Nhiều người Công Giáo bất mãn với ý kiến của một cặp vợ chồng người Úc được mời tham dự THĐGM –

Nhiều người Công Giáo bất mãn với ý kiến của một cặp vợ chồng người Úc được mời tham dự THĐGM –

Ý kiến của Đức Hồng Y Raymond Burke

Đặng Tự Do

10/11/2014

Trong phiên khoáng đại thứ hai diễn ra vào lúc 5h chiều ngày thứ Hai 6 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục với sự hiện diện của Đức Thánh Cha và 180 nghị phụ đã bàn về chủ đề: “Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình” và “Việc hiểu biết và đón nhận Kinh Thánh và các văn kiện của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình”.

Mở đầu mọi người đã nghe chứng từ của ông bà Ron và Mavis Pirola người Úc, dự thính viên tại Thượng HĐGM này. Ông bà là đồng giám đốc Hội đồng Công Giáo Australia về hôn nhân và gia đình. Họ kể lại kinh nghiệm trong gia đình về việc sống căng thẳng giữa một bên là khẳng định chân lý, và bên kia là sự cảm thông và từ bi. Cụ thể là người con trai của Ông bà Pirola là một người đồng tính luyến ái. Một hôm, nggười con ấy nói là muốn đưa người bạn trai của anh ta về nhà. Ông bà là người hoàn toàn tin tưởng và chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội, nhưng phải làm sao trước yêu cầu của người con? Ông bà bị giằng co giữa một bên là tôn trọng và chấp nhận chân lý và giáo huấn của Hội Thánh, và bên kia là từ bi yêu thương người con. Ông bà biết rằng các cháu muốn ông bà đón nhận đứa con và bạn trai của anh ta trong gia đình. Vì thế ông bà đã “chấp nhận” thỉnh cầu của người con vì “đó là con chúng tôi!”.

Theo ông bà Ron và Mavis Pirola, điều này có thể là “kiểu mẫu loan báo Tin Mừng cho các giáo xứ khi gặp những hoàn cảnh tương tự”.

Cách đặt vấn đề và cách giải quyết của ông bà Ron và Mavis Pirola đã gây ra xao xuyến và bất mãn cho nhiều người Công Giáo tại Hoa Kỳ, nhất là khi ông bà tự đề cao cách thức giải quyết ấy như “một kiểu mẫu loan báo Tin Mừng”. Do đó, chương trình truyền hình LifeSite News đã có một buổi phỏng vấn với Đức Hồng Y Raymond Burke, nguyên chánh tòa Ân Giải Tối Cao.

Đức Hồng Y Burke đã đồng ý rằng các bậc cha mẹ nên cố gắng hết sức để thể hiện tình yêu của họ đối với người con trai đồng tính của họ. Tuy nhiên, ngài lập luận chống lại việc chấp nhận thỉnh cầu của người con trai muốn gia đình đón nhận người bạn trai của anh ta. Đức Hồng Y giải thích:

“Nếu những mối quan hệ đồng tính luyến ái là những mối quan hệ rối loạn về bản chất, mà thực sự chúng là như vậy – thì việc chào đón một thành viên gia đình cùng với một người khác đang trong quan hệ rối loạn ấy trong một cuộc gặp gỡ gia đình có ý nghĩa gì với con cháu chúng ta?”

Đức Hồng Y nói rằng cha mẹ trong trường hợp này có thể gây ngộ nhận cho con cháu của họ, và gây hại cho họ “bởi thái độ dường như tán đồng một hành vi phạm tội nghiêm trọng của một thành viên trong gia đình.”

TUỔI TRẺ NÔNG NỔI BỒNG BỘT KHÓ LƯỜNG

TUỔI TRẺ NÔNG NỔI BỒNG BỘT KHÓ LƯỜNG
(Hạnh phúc gia đình)
Tuyết Mai

Toàn nước Mỹ cứ mỗi năm hè tới thường có những nhóm trẻ chúng nổi loạn do tánh khí bạo động cũng có, thời tiết nóng quá làm chúng nổi điên cũng có, khích nhau cũng có, nổi lửa đốt nhà và đốt rừng cũng có, và còn biết bao nhiêu nguyên do để chúng làm loạn mà từ ty Cảnh Sát cho đến nơi làm ăn thương mại, và tất cả cha mẹ ai cũng ngao ngán khi mùa hè bắt đầu.

Trong số những đám trẻ đó có thằng con trai của chúng tôi. Xui cho chúng tôi là trong chung cư có cái hồ tắm, hễ tụi trẻ không có chỗ đi vì không có tiền thì chúng thường rủ nhau ra hồ bơi vui chơi gần như cả ngày. Sáng một nhóm khác, chiều một nhóm khác, đôi khi cả hai nhóm cùng đến chơi một lúc, nhưng cũng không bao giờ đến quá 10 đứa, cả trai lẫn gái. Nói cho ngay chúng đều ngoan cả vì một nhóm là bạn học trò còn nhóm kia là bạn cùng làm việc chung tại nhà hàng.

Vợ chồng chúng tôi vừa nhận được lá thư từ HOA (Home Of Association) họ máng vốn thằng con trai của chúng tôi đã mời bạn bè vào hồ tắm làm ồn ào, phá phách và xả rác. Vợ chồng chúng tôi dự định viết thư gởi cho bà president của chung cư hoặc tìm đến nói chuyện thẳng với bà để tìm sự thông cảm và cho bà biết rằng thằng con trai của chúng tôi đã đủ 18 tuổi, để chịu trách nhiệm mọi việc cháu nó làm mà không cần phải viết thư méc chúng tôi.

Chúng tôi chưa kịp viết lá thư thì chiều qua thằng con trai của chúng tôi mời bạn mới và bạn cũ vào hồ chơi khoảng chừng 5 đứa (3 trai, 2 gái) đã xẩy ra chuyện còn tệ hơn là sự việc máng vốn ở trên. Trong đám bạn được mời đến có đứa con gái chừng 20 tuổi chưa từng học qua lớp lái xe, chưa có bằng lái thế mà năn nỉ bạn trai thế nào để thằng bạn trai dám đưa chìa khóa xe cho nó lái thử vòng vòng trong chung cư.

Nhưng lái chưa đi được đến đâu thì thay vì đạp thắng xe thì cô nàng lại đạp bàn ga nên xe phóng thẳng tới phía trước. Đạp đổ dàn hàng rào sắt nằm bẹp xuống sàn của hồ tắm, nửa chiếc xe nằm ngang trên mặt nước của hồ, nửa chiếc xe nằm dính cứng ngắc trên hàng rào sắt không sao chiếc xe xê dịch cho được. Thế là ông phó trưởng của chung cư nhà nằm sát hồ bơi, ông đã nhanh chân đem máy chụp hình ra chụp và trong năm phút đã có mặt cảnh sát đến để lập biên bản.

Thằng con trai của chúng tôi một mẻ xanh mặt về nhà chỉ dám báo cho mẹ cháu biết chuyện nhưng dấu hẳn bố. Trong vài phút nghe cháu kể chuyện vừa mới xẩy ra thì tôi an tâm vì biết cháu không dính líu gì trong vụ tai nạn này trừ việc cháu đã mời bạn bè đến chơi hồ. Đấy là nói thằng con trai của chúng tôi thuộc loại ngoan ngoãn, già dặn trước tuổi, có mơ ước được học cao để trở thành một bác sĩ khoa học trong tương lai?.

Do tai nạn của buổi chiều hôm qua mà chuyện tốt thứ nhất là đã dậy cho con trai của chúng tôi một bài học thật giá trị là cháu ngừng hẳn tư tưởng ao ước được mua chiếc xe hơi đời cũ, một thời gian chắc cũng khá lâu. Cháu bảo có xe thật không thể nào lường được chuyện gì có thể xẩy ra mà điển hình ngu nhất là chuyện một đứa con gái lại có ý muốn làm điều như vậy!?.

Chuyện tốt thứ hai là những căn nhà sống chung quanh hồ bơi sẽ được ít nhất 2 tuần lễ sống trong yên lặng vì nguyên cái hồ bơi đã được giăng dây cấm vào cho đến khi dàn hàng rào sắt được thay do hãng bảo hiểm xe của chiếc xe gây ra tai nạn. Và tốt hơn cả là thằng con trai của chúng tôi không còn lý do gì để mời tiếp bạn bè đến hồ bơi chơi nữa!.

Chuyện hên thứ ba là xe chỉ đụng dàn hàng rào sắt ngả mà không lấy đi mạng sống của một ai hay đâm vào nhà nào thì hậu quả sẽ không biết đâu mà lường?. Rồi thì thằng cháu nhà chúng tôi cũng được yên thân vài ngày nữa cho đến ngày cháu nó dọn hẳn ra khỏi nhà để đến ở nội trú trên trường đại học 4 năm. Trường đại học nơi sẽ dậy cho cháu cuộc sống tự lập, có trách nhiệm trên chính bản thân mình và cho tương lai tươi sáng của mình.

Nhưng điều thiết yếu nhất và là quan trọng hơn cả vẫn là hằng ngày vợ chồng chúng tôi luôn cảm tạ Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria vì chính ba ngôi Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn gìn giữ, ban ơn, trợ giúp cho chúng tôi cách tốt đẹp nhất từ thể xác đến linh hồn sống đời của chúng tôi. Amen.

** Xin bấm vào hìnhđể nghe và để hát:
httpv://www.youtube.com/watch?v=PpzML3waimw
(Con cảm ơn Cha)
———————————————–
**::* Con Cảm ơn Cha *::**
*~* Tuyết Mai 3-11-03 (11) *~*

Con cảm ơn Cha
Buổi sớm mai thức dậy
Nắng đẹp lên cao
Mây vờn trong gió
Chim bầy tung cánh
Có Chúa đất trời
Thần Thánh, muôn người
Cảm tạ chúc khen

ĐK:
Con xin dâng Cha tình con
Hôm qua hôm nay vẫn tín trung
Dù đời giăng nhiều cạm bẫy
Nguyện xin Chúa Thánh Linh
Sớm hôm dắt dìu để hồn chúng con
Khao khát tìm về quê trời

Con cảm ơn Cha
Đầm ấm trong gia đình
Họ hàng thân thương
Bạn bè quý mến
Ân tình quyến luyến
Có Chúa trong đời
Hạnh phúc ngập trời
Cuộc đời luôn thắm tươi

Con cảm ơn Cha
Được sống trong an bình
Hy vọng tương lai
Hòa bình khắp thế giới
Muôn tấm lòng thơ thới
Có Chúa muôn nhà
Cùng sống thuận hòa
Cuộc đời là sướng vui

Y Tá Của Chúa,
Tuyết Mai

*** Để cảm tạ, ngợi khen, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng ta, tôi chân thành mời anh chị em hãy dùng những bài hát của tôi để hát, đem đến tận phương trời xa, để làm Sáng Danh Thiên Chúa.

Cha Mẹ & Con Cái

Cha Mẹ & Con Cái

Lạc quan hay bi quan ? Hay cần phải có cái nhìn triết lý ?.

Bài nên đọc để hiểu rằng mình chỉ nên lo cho con cái xong bổn phận rồi thì đừng bao giờ trông cậy ở chúng điều gì.  Mình hãy sẵn sàng khi già không còn làm việc nổi thì vào nursing home như vậy thì mình sẽ bớt khổ.  Đời sống này ai cũng giống như vậy mà thôi! Mình cũng còn có phúc hơn rất nhiều người là bên này mình được hưởng trợ cấp dù có làm việc hay không cũng được và có cả housing nữa vậy thì chả nên bi quan mà nên chấp nhận những gì cuộc đời đã dành sẵn cho mình rồi!..  Không chừng tới khi già lại cùng các bạn đồng tuổi vào ở chung một nursing home thì lại còn vui nữa đấy!

Mời quí vị đọc và nhớ để đời  hai thân già bớt khổ…..!!!!!

Quí vị thấy những cặp vợ chồng có 9,10 người con, dù là kỹ sư,bác sĩ, họ vẫn khổ vì con cái bạc bẽo!!!Nói chi quí vị chỉ có 4 hay 5 con!

Chính bản thân tôi đã gặp  nhiều cha mẹ khổ vì sự bạc bẽo của con cái ở xứ Mỹ này ! con họ là những người có học, giầu có, nhưng họ vẫn phải đi “share” phòng hay “get line” sau lưng tôi để xin nhà “low income”…    Bài đọc sau rất chính xác và thiết thực. Xin quí vị đọc và nhớ dùm tôi cho đời mình bớt khổ vì chính những đứa con mà mình đã suốt đời hy sinh cho chúng nên nguời.    Tôi đã đọc được 1 bài rất hay : Nếu lỡ sanh con thì : vui với con khi chúng còn nhỏ. Lo cho chúng hoc hành nên người, và khi chúng trưởng thành, có gia đình rồi thì quên chúng đi để sống. Và đây là điều quan trong : Đừng trông mong chúng báo hiếu, kẻo thất vọng nặng nề…!!!!???(sách nói nhé)    Chính vì biết rõ điều này nên bản thân tôi, đã 73 xuân xanh, ngày ngày đi phòng “gym” 3 tiếng để  tập thể dục, bơi lội…vì bà xã đã bịnh rồi, tôi bịnh nữa là chỉ còn nước dắt nhau vào “nursing home” thôi???    Thân chào và chúc quí vị nhiều sức khỏe .

Một bài rất hay, hãy ráng đọc cho hết, đừng đọc nửa chừng rồi cho qua !!!

Trong truyện cổ, người ta có kể chuyện một ông phú hộ và bốn người con trai. Khi bốn người con này lớn lên lập gia đình, ông phú hộ này đem một phần gia tài chia cho bốn người con, phần còn lại vợ chồng ông giữ để dưỡng già. Mấy năm sau khi vợ ông qua đời, mấy người con sợ rằng ông sẽ tìm vợ mới, lúc có con, gia tài này phải chia cho những đứa con khác. Chúng bàn với nhau thuyết phục cha, về ở với mình, săn sóc cha thật chu đáo, sung sướng để ông không cảm thấy cô đơn, khỏi cần phải tục huyền. Ðược ít lâu, chúng thuyết phục ông phú hộ chia hết tài sản cho chúng. Bùi tai và thấy không cần giữ riêng cho mình một tài khoản nào, ông đồng ý đem gia tài chia hết cho bốn đứa con.

Sau đó ông đến ở với đứa con thứ nhất, nhưng đứa con này nghe vợ, chỉ được ít hôm, bảo ông đến ở nhà đứa em kế. Cứ như thế, không ở được với đứa con nào. Không một đồng xu dính túi, người cha bị bỏ rơi, phải đi khất thực từng nhà. Bấy giờ cây gậy cũng còn có ích hơn là những đứa con. Cây gậy đó có thể giúp ông già xua đuổi những con chó, dò dẫm trên đường, tránh những vũng nước và giúp ông những lúc yếu chân sắp ngã.

