CHỨNG NHÂN VỀ ƠN GỌI TRỞ LẠI & LÀM LINH MỤC CỦA CHA AUGUSTINÔ NGUYỄN VIẾT CHUNG, DÒNG VINH SƠN

YouTube player

BUỔI PHỎNG VẤN CHA AUGUSTINÔ NGUYỄN VIẾT CHUNG ĐÃ ĐƯỢC CHA ANTÔN M.Z. PHAN TỰ CƯỜNG, OP, GIÚP GIỚI THIỆU VÀ HƯỚNG DẪN TẠI BUỔI HỌP MẶT CỦA HƠN 800 BẠN TRẺ ĐẾN THAM DỰ NGÀY ƠN GỌI GIÁO MIỀN KON TUM TỔ CHỨC VÀO SÁNG NGÀY CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – CN. CHÚA CHIÊN LÀNH, CẦU XIN ƠN THIÊN TRIỆU – 17-4-2016 TẠI TÒA GIÁM MỤC KON TUM.

Đức Mẹ ban “phép lạ” tại Trà Cú, Sóc Trăng, VN.

Đức Mẹ ban “phép lạ” tại Trà Cú, Sóc Trăng, VN.

Dziễm Hoàn ghi lại

Lạy Chúa con là người ngoại đạo,

Nhưng tin có Chúa ngự trên cao.

DUC ME

Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã thích hai câu thơ trên, vì tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Phật, bố mẹ tôi rất sùng đạo. Nhưng không hiểu vì một sự mầu nhiệm nào khiến tôi lại thích đạo công giáo. Khi mới bốn tuổi tôi đã được theo chị vú nuôi đi nhà thờ vào mỗi chiều Chúa Nhật. Hình ảnh ngôi giáo đường cổ kính, hình ảnh Chúa Giêsu đóng đinh trên thập giá và hình ảnh Đức Mẹ đẹp dịu hiền, tay lúc nào cũng cầm sâu chuỗi đã in sâu vào tiềm thức của tôi.

Càng lớn lên tôi lại càng thích tìm hiểu về đạo Chúa nhiều hơn, vì thế tôi thích quen thân với những người bạn có đạo. Tôi say mê nghe tiếng chuông giáo đường ngân vang mỗi buổi chiều, thích đeo ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ, thích đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và thích nhất là mỗi lần được tham dự thánh lễ hôn phối trong nhà thờ. Hình ảnh cô dâu chú rể nắm tay nhau, trao nhẫn cưới cho nhau, nói lên những lời thề nguyền sắt son trước cung thánh, đối với tôi thật tuyệt đẹp và tôi bắt đầu có những mơ ước thầm kín.

Rồi như có sự sắp đặt của Thiên Chúa, lớn lên tôi đã gặp và yêu một người có đạo. Nhưng tình yêu của chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trở ngại về vấn đề tôn giáo, vì bố mẹ tôi không chấp thuận và đã nhiều lần ép gả tôi cho người ngoại đạo. Tôi chỉ còn biết liên lỉ cầu nguyện đêm ngày, trông cậy vào tình thương của Chúa và Mẹ Maria.

Sau hơn sáu năm chờ đợi, tôi đã được Chúa Mẹ nhậm lời nên bố mẹ tôi đã chấp thuận cho tôi được kết hôn với người mình yêu, nhưng với điều kiện tôi không được rửa tội theo đạo cũng như không được làm phép hôn phối trong nhà thờ, phải đợi đến ngày bố tôi khuất bóng.

Cuối năm 1974 bố tôi qua đời và trong khi tôi đang học đạo để chuẩn bị rửa tội thì biến cố 30-4 1975 ập đến. Chúng tôi theo lời khuyên của một người bạn, di chuyển về quê của anh tại họ đạo Trà cú, thuộc tỉnh Sóc Trăng, với hy vọng không ai biết được lý lịch của mình.

Họ đạo Trà Cú từ trước nổi tiếng là một họ đạo chống Cộng triệt để, vì thế mặc dù đã bị Việt cộng tiếp quản nhưng họ rất e ngại không giám dùng biện pháp mạnh đối với họ đạo này.

Về đến nơi, chúng tôi xuất trình giấy tờ với nhà cầm quyền địa phương, và đã được họ cho dạy học tại trường trung học Long Tân. Trường toạ lạc ngay trong khuôn viên nhà thờ thuộc họ đạo Trà Cú.

Sau khi đời sống đã tạm ổn định, chúng tôi đã xin cha sở để tôi được học đạo chuẩn bị rửa tội và chúng tôi được làm phép hôn phối. Nhưng nhiều lần cha sở khuyên chúng tôi hãy thong thả vì giữa buổi giao thời giữa hai chế độ và nhất là chế độ Công Sản không có cảm tình với đạo Thiên Chúa, nếu tôi rửa tội và làm phép hôn phối ngay lúc đó thì e rằng gia đình chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi quyết tâm xin cha chánh xứ cho tôi được học đạo và rửa tội rồi việc gì xảy đến tôi cũng xin chấp nhận.

Hằng tuần đi nhà thờ và nhất là mỗi buổi sáng được nghe tiếng chuông vang vọng từ một ngôi thánh đường cổ kính, lòng tôi lại nôn nao mong chóng đến ngày được rửa tội.

Niềm mơ ước của tôi đã được thực hiện. Đêm Phục Sinh 1976 tôi đã được rửa tội, lãnh phép thêm sức và chúng tôi đã được làm phép hôn phối trước sự tham dự của cả ngàn giáo dân trong họ đạo.

Hai tuần sau khi được rửa tội thì Việt Cộng đến gặp chúng tôi, yêu cầu chúng tôi phải bỏ đạo vì chúng tôi là giáo chức, tức là công nhân viên của nhà nước thì phải theo thuyết duy vật, không được theo thuyết duy tâm.

Sau nhiều lần thuyết phục chúng tôi không được, nên gần hai tháng sau thì Việt cộng ập vào nhà chúng tôi, đọc án lệnh kết tội chồng tôi là C.I.A cho Mỹ, trà trộn vào họ đạo để tổ chức và móc nối đưa người vào bưng chống phá cách mạng, rồi chúng trói bắt chồng tôi đem đi.

Hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ thật bi đát. Lúc đó tôi đang bị bệnh, trong nhà chỉ còn vỏn vẹn mười lăm đồng bạc. Ba đứa con của tôi thì còn quá nhỏ dại: đứa lớn nhất mười tuổi, đứa thứ nhì bảy tuổi, thứ ba ba tuổi. Sống giữa nơi xứ lạ quê người, không bà con ruột thịt để nương tựa, tôi lại không có tin tức gì của chồng tôi, thật tôi không chết được mà phải sống.

Tôi chỉ còn biết trông cậy và phó thác vào Chúa và Mẹ Maria. Hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá đã an ủi và nuôi dưỡng tôi rất nhiều vì tôi nghĩ rằng: Chúa mà còn chịu đau khổ, nhục nhã và cuối cùng còn bị đóng đinh và chết trên thập giá để chuộc tôi cho nhân loại, trong đó có tội của tôi và gia đình tôi, thì tôi là con cái của Chúa lại không thể vác thánh giá ở đời này hay sao ? Tôi nhớ lời Chúa đã phán: ‘’Ai muốn theo Ta thì vác thánh giá mà theo Ta.’’( Luca 14:27) Hơn nữa, tôi nghĩ theo Chúa không phải là là theo con đường vinh quang hạnh phúc mà phải còn theo con đường khổ nạn của Chúa nữa. Nhờ vậy tôi đã có đủ nghị lực và can đảm để vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Chúa Mẹ đã thương tôi nên đã cho tôi có một cuộc sống khá đầy đủ để tôi có thể tiếp tế cho chồng tôi ở trong tù và nuôi ba đứa con còn nhỏ dại.

Trong thời gian chồng tôi ở tù, tôi vẫn được tiếp tục dạy học tại trường trung học Long Tân và tôi đã được chứng kiến một biến cố vô cùng quan trọng đã xảy ra tại họ đạo Trà Cú. Đó là: Đức Mẹ ban phép lạ chữa cho một cô bé tật nguyền được trở lại đi đứng bình thường.

Hàng tuần đi dự lễ ngày Chúa Nhật, tôi thường thấy một cô bé khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, da ngâm đen, tóc ngang vai, dáng cục mịch quê mùa. Em bị liệt hai chân vì bị sốt tê liệt hồi em lên hai tuổi. Em phải đi nạng, mỗi lần lên rước lễ mẹ em và chị của em phải dìu em đi rất vất vả khó khăn.

Tôi thấy cô bé tật nguyền đi lại khó khăn như vậy nhưng vẫn chịu khó đi nhà thờ, không hề vắng mặt một tuần nào. Tôi tìm hiểu về em và được biết tên em là Trần thị Hữu. Cha em là một người ngoại đạo, đã rửa tội để được cưới mẹ em, nhưng sau đó vài năm ông bỏ đạo. Nhiều lần cha em định đem em đi chữa bằng phương pháp bùa phép nhưng em phản đối và nói với cha mẹ em rằng: Đức Mẹ đã hiện về với em và hứa sẽ chữa cho em đi được, vì thế em chỉ cần ở nhà cầu nguyện, nhất định không chịu chữa trị bằng phương pháp nào khác.

Bẵng đi một thời gian tôi không thấy em đến nhà thờ nữa, tôi được chị hàng xóm cho biết em đã bị đau, không ngồi dạy được, tê liệt hoàn toàn, suốt đêm ngày chỉ nằm trên giường, em ăn rất ít mà chỉ uống nước phép của đền thờ Đức Mẹ Lộ Đức, nhưng em vẫn tươi tỉnh hồng hào.

Hằng ngày bà con lối xóm và bạn bè đến thăm đều được em thuật lại cho nghe những lần Đức Mẹ hiện ra với em. Điều làm mọi người chú ý và nhớ nhất là Đức Mẹ hứa sẽ chữa cho em đi được vào dịp Lễ Phục Sinh 1977. Tin này được loan đi rất nhanh khắp mọi nơi và người đến thăm em càng ngày càng đông.

Riêng tôi vì cuộc sống quá khó khăn, hơn nữa nhà tôi và nhà em cách xa nhau cả hai cây số nên tôi không đến thăm em được.

Ngày tháng cứ đều đặn trôi qua và Mùa Phục sinh nữa lại đến, mọi người nôn nao chờ đợi. Tuy sống trong chế độ Cộng Sản nhưng họ đạo Trà Cú vẫn tổ chức Lễ Phục Sinh rất rầm rộ. Các cổng chào đều được dựng lên trước một tuần lễ, từ cổng nhà thờ đến nhà thờ đèn điện sáng chưng, bông hoa rực rỡ, người người lũ lượt đi dự lễ, quần áo đủ mầu sắc, quang cảnh thật tưng bừng náo nhiệt, khiến mọi người có cảm tưởng như đang sống trong chế độ cũ.

Tất cả mọi người không ai bảo ai đều chú ý tìm kiếm xem trong đám người đi dự lễ có em Hữu hay không. Nhưng ai nấy đều hết sức thất vọng vì được mẹ em Hữu cho biết em vẫn nằm trơ như một cây gỗ. Sau lễ, một số người về nhà em để thăm em và em vẫn nằm trên giường tiếp chuyện mọi người như thường lệ. Trong số những người đến thăm em có chị Nhan là người đã may tặng em chiếc áo dài soa Pháp màu xanh như màu áo của Đức Mẹ và một chiếc quần trắng để nếu Đức Mẹ chữa cho em khỏi chân, em sẽ mặc áo đó đi dự lễ Phục Sinh. Qua lễ rồi em vẫn còn nằm trên giường, chị Nhan hỏi em:

– Đức Mẹ hứa với em đến Lễ Phục Sinh sẽ ban phép lạ cho em và em sẽ đi được, sao bây giờ em vẫn còn nằm thế này ?

Em Hữu chỉ mỉm cười không nói gì. Khoảng hai giờ sáng một số người nản lòng đã bỏ ra về, chỉ còn chị Nhan và một vài người ở lại. Khi đang nói chuyện với nhau, bỗng dưng em Hữu ngồi phắt dạy, chỉ lên bàn thờ và nói:

-Thắp đèn cầy lên, Đức Mẹ đã hiện ra đó.

Em vừa nói vừa bước ra khỏi giường, đến bàn thờ, tự em thắp đèn nến. Mọi người thấy vậy sợ quá chạy toán loạn, kẻ chạy ra sau bếp, người chạy đi loan báo cho bà con hàng xóm. Có người chạy vội vàng trật cả mắt cá chân.

Em đòi mời mẹ đỡ đầu của em đến, viết tên thánh vào người em và mời cha mẹ của em đến để nghe Đức Mẹ dạy.

Đức Mẹ hỏi cha mẹ em có bằng lòng dâng con cho Đức Mẹ không ? Với giọng run run vì quá cảm động và sợ hãi, cha em thưa với Đức mẹ:

– Kính Đức Mẹ, con phải dâng con của con như thế nào, con sẽ cho con của con đi tu dòng con Đức Mẹ hay như thế nào, xin Đức Mẹ chỉ dạy.

Đức Mẹ phán:

– Bất cứ lúc nào và bất cứ cách nào khi Đức Mẹ cần đến.

Và Đức Mẹ cũng nói với những người có mặt tại đó:

– Các con phải chịu khó đi đọc kinh và lần hạt Mân Côi.

Chỉ chưa đầy một giờ sau nhà em Hữu đã chật ních người, đứng vòng trong, vòng ngoài.

Đêm hôm đó vì ở xa, tôi không được biết để đến nhà em Hữu chứng kiến Đức Mẹ hiện ra ban phép lạ cho em. Nhưng sáng hôm sau thì tôi gặp em trên đường đi đến nhà thờ. Sau hơn một năm gặp lại em, tôi hết sức ngạc nhiên vì em xinh đẹp hơn trước nhiều, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Em không còn là cô bé Hữu quê mùa của một năm về trước. Không những em đi đứng bình thường như mọi người, em còn thay đổi hẳn vóc dáng; khuôn mặt bầu bĩnh với cặp mắt đen lánh, da trắng tươi, hai má ửng hồng, môi mọng đỏ, mái tóc huyền phủ kín bờ vai. Dáng người thon thon trong chiếc áo dài xanh tha thướt uyển chuyển. Vẻ đẹp của em bây giờ là vẻ đẹp của một thiếu nữ tỉnh thành sang trọng quí phái.

Tôi đi bên em và hỏi em về việc Đức Mẹ ban phép lạ cho em đêm hôm trước. Với giọng hết sức nhỏ nhẹ, em nắm tay tôi kể cho tôi nghe và dặn tôi:

– Chị nhớ cầu nguyện cho em nhé !

Như có một sự sắp đặt của Thiên Chúa, buổi lễ hôm đó có ba cha đồng tế, và em Hữu là người lên rước lễ đầu tiên. Cha sở Nguyễn Mạnh Đồng trao mình Thánh Chúa cho em mà vẫn không biết đó là cô bé Hữu đã từng chống nạng mỗi khi lên rước lễ trước đây.

Sau thánh lễ, em và gia đình em vào thăm cha sở, khi đó các cha mới hay. Cả ba cha đều hỏi chuyện em và nhìn nhau với ánh mắt chan hoà niềm vui.

Ba tháng sau, em Hữu đã được Chúa gọi về một cách đột ngột như Đức Mẹ đã bất ngờ hiện ra ban phép lạ cho em, trước sự bàng hoàng của mọi người.

Được tin đó tôi đã đến viếng em. Lại một lần nữa tôi vô cùng ngạc nhiên vì khi em đã tắt thở một ngày một đêm nhưng nét mặt vẫn tươi đẹp như hồi em còn sống, không nhợt nhạt như nét mặt của một người đã chết.

Đám tang em Hữu được tổ chức vô cùng trọng thể và thi hài em được an táng vào phần đất đặc biệt ngay sau nhà thờ Trà Cú. Tiếng chuông nhà thờ Trà Cú đã ngân vang hồi vĩnh biệt để tiễn đưa linh hồn Maria Trần thị Hữu về Nước Chúa.

Riêng gia đình tôi sau sáu năm thử thách, Chúa Mẹ lại ban cho một phép lạ nữa là cả gia đình tôi đã đến được bến bờ tự do, không tốn một đồng bạc.

