LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE

LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE

Một Thánh Lễ để vinh danh Đức Mẹ Guadalupe đã có từ thế kỷ thứ 16.  Niên sử của thời đại đó kể cho chúng ta biết câu chuyện sau đây:

Một người thổ dân nghèo hèn tên Cuatitlatoatzin được rửa tội và lấy tên là Juan Diego.  Ông 57 tuổi, goá vợ và sống trong một làng nhỏ gần Mexico City.  Vào buổi sáng thứ Bảy, ngày 9 tháng 12 năm 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Đức Mẹ.

Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót.  Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec.  Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Đức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu Đức Giám Mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.

Dĩ nhiên vị Giám Mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ.  Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng.  Điều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ.  Tuy nhiên, Đức Trinh Nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị Giám Mục.  Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp.  Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị Giám Mục.

Trước sự hiện diện của Đức Giám Mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị Giám Mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy.  Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Đức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac.  Đó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.

Lời Bàn

Việc Đức Maria hiện ra với Juan Diego dưới hình thức một người đồng hương của ông nhắc nhở cho chúng ta thấy, Đức Maria và Thiên Chúa, là Đấng đã sai ngài đến, chấp nhận mọi dân tộc.  Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, khi người Tây Ban Nha đối xử tệ hại và dã man với người thổ dân, việc hiện ra là lời khiển trách người Tây Ban Nha cũng như một biến cố trọng đại đối với người thổ dân Mỹ Châu.  Trước khi có biến cố này, việc trở lại Kitô Giáo chỉ thưa thớt, nhưng sau đó họ trở lại cả đoàn.  Theo một sử gia đương thời, có đến chín triệu người thổ dân trở lại đạo Công Giáo trong một thời gian rất ngắn.  Ngày nay, chúng ta thường nghe là Thiên Chúa ưu đãi người nghèo, và Đức Mẹ Guadalupe minh chứng rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho người nghèo, và chính Mẹ đồng hóa với người nghèo là một chân lý đã có tự ngàn xưa, được phát xuất từ Phúc Âm.

Lời Trích

Đức Maria nói với Juan Diego: “Hỡi con rất yêu dấu của Mẹ, ta là Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Thiên Chúa thật, Người là Tác Giả của Sự Sống, là Tạo Hóa của muôn loài và là Chúa của Thiên Đàng cũng như Trái Đất… và điều ta mong muốn là một nhà thờ sẽ được xây cất ở đây cho ta, là nơi ta sẽ chứng tỏ lòng khoan dung và nhân hậu của ta đối với người thổ dân, và tất cả những ai yêu mến và tìm đến ta, như một người Mẹ đầy lòng thương xót của con và của mọi người dân của con…” (trích từ niên sử cổ).

Lời Nguyện: Kinh dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lạy Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con toàn thể giáo hữu Việt Nam hết lòng tin cậy chạy đến cùng Mẹ.

Mẹ là Mẹ THIÊN CHÚA, là Mẹ chúng con, Mẹ là Nữ Vương Toàn Năng, là Đấng bầu cử cho chúng con trước tòa Chúa.  Biết bao nhiêu lần, Mẹ đã cứu vãn Giáo Hội, và các dân tộc trong cơn nguy biến.

Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo Hội và tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.  Để thực hành mệnh lệnh của Mẹ, và để nhờ Mẹ che chở phù trì, ngày nay và mãi mãi.

Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam.  Xin Mẹ soi sáng hàng Giáo Phẩm, dìu dắt và thánh hóa các Linh Mục.  Xin Mẹ giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ.  Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh chị em của chúng con, đang phải khốn khó vì Đạo Chúa.

Xin Mẹ chúc lành cho tổ quốc Việt Nam.  Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc, xin Mẹ đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần tất cả các cơ cấu quốc gia, xin Mẹ cho toàn thể dân Việt biết đoàn kết, để cùng nhau xây dựng lại giang sơn.

Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn Cộng Sản vô thần, để mọi người được sống trong tự do, hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ, và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.

Lạy Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành khẩn kêu đến Mẹ, vì chúng con biết Mẹ sẽ nhậm lời chúng con.  Và mặc dầu mọi nỗi khó khăn hiện tại, chúng con tin chắc Trái Tim Mẹ sẽ thắng.  Amen!

From: Langthangchieutim

Gia đình đại phúc: 3 anh em ruột làm Linh Mục – Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp & St.Alfonso

HOIMEHANGCUUGIUP.COM
Gia đình đại phúc: 3 anh em ruột làm Linh Mục Ông bà cố có đến 3 người con làm Linh Mục cho Chúa. Chiều ngày 31.5.2018 tại GP Nha Trang, 28 Thầy Phó Tế được thụ phong Linh mục qua Đức Giám Mục giáo phận Nha Trang trong đó có hai anh em ruột ….

TUYÊN XƯNG, SỐNG VÀ LÀM CHỨNG CHO ĐỨC TIN

TUYÊN XƯNG, SỐNG VÀ LÀM CHỨNG CHO ĐỨC TIN

+ ĐTGM Giuse Nguyễn Năng

1- Không một tôn giáo nào có một lịch sử kỳ lạ như Kitô giáo. Quả vậy, không một tôn giáo nào bị bách hại nhiều, lâu dài và đau thương như Kitô giáo; và cho dù bị bách hại nhiều, lâu dài và đau thương, Kitô giáo không hề bị tiêu diệt, trái lại vẫn không ngừng tăng trưởng cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của niềm tin.

Quả vậy, ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải qua 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế Roma. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó không sớm thì muộn, các Kitô hữu cũng bị bắt bớ và giết chết, Hội Thánh bị bách hại và loại trừ. Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử.

Ngay trong thời đại chúng ta, trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này, nếu tính tổng cộng tất cả các Kitô hữu, gồm Công giáo, Chính thống, Anh giáo và Tin lành, thì hằng năm có khoảng 170.000 người tử đạo, 200.000.000 người chịu bách hại vì đức tin Kitô giáo.

Trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 117 vị thánh đã được phúc tử đạo trong một giai đoạn bách hại kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi vào năm 1745 đến vị cuối cùng vào năm 1862, qua các triều đại vua Lê chúa Trịnh, Tây Sơn và các triều nhà Nguyễn. Đó là chưa kể chân phước Anrê Phú Yên tử đạo vào năm 1644, và hằng trăm ngàn tín hữu chết vì đức tin nhưng chưa được phong thánh.

Bức tranh trên đây là một thực tế, và đó cũng là một điều bí ẩn của lịch sử Hội Thánh. Các Kitô hữu bị ghét, vì trước hết, chính Chúa Giêsu đã bị ghét và đã chịu tử hình trên thánh giá. Chúa Giêsu chính là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng.

