Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Sài Gòn đã giải phóng tôi

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Đàn Chim Việt

Thứ mì tưởng chỉ dành cho du hành vũ trụ

Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.

Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời diệu kì.

Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.

Tối hôm đó thằng Mình bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ dành cho các du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.

Thằng Minh khoe cái cassete ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassete là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassete của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo, người thường không thể có.

Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thật vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành. Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bĩu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Mình tủm tỉm cười không nói gì, nó mở casete, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca số 7. Kết thúc Sơn ca số 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!

Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn. Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn..

Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác, tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy dành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí..

Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu xuẩn. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt. Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt..

Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Capstan, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt..

Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum sê, hai vỉa hè đầy sách. Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác – Lê. Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nôi chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác – Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác – Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn..

Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị..

Tôi thì rất vui vì biết mình đã “được giải phóng”

Nguồn: Nguyễn Quang Lập


 

Vingroup và công an chỉ “cột dây giày trong ruộng dưa”?

 Ba’o Tieng Dan

RFA

Đồng Phụng Việt

30-4-2024

Xe điện của VinFast được trưng bày ở cửa hàng tại Hà Nội hôm 29/9/2023. Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Lê Minh Nguyên vừa đưa lên trang Facecebook của ông bài lược thuật về tai nạn xảy ra ở Pleasanton – một thành phố nhỏ ở khu vực Bắc California, hôm 24/4/2024. Bài lược thuật đó không dài nên xin dẫn lại:

VinFast làm thinh – Báo Việt Nam không được đăng

Gia đình bốn người chết hết vì đi xe VinFast đụng vào cây sồi bốc cháy khoảng 9 giờ tối thứ tư 24/4 ở Pleasanton, Bắc California. Tốc độ cho phép lái trên đường Stoneridge Drive của thành phố này là 40 dặm một giờ, có nghĩa là tốc độ tương đối chậm, có thể thắng kịp khi gặp sự cố. Cảnh sát cho biết việc xe chạy quá tốc độ có góp một phần vào tai nạn và không có chỉ dấu gì là do rượu, ma túy hay giằng co, gây gổ. Xe va vào trụ lề đường rồi lạc tay lái đụng vào cây, bốc cháy dữ dội ngay sau đó và ông Larry Lai, sống gần đó cho biết, ông đang ở bên ngoài thì nghe thấy tiếng nổ vào thời điểm xảy ra tai nạn. Ông nói: “Cứ năm đến mười giây lại có một tiếng nổ lớn, có thể khoảng năm đến tám lần. Ba nguời chết đã được nhận diện là: Tarun Cherukara George, 41 tuổi. Rowan George, 13 tuổi, Aaron George, 9 tuổi. Người thứ tư do bị cháy quá tệ nên chưa thể nhận diện sớm được, chỉ biết là phái nữ.

VinFast từ chối sự tiếp xúc để xin ý kiến của hãng tin NBC Bay Area. Cho tới thời điểm này, VinFast vẫn còn làm thinh về tai nạn. Trong nước các báo loan tin thì bị gỡ bài. VinFast không thể và không nên ứng xử thờ ơ trước một tai nạn kinh khủng như vậy ở Mỹ, không nên đem cung cách ứng xử với nguời tiêu dùng ở Việt Nam để áp dụng ở Mỹ, vì sẽ thất bại ê chề!

Việc xe chạy quá tốc độ cho phép, vẫn còn chưa rõ là lỗi từ người lái – một kỹ sư làm việc cho Google và được láng giềng quý mến – hay từ phần mềm. Dù cuộc điều tra đang tiến hành để biết chính xác nguyên nhân xảy ra tai nạn nhưng cháy và nổ liên tục khi xe vừa đụng vào cây cho thấy người trong xe không có những phút giây cần thiết để tẩu thoát, người cứu nạn không có thời gian và điều kiện để tiếp cận giải cứu – đây là những điều mà Tesla đã cẩn thận làm và test tới test lui trước khi đưa ra thị trường.

VinFast bán xe nhưng nên hiểu là mạng người không rẻ rúng (1).

***

Thật ra đã có rất nhiều người trích dịch tin tức từ các cơ quan truyền thông ở Mỹ, trong đó có cả những cơ quan truyền thông hướng đến độc giả người Việt như RFA về vụ tai nạn thảm khốc này (2). Người viết bài chọn giới thiệu lược thuật của ông Lê Minh Nguyên về tai nạn liên quan tới sản phẩm của VinFast vì vài lý do: Có một số thông tin mới. Chừng mực. Đặc biệt, ông Nguyên cũng là người Việt nhưng chắc chắn không cần phải… đào tẩu và… xin tị nạn như… Sonnie Tran vì ông ở bên ngoài Việt Nam!

Sonnie Trần tên thật là Trần Mai Sơn, 38 tuổi, cũng là người Việt như ông Lê Minh Nguyên nhưng sống ở Việt Nam. Sonnie Tran nổi tiếng vì chuyên chắt lọc, tổng hợp thông tin từ các cáo bạch của Vingroup, đối chiếu với những tài liệu của các doanh nghiệp ngoại quốc như Tata, LongChuan,… để phân tích, nhận định về Vingroup và VinFast – một trong những sản phẩm nổi tiếng của Vingroup – trên mạng xã hội. Những phân tích của Sonnie Tran được thiên hạ chú ý vì chúng thuộc dạng… điền thế (cung cấp các thông tin, ý kiến về Vingroup hay VinFast mà thiên hạ quan tâm nhưng không thể tìm thấy trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam).

