Việt Nam cần thay đổi thể chế để bảo vệ đất nước

Việt Nam cần thay đổi thể chế để bảo vệ đất nước

Chuacuuthe.com

VRNs (13.07.2014) – Quảng Nam – Ngày 01.07.2014 vừa qua chính phủ Nhật bản đã có một quyết định quan trọng là thay đổi học thuyết quốc phòng từ chổ chỉ được quyền phòng vệ cá thể như quy định của Hiến pháp Nhật từ sau đệ nhị Thế chiến đến nay sang quyền được Phòng vệ tập thể mở đường cho Nhật bản tham chiến cùng các nước đồng minh trong tình huống chiến tranh, mục đích tối hậu là để đối phó với một  Trung cộng đang trở nên tự tin quá mức.

Sự phát triển như vũ bão của Trung cộng về kinh tế và quân sự cộng với tham vọng bá quyền cố hữu của đất nước khổng lồ này đặt Mỹ, Nhật, Úc và các nước trong khu vực đông Á vào tình thế bị đe dọa trước mắt và lâu dài buộc các nhà hoạch định chính sách của những quốc gia này phải có một tầm nhìn thực tế hơn về tính mong manh của hòa bình và ổn định trên thế giới và chiến lược chuyển trục của Hoa kỳ đang thực hiện là một đáp ứng theo chiều hướng đó.

Sự đồng hành của Mỹ và Nhật như báo trước một sự thay đổi về cấu trúc an ninh khu vực sẽ xãy ra trong thời gian sắp tới và Việt nam của chúng ta sẽ có vị trí nào trong cấu trúc đó là một câu hỏi lớn đối với nhân dân VN và những người quan tâm đến thời cuộc trong đó có những nhà đấu tranh cho dân chủ đang rất lo lắng cho vận mệnh quốc gia.

Trong thời chiến tranh lạnh hai khối Tự do và Cộng sản đối đầu, Việt nam Cộng hòa (bất đắc dĩ) trở thành tiền đồn của khối Tự do ngăn chận sự bành trướng về hướng nam của khối Cộng sản.

Thời điểm này Mỹ lo ngại Trung cộng sẽ xua 500 triệu nông dân Trung quốc tràn ngập Đông nam Á như lời đe dọa của Mao Trạch Đông với Học thuyết chiến tranh “cài răng lược” để vô hiệu hóa ưu thế về hỏa lực của Mỹ như ý đồ của đảng CS Trung hoa. Vậy là Mỹ đã lập phòng tuyến để “be bờ”, VN trở thành chiến trường cho tranh chấp của hai khối.

Ngày hôm nay lịch sử đang lập lại, TC đang trên đà phát triển vũ bão với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, với dự trữ ngoại tệ trên 3ooo tỷ Mỹ kim, với công nghệ quốc phòng tiên tiến đang thu hẹp rất nhanh khoảng cách với các nước Phương Tây tạo ra một hiểm họa chưa từng có đối với Nhật bản, Việt nam và các nước khác trong khu vực và trong tương lai không xa là hiểm họa của chính Úc và Mỹ…

Thời chiến tranh lạnh VNCH là một quốc gia Dân chủ nên việc hội nhập vào một liên minh phòng thủ chung không có trở ngại gì, và việc gia nhập Liên minh phòng thủ với các nước trong khối Tự do cũng giúp VNCH bảo vệ được đất nước, bảo vệ được nền tự do trong một giai đoạn chiến tranh máu lửa.

Thời thế hiện nay đã khác xưa rất nhiều về cả hình thái chiến tranh lẫn vũ khí và  quy mô  cuộc chiến cùng  ảnh hưởng của nó lên tương lai khu vực và cả nhân loại.

Nếu như trước đây VNCH có thể tự vệ được trong điều kiện đồng minh Hoa Kỳ viện trợ đầy đủ như Nga- Tàu đã viện trợ cho CS Bắc Việt , nhưng ngày hôm nay với sức mạnh khủng khiếp của quân đội và vũ khí TC khiến cho Nhật bản là một quốc gia công nghiệp giàu có hàng đầu thế giới cũng phải dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ và phương thức phòng vệ tập thể thì VN chúng ta không có lý do gì để đứng ngoài một liên minh quân sự của khối Dân chủ do Mỹ lãnh đạo.

Việc tham gia liên minh phòng thủ trước mắt đáp ứng nhu cầu bức thiết của chúng ta là bảo vệ  quốc gia và sau đó là góp phần vào việc phòng thủ chung để ngăn ngừa chiến tranh nhưng trong mối tương quan này chúng ta cần Mỹ và các nước dân chủ hơn Mỹ và các nước dân chủ cần chúng ta..

Người Mỹ đang thiết lập một vành đai an ninh bao quanh TC từ bắc xuống nam, bắt đầu từ Hàn quốc qua Nhật bản đến Philippines , xuống Mã lai, Nam Dương và Singapore, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu rõ ràng rằng người Mỹ muốn cộng sản VN đóng một vai trò gì và như thế nào trong cái vành đai an ninh đó và CSVN cũng không hề có chỉ dấu nào là muốn tham gia vào một liên minh phòng thủ chung để được bảo vệ . Việc này sẽ đẩy đất nước vào thế đơn độc đối đầu với TC, nếu TC đơn phương hành động trong lúc này khi VN chưa được ai bảo vệ như Ukraina đã tạo điều kiện cho Nga xâm chiếm Crimea.

Nhận thức được nguy cơ từ Trung cộng Philippines đã nhanh chóng có những hành động cụ thể như cho phép quân đội Mỹ có mặt gần như thường trực tại Phi với một loạt căn cứ quân sự hùng hậu , trong khi đó VN bị TC đe dọa nặng nề hơn mà vẫn tiếp tục chủ trương “không liên kết” thì quả là khó hiểu…!

Để giải thích cho việc VN vẫn đang còn đứng ngoài một liên minh phòng thủ khu vực có hai khả năng:

-Thứ nhất VN vẫn là một chế độ CS độc tài không chia xẻ cùng một giá trị với Hoa kỳ và đồng minh dẫn đến sự nghi ngờ , hơn nữa trong tương quan với TC và Hoa kỳ thì CSVN gần gủi hơn với TC về ý thức hệ và mục tiêu chiến lược, mối quan hệ Trung –Việt vẫn còn ẩn chứa nhiều nghi vấn vì những thỏa thuận ở Thành Đô mà cho đến nay chưa được giải mật.. Ngày nào VN chưa thay đổi thể chế , thay đổi học thuyết quốc phòng, đoạn tuyệt với quá khứ CS thì việc gia nhập liên minh với Mỹ là không thể thực hiện được vì có thể chính phủ Mỹ vì lợi ích thực dụng họ đồng ý vô điều kiện để CSVN tham gia liên minh, nhưng với Quốc hội Mỹ điều này khó chấp nhận được.

-Thứ hai có thể Hoa kỳ không cần thiết có thêm VN trong vành đai an ninh đã được thiết lập vì vị trí trọng yếu của Philippines đã thay thế một cách hoàn hảo cho VN trong sự bố phòng chiến lược ?..

Nếu đúng như vậy thì rất nguy hiểm cho dân tộc VN vì có thể Mỹ và đồng minh không cần VN trong vành đai an ninh của mình nhưng TC thì rất cần vị trí chiến lược của VN trong chiến tranh “chống tiếp cận”, vì hệ thống cảng biển VN từ Đà nẵng, Dung Quất đến Cam Ranh , Vân Phong và Vũng Tàu sẽ tạo ưu thế quân sự cho Tc nếu họ kiểm soát được những vùng đất hiểm yếu này để triển khai khí tài quân sự  mở rộng không gian chiến tranh làm phân tán hỏa lực của Mỹ và đồng minh. Như vậy VN vừa mất chủ quyền vừa mất an ninh…

Xét theo lập luận này thì việc Mỹ và đồng minh mở cửa cho VN tham gia khối quân sự sẽ vô hiệu hóa hình thái “chiến tranh chống tiếp cận” của TC và ưu thế chiến lược sẽ nghiên về phía Mỹ. Riêng với Nhật bản việc VN tham gia liên minh sẽ rất có lợi cho họ vì sẽ phân tán hỏa lực của TC một khi chiến tranh nổ ra, “chia lửa” cho Nhật bản và làm cho TC bị bao vây  ở nhiều mặt giúp cho  việc phòng thủ và tấn công của liên minh  thuận lợi hơn rất nhiều.

Nhìn nhận trong góc độ này thì vị trí chiến lược của VN là cực kỳ quan trọng mà cả Mỹ – Nhật và Trung cộng không thể bỏ qua.

Hiện tại chúng ta chưa thể xác quyết được điều gì, chúng ta chỉ hy vọng rằng người Mỹ sẽ hành động có trách nhiệm với nhân dân VN. Hy vọng người Mỹ và Nhật hiểu cho rằng chỉ có một chính phủ dân chủ do nhân dân chọn lựa qua cuộc bầu cử tự do mới đủ tính chính danh để đàm phán với họ về việc VN gia nhập khối phòng thủ chung, mọi thỏa hiệp của CSVN với các nước kể cả Hoa kỳ sẽ không có giá trị và nó sẽ bị hủy bỏ một khi CS sụp đổ, mà CS sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Mỹ và Nhật nên đồng hành với nhân dân VN chứ không nên đồng hành cùng CSVN, vì CSVN chỉ là một giai đoạn trong lịch sử dân tộc VN…

Về phía VN, chúng ta không có lý do hay lợi ích gì khi can dự vào tranh chấp quyền lực của các siêu cường, chỉ vì ngày hôm nay chủ quyền quốc gia và sinh mệnh dân tộc Việt bị đe dọa cho nên chúng ta mới chấp nhận rủi ro tham gia vào một liên minh phòng thủ . Trên đời này mọi sự cao quý đều có giá của nó, việc bảo vệ tổ quốc đương nhiên phải trả bằng máu của chính dân tộc mình.. để tồn tại chúng ta phải chiến đấu và hy sinh không có sự chọn lựa nào khác.

Nhưng sự chiến đấu và hy sinh này của dân tộc Việt phải được bảo đảm bằng cái giá của tự do cho cả dân tộc, chúng ta không chiến đấu để duy trì chế độ độc tài, một chế độ đã làm ung thối đất nước, đặt đất nước vào tình thế hiểm nghèo vì một “mối tình hữu nghị viễn vông” như chính ông Thủ tướng CS Nguyễn tấn Dũng đã nhìn nhận.

Thêm một lần nữa khẳng định: để bảo vệ sự trường tồn của dân tộc và quốc gia, mở ra lộ trình canh tân đất nước, VN phải thay đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ , chỉ có như vậy mới đoạn tuyệt được ý thức hệ CS nguyên nhân của mọi sai lầm và bi kịch, mới thay đổi được học thuyết quốc phòng tự cô lập, chủ động tham gia liên minh phòng thủ khu vực do Mỹ lãnh đạo .

Đây cũng chính là cơ may cuối cùng để gìn giữ hòa bình, nhưng phải là một nền hòa bình trong sự tôn trọng tự do và phẩm giá dân tộc, hòa bình trong thế mạnh.

Huỳnh Ngọc Tuấn

 

Bán anh em xa mua láng giềng gần?

Bán anh em xa mua láng giềng gần?

RFA

Lê Diễn Đức

Định mệnh đã đặt Việt Nam nằm sát Trung Quốc. Suốt mấy ngàn năm, người láng giềng phương Bắc lúc nào cũng xem Việt Nam như là một tỉnh của mình và lăm le xâm chiếm.

Ba lần Bắc thuộc, từ năm 189 trước công nguyên đến năm 514, gần một ngàn năm, là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam với chính sách đô hộ và đồng hoá. Thời nhà Minh, chúng còn thực thi bành trướng nền văn minh Hoa Hạ, xóa bỏ nền văn minh sông Hồng, như đốt, phá và chở về Trung Quốc các loại sách, văn bia có nói về dân Việt, thiến hoạn đàn ông Việt. Các triều đình Trung Quốc đã không thể đồng hóa được người Việt. Dù bị ảnh hưởng sâu sắc tập quán và văn hoá Trung Quốc, người Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, nhờ tính dân tộc và tinh thần tự chủ. Đây là thất bại lớn nhất của quân bành trướng phương Bắc.

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ, Hà Nội, sáng ngày 1/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “trong lịch sử, va chạm với người láng giềng này xảy ra nhiều lần lắm rồi...”.

Ông ta dùng từ “va chạm” là cố ý nói cho nhẹ đi. Thực tế, không phải là những va chạm bình thường. Mỗi lần “va chạm” là mỗi lần quân Trung Quốc xua đại quân tiến xuống phía nam: Nhà Tống (năm 1075), nhà Minh (1407), nhà Thanh (1789), xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và chiếm đóng một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Phía gây hấn và tiến hành xâm lược luôn luôn là Trung Quốc.

Tâm thức văn hoá nô dịch dường như đã thấm vào máu thịt của những người lãnh đạo Việt Nam hôm nay. Vẫn là não trạng e sợ nước lớn và tự xem mình bị lệ thuộc.

Vua Lý Công Uẩn đã từng sai sai sứ sang cầu phong, hoàng đế nhà Tống cho làm “Giao chỉ quận vương”, sau lại gia phong làm “Nam Bình vương” vào năm 1017 (thời Tống Chân Tông).

Vua Lê Lợi cũng sai sứ sang Trung Quốc cầu phong nhà Minh mặc dù chính ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, đánh tan tác 20 vạn quân Minh xâm lược.

Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, cũng không khác, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, ông cũng nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với phương Bắc và cầu vua Càn Long của Trung Quốc phong vương.

Thế nhưng đó là thời kỳ phong kiến, các quốc gia mạnh có thể mang quân đi xâm lược thôn tính nước khác. Giờ đây là thế kỷ 21. Đã có những định chế và tổ chức quổc tế bảo vệ trật tự thế giới. Một trong những nguyên tắc ứng xử trong bang giao của các thành viên Liên Hiệp Quốc là tôn trọng quyền tự quyết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Chúng ta hãy xem ba nước cộng hoà vùng Baltic: Estonia, Lithuania và Latvia. Cả ba nước nhỏ bé này đều bị Liên Xô xâm lược và chiếm đóng. Năm 1990-1991 Liên Xô sụp đổ và tan rã, cả ba nước tuyên bố độc lập và trở thành những quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Họ nhanh chóng gia nhập khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO (2001- 2004), Liên minh châu Âu (2004) và trở thành những nước phát triển nhanh, mặc dù trước đó phụ thuộc rất nặng nề vào Liên Xô.

