Bình an chân thật – Lm. Minh Vận, CRM

Lm. Minh Vận, CRM

Helen Keller, một cô gái vừa mù, vừa câm, lại vừa điếc. Giác quan duy nhất còn lại để cô có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài là dùng tay mà sờ. Thế mà cô đã cố gắng đi học, kiên trì trong gian khổ… Nhờ sự nhẫn nại chuyên cần, cô đã đạt được một thành quả rất khả quan, đó là cô đã đoạt được văn bằng tiến sĩ. Một hôm, cô được người ta hỏi rằng, nếu chỉ được mộng ước một điều thôi, thì cô sẽ mộng ước điều gì? Trong khi chờ đợi cô trả lời, ai cũng nghĩ rằng: Cô sẽ ước ao được sáng mắt để chiêm ngắm vẻ kỳ diệu của cảnh thiên nhiên; được khỏi điếc để có thể thưởng thức những thanh âm của muôn loài và những khúc ca du dương trầm bổng của các ca sĩ trứ danh? Thực là bất ngờ, cô đã trả lời ngược hẳn lại ý nghĩ của mọi người. Cô nói: “Tôi ước ao cho thế giới được hưởng hòa bình”.

  1. BÌNH AN LÀ KHÁT VỌNG CỦA MỌI NGƯỜI

Câu trả lời của cô Helen chứng tỏ cô có một tâm hồn cao cả, đã được thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô và chia sẻ lòng khát khao của Người, như chính Người đã phán với các Môn Đệ trong giáo huấn Lời Chúa hôm nay, khi sai các ông đi truyền bá Tin Mừng cho muôn dân: “Khi vào nhà nào thì các con hãy cầu chúc: “Bình an cho nhà này!”.

Mỗi người chúng ta khi lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, trở nên con cái Chúa, đều được Chúa ủy thác sứ mạng truyền bá Tin Mừng Cứu Độ cho muôn người; hay nói cách khác, tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ được Chúa sai đi đem sự bình an, lòng nhân từ thương mến, niềm an vui hạnh phúc của Chúa đến cho mọi người.

Trong một thế giới đầy hận thù, chém giết và tràn ngập những thương luân bại lý ngày nay, sứ mạng Chúa ủy thác cho chúng ta, càng trở nên khẩn thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Nhưng có thể chu toàn sứ mạng đem sự bình an của Chúa đến cho mọi người thế nào được, khi tâm hồn chúng ta chưa có sự bình an, chưa được hưởng tràn đầy ơn an bình hạnh phúc chân thật của Chúa, để có thể chia sẻ, thông ban, trao tặng cho tha nhân?

2.ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC BÌNH AN THẬT

Sau khi Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, mỗi lần hiện ra với các Môn Đệ, Chúa đều cầu chúc: “Bình an cho các con!” Điều đó chứng tỏ lòng Chúa khát khao cho chúng ta được hưởng bình an hạnh phúc chân thật của Chúa. Nhưng sự bình an Chúa muốn ban tặng chúng ta, không phải chỉ là sự bình an tạm bợ của trần gian. Vì bình an chân thật của Chúa bắt nguồn từ nội tâm con người, không phải chỉ là sự bình an có cái nhãn hiệu bên ngoài: Không súng đạn chiến tranh, không võ khí nguyên tử và những hòa ước trên giấy tờ.

Chính Chúa đã nhiều lần quả quyết: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy không ban thứ bình an như thế gian ban tặng; lòng các con đừng bối rối sợ sệt”.

Sự bình an chân thật của Chúa muốn ban tặng chúng ta là gì? Đó chính là sự bình an tâm hồn. Sự bình an này chính các Thần Trời đã ca lên trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Mọi người trên trần gian, ai ai cũng khát khao hòa bình, các chính phủ, các nhà lãnh đạo các quốc gia, các chính khách đều cổ võ và vận động cho các cuộc hòa giải được thành sự, kêu gọi chấm dứt chiến tranh để tái lập hòa bình cho các dân tộc… Nhưng tại sao hòa bình vốn còn là viễn tượng mơ hồ. Chính là vì lòng con người còn đầy tham vọng, đầy tranh dành, đầy hận thù, đầy nghi kỵ lẫn nhau… Ai cũng chỉ muốn vượt trên người khác, hạ bệ đối phương, chiến thắng kẻ thù…

Nhưng hòa bình chân thật của Chúa chỉ được ban tặng cho những ai thành tâm thiện chí, giầu lòng yêu thương, đầy tình tương thân tương ái, luôn biết an ủi người sầu khổ, biết thông cảm chia sẻ niềm an vui hạnh phúc với tha nhân, khích lệ người nản chí ngã lòng, chỉ muốn làm ơn và sống hào hiệp với mọi người.

Là con cái Chúa, Chúa muốn chúng ta cảm nghiệm được sự bình an chân thật của Chúa, tức là tâm hồn không bị nô lệ tội lỗi và những tham vọng trần thế, để có thể tận hưởng niềm an vui hạnh phúc của con cái Chúa, sống trong ơn nghĩa với Người. Không những thế, Chúa còn ủy thác cho chúng ta sứ mạng đem sự bình an, tình yêu thương hạnh phúc của Chúa đến cho mọi người. Đó là một vinh hạnh, một phúc lành Chúa dành cho mỗi người chúng ta, như lời Chúa đã chúc phúc: “Phúc cho những ai biết xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5:9).

