The Story of Đỗ Minh Triệu

The Story of Đỗ Minh Triệu
Tôi sinh năm 1968 nay đã 43 tuổi, thực sự “già đầu” rồi mà tôi vẫn còn được mẹ chăm sóc, thay quần áo, tắm rửa, gội đầu, bón cơm, thay tã lót cho như một em bé sơ sinh. Tôi chính thật là đứa con được mẹ thương yêu nhất trần gian. Nhiều đêm bệnh hành hạ không ngủ được, dõi mắt nhìn mẹ tóc  bạc da mồi nằm giường bên, đang thiếp ngủ mệt, sau một ngày vất vả lo cho con.
Tôi thật đau lòng! Buồn lắm! Thương mẹ đến chảy nước mắt, tôi thì thầm khẽ gọi:
-Mẹ ơi, mẹ có biết con yêu mẹ vô ngần. Tình mẹ cho con bao la trời biển, cả cuộc đời mẹ đã đổ bao nhiêu nước mắt, xót thương đứa con kém may mắn nhất của mẹ. Mẹ ơi, con không thể nào sống được khi thiếu mẹ, vì mẹ là hơi thở, là mắt, là tay, là chân của con …
Đã bao lần tôi tự nghĩ và hiểu là nếu tôi chết đi, mẹ sẽ đau buồn lắm. Nhưng  nỗi buồn của mẹ rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Chẳng hơn là hằng ngày mẹ phải nhìn thấy tôi sống tật nguyền đau đớn, với hình hài chẳng khác nào bộ xương cách trí, được che dấu dưới manh quần tấm áo và đôi bí tấ…
Như một bà Tiên có phép thuật, mẹ biết tôi đã nghĩ đến cái chết, nên bà thường hay nói với tôi rằng :
– Con là lẽ sống của mẹ, cả đời mẹ được chăm sóc con như một em bé mẹ rất hạnh phúc.
– Con cần can đảm sống để đối diện, thi gan, thử thách với bệnh tật.
– Chẳng phải y khoa đang theo dõi từng biến chuyển trên thân xác con, chẳng phải con đã mong ước chờ đến ngày khoa học tìm ra thuốc chữa căn bệnh “Muscular Dystrophy” quái ác này. Vậy thì ít nhiều khoa học cũng cần dựa trên thử nghiệm, và trên cả thời gian là bao lâu con can đảm sống chờ đợi và hy vọng. Con hãy nói với Chúa: “Here I am, Lord; I come to do your will .”
Tôi thương mẹ và vâng lời, nên Chúa đã phải nghe tôi yếu đuối tuyên xưng đức tin, mỗi khi tôi cần tự xoa dịu đau đớn, cần có sức chịu đựng nỗi thống khổ mà tôi không thể tự vất bỏ đi được. Ngay cả đến con ruồi, con muỗi bé tí tẹo chúng cũng có thể tự do hành hạ tôi, cho đến khi mẹ tôi ra tay cứu giúp, đuổi chúng đi.
Nói chính xác là tôi đã tồn tại trên thế gian này 43 năm, cũng là một phép lạ, một sự tỏ rõ quyền năng của đấng tạo hóa có quyền ban sự sống cho con người, và Ngài chưa muốn đem tôi ra khỏi thế gian này, tôi còn phải sống bằng cách này hay cách khác trong khổ đau. Tôi nghĩ bất cứ người nào nhìn thấy tôi, cũng đều rất ái ngại và thầm nghĩ : “phải sống như thế thà chết sướng hơn”.
Thử hỏi còn gì đau khổ bằng khi tôi vẫn còn có đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, cái miệng để gọi mẹ suốt ngày và nhất là còn có cái đầu tỉnh táo biết thương nhớ, giận hờn, biết cảm nhận niềm vui, nỗi buồn, biết phân biệt phải trái, đúng hay sai, biết đói, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết đau đớn tê dại, biết nhờm gớm khi đã tiêu, tiểu ra tã v.v…
Nói tóm lại, khuôn mặt và bộ não của tôi trong 43 năm qua vẫn nguyên vẹn, bình thường, không bị ảnh hưởng bởi bệnh “Muscular Dystrophy”, một chứng bệnh làm teo dần các cơ bắp, mà tôi đã mắc phải từ năm lên chín hay lên mười tuổi.
Cha tôi là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mẹ tôi là Công Chức. Ngày 30-4-1975 Cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam, thì đến ngày 29-5-1975 cha tôi phải đi trình diện “Học Tập Cải Tạo”, lúc đó mẹ tôi mới sinh em bé thứ tư được một tháng và tôi là đứa con lớn nhất mới được 7 tuổi. Lệnh bắt cha đi “học tập” nghe nói Thiếu Tá học một tháng thì về. Nhưng mà thời gian cha tôi phải “học” trong các trại tù cải tạo lâu lắm, lâu gấp 120 lần thời gian VC gian dối nói là cha tôi đi học chỉ có một tháng, trong khi cha đã học hết 5 năm ngoài Bắc, còn phải học thêm 5 năm trong Nam nữa, mới được tha về gặp lại
mẹ và 4 anh em chúng tôi năm 1985.
Ngày cha đi tù cải tạo, tôi vẫn còn mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn theo tuổi đời và phát triển bình thường như bao trẻ khác. Vậy mà hai, ba năm sau, chẳng biết tôi mắc phải chứng bệnh gì, cơ thể sinh ra yếu đuối, tay chân rệu rã, đi đứng không được vững vàng. Chỉ cần một sự va chạm nhẹ vào người tôi của ai đó, tôi cũng ngã lăn ra và khó khăn lắm mới đứng dậy được. Còn va chạm mạnh thì u trán, vỡ đầu. Vì thế trong thời gian còn đi học, thầy hoặc cô giáo đã phải đem tôi đến trạm xá hay nhà thương khâu vài mũi hay nhiều hơn, cho nên trên đầu tôi mới có nhiều vết sẹo lớn, nhỏ.
Khi tôi bắt đầu phát bệnh khoảng chừng vào năm 1978 hay 1979 gì đó, thời gian này người ta đồn ầm lên là trong Chợ Lớn có một ông Thầy rất tài giỏi, chữa bệnh theo cách văn minh tân tiến, không cần dùng thuốc mà dùng “xung điện” để chữa trị. Lúc đó tôi nào biết “xung điện” là gì. Chỉ biết là người thầy “tài giỏi” này dùng hai tay đặt lên đầu, lên vai bệnh nhân để chuyền “điện” của ông (gọi là nhân điện) chạy qua cơ thể người bệnh, gặp “điện” của bệnh nhân. Hai  luồng “điện” này gặp nhau, thì xảy ra “xung điện” diệt trừ căn bệnh. Cách điều trị giản dị chỉ có thế thôi. Bất kể là bệnh gì.
Thầy chữa bệnh làm phước, không lấy tiền (nhưng thầy vui vẻ nhận quà cáp bệnh nhân
đem đến), vì vậy số bệnh nhân đến xin được Thầy chữa bệnh mỗi ngày rất đông. Nhà tôi ở xa, mẹ con tôi phải ra khỏi nhà từ 4 giờ sáng, đến địa điểm xếp hàng lấy số thứ tự cùng một đám đông người. Chờ tới khoảng 8 giờ thì Thầy đến cùng với người phụ tá. Người phụ tá gọi từng đợt 10 người theo số bắt đầu từ 1 đến 10, bệnh nhân trong số được gọi, mau mắn vào trong ngồi xếp thành vòng tròn, để Thầy đi chung quanh đặt tay lên đầu, lên vai truyền “điện” cho nhanh chóng .
Sáng nào cũng vậy, mẹ tôi cứ phải dùng khăn ướt lau mặt cho tôi: đứa bé 10 tuổi còn đang say ngủ, có như vậy tôi mới chịu tỉnh ngủ mở mắt ra, và mẹ mới lôi được tôi đến bên chiếc xe đạp xe đạp mini cũ kỹ, xốc tôi ngồi lên, bắt vòng tay ôm lưng mẹ cho chặt, để mẹ chở vào Chợ Lớn nhờ thầy truyền “điện”, tạo “xung điện” giúp cho cơ thể tôi cứng cáp, mạnh khỏe trở lại. Ngày nào mẹ tôi làm việc vất vả quá mệt, ngủ quên đến 6, 7 giờ sáng mới thức dậy, thì phải đi vội vã lắm. Và hôm ấy, nhanh nhất cũng phải đến 2, 3 giờ chiều, mẹ con tôi mới về đến nhà, rất mệt mỏi và đói khát. Tôi không thích thú và tin tưởng vào sức mạnh “nhân điện” của thầy, nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn theo mẹ mỗi ngày đi chữa bệnh cho mẹ vui lòng, nhất là bà Nội tôi lại luôn nói :“có bệnh phải chịu khó chạy đi vái tứ phương cháu ạ”.
Mẹ khi còn trẻ
Dù có phải “vái bệnh” vất vả tứ phương mẹ tôi cũng không ngại, nhưng sau mấy tháng nghỉ hè kiên trì theo Thầy, mà bệnh tình của tôi cũng không thấy có được một chút kết quả nào, mẹ con tôi đành bỏ cuộc, khi năm học mới đã bắt đầu. Thời gian này, mẹ tôi chở tôi đến cổng trường bằng chiếc xe mini cọc cạch, từ cổng trường tôi có thể tự đi vào lớp. Nhưng rồi sau đó, đã có vài lần tôi tuột khỏi xe, ngã xuống đường rất nguy hiểm, nên mẹ không dám chở tôi đi học bằng xe đạp nữa, bà phải cõng tôi đến trường, đưa tôi vào tận chỗ ngồi trong lớp học. Đến giờ tan học, mẹ lại bỏ công bỏ việc chạy vội đến lớp cõng tôi về, bất kể ngày
