SỐNG VÀ CHẾT

SỐNG VÀ CHẾT

nguồn:conggiaovietnam.net

Một mùa Phục Sinh nữa lại đến trong cuộc đời tôi – một đứa con trở về muộn màng đang cuộn tròn trong vòng tay ấm êm của Chúa.

Có cái gì rất lạ, rất linh thiêng của đất trời cứ se se thở vào lòng tôi…xao động, bồi hồi…

Mười bốn năm có dài không? Mười bốn mùa Phục Sinh đã qua trong đời tôi, mà sao cái cảm giác nguyên sơ như mới hôm qua! Cái nguyên sơ ấy như kéo tôi đi ngược dòng thời gian, trở về những ngày đầu tôi mới “quen biết”, bập bẹ đọc kinh Lạy Cha với lòng thành kính sâu thẳm. Đầu tôi lại lòng vòng những câu hỏi xem ra thật lẩn thẩn trong thời kỹ thuật số này: Tôi là ai? Ý nghĩa cuộc đời này? Sống vì cái gì và sống cho ai? Hay Chúa cứu độ tôi chỉ để tôi lẩn quẩn nợ áo cơm, rồi đến chết vẫn không có gì cao hơn cơm với áo?

Ồ, cái chết! Tôi đang sống hay là đã chết? Có lẽ chết không đáng suy nghĩ, nhưng “chết” khi vẫn đang sống mới đáng sợ! Tôi sợ tôi “chết” cái phần “NGƯỜI” trong chính tôi đây, khi mà tôi đang bị cuốn bởi dòng xoáy kinh hoàng của não trạng duy kỹ thuật. Não trạng đó giảm thiểu các chiều kích của con người. Con người bị giảm trừ theo sự “hữu dụng” và “chức năng”, bị lượng giá bằng máy móc, bằng các thông số, bị biến thành công cụ và nô lệ cho kỹ thuật. Thẩm mỹ và tôn giáo bị đánh bật. CON NGƯỜI không còn được quan tâm như một huyền nhiệm thẳm sâu khôn dò.

Tôi đang dò giẫm từng bước trên cuộc lữ hành LÀM NGƯỜI đầy gian khó. Tôi phải lãnh lấy trách nhiệm hoàn thành phần “NGƯỜI” của chính tôi và của anh chị em tôi – bằng sự ứng đáp và cách lối tôi chọn lựa ở mỗi phút giây cuộc đời này. Từ chối và trốn chạy là đồng nghĩa với từ chối việc trở thành người. Chao ôi! Cuộc đời tôi đã có bao nhiêu lần từ chối, bao nhiêu lần trốn chạy? Tôi chứa trong tôi sự xa cáchbất nhân…Tôi kiêu ngạo, xét đoán. Tôi tự nâng tôi lên và hạ người xuống. Tôi tách tôi ra khỏi những “người tội lỗi” mà lẽ ra chỉ có Chúa mới có quyền phán xét. Tôi có còn biết lắng đọng để làm người, hay cứ hối hả, ùa xô theo nhịp sống? Hỡi tôi ơi! Tôi phải sống kiếp sống của tôi và chết cái chết của tôi, sao cho xứng với phẩm giá con người!

Để kính sợ Chúa, tôi lom lom giữ mười điều răn cho khỏi tội trọng. Tôi có hay đâu tôi đang tắm mình trong một tội cực trọng khác mà tôi không biết: tôi không còn lòng tín thác, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em được nữa! Bởi cuốn theo dòng đời, tôi mãi chạy theo những ảo ảnh của thế gian, quen cậy dựa uy quyền của tiền tài, thế lực. Có cái gì đó khô cứng, vô cảm trong tôi. Nơi tôi hiện diện một sự chết xuất phát vì tội.

Chúa thương đặt để vào lòng tôi một lương tâm, để tôi biết ray rứt vì tội lỗi. Nhưng khốn nỗi, đức tin của tôi không đủ lớn để tin vào quyền năng tha tội của Ngài. Chúa đã tha cho tôi, nhưng tôi không tha được cho chính mình, tôi ôm lấy mặc cảm tội lỗi trong quá khứ để rồi không sao được chữa lànhgiải thoát. Tôi không biết rằng: cái chết được đón nhận trong tình yêu là cái chết được biến đổi để đi vào sự sống mới.

Có Lời đã nhắc tôi rằng: Tôi phải sống như Chúa sống và chết như Chúa chết: Sống với lòng đơn sơ, không phân biệt người cao, kẻ thấp; và chết đi cho những sự tội trong tôi. Tôi phải xin ơn Chúa để Người tưới đổ trên tôi một tình yêu cứu độ – tình yêu duy nhất trên thế gian này có thể xóa TỘI, bồi ƠN, dẫn kẻ CHẾT đi vào cõi SỐNG.

Hạt Cải

TÔI CHỌN

TÔI CHỌN

Chúa gọi?

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Chuỵện thật như bịa thứ nhất: Một người thất vọng uống thuốc sâu tự tử. Xét thấy đương sự lúc sinh thời có một vài biểu hiện thiếu làm chủ bản thân, tôi bèn giải thích cho đoàn tín hữu rồi vẫn tiến hành làm phép xác, tẩm liệm và cho đưa thi hài vào nhà thờ dâng Lễ an táng. Khi đưa thi hài vào nhà thờ, ca đoàn bỗng cất bài hát quen thuộc: “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng tôi nức vui tiếng cười…” Tôi đã đắng họng không biết khởi đầu Thánh Lễ bằng lời dẫn nhập nào bèn nói thằng: “Tôi không tin trường hợp này là do Chúa thương gọi về. Chuyện thứ hai: Cũng bài hát đó trong thánh lễ an táng một thanh niên chết vì ẩu đả, bị đâm mấy nhát vào tim, phổi, tôi  cũng khẳng định rằng không đời nào Thiên Chúa gọi người ta kiểu này ra khỏi trần gian. Chuyện thứ ba: Một thanh niên vốn là giáo lý viên của giáo xứ đi làm việc. Qua sông cùng các bạn đồng nghiệp, một bạn đứng lên chụp hình, thuyền chòng chành, lật úp. Sáu thanh niên tử nạn, trong số đó có bạn giáo lý viên ấy. Tôi đến làm phép xác và tẩm liệm tại tang gia. Sau nghi lễ, một vị hội đồng thay mặt tang quyến ngõ lời cám ơn. Và như để an ủi tang gia, cùng với lời cám ơn, vốn đã từng nghe nhiều mục tử khuyên bảo trong các đám tang, vị ấy nói rằng: “Cánh hoa nào đẹp thì Thiên Chúa ngắt về”. Tôi đắng họng khi chợt nhớ tới cảnh tình vừa vị kỷ vừa thiếu văn hoá của một số bà con ở thủ đô Hà Nội khi tham quan một hội hoa đã từng chen chân ngắt giành hoa đẹp làm xấu cả bộ mặt thủ đô nước nhà vài năm trước đây. Sao chúng ta lại nỡ gán ghép cho Thiên Chúa cái hành vi vừa thiếu văn hoá vừa đầy vị kỷ như thế nhỉ? Rất nhiều nạn nhân của các chế độ độc tài chẳng hạn như những cái chết trong các lò hơi ngạt thời phát xít Đức, rất nhiều nạn nhân của các thiên tai như trận động đất gây sóng thần ở Nam Á  ngày 26-12-2004  hay ở Nhật Bản ngày 11-3-2011 vừa qua, phải chăng những cái chết bi thương ấy cũng đều do Thiên Chúa gọi?

Chắc chắn không ai dám to gan gán ghép cho Thiên Chúa là nguyên nhân của những cái chết ấy. Rất có thể cách giải thích nào đó của truyền thống đạo đức đã làm xuất hiện nhiều triết gia vô thần như Jean Paul Sartre hay Albert Camus. Còn chuyện cha già Gioan Baotixita Hồ Sĩ Cai, 91 tuổi, một vị linh mục giáo phận Ban Mê Thuột nghỉ hưu tại Toà Giám Mục. Đêm Thứ Bảy ngài còn nói chuyện với giám mục, còn chuẩn bị để 04g30 sáng hôm sau dâng Lễ thì lúc 4g00 sáng Chúa Nhật ngài đã an bình ra đi. Xin thử hỏi rằng việc an nghỉ ngàn thu của cha già có phải là do Thiên Chúa gọi không? Tôi xin khẳng định rằng không. Ngài ra đi như ngọn đèn hết dầu thôi. Giả như Thiên Chúa gọi thì cái đích của người được gọi phải chính là Thiên Chúa, thì có thể nói nhiều khi chẳng cần lời cầu nguyện, chẳng cần Thánh Lễ…

Chúa chọn?

Một vị hội đồng tâm sự với tôi: “Cha ơi, bà con giáo dân xứ con phàn nàn về cha xứ chúng con đủ điều. Đúng là ngài khó quá, lại nóng nảy nữa chứ. Con đã an ủi họ là các cha, các sơ, các thầy là những người Chúa chọn, nên mình phải cố chịu đựng”. Nhân chuyện Đức Bênêđictô XVI thoái vị, tôi đã kêu gọi bà con cầu nguyện cho Ngài cũng như cho các Hồng Y trong việc bầu tân Giáo Hoàng. Một em thiếu nhi hỏi tôi: “Cha ơi, Giáo Hoàng là do Chúa chọn rồi thì mình cầu nguyện làm gì?” Vậy có phải bất cứ ai được bầu làm Giáo Hoàng cũng là người đã được Chúa chọn? Một câu hỏi xem ra khó có lời giải đáp, dù rằng với niềm tin đại đa số tín hữu thì Giáo Hoàng đều do Chúa chọn. Nếu Chúa đã chọn rồi thì cầu nguyện để làm gì? Và các Hồng Y phải cần có thời gian làm quen, tìm hiểu, cầu nguyện và bầu bán làm gì nhỉ?  Đọc lịch sử Giáo Hội chúng ta có xác tín rằng tất cả những vị Giáo Hoàng đều là do Chúa chọn không? Rồi đến các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, phải chăng đều do Thiên Chúa chọn? Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô I bông đùa với các Hồng Y: “Xin Chúa tha tội cho anh em (vì đã dại chọn tôi làm Giáo Hoàng!) (Lời Đức Hồng Y Dolan). Nếu bỗng dưng tôi nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô I là không do Chúa chọn thì chắc bà con tín hữu sẽ cho rằng ông cha này “bị chạm” hoặc mất đức tin rồi. (không nghe và không thấy báo đài khắp nơi đều ca ngợi tân Giáo Hoàng chúng ta đó ư?). Nhưng nếu nói rằng Chúa không chọn, nhưng Người soi sáng cho các Hồng y chọn thì chẳng ai dám trách cứ. Cụ thể là phải đến vòng bỏ phiếu thứ năm các Hồng Y mới chọn được tân Giáo Hoàng. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì chưa đủ và tôi có thể xin phép Đức tân Giáo Hoàng để thêm một tí vào câu dí dỏm của Ngài nói với các Hồng Y ở trên, đó là cũng xin Chúa tha tội cho Ngài, vì nếu Ngài không nhận, nghĩa là không chọn, thì ngai Giáo Hoàng vẫn còn trống.

Vào trần gian, Chúa Kitô đã nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là Người vẫn chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên. Các tin mừng, cách riêng tin mừng thánh Gioan cho ta thấy Chúa Kitô chỉ làm dấu lạ khi cần thiết để mạc khải Nước Trời. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ vạn vật với quy luật vận hành của nó và Người dựng nên con người có lý trí và ý chí tự do. Thiên Chúa không phải là Đấng thích ngẫu hứng làm phép lạ hoặc thích tuỳ tiện nhúng tay làm thay đổi các quy luật Người đã lập nên.

Sự xuất hiện của một con người mới trên trần gian này là do quyền năng của Thiên Chúa nhưng vẫn lệ thuộc vào sự tự do của con người. Thiên Chúa đã trao ban điều đó thì Người không rút lại. Khi bố mẹ muốn có một sinh linh mới, thì Thiên Chúa phú ban linh hồn. Thậm chí một thai nhi hiện hữu do bởi một hành vi thú tính của hai người nam nữ nào đó (như hiếp dâm, loạn luân…) thì Thiên Chúa cũng phú ban linh hồn. Những trường hợp này có thể khẳng định rằng dù không hợp thánh ý Thiên Chúa nhưng Người vẫn theo quy luật Người đã đặt ra, vì Người không thể mâu thuẩn với chính Người.

