Hãy thôi lừa dối nhau và lừa dối chính mình

Hãy thôi lừa dối nhau và lừa dối chính mình

image

Hãy trở về với giá trị thực, thôi gắn bằng cấp với chức danh quản lý nhà nước, đề ra những điều kiện tuyển dụng chức danh quản lý mà bằng cấp chỉ có ý nghĩa tham khảo và thay vào đó là tiêu chuẩn cho phép đánh giá khả năng thực sự của ứng viên.

Câu chuyện lạm phát tiến sĩ, tiến sĩ giấy ở Việt Nam là một câu chuyện dài chưa có hồi kết kể từ cái ngày cách đây cũng đã lâu, khi mà người ta quyết định các chức danh công chức phải có bằng cấp nhất định nào đấy, và rồi nhờ một quyết định mang tính chất hành chính mà hàng trăm phó tiến sĩ bỗng chốc ngủ một đêm thức dậy thấy mình thành tiến sĩ.

image

Hân hoan. Khoan khoái. Hoạn lộ mở ra, thông thoáng. Kể từ ngày đó, và kể từ ngày mà một vị mới lên làm bộ trưởng giáo dục đã đặt ra cái chỉ tiêu đầy tự hào là trong bao nhiêu năm Việt Nam phải có 20.000 tiến sĩ, rồi Hà Nội cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ thì căn bệnh lạm phát tiến sĩ chỉ có ngày càng nặng thêm, với biết bao hệ luỵ: học giả bằng giả, bằng thật học giả, bằng dỏm của các đại học dỏm nước ngoài, thuê thi hộ, thuê viết luận án hộ hoặc “chôm” luận án của người khác…

image

Số ấn phẩm khoa học từ 1966 đến 2011 của các nước trong khối ASEAN. Dù có số lượng tiến sĩ không nhỏ nhưng Việt Nam vào hàng chót bảng. (nguồn: ISI Web of Science 2012)

Với 24.000 tiến sĩ hiện nay, nhiều nhất trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam lại chẳng có bao nhiêu công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế, không có trường đại học nào trong 500 trường đại học tốp đầu thế giới, chất lượng giáo dục và đào tạo bậc cao chỉ xếp thứ 7/10 nước ASEAN (chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar) và thứ 95/148 quốc gia được xếp hạng theo diễn đàn Kinh tế thế giới.

Nhiều vấn đề học thuật, khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội mà thực tiễn đặt ra không thấy hoặc rất ít thấy có sự góp sức về giải pháp của các nhà khoa bảng. Ngoài 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học (theo số liệu của bộ Giáo dục và đào tạo năm 2013), không biết 15.000 tiến sĩ còn lại không giảng dạy, không nghiên cứu, vậy thì họ ở đâu, làm gì nếu không phải là lãnh đạo, công chức, cán bộ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước? Mà nếu vậy họ cần cái học vị tiến sĩ để làm gì nếu không phải để giữ chức, thăng chức hoặc để loè thiên hạ? Trong khi đó thì nhiều tiến sĩ không rành nổi một ngoại ngữ, đến nỗi khi bộ Nội vụ dự tính yêu cầu cấp thứ trưởng, mà trong số đó hẳn có không ít tiến sĩ, phải có một trình độ ngoại ngữ kha khá thì nhiều người thấy ngay là chuyện không tưởng, là làm khó nhau. (Thật ra, bình thường, khi tốt nghiệp đại học và trước khi bước vào quan trường, các ứng viên đã phải làm chủ tương đối một ngoại ngữ chứ không phải sau khi làm quan chức rồi mới cho đi học ngoại ngữ bằng tiền ngân sách).

image

Trước những hệ luỵ mà trào lưu “tiến sĩ hoá” đã gây ra cho chính nền giáo dục, cho chất lượng nhân sự và bộ máy quản lý nhà nước, cho đạo đức xã hội (nạn chạy chọt bằng cấp, nạn đạo văn, nạn gian dối bằng cấp…), trước tình hình bộ giáo dục cao đẳng và đại học sa sút, yếu kém như hiện nay, đã đến lúc bộ máy giáo dục, bộ máy nhà nước và xã hội chấm dứt căn bệnh tự lừa dối nhau và lừa dối chính mình. Hãy trở về với giá trị thực, thôi gắn bằng cấp với chức danh quản lý nhà nước, đề ra những điều kiện tuyển dụng chức danh quản lý mà bằng cấp chỉ có ý nghĩa tham khảo và thay vào đó là tiêu chuẩn cho phép đánh giá khả năng thực sự của ứng viên.Trong khi đó thì ngành giáo dục cần siết chặt điều kiện đào tạo tiến sĩ, siết chặt việc quản lý chất lượng tấm bằng tiến sĩ để những người được cấp bằng không phải là những tiến sĩ giấy, với những luận án nghiên cứu vô bổ, không có phát kiến gì mới, không đóng góp được gì về học thuật hoặc giải pháp cho thực tiễn. Điều đó lại chỉ có thể thực hiện trong một nỗ lực chung cải cách tận gốc nền giáo dục, vốn đòi hỏi không chỉ trí tuệ mà cả ý chí chính trị lớn, khi mà những yếu kém của nền giáo dục đã tồn tại quá lâu.

image

Và xã hội chúng ta nói chung hãy thôi sùng bái bằng cấp, thay vào đó là nhìn vào trí tuệ thực sự, nhìn vào khả năng xử lý công việc, xử lý những vấn đề của cuộc sống của mỗi con người.

Đoàn Khắc Xuyên

Đừng sống bằng sự dối trá

Đừng sống bằng sự dối trá

Alexander Solzhenitsyn

image

Đã có thời thậm chí rỉ tai nhau chúng ta cũng không dám! Bây giờ thì chúng ta viết và đọc sách báo chui, và thỉnh thoảng có tới Viện Khoa Học hút thuốc gặp nhau thì cũng thành thật mà phàn nàn với nhau rằng: Chúng đang giở trò gì đây? Chúng còn xỏ mũi ta tới đâu nữa? Quê hương vừa nghèo vừa điêu tàn mà chúng cứ huyênh hoang khoe nhau những thành tựu trên vũ trụ. Chúng ôm mấy cái chế độ cai trị lạc hậu và dã man, rồi thổi cho lửa nội chiến bùng lên. Chúng rút ruột để nuôi Mao Trạch Đông một cách vô tội vạ – rồi tống cổ chúng ta ra chiến trường đánh nhau với hắn, mà chúng ta phải đi.

Trốn sao cho thoát? Chúng thích đưa ai ra tòa thì đưa, chúng nhốt người tỉnh táo vào nhà thương điên – chúng nó luôn giở những trò đó, còn chúng ta thì bất lực.

Mọi thứ sắp rớt xuống đáy cùng. Tinh thần chúng ta đã chết hết, còn thân xác chúng ta và cả con cái chúng ta nữa, cũng sắp bị ném vào lửa cháy rụi. Thế mà chúng ta vẫn bình chân như vại, cứ nhếch mép cười một cách tiểu nhân, và lưỡi không bị ngọng mà vẫn lúng búng trong miệng. Nhưng chúng ta biết làm gì mà ngăn nó cho được? Hay là chúng ta không đủ sức?

Chúng ta bị tước đoạt nhân tính một cách tàn bạo tới mức chỉ vì miếng cơm manh áo qua ngày thôi mà chúng ta sẵn sàng vứt bỏ mọi nguyên tắc và linh hồn của mình, mọi nỗ lực của tiền nhân và mọi cơ hội của hậu thế – miễn sao đừng đụng tới sự tồn tại mong manh của mình là được. Chúng ta không có khí phách, không có tự trọng, không có nhiệt tình. Vũ khí hạch tâm, thế chiến thứ ba chúng ta không sợ. Chúng ta đã nấp kĩ trong hang rồi. Chúng ta chỉ sợ làm người công dân có dũng khí.

Chúng ta chỉ sợ tụt lại phía sau đàn và phải bước đi một mình và đột nhiên thấy mình không có bánh mì ăn, không có lò sưởi ấm và không có một đăng ký hộ khẩu Moscow. Chúng ta đã được tuyên truyền trong các khóa học chính trị, và theo cùng một cách giống hệt nhau, đã được bồi dưỡng các ý tưởng sống yên thân, và mọi thứ sẽ tốt đẹp trong phần còn lại của cuộc đời. Bạn không thể thoát khỏi môi trường và điều kiện xã hội. Cuộc sống hàng ngày định hình ý thức. Cái đó có liên quan gì với chúng ta? Chúng ta có thể làm gì với nó?

Được chứ, được tất cả là đàng khác. Nhưng chúng ta dối lòng mình để an thân. Đừng trách bọn chúng, có trách thì trách chúng ta đi. Có người vặn hỏi: thì ông muốn nghĩ gì mà chẳng được. Chúng đã dém miệng chúng ta. Có ai chịu nghe chúng ta, có ai thèm đoái hoài chúng ta. Làm sao mà bắt chúng nghe chúng ta nói được? Không thể nào thay đổi được não trạng của chúng.

Tất nhiên là có thể đầu phiếu để loại bọn chúng, nhưng mà đất nước này làm gì có tuyển cử. Ở phương Tây người ta có bãi công và biểu tình phản đối, còn chúng ta thì bị đàn áp thẳng tay, có những cảnh mới nghĩ tới đã thấy rùng mình: ai dám thình lình bỏ việc mà xuống đường? Song le, những con đường chết chóc mà dân tộc Nga đã mò mẫm trong đau khổ suốt thế kỉ qua không phải dành cho chúng ta, mà quả thật chúng ta không cần đi lại những con đường như vậy.

image

Bây giờ cái rìu đã làm xong việc, hạt giống gieo xuống đã nảy mầm, chúng ta có thể thấy là những kẻ còn trẻ tuổi mà cuồng vọng, cho là có thể dùng khủng bố, cách mạng đẫm máu và nội chiến để mang lại bình đẳng và hạnh phúc cho đất nước chúng ta, chính họ là những kẻ lạc lối. Thế đủ rồi, xin cảm ơn các vị giác ngộ cách mạng tiên phong! Bây giờ chúng ta mới biết phương pháp xú uế tất sinh kết quả xú uế. Hãy để cho tay của chú.

Cái vòng trói buộc này đã đóng chặt rồi sao? Không còn lối thoát? Và chúng ta chỉ còn một đường duy nhất thôi, là khoanh tay đợi? Đợi cho tới khi có biến? Chừng nào mỗi ngày chúng ta đều thừa nhận, ca ngợi, và nuôi dưỡng – chứ không tự mình chém phăng đi một điều không ai không thấy, là sự dối trá – thì đừng mong có chuyện gì xảy ra.

Bạo động len lỏi vào cuộc sống an bình, cái mặt nó toát ra vẻ ngạo mạn, y như đang khoác một ngọn cờ và hô to: “Bạo động đây. Tránh ra, nhường đường cho tao, không tao nghiến nát tụi bay.” Nhưng mà bạo động mau già. Rồi nó mất hết tự tín, và để giữ cho cái mặt ra vẻ khả kính nó rước thằng dối trá về làm đồng minh – vì không phải ngày nào nó cũng thò bàn tay thô bạo của nó ra được, mà thò ra được cũng bất tất chụp hết mọi người. Nó chỉ cần chúng ta ngoan ngoãn phục tùng dối trá và hàng ngày thực hành dối trá – đây chính là yếu huyệt của mọi sự trung thành.

Cái chìa khóa đơn giản nhất và dễ làm nhất mở ra cánh cửa tự do, tự do mà bấy lâu nay chúng ta lãng quên, là: mỗi người cùng tẩy chay dối trá. Mặc dù dối trá che giấu tất cả, mặc dù dối trá phủ lấy tất cả, nhưng tôi tuyệt không nhúng tay.

Làm vậy tức là mở một lối thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hoang tưởng do chúng ta khoanh tay đứng nhìn mà ra. Cách đó vừa dễ làm nhất vừa tiêu diệt dối trá mau nhất. Vì rũ bỏ dối trá, tức là cắt đứt đường sống của nó. Dối trá giống như bệnh dịch, chỉ có thể sống bám vào một sinh vật.

Chúng ta không cần phải ám thị mình. Chúng ta chưa đủ già dặn để tiến vào các quảng trường mà gào lên sự thật hay biểu hiện tư tưởng của mình. Chưa tới lúc phải làm thế. Nguy hiểm nữa. Chỉ cần điều gì mình không nghĩ thì chúng ta từ chối đừng nói là được.

Đó là con đường của chúng ta, con đường dễ nhất ai cũng làm được, con đường đã chiếu cố sự hèn nhát thâm căn cố đế của chúng ta. Nó dễ hơn phương pháp công dân bất phục tùng của Gandhi xiển dương – dễ tới mức viết những lời này còn nguy hiểm hơn.

Con đường của chúng ta là tránh xa chỗ thối nát. Nếu chúng ta đừng ghép đống xương tàn và lớp vảy khô của ý thức hệ lại với nhau, nếu chúng ta đừng mất công vá lại mớ giẻ rách, thì chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy là sự dối trá sẽ hóa ra bất lực và tiêu ma nhanh chóng. Lúc đó, cái gì cần lột trần mới thực phơi ra trước cả và thiên hạ.

