Thánh Blase (Biagio)-Cha Vương

Thánh Blase (Biagio)

Mến chào bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Blase (Biagio), mời Bạn suy niệm về đời sống nhân đức của Ngài.

Cha Vương

Thứ 7: 03/02/2024

Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blase hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Ðông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Ðồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blase (hay còn gọi là Thánh Biagio). Người Ðức và người Ðông   u rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.

Chúng ta được biết Ðức giám mục Blase chịu tử đạo năm 316 ngay trong giáo phận của ngài ở Sebaste, Armenia. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blase là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.

Mặc dầu chỉ dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Ðế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blase buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.

Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để dùng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blase. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blase bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.

Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blase, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.

Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blase bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu năm 316. Người được tôn kính như quan thầy các thợ chải len, những người bị đau cuống họng.

(Nguồn: Người Tín Hữu online)

Sau đây là Kinh cầu Thánh Blase được dùng để khẩn cầu cho những ai mang bệnh của cổ họng: “Qua lời cầu bầu của Thánh Blase, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Kinh cầu Thánh Blase). Xin Thánh Blase, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

XIN CHÚA CHỮA LÀNH CON || ST: HUỲNH MINH KỲ || Trình bày: Triệu Ngọc Yến 


Maximilianô Maria Kolbe – Vị thánh chết thay cho bạn tù

KHIÊM NHƯỜNG ĐỨNG LÊN!

Thánh Maximilianô Maria Kolbe chào đời vào ngày 7 thánh 1 năm 1894, tại Zund-Wola, thuộc nước Ba lan. Bố mẹ đặt tên là Raymond. Ngay từ nhỏ, khi được cha mẹ hỏi, ngài trả lời, “Con tha thiết cầu xin với Ðức Mẹ để biết tương lai của con. Và Ðức Mẹ đã hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một mầu trắng, một mầu đỏ. Ðức Mẹ hỏi con có muốn nhận các triều thiên ấy không – mầu trắng là sự thanh khiết, mầu đỏ là sự tử đạo. Con trả lời, “Con muốn cả hai.” Ðức Mẹ mỉm cười và biến mất.” Sau biến cố đó, cuộc đời của Maximilianô Kolbe không còn giống như trước.

Năm 1907, thánh nhân nhập dòng Phansinh và lấy tên là tu huynh Maximilian. Ngài được gởi sang Rôma để học triết học và thần học. Kolbe thụ phong linh mục vào năm 1918. Sau khi trở về Ba lan, ngài thành lập đội Đạo binh Đức Mẹ Vô Nhiễm. Năm 1927, cha Kolbe thành lập hội “Thành đô Đức Mẹ Vô Nhiễm”. Hội này phát triển và lan rộng tại Ba Lan và nhiều nước khác. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập “Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm” – Niepolalanow – mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc

*****

Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này.” “Tên kia.” Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng. “Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con.”

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

– “Mày là ai?”

– “Là một linh mục.” Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.

Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng 8) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.

Cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1981.

Thánh Maximilian nói rằng chúng ta sa ngã để chúng ta biết học cách sống khiêm nhường. Đây là điểm chính yếu vì lòng kiêu ngạo là kẻ thù số một của linh hồn, và dù chúng ta có vẻ tiến bộ trong đời sống tâm linh như thế nào, đó vẫn chỉ là ảo tưởng nếu chúng ta kiêu ngạo và tự mãn. Đầu tiên, chúng ta phải học cách sống khiêm nhường trước khi chúng ta có thể thực sự tiến bộ trên đường thánh thiện.

Vấn đề là, nếu chúng ta chiến thắng chính mình bằng ý chí mạnh mẽ, chúng ta sẽ dễ tự mãn và hóa kiêu ngạo. Chúng ta không biết chúng ta yếu đuối và cần được chữa lành thế nào và chúng ta phải lệ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa như thế nào, ngay cả trong những điều nhỏ nhoi thôi.

Tái phạm tội, rồi tỉnh ngộ, chúng ta có thể làm như vậy. Cảm thấy khiêm nhường sau mỗi lần phạm tội có thể là điều tốt nếu điều đó làm cho chúng ta biết lệ thuộc vào Đức Maria, và qua Đức Mẹ, chúng ta có thể đến với Chúa Giêsu. Thánh Maximilian và Thánh Gioan Phaolô II đều biết phó thác cho Đức Mẹ.

Cha M.Kolbe trở nên biểu tượng của tự do Tin Mừng, của sự thiện chiến thắng cái ác trong bối cảnh thế kỷ XX với mọi biến động, trong đó có hai cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt và sự xuất hiện của hệ thống toàn trị cộng sản, như sự kéo dài của bạo tàn, hận thù và tuyệt vọng.

Viên cai ngục sững sờ trước giá trị cao cả của Tin mừng mà cha bộc lộ công khai cách hiên ngang. Lần đầu tiên, việc áp giải cha vào phòng hơi ngạt không còn mang tính ghê rợn, chết chóc, mà như cuộc khải hoàn. Cha không đi trong nỗi oán hận, giữa sự nguyền rủa sự tàn bạo của các tù nhân, hoặc trong nỗi vui phớt qua của các tù nhân khác, vì chưa đến lượt mình.

Cha M.Kolbe tự nguyện hiến mạng sống mình, chọn cái chết thay cho người bạn tù, như thế, ngài ở trên cái chết, cái chết không còn quyền gì đối với ngài.

Ngài không khinh chê sự sống nhưng làm vinh danh Đấng có quyền năng trên cả sự chết lẫn sự sống, Đấng sẽ ban cho ngài sự sống đích thật và ngài vĩnh viễn được thuộc về Đấng ấy, Đức Giêsu Kitô.

Hình ảnh thật hiên ngang đi giữa những tù nhân đến phòng hơi ngạt, cha M.Kolbe cho thấy Thiên Chúa vẫn đang hiện diện, dù là trong cái “hỏa ngục trần gian”, dù là trong những hoàn cảnh bi thảm nhất, tuyệt vọng nhất, trong những tù nhân không còn hình dạng con người và ngay cả giữa những tên Phát xít tàn ác kia.

