/vùng đặc biệt nào đó”. Đối với chúng ta là những Kito hữu, nó lại có nghĩa là một thực tế quá sức lạ lùng: Chính Thiên Chúa đã tự bước ra khỏi Thiên Quốc để xuống với loài người. Ngài đã thiết lập một liên minh để cùng đi vào lịch sử của một dân tộc. Ngài là vị vua đã đi vào một lãnh thổ đáng thương là trái đất này và ban cho chúng ta một tặng vật qua chính cuộc viếng thăm của Ngài bằng cách lấy chính máu thịt của chúng ta để trở nên con người giống như chúng ta”.

Ngài nói tiếp: “Mùa Vọng như mời gọi chúng ta bước theo con đường của Chúa và nhắc nhở chúng ta nhiều lần rằng Thiên Chúa sẽ không ly khai chúng ta; Ngài không vắng mặt, không bỏ chúng ta cô đơn một mình, nhưng Ngài đến với chúng ta dưới nhiều dạng thức khác nhau mà chúng ta cần phải học hỏi để nhận biết ra Chúa. Đồng thời, với niềm tin, hy vọng và đức ái, hàng ngày chúng ta cũng có thể nhận ra được Chúa và làm chứng cho sự hiện diện của Ngài trong một thế giới thường là hời hợt và cuồng loạn. Nhờ đó cuộc sống của chúng ta mới được chiếu sáng bằng chính ánh sáng đã từng lan tỏa trong hang đá nơi Bethlehem hang lừa.”

NB- Có thể coi nguyên bản tiếng Anh bài suy niệm của ĐTC Biển Đức XVI tại

http://www.zenit.org/article-36161?l=english

Fleming Island, Florida

Dec 18, 2012

NTC

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

TRUNG THÀNH VÀ CHÂN THẬT

TRUNG THÀNH VÀ CHÂN THẬT

Tác giả: Sr. Minh Nguyệt

nguồn:thanhlinh.net

… Cách đây vài năm, vào dịp Lễ Giáng Sinh, tờ ”Ecco tua Madre – Đây là Mẹ con” đăng chứng từ của anh Jean – cựu tù nhân – về một vị Linh Mục anh dũng người Hoa. Vị Linh Mục là đan sĩ cao niên dòng Xitô. Anh Jean là tín hữu Công Giáo người Pháp. Xin giới thiệu trọn chứng từ.

Nơi trại tù lao động cải tạo Trung Cộng ở phía nam Bắc Kinh, vào cuối năm 1961,
tôi nhìn thấy vị Linh Mục lần chót. Từ đó đến nay bao năm trôi qua, nhưng cứ
mỗi độ Giáng Sinh về, khuôn mặt gầy guộc của vị Linh Mục lão thành người Hoa
lại hiện lên rõ nét trong ký ức tôi. Đó là một khuôn mặt nhăn nheo với đôi mắt
tinh anh không dễ bị chế ngự. Tôi có cảm tưởng như lại trông thấy vị Linh Mục
đứng đó, trong cơn gió lạnh, tay cầm bánh và rượu giơ lên đọc Lời Truyền Phép,
với ý thức rõ ràng mình sẽ gặp hiểm nguy nếu bất chợt bị khám phá điều đang
làm.

Tôi biết Cha Xuân – tạm gọi tên vị Linh Mục người Hoa – vào đầu năm xa xôi ấy,
khi một toán tù nhân đông đảo được chuyển đến trại chúng tôi dưới sự canh chừng
khe khắt của ông cai tù tên Giang. Tôi được chỉ định làm trưởng nhóm tù nhân
gồm 18 người. Chúng tôi có nhiệm vụ rửa chuồng heo, khuân vác các bao phân bón
và chôn cất người chết. Cha Xuân ngủ trên chiếc chiếu nằm bên cạnh tôi.

Ngay từ ngày có mặt giữa chúng tôi, Cha Xuân trở thành đối tượng khiến mọi
người phải lo âu. Cha mang dáng dấp của một cụ già thật yếu ớt, vậy thì làm sao
có thể chu toàn các công tác lao động vô cùng nặng nhọc? Hơn thế nữa – và đây
mới là mối bận tâm lớn lao nhất của chúng tôi – Cha là một đan sĩ Xitô và vì
thế, Cha luôn luôn nói với chúng tôi về THIÊN CHÚA. Cha nhắc chúng tôi nhớ rằng
THIÊN CHÚA sẽ luôn luôn trợ giúp chúng tôi nếu chúng tôi không đánh mất Đức Tin
nơi Ngài.

Mà thật sự thì chúng tôi bỏ mất Đức Tin từ lâu lắm rồi! Chính những người cộng
sản vô thần đã nghĩ đến điều này và đã lo liệu cho chúng tôi. Đối với người
cộng sản thì tôn giáo là thuốc phiện mê dân, là mê tín dị đoan và nó đã hoàn
toàn bị tước bỏ khỏi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc rồi! Nếu có ai còn ngoan cố tin
vào sự hiện hữu của một quyền lực cao hơn quyền lực của ông chủ tịch
Mao-Trạch-Đông, thì người ấy sẽ bị nghiêm khắc trừng phạt, bị kết án tử! Nói
tóm lại, các Kitô hữu bị bách hại cũng chỉ vì cái tội dám công khai thờ lạy
THIÊN CHÚA của đế quốc thực dân!

Cha Xuân – là người hơn ai hết – phải biết rõ hiểm nguy đó, vì Cha bị kết án 20
năm tù cải tạo lao động chỉ vì cái tội duy nhất là làm Linh Mục!

Vậy mà Cha không sợ hãi gì hết. Cha cứ tiếp tục cầu nguyện và sống đạo, dũng
mạnh y như Kitô Giáo của Cha. Tất cả tù nhân chúng tôi biết thế, nên để Cha yên
và dĩ nhiên là tìm cách xa lánh Cha. Chúng tôi đã có quá nhiều nguy hiểm rồi,
không cần gánh thêm cái hiểm nguy đến từ tôn giáo của Cha Xuân! Nhưng Cha Xuân
không mảy may khiếp sợ. Tôi không biết làm thế nào mà Cha Xuân khám phá ra tôi
là tín hữu Công Giáo duy nhất trong nhóm tù nhân, ngoài Cha ra.

Một ngày trong lúc nghỉ xả hơi, Cha Xuân tiến lại gần tôi và nói:

– Con vẫn luôn là tín hữu Công Giáo tốt phải không? Nhất là con vẫn giữ đạo
trong lòng phải không?

Tôi mệt mỏi cau có trả lời:

– Tôi là tù nhân, ông lão ơi! Hãy để tôi yên thân!

Cha Xuân có vẻ như không nghe lời tôi nói nên vẫn tiếp tục:

– Chúng ta có thể cầu nguyện chung, Jean à! Rồi Cha cũng có thể nghe con
xưng tội nữa!

