Phép lạ Hiroshima – Nhật Bản.

 Phép lạ Hiroshima – Nhật Bản.

– Các tu sỹ dòng Tên sống sót sau vụ ném bom nguyên tử nhờ lần hạt Mân Côi.

Đã 70 năm trôi qua, kể từ khi lần đầu tiên và duy nhất, vũ khí hạt nhân nổ ở Hiroshima ngày 06-8, và Nagasaki ngày 09-8-1945.

Cuộc tấn công nguyên tử lên thành phố Hiroshima đã giết hại khoảng 80 ngàn người ngay lập tức, ngoài ra cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 130 ngàn cái chết khác, hầu hết là dân thường. Cuộc tấn công vào thành phố cảng Nagasaki đã giết hại ngay lập tức khoảng 40 ngàn người, và hủy hoại 1/3 thành phố.

Bốn tu sỹ dòng Tên sống gần tâm nổ của quả bom thả xuống Hiroshima, nhưng họ đã sống sót qua thảm họa, và phóng xạ đã gây nên cái chết của hàng ngàn người suốt nhiều tháng sau đó cũng không có tác hại gì trên họ.

Các linh mục dòng Tên gồm Hugo Lassalle, Hubert Schiffer, Wilhelm Kleinsorge, và Hubert Cieslik, đang ở trong nhà xứ của nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, một trong số ít những toà nhà đứng vững sau vụ nổ hạt nhân này.

Cha Cieslik viết trong nhật ký rằng họ chỉ bị thương nhẹ do các mảnh kính vỡ, nhưng không chịu bất kỳ tác hại nào từ năng lượng nguyên tử cả.

Bác sỹ chăm sóc cho họ sau đó đã cảnh báo rằng phóng xạ mà họ hứng phải sẽ gây nên các tổn thương nghiêm trọng, bệnh tật và cái chết không xa.

Nhưng chuẩn đoán này không bao giờ ứng nghiệm. Không một biến chứng nào xảy ra, và vào năm 1976, cha Schiffer dự Đại hội Thánh Thể ở Philadelphia, và kể về chuyện đời mình. Cha xác nhận rằng 3 tu sỹ dòng Tên khác vẫn còn sống mà không bị bệnh tật gì. Đã có vài chục bác sỹ, khám đi khám lại hơn 200 lần, nhưng vẫn không dò thấy bất kỳ dấu vết phóng xạ nào trong người các cha dòng Tên này.

Cả 4 cha đều tin chắc rằng họ đã được Chúa và Đức Trinh nữ Maria che chở.  ‘Chúng tôi sống thông điệp Fatima và lần hạt mỗi ngày.’

J.B. Thái Hòa  chuyển ngữ

Anh chị Thụ & Mai gởi

Chạm vào vạt áo Chúa

Chứng từ chia sẻ sau khi hết bịnh băng huyết.

 Chạm vào vạt áo Chúa

Suốt từ năm 2008 đến 2014 tôi bị bệnh băng huyết, tôi có cục bướu xơ cứng ở dạ con nên mỗi tháng khi hành kinh, tôi bị xuất huyết xối xả, phải vào bệnh viện cấp cứu và tiếp máu. Bác sĩ không mổ vì nói bướu còn nhỏ, chờ đến sau 50 tuổi nó sẽ tự động teo, nhưng tôi phải sống trong tình trạng mỗi tháng xuất huyết gần cả tuần.

Có một lần tôi vào phòng cấp cứu nặng, bác sĩ nói «chỉ cần đến trễ một giờ là chết, vì không đủ máu vào tim». Chỉ số máu của phụ nữ bình thường là 200, tôi chỉ có 60. Tôi gầy nhom, xanh xao như chiếc lá vàng vì thiếu máu trầm trọng. Tôi nghĩ làm vì không đủ sức ra khỏi nhà. Giữa tháng 7 nóng nảy mà tôi mặc áo măng-tô mùa đông, tay mang găng tay, cổ quấn khăn quàng nhưng vẫn lạnh căm căm và run lẩy bẩy, tôi không ăn uống được, chỉ thèm một miếng thịt bò bít-tếch.

Tôi phải lót bao rác đen trên giường nằm vì máu chảy liên tục. Tôi thều thào, tôi không còn sức nói chuyện, mệt lã người, tôi nằm liệt, không nhúc nhích.

Lúc đó tôi chưa rửa tội, chưa biết Chúa, tôi chỉ biết bám vào cha Diệp. Tôi khấn với cha Diệp rất đơn sơ, qua một tấm hình trên Thời Báo.

Khi ở phòng cấp cứu, tôi gặp một bác sĩ trẻ, ông chích một mũi thuốc, máu cầm tức khắc. Mũi thuốc này tốn 1000$, bảo hiểm trả 800$ và tôi trả phần còn lại. Cứ ba tháng, tôi chích một lần. Tôi khỏe mạnh và đầy đủ máu trở lại trong vòng năm năm từ 2008 đến 2013. Thời gian này tôi rất kính mến cha Diệp, cha đã cứu tôi qua được cảnh thập tử nhất sinh. Nhưng bác sĩ cho biết, không thể chích thuốc cầm máu này mãi, nó sẽ làm thay đổi kích thích tố và có nhiều phản ứng phụ. Ông khuyên ngưng chích một lần. Và thật là tai hại, tôi bị băng huyết lại, lại đi cấp cứu, lại chích thuốc cầm máu.

Tháng 9 năm 2014, vợ chồng tôi đi học giáo lý, thầy Lâm dạy giáo lý khuyên chúng tôi nên về nhà xem phim «Chúa Giêsu» để biết cuộc đời và cái chết của Ngài.

Lần đầu tiên trong đời chúng tôi xem phim Chúa. Khi đến đoạn «người đàn bà bị bệnh hoại huyết ngồi bên đường nắm vạt áo Chúa Giêsu khi Ngài đi ngang qua, và bà lành bệnh.» Tôi nghe Chúa nói câu: «Đức tin của con đã cứu con», tôi bật khóc vì chính tôi cũng đang bị bệnh giống bà. Tôi ngưng đoạn phim đó, vừa khóc rưng rức vừa đặt tay mình vào màn hình có vạt áo Chúa trong phim, tôi kể với Chúa: «Chúa Giêsu Kitô ơi, 2000 năm trước Chúa đã chữa lành cho người đàn bà này thoát chết, thì bắt đầu từ hôm nay, bằng quyền năng vô song của Chúa, xin Chúa chữa lành cho con vĩnh viễn, để con không bị tái lại, để con không phải bị chích thuốc và không đi cấp cứu. Nếu con chết lúc này khi chưa được vô đạo thì làm sao con có thể viết lại chứng từ về giấc mơ Chúa dặn dò, nhất định Chúa muốn con phải sống để làm chứng cho Chúa, con tin chắc chắn như vậy.»

Và thật lạ lùng, bàn tay tôi bỗng dưng nóng hổi, khắp người tôi như có ngọn lửa âm ỉ hâm nóng toàn thân. Và tâm linh tôi trở nên rất mạnh mẽ, tôi thầm thì với Ngài: «Con đặt trọn vẹn niềm tin vàp Đấng Tối Cao chữa lành cho con qua lời cầu bàu của cha Diệp.»

Từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 12-2016, tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh, không chích thuốc, không vào cấp cứu, tôi đủ máu để sống, hăng say làm việc, vui tươi hớn hở, tôi cảm nghiệm như có một sức mạnh vô hình bao quanh tôi.

Và tôi giữ lời hứa với Chúa, nhiệt tình đi nhiều nơi chia sẻ ơn Chúa.