Tuy nhiên đó cũng là lý do Sonnie Tran gặp rắc rối. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, Sonnie Tran liên tục bị công an Việt Nam triệu tập để lấy lời khai vì các sản phẩm thông tin mà theo công an là có dấu hiệu “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Việc Sonnie Tran bị sách nhiễu đã khiến một số cơ quan truyền thông quốc tế ngạc nhiên và nêu ra như một hiện tượng vừa kỳ dị, vừa đáng ngại ở Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên điều đó không giúp giảm áp lực mà Sonnie Tran phải gánh chịu. Áp lực gia tăng đến mức Sonnie Tran phải trốn khỏi Việt Nam, tìm cách được hưởng quy chế tị nạn chính trị,…

Tin Sonnie Tran đào tẩu xuất hiện gần như cùng lúc với tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton. Gọi là đào tẩu vì theo Sonnie Tran, ông đã bị cấm xuất cảnh và rắc rối xuất hiện, áp lực càng ngày càng gia tăng bởi công an Việt Nam thực hiện yêu cầu của Vingroup (3). Vingroup đã từng làm như thế với nhiều người. Một trong những vụ từng khuấy động dư luận là chuyện ông Trần Văn Hoàng dám sử dụng YouTube để phàn nàn về những khiếm khuyết của chiếc VinFast mà ông đã mua rồi bị công an triệu tập…

***

Thiên hạ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã từng và có lẽ sẽ còn tiếp tục bàn tán rất nhiều về việc tại sao hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lại chọn phương thức hành xử theo kiểu “mũ ni che tai” trước những thông tin, sự kiện mà về mặt nghề nghiệp vốn dĩ không thể bỏ qua nhưng lại cương quyết không màng tới chỉ vì không có lợi cho sự nghiệp của Vingroup. Thiên hạ cũng không thể lý giải tại sao công an Việt Nam lại quan tâm và bảo vệ Vingroup tận tình như vậy?

Ông Tô Lâm – nhân vật lãnh đạo Bộ Công an – có biết hiện tượng hết sức bất thường này không? Đặc biệt là khi hiện tượng hết sức bất thường này trở thành “sự kiện và vấn đề” trên hệ thống truyền thông quốc tế, gây tổn hại cho nỗ lực vận động thiên hạ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh – vấn đề có tính chất sống còn đối với sự ổn định và phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam – chẳng lẽ hiện tượng hết sức bất thường đó nằm ngoài phạm trù an ninh kinh tế?

Trong quá khứ, ông Tô Lâm từng dính dáng đến chủ một thực thể vốn gần gũi với người đang nắm giữ quyền điều hành Vingroup. Thực thể đó là Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG). AVG nằm trong tay của ông Phạm Nhật Vũ – bào đệ của ông Phạm Nhật Vượng. Năm 2014, ông Phạm Nhật Vũ quyết định bán 95% cổ phần cho Mobifone (doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông – TTTT). Giá trị thực của số cổ phần này chỉ có 1.900 tỷ đồng nhưng Mobifone lại mua với giá 8.900 tỷ đồng.

Sự việc vỡ lở, một Ủy viên BCH TƯ đảng đồng thời là cựu Bộ trưởng TTTT bị phạt tù chung thân (Nguyễn Bắc Son), một Ủy viên BCH TƯ Đảng kiêm Bộ trưởng TTTT lúc đó bị phạt 14 năm tù (Trương Minh Tuấn), Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị phạt 23 năm tù (Lê Nam Trà),… nhưng ông Phạm Nhật Vũ chỉ bị phạt ba năm tù vì hai… ngày trước khi Thanh tra của chính phủ (TTCP) công bố Kết luận Thanh tra (KLTT) đã chủ động đề nghị hủy thương vụ, trả lại toàn bộ tiền cho Mobifone.

Tuy TTCP khẳng định trong KLTT rằng Bộ Công an đã phát hành ba công văn “trái quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền”, đồng thời đề nghị “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT” (4) nhưng ông Tô Lâm khi ấy là Thượng tướng, Thứ trưởng Công an – người ký cả ba văn bản vẫn vô sự.

Phiên xử vụ án Mobifone – AVG cho thấy, cả ba văn bản mà ông Tô Lâm đã ký không chỉ dọn đường để Mobifone mua cổ phần của AVG với giá trên trời mà việc tùy tiện xếp thương vụ vào diện “Mật” hoặc “Tối mật” đã ngăn chặn tất cả mọi người tiếp cận, đề cập đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Sự việc vỡ lở chỉ vì một số thành viên của Mobifone kiên trì tố cáo không ngưng nghỉ cả bằng đơn, thư gửi đi khắp nơi lẫn bày ra những khuất tất trên mạng xã hội và tương quan thế lực ở thượng tầng thay đổi.

Một trong ba công văn  (CV số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015) đề nghị Bộ TTTT “chỉ đạo hai doanh nghiệp không công khai, tuyên truyền sự việc, quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng thời Thượng tướng Tô Lâm còn “đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp” (5). Xem lại công văn này ắt thấy, “biện pháp nghiệp vụ” vừa kể đã được dùng nhiều lần, với nhiều đối tượng và đã dùng ắt vấn đề không nhỏ.

Chưa có bằng chứng nào về việc Bộ Công an nói chung và lực lượng an ninh thuộc Bộ Công an nói riêng, bảo kê cho Vingroup. Cũng chưa có bằng chứng nào về việc Vingroup dùng Bộ Công an, song chẳng lẽ tất cả đều là ngẫu nhiên? Ngạn ngữ có câu “trong ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ”, hàm ý người tử tế nên tránh gây ngộ nhận. Cả Vingroup lẫn Bộ Công an dưới quyền điều hành của ông Tô Lâm chưa chú ý để tránh ngộ nhận và trong tương lai có muốn tránh chăng?