Giờ đây gia đình chúng tôi đã có được một đời sống ổn định. Chúng tôi muôn vàn cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria.

(Dziễm Hoàn ghi lại)

Anh chi Thu & Mai goi

MỘT BUỔI NÓI CHUYỆN LÝ THÚ CỦA CHA NGUYỄN NGỌC SƠN.

 MỘT BUỔI NÓI CHUYỆN LÝ THÚ CỦA CHA NGUYỄN NGỌC SƠN.

 Phan Sinh Trần

Hôm Chúa Nhật ngày 20 tháng ba , 2016 Nhóm Cầu Nguyện chúng tôi được nghe vị khách diễn giảng về Chúa Thánh Linh, tôi cho rằng bài chia xẻ này thuộc loại kinh điển, tiêu biểu cho  gốc cổ thụ lớn trong khu vườn Thánh Linh. Điều có vẻ nghịch lý một cách thích thú khi mà Ngài chưa từng một ngày ở trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, chưa từng tham dự các buổi tĩnh tâm Thánh Linh, nhưng lại rất uyên bác về nguyên lý của đời sống trong Chúa Thánh Thần, và hơn thế nữa, luôn sống trong sự sinh động, yêu thương, hòa hợp tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần trong đời sống của một người con được Chúa chọn và yêu mến.

Cha bắt đầu buổi chia xẻ bằng sự khiêm nhường cầu nguyện khi Ngài chấp nhận để cho cả nhóm chúng tôi giơ tay cầu xin ơn Thánh Thần tuôn đổ ơn xuống trên Ngài và rồi Ngài cất tiếng lên chia xẻ cho chúng tôi trong ơn biện giảng hùng hồn Chúa ban.

Cha đưa ra một dụng cụ y khoa nhỏ để đo dung lượng thở cho mọi người thử, có anh thanh niên mạnh khỏe thì có thể thở được với dung lượng đo trên máy, tới 2200 ml, trong khi đó có bác cao niên ốm yếu, chỉ thở vào máy được có 770 ml… một sự so sánh rất cụ thể và minh họa về vấn đề, thiếu không khí trong lúc thở. Cha giải thích:

⦁ Não của chúng ta có 16 tỷ nơron thần kinh, cần tối thiểu 2.000 lít khí/ngày trong 10.000 lít tối thiểu của cơ thể. Chính bộ não ấy phát ra những lệnh cho tất cả các cơ quan hoạt động. Nếu chúng ta tăng cường dung tích khí thở mỗi lần lên 1.500ml hoặc 2.000ml, 2.500ml, bộ não chúng ta sẽ phát ra lệnh gấp đôi cho các bộ phận hoạt động; chúng ta sẽ học hành, làm việc hiệu quả và thông minh hơn nhiều. Thân thể chúng ta sẽ khoẻ mạnh, xinh đẹp nhờ các bộ phận hoạt động hài hoà…Chỉ cần 4 phút không có dưỡng khí là bộ não chúng ta sẽ chết, trong khi chúng ta có thể nhịn ăn được 30 ngày, nhịn uống được 3,4 ngày. Nói như thế để từ nay chúng ta chú ý đến việc thở hít khí tự nhiên hơn và tập thở để tăng cường chất lượng sống.

Sau đó, cha đề cập đến vấn đề sống đạo:

⦁ Vì sao các Bác, các Anh Chị có một đời sống Đạo rất chuyên cần, rất chăm chú đọc kinh mà vẫn thấy mình có một cái gì đó không được ổn, vẫn còn hoang mang cho tương lai cuộc đời, vẫn còn tìm đến cầu cơ, bói toán ?

Bởi vì, Tinh thần càng cần đến hơi thở Thần Khí hơn nữa, không biết tập thở Thần Khí thì linh hồn sẽ yếu rũ.

⦁ Vì sao chúng ta thực hành các việc đạo đức đều đặn đi lễ mỗi ngày mà vẫn không có được sự linh ứng của lời cầu nguyện?

⦁ Người tín hữu giáo dân Việt Nam rất tôn kính Mình Máu Thánh Chúa, 80% tín hữu giữ lễ Chúa Nhật và rước lễ trong những dịp lễ trọng, khoảng 15-20% đi lễ thường ngày. Nhưng chúng ta thấy rằng dù đi lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa thường xuyên nhưng chúng ta lại chưa phát huy được sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa trong con người của mình. Cuộc sống của người tín hữu chưa toát ra được niềm vui, bình an, hạnh phúc, ơn cứu độ cho mình cũng như cho người khác. Phép lạ trong đời sống người tín hữu là những gì hoạ hiếm chứ không phải là những chuyện thường ngày mà chúng ta phải thực hiện để mang lại ơn cứu độ cho những người nghèo khổ, tật bệnh, bị ma quỷ kiềm chế có mặt ở khắp nơi trên đất nước. (⦁ nguồn: hanhkhatkito.org)

Trong không khí im lặng chú ý của phòng họp, khi mà mọi người đều thấm thía về các yếu đuối, Cha tiếp tục đặt ra các vấn nạn của Ki tô hữu:

Vì sao chúng ta không có tâm tình biết ơn, không biết ơn khi ta ăn hạt cơm nóng sốt mà người nông dân đổ mồ hôi, công sức, dãi dầu mưa nắng, có khi còn phải đổ máu, hy sinh thân mình vì cày lên bom mìn sót lại từ thời chiến tranh … Còn trong gia đình mình thí sao,   Chúng ta có khi nào biết ơn người vợ đã mấy chục năm qua rửa hàng núi chén dĩa ngày qua tháng nọ dọn nhà sạch sẽ cho ta được thoải mái, … Trong đất nước thì mình ít khi nhớ ơn bao tiền nhân, chiến sĩ vô danh, đã tận tụy khai phá, đã hy sinh xương máu cho ta có được mảnh đất này để sinh sống.

Chúng ta thử đặt tình trạng mình như một người mù trong vài phút rờ rẫm, đi từ đây ra cửa thôi, sẽ thấy khổ sở thế nào, đụng chạm lủng củng ra sao, có khi còn vấp té nữa. Trong khi đó chúng ta được sáng mắt, được Chúa ban cho không khí để thở, ban cho cặp mắt để ngắm nhìn, … có bao giờ chúng ta hít sâu vào trong tâm tình biết ơn, vì Chúa ban cho mình không khí và biết bao nhiêu tạo vật, thiên nhiên mỹ miều, hữu dụng, xinh đẹp chung quanh ta.

Sau đó, Cha tóm tắt về căn nguyên của một đời sống Ki tô hữu, phong phú và tươi mát bao gồm trong hai yếu tố chính, kết hợp với Chúa Giê Su và sống trong Thần Khí của Thiên Chúa.

⦁ Một là kết hợp mật thiết với Chúa Giê Su như cành liền với cây trong cầu nguyện, đơn sơ thủ thỉ với Chúa một câu trong tâm tình yêu mến, hướng về Chúa ở mọi lúc, mọi nơi.

Cây nho, chính là Ta,các ngươi là nhánh. Ai lưu lại trong Ta và Ta trong kẻ ấy, thì nó sinh nhiều quả,vì ngoài Ta, các ngươi không thể làm gì.(Gioan 15:5)

⦁ Hai là, xin Chúa Giê Su thực hiện lời hứa “ban Thánh Thần” và xin cho bằng được ơn Chúa Thánh Thần, được tiếp nhận Thần Khí Chúa sống động trong mọi sinh hoạt của đời sống mình, cách xin được Chúa nhận lời là khi ta dám từ bỏ các quyến rũ của trần gian, ma quỉ và quyết tâm thuộc về Chúa một cách trọn vẹn, chấp nhận đi theo con đường do Chúa hoạch định.

Từ bỏ mình rất khó, từ bỏ cái tôi càng không dễ, tuy nhiên đã có nhiều người giống như ông Gia Kêu và Mát thêu, hành nghề thu thuế đã làm được, giống như cô Ma đa len na vốn sống buông thả nhưng sau, đã làm được, cũng như nhiều người khác đã làm được. Chúng ta, là Ki tô hữu có thể từ bỏ “cái Tôi” một khi ta dám chấp nhận sự dạy dỗ của Lời Chúa và kết hiệp với Chúa, được Chúa giúp sức cho.

Tập hít thở trong Thần khí Chúa:

⦁ Có lẽ chúng ta phải nhìn lại thái độ của chúng ta đối với Thần Khí, chúng ta cần phải gắn bó nhiều hơn với Chúa Thánh Thần và tập thở từng giây phút Thần Khí mà Chúa Giêsu thổi trên chúng ta khi Người hiện ra với chúng ta và nói rằng: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

⦁ Mỗi lần chúng ta nhớ đến Chúa Thánh Thần và cầu xin Ngài là mỗi lần chúng ta thở Thần Khí. Một ngày chúng ta dành chừng 5 phút, ngồi ở bàn làm việc hay nằm trên giường trước khi ngủ, chúng ta nói thầm với Chúa Giêsu khi chúng ta hít khí vào: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho con”. Thần khí là sức mạnh, niềm vui, tình yêu, bình an, ân sủng của Người được đưa vào trong ta để biến đổi ta. Rồi khi chúng ta thở ra bằng miệng từ từ, thân xác ta thở ra thán khí thì tinh thần cũng thở ra những uế khí, tà khí ra khỏi con người mình. Đó là: buồn phiền, chán nản, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, ghen tương… Đang khi đẩy chúng ra khỏi tâm trí, chúng ta cũng nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin xua đuổi tà khí ra khỏi lòng con”.

CHA SON

Đời sống được Chúa Thánh Thần dẫn dắt thì rất tuyệt vời, cho dù trong đời ta đi qua bao nhiêu truân chuyên hay thác ghềnh khó khăn. Tôi xin được trích từ trang mạng công giáo hiện đang có nhiều người đọc nhất ở Việt Nam, có tên là “hành khất  Ki Tô” để minh họa các kinh nghiệm sống động này của Cha Nguyễn ngọc Sơn:

Chúa mời gọi ta quên đi quá khứ tội lỗi của mình hay của người khác, để thông hiệp với Đức Kitô và phát huy những ân sủng lạ lùng của cuộc đời làm con Chúa Cha và cũng là người tình, là hiền thê của Đức Kitô

⦁ … Anh chị em cho phép tôi được chia sẻ một kinh nghiệm về việc Chúa Kitô chữa lành bệnh nhân để xác tín về đời sống siêu việt của con cái Chúa. Sáng Chúa Nhật hằng tuần tôi thường giúp các người bệnh từ nhiều nơi tìm đến. Hôm đó, có người con trai dẫn bà mẹ chừng 65 tuổi đến xin tôi cầu nguyện chữa lành vì bà bị đau toàn thân, nhất là ở tim gan ruột. Các bác sĩ ở Canada khám không ra bệnh sau khi xét nghiệm đủ thứ. Con cháu đưa sang Hoa Kỳ chữa cũng không khỏi nên đưa về Việt Nam. Nghe tiến trình chữa bệnh như thế nên tôi chỉ còn biết đặt tay trên đầu bà, đọc 4 kinh tôi thuộc là Kinh Xin Ơn Đức Chúa Thánh Thần, Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, rồi tiễn bà về. Tuần sau, bà đến đưa tôi 1 vòng đeo tay bằng vàng, 1 răng nanh heo rừng cũng mạ vàng để đeo ở cổ và nói: “Thưa cha, hôm nay con đã khoẻ mạnh và hoàn toàn bình phục nên đến cảm ơn  cha và thú thực với cha về bệnh tật của con. Con là 1 bà già sống gần nhà thờ nên sáng nào cũng tản bộ đi dự lễ. Vì già yếu không nín được đường tiểu nên con thường chui vào bụi cây bên đường. Mọi khi không xảy ra chuyện gì, nhưng một hôm con thấy đôi cánh tay đen đủi ôm chân con. Con rất hoảng sợ và phát bệnh từ đó. Sau khi các bác sĩ chữa không khỏi, gia đình đưa con đến nhiều thầy pháp. Họ cho con 1 lá bùa và con đã bỏ chung với áo Đức Bà đeo ở cổ vì con là đạo gốc! Còn chiếc lắc vàng đeo tay và răng nanh đeo cổ đã được ếm bùa Lỗ Ban. Hôm nay con giao lại tất cả cho cha để làm kỷ niệm”. ( nguồn: hanhkhatkito.org)

Sự việc khiến tôi từ đó hiểu được rằng Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục chữa lành cho con người trong thời đại hôm nay.

⦁ Niềm vui và hạnh phúc đời ta chính là Đức Giêsu. Người sẽ chuyển thông cho chúng ta sự sống vĩnh hằng, quyền năng vô biên, hạnh phúc vô tận để ta cảm nghiệm được mình được là con cái của Thiên Chúa giống như Người. Tôi đã cảm nhận được niềm vui đó cách đây 2 tuần khi sang giảng tĩnh tâm cho cộng đồng người Việt thuộc Nhà thờ Thánh Polycarp, đường Chapman, California, Hoa Kỳ. Hôm đó có Ông Nguyễn Kỳ đến cám ơn vì Chúa đã chữa cho Ông khỏi bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Cách đây 3 tháng, bác sĩ cho biết ông bị ung thư và nói không thể sống quá 6 tháng. Bây giờ Chúa cho ông khỏi hẳn, không còn thấy triệu chứng của ung thư. (nguồn:hanhkhatkito.org)

Thiên Chúa chúng ta sống động vô cùng, giàu sang vô tận, đẹp đẽ vô song. Nếu chúng ta gắn bó với Chúa thì chúng ta cũng sẽ tốt đẹp, mạnh mẽ, giàu sang như thế

⦁ Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm riêng tư: Trong dịp cứu trợ đồng bào lũ lụt năm 2010, người ta yêu cầu Caritas Việt Nam hãy làm dự án xin các tổ chức nước ngoài yểm trợ. Tôi nghĩ rằng: đất nước chúng ta có nhiều người đóng góp rộng rãi và rất quảng đại… Chúng tôi cầu nguyện, và chúng tôi nhận được số thuốc trị giá khoảng 2 tỷ đồng của Công ty Rohto Mentholatum. Chị giám đốc thương mại của công ty này không có đạo, đến gặp chúng tôi và cho chúng tôi rất nhiều thuốc cần cho đồng bào lũ lụt dù chúng tôi chưa làm một đơn xin nào. Ngoài ra, bao nhiêu nhà hảo tâm khác đã góp tiền và vật dụng cho đồng bào nghèo khổ. Tôi thầm cảm tạ Chúa và cảm nhận được quyền năng vô biên của Ngài.

(nguồn: hanhkhatkito.org)

Sự kiện này nhắc nhở tôi quyền năng chữa lành kỳ diệu của Chúa Giêsu trong một số trường hợp khuyết tật vì lý do tâm linh

⦁ Tôi xin chia sẻ 1 trường hợp cụ thể. Cách đây 3 tuần một phụ nữ trung niên dẫn theo người con gái tên Hương, đang có thai hơn 7 tháng, đến xin tôi chữa cho con bà bị câm và điếc trên 2 tuần qua. Đi theo có cả người chồng, anh trai, cô và cậu của cô gái. Cô gái tỏ vẻ rất sợ hãi không muốn vào nhà nguyện, nên tôi đành tiếp tất cả trong phòng làm việc. Người mẹ cho tôi biết tình trạng của con, chạy thầy, chạy thuốc cũng đã nhiều mà bệnh không khỏi. Vì cô gái không nghe được nên tôi giải thích cho tất cả hiểu về sức khoẻ thể chất và tinh thần. Cô Hương cứ nhắm nghiền đôi mắt như ngủ.

Sau đó tôi mời mọi người có mặt vào nhà nguyện để ban bí tích Xức dầu Bệnh nhân và Xức dầu Trừ tà. Trong khi cử hành nghi thức, cô Hương không mở mắt và tỏ ra không biết gì. Nhưng cuối cùng, trước khi cho bệnh nhân rước lễ, tôi hỏi cô Hương; “Con có muốn rước Chúa không?”. Cô trả lời rõ ràng: “Con muốn”. Bà mẹ đứng bên cạnh buột miệng kêu lớn: “Con tôi nghe và nói được rồi!”..