Tình cờ ngày 13 tháng 11-2016, tôi chia sẻ ơn lành này cho chị Tuyết và nhóm tân tòng vô đạo năm 2015 ở nhà thầy Lâm, cha mẹ đỡ đầu của tôi. Chị Tuyết cho tôi biết, Hồng con gái của chị cũng đang bị bệnh băng huyết 7 tháng nay, cứ ra vào nhà thương và đang trầm trọng, xanh xao như xác chết. Nhưng Hồng không chịu chích thuốc theo toa bác sĩ vì một mũi thuốc 1000 đồng đắt quá. Chị Tuyết sợ con gái chết, chị khóc lóc đau khổ vì không biết làm sao cứu con mình được sống khỏe mạnh lại như xưa. Tôi rủ chị đi nhà thờ St-Marc của cộng đồng Việt Nam, đặt tay chị vào vạt áo tượng Chúa, tôi khấn nguyện và kêu chị cùng đọc theo: «Lạy Chúa là Cha nhân lành, năm 2014 Chúa đã chữa cho con, từ hôm nay xin Chúa chữa lành bệnh băng huyết cho Hồng con của chị Tuyết bằng đôi tay ấm áp ân cần tuyệt diệu của Chúa. Con cầu xin điều này nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen».

Hai tuần sau, ngày 27 tháng 11-2016, Hồng đã có sức khỏe và đi Mỹ thăm bà con với chị Tuyết. Ngày 10 tháng 12, chị Tuyết vừa điện thoại cho tôi vừa khóc, chị cho biết, «bác sĩ đã thử máu cho Hồng và nói tốt, ông đã cho Hồng đi làm lại. Chị cho biết Hồng đã vui tính lại vì suốt 7 tháng qua phải nằm nhà.»

Cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót đã chữa lành bậnh tật cho con và con cũng xin Chúa chữa lành bệnh tật cho Hồng để Hồng bình phục hoàn toàn, không tái phát lại.

Rất yêu kính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Anna Maria Phanxicô Dung Nguyễn

12-12-2016

From: Hang nguyen & Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Luyện Ngục Ở Đâu

Luyện Ngục Ở Đâu

L.m. Mark, CMC

* Kinh Thánh không nói rõ Luyện ngục ở đâu, nhưng chắc chắn phải có một nơi nào đó để giam giữ các linh hồn cần thanh tẩy trước khi vào Thiên đàng.

* Giáo hội dạy: “Luyện ngục là một nơi và là một tình trạng thanh tẩy tạm thời mà nhiều linh hồn phải chịu phạt ở đó” (FCD p.482).
– Luyện ngục ở trong lòng đất:

* Theo ý kiến chung các nhà thần học như Thánh Augustinô, thánh Bêđa, Bellarminô… thì Luyện ngục ở trong lòng trái đất.

* Theo thánh Tôma Aquinô thì “Ý kiến có thể nhận được, và thấy hợp với những lời các thánh được mạc khải tư là Luyện ngục có hai nơi: một nơi dành chung cho các linh hồn, nơi này gần hoả ngục hơn; một nơi dành riêng cho một số trường hợp không thông thường, từ nơi này nhiều linh hồn được phép hiện về” (Purgatory p. 9).

* Thánh nữ Têrêsa Avila thương các linh hồn Luyện ngục cách đặc biệt. Bà hay giúp các linh hồn bằng lời cầu nguyện, hi sinh và việc từ thiện. Ðể thưởng công, Thiên Chúa thường cho bà được thấy các linh hồn lúc ra khỏi Luyện ngục về Thiên đàng. Các linh hồn này từ lòng đất đi ra. Bà thánh viết: ” Tôi được tin một Bề trên Tỉnh dòng mà tôi quen biết đã qua đời. Khi còn sống ngài đã giúp tôi nhiều. Dù vị tu sĩ này được coi là có nhiều nhân đức, nhưng tôi thấy cần cầu nguyện cho linh hồn ngài, bởi ngài làm Bề trên trong thời gian 20 năm, nên tôi e ngại nhiều về việc săn sóc các linh hồn đã được trao phó cho ngài. Phiền muộn, tôi đi tới nhà Nguyện dâng lên Chúa chút việc lành đã làm, và van nài công nghiệp vô cùng của Chúa, xin giải thoát linh hồn vị Bề trên này khỏi Luyện ngục. Trong khi tôi đang sốt sắng khẩn nài như vậy, tôi thấy vị Bề trên này từ lòng đất đi lên phía bên phải tôi, rồi lên thẳng Thiên đàng cách vui vẻ. Vị Bề trên này đã cao tuổi, nhưng tôi thấy dáng người như ở tuổi ba mươi, vẻ mặt rạng ngời ánh sáng. Thị kiến này xảy ra rất ngắn, nhưng tôi không nghi ngờ chút nào về sự thật tôi đã được thấy. Dù ở xa chô ngài qua đời, đôi khi tôi cũng cảm thấy cái chết của ngài, nước mắt ngài chảy ra và khiêm tốn phó mình cho Thiên Chúa.

“Một nữ tu dòng tôi, qua đời chưa được hai ngày, khi chúng tôi đang đọc kinh nguyện cho chị, tôi thấy linh hồn chị đi từ lòng đất lên thẳng Thiên đàng.

“Cũng trong tu viện này, một nữ tu khác quãng 18 đến 20 tuổi mới qua đời. Chị thật là một mẫu gương sốt sắng, kỉ luật và nhân đức. Ðời chị đã chịu nhiều đau khổ, bệnh nạn cách rất kiên trì. Tôi không nghi ngờ gở khi thấy cuộc sống như vậy, nghĩ rằng chắc sẽ khỏi phải vào Luyện ngục. Tuy nhiên, sau khi chị qua đời mười lăm phút, lúc chúng tôi đang cầu cho chị trong nhà Nguyện, tôi thấy linh hồn chị từ lòng đất bay thẳng về trời” (Purgatory p. 11-13).

* Theo hạnh tích thánh Lui Bertrand dòng thánh Ðaminh do cha Antist cùng dòng và sống cùng thời với thánh nhân viết trong cuốn Acta Sanctorum kể rằng: ngày 10 tháng Mười năm 1557, khi thánh Bertrand trông coi tu viện tại Valenti, cả thành phố bị ôn dịch. Cơn dịch khủng khiếp lan nhanh như vũ bão đe dọa sinh mạng mọi người. Trong tu viện của ngài có cha Clement ước ao được chết cách thật thánh thiện, đã xưng tội chung với thánh nhân, cha còn nói: Thưa cha, nếu con chết bây giờ, con sẽ hiện về cho cha biết tình trạng của con ở đời sau”. Cha Clement đã chết thật. Ðêm hôm sau ngài hiện về với thánh nhân. Cha nói rằng cha đang ở trong Luyện ngục để đền một số tội nhẹ, và nhờ thánh nhân xin cộng đồng tu viện cầu cho mình. Thánh Bertrand lập tức đi xin anh em cầu nguyện và dâng thánh lễ cho cha Clement. Sáu ngày sau, một người dân trong thành, không hay biết gì về cha Clement đã qua đời, đã tới xưng tội với cha Betrand, cho biết là linh hồn cha Clement mới qua đời đã hiện về với mình. Ông thấy đất mở ra, và linh hồn cha Clement bay thẳng về trời giống như một ngôi sao rực sáng” (Purgatory p. 13-14).

* Trong hạnh tích bà thánh Madalena de Pazzi, cha linh hồn bà là Cepari dòng Tên có ghi lại rằng: Bà thánh đã được chứng kiến một nữ tu trong dòng chết ít lâu trước. Một hôm, khi thánh nữ đang qùi chầu Mình Thánh, ngài thấy linh hồn nữ tu đã qua đời từ Luyện ngục trong lòng đất đi lên. Nữ tu khoác chiếc áo choàng lửa, bên trong là chiếc áo choàng sáng láng che chở cho nữ tu khỏi nóng rát. Nữ tu qùi hàng giờ tại chân bàn thờ, thờ lạy Chúa ẩn mình trong hình bánh. Ðây là giờ đền tội cuối cùng trước khi nữ tu được bay thẳng về trời”.

– Ðền tội tại nơi phạm lỗi:

Ngoài nơi nhất định là trong lòng đất như trên, một vài Chân phước còn cho biết thêm: Không những bị phạt trong Luyện ngục, mà có khi còn bị phạt tại một nơi nào đó, có khi gần mồ mả, gần bàn thờ Mình Thánh Chúa, có khi trong căn phòng nơi có người cầu nguyện cho mình, có khi ngay tại nơi linh hồn đã phí phạm thời giờ khi còn sống.