nắng, ngày mưa. Muốn tôi đi học, mẹ phải cõng thôi, vì hai chân tôi bây giờ chỉ còn khả năng đi được khoảng vài mươi bước, có người đi kèm cặp bên cạnh.
Đi học mà hành mẹ tôi như thế tôi thấy ái ngại và xấu hổ lắm, nên đã nhiều lần tôi xin mẹ cho tôi nghỉ học, nhưng mẹ tôi cương quyết không cho, mẹ nói: bệnh tật như con càng phải học nhiều hơn. Con và mẹ chúng ta cùng cố gắng: mẹ cố gắng lo cho các con có cơm ăn áo mặc, các con cố gắng học chăm học giỏi, hãy nghĩ đến cha đang bị tù đày. Và mãi đến khi tôi tốt nghiệp cấp 2, phải thi vào cấp 3 không đậu, một phần vì bệnh tật, một phần vì cái “tội” con Thiếu Tá “ngụy”. Đến lúc này mẹ tôi mới đành chịu bó tay và buồn lắm, khi tôi không được tiếp tục việc học nữa.
Không đi học ở nhà quanh quẩn với bà Nội, bệnh tôi cứ vậy tăng thêm theo ngày tháng. Đến năm 1988 hai chân tôi không còn có thể đứng thẳng mà lê bước, ngay cả khi tôi dùng hai tay vịn, men theo điểm tựa mà nhấc chân đi cũng không được  nữa. Muốn di chuyển quanh nhà, tôi phải ngồi xe lăn hoặc ngồi bệt xuống đất, dùng mông và hai tay chống mà lết đi, khi tôi tròn tuổi hai mươi, rất thèm đi đứng chạy nhảy với chúng bạn.
Năm 1991, gia đình tôi được qua Mỹ định cư theo diện H.O # 8. Ngay sau khi được cấp thẻ Medi-Cal, mẹ tôi đã sốt sắng đưa tôi đi chữa bệnh. Gặp bác sĩ gia đình giới thiệu tôi đến bác sĩ chuyên khoa, rồi ông chuyên khoa giới thiệu đến cả bệnh viện này, nọ. Cuối cùng tôi được chuyển đến Bệnh Viện của trường University of California of San Diego (UCSD) để khám toàn khoa, và làm tất cả những xét nghiệm cần thiết, kể cả thử DNA (Deoxyribonuleic Acid). Kết quả cho biết là tôi bị bệnh “Muscular Dystrophy – Backer”, một chứng bệnh làm teo dần
bắp thịt (chỉ xảy ra cho nam giới). Bệnh này được tìm ra bởi vị bác sĩ tên Becker (M.D Becker).
Khi định được bệnh rồi, bác sĩ cho biết căn bệnh quái ác này vẫn chưa có thuốc ngăn ngừa và chữa trị, mặc dù cả thế giới, đặc biệt là nước Mỹ đã và đang nỗ lực nghiên cứu. Trong tuyệt vọng, tôi thầm cầu nguyện và rất hy vọng một ngày nào đó, các nhà khoa học sẽ tìm ra thuốc chữa trị và thuốc ngăn ngừa, để thế giới loài người không còn có ai bị mắc bệnh “Muscular Dystrophy” nữa.
Cha tôi vận rủi ngã ngựa, bị VC bắt nhốt tù 10 năm, cho tôi vận may đến được nước Mỹ, một xứ sở văn minh, giàu có và nhân ái nhất thế giới. Nên dù bệnh tật của tôi nan y không thể chữa trị, tôi cũng được an ủi phần nào, vì không phải lo lắng, chẳng biết làm gì để kiếm được miếng ăn, không phải lo sống đời tủi nhục như ở Việt Nam. Bởi vì chính phủ Mỹ có chương trình giúp đỡ những người bệnh tật, không còn khả năng lao động như tôi được chăm sóc sức khỏe, được ăn no, mặc ấm, được hưởng tiền bệnh tật, gọi là tiền SSI (Supplemental Security Income).
Tôi không có khả năng lao động nữa, nhưng mẹ tôi quả quyết: tôi vẫn có khả năng đi học để mở mang kiến thức, tránh thì giờ buồn chán, và để có thể học cho mình một ngành nghề, chỉ cần xử dụng khối óc và hai tay (khẳng khiu yếu đuối) học về văn thơ, hay học về computer chẳng hạn, còn hai chân thì cứ kệ cho nó lười biếng đặt trên xe lăn…
Nghe mẹ nói vậy, tôi cốù tảng lờ đi. Nhưng mẹ tôi không bỏ cuộc, bà cứ theo khuyến khích, thuyết phục tôi mãi bà nói:
-Học vấn rất cần thiết cho con. Tri thức đưa con đến với thế giới bao la, cho con đời sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Con thử nghĩ xem, tại sao mẹ đã luống tuổi rồi mà còn đi học, với mơ ước sẽ tốt nghiệp “Medical Assisstant” để biết lối mà chăm sóc cho con một cách khoa học, và mẹ còn mơ ước xa hơn nữa, là được tình nguyện săn sóc những bệnh nhân hoạn nạn, tàn tật ở những nước nghèo đói, khi mẹ có điều kiện và hoàn cảnh cho phép.
Tấm gương hiếu học của mẹ đã nâng đỡ, khuyến khích tôi, nhưng chủ đích cũng vẫn là để làm vui lòng mẹ, nên tôi đã theo mẹ đến trường Mesa College làm thủ tục nộp đơn xin nhập học. Việc đơn từ ở trường, mẹ tôi rành lắm vì bà đã theo học ở Mesa College từ năm trước rồi, tôi không phải lo lắng gì cả đã có mẹ giúp đỡ.
Những năm tháng hai mẹ con tôi theo học ở trường Mesa College tràn đầy thử thách, nhiều lúc tưởng đâu đã phải bỏ cuộc, không kham nổi những vất vả khó khăn, trần ai lắm khi đi học.
Trong diện dân nghèo “low income”, mấy mẹ con chúng tôi chỉ thuê được căn hộ trên lầu của một Apartment. Nên mỗi ngày đi học, mẹ tôi phải thức dậy từ rất sớm, dọn dẹp nhà cửa, lo điểm tâm cho cả nhà, lo nhắc nhở các em gái tôi đừng để lỡ chuyến xe Bus, phải đi học cho đúng giờ ,v.v…
Khi các em gái tôi đã ra khỏi nhà đi học, lúc đó bà mới đem cặp sách của tôi và mẹ xuống dưới lầu, cất bỏ vào trong xe trước, rồi đi trở lại nhà trên lầu, bồng tôi trên hai tay đi ra cửa và đưa chân đá cho cánh cửa đóng khóa lại, rồi khệ nệ bồng tôi xuống thang lầu, đặt tôi vào xe, kéo dây an toàn gài móc vào cẩn thận cho tôi, rồi bà mới ngồi vào ghế tài xế.
Từ nhà tôi, mẹ lái xe chạy khoảng 20 phút thì đến trường. Đậu xe vào parking của trường xong xuôi, bà ra sau xe mở “cốp” xe lên, lôi chiếc xe lăn ra ráp lại cho ngay ngắn, vững chắc, rồi mới mở cửa xe, nghiêng người vào bồng tôi ra, đặt ngồi trên xe lăn và đẩy tôi đến lớp học của tôi, tìm chỗ để xe của tôi vào đâu cho thuận tiện nhất, rồi mẹ mới đi đến lớp của bà.
Trong lớp học, vì hai tay tôi yếu, rất khó khăn “take note”, nên nhà trường trả tiền “work study” cho một sinh viên, giúp tôi ghi chép vào “note book” những lời thầy giảng dậy hay dặn dò làm “home work” ở trang nào, sách nào, và hết buổi học thì đẩy tôi đến lớp kế tiếp hay lên phòng Lab …
Khi tan học, mẹ lại vội vôi vàng vàng chạy đến đón tôi ở phòng Lab hay ở lớp học cuối cùng nào đó. Lại đẩy xe lăn tôi ra Parking, bồng tôi vào xe, cài dây an toàn, đem cất xe lăn vào “cốp” xe và lái về nhà. Về đến nhà, tôi vẫn ngồi trên xe, chờ mẹ tôi đem cặp sách của hai mẹ con lên nhà trước, sau đó mẹ mở sẵn cửa phòng, rồi mới trở xuống xe, ì ạch bồng tôi bước 18 bậc thang lên tầng lầu. Vào trong nhà, đặt tôi lên giường xong, mẹ thường phải thay tã cho tôi ngay. Sau đó hỏi tôi có muốn ăn hay uống gì không để mẹ lấy.
Lo cho tôi tạm xong, mẹ bắt đầu làm việc nhà, làm đủ thứ việc không tên, rồi lại đi học thêm một, hai lớp nữa, còn tôi ở nhà lo làm “home work” và chờ mẹ về lo bữa ăn tối cho cho cả nhà.
Mùa Đông nước Mỹ có nhiều ngày mưa phùn gío rét, tôi muốn nghỉ học ở nhà lắm, nhưng mẹ tôi vẫn cương quyết không bỏ lớp nào, nhất định chịu ướt, chịu lạnh bồng bế tôi lên, xuống thang lầu và đi học rất đúng giờ. Nhằm mùa học không có lớp ban ngày, trùng giờ cho cả hai mẹ con, chúng tôi phải chọn lớp đêm để học. Mùa Đông trời mau tối và ban đêm rất lạnh, có khi mẹ bồng tôi đặt được vào xe rồi, là cả hai mẹ con ngồi run cầm cập, thế mà xe lại phải mở máy lạnh cho kiếng trong xe hết mờ, sáng trong trở lại mới thấy đường mà lái xe về nhà, những lúc ấy mẹ luôn xuýt xoa nói:
-Tội nghiệp con quá, con ráng chịu lạnh một tí mẹ mở lại heat là ấm ngay nhé !
Đâu phải một mình tôi lạnh, mẹ cũng lạnh vậy, nhưng mẹ không lo cho mẹ mà chỉ nghĩ đến con. Mẹ con tôi chịu đựng vất vả như thế trên con đường trau giồi kiến thức. Và mẹ đã tốt nghiệp “Medical Assisstant” hồi tháng 5 năm 1997. Tôi rất hãnh diện về mẹ.