Vì thế, dù có dè dặt, mỗi chúng ta hãy lựa cho mình: hoặc là, cam tâm làm nô lệ cho hư ngụy – tất nhiên chúng ta nuôi dưỡng con cái mình trong tinh thần dối trá không phải vì đó là bản tính của chúng ta, mà chẳng qua là để kiếm ăn nuôi gia đình – hoặc là rũ sạch mọi sự dối trá làm một người lương thiện xứng đáng được con cái và người đồng thời kính trọng.

Con đường của chúng ta là không tự nguyện ủng hộ bất kì sự dối trá nào. Khi chúng ta đã biết bản chất của hư ngụy ở đâu, thì chúng ta mỗi người sẽ biết cách nhìn ra đâu là dối, đâu là thật.

image

Và từ đó trở đi chúng ta sẽ:

• bằng mọi cách không viết, kí, hay in một lời nào chúng ta cho là bóp méo sự thật;

• không nói những lời như thế, dù là nói chuyện riêng hay nói trước đông người, tự ý mình hay theo ý người khác, dù làm công tác cỗ vũ, dạy học, giáo dục hay đóng trò trên sân khấu;

• không mô tả, cổ vũ, hay truyền đi một ý tưởng nào chúng ta thấy rõ ràng là sai hay bóp méo sự thật, dù bằng hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kỹ thuật hay âm nhạc;

• không trích lời người khác nói hoặc viết mà không đặt lời trích vào ngữ cảnh, để lấy lòng ai đó, hay để lót đường cho mình, hay để thành công trong công việc nếu mình không hoàn toàn đồng ý với ý tưởng trích dẫn, hoặc nếu ý trích dẫn đó không phản ánh chân thực bản chất vấn đề;

• không để cho mình bị ép phải dự những cuộc biểu dương hay hội họp nào trái với sở thích hay ý nguyện mình, không cầm hoặc giương lên những tiêu ngữ hay biểu ngữ nào mình không hoàn toàn chấp nhận;

• không giơ tay biểu đồng tình cho một đề xuất mà ta không thành thật tán đồng, không bầu cho người mình cho không xứng đáng hay đáng ngờ về tài năng, dù bầu công khai hay bí mật;

• không để cho mình bị lôi tới những cuộc họp mà mình đoán người ta sẽ bức mình thảo luận hoặc bóp méo một vấn đề;

• lập tức bước ra khỏi những cuộc họp, hội nghị, thuyết trình, biểu diễn, chiếu phim nếu nghe thấy diễn giả nói láo, rêu rao những rác rưởi ý thức hệ, hoặc những lời tuyên truyền lố bịch;

• không đóng góp hoặc mua những báo chí bóp méo thông tin hoặc giấu giếm những sự thật hiển nhiên.

Tất nhiên là chúng ta chưa liệt kê hết mọi biến thái hư ngụy cần phải liệt kê. Nhưng người nào thanh luyện mình sẽ nhờ lương tâm trong sạch mà phân biệt được chân ngụy.

Những người chọn con đường này ban đầu cuộc sống sẽ rất thay đổi. Có người bị mất việc. Những người trẻ muốn sống chân thật, thì những việc như thế này sẽ làm cho đời thanh xuân của họ ra phức tạp, vì khóa học bắt buộc nào cũng nhét toàn dối trá, không thể không chọn lọc.

Nhưng không có lối đi nào dễ dãi hơn cho người muốn làm người lương thiện. Ngày nào chúng ta cũng có người phải đối diện ít nhất là một trong những tình huống trên, cho dù là trong những ngành khoa học kĩ thuật vô thưởng vô phạt dễ tìm được chỗ nương náu nhất. Hoặc là chân thật, hoặc là hư ngụy: một đường đi tới tự do tinh thần, một đường đi tới nô lệ tinh thần.

Còn những kẻ không đủ dũng khí bảo vệ linh hồn mình– các người chớ vin vào mấy quan điểm ‘tiến bộ’ của mình mà kiêu ngạo, chớ huyênh hoang mình là hàn lâm học sĩ, là nghệ sĩ nhân dân, là yếu nhân có nhiều công trạng, hay là đại tướng – các người hãy tự nói với mình: Mình thà ở lại đành làm một thằng hèn. Sao cũng được, miễn no bụng ấm lưng thì thôi.

Lối phản kháng này tuy nhu nhược nhất trong mọi lối phản kháng cũng không phải là dễ. Tất nhiên là dễ hơn tự thiêu hay tuyệt thực: lửa sẽ không dìm thân anh, mắt anh không bị nung cho nổ ra, và gia đình anh sẽ không lúc nào thiếu cơm ăn nước uống.

Một dân tộc vĩ đại ở châu Âu, dân Tiệp Khắc, họ bị chúng ta phản bội và lừa dối, chẳng là họ đã cho chúng ta thấy nếu trong lồng ngực có một trái tim cao thượng thì tấm ngực mỏng manh kia có thể đứng lên chống lại xe thiết giáp đấy sao?

Anh bảo làm thế không dễ? Nhưng trong mọi cách thì cách đó là dễ nhất. Cách đó có thể nguy tới tánh mạng, nhưng muốn cứu linh hồn thì không còn cách nào khác. Phải, con đường đó không phải là con đường dễ đi. Nhưng mà có nhiều người, rất nhiều nữa là khác, năm này qua năm nọ đã theo đuổi lý tưởng ấy, chỉ vì họ lấy chân thật làm lẽ sống.

Cho nên anh không phải là người đầu tiên chọn đi đường này, anh chỉ gia nhập dòng người đã dấn thân vào đó. Nếu chúng ta nâng đỡ nhau và sát cánh nhau thì con đường này sẽ dễ đi và ngắn bớt lại. Nếu chúng ta đông tới hàng ngàn người thì bọn chúng sẽ không làm gì được chúng ta. Nếu chúng ta lên tới hàng vạn người thì đất nước này sẽ khoác bộ mặt mới đến mức chúng ta không còn nhận ra nữa. Nếu chúng ta khiếp nhược quá, thì đừng trách người ta đàn áp mình mãi.

Chính chúng ta đang tự mình đàn áp mình đấy. Lúc đó thì hãy khom lưng xuống nữa, hãy rên xiết nữa, và đợi tới ngày những người anh em của chúng ta, các nhà sinh học, tìm ra cách đọc được tư tưởng của chúng ta, một thứ tư tưởng vô giá trị và tuyệt vọng.

image

Và nếu thậm chí đã chọn con đường yên thân mà chúng ta vẫn rơi vào chỗ cùng khốn, thì chúng ta đúng là đồ bỏ đi, không còn cách gì cứu vớt được. Lúc đó, chúng ta đáng dành cho những lời khinh bỉ này của Pushkin:

“Đồ súc sinh thì làm gì có tự do. Muôn đời di sản của nó chỉ là ách nặng và roi vọt.”


Alexander Solzhenitsyn, The Washington Post

Thái Phục Nhĩ dịch

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên A

Mt 11,25-30

Lúc được phong chức Tổng giám mục, Đức Cha Roncalli là khâm sứ Toà thánh kiêm đại diện Tông tòa quản trị các giáo phận ở Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ.  Công việc của ngài rất khó khăn, vì phải trông coi một vùng rộng lớn đang sôi động về mặt chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo, Công giáo với Tin lành, Chính thống, Hồi giáo, các linh mục triều lại chia rẽ với các tu sĩ.

Trong lúc thi hành công việc mục vụ, Đức Tổng giám mục Roncalli nhận được một bức thư nặng lời chê bai chỉ trích Ngài về mọi mặt, do tay một linh mục bất mãn viết. Đọc xong, Đức cha Roncalli không nói một lời, lòng vẫn tha thiết yêu vị linh mục ấy.

Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức  sứ thần Toà thánh tại Paris, rồi hồng y giáo chủ Vênêcia, và cuối cùng đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Gioan 23 năm 1958.

Linh mục bất mãn viết thư năm nào vẫn còn sống.  Về sau để ngài tháp tùng với giáo dân sang Rôma và xin được yết kiến Đức Giáo hoàng. Linh mục ấy đã thuật lại cuộc tiếp kiến riêng tư với Đức Giáo hoàng :

“Trong lúc đứng ở phòng khách trên lầu cao Vatican, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thư bất mãn năm xưa mà lòng tôi vô cùng hối hận. Tôi trộm nghĩ, đã mấy chục năm trời qua rồi, giờ đây chắc hẳn Đức Thánh Cha không còn nhớ gì… Nhưng ai ngờ, sau khi tiếp chuyện thân mật, Đức Thánh Cha với lấy cuốn Kinh thánh và lôi ra trước mặt tôi bức thư khốn nạn ấy. Đang khi tôi lo âu lúng túng, Đức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo:”Con đừng hoảng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người, cũng yếu đuối, cha ngăn bức thư con viết vào cuốn Thánh Kinh để hằng ngày đọc vào đó mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, hoặc xa tránh những lầm lỡ có thể xẩy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.

Hình ảnh của con người hiền lành, khiêm tốn, phục vụ của ĐTC Gioan XXIII với tâm hồn bình an gợi cho chúng ta tâm tình giáo huấn của Chúa Kitô trong Lời Chúa (Mt 11,25-30): bé nhỏ, hiền lành và khiêm tốn.

Người bé nhỏ được nước Trời như Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “ Con xưng tụng Cha vì Cha đã mạc khải nước trời cho những người bé mọn”. Người mang tâm tình thơ ấu bé nhỏ, tín thác vào Tình yêu của Chúa là Cha và để cho Ngài  làm việc.

Chính Chúa Giêsu đã chọn lựa những con người bé nhỏ, tầm thường để mặc khải nước Chúa và mang Tin Mừng  đó là những anh thuyền chài không được trọng dụng trong xã hội. Còn những con người học thức tài ba như Phaolô, như Matthêu lại tự chấp nhận bé nhỏ để nước trời được tỏa hiện trong các ông và từ các ông đến với anh em mình.

Người mang Tinh thần bé nhỏ được nước trời mặc khải, được phác họa với hình ảnh Kinh Thánh:

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

Trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2)

Nhỏ bé, nép mình vào lòng Chúa, phó thác tất cả để được Thiên Chúa đỡ nâng, vì thế Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến lòng Chúa để được nâng đỡ bồi dưỡng tâm hồn. Chúng ta học sự bình an, sự khiêm tốn, dù nhỏ bé và phục vụ hết mình nơi Chúa Giêsu, điều mà Ngài mong mỏi mỗi chúng ta, để được bình an và nước trời: Hạt giống nước trời  nảy nở nơi tâm hồn được canh tác trong tinh thần bé nhỏ.

Cuộc sống hôm nay, con người luôn mong muốn được vĩ đại, sự mong muốn và phấn đấu vĩ đại đã lấn át mặc khải nước Trời. Con người quên tinh thần bé nhỏ tín thác, sự vĩ đại mà họ muốn khẳng định và định đọat tất cả, cái giá của sự vĩ đại mang danh “tự do” làm cho chúng ta quên Thiên Chúa gạt và Ngài ra khỏi đời sống. Dù rằng chúng ta vẫn luôn tuyên xưng mình là người có đạo, người tin Chúa. Đó chính là một thực tế của thế giới ngày hôm nay ở khắp mọi châu lục, đặc biệt là Châu Âu cái lôi của Kitô Giáo.

Cuộc sống với những bôn ba vất vả làm cho niềm tin thêm chao đảo, cuộc sống thật nặng nề. Người mang tâm tình bé nhỏ khám phá được nước Trời, nơi đó được Chúa Kitô mời gọi đến bên Ngài đặt tất cả cho Ngài để Ngài làm việc.

Chị Têrêsa Hài đồng Giêsu cảm nghiệm được nước trời vì  mang tinh thần bé nhỏ : làm những việc bé nhỏ, như chị đã thổ lộ và cầu nguyện: “Con là một linh hồn rất bé mọn, chỉ có thể dâng những điều bé mọn cho Chúa”. Tinh thần phó thác vào Chúa, chỉ cảm nhận ra Tình yêu Chúa ngay cả những đen tối nhất của tâm hồn đó là cảm nghiệm được nước Trời: “Ngay cả những khi gặp thử thách ốm đau, con không sợ, vì Chúa luôn ở bên con, nâng đỡ con, vì Ngài đã nâng đỡ con từ khi con còn tấm bé, và sẽ nâng đỡ con mãi mãi cho đến hơi thở cuối cùng”.  Chính tinh thần bé nhỏ đã khiến chị sờ tới nước Trời và trong Thiên Chúa chị được sự bình an tâm hồn khi đặt mọi gánh nặng, bệnh tật vào Thiên Chúa.

Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng đã  cảm nghiệm được sự vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, từ bản thân đến gia đình và xã hội. Với tinh thần bé nhỏ bên Chúa, con người hôm nay  tìm được thấy một nơi yên nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). “Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Đây là kiểu nói bóng  trong truyền thống Thánh Kinh nơi các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (x.Hc 51,31; Is 55,1). Chúng ta nhìn nhận và học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhu, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới như Thầy đã dạy.

Vâng, con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ được chính nước Trời dù giữa phong ba cuộc đời, giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.

Tinh thần bé nhỏ được chính nước Trời và như tâm tình con nhỏ bên Cha :  “Hãy trao phó mọi việc trong tay Chúa, thì bạn sẽ thành công , Ngài sắp xếp mọi sự để thực hiện ý Người (Cn 34,4).

