Thư cho người bạn già

Thư cho người bạn già

Cỏ Hoang

Gần ba mươi Tết rồi mà anh em Hà chẳng buồn sửa soạn nhà cửa hay mua sắm các thứ để đón Xuân như mọi năm.

Còn lòng dạ nào để nghĩ đến Tết nhất khi mà bố cô đang đau liệt giường và bịnh viện đã gửi trả về nhà để chờ chết chứ. Cô rươm rướm nước mắt chực khóc khi nghĩ đến mẹ. Giá mẹ còn sống có lẽ bố cô không đến nỗi mải mê, miệt mài làm việc ngày đêm đến quên cả lo lắng cho sức khỏe của mình. Chẳng phải Hà không lo chăm sóc bố đầy đủ, chỉ tại cô bất lực trong việc ngăn cản bố làm việc quá mức thôi. Khi Hà khuyên can bố chỉ bảo:

“Đến tuổi này rồi sống chết không còn quan trọng nữa con ạ. Nếu làm được việc gì có ích cho người đời thì đó là niềm vui của bố.”

Hồi mẹ còn sinh tiền, lúc nào trong nhà cũng tấp nập bạn bè của bố ở các nơi tới lui, thăm viếng hoặc hội họp thật vui vẻ. Mẹ luôn chu đáo, nhiệt tình và niềm nở với tất cả mọi người , ngược lại họ cũng rất quý trọng và thương mến mẹ. Sau này mẹ mất rồi thì thỉnh thoảng cũng có người ghé qua nhưng không ở lâu và không vui nhộn như xưa nữa. Trong số đám bạn của bố, người nào Hà cũng mến, đặc biệt phái nữ thì Hà thích và mến nhất là cô Hoàng Mai. Cô đẹp, tế nhị, hiền hòa, điềm đạm, dí dỏm và có óc khôi hài. Cô cũng có cùng sở thích về nghệ thuật, văn chương, hội họa và viết lách như bố. Có một lần – sau khi mẹ mất được mấy năm – cô Mai ghé thăm bố cùng với mấy người bạn khác. Lúc tiễn cô về rồi, thấy bố buồn buồn, Hà gợi chuyện thăm dò:

“Cô Mai đẹp và dễ thương quá bố nhỉ. Giá cô ở chơi lâu lâu một tí thì vui biết mấy.”

Bố trầm ngâm một lát rồi trảlời:

“Yêu bố – không ai bằng mẹ con. Nhưng hiểu bố thì chẳng ai bằng cô Mai cả.”

Lúc ấy Hà chỉ nghĩ là vì bố cảm thấy lẻ loi, cô đơn nên cần người bậu bạn. Mãi sau này khi hiểu rõ bố nhiều hơn, hiểu đời sâu rộng một tí và nhìn thấy sự tương kính, quý trọng lẫn nhau giữa bố và cô Mai ra sao rồi Hà mới thấm thấu câu nói của bố. Mới hiểu rằng tình vợ chồng tuy thiêng liêng, cao quý, nhưng tình bằng hữu cũng không kém phần quan trọng trong đời sống của mỗi người. Người phối ngẫu đầu ấp tay gối chưa hẳn là người tri kỷ với mình và ngược lại người bạn tâm giao không nhất thiết phải là người vợ hay chồng mới có được sự đồng cảm.

Thấy bố đang thiêm thiếp ngủ, Hà chạy vội ra đầu ngõ để lấy thư vào nhà. Đa số là báo quảng cáo, một sốthiệp chúc Tết, mẫu hàng biếu không, thư đòi nợ… Từ trong đám hỗn độn này rơi ra một phong thư bé bé xinh xinh màu xanh da trời, bốn bên rìa được bao bọc bởi những sọc ngắn, xanh chen đỏ, nằm xiên xiên và song song nhau trông thật vui mắt. Lâu lắm rồi Hà không thấy loại phong bì này. Tò mò nghé mắt nhìn lướt trên bì thư với nét chữ mềm mại, đều đặn như được nắn nót thật kỹ, lần tới tên và địa chỉ người gửi bên góc trái Hà bỗng phì cười:

“Thì ra của cô Hoàng Mai! Sao cô không gửi qua email mà lại viết thư thế này cho lâu lắc, nhiêu khê”.

Vừa buột miệng xong thì Hà cũng chợt nhớ ra thời gian gần đây bố cô không còn hơi sức ngồi làm việc hay kiểm điện thư qua máy vi tính như trước nữa. Ôm chồng thư vào nhà và ngồi xuống chiếc ghế cạnh đầu giường bố, Hà lật qua lật lại phong thư, phân vân không biết có nên đọc thư riêng cho bố nghe không. Dạo này bố cô rất yếu, ít nói năng và cử động. Khi Hà hay Khang – anh lớn của Hà – muốn hỏi chuyện với bố thì đặt câu hỏi, bố nhắm mắt nếu ông muốn trả lời không, và chớp mắt nếu có hay đồng ý. Thoảng hoặc lắm bố mới gắng nói vài câu ngắn gọn cần thiết mà thôi. Một lát sau thấy bố mở mắt ra, Hà cầm phong thư đưa trước mặt ông và hỏi:

“Bố ơi, có thư của cô Hoàng Mai gửi cho bố nè. Bố có muốn con đọc cho bố nghe không?”

Hà thấy bố chớp mắt lia lịa như đang nôn nóng, cô vội lấy dao rọc phong bì và kéo ra một sấp giấy màu xanh thật mỏng, mềm mại và thoang thoảng mùi thơm nhẹ.

Đây là loại giấy viết thư của thời xửa thời xưa, bây giờ không thấy ai dùng tới nữa.
Ngày… tháng…năm…
Anh bạn già thân mến,
Tôi biết giờ này – như mọi năm – anh đang nóng lòng trông ngóng thư từ, bài vở bạn bè bốn phương gửi về để kịp lên báo Xuân như thói quen lâu nay, dù anh đang nằm trên giường bịnh. Tôi cũng biết bọn mình từng đứa đã lần lượt gác kiếm, đau lòng xót dạ mà giã từ cái máy vi tính thân thương luôn sát cánh bên mình bao năm qua. Cái vật vô tri vô giác này cũng là bạn chí thiết, từng giúp mình vượt bao giai đoạn khó khăn trắc trở, là người tri kỷ trung thành không quảng ngại chia sẻ với mình bao nỗi cô đơn, buồn tủi, nhọc nhằn. Cho nên, tôi gửi anh phong thư lối cổ điển thuở học trò này, theo đường chim bay, theo gió mây ngàn đưa đẩy với niềm tin hy vọng anh sẽ đón nhận nó trước ngày giờ bước lên chuyến tàu tốc hành về nơi yên nghỉ thật sự.

Anh còn nhớ đôi khi bọn mình nói chuyện với nhau về ý nghĩa của sự “YÊN NGHỈ” không? Mỗi đứa một định nghĩa riêng, một quan niệm khác biệt. Riêng tôi với anh thì cùng chung ý kiến cho rằng ngày nào mình buông suôi tất cả là ngày đó mình mới được yên nghỉ. Nhưng quả thật “buông” được là khó vô cùng. Cả cuộc đời mình vật lộn với sinh kế, với nhu cầu vật chất, tình cảm và tinh thần, với bao thăng trầm đổi thay của xã hội, với sự tàn khốc của nhân loại, khắc nghiệt của thiên nhiên. Nghĩ lại xem có phút giây nào dám yên nghỉ đâu? Khi vừa thoát ra được hệ lụy này thì lại vướng vào vòng hệ lụy khác. Cứ thế mà ngày qua tháng lại cho tới giờ này, còn chút sức lực vẫn đem ra tận dụng đến phút chót. Anh nói không phải sao? Mắt mờ, lưng còng, cơ thể nhức mỏi triền miên, chân tay tê cứng, vụng về… Vậy mà hằng đêm vẫn thức trắng để tuyển lọc bài vở gửi đến, nắn nót từng câu văn, trau chuốt từng ý tưởng cho đoạn văn được tương đối hoàn hào hơn, toan tính, sắp xếp thế nào cho đẹp mắt và thích hợp với trang web, cuốn sách, tờ báo… Đầu cổ bơ phờ, tâm thần mệt mỏi, từng ngón tay rã rời, vậy mà vẫn cố gắng sử dụng bắp thịt để gõ vào keyboard cho nhanh nhẹn hơn, vận động gân cốt để xoa con chuột cho lẹ hơn. Chẳng ai bắt tội mình làm vậy phải không? Chỉ tại mình chưa muốn nghỉ ngơi. Nếu có đau ốm thì nằm đó mà cứ trông sao cho chóng lành để rồi lại tiếp tục công việc bỏ dở. Đuối sức lắm chứ. Mệt mỏi lắm chứ. Nhưng lỡ sinh làm kiếp tằm nên phải tiếp tục nhả tơ cho đến chết thôi.

Như vậy hóa ra “chết” chỉlà ở vào trạng thái “tĩnh”. Là hoàn toàn nghỉ ngơi thực thụ. Tôi nghe dường như trạng thái này rất quen thuộc và gần gũi với ước muốn của mình lâu nay. Như vậy tránh né nó làm gì. Hãy đón nhận và xem như đây là một giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác. Từ đang thở trở thành ngừng thở. Từ đang sinh động trở thành bất động. Từ đang vất vả cực khổ trở thành thảnh thơi, nhàn nhạ. Giống như con tằm biến thành con nhọng và an hưởng thanh bình trong cái kén cho đến khi thay hình đổi dạng vậy. Nói một cách khác, ở vào tuổi nào đó, mình có thể sẽ rơi vào giao đoạn “chuyển kiếp” không chừng. Sau đó thế nào thì mình cũng chẳng cần bận tâm làm gì chuyện xa xôi ấy. Phải không anh bạn già chí thiết? Có điều đừng quên nhé, dù ở kiếp nào thì cũng cứ cầu mong nhóm bạn già chúng mình vẫn sẽ tái hợp lại đầy đủ như xưa đấy.

Thật ra thì nhóm bô lão mình gắn bó lâu nay cũng chỉ như mọi nhóm khác. Cũng có những chuyện vui buồn từ thuở đi học, đi dạy chung, đi tù đày hay lưu lạc tha phương bao năm quađược đem ra kể lể, nhắc tới nhắc lui, lập đi lập lại hằng tỉ lần mỗi khi họp mặtđông đủ. Rồi thì chuyện mới chồng chất lên chuyện cũ. Chuyện hay lẫn lộn chuyện dở. Chuyện vui lấp liếm chuyện buồn. Vậy mà chuyện nàođược nhắc lại cũng mới nguyên si như vừa xảy ra. Chuyện buồn có bạn bè chia sẻ cũng trở thành chuyện vui. Ừ, mà lạ thật, đứa nào cũng bao lần lên voi xuống chó, ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh, bầm dập tim gan, tan tác cõi lòng, thế nhưng hễ gặp lại cả bọn dường như quên hết thế sự. Chỉ còn nhớ, thấy và cảm nhận cái tâm trạng trẻ trung, vui nhộn, sinh động như đang sống vào thời điểm của quãng đời vàng son dưới mái trường mình đang học hay đang dạy chung vậy. Và đứa nào cũng trở về y nguyên bản chất xa xưa, cá tính cũ. Vẫn phá phách, chọc ghẹo, tiếu lâm, khôi hài… dù trên đầu tóc đã có muối nhiều hơn tiêu rồi.

Tôi đoán có lẽ con gái ngoan đang đọc thư này cho anh. Nghe đến đây anh đã thấm mệt chưa? Thấy ngán ngẫm cái lối viết văn lòng vòng, lẩm cẩm của bà bạn già này rồi chứ? Chẳng sao. Đến tuổi này rồi thì nhớ đâu viết đó, nghĩ sao ghi xuống vậy. Lượm được cái gì vụt đến từ trong ký ức thì cứ bỏ vội vào trang giấy ngay kẻo lại quên nửa chừng. Anh đừng chổi dậy để lo sửa chữa cách hành văn lủng củng, luộm thuộm của tôi. Vô ích, vì sẽ chẳng có ai đọc nó cả. Cũng đừng vội bỏ cuộc. Chưa hết đâu. Hãy nghe tiếp. Tôi sắp sửa đòi nợanh đó. Anh còn nhớ anh đã hứa gì với bọn này trong kỳ họp mặt lần cuối không?