(nguồn: hanhkhatkito.org)

CHUA

Cảm tạ Chúa, vì cho dù ở đâu, thời nào thì Thần Khí oai quyền của Thánh Phao lô, Thần Khí thiết tha,hy sinh của Thánh Tê pha nô (Stephano), Thần Khí chữa lành và an ủi ở trong Thánh An Tôn, thánh Mác ti nô xưa và Thần Khí tuôn đổ trong Cha Nguyễn ngọc Sơn hôm nay,… và rất có thể là ngay cả trong bạn và trong tôi nữa ở thời đại hôm nay, vẫn đang có một cách dồi dào từ một nguồn duy nhất.Tôi xin mượn lời chia xẻ của Ngài để kết thúc bài làm chứng này.

“Lời nói tự nhiên chỉ mang lại niềm vui bình thường, nhưng khi ta thở được Thần Khí của Chúa Giêsu thì những lời nói của chúng ta có thể soi sáng cho tâm trí mù tối của con người, vực họ dậy khỏi tình trạng tê liệt, bất động, thậm chí chết chóc, của tâm hồn. Hơn nữa, Chúa Giêsu sẵn sàng ban cả những ơn chữa bệnh thể xác cho tất cả những ai muốn làm tông đồ, làm chứng nhân cho Người. Cầu chúc anh chị em trở thành người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến vì được tràn đầy Thánh Thần tình yêu của Đấng Phục Sinh”

Phan Sinh Trần

HỒNG ÂN LÃNH BÍ TÍCH RỬA TỘI THEO ĐẠO CÔNG GIÁO

HỒNG ÂN LÃNH BÍ TÍCH RỬA TỘI THEO ĐẠO CÔNG GIÁO

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Một buổi chiều mùa hè năm 1992, nơi một tiệm hớt tóc ở thành phố Dreux (Bắc Pháp), một thanh niên bước vào tiệm.  Trong tiệm lúc bấy giờ có cô thợ Valérie Baptiste và cô chủ Pascale.
Thanh niên – khách lạ đến tiệm lần đầu – có mái tóc quăn và dài.  Đến tiệm hớt tóc vào ngày thứ ba trong tuần hẳn chàng phải là công nhân của một hãng xưởng nào đó!  Khi tò mò hỏi thăm thì thanh niên cho biết chàng tên Patrick và là cha Sở mới về nhậm chức!
RUA TOI

Nghe vậy, Valérie vui mừng kêu lên:

–        May quá, con đang muốn đến gặp cha!

Dĩ nhiên cha Sở vui vẻ ghi nhanh một cuộc hẹn.

Cuộc đời Valérie Baptiste là chuỗi dài những biến cố đau thương.  Valérie chào đời năm 1968. Năm lên 4 tuổi, ông thân sinh ra đi vui sống với tình nhân mới, một phụ nữ khác, bỏ rơi vợ trẻ với ba đứa con thơ.  Bà mẹ trẻ quá buồn nên lâm cảnh nghiện rượu và không còn khả năng chăm sóc ba đứa con nhỏ dại nữa.  Người ta liền giao ba đứa trẻ cho một gia đình săn sóc.  Nhưng gia đình này không khá giả mà cũng không tốt.  Valérie lại được giao cho một gia đình khác và sau cùng được giao cho một ký túc xá do các nữ tu trông coi tại thành phố Chartres, cách thủ đô Paris khoảng 100 cây số.  Nơi đây Valérie may mắn gặp những con người tốt có trái tim quảng đại và có đức tin Công Giáo chân chính.
Suốt thời gian sống xa mẹ ruột, Valérie không bao giờ quên hình ảnh mẹ và vẫn giữ nguyên tình thương dành cho mẹ, một người mẹ kém may mắn!
Valérie luôn luôn bênh vực mẹ tránh khỏi những lời trách cứ.  Mỗi khi hoàn cảnh cho phép, Valérie đều đặn đến thăm mẹ.
Hơn 10 năm sau ngày bị chồng bỏ rơi và bị nghiện ngập, bà mẹ đáng thương từ trần, để lại nơi Valérie một nỗi niềm đau đớn không kể xiết.
Điều đáng nói là trong quãng đời thơ trẻ bơ vơ này, Valérie vẫn nuôi dưỡng tâm tình tôn giáo tự nhiên.  Lúc mẹ còn sống cũng như sau ngày mẹ từ trần, Valérie luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho hiền mẫu dấu yêu.
Rồi đến ngày Valérie kết hôn với Éric, chàng thanh niên sống cạnh nhà và là tín hữu Công Giáo.  Valérie không ngờ rằng từ đây cuộc đời nàng chuyển sang khúc quanh mới.  Khúc quanh trên cả hai bình diện tâm lý và tôn giáo.
Thật thế.  Mẹ đỡ đầu của Éric chồng nàng là tín hữu Công Giáo sống đạo chân thành.  Bà tỏ dấu mong ước trông thấy đôi vợ chồng trẻ được kết hôn theo phép đạo Công Giáo.  Mong ước đồng nghĩa với việc Valérie phải lãnh bí tích Rửa Tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo.
Valérie vui vẻ chấp thuận đề nghị vì hai lý do.  Trước tiên vì nàng muốn làm vui lòng mẹ đỡ đầu của chồng.  Khi yêu, người ta muốn làm vui lòng người mình yêu.  Thứ hai, vì nàng linh cảm rằng, bí tích hôn phối sẽ mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống vợ chồng.  Tận thâm tâm Valérie vẫn luôn tin tưởng vững chắc nơi tình yêu Thiên Chúa.
Và những ước nguyện trên đây được thực hiện khi cha Sở mới bất ngờ xuất hiện vào một buổi chiều thứ ba nơi tiệm hớt tóc mà Valérie Baptiste đang làm việc.  Sau khi trình bày và được cha Sở đồng ý, Valérie vui vẻ nhập cuộc.  Con đường chuẩn bị đưa nàng đến việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội kéo dài hai năm.
Tiếp xúc đầu tiên của Valérie với Kitô Giáo là học hỏi Lời Chúa cùng với các tín điều buộc phải tin.  Nhưng Valérie không đơn độc.  Nàng thuộc về nhóm dự tòng, được hướng dẫn và được tháp tùng.  Valérie rất thích đọc Phúc Âm và sung sướng khám phá ra Cuộc Đời của Đức Chúa Giêsu Kitô nơi dương thế.
Sau cùng, ngày chờ mong đã đến.  Nghi lễ rửa tội diễn ra vào một Chúa Nhật tháng 5 trong Thánh Lễ nơi nhà thờ xứ đạo.  Mọi người thân thuộc gia đình nhà chồng đều hiện diện, đặc biệt là mẹ đỡ đầu của chồng.

Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ của ngày trọng đại này, Valérie Baptiste tâm sự:

– Một Người nào đó, một sức mạnh nào đó đã đi vào cuộc đời tôi, đi vào trái tim tôi.  Tôi không còn tỉ-tê khóc cho riêng mình nhưng tự chủ hơn và can đảm hơn.  Tôi cũng hiểu người khác hơn.  Tôi cầu nguyện cùng Thiên Chúa thường xuyên hơn.  Tôi không đợi Chúa Nhật mới đến nhà thờ.   Trái lại, bất cứ lúc nào cần hoặc mỗi khi gặp khó khăn, tôi tức tốc chạy đến nhà thờ.  Nhà thờ là nơi nương ẩn vững vàng nhất cho tôi.  Tôi thân thưa mọi sự cùng Thiên Chúa.  Không có Ngài, tôi cảm thấy thật bơ vơ và thật đáng thương!

“Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.  Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.  Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.  Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.  Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.  Lòng thỏa thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.  Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh con thầm thĩ với Ngài.  Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài con hớn hở reo vui.  Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó, giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì” (Thánh Vịnh 63, 2-9).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

Câu chuyện của John Shirieda, S.D.B.

Câu chuyện của John Shirieda, S.D.B.

……Dòng Salesian qui tụ những Linh mục, Tu sĩ Nam Nữ sống trong Cộng đoàn theo gương Thánh Phanxico Salê. Cộng đoàn do Thánh Gioan Bosco thành lập (1815-1888). Hoạt động đặc biệt cho giới trẻ. Cha Thánh thành lập Dòng thường được mọi người gọi là Don Bosco đã chọn Thánh Phanxico Salê, một trong những Vị Thánh vĩ đại về đời sống thiêng liêng làm gương mẫu và làm quan thày cho Cộng đoàn.

Cách nay hơn 25 năm, gia đình tôi gồm có mẹ, chị, anh tôi và tôi. Mỗi buổi sáng, chúng tôi đều tụng kinh trước tượng của Đức Phật trong căn nhà nghèo nàn tồi tệ của gia đình. Việc tụng kinh này thể hiện lòng sùng kính sốt sắng của chúng tôi với Đức Phật. Thường thường mỗi buổi sáng chúng tôi còn dâng lên bàn thờ một chén gạo nữa.

Tôi không đề cập tới cha tôi ở trên và nhấn mạnh đến căn nhà ngèo nàn, tồi tệ của chúng tôi, vì sự tàn ác của chiến tranh đã đưa gia đình tôi vào cảnh túng cực khổ sở. Cha tôi là một sĩ quan trong một Trung Đoàn Bộ Binh đã tử trận tại đồng bằng Trung Hoa vào năm 1937.

Căn nhà của chúng tôi tại Kagoshima đã biến thành một đống gạch vụn sau trận dội bom kinh hoàng cuối cùng của Hoa Kỳ. Ý muốn được sống gần bà nội của chúng tôi đã khiến chúng tôi phải đi xa thành phố hơn 50 dặm đường. Nhưng ngay cả tại vùng ngoại ô này cũng toàn là hoang địa và đổ nát.

Trong suốt nhiều năm theo dõi chiến tranh với lòng ái quốc và sự lo lắng, đã có lần tôi nghĩ rằng mình sẽ phải trở thành một chiến sĩ theo chân cha tôi. Có thể tôi sẽ chỉ can đảm bằng cha tôi thôi, nhưng chắc chắn tôi sẽ may mắn hơn. Sự ngèo túng của gia đình cần sự hiện diện của tôi và niềm thất vọng của Hoàng gia Nhật khiến giấc mơ của tôi tàn lụi. Vấn đề quan trọng là làm sao có được một đời sống thích nghi với hoàn cảnh. Tôi phải bắt đầu từ mái ấm gia đình: Gỗ lạt ở Nhật đầy dẫy, làm một căn nhà để trú mưa trú nắng không phải là chuyện khó, nhưng vấn đề là đào đâu ra đinh để đóng những tấm gỗ vào với nhau?

Một đứa bạn của tôi đưa ra sáng kiến rất hay để giải quyết khó khăn này: Hắn ta đề nghị tôi ăn cắp đinh từ một ngôi nhà thờ Công Giáo gần đó đang xây cất sắp xong dưới sự trợ giúp của quân đội Hoa Kỳ.

Ý nghĩ ăn cắp làm chùn bước chân tôi, nhưng đinh hiện quá cần cho việc làm nhà. Hơn nữa, lấy cắp của cải của kẻ thù và của đạo Công Giáo đối với tôi lúc đó là việc phải làm.

Một hôm nọ, vào buổi giữa trưa, khi các công nhân xây cất nhà thờ đang nghỉ việc để ăn cơm, tôi thực hiện ý định. Tất cả mọi việc xảy ra êm thắm, cả người tôi từ trên xuống dưới, tất cả các túi đều đầy đinh.

Một cách hết sức cẩn thận, tôi trở ra bằng chính con đường tôi đã đi vào lúc trước. Nửa đường, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: Thử nhìn xem trong căn nhà mới cất có gì trong đó? Tò mò mạnh hơn sự sợ hãi, tôi hì hục leo lên một cửa sổ để nhìn vào bên trong.

Ngay lúc đó, một ông Cha đang đọc kinh trong nhà thờ giật mình vì tiếng động do tôi gây ra, ông ngước mắt nhìn lên và trông thấy tôi đang đứng ngoài cửa sổ.

Như một luồng điện cao thế chuyển qua thân thể, trước khi kịp nghĩ ngợi, tôi nhảy đại xuống và chạy bán sống bán chết. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào, ông Cha đã xuất hiện đứng trước mặt tôi, hai tay ông giữ lấy vai tôi. Tôi muốn vùng chạy, nhưng so với khổ người Tây Phương, tôi thấp và bé quá, nhất là với sức nặng của số đinh trên người, tôi thật sự lúng túng.

Thế là tôi bị bắt quả tang đang ăn cắp. Tôi run rẩy trong tay của người chủ to lớn, một người ngoại quốc, một ông Cha Công Giáo. Thật là một xỉ nhục cho gia đình và cho dân tộc tôi.

Tưởng tượng ra chân tay tôi bị trói, bị nhốt tù trong một căn phòng nhỏ hôi hám. Tôi nghĩ tới mẹ tôi, một người mẹ luôn luôn dạy tôi “Masayuki” có nghĩa là “một người công chính”, luôn luôn dạy tôi phải thật thà. Thật là ghê gớm nếu mẹ tôi biết rằng sau bao nhiêu thì giờ và công sức đã bỏ ra để giáo dục con, kết quả là tôi trở thành một đứa ăn cắp. Tôi đã làm nhục mẹ, phản bội lại tất cả những gì mẹ đã tin tưởng nơi tôi từ thuở ấu thơ. Vì nghĩ như thế, nên trên khoảng đường ông Cha dẫn tôi trở lại chỗ để đinh, tôi năn nỉ với ông: “Cha muốn phạt hay làm gì tôi, Cha cứ làm, nhưng xin Cha một điều là đừng cho mẹ tôi biết.”

Thật không ngờ, khi dẫn tôi đến chỗ để đinh bên cạnh ngôi nhà thờ vừa cất xong, ông Cha với tay lấy thùng đinh, hốt đinh trao cho tôi nhiều đến nỗi tôi không thể nào mang nổi. Ông mỉm cười thân ái, chúc tôi vui vẻ, chào tôi và bảo tôi đi về.

Tôi ngạc nhiên đến nỗi không thốt lên được lời nào. Tưởng chừng như vừa trải qua một giấc mơ. Suốt buổi chiều hôm đó, rồi suốt cả đêm, tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt của ông Cha ngoại quốc, người đã dạy tôi biết thế nào là cho đi, nhất là trong hoàn cảnh hậu chiến của quốc gia Nhật, dân chúng chỉ ước ao lãnh nhận hơn là cho đi.

Ngày hôm sau tôi trở lại nhà thờ với ước muốn sẽ được gặp lại ông Cha tử tế ngày hôm trước. Gặp Cha, chẳng biết sao, tôi lại kể với Cha rằng tôi không muốn trở thành một sĩ quan trong quân đội Nhật Hoàng nữa và tôi muốn trở thành Linh mục Công giáo như Cha. Tôi không muốn cho Cha biết rằng tôi đã bị hấp dẫn bởi Kitô Giáo. Nhưng qua hành động của Cha, tôi khám phá ra Thầy Chí Thánh của đời sống con người.

Đó là lần thứ nhất tôi đến thăm ông Cha ngoại quốc, khởi sự cho những lần đến thăm sau thường xuyên hơn. Dần dà, chị tôi, anh tôi cùng đi với tôi đến thăm Cha. Niềm tin của chúng tôi vào Đức Phật dần dần chuyển hướng sang Đức Tin vào Chúa Kitô qua cách sống “nhân chứng” của người Công Giáo.

Vào Mùa Phục Sinh năm 1947, chị tôi rửa tội theo đạo. Năm sau đó, vào Ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chính bức tường đã chứng kiến cho hành động ăn cắp của tôi, lần này làm chứng cho những bước chân mạnh dạn của tôi tiến vào Thánh đường trong tiếng Thánh ca thánh thiện. Chính ông Cha đã “chộp” được tôi trong hành động ăn cắp ngày nào là Cha Chủ sự đại diện Giáo Hội đón nhận tôi và anh tôi gia nhập đoàn chiên của Chúa.

Mẹ tôi là người duy nhất còn lại trong gia đình vẫn trung thành với Đức Phật. Đã có lần mẹ tôi dọa là mẹ sẽ từ chúng tôi nếu chúng tôi theo Đạo Công Giáo. Mẹ nói: “Nếu các con theo Đạo ấy, các con không còn là con cái của mẹ nữa!”