_________

Tham khảo:

(1) https://www.facebook.com/LeMinhNguyen22/posts/pfbid046tZ4n4UG8aro4LMVFaKZp8GaVatP9GrnM46Bys43BXNLWyTmLvwQ663TnbQVX8Sl

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vinfast-car-crash-4-deaths-04292024060743.html

(3) https://www.voatiengviet.com/a/sonnie-tran-xin-ti-nan-to-cong-an-sach-nhieu-ham-doa-do-ong-phan-tich-vinfast-vingroup/7587298.html

(4) https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/Thanh-tra-Chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thuong-vu-MobiFone-mua-AVG-131455.html

(5) https://baotiengdan.com/2022/12/27/su-nghiep-cua-hai-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-cham-dut-phan-2/


 

Hỏa Tiễn ATTACMS giúp Ukraine tiến đến làm chủ tình hình ở Cremea

Tổng Hợp Báo Chí Quốc Tế Các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Năm rằng các lực lượng Ukraine sẽ có thể sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa mới được chuyển giao để nhắm mục tiêu hiệu quả hơn vào các lực lượng Nga ở Crimea bị chiếm đóng. Sau nhiều tháng yêu cầu, Ukraine đã nhận được phiên bản tầm xa hơn của Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội, được gọi là ATACMS, có thể di chuyển đến 190 dặm.  

 

Philip Karber, một nhà phân tích quân sự chuyên về Ukraine, nói với Đài châu Âu Tự do rằng “việc cung cấp ATACMS là một bước đột phá lớn”. Ông nói rằng vũ khí “về cơ bản có thể khiến Crimea trở nên vô giá trị về mặt quân sự”.

Crimea đã được củng cố tiềm lực quân sự mạnh mẽ kể từ khi lực lượng của Tổng thống Vladimir Putin chiếm đóng, có các căn cứ bộ binh và hải quân. Đây là nơi có cảng tiên tiến Sevastopol, trụ sở của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Crimea cũng đóng vai trò là trung tâm hậu cần và tuyến đường tiếp tế quân sự quan trọng cho quân Nga ở miền nam Ukraine, và là bệ phóng cho một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

 

Ukraine đã giáng nhiều đòn mạnh vào Crimea trước đây – làm suy yếu đáng kể Hạm đội Biển Đen của Nga, cảng Sevastopol và định kỳ nhắm mục tiêu vào cây cầu chiến lược Kerch nối bán đảo với Nga.

Chúng đã được thực hiện khác nhau bởi các loại vũ khí bao gồm máy bay không người lái trên không và hải quân, và có thể là tên lửa Storm Shadow / SCALP do Anh và Pháp cung cấp.

Nhưng ATACMS có một lợi thế quan trọng so với Storm Shadows, Radio Free Europe đưa tin, ở chỗ chúng có tốc độ di chuyển nhanh hơn nhiều khiến cho việc bắn chặn khó khăn hơn.

Báo Người Kinh Doanh Trong Cuộc:

Tháng trước, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi Quốc hội đồng ý về gói viện trợ cho Ukraine, ông đã chỉ ra ATACMS là vũ khí quan trọng để nhắm mục tiêu vào các sân bay ở Crimea.

“Khi Nga biết chúng tôi có thể phá hủy những máy bay này, họ sẽ không tấn công từ Crimea”ông Zelenskyy nói với Washington Post.

“Nó giống như tình trạng xảy ra với hạm đội biển Đen”, ông nói thêm. “Chúng tôi đã đẩy họ ra khỏi lãnh hải của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi sẽ đẩy họ ra khỏi các sân bay ở Crimea”.

Xe VinFast ở Mỹ bốc cháy làm chết 4 người, báo Việt Nam đăng rồi gỡ

Theo Đài RFACác Báo Hoa Kỳ

RFA, 2024.04.29
 
 

Một chiếc xe điện của hãng VinFast ở Mỹ đâm vào gốc cây ven đường rồi bốc cháy, cả bốn người trong một gia đình đều thiệt mạng nhưng báo đài Nhà nước im lặng trước thông tin này.

Đài NBC ở Vùng Vịnh (NBC Bay Area) hôm 28/4 cho hay, gia đình bốn người ở thành phố Pleasanton, miền bắc tiểu bang California đi trên một chiếc xe điện hướng về đường Foothill gần Stoneridge Drive vào khoảng 9 giờ tối 24/4/2024 thì gặp nạn.

Cảnh sát cho biết tài xế dường như đã mất lái và va chạm với một cây sồi lớn, sau đó chiếc xe bốc cháy.

Hiện trường vụ tai nạn ở Pleasanton. Một gia đình bốn người đã thiệt mạng. (Tháng Tư 25, 2024)© Cung cấp bởi NBC Bay Area
 

Cảnh sát xác định chiếc xe là xe điện VinFast nhưng không cho biết ngay đó là mẫu xe nào. Cảnh sát cho biết tốc độ có thể là một yếu tố gây ra vụ tai nạn này, nhưng cuộc điều tra của họ vẫn đang tiếp tục.

Các nạn nhân được xác định là Tarun George, 41 tuổi và hai con trai của ông, Rowan George, 13 tuổi và Aaron George, 9 tuổi. Việc xác định danh tính nạn nhân thứ tư, được cho là vợ và mẹ, vẫn đang chờ xác nhận chính thức.

 

Tuy nhiên, những người có mặt tại lễ tưởng niệm những người đã mất hôm Chủ nhật xác định các nạn nhân là Tarun và Rincy George, hai đứa con của họ, Rowan George, học lớp 8 tại trường trung học cơ sở Hart, và Aaron George, học sinh lớp hai tại trường tiểu học Donlon.

Xe VinFast ở Mỹ bốc cháy làm chết 4 người, báo Việt Nam đăng rồi gỡ

Chiếc xe điện VinFast VF8 ra mắt tại nhà máy ở Hải Phòng năm 2022, ảnh Reuters

Trong khi đó, tạp chí điện tử Người Đưa Tin có cơ quan chủ quản là Hội Luật gia Việt Nam hôm 27/4 đưa tin tức về vụ việc với tiêu đề “Kết quả điều tra ban đầu vụ xe ô tô chở 4 người gặp tai nạn ở Mỹ”. Ngày 29/4, phóng viên truy cập vào đường dẫn trên thì bài viết đã không còn, thay vào đó tờ báo này dẫn người đọc tới một bài viết khác về Ukraine.