* Chân phước Frances Thánh Thể đã thấy linh hồn các nữ tu chịu cực hình ngay tại phòng ngủ, tại nơi hát kinh của Tu viện, nơi các nữ tu đã phạm lỗi ngày trước.

* Chân phước Benađô Colagno dòng Tên thấy một linh hồn bị phạt 43 năm tại một đường phố thành Rôma.

Bàn tay linh hồn hiện về in vào tường trước khi trở lại Luyện ngục. Hình trên hiện còn giữ tại Nhà thờ Luyện ngục tại Rôma

L.m. Mark, CMC

Anh chị Thụ & Mai gởi

QUYỀN NĂNG CỦA LỜI CHÚA

QUYỀN NĂNG CỦA LỜI CHÚA

Pha-mát là tên cướp nổi danh tại một vùng ở Ấn Ðộ. Hắn và đồng bọn thường cướp đoạt và tẩu thoát rất nhanh khi đã lấy của hay giết người.

Một ngày nọ Pha-mát vào cướp một ngôi nhà. Sau khi đã lấy của, hắn nhìn lại một lần chót trước khi bước ra. Hắn thấy một cuốn sách nhỏ bìa đen, giấy thật mỏng, hắn nhặt bỏ túi vì cho là để dùng quấn thuốc lá hút rất tốt.

Mỗi buổi tối hắn xé ra một trang giấy cuốn thuốc lá và hút. Một hôm hắn nhận thấy mảnh giấy xé ra có chữ in thật nhỏ. Tò mò, hắn cầm lên đọc trước khi cuốn thuốc lá hút. Hắn đọc mãi thành thói quen. Tối nào cũng đọc trước khi hút thuốc rồi đi ngủ.
Một buổi tối sau khi đọc xong trang sách, hắn bỗng để lại trang sách trong cuốn sách đó và quì gối xin Chúa Giêsu tha tội và cứu hắn như Chúa đã cứu tên cướp khi xưa cùng bị treo bên cạnh Chúa… Sau đó, hắn cảm thấy bình an vô cùng.

Hôm sau hắn ăn mặc tử tế, đến trình diện trạm cảnh sát ở gần nhà hắn. Ai cũng ngạc nhiên. Hắn kể lại từ đầu và vui vẻ chờ tòa xử án, không sợ hãi gì cả. Hắn bị tù mấy năm.

Trong thời gian ở tù, hắn cứ tiếp tục đọc phần còn lại của cuốn sách nhỏ ấy và còn kể lại cho các bạn tù nghe nữa. Dần dần hắn giúp cho nhiều người tù cũng biết đến Chúa Giêsu và tin nhận Ngài.

Hắn đã đọc cuốn sách nào vậy? Ðó chính là cuốn Thánh Kinh Tân Ước. Chỉ có cuốn sách này mới thay đổi được tên cướp ghê gớm như Pha-mát.

Quyền năng của Lời Chúa thật là huyền nhiệm. Vì vậy Thánh Kinh được gọi là Lời Sống.

Sưu Tầm

Anh chị Thụ & Mai gởi

THÁNH THỂ TRONG CUỘC SỐNG TÍN HỮU

Tình CHÚA Cứu Độ không ngơi

Quay lại bên CHÚA …đời đời trường sinh

…………………………………… 

THÁNH THỂ TRONG CUỘC SỐNG TÍN HỮU

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Vâng, đúng thế! ”THIÊN CHÚA yêu thương thế gian đến độ gởi Con Duy Nhất xuống trần, để bất cứ ai tin vào Ngài thì không bị hư mất nhưng được sống đời đời”, Gioan 3,16.

Ngay từ thiếu nữ tôi đã quay lưng với THIÊN CHÚA và sống cuộc đời buông thả, tự chọn mình làm trung tâm cuộc sống. Tôi phải xấu hổ thú nhận:

– Tình trạng sống tội lỗi của thế gian lôi cuốn quyến dũ tôi hơn sự thanh khiết thánh thiện của Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Cứ thế dòng đời trôi qua hết ngày này sang ngày khác.

Thỉnh thoảng có vài cơ hội xuất hiện và nhóm bạn bè kéo tôi trở lại nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Tôi có mặt lấy lệ và hoàn toàn dửng dưng của kẻ ngoài cuộc. Thế nhưng tận thâm tâm, tôi vẫn không bỏ quên tất cả nền giáo dục tôn giáo hấp thụ từ thơ bé trong một gia đình Công Giáo đạo đức.

Thế rồi mọi sự đảo lộn hết vào tháng 6 năm 1982. Mẹ chồng tôi bị ung thư sắp chết. Vào cùng thời điểm này Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) viếng thăm mục vụ Scotland. Mẹ chồng sống như kẻ vô thần, nghĩa là không tin tưởng gì ráo trọi. Nhưng bà lại là người rất tốt. Vì thế tôi rất thương mến quí trọng mẹ chồng. Vì quí mến mẹ, nên với tư cách tín hữu Công Giáo, tôi cảm thấy xôn xao dằn vặt với ý nghĩ:
Chả lẽ mẹ ra đi về thế giới bên kia mà không hề biết có Đấng Cứu Thế từng hiến dâng mạng sống để cứu chuộc loài người sao?

Thương mẹ chồng, tôi muốn cứu linh hồn mẹ bằng mọi giá.

Rồi bác sĩ trịnh trọng loan báo hung tin: bà chỉ còn vỏn vẹn một tuần để sống! Toàn thể gia đình chúng tôi cùng tha thiết kêu xin THIÊN CHÚA cứu sống mẹ. Riêng tôi, tôi tức tốc đến nhà thờ cầu nguyện cho mẹ chồng.

Trong vòng một tiếng đồng hồ, tôi quì gối trước Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể cầu xin cho mẹ chồng thoát chết và ăn năn trở lại cùng THIÊN CHÚA. Tôi cầu nguyện với trọn tâm lòng và làm một cuộc giao kèo với Chúa. Trong giây phút nồng nhiệt tột độ tôi sẵn sàng đánh đổi mạng sống để xin cho mẹ chồng được sống.

Tôi đâu ngờ chỉ một giờ quì cầu nguyện trước Thánh Thể ấy đã tuôn đổ bao ơn lành xuống trên cả 2 mẹ con tôi.

THIÊN CHÚA thật khôi hài! Ngài không cất mạng sống tôi đi để trao cho mẹ chồng. Nhưng Ngài biến đổi mạng sống tôi, cùng lúc, Ngài giải thoát và lay động cuộc sống mẹ chồng. Mẹ chồng khỏi hẳn bệnh ung thư và xuất viện. Các bác sĩ ngỡ ngàng trước cuộc khỏi bệnh lạ lùng của mẹ chồng tôi.

Khỏi bệnh, mẹ chồng tôi thay đổi hẳn cuộc sống. Mẹ sống tình vợ chồng mặn mà thắm thiết, lợi dụng thời gian sống bên nhau để làm đẹp lòng nhau. Mẹ sống thêm một năm tràn đầy tình thương. Sau đó mẹ qua đời trong ân nghĩa cùng Chúa nơi nhà thương Thánh Columbus ở Edinburgh.

Về phần tôi, cuộc sống cũng đổi khác. Nhờ kinh nghiệm tỏ tường Tình Yêu THIÊN CHÚA, tôi gia tăng tình thương đối với chồng con. Rồi tôi nhận ơn an bình sâu thẳm, niềm an bình tôi chưa bao giờ hưởng nếm trước đó.

Tôi cũng được ơn yêu thích cầu nguyện và ơn ăn năn tội. Tôi nhớ lại thời gian sống buông thả chìm đắm trong tội lỗi. Tôi thật lòng thống hối và xin THIÊN CHÚA tha thứ mọi tội lỗi. Ơn Chúa không dừng lại nơi riêng tôi nhưng còn đổ tràn trên toàn thể gia đình. Chúng tôi tiếp tục sống trong ơn nghĩa Chúa cho đến hôm nay.