3. ÁP DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG

Trong khi cử hành Thánh Lễ hằng ngày, Giáo Hội muốn các vị Chủ Tế chúc lành cho những người tham dự bằng lời cầu chúc: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em!”; đồng thời, Chủ Tế cũng kêu gọi mọi người chia sẻ bình an của Chúa cho nhau bằng lời: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau!”

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta cùng có một khát vọng như Thánh Phanxicô Khó Khăn trong “Kinh Hòa Bình” mà chúng ta sẽ cùng với ca đoàn dâng lên, sau khi được đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sự Bình An ngự vào tâm hồn chúng ta.

Để chiếm hữu được sự bình an chân thật của Chúa, chúng ta cần có các điều kiện sau:

  1. Tâm hồn trong sạch, sống trong ơn nghĩa với Chúa, không bị ràng buộc bởi bất cứ tội lỗi nào, nhất là tội trọng, vì tội làm cho lương tâm chúng ta luôn bị cắn rứt, mất quân bình, bởi bất tuân lệnh Chúa, phản bội Ngài, nên không còn được hưởng niềm an vui hạnh phúc trong tình Cha con thân mật với Ngài.
  2. Tâm hồn nhiêm nhu, hiền từ nhân ái, luôn biết tôn trọng tha nhân, không bao giờ dám tự cao tự đại vươn mình lên trên kẻ khác, nhưng luôn đặt mình dưới hết mọi người; vì kẻ kiêu căng luôn bôn chôn rạo rực, phen bì, ghen tuông, giận ghét bởi thấy người khác hơn mình.
  3. Tâm hồn luôn tin tưởng ở Thiên Chúa, tín thác mọi sự nơi Người, chỉ muốn điều Thiên Chúa muốn và làm điều Thiên Chúa muốn. Họ luôn bằng lòng với tất cả những gì do tình yêu thương mà Chúa là Đấng khôn ngoan luôn quan phòng định đoạt cho họ, cho gia đình hay cộng đồng cũng như quốc gia của họ.

Kết Luận

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ sự bình an chân thật, vì Mẹ luôn chân nhận thân phận thụ tạo hèn yếu của mình, luôn hoàn toàn sống lệ thuộc vào Thiên Chúa, trong niềm tin yêu phó thác; đồng thời, luôn tôn trọng và đặt mình dưới hết mọi người, xin Mẹ dạy chúng con biết sống theo bí quyết bình an của Mẹ, để chúng con cũng được Chúa hài lòng và ban cho chúng con được tận hưởng sự bình an chân thật Chúa dành cho những con cái ngoan thảo của Chúa.

gpcantho.com


 

Xin hãy cầu nguyện cho các cháu và gia đình các cháu đã thiệt mạng…

Uyên Vũ

Xin hãy cầu nguyện cho các cháu và gia đình các cháu đã thiệt mạng và hiện còn đang mất tích do trận lũ lụt tại Trại Hè Camp Mystic.

Trại Hè Camp Mystic, một trại hè dành cho các cháu gái Kitô hữu nằm bên bờ sông Guadalupe tại Hunt, Quận Kerr, bị nước lũ bất ngờ nhấn chìm vào chiều ngày 03/07/2025.

Lũ lụt xảy ra do lượng mưa cực lớn, khiến mực nước sông Guadalupe tăng đột ngột từ 10 feet lên 32 feet chỉ trongchớp nhoáng.

Các báo cáo sơ bộ từ Texas Division of Emergency Management cho biết các cháu bị cuốn trôi khi đang cố gắng di tản từ các cabin gỗ xuống khu vực cao hơn.

Nước lũ chảy xiết (ước tính tốc độ 15-20 mph) đã phá hủy cầu gỗ dẫn ra đường chính, cô lập trại. Một số cháu bị mắc kẹt trong các tòa nhà sụp đổ, trong khi những cháu khác bị cuốn ra sông Guadalupe. Nguyên nhân chính là không đủ thời gian chạy nạn do lũ đến quá nhanh, và không có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả tại khu vực.

Thi thể các cháu được tìm thấy dọc theo bờ sông và trong các đống đổ nát, với đội cứu nạn sử dụng chó chuyên nghiệp và radar xuyên đất để tìm kiếm. Nhà chức trách cho biết đa số các cháu chỉ từ 10-14 tuổi, và cái chết là do ngạt nước hoặc chấn thương do va đập.

Gia đình các nạn nhân đang được hỗ trợ tâm lý từ hội Hồng Thập Tự và các nhà thờ địa phương. Một buổi tưởng niệm dự kiến diễn ra vào ngày 06/07/2025 tại Kerrville.

Thống đốc Greg Abbott đã cam kết điều tra nguyên nhân và cải thiện hệ thống cảnh báo lũ, Tổng thống Trump đã gửi lời chia buồn qua X vào tối 04/07/2025, ông hứa hẹn hỗ trợ để tái thiết trại.

*Camp Mystic, là một trại hè Kitô giáo tư nhân dành cho cháu gái Kitô hữu được thành lập từ năm 1926 tại Hunt, Texas dọc theo Sông Guadalupe.

*Hình ảnh các cháu gái nạn nhân và số điện thoại liên lạc (dưới) đã được đài KSAT và Firsthand Weather đăng công khai.