Chúa nói: “Vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em… Họ chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15, 19-21). Đơn giản chỉ là thế. Sâu xa là như vậy.

Tuy nhiên, Chúa đã hứa ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế, và Chúa đã tuyên bố không quyền năng nào có thể tiêu diệt Hội Thánh. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

2- Ngày lễ các thánh tử đạo tại Việt Nam hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại đời sống đức tin của các thánh tử đạo Việt Nam để xem các ngài đã tuyên xưng, đã sống và làm chứng cho đức tin thế nào.

Tại sao các Kitô hữu bị ghét bỏ, bị bắt bớ và giết chết? Các thánh tử đạo đã làm gì?

Các thánh tử đạo bị giết chỉ vì tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu. Lòng tin ấy biểu lộ qua việc tôn thờ thánh giá Chúa. Thánh Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được!” Thánh Têôphan Ven nói: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”

Chắc chắn không phải vì các ngài đã theo đạo Tây mà phản bội tổ quốc và dân tộc. Các ngài tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương. Thánh linh mục Tự đối đáp với quan tòa: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”.

Nhiều vị thánh đã ở trong hàng ngũ quân đội bảo vệ đất nước. Thánh Trần Văn Trung là một binh sĩ, đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ”. Thánh linh mục Khuông từng tuyên bố: “Đạo Giatô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng”.

Yêu nước không có nghĩa là phải thù ghét loại trừ các Kitô hữu và chống lại Kitô giáo.

3- Lời tuyên xưng của các thánh tử đạo không chỉ là lời tuyên bố trong một khoảnh khắc nhất thời trước khi chết, nhưng đó là hoa trái kết tinh từ một đời sống thấm nhuần Lời Chúa. Các ngài đã sống đức tin, đã thể hiện Tin Mừng yêu thương trong chính đời sống của mình.

Trước hết, đời sống đức tin của các thánh tử đạo được biểu lộ ngay trong bổn phận hằng ngày của đời sống gia đình.

Dù thời đó, chế độ đa thê vẫn đang thịnh hành trong xã hội Việt Nam, nhưng các thánh tử đạo đã trung thành với giáo huấn một vợ một chồng của Phúc Âm. Dĩ nhiên có những vị lúc đầu đã không trung thành với lời cam kết hôn nhân, như các thánh Gẫm, binh sĩ Huy, Cai Thìn, quan Hồ Đình Hy… đã có thời gian sa ngã, thế nhưng sau đó tất cả đều biết trở về để vun đắp lại mái ấm gia đình của mình.

Các thánh chu toàn bổn phận nuôi dạy con cái theo tinh thần đức tin. Thánh Thọ căn dặn các con vào thăm trong tù: “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.

Về phần thánh Anê Lê Thị Thành, vị thánh nữ duy nhất trong số các vị tử đạo, người con gái thứ hai của ngài là cô Anna Năm xác nhận: “Bố mẹ chúng tôi chỉ gả các con gái cho những người thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, mẹ tôi thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần mẹ dạy tôi: “Tuân theo Ý Chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận thánh giá Chúa gửi cho”. Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi: “Hai con hãy sống hoà hợp, vui vẻ, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ”.”

Kế đến, sống đức tin là sống Tin Mừng yêu thương.

Thánh y sĩ Phan Đắc Hòa rộng tay giúp người nghèo khổ, riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Thánh Martinô Thọ nói: “Công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”, nên ngài trồng thêm vườn dâu kiếm tiền giúp người thiếu thốn. Người cùng tử đạo với ngài là Gioan Cỏn từng mạnh dạn đấu tranh cho người nghèo chống lại chính sách đòi sưu cao thuế nặng. Thánh Năm Thuông là ân nhân của viện cô nhi trong vùng. Còn thánh Trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà mình.

Điều quan trọng trong đời sống đức tin của các thánh tử đạo là lòng tha thứ.

Nếu lòng anh dũng giúp các vị tử đạo bình thản đón nhận cái chết không run sợ, không quỵ lụy khóc than, thì chính lòng bao dung thứ tha mới là đặc tính phân biệt vị tử đạo với những vị anh hùng vì lý do khác.

Các tín hữu chỉ thực sự chết vì đạo nếu biểu lộ được tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung của Tin Mừng. Các vị chắc chắn không đồng ý với bản án bất công của triều đình, nhưng như Đức Giêsu trên thánh giá vẫn cầu nguyện cho quân lính giết hại mình, các chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và những người hành xử mình.

Khi viên quan nói: “Tôi phải theo lệnh vua, đừng giận tôi nhé”, linh mục Théophane Ven đáp: “Tôi chẳng ghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan”. Thánh Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên cười khi ngài đọc: “Cầu Chúa Giêsu, xin cho các quan trị nước cho yên càng ngày càng thịnh”.

4- Lời tuyên xưng và đời sống đức tin của các thánh tử đạo đã làm trổ sinh hoa trái phong phú trên quê hương Việt Nam thân yêu này.

Chính đời sống của các thánh tử đạo đã cảm hóa và chiếm được tình cảm của bà con hàng xóm. Dù triều đình nhà Nguyễn ra chiếu chỉ bách hại, bà con hàng xóm vẫn tỏ dấu hiệu thân ái với người công giáo.

Thánh linh mục Vũ Bá Loan là niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng “cụ”, ngài không bị đánh đòn; và trong ngày xử, mười lý hình chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép: “Việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé”.

Trong vụ án thánh linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cổ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ.”

Hơn nữa, ngay trong lúc bị giam tù, các ngài đã đưa hằng trăm người đến với Chúa. Và từ đó đến nay, hạt giống Tin Mừng không ngừng lớn lên trong đất nước này. Tin Mừng như men đang thấm vào mọi sinh hoạt xã hội để đưa thế gian đi theo con đường của chân lý Phúc Âm.

Là con cháu các thánh tử đạo, chúng ta hãy phát huy gia sản đức tin mà cha ông đã để lại cho chúng ta. Đức tin ấy đã lớn lên trong máu và nước mắt, trong hy sinh và gian khổ. Bao nhiêu thế hệ đã nằm xuống để chúng ta được trung kiên với đức tin tông truyền.

Ngày nay, tuy không còn phải chịu những đau thương dữ dằn như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác có thể còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị, khoái lạc, tự do buông thả. Những sức mạnh này đã làm cho bao nhiêu tín hữu gục ngã, đã lôi kéo bao nhiêu Kitô hữu rời xa Hội Thánh, đã làm cho biết bao người quên Thiên Chúa.

