Sự bất lực của con người và niềm tin vào Thiên Chúa

Sự bất lực của con người và niềm tin vào Thiên Chúa

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Dongten.net

buồn

Các bạn trẻ thân mến,

Vì một phút nông nỗi, Ađam và Eva đã đánh mất đi niềm hạnh phúc Địa Đàng. Ân huệ nguyên thủy đã không còn nữa. Họ đành phải sống hết kiếp con người trong đau khổ, mỏi mệt, cho đến khi trở về với tro bụi, nơi mà từ đó họ được dựng nên. Họ và con cháu đời sau phải đối diện với biết bao thăng trầm của cuộc sống mà không sao thoát ra được. Gia đình đổ vỡ, tương quan rạn nứt, phải làm nô lệ cho những hoàn cảnh và cảm xúc của mình.

Như một dấu chỉ mang tính định mệnh, ngày từ lúc sinh ra, con người đã chào đời bằng tiếng khóc, chứ không phải bằng tiếng cười hân hoan. Rồi sự sống cứ xoay vần theo nhịp: sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già nua, rồi lại chết. Từ hư không, con người xuất hiện, rồi sau một khoảng thời gian ngắn ngủi được hít bầu không khí dưới bầu trời, con người lại trở về với hư không, như thể chưa bao giờ tồn tại. Trong suốt khoảng thời gian ngắn ngủi tại thế ấy, hạnh phúc và niềm vui chỉ như mây bay, còn bao khổ đau và lo lắng cứ chất chồng như núi. Kiếp con người, một kiếp sống âm u, tăm tối. Con người sinh ra rồi chết đi, để lại điều gì trên trần gian, có chẳng cũng chỉ là những dấu vết của một thời nặng gánh mỏi mệt, đau xót. Có lẽ vì cảm nhận như thế nên nhiều người đã ví cái chết như một sự “an nghỉ”, một cuộc giải thoát, một giấc ngủ bình yên sau ngày dài bương chải những truân chuyên.

Có mấy ai trong chúng ta hoàn toàn thoát khỏi những vướng bận của bụi trần? Lúc nào trên vai ta cũng là những gánh trách nhiệm nặng nề. Ta lo có miếng cơm manh áo để tồn tại, rồi đến lo cho cha mẹ, cho gia đình, người thân. Xuân về, hạ qua, thu đi, đông đến, bốn mùa luân phiên thay đổi. Ta chờ hoài đến giây phút được an nhàn thong dong, nhưng chẳng bao giờ thấy. Lúc nào ta cũng có cảm giác như mình đang ở tha hương. Tận cõi lòng, ta khao khát tìm về một chỗ nghỉ ngơi, để tựa đầu, để thanh thản. Ta cứ mãi tìm hoài hết điều này đến điều kia để khỏa lấp tâm hồn mình, nhưng sao ta cứ luôn thấy thiếu. Khoảng trống trong tâm hồn vẫn cứ còn đó, gắn chặt với đời ta như bóng với hình. Ta muốn vươn dậy, muốn bay lên nhưng thân phận nhân sinh cứ kéo ghì ta xuống.

Ta buộc phải đối diện với những người ta không ưa, phải làm những điều ta không thích, trong khi người ta yêu mến cứ luôn mãi xa ta, chuyện ta muốn làm vẫn xa tầm tay với. Những tương quan làm ta hạnh phúc thì chẳng kéo dài được bao lâu, trong khi người làm mệt mỏi thì hằng hà sa số. Ta mang trên mình một thân xác diệu kỳ, nhưng cũng mong manh yếu ớt. Gió trở trời là đã cảm thấy có gì bất ổn. Những mầm mống bệnh tật như kẻ trộm chực chờ ta. Tâm trí ta được kết cấu hết sức tinh vi, nhưng chỉ cần một cú va chạm nhỏ, ta có nguy cơ trở thành một sinh vật vô tri không hơn không kém. Những mong ước của ta, có khi là rất chính đáng, bao lần được cuộc sống này thỏa mãn? Ngày với đêm vần vũ xoay, ánh dương lên rồi vầng nguyệt xuống. Tất cả vẽ lên một bức tranh bất định của lịch sử.

Nhìn ra xã hội, ta cũng thấy bóng dáng sự xấu hoành hành. Chuyện mua bằng mua cấp. Chuyện quay cóp để được điểm cao. Chuyện hối lộ để được trắng án. Chuyện có quyền thì chà đạp công lý. Chuyện có tiền thì đánh đổi cả lương tri. Nhiều khi ta cũng muốn làm cái gì đó để xây dựng cuộc đời, nhưng những nỗ lực của ta cứ như hạt cát nơi sa mạc mênh mông, như giọt sương sánh với đại dương rộng lớn. Chẳng mấy người còn tin vào tình thương, chẳng mấy ai còn tin vào tha thứ. Con người giải quyết những xung đột của nhau bằng súng đạn, bằng bạo tàn, chứ không cùng nắm tay nhau để gắn lại vết thương rạn nứt. Trước sự dữ đang hoành hành giữa thế gian, ta cảm thấy mình bất lực hoàn toàn. Phận ta, ta còn lo chưa xong, huống hồ gì chuyện thay đổi cả thế giới.

h5

Thế nhưng, tuy sức mạnh của sự dữ lớn thật đấy, ta cũng không hoàn toàn bị mất hút. Giữa hàng vạn cây cổ thụ ngã xuống, vẫn có tỷ tỷ hạt giống âm thầm nảy sinh. Nhìn bề ngoài, ta cảm giác có vẻ như sự dữ đang thắng thế, nhưng thực chất, Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động. Đích thực là tự sức chúng ta, chúng ta không thể làm được gì. Nhưng với sức mạnh của Thiên Chúa, ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Dưới vực sâu của kiếp tro bụi, ta hãy ngước mắt nhìn về phía trời cao, kêu nài bằng tiếng than van ai oán nhất của cõi lòng, đánh thức dậy nơi Thiên Chúa lòng trắc ẩn của Ngài. Ta tin rằng Ngài sẽ hạ giới đến cứu chúng ta. Ta hoàn toàn có quyền dám mơ đến chuyện ơn trời sẽ xuống và làm bừng dậy nơi chốn bùn lầy đen tối và hôi tanh của thế gian những cánh sen tươi đẹp và thơm ngát.

Đức Giêsu đã từng ví rằng Nước Trời giống như hạt cải nhỏ xíu, nhưng khi lớn lên, nó trở thành một loại cây lớn đến độ chim trời có thể đến ẩn náu. Hay Nước Trời giống như chút men vùi vào đấu bột và làm cho cả khối bột dậy men. Thiên Chúa đã không thi triển quyền năng của mình một cách ồn ào và khủng khiếp như sự dữ vẫn làm hay như người ta vẫn tưởng. Ngài đã làm đảo lộn tất cả những giá trị và logic của con người. Thiên Chúa đã làm cho những người nghèo trở nên giàu có. Ngài chọn những con người thấp bé để truyền giảng Phúc Âm. Ngài đã chọn những tội nhân để khiến họ trở thành những vị thánh. Ngài đã thực hiện một công trình tạo dựng mới từ chính cây thập giá trên đỉnh đồi cao. Sức mạnh của Thiên Chúa vẫn hoạt động không ngừng, âm thầm và liên lỉ. Nơi đâu tưởng chừng bế tắc, Ngài khai mở lối đi. Nơi đâu chỉ toàn bóng tối, Ngài cho lóe sáng ánh hào quang chỉ đường. Sự dữ tuy ồn ào và tưởng chừng thắng thế, nhưng chưa bao giờ có thể đánh gục được những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã khởi sự nơi trần thế này.

Chúng ta hãy cứ tin vào Chúa dù có vẻ như chẳng còn gì để tin. Chúng ta hãy cứ bám vào Chúa dù có lúc ta chẳng thấy Chúa ở chỗ nào. Bất cứ khi nào con diều còn dính vào sợi dây, nó tha hồ tung tăng trong gió mà không sợ bị cuốn đi. Bất cứ khi nào con thuyền được neo bến, nó vẫn cứ yên vị dù những luồng chảy của dòng sông có tấn công nó dồn dập ra sao. Chúa là chỗ dựa của đời ta, là nơi duy nhất ta có thể tìm được nơi trú ẩn an toàn. Hướng về Ngài và cố gắng cảm nghiệm được những gì Ngài làm trên cuộc đời ta, dù phong ba của kiếp con người có lớn mấy đi chăng nữa, ta cũng cảm thấy được bình yên và an vui trong cuộc sống. Các bạn có tin điều đó không?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Nguồn gốc “Ngày của bố”

Nguồn gốc “Ngày của bố”

Hôm nay là “Father’s Day” rồi, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về lịch sử của ngày lễ đặc biệt này nhé các bạn!

Chúng mình đã quen với ngày lễ của Mẹ, ngày quốc tế phụ nữ (08/03), ngày phụ nữ Việt Nam (20/10),… vậy còn những ngày lễ cho “đấng mày râu” thì sao nhỉ? Những ngày lễ để tôn vinh “phái mạnh” không nhiều bằng “phái đẹp”. Thế nên, “Ngày của Bố” thực sự là dịp để vinh danh những cống hiến của “giới XY” cho sự hoàn thiện của cuộc sống chúng ta.

Tuổi đời non trẻ nhưng “Ngày của Bố” là ngày lễ tôn vinh một nửa dân số thế giới. Đây là dịp để các bà mẹ, con cái thể hiện sự quan tâm, chia sẻ về người chồng, người bố của mình rõ ràng nhất.

“Ngày lễ của Bố” được tổ chức lần đầu tại nước Mỹ vào năm 1972. Kể từ đó tới nay nó gần như đều được diễn ra ở hầu hết các nước vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 06 hàng năm.

Lịch sử

Thực tế, “Ngày của Bố” đã được diễn ra đầu tiên ở Fairmont , Tây Virginia vào ngày 05/07/1908. Nó được tổ chức bởi bà Grace Golden Clayton, người muốn kỷ niệm cuộc sống của 210 người đàn ông (họ đều đang làm bố) đã bị hy sinh trong thảm họa khai thác mỏ Monongah vài tháng trước đó tại Tây Virginia. Clayton đã chọn ngày chủ nhật gần nhất, ngày sinh nhật người bố của bà vừa mới qua đời để tổ chức buổi lễ. Thật không may, ngày lễ đó đã bị lu mờ bởi các sự kiện khác trong thành phố. Tiểu bang Tây Virginia cũng không chính thức đăng ký cho buổi lễ, từ đó nó không được tổ chức trở lại.

Sau sự kiện ở Tây Virginia 2 năm, cô Sonora Louise Smart Dodd, sống tại Shokane, Washington, nghĩ ngay đến một ngày để vinh danh các người bố khi nghe bài thuyết giáo ngày của mẹ năm 1909. Sonora là con gái lớn nhất trong sáu chị em. Bố cô là ông William Jackson Smart, còn mẹ cô qua đời trong lúc sinh. Sonora yêu quý và kính trọng bố vì đã một thân nuôi gia đình.

Năm 1910, Sonora đã chọn ngày 19 tháng 6 là “Ngày của Bố” vì ngày đó là sinh nhật của bố cô. Với sự giúp đỡ từ Hội Bộ trưởng Spokane và YMCA (Young Men’s Christian Association — Hiệp hội thanh niên Thiên chúa giáo), “Ngày của Bố” đầu tiên được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 1910.

Lễ kỷ niệm

Năm 1966, Tổng thống B. Johnson (Mỹ) đã đưa ra lời loan báo đầu tiên tôn vinh bố, ông chỉ định chủ nhật thứ ba trong tháng sáu là “Ngày của Bố”. Sáu năm sau, ngày kỷ niệm ý nghĩa này đã được thực hiện một cách trang trọng như một kỳ nghỉ lễ thường xuyên hàng năm tại Mỹ khi Tổng thống Nixon đã ký nó thành luật vào năm 1972.

Từ đó, “Ngày lễ của Bố” dần dần được phổ biến rộng rãi và được tổ chức khắp thế giới, đặc biệt là tại châu Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, ở một số nơi thời điểm tổ chức và hình thức lại không đồng nhất, nó mang những nét đặc trưng riêng của từng quốc gia và sự sáng tạo đặc trưng trong các buổi lễ.

Mỹ

Đây là quốc gia tổ chức “Father’s Day” rộn ràng nhất thế giới. Một ngày được nghỉ lao động, trẻ em được ra đường vui chơi như ngày quốc tế thiếu nhi. Báo đài, các quan chức chính quyền luôn đề cập về ngày lễ đặc biệt này. Đồng thời rất nhiều quà cáp, thư từ và điện thoại được chuyển đi để bày tỏ sự quan tâm về người bố trong ngày lễ. Ở Mỹ, ngày lễ của bố được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 06 hàng năm.

Việt Nam

“Ngày lễ của Bố” mới được du nhập vào Việt Nam những năm gần đây. Hiện nay, giống như một số nước, Việt Nam kỷ niệm ngày lễ của bố vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu hàng năm (năm nay là ngày 15/06/2014).

Tại nước ta, đây không phải là ngày được nghỉ lễ, tuy nhiên vẫn có những sự thăm hỏi, quan tâm bằng thư từ, điện tín được truyền đi rất nhiều trong ngày này. Đa số ngày lễ chỉ được tổ chức với các buổi sum họp gia đình, bạn bè, người thân.

Đức

Tại đất nước châu Âu này, “Ngày của Bố” được tổ chức trùng với ngày lễ Thăng Thiên. Lễ được kỷ niệm vào ngày thứ năm gần nhất sau 40 ngày kể từ ngày lễ Phục Sinh.

Ở Đức “Ngày của Bố” còn được gọi là “Lễ quý ông”. Đây là một lễ hội liên bang và là dịp để mọi người thực hiện các chuyến du lịch thiên nhiên (đa số là đàn ông).

Thái Lan: tổ chức “Ngày của Bố” vào ngày sinh nhật của vua Bhumibol, đó là ngày 05/12.

Hàn Quốc: lễ được tổ chức vào ngày 08/05 ngày “Lễ của Bố – Mẹ”.

Rất nhiều thời gian và hình thức tổ chức khác nhau diễn ra để kỷ niệm “Ngày của Bố”. Nhưng mục đích chung cuối cùng là thể hiện sự biết ơn về những cống hiến của người bố trong gia đình.

Bố ơi, con nhớ Bố .

Cháu gái từ Mỹ gởi chúc mừng ngày Người Cha . Không rõ các nước có mừng Cha khác nhau không,  nhưng Cha chỉ có 1 và luôn là người ít được nhớ hơn bà Mẹ dịu dàng, gần gũi con cái.

Tôi cũng gần Mẹ hơn Cha , nhưng trong kí ức của tôi người Cha quá cố vẫn nguyên vẹn hình bóng nhân hậu, lặng lẽ thương yêu gia đình, con cháu, anh em và những người bên dưới của ông, kể cả khi ông rầy rà con cháu ngỗ nghịch  . Ông ít nói , ít tranh cãi , ít ra lệnh, mà chỉ sống bằng hành động theo đạo lý của tôn giáo và  thế hệ ông, cho gia đình và cuộc sống quanh ông. Công bằng, bác ái  và chân thực là điều ông đã dậy tôi qua những ngụ ngôn của La Fontaine và giáo lý của chúng tôi .