Tinh thần bé nhỏ phó thác khám phá ra nước Trời, tinh thần đó đưa chúng ta vào trung tâm của tình yêu Chúa: học hỏi nơi Ngài hiền lành và khiêm tốn.

“Càng mạnh mẽ càng hiền lành, càng thông minh càng khiêm tốn” (A.I.Dơmalov).

Lm. Vinh Sơn scj

Cần làm sáng tỏ các tư liệu Trung Quốc về Hồ Chí Minh

Cần làm sáng tỏ các tư liệu Trung Quốc về Hồ Chí Minh

Hồ sơ của Hồ Tập Chương/ Hồ Chí Minh được lưu trữ tại Quân ủy Trung ương và tình báo Hoa Nam Trung Quốc - DR

Hồ sơ của Hồ Tập Chương/ Hồ Chí Minh được lưu trữ tại Quân ủy Trung ương và tình báo Hoa Nam Trung Quốc – DR

Thanh Phương

Cuộc đời của cố lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh cho tới nay vẫn còn nhiều bí ẩn và vẫn còn gây nhiều tranh luận. Cứ thỉnh thoảng lại có những tài liệu mới được công bố liên quan đến ông Hồ Chí Minh, chẳng hạn như gần đây, trang Thông Luận ở Pháp có đăng một loạt bài của tác giả Huỳnh Tâm, tựa đề “Giặc Hán đốt phá nhà Nam”, trong đó khẳng định rằng Hồ Chí Minh thật ra là người Trung Quốc.

Ngoài việc khẳng định ông Hồ Chí Minh là người Trung Quốc, tên thật là Hồ Tập Chương, loạt bài viết này còn cho biết ông Nguyễn Tất Thành đã qua đời tại nhà tù Hương Cảng năm 1932, hưởng dương 40 tuổi. Hồ sơ của Hồ Tập Chương/Hồ Chí Minh được lưu trữ tại Quân ủy Trung ương và tình báo Hoa Nam Trung Quốc.

Trước đó, cuốn sách “Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh.” của tác giả Hồ Tuấn Hùng, người Đài Loan, cũng đã khẳng định ông Nguyễn Ái Quốc đã mất năm 1932, còn người được gọi là Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người Đài Loan, cùng họ tộc với tác giả.

Thế nhưng, cựu đại tá Phạm Quế Dương, cựu tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, cho rằng rất khó tin vào những tư liệu đó và ông yêu cầu Đảng và Nhà nước Việt Nam phải làm rõ những chi tiết do các tài liệu của Trung Quốc đưa ra liên quan đến cuộc đời ông Hồ Chí Minh.

Trong một bài đề ngày 10/06/2014, ông Phạm Quế Dương viết : « Tôi rất quý trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tự hào 45 năm được làm “Người lính Bác Hồ”. Tôi đã nhiều lần vào Nghệ An thăm quê Bác và lễ mộ thân mẫu Bác. Đọc quyển sách của Hồ Tuấn Hùng đã rất bất bình. Nay lại đọc tập tài liệu này của Huỳnh Tâm, tôi càng bức xúc. Tại sao Trung Quốc cho phổ biến công khai những tài liệu này! Ý đồ của họ là gì?

Thời nay là thời đại thông tin, trẻ già trong nước ngoài nước rất nhiều người biết, chắc hẳn bộ máy của Đảng và Nhà nước cũng phải biết rõ. Nhưng, sao lại lặng im vô trách nhiệm đến thế. Tôi đề nghị các vị lãnh đạo và cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ và công bố rộng rãi để sự thực được bảo vệ và tôn trọng. »

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn cựu đại tá Phạm Quế Dương qua điện thoại từ Hà Nội :

Ông Phạm Quế Dương

 

15/07/2014

 

Nghe (06:25)

 

 

 

 

 

Dĩ vãng dầm mưa lén bước về

Dĩ vãng dầm mưa lén bước về

Chuacuuthe.com

VRNs (16.07.2014) – Úc Đại Lợi – Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 16 mùa Thường niên năm A 20.7.2014

“Dĩ vãng dầm mưa lén bước về,

Áo trùng, mây toả, mặt sầu che.”

(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Mt 13: 24-43

Lén bước về, đâu vì nhà thơ dầm mưa dĩ vãng, mặt sầu che. Áo trùng, mây toả, sầu che mặt, lại vẫn là tâm-trạng của nhà Đạo khi nghe truyện dụ-ngôn “người gieo giống”, rất Nước Trời.

Trình-thuật “người gieo giống” hôm nay, được hai thánh-sử Mác-cô và Mát-thêu diễn-tả để người nghe hiểu về Nước Trời, đầy ý-nghĩa. Mỗi vị kể mỗi cách. Nhưng, cách kể truyện của thánh Mác-cô lại vẫn theo kiểu lật ngược như tư-thế của người nghe truyện. Trong khi đó, thánh Mát-thêu lại đưa vào cuộc sống của người bình-thường đang nghe truyện, cho dễ hơn.

Thánh Mác-cô thường kể chỉ phân nửa bài dụ-ngôn thôi, nhằm xoá bỏ mọi thành-kiến, hoặc lối đoán mò. Còn, thánh Mát-thêu lại tiến xa qua cuộc sống bình-thường mà người đi Đạo gọi là: niềm tin. Niềm tin đây, là những gì xảy đến với người thường sống ở đời, để rồi lại sẽ kết-thúc một cách tốt-lành/hạnh đạo, như lòng người mong muốn.

Thánh Mát-thêu sống sau thời đại của thánh Mác-cô rất nhiều năm, nên ngài cũng hiểu ý-định và dụng-đích của việc kể dụ-ngôn, thời đó. Chính vì thế, nên: thánh Mát-thêu không sử-dụng mục-đích cũng như kiểu-cách của người đi trước, nhưng lại uốn-nắn ảnh-hình và cốt truyện hầu tạo dáng vẻ của sự sống không thấy nơi ngôn-ngữ thường-nhật. Dáng-vẻ đây, là âm-thanh, ảnh-hình cùng điệu-nhạc đưa vào đó, có đính-kèm một bí-kíp cho thật đẹp.

Nét đẹp của sự việc thường-tình ở dụ-ngôn đây, là: loại đất ở nông-trại tiếp-nhận được hạt giống Chúa vãi gieo hàng loạt. Đồng thời, thánh Mát-thêu lại kể về “cỏ dại” chen lấn với lúa tốt, khiến nhà nông cứ băn-khoăn về ảnh-hưởng của nó với lúa tốt tươi, sinh lợi. Hơn nữa, thánh Mát-thêu lại kể thêm về hạt cải tuy bé nhỏ nhưng cho ra nhiều cây lớn. Và, như hạt ngọc nằm trong vỏ trai/sò xấu xí, lì lợm. Nói chung, thánh Mát-thêu sử-dụng truyện kể để cài vào đó tâm-tình lớn lao, cao-đại, tử tế cần phổ biến.

Qua dụ-ngôn, thánh Mát-thêu đề-cao tính-chất cao cả của người bé nhỏ. Thánh-nhân còn sử-dụng việc Chúa Kitô Phục Sinh như sự chúc lành Chúa đem đến cho những con nguời nhỏ bé, bình thường ở đời. Thánh-nhân còn muốn chỉ cách để ta nhận biết và hiểu rõ rằng có những điều ta cần cảm-kích biết ơn Chúa và Đức Kitô đã làm cho con người, mà họ không biết.

Dụ-ngôn thánh Mát-thêu kể, là những truyện hay/đẹp bộc-lộ bí-kíp sống đời bình-thường của con người. Bí-kíp đây, là sống bình-thường có Chúa ở cùng, nên rất đẹp. Bởi, Chúa thích thế. Và, Ngài thích mặc-khải những điều lớn lao về cuộc sống cho người bình-thường/bé nhỏ, mà thôi. Gọi bình-thường, nhưng người nhỏ bé vẫn cần phương-án giản-đơn, không cầu kỳ. Và, thánh Mát-thêu khám-phá ra tính thực-tế của mầu nhiệm Nhập-Thể, qua đó Chúa không cần đến thần-học hoặc khoa hùng-biện nào/khác; nhưng Ngài chỉ cần ta sống bình thường, giản-đơn, cũng đạt được.

Thánh Mát-thêu còn đi xa hơn, bằng cách tự bó buộc mình viết thêm về quà-tặng Chúa ban cho ta, cũng dồi-dào như thế. Thánh-nhân tập-trung vào chuyện hạt giống được gieo trên đất tốt, khi viết dụ-ngôn về đất trồng trọt. Đất trồng trọt, có thể sản-xuất gấp 30, 60 và có khi cả trăm lần vượt quá sự mong-đợi của mọi người. Thánh Mát-thêu không chỉ viết thế, nhưng còn tả về các nhân-đức tàng-ẩn trong ta, khi ta sống cuộc sống biết cảm-kích những điều tốt đẹp Chúa ban cho mình, trong đời.

Người bé nhỏ trong đời, lại muốn nghe Lời Chúa, cả trong sự việc bé nhỏ, nên đã hiểu. Mọi lời bình thường, đều được Chúa sử-dụng ở Phúc Âm để nói về Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được chúc phúc vì đã nghe Lời Chúa, hiểu Lời và còn giữ kín trong lòng, mà thực hiện trong cuộc sống, nữa.

Người nghe kể hôm nay, được khích-lệ sống tích-cực điều Chúa dạy. Sống tích-cực, có kèm theo nụ cười hạnh-đạo, bởi trong Lời Chúa nói, vẫn có âm-nhạc được diễn-tả theo điệu kể của thánh Mát-thêu. Đó, còn là cung-cách rất riêng-tây của thánh Mát-thêu khi sử-dụng dụ-ngôn do vị tiền-nhiệm kể, để mọi người thấy được Đức Giêsu đích-thực là người Do-thái đã biết vui tươi, mỉm cười, dễ chịu.

Về cung-cách biết mỉm cười trong cuộc sống, cũng nên tìm hiểu xem thế nào là cười mỉm, vui tươi trong sống đời thường-tình, bằng các định-nghĩa ở bên dưới:

-Cười, là để học biết chấp-nhận hình-thái ân-huệ của cuộc sống khó có thể kiểm soát;

-Cười, là ý-nghĩa thần-học của việc mất đi hiểu-biết chính con người mình;

-Cười, là mỗi ngày sống dấu-chỉ của sự đồng-thuận cuối cùng và mãi mãi với thực tại;

-Diễu cợt – nực cười, là điều để ta cười vào đó, cho bõ sống;

-Chỉ những ai làm thế mới là người không áp-đặt mọi thứ vào chính con người mình;

-Cười, là để sống thân-thiện với mọi thứ;

-Cười là niềm cảm-thông bí-nhiệm với mỗi thứ và mọi thứ trong đời;

-Đứng ở trước những người biết cười như thế, ai cũng có dịp để đổi thay để ăn nói;

-Chỉ những ai đã yêu và từng biết yêu mới cảm-thông được như thế;

-Cười, khiến cho con người biết trở thành người đáng yêu;

-Cười, là cung-cách của những người không lo-lắng nhiều về phẩm-cách của mình;

-Cười, là cách gom mọi sự và mọi người vào với nhau để không còn mất nhau trong đời;

-Cười, khiến ta có thể bị người đời coi là hời-hợt, sống ngoài mặt; nhưng

-Cười, ít ra cũng làm bớt đi những gì tầm-thường, vào mỗi ngày;

-Cười trong sống đời hằng ngày cảnh-báo để mình sống tốt -lànhvới thực-tế ở đời;

-Cười, giúp tiến về phía trước với sự đồng-thuận vĩnh viễn và có uy-lực về mọi mặt, qua đó người được cứu sẽ nói lời Amen với tất cả những gì mình từng làm;

-Cười, là một phần của nghệ-thuật góp mặt vào mọi sự;

-Biết cười thực-sự và cười vang dội là lối sống khiến người người lướt vượt được mọi sự; và là loại-hình sống cuốn trôi nước mắt đi và đem chuyện vui vào với con người, dù đang gay gắt/nóng giận. Cười, còn phản-ánh rằng: con người không còn nghi ngờ những gì mang tính trẻ con hoặc thuộc về con trẻ nữa. (x. Karl Rahner, The Content of Faith, Crossroad 1994, tr. 148-153)

Cười như thế, mới hiểu được ý-nghĩa cuộc sống có Chúa vẫn biết cười vào mọi chuyện. Cười rồi, ta lại về với giòng thơ có khúc đoạn mang dáng vẻ buồn cười, rất đáng cười, mà rằng:

“Dĩ vãng dầm mưa lén bước về,

Áo trùng, mây toả, mặt sầu che.

Run tay ấp nửa bàn chân lạnh lạnh,

Thương những con đường mưa cuốn đi.”

(Đinh Hùng – Chớp Bể Mưa Nguồn)

Thương những con đường mưa cuốn đi. Cuốn cả hạt giống tốt tươi lẫn nụ cười, nên mới thế. Thương, là thương cả những người chưa thấm nhuần Lời Vàng Chúa dạy nơi dụ-ngôn “người gieo giống” còn ở mãi trong đầu người hiểu biết Nước Trời sống mãi nơi con người. Suốt mọi thời.

Lm Kevin O’Shea CSsR

Mai Tá lược dịch.