Và ta thấy mỗi bước chân cha đi qua ghi lại dấu tích của một tình yêu hiến mình, cao cả, khơi lên niềm hy vọng cứu thoát đặt nơi Thiên Chúa, làm dịu êm, tươi mát những tâm hồn cằn cỗi, trong kiếp sống bị đày đọa, kiếp sống mà cha cũng đang sống. Cha đã xóa mình đi để hé rạng một chân trời mới, không còn cái tôi ích kỷ làm trung tâm, không còn dính bén cái sống và sợ hãi cái chết, những sự đời này chỉ là tạm bợ, phải nhường chỗ, phải được thay thế cho sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng mà cha hùng dũng tiến đến trong tư cách là một người phục vụ. Đó là ngày áp lễ Đức Mẹ Mông Triệu 1941.

Và mỗi người chúng ta hãy theo lời khuyên của Thánh Maximilian và đừng bao giờ thất vọng dù khi ta vẫn tiếp tục phạm tội trọng. Thất vọng là tội duy nhất mà Thiên Chúa không thể tha thứ. Hãy cố gắng học sống khiêm nhường và sẵn sàng đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa gởi cho ta. Hãy duy trì sống trong ân sủng và kiên nhẫn trông cậy vào Thiên Chúa. Ngài sẽ giải thoát bạn khỏi thời gian khó khăn.

Lm. Huệ Minh


 

Thánh Gio-an Bốt-cô (1815 – 1888), linh mục   

Hôm nay 31/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Gio-an Bốt-cô (1815 – 1888), linh mục. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé. Ước mong bạn một ngày thật tốt lành để chuẩn bị đón Chúa Xuân, hãy bỏ qua những chuyện bất an nhỏ nhặt của chú Mèo để đón lấy sự vẻ vang, thành đạt, tốt lành phú quý của con Rồng mà sống một Năm Mới thánh thiện hơn năm cũ nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 31/01/2024

Thánh Gio-an Bốt-cô (John Bosco) chào đời năm 1815 tại Cát-ten-nô-vô, giáo phận Tô-ri-nô, Gio-an đã trải qua thời thơ ấu trong hoàn cảnh khó khăn, vì thế khi làm linh mục, người dấn thân lo việc giáo dục thanh thiếu niên. Người lập dòng các tu sĩ Sa-lê-diêng và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để huấn luyện thanh thiếu niên về nghề nghiệp và đời sống đạo. Người qua đời năm 1888. Ngài qua đi nhưng hình ảnh của người cha hiền còn sống mãi trong lòng nhân thế. Lòng nhiệt thành và từ tâm của Ngài đối với bầy trẻ côi cút phải là bài học sáng ngời soi dẫn tâm hồn con người trong muôn thế hệ. Sau đây là những bài học quý giá mà ngài để lại cho Giáo Hội.

  1. Bài học đầu tiên đó là việc quan tâm đến việc giáo dục các trẻ em mồ côi và những trẻ “bụi đời”. Đây là lời khuyên cho những ai làm công tác giáo dục: “Hãy coi những trẻ em dưới quyền ta như con cái. Hãy đặt mình xuống phục vụ chúng, như Đức Giêsu đã đến không phải để chỉ huy, nhưng để phục vụ; hãy sợ cái gì có vẻ muốn điều khiển, và hãy điều khiển chỉ vì muốn phục vụ đắc lực hơn mà thôi. Đức Giêsu đã xử như thế với các tông đồ. Người chịu đựng sự dốt nát, tính cứng cỏi và cả đến lòng kém tin của họ. Người tiếp đón tội nhân cách tử tế và thân mật đến nỗi lắm kẻ ngạc nhiên, lắm kẻ khó chịu, nhưng lại khiến nhiều người hy vọng được ơn tha thứ. Chính vì vậy, Người đã bảo ta học cùng Người mà ở hiền lành và khiêm nhượng trong lòng . Lòng ta đừng rối lên, đừng khinh bỉ nhìn ai và đừng nói lời nguyền rủa bao giờ. Hãy có lòng nhân từ đối với hiện tại, hy vọng đối với tương lai: như vậy, các con sẽ thực sự là những người cha của tuổi trẻ và thực sự chu toàn được phận sự giáo dục”.
  2. Bài học 2 là lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể: Thánh Don Bosco có lòng yêu mến phép Thánh Thể nồng nàn. Hằng ngày ngài dành nhiều thời giờ để viếng Chúa, cả khi tuổi đã già, sức đã yếu ngài vẫn giữ nguyên thói quen ấy. Chân ngài bị đau nên ngài phải cố gắng lắm mới qùy được. Ngài rất sốt sắng cầu nguyện. Mặt ngài lúc bấy giờ sáng láng như một thiên thần. Mỗi lần đi qua nhà thờ, ngài đều giở mũ ra chào. Ngài khuyên các linh mục nên đọc kinh thần tụng trước Thánh Thể. Ngài luôn cổ vũ các thanh thiếu niên mến mộ Mình Thánh Chúa. Ngài nói:

❦  Nếu bạn muốn Chúa ban cho bạn nhiều ân sủng, hãy năng đến viếng Thánh Thể.

❦  Nếu muốn ma quỉ xa lánh, bạn hãy siêng viếng Chúa.

❦  Nếu muốn chiến thắng ma quỷ, hãy trú ngụ dưới chân Chúa Giêsu.

❦  Không yêu mến việc viếng Chúa, ấy là dấu chỉ sẽ thua ma qủy.

❦  Bạn thân mến, siêng năng viếng Thánh Thể là một phương thế hữu hiệu để chiến thắng ma quỷ.

❦  Hãy cố gắng siêng năng viếng Chúa Thánh Thể và ma qủy không thể chiến thắng bạn được.

  1. Bài học cuối cùng là lòng sùng kính Đức Mẹ: Năm 1862, Chúa cho Don Bosco thấy một thị kiến. Ngài trông thấy chiếc thuyền của Thánh Phêrô bị nhiều tàu bè của địch đe dọa trên biển cả. Khi trận chiến đến hồi ác liệt Ngài thấy có hai trụ cột hiện ra. Một trụ thứ nhất có hình phép Thánh Thể và dòng chữ “Salus Credentium” (sự cứu rỗi các kẻ tin). Còn trụ kia thì có hình Đức Mẹ Maria và dòng chữ “Auxilium Christianorum” (Đấng phù hộ người công giáo). Ánh sáng tỏa ra từ hai trụ cột ấy làm cho binh lính Đức Giáo Hoàng thêm sức mạnh, niềm tin và làm cho quân thù phải kiếp sợ. Tàu thuyền quân địch chạy nhốn nháo, hỗn độn, bị chìm hoặc phải chạy đi nơi khác. Có hai thứ tình yêu- yêu Chúa trong phép Thánh Thể và yêu mến Đức Bà- là bảo chứng của mọi vị thánh. Đó là những Đấng phù hộ chính của Giáo Hội công giáo, là ánh sáng trong đại dương cuộc đời, là ngọn đèn soi chiếu con đường đi của người tín hữu, và làm mù mắt những kẻ chống đối Giáo hội.                                                                                                                                                                     (Nguồn: Lm. Giuse Đinh Tất Quý, TGPSG)

Để kính nhớ Ngài, mời bạn hãy đưa áp dụng 3 bài học được nêu trên vào cuộc sống hằng ngày của mình để sống đúng với ơn gọi làm con Chúa của mình nhé.