Là con út nhỏ hơn người anh kế gần 10 tuổi , tôi được ông ” chiều” hơn anh chị một chút . Ông ăn 1 lóng mía tôi cũng được ngồi bên, tôi lại chỉ thích khúc “đầu mặt” khi ông cắt thêm vào khúc ” mía thịt ” dài hơn cho tôi, Mẹ tôi không chịu được mùi thịt trâu bò, thịt chó, bơ sữa , anh chị tôi theo mẹ , mâm hai Bố con ăn riêng khi có những món đó đã giúp tôi thành ” Vô Kị” khi ra đời . Lúc 3 chị em còn sống với Bố Mẹ  chưa ai lập gia đình ,  ví tiền của ông chỉ mình tôi dám lục khi thèm quà vặt do Mẹ không hề cho tiêu tiền . Ông lĩnh lương là đưa hết cho Mẹ,  Mẹ thường “lục” ví ông kiểm soát để ” châm” thêm tiền cho ông ăn sáng , tôi lục để tìm tiền lẻ . Có lần tôi thèm kem quá mà trong ví ông chỉ có tờ bạc 50 chục tôi liều lĩnh một cách ngu ngốc lấy tờ 50 chục này định chiều về trả lại tiền dư , hôm đó ông ăn phở Tầu Bay mở ví không còn tiền phải để ông tài xế của sở  trả , chiều về ông âm thầm hỏi tôi khi tôi đưa ra 1 nắm tiền đúng…49 đồng. Ông  kéo tôi ra 1 góc để tránh Mẹ và từ đó tôi được nghe nhiều lần chuyện ngụ ngôn ” Au Loup” , con chó sói của cậu bé đùa dối hô hoán giả tạo và lần sau cậu đã chết vì chó sói thật do không ai đến cứu . Là người Bắc trong nhà không có chuyện con trai ở trần mặc quần đùi, tối đi ngủ dù trời nóng cũng phải mặc pyjama hay quần ta dài, áo may ô , ông không bao giờ la rầy tôi khi phá luật mà chỉ ” dũa” ông anh không chăm dậy  em. Sáng sớm thức dậy ông bắt mỗi anh em vào toilet ngồi 15 phút , anh em  tôi thoát khỏi di truyền bệnh táo bón khủng khiếp của Mẹ chính nhờ “cữ ” mặc niệm bắt buộc mỗi sáng này của ông .

Ông còn cả kho ca dao, cách ngôn cho mọi trường hợp để dậy tôi . Hay sang nhà bạn thì ” Năng mưa thì tốt lúa đường – Năng qua lại   lắm xem thường nhau đi ” , quần áo luộm thuộm thì ” Y phục xứng kì đức ..” . Duy có một điều  ông không hề dậy tôi bằng lời nhưng từ hành vi của ông, có lần ông đưa cả tháng lương cho người thuộc cấp than thở vợ con đau bệnh không có tiền lo , lâu quá  Mẹ hỏi lương thì ông mới rì rầm nói” Nhà nó nghèo quá , đưa cả rồi !!” , khi làm ở Báo Văn Nghệ Tiền Phong đám kí giả văn nghệ sĩ  thưòng nắm áo ông vay tiền trước , ông ” vay” từ túi Mẹ đưa họ rồi chịu im lặng nghe bà cằn nhằn. Sống như thế nhưng ông không uống thứ nước nào ngoài nước đun sôi , không trà, rượu, cà phê, tất nhiên không thuốc lá và đàn đúm bạn bè , chỉ có công việc, nhà thờ  và gia đình , thỉnh thoảng gia đình tụ họp em cháu  cuối tuần mở canh Bài Chắn giải trí ông chơi rất dở , có khi còn bị Mẹ tôi  cấm vận , tôi hay lấy nê con út lăn vào cầm bài cho Bố để bà thôi cằn nhằn .

Các cháu con chị tôi ở Thủ Đức thường nhắc chuyện sau 75 ông đã gần 80 mà vẫn đạp xe từ Tân Bình lên ra vườn dọn dẹp cây cối , hỏi han vài điều, uống li nước lạnh rồi lại đạp xe về lo cho đám cháu nội ở Saigon, lúc đó cả hai anh em tôi đều còn cải tạo. Thời gian trước  khi ông mất năm 2005 , ông đã hơi lẫn và chướng, nằm bệnh viện bác sĩ muốn vô nước biển ông nhất định là ” Nó định đầu độc tôi cho thuốc giả  “, các cháu phải gọi tôi về thủ thỉ giải thích, ông lại cười nói ” Bố phải cảnh cáo trước ” rồi đưa tay cho vô thuốc. Những năm cuối đời của Cha Mẹ,  tôi  thật may phước được gần bên để cùng con cháu chăm lo cho hai vị , được các cụ thường đòi có mặt khi nhập viện hay tưởng là trăn trối lần cuối . Cha tôi đã mê man ít ngày trước khi mất , người không trăn trối điều gì cho con cháu được ngoài ” thương hiệu ” di sản của một con người  hiền hòa, nhân hậu, bình dị . Mất nhiều năm tôi mới hiểu lí do mình gần Mẹ hơn ông , bà trò chuyện với tôi nhiều hơn ông , dậy dỗ con cái  nghiêm khắc hơn ông , cũng làm nhiều quyết định và gánh vác đời sống gia đình, gia tộc nhiều hơn ông . Sự sắc sảo, khôn ngoan rất chính đáng của bà chi phối không chỉ gia đình mà còn toàn gia tộc và mỗi giai đọan quan trọng trong đời tôi  ,khi ở xa đau yếu, khó khăn thì chính bà là người chủ trì bàn tính hay đích thân lo liệu, các con, cháu tôi, anh chị tôi , cháu ông bà cũng một tay bà lo liệu .

Ông chỉ gần tôi khi tôi đã rất trưởng thành , gần 10 năm cuối đời ông thì hầu như tôi là điểm tựa , sự an tâm, vui thú  của  ông , là người bạn trẻ duy nhất của ông khi kiên nhẫn giải thích những điều ông hỏi, khi đưa ông đi đây đó  vẫn để ông thỏa thích nghiền ngẫm, quan sát , hỏi han về những điều mới lạ quanh ông, suốt đời ông không khi nào nắm giữ, đòi hỏi  tiền bạc, tài sản nhưng gần cuối đời ông thường nói tôi đưa tiền , chỉ những số tiền rất nhỏ , khi ” Để Bố hớt tóc “, khi ” Để bỏ nhà thờ hay cho kẻ khó ” , kể cả khi ông đã lẫn thường đến một tiệm thuốc Tây quen gần nhà tự định bệnh, tự kê toa đòi lấy thuốc và nói :  ” Cháu T. sẽ trả tiền ” . Anh dược sĩ quen đồng ý với tôi cứ đưa ông 1 liều thuốc bổ vô thưởng vô phạt cho ông vui.

​ Vâng, đó là cha tôi , người con cả thừa kế của một gia đình ​địa chủ giầu ruộng đất, được đi học trường Tây trên tỉnh, ” Cậu Cả ” đã có  xe đạp từ thời trước Thế Chiến thứ Hai , về làng cũng ngấm nghé các cô xinh đẹp, nhưng suốt đời ông từ khi cưới Mẹ tôi ông bà không rời nhau được một ngày mà không bồn chồn, bà chỉ đi thăm bà con vài tiếng ông đã bắt cháu đi tìm , khi ông mất bà đã lẫn , khi tỉnh khi mê nhưng khi tỉnh biết ông đã mất bà đã gào khóc làm chúng tôi đau đớn bội phần ” Ông ơi , sao ông không gắng sống thêm cho tôi hầu hạ ông . Các con ơi, các con mồ côi Bố rồi !!!”

Xin chúc mừng các người Cha là anh, là bạn, là con cháu tôi, nhân viên của tôi hôm nay . Xin những bạn còn Cha hãy tận hưởng tình cha con thân thiết và lòng thảo hiếu dành cho người lúc tuổi gìa bóng xế .

Bố ơi, con nhớ Bố .

Chúa Nhật 15/6/2014 Saigon

Lâm Mạnh Di và Tình tự của một người cha, người ông

Lâm Mạnh Di và Tình tự của một người cha, người ông

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-06-14

VHNT06142014.mp3

Freddy-Lam2-305.jpg

Bé Freddy Lâm Gia Nghi.

Photo courtesy of Lâm Mạnh Di

Trong dịp Father’s day năm nay, Mặc Lâm xin giới thiệu bài viết cảm động của tác giả Lâm Mạnh Di về người con trai cũng như đứa cháu nội hai dòng máu mà ông rất thương yêu. Tình tự của một người cha, người ông trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử Việt Nam có lẽ khiến những cung bậc tình cảm tăng theo với dòng chảy một thời buồn bã của rất nhiều gia đình. Tác giả Lâm Mạnh Di đã gửi gấm niềm xúc động của ông qua hai bài viết Tình phụ tử và Tháng 4, Những giòng chữ cho Freddy Lâm Gia Nghi.

Lâm Mạnh Di: Tôi có tất cả là 4 người con trai, và cháu Thi, đứa mà tôi đề cập trong bài viết Tình phụ tử ra đời trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Cháu ra đời trong một trại tỵ nạn mà lúc đó tôi còn ở lại Vũng Tàu có lẽ vì lý do đó mà tôi có một tình cảm thật đặc biệt với cháu. Nhưng tôi nghĩ trong hoàn cảnh đất nước của chúng ta thì không ít các cháu đã ra đời trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy.

Tình phụ tử – Lâm Mạnh Di

Vũng Tàu khoảng 16h chiều…

Trời còn rất nóng, rất khó chịu. Một căn phòng nhỏ trên đường Nguyễn An Ninh gần ngã tư giếng nước. Phòng chứa toàn sách vở ngổn ngang, bàn ghế chẳng có gì xa xỉ. Một ông già có lẽ chưa đến 60 cặm cụi sắp sếp lại các cuốn sách cho ngăn nắp. Ông mỉm cười khi cầm cuốn Album hình ảnh gia đình ông trên tay, cứ đến mỗi trang ông xem lại lẩm nhẩm vài tiếng, chen lẫn với tiếng thở dài…

Có tiếng gõ cửa thật lớn, ông già hơi ngạc nhiên vì ông rất ít bạn bè đến thăm ông. Bạn bè thân thiết của ông hiện đang ở khắp nơi trên thế giới, nếu có về Việt Nam thăm ông đều báo trước cho ông biết…

Ông ra mở cửa và ngạc nhiên đến nghẹn ngào: “Trời ơi, con đấy à”… T. ôm bố, nước mắt dàn dụa, bằng giọng nói tiếng Việt không thành thạo…”bố ơi, con về thăm bố đây…!”

Ngày Father’s day tôi chỉ biết cầu nguyện ơn trên hãy thương xót cho dân tộc Việt Nam, thương xót cho những cháu bé trong hoàn cảnh nghiệt ngã.
-Lâm Mạnh Di

T. tên thật là Lâm Gia Thi, và ông bố chính là người đang ngồi viết những dòng chữ này…

Thi và bố gặp nhau đã nhiều lần, nhưng chưa lần nào ở Việt Nam và bất thình lình như lần này. Thi nhân cơ hội đi họp ở vùng Đông Nam Á về thăm bố và mang về cho bố đủ loại thuốc.

Bố dẫn Thi đi xem Vũng Tàu, đi mua sắm ở chợ Năm Tầng… Nét mặt Thi rạng rỡ, không còn căng thẳng như qua buổi họp, lúc nào đi bên bố cũng nhè nhẹ đấm lưng cho bố.

Thi ơi, trong những đứa con của bố, có lẽ bố thương Thi nhất. Vì ngày Thi chào đời không có sự hiện diện của bố, con chào đời trong 1 trại tỵ nạn.

Tôi dẫn Thi ra biển, những cơn sóng vỗ về, tiếng sóng và gió biển dạt dào làm tôi nhớ 1 ngày nào đó năm 1980. Tôi chỉ cho Thi nơi mẹ cùng anh Huy xuông thuyền đi vượt biên. Lúc đó Thi còn là 1 thai nhi trong bụng mẹ … Cuộc đời là tử biệt sinh ly, có ai ngờ sau 25 năm Thi lại trở về đây và đang đứng lặng lẽ bên tôi.

Thi nhìn xa xăm ra khơi, nơi có những ánh đèn chớp tắt của người đi đánh cá đêm. Tôi bắt gặp những giọt nước mắt chảy trên má Thi mà thương con vô cùng.

Hai bố con ngồi với nhau trên bãi biển, chẳng để ý đến thời gian qua mau… Có lẽ buổi tối hôm đó là ngày sinh nhật đẹp nhất đời tôi, chỉ có 2 bố con ngồi cô đơn nghe sóng biển, nghe đời mình như những cơn mơ…

Năm giờ sáng tài xế đến Vũng Tàu để đón Thi trở lại Sài Gòn, Thi có kể cho tôi biết về dự án mà Thi có trách nhiệm. Và Thi đã quyết định làm việc tại Việt Nam 1 thời gian. Lý do duy nhất cho quyết định này là chỉ để được gần bố.

Thương con quá …!

Lâm Mạnh Di: Hôm nay các con tôi đã trưởng thành và tôi cũng hạnh phúc được thành ông nội của ba đứa cháu thật ngoan và hiền. Có cháu mang hai dòng máu Việt và Mỹ. Đương nhiên về tuổi già khi nhìn thấy con cháu như vậy thì tôi cũng rất hạnh phúc và có đôi chút nào đó tự hào…

Tháng 4 – Những giòng chữ cho Freddy Lâm Gia Nghi

064_IS09AH48I-250.jpg

Hình minh họa. AFP PHOTO.

Hơn 30 năm về trước, bà Nội con lũ lượt theo giòng người bỏ xứ ra đi, mang theo bố con trong bụng, một thai nhi vừa đươc vài tháng, và bác Huy của con lúc đó vừa tròn 7 tuổi.

Lần đầu tiên trong đời ông mới biết thế nào là đau khổ của sự chia ly. Có lẽ dùng chữ đau đớn mới đúng. Ví ai biết được có còn ngày tao ngộ?

Và ông cũng chẳng ngờ, trong đời ông lại có 1 đứa cháu nội mang 2 giòng máu, đứa cháu nội thật xinh, có cặp mắt to với hàng lông mi cong vút. Mỗi lần con theo cha mẹ con về thăm ông, dẫn con ra đường chẳng ai biết là 2 ông cháu, ai cũng khen con hiền và đẹp, cứ ngỡ ông là người giúp việc cho 1 gia đình người ngoại quốc nào đó.

Trong cuộc sống khép kín cô đơn của ông, dường như ông chỉ vui được vài tuần ngắn ngủi khi bố mẹ con dẫn con về thăm ông. Về lần cuối thì con cứ huyên thuyên nói với ông bằng tiếng Tây Ban Nha, thay vì tiếng Mỹ như thường lệ, làm ông chẳng hiểu cứ ôm cháu vào lòng mà cười. Cái nghề nghiệp cứ bắt bố con vài năm là lại phải đi đến 1 nước khác làm việc kể cũng tốt cho con.

Thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông, có lẽ đó là lúc bố con về Việt Nam làm việc, lúc đó con vừa thôi bú mẹ. Ông chăm sóc con cẩn thận lắm, cứ cầm quạt phe phẩy cho con suốt ngày vì sợ có con muỗi nào nó chích vào da thịt non nớt của con. Ba năm trời được sống bên con, bên cha mẹ con, là những giờ phút ông luôn có nụ cười, làm ông quên được những tháng năm sống trong hẩm hiu đau khổ. Và ông cũng chẳng ngờ, càng lớn con càng quấn quít ông hơn bố mẹ con, lúc nào hai ông cháu mình cũng cứ quanh quẩn bên nhau.

Ba năm trời qua nhanh như 1 giấc mơ, rồi ông phải ngậm ngùi chia tay những người mình thương yêu nhất đời. Hôm đưa gia đình con trở lại Mỹ, đó là một ngày mưa tầm tã. Mẹ con dù là người phương Tây cũng rơi lệ, tim ông quặn đau khi con cứ nắm chặt tay ông không chịu rời. Phi trường Tân Sơn Nhất hôm đó sao mà ảm đạm… rồi bóng dáng 3 người thân yêu cứ xa dần, xa dần… Ông còn nghe tiếng con gào khóc sau bức tường cách ly của phi trường.

Thế là hai ông cháu mình xa nhau thật rồi, nước mắt ông dàn dụa… và ông ngã quỵ trong tay hai người bạn cùng đi theo. Về lại nhà, ôi sao mà trống vắng, tiếng cười nói của con còn loáng thoáng đâu đây. Ông nằm liệt giường cả tuần, chẳng màng đến cơm nước…

Tôi nghĩ trong hoàn cảnh đất nước của chúng ta thì không ít các cháu đã ra đời trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy.
-Lâm Mạnh Di

Bây giờ con đã 8 tuổi, một học sinh thông minh và hiền hậu. Con có đôi mắt thật buồn của bà Nội, có chuyện vui buồn gì cũng gọi điện thoại cho ông. Bố con biết ông thích bài Bên Cầu Biên Giới nên nhờ thầy dạy nhạc dạy cho con đàn bài này… nghe tiếng đàn piano của con qua điện thoại, ông cũng hát nhỏ theo “Bên cầu biên giới… Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi… Sông nước xa xôi… mây núi khắp nơi… Không tỏ một đôi lời…”

Freddy, ông biết con thương ông lắm. Cả bố mẹ con nữa, mọi người đều muốn ông rời Việt Nam để theo gia đình. Khi nào con đủ lớn khôn có lẽ con sẽ hiểu vì sao ông không muốn bỏ Sài Gòn mà ra đi. Chính phủ này là 1 Chính phủ tàn bạo trong các Chính phủ tàn bạo trên thế giới, họ đã làm gia đình mình và hàng triệu gia đình tan nát. Nhưng ông vẫn chọn cuộc sống ở đây chỉ vì ông thương yêu bao nhiêu là kỷ niệm. Sài Gòn là quê hương của ông, nơi đây ông gặp bà Nội và đó là lần đầu tiên ông biết yêu. Những con đường, những hè phố, những buổi trưa nắng oi ả, những người bạn thân thương, những quán cóc bên đường… là tất cả những gì ông còn giữ lại cho đời mình.