Giờ đây khi hồi tưởng quá khứ, tôi thâm tín sâu xa:

–         Chỉ duy nhất THIÊN CHÚA mới thực hiện những điều Ngài làm cho cuộc đời chúng tôi. Chỉ lòng nhân lành THIÊN CHÚA mới có thể biến đổi tâm lòng chúng tôi và tiếp tục biến đổi mãi. Ước chi cuộc sống mỗi người là lời tôn vinh THIÊN CHÚA và là chứng tá cho Tình Yêu cứu độ của THIÊN CHÚA đối với loài người.

–         Chứng từ của bà Maria Bartlett sống tại Kinross miền Tayside bên nước Scotland.

     … ”Khốn thay kẻ nào đào sâu giấu kỹ, không để cho THIÊN CHÚA thấy ý định của mình. Khốn thay ai hành động trong bóng tối và tự nhủ: ”Ai thấy được, ai biết được ta?” .. Vì thế, THIÊN CHÚA phán thế này: “Từ nay Giacóp sẽ không còn phải xấu hổ, từ nay nó sẽ không còn bẽ mặt thẹn thùng, vì khi Giacóp nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Giacóp là Thánh, và sẽ kính úy THIÊN CHÚA của Israel. Những người tâm trí lầm lạc sẽ có được sự hiểu biết, và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy”(Sách Isaia 29,15+22-24).
(Sister Patricia Proctor, OSC, ”201 Inspirational Stories of The Eucharist”, Franciscan Monastery of Saint Clare, Spokane, Washington, 2004, trang 62-63)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nguồn Đài Vatican

(http://www.oecumene.radiovaticana.org)

Anh chị Thụ & Mai gởi

CHỨNG TỪ CỦA THẦY PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN, DCCT (Tu Hiệu Lêônard)

CHỨNG TỪ CỦA THẦY PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN, DCCT (Tu Hiệu Lêônard)

#GNsP – Tôi là Phêrô Hồ Văn Quân, sanh ngày 24-09-1937 tại ấp Long-An, Xã Long-Phú, Quận Long-Mỹ, Tỉnh Rạch Giá. Tôi lớn lên thời chiến tranh đầy lo âu sợ hãi. Hồi nhỏ tôi được đi học trường Họ Trà Lòng do các Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng dạy. Tới năm 1951, vì muốn đi Chủng Viện, nên tôi phải trốn tránh rời khỏi quê và theo Cậu là Thầy Jean Dòng Thánh Gia Banam đi học nơi cậu dạy là Kon-Pong-Cham. Cũng tại đây tôi được chịu phép Thêm Sức ngày 22-04-1951 do ĐC Joseph Chapalier, GM Nam Vang. Từ năm 1952-1956, tôi về Banam học chuẩn bị vào Đệ Tử Dòng Thánh Gia. Nhưng bị đau bệnh quá nên phải trở về Việt-Nam. Khỏi bệnh, tôi muốn vào dòng khổ tu, nhưng nội tôi không cho vì thấy tôi yếu quá.

Sau đó tôi xin vào DCCT tại Sài-gòn. Khi vào DCCT, tôi lại rất khỏe, lao động tốt. Đến ngày 17-03-1958 tôi được đi Đàlạt vào Nhà Tập. Cha Giáo Tập là Cha Camille Dubé, Cha Phó là Cha Andrê Nguyễn Quang Kiêm. Trong năm Nhà Tập, nhiều lần chúng tôi được đi dạo vùng Blao và Phi-Yang. Có lần Cha Giáo Tập hỏi ai muốn đi Phi-Yang. Tôi dơ tay xung phong vì tôi thấy người Thượng thật đáng thương, tuy các Thầy Già nói ở đó rất nguy hiểm. Tôi khấn dòng ngày 19-03-1959 thì ngày 21-03-1959 tôi được phân công đi Phi-Yang. Tôi tới Phi-Yang ngày 22-03-1959 ở với Cha Antoine Lapointe và Thầy Nicôla Đền. Thầy Nicôla Đền lo tổng quát, còn tôi đi phá rừng với anh em dân tộc để học tiếng. Khi Cha Benoit thay thế Cha Lapointe đi nghỉ ở Canada, tôi xin ngài cho tôi tiếp tục học tiếng, thì ngài nói bắt buộc phải học tiếng. Sau đó tôi được phân công về trung-tâm vừa dạy tiếng Việt cho các em dân-tộc vừa làm giám thị.

Vào năm 1962, chiến trận lây lan, công việc mệt nhọc là di dân về chỗ an toàn. Tập trung về một điểm như ở Dà-Mpao thì lạixảy ra bệnh tật như ỉa chảy vàsởi nơi trẻ em. Người thượng lại không biết kiêng cữ. Cho nên tôi vừa phải đưa các em đi nhà thương vừa phải đưa các em đi chôn. Có ngày tôi phải chôn tới 10 em. Rất khổ tâm. Tôi chịu không nổi muốn xin nghỉ một chút, nhưng các cha nói: Thầy nghỉ, ai lo?

Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, chúng tôi càng ngày càng lao đao với dân. Một địa điểm tập trung lớn là Srê-Dờng (bao gồm dân Bơtong, Kềng-Dà, Ryông-Tô, Phi-Sur) trở thành bãi chiến trường và bị xóa sổ (1968). Cha Tài, từ 1960 ở Phi-Yang rồi Koya, Liên-Khương, Srê-Dờng, kiêm Dà-Mrac, Nreng, Kon-Pang, Kon-Phang, Atô, đến sau Phục-Sinh 1969, ngài rủ tôi đi tìm một chỗ mới cho đàn em sau này. Tôi đồng ý ngay. Những gì tiếp diễn sau đó, phần lớn anh em đã biết, tôi không kể lại chi tiết ở đây. Tôi chỉ có thể nói là tôi tin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng tôi từng bước và Pleikly là Đất Hứa, vì Chúa đã “làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay dám nghĩ tới.” (Ep 3,20)

Tới Pleikly ngày 10-10-1969, chúng tôi cùng ở trong căn phòng dành cho dê vì không có chỗ ở trong nhà nào cả. Chúng tôi cùng đi làm và đi học tiếng với dân. Đến Giáng Sinh năm đó chúng tôi dọn qua một căn nhà sàn cất tạm xong trong Pleikly. Tôi và anh Tín thường cùng đi làm ruộng làm rẫy với dân. Năm 1970, Cha Tài mua một máy cày tay hiệu Kubota cho hai anh em tôi làm nông, mục đích thử nghiệm xem có thể sử dụng cho anh em Jarai không. Chúng tôi cày thử trên đất rẫy đến đầu năm 1971 thì thử nghiệm trên đất ruộng. Chúng tôi thấy cần phải cải tiến nhiều mới sử dụng được cái máy cày tay đó. Nhưng chưa kịp cải tiến thì xảy ra chiến sự tháng 3 năm 1971. Tôi chạy thoát còn Thầy Đàn, Mầu, Tín bị bắt đem vào rừng. Bề Trên cho tôi ở nhà Huế. Năm 1972 gặp “mùa hè đỏ lửa” lại chạy về Đà-Nẵng, rồi chạy vào Sài-Gòn và về Vĩnh Long giúp Đệ Tử.

Đến năm 1973, tôi trở lại với anh em ở Pleikly. Thời này theo sự hướng dẫn của Cha Phán, tôi cùng với anh em lập ra những tổ sản xuất. Riêng tôi phụ trách tổ các Bà Góa làm lò than. Khi lập các tổ sản xuất Jarai thì gặp sự tranh chấp đất đai với người Kinh. Lò than các bà góa chúng tôi bị người Kinh phá. Chúng tôi lại còn phải đấu tranh cho quyền lợi của bà con Jarai bị cướp xén đồ viện trợ, bị dồn vào những khu vực cằn cỗi thiếu thốn, bị xâm phạm tài sản. . . Chính Quyền lúc đó cuối cùng phải nhượng bộ và chính tôi đã đưa những người bị dồn dân trở về làng cũ.

