Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần. (Lc 1:39-41)-Cha Vương

Một cuối tuần tràn đầy yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 7 T2MV: 14/12/2024

TIN MỪNG: Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần. (Lc 1:39-41)

SUY NIỆM: Thứ 7 tuần trước bạn được mời gọi đến gần Đức Mẹ Maria để học nơi Mẹ nhân đức ĐƠN SƠ—được bộc lộ qua những suy nghĩ trong sáng, những phát biểu thật thà, thẳng thắn trình bày với thiên sứ hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Đức đơn sơ của Mẹ là đi tìm  và thực hiện thánh ý Thiên Chúa.

Hôm nay mời bạn suy niệm về nhân đức thứ 2 của Mẹ. Đó là ĐỨC ÁI. Ngay sau khi đáp tiếng XIN VÂNG, đón nhận Ngôi Hai nhập thể, và khi đã có Chúa trong lòng, Mẹ đã vội vã ra đi mang niềm vui đến cho bà Elisabeth. Niềm vui chia sẻ và cảm thông là dấu chứng của mối dây liên kết sâu xa trong đức ái. Giây phút gặp gỡ thân tình ấy tràn ngập hoan lạc và bình an, chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Mẹ đã đến nơi đang cần sự hiện diện và đôi tay phục vụ của mình. Một cách âm thầm và lặng lẽ, Mẹ hiện diện bên cạnh Elisabeth như một người tôi tớ. Cội nguồn của đức ái là Tình Yêu Thiên Chúa. Hành động của Đức Ái là bác ái và yêu thương. Nó là nét đẹp của những tâm hồn biết quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh mình một cách vô vị lợi. Tình Yêu Thiên Chúa chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là yêu thương! Hàng ngày bạn và mình đều được mời gọi sống đức ái tối đa. Đức ái dần dần phải trở nên linh hồn của mọi hành vi—trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Cha Dom Marmion có viết: “Một tâm hồn thiếu bác ái, không thể kêu: Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Nói như thế là nói dối, vì họ không bao quát cùng tình yêu đối với Chúa Kitô và các chi thể Người, họ dừng lại ở nhân tính cá nhân Đức Kitô mà quên mất khúc nối tiếp nhiệm thể, tức là thân thể Mầu Nhiệm Chúa Giêsu”. Để noi gương Mẹ sống ĐỨC ÁI bạn cần lưu ý những cử chỉ đi ngược với đức ái như:

+ Ẩu đả, vũ phu/vũ thê.

+ Những cử chỉ xua đuổi, xa lánh

+ Những cử chỉ bực dọc quá đáng

Bạn cần phải nhận biết để rồi tránh xa nó nhé.

LẮNG NGHE: Nhưng tình yêu nơi chúng ta không bắt nguồn từ chúng ta, mà bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con của Người đến làm lễ hy sinh vì chúng ta. (1 Ga 4: 10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, xin giúp con noi gương Mẹ biết lấy ĐỨC ÁI là trung tâm, là thước đo, là tiêu chuẩn cho mọi sự.

THỰC HÀNH: Để chuẩn bị đón Chúa Hài Nhi, mời bạn hãy cố gắng từ bỏ một cử chỉ đi ngược với  đức ái nhé.

From: Do Dzung

**************************

ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG – HOÀNG OANH

Lễ nhớ Đức Mẹ Loreto (10/12).- Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 10/12/2024

Bạn biết không? Năm ngày từ ngày 8 tháng 12 đến ngày 12 tháng 12 giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người có lòng sùng kính Đức Mẹ. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Giáo Hội cử hành ba lễ dành riêng cho Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, tất cả đều liên quan đến một cách nào đó những sự kiện kỳ diệu. Nổi bận hơn nhất là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12), Lễ trọng—bổn mạng của đất nước Hoa Kỳ. Kế đến là Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe  (12/12), bổn mạng Giáo hội Mỹ châu Latinh. Chen vào giữa là Lễ nhớ Đức Mẹ Loreto (10/12). Vào ngày 7 tháng 10 năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho phép cử hành Lễ Đức Mẹ Loreto như lễ nhớ tùy ý trong lịch phụng vụ của Giáo Hội hoàn vũ.

Lễ kính Đức Mẹ Loreto—Sau khi Đức Mẹ hồn xác về trời, ngôi nhà Đức Mẹ ở Nazareth được gọi là ngôi nhà thánh (Santa Casa) biến thành nguyện đường. Ở đó, giáo dân tiên khởi tôn kính một pho tượng Đức Mẹ ẩm Chúa Hài Đồng. Tục truyền rằng pho tượng hay làm phép lạ đó được tạc bằng một khúc gỗ bách hương xứ Libăng.

Vào thế kỷ thứ IV, hoàng hậu Helena cho xây cất một ngôi thánh đường rộng rãi bọc lên trên ngôi nhà thánh này, khách hành hương viếng cảnh thánh địa thường hay đến tôn kính. Năm 1252, vua Louis IV đã viếng ngôi nhà thánh này.

Vào thế kỷ thứ 13, khi quân Hồi giáo xâm chiếm thánh địa, ngôi nhà thánh được di chuyển (qua không gian hay đường biển không rõ, theo tục truyền do bàn tay các thiên thần) về trên đồi Loretto, nước Ý; sau một thời gian ở tại Tersato, xứ Dalmatia.

Sự kiện xảy ra vào khoãng năm 1294, ngôi nhà thánh được chuyển từ Dalmatia bên kia biển Adriatique về Recawati và được đặt vào trong một khu rừng thuộc quyền sở hữu của một nhà quí phái tên là Loretto.

Một điều đáng chú ý là các nhà khảo cổ kiểm chứng được rằng kích thước của ngôi nhà thánh ở Loreto giống kích thước của ngôi nhà thánh xưa kia mà Thánh Gia Thất đã ở được lưu giữ trong một thánh đường ở Nazareth mà nay mất tích. Thứ đá dùng cũng giống nhau. Hơn nữa, ngôi nhà thánh lại không có móng và bậc thang như đã được kiểm chứng trong các lần khác vào năm 1962-1965.

Cũng như ở bên thánh địa thời trước, một thánh đường dâng kính Mẹ Loreto được xây cất bọc lên thánh tích và năm 1728 được Đức Giáo Hoàng Benedicto XIII nâng lên bậc Vươmg Cung Thánh Đường. Giáo dân tấp nập đến kính viếng. Kinh cầu Đức Bà Loreto được đặt ra vào khoãng năm 1400 để dùng trong các cuộc hành hương.

Có khoãng 50 vị Giáo Hoàng đã đến kính viếng ngôi nhà thánh và có nhiều vị thánh như thánh Ignatius Loyola, thánh Francis Xavier, thánh Charles Borromeus, thánh Alphonsus de Ligorius là giáo lữ hành hương.

Theo hiệp ước Latran ký kết giữa chính phủ Ý và tòa thánh Vatican năm 1929 thì thánh đường Loreto thuộc quyền sở hữu của Tòa Thánh. Trước ngày khai mạc Công Đồng Viticanô II ngày 04 tháng 10 năm 1962, Đức Giáo Hoàng John XXIII đã đến kính viếng ngôi nhà thánh để xin cho Công Đồng thành công mỹ mãn và ngày 08 tháng 9 năm 1979, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã đến hành hương để xin “ơn soi sáng và hổ trợ” trước khi thăm viếng và đọc diển văn tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 03/10/1979.