Ngày đó bạn bè mình và học trò cũ từ bốn phương tề tựu về thật đông đủ. Quả thật trái đất rộng lớn bao la cũng thu lại thành gần, bầu trời tuy mênh mông nhưng cũng thành nhỏ hẹp vì ý chí ước muốn tìm về với trường xưa bạn cũ. Khung cảnh lạ, tha hương buồn, nhưng thâm tình cùng thân hữu vẫn bền chặt như xưa, lòng nhiệt thành với bạn bè vẫn nồng ấm thiết tha đầy ắp như thuở nào. Thật cảm động, thật vui mừng bồi hồi vì không ngờ trải bao thăng trầm, xa cách mấy mươi năm mà còn cơ may gặp lại. Rồi thì hẹn nhau gặp tiếp, gặp tiếp, lại gặp tiếp… ở nhiều nơi khác. Không ngờ đi đến đâu anh cũng có thật nhiều bà con họ hàng xa gần, bạn bè cố tri lâu năm đông đảo. Hết người này lại đến người khác tiếp tục mời mọc đãi đằng anh, vì tình thân thuộc, vì nghĩa bạn bè tri âm, vì nợ ân tình, vì nợ miệng và v.v… Anh không thể bỏ rơi đám bạn bè nên buộc lòng họ phải thầu luôn gánh hát bồ tèo bám theo anh. Rốt cuộc bọn này luôn được những bữa ăn chực thịnh soạn vì dựa hơi anh. Rồi thì bọn này bầu anh làm chủcái bang chuyên đi xin ăn miễn phí để theo ăn ké. Ngoài cái vui nhộn vì bản chất hãy còn phá phách, trêu chọc nhau, thực ra từ trong thâm tâm, bọn tôi vô cùng cảm phục anh. Vì anh ăn ở với mọi người đầy tình nghĩa thâm sâu cho nên họ mới quý trọng, mến thương, tha thiết và chí tình chí nghĩa với anh như vậy. Lần nào chia tay anh cũng hẹn gặp nhau kỳ tới để anh kéo bọn mình đi ăn chực tiếp. Anh còn nhớ hay quên?

Giờ bạn bè cũ trong đám rơi rụng dần, kẻ già lụm cụm, đứa đau ốm liên miên, người nào may mắn còn đủ hơi sức hơn thì cố gắng đi thăm người yếu. Cơ hội xum họp đông đảo như trước gần như không thể tiếp tục thực hiện được nữa. Có chăng là ở một thế giới xa xôi khác thôi! Nghĩ cho cùng, tuổi đời chồng chất thế này rồi, có sống thêm vài năm thừa cũng chẳng lời lóm, lợi lộc gì. Mà vài năm thiếu cũng có lỗ lã, mất mát chi đâu? Điều quan trọng, đáng kể nhất chính là cái mình để lại dọc con đường đã đi qua có ý nghĩa, có hữu ích, có đượm đầy nhân nghĩa, nhân tình để làm mọi người chung quanh thương tiếc, nhắc nhở mãi khi mình bỏ cuộc không. Tôi nghĩ anh đã đạt được tới cái đích này rồi đó.

Anh bạn già ơi,
Cuối năm nay tính sổ lại, tôi thấy trong đám bạn bè xưa, anh là người thành công hơn tất cả. Đại gia đình cha mẹ, anh chị em sống quây quần hạnh phúc bên nhau. Con cái thành nhân, thành tài. Cơ ngơi vững chắc. Anh làm được đúng công việc mình yêu thích: truyền đạt nghệ thuật, văn hóa, kiến thức, lý tưởng, đạo đức và lòng yêu nước cho người đời. Thử hỏi mấy ai cóđược cái may mắn này? Đời sống anh luôn được bao bọc, vây quanh bởi tình thương yêu của gia đình, thân quý của bè bạn và sự kính mến của đám học trò xưa. Cái diễm phúc này có lẽ ai cũng phải trân quý lúc còn sống và hài lòng, mãn nguyện lúc nhắm mắt lìa trần.

Hãy vẫy tay chào tôi với nụ cười hứa hẹn tái ngộ ở thế giới mới vào giờ phút anh quyết buông bỏ mọi lấn cấn quanh mình để đi tìm một sự yên tĩnh nghỉ ngơi vĩnh viễn, anh bạn già nhé. Vợ chồng anh hãy ra đón khi chuyến tàu chót chở bọn tôi đỗ bến cùng. Chừng ấy ta lại tiếp tục kéo nhau đi quấy nhiễu thiên hạ, lại đi ăn chực vòng vòng như xưa. Để anh có dịp trả dứt món nợ tiền kiếp đấy mà. Vui biết mấy. Nhớ nhé!

Người bạn già trong nhóm những người bạn già của anh.

Hoàng Mai

Đọc hết câu cuối mắt Hà mờ đi, ràn rụa nước. Cô ngước lên nhìn bố thì cũng vừa kịp bắt gặp nét mặt ông Hy rạng rỡ, tươi hẳn lên, khóe miệng hở ra và một bên môi nhếch lên, ông nởnụ cười vui nửa vời, mãn nguyện. Bàn tay phải với mấy ngón tay xương xẩu hãy còn nhúc nhích như cố gắng vẫy vẫy. Chỉ trong tíc tắc, ông Hy hự lên một tiếng nhỏ rồi quẹo đầu sang một bên và bất động. Hà quýnh quáng định lay ông dậy và gào to:

Bố ơi! Bố ơi!

Khang đứng bên cạnh từ lúc nào, chụp vội tay em gái chận lại và nghẹn ngào khuyên:

Đừng em, hãy để bố đi trong niềm hạnh phúc sau cùng.

Lá thư được thiêu cùng lúc với thân xác còm cõi, hao mòn vì tuổi tác, vì bịnh tật của ông Hy.

Cỏ Hoang

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Người Bắc Âu có thể nói là những người “biết sống” nhất trên thế giới này

Người Bắc Âu có thể nói là những người “biết sống” nhất trên thế giới này

 
Họ sống tự nhiên, đơn giản, hạnh phúc – chính là những điều mà con người hiện đại mong muốn hướng tới.

tự nhiên, người Bắc Âu, hạnh phúc, cuộc sống đơn giản,

(Ảnh: denmark.dk)

Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ nhận thấy, các quốc gia ở Bắc Âu không có nhiều nhà cao tầng, người dân ăn mặc rất mộc mạc, đi những chiếc xe cũ kỹ và ăn những món ăn đơn giản.

Sau 7 giờ tối, gần như trên đường đều rất yên ắng, không có cuộc sống “xa hoa trụy lạc” vào ban đêm, cũng không có những dịch vụ cao cấp lãng phí kích thích thần kinh con người. Vậy, hạnh phúc của những người dân Bắc Âu đến từ đâu?

Người Bắc Âu thường nhắc đến cụm từ “Chất lượng cuộc sống”. Đất nước Thụy điển có câu châm ngôn:“Tiền là thứ có thể để dành được còn thời gian thì không để dành được. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn

Giữa 2 vế: cuộc sống đầy đủ nhà cao cửa rộng, tiền bạc và xe hơi sang trọng, so với cuộc sống có đầy đủ vợ chồng, con cái, sân vườn, người Bắc Âu lựa chọn cái vế thứ hai bởi vì thứ mà họ muốn là “phẩm chất” chứ không phải là “vật chất”.

“Nhanh một chút” rồi lại “nhanh một chút!”, sống như vậy, bạn có nghĩ rằng linh hồn của mình sẽ không theo kịp thể xác không? Người Bắc Âu lựa chọn cách sống “chậm một chút!” nhưng bạn có thể tìm được hạnh phúc thực sự từ đây.

tự nhiên, người Bắc Âu, hạnh phúc, cuộc sống đơn giản,

Một ngôi làng tại Đan Mạch, đẹp như tranh vẽ (Ảnh: Google Image Travel)

Đơn giản – Giảm ham muốn vật chất, trở về với tâm linh yên bình, thư thái

Môi trường thiên nhiên hà khắc khiến cho thói quen tiết kiệm đã trở thành điều tất nhiên ở đây: Cơm không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. Tiền không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều.

Cuộc sống đơn giản của người Bắc Âu rất dễ để nhận ra, ví dụ trong cách ăn mặc, bất luận giá cả như thế nào cũng cần phải phù hợp. Những phụ nữ 70-80 tuổi thường mặc áo khoác vàng nhạt kết hợp chân váy, đi giày nữ tính, khăn trùm đầu phong cách nữ hoàng Anh. Nhìn họ vừa nữ tính vừa trang nghiêm nhưng cũng không mất đi vẻ cuốn hút.

tự nhiên, người Bắc Âu, hạnh phúc, cuộc sống đơn giản,

Trang phục truyền thống Bắc Âu (Ảnh: Laila Durán)
Ngoài ra, nếu nhà ai đó mới sinh em bé thì những nhà hàng xóm hay bạn bè đều sẽ mang những bộ quần áo cũ đã được giặt rũ thơm tho đến cho em bé sử dụng. Điều này là rất bình thường ở đây, có vẻ như nó cũng trở thành một thói quen lâu đời.

Nếu một anh chàng thanh niên, một ông lão hay một cô gái đang đi trên đường mà bất chợt gặp bạn bè, thì quán cà phê ở đầu đường hay cuối ngõ sẽ là lựa chọn đầu tiên của họ. Một cốc cà phê Cappuccino nồng nàn trong không gian tĩnh lặng sẽ khiến họ ấm áp và thân thiết hơn.

Những con đường ở các quốc gia Bắc Âu thường hẹp hơn đường ở nước Đức, phần lớn nó không phải những con đường thẳng mà là những ngõ, hẻm.

Người dân nơi đây chủ yếu sử dụng những loại xe ô tô cá nhân cỡ nhỏ. Rất nhiều người họ đều là đạp xe đạp đi làm. Bảo vệ môi trường đối với họ không phải là một loại “mốt” mà là một sự “cao thượng”.

tự nhiên, người Bắc Âu, hạnh phúc, cuộc sống đơn giản,

“Giờ cao điểm” ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch (Ảnh: Google Image Travel)

Hiệu suất cao – Làm việc để cuộc sống chất lượng hơn

Công việc của họ khá nhẹ nhàng, thời gian rảnh đủ để làm thêm một công việc khác. Nhưng họ lại không làm như thế mà là lựa chọn tới quán cà phê thưởng thức cùng bạn bè hoặc ngồi đọc sách.

tự nhiên, người Bắc Âu, hạnh phúc, cuộc sống đơn giản,

Môt quán cà phê ở Copenhagen, Đan Mạch (Ảnh: Google Image Travel)
Nhưng mà bạn đừng nghĩ rằng, người Bắc Âu suốt ngày chỉ biết uống cà phê nhé! Điều kiện tiên quyết để họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc là từ một thể chế phúc lợi do chính thái độ và hiệu suất làm việc của họ đem lại. “Đừng suy xét đến thu nhập, trước tiên hãy hỏi mình thích gì, công việc mình phải thích thì mới làm tốt được nó”, đây là quan niệm của người Bắc Âu, cho nên công việc đối với họ mà nói cũng không phải là một loại “đau khổ, giày vò”.

Vì đề cao hiệu suất, nên người Bắc Âu nghĩ mọi cách để sáng tạo, như vậy để họ có nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi và cho gia đình. Chỉ cần nhìn vào số lượng giải Nobel hay những giải thưởng danh giá khác trên thế giới bạn sẽ thấy rõ điều này thôi!

Người Bắc Âu nổi tiếng là những người yêu du lịch. Họ thường xuyên đi hưởng thụ, ngắm cảnh đẹp trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Yêu gia đình – vui chơi cùng con cái

Trong cuộc sống của người Bắc Âu, chỉ cần vừa có kỳ nghỉ là họ sẽ cùng gia đình tận hưởng những ngày vui đùa bên nhau, cùng tắm biển, tắm nắng, trượt tuyết, cưỡi ngựa…

Người Bắc Âu rất đề cao giá trị gia đình, người chồng trong gia đình sẵn sàng hủy bỏ những buổi gặp gỡ ăn uống với bạn bè sau giờ làm để dành thời gian cho vợ con.

tự nhiên, người Bắc Âu, hạnh phúc, cuộc sống đơn giản,
Điều đầu tiên sau khi tan ca trở về nhà chính là mọi người giành thời gian cho gia đình. Họ cùng nhau nấu ăn, vui đùa, kể chuyện, có rất ít người ở lại bên ngoài. Cho dù là có muốn làm thêm thì họ cũng phải chọn thời gian để tránh ảnh hưởng đến gia đình.

Ví dụ, người chồng sẽ chọn đi làm tăng ca vào lúc 3 giờ sáng bởi vì họ cho rằng buổi sáng ít nhất còn có người vợ ở nhà dùng bữa sáng cùng các con. Như vậy, người chồng sẽ chỉ bị mất đi khoảng 1 tiếng đồng hồ là thời gian gia đình gặp gỡ nhau ăn sáng. Làm thêm giờ vào buổi sáng sớm, nghe thì có vẻ khó tin, nhưng điều này lại cho các ông bố có thêm thời gian vào buổi tối để gia đình được ăn tối cùng nhau.

Một người đàn ông tên là Fredrik nói: “Nếu như một ngày, tôi không nhìn thấy những đứa con của tôi, không kể cho chúng một câu chuyện, không hôn lên đầu chúng thì tôi không thể làm được bất cứ điều gì!”

Họ cho rằng, khoảnh khắc hạnh phúc nhất chính là những đứa trẻ leo lên đầu gối và ôm lấy cổ bố chúng, hôn một cái trước khi đi ngủ. Họ cảm thấy đây chính là một loại thành tựu, một loại hạnh phúc.