Chúng ta hãy bắt chước các thánh tử đạo tuyên xưng đức tin một cách xác tín, ý thức. Chúng ta có thể nói như thánh Phaolô không: “Tôi biết tôi đã tin vào ai?” (2 Tm 1,12). Hãy để cho lòng tin vào Chúa thấm nhuần và biến đổi cuộc sống chúng ta, để tất cả mọi hành vi, ứng xử, chọn lựa, thái độ, của chúng ta luôn tỏa chiếu sức mạnh của Tin Mừng và tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh để đưa họ đến với Chúa Giêsu Cứu Thế.

 TÌNH CA TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Bài tình ca tử đạo

Thắm màu máu đỏ tươi

Trầm hùng và tuyệt diệu

Âm vang cả đất trời.

Những con người yếu đuối

Có sức mạnh niềm tin

Dẫu hiểm nguy không ngại

Vẫn hiên ngang ngước nhìn.

Da vàng và máu đỏ

Sắc màu thiêng Việt Nam

Kiên cường ôm thập giá

Dám chết vì đức tin.

Ác nhân luôn hèn hạ

Dùng đủ mọi cực hình

Nhưng tín nhân không sợ

Vẫn yêu Chúa hết tình.

Bài tình ca tử đạo

Những nốt yêu hòa âm

Êm đềm ngọt giai điệu

Dệt tình khúc Việt Nam. 

Viễn Dzu Tử

Kinh nguyện 

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 

Đội ơn Thiên Chúa muôn trùng

Ban cho các Đấng Anh Hùng Việt Nam

Một lòng chối bỏ trân cam

Mặc ai dụ dỗ chẳng ham phúc trần.

Máu đào dâng hiến trọn thân

Quyết tâm theo Chúa- chứng nhân Nước Trời

Ngày nay cho đến muôn đời

Thanh nhàn vĩnh phúc, gương soi chiên đoàn.

Chúng con còn ở trần gian

Nguyện xin các Thánh thông ban hộ phù

Ơn thiêng: sức mạnh, thân tu 

Nếu không tử đạo, cần cù siêng năng.

Vượt qua tục luỵ, lưới giăng

Noi gương các Thánh, Chúa hằng xót thương

Chờ ngày Chúa gọi lên đường

Về cùng các Thánh đồng hương Nước Trời. Amen.

(Thế Kiên Dominic)

Gia đình bà góa quá ẩn tượng cả mười người con đi tu

SVCONGGIAO.NET
Gia đình bà góa quá ấn tượng vì có mười người con thì đi tu cả mười Một người mẹ đã nỗ lực tần tảo nắng mưa trưa tối nuôi 10 người con hết sức trưởng thành. Ấn tượng hơn nữa là người mẹ vĩ đại này lại chỉ là một go…

VỊ LINH MỤC VIỆT NAM RẤT ĐẶC BIỆT VÌ CÓ CHA THUỘC ĐẠO CAO ĐÀI VÀ CÓ MẸ THUỘC ĐẠO PHẬT

Image may contain: 1 person, smiling, text

Lm Jos Trần Chính Trực

VỊ LINH MỤC VIỆT NAM RẤT ĐẶC BIỆT VÌ CÓ CHA THUỘC ĐẠO CAO ĐÀI VÀ CÓ MẸ THUỘC ĐẠO PHẬT

Nhất gia tam Đạo. Tam nhân tam Tôn. Một gia đình ba Tôn giáo. Ba con người ba Tôn giáo.

Chuyện lạ không tưởng này đã xảy ra trong gia đình cha Phêrô Giuse Maria HÀ THIÊN TRÚC, đương kim Chánh xứ Martinô thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Quả vậy, cha Trúc đã xuất thân trong một gia đình có thân phụ là một tín đồ thuộc Đạo Cao Đài và thân mẫu thuộc Đạo Phật.

Ngài nguyên là một bác sĩ y khoa có tâm và kiêm là một ca sĩ hát rất tâm tình.

Cha ngài vì muốn ngài trưởng thành về tâm linh và vững mạnh về kiến thức nên đã đặt tên ngài là Thiên Trúc, tên cũ của Ấn Độ, một quốc gia Phật Giáo.

Cả ông cố và bà cố đều tôn trọng niềm tin của nhau, cùng sùng Đạo của riêng mình và đã tôn trọng sự chọn lựa tâm linh của các con, và đã chấp nhận cho con trai mình là Hà Thiên Trúc được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Cha Trúc đã từng sống bên những người Công giáo đạo đức thánh thiện, đã được nghe biết về Chúa Giêsu cách sâu xa ấn tượng thuyết phục.

Chính vì thế mà cha Trúc đã gia nhập Đạo Công giáo vào năm 19 tuổi với sự chấp thuận, tôn trọng và ủng hộ rất vô tư của cả cha lẫn mẹ.

Ngài được Rửa tội ở Giáo xứ Tân Định, Sài Gòn năm 1989 và được gia nhập vào Giáo xứ này.

Không dừng lại ở đó, cha còn say mê Đạo Công Công giáo đến nỗi đã muốn trở thành một Linh mục để đem ơn cứu độ cho nhân thế.

Cha đã được cha sở Gioan Baotixita Võ Văn Ánh giới thiệu vào Đại Chủng viện dưới sự dìu dắt tận tình vô tư trước đó của cha nghĩa phụ Giuse Maria Đỗ Duy Lạn.

Chính cha Lạn đã khuyến khích, đã nâng đỡ, đã hướng dẫn bác sĩ Hà Thiên Trúc trong những bước đầu của ơn gọi linh mục.

Và cuối cùng cha đã được truyền chức Linh mục.

Vậy là cha Trúc tuy đang có một tương lai sán lạn cho mình, và cũng đang phục vụ, mang lại an ủi cho nhiều bệnh nhân, nhưng đã chọn đi tu trở thành linh mục, và có lẽ đã làm nhiều người thắc mắc, khó hiểu.

Vậy là bác sĩ Trúc từ việc chữa lành thể xác con người cách chóng qua lại trở nên “bác sĩ” chữa lành tâm linh con người cách Vĩnh cửu.

Khẩu hiệu đời linh mục mà cha đã chọn chính là những câu ca ngợi Thiên Chúa của Đức Mẹ là: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa » (Lc 1,46).

Sở dĩ cha Trúc có đến 3 tên Thánh vì cha rất yêu thích Thánh Phêrô, rất sùng kính Đức Mẹ và tri ân cha nghĩa phụ Giuse Maria Đỗ Duy Lạn nên đã chọn tên Thánh Giuse để tưởng nhớ cha cố.

Cha đã thành tâm tìm hiểu Đạo Công giáo và đã khiến cha hết sức thán phục và quyết định gia nhập Đạo.