Ngày 24/3/1920, Đức Giáo Hoàng Benedictus XV công bố chọn Đức Mẹ Loreto làm quan thầy chính của các phi công, ám chỉ ngầm ngôi nhà thánh được di chuyển do “bàn tay của các Thiên Thần” cũng như trong lời nguyện khi làm phép “các cơ khí dùng để bay trong không khí trời” (Trích “Mẹ Maria” của Cố Lm Hồng Phúc, CSsR  trang 251)

Để bày tỏ lòng tôn kính đối với Ðức Mẹ Loreto, mời bạn hãy hiệp cùng con cái Mẹ trên khắp hoàn cầu dâng lời cầu xin: Chúng con lạy ơn Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, chúng con trông cậy Đức Bà là Chúa bầu chúng con, xin cho chúng con biết lòng Đức Mẹ yêu dấu con mọn này, còn ở dưới thế cách xa mặt Mẹ. Đức Chúa Giêsu xưa xuống thế gian chẳng bỏ loài kẻ có tội, lại liều mình chịu nạn chịu chết vì hết cả loài người ta. Đức Mẹ cũng một lòng theo con như vậy. Mẹ ơi, Khoan thay! Nhân thay! Chớ trở mặt đi mà chẳng nhìn chúng con. Xin Đức Mẹ thương xem dạy dỗ yên ủi chúng con. Con cậy Mẹ có phép tắc nhiều trên hết Thiên Thần cùng trên hết các Thánh. Chúng con còn ở dưới thế này như kẻ đi biển cả vậy. Đức Mẹ là như Ngôi Sao chính ngự ở trời bên Bắc vậy, xin Đức Mẹ dẫn đàng cho chúng con được theo kẻo phải xiêu chìm sa hỏa ngục vô cùng. Chúng con trông cậy Đức Mẹ cho chúng con ngày sau được vào cửa Thiên đàng, xem thấy mặt Đức Chúa Giêsu cùng mặt Đức Mẹ, được hưởng muôn muôn sự phúc gồm hết mọi sự tốt lành chẳng hay hết, chẳng hay cùng. Amen. (Lời nguyện trong Kinh Cầu Đức Bà Loreto)

From: Do Dzung

****************************

30 Bài Thánh Ca Về Đức Mẹ Maria Hay Nhất – Thánh Ca Tuyển Chọn 

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội-Cha Vương

Bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ buộc. Xin Mẹ đoái thương đến con cái Mẹ hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 2: 09/12/2024

TIN MỪNG: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc 1:35)

SUY NIỆM: Mùa Vọng là mùa trông đợi, là thời gian chuẩn bị tâm hồn để đón Con Thiên Chúa. Sự chuẩn bị này không đầy đủ nếu không nói đến vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nếu không có Mẹ thì không có Chúa Giê-su, nếu không có Chúa Giê-su thì không có ơn cứu độ. “Đức Nữ Trinh Maria chiếm một vị thế đặc biệt vì như Mẹ cũng đã trông chờ việc ứng nghiệm lời hứa của Thiên Chúa trong một cách thế độc nhất vô nhị. Mẹ đã chào đón trong đức tin và trong xác thân Giê-su, Con Thiên Chúa, với thái độ vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa.” Bên cạnh thái độ vâng phục Mẹ lại còn khiêm nhường, luôn ý thức mình là hèn mọn, là thấp bé… “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (Lc 1:48) Khiêm nhường và vâng phục là đôi chân bước tới Chúa là nguồn sống và hy vọng của người tín hữu. Vậy trong Mùa Vọng này, bạn hãy học nơi Mẹ hai nhân đức này nhé.

LẮNG NGHE: Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. (Ep 1:4)

CẦU NGUYỆN: “Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Đức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa.”

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh, hãy xin cho được hiền lành và khiêm nhường cả trong lòng lẫn hành động.

From: Do Dzung

*******************************

Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ Đồng Trinh đoàn con chung tiếng hát 

Lễ Đức Mẹ Mân Côi (7 /10)-Cha Vương

Mến Chúc Bạn và gia đình một ngày bình an trong Chúa và Mẹ nhé. Hôm nay 7/10 Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Như Cha Thánh Pio khuyên: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và hãy lần chuỗi Mân Côi, vì Kinh Mân Côi là vũ khí chống lại sự dữ của thế giới hôm nay.” Mời bạn hãy cầm lấy vũ khì để chống lại sự dữ nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 7/10/2024

Tôi tớ Chúa (tu sĩ) Joseph Kentenich nói: “Kinh Mân Côi là phương dược hiệu nghiệm cho thời hiện đại. Kinh Mân Côi sẽ ảnh hưởng lên những biến cố của thế giới hơn bất cứ những cố gắng ngoại giao, và cũng có tác động lên đời sống công cộng hơn tất cả mọi cố gắng của bất cứ tổ chức nào.” Vậy hôm nay mời Bạn cộng tác với mình hãy chạy đến Mẹ Maria qua Kinh Mân Côi nhé để cầu nguyện cho cho nền hòa bình trên trên thế giới.

Sau đây là 15 điều Đức Mẹ đã hứa, qua thánh Dôminicô, cho những ai siêng năng đọc kinh Mân Côi. Mời bạn đọc và coi đây là một lời mời khẩn thiết “hãy chạy đến Mẹ!” trong thời gian sáo trộn này nhé:

1- Những ai đọc kinh Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.

2- Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt, và ban nhiều đặc ân cho những ai đọc kinh Mân Côi.

3- Kinh Mân Côi sẽ là áo mã giáp chống lại hỏa ngục, phá tan các ngụy thuyết.

4- Kinh Mân Côi là phương tiện thánh hóa các linh hồn.

5- Linh hồn nào đến với Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi, sẽ không bị hư mất.

6- Ai đọc kinh Mân Côi sẽ không bị rủi ro, chết bất đắc kỳ tử.

7- Những ai tôn sùng Kinh Mân Côi sẽ được chịu các phép bí tích trong giờ

chết.

8- Ai mộ mền chuỗi Mân Côi, khi lâm tử sẽ được chia sản nghiệp trên thiên

đàng.

9- Mẹ sẽ cứu khỏi luyện ngục cho những ai siêng năng đọc kinh Mân Côi.

10- Con cái trung thành với kinh Mân Côi, sẽ được hưởng vinh quang trên trời.

11- Nhờ lần hạt Mân Côi, Mẹ sẽ ban cho hết những gì mình xin.

12- Những ai truyền bá chuỗi Mân Côi, được Mẹ giúp đỡ trong những lúc khó khăn.

13- Những ai truyền bá chuỗi Mân Côi, được cả thiên quốc cầu bầu khi sống và khi chết.

14- Những ai đọc kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và anh em với Chúa Giêsu.

15- Tôn sùng chuỗi Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn cứu rỗi.

From: Do Dzung

************************

Ave Maria Trăng Từ Bi 

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi – Cha Vương

Hôm nay 15/09 Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ước mong bạn cảm nhận được sự an ủi của Mẹ trong lúc gặp thử thách.