From: Do Dzung

Tự tình cùng Don Bosco | nhạc Thánh ca hay

VÀI NÉT TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN BOSCO

Carlo Ambrosio, SDB

Gioan Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815, tại xóm Becchi, làng Castelnuovo d’Asti (nay là Castelnuovo Don Bosco), tỉnh Tôrinô; thuộc gia đình nghèo và mồ côi cha khi mới lên hai.  Mẹ Gioan là Bà Magarita.  Bà đã sớm dạy con biết lao động ngoài đồng áng và nhất là biết nhìn thấy Thiên Chúa qua những hiện tượng thiên nhiên.

Khi lên 9 tuổi, Gioan Bosco đã có một giấc mơ đầy tính tiên tri: nhờ sự hướng dẫn và trợ giúp của Mẹ Maria, ngài sẽ giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng thành người tốt, có ích cho xã hội và Giáo hội.  Mẹ Magarita đã phải rất khổ cực và vất vả để Gioan Bosco có thể đi học và theo đuổi ơn gọi linh mục.

Gioan Bosco chịu chức linh mục ngày 5 tháng 6 năm 1841.  Cha linh hướng của ngài là cha Giuse Cafasso đã căn dặn: “Cha hãy rảo khắp thành phố và để ý nhìn chung quanh.”  Nhờ đó vị linh mục trẻ đã nhận ra sự cùng khổ của người nghèo, nhất là của thanh thiếu niên.

Hình ảnh về nhà tù đã gây cho Don Bosco một ấn tượng sâu xa và khiến ngài phải suy nghĩ.  Bởi thế, sau khi đi thăm nhà tù, ngài đã quyết định: “Tôi cần làm một việc gì đó để thanh thiếu niên khỏi phải vào tù.”

Thời bấy giờ, một số linh mục thường chờ đợi thanh thiếu niên tới nhà thờ hay phòng thánh để dạy giáo lý.  Cần phải có những hình thức tông đồ mới: việc tông đồ lưu động, nơi các nhà hàng, nơi cửa tiệm, nơi xưởng thợ, nơi công viên… Nhiều linh mục đã thử nghiệm.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 1841, đứa trẻ đầu tiên đến với Don Bosco là cậu Bartôlômêô Garelli d’Asti.  Ba ngày sau, 9 em khác cùng đến với cậu.  Ba tháng sau, 25 em.  Rồi vào mùa hè 1842, con số là 80 em.  Thế là Nguyện xá đã bắt đầu.

Nhưng một số em không biết tìm đâu ra chỗ ngủ, ngoại trừ những nơi công cộng.  Don Bosco đã nhận ra công việc cấp bách và quan trọng là lo chỗ ngủ cho những em đó.

Vị ân nhân đầu tiên của Don Bosco không phải là bà Bá tước, nhưng chính là bà mẹ của ngài, một người nhà quê 59 tuổi, nghèo và mù chữ, nhưng đạo đức, đã lên Tôrinô với ngài để lo việc bếp núc và giặt giũ.

Giữa những em sống với Don Bosco, có một số đã bày tỏ nguyện vọng “được trở nên như ngài.”  Tu hội Salêdiêng được thành hình, với tên gọi là Tu hội Thánh Phanxicô Salê.

Mùa Thu năm 1853, xưởng thợ đầu tiên được thành lập.  Chính Don Bosco đứng ra dạy nghề cho các em.

Ngày 26 tháng 01 năm 1854, Tu hội Salêdiêng chính thức được thành lập.

Ngày 30 tháng 11 năm 1860, “đứa trẻ đầu tiên của Don Bosco,” Micae Rua trở thành linh mục.  Vào cuối đời, Don Bosco có thể nói rằng: gần ba ngàn linh mục đã xuất thân từ những con cái của mình.

Tháng 3 năm 1864, Don Bosco đặt viên đá đầu tiên cho Đền Thờ Đức Mẹ Phù Hộ tại Valdocco.  Tám năm sau, ngài khởi sự một “Đền Thờ” khác kính Đức Mẹ: Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

Tháng 11 tháng 1875, những vị truyền giáo Salêdiêng tiên khởi lên đường đi Nam Mỹ.  Cùng năm ấy, các “Cộng Tác Viên”, Dòng Ba Salêdiêng, ra đời.

Trước khi qua đời, Don Bosco đã nói với các Cộng tác viên: “Không có lòng bác ái của các con, cha không làm được việc gì cả; nhờ lòng bác ái của các con, chúng tôi đã lau khô biết bao nước mắt và đã cứu được biết bao linh hồn.”

Nhưng công trình vĩ đại mà Don Bosco để lại cho Giáo Hội là “HỆ THỐNG GIÁO DỤC DỰ PHÒNG.”  Bí quyết của Hệ thống này là “Sống với thanh thiếu niên,” nhờ đó nhà trường được biến thành “gia đình.”  Toàn thể Hệ thống này có thể được tóm lại trong ba chữ: lý trí, tôn giáo và lòng thương mến.  Khi người ta không dọa nạt, nhưng trò chuyện; khi Thiên Chúa là “Chủ Nhà;” khi người ta không sợ hãi, nhưng muốn điều tốt, gia đình sẽ nảy sinh.

Don Bosco qua đời sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1888.  Với các tu sĩ Salêdiêng đang đứng chung quanh, ngài đã nói những lời sau đây: “Các con hãy muốn điều tốt cho nhau như là anh em.  Hãy làm điều tốt cho mọi người, nhưng không làm điều xấu cho ai cả…  Hãy nói với các thanh thiếu niên điều này: Cha chờ đợi tất cả trên Thiên Đàng.”