Thời gian trôi qua với đời sống khiêm nhường, cần cù, bác ái thật thà trong Đức Tin của chúng tôi ảnh hưởng từ ông Cha ngoại quốc đã làm dịu mẹ tôi khiến mẹ tôi cũng bắt đầu tìm hiểu về Giáo Hội Công Giáo.

Chúng tôi vẫn sống chung dưới một mái gia đình. Sau khi theo đạo, chị, anh tôi và cả tôi nữa đều muốn đi theo con đường của ông Cha ngoại quốc khả kính.

Năm 1950, cả ba chúng tôi đều gia nhập Dòng Salesian.

Năm 1955, chính ông Cha ngoại quốc, người hướng dẫn chúng tôi và đã đánh thức ơn Thiên triệu trong gia đình tôi đã hy sinh mạng sống của mình cho một người anh em Nhật Bản: Người bạn Nhật của chúng tôi bị kẹt trong một phòng học đang bốc cháy. Cha đã không ngại nguy hiểm lăn mình vào cứu. Tay ôm người thiếu niên Nhật, cả hai đều tử nạn trong ngọn lửa ngút trời.

Cha đã vẫn thường nói: “Cha yêu nước Nhật lắm, ước gì Cha được hy sinh mạng sống để trở thành một nắm đất cho nước Nhật!”. Chúa đã giúp Cha thực hiện ước vọng cao vời đó.

Đời sống và cái chết của Cha Adino củng cố Ơn Thiên Triệu của tôi thật nhiều. Tôi quyết định sẽ phải trở thành “Ông Cha Ngoại quốc Adino” thứ hai

Năm 1956, tôi được phép sang Ý Đại Lợi du học và gặp lại người mẹ của Cha Adino. Người mẹ này đã trở thành người mẹ thứ hai của tôi. Tôi ở lại Ý Đại Lợi tu học và chấm dứt chương trình năm 1967.

Giờ đây mẹ của chúng tôi đang sống cô độc tại một quận lỵ hẻo lánh nơi miền Nam nước Nhật. Bà bỏ hết phần đời còn lại để truyền giáo. Anh tôi, Linh mục Anthony, cũng thuộc Dòng Salesian như tôi đang dạy học tại Miyazaki. Chị tôi, Nữ tu Lucy cũng tu Dòng Salesian đang học thêm Thần học tại Học Viện Higher Institude, tỉnh Turin, Ý Đại Lợi.

Tôi hiện đang làm Bề Trên cho Chủng Viện Salesian và dạy Thần Học Tín Lý tại Viện Đại Học Sophia, Nhật Bản. Tôi có nhiệm vụ huấn luyện các Linh mục trẻ cho nhà Dòng và cho Giáo Hội. Ước vọng của tôi là làm sao hướng dẫn các Linh mục trẻ và cả chính tôi nữa theo chân “ông Cha ngoại quốc”: Linh mục Adino Roncato.

Dòng Salesian qui tụ những Linh mục, Tu sĩ Nam Nữ sống trong Cộng đoàn theo gương Thánh Phanxico Salê. Cộng đoàn do Thánh Gioan Bosco thành lập (1815-1888). Hoạt động đặc biệt cho giới trẻ. Cha Thánh thành lập Dòng thường được mọi người gọi là Don Bosco đã chọn Thánh Phanxico Salê, một trong những Vị Thánh vĩ đại về đời sống thiêng liêng làm gương mẫu và làm quan thày cho Cộng đoàn.

Anh chị Thụ & Mai gởi

MẸ NIỀM CẬY TRÔNG, CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG

MẸ NIỀM CẬY TRÔNG,  CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG

 Maria TRẦN THỊ HƯỜNG, Nhóm BVSS Hà Nội

Trích EPHATA 687

 “Mẹ niềm cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không”. Đó là điều chắc  chắn cho những ai biết trông cậy, tín thác nơi Mẹ Maria. Tôi và gia đình tôi là một nhân chứng cho điều này, xin được lần lượt kể lại ít là 3 câu chuyện:

Chuyện thứ nhất: Tôi lập gia đình

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp đạo gốc cha truyền con nối… Khi trưởng thành tôi lập gia đình với chồng tôi giáo sư Đỗ Mạnh Môn dạy tại Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, một gia đình cha mẹ là giáo viên theo đạo Phật. Mặc dầu khi cưới, chúng tôi đươc cha  xứ ban “phép chuẩn” ( Đạo ai người nấy giữ ), nhưng do khác đạo nên nhiều khi bản thân tôi vẫn buồn và lo lắng vì “chưa được nên một hoàn toàn trong tình yêu của Chúa”…

Thế rồi tôi chỉ biết cầu nguyện và trông cậy vào Chúa, vào lời cầu bầu của Mẹ Maria quan thầy của tôi. Hàng ngày tôi đọc kinh Hãy Nhớ: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào đến kêu xin cùng Đức Mẹ mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời…” Tôi đọc kinh này với lòng tha thiết nguyện xin Mẹ cứu giúp, chở che gia đình tôi và xin Chúa cho chồng tôi tìm được Chúa để chúng tôi hạnh phúc nên một trong Chúa.

Thế hệ chúng tôi đã lớn lên và tồn tại dưới chế độ CS Việt Nam, vì thế việc chồng tôi tìm Chúa và theo Chúa không dễ dàng như trong vòng 20 năm gần đây của thời buổi hiện tại. Các bạn có điều kiện, các cha ở các Giáo Xứ và Nhà Dòng mở các lớp Giáo Lý Hôn Nhân, Giáo Lý Tân Tòng. Còn ở thế hệ chúng tôi, không những chẳng có được các lớp Giáo Lý mà còn rất nhiều khó khăn cản trở của phía chính quyền vô thần…

Tôi đã cầu nguyện và cầu nguyện tha thiết trong suốt 40 năm cho chồng tôi tìm được Chúa. Tôi hy vọng trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã thương nói với Chúa: “Nhà này hết rượu” và Chúa đã làm cho nước hóa thành rượu ngon. “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không…” Cứ thế tôi tín thác vào Mẹ Maria của tôi.

Và cuối cùng, Chúa đã thương cho chồng tôi gặp và theo Chúa một cách “tự nguyện”, lại còn hết sức sốt sắng nữa. Một buổi sáng tháng 8 năm 2010, như vậy là cách nay đã 6 năm, chồng tôi nói vớitôi:

“Bà ơi ! Tôi muốn theo Đạo Chúa để được ở cùng bà khi ra đi về với Chúa”. Tôi ngỡ ngàng hỏi nhà tôi:

“Ông là con trưởng và là trưởng tộc, ông theo Đạo Chúa thì tôi phải về quê hỏi bên họ Đỗ của ông, ít nhất cũng phải hỏi gia đình, anh chị em ông chứ.” Chồng tôi trả lời: “Chẳng phải hỏi ai cả, tôi ngần này tuổi đầu, tôi biết tôi tin vào ai chứ !”

Mừng vui và quá đỗi ngạc nhiên tôi hỏi ông: “Ông muốn mời cha nào đến giúp ông hiểu thêm về Chúa, về Đức Tin Công Giáo, trước khi ông nhận Bí Tích Thánh Tẩy không ?” Không ngần ngừ ông nói:

“Bà mời cha Bề Trên Vũ Khởi Phụng, DCCT Thái Hà, có được không ?” – “Ồ được chứ sao không ?”

Thực ra, trong thời gian trên 40 năm ông sống với tôi. Ông đã có dịp cùng tôi gặp và tiếp xúc với nhiều đấng bậc trong Hội Thánh mà trong việc Tông Đồ tôi thường gặp như: Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng và cha giáo Trịnh Hưng Kỷ, cha Nguyễn Văn Đạt và các cha DCCT… Không ngờ qua những cuộc trò truyện tiếp xúc với các ngài, ông đã nhận được ơn Chúa mà dần dần đã tin vào Người. Và thế là khi tôi đến ngỏ ý với cha Vũ Khởi Phụng, Bề Trên DCCT Thái Hà, Hà Nội, thì cha hiểu và vui mừng nhận lời ngay.

Sau hơn một tháng cha đến giúp chia sẻ củng cố niềm tin của ông vào Chúa, ông đã được chính ngài cử hành các Bí Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Rước Chúa lần đầu tại Nhà Thờ Sainte Marie Dòng Saint Paul, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, với rất đông các bạn bè trí thức của ông tại trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Các soeurs Dòng Saint Paul, Đa Minh, Mến Thánh Giá Hà Nội và mọi người thân của gia đình chúng tôi, cả lương lẫn giáo đều đến dự Thánh Lễ rất trang trọng và thiêng thánh, trao ban các Bí Tích cho ông Đỗ Mạnh Môn, chồng tôi.

Tạ ơn Chúa, sau ba năm chính thức tin theo Chúa, chồng tôi đã được đón về bên Chúa theo

đúng nguyện vọng của ông lúc tuổi già.

 

Chuyện thứ hai: Tôi sinh con đầu long

 Tôi lập gia đình từ năm 1964, mà mãi tới năm 1968 mới sinh con đầu lòng. Ở Hà Nội thời chiến bắt đầu từ năm 1964. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Hà Nội đã hứng bom đạn của Mỹ thật ác liệt. Lúc bấy giờ mọi người sơ tán ra xa khỏi Hà Nội hàng trăm cây số. Cơ quan nơi tôi làm việc trực thuộc Hà Nội nên vào diện phải ở lại Hà Nôi để… “bảo vệ Thủ Đô” ! Vậy mà tôi lại được miễn trừ vì đang có bầu. Chồng tôi cũng đã sơ tán theo trường Đại Học Bách Khoa lên đến tận biên giới Na Sầm, tỉnh Cao Bằng, cách Hà Nội hơn 300 cây số. Thế là coi như gia đinh ly tán bởi

chiến tranh, không còn ai là người thân ở Hà Nội lúc bấy giờ. Tôi nhớ rất rõ: Giữa bom đạn ngày 12.4.1968, tôi chạy từ nơi đang sơ tán về nhà tại 40B phố Hòa Mã, Hà Nội, để chuẩn bị ít tã lót, áo quần cho cuộc “vượt cạn”. Về tới nhà không gặp một ai kể cả hàng xóm. Trong tiếng bom đạn xé trời, loa truyền thanh oang oang: “Máy bay Mỹ cách Hà Nội 80 cây số, 60, 50, 40 và máy bay địch đã vào Hà Nội… Mời đồng bào xuống hầm trú ẩn gấp…” Với chiếc bụng bầu lặc lè, tôi làm sao có thể xuống hầm trú ẩn khi bắt đầu thấy đau quặn, trở dạ sanh con ? ! ?

Tôi ra khỏi nhà. Khi ấy mọi người đã xuống hầm trú ẩn an toàn cả rồi mà tôi thì vẫn một mình lững thững đi trong tiếng gầm rú của máy bay B52 và tiếng pháo cao xạ rầm rầm đáp trả. Tôi tìm đến nhà hộ sinh để “vượt cạn” một mình… Có nơi tôi vừa đi qua, thì bom rơi trúng căn hầm có mấy người trú ẩn…

Lúc gian nguy, “khi gặp những sự thiếu thốn”, tôi thường chạy đến kêu cầu Mẹ Maria cứu giúp. Tôi thầm thĩ kêu xin Mẹ Maria, quan thầy của con, xin đến bên con lúc này… Và như có bàn tay vô hình nâng đỡ, tôi thấy mình như có một sức mạnh để yên tâm tiếp bước. Gần 12 giờ trưa, tôi biết mình đang trở dạ. Tôi cố lê bước đến nhà hộ sinh B chỉ cách nhà tôi có vài ba cây số mà phải mất hơn một giờ đồng hồ !

Cô y tá trực hỏi ráo hoảnh: “Có ai đi cùng không ?” Tôi trả lời: “Không !” Cô ấy tiếp tục căn vặn:

Bom đạn rầm rầm thế này mà đi đẻ một mình à ?” Rồi cô chỉ tay nói trống không: “Vào kia, phòng tay trái ! Chuẩn bị thay áo váy đi…”

Vào phòng chờ sinh, cơn đau tiếp tục dồn dập hơn, tôi mệt rũ người, và cũng quên bẵng từ sáng tới giờ hơn mười mấy giờ đồng hồ chưa ăn uống gì cả. Bụng đói miệng khát, nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng vì sau khi thăm khám, bác sĩ bảo: “Con so, chưa vỡ ối, còn lâu mới sinh…”

Tôi vừa ngả lưng thì cơn đau lại tiếp tục, không thể nằm được, tôi cố ngồi dậy kéo cỗ tràng hạt đang đeo trên cổ, miệng đọc 3 Kinh Kính Mừng rồi đọc tiếp kinh Hãy Nhớ: “Mẹ ơi ! Không ai kêu cầu Mẹ mà về không… Lúc này con đang trong cơn khốn khó gian nguy… Đi biển có bầu có bạn, còn con vượt cạn một mình ! Mẹ ơi, bên cạnh con không một người thân, xin Mẹ đến bên nâng đỡ con lúc con sinh nở Mẹ nhé…”

Tôi nghiến răng chịu đựng cơn đau suốt từ 12 giờ trưa ngày 12 sang đến 1 giờ sáng hôm sau,

ngày 13.4.1968. Cơn đau của người sinh con, lại sinh con đầu lòng như tôi, thì cuộc trở dạ đau gấp nhiều lần người sinh con dạ, nghĩa là từ con thứ hai, thứ ba trở đi.

Đau quá, máu ra đầm đìa ướt cả váy. Tôi đến gặp bà bác sĩ trực đêm hôm đó xin được khám, bác sĩ hỏi: “Đau lâu chưa, đã vỡ ối chưa ?” Tôi trả lời: “Chưa ạ !” Bác sĩ tiếp tục phán: “Con so. Chưa vỡ ối.

Vào giường nằm, còn lâu mới sinh !” Người với người, cùng là phụ nữ với nhau cả, vậy mà không được lấy một câu an ủi sẻ chia. Thái độ bác sĩ và y tá XHCN là vậy đấy, lạnh lùng, vô cảm trước người bệnh !

Tôi đau đớn lê bước quay về giường… Qua ba lần xin bác sĩ và hộ lý thăm khám thì cả ba lần họ đều lạnh lùng trả lời như trên. Tôi đã kiệt sức vì đau và đói. Với cỗ tràng hạt trong tay, tôi nằm phó linh hồn chờ chết và xin Chúa cho con được chết lành trong tay Chúa và Mẹ Maria quan thầy của tôi. Máu ra đầm đìa cả váy áo và tấm drap giường như nhuộm đỏ. Tôi thiếp đi, có lẽ vào khoảng 11 giờ trưa…

Tôi đang lịm đi chờ chết thì rất may, có một bà bác sĩ từ bên Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương xuống kiểm tra những ca sinh khó của bệnh viện tuyến dưới. Tôi còn nhớ rõ bác sĩ tên Nguyệt. Tôi vừa chợt tỉnh thì lại thiêm thiếp đi, thế nhưng tai vẫn loáng thoáng nghe bà bác sĩ đến bên hỏi chị nằm giường cạnh tôi: Còn chị nào chưa khám không ? Có lẽ chị ấy đã chỉ vào tôi và nói với bác sĩ: “Chị này con so đến từ trưa hôm qua, băng huyết mà chưa sinh được…” Bác sĩ Nguyệt quay sang nhìn thấy tôi “sắp chết” môi khô da tái, bà gọi hộ lý, y tá đến bế tôi đặt lên bàn khám, bà âu yếm an ủi và lấy nước cho tôi uống… Những lời nói, những cử chỉ âu yếm của bác sĩ Nguyệt như một sức mạnh làm cho tôi hồi tỉnh lại. Tôi thầm tạ ơn Chúa thương tôi, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, đã đến cứu tôi qua bàn tay của bác sĩ Nguyệt đây rồi.