Tham gia khối quân sự NATO, ba nước cộng hoà Baltic không nhằm chống lại nước Nga. Nhưng trong trường hợp con gấu láng giềng Nga khổng lồ duơng nanh vuốt ra, họ sẽ được bảo vệ và đáp trả bằng điều 5 của Hiệp ước Washington “tấn công một nước thành viên là tấn công cả khối NATO”.

Gần hơn, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), một hòn đảo nằm sát nách Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã có lúc đe doạ tấn công bằng vũ lực, nhưng cũng huyênh hoang một lúc rồi thôi, bởi vì Mao ý thức được rằng, xung đột với Đài Loan là đụng tới Đạo luật quan hệ với Đài Loan năm 1979 của Hoa Kỳ.

Hàn Quốc cũng là một quốc gia châu Á đáng được chú ý. Kể từ năm 1953 sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Nam-Bắc, tại Hàn Quốc vẫn duy trì gần 30 ngàn lính Mỹ để đề phòng nguy cơ tấn công của phía Bắc và Trung Quốc. Được bảo đảm an ninh, Hàn Quốc đã làm nên những diệu kỳ diệu trên sông Hàn, trở thành một nền kinh tế đứng thứ 14 thế giới (2013).

Trong thực tế, các nước láng giềng lớn ỷ thế mạnh luôn muốn có sự ảnh hưởng của mình lên các nước nhỏ. Vẫn có những nước coi thường luật pháp quốc tế. Nước Nga của Putin đã sát nhập Cremea và hỗ trợ phiến quân gây rối ở vùng Đông Ukraina, chính là vì Ukraina chưa có chỗ dựa của một đồng minh (cả về kinh tế lẫn quân sự). Cũng tương tự như với Gruzia (Georgia).

Như vậy, với một nước nhỏ, con đường duy nhất có thể ngăn ngừa được ý đồ xâm lược của nước lớn láng giềng là liên minh quân sự với các quốc gia khác. Liên minh không phải để chống bất kỳ quốc gia nào, mà để bảo vệ an ninh cho chính mình.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tuyên bố không liên minh với ai để chống lại nước thứ ba, thực sự ám chỉ nước thứ ba là Trung Quôc, vì họ đang thực thi chính sách phò Tàu. Một nuớc nhỏ hơn, không ngu dại gì gây chiến tranh với nước lớn láng giềng lớn.

Việt Nam bị bó tay và túng quẫn vì lời tuyên bố nêu trên của nhà cầm quyền Hà Nội, trước sự xâm phạm chủ quyền ngày càng trắng trợn của Trung Quốc.

Chính sách phò Trung Quốc để bám giữ và duy trì hệ thống độc tài toàn trị là nguyên nhân cốt lõi của những bế tắc hiện nay. Nhà cầm quyền cũng chẳng hế giấu giếm. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã từng nói (trên tờ Tuổi Trẻ Online 1/01/2013):

“Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Khăng khăng giữ “sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” mà đến hết thể kỷ 21 cũng chưa biết tới chưa (lời của Nguyễn Phú Trọng), thì làm sao có thể liên minh quân sự với các nước dân chủ phương Tây, cho dù có muốn.

Trong hơn hai thập niên qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dường như mở toang cửa đón Trung Quốc vào mặc sức tung hoành, ngậm dấm dần lãnh thổ bằng các biện pháp kinh tế. Các cuộc trúng tổng thầu EPC của Trung Quốc chắc chắn mang lại những lợi ích riêng không nhỏ. Nhà cầm quyền bị kẹt cứng trong vũng lầy ý thức hệ và những lợi lộc từ các dự án.

Cố đấm ăn xôi như vậy nên bị hiếp đáp, trở mặt, Hà Nội vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Và rõ ràng chẳng có cách nào trong bối cảnh ấy có thể “sinh sống hoà bình, hữu nghị với nhau, dĩ nhiên, hoà bình, hữu nghị vẫn phải giữ được độc lập chủ quyền”.

Những cuộc chiến võ mồm của các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội đến Thủ tướng, đều tuyên bố chắc nịch “không lùi bước trước sự đe dọa độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Thấm chí Thủ tướng còn tuyên bố “chính phủ đã chuẩn bị tình huống xấu nhất”. Tình huống xấu nhất là gì? Trung Quốc sẽ phong toả, cấm vận kinh tế? Không bao giờ! Trung Quốc đang được nhà cầm quyền cộng sản “cho” quá nhiều. Hầu hết các dự án xây dựng nhá máy điện, khai thác khoáng sản, đường cao tốc, hoá chất, dầu khí, xi măng…. Dự án Formosa ở khu Vũng Áng được thuê 70 năm đang đòi trở thành đặc khu trực thuộc Văn phòng chính phủ. Chiến tranh ư? Càng không! Để mất cả chì lẫn chài sao!

ông Trần Kinh Nghị, cựu Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch, viết:

“Xem ra những gì vị lãnh đạo tối cao của đất nước vừa nói đều đã được nói trước nay, không có gì mới, trong khi tình hình Trung Quốc (TQ) lấn chiếm biển đảo thì hoàn toàn mới và đang ngày càng diễn biến rất khẩn trương và phức tạp. Đã có quá đủ bằng chứng để cho thấy TQ đã dứt khoát vứt bỏ quan hệ hữu nghị láng giềng, anh em và ý thức hệ… nhằm đạt mục tiêu độc chiếm biển Đông mà trong đó VN là đối tượng chính và trước tiên. Vậy mà người đứng đầu Việt Nam (VN) vẫn gọi TQ “bạn láng giềng lớn”… “muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, không thể lựa chọn, thay đổi được, có ai chọn được láng giềng đâu”.

“Nếu là nhà ở thì có thể bán nhà dời đến chỗ khác sống, nhưng với đất nước thì chỉ có cách giữ nước hoặc bán nước ,và do đó nói là không thể chọn láng giềng là đúng. Nhưng chọn bạn thì ai cấm? Vậy mà VN tự cấm mình khi các vị lãnh đạo thay nhau nhau tuyên bố với thế giới “VN không liên minh với ai…”. Làm sao phải “chưa khảo mà xưng” như vậy nhỉ, nếu không phải là do sợ bóng sợ gió? Đó là bài bản gì nếu không phải là kế sách của kẻ bạc nhược?”.

“Bán anh em xa mua láng giềng gần” đúng trong bối cảnh xã hội con người với nhau, nhưng đưa lên tầm quốc gia với quốc gia đã không còn chính xác. Trong trường hợp Việt Nam và Trung Quốc thì người láng giềng phương Bắc đã mua đứt tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam chứ không phải là ngược lại!

© Lê Diễn Đức

 

Tâm tình người đi gieo

Tâm tình người đi gieo

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Bài dụ ngôn thật đẹp. Đẹp về hình ảnh phong phú. Đẹp về ý nghĩa sâu xa. Nhưng đẹp nhất vẫn là thái độ của người đi gieo. Người đi gieo đã có thái độ vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương.

Người đi gieo đã gieo một cách hào phóng. Hãy nhìn kìa: ông vốc từng vốc lớn hạt giống và rộng tay vung vãi. Ông gieo không tiếc xót. Ông gieo không tính toán. Ông gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.

Người đi gieo đã gieo một cách kiên trì, ông gieo bất kể ngày đêm. Ông gieo bất kể mưa nắng. Ông gieo bất kể những thất bại. Đợt gieo giống đầu tiên đã thất bại vì chim chóc tha đi, ông liền gieo tiếp đợt hai. Bị sỏi đá nắng hạn, cây lúa mất mùa, ông lại đi gieo tiếp đợt thứ ba. Bị gai góc bóp nghẹt, cây lúa bị lụi tàn, ông vẫn không nản, cứ gieo đợt thứ tư. Ông đúng là người đi gieo hạt không biết mỏi mệt.

Người đi gieo đã gieo trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng của ông thật lớn lao. Chính với niềm hy vọng ấy, ông đã dám đầu tư tất cả tiền bạc, sức khỏe, thời giờ vào việc gieo hạt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn, đứng vững trước những thất bại. Vì hy vọng, ông gieo cả trên lối đi, trên đá sỏi, trong cỏ gai. Ông tin rằng có gieo thì có gặt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông kiên trì và sau cùng đi đến thành công.

Người đi gieo đã gieo trong tình thương yêu. Tình thương yêu của ông dạt dào lắm. Nên ông đã không ngại hao tốn tiền của, tâm trí, sức lực. Tình thương ấy bao la lắm. Nên ông động lòng thương đến cả những mảnh đất chai cứng, đá sỏi, gai góc. Tình yêu thương ấy mãnh liệt lắm. Nên ông mong sẽ cảm hoá được cả gai góc, sỏi đá, biến chúng thành đất màu mỡ phì nhiêu. Ông đã có thể chỉ chọn đất tốt mà gieo. Nhưng tình thương yêu mãnh liệt không cho phép ông làm thế. Vì ông không muốn loại trừ những miền đất chai cứng chứa đầy sỏi đá, cỏ gai.

Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống,chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.

Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.

Hôm nay Người muốn ta gieo một cách hào phóng. Hãy gieo không xẻn xo. Hãy gieo không tính toán. Hãy gieo không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện hiện đại nhất để chuyên chở Tin Mừng. H ãy đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống. Hãy đem Tin Mừng tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.

Người cũng muốn ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng. Hãy kiên trì như thánh Phaolô, cứ gieo dù gặp “thời thuận lợi hay không thuận lợi”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai. Hãy cứ gieo dù những thất bại, nhọc nhằn.

Nhưng điều Người mong chờ nhất là các môn đệ của Người hãy đi gieo yêu thương. Yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu, nhưng yêu thương cả những mảnh đất sỏi đá, gai góc. Yêu thương không chỉ những người mình thương và những người thương mình mà còn yêu thương cả những người không ưa mình và mình không ưa: vì một tình yêu thương đích thực thì không loại trừ ai. Chỉ có tình yêu thương mãnh liệt như thế mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi, biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.

Đáp lời Chúa mời gọi, biết bao lớp người đã hăng hái ra đi gieo Tin Mừng tại vùng đất Lạng Sơn này.

Trong số đó phải kể đến Đức cố Giám mục Vinh Sơn Phaolô của chúng ta. Người đã là một người đi gieo không biết mệt mỏi. Qua bao ngày tháng, Ngài vẫn kiên trì không bao giờ chồn chân mỏi gối. Hôm nay Ngài đã trở thành một hạt giống vùi sâu trong lòng đất. Hạt giống ấy, tình thương ấy, sẽ làm mềm sỏi đá, hứa hẹn cho ta một mùa gặt bội thu.

Ta cũng không thể nào quên được công ơn của Đức Hồng Y Phaolô Giuse, cũng là một người đi gieo không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu với gánh nặng của Giáo phận Hà Nội và của Giáo hội Việt Nam, Ngài vẫn sẵn sàng ghé vai gánh đỡ Lạng Sơn trong những lúc cần thiết. Ngài đã gieo mồ hôi nước mắt làm phì nhiêu cánh đồng này. Công khó ấy chắc chắn sẽ góp phần rất lớn cho một mùa gặt mai sau.

Hôm nay, Chúa gởi tôi đến cánh đồng Lạng Sơn này. Lạng Sơn là quê hương tôi. Anh chị em đã đón nhận tôi như đón một người thân. Chúng ta thuộc về một gia đình. Hôm nay Chúa mời gọi tất cả chúng ta vào làm việc trong cánh đồng của Chúa. Chúng ta hãy hăng hái bắt tay vào việc đi gieo Lời Chúa. Hãy noi gương Chúa Giêsu, hào phóng, gieo kiên trì, gieo hy vọng và nhất là hãy gieo yêu thương. Gieo gì gặt nấy. Nếu ta gieo bác ái chắc chắn ta sẽ gặt được yêu thương, một mùa yêu thương tràn ngập trên núi đồi Lạng sơn- Cao bằng này.

Tác giả: ĐGM Ngô Quang Kiệt

GỢI Ý CHIA SẺ

1-   Thiên Chúa không ngừng gieo Lời Chúa vào tâm hồn bạn. Bạn đã đón nhận Lời Chúa thế nào?

2-   Thái độ của người đi gieo cho bạn cảm nghiệm gì về Thiên Chúa?

3-   Chúa mời gọi bạn đi gieo Tin Mừng. Bạn phải có thái độ nào?

NƠI MẢNH ĐẤT ẤY

NƠI MẢNH ĐẤT ẤY

Tác giả: M. Hoàng T Thùy Trang

Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn người gieo giống để diễn tả mầu nhiệm Nước trời. Có thể nói, từng lời trong bài dụ ngôn đã được giải thích rất rõ ràng. Dụ ngôn đề cập đến việc lắng nghe, đón nhận và thực hành Lời Chúa. Lòng người là thuở ruộng, trên đó Thiên Chúa gieo Lời của Ngài. Nếu ai vui vẻ đón nhận và chuyên chăm thực hành thì đó là người được gieo Lời trên đất tốt, chắc chắn sẽ sinh bông hạt tùy thuộc vào thái độ sống của họ: “Đó là kẻ nghe Lời và hiểu thì tất nhiêu sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13, 23)

Hằng ngày chúng ta vẫn được nghe Lời Chúa, được sống bằng lương thực Lời Ngài. Thế nhưng, chúng ta có phúc hay không là tùy thuộc vào thái độ lắng nghe, đón nhận và thực hành. Lời Chúa có trổ sinh bông hạt trong tâm hồn chúng ta, là do chúng ta có thực hành hay không. Nếu nghe chỉ để mà nghe, hiểu chỉ để hiểu và không muốn thực thi thì chẳng khác nào người được gieo trên sỏi đá: “Đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời, khi gặp gian nan hay ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.” (Mt 13, 21) Nếu nghe Lời nhưng không thực thi Lời vì đam mê danh vọng, tiền tài… thì chẳng khác nào kẻ được gieo vào bụi gai: “Đó là kẻ nghe Lời nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quí bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.” (Mt 13, 22)

Nói vậy, số phận hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn thái độ sống của mỗi người hôm nay. Thế giới, hội đủ tất cả những loại người trên. Ai là người có thể đi đến đích cuối cùng và chiến thắng với phần thưởng cao quí nhất cũng hoàn toàn tùy thuộc vào hành động sống của họ hôm nay. Thiên Chúa, người chủ gieo giống tốt lành, không lựa chọn, không loại trừ bất kể mảnh đất nào. Nhưng hạt giống có được trổ sinh hay không là ở mỗi người.