Như thế có thể nói rằng sự sinh sôi nẩy nở của nhân loại lệ thuộc vào quy luật tự nhiên và sự tự do mà Thiên Chúa tặng ban cho loài người. Với hệ luận ấy chúng ta có thể khẳng định rằng chính tự do của con người và các quy luật tự nhiên đã làm nên cái chết của con người. Sự ra đi của cha già hưu nói ở trên chỉ là kết thúc quá trình “thành trụ hoại không” của một kiếp người xét như một sinh vật mà nói theo ngôn ngữ bình dân là khi đèn hết dầu thì tự nhiên tắt, thế thôi. Sáng ngày 12-3-2013 trong Thánh Lễ an táng cha già, Đức Giám Mục giáo phận Ban Mê Thuột và Đức Ông Tổng Đại Diện cũng nhìn sự ra đi của ngài như đèn hết dầu. Cái chết của rất nhiểu trẻ thơ vô tội trên bờ  biển Bali – Inđônêsia  hay ở Nhật Bản là do sự vận hành của giới tự nhiên. Cái chết của anh bạn trẻ giáo lý viên vừa là do quy luật tự nhiên: vật nặng rơi xuống nước thì chìm, người không biết bơi thì ngạt thở, uống nước, khi rơi xuống dòng nước sâu và cũng vừa do sự bất cẩn của các bạn đi cùng thuyền và nhiều lý do chủ quan hay khách quan khác. Cái chết của người tự tử thì có thể có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân lớn là cái quyết định của chính họ. Cái chết của nhiều người trong trại Auschwitz thì ai cũng nhận đó là do sự độc ác của nhà độc tài Hitler và nhiều người dưới quyền ông ta lúc bấy giờ. Chúng ta có thể khẳng định rằng cùng với quy luật của giới tự nhiên đã tạo lập thì Thiên Chúa còn trao ban cho con người quyền chọn lựa trên chính sự sống lẫn sự chết của mình và của nhau. Đây là một hồng ân cao cả nhưng cũng là một thách đố khó vượt qua. Nếu có sự lựa chọn nào xấu xa, gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, cho tha nhân, cho xã hội và giáo hội thì xin chớ đổ thừa cho Thiên Chúa.

Trở lại với các bậc sống, các vai vị trong giáo hội. Lật các trang Tin mừng chúng ta nhận ra hiện thực này: Khi vào trần gian, Đấng luôn tự xưng là Con Người đã thức suốt một đêm trắng để cầu nguyện rồi sáng hôm sau chọn gọi Nhóm Mười Hai đặt làm Tông đồ. Chúa Cha không đích thân chọn nhưng Người trao phó cho Đấng làm người chọn tập thể Nhóm Mười Hai. Các bậc sống: tu sĩ, linh mục, giám mục hay các vai vị: Bề trên cộng đoàn, Bề trên Tổng quyền, Quản xứ, Giám mục giáo phận…và cả Giáo Hoàng thì Thiên Chúa cũng trao phó cho con người quyết định chọn lựa cho chính mình hay cho người khác. Đã có chọn lựa thì có thể đúng có thể sai, có thể đúng và đẹp thánh ý Thiên Chúa và cũng có thể chưa. Chúng ta tin rằng dù có lúc con người chọn sai nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hướng dẫn dòng lịch sử nhân loại theo lòng từ bi và quyền năng của Người, nói theo ngôn ngữ tu đức là Thiên Chúa vạch đường thẳng bằng những nét cong của con người. Tuy nhiên nội dung niềm tin này không hề xem nhẹ hay bỏ qua vai trò chọn lựa của loài người. Sự chọn lựa của con người qua các quyết định căn bản luôn có đó vai trò thiết yếu làm nên sự sống sự chết, làm nên hạnh phúc hay đau khổ cho mình và tha nhân đến độ thánh giáo phụ Âugustinô dám khẳng định rằng “Thiên Chúa có thể dựng nên tôi mà không cần có tôi nhưng Người không thể cứu độ tôi mà không cần có tôi”.

Phó mặc mọi sự cho Thiên Chúa là một hành vi lỗi Đức Cậy cũng giống như thái độ quá cậy dựa vào sức riêng của mình. Thiên Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Người và Người muốn tạo vật cao cả này vốn được ban cho linh hồn với hai cơ năng là sự hiểu biết và ý chí tự do, phải biết sống cách trưởng thành để cộng tác với Người hoàn thành công cuộc sáng tạo. Nhiệm vụ vinh dự này vừa nói lên nét cao cả của con người cũng vừa là chìa khoá mở cánh cửa vào sự sống đời đời của con người để hưởng vinh phúc vĩnh cửu hay để trầm luân mãi mãi.

Tản mạn đôi điều về sự chọn-gọi chỉ mong sao Kitô hữu chúng ta đừng hữu ý hay vô tình làm cớ cho sự dữ tồn tại khiến nhiều người đã từng phẩn uất và đã chọn con đường “vô thần”. Công đồng Vatianô II cũng đã từng nhìn nhận phần trách nhiệm của Kitô hữu khi sống quá thụ động khiến cho chủ nghĩa vô thần phát triển. Phải chăng cũng do sự thụ động của chúng ta mà các chế độ độc tài vẫn còn tồn tại? Phải chăng vì sự thụ động của chúng ta mà xã hội vẫn còn tồn tại nhiều bất công, gian dối, bạo lực, hận thù, áp bức?

Sự sống, sự chết, đau khổ, hạnh phúc của bản thân và tha nhân một cách nào đó đang ở trong sự lựa chọn của chúng ta. Thay vì chủ trương như Tổng thống Obama là “freedom of choice” thì Kitô hữu chúng ta phải biết cầu nguyện trong chân thành và khiêm hạ rồi  can đảm đưa ra những lựa chọn, quyết định cách sáng suốt và có trách nhiệm. Có thể nói rằng tương lai của xã hội, của dân tộc, của đất nước, của Giáo hội đang tuỳ thuộc sự lựa chọn của mỗi người chúng ta vậy. Một câu hỏi rất thời sự: “Đâu là sự lựa chọn của bạn, của tôi về nội dung Bản Hiến Pháp nước nhà đang được đề nghị sửa đổi?”

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

KHIÊM NHƯỜNG VÀ YÊU THƯƠNG

KHIÊM NHƯỜNG VÀ YÊU THƯƠNG

(SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG THÁNG 3 NĂM 2013)

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Không ai gọi khiêm nhường là giới răn: giới răn khiêm nhường. Nhưng xét theo nghĩa rộng, có thể gọi khiêm nhường là giới răn vì nó được Chúa Giêsu dạy, lại còn được chính Chúa Giêsu làm gương. Nếu coi là giới răn, ta cần phải giữ. Đó cũng là điều Chúa muốn.

Nếu Chúa nhấn mạnh giới răn yêu thương, thì Ngài cũng dạy hãy sống khiêm nhường. Muốn yêu thương thật sự, cần có khiêm nhường. Và yêu thương cũng làm gia tăng khiêm nhường.

Để dạy con người một điều gì đó, Thiên Chúa không chỉ lý thuyết hóa, nhưng trước hết, Ngài cho con người thấy chính hành động của Ngài. Thiên Chúa mê say trong tình yêu đối với con người, vì bản chất của Ngài là Tình yêu. Nhưng trong Tình yêu đó, Ngài cũng dạy con người phải thương yêu nhau. Chính vì yêu mà ngài đã hạ mình, thì Ngài cũng dạy con người phải biết khiêm nhu.

1. SỰ KHIÊM NHƯỜNG CỦA CON THIÊN CHÚA:

Thánh Phaolô đã từng ca ngợi sự khiêm nhường của Chúa Kitô: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ.” (Pl 2, 6-7).

Sự khiêm nhường của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là ‘quên’ đi cái ‘tôi’, như khi người ta nói ông A, bà B khiêm nhường, cho dù ông A, bà B có khiêm nhường thật. Sự khiêm nhường của Con Thiên Chúa là sự khiêm hạ của Đấng là Thiên Chúa trở nên người phàm. Đó là sự KHIÊM HẠ đúng nghĩa. Nếu con người khiêm nhường thì trước sau họ vẫn là con người. Còn Thiên Chúa khiêm hạ đã trở thành người thật sự, sống giữa xã hội loài người như chính con người là con người.

2. THIÊN CHÚA KHIÊM HẠ VÌ YÊU:

Tình yêu khiêm hạ của Chúa Kitô là tình yêu đẹp lòng Chúa Cha.

Con Thiên Chúa đã tự nguyện lặn sâu xuống tận cùng của kiếp con người để nhân loại hiểu rằng giá trị của cuộc đời không phải quyền thế, giàu sang mà chính là ý Cha được thể hiện. Sự vâng lời của Ngài xuất phát từ Tình yêu tuyệt vời: Đó là lòng yêu mến đối với Chúa Cha, và lòng yêu thương đối với loài người. Tình yêu này đã làm cho Chúa Kitô từ một Đấng giàu sang, quyền năng, vĩnh cửu… trở nên ‘người Tôi tớ đau khổ’ gánh chịu mọi tội lỗi nhân loại. Tình yêu ấy được Chúa Cha chấp nhận. Ngài tuyên bố Đức Kitô là ‘Con yêu dấu’ của mình. Ngài cũng làm cho Tình yêu đó có sức cứu độ tuyệt vời. Và Đức Kitô, Con của Ngài, người Anh Cả của toàn thể nhân loại trở thành trung gian duy nhất giữa Ngài và nhân loại.

Tình yêu khiêm hạ của Con Thiên Chúa có sức cứu độ tuyệt vời.

Sự kiện Con Thiên Chúa ‘trở nên người phàm’ và ở với loài người làm thay đổi cuộc sống trần thế: cuộc sống này nếu không có Chúa Kitô sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng có Người, cuộc sống có giá trị vĩnh cửu. Nhờ Chúa Kitô, Thân phận tội lỗi được Thiên Chúa cứu độ và trở lại làm Con Thiên Chúa. Dù thân phận yếu đuối, nhưng sự yếu đuối ấy cần thiết để nhận được ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ cần con người ý thức mình mang thân phận yếu đuối, con người sẽ khát khao mỗi ngày một hơn được sống trong ơn Chúa, sống trong sự công chính của Ngài. Và chỉ có thế, con người mới nỗ lực để ơn hoán cải của Ngài thấm vào tâm hồn họ. Nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa làm cho ơn cứu độ, sự công chính trở thành viên mãn. Sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa thật cần thiết. Qua mọi thời, sự khiêm hạ ấy là dấu chứng lớn lao của Tình yêu Thiên Chúa. Qua mọi thời, sự khiêm hạ không ngừng được nhắc đến. Và Chúa Kitô – Thiên Chúa làm người vẫn là một thực tại sống động hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Tình yêu khiêm hạ của con Thiên Chúa là niềm an ủi lớn lao cho nhân loại.

Không ai điên dại đến nỗi muốn hóa kiếp thành con vật mình yêu quý để bày tỏ tình yêu với nó. Nhưng Thiên Chúa đã yêu con người bằng Tình yêu mà con người cho là điên dại ấy. Người thực sự chia sẻ kiếp người và thông cảm sâu xa với nỗi gian truân của họ. Trên thập giá, Tình yêu khiêm hạ của Người trở nên bằng chứng hùng hồn về sự hạ mình của Thiên Chúa. Người hạ mình xuống để nâng loài người lên. Vì thế, giữa cuộc sống đầy chông gai, con người có quyền hy vọng, và không bao giờ tắt hy vọng. Chúa Kitô không chỉ an ủi nhân loại bằng lời, nhưng còn bằng chính cuộc đời, bằng chính Tình yêu của một vì Thiên Chúa đã hóa nên người phàm.

Tình yêu khiêm hạ của Con Thiên Chúa là cứu cánh của những kẻ tin.