Cha Trúc khi còn là một Chủng sinh đã từng tâm sự như sau:

“Ba con rất sùng đạo Cao Đài, ăn chay trường, đạo đức, có ước muốn con cái giúp ích cho đời (như: đặt tên chị con là “Thanh Tuyền” với ước mong phục vụ vô vị lợi cho đời như “giòng suối trong” chảy hoài không ngưng nghỉ, và hiện chị con là bác sĩ đang giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân và cho xã hội trong lãnh vực ngoại thần kinh và chẩn đoán hình ảnh).

“Và ba con cũng đã giác ngộ trên đường Đạo nên có ước mong các con cái sẽ được thăng tiến trong đời sống tâm linh (như đặt tên con là “Thiên Trúc”, tên cũ của Nước Ấn Độ – cái nôi của Phật giáo).

“Má con cũng là người sùng đạo Phật, đã dẫn các con cái quy y Phật. Má cũng thường đi học và nghe thuyết pháp về Phật giáo vào các chiều chủ nhật hàng tuần ở chùa Xá Lợi. Bản thân con cũng được má con dẫn quy y Phật vào năm học lớp 6, pháp danh “Thiện Tuấn”.
“Ba má con rất quan tâm, chăm sóc, giáo dục nhiều cho các con cái về tri thức và đạo đức.”

Cha Trúc chính là chứng nhân cho câu Kinh Thánh: “”Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!” (Cv 10, 34-35).

Hồng ân Chúa vẫn ngày ngày tuôn đổ như nắng như mưa xuống trần gian không phân biệt.

Bất cứ ai thành tâm thiện chí mở rộng tâm hồn, thì sẽ được đón nhận dồi dào ơn Chúa.

Chúng ta cùng nhau cúi đầu tạ ơn Chúa, chúc mừng cha, cầu cho cha Thiên Trúc và chúng ta ngày càng gần trái tim Chúa hơn. Amen.

Nguồn: Giuse Kích

 Tại Sao Hầu Hết Các Bác Sĩ Ở Mỹ Lại Tin Vào Thế Giới Tâm Linh?

 Tại Sao Hầu Hết Các Bác Sĩ Ở Mỹ Lại Tin Vào Thế Giới Tâm Linh?

Là cường quốc số một thế giới, Hoa Kỳ đi đầu trong rất nhiều lĩnh vực công nghệ trong đó có y học. Nhưng khác với các ngành khoa học khác, một cuộc khảo sát trên phạm vi toàn quốc về niềm tin tôn giáo của các bác sĩ tại Mỹ, kết quả thật bất ngờ: “Hầu hết các bác sĩ Mỹ đều tin vào sự tồn tại củaThần và thế giới bên kia.”

Khi công nghệ tân tiến cũng phải bó tay

Việc sở hữu thế mạnh về khoa học – công nghệ đã giúp Mỹ ứng dụng rất nhiều những phát minh vào nền Y học nói chung và các trang thiết bị y tế hiện đại tại các bệnh viện Mỹ nói riêng. Mỹ cũng được coi là đất nước có chất lượng dịch vụ y tế thuộc hàng tốt nhất thế giới.

Ngoài các trường đại học danh tiếng như Đại học Harvard, Đại học Johns Hopkins, Đại học Yale…nơi có các trung tâm nghiên cứu y học và đội ngũ giáo sư đầu ngành đã giành nhiều giải Nobel y học, các bác sĩ ở Mỹ cũng được trả mức lương cao ngất ngưởng. Do đó Mỹ được cho là mảnh đất mơ ước của tất cả các bác sĩ trên toàn thế giới.

Ngay cả khi sở hữu những công nghệ y học tân tiến và khám phá ra nhiều loại thuốc đặc trị hiệu quả thì vẫn có khá nhiều trường hợp khiến nền y học nước này phải bó tay ngay cả khi bệnh được phát hiện sớm.

Sự ra đi đột ngột của Steve Jobs, cha đẻ hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple đã khiến thế giới bàng hoàng và nuối tiếc. Nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao ở một đất nước có ngành y học tiên tiến nhất, với những bác sĩ có chuyên môn giỏi nhất, Steve Jobs vẫn phải đầu hàng số phận khi mới 56 tuổi và đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp.

Trước đó, Steve Jobs đã trải qua hai lần phẫu thuật. Năm 2004, ông trải qua ca phẫu thuật đầu tiên và các bác sĩ điều trị cho biết là khá thành công, bệnh đã được chữa trị khỏi. Nhưng sau đó không bao lâu, căn bệnh ung thư của ông lại tái phát, Steve Jobs buộc phải từ chức rồi cuối cùng ra đi trong tình trạng cơ thể suy kiệt.

Một trường hợp khác là tiến sĩ giải phẫu não Eben Alexander. Ông tốt nghiệp đại học danh tiếng Harvard, có kinh nghiệm trong ngành phẫu thuật thần kinh 25 năm, và là một trong những bác sĩ nổi tiếng nhất trong giới chuyên môn ở Mỹ.

Năm 2008, ông đột nhiên bị viêm màng não, và được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời.. Dù được điều trị tích cực bởi ekip bác sĩ cũng là những đồng nghiệp giỏi nhất trong ngành thần kinh học của ông, Eben Alexander vẫn bị rơi vào hôn mê và tình trạng này kéo dài liên tục trong 7 ngày. Điện não đồ cho thấy não của tiến sĩ thần kinh học Eben Alexander không còn hoạt động, tỉ lệ sống sót chỉ còn là 2%. Các bác sĩ điều trị đều bất lực và thông báo cho gia đình ông chuẩn bị hậu sự. Tuy nhiên, khi mọi nỗ lực của y học dường như đã bó tay thì Eben Alexander lại hồi sinh sau một trải nghiệm siêu thường.

Trải nghiệm siêu thường

Sau đúng 7 ngày hôn mê, khi các bác sĩ và người thân của ông đều đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất xảy ra thì Eben Alexander bắt đầu hồi phục trở lại. Sự hồi phục thần kỳ của ông khiến các bác sĩ điều trị và giới chuyên môn không thể nào lý giải nổi, cho đến khi Alexander kể về những trải nghiệm cận tử của mình và cho xuất bản cuốn sách “Proof of Heaven” (Chứng cứ về thiên đường).

Khi ở trong trạng thái cận kề cái chết, tiến sĩ Alexander thấy mình bay tới một nơi giống như “thiên đường”, ở đó bầu trời tuyệt đẹp, có những đám mây trắng, có những sinh vật màu trắng phát sáng, có âm nhạc du dương, thanh thoát. Eben Alexander còn gặp một thiên thần với đôi mắt màu xanh dương.