Đức Giêsu đã khẳng định với các tông đồ về phần phúc mà các ông lãnh nhận được khi được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước trời và được chính Ngài giảng dạy: “Mắt anh em thật phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe.” (Mt 13, 16-17) Còn chúng ta ngày nay thì sao, mỗi ngày chúng ta đều được nghe Lời Chúa, được tiếp xúc, đối diện với Lời của Ngài, chúng ta là người có phúc rồi đó, nhưng có dám để cho Lời Chúa lớn lên và trổ sinh bông hạt hay không?

Vốn dĩ Lời Chúa không được lớn lên cũng chỉ tại lòng người không muốn nghe, không muốn đón nhận và từ khước thực thi.

Lạy Chúa, bao nhiêu năm qua Ngài đã nhọc nhằn vỡ đất hồn con và gieo trên ấy biết bao điều tốt lành. Thế nhưng, thái độ lắng nghe, đón nhận và lựa chọn của con đã sai, cho nên chẳng được mấy hạt giống trổ sinh bông hạt. Bao nhiêu mầm sống của tình thương và ơn cứu độ đã bị con phá hủy, làm cho hư nát. Con đã để cho bả vinh hoa phú quí, cùng những đam mê, tham vọng bóp nghẹt, có mấy hạt giống được trổ sinh, lớn dậy trong mảnh đất hồn con đâu. Chả vậy mà con cứ hoài loay hoay, lật đật với mớ bòng bong danh vọng ở đời. Xin đừng dừng lại, xin hãy ở lại nơi mảnh đất ấy, mặc dù đã rất khô cằn, chai cứng, nhưng chỉ cần giọt mưa ân sủng từ trời, chắc chắn sẽ trổ sinh, không cần biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ được trổ sinh…

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

 

“Em đến thăm anh đêm ba mươi,”

“Em đến thăm anh đêm ba mươi,”
“Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.”

(Vũ Thành An/Nguyễn Đình Toàn – Em Đến Thăm Anh Đêm 30)

(1Cor 1: 10)

Thăm anh mà chỉ đến vào đêm 30 thôi sao? Thăm anh đêm đó, có gì vui mà sao em vẫn cứ hát? Đêm 30 “nguyệt tận” buồn chết được, sao em lại cứ đến. Đến rồi, thì cứ giữ niềm vui ta có được vào mọi buổi chứ không chỉ vào đêm 30 thôi em nhé!

Vâng. Trên đây, có thể là một trong những ý-kiến phản-hồi của người nghe nghệ-sĩ hát ý/lời nhị vị đồng tác-giả, đã từng viết. Thêm nữa, nhờ giai-điệu lạ kỳ của loại nhạc thế kỷ lại đã đưa vào với thế-giới của đám trẻ đương yêu, nên đêm 30 mới đỡ buồn! Đỡ hơn cả, là câu ca rất lạ được viết như sau:

“Tay em lạnh, để cho tình mình ấm.

Môi em mềm, cho giấc ngủ em thơm.

Sao giao thừa, xanh trong đôi mắt ngoan.

Trời sắp Tết, hay lòng mình đang Tết.”

(Vũ Thành An/Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Vâng. Sống trên đời, có nhiều thứ và nhiều sự xem ra cũng rất buồn, nhưng người người vẫn cứ cười; và đôi lúc lại cũng thấy vui. Vui có trộn lẫn nỗi buồn, khi đọc câu chuyện nhạt nhẻo hôm nào vào đêm 30 hay 31, có ý/từ như sau:

“Hôm ấy, nữ diễn-giả nọ đứng trước đám đông quần-chúng rất đa dạng, lại cứ hỏi:

-Ngày mai đây, đàn ông các anh sẽ ở đâu nếu phụ-nữ chúng tôi không có mặt trên đời này?

Diễn-giả dừng lại trong phút chốc, nhìn xuống hội-trường im phăng phắc, rồi hỏi tiếp:

-Tôi hỏi lại: hôm nay đây, đàn ông các anh sẽ ở nơi nào, nếu phụ-nữ chúng tôi không ở cạnh để phụ giúp?

Vẫn không thấy ai trả lời/trả vốn gì ráo trọi. Cuối cùng, từ cuối hội-trường có tiếng ai đó nói vọng lên:

-Thì, mấy cha nội ấy vẫn sống hạnh-phúc trong Địa đàng, chứ ở nơi nào nữa bây giờ hỡi bà cô bên chồng của tôi ơi!”

Vâng. Ý kiến của người đọc và người nghe, có thể là như thế. Còn, ý kiến của đấng bậc vị vọng thì khác, nên câu hỏi xem ra xấc láo, coi thường đám đàn ông. Quả là, nếu Giavê khi xưa không rút “khúc sườn cụt” khỏi bụng nam-nhân đầu đời, rồi tặng nữ-phụ thời ấy là Eva, e rằng nữ-lưu phận mình nay chừng cũng khá! Thôi thì, đó cũng chỉ là quan-niệm của người Do-thái ở Kinh Sách thời trước, mà thôi.

Vâng. Ngôn-ngữ đời thường nhiều lúc có hỏi/đáp, cũng vẩn vơ/ơ hờ nhiều khúc mắc. Hỏi và đáp, xem ra không mấy tôn-trọng hoặc tôn-kính ai hết. Hỏi và đáp cách an-nhiên/tự tại như Đức Phanxicô hôm ấy, lại đã kêu mời mọi người hãy có lòng tôn-trọng và tôn-kính mà tìm đến với nhau tạo bình-an, hài-hoà giữa các thế-lực kình-chống, vì mình mang danh con cái Chúa!

Và, trước một cử-toạ gồm các đấng bậc thuộc mọi thành-phần ở Trung-Đông và Do-thái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nói:

“Mọi người chúng ta, ai cũng muốn được bình-an hài-hoà trong tâm hồn. Nhiều vị còn dựng-xây hoà-bình ngày này qua tháng nọ, cả trong giao-tế lẫn hành-xử ở ngoài đời. Trong số những người này, có người đang chịu mọi khổ hình nhưng vẫn kiên-trì làm hết sức mình, hầu trở thành người kiến-tạo hoà-bình, và công-chính.

Còn người khác, đặc-biệt là những người đang chịu khó/chịu cực hầu phục-vụ lợi-ích cho tha-nhân, nay chấp-nhận trở-thành công-cụ phục-vụ có tay nghề hầu dựng-xây hoà-bình thế-giới, đặc-biệt nhờ lời nguyện-cầu của chúng ta. Dựng-xây hoà-bình thế-giới là việc cũng khó làm. Nhưng, sống mà không có sự bình-an, hài-hoà giữa người cùng sống, khác nào cứ phải chịu nỗi cơ-cực liên-tục hành-hạ con người mình. Tất cả mọi người, nam cũng như nữ, sống ở nơi này hay trên thế-giới, vẫn cầu mong ta dâng lên Chúa niềm hy-vọng cao độ, hầu tạo nền hoà-bình chân-chính cho mọi người, ở trần-gian…

Dịp thuận đã tới với mọi người, để ta sống độ-lượng và sáng-tạo trong phục-vụ lợi-ích chung cho mọi người. Hãy can đảm lên, để rồi ta có thể kiến-tạo hoà-bình dựa trên hiểu biết và tôn-trọng quyền-hạn của hai thể-chế đang sống trên cùng một lãnh-thổ hầu tồn tại. Hãy cố-gắng sống hài-hoà, bình-an ngay bên trong đường ranh phân-cách có quốc-tế công-nhận…” (xem Sheila Liaugminas, Pope Francis and Middle East Peace, MercatorNet 27/5/14)

Nói theo cung-cách của đấng bậc ở Toà (cao rất) Thánh, vẫn khích-lệ mọi người hãy sống hoà-bình trong tương-kính, thì như thế. Thế nhưng, nếu ta lại nói như nghệ-sĩ lâu nay vẫn từng hát bài “Em đến thăm anh đêm 30”, có lẽ ta sẽ nói bằng tiếng hát, như sau:

“Tháng ngày đã trôi qua.

Tình đã phôi pha.

Người khuất xa.

Chỉ còn chút hương xưa.

Rồi cũng phong ba.

Rụng cùng mùa.”

(Vũ Thành An/Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Có thể là như thế. Có lẽ là như vậy. Như thế và như vậy, tức: vẫn như nghệ-sĩ  “bình chân như vại”, lại cứ dửng-dưng hát những ý-tứ và ý-từ sầu-buồn rót vào hồn người ngay đêm 30, khi em đến thăm anh.

Hát những lời ca trên, là hát lên một điệu buồn cả vào ngày vui như Tết, ắt đó là động-thái của nghệ-sĩ/nghệ-nhân hoặc người làm nghệ-thuật, không ngại nói hoặc hát ca-từ khá sầu buồn.

Hát lời êm-ái như thế, nhưng vẫn không biết người hát có tôn-trọng nhau hay không khi làm nghệ-thuật, là vấn-đề của mọi thời hệt như lời người viết thư gửi nghệ-nhân thân thương ở báo Úc, như sau:

“Ông Tolkien thân mến,

Phải nói ngay rằng: đây là chuyện lạ ít thấy, khi tôi gọi ông chỉ mỗi tên họ, mà thôi. Có thể, bà xã ông vẫn ơi ới gọi ông vỏn vẹn chỉ mỗi tiếng mỗi tên là Ronald thôi. Nhưng, bạn bè ở Đại học Oxford mình, lại vẫn thường có khuynh-hướng gọi ông đơn giản chỉ mỗi tên là Tollers thôi, kể cũng lạ. Và, một số vị khác, lại xưng hô tên tuổi của ông đầy đủ cả tước vị, là: Giáo-sư Tolkien thế mới chết!

Vâng. Hồi tôi còn mài đũng quần ở ghế nhà trường cách nay khá lâu, bạn bè trường lớp gồm những người giống như tôi lại cứ rủ nhau đánh cá đánh cược xem ai đọc nhiều nhất cuốn “Lord of the Rings” của ông đây? Khi ấy, có cậu bé tên Hugh dám đứng lên tuyên bố: mình từng “ngốn” trọn cuốn truyện này của ông những 11 lần, thế mới sợ! Mẹ của cậu, lại vẫn thường nổi cáu mỗi khi vào phòng thấy cậu “nửa đêm gà gáy đã canh ba” thế mà cậu vẫn say mê chùm chăn kín đọc cho hết cuốn sách chỉ bằng ánh sáng của chiếc đèn pin tay cầm, mà thôi. Và, mỗi lần nhắc tên tác-giả cuốn này, cậu bé Hugh lại cứ gọi ông đây bằng tên tục vỏn vẹn chỉ mấy chữ “J.R.R. Tolkien”, thật rất ngắn. Cậu ta còn tin rằng cuốn “Chúa tể loài nhẫn” sẽ chẳng bao giờ lọt vào mắt xanh của các nhà làm phim để rồi được dàn dựng thành phim truyện, khi nào hết cho mà coi.

Hôm nay, sở dĩ tôi vội viết cho ông đôi giòng này rồi lại gọi tên họ ông là “Tolkien” không phải vì sách ông đã được dựng thành phim truyện nhiều tập rất ăn khách, giúp bọn nhỏ tha hồ mà thưởng-lãm. Đồng thời, ý-tưởng ông viết trong sách nay lại được nhiều công-ty trên thế-giới chế thành đồ chơi Lego cho mọi người; rồi còn in hình tài-tử lên áo thun cùng nhiều thứ khác, rất nổi tiếng. Những chuyện như thế, dĩ nhiên chẳng bao giờ ông bận-tâm để mắt ngó ngàng đì đến. Tôi biết, ông là người rất mực điềm đạm, chỉ thích sách vở như hồi còn ở Đại học Oxford, nhiều năm về trước. Nội,  ý-tưởng trở thành nhân-vật nổi tiếng khắp thế-giới vẫn là điều không tưởng, đối với ông. Ông lại đã từng là người có niềm tin sâu sắc, rất vững mạnh nên mới thành chuyện. Mỗi ngày trong đời, ông dậy sớm đi dự thánh-lễ vào lúc 7 giờ sáng. Cả ông lẫn bà Edith, đều là người xuất-thân từ chốn quê mùa, côi cút nên việc nguyện cầu của ông bà vẫn là phần quan-trọng trong chuyện tình trăm năm của hai người. Và, con trai lớn của ông bà, là John nay lại làm linh mục nữa, thì tôi còn gì để nói nữa đây?

Sở dĩ tôi viết cho ông những giòng này, vì năm nay ta mừng kỷ niệm 100 năm bộc-phát thế-chiến thứ nhất, tức một trong các cuộc chiến thảm-hại nhất trong lịch-sử của nhân-loại. Đây là thứ thiên-tai thật thảm-bại tạo cho thế-giới rất rối-bời của ông cũng như tôi và tất cả mọi người. Về tuổi tác, ông lại là người lẽ đáng cũng có mặt vào thời ấy. Dù không biết, ông vẫn trở-thành một phần của tiến-trình chữa-lành các vết thương cùng dị-tật ấy.

Năm 1916, thoạt bước vào độ tuổi 24, tức không lâu sau ngày ông lấy gia-đình, ông được thăng-chức trở-thành viên Trung-uý phục-vụ đội-ngũ chuyên-biệt về hoả-châu ở Lancashire. Đội-hình đặt dưới quyền ông cai-quản, đã phải “trụ” ở hậu-tuyến suốt hai tuần liền, chờ các bạn chiến-binh bị thương-tích đưa từ trận-tuyến Somme trở về để chữa chạy. Ông đã thấy khiếp-sợ, khi có người lôi chuyện đời ông ra bàn-luận. Sự việc này, càng làm cho mọi người biết thêm nhiều điều về ông, khi ông được thuyên-chuyển ra tiền-tuyến hôm 14/7/1916, hầu chứng-kiến các cảnh-tượng khó có thể diễn-tả dưới ngòi bút của người bình-thường. Theo cách nào đó, ông thật may-mắn khi lên cơn sốt ngay ở dưới hầm-trú và trở-thành phế-nhân rồi được gửi về Luân Đôn, vào những ngày sau đó.

Có câu chuyện nhỏ cũng đem lại nụ cười cho nhiều người, là: khi ông tìm cách giúp các chiến-binh người Đức một đôi chút, trong khi ông chú-tâm vào việc yêu-cầu người lính đó sửa cách phát-âm tiếng Đức quê mùa của ông. Và sau đó, ông còn thêm vào đoạn phê-bình Sam Gangee, là nhân-vật xinh xắn được lồng vào phim truyện bằng tất cả sự tôn-kính mà ông từng tạo cho người lính bình-thuờng vì họ luôn ở trong tình-trạng hỗn-loạn tâm-thức, vào lúc đó.