Carlo Ambrosio, SDB

Nguồn: https://thegioisaledieng.net  

From: langthangchieutim & & NguyenNThu


 

Thánh An-giê-la Mê-ri-si, Trinh nữ-Cha Vương

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để mang chữ “NHÂN” vào những mảnh đời đang đau khổ. Hôm nay 27/1 Giáo Hội mừng kính thánh An-giê-la Mê-ri-si, Trinh nữ. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 27/01/2024

Thánh nhân sinh ngày 21 tháng 3 năm 1474  tại Desenzano, xứ Lombardie, Ý Đại Lợi. An-giê-la  mồ côi cha mẹ và ở với các anh và cậu. Vào lúc 56 tuổi, An-giê-la Mê-ri-si (Angela Merici) từ chối lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng. Ngài biết Ðức Clementê VII muốn ban cho ngài một vinh dự lớn lao và một cơ hội vĩ đại để phục vụ khi đức giáo hoàng yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo một dòng nữ tu chuyên về điều dưỡng. Nhưng An-giê-la  biết công việc điều dưỡng không phải là điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.

Ngài mới từ Ðất Thánh trở về. Khi trên đường đến đó ngài bị bệnh nặng và bị mù. Tuy nhiên, ngài nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm viếng các thánh địa với tất cả lòng sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp mắt. Trên đường về ngài được chữa lành và được sáng mắt. Ðiều ấy chắc chắn đã nhắc nhở ngài rằng không thể nhắm mắt trước nhu cầu của những người chung quanh, và đừng đóng cửa lòng trước lời mời của Thiên Chúa.

Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái nghèo nàn, không có học vấn và cũng không có tương lai. Trong thế kỷ mười lăm và mười sáu của Thánh Angela, vấn đề giáo dục phụ nữ là dành cho người giầu và cho các nữ tu. An-giê-la là người có học thức. Cha mẹ ngài chết sớm khi ngài mới mười tuổi và sau đó ngài phải sống với người chú. Ngài thực sự bối rối khi thấy chị của ngài từ trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Trong một thị kiến ngài được đảm bảo là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa — và cũng qua thị kiến ấy ngài tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.

Khi chú ngài từ trần, trở về nhà ngài nhận thấy các em gái trong vùng không có một chút học vấn. Nhưng ai sẽ dạy các em? Thời ấy thật khác biệt. Phụ nữ không được phép làm nghề giáo và các cô chưa chồng thì không được tự ý đi ra ngoài — dù để phục vụ người khác. Nữ tu là các phụ nữ có kiến thức nhưng họ không được phép bước chân ra khỏi tu viện. Thời đó không có dòng nữ tu chuyên về giáo dục như ngày nay.

Ðể giúp đỡ các em, An-giê-la nghĩ ra một phương cách mới. Ngài quy tụ một nhóm các cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái lại để dạy học cho các em. Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ chỉ có tấm lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Ðức Kitô. Sống trong chính nhà của mình, họ gặp gỡ để cầu nguyện và dạy học. Họ thành công đến nỗi An-giê-la được yêu cầu đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều người kinh ngạc, kể cả đức giáo hoàng.

Mặc dù ngài từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức giáo hoàng đã gợi ý cho ngài thấy rằng cần phải chính thức hóa tổ chức của ngài. Mặc dù chưa bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của An-giê-la  là nhóm nữ tu đầu tiên hoạt động ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo giáo dục.

Thánh An-giê-la Mê-ri-si từ trần ngày 27 tháng 1 năm 1540 tại Brescia, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi. Mộ phần trở nên một nơi hành hương. Thánh tích còn tại thánh đường Thánh Afra, Brescia Ý Đại Lợi. Ngay sau khi qua đời, nữ tu Angela đã được dân chúng thành phố ca tụng như một đấng thánh. Họ đến kính viếng thi hài của chị thánh đông đảo đến độ phải hoãn lễ an táng đến 30 ngày sau.

Thánh nữ được tôn phong Chân Phước năm 1768 do Đức Giáo Hoàng Clement XIII và đến ngày 27 tháng 5 năm 1807 Đức Giáo Hoàng Pius VII đã ghi tên thánh nữ vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội.

(Nguồn: Dòng Tên)

Mời bạn suy niệm 2 câu nói của ngài hôm nay nhé:

1/ Chúng ta phải làm phúc bố thí. Đức bác ái chinh phục và lôi kéo các linh hồn đến với nhân đức.

2/ Hãy nhớ rằng ma quỷ không ngủ đâu nhưng luôn tìm đủ mọi cách để huỷ hại chúng ta.

3/ Hãy làm ngay bây giờ những gì mà bạn ao ước làm khi giờ lâm tử của bạn đến.

Câu nào đánh động bạn nhất? Theo mình thì câu 3

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho thánh An-giê-la trinh nữ nên gương bác ái và khôn ngoan; vì lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con cũng noi theo Người mà trung thành tuân giữ lời Chúa dậy, và tuyên xưng đức tin trong cuộc sống hằng ngày

(Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh nữ An-giê-la Mê-ri-si).

 From: Do Dzung

Lời Nguyện Cầu (Sáng tác: Sr. M. Tigon) – Tuyết Mai

Thánh Phanxicô De Sales-Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay 24/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Phanxicô De Sales. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Phanxicô De Sales là quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 24/01/24

Thánh Phanxicô De Sales (Francis de Sales) sinh năm 1567 trong một vùng biên giới nước Pháp, là con ông chúa vùng Boisy, một gia đình thượng lưu quyền quý nhà Savoia. Sống giữa hai thế kỷ XVI-XVII. Thánh nhân quy tụ nơi mình cái tinh túy của các giáo huấn và các chinh phục văn hóa thời đó, bằng cách hòa giải gia tài của thuyết nhân bản với sự thúc đẩy hướng tới cái tuyệt đối của các trào lưu thần bí. Lối sống của Ngài được đặt trên nền tảng của Lời Chúa: “Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật.” (Mt 11:29) Vào lúc tột đỉnh của một cuộc thử thách, Phanxicô đến nhà thờ các cha dòng Đaminh ở Paris, rộng mở con tim cho Chúa và cầu nguyện như sau: ”Lạy Chúa là Đấng nắm giữ mọi sự trong tay, và các con đường của Ngài là công lý và sự thật, bất cứ sự gì xảy ra, bất cứ gì Chúa đã thiết định cho con… Chúa luôn luôn là thẩm phán công bằng và là Cha thương xót, con sẽ yêu Chúa, lạy Chúa… Con sẽ yêu Chúa ở đây và sẽ luôn luôn hy vọng nơi lòng thương xót Chúa và sẽ luôn luôn lập lại lời ca ngợi Chúa… Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ luôn mãi là niềm hy vọng và ơn cứu độ của con trên cõi đất của các kẻ sống” (I Proc. Canon., Vol I, art 4).