 

Người Việt ‘lo TQ, muốn Mỹ là đồng minh’

Người Việt ‘lo TQ, muốn Mỹ là đồng minh’

Thứ ba, 15 tháng 7, 2014

Vai trò của Mỹ và Trung Quốc với thế giới được các nước quan tâm

Một thăm dò dư luận cho biết đa số ở Việt Nam xem Trung Quốc là đe dọa số một và muốn Mỹ là đồng minh chủ chốt.

Thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Washington DC về thái độ của người dân tại nhiều nước được công bố hôm 14/7.

Kết quả tại Việt Nam dựa trên thăm dò từ 18/4 đến 8/5 với 1000 người tuổi từ 18 trở lên.

Tại Việt Nam, chỉ có 16% người được hỏi có thiện cảm với Trung Quốc, 67% cho Ấn Độ, 76% cho Mỹ và 77% cho Nhật.

Khi được hỏi nước nào là đe dọa lớn nhất, 74% người Việt chọn Trung Quốc.

30% chọn Mỹ là đồng minh chủ chốt, khiến Mỹ có điểm cao nhất tại Việt Nam cho câu hỏi về đồng minh.

69% người Việt cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thay Mỹ làm siêu cường, trong khi chỉ có 17% tin điều này đã hay sẽ xảy ra.

Đồng minh và đe dọa

Không phải nước nào ở châu Á cũng có thái độ chống Trung Quốc.

Trong 10 nước châu Á được khảo sát, có sáu nước mà ở đó, đa số bày tỏ cảm tình với Trung Quốc. Ví dụ, tại Hàn Quốc là 56%, Indonesia 66%, Thái Lan 72%, Malaysia 74%, Bangladesh 77%, Pakistan 78%.

Nhật Bản nhận được cảm tình của ít nhất một nửa người được hỏi tại bảy nước châu Á – cao nhất là Thái Lan 81% và Philippines 80%.

Tranh chấp lãnh thổ khiến chỉ có 7% tại Nhật, 16% ở Việt Nam, và 38% ở Philippines có cảm tình với Trung Quốc.

 

Việt Nam và Trung Quốc gia tăng căng thẳng vì vụ giàn khoan

Ngược lại, chỉ có 8% ở Trung Quốc có cảm tình với Nhật, nhưng cũng có 50% người Trung Quốc cảm tình với Mỹ.

Đa số tại châu Á xem Mỹ là quốc gia họ có thể nhờ cậy.

8 trong 11 nước châu Á chọn Mỹ là đồng minh số một, như Hàn Quốc 68%, Nhật 62%, Ấn Độ 33%. Tại Việt Nam, 30% chọn Mỹ là đồng minh.

Có hai nước châu Á trong khảo sát chọn Trung Quốc là đồng minh: Malaysia 27% và Pakistan 57%.

Người Trung Quốc xem Nga là đối tác đáng tin cậy nhất (25%) và Mỹ là đe dọa (36%).

Tranh chấp biển đảo

Nhìn chung, các nước châu Á đều lo ngại về rủi ro chiến tranh do mâu thuẫn biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Đa số người dân tại tám nước châu Á lo lắng tranh chấp có thể dẫn đến chiến tranh.

Tỉ lệ lo ngại này cao nhất ở Philippines 93%, Nhật 85%, Việt Nam 84% và Hàn Quốc 83%.

Tại Trung Quốc, cũng có 62% lo ngại về rủi ro chiến tranh, còn 34% không lo lắng.

Đáng quan tâm là 61% tại Philippines và 51% tại Việt Nam nói họ “rất lo ngại” về khả năng xung đột quân sự với Trung Quốc.

Hai phần ba người Mỹ được hỏi (67%) cũng lo lắng chiến tranh có thể xảy ra vì mâu thuẫn lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước.

“Đẩy nợ cho tương lai”

“Đẩy nợ cho tương lai

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014-07-15

vuhoang07152014.mp3

000_Hkg8576388-305.jpg

Công nhân trồng hoa tại một khu đô thị cao cấp ở ngoại thành Hà Nội hôm 26/4/2013.

AFP

 

Trong kỳ họp thứ 7 vừa qua, các đại biểu Quốc Hội đã thẳng thắn nhìn nhận tình trạng Việt Nam vay nợ để trả nợ đang khiến vấn đề nợ công ngày càng nặng và khó giải quyết đối với Việt Nam.

Đi vay để đảo nợ?

Nói về những khoản nợ của Việt Nam thì rõ ràng không có gì  là mới mẻ, bởi với một nền kinh tế đang phát triển, cần những khoản nợ để đầu tư, sản xuất… là chuyện hết sức bình thường, thế nhưng khi nền kinh tế được đánh giá là không có đủ năng lực để trả nợ thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và có thể nói là nguy hiểm.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới trong nước, Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung thẳng thắn phân tích: “Việc đi vay để trả nợ, điều đó chứng tỏ khả năng tạo ra vốn để trả nợ là không có. Hay nói cách khác phải đi vay thêm, nghĩa là anh đang không có đủ năng lực để trả nợ.”

Theo T.S Nguyễn Đình Cung, đáng lẽ trong hoàn cảnh khó khăn về nguồn vốn, phải đi vay thì nguồn vốn đó dùng để tạo ra năng lực trả nợ, thế nhưng, trên thực tế những khoản vay mới không được dùng để đầu tư cũng như không tạo ra nguồn lực, mà là vay nợ để trả nợ, từ đó kéo theo khả năng trả nợ tiếp tục giảm đi. Tuy vậy, T.S Cung không quên bình luận trong ngắn hạn thì buộc phải áp dụng biện pháp đi vay về để đảo nợ.

Việc đi vay để trả nợ, điều đó chứng tỏ khả năng tạo ra vốn để trả nợ là không có. Hay nói cách khác phải đi vay thêm, nghĩa là anh đang không có đủ năng lực để trả nợ.
-Nguyễn Đình Cung

Trao đổi với chúng tôi về các khoản nợ tại Việt Nam, T.S Phạm Chí Dũng cho biết quan điểm của ông dưới cả 2 góc độ vi mô và vĩ mô:

“Ông Đình Cung nhận xét đúng và khá trọn vẹn vấn đề và thậm chí còn mô phỏng vấn đề từ tầm cỡ những doanh nghiệp vi mô cho tới tầm vĩ mô của quốc gia. Đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn từ 2011 đến 2014 đã phải tự giải tỏa các khoản nợ của họ bằng cách được ngân hàng cho vay lại, khi được cho vay lại, họ lấy số tiền cho vay lại đó và họ trả nợ cộng lãi cho ngân hàng và ngân hàng lại trùm thêm một số nợ. Đó là cách nhìn vi mô và từ đó chúng ta nhìn lên cách nhìn vĩ mô, nhà nước Việt Nam cũng như vậy thôi. Mặc dù không công bố, minh bạch nhưng tình hình tài chính hiện nay cực kỳ khó khăn và có vẻ như hiện tượng mà chúng ta đang đi đến điểm đích của nó là vẫn phải tiếp tục vay trong các năm tháng tới, vay không phải chỉ để đầu tư mà còn vay để trả nợ cho các khoản vay trước đó. Đó là các khoản nợ cứ gối đầu, chồng chất, hiện giờ người ta dùng cụm từ “đẩy nợ cho tương lai.”

no-cong-250.jpg

Ảnh minh họa. AFP PHOTO.

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vừa qua, một con số báo động đã được đưa ra là nợ công Việt Nam vượt mức 80 tỉ đô la và tổng dư nợ cả năm chiếm hơn một nửa GDP, ở mức 53,4%. Nhiều người có thể lập luận rằng những quốc gia như Nhật Bản hay Singapore có tỉ lệ nơ công rất cao thậm chí chạm ngưỡng 200% GDP, nhưng lật lại vấn đề thì thấy rằng những quốc gia như Nhật Bản chẳng hạn lại là nước xuất khẩu và thâm dụng vốn rất lớn, cho nên họ có sự cân đối khác nhau. Trong khi đó, Việt Nam không phải là nước xuất khẩu vốn cũng như không phải là nước dồi dào về tư bản, thế nên tình trạng mất cân đối hiện tại hoàn toàn đáng phải xem xét và cần giải quyết triệt để.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm nguy hại hiện tại là vay nợ nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, vì để đánh giá mức độ an toàn nợ công, người ta không chỉ dựa trên tổng lượng tiền nợ, mà quan trọng hơn là họ dựa trên hiệu quả sử dụng đồng tiền này.

Đầu tư hoàn toàn không hiệu quả?

Đơn vị đo này là ICOR viết tắt tiếng Anh của “hệ số sử dụng vốn” nhằm đo lường số vốn bỏ ra thêm để sản xuất một mặt hàng nào đó, chỉ số ICOR càng thấp càng tốt, một nền kinh tế phát triển bền vững sẽ có chỉ số là 3. Thế nhưng hiện tại, chỉ số ICOR của Việt Nam lên đến 9 và nhiều chuyên gia đánh giá “đầu tư hoàn toàn không hiệu quả.”

Sự “đầu tư hoàn toàn không hiệu quả” này được G.S, T.S Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung Ương phân tích trong một bài phỏng vấn với báo Đất Việt. Khi đề cập đến đầu tư công tràn lan, lãng phí, các dự án ODA đội giá cao, G.S Lược khẳng định phần lớn các nước đi vay ODA đều là những nước kém phát triển và có nền quản trị kém, chính vì thế nó giải thích tại sao việc xây dựng đường cao tốc ở VN sử dụng vốn ODA luôn có giá cao hơn gấp 3 lần so với thế giới. Từ đó, G.S Võ Đại Lược đi đến kết luận cần phải xem xét một cách nghiêm túc bắt đầu từ chủ trương đầu tư của nhà nước có đúng không và xem xét lại nền quản trị và quá trình giám sát, thực thi chủ trương đó thế nào.

Cứ hình dung mỗi ngày ngủ dậy Ngân sách NN thu vào khoảng gần 3.000 tỉ đồng, tuy nhiên, con số chi cũng tương tự như vậy.
-Bùi Đặng Dũng

Quay lại với con số vay nợ, hiện tại, Việt Nam vay nợ nước ngoài dài hạn khoảng 50% và số còn lại 50% là ngắn hạn ở trong nước. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc Hội Bùi Đặng Dũng nêu lên con số “cứ hình dung mỗi ngày ngủ dậy Ngân sách NN thu vào khoảng gần 3.000 tỉ đồng, tuy nhiên, con số chi cũng tương tự như vậy” điều này khiến chúng tôi liên tưởng đến con số mà T.S Vũ Đình Ánh của Viện tài chính giá cả có lần thừa nhận Việt Nam làm ra 100 đồng thì đã phải trả nợ hết 98 đồng rồi.

Nhắc về số nợ phải trả hàng tháng, T.S Lê Đăng Doanh trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây với chúng tôi, ông cho biết:

“Theo tôi vấn đề nợ công rất phức tạp, hiện nay cứ mỗi ba tháng ngân sách Nhà nước phải trả nợ nước ngoài khoảng 1 tỷ USD. Đấy là một khoản nợ không phải là nhỏ và số nợ công trong những năm gần đây đã tăng lên một cách nhanh chóng. Đấy cũng là một yếu tố rất đáng chú ý và rất đáng lo ngại.”

Một yếu tố khác cũng đẩy con số nợ công lên cao đó là các khoản chi thường xuyên của chính phủ cũng tăng rất nhanh. Theo nhận xét của T.S Phạm Đình Cung thì gốc rễ của vấn đề này là vai trò của nhà nước. Ông cho rằng nếu vai trò của nhà nước thu nhỏ lại thì hoạt động sẽ ít đi, còn hiện tại, vai trò của nhà nước vẫn mở ra và càng mở rộng thì càng chi tiêu. Do đó, T.S Cung kết luận muốn thắt chặt ngân sách thì gốc của nó là vai trò của nhà nước và các bộ ngành, cần làm rõ vai trò của từng chủ thể để dễ dàng nhìn thấy các khoản chi cần thiết tới mức nào.

Trước khi kết luận về tình trạng nợ nần hiện tại, chúng tôi xin trích ý kiến của T.S Phạm Chí Dũng để thấy một bức tranh khá rõ về hiện tượng “đẩy nợ cho tương lai” mà ông nêu lên:

“Quả thực là hiện trạng nợ nần của Việt Nam hiện nay quá khó để giải quyết, không phải chỉ hiện nay mà từ những năm 2010, 2011 đã nêu ra vấn đề đó rồi. Những khoản nợ công quốc gia, lúc đó 2010 – 2011 chỉ khoảng 40 đến 45% thôi, còn hiện nay là khoảng 54%. Nhưng thực tế mà nói theo những phân tích của các chuyên gia thượng thặng như ông Vũ Quang Việt từng đánh giá là nợ công của Việt Nam có thể lên tới 106%, thời điểm đó, không một ai tin. Nhưng đến thời điểm diễn đàn mùa xuân năm 2013, 2014 vừa rồi thì các chuyên gia phản biện mới phải thừa nhận và đặt lại vấn đề tỉ lệ nợ công của VN lên đến ít nhất là 95%. nếu tình trạng nợ công tiếp tục tăng như thế này thì quá khó để VN trả nợ cho tương lai, nếu không muốn nói tất cả nợ sẽ đổ lên đầu con cháu chúng ta.”

“Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống” là chuyện rõ ràng đang xảy ra ở Việt Nam, nhưng ở một quốc gia “nhà có chủ” đàng hoàng thì câu trả lời về tiền bạc, nợ nần hẳn dành cho những người “chủ nhà” trả lời sẽ hợp lý hơn cả.