Ông không biết mình sẽ làm gì trong 1 không gian xa lạ, nếu ông rời Việt Nam. Rồi khi cha mẹ con đi làm bận rộn, con phải đi học, có lẽ ông sẽ co ro 1 mình trong phòng…

Cháu ngoan, con ráng học hành cho giỏi nhé. Và nhớ mỗi năm theo bố mẹ về thăm ông vài tuần, như vậy là ông vui lắm rồi. Ông sẽ cố gắng đi học tiếng Tây Ban Nha, để về kỳ tới có thể chuyện trò với con, hay ít ra ông có thể dịch lá thư này để mai mốt con đọc.

Ông viết lá thư này vào những ngày tháng 4, thời gian này cũng là thời điểm của những bọn lố nhố lăng nhăng đang sửa soạn ăn mừng chiến thắng trên hàng triệu xác người. Ông chẳng màng đến họ, những con diều hâu đang rỉa thây dân tộc Việt Nam, vì ông bây giờ chỉ sống với hình ảnh con cháu, vui khi con cháu điện thoại về thăm ông. Đó là những sức mạnh của yêu thương, vực ông dậy để sống trong những ngày cô quạnh.

Lâm Mạnh Di: Tôi đọc báo và được biết các thế hệ con cháu người Việt tỵ nạn được lớn lên và học hành ở nước ngoài đa số là đã thành công trong cuộc sống và có những cháu làm rạng rỡ cho quê hương của chúng ta.

Ít nhiều gì khi nói đến đây tôi lại thấy thương các cháu sinh ra trong những gia đình nghèo khó tại Việt Nam. Những hình ảnh các cháu lam lũ đến trường với quần áo rách rưới có lẽ ai trong chúng ta khi nhìn những hình ảnh đó sẽ thấy trong lòng quặn đau. Có những cháu tuổi vừa lên 10, 11 gì đó đã phải vất vả làm những công việc thật nặng nhọc để giúp đỡ cho gia đình các cháu.

Trong ý nghĩa của ngày Father’s day tôi chỉ biết cầu nguyện ơn trên hãy thương xót cho dân tộc Việt Nam, thương xót cho những cháu bé trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Có cháu phải lội sông lội suối đến trường, hãy thương hãy độ trì cho các cháu có được bữa ăn no áo quần tươm tất và được học hành đến nơi đến chốn…

 

ĐÊM TỪ PHỤ VINH DANH CÁC NGƯỜI CHA

ĐÊM TỪ PHỤ VINH DANH CÁC NGƯỜI CHA

Xúc động đầy ấn tượng

Hà Tường Vy

Như thường lệ, tôi là người vẫn đều đặn tham dự các Đêm Gia Đình từ những lần tổ chức đầu tiên tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange do Gia Đình Nazareth tổ chức.

Đối với tôi, Đêm Gia Đình là một sinh hoạt rất giá trị và ích lợi cho những ai đang sống trong đời sống hôn nhân, gia đình, cũng như cho những ai đang phải đối diện với những khó khăn đến từ nhiều mặt, từ tâm lý, tâm sinh lý, giáo dục, xã hội, luật pháp, cũng như những vấn đề liên quan đến việc thực hành niềm tin tôn giáo. Điểm son của Gia Đình Nazareth là ở chỗ vẫn trung thành tổ chức các Đêm Gia Đình và đã không ngừng tìm kiếm những đề tài, cải tiến những hình thức sinh hoạt, nhờ đó thu hút số người tham dự ngày càng đông đảo.

Đêm Gia Đình, do đó, là một sinh hoạt nhằm đưa Gia Đình Nazareth đi vào dòng chính của sinh hoạt xã hội, của sinh hoạt tôn giáo. Với Đêm Gia Đình, Gia Đình Nazareth đã thực hành đúng phương châm sinh hoạt của mình: “Gia Đình Nazareth đồng hành với các gia đình”.

Đôi dòng lịch sử của Đêm Gia Đình:

Đêm Gia Đình là một sinh hoạt mang tầm mức Cộng Đồng và mở rộng cho mọi thành phần tham dự. Đêm Gia Đình đầu tiên được tổ chức vào chiều ngày 5 tháng 9 năm 2012 dưới sự chủ tọa, và giảng thuyết của Đức Cha Mai Thanh Lương. Kể từ đó đến nay, liên tiếp hàng tháng vẫn có những Đêm Gia Đình. Sinh hoạt này vì thế đã trở thành nét đặc thù của Gia Đình Nazareth.

Được tổ chức vào mỗi tối thứ Sáu, tuần thứ 2 trong tháng từ 7giờ đến 9giờ tối tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, Đêm Gia Đình đã thu hút nhiều thành phần trong cộng đồng Công Giáo cũng như những thính giả đến từ các tôn giáo bạn, hoặc từ các nơi xa. Điểm đặc biệt của Đêm Gia Đình là sự phối hợp nhịp nhàng giữa phần tâm linh và phần sinh hoạt đời thường.

a) Sinh hoạt tâm linh:

Bao gồm những đề tài về giáo lý, Giáo Hội, và Thánh Kinh nhằm giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về mục đích, giá trị, và ý nghĩa của sinh hoạt tâm linh trong ứng dụng thực tế vào đời sống ơn gọi hôn nhân, gia đình. Đức Cha Mai Thanh Lương, Cha Giám Đốc Nguyễn Thái, các Cha Cựu Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo như cha Nguyễn Uy Sỹ và cha Mai Khải Hoàn, cha Phạm Ngọc Hùng, Viện Phụ Phạm Sỹ Hanh, Đan Viện Xitô, cha Trần Đình Thụy, Giáo Sư đại chủng viện Thánh Qui, Cần Thơ, cha Vũ Thế Toàn Dòng Tên, Cha Timothy Nguyễn, Cha Trịnh Ngọc Danh, linh hướng Gia Đình Nazareth, phó tế Hoàng Thanh Sơn, phụ tá linh hướng Gia Đình Nazareth và nhiều linh mục tên tuổi, phó tế đã đến với các Đêm Gia Đình qua những chủ đề khác nhau.

b) Sinh hoạt đời thường:

Bao gồm những chủ đề về tâm lý giáo dục, tâm lý tuổi trẻ, tâm lý hôn nhân, tâm lý gia đình, tâm lý cao niên, tâm lý xã hội, luật lệ xã hội, và những vấn nạn liên quan đến gia đình, bạo hành gia đình… Các chủ đề này được trình bày do các nhà tâm lý, luật sư, bác sĩ, và những chuyên gia giầu kinh nghiệm như Bác sĩ Trung Chỉnh, Tiến  Sĩ Phạm Kim Long, Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt, Tiến Sĩ Tâm Lý Phan Nguyễn Kim, Tiến Sĩ Tâm Lý Lê Văn Ẩn, Tiến Sĩ Giáo Dục Phạm Thị Huê, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Luật Sư Phòng Biện Lý của Quận Cam (District Attorney of Orange County) chuyên lo về bạo hành trong gia đình, Đại diện văn phòng Cảnh Sát của Quận Cam chuyên lo về ngăn ngừa rượu, ma túy, Anh chị Nguyễn Văn Nhuệ-Thu Nhi, và Ông Kenny Phan, Giám Đốc của PNA Insurance…

Đêm Từ Phụ vinh danh người cha:

Không như những Đêm Gia Đình khác trong đó trình bày những chủ đề về đạo hiếu, về tình thương vợ chồng, về những ưu tư của cha mẹ đối với con cái, Đêm Gia Đình lần này được gọi là “Đêm Từ Phụ. Đêm Vinh Danh Các Người Cha”. Những gì xảy ra trong đêm nay đã gây xúc động cho mọi người tham dự, không những đối với những người cha mà cả những người mẹ, người con nữa.

Phần tâm linh của đêm hôn nay đã được bắt đầu bằng thánh lễ tạ ơn do linh mục Christ Phạm Quốc Tuấn chủ tế và giảng thuyết qua đề tài “Gia Đình là Cộng Đoàn Cầu Nguyện, Cộng Đoàn Yêu Thương”. Là một linh mục trẻ, hoạt bát, rất hăng say trong các sinh hoạt mục vụ tông đồ. Cha từng là linh hướng của Chương Trình TTHN, và hiện giờ là linh hướng của Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng. Một trong những điểm khiến tôi tâm đắc và suy nghĩ nhất là câu nói của Thánh Augustine đã được linh mục giảng thuyết nhắc lại trong bài giảng của mình: “Gia đình cầu nguyện chung, gia đình ăn cơm chung với nhau là gia đình sống cho nhau”. Một tư tưởng nói lên đầy đủ ý nghĩa thế nào “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn yêu thương”, nhưng có lẽ đây cũng là một thách đố lớn lao đối với nhiều gia đình trong nếp sống hiện tại do thiếu ý thức trách nhiệm của các phần tử, và cũng do vì quá chú trọng vào những thu hút của cuộc sống trước mắt.

Phần sinh hoạt đời thường hôm nay mới thật sự gây ấn tượng hết sức đặc biệt đối với mọi người tham dự qua nghi thức “rửa chân cha” do các em đã tình nguyện rửa chân cho cha mình.

Nghi thức bắt đầu sau khi các người cha đã ngồi vào những chiếc ghế danh dự được chỉ định sẵn. Trước mặt họ là các con tuổi từ 8, 9, 10 đến 25, 29. Có em đã là những kỹ sư, chuyên viên computer, sinh viên y khoa, hoặc sinh viên các đại học, trai cũng như gái tất cả đều quì gốc rửa và lau chân cho cha mình. Nhiều gia đình cả mấy anh chị em cùng tham dự với nhau. Lúc đầu mọi người xem như bỡ ngỡ và coi đây như một hành động vui đùa, tượng trưng, nhưng khi thấy các em làm công việc này với tất cả tấm lòng biết ơn cha mình, thì cả hội trường đều thổn thức, đặc biệt, đối với những ai không còn cha. Và nhiều người đã thấy những giọt nước mắt lăn trên những gò má xám nắng vì công việc của một vài người cha. Việc này càng khiến tôi cảm động hơn khi nhớ lại câu chuyện của hai mẹ con đã trao đổi hôm trước Đêm Gia Đình như sau:

-Mẹ ơi, con nghĩ con không cần mua quà cho ba trong ngày Father’s Day nữa.

-Vậy con định làm cái gì cho ba. Hay là con mời ba đi ăn tối?

-Không. Con không nói trước được, chỉ cần mẹ nhớ nhắc ba và cả mẹ nữa đi dự Đêm Gia Đình tối mai là được. Tối mai con sẽ cho ba và mẹ xem quà gì con tặng cho ba.

-Con định tham dự nghi thức “Rửa Chân Cho Ba”?

-Mẹ đừng đoán nữa, sợ lộ chuyện, tối mai sẽ biết.

-Mẹ không đoán nữa, nhưng mà con trai của mẹ ngoan quá, mẹ không ngờ con lại biết tỏ lòng kính yêu cha mẹ như vậy. Mẹ biết thế nào ba con cũng sẽ cảm động lắm.

-Con sẽ làm một cử chỉ đẹp cho ba con, vì từ hồi nào tới giờ con ít khi nghĩ đến việc phải đền đáp công ơn của ba con. Nhưng cũng từ hôm nay, ngay bây giờ con muốn mẹ khi nào khen con, mẹ cũng thêm ba trong đó nữa, thí dụ như “Con trai của Ba Mẹ …tử tế, dễ thương, giỏi giang quá ”, tại vì con nghĩ rằng nếu không có Ba thì cũng không có con.

Gia Đình Nazareth đã đi tiên phong trong việc tuyên dương công đức người cha bằng việc làm rửa chân này. Nếu bên Đại Hàn, người ta đã xúc động nghẹn ngào khi chứng kiến hàng trăm các em qùi trước mặt mẹ, rửa chân, và cúi đầu lạy mẹ các em trong một chương trình vinh danh hiền mẫu nhân ngày của mẹ, thì ở đây, cũng trong một hội trường đông đảo, nhiều người đã rưng rưng dòng lệ khi thấy hàng chục em quì trước mặt cha mình, rửa và lau chân cho cha mình trong một nghi thức vinh danh cha nhân ngày từ phụ.

Qua việc làm rửa chân này, Gia Đình Nazareth đã đem mọi người tham dự trở về với nguồn gốc gia đình và tinh thần hiếu thảo, khi hướng dẫn các em “rửa chân” cho cha mình như một món quà đặc biệt tặng cha nhân ngày Từ Phụ. Đây không phải là nghi thức rửa chân của tôn giáo, nhưng qua hình thức rửa chân này cũng đã nhắc nhở cho các con nhớ đến công ơn của cha mình. Nhờ những bàn chân bụi bậm, bầm dập, trầy trụa của cha mà các con mới có của ăn, áo mặc, mới có tương lai tươi sáng. Nhờ những bàn tay sạm nắng, chai cứng của cha mà cả gia đình được bảo toàn và sống những ngày bình an không thiếu thốn. Nhờ những cặp mắt nghiêm nghị của cha mà các con mới hiểu thế nào là kỷ luật. Nhờ những vất vả, mồ hôi nhễ nhãi của cha mà con mới hiểu thế nào là bổn phận, là trách nhiệm. Nhiều em đã khóc ròng, thổn thức khi nâng niu những bàn chân mà các em có lẽ chưa bao giờ cảm thấy hoặc sờ được cái chai cứng, sần xùi, và xấu xí của cha mình. Có lẽ chính những giây phút ấy, các em mới nhận ra món quà quí giá mà Thượng Đế đã ban tặng cho các em là người cha, mặc dù bề ngoài những món quà ấy có được gói ghém và mang những hình hài không như các em nghĩ.

Ca dao Việt Nam có câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Nhưng có lẽ khi nói về tình mẹ, nghĩa cha, đa số chỉ nhắc đến công ơn sinh thành của mẹ, nhưng lại quên đi công đức dưỡng dục của người cha. Sinh thành và dưỡng dục phải đi đôi với nhau, sự hòa nhịp và gắn bó này không thể thiếu cho sự phát triển đồng đều và cần thiết của người con. Người con mỗi khi nhớ đến chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm của mẹ, cũng phải nghĩ đến sự dưỡng dục ân cần, những giọt mồ hôi và cả nước mắt của người cha trong khi lo lắng bảo toàn sự an nguy của gia đình, của con cái.

Xin thắp nén hương lòng dâng về người cha kính yêu. Người cha không còn trên cõi đời này để cùng đồng hành với con.

Đêm Gia Đình vinh danh những người cha.

13 tháng 6 năm 2014

Tường Vy

 

Thư Gừi Ông Chủ Tịch TLĐLĐVN

Thư Gừi Ông Chủ Tịch TLĐLĐVN

RFA

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Công đoàn độc lập không thể là một tổ chức hữu danh vô thực như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước, khi các tổ chức này đã chỉ được biết đến như một khâu trung gian hưởng thụ 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.

Tuyên bố ngày 8/6 của Các Hội Đoàn Dân Sự Về Công Đoàn Độc Lập Việt Nam

Tưởng gì chớ cái nghèo thì tôi quen lắm. Những cảnh đời nghèo/ khó, nghèo/ khổ, nghèo/hèn – tất nhiên – tôi cũng cũng đều rành tuốt luốt. Tôi sinh ra và trưởng thành trong một đất nước nghèo khốn mà. Người Việt chúng tôi không chỉ mang nỗi sầu vạn cổ mà còn đeo cái nghèo vạn cổ nữa cơ.