Đài NBC vùng vịnh

Cảnh sát cho biết các nạn nhân – một người mẹ, người cha và hai đứa con dưới 15 tuổi – đã chết tại hiện trường. Danh tính của họ vẫn chưa được công bố chính thức vào đầu giờ chiều thứ Sáu.

Cảnh sát xác định chiếc xe là xe điện VinFast, nhưng họ không cho biết ngay mẫu xe nào.

NBC Bay Area cho biết Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia đã triệu hồi một số mẫu xe VinFast 2023 vì lỗi đồng hồ tốc độ và đèn cảnh báo.

Các tài xế cũng đã nộp đơn khiếu nại với cơ quan này về các vấn đề về tay lái và chệch làn đường với các phương tiện, nhưng không rõ mẫu xe nào.

Công ty VinFast đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của NBC Bay Area.

 

Cư Dân Thương Tiếc các Nạn Nhân đi xe VinFast
tuong trình của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - VOA

Admin Nhật Ký Yêu Nước ra tòa hôm 8/5

Ba’o Dat Viet

April 29, 2024

Phan Tất Thành được cho là một trong những admin của trang Nhật Ký Yêu Nước

Phan Tất Thành, cựu quản trị viên thứ nhì của trang Facebook có gần một triệu người theo dõi chuyên đưa tin trái chiều về xã hội Việt Nam sẽ ra tòa sắp tới đây.

Tòa án TP.HCM sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm vào ngày 08/5 để xét xử nhà hoạt động Phan Tất Thành với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Ông Thành, 38 tuổi, là một trong những người quản lý fanpage có nội dung cổ võ các giá trị dân chủ và tự do mang tên “Nhật Ký Yêu Nước,” có hơn 800.000 người theo dõi và từ năm 2021 bị tin tặc đổi tên thành “Văn Toàn.”

Ông bị tạm giữ từ ngày 05/7/2023, và hơn một tuần sau, vào ngày 13/7, ông bị bắt tạm giam một cách chính thức.

Ông Thành trước khi bị bắt đã dừng mọi hoạt động xã hội và tập trung vào công việc chuyên môn về hậu cần.

Ông Phan Tất Chí, bố của ông Thành, ngày 26/4 cho biết, tòa án đã gửi giấy triệu tập tham dự phiên tòa cho em trai của ông Thành là Phan Tất Công với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Công bị triệu tập vì đã gặp Thành vào rạng sáng ngày 12/7 khi người này trốn khỏi đồn công an trong một thời gian ngắn trước khi bị bắt giữ lại.

Ông Chí cũng cho biết ngày 22/4 vừa qua, toà cấp giấy phép bào chữa cho hai luật sư Trần Đình Dũng và Nguyễn Minh Cảnh, tuy nhiên hai luật sư đến nay chưa gặp thân chủ để chuẩn bị bào chữa do vướng các ngày nghỉ lễ.

Ông cho biết con trai ông không vi phạm pháp luật và cần được trả tự do. Ông nói:

“Tôi thấy vô lý, tôi không đồng tình với việc họ áp dụng điều luật 117 vào con tôi. Con tôi vô tội và tôi muốn họ phải trả tự do ngay lập tức cho con tôi. Con tôi bị giam giữ tới hôm nay là đã hơn 10 tháng rồi vì điều luật vô lý đó.”

Bình luận về phiên tòa sắp tới, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho rằng việc bắt giữ và truy tố Phan Tất Thành là một ví dụ khác về chiến dịch đàn áp nhân quyền của Chính phủ Việt Nam nhằm xóa bỏ hoàn toàn mọi hình thức chỉ trích.

Ông nói:

“Các nhà lãnh đạo Hà Nội sẽ không hài lòng cho đến khi họ tống hết mọi công dân Việt Nam có tư tưởng tự do vào tù chỉ vì bày tỏ chính kiến của mình. Phan Tất Thành đã không làm gì có tội để mà bị bắt, tuy nhiên không nghi ngờ gì về việc ông sẽ phải chịu một bản án tù dài hạn đưa ra bởi án bỏ túi.”

Vị chuyên gia về nhân quyền Việt Nam nhận xét rằng, tình hình chính trị ở Việt Nam giống như “sự tàn phá hoàn toàn xã hội dân sự mà chúng ta đã thấy ở Trung Quốc của Tập Cận Bình” và có vẻ như Bộ Công an và Đảng Cộng sản Việt Nam đang học theo việc đàn áp của giới đồng minh chính trị ở phương Bắc.

“Câu hỏi lớn là khi nào, nếu có, Hoa Kỳ, Liên Âu và các chính phủ có cùng quan điểm với nhân quyền sẽ thức tỉnh và nhận ra rằng họ cần phải hành động, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đối với Tô Lâm và các lãnh đạo Bộ Công an, để đảo ngược thảm họa nhân quyền này.”

Một số nhà hoạt động cho biết, Phan Tất Thành có biệt danh là Black Aaron, thường xuất hiện trong các bình luận và tin tức của trang Fanpage Nhật Ký Yêu Nước, một diễn đàn xuất hiện từ khoảng năm 2010 cùng với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Cuối tháng trước, một toà án ở tỉnh Tiền Giang tuyên án 8 năm tù giam đối với ông Nguyễn Văn Lâm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117. Ông Lâm cũng bị cho là quản trị viên trang “Nhật ký yêu nước.”

(Theo RFA)


 

 NGƯỜI CÓ ĐỨC MỚI CÓ PHÚC…

 Khí chất thực sự của một người không phải là vẻ ngoài đẹp đẽ, mà là sự phong phú nội tâm bên trong; điều quan trọng nhất của cuộc đời một người không phải là của cải, mà là phẩm hạnh!

Người có đạo đức đi đến đâu cũng được kính trọng; người không có đạo đức đi đến đâu cũng bị ghét bỏ

Người có đức ắt sẽ có phúc! Phúc đức của một người không chỉ ẩn chứa sự tu dưỡng , mà còn ẩn chứa phúc khí của đời người. Làm người phải chú ý đến đức hạnh của bản thân, mới là người có đức.