 

Cứ tưởng là một giấc mơ

Cứ tưởng là một giấc mơ

Nhìn lại quảng đời đã qua, năm nay vừa tròn 72 tuổi, mới thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Những năm nằm trong các trại tù ở miền Bắc anh em đồn rằng các tù cải tạo sẽ vĩnh viễn định cư ở trong vùng rừng núi của tỉnhThanh Hoá mà người lo việc này là Tướng Nguyễn Hữu Có. Sau đó vợ con muốn sống chung thì đến Thanh Hoá mà sống.

Chuyện trở về nhà từ các trại tù là điều mỏng manh, khó tin, vì anh em biết rằng sẽ không chịu nổi đói khát bịnh tật mà chết trước khi được về với gia đình.Hơn nữa rất nhiều người tù, bị bắt sau ngày ký hiệp định Geneve 20-07-1954, sau khi ra tù rồi, bị chỉ định cư trú ở Lào Cai, ở Vĩnh Phú mà tôi đã gặp khi đi lao động ngoài trại, thời gian này khoảng năm 1979- 1982. Họ không có giấy tờ gì cả không được rời khỏi nơi cư trú.

Rồi chuyện định cư tại Mỹ cũng chỉ là một giấc mơ.Trước năm 1993, em dâu tôi thường  chế diễu tôi:” Không lo làm ăn tối ngày cứ ” lo chuyện mò kim đáy biển”, (chuyện mơ đi Mỹ), vì anh em tù cải tạo thường hay ra vườn hoa thống nhất, trước đinh Độc Lập cũ để nghe ngóng tin tức về chuyện ra đi.

Thế mà ngày hôm nay (13-07-2014) Thiên Chúa đã ban cho tôi ơn trọng đại là vẫn còn sống, có sức khỏe, ban ơn bình an, được đoàn tụ vui vẻ cùng các con cháu.

Có niềm vui nào hơn nữa được đâu?

Xin cảm tạ Chúa và cám ơn toàn thể gia đình và các bạn hữu xa gần.

Phùng Văn Phụng

07/2014

Tác giả cùng các cháu nội ngoại

Tôi gia nhập Công giáo

Tôi gia nhập Công giáo

Chuacuuthe.com

VRNs (15.07.2014) – Sài Gòn – Tôi là tân tòng Công giáo và đã gia nhập Dòng Ba Đa-minh. Trước đây tôi đã là một Phật tử hơn 20 năm. Khi nói về Phật giáo và ơn tái sinh, tôi nói một chút về chuyện cải đạo của tôi, từ vô vọng tới hy vọng.

140715001

HÀNH TRÌNH TỚI PHẬT GIÁO

Tôi không hẳn là một Phật tử. Gia đình tôi không mang tính tôn giáo, mặc dù bên nội có theo Anh giáo và có thân nhân là linh mục Anh giáo. Còn về bên ngoại, tôi không nhớ có quan tâm tôn giáo hay không. Tôi nghe nói bà ngoại tôi nói rằng bà là Phật tử. Mới đây tôi biết được rằng gia đình ông ngoại theo Công giáo, mặc dù ông đã bỏ đạo. Tôi không biết tại sao, nhưng vì lý do nào đó, khi tôi còn trẻ, tôi vô ca đoàn của nhà thờ Anh giáo. Tôi thích hát nhạc đạo.

Đầu thập niên 1960, tôi được thêm sức tại một nhà thờ Anh giáo do Giám mục giáo phận Dover. Hồi đó tôi quan tâm cách sống và những điều bình thường đối với một thiếu niên. Tôi để tóc dài và ăn mặc khác người.

Tôi tới trường đại học Sussex để đọc sách triết. Đó là điều phổ biến đối với nhiều người hồi cuối thập niên 1960, tôi quan tâm việc suy tư và những điều về Ấn độ, nhất là triết học Ấn độ. Rồi tôi có bằng tiến sĩ triết học Phật giáo của ĐH Oxford.

Khoảng năm 1973, tôi bắt đầu coi mình là một Phật tử. Cuối cùng tôi quy y, chính thức trở thành Phật tử, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng của Đức Dalai Lama. Đầu thập niên 1980, khi dạy tại ĐH Bristol, tôi cùng một nhóm người đến Trung tâm Phật giáo. Rồi tôi còn dạy thực hành Phật giáo tại trung tâm này. Với vốn triết học Phật giáo, tôi đã viết sách và nói về Phật giáo Tây Tạng trên các chương trình truyền hình, phát thanh, và tại các hội nghị. Tôi tham gia đối thoại với các Kitô hữu, trong đó có thần học gia Hans Küng (linh mục Công giáo, người Thụy Sĩ) và linh mục Raimundo Pannikkar (1918-2010, người Tây Ban Nha).

Tôi thích triết học, tôi cũng thích suy tư và triết Đông phương. Nhiều người trong nhóm chúng tôi thấy Phật giáo thu hút ngay từ đầu. Riêng Phật giáo có vẻ dễ cảm và ngoại lai hơn một tôn giáo hữu thần như Kitô giáo. Các Phật tử không tin và Chúa. Có lẽ không có lý do nào để họ tin Chúa, và sự hiện hữu của cái xấu phô bày cho chúng ta sự tranh luận tích cực chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa. Những người đó được dạy như các Kitô hữu được dạy bảo vệ sự hiện hữu của Thiên Chúa trong một thế giới không có hệ thống chống lại những kẻ phỉ báng. Trong Phật giáo có một hệ thống luân lý rất ngụy biện (và ngoại lai), tâm linh và triết lý không đòi hỏi Thiên Chúa. Khi trở thành Phật tử, chúng ta nghĩ có một người suy tư với các Phật tử, những người thực sự biết cách thiền niệm (meditation).

SỰ ĐẦU THAI

Tuy nhiên, qua nhiều năm là Phật tử, càng ngày tôi càng cảm thấy không thoải mái với Phật giáo. Điều này làm tôi quan ngại về sự đầu thai (sự sinh lại, rebirth) và giáo lý về nghiệp chướng (karma). Các Phật tử tin vào sự đầu thai, nghĩa là sự tái sinh (reincarnation). Các Phật tử cho rằng không có sự bắt đầu đầu tiên theo thời gian (chronological first beginning) đối với các kiếp sống đã qua. Chúng ta được sinh lại rất nhiều lần. Không có thần thánh nào bắt đầu – vì không có sự bắt đầu đầu tiên. Mọi thứ đều vĩnh hằng.

Ngày nay, niềm tin vào sự đầu thai kiếp khác có vẻ khá phổ biến ngay cả trong những người không là tín đồ Phận giáo hoặc Ấn giáo. Thậm chí có các Kitô hữu cũng tin có sự đầu thai. Nhưng sự đầu thai được biết nhiều trong thời Hy Lạp cổ đại và Rôma, chưa bao giờ có trong Kitô giáo truyền thống. Có lý do về vấn đề này. Sự đầu thai không tương xứng với giáo lý Kitô giáo, kể cả giá trị vô giá của mọi người, và sự công bình của Thiên Chúa. Nếu có sự đầu thai, chúng ta chẳng hy vọng gì. Đó là giáo lý vô vọng. Là Phật tử, tôi cũng chẳng có niềm hy vọng. Bạn không tin? Để tôi giải thích…

ĐẦU THAI LÀM CON GIÁN

Tôi muốn bạn tưởng tượng rằng người ta bảo bạn sẽ bị hành hình không đau đớn vào sáng sớm. Bạn không lo vì không đau đớn, nhưng bạn vẫn sợ. Vậy tại sao bạn sợ? Có thể nỗi sợ nằm trong việc chấm dứt các kế hoạch cho tương lai của bạn – câu chuyện thế là xong. Hoặc có thể bạn không muốn mãi mãi rời xa người thân và bạn bè. Hoặc có thể nỗi sợ của bạn trống rỗng, là hư vô (nothingness). Vậy bạn thực sự sợ cái gì?

Hãy tưởng tượng người hành hình nhẹ nhàng ôm bạn và bảo bạn đừng lo lắng, vì điều đó chẳng có gì ghê gớm. Mặc dù bạn bị hành xử, bạn vẫn thấy rằng các tín đồ Phận giáo hoặc Ấn giáo nói đúng. Bạn được đầu thai ngay lập tức. Thật vậy, bạn được đầu thai làm con gián ở Nam Mỹ.

Bạn vẫn lo sợ. Thậm chí bạn còn sợ hãi hơn nữa. Nhưng tại sao bạn lại sợ vậy? Là một con gián sẽ trả lời tất cả, nỗi sợ xuất hiện trong đầu bạn khi bạn nghe nói mình sắp bị xử tử. Chắc chắn những con gián cũng có các dự định tương lai: Có đủ thức ăn, làm hại con người, hoặc thanh thản sống. Dĩ nhiên, là một con gián thì bạn phải lìa xa người thân và gia đình, nhưng rồi trong cuộc sống, chúng ta cũng vẫn thường xa lìa họ. Người thân và bạn bè có thể tách khỏi chúng ta vì phải tha phương cầu thực, bị tù đày, chiến tranh, cãi nhau,… Nếu họ chết, hoặc chính bạn chết, sự xa lìa vẫn xảy ra. Vậy tại sao chúng ta sợ mình chết hơn là người thân chết? Là con gián, bạn sẽ có rất nhiều thân nhân gián và bạn bè gián để thay thế những người mà bạn bị mất. Vậy là đâu đến nỗi tệ như bạn nghĩ. Là con gián thì không là hư vô. Đó vẫn là cuộc đời. Bạn vẫn sống kia mà!

Vậy tại sao chúng ta không muốn? Tại sao chúng ta vẫn không hứng thú khi sắp bị xử tử, và bạn sẽ là con gián ở Nam Mỹ? Bạn có thể nói rằng gián là sinh vật ghê tởm lắm, xấu xa lắm, độc hại lắm. Vậy ai muốn làm con gián? Điều này có công bằng không? Có thể con gián không khủng khiếp và xấu xí đối với chúng. Cuối cùng, tôi hy vọng các xác ướp sẽ yêu thương chúng.

Bạn có thể tưởng tượng mình là con gián? Bạn có thể tưởng tượng cuộc sống của loài gián? Chắc chắn là không. Chúng ta không mong mình sẽ biến thành con gián sau một giấc ngủ. Chẳng ai muốn vậy. Đó là tôi ví dụ khôi hài cho vui thôi!

SỰ ĐẦU THAI LÀ KẾT THÚC

Quan điểm của tôi là gì? Đây là quan điểm của tôi: Cái gì làm chúng ta sợ bị xử tử và đầu thai làm con gián là vấn đề đơn giản, và đó là kết thúc của tôi. Tôi không thể tưởng tượng mình đầu thai thành con gián vì tôi chẳng có gì để tưởng tượng. Đơn giản là tôi không muốn như vậy. Nếu có sự đầu thai thì cũng chẳng có ai thoát chết. Đối với tôi, câu chuyện này đã kết thúc. Có thể có sự sống khác theo một loại liên kết nhân quả (causal connection) nào đó đối với cuộc sống của tôi (ảnh hưởng bởi nghiệp chướng của tôi), nhưng đối với tôi thì chẳng còn gì hơn. Nghĩa là đã chấm dứt. Chẳng có gì để nói về tôi nữa!

Không có nghĩa là Phật giáo sai. Nhưng nếu Phật giáo đúng, cái chết của chúng ta là có thật, rất thật. Sự chết là kết thúc của chúng ta. Theo truyền thống, ít nhất là ở mức độ ngày đối với ngày, các tín đồ Phật giáo và các tín đồ khác chấp nhận sự đầu thai để che khuất thực tại này khi nói tới “sự đầu thai của mình” và “quan tâm cuộc sống tương lai”. Nhưng bất cứ sự đầu thai nào (chẳng hạn, làm con gián ở Nam Mỹ) sẽ không là sự đầu thai, và do đó có vấn đề nghiêm trọng là tại sao người ta quan tâm vấn đề đầu thai của con người.

Tôi bắt đầu hiểu rằng nếu Phật giáo đúng thì tôi không đạt được giác ngộ để vào Niết Bàn (nirvana) hoặc điều gì đó tương tự như vậy trên đời này, nơi mà vòng luân hồi (cycle of rebirth) sẽ hoàn toàn kết thúc, tôi không còn hy vọng gì nũa. Rõ ràng, tôi không đạt được Niết Bàn ở đời này. Mọi Phật tử đều có xu hướng chấp nhận đó là thật khi quan tâm người khác. Giác ngộ là thành tựu cao cấp và rất hiếm đối với các anh hùng tôn giáo, không phải những người như chúng ta – chắc chắn càng không phải là người như tôi. Như vậy, tôi (cùng với người thân và bạn bè của tôi) vô vọng. Từ quan điểm Phật giáo, theo thời gian vô hạn, tầm quan trọng của mỗi người chúng ta, như chính con người của chúng ta, đều đồng quy về hư vô. Mỗi chúng ta đều sống và chết. Mỗi chúng ta sẽ mất mãi mãi. Đối với tôi, Phật giáo là vô vọng. Nhưng tôi có chắc rằng Phật giáo đúng? Thánh Phaolô biết rất rõ, ít nhất là Kitô giáo cho chúng ta niềm hy vọng: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15:13).