Ông đã bỏ ra khá nhiều giờ để ráp nối mọi truyện kể, đến độ vợ ông bị quên bẵng ở nhà lo cho 3 con nhỏ, khi ông cứ phải chiến đấu chống lại thứ quỷ ma độc-ác là chiến-tranh. Lâu nay, ông như bị cuốn hút bởi ý-tưởng phải làm sao tạo ngôn-ngữ lạ để hấp-dẫn được người đọc, thì nay khuynh-hướng ấy lại đã nuốt trọn con người của ông trong đó. Đành rằng, ngôn-ngữ bao giờ cũng cần cả chặng dài lịch-sử và cộng-đồng sinh sống, thế nên truyện The Silmarillion đã ra đời, để góp mặt với mọi người. Tôi đây, chắc chắn không là người đầu tiên nhận ra rằng cuốn “Chúa Tể Loài Nhẫn” đã đối đầu giáp mặt với cung-cách thâm-sâu hầu triệt-hạ nhân-loại mà ông từng trải-nghiệm ngay từ đầu, khi khởi sự viết lách. Đây là tác-phẩm đặt tin tưởng mạnh mẽ vào sự công-chính của Đấng Độc Nhất Vô Song. Sách lại được viết qua thị-kiến quyết tái-tạo mọi trật-tự cho con người. Đây là điều mà tôi dám gọi là: tính-chất rất Kitô.

Thế-chiến thứ nhất đã khiến gia-đình nhân-loại bị vùi dập, thật sâu. Với nhiều người, nó dẫn đưa vào chốn tuyệt-vọng cả về khả-năng sáng-tạo ngôn-ngữ, nữa. Cuối cùng thì, không hiểu làm sao ông lại có thể diễn-tả được sự hung-tàn của chiến-tranh đến độ không gì có thể chê-trách được, thế? Ông lại đầu-tư rất mạnh vào tình thương-yêu bằng việc tìm ra ngôn-từ thích-hợp cho nó. Ông chẳng bao giờ muốn có đuợc thứ gọi là “tranh tối tranh sáng” rất mờ ảo, nhưng ông đã giúp đem lại ánh-sáng chói chang cho thế giới này. Đó là điều tôi hằng tôn-trọng ông rất nhiều.

Nay kính,

Michael McGirr

(A letter to Tolkien)

Cuối cùng ra, thì tôn-trọng hay tôn-kính lẫn nhau ở trong đời, vẫn là vấn-đề quan-trọng để ta xây-dựng một thế-giới có thương yêu hết mọi người ở mọi nơi, mọi lúc. Cả, từ lúc có thế-chiến thứ nhất hay vào những “đêm 30 khi em đến thăm anh” hoặc vào ban ngày ban mặt, như lúc này.

Vâng. Lúc này là lúc này đây, khi người người ở huyện bỗng dưng trở nên vô hồn hoặc vô cảm không còn biết “tương kính như tân” nữa. Tương kính rất như tân, không chỉ vào lúc mới ở gần và ở chung đụng nhau trong mọi ngày ở đời. Mà, là những thời những khắc gần cận nhau, biết đến nhau trong cộng-đoàn tình-thương nào khác, mình vẫn sống.

Tương kính như tân, còn là tôn-trọng bất cứ thứ gì tạo niềm vui tươi, thương mến đối với mình và với người, như đấng thánh hiền-lành, từng nhủ khuyên:.

“Nhân danh Đức Giêsu Kitô,

Chúa chúng ta,

tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau

trong lời ăn tiếng nói,

và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em,

nhưng hãy sống hoà thuận,

một lòng một ý với nhau.”

(1 Corinthô 1: 10)

Tương kính như tân, còn là tôn-trọng và tương-kính nhau cả khi biết được rằng cuộc đời còn có những thứ và những sự cần tương-kính hoặc tương-trợ. Tương kính và tương-trợ, cả vào khi mình sống thực trong đời có những thứ và những sự được kể như chuyện thường tình ở đời, diễn-tả bằng thơ văn của người đời, rất như sau:

“Một tờ Giấy khai sinh
Đời bắt đầu từ đó
Khổ, vui.. rình lấp ló
Theo gót ta vào đời.
Rồi suốt bao năm trời
Miệt mài cùng sách vở
Phấn đấu cả một thời
Được mảnh bằng, ná thở!
Kế, nên chồng nên vợ
Một tờ giấy kết hôn
Từ đó xác lẫn hồn
Trói trăn vào ngục thất.
Xuôi dòng đời tất bật
Tranh đấu cùng bon chen,
Nhọc nhằn biết bao phen
Một tờ tiền ”xỏ mũi”
Phải ra lòn, vào cúi
Mới được tờ ”thăng quan”.
Muốn ngó dọc, nhìn ngang

Phải bao lần khúm núm.
Bằng khen, ôi hí hửng
Danh dự được là bao!
Chút hư vinh sóng trào
Ai vỗ tay hoài mãi.
Tuổi chiều đời bải hoải
Đến phòng mạch mới hay.
Cầm giấy bịnh trên tay
Thở dài, từ nay khổ..
Một ngày buồn, nghỉ thở
Xuất hiện tờ điếu văn

Mấy mươi năm cõi trần
Giấy vàng.. bay đầy phố.
Mấy ai bừng tỉnh ngộ
Buông những tờ giấy trên
Giá trị đời đặt lên

Khiến ta thành nô lệ.
Mắc gì mà phải thế!
Gót chân mòn ngược xuôi.
Thôi đuổi bóng tìm mồi
Liền thảnh thơi cười nụ.
Hãy sống đời lạc trú
Với hiện tại đang là.
Từng ngày từng ngày qua
Hồn thăng hoa, tỉnh thức.
Mảnh giấy nào là thực
Khi hơi thở.. chê rồi?
Tất cả là trò chơi
Bởi loài người sáng tạo
Tương đối và hư ảo
Trên kiếp đời mong manh.
Ai buông giấy không đành
Còn chạy quanh mù mịt…

Tương-kính lẫn nhau, là cùng nhau tạo nụ cười rất thảnh-thởi, để rồi cuối cùng bầy rỏ tâm-tình tỏ bày cho nhau, cả vào những đêm tối trời rất 30, khi em đến thăm anh hoặc anh đến thăm em, thăm rất nhiều người, rồi sẽ hát những lời tình-tự rất không thiếu, như bên dưới:

“Em đến thăm anh đêm ba mươi,”

“Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi

Anh nói với người phu quét đường

Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.”

(Vũ Thành An/Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Thăm anh đêm 30 hay đêm nào cũng đặng, miễn em và anh cứ tỏ-bày tình thương như mọi ngày. Thăm anh đêm 30 hay ngày khác, vẫn cần anh và em nói với nhau những lời tương-kính-như-tân vào ngày mình mới quen biết, để sẽ sống gần/sống mãi bên nhau rất nhiều ngày, trong đời.

Cuối cùng thì, có đến thăm anh hay thăm em đêm 30 không để kể cho anh hay cho em những chuyện “buồn thế-kỷ” nhưng chuyện tâm-tình giữa hai bạn tri-kỷ từng thở than, như sau:

“Có ông bạn nọ, vốn buồn tình vào đêm 30 nguyệt tận, gần Tết, bèn đến thăm bạn hiền gần nhà mà kể lể đôi chuyện buồn cho nguôi ngoai như sau:

-Trời đất! Tết nhất đến nơi rồi, mà sao mặt mũi anh cứ bơ phờ buồn bã đến như thế?

-Chả giấu gì anh, mình đang có chuyện buồn trong gia đình, anh ạ!

-Chắc hai vợ chồng lại gấu ó cãi nhau rồi chứ gì? Gì thì gì chứ Tết nhất rồi, bỏ qua đi chứ!

-Bỏ thì cũng được. Nhưng đằng này không phải do vợ mà là do thằng con còn nhỏ mà thôi!

-Sao thế? Ai lại bỏ con bao giờ? Hình như anh chỉ có mỗi đứa con trai thôi, làm sao bỏ?

-Vâng. Đúng thế. Nhưng, lúc này nó tệ quá anh ạ. Ai đời, mới tí tuổi đầu mà đã nghiện rượu rồi ,mới chết chứ!

-Thế thì tai hại thật! Vậy bây giờ anh chị tính thế nào?

-Ấy đấy, tôi đành phải tự đi mua rượu thôi, chứ cứ nhờ nó mua là y như rằng lúc về chỉ còn chừng phân nửa… Anh tính xem tôi nên bỏ bỏ nó đi cho khuất mắt không?

-Tôi khuyên anh bỏ rượu thì được chứ đừng bỏ con. Tức: không uống nữa, thì cả bố lẫn con đều còn đó, không buồn đâu. Nghe tôi đí. Với lại ngày mai Tết nhất đừng có mà buồn rười rượi như đêm 30 nữa nhé!”

Nghe truyện, lại nhớ đến thơ, đến câu nhạc trên vần hát rằng:

“Em đến thăm anh đêm ba mươi,

Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi

Anh nói với người phu quét đường

Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.”

(Vũ Thành An/Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Hãy hát mãi như thế, những lời ca vào đêm 30 hay 31 gì cũng được. Nhưng, chỉ hát mỗi lời vui thôi; rồi, sẽ nói với người phú quét đường đế “xin chiếc lá vang làm bằng chứng yêu em”. Bởi, những lời vui như thế, mới đáng là lời lẽ ta cần minh chứng với nhau, suốt cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ mong cho mình

và cho người

câu yêu-thương tôn-trọng

và tôn-kính nhau,

suốt cuộc đời.

‘Lãng tử hồi đầu’

‘Lãng tử hồi đầu’
July 06, 2014

Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương


Từ năm 111 trước Công Nguyên, Việt Nam bắt đầu 1,000 năm Bắc thuộc, trong thời gian này đã có nhiều cuộc khởi nghĩa của người Việt chống lại sự thống trị của vương triều phương Bắc.

Sau khi giành độc lập, các triều đại phong kiến của Việt Nam thường có một thái độ ngoại giao là khôn khéo và mềm mỏng, duy trì bang giao với các triều đại phong kiến, và giữ chế độ triều cống để nhận được sự công nhận ngoại giao của các triều đại Trung Quốc.

Việt Nam đã giữ việc gửi sứ giả sang triều cống các hoàng đế Trung Hoa với những lễ vật, đặc sản địa phương hàng năm hoặc khi có sự thay đổi ngôi vị lãnh đạo, hay kế vị ngôi vua với mục đích để bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tâm lý là để xoa dịu một quốc gia lớn mới bị bại trận khỏi mất thể diện.

Theo các nhà sử học như Francois Joyaux, hành động triều cống chủ yếu là nghi lễ ngoại giao, không có ảnh hưởng gì đối với quyền nội trị và bang giao với các nước khác của Việt Nam. Cũng cần ghi nhận rằng càng về sau việc triều cống của các triều đình phong kiến Việt Nam đối với các triều đại phong kiến phương Bắc càng giảm dần và càng mang tính hình thức nhiều hơn. Và “triều đình Việt cần sự thụ phong Trung Hoa để được kính nể, cũng như một quốc gia tân tiến ngày nay không thể tránh khỏi sự thừa nhận quốc tế để đứng vững.”

Như vậy quan hệ giữa Trung Hoa và Việt Nam là quan hệ giữa một quốc gia nhỏ và một nước lớn, có nhẹ nhàng như trước đây thì Việt Nam cũng phải là đứa em phải biết vâng lời đàn anh. Chưa bao giờ Việt Nam được coi là chư hầu của Tàu, tệ hơn là như ngày nay Trung Quốc lớn láo coi Việt Nam là thứ con cái mà là thứ con cái hư đốn và Trung Hoa là phụ mẫu.

Trung Quốc vẫn thường kể công là đã viện trợ cho Cộng Sản Bắc Việt từ năm 1955-1975 hơn 1 triệu 5 tấn lương thực, hậu cần và trang bị kỹ thuật, hơn 4 triệu khẩu súng đủ loại từ súng trường cho tới tên lửa, nhiều tàu chiến, xe tăng. CSVN là kẻ chịu ơn Trung Cộng, nhưng lại vô ơn, nên Trung Cộng đã cất quân hỏi tội Việt Nam, và “cho một bài học” như năm 1979. Ðối đáp với đại ân nhân, để cân bằng số lương thực, súng đạn này, Bắc Việt cho rằng mình đã đóng góp lại bằng xương máu của dân Việt, như vậy không ai phải mang ơn ai, như các nhà lãnh đạo CSVN đã tuyên bố, “Việt Nam đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc, tiền bạc, vật chất nào trả nổi sinh mạng của khoảng 3-5 triệu người?”

Cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 sau khi Trung Cộng bất bình vì Việt Nam kéo quân sang Kampuchea, được phía Việt Nam gọi là “chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc” hay “cuộc chiến chống bè lũ bành trướng phương Bắc,” trong khi Trung Cộng gọi là “chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam.”

Mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Cộng, bất đồng về cuộc chiến Ðông Dương từ lâu đã biến hai nước bạn thành thù.

Từ năm 1973, lãnh đạo Trung Cộng đã có lập trường: “Bề ngoài ta đối xử tốt với họ (Việt Nam) như đối xử với đồng chí mình, nhưng trên tinh thần phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta.” Dưới con mắt Bắc Kinh, Việt Nam vẫn là kẻ “hắc tâm,” “vô ơn,” “ngạo ngược.” Quân Việt Nam có mặt ở Lào, Kampuchea đã làm cho Trung Quốc lo ngại về một “tiểu bá quyền” Việt Nam và thâm tâm Bắc Kinh luôn luôn “dạy cho Việt Nam một bài học.” Mối quan hệ xem ra có vẻ tốt đẹp sau này là một mối quan hệ “bằng mặt mà không bằng lòng” xem ra vẫn âm ỉ thù hận. Theo Tiến Sĩ Lý Tiểu Binh của Ðại Học Central Oklahoma cho VOA Việt Ngữ (tháng 2, 2012) hay, có khả năng Bắc Kinh lại muốn dạy cho Việt Nam một bài học mới nữa.