Chúa Kitô bước vào cuộc trần và đã chết như một tên tử tội không phải tình cờ, chẳng mang một giá trị gì. Người đã sống để thông cảm với kiếp người bất tất, Người chết để loài người sống, và sống lại để những ai tin sẽ sống đời đời. Chúa Kitô vâng lời Chúa Cha, nhưng Người cũng vì tất cả loài người mà đã nhập thể và cứu độ. Nhờ Người mà ‘Chúa Cha đã khứng ban Nước trời cho chúng ta’ (Lc 12, 32). Người là cứu cánh tối hậu cho những kẻ tin. Ngoài Người không còn ai khác.

3. THÁI ĐỘ CỦA CON NGƯỜI:

“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.” (Ga 15, 12).

“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11, 28).

Đó là những lời dạy của Chúa Kitô. Dĩ nhiên lời ấy cần  được áp dụng trong cuộc sống của kẻ bước theo Người.

Khiêm nhường và yêu thương.

Khiêm nhường nằm trong yêu thương. Khiêm nhường và yêu thương bổ túc cho nhau. Có khiêm nhường thì mới yêu thương  dễ dàng, yêu thương chân thành. Ngược lại yêu thương cũng giúp trở nên khiêm tốn. Nếu kiêu ngạo làm con người chỉ thấy mình, thì khiêm nhường mở ngỏ để họ đến với nhau. Nếu chỉ thấy mình, con người sẽ không nhận ra giá trị quanh mình, sẽ trở nên ấu trĩ, sẽ không biết thông cảm, không biết tha thứ. Yêu thương và khiêm tốn là trái phá làm nổ tung mọi hàng rào ích kỷ.

Cái ‘tôi’.

Khiêm nhường cần phải có sự hy sinh đi trước, để khi gặp ‘chướng ngại’, tinh thần hy sinh giúp vượt qua mà thực hiện khiêm nhường. ‘Chướng ngại’ lớn nhất, khó vượt qua nhất là cái ‘tôi’. Nhiều khi phải hy sinh để ‘tạm cất’ cái ‘tôi’ cho khiêm nhường thành công. Kinh nghiệm cho thấy, phải chiến đấu với bản thân nhiều lắm mới có thể ‘tạm cất’ cái ‘tôi’ dù chỉ trong khoảnh khắc cần thiết nào đó. Cần phải chiến đấu, cần phải hy sinh. Chiến đấu cam go, hy sinh trầy trụa, thì chiến thắng mới vẻ vang. Khiêm nhường mới thật sự lên ngôi.

Đón nhận Lời Chúa.

Vì kiêu ngạo, con người đi ra ngoài Tình yêu của Thiên Chúa và của nhau.

Vì kiêu ngạo, Ađam đã đánh mất sự sống nguyên khởi.

Chúa Kitô chịu chết cho loài người cũng vì loài người kiêu ngạo.

Ngày nay, chính vì kiêu ngạo, Hội Thánh bị chia rẽ, thế giới hận thù, con người không nhìn nhận nhau, chiến tranh và bạo lực leo thang.

Là người Kitô hữu, chúng ta có Lời Chúa hướng dẫn. Lời Chúa sẽ giúp hiểu giá trị của Tình yêu và biết học đòi nhân đức khiêm nhường. Đón nhận Lời Chúa, sống Lời Chúa, cuộc sống người Kitô hữu sẽ phong phú. Hôm qua Chúa dạy các môn đệ: Các con hãy yêu thương nhau, thì hôm nay, Chúa cũng dạy chúng ta như thế. Thế giới đang cần tình yêu. Nếu mỗi người chỉ là một đốm lửa sáng cho tình yêu, nhiều người sẽ là một bó đuốc to.

Chúng ta hãy đón nhận Lời Chúa với lòng đơn sơ hết sức, nhờ đó sự kiêu ngạo trong ta được phá vỡ. Không còn kiêu ngạo thì yêu thương mới thật sự là yêu thương. Và yêu thương theo đúng như Lời Chúa dạy thì lòng yêu thương ấy mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Yêu thương thật sự hay không là do tấm lòng chân thật hay không. Đón nhận Lời Chúa và để cho Lời ấy lắng lại trong tâm hồn mình, soi lòng mình, thanh luyện mình để có được tâm hồn biết  yêu thương chân thật, vô vị lợi. Vì ai nghe mà thực hành Lời ấy mới là người yêu mến Chúa Giêsu.

4.  VẤN TÂM:

MẪU  GƯƠNG  VỀ  TÌNH  YÊU  KHIÊM NHƯỜNG CỦA  MẸ  MARIA:

Nhân loại có một người Mẹ thật vĩ đại: Đức Maria. Mẹ vĩ đại vì tình yêu khiêm nhường đối với Thiên Chúa và đối với đồng loại. Lời kinh Magnificat của Mẹ trước hết là lời ca ngợi lòng lân tuất của Thiên Chúa, sau nữa là lời loan báo về một xã hội công bằng mà tất cả những người nghèo, người khốn khổ ước mong: “Thiên Chúa sẽ đánh tan những kẻ kiêu ngạo, sẽ hạ bệ những người quyền thế, sẽ để cho người giàu trở về tay không, sẽ nâng cao những người phận nhỏ, và sẽ cho người đói khát dư đầy của cải” (Lc 1, 5- 53).

Nếu Đức Maria không có một tình yêu thật sự đối với tha nhân, làm sao trong khoảnh khắc, Mẹ có thể cất lên tiếng hát đầy lòng nhân ái như vậy. Và chắc chắn, Mẹ sẽ không nhận ra thế giới này cần gì, con ngýời cần gì, nếu Mẹ không là người sống nhân đức khiêm nhường. Nơi Mẹ tình yêu và sự khiêm nhường sóng đôi. Lời kinh Ngợi Khen của Mẹ là lời kinh mà muôn đời chúng ta phải học tập và học tập không ngừng.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người đầu tiên nhận thấy tiệc cưới ở Cana thiếu rượu. Xin cho trái tim chúng con mang nhịp đập của một tình yêu nhạy cảm để chúng con biết yêu và trao ban  tình yêu ấy cho những người chúng con gặp gỡ. Xin giúp chúng con có quả tim khiêm nhường. Một quả tim như thế sẽ giúp đôi mắt chúng con quan sát tinh tế  hơn về những nhu cầu của mọi người xung quanh, để chúng con sẵn sàng cho đi và trao ban tình yêu của chính chúng con.

5. KẾT LUẬN:

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU THEO GƯƠNG ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI.

“Sau 20 giờ, tôi không còn là Giáo hoàng của Hội thánh Công giáo nữa. Tôi chỉ là người lữ hành khởi đầu chặng cuối trong cuộc hành trình lữ thứ trần gian”. Đó là lời cảm động sau cùng của triều đại Bênêđictô XVI, mà Đức Thánh Cha đã ngỏ với tất cả mọi người đang chia tay và tiễn biệt ngài tại biệt thự mùa hè Castel Gandolfo ngay sau khi Đức Thánh Cha đặt chân đến đây, và bỏ lại phía sau ngai tòa của thánh Phêrô mà ngài đã cáng đáng trách nhiệm trong gần tám năm trời.

Một cuộc ra đi xúc động, mang theo nhiều suy nghĩ, nhiều tình cảm lẫn lộn: thắc mắc, buồn, ngạc nhiên, thông cảm, mến phục… của nhiều người.

Đối với tôi, Đức Thánh Cha đã trở thành biểu tượng của lòng yêu thương. Không phải một thứ yêu thương chung chung. Càng không là một thứ yêu thương sáo rỗng. Cũng không bao giờ là một thứ yêu thương chỉ nặng trên đầu môi chót lưỡi. Đức Thánh Cha đã yêu chính Chúa Kitô, yêu Hội Thánh của Chúa Kitô, yêu cả cơ đồ mà Chúa Kitô để lại, yêu cả chức vụ mục tử mà Chúa Kitô đã trao vào tay mình. Chính tình yêu ấy đã làm Đức Thánh Cha nặng lòng. Ngài đã phải bỏ nhiều thời gian trăn trở, suy tư và cầu nguyện. Chính Đức Thánh Cha đã thổ lộ điều đó tại công nghị hồng y ngày 11.2.2013: “Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”.

Rồi chính tình yêu không gì có thể thay thế ấy, dù “nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động” (diễn văn ngày 11.2.2013), đã dẫn Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đi đến quyết định: “Tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005” (diễn văn ngày 11.2.2013).

Vì thế, qua quyết định rời bỏ ngai tòa thánh Phêrô trong tình yêu đầy tràn dành cho Thiên Chúa, dành cho Hội Thánh, dành cho nhân loại của Đức Thánh Cha, đối với tôi, đó là cả một nhân đức khiêm nhường không nhỏ. Không dễ gì, nếu không yêu thương, không khiêm nhường, một con người có thể dễ dàng tự tước bỏ quyền lực của mình. Càng so sánh với nhiều trường hợp, nhiều người phải bị thúc ép bằng nhiều cách, mới chấp nhận rời bỏ quyền lực, ta càng thấy nhân đức khiêm nhường của Đức thánh Cha là nhân đức anh hùng. Càng khiêm nhường hơn, càng anh hùng hơn, nếu ta nhận ra, một khi tự tước bỏ quyền lực của mình, Đức Thánh Cha cũng đồng thời trút bỏ cả danh dự, tiếng nói, ảnh hưởng…, không chỉ trên 1,2 tỷ người Công giáo mà còn cả trên đấu trường nhân loại về nhiều mặt: chánh trị, tư tưởng, văn hóa, tôn giáo, an sinh, nền hòa bình, đời sống con người… Lòng yêu thương, đức khiêm nhường của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dòi dọi chiếu sáng trên từng người chúng ta, để chúng ta cũng học lấy, và học một cách thấm thía tình yêu khiêm nhường trong mọi ngõ của đời mục tử mà chúng ta đang mang, đang vác.

Từ đây, sau khi rời bỏ tòa thánh, sống như một Giám mục ẩn mình, Đức Thánh Cha sẽ có nhiều thời giờ hơn để hướng về vĩnh cửu. Lại một lần nữa, tình yêu và lòng khiêm nhường tiếp tục dẫn Đức Thánh Cha đến căn phòng của nội tâm, đối diện với thực tế: tuổi già, sức yếu và cái chết đang treo phía trước. Càng yêu thương bao nhiêu, càng khiêm nhường bao nhiêu, người ta càng can đảm đối diện với thực tế (mà nhiều người cho là đau lòng) ấy bấy nhiêu. Đức Thánh Cha đã yêu thương nhiều, đã đi đến cùng của lòng khiêm nhường, vì thế sự can đảm nơi ngài là sự can đảm lớn. Chính Đức Thánh Cha đã tự chuẩn bị cho mình hành trang ấy, khi ngài cho thấy: “Sau 20 giờ, tôi không còn là Giáo hoàng của Hội thánh Công giáo nữa. Tôi chỉ là người lữ hành khởi đầu chặng cuối trong cuộc hành trình lữ thứ trần gian” (diễn văn cuối cùng tại Castel Gandolfo ngày 28.2.2013). Trong căn phòng nội tâm nhằm chuẩn bị cho cuộc lữ hành cuối cùng ấy, cung lòng của Đức cựu Giáo hoàng vẫn đầy ắp Hội Thánh, vẫn có tất cả chúng ta: “Nhưng tôi sẽ vẫn còn nơi con tim tôi, nơi tình yêu của tôi, nơi lời cầu nguyện của tôi, nơi những suy tư của tôi, và với tất cả sức mạnh nội tâm của mình, lòng yêu thích hoạt động vì thiện ích chung của Giáo Hội và nhân loại” (diễn văn cuối cùng tại Castel Gandolfo ngày 28.2.2013). Hay: “Tôi cũng muốn tận tụy phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa trong tương lai thông qua một cuộc sống tận hiến cho việc chuyên tâm cầu nguyện”.

