Lời cầu nguyện

Lời cầu nguyện

Tôi rất sợ phải nghe ba mẹ cãi nhau. Tôi thường phải làm quan tòa và lẫn lộn không biết nên nghĩ gì. Mẹ hay nói:

-Con thấy ba kỳ cục không, nếu gặp người đàn bà khác, bà ta đã đập tan mọi thứ trong nhà ra rồi.
Ngược lại ba hỏi:
-Con gái, tuy con còn bé nhưng con thấy ba chịu đựng mẹ như thế nào. Ba phải làm sao đây?

Tôi hay nhìn những tấm hình ba mẹ chụp thời mới cưới treo trên tường, hai người nhìn nhau tươi cười hạnh phúc làm sao. Họ đã từng yêu nhau thắm thiết, tại sao tình yêu lại thay đổi mau chóng và thê thảm như vậy. Họ rất khó quên, khi gây gỗ thường kể đi kể lại những chuyện giận hờn xảy ra năm xửa năm xưa, rồi từ từ nặng lời với nhau. Tôi và em gái cũng hay có chuyện vì giành đồ chơi, hay vì phân công dọn dẹp nhà cửa không đều, nhưng chỉ chút sau là chúng tôi quên và tiếp tục chơi với nhau vui vẻ. Tôi muốn gia đình hòa thuận, êm ấm như hồi tôi còn bé. Lâu rồi chúng tôi không được đi picnic, đi câu cá với nhau. 

Ngày ba tôi đập tan những tấm hình đám cưới treo trên tường, là ngày ông bà quyết định ly dị. Ba mẹ gọi hai chị em tôi vào phòng, chúng tôi đứng trên những mảnh vụn và được hỏi:
-Hai đứa con phải quyết định, đứa nào muốn ở với mẹ, đứa nào muốn ở với ba. Chúng ta phải chia hai.

Tôi và em gái chỉ biết khóc. Cách đây mấy tháng, tôi cũng giúp ý kiến thằng Tâm để nó chọn lựa bố hay mẹ. Bây giờ tới phiên nó sẽ giúp tôi?!!! Tôi biết Tâm rất khổ, trong lớp nó không còn muốn chơi với ai cả ngoại trừ tôi. Cô giáo và những bạn hiểu chuyện nói lời an ủi, thương hại cũng làm nó bực mình, muốn lẩn tránh. Nó trở nên ít nói và không cười nữa. Tôi sẽ phải trải qua những chuyện y như vậy. Tôi rất sợ. 

Đêm hôm đó tôi không ngủ được, chạy sang phòng em thấy nó còn thức, tôi rủ nó ra bàn thờ cùng đọc kinh. Chúng tôi chỉ thuộc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, tôi ước gì có thể đọc được những kinh thật dài như người ta đã đọc trong nhà thờ để Chúa hiểu và lắng nghe chúng tôi hơn. Một chút sau ba má tôi cũng ra phòng khách cùng quỳ đọc kinh với chúng tôi – có lẽ vì nửa đêm tiếng cầu kinh của chị em tôi lớn quá làm họ không ngủ được. Thật là nhiệm mầu, ba má tôi xin lỗi nhau và quyết định không ly dị nữa. Tất cả chúng tôi cùng khóc. 

Tôi nghe mẹ tôi kể với bạn của bà, nhờ sự thành khẩn của hai đứa tôi trong lần đọc kinh đó mà bà đã suy nghĩ lại. Tình trạng gia đình tôi khá hẳn. Ba đã treo lại những tấm hình đám cưới lên tường và treo thêm tấm bốn người vừa chụp ở tiệm. 

Tôi tin lời cầu nguyện sẽ luôn được Chúa chấp nhận nếu mình cầu xin hết lòng và ở trong một hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ. Tôi cũng an tâm không cần phải học nhiều kinh dài và mới, Kinh Lạy Cha và Kinh Kính mừng có thể tạm đủ. 

 

Bộ quần áo cũ

Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội…ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm. 

Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:
-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
-Nhưng bố thích mặc bộ này!
Tôi bắt đầu cau có:
-Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.
Ông già buồn rầu, lập lại:
-Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.

Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.

Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ. 
Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét lại trái tim mình đã. 

From : qui nguyencong @

“ĐÔI DÉP”

 “ĐÔI DÉP”

MỘT BÀI THƠ CHÂN THẬT, CẢM ĐỘNG VỀ TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG.

Quý Vân chuyển

Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh viết về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp gỡ bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau

Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục, không đi cùng người khác
Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia.

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những phút vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.

Không thể thiếu nhau trên mọi bước đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải, trái
Nhưng anh yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau một bước đi chung.

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.

Nguyễn Trung Kiên

Bộ ảnh “Tình yêu vượt thời gian” của cặp vợ chồng già

  Bộ ảnh “Tình yêu vượt thời gian” của cặp vợ chồng già khiến ai cũng thầm mơ về một mối tình trọn đời như thế –

Vượt qua bao sóng gió cuộc đời, cặp đôi cao tuổi vẫn bên nhau, gắn bó và trao cho nhau những cái nhìn, nắm tay và cái ôm thật chặt. Nhìn vào loạt ảnh ấy, người ta có thể cảm nhận được tình yêu mà họ dành cho nhau sâu đậm đến nhường nào.

Những ngày qua, cư dân mạng Việt Nam đang liên tục chia sẻ loạt ảnh tình yêu của cặp vợ chồng lớn tuổi có vẻ ngoài đầy cuốn hút. Vượt qua bao sóng gió cuộc đời, cặp đôi cao tuổi vẫn bên nhau, gắn bó và trao cho nhau những cái nhìn, nắm tay và cái ôm thật chặt. Nhìn vào loạt ảnh ấy, người ta có thể cảm nhận được tình yêu mà họ dành cho nhau sâu đậm đến nhường nào.