Tương quan giữa Trung Cộng và Việt Cộng, như vậy chưa bao giờ là tương quan giữa cha con hay chủ tớ, như Trung Cộng vừa ngang ngược, trịch thượng lên tiếng, coi Việt Cộng như con cái, mà lại là đứa con “ngỗ nghịch,” mà người cha, phải xử lý nó đúng với trách nhiệm của mình! Còn những đứa con cũng phải biết thân phận mình đang ở vị thế nào! “Trung Quốc dụng tâm lương khổ, phụng khuyến Việt Nam lãng tử hồi đầu”(dịch: Trung Quốc phải dùng tâm trạng đau khổ kêu gọi đứa con hoang ngỗ ngược Việt Nam sớm hối cải trở về).

Trung Cộng không muốn ai can thiệp vào chuyện “nội bộ” của Việt Nam và Tàu vì đây là chuyện trong nhà, “xử lý nội bộ” hay “đóng cửa dạy nhau,” hay tệ hơn nữa là “đóng cửa dạy con.” Ðất nước Việt Nam chẳng qua chỉ là khu vườn sau của Trung Cộng và chính phủ Việt Nam là “đứa con hỗn xược!” (Một nhà ngoại giao Á Châu ở Hà Nội nói với báo Der Spiegel (”Tấm Gương”): “Bắc Kinh bực tức những đứa trẻ con hỗn xược trong ngôi vườn ở phía Nam của Trung Quốc.”) Như vậy với những khẩu hiệu ngoại giao, vuốt ve, “16 chữ vàng” trong thời gian trước, đã được Trung Cộng vứt vào hố xí, mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vẫn cứ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong một thế yếu vì đã quá lệ thuộc, một hai coi Trung Cộng là “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau…” Trong thời điểm này mà Nguyễn Tấn Dũng còn “cúc cung:”- “ Việt Nam lúc nào cũng biết ơn sự hỗ trợ và giúp đỡ lớn từ Trung Quốc!”

Hèn mạt đến thế sao!

Cách nói xách mé của Trung Cộng bây giờ nghe ra không khác gì lời nói xấc láo của Tôn Nữ Thị Ninh, đối với quần chúng. Thị nguyên là Ðại Sứ Ðặc Mệnh Toàn Quyền của Việt Nam tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), phó chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Quốc Hội Ba Ðình, ủy viên Trung Ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, đã từng tuyên bố trong buổi họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, rằng, “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”

Thưa bà phó chủ tịch, nếu nay mai Ðại Sứ Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc mượn tạm “danh ngôn” của bà để phát biểu, khi có ai đó chất vấn về cuộc xung đột Việt Trung vừa qua, thì bản thân bà có nghe lọt lỗ tai không? Cũng quan hệ theo lối này, thì những anh hàng xóm như ASEAN, Nhật Bản, Phillippines, Mỹ và ngay cả Tòa Án Quốc Tế “đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình cha con chúng tôi.”

Trung Cộng càng ngày càng lấn lướt, thâm độc, dùng tất cả “mưu ma chước quỷ” để “chơi” Việt Nam “làm cho cho mệt cho mê, làm cho đau đớn ê chề cho coi!”

Không những một, mà Trung Cộng đem tới Biển Ðông bốn giàn khoan! Rồi sao? – Việt Nam đang chờ một “thời điểm thích hợp” để kiện Trung Cộng ra Tòa Án Quốc Tế! Lời tuyên bố “hùng hổ” này chắc làm Bắc Kinh sợ “vãi đái!”

Việt Nam đang ở trong thế không biết kêu “mạ” nào, có một mụ mạ, ông cha thì đã cho mình là đứa con hỗn xược, cần dạy dỗ và cứ lăm le đòi cho roi vọt thì còn trong cậy đến ai bây giờ!

Lại nói chuyện ‘đi và về’

Lại nói chuyện ‘đi và về’

May 11, 2014

Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương

“…thứ nhất tôi không thích chính trị,
thứ hai là tôi không có dính tới chính trị.
Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”
(Phát biểu của một danh ca tị nạn cộng sản tại hải ngoại)

Tháng Chín, 2012, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn CSVN ký giấy phép đồng ý cho ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam hát, theo đó, Khánh Ly sẽ có mặt trong bốn chương trình do Công Ty Giải Trí Ðồng Dao tổ chức tại ba thành phố lớn: Hà Nội, Ðà Nẵng và Sài Gòn. Dư luận hải ngoại đã lên tiếng về chuyện về hay không về, thương và ghét, nhưng rồi như chơi “trò ú tim,” Khánh Ly không về, nhưng không hề nói lý do, trong đó có phải một phần phải chăng từ nguồn dư luận từ hải ngoại tỏ ra không đồng tình với chuyện về của cô.


Ca sĩ Khánh Ly. (Hình: Facebook)

Nhưng năm nay, Khánh Ly đã thực sự về đến Việt Nam và “hát cho đồng bào mình nghe” như cách nói của ca sĩ Lệ Thu trong một cuộc phỏng vấn của BBC hồi Tháng Giêng, 2013.

Bênh vực cho bạn “đồng nghiệp” Khánh Ly, Lệ Thu nói: “Tôi có thể hát được ở Úc, Pháp, Anh, Ðan Mạch thì tại sao tôi không hát được trên quê hương tôi?” Và Lệ Thu cũng tỏ thái độ rõ ràng hơn: “Từ khi bắt đầu hát cho tới giờ, thứ nhất là tôi không thích chính trị, thứ hai là tôi không có dính tới chính trị. Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”

Tôi nghĩ, khác với Lệ Thu, Khánh Ly chưa bao giờ phát biểu theo lối này. Cô có thái độ chính trị rõ ràng, đã buồn vui theo vận nước nổi trôi, với những ngày “nội chiến,” với những đêm “chôn dầu vượt biển,” thiết tha với “Sài Gòn ơi vĩnh biệt!” với “Ai về xứ Việt,” và cô đã mặc chiếc áo dài vàng quốc kỳ Việt Nam trên sân khấu hải ngoại! Cô cũng là người đã từng nói: “Ði thì cùng đi, về thì cũng cùng về!” Hoặc như là: “Tôi chỉ về khi không còn chế độ cộng sản nữa mà thôi!”

Cũng như chúng ta biết trong một cuộc phỏng vấn của tuần báo Việt Weekly trước đây, ông Nguyễn Hoàng Ðoan, chồng của Khánh Ly, trả lời về nguồn tin “Khánh Ly được trả cát xê $2 triệu để mời cô về hát,” ông Ðoan đã khẳng định rằng: “Chị không thể nhận lời là vì, trong 30 năm nay, khán giả hải ngoại là người đã nuôi sống gia đình anh chị, để anh chị có cơ hội nuôi các con ăn học đâu ra đó. Anh chị không thể nào quay lưng lại, nhổ nước bọt vào những người quý mến mình, cưu mang mình…” và “… chị không thể phản bội lại những người hải ngoại, dù số lượng khán giả hải ngoại rất là nhỏ so với trong nước, nhưng họ chính là người đã từng nuôi nấng tiếng hát của chị trong 30 năm nay.”

Nhưng bây giờ Khánh Ly cũng có thể bắt đầu nói như Lệ Thu và còn tệ hơn thế nữa. Theo báo Giáo Dục Việt Nam ở trong nước, thì Khánh Ly đã có nhiều phát biểu hoàn toàn trái ngược và phản bội lại những gì cô đã nói, đấm ngực mình xưng tội “lỗi tại tôi mọi đàng.”

“Tôi rất hối hận, tôi muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ của tôi. Tôi chỉ muốn về thăm quê hương như một người bình thường.”

Khi được hỏi chuyện Khánh Ly tham gia vào các chương trình ca nhạc kháng chiến thời Hoàng Cơ Minh, thì cô nói: “Tôi tham gia vì ham vui, vì có tiền, chứ chẳng bao giờ tin vào Hoàng Cơ Minh cả,” và: “Dưới sức ép của các phe nhóm phản động, tôi phải hát cho các chương trình của họ. Nếu không sẽ bị coi là không xác định lập trường.” (Báo Giáo Dục Việt Nam, ngày 7 Tháng Tám, 2012)

Và ai bắt Khánh Ly phải nói nặng lời, “vỗ mặt” với những người chưa muốn “về” như cô: “Tôi hy vọng là không phải ước mơ chỉ của riêng tôi mà là ước mơ chung của tất cả những người được gọi là người…”

Tội nghiệp cho Khánh Ly, đã năn nỉ, “hối hận, muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ” nhưng rõ ràng là Khánh Ly không biết thân phận mình, may ra cũng chỉ hát được ở Hà Nội, còn Huế và Sài Gòn thì xin hẹn kiếp khác! Như vậy thì cũng chưa là “bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc,” như lời nói phấn khởi của Phạm Duy đâu!

Ðộng lực nào đã làm cho Khánh Ly thay đổi, quay vòng 180 độ như vậy, nó cũng giống thái độ của Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ về nước, cũng tuyên bố quá lời, tỏ ra hối hận về những điều họ đã nói đã làm trong quá khứ, tệ hơn nữa, là hết lời lên án cộng đồng tị nạn đã nuôi sống họ một thời gian dài bằng cả tinh thần lẫn vật chất.

Nếu chúng ta đã từng suy nghĩ: “Phạm Duy là thế đó!” thì cũng đừng nên ngạc nhiên với con người Khánh Ly. Về phía chính quyền Việt Nam việc này, việc Khánh Ly về, đương nhiên là có lợi cho họ.

Vì tiền thì ai cũng cần, vì nhu cầu đứng trên sân khấu với một số lượng khán giả lớn lao thì người nghệ sĩ nào cũng mơ ước, có thể một lần rồi thôi, nhưng như thế cũng làm cho người nghệ sĩ thỏa mãn ít nhất là một lúc nào đó ở cuối đời khi nhan sắc và giọng hát đã đi vào những ngày cuối đời. Ngay cả những nhà văn, nhà thơ miền Nam đã một thời mặc áo lính cũng về nước giới thiệu sách, “giao lưu văn hóa” thì còn trách gì ai! Cũng không thể nói rằng: “Tôi đã ra mắt sách ở Sydney, đọc thơ ở Paris, vì sao tôi không thể làm chuyện ấy ở Hà Nội?”

Nhưng liệu Khánh Ly có cần phải nói những lời hối tiếc và than thở, vì sự thật ở hải ngoại này, ngoài sự hấp dẫn của đồng đô la màu lục, không có “sức ép của các phe nhóm phản động nào” bắt Khánh Ly phải lên sân khấu như lời tuyên bố của cô?

Khánh Ly cứ về, nhưng ai bắt Khánh Ly phải lên giọng kết án nơi chốn mà cô đã dung thân gần 40 năm qua. Không như Phạm Duy về luôn Việt Nam, cô còn có con đường trở lại nơi đây, mà chắc chắn không để nương mình nơi tu viện.

Trước Khánh Ly thì Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Hà, Thanh Tuyền, Ý Lan, Thái Châu, Sơn Tuyền, Ðức Huy, Giao Linh, Phương Dung, Chế Linh…(danh sách còn dài) đã về hát trong nước. Ca hát cũng là một cái nghề kiếm sống! Những Chế Linh, Sơn Tuyền thì không nói làm gì, ngay cả Lệ Thu, dư luận hải ngoại cũng không hề quan tâm, nhưng với Khánh Ly thì lại khác. Cô đã có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ qua một thời gian dài, từ trong nước ra đến hải ngoại. Phải chăng “thương nhau lắm thì cắn nhau đau,” chì chiết lắm cũng vì đã quá thương mến, đã là thần tượng thì phải giữ hình ảnh thần tượng trong lòng những người hâm mộ.

Chỉ có một điều tích cực là dù sao thì Khánh Ly và những ca sĩ “trở về xứ Việt” không phải để hát “Dưới bóng cây Kơ-Nia,” “Tiếng chày trên sóc Bam Bo,” hay “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” mà là những bài hát của một thời thịnh trị, hạnh phúc miền Nam, mà có thể ngày trước miền Bắc chỉ được nghe lén, và người miền Nam đã thương đã nhớ từ ngày Sài Gòn thất thủ. Ðó là những thứ mà khán giả trong nước đang chờ đợi, kể cả những viên chức chính quyền cộng sản như thứ trưởng Văn Hóa Vương Duy Miên. Nỗi khát khao đó được đánh giá trên những chiếc vé vào cửa nghe Khánh Ly hát, đắt hơn nghìn lần bữa cơm của những đứa trẻ mò cua bắt ốc trên cánh đồng Việt Nam!

Tôi chỉ tiếc trong lần về Việt Nam này, trong lần viếng mộ Trịnh Cộng Sơn, những việc như Khánh Ly rót rượu Cognac lên thân tượng, tạo dáng để phóng viên Ngoisao.vn chụp ảnh đưa lên Internet mang đầy kịch tích, không hề có một mảy may xúc động, tình cảm. Gia đình Trịnh Công Sơn cho biết, lần này có nghe chuyện khánh Ly về nhưng không được thăm viếng cũng như không hề liên lạc.

Ðúng là “búa rìu dư luận,” trong nước chê Khánh Ly là “Danh ca về nước vì… tiền” (Tiền Phong Online), “Ca sĩ Khánh Ly lại… nhúng chàm” (Việt Báo Online), “Sự tráo trở của Khánh Ly” (GDVN), hải ngoại thì lên án Khánh Ly là “phản bội.”

Có lẽ Khánh Ly suy nghĩ đã dám sống thật cho mình, bước qua dư luận, chỉ tiếc là trước sau không như một. Thà cách đây mươi năm cô đã nói thẳng như Lệ Thu nói hôm nay “thứ nhất tôi không thích chính trị, thứ hai là tôi không có dính tới chính trị. Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”

Ngày xưa Ðỗ Mục than thở:

“Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Ðình Hoa!”

Bên kia sông thì quá gần để tiếng hát còn vẳng lại, xa nửa vòng bên kia trái đất thì ai còn nghe. Thôi thì cứ “Hát nữa đi em!”

 

Thoát Trung”, “thoát Cộng” và “thoát Sợ”, cái “thoát” nào là nền tảng?

Thoát Trung”, “thoát Cộng” và “thoát Sợ”, cái “thoát” nào là nền tảng?