 


 

CÙNG NHAU ĐẾN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu mở đầu của Tin Mừng hôm nay đặt ra một câu hỏi thú vị. Vậy thì ai đến trước bất kỳ nơi đâu đó? Chúa Giêsu hay tôi? Hay là Ngài, bạn và tôi, chúng ta ‘cùng nhau đến?’.

Qua phép Rửa, chúng ta là một phần Thân Thể của Chúa Kitô. Vậy thì nơi nào tôi đến, Chúa Kitô cũng đến. Ngài không đi trước chúng ta, không đi sau chúng ta; Ngài và chúng ta ‘cùng nhau đến!’. Nhưng nếu tôi không đi hoặc không vươn ra – thì ở một mức độ nào đó – Chúa Kitô không đi và Ngài cũng không vươn tới ai được. Là một phần Thân Thể Ngài; tôi là dấu hiệu hữu hình của sự hiện diện của Ngài; tiếng nói của tôi là tiếng nói của Ngài, “Ai nghe anh em là nghe Thầy!”. Vì thế, nếu tôi không nói ra thông điệp của Ngài thì ai có thể lắng nghe? “Truyền giáo không phải là chinh phục, mà là bước đi trước trong khiêm nhường để người khác có thể nhận ra sự hiện diện của Đấng yêu thương đang đến!” – Madeleine Delbrêl.

Từ sứ mệnh, các tông đồ trở về trong hân hoan; và chúng ta cũng vậy. Nhưng nếu tôi không cố gắng đáp ứng ơn gọi đã lãnh nhận của phép Rửa thì Bí tích này trở thành một nghi lễ trống rỗng, khác nào phép cắt bì mà Phaolô lưu ý, “Cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới!” – bài đọc hai. “Rửa tội là khởi điểm, không phải điểm đến. Nó đặt chúng ta lên đường, không phải an vị trong ghế nhà thờ!” – Timothy Radcliffe.

Vậy bắt đầu từ đâu? Tôi không thể một mình cải đạo toàn bộ xã hội; tuy nhiên, tôi có thể noi gương Mẹ Têrêxa. Mỗi lần đến với một người nghèo, mẹ ý thức mẹ đang cùng đi với Chúa Giêsu và mẹ nhận ra rằng, hàng ngàn người nghèo, túng thiếu và hấp hối cần sự giúp đỡ; nhưng mẹ chỉ bắt đầu với từng người một. Điều này khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện người đàn ông nhặt những con sao biển mắc cạn trên bờ và ném chúng trở lại biển. Một người thấy ông làm vậy liền nói, “Ông đang lãng phí thời gian. Có hàng ngàn con sao biển; việc ông ném từng con sẽ không tạo ra khác biệt nào!”. Người ấy trả lời, “Nó sẽ tạo ra sự khác biệt, mỗi lần tôi ném một con trở về nơi của nó!”.

Anh Chị em,

“Vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”. Hôm nay, bạn và tôi cũng có thể bắt đầu với Chúa Giêsu; với Ngài, chúng ta ‘cùng nhau đến’ chỉ với một người, khởi đi từ những người thân yêu trong gia đình, trong cộng đoàn; và sau đó, vươn ra xã hội, thế giới. “Người môn đệ không bao giờ đi một mình; họ chỉ đơn giản là bước một bước trước, trong vâng phục, để dọn đường cho Thầy mình!” – Henri Nouwen. Nếu mỗi ngày, với Chúa Giêsu, ‘cùng nhau đến’ với từng linh hồn – mỗi ngày một linh hồn – chúng ta sẽ tạo nên sự khác biệt cho thế giới! Và như thế, rồi đây, “Cả trái đất, cùng tung hô Thiên Chúa!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con ý thức rằng, nơi đâu con bước đến vì yêu thương, là nơi Chúa đã có ý định đặt chân. Con không đi thay Chúa, mà đi trước để cùng Ngài đến!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*****************************************************

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.   Lc 10,1-12.17-20 

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông :

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà này !” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” 10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói : 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này : Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” 12 Thầy nói cho anh em hay : trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”


 

Thánh Antôn Maria Zacaria (1502-1539), Linh mục – Cha Vương 

Mến chào một ngày mới, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Antôn Maria Zacaria (1502-1539), Linh mục. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương 

Thứ 7: 05/07/2025 -6-24

CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA: Năm 1509, Antôn Maria Zacaria mở mắt chào đời trong một gia đình đạo đức, quyền quí tại Crémone. Thánh nhân ngay từ lúc còn nhỏ đã có lòng thanh  sạch, đã yêu quí đức khiết tịnh một cách cương quyết, sâu xa. Ngài cảm nghiệm Lời Chúa trong tám mối phúc thật:” Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”( Mt 5, 8 ).Thánh nhân có tâm hồn trong trắng, luôn hướng về Chúa và yêu thương các kẻ nghèo hèn, bần cùng đúng như Lời Chúa dậy:” Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”( Mt 5,7 ). Thánh nhân có trí thông minh sáng suốt, con đường học vấn của Người bắt đầu và đang rực rỡ huy hoàng, nhưng Người lại tuân theo ý Chúa:”…Hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo khó và đi theo Ta”. Chính vì ý thức sâu xa Lời Chúa và có tâm hồn hướng về Chúa, muốn tận hiến cuộc đời mình cho một mình Chúa, thánh nhân đã cố gắng trau dồi kiến thức thánh: triết học, thần học và tu đức học. Với ơn Chúa giúp, với sự cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi, thánh Antôn Maria Zacaria đã được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Với thánh chức, thánh nhân đã cùng với Bartôlômêô Ferrariô và Giacôbê Morigia lập tu hội triều vào năm 1533 có tên là hội thánh Phaolô và nhóm nữ tu thiên thần vào năm 1535 để cùng nhau sống tinh thần huynh đệ Tin Mừng. Với tinh thần huynh đệ Phúc Âm, thánh nhân đã chu toàn bổn phận và rao giảng, loan truyền Lời Chúa chống ảnh hưởng tai hại của bè rối Luther. Thánh nhân có tinh thần phục vụ cao vời và có một lòng yêu mến Chúa sâu xa, yêu mến Bí Tích Thánh Thể và khuyến khích nhiều người sùng kính, tôn vinh Thánh Thể Chúa.

THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA RA ĐI VỀ VỚI CHÚA KHI TUỔI ĐỜI MỚI CÓ 36: Ngày 5 tháng 7 năm 1539 thánh nhân đã ra đi về với Chúa an bình sau nhiều tháng năm nhiệt thành với sứ vụ tại Crémone, thọ 36 tuổi. Với tuổi đời còn trẻ, còn nhiều hăng say, Chúa đã cất Ngài về để chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa mãi mãi. Thánh nhân đã về với Chúa như Lời Chúa nói: ”Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả anh em được lâu bền”( Ga 15, 16 ). Đức Thánh Cha Lêô XIII đã cất nhắc Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1807 vì lòng nhiệt thành truyền giáo và tinh thần cầu nguyện vượt bậc của Ngài. (Nguồn: Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

   Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh: “Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác”.

❦  Noi gương thánh nhân hôm nay mời bạn hãy rao giảng Tin Mừng bằng cách cho đi nhưng không mong đền đáp nhé.

From Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=shIAEtvE8Ak

Chúa Là Đấng Từ Bi – Thánh Vịnh 102


 

THINH LẶNG –  Tập sinh Jos. Quốc Huy

 Tập sinh Jos. Quốc Huy

Ngày nay người ta sợ thinh lặng.  Người ta chạy trốn thinh lặng bằng đủ mọi cách khác nhau vì nghĩ rằng thinh lặng là trống rỗng và vô nghĩa, là phí phạm thời giờ cách vô ích.  Phải chăng chúng ta sợ thing lặng vì chúng ta đã quá quen với cuộc sống ồn ào và náo nhiệt của việc làm, của âm nhạc, của phim ảnh và mọi thứ âm thanh.  Nhưng thực sự lắm lúc, chúng ta cảm thấy mình cần phải rút lui khỏi chốn nhộn nhịp, ồn ào ấy để tìm nơi cho riêng mình.  Nơi đó chỉ có mình đối diện với tâm hồn của mình và chỉ còn mình đối diện với Chúa.  Nhất là, nơi đó để thinh lặng vang lên những giá trị liêng liêng mà ta đã bỏ quên hay ngó lơ trong những góc nội tâm của mình.

Vậy thinh lặng là gì?  Thinh lặng không phải là không nói gì nhưng thinh lặng thực sự chính là cảm nhận sự lắng đọng trong con người của mình.  Thinh lặng không phải là tách xa những thứ ồn ào bên ngoài là đủ nhưng thinh lặng cũng là phải tách xa những khuấy động bên trong nội tâm.

Khi nói đến thinh lặng có rất nhiều trạng thái để nói về sự thinh lặng.  Thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng để suy nghĩ, thinh lặng để hồi tâm.  Thinh lặng mang cho ta rất nhiều lợi ích.  Chỉ có trong thinh lặng con người mới trở về với cõi lòng, nghe được tiếng nói của Thiên Chúa trong lương tâm.  Có thinh lặng, con người mới đi sâu vào cõi lòng mình.  Có thinh lặng, con người mới nhận ra con người tội lỗi bất toàn của mình.  Có thinh lặng, con người mới có thể tha thứ cho người khác.

 Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta thinh lặng như trong câu chuyện “Người đàn bà ngoại tình” (Ga 8, 1-11).  Ngài dạy chúng ta học cách thinh lặng để tha thứ.  Khi những kinh sư và Pharisiêu dẫn người đàn bà ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu để thử Người, Chúa Giêsu chỉ viết gì đó trên đất và Ngài cũng giữ thinh lặng trong suốt phiên tòa của Ngài.  Cử chỉ thinh lặng ấy chính là sự tha thứ của Ngài.  Hay khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện sự tha thứ của Ngài bằng thinh lặng.  Từ trên thập giá, Ngài mời gọi chúng ta trở về cõi lòng để nhận ra thân phận tội lỗi của chúng ta, để nghe được lời tha thứ của Ngài và nhất là để tha thứ cho người khác.  

 Chúng ta sao có thể lắng nghe được tiếng Chúa nói lời tha thứ và yêu thương trìu mến với mình nếu ngày sống chỉ toàn là những ồn ào của công việc, học tập; những lắng lo việc này việc kia?  Lúc đó, chắc chắn chúng ta không những không nghe thấy tiếng Chúa nói mà còn đang xa dần với tình yêu của Ngài.

