Một trung úy an ninh của Cộng Sản trở về với Chúa

 

Một trung úy an ninh của Cộng Sản trở về với Chúa

Nhà văn PhaoLô Nguyễn Hoàng Đức, một chứng nhân sống động của Chúa, của Chân phước F.X Nguyễn Văn Thuận. Ông từng là trung úy an ninh, công tác tại cục “chống phản động” A16 thuộc Bộ Nội Vụ, phụ trách vấn đề tôn giáo.

Năm 1987, ông có dịp gặp ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận lúc đang bị giam cầm để học tiếng Pháp. Sau gần hai năm học cùng ngài, ông được khai sáng Đức Tin Thiên Chúa. Một thời gian sau khi ĐHY được trả tự do sau 13 năm giam giữ bất công, ông Đức cũng từ bỏ ngành công an và chính thức trở thành con cái Chúa vào dịp lễ phục sinh 2003.

Tôi được ông gửi tặng bản photo viết tay này trong lần gặp ở Hà Nội vào tháng ba vừa rồi. Câu chuyện này đã giúp tôi gia tăng thêm Đức Tin cả về lý trí lẫn linh hồn. Một câu chuyện tuyệt vời, sống động mà tôi muốn đánh máy lại để chia sẻ cùng các bạn, những người yêu mến Chúa như một món quà tặng gửi các bạn trong tuần Thánh và những ngày Phục Sinh sắp tới.

Tôi viết bài này để chia sẻ và hiệp thông cùng cảm ơn Cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận trong niềm hân hoan còn tươi dấu cuộc khai sinh lần hai, khi sinh làm con Thiên Chúa trong nước rửa tội và thần khí thiêng liêng, đúng dịp lễ Phục sinh, thứ bảy, ngày 19 tháng 4, năm 2003.

Lễ Phục sinh, Thế giới đón nhận hồng ân Thiên Chúa đã chết và sống lại sau biến cố vượt qua đầy nhiệm mầu thánh hiến. Riêng đối với tôi, đã được đón nhận ân sủng Phục sinh bằng cả một cuộc trải nghiệm, đầy ánh sáng rọi soi từ hiện thực.
Thứ nhất: Tôi đã được rửa tội trong nước và thần khí Thiên Chúa. Để vượt qua từ công dân trần gian trở thành công dân nước Chúa.

Thứ hai: Kể từ đầu tháng 4 năm 1993 tôi mắc bệnh thần kinh tọa rất nặng, người cong vẹo hình chữ “C” mới đầu là chân phải bị teo, sau đó đến chân trái. Sau nữa cơ thể phù lên từ dưới da, và ra máu xấu từ ngón chân lên tận đỉnh đầu. Tất cả kéo dài hơn 10 năm, cho đến khi tôi tham dự lớp dự tong tháng 10 năm 2002, thì trên mặt vẫn còn bị lở loét, việc đó có linh mục Nguyễn Xuân Thủy, linh mục An Tôn Nguyễn Văn Thắng, Các thầy Phanxico Asisi Doanh và thầy Hùng, thầy Hải, thầy Kỳ, cùng các bạn trong lớp dự tong đều thấy. Vào dịp tháng 8 năm 2001, học giả, dịch giả Trần Thiện Đạo khá nổi tiếng từ Pháp về thăm Việt Nam có đên thăm tôi và chụp ảnh cùng. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh mà khuôn mặt vừa cương cứng vừa phù sưng toàn máu đọng và lở loét. Cách lễ rửa tội vài ngày thôi, Linh mục Thomas Thủy và thầy Phanxico Doanh thấy mặt tôi vẫn còn lở loét nên ái ngại hỏi: “Sức khỏe của anh Đức thế nào?”

Trong quá trình trị bênh tật, nhiều đêm đằng đẵng liên tục lo bóp nặn máu mủ, nhưng tôi vẫn yên tâm sống và làm việc bởi tin vào hai giấc mơ Chúa đã mạc khải cho tôi.

Giấc mơ thứ nhất, trước ngày tôi bị ốm là: Tôi vào trong buồng tắm vặn nước chỉ thấy phân chảy ra, tôi chạy ra vòi nước khác vặn, vẫn thấy phân chảy ra, và vài vòi nước khác ở trong và ngoài nhà cũng chỉ có phân chảy ra, sáng ra lúc tỉnh dậy người tôi rất nặng nề và u uất.

Giấc mơ thứ hai, cách một ngày sau là: Tôi lắp đặt một vòi nước mới bắc qua một mảnh vườn mới, nó phun lên toàn nước sạch, xối xả, mạnh mẽ, khi tỉnh dậy, người tôi rất sảng khoái, và dường như tôi được mặc khải để suy ra điều rằng: Ống nước là hình tượng của ống xương hay hệ dây thần kinh, nó đang chứa chất bẩn và độc như phân. Sau đó sẽ trào vọt một nguồn nước sạch mới và ta sẽ khỏi bệnh.

Trong quá trình bệnh tật, nhiều lúc quá đau đớn tôi đã từng muốn hờn trách, thậm chí nguyền rủa Thiên Chúa, nhưng tôi vẫn nghĩ đến hình ảnh của ông Gióp. Ngài bị bệnh bảy năm lở loét hôi thối đầy người, bị vợ con xa lánh có lúc không chịu được ngài chê trách Thiên Chúa “sao không để cho ngài được chết” tôi nghĩ tôi đã có được hình ảnh của ông Gióp để làm gương, vậy không thể nào lặp lại “dấu ngã lòng” đó, vì thế mà tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Thêm nữa trong quá trình bệnh tật, tôi tự ngẫm thấy mình nhận được quá nhiều ánh sáng vinh quang của Chúa, mà không có Chúa trợ giúp và dẫn dắt, tôi không thể làm được. Trong thời gian đó tôi đã viết được hàng chục cuốn sách, gồm chuyên luận, truyện ngắn, trường ca… có những cuốn quan trọng như “Y hướng tính văn chương” – có hẳn một chương bàn về Thượng Đế, “Hành trình nhận thức nhân loại”, “Hành trình tâm linh nhân loại”, và trường ca thần học “ Ngước lên cao” – Tôn vinh Chúa và đức tin của con người. Tôi luôn nghĩ, vinh quang là món quà lớn nhất mà Chúa đã trao cho ta, thì ta còn kêu ca về những đớn đau thể xác làm gì?(!)

Vào dịp rửa tội – lễ phục sinh tôi xuất hiện trước mắt mọi người tinh tuyền, sạch sẽ. Và tôi chiêm nghiệm đó là món quà Chúa ban cho tôi: Vượt qua một cơ thể đầy rẫy bệnh tật u ám để phục sinh thành con cái Chúa trong một thân xác mới.

Thứ ba: Trước lễ rửa tội một tuần, bố tôi bảy mươi tuổi lâm bệnh rất nặng, tôi phải về nhà đưa cụ vào bệnh viện Việt – Xô cấp cứu. Ngay trong đêm đó, bệnh viện hội chẩn và quyết định mổ, sau ca đại phẫu lấy mật cho cụ, lúc 3 giờ sáng tôi trở về nhà, việc đầu tiên tôi mặc quần áo, leo lên gác xép, thắp 3 ngọn nến cầu nguyện Thiên Chúa ban phước lành để bố tôi vượt qua bệnh tật. Mỗi ngọn nến nhỏ hơn ngón tay út, được cắm vào chiếc đế bằng sứ nhỏ như đáy chén. Vậy mà tôi cho rằng một việc như phép lạ đã xảy ra, lúc gần 9 giờ sáng tôi tỉnh dậy, vẫn thấy một ngọn nến còn cháy. Như vậy một ngọn nến bé xíu, cùng một chút nến còn sót lại nơi đế chén đã cháy bảy giờ đồng hồ. Tôi nghĩ Chúa Thánh Thần đã ban cho tôi sự ấm lòng, Ngài như muốn bảo: “Ta cho con một dấu chỉ để con yên tâm”. Trọng bệnh của bố tôi dần dần bình phục. Vào ngày tôi rửa tội, tôi nghe, sang tuần bố tôi có thể xuất viện. Như vậy Chúa không chỉ cho bố tôi sức khỏe, cho gia đình tôi bình an, mà còn cho tôi một đêm rửa tội an bình, thuận buồm, xuôi gió. Và tôi tự chiêm nghiệm rằng: với gia đình và tôi, đây cũng là ân sủng phục sinh của phép nhiệm mầu vượt qua.

Nhưng tất cả hành trình “vượt qua” để trở thành con chiên của Chúa đó được bắt đầu từ đâu? Lần lại hơn mười năm, nó được bắt đầu từ cái ngày tôi may mắn được gặp Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Một triết gia có nói “ Một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng chảy cả một dòng sông”, có thể nói Đức cha Nguyễn Văn Thuận là viên đá làm chuyển hướng dòng sông cuộc đời tôi, đặc biệt Ngài khơi nguồn để dòng sông tâm hồn tôi chảy từ trần gian qua miền đức tin hướng về nước Chúa. Nói chính xác hơn, cho đến nay tự thân tôi vẫn luôn đánh giá, việc gặp Đức cha Nguyễn Văn Thuận là “biến cố tha nhân lớn nhất cuộc đời tôi” (le plus grand événement de l’autrui).

Ngài là người nhân ái nhất, trí tuệ nhất, nguyên tắc nhất mà tôi từng gặp. Và Ngài như một hạt men hùng hậu nhất đã gieo vào cuộc đời tôi, để triển nở thành một đức tin vô cùng mãnh liệt. Đến nay, dù tôi sống vẫn còn nhiều vấp phạm, song tôi không bao giờ có thể mảy may nghi ngờ: “Chúa là sức mạnh lớn nhất trong tôi. Chúa là vinh quang lớn nhất cuộc đời tôi!”

Sự việc bắt đầu thế này. Trước kia tôi là sinh viên khóa VI của Đại học An Ninh, còn gọi là C500, đóng ở khu vực giáp khu Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi học từ năm 1974, đến năm 1979 ra trường được phân về công tác tại cục “ Chống phản động” tức A16 thuộc Bộ Nội Vụ. Thời gian đầu tôi công tác tại phòng “Dân tộc”. Sau bảy năm, số phận bắt đầu đưa đẩy tôi vào một sự sắp đặt mới, tôi được chuyển sang phòng “Tôn giáo”. Mới về phòng, tôi đã nghe anh em bàn tán về việc của Đức cha Nguyễn Văn Thuận. Nào là “ Ngài giỏi lắm, biết đến tám ngoại ngữ!” “Ngài nhân từ với mọi người!” “ Ngài bị cầm tù mà lúc nào cũng vui vẻ và tràn đầy hy vọng”… rồi tôi cũng được xem tập hồ sơ của Ngài. Cái ấn tượng đầu tiên của tôi là ảnh Ngài chụp chung với khoảng 200 tu sinh và thanh thiếu niên mặc toàn đồ trắng trên bãi biển Nha Trang. Và cái tội lớn nhất của Ngài trong tập hồ sơ là: Thành lập “Tu hội Hy Vọng” và là thành viên của gia đình “mũ rất to” là Ngô Đình Diệm (Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa).

ĐỨC CHA CASSAIGNE: Một đời hy sinh cho làng phong cùi ở Di Linh

Đức cha CASSAIGNE: 

Một đời hy sinh cho làng phong cùi ở Di Linh

     ** Tiếng Khóc Trong Rừng

Bên cạnh Làng Cùi Di-Linh, tỉnh Lâm Ðồng, có ngôi mộ của Ðức Giám Mục Jean Cassaigne (Gioan Sanh,) vị sáng lập giáo xứ và làng cùi tại Di-Linh. Trên bia mộ Ðức Giám Mục De Cassaigne, có khắc hai dòng chữ sau đây:

“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi”

Ngay sau khi Ðức Cha Jean Cassaigne tấn phong Cha Simon Hòa Hiền (cựu Giám Mục Ðịa Phận Ðàlạt) năm 1955, thay vì về lại Pháp là nơi Ðức Cha Cassainge đã lớn lên, Ngài đã trở lại để vui sống với anh em bệnh nhân trại cùi, một làng nhỏ chính tay Ngài tạo dựng mấy mươi năm về trước. Tại làng nhỏ bé này, Ngài vừa làm Cha sở, Thầy giảng, Giám đốc, Y tá, chăm nom chu đáo cho tất cả bệnh nhân mọi tôn giáo, trẻ già, với sự cộng tác nhiệt thành của các sơ dòng Bác Ái Vinh Sơn. Ngài quyết tâm sống chết với con cái cùi hủi của Ngàị

Trong cuốn “Lạc Quan Trên Miền Thượng” [1] do Linh Mục Giuse Phùng Thanh Quang viết vội vào năm 1972 về cuộc đời hy sinh cho người cùi của Ðức Cha Cassaigne, lúc Ðức Cha Cassaigne đang đau quằn quại thê thảm với những cơn đau khủng khiếp cuối đời. Một đời hy sinh thật cao quý của Ðức Cha Cassaigne mà có lẽ nay còn rất ít người có biết và nhớ đến.

Cha Cassaigne được thụ Phong chức Linh Mục năm 1925 tại chủng viện Rue du Bac của Paris. Qua Sài Gòn ngay sau đó và nhận nhiệm sở thí điểm truyền giáo vùng ma thiêng nước độc Di Linh (DJIRING) năm 1927. Ngài đã yêu thương những người “Mọi cùi” đến độ đã sống giữa người cùi, tắm rửa, săn sóc cho những người cùi, đã thương yêu họ cho đến khi họ chết. Cha Cassaigne đã kể một câu chuyện có lần Ngài giúp những người cùi thức ăn gồm có gạo, muối, và thịt naị Có một bà cùi hàng tuần đến lấy phần ăn, nhưng tuần đó không thấy đến. Cha Cassaigne đến lều tranh tìm bà thì thấy bà ta sắp chết với mủ nhớt nhầy nhụa, mùi hôi thối không chịu được xông ra từ mảnh thân héo tàn đáng thương xót nàỵ Cha vội lo dạy bà những điều về Thiên Chúa và hỏi bà ta có muốn Cha rửa sạch những tội lỗi để bà được lên Trời sau khi chết không? Người cùi đáng thương đồng ý được rửa tội và nói với Cha Cassaigne rằng:

“Cau dờng! Ăn rơp kăh dơ mê dỡ ăn gũh rê hơ trồ”
” Ông lớn ơi! Tui sẽ nhớ đến ông khi tôi ở trên Trời”

Cái chết tội nghiệp nhưng tốt lành của bà Thượng cùi đã làm khích động thật sâu xa tâm hồn Tông Ðồ của vị Linh Mục Thừa Saị Câu nói “Tôi sẽ nhớ Cha khi được ở trên Trời” là viên đá đầu tiên được đặt xuống để khởi đầu công cuộc thành lập làng cùi tại Di Linh.

Trong khoảng thời gian đó, ở miền Trung cũng như ở miền Nam nước Việt cũng có những trại cùi với số người bệnh tương đối ít. Trong khi ở vùng đất xa xôi có đến hàng trăm người cùi, lại không có chỗ cho họ ở. Theo lời Linh Mục Phùng Thanh Quang kể lại.

Một ngày cuối Thu năm 1928, trong chuyến đi thăm một làng Thượng xa, đang băng qua rừng vắng thì bỗng có tiếng chân nhiều người dồn dập từ trong vùng tối âm u, nhiều giọng la ú ớ kêu Ngài dừng lại. Những bóng dáng quái dị xuất hiện như một đoàn ma đói. Thân hình xác xơ, kẻ mất tay, người sức mũi, miệng chảy nước lòng thòng và tất cả hầu như què quặt. Họ mặc dù có người khập khiểng, có người vừa bò vừa lết, và đói, cố đuổi theo Cha bao vây lấy Ngài và tất cả đồng gào lên thảm thiết:

“Ơ cau dơng! Ơ cau dơng! Dăn nđàc sơngit bol hi!”
Ới ông lớn! Ới ông lớn! Xin thương xót chúng tôi!