Chúng ta, từng linh mục của Chúa, tại giáo phận Phú Cường này, hãy học lấy bài học đầy yêu thương đối với Thiên Chúa, đối với Hội Thánh, đối với con người. Và hãy tích lũy cho mình nhân đức khiêm nhường, để chúng ta trưởng thành hơn trong việc đón nhận thánh ý Chúa. Ai càng yêu thương nhiều, càng khiêm nhường lớn, sẽ càng chuẩn bị thấu đáo cho ngày ra đi của mình. Hãy sống từng ngày cho sứ mạng, ngay cả khi phải rời bỏ sứ mạng. Vì nếu có hết mình đón nhận sứ mạng và quyết tâm sống chết cho sứ mạng là can đảm, thì khi cần thiết phải rời bỏ sứ mạng, cũng can đảm không kém. Nếu thực thi sứ mạng cách can đảm là sống cho sứ mạng, thì khi cần thiết, can đảm rời bỏ sứ mạng, cũng là sống vì sứ mạng. Và bất cứ ai, nếu đang tất bậc từng ngày do sứ mạng đòi hỏi, cũng phải biết mình đang đi về vĩnh cửu mà sống đường hoàng hơn, tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn. Còn những ai đã được Chúa yêu thương, ban cho một thời kỳ nghỉ ngơi, hãy cảm tạ Chúa thật nhiều, vì thời gian là hồng ân quý báu giúp chuẩn bị chu đáo cho ngày cùng tận của đời mình trên dương thế…

Tất cả đòi lòng yêu mến và sự khiêm nhường. Tất cả nhờ lòng yêu mến và sự khiêm nhường…!

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

 

Bài Huấn Từ Đầu Tiên của ĐTC Phanxicô I:

Bài Huấn Từ Đầu Tiên của ĐTC Phanxicô I:

nguồn:conggiaovietnam.net

Không Tuyên Xưng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh thì Không Phải Môn Đệ của Người

“Khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa!”

Dưới đây là bản dịch Bài Huấn Từ của của ĐTC Phanxiciô I trong Thánh Lễ với các Hồng Y tại Nguyện Đường Sistine hôm thứ năm 14 tháng 3, 2013.

* * *

Trong cả ba Bài Đọc này, tôi thấy có một chủ đề chung là hành động. Trong Bài Đọc Thứ Nhất là con đường hành động, trong Bài Đọc Thứ Hai là hành động xây dựng Hội Thánh, trong Bài Đọc Thứ Ba, trong Tin Mừng, là hành động tuyên xưng. Đi, xây dựng và tuyên xưng.

Hãy đi. “Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, chúng ta hãy cùng đi trong ánh sáng của Chúa” (Is 2:5). Đây là điều đầu tiên Chúa đã nói với ông Abraham: Hãy đi trong sự hiện diện của Ta và hãy sống hoàn hảo! Đi: cuộc đời của chúng ta là một cuộc hành trình và chúng ta sai lầm khi chúng ta ngừng lại.  Hãy đi, trong sự hiện diện của Chúa, trong ánh sáng của Chúa, cố gắng sống trong sự hoàn hảo mà Thiên Chúa đòi hỏi ở ông Abraham, trong lời hứa của Ngài.

Hãy xây dựng. Xây dựng Hội Thánh. Người ta  nói về những viên đá: những viên đá có tính nhất quán, nhưng những viên đá sống động là những viên đá được Chúa Thánh Thần xức dầu. Hãy xây dựng Hội Thánh, Hiền Thê của Đức Kitô, mà đá góc tường của Hội Thánh ấy chính là cùng một Chúa. Đây là một hành động khác trong đời sống chúng ta: xây dựng.

Thứ ba là hãy tuyên xưng. Chúng ta có thể đi như chúng ta muốn, chúng ta có thể xây dựng rất nhiều điều, nhưng nếu anh em không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì có điều gì sai?  Chúng ta sẽ trở thành một cơ quan hỗ trợ cho tổ chức phi chính phủ (NGO), chứ không phải Hội Thánh, là Hiền Thê của Chúa.  Khi anh em đi, anh em dừng lại. Khi anh em không xây dựng trên đá, điều gì sẽ xảy ra?  Điều sẽ xảy ra như xảy ra cho các trẻ em khi chúng ở trong những lâu đài xây trên cát ở bãi biển, tất cả đều xụp đổ, không vững chắc.  Khi anh em không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, tôi nhớ lại những lời của Léon Bloy: Ai không cầu nguyện cùng Thiên Chúa, là cầu nguyện với quỷ dữ”. Khi anh em không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, anh tuyên xưng tính trần tục của ma quỷ, sự trần tục của ma quỷ.

Đi, xây cất – xây dựng và tuyên xưng. Nhưng không phải là dễ dàng như thế, vì trong việc đi, xây dựng và tuyên xưng, đôi khi có những đột biến, có những sự di chuyển mà không chỉ là chuyển động theo đường: mà là những chuyển động kéo chúng ta ngược lại.

Tin Mừng này tiếp tục với một hoàn cảnh đặc biệt. Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Điều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá ,và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa.

Tôi ao ước rằng tất cả chúng ta, sau những ngày ân sủng này, có lòng can đảm, can đảm chính là để đi trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của Chúa, để xây dựng Hội Thánh trên máu của Chúa được đổ ra trên Thánh Giá, và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất: là vinh quang của Đức Kitô chịu đóng đinh. Và bằng cách này, Hội Thánh sẽ tiến lên.

Tôi ước mong cho tất cả chúng ta rằng Chúa Thánh Thần, nhờ lời cầu nguyện của Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, ban cho chúng ta ân sủng để: đi, xây dựng và tuyên xưng Đức Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Như vậy thôi.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ từ bài Huấn Từ trong webste của Tòa Thánh

Nguyên văn:

http://www.vatican.va/holy_father/francesco/homilies/2013/documents/papa-francesco_20130314_omelia-cardinali_it.html

Miếng bánh mì cháy

The Burned Biscuits

The Burnt Biscuits (Story)

When I was a kid, my mom would prepare special breakfast every now and then. And I remember one night in particular, after a long, hard day at work. On that evening so long ago, my mom placed a plate of eggs, sausage and extremely burned biscuits in front of my dad. I remember waiting to see if anyone noticed! Yet all my dad did was reach for his biscuit, smile at my mom and ask me how my day was atschool. I don’t remember what I told him that night, but I do remember watching him smear butter and jelly on that biscuit and eat every bite!

When I got up from the table that evening, I remember hearing my mom apologize to my dad for burning the biscuits. And I’ll never forget what he said: Honey, I love burned biscuits.

Later that night, I went to kiss Daddy good night and I asked him if he really liked his biscuits burned.

He wrapped me in his arms and said, Your Momma put in a hard day at work today and she’s real tired. And besides – a little burnt biscuit never hurt anyone! You know, life is full of imperfect things…..and imperfect people. I’m not the best at hardly anything, and I forget birthdays and anniversaries just like everyone else.

What I’ve learned over the years is that learning to accept each other’s faults – and choosing to celebrate each other’s differences – is one of the most important keys to creating a healthy, growing, and lasting relationship.

And that’s my prayer for you today. That you will learn to take the good, the bad, and the ugly parts of your life and lay them at the feet of God. Because in the end, He’s the only One who will be able to give you a relationship where a burnt biscuit isn’t a deal-breaker!

We could extend this to any relationship. In fact, understanding is the base of any relationship, be it a husband-wife or parent-child or friendship!

Don’t put the key to your happiness in someone else’s pocket – keep it in your own.

God Bless You….. now, and always….
Miếng bánh mì cháy

Khi tôi còn là một đứa trẻ, mẹ luôn tất bật chuyện nấu nướng, dọn dẹp, và chuẩn bị chu đáo cho tất cả mọi người. Tối nọ, sau cả ngày lao động vất vả, mẹ đặt đĩa trứng, xúc xích và những miếng bánh mì quá lửa lên trước mặt ba tôi. Tôi đã chờ đợi xem phản ứng của ba như thế nào, hẳn ông sẽ rất giận dữ. Tuy nhiên, tất cả những việc ông làm là lấy bánh mì bị cháy, quệt bơ mứt, ăn với xúc xích từng miếng một, và mỉm cười với mẹ. Sau đó, ba quay sang hỏi tôi hôm nay đi học thế nào.Khi tôi đứng dậy vào phòng học bài, tôi nghe tiếng mẹ nói xin lỗi ba vì làm bánh mì cháy. Và tôi sẽ không bao giờ có thể quên điều ba tôi nói: “Em yêu à, anh rất thích những miếng bánh mì cháy”.Tối muộn đó, ba vào giường hôn lên trán và chúc tôi ngủ ngon. Không kìm nén được, tôi liền hỏi ba rằng “Ba thực sự thích ăn những miếng bánh bị cháy?”. Ba ôm tôi vào lòng và nói: “Mẹ của con đã phải làm việc rất vất vả cả ngày, và mẹ thực sự mệt, bên cạnh đó chỉ một chút bánh bị cháy không bao giờ có thể làm tổn thương bất kỳ ai. Con biết không, trong cuộc sống, còn có rất nhiều thứ không hoàn hảo, và cả những con người không hoàn hảo. Ba cũng không phải là người tốt nhất, có lúc ba đã quên ngày sinh nhật của mẹ, quên những kỉ niệm giống như bất kỳ ai, nhưng mẹ con chưa bao giờ đòi hỏi hay trách móc gì cả”. Cái mà tôi học được trong nhiều năm qua, chính là biết chấp nhận những lỗi lầm của nhau, và vui mừng với những nét độc đáo của nhau. Chúng ta có thể mở rộng bất kì mối quan hệ nào, thực tế, sự thấu hiểu là nền tảng cơ bản cho mọi mối quan hệ bao gồm tình bạn, tình vợ chồng hay cha mẹ – con cái. Đừng đặt chìa khoá hạnh phúc của bạn trong túi người khác, hãy giữ nó cho mình nhé.

(Theo LFD)

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

TRỞ VỀ

TRỞ VỀ
Nguoi cha nhan hau 2.jpg

Người cha không đi tìm đứa con út như tìm chiên lạc.

Nó đã dùng tự do để quyết định ra đi, và người cha tôn trọng quyết định đó.  Nhưng ông vẫn ngong ngóng chờ con.

Niềm hy vọng vẫn không ngừng nhen nhúm.

Người cha thấy con trước khi nó kịp thấy cha.  Con ốm yếu, hôi hám, bội bạc, chẳng làm cha xa tránh.

Tình thương trào dâng khiến bước chân cha vội vã.  Vòng tay cha lớn quá, nụ hôn cha nồng nàn.
Áo đẹp, dép mới, nhẫn đeo tay, ca nhạc, tiệc tùng, múa nhảy: tất cả chỉ để thông báo cho mọi người biết rằng đây là con tôi, vẫn là con vì chưa bao giờ không là con.

Nhưng người cha không chỉ thương con út.  Con cả mới là đích nhắm của câu chuyện này.

Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục cha từng li từng tí.  Anh không đi hoang, không ăn chơi, chỉ chăm lo đồng áng.  Ai cũng thấy anh là người con mẫu mực.

Nhưng biến cố đứa em trở về đã làm lộ con người thật của anh.

Tuy luôn ở trong nhà cha, nhưng anh lại ở ngoài tim cha.  Anh không hiểu được tại sao cha lại nhu nhược đến thế, bao dung đến độ bất công với anh.  Đãi tiệc với thịt bê béo để mừng đứa con hoang đàng, còn anh, một con dê để lai rai với bạn bè cũng không có. Anh không thể vui với cha, càng không thể vui với em.  Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm.  Rốt cuộc anh không chịu vào nhà!

Hoá ra cả hai người con vừa khác, lại vừa rất giống nhau.  Cả hai đều ở ngoài nhà cha, chấp nhận chịu đói.

Con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi.  Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào.

Sám hối là trở về với tình cha.  Cả hai người con đều cần trở về, trở vào.

Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống.

Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.

Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường.  Người anh cả cần dẹp bỏ tự ái để vui vẻ vào nhà. Người em út cần khiêm tốn mới gặp cha và gia nhân trong tình trạng thân tàn ma dại.

Để trở về cần đứng lên hay bỏ chỗ mình đang đứng.

Từ bỏ thì đớn đau nhưng hạnh phúc thật tuyệt vời.

Hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất, mà là khám phá ra mình có chỗ trong trái tim cha. Cha yêu mình dù mình hư hỏng, bất trung.  Cha yêu mình không phải vì mình ngoan ngoãn, được việc. Cha yêu mình chỉ vì mình là con.  Cha không muốn mất một đứa con nào.