Nguyễn Chính Kết (Danlambao)“…Một trong những khẩu ngôn rất giá trị nói lên bí quyết để “thoát Cộng” là: “Đừng sợ những gì cộng sản làm, hãy làm những gì cộng sản sợ”. Khẩu ngôn này gồm hai vế “Đừng sợ” và “Hãy làm”. “Đừng sợ” là nội dung chính của cả bài này. Còn “Hãy làm” thì chúng ta cần xác định xem cộng sản sợ gì nhất. Thưa: điều cộng sản sợ nhất hiện nay, chính là sợ người dân không còn sợ khủng bố nữa, nghĩa là CSVN rất sợ chính sách khủng bố của mình bị vô hiệu hóa, không còn hữu hiệu hay tác dụng nữa. Cộng sản tồn tại được là nhờ người dân sợ khủng bố. Khi người dân không còn sợ khủng bố nữa, thì đó là lúc nỗi sợ hãi sẽ quay ngược trở lại để trở thành nỗi kinh hoàng cho chính kẻ khủng bố. Và đó là lúc chính thức báo hiệu “hết thời” cho cả một chế độ phi nhân tàn bạo…”

Chuyện “thoát Trung” là điều mà đảng CSVN cần thiết phải làm, có trách nhiệm phải làm và có thể làm được để đất nước thoát khỏi hiểm họa Bắc thuộc lần thứ năm đang có nguy cơ rất lớn trở thành hiện thực. Tuy nhiên, cho tới nay, nhà cầm quyền CSVN chưa hề tỏ một dấu hiệu nào đáng tin tưởng chứng tỏ thiện chí thật sự muốn “thoát Trung” để cứu nguy đất nước cả.

Hiện nay, qua việc bỏ tù những người chống Trung Cộng xâm lược như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Việt Khang, Bùi Minh Hằng, Phương Uyên, Nguyên Kha, v.v… và qua việc đàn áp mạnh tay những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, ta thấy rõ ràng rằng những người dân yêu nước, muốn bảo vệ lãnh thổ lãnh hải, chống Trung Cộng xâm lược… đều không chỉ bị Trung cộng mà ngay cả CSVN coi như kẻ thù cần phải tiêu diệt.

Hành động của Trung cộng xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam, đặt nhiều giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rõ ràng là hành động xâm lược Việt Nam cách nghiêm trọng, thế mà CSVN không hề có một hành động nào mạnh mẽ và hữu hiệu ngăn cản hành động xâm lược đó cả. Chính vì thế, hành động xâm lược của Trung cộng có điều kiện để càng ngày càng leo thang. Qua thái độ của CSVN đối với Trung Cộng và đối với người dân yêu nước, ta có thể đoán ngay được rằng CSVN vẫn sẵn sàng làm công cụ cho Trung cộng, tiếp tay với Trung cộng trong mưu đồ thôn tính Việt Nam.

Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, ắt hẳn đất nước Việt sẽ không thoát khỏi tình trạng bị Trung Cộng thôn tính. Đừng chờ khi Việt Nam đã trở thành một tỉnh của Trung cộng rồi, chúng ta mới dám xác định những điều vừa kể.

Ý thức được nguy cơ ấy, chẳng lẽ dân Việt lại phó thác số phận dân tộc mình cho đảng CSVN quyết định ra sao cũng được? Chẳng lẽ cả một dân tộc có lịch sử chống Tàu rất anh hùng lại phó mặc để CSVN dâng đất nước cho Tàu? Chẳng lẽ chúng ta lại sẵn sàng cúi đầu chấp nhận làm thân phận người dân thuộc địa của Trung cộng?

Trong hoàn cảnh này, người dân Việt Nam nếu không tự cứu mình thì chẳng ai có thể cứu mình được. Toàn dân chúng ta phải dành lại quyền quyết định số phận của mình chứ không thể phó thác quyền ấy cho đảng CSVN, vốn đã từng nhiều lần bán đất bán biển của tổ tiên cho kẻ thù dân tộc. Vì thế, vấn đề trước mắt của người dân Việt trong và ngoài nước hiện nay không phải là chuyện “thoát Trung”, mà là “thoát Cộng”. Nghĩa là phải thoát khỏi ách thống trị của chế độ CSVN, không để cho CSVN đè đầu cưỡi cổ và toàn quyền định đoạt số phận cho cả dân tộc nữa. Một khi đã “thoát Cộng” thì việc “thoát Trung” cũng trở nên rất dễ dàng.

Đối với nhà cầm quyền CSVN, “thoát Trung” vốn chỉ là cái ngọn, còn cái gốc của vấn đề này là CSVN có chấp nhận từ bỏ tham vọng muốn “muôn đời trường trị” trên dân tộc Việt Nam hay không, có sẵn sàng từ bỏ quyết tâm bám lấy quyền lực để cưỡi cổ đè đầu người dân Việt Nam hay không, có thật sự từ bỏ ý định làm công cụ cho tham vọng bành trướng của Trung Cộng hay không. Nếu không, việc “thoát Trung” chỉ là ảo tưởng!

Tương tự như vậy đối với người dân Việt Nam, “thoát Cộng” cũng chỉ là cái ngọn, còn cái gốc của vấn đề là người dân Việt có thoát được nỗi sợ hãi mà chế độ CSVN đã gieo vào lòng mỗi người dân từ nhiều thập niên qua hay không. Nếu không, việc “thoát Cộng” cũng chỉ là ảo tưởng! Nỗi sợ hãi này đã trở thành “cố hữu”, đã ngấm vào mạch máu của từng người dân Việt; vì ngay từ khi cướp được chính quyền năm 1945, CSVN đã áp dụng ngay chính sách khủng bố để giết hại, bỏ tù, xách nhiễu, đe dọa bất kỳ người dân nào dám nói hay dám làm điều gì bất lợi cho tham vọng “muôn đời trường trị” của họ. Vụ Nhân Văn Giai Phẩm là một điển hình. Nỗi sợ hãi đối với sự khủng bố của CSVN vẫn luôn luôn đè nặng trên tâm thức của rất nhiều người Việt, kể cả trong nước lẫn hải ngoại, khiến họ không dám làm những gì mà lương tâm, lòng yêu nước hay sự hợp lý đòi hỏi. Đây là thành công rất lớn của cộng sản, nhờ vậy mà chế độ CSVN vẫn tồn tại suốt gần 70 năm qua, dù đảng này từ rất lâu đã trở nên bất xứng trong việc lãnh đạo đất nước, dù đảng này đã làm đất nước tụt hậu hàng trăm năm so với những nước chung quanh, dù dân chúng từ lâu rất căm phẫn trước những hành vi vô cùng tàn bạo của đảng này đối với người dân…

Đừng nói gì đến nỗi sợ của người dân trong nước là những người đang trực tiếp sống dưới sự cai trị hà khắc của CSVN, mà ngay cả người Việt ở hải ngoại, dù sống trong những đất nước tự do, vẫn có rất nhiều người bị nỗi sợ ấy ám ảnh. Thật vậy, nhiều người ở hải ngoại không dám nói gì đụng chạm đến chế độ cộng sản dù điều nói đó là sự thật hay là điều cần thiết phải nói. Hoặc họ không dám công khai đi biểu tình để lên tiếng thay cho người dân trong nước đang bị CSVN bức hại cách bất công và bị bịt miệng không nói lên được nỗi uất ức của mình.

Ở những đất nước tự do như thế, tại sao họ lại sợ CSVN vốn cách xa có khi tới nửa vòng trái đất? họ sợ những gì? − Thưa: họ sợ không được toà đại sứ hay lãnh sự CSVN tại đất nước họ đang sống cấp giấy phép cho họ về Việt Nam; họ sợ khi về thăm quê hương sẽ bị công an CSVN mời làm việc, gây phiền nhiễu cho họ, vân vân và vân vân. Nếu người dân của một đất nước cứ chấp nhận “cúi đầu”, “khom lưng” như vậy, thì dân tộc ấy có bị những chế độ bất lương cưỡi lên đầu lên cổ mình hẳn nhiên không có gì là lạ?!

Nỗi sợ bị CSVN khủng bố khiến rất nhiều người dân không dám phản đối những tội ác của các cán bộ CSVN. Ngay cả những vị rao giảng những tôn giáo có chủ trương chống ác khuyến thiện, cũng vì sợ mà đành phải chấp nhận cái nguỵ biện này: “Từ bản chất, tôn giáo nào cũng có sứ mạng chống ác và khuyến thiện; tuy nhiên chống lại những tội ác do ai làm thì cũng đều tốt, đều nên làm và phải làm; nhưng chống lại tội ác do CSVN gây nên thì không được phép, vì chống ác trong trường hợp này là làm chính trị, mà tôn giáo thì không làm chính trị!” Nhiều vị hùng hồn rao giảng chủ trương “vô úy” hay khuyến khích hành vi “vô úy thí” của Phật, hay cổ võ lời khuyên “Đừng sợ những kẻ chỉ làm hại được thân xác mà không làm hại được linh hồn…!” của Đức Giêsu [1], nhưng chính bản thân họ lại rất sợ bị công an CSVN phiền nhiễu, đến độ không dám nói sự thật, không dám chống bất công, đành chấp nhận nói sai sự thật, sẵn sàng dung dưỡng bất công!

Nhưng rất may cho dân tộc ta là hiện nay xuất hiện càng ngày càng đông những người dân vượt thắng sợ hãi, không sợ khủng bố, nhất là giới trẻ. Họ dám mạnh mẽ lên tiếng tố cáo tội ác của CSVN, kể cả tội của những lãnh đạo cao cấp nhất chế độ, dù biết rằng sau đó họ có thể bị CSVN bỏ tù hoặc mưu hại. Trong số đó có nhiều người rất trẻ tuổi và là phái yếu như Công Nhân, Thanh Nghiên, Thục Vy, Hoàng Vy, Minh Hạnh, Phương Uyên, v.v… Bí quyết gì khiến họ dám “thoát Sợ”, dám lên tiếng cho sự thật, cho công lý, dám làm những hành động mà lòng yêu nước đòi hỏi?

Bí quyết để “thoát Sợ” chính là sẵn sàng chấp nhận chính những gì mà bản năng khiến mình sợ sẽ xảy ra. Thật vậy,

− Ai sẵn sàng chấp nhận chết sẽ không còn sợ chết nữa.

− Ai sẵn sàng chấp nhận vào tù sẽ không còn sợ tù nữa.

− Ai chấp nhận bị công an liên tục mời “làm việc”, bị công an bắt cóc giữa đường, bị công an hành hung… thì sẽ không còn sợ những thứ ấy nữa.

Hiện nay, biết bao người thuộc đủ mọi giới, mọi tầng lớp đã thoát được những nỗi sợ cố hữu ấy, lẽ nào người khác lại không? Nhất là những người tự hào có bản lãnh, những người đáng lẽ phải làm gương về điều này!?

Sống trong một chế độ phi nhân, chủ trương khủng bố như chế độ CSVN, những ai không chấp nhận bị đau, bị khổ, bị phiền nhiễu, bị bạc đãi, bị tù đày, thậm chí bị giết… thì luôn luôn phải triền miên sống trong sợ hãi. Trong đó, có những người rất khổ tâm, bị lương tâm thường xuyên cắn rứt, vì họ bị sợ hãi khống chế nên đã làm nhiều điều hèn nhát, trái với những gì lương tri hay lương tâm đòi hỏi.

Nói chung, do bản năng ham sống sợ khổ, chẳng ai tự nhiên lại chấp nhận cái chết, chấp nhận đau khổ, chấp nhận tù đày, chấp nhận bị phiền nhiễu cả… Người ta chỉ chấp nhận những thứ đáng sợ ấy khi người ta muốn đạt được những giá trị rất lớn, hoặc muốn tránh khỏi những tai họa đáng sợ hơn gấp bội, chỉ lúc ấy người ta mới sẵn sàng trả giá bằng cách chấp nhận những điều đáng sợ kia.

Xin lấy một minh họa cho dễ hiểu. Chẳng hạn, chẳng ai muốn mất tiền, mất của, mất nhà mất cửa cách phi lý, thậm chí mất như thế là một nỗi sợ. Nhiều người đã ngất xỉu khi bị mất một món tiền thật lớn. Nhưng nếu mất tiền để đạt được một điều gì có giá trị lớn gấp bội thì người ta sẵn sàng chấp nhận mất. Thậm chí họ còn vui mừng khi đã đạt được cái giá trị mà mình đã bằng lòng trả giá bằng sự mất mát kia. Người ta cũng sẵn sàng chấp nhận mất một món tiền rất lớn để khỏi mất đi một số tiền lớn hơn, hoặc để tránh được một tai hoạ nào đó.

Tương tự như thế, các nhà đấu tranh dân chủ trong nước sẵn sàng chấp nhận vào tù, chịu thiếu thốn, đau đớn, nhục nhã, thậm chí cả cái chết là để đạt được một giá trị lớn hơn gấp bội, đó là sự tự do và hạnh phúc của cả một dân tộc. Nếu không nhắm cái giá trị cao cả đó, không ai dại gì dấn thân vào con đường nguy hiểm ấy cả.

Chẳng hạn Kỹ sư Đỗ Nam Hải đã tuyên bố: “Tôi sẵn sàng bước vào một nhà tù nhỏ để dân tộc này sớm bước ra khỏi nhà tù lớn. Nhà tù lớn ấy hiện nay mang tên là Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam[2]. Hay như chị Bùi Thị Minh Hằng đã thét lên trong một cuộc biểu tình: “Chúng tôi nằm xuống để dân tộc này đứng lên; chúng tôi chết để dân tộc này được sống[3].

Hoặc có người sẵn sàng chịu đau khổ hay chết đi để các thế hệ con cháu mình được sống yên vui, thoải mái hơn mình, như một người biểu tình ở Bắc Phi đã nói: “Tôi sẵn sàng chết để ngày mai con tôi không phải sống như tôi[4]. Hay để công lý và sự thật được thực hiện, như tinh thần của một câu ví dụ trong một tự điển Pháp nọ: “Tôi không quan tâm chính quyền làm gì mình. Tôi sẵn sàng vào tù miễn là sự thật được phơi bày[5]. Hay để bảo vệ nhân quyền như Voltaire: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó[6].

Tóm lại, muốn “thoát Trung” thì phải “thoát Cộng”. Muốn “thoát Cộng” thì phải “thoát Sợ”. Muốn “thoát Sợ” thì phải sẵn sàng chấp nhận những điều tệ hại có thể xảy ra. Muốn chấp nhận những điều tệ hại có thể xảy ra thì phải ý thức được một giá trị thật lớn, thật cao cả mà mình cần đạt tới, hay phải ý thức được một hiểm họa khủng khiếp mà mình phải tránh, xứng đáng để đánh đổi bằng cách chấp nhận những điều tệ hại kia xảy đến.

Trường hợp của dân tộc Việt Nam hiện nay, muốn được tự do, muốn thoát khỏi nguy cơ bị Trung cộng thôn tính, muốn cho con cháu mình mai hậu không phải làm thân trâu ngựa cho ngoại bang, người dân phải chấp nhận “tìm cái sống giữa cái chết”. Tương tự như những người vượt biên tìm tự do sau 1975.