NGHIỆP CHƯỚNG

Tôi muốn nói về lý thuyết của sự đầu thai và nghiệp chướng. Đây là lý thuyết mà các hành động đạo đức và xấu xa đều có hệ lụy vui mừng và đau khổ đối với chúng ta. Như vậy, nếu tôi vấp và đau ngón chân út, kinh nghiệm đau nhức là hệ lụy của hành vi xấu do chính tôi làm trong quá khứ. Nếu điều tôi nói là đúng thì các nguyên tắc về nghiệp chướng có nghĩa là một số người nào đó thoát khỏi hậu quả của hành vi xấu, còn một số khác có kinh nghiệm không vui chịu hậu quả của hành vi xấu mà họ không làm.

Hãy cân nhắc: Giả sử một nhà độc tài khủng khiếp ra lệnh hành hình đau đớn hàng ngàn người ngay khi ông ta hấp hối. Rồi nhà độc tài này chết, ông ta không bao giờ chịu hậu quả ghê gớm qua nghiệp chướng. Chắc chắn sẽ có người khác phải chịu hậu quả khủng khiếp đó. Nhưng trước hết, điều gì xảy ra với nhà độc tài đó? Rõ ràng là sự đầu thai sẽ làm tổn thương người khác vì những gì ông ta không làm. Chẳng hạn, một đứa bé bị bệnh vì điều gì đó mà người khác làm, mặc dù đứa bé đầu thai làm người khác, khó có thể phác họa một chân dung làm thỏa mãn hoặc công bằng. Cách trả lời có thể chấp nhận nhất là đứa bé đó không hề làm điều xấu thì không có con gián con sau khi tôi bị hành hình.

Các Phật tử không tin có Thiên Chúa hiện hữu, nhưng nếu có một Thiên Chúa như vậy thì chắc chắn lý thuyết về nghiệp chướng sẽ không tương thích với sự công bằng của Ngài. Vì thế, người ta ném một người vào đống rác của lịch sử bởi sự đầu thai.

KITÔ HỮU CÓ NIỀM HY VỌNG

Có lẽ rõ ràng là nếu tôi đầu thai làm người khác ở đời này tức là tôi không còn hiện hữu. Rõ ràng là tôi không còn hiện hữu nếu tôi đầu thai làm con gián ở Nam Mỹ. Không thể nói rằng tôi vẫn là tôi trong con gián ở Nam Mỹ. Liệu chúng ta có thể nói rằng tôi vẫn là tôi nếu tôi đầu thai thành một thai nhi ở Phi châu, ở Bristol hoặc trong chính gia đình tôi? Phật giáo tiêu chuẩn minh nhiên từ chối sự đầu thai làm một người như người đã chết. Như vậy, sự đầu thai không tương thích với giá trị vô hạn về con người.

Nhưng Kitô giáo là tôn giáo của giá trị vô hạn về con người. Chúng ta không ngẫu nhiên là chúng ta, chúng ta quan trọng. Mỗi người là một thụ tạo của Thiên Chúa, được Ngài đánh giá cao và yêu thương vô cùng. Đó là điều cơ bản của luân lý Kitô giáo, từ giá trị gia đình tới lòng vị tha và từ bỏ chính mình mà các thánh đã thực hiện. Vì chúng ta rất có giá trị đối với Thiên Chúa nên Đức Giêsu mới chết để cứu độ mỗi người trong chúng ta. Ngài không chết để cứu độ hàng loạt cuộc đầu thai. Chúng ta là chính chúng ta, với đầy đủ lịch sử cuộc đời, gia đình và bạn bè. Trái ngược với huyền thoại của sự bách hại Kitô giáo, Kitô giáo là tôn giáo của sự hiện thân và sự tốt lành cốt lõi của công cuộc sáng tạo.

Sự đầu thai đối lập với toàn bộ đường hướng của Kitô giáo. Nếu có sự sống còn từ cái chết – và niềm tin của các Kitô hữu, bắt nguồn từ sự phục sinh của Đức Kitô, không thể nói là đầu thai. Sự đầu thai và giá trị vô hạn của con người là điều không tương xứng. Quan điểm của Kitô giáo về cái chết là quan điểm về niềm hy vọng, là sự chiến thắng, vì cái chết không là hư vô. Câu chuyện chưa kết thúc đối với con người, và chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta không chia lìa người thân và bạn bè. Nhưng còn hơn vậy, chúng ta tin chắc rằng những cái chết trong Đức Kitô sẽ có ý nghĩa, và mỗi người trong chúng ta hy vọng được sống vĩnh hằng.

KẾT LUẬN

Các tư tưởng như vậy dần dần đưa tôi xa rời Phật giáo. Đối với tôi, Phật giáo là niềm vô vọng. Nhưng các Kitô hữu có niềm hy vọng. Tôi muốn là Kitô hữu. Tôi nhìn lại những điều mà tôi tôi đã chối bỏ theo niềm tin Kitô giáo mới của tôi. Tôi phân chia các giai đoạn của hành trình đến với Đức Tin của tôi trong cuốn “Con Đường Bất Ngờ” (“The Unexpected Way”, T&T Clark/Continuum: 2002). Nhờ ân sủng, tôi đến với Thiên Chúa. Tôi tin rằng thật là hợp lý khi tin vào Thiên Chúa hơn là không tin có Thiên Chúa. Khi tin vào Thiên Chúa, tôi không còn là Phật tử nữa. Tôi đã là người hữu thần. Tôi cẩn thận nhìn vào chứng cớ và ngạc nhiên thấy rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu sau khi bị đóng đinh tới chết là cách giải thích hợp lý nhất về những gì đã xảy ra. Là Kitô hữu, tôi tranh luận rằng ưu tiên phải là Giáo hội Công giáo Rôma. Tôi cần lý lẽ đúng không phải để được gia nhập Công giáo. Trong cuốn sách của tôi, tôi xem xét nhiều tranh luận chống lại việc tôi trở thành một tín hữu Công giáo, và tôi tranh luận rằng họ chỉ lấy cớ nào đó để từ chối Giáo hội Công giáo mà họ không tin. Vì thế, tôi đã được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo.

Hiện nay tôi sống trong niềm biết ơn và hy vọng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về quyết định của tôi là gia nhập đạo Công giáo. Nếu điều tôi nói ở đây là đúng, chúng ta có thể nói rằng sự đầu thai là sai lầm. Đây là mấy điều tôi muốn nói:

1) Sự đầu thai không thích hợp với niềm tin Kitô giáo.

2) Chúng ta có thể nói rằng chúng ta biết được niềm tin Kitô giáo là thật.

3) Bất cứ điều gì không tương hợp với sự thật thì đều là giả dối.

4) Chúng ta có thể nói rằng sự đầu thai là sai lầm.

Triết gia PAUL WILLIAMS

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ WhyImCatholic.com)

Hoa Kỳ, Tàu Cộng và Việt Nam

Hoa Kỳ, Tàu Cộng và Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Chuacuuthe.com

VRNs (13.07.2014) – Hà Nội – Hoa Kỳ tưởng rằng nâng Tàu Cộng lên sẽ làm suy yếu cộng sản. Điều đó chỉ đúng ở nhất thời. Nhưng về lâu về dài thì khác. Trên thế giới không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn. Tạo cho kẻ thù hay bất cứ một quốc gia nào thành hùng mạnh tức là tạo cho mình một kẻ thù đáng ngại. Nó là con giao hai lưỡi. Đông Tây suy nghĩ  khác nhau. Oriental thinking!

Hoa Kỳ bỏ rơi VNCH để đi với Tàu Cộng là một sai lầm. Họ nghĩ rằng xé đôi khối cộng thì họ sẽ thắng và nghiễm nhiên là cường quốc số 1 trên thế giới mãi mãi. Hoa Kỳ chỉ thành công chừng một thời gian không lâu khi mà con hổ Tầu Cộng còn đang dưỡng sức ăn cho béo, tập thể dục cho khỏe. Nay thì ông Tầu đói ăn đã no đủ và cường tráng. Hắn bắt đầu vươn vai muốn đọ sức với ông bạn Hoa Kỳ. Tàu công xâm nhập láng giềng làm suy yếu những người bạn đồng minh của Hoa Kỳ. Tầu cộng cũng muốn trở thành một hiệp chủng quốc Tàu. Mộng Hán hóa lại quay trở về với cái đầu của những kẻ chỉ thích xâm lăng.

Ít năm gần đây tình hình biển Đông nổi sóng với đường lưỡi bò do Tàu Cộng tự định đoạt bất chấp quốc tế. Họ đụng độ với Phi Luật Tân và cả Nhật Bản. Việt Nam thì chẳng kể chi, hắn đã nắm trong lòng bàn tay từ ngày tên Hồ chí Minh chạy sang Tàu cầu cứu xin giúp đỡ. Gần đây nhất việc di chuyển dàn khoan HD 981 vào hải phận kinh tế Việt Nam là một khiêu khích rõ ràng. Vậy Bắc Kinh muốn gì đây trên bình diện quốc tế?

140712001

HOA KỲ PHẢI CHIA SẺ QUYỀN LỰC VỚI TÀU CỘNG

Bằng cách khiêu khích các đồng minh của Hoa Kỳ, Bắc Kinh như muốn buộc Hoa Thịnh Đốn phải chọn lựa giữa những người bạn của mình và gây chiến với Tàu Cộng. Cả hai bên đều tin rằng phe kia sẽ lùi bước. Nhưng hy vọng là họ đều lầm cả. Điều hay nhất cho Hoa Kỳ là thay đổi trò chơi ở Á Châu bằng cách chia sẻ quyền lực với Tàu Cộng nếu Bắc Kinh biết điều.

Nhiều người không hiểu tại sao Bắc Kinh lại tỏ ra hung hãn như vậy ở Biển Đông ngay trên phần biển đất của người ta. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh hy vọng lượm được gì khi khuấy động những nước láng giềng và làm bất ổn  trong vùng ?

Đơn giản là họ muốn dương oai chứng tỏ sức mạnh và ảnh hưởng của họ ở Á Châu hơn thời xa xưa ở mấy thế kỷ trước. Đối với họ, nếu họ mạnh hơn tất nhiên Hoa Kỳ phải yếu đi.

Họ nghĩ rằng vị thế của Hoa Kỳ ở Á Châu được xây dựng trện mạng lưới các nước đồng minh và hợp đồng thương mại, quân sự với các nước láng giềng của họ, gồm cả Nhật Bản, Phi Luật Tân và Việt Nam. Họ tin rằng  làm cho sợi dây liên lạc tình nghĩa đó yếu đi sẽ là cách dễ nhất để làm cho quyền lực của Hoa Kỳ trong vùng bi suy giam, mất đi.

NHỮNG KHÓ KHĂN CHO TÌNH LIÊN HỆ GIỮA MỸ VÀ TÀU

Bắc Kinh cũng biết rằng đằng sau những câu nói văn hoa bóng bảy có tính ngoại giao, còn có sự tin tưởng của những người bạn Á Châu của Hoa Kỳ cũng như các nước đồng minh cùng chung hợp đồng với Mỹ, là Hoa Kỳ có thể và sẽ bảo vệ họ chống lại ảnh hưởng và xâm lấn của Tàu cộng không. Vậy thì cách tốt nhất -đối với Bắc Kinh- là làm cho ảnh hưởng của Hoa Thịnh Đốn ở Á Châu yếu đi đồng thời làm cho các chính quyền ở Á Châu mất tin tưởng nơi chính phủ Mỹ.

Khi trực tiếp dùng áp lực quân sự , Tầu cộng có ý làm cho những nước láng giềng của họ khao khát được Hoa Kỳ yểm trợ về quân sự, đồng thời làm cho Hoa Kỳ không muốn dúng tay vào vì mạo hiểm phải đụng độ với Tàu. Nói một cách khác, khi đối đầu quân sự với các nước bạn của Hoa Kỳ là Tầu cộng đối đầu với chính Hoa Kỳ, buộc Hoa Kỳ phải chọn lựa giửa bỏ rơi bạn mình và đánh lộn với Tàu cộng.

Bắc Kinh chắc rằng, trước những chọn lựa đó, Hoa Kỳ sẽ thoái lui, bỏ rơi đồng minh và bạn mình không yểm trợ. Điều này sẽ làm cho đồng minh và những nước hợp đồng với Hoa Kỳ yếu đi. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Á Châu sẽ mất, đương nhiên ảnh hưởng của Tầu Cộng vượt lên.

TẦU CỘNG SẼ TIẾP TỤC GỌI OBAMA LÀ TÊN LỪA GẠT

Khi Obama vừa tuyên bố “trục” Á Châu, Tầu liền trắc nghiệm xem Hoa Kỳ  yểm trợ đồng minh của mình thế nào về vụ tranh chấp các đảo Scarborough Shoal và Senkaku/Diaoyu. Cho đến khi du hành Á Châu vào tháng 4, Obama vẫn tỏ ra lững lờ với những cam kết của Hoa Kỳ. Nhưng tại Tokyo và Manilla ông đã nói chắc nịch để chứng tỏ lời cam kết.

Sau đó người ta đoán rằng Bắc Kinh sẽ trắc nghiệm lại lời nói mới này của Obama bằng gây áp lực mạnh hơn nữa. Bắc Kinh chơi trò đem giàn khoan HD 981 vào hải phận kinh tế của Việt Nam. Thế rồi họ gọi Obama là tên nói láo, lừa gạt.