Rồi tất cả sụp lạy Ngài và khóc rống. Cha Cassaingne vừa sợ hãi, vừa mủi lòng. Thì ra đây là nhóm người cùi bị xóm làng kinh tởm đuổi đi, họ tụ tập từng nhóm ngoài rừng xa, sống lây lất qua ngày để chờ chết. Có lẽ họ đã nghe lời đồn đãi về ông lớn làm thuốc và hay thương giúp người cùi này. Họ chờ Cha trên khúc đường vắng để nhờ Cha giúp đỡ. Vài ngày sau, đó, việc lập làng cùi Di Linh được xúc tiến ngay [3] Trong bài thuyết trình của Cha Cassaigne tại Sài Gòn năm 1943 về bệnh cùi khủng khiếp như thế nào, Ngài viết:

“Ở xứ Thượng cũng như hầu hết các xứ vùng nhiệt đới, nơi mà sự ăn ở sạch sẽ và phương pháp vệ sinh ít được lưu ý, thì con số người mắc bệnh cùi khá cao. Khi mà có thể còn làm việc được thì người mắc bệnh cùi vẫn còn được sống chung với gia đình. Nhưng đến khi thân tàn ma dại không làm gì được nữa, nhất là khi các vết ung thối bắt đầu phá miệng lở loét ra, mủ máu vấy đầy khiến những người chung quanh nhờm gớm kinh tởm không chịu được, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ một túp lều tranh để người cùi ở lại đó một mình sống chết sao mặc kệ! Rồi yếu liệt cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi không còn sức làm gì nữa để kiếm ăn vì tay chân cụt mất rồi! Họ sẽ chết dần chết mòn một cách thảm khốc, sẽ gục ngã ở một xó kẹt nào đó rồi chết đi vì đói lạnh, mà chẵng có ai hay biết…”

Trước khi mắc bệnh, mỗi lần thuyết trình đến đây, cha Cassaigne không sao cầm được nước mắt, phần thì thấy thương những người xấu số, phần thì chắc Ngài cảm thấy lo âu sợ sệt như linh cảm thấy trước định mệnh sẽ đến, Ngài run sợ như chính mình đang mắc chứng bệnh nan y nàỵ

Các việc làm nhân đức của Cha Jean Cassaigne đã đưa Ngài từ một căn lều tranh để phục vụ người hủi tới tận tai Tòa Thánh La Mã. Ngài được bổ nhiệm chức Giám Mục và Ngài phải tuân lệnh Toà Thánh về làm việc tại Ðiạ Phận Sài Gòn. Trong hơn 14 năm giữ chức vụ này Ðức Giám Mục Cassaigne đã đôn đốc thực hiện công cuộc bác ái, cứu trợ vật chất, ủy lạo tinh thần cho những người gặp cảnh bất trắc nghèo khó, di cư tị nạn, không phân biệt địa phương hay tôn giáọ Vì nhớ đám dân cùi, Ngài xin từ nhiệm chức Giám Mục Sài Gòn để trở về băng bó vết thương tinh thần và vật chất cho những đứa con cùi hủi của Ngài tại làng cùi Di Linh.

Vì sống một đời sống quá khắc khổ trong rừng nên Ðức Cha đã mang nhiều bịnh nặng. Từ năm 1929, Ngài đã mắc bịnh sốt rét rừng. Năm 1943, bịnh cùi đã đến với Ngài vì sống gần gũi với người bịnh; từ năm 1957, bịnh lao xương không thuốc chữa làm Ngài đau đớn, và năm 1964, bịnh lao phổi trở lại hành ha thân Ngài. Ðức Cha đau đớn tột cùng với những cực hình thể xác, nhưng luôn luôn vững lòng chấp nhận để xin Chúa thương mà giảm bớt cái đau của những người hủi tại Việt Nam. Những ai may mắn sống gần Ðức Cha thường được nghe Người nói:

– “Ðời tôi chỉ có ba ước nguyện: được chịu đựng, chịu đau, và chịu chết ở đây, giữa những người Thượng của tôi”
(Je ne demande que trios choses: tenir, souffrir, et mourir ici, au milieu de mes Montagnards).

Chúa đã nhận lời cầu xin của Ðức Cha, đã cho Ngài mang lấy bốn chứng bệnh nan y. Ðã giúp sức cho Ngài chịu đựng quá lâu dài. Những ngày cuối cùng tuy đau đớn, nhưng Người vẫn đọc kinh cầu nguyện cho nước Việt Nam, cho các người cùi. Người nói:

“Suốt 47 năm dài, Cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này, và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây, Cha không tiếc một điều gì về sự dâng hiến toàn diện ấy”.

Theo lời từ biệt của ông Nguyễn Thạch Vân, đọc trong lễ an táng Ðức Cha Cassaigne tại Di Linh ngày 11 tháng 5, năm 1973 kể lại, Cha Cassaigne còn nói:

“Việt Nam chính là quê hương của Cha, bởi vì Chúa muốn như vậy”.

Khi nói đến câu: “Nước Việt Nam là quê hương của tôi”. Ðức Cha chấp tay như để cầu nguyện, và Ngài khóc! Ðây là giòng lệ Thánh cầu nguyện của một Tông đồ Truyền giáo, đã tận hiến đời mình cho lớp người khốn khổ, bất hạnh nhất trên cõi đời này.

Năm 1972, Ðức Cha đã được trao tặng Ðệ Tứ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương trên giường bệnh và đã qua đời tại Di-Linh ngày 31-10-1973.

From Tu-Phung gởi

KINH NGUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI CAO NIÊN

KINH NGUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI CAO NIÊN

(được chuẩn ấn của TGM Montréal, 2.1983)

Lạy Chúa, đã hơn bảy mươi năm nay, Chúa ban cho con ân huệ được sống ở đời; và từ khi con sinh ra, Chúa đã không ngừng ban cho con tràn đầy ơn lành và tình yêu vô cùng của Chúa. Bao nhiêu năm nay, cùng chung số phận với mọi người, đời con trôi đi trong hân hoan xen lẫn phiền sầu, thành công xen lẫn thất bại, với bao bệnh hoạn và tang khó. Nhờ ơn Chúa phù hộ giữ gìn, con đã lướt thắng được các trở ngại và tiến lại gần Chúa. Ngày hôm nay, con cảm thấy được vô cùng an ủi, vì được Chúa ban cho có nhiều kinh nghiệm phong phú, và được Chúa chiếu cố đoái thương. Vì thế, linh hồn con không ngừng ca tụng tri ân Chúa.

            Tuy nhiên, hằng con gặp thấy quanh mình nhiều người cao niên mà Chúa đang thử thách nặng nề: Họ bị tê liệt, tàn tật, bất lực, và đôi khi không còn đủ sức cầu nguyện với Chúa; có những người mất hết mọi khả năng tinh thần, và trong một đời sống hư ảo vô thức, họ không còn thể tiếp xúc được với Chúa. Con nhìn ngắm họ và băn khoăn tự nhủ mình rằng: “Nếu tôi cũng bị như họ thì sao?”.

            Vì thế, lạy Chúa, ngày hôm nay, trong lúc còn được hưởng đủ mọi khả năng cử động và suy tư, con xin dâng lên trước việc sẽ chấp nhận vâng theo Thánh Ý Chúa; và ngay từ bây giờ con muốn rằng, sau này bất cứ gặp phải một thử thách nào như thế, con cũng xin dâng cho Chúa để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Và cũng ngay từ bây giờ, con xin Chúa ban ơn phù trợ cho những người lúc đó sẽ lấy trách nhiệm giúp đỡ con.

            Nếu một mai bệnh tình xâm phạm tới trí óc con, khiến con mất sự minh mẫn, thì ngay từ bây giờ, trước mặt Chúa đây, con xin hứa trước sẽ vâng chịu, và vâng chịu trong trạng thái yên lặng kính thờ. Nếu mai này con bị chìm đắm trong tình trạng hôn mê kéo dài, thì con mong rằng mỗi giờ phút còn lại của đời con sẽ đều là những thời gian liên tục chúc tụng tri ân Chúa, và chớ gì hơi thở sau hết của con cũng sẽ là một hơi thở của lòng mến yêu. Con ước ao cậy trông rằng, vào giờ đó, con sẽ được Đức Mẹ nắm tay dẫn dắt đến trình diện trước Thiên Nhan để ca tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

 Kinh nguyện này được đọc trong thánh lễ tạ ơn của những người cao tuổi (trên 70) ngày chủ nhật 09.10.2016, tại nhà thờ Thánh Marcô, Montréal, Quebec, Canada.

Anh Hồ Công Hưng gởi

Chứng từ của một linh mục được chào đời nhờ người mẹ can đảm không phá thai

Chứng từ của một linh mục được chào đời nhờ người mẹ can đảm không phá thai

Những người tham gia cuộc tuần hành vì sự sống tại Washington – AP

25/01/2018 10:12
 
“Tôi biết có một phụ nữ mang thai, khi bà đi siêu âm, các bác sĩ nói với bà rằng các cơ phận của thai nhi không phát triển bình thường và đứa trẻ có lẽ sẽ không sống được một năm sau khi sinh. Rồi họ đã khuyên bà nên phá thai. Người phụ nữ đó chính là mẹ của tôi và tôi là đứa trẻ đó.” Đó là chứng từ của cha Martino Choi, cha sở của giáo xứ thánh Patrick ở Rockville, bang Maryland, Hoa kỳ. Trước 18 ngàn bạn trẻ và người lớn tại cuộc biểu tình và Thánh lễ vì sự sống dành cho người trẻ được tổ chức tại thủ đô Washington, Hoa kỳ, cha Choi đã trình bày chứng tá của mẹ mình trong quyết định bảo vệ sự sống.Cha Choi kể tiếp rằng các bác sĩ nói với mẹ của cha là phá thai sẽ bảo vệ đứa con và người mẹ khỏi những đau khổ không cần thiết. Vị linh mục trẻ nhận định: “Ma quỷ biết cách che đậy, ngụy trang cho sự ác bằng một lời nói dối rằng dù sao chết vẫn tốt hơn là sống. … nhưng sự chết không bao giờ tốt hơn sự sống.”

Cha Choi cũng chia sẻ những câu chuyện mà cha đã trải qua tại giáo xứ của cha, nơi cha đã cố vẫn cho những cha mẹ bị mất những đứa con chỉ mới nhìn thấy ánh mặt trời vài ngày hay vài tháng. Cha nói: “Không có gia đình nào đến với tôi và nói ‘Cha biết không thưa cha, chúng con ước là chúng con đã không có đứa trẻ này. Chúng con ước giá như chúng con không phải đau khổ vì điều này.’ Không có ai trong họ nói những điều như thế. Tất cả họ nói: ‘Cám ơn Chúa là chúng con đã yêu thương đứa trẻ này, dù cho là chỉ một ít ngày.’” Cha Choi kể tiếp: “Có một gia đình có đứa con không bao giờ được rời bệnh viện cho đến khi qua đời, họ đã nói rằng cuộc sống chỉ kéo dài 3 tháng của đứa con trai đã dạy cho họ về sự sâu sắc của tình yêu cũng như lòng can đảm, điều mà họ đã không thể hiểu được trước khi đứa con ra đời.”

Những câu chuyện của cha Choi vang dội trong lòng các bạn trẻ đến từ các giáo phận trên khắp Hoa kỳ và cả quốc tế đển thủ đô để tham dự Thánh lễ vì sự sống. Kelly Lambers, một học sinh trung học thuộc tổng giáo phận Cincinnati đã chia sẻ: “Mẹ của cha đã không từ bỏ cha ngay cả khi bà biết là con của mình sẽ không sống lâu, nhưng giờ đây hãy nhìn vào cha kìa; cha là một linh mục!” Lambers đã cùng với các bạn học của mình tại trường trung học Mẹ lòng thương xót đi xe buýt 9 tiếng để tham dực cuộc tuần hành vì sự sống. Cô cảm thấy hãnh diện rất nhiều vì các bạn của cô mang bảng hiệu “ủng hộ sự sống là ủng hộ người nữ.” Tajil Baptiste là một người trẻ đến từ quần đảo Virgin. Anh đã chia sẻ tại sao anh và các bạn đến thủ đô Washington để tham gia cuộc tuần hành vì sự sống. Anh nói: “Đối với chúng tôi, đó là một sự kiện tôn giáo. Đi thật xa từ hòn đảo nhỏ đến đây, nhưng sứ điệp mà chúng tôi mang về cho cộng đoàn và giáo xứ chúng tôi là “Hãy ủng hộ sự sống, hãy thay đổi thế giới.”

Cuộc tuần hành vì sự sống năm nay là lần thứ 45 nó được tổ chức, có chủ đề “Tình yêu cứu giữ sự sống”. Có một điều đặc biệt là từ Nhà Trắng – dinh tổng thống, tổng thống Donald Trump đã ngỏ lời trực tiếp với các tham dự viên qua hệ thống vệ tinh. Ông nói: Tôi muốn cám ơn mọi người ở đây hôm nay, những người hoạt động với trái tim vĩ đại để bảo đảm cho các phụ huynh có được sự chăm sóc và ủng hộ cần thiết để họ chọn sự sống. Chính nhờ các bạn, hàng ngàn người Mỹ được sinh ra và đạt được sức mạnh đầy đủ mà Chúa ban cho họ … Các bạn là những chứng nhân sống của chủ đề “Tình yêu cứu giữ sự sống.”

Nghị viên Jaime Herrera Beutler cũng kể lại câu chuyện gia đình mình trước sự hiện diện của gia đình, trong đó có đứa con gái Abigail 4 tuổi, đứa con được coi như là của phép lạ. Bà Beutler kể rằng khi bà đang mang thai cháu Abigail, kết quả siêu âm là một tin thất vọng – con gái của họ không phát triển các cơ phận bình thường trong lòng mẹ và hầu như nó sẽ bị ngộp thở và chết ngay khi được sinh ra. Con gái bà được dự đoán là có 0% hy vọng. Các cha mẹ ở trong trường hợp này thường chọn phá thai. Bà Beutler kể tiếp: “Chúng tôi đã cầu nguyện, đã khóc và trong sự suy sụp đó chúng tôi đã nhìn thấy Chúa.” Không muốn phá thai, vợ chồng bà đã tìm bác sĩ và các trị liệu để có thể cho con gái họ cơ hội sống. Bà khẳng định rằng chính tình yêu dành cho con gái và việc không muốn đầu hàng đã cứu mạng con gái. Cuối cùng với sự can thiệp thần linh và một số bác sĩ can đảm sẵn lòng chịu nguy hiểm, gia đình bà đã có được con gái Abigail, nay là đứa trẻ 4 tuổi khỏe mạnh. (CNA 19/01/2018)

Hồng Thủy

GIẢI PHÁP CHO SỰ SUY TRẦM VÌ SỢ HÃI CÁI CHẾT

CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA THÁNH THẦN – phần hai.

