Nửa trái dưa và bài học về tình vợ chồng

Nửa trái dưa và bài học về tình vợ chồng

Vào buổi trưa một ngày nọ, tôi tan làm trở về nhà, nóng quá đến nỗi đầu chảy đầy mồ hôi, mở tủ lạnh ra xem, không ngờ bên trong có nửa quả dưa hấu mát lạnh, tôi mừng rỡ và vội lấy ra ăn một cách ngon lành.

Đúng lúc này vợ tôi cũng trở về, vừa đi vào cửa nhà cô ấy vừa than thở: “Chết khát mất, nóng chết mất!”, mở tủ lạnh ra, cô ấy ngẩn cả người ra.

Tôi bảo với vợ là miếng dưa hấu đó tôi ăn rồi, nét mặt cô ấy thoáng một chút không vui, vội vã cầm ly đi rót nước uống, vừa nhấc ấm nước lên, bên trong cũng không còn một giọt nào.

Thế là cô ấy đột nhiên phát cáu: “Anh cũng không biết đun lấy một chút nước, về nhà lâu như thế làm gì ?” Tôi cũng giận dữ: “Sao cái gì cũng đều là tại tôi thế?”. Vì chuyện này mà hai chúng tôi chiến tranh lạnh mất một tuần mới hòa giải được.

Thứ bảy, tôi một mình trở về nhà bố mẹ tôi, họ vừa thấy tôi liền hỏi: “Sao một tuần nay bố mẹ không nhìn thấy vợ con rồi?”. Tôi liền đem câu chuyện giận dữ kể cho họ nghe từ đầu đến cuối. Mẹ tôi nghe xong liền trách mắng tôi, làm việc không nên chỉ có nghĩ đến bản thân mình mà không để ý đến người khác.

Tôi không cho là đúng: “Chỉ là ăn hết nửa quả dưa hấu thôi mà, có cái gì ghê gớm đâu.”

Bố tôi vừa cười vừa nói: “Con không cần phải biện bạch cho bản thân nữa, ngày mai là chủ nhật, cả hai đứa cùng tới đây một chuyến.”

Ngày hôm sau, tôi cùng vợ chở con trở lại nhà bố mẹ tôi.

Vừa vào cửa, bố tôi liền sai tôi đi mua dấm chua, đợi đến lúc tôi mua trở về, bố tôi nói vợ tôi đã đưa con ra ngoài rồi, nói xong bố tôi liền bê ra một nửa quả dưa hấu đưa cho tôi rồi nói: “Nhìn con nóng quá đầu chảy đầy mồ hôi rồi, mau ăn miếng dưa hấu giải khát đi.”

Nửa trái dưa hấu cũng chừng bốn năm cân, ông đưa cho tôi một cái thìa: “Ăn không hết thì để phần thừa còn lại cho vợ con về ăn”, tôi cầm lấy cái thìa rồi ăn lấy ăn để, ăn chưa đến một nửa, bụng đã căng lên rồi.

Lúc cả nhà ăn cơm, bố tôi mang ra hai miếng dưa hấu đặt lên bàn rồi nói với tôi: “Con xem xem chúng có gì khác nhau?”

Tôi rất bối rối, cẩn thận nhìn đi nhìn lại, một nửa là tôi vừa mới ăn, một nửa còn lại cũng là đã được ăn, nhìn một lúc lâu, cũng nhìn không ra kết quả gì, đành phải lắc đầu.

Bố tôi chỉ vào miếng dưa hấu nói: “Một nửa này là con ăn, còn nửa kia là vợ con ăn, bố đều nói cho hai đứa là, “nếu như ăn không hết, thì để phần thừa còn lại cho người kia ăn”. Con nhìn vợ con ăn như thế nào? Là dùng thìa xúc từ bên cạnh rồi vào phía bên trong, ăn hết một nửa, nửa còn lại để nguyên không động tới. Nhìn miếng của con xem, bắt đầu xúc từ chính giữa, ăn hết phần thịt ở chính giữa, để phần bên cạnh cho người khác ăn, người nào mà chẳng biết phần thịt ở chính giữa ngọt chứ? Từ việc nhỏ này mà xét thì thấy vợ của con có tấm lòng hơn con nhiều.”

Mặt tôi bỗng nhiên đỏ lên.

Bố tôi nói ý tứ sâu xa: “Cả một đời của hai người, liệu có thể có bao nhiêu việc to tát? Tình cảm vợ chồng thể hiện ở chỗ nào? Là thể hiện ở một giọt dầu, một thìa cơm, một thìa canh trong cuộc sống hàng ngày. Lần trước con vì việc ăn dứa hấu mà cãi nhau với vợ, lại còn bao biện hót như khướu, điều đó rõ ràng là con không đúng. Nếu như đổi lại là vợ con về nhà trước, nhất định nó sẽ để phần cho con một nửa.”

“Đừng xem đây là việc nhỏ, nó có thể phản ánh ra tấm lòng của một người, bên trong miếng dưa chứa đựng một bài học lớn về cách ứng xử trong gia đình, khi trái tim đã nguội lạnh, con phải từng chút từng chút sưởi ấm cho nó, mỗi ngày đều luôn nhớ ủ ấm cho nó. Ngược lại khi trái tim đang ấm áp, con từng muỗng từng muỗng nước lạnh đổ vào nó thì một ngày nào đó nhất định sẽ khiến nó nguội lạnh.”

“Con thử suy ngẫm xem, nếu như vợ con cũng giống như con, làm mọi việc đều không nghĩ đến con nữa, lâu dần, con sẽ thấy thế nào?”

Thực sự là một câu nói thức tỉnh một người trong mộng như tôi, tôi bỗng nhiên phát hiện ra rằng, thường ngày khi trở về nhà, đôi dép được để gọn gàng, nước trà đã để sẵn trên bàn, chiếc ô được để sẵn ngoài cửa ra vào khi trời mưa, đó đều là thể hiện tình cảm yêu thương của vợ tôi, nhưng còn tôi thì sao, lại cứ tùy tiện, coi như không nhìn thấy, không hiểu được những điều đó mà còn suy bụng ta ra bụng người.

Nghĩ ra những điều đó, tôi hổ thẹn vô cùng, tôi vội vàng bưng sủi cảo đã lạnh ra đưa cho vợ: “Cái này không còn nóng nữa rồi, em ăn trước đi!”

Vợ tôi cười: “Anh chỉ giả bộ một chút trước mặt bố mẹ thôi.”

Bố tôi cũng cười: “Có thể hạ quyết tâm đóng giả như thế cả đời thì là người chồng tốt rồi.”

Tình yêu thương phải được thể hiện qua lại giữa đôi bên với nhau, hãy cảm thông với một nửa của bạn, đừng cho rằng mọi chuyện là họ cố tình gây sự với mình, mà hãy suy ngẫm tìm sai sót của bản thân mình.

Hạnh phúc không phải là ở trong một căn nhà lớn bao nhiêu mà là bên trong căn nhà có bao nhiêu tiếng cười hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải là lái một chiếc xe rất sang trọng, mà là người lái xe có thể bình an trở về nhà.

Hạnh phúc không phải là yêu một người vô cùng xinh đẹp, mà là yêu một người có vẻ mặt cười sáng láng.

Hạnh phúc không phải là nghe được bao nhiêu lời nói ngọt ngào, mà là lúc tổn thương có thể có người nói với bạn rằng: “Không sao cả, có anh ở đây rồi.”

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Vợ chồng sống bên nhau 75 năm, chết trong vòng tay của nhau.

Vợ chồng sống bên nhau 75 năm, chết trong vòng tay của nhau.

Bà Jeanette và ông Alexander sống hạnh phúc bên nhau cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. (Hình Jackie Batts cung cấp báo chí)

SAN DIEGO – Chuyện tình của bà Jeanette và ông Alexander Toczko được mô tả như là một thiên tình sử vừa giản dị vừa vĩ đại.

Cả hai vợ chồng đều sinh ra tại Stamford, tiểu bang Connecticut, vào năm 1919. Hai người gặp nhau khi họ mới lên 8 tuổi, và ngay lập tức bắt đầu hẹn hò. Tám mươi tám năm sau đó, sau gần 75 năm chung sống, cặp này vẫn say mê nhau như ngày họ mới gặp nhau.

Aimee Toczko-Cushman, con gái của đôi vợ chồng này, nói với chi nhánh KGTV của đài ABC, “Cha tôi mang theo trong ví của ông một tấm ảnh của mẹ tôi mặc trang phục Rước Lễ của bà.”
Thấy khó mà xa nhau được một khoảnh khắc, bà Jeanette, 96 tuổi, và ông Alexander, 95 tuổi, đã có một niềm hy vọng chung, khi họ đến tuổi hưu trí: chết trong vòng tay của nhau. Chỉ sắp đến dip kỷ niệm lần thứ 75 hôn lễ của họ, ước nguyện cuối cùng của ông bà Toczko đã được viên thành.

Bà Aimee nói về cha mẹ, “Trái tim của họ đập chung một nhịp, theo như tôi còn nhớ được.”
Kết hôn vào năm 1940, đôi uyên ương này dành những thập niên đầu tiên của cuộc hôn nhân làm việc tại thành phố New York, và đi du lịch vòng quanh thế giới. Cuối cùng họ dời đến ở San Diego vào đầu thập niên 1970.

Dưới ánh nắng California, mối tình keo sơn của họ vẫn tiếp tục, không xảy ra vấn đề nào cả, cho đến tận năm nay.
Ông Alexander vẫn chơi golf hàng ngày, cho đến khi tai nạn xảy ra. Ông Richard Toczko, con trai của cặp vợ chồng này, nói về cha mình, “Hẳn là cha tôi đã bị té. Ông bị bể xương hông. Sức khỏe của ông sa sút nhanh.”
Không muốn tách lìa cha mẹ trong những giây phút cuối cùng họ ở bên nhau, hai người con ông Richard và bà Aimee đã nhờ viện dưỡng lão mang giường của ông Alexander vào trong ngôi nhà của đôi vợ chồng, và đặt chiếc giường này ngay bên cạnh giường của vợ ông. Khi sức khỏe của ông Alexander tàn lụi, bà Jeanette cũng trở nên yếu hơn.

Trong một ngày giữ chồng gần bên mình, bà Jeanette hỏi mấy người con về ngày tháng.
Bà Aimee kể, “Bà cứ hỏi chúng tôi, ‘hôm nay là ngày mấy, hôm nay là ngày mấy?’ Chúng tôi nói là tháng Sáu. Và cụ nói rằng đó có phải là ngày 29 tháng 6, và 29 tháng 6 là ngày kỷ niệm lần thứ 75 đám cưới của họ.”

Mặc dù còn nhiều ngày nữa mới đến dịp kỷ niệm hôn lễ của hai vợ chồng, con cái họ vẫn quyết định giả vờ như thể đó là ngày 29. Họ tổ chức cho cha mẹ tiệc kỷ niệm xứng đáng dành cho ông bà, trưng hoa và treo bong bóng đầy trong phòng ngủ của đôi bạn tâm giao.
Bà Aimee kể, “Chúng tôi nói chúc mừng lễ kỷ niệm vui vẻ. Mẹ tôi mừng rỡ vô ngần, vì đó là dịp kỷ niệm của họ. Bà biết rằng ông sắp ra đi, và biết rằng họ đã sống với nhau trong 75 năm.”
Ngay sau lễ kỷ niệm, vào ngày 17 tháng 6, ông Alexander chết trong vòng tay an ủi vỗ về của vợ mình.

Bà Aimee nói, “Ông qua đời trong vòng tay của bà, đúng y như ý ông muốn. Tôi bước vào trong phòng, và nói với mẹ tôi rằng ông đã đi rồi. Bà ôm lấy ông, và nói với cha tôi: Này, đây là điều anh muốn. Anh chết trong vòng tay của em, và em yêu anh. Em yêu anh, chờ em với, em sẽ sớm tới nơi đó.”
Hai mươi bốn giờ sau đó, bà Jeanette qua đời.

Đôi vợ chồng này được mai táng hôm thứ Hai, 29 tháng Sáu, 2015 vừa qua, đúng ngày kỷ niệm lần thứ 75 thực sự của họ, với một tang lễ chung và lễ mừng kỷ niệm ngày cưới.

CHĂM SÓC CHA MẸ GÌA

CHĂM SÓC CHA MẸ GÌA

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Đang ngồi họp, Vân được cho hay có điện thoại khẩn cấp. Chị vội đứng lên, về phòng. Bà hàng xóm nơi mẹ Vân đang ở, cho hay bà cụ vừa được đưa vào nhà thương. Bà cụ té ngã.

Vân vào cáo lỗi với ông chủ rồi xuống lấy xe lái vào bệnh viện thăm mẹ.

Trên đường đi, nàng dùng điện thoại di động báo cho Huân, chồng nàng hay. Huân hiện đang đi công tác ở miền miền Trung nước Mỹ, tuần sau mới về. Rồi suốt mười lăm phút lái xe, nàng suy nghĩ mung lung, với nhiều lo âu, bối rối. Sự việc mà nàng hằng nghĩ trước sau gì cũng xẩy ra, thì bây giờ nó đã đến, hơi sớm một chút.

Sau khi ba Vân mất cách đây dăm năm, mẹ Vân dọn về ở với vợ chồng nàng. Rồi sau một thời kỳ thích nghi với hoàn cảnh mới, nếp sống mới của người góa phụ, bà cụ dọn ra ở riêng.

Cụ tới khu người già trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Cụ nói lên đây ở để đi lễ bái cho gần, lại có mấy cụ già quanh quẩn với nhau cho vui. Nhất là có hai người bạn học từ thuở xưa ở Hải Phòng, mà họ thường hay liên lạc chuyện trò.