Cha Vương

CN: 15/09/2024

TIN MỪNG: Ông Si-mê-on nói với bà Ma-ri-a: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải hư vong hay được cứu độ. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Phần bà, bà sẽ phải nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thấu.” (Lc 2:34-35)

SUY NIỆM: Hôm qua có một người bạn nói chuyện với mình về một người mẹ tự nhiên bỏ tất cả công việc bà đang làm, cầm vội cái bóp, và đi về. Khi được hỏi, “tại sao?” thì người mẹ trả lời một cách đau buồn, vì con của tôi đang ở trong phòng cấp cứu. Hoàn cảnh này làm mình liên tưởng đến ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi mà Giáo  hội mừng kính hôm nay, “Phần bà, bà sẽ phải nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thấu.” Đúng! Tình mẫu tử không một giấy viết nào có thể diễn tả hết được. Chính vì vậy mà Chúa đã dùng tình mẫu tử này để nói lên tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với nhân loại, “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.” (Is 66:13) Dưới chân thập giá, Đức Mẹ với một nỗi niềm Đau Khổ khôn tả: “Hỡi những người qua đường, hãy nhìn xem! Có ai có nỗi thống khổ như tôi không? Tình mẫu tử cao cả tuôn trào bên chân Thánh Giá của Chúa Con. Mẹ đứng đó, cùng chịu đau khổ vô biên với Chúa Con, cùng hiệp dâng làm của Lễ Hy sinh để cứu chuộc nhân loại với sự đồng thuận trong Yêu thương.” Trong xã hội ngày ngay có rất nhiều người mẹ đang đau khổ, họ là vấn nạn của những bất công, bạo hành, lạm dụng. Nếu bạn là người mẹ đang đau khổ vì con cái, vì chồng, vì gia đình, vì hoàn cảnh… Bạn hãy nhìn và chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Đau Khổ. Mẹ cảm thông với cái nặng nề đau đớn của bạn, hãy noi gương Mẹ và sống mạnh dạn trong đau khổ của mình, vì “ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.”

LẮNG NGHE: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. (Hr 5:8-9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Đức Maria, Nữ Vương cả đất trời, Mẹ vẫn hiên ngang đứng vững gần bên thập giá Đức Kitô, xin Mẹ đỡ nâng con trong mọi biến cố hay đau khổ trong đời để con biết can đảm xin thưa hai chữ “xin vâng”, xin dạy con biết thầm lặng gẫm suy và thực thi Thánh Ý Chúa mỗi ngày để được thưởng cùng với Mẹ trên nước thiên đàng.

THỰC HÀNH: Dù người mẹ của mình con sống hay đã khuất núi, mời bạn suy tư về người mẹ qua câu này: “Mẹ có thể chưa bao giờ nói yêu bạn, thương bạn, nhưng mẹ sẽ là người làm tất cả để bạn được sống một cuộc sống tốt nhất và hạnh phúc nhất.” Vì vậy hãy thể hiện những cử chỉ yêu thương mẹ mình mỗi ngày qua lời cầu nguyện hoặc bằng những hành động cụ thể bạn nhé.

From: Do Dzung

********************

MẸ ĐỨNG ĐÓ – Sáng Tác: Lm. Kim Long. Ca Sỹ: Phi Nguyễn – Mai Thiên Vân

Lễ tôn kính Tên cực thánh Đức Bà Maria – Cha Vương

Hôm nay  là ngày Lễ tôn kính Tên cực thánh Đức Bà Maria. Mời bạn tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Tên cực thánh Đức Bà Maria mà luôn luôn chạy đến Mẹ với hết lòng tin tưởng nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 12/09/2024

NGUỒN GỐC: Ngày lễ tôn kính Tên cực thánh Đức Bà Maria được Đức Giáo Hoàng Innocent XI thiết lập vào năm 1683, để kỷ niệm biến cố lớn lao về cuộc chiến thắng vĩ đại của người Kitô hữu chống lại quân Thổ Nhỉ Kỳ do sự che chở rất hiển nhiên của Đức Maria, Nữ Vương trên Trời.

Năm mươi vạn quân Thổ Nhỉ Kỳ tiến đánh sát thành Vienna và đang đe dọa toàn cỏi  u châu. Trong ngày lễ Bát Nhật kính ngày Sinh Nhật Mẹ Maria, Sobieski, vua xứ Ba Lan, quyết tâm đến cứu giúp thành Vienna đang bị quân Thổ bao vây khốn đốn. Vị vua này bắt đầu tiến quân với thánh lễ Misa. Sau khi sốt sắng rước Mình Thánh Chúa xong, ông tiến đến trước bàn thờ giang hai tay hình thánh giá và dỏng dạc hô lớn: “Chúng ta hãy mạnh dạn tiến quân, Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta và Đức Mẹ Maria sẽ trợ giúp chúng ta.” Lòng tin tưởng của vị vua thánh thiện này đã được đền đáp. Quân Thổ mặc dù rất đông đảo nhưng bị tấn công bất ngờ đã bỏ chạy trong rối loạn. Và từ đó danh thánh Mẹ Maria được tôn kính cho đến ngày hôm nay.

Thật là chính đáng khi tôn kính tên cực thánh Maria trong những ngày lễ kính của Giáo Hội Công giáo bên cạnh tên cực thánh Giêsu. Tên Maria là một tên cực thánh, đầy vinh quang, một tên có âm điệu dịu dàng, một tên khi gọi đến đều được mọi ơn cứu rổi. Các thánh đã cố gắng ghi lại nhiều điều lạ lùng tuyệt vời khi thốt lên tên cực thánh Maria. Niềm vinh quang của tên cực thánh Maria mà Thiên Chúa đã ban cho cha mẹ của Đức Nữ Đồng Trinh và là tên được Chúa chúc phúc mà thiên thần Gabriel đã rao truyền đầy lòng tôn kính và từ đó mọi thế hệ người Công giáo đã âu yếm lập lại trên đầu môi mỗi ngày; Thiên đàng đã ban cho thế gian một tên cực đẹp và thế gian đã ca tụng tên Maria với một âm điệu vang vọng hiền hòa. Thánh Pierre de Blois nói: “Nghe tên cực thánh Maria, toàn Giáo Hội đều quỳ gối, và những lời cầu xin và nguyện cầu của mọi người được vang vọng lên từ khắp mọi phương trời.”

Thánh Bonaventure thường cầu nguyện: “Tên của Mẹ đầy vinh quang, ôi Đức Mẹ Chúa Trời, ôi tên cực thánh là nguồn hạnh phúc tuyệt vời.” Chân phước Henri Suzo; “Tên của Mẹ ngọt ngào biết dường nào.” Thánh Ambrose nói: “Tên của Mẹ là hương thơm tỏa ra mọi ngưồn ân sủng. Nhưng đối với thánh Ephrem còn gọi tên của Đức Mẹ Maria là Chìa khóa cửa Thiên Đàng và thánh Bernard thì nói là khi kêu đến tên Maria thì mọi quỷ dữ đều bỏ chạy trốn. (PT Huỳnh Mai Trác)

THÁNH TÍCH: Bên Ý có một cô gái đang đi dọc đường, giữa một nơi xa vắng, gặp phải một tên cướp. Tên cướp ấy có tiếng là hung hãn và đã đoạt của cùng giết chết nhiều người. Giữa lúc bơ vơ không ai cứu chữa, cô sợ hãi khiếp kinh. Giáp mặt cô, tên cướp bảo rằng: “Cô hãy nghe ta, bằng không ta sẽ giết”. Trong lúc nguy khốn, cô chợt nhớ đến Đức Mẹ, liền kêu tên Cực trọng Maria, cô lạy tên cướp và xin vì Đức Mẹ mà tha cho mình. Tên cướp nghe nói đến tên Maria thì dừng lại, nghĩ một lúc rồi bảo cô ta: “Được, vì Đức Mẹ mà ta tha chết cho cô, nhưng xin cô nhớ cầu Đức Mẹ cho ta với”. Ta xem tên Cực trọng Đức Mẹ linh ứng dường nào, tên cướp định hãm hại cô gái, nhưng vừa nghe tên Cực Thánh Đức Mẹ liền đổi lòng, chẳng những tha cho cô ta, mà lại đưa cô ta qua quảng đường đầy cheo leo ấy nữa.

*Trong mọi hoàn cảnh, mời bạn hãy kêu tên cực thánh Đức Bà Maria và luôn luôn chạy đến Mẹ với hết lòng tin tưởng nhé.