Câu chuyện này sao giống câu chuyện của một bà mẹ ở Quận Cam. Sau Tháng Tư 1975, hai vợ chồng đem một đàn con vượt biển sang Mỹ. Trong nhiều năm, ông bà vừa nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng cho con, vừa tậu được một căn nhà khang trang trong vùng Bolsa. Sau khi người chồng qua đời ít lâu, bà vợ được con cái thuyết phục nên bán ngôi nhà đi, chia đều cho các con rồi về ở với con cháu cho đỡ cô đơn. Bà nghe theo, và cũng lần lượt ở với nhiều đứa con, chịu cảnh bạc đãi và cuối cùng bà quyết định phải rời khỏi nhà những đứa con ấy. May thay, trên đất Mỹ, bà già cô đơn này còn có chỗ nương tựa, đó là một món trợ cấp nhỏ và ngôi nhà “housing” mà chính phủ đã đành cho bà. Nếu ở một xứ sở khác, chắc bà cũng cần đến một cây gậy.

Những đứa con mua nhà mới có thể đã không tính đến một chỗ cho cha mẹ già khi xế bóng, nhưng tôi biết nhiều bậc cha mẹ khi luống tuổi, con cái lập gia đình đi xa cả rồi, mà vẫn giữ cái nhà cũ nhiều phòng, với ý nghĩ dành cho con lúc trở về thăm viếng. Tôi có một người bạn được con trai bảo lãnh sang Mỹ, nhưng chỉ ít lâu sau cô con dâu muốn chồng bán căn nhà đang ở và đi mua lại một cái nhà nhỏ hơn, lấy lý do để tiết kiệm cũng là lý do để cha mẹ chồng phải dọn ra.

Cha mẹ đối với con lúc nào cũng hết lòng. Mẹ có thể lăn vào lửa để cứu con, cha có thể đổ mồ hôi nhọc nhằn để đứa con có được một nụ cười hạnh phúc, nhưng những đứa con, khi đã có gia đình riêng của mình, không giữ được sự chăm sóc, lo lắng cho đời sống của cha mẹ. Người mẹ nào cũng mỗi đêm kéo chăn đắp cho con, sờ trán con, hạnh phúc theo từng nụ cười của con, nhưng bây giờ con ở xa, thời giờ dùng để gọi về thăm mẹ đôi khi cũng hiếm hoi.

Ông Chu Dung Cơ nói về mối liên hệ giữa cha mẹ già và con cái:

“Cha mẹ thương con là vô hạn, con thương cha mẹ là có hạn.

Con bệnh cha mẹ buồn lo. Cha mẹ bệnh con đến nhòm một cái, hỏi vài câu thấy là đủ.

Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào.

Nhà của cha mẹ là của con. Nhà của con không phải là nhà cha mẹ.

Ốm đau trông cậy vào ai? Nếu ốm đau dai dẳng có đứa con hiếu nào ở bên giường đâu (cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử)”.

Và lời khuyên đối với các bậc cha mẹ là: “Khác nhau là như vậy! Người hiểu đời coi việc lo cho con là nghĩa vụ, là niềm vui không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.”

Cũng có nhiều con cái nuôi cha mẹ. Luận Ngữ chép, Tử Du hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: “Ngày nay người ta cho nuôi cha mẹ là hiếu, nhưng đến chó ngựa kia, người ta cũng nuôi, nếu nuôi mà không kính hiếu cha mẹ thì có khác chi!”  Người già không khác những đứa trẻ, nhiều khi hay tủi thân, hờn dỗi và dễ phiền muộn, con cái có thể cho cha mẹ ăn uống, hầu hạ cha mẹ khuya sớm nhưng rất khó biết đến nỗi buồn của cha mẹ lúc về già.

Người thợ hớt tóc cho tôi biết về con cái của ông, cả hai đứa con đều có nhà riêng, cùng ở trong quận Cam, nhưng không mấy khi chúng điện thoại hỏi thăm ông. Tháng trước, ông bệnh, nằm nhà một tuần lễ mà cũng chẳng đứa con nào ghé qua thăm. Ông nói thêm: “Chỉ trừ lúc nào chúng cần nhờ đến ông việc gì đó”, và buồn bã kết luận: “Ở Mỹ này, có chín đứa con, cha mẹ già bệnh cũng phải vào nursing home thôi!”

Tuy vậy, nursing home ở Âu Mỹ, mang tiếng là văn minh, hiện đại nhưng liệu rằng đây có phải là nơi yên ổn cho những ngày cuối cùng của tuổi già không? Tại các viện dưỡng lão trên đất Mỹ mỗi năm có hàng chục nghìn trường hợp khiếu nại vì cách đối xử của nhân viên như bỏ bê, đánh đập, đại tiểu tiện, ói mửa mà không dọn dẹp, không cho uống nước, hiếp dâm, sờ mó, tệ hại nhất là đối với những bệnh nhân Alzheimer. Năm ngoái, phúc trình của Bộ Y Tế Minnesota cho ta thấy chỉ trong vòng 5 tháng đã có 15 trường hợp bệnh nhân mất trí nhớ bị hành hạ, trong đó có những vụ như bị chọc ghẹo liên tục, bị nhổ nước bọt vào miệng, bị bóp ngực hay hạ bộ. Phải chăng nhà dưỡng lão, chặng cuối đời của người già là chốn địa ngục có thật trên trần gian như thế!

Vậy thì con cái có hiếu tâm, xin cầu nguyện cho các đấng sinh thành sớm ra đi trước khi họ trở thành những người mất trí lú lẫn, nằm suốt ngày một chỗ, tiêu tiểu không kiểm soát được. Thấy cha mẹ lớn tuổi mà còn minh mẫn, mạnh khỏe nên mừng, mà thấy cha mẹ ra đi nhẹ nhàng, trước khi phải chịu những cảnh đau lòng của tuổi già lại càng mừng hơn.

Tuy vậy, rất nhiều gia đình người Việt trên xứ người có được niềm an ủi là họ có những đứa con Việt Nam, nhất là những đứa con của một gia đình nghèo khó, lớn lên trong chiến tranh và thông cảm được nỗi thiệt thòi bất hạnh của cha mẹ.

Sưu tầm

ĐÊM TỪ PHỤ VINH DANH CÁC NGƯỜI CHA

ĐÊM TỪ PHỤ VINH DANH CÁC NGƯỜI CHA

Xúc động đầy ấn tượng

Hà Tường Vy

Như thường lệ, tôi là người vẫn đều đặn tham dự các Đêm Gia Đình từ những lần tổ chức đầu tiên tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange do Gia Đình Nazareth tổ chức.

Đối với tôi, Đêm Gia Đình là một sinh hoạt rất giá trị và ích lợi cho những ai đang sống trong đời sống hôn nhân, gia đình, cũng như cho những ai đang phải đối diện với những khó khăn đến từ nhiều mặt, từ tâm lý, tâm sinh lý, giáo dục, xã hội, luật pháp, cũng như những vấn đề liên quan đến việc thực hành niềm tin tôn giáo. Điểm son của Gia Đình Nazareth là ở chỗ vẫn trung thành tổ chức các Đêm Gia Đình và đã không ngừng tìm kiếm những đề tài, cải tiến những hình thức sinh hoạt, nhờ đó thu hút số người tham dự ngày càng đông đảo.

Đêm Gia Đình, do đó, là một sinh hoạt nhằm đưa Gia Đình Nazareth đi vào dòng chính của sinh hoạt xã hội, của sinh hoạt tôn giáo. Với Đêm Gia Đình, Gia Đình Nazareth đã thực hành đúng phương châm sinh hoạt của mình: “Gia Đình Nazareth đồng hành với các gia đình”.

Đôi dòng lịch sử của Đêm Gia Đình:

Đêm Gia Đình là một sinh hoạt mang tầm mức Cộng Đồng và mở rộng cho mọi thành phần tham dự. Đêm Gia Đình đầu tiên được tổ chức vào chiều ngày 5 tháng 9 năm 2012 dưới sự chủ tọa, và giảng thuyết của Đức Cha Mai Thanh Lương. Kể từ đó đến nay, liên tiếp hàng tháng vẫn có những Đêm Gia Đình. Sinh hoạt này vì thế đã trở thành nét đặc thù của Gia Đình Nazareth.

Được tổ chức vào mỗi tối thứ Sáu, tuần thứ 2 trong tháng từ 7giờ đến 9giờ tối tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, Đêm Gia Đình đã thu hút nhiều thành phần trong cộng đồng Công Giáo cũng như những thính giả đến từ các tôn giáo bạn, hoặc từ các nơi xa. Điểm đặc biệt của Đêm Gia Đình là sự phối hợp nhịp nhàng giữa phần tâm linh và phần sinh hoạt đời thường.

a) Sinh hoạt tâm linh:

Bao gồm những đề tài về giáo lý, Giáo Hội, và Thánh Kinh nhằm giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về mục đích, giá trị, và ý nghĩa của sinh hoạt tâm linh trong ứng dụng thực tế vào đời sống ơn gọi hôn nhân, gia đình. Đức Cha Mai Thanh Lương, Cha Giám Đốc Nguyễn Thái, các Cha Cựu Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo như cha Nguyễn Uy Sỹ và cha Mai Khải Hoàn, cha Phạm Ngọc Hùng, Viện Phụ Phạm Sỹ Hanh, Đan Viện Xitô, cha Trần Đình Thụy, Giáo Sư đại chủng viện Thánh Qui, Cần Thơ, cha Vũ Thế Toàn Dòng Tên, Cha Timothy Nguyễn, Cha Trịnh Ngọc Danh, linh hướng Gia Đình Nazareth, phó tế Hoàng Thanh Sơn, phụ tá linh hướng Gia Đình Nazareth và nhiều linh mục tên tuổi, phó tế đã đến với các Đêm Gia Đình qua những chủ đề khác nhau.

b) Sinh hoạt đời thường:

Bao gồm những chủ đề về tâm lý giáo dục, tâm lý tuổi trẻ, tâm lý hôn nhân, tâm lý gia đình, tâm lý cao niên, tâm lý xã hội, luật lệ xã hội, và những vấn nạn liên quan đến gia đình, bạo hành gia đình… Các chủ đề này được trình bày do các nhà tâm lý, luật sư, bác sĩ, và những chuyên gia giầu kinh nghiệm như Bác sĩ Trung Chỉnh, Tiến  Sĩ Phạm Kim Long, Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt, Tiến Sĩ Tâm Lý Phan Nguyễn Kim, Tiến Sĩ Tâm Lý Lê Văn Ẩn, Tiến Sĩ Giáo Dục Phạm Thị Huê, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Luật Sư Phòng Biện Lý của Quận Cam (District Attorney of Orange County) chuyên lo về bạo hành trong gia đình, Đại diện văn phòng Cảnh Sát của Quận Cam chuyên lo về ngăn ngừa rượu, ma túy, Anh chị Nguyễn Văn Nhuệ-Thu Nhi, và Ông Kenny Phan, Giám Đốc của PNA Insurance…

Đêm Từ Phụ vinh danh người cha:

Không như những Đêm Gia Đình khác trong đó trình bày những chủ đề về đạo hiếu, về tình thương vợ chồng, về những ưu tư của cha mẹ đối với con cái, Đêm Gia Đình lần này được gọi là “Đêm Từ Phụ. Đêm Vinh Danh Các Người Cha”. Những gì xảy ra trong đêm nay đã gây xúc động cho mọi người tham dự, không những đối với những người cha mà cả những người mẹ, người con nữa.

Phần tâm linh của đêm hôn nay đã được bắt đầu bằng thánh lễ tạ ơn do linh mục Christ Phạm Quốc Tuấn chủ tế và giảng thuyết qua đề tài “Gia Đình là Cộng Đoàn Cầu Nguyện, Cộng Đoàn Yêu Thương”. Là một linh mục trẻ, hoạt bát, rất hăng say trong các sinh hoạt mục vụ tông đồ. Cha từng là linh hướng của Chương Trình TTHN, và hiện giờ là linh hướng của Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng. Một trong những điểm khiến tôi tâm đắc và suy nghĩ nhất là câu nói của Thánh Augustine đã được linh mục giảng thuyết nhắc lại trong bài giảng của mình: “Gia đình cầu nguyện chung, gia đình ăn cơm chung với nhau là gia đình sống cho nhau”. Một tư tưởng nói lên đầy đủ ý nghĩa thế nào “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn yêu thương”, nhưng có lẽ đây cũng là một thách đố lớn lao đối với nhiều gia đình trong nếp sống hiện tại do thiếu ý thức trách nhiệm của các phần tử, và cũng do vì quá chú trọng vào những thu hút của cuộc sống trước mắt.

Phần sinh hoạt đời thường hôm nay mới thật sự gây ấn tượng hết sức đặc biệt đối với mọi người tham dự qua nghi thức “rửa chân cha” do các em đã tình nguyện rửa chân cho cha mình.

Nghi thức bắt đầu sau khi các người cha đã ngồi vào những chiếc ghế danh dự được chỉ định sẵn. Trước mặt họ là các con tuổi từ 8, 9, 10 đến 25, 29. Có em đã là những kỹ sư, chuyên viên computer, sinh viên y khoa, hoặc sinh viên các đại học, trai cũng như gái tất cả đều quì gốc rửa và lau chân cho cha mình. Nhiều gia đình cả mấy anh chị em cùng tham dự với nhau. Lúc đầu mọi người xem như bỡ ngỡ và coi đây như một hành động vui đùa, tượng trưng, nhưng khi thấy các em làm công việc này với tất cả tấm lòng biết ơn cha mình, thì cả hội trường đều thổn thức, đặc biệt, đối với những ai không còn cha. Và nhiều người đã thấy những giọt nước mắt lăn trên những gò má xám nắng vì công việc của một vài người cha. Việc này càng khiến tôi cảm động hơn khi nhớ lại câu chuyện của hai mẹ con đã trao đổi hôm trước Đêm Gia Đình như sau:

-Mẹ ơi, con nghĩ con không cần mua quà cho ba trong ngày Father’s Day nữa.

-Vậy con định làm cái gì cho ba. Hay là con mời ba đi ăn tối?

-Không. Con không nói trước được, chỉ cần mẹ nhớ nhắc ba và cả mẹ nữa đi dự Đêm Gia Đình tối mai là được. Tối mai con sẽ cho ba và mẹ xem quà gì con tặng cho ba.

-Con định tham dự nghi thức “Rửa Chân Cho Ba”?

-Mẹ đừng đoán nữa, sợ lộ chuyện, tối mai sẽ biết.

-Mẹ không đoán nữa, nhưng mà con trai của mẹ ngoan quá, mẹ không ngờ con lại biết tỏ lòng kính yêu cha mẹ như vậy. Mẹ biết thế nào ba con cũng sẽ cảm động lắm.

-Con sẽ làm một cử chỉ đẹp cho ba con, vì từ hồi nào tới giờ con ít khi nghĩ đến việc phải đền đáp công ơn của ba con. Nhưng cũng từ hôm nay, ngay bây giờ con muốn mẹ khi nào khen con, mẹ cũng thêm ba trong đó nữa, thí dụ như “Con trai của Ba Mẹ …tử tế, dễ thương, giỏi giang quá ”, tại vì con nghĩ rằng nếu không có Ba thì cũng không có con.

Gia Đình Nazareth đã đi tiên phong trong việc tuyên dương công đức người cha bằng việc làm rửa chân này. Nếu bên Đại Hàn, người ta đã xúc động nghẹn ngào khi chứng kiến hàng trăm các em qùi trước mặt mẹ, rửa chân, và cúi đầu lạy mẹ các em trong một chương trình vinh danh hiền mẫu nhân ngày của mẹ, thì ở đây, cũng trong một hội trường đông đảo, nhiều người đã rưng rưng dòng lệ khi thấy hàng chục em quì trước mặt cha mình, rửa và lau chân cho cha mình trong một nghi thức vinh danh cha nhân ngày từ phụ.