Trở về với Cha đòi ta giang tay đón lấy người em.  Đó không phải là “thằng con của cha”, nhưng là “em của con”.

Trở về với Cha, với tha nhân cũng là trở về với mình.  Tôi chợt nhận ra mình quá ư giàu có.

***************************************

Lạy Cha, người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.  Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ, khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con.  Chúng con thèm được tự do bay nhảy ngoài vòng tay của Cha; nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.  Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.  Như người con thứ, chúng con bỗng thấy mình tay trắng, rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe doạ.

Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.  Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.  Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.  Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân.

Trích trong ‘Manna’

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Đức tin trong giới trẻ ngày nay

Đức tin trong giới trẻ ngày nay

Tu sĩ Michael Paul Gallagher, SJ (Dòng Tên), giải thích rằng nền văn hóa mới mà chúng ta đang sống ngày nay không nhất thiết là chống lại niềm tin Kitô, nhưng nó kêu gọi giới trẻ ngày nay quyết định cuộc sống và tâm linh của mình.

Vài tháng trước tại Rôma, tôi có hẹn và đến sớm, tôi dùng thời gian ngắn ngủi đó để cầu nguyện. Bên trong nhà thờ đang có thánh lễ kỷ niệm ngày cưới. Đôi vợ chồng lớn tuổi ngồi ở ghế đặc biệt ngay trước bàn thờ và con cháu ngồi ở hàng ghế trước, ai cũng tươm tất và lộng lẫy.

Linh mục đang giảng, khoảng cầu nguyện riêng của tôi không đủ thinh lặng như tôi muốn. Tôi nghe lời giảng – nhưng với cảm giác buồn gia tăng. Linh mục khen đôi vợ chồng già đã sống chung thủy với nhau 50 năm qua, nhưng rồi tiếp tục chỉ trích “văn hóa hiện đại” thiếu nền tảng, xa rời các giá trị Kitô giáo, ích kỷ và vụn vỡ luân lý. Ngài có vẻ hơi khác với các thế hệ đang nghe ngài nói. Tôi an tâm vì phải rời nhà thờ để đi theo lịch hẹn.

Tại sao hồi tưởng giai đoạn này ở đây? Vì linh mục đó có phần đúng: văn hóa hiện đại có thể làm con người tản mác như đoàn chiên không người chăn mà Phúc âm nói tới. Tiếng nói của ngài có vẻ không đúng với tôi. Ngài không cố gắng bước vào thế giới của giới trẻ hoặc không nhận ra các nhu cầu khác của họ. Ngài có vẻ không thấy cái gì tốt trong cách sống mà họ phải sống.

Từ chủ đề xử lý đức tin theo dạng văn hóa này, hãy để tôi tưởng tượng ra một cách khác. Không chỉ trong một bài giảng. Có nhiều điều để suy nghĩ.

Khi còn sống, ĐGH Gioan-Phaolô II đã thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa (Pontifical Council for Culture) tạiVatican. Tôi làm việc ở đó 5 năm trong đầu thập niên 1990. Ý tưởng đầu tiên của ngài là vươn xa ra thế giới của văn hóa sáng tạo: các nhà tư tưởng, các nghệ sĩ, các văn sĩ, các nhà trí thức,… Đó là lĩnh vực mà ĐGH Gioan-Phaolô II đã quan tâm đặc biệt, tự hóa thân thành một triết gì, một thi sĩ và một kịch sĩ.

Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, ngài mở rộng phạm vi của Hội đồng bao gồm điều mà ngài gọi là “văn hóa sống” (living culture). Dần dần giáo hội nhận ra rằng văn hóa bình thường này là một cách thể hiện mạnh mẽ, định hình cách sống của mỗi người. Như không khí chúng ta hít thở, chúng ta đồng hóa cách nhìn của thế giới, một số giả định thường ẩn về quyền ưu tiên của cuộc sống. Loại văn hóa này là vấn đề của cách sống hơn là các tư tưởng minh nhiên. Nó giống như một tảng băng, lớn có thể nhìn thấy nhưng nhưng không ảnh hưởng gì. Nó như một ngôn ngữ mà chúng ta học và cứ cho là vậy. Nó cho chúng ta những gì chúng ta gọi là “ý nghĩa chung”.

Đại dương văn hóa bình thường này bao quanh chúng ta và đã thay đổi nhiều trong thế hệ vừa qua hoặc khoảng đó. Chúng ta có thể mô tả thế nào về các sự thay đổi này và tầm ảnh hưởng của chúng đối với đức tin? Trước hết, nó đơn giản và hợp nhất hơn trước. Ít nhất là tại Ai-len cho tới thập niên 1960. chúng ta sống trong một thế giới được che chở, theo nghĩa đen là văn hóa vùng đảo (island culture). Đức tin Kitô giáo là một phần di sản hầu như của mọi người. Đức tin đó được lưu truyền trong các gia đình, các giáo xứ và các trường học.

Nhưng ngày nay, tôi nghĩ đây là vấn đề lớin bị linh mục Rôma kia khinh suất, đức tin không thể là một di sản trơn tru như vậy. Nó phải là một quyết định và thường là quyết định lội ngược dòng. Thế nên vấn đề chính là: Giáo hội có thể làm gì để nuôi dưỡng quyết định đó? Có thể ngôn ngữ cũ hơn của đức tin, với sự nhấn mạnh về đức vâng lời và thực hành các bí tích, sẽ nuôi dưỡng người ta như trong quá khứ.

Đôi vợ chồng già kỷ niệm kim khánh hôn nhân kia đã trưởng thành trong thời kỳ đầu của sự chuyển giao đức tin. Có thể họ thấy ý nghĩa sâu xa về Thiên Chúa qua lòng chung thủy của họ đối với việc tham dự phụng vụ. Nhưng con cháu của họ có thể “bơi” trong vùng biển khác, lẫn lộn những dòng nước trái ngược, để nói như vậy. Con đường của họ đến với Chúa Kitô sẽ phải ít thụ động hơn, cá nhân hơn, tâm linh hơn, nhiều tận tụy minh nhiên hơn.

Điều này có phải “văn hóa hiện đại” là kẻ thù của đức tin? Không nhất thiếtnhưng nó phức tạp hơn và dễ lầm lẫn hơn. Trong thời đại mới và kỹ thuật mới, những cách diễn tã cũ về đức tin có thể không có vẻ không quá khả nghi và không thực tế như vậy. Cần có những lối vào mới, không quy trách cho văn hóa.

Vài tháng trước khi được bầu làm giáo hoàng, lúc đó Hồng y Ratzinger đã trả lời phỏng vấn của một tờ báo của Ý hơi chống giáo hội và trả lời câu hỏi về tình hình mới đối với đức tin bằng những từ thế này: “Cốt lõi của Kitô giáo là câu chuyện yêu thương giữa Thiên Chúa và loài người. Nếu chúng ta có thể hiểu điều này bằng ngôn ngữ cảu ngày nay, mọi sự khác sẽ theo sau… Cách sống ngày nay rất khác và do đó mà cách tiếp cận thông minh là chưa đủ. Chúng ta phải cho người ta những khoảng sống của cộng đồng và của sự phát triển dần dần chung với nhau”.

Nhận biết thử thách mới này là bước đầu tiến về cách nói mới. Đó sẽ là tiếng nói của sự mời gọi chứ không là mệnh lệnh. Đó sẽ là cố gắng đánh thức những ước muốn còn ngủ quên trong tâm hồn mọi người. Điều đó sẽ cho họ khí cụ để hỏi về các phương diện nông cạn của văn hóa đang bao quanh.

Theo một ý nghĩa nào đó, đức tin sẽ luôn ở trong độ căng với đức tin, nhưng như vậy không có nghĩa là chỉ nên than vãn về điều đó. Theo cách nói của thần học gia người Đức Dorothy Soelle: “Điều gây thất kinh trong văn hóa của chúng ta là đa số người ta không có ngôn ngữ để nói về chiều kích tâm linh”.

Lời nhận xét nổi tiếng của Karl Rahner cũng tương tự: “Các tín hữu ngày mai sẽ là những người thần bí hoặc không còn đức tin nữa”. Ông không có ý nói mọi người sẽ trầm mặc hoặc có cảm nghiệm khác thường về Thiên Chúa. Ông nói về sự thần bí hàng ngày, về khả năng nhận ra tiếng gọi và hoa trái Thánh Thần trong những cách chọn lựa và cảm nghiệm bình thường.

Những điều này có nghĩa là đức tin trong tương lai sẽ cần chín muồi hơn để “sống sót” trong một nền văn hóa nhiêu khê hơn, như cây cối chỉ có thể sống trong giông bão nếu rễ của nó đâm sâu và mạnh. Hãy lặp lại lời thơ của thi sĩHopkins:

Niềm hy vọng với lời cầu

Làm đâm bén rễ vào sâu đất màu

(Our hope and our prayer becomes: send our roots rain).

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ CatholicIreland.net)

Anh chị Thụ& Mai gởi

 

Giọt nước mắt

Giọt nước mắt

Ai sinh ra cũng khóc. Đứa bé khóc được là thân nhân vui mừng, đứa bé không khóc thì thân nhân… lo. Vậy khóc là “tín hiệu tốt” chứ không phải là cười.

Rồi khôn lớn dần, trong cuộc sống, ai cũng đã từng hơn một lần rưng rưng nước mắt hoặc đầm đìa nước mắt. Mà nói đến nước mắt là nói đến trạng thái khóc. Thường thì khóc là thể hiện tâm trạng buồn. Nhưng cũng có thể khóc vì vui, như thi hào Nguyễn Công Trứ mô tả: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. Buồn mà lại cười, đó là lúc người ta quá buồn, buồn muốn phát điên, buồn muốn khóc, và rồi khóc đến cạn nước mắt. Có thể đó là “cái bí ẩn” trong cách nói của người Việt Nam thường nói: “Buồn cười quá!”.

Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng “khóc”, vì ông đã “ngồi buồn mà trách ông xanh” và mong ước:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Nhưng với chúng ta, những người có niềm tin vào Đức-Kitô-tử-nạn-và-phục-sinh, chúng ta có quyết tâm tích cực hoàn toàn khác:

Kiếp sau xin vẫn làm người

Và làm thánh giữa Nước Trời trường sinh

Chúng ta không chỉ “vẫn làm người”, vì thân xác chúng ta cũng được sống lại và lên trời, đặc biệt là còn làm “thánh nhân”. Nhưng trước khi “về Nhà Cha” hưởng phúc trường sinh vinh quang, chúng ta không thể không phải chịu đau khổ, nghĩa là có những lúc buồn nẫu ruột, buồn đến chết, buồn đến bật khóc,… đến nỗi những người kém lòng tin đã tự tử.

Khóc có nhiều kiểu. Khóc có nhiều nguyên nhân. Khóc có nhiều mức độ. Thế nên nước mắt cũng có nhiều loại, kể cả “nước mắt cá sấu”. Và tất nhiên, nước mắt không chỉ có vị mặn mà còn có những vị khác nữa!

Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ông có “giọt nước mắt ngà”: “Em đứng bên sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha. Trên hai đóa môi hồng, nụ cười đã đi xa. Ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu… Thôi một giọt nước mắt này, cho cuộc tình đam mê, cho người tình trăm năm… Giọt lệ nào thương vay, tình đành tràn mi cay… Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên!”. Giọt-nước-mắt-ngà của NS họ Ngô là giọt-lệ-tình-sầu, một “kiểu” nước mắt của riêng ông.

Người đời có nhiều loại nước mắt, riêng người Công giáo có thêm loại nước-mắt-ăn-năn, nước-mắt-khóc-cho-tội-mình mang vị mặn chát, nhưng đó là loại nước-mắt-thánh-thiện rất cần thiết. Nước mắt làm cho sáng mắt, và nước mắt có thể làm “trôi đi” phần nào nỗi buồn.

Tác giả Thánh vịnh có kiểu khóc thế này: “Tôi lang thang như người khóc mẹ, tôi tủi buồn cúi mặt xuống mà đi” (Tv 35:14). Nước mắt chảy nhiều đến nỗi tác giả “xin lấy vò mà đựng nước mắt” (Tv 56:9), và thường đem “nước mắt hoà nước uống” (Tv 102:10). Có những giọt nước mắt bình thường hoặc tầm thường, nhưng có những giọt nước mắt quý giá – gọi là châu lệ.