From: Do Dzung

************************

MẸ MARIA – NGUYỄN HỒNG ÂN  

 Thứ Bảy đầu tháng mời Bạn dành thời gian để suy niệm những mầu nhiệm tiềm ẩn trong Kinh Mân Côi-Cha Vương

Mến chào “BÌNH AN!” Chân phước George Matulaitis nói: “Mỗi Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng (trong Kinh Mân Côi) giống như lương thực từ trời, củng cổ sức mạnh của chúng ta.” Vậy hôm nay Thứ Bảy đầu tháng mời Bạn dành thời gian để suy niệm những mầu nhiệm tiềm ẩn trong Kinh Mân Côi để noi gương Mẹ Ma-ri-a sống vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Hãy nhớ cầu nguyện cho nhau nhé

Cha Vương

NĂM SỰ VUI: Thứ năm thì ngắm—Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong đền thánh. Dù là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và đầy ân sủng, nhưng Mẹ Maria vẫn là một con người hữu hạn. Nghĩa là, Mẹ không phải là Đấng Toàn Năng. Mẹ không thể biết được mọi sự, làm được mọi thứ, hay siêu vượt hẳn không gian và thời gian. Nhưng Mẹ khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của mình. Đồng thời, thay vì tự ti, mặc cảm, và đóng kín, Mẹ sống tâm tình tạ ơn và mở lòng cho quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi Mẹ. Mẹ cộng tác với ơn thánh (thời gian, sức lực, khả năng riêng, đức hạnh . . .) để công trình của Thiên Chúa được thành tựu. Hôm nay qua việc suy niệm 10 Kinh Kính Mừng này, Bạn hãy mở lòng để cho quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi mình và xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn. (Nêu ra ý chỉ cầu xin…)

+ Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

  1. Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi. (Luca 2:41-42) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  2. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.(Luca 2:43) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  3. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.(Luca 2:44-45) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  4. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. (Luca 2:46) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  5. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. (Luca 2:47) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  6. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Luca 2:48) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  7. Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? ” (Luca 2:49) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  8. Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. (Luca 2:50) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  9. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Luca 2:51)Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  10. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.  (Luca 2:52) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…

+ Kinh Sáng Danh: Sáng danh Đức Chúa Cha…

+ Câu Than Fatima: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…

+ Kinh Lạy Nữ Vương: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…

+Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay.

From: Do Dzung

************************

Đời Vui…Mấy Khi Con Cần Chúa (Sáng tác: Sr. Thảo Sương FMSR) – Kiều Oanh Nguyễn

Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, Lễ trọng- Cha Vương

Chúc bình an, hôm nay Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, Lễ trọng. Ước mong một ngày nào đó Bạn sẽ đạt tới nơi mà Đức Mẹ đã tới.

Cha Vương

Thứ 5: 15/08/2024

TIN MỪNG: Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con…(Khải Huyền 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab)

SUY NIỆM: Ngày 1 tháng 11 năm 1950, qua Hiến chế Munificentissimus Deus Đức Giáo hoàng đã công bố chân lý đức tin sau đây: “Đức Maria vô nhiễm trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau cuộc sống trần gian, đã được cất nhấc cả hồn và xác về vinh quang trên trời”. Chân lý đức tin này cũng được nhắc lại trong Sách Giáo Lý Công Giáo số 966: “Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (x. LG 59).

Được lên trời cả hồn và xác, Đức Ma-ri-a tham dự cách độc đáo vào cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô và thể hiện trước sự Phục Sinh của các Ki-tô hữu khác: Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, khi sinh con, Mẹ vẫn khiết trinh; khi yên nghỉ, Mẹ vẫn không lìa bỏ thế gian. Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống và giờ đây trở về với Thiên Chúa nguồn sống, xin cầu cho linh hồn chúng con được thoát tay tử thần

( Phụng vụ By-dan-tin, điệp ca lễ Đức Mẹ an nghỉ ngày 15 tháng 08)

Biến cố này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và bảo đảm cho sự thánh thiện riêng của Bạn. Nếu đấng quyền năng đã làm cho Mẹ những điều vĩ đại thì Ngài cũng sẽ làm những điều vĩ đại tương tự như thế cho Bạn.

Vậy Bạn hãy áp dụng liệu pháp “3 T” (Thánh-Thiện, Thành-Tâm, Tin-Tưởng) vào thực tiễn để sống Thánh-Thiện,Thành-Tâm, và Tin-Tưởng hơn mỗi ngày nhé!

LẮNG NGHE: Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. (Luca 1:50)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhờ lời cầu thay của Ðức Ma-ri-a hồn xác về trời, xin cho lòng con bừng cháy lửa mến yêu và luôn luôn hướng về Chúa.

THỰC HÀNH: Làm một quyết định cho chính bản thân bạn: ngày hôm nay tôi sẽ…

  1. Sống Thánh-Thiện hơn ngày hôm qua
  2. Sống Thành-Tâm hơn ngày hôm qua
  3. Sống Tin-Tưởng hơn ngày hôm qua 

From: Do Dzung

****************************

Mẹ về trời – Mai Thiên Vân 

Lễ Đức Maria-Mẹ Giáo hội-Cha Vương

Hôm nay Giáo hội mừng Lễ Đức Maria-Mẹ Giáo hội. Vào ngày 11 tháng 2 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thêm vào lịch chung Rôma một lễ mới về Đức Mẹ, lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội. Trước đây lễ này đã được cử hành ở cấp độ địa phương tại một số giáo phận và dòng tu. Bây giờ lễ này được cử hành trong toàn thể Giáo hội hoàn vũ, và được ghi trong Nghi thức Sách Lễ Rôma. Lễ mới này không có ngày cố định trong năm Dương lịch, vì nó phụ thuộc vào chu kỳ lễ Phục sinh. Lễ được cử hành vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúc bạn và gia đình thật ấm áp và tràn đầy yêu thương trong vòng tay nhân từ của Mẹ Maria nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 08/06/2024

TIN MỪNG: Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ rằng :“Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ :“Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình. (Ga 19:26-27)

SUY NIỆM: Vì Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, và bạn là người đã được rửa tội trong Chúa Ki-tô và là phần tử của Giáo Hội—là chi thể của thân thể Đức Kitô nên bạn cũng là con của Đức Maria. Lễ nhớ mừng mẫu tính của Đức Maria đối với Giáo hội được cử hành hàng năm là dịp để giúp con cái Mẹ hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể “ưu tú nhất… và nguyên tuyền nhất của Giáo hội” (LG, số 53). Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng, “với mẫu tính trong Chúa Thánh Thần, Đức Maria ôm lấy từng người trong Giáo hội, và ôm lấy từng người qua Giáo hội. Theo nghĩa này, Đức Maria – Mẹ Giáo hội cũng là gương mẫu của Giáo hội. (Redemptoris Mater, số 47). Thật tâm tình và gần gũi quá đi! Có bao giờ bạn cảm nghiệm được Mẹ đang ôm bạn như Mẹ ôm người Con của Mẹ dưới chân thập giá chưa?

LẮNG NGHE: Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật,  để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. (Gal 4:4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, “khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa, và đã nhận tất cả mọi người làm con, những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô.” Xin Mẹ yêu thương trợ giúp con luôn trung thành với sứ vụ được trao phó cho đến cùng để được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

THỰC HÀNH: Thành tâm chạy đến Mẹ qua việc đọc 10 Kinh Kính Mừng hôm nay.

From: Do Dzung

MẸ GIÁO HỘI – PM Cao Huy Hoàng – Jos Đường trình bày 

7 Điều Thú Vị về Đức Mẹ FATIMA nhưng Ít Được Biết Đến

Niềm Vui Tin Mừng

Năm 2017 đánh dấu 100 năm kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ chăn cừu làng Fatima (Bồ Đào Nha) là Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto.