Ông nói: “Cảm giác rõ ràng, chân thực và sâu sắc ấy mang đến cho tôi một lý do khoa học để tin vào sự tồn tại của ý thức của con người sau khi chết”. Trước đó ông luôn hoài nghi về sự tồn tại của thế giới linh hồn, ngay cả khi các bệnh nhân của ông kể về trạng thái cận tử, bác sĩ Eben Alexander đều cho rằng đó chỉ là ảo giác.

Cho tới khi chính bản thân mình được trải nghiệm, thì bác sĩ Eben Alexander mới thực sự tin rằng những gì bệnh nhân của mình kể là chân thực, và những quan niệm của ông cũng thay đổi. Ông nói: “Mọi người đều nói sự tồn tại của ý thức sau khi chết là điều hoang đường, khó tin. Nhưng trạng thái mà tôi trải qua không phải là ảo giác. Tôi cảm nhận nó rõ ràng như những sự kiện chân thực đã từng xảy ra trong đời tôi. Trong nhiều thập niên qua, tôi hành nghề bác sĩ phẫu thuật não tại một trong những cơ sở y khoa danh tiếng nhất tại Mỹ. Giống như mọi đồng nghiệp, tôi hiểu rõ những lý thuyết về não bộ nhưng niềm tin cũ đã sụp đổ bởi những trải nghiệm mà tôi vừa có được”.

Một trải nghiêm tương tự khác của bác sĩ Rajiv Parti, là Trưởng khoa của một bệnh viện Tim danh tiếng tại Mỹ. Ông có một sự nghiệp rất thành công và cuộc sống vật chất sung túc nhưng cũng không tránh được quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Ông được chuẩn đoán là mắc ung thư tiền liệt tuyến và đã phải qua nhiều đợt phẫu thuật.

Vào năm 2010, do biến chứng sau ca phẫu thuật, ông được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đại học California trong tình trạng nguy kịch, toàn bộ các cơ quan nội tạng của ông hầu suy kiệt khiến các bác sĩ phải đưa ống thông vào trong cơ thể để hỗ trợ. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, bác sĩ Rajiv Parti bị nhiễm trùng nặng kèm với sốt cao khoảng 40,5 độ.

Sau khi tiêm mooc-phin giảm đau, ông lại được đưa vào phòng phẫu thuật. Chính ở thời điểm này, bác sĩ Rajiv Parti khẳng định đã nhìn thấy thiên đường. Sự việc này về sau đã được ông viết lại trong cuốn sách “Dying to wake up” (Chết để thức tỉnh).

Ông kể rằng, cơ thể mình cảm giác như đang bay lơ lửng trong không khí và nhìn thấy bản thân mình đang nằm trên bàn mổ và nghe các bác sĩ khác đang nói chuyện, thậm chí còn ngửi thấy mùi thuốc sát trùng. Cùng lúc đó, ông thấy gương mặt của mẹ và em gái. Bà mặc bộ đồ truyền thống của Ấn Độ, em gái thì mặc quần bò, áo lửng màu xanh đang ngồi ở nhà. Họ đang cùng chuẩn bị bữa tối có rau, sữa chua và cơm. Rajiv Parti đã viết: “Tôi có thể hồi tưởng lại toàn bộ quá trình trải nghiệm khi cận kề cái chết: Tôi đã gặp được tổ tiên của mình ở ranh giới của địa ngục, một vài tiền kiếp mà tôi đã trải qua – đủ để giải thích những khổ nạn xảy ra trong đời mình và tại sao lại luôn phải ỷ lại vào những đơn thuốc như thế?

Và tôi còn có vinh hạnh được gặp hai vị thiên sứ hộ mệnh tỏa ra thứ hào quang rực rỡ là Raphael và Michael. Họ bước ra từ một biển hoa, trên thân còn tỏa ra sức mạnh từ bi thuần chính tới mức khó có thể dùng ngôn ngữ để diễn tả”.

From: TU-PHUNG

Gương chứng nhân của Sr. Minh Nguyệt

Gương chứng nhân của Sr. Minh Nguyệt
14- tháng 10-2012

XIN MẸ THIÊN CHÚA GỞI CÁC THIÊN THẦN ĐẾN BẢO VỆ CHÚNG CON!

.. Chúa Nhật 13-2-2005 Chị Lucia dos Santos êm ái trút hơi thở cuối cùng nơi Đan Viện Kín Cát-Minh Coimbra hưởng thọ 98 tuổi. Chị chào đời ngày 22-3-1907 tại làng Fatima bên nước Bồ-Đào-Nha.

Chị Lucia dos Santos cùng với 2 em họ Phanxicô và Giaxinta Marto được diễm phúc trông thấy Đức Mẹ MARIA hiện ra lần đầu tiên tại Fatima ngày 13-5-1917. Phanxicô Marto qua đời năm 1919 hưởng dương 11 tuổi và Giaxinta Marto qua đời năm 1920 hưởng dương 10 tuổi. Hai anh em Phanxicô và Giaxinta Marto được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 13-5-2000 trong Thánh Lễ trọng thể cử hành tại đền thánh Đức Mẹ ở Fatima.

Lúc sinh thời, Chị Lucia dos Santos đã viết một bức thư gởi các Cộng Đoàn Thánh Mẫu nói về tầm quan trọng, quyền lực và sức hữu hiệu của việc lần hạt Mân Côi như sau.

Anh chị em rất thân mến. Tôi khuyến khích anh chị em đọc lại và suy gẫm sứ điệp mà Đức Mẹ MARIA gởi đến chúng ta trong đó Đức Mẹ nói với chúng ta về quyền lực và sức hữu hiệu của Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi đạt mức thành công rất lớn trên Trái Tim THIÊN CHÚA và Trái Tim Con Chí Thánh của Ngài.

Vì vậy mà, trong những lần hiện ra, chính Đức Mẹ MARIA cũng dự phần vào việc lần hạt Mân Côi như nơi Hang Đá Lộ-Đức với thánh nữ Bernadette Soubirous (1844-1879) vào năm 1858, và tại Fatima khi hiện ra với tôi và Phanxicô cùng Giaxinta vào năm 1917.

Và chính trong lúc lần hạt Mân Côi mà Đức Mẹ MARIA xuất hiện từ đám mây rồi đứng trên cây sồi xanh và nói chuyện với chúng tôi từ trong ánh sáng của Đức Mẹ. Về phần tôi, từ Đan Viện Kín Cát-Minh ở Coimbra này, tôi hiệp ý với tất cả anh chị em để chúng ta cùng nhau tạo thành một mặt trận hùng mạnh đại đồng của kinh nguyện và của lời cầu xin.