Thánh Phaolô cũng đã từng phải khóc: “Tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải về những việc ô uế, gian dâm và phóng đãng họ đã làm” (2 Cr 12:21).

Thánh sử Luca tường thuật: “Có một phụ nữ tội lỗi cúi sát chân Chúa Giêsu mà khóc. Chị lấy nước mắt mình mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7:38). Những giọt nước mắt như vậy thực sự là châu lệ, vì đầy tâm tình sám hối và tin yêu. Do đó, Chúa Giêsu đề cao tấm gương của phụ-nữ-tội-lỗi này: “Yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lc 7:47).

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Đại Tang của Giáo hội, đúng ra là Thế Giới Tang. Nhiều người chú trọng nhiều đến “bề ngoài”, lo “bày tỏ” bằng những cách để đánh vào thị hiếu của giới bình dân. Nếu thực sự ngoại tại có thể giúp nội tại thì cũng tốt, nhưng đừng thái quá. Điều cần là “đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2:13). Khóc cho tội và chết cho tội là thành tâm sám hối và quyết tâm chừa tội, đó mới là cách Chúa muốn. Cứ lo “diễn” bề ngoài mà không chú ý nội tâm thì chắc chắn Chúa không muốn.

Chính Đức Giêsu cũng đã khóc vì thương tiếc thành Giêrusalem (x. Lc 19:41), nhưng khi người ta than khóc Ngài vì thấy Ngài vác Thập giá, dù Ngài đang rất mệt mỏi và đau đớn mà vẫn ráng quay lại nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28).

Đó cũng chính là lời cảnh báo Ngài nói thẳng với chúng ta. Và rồi khi “Ngài ngự đến giữa đám mây”, nghĩa là lúc Ngài đến thế gian lần thứ hai, “ai nấy sẽ thấy Ngài, cả những kẻ đã đâm Ngài. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Ngài” (Kh 1:7).

Cuộc đời là chuỗi-đau-khổ-đầy-nước-mắt, nhưng chính đau khổ lại là diễm phúc: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5). Khóc không bị chê trách mà được chúc phúc. Giọt-nước-mắt đó đầy vị-mặn-yêu-thương. Chỉ có một loại nước mắt tệ hại nhất và vô phúc nhất là giọt-nước-mắt-trong-hỏa-ngục, vì phải đời đời “khóc lóc và nghiến răng” (Mt 8:12; Mt 13:42; Mt 13:50; Mt 22:13; Mt 24:51; Mt 25:30; Lc 13:28).

Chúa Giêsu đã dùng chính sự thất bại để chiến thắng, dùng chính đau khổ để đạt vinh quang, và dùng chính cái chết để đạt sự phục sinh. Đấng Cứu Thế đã vậy thì chúng ta không thể không như Ngài – nghĩa là cũng phải khóc lóc và rơi lệ hằng ngày. Tuy nhiên, Ngài đã chết để chúng ta được sống, và rồi “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt chúng ta” (Kh 7:17; Kh 21:4).

Lạy Chúa Cha hằng hữu đầy lòng thương xót, vì tội lỗi khốn nạn của chúng con mà Ngài bắt Đức Kitô, Con Yêu Dấu của Cha, phải chết đau thương. Chúng con thành tâm xin lỗi Đức Giêsu Kitô, xin cho nước mắt của chúng con được hòa với Máu và Nước của Ngài để nài xin lòng thương xót cho chính chúng con và toàn thế giới. Chúng con khẩn thiết Chúa Cha thương xót và tha thứ cho chúng con, xin giúp chúng con trung tín với Ơn Chúa để đừng làm khổ Đức Giêsu chút nào nữa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Anh chị Thụ & Mai gởi

Đừng để đến mai.

Đừng để đến mai.

Margaret Mitchell, tác giả cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng “Gone with the Wind”, dịch ra nhiều thứ tiếng, tiếng Việt là “Cuốn theo chiều gió”.

Trong tiểu thuyết này, nhân vật chính là cô Scarlet, từ đầu tới cuối chuyện cô thường nói câu: “Để mai sẽ lo chuyện đó“. Tới trang cuối cùng khi đã mất người chồng thứ ba là Rhod Bluster, Scarlet còn nói: “Để mai tôi sẽ chiếm lại Rhed Bluster“.

Chính người thuật truyện nói rằng Margaret là một người Công Giáo xa Giáo Hội đã nhiều năm, cứ hoãn việc trở về với Giáo Hội.  Và có ai nhắc thì bà ta chuyên lặp lại câu:  “Để mai sẽ lo chuyện đó” .

Bà bị tai nạn xe hơi tại Atlanta, Georgia.

Một người bạn rất thân của bà ta kể lại rằng khi mê man bất tỉnh, bà ta cứ lặp đi lặp lại câu này:  “Để mai sẽ lo  chuyện đó”. Nhưng đã không có “mai” nữa!!!

Bà chết ngày 16 tháng 6 năm 1949.

Lời Chúa: (Luca 12,39-40):  Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta đã không để nó khoét tường nhà mình. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính lúc anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Lm. Đoàn Quang

chị Nguyễn Kim Bằng gởi

 

Thư Gởi Bạn Hiền I

Thư Gởi Bạn Hiền I

Giuse Phạm Văn Tuyến

Bạn thân mến,

Nếu như tôi được khuyên bạn một điều, thì tôi xin được khuyên bạn là hãy học hỏi Kinh Thánh. Tại sao? Nếu bạn có hỏi thì thú thực, tôi không có lý lẽ gì cao siêu để giải thích cho bạn, mà tôi cũng chẳng biết làm sao để thuyết phục bạn cho được, nhưng tôi xin được chia xẻ với bạn lý do đã thúc đẩy tôi học hỏi Kinh Thánh.

Một cuối tuần, có lẽ cũng đã hơn hai mươi năm về trước, tôi thấy mình buồn chán vì rảnh rỗi không có gì làm. Tôi vốn là một người rất năng động, ngồi yên là không được, và cuối tuần này cũng vậy. Ði tới đi lui tìm việc, tôi đã quyết định là phải dọn lại cái tủ sách cho gọn ghẽ.  Sau hơn hai tiếng đồng hồ sắp xếp, đứng nhìn tủ sách sạch sẽ gọn gàng, tôi cảm thấy rất hài lòng. Ðưa mắt nhìn từng ngăn tủ, từng cuốn sách, lòng tôi thấy vui. Những ý nghĩ miên man bắt đầu tới; từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, óc tưởng tượng của tôi bắt đầu phiêu du. Rồi cứ thế, tối thả hồn đưa mình về những ngày đầu tiên trên đất Mỹ. Tôi nhớ lại những khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng, những vụng dại trong cách cư xử do sự khác biệt trong các phong tục tập quán. Cái gì cũng xa lạ hết, vậy mà bây giờ tôi đã tốt nghiệp đại học. Có công ăn việc làm, có nhà, có xe, có mọi thứ cho những nhu cầu cần thiết. Tôi cảm thấy tự mãn, mà hình như còn hơn tự mãn nữa; tôi thấy như có một chút kiêu hãnh nhen nhúm trong lòng. Tôi tự khen mình, giỏi thật! Rồi như để chứng minh cái giỏi của mình, tôi bắt đầu đếm xem mình đã phải đọc, phải học bao nhiêu cuốn sách để có thể tốt nghiệp đại học. Từ những cuốn toán dầy cộm, đến những cuốn lý, hóa, khoa học vật liệu, tĩnh học, động học, thôi thì đủ các môn, các sách, nhưng tôi bỗng khựng lại, gần như giựt mình, khi tôi đếm đến cuốn Thánh Kinh. Phải rồi, tôi tự nghĩ, mình có đọc cuốn này bao giờ đâu mà đếm! Tôi mua cuốn Thánh Kinh này đã sáu bảy năm về trước; chẳng phải vì tôi muốn đọc, hay vì ngoan đạo, mà vì tôi muốn ủng hộ một cơ quan nào đó mà tôi quên mất, họ bán Sách Thánh để gây quỹ. Tôi đặt cuốn Thánh Kinh này ở ngay giữa tủ sách, ngăn cao nhất và có đèn chiếu sáng. Tôi thấy cuốn Thánh Kinh này gần như hằng ngày nhưng tôi chưa bao giờ đọc nó hết. Ðứng đó nhìn cuốn Thánh Kinh lòng tôi bỗng thấy nao nao. Niềm kiêu hãnh, lòng tự mãn, mọi ý nghĩ, mọi hình ảnh vừa tràn ngập óc tưởng tượng của tôi mấy phút trước tự dưng biến tan. Trong khoảnh khắc, hồn tôi bỗng như trống rỗng. Tôi tự hỏi sao mình chưa đọc cuồn sách này? Từ tiểu học, qua trung học, cho đến hết đại học, chỉ tính sách giáo khoa thôi, tôi đọc, không phải chỉ đọc mà còn phải học nữa, có tới ba trăm cuốn sách. Nếu tính các sách để tham khảo nữa thì có tới bốn trăm, cộng thêm sách vở báo chí để đọc cho vui, các tiểu thuyết vô bổ, tất cả có lẽ tôi đã đọc đến năm sáu trăm cuốn sách; thế mà Kinh Thánh thì tôi chưa đọc bao giờ! Tại sao vậy?  Ðứng đó như cây chết, hồn tôi trầm ngâm, tư lự. Tôi thấy như lòng mình dấy lên chút xao xuyến, hơi bồi hồi. Không phải cái xao xuyến của thuở vừa biết yêu; cũng chẳng là sự bồi hồi lúc trông ngóng người tình. Phải rồi…, không phải xao xuyến, cũng chẳng bồi hồi, mà là một tâm tư khó tả. Tôi còn đang miên man với tâm tư mông lung khó tả này, thì một ý nghĩ khác vọt  đến làm tôi cảm thấy luyến tiếc. Tôi tiếc cho đời người ngắn ngủi! Sống được trăm năm đã kể là lâu, mà thực ra có mấy người sống được trăm năm! Năm năm đầu là thời thơ ấu. Trong năm năm này, ngoài là nguồn vui cho những người xung quanh, nguồn vui mà chính mình cũng không biết, thì giá trị cuộc đời vào những năm này có gì đâu? Có ai làm gì được cho mình, cho đời?  Hai mươi lăm năm kế là thời gian để học, để chuẩn bị cho những năm sắp tới. Ba mươi năm sau là thời gian để vật lộn, để ganh đua, để tìm kiếm. Rồi từ đó, những gì chúng ta tìm được, đạt được bắt đầu phai mờ, bắt đầu dần dần mất giá trị; vậy mà để đạt được những thứ chóng qua này, tôi đã phải đọc, phải học đến mấy trăm cuốn sách. Còn cho cuộc sống mai hậu, cuộc sống vĩnh cửu, thì chỉ có một cuốn Thánh Kinh thôi mà tôi chưa đọc bao giờ. Tôi dại thật! Từ đó tôi bắt đầu đọc và học hỏi Thánh Kinh.