 Thật vậy, chỉ trong thinh lặng chúng ta mới có thể nghe và chú ý đến lời Chúa đang nói, đang làm hầu giúp chúng ta cảm nhận được lời của Chúa, để Chúa đánh động và bước vào cõi lòng chúng ta.  Chỉ khi ấy, chúng ta mới cảm nhận được sự hiện diện của Chúa là khoảng không gian như ở nhà của mình, của sự an toàn, của sự chở che; sự hiện diện ấy như bao bọc và làm chúng ta được Chúa thấm nhập vào thân thể mình.  Khi ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được: “Thinh lặng là thái độ bên trong để tôi mở lòng ra đón Chúa vào, để tôi được buông bỏ, được thư giãn vì đã có Chúa chở che cũng như được Ngài ôm ấp tôi vào lòng.” 

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều thiết bị, dịch vụ mang tính công nghệ đang dần lôi kéo con người vào sự náo động, ồn ào.  Nó đang trở thành cám dỗ, thách đố to lớn với mỗi chúng ta, nhất là những người sống đời thánh hiến.  Nó lôi chúng ta ra khỏi sự thinh lặng, sự liên kết mật thiết với Chúa.  Thay vì nói Chúa với tôi và tôi với anh em thì lại nói chiếc điện thoại, chiếc máy tính với tôi và tôi với nó.  Thử hỏi: khi ấy, Chúa ở đâu?  Anh em tôi ở đâu?  Sống trong những thách đố đó, chúng ta cần phải nỗ lực rèn luyện và học sống thinh lặng nhiều hơn.  Nhờ đó, chúng ta mới tìm được, nghe thấy, nhận biết Chúa đang nói, đang ở trong chúng ta.  Đạt được điều đó, người sống thánh hiến mới có thể thăng tiến bản thân và thực hiện sứ vụ mang Chúa đến cho nhiều người cách hiệu quả hơn.  Tâm tình trong lời bài hát “Lặng” của nhạc sĩ của Trần Tuấn cũng cho ta thấy vai trò của việc thinh lặng trong đời sống mỗi người Kitô hữu.  Hãy cảm nhận từng lời trong bài hát để ta có thể nhận ra ý Chúa trong cuộc đời ta.

“Lặng để nghe tiếng Chúa, nói trong trong tâm hồn ta
Lặng để nghe Chúa nói, thánh giá ta mang vì ai
Lặng để nghe Chúa khóc, khóc khi ta vô tình quay đi….”

 Tập sinh Jos. Quốc Huy

Nguồn: https://dongthuongkho.com

 From: Langthangchieutim

Tiếng đàn trong nước mắt – Khi tình thương dẫn lối một đứa trẻ

Vũ Quốc Thịnh

  Tiếng đàn trong nước mắt – Khi tình thương dẫn lối một đứa trẻ

Cậu bé ấy tên là Diego Frazzo Turkato. 12 tuổi. Sinh ra trong khu ổ chuột nghèo nhất Brazil – nơi giấc mơ bị bóp nghẹt bởi tiếng súng, đói nghèo và những định kiến tàn nhẫn. Ở nơi ấy, người ta không hỏi “Con muốn trở thành ai?”, mà chỉ cố đoán xem, đứa trẻ ấy sẽ sống được bao lâu trong vòng xoáy bất công.

Diego cũng giống như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi một ngày, cậu gặp thầy – người đàn ông với ánh mắt dịu dàng và đôi tay biết gieo hạt hy vọng. Thầy không cho Diego tiền, cũng chẳng hứa hẹn điều gì lớn lao. Thầy chỉ cho em một cây vĩ cầm… và một niềm tin.

Lần đầu kéo vĩ, Diego chỉ nghe tiếng rít chói tai. Nhưng thầy không trách, chỉ mỉm cười và nói:

“Mỗi nốt nhạc em chơi là một cánh cửa. Hãy kiên nhẫn mở nó ra.”

Và rồi, từng chút một, Diego học cách lắng nghe âm thanh của chính mình – không phải âm thanh của hỗn loạn ngoài kia, mà là tiếng nói của tâm hồn, của giấc mơ còn ngủ yên.

Thế nhưng, một buổi sáng nọ… thầy qua đời. Đột ngột. Mọi thứ như sụp đổ.

Trong lễ tang, khi không khí đặc quánh nỗi đau, Diego bước lên – nhỏ bé, cô đơn, cầm cây vĩ cầm đã cũ. Em không nói gì. Em chỉ chơi.

Tiếng đàn vang lên – run rẩy, nghẹn ngào, đầy những giọt nước mắt chưa kịp rơi.

Mỗi nốt nhạc là một tiếng gọi tuyệt vọng. Mỗi rung dây là một nhịp tim vỡ vụn. Và trong khoảnh khắc ấy, cả thế giới như nín lặng… để lắng nghe tiếng khóc của một đứa trẻ vừa mất đi người thầy, người cha, người dẫn lối.

Người ta đã khóc. Không phải vì tiếng đàn hay, mà vì họ thấy chính mình trong đó – thấy những lần được ai đó tin tưởng, nâng đỡ. Thấy cả những lần mất mát không lời.

Bức ảnh ấy – gương mặt cậu bé đẫm nước mắt, tay vẫn run run kéo vĩ cầm – đã đi khắp thế giới. Và nó đã làm điều mà hàng ngàn bài phát biểu chưa chắc làm được: đánh thức trong chúng ta một câu hỏi giản đơn nhưng cấp thiết:

“Chúng ta đã từng là người thầy của ai chưa?”

“Chúng ta đã từng gieo hy vọng cho ai, dù chỉ bằng một điều nhỏ bé?”