Khu người già được lập ra từ hơn mười năm, có 40 phòng, dành cho các cụ độc thân, còn đủ sức khỏe, đi lại được, còn tự chăm sóc nấu ăn, giặt giũ. Các cụ sống hợp quần với nhau rất vui. Ngày ngày các cụ lên Chùa lễ bái, tụng kinh rồi làm công quả. Lâu lâu nhà Chùa tổ chức đi thăm viếng đây đó hoặc đi lễ hội Chùa tại thành phố khác. Đôi khi trời mưa, các cụ ở nhà rủ nhau làm vài hội chắn hoặc bài cào để tiêu khiển giải trí.

Nhưng từ trong thâm tâm thì cụ không muốn phiền con cháu quá lâu. Từ trước tới nay cụ là người rất hoạt động, phải nói là đảm đang nữa. Cùng chồng, cụ đã đôn đáo tìm đường thoát khỏi Sài Gòn vào biến cố 1975, rồi nuôi nấng, gây dựng cho sáu mặt con từ khi còn ở trong nước tới khi sang Hoa Kỳ hơn ba chục năm nay. Cháu nội ngoai các cụ có hơn một tá.

Mọi việc xuôi sẻ cho đến ngày hôm nay.

Thực ra thì từ năm ngoái, cụ đã không được khỏe lắm. Huyết áp lên cao, các khớp xương thì mỗi khi trái gió, trở trời là đau nhức, khiến cụ mất ngủ. Có đêm, cụ chỉ ngủ được có vài ba giờ, nên ban ngày mệt và hay kêu chóng mặt, nhức đầu.

Cách đây ba tuần cụ phải nằm bệnh viện mất mươi ngày vì sưng phổi. Sau khi xuất viện, vợ chồng Vân muốn mời cụ về ở chung một thời gian cho khỏe nhưng cụ một mực từ chối, nói không sao. Vân đã cho anh chị em biết về tình trạng sức khỏe của cụ và mọi người dự định là tháng tới sẽ về để cùng thảo luận coi xem nên làm gì.

Tới bệnh viện, Vân được cô y tá cho hay tự sự.

Số là sáng nay, mấy ông bà hàng xóm sang rủ cụ lên Chùa tụng niệm, như lệ thường. Gõ cửa không có tiếng trả lời, một lão ông bèn đẩy cửa bước vào và thấy mẹ Vân nằm song soài dưới đất, cạnh bàn điện thoại, nét mặt nhăn nhó. Cụ sửa soạn lên Chùa thì bị một cơn chóng mặt, xỉu đi và ngã xuống nền nhà. Cụ cố với tay tới điện thoai để kêu cứu, nhưng đau quá, không lết thêm được.

Bác sĩ đã khám, chụp hình thì thấy cụ bị gẫy xương hông. Cụ hiện đang nằm trong phòng cấp cứu. Bác sĩ chờ thân nhân tới để thảo luận vì cụ cần được giải phẫu.

Vân vào phòng, thấy mẹ nằm thiu thiu mà nước mắt trào ra. Da mặt bà cụ xanh nhợt, vẫn còn phảng phất nét đau đớn. Vân nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, để mẹ tiếp tục ngủ. Nhìn mẹ mà lòng vân bối rối. Cả trăm vấn đề hiện lên trong đầu Vân. Sau giải phẫu, mẹ sẽ ra sao? Liệu có đi lại được không? Huyết áp cao, bệnh phong thấp hoành hành, lại mất ngủ thì sức khỏe chắc là phải sa sút.

Mấy tháng trước, khi vợ chồng Vân đến thăm, thấy cụ cứ than là ăn không ngon miệng, nên đôi khi chẳng thèm nấu cơm, mà chỉ uống ly sữa, ăn miếng bánh khô cho khỏi đói bụng. Coi tủ lạnh, Vân thấy mấy món ăn thiu đã lên men. Vào buồng tắm thấy nước vặn bỏ quên không khóa. Vợ chồng Vân đã lo ngại…

Rồi Vân nghĩ tới hoàn cảnh của mình.

Trong sáu người con, Vân là người duy nhất ở gần mẹ. Mà bà cụ vẫn có cảm tình đặc biệt với Vân, nên trước sau cụ vẫn nói là mai mốt nếu cần “tao chỉ ở với vợ chồng con Vân thôi. Nó bướng bỉnh nhưng có lòng”.

Vợ chồng Vân được hai trai một gái đã vào đại học nên cũng nhẹ gánh. Vân mới được lên chức và trong tương lai gần, sở sẽ cho nàng đi học thêm để lấy bằng chuyên môn. Vân đã sắp xếp như vậy cho mình. Chồng nàng thì cứ vài tháng phải đi công tác xa mươi ngày.

Bây giờ, cơ sự sẩy ra như thế này, mọi dự tính của Vân đều phải xét lại. Để chờ cụ giải phẫu xong rồi tuần sau anh chị em về sẽ tính. Nhưng Vân có linh tính rằng nàng sẽ là người đứng mũi chịu sào. Mẹ mình vẫn muốn vậy, nàng tự nhủ.

Bà cụ chợt tỉnh giấc, mở mắt. Nhìn thấy Vân, Cụ gượng cười. Và trong đôi mắt của mẹ, Vân đọc thấy những nét thất vọng, sợ hãi, chịu thua…

Trường hợp của chị Vân là một trong cả trăm ngàn trường hợp tương tự.

Tuổi thọ con người kéo dài lâu hơn, tới 75, 80 là chuyện thường. Chứ không “Thất thập cổ lai hy” như vào thế kỷ trước. Số những người cao tuổi mỗi ngày mỗi gia tăng. Sức khỏe người già có khá hơn nhờ các cụ biết giữ gìn nếp sống cũng như được cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men đầy đủ.

Nhưng một cơ thể lâu đời vẫn có những thay đổi tự nhiên theo chiều đi xuống cộng thêm những bệnh kinh niên, những tai nạn bất ngờ, với hồi phục chậm chạp. Biết bao nhiêu mất mát đã chồng chất lên niên kỷ, những xói mòn làm mong manh thân xác.

Dù vậy nhiều người già vẫn gắng gượng tự lo, chưa muốn phụ thuộc vào các con. Họ cũng có những kiêu hãnh riêng tư, những niềm tự trọng, đôi khi cũng chỉ e ngại “cảnh cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày ”. Nhưng sức gắng gượng chỉ có hạn, rồi một ngày nào đó cũng yếu đi. Như căn nhà tranh vách đất trước gió bão, cần được chống đỡ.

Và cũng là lúc con cái phải suy nghĩ, xem ai sẽ là người lãnh trách nhiệm. Chắc phải là người có thiện chí, có điều kiện, khả năng và hoàn cảnh thuận tiện.

Phục vụ thân nhân cao tuổi là một vinh dự cho con cái đồng thời cũng là vấn đề quan trọng của nhiều xã hội hiện nay. Tại Hoa Kỳ hiện nay có tới cả 40 triệu người cung cấp chăm sóc không lương cho cha mẹ già. Sự chăm sóc này ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lãnh vực khác. Sẽ có nhiều người vắng mặt ở sở hoặc đi làm trễ; sẽ có dùng nhiều điên thoại để lấy hẹn bác sĩ, gọi mua thuốc. Nhiều nhân viên tới sở than phiền mỏi mệt mất ngủ. Tai nạn tại chỗ dễ sẩy ra. Thay đổi việc làm nhiều hơn. Và số người bị trầm cảm, đau ốm sẽ gia tăng.

Trong thực tế thì có rất ít gia đình đã sửa soạn để sẵn sàng giải quyết việc chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhiều việc xẩy đến bất thường, đòi hỏi có quyết định ngay.

Ông bố đang có sức khỏe tốt, đột nhiên bị tai biến não, liệt nửa thân, nằm bất động cần giúp đỡ với nhu cầu căn bản, thiết yếu hàng ngày: ăn uống, tắm rửa, đại tiểu tiện, cho uống thuốc…

Con dâu đang vừa đi làm vừa trông nom bà mẹ chồng, giờ đây con dâu cũng thường đau ốm. Ai là người sẽ lãnh trách nhiệm săn sóc ông bố? Ai sẽ tiếp tay với mình trông nom mẹ chồng?

Theo kinh nghiệm thì dù có nhiều anh chị em, nhưng trách nhiệm chăm sóc không đồng đều chia sẻ khi bố mẹ cần. Có thể là người con gái lớn với cả một bầy con hoặc cô út chưa đi ở riêng, hoặc nàng dâu nhà ở gần bố mẹ. Đôi khi là cậu con trai cưng. Nhưng thường ra thì chỉ có một người đóng vai chính, thường xuyên.

Nói như vậy không có nghĩa lã không có chia sẻ về tài chánh, về công việc chăm sóc mà qua người này mọi việc được giáo phó, phối hợp và thông báo cho người khác khi cần. Một tiểu gia đình cộng thêm hai cụ thân sinh. Thế hệ người chăm nuôi được ví như thế hệ của một chiếc “ bánh mì kẹp chả” , với trách nhiệm làm cha mẹ, bổn phận làm con và đời sống riêng tư của mình.

Nói đến người săn sóc thường thường là ta nghĩ đến vai trò của người phụ nữ: con gái, con dâu, chị em, cháu. Theo kết quả thăm dò tại Hoa Kỳ, cứ 10 người chăm sóc thì 6 người là con gái hoặc con dâu. Cũng chẳng ai hiểu tại sao. Có lẽ đó là thiên chức của họ sinh ra với những nét dịu dàng, nhậy cảm, những quan tâm, linh động, nhất là đức tính hy sinh, nhẫn nại, thông cảm để chăm sóc chồng con, bố mẹ. Điều đó cũng đúng vì việc tề gia nội trợ, việc chăm sóc nâng niu thì cũng hiếm đàn ông làm hơn quý bà được.

Cho nên khi một bà cụ khoe “tôi ở với con trai” thì thực ra phải hiểu là bà cụ đang ở với con dâu mới công bằng, chính xác. Đàn ông cũng làm được công việc đó nhưng tổng quát hơn, sắp đặt nhiều hơn là đi vào chi tiết. Mà những chi tiết mới là điều mà người phụ thuộc cần và quan trọng đối với họ.

Người đàn bà có chín tháng mười ngày sửa soạn để đón chào đứa con ra đời, nhưng họ không có một phần mười thời gian đó để sẵn sàng cho trách nhiệm nuôi cha nuôi mẹ .Vì sự việc xẩy ra không lường trước.

Vả lại, nuôi con là thấy mỗi ngày chúng vươn ra khỏi vòng phụ thuộc, còn nuôi bố mẹ già thì nhu cầu giúp đỡ mỗi ngày mỗi tăng, mỗi đi sâu vào sự lệ thuộc. Nhiều người như bơi lội quay cuồng trong vai trò mới của mình. Kinh nghiệm chưa có, làm sao học được cách thức điều dưỡng trong vài ngày. Tài chánh giới hạn. Sức khỏe kém. Công việc trở ngại. Ngoài việc làm kiếm gạo, mỗi ngày cũng phải dành ra vài giờ cho việc săn sóc. Họ cảm thấy cô đơn, buồn chán, nhiều khi bực bội, bất mãn, tuyệt vọng. Không còn riêng tư cho mình. Tương lai như ngưng lại. Họ mủi lòng cho người thân, người mà bạn đường đã sớm bỏ ra đi, sức khỏe đang hao mòn và biết rằng đang là gánh nặng cho con cháu.

Tình nghĩa gia đình, lòng hiếu thảo, mặc cảm chịu ơn là những hỗ trợ để người chăm sóc tiếp tục. Họ nghĩ là có bổn phận phải chăm sóc cha mẹ như cha mẹ đã nuôi nấng, trìu mến họ.

Tuy nhiên dù có cứng nhưng cũng có ngày ngả nghiêng trước gió táp. Những chia xẻ trách nhiệm, những giúp đỡ từ anh chị em, thân nhân đã tới lúc cần có vì việc chăm sóc là trách nhiệm chung của cả gia đình.

Thường thì một người tình nguyện chăm sóc thường xuyên. Còn người khác phụ giúp khi được yêu cầu hay khi có cơ hội thuận tiện. Sắp xếp sao để tránh khỏi một người bị kiệt sức. Hoặc đưa tới bất hòa giữa anh chị em. Một người mẹ có thể chăm sóc cả bầy con mười đứa, nhưng khi cha mẹ già thì mười đứa con không chăm sóc được một mẹ. Kể cũng éo le, tội nghiệp.

Sau một thời gian cố gắng, người chăm nom bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn. Đôi khi họ cố tình gạt bỏ những nhu cầu riêng, quên những đau ốm cá nhân để lo cho người thân yêu. Có người từ chối sự tiếp tay của anh chị em hoặc bạn bè, nhóm hội. Họ cứ nghĩ có đủ sức làm mọi việc và nếu nhận sự tiếp tay là thú nhận thất bại, kém khả năng. Có người cho là chỉ có mình mới chăm sóc chu đáo, không tin ở người khác.

Để rồi kiệt sức, ngã bệnh. Thử tưởng tượng một người không có sức khỏe dồi dào, săn sóc một người không khỏe lắm, thì chắc kết quả cũng chẳng được mấy hoàn hảo, như ý muốn của đôi bên.

Theo mấy ông bà thống kê thì người cống hiến chăm sóc bị cao huyết áp gấp đôi người khác, 91% bị trầm cảm, bốn lần bực bội, cau có hơn người nhận. Họ bất mãn vì đã cố gắng hết mình mà tình trạng người thân mỗi ngày mỗi suy kém, nên họ phải cố gắng hơn trong việc chăm sóc. Họ có cảm tưởng như mình là người duy nhất có thể trông nom chu đáo được cho người thân, luôn luôn e ngại rằng sự săn sóc của anh chị em sẽ làm cha mẹ già suy yếu hơn.