Tôi tỏ ra sừng sộ – vì sợ mấy tù nhân chung quanh có thể nghe lời ông cụ già
điên khùng này – nên tôi nói:

– Nếu ông muốn tự đưa đầu cho người ta chém thì đó là chuyện của ông. Còn tôi,
tôi muốn cứu lấy mạng sống tôi. Ông có hiểu không?

Nhưng lời nói vô lễ của tôi vẫn không làm Cha Xuân phật ý. Cha dịu dàng tiếp
tục:

– Không sao hết con à, Cha hiểu! Cha chỉ muốn con nhớ rằng Cha là bạn của con.

Rồi Cha Xuân lãng ra xa để lấy cái bao phân bón mang đi. Đôi môi Cha mấp máy
đọc lời Kinh Mân Côi.

Mặc dầu thân xác gầy gò ốm yếu, nhưng người ta không thể hiểu được làm sao mà
Cha Xuân lại có thể gánh hai bao phân – mỗi bao nặng 35 ký – và bước đi trên
đường đất gồ ghề. Người Cha như gập làm đôi dưới sức nặng quá lớn. Chưa hết.
Chẳng những Cha thi hành công tác dành cho Cha mà còn làm thêm công tác của
những người ốm yếu hơn Cha! Thật là chuyện không thể tưởng tượng được! Có lần
một người trong chúng tôi đặt câu hỏi:

– Ai biết điều gì ban sức mạnh cho cụ già vẫn tiếp tục tiến bước không?

Một người nhanh nhẹn trả lời:

– Chính THIÊN CHÚA! Khi ông cai tù không canh gác thì THIÊN CHÚA ngự xuống
và vác cái bao phân bón cho cụ già!

Câu giải thích khiến mọi người cất tiếng cười vang. Chúng tôi có rất ít dịp để
cười! Chúng tôi lao động từ sáng sớm tới chiều tối mà phần ăn thì thật ít ỏi.
Tối đến thì ngủ trong cái chòi giam đầy dẫy ruồi muỗi kêu vo ve. Mỗi ngày đều
phải chôn cất người chết. Chúng tôi phải mang xác chết leo lên đồi để chôn ở
nghĩa trang.

Mùa hè năm ấy tôi nghĩ là đã đến lượt tôi sẽ được chôn cất nơi nghĩa trang. Tôi
bị suy nhược vì lao động quá mức và vì thiếu dinh dưỡng. Tôi bị ngất xỉu nhiều
lần nên được mang lên bệnh xá. Trong mấy ngày liền tôi mê man bất tỉnh.

Rồi một đêm, khi tỉnh lại, tôi thấy Cha Xuân đang ngồi cạnh tôi và quạt gió mát
lên mặt tôi. Cha lén lút đút vào miệng tôi cháo nóng được nấu bằng gạo và rau.
Sau mỗi muỗng cháo, tôi cảm thấy như sức lực dần dần hồi phục trong tôi. Rồi
Cha Xuân thì thầm vào tai tôi:

– Họ có thể hành hạ và giết chết thân xác chúng ta, con à. Nhưng họ không
thể nào chạm đến linh hồn chúng ta. Chính chúng ta có nhiệm vụ gìn giữ linh hồn
chúng ta. Hơn thế nữa, còn có Đức Mẹ MARIA trợ giúp chúng ta.

Sau đó Cha Xuân còn đến thăm tôi ba lần nữa và mỗi lần đều mang theo cháo nóng.
Chỉ vào tháng 9 khi đủ sức trở lại lao động với nhóm tù nhân, tôi mới biết Cha
Xuân đã thành công trong việc cổ động các tù nhân khác tìm kiếm rau cỏ ăn được
trong các giờ nghỉ, còn chính Cha thì lén lút lấy trộm mỗi khi một ít gạo, rồi
để dành cho đến lúc đủ số lượng nhỏ thì bắt nồi lên nấu cháo. Tôi cảm động cám
ơn Cha Xuân và hổ thẹn vì đã cư xử bất nhã bất kính đối với vị Linh Mục lão
thành.

Một ngày, Cha Xuân kể cho tôi nghe câu chuyện Cha bị bắt giam.

Vào năm 1947, mấy người cộng sản hùng hổ tiến vào chiếm quyền cai trị nơi thành
phố quê sinh của Cha. Cha vắng mặt ở Đan Viện Xitô, và lúc trở về thì thấy các
anh em đan sĩ đã bị giết chết, còn đan viện thì bị đập phá tan tành. Các người
lính cộng sản sát máu trông thấy Cha liền bắt Cha tống giam. Sau khi bị tra
khảo trong vòng 2 năm trời, Cha bị kết án 20 năm tù ”cải tạo bằng lao động”.
Nghe xong tôi nhẹ nhàng nhận xét:

– Thôi thì ít ra là Cha vẫn còn sống!

Cha nhìn thẳng mặt tôi và nói:

– Cha còn sống bởi vì Chúa muốn thế. Cha tin rằng Chúa muốn trao cho Cha một
sứ vụ. Nếu không phải như thế thì Cha ao ước được thông phần số phận của các
đan sĩ anh em của Cha hơn!

Tháng 11 cùng năm ấy – 1961 – ông cai tù Giang chỉ định tôi làm trưởng nhóm tù
nhân có nhiệm vụ chuẩn bị cánh đồng lúa ở trại 23. Một thời ngắn sau đó ông gọi
tôi đến và nói rằng có người báo cáo cho ông biết là Cha Xuân cầu nguyện lén
lút vào ban đêm. Rồi ông hét lớn:

– Có đúng vậy không?

Tôi mỉm cười nói vớt vát:

– Không phải vậy đâu, đó chỉ là chuyện một ông già lao lực suốt ngày nên đêm
đến thì mệt mỏi và nói ú ớ trong giấc ngủ thôi!

Ông Giang nhìn chằm chặp mặt tôi dò xét hồi lâu rồi nói với giọng hăm dọa:

– Nếu ngày nào tôi biết được là ông ấy đọc kinh thì tôi sẽ nghiêm khắc trừng
phạt cả nhóm và đặc biệt là hai người. Phải nói cho ông ta biết như thế.

Vừa về đến chòi giam tôi tìm gặp ngay Cha Xuân và nói:

– Xin Cha ý tứ. Con có thể bị biệt giam vài tháng. Nhưng Cha thì .. mạng sống
lâm nguy.

Cha Xuân bình thản nhìn tôi và nói:

– Mạng sống của Cha quan trọng đến thế sao?

Rõ thật khổ, không có cách gì làm cho cụ già này lý luận bình thường được!