Dĩ nhiên, đây là mối nguy hiểm cho Tầu. Tầu không muốn đánh lộn với Hoa Kỳ. Vậy thì Bắc Kinh phải tin rằng Hoa Kỳ sẽ lùi bước, bỏ bạn mình hơn là gây lộn với Tầu. Sự tin tưởng này nói lên hai điều mà những nhà lãnh đạo Tầu đang suy luận.

TẠI SAO TÀU CỘNG NGHĨ RẰNG MÌNH TRÊN CƠ

Trước tiên, họ tin rằng khả năng tân trang quân sự của Tầu về hải quân có thể vượt thắng được Hoa Kỳ ở biển Đông. Họ cũng biết rằng Hoa Kỳ không thể thắng trên biển mà không tung một cuộc chiến trên lục địa Tầu. Như vậy hiển nhiên sẽ gây leo thang chiến tranh lớn có thể không ngừng nếu không dùng nguyên tử. Vậy Bắc Kinh nghĩ rằng Mỹ lâm chiến với Tầu là tạo một cuộc chiến mà Hoa Kỳ không tin tưởng là có thể thắng hay có thể giới hạn.

Thứ đến, Bắc Kinh tin rằng nếu so sánh lực lượng hai bên thì cán cân sẽ nghiêng về phía Tầu. Hoa Thịnh Đốn rõ ràng muốn bảo vệ vai trò của mình ở Á Châu, nhưng Bắc Kinh xác quyết hơn là sẽ thắng quân sự và làm cho Hoa Kỳ phải tốn kém. Điều này lại càng làm cho Tầu tin tưởng rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thể đoán chừng là Tầu sẽ lùi bước trước cơn khủng khoảng ở Á Châu.

MỘT TÍNH TOÁN NGUY HIỂM?

Thật nguy hiểm, Hoa Thịnh Đốn lại nhất trí rằng Bắc Kinh không thực sự muốn thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại Á Châu, bởi lẽ Bắc Kinh không muốn mạo hiểm đối đầu với Mỹ khi biết chắc mình sẽ thua. Nếu ý nghĩ đó là đúng thì cung cách củaTầu bấy lâu nay quả là điên rồ. Thiết nghĩ nó không như vậy?

Cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Bắc Kinh đều leo thang đánh phé, tố nhau khi Tầu Cộng khiêu khích những người bạn và đồng minh của Hoa Kỳ ngày càng trở nên rõ ràng và những cam kết của Hoa Kỳ hứa yểm trợ đồng minh ngày càng chắc chắn. Cả hai phía đều tin là họ có thể thực hiện điều mình muốn vô điều kiện, bởi lẽ họ tin rằng phía kia sẽ thoái lui để tránh đụng độ. Đây  quả là tình trạng hy vọng rối mù, thiết nghĩ cả hai đều có thể sai lầm.

CHIA SẺ QUYỀN LỰC ĐỂ TRÁNH THẢM HỌA

May thay, có thể có một lựa chọn khác khả dĩ thích hợp để tránh tai họa. Hoa Kỳ và Tàu Cộng có thể chia trác quyền hành với nhau ở Á Châu. Ý định này phải chăng đã là ước muốn của Hoa Kỳ khi bỏ rơi VNCH và xé đôi khối cộng quốc tế. Việc này xem chừng quả là khá khó khăn cho cả hai phía, nhưng là khả dĩ nếu cả hai phía đều nhận ra rằng họ không thể thống trị Á Châu mà không đối nghịch với phía bên kia.

Dĩ nhiên Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đi bước trước.  Hoa Kỳ đã không bao giờ mặc cả trước với một quốc gia nào giầu và mạnh như Tầu cộng hiện nay. Vậy thì làm sao Hoa Kỳ có thể chia sẻ quyền lực của mình với Tầu cộng nếu vẫn muốn hiện diện ở Á Châu và tránh chiến tranh với một nước Tầu khá mạnh thế này?

Đến đây thì cách tốt nhất là Hoa Kỳ phải thay đổi trò chơi ở Á Châu bằng cách chia bớt quyền lực cho Tầu nếu các nhà lãnh đạo Tầu biết điều đáp ứng thích hợp. Khởi đầu và để thắt chặt mối tương quan chia sẻ quyền lực thế này, điều kiện là các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải tuyên bố xác định lập trường  thực sư. Về phía Tầu cộng cũng sẽ phải chấp nhận cho Hoa Kỳ tiếp tục hiện diện ở Á Châu và phải tuân hành những điều kiện căn bản như không được dùng sức mạnh quân sự chống lại hoặc xâm chiếm những nước láng giềng. Đồng thời,Hoa Kỳ phải coi Tầu là đối thủ ngang hàng, cho Tầu đầy đủ quyền lợi như họ muốn, và không còn tự coi mình là thủ lãnh trong vùng nữa.

Như vậy, chúng ta không thể biết chắc chắn được quyền hành mà họ chia sẻ với nhau là những gì, mối tương quan giữa hai bên sẽ thế nào, cho rằng nó có thể khả thi. Nhưng bên cạnh những giải pháp đó, chúng ta vẫn có thể nghĩ đến một giải pháp thay thế khác có thể đưa tới thảm họa trong vùng và có thể cho cả thế giới.

Việt Nam như con cá bơi trong chậu nước lúc đó sẽ thế nào? Coi bộ tương lai quả là mù tối nếu không có một chính quyền thực sự vì dân vì đất nước, quyết tâm để cho người dân có đầy đủ tự do dân chủ và nhân quyền và một dân tộc quả cảm đồng lòng quyết tâm đứng lên bảo vệ quê hương.

Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria phù hộ cho Việt Nam bớt khổ đau và thoát nạn Hán Hóa.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

 

Việt Nam cần thay đổi thể chế để bảo vệ đất nước

Việt Nam cần thay đổi thể chế để bảo vệ đất nước

Chuacuuthe.com

VRNs (13.07.2014) – Quảng Nam – Ngày 01.07.2014 vừa qua chính phủ Nhật bản đã có một quyết định quan trọng là thay đổi học thuyết quốc phòng từ chổ chỉ được quyền phòng vệ cá thể như quy định của Hiến pháp Nhật từ sau đệ nhị Thế chiến đến nay sang quyền được Phòng vệ tập thể mở đường cho Nhật bản tham chiến cùng các nước đồng minh trong tình huống chiến tranh, mục đích tối hậu là để đối phó với một  Trung cộng đang trở nên tự tin quá mức.

Sự phát triển như vũ bão của Trung cộng về kinh tế và quân sự cộng với tham vọng bá quyền cố hữu của đất nước khổng lồ này đặt Mỹ, Nhật, Úc và các nước trong khu vực đông Á vào tình thế bị đe dọa trước mắt và lâu dài buộc các nhà hoạch định chính sách của những quốc gia này phải có một tầm nhìn thực tế hơn về tính mong manh của hòa bình và ổn định trên thế giới và chiến lược chuyển trục của Hoa kỳ đang thực hiện là một đáp ứng theo chiều hướng đó.

Sự đồng hành của Mỹ và Nhật như báo trước một sự thay đổi về cấu trúc an ninh khu vực sẽ xãy ra trong thời gian sắp tới và Việt nam của chúng ta sẽ có vị trí nào trong cấu trúc đó là một câu hỏi lớn đối với nhân dân VN và những người quan tâm đến thời cuộc trong đó có những nhà đấu tranh cho dân chủ đang rất lo lắng cho vận mệnh quốc gia.

Trong thời chiến tranh lạnh hai khối Tự do và Cộng sản đối đầu, Việt nam Cộng hòa (bất đắc dĩ) trở thành tiền đồn của khối Tự do ngăn chận sự bành trướng về hướng nam của khối Cộng sản.

Thời điểm này Mỹ lo ngại Trung cộng sẽ xua 500 triệu nông dân Trung quốc tràn ngập Đông nam Á như lời đe dọa của Mao Trạch Đông với Học thuyết chiến tranh “cài răng lược” để vô hiệu hóa ưu thế về hỏa lực của Mỹ như ý đồ của đảng CS Trung hoa. Vậy là Mỹ đã lập phòng tuyến để “be bờ”, VN trở thành chiến trường cho tranh chấp của hai khối.

Ngày hôm nay lịch sử đang lập lại, TC đang trên đà phát triển vũ bão với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, với dự trữ ngoại tệ trên 3ooo tỷ Mỹ kim, với công nghệ quốc phòng tiên tiến đang thu hẹp rất nhanh khoảng cách với các nước Phương Tây tạo ra một hiểm họa chưa từng có đối với Nhật bản, Việt nam và các nước khác trong khu vực và trong tương lai không xa là hiểm họa của chính Úc và Mỹ…

Thời chiến tranh lạnh VNCH là một quốc gia Dân chủ nên việc hội nhập vào một liên minh phòng thủ chung không có trở ngại gì, và việc gia nhập Liên minh phòng thủ với các nước trong khối Tự do cũng giúp VNCH bảo vệ được đất nước, bảo vệ được nền tự do trong một giai đoạn chiến tranh máu lửa.

Thời thế hiện nay đã khác xưa rất nhiều về cả hình thái chiến tranh lẫn vũ khí và  quy mô  cuộc chiến cùng  ảnh hưởng của nó lên tương lai khu vực và cả nhân loại.

Nếu như trước đây VNCH có thể tự vệ được trong điều kiện đồng minh Hoa Kỳ viện trợ đầy đủ như Nga- Tàu đã viện trợ cho CS Bắc Việt , nhưng ngày hôm nay với sức mạnh khủng khiếp của quân đội và vũ khí TC khiến cho Nhật bản là một quốc gia công nghiệp giàu có hàng đầu thế giới cũng phải dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ và phương thức phòng vệ tập thể thì VN chúng ta không có lý do gì để đứng ngoài một liên minh quân sự của khối Dân chủ do Mỹ lãnh đạo.

Việc tham gia liên minh phòng thủ trước mắt đáp ứng nhu cầu bức thiết của chúng ta là bảo vệ  quốc gia và sau đó là góp phần vào việc phòng thủ chung để ngăn ngừa chiến tranh nhưng trong mối tương quan này chúng ta cần Mỹ và các nước dân chủ hơn Mỹ và các nước dân chủ cần chúng ta..

Người Mỹ đang thiết lập một vành đai an ninh bao quanh TC từ bắc xuống nam, bắt đầu từ Hàn quốc qua Nhật bản đến Philippines , xuống Mã lai, Nam Dương và Singapore, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu rõ ràng rằng người Mỹ muốn cộng sản VN đóng một vai trò gì và như thế nào trong cái vành đai an ninh đó và CSVN cũng không hề có chỉ dấu nào là muốn tham gia vào một liên minh phòng thủ chung để được bảo vệ . Việc này sẽ đẩy đất nước vào thế đơn độc đối đầu với TC, nếu TC đơn phương hành động trong lúc này khi VN chưa được ai bảo vệ như Ukraina đã tạo điều kiện cho Nga xâm chiếm Crimea.

Nhận thức được nguy cơ từ Trung cộng Philippines đã nhanh chóng có những hành động cụ thể như cho phép quân đội Mỹ có mặt gần như thường trực tại Phi với một loạt căn cứ quân sự hùng hậu , trong khi đó VN bị TC đe dọa nặng nề hơn mà vẫn tiếp tục chủ trương “không liên kết” thì quả là khó hiểu…!

Để giải thích cho việc VN vẫn đang còn đứng ngoài một liên minh phòng thủ khu vực có hai khả năng:

-Thứ nhất VN vẫn là một chế độ CS độc tài không chia xẻ cùng một giá trị với Hoa kỳ và đồng minh dẫn đến sự nghi ngờ , hơn nữa trong tương quan với TC và Hoa kỳ thì CSVN gần gủi hơn với TC về ý thức hệ và mục tiêu chiến lược, mối quan hệ Trung –Việt vẫn còn ẩn chứa nhiều nghi vấn vì những thỏa thuận ở Thành Đô mà cho đến nay chưa được giải mật.. Ngày nào VN chưa thay đổi thể chế , thay đổi học thuyết quốc phòng, đoạn tuyệt với quá khứ CS thì việc gia nhập liên minh với Mỹ là không thể thực hiện được vì có thể chính phủ Mỹ vì lợi ích thực dụng họ đồng ý vô điều kiện để CSVN tham gia liên minh, nhưng với Quốc hội Mỹ điều này khó chấp nhận được.

-Thứ hai có thể Hoa kỳ không cần thiết có thêm VN trong vành đai an ninh đã được thiết lập vì vị trí trọng yếu của Philippines đã thay thế một cách hoàn hảo cho VN trong sự bố phòng chiến lược ?..

Nếu đúng như vậy thì rất nguy hiểm cho dân tộc VN vì có thể Mỹ và đồng minh không cần VN trong vành đai an ninh của mình nhưng TC thì rất cần vị trí chiến lược của VN trong chiến tranh “chống tiếp cận”, vì hệ thống cảng biển VN từ Đà nẵng, Dung Quất đến Cam Ranh , Vân Phong và Vũng Tàu sẽ tạo ưu thế quân sự cho Tc nếu họ kiểm soát được những vùng đất hiểm yếu này để triển khai khí tài quân sự  mở rộng không gian chiến tranh làm phân tán hỏa lực của Mỹ và đồng minh. Như vậy VN vừa mất chủ quyền vừa mất an ninh…

Xét theo lập luận này thì việc Mỹ và đồng minh mở cửa cho VN tham gia khối quân sự sẽ vô hiệu hóa hình thái “chiến tranh chống tiếp cận” của TC và ưu thế chiến lược sẽ nghiên về phía Mỹ. Riêng với Nhật bản việc VN tham gia liên minh sẽ rất có lợi cho họ vì sẽ phân tán hỏa lực của TC một khi chiến tranh nổ ra, “chia lửa” cho Nhật bản và làm cho TC bị bao vây  ở nhiều mặt giúp cho  việc phòng thủ và tấn công của liên minh  thuận lợi hơn rất nhiều.