Đôi khi họ thấy không có được một thì giờ dành cho mình, một chút riêng tư với chồng con. Rồi tính tình thay đổi, hay cau có, bực tức, giận dỗi vu vơ; cảm thấy khó chịu với người mình đang trông nom, đã chẳng chịu hợp tác lại còn bướng bỉnh, đòi hỏi.

Lâu lâu họ thấy trong người mệt mỏi, ngủ không được. Nhiều sáng họ sợ không dám thức dậy, sợ phải đương đầu với những thường lệ mỗi ngày lại diễn ra.

Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc cũng gây trở ngại cho công việc làm ăn, cho đời sống giao tế hàng ngày. Và đôi khi họ không còn thấy vui vẻ kiêu hãnh về trách nhiệm của mình, hoặc cảm thấy tội lỗi về những ý nghĩ không tốt của mình đối với người thân.

Rồi một lúc nào đó ngã bệnh, buông xuôi…

…Để tiếp tục chăm lo cho mẹ, Vân đã dành cho bản thân chị một vài chăm sóc, nhân nhượng. Vân đã như nghe thấy từng thớ thịt kêu gào với Vân, “cho tôi nghỉ chút xíu chứ, bạn đã sử dụng quá sức lao động của tôi để phục vụ bà cụ rồi đó”!

Vân đã sẵn sàng, dễ dãi tiếp nhận sự giúp đỡ của anh chị em.

Cô Lan ơi, tuần sau lên đón mẹ về với em, đỡ hộ chị mươi ngày nhé, anh chị định đi xả hơi ngoài biển.

Anh Hoan ơi, bác sĩ nói mẹ cần uống thêm sữa đậu nành, hay là anh nói với chị làm hộ em mỗi tuần vài lít nhé.

Chị đã xen kẽ xả hơi và chăm sóc để duy trì sinh lực, lấy lại nhiệt tâm. Dạo này Vân để ý đến ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn. Ngày nào chị cũng dành 15 phút để vận động cơ thể.

Nàng lo nhất là bị rối loạn giấc ngủ. Ban đêm nhiều khi Vân phải thức dậy giúp đưa mẹ vào phòng tắm, lấy miếng nước, viên thuốc cho mẹ. Vân biết là mất ngủ sẽ mau đưa tới nhiều tiêu hao tinh thần thể xác.

Chị cũng đã nghĩ đến một ngày nào đó phải cần đến sự giúp đỡ của các dịch vụ chăm sóc người già của chính phủ, của các tổ chức trong cộng đồng, tôn giáo, xã hội, những nhóm hỗ trợ tư nhân, trung tâm chăm sóc ban ngày. Các dịch vụ này có sẵn tại mỗi địa phương lớn nhỏ tại Hoa Kỳ.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là nói chuyện với anh chị em. Để phân chia công việc săn sóc, phụng dưỡng người mẹ cô đơn được chu đáo trong những năm tháng còn lại của Mẹ…

Vì:

“ Mẹ già như chuối chín cây”.

Rụng lúc nào, không biết.

Cũng như Cha đã về nguồn cách đây mấy năm.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.

www.bsnguyenyduc.com

Tác giả: Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.

Buổi hẹn với Người Đàn Bà Khác

Buổi hẹn với Người Đàn Bà Khác

Sau 21 năm lập gia đình, tôi tìm ra được phương cách mới để giữ cho tình yêu lúc nào cũng bừng cháy trong tim .

Vài tháng trước đây tôi bắt đầu đi lại với một phụ nữ, mà mọi việc bắt đầu do vợ tôi đề nghị.

Một hôm, vợ tôi nói :”Em biết rõ anh yêu người phụ nữ đó” làm cho tôi ngạc nhiên.

“Nhưng anh yêu em mà” tôi phản đối.

“Em vẫn biết thế, nhưng em biết là anh cũng yêu bà ấy nữa”.

Người đàn bà mà vợ tôi thúc giục tôi tiến tới chính là MẸ tôi, một goá phụ sống một mình đã 19 năm nay. Vì công việc làm ăn bề bộn, vì bận bịu với 3 con còn nhỏ, tôi chỉ đến thăm mẹ tôi bất thường. Thế là tối hôm ấy tôi gọi mời mẹ đi ăn cơm chiều và đi xem ciné với tôi.

“Có chuyện gì thế, con bệnh à?” Mẹ tôi hỏi .Bà vốn là người hay lo nếu tôi gọi vào giờ khuya hoặc đến thăm bất chợt đều là dấu hiệu không tốt.

“Không có gì cả, con chỉ nghĩ là nếu mẹ con mình gặp nhau, nói chuyện một chút thì hay biết mấy”.

Tôi nhấn mạnh, “Chỉ có 2 mẹ con mình thôi, mẹ ạ”.

Mẹ tôi lặng đi một giây, rồi trả lời: “Được con, Mẹ thích lắm!”

Thế là thứ sáu đó sau khi tan sở, tôi vội vàng đến đón mẹ tôi, thành thật mà nói, tôi cũng cảm thấy hồi hộp, bồn chồn .

Khi đến nhà bà, tôi cũng có cảm tưởng mẹ tôi hồi hộp không kém. Mẹ đứng chờ ở cửa đã mắc sẵn áo khoác. Tóc uốn chải cẩn thận, và trên người là chiếc áo dài mẹ đã mặc vào dip ăn mừng kỷ niêm lễ thành hôn lần cuối . Một nụ cười rạng rỡ, hiền hậu trên mặt mẹ.

Khi ngồi vào xe, mẹ sung sướng nói:” Mẹ khoe với các bà bạn là mẹ được cậu con trai mời đi ăn, làm các bà ấy ghen với mẹ, các bà ấy nóng lòng chờ nghe mẹ kể lại cuộc hẹn hò với con.”

Tôi chở mẹ tới một nhà hàng tuy không thật là sang nhưng rất ấm cúng. Mẹ khoác tay tôi hãnh diện bước vào nhà hàng như một phu nhân quí phái

.Sau khi ngồi xuống, tôi bắt đâu đọc thực đơn cho mẹ chọn, vì mắt mẹ đã kém, chỉ đọc được chữ in to thôi. Đọc nửa chừng, tôi ngước lên nhìn mẹ, thấy mắt bà đang chăm chú nhìn tôi, Mẹ mơ màng mỉm cười .

“Trước đây mẹ vẫn đọc thực đơn cho con, ngày con còn nhỏ .”

“Thế thì đây là dịp mẹ thoải mái cho con hầu mẹ lại” tôi đáp lời mẹ.

Suốt bữa ăn mẹ con tôi vui vẻ chuyện trò. Câu chuyện tuy không có gì đặc biệt, nhưng những lời trao đổi đã cho chúng tôi biết rõ được những điều mới nhất trong đời sống của nhau. Chúng tôi nói liên miên đến nỗi làm lỡ cả giờ coi chiếu bóng. Khi đưa mẹ về, mẹ tôi nói:” Mẹ chỉ đi nữa, nếu lần sau con để mẹ mời lại con”. Tôi vui vẻ chấp nhận ngay.

“Sao anh đi ăn có vui không ?” Vợ tôi hỏi khi tôi bước chân vào nhà.

“Mọi sự tốt đẹp ngoài sự tưởng tượng của anh” tôi trả lời.

Vài hôm sau đó mẹ tôi đột ngột qua đời về bịnh tim. Sự việc xảy ra quá nhanh khiến tôi không làm gì được cho mẹ.

Ít lâu sau tôi nhận được một phong bì trong đó có biên lai của nhà hàng mà mẹ con tôi đã dùng cơm ở đó, kèm thêm một lá thư ngắn của bà.

“Mẹ đã trả tiền trước rồi, dù mẹ biết khá rõ là mẹ sẽ không đến được, nhưng mẹ vẫn trả cho 2 phần ăn, một cho con, và một cho vợ con. Con biết không, con đã mang đến cho mẹ một buổi tối tuyệt vời, không biết nói sao cho vừa! MẸ YÊU CON”.

Nước mắt rưng rưng, tôi chợt hiểu là câu nói YÊU nhau quan trong chừng nào đối với những người thân yêu chung quanh mình .

Trên đời này, không có gì quan trọng hơn Thượng Đế và gia đình, hãy cho họ cái thời gian mà họ đáng được hưởng, vì họ không có thể chờ đến ngày mai.

Một người nào đó đã nói:”Tôi đã học được một điều. Dẫu cho có bất hoà với mẹ cha thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn thiết tha nhớ tới người khi người đã qua đời.”

S.T.

Vợ ơi đánh mất em, như gãy xương sườn anh vậy!

Vợ ơi đánh mất em, như gãy xương sườn anh vậy!

Xin chia sẻ một truyện ngắn hay và cảm động về tình yêu thương

Anh ta từ một kỹ sư xây dựng mới chân ướt chân ráo bước ra khỏi cánh cổng trường đại học và sau đó xây dựng đội ngũ kỹ thuật của riêng mình. Bây giờ, đã trở thành ông chủ một công ty xây dựng có tiếng tăm trong thành phố.
Bên cạnh anh có quá nhiều cám dỗ. Trong khi đó, vợ anh ngày càng xấu đi, thân hình trở nên xồ xề, da dẻ cũng không hồng hào, mịn màng như trước. So với vô vàn kiều nữ bên cạnh anh, vợ anh thật quê mùa, ảm đạm. Sự hiện diện của vợ nhắc nhở quá khứ tầm thường, thấp kém của anh.

Anh nghĩ cuộc hôn nhân này nên chấm dứt ở đây. Anh gửi vào tài khoản của vợ 500 triệu, mua cho cô một ngôi nhà ở trung tâm thành phố nhộn nhịp. Anh không phải người đàn ông vô lương tâm. Vì vậy, nếu như không sắp xếp cuộc sống ổn thỏa cho vợ anh sau này, anh sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi… Cuối cùng, anh chủ động đề nghị ly hôn.
Vợ anh ngồi đối diện, trầm tư nghe anh giải thích lý do ly hôn. Đôi mắt ấy rất đỗi dịu dàng. Nhưng 20 năm làm vợ chồng, anh quá hiểu rõ về cô, đằng sau đôi mắt hiền dịu ấy, anh biết rằng trái tim cô đang rỉ máu. Anh chợt nhận ra mình thật tàn nhẫn.

Ngày vợ anh đồng ý rời khỏi nhà. Công ty phải giải quyết một vài vấn đề, anh bảo cô đợi ở nhà, trưa về anh sẽ giúp cô chuyển nhà, chuyển đến căn hộ chung cư anh mua cho. Đồng nghĩa với việc cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm sẽ kết thúc tại đây.
Buổi sáng ngồi trong phòng làm việc, anh bồn chồn, thấp thỏm. Đến trưa, anh vội vã về nhà. Căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, vợ anh đã đi mất rồi. Trên bàn đặt chiếc chìa khóa nhà anh mua cho cô, sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và một bức thư cô viết cho anh.

Đây là bức thư đầu tiên mà cô viết cho anh:

“Em đi đây, em về nhà mẹ. Chăn em giặt phơi khô rồi đấy, cất ở ngăn cuối cùng bên trái tủ quần áo. Trời lạnh anh nhớ lấy ra đắp. Giày da tất cả em đều đánh xi rồi nhé, nếu anh không tự mình đánh được thì mang đến tiệm ông Tư đầu ngõ ấy. Sơ mi treo ở phía trên, vớ, thắt lưng ở trong ngăn kéo phía dưới tủ. Mua gạo nhớ mua gạo tám thơm của Thái Lan, anh nhớ vào siêu thị mua nhé, mua bên ngoài anh không thạo người ta bán hàng giả cho đấy. Dì Hai mỗi tuần đều đến dọn dẹp nhà cửa một lần, cuối tháng anh nhớ gửi tiền cho dì ấy. Còn nữa, đồ cũ cứ cho ông Tư đầu ngõ nhé, ông ấy gửi về quê cho bọn trẻ con, chắc chúng nó sẽ vui lắm.

Dạ dày anh không tốt, em đi rồi anh nhớ uống thuốc đều đặn. Thuốc em nhờ người ta mùa từ Quảng Bình, có lẽ cũng đủ dùng nửa năm. Anh ra ngoài thường quên mang theo chìa khóa nhà, em gửi một chùm ở chỗ bảo vệ, lần sau nếu quên thì đến đấy lấy nhé. Buổi sáng đi ra ngoài anh nhớ đóng cửa sổ, mưa tạt vào sẽ làm ướt nhà đấy. Canh cá lóc – món mà anh thích em để ở trong tủ lạnh. Anh về nhớ hâm lại rồi hãy ăn nhé.
Gửi anh, người em yêu nhất ”

Những dòng chữ xiêu vẹo nhưng tại sao nó cứ như những viên đạn bắn vào trái tim anh, mỗi viên đều mang theo tấm chân tình xuyên thẳng vào ngực – đau nhói.
Anh từ từ đi vào nhà bếp. Mỗi đồ vật ở đây đều lưu giữ dấu tay, hơi thở của cô. Anh chợt nhớ về 20 năm trước, anh làm ở công trường xây dựng dầm mưa dãi nắng. Những ngày tháng bần hàn của cuộc đời đều có cô bên cạnh. Nhớ lại bát canh cá lóc nóng hổi đã sưởi ấm trái tim anh trong những ngày mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, nhớ lại giây phút anh đã từng hứa với lòng mình nhất định sẽ mang lại hạnh phúc suốt đời cho cô.