Sau năm 1975, mọi đều như bế tắc và vô cùng khó khăn. Ai cũng sống trong lo âu. Điều đó khiến sức khoẻ tinh thần và thể xác tôi sa sút. Tôi tìm về quê Sóc Trăng trị bệnh và nương tựa lúc khó khăn vì ở quê tôi quen nhiều người hơn, hy vọng sống thanh thản và dễ dàng hơn. Nhưng rồi cũng nảy sinh nhiều khó khăn khác. Cha tôi tuy quen mà vẫn phải năn nỉ ông Chủ Tịch có việc chi cho tôi làm trong khoảng thời gian 3-4 tháng. Lúc đầu Ông cho tôi vào giúp anh kinh tài ấp. Ông cho tôi đi học khóa thống kê chỉnh lý bản đồ và đi các xã của Huyện Thạnh Trị để chỉnh lý bản đồ Huyện. Lúc đó tôi thấy nhẹ thở đôi chút. Xong việc trở về Xã thì họ phân công tôi làm tài chánh Xã. Lúc đó các linh-mục đi lại còn rất khó khăn. Trong khi tôi được tự do đi lại hơn, nên tôi đến được nhiều ấp Công Giáo củng cố đức tin cho họ. Cha tôi thấy ruộng đất họ chia ra hết nên tính lên miền Đông kiếm đất cao phá rừng làm vườn để dưỡng già. Năm 1982, gia đình lên Xã Phú Lý kiếm đất. Đất đồi sỏi đá chỉ trồng chuối và mì. Đất trũng khai phá làm ruộng. Đến năm 1983, Cha tôi mua được một cái nhà ở Phú Dòng để cho mẹ tôi và cháu Thịnh ở cho nó đi học. Phần đất ở Xã Phú Lý nhằm ngay lòng hồ Trị An, nên đến năm 1985 phải di tản. Trong thời gian đó, tôi vẫn ở lại làm việc ở Xã. Cơm ăn trộn mì tối đa. Mấy lần tôi cũng đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nhưng không thành công. Tôi xin nghỉ việc. Họ không cho. Tôi cũng có liên lạc với anh em trong Dòng ở Vĩnh Long, Cái Tàu. Đến năm 1984, tôi đào nhiệm lên Phú Lý giúp cha mẹ. Ở dó có Thầy Hội đang phục vụ. Na7m 1985, tôi bị đau gan siêu vi B phải về Sàigòn nằm bệnh viện Chợ Quán có Cha Giám Tỉnh Thao giúp đỡ. Đến năm 1987, tôi lại phải vào bệnh viện Chợ Quán vì sốt rét. Sau khi ra viện thì cha tôi qua đời, Tôi về sống với mẹ và các em, đi bán sinh tố kiếm tiền để giỗ 100 ngày cho cha tôi.

Tôi thấy Chúa thương tôi vô cùng. Qua bao nhiêu năm tháng chỉ có hai bàn tay trắng, Chúa vẫn dưỡng nuôi chúng tôi. Sau khi cha tôi qua đời, Nhà Dòng bảo tôi dẫn anh em đi Pleikly thử. Tôi lên Pleikly thấy anh chị em Jarai ồ ạt trở lại trong lúc tình hình vẫn rất khó khăn. Tôi xin anh Tín gửi cho cha Bề Trên ít chữ cho tôi được trở lại Pleikly. Để chia sẻ gánh nặng với anh Tín nên ngày 29-11-1993 tôi nhận chức Phó Tế vĩnh viễn. Tôi vừa trông coi nhà cửa vừa hướng dẫn giáo lý dự tòng và hôn nhân cho cả Kinh lẫn Thượng. Tôi cũng tham gia thanh tẩy cho người lớn và trẻ em.

Tạ ơn Chúa và Nhà Dòng vô cùng, vì tôi học hành chẳng có gì, sức khoẻ chẳng được bao nhiêu mà Chúa lại ban cho tôi các ơn rất trọng đại, nhất là ơn được anh chị em dân tộc cho tôi được tin vào Chúa Quan Phòng.

Cha Abuna Nirwan, người Iraq, thoát chết dưới tay bọn khủng bố Hồi giáo

 Cha Abuna Nirwan, người Iraq, thoát chết dưới tay bọn khủng bố Hồi giáo

Cha Abuna Nirwan, người Iraq, thoát chết dưới tay bọn khủng bố Hồi giáo – Abuna Nirwan là một linh mục người Iraq, thuộc dòng Phanxicô. Trước khi được thụ phong linh mục, Nirwan đã theo học ngành y khoa và trở thành bác sĩ. Năm 2004, cha Nirwan được gửi đến Thánh địa Israel và được các nữ tu dòng thánh Đaminh Mân Côi, do mẹ Marie Alphonsine Danil Ghattas thành lập, tặng một thánh tích của mẹ Marie Alphonsine và một chuỗi Mân Côi mẹ đã từng dùng để lần hạt. Cha Nirwan luôn mang theo chuỗi Mân Côi này bên mình.

 

 

 

 

 

 

 Cha Abuna Nirwan, người Iraq, thoát chết dưới tay bọn khủng bố Hồi giáo

Năm 2009, trong tiến trình điều tra phong chân phước cho mẹ Marie Alphonsine, Tòa Thánh đã yêu cầu tiến hành khai quật thi hài của mẹ Marie Alphonsine. Thông thường việc này do giám mục địa phương thực hiện và ngài cần chỉ định một bác sĩ hiện diện khi khai quật. Cha Nirwan đã được yêu cầu thực hiện việc khai quật và làm báo cáo y khoa. Phép lạ đã được Đức giáo hoàng Biển đức XVI chấp nhận. Vào năm 2015, mẹ Marie Alphonsine đã được Đức giáo hoàng Phanxicô phong lên bậc hiển thánh. 

Trước đó, vào ngày 14 tháng 7 năm 2007, trên đường từ Israel về thăm gia đình ở Iraq, cha Nirwan đã bị bọn khủng bố Hồi giáo ở Iraq bắt, nhưng cha được thoát chết nhờ cầu khẩn với mẹ Marie Alphonsine. Cha Nirwan đã kể lại kinh nghiệm phi thường này trong một bài giảng như sau: “Khi đó việc đi lại bằng máy bay không được cho phép. Phương tiện di chuyển là xe hơi. Tôi định là sẽ đến Baghad trước, rồi từ đó sẽ đi về Mosul, nơi cha mẹ cha tôi đang sống. Người tài xế taxi lo sợ vì tình hình ở Iraq. Có một gia đình 3 người, gồm người cha, người mẹ và một bé gái 2 tuổi, đã xin đi cùng chúng tôi. Tài xế taxi cho cha biết là họ đã xin ông điều này và tôi cũng không thấy có gì trở ngại. Họ là những người Hồi giáo. Tài xế là Kitô hữu. Tôi nói với họ là xe có đủ chỗ và họ có thể đi với chúng tôi. Khi xe dừng lại ở một cây xăng, thêm một chàng trai Hồi giáo xin quá giang để đến Mosul. Vì thấy là vẫn còn chỗ nên chúng tôi đồng ý cho anh ta đi cùng. 

Biên giới giữa Giordan và Iraq bị đóng cho đến rạng sáng. Khi mặt trời mọc, ngừoi ta mới mở rào chắn và khoảng 50 hay 60 chiếc xe bắt đầu chầm chậm nối đuôi nhau đi qua. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Sau một giờ đồng hồ, chúng tôi đến trạm kiểm soát. Chúng tôi chuẩn bị passport. Chúng tôi dừng lại. Người tài xế nói: “Tôi sợ nhóm người này.” Trước đây nó là một trạm kiểm soát quân sự nhưng các thành viên của một tổ chức khủng bố Hồi giáo đã giết các quân nhân và chiếm quyền kiểm soát nơi này. 