Qua việc làm rửa chân này, Gia Đình Nazareth đã đem mọi người tham dự trở về với nguồn gốc gia đình và tinh thần hiếu thảo, khi hướng dẫn các em “rửa chân” cho cha mình như một món quà đặc biệt tặng cha nhân ngày Từ Phụ. Đây không phải là nghi thức rửa chân của tôn giáo, nhưng qua hình thức rửa chân này cũng đã nhắc nhở cho các con nhớ đến công ơn của cha mình. Nhờ những bàn chân bụi bậm, bầm dập, trầy trụa của cha mà các con mới có của ăn, áo mặc, mới có tương lai tươi sáng. Nhờ những bàn tay sạm nắng, chai cứng của cha mà cả gia đình được bảo toàn và sống những ngày bình an không thiếu thốn. Nhờ những cặp mắt nghiêm nghị của cha mà các con mới hiểu thế nào là kỷ luật. Nhờ những vất vả, mồ hôi nhễ nhãi của cha mà con mới hiểu thế nào là bổn phận, là trách nhiệm. Nhiều em đã khóc ròng, thổn thức khi nâng niu những bàn chân mà các em có lẽ chưa bao giờ cảm thấy hoặc sờ được cái chai cứng, sần xùi, và xấu xí của cha mình. Có lẽ chính những giây phút ấy, các em mới nhận ra món quà quí giá mà Thượng Đế đã ban tặng cho các em là người cha, mặc dù bề ngoài những món quà ấy có được gói ghém và mang những hình hài không như các em nghĩ.

Ca dao Việt Nam có câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Nhưng có lẽ khi nói về tình mẹ, nghĩa cha, đa số chỉ nhắc đến công ơn sinh thành của mẹ, nhưng lại quên đi công đức dưỡng dục của người cha. Sinh thành và dưỡng dục phải đi đôi với nhau, sự hòa nhịp và gắn bó này không thể thiếu cho sự phát triển đồng đều và cần thiết của người con. Người con mỗi khi nhớ đến chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm của mẹ, cũng phải nghĩ đến sự dưỡng dục ân cần, những giọt mồ hôi và cả nước mắt của người cha trong khi lo lắng bảo toàn sự an nguy của gia đình, của con cái.

Xin thắp nén hương lòng dâng về người cha kính yêu. Người cha không còn trên cõi đời này để cùng đồng hành với con.

Đêm Gia Đình vinh danh những người cha.

13 tháng 6 năm 2014

Tường Vy

 

ĐÔI VỢ CHỒNG NÀY ĐÃ THƯA VÂNG VỚI CÂU HỎI CỦA ĐỨC KITÔ

ĐÔI VỢ CHỒNG NÀY ĐÃ THƯA VÂNG VỚI CÂU HỎI CỦA ĐỨC KITÔ

Đan Quang Tâm dịch từ bản tiếng Anh

Báo L’Osservatore Romano ngày 24 tháng 10 năm 2001

Khi Con Người trở lại, liệu Ngài có còn tìm thấy lòng tin trên mặt đất không? Với tư cách một đôi vợ chồng, họ đã giữ ánh sáng đức tin rực sáng.

Đức Gioan Phaolô II đã hoàn thành một tâm nguyện ấp ủ đã lâu vào ngày Chủ nhật 21 tháng mười 2001 khi ngài tuyên chân phúc cho một đôi vợ chồng, để nhấn mạnh rằng sự thánh thiện là một phần của đời sống người giáo dân cũng như của cuộc sống tu trì và đời giáo sĩ.

Chân Phúc Luigi (1880-1951) và Maria (1884-1965) Beltrame Quattrocchi thành Rôma kết hôn được 50 năm và có 4 người con, ba người hiện còn sống và tham dự lễ tuyên chân phúc. Hai người con trai, các Linh Mục Pilippo và Cesare, đồng tế với Đức Thánh Cha. Người con gái Enrichetta của ông bà cùng tham dự thánh lễ với các tín hữu. Đức Thánh Cha diễn giải trong bài giảng rằng đôi vợ chồng đó “sống cuộc sống đời thường một cách phi thường”. Hội Thánh đã nhìn nhận sự thánh thiện của những đôi vợ chồng khác nhưng đây là lần đầu tiên một đôi vợ chồng được tuyên chân phúc cùng nhau. Việc tuyên chân phúc là cao điểm của ngày cuối tuần với những nghi lễ do Hội Thánh tại Ý tổ chức nhằm đánh dấu kỷ niệm lần thứ 20 dịp công bố Tông Huấn Familiaris Consortio (Gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay). Đó là tài liệu quan trọng nhất của Đức Gioan Phaolô II về cuộc sống hôn nhân và gia đình.

1. “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).

Câu hỏi mà Đức Giêsu dùng để kết thúc dụ ngôn về nhu cầu “phải cầu nguyện luôn đừng ngã lòng” khiến tâm hồn của chúng ta rúng động. Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời tức thời: thực vậy, câu hỏi dù được nêu ra như một thách đố chất vấn mỗi người, mỗi cộng đồng hội thánh, mỗi thế hệ loài người. Mỗi người trong chúng ta phải đưa ra câu trả lời. Đức Kitô muốn nhắn nhủ chúng ta rằng cuộc sống con người có định hướng là chung cuộc sẽ gặp gỡ Thiên Chúa; thế nhưng trước viễn cảnh ấy Ngài băn khoăn tự hỏi khi quay trở lại, liệu Ngài có tìm thấy các linh hồn đang sẵn sàng đợi chờ Ngài đến để cùng với Ngài đi vào nhà Cha. Bởi lí do đó Ngài nói với mọi người: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13).

Đôi vợ chồng này đã tích cực trả lời câu hỏi của Đức Kitô.

Anh chị em thân mến! Các gia đình thân mến! Hôm nay chúng ta tập họp quây quần nơi đây để tiến hành lễ tuyên chân phúc cho một đôi vợ chồng: Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi. Bằng hành vi long trọng này của Hội Thánh, chúng ta nhắm đề cao một gương mẫu đã trả lời tích cực câu hỏi của Đức Kitô. Đôi vợ chồng này đã sống tại Roma vào nửa đầu thế kỷ 20, một thế kỷ trong đó niềm tin vào Đức Kitô bị thử thách mãnh liệt, và họ đã đưa ra câu trả lời tích cực. Thậm chí trong những năm tháng gian khó đó, hai vợ chồng, Luigi và Maria, đã giữ vững ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng — ánh sáng Đức Kitô — và đã trao lại cho bốn người con của ông bà, ba người có mặt hôm nay trong đại giáo đường này. Các bạn thân mến, đây là điều bà cụ thân sinh đã viết về các bạn: “Chúng tôi dạy bảo chúng trong đức tin, để chúng có thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa” (L’Ordito e la trama, tr. 9). Cũng chính cha mẹ các bạn đã trao ngọn đèn đang cháy cho bạn bè, thân bằng quyến thuộc, các bạn đồng nghiệp của mình…. Và bây giờ, từ trên thiên quốc, các ngài đang trao lại cho toàn thể Hội Thánh.

Cùng với thân quyến và bạn hữu của hai tân Chân Phúc, tôi xin chào mừng hàng giáo phẩm tham gia nghi lễ này, bắt đầu với Hồng Y Camillo Ruini và các vị Hồng Y khác, các Tổng Giám Mục và Giám Mục có mặt hôm nay. Tôi cũng chào mừng các vị trong chính quyền dân sự và, đặc biệt, xin đón chào Ngài Tổng Thống Cộng Hoà Ý và Hoàng Hậu Vương Quốc Bỉ.

Các đôi vợ chồng lĩnh nhận ân sủng bí tích để sống lời mời gọi nên thánh.

2. Có lẽ không có hạnh phúc nào lớn hơn cũng như không có dịp nào long trọng hơn hôm nay để kỷ niệm năm thứ 20 ngày ban hành Tông Huấn “Pamiliaris Consortio”. Văn kiện này, ngày hôm nay vẫn còn là ánh sáng hướng dẫn các gia đình Kitô giáo, trong khi đề cao giá trị của hôn nhân và sứ mạng của gia đình, đặc biệt mời gọi các đôi vợ chồng hãy đi theo con đường nên thánh bằng ân sủng bí tích, “không phải chỉ trút ban hết trong ngày cử hành bí tích hôn phối, nhưng vẫn còn tiếp tục đi theo nâng đỡ đôi vợ chồng trong suốt cuộc sống của họ” (Familiaris Consortio, số 56). Vẻ đẹp của con đường này tỏa sáng trong cuộc sống chứng tá của đôi Chân Phúc Luigi và Maria, một biểu hiện sáng ngời về dân tộc Ý, là những người đã chứng tỏ tầm quan trọng biết bao của đời hôn nhân và cuộc sống gia đình xây nền tảng trên hôn nhân.

Đôi vợ chồng này sống tình yêu hôn nhân và phục vụ cho đời trong ánh sáng Phúc Âm và đã cống hiến với cường độ lớn lao. Với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, ông bà đảm nhận nhiệm vụ cộng tác với Thiên Chúa trong sự truyền sinh, quảng đại hiến thân cho con cái, dạy bảo, hướng dẫn và định hướng để con cái mình có thể khám phá ra kế hoạch tình yêu của Ngài. Từ mảnh đất tâm linh mầu mỡ này đã nảy sinh ơn gọi linh mục và ơn sống đời thánh hiến, điều này cho thấy đời hôn nhân và đức khiết tịnh, đều có chung cội rễ là tình yêu phu phụ của Chúa Kitô, được gắn kết với nhau mật thiết và soi chiếu cho nhau ra sao.

Kín múc sức mạnh từ Lời Chúa và chứng tá của các thánh, đôi vợ chồng chân phúc sống một cuộc sống đời thường một cách phi thường. Giữa những vui mừng và âu lo của một gia đình bình thường, họ biết cách sống một cuộc sống tâm linh đặc biệt phong phú. Trung tâm cuộc sống của họ là đón nhận Thánh Thể hàng ngày và tận hiến cho Đức Trinh Nữ Maria, mà họ khẩn cầu mỗi tối bằng lời kinh Mai Khôi, và biết tham khảo, lắng nghe các vị linh hướng khôn ngoan. Bằng cách này họ có thể kèm cặp con cái của mình nhận thức rõ về ơn gọi, huấn luyện chúng biết đánh giá mọi thứ “từ mái nhà lên trên”, như họ thường hay nói một cách dí dỏm.

Luigi và Maria Quattrocchi minh chứng rằng có thể thực hiện nhân đức anh hùng trong cuộc sống hôn nhân và trong việc phục vụ đời sống.

3. Sự phong phú trong đức tin và tình yêu của vợ chồng Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi là một bằng chứng sống động về lời mời gọi của Công Đồng Vatican II rằng mọi tín hữu hãy nên thánh, nêu rõ người chồng người vợ cần phải vươn đến mục đích này, “propriam vi am sequentes”, “theo đuổi lối sống riêng của mình” (Lumen gentiưm, số 41). Hôm nay ước nguyện của Công Đồng đã thành toàn với biến cố lần đầu tiên một cặp vợ chồng được phong chân phúc: lòng trung thành với Phúc Âm và các nhân đức anh hùng của hai ông bà đã được chứng thực, tỏ bày ra trong cuộc sống của họ với tư cách là vợ chồng và cha mẹ.

Trong cuộc sống của họ, cũng như trong cuộc sống của biết bao cặp vợ chồng khác đang ngày này qua ngày khác tận tụy chu toàn sứ mạng của mình với tư cách là cha mẹ, ta có thể chiêm ngắm sự mạc khải bí tích của tình yêu Đức Kitô đối với Hội Thánh. Thực vậy, “nhờ sức mạnh của bí tích này, tất cả đời sống của họ được thấm nhuần tinh thần Đức Ki tô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả cuộc sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hoá lẫn nhau của họ, và bởi đẩy, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (Gaudium et Spes, số 48).

Các gia đình thân mến, hôm nay chúng ta khẳng định rõ rằng con đường nên thánh trong đời vợ chồng là có thể thực hiện được, đẹp biết bao, hiệu quả biết bao, và là nền tảng xây dựng gia đình, Hội Thánh và xã hội.

Điều ấy nhắc nhớ chúng ta hãy cầu khẩn cùng Chúa sao cho ngày càng có nhiều đôi vợ chồng nữa có thể làm hiển lộ ra qua đời sống thánh thiện của họ, “mầu nhiệm vĩ đại” của tình yêu vợ chồng, bắt nguồn từ thuở tạo thành và được thành toàn trong sự kết hiệp của Đức Kitô với Hội Thánh của Ngài (x. Ep 5,22-33).

Hãy tìm kiếm trong Lời Chúa giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống hàng ngày.

4. Các đôi vợ chồng thân mến, như mọi con đường nên thánh khác, con đường của các bạn không phải êm xuôi, dễ dàng. Mỗi ngày các bạn phải đối mặt với các thử thách, khó khăn, để trung thành với ơn gọi của mình, để nuôi dưỡng hòa khí giữa các bạn và giữa con cái của mình, để thực hiện sứ mạng làm cha làm mẹ của các bạn và tham gia vào cuộc sống xã hội.

Các bạn có thể tìm thấy trong Lời Chúa câu trả lời cho những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16). Được bồi dưỡng, đỡ nâng bằng sức mạnh của các lời này và cùng nhau hành động, các bạn sẽ có thể kiên trì dạy bảo con cái của mình “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”, thuyết phục, khiển trách, và khích lệ chúng “với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).

Cuộc sống hôn nhân và gia đình có thể cũng phải trải qua các giây phút rối bời. Chúng ta biết có biết bao gia đình trong các trường hợp như thế này dễ bị thối chí nản lòng. Tôi đặc biệt muốn nói đến những ai đang phải trải qua bi kịch chia li; tôi đang nghĩ đến những ai phải đối mặt với bệnh tật và những ai đang chịu đựng cảnh tử biệt khi mà người chồng, người vợ hoặc một đứa con đã sớm ra đi. Trong các tình cảnh ấy, ta vẫn có thế làm chứng cho sự chung thuỷ trong tình yêu, điều này có ý nghĩa đặc biệt khi ta phải chịu tôi luyện trong khổ đau.

Với ân sủng bí tích, đừng bao giờ để gian khổ khuất phục; hãy giơ đôi tay lên trời.

5. Tôi phó thác mọi gia đình đang chiến đấu và lâm cơn thử thách cho Thiên Chúa quan phòng và cho tình thương từ ái của Đức Maria, gương mẫu nổi bật của người vợ và người mẹ đã biết thế nào là khổ đau và tình trạng cùng kiệt của sự dấn bước đi theo Đức Kitô đến dưới chân thập giá.

Các đôi vợ chồng thân mến, đừng chịu khuất phục bởi gian khổ: ân sủng của bí tích sẽ nâng đỡ các bạn và giúp các bạn không ngừng giơ tay lên trời, giống như Môsê, mà bài đọc thứ nhất đề cập đến (x. Xh 17,11-12).

Hội Thánh ở kề bên các bạn và giúp đỡ các bạn bằng lời cầu nguyện của mình, đặc biệt là vào những giờ phút khó khăn.