Tháng 12 đến. Trời lạnh cắt da và gió buốc thổi từ đông bắc đến. Một ngày gần
cuối tháng 12, Cha Xuân tìm đến gặp tôi nơi bờ ruộng và hỏi xem Cha có thể nghỉ
ngơi vài phút không. Tôi nói:

– Còn chút nữa thì đến giờ nghỉ. Cha không đợi được sao?

Cha đáp:

– Không, bởi vì sau đó thì tới giờ lính canh đến.

Có lẽ Cha muốn nói thêm điều gì đó nhưng không biết nói sao nên Cha hỏi tôi:

– Con có biết hôm nay ngày gì không?

Tôi khó chịu trả lời:

– Thứ hai 25 tháng 12!

Nói xong tôi bỗng im lặng vì trong tích-tắc tôi hiểu rằng, không phải chỉ là Lễ
Giáng
Sinh mà là cụ già muốn cầu nguyện! Tôi nói gần như khẩn khoản:

– Cha biết rõ đây là hiểm nguy mà!

Cha Xuân bình tĩnh nói:

– Nhưng Cha phải cầu nguyện. Rồi Cha cũng muốn con cầu nguyện với Cha nữa,
bởi vì chỉ với riêng hai chúng ta thì ngày này mới có một ý nghĩa gì đó. Đức
Chúa GIÊSU đã sinh ra từ Đức Trinh Nữ MARIA!

Tôi nhìn quanh quất. Không thấy lính canh, còn tù nhân gần nhất thì đang đứng ở
giữa đường từ trại đến. Tôi nói:

– Cha xuống cái hố khô nước đi. Con chỉ cho Cha 15 phút thôi. Không hơn đâu
nhé!

Cha hỏi:

– Con không xuống sao?

Tôi đáp:

– Con đứng ở đây!

Thật là những giây phút kinh hoàng tiếp theo đó. Cứ mỗi lần nghe tiếng gió rít,
tôi có cảm tưởng như nghe tiếng hét của lính canh. Thế rồi, không hiểu một cái
gì đó giúp tôi thắng vượt nỗi sợ hãi và đẩy nhanh tôi xuống cái hố. Và điều tôi
trông thấy như muốn đè bẹp tôi.

Lần đầu tiên từ bốn năm qua – tôi quên bẵng ông cai tù Giang và trại tù – để
chỉ còn nhớ thế nào là điều thật ý nghĩa khi tin tưởng vào một cái gì đó cao cả
hơn là cuộc sống bình thường.

Dưới cái hố khô nước, Cha Xuân đang cử hành Thánh Lễ. Thánh Đường là mảnh đất
hoang nằm ở miền Bắc Trung Quốc. Bàn Thờ là cụm đất cứng lạnh. Áo Lễ là chiếc
áo tù nhân. Chén Lễ là cái tách bể. Rượu Lễ được vắt từ mấy trái nho được cẩn
thận cất giữ. Bánh Lễ là một miếng bánh khô. Không có nến cháy nhưng thay vào
đó là cành củi cháy. Ca Đoàn là tiếng gió rít liên tục như làm thành bản Thánh
Thi. Hình như ngọn lửa nhỏ mang lời cầu nguyện của vị Linh Mục lão thành anh
dũng bay đến tận Trời Cao và ngọn gió mang đi phân phối đến tận bốn gốc bể chân
trời.

Trong phút chốc tôi bỗng cảm thấy niềm ao ước sâu xa được san sẻ Đức Tin của
Cha Xuân. Tôi nghĩ rằng không nơi nào trên thế giới, kể cả trong những thánh
đường đồ sộ nguy nga nhất của Kitô Giáo, không ai có thể cử hành – vào đúng
ngày Lễ Giáng Sinh – một Thánh Lễ ý nghĩa như thế.

Một cách vô thức không ngờ, tôi bỗng cất cao lời thánh thiêng:

– Et cum spiritu tuo – Và ở cùng Cha!

Không hề lộ vẻ ngạc nhiên Cha Xuân đọc tiếp như khích lệ tôi:

– Ite Missa est – Lễ đã xong!

Miệng tôi phát ra lời kinh tưởng chừng như quên bẵng từ rất lâu:

– Deo gratias – Tạ ơn Chúa!

Thánh Lễ đã kết thúc.

Cha Xuân nói với tôi:

– Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta và hiểu rằng chúng ta không thiếu sự tôn
kính. Đây chỉ là cách thức thích hợp nhất cho hoàn cảnh của chúng ta!

Tôi thấy cổ họng nghẹn cứng. Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của Cha Xuân không phải là
sợ bị bắn chết mà là sợ xúc phạm đến THIÊN CHÚA! Sau cùng, điều

mà vị Linh Mục lão thành cố gắng làm cho tôi hiểu suốt trong thời gian này
chính là:

– Sự sống còn – như bất cứ loài động vật nào – tạo nên từ sự khéo-léo ma-lanh
và làm cho khiếp đảm, thì không thể đủ cho con người. Con người cần phải có cái
gì khác bên trên chính con người để có thể sống còn, như một giấc mơ, một niềm
tin chẳng hạn.

Tôi nói với Cha Xuân:

– Con tin là Chúa sẽ hiểu và sẽ tha thứ cho chúng ta.

Cha Xuân đáp:

– Cám ơn con, Jean à! Xin THIÊN CHÚA bảo vệ con. Xin Đức Mẹ MARIA chúc lành cho
con.

Và lần đầu tiên kể từ bốn năm qua, tôi tin rằng lời Cha Xuân nói đã ứng nghiệm.
Vừa lúc đó thì tôi trông thấy ông cai tù tên Giang đang đạp xe về hướng cái hố
khô nước. Trong chớp nhoáng tôi đủ giờ để nhảy xuống hố và làm bộ giơ tay trên
ngọn lửa như tìm cách sưởi ấm, trước khi ông ta kịp nhìn xuống hố nghi ngờ dò
xét. Ông ta hạch hỏi:

– Mấy người làm gì dưới hố?

Tôi trả lời đánh trống lãng kèm theo nụ cười ngây thơ:

– Cụ già muốn làm chút lửa để sưởi ấm.

Ông Giang hét lớn:

– Công việc chỉ được ngừng khi đến giờ nghỉ, chứ không phải trước giờ nghỉ! Hãy
trở lại với công việc đang làm!

Vài ngày sau biến cố trên đây diễn ra cuộc thay đổi và di chuyển tù nhân.

Cha Xuân không còn ở chung đội tù với tôi nữa. Và từ đó trở đi tôi không còn
trông thấy Cha Xuân nữa. Nhưng cái ngày đáng ghi nhớ ấy vẫn ghi khắc trong ký
ức tôi suốt trong thời gian kinh hoàng còn lại của cuộc sống lao động tù đày.
Nó nằm sâu nơi một góc nhỏ an toàn kín ẩn trong trái tim tôi mà không một ai có
thể lọt vào, kể cả ông cai tù Giang và các tên lính canh. Thật an toàn và không
sợ hãi.