Tác giả ngày ra trường trên xe lăn
Và tôi cũng tự hãnh diện về mình, khi được nhận mảnh bằng AS “Associate of Art”
ngành “Computer Information Science” vào tháng 6 năm 2000. Mảnh bằng này rất
khiêm tốn, nhỏ bé, nhưng tôi có được nhờ vào tất cả công lao khó nhọc của mẹ. Mẹ đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt cho con niềm tin, niềm tự hào còn có mẹ nâng đỡ ủi an. Ngoài mảnh bằng tôi có được sau 6 năm, (trong khi người bình thường chỉ cần 2 năm) tôi còn học được thêm bài học “vượt gian khó” quý gía, và biết ý thức cần phải học vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Cầm được mảnh bằng AA nhỏ bé trong tay, tôi tự tin và mơ ước đến ngày sẽ cầm được mảnh bằng lớn hơn là BA hoặc BS (4 năm Đại Học) thì căn bệnh “ Muscula Dystrophy” trầm trọng hơn, theo thời gian đã làm teo hết các cơ bắp vùng ngực và lưng, ép phổi tôi teo lại, khiến tôi ngộp và khó thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Tôi được đưa ngay vào bệnh viện “SHARP”, bác sĩ trách nhiệm đã khuyên tôi phải chọn một trong hai giải pháp:
1. Không cần sự can thiệp của khoa học, chấp nhận sự rủi ro sẽ đến. Có nghĩa là tôi sẽ chết ngộp bất cứ lúc nào.
2. Phải phẫu thuật, mở một lỗ nơi cổ, đặt ống gắn máy trợ giúp cho sự hô hấp. Như vậy mối nguy hiểm sẽ bớt đe dọa tính mạng và sự sống của tôi sẽ được dài thêm.
Thương mẹ, tôi đã chấp nhận giải pháp thứ hai.
Trước khi mổ, mẹ và tôi đã phải ký giấy chấp nhận mọi tình huống có thể xảy đến với tôi, kể cả tôi sẽ “ngủ” luôn trong ca mổ, không bao giờ thức dậy nữa. Mười giờ sáng ngày ấn định mổ, mẹ đẩy xe lăn đưa tôi đến nhập viện. Mẹ đã cầm hai bàn tay khẳng khiu của tôi, ôm hôn trán tôi trước khi hai bà y tá đẩy tôi vào phòng mổ, còn mẹ được hướng dẫn xuống lầu, đến phòng chờ đợi chờ kết quả ca mổ kết thúc (tốt đẹp hay xấu). Tại phòng chờ đợi, vì lo cho tính mạng của con, mẹ đứng ngồi không yên, đi ra đi vào bồn chồn đếm thời gian từng phút chậm chạm trôi qua như người ngớ ngẩn.
Trong năm tiếng đồng hồ chờ đợi, mẹ tôi không ăn uống gì cả, bà chỉ biết cầu nguyện rồi phó thác và xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Rồi cũng tới lúc nghe cô y tá dùng máy phóng thanh gọi mẹ tôi lên lầu. Lên lầu vừa trông thấy tôi, nét mặt mẹ liền rạng rỡ, vì mẹ biết là tôi vẫn còn sống, còn ở lại trần gian với bà, mẹ chưa vĩnh viễn mất con đứa con bất hạnh.
Mắt mẹ rưng rưng lệ nhìn vào cổ tôi, sau khi giảu phẩu đã được đặt vào một ống plastic tròn, to bằng 3 ngón tay chụm lại, trong khi tay mẹ vuốt tóc tôi như chia xẻ, như muốn gánh vác bớt cho tôi những đau đớn mà tôi đang chịu. Hiểu lòng mẹ bao la, tôi cố nén mọi đau đớn, ráng gượng nở nụ cười với mẹ cho mẹ an lòng. Nhưng nụ cười đầu tiên của con dành cho mẹ, sau khi hồi sinh vẫn còn ảnh hưởng thuốc mê, nên không trọn vẹn, không đủ xóa hết những lo âu, sợ hãi của mẹ. Tuy vậy, bao nhiêu mệt mỏi của mẹ như đã tan biến, khi cuộc đời mẹ tưởng đã cạn kiệt hy vọng, lại đong đầy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống, khi núm ruột của mẹ vẫn còn đây. Mẹ lại được tiếp tục yêu thương, ấp ủ con trong vòng tay ấm áp,
ngọt ngào tình mẫu tử. Tôi không thể ôm mẹ được, tủi thân nên nước mắt tôi trào ra, không kìm chế được nữa, dù tôi đã tự hứa không bao giờ để mẹ thấy con khóc mà đau lòng. Mẹ ơi, thế là cuộc đời con từ đây phải sống nhờ vào máy móc, và mẹ phải thêm công việc chăm sóc sệ sinh, thay ống, rửa những linh kiện nối từ máy thở vào ống thở đặt nơi cổ họng chuyền qua vòm họng, thay thế cho buồng phổi của con, giúp con duy trì sự sống.
Phần tôi, rất đau đớn vì một vật lạ, luôn nằm nơi cổ họng, nối vào khí quản. Mỗi cử động dù nhỏ đều làm tôi đau đớn khôn cùng và luôn phải nhờ mẹ giúp đỡ. Thân xác tôi như nằm trên bàn chông chịu cực hình. Tôi quá tuyệt vọng vì nỗi đau thể xác, nên tinh thần bấn loạn. Lần này, tôi thực sự không muốn sống nữa, tôi muốn từ gĩa cõi đời, muốn được giải thoát khỏi cực hình. Dù sao tôi cũng đã có 34 năm sống trong vòng tay êm đềm của mẹ, thế là đã quá đủ rồi xin hãy cho tôi trở về với cát bụi. Tôi bày tỏ cùng mẹ ý định này của tôi.
Nghe vậy, bà vội vàng ôm chầm lấy tôi, nức nở, nghẹn ngào qua làn nước mắt:
-Con bỏ mẹ đi, mẹ biết sống cùng ai, sống cho ai nữa đây! Con đi rồi còn ai để mẹ nâng giấc ủi an! Ai sẽ cho mẹ những giây phút dịu dàng hạnh phúc và hy vọng dù rất hiếm hoi, để cùng nhau đi hết đoạn đường đời cay nghiệt! Triệu ơi! mất con rồi đời mẹ thành vô nghĩa. Lạc lối về mẹ mất cả ánh sao đêm trông mong hy vọng. Con đừng bỏ mẹ bơ vơ trơ trọi giữa đường đời, vốn đã nghiệt ngã với mẹ con ta. Triệu ơi, hãy vì mẹ con can đảm lên mà sống! Mẹ ẵm bồng con, con an ủi mẹ chúng ta đỡ nâng nhau. Con ơi, đừng bỏ mẹ …
Lời mẹ than vãn làm tim tôi đau nhói, thắt ngặt lại và tôi cũng nức nở như chưa bao giờ được khóc trong đời. Tôi phải sống! Cho dù tôi tàn tật; cho dù tôi đau yếu mang bệnh nan y, nhưng sự hiện hữu của tôi mới làm cho nụ cười còn đọng mãi trên đôi môi mẹ.
Mẹ ở bên con ngày ra trường
Sự sống là cao quí. Cuộc đời dù là bất hạnh, cùng khổ đến đâu cũng đều có ý nghĩa sống, sống vị tha và rất cần đức hy sinh cùng lòng hiếu thảo. Mẹ ơi! Hai hàng lệ của mẹ hoà với nước mắt con, tự làm thành tờ giao ước của hai mẹ con ta, phải đồng lòng gắn bó đời nhau cho đến “khi Chúa thương gọi về”. Thân xác dù tàn tật cũng không được tự ý hủy bỏ.
Tôi phải sống vì mẹ như mẹ đã từng sống vì tôi! Tôi hiểu lòng mẹ tan nát mỗi lúc nhìn tôi và lòng tôi cũng nát tan khi thấy mẹ nước mắt mãi lưng tròng!
Có phải tại vì mẹ đẹp người, đẹp nết nên phải chịu cảnh hồng nhan là đa truân?
Có thật định mệnh đố kỵ muốn làm chết đuối “người trên cạn mà chơi”?
Ôi, định mệnh! Định mệnh sao quá trớ trêu! Định mệnh đã dành riêng cho mẹ những bất hạnh truân chuyên. Từ tuổi 30, mẹ đã phải một thân một mình nuôi dạy bốn đứa con thơ dại, vất vả nhất là chăm sóc đứa con tật nguyền, chăm sóc bà nội nay ốm mai đau, thay cha báo hiếu, lo mộ phần an nghỉ cho bà nội, lo kiếm thêm tiền thăm nuôi, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cha trong suốt 10 năm tù cải tạo từ Bắc vào Nam. Mẹ quá vất vả, tảo tần, dãi nắng dầm mưa, bất chấp mọi gian nan, khốn khó, hiểm nguy luôn đe dọa đến tính mạng, vì mẹ phải buôn chui, bán chợ đen, chợ đỏ dưới mắt cú vọ của công an nhân dân, mẹ mới đem lại sự ấm no cho gia đình 6 người, trong hoàn cảnh cả nước ăn bo bo, mì sợi, ngô, khoai thay