Đồng thời, tôi cầu xin mọi gia đình về phần mình hãy hỗ trợ Hội Thánh, để Hội Thánh không bao giờ ngưng thực hiện sứ mạng chuyển cầu, an ủi, hướng dẫn và khích lệ của mình. Các gia đình thân mến, tôi cám ơn các bạn về sự nâng đỡ mà các bạn đã dành cho tôi trong việc phục vụ Hội Thánh và phục vụ nhân loại của tôi. Hàng ngày tôi đều nguyện xin Chúa phù hộ mọi gia đình đang chịu cảnh nghèo khó, bất công và khẩn xin Ngài hãy làm tăng trưởng nền văn minh tình thương.

Hãy đón nhận và loan báo Tin Mừng ngay trong gia đình của mình.

6. Các bạn thân mến, để đương đầu với những thách thức đang chờ đợi Hội Thánh trong thiên niên kỷ mới, Hội Thánh tín nhiệm, tin tưởng các bạn. Giữa những nẻo đường sứ mạng của Hội Thánh, “gia đình chiếm vị trí hàng đầu và quan trọng nhất” (Thư gửi các gia đình, số 2); Hội Thánh đang đặt lòng trông cậy vào gia đình và kêu mời mọi gia đình hãy trở nên “một chủ thể đích thực của công cuộc Phúc Âm hoá và làm tông đồ” (sđd, số 16).

Tôi tin chắc các bạn sẽ trở nên ngang tầm với nhiệm vụ đang đợi chờ các bạn ở mọi lúc mọi nơi. Các người làm vợ làm chồng thân mến, tôi khuyến khích các bạn hãy đảm nhận vai trò và gánh vác các trách nhiệm của mình. Hãy làm mới lại lòng nhiệt thành truyền giáo của mình, hãy làm cho gia đình của mình trở thành nơi chốn cần ưu tiên loan báo và tiếp nhận Tin Mừng trong bầu khí cầu nguyện và trong việc thực thi tình liên đới Kitô giáo.

Nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ngự đầy tràn tâm hồn Đức Maria để đến thời gian viên mãn, Mẹ đã có thể cưu mang Ngôi Lời sự sống và cùng với Giuse phu quân của mình, Mẹ đã đón tiếp Ngài ân cần, sẽ nâng đỡ các bạn và củng cố các bạn. Nguyện xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy tâm hồn của các bạn niềm vui và ơn bình an để hàng ngày các bạn biết ngợi khen Cha trên trời, nơi Người tuôn tràn chan chứa mọi ân sủng và phúc lộc.

Amen!

Tác giả: Augustinô Đan Quang Tâm (dịch)

Dạy con thời iPhone 5

Dạy con thời iPhone 5

Greg Hoffman, một bé trai 13 tuổi ở Mỹ, đã được mẹ tặng một chiếc iPhone 5 nhân dịp Giáng sinh. Tuy vậy, để được sử dụng chiếc điện thoại “hot” nhất của Apple, cậu phải chấp nhận thực hiện 18 quy định do mẹ đặt ra.

Vui mừng chưa hết khi “nhặt” được món quà dưới cây thông noel, mở mẩu giấy ra đọc, câu đầu tiên mà Greg Hoffman thốt ra là: “Trời ơi, sao mẹ lại làm thế này?”. Janet Hoffman, mẹ của Greg, giải thích trên Good Morning America rằng: “Điều tôi muốn làm là dạy và chỉ cho con cách trở thành người dùng có trách nhiệm, không lạm dụng hay bị công nghệ gây nghiện”.

Josh Shipp, một chuyên gia tâm lý trẻ em vị thành niên, cho biết, cách dạy con của bà Janet Hoffman cần được áp dụng rộng rãi hơn nữa. “Bạn sẽ không cho con mình lái ôtô nếu như chưa mua bảo hiểm cho chúng. Và điều này cũng tương tự khi để con dùng máy tính hay điện thoại, nếu không dạy chúng cách sử dụng có trách nhiệm thì điều đó đồng nghĩa với việc cha mẹ chúng là những người vô trách nhiệm”.

mom-jpg-1357093360_500x0.jpg
Để sử dụng chiếc iPhone 5 do mẹ tặng, Greg Hoffman phải tuân thủ 18 quy định. Ảnh: Phone Arena.

Bên cạnh những quy định khắt khe, bức thư của bà Janet Hoffman vẫn có những đoạn gây xúc động:

“Gregory thân mến,

Chúc mừng sinh nhật con. Chắc hẳn con cảm thấy rất tự hào vì mình đã là chủ sở hữu của một chiếc iPhone. Thật là tuyệt phải không! Một bé trai 13 tuổi ngoan và có trách nhiệm như con xứng đáng được hưởng món quá như thế này. Tuy nhiên, việc nhận món quà này đồng nghĩa với việc con phải sử dụng nó theo quy định. Hãy đọc kỹ bản ‘hợp đồng’ sau đây. Mẹ mong con sẽ hiểu được rằng tất cả những gì mẹ muốn chỉ là nuôi con trở thành một chàng trai trẻ khoẻ mạnh, được phát triển toàn diện, có thể làm chủ thế giới, cùng tồn tại được với công nghệ chứ không phải trở thành nô lệ của nó. Nếu không thực hiện được những quy định của mẹ, con cũng mất quyền sở hữu chiếc iPhone này luôn.

Mẹ rất yêu con và mong rằng mẹ con mình sẽ gửi cho nhau hàng triệu tin nhắn trong những ngày tới.

Mẹ mong rằng con sẽ chấp thuận những điều khoản dưới đây. Hầu hết những bài học được đưa ra không chỉ áp dụng được cho chiếc iPhone mà còn cho cả cuộc sống nữa. Con đang ngày một lớn khôn và có thể thay đổi cả thế giới. Điều này quả thực rất thú vị và hấp dẫn. Hãy đón nhận mọi cơ hội một cách đơn giản nhất. Hãy đặt ý chí mạnh mẽ và con tim vĩ đại của mình lên hết thảy mọi loại máy móc. Mẹ yêu con. Mẹ mong con sẽ thích chiếc iPhone này. Chúc mừng Giáng sinh!”.

Nội dung bản “hợp đồng” độc đáo của bà mẹ này như sau:

1. Đây là điện thoại của mẹ. Mẹ bỏ tiền ra mua nó và mẹ cho con “vay” chiếc iPhone này. Mẹ quả thực là vĩ đại phải không?

2. Mẹ luôn biết được mật khẩu là gì.

3. Nếu có điện thoại, hãy nhấc máy. Nó là điện thoại mà. Lời đầu tiên hãy nói xin chào và luôn nhớ cư xử đúng mực. Không bao giờ được “bơ” cuộc gọi từ bố hoặc mẹ. Không bao giờ.

4. Nộp điện thoại cho bố mẹ hàng ngày vào 7 rưỡi tối những ngày thường và 9 giờ tối những ngày cuối tuần. Điện thoại của con sẽ được tắt và buổi đêm và sẽ được bật lại vào 7 rưỡi sáng hôm sau. Nếu vì con sợ gặp bố mẹ bạn mỗi lần gọi tới máy bàn nhà họ mỗi tối thì hãy làm điều tương tự đối với di động. Hãy ghi nhớ những điều này và tôn trọng những gia đình khác trước, nếu con muốn mình được họ tôn trọng.

5. Không được mang điện thoại đến trường. Hãy nói chuyện trực tiếp với những người con định nhắn tin. Giao tiếp là một kỹ năng của cuộc sống. Những nguyện vọng mang máy theo vào những ngày học nửa buổi, đi tham quan hoặc hoạt động ngoại khoá sau giờ thì sẽ được xem xét đặc biệt.

6. Nếu điện thoại rơi xuống bồn cầu, rơi xuống mặt đất và vỡ hoặc “bốc hơi” trong không khí, con phải chịu trách nhiệm cho mọi phí tổn, cả sửa chữa lẫn mua mới để thay thế. Con có thể kiếm tiền bằng cách cắt cỏ, trông em hoặc nộp tiền sinh nhật. Trong trường hợp những việc trên có thể xảy ra, con nên chuẩn bị trước là vừa.

7. Không được dùng công nghệ để nói dối, lừa lọc những người khác. Không cho phép mình tham gia vào những cuộc trò chuyện có thể gây tổn thương cho người khác. Hoặc trở thành người bạn tốt ngay từ đầu, hoặc là tìm cách tránh mọi xung đột.

8. Không được nhắn tin, gửi email hoặc gọi điện với những nội dung mà con sẽ không bao giờ nói bằng lời.

9. Không được nhắn tin, gửi email hoặc gọi điện cho ai đó với nội dung mà con không bao giờ dám nói to với bố mẹ trong phòng khách. Hãy tự kiểm duyệt mọi hành vi của mình.

10. Điện thoại không dùng để xem hoặc chứa phim khiêu dâm. Tất cả nội dung tìm kiếm trên web phải được chia sẻ với mẹ. Nếu có thắc mắc, hãy hỏi người khác, tốt nhất là bố hoặc mẹ.

11. Tắt máy, để ở chế độ im lặng, hoặc cất đi mỗi khi con ra ngoài đường. Đặc biệt là khi con đang trong nhà hàng, rạp chiếu phim hoặc khi đang nói chuyện với người khác. Con không phải là người thô lỗ và đừng để chiếc iPhone làm thay đổi điều đó.

12. Không được gửi hoặc nhận các hình ảnh có liên quan đến những phần nhạy cảm trên cơ thể của con lẫn những người khác. Đừng cười khi đọc đến đây. Nếu không tuân thủ điều này, dù thông minh đến đâu thì cũng có ngày con bị cám dỗ. Điều này có thể phá hoại cả cuộc đời con, từ lúc vị thành niên, học đại học cho đến khi đã trưởng thành. Thế giới rất rộng lớn và quyền năng. Vì vậy, nếu đã mang trong mình tiếng xấu giữa cái thế giới ấy, con gần như không thể làm cho nó biến mất được.

13. Không được chụp, quay quá nhiều video. Đó là điều không cần thiết. Hãy sống và trải nghiệm. Mọi thứ sẽ được lưu lại trong đầu con mãi mãi.

14. Thi thoảng hãy để điện thoại ở nhà để cảm thấy mình yên tâm khi không có nó. Nó không phải là một phần cuộc sống của con. Hãy học cách sống thiếu điện thoại. Hãy trở nên mạnh mẽ hơn là lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

15. Hãy tải các thể loại nhạc mới, cổ điển hoặc khác biệt hẳn so với các bạn bè của con. Thế hệ của các con giờ được tiếp xúc với âm nhạc tốt hơn nhiều so với ngày xưa. Vì vậy hãy tận dụng lấy món quà này và mở mang tầm hiểu biết của mình.

16. Hãy luôn chơi các trò chơi có liên quan đến từ ngữ, xếp hình hoặc luyện trí não mỗi ngày.

17. Đừng bao giờ chúi đầu vào điện thoại mà hãy luôn ngẩng lên để nhìn thế giới xung quanh. Nhìn ra ngoài cửa sổ. Nghe chim hót. Đi bộ. Nói chuyện với người lạ. Hãy tự tìm ra câu trả lời thay vì tìm trên Google.

18. Nếu làm sai, mẹ sẽ tịch thu máy. Chúng ta sẽ ngồi nói chuyện và bắt đầu lại từ đầu. Mẹ và con đều phải học hỏi. Mẹ luôn đứng về phía con. Chúng ta đứng trong cùng một đội.

Thanh Tùng

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Hôn Phối

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Hôn Phối

Phaolô Phạm Xuân Khôi

4/2/2014

“Có ba lời mà chúng ta nên luôn luôn nói, ba lời mà chúng ta luôn lôn phải nói trong nhà: làm ơn, cám ơn và xin lỗi. Ba lời kỳ diệu…. Với ba lời này, với lời cầu nguyện của chồng cho vợ và vợ cho chồng, với việc luôn luôn làm hòa trước khi kết thúc một ngày, hôn nhân sẽ tiếp tục thăng tiến.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 2 tháng 4 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC kết thúc loạt bài Giáo Lý về các Bí Tích bằng Bí Tích Hôn Phối.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Hôm nay chúng ta kết thúc chu kỳ của bài giáo lý về các Bí Tích bằng cách nói về Bí Tích Hôn Phối. Bí tích này dẫn chúng ta vào trung tâm của kế hoạch của Thiên Chúa, là một kế hoạch của giao ước với dân Ngài, với tất cả chúng ta, một giao ước của sự hiệp thông. Ngay từ đầu sách Sáng Thế Ký, cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh, tột đỉnh của tường thuật tạo dựng cho biết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ…. Bởi thế, người nam lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai nên một thân xác duy nhất.” (St 1:27, 2:24). Hình ảnh của Thiên Chúa là một cặp hôn nhân: người nam và người nữ; không chỉ người nam, cũng không chỉ người nữ, mà cả hai. Đây là hình ảnh của Thiên Chúa: tình yêu, giao ước của Thiên Chúa với chúng ta được đại diện bằng giao ước giữa người nam và người nữ này. Và điều ấy rất tốt đẹp! Chúng ta được tạo ra để yêu thương, như một sự phản ánh của Thiên Chúa và của tình yêu của Ngài. Và trong việc kết hợp vợ chồng người nam và người nữ làm tròn ơn gọi này như một dấu chỉ của việc trao đổi với nhau và hiệp thông một đời sống trọn vẹn và dứt khoát.

1. Khi một người nam và một nữ cử hành Bí Tích Hôn Phối, chúng ta có thể nói là Thiên Chúa được “phản ánh” trong đó, Ngài đánh dấu họ bằng những đặc điểm của Ngài và căn tính không thể xóa được của tình yêu của Ngài. Hôn nhân là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thực ra, ngay cả Thiên Chúa cũng là sự hiệp thông Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần sống từ muôn thủa và đời đời trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và đây là mầu nhiệm của Hôn Nhân: Thiên Chúa làm cho hai vợ chồng thành một cuộc sống duy nhất. Thánh Kinh sử dụng một cách diễn tả mạnh mẽ và nói “một thân xác duy nhất”, sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ trong hôn nhân mật thiết dường nào. Và đây là mầu nhiệm của hôn nhân: tình yêu Thiên Chúa được phản ánh trong cặp vợ chồng quyết định sống chung với nhau. Do đó, một người nam rời nhà mình, nhà cha mẹ mình, và đi sống với vợ mình cùng kết hợp với nàng một cách mãnh liệt đến nỗi hai người nên một thân xác duy nhất như Thánh Kinh nói.

2. Thánh Phaolô, trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, nhấn mạnh rằng vợ chồng Kitô giáo được phản ánh trong một mầu nhiệm cao cả: mối liên hệ được Đức Kitô thiết lập với Hội Thánh, một mối liên hệ Hôn Nhân (x. Ep 5:21-33). Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô. Mối liên hệ tuyệt diệu như thế. Điều này có nghĩa là Bí Tích Hôn Phối đáp lại một ơn gọi đặc biệt và cần được coi như một sự thánh hiến (x. Gaudium et Spes, 48; Familiaris Consortio, 56). Nó là một một sự thánh hiến: người nam và người nữ được thánh hiến trong tình yêu của họ. Cặp vợ chồng, nhờ Bí Tích, được trao phó cho một sứ vụ riêng và thực sự, để từ những việc đơn giản và bình thường, họ có thể làm cho người khác nhìn thấy tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh của Người, qua việc tiếp tục ban sự sống của Người cho Hội Thánh, trong trung tín và phục vụ.

