Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Tác giả: Phùng văn Phụng
Nhân đi tham dự Thánh lễ tạ ơn của anh Dương và chị Trâm mừng 25 năm thành hôn, tôi có cảm nghiệm rằng vợ chồng sống với nhau được 25 năm, 30 năm hay 50 năm hay hơn nữa không phải dễ nhất là thời đại ngày nay thường nghĩ đến cá nhân nhiều hơn, một chút bực mình, dễ gây tự ái, rồi không nhường nhịn nhau được, đành chia tay, chưa kể một trong hai người vợ hay chồng ra đi sớm vì bịnh hoạn, tai nạn v.v. . .
Chia sẻ trong Thánh lễ tạ ơn này đa số người đến tham dự đều công nhận vì “cái tôi” của mình, tự ái quá lớn của mình, làm cho gia đình xào xáo, bất an, tích lũy lâu dần đưa đến tình trạng ly thân, ly dị.
Tôi đã có nghe Đức Cha Khảm nói chuyện, có hai vợ chồng đến thăm Cha than thở rằng “Con nói thật với Cha con giàu lắm chủ 4, 5 tiệm ăn. Không hiểu sao mỗi lần ngồi ăn cơm là vợ chồng con cứ cải nhau.”
Cha hỏi: Con cải nhau vì vấn đề gì?
Dạ, con cải nhau vì vấn đề tiền.”
Linh mục Nguyễn tầm Thường cũng có kể chuyện:
Hai vợ chồng ở Việt Nam nhà nghèo, đi vùng kinh tế mới, có hai con còn nhỏ. Chỉ độc nhất có một chiếc xe đạp, đi đâu cũng đèo nhau, còn chở thêm hai con mà sao họ sống thật hạnh phúc.
Nhưng khi vượt biên đi được qua Mỹ, nhờ hai vợ chồng đều học giỏi, trình độ Đại học ở Việt nam, nên khi đi qua đây hai vợ chồng hội nhập vào xã hôi Mỹ rất nhanh và làm ăn trở nên giàu có. Mỗi người có xe BMW, Mercedes riêng đều là giám đốc, nhưng hai vợ chồng không chịu được nhau vì người nào cũng quá giỏi. Sau đó, họ đành phải thôi nhau. Tại sao?
Có vài người không chịu nổi bà vợ thứ nhất vì hay cằn nhằn thích chỉ huy mọi chuyện. Ông chồng lái xe nhưng bà vợ ngồi bên cạnh lại điều khiển, chỉ huy ông chồng. Không chịu nổi hoàn cảnh ” bị chỉ huy” mọi chuyện lớn nhỏ như vậy, anh bỏ vợ này và kiếm người vợ khác. Nhưng rồi mặc dầu người vợ sau này rất phục tùng chồng, nhưng anh vẫn không hài lòng. Rồi lại thay đổi tìm người mới và anh nêu lý do là “không hợp nhau”.
Mới đây, gặp lại người khách hàng cũ, hai vợ chồng qua đây theo diện HO, mặc dầu trên dưới 70 tuổi rồi, nhưng người vợ cho biết: “ Tôi đã ly thân rồi, sống với con trai chứ không còn sống với ông chồng tôi nữa”. Tôi thắc mắc tại sao vậy? Nếu không qua Mỹ sống ở Việt Nam, dầu nghèo nhưng có bà con thân nhân, gần gũi chia sẻ ngọt bùi, thì tình trạng ly thân, ly dị có bớt chăng? Lúc nghèo khổ cùng nhau chia sẻ, sao khi khá giả dư ăn, dư mặc lai chia tay?
Trong khi tuổi già vợ chồng lại rất cần nhau để săn sóc, lo lắng cho nhau nhất là khi đau ốm. Lời thề lúc thành hôn: “Giữ lòng chung thủy với anh(em), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu để yêu thương và tôn trọng anh (em) mọi ngày suốt đời anh(em).” hai vợ chồng đã quên hết rồi chăng? Tại sao vậy?
Cha Chu Quang Minh, dòng tên, sáng lập “Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia đình” có khuyến khích, nên thường xuyên đọc kinh Hôn Nhân Gia Đình, trong đó có câu:
“Gia đình chúng con sóng gió ba đào. Xin ban ơn CAN ĐẢM và KIÊN TRÌ của Chúa Thánh Linh.
Gia đình chúng con trẻ già xung khắc, xin ban ơn QUẢNG ĐẠI và THỨ THA để chúng con AN VUI CHẤP NHẬN LẪN NHAU”
Nếu đọc kinh này thường xuyên mỗi tối, nhờ ơn Chúa, chắc chắn gia đình sẽ được bền vững hơn.