GII PHÁP CHO S SUY TRM VÌ S HÃI CÁI CHT

Michelle  ở tiểu bang Michigan

Từ khi còn bé, tám chín tuổi tôi đã phải vật vã với nỗi sợ hãi sâu thẳm về sự chết, tôi không biết vì sao lại bị như vậy và nỗi sợ vốn bắt đầu từ đâu ? Tôi không hề bị đối diện với các thảm cảnh chết chóc lúc bé thơ, sự sợ hãi chỉ âm thầm nắm giữ hết mọi tưởng tượng của tôi cho đến khi tôi không còn nhớ đến điều gì khác ngoại trừ một ý thức thường xuyên có tính xác đinh rằng “mình sắp phải chết”, hồn tôi sẽ lìa khỏi thân xác này, nó sẽ trở nên lạnh lẽo và cứng đờ. Tôi sẽ mất hết mọi liên hệ với người thân yêu, mất hết các thứ đồ vật  mà tôi yêu thích. Thần chết, kẻ thống trị sẽ vồ lấy tôi và ném vào nơi tối tăm cô quạnh.

Tôi không hẳn đã bị mất lý trí vì sợ hãi, không đến nỗi bị trầm cảm, suy thoái. Nỗi sợ không làm tê liệt cuộc sống vào lúc ban ngày của tôi, còn bé tôi vẫn chơi đùa, chạy nhảy với chúng bạn, lớn lên thành một thiếu nữ, dồn năng lực cho việc học hành và làm một y tá, niềm vui lập gia đình và có con thơ. Tôi yêu kính Chúa, ngày tháng của tôi tùy thuộc vào Ngài. Tuy nhiên, ban đêm là lúc tôi thuộc về sự sợ hãi.

Ngay khi tôi vừa đặt mình nằm xuống và thế giới chung quanh trở nên đen tối, vừa ngay lúc chồng và con cái ngủ say, (họ thường ngủ trước tôi từ thời khắc lâu trước tôi), liền có tiếng lập lại, vang vọng trong đầu tôi, “Mày sắp chết rồi”. Tôi sợ sự cảnh báo trước về cái chết này đến mất ngủ, có khi tự kỷ đem tôi đến  với các đề nghị ác độc của nó: “Đằng nào thì rồi mày cũng sẽ phải đối diện với cái chết, sắp đến nơi rồi. Tại sao lại phải chờ đợi điều không thể tránh khỏi ? Hãy tự kết liễu nó ngay đi, ít nhất sự sợ hãi sẽ không còn nữa”.

Là một tín hữu Công Giáo sốt mến, tôi nhận định đây là các áp lực tấn công của Kẻ dữ. Hơn thế nữa, là một tín hữu Canh Tân Đặc Sủng, tôi biết là Chúa Thánh Thần có thể cứu tôi khỏi các cơn hành hạ như vậy, tôi đã thấy nhiều người được Chúa chữa lành thoát khỏi sự bức chế và được tự do. Tôi cầu xin Chúa cũng thực hiện điều ấy cho tôi nữa.

Qua nhiều năm, khi xưa tôi đã cầu nguyện, rồi tôi xin người khác đặt tay cầu nguyện trên tôi, để xua đuổi các trói buộc của kẻ thù, giúp tôi phục hồi trí nhớ và xin họ thi hành mục vụ chữa lành cho cô gái bé nhỏ đang mang đầy sợ hãi là tôi. Nhưng mà,  mọi biện pháp đều không mang lại thay đổi nào hết.Sau nhiều năm sống trong nghi ngờ và thất vọng, khi trong tâm tôi đặt vấn đề về sự quan phòng của  Chúa, Ngài có đoái hoài đến đời sống bé bỏng của tôi không?

Tôi cuối cùng đi đến sự đầu phục Chúa,tuân theo thánh ý Ngài, tôi biết rằng mình đã thỉnh cầu Chúa chữa lành nhiều lần rồi, và tôi có thể tiếp tục cầu xin điều đó, tuy nhiên tôi chấp nhận một thực tế là,  vì một số lý do nào đó, Chúa cho phép tôi mang thánh giá đau khổ này ngoài sự mong ước của tôi. Như vậy, trong những đêm đen,  thay vì chết nhát và van nài Chúa giải thoát khỏi sợ hãi, tôi chỉ bày tỏ lòng tín thác nơi Chúa và dâng sự đau đớn, khắc khoải cho Chúa. “ Lậy Chúa, xin sử dụng nó để cứu người của Chúa và để cho con thêm lòng yêu mến Ngài. Xin cùng đi với con trong sự kinh hãi này. Con biết Chúa đang ở đây mà”.

Một đêm nọ, ngay sau khi tôi cầu nguyện những lời tín thác nêu trên, căn phòng của tôi bỗng tỏa sáng, chan chứa ánh sáng lóng lánh vàng. Đột nhiên, tôi thấy mình nằm đó, trên cái gường của tôi nhưng điều tôi nhận ra đấy là chiếc gường chết, ở trên đó tôi nằm yên lành, thanh thản bao bọc trong luồng ánh sáng dịu dàng. Căn phòng có đầy người, và tôi biết họ, có các thiên thần, các vị Thánh đặc biệt mà tôi hằng cầu xin họ suốt đời, Đức Mẹ Thiên Đàng của tôi và cũng có linh hồn những người bạn thân đã qua đời trước tôi. Linh hồn tôi được nhấc bổng khỏi thân xác và được chào đón bởi đông đúc những đấng đang vui mừng chung quanh tôi. Chúng tôi bước đi như thể tiến sang căn phòng bên cạnh nhưng tôi biết là đang bước sang một thế giới khác, nơi chẳng bao lâu tôi sẽ diện kiến Chúa Giê Su. Rồi thị kiến mờ nhạt dần, chỉ còn lại ánh sáng và tôi trở lại tình trang đang nằm trên gường. Thần khí Chúa nói rõ trong linh hồn tôi, với sự ngắt đoạn cách mạnh mẽ giữa những câu sau đây: “Sẽ không có bạo động, Sẽ không có bóng tối. Con sẽ không đơn độc.”

Kể từ khi đó, tôi không còn cảm thấy sợ hãi cái chết nữa, tôi không thể ngờ đã được Thiên Chúa tài tình chữa cho tôi tân gốc căn nguyên của sự sợ hãi cái chết và giải thoát tôi một cách trực tiếp không qua sự can thiệp của một linh hồn nào khác. Đối với tôi, kinh nghiệm này làm sáng tỏ câu Kinh Thánh, 2 Côrinto 3:17

         “…Còn Chúa, Ngài là Thần khí; và đâu có Thần khí của Chúa, thì có tự do.”

Phần tôi, chỉ biết dành toàn bộ thân xác, tâm tình, linh hồn, trí khôn, trí nhớ và mọi sáng kiến của tôi thuận thảo với ý định đáng yêu của Chúa, vào bất kỳ lúc nào ngày và đêm.

                                                                             *–*–*–*–*–*–*

 BỨT PHÁ NHỜ MẤY BUỔI CHUYỆN VÃN.

 Cô Donna, Canada

Hồi ấy, tôi đang tham dự buổi họp mặt cầu nguyện, đề tài cầu nguyện,suy niệm và thảo luận quả là một khám phá cho tôi: “ Làm sao để không là một Kitô hữu hâm hâm dơ dở”. Chúa muốn chúng ta làm nhân chứng về sự hiện diện của Ngài trong đời ta một cách tích cực sinh động, chúng ta không thể do dự chần chừ khi có cơ hội nói về Ngài cho người khác.

Phản ứng ban đầu của tôi về sự dậy dỗ này là thái độ ơ hờ, và đúng là như thế, tôi mang ngay vấn đề thưa với Chúa Giê Su rằng tôi không được chuẩn bị để ra đứng ở một góc đường phố rồi công nhiên tuyên bố thông điệp của Tin Mừng, tôi yêu cầu Chúa hễ muốn tôi nói về Ngài với ai thì xin chỉ định rõ ràng.

Sáng hôm sau, đến sở làm, tôi đang tà tà đi lấy ly nước ở vòi giải khát thì ở đầu kia, có một đồng nghiệp đi về phía tôi, anh ta tiến thẳng đến và chào tôi. Trong lúc vắn tắt mấy câu chuyện vãn, anh ta hỏi tôi làm gì chiều tối hôm qua. Tim tôi đập nhanh dồn dập khi tôi ý thức rằng đây là một cơ hội Chúa dành cho tôi để làm chứng về Ngài. Mặc dù có một khoảnh khắc tôi  sợ bị chàng ta chế diễu nhưng tôi không thể nào lại trốn tránh một cách thẳng thừng, không đáp trả cho thông điệp “yêu cầu làm chứng” của Chúa! Tôi liều trả lời với vẻ mặt tỉnh khô như ngày nắng hạn:

  • Tôi tham dự một nhóm Canh Tân Đặc Sủng cầu nguyện
  • Wow, cô dẫn tôi cùng đi vào lần họp nhóm kế tiếp được không ?

Tôi sửng sốt như bị điện giật ( Ui giời, thời buổi bi giờ mà có người chịu quá bộ, quan tâm đi theo  để cầu nguyện sao kìa ?), tôi bảo anh có thể tham gia cùng tôi vào tối thứ Ba tuần sau. Qua sự kiện này, tôi thầm thì cảm tạ, tôn vinh Chúa, và không thể nào thôi không nhớ đến sự biến chuyển tốt đẹp Chúa đang cho phép xảy ra. Rồi tôi bắt đầu hỏi Chúa Giê Su rằng anh ta sẽ phản ứng với việc cầu nguyện như thế nào đây, tôi sẽ phải chuẩn bị cho đương sự điều gì đây vì có lẽ chàng chưa hề từng cầu nguyện như vậy đâu nhỉ. Trong khi tôi còn đang phân vân với các “théc méc” nhiều nhiều thì người này chợt xuất hiện trước cửa văn phòng của tôi với một bó hoa tươi tốt cầm trên tay, anh muốn cảm ơn về cuộc đàm thoại vừa rồi… Tôi chỉ còn biết lúng túng, nghẹn lời vì quá vui sướng.

Mãi về sau, tôi mới biết rằng chàng trẻ tuổi, có Đạo Công Giáo trên danh nghĩa mà thôi, thậm tệ hơn nữa, chính anh ta đã có lần đi tập thiền Krishna (mà không biết các hậu quả Ma Quỉ có thể gò trói nếu không đề phòng và tôn sùng chúng qua các câu Mantra tối nghĩa). Chúng tôi đi ra ngoài vào ngày Thứ Bẩy và bàn luận chung quanh một tâm điểm là  Chúa suốt buổi chiều tối hôm đó. Ngày hôm sau là lễ Lá và Chúa đã bắt đầu vinh hiển tiến vào đời của anh chàng trẻ tuổi này cách tưng bừng như khi tiến vào thành Giê rusalem  cách đây hai ngàn năm. Anh cảm thấy cần phải đi tham dự Thánh Lễ “lần đầu” sau một giai đoạn kéo dài hơn mười lăm năm bỏ lễ, và anh dò tìm thấy có một nhà thờ dâng lễ vào lúc 5 giờ chiều. Rồi trong Thánh Lễ hôm đó, lại có thông báo nghi thức cáo giải được tiến hành vào lúc 7 giờ tối, thế là anh ta quay lại nhà thờ sau đó để được xưng tội. Không cần nói cũng biết là anh chàng vui mừng đến độ nào khi được quay về “mái nhà Cha xưa”, buổi họp cầu nguyện thứ Ba tiếp theo sau, anh thích thú tham dự với tất cả sự toại nguyện có thể tìm thấy được trên đời cứ như là Nhóm này quen anh từ xưa xửa xừa xưa rồi hay sao á!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi hẹn hò, quen biết nhau trong hai năm và cùng tham dự không biết bao nhiêu đợt thám hiểm trên các chuyến hành trình  phát triển tinh thần mà kể cho siết, nhiều lắm lắm luôn á! Chúng tôi làm đám cưới vào tháng 5, tháng dành riêng kính nhớ Mẹ Maria, dịp lễ vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ Ngũ tuần năm 1977, một năm Thánh do Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị tuyệt vời công bố.

Chúng tôi đang ở năm thứ hai mươi tám của cuộc hôn nhân cùng với ba con. Tình yêu của chúng tôi dành cho Chúa và cho nhau cứ tiếp tục lớn lên một cách đậm đà, sâu sắc.

Chúa ơi, Chúa thật là Tình Yêu…….. của chúng con theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen phải không ạ.

Một Luật Sư Quận Cam trở thành Linh Mục

Một Luật Sư Quận Cam trở thành Linh Mục

Linh mục Trần Đình Văn Quân – Linh mục Công giáo thuộc Giáo phận Orange, California

Tôi làm Luật sư gần 12 năm và 10 năm trong số đó tôi làm Phó Biện lý Quận Cam ở California. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một linh mục! Nhưng Chúa đã biết cả trước khi tôi chào đời và đã cho tôi được làm linh mục. Tôi đã phải trải nghiệm cuộc sống, hẹn hò, và làm việc trước khi sẵn sàng để nghe và đáp trả lời mời gọi của Người.

Sự quan phòng của Chúa đã làm việc trong ơn gọi của tôi trước khi tôi sinh ra. Khi ông nội tôi được mười hai tuổi, có một chuyện xảy ra đã làm thay đổi tất cả. Bà cố nội của tôi bệnh rất nặng và các bác sĩ đã không có hy vọng. Một ngày kia, khi ông cố nội của tôi đang đi bộ về nhà sau khi thăm bà trong bệnh viện, ông đi ngang qua Nhà thờ Công giáo Thánh Giuse. Mặc dù không phải là người Công giáo, nhưng vì tuyệt vọng, ông bước tới trước tượng của Thánh Giuse, ông quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện. Ông đã xin Thánh Giuse giúp vợ ông được bình phục. Ông hứa rằng nếu bà hồi phục, cả gia đình sẽ chuyển sang đạo Công giáo.

Đêm đó, ông bà cố nội tôi đã có cùng một giấc mơ. Họ đã mơ thấy một người đàn ông trông giống như Thánh Giuse đi vào phòng bệnh viện của bà, lấy đi ở phần bụng bà – bộ phận bị đau – và thay thế vào một cái mới. Buổi sáng hôm sau, bà đã được chữa khỏi hoàn toàn và các bác sĩ đã không thể tin được. Ông bà cố nội tôi chia sẻ giấc mơ họ đã có tối hôm trước và biết rằng qua Thánh Giuse bà cố nội tôi đã được chữa khỏi một cách kỳ diệu. Một thời gian ngắn sau đó, ông bà cố nội và ông nội của tôi đã chịu phép rửa tội theo đức tin Công giáo. Nếu không có phép lạ này, bây giờ gia đình tôi và tôi có thể không phải là người Công giáo!

Lớn lên, bà nội tôi là người sùng đạo nhất trong gia đình. Mặc dù bà chỉ theo đạo Công giáo khi bà kết hôn với ông nội tôi, nhưng chính bà lại là người duy trì việc thực hành đức tin sống động trong gia đình. Tôi đã gần bà khi lớn lên và bà đã dạy tôi làm Dấu Thánh Giá và những kinh cầu nguyện căn bản của Giáo hội như kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh và kinh Ăn năn tội. Bà đã dạy tôi cách xưng tội và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Bà nội tôi đã góp phần trong sự hình thành đức tin của tôi.

Mẹ tôi cũng đã theo đạo khi kết hôn với cha tôi. Lớn lên, chúng tôi là những người Công giáo “lãnh đạm”. Chúng tôi đã đến dự Thánh lễ Chúa nhật và nhận tất cả các bí tích căn bản – chủ yếu bởi vì sự khăng khăng của bà nội tôi. Trong gia đình tôi, tôi chưa bao giờ nghe có ai nói về một ơn gọi có thể có như chức linh mục hay đời sống tu sĩ. Thay vào đó lại nhấn mạnh về trình độ học vấn cao, có việc làm tốt với mức lương cao và có địa vị nữa.