Năm 2017 đánh dấu 100 năm kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ chăn cừu làng Fatima (Bồ Đào Nha) là Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto. Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần từ ngày 13/5 tới ngày 13/10/1917.

Hẳn chúng ta đã biết về Phép lạ Mặt trời trong lần Đức Mẹ hiện ra ngày 13/10 với sự chứng kiến của ít nhất 70.000 người. Chúng ta cũng biết Đức Maria đã nhận mình là Đức Mẹ Mân Côi, và kêu gọi mọi người cầu nguyện với kinh Mân Côi cho hòa bình thế giới.

Tuy nhiên có những điều thú vị về Đức Mẹ Fatima nhưng ít được biết đến hoặc bị lãng quên, giống như 7 sự kiện dưới đây:

ĐIỀU 1

Trong lần hiện ra thứ hai vào ngày 13/6/1917, Đức Mẹ đã ra một chỉ thị cho riêng Lucia: “Ta muốn con đến đây vào ngày 13 của tháng tới, để đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, và để học cách đọc. Sau đó, ta sẽ nói cho con những gì ta muốn.”

Đề nghị đó có vẻ bất thường bởi ở tầm 10 tuổi, các bé gái ở đây không được học đọc. Trong quyển sách, “Fatima cho ngày nay” (Fatima for Today), cha Andrew Apostoli giải thích. Sứ mệnh của Lucia là truyền bá thông điệp Fatima cho toàn thế giới, việc “Lucia phải học cách đọc và viết là quan trọng nhất.”

Các tác phẩm của sơ Lucia gồm Calls from the Message of Fatima (Tiếng gọi từ Fatima), Fatima in Lucia’s Own Words I, Fatima in Lucia’s Own Words II. (Fatima theo lời của Lucia – phần II)

ĐIỀU 2

Hai em họ của Lucia – Francisco Marto 8 tuổi và Jacinta Marto 7 tuổi – thì không cần học đọc. Bởi bà đã xin Đức Mẹ cho hai người em này sớm hưởng thiên đàng.

Đức Mẹ nói với Lucia, “Ta sẽ sớm đưa Jacinta và Francisco đi, nhưng con phải ở lại một thời gian. Vì Chúa Giêsu muốn con làm cho ta được biết đến và yêu mến trên thế giới với lòng sùng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.” Francisco qua đời năm 1919, ở tuổi 11. Em ra đi an bình dù rất đau đớn bởi mắc dịch cúm vào năm 1918.

ĐIỀU 3

Jacinta cũng mắc cùng bệnh cúm với Francisco. Dù chỉ 9 tuổi, cô bé sẵn sàng chịu rất nhiều đau khổ. Tại sao?

Lucia kể lại trong quyển “First Memoir”, Đức Trinh Nữ đã hiện ra. Jacinta nói: “Mẹ hỏi tôi rằng tôi có muốn nhiều tội nhân được hoán cải không. Tôi nói có. Mẹ nói rằng tôi sẽ được chuyển đến một bệnh viện, nơi tôi phải chịu nhiều đau khổ để cho các tội nhân được hoán cải, để đền bù cho tội phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, và đến tình yêu của Chúa Giêsu.”

Điều đó đã xảy ra ở tất cả các chi tiết Đức Mẹ của chúng tôi tiết lộ cho cô. Jacinta qua đời ngày 20/2/1920 tại bệnh viện ở Lisbon, chỉ vài tuần sau ngày sinh nhật thứ 10 của cô.

ĐIỀU 4

Xác của Jacinta không bị phân hủy. Thi thể của cô đã được rắc vôi khi chôn, vì luật pháp thời đó quy định bất cứ ai chết vì đại dịch cúm chủng Tây Ban Nha, đều phải làm như vậy.

Tuy nhiên, khi ngôi mộ của cô được khai quật ngày 13/9/1935, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy xác không bị phân hủy. Cô đã được cải táng để chôn bên cạnh người anh trai là Francisco ở nghĩa trang Fatima.

ĐIỀU 5

Trong lần hiện ra thứ ba ngày 13/7, Đức Mẹ đã cho các trẻ nhỏ xem thị kiến về hỏa ngục. Đức Mẹ nói: “Chiến tranh sẽ kết thúc; nhưng nếu con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ nổ ra dưới triều đại giáo hoàng của Đức Piô XI.”

Chúng ta biết Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc ngày 11/11/1918, một năm sau khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Cuộc chiến “tồi tệ hơn” mà Đức Mẹ ám chỉ đó là Chiến tranh thế giới lần II.

Đó là lời tiên tri, bởi năm Mẹ hiện ra là 1917, khi ấy Đức Benedict XV là giáo hoàng.

Đến 5 năm sau, ngày 6/2/1922, mới có Đức Giáo hoàng lấy danh xưng Piô XI. Ngài trị vì cho đến khi qua đời 10/2/1939. Chiến tranh thế giới lần hai cũng nổ ra vào năm 1939.

Đức Piô XI đã không sợ hãi và lên tiếng chống lại chủ nghĩa phát xít, phát xít Đức quốc xã trong thông điệp Mit Brennender Sorge.

ĐIỀU 6

Francisco và Jacinta nằm trong số những Chân Phước trẻ nhất, khi ĐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Fatima và tuyên chân phước cho họ ngày 13/5/2000.

ĐIỀU 7

Đức Mẹ nói sẽ trở lại 7 lần trong lần đầu hiện ra ngày 13/5. Mẹ nói: “Ta muốn các con trở về đây vào ngày 13 mỗi tháng trong 6 tháng tới, vào cùng một giờ. Sau đó ta sẽ nói cho các con biết ta là ai. Và ta sẽ trở lại đây 7 lần.”

Có Nhiều Tranh Cãi về Lần Trở Lại thứ 7

“Một số người nghĩ đó có thể là có một phép lạ khác.” Trong quyển tiểu sử A Pathway under the Gaze of Mary (2013) [Con đường nhỏ dưới ánh nhìn Mẹ Maria], do một nữ tu Cát Minh Coimbra từng sống với sơ Lucia nhiều năm, viết lại.

Đó là ngày 15/6/1921, khi Lucia chuẩn bị rời khỏi Fatima để đến một nơi mà giám mục muốn gửi bà đi. Biết rằng có thể mình sẽ không bao giờ được nhìn lại nơi này hay gặp gia đình, Lucia đã đến cây sồi nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1917, quỳ xuống và cầu nguyện trong nỗi đau đớn khủng khiếp.

Quyển tiểu sử viết “Một lần nữa Mẹ lại đến Trái đất; và con lại cảm nhận được bàn tay giúp đỡ cùng tình mẫu tử của mẹ trên vai. Con ngước lên và thấy Mẹ, chính là Mẹ Diễm phúc đang nắm tay và chỉ con thấy con đường. Đôi môi Mẹ nói những lời dịu ngọt, ánh sáng và an bình phục hồi trong tâm hồn con. ‘Ta đã ở đây với con lần thứ bảy. Đi đi, hãy đi theo con đường mà vị Giám Mục muốn con đi, đây là ý muốn của Thiên Chúa.”

______

Đuc Thien lược dịch từ National Catholic Register


 

LỄ ÐỨC MẸ GUADALUPE – Lm. Giuse Ðinh Tất Quý

Lm. Giuse Ðinh Tất Quý

ÐỨC MẸ GUADALUPE

Ðức Mẹ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Nuestra Senora de Guadalupe) còn được biết với tên gọi Ðức Trinh Nữ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Virgen de Guadalupe) là một tước hiệu mà Giáo hội Công giáo Rôma dành cho Ðức Trinh Nữ Maria.