Nếu bạn đang lo sợ một điều gì đó, mời bạn đọc và suy niệm lời huấn từ của Thánh Phanxicô De Sales dưới đây, hãy noi gương thánh nhân để lại, biết đặt chọn niềm tin vào Chúa, hết lòng phục vụ anh em và làm chứng cho lòng yêu thương nhân hậu của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Đừng lo sợ về những biến đổi trong cuộc sống; thay vào đó, hãy nhìn vào sự kiện với trọn niềm hy vọng khi nó xảy ra. Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên con giống hình ảnh của Ngài, sẽ dẫn dắt con vượt qua một cách an toàn; và khi con không thể chịu đựng được nữa, Chúa sẽ ẵm con trên đôi tay của Ngài. Đừng sợ hãi những gì có thể xảy ra vào ngày mai; Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu hết mọi sự đang chăm sóc con hôm nay sẽ gìn giữ con mỗi ngày và mãi mãi. Ngài sẽ che chở con khỏi mọi đau khổ hoặc sẽ ban cho con sức mạnh bền bỉ để chịu đựng nó. Để được bình an, con hãy gạt bỏ những bồn chồn lo lắng trong suy nghĩ và trí tưởng tượng. (Để Được Bình Yên—Thánh Phanxicô De Sales)

Lạy thánh Phanxicô De Sales, xin cầu cho chúng con.

From:Do Dzung

Con thuộc về Ngài – Gia Ân

Thánh Marianne Cope/Molokai, 1838-1918-Cha Vương 

Chúc bình an, hôm nay 23/1 Giáo Hội mừng kính Thánh Marianne Cope/Molokai, 1838-1918, trinh nữ. Xin thánh nhân chuyển cầu cho chúng con.

Cha Vương 

Vào thế kỷ 19, bệnh phong cùi làm dân Hawaii hoang mang nhưng chứng bệnh này vẫn nảy sinh lòng đại lượng ở người phụ nữ được biết đến là Mẹ Marianne ở Molokai. Lòng can đảm của bà giúp cải thiện các nạn nhân ở Hawaii, một vùng thuộc Hoa kỳ thời bà sống, năm 1898.

Lòng đại lượng và can đảm của Mẹ Marianne được kính nhớ ngày 14-5-2005, ngày Mẹ được tuyên thánh tại Rôma. ĐHY Jose Saraiva Martins, Bộ trưởng Bộ Phong thánh, nói rằng Mẹ là một phụ nữ nói với thế giới bằng “ngôn ngữ của chân lý và yêu thương.” ĐHY Martins, người chủ tế lễ phong thánh tại Đại Giáo đường Thánh Phêrô, đã gọi cuộc đời Mẹ là “tuyệt tác của Hồng ân Thiên Chúa.” Nói về tình thương đặc biệt của Mẹ dành cho những người phong cùi, ĐHY Martins nói: “Mẹ nhìn thấy khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu nơi những người phong cùi. Như người Samaritanô nhân hậu, Marianne đã trở nên hiền mẫu của họ.”

Ngày 23-1-1838, một bé gái được sinh ra là con của Peter và Barbara Cope, người vùng Hessen-Darmstadt, Đức quốc. Bé gái này được đặt theo tên người mẹ. Hai năm sau, gia đình Cope nhập cư Hoa kỳ và định cư ở Utica, New York. Bé gái Barbara lớn lên và làm việc trong một nhà máy cho đến tháng 8-1862 thì vào Dòng nữ Phanxicô ở Syracuse, New York. Sau khi tuyên khấn vào tháng 11-1863, nữ tu Barbara được gọi là Marianne, và bắt đầu dạy học tại trường của giáo xứ Mông Triệu.

Nữ tu Marianne giữ chức vị cao ở vài nơi, hai lần là giáo tập trong hội dòng và ba lần làm trưởng Bệnh viện Thánh Giuse ở Syracuse, nơi Mẹ biết sẽ hữu ích trong thời gian ở Hawaii. Được bầu làm giám tỉnh năm 1877, Mẹ Marianne lại tái đắc cử năm 1881. Hai năm sau, chính quyền Hawaii tìm một người để điều hành Trạm Tiếp Nhận Kakaako (Kakaako Receiving Station) lo chăm sóc những người nghi bị phong cùi. Hơn 50 cộng đồng tôn giáo ở Hoa kỳ và Canada đều có yêu cầu. Khi đến dòng nữ ở Syracuse, 35 nữ tu đã tình nguyện ngay. Ngày 22-10-1883, Mẹ Marianne và 6 nữ tu đi Hawaii nhận nhiệm vụ tại Trạm Tiếp Nhận Kakaako ở ngoại ô Honolulu. Trên đảo Maui, các nữ tu mở bệnh viện và trường học cho các em gái.

Năm 1888, Mẹ Marianne và hai nữ tu đi Molokai để thành lập nhà mở cho các phụ nữ và các cô gái không có ai che chở. Chính quyền Hawaii khá lưỡng lự khi để phụ nữ đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này. Họ không cần lo về Mẹ Marianne như vậy! Thật vậy, tại Molokai, Mẹ đã đảm trách nhà mở mà Chân Phước Damien DeVeuster (+ 1889) đã thành lập cho nam giới và các em trai. Mẹ Marianne đã “đổi đời” ở Molokai bằng cách giới thiệu sự vệ sinh, niềm hãnh diện và sự vui vẻ cho kiều dân. Những chiếc khăn quàng màu sáng và những chiếc áo đầm xinh xắn dành cho phụ nữ là một phần kế hoạch của Mẹ.

Chính quyền Hawaii đã tặng Huân chương Hoàng gia (Royal Order) của Kapiolani cho Mẹ, và thi sĩ Robert Louis Stevenson đã nhớ đến Mẹ trong một bài thơ. Mẹ Marianne trung thành tiếp tục trách nhiệm. Nhiều cô gái Hawaii có ơn gọi tu trì và làm việc ở Molokai. Mẹ Marianne qua đời ngày 9-8-1918 và được Đức Giáo Hoàng Benedict phong thánh vào ngày 21.10.2012.