Nhìn nhận trong góc độ này thì vị trí chiến lược của VN là cực kỳ quan trọng mà cả Mỹ – Nhật và Trung cộng không thể bỏ qua.

Hiện tại chúng ta chưa thể xác quyết được điều gì, chúng ta chỉ hy vọng rằng người Mỹ sẽ hành động có trách nhiệm với nhân dân VN. Hy vọng người Mỹ và Nhật hiểu cho rằng chỉ có một chính phủ dân chủ do nhân dân chọn lựa qua cuộc bầu cử tự do mới đủ tính chính danh để đàm phán với họ về việc VN gia nhập khối phòng thủ chung, mọi thỏa hiệp của CSVN với các nước kể cả Hoa kỳ sẽ không có giá trị và nó sẽ bị hủy bỏ một khi CS sụp đổ, mà CS sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Mỹ và Nhật nên đồng hành với nhân dân VN chứ không nên đồng hành cùng CSVN, vì CSVN chỉ là một giai đoạn trong lịch sử dân tộc VN…

Về phía VN, chúng ta không có lý do hay lợi ích gì khi can dự vào tranh chấp quyền lực của các siêu cường, chỉ vì ngày hôm nay chủ quyền quốc gia và sinh mệnh dân tộc Việt bị đe dọa cho nên chúng ta mới chấp nhận rủi ro tham gia vào một liên minh phòng thủ . Trên đời này mọi sự cao quý đều có giá của nó, việc bảo vệ tổ quốc đương nhiên phải trả bằng máu của chính dân tộc mình.. để tồn tại chúng ta phải chiến đấu và hy sinh không có sự chọn lựa nào khác.

Nhưng sự chiến đấu và hy sinh này của dân tộc Việt phải được bảo đảm bằng cái giá của tự do cho cả dân tộc, chúng ta không chiến đấu để duy trì chế độ độc tài, một chế độ đã làm ung thối đất nước, đặt đất nước vào tình thế hiểm nghèo vì một “mối tình hữu nghị viễn vông” như chính ông Thủ tướng CS Nguyễn tấn Dũng đã nhìn nhận.

Thêm một lần nữa khẳng định: để bảo vệ sự trường tồn của dân tộc và quốc gia, mở ra lộ trình canh tân đất nước, VN phải thay đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ , chỉ có như vậy mới đoạn tuyệt được ý thức hệ CS nguyên nhân của mọi sai lầm và bi kịch, mới thay đổi được học thuyết quốc phòng tự cô lập, chủ động tham gia liên minh phòng thủ khu vực do Mỹ lãnh đạo .

Đây cũng chính là cơ may cuối cùng để gìn giữ hòa bình, nhưng phải là một nền hòa bình trong sự tôn trọng tự do và phẩm giá dân tộc, hòa bình trong thế mạnh.

Huỳnh Ngọc Tuấn

 

Bán anh em xa mua láng giềng gần?

Bán anh em xa mua láng giềng gần?

RFA

Lê Diễn Đức

Định mệnh đã đặt Việt Nam nằm sát Trung Quốc. Suốt mấy ngàn năm, người láng giềng phương Bắc lúc nào cũng xem Việt Nam như là một tỉnh của mình và lăm le xâm chiếm.

Ba lần Bắc thuộc, từ năm 189 trước công nguyên đến năm 514, gần một ngàn năm, là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam với chính sách đô hộ và đồng hoá. Thời nhà Minh, chúng còn thực thi bành trướng nền văn minh Hoa Hạ, xóa bỏ nền văn minh sông Hồng, như đốt, phá và chở về Trung Quốc các loại sách, văn bia có nói về dân Việt, thiến hoạn đàn ông Việt. Các triều đình Trung Quốc đã không thể đồng hóa được người Việt. Dù bị ảnh hưởng sâu sắc tập quán và văn hoá Trung Quốc, người Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, nhờ tính dân tộc và tinh thần tự chủ. Đây là thất bại lớn nhất của quân bành trướng phương Bắc.

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ, Hà Nội, sáng ngày 1/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “trong lịch sử, va chạm với người láng giềng này xảy ra nhiều lần lắm rồi...”.

Ông ta dùng từ “va chạm” là cố ý nói cho nhẹ đi. Thực tế, không phải là những va chạm bình thường. Mỗi lần “va chạm” là mỗi lần quân Trung Quốc xua đại quân tiến xuống phía nam: Nhà Tống (năm 1075), nhà Minh (1407), nhà Thanh (1789), xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và chiếm đóng một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Phía gây hấn và tiến hành xâm lược luôn luôn là Trung Quốc.

Tâm thức văn hoá nô dịch dường như đã thấm vào máu thịt của những người lãnh đạo Việt Nam hôm nay. Vẫn là não trạng e sợ nước lớn và tự xem mình bị lệ thuộc.

Vua Lý Công Uẩn đã từng sai sai sứ sang cầu phong, hoàng đế nhà Tống cho làm “Giao chỉ quận vương”, sau lại gia phong làm “Nam Bình vương” vào năm 1017 (thời Tống Chân Tông).

Vua Lê Lợi cũng sai sứ sang Trung Quốc cầu phong nhà Minh mặc dù chính ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, đánh tan tác 20 vạn quân Minh xâm lược.

Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, cũng không khác, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, ông cũng nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với phương Bắc và cầu vua Càn Long của Trung Quốc phong vương.

Thế nhưng đó là thời kỳ phong kiến, các quốc gia mạnh có thể mang quân đi xâm lược thôn tính nước khác. Giờ đây là thế kỷ 21. Đã có những định chế và tổ chức quổc tế bảo vệ trật tự thế giới. Một trong những nguyên tắc ứng xử trong bang giao của các thành viên Liên Hiệp Quốc là tôn trọng quyền tự quyết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Chúng ta hãy xem ba nước cộng hoà vùng Baltic: Estonia, Lithuania và Latvia. Cả ba nước nhỏ bé này đều bị Liên Xô xâm lược và chiếm đóng. Năm 1990-1991 Liên Xô sụp đổ và tan rã, cả ba nước tuyên bố độc lập và trở thành những quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Họ nhanh chóng gia nhập khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO (2001- 2004), Liên minh châu Âu (2004) và trở thành những nước phát triển nhanh, mặc dù trước đó phụ thuộc rất nặng nề vào Liên Xô.

Tham gia khối quân sự NATO, ba nước cộng hoà Baltic không nhằm chống lại nước Nga. Nhưng trong trường hợp con gấu láng giềng Nga khổng lồ duơng nanh vuốt ra, họ sẽ được bảo vệ và đáp trả bằng điều 5 của Hiệp ước Washington “tấn công một nước thành viên là tấn công cả khối NATO”.

Gần hơn, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), một hòn đảo nằm sát nách Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã có lúc đe doạ tấn công bằng vũ lực, nhưng cũng huyênh hoang một lúc rồi thôi, bởi vì Mao ý thức được rằng, xung đột với Đài Loan là đụng tới Đạo luật quan hệ với Đài Loan năm 1979 của Hoa Kỳ.

Hàn Quốc cũng là một quốc gia châu Á đáng được chú ý. Kể từ năm 1953 sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Nam-Bắc, tại Hàn Quốc vẫn duy trì gần 30 ngàn lính Mỹ để đề phòng nguy cơ tấn công của phía Bắc và Trung Quốc. Được bảo đảm an ninh, Hàn Quốc đã làm nên những diệu kỳ diệu trên sông Hàn, trở thành một nền kinh tế đứng thứ 14 thế giới (2013).

Trong thực tế, các nước láng giềng lớn ỷ thế mạnh luôn muốn có sự ảnh hưởng của mình lên các nước nhỏ. Vẫn có những nước coi thường luật pháp quốc tế. Nước Nga của Putin đã sát nhập Cremea và hỗ trợ phiến quân gây rối ở vùng Đông Ukraina, chính là vì Ukraina chưa có chỗ dựa của một đồng minh (cả về kinh tế lẫn quân sự). Cũng tương tự như với Gruzia (Georgia).

Như vậy, với một nước nhỏ, con đường duy nhất có thể ngăn ngừa được ý đồ xâm lược của nước lớn láng giềng là liên minh quân sự với các quốc gia khác. Liên minh không phải để chống bất kỳ quốc gia nào, mà để bảo vệ an ninh cho chính mình.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tuyên bố không liên minh với ai để chống lại nước thứ ba, thực sự ám chỉ nước thứ ba là Trung Quôc, vì họ đang thực thi chính sách phò Tàu. Một nuớc nhỏ hơn, không ngu dại gì gây chiến tranh với nước lớn láng giềng lớn.

Việt Nam bị bó tay và túng quẫn vì lời tuyên bố nêu trên của nhà cầm quyền Hà Nội, trước sự xâm phạm chủ quyền ngày càng trắng trợn của Trung Quốc.

Chính sách phò Trung Quốc để bám giữ và duy trì hệ thống độc tài toàn trị là nguyên nhân cốt lõi của những bế tắc hiện nay. Nhà cầm quyền cũng chẳng hế giấu giếm. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã từng nói (trên tờ Tuổi Trẻ Online 1/01/2013):

“Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Khăng khăng giữ “sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” mà đến hết thể kỷ 21 cũng chưa biết tới chưa (lời của Nguyễn Phú Trọng), thì làm sao có thể liên minh quân sự với các nước dân chủ phương Tây, cho dù có muốn.

Trong hơn hai thập niên qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dường như mở toang cửa đón Trung Quốc vào mặc sức tung hoành, ngậm dấm dần lãnh thổ bằng các biện pháp kinh tế. Các cuộc trúng tổng thầu EPC của Trung Quốc chắc chắn mang lại những lợi ích riêng không nhỏ. Nhà cầm quyền bị kẹt cứng trong vũng lầy ý thức hệ và những lợi lộc từ các dự án.

Cố đấm ăn xôi như vậy nên bị hiếp đáp, trở mặt, Hà Nội vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Và rõ ràng chẳng có cách nào trong bối cảnh ấy có thể “sinh sống hoà bình, hữu nghị với nhau, dĩ nhiên, hoà bình, hữu nghị vẫn phải giữ được độc lập chủ quyền”.

Những cuộc chiến võ mồm của các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội đến Thủ tướng, đều tuyên bố chắc nịch “không lùi bước trước sự đe dọa độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Thấm chí Thủ tướng còn tuyên bố “chính phủ đã chuẩn bị tình huống xấu nhất”. Tình huống xấu nhất là gì? Trung Quốc sẽ phong toả, cấm vận kinh tế? Không bao giờ! Trung Quốc đang được nhà cầm quyền cộng sản “cho” quá nhiều. Hầu hết các dự án xây dựng nhá máy điện, khai thác khoáng sản, đường cao tốc, hoá chất, dầu khí, xi măng…. Dự án Formosa ở khu Vũng Áng được thuê 70 năm đang đòi trở thành đặc khu trực thuộc Văn phòng chính phủ. Chiến tranh ư? Càng không! Để mất cả chì lẫn chài sao!

ông Trần Kinh Nghị, cựu Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch, viết:

“Xem ra những gì vị lãnh đạo tối cao của đất nước vừa nói đều đã được nói trước nay, không có gì mới, trong khi tình hình Trung Quốc (TQ) lấn chiếm biển đảo thì hoàn toàn mới và đang ngày càng diễn biến rất khẩn trương và phức tạp. Đã có quá đủ bằng chứng để cho thấy TQ đã dứt khoát vứt bỏ quan hệ hữu nghị láng giềng, anh em và ý thức hệ… nhằm đạt mục tiêu độc chiếm biển Đông mà trong đó VN là đối tượng chính và trước tiên. Vậy mà người đứng đầu Việt Nam (VN) vẫn gọi TQ “bạn láng giềng lớn”… “muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, không thể lựa chọn, thay đổi được, có ai chọn được láng giềng đâu”.

“Nếu là nhà ở thì có thể bán nhà dời đến chỗ khác sống, nhưng với đất nước thì chỉ có cách giữ nước hoặc bán nước ,và do đó nói là không thể chọn láng giềng là đúng. Nhưng chọn bạn thì ai cấm? Vậy mà VN tự cấm mình khi các vị lãnh đạo thay nhau nhau tuyên bố với thế giới “VN không liên minh với ai…”. Làm sao phải “chưa khảo mà xưng” như vậy nhỉ, nếu không phải là do sợ bóng sợ gió? Đó là bài bản gì nếu không phải là kế sách của kẻ bạc nhược?”.

“Bán anh em xa mua láng giềng gần” đúng trong bối cảnh xã hội con người với nhau, nhưng đưa lên tầm quốc gia với quốc gia đã không còn chính xác. Trong trường hợp Việt Nam và Trung Quốc thì người láng giềng phương Bắc đã mua đứt tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam chứ không phải là ngược lại!

© Lê Diễn Đức