Anh quay người, nhanh chóng khởi động xe.
Nửa tiếng sau, cuối cùng anh cũng tìm thấy cô đang đợi tàu trở về quê.
Anh giận dữ nói: “Em muốn đi đâu? Anh làm việc mệt mỏi cả ngày, về đến nhà, đến cơm nóng cũng không có mà ăn. Em làm vợ như vậy à? Về nhà với anh ngay”.
Anh trông rất hung dữ và thô lỗ!
Đôi mắt cô ướt nhòe, cô đứng lên, ngoan ngoãn theo sau anh đi về nhà. Giọt nước mắt xen lẫn niềm vui ……
Cô không biết rằng, lúc này đi trước cô, anh đang dằn lòng cố kìm nén những giọt nước mắt …Suốt quãng đường từ nhà đến đây, anh thực sự rất sợ, sợ không tìm thấy cô, sợ từ đây sẽ mất cô mãi mãi.

Anh tự trách mình sao lại ngu ngốc đến vậy, hóa ra đánh mất cô ấy cũng giống như anh đánh gãy xương sườn của mình…Hai mươi năm đồng cam cộng khổ, hai người đã buộc chặt cuộc đời mình vào nhau, mãi mãi không thể tách rời.
Tại thời điểm sai lầm, địa điểm sai lầm, chỉ cần gặp được đúng người, tất thảy mọi thứ đều sẽ đúng.
Giàu có thực sự không phải số tiền trong thẻ ngân hàng, mà là nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt bạn.
Tiền nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là tìm được một người toàn tâm toàn ý yêu thương bạn.
Trên thế giới này, hạnh phúc nhất là 3 từ “ta yêu nhau”. Hiểu được bản thân mình muốn gì, thế giới mới có thể hiểu được bạn.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Tìm đâu hạnh phúc?

Tìm đâu hạnh phúc?

Đời-em-tìm-đâu-ra-hạnh-phúc

Bất hạnh, em thấy đời mình ngập tràn bất hạnh! Cảm nhận ấy không chỉ đến trong giây phút nào đó nhưng trải dài cả đời em…

Từ thuở chào đời em đã khóc! Em biết, ai cũng khóc khi vừa lọt lòng mẹ. Thế nhưng, những tiếng khóc chào đời khác được đáp lại bởi vòng tay yêu thương của cha, bởi dòng sữa ngọt ngào của mẹ; còn em, tiếng khóc ấy không tìm được lời đáp khi em bị bỏ lại trong một góc phố khuất vắng khi em được sinh ra. Em đã khóc, khóc hết nước mắt, khóc đến tím tái, khóc đến lặng đi.

Lớn lên trong nhà mồ côi, đời em là một dấu chấm lặng dầu được sống giữa bao bạn cùng cảnh ngộ, sống trong tình thương yêu bao bọc của những tấm lòng hảo tâm. Những tình cảm ấy phần nào bù đắp, nhưng không thể khỏa lấp khoảng trống trong đời em. Bởi em nhận ra tuổi thơ mình không giống như các tuổi thơ khác, không có một gia đình thực sự: có mẹ có cha yêu thương vỗ về.

Trong trường lớp, em thuộc về một thế giới riêng. Trong khi bạn bè có cha mẹ đón đưa, em thì không. Em thầm ước mong có được những lời dặn dò hướng dẫn, những hành vi dạy dỗ uốn nắn, cho dù đó là lời mẹ mắng la hay bị cha đánh đòn … Thế nhưng, em thậm chí chưa một lần được biết mẹ em ra sao, cha em thế nào!

Ra đời, em mang theo mình một nỗi mặc cảm. Nó ẩn sâu đâu đó nơi em, nhưng rồi chợt ùa đến bủa vây mỗi khi em thất bại, thua kém bè bạn. Nó bày ra trước mắt em cả một quá khứ đau thương và một hiện tại phũ phàng. Nó nhấn em ngập chìm trong biển khổ của đời mình … Thường con người ta khi cùng đường bí lối nơi đường đời, vẫn còn hy vọng tìm được đường về với gia đình, tựa nương nơi cha, thở than cùng mẹ; còn em thì không, em nào biết đến mẹ nào để đỡ, cha nào để nâng.

… Phũ phàng, bế tắc! Đời em tìm đâu ra hạnh phúc?

Bỏ lại tất cả, em đăng ký tham gia một hoạt động nhân đạo, mong tìm được đâu đó chút bình an tĩnh lặng cho đời mình. Thủa ở cô nhi viện, em có dịp gặp gỡ nhiều đoàn từ thiện. Lục lọi trong ký ức, em thấy lờ mờ đâu đó vài niềm vui khi bắt gặp được ánh mắt và sự cảm thông chia sẻ của ai đó trong đoàn từ thiện ấy. Đó là chút ánh sáng leo lét còn sót lại nơi cuộc đời tăm tối của em.

Đến với mái ấm của những chị em lầm lỡ, em biết đến cảnh đời nổi trôi của những người mẹ trẻ. Các chị được giúp đỡ để chờ mong đến ngày chào đời của những người con. Các em bé ấy được sinh ra trong vòng tay người mẹ, thiếu vắng tình cha. Thế nhưng các em vẫn hạnh phúc hơn những thai nhi xấu số không có được cơ hội cất tiếng khóc chào đời, bởi người mẹ đã nhẫn tâm phá bỏ sự sống mong manh ấy. Mường tượng ra ngày mình cất tiêng khóc chào đời, em nước mắt rưng rưng. Bởi em biết rằng ít nhất em đã được sinh ra trên cõi đời này! Nếu không được sinh ra, em không biết mình là gì, ở đâu …

Đến với trung tâm khuyết tật, em chẳng thể cất nên lời bởi có gì đó ngẹn ứ nơi cuống họng, ngẹn ngào trong trái tim. Nếu đời em là bất hạnh, em biết dùng lời lẽ nào để diễn tả đời sống của các bạn nơi đây. Không cha, không mẹ, không cả một tấm thân bình thường! Cảnh thiếu mẹ vắng cha, em có thể hiểu. Thế nhưng, được sinh ra và lớn lên với một cơ thể khỏe mạnh lành lạnh, em không thể hình dung ra thế nào là cảm nghĩ của các bạn nơi đây khi mà các bạn phải vật lộn từng ngày với những khiếm khuyết như thế của cơ thể. Bỡ ngỡ và lạ lùng, em không hiểu nổi tại sao đa số các bạn ấy vẫn có thể vui vẻ, lạc quan và hạnh phúc ngay giữa những nghịch cảnh của đời họ như thế. Họ tìm đâu ra hạnh phúc ấy?…

Bừng tỉnh, lần đầu tiên em thấy đời mình ý nghĩa và hạnh phúc. Giờ đây, em không còn phải trộm nghĩ về câu hỏi “Tìm đâu để có được hạnh phúc?”, vì em đã biết mình phải tìm hạnh phúc nơi đâu: “Chính lúc cho đi là khi lãnh nhận!”

Vinhsơn Phạm Văn Đoàn, S.J.

Suy Tư Về Việc Hoa Kỳ Chấp Thuận Hôn Nhân Đồng Giới

Suy Tư Về Việc Hoa Kỳ Chấp Thuận Hôn Nhân Đồng Giới

TRẦM THIÊN THU

Ngày 26-6-2015, Hoa Kỳ đã hợp pháp hóa việc hôn nhân đồng giới. Một tiếng sét ngang tai đối với người Công giáo. Chúng ta nên làm gì?

Hôn nhân truyền thống là điều tốt lành của Thiên Chúa, sự thiết lập này được thể hiện qua việc kết hợp của một người nam và một người nữ, nhờ đó mà xã hội phát triển. Nhưng người ta không tin như vậy. Đa số thất vọng với quyết định của Hoa Kỳ về việc chấp nhập hôn nhân đồng giới. Kinh khủng quá!

Cơn cám dỗ này là sự hôi thối sỉ nhục trong góc thánh thiện, là đào hố sâu dưới chân chúng ta, là cú đá ngược bất ngờ khiến chúng ta thất vọng. Nhưng chúng ta vẫn khả dĩ làm tốt hơn bằng cách ấp ủ Tám Mối Phúc:

Hãy vui mừng, không chỉ trong quyết định, mà còn vui mừng trong Chúa, và hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu nói: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11).

Vui mừng cái gì? Hãy chú ý những điều quan trọng: Thiên Chúa vẫn hiện hữu, không phải Ngài không biết, nhưng Ngài làm ngơ và chờ đợi chúng ta ăn năn sám hối; sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô vẫn mãi là sức mạnh cứu độ đối với mọi người; Tin Mừng vẫn làn tỏa khắp nơi; Tòa án Tối cao hoặc Quốc hội Hoa Kỳ không thể chống lại Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô, vì Ngài đã xác định với giáo hoàng tiên khởi: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16:18). Chắc chắn “không có gì tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô” (Rm 8:35). Nước Thiên Chúa sẽ ngự đến – và vẫn có những công việc để chúng ta làm trong Giáo Hội và trong xã hội ngày nay.

HÃY SÁM HỐI. Hiện nay một cơn cám dỗ khác đang nhắm vào các sức mạnh về chính trị, xã hội, triết học, tâm linh, để chống lại Giáo Hội và giáo huấn luân lý. Thánh Phaolô khuyên chúng ta khi tham gia cuộc chiến thiêng liêng: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phóđứng vững trong ngày đen tối” (Ep 6:10-13). Chúng ta nên làm gì và có thái độ thế nào khi xã hội loại bỏ các giá trị đạo đức? Hành động trái ngược đã bộc lộ nỗi sợ hãi và dịnh kiến. Đam mê của chúng ta có nguồn gốc từ tội lỗi liên quan tình dục, lãnh đạm với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thói tham lam, thói giả hình, tính vị kỷ,… Tu thân rồi mới tề gia, sau đó mới khả dĩ trị quốc và bình thiên hạ. Bắt đầu là điều khó, bắt đầu từ chính mình lại càng khó hơn. Nhưng ai cũng PHẢI bắt đầu. Tu thân là sửa tính nết, canh tân lối sống, sám hối tội lỗi: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5).

HÃY SUY NGHĨ LẠI. Hãy suy nghĩ về những gì mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Hôn nhân đồng giới là trái tự nhiên, là “cặp đôi KHÔNG hoàn hảo”.

Một vấn đề đòi hỏi suy nghĩ nghiêm túc là việc ly hôn, ly thân và tái hôn. Kinh Thánh nói nhiều về hôn nhân. Sách Khôn Ngoan cảnh báo: “Họ quả không coi trọng mạng sống và xem thường cuộc hôn nhân trong sạch. Người này giăng bẫy sát hại người kia, người ta giết nhau bằng thủ đoạn hoặc làm khổ nhau vì chuyện ngoại tình. Nơi đâu cũng hỗn loạn: đổ máu và giết người, cướp giật và lừa đảo, nhũng lạm, bất tín, bạo loạn, bội thề. Vàng thau lẫn lộn, bội nghĩa vô ân, tâm hồn nhơ nhuốc, dục tình đồi bại, rồi hôn nhân hỗn loạn, ngoại tình và phóng đãng” (Kn 14:24-26). Thiên Chúa quả quyết: “Ta ghét việc rẫy vợ, và kẻ lấy thói bạo tàn làm áo che thân. Hãy coi chừng và chớ phản bội!” (Mlk 2:16). Và Chúa Giêsu dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6; Mc 10:9). Đó là Ngài nói về hôn nhân lưỡng tính (một nam và một nữ) chứ không là hôn nhân đồng tính (một nam và một nam, hoặc một nữ và một nữ). Thế nhưng người ta nới lỏng Luật Chúa và không tôn trọng lời thề hôn nhân. Người ta coi thường Thánh Ân nên không muốn tuân giữ Thánh Luật. Sự mâu thuẫn đã làm đảo lộn trật tự xã hội vì người ta muốn thoát ra khỏi Giáo Hội. Giáo Hội cấm ly hôn chứ không cấm tái hôn, nhưng chỉ tái hôn khi một người không còn (qua đời) chứ không tái hôn sau khi ly hôn.

Ai khao khát sự công chính thì sẽ được mãn nguyện: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6). Nhưng khao khát thì phải hành động chứ không “há miệng chờ sung rụng”.

HÃY SẮP ĐẶT LẠI. Chúng ta đang “sống lưu vong” và “lữ hành trần gian”. Một thanh niên Miến Điện đến Hoa Kỳ vài tháng trước. Anh ta nói rằng ở Miến Điện, các Kitô hữu bị hạn chế xây dựng nhà thờ và trường học. Hành vi thù địch về xã hội và chính trị đã khiến anh chống đối, anh phải trốn sang Indonesia. Tại đây, anh bị tù 7 tháng vì không có giấy tờ tùy thân. Nhờ tổ chức World Relief, anh được đến Hoa Kỳ, phải “vật lộn” với ngôn ngữ mới và văn hóa mới, trong khi phải nuôi sống gia đình với số lương bèo bọt. Nghĩa là anh ta phải sắp xếp lại mọi thứ để sớm thích nghi với hoàn cảnh mới với mọi thứ mới.

Đó là một dạng sống lưu vong, dù xã hội Hoa Kỳ vẫn cho phép tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tôn trọng nhân quyền, cho phép công dân tham công việc gia quản trị. Tự do luôn có sẵn hầu như ở mọi nơi trên thế giới. Kiến tạo hòa bình là điều tốt chung: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Nói chung, chúng ta phải sắp xếp lại quan điểm và hoạt động chính trị.

HÃY VƯƠN XA. Vấn đề hôn nhân đồng giới đã được hợp pháp hóa ở Hoa Kỳ, chúng ta buồn nhưng chúng ta lại có cơ hội để xây dựng các mối quan hệ đơm hoa kết trái với những người ghét các Kitô hữu: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44; Lc 6:27). Về điểm này, người Công giáo chúng ta bị coi là mối đe dọa đối với chính trị. Chúng ta “mất mát” về vấn đề hôn nhân đồng giới, mối đe dọa đã không còn. Chúng ta hãy mong đợi những cơ hội mới để có dịp chia sẻ về Lòng Chúa Thương Xót: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Đó chính là Tin Mừng vậy.