 Sáng sớm ngày 9 tháng 12 năm 1531, nông dân Juan Diego thấy trên sườn đồi Tepeyac một cô gái chừng mười lăm mười sáu tuổi, được bao quanh bởi hào quang ánh sáng. Cô đã yêu cầu Juan Diego đi nói với Giám mục xây dựng một nhà thờ ngay tại nơi đó.

Ðức Trinh Nữ yêu cầu ông sắp xếp những bông hồng vào trong chiếc áo choàng tilma dệt bằng sợi xương rồng của mình.  Ðiều kỳ lạ xảy ra khi Juan Diego mở áo choàng trước sự chứng kiến của Giám mục Zumárraga vào ngày 12 tháng 12, những bông hoa rơi xuống sàn nhà nhưng ở vị trí đó lại xuất hiện hình ảnh của Ðức Trinh Nữ Guadalupe một cách kỳ diệu được in trên vải.

 

Ðôi Dòng Lịch Sử

Hai tài liệu, được xuất bản trong thập niên 1640, một bằng tiếng Tây Ban Nha, một bằng tiếng Nahuatl (ngôn ngữ của người dân Aztec), cùng thuật lại một câu chuyện xảy ra trong khi đi bộ từ ngôi làng của mình đến thành phố Mexico vào sáng sớm ngày 9 tháng 12 năm 1531 (Ngày hôm sau là Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Ðế quốc Tây Ban Nha), nông dân Juan Diego thấy trên sườn đồi Tepeyac một cô gái chừng mười lăm mười sáu tuổi, được bao quanh bởi hào quang ánh sáng.  Nói chuyện với anh ta bằng ngôn ngữ địa phương Nahuatl, Bà đã yêu cầu Juan Diego đi nói với Giám mục xây dựng một nhà thờ ngay tại nơi đó.  Từ những lời nói của bà, Juan Diego nhận ra đó chính là Maria.  Diego đã kể lại câu chuyện của mình với Tổng Giám mục người Tây Ban Nha, Fray Juan de Zumárraga, người đã yêu cầu ông quay trở lại đồi Tepeyac để nói với người phụ nữ lạ là hãy cho một dấu hiệu để chứng minh.

Dấu hiệu đầu tiên mà bà tỏ ra là việc chữa lành bệnh tật cho người chú của Juan.  Ðức Trinh Nữ nói với Juan Diego hãy leo lên đồi Tepeyac và hái những bông hồng.  Mặc dù lúc đó đang là tháng 12 đã rất muộn so với mùa hoa nở nhưng Juan Diego đã tìm thấy những bông hoa hồng Castilian trên đỉnh đồi cằn cỗi, không có nguồn gốc từ Mexico.  Ðức Trinh Nữ yêu cầu ông sắp xếp những bông hồng vào trong chiếc áo choàng tilma dệt bằng sợi xương rồng của mình.  Ðiều kỳ lạ xảy ra khi Juan Diego mở áo choàng trước sự chứng kiến của Giám mục Zumárraga vào ngày 12 tháng 12, những bông hoa rơi xuống sàn nhà nhưng ở vị trí đó lại xuất hiện hình ảnh của Ðức Trinh Nữ Guadalupe một cách kỳ diệu được in trên vải.

Tấm hình này hiện nay vẫn còn được trưng bày tại Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Guadalupe, một trong những điểm hành hương thu hút nhiều người nhất trong thế giới công giáo. 

MX_IMG_2522

 Hình ảnh này cũng phổ biến trong văn hóa Mêxicô với tên gọi: Nữ Vương Mexico.  Năm 1910, Giáo hoàng Piô XI công bố Ðức Mẹ Guadalupe là Quan Thầy của châu Mỹ Latinh và sau đó của Philippin vào năm 1935.  Năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Đức Maria là Bổn mạng của toàn châu Mỹ, Nữ vương châu Mỹ La Tinh, và người bảo vệ cho những trẻ em không được sinh ra.


the cassandra pages: Our Lady of Guadalupe

Visita la Basílica de Guadalupe en la CDMX | Top Adventure

 

  1. Sứ Ðiệp Của “Ðức Bà Guadalupe”

Khi Ðức Mẹ hiện ra với ông Juan Diego, ngoài việc cho ông thấy những dấu lạ và bày tỏ ước muốn xây một nhà nguyện ngay trên đồi Tepeyac, cùng lúc, Ðức Mẹ còn mặc khải sứ điệp cho ông, để qua ông, được lan truyền cho toàn thể nhân loại.

Nội dung sứ điệp đó là: Ðức Mẹ mặc khải về Mẹ là Ðức Nữ Trinh Maria Rất Thánh và Hoàn Hảo, là Mẹ của Thiên Chúa thật, là Ðức Bà Guadalupe…  Tiếp đó, Mẹ muốn xây dựng một ngôi nhà nguyện dành cho Mẹ tại đồi Tepeyac.  Từ nơi đây, Mẹ sẽ trình bày về Thiên Chúa cho mọi người, để mọi người được biết và tôn thờ cũng như tán dương Thiên Chúa.

Cũng tại nơi đây, Mẹ sẽ dâng tất cả mọi người với những nỗi lòng của họ lên Thiên Chúa… đồng thời, Mẹ cũng hứa sẽ ban ơn cho những ai đau khổ đến cầu khẩn Mẹ tại nơi này.

Trên đây chính là nội dung sứ điệp bằng lời nói mà Mẹ Maria ban tặng cho nhân loại qua ông Juan Diego.

Ngoài sứ điệp bằng lời, Ðức Mẹ còn mặc khải tình thương của Thiên Chúa cách đặc biệt khi hình dạng của Mẹ lúc hiện ra là một phụ nữ đang mang thai.

Hình ảnh này công bố một sứ điệp của Tin Mừng, đó là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”  Ngài chính là Emmanuel, để qua đó, chúng ta biết đón nhận Ngài với cả tấm lòng yêu mến thì sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu của Thiên Chúa.

Như vậy, qua sứ điệp bằng lời nói và hình ảnh, Ðức Mẹ cho chúng ta thấy: Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn yêu thương hết mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc hay truyền thống, văn hóa… các Ngài yêu thương và ôm ấp mọi dân tộc, mọi hạng người vào trong trái tim của mình.  Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn đứng về phía người nghèo, thấp cổ bé miệng để bảo vệ và nâng đỡ họ.  Không những thế, chính Chúa và Mẹ cũng đã tự đồng hóa mình với người nghèo, đau khổ, để đem lại cho họ niềm hy vọng.

Chính vì sứ điệp này được lan tỏa cách rộng rãi, nên nơi dân làng này đã được bình an và mọi người biết thương yêu nhau.  Họ tin vào Chúa và Mẹ.  Họ xin được trở thành Kitô hữu qua Bí tích Rửa Tội để phụng thờ Thiên Chúa và tôn vinh Ðức Maria.  Ðiều mà trước đó đối với họ là không thể xảy ra…!

III. Sống Sứ Ðiệp “Ðức Bà Guadalupe”

Mừng lễ “Ðức Bà Guadalupe” hôm nay, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy khám phá ra sứ điệp lời nói và hình ảnh của Ðức Mẹ, để qua đó, biết áp dụng vo trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Nếu việc Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với ông Juan Diego qua diện mạo là một thiếu nữ thổ dân đang mang thai, để mặc khải cho ông và bộ tộc cũng như đất nước ông hiểu rằng: Mẹ yêu thương hết mọi người và thai nhi trong bụng Mẹ chính là Ðức Giêsu, Ðấng là Emmanuel, đã đến để ở cùng và sống với nhân loại, nhằm cứu chuộc hết mọi người.

Mặt khác, Mẹ cũng muốn mặc khải cho mọi người hiểu rằng: cuộc đời của Mẹ luôn luôn có Chúa, và Chúa luôn luôn kết hiệp mật thiết với Mẹ để yêu thương nhân loại.