Thánh nhân nói: “Tôi không nghĩ đến phần thưởng. Tôi chỉ làm việc cho Chúa và làm việc một cách vui vẻ.” Hôm nay mời bạn hãy noi gương thánh nhân chu toàn bổn phận của mình một cách vui vẻ nhé.

From: Do Dzung

Xin Bên Con Chúa Ơi 


Thánh Eustochia Calafato (1434-1491)-Cha Vương

Chúc bình an! Nguyện xin Chúa tươi ghé mặt nhìn đến bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

 Thứ 7: 20/01/2024

 Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Eustochia Calafato (1434-1491) ngoài lịch. Smerelda Colonna sinh ngày 25 tháng 3 năm 1434 tại Annunziata, Messina, Ý Đại Lợi. Từ khi chào đời, Smerelda Colonna đã được hưởng nhiều lợi ích nhờ người mẹ nhân đức và thánh thiện. Là một thiếu nữ xinh đẹp, giàu có thuộc giới quý tộc, ái nữ của công tước Calafato, Smerelda đã được nhiều chàng trai theo đuổi cầu hôn nhưng đều bị tế nhị từ chối.

Sau khi thân phụ qua đời, vì không còn ai chống đối ơn gọi tu dòng của mình nữa. Smerelda liền gia nhập dòng thánh Clara khó nghèo tại đan viện Santa Maria de Basico và được nhận tên là Eustochia. Sau 11 năm sống trong đan viện này, chị Eustochia được ơn soi động thành lập một đan viện mới để áp dụng đúng luật lệ nguyên thủy của thánh nữ Clara, sống rất nghiêm nhặt và tuyệt đối khó nghèo. Được phép của Đức Giáo Hoàng Calistus III, chị Eustochia đem theo hai nữ tu cùng với người cháu gái và em gái mình để thành lập đan viện Accomandata giữa muôn ngàn bách hại, gian nan và đau khổ. Vì hoàn cảnh nghèo khó của đan viện, năm năm sau đó, các nữ tu buộc phải chuyển đến vùng đồi Trinh Nữ (Montevirgine) ở phía Đông Bắc đảo Sicily. Tại đây đã tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm thành lập đan viện vào năm 1964.

Trong cuốn tiểu sử của nữ tu Pollicino, một chị em trong nhóm đầu tiên đồng hành với Chị Eustochia khi thành lập đan viện mới, có kể lại nhiều chứng từ cho thấy tính cách anh hùng trong các nhân đức của chị Eustochia. Ngoài ra rất nhiều phép lạ của chị thánh làm cho lương thực hóa nhiều cũng được ghi lại. Truyện kể lại chị quản lý không còn đủ tiền chi tiêu, chị thánh đã làm dấu Thánh Giá trên hai hay ba miếng bánh mì nhỏ, thế là đủ lương thực nuôi tất cả 10 chị em trong đan viện.. Sau 51 năm chu toàn Thánh Ý Chúa, chị Eustochia đã qua đời một cách lành thánh vào ngày 20 tháng 1 năm 1485 tại Montevirgine, Sicily, Ý Đại Lợi sau khi được mang trên mình những dấu thánh huyền nhiệm Cuộc Khổ Nạn Chúa trong nhiều năm.

Đức Giáo Hoàng Pius VI đã tôn phong Đấng Đáng Kính Eustochia Calafato lên bậc Chân Phước ngày 14 tháng 9 năm 1782 tại Rome và hơn 200 năm sau Chân Phước Eustochia Calafato được Đức Giáo Hoàng John Paul II nâng lên bậc Hiển Thánh ngày 11 tháng 6 năm 1988 tại Messina, Sicily, Ý Đại Lợi.

Có lẽ phép lạ nhãn tiền nhất mà chị thánh đã làm là che chở thành phố cho khỏi những trận động đất kinh khủng xảy ra vào năm 1615. Khi ấy thành phố bị rung chuyển suốt ngày đêm do những cơn địa chấn hầu như liên tục. Hội đồng và dân chúng thành phố kêu xin các nữ tu cầu nguyện cùng chị thánh Eustochia che chở cho họ. Các nữ tu đã đưa thi hài bất hoại của chị thánh ra khỏi nhà nguyện là nơi lưu giữ thi hài hơn 150 năm và đặt trong tư thế đứng trong ghế triều ca ngày trước. Sau khi các nữ tu cầu nguyện giao phó việc che chở thành phố cho chị thánh.

Người ta thấy môi xác thánh mở ra và nghe thấy tiếng ngài hát câu đầu tiên trong thánh vịnh giờ kinh tối. Các nữ tu quá hoảng sợ, tuy nhiên cũng hợp với chị thánh đọc kinh và cúi đầu khi đọc đến kinh Vinh Danh. Kể từ lúc đó, theo lời kể lại, cơn động đất liền chấm dứt. Phép lạ nầy được kể lại trong các hồ sơ do đan viện miền Đồi Trinh Nữ (Montevirgine) biên soạn vào năm 1964 trong thời gian chuẩn bị mừng dịp kỷ niệm 500 năm thành lập đan viện.

Thi hài của chị thánh Eustochia hoàn toàn nguyên vẹn hiện đang được lưu giữ tại đan viện miền đồi Trinh Nữ. Mặc dầu hơi sạm màu sau quãng thời gian đã trên 500 năm, nhưng xét trên mọi phương diện, thi hài chị thánh vẫn còn tốt lành, hai ngón tay giơ lên trong tư thế đang ban phép lành. Xác thánh đầu quàn chiếc khăn kim tuyến, mặc trang phục trắng thêu kim tuyến rất xinh đẹp. Tuy nhiên báu vật lộng lẩy nhất và tốt đẹp nhất trên thi hài là những dấu thánh Cuộc Khổ Nạn mà cho đến nay vẫn còn hiện rõ trên bàn tay hơi sạm của vị sáng lập dòng.

(Nguồn: Trích Patron Saints & The Incorruptibles của Joan Carroll Cruz / Matthias Ngọc Đính, CMC chuyển ngữ)

From: Do Dzung

Dâng Hiến Đời Con | Angelo Band 

Thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV-Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay 17/1 Giáo Hội mừng kính thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV. Mời bạn đọc hành trình nên thánh 105 tuổi của ngài nhé, tuy hơi dài một chút không bằng phim bộ đâu, nhưng lý thú lắm!