Có lẽ hôm nay khi tôi viết những hàng này thì Cha Xuân vẫn còn sống. Hay có lẽ
Cha đã trở thành người thiên cổ. Nhưng cho dầu những người cộng sản Trung Hoa
đã giết chết Cha, thì họ cũng chỉ có thể giết chết thân xác Cha mà thôi, còn
hồn thiêng bất tử của Cha, họ vẫn không thể nào chạm tới.

… ”Bấy giờ tôi thấy Trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi
ngựa mang tên là ”Trung Thành và Chân Thật”, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến. Mắt Người như ngọn lửa hồng, đầu Người đội nhiều vương miện, Người mang một danh hiệu viết trên mình, mà ngoài Người ra chẳng ai biết được. Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Người là: ”Lời của THIÊN CHÚA”. Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh. Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén để chém muôn nước.
Chính Người sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt chúng. Người đạp trong bồn đạp nho chứa thứ rượu là cơn lôi đình thịnh nộ của THIÊN CHÚA Toàn Năng. Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: ”VUA các vua, CHÚA các chúa”

(Sách Khải Huyền 19,11-16)
.

(”PRO DEO ET FRATRIBUS – Famiglia di Maria”, Veniva nel mondo La Luce Vera,
Novembre/Dicembre 2009, Publicazione mensile, Anno 20, N 144-145, trang 8-13)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nguồn:vietvatican.ne

 

THIÊN ĐÀNG (TRỜI)

THIÊN ĐÀNG (TRỜI)

Thánh Kinh thường dùng Nước Trời (Trời) chỉ dùng từ Thiên Đàng 3 lần. Lần thứ nhất, khi Đức Giêsu đã nói đến thiên đàng khi hứa hẹn với người trộm ăn năn trở lại trên thập giá (Lc 23,43). Lần thứ hai, Thánh Phaolô nói: “Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba -có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng -trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại” (2Cr 12,1-4). Lần thứ ba, Sách Khải Huyền nói đến lời hứa ban thưởng cho người chiến thắng, và cho những ai hoàn tất các điều Ðức Giêsu đã truyền (Kh 2,26). Phần thưởng ấy là được ăn quả cây sự sống trồng ở trên thiên đàng (Kh 2,7) không hề bị cái chết thứ hai làm hại  (Kh 2,11).
Thánh Kinh phân biệt rõ ràng bầu trời vật lý có cùng bản chất với đất, “trời và đất”; còn trời của Thiên Chúa là trời không phải là đất. Tuy nhiên ý niệm bầu trời vật lý thường cho phép con người suy tưởng đến trời của Thiên Chúa.
1. Trời và đất
Người Do thái cũng như chúng ta quan niệm rằng trời là một phần của vũ trụ, khác biệt với đất nhưng lại tiếp giáp với trái đất. Trời là một bán cầu bao trùm trái đất và cùng với trái đất tạo thành vũ trụ. Vì thiếu danh từ để đặt tên cho vũ trụ nên người Do thái gọi vũ trụ là “trời và đất” (St 1,1; Mt 24,35).
2. Trời không phải là đất
Nhìn vũ trụ vĩ đại, bao la nhưng có trật tự, điều hòa, kỳ diệu và huyền bí, nên con người thường cho rằng tất cả những gì chất chứa vũ trụ này đều mang mầu nhiệm không thể biết hết được. Con người không thể dò thấu các chiều kích sâu thẳm của trái đất và đại đương mênh mong được (G 38,4-16). Vì vậy, những gì không hiểu thấu kia của bầu trời, con người cho đó là trời mà chưa ai lên đó (Ga 3,13; Cn 30,4; Rm 10,6), chỉ Thiên Chúa Chúa ngự ở trên đó mà thôi, “Trời là trời của Chúa nhưng Ngài đa ban trái đất cho con cái Ađam” (Tv 115,16).
3. Trời, nơi Thiên Chúa ngự
Sau khi mở rộng cõi trời như trải rộng tấm lều, Thiên Chúa đã xây cung điện Ngài trên sóng nước (Tv 104,2tt) từ đó Ngài thăng ngự tận cõi mây ngàn (Tv 68,5.34; Đnl 33,26) và tiếng Ngài vang dội uy hùng trên sóng nước đại dương giữa các tiếng gầm vang trong gió bão (Tv 29,3). Ngài đặt ngai tòa trên đó và hội họp triều thần của Ngài hay còn gọi là “đạo binh thiên quốc”, để loan truyền và chu toàn mệnh lệnh của Ngài tới tận cùng thế giới (1V 22,19; Is 6,1tt; G 1,6-12). Ngài thật là Thiên Chúa của trời (Nkm 1,4; Đn 2,37). Thiên Chúa ngự trên trời gợi lên tính chất siêu việt bất khả xâm phạm của Ngài đồng thời cho biết sự hiện diện rất gần của Ngài nữa, tựa như Ngài có
mặt khắp nơi của bầu trời trái đất với con người vậy.
Vì Thiên Chúa của Israel là một vị Thiên Chúa cứu thế và Ngài ngự ở trên trời cao nên Ngài luôn tuôn đổ nguồn ơn cứu rỗi xuống mặt đất. Cụ thể, từ trời cao Gabriel xuống trên Đaniel (9,21) để hứa hẹn sự kết liễu thời kỳ tủi nhục (9,25). Con Người phải xuất hiện trên mây trời để trao ban vương quốc cho các đấng thánh ( Đn 7,13). Và sau hết từ trời cao, Gabriel được sai đến với Zacaria (Lc 1,11-19) và với Maria (Lc 1,26-38), và chính trời cao các thiên thần xuống mặt đất để ca tụng và loan tin “vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Sự
hiện diện của các thiên thần Thiên Chúa giữa chúng ta là dấu chỉ Thiên Chúa đã
thực sự vạch xé mây trời đến ngự giữa chúng ta, Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở
cùng chúng ta.
3. Trong Đức Giêsu Kitô, trời hiện diện trên mặt đất
a. Đức Giêsu nói về trời
Đức Giêsu luôn nói về Trời nhưng Trời ở đây không bao giờ chỉ một thực tại tự hữu, độc lập với Thiên Chúa. Đức Giêsu nói đến phần thưởng dành trên trời cho những ai vâng giữ và thi hành Lời Chúa (Mt 5,12), đó là cả một kho tàng vô cùng quí báo đã được tạo lập trên trời (Mt 6,20; 19,21). Trời ở đây cũng chính là sự hiện diện của Chúa Cha tuy vô hình nhưng ân cần, ôm ấp cả thế  gian và chim trời (Mt 6,26), bao phủ người công chính lẫn tội nhân (Mt 5,45) với lòng nhân từ vô bờ của Ngài (Mt 7,11). Con người không nhận ra sự hiện diện này nhưng chỉ nhờ Đức Giêsu đến nói cho chúng ta biết và minh chứng điều Ngài đã thấy ở trên trời (Ga 3,11).
b. Đức Giêsu từ trời đến
Đức Giêsu vốn ở trên trời (Ga 3,13) nên Người mang định mệnh trên trời xuống cho con người và rồi trở về trời (Ga 6,62). Vì vậy các công trình của Ngài đều thuộc về trời và công trình thiết yếu là hy lễ bằng thịt bằng máu Người, đó là bánh Thiên Chúa ban cho chúng ta, bánh từ trời xuống (Ga 6,33-58) và là bánh thông ban sự sống đời đời, sự sống của Chúa Cha, sự sống ở trên  trời.
c. Dưới đất cũng như trên trời
Đức Giêsu từ trời xuống và trở về trời dĩ nhiên người Kitô hữu cũng về trời cùng với Người, và Chúa Cha đã phục sinh cho họ và cho họ đồng bàn trên Nước Trời (Ep 2,6; Cl 2,12). Dù thế, công trình của Đức Giêsu vẫn được tiếp tục. Công trình này hệ tại ở chỗ liên kết đất với trời một cách bền vững để cho Nước Trời ngự đến, ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời (Mt 6,10) và để nhờ Người mà mọi vật được hòa giải dưới đất cũng như trên trời (Cl  1,20). Khi sống lại, Đức Giêsu lãnh nhận mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18), Ngài vào trong đền thánh Thiên Chúa tức là trời ( Dt 4,14), được tôn lên cao hơn các tầng trời ( Dt 7,26) và ngự bên hữu Thiên Chúa. Người đã đính kết một giao ước mới giữa trời và đất (Dt 9,25) và Người ban cho Giáo Hội quyền lực của Người khi Người hoàn tất trên trời các hoạt động mà Giáo Hội thực hiện dưới đất (Mt 16,19; 18,19).
d. Các tầng trời mở ra
Nhờ sự hòa giải mà Đức Giêsu thực hiện, nhiều dấu chỉ được bày tỏ cho chúng ta: Các tầng trời mở ra (Mt 3,16), Thần Khí Thiên Chúa đa ngự xuống trên Con Người (Ga 1,31), và các Tông đồ (Cvtđ 2,2).
4. Niềm hy vọng lên trời
Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy  mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người(Pl 3,20). Tất cả đặc điểm của bầu trời hy vọng Kitô giáo đều được kết tụ nơi đây: một thành đô, một cộng đoàn được thành lập cho chúng ta, một Giêrusalem mới (Kh 3,12). Giêrusalem mới này là vũ trụ mới (Kh 21,5) do trời mới đất mới tạo nên, như vũ trụ của chúng ta đây (2Pr 3,13) trong đó sẽ không còn chết chóc, lệ sầu, rên siết, khổ cực (Kh 21,4), ô uế (21,27), đêm tối (Kh 22,5) nhường chỗ cho hạnh phúc và niềm vui bất tận đó là sự hiệp thông với Chúa (1Tx 4,17)
Maria Thanh Mai gởi