Đối với người đàn ông Bắc Âu mà nói, gia đình và con cái không phải là nền tảng giúp người đàn ông tìm kiếm sự thành công, mà là một phần quan trọng nhất trong chất lượng cuộc sống của họ.

Theo daikynguyenvn.com

GIA ĐÌNH LÀ GÌ?

GIA ĐÌNH LÀ GÌ?

Gia đình là sự nối kết thiêng liêng và thân tình giữa CHA, MẸ và CON CÁI lúc còn sống. Theo Anh ngữ, FAMILY có nghĩa là Father And Mother, I Love You”. (GIA ĐÌNH = Ba và Mẹ ơi, con yêu Ba Mẹ.)

Nếu không biết trân quý thực tại nầy, nhiều điều hối tiếc có thể xảy ra và không bao giờ phục hồi nguyên trạng.

Giận dữ và yêu thương không có giới hạn: hãy chọn YÊU THƯƠNG để có một cuộc sống xinh tươi và đẹp đẽGIẬN DỮ đôi khi mang lại những tai hoạ không lường trước được.

Cuộc đời rất ngắn ngủi. Hãy dành nhiều thời gian để yêu thương và quan tâm đến những người mà mình quý mến. Hãy tận hưởng những khoảnh khắc với họ trước khi mọi chuyện đã quá muộn màng.

Ban Biên Tập
( Công Giáo Việt  Nam)

Gia đình là gì? (1)

Tác giả:  Nhà Văn Hương Vĩnh

Người Mỹ dùng danh từ “FAMILY” trong khi người Việt gọi là “GIA ĐÌNH”. Mời đọc mẫu chuyện dưới đây để tìm hiểu giá trị của “Family” như thế nào.

Tôi va phải một người lạ trên đường phố khi người này đi qua. Tôi nói: “Ồ xin lỗi”. 

Người kia trả lời: “Cũng xin thứ lỗi cho tôi, tôi đã không nhìn thấy cô”. Chúng tôi rất lịch sự với nhau.

Nhưng ở nhà thì mọi chuyện lại khác. Tối nọ, lúc tôi đang nấu bếp, cậu con trai đến đứng sau lưng. Tôi quay người và đụng vào thằng bé làm nó ngã chúi xuống sàn nhà. Tôi cau mày nói: “Tránh ra chỗ khác”. Con trai tôi bước đi, trái tim bé nhỏ của nó vỡ tan. Tôi đã không nhận ra là mình đã quá nóng nảy!

Khi đã lên giường, tôi nghe một giọng nói thì thầm: “Khi đối xử với người lạ con rất lịch sự, nhưng với con mình, con đã không làm như vậy. Hãy đến tìm trên sàn nhà bếp, có những bông hoa đang nằm ở cửa. Đó là những bông hoa mà con trai con đã mang đến cho con. Tự nó hái lấy những bông hoa này: nào hoa hồng, màu vàng và cả màu xanh. Nó đã yên lặng đứng đó để mang lại cho con điều ngạc nhiên, còn con thì không bao giờ thấy những giọt nước mắt đã chảy đẫm lên trái tim bé nhỏ của nó.

 Lúc này thì tôi bật khóc. Tôi lặng lẽ đến bên giường con trai và quì xuống: “Dậy đi, con trai bé nhỏ, dậy đi. Có phải những bông hoa này con hái cho mẹ không?

Thằng bé mỉm cười: “Con tìm thấy chúng ở trên cây kia. Con hái cho mẹ vì chúng đẹp như mẹ. Con biết là mẹ thích lắm, đặc biệt là bông hoa màu xanh”.

Thế danh từ “family” có nghĩa gì?

FAMILY = Father And Mother, I Love You.

(GIA ĐÌNH = Ba và Mẹ ơi, con yêu Ba Mẹ.)

Bạn cảm động khi đọc mẫu chuyện nói trên, chắc hẵn rồi!

Mời bạn đọc thêm một câu chuyện có thật khá cảm động khác dưới đây:

Một người đàn ông, trong lúc đang chùi cho láng chiếc xe hơi của anh ta, đứa con trai 4 tuổi của anh ta nhặt một hòn đá và rạch vào bên hông xe. Trong cơn tức giận, anh ta chụp lấy tay đứa con trai và đánh vào tay nó nhiều lần mà không nhận ra rằng anh ta đang đánh bằng cái mỏ lết.

Tại bệnh viện, đứa bé mất hết các ngón tay vì xương thịt dập nát. Khi đứa trẻ thấy bố nó… Với đôi mắt đau buồn, nó hỏi: “Bố ơi các ngón tay con đâu rồi?

Anh ta rất đau lòng, không nói nên lời và trở lại bên xe, đá vào chiếc xe nhiều lần.

Suy sụp bởi hành động vô ý thức của mình…., ngồi trước chiếc xe hơi, anh ta nhìn vào vết xước trên hông xe….. thằng bé đã viết: “Con Yêu Bố, Bố ơi!” Ngày hôm sau, người đàn ông tự tử…

Giận dữ và yêu thương không có giới hạn, hãy chọn YÊU THƯƠNG để có một cuộc sống xinh tươi và đẹp đẽ.

Đồ vật được sản xuất để SỬ DỤNG và con người được thọ tạo để YÊU THƯƠNG….Vấn nạn của một phần thế giới hôm nay lại là…. Con người bị SỬ DỤNG còn đồ vật thì được YÊU THƯƠNG !!!

Thêm Hai câu chuyện xúc động về gia đình (2)

Câu chuyện thứ nhất: Hãy Làm Điều Gì Đó Trước Khi Quá Muộn Màng

Một người đàn ông dừng lại ở cửa tiệm bán hoa để đặt hoa tặng mẹ của mình. Mẹ của ông ở xa cách đây hơn 200 dặm và ông sẽ nhờ cửa tiệm giao hoa đến tận tay cho bà.

Khi ông bước ra khỏi xe, ông đột nhiên chú ý đến một cô gái trẻ đang khóc thút thít bên lề đường. Ông hỏi cô gái có sao không, cô trả lời: “Cháu muốn mua hoa hồng tặng mẹ. Nhưng cháu chỉ có 75 cents nhưng hoa hồng thì đến 2 dollars.

Người đàn ông mỉm cười và nói: “Đi với chú. Chú sẽ mua cho cháu một bông hồng.
Ông mua cho cô bé hoa hồng như đã hứa và đặt hoa giao đến tận nhà mẹ mình. Khi họ rời khỏi, ông ngỏ ý chở cô bé về nhà. Cô bé đồng ý để ông chở đến chỗ mẹ mình. Cô chỉ cho ông đến một nơi vắng vẻ, phải đến khi dừng xe lại, người đàn ông mới nhận ra đó là một nghĩa địa. Và cô gái đã đặt bông hoa ấy lên một ngôi mộ sạch sẽ.

Người đàn ông trở về cửa tiệm hoa, hủy gói hoa giao và ông ta đã mua hẳn một bó hoa to, lái xe đến thẳng nhà của mẹ mình, ngôi nhà cách nơi đấy hơn hai trăm dặm đường đi. Cuộc gặp gỡ cô gái đã cho ông hiểu rằng, nếu hôm nay ông không đến, có khi ngày mai ông sẽ chẳng còn cơ hội để đến nữa.

Cuộc đời rất ngắn ngủi bạn ạ. Hãy dành nhiều thời gian để yêu thương và quan tâm đến những người mà bạn quý mến. Hãy tận hưởng những khoảnh khắc với họ trước khi mọi chuyện đã quá muộn màng. Không có thứ gì trên đời quan trọng hơn gia đình cả, bạn nhé!

Câu chuyện thứ hai: Chỉ năm phút nữa thôi

Ở một công viên nọ, một người phụ nữ ngồi cạnh một người đàn ông trên một băng ghế gần sân chơi.
Con trai tôi đó”, người phụ nữ chỉ vào một cậu bé đang chơi cầu trượt, vận chiếc áo len màu đỏ.

Cậu bé nhìn mới đáng yêu làm sao”, người đàn ông nói. “Còn kia là con gái của tôi, cô bé đang chạy xe đạp. vận một cái đầm màu trắng đấy.”

Sau đó, người đàn ông nhìn vào đồng hồ và gọi cô bé. “Con chơi xong chưa, Melissa?

Melissa nài nỉ, “5 phút nữa thôi nha bố. Nha? Chỉ 5 phút thôi.

Người đàn ông gật đầu và cô bé lại tiếp tục chơi đùa cùng chiếc xe như cô đã mong muốn. Thời gian trôi qua và người đàn ông lại gọi con gái của mình: “Đi được chưa con?

Melissa lại nài nỉ: “Chỉ 5 phút nữa thôi nha bố! 5 phút thôi mà!”

Người đàn ông lại mỉm cười và nói: “Được rồi!”

Ông quả thật là một con người kiên nhẫn”, người phụ nữ nói.
Người đàn ông mới tiếp lời, “Tommy, anh trai của con bé đã mất trong một vụ tai nạn giao thông vì một gã tài xế say xỉn khi nó đang đạp xe ở một chỗ khá gần nơi này. Tôi đã không dành nhiều thời gian cho Tommy và bây giờ tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả chỉ để có được 5 phút ở cạnh nó. Tôi đã thề sẽ không lặp lại sai lầm đó với Melissa. Con bé cứ nghĩ nó may mắn có thêm 5 phút để chơi. Nhưng sự thật đúng ra phải là tôi, mới là người may mắn khi có được thêm 5 phút để nhìn ngắm con bé hạnh phúc.”

Cuộc sống luôn cần những lần đánh đổi và sự ưu tiên lớn lao nhất luôn luôn phải là gia đình. Hãy tận dụng thời gian quý báu của mình với những người mình thương yêu nhất bạn nhé.

GHI CHÚ

(1) Sưu tầm

(2) Theo QTCS

  NGUỒN XUÂN GIA ĐÌNH

Tết Bính Thân 2016

Giáo Xứ Thánh Giuse

Vancouver BC Canada

Tác giả:  Nhà Văn Hương Vĩnh

Mười hai lời khuyên của Đức Phanxicô cho các gia đình

Mười hai lời khuyên của Đức Phanxicô cho các gia đình

Đức Phanxicô gặp gia đình Catire và Noel Walker và các con, từ trái, Cala, Dimas, Mia và Carmin) ngày chúa nhật tại Đại chủng viện San Carlos Borromeom, Philadelphia. 2

 Từ khi nhậm chức đến bây giờ, Đức Phanxicô liên tục nói với các cha mẹ, ông bà, trẻ em. Đây là một vài lời khuyên đẹp nhất của ngài.

  1.   “Xin vui lòng”, “Cám ơn”, “Tha thứ”. Đó là những chữ giúp cho gia đình sống trong bầu khí bình an. Những chữ đơn giản nhưng không dễ để thực hiện! Nó bao gồm một sức mạnh lớn lao: sức mạnh bảo vệ tổ ấm gia đình dù phải qua muôn vàn thử thách và khó khăn. Nhưng nếu không có những chữ này thì gia đình sẽ có những nứt rạn có thể dẫn đến tan vỡ.
  2.     Chữ đầu tiên là “Xin vui lòng,” khi chúng ta nhẹ nhàng xin một chuyện, dù chúng ta nghĩ chuyện này là chuyện mình có quyền được, thì chúng ta đã bảo vệ được bầu khí cùng sống chung của vợ chồng và gia đình. (…) Dù chúng ta xem như đã biết nhau, nhưng đừng nghĩ một khi có là có mãi mãi.
  3.  Trước khi làm một cái gì trong gia đình, chúng ta cũng xin: “Xin vui lòng, tôi có thể?”. Ngôn ngữ lịch sự này đầy cả tình yêu và tạo nhiều điều tốt đẹp trong gia đình.
  4.  Một tín hữu không biết cám ơn là một tín hữu đã quên ngôn ngữ của Chúa.
  5.   Có một hôm, tôi nghe một người rất lớn tuổi, rất tốt, rất đơn sơ, rất khôn ngoan nhưng khôn ngoan của một tấm lòng mộ đạo, một tấm lòng yêu cuộc sống: “Lòng biết ơn chỉ lớn lên trong mãnh đất của những tâm hồn cao thượng”. Tấm lòng cao thượng này là ơn Chúa trong tâm hồn chúng ta, thúc đẩy chúng ta nói lên lời cám ơn, lên tâm tình tri ân.
  6.  “Tha thứ”. Đó là một chữ khó khăn nhưng lại rất cần thiết. Khi chữ này không được nói lên thì các rạn nứt nhỏ sẽ banh rộng ra (…).
  7.  Nhận biết mình sai lầm và muốn chuộc lại những gì đã bị lấy mất – lòng tôn kính, chân thành, tình yêu – là làm cho sự tha thứ thành chính đáng. (…) Nếu chúng ta không xin lỗi được, có nghĩa là chúng ta không biết tha thứ. (…) Bao nhiêu tổn thương tình cảm và rạn nứt trong gia đình bắt đầu vì không nói lên được chữ “tha thứ”.
  8. Không thể nào tránh cãi vã trong đời sống vợ chồng nhưng tôi có một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà chưa làm hòa! (…) Và làm hòa như thế nào? Quỳ gối xuống? Không! Một cử chỉ nhỏ là đủ, chỉ một cử chỉ nhỏ, hòa khí trong gia đình sẽ trở lại (Buổi tiếp kiến chung 13 tháng 5-2015).
  9. Chúa Giêsu được sinh ra trong một gia đình. Ngài có thể sinh ra là chiến binh, là hoàng đế… Không, Ngài xuống thế gian như một người con trong một gia đình.
  10.  Biết bao nhiêu người mẹ học được lòng quan tâm của Mẹ Maria cho Con của mình! Biết bao nhiêu người cha đã học từ Thánh Giuse, một người công chính, hiến cả cuộc đời mình để nâng đỡ và bảo vệ vợ con mình trong những lúc khó khăn! Và Chúa Giêsu ở tuổi vị thành niên đã khuyến khích các người tìm hiểu để thấy sự cần thiết và nét đẹp cần phải vun trồng cho ơn gọi sâu đậm hơn, ước mơ cao cả hơn!
  11.  Như Đức Mẹ và Thánh Giuse, mỗi gia đình đều có thể đón nhận Chúa Giêsu. Lắng nghe Ngài, nói chuyện với Ngài, cùng ở chung với Ngài, bảo vệ Ngài và lớn lên với Ngài; và như thế mới cải thiện được thế giới (…) Đó là sứ mệnh lớn lao của gia đình: dành một chỗ để Chúa Giêsu đến, đón nhận Chúa Giêsu vào gia đình để Ngài lớn lên về mặt thiêng liêng trong gia đình này (Buổi tiếp kiến chung 17-12-2014).
  12.  Các bà mẹ là chất khử độc mạnh nhất cho chủ nghĩa ích kỷ cá nhân. “Cá nhân” có nghĩa là “không chia được”. Ngược lại, các bà mẹ “chia sẻ” ngay khi họ đem đứa con ra chào đời và nuôi nó lớn lên. (…) Một xã hội không có các bà mẹ thì không phải là một xã hội của loài người vì, dù trong những giây phút đau buồn nhất, các bà mẹ cũng là chứng nhân của tấm lòng tận tâm, dịu dàng, chứng nhân của sức mạnh tinh thần. (…) Không có các bà mẹ, không những không có các tín hữu mới mà đức tin sẽ mất đi phần lớn sự nồng ấm đơn giản và sâu đậm (Buổi tiếp kiến chung 7 tháng 1-2015).