Nghèo triền miên cũng có điểm hay là nó giúp cho mình khỏi bị nao núng, hay sợ hãi trước những cảnh đời cùng quẫn. Tôi vẫn nghĩ như thế cho đến khi nhìn thấy bức ảnh chụp nơi cư trú của công nhân ở quận Bình Tân, Sài Gòn:

Ảnh:N.B/ Tuổi Trẻ Online

Dù đã trải qua nhiều trại lính, trại tù, và trại tị nạn nhưng tôi vẫn vô cùng ái ngại khi nghĩ đến gia đình, vợ chồng, con cái của những con người phải chui rúc dưới những mái tranh mục nát thế này? Họ sinh hoạt (ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi, làm tình, và bài tiết) ra sao cạnh một nơi bùn lầy nước đọng như vậy?

Hiếm họa công luận mới được tiếng kêu thương lẻ loi (và vô vọng) về điều kiện sinh sống và làm việc của giới công nhân Việt Nam. Cách đây vài năm, báo Lao Động, số ra ngày 1 tháng 6 năm 2010, có đăng tải bức thư của bà Nguyễn Thị Thắm  gửi đến ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ Tịch Tổng LĐLĐVN. Xin ghi lại một vài đoạn chính:

Kính gửi: Ông Chủ tịch Tổng LĐLĐVN

Tôi tên: Nguyễn Thị Thắm – Công nhân (CN) kiểm hàng (QC) của Cty TNHH Hansoll Đồng Nai – Khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo – Trảng Bom – Đồng Nai.

CN chúng tôi ở đây có rất nhiều bức xúc mà không biết đi đâu để tìm ra lẽ công bằng. Tôi cũng đã tìm sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội nhưng chưa thấy hồi âm. Sau thời gian tìm địa chỉ, tôi cũng đã suy xét kỹ càng và quyết định viết lá thư này gửi đến ông. Không! Tôi không “kiện” Cty, tôi viết ra tiếng nói của tôi – NLĐ, mong ông bớt chút thời gian để lắng nghe và thấu hiểu tiếng “than ôi” trong lòng chúng tôi. Mong ông đặt mình vào vị trí của tôi – NLĐ để cảm thông cho số phận CN, cương vị Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhận xét xem công dân của nước Việt đang làm việc trong cảnh thế nào.

Trước khi viết ra những bức xúc, tôi có lời xin lỗi trước. Nói một cách chua chát thì Cty lấy “tiền” dán “miệng thiên hạ” để che đậy cho cái gọi là “áp bức, bóc lột sức lao động”. Sự thiếu tri thức và hiểu biết Luật Lao động đã xiềng xích quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Chúng tôi đã phải vất vả lao động, trái lại đồng lương thì ít ỏi mà “luật” thì quá nhiều. Cty yêu cầu CN đi sớm để họp “trước giờ”, nhưng về trễ thì chẳng có thêm đồng nào, làm hành chính nghỉ trưa 1h mà cũng bị “chém đầu, chém đuôi” 20 phút.

Vào giờ là làm đến có chuông mới được rời vị trí đi ăn cơm, trong giờ đi tiểu hoặc uống nước còn bị dòm ngó, chửi bới. Chính tôi đây kiểm hàng một mình một làn, vội đi vệ sinh để trống bàn, chuyên gia người Hàn Quốc (tôi cũng chưa biết tên) la lối ầm lên, chưa được 5 phút tôi đã quay ra và được giội xối xả những câu chửi tiếng Hàn, bực quá tôi cũng nạt lại “đi vệ sinh mà cũng cấm sao” mặc bà ấy muốn nói thêm gì thì nói…

Ông Đặng Ngọc Tùng, ỦyViên Trung Ương Đảng, Chủ Tịch TLĐLĐVN. Ảnh: Dân Việt

Có người rơi nước mắt vì miếng cơm, lấy khay cơm mà như thể xin ăn. Phần ăn thì chẳng khác phần cho “mèo” ăn, không hiểu Cty có xem CN chúng tôi là “con người” hay không.

Thưa ông, ông cảm thấy thế nào khi các chuyên gia người Hàn chửi mắng CN chẳng tiếc lời và còn ném cả áo vào mặt CN? Chính bản thân các chuyên gia, quản lý họ chưa làm ra được sản phẩm tốt, họ ép CN may đạt 100%, không làm được thì họ chửi mắng chẳng cần biết đúng sai, có tình có lý. Quản lý bị chửi thì chửi lại các tổ trưởng, tổ trưởng lại trút cơn giận lên CN còn CN tức tưởi “nuốt” nỗi tủi nhục ấy…

Bất công quá, CN bỏ việc nhưng họ cũng chẳng giải quyết với bất cứ lý do gì, CN đành bỏ ngang và chấp nhận mất mấy ngày lương và sổ bảo hiểm (nếu có). Còn và còn rất nhiều những bất công mà chúng tôi phải chịu đựng. Tôi nghĩ với cương vị Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông cũng từng nghĩ đến cảnh tình này của CN, nhưng ông có cảm nhận được cái uất nghẹn đang trào lên trong ruột gan chúng tôi, đã đấu tranh, có đình công nhưng chẳng thay đổi được gì.

Chính tôi đây không cam tâm, tôi tìm đến toà soạn báo Đồng Nai, báo Người Lao Động, báo Lao Động nhờ giúp đỡ về mặt pháp lý, nhưng chưa thấy hồi âm. Tôi nghĩ với bề dày kinh nghiệm ông sẽ hiểu những thứ đang “lung lay” trong lòng NLĐ, mong rằng nó sẽ không phải tiếng “oán trách”.

Tôi cũng như toàn thể CN ở đây mong ông hiểu được cái quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng, quyền nhân sinh đang bị người sử dụng lao động chà đạp, chúng tôi không biết phải làm sao, đấu tranh hay không, nếu đấu tranh thì như thế nào là đúng đắn, dựa vào ai, tin vào ai? Tôi luôn chờ nghe lời hồi âm, ít ra tôi cũng tự hào rằng mình là người VN, thừa hưởng tinh thần kiên cường của cha ông mình.

Cuối thư xin cảm ơn vì ông đã lắng nghe!

Ông Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động VN (e) là chả có nghe ngóng gì ráo trọi, nói chi đến chuyện “lắng nghe” cho nó rườm rà. Bằng chứng là với thời gian cuộc sống của giới công nhân mỗi lúc một thêm thảm hại – theo tường trình của Các Hội Đoàn Dân Sự Về Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, đọc được trên trang Dân Luận vào ngày 8 tháng 6 vừa qua:

“Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Tại nhiều nhà máy và xí nghiệp, công nhân phải làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày một tuần, nhưng mức thu nhập hoàn toàn không đủ sống. Tình trạng thảm thương đó vẫn tiếp tục tăng tiến bất chấp Việt Nam đã có cơ hội tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007, nhưng đã chỉ trở thành cơ hội để hố phân hóa giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% người nghèo nhất ước tính lên đến ít nhất 60-70 lần.”

Trước đó, trên báo Dân Việt –  số ra ngày 16 tháng 02 năm 2014 –  cũng có bài viết với nhiều tình tiết hơn (“Nghiệt Ngã Phận Đời Làm Công Nhân”) của nhà báo Khánh Hoà:

“Rời bỏ quê lên thành phố lập nghiệp với mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nghiệt ngã thay, nhiều bạn trẻ đi làm công nhân đã bị vướng cái vòng luẩn quẩn nơi phố phường hoa lệ là thu không đủ chi. Tiền lương công nhân trung bình khoảng trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng dường như là quá ít so với cuộc sống thị thành, nhất là thời gian gần đây, mọi thứ đều tăng giá một cách chóng mặt…

Hiện nay, chuyện những người công nhân đi làm phải tăng ca ban đêm đã là rất bình thường, thậm chí nhiều người còn mong mỏi xin được tăng ca, được làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống nhưng vì tình hình kinh tế chung đang trong giai đoạn suy thoái nên nhiều nơi, công ty chỉ hoạt động cầm chừng, có muốn tăng ca cũng không có.

Thế nên, những công nhân này, ban ngày đi làm, chiều tan ca về thì đàn ông lại xách xe đi chạy xe ôm ở mấy ngã ba, ngã tư hòng kiếm thêm vài chục ngàn đồng. Ngoài ra, nhiều người phải nhận hàng về nhà làm thêm ban đêm hoặc đi bốc vác, phụ bồi bàn ở các quán ăn, quán cà phê ban đêm với mong muốn kiếm thêm chút đỉnh. Riêng với những công nhân nữ, dù biết là tội lỗi, là nhục nhã nhưng nhiều người vì miếng cơm, manh áo vẫn nhắm mắt đưa chân để làm cái việc nhơ nhuốc là đi bán dâm, như một cứu cánh duy nhất trong cơn cùng quẫn…”

Ông Đặng Ngọc Tùng, ỦyViên Trung Ương Đảng, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động VN chắc chắn không nghe, không thấy, không biết gì về những cảnh đời cùng quẫn như trên. Chỉ hai tuần lễ trước khi xẩy ra vụ hàng chục ngàn công nhân đình công và bạo động ở Bình Dương, vào ngày 13 tháng 5 năm 2014, ông vẫn lạc quan, mạnh miệng hô hào khẩu hiệu (như thể là kẻ đang từ  trên trời rớt xuống đất nước Việt Nam) theo như tường thuật của Người Lao Động:

“… phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lịch sử ngày Quốc tế Lao động; 85 năm xây dựng, trưởng thành của tổ chức CĐ Việt Nam, truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp CN; kết hợp các hoạt động với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNVC-LĐ, nhất là việc triển khai 4 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhất là ở trong các KCX-KCN, khu lưu trú nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, gắn bó trong đoàn viên CĐ, CNVC-LĐ…”

Rồi ba tuần lễ sau, sau biến cố Bình Dương, chân của ông Đặng Ngọc Tùng (dường như) vẫn chưa chạm đất – theo lời của ký giả Lê Thanh Phong:

“Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Quốc hội vừa qua, liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nhận định: “Hoàn toàn bất ngờ, không có trong dự báo, trong khi phản ứng, đối phó của chúng ta là không linh hoạt và chậm.”

Riêng cá nhân ông Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, xem chừng, lại “linh động” quá. Ông có thể “tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, gắn bó trong đoàn viên” ngay cả khi họ bán dâm hay bán máu để sống qua ngày.

Tôi không quan niệm rằng Đảng CSVN là mọi nguyên nhân, cũng như tác nhân, của tất cả những tội ác và tệ trạng xẩy ra ở xứ sở này. Tuy nhiên, tôi vẫn cam chắc rằng bao giờ mà giai cấp công nhân vẫn còn bị Đảng nắm chặt trong tay (như hiện nay) thì đời sống của họ vẫn còn khốn khổ và khốn nạn.

 

Nực cười, phẫn nộ, nhưng không dễ đương đầu

Nực cười, phẫn nộ, nhưng không dễ đương đầu

Việt-Long- RFA
2014-06-13

vtgtt061114.mp3

map-of-paracels

Bản đồ của Cục bản đồ thuộc phủ Thủ tướng Việt Nam ghi Hoàng Sa và Trường Sa là Tây sa và Nam sa

Internet document

Nực cười- phẫn nộ- ngạc nhiên!

Trước hết là nực cười, rồi phẫn nộ. Đó là cảm tưởng của hầu hết, nếu không nói là toàn thể 100% người Việt trong nước và khắp thế giới, khi nghe tin Trung Quốc tố cáo Việt Nam đâm va vào các tàu của họ 1416 lần!

Nực cười là vì cung cách hành xử của một nước lớn, giàu mạnh trong thế kỷ 21 mà không khác nào một nước Cộng Sản lạc hậu trong thời chiến tranh lạnh, thản nhiên đổi trắng thay đen, trắng trợn nói không làm có. Và phẫn nộ vì Trung Quốc trước sau vẫn trơ trẽn không khác nào một quốc gia lạc hậu về văn minh, chẳng khác gì Bắc Hàn ngày nay. Việc này có thể còn gây chút ngạc nhiên cho những ai từng ngưỡng mộ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong mấy thập niên qua.

Nhưng đó là cảm tưởng chủ quan của những người Việt Nam, trong khi hầu hết các nước khác lại không bày tỏ chút gì gọi là nực cười hay phẫn nộ trước cung cách hành xử kiểu “Chí Phèo Bắc Hàn” của Trung Quốc. Phải chăng một cái nhìn khách quan sẽ đưa đến kết luận khác?

Câu trả lời là hầu hết các chính phủ nước ngoài không thể phán xét như người Việt Nam trong cuộc, dù họ biết rõ hành động của Trung Quốc là thô bạo, áp bức nước nhỏ hơn, chỉ vì ảnh hưởng về mọi mặt của Trung Quốc trên trường quốc tế, nhất là đối với khối ASEAN.

ship-hit-400

Tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, bị nói ngược lại – Courtesy of thanhnien.com

Người Việt Nam dù khách quan tới đâu cũng thấy rõ và biết rất chính xác rằng Trung Quốc đã cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bây giờ khư khư giành chiếm chủ quyền, thi hành chiến thuật tằm ăn dâu và thay đổi hiện trạng, lại dùng những thủ đoạn thấp kém đổi trắng thay đen, trong khi ai ai cũng phải thấy thực tế không thể chối cãi là phía Việt Nam là phía bị ức hiếp, bị đàn áp trên mặt biển với những chứng cứ rõ ràng, dưới sự chứng kiến của các phóng viên quốc tế.

Điềm gở?

Một nước lớn đang tranh đua làm cường quốc hàng đầu thế giới mà hành xử như vậy thì chỉ chứng tỏ trình độ trí não vẫn còn ở dưới mức kém cỏi, chưa thể gọi là văn minh ngang hàng những cường quốc cùng ngồi trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với họ.
Điều này càng chứng tỏ Trung Quốc khó lòng vươn lên tới hàng cường quốc văn minh. Từ thời Đặng Tiểu Bình là lúc Trung Quốc đã thức tỉnh và nay đang hiện đại hóa với một tốc độ ít ngờ, thì cung cách đó quả là đã kéo lùi Bắc Kinh về với tinh thần thời chiến tranh lạnh, chẳng khác nào Bắc Hàn ngày nay vẫn còn là một xã hội cô lập, ngủ quên trên thời gian, hệt như đang dừng lại bên một cái đồng hồ chết, và cứ thế mà vùi đầu mãi trong các thập niên 1950-1970

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều có thái độ e dè thụ động như vậy. Người ta không quên là  Nhật và Mỹ đều mạnh mẽ đả kích Trung Quốc và bênh vực Việt Nam. Riêng Châu Âu thì đang chết dở với đống đổ nát của nền tài chính, lại căng thằng thần kinh vì vấn đề Ukraine với Nga, nên không bụng dạ nào nói đến chuyện biển Đông.

Những dữ kiện khó giải thích

Thế nhưng trong khi công luận có thể coi thường Bắc Kinh ở sự tố giác Việt Nam một cách thô thiển như vậy, thì điều đáng suy nghĩ cho Việt Nam là việc Trung Quốc đã cùng lúc trưng dẫn và phổ biến tại Liên Hiệp Quốc những tài liệu về hành động của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây trong các lãnh vực ngoại giao cũng như giáo dục, mà được Bắc Kinh coi là đã chính thức và toàn tâm toàn ý nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc.

geo-text

Bài địa lý lớp 9, 1974, do Việt Nam biên soạn – Annex 5/4 of Chinese document to the UN

Cho đến nay, ngày thứ sáu 13 tháng 6, 2014, báo chí và truyền hình truyền thanh ở Việt Nam không có tin tức hay nhận định nào nói một tí gì cụ thể đến những tài liệu giáo dục nói trên, đi kèm với bản tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc năm 1958 và văn thư liên quan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì người ta hiểu rằng đó là điểm yếu của Việt Nam trong cuộc tranh biện quốc tế về chủ quyền và hành vi xâm lấn.

Biện trạng của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa bằng những chứng cứ lịch sử thì có thể không mang giá trị pháp lý khi ra trước công luận quốc tế hay tòa án quốc tế, nhưng những văn thư liên quan đến hành động công nhận của Việt Nam đối với chủ quyền đó của Trung Quốc là điều rất khó xử cho Việt Nam.