HÃY TỰ HÀO. Thánh Phaolô động viên: “Hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em” (2 Cr 13:11). Vả lại, chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta ngay trong bước ngoặt lịch sử này – Hoa Kỳ chấp thuận hôn nhân đồng giới. Trong quá khứ, Giáo Hội hồi thế kỷ IV có trách nhiệm suy tư vầ bản chất của Đức Kitô, Giáo Hội hồi thế kỷ XVI có trách nhiệm suy tư về mối quan hệ giữa đức tin và công việc, còn hiện nay, Giáo Hội có trách nhiệm suy tư về vấn đề giới tính. Điều chúng ta dạy và việc chúng ta làm trong thời đại chúng ta sẽ định hình tư tưởng của Giáo Hội và cuộc sống đối với các thế hệ tương lại.

Đây không chỉ là lời kêu gọi đối với các vị lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội, mà còn đối với mỗi gia đình Kitô giáo. Dù chúng ta có đi vận động hành lang ở sảnh Quốc hội hay không để xem việc buôn bán người hoặc dạy trẻ em về tặng phẩm tình dục quý giá thế nào, chúng ta vẫn đang củng cố và định hình giáo huấn của Giáo Hội về giới tính.

Chúng ta đang bước vào tương lai chưa biết sẽ đáng quan ngại hay hay không, nhưng cần có lòng khiêm nhu và tự tin: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4). Đức Kitô là Thiên Chúa Ngôi hai và vẫn là Hoa Tiêu điều khiển Con Tàu Giáo Hội. Phúc cho ai chân nhận điều này, vì họ sẽ được Nước Trời làm gia nghiệp đời đời!

MARK GALLI

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ ChristianityToday.com)

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Con Cái Thời Nay

Con Cái Thời Nay

Huy Phương

Xem tin tức ở Việt Nam chúng ta thường nghĩ đến lúc đạo lý đã suy đồi. Thời gian qua, số vụ án con cái giết cha mẹ đang có chiều hướng gia tăng. Trên báo chí, không thiếu tin tường thuật những vụ án mạng tàn bạo do những đứa con bất hiếu thẳng tay đâm chém cha mẹ dù chỉ với những bất bình nhỏ.

Nếu kể chuyện nghịch nữ hoặc nghịch tử ở Việt Nam, hẳn phải mất hàng nghìn trang giấy: Tơ Đênh Triệu (Quảng Nam) say rượu giết cha. Đặng Hùng Phương (Vĩnh Long) giết cha rồi đem lên Sài Gòn phi tang. Trần Văn Kiệt (Tây Ninh) đâm cha sau một lần cãi vã. Lê Văn Lực (Thanh Hóa) chỉ vì lời mắng “đồ ăn hại” đã đoạt mạng cha mình. Nguyễn Xuân Hậu (Lào Cai) chỉ vì bị la không chịu lo sửa soạn Tết đã đâm chết cha. Nguyễn Khả Đ. (Rạch Giá) giết mẹ rồi giấu xác trong lu nước. Nguyễn Thị Phin (Tây Ninh) giết mẹ chiều 30 Tết để lấy tiền, vàng. Nông Văn Thùy (Bắc Giang) xin tiền không được, đã vung chày sát hại mẹ. Bùi Minh Đạt (Hà Nội) vì mâu thuẫn đất đai, đã dùng dao chém nhiều nhát vào cổ, đầu, tay mẹ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Lê Văn Phước (Đồng Nai) trong lúc tắm rửa, vệ sinh cho người mẹ 82 tuổi bị tai biến, đã liên tục chửi bới và đánh đập khiến bà cụ tử vong…

Chúng ta những người Việt đang sinh sống ngoài Việt Nam, ở Hoa Kỳ hay các nước khác thường cho là mình may mắn không phải sống ở cái đất nước đạo lý suy đồi, luân thường bại hoại. Nước Mỹ có 320 triệu dân, nửa năm chưa xảy ra một vụ án mạng con giết cha mẹ, đất nước Việt Nam chỉ có 90 triệu dân, tuần nào cũng có chuyện cha mẹ bị con đâm chém. Nhưng như thế có phải cha mẹ người Việt sống ở Mỹ, đời sống được bảo vệ và có hạnh phúc hơn không? Sở dĩ chúng tôi trình bày như vậy, vì giữa văn hóa Việt và Mỹ có những phần khác biệt.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường trong “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” (Nguyễn Hiến Lê dịch) đã cho rằng người cao niên ở Mỹ về già vẫn làm việc hăng hái, vì họ theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá, tự đắc, muốn độc lập, cho sự nhờ vả con cái là tủi nhục. Trong các quyền của công dân không có cái quyền của cha mẹ được con cái phụng dưỡng. Tại phương Tây, ông già bà lão không muốn xen vào đời sống của con, lánh mặt trong một nơi nào đó, tự lo cho cái ăn ngủ của mình. Người Trung Hoa (và người Á Đông?) không có cái quan niệm cá nhân độc lập, mà cho rằng những người trong gia đình có bổn phận giúp nhau, nếu về già mà phải nhờ cậy con, có điều chi mà xấu hổ!

Bản năng của muôn loài là thương yêu và bảo vệ con. Con gà mẹ dùng đôi cánh che chở cho bầy gà con trước sự hung hiểm của diều hâu. Con chim bay xa tha mồi về mớm cho con non nớt yếu đuối bên bờ tổ. Hung dữ như cọp beo cũng không có loài nào ăn thịt con. Nhưng muôn loài cũng không có cái cảnh nào có đàn con đi kiếm thức ăn cho những người sinh nở ra chúng lúc họ về già, không còn khả năng săn nhặt, nằm chờ chết trong hang ổ. Nhà văn Lâm Ngữ Đường cho rằng, “Người nào cũng yêu con, nhưng người có văn hóa mới biết thương yêu cha mẹ!”

Ở Mỹ, trong giờ hành chánh mà một đứa con lang thang ngoài đường, thì cảnh sát lập tức kết tội cha mẹ của chúng, nhưng một cụ già bị bỏ ngoài đường thì người ta tìm đến sở xã hội, liệu có ai truy tìm và lên án những đứa con.

Chúng ta phải chờ vài ba thế hệ nữa may ra, chứ hiện nay, các bậc cha mẹ người Việt ở Mỹ, tâm lý vẫn chưa sẵn sàng, còn cảm thấy tổn thương và đau khổ, than trách khi bị con cái đẩy ra khỏi nhà. Những vị cao niên Mỹ không ai than phiền vì con cái không quan tâm hay “bỏ rơi” mình. Đối với họ, con trên 18 tuổi đã ra khỏi gia đình, vì muốn cho con tự lập, có khi muốn con đi học xa, thăm hỏi, quan tâm là điều tốt, nhưng cha mẹ không bao giờ kỳ vọng nơi con cái khi mình về già, trông đợi sự giúp đỡ của con. Cha mẹ và con cái từ đây hết còn bổn phận với nhau. Do đó, họ chuẩn bị để dành tiền, đầu tư, mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm “sức khỏe lâu dài,” chuẩn bị “hậu sự” cho mình.

Như vậy các bậc cha mẹ này không còn cảm thấy đau khổ vì những lý do về con cái.

Trái lại người Việt hay Á Đông luôn cho rằng trong trăm nết thì chữ hiếu đứng đầu (Bách hạnh hiếu vi tiên). Theo Phật Giáo thì “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.” Khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc thì đem lòng ai oán, nhất là vào buổi giao thời, vẫn thường so sánh lối sống của gia đình ngày xưa, với lối sống “Mỹ hóa” bây giờ của con cái, và cũng vì chính sự đổi thay quá nhanh chóng của con cái, sinh ra ở Mỹ, hay chịu lối sống Mỹ quá sớm, hoặc là dùng chữ gia đình “vô phước” như cách than phiền của nhiều vị.

Quí vị đã có dịp lui tới chuyện trò với các vị cao niên người Việt trong các nhà dưỡng lão, đã thường biết đến nỗi buồn của họ, không phải vì tiền, vì danh mà vì một nỗi cô đơn, chỉ vì con cái không ngó ngàng đến họ. Khi tôi muốn kể nỗi lòng của một vị cao niên buồn bã, cô đơn trong một nhà dưỡng lão, trên trang báo, thì ông cụ chấp tay vái tôi, “Thôi xin ông, con tôi mà biết tôi kể lể với ông thì chúng hành tôi đến chết mất!”

– Một gia đình, khi người cha qua đời, những đứa con thấy mẹ thui thủi một mình, khuyên mẹ bán ngôi nhà rồi về ở với chúng nó. Như một trái bóng, bà bị đưa qua đưa lại giữa những đứa con, và chỗ ở cuối cùng của bà bây giờ là nhà dưỡng lão!

– Một bà cụ khi bị đưa vào bệnh viện, rồi nhà hưu dưỡng, vì lo xa, bà làm thủ tục trao cho cô con gái duy nhất, ngôi mobile home của bà, nhưng chỉ ít lâu sau, cô này bán ngôi nhà lấy tiền bỏ túi. Khi khỏe mạnh được trở về nhà, bà phải đi “share” phòng cho đến lúc qua đời.

– Một gia đình lúc người cha mất, bà mẹ vội vã sang tên ngôi nhà cho hai cô con con gái. Cô chị trả cho em một nửa số tiền để lấy hẳn ngôi nhà, và mời bà mẹ ra khỏi nhà. Lý do: Hạnh phúc gia đình của riêng cô. Người mà cô chọn là chồng, chứ không phải mẹ!

– Nếu bạn đọc thấy một người phụ nữ luống tuổi thường đi xe đạp trong khu Little Saigon, đó là người mẹ có bốn đứa con, bà đang ở nhà “share” vì không đứa con nào chịu “nuôi” mẹ.

Hầu hết những nhân vật trong câu chuyện này là quý bà, vì trong buổi giao thời này, còn mang tâm lý “nội trợ,” không biết lái xe, không biết Anh ngữ, và tình thương con cái còn nhiều như thuở còn ở Việt Nam, còn các ông thì dễ sống hơn. Mặt khác là bậc cha mẹ người Việt ở Mỹ không biết là các con đổi thay quá nhanh.

Phần đông những bậc cha mẹ ở Mỹ lâm vào cảnh ngộ trên vì có con cái sinh ra ở Mỹ hay được đem đến Mỹ quá sớm, và con cái có bằng cấp càng cao, giàu có càng nhiều thì hình như càng không nghĩ đến chuyện mình phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già. Không những phụng dưỡng cha mẹ già mà còn như lường gạt, lừa đảo các bậc sinh thành như những câu chuyện thường xảy ra trong cộng đồng Việt Nam mà chúng tôi trình bày ở trên. Cái cảnh trong gia đình nghèo, anh chị em thương nhau, con cái hiếu với cha mẹ, hình như chúng ta vẫn thường thấy trong đời. Những đứa con lớn lên ở Việt Nam, đã qua cái cảnh thiếu ăn, cha tù đày, mẹ vất vả ngược xuôi, hẳn trong lòng chúng còn một chỗ tựa cho cha mẹ.

Những câu chuyện con, dâu, con rể mời cha mẹ ra khỏi nhà không thiếu ở đây, nhan nhản, chẳng khác gì những thảm cảnh con cái giết cha mẹ ở Việt Nam. Gia đình người Việt ở Mỹ chưa thấy cảnh cha mẹ chết dưới tay con, nhưng khổ đau u sầu do con cái gây nên thì không thiếu, “Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu, giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?”

Cuối cùng bài học chưa thuộc của tuổi già vẫn là: “…Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong chờ báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.” (Chu Dung Cơ).

Bài học thứ hai là đừng bao giờ “dốc túi” cho con quá sớm trước khi nhắm mắt.

Thực ra, “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, về già mới biết lòng con cái.”

Trong chúng ta ai thực sự đã chuẩn bị cho tuổi già như người bản xứ, thôi thì trăm sự, đường cùng phải nhờ đến ông nhà nước.

Huy Phương

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

HÔN LỄ TRONG THÁNH ĐƯỜNG.

HÔN LỄ TRONG THÁNH ĐƯỜNG.