Trong khi học Đại học, tôi không còn đi dự Lễ nữa. Những điều thế gian như vui chơi và đạt điểm tốt đã trở thành sự quan tâm của tôi; đức tin không phải là một ưu tiên. Điều này tiếp tục tiếp diễn khi tôi đang ở trường luật và cả khi tôi làm luật sư. Trong quá trình lược lại, tôi quyết định đi học tại trường luật. Tôi đã tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh về Tài chính nhưng không hứng thú làm việc trong lĩnh vực này. Vì vậy bước tiếp theo hợp lý là để có được một MBA hoặc là đi học luật. Thế rồi tôi quyết định học về luật pháp vì tôi nghĩ rằng nó sẽ cho tôi nhiều lựa chọn hơn.

Công việc đầu tiên của tôi khi ra trường luật là luật sư biện lý công chúng ở Bakersfield. Đó là một kinh nghiệm tốt nhưng tôi biết tôi không muốn sống ở Bakersfield trong suốt quãng đời còn lại. Vì vậy, tôi đã nộp đơn lên Văn phòng Luật sư Công cộng và Văn phòng Luật sư Quận tại Quận Cam, nơi tôi đã lớn lên. Văn phòng của D.A. đã cho tôi một cuộc phỏng vấn và sau đó là một đề nghị tuyển dụng, và tôi đã chấp nhận. Năm 1997, chuyển về Quận Cam và bắt đầu sự nghiệp của tôi với tư cách là công tố viên; Tôi vẫn chưa thực hành đức tin của mình. Tôi mua một căn nhà, một chiếc xe BMW và đã hẹn hò. Tôi đang tìm kiếm một người ưng ý để kết hôn và bắt đầu một gia đình. Nhưng Chúa đã có những kế hoạch khác.

Mãi cho đến khoảng năm 2001 tôi mới bắt đầu trở lại đi dự Thánh lễ thường xuyên. Lý do là vì tôi đang hẹn hò với một phụ nữ Công giáo tốt bụng, cô ta muốn tôi đi lễ với cô vào Chúa nhật và tôi đã làm như vậy. Đây là khởi đầu của cuộc hành trình trở về với Chúa. Tôi đã biết rất ít là cuối cùng nó sẽ dẫn tôi đến đâu.

Chúng tôi đã hẹn hò trong vài tháng nhưng mọi thứ đã không kết quả và chúng tôi chia tay. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi dự Thánh lễ mỗi Chủ nhật. Tôi tiếp tục hẹn hò với hy vọng gặp được “người duy nhất.” Trong khi đó, Chúa đã sử dụng những người xung quanh tôi để hướng tôi đến với chính Người và cho ơn gọi đích thực của tôi. Chỉ sau đó tôi mới hiểu được ai thực sự là “người duy nhất” đối với tôi. Vào đầu năm 2005, tôi gặp một người phụ nữ ở trong giáo xứ và chúng tôi bắt đầu hò hẹn. Cô cũng là một người Công giáo tốt và cô giới thiệu tôi với chuỗi Mân côi, tham dự Thánh lễ hàng ngày và Chầu Thánh Thể. Cô khuyến khích tôi trở thành một Thừa tác viên Thánh Thể và sau đó là đọc sách Thánh. Tôi đã phát triển trong đức tin và thật sự thực hành nó.

Đồng thời, lúc đó tôi cũng đang trải qua một số khó khăn trong công việc. Điều này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về sự lựa chọn khác. Tôi nghĩ về việc tìm một việc làm khác hoặc thậm chí thay đổi nghề nghiệp, và tôi bắt đầu tìm kiếm… Tôi nhận ra rằng thực sự tôi không thích làm công tố viên hoặc luật sư vì bất cứ lý do nào. Tôi bắt đầu suy nghĩ để tìm ra những gì tôi thực sự muốn làm với cuộc đời của mình. Tôi muốn làm điều gì đó mà tôi thích và đam mê, nhưng không có gì là đúng cả.

Trong tuyệt vọng tôi quay sang cầu nguyện (như ông cố nội tôi). Với đức tin mới tìm thấy, tôi đã đến gần Chúa và hỏi Chúa cho tôi biết điều tôi phải làm là gì? Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi không có lựa chọn dự phòng nào; quá trình lược lại đã dẫn tôi đến ngõ cụt.

Ngay sau khi cầu nguyện, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Người phụ nữ Công giáo mà tôi hẹn hò đã bất ngờ hỏi tôi một cách bâng quơ là có khi nào tôi nghĩ đến việc trở thành một phó tế vĩnh viễn không? Tôi nói với cô ấy rằng tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ tới việc trở thành một phó tế. Thậm chí tôi không biết phải làm gì để trở thành một phó tế, nhưng có lẽ nó đòi hỏi phải trở lại trường để học thêm, và tại thời điểm đó trong cuộc đời, tôi không hề muốn trở lại trường học. Nhưng hạt giống đã được gieo!

Không bao lâu sau, ba người khác hỏi tôi có khi nào tôi nghĩ đến việc trở thành một linh mục hay thầy phó tế không? Cho đến thời điểm này trong cuộc đời của tôi, không một ai đã từng hỏi tôi những câu hỏi như vậy. Tôi thấy rất tò mò vì trong vòng một tháng, sau khi tôi cầu nguyện, xin Chúa tiết lộ kế hoạch của Người cho tôi, bốn người khác nhau đã hỏi tôi xem tôi đã từng xem xét về chức linh mục hay thầy phó tế vĩnh viễn không? Tôi chưa bao giờ nghĩ đến ơn gọi và không biết phải làm gì để trở thành một phó tế hay một linh mục. Vì vậy, tôi bắt đầu kiếm trên mạng lưới để tìm hiểu thêm thông tin và tôi thấy mình như bị lôi cuốn về chức linh mục. Tôi thực sự không thể giải thích tại sao. Cảm giác này về chức linh mục là điều tôi đang tìm kiếm và đó là điều tôi muốn làm. Tôi càng suy nghĩ nhiều hơn về chức linh mục, thì nó càng cho tôi cảm giác bình an, niềm vui và có ý nghĩa. Tôi có cảm giác rằng đây chính là câu trả lời cho lời cầu nguyện của tôi.

Tôi đã rất phấn khởi và sợ hãi cùng một lúc. Có một cái gì đó mới lạ, một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến trước đó. Nhưng sự cam kết và thay đổi trong đời sống thì rất lớn. Từ bỏ nghề luật là một chuyện, còn một điều khác nữa để từ bỏ, đó là khả năng không bao giờ có vợ và gia đình. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ tìm được đúng người, kết hôn và có gia đình. Độc thân không phải là điều dự tính của phương trình! Nhưng còn về chức phó tế thì sao? Nó cho phép tôi được kết hôn, có gia đình và trở thành phó tế cùng một lúc. Nhưng chức phó tế vĩnh viễn thì không bao giờ nghĩ tới. Tôi sẽ dâng cuộc sống của tôi cho Chúa hoàn toàn như là một linh mục hoặc lập gia đình; không có lựa chọn nào khác!

Tôi tiếp tục cầu nguyện và nhận ra ý Chúa cho tôi. Một ngày kia đang quỳ sau khi rước lễ và nhìn lên thánh giá, tôi có thể nghe thấy Chúa Giêsu đang nói trong tâm trí và trái tim tôi, Người kêu tôi bỏ tất cả mọi thứ và theo Người. Một phần của tôi muốn nói “Vâng, Chúa Giêsu, con sẽ từ bỏ tất cả mọi thứ để theo Chúa. Nhưng một phần khác vẫn chưa sẵn sàng, vì vậy tôi cầu nguyện: “Chúa Giêsu ơi, nếu Chúa muốn con theo Chúa, thì Chúa phải giúp con bỏ mọi thứ vì con không thể làm điều đó một mình được. Nếu Chúa muốn, Chúa phải làm cho nó xảy ra.”

Sáng hôm sau tôi thức dậy với bài hát này trong đầu: Everything I Own by Bread. Tôi đã lên trang mạng, in lời bài hát và đọc chúng. Bài hát này nói về một người mất cha và mong muốn cha mình vẫn còn sống. Nhưng đối với tôi, lời bài hát là cách Chúa nói với tôi rằng tôi có thể từ bỏ tất cả mọi thứ cho Người, nếu tôi không làm bây giờ thì cơ hội sẽ không còn và có thể tôi sẽ hối tiếc về điều đó:

Cha đã che chở con khỏi mọi điều tổn hại

Giữ cho con ấm, giữ cho con ấm

Cha đã cho con cuộc sống của con

Cho con tự do, cho con tự do

Những năm đẹp nhất mà con có

Là những năm con đã có với cha

Và con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Bỏ cuộc sống, trái tim, nhà cửa của con

Con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Chỉ để có Cha một lần nữa

Cha đã dạy con biết yêu

Nó là gì, nó là gì

Cha không bao giờ nói quá nhiều

Nhưng cha vẫn chỉ ra cách

Và con đã biết khi con quan sát cha

Không ai khác có thể biết được

Một phần của con không thể buông thả

Và con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Bỏ cuộc sống, trái tim, nhà cửa của con

Con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Chỉ để có Cha một lần nữa

Có ai đó mà bạn biết

Và bạn đang thương họ

Nhưng bạn cũng đã đang coi thường họ

Bạn có thể mất họ một ngày

Một ai đó sẽ mang họ đi

Và họ sẽ không nghe được những lời bạn muốn nói

Và con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Bỏ cuộc sống, trái tim, nhà cửa của con

Con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Chỉ để có Cha một lần nữa

Chỉ để chạm vào Cha một lần nữa

Đây chỉ là một trong nhiều sự kiện mà Chúa đã tỏ cho tôi biết ơn gọi của mình.

Vào mùa thu năm 2005, tôi dự khoá tĩnh tâm Cursillo tại Trung tâm Mục vụ Marywood ở Orange và nó rất mạnh mẽ! Suốt cuối tuần đó, tôi cảm nhận tình yêu và ân sủng đầy quyền năng, đặc biệt là tình yêu của Mẹ Maria. Tôi đã bị cuốn hút đến Mẹ Maria hơn bao giờ hết. Tôi không thể ngừng nhìn vào ảnh của Mẹ. Lời xin vâng của Mẹ Maria cứ lẩn quẩn trong tôi: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin làm cho tôi theo lời của Ngài.” Không nghi ngờ gì, Mẹ Maria đã đóng một vai trò rất lớn trong khi tôi biện phân ơn gọi của mình.

Trong khóa tĩnh tâm, có ai đó đã nói với tôi về một giáo xứ được điều hành bởi dòng ‘the Oblate of the Virgin Mary.’ Tôi bắt đầu tham gia giáo xứ đó và rất có ấn tượng với vị linh mục này. Lời giảng của Ngài rõ ràng và đầy quyền năng, theo tôi chưa bao giờ cảm nghiệm trước đây. Vị linh mục đó đã trở thành người hướng dẫn tâm linh của tôi.

Trong thời gian biện phân, tôi đã gặp một người phụ nữ khác. Tôi đã nói với cô ấy ngay lập tức rằng tôi đang có ý định làm linh mục, để cho cô ấy biết trước. Cô là người Công giáo, đầy tài năng và hấp dẫn. Trên thực tế, tôi nghĩ cô ấy có tất cả những phẩm chất mà tôi mong muốn ở một người vợ. Cô ấy cũng phát triển tình cảm với tôi. Tôi không hiểu tại sao cô ấy đã bước vào cuộc đời tôi vào thời điểm này. Nếu tôi gặp cô ấy sáu tháng trước, tôi có thể đã nhìn thấy phần đời còn lại của tôi với cô ấy. Nhưng bây giờ không phải là thời điểm tốt. Qua cầu nguyện, tuy nhiên, tôi cảm nhận được Chúa cho tôi một sự lựa chọn có ý thức. Đây là người phụ nữ mà tôi có thể lập gia đình, hoặc tôi có thể chọn Người. Nếu tôi chọn cô ấy, Chúa cũng sẽ chúc phúc cho cuộc hôn nhân của tôi, nhưng Người đã gọi tôi chọn Người. Với ân sủng của Thiên Chúa, tôi đã có thể chọn Người. Chúa cho tôi cơ hội này để tôi đưa ra một quyết định có ý thức bởi vì Người không muốn sau này tôi suy nghĩ: “Chuyện gì xảy ra nếu tôi gặp đúng người?” Chúa muốn tôi chắc chắn về ơn gọi của mình.

Vào mùa hè năm 2006, tôi đã yêu cầu và nhận được một năm nghỉ việc để thử ơn gọi mới của tôi bằng cách vào chủng viện. Các đồng nghiệp của tôi rất ngạc nhiên. Nhiều người nghĩ rằng tôi đã đang trải qua một “giai đoạn” và rằng tôi sẽ trở lại trong vòng chưa đầy một năm.

Gia đình tôi cũng rất ngạc nhiên. Bố tôi, đang sống ở Denver, đã bay tới Quận Cam vào ngày hôm sau để nói chuyện với tôi và xem tôi có đang gặp phải bất kỳ vấn đề gì không. Ông cùng với nhiều người khác trong gia đình, nghĩ rằng tôi đã mắc phải sai lầm lớn; họ không thể hiểu được tại sao tôi lại biện phân về chức linh mục và nghĩ rằng tôi đã vứt đi cuộc đời của mình.

Việc chuyển đổi từ một luật sư sang chủng sinh không phải là dễ dàng. Tôi đã bán nhà, bán xe và bỏ hầu hết tài sản của mình. Từ bỏ những điều này không phải là khó khăn. Điều khó nhất là bỏ mấy con chó của tôi. Tôi có bốn con chó và tôi phải tìm nhà cho nó. Thật là đau lòng, nhưng Chúa đã ban cho tôi ân sủng để cho nó đến những gia đình tốt. Những người chủ mới đã rất tốt, họ email và cập nhật hình ảnh cho tôi và tôi có thể đến thăm bất cứ lúc nào.

Vào năm 2006, tôi tham gia vào dòng ‘the Oblates of the Virgin Mary’ như là một dự sĩ tại chủng viện của họ ở Boston và bắt đầu học triết học. Đó là một trải nghiệm mới và đầy thách thức đối với tôi. Tôi đã là một luật sư với nhà riêng và xe của mình, tôi có thể đến và đi lúc nào tôi muốn. Bây giờ tôi phải sống với một cộng đoàn tôn giáo nhỏ và phải làm hầu hết mọi thứ cùng với năm chủng sinh khác: ăn, cầu nguyện, học tập, dọn dẹp, giải trí, vv… Thật khó! Nhưng với sự trợ giúp của Chúa, tôi đã ở được một năm. Vào cuối năm tôi đã nhận ra rằng cuộc sống tôn giáo hoặc ít nhất là dòng ‘the Oblates of the Virgin Mary’ có lẽ không phải cho tôi. Tôi trở lại Quận Cam không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng có một điều chắc chắn – tôi không muốn là một D.A. nữa. Tôi nộp đơn từ chức, trả lại huy hiệu và I.D. Tôi thấy bình an với quyết định này.