Làm người phải lương thiện, lương thiện là đức tính tốt đẹp nhất

Nếu được hỏi phẩm chất tốt đẹp nhất trên thế giới này là gì, tôi chắc chắn sẽ nói đó là lương thiện. Lương thiện mới là năng lượng tích cực trên thế gian, nó có thể gửi hơi ấm và làn gió xuân cho người khác, đồng thời khiến bản thân cảm thấy an tâm.

An tâm là phúc lớn nhất đời người, người ta sống cả đời chỉ cầu được an tâm. Thực ra, chọn lương thiện không phải vì người khác mà là cho chính mình, để xứng với lòng mình, để cho lương tâm mình trong sáng không hối hận.

Người ta nói người tốt bị người khác lừa dối, nhưng tôi nghĩ dù thế nào thì chúng ta cũng phải giữ lòng tốt, đừng vì người khác không thiện mà mất đi sự thiện lương trong con người. Lòng tốt không hề sai trái, nhưng lòng tốt phải có thước, có độ, có sự sắc sảo của nó.

Làm người phải chân thành, chân thành là phẩm chất tốt đẹp nhất

Dù người khác không chân thành, chúng ta cũng phải chân thành, xứng đáng với lương tâm của mình, xứng đáng với cách cư xử của mình. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng chỉ có đối xử chân thành với mọi người thì chúng ta mới có thể nhận lại được sự chân thành từ người khác.

Làm người phải giữ chứ tín, tín là nguyên tắc tốt nhất

Người không giữ lời hứa sẽ mất lòng tin của mọi người đối với mình, con đường trong tương lai chỉ càng ngày càng hẹp, vận may sau này cũng tiêu tan dần. Niềm tin một khi sử dụng hết sẽ mất đi, chỉ có giữ nguyên tắc của chính mình thì bạn mới có thể giữ được lòng tin trong thời gian dài.

Tín nhiệm thực ra là may mắn, bạn càng đáng tin cậy, càng được nhiều người tin tưởng thì bạn càng may mắn, vì vậy càng giữ chữ tín bạn càng may mắn. May mắn là phước lành, bạn có bao nhiêu may mắn, bạn sẽ có bấy nhiêu phúc lành!

Người có đức ắt sẽ có phúc, đức của người ẩn chứa trong việc làm của người đó.

Thật ra, chúng ta không nên coi làm người là một loại tri thức uyên thâm, chỉ cần bạn là con người chân chính nhất, tử tế, đối xử chân thành với người khác và giữ lời hứa, bạn sẽ là người có đức, có phúc!

Phúc đức của cuộc đời ẩn chứa trong đức hạnh của bạn, đức hạnh càng sâu thì phúc báo càng sâu. Tuy rằng không ai nhìn thấy tích đức, hành thiện tự có Chúa biết, càng làm việc thiện, càng tích đức, phúc đến, may mắn đến. Sau cùng sẽ được hưởng phúc bên Chúa.

Amen.

Trích bài giảng: Lm Mt Nguyễn Khắc Hy


 

 Giật mình!-Tạ Duy Anh

 Ba’o Tieng Dan

Tạ Duy Anh

29-4-2024

Sau những gì đang diễn ra trong giới quan chức toàn cỡ Mối Chúa mà tới đây chắc chắn còn nhiều bất ngờ kinh hoàng, xin mời quý vị đọc lại đoạn thẩm định trích ra từ công văn số 914/CXBIPH-QLXB, của Cục Xuất bản, In và Phát hành đề ngày 13-9-2017, dùng làm cơ sở cho việc cấm lưu hành tiểu thuyết Mối Chúa.

…Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám. Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật”.

(Hết trích)

Xin quý vị hãy chỉ giúp, nếu cuốn sách nói về những gì như ghi trong THẨM ĐỊNH, thì nó bôi đen hiện thực và nguy hiểm cho xã hội ở chỗ nào, (chắc chắn hiện thực đen hơn nhiều) hay nó mang tính cảnh báo, một chức năng của văn học?

Về phần mình, tôi bỗng giật mình nhận ra: Hình như những việc làm tử tế ở xứ này luôn bị một thế lực hắc ám nào đó không muốn đất nước tiến bộ, tìm mọi cách để ngăn cản, hủy diệt.

Chả trách…

_____

Viết thêm: Mối chúa, với bút danh Đãng Khấu, đã được xuất bản thông qua NXB Hội nhà văn năm 2017, sau đó bị cấm. Năm 2018, NXB Người Việt ở Mỹ in lại, lấy đúng tên tác giả và tháng 11 năm 2023, bản tiếng Anh được xuất bản bởi Penguin Random House.


 

Công cuộc ‘đốt lò’: Ông Tô Lâm là người thắng cuộc?

Ba’o Tieng Dan

VOA

29-4-2024

Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2023. Ông Lâm là cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc chống tham nhũng. Ảnh chụp màn hình

Công cuộc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị Bộ trưởng Công an Tô Lâm ‘vũ khí hóa’ để triệt hạ các đối thủ và bản thân ông Lâm trở thành người chiến thắng trong bối cảnh còn chưa tới 2 năm là đến kỳ Đại hội Đảng, một nhà nghiên cứu về tình hình Việt Nam nói với VOA.

Chiến dịch chống tham nhũng ‘không có ngoại lệ’, ‘không có vùng cấm’ do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng phát động hồi năm 2016 để làm trong sạch Đảng và cho đến nay, nó đã khiến hàng loạt quan chức từ huyện, tỉnh, đến trung ương bị kỷ luật, cách chức, truy tố và thậm chí đã ngồi tù.