Tuy nhiên xin anh chị em ghi nhớ rằng không phải chỉ riêng tôi góp lời cầu nguyện với anh chị em mà còn có toàn thể triều thần thiên quốc cùng hợp chung tiếng hát hòa điệu với các tràng kinh Mân Côi nhịp nhàng anh chị em đọc. Thêm vào đó cũng có các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội kết hợp lời nguyện xin tha thiết của các vị với lời khẩn cầu của anh chị em.

Ngoài ra ngay mỗi khi bàn tay anh chị em mân mê tràng chuỗi và bắt đầu lần hạt Mân Côi thì tức khắc các Thánh Thiên Thần và Các Thánh Nam Nữ cũng hòa nhịp với anh chị em trong lời Kinh.

Chính vì các lý do trên đây mà tôi khuyến khích anh chị em hãy sốt sắng lần hạt Mân Côi. Anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với trọn tâm tình, với Đức Tin và cùng lúc hãy suy gẫm ý nghĩa các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi. Tôi cũng xin nhắc anh chị em nhớ rằng đừng đợi đến khuya-lắc khuya-lơ mới lẩm nhẩm lời Kinh Kính Mừng. Đừng lần hạt Mân Côi khi anh chị em đã mệt-đừ sau một ngày lao công vất vả! Rồi xin anh chị em hãy lần hạt Mân Côi riêng hoặc lần hạt chung nơi cộng đoàn, lần hạt ở gia đình hay bên ngoài, lần hạt trong nhà thờ cũng như khi đi lại ngoài đường phố. Anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với tâm tình đơn sơ như đi theo từng bước của Đức Mẹ MARIA và Con Dấu Ái của Đức Mẹ.

Anh chị em hãy lần hạt với trọn Đức Tin để cầu cho các trẻ em sắp sinh ra, cho người đau khổ, cho người đang làm việc cũng như xin cho người hấp hối được ơn chết lành.

Mỗi khi lần hạt Mân Côi anh chị em hãy hiệp ý với mọi người công chính trên toàn cõi địa cầu cũng như với tất cả các Cộng Đoàn Thánh Mẫu, nhưng nhất là anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với trọn tâm lòng đơn sơ con trẻ, bởi vì, tiếng nói trẻ thơ thường hòa nhịp êm ái với tiếng hát du dương của Các Thánh Thiên Thần.

Đã không có biết bao nhiêu lần, chỉ một tràng hạt Mân Côi thôi, đủ để làm nguôi cơn thịnh nộ của THIÊN CHÚA Chí Công khiến THIÊN CHÚA tuôn đổ Tình Yêu từ bi thương xót của Ngài trên thế giới và cứu được nhiều linh hồn khỏi hư mất và bị trầm luân đời đời trong Lửa Hỏa Ngục. Chính với tràng chuỗi Mân Côi, với việc sốt sắng lần hạt Mân Côi mà chúng ta sớm được trông thấy ngày Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ MARIA chiến thắng trên thế giới.

Tôi xin ưu ái ôm hôn tất cả anh chị em.

Ký tên: Nữ Tu Lucia dos Santos.

… LẠY NỮ HOÀNG TÔN NGHIÊM

Lạy Nữ Vương Tôn Nghiêm thiên quốc và là Bà Hoàng Các Thánh Thiên Thần, THIÊN CHÚA đã ban cho Mẹ quyền lực và sứ mệnh đạp nát đầu Satan, chúng con khiêm tốn xin Mẹ hãy gởi đạo binh thiên quốc đến, hầu thừa lệnh Mẹ, các ngài sẽ đánh hạ ma quỷ, diệt trừ chúng ở bất cứ nơi đâu, trừng trị cái táo bạo của chúng, hầu chúng bị tống sâu vào vực thẳm. Ai bằng THIÊN CHÚA?

Ôi lạy Mẹ nhân lành và đầy ưu ái, Mẹ sẽ mãi mãi là tình yêu và là niềm hy vọng của chúng con. Ôi lạy Mẹ THIÊN CHÚA, xin Mẹ gởi Các Thánh Thiên Thần đến bảo vệ chúng con và đẩy kẻ thù tàn bạo ra xa chúng con. Lạy Các Thánh Thiên Thần và Các Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần, xin bảo trợ và gìn giữ chúng con. Amen.

(”Punto Guadalupano Nostra Signora di Guadalupe”, n.4,

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Hoa khôi Mexicô chọn đi tu vì ‘Chúa là hạnh phúc không gì sánh bằng’

Hoa khôi Mexicô chọn đi tu vì ‘Chúa là hạnh phúc không gì sánh bằng’

Hoa khôi Mexicô chọn đi tu vì ‘Chúa là hạnh phúc không gì sánh bằng’

Esmeralda Solís Gonzáles, một phụ nữ Mexico trẻ được trao vương miện nữ hoàng sắc đẹp hồi năm 2016 ở thị trấn Valle de Guadalupe (bang Jalisco, Mexicô) – giờ đây đã gia nhập Dòng Clara Nghèo khó của Bí tích Thánh thể.

Câu chuyện của cô gái hai mươi tuổi này, đã lan truyền trên mạng xã hội tuần qua khi được đăng tải trên trang Facebook Hoa hậu Mexico (Miss Mexico). Esmaralda sinh ngày 12/4/1997 tại Valle de Guadalupe, bang Jalisco, trong một gia đình Công giáo.

Cô hiện đang là dự tu của Dòng Clara Nghèo khó của Bí tích Thánh thể (Poor Clare Missionaries of the Blessed Sacrament) ở Cuernavaca tại bang Morelos, sau khi rời bỏ nghề chuyên gia dinh dưỡng. Emeralda nói với CNA: “Bạn sẽ không thật sự biết đời sống tu trì là gì cho đến khi bạn trải nghiệm nó. Giờ đây tôi đã có thể nhìn từ một góc nhìn khác, thế gian là những gì và nó ban cho bạn cái gì.”

“Tôi đã rất hạnh phúc với tất cả những gì tôi có, nhưng hạnh phúc đó không thể so sánh với hạnh phúc mà Thiên Chúa giờ đây đang đặt trong tim tôi.” Cô cho biết, mình đã từng gặp các nữ tu Dòng Clara khi 14 tuổi, khi ấy ý tưởng về việc bước vào đời sống tu trì của cô “được đánh thức” qua “các trại ơn gọi.”