Nhưng bây giờ làm gì? Tôi tìm kiếm lời khuyên của một người hướng dẫn tâm linh mới, một Norbertine. Ông đề nghị tôi thử Giáo phận Orange trước khi từ bỏ ý định làm linh mục và trở lại “thế giới thực tại.” Vì vậy tôi đã gia nhập Giáo phận Orange và được cử đi học thần học tại Chủng viện Thánh Patrick ở Menlo Park, California . Ngay lập tức tôi nhận thấy một sự khác biệt lớn từ cuộc sống tôn giáo ở Boston. Có nhiều chủng sinh hơn và tôi có nhiều quyền tự do hơn để lựa và chọn, làm thế nào và với ai khi dùng thời gian rảnh của mình. Càng ngày tôi càng cảm thấy tôi đã tìm được ơn gọi của mình. Vào cuối năm đầu tiên của thần học, Đức Giám Mục Orange đã cho tôi một sự lựa chọn: ở lại St. Patrick học hoặc đi đến Trường cao đẳng Bắc Mỹ ở Rome. Tôi đã chọn Rome.

Rome cũng là một thách thức vì là một quốc gia khác, với một nền văn hoá và ngôn ngữ khác biệt, xa với sự quen thuộc và thoải mái ở nhà. Nhưng đó cũng là một kinh nghiệm tuyệt vời cho phép tôi hoà đồng với nhiều chủng sinh và linh mục có năng khiếu từ khắp nơi trên nước Mỹ (và thế giới nói chung). Tôi cũng có cơ hội trải nghiệm những kỳ quan của Rome và các vùng khác nhau của Châu Âu. Điều quan trọng nhất là khi tôi tiếp tục học tập và đào tạo, nó trở nên rõ ràng và rõ ràng hơn rằng linh mục là ơn gọi của tôi.

Vào ngày 10 tháng 7 năm 2010, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi được làm thầy phó tế chuyển tiếp của Giáo phận Orange. Nhiều gia đình, bạn bè đã có mặt và tôi đã thuyết giảng Thánh lễ đầu tiên của tôi như một Thầy phó tế vào Chúa nhật Lễ Hiện Xuống. Cuối tuần đó thật đầy ân sủng! Thật khó để tin rằng bốn năm trước đó, tôi đã là một luật sư cố gắng bỏ mọi thứ và theo Chúa Kitô. Gia đình, bạn bè của tôi đã hãnh diện về tôi. Mùa hè tiếp theo, vào ngày 11 tháng 6 năm 2011, tôi được Thụ phong Linh mục. Tôi đã trở lại Rome để hoàn tất chương trình Licentiate in Sacred Theology trước khi trở về nhà trong năm 2012. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tại nhà thờ Our Lady of Mount Carmel ở Newport Beach, và năm đầu tiên làm linh mục phó xứ là một phần thưởng và kinh nghiệm cho tôi.

Tôi không chắc chính xác kế hoạch của Chúa dành cho tôi như thế nào. Nhưng dù sao, tôi biết rằng nó tốt hơn bất cứ kế hoạch nào tôi có thể làm cho bản thân mình. Tôi đã giao phó ơn gọi của mình cho Mẹ Maria, tin tưởng vào sự chăm sóc của Mẹ và cố gắng để nên giống Mẹ. Biết rằng sẽ có những thử thách phía trước và tôi cố gắng chấp nhận làm theo ý Chúa mỗi ngày. Tôi giữ những lời sau đây của Mẹ Têrêxa gần với tôi để nhắc nhở tôi tin tưởng Chúa mọi lúc:

“Hoàn toàn đầu phục cho Chúa phải đi từ những chi tiết nhỏ đến những chi tiết lớn, chẳng có gì ngoài một từ duy nhất: ‘Vâng! Con chấp nhận những gì Chúa cho, và con cho những gì Chúa muốn.’ Và đây chính là cách đơn giản để chúng ta nên thánh. Không nên tạo ra khó khăn trong tâm trí mình. Để thánh thiện không có nghĩa là làm những điều phi thường, hiểu những điều lớn lao, nhưng đơn giản là chấp nhận, bởi vì tôi đã dâng mình cho Chúa, tôi thuộc về Người – tôi phó thác tất cả!”

Linh mục Quân hiện là Cha phó – Giáo xứ Chánh toà Chúa Kitô ở Garden Grove. Ngài cũng đang là Vị Đại diện Giám mục của Hiệp nhất Kitô giáo và Đối thoại Liên tôn thuộc Giáo phận Orange.

Anh chị Thụ & Mai gởi

CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA THÁNH THẦN.

CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA THÁNH THẦN.

LỜI CHỨNG CỦA ÔNG BÀ PETER DEBBIE HERBECK TRONG CUỐN “WHEN THE SPIRIT SPEAKS”

Có lẽ sự đóng góp quan trọng nhất của Đức Thánh Cha Gioan Paul đệ nhị là việc chuẩn bị Giáo Hội đối mặt các thách thức của thiên niên kỷ mới, qua việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng cho mỗi tín hữu Công Giáo có một đời sống thân mật, sống động với Chúa. Từ năm 1998 trong dịp gặp gỡ phong trào Canh Tân, Đức Thánh Cha đã nói:

  • Giáo Hội đã nhận thức dựa trên niềm tin vững chắc rằng Chúa Giê Su đang sống, đang làm việc trong lúc này và thay đổi thế gian… Với Công Đồng Vatican 2, Đấng bảo trợ mới đây đã ban cho Giáo Hội một cuộc Canh Tân của lễ Ngũ Tuần, trang bị cho động lực mới chưa hề đoán biết… Hôm nay Cha kêu nài tất cả các con có mặt nơi đây tại quảng trường Thánh Phê rô và mọi tín hữu của Chúa: mở lòng các con để vâng phục ơn Chúa Thánh Thần! Chấp nhận với tâm tình biết ơn và tuân theo các ân sủng mà Chúa Thánh Thần không ngừng tuôn đổ xuống trên chúng ta.

Lời cầu mong của Đức Thánh Cha khá linh nghiệm, đã có nhiều các con cái Chúa tiến bước trong ơn Chúa Thánh Thần, đến nay sau 50 năm đã có trên 160 triệu người ở 230 quốc gia nếm biết sự phong phú và tốt lành của nguồn ơn thánh hóa Canh Tân từ Chúa Thánh Linh. Họ có được một đời sống thân mật an hòa và hy vọng, tương tự như những gì mà vua Đa vít cảm nhận và mô tả trong Thánh Vịnh 16:7, 9, 11:

7  Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,                        

     ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.

8  Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,

     được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

9  Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,

      thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.

11  Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :

       trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, 

       ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

Không phải chính Chúa Giê Su đã hứa về điều này cho ta sao:

26 Nhưng Ðấng Bầu Chữa,Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta,

chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự, và sẽ nhắc cho ngươi nhớ lại

mọi điều Ta đã nói với các ngươi”. (Gioan 14:26)

Đời sống của người Tín Hữu là đời sống trong Chúa Thánh Thần, Chúa kêu gọi mọi người đã được thanh tẩy hãy bước đi nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trong ơn nâng đỡ của Chúa Thánh Thần.

Ông Peter và vợ ông là Debbie được dịp kể lại các lời làm chứng của nhiều người về những gì đã xảy ra trong cộng đoàn của các nhóm cầu nguyện mà họ có dịp tham dự. Có tổng cộng khoảng 61 lời chứng, trong loạt bài ngắn này chúng ta sẽ lược đến một số các Lời chứng ở các nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ, ở nước Sudan Phi Châu và Kazakhstan, Luthuania, Hung Gia Lợi các nước theo Cộng Sản trước đây…

*  *   *

 LỜI CHỨNG CỦA MỘT PHI CÔNG CHIẾN ĐẤU TRONG KHÔNG LỰC HOA KỲ.

Joseph tiểu bang Missouri.

Tôi là một người Công Giáo nòi, tôi sinh trưởng trong gia đình đạo gốc, theo học trường Công Giáo nhưng lên tới trung học vào thập niên 60 thì tôi bắt đầu đàn đúm và chơi ma túy, uống rượu. Khi sắp tốt nghiệp đại học tôi quyết từ bỏ ma túy và gia nhập không lực Hoa kỳ, sau đó tôi lập gia đình và có con.

Gia đình tôi khá hạnh phúc, chúng tôi đi lễ mỗi Chúa Nhật nhưng không đi xưng tội. Vì tôi ở xa nhà trong quân ngũ suốt thời gian hứa hôn trước khi lập gia đình, chúng tôi không có dịp bàn hỏi nghiêm túc về việc ngừa thai theo sự hướng dẫn của Giáo Hội. Chúng tôi bị lôi cuốn theo trào lưu của văn hóa “Ngừa thai nhân tạo”, chúng tôi thuộc loại “Công Giáo trong quán Cà phê”, chỉ chọn lựa và đi theo những huấn giáo của Giáo Hội nào thích hợp với mong muốn của mình. (Đây cũng là đặc tính của các tín hữu Tây Phương tân thời?) Nhiều năm sau, vợ tôi không thể uống các viên thuốc ngừa thai vì các phản ứng phụ thấy rõ rành rành từ thuốc. Đến thập niên 90, chúng tôi quyết định rằng tôi cần phải giải phẫu cắt ống dẫn tinh. Tôi thực sự cho rằng làm thế, tôi đã hành xử có trách nhiệm cho sức khỏe gia đình và cho việc điều hòa dân số. Có nhiều người mà tôi biết đã làm điều này, tình cảnh của tôi thật giống như một con cá chết, thân tôi nổi lềnh bềnh trên mặt sông chảy trôi theo nhiều con cá chết khác. Tuy nhiên, Chúa Giê Su có thể làm cho một người đã chết được sống lại!

Là môt phi công phản lực lái chiếc A-10 (loại máy bay hỗ trợ bộ binh tác chiến dữ dội nhất trong không lực Hoa Kỳ), tôi trải qua hai cuộc chiến và rồi được bổ nhiệm tới Nam Á, tôi đã có nhiều cơ hội hồi tâm, suy xét trong thời gian đó, Tôi bị bắn có, tôi bắn người ta trong trận chiến có, vào sinh ra tử, tôi như được bảo bọc trong một tấm áo giáp nên mới còn sống sót. Năm 1980, tôi phụ trách huấn luyện và trực chiến ở Châu Âu, khi đó bức màn sắt còn đóng kín, đơn vị của tôi sẽ thiệt hại nặng nề nhất nếu Sô viết tấn công Tây Đức. Hồi đó, Cha tôi trao cho tôi một cỗ tràng hạt, tôi ít biết rằng đó là một thứ vũ khí hiệu lực nhất để chống lại các kẻ thù có nhiều thành tích giết chóc nhất, không chỉ là loại máu thịt nhưng cả các vương phủ chốn quyền lực tối tăm. Tôi hằng mang chuỗi theo mình trong mỗi chuyến bay thi hành nhiệm vụ nhưng phải mãi đến sau cuộc chiến vùng Vịnh Ba Tư, năm 1991, cuối cùng thì tôi đã bắt đầu cầu nguyện bằng chuỗi Môi Khôi. Rồi, ơn Chúa bắt đầu xuyên thấu trái tim cứng như đá hoa cương của tôi, trong tận đáy lòng, tôi biết rằng việc cắt ống dẫn, ngừa thai là một tội trọng, và tôi đi xưng tội. Lạ kỳ, trong nghi thức xá giải, con người ngang tàng của tôi khóc nhiều. Khi được ban ơn tha thứ tội lỗi, tôi biết có một cái gì đó khác trước cho dù tôi không cảm thấy có gì khác lạ. Bây giờ thì tôi đã biết rằng nhờ cầu nguyện với chuỗi Môi Khôi, trái tim vô nhiễm vẹn sạch của Mẹ Maria đã mang tôi đến với con của Mẹ.

Rất từ từ nhưng cẩn trọng, tôi bắt đầu ước ao được học biết nhiều hơn về đức tin Công Giáo của mình. Chúa sắp xếp cho có người và sự kiện diễn ra trong đời để giúp tôi. Khi tôi còn đang thắc mắc sao Anh Em Tin Lành lại sốt sắng, say mến Chúa thế, trong vòng một tuần lễ, tôi gặp một người trong giáo xứ, họ vừa mới trở lại Công Giáo từ Tin Lành, anh ta cho tôi một cuốn sách về đức tin Công Giáo. Đọc sách này tôi bắt đầu có một sự ao ước mạnh mẽ được hiểu biết về Đức Tin mà nhiều lần trong quá khứ tôi chực gào thét vì lẫn lộn, tù mù. Tôi đã lãng phí biết bao thời gian mà không biết rằng có một Chân Thiện Mỹ rất tuyệt vời trong Đức Tin Công Giáo. Tôi có ước ao sâu thẳm được đến với Bí Tích Thánh Thể, và tôi bắt đầu lần chuỗi hàng ngày.

Sau hai mươi năm phục vụ trong quân ngũ, mãn nhiệm tôi trở về đời sống dân sự, tiếp tục làm phi công cho hãng hàng không United Airlines. Gia đình tôi di chuyển về Missouri, tôi có dịp tham gia sinh hoạt trong Giáo xứ nhà nơi tôi lớn lên, hai con tôi tham dự lớp thêm sức.

Vào tháng năm 2002, trong thánh lễ vọng thứ bẩy, các con tôi chịu phép Thêm Sức. Trong lúc hát bài ca kết lễ, khi đức Giám Mục đi xuống từ lối giữa nhà thờ, ngang qua chỗ tôi, tôi cảm thấy có một điều mới mẻ, tôi chỉ có thể diễn tả như là một Đấng Siêu Nhiên ôm bọc lấy tôi. Cảm giác này gói trọn thân thể tôi lại từ đầu đến chân, không thể nhúc nhích. Không cầm được nước mắt, tôi ngồi xuống rồi quỳ xuống. Cả nhà thờ bỗng như trống không, vợ tôi bên cạnh muốn biết điều gì xảy ra cho tôi. Tât cả tôi có thể thì thào vài lời, là “tôi không biết”. Tôi không thể cử động, tôi cuối cùng chỉ ngồi đó mà khóc. Tôi đó, một gã to con, phi công chiến đấu dày dạn trận mạc, ngồi khóc một cách có vẻ như là vô cớ.

 Trong thâm tâm, tôi biết chuyện gì xảy ra: Thiên Chúa đã hạ mình xuống ôm ấp tôi, một người con trong số các con của Người, cũng y hệt như khi Chúa hạ mình xuống cho cả thế gian trong mỗi thánh lễ Misa. Tôi không bao giờ xứng đáng được có Chúa, Không bao giờ có thể đền đáp lại cho Người. Tuy nhiên, tôi biết rằng chúng ta được kêu gọi tiến vào mối liên hệ này với Chúa, để yêu mến Người và để ước ao được làm hài lòng người hơn hết mọi thứ trên đời.

(Từ lúc ông sĩ quan cao cấp, phi công phản lực, Joe mang theo xâu chuỗi như là lá bùa hộ mệnh trong khi giao chiến, đối mặt với chết chóc, khó khăn, cho đến lúc ông sử dụng chuỗi để lần hạt và cầu nguyện  hàng ngày, đó là cả một quá trình dài, qua năm tháng. Mẹ Maria bảo vệ và dẫn đưa người con đi từ cứng lòng, bạo động, thờ ơ từng bước nối tiếp theo nhau nhằm đích đến là được gặp một Chúa sống động. Và cuối cùng, ông Joe đã trở thành một người con ngoan, sùng mộ chân lý, thậm chí trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần. Ông có mối liên hệ bạn bè thân mật với Chúa kính yêu, thật đúng là “Nhờ Mẹ con đến với Chúa”)

&  &  & 

LỜI CHỨNG CỦA MỘT DOANH NHÂN BẬN RỘN

Anh Eric tiểu bang Minnesota.