Khi chấp nhận vượt biên tìm tự do, người ta đã phải chấp nhận những bất trắc mà họ biết có thể xảy đến hoặc chắc chắn phải xảy đến như:

− bỏ nhà bỏ cửa, bỏ người thân ở lại,

− gia đình bị ly tán,

− bị lường gạt mất vàng, mất của (do bị lừa đảo),

− bị công an bắt và bị tù,

− bị chết ngoài biển làm mồi cho cá, hay chết trong rừng làm mồi cho thú dữ,

− bị cướp biển, phụ nữ bị cướp hãm hiếp,

− phải sống thiếu thốn nhiều năm trong các trại tị nạn,

− v.v…

Những điều bất hạnh đó ai cũng sợ, nhưng những người vượt biên sẵn sàng chấp nhận tất cả chỉ vì mong đạt được một giá trị lớn hơn, đó là TỰ DO. Thật vậy, chỉ vì tự do, người ta sẵn sàng trả giá rất đắt, như tác giả Nam Lộc đã nói lên trong bản nhạc “Xin Đời Một Nụ Cười”:

“Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt

“Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương

“Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.

“Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.” [7]

Người Mỹ có câu nói nổi tiếng: “Freedom is not free” (tạm dịch “Tự do không phải là thứ cho không”). Muốn có tự do thì phải trả giá. Tự do rất xứng đáng được trả giá rất cao vì nó quý giá vô cùng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đối với cá nhân cũng như đối với cả dân tộc. Nó là thứ quý nhất, không có gì quý hơn, kể cả mạng sống; vì sống mà không có tự do thì “thà chết sướng hơn!” (nhiều người nói như thế!).

Hiện nay, đa số người dân chưa ý thức được nỗi khổ của mình, của con cháu mình, của cả dân tộc mình khi đất nước bị Bắc thuộc lần nữa. Nếu họ ý thức được nỗi đau và nỗi nhục vô hạn mà người dân Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông đang phải chịu kể từ khi đất nước họ trở thành thuộc địa của Trung cộng, nếu người dân Việt ý thức được Trung cộng đã đối xử tàn bạo thế nào đối với các học viên Pháp Luân Công vốn cùng một giòng máu Hán tộc với họ, thì họ sẽ hiểu được nỗi đau và nỗi nhục của mình lớn thế nào khi đất nước mình lọt vào tay Trung cộng. Lúc đó, họ mới có cảm nghĩ và thái độ “không thể ngồi yên” như nhạc sĩ Việt Khang:

“Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng,

Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm, một ngàn năm hay triền miên tăm tối!

“Tôi không thể ngồi yên, để đời sau cháu con tôi làm người!

Cội nguồn ở đâu, khi thế giới này đã không còn Việt Nam?”

Lúc ấy họ mới thấy tội ác của CSVN “tày trời” như thế nào khi hiện nay CSVN đang sẵn sàng làm công cụ cho Trung cộng, đồng lõa, tiếp tay giúp Trung cộng xâm lược và thôn tính Việt Nam.

Do đó, chuyện cần thiết phải làm cho kịp thời hiện nay là phải “thoát Sợ” để có thể “thoát Cộng” hầu có thể “thoát Trung”!

Một trong những khẩu ngôn rất giá trị nói lên bí quyết để “thoát Cộng” là: “Đừng sợ những gì cộng sản làm, hãy làm những gì cộng sản sợ”. Khẩu ngôn này gồm hai vế “Đừng sợ” và “Hãy làm”. “Đừng sợ” là nội dung chính của cả bài này. Còn “Hãy làm” thì chúng ta cần xác định xem cộng sản sợ gì nhất. Thưa: điều cộng sản sợ nhất hiện nay, chính là sợ người dân không còn sợ khủng bố nữa, nghĩa là CSVN rất sợ chính sách khủng bố của mình bị vô hiệu hóa, không còn hữu hiệu hay tác dụng nữa. Cộng sản tồn tại được là nhờ người dân sợ khủng bố. Khi người dân không còn sợ khủng bố nữa, thì đó là lúc nỗi sợ hãi sẽ quay ngược trở lại để trở thành nỗi kinh hoàng cho chính kẻ khủng bố. Và đó là lúc chính thức báo hiệu “hết thời” cho cả một chế độ phi nhân tàn bạo.

Houston, ngày 11-7-2014

Nguyễn Chính Kết

danlambaovn.blogspot.com

___________________________________

Chú thích:

[1] Xem Kinh thánh, Mátthêu 10,28.

[2] Xem bài “Phương Nam Ðỗ Nam Hải: Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách”:

(http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/PhuongNamDoNamHaiIAmReadyToGoToJail_Khanh-20070522.html)

[3] Xem bài “Cuộc biểu tình 2/6/2013: 5. Chúng tôi nằm xuống để dân tộc này đứng lên”

(http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/2013/06/06/cuoc-bieu-tinh-262013-5-chung-toi-nam-xuong-de-dan-toc-nay-dung-len-2/)

[4] Xem bài “Tầm vóc các cuộc nổi dậy của nhân dân Bắc Phi: chống tham nhũng, chống độc tài hay gì nữa?”

(http://boxitvn.blogspot.com/2011/03/tam-voc-cac-cuoc-noi-day-cua-nhan-dan.html)

[5] “Je me fichais de ce que les autorités allaient me faire. J’étais prêt à aller en prison le temps qu’il fallait pour faire reconnaître la vérité”

(http://en.glosbe.com/fr/en/aller%20en%20prison)

[6] Khi nghe Voltaire nói như thế, có người bèn dẫn một con sói đến trước mặt Voltaire và nói: “Thưa ông đây là một con cừu.” Voltaire lắc đầu nói: “Đó không phài là con cừu. Đó là con sói. Nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền anh được nói rằng đó là một con cừu” (xem

http://daohieu.wordpress.com/2013/03/19/nhat-ky-dan-den/)

[7] Nghe và xem “Xin đời một nụ cười@

(https://www.youtube.com/watch?v=gOcDy4yeuFs; http://lyric.tkaraoke.com/23448/Xin_Doi_Mot_Nu_Cuoi.html)

 

Trung Quốc và Hoa Kỳ nghĩ gì về nhau?

Trung Quốc và Hoa Kỳ nghĩ gì về nhau?
July 05, 2014

Nguoi-viet.com

Wolfgang Hirn

Họ rất thích học đại học ở Hoa Kỳ, họ xem phim từ Hollywood và nghe nhạc từ New York, họ theo dõi các cầu thủ NBA trên truyền hình, và họ uống latte macchiatos đắt tiền trong một của những quán cà phê Starbucks mà hiện nay có tại gần như mỗi một ngã tư trong các thành phố lớn Trung Quốc.

Nhìn sự hâm mộ của người Trung Quốc đối với văn hóa và tiểu văn hóa Mỹ, người ta có thể cho rằng người Trung Quốc có một mối quan hệ thoải mái với người Mỹ.

 

Thế nhưng mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ là một mối quan hệ mâu thuẫn. Nó là một tình yêu-căm thù. Một mặt, nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ tính sáng tạo và lực cải mới – tuy là đang giảm dần – của người Mỹ, mặt khác, Hoa Kỳ đối với họ là địch thủ lớn tầm chiến lược, người mà theo ý họ đang tìm mọi cách để không cho Trung Quốc trở nên hùng cường. Vì vậy mà trong truyền thông nhà nước, nhưng cả trên nhiều trang mạng cá nhân, Hoa Kỳ được xem như là một mối đe dọa.

“Sự ngờ vực tầm mang tính chiến lược của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ có cội rễ rất sâu xa và trong những năm vừa qua dường như còn sâu thêm nữa”, hai nhà chính trị học Kenneth Lieberthal (Hoa Kỳ) và Vương Tập Tư (Trung Quốc) viết chung trong một bài báo.

Nó tất nhiên là một sự ngờ vực lẫn nhau. Cả người Mỹ cũng có khó khăn với người Trung Quốc và trước hết là quy cho họ tất cả mọi điều xấu có thể nghĩ ra được: người Trung Quốc cướp việc làm của họ, đánh cắp công nghệ của họ và dự định tiến hành một cuộc chiến tranh mạng chống lại họ. Tất cả những nỗi lo sợ không rõ nét này đã nổi lên trong lần tranh cử của năm vừa rồi, khi cả Mitt Romney lẫn Barack Obama luôn với tới công cụ China-Bashing [Đánh Trung Quốc].

Cũng như ở Trung Quốc, mối quan hệ với Trung Quốc ở Hoa Kỳ cũng mâu thuẫn. Một mặt, người ta nhìn những thành công hết sức nhanh chóng của Trung Quốc về mặt kinh tế với một sự ngưỡng mộ nào đó, mặt khác, người ta khinh thường hệ thống chính trị độc tài. Đặc biệt giới tinh hoa Mỷ rất chia rẽ trong câu hỏi đất nước của họ phải đối xử như thế nào với Trung Quốc phi dân chủ đang hùng mạnh lên. Hố chia cắt sâu nhất là trong giới trí thức Mỹ, nơi có hai phái đứng đối diện với nhau mà không thể hòa giải được – dragon slayer và panda hugger – hay theo một cách phân chia phổ biến khác – blue team chống red team.

Thuộc đội đỏ, những người hiểu Trung Quốc, ngoài những người khác là cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Henry Kissinger, hai nhà trí thức Kenneth Lieberthal và John Thornton của Brookings, Charles Freeman (Center for Strategic and International Studies, CSIS) và các đại diện của U.S.-China Bunisess Council. Đứng trong đội xanh đối nghịch là cựu sếp Ngân hàng Thế giới Paul Wolfowitz, nhà báo Bill Gertz của Washington Times cũng như giáo sư kinh tế và tác giả (Death by China) Peter Navarro.

Hai phái tiến hành những cuộc tranh luận gay gắt. Đó một phần là những cuộc thảo luận mang nhiều xúc cảm. Nhưng cuối cùng thì cũng là việc hết sức quan trọng. Đó là câu hỏi liệu Hoa Kỳ có vẫn còn là nhà hoạt động toàn cầu quyết định tất cả mọi việc hay sẽ mất vai trò dẫn đầu về tay Trung Quốc.

Khán giả Mỹ theo dõi cuộc đấu tay đôi này như thế nào, thiện cảm của họ nằm ở đâu? Dường như đa số họ ủng hộ cho đội xanh. Vì theo một khảo sát của Gallup, Trung Quốc được xem như là kẻ thù lớn thứ nhì của đất nước. Chỉ về Bắc Triều Tiên là người Mỹ có một ý kiến xấu hơn vậy.

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen”

 

Báo CSVN ca ngợi cách VNCH ‘thực thi chủ quyền biển đảo’

Báo CSVN ca ngợi cách VNCH ‘thực thi chủ quyền biển đảo’
July 10, 2014

Nguoi-viet.com


HÀ NỘI 10-7 (NV) –
Tờ Tiền Phong , báo của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hôm Thứ Năm có một bài nghiên cứu với tựa đề “Cách Việt Nam Cộng hòa thực thi chủ quyền biển đảo”.

Trang báo có bài nghiên cứu về “Cách Việt Nam Cộng hòa thực thi chủ quyền biển đảo” trên tờ Tiền Phong ngày 10-7-2014. (Hình: NV cắt lại từ báo mạng Tiền Phong)

Từ trước tới giờ và nhất là trước kia, CSVN vẫn dùng nhiều thứ từ ngữ sỉ nhục chính thể miền Nam Việt Nam “chỉ là tay sai đế quốc Mỹ, tiếp tay đế quốc Mỹ đẩy nhân dân miền Nam  vào vòng nô lệ, đói khổ lầm than.” Danh hiệu “Việt Nam Cộng Hòa” suốt nhiều chục năm trời là cái đại kỵ trên hệ thống truyền thông của chế độ.

Mãi tới thời gian rất gần đây, khi cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gay gắt và khó khăn về tất cả mọi mặt, Hà Nội nới lỏng dần dần với cả cách gọi thể chế miền Nam.

Trong bài viết khảo cứu ngày 10 Tháng Bảy của tờ Tiền Phong, tác giả Trần Nguyễn Anh viết về ngư nghiệp, các nghiên cứu, khảo sát tiến đến khai dầu khí, và các quy định của chính phủ VNCH cho các vùng đặc quyền kinh tế trên biển, vấn đề chủ quyền gắn liền với an ninh, kinh tế biển, gồm cả khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Về ngư nghiệp của VNCH, tác giả bài viết thuật lời ông Nguyễn Hồng Cẩn so sánh sự phát đạt của ngư nghiệp ở miền nam trước 1975, xuất cảng số lượng lớn thủy sản trong khi ở miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản gần như chẳng có gì đáng nói.

Tác giả viết rằng: “Không ai hiểu rõ ngành cá của VNCH hơn chính các đồng nghiệp ở miền Bắc. Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, ông Nguyễn Hồng Cẩn, người tiếp quản ngành thủy sản miền Nam sau khi đất nước thống nhất và là thứ trưởng phụ trách phía Nam. Ông kể với tôi rằng khi vào Nam ông thực sự bất ngờ vì hệ thống cơ sở hạ tầng như tàu thuyền, nhà máy, thị trường tại đây. Ông nói: ‘Trong kháng chiến ở miền Bắc chỉ mong ước một năm xuất được $100,000 thủy, hải sản nhưng không bao giờ được. Trong khi đó ở miền Nam năm 1960 họ đã xuất khẩu được $21 triệu rồi.’”

Ông Trần Nguyễn Anh dẫn ra tài liệu của VNCH viết rằng: “Năm 1970, miền Nam có 317,442 ngư dân và 85,000 tàu thuyền, trong đó 42,603 tàu có động cơ và 42,612 thuyền không động cơ. 269 thôn và 700 ấp chuyên về ngư nghiệp. 75 Hợp tác xã ngư nghiệp. 200 tàu hộ tống ngư dân. Xây dựng hệ thống hải cảng: Cảng Sài Gòn được đầu tư $11 triệu, Đà Nẵng $1 triệu, Cần Thơ $10 triệu. Xuất khẩu ngư nghiệp $300 triệu, trong khi các sản phẩm còn lại như trà, lạc, cùi dừa… chỉ $158 triệu.”

Đó là nhờ vào chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo của chính quyền VNCH. Tài liệu của chính quyền VNCH được tác giả bài viết trên Tiền Phong cho biết: “Năm 1959, hải quân Việt Nam đã bắt được 40 ghe đánh cá Trung Quốc đưa về Đà Nẵng lưu giữ 6 tháng,” đồng thời cho biết: “Hãng phân bón Việt Nam được thành lập và chính thức hoạt động từ Tháng Tư, 1959, khai thác được 20,000 tấn phốt phát tại Hoàng Sa, rồi bỏ dở từ năm 1960 do thời tiết và vận chuyển khó khăn.”