Khi đến lượt chúng tôi, họ hỏi chúng tôi passport và họ không yêu cầu chúng tôi xuống xe. Họ mang passport của chúng tôi vào văn phòng. Một người trở ra và nói với tôi: ‘Chào cha, chúng ta đi đến chỗ điều tra. Mọi người có thể đi vào văn phòng.’ Tôi trả lời: ‘Tốt lắm! Nếu chúng ta phải đi thì chúng ta sẽ đi.’ Chúng tôi đã đi bộ khoảng 15 phút cho đến cái lều mà họ chỉ cho tôi. 

Khi chúng tôi đến đó, hai người đàn ông bịt mặt đi ra. Một người một tay cầm máy quay phim, tay kia cầm con dao. Còn người kia có râu, tay cầm cuốn kinh Coran. Họ đi đến gần chúng tôi và một người hỏi tôi: ‘Cha ở đâu đến?’ Tôi trả lời là tôi đến từ Giordania. Rồi ông ta hỏi tài xế. Rồi quay qua chàng trai đi cùng chúng tôi, kẹp cổ anh ta từ phía sau và đâm chết anh ta. Họ trói tay tôi lại rồi nói: ‘Cha nè, chúng tôi đang quay lại tất cả việc này cho al Jazeera. Cha muốn nói điều gì không?’. Họ cho tôi một phút để cầu nguyện. 

Sau đó người đàn ông đó đẩy tôi quỳ xuống và nói: ‘ông là một linh mục, máu của ông không được đổ ra trên đất vì nó là một sự phạm thánh.’ Do đó, ông ta đi lấy một cái xô và trở lại để cắt cổ tôi. Tôi không nhớ tôi đã đọc kinh nào cầu nguyện trong lúc đó. Tôi rất là sợ hãi và đã nói với mẹ Marie Alphonsine: ‘Nó không cần thiết là lúc con mang mẹ đi với con. Nếu nó cần thiết là Chúa đưa con đi, con sẵn sàng, nhưng nếu không phải là như thế, con xin mẹ đừng để ai khác phải chết.’ 

Người đàn ông đã dùng tay giữ chặt đầu tôi, giữ vai tôi và giơ con dao lên. Sau vài giây im lặng, ông ta hỏi tôi: ‘Ông là ai?’ Tôi trả lời: ‘Một tu sĩ.’ Ông ta nói tiếp: ‘Tại sao tôi không thể hạ con dao xuống? Ông là ai?’ Rồi không đợi cho tôi có giờ trả lời, ông ta nói: ‘Cha và tất cả mọi người có thể trở về xe.’ Chúng tôi đã trở về chiếc xe taxi. 

Từ lúc đó tôi không còn sợ hãi. Tôi biết là một ngày kia tôi sẽ chết, nhưng ngay bây giờ tôi biết rõ nó sẽ chỉ đến khi Chúa muốn. Từ lúc đó tôi không còn sợ hãi điều gì hay sợ hãi người nào. Những điều xảy ra với tôi sẽ do ý Chúa và Người sẽ cho tôi sức mạnh để vác lấy Thánh giá của Người. Điều cần là có đức tin. Chúa chăm lo cho những ai tin vào Người.” 

(RadioVaticana 16.05.2017)

Từ bỏ hoa hậu để trở thành nữ tu Dòng Kín tại Mêxicô

Từ bỏ hoa hậu để trở thành nữ tu Dòng Kín tại Mêxicô 

Esmeralda Solís Gonzáles là một cô gái Mễ Tây Cơ trẻ tuổi được giải nữ hoàng sắc đẹp ở thành phố quê mình, và giờ cô đã gia nhập Dòng Thừa Sai Thánh Thể Clare Khó Nghèo (Poor Clare Missionaries of the Blessed Sacrament).

Câu chuyện của cô tập sinh 23 tuổi này đang lan truyền chóng mặt trên mạng truyền thông xã hội, qua một bài post trên trang Facebook của Hoa hậu Mễ Tây Cơ.

Esmaralda sinh ngày 12-04-1997, trong một gia đình Công giáo tại Valle de Guadalupe, bang Jalisco. Cô hiện đang ở trong tu viện Dòng Thừa sai Thánh Thể Clare Khó nghèo ở Cuernavaca, bang Morelos, sau khi từ bỏ công việc nhà nghiên cứu dinh dưỡng.

Cô cho CNA biết, “Bạn thật sự chẳng biết đời sống tu trì là gì, cho đến khi bạn bước vào dòng. Đến giờ tôi có thể nhìn thế giới và những gì nó đem lại theo một phương diện khác. Tôi rất hạnh phúc vì mọi sự tôi có, nhưng nó không so sánh được với niềm hạnh phúc mà Chúa đặt trong lòng tôi lúc này đây.”

Cô tập sinh trẻ gặp các nữ tu Dòng Clare khoảng năm năm về trước, lúc mới14 tuổi, khi ý nghĩ sống đời tận hiến được đánh thức trong cô qua những ngày hội, và trại hè ơn gọi.

Và sau một tháng nhận định, vào tháng 3 năm 2017, cô đã lần đầu tiên nói lời “xin vâng” vào ngày lễ Truyền tin.

“Thời điểm thật hoàn hảo. Trong thời gian nhận định này, Ngài cho tôi những trải nghiệm như được làm nữ hoàng sắc đẹp, và nhiều trải nghiệm khác, ghi dấu sâu đậm và cho tôi thấy được nhiều điều về sau.”

Cô cho biết, cuộc khám phá ơn gọi như một “mũi gai nhỏ” trong đời cô.

“Tôi nhận ra rằng tôi phải để chỗ trong đời mình để biết Chúa dự định gì cho tôi. Trong tiến trình nhận định ơn gọi, có những nỗi sợ và hoài nghi, nhưng tình yêu mà Thiên Chúa tỏ bày với tôi mỗi ngày giúp tôi vượt qua bất kỳ cảm giác nản lòng nào.”

Esmeralda nói cô đã khám phá ra Chúa gọi cô phụng sự Ngài theo một cách triệt để, nghĩa là”biến đổi đời mình để mang thập giá Chúa Kitô và sống gần Chúa hơn.”

Cô nói, “Tôi mới bước vào đời sống tu trì, nhưng tôi thật sự rất hạnh phúc.”

Để khám phá ơn gọi của mình, Esmeralda đã dành nhiều thời gian cầu nguyện và làm việc bác ái, “từ thế giới hay cuộc sống bên ngoài mà nhận ra đời sống tu trì sẽ biến đổi gì cho tôi.”

Cô cũng thừa nhận, “Sự thay đổi này thật khó khăn cho gia đình tôi, bởi như thế là phải xa lìa, nhưng tôi luôn được sự ủng hộ của bố mẹ, anh chị em và những người bạn thật sự. Dù cho tôi có thể phát triển bản thân theo một cách khác, nhưng tôi cảm nhận rằng nếu Chúa cần tôi, thì tôi có thể sinh hoa trái theo một cách đặc biệt.”

Esmeralda có vài lời nhắn nhủ những người trẻ rằng, “trong bất kỳ ơn gọi nào, cũng sẽ thấy có khó khăn, nhưng nếu bạn tiến tới và nắm lấy tay Chúa, bạn sẽ luôn có thể bước một bước tiếp theo. Trong đời sống tu trì, mỗi ngày mới là một khởi đầu mới và cơ hội mới để mở mang Nước Trời. Điều này hệ tại ở nhiều hy sinh, nhưng luôn luôn có phần thưởng là sự hạnh phúc.”

Cô tập sinh trẻ cũng nói rằng “đúng là hiện thực và hạnh phúc mà thế giới trình ra cho bạn rất là hấp dẫn, nhưng cần phải hướng mắt về những gì vĩnh cửu. Không được sợ. Nếu Chúa gọi bạn, thì Ngài sẽ lo mọi sự. Bạn chỉ cầ đón nhận Ngài, với bình an, vui vẻ, và tự tin. Tôi tin rằng nỗi sợ là một lời bào chữa cho việc tránh né hạnh phúc thật mà chỉ có Chúa có thể đem lại.”