Tôi đã đinh ninh rằng mình là một người theo Đạo trọn đời. Tôi tin có một Chúa Trời, Đấng ban Con một của Người xuống thế cho ta được ơn cứu độ. Tôi sinh hoạt tích cực trong Giáo Xứ, cố sống một đời đạo đức. Tôi có một liên hệ có tính cách cá nhân, cách nào đó với Chúa Giê Su. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thực sự hiểu biết về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống. Hậu quả là tôi cứ dần bị lôi kéo đi xa dần mối quan hệ cá biệt với Chúa.

Tôi làm việc rất nhiều, cố duy trì cho bằng được sự điều hành cách tự chủ trên cuộc đời của mình, nhưng hởi ơi, tôi càng làm việc cần mẫn bao nhiêu thì mớ bòng bong rối càng lớn hơn lên! Nào là kinh doanh lụn bại, nào vợ tôi sảy thai, rồi đến người bạn thân nhất của tôi đi tìm đến cái chết bằng cách tự tử. Khi những điều này xảy ra, tôi chỉ biết làm việc thêm, càng gia tăng nhiều giờ hơn. Chẳng bao lâu, tôi đang làm ba công việc cùng lúc, làm sáu mươi đến bảy mươi tiếng một tuẩn. Đã từ lâu rồi, hễ vừa thức giấc, tôi liền lo lắng về việc làm ở đâu để kiếm đồng tiền kế tiếp cho các giờ của ngày hôm đó. Sự căng thẳng dẫn đến mối lo lắng và các cơn lo, bồn chồn tấn công tôi làm thức giấc giữa đêm, mình đổ mồ hôi ướt đẫm. Một đôi khoảnh khắc hiếm hoi, khi tôi không phải làm việc, đến quây quần cùng gia đình, con nhỏ của tôi liền cất tiếng hỏi “Ủa Ba có được ở nhà với tụi con bữa nay hôn Ba?” Nhìn vào hình gia đình tôi nhận thấy hầu như không tấm nào có mặt mình ở trong ảnh chụp cả nhà! Rồi tôi giật mình vì thấy con cái trong tấm ảnh đã lớn khôn nhiều mà mình mải mê và không hề hay biết.

Khi tôi thấy sự hỗn độn trong công việc của mình làm ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, tôi nuốt vào bụng niềm tự hào của mình, tôi bắt đầu cầu nguyện đều đặn với Chúa, xin Người thương xót đến vợ con tôi và ban bằng an cho họ, tôi không cầu cho mình được ơn an bình vì tôi nghĩ rằng mình đáng bị khổ sở như vậy do tính luôn đòi phải tự chủ của con người.

Trong vòng một năm rưỡi tiếp theo, Chúa bắt đầu trả lời cho những lời cầu nguyện của tôi. Tôi nhận ra là mình đang làm chỉ có một công việc mà thôi và có nhiều thời gian dành cho gia đình. Tuy làm ít nhưng Chúa tạo ra nhiều cơ hội tuyệt diệu để tôi gia tăng thu nhập và có thể trả bớt phần lớn số tiền nợ nần, chúng tôi dời đến ở nhà mới mua đẹp hơn và được Chúa ban cho thêm con thứ hai chào đời. Một khi tôi chỉ cần bật mở ở một chỗ trong trái tim mình, một khe nứt nhỏ thôi, thì Chúa đã chỉ cho tôi thấy Ngài yêu thương và lo liệu cho tôi như thế nào rồi. Chúa của tôi là như thế đó!

Tuy thế, tôi vẫn còn bệnh hay lo và suy tổn vì trầm cảm, tôi biết là đời sống này cần nhiều thứ có ý nghĩa cao siêu hơn. Tôi biết là mình không xứng đáng hưởng sự an tĩnh của tâm hồn nhưng Chúa lại rất đang sẵn lòng ban điều ấy cho tôi. Tôi biết mình có trái tim quá chai đá, (khi tôi không chịu xin ơn cần thiết ấy cho dù tôi rất muốn), tôi không hiểu tại sao mình lại có sự cứng cỏi như vậy.

Để tìm câu trả lời, tôi quyết định đi tham dự kỳ tĩnh tâm (Canh Tân Đặc Sủng) tại nhà thờ của mình cùng với vợ tôi. Tôi thú nhận với vợ về cái chướng ngại không tên giữa Chúa và tôi. Đêm hôm đó, tôi thấy mình được bao quanh bởi những người có đầy ắp tình yêu của Chúa trong tim, họ có niềm vui và an bình của Chúa! Tôi như thấy Chúa chìa tay ra cho tôi nhưng có một bức tường ngăn cách không cho tôi đối thoại với Chúa.

Khi tôi lái xe về nhà sau buổi tĩnh tâm, đột nhiên, Chúa mạc khải, tỏ ra một cách sống động cho tôi, tôi bừng tỉnh và thấy rõ cái chướng ngại nằm cản giữa Chúa và tôi chính là cái cảm giác có tội, mặc cảm phạm lỗi của tôi, mặc cảm thất bại trong kinh doanh, nói dối với người khác, mặc cảm tranh chấp trong hôn nhân, nặng nề nhất là cảm giác yếu kém khi không biết giúp người bạn thân thiết nhất đời tôi, đang khi anh ấy có ý định tự tử. Trong sự mạc khải của Chúa, tôi cảm thấy gánh nặng khổng lồ trên vai được cất đi. Tuy nhiên, tim tôi cần được làm mềm mại trở lại để có thể đầu hàng, tùng phục Chúa trọn vẹn.

Trong liên tiếp sáu tuần sau đó, nhờ ơn Chúa Thánh Linh, tôi đã có thể cho phép Chúa gọt đi từng lớp một của cái vỏ cứng vốn đang bao bọc quanh trái tim tôi. Đồng thời, tôi cũng để cho các mặc cảm, các dằn vặt, sự tự kỷ, tự kết án mình ra đi, từng thứ một tôi bỏ cho chúng đi ra khỏi tâm hồn không nhớ đến chúng nữa. Vào ngày 6 tháng Ba, năm 2004, tôi cho phép điều mặc cảm cuối cùng được đóng đinh vào thập giá của Chúa và chết vĩnh viễn. Chúa Thánh Linh đổ đầy tim tôi tình yêu của Chúa trong niềm bình an và hoan lạc.

Tôi nay đã hiểu vai trò của Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh hướng dẫn trong đời tôi, tôi không còn cần phải dựa vào sự hiểu biết qua kiến thức đầu óc để biết Chúa và sự giáo huấn của Ngài đang khi tôi nặng nề, ì ạch bước đi trong đời. Tôi có thể cậy dựa vào Thần Khí Chúa hướng dẫn cho đến vĩnh hằng, Ngài cùng đồng hành với tôi trong mọi lúc và ban cho tôi với nhiều ơn để hoàn thành các mục đích đặc biệt trong đời tôi.

 Tôi không còn cứ cố ý điều khiển đời theo ý riêng của mình, Tôi biết Chúa có một mục đích đặc biệt dành riêng cho tôi và Ngài bày tỏ các ý định đó trong mỗi ngày của đời sống. Tôi có một người vợ để yêu thương giống như Chúa yêu Hội Thánh. Tôi có hai đứa con trai tuyệt vời, mà tôi có thể chia sẻ đức tin cho chúng hàng ngày. Tôi có một người Cha trên trời, Đấng làm gương mẫu về tình phụ tử mà tôi phải có cho các con trai của tôi. Và tôi có một công việc mà tôi có thể chia sẻ đức tin vào cứu Chúa Giê Su cho các đồng nghiệp cũng như các khách hàng của tôi một cách thường xuyên. Tôi thường bắt đầu một ngày mới với lời nguyện đơn sơ, xin Chúa giúp tôi nhận diện những nhân vật và cơ hội mà Chúa đặt để trước tôi. Kết quả là tôi luôn ngỡ ngàng về sự dễ dàng làm sao để có thể nhận diện ra những người mà Chúa có ý đặt để trên đường tôi đi và đáp trả lại sự mời gọi của Chúa. Cuộc đời của tôi đã được biến đổi hoàn toàn rồi.

Chúa đã và còn đang trả lời cho sự cầu nguyện của tôi bằng cách mang đến bình an trong tâm tôi, Ngài tiếp tục làm mềm trái tim tôi và dậy tôi làm sao đầu phục hoàn toàn mọi khía cạnh của đời sống tôi dành cho Ngài. Tôi nay nếm trải sự vui mừng, an bình tràn ngập quá mức có thể tưởng. Cuối cùng thì tôi đã có đời sống đầy ắp trong Thần Khí Chúa, đúng như ý định Chúa vốn đã dành sẵn cho tôi.

“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới,
sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.
Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi,
và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.” (Ed 36, 26)

 (hẹn bạn đọc, tiếp theo kỳ tới – lời chứng của một bạn trẻ Canada và lời chúng của một bệnh nhân tự kỷ)

Tâm sự của một người trở lại đạo

Nguồn:   Anna Tran
 

Có Ngài bên con , con không sợ cô đơn 
Tâm sự của một người trở lại đạo

Từ lúc nhỏ nhìu khi buộc miệng biết gọi hai tiếng “ Lạy Chúa “ , lúc nhỏ chỉ biết đến Chúa là những cái gọi là nhồi sọ , nào là những người có đạo họ ko có nguồn gốc , họ ko có ông bà tổ tiên … và … , chỉ cần nghe đến người có đạo là sợ chạy mất dép mà nhìu khi dị ứng không muốn đến gần bên họ ( những con người có đạo )

Tôi xuất thân từ một gia đình hai bên nội ngoại là thờ cúng ông bà và tổ tiên , nguồn gốc của tôi là ông bà và tổ tiên của tôi , nên khi tôi nghe những người lớn nói người có đạo họ không thờ cúng tổ tiên , ông ba chết đến cấy nhang cũng sợ Chúa mà ko thắp nổi , để bàn thờ nguội lạnh , tự nhiên lúc đó tôi cảm thấy ghê sợ những người có đạo , lúc nào cũng tư tưởng ở với họ thì tôi sẽ bị nhiễm những cái xấu đó của họ , nhiều lắm ….

Bản thân tôi cũng rất ít khi đi chùa dù gia đình tôi là một gia đình nguồn gốc Phật Giáo , mẹ tôi là một phật tử , bà hàng ngày đi chùa đều đặn để xin cho các con và chồng ba được bình an , nhưng tôi lại khác bà , tôi khác bà nhiều cái lắm , tôi biết Phật rất hiền từ và độ lượng , nhưng bản thân tôi cũng ko hiểu vì sao đứng trước Phật tôi lại ko xin được điều gì và đầu óc của tôi rỗng toét

Rồi đến một ngày gọi là hoàn toàn vô vọng , tôi lang thang ra biển , đi như người ko định hướng được , tôi vô tình lại nhìn thấy một khuôn viên rất rộng rãi và đẹp , tò mò tôi dừng xe nhìn lại , tôi thấy một bức tượng một người phụ nữ bồng một người con , cảm giác lúc đó vừa tò mò vừa hiếu kì , nên tôi chạy xe vào xem đó là tượng đó như nào và ai thờ tượng đó .

Vô tới nơi tôi nhìn thẳng vô bức tượng , và chính bức tượng đã làm tôi ấn tượng , tôi đứng nhìn bức tượng , tự nhiên bao nhiu nổi âu lo buồn phiền trong người tự nhiên thầm theo tôi gởi đến bức tượng đó , bức tượng người Mẹ đang bồng người con , sự cuốn hút một cách lạ lùng .

Về đến nhà hình ảnh bức tượng người Mẹ bồng người con cứ in đậm trong người tôi , hôm sau tôi quyết qua lại nơi đó , lần qua lại này tôi lại thấy một người phụ nữ mang áo màu xám , đầu đội khăn kiểu chụp hết phần đầu , tôi mạnh dạn bước đến hỏi chuyện , 
Tôi : Cô ơi cho cháu hỏi với , 
Cô : cô quay lại , uh con cứ hỏi đi 
Tôi : cô cho con hỏi mình thờ ai ri cô , mà con thấy toàn bông với hoa mà ko thấy thờ trái cây kẹo bánh rứa Cô
Cô : con mới qua đây lần đầu hả con – tôi bảo dạ
Cô bảo đây là Mẹ Maria đang bồng Chúa Giesu , tôi giật bấn người , tôi hỏi lại Mẹ Maria là bên những người có đạo hả Cô , Cô bảo đúng rồi con , hình như Cô hỉu được những gì tôi muốn hỏi thêm …. rồi hình ảnh người Mẹ bồng người con đó cứ in đậm vào tâm trí của tôi ko rời .

Một điều gì đó rất lạ lùng , mỗi khi tôi bùn tôi lại qua tìm Mẹ . Lúc đó trong tôi đã hình thành một Đức Tin rất lớn , từ khi đó Đức tin trong tôi bắt đầu trở nên rõ ràng và mạnh mẽ , mùa hè tháng 5 /2016 tôi tự mình tìm đến nhà thờ , cảm giác đầu tiên tôi bước chân vào nhà thờ , vâng chính cái cảm giác ấy lại lập lại lên tôi một lần nữa , nhìn lên Thập Giá mà tim tôi tự nhiên nhói đau , trong lòng tôi quyết phải nhờ ai đó nói cho tôi hỉu “ người đàn ông bị treo trên thập giá “ đó là ai , nhưng mãi đến tháng 10 tôi mới theo học giáo lí và tìm hỉu .

Có lẽ tôi là nhờ ơn Chúa , tôi học và tôi tìm hiểu , tôi biết được kiến thức về Ngài qua Cha và cô giảng viên giáo lí , tôi hiểu và tôi càng thấy yêu Ngài và Mẹ nhìu hơn nhiều hơn , tôi mới hỉu được vì sao Ngài bị đóng đinh trên Thập Giá , tôi may mắn được Chúa trao ban cho tôi anh chồng sắp cưới có tên Thánh Joseph anh chi bảo cho tôi rất nhìu về giáo lí về những cái mà tôi chưa biết .

Trong tư tưởng và tâm trí của tôi , tôi biết lúc nào Ngài cũng bên tôi “ Con yêu dấu của Ta , Ta sẽ luôn ở bên con .”

Gia đình tôi không cấm tôi trở lại Đạo , vì họ biết họ có cấm cũng ko được , bạn bè tôi con bảo theo đạo là bỏ ông bà tổ tiên , vì họ không hỉu chuyện nên tôi ko chấp họ , nếu đến một ngày nào đó họ chịu ngồi xuống nghe tôi nói , tôi sẽ nói cho họ thật nhìu về Chúa của tôi – Đấng đã Cứu Chuộc Tôi .

Rồi ngày hạnh phúc nhất đời tôi cũng đến ngày 11/6/2017 , tôi đã chính thức gia nhập vào hội Thánh Chúa và tôi vinh dự được Đức Cha rửa tội cho tôi và tôi được vinh dự mang tên Vị Thánh Anna làm bổn mạng . Hôm nay đây tôi lại gia nhập Ca Đoàn , một tuần 2 buổi tôi lên nhà thờ tập hát , đến Chúa Nhật tôi lại đến nhà thờ hát lễ , tôi được nghe Cha giảng đuọc hát lễ , tôi được hát để ca ngợi Danh Ngài .

Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng lên con , cho con ơn khôn ngoan để con biết những việc con làm , cho con biết mà học đức tính khiêm nhường và những việc bát ái , Lạy Cha yêu dấu của con , con yêu mến Cha , Nguyện cho danh Cha cả sáng , nước Cha trị đến , ý Cha Thể hiện dưới đất cũng như trên trời , xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con . Amen

Anna Trần Thị Hồng Loan
23/11/2017

Image may contain: 2 people, people smiling

Phút lâm chung con người nhìn thấy gì !?