Diego không chỉ là cậu bé chơi đàn trong lễ tang. Em là minh chứng sống cho sức mạnh của giáo dục, của nghệ thuật, và trên hết – của tình thương không điều kien 


 

BA NƠI – BA LẦN TỈNH THỨC

(Từ một bài viết của Nguyen Tuan Quynh)

1)Có ba nơi mà tôi tin rằng mỗi người nên một lần đặt chân đến trong đời: bệnh viện, nhà tù và nghĩa trang.

Không phải để sợ hãi. Mà để hiểu, để sống tỉnh táo hơn.

Tôi còn nhớ, có lần con tôi than vãn:

— Cha ơi, sao cuộc đời con cứ trắc trở, công việc mệt mỏi, tình cảm thì lỡ dở…

Tôi cười, nhẹ nhàng bảo:

— Rảnh thì ghé bệnh viện Ung Bướu hay Chợ Rẫy một vòng đi con.

Tôi không hề muốn dọa. Chỉ muốn tụi nhỏ thấy rằng, chỉ cần còn đi lại được, còn tự thở, còn tóc trên đầu, còn cười được, thì mình đã may mắn hơn biết bao người rồi.

Ở bệnh viện, tôi từng thấy những đứa trẻ bé xíu đầu trọc vì hóa trị, vẫn nắm tay mẹ cười. Tôi từng chứng kiến những ánh mắt tuyệt vọng chờ một kết quả sinh tồn.

Và cũng tại nơi ấy, tôi học được bài học đầu tiên:

Sức khoẻ là vốn quý đầu đời. Còn sống, là còn hy vọng.

2)ôi từng ngồi trong phòng chờ trại giam để thăm một người bạn.

Tiếng cánh cổng sắt đóng lại sau lưng, âm vang đó vẫn đeo bám tôi nhiều năm.

Ở trong ấy, mọi thứ đều bị kiểm soát.

Không có lựa chọn, không có tự do.

Bữa ăn đúng giờ, giấc ngủ đúng chỗ, cả ánh sáng cũng không còn là thứ mình làm chủ.

Khi còn bên ngoài, người ta dễ buông những câu như “Làm vầy là có ngày vô tù đó!” — và chỉ khi đã vào, mới thấm:

Tự do không phải là mặc định. Tự do là thứ phải giữ gìn bằng đạo đức và trách nhiệm.

3)Và rồi, có những buổi chiều cuối năm, tôi ghé qua nghĩa trang — nơi yên nghỉ của mẹ, của ông, của bạn bè cũ.

Giữa hàng trăm tấm bia nằm im lìm, có những người ra đi khi chưa tròn đôi mươi, có người sống đến gần trăm tuổi. Nhưng cuối cùng, tất cả đều giống nhau: một nắm tro, một khoảng đất.

Không ai mang theo tiền, chức danh, nhà lầu, xe hơi.

Cái còn lại, chỉ là: “Ông ấy từng tử tế”, “Bà ấy hay cười”, “Cô ấy đã giúp tôi rất nhiều…”

Ở nghĩa trang, tôi được nhắc nhở lần nữa rằng:

Cuộc đời hữu hạn. Thời gian là tài sản không thể mua thêm.

Ba nơi – ba cú tát nhẹ của cuộc sống.

Không phải để làm ta đau, mà để đánh thức ta khỏi giấc mộng lười biếng, hơn thua và vô nghĩa.

Bệnh viện dạy tôi trân trọng từng hơi thở.

Nhà tù dạy tôi giữ gìn tự do.

Nghĩa trang dạy tôi sống chậm lại và sống có nghĩa.

Vì thế, mỗi sáng thức dậy, tôi hít một hơi thật sâu, đặt tay lên tim và nói thầm:

Cảm ơn đời, vì tôi vẫn đang sống. Vẫn tự do. Và vẫn còn thời gian để yêu thương.

From: Michelle Bui & KimBang Nguyen

Bác sĩ Alexandre Yersin

Những Câu Chuyện Thú VịMy Lan Pham

  Đầu năm 1943, ông đau nặng. Sáng sớm ngày 1/3, ông bảo người hầu già nâng ông ngồi dậy, nhìn ra biển Đông, rồi nhắm mắt, bình thản ra đi ở tuổi 80 mà không có người thân nào bên cạnh. Ông để lại chúc thư, dặn hãy chôn cất ông ở Nha Trang để mãi được gần gũi những người ông yêu mến.

Cả xóm Cồn hôm ấy và mấy ngày liền sau đó không ai đi biển. Họ khóc như mưa trước cái chết của người ân nhân dành cả cuộc đời cho họ: “Thầy Năm qua đời, từ nay ai giúp đỡ chúng tôi đâu?”. Nhà nhà đều bày bàn thờ với tấm hình ông ở nơi trang trọng nhất.

Ngày nay, cứ ngày 1/3 hàng năm, dân chúng trong vùng lại kéo đến viếng mộ ông.

Ông chính là Alexandre Yersin.

Ông là học trò của Luis Pasteur, người tìm ra vaccine. Khi tưởng chừng sắp được giải Nobel Y học tiếp theo về bệnh bạch hầu, ông quyết định ra đi. Ông lên tàu, làm bác sĩ trên tàu, rồi yêu mến mỗi lần tàu cặp bến Nha Trang. Ông chọn nơi đây làm nơi cư ngụ, chữa bệnh tại địa phương và dành những ngày nghỉ đi thám hiểm.