cơm gạo, sau ngày miền Nam được “giải phóng”, cha được “đi học” mút mùa.
Ôi! Mẹ hiền của tôi, một người mẹ vất cả đời mà không hề than vãn, mẹ âm thầm tận tụy, cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho gia đình. Qua mẹ, tôi nhớ đến câu danh ngôn: “Thượng đế không thể ở khắp mọi nơi, nên Ngài phải sinh ra những người mẹ”. Và tôi liên tưởng đến Đức Mẹ Maria đã phải chứng kiến những nhục hình tra tấn của quân dữ trước giờ Jesus, con một của Người bị đóng đinh trên thập giá. Còn mẹ tôi, cũng khổ đau không kém gì Mẹ Maria vì mẹ suốt đời phải xót xa nhìn đứa con trai đầu lòng duy nhất của mình, hằng ngày phải chịu khổ hình trong bệnh tật.
Thật không giấy bút nào tả xiết và tôi cũng không đủ khả năng để nói lên được lòng can đảm và sự chịu thương chịu khó, sự kiên trì cùng trái tim đầy ắp yêu thương, nhân hậu của mẹ tôi. Tôi chỉ biết yêu mẹ bằng luỹ thừa tình yêu mẹ mỗi ngày và sống, dù là sống nhờ mẹ và máy móc dây nhợ quanh người.
Có lần tôi những tưởng đã mất mẹ vĩnh viễn, khi bà bị một tai nạn xe hơi rất nặng giữa xa lộ 163, bà bị gãy chân và bể đầu bất tỉnh. Tưởng mẹ tôi đã chết trong xe, người gây ra thảm trạng cho mẹ tôi đã bỏ chạy trốn mất. Ấy thế mà, sau bảy tiếng đồng hồ phẩu thuật, vừa hồi tỉnh, điều mẹ tôi quan tâm đầu tiên là hỏi:
-Triệu đâu? Con tôi vẫn bình yên chứ?
Sau tai nạn đó mẹ tôi lại mang thêm trong chân những chiếc đinh vít inox, mà những lúc trái gió trở trời thường làm mẹ tôi nhức nhối khổ sở lắm. Những lúc ấy, tôi thương mẹ biết chừng nào.
Mẹ Hoàng Minh Đức ơi, chúng con yêu thương và kính trọng mẹ vô ngần, vì trong  bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng luôn dậy bảo, nhắc nhở anh em chúng con phải biết vâng lời, sống ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, luôn thật thà, khiêm cung, không hiềm tỵ ganh ghét bất cứ ai. Nhờ có mẹ răn dậy cẩn thận như thế nên anh em chúng con, chưa hề biết gian dối hay ganh ghét ai bao giờ.
Mẹ chính thật có trái tim vĩ đại dành của chúng con (và cha nữa). Nhưng cha đã từ chối nhận, đã rũ bỏ mẹ và 4 anh em chúng con ngay sau khi đến được nước Mỹ, trong khi mẹ luôn nghĩ sẽ cùng cha sống đến già, yêu đến già …
Thử hỏi có người nào không âu sầu, khi biết đứa con trai duy nhất, bị mắc căn bệnh nan y, không thể nối dõi tông đường. Mẹ cũng vậy, mẹ rất đau buồn và còn phải nhận thêm cay đắng khi “thuyền tình đã neo bến mới”. Dù đau buồn cay đắng, mẹ vẫn không hề biểu lộ sự giận dữ vì lòng mẹ rất nhân hậu, bao dung. Mẹ đã nói:
– Cha khổ nhiều vì CS rồi, đừng ép buộc cha thêm khổ sinh ra uất ức, la hét,  chưởi rủa khi phải ở lại với chúng ta. Hãy để cha quyết định theo cách tốt nhất mà cha chọn. Nếu từ bỏ mẹ con mình mà cha hạnh phúc, thì hãy chấp nhận.
Tôi biết, mẹ nói vậy là để trấn an anh em chúng tôi và để che dấu cõi lòng tan nát, an phận chấp nhận quyết định của cha. Cách đây không lâu, mẹ nhờ cô bạn mở cho một địa chỉ e-mail, khi được hỏi mẹ chọn “password” là những chữ gì, mẹ đã nói ngay câu “đả đảo ông chồng” rồi mẹ và cô bạn cùng cười vang. Tôi cũng chua xót cười theo và thương mẹ hiền lành chỉ biết hô “đả đảo” khi cha tuyệt tình!
Cha ơi, hai mươi năm đã trôi qua, cha sống có hạnh phúc không, cha có toại nguyện với các em trai khôi ngô, khỏe mạnh “nối dõi tông đường”, cha có cõng các em trên lưng cha, như mẹ đã cõng con nhiều năm tháng trên lưng mẹ. Lưng mẹ êm đềm và ấm áp lắm, không biết lưng cha thế nào, con chưa một lần được cha cõng trên lưng, được vòng tay ôm cổ cha âu yếm, đấy là điều con mãi nuối tiếc. Và bây giờ thì con không còn có thể vòng tay ôm cổ cha được nữa, nếu như cha có về và muốn cõng con, khi hai cánh tay con thịt đã teo biến hết, chỉ còn da bọc lấy xương, lõng thõng và vướng víu khi mẹ tắm rửa, thay quần áo cho con. Khi con xử dụng computer, mẹ phải nhấc cánh tay khẳng khiu của con đặt lên bàn, cầm
mấy ngón tay con đặt trên con chuột (mouse) kéo từng ngón vào vị trí chính xác thuận tiện nhất, để con có thể bấm xử dụng được dễ dàng. Tuy vậy, chốc chốc con lại gọi mẹ ơi, mẹ hỡi để mẹ chạy đến giúp, vì đẩy tới đẩy lui, con “mouse” đã chuồi ra khỏi tay con rồi, mà con không thể tự nắm bắt nó lại được.
Cha ơi, con chợt nhớ đến cha mà viết những dòng chữ này, nếu cha có tình cờ đọc được, xin hiểu lòng con, đứa con trai tàn tật thân xác từ thuở ấu thơ, luôn khao khát tình cha. Bởi vì tình mẹ dù có bao la, cũng không thể phủ trùm thay thế tình cha cho con. Con đã có “Ánh Sao Tình Mẹ”, con cũng muốn có những nốt nhạc cho tình phụ tử, là thật lòng con đấy!
Và hơn tất cả con luôn cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, đã ban cho con đủ sức chịu đựng và “xin vâng” đón nhận mọi khổ đau và cho con còn sống đến hôm nay.
Con xin tri ân nước Mỹ. Vinh danh mẹ. Tạ ơn cha. Cám ơn các em gái Trinh – Trâm
– Bình và các cháu đã chăm ngoan, học giỏi thay anh, thay bác Triệu bù đắp, đóng góp tài sức cho gia đình, cho xã hội. Cám ơn các em rể thủy chung, mạnh mẽ, thẳng ngay như tùng như bách làm cột trụ vững chắc cho gia đình được tràn đầy hạnh phúc, luôn vang tiếng cười.
Con cũng nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho tất cả mọi người đã đối đãi tử tế với gia đình con, cách riêng là an ủi, giúp đỡ mẹ và con trong hoạn nạn. Đặc biệt cám ơn anh chị Cao Ngô An đã không quản ngại vất vả làm tài xế đưa mẹ đi chợ, giúp mẹ nấu nướng, đưa em đi khám bệnh, đi những nơi cần thiết, từ khi mẹ bị tai nạn xe hơi trên xa lộ, không lái xe được nữa.
Bài viết của Minh Triệu là một tự truyện chân thật và xúc động. Để có bài viết này, tác giả đã vất vả nhiều năm tháng, vì không thể ngồi lâu, và vì chỉ còn xử dụng được một ngón tay duy nhất để gõ phím và bấm mouse.