Hôm nay, Mẹ cũng dạy cho chúng ta biết rằng: dù chúng ta có là ai, dẫu là một người nghèo hèn, dốt nát và tội lỗi, hay là một người chân lấm tay bùn, hoặc là một người bị loại ra bên lề xã hội, bị mọi người coi dẻ và khinh khi, thì trước mặt Mẹ, chúng ta vẫn là một con người được Mẹ thương yêu và sẵn sàng nâng đỡ mọi nơi.  Ðồng thời, Mẹ luôn mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Ðức Giêsu, vì chỉ có Ngài mới cứu chuộc được nhân loại mà thôi.  Hãy sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tình thương.  Cụ thể, đó là đứng về phía người nghèo, người vô gia cư, người bị đàn áp, bắt bớ, bóc lột… người bị loại ra bên lề xã hội… người ốm đau, bệnh tật… để bảo vệ và đỡ nâng họ, nhằm giúp họ có một cuộc sống tốt hơn và chứa chan tình huynh đệ, ngõ hầu qua đó, họ nhận ra Thiên Chúa là tình yêu và tin thờ Ngài.

Tiếp theo, sứ điệp tín lý mà Mẹ Maria còn muốn nhắm tới nữa, đó là: qua Mẹ để chúng ta đến với Chúa.  Nhờ Mẹ để lời cầu nguyện của chúng ta xứng đáng được Chúa nhận lời.

Tránh tình trạng chỉ chạy đến cầu khẩn với Mẹ mà quên bổn phận và cốt lõi của chúng ta là phải tôn thờ Thiên Chúa.  Ðiều đẹp lòng Chúa và Mẹ nhất, đó là chúng ta hãy cùng Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, hướng sự tôn thờ, tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Guadalupe, xin Mẹ cho chúng con biết yêu mến và đón nhận sứ điệp tình yêu của Mẹ, để chúng con sống đẹp lòng Chúa và tôn kính Mẹ cho phải đạo, đồng thời biết yêu thương anh chị em chúng con bằng tình yêu chân thành.  Amen!

Lm. Giuse Ðinh Tất Quý

Nguồn: https://tgpsaigon.net

From: Langthangchieutim

ĐỨC MẸ GUADALUPE ĐẤNG BẢO VỆ THÁNH TÍNH SỰ SỐNG

Tiến Sĩ Robert Stackpole

Đức Mẹ Guadalupe bảo vệ cho các thai nhi

 

Đức Mẹ bảo Juan leo lên đỉnh đồi Tepeyac (tê-pây-ắc) gom một số hoa hồng vào áo “tilma” của anh. Juan bèn leo lên đỉnh đồi vốn cằn cỗi xưa nay và thấy một vườn rực rỡ đầy những hoa hồng đẹp tuyệt vời. Anh liền hái hoa và đựng vào vạt áo choàng tilma rồi đem đến trình vị Giám Mục. Trước mặt vị Giám Mục, Juan mở áo choàng ra, hoa hồng rơi xuống đất để lộ chân dung mầu nhiệm của Đức Mẹ, (kích thước) lớn bằng người thật.

 

 

Bức hình này của Mẹ đã tạo ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đối với dân Aztec đến nỗi chỉ trong vòng 5 năm sau đó khoảng 8 triệu dân Aztec và các thổ dân khác đã trở lại đạo Công Giáo!

 

 

Khi Hội Tông Đồ Thánh Thể Của Lòng Thương Xót Chúa  [Eucharistic Apostles of The Divine Mercy (EADM)] đi tìm một thánh bổn mạng cho sứ vụ truyền bá Tin Mừng của họ thì việc xin Đức Mẹ Guadalupe làm Quan Thày bảo trợ cho Hội là một điều tự nhiên. Đức Mẹ Guadalupe là Quan Thày của Mỹ Châu / là Mẹ Thương Xót của Mỹ Châu đồng thời cũng là Mẹ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chúng ta nữa, vì vậy chúng ta xin Mẹ phù hộ cho sứ vụ của Hội EADM. Chúng ta xin Mẹ lấy lòng thương xót từ mẫu trông nom công cuộc của chúng ta bởi vì rất nhiều người, ngay cả trong xã hội sung túc này, vẫn trông mong được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa Giêsu, Con Mẹ.

Câu chuyện Guadalupe  

Ảnh hưởng của Đức Thánh Trinh Nữ trong những ngày đầu của nền văn minh Kitô tại Lục Địa Mỹ Châu này vô cùng to lớn. Năm 1531, Đức Mẹ đã hiện ra 4 lần với một thổ dân Aztec nghèo tên là Juan Diego (Hu-ân Đi-ê-gô). Mẹ yêu cầu Juan đến gặp vị Giám Mục sở tại xin ngài xây một nguyện đường mới (tại nơi Mẹ chỉ định). Juan đến xin gặp Giám Mục 2 lần, nhưng cả 2 lần đều bị gạt bỏ. Lần thứ ba Đức Mẹ bảo Juan đến gặp Giám Mục. Mẹ nói: “Ngày mai con hãy đến đây, và con sẽ có thể đem cho Giám Mục dấu chỉ mà ngài yêu cầu. Giờ thì con về đi, ngày mai Mẹ sẽ gặp con tại đây.”

Vì chú của Juan đau nặng gần chết nên Juan không muốn làm theo lời yêu cầu của Đức Mẹ. Sáng 12 tháng 12, để khỏi bị chậm trễ, Juan đi theo một con đường mòn khác với hy vọng là có thể đến gặp vị linh mục sớm để ngài giúp cho chú mình. Tuy nhiên,  Đức Mẹ đón đường Juan tại lối mòn mới này và bảo Juan là chú của anh đã khỏe lại rồi. Sau đó Đức Mẹ bảo Juan leo lên đỉnh đồi Tepeyac (tê-pây-ắc) gom một số hoa hồng vào áo “tilma” của anh. (Tilma là một thứ áo choàng thô dệt bằng sợi cây xương rồng maguey -lưỡi kiếm – mà thổ dân Mỹ châu nghèo thường mặc). Juan bèn leo lên đỉnh đồi vốn cằn cỗi xưa nay và thấy một vườn rực rỡ đầy những hoa hồng đẹp tuyệt vời. Anh liền hái hoa và đựng vào vạt áo choàng tilma rồi đem đến trình vị Giám Mục. Trước mặt vị Giám Mục, Juan mở áo choàng ra, hoa hồng rơi xuống đất để lộ chân dung mầu nhiệm của Đức Mẹ, (kích thước) lớn bằng người thật.

Bức Hình Của Đức Mẹ Đã Hoán Cải Cả Một Quốc Gia

Cẩm nang thành lập Hội Tông Đồ Thánh Thể Của Lòng Thương Xót Chúa nêu rõ ý nghĩa tượng trưng của bức hình như sau:

“Hình Đức Bà Guadalupe cho thấy Mẹ mặc áo mặt trời chân đạp trên mặt trăng hình lưỡi liềm, tượng trưng cho địa vị cao cả của Mẹ – vĩ đại hơn các ngẫu tượng mặt trời hoặc mặt trăng mà thổ dân Aztec thờ cúng hồi đó. Mẹ mặc áo choàng màu ngọc lam xanh – tượng trưng cho hoàng tộc – khoác ngoài áo dài màu hồng tượng trưng cho Tình Yêu Thần Thiêng. Đầu Mẹ hơi cúi xuống trong tư thế khiêm cung, tượng cho người nữ tỳ của Chúa! Đai đen thắt ngang lưng và bông hoa bốn cánh in trên áo dài của Mẹ tượng trưng cho người nữ đang Mang Thai. Ngón tay út tách rời với các ngón khác trên bàn tay của Mẹ chỉ rõ cho thổ dân Aztec biết rằng họ phải tin thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất.”