Marta An Nguyễn chuyển dịch

TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG NHƯ ÁNG MÂY TRÔI

TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG NHƯ ÁNG MÂY TRÔI

  1. Nguyễn Mạnh San

Sau hơn 36 năm liên tục được phục vụ tha nhân trong trách nhiệm tinh thần của một Phó

Tế Vĩnh Viễn (Permenant Deacon), tôi đã được chứng kiến tận mắt và được nghe tận tai

những nỗi tâm tư uẩn khúc của những cặp vợ chồng trẻ có, trung niên có và cao niên có, đã

tâm sự cho tôi nghe về đời sống lứa đôi của họ. Vì sống trong một xã hội văn minh Hoa

Kỳ, có biết bao nhiêu những sự cám dỗ vật chất hàng ngày vây quanh họ, làm cho một số

tình nghĩa vợ chồng đổi thay, sống ích kỷ đối với nhau, chỉ muốn cá nhân mình được

hưởng thụ mọi thứ mình đang có, không muốn chia sẻ cho nhau những gì mình có, có

những cặp vợ chồng cư xử với nhau thiếu hẳn tình người. Chính vì thế, người ta có thể ví

tình nghĩa vợ chồng như áng mây trôi, nếu trôi vào bến nước trong, thì vợ chồng luôn luôn

sống bên nhau với những niềm vui tươi hạnh phúc bất tận bên nhau; nhưng nếu trôi vào

bến nước đục, thì người vợ hay người chồng sẽ phải gánh chịu biết bao nhiêu sự đau khổ.

Tuy nhiên, trong trường hợp như vậy, cả hai vợ chồng nếu có lòng tin vững mạnh vào sự

an bài của Thượng Đế, mà người ta thường gọi là định mệnh, để nhẫn nhục chịu đựng và

sẵn lòng tha thứ cho nhau những điều lầm lỗi của nhau, thì vợ chồng vẫn có thể sống hòa

thuận yêu nhau suốt đời. Sau đây tôi xin trình bầy về 2 trường hợp tình nghĩa vợ chồng,

thuộc giới cao niên, đang sống tại viện dưỡng lão và một trường hợp thuộc giới trung niên,

đang sống tại tư gia, mà cả 3 trường hợp này có nội dung hoàn toàn khác biệt nhau. Trong

việc hành xử công tác Tông Đồ Mục Vụ của một Phó Tế Công Giáo, tôi được Cha Chánh

Xứ sai đi thăm viếng, an ủi tinh thần cho 3 vị này trong nhiều tháng qua.

 

Trường hợp thứ nhất: Ông Cư bị mắc căn bệnh lãng trí, đi đứng không vững, phải đi bằng

walker và người con gái lớn phải gửi ông vào trong viện dưỡng lão đã hơn 6 tháng nay,

hàng tuần tôi vào thăm ông để an ủi và cầu nguyện cho ông và lần đầu tiên tôi vào thăm

ông, thì tình cờ tôi gặp bà vợ ông cũng vào thăm nuôi ông. Ông cho tôi biết hàng ngày, cứ

mỗi ngày bà mang thức ăn bà nấu ở nhà vào cho ông ăn cơm trưa và trước khi bà ra về lúc

3 giờ chiều để đi làm, bà đều tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo cho ông,mặc dầu bà biết rõ

trong viện dưỡng lão, đã có nhân viên làm việc tại đây săn sóc mọi điều cho ông, nhưng

bất luận lần nào tôi vào thăm ông, tôi cũng được chứng kiến tận mắt cảnh tượng săn sóc

chồng hết sức chu đáo của bà, như người Mẹ đang săn sóc một đứa con còn nhỏ dại, làm

tôi hết sức cảm động và tự hỏi lòng mình, sao lại có những bà vợ đầy tình nhân ái, hết lòng

hy sinh cho chồng, cả những lúc chồng đau ốm như thế này, trong khi bà vợ vẫn phải đi

làm việc từ chiều cho đến tối khuya mới về tới nhà. Tôi còn được biêt bà có dư thừa tiền

bạc để thuê mướn thêm người đến săn sóc ông, thay cho bà trong viện dưỡng lão nếu bà

muốn, nhưng bà cho tôi biết là bà muốn được tự tay săn sóc ông, cho trọn vẹn tình nghĩa

vợ chồng và bà nhấn mạnh rằng cho dù vợ chồng chỉ ở với nhau có một ngày cũng nên

nghĩa. Đây đúng là một tấm gương sáng chói, cho những cặp vợ chồng đang sống trong

một xã hội Hoa Kỳ, được coi là văn minh vào bậc nhất trên thế giới, nhưng có quá nhiều

cạm bẫy vật chất cám dỗ người ta hàng ngày, bất kể già, trẻ, lớn bé đều có thể bị cám dỗ, nếu không ý thức được tình nghĩa thiêng liêng trong đời sống vợ chồng, tuy hai thân xác nhưng là một tâm hồn .

Trường hợp thứ hai: Ông Duy bị bán thân bất toại, nhưng trí óc vẫn còn sáng suốt bình

thường, phải nằm liệt giường, ăn uống phải có người bón, đi tiểu tiện phải có người bế lên

cho ngồi xe lăn, đưa vào nhà vệ sinh v.v…Nên người nhà phải gửi ông vào viện dưỡng lão

và thỉnh thoảng tôi có thì giờ, tôi cũng vào thăm ông. Lần đầu tiên tôi vào thăm ông, tôi

gặp bà vợ ông săn sóc ông chu đáo, y như trường hợp thứ nhất và bà cũng yêu cầu tôi, bất

luận ngày nào mà tôi có thể vào thăm chồng bà, thì xin cho bà biết trước, để bà có dịp được

gặp tôi, nhờ tôi tư vấn cho bà về những vấn đề khó khăn của bà đối với con cái. Mới đầu

tôi tin tưởng vào lời yêu cầu này của bà có lý do chính đáng, nên mỗi lần tôi vào thăm ông,

tôi đều có báo trước cho bà biết tôi đến thăm ông và bà luôn luôn có mặt và sau khi bà cho

ông ăn uống xong đâu đấy, bà liền tâm sự những câu chuyện khó khăn về con cái của bà

cho tôi nghe. Vì bẵng đi một tháng, tôi mắc công việc phải đi xa ngoài tiều bang, không

đến thăm ông được và khi tôi quay trở về, tôi vội vàng đến thăm ông, quên không báo cho

vợ ông biết trước như mọi lần, nên không có mặt bà, ông buồn rầu tâm sự cho tôi nghe là

cả tháng nay, vợ ông cũng chỉ đến thăm ông có 2 lần, mỗi lần bà chỉ thăm ông khoảng 20

hay 30 phút là bỏ ra về, vì Thầy phục vụ ở cùng giáo xứ với bà nhà tôi, nên bà ấy rất kính

nể Thầy và cứ mỗi lần Thầy đến thăm tôi, thì bà ấy lo săn sóc tôi chu đáo để cho Thầy nhìn

thấy tận mắt, nhưng khi nào Thầy không vào thăm tôi, thì bà ấy cũng không vào thăm tôi,

hoặc có vào thì chỉ độ 2 hay 3 lần mỗi tháng là cùng. Khi tôi mới vào viện dưỡng lão thì

ngày nào bà cũng vào săn sóc tôi như có mặt Thầy vậy, nhưng kể từ khi tôi ký tờ di chúc,

bằng lòng để lại tất cả tài sản, gồm nhà cửa đã trả hết tiền nợ ngân hàng và tiền bạc của tôi

để dành trong ngân hàng trên 3 trăm ngàn cho một mình bà có quyền thụ hưởng sau khi tôi

qua đời, thì bà tỏ thái độ thờ ơ, không còn tiếp tục hàng ngày đến viện dưỡng lão săn sóc

chu đáo cho tôi như trước kia nữa. Tới bây giờ tôi mới thấu hiểu câu nói của tiền nhân là:

Thức khuya mới biết đêm dài, sống lâu mới biết lòng người đổi thay. Nhưng may thay, kể

từ ngày có Thầy đến thăm tôi, vì sợ tôi kể cho Thầy nghe hết tất cả sự thật này, nên nhà tôi

mới yêu cầu Thầy, là mỗi lần Thầy đến thăm tôi, thì Thầy báo cho bà ấy biết trước, để bà

ấy có mặt với Thầy và bà ấy muốn tỏ cho Thầy thấy rằng bà ấy vẫn hết lòng thương yêu

chồng, qua những hành động săn sóc tận tình của bà dành cho tôi, trước mặt Thầy như

Thầy đã thấy. Vậy từ nay trở đi, nếu Thầy còn tiếp tục đến thăm tôi, thì xin Thầy nhớ báo

cho bà ấy biết trước, để tôi được hưởng cái phước lộc của Thầy, mà Chúa đã gửi Thầy đến

thăm tôi trong những lần vừa qua. Tôi cũng xin chân thành xác nhận với Thầy, mặc dầu

nhà tôi đối xử tệ bạc với tôi trong lúc tôi đau ốm, phải vào nằm trong viện dưỡng lão, mà

tôi vừa kể cho Thầy nghe, nhưng tôi không oán trách nhà tôi, vì mỗi người Công Giáo

chúng tôi, hầu hết ai ai cũng phải vác Thánh Giá, nếu muốn bước theo chân Ngài, có người

thì vác Thánh Giá nặng, có người vác Thánh Giá nhẹ, mà bên Phật Giáo coi đây là sự việc

quả báo hay còn gọi là nghiệp chướng, vì tội lỗi của mình gây ra hay là tội lỗi gây ra bởi

Cha Ông chúng ta, để lại cho con cháu đến đời này phải hứng chịu, thay cho Cha Ông của

chúng ta.