Chỉ tính riêng nhiệm kỳ khóa 13 dù mới hơn nửa đường nhưng đã có hàng chục ủy viên trung ương và 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị bị mất chức, điều chưa từng thấy trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có ba lãnh đạo thuộc hàng tứ trụ là các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và mới đây là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

‘Triệt hết đối thủ’

Bộ trưởng Công an Tô Lâm được xem là người hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đốt lò của ông Trọng khi bộ công an của ông đã phanh phui và khởi tố nhiều vụ việc của các doanh nghiệp mà sau đó dẫn đến các cú rớt đài của các ông Phúc, Thưởng và Huệ mặc dù Đảng không nói rõ sai phạm của các ông này là gì.

Điển hình như trong vụ việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công an đã bắt giữ các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An nhân lúc ông Huệ vừa lên đường công du Trung Quốc và bắt giữ trợ lý thân cận của ông ngay khi người trợ lý này cùng ông Huệ vừa về tới Hà Nội khi công an mở rộng điều tra Tập đoàn Thuận An. Chưa đầy một tuần sau đó, ông Huệ đã phải nộp đơn xin từ chức.

“Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại,” Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, nói với VOA.

Theo nhận định của vị giáo sư này thì ông Tô Lâm ‘rõ ràng là người chiến thắng trong công cuộc chống tham nhũng’ khi đã đẩy lùi các đối thủ có khả năng lên kế nhiệm ông Trọng vào năm 2026.

“Ngay lúc này chỉ còn hai ứng cử viên có đủ điều kiện (lên thay ông Trọng) theo quy chế hiện hành của Đảng (ngoài ông Tô Lâm). Đó là ông Phạm Minh Chính (thủ tướng) và bà Trương Thị Mai (thường trực Ban bí thư, trưởng Ban Tổ chức trung ương),” ông Abuza nói. “Nhưng ông Tô Lâm nắm rất nhiều thóp của ông Chính, người cũng bị những cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu.”

Ông Phạm Minh Chính cũng xuất thân từ Bộ Công an như ông Tô Lâm trước khi chuyển qua làm công tác Đảng với tư cách trưởng Ban Tổ chức Trung ương rồi sau này nhảy sang làm người đứng đầu Chính phủ.

Khi được hỏi liệu cuộc chiến chống tham nhũng có đi quá xa và liệu kết quả của nó có thể làm cho ông Trọng hối tiếc hay không khi những người như ông Võ Văn Thưởng hay Vương Đình Huệ – vốn được ông Trọng nâng đỡ vào Bộ Chính trị – đều bị chính công cuộc đốt lò của ông ‘thiêu đốt’, Giáo sư Abuza cho rằng ông Trọng ‘đã cưỡi lên lưng cọp’.

“Ông Tô Lâm là vũ khí tấn công của ông ấy (attack dog). Nhưng trong khi tiến hành, ông ấy đã lợi dụng việc đốt lò để từng bước hạ từng đối thủ một, bao gồm cả người được ông Trọng đỡ đầu như ông Vương Đình Huệ.”

“Tôi không nghĩ là ông Trọng có thể dừng đốt lò lúc này nếu như ông ấy muốn,” ông nhận định. “Ông ấy có thể bắt Tô Lâm dừng lại, nhưng sẽ khó mà đạo diễn, và tôi không chắc ông Trọng có muốn dừng hay không.”

Nhận định về ông Vương Đình Huệ, nhà nghiên cứu này cho rằng ‘rõ ràng ông ấy được bồi dưỡng để lên nắm vị trí cao nhất với rất nhiều kinh nghiệm trong cả Đảng và Chính phủ’.

“Ông ấy thể hiện tham vọng rất rõ ràng và mong muốn leo lên vị trí cao nhất, đó là lý do tại sao ông ấy tự tin thái quá trong vai trò của ông ấy (Chủ tịch Quốc hội),” ông Abuza nói.

“Ông Huệ cũng tham nhũng như các lãnh đạo cấp cao khác mà thôi,” ông chỉ ra và nhắc lại vai trò của ông Huệ khi còn là bộ trưởng Tài chính đã xảy ra vụ bà Trương Mỹ Lan sát nhập ba ngân hàng yếu kém thành SCB hồi năm 2012– tiền đề dẫn đến vụ án gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Ông Huệ vừa trở về sau chuyến công du kéo dài khác thường đến 5 ngày đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc thì ngay lập tức bị dính vào tâm bão của vụ án Thuận An.

Ông Abuza nhận định rằng chuyến công du vừa qua của ông Huệ cho thấy Bắc Kinh ‘đặt cược rằng ông Huệ sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Việt Nam, và các lãnh đạo của họ đã bỏ thời gian ra để gặp ông Huệ’.

Ngoài ông Tập, ông Huệ cũng đã gặp tất cả các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Nhân Đại Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính Hiệp Vương Hộ Ninh.

‘Đảng đang hỗn loạn’

Về tình hình nội bộ Đảng Cộng sản hiện nay sau những cú sốc liên tiếp, Giáo sư Abuza cho rằng đang ‘hỗn loạn’ (in turmoil) với 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng và hai ghế tứ trụ đang để trống.

Công cuộc đốt lò vốn có mục đích là lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng Cộng sản thì nay lại ‘phơi bày trần trụi tình trạng tham nhũng hoành hành đến mức nào ngay ở cấp cao nhất của Đảng’.

“Người dân đã quen với tham nhũng ở cấp thấp nhưng không nghĩ là sẽ bắt được con sâu trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.”

“Tôi nghĩ công cuộc đốt lò đã làm mất mặt mũi của Đảng (trong mắt người dân),” ông nói thêm.

Về tình hình đất nước, ông Abuza cho rằng ‘hiện giờ không có gì ngoài bất ổn’ (anything but stable) trong khi ‘một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là ổn định chính trị’.

“Chủ tịch Quốc hội chịu trách nhiệm thông qua luật và thực thi các đạo luật. Đảng không thể để cái ghế này trống,” ông giải thích tại sao việc ông Huệ ra đi lại gây bất an cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về triển vọng sắp tới, ông cho rằng tình hình ‘sẽ không sớm ổn định trở lại’.