Trung Quốc đã nhiều lần nói đến bản tuyên bố 1958 của Bắc Kinh và văn thư tán thành của Hà Nội đối với bản tuyên bố ấy, nhưng đến nay mới trưng dẫn trước Liên Hiệp Quốc những tài liệu chứng minh Hà Nội thực sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa ngay trong hành động của bộ ngoại giao Việt Nam và các tài liệu giáo dục của Việt Nam, không phải chỉ ở văn thư ngoại giao chính thức.

Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc ghi rằng chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố bề rộng của hải phận Trung Quốc là 12 hải lý; nhưng quan trọng hơn thế, văn thư viết: “Điều khoản này được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của CHNDTH, bao gồm… quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và tất cả các quần đảo khác thuộc về Trung Quốc.”

Văn thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi ngày 14 tháng 9 năm 1958 viết rằng: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Công hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.” Đoạn sau viết rằng VNDCCH tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.

vnam-pm-letter

Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, 14 tháng 9, 1958

Nhìn qua ngôn từ của Việt Nam, người ta cho rằng Hà Nội có thể cũng còn chỗ xoay sở trước một tòa án quốc tế, tuy rằng chỗ khá chật hẹp. Nên Bắc Kinh cẩn thận kèm thêm những tài liệu kia làm phụ lục của bản tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc mới đây.

Bản tuyên bố ngày 8 tháng 6, 2014 tại Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc, dịch sang Anh ngữ, viện dẫn hai văn thư nói trên của CHNDTH và VNDCCH, viết rằng “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”.

Kèm theo đó, Trung Quốc còn trưng dẫn bài học địa lý lớp 9 niên khóa 1974 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và tập bản đồ thế giới do Cục đo đạc và bản đồ thuộc phủ Thủ tướng xuất bản, ghi là tại Hà Nội 1972.

Bài học địa lý lớp 9 tựa đề “Nước CHNDTH” có đoạn viết về biên giới Trung Quốc :”Phía đông mở rộng ra Thái Bình Dương, giáp các biển Bột Hải, Hoàng hải, Hoa đông và Hoa nam …. Vòng cung dẫn từ các đảo Nam sa, Tây sa đến các đảo Hải nam, Đài Loan, quần đảo Hoành bồ, Châu sơn… làm thành một bức “trường thành” bảo vệ lục địa Trung Quốc…

Tập bản đồ 1974 thì có bản đồ “Phi Líp Pin, Ma Lai Xi a, In đô Nê Xi a, Xin Ga Po” có chú giải quần đảo Hoàng Sa là “Q.đ. Tây Sa”, và quần đảo Trường Sa là “Q.đ. Nam Sa”.

Vẫn còn cơ hội

Có lẽ chính những yếu tố này đã khiến Việt Nam phải thận trọng và chậm bước để tham khảo giới chuyên môn cùng những thành phần ủng hộ Việt Nam trước khi muốn đưa Trung Quốc ra đối diện với pháp lý quốc tế.

Ý kiến của các chuyên gia về pháp lý quốc tế, cả người Việt Nam lẫn ngoại quốc, có nhiều khác biệt, có khi mâu thuẫn, về luận cứ mà Việt Nam có thể đưa ra trước tòa cũng như về cơ hội thắng kiện của Việt Nam.

Trong khi đó Bắc Kinh từng tỏ ra rất e ngại về chuyện bị đưa ra trước một tòa án quốc tế. Bắc Kinh từng nhắc Việt Nam đừng làm theo Philippines mà kiện họ ra tòa trọng tài quốc tế.

Trước thái độ đó của Trung Quốc, và cân nhắc, so sánh nhiều ý kiến của giới chuyên gia, có thể nói Việt Nam vẫn có cơ hội thắng kiện.

Vì thế dù Bắc Kinh có phủ nhận mọi phán quyết, hay không hầu tòa khiến phiên tòa không diễn ra được, Việt Nam vẫn phải tiến hành hành động pháp lý đối với Bắc Kinh.

Dường như Việt Nam trì hoãn và chờ đến thời hạn tháng 8 để xem động tĩnh của Trung Quốc ra sao với cái giàn khoan HD-981.

Giả sử Hà Nội tin rằng Bắc Kinh không rút, thì có thể họ vẫn muốn chờ qua thời điểm đó để hành động pháp lý được mạnh hơn về chính nghĩa và về mặt tinh thần tôn trọng hoà bình và hữu nghị, khi Trung Quốc đã chứng tỏ họ hết mực ngoan cố.

 

“Lướt theo chiều gió,”

“Lướt theo chiều gió,”

Một con thuyền, theo trăng trong

Trôi trên sông thương, nước chảy đôi giòng.”

(Đặng Thế Phong – Con Thuyền Không Bến)

(Lc 6: 36)

Thuyền trên sông Thương hay sống “Mến” có nước chảy đôi giòng, mà lại không có bến, thì chỉ có nước cứ lênh đênh ba chìm bẩy nổi, rất long đong. Thuyền nhà Giáo hội, lại cũng là thuyền trên giòng sông Yêu-thương xưa nay vẫn có bến/có bờ, chẳng nghi ngờ gì một tình-huống long đong rất như thế.

Thuyền Hội-thánh Công-giáo La Mã hôm nay, chắc cũng không giống như câu hát tiếp:

“Ðêm nay thu sang cùng heo may

Ðêm nay sương lam mờ chân mây

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng

Như nhớ thương ai chùng tơ lòng.

Trong cây hơi thu cùng heo may

Vi vu qua muôn cành mơ say

Miền xa lời gió vang thông ngàn

Ai oán thương ai tàn mơ màng.”

(Đặng Thế Phong – bđd)

Vâng. Thuyền không bến bờ, mà lại hát “ai oán thương ai tàn mơ màng” như thế, chắc sẽ mãi mãi chẳng thấy bờ bến thương yêu, mỹ-miều ở đâu hết. Thuyền Hội thánh, thật ra tuy chẳng hát nhiều nhưng vẫn thấy nhà Đạo khẳng định tình thương xót xa rất thánh-hội, như ý-kiến của Đức Hồng Y Walter Kasper qua câu trả lời phỏng vấn do nhà báo đặt ra như sau:

Nhà báo: Thưa Đức Hồng Y, trong cuốn có tựa đề là “Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life”, ngài có viết: “Tình Thương Yêu Xót Xa, là bản-chất của Thiên-Chúa. Vậy, làm sao để người đọc hiểu được Lòng thương-xót của Chúa, đây?

Hồng Y Kasper: Tín-điều Chúa gửi đến với ta, là do ta hiểu-biết về bản-thể của Chúa rất như thế. Thiên-Chúa, đương nhiên là thế, và còn hơn thế nữa. Điều này không có gì là sai quấy hết. Nhưng, Kinh Sách Đạo Chúa hiểu một cách sâu-sắc và tư riêng hơn. Chẳng hạn: trong chuyện kể về Bụi Cây Bốc Cháy ở Cựu Ước, tương-quan giữa Giavê Thiên-Chúa với Môsê qua Lời Ngài khẳng-định bảo rằng: “Ta có” mà là: “Ta có với ngươi. Ta có là cho ngươi. Ta cùng đi với người”. Trong bối cảnh này, lòng xót thương đã đặt nền tảng kiên cố ở Cựu-Ước. Thiên-Chúa của Cựu-Ước không là Đức Chúa chuyên giận-dữ mà là Đức Chúa chuyên tỏ lòng xót thương, nếu đọc kỹ. Và, các Thánh vịnh còn cho thấy rõ điều này nữa.

Lối hiểu-biết tận thâm căn về Thiên-Chúa khi xưa cũng khá mạnh đến độ Thiên-Chúa được xem là Đấng Công-Chính, chứ không là Đấng Đầy Xót Thương. Thánh Tôma Akinô từng nói rõ: tình thương mang ý-nghĩa căn-bản/triệt-để hơn, bởi lẽ Thiên-Chúa không là lời đáp-trả cho các đòi hỏi nơi qui-định của con người. Lòng Thương Xót là tính-chất rất đáng tin-tưởng của Thiên-Chúa đối với bản-thể đầy tính thương-yêu của Ngài. Bởi lẽ, Thiên-Chúa là Tình-yêu. Và, lòng xót thương là Tình-yêu bày tỏ cho ta bằng hành-động và lời nói rất cụ-thể. Thế nên, lòng xót thương trở nên không chỉ là thuộc-tính trọng-yếu của Thiên-Chúa mà thôi, nhưng còn là chìa khoá cho lòng Đạo rất hiện-hữu nữa.

Thành thử, hãy tỏ lòng thương-xót với mọi người như Thiên-Chúa đầy lòng xót-thương. Và, ta vẫn cứ phải học đòi bắt chước Lòng Chúa xót-thương mới được.

Nhà báo: Thưa Đức Hồng Y, tại sao hôm nay, Giáo hội cần phải nói lại cho mọi ngươòi hiểu điều đó, thế?

ĐHY Kasper: Thế kỷ thứ 20 là một thế-kỷ đầy tăm-tối với 2 cuộc chiến thế-giới, lại qui-tụ nhiều hệ-thống độc-tài toàn trị, những đảo ngục tù kiểu gulag, trại tập-trung, nạn diệt chủng người Do-thái, vv… Và, thế-kỷ thứ 21 khởi-đầu một cách không mấy tốt đẹp hơn trước. Chúng dân cần được thương-xót và thứ tha. Đó, cũng là lý-do khiến Đức Giáo Hoàng Gioan 23 có viết trong cuốn tiểu-sử linh-đạo trong đó ngài có nói: lòng xót thương là “thuộc-tính” đẹp nhất của Thiên-Chúa. Và, trong bài phát-biểu mở đầu Công Đồng Vaticăng 2, ngài lại nói: Giáo-hội Chúa luôn cưỡng-chống lại các sai sót của thời-đại, thông thường với tất cả tính nghiêm-túc cần có, nhưng ngày này ta lại cứ phải dùng đến thang thuốc của lòng xót thương, để làm thế. Đây là một bước nhảy rất lớn lao. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị đã sống xuyên suốt qua giai-đoạn cuối của Thế Chiến thứ 2 và rồi cũng đã ngang qua chế độ Cộng-sản ở Ba Lan. Thế nên, ngài thấy rõ nỗi khổ của dân ngài và của chính nỗi khổ-tâm ngài từng gánh chịu, trong đời. Với ngài, lòng xót thương là yếu-tố rất quan trọng, trong đời người. Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 lại cũng ra tông-thư đầu tay qua đó ngài nhất mực khẳng định: Thiên-Chúa là Tình-Yêu. Và nay, thì Đức Giáo hoàng Phanxicô, từng sống trải-nghiệm với chúng dân ở Nam Bán Cầu, nơi đó lại có đến hai phần ba người Công Giáo đang sống trong cảnh thiếu thốn, khó nghèo. Thế nên, ngài cũng đã coi lòng xót thương là trọng-điểm cho triều-đại giáo-hoàng của ngài. Theo tôi, thì đây là câu trả lời cho các dấu chỉ của thời đại ta đang sống…” (xem Matthew Boudway và Grant Gallicho, Phỏng vấn Đức Hồng Y Walter Kasper, 7/5/14)

Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng: Đức Hồng Y nhà mình nhận-định về lòng xót thương mà dân con trong Đạo từng am hiểu qua nhiều năm tháng ngày giờ như thế rất không sai. Nhưng hỏi rằng: dân con trong đạo hiểu và sống thế nào, về lòng xót thương của Chúa, lại là chuyện khác.

Và, trước khi nghiên-cứu những chuyện rất khác thế, cũng nên về với thi ca mà hát rằng:

“Biết đâu bờ bến

Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu?

Trên con sông Thương, nào ai biết nông sâu?

Nhớ khi chiều sương, cùng ai trắc ẩn tấm lòng

Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng

Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong

Ánh trăng mờ chiếu, một con thuyền trong đêm thâu

Trên sông bao la, thuyền mơ bến nơi đâu?”

(Đặng Thế Phong – bđd)

Nói gì thì nói. Hát gì thì hát, cũng nên hát và nói những lời vàng được thánh sử Luca từng ghi lại: 

“Anh em hãy có lòng nhân từ thương xót,

như Cha anh em

là Đấng nhân từ xót thương.”

(Lc 6: 36)

Nay hỏi rằng, “lòng nhân từ thương xót” được thánh-sử ghi lại ở trên có là khẳng-định “ắt và đủ” cho dân con nhà Đạo, chăng? Và, dân con Đạo mình có thực-thi điều đó hay không? Và, các nhà thần-học cùng chú giải Kinh thánh, nói thế nào về những điều này?

Và đây, là một trong các ý-kiến của đấng bậc nhà Đạo, từng giảng-giải về “lòng thương xót Chúa cho đi hết mình Ngài, như sau:

“Chúa cho đi, không phải sự sống của Ngài, cho bằng cả “tâm-thân” Ngài. Và, Ngài tặng ban “tâm-thân” Ngài hiểu theo nghĩa cụm-từ “Lytron” bên tiếng Hy-Lạp, là từ-vựng chính buộc ta phải xem xét ngay với tự-vựng tiếng Aram là ‘hoi polloi”, tức khối lượng những người không mang bất kỳ tên gọi một ai hết. Đây là sự-việc nói về “tình yêu dành cho tha-nhân” được hiểu một cách không hạn-hẹp về sự chết của Ngài, nhưng bao gồm mọi thứ thuộc toàn-bộ con người của Ngài và toàn-bộ tất cả những gì Ngài làm trong đời, cả bản-thể Ngài cũng như những gì Ngài làm trong cuộc sống có Phục sinh/trỗi dậy. Đây là sự “cho đi” chính bản-thể của Ngài, chứ không chỉ mỗi cuộc sống rất xác-phàm của Ngài mà thôi. Đó là tính-cách “lytron”, ban đầu được sử-dụng để đưa ra ý-nghĩa về một “thế-chấp bảo-kê” cho những ai được đưa vào tương-quan giao-ước rất miên trường. Họ là ai? Là chúng dân ở khắp nơi, bất cứ nơi nào cũng có họ ở đó. Họ là những người bị bỏ rơi, quên lãng, tức những kẻ bị hạ giá/xuống cấp ở bất cứ xã-hội nào đặt dưới hệ-thống quyền-lực hoặc cơ-chế của đế-quốc.” (xem Lm Kevin O’Shea, CSsR Ơn Cứu Chuộc  và thần-học lịch-sử từ Thánh Kinh, www.giadinhanphong.blogspot.com 01-4-2014).

Và, đã nói thì phải nói cho cùng, cho xuyên suốt một ý-nghĩa thần-học về lòng xót thương của Đức Chúa, để chứng-minh cho cái chết Ngài chấp-nhận cho riêng Ngài, không phải chỉ để đền bù mọi lỗi tội của người phàm trần, mà là để xác-chứng lòng thương xót vô bờ bến của Ngài, như đấng bậc ở trên, lại đã viết rất như sau:

“Hỏi rằng: Đức Giêsu chết đi phải chăng là để chứng minh rằng Thiên-Chúa yêu thương loài người chúng ta không?

Câu trả lời, là: Đúng thế! Nhưng, không theo cách rất chung chung như ta thường thấy. Đức Giêsu minh-chứng cho ta thấy tình-thương-yêu mà loài người không thể tưởng-tượng được của Thiên-Chúa với người nghèo hèn/bé nhỏ, bị áp-bức. Và, bằng vào tình thương-yêu thần thánh của Ngài, Thiên-Chúa luôn khước-từ mọi quyền-lực dù chỉ để chống lại những kẻ từng bức-bách đám “thân-cô thế cô”, đi nữa. Khi nói Đức Giêsu chết đi để chứng-tỏ tình-thương-yêu của Ngài với con người, nói như thế không làm giảm-suy những gì Ngài từng thực-hiện. Nếu so sánh với ý-tưởng về “tình yêu” thông-thường ở đời, thì Tình-thương-yêu của Ngài, ở đây, cần được thăng-hoa dàn trải thật lớn rộng.” (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Ơn Cứu-Chuộc và Khúc cuối một Giòng Suy-Tư, bđd 08/5/2014).