Đây thực sự là một kế hoạch tuyệt vời gắn liền với Bí Tích Hôn Phối! Nó xảy ra trong sự đơn giản và cũng mong manh của thân phận con người. Chúng ta biết rất rõ rằng đời sống vợ chồng có biết bao thử thách là và khó khăn… Điều quan trọng là chúng ta duy trì mối liên hệ với Thiên Chúa, là nền tảng của mối giây liên hệ hôn nhân. Và mối liên hệ thật là luôn luôn ở với Chúa. Khi gia đình cầu nguyện, mối liên hệ này được duy trì. Khi chồng cầu nguyện cho vợ và vợ cầu nguyện cho chồng, mối dây liên hệ trở nên mạnh mẽ hơn; người này cầu nguyện cho người kia. Đúng là trong cuộc sống hôn nhân có rất nhiều khó khăn, rất nhiều; nào là công ăn việc làm, không đủ tài chánh, con cái có vấn đề. Nhiều khó khăn lắm. Và nhiều lần vợ chồng trở nên một chút bực dọc và xung đột với nhau. Họ lục đục, luôn luôn có cãi vã trong hôn nhân, thậm chí đôi khi cả chén đĩa cũng bay. Nhưng chúng ta không được buồn về điều này, thân phận con người là thế. Và bí mật là tình yêu mạnh mẽ hơn những lúc anh chị em lục đục với nhau, đó là lý do tại sao tôi luôn khuyên các cặp vợ chồng đừng kết thúc một ngày trong đó anh chị em lục đục mà chưa làm hoà. Luôn luôn! Và để làm hòa chúng ta không cần phải gọi Liên Hiệp Quốc là cơ quan giải hòa. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái vuốt ve, một lời chào hỏi là đủ! Và đến ngày mai! Và ngày mai chúng ta bắt đầu lại. Và đó là cuộc sống; do đó, phải tiến bước với can đảm muốn sống chung với nhau. Và điều này rất tốt, rất đẹp! Đời sống hôn nhân là điều đẹp nhất mà chúng ta phải luôn luôn bảo vệ, bảo vệ con cái. Nhiều lần tôi đã nói ở quảng trường này là có một điều giúp rất nhiều cho cuộc sống hôn nhân. Có ba lời mà chúng ta nên luôn luôn nói, ba lời mà chúng ta luôn lôn phải nói trong nhà: làm ơn, cám ơn và xin lỗi. Ba lời kỳ diệu.

Làm ơn: để không xâm phạm vào đời sống của vợ chồng. Làm ơn, nhưng anh chị em nghĩ gì? Làm ơn, vì tôi muốn mình cho phép tôi. Cám ơn: cám ơn người bạn đời của mình; cảm ơn vì những gì mình đã làm cho tôi, cảm ơn vì việc này. Lời cám ơn đẹp biết bao! Và vì tất cả chúng ta đều có sai lầm, nên một lời khác hơi khó nói hơn một chút, nhưng chúng ta cần phải nói thẳng là: xin lỗi. Lời xin phép, cảm ơn và xin lỗi. Với ba lời này, với lời cầu nguyện của chồng cho vợ và vợ cho chồng, với việc luôn luôn làm hòa trước khi kết thúc một ngày, hôn nhân sẽ tiếp tục thăng tiến. Ba lời kỷ diệu, cầu nguyện, và luôn luôn làm hòa. Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

http://giaoly.org/vn/

Thắng hay thua ta được gì trong những lần vợ chồng tranh cãi?!

Thắng hay thua ta được gì trong những lần vợ chồng tranh cãi?!

Trần Mỹ Duyệt

Trong đời sống hôn nhân, vợ chồng bất hòa, lời qua tiếng lại, giận hờn là chuyện thường tình xảy ra. Nguyên nhân đến từ sự kết hợp giữa hai con người, giữa hai khối óc, và giữa hai trái tim. Nếu có những đồng cảm, thì cũng có những bất đồng. Nếu có những hiểu nhau, thì cũng có những lúc vợ chồng hiểu lầm nhau. Nhưng câu hỏi mà rất ít người muốn nghĩ tới mỗi khi có chuyện xẩy ra đưa đến tranh cãi, đó là “thắng hay thua ta được gì trong khi đã là vợ chồng?”

Kinh nghiệm thường ngày khi đối diện với những trường hợp vợ chồng tranh cãi nhau, thường là cả hai đều muốn dành phần thắng về mình. Cho mình là đúng, là phải và người chồng hay người vợ là sai, là trái. Cũng có những trường hợp mặc dù biết là mình sai, nhưng do tự ái, không muốn mất mặt với chồng hoặc vợ nên vẫn cố gắng ngụy biện những lý lẽ để được phần thắng. Những trường hợp như vậy gọi là “cãi cối”, là “ngang”, là “gàn”.

Cố gắng dành phần thắng cho mình. Đó là một trong những yếu tố khiến cho rất nhiều cuộc tranh cãi khởi đi từ những chuyện nhỏ mọn, không đâu nhưng cuối cùng đã dẫn đến những hậu quả thật tồi tệ: Vợ chồng bất hòa, giận hờn, có khi trở thành thù ghét nhau. Vì một khi cái tôi của mình bị xúc phạm, thì không ai muốn nhường nhịn, và không ai muốn mình bị coi thường, bị chà đạp. Cái tôi lúc đó cần được bảo vệ bằng bất cứ giá nào để nó không thể bị thua kém ai, mặc dù trên thực tế lúc bình thường cái tôi đó không là gì. Từ ngữ thông thường gọi là khi “tự ái bị va chạm!”.

Để dành cho được phần thắng, để ăn thua đủ với nhau, bước đầu tiên là vận động tư tưởng, ngôn ngữ, và cách diễn tả cốt sao trấn át được, đè bẹp được đối phương. Vợ chồng không ai nghe ai mà chỉ có người nói. Lúc đầu chỉ là lời qua tiếng lại nhỏ đủ hai người nghe, những từ từ tiến đến to tiếng, lấn át tiếng nói của nhau. Khi lời nói bắt đầu vượt tầm kiểm soát của lý trí, cũng là lúc nói cho thỏa những gì đang nung nấu trong tâm hồn, mà không cần biết người mình đang nói với có nghe, có hiểu và có đón nhận những tiếng nói, những gì mình muốn diễn tả hay không? Nhưng đón nhận làm sao được khi mà người kia cũng đang lên giọng, đang gào thét, lấn át và muốn mình phải im tiếng!

Bước kế tiếp là làm tổn thương tình cảm, sự tin tưởng, lòng kính trọng của nhau. Lúc này cuộc tranh cãi không dừng lại ở việc xử dụng ngôn ngữ mà còn dẫn đến những hành động tay chân – hành động ngược đãi nhau. Đây là hậu quả tai hại nhất, tồi tệ nhất của một cuộc cãi vã.

Dù trong khi cãi nhau chỉ có người nói mà không có người nghe, và mặc dù trong hai vợ chồng, ai cũng nghĩ rằng mình nói hay, nói đúng và nói có lý lẽ. Nhưng một điều mà ít ai để ý đến, đó là mục đích của các cuộc tranh cãi ấy cũng như hậu quả của nó. Cãi để làm gì? Và được thì được gì? Cũng như thua thì mất gì?!

Cãi để chứng tỏ mình đúng và có lý. Sau một hồi cãi nhau, cả vợ cũng như chồng, ai cũng cho rằng mình thắng, người khác thua, nhưng thực tế thì cả hai đều là những kẻ thua cuộc. Thua thì nhiều mà thắng chẳng bao nhiêu!

Thông thường nếu có thắng thì cũng chỉ là cái thắng của “tự ái” để vỗ về cái tôi của mình. Thắng vì tự ái được ve vuốt. Thắng vì cái tôi được chồng hoặc vợ biết đến. Nhưng thua thì sao? Thua trong những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng thì hậu quả rất nhiều.

– Sứt mẻ tình cảm: Sự sứt mẻ tình cảm luôn xẩy ra cho cả người thắng và kẻ thua. Nó đòi hỏi một thời gian ngắn hay dài tùy vào mức độ, lời lẽ, hoặc hành động xúc phạm đến nhau trong lúc tranh cãi để phục hồi. Nếu sự sứt mẻ này không được hàn gắn sớm, nó sẽ trở nên cay đắng và đẩy xa mối liên hệ vợ chồng, đem đến giận hờn, tránh mặt nhau.

– Tự ái bị tổn thương: Dĩ nhiên, sau những màn chửi bới, chê bai nhau, người thua cuộc sẽ nhận ra điều này là mình đã làm cho tự ái của người mình yêu bị tổn thương bằng chính tự ái của mình. Không ai dù là vợ hay chồng lại cảm thấy vui khi chồng mình, vợ mình dùng những lời lẽ cay đắng, thiếu tế nhị và hành động lỗ mãng xúc phạm đến mình. Tình yêu dành cho vợ, cho chồng càng nồng nàn, càng mạnh mẽ, càng tha thiết bao nhiêu thì khi bị người yêu xúc phạm, nó càng trở thành vết thương sâu đậm cần thời gian dài để băng bó, hàn gắn.

– Thiếu trưởng thành tâm lý: Hậu quả rõ ràng nhất, và làm khó chịu đối với người phối ngẫu là thái độ và cung cách sống thiếu trưởng thành về mặt tâm lý của vợ hay chồng mỗi khi tranh cãi. Trong những lúc tranh cãi như vậy, người ta dễ đánh mất thái độ trưởng thành là không làm chủ được mình, làm chủ được tính nóng nảy, giận hờn của mình. Không phải chỉ trong những cách cư xử với nhau hằng ngày, mà ngay cả khi có những bất đồng, điều cần thiết nhất là thái độ bình tĩnh và hiểu biết.

– Sa sút niềm tự tin: Càng nóng giận bao nhiêu, càng dễ nói năng hồ đồ, lời lẽ và hành động thiếu kiểm soát bấy nhiêu. Càng nóng giận bao nhiều thì càng làm mất đi sự tự tin ở chính mình bấy nhiêu. Thái độ trưởng thành tâm lý đưa đến sự tự tin, cái nhìn và cách phán đoán khách quan ở con người mình. Người hay cãi vã, tranh luận chứng tỏ khả năng làm chủ được những ngoại cảnh, khả năng tự kiểm soát nơi mình yếu kém.

– Mất dần sự tin tưởng và kính trọng: Mất dần sự tin tưởng và kính trọng là một trong những hậu quả theo sau những lần tranh cãi. Người chồng hay vợ sẽ tạo nên ấn tưởng xấu về mình, về người phối ngẫu của mình. Sự tin tưởng và kính trọng là một phần trong những yếu tố xây dựng tình yêu, đặc biệt đối với tâm lý của phụ nữ.

– Lu mờ tình yêu:  Nhưng hậu quả tai hại nhất của tranh cãi, chửi bới nhau là làm cho tình yêu vợ chồng ngày càng trở nên lu mờ. Hình ảnh dễ thương của người vợ, người chồng sẽ trở nên mờ nhạt trước con mắt người phối ngẫu. Thay vào đó là hình ảnh tiêu cực, hình ảnh xấu của người chồng hoặc người vợ. Tình yêu sẽ mất dần vẻ hấp dẫn, thu hút, và nóng bỏng và thay vào đó bằng thái độ hững hờ, lạnh nhạt và đôi khi vô cảm.

Trong đời sống thường ngày vợ chồng rất khó tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm có khả năng đưa tới tranh cãi, hoặc lớn tiếng. Và cũng trong đời thường, ít cặp vợ chồng nào lại có thể luôn luôn hòa hợp, luôn luôn làm hài lòng nhau, nhất là không bao giờ có những bất hòa ít là trong cung cách sống và trong lời nói. Tuy nhiên, sự trưởng thành tâm lý cũng cho biết rằng, con người vẫn có thể tránh được hay giảm thiểu những bất đồng trong đời sống vợ chồng khi tự làm chủ được mình, làm chủ được những gì đang xẩy ra quanh mình. Có nhiều trường hợp sau những tranh cãi, giận hờn thì cả hai mới nhận ra nguyên nhân chính của cuộc tranh cãi ấy chỉ là một sự hiểu lầm, điều mà cả hai có thể tránh được nếu như chỉ một trong hai người biết bình tĩnh và tự chủ. Napoléon đã nói một câu rất chí lý về tinh thần tự chủ, kiểm soát bản thân: “Thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình”.

Tóm lại, câu hỏi luôn cần thiết được đặt ra cho mỗi lần vợ chồng có chuyện hiểu lầm, bất hòa đưa đến tranh cãi, đó là cãi thắng thì được gì, và cãi thua thì mất gì? Vợ chồng tìm gì sau những lần tranh cãi như thế, vì ngoài việc tự ái được ve vãn, vuốt ve, phần thưởng cho người thắng trong những lần cãi vã sẽ chẳng có gì là cao cả, vẻ vang. Ngược lại, hậu quả tai hại của những lần tranh cãi như thế là đánh mất sự bình an của tâm hồn, gây xáo trộn trong gia đình và tiếp đến là tình yêu vợ chồng bị sứt mẻ.

Hãy thay thế thời gian cãi vã bằng những giây phút vợ chồng tâm sự và chia sẻ chân tình. Hãy thay thế sự nóng giận, bực tức bằng thái độ bình tĩnh, tự chủ, vì: “Giận mất khôn!” Và hãy dùng những lời lẽ âu yếm, tích cực để nói với nhau như đã từng nói lúc vợ chồng hòa thuận, cảm thông thay vì những lời cay đắng làm chua xót lòng nhau.  Người xưa thật chí lý khi nói: “Một nhịn chín lành!”.

(Bài viết đã được đăng trên Việt Tide số phát hành ngày 11 tháng 10 năm 2013)

Tháng Mân Côi: Kinh Mân Côi cứu nguy thế giới!

Tháng Mân Côi: Kinh Mân Côi cứu nguy thế giới!


Lm FX. Trần Kim Ngọc, OP.

9/29/2013

TRUYỀN THỐNG

“Có một thói quen cao đẹp của người tín hữu trong suốt Tháng 10 là tháng dành để kết những tràng Chuỗi Mân Côi thành những vòng hoa thiêng liêng dâng lên Mẹ Chúa Kitô.” (Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Christi Matri, 15/09/1966, số 1).

HOÀN CẢNH HIỆN TẠI

Các phương tiện truyền thông gần đây cho chúng ta biết sự dữ và tội ác ngày cang gia tăng, làm cho Giáo Hội cũng như thế giới đang trong tình trạng hiểm nguy. Trong lúc này, “không có gì thích hợp và có giá trị cho chúng ta hơn là có những lời cầu nguyện của tất cả gia đình Kitô giáo dâng lên Mẹ Thiên Chúa, là Đấng được kêu cầu như là Nữ Vương Hoà Bình, kêu xin Mẹ đổ xuống thật nhiều phúc lành từ lòng từ mẫu của Mẹ giữa lúc đầy gian khổ và thử thách này” (Sđd, số 8).