Dòng Thừa sai Thánh Thể Clare Khó nghèo là Dòng tu Giáo hoàng được chân phước María Inés Teresa Arias thành lập năm 1945 tại Cuernavaca, Mexico. Sứ mạng của dòng là khám bệnh, lo cho giới trẻ, giáo dục, linh thao, truyền giáo. Dòng đang hiện diện ở Mễ Tây Cơ, Costa Rica, Argentina, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Sierra Leone, Nigeria, Ấn Độ, và cả Việt Nam.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ CNA

Nguồn tin: Phanxico

Anh chị Thụ & Mai gởi

Khám phá cuộc đời Mẹ Teresa, từ một nữ tu thành một vị Thánh

Khám phá cuộc đời Mẹ Teresa, từ một nữ tu thành một vị Thánh – ANSA

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng Mẹ Têrêsa sẽ được phong thánh cùng với ba vị chân phước khác vào gần cuối năm nay sau khi các phép lạ được nhìn nhận nhờ lời chuyển cầu của các ngài.

Mẹ Têrêsa đã nổi tiếng khắp thế giới ngay khi mẹ còn sống, và cả cho đến ngày nay, hàng chục năm sau khi mẹ đã qua đời. Nhưng mẹ là ai? Và mẹ đã nên thánh thế nào?

Mẹ Têrêsa sinh ngày 26 tháng 09 năm 1910, với tên gọi Anjezë Gonxhe Bojaxhiu, trong một gia đình gốc Albania tại Skopje, một tỉnh thuộc đế quốc Ottoman lúc bấy giờ, ngày nay là thủ đô của nước Cộng hòa Macedonia . Ngay từ bé mẹ đã bị cuốn hút bởi tiểu sử của các vị thừa sai và bị thuyết phục sẽ dâng hiến đời mình cho sứ vụ thừa sai phục vụ Giáo Hội. Năm 1929 mẹ đã gia nhập dòng các nữ tu Loreto ở Ân độ với tên gọi Teresa và đã ở trong dòng này gần 20 năm, tham gia vào việc giảng dạy trong vùng Calcutta. Năm 1947 mẹ trở thành công dân Ấn độ.

Tuy vậy, cuộc đời mẹ đã thay đổi trong một chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling vào năm 1946. Từ lâu mẹ đã quan tâm đến sự nghèo khổ cùng cực ở Calcutta. Lúc này, thình lình mẹ cảm thấy như được gọi để phục vụ những người nghèo nhất của những người nghèo và sống cùng với họ để chăm sóc họ. Để phục vụ cho mục đích này, sau khi được huấn luyện căn bản về y khoa, mẹ đã mở trường học đầu tiên của mẹ vào năm 1949. Một năm sau, mẹ được Vatican cho phép lập một dòng mới vơi tên gọi “các thừa sai bác ái”. Từ khởi đầu bé nhỏ như thế, các thừa sai bác ái đã phát triển thành một dòng với hơn 4000 nữ tu, điều hành và phục vụ trong các bệnh viện, nhà cư tru, trại mồ côi và trường học trên khắp thề giới.

Mẹ Teresa đã không sợ đặt mình trong những cách thức nguy hiểm để phục vụ những người xung quanh mình. Mẹ đã làm trung gian cho cuộc đình chiến tạm thời giữa quân đội Israel và các chiến binh Palestin trong cuộc bao vây Beirut vào năm 1982. Nhờ cuộc đình chiến  này mà 37 trẻ em đang ở trong các bệnh viện nằm trong làn tên lửa đạn được cứu sống. Mẹ được trao giải Nobel hòa bình vào năm 1979. Mẹ đã nhận giải thưởng nhưng đề nghị không tổ chức bữa tiệc mừng, thay vào đó số tiền sẽ được dùng để giúp nhũng người nghèo ở Calcutta.

Dù cho làm nhiều việc bác ái như thế, mẹ Teresa vẫn phải chiến đấu rất nhiều trong đời sống đức tin; mẹ cảm thấy như bị tách lìa khỏi Thiên Chúa và không thể tìm thấy Người trong cuốc sống. Những người tham gia vào việc cổ võ cho việc phong thánh cho mẹ đã so sánh cuộc chiến nội tâm này của mẹ, điều mẹ gọi là “đêm tối”, với tiếng kêu của Chúa Giê su trên thập giá “Lạy Chúa của con, Chúa của con, sao Ngài bỏ con?”

Ngay sau khi mẹ Têrêsa qua đời vào năm 1997, người ta đã bất đầu hồ sơ phong chân phước cho mẹ, điều mà lẽ ra chỉ được tiến hành 5 năm sau ngày qua đời. Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chuẩn chước quy luật này và phong chân phước cho mẹ sau khi nhìn nhận phép lạ mẹ đã thực hiện để chũa lành một người đàn ông người Ấn độ bị ung thư.

Sau khi nhìn nhận sự khỏi bệnh kỳ diệu của một người Brazil bị ung thư nhiều bộ phận, nhờ lời cầu khẩn mẹ Têrêsa của cha sở của anh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phong thánh cho mẹ vào ngày 4 tháng 9 năm nay(2016), là ngày kết thúc Năm thánh Lòng Thương xót cho những nhân viên và các thiện nguyện viên làm việc từ thiện. (RV 15/03/2016)

 Hồng Thủy OP.

From:  radio vatican

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ, trở thành nữ tu dòng kín Đaminh.

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ, trở thành nữ tu dòng kín Đaminh

danchuahiepthong

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ, trở thành nữ tu dòng kín Đaminh Trong một thế giới mà ơn gọi tu trì ngày càng giảm sút, đời sống tu trì, đối với nhiều người, có vẻ buồn chán, khác người, cực khổ, đi ngược với mong ước sống tự do, hưởng thụ của thế giới hiện đại, thì vẫn luôn có những ơn gọi thật đẹp, là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, là bằng chứng của sự tin yêu, đáp lại tiếng Chúa mời gọi, và cũng là chứng tá của những tấm lòng quảng đại, hy sinh, dưới mọi hình thức, để vun trồng ơn gọi tu trì.

Ơn gọi của Tara Clemens, hiện nay là sơ Maria Đaminh Nhập thể, cũng là một ơn gọi “khác người” nhưng thật đẹp; từ một luật sư trẻ, Clemens đã nghe theo tiếng Chúa gọi, tận hiến cho Ngài trong đời tu, và đặc biệt hơn nữa, cô đã chọn đời sống đan tu, chuyên lo việc chiêm niệm cầu nguyện.

Tara Clemens là một luật sư ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Hoa kỳ. Clemens nguyên là một tín hữu Tin Lành, và chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp trường luật, cô đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Việc trở thành tín hữu Công Giáo xảy ra khá là bất ngờ với Clemens. Chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học luật Lewis và Clark ở thành phố Portland, bang Oregon, Clemens đi cùng một người bạn, tham dự Thánh Lễ thứ sáu Mùa Chay, và ngày hôm đó. là môt bước ngoặt trong cuộc đời của cô: Clemens đã quyết định trở lại Công giáo.

Ba tháng sau đó, dù phải làm việc toàn thời gian, mỗi chiều tối, Clemens theo học về Công Giáo. Một ít tháng sau, vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2007, Clemens hoàn toàn tin vào chân lý của Công Giáo. Clemens đã được gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào dịp lễ Vọng Phục sinh năm 2008. Và vài tháng sau đó, dù chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ trở thành nữ tu, cô luật sư trẻ Clemens đã đến thăm đan viện Thánh Thể. Clemens đã sống hai năm rưỡi tại đan viện, trước tiên là thỉnh sinh, và sau đó vào nhà tập. Ngày 28 tháng 5 vừa qua (năm 2017), Clemens được tuyên khấn lần đầu tại đan viện Thánh Thể của các nữ tu Đaminh ở Menlo Park, bang California, Hoa kỳ, với tên dòng là Maria Đaminh Nhập thể.