Ông cũng là nhạc sĩ nghiệp dư vinh danh tình mẹ bằng ca khúc “Ánh Sao Tình
Mẹ” Bài hát được đưa lên Youtube gần ba năm qua, hiện đã có hơn 32,000
lượt người coi.
Mời thưởng thức bài “Ánh Sao Tình Mẹ” qua các giọng hát Mai Thiên Vân
và Kim Tử Long.

Tình Mẹ –  Mai Thiên Vân (Minh Triệu)

httpv://www.youtube.com/watch?v=H4Ny-STr9X8&NR=1

Ánh Sao Tình Mẹ – Kim Tử Long

httpv://www.youtube.com/watch?v=UQSo8hSdNA0

Ánh Sao Tình Mẹ – Kim Tử Long – Tân Cổ Giao Duyên

httpv://www.youtube.com/watch?v=jvFMYDeLVQo

Em ơn anh nhiều lắm. San Diego 3/3/11.
nguồn: Chị Xuân Lang gởi

10 cách xả giận trong đời sống gia đình

10 cách xả giận trong đời sống gia đình

 

Trong đời sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn sinh ra xích mích và
tức giận. Những lúc nước sôi lửa bỏng ấy, làm thế nào để kiềm chế nóng giận.
Sau đây là 10 cách giải quyết trong những tình huống ấy.