GIÁ TRỊ CỦA KINH MÂN CÔI

Trong Thông điệp Christi Matri, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho chúng ta biết về giá trị của Kinh Mân Côi như sau:

* “Nếu sự dữ gia tăng, thì việc sùng kính của Dân Chúa cũng phải tăng lên. Và vì thế, thưa anh em đáng kính, Tôi tha thiết muốn anh em hướng dẫn bằng cách khuyến khích và thôi thúc Dân Chúa cầu nguyện sốt sắng với Mẹ Maria rất mực từ bi của chúng ta bằng việc lần hạt Mân Côi trong suốt Tháng 10, như Tôi đã từng giải thích. Lời cầu nguyện này rất thích hợp cho việc sùng kính của Dân Chúa, làm vui lòng Mẹ Thiên Chúa nhất và mang lại hiệu quả nhất trong việc gặt hái những phúc lành từ trời cao. Công đồng Vatican II khuyên dạy tất cả con cái trong Giáo Hội dùng Kinh Mân Côi, không chỉ trong việc bày tỏ ngôn từ nhưng bằng hình thức không thể sai lầm theo câu này: “Hãy để Dân Chúa say mê với những việc thực hành đạo đức hướng tới Đức Trinh Nữ và được Giáo quyền chấp nhận trải qua nhiều thế kỷ” (số 9).

* “Như lịch sử Giáo Hội chứng minh cho thấy rõ, cách cầu nguyện mang lại rất kết quả này không chỉ có hiệu quả trong việc tránh được sự dữ và ngăn ngừa tai ương, mà còn có sức cứu giúp rất mạnh mẽ trong việc củng cố đời sống Kitô. Nó nuôi dưỡng đức tin Công Giáo là thứ đức tin sẵn sàng đảm nhận đời sống mới khởi đi từ lời dẫn giải hợp thời đúng lúc về các mầu nhiệm thánh, và nó hướng tâm hồn tới những chân lý mà Thiên Chúa dạy chúng ta” (số 10).

* “Và vì thế trong suốt Tháng 10, tháng dành kính Đức Mẹ Mân Côi, những lời cầu nguyện và khẩn xin phải được nhân lên, để qua sự chuyển cầu của Mẹ, bình minh của nền hoà bình đích thực sẽ chiếu sáng trên con người. Điều này cũng bao gồm cả nền hoà bình về khía cạnh tôn giáo {…}. Thật là thích hợp với anh em, trong ánh sáng của việc sùng kính rất đáng khen ngợi của anh em và dựa vào tầm quan trọng rõ ràng của vấn đề này, anh em hãy cho tổ chức những nghi lễ thánh thiêng trong đó, linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân -đặc biệt là các em thiếu nhi trai gái với những bó hoa của sự đơn sơ thánh thiện, người bệnh và những người khác đang chịu đau khổ- tất cả cùng cầu xin Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội thương cứu giúp” (số 11).

CHƯƠNG TRÌNH LẦN HẠT

Chương trình “KINH MÂN CÔI CỨU NGUY THẾ GIỚI VÀ Giáo Hội” được mở ra nhằm tạo một nhịp cầu cho tất cả mọi người tín hữu ở khắp nơi hiệp ý dâng những hy sinh, việc lành bác ái và nhất là cùng đọc và suy gẫm Kinh Mân Côi. Chương trình diễn ra từ ngày 01/10/2013 đến hết ngày 31/10/2013 trên kinhmancoi.net và các websites Công Giáo.

MỤC ĐÍCH CHƯƠNG TRÌNH


1/ Cùng với Mẹ Maria mà chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi;
2/ Hợp muôn lòng tôn vinh Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa;
3/ Hiệp ý cùng cầu nguyện cho:

1. Thế giới và nền hòa bình thế giới;
2. Giáo Hội và những nhu cầu của Giáo Hội;
3. Những người đau khổ, người tội lỗi;
4. Các linh hồn nơi luyện ngục, các thai nhi;
5. Các gia đình…

HÌNH THỨC THỰC HIỆN

1/ Mỗi ngày trong Tháng 10, mỗi người có thể tự chọn lần hạt 1 chục Kinh Mân Côi (suy niệm hay ngắm 1 mầu nhiệm, đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh), hay đọc 5 chục (suy niệm hay ngắm 1 mùa: 5 mầu nhiệm) tuỳ hoàn cảnh mỗi người.

Lưu ý: Để được hưởng ơn đại xá cho mỗi ngày: mỗi người nên đọc Kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức hoặc khi nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt thì được hưởng một ơn đại xá (Enchiridion Indulgentiarum, Ấn bản 1999, concessio 17), với những điều kiện thường lệ như xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

2/ Mỗi người có thể lần hạt chung với cộng đoàn, với gia đình; khi điều kiện không cho phép thì lần hạt riêng sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

HÃY LẦN HẠT MÂN CÔI

Chính Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi, -Mẹ của Chúa Kitô, Mẹ của nhân loại, Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ của chúng ta- đã tha thiết mời gọi con cái “hãy siêng năng lần hạt Mân Côi” (Sứ điệp Fatima năm 1917). Và cuối cùng, để kết thúc, xin mượn lời của Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Tôi nhìn đến toàn thể anh chị em, những anh em, chị em thuộc mọi bậc sống, đến anh chị em, các gia đình Kitô giáo, đến anh chị em, những người bệnh và cao tuổi, đến các con, những người trẻ: Hãy cầm lấy lại Chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em.” (Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002, số 43).

Bí quyết giúp con cháu sống Đức Tin Công Giáo

Bí quyết giúp con cháu sống Đức Tin Công Giáo

Posted on 09/10/2013

Bài nói chuyện của cha Nguyễn Uy Sĩ trong “Đêm Gia Đình” hằng tháng do Gia Đình Nazareth tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo Giáo phận Orange County.

Mở đầu bài nói chuyện cha cho biết cha sẽ “nói thẳng, nói thật” dựa vào thực tế đời sống…Con cháu chúng ta sống giữa sự pha trộn của hai nền văn hóa khác biệt nhau: Cha mẹ sống theo văn hóa Việt, con cháu lớn lên, đi học sống theo văn hóa Mỹ. Sự tác động qua lại của hai nền văn hóa này rất phức tạp gây nhiều khó khăn trong đời sống gia đình, đặc biệt là đời sống đức tin. Cha đề nghị 7 cách thức đễ giúp con cháu chúng ta sống đức tin Công Giáo tốt hơn.

1. Hãy tạo những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ về Đức Tin Công Giáo

Kỷ niệm đẹp về ngày rước lễ lần đầu chẳng hạn, hay những lúc gia đình quây quần ấm cúng đọc kinh tối, những lần đưa đón con đi học giáo lý về lúc trời mưa gió…mẹ con rủ nhau đi ăn phở cho ấm hoặc cả nhà cùng cầu nguyện chung với nhau trước những biến cố quan trọng của gia đình…Khi nhớ lại những kỷ niệm đẹp này sẽ giúp con cháu giữ đức tin sống động hơn.

Nếu không tạo được những kỷ niệm đẹp thì ít ra đừng tạo ra những ấn tượng xấu trong đời sống đức tin như la rầy quát mắng ép con đọc kinh tối dài lê thê “vừa đọc, vừa ngủ” khiến mỗi lần nhớ tới là chúng thấy “ớn”!

Đôi khi đối với giới trẻ tham dự thánh lễ là tham dự một hình thức “lập đi lập lại” đến nhàm chán, rất “boring”! (có lần tôi nghe một cha giảng tỉnh tâm tiết lộ ngay cả các cha, có cha cũng không thích dâng lễ mỗi ngày!?). Trong khi cha mẹ lại cho đó là một cách sống đạo sốt sắng, nhiều khi “nghiện” đi lễ, không đi không được Nhưng chúng ta không có quyền áp đặt bắt chúng phải giống ta, chỉ còn có cách là dùng tình cảm để thuyết phục chúng. Hãy ân cần giải thích cho trẻ hiểu: “Chúa thương và ban ơn cho con rất nhiều.( bao nhiêu người khác không có).

Bây giờ mỗi tuần Chúa chỉ xin con một giờ dự lễ để thờ phượng, cám ơn Chúa, chẳng lẽ con hẹp hòi mà lại nở từ chối không cho Chúa 1 giờ sao”? Nói chuyện tình cảm thì trẻ dễ “thông” hơn là ép buộc.

Thỉnh thoảng cha mẹ cũng nên khéo léo “thưởng” con khi trẻ dự lể sốt sắng, giỏi trong nhà thờ…làm trẻ vui khi được khuyến khích sẽ dễ tiến bộ hơn!

2. Hãy Cho phép con lý luận về mọi vấn đề kể cả về Đức Tin

Văn hóa Việt Nam không cho phép đặt vấn đề hay thắc mắc đối với cha mẹ, thầy cô. Đó là hỗn láo, là vô lễ! Mọi việc “bảo sao, nghe vậy” hoặc “Đặt đâu, ngồi đó” vì “con cãi cha mẹ trăm đường con hư” (Có ông bố “lăng nhăng” bị con bắt gặp, bèn đặt vấn đề thì bố cho là hỗn láo, mất dạy “chuyện của người lớn, chúng bây là con cái không được phép xía vào”!?).

Văn hóa Mỹ cho phép đặt vấn đề đối với mọi việc, có thắc mắc nhiều, trẻ mới có cơ hội mở mang kiến thức và hiểu rõ vấn đề. Nếu trẻ có thắc mắc chính đáng cần phải được trả lời đàng hoàng chứ không dùng lối “cả vú lấp miệng em”! Nếu trẻ thắc mắc về đức tin, đừng “bịt miệng” trẻ mà cứ ôn tồn giải thích cho chúng hiểu, nếu có “bí” thì tìm hỏi cha hay các soeur. Do đó đề nghị ông bà cha mẹ tham dự học các lớp thánh kinh để thông suốt và khỏi bị “bí”.

3. “Ngọt như đường cát, mát như đường phèn”

Lời nói của ông bà xưa vẫn rất đúng: “Nói ngọt, lọt tới xương” dù với văn hóa Việt Nam hay Mỹ, nhưng rất tiếc là ông bà cha mẹ Việt Nam lại thích lối “rầy la đe nẹt” con cháu để ép chúng vào khuôn khổ đạo đức như ý mình muốn, làm chúng có ấn tượng xấu với đời sống đức tin. Chúng ta đã quên mất câu “Nhập gia tùy tục”!

Muốn đạt kết quả tốt chúng ta nên dùng lời ngon ngọt, khuyến khích, khen thưởng sẽ hiệu quả hơn. Thánh Don Bosco cho biết “Một muổng mật ong bắt được nhiều ruồi, hơn một thùng phuy dấm”. Chúng ta phải rành “tâm lý”, ở đời ai chả thích khen, người lớn cũng thích mà trẻ thì lại thích hơn. Cha mẹ thầy cô giáo Mỹ hở ra một tí là khen tíu tít : “Good job” “Excellent”…(Tôi nhớ lúc còn đi dạy nhà trường in ra sẳn cho các cô giáo một trang giấy với cả vài chục cách khen, để cô giáo linh động áp dụng hằng ngày mà khen đủ cách cho học trò vui ).

Trong khi cha mẹ Việt Nam thì ngược lại, hở ra một tí là la rầy, bắt bẽ… “kẻo nó hư”! thành ra trẻ không cảm thấy thích thú khi thi hành những yêu cầu của cha mẹ, nhất là những việc thuộc đời sống đức tin. Nếu muốn sửa dạy, chúng ta cũng nhớ khen trước rồi mới sửa sau thì trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn!

4. Cùng phục vụ xã hội, đi làm từ thiện với con cháu…

Khi chúng ta làm những việc từ thiện, bác ái, giúp đỡ người nghèo là chúng ta đang sống đức tin, thực hiện điều răn quan trọng chúa đã truyền dạy là “Chúng con hãy yêu thương nhau”. Chúng ta hãy rủ con cháu cùng tham gia, cộng tác với chúng ta trong các việc làm bác ái này, đừng âm thầm làm một mình! Đó là cách chúng ta giúp chúng phát triễn lòng thương người vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam:

Thuơng người như thể thương thân” hoặc “Thấy ai hoạn nạn thì thương

“Thương người và giúp đở người họan nạn” là điều tốt mà cả hai nền văn hóa Mỹ – Việt đều có. Trẻ con Mỹ cũng rất thương người. Rủ con cháu cùng đóng góp tiền giúp nạn nhân bảo lụt (“của ít lòng nhiều”) cùng đi phát thức ăn cho người vô gia cư…Nếu có dịp đưa chúng về Việt Nam thăm các trại nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn…để chúng ý thức hơn hoàn cảnh tốt đẹp mà Chúa đã ban cho chúng hiện nay.

Ngoài ra cùng đi làm việc từ thiện là cách phát triển tốt đẹp sợi dây thân ái gắn bó với nhau trong gia đình theo chiều hướng tốt đẹp nhất mà chắc chắn Chúa sẽ hài lòng và chúc phúc cho gia đình chúng ta!

5. Đừng phản ứng gắt gao khi con cháu bỏ lễ Chúa nhật…

Đức tin là mối tương quan giữa Chúa và con người. Mối tương quan nào cũng có lúc trầm, lúc bỗng, lúc gần gũi, lúc xa cách. Khi thấy con cháu lớn lên đi học xa, đi làm xa rồi bỏ lễ Chúa nhật, chúng ta đừng hốt hoảng phản ứng gắt gao, nhất là các bà mẹ đừng vật vả than khóc, thất vọng ê chề : “Lạy Chúa chúng bỏ nhà thờ, bỏ đạo mất linh hồn..”! Than khóc, u sầu không giải quyết được gì! Càng làm chúng xa cách chúng ta thêm! Chúng ta phải phản ứng trầm tỉnh, nhắc nhỡ nhẹ nhàng. Cầu nguyện cho chúng, nhắc nhỡ chúng cầu nguyện trước những sự việc quan trọng (thi cử, kiếm việc…) để Chúa ban ơn.

Nếu đã làm hết cách rồi mà không có kết quả thì cũng không nên áy náy, buồn phiền, hãy “phó thác cho Chúa” vì chúng đã lớn khôn rồi!. Chúng ta đã làm hết bổn phận của mình, phần còn lại giao cho Chúa lo liệu, rồi an tâm tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa trong mọi sự!

6. Hãy nhớ con cháu luôn quan sát cha mẹ…

Cha mẹ có thói quen hay xem thường con cháu còn nhỏ không biết gì!Thực ra chúng rất khôn và quan sát chúng ta một cách tinh tế! Chúng biết hết nhưng không nói ra, khi có dịp ngồi lại với nhau chúng luôn phê bình cha mẹ là “giả hình” vì cha mẹ đi nhà thờ đọc kinh sốt sắng, giảng dạy cho chúng những điều hay lẻ phải, nhưng khi chúng quan sát trong đời sống hằng ngày, chúng thấy cha mẹ lại làm ngược lại: nói xấu bạn bè, chê bai người này, phê bình người nọ, nói dối tối đa khi cần để có nhiều quyền lợi, đôi khi còn xúi chúng nói dối theo, không tôn trọng lẽ công bằng…mà vẫn sống vô tư như mình chẳng có lỗi gì!

Nhiều cha mẹ nếu thành khẩn nghiêm túc xét lại bản thân chắc sẽ giật mình vì chúng ta đã làm gương xấu cho con cháu! “Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng ta hãy giảng dạy bằng đời sống và hành động theo phúc âm, chắc chắn sẽ có tác dụng giáo dục đức tin tốt hơn bằng lời nói suông! Đối với giới trẻ trắng đen phải rõ ràng minh bạch, chúng không thích kiểu “nói một đàng, làm một nẻo” hay mỉa mai hơn khi sửa lại câu nói để đời của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu mà vẫn thấy chí lý:

“Đừng nghe những gì cha mẹ nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cha mẹ làm”!