Ngày 21-3-1893, ông tìm ra cao nguyên Lang Biang. Nói cách khác, ông là “cha đẻ” của thành phố Đà Lạt.

Năm 1894, ông tìm ra chuột chính là nguyên nhân gây bệnh dịch hạch. Ông mở Viện Pasteur ở Nha Trang để bào chế vaccine giúp người Việt chống lại bệnh này.

Ông sống giản dị trong ngôi nhà gỗ nhỏ, nói tiếng Việt giỏi, ngày đêm có ai nghèo ốm đau ông đều tới chữa miễn phí.

Ông làm những dụng cụ đơn giản để dự báo thời tiết. Khi sắp có bão to, ông treo ngọn đèn rất sáng ở một cột cao ngay trên nóc nhà báo cho dân xóm Cồn biết mà không ra biển.

Ông bỏ tiền riêng thuê kéo ống nước về đặt máy nước nhiều nơi cho dân sử dụng.

Ông dành một tủ sách lớn cho bọn trẻ vào đọc. Ông chia bánh kẹo, dạy chúng thiên văn và dự báo khí tượng.

Năm 1902, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y Dược Hà Nội.

25 năm cuối đời, ông tập trung nghiên cứu di thực các loài cây ôn đời vào nước ta. Nhờ ông, ta có thêm su hào, bắp cải, cà rốt, xà lách, súp lơ… Và đặc biệt có thêm cà phê và cao su.

Sưu tầm

My Lan Phạm


 

DẦN DẦN, TÔI LẠI THÍCH SỰ CÔ ĐƠN- Lm. Anmai, CSsR

Vũ Quốc Thịnh

Lm. Anmai, CSsR

Dần dần, tôi lại thích sự cô đơn. Một kiểu cô đơn không hẳn là buồn, nhưng rất lặng. Một kiểu im lặng không gào thét, không oán trách, chỉ lặng lẽ tựa như dòng sông chảy qua đêm tối – không ai thấy, cũng chẳng ai quan tâm. Không phải vì tôi ghét thế giới, cũng không phải vì tôi sợ con người. Chỉ là… tôi mệt. Và tôi nhận ra, càng trưởng thành, con người ta càng cần ít hơn những ồn ào, và nhiều hơn những khoảng lặng để sống thật với mình.

Tôi từng nghĩ rằng, sống là phải có nhiều bạn bè, phải được yêu thương, quan tâm, thấu hiểu. Nhưng rồi tôi nhận ra, sự quan tâm nếu đến không đúng lúc hoặc không chân thành, thì cũng chỉ là thêm một vết cắt. Đã từng, có những lần mở lòng ra, nhưng đáp lại là sự thờ ơ hoặc vô tình. Đã từng, có những lần tâm sự, nhưng rồi câu chuyện riêng tư ấy lại trở thành đề tài để người khác đem ra bàn tán. Cái cảm giác bị hiểu lầm, bị đem ra so sánh, bị đánh giá… nó khiến lòng tôi đầy những vết nứt không tên.

Và rồi, tôi rút về. Rút khỏi những mối quan hệ mà ở đó tôi phải gồng mình để vừa lòng ai đó. Rút khỏi những cuộc trò chuyện nửa vời, nơi người ta nói cho có, lắng nghe cho xong. Tôi bắt đầu thích ngồi một mình. Lặng thinh trong quán cà phê không bạn đồng hành. Dạo bước trên con phố quen không ai kề cạnh. Đêm về, mở một bản nhạc nhẹ rồi viết vài dòng trong cuốn sổ nhỏ cũ kỹ. Thế mà nhẹ lòng lắm. Không giả vờ vui. Không cần cố gắng cười. Không phải diễn để ai vừa ý.

Cô đơn, nhưng không cô độc. Vì tôi có tôi. Tôi dần học cách làm bạn với bản thân. Học cách tự an ủi khi lòng buồn. Tự vỗ vai mình khi chẳng ai thấy nỗi đau trong mắt. Tự lau nước mắt mà không cần một lời hỏi han. Không phải vì tôi mạnh mẽ, mà bởi vì tôi hiểu, không ai có thể đồng hành cùng mình suốt cả hành trình. Sẽ có những đoạn đường mà tôi phải đi một mình, lặng lẽ nhưng kiên cường.

Tôi dần hiểu rằng, có những nỗi buồn chỉ cần một mình chịu. Có những hạnh phúc không cần ai chứng kiến. Có những chiến thắng không cần ai vỗ tay. Và cũng có những lần vấp ngã, chỉ bản thân mới biết đứng dậy đau đến thế nào.

Tôi bắt đầu ngại sự quan tâm từ người khác. Không phải vì tôi không cần, mà bởi vì tôi sợ – sợ kỳ vọng, rồi thất vọng. Sợ quen với sự ngọt ngào, để rồi một ngày bị bỏ rơi lại càng đắng. Tôi không muốn trở thành gánh nặng của ai, cũng chẳng muốn bất cứ ai trở thành điểm tựa cho mình một cách gượng gạo. Tôi chỉ cần một chút bình yên – bình yên trong chính tâm hồn đầy vết xước của tôi.

Thế là, tôi tập sống nhẹ.

Tập buông bớt những mối bận tâm.

Tập im lặng khi không cần thiết phải nói.

Tập cười khi đau, và tập chấp nhận cả những tổn thương như một phần không thể thiếu của trưởng thành.