From facebook:  Phan Thị Hồng added 4 new photos — with Hoang Le Thanhand Đào Nguyên.
Phút lâm chung con người nhìn thấy gì !?

Mỗi người sinh ra đã sẵn nằm trong vòng quay của sinh lão bệnh tử. Đối với nhiều người thì cái chết là một bi kịch song đối với những người có niềm tin vào cõi vĩnh hằng và vòng tay của Đức Chúa Trời thì cái chết ấy đã không còn quá đỗi sợ hãi, …

Ảnh: Sơ Cecilia sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư phổi đã nở nụ cười rạng rỡ trên môi trước khi trút hơi thở cuối cùng.Sơ Cecilia từ lâu đã vật lộn với căn bệnh ung thư phổi, không thể nói chuyện và chỉ có thể ra hiệu bằng cử động yếu ớt. Vào giây phút cuối cùng trước khi ra đi, sơ đã nở nụ cười mãn nguyện, khiến những người xung quanh không khỏi xúc động.

Xin giới thiệu cùng các bạn bài tóm tắc cô đọng cuốn sách “Hồi ức về cái chết” của Tiến sĩ Raymond Moody, ông chú ý đến hiện tượng về trải nghiệm cận kề cái chết, sau đó ông bắt đầu thu thập dữ liệu cho công trình nghiên cứu, cuốn “Hồi ức về cái chết ” chính là kết quả mấy chục năm miệt mài nghiên cứu của ông.

Cầu mong một sự nhẹ nhàng, an lành và mãn nguyện khi chúng ta rời khỏi cuộc đời để về thế giới bên kia !
*

Giây Phút Trước Khi Chết Con Người Sẽ Nhìn Thấy gì? ông chú ý đến hiện tượng về trải nghiệm cận kề cái chết, sau đó ông bắt đầu thu thập dữ liệu cho công trình nghiên cứu, cuốn “Hồi ức về cái chết ” chính là kết quả mấy chục năm miệt mài nghiên cứu của ông.
10 Thể Nghiệm Thần Kỳ Nhất

Người tóm lược: Thôi Chân Tri 
Dịch giả: Việt Nguyên

Tiến sĩ Raymond Moody, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã nghiên cứu 150 trường hợp trải qua trạng thái “chết lâm sàng” sau đó hồi sinh trở lại. Sau khi tập hợp những nghiên cứu trong vài thập kỷ ông đã xuất bản cuốn “Hồi ức về cái chết” nhằm giúp con người vạch ra chân tướng của cái chết.

Có một sự tương đồng không thể xem nhẹ trong lời kể của những người đã “trải nghiệm cận kề cái chết” này, đại khái có thể quy về mười điểm sau:

1. Biết rõ về tin mình sẽ chết – Họ tự mình nghe thấy bác sĩ hoặc người khác có mặt tại nơi đó tuyên bố rõ ràng về cái chết của mình. Anh ấy sẽ cảm thấy cơ thể trở nên yếu ớt đến cùng cực.

2. Trải nghiệm niềm vui – “Trải nghiệm cận kề cái chết ” ban đầu sẽ có cảm giác yên bình và thanh thản, khiến con người thấy vui sướng. Đầu tiên sẽ cảm thấy đau, nhưng nỗi đau này chỉ lóe lên rồi qua đi, sau đó sẽ thấy mình lơ lửng trong một không gian tăm tối, một cảm giác dễ chịu mà chưa từng được trải nghiệm bao bọc lấy anh.

3, Âm thanh kỳ lạ – Khi “sắp chết”, hoặc lúc “chết đi” khi có một âm thanh kỳ lạ bay tới. Một phụ nữ trẻ cho biết cô nghe đã thấy một giai điệu giống như một khúc nhạc và đó là một khúc nhạc tuyệt vời.

4, Tiến nhập vào lỗ đen – Có người phản ánh rằng họ cảm giác bất ngờ bị kéo vào một không gian tối. Họ bắt đầu có cảm giác, giống như một khối hình trụ không có không khí, cảm giác như một vùng quá độ, vừa là đời này, vừa là một nơi xa lạ nào khác.

5, Linh hồn thoát xác – Chợt thấy mình đang đứng ở một nơi nào đó ngoài cơ thể mình, quan sát cái vỏ thân người của mình. Một người đàn ông chết đuối nhớ lại anh đã tự mình rời khỏi cơ thể, đơn độc trong một không gian, thấy mình tựa giống một chiếc lông.

6. Ngôn ngữ bị hạn chế – Họ dùng hết sức mình để nói cho người khác biết hoàn cảnh khó khăn của mình nhưng không ai nghe thấy lời họ nói. Một người phụ nữ nói rằng: Tôi đã cố gắng nói chuyện với họ, nhưng không ai có thể nghe thấy.

7, Thời gian như biến mất – Trong trạng thái thoát xác, cảm giác về thời gian như biến mất. Có người hồi tưởng lại rằng trong khoảng thời gian đó anh đã từng ra vào cơ thể mình rất nhiều lần.

8. Các giác quan vô cùng nhạy cảm – Thị giác và thính giác nhạy cảm hơn trước. Một người đàn ông nói rằng ông chưa bao giờ nhìn rõ đến như vậy. Trình độ thị lực đã được nâng cao đáng kinh ngạc.

9. “Người” khác đến đón – Lúc đó xung quanh xuất hiện một người “Người” khác. “Người” này hoặc là tới giúp họ quá độ tới đất nước của người chết một cách bình yên, hoặc là tới nói với họ rằng hồi chuông báo tử vẫn chưa vang lên, cần quay về trước đợi thêm một thời gian nữa.

10. Nhìn lại kiếp nhân sinh – Lúc này người trong cuộc sẽ nhìn lại toàn cảnh bức tranh cuộc sống đời mình. Khi bản thân họ mô tả lại thời gian ngắn ngủi giống như “cảnh nọ nối tiếp cảnh kia, chuyển động theo trật tự thời gian các sự việc xảy ra, thậm chí các bức ảnh nối tiếp nhau, một vài cảm giác và cảm xúc đều như được thể nghiệm lại một lần nữa.

Tiến sĩ Raymond Moody là một học giả và khoa học gia nổi tiếng thế giới, ông lần lượt giành được hai học vị tiến sĩ về triết học và y học. Ông nghiên cứu sâu về lý luận học, logic học và ngôn ngữ học, sau đó ông lại chuyển hướng đam mê sang nghiên cứu y học, và quyết tâm trở thành một học giả về bệnh tâm thần. Trong khoảng thời gian này ông chú ý đến hiện tượng về trải nghiệm cận kề cái chết, sau đó ông bắt đầu thu thập dữ liệu cho công trình nghiên cứu, cuốn “Hồi ức về cái chết ” chính là kết quả mấy chục năm miệt mài nghiên cứu của ông.

Từ khi cuốn sách “Hồi ức về cái chết” ra mắt từ năm 1975, nó đã đạt mức doanh thu kỷ lục toàn cầu với hơn 100 triệu bản, chỉ riêng tại Đài Loan đã tiêu thụ 13 triệu bản và được biết đến như một siêu phẩm bán chạy nhất. Cuốn sách đã thay đổi khái niệm về sự sống và cái chết của những người bình thường, đưa nghiên cứu “Trải nghiệm cận kề cái chết” vào một bước ngoặc mới, chính thức xâm nhập vào tầm nhìn giới y học phương Tây chủ lưu.

Nhằm khích lệ thành quả nghiên cứu khoa học nhiều năm qua và nỗ lực không mệt mỏi cho việc phổ cập công việc, năm 1988 ông đã được trao “Giải thưởng Chủ nghĩa Nhân đạo Thế giới” tại Đan Mạch.

Image may contain: 1 person, smiling
Image may contain: one or more people and people sitting
Image may contain: 2 people, people sleeping and indoor
Image may contain: one or more people and people sitting
 
Hoang Le Thanh
Hoang Le Thanh Cảm ơn bài đăng tóm tắc cuốn sách “Hồi ức về cái chết” và lời cầu mong:
“Cầu mong một sự nhẹ nhàng, an lành và mãn nguyện khi chúng ta rời khỏi cuộc đời để về thế giới bên kia !” của bạn Phan Thị Hồng.
Thiết nghĩ, chỉ có những con người hiểu sâu về chân giá trị cuộc sống và một cuộc đời nhân bản mới có thể ra đi một cách nhẹ nhàng, êm ái!
*
Lời cầu mong mọi người thanh thản đón nhận cái chết như một sự đương nhiên mà ai cũng một lần trãi nghiệm, đồng thời cũng nhắc nhở cho những con người độc ác, đen tối hãy biết ăn năn, hối cải để cuộc đời đáng sống và có giá trị hơn !!!
Cảm ơn bạn!

 
V Phung Phung
V Phung Phung     Sáng nay có tham dự lớp Tân tòng, xin ghi lại một câu rất ý nghĩa trong bài đầu tiên của lớp Tân tòng, nói về Đức tin: Đức tin là bảo đảm phu’c lộc mà mình hy vọng, là chứng minh những thực tại mà mình không xem thấy (Do thái 11,1)

Đời linh mục !

  Đời linh mục !

“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi”

Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi đã nêu gương xấu, hãy tha lỗi cho tôi”                       

   (Jean Cassaigne )

LINH MỤC VIỆT NAM HÔM NAY ĐANG TRONG CƠN LỐC TỰ DO CÓ PHẦN KHÔNG LÀNH MẠNH …

(Bài viết của Đức Giám Mục Anphong NGUYỄN HỮU LONG).

Nguy cơ của linh mục là được giáo dân quý mến thái quá, coi linh mục như Chúa : “Cha nói là Chúa nói”, “Ai vâng lời cha là vâng lời Chúa”, muốn chào cha thì phải “xin phép lạy cha”!… Điều đó dễ khiến linh mục quên mất sự dòn mỏng, yếu đuối, bất xứng… của mình.

– Đó đây, thỉnh thoảng, đã có những lời bình phẩm linh mục này hách dịch, cha kia ăn nói linh tinh, lối sống không phù hợp… Một phần lỗi, phải nhận rằng do giáo dân đã quá đề cao linh mục. Xin đừng nâng linh mục lên cao quá, để rồi thất vọng khi thấy linh mục không được như mình mong đợi

Anh chị em muốn thương yêu linh mục đúng cách thì xin lưu ý mấy điểm sau đây :

– Hãy cầu nguyện cho các linh mục. Linh mục cần lời cầu nguyện lắm, vì sứ vụ và trách nhiệm của linh mục rất nặng nề. Nhiều khi anh chị em xin linh mục cầu nguyện cho mình, mà quên cầu nguyện cho linh mục.

– Hãy tôn kính linh mục vì là người thay mặt Chúa hướng dẫn giáo dân. Nhưng hãy tôn kính cách đúng mực, bình dị, thân tình, chứ đừng thần thánh hóa, khép nép, sợ hãi, tâng bốc. Linh mục là người của Chúa và của mọi người, chứ không phải của riêng ai.

– Hãy nâng đỡ tinh thần cho linh mục. Linh mục cũng cần sự nâng đỡ, nhất là trong những lúc gánh nặng của sứ vụ đè trên đôi vai và trong tâm hồn. Tôi xin anh chị em quan tâm nâng đỡ tinh thần, chứ không phải vật chất, cho các linh mục. Chỉ chú trọng nâng đỡ vật chất sẽ có thể làm thoái hóa linh mục.

– Hãy cộng tác cách chân thành, tích cực và hữu hiệu, để linh mục chu toàn sứ vụ của mình. Linh mục chẳng thể làm được gì nếu không có giáo dân đồng tâm hiệp lực.

Lời của Mẹ Têrêsa Calcutta, người rất quý mến linh mục. Mẹ khuyên thế này:

“XIN CHA DÂNG THÁNH LỄ NÀY

NHƯ THÁNH LỄ ĐẦU TIÊN,

NHƯ THÁNH LỄ CUỐI CÙNG,

VÀ NHƯ THÁNH LỄ DUY NHẤT

CHỈ CÓ MỘT LẦN TRONG ĐỜI”.

(Gm Anphong Nguyễn Hữu Long – Giám mục Phụ tá Hưng Hóa)

Đức Cha Jean Cassaigne 

Bên cạnh Làng Cùi Di-Linh, tỉnh Lâm Ðồng, có ngôi mộ của Ðức Giám Mục Jean Cassaigne (Gioan Sanh,) vị sáng lập giáo xứ và làng cùi tại Di-Linh. Trên bia mộ Ðức Giám Mục De Cassaigne, có khắc hai dòng chữ sau đây:

“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi”

“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi đã nêu gương xấu, hãy tha lỗi cho tôi”

Ngay sau khi Ðức Cha Jean Cassaigne tấn phong Cha Simon Hòa Hiền (cựu Giám Mục Ðịa Phận Ðàlạt) năm 1955, thay vì về lại Pháp là nơi Ðức Cha Cassainge đã lớn lên, Ngài đã trở lại để vui sống với anh em bệnh nhân trại cùi, một làng nhỏ chính tay Ngài tạo dựng mấy mươi năm về trước. Tại làng nhỏ bé này, Ngài vừa làm Cha sở, Thầy giảng, Giám đốc, Y tá, chăm nom chu đáo cho tất cả bệnh nhân mọi tôn giáo, trẻ già, với sự cộng tác nhiệt thành của các sơ dòng Bác Ái Vinh Sơn. Ngài quyết tâm sống chết với con cái cùi hủi của Ngàị

Trong cuốn “Lạc Quan Trên Miền Thượng” [1] do Linh Mục Giuse Phùng Thanh Quang viết vội vào năm 1972 về cuộc đời hy sinh cho người cùi của Ðức Cha Cassaigne, lúc Ðức Cha Cassaigne đang đau quằn quại thê thảm với những cơn đau khủng khiếp cuối đời. Một đời hy sinh thật cao quý của Ðức Cha Cassaigne mà có lẽ nay còn rất ít người có biết và nhớ đến.

Cha Cassaigne được thụ Phong chức Linh Mục năm 1925 tại chủng viện Rue du Bac của Paris. Qua Sài Gòn ngay sau đó và nhận nhiệm sở thí điểm truyền giáo vùng ma thiêng nước độc Di Linh (DJIRING) năm 1927. Ngài đã yêu thương những người “Mọi cùi” đến độ đã sống giữa người cùi, tắm rửa, săn sóc cho những người cùi, đã thương yêu họ cho đến khi họ chết. Cha Cassaigne đã kể một câu chuyện có lần Ngài giúp những người cùi thức ăn gồm có gạo, muối, và thịt naị Có một bà cùi hàng tuần đến lấy phần ăn, nhưng tuần đó không thấy đến. Cha Cassaigne đến lều tranh tìm bà thì thấy bà ta sắp chết với mủ nhớt nhầy nhụa, mùi hôi thối không chịu được xông ra từ mảnh thân héo tàn đáng thương xót nàỵ. Cha vội lo dạy bà những điều về Thiên Chúa và hỏi bà ta có muốn Cha rửa sạch những tội lỗi để bà được lên Trời sau khi chết không? Người cùi đáng thương đồng ý được rửa tội và nói với Cha Cassaigne rằng:

“Cau dờng! Ăn rơp kăh dơ mê dỡ ăn gũh rê hơ trồ”
” Ông lớn ơi! Tui sẽ nhớ đến ông khi tôi ở trên Trời”

Cái chết tội nghiệp nhưng tốt lành của bà Thượng cùi đã làm khích động thật sâu xa tâm hồn Tông Ðồ của vị Linh Mục Thừa Saị Câu nói “Tôi sẽ nhớ Cha khi được ở trên Trời” là viên đá đầu tiên được đặt xuống để khởi đầu công cuộc thành lập làng cùi tại Di Linh.