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô cũng vừa đưa ra lời kêu gọi giáo dân đừng sống giả dối, mà hãy sống thành thật với Chúa và với mọi người!

7. Cầu nguyện với Chúa cho con cháu

+ Để thánh ý Chúa được thực thi trên đời sống con cháu

chứ không phải để ý con được thực hiện trên nó. Có cha mẹ, con muốn đi tu nhưng không cho vì tiếc! Có cha mẹ ép con phải học bác sĩ dù nó không thích! Cách đây vài năm ở vùng Graden Grove có một vụ án mạng con trai bóp cổ mẹ chết, chỉ vì bà mẹ cương quyết bắt con phải học bác sĩ dù con không muốn!. Thực ra ngành nghề nào cũng tốt, quan trọng là nhân cách tốt, chứ học ra bác sĩ mà bất nhân, bất lương (lừa gạt bệnh nhân, gian lận Medical…) thì xấu hổ lắm!

+ Ăn chay, hãm mình, hy sinh để cầu nguyện cho con cháu

Trước đây tôi vẫn nghĩ đó là truyền thống bên đạo Phật, họ ăn chay để cầu nguyện và cám ơn khi xin được ơn! Đây là một truyền thống tốt đẹp, chắc các bà mẹ nghe cha nói từ nay sẽ lo ăn chay hãm mình nhiều hơn để cầu nguyện cho con cháu.

+ Luôn nói với con cháu là mình đang cầu nguyện cho nó

Phần này tôi có kinh nghiệm vì tôi vẫn thường nói với con tôi “Mẹ cầu nguyện cho con mỗi ngày”, chúng nghe lơ là như không để vào lổ tai, nhưng khi chúng gặp khó khăn trong đời sống, hay trước những sự việc gì quan trọng là chúng nhớ gọi và dặn dò tôi “Mẹ nhớ cầu nguyện nhiều cho con nghen”! Như vậy là trong tiềm thức chúng vẫn tin vào lời cầu nguyện, vẫn tin vào Chúa…

Buổi nói chuyện được kết thúc bằng bài hát “Bao La tình Chúa” với sự hợp ca của tất cả mọi người để cùng thấm thía:

“Hồng ân chúa như mưa, như mưa
Rơi xuống đời con miên man, miên man
Nâng đỡ tình con trong tay, trong tay vòng tay thương mến

Đời có Chúa êm trôi, êm trôi, Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi
Có Chúa cùng đi con không đơn côi! Ôi tình tuyệt vời”!

Phượng Vũ

Ngày hiền phụ: BA MƯƠI LĂM NĂM ÂN TÌNH

Ngày hin ph: BA MƯƠI LĂM NĂM ÂN TÌNH

Nguyễn Kim Ngân

6/17/2013

Viết riêng tặng anh chị T. & T.
Cùng mến tặng quý thân hữu nào đã có trên ba mươi năm thành hôn

Anh Chị T & T. thân mến:

Nhận được thiệp hồng kỷ niệm 35 năm ngày thành hôn của anh chị, tôi không thể dấu được nụ cười vui và cái lắc đầu ưng ý, bởi vì tôi vừa đọc xong câu chuyện giả tưởng mà một người bạn gửi đến cho tôi. Đại khái thế này:

“Những ai đã sống hơn 30 năm với một vợ thì nên đọc.
Nếu ai chưa đủ thâm niên thì nên cố gắng “Yêu người mà sống” cho đủ nhé.!!!
Bài hát đám ma mà hoá ra vui: “Khi Chúa thương gọi (vơ/chồng) con về,
lòng con hân hoan như trong một giấc mơ.”
Được Chúa gọi về, thì đó là tin vui chứ, sao lại là tin buồn?

Nằm trong quan tài, tôi suy nghĩ về ý nghĩa của kiếp nhân sinh.
Ban đêm trong nhà quàn đóng cửa, buồn heo hút, tôi đâm ra sợ. Sợ ma.!!!
Sau khi đi thăm một vài nơi ở thế giới của Dante, tôi được đưa ra trước tòa phán xét của Thượng Đế, để trả lời về tất cả những hành vi và ý nghĩ của tôi lúc còn sống.
Ôi “ngày thịnh nộ, ngày khủng khiếp” (Dies irae, dies illa).
Nếu linh hồn tôi có tội trọng, tôi sẽ phải xuống hỏa ngục, chịu lửa thiêu đốt đời đời.
Nếu linh hồn tôi sạch tội trọng và trong trắng như gương, tôi sẽ được lên Thiên Đàng.
Còn nếu linh hồn tôi, tuy không có tội trọng, nhưng không trong sáng như gương,
nghĩa là còn lợn cợn bụi trần, thì tôi sẽ đi đâu?
Tôi sẽ phải xuống luyện ngục một thời gian để lửa đốt con người tôi cho sạch hết những lợn cợn, rồi sau đó tôi mới được lên Thiên Đàng.
Thời gian ở luyện tội, có thể là 10 năm, 20 năm, 50 năm, hay hơn nữa, tùy trường hợp nặng nhẹ.
Mà tôi thì như các cụ đã biết, nhiều lợn cợn lắm, thể xác cũng như tâm hồn.
Có lẽ phải ở luyện ngục cả mấy trăm năm.

Tôi được đưa đến tòa phán xét. Chưa đầy năm phút, đã nghe có tiếng loa sang sảng:
“Ai có vợ, và đã sống với vợ từ 30 năm trở lên, hãy đứng sang bên phải.”
Tôi lễ mễ chạy theo tiếng loa, đứng sang bên phải. Đông lắm!
Người nào người nấy trông cũng thiểu não quá sức lẽ mình.
Chừng hai phút sau, bỗng nghe có tiếng vọng từ trời cao, thánh thót:
“Các con yêu mến, lúc còn sống, các con có vợ và đã ở với vợ được trên 30 năm,
như thế các con được coi như đã ở luyện ngục cả mấy trăm năm rồi,
các con đã được sạch mọi tội lỗi và đáng được lên Thiên Đàng ngay lập tức
để hưởng Thiên Nhan Chúa”.
Mọi người đều hoan hô vang trời: AMEN, ALLELUIA!” (hết chuyện)


Anh T. ơi!

Theo tiêu chuẩn 30 năm lấy vợ mà tác giả câu chuyện vừa sáng chế, thì nếu anh được Chúa gọi về ngay lúc này, anh sẽ chắc mẩm là được lên thiên đàng thẳng rẵng, bởi vì anh dư tới năm năm cơ mà! Chúc mừng anh có một hậu vận hết sức huy hoàng. (Viết tới đây thì tôi được tin ông Tổng Thống Putin của nước Nga cũng vừa ly dị vợ sau đúng…ba mươi năm thành hôn. Tôi tự hỏi không biết có phải ông ta có nhận và đọc được cùng email như của tôi trước khi đi đến quyết định “sáng suốt” này chăng? Hay đây chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên?)

Tác giả câu chuyện cho biết là những ông chồng đứng phía bên phải rất đông. Điều đó có thể đúng cho thế hệ cha ông mình, chứ trong thế hệ chúng mình hôm nay, và nhất là đến thời con cháu sau này, chắc không còn đúng nữa. Lý do là người ta đang có xu hướng coi thường lòng chung thủy của vợ chồng và ngạo mạn sự trung thành của đôi lứa; việc sống với nhau đến thuở răng long đầu bạc ngày càng trở nên qúy hiếm. Trái lại, hơi một tí là người ta kiếm chuyện ly dị, người rẫy vợ, kẻ bỏ chồng. Chưa có con cái gì thì chia tay đã đành, thế nhưng, dù đã có với nhau vài ba mặt con rồi (đứa nào đứa ấy giống bố như đúc, không cần làm DNA gì sốt) mà cũng bỏ tuốt luốt, như chẳng có gì để tiếc, chẳng có gì để nhớ, để thương. Theo thống kê đã có từ cả chục năm nay, thì cứ hai cặp cưới nhau thì một cặp rã đám! Cứ đà này, số người đi vào luyện ngục càng ngày càng đông, còn đám người đứng bên phải ngày càng ít đi! Và phải chăng vì hôn nhân (truyền thống) cứ rã đám hoài hoài nên cái gọi là “hôn nhân đồng tính” càng ngày càng lấn sân, càng chơi ‘trên chân’ hơn?

Chưa bao giờ như hôm nay, hôn nhân và gia đình đang bị công phá tứ bề bởi một lực lượng ý hệ hùng hậu, có tổ chức lớp lang và hệ thống đàng hoàng.

Có nhiều bản văn nhạo báng đời sống hôn nhân đã đi vào lịch sử, tỉ như câu sau đây (không thấy ghi tên tác giả): “Hôn nhân chính là một cuộc chiến tranh duy nhất trong đó bạn phải ngủ với quân thù.” “Nhà tôi nghèo lại đông anh em, thành ra mãi tới khi lấy vợ, thì tôi mới có dịp ngủ…một mình.” Đó là kinh nghiệm “sinh tử” được nhà văn Mỹ Lewis Grizzard tiết lộ về cuộc hôn nhân của mình. Triết gia Herbert Spencer lại chơi chữ thế này: “Hôn nhân—marriage–lẽ ra phải đọc là ảo ảnh—mirage–mới chính xác.” Diễn viên hài lừng danh, Bill Cosby, diễu cợt: “Vatican đúng là đã quên không thừa nhận một phép lạ: đó là việc hai người kết hôn sống đời ở kiếp với nhau.”

Hôn nhân và tình yêu thường đi sánh đôi, thế mà hai thứ đó đã trở thành đối nghịch trong tư tưởng của nhiều người. Chẳng hạn như Oscar Wilde, văn thi sĩ lừng danh của xứ Ái Nhĩ Lan, đã thẳng thừng: “Bạn phải luôn luôn sống trong tình yêu. Đó chính là lý do bạn chớ bao giờ nên kết hôn cả.” Còn đại văn hào George Bernard Shaw lại huỵch toẹt rằng: “ Nếu hai kẻ đang yêu nhau mà lại nghĩ đến chuyện kết hôn thì không còn gì thiếu khôn ngoan hơn.” Dường như các bậc vĩ nhân này đều giống nhau ở một điểm: thất bại nặng trong cuộc sống hôn nhân. Nếu không thì tại sao lại có những câu xanh rờn như thế? Zsa Zsa Gabor, nữ tài tử thượng thặng Mỹ, gốc Hungari, nổi danh vì có tới 9 đời chồng (qua mặt cả nữ tài tử lừng danh Liz Taylor), đã lên tiếng thế này về giới mày râu: “Một người đàn ông đang yêu sẽ vẫn còn là chưa hoàn hảo mãi cho tới khi đi lập gia đình. Nhưng ngay sau đó thì đời chàng coi như đi đứt luôn.” Văn hào Mỹ, Mark Twain, đã cảnh giác thế này: “Quý vị tưởng tình yêu lớn lên nhanh vào bậc nhất ư? Không phải đâu, tình yêu lớn lên chậm rì như rùa bò. Chẳng ai, dù nam hay nữ, thực sự hiểu được tình yêu hoàn hảo là thế nào, mãi cho tới khi đã ở trong đời sống hôn nhân cả một phần tư thế kỷ.” (Không biết trải qua ba mươi lăm năm chung sống, anh chị T & T đã hiểu rõ thế nào là tình yêu chưa?) Thế nhưng, một câu nói của khoa học gia người Đức, Georg Lichtenberg, xem ra khá lạc lõng, thế mà lại như ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa có thể chỉ thời gian mới giúp giải nghiệm hết được: “Tình yêu thường hay mù lòa, chính hôn nhân mới đem lại cho nó thị lực cần thiết.” Câu này nghe hao hao như lời răn đe của các bậc làm cha làm mẹ: “Cứ chờ xem, mày mà lấy nó thì sẽ sáng mắt ra cho mà coi!”

Nữ tiểu thuyết gia Anh Quốc Marie Corelli không chấp nhận hôn nhân, bởi vì theo bà, nhân vật gọi là “ông chồng” chẳng được cái tích sự gì: “Tôi sẽ chẳng bao giờ lấy chồng bởi vì thấy không cần thiết tí nào cả. Này nhé: tôi có nuôi ba con vật cưng ở trong nhà, chúng làm đúng việc của một ông chồng. Con chó thì sáng nào cũng gầm gừ; con vẹt thì chửi thề suốt buổi chiều; còn con mèo thì đêm nào cũng về trễ.” Đó có thể là một trong các lý do đưa đến hôn nhân đổ vỡ và khai mở những cuộc ly dị, khiến cho giới trẻ hôm nay đâm ra sợ kết hôn, chỉ muốn sống chung, sống thử, không cưới hỏi gì cả, thích thì ráp vô, buồn thì chia tay, nhất là không cần phải ly dị làm chi cho tốn kém! Luận điệu này nghe rất quen tai, y hệt như câu ca dao thời đại: “muốn không thi rớt thì đừng đi thi.” Một số người khác, sau khi trải qua một cuộc hôn nhâu đầy ác mộng, lại bắt đầu thêu dệt ra một cõi miền lý tưởng, trong đó hai kẻ yêu nhau thề nguyền sống “hãy cứ là tình nhân” mãi mãi, chớ có bao giờ làm vợ, làm chồng. Cõi thiên đường hạnh phúc của tình nhân được khai sinh như thê, đẹp như một đóa dạ quỳnh. Tuyệt vời, nhưng không biết có phải là ảo mộng chăng?

Nhưng thôi, tạm gác qua những mỉa mai dành cho hôn nhân để chuyển sang thực tế cuộc đời xem sao. Dẫu gì thì anh em mình cũng đã làm và sống đúng theo lời Thánh Kinh. Trong sáu ngày liên tiếp, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi loài: ngày và đêm, trời đất và biển cả, mặt trời mặt trăng và các tinh tú, chim trời và cá biển cùng muông thú đồng hoang. Sau mỗi cuộc tạo dựng, nhìn vào các tạo vật vừa được tác thành, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” Rồi khi đã tạo dựng con người để cho làm bá chủ muôn loài, “Thiên Chúa mới thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rầt tốt đẹp” (STK 1:31). Nhưng nếu đọc chương kế tiếp ta sẽ thấy lần đầu tiên Thánh Kinh nói đến một điều “không tốt,” đó là “Con người/đàn ông ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (2:18)… Và “Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (2:22). “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (2:24). Xem ra cái bản năng “đòi vợ” của đàn ông mạnh lắm, đến độ nhà văn Mark Twain đã phải thốt lên rằng: “Thế là sau biết bao nhiêu năm trời tôi mới nhận ra mình đã hiểu lầm bà Evà ngay từ thuở ban đầu; thà sống ở ngoài địa đàng mà có nàng thì vẫn còn hơn là sống trong địa đàng mà thiếu vắng nàng.” Quả vậy, hạnh phúc lứa đôi là điều ai ai cũng hằng mơ ước và tìm kiếm, thế nhưng đâu là bí quyết, đó mới là vấn đề.