 

Trường hợp thứ ba: Ông Huy mới 60 tuổi, là một thi sĩ sáng tác nhiều bài thơ, miêu tả tình

yêu trai gái như cá với nước, tình yêu của Cha Mẹ dành cho con cái như mây trời bao la và

tình nghĩa vợ chồng cao ngất như núi thái sơn. Chúng tôi vẫn thường gặp mặt nhau, để hàn

huyên tâm sự với nhau. Ông Huy thường ngâm cho tôi nghe những bài thơ tình cảm xã hội,

mang tính chất triết lý về cuộc sống đạo đức, thủy chung của con người Việt Nam nói riêng

do ông sáng tác; còn tôi thường kể cho ông nghe những câu chuyện tình cảm, có dính líu

tới Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, do tôi sưu tầm từ một số các vụ án, xét xử tội phạm tại

Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, cũng là nơi tôi tòng sự trên 3 thập niên qua hoặc những câu

chuyện tình cảm oan trái do những tù nhân nam nữ, thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, tâm sự

cho tôi nghe, trong số những anh chị em tù nhân này, có tới 90% là người Hoa Kỳ, bị giam

giữ tại các trại tù liên bang và tiểu bang, mà tôi được gửi đến để phục vụ họ, trong nhiệm

vụ là một Tuyên Úy trại tù tình nguyện, vào những ngày nghỉ cuối tuần. Mới đây ông Huy

bị bệnh nặng, phải vào nằm nhà thương mất 2 tuần lễ, ông mới được bác sĩ cho trở về nhà

nằm nghỉ dưỡng bệnh và sau hơn một tuần ông trở về nhà, tôi ghé thăm ông bất thình lình,

là chỗ bạn bè thân thiết, nên tôi không cần phải gọi điện thoại báo cho ông biết trước, tôi

theo chân ông vào trong bếp, ông tiếp tục bỏ mì gói vào bát nước sôi để chuẩn bị cho bữa

ăn trưa của ông. Nhìn thấy da mặt ông xanh xao, thân hình gầy còm như con cá mắm, đi

dứng chậm chạp, chứng tỏ sức khỏe của ông vẫn con yếu ớt lắm, mà ông vẫn phải tự nấu

nướng cho ông ăn, rồi ông buồn rầu cất tiếng tâm sự với tôi: Thưa Thầy, mặc dầu tôi được

bác sĩ cho về nhà dưỡng bệnh đã hơn 2 tuần nay, nhưng vẫn chưa lấy lại sức, chỉ có một

mình tôi ở nhà, tôi phải tự săn sóc lấy mọi chuyện cho tôi, kể từ khi tôi ở nhà thương về tới

nay, tôi vẫn tự tay nấu ăn lấy, dọn dẹp nhà bếp, cầu tiêu, nhà tắm cho sạch sẽ trong những

lúc nhà tôi không có ở nhà. Vì tôi không biết nấu nướng, nên thường ngày tôi chỉ biết nấu

mì gói, ăn thay cho bữa cơm trưa, trong khi nhà tôi thì mải mê đi làm một số các dịch vụ

thương mại, đến tối mịt mới quay trở về nhà, tất cả các con cháu tôi thì ở xa ngoài tiểu

bang, cho dù nếu các cháu có ở gần chúng tôi đi chăng nữa, nhà tôi cũng ngăn cản tôi,

không muốn cho tôi nhờ vả chúng nó bất cứ điều gì tôi cần sự giúp đỡ của các con tôi, nhà

tôi nói là đừng làm phiền chúng nó, vì chúng nó đã lập gia đình cả rồi, chúng nó còn phải

lo cho gia đình của chúng nó và để tránh khỏi phải cãi vã với nhà tôi về sự ngăn cản này,

nên tôi cũng chẳng bao giờ mở miệng nhờ cậy các con tôi giúp tôi bất cứ điều gì tôi cần,

nhưng nhiều lúc, trong lòng tôi cảm thấy rất buồn tủi, làm cho tôi có cảm tưởng như chúng

nó là con riêng của nhà tôi, chứ không phải con của hai chúng tôi nữa. Mấy chục năm sống

bên nhau, tôi biết rõ nhà tôi không thuộc loại người đàn bà rượu chè, cờ bạc, lẳng lơ trai

gái. Nhưng khổ một nỗi, lúc nào nhà tôi cũng chỉ nghĩ cách làm sao kiếm ra được thật

nhiều tiền và rồi cất giữ tất cả số tiền kiếm được là nhà tôi hài lòng vui vẻ, vì mỗi lần kiếm

được bao nhiêu tiền lại cất giữ đi bấy nhiêu hoặc lại đem số tiền vừa kiếm được đi đầu tư

vào dịch vụ thương mại khác, nên lúc nào nhà tôi cũng than thở với tôi là không có tiền.

Mặc dầu nhà tôi hiểu rất rõ, là khi chết đi thì đâu có mang tiền đi theo mình được, nhưng

nhà tôi vẫn không chịu thay đổi cá tính bẩm sinh say mê tiền bạc hơn tất cả mọi thứ trên

đời này và nếu có ai sống trong hoàn cảnh như thế, nói theo môn tâm lý học, thì tiền mới

chính là người yêu duy nhất của người vợ hay của người chồng. Riêng với cá tính bẩm sinh

của tôi, tất cả những ai đã từng quen biết tôi, trong đó có cả Thầy cũng đã thấy rõ con

người của tôi như thế nào, trong nhiều năm qua, tôi sống rất giản dị và tôi chưa hề biết nói

câu từ chối lời yêu cầu giúp đỡ nào của ai hết, nếu lời yêu cầu đó nằm trong khả năng mà

Chúa đã ban cho tôi. Tiền bạc chỉ có ý nghĩa đối với tôi khi tôi là chủ nhân của đồng tiền,

chứ không phải là kẻ nô lệ cho đồng tiền, để đến nỗi quý trọng đồng tiền hơn tình người.

Trong hoàn cảnh của tôi, về mặt tinh thần, nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn, nhưng về mặt lý

trí, tôi cảm thấy niềm an ủi cho thân phận mình, vì Chúa ban cho tôi có được người vợ

đoan trang, nết na, chung thủy, nhưng chỉ phải mỗi cái tật say mê đi ra ngoài làm thương

mại, để mong ước kiếm được nhiều tiền thêm, nên không có đủ thì giờ chăm lo thu dọn nhà

cửa cho ngăn nắp sạch sẽ và tôi vẫn nhớ câu người ta thường nói: Được cái nọ mất cái kia

hoặc muốn theo chân Chúa thì phải vác Thánh Giá nặng hay nhẹ theo Ngài, quả đúng như

thế nên tôi lấy đó làm niềm an ủi, chấp nhận sống trong hoàn cảnh tự mình săn sóc cho

thân mình, kể cả trong những lúc đau ốm, đáng lý cần phải có người phụ giúp tôi, nhưng

nhìn chung quanh mình, cũng chỉ có một thân một mình, tôi với tôi. Kể từ ngày tha hương,

bỏ quê cha đất tổ để đi tìm tư do cho đến nay, chúng ta quen nhau đã mấy chục năm qua,

đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cho tôi có dịp được tâm sự nỗi lòng thầm kín của tôi

với Thầy và xin Thầy hiểu cho tôi, là hoàn toàn tôi không có ý gì chê trách nhà tôi đâu, mà

chỉ để cho vơi đi niềm sầu muộn ấp ủ trong lòng bấy lâu nay.

Nói tóm lại, trường hợp thứ nhất tiêu biểu cho người vợ hết lòng hy sinh và yêu thương

chồng mình thật tình, hoàn toàn bất vụ lợi. Trường hợp thứ hai tiêu biểu cho hành động của

người vợ săn sóc chồng mình, với chủ đích tư lợi cá nhân, chứ không phải hoàn toàn vì

tình yêu chân thật đối với người chồng. Trường hợp thứ ba tiêu biểu cho tình thương yêu

của người vợ đối với người chồng không thuộc hàng ưu tiên, vì chỉ có tiền bạc mới là điều

tối quan trọng trên hết mọi sự và có thể nói tiền bạc chính là người yêu lý tưởng của người

vợ.

Tất cả 3 trường hợp vừa kể trên đây, trường hợp thứ nhất không xa lạ gì đối với tập quán

của người phụ nữ Việt Nam, ngay từ khi còn ở quê nhà, dù người vợ ở bất cứ tuổi nào đi

chăng nữa, già hay trẻ đều đối xử lòng nhân ái với chồng con như thế, nhất là những lúc

chồng con đau ốm, người vợ phải vất vả, nhiều khi bị kiệt sức vì lo lắng săn sóc cho chồng

cho con ngày đêm và đó cũng là một nét son độc đáo của người phụ nữ Việt Nam nói riêng

và của người phụ nữ Á Châu nói chung . Trường hợp thứ hai thường thấy xẩy ra tại Hoa

Kỳ, vì người vợ hoặc người chồng bị tiêm nhiễm với đời sống xa hoa vật chất, theo chủ

nghĩa tôn thờ cá nhân (Material Individualism), nên đôi lúc trở thành ích kỷ, chỉ muốn cho

thân mình được sung sướng, không cần nghĩ tới người khác đang đau khổ, cho dù người đó

là chồng hay là vợ của mình. Trường hợp thứ ba thì rất ít thấy xẩy ra, vì nếu có người vợ

nào nằm trong trường hơp tương tự như thế này, có thể coi đây là một căn bệnh tâm thần,

chỉ biết say mê tìm cách kiếm tiền, không dành nhiều thì giờ cho gia đình, miễn sao kiếm

được nhiều tiền để dành là cảm thấy hạnh phúc; khác biệt hẳn đối với những gia đình

không có đủ lợi tức hàng tháng để sống, nên sáng tối cả vợ lẫn chồng đều không có mặt ở

nhà, vì phải đi làm việc lao động vất vả hay phải đi buôn bán ngược xuôi, mới kiếm đủ tiền

nuôi sống gia đình. Vậy trong 3 trường hợp trên đây, chỉ có trường hợp thứ hai là đáng

buồn nhất cho những ai đang ở trong trường hợp này, nhất là đối với những người cao niên,

bị bệnh nặng, phải vào nằm co ro trong viện dưỡng lão một mình, mà không có người thân

trong gia đình đến thăm nom thường xuyên, thì trong lòng cảm thấy thật đau khổ vô cùng.

Nguyễn Mạnh San

GIA ĐÌNH LÀ KIỆT TÁC CỦA THIÊN CHÚA

GIA ĐÌNH LÀ KIỆT TÁC CỦA THIÊN CHÚA

Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia

(Lc 2, 41-52)

Tác giả:  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành lễ kính Thánh Gia Thất, trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, và Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa kết thúc với đề tài “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới”. Mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh cũng là mừng Gia Đình Thánh, nơi Người sinh sống.

Gia đình là tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa

Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình. Ađam và Evà sống tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa và với nhau, rất hạnh phúc, không phải đau khổ và không phải chết.

Gia đình tan vỡ do Tội Nguyên Tổ

Nhưng rồi con người tự tách ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Hậu quả là từ đó cho đến nay gia đình luôn ở trong tình trang bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, bất hiếu, sống chung, ly dị.

Thiên Chúa cứu vớt trong tình thương

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa vào những gì chúng ta làm, hay thành quả chúng ta có được, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Con Ngài là Đức Giêsu giáng thế. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt! Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thiết lập.

Noi gương Thánh Gia sống Năm Thánh Lòng thương Xót

Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách đối nhân xử thế trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ, kèm theo phần phúc là sống lầu dài (x. Hc 3, 3-7. 14-17a). Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình.

Gia đình ngày hôm nay rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và sự thương cảm lẫn nhau trong cách sống trong gia đình nói riêng và gia đình nhân loại cả thể nói chung. Chúng ta thấy ai bị thương một cơ phận nào đó, không phải chỉ một cơ phận mà thôi, nhưng là cả con người bị. Không ai là không bị đau thương về thể lý, tinh thần, tình cảm…dẫn đến hậu quả cũng khác nhau. Tất cả đều chịu ảnh hưởng, và những vết thương đó càng đau khổ khi người thân của chúng ta đau khổ, nhất là những người trong gia đình. Bởi vậy, rất cần sự cảm thông. Nhiều nơi không quan tâm đến tương quan giữa người với người nữa. Nhưng gia đình vẫn là nơi có thể mang lại an ủi, và có thể hàn gắn vết thương.

Có nhiều loại vết thương rất lớn và sâu do thiếu thốn nhu cần cần thiết, thiếu tiền bạc, thiếu giáo dục. Những chính sách không ủng hộ gia đình, kỳ thị tôn giáo, văn hoá, hành hạ trẻ em, bạo động trong gia đình, chiến tranh, xung khắc giữa các chủng tộc, biến đổi khí hậu. Tất cả đều hằn sâu những thương tích.

Đó là những lý do khiến Đức Giêsu Kitô phải thân hành xuống thế để rao giảng, để chữa lành những vết thương, kèm theo nhưng dấu lạ. Người đi vào trong các làng mạc và chữa lành mọi bệnh tật (x. Mt 10, 7-8).

Người không chỉ cứu chúng ta khỏi sự yếu đuối, nhưng Ngài muốn trở nên như chúng ta để cảm nghiệm được những đau khổ, sự thất lạc, vô gia cư, sỉ nhục khi ở trên thánh giá, chết và an táng trong một ngôi mộ không phải của mình. Người mang lấy vào thân những đau khổ của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Ngài sống lại vẫn còn vết thương.

Gia đình nào trong chúng ta cũng cần được Chúa thương xót, thì chúng ta phải xót thương nhau trong gia đình. Chúa Giêsu Kitô, người mang thương tích và cầu nguyện với Chúa Cha. Khi sống lại, chan tay và hình hài của Ngài vẫn còn những vết sẹo, những dấu ấn.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta trở thành những ngôn sứ loan báo Niềm Vui Phúc Âm về gia đình, về tình yêu gia đình, trở thành những ngôn sứ như môn đệ của Chúa, và xin Chúa ban cho chúng ta ơn được xứng đáng với con tim thanh khiết, không cảm thấy bị vấp phạm vì Tin Mừng.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

NGOẠI TÌNH DỄ HAY KHÓ CHỪA!