Lại có đấng bậc khác, quan niệm Lòng Xót Thương của Chúa diễn tả rất rõ ở truyện kể Tin Mừng về “Người Con Đi Hoang”, đã bảo rằng:

“Điều dễ hiểu lầm là nhiều người vẫn rằng: dù ta làm gì tệ phạm đi nữa, cuối cùng rồi Chúa cũng xót thương, tha thứ. Vậy nên, cứ tha hồ làm điều xấu. Trong tương quan với Đức chúa, có hai việc cần minh định. Trước nhất, Chúa yêu thương mọi người chúng ta. Tình yêu của Ngài không mang điều kiện nào hết. Chẳng cần biết ta là ai? Ta có làm gì chống Chúa, chống anh em? Tình yêu Ngài đối với ta, tuyệt nhiên không suy xuyển.

Thứ đến, có điều chắc chắn, là: chẳng phải vì ta hiền lành/thánh thiện mà Ngài sẽ yêu hơn hoặc nếu ta phạm lỗi, Ngài yêu ít đi. Thiên Chúa là Tình yêu. Tình Ngài yêu ta rất trọn vẹn. Dù là, đối với các vị thánh như Mẹ Têrêsa. Hoặc, với các kẻ độc tài, hình sự. Bởi nếu không, thì Ngài cũng thiên vị, như ai. Chính vì thế, Ngài mới bảo: “Có là người bệnh mới cần đến thầy lang.”

Dầu sao, việc Chúa thứ tha mọi tội, là hành xử vô điều kiện. Điều này thấy rõ nơi dụ ngôn “người em đi hoang” có thái độ của người con đã trót dại: “thích lang thang, ngổ ngáo với đời” và “thích phiêu bạt rong chơi”, như nhà thơ diễn tả. Dù rồ dại, Cha vẫn yêu đứa con “hoang tàng”. Cha không mang thành kiến, hoặc kỳ thị các con: “mãi từ xa trông thấy, Cha đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ người con, và hôn lấy hôn để…” Tình yêu của Cha là như thế. Nhưng tình thương yêu tha thứ của Cha chỉ nên trọn vẹn, khi con biết tỉnh giấc, quay về. Nói khác đi, chỉ có thứ tha trọn vẹn khi có hoà giải. Khi vết thương chia cách được chữa lành. Đây chính là ý nghĩa của bí tích hoà giải, thứ tha.

Trong hòa giải với Chúa, bước dấn thân đầu tiên như “người em đi hoang” đã nghĩ là bước quan trọng. Quan trọng, vì biết chắc Cha sẽ giang rộng đôi tay già ra chào đón ta trở về. Chẳng còn chữ “nếu”, chữ “nhưng”. Chẳng điều kiện, cũng không dè chừng. Không hình phạt, cũng chẳng đòi bồi thường. Điều này, được thánh Phao-lô mạnh dạn nói rõ: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giê-su đã đến thế gian, để cứu người tội lỗi, mà kẻ đầu đàn là tôi.” (1Tm 1: 15).

Cũng thế, đường lối Chúa đón nhận “người em đi hoang” trở về, phải được chứng xác bằng tương quan ta có với người khác nữa. Trong lời cầu Chúa dạy, rõ ràng ta vẫn quyết: “Xin tha cho con mọi lỗi lầm trót phạm, cũng một kiểu như con đã làm cho người anh em.”

Cuối cùng ra, khi đã được tha thứ, cũng nên nhớ thêm Lời Ngài đã phán: “Hãy trở nên trọn lành, vì Cha của chúng ta trên trời là Đấng trọn lành”. Điều này mang ý nghĩa rất sáng tỏ: hãy yêu thương hết mọi người, một cách vô điều kiện, như Chúa hằng yêu ta. Và, hãy sẵn sàng tha thứ cũng như hòa giải với từng người như Ngài đã từng làm như thế, với từng người một.

Việc này không dễ. Nhưng không phải là chẳng thể làm được. Nhưng với sự trợ giúp của Cha, ta luôn hy vọng. Vào tiệc lòng mến  hôm nay, ta cứ hân hoan và hy vọng. Hy vọng là Chúa vẫn thứ tha. Hy vọng là ta cũng sẽ tha thứ hết mọi người. Từ “người em đi hoang” thích phiêu bạt giang hồ, cho chí người anh “vẫn hầu hạ Cha, chẳng khi nào trái lệnh”, và tất cả mọi người.” (xem Lm Richard Leonard sj, Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 24 thường niên năm C, www.suyniemloingai.blogspot.com 15/9/2013)

Hiểu theo ý-hướng thần-học thì như thế. Còn lại, là tâm-tưởng của dân thường ở huyện nghĩ ra sao? Để trả lời, thiết tưởng bạn và tôi, ta cũng nên đi vào vùng trời truyện kể để lắng nghe câu chuyện diễn tả rất xa xa về ý-hướng, ý-nguyện của người dân thường, như bên dưới

“Có người thợ mộc già nọ làm việc rất chuyên cần và hữu-hiệu lâu năm cho hãng thầu xây cất nọ. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia-đình. Tuy không còn lãnh lương nữa, nhưng ông muốn nghỉ ngơi để an-hưởng tuổi già. Hãng đề-nghị ông cố-gắng ở lại giúp hãng xây một căn nhà chót trước khi thôi việc. Ông nhận lời. Nhưng, vì biết mình sẽ giải-nghệ lại bị miễn-cưỡng làm việc, nên ông làm một cách tắc-trách qua quít, xây nhà bằng vật-liệu tầm thường kém phẩm-chất, miễn có bề ngoài đẹp là được.

Mấy tháng sau, khi xây dựng xong căn-nhà cuối cùng ấy, ông được chủ hãng mời tới, đưa cho ông chìa khoá nhà và nói: “Ông đã tận-tụy phục-vụ hãng rất nhiều năm, để trả công cho những đóng góp của ông cho sự thịnh-vượng của hãng, nay xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!” Thật bàng hoàng. Nếu người thợ xây như ông biết là mình sẽ xây căn nhà cho chính mình, thì ông đã làm việc cẩn-thận và chọn vật-liệu có phẩm-chất tốt hơn. Lối làm việc tắc trách cho căn nhà ấy chỉ mình ông là biết tới, và nay thì ông đành phải sống trong căn nhà mà chỉ riêng ông mới biết là nó kém phẩm-chất.” (trích truyện kể từ điện-thư vừa mới nhận hôm rồi).

Truyện kể vỏn vẹn chỉ mỗi thế. Không thêm hoa lá cành và cũng chẳng lý-luận, phân bua gì hết. Nhưng, người kể hôm nay, lại muốn chia sẻ một bài học rút từ câu chuyện răn đời ở đây: Chuyện kể đây cũng giống chuyện đời người của mọi người. Mọi người đều giống ông thợ già kể ở trên, tạo cuộc sống xa hoa/hào nhoáng, rất tạm bợ, lại cứ đua đòi nhiều thứ, chứ không chú tâm vào phẩm-chất của mọi sự.

Nhiều lúc ngồi nghĩ về hành-xử của mình trong quá khứ, ta thấy mình cứ phải cam chịu hậu-quả do việc mình làm. Đời người, là công-trình kiến-trúc do mình tạo ra. Đời sống hiện-tại vẫn là kết-quả của mọi tạo-dựng ta làm nên trong quá-trình sống. Cuộc sống tương-lai, lại là kết quả của những gì ta tạo-dựng ngay từ hôm nay. Hãy xây dựng đời mình cho đúng đắn, để rồi không hối-hận gì nữa hết, cho mai ngày.

Quyết thế rồi, giờ đây mời bạn và mời tôi, ta cứ thế hiên-ngang, đứng thẳng người mà tuyên-bố với mọi người rằng: lòng thương xót Chúa là gương-lành để ta bắt chước, chứ không phải để mình chiêm-ngưỡng theo cung-cách bái lạy đưa lên bàn thờ mà thờ phượng, như thần tượng. Một thứ tượng-thần mới, khi xưa ít thấy có, nhưng nay lại đã thấy ở khắp khung trời mở ngỏ của nhà Đạo.

Chuyện còn lại, vẫn là chọn lựa của tôi, của bạn và của mọi người trong sống đời thương yêu, thương xót hết mọi người như Lời Chúa từng căn dặn ở nhiều nơi.

Nhận định thế rồi, sá gì một vài phút giây để tôi cùng bạn, ta lại hát lên câu ca ở trên làm đoạn kết một cuộc tình, rất xót thương và cũng thương xót, như sau:

“Nhớ khi chiều sương, cùng ai trắc ẩn tấm lòng

Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng

Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong

Ánh trăng mờ chiếu, một con thuyền trong đêm thâu

Trên sông bao la, thuyền mơ bến nơi đâu?”

(Đặng Thế Phong – bđd)

Vâng. Sự thật là như thế. Như thế, cũng như thể cuộc đời người cứ như con thuyền không bến không bờ, nếu thiếu đi tình xót thương vô bến bờ, thiếu đợi chờ và vấn vương.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ nhủ người

Và tự nhủ

Đừng quên sót

Lòng xót thương vô bến bờ

Với mọi người.

 

“Em còn nhỏ làm sao mà biết được,”

“Em còn nhỏ làm sao mà biết được,”

“Ta với đời, thực sự chẳng nương nhau.

Ta với đời, tất nhiên là thua cuộc,

Vì áo cơm, là những ngọn lao nhanh.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Ga 6: 51-58

Với nhà thơ, cuộc đời người chỉ cần mỗi cơm áo gạo tiền có ngọn lao nhanh vút đâm thấu đời lạnh giá. Nơi nhà đạo, cuộc sống ở Nước Trời nào cần đến tiền bạc lẫn cơm áo, nhưng chỉ cần người người biết thương yêu sẻ-san khi đói kém, thiếu thốn mỗi tình người, mà thôi.

Có lần, Đức Gioan Phaolô II từng đặt chân đến Lima, thủ đô nước Pêru thăm dân tình ở đây, ngài cũng cảm-nghiệm được tình-thế của dân con đói nghèo cả cơm áo lẫn tình thương hơn thế. Thoạt lúc ngài đến, có khoảng hai triệu người tìm đến gặp ngài. Thông thường, vào những buổi viếng thăm như thế, hai vị Tổng thống ngoài đời và Hồng Y Giáo chủ trong đạo nước này đều sẽ ra nghênh tiếp và chào mừng Đức Giáo Hoàng, rất êm vui.

Nhưng hôm ấy, lại thấy cặp nam nữ giáo dân bình thường là Irene và Viktor Charo, là hai người nghèo sinh sống tại khu nhà ổ chuột, tiến lên máy vi âm để đạo đạt ý kiến cùng Đức Giáo Hoàng. Vào lúc cả quảng trường chìm lắng trong thinh lặng, hai người đại-diện đã tiến về phía Đức Gioan Phaolô II vỏn vẹn nói mấy câu sau đây:

“Thưa Đức Thánh cha, dân chúng đây đang bị nạn đói hoành hành. Nhiều người trong chúng con đang ốm đói, thiếu ăn, thiếu mặc. Có người không có công ăn việc làm. Con cháu chúng con đang chết dần mòn vì suy dinh dưỡng. Hôm nay, chúng con lên đây để thưa với Đức Thánh Cha, là: chúng con vẫn mạnh mẽ tin vào Đức Chúa của sự sống. Nhưng, cũng xin Đức Thánh Cha biết cho rằng: chúng con đang ốm đói, thèm có gạo/bánh để mà ăn cho đỡ đói bụng”.

Cả triệu người vẫn im lặng như tờ, chờ xem Đức Giáo Hoàng sẽ ứng xử làm sao trước một tình huống ra như thế. Bấy giờ, Đức Gioan Phaolô II lên tiếng hỏi dân chúng bằng ngôn-ngữ Tây Ban Nha:

Phải chăng quý vị muốn nói: dân chúng ở đây đang thiếu ăn, không?”

Cả triệu người đồng thanh đáp lại:

-Dạ, đúng thế! Đúng là như thế!”

Đức Gioan Phaolô II lại hỏi tiếp:

Quý vị cũng nói rằng quý vị đang đói Chúa, có phải không?”

Mọi người đáp:

Dạ, đúng! Đúng là như thế!”

-Thế thì, hôm nay, Cha mong những người đang đói Chúa vẫn cứ vậy nhé. Và, Cha cũng mong cho người đang thèm khát của ăn/thức uống được no đầy, mãn nguyện!”

Lúc ấy, Đức Gioan Phaolô II quay mặt về phía các tướng lãnh và chính-trị-gia ăn no mặc ấm mà phần đông là người Công-giáo ngoan đạo mà nói bằng một giọng đanh-thép, rõ ràng:

“Hôm nay, tôi không chỉ đơn giản nói rằng tôi muốn quý vị san xẻ những gì mình đang có cho người nghèo đói. Nhưng, tôi muốn khẳng định với quý vị là: Hãy trả lại cho họ. Hãy trả tất cả lại cho họ. Vì thức ăn và của cải ấy là của họ, của những người nghèo.”

Quả là, lời lẽ Đức Gioan Phaolô II nói hôm ấy thật khác thường. Hệt như Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay về Thánh-Thể còn khác thường, gấp nhiều lần. Chương 6 Tin Mừng thánh Gioan, cũng cho thấy rất nhiều người đã sửng sốt khi thấy Đức Kitô tỏ bày Ngài đang thực-sự hiện-diện nơi Thánh-Thể. Và, họ cắt đứt không theo Ngài nữa.

Thật ra, thánh-sử Gioan đã nối-kết việc Đức Kitô ban tặng chính Thân Mình Ngài là vì Vương Quốc Nước Trời. Và, Ngài làm thế là để cứu độ dân con loài người. Thành thử, qua hiệp-thông rước Chúa vào lòng, ta thật-sự sẻ-san Thân Mình Chúa bằng việc tham-dự Tiệc Thánh-thể mỗi tuần.

Tiếp nhận Chúa Phục-sinh vào lòng, qua hiệp-thông rước Mình Máu Chúa, là biểu-tượng hùng-hồn chứng-minh rằng: Ngài đang hiện-diện, ở trong ta. Đây, là “dấu-chỉ” để ta thấy Ngài thực-sự sống-động trong ta như thế nào.

Chính vì thế, nên mỗi khi đón nhận Mình Máu Chúa, ta thưa “Amen!” là ta công-nhận đấy là Thân Mình đích-thực của Chúa. Bởi, chính Đức Kitô cũng đã chấp-nhận ta cùng kiểu-cách như thế. Ngài trao ban cho ta chính Mình Ngài, để rồi có như thế ta mới biến-đổi chính con người mình hầu tháp-nhập vào với Thiên-tính của Đức Kitô. Nói theo ngôn-ngữ thời-đại, thì: đó là đón nhận Ngài vào Tiệc thánh, khi ấy Chúa sẽ nói với ta như sau:

Này bạn, Tôi đây. Tôi đang xé nát tâm can Tôi và đổ đầy tình-yêu cho bạn đây. Bạn hãy tiếp nhận Tôi đi. Tôi có mặt ở đây là vì bạn đấy”.

Cái nguy của mọi quà tặng và ở nơi quà này, là: ta rất dễ ngộ-nhận cho rằng quà mà Chúa trao ban là chỉ cho mỗi mình ta, thôi. Nhưng, đây phải là phút giây thân-tình thắm-thiết giữa ta với Chúa. Đúng là như thế. Và, còn hơn thế nữa. Ngày 9 tháng 8 năm 413, trong bài san-sẻ Lời Chúa về ý nghĩa của Tiệc Thánh Thể , thánh Augustin có nói:

Thánh lễ bao giờ cũng gồm 3 yếu tố: sự tốt lành, tình hiệp thông và lòng thương yêu lẫn nhau”. Và, để quảng-bá tư-tưởng nêu ở trên, thánh-nhân lại xác quyết rằng:

“Giả như ta không sống tốt lành, cũng chẳng hoạt động cho sự hiệp-nhất và không có lòng yêu thương đích-thực mà vẫn tham-dự Tiệc Thánh mỗi tuần, thì Tiệc ấy sẽ mất hết ý nghĩa và lý do tồn tại nữa rồi.”

Thành thử, giống như Đức Gioan Phaolô II đã nói nhân ngày ngài đến với Lima, thủ-đô của Pêru, thì: nhiều người đã nối-kết việc nhận Bánh Hằng Sống ở Tiệc Thánh với việc ban phát cơm bánh để duy-trì sự sống, sau bữa Tiệc.