Trong thánh đường, một hôn lễ đang được tổ chức.
Linh Mục xuất hiện với với bài giảng về hôn nhân Linh mục cầm tờ 100 đôla còn mới trên tay và nói:
“Có ai muốn được tờ tiền này không?”.
Không có tiếng trả lời…
Linh Mục nói:
“Đừng xấu hổ, ai thích thì hãy giơ tay lên”.
Một phần ba số người có mặt ở đó giơ tay.
Linh Mục vo tròn tờ tiền lại rồi hỏi:
“Bây giờ có còn ai thích sở hữu nó nữa không?”
Vẫn còn người giơ tay, nhưng đã ít đi một nửa.
Linh Mục vứt tờ tiền xuống đất, giẫm chân lên rồi nhặt lại.
Tờ tiền vừa bẩn vừa nhàu nhĩ.
Ông lại cất tiếng hỏi:
“Còn ai thích nữa không?”
Chỉ còn một người giơ tay…
Cha cố mời anh ta lên phía trên, trao cho anh tờ tiền và nói anh ta là người duy nhất đã giơ tay cả ba lần.
Lập tức mọi người trong Thánh đường đều cười to nhưng Linh Mục ra hiệu yên lặng.
Ông nói với chú rể:
“Hôm nay con cưới một cô gái con yêu nhất đời.
Nhưng giống như tờ tiền này, năm tháng trôi qua cộng thêm vất vả với gia đình, con cái… cô ấy sẽ không còn xinh đẹp như bây giờ. Nhưng thực tế, tiền vẫn là tiền, giá trị của nó chẳng hề thay đổi. Hy vọng con giống như chàng trai này, luôn hiểu giá trị và ý nghĩa đích thực, đừng vì vẻ bề ngoài mà đánh mất mọi thứ.”
Hình thức bên ngoài của mỗi người sẽ biến đổi theo thời gian, con người có thể già hơn và xấu đi, nhưng tâm hồn đẹp thì sẽ vỉnh viễn không thể thay đổi.
– Vào một buổi tối, nhìn vào cơ thể thon thả, mảnh mai của người con gái đang nằm bên cạnh anh. Giây phút đó, anh thề rằng, anh nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho cô.
Anh ta từ một kỹ sư xây dựng mới chân ướt chân ráo bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, và sau đó xây dựng đội ngũ kỹ thuật của riêng mình. Bây giờ, đã trở thành ông chủ một công ty xây dựng có tiếng tăm trong thành phố.
Bên cạnh anh có quá nhiều cám dỗ của cuộc đời. Trong khi đó, vợ anh ngày càng xấu đi vì những vất vả gia đình..v.v. thân hình trở nên xồ xề, da dẻ cũng không hồng hào, mịn màng như trước. So với vô vàn kiều nữ bên cạnh anh, vợ anh thật quê mùa, ảm đạm.
Sự hiện diện của vợ nhắc nhở quá khứ tầm thường, thấp kém của anh.
Anh nghĩ cuộc hôn nhân này nên chấm dứt ở đây. Anh gửi vào tài khoản của vợ 500 triệu, mua cho cô một ngôi nhà ở trung tâm thành phố nhộn nhịp. Anh không phải người đàn ông vô lương tâm. Vì vậy, nếu như không sắp xếp cuộc sống ổn thỏa cho vợ anh sau này, anh sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi… Cuối cùng, anh chủ động đề nghị ly hôn.
Vợ anh ngồi đối diện, trầm tư nghe anh giải thích lý do ly hôn. Đôi mắt ấy rất đỗi dịu dàng. Nhưng 20 năm làm vợ chồng, anh quá hiểu rõ về cô, đằng sau đôi mắt hiền dịu ấy, anh biết rằng trái tim cô đang rỉ máu. Anh chợt nhận ra mình thật tàn nhẫn.
Ngày vợ anh đồng ý rời khỏi nhà. Công ty phải giải quyết một vài vấn đề, anh bảo cô đợi ở nhà, trưa về anh sẽ giúp cô chuyển nhà,chuyển đến căn hộ chung cư anh mua cho. Đồng nghĩa với việc cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm sẽ kết thúc tại đây.
Buổi sáng ngồi trong phòng làm việc ,anh bồn chồn,thấp thỏm. Đến trưa, anh vội vã về nhà. Căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, vợ anh đã đi mất rồi. Trên bàn đặt chiếc chìa khóa nhà anh mua cho cô, sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và một bức thư cô viết cho anh.
Đây là bức thư đầu tiên mà cô viết cho anh:
“Em đi đây, em về nhà mẹ. Chăn em giặt phơi khô rồi đấy, cất ở ngăn cuối cùng bên trái tủ quần áo. Trời lạnh anh nhớ lấy ra đắp. Giày da tất cả em đều đánh xi rồi nhé, nếu anh không tự mình đánh được thì mang đến tiệm ông Tư đầu ngõ ấy. Sơ mi treo ở phía trên, vớ, thắt lưng ở trong ngăn kéo phía dưới tủ. Mua gạo nhớ mua gạo tám thơm của Thái Lan, anh nhớ vào siêu thị mua nhé, mua bên ngoài anh không thạo người ta bán hàng giả cho đấy. Dì Hai mỗi tuần đều đến dọn dẹp nhà cửa một lần, cuối tháng anh nhớ gửi tiền cho dì ấy. Còn nữa, đồ cũ cứ cho ông Tư đầu ngõ nhé, ông ấy gửi về quê cho bọn trẻ con, chắc chúng nó sẽ vui lắm.
Dạ dày anh không tốt, em đi rồi anh nhớ uống thuốc đều đặn. Thuốc em nhờ người ta mùa từ Quảng Bình, có lẽ cũng đủ dùng nửa năm. Anh ra ngoài thường quên mang theo chìa khóa nhà, em gửi một chùm ở chỗ bảo vệ , lần sau nếu quên thì đến đấy lấy nhé. Buổi sáng đi ra ngoài anh nhớ đóng cửa sổ, mưa tạt vào sẽ làm ướt nhà đấy. Canh chua món mà anh thích em để ở trong tủ lạnh. Anh về nhớ hâm lại rồi hãy ăn nhé..v.v… Gửi anh, người em yêu nhất ”
Những dòng chữ xiêu vẹo nhưng tại sao nó cứ như những viên đạn bắn vào trái tim anh, mỗi viên đều mang theo tấm chân tình xuyên thẳng vào ngực đau nhói.
Anh từ từ đi vào nhà bếp. Mỗi đồ vật ở đây đều lưu giữ dấu tay, hơi thở của cô. Anh chợt nhớ về 20 năm trước, anh làm ở công trường xây dựng dầm mưa dãi nắng. Những ngày tháng bần hàn của cuộc đời đều có cô bên cạnh. Nhớ lại bát canh chua nóng hổi đã sưởi ấm trái tim anh trong những ngày mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, nhớ lại giây phút anh đã từng hứa với lòng mình nhất định sẽ mang lại hạnh phúc suốt đời cho cô.
Anh quay người, nhanh chóng khởi động xe.
Nửa tiếng sau, cuối cùng anh cũng tìm thấy cô đang đợi tàu trở về quê.
Anh giận dữ nói: “Em muốn đi đâu? Anh làm việc mệt mỏi cả ngày, về đến nhà, đến cơm nóng cũng không có mà ăn. Em làm vợ như vậy à? Về nhà với anh ngay”
Anh trông rất hung dữ và thô lỗ.
Đôi mắt cô ướt nhòe, cô đứng lên, ngoan ngoãn theo sau anh đi về nhà. Giọt nước mắt xen lẫn niềm vui ……
Cô không biết rằng, lúc này đi trước cô, anh đang dằn lòng cố kìm nén những giọt nước mắt… Suốt quãng đường từ nhà đến đây, anh thực sự rất sợ, sợ không tìm thấy cô, sợ từ đây sẽ mất cô mãi mãi.
Anh tự trách mình sao lại ngu ngốc đến vậy, hóa ra đánh mất cô ấy cũng giống như anh đánh gãy xương sườn của mình… Hai mươi năm đồng cam cộng khổ, hai người đã buộc chặt cuộc đời mình vào nhau, mãi mãi không thể tách rời.
Tại thời điểm sai lầm, địa điểm sai lầm, chỉ cần gặp được đúng người, tất thảy mọi thứ đều sẽ đúng.
Giàu có thực sự không phải số tiền trong thẻ ngân hàng, mà là nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt bạn.
Tiền nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là tìm được một người toàn tâm toàn ý yêu thương bạn.
Trên thế giới này, hạnh phúc nhất là 3 từ: I Love you “Anh (em) yêu Em (anh)”, Ta Yêu Nhau.
Hiểu được bản thân mình muốn gì, thế giới mới có thể hiểu được bạn.
Bất cứ người phụ nữ nào trên thế gian này đều đc trải qua tuổi thanh xuân, thời kì đỉnh cao nhất về nhan sắc của mình nhưng rồi họ cũng phải làm vợ, làm mẹ, làm con dâu… phải đương chức trọng trách cao cả, trách nhiệm của 1 người đàn bà không ngoại trừ bất cứ ai. Tất cả mọi thứ rồi cũng phai tàn theo năm tháng, theo những sóng gió của cuộc đời theo quy luật của tạo hóa Người đàn ông người chồng thực thụ sẽ thấu hiểu, trân trọng và yêu thương người phụ nữ của đời mình đã hi sinh cả tuổi thanh xuân ấy để dành cho họ. Họ sẽ không chạy theo những hào nhoáng nhan sắc vô thường để đánh đổi bất cứ điều gì, Sống theo thời gian mới hiểu nhan sắc của phụ nữ là thứ vô thường trong cuộc đời, khi hi sinh đánh đổi điều đó họ đc những thứ còn ý nghĩa lớn hơn vô vàn nhưng nếu ko may gặp phải người chồng không thấu hiểu không trân trọng sự hi sinh đó thì bất hạnh vô cùng.
Hi vọng tất cả những người đàn ông, người chồng, người cha có con gái, đều hiểu đc sâu xa ý nghĩa câu chuyện này.

T​ôi yêu Mẹ hay yêu Cha?

T​ôi yêu Mẹ hay yêu Cha?

1 tuổi , con tập đi, Mẹ chạy theo đỡ mỗi khi con ngã. Ba ngăn lại bảo rằng hãy để con tự tập đứng lên.

3 tuổi, con vòi vĩnh khóc đòi quả ớt trên mâm cơm. Mẹ kiên quyết không cho. Trong khi Ba lại bảo hãy để con nếm thử rồi con sẽ tự tránh xa.

5 tuổi, con nhất định không đến nhà trẻ, Mẹ không nỡ buông tay, đứng trước cổng trường nhìn con mãi. Ba quay đầu bảo Mẹ lên xe mau.

6 tuổi, con vào lớp 1, Mẹ căn dặn cô giáo xem chừng con bị bắt nạt. Thế mà Ba lại nói với cô rằng con làm gì sai cứ đánh phạt thẳng tay.

9 tuổi, con đánh nhau với thằng bạn học đến trầy cả mặt mày. Mẹ lo lắng muốn rơi cả nước mắt. Vậy mà Ba lại la con và bắt con phải đi xin lỗi người bạn đó.

12 tuổi, con đòi gắn mạng trong phòng. Mẹ vui vẻ chấp nhận ngay, trong khi Ba chỉ đồng ý cho đặt máy tính ở phòng khách làm con chẳng được thức khuya cày game cùng lũ bạn.

15 tuổi, con xin đi phượt cùng bạn bè Mẹ đồng ý nhưng càu nhàu mãi vì lo lắng. Trong khi Ba gật đầu ngay. Suốt chuyến du lịch Mẹ gọi điện hỏi thăm con đủ thứ, nào là vui không, ăn gì chưa, chỗ ngủ thế nào, có gì trở ngại không? Còn Ba suốt những ngày đó chỉ điện thoại cho con 1 lần lúc con mới xuống xe. Ba chỉ nói vỏn vẹn 3 câu, tới chưa, khi nào về và chúc con đi chơi vui vẻ.

16 tuổi con tụ tập bạn bè hút thuốc, Mẹ nổi giận la con. Trong khi Ba nhẹ nhàng dắt con ra ban công cho con xem bảng xét nghiệm ung thư phổi của Ba.

17 tuổi con dắt 1 cô gái về nhà. Mẹ bảo con còn rất nhỏ để nghĩ đến chuyện yêu đương. Ba mỉm cười nói rằng bị tổn thương ắt tự vứt bỏ. Cũng năm đó con xin 1 chiếc tay ga. Mẹ đắn đo 1 hồi rồi chấp nhận vậy mà Ba lại đi mua cho con ngay 1 chiếc xe đạp điện hơn chục triệu. Cũng là tay ga nhưng con không được tham gia đội đua xe với lũ bạn được.

Năm con 18, là lúc bệnh của Ba trở nặng. Ngày con thi Đại học Mẹ chỉ dặn dò qua loa rồi thu xếp vào bệnh viện chăm Ba. Đến giờ nghỉ trưa, con nhận được điện thoại của Ba. Ba nói rằng Ba rất khỏe. Thi xong con không về ngay mà đi ăn mừng cùng lũ bạn vì bài làm rất tốt. Khi con về đến nhà thì Ba đã ra đi rồi. Mẹ bảo Ba nhất định không cho Mẹ điện thoại cho con. Ba muốn con thi thật tốt.

21 tuổi, con được 1 phần học bổng sang Mỹ đào tạo. Con biết nếu Ba còn sống nhất định khuyên con đi. Nhưng bây giờ con không hỏi ý kiến Mẹ mà đã từ chối phần học bổng đó. Con không muốn sau 5 năm đi đào tạo về con lại trải qua cảm giác giống ngày con đi thi đại học về.

Ba à con chưa bao giờ nghĩ Ba thương con nhiều như Mẹ. Trong khi Mẹ dặn con rằng nếu làm gì không được, hãy nhờ mọi người, thì Ba lại dạy con nếu làm gì được thì hãy giúp mọi người.

Nhưng bây giờ, nếu có người hỏi con thương ai nhất trên đời con sẽ không suy nghĩ mà trả lời ngay là Mẹ. Và nếu người ta hỏi ai là người thương con nhất con cũng sẽ trả lời ngay là Ba

Anh chị Thụ Mai gởi

Cao hơn Đỉnh Thái

Cao hơn Đỉnh Thái

Giới thiệu:

Quý anh chị Cursillista rất thân mến.

“ Công Cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Trên đời, những câu chuyện cảm động về tình mẹ có rất nhiều và bàng bạc trong văn chương. Tình Mẫu Tử cao thượng, hy sinh tất cả cho con là điều không thể chối cãi. Nhân ngày Lễ của Cha (Father’s day) chúng tôi muốn chia sẻ với quý Anh Chị một câu chuyện rất cảm động, khi đọc câu chuyện này chúng ta nghĩ rằng đó là một  chuyện cổ tích, nhưng thực ra đây là câu chuyện hoàn toàn có thật, đã lấy đi không biết bao nhiêu là nước mắt của độc giả trên toàn thế giới. Câu chuyện kể về tình Phụ Tử, một tình yêu của người cha dành cho đứa con vô cùng bao la, vĩ đại không bút nào kể xiết. Trong tâm tình đó, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với quý Anh Chị câu chuyện CAO HƠN ĐỈNH THÁI.