 

 

Một cốc nước lạnh

Trong những lúc cả ông bà đều đang nóng như lửa và căng thẳng đó, một cốc nước lạnh
sẽ làm hạ hỏa, mang lại cảm giác dễ chịu trong mỗi người.

Nếu bạn đang “nóng” hãy cố trấn an mình bằng uống một cốc nước hay rửa mặt. Còn nếu
chàng đang trong tình trạng đó, hãy đưa ngay cho chàng một cốc nước để chàng kiềm chế cơn giận. Có thể chàng tiện tay hất ra, bạn nên kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Chàng sẽ dễ chịu khi bạn can thiệp kịp thời.

Không chấp vặt

Khi cuộc khẩu chiến xảy ra nếu cả hai đều tỏ ra bất phân thắng bại sẽ chẳng bao giờ
dẫn tới một kết quả tốt đẹp. Để giữ cho gia đình êm ấp thì một trong hai phải biết bỏ qua cho nhau những thứ không quan trọng.

Cách tốt nhất, lúc đó người vợ/chồng cần bình tĩnh, tìm cách dò hỏi nguyên nhân tại
sao và tìm cách giúp người ấy chia sẻ, giải quyết khó khăn.

Bạn cũng không nên tỏ ra thờ ơ hay lạnh nhạt trước những hành động của người ấy.
Thái độ hoà nhã, thân thiện,vui vẻ của bạn sẽ làm vợ/chồng bớt căng thẳng.

Tự hòa giải

Giảng hòa luôn là một cách ứng xử tốt và khéo léo trong mối quan hệ vợ chồng. Biết
dừng đúng lúc trong mọi cuộc tranh cãi sẽ luôn làm tan biến mọi áp lực trong
gia đình. Cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, sóng gió và
chèo lái con thuyền hạnh phúc phụ thuộc rất lớn vào cả hai người.

Lúc này, bạn có thể nói những lời lẽ xuề xòa và tỏ ra chịu yếu thế so với đối
phương. Bằng sự hòa giải, bạn sẽ loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, làm
giảm những cơn căng thẳng thần kinh và giữ cho gia đình luôn hạnh phúc.

Đặt mình vào vị trí người ấy

 

Vợ/chồng bạn hay nổi cáu và thường về nhà gây gổ xích mích với bạn? Hãy chủ động tìm
hiểu nguyên nhân vì sao và tìm ra cách tốt nhất để giúp đỡ người ấy.

Vợ/chồng bạn hay mang bực dọc về trút lên đầu bạn? Hãy thử đặt mình vào người đã làm bạn giận, biết đâu bạn sẽ tìm được nguyên nhân của mọi việc. Bạn sẽ hiểu vì sao họ
cư xử hoặc có hành động như vậy.

Không gian riêng

Mỗi chúng ta cần có một không gian riêng để tĩnh tâm trở lại. Khi bạn đang căng
thẳng hay bực bội trong người, bạn nên vào phòng riêng hay những nơi mà bạn chỉ
có một mình. Không gian yên tĩnh và thoải mái sẽ làm bạn tốt hơn nhiều.

Viết ra những suy nghĩ của mình

Đây cũng là một cách rất tốt để giải thoát những bực tức trong người mình. Những
dòng nhật kí về những điều bạn đang suy nghĩ sẽ giúp bạn vơi đi những căng
thẳng.

Bạn có thể viết trên giấy, blog, email hay forum, biết đâu những tâm sự của bạn sẽ
được mọi người quan tâm và cùng chia sẻ. Lúc đó bạn sẽ có người đồng cảm.

Thư giãn

Hít thở sâu, thả lỏng cơ thể, nhắm mắt linh dim và tưởng tượng đến những gì tốt đẹp
nhất đang chờ đón bạn, mọi tức giận tan biến.

Bạn cũng có thể tham gia các lớp yoga để học cách trấn an và thư giãn cơ thể cũng
như tâm hồn. Bên cạnh đó các bài tập thê dục nhẹ nhàng như bơi, đi bộ cũng rất
tốt cho bạn.

Đi tắm

Những dòng nước chảy mơn man trên cơ thể bạn là một cách thư giãn lý tưởng, sẽ làm
bạn cảm thấy khoan khoái và lấy lại được tinh thần sau những mệt mỏi và căng
thẳng chuyện gia đình.

Bạn có thể nhảy vào hồ bơi vùng vẫy trong làn nước mát hoặc ngâm mình trong bồn
nước cùng với dược liệu và hoa. Bên cạnh đó tắm hơi và massage cũng là cách
giảm căng thẳng tốt nhất.

Cười lên

Chồng/vợ làm bạn tổn thương, nhưng tất cả vì hạnh phúc gia đình, mọi chuyện rồi sẽ qua.
Nếu bạn cố chấp hay để bụng càng làm bạn đau đầu, mệt mỏi, cảm giác bị tổn
thương, hạ thấp… rồi sẽ chẳng đến đâu nếu cả hai không nhường nhịn.

Hãy luôn mỉm cười vì nó có ích trong việc động viên bạn, giúp bạn yêu đời hơn. Nếu
người ấy đã xin lỗi bạn, bạn hãy bỏ qua và để quá khứ sang một bên, cùng nhau
sống hết mình cho ngày hôm nay và tương lai của cả gia đình.

Trò chuyện cùng nhà tư vấn

Những nhà tư vấn tâm lý luôn sẵn sàng chia sẻ mọi thắc mắc của bạn và họ sẽ có cách
giúp bạn xóa tan mọi bực tức trong người. Bạn dễ dàng trao đổi với họ qua các
phòng tư vấn, tổng đài điện thoại hay viết thư tư vấn.

Maria Thanh Mai gởi

Xưng tội, Rước Lễ lần đầu của cháu ngoại.

Xưng tội, Rước Lễ lần đầu của cháu ngoại

Tác giả: Phùng văn Phụng 

http://translate.google.com/translate?hl=en&sl=vi&tl=en&u=http%3A%2F%2Fkeditim.net

  

Colby xúng xính trong bộ đồng phục quần dài đen, áo sơ mi trắng, có thắt nơ đỏ ở cổ áo. Con gái mặc đầm, đội khăn lúp trên đầu. Các cháu vui vẻ, hân hoan, nói cười ríu rít, trong khi các cô giáo lăn xăn, sắp xếp chỗ ngồi cho các em. Các em thực tập đọc bài đọc 1 và 2 cũng như đọc lời cám ơn quý Cha, quý thầy cô và cha mẹ, ông bà. Năm nay khoảng một trăm bảy mươi em xưng tội, rước lễ lần đầu. 

Các cháu trai ngồi bên phải, các cháu gái ngồi bên trái. Nhìn các cháu tuởng chừng như những “thiên thần bé nhỏ”. Khi rước lễ, theo sự hướng dẫn của thầy cô, từ trong hàng ghế, thứ tự đi ra đứng hàng dọc, chầm chậm đi lên gần cung thánh để được rước lễ lần đầu.

 Colby năm nay vừa đã được 9 tuổi là tuổi xưng tội, rước lễ lần đầu. Mỗi tuần ông ngoại đều chở hai cháu ngoại đi nhà thờ vì hai ngày cuối tuần hai cháu ngoại ở với ông bà ngoại để đi học đàn Piano, học Giáo lý, Việt ngữ ở Giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập thể

Trọn ngày thứ bảy, khi các em tĩnh tâm từ 8 giờ sáng cho đến ba giờ chiều thì phụ huynh cũng được hướng dẫn đến hội trường để tìm hiểu cách xưng tội để giúp con em mình.

Năm nay các cháu phải học thuộc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh, Kinh 10 điều răn và Kinh ăn năn tội. Colby đọc thuộc lòng bằng tiếng Việt  Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh 10 điều răn nhưng tới Kinh ăn năn tội thì Colby chỉ đọc thuộc lòng bằng tiếng Mỹ mà thôi.