Vượt qua nhiều thăng trầm, cuối cùng, họ vẫn nắm tay nhau.

Không chỉ ngưỡng mộ tình yêu vượt thời gian của cặp vợ chồng lớn tuổi, nhiều người còn không khỏi xuýt xoa trước vẻ ngoài xinh đẹp, cuốn hút của cả cụ ông lẫn cụ bà. Trong khi cụ ông vẫn toát lên vẻ phong độ, cuốn hút thì cụ bà lại vô cùng xinh đẹp với nụ cười phúc hậu và thần thái tao nhã đầy lôi cuốn.

Vẻ mặt của cụ bà toát lên niềm hạnh phúc ngập tràn.

Theo tìm hiểu, bộ ảnh này do nhiếp ảnh gia người Nga Irina Nedyalkova thực hiện. Sau khi được chính nhiếp ảnh gia đăng tải trên trang Facebook cá nhân, bộ ảnh đã nhanh chóng được chia sẻ khắp thế giới với những phản ứng vô cùng tích cực. Nhiều người cho rằng dù chỉ là những khoảnh khắc đời thường thế nhưng nó chính là giấc mơ tình yêu mà bất cứ ai cũng mong muốn có được trong cuộc đời.

Cùng ngắm nhìn loạt ảnh đầy tình cảm của cặp đôi:

 

Giải quyết mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng

Giải quyết mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng

Ngày 01-6-2010, hầu như tất cả mọi phương tiện truyền thông như truyền thanh, truyền hình, internet và báo chí đều phát thanh, phát hình và đang tải một tin mà ảnh hưởng của nó đến rất nhiều người và mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Tin về việc ông Al và bà Tipper Gore quyết định chia tay. Nhiều lời bình luận và nhiều bán tán xôn xao về tin này. Nhưng câu hỏi mà các nhà bình luận vẫn không có câu trả lời thỏa đáng, đó là câu hỏi tại sao?

Tại sao một cuộc tình đầu, hai người yêu nhau hồi còn cắp sách đến trường, đến nay sau 40 năm chung sống với 4 người con lại có kết thúc như vậy.

Tại sao một cặp vợ chồng mà người chồng đã từng là Phó Tổng Thống, ứng viên tranh chức tổng thống và đoạt giải Nobel Hòa Bình, mà vẫn không có đủ yếu tố để giữ cho đến chết mối tình và hạnh phúc hôn nhân của mình.

Và Tại sao trong những năm sóng gió của tám năm Phó Tổng thống, của những ngày tháng tranh cử chức Tổng thống, cũng như suốt 40 năm qua đã không làm hạnh phúc họ phải tan vỡ, mà phải chờ đến giờ này ?…” (Theo TS Trần Mỹ Duyệt, bài ‘Những thách thức của sự trung thành trong đời sống hôn nhân’).

Ông bà ta thường nói: “Vợ chồng như đũa có đôi”. Thực vậy, vì khi kết hôn hai bạn tự nguyện cam kết sánh đôi cùng hội cùng thuyền và sống chung với nhau đến hết cuộc đời. Họ chấp nhận đầu gối tay ấp để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, thực tế cho thấy không phải bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng êm ái và phẳng lặng cả. Sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Và trong nhiều trường hợp, kết cục trở nên bi thảm, đó là xảy đến việc ly hôn ly dị.

Một thống kê cho biết tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8x đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng… 30 tháng” (Theo TS Nguyễn Minh Hòa, ĐH KHXHNV TP.HCM – TTO 01-10-2008).

Một thực tế bi đát, xem ra đáng báo động!

Tuy nhiên, có thể nói bất kỳ cuộc ly hôn nào cũng có lí do riêng của nó. Không phải bỗng dưng mà người ta đưa nhau ra tòa. Câu nói trước tòa của đôi bạn thường là “Chúng tôi không hợp nhau…”, nhưng đó chỉ là cách nói chung chung. Chắc chắc trong đời sống vợ chồng, họ đã có những mâu thuẫn nào đó, có thể rất nhỏ nhưng kéo dài nhiều năm tháng khiến một trong hai hoặc cả hai người cảm thấy mệt mỏi, chán chường và muốn “ra riêng”. Có người bi quan đã nhận định thế này: “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornoton Wilder).

Vậy để giảm bớt căng thẳng và mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, chúng ta thử nghĩ đến một số giải pháp đơn giản nhờ đó hai bạn có đủ can đảm giải quyết những bất đồng giữa nhau, để có thể vững bước đồng hành đến cuối cuộc đời.

  1. Nhận diện nguyên do gây mâu thuẫn

Trước hết phải khẳng định một điều: những mâu thuẫn bất đồng trong đời sống vợ chồng là chuyện tự nhiên, thường tình như tục ngữ VN có câu: “Chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng”. Do đó, đối với vợ chồng, vấn đề không phải là “giải phóng” hết mâu thuẫn bất đồng giữa hai người, nhưng là tìm ra những nguyên do nào gây nên những mâu thuẫn, bất đồng ấy để có giải pháp xử lý thích hợp. Mâu thuẫn có thể là do khác biệt về tính cách, tính tình. Có thể do cách suy nghĩ khác nhau về nhân sinh quan hay do sự đối lập trong cách phản ứng đối với những tình huống trong giao tiếp. Có thể là do bất đồng trong cách quản lý chi tiêu ngân sách trong gia đình. Có thể là do không cùng quan điểm trong việc nuôi dạy con cái. Cũng có thể do những trục trặc thầm kín trong “chuyện vợ chồng” vv. Nguyên do thì có nhiều. Nhưng điều quan trọng vẫn là hai bạn nên bình tĩnh xem xét vấn đề, khôn ngoan suy nghĩ và thận trọng quyết định. Căn bản vẫn là Tình Yêu. “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao VN).