Tôi học được rằng, bình yên thật sự không đến từ những ồn ào ngoài kia, mà đến từ sự tĩnh lặng bên trong. Không phải có ai đó luôn ở bên mới là hạnh phúc, mà là khi tôi một mình mà vẫn cảm thấy đủ đầy.

Dần dần, tôi chẳng còn muốn kể lể, chẳng cần ai phải hiểu. Không phải vì tôi khép kín, mà là tôi chọn lựa. Chọn cho mình một thế giới nhỏ – nơi tôi là chính mình, không phải giả vờ mạnh mẽ, cũng không cần biện minh cho bất kỳ cảm xúc nào.

Dần dần, tôi lại thích sự cô đơn – như một người bạn thân thuộc. Không ồn ào, không đòi hỏi, nhưng luôn ở bên tôi trong những khoảnh khắc thật nhất, đau nhất, và sâu lắng nhất của cuộc đời.

Và cũng chính từ trong sự cô đơn đó, tôi bắt đầu biết yêu lấy chính mình. Không còn mong ai đó đến cứu rỗi. Không cần một ai công nhận. Chỉ cần mỗi sáng thức dậy, tôi có thể mỉm cười, tự nhủ: “Hôm nay mình vẫn còn hiện diện, vẫn còn sống – và mình sẽ sống bình yên, theo cách của riêng mình.”

Lm. Anmai, CSsR


 

HOÀN TOÀN MỚI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ!”; “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ!”.

“Ân sủng không chắp vá những vết rách cũ; nó thay đổi cả tấm áo, mặc cho bạn một phẩm phục mới, dệt bằng lòng thương xót!” – Thomas Merton.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi nói, “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ!”; “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ!”, Chúa Giêsu muốn nói, trong đời sống thiêng liêng, với ân sủng, những gì cũ kỹ sẽ được thay thế như một chiếc áo ‘hoàn toàn mới’ dệt bằng lòng thương xót!

Nếu có một chiếc điện thoại hỏng, bạn sẽ không mua một chiếc mới, tháo rời nó, lấy linh kiện để ráp vào chiếc cũ; thay vào đó, bạn mua một chiếc điện thoại mới – một sự thay thế hoàn toàn. Cũng thế, phẩm chất cốt lõi của Luật mới về ân sủng Chúa Kitô mang đến là nó ‘hoàn toàn mới’ và biến đổi. Do đó, chấp nhận giáo huấn của Ngài, bạn trở nên tạo vật mới trong Ngài. Ân sủng không chắp vá những gì yếu đuối và tội lỗi trong con người; nhưng nó biến đổi, nâng cao bản chất con người lên một sự ‘tồn tại mới’. “Khi ân sủng chạm đến, nó không làm bạn trở nên tốt hơn phiên bản cũ của mình, mà làm bạn trở nên điều bạn chưa từng dám mơ mình có thể là!” – Brennan Manning.

Vì thế, lời dạy của Chúa Giêsu không chỉ điều chỉnh những giải thích sai lầm mà giới kinh sư đã quảng diễn trong suốt nhiều năm, nó còn hướng đến ‘tư duy’ và ‘cuộc sống’ của cả nhân loại; không chỉ các phong tục Do Thái phải trải qua một sự biến đổi, mà chính thế giới cũng phải trải nghiệm sự biến đổi này. Bởi lẽ mọi thứ cần được đổi mới trong Chúa Kitô vì chỉ trong Ngài, ân sủng mới có thể được ban. “Chúa Kitô không tái chế linh hồn, Ngài tái tạo nó!” – C.S. Lewis.

Với Kitô hữu, không chỉ nhận sự sống mới của ân sủng trong Bí tích Rửa Tội, bạn và tôi còn nhận nó lần này lần khác và chia sẻ sự đổi mới liên tục này mỗi khi cho phép ân sủng chạm đến sâu sắc hơn; nhờ đó, được biến đổi trọn vẹn hơn để trở thành những con người Chúa muốn chúng ta trở thành. Vậy, hãy mong đợi sự mới mẻ này trong suốt đời mình với cam kết sống một đời con thảo trong ơn nghĩa Chúa. “Chúa Kitô không đến để tô màu lại cuộc đời cũ, nhưng để viết nên một câu chuyện hoàn toàn mới!” – Paul Claudel.

Anh Chị em,

“Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ!”. Hãy suy ngẫm về khám phá đầy vui mừng đang chờ đón bạn mỗi ngày; khám phá Luật mới của ân sủng, đón nhận nó vào cuộc sống để nó biến đổi và đưa bạn vào con đường khám phá không bao giờ cũ! Đó là một khám phá liên tục, vĩ đại hơn nhiều so với bất kỳ điều gì thế giới này có thể cung cấp; không gì có thể so sánh với món quà ân sủng của Chúa Kitô sống động trong cuộc sống chúng ta. Hãy suy ngẫm về món quà ân sủng Chúa ban cho bạn hôm nay và nói “Có” với nó bằng cả tấm lòng; vì lẽ “Chúng ta không thể đựng ánh sáng mới trong những chiếc bình cũ của bóng tối!” – Teilhard de Chardin.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, khi ân sủng đến, nó không chỉ chạm vào vết thương, mà thay đổi luôn cả làn da cũ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**********************************************

 Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên, Năm Lẻ

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 9,14-17

14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt : rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới : thế là giữ được cả hai.”