Thân kính.

Dick Hoyt và Rick Hoyt, hai cha con 66 tuổi và 44 tuổi, đang nổi tiếng hiện nay trên thế giới với cái tên ‘Đội Hoyt’ (Team Hoyt). Hai con người phi thường này đã lập nên những kỉ lục bất cứ vận động viên vĩ đại nào cũng phải thán phục. Nhưng trên hết đó là một câu chuyện về tình cha con, sự yêu thương và hy sinh vô bờ bến.

Một câu chuyện thật về tình yêu thương, niềm tin và hy vọng

Dick Hoyt đáng được tôn vinh là một người cha vĩ đại. Nếu ai đã trải qua cảm giác phải chăm sóc một người tật nguyền lâu năm, ắt sẽ thấy rằng không có một tình yêu nào có thể lớn hơn tình yêu của ông bố Hoyt với cậu con trai chưa sinh ra đời đã bị chẩn đoán mắc bệnh bại não (cerebral palsy), một loại bệnh tĩnh với các tổn thương não đã định hình khó có thể thay đổi.

Khởi đi từ bất hạnh

Năm 1962, Dick Holt đau xót nhìn đứa con trai chào đời trong tình trạng bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán liệt não, sẽ phải sống như thực vật cả đời. Vì tình trạng đó, các bác sĩ khuyên vợ chồng Dick và Judy nên đưa con vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt. Tuy nhiên, với lòng thương con vô bờ, Holt cha từ chối lời khuyên đó. Người cha trẻ mới 22 tuổi  để ý thấy đôi mắt của Rick, tên đứa con, biết hướng mắt nhìn theo ông khi ông di chuyển quanh phòng. Vì vậy Dick hy vọng và tin tưởng rằng Rick vẫn có thể suy nghĩ và nhận thức được mọi sự việc xảy ra chung quanh.

Thế rồi vợ chồng Dick tìm đủ mọi cách để giúp đứa con tham dự vào mọi sinh hoạt của gia đình. Khi làm bất cứ điều gì, họ cũng tâm niệm rằng Rick đang dõi theo và cố gắng nhận biết tất cả mọi việc, như bất cứ một đứa trẻ nào khác. Đôi vợ chồng nuôi dưỡng niềm tin một ngày con họ có thể giao tiếp được trong một chừng mực nào đó.

Họ đưa con đến những trung tâm phục hồi chức năng, đến cầu cạnh những nhà nghiên cứu y khoa, cho con tham gia vào tất cả các hoạt động gia đình, vui chơi trong vườn, giúp con tận hưởng niềm vui được bơi dưới nước mà đứa trẻ nào cũng khao khát hoặc đưa Rick đi cùng trong các kỳ nghỉ của gia đìn Nói cách khác, cặp vợ chồng trẻ Dick và Judy đối xử với Rick như đối xử với một đứa trẻ bình thường. Để làm được điều đó, họ phải hy sinh hầu như tất cả những thú vui trong đời, dành hết thì giờ bên Rick, tìm hiểu Rick và tiếp tục nuôi hy vọng.

Các bác sĩ, dù đã cố thuyết phục bố mẹ Rick rằng họ chẳng có chút hy vọng nào, dù có cố gắng đến đâu. Tuy nhiên, năm 11 tuổi, trong nỗ lực không thể tả được bằng lời, cha mẹ Rick đã thuyết phục các nhà khoa học Trường Đại học Tuft, bang Massachusetts kể cho Rick nghe một câu chuyện hài. Trước sự ngạc nhiên của họ, Rick đã cười. Các nhà khoa học thừa nhận rằng họ đã lầm, Rick vẫn nhận biết được thế giới sinh động quanh cậu và cậu rất muốn được tham gia và khám phá thế giới ấy.

Cuối cùng, người ta làm riêng cho Rick một chiếc máy tính đặc biệt, có thiết bị gắn vào đầu Rick, bộ phận duy nhất trên người cậu có thể cử động được đôi chút. Thiết bị này giúp Rick mã hóa những điều não cậu muốn nói và chuyển thành âm thanh điện tử. Điều đầu tiên mà cậu bé Rick nói với bố mẹ là một môn thể thao. Bậc phụ huynh đáng kính ấy giờ đây biết thêm một điều, niềm đam mê của con trai họ là thể thao.

Khi chiếc máy mang tên Hi vọng được gắn vào đầu Rick, cậu đồng thời được chấp nhận đến trường học. Cũng trong thời gian này, cậu bé bộc lộ niềm đam mê với môn điền kinh. Năm 1977, khi trường cậu bé có chương trình chạy marathon để quyên góp cho một học sinh bị tai nạn xe hơi, Rick đã nói với bố rằng: “Bố ơi, con muốn chạy để quyên tiền cho bạn ấy!”. Một nguồn tin khác cho biết Rick đã nảy ra cảm hứng muốn tham dự vào các cuộc chạy thể thao sau khi xem một bài báo. Dick, một trung tá thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ, sửng sốt trước ý muốn bất ngờ hầu như không tưởng của đứa con 16 tuổi. Lòng ngập tràn vui mừng lẫn lo âu, người cha ôm con nói: “Được rồi con. Chúng ta sẽ chạy thi.” Thế rồi người cha 37 tuổi mà trước đó chưa hề chạy marathon bao giờ phải khổ luyện tập dợt để sẽ đẩy con chạy.

Thể hiện tình cha

Dick bắt đầu tập luyện chạy mỗi ngày với một bao xi măng đặt trong chiếc xe lăn thay cho trọng lượng của Rick vì Rick bận học ở trường. Dick đã có thể cải thiện sức khỏe của mình rất nhiều mà ngay cả khi đẩy con, ông đã có thể tạo được một kỷ lục cá nhân là 5km trong 17 phút.

Sau khi hai cha con kết thúc cuộc đua đầu tiên dài năm dặm, Rick mừng rỡ nói: “Thưa cha, khi chúng ta đang chạy, con cảm thấy như con không còn tật nguyền nữa.” Dù đang mệt muốn kiệt sức, Dick sung sướng rưng rưng nước mắt trước niềm vui của con.

Từ đó, vì niềm đam mê điền kinh và thể thao nói chung của đứa con tật nguyền, Dick cho con mượn thân xác để tham gia vào những cuộc thi triền miên được tổ chức tại nhiều nơi suốt năm trong và ngoài nước Mỹ với danh hiệu tham dự viên là “Team Holt”.

Năm 1984, Dick trở thành một vận động viên điền kinh nổi tiếng và được mời tham dự các cuộc thi ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ). Đó vốn là cuộc thi dành cho những người có sức khỏe tốt và dẻo dai. Ban tổ chức muốn Dick tham gia và chỉ mình ông mà thôi, không có Rick. Ông từ chối. Năm kế tiếp, họ lại đưa ra lời mời tương tự, nhưng một lần nữa ông lại từ chối nếu không có con trai của mình cùng tham gia.

Dick nói với các nhà tổ chức, “Rick chính là lý do tôi tham gia các cuộc thi này; tôi không muốn thi đấu một mình. Rick là động lực thúc đẩy tôi. Hơn nữa, nếu không có Rick, tôi không biết phải làm gì với hai cánh tay của mình”. Sau khi miệt mài thiết kế cho con những phương tiện an toàn như ban tổ chức yêu cầu, đội Hoyt được tham gia và về đích trong số 50% những người về đầu.

Sau khi hoàn tất cuộc đua Boston Marathon lần thứ 15, cuộc đua mà họ đã bị từ chối vào năm 1981 khi lần đầu tiên đăng ký tham gia, họ đã được tôn vinh như những Anh hùng của nước Mỹ nhân kỷ niệm lần thứ 100 môn marathon.

Năm 2003, Dick bị một cơn trụy tim, tuy nhiên, bác sĩ cho biết chính tình trạng sức khỏe tốt nhờ tham gia thể thao thường xuyên đã cứu sống ông. Sau khi hồi phục, hai cha con Dick và Rick lại tiếp tục những cuộc đua mới. Dick vẫn khăng khăng rằng chính con trai mình mới là vận động viên điền kinh, chứ không phải ông. Dick nói: “Tôi không biết phải giải thích thế nào, nhưng mỗi khi đứng đằng sau chiếc xe lăn của con trai, tôi cảm thấy lâng lâng khó tả. Rick là cỗ máy hoạt động của cả hai chúng tôi. Tôi cho Rick mượn thân thể mình, nhưng chính tinh thần của Rick mới là động lực thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước”.

Thành tích 36 năm kiên trì

Mặc dù người ta nhìn thấy Dick và Rick Hoyt trên trường đua nhiều lần, nhưng không lần nào khán giả ngừng ngưỡng phục người cha đáng kính vừa chạy vừa đẩy con mình đang ngồi trong xe lăn, gò lưng đạp xe kéo theo một chiếc xe lăn lên dốc xuống đồi, hay vừa bơi vừa kéo đứa con tật nguyền.

Rick cũng đã chứng tỏ mình hơn cả một vận động viên “đặc biệt” khi lấy xong bằng tốt nghiệp Đại học Boston và trở thành người khuyết tật bại não đầu tiên tốt nghiệp đại học. Rick làm việc tại phòng thí nghiệm máy tính của trường, nơi anh có thể hỗ trợ phát triển một hệ thống giúp những người khuyết tật có thễ giao tiếp thông qua các cử động của đôi mắt. Rick nói: “Tôi đã chứng minh cho những người khuyết tật thấy rằng họ không nhất thiết phải suốt đời ngồi yên một chỗ và nhìn cuộc sống trôi qua trước mắt. Họ cũng có thể tới trường, có việc làm và tham gia vào các hoạt động hàng ngày trong xã hội”.

Tính đến hết năm 2009, Team Holt đã tham gia cả thảy 1.009 cuộc thi, trong đó có đủ các môn, từ marathon đến ba môn phối hợp và thậm chí cuộc chạy bộ vòng quanh nước Mỹ. Đội Holt luôn về đến đích trong các cuộc đua, có khi bỏ lại phía sau hơn một nửa số vận động viên khác và đôi lần về nhất.

Đội Hoyt được tôn vinh tên tuổi vào Viện Người Thép Danh Tiếng (Ionman Hall of Fame) vào năm 2008.

Tính đến tháng Tư năm 2013, hai cha con Hoyt đã tham dự tổng cộng 1,077 cuộc chạy gay go đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ, trong số đó gồm có 70 cuộc đua chạy việt dã (marathon) và sáu cuộc đua tam hợp Người Thép (Ionman triathlon). Họ đã tham dự cả thảy 30 lần trong giải Boston Marathon. Ngoài ra, để bổ sung vào danh sách những thành tựu của họ, năm 1992 cha con Dick và Rick đạp xe và chạy vòng quanh nước Mỹ, hoàn thành khoảng đường dài 3,735 dặm (6,011 km) trong 45 ngày.

Khi dự thi ba bộ môn thể thao phối hợp triathlon, Dick bơi với giây cột quanh eo để kéo Rick nằm trên một xuồng phao. Qua phần đua xe đạp, Rick ngồi phiá trước một chiếc xe đạp dọc được thiết kế đặc biệt. Đối với phần chạy bộ, Dick đẩy Rick ngồi trên xe lăn.

Năm  2013, Dick đã là một người già 73 tuổi và Rick đã 51 tuổi nhưng mãi mãi vẫn là một đứa con tật nguyền. Mỗi lần chuyển đổi giữa các bộ môn thi từ bơi sang đạp xe đạp, từ đạp xe đạp đổi qua chạy bộ, người cha già phải thao tác thật nhanh tự tay bồng con đặt vào ghế, nai nịch an toàn, xong tiếp tục cuộc thi. Xin mời xem đoạn phim thật cảm động dưới đây:

Click:  http://www.youtube.com/watch?v=QnN5bvVtVao.

Thú thật cùng quý Anh Chị, cứ mỗi lần xem đoạn video này, tôi không khỏi nghẹn lòng, phải ngưng gõ bàn phím chữ và ngồi thừ ra một lúc. Đây quả là một trong những đoạn video về tình cha  gây xúc động nhất.

Ngày nay, hai cha con Holt -hay nói cho đúng hơn là người cha Dick Holt đã già- mỗi năm dự đua ít hơn và dành thì giờ cho các cuộc nói chuyện trước công chúng nhiều hơn. Thuở bắt đầu sự nghiệp thể thao, họ tham gia 50 cuộc đua mỗi năm nhưng bây giờ chỉ nhắm mục tiêu tham dự còn khoảng phân nửa số lượng đó mỗi năm mà thôi. Holt cha cho biết chưa có ý định hoàn toàn rút lui các cuộc thi.

Ngày 08 tháng Tư năm 2013, một bức tượng đồng vinh danh cha con Hoyt đã được khánh thành gần khởi điểm của cuộc chạy đua Boston Marathon tại Hopkinton, Massachusetts.

Do vụ khủng bố đặt bom nổ ngày 15 tháng Tư, Đội Hoyt chưa kịp hoàn tất cuộc chạy đua Boston Marathon năm 2013. Lúc vụ nổ xảy ra, họ còn cách lằn mức đích khoảng một dặm và đã bị giới hữu trách cuộc đua chặn lại cùng với hàng ngàn vận động viên khác. Họ an toàn và được một người lái xe SUV ngang qua chở họ đến khách sạn Sheraton tạm trú.

Kết luận

Tình yêu vị tha thực sự giúp con người có được sức mạnh để làm những điều không tưởng. Sở dĩ ông Dick Hoyt có đủ kiên nhẫn và nghị lực trải qua tất cả những cuộc đua đầy thử thách là vì ông đã tìm thấy mục đích cao cả trong đời là đem lại niềm vui và hạnh phúc của con trai ông. Ông không muốn để cho con mình bị xem là người thừa trong xã hội. Ông muốn cho con tham gia vào các hoạt động xã hội để giúp con cảm thấy hạnh phúc.Vì lẽ đó, ông đã luôn cố gắng hơn bao giờ hết.