Niềm tin người ngoại đạo

Niềm tin người ngoại đạo

Trầm Thiên Thu
Giáng Sinh luôn có điều gì đó kỳ diệu mà người ta khó có thể diễn tả một cách trọn vẹn. Theo thiển ý của tôi, điều kỳ diệu đó rất có thể là NIỀM TIN. Vì niềm tin vô hình và trừu tượng nên khó nhận biết, khó nhận biết nên khó diễn tả. Ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo hoặc vô thần cũng vẫn có niềm tin, nhất là khi người ta cảm thấy bất lực, đành thúc thủ, người Công giáo gọi niềm tin đó là Đức Tin.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1) không là người Công giáo nhưng vẫn ảnh hưởng “điều
kỳ diệu” của Lễ Giáng Sinh, bằng chứng là ông đã viết ca khúc “Lạy Chúa, con là
người ngoại đạo”.
Tuy là người ngoại đạo, nhưng ông xác định: “Lạy Chúa tôi, con người không đạo,
nhưng tin có Chúa ở trên cao”. Ca khúc này được viết trong thời chiến tranh tại
Việt Nam, ông đã thổ lộ với Đức Chúa về thực tại lúc đó: “Con nghe trong đêm
Việt Nam tối tăm, những mìn bom hoen dấu”. Chỗ nào cũng thấy dấu đạn, mìn,
bom,… Đáng sợ thật! Không ai làm gì được. Và ông thắc mắc: “Lạy Chúa trên cao
Chúa ở nơi nào?”. Không chỉ người ngoại đạo “thắc mắc” mà chính những người
mang danh Kitô hữu cũng đã có những lúc “thắc mắc” như vậy khi gặp vấn nạn mà
Ông Trời vẫn im lặng!
Tuy có vẻ “mơ hồ” như vậy, nhưng ông vẫn tin: “Lạy Chúa tôi, tuy người không
đạo, nhưng yêu nhớ lắm nhạc chuông khuya”. Ông không nói rõ, mà ông chỉ nói
theo cách diễn tả của một nhạc sĩ rằng ông “yêu và nhớ nhạc chuông khuya”. Nhạc
chuông khuya không phải nhạc chuông điện thoại reo lúc đêm khuya, mà đó là
“chuông nhà thờ đổ vang lúc cử hành Thánh lễ đêm Giáng Sinh”. Nhiều năm trôi
qua, ông đã quen và thấy nhớ tiếng chuông đó.
Vì thấy thiếu cái gì đó, ông lại hướng tâm lên Đấng mà ông tin: “Khi con bơ vơ
chắp tay nguyện cầu cho người thương còn xa mãi xa, mà suốt đêm dài ánh sáng
chưa qua”. Người thương mà ông cầu nguyện cho có thể là người yêu, người thân,
hoặc chính những người Việt ở khắp đất nước bốn ngàn năm văn hiến này.
Bản thân ông cũng là một binh sĩ thời chiến, nhưng ông hoạt động trong lĩnh vực
tâm lý chiến, ông mô tả một thực tế đau thương: “Xác người nào trôi sông, quay
đầu về biển Đông, những bước chân nào đi, có khi không trở lại. Đứa nhỏ ngồi ôm
em, không còn nghe đạn nổ, một người phơi tóc bạc, đếm thầm 20 năm”. Chiến
tranh là thế, có người đi mà không hẹn ngày về, đứa bé ngồi ôm đứa em chết trên
tay, cha mẹ già chờ con mòn mỏi đến nỗi tóc bạc phơ màu thời gian. Gia cảnh
buồn biết bao!
Những điều thực tế đó cho thấy con người hoàn toàn bất lực, do đó mà người ta
phải tin tưởng trọn vẹn vào một Đấng-Ngự-Trên-Cao. Ông bày tỏ
niềm-tin-của-người-ngoại-đạo: “Chúa ơi, Chúa ơi, con người không đạo, nhưng tin
Chúa giúp đời thương đau”. Không ai có thể cứu giúp cuộc đời đầy đau thương
này, ngoại trừ Thiên Chúa. Và rồi ông dẫn chứng: “Như con tin trong một lần đã
lâu, những hờn đau thu ngắn, để đám mây hồng âu yếm giăng ngang”.
Rõ ràng đã có lần ông tin Đấng-Ngự-Trên-Cao, rồi ông được giảm bớt đau khổ, và
lại còn được “đám mây hồng âu yếm giăng ngang” – tức là ông thực sự cảm thấy sự
bình an trong tâm hồn. Vậy là Thiên Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của ông, và đó
cũng chính là phép lạ dành cho ông – một con người thương nước, thương dân, và
luôn khao khát hòa bình.
Khi NS Trần Thiện Thanh chưa đi định cư tại Hoa Kỳ, tôi có dịp gặp ông 2 lần
tại Saigon, khi ông đi hát ở mấy tụ điểm ca nhạc, những nơi mà tôi sinh hoạt về
âm nhạc. Ông rất bình dị và hay cười, điều đó chứng tỏ ông là người có tâm hồn
tốt lành. Thiết tưởng, cuộc sống của NS Trần Thiện Thanh rất gần với Thiên
Chúa, vì ông là người-ngoại-đạo-có-niềm-tin-vào-Chúa.
Nói về niềm tin, hẳn có nhiều người biết bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo
Tím” của Thi sĩ Kiên Giang (2). Bài thơ nổi tiếng này đã được một nhạc sĩ phổ
nhạc và cũng khá phổ biến. Thi sĩ Kiên Giang cũng có niềm tâm sự của một
người-ngoại-đạo-có-niềm-tin. Khổ thơ cuối của bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên
Áo Tím” được ông kết bằng một lời cầu nguyện chân thành:
Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!
Ngay cả những người ngoại đạo cũng phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi,
huống chi những người đã và đang có niềm tin vào Thiên Chúa, biết tín thác vào
Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế từ trời sinh xuống gian trần.
Kinh thánh cũng cho biết một số người ngoại đạo mà lại liên quan niềm tin tôn
giáo. Trên đường lên Can-vê, Chúa Giêsu đã được ông Simon vác đỡ Thập giá. Ông
Simon là người ngoại đạo thuộc xứ Kyrênê (Lc 23:26).
Và rồi một hôm, khi Đức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội
trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm
liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội
trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói
một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8:5-8). Chúa Giêsu đã khen đức tin
của viên đội trưởng, rồi Ngài nói thẳng: “Từ phương đông phương tây, nhiều
người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước
Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó
người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8:11-12).
Thánh sử Luca kể: Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa
hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, có mười người phong hủi
đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ
lòng thương chúng tôi!” (Lc 17:13). Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình
diện với các tư tế”. Vì hồi đó, bệnh nhân phong nào cũng bị coi là ô uế. Đang
khi họ đi thì họ được sạch. Phép lạ nhãn tiền. Thấy mình được khỏi thì một
người trong số họ liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta
sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Mà anh ta lại là người Samari, tức là
người ngoại đạo. Thấy vậy, Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều
được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh
Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17:17-18). Rồi Người nói với
anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17:19).
Người ngoại đạo không chỉ có đức tin mạnh và còn biết trở lại để tạ ơn Chúa sau
khi được ơn. Còn 9 người có đạo lại “qua cầu rút ván”, phủi tay là xong, không
hề biết tạ ơn.
Lại một người ngoại đạo khác biết thể hiện đức tin qua việc yêu thương và giúp
đỡ người khác: Có một người trên đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc
đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi,
để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, một thầy tư tế đi qua con đường ấy,
trông thấy nạn nhân, nhưng ông ta tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một
thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy nạn nhân nhưng cũng tránh qua bên kia mà đi.
Sau đó, một người Samari kia đi ngang qua chỗ ấy, cũng thấy nạn nhân, và thấy
chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, băng bó vết thương cho người ấy, rồi đặt
người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy
ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có
tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10:35).
Người ngoại đạo mà sống đức tin cụ thể như vậy đó. Còn những người có chức vụ
và quyền hành trong Giáo hội lại nhẫn tâm làm ngơ, giảng hay mà làm không hay.
Chúng ta mệnh danh là Kitô hữu nhưng cũng chỉ là cái “mác”, là “nhãn hiệu”,
hành động có khi còn trái ngược! Những người hoạt động Lòng Chúa Thương Xót và
Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng chưa thực sự khá hơn. Đức tin bị mai một hay đã
chết?
Chúa Giêsu hỏi: “Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã
bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10:36). Lúc đó, người thông luật trả lời: “Chính
là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10:37a). Đức Giêsu bảo
ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10:37). Lời này cũng là lời
Chúa Giêsu nói riêng với mỗi chúng ta.
Thánh sử Gioan nói: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nổi đã ban Người Con
Một, để ai tin nhận Người Con đó thì sẽ không phải chết nhưng được sống muôn
đời” (Ga 3:16). Tin bằng môi miệng thì ai cũng tin được, tin bằng hành động cụ
thể mới là điều Chúa muốn. Vậy mà nhiều người ngoại đạo đã làm được. Bạn có
thấy xấu hổ không?
Ngay đêm Chúa Giáng Sinh, một Ánh Sao Lạ xuất hiện trên bầu trời Belem. Những
người tai to mặt lớn, chức quyền cao sang đã tìm những chuyên gia cắt nghĩa lời
ngôn sứ, nhưng họ chỉ như vịt nghe sấm, miệng chữ A và mắt chữ O. Tới khi những
người ngoại đạo từ phương xa tới và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở
đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng
tôi đến bái lạy Người” (Mt 2:2). Vua Hêrôđê lúc đó mới tá hỏa tam tinh!
Tại Belem năm ấy, tại nhiều nơi ngày nay cũng đã và đang có những người thốt
lên lời cầu nguyện chân thành như NS Trần Thiện Thanh: “Lạy Chúa, con là người
ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao”.
Trầm Thiên Thu

Chính tình yêu là một tặng phẩm hoàn hảo

 

Chính tình yêu là một tặng phẩm hoàn hảo

Trầm Thiên Thu

Hai tuần trước lễ Giáng Sinh, tôi rời khu ngoại ô với một ít bạn bè để rảo quanh các đường phố Los Angeles. Tôi vừa đi vừa hát nhỏ: “Chuông leng keng, chuông leng keng, chuông giáo đường âm vang…”. Nhưng tôi không thấy những đứa trẻ cười và người qua lại, nụ cười ẩn giấu sau nụ cười”.