Tính bình quân, thì hiện nay trên thế giới, mỗi ngày có đến 26 ngàn người chết vì đói hoặc khát. Năm 1961, tổng thống John F Kennedy cũng đã nhận-định về nạn đói khi ông bảo: “Chỉ một thứ giữa ta và việc xóa-bỏ nạn đói kém nên tồn-tại là niềm ước-ao thấy việc ấy được thực hiện”. Thật ra, chúng ta có thể nuôi-dưỡng được nhiều người. Nhưng thật lòng, lại không muốn làm thế.

Trong buổi hội thảo về Tiệc Thánh Thể, cố Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, là cha Pedro Arrupe có nói: “Bao lâu thế giới này vẫn còn người đói và khát, thì bấy lâu Tiệc Thánh Thể mà ta cử hành vẫn còn có điều gì đó, rất thiếu xót.”

Nói thế, ngài không có ý bảo rằng: việc ta tề-tựu cử-hành thánh-lễ đây là chuyện vô bổ. Nhưng, cố linh-mục Pedrp Arupe chỉ muốn nhấn mạnh một điều, là: khi ta quay-quần quanh bàn Tiệc đây là để nhận của ăn rất thánh, thì thực tế, trên thế giới còn rất nhiều người vẫn đói ăn, tức: vẫn thiếu mất cái gì đó rất cần cho sự sống. Vẫn có một thứ trống rỗng nào đó, ở quanh đây.

Quả là trống rỗng ấy đang mời ta dấn-bước vào trong đó để đong cho đầy. Chúa đến với ta ở buổi Tiệc Thánh qua của ăn đích-thực Ngài tặng, rằng: điều mà Đấng Thánh nhắn nhủ ta trong Kinh Sách, vẫn còn đó: “Khi Ta đói, các con có cho Ta ăn đâu?”

Câu nói này, muốn xác-định một điều, là: Chúa cho ta no đầy thế nào, thì ta vẫn có thể và vẫn cần phải giúp-đỡ nhau cho thật đầy thật no, giống như thế. Mong sao Lễ hội Mình Máu Chúa hôm nay đem đến cho ta sức mạnh và niềm xác tín rất thật.

Cầu mong sao, thực-phẩm đích-thực mà ta cung-cấp  -lấy từ bàn Tiệc thánh này-  chứng-tỏ cho thế giới thấy được rằng: uy-lực của Thánh-Thể đã biến-cải ta thành người tốt, biết hiệp-thông, yêu-thương lẫn nhau. Cầu và mong sao, ta xác-tín thêm rằng: những gì ta đã và đang sẻ-san cho người nghèo, sẽ không là thứ cơm thừa canh cặn, ta có dư dật. Nhưng, đó chính là thực phẩm lẽ đáng là của họ và ta cần trao trả lại cho họ.

Có như thế, mọi cảnh đói nghèo sẽ không còn tồn-tại trên thế-giới đầy những những thèm khát vì đói ăn hoặc thiếu mặc, nữa.

Trong tinh-thần cảm-nghiệm về một quyết-tâm như thế, ta lại sẽ ngâm tiếp lời thơ trên, rằng:

“Em còn nhỏ làm sao mà biết được,

Mỗi nụ tình ẩn chứa một loài sâu.

Và, khi em thấm nhuần ê ẩm,

Ta sợ tài ta đã rũ nhầu.”

(Nguyễn Tất Nhiên – Vài đoạn viết ở Đinh Tiên Hoàng)

Viết gì thì viết. Viết ở nơi nào rày cũng thế. Miễn là, người viết chớ có ưu-tư “nụ tình ẩn chứa một loài sâu”, nữa. Nhưng, đã biết liên-tưởng đến tình người sẻ-san nhiều thứ và nhiều sự cho mọi người. Cả những người túng thiếu lẫn người thấp hèn kém, rất thiếu ăn. Chính đó, là xã hội đầy tình người. Là, Nước Trời nay có Chúa chở che để mọi người sống vững mạnh suốt nhiều thời, trong đời.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ ƠN KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ ƠN KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

Tác giả: Phaolô Phạm Xuân Khôi

Ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta ý thức được rằng tất cả mọi sự đến từ ân sủng, và rằng sức mạnh thực sự của chúng ta là chỉ đi theo Chúa Giêsu và để cho Chúa Cha có thể đổ trên chúng ta sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 11 tháng 6 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC kết thúc loạt bài về Bảy Ơn Chúa Thánh Thần bằng cách giải thích về Ơn Kính Sợ Thiên Chúa.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Ơn kính sợ Thiên Chúa, mà chúng ta nói đến hôm nay, kết thúc loạt bài về bảy ơn Chúa Thánh Thần.  Ơn này không có nghĩa là sợ hãi Thiên Chúa: chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta và yêu thương chúng ta cùng muốn cứu độ chúng ta, và luôn luôn tha thứ, luôn luôn; do đó không có lý do gì để phải sợ Ngài!  Tuy nhiên, ơn kính sợ Thiên Chúa, là hồng ân của Chúa Thánh Thần, nhắc nhở chúng ta rằng mình nhỏ bé ra sao trước mặt Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và rằng sự tốt lành của chúng ta là do việc phó thác cho Ngài với lòng khiêm nhường, kính trọng và tin tưởng trong bàn tay của Ngài.  Đó là kính sợ Thiên Chúa: phó thác vào sự tốt lành của Cha chúng ta, là Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều.

1. Khi Chúa Thánh Thần đến ngự trong lòng chúng ta, ban cho chúng ta sự an ủi và bình an, và làm cho chúng ta cảm nhận được mình là gì, là nhỏ bé, với thái độ đó – như Chúa Giêsu khuyên nhủ trong Tin Mừng – về những người đặt mọi lo âu và ước vọng của mình nơi Thiên Chúa và cảm thấy được bao bọc và nâng đỡ bởi hơi ấm và sự che chở của Ngài, như một em bé với cha mình!  Đó là Chúa Thánh Thần ở trong tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy như những đứa con ở trong vòng tay của Cha mình.  Như vậy, theo nghĩa này, chúng ta hiểu rõ về ơn kính sợ Thiên Chúa tạo ra trong chúng ta sự ngoan ngoãn, lòng biết ơn và chúc tụng, đổ đầy hy vọng vào tâm hồn chúng ta như thế nào.  Thực ra, nhiều lần chúng ta không hiểu thấu được kế hoạch của Thiên Chúa, và ý thức rằng chúng ta không thể tự đảm bảo cho mình hạnh phúc và sự sống đời đời.  Tuy nhiên,  chính trong kinh nghiệm về những giới hạn và sự nghèo nàn của chúng ta mà Chúa Thánh Thần an ủi chúng ta và giúp chúng ta cảm nhận được rằng điều quan trọng duy nhất là để cho mình được Chúa Giêsu dẫn dắt trong vòng tay của Cha Người.

2. Đó là lý‎ do tại sao chúng ta cần ơn này của Chúa Thánh Thần như vậy.  Ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta ý thức được rằng tất cả mọi sự đến từ ân sủng, và rằng sức mạnh thực sự của chúng ta là chỉ đi theo Chúa Giêsu và để cho Chúa Cha có thể đổ trên chúng ta sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài.  Hãy mở tâm hồn ra, bởi vì lòng nhân lành và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với chúng ta.  Đó là điều Chúa Thánh Thần làm với ơn kính sợ Thiên Chúa: mở các tâm hồn. Mở lòng ra để ơn tha thứ, lòng thương xót, lòng nhân lành, sự vuốt ve của Chúa Cha đến với chúng ta, bởi vì chúng ta là những đứa con đang được Ngài yêu thương vô cùng.

3. Khi chúng ta được thấm nhuần bởi ơn kính sợ Thiên Chúa, thì chúng ta có khuynh hướng đi theo Chúa với lòng khiêm nhường, ngoan ngoãn và vâng lời.  Tuy nhiên, đó không phải là với thái độ cam lòng, thụ động và ta thán, nhưng với sự kinh ngạc và niềm vui của một em bé nhận ra rằng mình được Cha phục vụ và yêu thương.  Vì thế, Ơn kính sợ Thiên Chúa không làm cho chúng ta thành các Kitô hữu nhút nhát, dễ bảo, nhưng tạo ra trong chúng ta lòng can đảm và sức mạnh!  Nó là một ơn làm cho chúng ta thành các Kitô hữu xác tín, nhiệt tình, không phục tùng Chúa vì sợ hãi, nhưng vì được tình yêu của Ngài đánh động và chinh phục! Được chinh phục bởi tình yêu của Thiên Chúa!  Và đây là một điều tốt đẹp.  Để cho mình bị chinh phục bởi tình yêu của Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều, Ngài yêu thương chúng ta với tất cả con tim của Ngài.

Nhưng chúng ta hãy cẩn thận, bởi vì hồng ân Thiên Chúa, ơn kính sợ Thiên Chúa cũng là một “lời cảnh báo” trước sự ngoan cố trong tội lỗi.  Khi một người sống trong sự dữ, khi phạm thượng chống lại Thiên Chúa, khi khai thác những người khác, khi áp chế họ, khi chỉ sống vì tiền tài, vì hư danh, hay quyền lực, hoặc kiêu căng, thì khi đó sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa cảnh báo chúng ta: hãy cẩn thận!  Với tất cả quyền lực này, với tất cả tiền bạc này, với tất cả kiêu hãnh này của mi, với tất cả hư danh này của mi, mi sẽ không có hạnh phúc đâu.  Không ai có thể mang với họ sang (đời sống) bên kia dù là tiền bạc, dù là quyền lực, dù là hư danh, dù là kiêu hãnh.  Không mang được gì cả!  Chúng ta chỉ có thể mang theo tình yêu mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta, những vuốt ve của Thiên Chúa, được chúng ta chấp nhận và đón nhận với tình yêu.  Và chúng ta có thể mang theo những gì mà chúng ta đã làm cho tha nhân.  Hãy cẩn thận đừng đặt hy vọng vào tiền tài, kiêu hãnh, sức mạnh và hư danh, bởi vì tất cả mọi thứ ấy không thể hứa bất cứ điều gì tốt đẹp với chúng ta!  Tôi đang nghĩ đến những người có trách nhiệm với những người khác và để cho mình trở thành tham nhũng chẳng hạn; anh chị em có nghĩ rằng một người tham nhũng sẽ được hạnh phúc ở đời sống bên kia không?  Không, tất cả những thành quả tham nhũng của người ấy đã làm hư hỏng trái tim người ấy và sẽ rất khó để đến với Chúa.  Tôi nghĩ đến những kẻ sinh sống nhờ nạn buôn người và nô lệ lao động; anh chị em có nghĩ rằng những kẻ đối xử tệ với con người, khai thác con người bằng việc nô lệ lao động có tình yêu của Thiên Chúa trong trái tim họ không?  Không, họ không có lòng kính sợ Thiên Chúa và không hạnh phúc.  Họ không.  Tôi nghĩ đến những người sản xuất vũ khí để gây ra chiến tranh; nhưng anh chị em nghĩ xem công việc này là nghề gì?  Tôi chắc rằng nếu bây giờ tôi hỏi: có bao nhiêu người trong anh chị em đang chế tạo vũ khí?  Không, không một ai.  Những nhà sản xuất vũ khí này không đến để nghe Lời Chúa!  Những người ấy sản xuất cái chết, họ là những con buôn sự chết và chế tạo hàng hóa sự chết.  Ước gì ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho họ hiểu rằng một ngày nào đó tất cả sẽ kết thúc và họ sẽ phải tính sổ trước mặt Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, Thánh Vịnh 34 cung cấp cho chúng ta lời cầu nguyện như sau: “Chính kẻ cùng khổ này đã kêu cầu, và Chúa đã nghe lời, cùng cứu nó khỏi mọi điều gian khổ.  Thiên sứ của Chúa đồn quân quanh những ai kính sợ Ngài, và giải thoát họ” (các câu 7-8).  Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết kết hợp tiếng nói của chúng ta với tiếng nói của người nghèo, để đón nhận ơn kính sợ Thiên Chúa và có thể nhận ra mình, cùng với họ, được bao bọc bởi lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là Cha chúng ta, Cha của chúng ta.  Chớ gì được như vậy.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org/vn/

Chậm khởi kiện Trung Quốc vì nội bộ chia rẽ?

Chậm khởi kiện Trung Quốc vì nội bộ chia rẽ?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-06-12

06122014-vn-public-impati-wt-lawsui.mp3

Chúng ta loay hoay cứ như có lỗi khi kiện Trung Quốc vậy? (trang web của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

Hình minh họa chụp từ trang web của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Screen capture

Công luận thể hiện qua báo chí và các diễn đàn trên mạng từng rất nôn nóng về việc chính quyền Việt Nam khởi kiện Trung Quốc xâm lấn biển đảo, đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam từ hơn 1 tháng qua.

Người dân Việt Nam sau những tuần lễ phấn khởi bắt đầu chuyển sang thái độ sốt ruột và hoài nghi về khả năng Việt Nam làm quyết liệt, khởi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế theo Công ước Luật biển hoặc Tòa án Công lý Quốc tế để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình.

Không đồng thuận và thiếu quyết tâm

Trước đó các phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về việc không đánh đổi chủ quyền đất nước lấy hữu nghị viển vông và xem xét việc sử dụng biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc, đã làm cho nhân dân tưởng rằng việc loan báo chính thức khởi kiện sẽ sớm diễn ra. Điều mong đợi là sẽ có vụ kiện ngay trong lúc giàn khoan HD 981 và lực lượng tàu vũ trang máy bay bảo vệ của Trung Quốc đang quấy rối trên vùng biển Việt Nam. Phía Trung Quốc từng nói là giàn khoan sẽ hoạt động thăm dò địa chất từ 2/5 tới 15/8/2014. Liệu trong vòng 2 tháng sắp tới Việt Nam sẽ khởi kiện hay không, đây là câu hỏi chờ đợi được giải đáp.

Trả lời Nam Nguyên tối 11/6/2014 TS Trần Đình Bá, thành viên Hội khoa học kinh tế Việt Nam từ Hà Nội nhận định:

” Đơn giản là ngay từ đầu nhà nước Việt Nam không quyết tâm kiện và họ làm điều đó chẳng qua là vì áp lực dư luận, áp lực của số đông và áp lực của những người trong chính nội bộ của họ mà thôi, nhưng mà họ không quyết tâm kiện.
-TS Phạm Chí Dũng “

“ Mọi người rất sốt ruột về vấn đề chủ quyền biển Đông, Việt Nam khẳng định có quyền chủ quyền, quyền tài phán thì Trung Quốc cũng nói như vậy. Cho nên bây giờ nên đưa ra phân xử để bảo vệ chủ quyền của mình bằng biện pháp đấu tranh hòa bình. Tôi cũng như mọi người dân Việt Nam mong muốn là nhân sự kiện này phải kiên quyết đòi bằng được Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Đây là cơ hội đưa ra tòa án quốc tế để đòi lại chủ quyền Hoàng Sa, với nỗi hận 4 thập kỷ qua nhân dân Việt Nam muốn đòi lại vùng đất của cha ông mà bao nhiêu thế hệ đã gìn giữ.”

Sự chậm trễ khởi kiện Trung Quốc mà quyền quyết định thuộc Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy một sự thiếu đồng thuận ở thượng tầng chính trị. TS Phạm Chí Dũng, nhà bình luận độc lập hiện sống và làm việc tại TP.HCM nhận định:

Vị trí của giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam. RFA files:UNCLOS-CIA

Vị trí của giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam. File Photo.

“Đơn giản là ngay từ đầu nhà nước Việt Nam không quyết tâm kiện và họ làm điều đó chẳng qua là vì áp lực dư luận, áp lực của số đông và áp lực của những người trong chính nội bộ của họ mà thôi, nhưng mà họ không quyết tâm kiện. Đó là chưa biết họ có củng cố hồ sơ cho có những cơ sở chắc chắn đủ để kiện Trung Quốc hay không. Nhưng mà tinh thần yếu kém trong việc chuẩn bị hồ sơ và thiếu quyết tâm đã làm giảm sút đáng kể nhiệt huyết của những người đi kiện.

Nếu đưa ra tòa án quốc tế thì tôi nghĩ việc này không thể thành công ngay được, thậm chí nhiều khả năng sẽ kéo dài rất lâu. Trong khi đó, chúng ta thấy được sự rạn nứt chia rẽ khá lớn ngay trong nội bộ nhà nước Việt Nam, về các quan điểm khác nhau, đường lối đối ngoại khác nhau. Và trong vụ kiện với Trung Quốc cũng đặc biệt xuất hiện những quan điểm trái chiều, đó là một sự giằng kéo và rất có thể làm cho vụ kiện này sẽ không đi tới được.”