NGOẠI TÌNH DỄ HAY KHÓ CHỪA!

Trần Mỹ Duyệt

Một người bạn hỏi tôi, trong 4 thứ thuộc “tứ đổ tường” – rược chè, cờ bạc, trái gái, nghiện hút – thứ nào khó chừa nhất?

Anh cho hay, bản thân anh, để chừa hút thuốc anh đã phải quyết tâm đến 3 lần, lần thứ ba mới chừa được, tuy vậy, ngay giờ này mặc dù không hút thuốc nữa, nhưng nếu ngồi gần người hút thuốc anh vẫn bị “cám dỗ” như thường.

Câu truyện trao đổi khiến tôi liên tưởng đến những khó khăn trong nghề nghiệp, đặc biệt khi phải hướng dẫn và giải quyết những khủng hoảng trong đời sống hôn nhân gia đình liên quan đến những triệu chứng trên mà tôi cho là những căn bệnh khó chữa. Gọi chúng là căn bệnh tâm lý vì trong những hội chứng tâm lý do tâm lý trị liệu nêu lên có những triệu chứng này. Việc khuyên ngăn, bảo ban, và hướng dẫn cho những trường hợp này thật là khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng. Làm sao cho một người chồng, người cha hoặc người vợ, người mẹ ngoại tình ý thức được hành động của họ là một việc làm nguy hiểm và có thể đem đến đổ vỡ hôn nhân, phá vỡ hạnh phúc gia đình và tương lai con cái?!

Để nói về những “cám dỗ” trên và những hệ luỵ của nó, Tú Xương, nhà thơ non Côi, sông Vị với nhiều những thứ cám dỗ này đã viết:

“Một trà, một rượu, một đàn bà,

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.

Chừa được thứ nào hay thứ nấy,

Có chăng chừa rượu với chừa trà.” 

Ông đã tự nhận rằng đối với ông, việc chừa “đàn bà” là một điều ông không muốn chừa và cũng chẳng chừa được. Nhưng không riêng gì Tú Xương, một số người tuy đã chừa rượu, bỏ hút thuốc, bỏ nghiện ma tuý, ngay cả bỏ cờ bạc nhưng đụng đến ngoại tình tức là cái lăng nhăng liên quan đến đàn bà (hoặc đàn ông) là điều mà họ vẫn không chừa được. Theo một khảo cứu riêng do InfideligyFacts.com phổ biến năm 2006, thì:

41% những trường hợp vợ hoặc chồng hay cả hai đã ngoại tình qua tình cảm hoặc hành động.

Đàn ông cũng như đàn bà, tỷ lệ ngoại tình xấp xỉ ngang nhau. Theo đó:

57% đàn ông,

và 54% đàn bà đã nhận mình có hành động ngoại tình.

Nhưng quan trọng nhất là những người này tuy biết mình ngoại tình nhưng không muốn chấm dứt những quan hệ bất chính đó. Do đó, bảo họ chấm dứt mối giao du tình cảm bất chính ấy để quay trở về với đời sống hôn nhân, gia đình và trách nhiệm thì không hề dễ. Cũng theo thống kê này cho biết:

74% đàn ông,

và 68% đàn bà nói rằng họ sẽ tiếp tục ngoại tình nếu như không bị phát giác.

Điều này đồng nghĩa với việc họ tiếp tục hành động gian dối, và những giao du bất chính ngoài hôn nhân, mặc dù bề ngoài họ vẫn đóng kịch đạo đức để che mắt vợ hoặc chồng của mình.

Như vậy, cái khó từ bỏ nhất nhưng cũng hấp dẫn nhất đối với người ngoại tình vẫn là quan niệm  “ăn chơi ngon hơn ăn thật”, và “ăn tiệm ngon hơn ăn ở nhà”. Dĩ nhiên, trong những món ăn chơi đó phải kể đến món tình dục và tình cảm.

Đối với một người ngoại tình thì cái hấp dẫn nhất lúc này là sự thoải mái về nhu cầu tình dục, và sự háo hức về mặt tình cảm mà họ cho là tình yêu.

Như một chàng trai hay một cô gái mới lớn, họ hăm hở bước vào những mơn trớn tình cảm như thuở ban đầu họ sung sướng bước vào tình yêu. Nếu bảo một bạn trẻ đừng yêu người con trái ấy hay người con gái ấy vì người này không tốt, không đẹp, không học thức, không có tương lai… thì những lời khuyên như vậy sẽ trở nên vô nghĩa và không cần thiết.

Khi yêu nhau mấy ai quan tâm đến tuổi tác, đẹp xấu, giầu nghèo, bằng cấp, đạo đức hay không đạo đức. “Tình yêu như trái phá, con tim mù loà” (Trịnh Công Sơn), chính là điều làm cho người trong cuộc không ý thức được hậu quả của hành động của họ.

Cũng có những lý do tiềm ẩn đưa đến ngoại tình.

Những lý do này có thể đến từ cuộc sống gia đình, từ những khó khăn về mặt tài chính, từ cách cư xử của người vợ hay người chồng.

Nhưng điều chính yếu là khi người chồng hay người vợ đi ra ngoài ngoại tình thì người vợ hay người chồng ở nhà

luôn luôn thua kém, thiếu hấp dẫn, thiếu gợi cảm,

 thiếu lãng mạn, thiếu hiểu biết, thiếu thông cảm,

và cũng thiếu đẹp trai, đẹp gái hơn người kia.

Chính sự thu hút vừa về thể lý, sinh lý, tình cảm này đã làm cho việc trở lại với đời sống hôn nhân trở nên khó khăn như Tú Xương đã tự nhận.

Không có một gia đình nào hoàn hảo” (Giáo Hoàng Phanxicô).

Nhưng đó cũng chính là điều mà những ai đang sống trong đời sống hôn nhân cần ý thức không phải để thất vọng, buông thả, nhưng để tìm hiểu và xây dựng một hạnh phúc hôn nhân trong thiện chí, hiểu biết, tôn trọng, thuỷ chung và trách nhiệm.

Tâm lý hôn nhân cũng có chung quan điểm về sự “bất toàn” của đời sống chung khi so sánh những khác biệt giữa người đàn ông và người đàn bà, giữa người chồng và người vợ với hàng trăm những lý do đến từ ảnh hưởng của di truyền, của giáo dục gia đình, của giáo dục tôn giáo và giáo dục học đường.

Những ảnh hưởng ấy dĩ nhiên đem lại

sự khác nhau về tình cảm, tâm lý, sinh lý giữa nam và nữ,

cũng như sự khác nhau về quan niệm và triết lý sống.

Thử hỏi giữa những khác biệt lớn lao như vậy, liệu một người đàn ông, một người đàn bà làm sao có thể hạnh phúc được với nhau nếu cuộc sống chung của họ không được xây dựng trên tình yêu. Một thứ tình yêu đặt nền tảng trên

lòng thành tín, thuỷ chung, ý thức trách nhiệm

và sự trưởng thành về tâm linh, tâm lý và đạo đức.

 Những người ngoại tình không biết hoặc cố tình phủ nhận sự thật phũ phàng này,

đó là vết thương lòng của những người vợ hay người chồng khi khám phá ra người phối ngẫu của mình ngoại tình

hết sức nhức nhối, đau đớn, khó lành và khó băng bó.

Để chữa lành vết cắt hằn sâu trong trái tim này đòi hỏi từ 5 hay 6 năm kể từ khi người có lỗi biết nhận lỗi trở về và sống có trách nhiệm với gia đình.

Đây là một vết thương không dễ băng bó, chữa lành trong một thời gian ngắn.

Nó không đơn giản như những nhận xét vô trách nhiệm của một số người khi cho rằng chuyện bướm ong là chuyện ngàn đời của đàn ông.

Việc chán cơm, thèm ph là việc thường tình xảy ra trong bối cảnh sống hiện nay khi mà quan niệm về thuỷ chung được coi như một lý thuyết lạc hậu, không thuyết phục, mang mầu sắc tôn giáo, lý tưởng và thiếu thực tế.

Ngoại tình là một căn bệnh vừa có tính cách xã hội, tâm lý và đạo đức rất khó chừa và khó chữa. Một điều chắc chắn là cho dù ngoại tình với bất cứ lý do gì, những người ngoại tình cũng đều biết điều này, đó là, hậu quả của hành động ngoại tình của họ không những

phá vỡ hạnh phúc hôn nhân,

phá vỡ hạnh phúc gia đình

và phá vỡ tương lai con cái của họ.

Nhưng cái khó là họ có muốn quay về với gia đình và hạnh phúc hôn nhân của chính họ hay không?

Tóm lại, để đối phó với căn bệnh dễ lan lây và nguy hiểm này, cách tốt nhất vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bằng cách:

-Vợ chồng dành thời giờ với nhau và cho nhau.

-Tập thói quen biết chia sẻ và lắng nghe nhau.

-Học hỏi để biết chấp nhận và tha thứ cho nhau.

-Học hỏi để biết khám phá những nét đẹp, dễ thương, dễ mến của người phối ngẫu.

-Nhưng nhất là tự ý thức về hành động của mình với tâm niệm:

“Phở mình đang ăn thường cũng chỉ là cơm nguội cơm thừa của hàng xóm!”.

  (Tham khảo thêm. Mời tìm đọc

Làm gì khi biết chồng mình ngoại tình’

cùng tác giả trên www.giadinhnazareth.org)

Kính phục người lính VNCH

Kính phục người lính VNCH

Ảnh của Sambo Sambo.
Sambo Sambo với Trần Công Khánh.

 BA TÔI LÀ LÍNH VNCH…!!!

Tôi có một người cha già, lại tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố tôi cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò của một người mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi không còn thiếu một thứ gì. Bạn bè thường gọi là “Ông nội trợ” và khen là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ Á đông “công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo léo không ai bằng.
Hồi còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà bố tôi luôn luôn ở nhà chăm sóc cho tôi. Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè, tôi là người duy nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ, tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn nhiều đứa trẻ thiếu cả tình thương của cha lẫn mẹ.
Sau này tìm hiểu thì tôi biết, bố tôi là một lính VNCH, bị thương trên chiến trường, được mẹ tôi bảo lãnh theo diện đoàn tụ, bà lo cho ông hưởng tiền trợ cấp tàn phế. Lúc tôi được hơn 3 tuổi, bố tôi và mẹ tôi ly dị, bà đã lập gia đình với một người đàn ông khác, nhường tôi lại cho bố tôi nuôi. Trong ký ức trẻ thơ, tôi có hình dung được hình ảnh của mẹ tôi một vài lần, khi bà đến thăm, nhưng rất xa lạ, vì luôn luôn bà đi với một người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng.