Mỗi thứ bảy cháu về sống với ông bà ngoại. Ông ngoại tập dạy thêm cho Colby kinh 10 điều răn trước khi ngủ. Vậy mà hơn hai tháng cháu mới thuộc hết kinh 10 điều  răn. Còn Kinh ăn năn tội mặc dầu dạy cho Colby tiếng Việt nhưng Colby không thể đọc trọn câu kinh bằng tiếng Việt được. Colby được học cách:

 Xét mình

 Ăn năn tội  Dốc lòng chừa

 Xưng tội

 Đền tội.

Trong hội trường có nhiều phòng mỗi phòng có các Cha ngồi chờ các cháu vào xưng tội. Tất cả các em cùng lớp với Colby ngồi thứ tự theo hàng dọc, ngay ngắn trước phòng bên phải của hội trường chờ đợi xưng tội. Tôi đứng gần đó để chờ xem thái độ của Colby ra sao?

Sau khi xưng tội xong, Colby đi ra nắm tay ông ngoại kéo đến phòng Đền tội.

Phòng đền tội là một phòng tối ở bên phải của trường “Mẫu Tâm”. Cuối phòng có để bàn thờ Chúa chịu nạn, trên tường đèn thật sáng chiếu vào hình Chúa chịu nạn.

Colby quỳ xuống hai bàn tay chấp lại trước ngực, đọc kinh Lạy Cha. Ông ngoại cũng quỳ với cháu ngoại nghe cháu ngoại đọc kinh. Sau khi đọc kinh xong cháu đứng dậy cúi đầu và kéo ông ngoại ra khỏi phòng.

Xưng tội là làm hòa với Thiên Chúa thông qua Linh mục đại diện Chúa lắng nghe lời thú tội của hối nhân, để hướng dẫn, “advise” để con người trở lại thân thiết với Chúa, gần gủi Chúa hơn và cũng từ đó kết hợp với mọi người.

Cháu được rước lễ là được gặp gỡ Chúa trong mình Thánh Chúa để được thánh hóa, được ơn nghĩa Chúa trong đời này lẫn đời sau.

Cảm tưởng của ông bà, cha mẹ khi con cháu được rước lễ lần đầu thật vô cùng sung sướng và cảm động vì cháu đã lớn, đã biết phân biệt tội lỗi, được rước Mình Máu Thánh Chúa, được gần gũi Chúa, biết yêu mến Chúa và được Chúa yêu thương. Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chăm lo cho đời sống hàng ngày của các cháu, cũng như các cháu biết tin tưởng  vào Thiên Chúa toàn năng. 

Bà nội(người thứ ba bên trái) kế là Michelle (chị của Colby) Colby (áo trắng, thắt nơ đỏ)

ở truớc nhà thờ Ngôi lời Nhập Thể

Xin cám ơn cô giáo Thảo, các thầy cô đã bỏ rất nhiều thì giờ công sức trong  nhiều năm qua để hướng dẫn dạy dỗ tiếng Việt và giáo lý cho các cháu để các cháu không quên cội nguồn là người Việt nam và biết kính Chúa, yêu người ngay từ thời còn nhỏ.

Phùng văn Phụng

 Ngày 05 tháng 06 năm 2010

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

 

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

1. LỜI CHÚA: Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

2.CÂU CHUYỆN: CÁCH DẠY CON CỦA MỘT BÀ MẸ

Mạnh Tử thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa thấy người ta đào huyệt và mang xác chết đi chôn, về nhà cậu cũng bắt chước đào huyệt, khóc lóc và an táng người chết. Bà mẹ thấy thế tự nhủ rằng: “Chổ này không phải là chổ cho con ta ở đuợc“. Rồi bà liền dọn nhà ra phố chợ. Mạnh tử thấy người ta mua bán gian xảo, ăn nói chua ngoa tục tĩu, cậu cũng học chơi trò buôn bán xảo trá lừa lọc và ăn nói lỗ mãng với mọi người .Bà mẹ thấy thế tự nhủ rằng: “Chổ này cũng không phải là chổ ở tốt cho con trai ta“. Sau đó, bà dọn nhà đến gần trường học. Mạnh Tử thấy các học trò biết lễ độ kính trên nhường dưới và chăm chỉ học tập các sách thánh hiền, cậu cũng bắt chước học đòi bút nghiên đèn sách. Thấy vậy, bà mẹ rất hài lòng và tự nhủ rằng: “Đây mới thực là chỗ ở tốt cho con trai ta“.

Một hôm Mạnh Tử đến chơi nhà hàng xóm, thấy họ làm thịt heo liền về nhà hỏi mẹ rằng: ”Mẹ ơi, nhà bên cạnh người ta giết heo làm gì vậy ?” Bà mẹ nói đùa với con: ”Họ giiết heo cho con ăn đấy !”. Nói xong, biết mình lỡ lời, bà liền suy nghĩ “Con mình còn nhỏ chưa phân biệt thật giả đúng sai. Nếu ta nói dối nó thì chẳng khác gì ta đã dạy cho con ta nói dối hay sao ?” Sau đó, bà đã ra chợ mua một cân thịt heo về nhà làm món ăn ngon cho con.

Lần khác ,Mạnh Tử  đang học ở trường bỗng trốn học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi bên khung cửi dệt vải, biết con trai trốn học, liền cầm con dao chặt đứt tấm vải đang dệt và dạy con rằng: ”Con ơi! Con đang học mà bỏ trốn đi chơi thì chẳng khác gì mẹ đang dệt tấm vải mà lại chặt đứt nó vậy !” Từ đó, Mạnh Tử quyết tâm chuyên cần học tập. Về sau ông đã trở thành một hiền nhân xuất chúng và rất nổi tiếng của nước Trung Hoa.

3.SUY NIỆM : 

Trong việc giáo dục con cái, người ta thường hay đỗ lỗi cho các bà mẹ nếu con cái bị hư hỏng như câu : ”Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà“. Tuy nhiên nếu con cái được thành đạt thì vai trò của bà mẹ cũng đựơc đặc biệt đề cao : ”Phúc đức tại mẫu“ do biết dạy dỗ con cái : “Dạy con từ thuở còn thơ“. Chính nhờ có một bà mẹ khôn ngoan, biết ứng xử nhanh nhậy và có khả năng tiêu liệu điều tốt cho con mà ngày nay chúng ta mới có được một hiền nhân rất nổi tiếng là thây Mạnh Tử. Vậy cha mẹ cần dạy con từ khi nào ? Phải dạy con những gì ? và nên dạy con bằng phương pháp nào ?

1)PHẢI DẠY CON TỪ KHI NÀO ?

Một nhà trồng tỉa muốn uốn cây cảnh mỹ thuật, cần phải uốn khi cây còn non mới đem lại kết quả tốt. Cha ông chúng ta cũng dạy các bậc làm cha mẹ : “Dạy con từ thưở còn thơ”. “Còn thơ” hay “còn nhỏ” còn được hiểu là ngay từ khi con còn trong bụng mẹ. Khoa học ngày nay cho thấy: Người mẹ cũng ảnh hưởng đến tâm tính và sức khoẻ của đứa con ngay từ lúc còn phôi thai. Việc giáo dục này được gọi là thai giáo. Trong thời gian này, các tâm tình và thái độ ứng xử của bà mẹ sẽ ghi dấu sâu đậm trên tâm tính thai nhi của mình. Tránh cho bà mẹ mang thai bị xúc động như buồn sầu bực tức, để thai nhi được phát triển khỏe mạnh cả về thể xác cũng như tâm hồn.