Chưa kiện hay không kiện?

Trong khi đó, TS Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn đàn Xã hội Dân sự nêu nghi vấn về việc nhà nước Việt Nam nghe theo khuyến cáo của Trung Quốc là không được khởi kiện. Từ Hà Nội, TS Nguyễn Quang A nhận định:

“ Tôi không hiểu giữa Bắc Kinh và Hà Nội có những điều gì ngầm với nhau hay không và có thể có cái gì đó mà họ dọa là họ sẽ đưa ra, thì có thể rất là mất mặt…Và chần chừ ngày nào về việc khởi kiện Trung Quốc thì Việt nam thực sự đầu hàng từ ngày đó.”

” Tôi không hiểu giữa Bắc Kinh và Hà Nội có những điều gì ngầm với nhau hay không và có thể có cái gì đó mà họ dọa là họ sẽ đưa ra, thì có thể rất là mất mặt…Và chần chừ ngày nào về việc khởi kiện Trung Quốc thì Việt nam thực sự đầu hàng từ ngày đó.
-TS Nguyễn Quang A “

Trên báo chí Việt Nam nhiều giới chức nhà nước vẫn còn lập đi lập lại tình hữu nghị 16 chữ vàng và 4 tốt giữa Việt Nam và Trung Quốc và cho rằng việc khởi kiện giống như đổ bát nước đầy xuống đất. Ngoài ra nhiều giới chức nhà nước còn lo ngại Trung Quốc cấm vận kinh tế nếu Hà Nội muốn thoát vòng kềm tỏa của Bắc Kinh.

TS Trần Đình Bá từ Hà Nội bày tỏ ý kiến:

“ Nói tình hữu nghị thì họ đã không làm những chuyện vượt quá đạo lý quốc tế, ví dụ như đâm tàu vào ngư dân hành động rất man rợ mà cả thế giới người ta lên án, khi xem băng ghi hình ai cũng phẫn nộ. Tính mạng của ngư dân trên biển làm sao để bảo vệ? Bây giờ phải kiên quyết đấu tranh bằng pháp lý, Trung Quốc cũng phải có lương tâm để nhận ra vấn đề, họ là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì càng phải gương mẫu chấp hành Luật biển, trong quan hệ quốc tế không thể dùng uy thế nước lớn ép nước nhỏ, bắt nạt nước nhỏ. Thời thế bây giờ là của thế giới phẳng, mọi việc đều công khai với quốc tế và đưa lên màn hình, mọi việc không thể giấu diếm được nữa. Nguyện vọng của bao nhiêu người Việt Nam đều mong muốn đưa ra giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.”

Giới luật gia, học giả trí thức tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã bày tỏ rất nhiều ý kiến về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam. Qua vụ giàn khoan HD 981 Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc hoặc Tòa án Công lý Quốc tế. Philippines thừa biết vụ kiện không mang lại những kết quả cụ thể vì Trung Quốc không ra tòa hoặc phán quyết không có tính cách ràng buộc nhưng Manila vẫn kiên quyết hành động.

Những vướng mắc liên quan đến công hàm Phạm Văn Đồng 1958, hoặc thỏa thuận bí mật Thành Đô 1990 được cho là những rào cản trên con đường khởi kiện của Việt Nam. Tuy vậy đã có rất nhiều góp ý để hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng hoặc chỉ kiện về giàn khoan hạ đặt bất hợp pháp mà không kiện về chủ quyền. Về rào cản thứ hai, nếu như không có một thỏa thuận ngầm tại Hội nghị Thành Đô 1990 như lời đồn đại, thì vì cớ gì mà Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam lại không dám công khai thông tin về Hội nghị này dù đã trải qua 24 năm.

 

Trung Quốc đưa ra bằng chứng: Sách Địa Lý Lớp 9 Việt Nam nói Tây Sa, Nam Sa là của Trung Quốc

Trung Quốc đưa ra bằng chứng: Sách Địa Lý Lớp 9 Việt Nam nói Tây Sa, Nam Sa là của Trung Quốc

nguồn:  http://huynhngocchenh.blogspot.com

Hồi đó để đánh chiếm cho được miền Nam thì dân Việt Nam cần thiết phải hy sinh đến người cuối cùng, Trường Sơn cũng thiêu rụi thì ăn thua gì mấy hòn đảo trên biển Đông. Công hàm cũng ký được thì nhằm nhò gì mấy trang sách giáo khoa.

Dân Luận
Ngày 8/6/2014, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra bản tin với tựa đề “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc“. Trong bản tin ngoài công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bản tin còn dẫn sách Địa Lý lớp 9 do Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành năm 1974 nói Tây Sa và Nam Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là một phần của Trung Quốc:

Chương về Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa
… Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến các đảo Hải nam, Đài loan, quần đảo Hoành bồ, Châu sơn… làm thành một bức “trường thành” bảo vệ lục địa Trung quốc…
Trích Sách địa lý lớp 9 (1974)

Đây là một phần tài liệu mà Trung Quốc chuyển tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, và yêu cầu ông này chuyển tới tay các quốc gia thành viên vào hôm thứ Hai 9/6/2014. Đây là lần thứ hai Trung Quốc đệ trình tài liệu lên Liên Hiệp Quốc nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền, lần thứ nhất là vào tháng 5/2014.

annex5-5-2.jpg

annex5-5-3.jpg

annex5-5-4.jpg

Niềm tin Phục Sinh!

Niềm tin Phục Sinh!

Nguyễn Trung Tây, SVD

Dòng Ngôi Lời tỉnh dòng Úc Châu, ngoài những công tác mục vụ với người thổ dân Arrernte tại vùng sa mạc bát ngát Central Australia, tu sĩ Ngôi Lời Úc Châu còn có mặt tại Thái Lan chăm sóc những mảng đời bị bỏ rơi, hoặc bị hất bỏ gạt sang một bên lề xã hội: những bệnh nhân HIV/Sida. Tỉnh Nongbua Lamphu, đông bắc Thái Lan, một tỉnh nghèo sát biên giới với Lào là nơi có cơ sở truyền giáo Ngôi Lời Úc Châu. Nongbua Lamphu có nhà thờ St. Michael, nơi đây Ngôi Lời Úc Châu cùng với nhiều Linh Mục và tu sĩ truyền giáo của các dòng tu khác đã nhiều lần tổ chức trại hè cho giới trẻ.
Đặc biệt, Thái Lan cũng là vùng đất (của) nhiều bạn trẻ Việt Nam đến, sống, và làm việc siêng năng, sáng dậy sớm, khuya về trễ, góp từng đồng bạc dành dụm cho một tương lai của mình và gia đình nơi quê nhà.
Đất Thái, ngôn ngữ Thái, văn hóa Thái, mọi sự đều mới với các bạn trẻ. Tại Thái, bạn trẻ không còn gia đình và giáo xứ để nâng đỡ vào những giây phút đối diện với thứ thách và cám dỗ nơi đất khách quê người. Đặc biệt vào những giây phút yếu đuối với bơ vơ lạc loài trên đất lạ, bạn trẻ dễ bỏ cuộc hoặc buông xuôi theo dòng đời. Trên vùng đất Thái, bạn trẻ chỉ còn Niềm tin Việt Nam, vốn quý đã từng được ươm mầm và vươn cao trong ngôn ngữ Việt trên mảnh đất Việt. Nếu không được nâng đỡ, tiếp tục chăm sóc nơi đất khách, niềm tin có thể mai một, héo tàn, và chết đi vào một ngày. Do hoàn cảnh đặc biệt vừa sơ lược ở trên, cùng với các Linh Mục và tu sĩ truyền giáo của nhiều dòng tu khác, tu sĩ Ngôi Lời tại Thái Lan đã nhiều lần tổ chức những Trại Hè cho bạn trẻ Việt Nam. Nơi đó, nhà thờ trở thành một nơi để bạn trẻ cầu nguyện với Chúa trong ngôn ngữ Việt, chia sẻ với nhau (trong ngôn ngữ quê mẹ) về những khó khăn và thử thách nơi quê người. Cũng qua những Trại Hè, bạn trẻ ngồi cạnh nhau chia sẻ một chén nước mắm, một chén cơm thơm.

Trại Hè chủ đề YÊU NHƯ GIÊSU tại Thái năm 2014 lại đến như một thường lệ. Mọi chuẩn bị cho một trại hè đã sẵn sàng, nhiều Linh Mục và tu sĩ Việt Nam góp công, nhiều bạn trẻ góp mặt, bảng tên, áo trại hè, mọi người hân hoan chờ đợi giây phút.

Không ai ngờ! Sáng sớm ngày thứ Hai, 2 tháng 6, có lẽ chỉ vì một sự lơ đễnh, một cơn buồn ngủ, một giây phút lãng quên, một lần đôi mắt vô tình nhắm lại, tai nạn xảy tới!!! Chiếc xe minibus 15 chỗ ngồi đâm mạnh vào một chiếc xe vận tải loại lớn. Xe minibus phát nổ và bốc cháy!!! 13 sinh mạng nằm xuống trong đó có Linh Mục Vũ Hanh, Linh Hướng của Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan (HHCGVN-TL), và người tài xế Thái Lan. Riêng 3 bạn trẻ còn lại, thương tích khá nặng.

Linh Mục Lê Đức của Ngôi Lời Úc Châu (Thư Ký của HHCGVN-TL) viết trong trang “Nhật Ký Truyền Giáo: Thiên Chúa Thử Thách,”

…Suốt 8 năm trong đại chủng viện, trong đó có 4 năm học thần học, chẳng có một môn học nào dạy cho mình biết nên làm gì khi phải đối phó với tình trạng một linh mục bạn và 11 bạn trẻ của mình thiệt mạng trong một tai nạn giao thông khủng khiếp đến nỗi cả thảy bị thiêu rụi mà không nhận ra hình dạng. Khi mình tới cái chùa nơi người ta mang xác của các nạn nhân đến, mình không thể tin vào điều mình thấy. Những khuôn mặt tươi vui mình mới gặp gỡ, mới trêu chọc, mới đùa giỡn giờ chẳng khác gì một đống than.
Trên đường đến hiện trường, mình và chị Fốn đã liên lạc với cha xứ ở nhà thờ thánh Gerard Khon Kaen, xin ngài tiếp nhận những thi hài ở nhà thờ của ngài. Mình cứ nghĩ rằng sau khi làm những thủ tục như đưa xác vào bệnh viện rồi thì sẽ liệm xác vào quan tài, rồi đưa quan tài về nhà thờ để dâng lễ. Ai ngờ, chuyện trở nên phức tạp ngoài mức tưởng tượng. Vì là một tai nạn liên quan đến nhiều người nước ngoài nên cảnh sát phải vào cuộc để điều tra. Việc hộ chiếu của tất cả những người thiệt mạng đã bị cháy làm cho cảnh sát có nhiều câu hỏi. Việc có tới trên 60 người Việt Nam trong một chuyến đi lại làm cho cảnh sát còn có nhiều câu hỏi hơn…

LM Vũ Hanh, OP, cá nhân người viết đã từng gặp qua một số báo Dân Chúa Úc Châu, chủ đề Truyền Giáo tại Thái Lan… LM Hanh và tôi đã từng chia sẻ với nhau những khó khăn và thử thách về cánh đồng truyền giáo. Nhưng giờ này, ngài đã nằm xuống ngủ yên giấc ngủ thiên đàng. LM Hanh ra đi, một bất ngờ! Cánh đồng truyền giáo vẫn còn cần nhiều bước chân truyền giáo… Nhưng sáng sớm thứ Hai 2/6, một trong những bàn tay của thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng đã biến tan vào trong thinh không!

Riêng 11 người bạn trẻ còn lại. Những đôi mắt mở lớn! Những tiếng cười thanh xuân! Những chăm chỉ siêng năng! Những mơ ước cho tương lai! Gia đình bên Việt Nam đã từng tiễn họ cất bước rời làng quê xứ đạo với những hy vọng. Tất cả đã cháy tan theo với ngọn lửa! Rất tiếc! Buổi sáng ngày 2 tháng 6 vừa qua đã thay đổi tất cả những trang sách tương lai.

LM Hanh còn trẻ! Đời sống truyền giáo của ngài nên tiếp tục những vòng xoay bình thường. Nhưng tiếc quá! Vòng xoay truyền giáo đã dừng lại!
11 bạn trẻ cũng thế, họ còn cả một tương lai thênh thang mở rộng trước mặt. Họ là hy vọng, là chén cơm của gia đình bên quê nhà. Nhưng hy vọng đã biến tan.
Nhìn những tấm hình của chiếc xe minibus và thi hài của những người vừa nằm xuống, thế gian thở một tiếng thở dài!

Trong thánh lễ tại thánh đường Sacred Heart của Cabramatta, Úc Châu (9/6) cầu nguyện cho linh hồn LM Vũ Hanh và 11 linh hồn vừa nằm xuống, tôi đọc bài Phúc Âm Gioan 11. Đứng trước ngôi mộ chôn vùi thân xác người thân, Martha than với Đức Giêsu, “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết…” (c.21).

Cuộc sống từ những ngày đầu tiên cho tới ngày hôm nay vẫn là một vòng xoay tròn đều của Sinh, Bệnh, Lão, Tử. Đúng như Sách Giảng Viên đã từng nhận xét, “Dưới vòm trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời; một thời để sinh ra và một thời để chết đi…” (3:1-2).

Nhưng với những cuộc đời đã từng được nhận dòng nước thanh tẩy trong Đức Kitô, vòng xoay bình thường của trần gian không chỉ dừng lại ở sau chữ “Tử!”.
Đức Giêsu của mốc tuổi ba mươi cũng đã từng nhắm mắt lại, lặng lẽ chết đi trong bùi ngùi thương tiếc của bao nhiêu người. Nhưng Ngài sống lại. Ngài trở thành một vòng quay mới của vòng xoay nhân gian. Trước Ngài, cuộc sống nối tiếp vòng xoay, Sinh, Bệnh, Lão, Tử! Sau Ngài, vòng xoay hóa thành Sinh, Bệnh, Lão, Tử, và Phục Sinh. Trong Đức Kitô, người tín hữu sẽ phục sinh dù đã chôn trong ngôi mộ. Với niềm tin vào Đức Kitô, LM Vũ Hanh và 11 bạn trẻ dù đã chết, nhưng sẽ phục sinh, một chuyện phải tới.
Trước lời than của Martha, Đức Giêsu đã nói, Ngài nói rõ, “Ta là sự sống lại! Ai tin ta sẽ không chết đời đời. Con có tin điều đó hay không?” (Gioan 11:25).
Vâng, thưa Thầy, con tin!

Chuyện xảy ra tại Thái Lan ngày 2/6, rất tiếc, cơn ác mộng sự thật. LM Vũ Hanh và 11 sinh mạng thanh xuân vừa nằm xuống nhắc nhở trần gian một sự thật (thông thường bị lãng quên): Cuộc đời này, trước sau vẫn là phù vân, có đó rồi mất đó! Cuộc sống này, trước sau vẫn là hoa quỳnh, sớm nở tối tàn! Ngày rồi cũng tới, xinh đẹp sắc sảo rồi cũng tới một ngày nằm xuống hóa ra nấm đất bên đường! Ai trên trần gian sẽ sống mãi? Ai dám chắc sáng mai mình còn cơ hội mở mắt chào đón bình minh? Ai dám chắc vợ chồng sẽ còn tiếp tục sánh bước bên nhau trên con đường đời?
Vâng, chuyện quá khứ đã qua! Chuyện hân hoan! Chuyện đau lòng!
Chuyện tương lai chưa tới! Trang giấy trắng vẫn mở rộng thênh thang chờ đợi những nét vẽ đẹp!
Bây giờ là hiện tại, một thực thể. Bây giờ vẫn còn có nhau! Bây giờ vẫn còn hơi thở sung mãn tràn đầy! Bây giờ vẫn còn thịt da, thịt da của Bố Mẹ, của Vợ Chồng, Con, và của bao nhiêu người thân!
Mời tôn trọng! Mời yêu thương!
Bởi ai biết đâu, ngày sẽ tới!
Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.com