“Trong lĩnh vực đánh cá, ngày 26 Tháng Mười Hai, 1972, tổng thống VNCH ban hành sắc luật quy định lãnh hải Việt Nam về phương diện ngư nghiệp có một chiều rộng là 50 hải lý, tính từ hải phận quốc gia trở ra. Trong vùng này cấm các loại ghe tàu, thuyền bè ngoại quốc đến đánh cá, khai thác hoặc mua bán hải sản, trừ khi có giấy phép trước của chính phủ.”

Về vấn đề dầu khí, tác giả bài khảo cứu viết lại rằng: “Theo số liệu thì vào Tháng Tám, 1973 chính phủ VNCH đã cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm trên 8 lô với tổng số diện tích là 57,223km2 cho 4 nhóm công ty Pecten, Mobil, Esso và Sunningdale. Trong đợt này các công ty đã trả cho chính phủ một số tiền hoa hồng chữ ký là $16.6 triệu và cam kết một số tiền đầu tư trong 5 năm tổng cộng là $59.25 triệu. Ngoài ra các công ty còn dành một số tiền tổng cộng $300,000 mỗi năm cho việc huấn luyện chuyên viên kỹ thuật ngành dầu hỏa.”

“Tháng Sáu, 1974, chính phủ VNCH lại cấp thêm 5 quyền đặc nhượng tìm kiếm dầu mỏ thêm 5 lô với tổng diện tích 24,380km2 cho 4 tổ hợp là Mobil, Pecten, Union và Marathon. Trong đợt này các công ty cũng trả cho chính phủ VNCH hoa hồng chữ ký là $29.1 triệu và cam kết đầu tư trong 5 năm là $44.5 triệu.”

“Các thông cáo cho thấy hoạt động đào giếng bắt đầu vào ngày 17 Tháng Tám, 1974 với giếng thăm dò Hồng I-X, giếng dầu đầu tiên được đào trong thềm lục địa Việt Nam do công ty Pecten thực hiện. “Kết quả đã tìm thấy dầu ở độ sâu 5,320 feet. Tiếp theo đó là việc đào giếng dầu Dừa I-X với sự phát hiện ra dầu và khí thiên nhiên.”

“Khảo sát các điều khoản trong hợp đồng đặc nhượng của VNCH, chúng ta thấy nó được dựa trên thông lệ quốc tế, tuy nhiên luôn nhấn mạnh đến lợi ích của Việt Nam cũng như quyền chủ động trong khai thác, vận hành.” (TN)

 

Làn gió mới lướt qua Xã hội dân sự VN

Làn gió mới lướt qua Xã hội dân sự VN

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

Gửi cho BBC từ Sài Gòn

Thứ năm, 10 tháng 7, 2014

Nguyễn Tiến Trung nay đã được trả tự do

Những người bạn trẻ mới ra tù như Nguyễn Tiến Trung và Đỗ Thị Minh Hạnh đều thốt lên với gương mặt rạng rỡ đến ngỡ ngàng “Thật không thể tin nổi!”.

Những ráng xuân bị lặng dập trong chốn lao tù cũng là những mùa xuân nở hoa ngoài đời. Sau vài ba năm nằm trong phòng giam kín mít và bị cô lập tuyệt đối với thế giới bên ngoài, người cựu tù nhân lương tâm bước ra cửa trại giam và không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến những vòng tay chan chứa rộng mở.

Khác vô cùng những năm trước, giờ đây không một cựu tù nhân lương tâm nào bị cô độc ở Việt Nam. Mối tình đang nở hoa trong lòng họ chính là xã hội dân sự.

Hoài niệm

Hãy hoài niệm.

Từ cuối năm 2012 trở về trước, chưa từng có khung cảnh ấm áp ân tình của số đông những người cùng cảnh và cả những người chưa có cơ hội rơi vào cảnh ngộ tù đày vì bất đồng chính kiến.

Cho đến tháng Chạp năm 2012, luật sư Công giáo Lê Quốc Quân còn bị bắt giam và sau đó bị xử án với tội danh trốn thuế, dù tất cả đều biết rõ anh chính là một cái gai nhọn chống Trung Quốc. Cũng vào thời điểm đó, cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ bị phía Hoa Kỳ đình hoãn vô thời hạn do “thành tích nhân quyền thụt lùi sâu sắc” của Hà Nội. Bầu không khí khi đó ngột ngạt, u ám và đầy đe dọa.

Còn giờ đây, mùa xuân của xã hội dân sự dường như đang bắt đầu tỏa nắng. Gần hai chục tổ chức dân sự độc lập từ Bắc vào Nam. Vào tháng 5/2014, lần đầu tiên 16 hội đoàn dân sự độc lập ngồi sát bên nhau trong một tinh thần thống nhất rất cao về chủ đề cần kíp phải xây dựng tổ chức công đoàn độc lập.

“Có thể so sánh giai đoạn này ở Việt Nam với thời kỳ bắt đầu xuất hiện Công đoàn đoàn kết ở Ba Lan vào những năm 70…”

Rõ là xã hội dân sự ở Việt Nam đang hình thành những tiền đề của nó. Một cách nào đó, có thể so sánh giai đoạn này ở Việt Nam với thời kỳ bắt đầu xuất hiện Công đoàn đoàn kết ở Ba Lan vào những năm 70, hay phong trào “Hiến chương 77” ở Tiệp Khắc cuối thập kỷ 70, và cuối cùng là con sóng dập dồn ở Liên bang Xô viết với phong trào dân chủ của Viện sĩ Sakharov – người từng hai lần giành giải thưởng Lenin – vào những năm cuối của thập kỷ 80 của thế kỷ 20.

Còn ở Việt Nam, nếu có thể nói về một phong trào dân sự quy tụ tương rộng rãi sự tham gia của các thành phần trong và ngoài nước thì đó chính là Phong trào “Kiến nghị 72” của giới nhân sĩ, trí thức vào đầu năm 2013. Vượt hẳn những biểu hiện cá lẻ của những năm trước, phong trào này đã tập hợp được gần 15.000 chữ ký trên mạng về những vấn đề động trời trong bối cảnh còn nguyên thể chế độc đảng ở Việt Nam, như yêu cầu hủy bỏ điều 4 hiến pháp, quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc chứ không phải với đảng…

Mọi chuyện đều có logic diễn biến từ quần thể xã hội sang tâm lý cá nhân. Thật đáng ngạc nhiên, nhưng lại không quá khó hiểu khi một cựu cán bộ tuyên giáo như ông Vi Đức Hồi lại rắn rỏi đến thế ngay sau khi ra tù vào đầu năm 2014. Tâm trạng lạc quan phơi phới ở con người này ngay lập tức làm cho người tiếp xúc hiểu rằng điều luật 88 về “tuyên truyền chống nhà nước” cùng những năm tháng đếm lịch đã chỉ khiến trong ông hun đúc hơn đức tin tìm đến sự thật. Ít nhất, sự thật đó là hình ảnh Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam đã sẵn lòng đón chờ ông bên ngoài, cánh cửa rỉ sét của trại giam, thay cho khuôn mặt nhàu nát của thể chế cầm quyền.

Không phải cổ tích

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam thành lập hôm 4/7

Thực ra, câu chuyện đơm hoa kết trái của xã hội dân sự không phải là cổ tích.

Vào tháng 8/2013, lần đầu tiên đã diễn ra một sự kiện làm cho giới đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước và hải ngoại phải bật lên vì kinh ngạc: nữ sinh Phương Uyên được trả tự do ngay tại tòa Long An vào buổi chiều phiên xử phúc thẩm, trong khi vào buổi sáng chính quyền và công an sở tại vẫn còn say sưa trấn áp những người biểu tình đòi trả tự do cho cô. Thật quá ít người có thể tin rằng mức án sơ thẩm đến 6 năm dành cho Phương Uyên lại có thể ra đi nhẹ bẫng đến thế.

Chỉ đến đầu năm 2014, một thông tin mới rò rỉ qua kênh ngoại giao đã lý giải cho câu chuyện lẽ ra đáng gọi là cổ tích trên: Phương Uyên nằm trong danh sách 5 tù nhân chính trị mà phía Hoa Kỳ đề nghị chính quyền Việt Nam thả. Vào thời điểm yêu cầu này được Washington nêu ra, Hà Nội lại quá sốt sắng săn tìm một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc cùng một chỗ ngồi trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mọi chuyện trên đời đều có cái giá riêng của nó. Để có được ít giây phút hàn huyên với nhau như giờ đây, xã hội dân sự đã phải câm lặng quá nhiều năm. Nhưng đến lượt giới cầm quyền Việt Nam, họ lại phải trả một cái giá tối thiểu khi ít nhất phải tự hạ thấp thể diện trong con mắt cộng đồng quốc tế. Chính sách thả tù nhân lương tâm cũng vì thế đã bắt đầu có hiệu lực một cách vô cùng kín đáo.

Liên tiếp trong hai tháng Hai và Ba năm 2014, 5 tù nhân lương tâm là Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Tiến Trung đã tạo nên một sự kiện thả người chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chế độ cầm quyền ở Việt Nam từ năm 1975. Trước đó một chút, Văn đoàn độc lập Việt Nam và Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam đã gần như đồng loạt ra đời. Một hội đoàn khác là Hội nhà báo độc lập Việt Nam cũng bắt đầu được bàn tới.

“Chính vào lúc này, giới dân chủ nhân quyền và cả những người quan tâm đến vận mạng chính trị nước nhà lại có thể cảm nhận về một giai đoạn mới có thể đang hình thành. “

Hẳn là chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 2/2014 của nữ thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã không hoài phí. Tiếp theo lời hứa hẹn “sẽ giúp đỡ” của Ngoại trưởng John Kerry cũng tại Hà Nội vào tháng 12/2013, bà Sherman thậm chí còn biểu cảm lãng mạn với nhận xét “Xã hội dân sự là một trong những điểm thú vị nhất trong quan hệ giữa hai quốc gia”.

Mọi chuyện quả là khá thú vị, thú vị cho đến khi một trong những nhà hoạt động công đoàn độc lập đầu tiên ở Việt Nam là Đỗ Thị Minh Hạnh đã được đặc cách phóng thích trước thời hạn thụ án tù giam đến gần ba năm. Và cũng không có bất kỳ một điều kiện nào được chính quyền kèm theo. Hay nói cách khác, mọi điều kiện đều bị Minh Hạnh bác bỏ.

Chính vào lúc này, giới dân chủ nhân quyền và cả những người quan tâm đến vận mạng chính trị nước nhà lại có thể cảm nhận về một giai đoạn mới có thể đang hình thành. Có thể một lần nữa sau thời điểm tháng 7/2013 với cuộc tái giao thoa Việt – Mỹ tại Nhà Trắng, xã hội dân sự có cơ hội để nở hoa.

Một làn gió mới của mùa xuân đang mơn man trên mái đầu non trẻ của xã hội dân sự. Vào đúng ngày kỷ niệm Bản tuyên ngôn độc lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ 1776, Hội nhà báo độc lập ra đời.

Chẳng cần nhìn đâu xa xôi và cũng chẳng nên chờ đợi thêm một kích thích tố mới mẻ hơn, đã đến lúc có thể bàn về câu chuyện Công đoàn độc lập và Hội luật gia độc lập tại Việt Nam; và làm thế nào để xã hội dân sự Việt Nam thượng tôn một tinh thần độc lập dân tộc, lồng trong thời buổi phải dấy lên chút ý chí chống ngoại xâm còn sót lại, cho hiện tồn và cho cả những năm tháng mai sau.

Đứa con ngỗ nghịch và đứa con hoang, ai hơn ai?

Đứa con ngỗ nghịch và đứa con hoang, ai hơn ai?

Bình luận của GS Nguyễn Đăng Hưng

Cứ nghĩ Triều Tiên điên rồ cam phận chạy theo chủ nghĩa viễn vông làm tay sai cho Trung Cộng. Triều Tiên hiếu chiến, chỉ lo súng đạn khí giới hạch nhân, hoả tiễn công phá… Các hành động, chủ trương của chính quyền Triều Tiên những năm gần đây chỉ rõ sự xác đáng của những nhận định trên. Bởi vậy, đề xuất mới đây (http://www.kcna.co.jp/top-eng.html) của Triều Tiên thật bất ngờ!

Triều Tiên đã trở thành đứa con ngỗ nghịch!

Tuy nhiên, đối với những ai am tường địa chính trị, việc này đã có chuẩn bị từ một năm nay. Từ khi ông Kim Jong Un trẻ măng lên cầm quyền, ông ta đã tiêu diệt một cách khốc liệt nhóm thân Tàu đại diện không ai khác là cậu mình – ông Jang Song Thaek – một “nguyên lão công thần”, cánh tay phải của cố chủ tịch Kim Jong Il. Chính đám này là nhóm lợi ích, mấy chục năm nay đã bán rẻ tài nguyên thiên nhiên Triều Tiên cho Trung Cộng.

Ông Kim Jong Un đã chuẩn bị cho một sự xoay trục ngoạn mục!

Cứ tưởng Triều Tiên sẽ là nước cuối cùng ý thức được nguy cơ bá quyền Đại Hán, nhưng không, Triều Tiên đang đi trước một nước khác! Sao thấy có gì tương tự ở đâu đây? Một nước mà ngay cả khi giàn khoan của Tàu ô nghịch tặc ngang nhiên xâm phạm hải phận của mình, đâm vỡ tàu kiểm ngư của mình, bắt bớ hành hạ dân mình mà lãnh đạo gần như chưa tỉnh hẳn… Một nước mà lãnh đạo còn đặt quyền lợi phe phái mình lên trên quyền lợi quốc gia dân tộc, một nước mà bọn Tàu ô đã khinh bỉ ra mặt tặng cho danh hiệu là đứa con hoang, mà tỉnh Quảng Đông của chúng dám ra lịnh cho lãnh đạo thủ đô, lãnh đạo thành phố kinh kế lớn nhất phải nhanh chóng gởi cán bộ sang học tập nhận lịnh từ chúng… Ôi nỗi nhục này nước biển Đông Nam Á làm sao rửa cho sạch hỡi trời?! Nước đó là nước nào? Mọi chuyện nay sáng như ban ngày…

Sài Gòn ngày 8/7/2014

N.Đ.H.