“Nếu trong tim ta có một tình yêu vô điều kiện, ta có thể tìm thấy cho mình một nguồn năng lượng to lớn để thực hiện những điều không tưởng. Ta có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và chuyển hóa mọi giới hạn đó thành điều kỳ diệu.”

Khẩu hiệu của Đội Hoyt đó là “bạn có thế” và họ chính là sự minh chứng sống khẳng định bạn có thể khi bạn quyết định làm. Thông điệp của đội Hoyt đã làm rung động mọi người.

Dù có mang trên người những khiếm khuyết về mặt thể chất hay không đi chăng nữa, chúng ta có thể học được rất nhiều từ câu chuyện của họ, hãy cho ước mơ của chúng ta một hy vọng, một cơ hội thứ hai để sống mặc cho tuổi tác có như thế nào đi chăng nữa, và hãy nhìn thế giới một cách rộng mở hơn. Câu chuyện của Rick và Dick cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng ta cho rằng “không thể” cho tới giờ và hãy thử cố gắng hết sức một lần nữa xem.

Tóm tắt về thành quả giúp con vượt lên trên số phận, Dick Holt nói: “Tôi yêu gia đình và chỉ muốn trở thành một người cha tốt nhất trong khả năng của tôi. Chỉ cần có được niềm vui khi ở bên cạnh con, được tận hưởng những giây phút đó, chúng tôi sẽ tiếp tục vượt  qua được những khó khăn trở ngại phía trước”.

Qua 36 năm dài sống cho con và hy sinh cho con, ông quả xứng đáng là một trong những người cha tốt nhất thế giới.

Phan Hạnh sưu tầm.

BMH

Washington, D.C

Tình Cha Cho Con

Tình Cha Cho Con

Thu Oanh

Khi đặt bút viết về cha tôi, tôi thấy sao mà khó quá, bởi không biết nên bắt đầu từ đâu!

Tôi thấy văn, thơ, và nhạc ca ngợi về mẹ nhiều quá, nhưng văn, thơ và nhạc để ca ngợi tình phụ tử thì thật là hiếm hoi. Giải thích cho hiện tượng thiếu quân bằng này, có người nói bởi mẹ thì ngọt ngào và hiền dịu, nhưng cha thì lại khô khan, cứng ngắc… Cho nên thông thường văn thi sĩ không được giàu có với dòng tư tưởng và luồng cảm xúc, khi chuẩn bị đặt ngòi bút bắt đầu nắn nót trên giấy trắng những dòng chữ viết về cha.

Tôi thì không nghĩ như vậy, tôi không biết bắt đầu từ đâu khi viết về cha, là vì tôi có quá nhiều điều, nhiều kỷ niệm mà cha đã cho chị em tôi. Cha đã cho chị em tôi tình thương yêu, lời dạy bảo, và chính đời sống của cha đã trở thành một mẫu gương tốt cho chị em chúng tôi nhìn vào và sống theo như một ngọn hải đăng vươn cao dẫn lối cho những con thuyền nan bập bềnh trên sóng nước đại dương vào một ngày biển động.

Rất tiếc những ngày sống động và vui tươi đó giờ này đã qua mau!!!

Trước mặt tôi hiện bây giờ là một người ngồi ngơ ngẩn, đôi mắt đã mất hết sự tinh anh, tâm trí như đang ở một cõi vô định. Cha tôi đó! Cha tôi bây giờ như một cái bóng trong nhà với không ý niệm về thời gian và không gian. Ngày được bác sĩ báo cho biết cha tôi bị bệnh Mất Trí Nhớ, cả gia đình tôi bàng hoàng đau đớn. Tôi nhớ, ngày hôm đó, trong khi đang khám bệnh cho cha tôi, ông bác sĩ hỏi cha tôi một câu hỏi:

— Ông có bao giờ bị té nặng, đầu bị đập vào đâu, hoặc đau buồn chuyện chi hay không?

Cha tôi nhìn ông bác sĩ, yên lặng không nói chi. Nhưng tôi nhớ, vào lúc đó, tôi đã nhè nhẹ gật đầu hộ cho cha tôi, và tôi muốn hét to, hét lớn cho cả thiên hạ cùng nghe,

— Có, cha tôi đã từng té, cha tôi đã từng đau đứt ruột đứt gan bởi gia đình của cha tôi bị bỏ rơi lại sau một trận bão cuốn trôi cả một nửa nước Việt Nam …

Ngày đó…

Ngày mà cuộc chiến Nam Bắc tương tàn cuối cùng dẫn đến hỗn loạn với cảnh người sống, kẻ chết, chia lìa, tang tóc.

Ngày đó, ngày 30 tháng 4.

Ngày cha tôi bị bứt lìa khỏi gia đình, quê hương, bước chân lên tàu để lánh nạn cộng sản, bỏ lại sau lưng ông bà nội, mẹ và bảy chị em chúng tôi. Là trụ cột chính trong gia đình, giờ này lại bỏ đi, cha tôi đã lo âu cho cha mẹ già, vợ dại và con thơ! Rồi những ngày đầu tiên xa lạ trên đất khách quê người, cha tôi phải lao vào cuộc sống lạ với nhiều phương cách mưu sinh mới. Tiếng Anh thì cha tôi không biết nhiều, văn hóa xứ người thì xa lạ, lòng người của vùng trời xứ tuyết cũng lạnh băng như bão tuyết vào những ngày giữa đông… Nhiều lần cha tôi đã muốn quỵ ngã nơi xứ người, muốn buông xuôi bỏ cuộc. Nhưng rồi cha vẫn đứng dậy, bởi người biết bên kia cả một đại dương vẫn là một gia đình bị bỏ rớt lại với bảy đứa con, đứa lớn nhất mới mười bốn tuổi, thêm tôi thân gái èo uột yếu đuối.

Trước biến cố 75, bởi tôi bệnh tật, cha mẹ đã gởi tôi học tại trường của các Nữ Tử Bác Ái, Sài Gòn. Năm một lần, tôi được phép quay lại về nhà nghỉ hè. Tôi làm sao quên được lần đó, sau hai tháng nghỉ hè với gia đình tại Vũng Tàu, cha đưa tôi quay lại về trường. Hôm đó xe đò hành khách thả hai cha con xuống tại ngã tư Bẩy Hiền. Cha tôi vẫy tay đón xe xích lô về số 215 đường Hiền Vương của trường Nữ Tử Bác Ái. Đối với một người bình thường, đi bộ thì không bao xa, nhưng cha và tôi còn vác thêm cái valy quần áo của tôi nữa. Thấy vậy, ông xích lô đòi thật nhiều tiền cho một quãng xe ngắn. Thấy vậy, cha tôi nhỏ nhẹ cám ơn bác phu xe, rồi một tay cha bế tôi lên, một tay cha xách cái valy, vừa đi cha vừa thở nặng nhọc. Tới cửa trường, trước khi giao tôi cho các sơ, cha hôn lên trán tôi một cái hôn thiết tha, cười và nói,

— Thôi, con ở lại với các sơ, vâng lời sơ và học giỏi nghen, đầu tháng tới ba lên Sài Gòn thăm con.
Giọng cha lúc đó tự dưng chùng xuống, âm thanh nghẹn ngào làm cặp mắt tôi long lanh giọt vắn, giọt dài. Tôi không còn biết nói chi nữa, nhưng tự dưng nỗi cảm xúc dâng cao cuồn cuộn trong lòng. Tôi thương cha tôi quá!

Tôi nhớ, khi chị em tôi còn bé, nếu có thời gian rảnh rỗi, cha hay chơi đùa với chị em chúng tôi. Có khi cha bế đứa này trên tay, có khi cha cõng đứa kia trên lưng, còn không thì cha kiệu đứa khác trên cổ. Cha tôi còn có tài may quần áo, mà may quần áo đẹp lắm. Nào là áo đầm cổ tròn hình lá sen điểm nơ màu hồng, vải ren xếp tay phồng cho mấy đứa con gái. Nào là quần đùi ca rô cho thằng em trai tôi. Nào là áo bà ba vải lụa và quần tuyết nhung dành riêng cho mẹ tôi mặc. Mấy đứa bạn thấy tôi mặc áo đầm đẹp, cứ hay chạy theo hỏi,

— Ai may cho mày vậy?

Tôi ngẩng cao mặt, hãnh diện khoe,

— Ba tao may cho tao đó, chỉ cho một mình tao mà thôi.

Mỗi lần cha ngồi may, cha tôi ưa cất giọng hát, “Anh còn, còn có mỗi, mỗi cây đàn, anh đem là đem bán hết, anh theo là theo cô nàng, tình tính tang, là tang tính tình…” Vào những giây phút bất chợt đó, nếu có mẹ tôi xuất hiện đâu đó, thế nào bà cũng sẽ nguýt, lườm, và nói mát,

— Theo cô nàng là cô nàng nào?

Hình ảnh, lời ca, và hoạt cảnh giữa cha và mẹ tôi đã đi sâu vào tâm trí tôi thật sâu.

Cuối cùng, nhờ ơn trời cao, gia đình tôi cũng được đoàn tụ nơi đất khách quê người. Sau 15 năm xa cách, được gặp lại người cha của ngày xưa, mẹ và chị em chúng tôi rất vui mừng. Riêng tôi, có đôi lúc tôi thoáng lo sợ, bởi nghe nói trên vùng đất lạ, có rất nhiều người, sau khi bảo lãnh vợ con qua Mỹ, lại không chịu ở chung, nhưng bỏ đi để vui vầy duyên mới với vợ bé. Tôi chép miệng, mà cũng khó trách được họ, bởi nếu đặt mình vào trong hoàn cảnh của những ngày đầu tiên nơi đất khách quê người, ngày thì đến hãng, đến sở, đêm về lủi thủi một mình với ngày đông tháng giá. Đàn ông mà, làm sao họ có thể sống nổi với nỗi cô đơn trống trải. Vì thế, tôi biết có một vài người đàn ông nơi đất khách quê người đã âm thầm tự lên đường đi tìm cho riêng mình một sự ấm áp, một mái nhà khác mà quên đi tất cả trước đấy. Tôi lo lắng và hy vọng cha tôi sẽ là một ngoại lệ. Tôi cứ chờ, chờ mãi, và tạ ơn trời, tôi vẫn không thấy điều chi xảy đến cho mái ấm của gia đình tôi. Ngày lại ngày bóng của cha tôi vẫn đổ dài trên bốn bức tường của căn nhà thân quen. Sáng sớm tinh sương cũng như khi đêm tối buông màn, cha tôi vẫn như ngọn đèn hải đăng chiếu rọi sáng cả căn nhà thân thương ngọt ngào.

Ngày gặp cha, tôi vui mừng đến rơi nước mắt, bởi nhìn thấy cha to trông như ông Mỹ, cha đã cao sẵn nay cha mập ra nữa, nhìn hồng hào đẹp đẽ. Cha ôm từng đứa con, hôn lên má. Rất tiếc, bởi chúng tôi đã lớn hết rồi, nếu không, cha đã bế lên vai hay kiệu từ cổng của phi trường ra đến chỗ lấy xe.

Về đến nhà cha đã làm sẵn tiệc tùng mời mọi người đến chung vui ngày cha đón mẹ và chị em chúng tôi. Đời sống hạnh phúc tưởng là đã mất đi, nay lại tiếp nối nơi vùng trời Portland với bao nhiêu là sự dạy dỗ của cha. Cha luôn luôn nhắc nhở chúng tôi câu nói: “Các con hãy cẩn thận, đời nhiều cạm bẫy lắm!”. Có lần cha thấy em trai tôi hút thuốc, người nói: “Mới đầu một hai điếu không là gì, nhưng sau thành thói quen, rồi đi vào cần sa ma túy lúc nào không hay!”.

Rượu, trà và cà phê cha tôi không nghiền một thứ nào. Cha tôi ghét nhất lời nói tục tĩu cho nên trong nhà mọi người phải “chấp hành lệnh nghiêm chỉnh”. Tôi chỉ thấy một lần trong đời cha tôi lỡ miệng nói một câu nặng nề. Hôm đó gần ngày 30 tháng 4, khi nghe đài phát thanh tuyên bố ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống, cha tôi bật miệng nói một câu với những lời khá cay chua!!!
Cha tôi ít nói. Có tiệc tùng hay nhậu nhẹt chi với các bác, các chú, về tới nhà, cha nói láo xáo vài câu tếu tếu rồi đi nghỉ, không rượu vào lời ra chửi mắng mẹ và chị em chúng tôi bao giờ.

Tôi cũng như chị em tôi đã học được nhiều nơi lòng đạo đức, tính nết hiền lành, và tinh thần tự lập của cha. Cha dậy chúng tôi phải biết thương người hoạn nạn và làm ăn liêm chính không gian dối. Người đã dậy cho chúng tôi tính tự lập, bởi người hay nói, “Sống thì phải sống như cây tùng, cây bách, không nên sống gởi gấm như loài cây tầm gửi”.

Trong ngày Lễ Từ Phụ năm nay, chị em chúng tôi lại về quây quần bên cha, tuy cha không còn biết chi nữa. Tôi luôn cầu mong cho cha được thêm tuổi thọ để chúng tôi phụng dưỡng cha, để người tiếp tục ngồi đó sáng sớm đêm khuya như một ngọn đèn hải đăng, mặc dù giờ này lửa đã bắt đầu nhạt nhòa, nhưng ngọn hải đăng vẫn sừng sững vươn cao trên nền bầu trời như là một điểm mốc cho chị em chúng tôi nhắm đến, nhìn vào, và tiếp tục đi tới.

Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Thu Oanh