Với sự rơi rụng liên tiếp của các nhân sự chủ chốt, Giáo sư Abuza cho rằng sẽ không ngoa khi nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang trải qua ‘khủng hoảng lãnh đạo’ và ‘đấu đá nội bộ đã trở thành rào cản lớn của Đảng’.

Theo phân tích của ông khi Đảng kiếm người để thế vào hai ghế bị trống (mà bà Mai là một ứng cử viên) thì Đảng phải tìm người thay thế hai vị trí của bà Mai là Thường trực Ban bí thư và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vốn có vai trò quan trọng trong cơ cấu của Đảng.

Chức Thường trực Ban bí thư xử lý công việc hàng ngày của Đảng trong khi chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lo cất cử nhân sự vào các vị trí từ cấp trung cho đến cấp cao, ông chỉ ra.


CẢM ƠN NGÀI…-Lan Phạm st

Jesus và Maria – con muôn đời cảm tạ

CẢM ƠN NGÀI…

Một gã da trắng giàu có bước vào quán rượu…

Trong quán toàn khách da trắng, trừ một phụ nữ da đen ngồi trong góc…

Hắn rút ví dày cộp nói với quản lý: “Tôi đãi mỗi người một ly, trừ bà da đen kia.”. Quản lý làm theo. Người phụ nữ da đen đứng lên lễ phép cúi đầu “Cảm ơn ngài”

Gã kia bực bội “Này quản lý, tôi đãi khách sâm banh thoải mái, trừ người đàn bà da đen kia”.

Bà da đen lại đứng lên lễ phép”Cảm ơn ngài”

Gã nhà giàu điên tiết “Các vị muốn ăn gì cứ gọi. Tôi đãi, trừ mụ da đen này.”

Bà da đen lại lễ phép “Cảm ơn ngài.”

Gã da trắng tiến lại phía tay quản lý và hỏi nhỏ “Mụ ấy điên à? Tôi cư xử vậy mà mụ ta cảm ơn hoài”.

– Dạ, ngược lại, bà ấy rất thông minh ạ. Bà ấy là chủ quán.…

— Lan Phạm st—


 

 Mất mát 30 Tháng Tư, 1975 như chớm phai mờ

Ba’o Nguoi-Viet

April 29, 2024

Đằng-Giao/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Gần 50 năm sau ngày thủ đô Sài Gòn thất thủ trong tay Cộng Sản mà cột mốc 30 Tháng Tư, 1975 vẫn là dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm người cao niên gốc Việt tại thủ đô tị nạn Little Saigon.

Bà Mai Thị Thế không bao giờ quên được những ngày tị nạn ở nhà thờ Bắc Hà trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, Sài Gòn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lũ lượt quay về khi gần Ngày Quốc Hận.

Bà Mai Thị Thế, 84 tuổi ở Midway City, còn nhớ rành rành ngày 30 Tháng Tư, 1975 bà cùng gia đình được xe GMC quân đội VNCH chở từ Long Khánh lên Sài Gòn chạy loạn khi Cộng Sản đang trên đường xua quân tiến chiếm Dinh Độc Lập.

“Lúc đó tôi đang có bầu bốn tháng, cả gia đình sáu người, hai vợ chồng và bốn con, dắt díu nhau tới nhà thờ Bắc Hà. Chúng tôi có biết gì đâu, cứ nghĩ ở ngoài đạn bom nguy hiểm, vô nhà thờ an toàn hơn,” bà Thế hồi tưởng. “Cha tốt lắm, chứa chấp cả trăm người, ăn ở la liệt đầy giáo đường. Lúc chúng tôi chuẩn bị về nhà, cha còn phát gạo cho chúng tôi nữa.”

Bây giờ bà Thế không còn nhớ từng chi tiết ngày chạy loạn năm đó, nhưng ấn tượng còn rõ nét trong đầu bà là một sự căng thẳng và sợ hãi tột cùng.

“Sao mà không sợ được. Ngày 30 Tháng Tư là ngày mất nước của mình mà,” bà nói.
“Là người dân Việt Nam, ai mà quên được ngày Sài Gòn bị cưỡng chiếm được.”

Nỗi lo lắng cho vợ ở Sài Gòn hôm 30 Tháng Tư, 1975 là ấn tượng của ông Quang Nguyễn trên đường về nhà. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Nguyễn Sâm, ở San Diego, cho rằng chiều 30 Tháng Tư, là ngày ông chứng kiến cảnh tượng hãi hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

“Là hạ sĩ quan Thiết Giáp, tôi chạy khỏi Huế hồi Tháng Ba. Tôi cứ đón xe đi từng đoạn ngắn. Đến Sài Gòn là chiều 30 Tháng Tư. Từ trưa, tài xế xe đò dừng xe ven đường để tất cả anh em binh sĩ xuống xin vô nhà dân thay đồ dân sự rồi, nhưng lúc xe lăn bánh vô Sài Gòn, nhìn quân phục, ba lô chất thành đống hai bên đường mà nước mắt tôi cứ chảy ròng,” ông Sâm kể.

“Suốt thời gian tám năm mặc quân phục, tôi mắt thấy tai nghe bao nhiêu tang thương đau khổ mà chưa bao giờ đổ lệ,” ông bùi ngùi. “Vậy mà bữa đó tôi không cầm được nước mắt khi mục kích cảnh cả một quân đội bị khai tử, bị chôn vùi dưới những nấm mồ ba lô và quân phục đó.”

Bao nhiêu chính nghĩa, bao nhiêu hy sinh và bao nhiêu lý tưởng của ông Sâm, cũng như của bao nhiêu quân, dân, cán chính VNCH đã “giẫy chết” ven đường vào Sài Gòn hôm 30 Tháng Tư, 1975, theo ông Sâm.

Ông lắc đầu: “Bây giờ 76 tuổi rồi, nước mắt tôi không trào ra như hồi đó nữa, nhưng cứ nghĩ lại hình ảnh tang thương điêu tàn lúc đó, ruột tôi thắt lại và tôi khóc bên trong. Cả một chế độ sụp đổ mà.”