Trong khoảng thời gian đó, ở miền Trung cũng như ở miền Nam nước Việt cũng có những trại cùi với số người bệnh tương đối ít. Trong khi ở vùng đất xa xôi có đến hàng trăm người cùi, lại không có chỗ cho họ ở. Theo lời Linh Mục Phùng Thanh Quang kể lại.

Một ngày cuối Thu năm 1928, trong chuyến đi thăm một làng Thượng xa, đang băng qua rừng vắng thì bỗng có tiếng chân nhiều người dồn dập từ trong vùng tối âm u, nhiều giọng la ú ớ kêu Ngài dừng lại. Những bóng dáng quái dị xuất hiện như một đoàn ma đói. Thân hình xác xơ, kẻ mất tay, người sức mũi, miệng chảy nước lòng thòng và tất cả hầu như què quặt. Họ mặc dù có người khập khiểng, có người vừa bò vừa lết, và đói, cố đuổi theo Cha bao vây lấy Ngài và tất cả đồng gào lên thảm thiết:

“Ơ cau dơng! Ơ cau dơng! Dăn nđàc sơngit bol hi!”
Ới ông lớn! Ới ông lớn! Xin thương xót chúng tôi!

Rồi tất cả sụp lạy Ngài và khóc rống. Cha Cassaingne vừa sợ hãi, vừa mủi lòng. Thì ra đây là nhóm người cùi bị xóm làng kinh tởm đuổi đi, họ tụ tập từng nhóm ngoài rừng xa, sống lây lất qua ngày để chờ chết. Có lẽ họ đã nghe lời đồn đãi về ông lớn làm thuốc và hay thương giúp người cùi này. Họ chờ Cha trên khúc đường vắng để nhờ Cha giúp đỡ. Vài ngày sau, đó, việc lập làng cùi Di Linh được xúc tiến ngay [3] Trong bài thuyết trình của Cha Cassaigne tại Sài Gòn năm 1943 về bệnh cùi khủng khiếp như thế nào, Ngài viết:

Ở xứ Thượng cũng như hầu hết các xứ vùng nhiệt đới, nơi mà sự ăn ở sạch sẽ và phương pháp vệ sinh ít được lưu ý, thì con số người mắc bệnh cùi khá cao. Khi mà có thể còn làm việc được thì người mắc bệnh cùi vẫn còn được sống chung với gia đình. Nhưng đến khi thân tàn ma dại không làm gì được nữa, nhất là khi các vết ung thối bắt đầu phá miệng lở loét ra, mủ máu vấy đầy khiến những người chung quanh nhờm gớm kinh tởm không chịu được, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ một túp lều tranh để người cùi ở lại đó một mình sống chết sao mặc kệ! Rồi yếu liệt cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi không còn sức làm gì nữa để kiếm ăn vì tay chân cụt mất rồi! Họ sẽ chết dần chết mòn một cách thảm khốc, sẽ gục ngã ở một xó kẹt nào đó rồi chết đi vì đói lạnh, mà chẵng có ai hay biết…”

Trước khi mắc bệnh, mỗi lần thuyết trình đến đây, cha Cassaigne không sao cầm được nước mắt, phần thì thấy thương những người xấu số, phần thì chắc Ngài cảm thấy lo âu sợ sệt như linh cảm thấy trước định mệnh sẽ đến, Ngài run sợ như chính mình đang mắc chứng bệnh nan y nàỵ

Các việc làm nhân đức của Cha Jean Cassaigne đã đưa Ngài từ một căn lều tranh để phục vụ người hủi tới tận tai Tòa Thánh La Mã. Ngài được bổ nhiệm chức Giám Mục và Ngài phải tuân lệnh Toà Thánh về làm việc tại Ðiạ Phận Sài Gòn. Trong hơn 14 năm giữ chức vụ này, Ðức Giám Mục Cassaigne đã đôn đốc thực hiện công cuộc bác ái, cứu trợ vật chất, ủy lạo tinh thần cho những người gặp cảnh bất trắc nghèo khó, di cư tị nạn, không phân biệt địa phương hay tôn giáọ. Vì nhớ đám dân cùi, Ngài xin từ nhiệm chức Giám Mục Sài Gòn để trở về băng bó vết thương tinh thần và vật chất cho những đứa con cùi hủi của Ngài tại làng cùi Di Linh.

Vì sống một đời sống quá khắc khổ trong rừng nên Ðức Cha đã mang nhiều bịnh nặng. Từ năm 1929, Ngài đã mắc bịnh sốt rét rừng. Năm 1943, bịnh cùi đã đến với Ngài vì sống gần gũi với người bịnh; từ năm 1957, bịnh lao xương làm không thuốc chữa Ngài đau đớn, và năm 1964, bịnh lao phổi trở lại hành hạ thân Ngàị. Ðức Cha đau đớn tột cùng với những cực hình thể xác, nhưng luôn luôn vững lòng chấp nhận để xin Chúa thương mà giảm bớt cái đau của những người hủi tại Việt Nam. Những ai may mắn sống gần Ðức Cha thường được nghe Người nói:

– “Ðời tôi chỉ có ba ước nguyện: được chịu đựng, chịu đau, và chịu chết ở đây, giữa những người Thượng của tôi”
(Je ne demande que trios choses: tenir, souffrir, et mourir ici, au milieu de mes Montagnards).

Chúa đã nhận lời cầu xin của Ðức Cha, đã cho Ngài mang lấy bốn chứng bệnh nan y. Ðã giúp sức cho Ngài chịu đựng quá lâu dài. Những ngày cuối cùng tuy đau đớn, nhưng Người vẫn đọc kinh cầu nguyện cho nước Việt Nam, cho các người cùi. Người nói:

“Suốt 47 năm dài, Cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này, và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây, Cha không tiếc một điều gì về sự dâng hiến toàn diện ấy”.

Theo lời từ biệt của ông Nguyễn Thạch Vân, đọc trong lễ an táng Ðức Cha Cassaigne tại Di Linh ngày 11 tháng 5, năm 1973 kể lại, Cha Cassaigne còn nói:

“Việt Nam chính là quê hương của Cha, bởi vì Chúa muốn như vậy”.

Khi nói đến câu: “Nước Việt Nam là quê hương của tôi”. Ðức Cha chấp tay như để cầu nguyện, và Ngài khóc! Ðây là giòng lệ Thánh cầu nguyện của một Tông đồ Truyền giáo, đã tận hiến đời mình cho lớp người khốn khổ, bất hạnh nhất trên cõi đời này.

Năm 1972, Ðức Cha đã được trao tặng Ðệ Tứ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương trên giường bệnh và đã qua đời tại Di-Linh ngày 31-10-1073

From: Do Tan Hung & Nguyễn Kim Bằng

MẸ TERESA CALCUTTA

MẸ TERESA CALCUTTA

 Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chứng từ của đức cha Angelo Comastri về mẹ Teresa Calcutta (1910-1997), sáng lập viên dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái.  Đức Tổng Giám Mục Angelo Comastri đại diện Tòa Thánh đặc trách đền thánh Đức Mẹ Loreto, miền Bắc nước Ý.

…. Từ lúc còn trẻ, tôi đã có nhiều liên hệ thân tình với mẹ Teresa Calcutta.  Một lần gặp tôi, mẹ đưa đôi mắt trong suốt và sâu thẳm nhìn tôi rồi đột ngột hỏi:

–          Con cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ?

Ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ, tôi lúng túng tìm cách chống chế:

–          Con tưởng mẹ sẽ nhắc nhở con sống bác ái, yêu thương giúp đỡ người nghèo chớ!  Đàng này mẹ hỏi con cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ?

Mẹ Teresa liền nắm chặt hai bàn tay tôi, rồi siết mạnh như thông truyền cho tôi điều mẹ hằng ấp ủ trong lòng.  Mẹ nói:

–          Con à, nếu không có Thiên Chúa hỗ trợ, chúng ta quả thật quá nghèo để có thể giúp đỡ người nghèo.  Con nên nhớ: Mẹ chỉ là phụ nữ nghèo luôn cầu nguyện.  Chính trong khi cầu nguyện mà Thiên Chúa đặt Tình Yêu Ngài vào lòng mẹ và nhờ thế, mẹ có thể giúp đỡ người nghèo. Con nhớ cho kỹ nhé: Mẹ giúp đỡ người nghèo vì mẹ hằng cầu nguyện, mẹ cầu nguyện luôn luôn!

Tôi không bao giờ quên cuộc gặp gỡ lần đó.  Sau này, chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần nữa..  Năm 1979, mẹ Teresa được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình.  Giải thưởng khiến mẹ gần như khép nép và trở nên nhỏ bé trong bàn tay Thiên Chúa.  Mẹ Teresa đi Oslo, thủ đô Na Uy, lãnh giải thưởng mà trong tay nắm chặt tràng chuỗi Mân Côi.  Người ta trông thấy những ngón tay mẹ thô kệch và xấu xí, vì lao công vất vả và vì thường xuyên chăm sóc các trẻ em, những người bệnh tật, già yếu và nghèo nàn.  Biết rõ thế nên không ai nỡ trách mẹ dám công khai bày tỏ lòng kính mến Trinh Nữ MARIA trong một xứ sở toàn tòng là tín hữu tin lành Luther!

Trên đường trở về từ Oslo, mẹ Teresa Calcutta dừng lại tại Roma.  Các ký giả chen chúc chờ đợi gặp mẹ trong khuôn viên nhỏ bé của ngôi nhà cộng đoàn các nữ tu thừa sai bác ái ở Monte Celio.  Mẹ Teresa không để cho các ký giả tấn công.  Trái lại, mẹ tiếp họ như những người con.  Mẹ nhẹ nhàng đặt vào tay mỗi người một ảnh đeo Đức Mẹ Vô Nhiễm.  Các ký giả ráo riết bao vây mẹ để chụp hình và để phỏng vấn.  Một ký giả táo bạo hỏi:

–          Thưa mẹ, năm nay mẹ 70 tuổi.  Khi mẹ qua đời thế giới cũng sẽ như trước!  Vậy đâu có gì thay đổi sau bao nhiêu cực nhọc?

Mẹ Teresa đăm đăm nhìn chàng ký giả trẻ tuổi và nở một nụ cười thật tươi, nụ cười như một cái vuốt ve trìu mến, rồi mẹ từ tốn nói:

–          Anh thấy đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới.  Tôi chỉ tìm cách trở thành một giọt nước trong, một giọt nước lóng lánh rạng ngời Tình Yêu Thiên Chúa, thế thôi.  Anh cho là quá ít sao?

Chàng ký giả trẻ tuổi lúng túng…  Các ký giả khác đứng im không nhúc nhích.  Mẹ Teresa thản nhiên tiếp tục cuộc đối thoại:

–          Anh cũng nên cố gắng trở thành một giọt nước trong, như thế, sẽ có hai giọt nước trong.  Anh lập gia đình chưa?

–          Dạ rồi, chàng ký giả đáp.

–          Vậy anh cũng nên nói với vợ và như thế chúng ta sẽ là ba giọt nước trong.  Anh có con chưa?

–          Thưa mẹ, ba đứa!

–          Tốt lắm.  Vậy anh cũng nên nói với các con anh, và như thế, tất cả chúng ta sẽ là sáu giọt nước trong!

Năm 1988 mẹ Teresa Calcutta đến thăm tôi ở Porto Santo Stefano, một thị trấn nằm gần Roma.  Năm ấy tôi là cha sở của họ đạo.

Tôi còn nhớ như in cuộc gặp gỡ.  Hôm đó là ngày 18 tháng 5, một ngày tuyệt đẹp của tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ.  Bầu trời trong xanh.  Trên biển, sóng nước lăn tăn như nhí nhảnh tươi cười.  Mẹ Teresa lặng lẽ chiêm ngắm cảnh đẹp rồi đột ngột nói với chúng tôi:

–          Cảnh vật nơi đây tuyệt đẹp.  Sống trong một khung cảnh tuyệt đẹp, quí vị cũng phải nhớ chăm sóc cho linh hồn mình thật đẹp!

Vào cuối buổi Canh Thức Cầu Nguyện tối hôm đó, xảy ra một câu chuyện như sau.  Một kỹ nghệ gia giàu có trong vùng muốn dâng cúng ngôi biệt thự sang trọng của ông để mẹ Teresa tiếp đón những người bị bệnh liệt kháng.  Ông cầm trong tay bộ chìa khóa và muốn trao ngay cho mẹ.  Nhưng mẹ Teresa nói:

–          Tôi phải cầu nguyện và suy nghĩ trước đã, vì tôi không biết có nên đưa các bệnh nhân liệt kháng vào một nơi chốn giàu sang để chăm sóc không.  Biết đâu sẽ làm cho họ đau khổ gấp đôi!

Mọi người thầm cảm phục sự dè dặt khôn ngoan của mẹ.  Tuy nhiên, nhiều người cho là mẹ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng.  Do đó, một người cảm thấy có bổn phận khuyên mẹ:

–          Thì mẹ cứ nhận chìa khóa đi, rồi sẽ tính sau!

Nhưng mẹ Teresa quyết liệt trả lời:

–          Không, thưa ông không.  Những gì tôi không cần đều trở thành gánh nặng! 

Câu nói của mẹ làm tôi nhớ đến thánh Bonaventura viết về thánh Phanxicô thành Assisi như sau:
“Người đời yêu giàu sang thế nào Phanxicô cũng yêu khó nghèo như thế!”

… Năm 1991, cũng vào một ngày tuyệt đẹp trong tháng Năm, mẹ Teresa Calcutta lại đến thăm tôi ở Massa Maritima, cách Roma không xa.  Mẹ cho tôi biết ý định mở một nhà dành cho các Nữ Tu Chiêm Niệm Thừa Sai Bác Ái.  Mẹ giải thích:

–          Các nữ tu cầu nguyện trước Nhà Tạm có Mình Thánh Chúa, sẽ chiếu tỏa ra chung quanh ánh sáng của lòng nhân hậu.  Chúng ta cần có những con tim trong sạch để tiếp đón TÌNH YÊU!  Những con tim thật trong sạch!

Từ Massa Maritima chúng tôi dùng trực thăng để đưa mẹ Teresa đến đảo Isola d’Elba, tham dự một buổi Cầu Nguyện.  Ngồi trên trực thăng, tôi chỉ cho mẹ thấy những địa điểm quan trọng của đảo… Bỗng chốc, một người trong nhóm đến quỳ bên cạnh tôi run rẩy thú nhận:

–          Thưa cha, con không rõ chuyện gì xảy đến cho con.  Con có cảm tưởng chính Thiên Chúa đang nhìn con qua cái nhìn của người phụ nữ này! 

Quay sang mẹ Teresa, tôi lập lại lời người đàn ông vừa nói.  Mẹ Teresa nhẹ nhàng đáp:

–          Xin cha nói với ông ta, đã từ lâu lắm rồi, Thiên Chúa vẫn nhìn ông.  Nhưng chính ông đã không nhận ra Ngài!  THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU!  Rồi nhìn sang người đàn ông, mẹ Teresa giơ tay siết mạnh tay ông, và trao cho ông một vài ảnh đeo Đức Mẹ, như những nụ hôn đượm đầy hương thơm của TÌNH YÊU THIÊN CHÚA!

Đó là vài hình ảnh sống động của mẹ Teresa Calcutta: đơn sơ, hiền dịu, khiêm tốn, trong sáng và chiếu tỏa TÌNH YÊU THIÊN CHÚA!

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Langthangchieutim gởi