Tôi có tí mặc cảm về địa vị bố tôi ngoài xã hội, so với bố của những đứa trẻ khác, tuy nhiên việc chăm sóc tôi thì hoàn hảo, ông chăm lo cho tôi từ việc lớn đến việc nhỏ, không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Trong suốt thời gian tôi học tiểu học, ông còn thuyết phục ông tài xế xe bus đón tôi đi học ngay tại cửa nhà, thay vì ở trạm xe , cách xa nhà tôi 4 dãy phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc nào bố tôi cũng chuẩn bị sẵn thức ăn trưa, nào cá kho, thịt kho, rau xào và có cả canh nữa. Lâu lâu cũng có thức ăn Mỹ, sandwich, hamburger, bơ đậu phộng, và còn thay đổi theo mùa. Giáng Sinh bánh có viền xanh hình cây thông, Valentine có hình trái tim..vv…
Khi tôi lớn hơn một chút, vào năm đầu tiên trung học, tôi lại thích sống độc lập, tôi muốn thoát ra những cử chỉ yêu thương dành cho con nít của bố, vì sợ chúng bạn trêu chọc. Nhưng chẳng bao giờ bố buông tha tôi cả, một đôi khi tôi rất bực mình.
Cấp trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm được nữa, phải bắt đầu tập tự lo cho mình. Nhưng bố tôi lại thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa ăn trưa cho tôi. Ông cẩn thận ghi cả tên tôi bên ngoài túi giấy đựng đồ ăn. Lật dưới đít bao giấy, luôn luôn có một vài hình vẽ nhỏ, khi thì căn nhà, khi thì dòng suối, ngọn núi, chim cá và hình trái tim với dòng chữ “I Love You Tammy!” Nào hết đâu, bên trong những chiếc khăn giấy cũng có những dòng chữ triều mến “Bố thương con nhiều”. Ông luôn viết, hay có những câu nói bông đùa như thế để nhắc nhở là ông yêu thương tôi nhiều, và muốn làm cho tôi vui.
Tôi thường lén ăn trưa một mình để không ai thấy được cái túi giấy và khăn ăn. Nhưng cũng chẳng giấu được lâu. Một hôm, một đứa bạn tình cờ thấy khăn ăn của tôi, nó chộp lấy la lên và chuyền đi khắp căn phòng cho mọi người xem. Mặt tôi nóng bừng, bối rối, mắc cỡ muốn chui đầu xuống đất.
Bữa hôm đó tôi về, đã làm mặt giận với bố tôi và “cấm” ông ấy không được viết, vẽ “bậy bạ” trên khăn giấy nữa, để bạn bè không coi tôi như đứa con nít lúc nào cũng cần người lớn chăm sóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố tôi buồn, lặng lẽ vào phòng đóng cửa.
Ngày hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả bạn bè bu chung quanh tôi, chờ để được xem chiếc khăn ăn, nhưng lần này thì trống trơn, không có dòng chữ hay hình vẽ gì cả. Nhìn mặt bọn chúng thất vọng, hụt hẫng, tôi mới hiểu ra, tất cả chúng nó đều mong ước có một ai đó biểu lộ tình thương yêu ngọt ngào giống vậy đối với chúng. Lúc đó lòng tôi len lén cảm thấy vui vui, dâng lên niềm tự hào về bố. Tôi vội về làm lành với bố, và những giòng chữ, những hình vẽ yêu thương lại tiếp tục.
Những năm còn lại trong trường trung học, tôi vẫn đều đều có những chiếc khăn đặc biệt ấy. Và từ đó, tôi giữ lại, chứa trong một cái hộp riêng, giấu kín.Chưa hết, khi vào đại học, tôi phải rời xa bố, tôi nghĩ thông điệp xưa kia của bố sẽ phải chấm dứt. Nhưng tôi và bạn bè rất vui sướng vì những cử chỉ biểu lộ tình cảm của bố tôi vẫn tiếp tục qua hình thức khác.Ở cấp đại học, dĩ nhiên không còn thấy bố tôi đứng chờ khi tan học, vì thế, tôi hay gọi điện thoại cho ông, chi phí điện thoại khá cao, nhưng không sao, tôi chỉ muốn nghe được giọng nói của ông mà thôi.
Suốt năm học đầu tiên, chúng tôi quen lối nói chuyện như thế và sau đó kéo dài một năm. Thường thì sau khi tôi nói lời tạm biệt, câu cuối cùng không bao giờ thiếu.“Này Tammy” Tôi thường trả lời “Dạ, gì thế bố?”“Bố thương con nhiều.”“Con cũng thế. I Love You!”
Hình như bố tôi nhận ra chi phí mắc mỏ cho những cuộc điện đàm, từ đó, tôi bắt đầu nhận thư mỗi thứ sáu. Ban thường trực phát thư của trường đều biết ai là người thường gửi lá thư này, mặc dù địa chỉ hồi âm luôn luôn ghi là KBC 1678. (Sau này tôi khám phá ra, KBC viết tắc là Khu Bưu Chính, địa chỉ trong quân đội ngày trước nơi bố tôi phục vụ. Còn số 1678 dễ quá, là số nhà tôi hiện tại.)
Nhiều lúc bên ngoài bì thư, địa chỉ được viết bằng bút chì và tiếp theo đó là những lá thư có hình con mèo và con chó của gia đình tôi, có vẽ những hình tháp nhiều từng, hình cây cầu nhiều nhịp in trên sóng nước. Hè năm đó, bố tôi và tôi du lịch về Việt Nam, lúc đó tôi mới biết là Chùa Một Cột, Chùa Thiên Mụ, Cầu Tràng Tiền v.v…
Sau chuyến du lịch ấy, tôi tìm hiểu về Việt nam nhiều hơn, nhất là cuộc chiến tranh trước 75, tôi bắt đầu thấy thương bố nhiều, ông là người lính bại trận, nhưng quân lực ấy đã chiến đấu dũng cảm cho tự do, cho hạnh phúc của người dân miền Nam trong suốt 20 năm. Nếu không bị đồng minh bán đứng, cuộc chiến chưa chắc ai thắng ai.
Thư đến và được phát mỗi ngày sau buổi ăn trưa. Tôi thường đi nhận thư và mang theo mỗi khi đi uống cà phê. Tôi nhận thấy chẳng cần phải giấu giếm làm gì nữa, bởi bạn cùng phòng tôi là những đứa bạn hồi còn trung học, chúng nó biết rất rõ về những chiếc bao giấy, khăn ăn. Và rồi trở thành như một tập tục, tôi đọc thư, còn bì thư và hình vẽ thì được chuyển khắp bạn bè, thư từ bố tôi thành niềm vui của cả phòng.
Trong năm cuối cùng đại học, bố tôi bị căn bịnh ung thư hành hạ. Mỗi khi tôi không nhận được thư vào ngày thứ sáu, tôi biết ông ốm nặng, không thể viết được. Ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có thể ngồi trong nhà yên tĩnh nắn nót viết những lá thư. Nếu không kịp cho đợt phát thư vào thứ sáu, thì chỉ sau đó, một hai ngày, thế nào rồi thư cũng đến. Bạn bè tôi bình bầu ông là “Người cha thương con nhất trên thế giới này!”
Ngày lễ cha, Father’s Day, chúng nó gởi một tấm thiệp phong tặng ông danh hiệu đó và tất cả đều ký tên trên tấm thiệp. Tôi tin rằng ông đã dạy cho tất cả chúng tôi về tình phụ tử, bạn bè tôi bắt đầu nhận những tấm khăn ăn giống như tôi từ gia đình chúng nó, với những lời để lại ấn tượng mà sẽ thôi thúc họ hãy biểu hiện tình thương của họ với con cái sau này.
Suốt thời gian đại học, những lá thư và những cú điện thoại như một chu kỳ đều đặn.Ngày ra trường, tôi quyết định chọn công việc làm gần nhà, để được ở cạnh bố tôi, vì căn bệnh bố càng ngày càng nặng. Thời gian được ở gần bố không còn bao nhiêu lâu nữa.Đó là những giây phút khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi phải trải qua.
Tôi ở bên cạnh bố tôi một vài ngày trong bệnh viện trước khi ông mất. Vài giờ trước khi hấp hối, ông nắm tay tôi bảo “Bố nhờ con một điều, con về nhà lấy cho bố cái hộp gỗ mà bố để trên đầu tủ, đây là hộp chứa đựng những kỷ niệm đời lính mà bố yêu thương nhất. Bố muốn nhìn nó lại một lần.”
Tôi lái xe về nhà, và cũng tìm ra ngay chiếc hộp phủ đầy bụi thời gian. Có gì bên trong? Tôi tò mò mở nắp hộp. Mắt tôi bắt đầu cay cay nhòa lệ, khi nhìn thấy những tấm hình của bố tôi còn trẻ, trong những bộ quân phục thật oai phong. Có những tấm cầm súng đằng sau chiến trường còn bốc mùi lửa khói. Lật ra đàng sau, những ngày tháng cũ, 68, 70, 71, 72… với những địa danh xa lạ: An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Khe Sanh… Dưới đáy hộp là căn cước quân nhân, giấy giải ngũ và những tấm huy chương, bộ lon gắn trên cổ áo khi ông mặc những bộ quân phục.
Bây giờ thì tôi mới hiểu hết, không còn mặc cảm hình ảnh có ông bố tàn tật chỉ biết lo việc “nội trợ”, ngược lại là đàng khác, Bố tôi đã một thời là một người lính chiến oai hùng, đổ máu hy sinh một phần thân thể mình cho một cuộc chiến đầy chính nghĩa, bảo vệ quê hương.
Rõ ràng bố tôi chăm sóc tôi, vui vẻ làm những việc của người phụ nữ bao nhiêu năm nay, chỉ vì tình thương con mà thôi. Ông thật là người cha tuyệt vời
Tôi ôm cái hộp, chạy gấp lại bệnh viện, định nói lời xin lỗi với người cha thân yêu của mình, nhưng đã trễ! Người y tá trực cho biết, bố tôi vừa trút hơi thở cuối cùng. Rồi người y tá trao cho tôi chiếc khăn giấy nhà thương, với giòng chữ cuối cùng run rẩy của một người cha dành cho con “Tammy, ba thương con nhiều! Vĩnh biệt!”
Nước mắt tôi trào ra như suối, cầm tấm khăn giấy trong tay áp vào ngực, tấm khăn giấy cuối cùng, mà cả cuộc đời mãi mãi không còn nhận được nữa.
Lúc liệm xác, tôi bỏ theo chiếc hộp kỷ niệm đời lính vào hòm cho bố, còn những chiếc khăn giấy tôi sẽ giữ mãi bên cạnh cả cuộc đời tôi.Bây giờ thì những chiếc khăn giấy đã đổi màu vàng khè, nhưng tình tôi dành cho người bố càng ngày càng thấm thiết, bất diệt, muôn đời không thay đổi.

KHI BƯỚC QUA TUỔI NĂM MƯƠI…

KHI BƯỚC QUA TUỔI NĂM MƯƠI…

Khi bạn ở tuổi 50 – 60, bạn KHÔNG CÒN NHIỀU THỜI GIAN ở phía trước nữa và bạn cũng không thể mang đi những gì bạn đã có được. Sẽ là vô ích nếu bạn vẫn bận tâm đến kiếm tiền và dành dụm.

Bởi thế, bạn hãy chi tiêu những đồng tiền mà bạn đã cất giữ để đi du lịch, mua sắm thứ bạn thích và cho đi những gì bạn có thể và đừng quan tâm đến việc nhận lại.

Đừng nghĩ là phải để lại tất cả những gì bạn đã kiếm được cho con cháu.

Bạn cũng không cần lo lắng về những điều sẽ xảy ra cho các con bạn, hay việc bạn sẽ bị đánh giá thế nào, bởi vì khi đã trở về với cát bụi rồi, ta không còn nghe thấy bất kỳ lời khen hay tiếng chê nào nữa. Thời gian mà bạn sống vui vẻ trên đời, thời gian để tìm kiếm của cải bằng biết bao gian khó sẽ chấm dứt…

Bạn đừng lo lắng nhiều đến mối quan hệ với con cái, bởi chúng có số phận riêng của chúng, và chắc chắn con cái sẽ tìm được con đường của chúng trong cuộc đời này.

CHỚ LÀM NÔ LỆ CHO CON CÁI bạn. Hãy giữ mối quan hệ với con cái, YÊU THƯƠNG VÀ GIÚP ĐỠ CON CÁI KHI CHÚNG CẦN, nhưng đồng thời hãy bằng lòng với số của cải bạn đã dành dụm cho con cái.

Cuộc sống dài hơn cuộc đời lao động. Hãy nghĩ đến việc NGHỈ HƯU SỚM NHẤT khi có thể và bằng lòng với cuộc sống.

ĐỪNG KỲ VỌNG QUÁ NHIỀU VÀO CON CÁI BẠN. Đa phần con cái đều yêu quý cha mẹ, nhưng con bạn quá bận với công việc và những ràng buộc khác cần chúng quan tâm nhiều hơn.

Cũng có những đứa con bất cẩn, chúng có thể cãi nhau về của cải của bạn ngay cả khi bạn đang còn sống và có thể là chúng muốn bạn ra đi sớm hơn để thừa hưởng nhà cửa và của cải của cha mẹ .

Nói chung, con cái đều cho rằng chúng đương nhiên được thừa hưởng tất cả những gì bạn đang sở hữu trong khi bạn chẳng có quyền gì với tiền bạc của con cái. Vì thế, sau tuổi 50-60 bạn không cần phí sức, không cần phải hao tổn thêm sức khỏe để đổi lấy số của cải nhiều hơn mà phải làm việc đến lúc xuống mồ. Tiền bạc của bạn chẳng có chút giá trị nào trước mặt thần chết.

Khi nào thì chúng ta ngừng kiếm tiền? Bao nhiêu tiền là đủ? Một trăm ngàn Đô-la? Một triệu? Mười triệu? Từ hàng ngàn héc ta ruộng đất bạn cũng chỉ ăn được chút ít rau quả và một nửa chiếc bánh mì mỗi ngày; từ vài ba căn nhà bạn đã xây, thực tế là bạn chỉ cần vài mét vuông cho bạn: một chỗ ngủ, một chỗ nghỉ ngơi, một chỗ tắm và một chỗ làm bếp . Với chừng ấy thời gian mà bạn cần một chỗ ở, một số tiền để ăn, để mặc và một số vật dụng cần thiết khác… thế là bạn đã sống tốt rồi. Chỉ cần SỐNG VUI VẺ, HẠNH PHÚC là được.

Gia đình nào cũng có vấn đề, bất luận là ở chế độ xã hội nào.

Bạn ĐỪNG SO SÁNH VỚI NGƯỜI KHÁC về phương diện tài chính, Đừng quan tâm đến việc ai có nhiều của cải hơn, hoặc con cái ai thành đạt hơn về vật chất , mà hãy đi chơi nhiều hơn, đến các quán bar, đi du lịch nước ngoài.

Hãy nhanh chóng đặt lên bàn cân để so sánh xem ai có nhiều thời gian rỗi hơn ai, hạnh phúc hơn, ai khỏe mạnh và sống lâu hơn.

Đừng bận tâm đến những điều mà bạn không thể thay đổi. Nó chẳng giúp gì cho bạn, mà trạng thái tinh thần không tốt còn dẫn đến bệnh tật. Hãy tạo cho mình một trạng thái thường xuyên ổn định và hãy xác định xem điều gì làm bạn hạnh phúc.