Ông Quang Nguyễn, ở Santa Ana, cho biết hôm 30 Tháng Tư, 1975 ông đang trên đường từ Pleiku về Sài Gòn.

“Tôi là lính pháo binh đóng quân ở Pleiku và rất nóng ruột về nhà coi gia đình ra sao. Thời buổi loạn lạc, bất trắc xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi lo lắng lắm. Ngồi trên xe mà lòng dạ bồn chồn. Tới khi nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, tôi càng lo hơn,” ông Quang kể. “Chưa bao giờ tôi lo lắng, bồn chồn như bữa đó.”

Bà Nhiệm Trần, ở Garden Grove, có lý do để nhớ mãi Ngày Quốc Hận.

Bà kể: “Chúng tôi là dân di cư nên rất sợ Cộng Sản. Nhưng nỗi sợ hãi lên đến độ kinh khủng khi 1, 2 giờ chiều, chị giúp việc trong nhà lôi ra một lá cờ trên đỏ dưới xanh, giữa có sao vàng ra treo. Mấy hôm sau tôi mới biết là cờ Giải Phóng Miền Nam. Tôi sợ quá vì lá cờ của chị đã cũ sờn và bạc màu. Chị làm cho chúng tôi hơn năm năm. Không biết trong thời gian qua, mình có lỡ mồm lỡ niệng nói gì mà đến tai ‘họ’ thì ở tù mọt gông.”

Ông Kiệm Nguyễn, ở Tustin, chứng kiến cảnh người bạn đồng ngũ bị bắn gục ở Thị Nghè.

Ông kể: “Như vầy, Đà Nẵng đầu hàng hồi Tháng Ba, hai đứa tụi tôi về Sài Gòn đang chờ lệnh tái động viên nên súng đạn còn nguyên. Trưa đó nghe tin ‘tụi nó’ chiếm Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn rồi, tụi tôi rủ nhau đem súng ra cầu Thị Nghè liệng xuống sông. Tính ghé cà phê chờ tối rồi liệng.”

Không dè, thấy cảnh bộ đội hung hăng la hét chửi bới ai đó ngoài đường, bạn ông là Nguyễn Phùng Tuấn, chịu không nổi, móc súng chạy ra đường định “thanh toán” tên cán bộ to mồm nhưng vừa đến gần thì bị một tên bộ đội đứng gần đó bắn gục.

“Lính tráng bộ binh tụi tôi thấy cái chết ‘hà rầm’ nhưng bữa đó tôi ngồi chết trân trên ghế, không biết phải làm gì,” ông Kiểm thú nhận. “Có lẽ vì tôi sợ. Tôi nghĩ vậy.”

Cũng có người không có cảm xúc gì về ngày 30 Tháng Tư vì lúc đó họ còn quá nhỏ.

Bà Lãng Nguyễn, ở Torrance, cười: “Tôi biết 30 Tháng Tư, 1975 là ngày mất Sài Gòn nhưng tôi không cảm thấy sự mất mát. Tôi sinh năm 1970 nên không biết gì để so sánh.”

Dĩ nhiên những người trẻ hơn nữa thì lại càng mù mờ hơn.

Sinh viên Scotty Trương, 21 tuổi, ở Huntington, nói: “Cháu chỉ biết ngày nước Mỹ độc lập là July, 4, 1776 thôi.”

Trong lúc đó, đối với những người lớn đủ, Ngày Quốc Hận luôn là ngày đau buồn.

Ông Trần Trọng rời Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Trần Trọng, bệnh nhân vĩnh viễn của viện dưỡng lão Mission Palm, Westminster, có một kỷ niệm không bao giờ quên được với ngày 30 Tháng Tư, 1975 vì đó là ngày ông rời Việt Nam.

Câu chuyện của ông xảy ra trước đó mấy năm rồi mới dẫn đến chuyện rời Việt Nam.

Từ lâu, gia đình ông ở khu Phú Thọ Hòa.

“Hồi Mậu Thân, trong một ngày, tôi bị thương ba lần. Lần đầu, đang ở trong nhà thì nhà tôi bị pháo kích bể một khoảng ngói lớn và tôi bị miểng đạn nhỏ ghim vào chân trái, rất đau nhưng tôi chịu đựng được. Băng bó xong, tôi theo gia đình di tản ra khỏi khu vực Phú Thọ Hòa vì đó là ổ Cộng Sản nằm vùng,” ông Trọng hồi tưởng.

Buổi chiều, trên đường khập khễnh đi, ông Trọng bị trúng đạn từ máy bay bắn xuống.

“Tôi chỉ nhớ máy bay của ‘mình’ có hai chong chóng bay rất thấp. Họ bắn Việt Cộng và tôi xui nên bị lạc đạn thôi. Khu này nổi tiếng là căn cứ Việt Cộng mà,” ông tiếp. “Lần này tôi bị đạn vào vai trái. Đạn nhỏ li ti nên không đau lắm nhưng khó chịu.”

Tối hôm đó, gia đình ông đang ngủ ở nhà người quen thì bị pháo kích.

Ông thở dài: “Cả nhà đang nằm trong mùng thì ba tôi bị tức hơi của đạn pháo kích chỉ la lên một tiếng lớn rồi chết tại chỗ. Tôi nằm kế bên, bị một miểng đạn ghim vào sau cổ, làm tê liệt hai chân.”

Vì liệt hai chân ở tuổi 16, ông được các linh mục ở nhà thờ nhận nuôi và đúng hôm 30 Tháng Tư, 1975, ông cùng hơn 200 thanh niên khuyết tật di tản sang Mỹ.

“Làm sao mà tôi quên được ngày đó, ngày tôi vĩnh viễn xa Việt Nam,” ông Trọng lắc đầu.

Những người còn giữ được dấu ấn 30 Tháng Tư, 1975 trong lòng ngày càng luống tuổi và lớp tuổi từ 55 trở xuống đang quên dần ngày lịch sử ấy. [đ.d.]


Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com