“Điều quan trọng khiến hôn nhân hạnh phúc không phải là cách thức mình sống hòa hợp với người phối ngẫu, mà là phong cách mình ứng xử thế nào khi đối diện với những điều bất tương hợp giữa hai người.” Câu nói chí lý này của đại văn hào Nga, Leo Tolstoy, khiến tôi kết luận rằng hạnh phúc hôn nhân hệ ở việc chấp nhận người phối ngẫu như chính họ, với cá tính riêng, sở thích riêng, quan niệm riêng, khác biệt và có khi trái ngược với chính mình, nhưng bí quyết hạnh phúc nằm ở chỗ làm sao đó để hai người phối ngẫu khác biệt kia biết cách bước đi hòa điệu du dương với nhau như thể đang dìu nhau đi trong một nhịp khiêu vũ tuyệt vời. Sẽ có những va chạm, dẵm chân, tréo cẳng, có khi còn té ngã đến sõng soài, ê chề và thê thảm. Đây là giờ khắc của chán chường, thoái lui và tuyệt vọng dẫn đến đầu hàng và bỏ cuộc. Nhưng ai có ngờ đâu, hạnh phúc chỉ đến đàng sau những sai nhịp, lỡ bước như thế, bởi vì qua những lần lỗi nhịp, sai bước, phải vất vả tập đi tập lại, mới dần dà nhận ra yếu điểm của nhau, hai vũ công mới đạt được mục tiêu: nhịp nhàng trong một điệu luân vũ. Về điểm này, người đẹp Angelina Jolie đã thốt lên một câu nói thật là dễ thương: “Đôi khi tôi nghĩ chồng tôi quá sức tuyệt vời đến độ tôi không thể hiểu tại sao chàng lại lấy tôi. Tôi không biết mình có đủ các đức tính hoàn hảo chăng. Thế nhưng, nếu tôi làm cho chàng hạnh phúc được, thì đó là tất cả những gì tôi hằng mơ ước.” Có một cái gì đó rất rõ ràng xuất hiện ở nơi đây: mỗi người, theo cách thế riêng mình, lúc nào cũng sẵn sàng quên mình để nghĩ tới người kia, hiến thân hy sinh vì hạnh phúc của người kia. Groucho Marx, nhà hài hước Mỹ, thì khuyên các ông chồng nếu muốn giữ hạnh phúc hôn nhân thì nên khóa kín cái lỗ miệng lại, nhưng phải mở toang sổ trương mục (checkbook) ra.” Đại văn hào Pháp Michel de Mongtaigne cũng nói một câu tương tự, nhưng có vẻ tượng hình hơn: “Hôn nhân tốt chỉ có được khi người vợ bị mù lòa còn người chồng thì câm điếc.” Rút cuộc, hạnh phúc hôn nhân không phải là chuyện “bất chiến tự nhiên thành,” mà là nỗ lực của cả hai vợ chồng, tự hiến cho nhau, chứ không bao giờ người này khoán trắng mọi việc cho người kia. Có đi có lại mới toại lòng nhau chứ!

Anh T.:

Nhân kỷ niệm ngày thành hôn của anh, tôi xin gửi đến anh mấy câu nói của một vài nhân vật thời danh may ra có thể làm anh suy nghĩ và cười mỉm.

Liệu anh có thể quả quyết thế này như Winston Churchchill không: “Công trình lớn nhất của đời tôi chính là việc thuyết phục được nhà tôi lấy tôi.”

Tôi cũng nghĩ rằng, đến giờ này cuộc sống đã đủ lầm than để ban tặng cho anh những nỗi đau “cần thiết” cũng như dậy cho anh biết cách “chiều vợ,” không nhất thiết phải như mẫu đàn ông mà văn sĩ kiêm tài tử Mỹ Rita Rudner đã vẽ ra: “Theo thiển ý, quý vị đàn ông nào biết xỏ lỗ tai để đeo bông thì có nhiều triển vọng lấy vợ hơn so với các vị khác, bởi vì họ đã có kinh nghiệm về cái đau khi xỏ lỗ tai, và đồng thời cũng biết cách mua sắm nữ trang cho…vợ.”

Riêng tôi, tôi lại thích cái hóm hỉnh của nữ tài tử Mỹ Lana Turner khi ghi nhận kiểu mẫu những cặp vợ chồng được goị là “thành công,” thoang thoáng phảng phất hình ảnh của anh và chị: “Người đàn ông thành công là người kiếm được nhiều tiền cho vợ tiêu xài thỏa sức cũng không hết. Còn người phụ nữ thành công là người kiếm ra được chính người đàn ông đó.”

Tự thâm tâm, chắc anh cũng như tôi, chúng mình đều mong ước được nghe từ miệng bà xã những lời tương tự mà bà Elsa Einstein đã nói về chồng mình, nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối: “Tôi chẳng hiểu ất giáp gì về thuyết tương đối của chồng tôi cả, nhưng có một điều tôi biết rất rõ: ông ta là một người rất đáng tin cậy.”
Phần chị T., tôi xin gửi chị những lời nghe ra thì có vẻ hơi châm chọc của một vài “đức ông chồng” đã âu yếm ban tặng cho quý bà, nhưng chắc chắn các đương sự đã ngấm ngầm tâm đắc và chân nhận trước khi thốt ra ngoài cửa miệng:

“Một trong những chân lý căn bản của hôn nhân ta phải xác tín: bà vợ phải nắm quyền!” Bill Cosby đã quả quyết như thế! Còn đạo diễn Woody Allen lại tiết lộ: “Ở nhà, tôi là ông chủ, nhưng mọi quyết định đều phát xuất từ bà chủ.” Nhà văn Honore de Balzac của Pháp khẳng định là: “Nơi một người chồng chỉ thấy có một gã đàn ông; nhưng nơi một người vợ, thấy có cả một người đàn ông, một người cha, một người mẹ và một người phụ nữ.” Thế mới biết tại sao Việt Nam ta thường hay gọi các bà là nội tướng!

Nhìn hình ảnh anh chị sánh đôi bước lên cung thánh trong ngày đám cưới cách đây ba mươi lăm năm, tôi nghĩ đến câu nói của Thomas Mullen, một văn sĩ Mỹ: “Hôn nhân hạnh phúc khởi sự khi ta cưới được người ta yêu, và hạnh phúc hôn nhân nở hoa khi ta cứ mãi thương yêu người ta đã cưới.”

Nhưng điều đáng nói ở đây, đó là khi cùng nhau bước vào giáo đường, anh chị đã hiến thánh tình yêu của mình trong giao ước hôn phối mà Thiên Chúa đã nâng lên hàng bí tích, một thực tại tuôn tràn ân sủng và thánh hóa đời sống lứa đôi. Lời giảng của linh mục nọ trong một lễ cưới tôi cho là xác đáng: “Tình yêu đã đưa các con đến để cử hành hôn lễ hôm nay, nhưng chính bí tích hôn phối mới thực sự giúp các con duy trì và phát triển tình yêu ấy.”

Nhìn hình ảnh gia đình anh chị và các cháu hạnh phúc, tôi nhớ đến câu nói của Giovanni Florio, nhà ngôn ngữ học Ý: “Chồng tốt sẽ tạo ra vợ hiền.” Trong khi đó, họa sĩ kiêm điêu khắc gia thời danh Michelangelo đã nói về gia đình ông như sau: “Tôi đã có một người vợ, với tôi, thế là đã quá đủ; nàng chính là nghệ thuật của tôi, còn nghệ phẩm chính là các con tôi đây.”

Dù khá nhiều câu danh ngôn đã được trưng dẫn, nhưng thật là thiếu sót nếu tôi kết thúc bài này mà không viện dẫn hai câu nói của Mẹ Têrêsa, mà chỉ đọc lên thôi, ta cũng có thể cảm nhận được tấm lòng từ ái bao dung của Mẹ. Câu thứ nhất: “Hãy mỉm cười với nhau, cười với vợ, cười với chồng, cười với con cái, cười với nhau–bất kỳ là ai—chính nhờ thế các con mới giúp nhau lớn lên trong tình yêu thương mỗi ngày một nồng nàn hơn.” Câu thứ hai: “Hãy gieo mầm yêu thương ở mọi nơi con sẽ đi qua: trước hết, trong mái gia đình. Hãy yêu thương con cái, yêu vợ, yêu chồng; hãy trao tặng tình yêu cho người hàng xóm. Đừng để ai đến với con mà khi ra về lại không cảm thấy tươi vui hơn, tốt lành hơn. Hãy trở nên chứng tá sống của lòng Chúa xót thương, tỏa sáng trên gương mặt, rạng rỡ trong khóe mắt, hiền hòa trong nụ cười, và ân cần trong cử chỉ chào đón thân thương.”

Nói đi nói lại rốt cuộc cũng vẫn vòng về hai chữ “tình yêu” mà Thánh Phaolô gọi là đức mến và đã không tiếc lời ngợị ca: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1 Cor. 13:4-7). Cầu mong đức mến này tiếp tục luân lưu dồi dào trong đời sống anh chị để làm dịp cho hạnh phúc tưng bừng nở hoa.

Xin chúc mừng anh chị và gia quyến trong một ngày vui rất đáng ghi nhớ!

06/16/13
Ngày Hiền Phụ

Nguyễn Kim Ngân

SỐNG THỬ VÀ BẤT ỔN

SỐNG THỬ VÀ BẤT ỔN

TRẦM THIÊN THU

Trích Ephata số 565

Ngày xưa người ta quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”, quan niệm sống đầy tính luân thường đạo lý và nhân bản, nhưng ngày nay người ta “chỉnh sửa” quan niệm đó thành… “nam nữ cọ cọ sát thân”. Cách nghĩ quá “thoáng” như vậy trở thành phóng túng và tội lỗi !

Người ta còn cho rằng cứ sống thử trước, nếu hợp thì… sống tiếp, không hợp thì chia tay. Quá dễ dãi ! Và quan niệm mà người ta cho là tân kỳ và thoáng như vậy lại chỉ là quan niệm sai lầm mà thôi. Sự bất ổn gia đình tiếp tục tăng ở Hoa Kỳ mặc dù giảm tỷ lệ ly hôn đối với các gia đình. Các nhà nghiên cứu nói rằng mức tăng về việc sống thử ( sống chung chạ như vợ chồng mà không kết hôn ) là một phần của vấn nạn gia đình.

Ngày nay, tỷ lệ ly hôn cao. Nhiều người muốn cứu vãn hôn nhân của mình đang trên bờ vực thẳm ly hôn, người ta đã phải đôn đáo tìm nhà tư vấn. Vì thế, các trung tâm tư vấn ( tình yêu, hôn nhân, gia đình, và các vấn đề khác ) lần lượt xuất hiện nhiều, ngay cả báo chí cũng thường có mục tư vấn, và các đài phát thanh hoặc truyền hình cũng có các chương trình tư vấn.

Giáo sư W. Bradford Wilcox, thuộc Đại Học Virginia và Trung Tâm Hôn Nhân và Gia Đình của Viện Giá Trị Hoa Kỳ ( Institute for American Values’ Center for Marriage and Families ) tại New York, nhận xét: “Tỷ lệ ly hôn đối với các cặp vợ chồng đã trở lại mức mà chúng tôi thấy trước cuộc cách mạng ly hôn hồi thập niên 1970. Tuy nhiên, tính bất ổn gia đình lại đang gia tăng đối với con cái người Mỹ. Điều này có vẻ chiếm một phần vì nhiều cặp vợ chồng có con cái sống thử, và điều này rất bất ổn”.

Ngày nay, hơn 40% thanh thiếu niên Hoa Kỳ đều sống thử. Họ muốn có kinh nghiệm chia tay của cha mẹ hơn so với những đứa con của các cặp vợ chồng kết hôn. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ chia tay cao hơn so với những đứa con của các cặp sống thử, lên tới 170%. Việt Nam cũng đang có nguy cơ tương tự, đạo đức luân lý suy thoái nên sự “dễ dãi” về tình dục cũng dần dần “thoáng” hơn !

Gíao sư Bradford Wilcox nói rằng con cái của các cha mẹ sống thử sẽ bị rắc rối nhiều hơn về các vấn đề xã hội và tình cảm ( lạm dụng ma túy, trầm cảm, bỏ học sớm, yêu đương nhăng nhít,… ) so với những đứa con có cha mẹ kết hôn hẳn hoi. Nghiên cứu này được thực hiện với 250 bài viết về hôn nhân & gia đình ở Hoa Kỳ và khắp thế giới. Nghiên cứu này cũng phân tích các dữ liệu của số liệu khảo sát Xã Hội Tổng Quát và Khảo Sát Thu Nhập và Tham Gia Chương Trình ( General Social Survey and the Survey of Income and Program Participation ).

Bản tường trình cho biết thêm: “Dù chúng ta thành công hay thất bại trong việc xây dựng văn hóa hôn nhân lành mạnh thì rõ ràng cũng là mối quan tâm chung hợp pháp và là vấn đề tối quan trọng nếu chúng ta muốn đảo ngược tình trạng cách ly khỏi nhịp phát triển xã hội của các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta: giới lao động, dân nghèo, dân tộc thiểu số, và con cái”.

Con cái của các cặp sống thử có thể bị lạm dụng về thể lý, tình dục hoặc tình cảm gấp 3 lần so với con cái của các cặp vợ chồng vẫn nguyên vẹn hôn nhân. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện tính bất ổn gia đình cũng góp phần phan biệt giai cấp, phe cánh. Con cái của các cha mẹ có học thức thấy cuộc sống gia đình họ ổn định, còn con cái của các cha mẹ ít học lại thấy cuộc sống gia đình họ càng ngày càng bất ổn. Những người sống dư dả tận hưởng gia đình “vững mạnh và ổn định”, còn những người khác đối mặt với gia đình “càng bất ổn, càng bất hạnh và càng mất tác dụng”.

Ly hôn liên quan con cái trở lại mức trước khi luật hôn nhân thay đổi để dễ ly hôn hơn. Khoảng 23% con cái có cha mẹ kết hôn đầu thập niên 1960 đều biết cha mẹ ly hôn khi chúng được 10 tuổi. Cũng gần tương đương tỷ lệ đó đối với con cái có cha mẹ kết hôn năm 1997.

Các tác giả của bản tường trình kết luận rằng hôn nhân nguyên vẹn giữa cha mẹ vẫn là “tiêu chuẩn vàng” đối với đời sống gia đình tại Hoa Kỳ. Ngày 16.8.2011, Viện Giá Trị Hoa Kỳ cho biết: “Con cái có thể phát triển tốt hơn về kinh tế, xã hội và thể chất nếu chúng sống trong các gia đình theo chuẩn này”. Hôn nhân là “điều tốt quan yếu của cộng đồng” với nhiều lợi ích về kinh tế, sức khỏe, giáo dục và an toàn, giúp ích hơn cho xã hội và chính phủ phục vụ công ích.

Lợi ích của hôn nhân cũng lan rộng tới người nghèo, giới lao động và dân tộc thiểu số, mặc dù có việc suy yếu hôn nhân trong 4 thập niên qua. Viện Giá trị Hoa Kỳ kết luận: “Việc sống thử gia tăng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với chất lượng và tính ổn định của đời sống con cái trong các gia đình ngày nay”.

Tóm lại, sống thử hoàn toàn bất lợi – cả về tâm lý lẫn sinh lý, kéo theo hệ lụy làm suy giảm sức khỏe, điều mà khoa học cũng đã chứng minh. Xưa nay, xã hội vẫn đề cao việc “nam nữ thọ thọ bất thân”, chỉ bắt đầu “chuyện ấy” trong đêm động phòng, dành cho nhau những giây phút thăng hoa cao thượng nhất, và nhiều tôn giáo cũng khuyến cáo chuyện sống thử hoặc “ăn cơm trước kẻng”.

TRẦM THIÊN THU