Tôi gặp hàng trăm người vô gia cư, những con nghiện tụ tập chỗ này chỗ nọ. Họ
xách theo những chiếc bịch ni-lông chứa các vật dụng thường, trong khi những
dãy nhà, những người mua sắm tranh thủ về nhà từ các cửa tiệm.

Không có gì mang vẻ ngày nghỉ. Tôi mong chờ Chúa can thiệp và nhắc nhớ tôi về
mùa lễ hội.

Qua ngày thứ hai của hành trình, người hướng dẫn mời chúng tôi nhìn ngắm khu
Metro Kidz. Chúng tôi theo chiếc xe đẩy phát bữa trưa, được vẽ những hình nghệ
thuật thánh graffiti, khi xe vòng quanh khu nhà nghèo. Âm nhạc âm vang từ những
chiếc loa và kéo theo hàng trăm trẻ em tới một hẻm cụt tĩnh lặng. Đủ lứa tuổi,
từ chập chững tới thiếu niên, chúng ùa theo. Mọi người cùng phát quà cho chúng.

– Em nào muốn chơi trò chơi?

– Con, con. – Một đứa trẻ nói với giọng tự tin.

– Để con, để con. – Cả đám đồng thanh hô theo.

Niềm vui lan tỏa và tôi mỉm cười.

– Được rồi. Chúng ta sẽ chơi và có thưởng. Tôi muốn kể chuyện Giáng sinh. Bao
nhiêu người đã từng nghe chuyện về Hài nhi Giêsu?

Hầu như mọi cánh tay đều giơ lên. Tôi ngồi bắt chéo chân giữa những đứa trẻ nói
cười khúc khích, có một đứa bé bò vào lòng tôi và ngủ ngon lành. Có gì đó chạm
vào cạnh sườn tôi. Quay lại tôi thấy một bé gái xinh xắn có mái tóc xoăn. Bím
tóc có chiếc kẹp hình cầu vồng đa sắc. Đôi mắt sáng và to. Tôi hỏi:

– Chào con. Tôi là Sandy. Con tên gì?

Nó có vẻ bẽn lẽn, mắt nhìn xuống đất, nói nhỏ:

– Con tên Erika.

– Con bao nhiêu tuổi? – Vừa hỏi tôi vừa đặt tay lên vai nó.

Erika vừa cười vừa nói:

– Con 5 tuổi.

– Con muốn chơi hả?

Nó nắm tay tôi, lắc đầu và nói:

– Không.

– Được rồi. Chúng ta ngồi xem nha.

Phần thưởng là đồ ăn, đồ chơi và sách được trao cho những em dự thi. Người
thắng nhận phần thưởng và giơ cao lên cho mọi người thấy.

Chúng nói với nhau:

– Xem bạn có gì nè!

Cuối cùng, đến lúc nghe truyện Giáng sinh và học những câu kinh thánh mới.

– Nghe đây! Chúng ta có vài phần thưởng nữa. Lắng nghe cho kỹ và trả lời nha
các con!

Ngồi giữa những đứa trẻ nghèo ở đường phố Los Angeles, Tôi rất vui và hạnh
phúc. Tôi nghe truyện về hai cha mẹ phải ở trong chuồng bò vì không còn quán
trọ cho họ. Tôi cảm thấy đứa bé ngủ trong lòng tôi như đứa trẻ được bọc trong
khăn và bú mẹ.

Erika lắng nghe câu chuyện đêm vọng Giáng sinh và nhích tới một chút. Nó chăm chú
nhìn và kiên nhẫn chờ phần thi.

– Hôm nay là câu kinh thánh trong thư thánh Giacôbê 1:17. Tôi sẽ đọc và các con
lặp lại nha. Mỗi món quà tốt đẹp và hoàn hảo đều đến từ Chúa Cha.

– Mỗi món quà tốt đẹp và hoàn hảo đều đến từ Chúa Cha. – Các em đồng thanh lặp
lại.

– Cảm ơn con đã lắng nghe. Con được nhận phần thưởng.

Erika giơ cao món quà gói giấy đỏ. Tôi chú ý mặt nó ngời sáng và miệng cười
tươi. Các em khác mở quà của mình ra xem, nhưng Erika không mở quà. Nó nhìn đứa
bé ngủ trong lòng tôi, rồi nó nói nhỏ vào tai tôi:

– Hôm nay con có quà Giáng sinh cho em con rồi.

Không biết đó là món quà gì, nó trao quà cho em nó. Tôi cảm động và rơi nước
mắt. Tấm lòng của Erika như Chúa Giêsu vậy. Mới 5 tuổi nhưng nó biết yêu thương
là món quà hoàn hảo, và tặng phẩm tốt nhất là biết yêu thương người khác.

(Chuyển ngữ từ Chicken Soup for the Soul)

Trầm Thiên Thu

Mừng Chúa Giáng Sinh

Mừng Chúa Giáng Sinh

Đăng bởi lúc 8:38 Chiều 24/12/12

nguồn: Chuacuuthe.com

VRNs (24/12/2012) – Sài Gòn- Giáng Sinh có nhiều điều để
nói, nhiều cảm xúc để viết, nhiều chuyện để hàn huyên, nhiều tâm sự để chia
sẻ,… Giáng Sinh cũng có nhiều bài hát dù không phải là Thánh ca, một trong số
đó là ca khúc “Mừng Chúa Ra Đời” của NS Tô Thanh Tùng (*).Ca khúc này
được viết ở âm thể Trưởng nhưng lại không vui rộn ràng, cũng không trĩu buồn,
mà giai điệu lại nghe rất giống Thánh ca với những ca từ rất Công giáo ngay cái
tựa đề: “Mừng Chúa Ra Đời”.

NS Tô Thanh Tùng dẫn thính giả đi từ Thành Thánh: “Thành phố Giêrusalem trong
một đêm lạnh giá giăng đầy, nghìn ánh sao trời bỗng một vì sao rơi ngời sáng.
Mẹ Maria nơi hang đá Belem, vinh danh Chúa sinh ra đời, Thiên thần chắp cánh
vây quanh”
.

Ông có tầm nhìn của các Đạo Sĩ: “Nghìn ánh sao trời bỗng một vì sao rơi ngời
sáng”
. Mùa sao sáng nên có rất nhiều sao lấp lánh trên nền trời tối đen,
nhưng đặc biệt có một ngôi sao sáng nhất, đó là “ngôi sao lạ” dẫn đường các Đạo
Sĩ đến hang Belem để thờ lạy Vương Nhi Giêsu. Thấy trong hang đá có Mẹ Maria và
các thiên thần, và ông thầm nguyện: “Vinh danh Chúa sinh ra đời”.