  1. Im lặng là vàng

Nguyên tắc đầu tiên mà các nhà tư vấn tâm lý khuyên ta thực hành, đó là khi gặp mâu thuẫn, cả hai cùng im lặng. Im lặng không có nghĩa là chịu đựng cách tiêu cực mà là bình tĩnh trước sự việc. Không nóng vội. Không bốc đồng. Không thành kiến. Im lặng là sự biểu lộ của lòng vị tha và bao dung. Có người đã nói: “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Đúng vậy, vì khi xảy ra “vấn đề” nào đó giữa hai người với nhau, những tranh luận cãi cọ “bằng lời” đôi khi chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Kinh nghiệm dân gian là: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Và cũng có ý kiến này: “Phải có hai người mới đủ gây lộn, nhưng người có lỗi vẫn là người nói nhiều nhất” (It takes two to make a quarrel and the one in the wrong is the one does the most talking).

  1. Nghệ thuật nhượng bộ

Trong lúc hai vợ chồng bất đồng, người nào biết cách nhượng bộ, người đó là người chiến thắng. Sự nhượng bộ sẽ đem lại hòa khí trong gia đình và nhất là có sức mạnh thuyết phục phía-bên-kia cũng nhượng bộ như mình. Ông bà ta khuyên, “một sự nhịn chín sự lành”, nghĩa là nếu biết nhịn nhục, ta sẽ dễ dàng làm lành với nhau và cuộc chiến sẽ mau chóng kết thúc…Tác giả André de Mission đã viết: “Tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm và nhường nhịn nhau suốt quãng đời còn lại”. Trong đời sống gia đình, ai mà chẳng mong ước hòa khí. Nếu cả hai bạn đều có thiện chí muốn nhượng bộ để làm hòa với nhau, thì chắc chắn gia đình sẽ êm ấm. Văn hào Alfred Musset đã nói: “Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi cãi vã”.

  1. Tham khảo ý kiến của người khác

Khi các bạn gặp “vấn đề” trong đời sống vợ chồng, các bạn nên tham khảo ý kiến của nhiều người khác. Là người trong cuộc, có thể các bạn sẽ nhìn “vấn đề” một cách phiến diện, chủ quan. Vì vậy ta nên tham khảo ý kiến của người khác. Người khác có thể là cha mẹ, gia đình đôi bên. Có thể là anh chị em trong gia đình. Có thể là thầy cô đã từng dạy dỗ mình. Có thể là bạn bè, đồng nghiệp. Và cũng có thể là cha giải tội hay người phụ trách đoàn thể bạn tham gia vv. Những người mà bạn tham khảo sẽ cho các bạn những ý kiến bổ ích, nhờ đó các bạn tìm được một giải pháp thích hợp cho hoàn cảnh và tình huống cụ thể của mình. Có khá nhiều đôi bạn đã làm lành được với nhau sau một vài cuộc xung đột nặng nề vì họ đã biết lắng nghe và thực hiện sự chỉ dẫn của những người ngoài cuộc…

  1. Tìm sự động viên của con cái và người thân trong gia đình

Trong “cuộc chiến” giữa hai vợ chồng, đôi lúc ta cảm thấy đơn độc và thất vọng. Nhưng nếu có sự tiếp tay, động viên từ phía gia đình, nhất là từ con cái, ta sẽ được nâng đỡ, ủi an. Để tránh cãi vã kéo dài, con cái có thể giúp cha mẹ hòa giải với nhau. Vai trò của con cái thật là thuận lợi và đắc lực. Con cái càng lớn, tiếng nói của họ càng nặng ký. Vì vậy, nếu một trong hai bạn biết tranh thủ sự hỗ trợ của con cái thì bầu khí gia đình sẽ được cải thiện và dần dần lấy lại được hòa khí. Hạnh phúc thì ai cũng ước mong và không ai muốn mất đi cả. Con cái chúng ta sẽ hiểu được điều đó. Vì “Tất cả kho tàng trên trái đất này đều không thể sánh bằng hạnh phúc gia đình” (Caldéron).

  1. Hãy biết mình

Cổ nhân có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong mâu thuẫn vợ chồng, sở dĩ người ta khó làm lành với nhau là vì ai cũng nhận phần thắng về cho mình. Ai cũng nghĩ là mình phải và người kia trái. Ai cũng muốn đổ lỗi cho bạn mình trong khi mình cũng có lỗi. Vậy tốt nhất là mỗi người hãy tự biết mình. Bạn hãy tập thói quen “xét mình” vào buổi tối trước khi ngủ. Bảng “xét mình” sẽ chia làm hai cột, một bên là “Điểm mạnh/ tốt”, một bên là “Điểm yếu/ chưa tốt”. Dựa vào kết quả này, bạn sẽ thấy mình như thế nào, đang ở đâu, cần thay đổi gì…Cũng thế, nếu bạn đời của bạn cũng làm như bạn và cả hai cùng chia sẻ cho nhau biết về con-người-thực của nhau, thì lúc đó chắc chắn bạn sẽ có cái nhìn khác hơn về mình và về người bạn đời của bạn. Người đời khuyên: “Hãy vững tin vào những mặt mạnh của nhau và bỏ qua những mặt yếu của nhau”. Bí quyết để có hòa thuận lâu dài nằm ở chỗ đó.