Bạn phải được sống khỏe mạnh và vui vẻ, hãy lên cho mình một kế hoạch và chờ đợi những ngày tiếp theo.

Một ngày sống mà không có phút giây nào vui vẻ là một ngày bị mất đi một cách uổng phí. Một ngày dù chỉ có một giây phút vui vẻ cũng là một ngày được lợi.

Một tâm hồn lạc quan giúp chữa lành bệnh tật nhanh chóng.

MỘT TÂM HỒN HẠNH PHÚC THÌ KHÔNG CÓ CĂN BỆNH NÀO PHẢI CHỮA CẢ, bởi nó giúp bạn đẩy lui bệnh tật…

Hãy giữ cho bạn một trạng thái tinh thần tốt, hãy ra ngoài thường xuyên, đi dưới ánh mặt trời, ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin và khoáng chất, và hãy vượt qua mọi trở ngại để sống thêm nhiều năm với thể lực và sức khỏe dồi dào.

Hãy bằng lòng với những gì bạn đang có và những gì có ở xung quanh bạn.

Và ĐỪNG QUÊN BẠN BÈ. Họ chính là sự giàu có của cuộc đời bạn. Hãy giữ mối quan hệ bạn bè lâu dài, hãy tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản: chịu khó nghe và đừng ngắt lời; hãy nói chuyện chứ đừng nhạo báng; hãy cho đi mà không bận tâm đến nhận lại; hãy trả lời câu hỏi chứ đừng phản đối; hãy tha thứ chứ đừng trách cứ, và đã hứa thì không được quên. Như thế bạn sẽ không bao giờ cô đơn.

S.T.

THIÊN CHÚA CẤP GIẤY THÔNG HÀNH CHO GIA ĐÌNH

THIÊN CHÚA CẤP GIẤY THÔNG HÀNH CHO GIA ĐÌNH

(BÀI NÓI VỀ GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI PHILADELPHIA

LM. Gioan V. M. Trần Khả chuyển dịch.

Anh Chị Em và Các Gia Đình Thân Mến

Cảm ơn những anh chị em đã chia sẻ những lời chứng sống động. Cảm ơn những người đã mang niềm vui đến cho chúng ta qua các trình diễn nghệ thuật, mỹ miều xin đẹp, là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Mỹ miều xinh đẹp đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Và lời chứng chân thật đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là sự thật. Ngài là sự Mỹ Miều Xinh Đẹp. Ngài là sự tốt lành, và một lời chứng cho đi trong tinh thần phục vụ là một điều tốt lành. Nó giúp làm cho chúng ta nên người tốt, bởi vì Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Nó đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Tất cả những điều đó đều là tốt lành, tất cả là sự thật, và tất cả những mỹ miều xinh đẹp đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là sự tốt lành. Thiên Chúa là sự xinh đẹp và Thiên Chúa là Sự thật.

Cảm ơn anh chị em, những người đã cho chúng tôi một thông điệp ở nơi đây và cảm ơn sự hiện diện của tất cả anh chị em nơi đây. Sự hiện diện của anh chị em cũng là một lời chứng, một lời chứng chân thật nói rằng sống đời sống gia đình là một điều đáng qúi, xã hội lớn mạnh, lớn trong sự tốt lành, lớn trong mỹ miều xinh đẹp và thực sự lớn nếu được xây trên nền tảng Gia Đình.

Nguồn Tình Yêu Gia Đình

Có lần một cậu hỏi tôi – anh chị em biết là trẻ em hỏi nhiều câu hóc búa – cậu bé hỏi tôi rằng: Thưa cha, Thiên Chúa đã làm gì trước khi Ngài tạo dựng thế giới? Tôi có thể nói với anh chị là câu hỏi thật khó để tôi trả lời. Tôi đã nói với em điều mà tôi nói với anh chị em hôm nay. Trước khi Thiên Chúa tạo dựng thế giới thì Ngài đã Yêu; bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Và vì Ngài có qúa nhiều tình yêu nơi mình, tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con Và Chúa Thánh Thần. Tình yêu qúa lớn lao, qúa đầy tràn – tôi không biết điều này có thuộc Thần Học hay không, nhưng anh chị em sẽ hiểu tôi có ý nói gì. Tình yêu qúa lớn lao đến nỗi Ngài không thể sống ích kỷ cho mình. Ngài phải bước ra khỏi chính mình để có đối tượng giúp Ngài yêu thương vượt ra khỏi bản thân.

Và đó là lý do Thiên Chúa sáng tạo thế giới. Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới tuyệt đẹp để chúng ta sống và vì chúng ta làm xáo trộn trật tự thế giới một chút, chúng ta đang phá hủy nó. Nhưng điều đẹp nhất mà Thiên Chúa đã làm, theo Thánh Kinh, đó là Gia Đình. Ngài đã dựng nên người Nam và người Nữ, và Ngài đã trao cho họ mọi thứ. Ngài trao cho họ thế giới! Làm cho nó sinh sôi nẩy nở đầy mặt đất, canh tác và làm cho nó phát triển. Ngài đã trao cho gia đình tất cả tình yêu mà Ngài làm trong công trình sáng tạo tuyệt đẹp này.

Chúng ta cùng ôn lại một chút. Tất cả tình yêu có ở trong Thiên Chúa, tất cả sự xinh đẹp có nơi Thiên Chúa, tất cả sự thật có nơi Thiên Chúa, Ngài đã trao ban cho Gia Đình. Và một gia đình thực là Gia Đình khi nó có thể mở rộng cánh tay và đón nhận tất cả Tình Yêu này.

Mất Đi và Khôi Phục

Thật hiển nhiên, Thiên Đàng trần gian không còn nữa. Cuộc sống có nhiều khó khăn thử thách. Con người, vì sự xảo trá của ma qủi, đã học chia rẽ hiềm thù với nhau. Và tất cả tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban đều bị hầu như mất đi hết. Và sau đó không lâu, tội phạm đầu tiên là tội huynh đệ tương tàn, anh giết em: Chiến Tranh. Trước tiên là Tình yêu, sự xinh đẹp, và sự thật của Thiên Chúa – rồi đến sự phá hủy của chiến tranh. Và giữa hai cột mốc này, chúng ta đề cập đến ngày nay. Chúng ta phải quyết định. Chúng ta phải quyết định chọn đi theo con đường nào.

Nhưng chúng ta cùng nhớ lại. Khi người đàn ông và bà vợ của ông sai lỗi và tránh xa Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không bỏ họ cô đơn bơ vơ. Thiên Chúa có qúa nhiều tình yêu, rất nhiều tình yêu đến nỗi Ngài đã bắt đầu đi đồng hành với nhân loại. Ngài bắt đầu đi đồng hành với con người cho đến ngày viên mãn, và Ngài đã cho một dấu hiệu tình yêu cao cả lớn lao này nơi chính Con của Ngài.

Và Con của Ngài, Ngài đã gởi đến đâu? Có phải đến đền đài vua chúa không? Có phải đến các đô đô thị để khởi xướng xí nghiệp không? Ngài đã gởi con của Ngài đến một Gia Đình! Thiên Chúa đến với thế giới qua một Gia Đình.

Và Ngài có thể làm việc này bởi vì gia đình này là một gia đình có con tim mở ra cho Tình Yêu, nó đã có những cánh cửa mở cho Tình Yêu. Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Maria, một thiếu nữ trẻ. Cô đã không thể tin là như thế. “Làm sao điều đó có thể xẩy ra?” Và khi điều đó được giải thích thì cô đã vâng theo. Chúng ta hãy nghĩ đến Giuse, đang đầy ước mơ xây dựng tổ ấm gia đình. Ngài thấy mình đứng trước sự bất ngờ này và đã không hiểu sự tình. Ngài vẫn chấp nhận vâng lời. Và trong tinh thần vâng lời đón nhận người phụ nữ trẻ này là cô Maria, và chàng trai là Giuse, một gia đình đã được thành hình mà trong đó Thiên Chúa đã ngự đến.

Thiên Chúa luôn gõ cửa các tâm hồn. Ngài thích làm điều này. Nó đến từ con Tim của Ngài. Nhưng anh chị em biết Thiên Chúa thích điều gì nhất không? Ngài thích gõ cửa của các gia đình và tìm những gia đình có sự hiệp nhất, tìm những gia đình có tình yêu thương nhau, tìm những gia đình biết nuôi dạy con cái và giáo dục chúng, giúp chúng tiếp tục thăng tiến, và xây dựng lập một xã hội tốt lành, chân thật và xinh đẹp.

Chúng ta đang trong ngày đại hội các gia đình. Gia đình có giấy thông hành của Thiên Chúa, anh chị em nghe rõ chứ? Giấy thông hành mà một gia đình có, được ban hành bởi Thiên Chúa, do đó từ trong trái tim của nó có sự thật, tình yêu và sự xinh đẹp tiếp tục tăng triển mãi lên.

Chắc là anh chị em có thể nói với tôi rằng, “Thưa Cha, Cha nói như vậy bởi vì cha sống bậc độc thân.” Trong các gia đình, có rất nhiều khó khăn. Trong các gia đình có cãi lộn; trong các gia đình đôi khi bát điã bay; trong các gia đình, con cái làm cho cha mẹ nhức đầu. Và tôi không muốn nhắc thêm đến các bà mẹ chồng hay mẹ vợ. Nhưng trong các gia đình, luôn luôn, và luôn luôn có thánh giá. Bởi vì Tình Yêu của Thiên Chúa, của Con Thiên Chúa, cũng mở ra cho chúng ta theo con đường này. Nhưng trong các gia đình, cũng như sau cây thánh gía, là có sự sống lại. Bởi vì Con Thiên Chúa đã mở cho chúng ta con đường này. Vì như thế, gia đình – xin lỗi từ ngữ tôi dùng- là xí nghiệp của lòng trông cậy, của hy vọng cho sự sống và sự phục sinh. Thiên Chúa là người đã mở ra con đường này.

Và đến những người con. Con cái là lý do chúng ta làm việc. Chúng ta, cũng vậy, là những người con trai con gái, cũng được tạo dựng để làm việc.

Đôi khi tôi thấy một số người cùng làm việc với tôi, họ đến làm với cuồng đen quanh vành mắt. Họ có con thơ mới một tháng tuổi, hay hai hoặc ba tháng tuổi, và tôi hỏi, “Chị không ngủ sao?” “Thưa cha không, thằng bé khóc cả đêm.” Trong các gia đình, có những khó khăn, nhưng những khó khăn này được vượt thắng với tình yêu. Sự thù ghét không thể vượt thắng bất cứ khó khăn nào. Những con tim chia rẽ  không giúp vượt thắng khó khăn. Chỉ có tình yêu mới có thể vượt thắng khó khăn. Tình Yêu là một cuộc hội hè. Tình yêu là hoan lạc. Tình yêu giúp chúng ta tiến bước.

Con Cái và Ông Bà

Và tôi không muốn tiếp tục nói, bởi vì nó sẽ qúa dài. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh hai điểm về gia đình mà tôi muốn anh chị em chú ý đến cách đặc biệt. Không phải tôi chỉ muốn anh chị em làm điều này, nhưng tôi cũng phải chú ý đến điều này nữa. Con cái và ông bà. Con cái và những người trẻ là tương lai, họ là sức mạnh, họ là những người dẫn chúng ta đến tương lai. Con cái và giới trẻ là những người chúng ta đặt hy vọng của chúng ta nơi họ. Các ông bà làm nên những kỷ niệm của gia đình. Họ là những người đã cho chúng ta niềm tin, truyền giao đức tin nơi chúng ta.

Chăm sóc cho các ông bà và chăm lo cho con cái là dấu của tình yêu thương – tôi không biết đó có phải là dấu lớn lao nhất nhưng tôi muốn nói đó là dấu hứa hẹn nhất cho gia đình, bởi vì nó hứa hẹn cho tương lai. Loại người không biết chăm lo cho con cái và loại người không biết lo cho các ông bà nội ngoại là người không có tương lai, bởi vì họ không có sức mạnh và không có kỷ niệm để tiếp tục mang theo.

Và gia đình là sự xinh đẹp, nhưng phải trả gía đắt. Gia đình có trở ngại khó khăn. Trong gia đình, đôi khi có sự giận hờn. Chồng vợ cãi lộn và họ trao cho nhau những cái nhìn đáng ghét, hoặc con cái với cha mẹ . . . Tôi khuyên nhủ một điều: Đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau trong gia đình. Trong một gia đình, một ngày không thể kết thúc bằng chiến tranh.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em. Xin Thiên Chúa ban cho anh chị em sức mạnh. Xin Thiên Chúa thêm sức cho anh chị em để tiếp tục tiến bước. Chúng ta cùng chăm lo cho gia đình. Chúng ta cùng bảo vệ gia đình, bởi vì nơi đó, chính nơi đó tương lai được bày tỏ. Cảm ơn anh chị em. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

  1. M. Gioan V. M. Trần Khả chuyển dịch.