Tôi cứ hay suy nghĩ lan man, phải chăng con người đến tuổi già thường có hai khuynh hướng?:
* Hướng thượng : làm việc thiện, đi nhà thờ, giúp cho tha nhân mưu cầu hạnh phúc cho người khác để lo phần hồn sau này khi mình ra đi, vì trên 60 hay trên 70 tổi thì đâu biết ngày giờ nào mình ra đi. Nếu tin có đời sau thường ráng tu thân, tích đức nhiều hơn, cầu nguyện Chúa nhiều hơn , cố gắng làm nhiều việc thiện hơn nữa.
* Hướng hạ: Biết mình sắp ra đi, quỹ thời gian còn ngắn quá, con người dễ sống vội, sống gấp rút. Ăn chơi cho thỏa mãn, vì sợ già rồi làm sao còn ăn chơi được nữa. Nhiều người thích ăn uống, nhậu nhẹt nhiều hơn vì sợ không còn thì giờ ăn nhậu được nữa hay tìm kiếm người yêu mới trước khi đi về lòng đất.
Thánh Phao lô viết: ” Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” 1Cor 13 (4-7)
Làm sao đem thực hành, áp dụng những điều thánh Phao lô hướng dẫn tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả vì tương lai con cháu bỏ “cái tôi” của mình đi có lẽ mọi sự đều giải quyết ổn thỏa được chăng?
Tin tức mới nhất từ báo Người-việt, ở Edmonton (Canada) hôm thứ hai (29-12) sáng thứ ba (30-12-2014) vừa qua, tổng cộng 9 người Việt thiệt mạng bao gồm hung thủ. Cảnh Sát Trưởng Knecht nói : “có vẻ đây là sự xung đột trong gia đình chứ không liên quan đến băng đảng thanh toán nhau.” Chín người Việt chết trong án mạng ở Canada , vượt qua nửa vòng trái đất, đến một nước văn minh, cuộc sống trở nên sung túc gấp mấy lần còn ở quê nhà, tại sao lại giết người thân kể cả trẻ con rổi tự tử. Tại sao vậy?
Đọc trong trang Web của Dòng Chúa Cứu Thế ngày 28-12 -2014 có hai bài viết:
Điều gì xác định một gia đình?
Lễ Thánh Gia: tôn vinh đời sống gia đình Trong bài này, Lm. Giuse Trương Hoàng Vũ, DCCT viết:
“Thể hiện vẻ đẹp gia đình qua đời sống chung thủy để chống lại khuynh hướng coi hôn nhân như hình thức thỏa mãn tình cảm đơn thuần và có thể thay đổi tùy ý; thể hiện vẻ đẹp hôn nhân qua việc đón nhận con cái Chúa ban như là những quà tặng cao quý của sự sống; trân trọng và chăm sóc người già như di sản của đức tin và được thụ hưởng đức tin từ những chứng nhân sống động ấy; đón nhận và thăng hoa đời sống nghèo trong gia đình bằng việc tuân giữ và thi hành thánh ý Chúa. Sống được tất cả điều này chính là chúng ta tôn vinh ngày lễ Thánh Gia hôm nay.”
Đời sống tâm linh rất là quan trọng.
Giữ được bình an, vui tươi trong gia đình là ưu tiên, là mong muốn của mọi người, mọi gia đình để sống được hạnh phúc.
Nguyễn Hiến Lê nhà văn nổi tiếng trước năm 1975 đã viết trong hồi ký của ông như sau: “Đề cao nếp sống giản dị, đừng để hình hài làm hại cái tâm, đời sống vât chất thì nên dưới mức trung bình, đời sống tinh thần thì trên mức ấy”. Đời sống tinh thần là gì? Đó chính là đời sống nghiêng về chữ tâm, nghĩ đến phần linh hồn, đời sống tâm linh, ưu tiên cho linh hồn hướng thượng của mình. Có nghĩa là linh hồn mình luôn luôn dành cho Chúa và vì Chúa, mà kính Chúa thì phải yêu người, giúp đỡ cho tha nhân, nhờ thế đời sống chúng ta sẽ thấy vui hơn, hạnh phúc, bình an hơn vì luôn luôn có Chúa ở cùng, mà sau này, khi chết còn được hưởng hạnh phúc đời đời nữa.
Có phải chũ Tâm là quan trọng, là hàng đầu để chúng ta sống, đối xử với nhau từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội nên Nguyễn Du mới viết:
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài ?
12 giờ Đêm Giao thừa
cuối năm, 31-12-2014
đầu năm 01-01-2015
Tác giả: Phùng văn Phụng