Bạn thân mến, Thánh Kinh khó hiểu thật! Bạn có nhớ là tôi vừa tự khen mình là giỏi không? Tôi đã đọc, học và hiểu cả mấy trăm cuốn sách, thế mà cuốn Thánh Kinh thì tôi chịu không hiểu nổi. Tôi tưởng là tôi không không hiểu vì tôi đọc Kinh Thánh viết bằng Tiếng Mỹ, nhưng khi đọc Kinh Thánh viết bằng Tiếng Việt, tôi cũng chịu chết. Những chữ, những từ dùng trong Kinh Thánh thì tôi hiểu, nhưng ý nghĩa của những việc Chúa làm, những lời Chúa dạy, của những diễn biến, những sự việc xảy ra trong Kinh Thánh thì tôi đã đọc đi đọc lại, đọc đến nản lòng mà có rất nhiều điều tôi vẫn chưa hiểu được. Tôi đã định bụng là phải đầu hàng, nhưng ngay khi tôi nản chí, thì trong tôi như lóe lên một tia sáng. Phải rồi, những sách giáo khoa mà tôi vừa kể ra ở trên, đâu phải tôi đã đọc là hiểu liền được đâu! Tôi cũng đã phải hỏi người này, nhờ người kia giải thích mới hiểu nổi đấy chứ. Thánh Kinh cũng vậy, nếu không hiểu thì bạn phải hỏi. Nhưng hỏi ai đây? Có rất nhiều người được ơn hiểu biết Thánh Kinh để cho chúng ta hỏi, nhưng người có thể giải thích, bất cứ cuốn sách nào, cách đúng nhất, chính là tác giả của cuốn sách đó. Thành ra, ngoài học hỏi Kinh Thánh từ những vị có thẩm quyền về Kinh Thánh, chúng ta còn phải hỏi ngay chính Chúa Giêsu. Tới đây chắc bạn phải phì cười. Hỏi Chúa Giêsu! Làm sao để hỏi Chúa Giêsu? Ðể tôi chia xẻ với bạn nhé. Tôi được một hồng ân, đó là từ khi bắt đầu học hỏi Kinh Thánh thì tôi nhận ra là ỏ gần nhà tôi, trong khoảng 15 dậm, luôn luôn có nhà chầu Thánh Thể thường xuyên (Perpetual Adoration), và tôi đã chọn một giờ chầu mỗi tuần. Ðây là giờ tôi dùng để tâm sự, để than thở, và nhất là để đem mọi thắc mắc của tôi đến để trình bày với Chúa Giêsu. Trong giờ này, có khi tôi chỉ đọc kinh, đọc sách, nhưng phần nhiều thì tôi chỉ ngắm nhìn Thánh Thể Chúa và suy nghĩ về những điều trong Thánh Kinh mà tôi không hiểu. Rồi bạn có biết không? Chính những lúc đó, những lúc mà tôi để hồn đắm chìn trong những đoạn Thánh Kinh khó hiểu, là lúc mà tôi hiểu được, tìm được câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Bạn cứ thử xem. Chúa Giêsu đã không hiện ra bằng xương bằng thịt để nói chuyện với tôi, chắc Ngài cũng không hiện ra như vậy với bạn đâu, nhưng tôi dám chắc là ban sẽ được ơn thông hiểu Lời Chúa đúng với đấng bậc của mình. Tôi đã hiểu được gì? Tất nhiên là tôi vẫn chưa hiểu hết được những gì viết trong Kinh Thánh, nhưng những hiểu biết tôi được ban cho thì cũng nhiều lắm. Tôi muốn được chia xẻ với bạn tất cả, nhưng trong phạm vi ngắn gọn của bài này; tôi chỉ có thể chia xẻ với bạn một chút, một chút nhỏ nhoi thôi để bạn có thể thấy được kho tàng tình yêu vô tận tàng ẩn trong Kinh Thánh. Khi thấy được kho tàng tình yêu này, tôi bảo đảm, bạn sẽ ghiền đọc Kinh Thánh.

Bạn thân mến, theo sách Sáng Thế Ký Chương 1 và 2 thì trong sáu ngày đầu, Chúa tạo dựng tất cả trời đất, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, biển cả sông ngòi, chim muông, cầm thú, cùng mọi sự, và Người nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, có đúng không? Đặc biệt là ngày thứ sáu, trong ngày thứ sáu Chúa tạo dựng cái gì là đặc biệt, đố bạn đó.

Thưa bạn, trong ngày thứ sáu Chúa tạo dựng con người. Khi tạo dựng con người; Chúa cũng tạo dựng cách rất là đặc biệt. Rất đặc biệt ở chỗ là khi tác tạo muôn loài, bất cứ sự gì, Chúa cũng chỉ phán có một lời. Hãy có mặt trời, là có mặt trời. Hãy có chim muông cầm thú, là có chim muông cầm thú. Nhưng khi tạo dựng con người thì Chúa lại đã không phán một lời để có con người. Vậy Thiên Chúa tạo dựng con nguời như thế nào? Kinh Thánh nói cách rất đơn giản, đó là “The Lord God formed man out of the clay of the ground…” Câu này tuy đơn giản nhưng lại tiềm ẩn một công trình tạo dựng rất phức tạp, vĩ đại, và quy mô.  Ðể hiểu được chút nào những gì tiềm ẩn trong câu này, trước hết chúng ta hãy để ý đến chữ “The”. Chữ “The” là chỉ định từ xác định (definite article), chứ không phải là chỉ định từ bất định (indefinite article), tức là không phải Chúa đã dùng bất cứ cục đất nào mà phải là cục đất “được chỉ định này” mới được, và như thế là có sự định đoạt, có sự an bài. Nói theo cách làm việc của chúng ta là có kế hoạch.

Rồi để bổ túc cho sự định đoạt này là sự lựa chọn được diễn tả trong mệnh đề “out of the clay of the ground”. Sự lựa chọn này rất là quan trọnng, vì khi đã lựa chọn thì ai cũng chọn cho hợp ý mình, đúng không? Thiên Chúa cũng vậy, khi tác tạo chúng ta Người cũng đã lựa chọn một cục đất sét cho hợp với ý Người, chứ Người đã không dùng bất cứ cục đất sét nào, và Người làm như vậy để chúng ta thấy được sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho chúng ta. Một điểm quan trọng nữa, đó là Chúa đã chọn đất sét. Tại sao vậy? Tại sao Chúa không chọn cát, bùn, hay sỏi đá? Bạn biết khi còn ướt, đất sét mềm, dẻo, dễ nắn nót nói lên sự yếu đuối, uyển chuyển, dễ uốn nắn của con người. Khi đã khô, nhất là sau khi được nung nấu, đất sét rất cứng và bền nói lên sự bền bỉ, sức chịu đựng có chút nào cứng đầu và ương ngạnh của chúng ta. Ðất sét còn có đặc tính nối kết (cohesiveness) gắn bó với nhau nói lên sự gắn bó giữa con người với nhau và với Chúa. Cho nên khi chưa tác tạo chúng ta, thì Chúa đã làm nên đất sét cho mục đích này; để từ đó Người đã chọn làm công việc như một người thợ gốm, công việc được Tiên Tri Isaia diễn tả trong chương 64:8 của ông như sau :  “Yet, O LORD, thou art our Father; we are the clay, and thou art our potter; we are all the work of thy hand.” Lý do nữa mà Chúa dùng đất sét là để nhắc nhở chúng ta hãy sống theo đường lối của Chúa; bằng không Chúa sẽ đối xử với chúng ta như Người tuyên phán qua Tiên Tri Jeremiah chương 18:2-4 như sau: (2) “Arise, and go down to the potter’s house, and there I will let you hear my words.” (3) So I went down to the potter’s house, and there he was working at his wheel. (4) And the vessel he was making of clay was spoiled in the potter’s hand, and he reworked it into another vessel, as it seemed good to the potter to do. Thành ra từ nguyên thủy, từ lúc tạo dựng chúng ta, Người đã chuẩn bị tất cả để sau này Người lại dùng các tiên tri mà nhắc nhở cho chúng ta thân phân của mình.
Chữ quan trọng nữa là động từ form. Form tức là nắn nót cho đúng với hay theo với một khuôn khổ nào, và theo Sách Sáng Thế Ký, chương 1 câu 26 thì Chúa formed, nắn nót chúng ta theo như hình ảnh Người. Sau cùng thì Chúa còn phải thở hơi của Người vào lỗ mũi của chúng ta, lúc đó chúng ta mới có sự sống. Con cá có sự sống không? Có chứ! Con chó có sự sống không? Có chứ! Nhưng Chúa có thở hơi của Người vào con cá hay con chó hay bất cứ một sinh vật nào khác không? Thưa không! Bạn thấy chưa, tôi đã nói sự tạo dựng con người của Thiên Chúa là một công trình phức tạp và quy mô chứ đâu có đơn giản. Nhưng tại sao vậy?  Bạn có bao giờ đắp tượng hay nhờ ai đắp tượng của chính bạn chưa? Chắc là chưa vì ít có người làm như vậy lắm. Nhưng giả sử như bạn muốn đắp tượng của chính bạn thì bạn có bỏ công bỏ sức, bỏ hết mọi nỗ lực vào công việc này để cho pho tượng đó giống bạn và hợp ý bạn không? Nhất định là có rồi, phải không? Khi đã đắp được pho tương giống như bạn, pho tượng mà bạn rất hài lòng thì bạn có yêu thích, có trân quý, có đặt vào một chỗ thích hợp nhất trong nhà của bạn không? Tôi dám chắc là không riêng gì bạn, mà ai cũng làm như thế, và ngay cả Thiên Chúa cũng vậy, vì khi tác tạo chúng ta nên như hình ảnh Người, thì đó là lúc Người tạc pho tượng của chính Người, cho nên Người mới yêu thương chúng ta hơn mọi loài thụ tạo khác. Và cũng chính vì quá yêu thương chúng ta nên thay vì chỉ phán một lời để chúng ta có sự sống, thì Người lại cúi xuống thở hơi vào chúng ta để chúng ta có sự sống. Người thở hơi vào chúng ta như thế nào? Bạn có biết làm hô hấp nhân tạo theo phương pháp mouth to mouth không? Theo tôi thì Chúa thở hơi vào chúng ta như vậy đó, và như vậy là Chúa hôn chúng ta thì đúng hơn. Tôi nói Chúa hôn chúng ta vì Chúa yêu chúng ta qúa độ, mà hôn là một cách để biểu lộ tình yêu nên tôi mới nói Chúa hôn chúng ta, chứ tôi không có ý nói là Thánh Kinh sai. Xin đừng hiểu lầm. Bạn thân mến, bây giờ thì bạn thấy được tình yêu nồng nàn, tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho bạn rồi chứ? Bạn có vui không? Có cảm thấy sự có mặt của bạn trên đời này là một hồng ân cao cả không? Chưa hết đâu bạn ạ. Bạn có biết sau khi đã tác tạo và ban sự sống cho chúng ta thì Thiên Chúa làm gì không? Ðố bạn một lần nữa đó.

Thưa bạn, sau khi đã tác tạo và ban sự sống cho chúng ta thì Thiên Chúa nghỉ ngơi, và đó là ngày thứ bảy. Bạn trả lời có đúng không? Cám ơn bạn, nhưng câu đố kế tiếp này thì tôi chắc là bạn không có câu trả lời. Ðố bạn tại sao Chúa lai nghỉ vào ngày thứ bảy? Chúa mệt à? Không, nhất định là không! Bởi vì Thiên Chúa đâu có bị lệ thuộc vào môi trường, thời gian, không gian, hay bất cứ một đìêu kiện sinh hóa nào đâu mà mệt? Vậy thì tại sao Chúa nghỉ? Bạn có biết là tôi phải chầu Thánh Thể bao nhiêu lần mới có được câu trả lời không? Bây giờ tự nhiên tôi lại cho bạn câu trả lời được sao? Ðâu có dễ như vậy! Nhưng thôi, tôi sẵn sàng chia xẻ với bạn; chỉ xin bạn đọc một kinh Sáng Danh, đọc ngay bây giờ, để tán tụng, để ngợi khen, và để cảm tạ tình yêu cao vời của Thiên Chúa, rồi xin bạn đọc tiếp.

Bạn thân mến, trở lại chuyện đắp tượng ở trên. Khi bạn đắp tượng của bạn, nếu bạn thấy gì sai thì tất nhiên là bạn phải sửa; chỗ nào thiếu thì bạn thêm vào, chỗ nào thừa thì bạn bớt ra. Và giả như bạn không đồng ý với pho tượng chút nào hết, thì bạn có thể đập đi và làm lại, y như người thợ gốm ở trên vậy. Cứ như thế cho đến lúc bạn thấy thật hài lòng với pho tượng; đến lúc bạn thấy pho tượng của bạn không còn gì cần phải sửa chữa nữa, thì bạn ngưng, bạn nghỉ, không tiếp tục nữa vì công việc đã hoàn thành, có đúng không? Thiên Chúa cũng vậy, công trình tạo dựng vũ trụ của Người bắt đầu từ ngày thứ nhất, chưa ưng ý, Người tiếp tục sang ngày thứ hai…, thứ ba…, thứ tư…, thứ năm…, và sau cùng đến ngày thứ sáu, sau khi tạo dựng con người thì Người cảm thấy quá hài lòng với công việc của mình, Người đã thấy là công trình của Người đến đây là hoàn tất, nên Người ngưng, Người nghỉ.  Bạn thấy chưa, Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ sau khi tạo dựng chúng ta rồi, thì Người không còn mưốn tạo dựng thêm một loài thụ tạo nào nữa. Người đặt chúng ta vào vị trí độc nhất vô nhị trong trái tim của Người. Bạn còn chờ gì nữa mà không đáp trả lại tình yêu cao vời này. Hãy học hỏi Kinh Thánh, bạn sẽ còn thấy nhiều điều lạ lùng khác.