Dòng nhạc cứ chảy, ca từ giản dị mà sâu lắng. Ông có niềm vui như một nốt nhạc trầm: “Mùa Giáng sinh năm nay tôi lại vui mừng Chúa ra đời, mừng Chúa ra đời có
muôn màu hoa đăng ngập lối”
. Lòng người vui hòa chung với hoa đăng muôn màu
giăng khắp các ngả đường, nhưng niềm vui trong lòng người khác lạ vì đó là niềm
vui của niềm tin Kitô giáo, niềm tín thác vào một Thiên Chúa toàn năng và bất
biến: “Một niềm tin Chúa ở ngôi cao, Chúa luôn ban phép cho người muôn đời
mãi mãi thương nhau”
. Là Thiên Chúa và mệnh danh Tình Yêu, Ngài cũng làm
cho mọi người mãi mãi thương nhau. Dù là người bình thường, không có niềm tin
tôn giáo thì cũng vẫn luôn muốn yêu và muốn được yêu.

Ca khúc này được ông viết trong thời chiến, vì thế ông đặt mình vào vị trí một
người lính đang trấn giữ biên cương để bảo vệ tổ quốc và giữ hòa bình cho người
dân, ông cầu nguyện: “Chúa ơi, Chúa ơi, mùa đông nghe giá lạnh về, con đang
trấn miền biên giới xa xôi. Đêm nay, đêm nay, Chúa sinh ra đời, con nhìn từng
hỏa châu rơi, từng vì sao rơi, con nguyện cầu hai tiếng “Chúa ơi!”
.

Trong chiến tranh, người lính đang làm nhiệm vụ luôn mang nhiều tâm sự, nhất là trong đêm Chúa giáng sinh, nhìn những ánh sao mà tưởng những ánh hỏa châu, nhìn những ánh hỏa châu mà tưởng những ánh sao. Sự lẫn lộn đó nói lên niềm khao khát hòa bình của con người. Nhưng con người bất lực, chỉ còn biết hướng tâm lên, tin
tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa, và thân thưa: “Chúa ơi!”. Lời cầu nguyện giản dị và ngắn gọn, nhưng chứa đầy nỗi niềm. Thiên Chúa chỉ chờ con người tâm phục khẩu phục như vậy để Ngài ban ơn bình an.

Cuối cùng, ông cầu nguyện cho quê hương Việt Nam: “Lạy Chúa ban ơn cho Việt Nam bền vững muôn đời, hạnh phúc lâu dài, xây đắp một quê hương đổi mới”. Đổi
mới là canh tân, điều này luôn cần thiết trong cuộc sống đời thường, nhất là trong đời sống tâm linh. Có tích cực đổi mới thì mọi sự mới khả dĩ hanh thông và tốt đẹp: “Và từ đây trên khắp nơi nơi vang tiếng ca non nước thanh bình, quên những ngày chinh chiến điêu linh”.

Hòa bình luôn cần thiết, hòa bình trong tâm hồn, trong gia đình, trong xã hội,
trong đất nước, trong thế giới. Muốn có hòa bình đích thực thì công lý phải
được tôn trọng triệt để. Vẫn còn cảnh áp bức, bóc lột, gian lận, tham nhũng,
hối lộ, kỳ thị,… thì chưa có hòa bình đích thực.

Đất nước hòa bình, xã hội hòa bình, gia đình hòa bình,… nhưng lòng người chưa hòa
bình thì cũng chưa có hòa bình đích thực. Mỗi cá thể phải hòa bình với tập thể,
với cộng đồng, và mỗi con người phải hòa bình với Thiên Chúa, đó mới là hòa
bình đích thực.

Lạy Chúa Hài Đồng, chúng con hân hoan và rộn ràng mừng Chúa ra đời, xin giúp chúng con biết trang trí hang-đá-tâm-hồn bằng những dây kim-tuyến-nhân-đức và ánh-sáng-đức-tin để Ngài giáng sinh và ở lại mãi mãi, đồng thời xin giúp chúng con biết sống trong tình liên đới hòa bình đích thực ngay tại thế gian này, hôm nay và suốt đời. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp giáng sinh và cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Amen.

Trầm Thiên Thu

 

_________________________________

(*) NS Tô Thanh Tùng sinh năm 1944 tại Hồng Ngự (Đồng Tháp). Năm 19 tuổi, ông có sáng tác đầu tiên là bài “Hồng Ngự Mang Tên Em”. Năm 20 tuổi, ông lên Saigon
học trường Luật. Ở quán cà phê gần trường, ông quen một cô gái thu ngân tên
Diễm nhờ viết bài “Mắt Diễm Buồn” cho ca sĩ Elvis Phương hát ở quán. Bốn
năm sau, cuộc tình giữa ông và cô gái này kết thúc, ông viết bài “Giã Từ” nhưng
không xuất bản.

Năm 1971, ông quen một cô gái ở Sa Đéc, ông đưa cô này lên Saigon để hát thử bài
“Giã Từ”. NS Quốc Dũng đã phối âm, nhưng khi đem trình cho nhạc sĩ Lê
Dinh (lúc đó là trưởng phòng văn nghệ Đài phát thanh Saigon), NS Lê Dinh
không đồng ý cho phát trên đài. Tuy nhiên, sau khi nghe băng cassette, NS Lê
Dinh lại đồng ý cho phát vào “giờ vàng” Chủ nhật. Bài hát lập tức gây chú ý cho
khán giả Saigon lúc bấy giờ. Nhà xuất bản Minh Phát lập tức ký độc quyền phát
hành bài “Giã Từ”. Sau đó, Tô Thanh Tùng viết tiếp một loạt bài như: Xót Xa,
Mừng Chúa Ra Đời, Sao Anh Nỡ Đành Quên, Nhớ Người Tình Phụ,… Bài “Sao Anh Nỡ Đành Quên” nói về một mối tình khác của ông.

Sau năm 1975, ông được giữ chức Trưởng ban văn nghệ thị trấn Hồng Ngự 3 năm. Sau đó khó khăn ông phải bán đủ thứ, từ xà bông, dầu gió, nước mắm,… cho đến phụ tùng xe đạp, để sống qua ngày. Năm 1979, ông cho phát hành album cassette “Tình Ca Hương Lúa” với một số bài như: Người hàng xóm, Hồng Ngự mang tên em,… do
Nhật Trường và Bảo Yến hát. Có thể nói Tô Thanh Tùng là nhạc sĩ nhạc vàng đầu
tiên trong nước sau năm 1975 đã phát hành album nhạc ngợi ca quê hương. Album
bị nhiều người cho là “nhạc vàng đội mồ sống dậy” nhưng vẫn được Sở VH-TT Đồng
Tháp đồng ý cho phát hành. Hiện nay, ông vẫn chưa lập gia đình và sống ở Thủ
Dầu Một (Bình Dương).

Một số ca khúc khác của ông cũng được biết đến nhiều: Người Hàng Xóm (phổ thơ
Nguyễn Bính), Mẹ Của Tôi, Giăng Câu, Về Miền Tây, Xót Xa,…