  1. Cầu nguyện

Đối với đôi bạn Công giáo thì đây là một bí quyết tuyệt vời. Bởi trước khi kết hôn họ đã phải cầu nguyện nhiều rồi, huống chi là khi đã bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Đôi bạn phải cầu nguyện thường xuyên, liên lỉ vì hôn nhân là một biến cố cực kỳ quan trọng trong đời sống của một con người. Đó là ơn gọi và sứ mệnh mà Thiên Chúa đã ban và muốn chúng ta dấn thân thực hiện. Vậy cầu nguyện là một hành vi đạo đức không thể thiếu đối với đôi vợ chồng Ki-tô hữu. Đặc biệt là trong lúc gặp sóng gió, thử thách, các bạn càng phải cầu nguyện nhiều hơn nữa. Có người đã khẳng định: “Nếu gia đình cùng cầu nguyện, thì sẽ vững bền mãi mãi”. Thực vậy, khi cầu nguyện chúng ta sẽ lắng nghe và thực hành giáo huấn của Lời Chúa: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13)./.

Aug. Trần Cao Khải

From: Minh Tran & Chị Nguyễn Kim Bằng

Những bàn tay đã nắm

 Những bàn tay đã nắm 

Một lần ông xã ngồi mân mê bàn tay tôi rồi hỏi: “Nói anh nghe, bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay rồi?” Một câu hỏi không hề dễ trả lời, thậm chí là không thể trả lời cho chính xác. Có những bàn tay ta nắm rồi buông, và chẳng bao giờ còn nhớ lại. Có những bàn tay, nắm rồi nhớ mãi dù năm tháng đi qua

Bàn tay tôi nắm đầu tiên là của ai, là bố hay là mẹ? Tôi chắc chắn không biết. Nhưng tôi biết đó là hai bàn tay tôi đã nắm nhiều nhất thuở ấu thơ. Những bàn tay to, thô ráp bởi cày cuốc ruộng đồng, những bàn tay như thần thánh có thể làm hết thảy mọi việc. Bàn tay bố dắt tôi chập chững bước đi. Bàn tay mẹ cầm tay tôi uốn từng nét chữ. Bất cứ khi nào tôi ngã, hay khi tôi buồn khóc, ốm đau, sẽ có bàn tay rộng lượng chìa ra cho tôi nắm vào để biết rằng mình đang được vỗ về an ủi. Sau này lớn lên, tôi lấy chồng xa, thỉnh thoảng đưa con về thăm nhà, ngủ chung với mẹ. Những đêm chờ mẹ ngủ say, tôi cầm bàn tay mẹ áp vào ngực mình. Bàn tay vẫn to, đầy những nốt chai sần và nay đã nhăn nheo gầy guộc. Và tôi khóc, cảm giác nhớ tiếc một cái gì đó.

Tôi nhớ bàn tay người con trai đầu tiên mà tôi gọi đó là mối tình đầu. Đôi bàn tay đẹp, dài với những chiếc móng được cắt gọt cẩn thận. Người ấy thường nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dùng ngón tay mình vẽ vẽ vào lòng bàn tay tôi rồi hỏi: “Đố em biết anh vừa viết gì?”. Tôi lắc đầu. Anh cười nói anh viết rằng: “Anh muốn nắm tay em đi hết con đường đời dài rộng” .Nhưng rồi mọi lời hứa hẹn đều như gió thoảng mây bay. Bàn tay ấy đã buông lơi, thôi không còn nắm tay tôi mà tìm đến một bàn tay khác. Những lúc buồn, tôi vẫn vô thức tự vẽ vẽ lên lòng bàn tay mình. Rồi lại tự cười một mình khi nhận ra mình giống hệt một kẻ ngốc.

Ngày có người con trai cầm tay tôi nói lời cầu hôn, tôi cảm nhận rõ sự gai góc xù xì trong bàn tay ấy. Cảm giác ấy khiến tôi liên tưởng đến bàn tay mềm mại của mối tình đầu, rồi chợt thốt lên: “Sao bàn tay anh xấu thế?”. Anh nhìn tôi, bật cười giải thích, vì nó không được lớn lên trong mượt mà nhung lụa mà lớn lên bởi những gánh nặng mưu sinh, vì nó không được nâng niu mà đã bao phen trầy da chảy máu. Rồi anh nhìn vào mắt tôi, bàn tay siết chặt bàn tay: “Em cứ tin, nó không đẹp nhưng chẳng ngại khó khăn nào cả, hãy cứ vững tâm mà nắm lấy, được không?”.

Cuối cùng thì tôi đã nhận lời nắm lấy bàn tay ấy, để anh dắt lên xe hoa, để anh lồng vào ngón tay chiếc nhẫn cưới, để anh lau những giọt nước mắt ngày tôi về nhà chồng. Bàn tay ấy đã tự vào bếp nấu cho tôi bát cháo ngày tôi ốm, tự cắm hoa vào lọ những ngày kỉ niệm yêu đương. Bàn tay ấy đã dắt tôi đi qua bao nhiêu ngày tháng chông chênh đan xen những lo toan và niềm hạnh phúc. Đôi bàn tay xù xì nhưng cứng cáp và ấm áp vô ngần.

Ngày tôi đau tưởng chừng xé ruột để cho chào đời một sinh linh, đứa con gái bé bỏng của tôi sau khi được y tá tắm rửa sạch sẽ được đặt nằm cạnh mẹ. Hai bàn tay nhỏ xíu yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng chạm vào bàn tay con, hạnh phúc đến ứa nước mắt. Đó là khi tôi biết rằng mình đã thực sự trưởng thành, và tin rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn để có thể che chở cho con, để dắt con đi suốt những tháng năm thênh thang phía trước.

Những đêm nằm bên con, cầm lấy tay con đặt nhẹ lên môi hôn, chợt nghĩ rằng có lẽ ngày xưa mẹ mình cũng nâng niu và yêu thương mình nhiều đến thế. Rồi một ngày con gái mình sẽ lớn, sẽ lại đặt bàn tay vào một bàn tay khác mà con thương yêu. Chỉ mong con gặp đúng người để tin, và bàn tay không bị buông lơi trong nỗi đớn đau thất vọng.

Ngày ông nội mất, tôi nghẹn lòng nhìn bà nội cầm tay ông kể lể về những tháng ngày xưa cũ khi ông bà còn trẻ. Hai người đã cùng nhau sống chung hơn nửa thế kỉ với bao nhiêu yêu thương, giận hờn, khổ đau, hạnh phúc. Vậy mà nay tay bà còn ấm, tay ông đã lạnh ngắt rồi. Chẳng ai cưỡng được số mệnh, chẳng ai đâu. Ai rồi cũng sẽ một ngày về nằm trong lòng đất. Có người ra đi trong ồn ào khóc lóc, có người lìa khỏi thế gian trong lạnh lẽo cô đơn. Người ra đi bởi đã trả xong nợ cõi trần. Chỉ là người ở lại sẽ mang nhiều nuối tiếc xót xa khi biết rằng bao nhiêu yêu thương lúc này cũng không thể sưởi ấm cho người được nữa.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa tay mình lên trước mặt rồi tự hỏi lại câu chồng mình đã hỏi: Bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay? Nhiều, nhiều lắm. Có những cái nắm tay khiến mình nhớ mãi, có những cái nắm tay buông rồi là quên ngay. Có những cái nắm tay thật chặt, cũng có cái nắm tay buông lơi hờ hững. Chợt nhận ra một bàn tay đẹp không phải là bàn tay thon dài mềm mại với những chiếc móng được tỉa tót sơn màu. Một bàn tay đẹp là chìa ra đúng lúc mình cần, nắm tay mình qua những đoạn đường đời chông chênh sỏi đá, dẫu mệt mỏi cũng không buông, dẫu xa xôi cũng không nản.

Nếu chúng ta đang có những bàn tay để nắm, xin hãy trân trọng từng phút giây. Đừng mơ mộng những bàn tay xinh đẹp của ai kia mà buông lơi bàn tay gần gũi ấm áp ở bên mình. Nắm lấy tay nhau, cử chỉ ấy ấm áp hơn mọi lời nói yêu thương đầu môi chót lưỡi.

Bởi cuộc đời nhiều bất trắc, ai biết được khi nào ai nhắm mắt xuôi tay. Ai biết được khi nào tay mình vẫn ấm áp đây mà bàn tay ai kia đã vô chừng lạnh lẽo. Vậy nên khi sống không đem đến cho nhau sự ấm áp, thì khi lìa khỏi nhân gian có bịn rịn tiếc thương cũng còn ý nghĩa gì?

Lê Giang ( Dân Trí)

 Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Thời gian dư thừa chứ không phải vật chất giúp bạn hạnh phúc hơn

Thời gian dư thừa chứ không phải vật chất giúp bạn hạnh phúc hơn

Làm nhiều việc một lúc
Bản quyền hình ảnh    GETTY IMAGES
Một nghiên cứu mới đưa ra kết luận sử dụng tiền mua thời gian, thay vì mua của cải vật chất, có thể giúp bạn hạnh phúc hơn.

Dùng tiền để giải phóng thời gian là nhân tố có liên quan tới mức gia tăng hạnh phúc, một nghiên cứu cho biết.

Những người tham gia một cuộc thử nghiệm cho biết họ rất vui nếu phải chi ra 30 bảng Anh (40 USD) để tiết kiệm thời gian – như thuê người giúp đỡ việc nhà – hơn là bỏ số tiền đó để mua các sản phẩm vật chất.

Các chuyên gia tâm lý nói căng thẳng do thiếu thời gian dẫn đến suy giảm sức khỏe tinh thần và thể lực và góp phần gây ra tâm lý lo lắng và chứng mất ngủ.

Thế nhưng họ cho biết giàu có cũng ít khi sẵn lòng chi tiền cho người khác để làm thay những công việc mà chính họ không thích làm.

“Sau một loạt các cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy những người chi tiền để mua thời gian rảnh là những người hạnh phúc hơn – họ hài lòng với cuộc sống hơn,” tiến sỹ Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia, Canada, cho biết.

Mức độ hài lòng về cuộc sống

Thu nhập tăng tại nhiều quốc gia đã dẫn đến một hiện tượng mới. Từ Đức tới Mỹ, mọi người nói về sự “khan hiếm thời gian”, khi mà họ cảm thấy căng thẳng bởi những đòi hỏi về thời gian trong cuộc sống hàng ngày.

Các nhà tâm lý tại Mỹ, Canada và Hà Lan đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để xem việc dùng tiền để giải phóng thời gian liệu có thể làm tăng mức độ hạnh phúc.

Hơn 6000 người lớn ở Mỹ, Canada, Đan Mạch và Hà Lan, trong đó bao gồm 800 triệu phú, được hỏi số tiền họ đã dùng để mua thời gian.

Các nhà nghiên cứu cho biết chưa tới 1/3 số người được hỏi đã dùng tiền để mua thời gian cho mình mỗi tháng.

Những người này nói họ có độ hài lòng về cuộc sống của mình cao hơn những người khác.

Sau đó, các nhà nghiên cứu làm một thử nghiệm trong vòng hai tuần với 60 người trưởng thành đang làm việc tại Vancouver, Canada.

Vào hai ngày cuối tuần, những người tham gia thử nghiệm được đề nghị chi 30 bảng Anh (40 USD) cho một việc có thể giúp họ tiết kiệm thời gian. Họ đã tiêu tiền vào những thứ như mua đồ ăn trưa được giao tới tận cơ quan, chi tiền cho trẻ con hàng xóm giúp làm việc vặt, hoặc chi tiền cho dịch vụ dọn dẹp.

Hai ngày cuối tuần còn lại, họ được đề nghị chi khoản tiền được cho không đó để các sản phẩm vật chất như rượu, quần áo và sách.

Kết quả của cuộc nghiên cứu, được đăng trên tạp chí chuyên ngành của Học viện Khoa học Quốc gia, cho thấy tiết kiệm thời gian làm tăng mức độ hạnh phúc cao hơn so với mua sắm vật chất do giúp giảm được cảm giác căng thẳng về thời gian.

‘Làm thêm ca’

“Trong thực tế, tiền có thể mua được thời gian. Và nó có thể mua thời gian một cách khá hiệu quả,” giáo sư Dunn, làm việc cùng các đồng nghiệp của Trường Kinh doanh Harvard và Đại học Maastricht, cho biết.

“Và thông điệp tôi muốn nói là, ‘hãy nghĩ mà xem, có điều gì bạn ghét đến mức cứ nghĩ đến đã sợ mà bạn có thể trả tiền cho người khác làm thay bạn hay không?’ Nếu có, thì khoa học đã chứng minh đây chính là một cách khá tốt để tiêu tiền.”

Các nhà tâm lý nói rằng nghiên cứu này có thể giúp những người vốn bị buộc phải “làm thêm ca” tức là công việc nội trợ sau khi đã từ công sở về nhà.

“Tôi nghĩ nghiên cứu của chúng tôi có lẽ sẽ tạo ra một lối thoát cho việc phải “làm thêm ca”,” giáo sư Dunn nói thêm.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy những người đặt thời gian lên trên tiền bạc có xu hướng hạnh phúc hơn những người coi trọng tiền bạc hơn thời gian.

Một cựu bác sĩ-phá thai bảo vệ sự sống sau khi gặp Chúa Giêsu

Một cựu bác sĩ-phá thai bảo vệ sự sống sau khi gặp Chúa Giêsu

Bác sĩ Vansen Wong, một người vô thần không lay chuyển, ông đã làm hàng trăm vụ phá thai, sau khi trở lại kitô giáo, bây giờ ông bảo vệ các vấn đề phò-sự sống, hiện nay ông là Giám đốc y khoa cho một Trung tâm cho phụ nữ mang thai ở Sacramento. Ông ủng hộ luật phò-sự sống bên cạnh các nhà làm luật ở California.

 

 

 

 

 

 

 

Một cựu bác sĩ phá thai bảo vệ sự sống sau khi gặp Chúa Giêsu

Năm 1990, một bác sĩ đồng nghiệp làm các việc phá thai đã nhờ bác sĩ Wong giúp ông một tay trong việc phá thai tự nguyện (IVG) và ông đã không ngần ngại tiếp tay, ông nghĩ chẳng có tội gì khi phá thai.

Ngay cả ông còn chấp nhận đứng về phía các bà, ông không phán xét các bà trong chọn lựa của họ, ông giúp họ có cơ hội chọn cuộc sống mà chính họ mong muốn: «Tôi muốn là luật sư bào chữa cho các bà, không ai được phán xét một phụ nữ khi họ lấy quyết định», ông giải thích trong bài diễn văn đọc ngày 30 tháng 9 trước các người làm việc trong ngành y tế ở Đại học Saint-Louis.

Trong vòng bảy năm, ông đã làm hàng trăm vụ phá thai trong khi hành nghề y khoa hàng ngày của mình.

Dù vậy, với thời gian, khi ông quyết tâm hành động vì lòng trắc ẩn và chú tâm đến các bà phá thai trong các tình huống «nguy kịch» như trong trường hợp bị hãm hiệp hoặc tính mạng bị đe dọa vì mang thai, thì ông nhận ra, ông chống đối việc phá thai.

Ông thấy có một số phụ nữ muốn phá thai vì những lý do không chấp nhận được: «Bây giờ không phải là lúc thuận tiện», tôi đã dự trù đi du lịch Âu châu, vì tôi không muốn bỏ học, vì người cha không có ở đây.

Ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi làm bác sĩ phá thai. Các lập luận hợp lý để biện minh cho việc phá thai nguội dần. Sau này, ông nhận ra, chính Chúa đã làm việc qua thời gian. Trong những lúc ông phá thai, không những ông bắt đầu đặt câu hỏi, nhưng chính trong lần mổ cắt tử cung của một phụ nữ và bà đã chết, trường hợp này đã làm chấn động đến sự tự tin của ông trong địa vị một bác sĩ.

Ông vẫn tiếp tục làm việc, sự thất bại và các câu hỏi ông đặt ra đẩy ông đến gần với Chúa. Ông bắt đầu tham dự các buổi lễ trong một trường học địa phương.

Một ngày nọ ở nhà thờ, mục sư của ông nói về tiến trình phá thai cố tình khi thai đã lớn, một đề tài gây tranh luận ở Mỹ trong những năm 2000.

Khi nghe giảng, bác sĩ Vansen Wong nghĩ: “Có thể Chúa nói với tôi phá thai là xấu. Tôi nhận ra mỗi người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa.»

Từ đó Chúa đã làm việc trong tâm hồn ông. Ông cảm thấy mình có tội với cái chết của hàng trăm em bé không được ra đời. Ông nhận được tình yêu và sự tha thứ của Chúa.

Nhưng bác sĩ Wong có một chuyện khác phải chấp nhận, ông phải sống với những kỷ niệm chôn giấu của hai lần phá thai mà cá nhân ông đã trải qua. Một lần với cô bạn gái ở trường trung học và một lần với chính vợ ông hai năm sau khi đám cưới. Các bà không muốn ngưng ngang sự nghiệp của mình.


 

 

 

 

 

 

 

 

«Bây giờ, tôi muốn móc nối lại hai sự kiện này, hai sự kiện mà tôi không muốn nó xảy ra bao giờ, tôi đã bỏ các kỷ niệm này quá lâu. Tôi phải cần đến sự giúp đỡ của những người bạn thân, họ có kinh nghiệm trong các quan hệ giúp đỡ sau hậu phá thai để chấp nhận và để xin Chúa tha thứ», ông nói

Chúa không những gọi chúng ta ngưng giết các em bé, nhưng còn gọi chúng ta chia sẻ sự trở lại của mình để giúp đỡ các người khác.

Bác sĩ Wong không còn phá thai, nhưng ông làm gì sau đó? Khi đọc bản tin giáo xứ của ông, ông thấy một trung tâm lo cho các phụ nữ mang thai ở Sacramento tìm một giám đốc, và ông nhận chức vụ này.

Sau khi ông trở lại kitô giáo, bây giờ ông để cả đời để đi làm chứng cho công trình của Chúa và để bảo vệ sự sống. Trong cuộc gặp gỡ với các sinh viên và bác sĩ ở Đại học Saint-Louis, ông phát biểu: «Thế hệ của các bạn có thể lật ngược được việc phá thai. Tôi hy vọng chúng ta sẽ thay đổi được loại văn hóa này, tôi hy vọng khi các bạn nghĩ đến phá thai, các bạn có thể suy nghĩ một cách khác, có thể một cách cá nhân hơn. Chúng ta có thể làm gì trong cương vị cá nhân để thay đổi một cái nhìn của xã hội chúng ta không?»

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Nguồn tin: Phanxico

Anh chị Thụ & Mai gởi

Bí quyết sống Hạnh phúc trong tuổi già !

Bí quyết sống Hạnh phúc trong tuổi già !
LThH st (Yahoovanhoaviet)
Trước tuổi trung niên – Đừng sợ hãi !
Sau tuổi trung niên – Đừng tiếc nuối !
Hãy tận hưởng cuộc đời lúc nào có thể…

Đừng đợi đến khi chân hết lết nổi, rồi mới tiếc nuối. Khi nào thể lực còn cho phép, hãy đến thăm những nơi mình thích.

Khi có cơ hội, hãy họp mặt với các Ông, Bà bạn già. Họp mặt không chỉ để ăn uống; mà để tận dụng khoảng thời-gian-chẳng-còn-lại-bao-nhiêu.

Tiền gởi trong Ngân hàng chưa hẳn là của bạn. Khi có dịp cần tiêu, thì cứ tiêu, & hãy đối xử tốt với chính mình vì mình đang mỗi ngày một già đi. Thích ăn gì, cứ ăn! Điều quan trọng là bạn cảm thấy hạnh phúc. Thực phẩm tốt cho sức khỏe – ăn thường xuyên và nhiều – nhưng không hẳn chỉ ăn có thế.Thực phẩm không tốt cho sức khỏe – thỉnh thỏang ăn một chút – không nhất thiết phải tuyệt đối kiêng những thực phẩm này.

Hãy chữa bệnh bằng sự lạc quan. Dù bạn giàu hay nghèo.

Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế.Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵn sàng ra đi không nuối tiếc. Hãy để các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho mình, để Thượng Đế chăm sóc cuộc đời và yêu thương mình, nhưng chính mình phải làm chủ tâm trạng mình.Nếu sự lo âu có thể chữa khỏi bệnh cho bạn, thì bạn cứ lo âu đi!Nếu sự lo âu có thể giúp bạn sống lâu, thì bạn cứ lo âu đi!Nếu lo âu có thể đem đổi lấy hạnh phúc, thì bạn cứ lo âu đi!

Con cái sẽ tự gây dựng nên gia sản của chúng. Hãy lo gìn giữ Bốn Báu Vật của mình. Thân thể mình – cần chú ý hơn đến sức khỏe, chỉ mình biết sức mình hơn ai hết.

Quỹ hưu trí – tiền do bạn làm ra, nên giữ cho chính mình là tốt nhất.

Người bạn đời – hãy trân quý từng giây phút sống bên nửa-kia-của-mình; rồi một trong hai nửa sẽ ra đi trước.

TÌNH YÊU LÝ TƯỞNG
Các bạn già – hãy nắm lấy mọi cơ hội để gặp nhau. Cơ hội sẽ hiếm hoi dần với thời gian.

CÙNG BẠN BÈ, MỖI NGÀY TA HÃY CƯỜI VANG, NHẢY NHÓT
VÀ VUI VẺ VỚI NHAU !!!

Dòng nước không bao giờ chảy ngược lại.Dòng đời cũng vậy, hãy vui sống !

HÃY TẬN HƯỞNG MỖI GIÂY PHÚT TRONG ĐỜI MÌNH

Video Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ 5 tổ chức tại Nam Cali

Video Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ 5 tổ chức tại Nam Cali
VietCatholic Network
6/26/2017
 

NAM CALI –Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ 5 đã khai mạc vào chiều ngày 23/6 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Ki-tô thuộc giáo phận Orange. Các tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới về đây dự Đại Hội Song Nguyền, với chủ đề là “Niềm Vui Yêu Thương.” Đại hội Song Nguyền lần này 5 là để mừng 30 năm thành lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân. Có 3 giám mục tới dâng thánh lễ cùng với sự hiện diện của số đông linh mục và 800 tham dự viên.

 

Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân do Linh Mục Chu Quang Minh thành lập năm 1987,” với khóa đầu tiên tại Mission Hills thuộc TGP Los Angeles.

Sơ lược chương trình đại hội ba ngày gồm có: Thánh lễ khai mạc vào lúc 2 giờ chiều Thứ Sáu, 23 /6 do Giám Mục Timothy Freyer, phụ tá Giáo Phận Orange, làm chủ tế, và Đức ông Phạm quốc Tuấn giảng thuyết . Ban chiều có chương trình lược qua lịch sử 30 phục vụ, hát Thánh Ca, thảo luận, ăn tối, và văn nghệ.

Sáng Thứ Bảy, ngày 24/6 vào lúc 8 giờ sáng có Thánh Lễ, do Giám Mục Mai Thanh Lương chủ tế. Bài giảng do Đức Ông Phạm Văn Phương, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam, Atlanta, Georgia, phụ trách.

9 giờ 30 sáng là phần thuyết trình của Giám Mục Châu Ngọc Tri, giám mục Giáo Phận Lạng Sơn-Cao Bằng, Việt Nam, nói về chủ đề “Niềm Vui yêu Thương” của đại hội. Sau đó là chia sẻ giữa những người tham dự. Sau ăn trưa có phần tham quan. Tiếp đến là thảo luận với đề tài Phát Triển Chương Trình Trên Miền Đất Mới & Tái Lập Chương Trình Tại Miền Đất Cũ, và các đề tài khác. Ban chiều có dạ tiệc và văn nghệ.

Thánh Lễ Bế Mạc và Sai Đi, do Giám Mục Châu Ngọc Tri chủ tế diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật 25/6, bài giảng do Linh Mục Trần Quốc Tuấn phụ trách. Nghi Thức Sai Đi do Linh Mục Chu Quang Minh phụ trách.

Tình Cha & Lời Ru Của Cha.

Mừng Ngày Lễ của Cha.

Xin chia sẻ Video: Tình Cha & Lời Ru Của Cha.

Kính,

Phạm Trung

httpv://www.youtube.com/watch?v=JHa5HKhP5hk&feature=youtu.be

Mừng Lễ Cha – Diễm Trang ANTV

Con gì thế …?

Con gì thế …?

Phim chỉ 5’30 và bài thơ được tác giả làm dựa trên cảm xúc sau khi xem xong phim , được ghi lại bên dưới của màn ảnh nhân ngày lễ cha.

                                              

httpv://www.youtube.com/watch?v=mNK6h1dfy2o

 

Con gì thế …?                          

 

Ghi lại một vài cảm xúc sau khi xem phim ngắn trên :


CON GÌ THẾ ?

Trên băng ghế người thanh niên đọc báo
Cạnh cha già dưới bóng mát cây xanh
Chú sẻ con bay đến hót trên cành
Cha liền hỏi đó là con gì thế ?

Con vội đáp “ấy là con chim sẻ”
Nhìn chú chim, cha lại hỏi người con
Nén bực mình, âm giọng khó chịu hơn
“Tôi đã bảo với cha là chim sẻ !”

Nghe tiếng động, chim bay cao thật lẹ
Hướng theo chim, tay che mắt nhìn xa
Giọng trầm trầm cha lại hỏi lần ba
Cũng như trước “đó là con gì thế ?”

“Con chim sẻ, Cha à, con chim sẻ !”
Nhìn cha già, với đôi mắt đứng tròng
Và tuông ra những bực bội trong lòng
Dằn từng chữ, hét to “con… chim… sẻ”

Cha lại hỏi lần thứ tư “gì thế ?”
Con hét lên nghe lớn tiếng nặng lời
“Ông đang làm gì vậy? hả Ông ơi !”
“Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi nhé”

“Là chim sẻ, đó là con chim sẻ”
“Có biết không? sao cứ muốn hỏi hoài?”
Cha đứng lên ra dấu chờ chút thôi!
rồi cất bước. Con hỏi: “đi đâu thế?”

Vào nhà lấy đem ra trang nhật ký
Trao vào tay, bảo đọc lớn nghe con!
Nghe lời cha, cất giọng đọc trầm buồn
Từng câu chữ từng cảm thương vời vợi !

“Vài ngày nữa con trai đầy ba tuổi
Hai cha con ngồi ghế đá công viên
Một chú chim đang nhảy nhót cạnh bên
Con lên tiếng hỏi tôi “con gì thế?”

Nghe con hỏi, tôi trả lời “chim sẻ”
Hăm mốt lần, con vẫn hỏi một câu
Hăm mốt lần, “là chim sẻ” giống nhau
Tôi ôm nó mỗi lần nghe con hỏi

Cứ như thế, bên trả lời bên hỏi
Cứ lập đi lập lại mãi không ngừng
Niềm yêu thương thay vì phải nổi khùng
Với đứa bé đầy vô tư tuổi nhỏ. “

Tình phụ tử vẫn cao như thế đó
Mới biết đời nước mắt vẫn chảy xuôi
Trả cho cha, cao lắm bốn lần thôi
Lòng hậm hực, đã buông lời bất mãn

Công nuôi dưỡng, cha cho con vô hạn
Hăm mốt lần, lòng tràn ngập thương yêu
Cho thì nhiều, khi nhận chẳng bao nhiêu
Cũng vui vẻ! Ôi lòng cha cao quý!

Vòng tay siết, ôm cha mắt ngấn lệ
Đôi môi này xin gửi một nụ hôn
Trong thâm tâm lòng cảm xúc vô vàn
Nay đã hiểu lòng cha như núi Thái.

Con xin nguyện nhớ ơn cha mãi mãi !