Tuy nhiên, thời gian thuận tiện nhất để trực tiếp giáo dục con cái là khi con bắt đầu nhận biết những lời cha mẹ dạy dỗ : “Dạy con từ thuở lên ba”. Trong giai đọan này gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho đứa bé những bài học làm người, và cha mẹ chính là những “thày cô” được con tín nhiệm và vâng lời hơn cả, vì cha mẹ sống gần con, hiểu biết tính nết của con và có lòng yêu thương con hơn tất cả.

2) CHA MẸ CÔNG GIÁO CẦN DẠY CON NHỮNG GÌ?

Mục tiêu của việc giáo dục đức tin là giúp con cái thành một người trưởng thành nhân cách và thành con hiếu thảo của Cha trện Trời theo gương Chúa Giêsu là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha”.

a)Giáo dục nhân bản: Cha mẹ cần quan tâm giáo dục con về đức dục, trí dục, thể dục và tính dục:

-Thể dục: dạy con ăn ở vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ sức khỏe bản thân.

-Trí dục: giúp con trau dồi học vấn và nghề nghiệp, có khả năng sống tự lập và giúp ích cho tha nhân.

-Đức dục: Lọai trừ các thói hư tật xấu và tập luyện các tính tốt. Nhất là các đức tính nền tảng như: khôn ngoan, công bình, khiêm tốn, thật thà, tiết độ và dũng cảm. Ngòai ra nam giới còn cần học Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, và nữ giới cần học về Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

-Giới tính: Ngoài ra, trong việc giáo dục nhân bản cũng phải để ý đến việc giáo dục giới tính, hướng dẫn con cái về phái tính và tính dục. Việc giáo dục này nhằm mục đích giúp con cái hiểu biết căn bản về tính dục phù hợp với lứa tuổi và tầm nhận thức, để chúng có thể sống trong sạch, trưởng thành, xứng đáng là theo thánh ý Thiên Chúa. Trong việc giáo dục này, cũng cần dạy cho con cái biết sử dụng cách đúng đắn các phương tiện truyền thông, đặc biệt phim ảnh, trò chơi game và sử dụng mạng dưới sự kiểm sóat của cha mẹ.

b) Giáo dục đức tin:

Mến Chúa yêu người: Ngoài nền giáo dục nhân bản, cha mẹ công giáo còn phải giáo dục đức tin cho con, nghĩa là ngay từ nhỏ, đã phải dạy cho con biết “mến Chúa yêu người”, biết tuân giữ những giới luật của Chúa, năng tham dự những việc đạo đức, năng lãnh nhận các bí tích… Nhờ đó, con cái sẽ trở thành những tín hữu thực sự, nghĩa là có Đức Kitô trong tâm hồn và mang Đức Kitô giới thiệu cho người chưa biết Chúa.

Đáp lại tiếng Chúa kêu gọi: Trong việc giáo dục đức tin, cũng cần để ý tới việc giúp con cái nhận ra lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng đáp lại ơn gọi dâng mình phục vụ Chúa theo lý tưởng tu trì.

Chia sẻ sứ vụ loan Tin Mừng: Khi con cái tới tuổi học giáo lý, cha mẹ nên quan tâm tìm hiểu hệ thống các lớp giáo lý tại giáo xứ của mình. Cha mẹ nên tham gia dạy giáo lý, là cách đơn giản để nâng cao trình độ của mình và trang bị khả năng đào tạo đức tin cho con cái sau này. Hiện nay việc giảng dạy giáo lý thường được giao cho Giáo lý viên chưa lập gia đình. Thật ra, đội ngũ Giáo lý viên cần những người có bề dày kinh nghiệm sống đức tin, nên Hội Thánh rất mong các cha mẹ trẻ quảng đại tham gia vào sứ mạng này.

4)Để việc giáo dục đạt kết quả tốt

a)Đồng tâm nhất trí: Cha mẹ phải nhất trí với nhau trong đường hướng và phương thức giáo dục con cái: Tìm hiểu tính tình, năng khiếu của con cái và phải biết dùng những phương pháp thích hợp với lứa tuổi để việc giáo dục đạt hiệu quả. Ngoài ra cha mẹ cần cộng tác với thầy cô nhà trường và các Giáo lý viên nhà thờ.

b)Làm gương sáng“Cha nào con nấy, mẹ nào con nấy”, “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”; “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”; “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”; ….Thật vậy, đứa con chưa có đủ trí khôn để phân biệt điều tốt và điều xấu, nên thường bắt chước những gì đập vào mắt nó. Vì thế, gương sáng của cha mẹ là điều cần thiết trong việc giáo dục con cái. Người xưa có câu: “Lời nói hương bay, Gương bày lối kéo”.

c)Tạo bầu khí gia đình đầm ấm: Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 số 12 viết: “Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa”.

d)Tìm hiểu con cáiViệc đầu tiên cần thực hiện là cha mẹ phải tìm hiểu con cái, phải biết con cái nghĩ gì, muốn gì, nói gì và làm gì thì mới có thể hướng dẫn chúng cách hữu hiệu. Duy trì phát triển điều tốt của con cái và uốn nắn nhắc bảo chúng lọai bỏ điều xấu, Cần dạy con bằng những lời lẽ ôn tồn tế nhị và yêu thương. Tránh la mắng con bằng lời thô lỗ tục tĩu.

e)Kiên nhẫn dạy dỗ: Người xưa đã từng khuyên: “Dục tốc bất đạt”. Trẻ con thường ham chơi và mau quên. Cho nên cha mẹ phải nói nhiều lần, phải nhắc đi nhắc lại để những lời khuyên ấy thấm dần vào đầu óc chúng. Nhất là phải dùng lời Chúa mà khuyên dạy con. Đừng bao giờ thất vọng nản chí trong việc sửa dạy con.

d) Cầu nguyện cho con cái:

Trong việc giáo dục con cái, hai vợ chồng cần chạy đến với Chúa, bởi vì như Chúa dạy: “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Đến với Chúa để xin Người soi sáng và hướng dẫn cách dạy dỗ. Năng cầu nguyện cho con cái, đặc biệt trong những giai đoạn phát triển khó khăn cuộc đời của chúng.

Sau cùng chúng ta cần học nơi Chúa Giêsu như Người đã nói : “Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Người sẽ ban Thánh Thần cho ta để ta được biến đổi nên hiền lành và khiêm nhường noi gương Ngừơi. Đây là điều kiện để cha mẹ chu tòan sứ mệnh giáo dục con cái.

4. THẢO LUẬN:

 1)Hãy kể một số câu hướng đẫn cho các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái và cho biết bà mẹ thày Mạnh Tử đã áp dụng những câu nào để day dỗ con mình ?”. (Chẳng hạn: ”Yêu  cho rôi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi; Dạy con từ thuở còn thơ; Học ăn học nói học gói học mở; Tiên học lễ,hậu học văn; Gần mực thì đen gần đèn thì ság…).

 2)Trong các phương cách giáo dục con cái nói trên, bạn thấy cách nào hữu hiệu nhất giúp cha mẹ chu tòan bổn phận giáo dục đức tin cho con cái ?

5.LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp mỗi tín hữu chúng con ý thức và chuẩn bị cho mình có các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên hầu chu tòan bổn phận nuôi dạy con cái cả về nhân bản và đức tin. Ước chi chúng con năng học sống Lời Chúa dưới ơn soi dẫn của Thánh Thần để được ơn biến đổi ngày càng nên hoàn thiện hơn, hầu có thể chu tòan bổn phận làm cha làm mẹ đạo đức, tích cực cộng tác với Chúa trong việc nuôi dạy con cái nên “Con rát yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha” noi gương Chúa khi xưa. Amen

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

 nguồn: Maria Thanh Mai gởi