Cha Vương

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ. Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.

Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn.

Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.

Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: – Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được. Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: – Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.

Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: -Ôi, lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con?

Tiếng Chúa trả lời: – Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.

Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.

Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: – Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.

Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.

Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.

Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau :

– Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.

Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:

– Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết? Thánh nhân trả lời: Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.

Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.

Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: – Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.

Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ: Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô.

Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.

Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.

Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: – Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.

Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.

 (Nguồn: Mạng Vui Học Thánh Kinh)

Chết là từ bỏ cái tôi cái ích kỷ để được sống tự do với Chúa. “Hãy sống như phải chết mỗi ngày.” Mời bạn hãy cố “chết” đi một tí hôm nay nhé.

From: Do Dzung

Xin định nghĩa tình yêu – Hoàng Chương (Lm.Cao Huy Hoàng)

Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh-Cha Vương

Dù bạn đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nơi nào, lúc nào, chúc bạn có được một cảm thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa đang nói với bạn: Ta biết con… It’s OK! Con đừng sợ, đã có Thầy đây…”

Cha Vương

Thứ 7: 13/01/2024

Hôm nay 13/1 Giáo Hội mừng kính  Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Hilariô được đánh động bằng một lời Cựu Ước: “Ta là Ðấng tự hữu”. Từ khi được Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động mạnh mẽ, thánh nhân đã quyết tâm tìm gặp Chúa và quyết đi theo Chúa.

MỘT CUỘC ÐỜI: Thánh nhân sinh tại Aquitaine nước Pháp vào năm 315 trong một gia đình thế giá và giầu có, danh tiếng. Thánh nhân đã được hấp thụ một nền giáo dục tốt và đầy đủ. Chính vì thế, Ngài đã có một đức tính cương trực, ngay thẳng và trong sạch. Thánh nhân ham mê và thích văn chương, triết lý ngay từ thuở thiếu thời. Mặc dầu ngoại giáo nhưng sự đắm chìm vào những suy tư sâu sắc, Hilariô đã sớm giác ngộ và tìm về chân lý. Ngài đã xin trở lại đạo và xin rửa tội làm con Chúa và con của Giáo Hội. Trở về với Chúa, thánh nhân đã nêu gương một đời sống thánh thiện và đạo đức. Nhờ tài ăn nói lưu loát, thánh nhân đã mau chóng trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu. Vào năm 350, thánh nhân được chọn làm giám mục poitiers. Ngài nhiệt thành với sứ vụ mới Chúa trao. Ngài hăng say chống lại bọn lạc giáo Ariô. Ngài đã triệu tập công đồng các giám mục để ra vạ tuyệt thông cho Ursace và Valens vì bọn lạc giáo được hoàng đế Constance che chở. Tuy nhiên, bọn lạc giáo đã cấu kết với nhau để đầy Ngài qua đảo Phrygie. Dù tù tội, thánh nhân không nao núng, Ngài đã viết bộ tổng luận 12 cuốn trình bầy về Thiên Chúa Ba Ngôi để chống lại bè rối Ariô. Bốn năm tù đầy, thánh nhân luôn hướng về địa phận của Ngài và viết nhiều thư luân lưu, động viên giáo dân của Ngài giữ vững niềm tin. Hoàng đế Constance đã cho triệu tập công đồng tại Séleucide, tại đây thánh Hilariô cũng được mời tham dự. Thánh nhân với tác động của Chúa Thánh Thần đã hăng say bênh vực Hội Thánh và thuyết phục được toàn bộ các giám mục tin vào Giáo Hội, tin vào giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và các tông đồ. Tại công đồng Séleucide, bọn lạc giáo bị thất bại chua cay, nên đã bàn với hoàng đế Constance tha cho Ngài được hồi hương. Ngày trở về địa phận của thánh nhân đã làm cho mọi người hân hoan, vui mừng Chúa đã làm một phép lạ minh chứng quyền năng của Ngài qua bàn tay của thánh nhân: một em bé đã chết chưa kịp rửa tội, được Ngài làm cho sống lại.

CHÚA THƯỞNG CÔNG THÁNH NHÂN: Mặc dầu tuổi già, sức yếu, thánh Hilariô vẫn hăng say chu toàn sứ mạng mục tử và tiếp tục viết nhiều sách rất có giá trị. Thánh nhân được Chúa gọi về ngày 13/01/369. Tại Bordeaux, các giám mục đã thỉnh cầu Ðức Thánh Cha Piô IX ban cho thánh Hilariô tước vị tiến sĩ Hội Thánh ngày 10/01/1852.

Lạy thánh Hilariô, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con luôn hăng say nhiệt thành loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Chúa.

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

From: Do Dzung

YouTube player

 

Thánh Elizabeth Ann Seton Nữ Tu Hoa Kỳ (1774-1821).

Một ngày mới thật tốt lành và hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 04/01/2024

Hôm nay 04/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Elizabeth Ann Seton Nữ Tu Hoa Kỳ (1774-1821).

– Là người thứ nhất sinh tại Mỹ được phong thánh năm 1975.

– Là người đầu tiên mở trường học Công giáo cho giáo xứ,

– Là người đầu tiên lập nhà mồ côi trong giáo xứ.

– Là người đầu tiên lập nữ tu viện cho phụ nữ Hoa kỳ

Trong 46 năm, bà vừa nuôi con vừa làm các việc trên.

  1. Thân thế: Thánh Elizabeth Ann Seton có cha mẹ theo đạo Episcopan (Anh giáo). Mẹ bà và mẹ nuôi đã dạy bà cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Cha bà là một bác sĩ đã dạy bà yêu thương và giúp đỡ người nghèo.

Khi còn là thiếu nữ, Seton thường đem đồ ăn cho những người nghèo gần nhà cô. Sau khi lập gia đình, bà và người chị dâu thường thăm viếng người nghèo và người đau yếu trong xóm nghèo. Lấy chồng lúc 19 tuổi là ông Wil Seton ở New york, con nhà giầu có. Hai người rất yêu nhau và sinh được 3 gái 2 trai.