Trên bàn sanh, tôi nghe các hộ lý, y tá quây chung quanh bác sĩ Nguyệt nói: “Con so lại chưa vỡ ối ?” Bác sĩ Nguyệt bảo: “Chưa vỡ ối thì bấm ối cho sanh, chứ để con người ta chết ngạt trong bụng sao ? Các chị đâu, bấm ối xong, mang máy hút ra…” Trước đó, vì là con so nên bác sĩ Nguyệt hướng dẫn tôi cách “vượt cạn”… Tôi đã làm theo hướng dẫn ấy nhưng khi cháu sinh ra, do ở quá lâu trong tử cung và vòng nhau cuốn cổ, cháu đã ngạt thở và tím đen, không khóc nổi… Bác sĩ liền cầm chân cháu giốc ngược đầu xuống, phát nhẹ vào mông cháu, và cuối cùng cháu đã cất tiếng khóc chào đời đúng vào 12 giờ trưa 13.4.1968, sau đúng một ngày thập tử nhất sinh…

 

Chuyện thứ ba: Tôi gặp tai nạn

  Chuyện này xảy ra đã gần 50 năm, tôi vẫn còn nhớ “như in”, không bao giờ có thể quên

được… Tai nạn khủng khiếp xảy ra với tôi trong khi bom đạn và máy bay gầm thét trên bầu trời Hà Nội giữa buổi chiến tranh kinh hoàng. Dạo ấy phương tiện của mọi người dân tThủ

đô Hà Nội ra đường là xe đạp chứ không có xe máy hay ôtô như hiện nay. Ngoài ra cơ giới chỉ có xe UAZ 469 của Liên Sô viện trợ cho bộ đội hay xe Volga dành cho cán bộ lãnh đạo lưu thông trên đường phố mà thôi. Gia đình vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ, cọc cạch chiếc xe đạp quanh năm.  Hôm ấy là Chúa Nhật, chồng tôi chở tôi bế cậu con trai đầu lòng mới 6, 7 tháng tuổi từ nhà Nội bên quận Hai Bà Trưng lên thăm nhà Ngoại bên quận Hoàn Kiếm, đoạn đường chỉ khoảng 3, 4 cây số. Trong  chiến tranh thì Hà Nội là mục tiêu của máy bay B 52 Mỹ ném bom xuống, bên này thì tên lửa, pháo cao xạ của bộ đội, của tự vệ thành Hà Nội bắn trả lên. Bom rơi đạn lạc chết người là chuyện thường ngày… Trên  đường đi bằng xe đạp đến thăm mẹ tôi, nếu dừng xe xuống hầm theo loa báo động thì ít nhất cũng cả chục lần… Của đáng tội, trong chiến tranh người Hà Nội nghe tiếng loa báo động giục giã tại các ngã 4 đường phố mãi rồi cũng “quen” nên xe đạp của gia đình chúng tôi cứ tiếp tục đi bất chấp mọi sự… Xe đang ngon trớn xuyên qua lưới bom đạn thì tôi nghe một tiếng rầm ! Tôi cứ ngỡ bom nổ ngay bên cạnh, nhưng không phải ! Ấy lại là xe UAZ của quân đội nghe báo động nên hốt hoảng lạc tay lái đâm trực diện vào xe đạp của vợ chồng tôi đang phóng nhanh trên phố Nguyễn Du. Cú đâm quá mạnh đến nỗi xe đạp và chồng tôi bắn lên vỉa hè. Cháu bé tôi bế trên tay bắn ra khỏi vòng tay của tôi, còn tôi thì ngã sấp mặt xuống đường, toàn thân tôi nằm sát đất, xe UAZ lao ngang qua và tôi lọt hoàn toàn dưới gầm xe !

Môt tai nạn thật kinh khủng xảy ra với tôi ! Vậy mà sao tôi vẫn tỉnh, tôi còn nghe tiếng phanh kít

của xe UAZ trên mặt đường nhựa. Khoảnh khắc ấy, lạ thay, tôi vẫn kịp nghĩ đến Mẹ Maria thánh quan  thầy của tôi, và tôi buột miệng kêu tên “Giêsu, Maria, Giuse” để phó linh hồn mình trong tay ba Đấng. Và rồi tôi nghe rõ tiếng mọi người và tiếng chồng tôi kêu cứu. Người ta cho xe lùi lại để có thể kéo xác tôi ra khỏi gầm xe, ai cũng tưởng tôi đã chết dí… Không ngờ, gầm xe chỉ xé nát quần áo tôi từ cổ xuống. Một ngón tay út bên phải bị bánh ô tô đè lên, tôi không nhấc được tay ra. Tôi lấy tay trái quờ vào đầu thấy đầu và tai chảy máu… Thế nhưng tôi vẫn tỉnh.

Bạn đã thấy một tai nạn kinh khủng nào mà người bị nạn nằm sấp hoàn toàn dưới gầm xe mà vẫn sống sót không ? Trong trường hợp tai nạn tương tự, nếu nạn nhân nằm lọt trong gầm xe thì đáng lẽ lái xe bình tĩnh tắt máy xe rối yêu cầu mọi người giúp đẩy xe, đề phòng lạc xe còn nổ máy có thể đè chết luôn nạn nhân bị thương, hoặc nếu đã chết thì có thể chết lần thứ hai ! Nhưng không, lái xe hôm ấy lại cuống lên trong tiếng kêu cứu của nhiều người, cứ nổ máy mà lùi xe… Nằm dưới gầm xe, khi nghe tiếng máy xe UAZ nổ ì ì cài số lui, tôi lạnh toát cả người và tiếp tục phó linh hồn tôi trong tay ba Đấng !

Không thể tưởng tượng được, như một phép lạ xe lùi về phía sau và tôi đã thoát khỏi gầm xe an toàn, thật sự tỉnh táo trước sự ngạc nhiên của mọi người chứng kiến tai nạn “có một không hai” ấy…

Máu từ đầu và tai bên phải tiếp tục chảy, nhưng tôi vẫn tỉnh… Và xe cấp cứu đến…

Về phần ông nhà tôi, khi người và xe đạp bắn tung lên vỉa hè, ông đã lồm cồm bò dậy không hề hấn gì, còn chú bé con sơ sinh rời khỏi vòng tay của tôi bắn ngược về phía sau thì được một người đi đường chạy đến bế lên. Khi xe cấp cứu đến nơi, người ấy trao cháu cho chồng tôi khi cháu đang còn khóc… Và cuối cùng, tôi còn kịp an tâm nhìn thấy ông nhà tôi bế con ngồi ngay bên cạnh băng ca của tôi trong xe cấp cứu, tôi cũng nhận biết có một bác sĩ đang sơ cứu cầm máu trên đầu và tai cho tôi… Xe cấp cứu bình an đến được Bệnh Viện Phủ Doãn, nay là Bệnh Viện Việt Đức nằm trên phố Phủ Doãn Hà Nội.

Cấp cứu đấy… nhưng do chiến tranh nên ưu tiên những nạn nhân bị bom đạn được chăm sóc trước và tai nạn xe như tôi thì phải xếp hàng chờ. Tôi lịm đi trong cơn đau đớn toàn thân, tôi nhớ miệng tôi vẫn không ngừng thầm thĩ lời cầu xin Mẹ Maria của tôi…

Hình như khoảng một giờ sau thì tôi tỉnh lại, đến lượt vào phòng cấp cứu, bác sĩ cho y tá tiêm giảm đau và khám lâm sàng… Họ rửa vết thương trên đầu và mấy ngón tay phải của tôi và cho siêu âm đầu ngay. Kết quả: không ảnh hưởng sọ não, chỉ chảy máu phần da bên ngoài. Bác sĩ chỉ đinh khâu 7 mũi trên đầu, băng bó đầu và mấy ngón tay. Chẳng biết y tá có quên tiêm thuốc giảm đau cho tôi khi khâu hay không mà tôi đau đớn quá chừng…

Khi thấy quần áo tôi bị gầm xe UAZ xé rách, bác sĩ lật lưng lên xem thì thấy một vết xước chạy dài từ cổ tới phần eo lưng, rất may, không có đụng chạm gì đến cột sống ! Đang giữa chiến tranh nên sau khi vết thương được lo liệu tạm ổn, bác sĩ kê đơn thuốc rồi tôi xuất viện cho về nhà, hẹn vài ngày sau khám lại và cắt chỉ trên đầu.

Về vụ tai nạn, không biết Công An có lập biên bản không, nhưng sau khi tôi ở viện về được hai hôm thì anh bộ đội lái xe đến nhà thăm và xin lỗi, anh nhận sai về phía mình, anh vừa nhận được bằng công nhận lái xe an toàn trong 15 năm của tiểu đoàn… Anh xin gia đình tôi không kiện cáo, nhưng tôi giải thích cho anh: có một bàn tay vô hình của Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã cứu giúp gia đình tôi và cũng là cứu giúp chính anh khỏi một tai nạn thảm khốc có thể chết đến ba mạng người !

Đó là một phép lạ ! Và thật bất ngờ, anh cho biết anh cũng là người Công Giáo và chưa từng thấy một tai nạn nào mà người bị nạn nằm sấp gọn gàng dưới gầm xe mà vẫn còn sống sót, hơn thế nữa, chính anh còn vô ý nổ máy cho xe lùi lại mà không cán ngang qua người tôi. Vâng, anh lính lái xe cũng tin đó là phép lạ. Cuối câu chuyện, anh đã cùng tôi đọc ba kinh kính mừng tạ ơn Chúa và Mẹ Maria…

Vậy đó, suốt đời tôi, tôi đã hoàn toàn tín thác và trông cậy vào Lòng Thương Xót của Chúa qua Mẹ Maria. Đúng là “Có Mẹ sợ chi, có mẹ lo gì”…

Maria TRẦN THỊ HƯỜNG, Nhóm BVSS Hà Nội

Một cuộc đời âm thầm

Một cuộc đời âm thầm

Nguyễn Văn Đức, Tùy Bút / Tản Mạn

Nguyễn Văn Đức

cha_nguyen_the_thuan
Linh mục Yuse Nguyễn Thế Thuấn

Đây là một bài viết có tính cách riêng tư nhưng có nhiều thông tin giá trị được viết từ năm 2010. Là bạn thân của tác giả, anh Nguyễn Văn Đức, tôi xin gởi đến Ban Biên Tập. (Trần Đình Sơn Cước)

Ngày 28 tháng 3 năm 2010 là ngày giỗ thứ 35 của linh mục Yuse Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, người đã sống một cuộc đời âm thầm để chuyển ngữ toàn bộ cuốn Kinh Thánh gồm Tân Ước và Cựu Ước từ tiếng Hipri, Aram và Hilạp ra tiếng Việt. Với một cuộc sống âm thầm là vậy, nhưng cái chết của ngài còn âm thầm lặng lẽ hơn so với những người đã chết tức tưởi trong vụ chôn sống tập thể tại Huế – Thừa Thiên hồi Tết Mậu Thân 1968. Linh mục Thuấn ra đi, để lại một công trình dịch thuật Thánh Kinh còn dang dở. Ngài chưa dịch xong ba quyển : Yob, Cách Ngôn, và Baruk. Khi xuất bản toàn bộ cuốn Kinh Thánh, ban Xuất bản gồm học trò và bạn bè của ngài đã dịch ba quyển này từ bản tiếng Pháp ‘Bible de Jerusalem.’

Ngày 28 tháng 3 năm 2010 là Chúa Nhật Lễ Lá, nhưng ngày 28 tháng 3 của năm 1975 là Thứ Sáu Tuần Thánh. Thân mời các bạn trở lại với bối cảnh của khu vực tỉnh Lâm Đồng khi chiến cuộc Việt Nam đang ở vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng nhất. Sau khi chiếm huyện Di Linh được một hai tuần, quân Cộng sản đã thủ tiêu linh mục Yuse Nguyễn Thế Thuấn tại đồn điền Nguyễn Ngọc, xã Châu Thành, Tỉnh Lâm Đồng. Một Hạ sĩ quan Truyền Tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã can đảm vùi xác ngài tại vùng đó. Người ta nói ngài bị Cộng sản cuốc vào đầu, gây thêm một cái chết oan khiên vô tội vào một chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng tôi tin rằng, cha Thuấn trước khi chết đã theo gương Đấng mình tin để nói lên trong lòng,“Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Luca 23 34). Trong cuốn sách” Cha Eugène Larouche, 51 năm Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-Nam”, linh mục Rôcô Nguyễn Tự Do, CssR, có viết một đoạn về cha Thuấn. “Năm 1945, quân Nhật chiếm Huế và giam giữ các cha Canada tại Morin. Cha Nguyễn Thế Thuấn lúc đó còn là một chú Đệ Tử đã dùng chữ Nho để bút đàm với viên sĩ quan Nhật lúc họ lui tới nhà Dòng, mà theo sự suy nghĩ của Cha Thuấn là “nhờ đó tạo được bầu không khí cởi mở hơn, thân thiện hơn.” Nhưng năm 1975, cha Thuấn đã không tạo được bầu không khí thuận lợi đó tại Di Linh với những người Cộng sản Việt Nam khi ngài đi giảng Tuần Thánh ở Xứ đạo Di Linh theo lời mời của linh mục Chánh xứ Yuse Phùng Thanh Quang. Đây cũng là lý do dẫn đến cái chết của cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn, người thầy kính yêu của tôi.

mo_cha_nguyen_the_thuan
Mộ phần của cha Nguyễn Thế Thuấn tại DCCT Đà Lạt. Hình chụp Tháng 5/2010

Qua việc thủ tiêu một linh mục khá nổi tiếng như cha Thuấn, người Cộng sản đã để lộ chính sách “Thà giết lầm hơn bỏ sót” của họ, đồng thời cũng để trấn áp bất cứ một suy nghĩ nào gây bất lợi cho chính sách đó. Trong thực tế, suốt trong chiều dài của cuộc chiến Việt Nam và nhất là sau biến cố 1975, chính sách dã tâm này của Cộng sản đã gây ra không biết bao nhiêu cái chết vô tội. Giờ phút này, tôi nhớ đến câu chuyện của “Người Samari nhân hậu” trong Phúc Âm Thánh Luca khi nghĩ đến người Hạ sĩ quan QLVNCH, người cũng mang một quả tim nhân hậu vì đã mai táng người thầy của tôi. Khi có ý định viết bài này, tôi đã liên lạc về Việt Nam tìm tông tích người Hạ sĩ quan ân nhân hầu tôi có thể biết thêm chi tiết về cái chết, việc chôn cất và dời hài cốt của cha Thuấn về nghĩa trang DCCT Đà Lạt, nhưng được biết người Hạ sĩ quan tốt bụng này cũng đã qua đời cách đây vài năm. Sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh Nguyễn Ngọc Lan, lúc ấy còn là linh mục, đã nhanh chóng áp dụng bài học bà Rebecca dạy cho Giacóp để xin Bộ Thông Tin Văn Hóa-Cục Báo Chí Xuất Bản cấp giấy phép xuất bản toàn bộ cuốn Kinh Thánh. Khi xin phép, anh Nguyễn Ngọc Lan chỉ xin in cuốn Kinh thánh Tân Ước của cha Nguyễn Thế Thuấn có trước năm 1975, nhưng tiện dịp nên đã in luôn phần Cựu Ước. Tân Ước hay Cựu Ước cũng là Kinh Thánh cả và cũng cùng một dịch giả. Tôi biết khá rõ chuyện này vì thời gian đó tôi còn ở tại quê nhà. Đó là cuốn sách in lậu đầu tiên sau năm 75 dưới chế độ Cộng sản. Thầy Robert Nguyễn Sĩ Nhàn phải chạy mượn tiền của giáo dân để mua thêm giấy lụa bên tòa Tổng Giám mục Sàigòn. Lần đó, tổng số in được 10.000 cuốn, vì không biết đến bao giờ mới được in lại.

Khi Nhà In Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã sắp chữ gần xong phần Tân Ước, ban Xuất Bản cử thầy Nguyễn Gia Trần và tôi lên giáo xứ Di Linh gặp cha Quang xin lại cuốn Tân Ước cha Thuấn hay dùng, nếu còn. Ý định là xem cha Thuấn có sửa chữa hay thêm bớt gì trong cuốn Tân Ước hay không, để có thể có một cuốn Tân Ước hoàn chỉnh theo ý dịch giả. Chúng tôi lấy chuyến xe sớm nhất đi Đà Lạt nhưng đến giáo xứ Di Linh thì chúng tôi xuống xe . Lúc này dân chúng còn đi lại không cần xin giấy phép của địa phương, chỉ có các linh mục thì phải cấm cung tại chỗ; do đó khi chúng tôi vào nhà xứ thì được gặp ngay cha Quang là chánh xứ họ đạo Di Linh. Sau vài câu chào hỏi và biết sự yêu cầu của chúng tôi, cha Quang lúc đó đang cầm sẵn trong tay chiếc mũ “di tích” của cha Thuấn (không biết làm sao mà cha Quang lại có được chiếc mũ này) nói với anh em chúng tôi: “Các thầy cho tôi cái mũ này để đội, xin cha Thuấn che chở cái đầu cho tôi”. Tôi trả lời : “Thưa cha, cha muốn lấy cái gì để làm kỷ niệm cũng được, chúng con chỉ xin cuốn Tân Ước”. Tiếp đó, cha Quang bước vào bên trong mang ra chiếc cặp táp của cha Thuấn. Tôi nhận ra ngay chiếc cặp này, vì cha Thuấn thường đeo nó bên mình mỗi khi đi ra khỏi nhà Dòng. Tôi nhận chiếc cặp từ tay cha Quang và đi vội ra khỏi nhà xứ để tránh bị theo dõi. Chúng tôi đi về cổng nhà thờ, liếc mắt nhìn phía nhà xứ thì thấy một tên công an cũng đang lò dò đi vào. Chúng tôi đi lên chợ Di Linh đón xe đi tiếp lên Đà Lạt và sáng sớm hôm sau về lại Sàigòn. Nhiệm vụ coi như đã hoàn thành. Sau này, khoảng năm 1993, khi hội “Hột Lúa” của Madame Geneviève Jouan, người Pháp, có giúp giáo xứ Di Linh thuốc men để chữa bệnh cho người nghèo, tôi có dịp gặp lại cha Quang nhiều lần nhưng vấn đề cái chết của cha Thuấn quá ư là tế nhị nên tôi chẳng dám hé môi hỏi thêm điều gì. Một thời gian sau, tôi được tin cha Yuse Phùng Thanh Quang cũng đã qua đời tại bệnh viện Nguyễn Trải, Sàigòn, hưởng thọ 77 tuổi. Ngài qua đời ngày 31 tháng 10 năm 2003, đúng vào ngày sinh nhật của mình. Cha Quang vẫn tin là cha Thuấn đã chết thay cho mình. Cách đây vài năm, tôi tình cờ may mắn gặp được hai sĩ quan Địa phương quân VNCH đã đóng quân ở Di Linh trước năm 1975. Họ cho tôi biết chính cha Quang đã rửa tội cho Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu khi cha làm Tuyên Úy cho trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Nhưng khi Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, cha Quang đã không lợi dụng sự quen biết trước kia để trục lợi cho giáo xứ của mình. Một lần Tổng Thống Thiệu lên Đà Lạt họp, có cho trực thăng đến đón cha Quang nhưng ngài từ chối. Cha nói, ban phép bí tích rửa tội là công việc mục vụ, chẳng vì quen biết mà làm mất ý nghĩa thánh thiêng.

Cuộc đời của linh mục Nguyễn Thế Thuấn đã âm thầm lặng lẽ bao nhiêu thì cái chết của ngài càng lặng lẽ bấy nhiêu. Năm 1958, cha Yacôbê Nguyễn Hữu Sơn là bạn học cùng lớp với cha Thuấn dẫn một số Đệ tử Huế lên Đà Lạt nghỉ hè một tháng. Chúng tôi được trú ngụ tại nhà bà Paul trong Giáo xứ Tùng Lâm và thường được vào Nhà Dòng Đà Lạt chơi mà chẳng nghe cha Sơn nói gì về cha Thuấn cả. Phải đến năm 1964 khi cuốn Tân Ước chào đời, chúng tôi mới biết Dòng mình có một cha biết dịch Kinh thánh từ tiếng Hipri là cha Nguyễn Thế Thuấn. Tôi nhớ là cha Gérard Gagnon, DCCT, cũng có dịch Kinh thánh nhưng chắc là từ tiếng Pháp. Lúc đó chúng tôi thán phục cha Gagnon về khả năng tiếng Việt của cha. Cha Thuấn sống âm thầm để dịch cho xong cuốn Tân ước rồi mới bắt đầu đi giảng hay dạy học ở những nơi khác ngoài Học viện DCCT Đà Lạt. Các thầy Học viện cũng đã có dịp thấy bà con của cha Thuấn tới thăm ngài và đùa với ngài, “Chúng con biết cha có tổ quốc nhưng lại tưởng cha vô gia đình chứ”. Tôi nghĩ, nếu ngài tiếp tục cấm cung trong phòng để dịch tiếp cho xong cuốn Cựu ước như ngài đã làm để hoàn tất cuốn Tân Ước thì hôm nay chúng ta đã có một bản dịch trọn bộ Kinh thánh của dịch giả Nguyễn Thế Thuấn.

Bản dịch nguyên thủy toàn bộ Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn, theo ngài cho biết, đã chứa đựng đầy đủ tính chất xác thực và tinh thần thần học xác tín của ngài. Nói cách khác, ngài không muốn có một sự sửa đổi nào của ai khác, nếu không được ngài thông qua. Tôi cũng nhớ ngài có viết một bài đăng trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để đính chính những chỗ trong bản dịch Kinh Thánh của mình mà linh mục Yuse Trần Hữu Thanh, DCCT, tự ý sửa đổi. Cha Thanh đã có sửa đổi một vài từ ngữ mà không hỏi qua ý kiến của cha Thuấn khi dùng bản dịch Tân Ước của cha Thuấn để in sách Kinh thánh theo chương trình “Mỗi quân nhân, một Tân Ước” trước năm 1975. Nghĩa là, khi cho in toàn bộ cuốn Kinh thánh, ban Xuất Bản đã thay thế một ít danh từ mà có thể họ cho là không quan trọng. Đặc biệt danh xưng ‘Thần Linh’ trong bản dịch đã được thay bằng danh từ ‘Thiên Chúa’ có lẽ để cho phù hợp với thông thường”. Trong bản dịch nguyên thủy, khi dùng chữ Thần Linh, dịch giả Nguyễn Thế Thuấn có ý nói đến sự ‘Mặc khải tiệm tiến’ của Thiên Chúa dành cho con người. Ý của ngài muốn cho chúng ta biết rằng loài người trong quá trình nhận biết về Thiên Chúa cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc hành trình đức tin, nghĩa là chúng ta phải dần dần mới hiểu thêm về Thiên Chúa. Điều này dễ nhận ra hơn khi nói rằng con người, trong cuộc sống hằng ngày, cũng cần phải có yếu tố thời gian và kinh nghiệm rồi mới hoàn toàn hiểu được cuộc đời là gì. Huống hồ đây là một phạm trù của khoa Thánh kinh học. Hiện nay tôi không có trong tay bài đính chính viết trên báo Đức Mẹ HCG của cha Thuấn, nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì trong Phúc Âm Thánh Luca (13:10) cha Thanh đã sửa chữ “Nhân ngày Hưu lễ” thành “Ngay ngày Hưu lễ”. Và cha Thuấn đã phải đính chính lại. Ngài phải đính chính ngay cả những chữ xem ra bình thường, huống chi là “danh xưng Thần Linh” đã bị thay thế bằng “danh từ Thiên Chúa”. Thế mới biết lãnh vực kinh điển thật là tỉ mỉ từng chữ. Nhưng khi in bản Cựu Ước thì linh mục dịch giả Nguyễn Thế Thuấn đã qua đời. Ngài là dịch giả nhưng cũng chẳng có cơ hội để viết thêm vào trước bản dịch một lời tâm sự với người đọc bản dịch của mình. Ngài sống âm thầm, và chết cũng rất âm thầm. Âm thầm như chính công việc của ngài.

Rồi những lợi ích tinh thần mà bao nhiêu người lĩnh hội được do việc cha giảng dạy hoặc nhờ đọc cuốn Kinh Thánh của ngài dịch, cũng âm thầm chẳng kém. Tôi có một kỷ niệm liên quan đến tinh thần Kinh Thánh của cha Thuấn. Năm 1965, ngài ra giảng tại Nhà Dòng Huế. Một anh bạn cùng lớp với tôi vào xưng tội với ngài về việc “chọc gái” sao đó. Tôi không nhớ anh ta lãnh bao nhiêu kinh phải đọc để đền tội để xem việc giải tội của một giáo sư Kinh thánh có màu sắc Kinh thánh không. Bù vào đó, người bạn có tâm sự với tôi điều cha Thuấn đã khuyên anh ta trong tòa giải tội. Cha khuyên bạn tôi: “Người ta không phải là đồ chơi”. Đến nay, tôi vẫn không quên lời khuyên đó. Sau này, một lần khi ngồi xem phim “Toy Story”, tôi thấy Woody nói to vào mặt Buzz, “You are a toy. T- O- Y”. Thỉnh thoảng khi có dịp dạy bảo con cái, tôi cũng nói với các con tôi, “ We are not a toy”. Từ “triết lý” của câu nói đó, tôi tìm ra một điều tâm niệm cho mình. Đó là, trong suốt cuộc đời tôi luôn ráng sống sao để không đối xử với người khác, nam cũng như nữ, và ngay chính bản thân mình nữa, như là đồ chơi. Tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn nhờ vào bài học hàm chứa trong lời khuyên của cha Thuấn mà bạn tôi đã chia sẻ. Nhưng dù sai đó cũng chỉ là điều tôi gián tiếp học được qua câu chuyện của một người bạn. Còn câu nói, “Các thầy đừng phí uổng cuộc đời, vì chỉ có một lần” thì chính tai tôi đã trực tiếp nghe và học được nơi cha Thuấn là giảng sư của lớp tôi ở Nhà Tập. Những lần phí phạm cuộc đời, tôi nhớ đến câu nói này. Có thể cha Thuấn không hẳn là tác giả nguyên thủy của ý tưởng trong câu nói này, nhưng đối với tôi, tôi xem đó là của cha Thuấn vì lần đầu tôi nghe cha nói mà trước đó tôi chưa đọc được ở đâu hoặc nghe ai nói đến. Thông điệp của câu nói đó đã âm thầm nâng đỡ và dẫn lối cho tôi rất nhiều, nhất là trong thời gian tôi còn tu tập.

Trong khi viết bài này, tôi muốn tìm một tấm hình của cha Thuấn để kèm theo bài thì may mắn được cha Louis Đặng Đức Anh, DCCT, tiếp tay. Cha gửi ngay cho tôi một tấm ảnh hiếm quí của cha Thuấn mà một nhân viên trại gà Scala cũ ở Đà Lạt, chị Minh Phượng, còn giữ lại được qua bao năm tháng. Tấm ảnh do cha Bosco Phạm Minh Thiện, DCCT, học trò lớp đầu tiên của cha Thuấn, bấm máy. Hình chụp năm 1972 khi cha Đại diện Tổng quyền DCCT Roma qua kinh lý xem trại gà Scala hoạt động có đúng đường lối của Thánh Anphongsô trong phát triển kinh tế cho người nghèo hay không. Trong hình có cha Bề trên Giám Tỉnh Bạch Văn Lộc và cha Thuấn, khi đó đang đặc trách Nhà Dòng Đà Lạt. Chân thành cám ơn cha Louis Anh và chị Minh Phượng đã chia sẻ tấm hình có một không hai của cha Thuấn, và cầu xin cho cha Bosco Thiện được mạnh chân khỏe tay như trước khi gặp nạn để tiếp tục bấm máy và dịch sách.

cha_thuan_don_tiep_cha_dai_dien_tong_quyen_roma-1972
Cha Thuấn tiếp đón cha Đại diện Tổng quyền Rôma thăm trại gà Scala, Đà Lạt.
(Hình do cha Boscô Thiện chụp năm 1972.)

Khi đi định cư ở Mỹ tôi không mang theo được cuốn Kinh Thánh toàn bộ của cha Thuấn. Cách đây vài năm, cha Yuse Phạm Kim Điệp, DCCT, mang qua cho tôi một cuốn in lần đầu. Hình bìa do anh Hoàng Ngọc Biên, họa sĩ kiêm nhà văn của nhà Xuất Bản Trình Bày vẽ . Cuốn sách đã ngã màu theo thời gian. Và trước khi về Việt Nam, cha Louis Anh để lại cho tôi một cuốn in tại Mỹ năm 1980. Tôi rất mừng vì không ngờ Giáo Hội Việt Nam tại Mỹ in lại được cuốn Kinh Thánh này trên giấy lụa và hình bìa mạ vàng rất rõ nét. Người ta dùng kỹ thuật photocopy nên nội dung hoàn toàn giống như cuốn in tại Việt Nam. Chỉ khác là mở đầu bằng lời cảm tạ của linh mục Nguyễn Văn Tịnh và vài nét tiểu sử của dịch giả do DCCT ở Altadena, California, viết.

Hôm nay, tôi viết thêm một hai nét để bổ túc cho tiểu sử của thầy mình, linh mục Yuse Nguyễn Thế Thuấn, như là thắp lên một nén nhang trong lòng hầu biểu tỏ sự kính phục đối với một bậc thầy đáng kính. Phần nào, tôi cảm thấy hãnh diện được làm học trò của thầy, hân hạnh được thầy truyền đạt cho một triết lý sống trong bất cứ ơn gọi nào trong đời, trước khi thầy mình qua đời. Nhưng trước hết và trên hết, tôi hãnh diện không kém vì trọn bộ cuốn Kinh Thánh đã được dịch ra tiếng mẹ đẻ Việt Nam từ tiếng Hipri, Aram, và Hilạp, và lại do một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam dịch. Dịch giả đó chính là linh mục Yuse Nguyễn Thế Thuấn, và chỉ có một mà thôi.

Mùa Phục Sinh 2010
CĐT Tôma Nguyễn Văn Đức
Nguồn: Bài do nhà thơ Trần Đình Sơn Cước gửi

Đức Mến Tha Thứ, Tin Tưởng, Hy Vọng Và Chịu Đựng Tất Cả!

Đức Mến Tha Thứ, Tin Tưởng, Hy Vọng Và Chịu Đựng Tất Cả!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Luôn luôn tự đặt mình trong tư thế lắng nghe một đứa trẻ khuyết tật – RV

Bà Sylvie Danel 40 tuổi là nhà giáo dục chuyên môn tại một viện y-tế giáo-dục. Một ơn gọi đích thật nẩy sinh từ cuộc gặp gỡ với một trẻ tự-kỷ trong những năm đầu đời tìm kiếm việc làm. Xin nhường lời cho bà.

Là nhà giáo dục chuyên môn, từ năm 2012, tôi làm việc trong một viện y-tế giáo-dục nơi vùng ngoại ô thủ đô Paris. Đây là viện dành riêng cho các trẻ em khuyết tật hoặc tâm thần hoặc chậm trí nơi học đường.

Trước khi chính thức đi vào lãnh vực nghề nghiệp này, tôi muốn trở thành nữ giáo viên nên đã chuẩn bị và giật được mảnh bằng dạy học.

Có được bằng cấp rồi, mùa hè năm ấy, tôi tham dự một trại hè với tư cách nữ linh-hoạt-viên. Trại hè cũng tiếp nhận một số trẻ em bị bệnh tự-kỷ có các nhà giáo dục các em tháp tùng .. Hoàn toàn không biết gì về chứng khuyết tật này, tôi bỗng bị thôi-miên bởi Adrien một đứa bé tự-kỷ.

Tôi tạo được mối giao tiếp đặc thù với bé. Bé không nói được và không làm cho người khác hiểu được bé muốn gì. Vậy mà giữa hai chúng tôi đã có mối quan hệ đích thật chân thành. Vào buổi tối cuối cùng khi đốt lửa trại, tôi đến tìm bé, nắm lấy tay bé và cả hai chúng tôi cùng múa nhảy bên lửa trại. Sáng hôm sau, trước khi ra về, bé đến tìm tôi và xin tôi cùng nhảy với bé. Thật là giây phút tuyệt vời. Mọi người đều cảm động, ngay cả các nhà giáo dục tháp tùng các trẻ tự-kỷ cũng hết sức ngạc nhiên.

Riêng đối với tôi thì đây là ”cú sét” làm nẩy sinh mối tình tôi dành cho các trẻ tự-kỷ, đứng trước khía cạnh bí nhiệm của chứng khuyết tật này!!!

Từ trại hè trở về nhà, tôi suy nghĩ miên man và tự nhủ:

– Mình sẽ không làm nữ giáo viên nhưng làm nhà giáo dục!

Trong thời kỳ diễn ra trại hè, tôi đã bàn luận rất nhiều với các nhà giáo dục và hỏi han về nghề nghiệp của họ. Tôi bỗng ý thức rằng, trong một lớp học, giáo viên dạy cho cả lớp. Nếu có một trẻ nào gặp khó khăn, giáo viên không thể dừng lại lâu bên trẻ này, bởi vì toàn lớp học phải được tiếp tục chương trình. Đây là chuyện sẽ không bao giờ có thể xảy ra đối với tôi!!! Bởi lẽ giờ đây, đứa trẻ gặp khó khăn trở thành nhân vật quan trọng và tôi ước muốn dừng lại lâu thật lâu bên đứa bé. Có một dự án riêng biệt cho từng đứa trẻ khuyết tật với tư cách nhà giáo dục chuyên môn trở thành một dự án gây đam mê cho con đường công danh sự nghiệp của tôi. Tôi quyết định thay đổi hướng đi.

Sau một năm làm nhân viên thiện nguyện nơi vùng ngoại ô thủ đô Paris để lượng định sức mình, tôi chính thức ghi danh vào trường dành cho các nhà giáo dục chuyên môn. Sau khi ra trường, tôi làm việc hai năm nơi Cư Xá tiếp nhận những người lớn tuổi bị điếc. Cùng thời gian này thỉnh thoảng tôi cũng tiếp tay với một dịch vụ chăm sóc các trẻ tự-kỷ nơi tư gia. Sau cùng, tôi chính thức trở thành nhà giáo dục chuyên môn trong một viện y-tế giáo-dục.

Nơi viện y-tế giáo-dục thành phần các thân chủ được nới rộng gồm nhiều chứng khuyết tật khác nhau trong đó các trẻ em bị bệnh tự-kỷ. Xét vì kinh nghiệm có được cạnh các em tự-kỷ tôi đặc biệt lãnh trách nhiệm phụ trách 8 em tự-kỷ tuổi từ 7 đến 10. Khi các em không đến lớp hoặc không có những buổi tập luyện chuyên biệt thì chúng tôi tổ chức các sinh hoạt dành riêng cho các em tự-kỷ. Mục đích của chúng tôi là khởi hành từ chính điều kiện cá nhân của từng em để dẫn đưa các em tiến xa hơn trên con đường chữa trị. Không rõ chúng tôi có thành công hay không nhưng điều chính yếu là chúng tôi dùng trọn sức lực và thiện tâm để phục vụ các em.

Làm việc với tư cách nhà giáo dục chuyên môn nơi viện y-tế giáo-dục thì con đường sự nghiệp của tôi kể như không có, bởi lẽ không có nấc thang để cho tôi tiến thân! Nhưng không sao cả! Điều quan trọng là tôi cảm thấy yêu nghề và nghề nghiệp giúp tôi thủ đắc đức tính kiên nhẫn cùng với khả năng biết đặt lại vấn đề. Chẳng hạn có những đứa trẻ tôi tạo được dễ dàng mối quan hệ, trong khi có những đứa trẻ khác thì tôi gặp khó khăn. Kinh nghiệm này giúp tôi biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình và luôn luôn tự đặt mình trong tư thế lắng nghe một đứa trẻ khuyết tật.

 … ”Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được!” (1Côrintô 13,1-8).

 (”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, No 209, Janvier-Février 2016, trang 8-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

TỪ MỘT PHI CÔNG TRỰC THĂNG KHÔNG QUÂN VNCH TRỞ THÀNH LINH MỤC CÔNG GIÁO

TỪ MỘT PHI CÔNG TRỰC THĂNG KHÔNG QUÂN VNCH TRỞ THÀNH LINH MỤC CÔNG GIÁO

TRUC THANG
Adelaide: Lúc 10 giờ 00 sáng, thứ Bảy, ngày 06 tháng Hai, năm 2016, Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Philip Wilson đã chủ tế thánh lễ truyền chức linh mục cho thầy phó tế Giuse Nguyễn Long Hải tại nhà thờ chính tòa Saint Francis Xavier thuộc Tổng Giáo Phận (TGP) Adelaide, Nam Úc. Cùng đồng tế có Cựu Tổng Giám Mục Leonard Faulkner và 32 linh mục đang phục vụ trong TGP Adelaide.

Mở đầu thánh lễ, liên ca đoàn: Saint Patrick + Hy Vọng của cộng đoàn Việt Nam đã hát ca nhập lễ với bài thánh ca “God the Spirit, Guide and Guidance”. Bản thánh ca vừa chấm dứt, linh mục Paul Cashen MSC chánh xứ nhà thờ chính tòa đã lên chào mừng hai ĐTGM, linh mục đoàn, cùng tiến chức, thân nhân, quan khách và cộng đoàn. Cha Cashen nói lên ý nghĩa thánh lễ lúc 10 giờ 00 sáng nay, sau đó ĐTGM Philip Wilson bắt đầu cử hành thánh lễ bằng lời chào bình an đến cộng đoàn và xin mọi người cầu nguyện cách riêng cho tiến chức.

Phần phụng vụ, bài đọc sách thánh bằng song ngữ Anh Việt. Deacon Athony Hill công bố Phúc Âm.

Sau đó cha Philip Marshall tổng đại diện giáo phận đã gọi tên thầy Giuse Nguyễn Long Hải lên trình diện trước Đức Tổng Giám Mục chủ tế và xin Ngài phong chức linh mục cho thầy Hải.

ĐTGM chủ tế đã hỏi Cha Philip Marshall về tư cách, tác phong và đạo hạnh của tiến chức Nguyễn Long Hải, qua một thời gian dài tu học, xem thầy có xứng đáng được nhận lãnh thiên chức linh mục không?

Cha P. Marshall trả lời và xác nhận thầy Giuse Nguyễn Long Hải rất xứng đáng được truyền chức linh mục và thỉnh cầu ĐTGM phong chức linh mục cho thầy.

ĐTGM chủ tế chấp nhận lời đề nghị của Cha Tổng Đại Diện và tuyên bố sẵn sàng truyền chức linh mục cho thầy Hải trong giây phút sắp tới. Toàn thể Cộng Đoàn vỗ tay chúc mừng Tiến chức.

Tiếp tục phần phụng vụ, ĐTGM Philip Wilson chia sẻ Lời Chúa qua bài Phúc Âm thánh Luca 4:16-19, với chủ đề “Thần khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó”.

Sau bài chia sẻ Tin Mừng, ĐTGM Wilson cũng đã nói sơ qua về tiểu sử, cuộc hành trình ơn gọi và đời sống tận hiến của Tiến chức là thầy Giuse Nguyễn Long Hải. Chấm dứt bài giảng là nghi thức phong chức linh mục bắt đầu. Nghi thức phong chức linh mục gồm có các phần chính sau đây:

– ĐTGM chủ tế mời gọi tiến chức tiến đến gần Ngài và thẩm vấn tiến chức, có sẵn sàng ra đi rao giảng Lời Chúa và phục vụ tha nhân ở bất cứ nơi nào mà Thiên Chúa và giáo hội cần đến không?

– Lời tuyên hứa của tiến chức về sự vâng phục giáo quyền và quyền bính của giáo hội.

– ĐTGM Chủ Tế nắm tay tiến chức và cầu nguyện xin Thiên Chúa đổ tràn hồng ân xuống cho tiến chức

– Tiến chức được mời gọi nằm phủ phục, suy gẫm về sự hiến dâng thân mình cho Chúa trong thân phận mỏng dòn để xin các thánh phù hộ. Cộng đoàn hát “Kinh Cầu Các Thánh” xin ơn trợ giúp.

– Hết kinh cầu các thánh, Tân chức được mời đứng dậy, Chủ tế đọc lời cầu nguyện trên tiến chức

– ĐTGM Chủ tế đặt tay lên đầu Tiến Chức qua nghi thức tông truyền của giáo hội từ Chúa Kitô xuống trên các tông đồ của Chúa. Sau khi các Đức Tổng Giám Mục đặt tay cầu nguyện trên đầu tiến chức, các linh mục đoàn lần lượt xếp hàng đến đặt tay trên đầu Tân chức, diễn tả cùng ý nghĩa

-Kế tiếp Tiến Chức được Linh mục bảo trợ và hai thân nhân lên thay phẩm phục phó tế và mặc lên người bộ phẩm phục linh mục mới cho Tân chức.

– ĐTGM chủ tế xức dầu hai bàn tay của Tân Chức.

– Nghi thức trao sách thánh và trao chén thánh cho Tân Chức

ĐTGM chủ tế đọc lời nguyện trên Tân chức, kể từ hôm nay Tân Linh Mục Giuse Nguyễn Long Hải đã chính thức trở thành vị tư tế, cũng như thay mặt Thiên Chúa, phục vụ hội thánh và tha nhân.

Sau nghi thức truyền chức, Tân Linh Mục được hướng dẫn lên bàn thờ và cùng đồng tế thánh lễ với ĐTGM chủ tế. Nghi thức truyền chức chấm dứt, phụng vụ thánh lễ tiếp tục.

ĐTGM chủ tế và Tân Linh Mục cùng đồng tế, cho đến phần cuối của thánh lễ

Trước khi kết thúc thánh lễ Cha Tổng Đại Diện chúc mừng Tân Linh Mục và tuyên bố chào đón Tân Linh Mục Giuse Nguyễn Long Hải chính thức là thành viên trong linh mục đoàn của giáo phận.

ĐTGM Philip Wilson đã trao bài sai mục vụ cho Tân Linh Mục G. Nguyễn Long Hải đi làm phó xứ, giáo xứ Croydon Park, dưới quyền Cha chánh xứ Maurice Shinnick.

Tân Linh Mục ban phép lành đầu tay cho hai ĐTGM Leonard Faulkner & Philip Wison.

Tân Linh Mục ngỏ lời cám ơn đến toàn thể Cộng Đoàn và thân nhân, thân hữu.

Ban Tổ Chức thánh lễ mời hai ĐTGM, linh mục và quan khách sang hội trường tham dự tiệc mừng. Tân Linh Mục cắt bánh mừng ngày được thánh hiến.

Sau đó Tân Linh Mục trở lại nhà thờ chính toà, tiếp tục ban phép lành đầu tay cho các thân hữu và tín hữu đến tham dự thánh lễ truyền chức..

Thánh Lễ Tạ Ơn

Lúc 10 giờ 30 sáng, Chúa Nhật ngày 07 tháng Hai, rất đông tín hữu thuộc giáo xứ Croydon Park và quan khách đến nhà thờ Saint Mary Margaret tham dự thánh lễ Tạ Ơn do Cha Hải chủ tế. Trong thánh lễ có sự hiện diện của hai ĐTGM Leonard Faulkner và Philip Wilson.

Cùng đồng tế có Cha Maurice Shinnick chánh xứ giáo xứ Croydon Park nơi Tân Linh Mục sẽ phục vụ trong tương lai, Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ phó xứ nhà thờ chính toà St Francis Xavier, thầy phó tế Rev. Athony Hill và một Linh Mục thuộc nghi lễ công giáo Đông Phương.

Sau thánh lễ mọi người được sang hội trường tham dự tiệc mừng do giáo xứ và thân nhân khoản đãi.

Tiểu sử

Được biết Tân Linh Mục Giuse Nguyễn Long Hải sinh năm 1953

– Gia nhập Không Quân QL/VNCH khóa 72A (pilot) hoa tiêu trực thăng và được Bộ Tư Lệnh Không Quân VNCH gửi sang Hoa Kỳ thụ huấn khóa căn bản phi công bay trực thăng.

– Sau 30.4.1975 phi công Nguyễn Long Hải bị đi tù lao động cải tạo dưới chế độ cộng sản Việt Nam

– Anh Hải cùng với hai người em trai dời VN, vượt biển tìm tự do, trên chiếc thuyền mong manh chứa 70 người. Một tuần lễ lênh đênh trên biển cả, đã cặp vào giàn khoan dầu và được đưa đến trại tỵ nạn Malaysia, sau đó Cao Ủy tỵ nạn Úc nhận là người tỵ nạn, được chính phủ tiểu bang Nam Úc cho định cư tại thành phố Adelaide. Đến Úc tháng Ba, năm 1981.

– Được định nơi vùng đất mới, anh Hải đã phải bon chen vất vả, làm lại cuộc sống từ khởi đầu. Anh đã kinh qua nhiều ngành nghề.

Trong thời gian đang đi làm, anh đã xin theo học các khóa thần học part time.

Đáp lại tiếng Chúa mời gọi, anh Hải đã xin tu học và gia nhập hàng ngũ tu sĩ trong TGP Adelaide.

Sau khi tốt nghiệp các khóa thần học, anh Hải được ĐTGM Philip Wilson phong chức phó tế vĩnh viễn vào tháng Chín năm 2012.

Sau khi được truyền chức phó tế, thầy Giuse Nguyễn Long Hải được bổ nhiệm đến làm phụ tá mục vụ cho giáo xứ Croydon Park trong thành phố Adelaide, thủ phủ của tiểu bang Nam Úc và làm tuyên úy trong nhiều lãnh vực. Thầy Hải tiếp tục tu học cho đến ngày 06 tháng Hai năm 2016 thì được thụ phong linh mục.

Tân Linh Mục Giuse Nguyễn Long Hải đã trải qua 42 năm hành trình ơn gọi, tiến tới thiên chức. Cho đến nay, Tân Chức đã tròn 63 tuổi đời.

Hồng Điểu Jo. Vĩnh
VNAF DUST OFF

Chúa vô hình hiện hữu trong đời sống của con, Chúa ở cùng con

Chúa vô hình hiện hữu trong đời sống của con, Chúa ở cùng con.

Dongten.net

Maria Thu Hồ

(Hành trình đức tin của người ngoại đạo theo đạo và chính thức trở thành Một Ki-Tô Hữu)

prinprintsgraphic

Lạy Chúa Thánh Thần! Xin Ngài hãy đến giúp con và cùng viết với con bài viết này, nhằm để chia sẻ kinh nghiệm đức tin cho lớp học Kinh Lạy Cha nơi học viện Dòng Tên, là Nhà Dòng mà con rất yêu dấu. Con Tạ Ơn Chúa Thánh Thần.

Mỗi người sinh ra trên đời này đều có một con đường để đi, dẫu là đường đời hay đường đạo, sự xuyên suốt từ lúc khởi điểm đến cứu cánh là cả một hành trình, cần phải có thời gian mà ta thinh lặng ngoảnh nhìn lại, để tự rút ra bài học làm hành trang cho cuộc đời về nhân bản và tâm linh.

Con là người ngoại giáo, xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, đông anh em, sau khi tốt nghiệp chương trình học, con lập gia đình với người có đạo năm 1986 (lúc này con 26 tuổi), con đồng ý theo đạo chồng và hành trang con biết được Chúa trải qua 6 tháng học giáo lý hôn nhân- rồi rửa tội- thêm sức như bao nhiêu người theo đạo, thời gian trôi qua, trôi qua từng ngày, con vẫn trung thành với bài hát “Lạy Chúa! Con người ngoại đạo nhưng con tin có Chúa ngự trên cao” đối với con như thế là đủ.

Sau khi chịu các phép bí tích ấy, con lặng lẽ với danh phận là người đạo theo, là tân tòng … qua năm tháng con cũng sống như một người có đạo, nhưng trong con chỉ là những lề luật. Phải đi lễ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, nếu không sợ mắc tội trọng, rồi phải xưng tội … Còn những ngày lễ khác hầu như là không, con không biết gì hơn là cứ im lặng đứng cạnh “người ấy của con” mỗi khi đi lễ, không quan tâm lắng nghe Cha nói gì, mọi người chung quanh con đều đáp lại Amen, riêng con thì không (bởi vì con có nghe gì đâu mà đáp lại), ra về cũng chẳng muốn đón nhận “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” xuất phát từ nơi Cha ở phần cuối lễ. Rước lễ, cũng chỉ là một lề luật hình thức, con phải làm như mọi người thôi. Cuộc đời của một người có đạo như con là thế đấy.

Bây giờ con nghĩ lại, con rùng mình bởi sự hờ hững, vô tâm của con hết sức là quá lớn, là kinh khủng đến mức tàn nhẫn với công trình Cứu Chuộc của Chúa, thế mà Chúa vẫn chờ, vẫn đợi, đợi ngày con trở về, một sự kiên nhẫn bởi một tình thương cao cả, yêu đến tột cùng của Ngài, dẫn đến một ngày, cho đến một ngày Chúa không thể để mất con, một sự hư mất do con không biết Chúa.

Cho đến ngày con về hưu là tháng 6 năm 2015, con có tự nhủ với lòng: “Thôi thì việc đời công danh sự nghiệp đã dứt, bao nhiêu năm lăn lộn để cơm áo gạo tiền, thế là đủ” gác kiếm lại đi tìm một hội đoàn nào đó mà tham gia, để ít ra cũng được mọi người công nhận mình là người công giáo. Thế là con tham gia ở một nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện của một giáo xứ, trong khi tham gia con vẫn cầu nguyện với Chúa hàng đêm “Chúa ơi! Xin Chúa hãy cho con hiểu biết nhiều về Chúa, để con thật sự yêu mến Ngài như một tín hữu”. Sở dĩ con có sự cầu nguyện này bởi vì trong lòng con chưa có một tâm tình Mến Chúa, con rất lạnh lùng khi thấy mọi người ca tụng Chúa.

Bởi từ ngày theo đạo (chính xác hơn là theo đạo chồng, vì lấy chồng con mới theo đạo) con làm gì biết tin mừng là gì? Lời Chúa là gì? Cựu Ước-Tân Ước ra sao? Cho đến một ngày “Chúa gõ và con đã mở” lòng trí con đón nhận trong khao khát và con hiểu Chúa nhiều hơn qua tin mừng Thánh Gioan chương 13 câu 1, bửa ăn cuối cùng của Đức Giê-su và các môn đệ: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” đọc vừa dứt câu con đã bật khóc (con đã khóc như chưa bao giờ con khóc vì đọc lời Chúa cả). Thưa, con khóc vì tình yêu Chúa quá lớn vượt ra khỏi suy nghĩ của con. Trong bối cảnh ngày ấy, năm ấy Đức Giê-su biết rõ hơn ai hết, đây là bữa ăn cuối cùng mình không còn ở thế gian nữa, buổi tiệc chia tay các môn đệ về với Chúa Cha. Về với Cha mà sao Ngài lại mang một nỗi ưu tư, chính bởi vì Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. Tạ ơn Chúa, con yêu Chúa nhiều lắm.

Bây giờ con tập sống trong một gia đình Công Giáo, Con đơn sơ nghĩ rằng: Một gia đình thì gồm có Cha, có Mẹ và rồi còn có Thầy để dạy ta sống nữa. Thế là tự con thành lập một gia đình Công Giáo cho riêng con và con là thành viên chính thức trong gia đình ấy, Có Cha là Chúa Cha, có Thầy dạy con sống là Chúa Giê-su và có Mẹ là Chúa Thánh Thần (bởi vì mọi tâm tình, mọi ước muốn con đều xin Chúa Thánh Thần như là xin với Mẹ vậy), con vẫn thích gọi Abba, Rabbouni và Mom. Ngoài ra còn có một hội đoàn vững chắc luôn hổ trợ cho con là Thánh Gia. Thế là con yên tâm, con vững tin hơn trong cuộc sống. Con tìm đến các lớp học về Lời Chúa, về sự mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và học hỏi mỗi ngày ở nhiều nơi … Không thể ngồi yên được nữa, vì con đã có một giấc ngủ dài và rất dài suốt gần hết một đời người (60 năm cuộc đời, nay con đã 55 rồi còn gì), thế là con bắt đầu bước đi theo Chúa, bằng sự thì thầm hằng đêm : “Chúa ơi! Chúa Thánh Thần ơi! Xin Ngài hãy hướng dẫn con học những khóa cấp tốc như chúng con thường chạy vào các lớp luyện thi, Chúa nhé! Bởi vì muộn quá đối với tuổi đời của con”.

Ngày đầu bước vào đời sống Ki-tô-hữu, khi cầu nguyện với Chúa bằng tâm tình (như cuộc trò chuyện giữa con và Ngài, con nghĩ sao con nói với Chúa như vậy, không văn hoa, không dùng mỹ từ nào cả, bởi con có biết nói như thế nào cho hay đâu Chúa, Chúa hiểu lòng con mà), mỗi buổi sáng, con đã phải ngỡ ngàng hơn vì khám phá ra quá nhiều ơn sủng Chúa ban. Con cần phải quên đi những ngày đầu chập chững, con quyết sống sao cho những ngày đầu chỉ là ơn sủng còn non màu mạ, mỗi thời gian đi tới là chứa chan màu vàng của lúa đơm bông, của cây nho say trái. Con bỗng đột phá trong suy nghĩ: Ơn sủng Chúa ban thì hằng hà sa số, đủ-dư để đáp ứng cho con, lớp lớp thời gian Chúa không ngừng đổ rót. Để lãnh xin, sao con chỉ có đôi bàn tay bé nhỏ khép lại, sao hồn con cứ trống và tim con còn vơi. Phải rồi, phải mở toang ra những cánh cửa tâm hồn mà đón Chúa, cho dẫu trái tim con có bao nhiêu ngăn chăng nữa cũng xin dành trọn cho Chúa, Chúa ơi! (Con xác tín phải mến Chúa, rồi thì qua Chúa ắt sẽ yêu người) ngọn lửa tình yêu của Chúa sẽ châm ngòi cho trái tim con.

Con không thể lặng thinh như những ngày đã qua con sống cho con nữa, mà liên tục con hỏi Chúa: “Chúa ơi! Xin cho biết việc con phải làm theo Thánh ý Ngài và làm gì mong đẹp lòng Chúa, để giờ đây con không sống cho con mà là Chúa sống trong con. Tạ ơn Chúa, Con bắt đầu biến đổi:

Con bắt đầu, dự Thánh lễ Misa mỗi sáng lúc 5 giờ, Thánh lễ giờ đây với con rất ý nghĩa, con không còn dùng từ phải đi lễ nữa mà thay vào đó là được dự Thánh lễ, con lắng nghe lời Chúa và cả lời cầu nguyện của Cha, con đáp lời Amen, con hiểu được rước lễ là đón nhận Mình Thánh Chúa, với một tâm tình như một sợi dây ân tình hết sức là thiêng liêng khi đón nhận của Lễ.

Một khám phá mới trong con tiếp theo là trước khi ban bí tích Thánh Thể, Cha có đọc: “Bình an Chúa hằng ở cùng anh chị em – cộng đoàn đáp lại: Và ở cùng Cha – và rồi trong nghi thức Chúa đã phán rằng: Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau” như một lời đánh động Chúa nhắc nhở con: Động thái chúc bình an cho nhau, có nghĩa là mình đã tha thứ cho nhau, yêu thương nhau trước khi đón nhận Tình Yêu từ nơi Chúa, bởi vì không thể có được khi lòng ta muốn đón nhận tình yêu của Chúa, mà lại không muốn yêu thương tha nhân và làm sao mình chúc bình an nếu như lòng còn sự ganh ghét người cạnh bên. Thế là con học được chữ YÊU và THA THỨ từ nơi Chúa qua Bí Tích Thánh Thể (một Bí Tích Tình Yêu). Thật là tuyệt vời khi con nghiệm ra điều này và đây là động lực con tham dự Thánh Lễ sốt mến hơn.

Những khoảnh khắc trống trải hằng đêm và từng đêm con chọn lấy một câu trong bất chợt tin mừng nào, sau khi cầu nguyện Chúa Thánh Thần, rồi thường suy tư chiêm ngắm những mầu nhiệm mà Chúa đã làm cho con người.

Từ ngày theo Chúa, theo chồng, con thấy gánh nặng cuộc sống càng ngày càng nhiều, bổn phận lo cho cha mẹ, chồng con, cuộc sống. Nhưng điều an ủi con là con thấy có Chúa cùng ở với con, cùng đồng hành, nên con thấy bình an. Thập giá có tăng, nhưng ơn Chúa đủ cho con.

Lạy Mẹ Maria, con yếu đuối trước cám dỗ, con mỏng dòn trước các nghịch cảnh, con đường con đi luôn trơ trọi giữa thế gian, nhưng xin cho con được có Thánh Gia dắt dìu.

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn lấy mỗi một nẻo về, chỉ một cõi đi về là được về với Chúa, nơi có Chúa đang ngự trị.

Con viết bài này như chưa bao giờ con được viết về Thiên Chúa là Đức Chúa của con, luôn ẩn mình qua Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con. Mong rằng những điều con chia sẻ là một kinh nghiệm đức tin về Chúa, Chúa thực sự hiện diện, Chúa đang làm việc, đang sống, đang biến đổi con người con. Xin gởi chia sẻ này đến các bạn, cầu mong các bạn hãy là một Ki-Tô-Hữu đừng là người có đạo đơn thuần các bạn nhé!

Chúc Dòng Tên luôn mãi là Dòng Tên trong lòng mọi Ki-Tô-Hữu.

Chúc Thầy được đầy ân sủng Chúa trong ơn gọi.

Chúc các bạn trong lớp Cầu Nguyện Theo Kinh Lạy Cha, được nhiều ơn Thánh Thần, để qua Thần Khí của Chúa sẽ giúp các bạn đến gần Chúa hơn. Amen.

Maria Thu Hồ

Ngày 08/01/2016

Ba nữ tài tử xinh đẹp từ bỏ tất cả để trở thành nữ tu.

Ba nữ tài tử xinh đẹp từ bỏ tất cả để trở thành nữ tu

Làm sao để có một cuộc sống hạnh phúc? Điều gì khiến cuộc sống này đáng sống? Phải chăng đó là tiền tài, danh vọng, thành đạt…? Chúng ta không phủ định rằng những yếu tố kể trên không đem lại hạnh phúc cho con người nhưng nó không phải là tất cả. Và ai trong chúng ta cũng biết, cũng hay và cũng rõ, duy chỉ có Thiên Chúa, chỉ nơi Đức Ki-tô, con người ta mới có được một hạnh phúc tròn đầy và viên mãn.
Và cũng chỉ có cách hiểu như vậy thì chúng ta mới lý giải được lý do khiến ba nữ tài xinh đẹp được nói dưới đây quyết định từ bỏ tất cả để bước vào cánh cổng Tu viện. Họ bỏ lại sau lưng sự nghiệp, tiền tài, danh vọng để theo đuổi hạnh phúc trên con đường dân hiến.
1, Dolores Hart – “Nếu bạn được nghe những gì tôi đã nghe…”
Cô sinh năm 1938 và tên thật là Dolores Hicks. Cô đổi tên thành Dolores Hart khi bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình từ khi còn rất trẻ. Ở tuổi 18, cô đã là một nữ diễn viên trong vai người yêu của ông hoàng Rock & Roll – Elvis Presley trong bộ phim Loving you. Cô đã nhận được nụ hôn đầu tiên của Elvis trên màn ảnh.
Dolores còn đóng nhiều vai diễn khác nữa trong 9 bộ phim trong vòng 5 năm sau đó. Cô đóng phim cùng các diễn viên nổi tiếng như Stephen Boyd, Montgomery Clift, George Hamilton và Robert Wagner.
Dolores Hart (thời trẻ) và “ông hoàng Rock & Roll” Elvis Presley từng cùng xuất hiện trong hai bộ phim được thực hiện hồi thập niên 1950-1960.
24 tuổi, cô quyết định từ bỏ tất cả để bước vào nhà dòng khi trên đà trở thành một ngôi sao Hollywood. Sau này, cô giải thích rằng, lúc đó cô được đóng vai Thánh Clara trong bộ phim Thánh Phanxico Assisi. Cô đã được gặp Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII tại Ý trong thời gian quay bộ phim. Cô giới thiệu với Ngài rằng: “Thưa Cha, con là Dolores Hart, nữ diễn viên trong vai Thánh Clara”. Ngài trả lời rằng: “Không phải như vậy. Con chính là Thánh Clara thành Assisi.”
Fan hâm mộ và bạn bè của cô đã bị sốc và thậm chí còn phát điên khi họ nghe tin này. Hart nhớ lại: “Thậm chí, người bạn thân nhất của tôi là linh mục, cha Doody, nói rằng: “Cậu thật điên rồ. Quá dại dột khi cậu quyết định như vậy.” Một người bạn của cô còn viết là thư đầy tức tối sau khi cô nhập tu và cố gắng thuyết phục cô ra khỏi nhà dòng. Và cô đã trả lời rằng: “Nếu cậu đã từng nghe thấy những gì tớ được nghe, cậu cũng sẽ làm như tớ, sẽ tới đây mà thôi!”
 
Sơ Dolores Hart hiện nay
2, Olalla Oliveros – “Thiên Chúa chẳng bao giờ lầm…”
Olalla Oliveros là một siêu mẫu nổi tiếng người Tây Ban Nha. Cô cũng là diễn viên, hoạt động trong lĩnh vực gioi trẻ trong nước và quốc tế.
Sau khi ghé tham Fatima, Portugal – một linh địa mà Mẹ Maria đã hiện ra với ba đứa trẻ năm 1917, cô đã bị đánh động. Olalla nói, trong đầu cô hiện lên hình ảnh của mình trong bộ áo dòng giống các nữ tu và một vài điều nữa mà thoạt đầu cô cho là phi lý.
Cô không thể nào bắt theo những hình ảnh đó. Và rồi cô nhận ra rằng, Chúa đang gọi mình. Chúa đang gọi cô từ bỏ cuộc sống hiện tại để trở thành một nữ tu.
“Thiên Chúa chẳng khi nào nhầm lẫn cả”, cô nói. “Ngài hỏi tôi rằng tôi có theo Ngài không và tôi chẳng thể nào chối từ”.
Hiện tại, cô đang sống trong dòng Thánh Micae, một nhà dòng bán kín.
3, Amada Rosa Pérez – “Tôi đang sống trong bình an…”
Amada Rosa Pérez là một trong những siêu mẫu thành đạt và nổi tiếng nhất ở Colombia 10 năm trước đây, trước khi cô “mất tích” khỏi công chúng. Sau 10 năm, cô quay trở lại và giải thích cho mọi người về sự vắng bóng của mình. Cô đã có một cuộc chuyển mình lớn và giờ Amada đang sinh hoạt trong Tu hội Đức Mẹ. (Tuy nhiên, cô không phải là một nữ tu mà chỉ cộng tác trong đó).
Trên đỉnh cao của sự nghiệp, cô được chẩn đoán là mắc bệnh về thính giác. Việc này đã khiến cô tự đặt một câu hỏi về cuộc sống hiện tại của mình. Cô nói: “Tôi cảm thấy tuyệt vọng, mất phương hướng và ngập chìm trong những thú vui thoáng qua… Tôi luôn băn khoăn để tìm kiếm lẽ sống nhưng cuộc đời lại chẳng trả lời giúp tôi.
Giờ đây, cô thường xuyên tham dự Thánh LỄ, đi xưng tội, đọc kinh Mân Côi và kính Lòng Thương Xót Chúa. “Trước đây, tôi luôn trong tình thế gấp gáp, vội vàng, căng thằng là dễ phiền muộn”, cô giải thích. “Thế nhưng, giờ lại khác. Tôi được sống trong bình an, thế gian kia chẳng còn đủ sức để cám dỗ tôi được nữa. Bởi, tôi luôn yên và quý trọng tựng phút giây mà Thiên Chúa ban tặng.”
Cô cũng nhận định là điều gì mới thực sự làm nên một hình tượng “người mẫu”. Cô chán ghét với một hình tượng chỉ được cái vẻ bên ngoài. Thực sự, đó là một thế giới của sự giả tạo, hình thức, dối trá, đạo đức giả và sự lừa gạt. Một xã hộ đầy dẫy những điều vô luân, bạo lực, dâm tục, ma túy, đánh hại nhau, một xã hội tôn thờ tiền tài, tình dục và lừa dối.
“Tôi muốn trở thành một người mẫu, người mà giúp cho nhân phẩm của người phụ nữ được coi trọng chứ không phải là để với mục đích thương mại”.