Bức hình này của Mẹ đã tạo ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đối với dân Aztec đến nỗi chỉ trong vòng 5 năm sau đó khoảng 8 triệu dân Aztec và các thổ dân khác đã trở lại đạo Công Giáo! Từ đó rất thánh Đức Mẹ đã ngăn chặn được tục lệ dã man mổ ngực người sống để tế thần linh của họ! Chuyện này xảy ra sáu năm trước khi Columbus tìm ra được Thế Giới Mới này, dân Aztec đã xây một đền thờ mới tại Mexico. Họ tổ chức 4 ngày lễ sát tế mổ banh ngực của 72,344 người (72 ngàn 344) để lấy trái tim ra tế ngẫu thần của họ trong khi những người này còn đang sống!

Sự kiện dân Aztec trở lại đạo Công Giáo đã chấm dứt hoàn toàn tục lệ sát tế khủng khiếp này. Ngày nay hàng năm 15 triệu người, trong đó có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1970, đến hành hương tại thánh địa Guadalupe này để chiêm ngưỡng dung nhan mầu nhiệm Đức Bà, Thánh Mẫu của toàn thể châu Mỹ, và cầu xin cho tục sát tế thời đại mới và tâm lý phá thai quái đản của nền “văn hóa” sự chết của con người hiện đại hoàn toàn chấm dứt. Cũng như chân dung Mẹ Maria hiện ra trong tư thế của người nữ mang thai Hài Nhi Giêsu trong lòng thì Mẹ cũng là Đấng đầy lòng thương xót và Bảo Vệ sự sống cho tất cả các thai nhi vô tội, cho tất cả những người mẹ sanh con trong những hoàn cảnh khó khăn, cũng như chính Mẹ đã “sanh Con đầu lòng bọc Con trong tã lót và đặt nằm trong máng cỏ, bởi vì thánh gia đã không tìm được chỗ trọ trong lữ quán”. (Lk 2:7)

Bức Hình Đã Gây Sửng Sốt Không Ít Cho Các Khoa Học Gia

Tất nhiên những kẻ hoài nghi vẫn rêu rao rằng chuyện Guadalupe chỉ là hoang tưởng và dị đoan mê tín. Tuy nhiên họ cứ thử nói như vậy với Giáo Sư Phillip Callahan của Đại Học Florida và Giáo Sư Jody Smith của Pensacola, FL. xem sao. Năm 1979, hai vị này đã chụp cả thảy 60 tấm ảnh của bức hình mầu nhiệm này, trong đó nhiều tấm chụp bằng tia cực-tím để xem có một phác họa nào ẩn tàng phía dưới bức hình này chăng. Người ta còn dùng kỹ thuật vi-tính để chụp nhiều tấm ảnh khác để tăng cường nghiên cứu xem bức hình này phát xuất từ đâu, như ông Francis Johnson đã tường thuật trong tác phẩm nhan đề là Sự Kỳ Diệu Của Guadalupe (The Wonder of Guadalupe) do nhà xuất bản TAN Books, ấn hành năm 1981:

“Khoa học không thể cắt nghĩa được bức hình Guadalupe hiện lên năm 1531 xuất xứ từ đâu. Không ai cắt nghĩa nổi làm sao mà sau năm thế kỷ, màu sắc của bức hình vẫn giữ được vẻ trong sáng y nguyên như lúc ban đầu. Rõ ràng là không có một nét phác họa nào ẩn tàng bên dưới bức hình, hoàn toàn không có dấu vết một chất keo hoặc chất sơn dầu đánh bóng nào trong bức hình này.  Không có chất keo bảo trì thì tấm ‘áo choàng tilma’ đã mục nát từ lâu, và không có sơn dầu bảo vệ thì bức hình cũng tiêu tan luôn vì đã tiếp xúc nhiều với khói đèn nến và những chất ô nhiễm khác…

Dưới kỹ thuật khuyếch đại cao, bức hình cho thấy không hề có dấu hiệu phai mờ hoặc nứt rạn của màu sắc – một hiện tượng hoàn toàn không thể hiểu nổi sau 450 năm. (Tính đến năm 1981) Thấu kính cực mạnh cũng cho thấy sự kiện kinh ngạc là việc cái tilma được dệt một cách thô sơ cũng được cố ý sử dụng một cách hết sức tài tình chính xác để tạo chiều sâu cho nét mặt của bức hình… Các tấm ảnh chụp cận cảnh (rất gần) bằng tia hồng ngoại cho thấy không có vết cọ lên xuống, và những lỗ hổng nhìn thây rõ rệt chứng minh cho sự kiện không có chất keo nào trên mảnh áo choàng này…

“Áo dài màu hồng và áo choàng màu xanh của Đức Bà đáng cho ta nghiên cứu kỹ hơn, bởi vì tất cả sắc tố mà chúng ta biết để tạo ra những màu này dưới những điều kiện tự nhiên thì đã phải phai mờ từ lâu rồi, và sức nóng như thiêu đốt của mùa hè Mexico chỉ có thể tăng tốc tiến trình gây hư hại cho bức hình mà thôi. Vậy mà màu sắc vẫn tươi sáng như lúc ban đầu. Người ta khám phá ra rằng màu hồng của áo dài nhìn qua ánh sáng hồng ngoại tuyến thì trong suốt chứ không mờ đục, và sự kiện này càng tăng thêm một vẻ huyền bí khác. Đa số các sắc tố màu hồng đều mờ đục trước ánh sáng hồng ngoại tuyến, nhưng tuyệt nhiên không có vết tích nào như vậy trong bức hình cả…

Giáo sư  Callahan kết luận rằng: “Nghiên cứu bức hình là một kinh nghiệm đầy xúc động của đời tôi… Một khoa học gia mà nói như vậy quả là kỳ cục, nhưng đối với cá nhân tôi thì bức hình nguyên thủy này là một mầu nhiệm.”

                                              Đức Mẹ Bảo Vệ Tuổi Thơ

Bức Ảnh Mầu Nhiệm và Mầu Nhiệm Sự Sống

Hội Tông Đồ Thánh Thể Của Lòng Thương Xót Chúa  (EADM) cổ võ cho tính thánh thiêng của sự sống từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên; tuyên ngôn của sứ vụ kêu gọi chúng ta cầu nguyện và hành động để chấm dứt tệ nạn phá thai và tập trung những việc bác ái vào những thành phần “bị đặt ra ngoài lề” của xã hội ngày nay: những người bị loại bỏ, cô đơn, tàn tật, cao niên, và những người sắp qua đời. Vì vậy, không có gì là lạ khi chúng tôi đặt mọi tác vụ của chúng dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Guadalupe, Đức Thánh Trinh Nữ của bưc hình mầu nhiệm, Đấng đã chấm dứt tệ nạn sát tế những người vô tội trong thời đại Aztec, Đấng đang can thiệp mạnh mẽ cho chúng ta ngày nay để xác nhận chân giá trị của đời sống mọi người. Mẹ trấn an tất cả chúng ta bằng những lời Mẹ đã từng nói với Juan Diego:

ChânDung Thánh Juan Diego            

Mẹ là Mẹ của con, Mẹ không ở đây với con sao? Con không được Mẹ bảo vệ sao? Mẹ không phải là nguồn vui của con sao? Con không nằm dưới tà áo Mẹ, trong vòng tay của Mẹ sao? Còn có điều gì khác con cần nữa chăng?”

______________________________________________________________

Louis Lê Xuân Mai trích dịch

From: hnkimnga & NguyenNThu