Bạn thân mến, tôi vừa chia xẻ với bạn lý do tại sao tôi học hỏi Kinh Thánh. Tôi cũng đã trình bày với bạn những khó khăn và phương pháp tôi dùng để tìm câu giải đáp cho những gì tôi không hiểu khi học hỏi Kinh Thánh. Sau cùng tôi cũng đã chia xẻ với bạn một chút hiểu biết về Thiên Chúa mà tôi được ban cho. Trong sự chia xẻ này, tôi hy vọng bạn đã nhận ra là những gì viết trong Kinh Thánh thường là rất đơn giản nhưng lại khó hiểu. Nhưng bạn có biết không ? Sự đơn giản của Kinh Thánh chính là cái cửa của một lâu đài nguy nga cổ kính, nếu bạn không mở thì không bao giờ bạn có thể khám phá được những kho tàng chứa đụng bên trong. Sự khó hiểu của Kinh Thánh chính là lời mời: Hãy tìm kiếm Thiên Chúa. Nếu bạn không tìm thì làm sao bạn gặp được đây? Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ mọi hồng ân xuống cho bạn để bạn có thể gặp gỡ Người, và nếu được xin bạn hãy phổ biến bức thư này. Khi phổ biến bức thư này xin bạn đừng sửa chữa gì. Tôi sẵn sàng đón nhận mọi sửa sai, mọi ý kiến xây dựng, và nếu bạn muốn góp ý, xin bạn ghé thăm trang blog:  http://tongdobacai.blogspot.com/ hay

http://cauchuyenhangngay.blogspot.com/

Thân ái mến chào trong tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria,

Giuse Phạm Văn Tuyến

Viết xong tại Charlotte, NC

Ngày 2 tháng 2, năm 2012

Ðể thân tặng người vợ mà tôi yêu quý

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

 

CHẶNG ĐƯỜNG

CHẶNG ĐƯỜNG
Description: stairway-to-heaven

Chặng đường anh đã đi
Nơi đó anh đã đến
Chặng đường tôi đang đi
Mong luôn đi cùng Ngài

Tất cả đều là những chặng đường mà mỗi người chúng ta phải trải qua, các Thánh nam nữ của Ngài đã đi và đã đến, và các Thánh vẫn tiếp tục dìu dắt chúng ta đi quãng đường còn lại với Ngài và trong Ngài.  Con đường duy nhất dẫn chúng ta đến nơi chúng ta mong mỏi đến là qua Chúa Giêsu.  Có ai đi quãng đường đời có nhiều ngóc nghách mà không bị lạc bao giờ?  Có ai mà đi qua đoạn đường có nhiều thú vui mà lại không muốn dừng chân?  Có lẽ phần đông chúng ta cũng đang đi con đường như người phụ nữ thành Samari, và mong muốn được đến nơi mà cô đã đến.
Câu chuyện của người phụ nữ thành Samari là câu chuyện đi tìm Đấng Sinh Thành của mỗi một người chúng ta, vì chỉ trong Đấng Sinh Thành chúng ta mới tìm được cội nguồn thật, và chỉ có nơi đó chúng ta mới thật sự tìm được chính mình.  Hành trình đi tìm của mỗi người khác nhau, và chỉ có trong sự tĩnh lặng riêng tư của tâm hồn, chúng ta mới biết được mình đã gặp được Đấng đó chưa, và nếu đã gặp rồi chúng ta đang có ở trong Ngài không.  Chặng đường này là chặng đường của mỗi người, dầu là của những cụ già tóc bạc, hay là của các em mới lớn lên, dầu là người đã lập gia đình, hay là đang sống độc thân, hay trong bậc tu trì, tất cả chúng ta cần phải đi chặng đường này với Ngài.  Nếu ai trong chúng ta sống gần gũi với Ngài và để cho Ngài dìu dắt thì Ngài sẽ dẫn chúng ta vào bậc sống mà Ngài chọn cho mỗi một người chúng ta, bậc sống nào cũng ở trong Ngài và bậc sống nào cũng thánh thiện và tốt đẹp.  Và trong mỗi bậc sống, chúng ta tiếp tục đồng hành với Ngài, không phải chỉ một vài ngày nhưng đi với Ngài mọi ngày trong suốt con đường còn lại của ta, vì khoảnh khắc nào chúng ta đi ra khỏi Ngài, chính lúc đó chúng ta đã lạc lối.

Người phụ nữ thành Samari cũng đã trải qua chặng đường tìm kiếm.  Mỗi đời chồng là mỗi lần tìm kiếm.  Cứ mỗi một đời chồng đi qua có lẽ sự tìm kiếm của cô khẩn trương và sâu xa hơn, và chắc cũng đã nhiều lần cô cảm thấy tuyệt vọng vì sau những lần tưởng mình đã tìm được nhưng sao tâm hồn vẫn thấy còn trống vắng.  Thế nhưng cô đã không bỏ cuộc và vẫn cứ đi tìm.  Có lẽ tâm hồn của cô thôi thúc cô tiếp tục đi tìm vì nó mong muốn được gặp Đấng Sinh Thành.  Những tìm kiếm mà người phụ nữ này đã trải qua không xa lạ gì với chúng ta.  Có người cũng giống như cô và đã đi tìm kiếm trong tình người.  Có người đi tìm trong tiền tài danh vọng.  Có kẻ đi tìm qua những chai rượu.  Có người mải mê trong những vật trang sức và đồ hiệu mắc tiền, và có kẻ đi tìm trong sự hiểu biết trí tuệ.  Đã biết bao nhiêu lần chúng ta đi tìm Đấng Sinh Thành không phải ở chính nơi Ngài nhưng ở những thụ tạo của Ngài.

Cũng vì muốn được thoả mãn những ao ước bên trong, người phụ nữ thành Samari chẳng ngại cái nắng gắt của buổi trưa ở miền sa mạc, và đã lên đường đi tìm một cái gì đó mà tâm hồn của cô luôn khát khao.  Có lẽ Gioan đã mượn hình ảnh “mười hai giờ trưa” để nói lên sự khát khao tột đỉnh của cô, và vì không thể chần chờ được nữa, cô đã ra đi.  Cô đi đến nơi mà tổ phụ Gia-cóp đã từng đến, uống nước mà tổ phụ của cô đã từng uống, và mong sao bên bờ giếng và trong giòng nước này cô tìm kiếm được một chút cội nguồn mà tâm hồn của cô hằng khắc khoải mong chờ.  Chính bên bờ giếng này, cô đã gặp được Đấng Sinh Thành của cô, của tổ phụ Gia-cóp, và của mọi loài tạo vật.  Ngài đã ở đó chờ cô.  Một cuộc đối thoại giữa Ngài và cô đã xảy ra, và Ngài là người khởi đầu câu chuyện .  Thoạt đầu, cô đã có những dị nghị và thắc mắc, nhưng Chúa Giêsu đã ôn tồn nhẫn nại giúp cô nhận ra Ngài là ai, và dạy cho cô con đường dẫn đến sự thật, “Nhưng giờ đã đến –và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.  Thiên Chúa là thần khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Jn 4:23-24).

Con đường đi tìm Đấng Sinh Thành là vậy đó, cũng có lúc tâm hồn chúng ta cũng nóng bỏng lên vì sự trống vắng khi chưa tìm được cội nguồn, khi chúng ta còn lang thang bên những thụ tạo của Ngài.  Trong những lúc trống vắng nóng bỏng của tâm hồn, chúng ta hãy đến với Ngài trong tâm tình của một người đang đi tìm kiếm, và thưa với Ngài những khao khát trong tâm hồn của chúng ta.  Chúng ta hãy khiêm nhường đến với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể vì đó là cội nguồn của chúng ta.  Ngài luôn ở đó chờ ta, và trong tình yêu thương của một người Cha, Ngài cũng sẽ khởi đầu câu chuyện và dẫn ta về với Ngài.  Như người phụ nữ thành Samari, chúng ta cũng sẽ có những lo âu dị nghị khi cuộc sống của chúng ta thay đổi.  Chúng ta cũng sẽ có những thắc mắc khi cái nhìn và đường lối của Ngài khác với cái nhìn của ta và những gì chúng ta thường làm, và có lẽ cũng như người phụ nữ kia, chúng ta cũng lắm lúc dám thách thức Ngài khi chúng ta chưa hiểu con đường Ngài dẫn chúng ta đi.  Khi đó Ngài cũng sẽ ôn tồn kiên nhẫn dạy cho chúng ta biết Ngài là Đấng Sinh Thành, và Ngài chắc cũng chẳng ngại về những thách thức của ta, vì qua những thắc mắc và thách thức Ngài dạy cho ta biết rõ ta là ai và Ngài là ai.  Khi gặp được Ngài chúng ta sẽ tìm được cội nguồn, và khi chúng ta luôn ở trong Ngài, tâm hồn chúng ta sẽ không còn nóng bỏng lên vì sự trống vắng nữa.  Khi “giờ đã đến,” Ngài cũng sẽ dạy cho chúng ta thờ phượng Ngài trong ánh sáng và sự thật, trong yêu thương đồng loại và sự khiêm nhường của loài thụ tạo.

Trong cuộc đối thoại giữa Ngài và người phụ nữ, Chúa Giêsu đã nhắc lại hành trình đi tìm kiếm của cô, những khắc khoải mà cô đã phải chịu trong bao năm và người phụ nữ đã nhận ra Ngài là Đấng Kitô.  Đây là giây phút huyền nhiệm khi tâm hồn của cô cảm nhận được sự cảm thông của một người Cha luôn dõi theo con cái của Ngài.  Không phải Ngài đã biết được những gì đã xảy ra trong đời của cô vì Ngài là một đấng tiên tri như cô đã hiểu lúc ban đầu, nhưng Ngài biết vì trong đời của cô luôn có sự hiện diện của Đấng Sinh Thành.  Cũng vậy, mỗi bước hành trình của ta đều có Ngài.  Ngài luôn bước đi bên ta trong âm thầm và chờ đợi sự trở về của ta với Ngài.  Đã bao nhiêu lần trong đời ta, Ngài đã đến và chạm vào bờ vai và ta đã nhún vai phủ nhận sự hiện diện của Ngài và rồi tiếp tục đi con đường ta đang đi mặc cho những thôi thúc khắc khoải trong tâm hồn?  Dầu chúng ta có đối xử lạnh nhạt với Ngài thế nào đi nữa, Ngài luôn ở bên ta vì “Ngài không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2:13).  Làm sao Ngài có thể bỏ ta được khi ta mang lấy hình ảnh của chính Ngài và sức sống của ta chính là sức sống của Ngài?
Mùa Chay là mùa Giáo Hội nhắc nhở mỗi một người chúng ta bất kỳ đang ở trong bậc sống nào biết nhìn lại chặng đường của mình đang đi và xem xét lại đã bao lần Ngài đã đến và chạm lấy bờ vai ta nhưng ta vẫn làm ngơ hoặc biết nhưng vẫn chối từ.  Có lẽ đây là dịp chúng ta ngồi lại với chính mình trong cõi riêng tư và xin Ngài cho chúng ta được một lần gặp gỡ Ngài như Ngài đã cho người phụ nữ thành Samari gặp gỡ Ngài bên bờ giếng, để rồi mỗi một người chúng ta cũng sẽ chứng kiến được giây phút huyền nhiệm khi tâm hồn ta gặp được Đấng Sinh Thành, và chúng ta sẽ trở nên những người thờ phượng Thiên Chúa Cha đích thực như tâm hồn chúng ta hằng mong muốn.

Củ Khoai 3/2013

Anh chị Thụ & Mai gởi