Ngày sơ Maria Đaminh được đội chiếc lúp đen trên đầu thay cho chiếc lúp trắng khi vào nhà Tập cách đây hơn một năm, vị linh mục chủ tế đã nói: “Hãy nhận lấy tấm lúp thánh này, qua đó con có thể được nhận ra như ngôi nhà cầu nguyện dành cho Chúa và đền thờ cầu nguyện cho mọi người”. Sơ Maria Đaminh ý thức được rằng trung tâm của đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ Đaminh là tình yêu Chúa. Dù là một đan sĩ sống giam mình trong đan viện, không bao giờ đi ra ngoài, sơ vẫn có thể ôm trọn thế giới với tình yêu và cầu nguyện cho thế giới.

Được hỏi về việc trở thành một đan sĩ, sơ Maria Đaminh xác định: “Khi Thiên Chúa gọi chúng ta, Ngài rất kiên định”. Điều này được chứng thực trong hành trình ơn gọi của sơ Maria Đaminh.

Khi luật sư Clemens có ý định đi tu, nhưng vì số tiền hơn 100 ngàn đô la cô mượn để đi học quá lớn, và cô chưa thể thanh toán để vào nhà dòng, cô hầu như thất vọng trước khó khăn thách đố này. Chính khi đó, hội Laboure đã giúp cho Clemens giải quyết vấn đề nợ sinh viên để có thể đi tu. Laboure là một hội có trụ sở ở Minnesota, giúp đỡ cho những người có ơn gọi tu trì trả nợ, điều cản trở họ gia nhập đời tu. Hội Laboure mở một lớp khoảng từ 10 đến 25 người, những người tin là mình có ơn gọi, và tổ chức chiến dịch quyên góp giúp họ. Clemens tham dự chương trình này 2 năm.

Vào cuối khóa, cô tưởng rằng phải đợi thêm một năm nữa vì không nhận được đủ tiền quyên góp để trả nợ học. Nhưng rồi đã có hai vị ân nhân đóng góp số tiền lớn và Clemens đã được giúp trả nợ tiền học.

Như John Flanagan, giám đốc điều hành hội Laboure đã nói: “Tara Clemens đã không thực hiện hành trình ơn gọi một mình, nhưng nhiều người khắp nơi biết là họ đã làm điều gì đó để giúp Tara Clemens trở thành nữ tu Maria Đaminh”. Và ông nhận xét rằng: “Cô ta đã gập phải những khó khăn trên hành trình theo đuổi ơn gôi, nhưng cô đã đón nhận chúng với niềm tin tưởng lớn lao vào Thiên Chúa” (CNS 13/06/2017).

Hồng Thủy

Anh chị Thụ Mai gởi

HUYỀN THOẠI VỀ CHA BROCHERO, VỊ THÁNH TRÊN LƯNG LA.

HUYỀN THOẠI VỀ CHA BROCHERO, VỊ THÁNH TRÊN LƯNG LA.

Phan Sinh Trần

Thụ phong linh mục vào tháng 12 năm 1866, sau vài năm giảng dạy tại chủng viện, Cha Jose Garbriel Brochero được giao phụ trách giáo phận St. Albert rộng 200 cây số vuông, có 10.000 giáo dân, thuộc vùng núi cao, xa xôi cách trở, nước Á căn đình. Cha không chùn bước trước độ cao chớm chở, khoảng cách xa tít mù và thời tiết khắc nghiệt của địa phận nhà cho dù đó là gió, bão, tuyết vùi. Cha dong duổi khắp vùng bằng một con la, mang đến cho giáo dân các bí tích cần thiết, ngài luôn choàng áo khoác poncho và  đội mũ vành giống như các người chăn bò, cao bồi của xứ Á căn Đình.

Jose Gabriel del Rosario Brochero. Public Domain via Wikipedia.

Trên lưng la, ngài mang theo hình Đức Mẹ đồng trinh Maria, bộ dụng cụ cho thánh lễ, sách lễ, để sẵn sàng cử hành thánh lễ và trao ban các bí tích. Cha có cách nói giản dị đơn sơ làm cho giáo dân cảm được tình thương bao la vô bờ bến và như thấy được sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa Giê Su trong cuộc đời, để rồi theo đó, họ cũng cảm thấy yêu mến Chúa giống như Cha Brochero. Ngài mang Chúa Giê Su đến cho mọi nhà, đã có hàng ngàn người từ bỏ sự độc ác, các thói xấu, thói hay cãi cọ để được trở thành con trai, con gái của Chúa, trở thành anh em với nhau.

Ngài còn thiết lập nhà tập cho những giáo dân của Ngài có cơ hội thực hành linh thao với quí cha Dòng Tên. Ngài cũng thành lập trường học cho các trẻ gái.Ngài giúp thiết lập các trạm thông tin, liên lạc bằng dây điện dẫn, Ngài tìm cách liên hệ để làm 125 dặm đường giao thông, tham gia việc thiết kế đường xe lửa cho vùng. Cha luôn quan tâm đến con chiên, với quyết tâm kiên định là ở gần đàn chiên của mình, bất kể đến một điều nào đó có thể xảy ra, cho dù có phải chịu thiệt thòi, tai hại hay nguy hiểm cho bản thân mình, ngài nói:

– Thật khốn nạn nếu Ma Quỉ cướp mất linh hồn con cái nào của tôi”

Cha Brochero luôn ở bên cạnh ngưởi nghèo khổ, bệnh tật. Ngài hy sinh, chăm sóc cho bệnh nhân bị dịch tả không chút lo sợ bị lây, trong nạn dich xảy ra vào năm 1867.

Cuối cùng, thì Ngài cũng bị lây bệnh ngặt nghèo, cha bị lây bệnh phong cùi vì thường xuyện lui tới để chăm sóc cho một bệnh nhân cùi vốn bị hắt hủi, bỏ rơi cô độc trong vùng, bệnh làm cho Ngài bị mù, điếc phải từ bỏ sứ vụ trong những năm cuối cuộc đời, ở nhờ trong nhà người chị ruột của Ngài cho đến chết. Ngài mất ngày 26 tháng Giêng năm 1914.

Ngài thầm thĩ thưa Chúa trước khi từ giã cõi đời:

– Giờ đây con có đủ mọi thứ sắp sẵn cho cuộc hành trình.

Vâng, Ngài có tình yêu thương, có đức Tin, có hoa trái phục vụ và các nhận đức kiên nhẫn chịu đựng, hy sinh khi mang vác thánh giá bịnh tật, thương tổn trong đời, tích góp làm thành nhiều món hành trang phong phú, đầy đủ, sắn sàng cho chuyến ra đi về nhà Cha Trời.  Đức Thánh Cha Francis phong thánh cho Cha Brochero vào tháng 9 năm 2013, Đức thánh Cha mô tả về Cha Brochero là “Vị mục tử ảm mùi của Chiên, trở nên nghèo khó trong đám dân nghèo” Quả thực là Ngài vẫn còn đang tiếp tục phục vụ các chiên nghèo, bệnh từ trên cao, trong số đó có thể kể đến hai điển hình sau 16 năm trước, bé Nicolas, mười một tháng tuổi, bị hôn mê trong một tai nạn xe cộ với ba lần tìm ngưng đập ở Bệnh Viện, Bé được lành mạnh sau khi Ba của bé xin Cha Brochero từ trời cao cầu bầu cho, Nay Nicolas là một thanh niên khỏe mạnh.

– Camila brusotti, lúc tám tuổi, bị hôn mê kéo dài một tháng trong bệnh viện, em bất tỉnh vì bị Dượng ghẻ và mẹ đánh, khi họ vào tù, còn lại bà Ngoại cầu nguyện với Cha Brochero và em được khỏi bệnh, khỏe mạnh đến nay là 4 năm rồi.

… Và Ngài đã chết vì mọi người, để ai sống thì đừng còn sống cho mình nữa, nhưng là cho Ðấng chết và sống lại vì họ!  (2Co rin to 5:15)