Esmaralda cũng nói về khoảng thời gian một tháng biện phân ơn gọi rất khó khăn, và vào hồi tháng Ba năm 2017 vừa rồi, cô đã quyết định xin vâng theo tiếng gọi tu trì vào ngày lễ Tuyền tin.Cô nói: “Thiên Chúa sắp xếp thời gian rất hoàn hảo. Trong thời gian [biện phân ơn gọi], ngài ban cho tôi một số trải nghiệm như được làm nữ hoàng sắc đẹp, cùng nhiều trải nghiệm khác. Điều đó mãi mãi sẽ để lại dấu ấn nơi tôi, và giúp tôi được rất nhiều điều.”

Qua việc khám phá ơn gọi, “tôi nhận ra rằng mình phải dành chỗ và tìm hiểu xem kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình là gì. Trong thời gian biện phân ơn gọi, cũng có những sợ hãi và nghi ngờ, nhưng tình yêu mà Chúa thể hiện ra mỗi ngày giúp tôi vượt qua bất kỳ sự chán nản nào.”

Tôi nhận ra Thiên Chúa kêu gọi “tôi phục vụ Ngài một cách triệt để”, tức là thay đổi “đời sống và ôm lấy thập giá của Chúa Kitô chặt chẽ hơn.” “Xa gia đình là điều khó khăn, nhưng gia đình luôn ủng hộ tôi. Mặc dù tôi có thể phát triển bản thân trong một môi trường khác, nhưng tôi nghĩ nếu Chúa cần tôi thì tôi có thể sinh hoa trái theo một cách khác.”

Esmeralda cũng khuyên các bạn trẻ rằng, bất kỳ ơn gọi nào cũng có những khó khăn “nhưng nếu bạn tiến bước và nắm lấy tay Chúa, thì bạn sẽ luôn có thể bước tiếp.” Cô nói: “Đời sống tu trì sẽ có rất nhiều hy sinh, nhưng luôn đi kèm phần thưởng hạnh phúc sau đó.” “Hạnh phúc thế gian ban tặng thực sự rất hấp dẫn” nhưng bạn “cần phải hướng mắt về những gì sẽ tồn tại mãi.”

Hoa khôi Mexicô chọn đi tu vì ‘Chúa là hạnh phúc không gì sánh bằng’

“Nếu Chúa gọi bạn, thì ngài sẽ chăm lo mọi thứ. Bạn đừng sợ, tất cả những gì bạn cần làm là đón nhận Ngài, với sự bình an, niềm vui và sự tự tin. Tôi tin rằng nỗi sợ sẽ làm vơi đi hạnh phúc thực sự mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho ta.” Dòng Clara Nghèo khó của Bí tích Thánh thể là một dòng tu thuộc quyền giáo hoàng, được Chân phước María Inés Teresa Arias thành lập tại Cuernavaca, Mexicô năm 1945.

Các nữ tu truyền giáo trong dòng hiện làm việc trong các phòng khám, các nhóm thanh thiếu niên, trường mầm non và trường học, ký túc xá đại học, trung tâm tcnh tâm và nhiều công tác khác. Dòng có trụ sở ở Mexico, Costa Rica, Argentina, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Sierra Leone, Nigeria, Việt Nam và Ấn Độ.

Theo CNA

Con đường tôi đến với Chúa như thế đó!

Image may contain: one or more people and text

Nguyễn MễnFollow

Tôi sinh ra trong một gia đình đông con không Công giáo. Hơn 30 năm trước, mỗi buổi chiều, tôi thường vừa nhảy lò cò vừa hát: “Đức Chúa Cha mua 3 múi mít, Đức Chúa Mẹ chê ít không ăn…”

Lớn lên chút nữa, tôi tò mò theo đám bạn học Công giáo vào nhà thờ hôn chân Chúa. Hôn vào lỗ đinh, tôi sợ rợn người, nhưng trong lòng trộm hỏi: sao người ta yêu Chúa thế! Sao Chúa Giêsu tội nghiệp lại để cho người ta đánh tả tơi!…

Nhà tôi gần xóm núi, mùa đông sương phủ trắng con đường dốc. Thế mà từ 5 giờ sáng, tôi đã thấy các cụ già lọm khọm đi nhà thờ. Không sót buổi nào! Dẫu có mưa phùn hay gió thổi lạnh buốt. Quá nể phục! Tôi bắt đầu suy tư… Hẳn phải có một sức hút tâm linh rất mạnh mẽ nơi cái nhà thờ ấy…

Quê tôi rất nghèo. Những năm 80 đói xác xơ! Nhà tranh vách lá xiêu vẹo. Một gia đình Công giáo vừa mới chuyển về mua lại căn nhà rách nát cạnh nhà tôi. Nhưng điều lạ lùng là chỉ một tuần lễ sau, có một nhóm thanh thiếu niên độ mười mấy hai chục người kéo đến, kẻ vác cột, người kéo tranh…, chỉ trong một ngày là ngôi nhà đã được sửa chữa tươm tất! Hỏi ra tôi mới biết cha nhà thờ cho người đến giúp. À thì ra thế! Hèn gì xóm đạo phía khu B nhà nào cũng vững chải khang trang, đâu có nhếch nhác như xóm kinh tế mới của tôi! Hay thật! Tôi ngưỡng mộ thèm muốn…

Nhưng chạnh lòng nhất là vào những dịp lễ, tết, Trung Thu hay vào cuối năm học, thiếu nhi nhà thờ luôn được tặng quà thêm, nhìn bọn nó xúng xính quà cáp trên tay, gương mặt rạng rỡ, đôi lúc còn được tổ chức cho vui chơi, bọn trẻ không Công giáo chúng tôi đứa nào cũng thèm thuồng và buồn thiu buồn thỉu… Có đạo sướng quá, vui quá, và được thương nhiều quá!

Năm nào cũng vậy, gần đến Giáng sinh thì trời càng trở lạnh. Người ta kháo nhau: Đêm noel lạnh lắm! Lạnh nhất đấy! Mà đúng là đêm Noel trời lạnh thật! Có cái gì đó nhiệm màu, thánh thiêng được thắp lên trong lòng tôi…

Tôi lên mười sáu. Một anh thanh niên hay ghé nhà tôi chơi. Anh thao thao nói cho tôi nghe về Chúa. Tôi ngưỡng mộ sự hiểu biết của anh lắm! (Sau này tôi mới biết là lúc ấy anh đang học giáo lý dự tòng, hôm trước nghe cha dạy gì thì hôm sau đem truyền đạt lại cho tôi thôi!). Có lần tôi nài nỉ anh hôm nào rảnh thì dắt tôi đi nhà thờ với, anh trả lời tôi rằng: “Ừ, để khi nào tiện anh dắt đi. Cha nói nếu như được ơn Chúa gọi mời thì trước sau gì cũng theo Chúa thôi!”… Từ ngày ấy, tôi ước mơ “được Chúa gọi mời”…

Thời gian trôi qua… anh đi đâu mà chẳng hề giã biệt tôi. Lời hứa bỏ lơ lửng đó. Tôi vùi đầu vào sách vở. Hai năm sau tôi lên thành phố vào đại học. Tất bật với cuộc sống, mơ ước của tôi cũng dần lãng quên… Bất ngờ tôi gặp lại anh ấy! Rất tình cờ nhưng tôi xác tín rằng đó là định mệnh Chúa dành cho tôi. Anh dắt tôi đi nhà thờ thật! Ước mơ ngày ấy lại trỗi dậy trong tôi. Tôi còn nhớ như in lần đầu anh dắt tôi đến nhà thờ Chúa Hiển Linh ở Phú Lâm, tôi đã rụt rè cầu nguyện chỉ có môt câu: “Chúa ơi! Con chẳng biết gì về Ngài, nếu quả thật Ngài là Đấng quyền năng thì xin cho con biết Ngài và yêu Ngài với…!”

Rồi cứ thế, anh ấy đèo tôi trên xe đạp chiều chiều đi lễ… Rất nghèo nhưng rất vui… Anh đưa tôi đi học giáo lý dự tòng rồi sau đó cùng nhau học giáo lý hôn nhân. Tôi rửa tội tại nhà thờ Tân Thái Sơn. Cha mẹ tôi tôn trọng quyết định của tôi. Ngày rửa tội, tôi không muốn khóc nhưng nước mắt cứ rơi ra! Tôi đã mong đợi ngày ấy lâu biết bao nhiêu – cái ngày mà tôi được đón nhận mình Thánh Chúa! Tôi cảm nhận một niềm thương chan chứa trong tâm hồn… Chúa thương tôi nhiều quá! Lúc ấy và cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghe một bài thánh ca xúc động vang lên, lòng tôi lại thổn thức… Chúa ơi! “Chúa ghi vào hồn con dấu ấn của ngài…”

Tốt nghiệp đại học, chúng tôi cưới nhau. Tôi mang trong mình một tham vọng lớn lắm! Tôi sẽ dùng hết tài ăn nói khéo léo của mình để thuyết phục cha mẹ và anh em nhập đạo! Hết lần này đến lần khác, tôi cố gắng kiên trì. Cuối cùng thì tôi đón nhận được một ánh mắt nghiêm nghị của Ba tôi: “Từ nay con đừng bao giờ đem chuyện tôn giáo ra nói với Ba nữa, Ba không muốn nghe đâu!” Anh em tôi thì chế nhạo “mở miệng ra là nghe sặc mùi Chúa!”

Tôi buồn. Lòng nghe tái tê… Tôi thương cha mẹ anh em nhiều lắm! Tôi tin mình tìm thấy Chúa là tìm thấy bến bờ yêu thương. Dẫu trong khó nghèo, chúng tôi vẫn có một niềm bình an sâu lắng. Bởi chúng tôi tin vào sự quan phòng của Chúa. Lời Ngài đã dạy chúng tôi sống nhường nhịn, tha thứ, yêu thương. Nhìn mẹ cha anh em sống tất bật trong cơm áo gạo tiền và bao nỗi lo toan cho xác thịt, không có một phút lo liệu cho phần hồn, tôi ái ngại cho đời sau! Thương quá! Nhưng không biết làm sao!..

Chúa đã dạy tôi qua miệng lưỡi một ai đó: đừng nói gì, hãy cầu nguyện đi! Không có gì là Chúa không làm được! Thế là từ đó tôi cầu nguyện. Lúc sốt ruột, lúc ỉ ôi, lúc than thở… Cha ơi! Sao lại để con đến với Cha quá muộn màng! Và sao Cha ôm con vào lòng mà còn để mẹ cha anh em con tăm tối!… Năm năm, rồi sáu năm trôi qua, vẫn không có gì thay đổi. Lòng tôi vẫn da diết nặng trĩu. Có một lần tôi chợt nhận ra, nếu Chúa không để tôi đợi chờ mong mỏi, chắc lòng tôi chẳng có nỗi khát khao! Biết đâu nếu gia đình tôi đạo gốc, tôi chẳng còn có nỗi niềm để thưa gởi, gắn bó với Chúa nữa thì sao? Thật đáng sợ nếu một ngày nào đó lòng tôi lạnh nhạt, không có gì để nói với Cha, không còn ríu rít “Cha ơi! Con đây, con dâng ngày của con trong tay Cha!” Nhận ra điều này, tôi cảm tạ Cha…

Rồi đến năm thứ bảy. Một lần về thăm quê, ba gọi tôi lại bảo: “Ba muốn theo đạo, con đi găp cha nhà thờ đi!” Tôi nghe lùng bùng trong tai, không tin được. Cảm tạ Chúa!..

Thế là ba, mẹ và bà nội tôi được rửa tội (Ông tôi đã mất). Bảy anh chị em của tôi không theo đạo nhưng cũng đến nhà thờ dự lễ. Tôi lại khóc thút thít trong nhà thờ.

Một năm sau, em trai kế và chị gái kế của tôi cùng con cái cũng lần lượt được rửa tội tại nhà thờ Tân Thái Sơn luôn. (Đây là hai người trước đây hay chế giễu tôi nhất!..)

Còn đến 5 gia đình anh chị em của con nữa Cha ơi! Con xin đặt trong trái tim nhân hậu vô biên của Cha!

Con đường tôi đến với Chúa như thế đó!
Có bước chân lọm khọm của cụ già.
Có sự hăng hái vô tư của anh chị thanh niên.
Có sự tận tuỵ của vị chủ chăn và sự chăm lo của ban hành giáo.
Có tình yêu nâng đỡ của chồng tôi.

Và trên tất cả, là Cha yêu thương trên trời, là Giêsu chết treo trên thập giá, là Chúa Thánh Thần luôn ở giữa đời tôi.

Tôi tin Chúa ban tặng mỗi người một con đường riêng. Con đường ấy mỗi ngày thêm một điều mới lạ, thêm một cụm cỏ, nhánh hoa từ lòng mến của nhau. Tôi cảm tạ tất cả những người đã đi trên con đường cuộc đời tôi- tuy không dành cho tôi, nhưng đã để lại ấn tượng trong lòng tôi rất đẹp. Những điều rất đời thường, tưởng chừng như sẽ rơi hút vào không gian. Nhưng không, trong ơn Thiêng, nó sẽ được trau chuốt và đọng lại, rồi một ngày, đúng thời đúng lúc sẽ nở hoa…

Mẫu Bút Chì