Mọi sự tốt đẹp cho tới năm 1803, chồng bà bị phá sản (bankrupt) và yếu đau. Ông đã qua đời khi đi thăm người bạn bên nước Ý. Gia đình Ý này đã giúp bà Elizabeth và các con trở thành những người Công giáo. Bà tin Chúa trong Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Mẹ, Giáo hội tông truyền từ các thánh Tông đồ. Vì việc này bà và các con bị họ hàng ghét bỏ. Bà Seton trở thành bà góa chồng lúc 30 tuổi. Để có tiền nuôi con, bà đã mở trường nội trú Công giáo cho các thiếu nữ tại Baltimore, bang Maryland. Mấy bà khác đến giúp đỡ và nhà nội trú phát triển.

Ít lâu sau, bà thấy tiếng Chúa gọi trong lòng, hiến mình cho Chúa, nên bà và mấy bà bạn cùng nhau lập tu viện, sau này trở thành Dòng Nữ tử Bác ái (Daughters of Charity). Hai con trai bà nhập lính hải quân, 2 con gái đi tu, một người chết trẻ, một người làm việc cho tù nhân. Ngày nay, hàng ngàn ngàn nữ tu Bác ái đang phục vụ trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão, và nhà trường.

  1. Hoàn toàn phó mình theo ý Chúa, vui chịu đau khổ, tôn kính Mình Thánh: Thánh Elizabeth Ann Seton không có ơn khác thường như làm phép lạ, nói tiên tri, in dấu thánh… nhưng bà có 2 điều đặc biệt là: hoàn toàn phó mình làm trọn Ý Chúa, vui chịu đau khổ: mẹ chết, chồng chết, con chết, họ hàng ghét bỏ… Thánh nữ nổi bật về lòng tôn kính Mình Thánh Chúa, yêu mến Đức Mẹ…

(Nguồn: Dân Chúa)

Noi gương Thánh nhân, mời Bạn hãy tập sống câu nói sau đây của Ngài: “Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hằng ngày của chúng ta là:

(1) Thi hành thánh ý Thiên Chúa;

(2) thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn;

(3) và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa.”

From: Do Dzung

Xin vang

Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô-Cha Vương

Chúc bình an! Sau những ngày yến tiệc linh đình, chịu khó vận động tay chân một tí để đốt calo nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô. Mừng bổn mạng đến những ai chọn các ngài làm qua thầy.

Cha Vương

Thứ 3: 02/01/2024

Sở dĩ Giáo Hội cho chúng ta mừng chung hai thánh Basiliô Cả và Grêgoriô Nazianzênô trong một ngày là bởi vì cuộc sống của các ngài có những điểm chung thật thú vị. Trước hết các ngài đã vào cuộc đời làm người ở cùng một nơi, tại Cappadocia và cha mẹ của các ngài đều là những người thuộc dòng giống quí phái, danh tiếng, có địa vị trong xã hội thời đó. Các ngài đã được cha mẹ cho học cùng một trường tại kinh thành Athènes nổi tiếng của Hy Lạp rồi sau khi tốt nghiệp các ngài cùng về quê sống chung với nhau trong một tu viện. Điểm chung cuối cùng rất đáng chúng ta cảm phục là các ngài đã cùng đứng chung trong một trận tuyến khi phải đối đầu với bè rối Ariô để bảo vệ niềm tin trong sáng đối với Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc toàn thể nhân loại chúng ta. Dù rằng tính khí mỗi người khác nhau, nhưng các ngài đã sống hết sức nghĩa thiết đối với nhau theo gương vị mục tử nhân hậu hiền lành là Thầy Giêsu chí thánh. Basiliô có tài lãnh đạo, có óc tổ chức, chỉ huy và điều khiển. Còn Grêgôriô Nazianzênô lại thích chiêm niệm, sống âm thầm và là một tu sĩ sáng ngời các nhân đức. Cả hai vị thánh đều được chọn làm Giám mục cai quản Giáo Hội.

Thánh Basiliô được đặt làm Giám mục Caesarea Mazaca thuộc vùng Capadocia, Tiểu Á năm 370. Ngài là một mục tử can trường, đầy dũng khí và hiên ngang. Nhờ lòng dũng cảm, lời giảng dạy và nhờ sự tài khéo khéo khi giao tiếp với mọi người mà Ngài đã đem lại chỗ đứng vững chắc cho Giáo Hội thời đó. Dưới sự dẫn dắt của Ngài, thần quyến và thế quyền đã có chỗ đứng riêng tránh được những sự phiền toái làm ảnh hưởng đến tính trong sáng của Tin Mừng. Ngài hết sức lo cho những người nghèo để họ được sống đúng với phẩm giá của mình cũng như bảo vệ họ luôn được đứng vững trong niềm tin trong sáng của Chúa và Giáo Hội.

Ngài đã viết nhiều bài luận về Chúa Thánh Thần, phát triển nền thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài cố gắng rất nhiều trong việc hàn gắn những chia rẽ trong Giáo hội.

Trong Giáo Hội Công giáo Rôma, Ngài được công nhận là Tiến sĩ Hội thánh năm 1568 do Đức Giáo hoàng Piô V.

Thánh Grêgôriô Nazianzênô được tấn phong Giám mục Sasime năm 371, và vào năm 380, thánh nhân được cử làm Giám mục Constantinople giữa lúc bè rối Ariô đang hoành hành gây nên nhiều khó khăn cho Giáo Hội. Nhờ tài hùng biện và sự thánh thiện của Ngài, mà Ngài đã chinh phục được mọi người, đem lại sự bình an cho Giáo Hội lúc đó. Người ta đã phong tặng cho thánh nhân một cái tên hết sức thân thương: “Cha của những kẻ khốn cùng”.

Thánh Basiliô qua đời ngày 01/1/379 và thánh Grêgôriô Nazianzênô tạ thế ngày 25/1/390.

Cả hai vị thánh đã sống đời sống hiền lành, khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu Cứu Thế. Cuộc sống của các Ngài đã họa lại bộ mặt đầy yêu thương của Chúa. Thánh Grêgôriô đã để lại câu nói bất hủ: “Nếu vì tôi mà bão táp này (bè rối Ariô) nổi dậy, hãy ném tôi xuống biển, để anh em khỏi bị khổ sở“.

Thánh Basiliô cũng còn là một người hết lòng chăm sóc cho những người nghèo. Có lần Ngài đã phát biểu: “Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giày dép bạn không dùng là giày dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm.” (Nguồn: Lm. Giuse Đinh Tất Quý, TGP Sài Gòn)

Nguyện xin 2 thánh Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô cầu bầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng