THÁNH ÐA-MINH , LINH MỤC

THÁNH ÐA-MINH , LINH MỤC

 

                                                                       Ngày 08/8

                                                             Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Mỗi vị thánh đều có những nét đặc biệt trong cuộc sống làm người, trong cuộc sống dấn thân theo Chúa Kitô.

  • Thánh Phanxicô khó khăn sống một cuộc đời nghèo tột cùng để làm chứng cho Chúa Kitô.
  • Thánh Anphongsô rao giảng Tin Mừng cho những linh hồn bơ vơ tất bạt.
  • Còn thánh Ðaminh , Giáo Hội tôn kính hôm nay ngoài những nhân đức tuyệt hảo là trở nên giống Chúa Kitô, thánh nhân còn lừng danh là một vị thánh của kinh mân côi. 

Thánh Ðaminh được sinh ra trong một gia đình quí tộc. Cuộc đời của ngài có nhiều triển vọng sẽ trở nên một người có công danh, có địa vị trong xã hội.   

Thánh nhân mở mắt chào đời tại Tây Ban Nha vào năm 1170.  Ảnh hưởng mẹ là  Joanna d’Aza, xuất thân từ gia đình cao quý là người rất đạo đức nên thánh nhân, ngay từ nhỏ dù gia đình giầu sang phú quí, ăn uống dư thừa, ngài đã có lòng đạo đức và sốt sắng hãm mình để sống kết hợp với Chúa Giêsu trong sa mạc.  Ngài có đức tính cương trực, khẳng khái, thích làm việc có lớp lang, khoa học, hệ thống.  Thánh nhân luôn chú tâm đến việc trau dồi kiến thức, văn hóa chuẩn bị cho bước đường tương lai.  Con đường Chúa dẫn dắt Ðaminh quả thực diệu kỳ.

Ngài thụ phong linh mục triều để coi xứ, rồi lên chức kinh sĩ, kinh sĩ có bổn phận chuyên lo đọc kinh thay cho toàn giáo phận, nhất là thay cho các linh mục hoạt động.  Chúa đưa Ðaminh hết nẻo đường này tới nẻo đường khác, Ngài như nghe được tiếng gọi từ đáy thâm sâu tâm hồn: ra đi truyền giáo cho các bộ lạc bên nước Nga.  Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Ðức Giáo Hoàng Innocentê III lại sai ngài tới miền Toulouse, nước Pháp, nơi đang có nhiều làn sống ly giáo, lạc giáo xâm lấn, phá phách, lung lạc đức tin của nhiều người Kitô hữu, nhất là nhóm Albigensê. 

Cũng nên biết từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, nhóm Albigensê đã rất thành công trong việc thuyết phục người khác theo họ.  Vào thời đại mà giáo-hội Công-giáo miền nam nước Pháp bị tục hóa, khi các giám mục xa cách dân chúng, ăn mặc sang trọng, đi trên xe tứ mã, sống đời xa hoa, thì triết lý của Albigensê, dựa theo tinh thần lạc giáo Manikêu, quả là hấp dẫn với một số người.  Gọi họ là Albigensê vì nhóm này khởi nguồn từ một thành phố miền nam Pháp tên là Albi.  Họ chủ trương nơi con người có hai thái cực : – tốt do Chúa tạo nên, – xấu do Satan chiếm đoạt.  Để loại trừ Satan, con người cần diệt dục, không nên lấy vợ, lấy chồng, không ăn thịt, cá và chỉ ăn rau cỏ.  Cuộc sống càng đơn sơ, càng trở về với thiên nhiên càng tốt.  Trong khi các giám mục địa phương, linh mục Công-giáo ăn mặc sang trọng, thì giáo sĩ nhóm Albigensê ăn vận đơn sơ, đi chân không, mặc quần áo đơn giản.  Do đó, họ có một bề ngoài gần gũi với đức khó nghèo của Thánh Kinh hơn.  

Điều quan trọng hơn cả là về tín lý họ chối bỏ BA Ngôi Thiên Chúa.  Miền nam Pháp, Ý và Tây ban nha bị ảnh hưởng rất mạnh của nhóm này.  Ngài ý thức, công việc rao giảng Tin Mừng và khuyên nhủ các người lạc giáo trở về với Giáo Hội không phải là việc một sớm một chiều có thực hiện được.  Nhưng nó đòi hỏi lời nói phải đi đôi với cuộc sống.  Thánh Ðaminh đã lập Dòng Ðaminh. Ngài cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa : “Hãy sống hiền lành và khiêm nhượng”.  Thánh nhân đã thúc giục các anh em của mình hăng say truyền bá Tin Mừng và sống khó nghèo như các môn đệ của thánh Phanxicô khó khăn.

Vào năm 1216,  Ðức thánh Cha Honoriô III đã chấp thuận và châu phê luật Dòng của Ngài.  Thánh Ðaminh đã luôn xác tín lời giảng dậy và cuộc sống theo 3 lời khuyên của Tin Mừng chính là linh hồn của mọi hoạt động, mọi công việc loan báo Tin Mừng.  Thánh nhân chỉ được sống vỏn vẹn có 5 năm để chu toàn sứ mệnh của Ðấng sáng lập Dòng. 

Cuộc đời tại thế của thánh nhân là gương sáng tuyệt vời để nhiều người noi theo, bắt chước.  Một trong những nét đẹp trong cuộc đời của thánh Ðaminh là hy sinh và cầu nguyện.  Thánh nhân đã nêu cao một đời sống hiến thân trọn vẹn cho Chúa.  Ngài đã rảo quanh nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý và Tây Ban Nha để nhờ ơn Chúa giúp đưa vô số những người lạc giáo trở về với Giáo Hội.   Ðể làm được công việc đó, thánh Ðaminh đã thành lập Dòng nữ Ðaminh với tôn chỉ sống tuyệt đối theo 3 lời khuyên Phúc Âm, đồng thời loan truyền lòng tôn sùng Ðức Mẹ và truyền bá tràng chuỗi mân côi.  Thánh Ðaminh đã bám chặt lấy Ðức Mẹ vì Ngài hiểu Mẹ Maria ở đâu, Chúa Giêsu cũng ở đó.  Kinh Mân-côi là sợi dây xuyên suốt để các tu sĩ nam và nữ Dòng Ðaminh bền dỗ trong ơn gọi tận hiến của mình.  Thánh nhân đã truyền bá lòng sùng kính Ðức trinh nữ Maria và khuyên siêng năng lần hạt mân côi.   Biết bao nhiêu người đã gặp được Chúa, ăn năn trở lại, sám hối nhờ tôn kính Ðức Mẹ và nhờ việc siêng năng lần hạt mân côi .

Ngày 6/8/1221,thánh nhân qua đời tại Bologne nước Ý.  Năm 1234, Ðức Thánh Cha    Grêgoriô IX tôn phong Ðaminh lên bậc hiển thánh.

Cuộc đời của thánh Ðaminh không dài lắm từ 1170-1221, thánh nhân đã để lại gương sáng tuyệt vời về đời sống dựa theo Tin Mừng và ngài đã loan truyền cách rất thành công lòng tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria và khuyến khích, thúc giục mọi người năng lần chuỗi Mân-côi vì tràng Chuỗi Mân-côi là khí giới của sự an bình, là giây bền đỗ cho con người .

 Xin thánh Ðaminh cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con luôn tin tưởng vào Chúa.

Xin cho chúng con luôn biết tôn sùng Ðức Mẹ và siêng năng lần chuỗi Mân-côi để ơn bền đỗ được bảo toàn.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thánh Laurensô, Phó Tế Tử Đạo

 Thánh Laurensô, Phó Tế Tử Đạo

                                                                                      Ngày 10/8

 

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức Giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Thời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.

Laurensô là ai mà được tôn kính cách đặc biệt như vậy ?

Thánh Laurensô sinh tại Huescô nước Tây Ban Nha. Cha mẹ Ngài là những người đạo hạnh. Ngài sớm từ biệt quê hương thân yêu để đi du học bên Roma và đã sống trót cuộc đời trần thế tại đây. Ngài được chọn thành một trong bảy phó tế của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và Ngài được giao cho trách nhiệm “quản lý tài sản của Giáo hội”. Khi sự cấm đạo dưới thời Hoàng đế Valerian bùng nổ, Thánh Giáo Hoàng Sixtus bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế khác. Khi Đức Giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Laurensô đi theo khóc lóc nức nở, Ngài hỏi “Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?” Ðức Giáo hoàng trả lời, “Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta.” Nghe thấy thế, Laurensô thật vui mừng, Ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.

Khi những điều này tới tai Hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô. Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới trước viên tổng trấn Valrianô, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Được dành cho ba ngày để thâu thập của cải, Ngài đã mang tất cả tài sản phân phát cho kẻ nghèo. Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valrianô, như là tài sản của Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, Ngài còn khôi hài nói với hoàng đế:

– Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.

Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 158.


Thánh Laurensô đã một lòng vì Chúa, vì Giáo Hội, hết lòng yêu thương người nghèo. Xin cho mỗi chúng ta cũng có được tâm tình và lòng quảng đại như thánh nhân. Trung kiên làm chứng cho Chúa dù phải chịu thiệt thòi về phần xác.

 nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Gioan Maria Vianey

Thánh Gioan Maria Vianey

Tác giả: Trầm Thiên Thu

 

Hồi thiếu niên, tôi được biết Thánh Gioan Maria Vianney qua các tập truyện hạnh các thánh, và tôi đã rất “ấn tượng” với vị thánh “không giống ai” này. Việc Chúa làm quá kỳ lạ! Quả thật, “điều gì là không thể với loài người thì vẫn có thể đối với Thiên Chúa” (x. Mt 19:26).

Ngày 4-8 hằng năm là lễ Thánh Gioan Tẩy giả Maria Vianney (1786-1859), cha sở họ Ars (curé d’Ars), bổn mạng các linh mục. Ngài là người sống khiêm nhường và thánh thiện khác thường.

Ngài dâng mình vì vinh danh Thiên Chúa và cứu các linh hồn. Ngài chấp nhận phải thánh thiện từ nhỏ, và điều đó đã hoàn tất nơi ngài. Mọi lời ngài nói ra đều được nói bằng tâm tình sùng kính. Thành công của ngài khó ai có thể bắt chước. Ảnh hưởng của ngài không thể bỏ qua, và kết quả không thể tranh luận.

Mẹ của Thánh Gioan Vianney là một phụ nữ rất sùng đạo, bà cho con trai biết đạo rất sớm. Thánh Gioan Vianney nói: “Tôi mắc nợ mẹ tôi, các nhân đức của mẹ tôi dễ dàng đi vào lòng con cái, và con cái sẵn sàng làm những gì được nhìn thấy”. Ngài có bản chất tốt, với đôi mắt xanh và tóc nâu. Về sau, ngài nói: “Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết điều xấu. Tôi quen như thế nơi tòa cáo giải, từ miệng của các hối nhân”.

Sau nhiều gian truân, Thánh Gioan Vianney mới được chấp nhận trở thành linh mục. Lúc 20 tuổi, ngài rất khó khăn để học làm linh mục. Mathias Loras, có thể là người thông minh nhất của ngài trong chủng viện, được phân công giúp ngài học, và cũng rất nóng tính. Một hôm, hết chịu nổi khả năng của Gioan Vianney, Mathias Loras (12 tuổi) đã bạt tai Gioan Vianney trước mặt các chủng sinh khác. Mathias Loras thấy nóng mặt, nhưng cậu vẫn quỳ xuống trước mặt Gioan Vianney để xin lỗi. Mathias Loras có một trái tim vàng. Gioan Vianney cảm thấy buồn và bật khóc, rồi ôm lấy Mathias Loras đang quỳ dưới chân mình. Việc này bắt đầu một tình bạn khăng khít. Mathias Loras về sau làm nhà truyền giáo tại Hoa Kỳ, rồi làm giám mục giáo phận Dubuque, nhưng không bao giờ quên kỷ niệm xưa.

Thánh Gioan Vianney là người có cách nhìn vượt qua mọi trở ngại và có những hành vi tưởng chừng như không thể. Ngài khao khát làm linh mục, nhưng ngài phải cố vượt qua sức học yếu kém của mình, không đủ điều kiện vào chủng viện.

Ngài không học nổi tiếng Latin nên buộc ngài phải dừng bước. Nhưng mơ ước làm linh mục trong ngài khiến ngài tự tìm thầy dạy riêng. Sau thời gian dài vật lộn với sách vở, ngài được thụ phong linh mục.

Lúc còn là chủng sinh, Gioan Vianney học rất chậm. Một ngày kia, một giáo sư thần học thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức linh mục không. Tuy đã cố hết sức học hành, Vianney vẫn không thể trả lời được câu nào cho trôi chảy. Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo hội hy vọng làm nên trò trống gì”?

Gioan Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa cha, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3.000 quân Philitinh. Vậy với cả con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”.

Và “con lừa” Gioan Vianney đã làm nên trò trống là làm rạng danh Thiên Chúa và mưu ích cho Giáo hội. Cùng với Catherine Lassagne và Benedicta Lardet, ngài lập La Providence (Chúa quan phòng), một nhà dành cho các cô gái. Ngài tín thác Thiên Chúa sẽ ban các điều cần cho tinh thần và thể lý của những người coi nhà “Chúa Quan Phòng” là nhà của mình.

Những việc “bất khả thi” luôn ám ảnh ngài. Tài mọn, học kém, nhưng ngài vẫn được “đặc cách” thụ phong linh mục năm 1815. Sau 3 năm ở Ecully, ngài được bổ nhiệm về xứ Ars. Khi quản nhiệm xứ Ars, ngài gặp nhiều người lạnh nhạt và sống khá thoải mái. Ngài muốn giúp họ ăn chay nghiêm ngặt và ngủ ít ban đêm: Một số quỷ chỉ có thể bị xua đuổi bằng việc cầu nguyện và ăn chay.

Lm Gioan Vianney cố gắng đạt được điều mà nhiều linh mục ước muốn, nhưng đó là điều khó. Không thể làm trong một sớm một chiều, mà phải kiên nhẫn thay đổi từng chút. Đây là một xứ nhỏ nhưng “rắc rối” đủ chuyện. Khi đến nơi, Lm Gioan Vianney quỳ xuống hôn đất và cầu nguyện. Hành động đặc biệt này đã được Chân phước GH Gioan Phaolô II noi gương mỗi khi ngài đến nơi nào đó. Thánh Gioan Vianney nói: “Nếu một linh mục không muốn mất linh hồn, thì ngay khi giáo xứ gặp rắc rối, linh mục đó phải vượt qua mọi toan tính của con người, không sợ bị khinh thường và bị thù ghét. Linh mục đó không cần phải biện hộ, dù bị sát hại. Mục tử muốn làm sứ vụ thì luôn phải cầm gươm trong tay. Chính Thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Corintô: Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn?”. (*)

Trong các bài giảng đầu tiên, Thánh Gioan Vianney đã phản đối các thói hư tật xấu của dân xứ Ars: Báng bổ, nguyền rủa, coi thường ngày Chúa nhật, tụ tập ăn nhậu và múa hát ở các quán xá, những bài hát trơ trẽn và ăn nói tục tĩu. Ngài nói: “Quán xá là cửa hàng của ma quỷ, là trường học của hỏa ngục, là thị trường buôn bán các linh hồn, là nơi làm tan vỡ các gia đình, là nơi làm cho sức khỏe bị hao mòn, là nơi xảy ra các cuộc cãi vã và giết người”.

Thánh Gioan Vianney không bao giờ nghĩ xứ Ars sẽ thay đổi cho đến khi có 200 người sống theo Mười Điều Răn của Chúa, Sáu Điều Răn của Giáo hội và hoàn tất nhiệm vụ trong cuộc sống. Điều này có đòi hỏi quá nhiều để đổi lấy Nước Trời?  Chúa Giêsu nói: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:26; Mc 8:34; Lc 9:22). Nếu chúng ta hỏi họ làm gì trong ngày Chúa nhật, có thể họ sẽ trả lời:  “Tôi bán linh hồn cho ma quỷ và đóng đinh Chúa Giêsu… Tôi đã được tiền định xuống hỏa ngục…”.  Đó có thể là lời được nói ra hoặc chỉ được nói thầm trong lòng!

Thánh Gioan Vianney phải mất 10 năm mới có thể thay đổi dân xứ Ars. Không còn làm việc ngày Chúa nhật, nhà thờ càng ngày càng đông người, không còn say xỉn. Cuối cùng, các quán rượu đóng cửa vì không có khách, và các cuộc cãi vã trong gia đình cũng hết. Lòng chân thật trở nên tính cách chung. Thánh Gioan Vianney viết: “Xứ Ars không còn là xứ Ars nữa”, vì cả xứ đã thay đổi tận gốc rễ. Cả xứ Ars trở nên một cộng đoàn đạo hạnh. Ngài vui mừng dạy giáo lý cho trẻ em và dạy chúng làm bổn phận.

Thánh Gioan Vianney thánh hóa mình trong công việc và luôn sống trong thế giới siêu nhiên, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một con người và một linh mục. Ngài nói: “Thật tốt đẹp biết bao khi làm mọi việc đều kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành! Hồn tôi ơi, hãy can đảm! Nếu ngươi làm việc với Thiên Chúa, ngươi sẽ thực sự làm việc, và Ngài sẽ chúc lành cho công việc. Ngươi sẽ bước đi và Ngài sẽ chúc lành cho những bước chân. Mọi thứ đều được ghi công. Hãy dâng mọi đau khổ nhỏ lên cho Chúa. Tốt đẹp biết bao nếu biết dâng mình, dâng ngày, dâng mọi sự cho Chúa!”.

Trong thư an ủi người anh em họ là Lm Chalovet, Thánh Gioan Vianney viết: “Tôi vội viết những dòng này để nói anh đừng bỏ đi, dù có những thử thách mà Chúa muốn anh chịu đựng. Hãy can đảm! Nước Trời đủ để làm phần thưởng cho anh. Hãy nhớ rằng ma quỷ trong thế giới này muốn giành lấy các Kitô hữu tốt lành. Anh đang trong hành trình tử đạo. Nhưng phúc thay nếu anh là người tử đạo vì bác ái! Đừng để mất triều thiên vinh hiển đó. Chính Chúa Giêsu đã nói: ‘Phúc cho ai chịu bách hại vì Ta’. Xin chào tạm biệt. Hãy kiên trì và chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Nước Trời… Hãy can đảm lên, hỡi người anh em! Chúng ta sẽ sớm thấy Thiên đàn vinh quang. Sẽ không còn thập giá cho chúng ta! Thật là thiên phúc! Chúa Giêsu đã yêu chúng ta quá nhiều và Ngài sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc!”.

Từ nhỏ, Thánh Gioan Vianney đã yêu mến Đức Mẹ. Khi là linh mục, ngài luôn cố gắng truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ. Các gia đình trong xứ Ars đều có tượng Đức Mẹ trước nhà, và trong nhà nào cũng có ảnh Đức Mẹ với chữ ký “M. le Curé” (Cha sở Maria, tức là Lm Gioan Maria Vianney). Năm 1814, ngài cho dựng tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại nhà thờ xứ. Tám năm trước đó, ngày 1-5-1836, ngài đã dâng xứ Ars cho Đức Mẹ Vô Nhiễm. Những ngày lễ Đức Mẹ, giáo dân rước lễ rất đông, và nhà thờ không bao giờ vắng người. Chiều các ngày lễ Đức Mẹ, không ai muốn bỏ lỡ các bài giảng của ngài về Đức Mẹ. Người nghe rất phấn khởi khi nghe ngài nói về sự thánh thiện, sức mạnh và tình yêu của Đức Mẹ.

Giáo dân xứ Ars nói với nhau: “Cha xứ của chúng tôi luôn làm những điều ngài nói và thực hiện những điều ngài giảng. Không bao giờ thấy ngài nghỉ ngơi thoải mái”. Ngài ăn chay nghiêm ngặt, đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Ngài ngủ ít, mà chỉ nằm trên chiếc chiếu giản dị, và việc ăn uống của ngài cũng rất sơ sài, có khi chỉ là mấy củ khoai. Thánh Gioan Vianney đọc sách nhiều, và thường đọc hạnh các thánh. Ngài ấn tượng với cách sống thánh thiện của các thánh, ngài muốn chính ngài và người khác cũng noi theo những tấm gương đạo đức đó. Cách sống của ngài khiến chúng ta phải thẳng thắn tự xét mình rất nhiều!

Ngài nói: “Nếu chúng ta không là thánh bây giờ, thật bất hạnh cho chúng ta, vì thế mà chúng ta phải nên thánh ngay bây giờ. Trong lòng chúng ta không có tình yêu thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm thánh”.

Từ năm 1827, bắt đầu có nhiều người đổ về xứ Ars. Khách hành hương đến từ Pháp, Bỉ, Anh và từ Mỹ châu. Động lức chính của khách hành hương là muốn xưng tội với vị thánh sống và nghe lời khuyên của cha sở thánh thiện của xứ Ars. Tất cả là hồng ân Chúa, việc Chúa làm, chứ ngài không bao giờ xía vào chuyện riêng của người khác. Ngài hoàn toàn không tò mò, thọc mạch, hoặc chỉ trích giáo dân. Cũng như Thánh Giám mục Phanxicô Salê, ngài có biệt tài “thấy những cái mà người khác không thấy”. Khi giải tội, ngài thực sự thương yêu các hối nhân, đến nỗi ngài thường khóc ngay tòa giải tội. Người ta hỏi sao ngài khóc thì ngài trả lời: “Tôi khóc vì bạn không khóc”.

Người ta nói rằng “phép lạ vĩ đại của cha sở xứ Ars là tòa cáo giải”, vì ngài giải tội suốt ngày suốt đêm. Cũng có người nói rằng “phép lạ vĩ đại nhất của cha sở xứ Ars là hoán cải tội nhân”. Một hôm, có người tới xưng tội, người này chỉ đến nhà thờ vào ngày lễ Giáng sinh và Phục sinh. Thánh Gioan Vianney hỏi: “Ông xưng tội bao lâu rồi?”. Người này trả lời: “Bốn mươi năm rồi”. Ngài ngạc nhiên: “Bốn mươi năm?”. Người này nói: “Dạ, đúng là bốn mươi năm”. Và rồi người đàn ông này đã trở lại và chết tốt lành.

Ngày 4-8-1859, Lm Gioan Vianney trút hơi thở cuối cùng để về với Chúa. Ngài làm cha sở xứ Ars được 41 năm. Ngài được Giáo hội phong thánh năm 1925. Ngày nay, mỗi năm có hơn 500.000 lượt người đến thăm giáo xứ nhỏ bé Ars để kính viếng thi-hài-không-hư-nát của một Đại thánh nhân của Giáo hội Công giáo. Cuộc đời Thánh Gioan Vianney là câu chuyện dài về sự thánh thiện và đức khiêm nhường, ngài có trí thông minh kém cỏi nhưng rất thông minh về Thiên Chúa. Ngài chỉ thành công khi trở thành linh mục, ngài đã hoán cải cuộc đời rất nhiều tội nhân và ảnh hưởng mọi lớp người.

Suốt đời linh mục, ngài rất coi trọng việc giải tội vì ngài muốn giải hòa người ta với Thiên Chúa. Có những ngày ngài giải tội khoảng 12 giờ vào mùa Đông, và 16 giờ vào mùa Hè. Ngài không hề nghĩ tới việc nghỉ hưu. Khi nhiều người biết đến ngài, ngài dành thêm thời gian để phục vụ Thiên Chúa, thậm chí ngài có ít thời gian để ngủ vì thường xuyên bị ma quỷ “quấy rầy”.

Ngài sinh tại Dardilly và qua đời tại Ars, Pháp. Ngài được ĐGH Piô X phong chân phước, và được ĐGH Piô XI phong thánh. Ngài được tôn phong là bổn mạng các linh mục, nhưng nhiều linh mục chưa thực sự noi gương ngài để trở thành khí cụ như Ý Chúa!

Cuộc đời Thánh Gioan Vianney đã hoàn tất theo Ý Chúa: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).

Có quy-trình-trao-đổi thế này: Nếu linh mục là vị Thánh, giáo dân sẽ thánh thiện; nếu linh mục thánh thiện, giáo dân sẽ tốt lành; nếu linh mục tốt lành, giáo dân sẽ tử tế; nếu linh mục tử tế, giáo dân sẽ vô tín ngưỡng. Chân phước Mẹ Teresa Calcutta ghi một bảng chữ ở phòng áo nhà nguyện thế này: “Xin các linh mục hãy dân thánh lễ sốt sắng như thánh lễ đầu tiên và như thánh lễ cuối cùng”. Mẹ Teresa rất sâu sắc và thánh thiện, vì cử hành thánh lễ là cử hành bí tích, rất quan trọng!

Thánh Gioan Vianney đang nhắc nhở chúng ta nhiều điều lắm!

Lạy Thánh Gioan Vianney, xin cho chúng con biết noi gương thánh thiện của ngài, và xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con để chúng con có thể mau mắn hoán cải và sống theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

TRẦM THIÊN THU

(*) 2 Cr 12:15.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

I-NHÃ, CON NGƯỜI TÌM KIẾM

Thánh Inhaxiô Loyola

I-NHÃ, CON NGƯỜI TÌM KIẾM  

                                                                                      Nguyễn Cao Siêu, SJ

1/  I-NHÃ, con người tìm kiếm thế gian

I-nhã, suốt đời là con người tìm kiếm, và tìm kiếm hết mình.  Ba mươi năm đầu, ngài tìm kiếm vinh hoa thế gian, thích được tiếng tăm lẫy lừng, thích những cuộc so gươm và mang trong mình ước mơ chinh phục một tiểu thư khuê các.

I-nhã muốn tử thủ khi quân Pháp ào ạt bao vây thành Pamplona.  Ngài thú tội với người bạn đồng đội, điều đó cho thấy ngài sẵn sàng chết để bảo vệ thành.  Hẳn I-nhã coi chuyện chưa đánh đã hàng là một điều nhục nhã, không hợp với khí phách nam nhi.  Sau sáu giờ nã pháo vào thành, một viên đại pháo đã làm gãy chân mặt của I-nhã.  Thế là kết thúc việc chiếm thành, và khởi đầu một cuộc chinh phục của Thiên Chúa.

 

I-nhã đâu có dễ bỏ những mộng ước thế tục.  Điều ngài quan tâm là cái chân đau của mình.  Vết thương nơi chân phải mổ lần thứ hai khiến ngài suýt chết.  Nhưng khi chân đã lành, thì I-nhã lại đau khổ vì thấy mình chân thấp chân cao, làm sao mà khiêu vũ (!).  Chính ngài thú nhận: “Khi các xương đã liền, thì xương dưới đầu gối chồng lên xương kia nên chân đã bị ngắn lại, có một cục xương lồi ra rất khó coi.  Vì đã quyết tâm theo hư danh trần gian, nên ông hỏi bác sĩ xem có thể cưa cục xương đó không.  Họ trả lời có thể cưa được, nhưng đau đớn hơn gấp bội (vì không có thuốc mê).  Tuy nhiên, ông đã quyết chịu đau để thực hiện ước muốn của mình.”

I-nhã đã tìm kiếm thế gian một cách nghiêm chỉnh và say mê.  Ngài chấp nhận trả giá để được những gì thế gian ca tụng: sắc đẹp, tài năng, danh vọng…

Thời gian dưỡng thương là thời gian I-nhã nóng ruột trở lại với cung đình, nhưng Thiên Chúa đã biến nó thành thời gian hồng phúc.  Tình cờ người chị dâu đưa cho ngài cuốn sách “Cuộc đời Đức Kitô” và cuốn “Hạnh các Thánh”.  Gương các thánh tạo nên một âm vang lớn trong lòng ngài.  Có một thúc đẩy mạnh mẽ mời gọi ngài bắt chước các thánh: sống khắc khổ, đi viếng Đất Thánh, nhịn ăn, đánh tội.  Khi nghĩ đến những việc đó, I-nhã thấy lòng bừng lên một niềm vui kéo dài, khác với thứ niềm vui hời hợt, mau qua khi ngài nghĩ đến những chuyện thế gian phù phiếm.  I-nhã bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về quãng đời quá khứ của mình, và thấy cần phải làm việc hãm mình đền tội.

I-nhã đã đi vào con đường hoán cải.  Có biết bao điều cần cho một cuộc hoán cải, những điều xem ra tình cờ hay rủi ro: một thất bại, một cuốn sách, một vết thương làm cho không đi lại được…  Viên đạn đại bác đã làm I-nhã gãy chân và dừng chân.  Chỉ khi dừng chân, I-nhã mới có thể thấy quá khứ và định hướng lại cuộc đời.
Trở lại là tiếp tục tìm kiếm một điều khác xưa.  Không tìm kiếm danh thơm tiếng tốt cho mình, nhưng vinh quang cho Thiên Chúa, không tìm phục sự vua Tây Ban Nha, nhưng tìm phục sự vua Giêsu.  Từ đây, Chúa Giêsu trở nên trung tâm của đời I-nhã.

 

Lạy Cha,
Sống là tìm kiếm!
Mỗi người theo điều mình đang mãi mê kiếm tìm.
Chúng con tự hỏi mình đang tìm kiếm gì, tìm kiếm ai?
đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình?

Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian
chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.
Tiền bạc, danh vọng, khoái lạc, quyền lực
vẫn là những điều làm chúng con ngây ngất say mê.
Cha vẫn không có chỗ cao nhất trong cuộc đời của chúng con.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải như I-nhã.
Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê.
Xin làm cho chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.
Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha,
vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy
những ước mơ sâu kín của chúng con,
và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.

 

2/  I-NHÃ, con người tìm kiếm Thiên Chúa


Từ khi được ơn hoán cải, I-nhã trở thành con người tìm kiếm Thiên Chúa.  Ngài không thấy hết con đường Thiên Chúa muốn dắt ngài đi, chính vì thế ngài tự nhận mình là một người lữ khách, rong ruổi trong cuộc hành trình kiếm tìm ý Chúa cho đời mình.
      Sau khi hoàn toàn bình phục, I-nhã lên đường đi Đất Thánh như lòng Ngài ao ước.  Ngài dứt khoát muốn ở lại đây vì lòng ngài yêu mến vùng đất chính Chúa Giêsu đã sống và vì muốn giúp đỡ các người chưa biết Chúa.  I-nhã nói với cha Giám Tỉnh dòng Phanxicô ở Bêlem rằng: ngài đã “nhất quyết rồi và sẽ không đổi vì bất cứ lý do nào, cũng không sợ bất cứ lời đe dọa nào…”  Lúc ấy, cha Giám Tỉnh mới cho I-nhã biết ông không được ở lại Đất Thánh, bất tuân sẽ bị tuyệt thông.  I-nhã thấy ngay là “ý Chúa không muốn mình ở lại Đất Thánh.”  Ngài chấp nhận từ bỏ mơ ước của mình để đón lấy ý Chúa. Mơ ước là cần thiết, nhưng thực tế cũng là nơi Thiên Chúa ngỏ lời.  I-nhã đã để cho Chúa dẫn mình đi vào lối của Chúa, xuyên qua thực tế của cuộc sống.
    “Sau khi thấy rõ ý Chúa không muốn ông ở lại Giêrusalem, người lữ khách luôn luôn cầm trí suy nghĩ xem phải làm gì bây giờ, và ông thấy mình nghiêng về việc đi học một thời gian để có thể giúp đỡ các linh hồn.” Giúp đỡ các linh hồn đã là mối bận tâm của I-nhã ngay từ khi hoán cải.  Nhưng bây giờ, ngài thấy mình cần phải đi học, học để giúp đỡ người khác một cách hiệu quả hơn.  Tuy vậy, I-nhã vẫn chưa ý thức đủ về tầm quan trọng của việc học.  Vừa học ngài vừa cho linh thao, dạy giáo lý, gặp gỡ thiêng liêng.  Chính vì thế ngài đã gặp nhiều khó khăn từ phía giáo quyền. I-nhã bị buộc học bốn năm mới được giảng dạy giáo lý, mới được giúp người ta phân biệt khi nào thì phạm tội trọng, khi nào phạm tội nhẹ.
    Chính sự cấm đoán của giáo quyền đã khiến I-nhã học tập một cách nghiêm túc hơn.  Ngài chấp nhận hy sinh việc tông đồ, chỉ đi xin trợ cấp vào mùa hè, và điều độ trong việc cầu nguyện.  I-nhã đã miệt mài học tập trong bảy năm trời để cuối cùng tốt nghiệp Đại học Paris lúc 44 tuổi.  Việc học chỉ là phương tiện phục vụ, nhưng lại là phương tiện cần thiết, nên được I-nhã trân trọng và theo đuổi đến cùng.
Trong thời gian học tập ở Paris, nhờ Linh thao, I-nhã đã quy tụ được những người bạn cùng chí hướng.  Họ muốn sống nghèo và độc thân để phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội.  Cả nhóm đã hứa sau khi tốt nghiệp sẽ cùng nhau đi Đất Thánh và ở lại đó làm việc tông đồ.  Nhưng một lần nữa, đó không phải là ý Chúa.  Chẳng có chuyến tàu nào dám đi Đất Thánh trong thời gian ấy, vì có xung đột giữa Venise và người Thổ Nhĩ Kỳ, nên cả nhóm đã đi Roma, tự nguyện dâng mình cho Đức Thánh Cha định liệu.  Đức Thánh Cha đã sai các bạn cựu sinh viên, nay đã là những linh mục, đi khắp nơi làm việc tông đồ.  Trước nguy cơ nhóm bị tan rã và tình bạn bị mai một, I-nhã và các bạn đã quyết định lập một dòng tu mới trong Giáo Hội, dòng mang Tên Chúa Giêsu.

Tay Chúa đã dẫn đưa I-nhã từ chiếc giường bệnh ở Loyola đến với căn phòng của vị sáng lập Dòng Tên tại Roma.  Ai có thể ngờ được việc Thiên Chúa dẫn đưa ngài qua những biến cố may rủi của cuộc sống?  

 

Chẳng có gì nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa.  Thiên Chúa dùng mọi sự để đưa ta đi vào con đường của Ngài, con đường bất ngờ, con đường khác với những gì ta dự tính.  Nếu chúng ta chấp nhận tìm kiếm ý Chúa qua những biến cố của cuộc sống, nếu chúng ta không bắt Chúa phải phục vụ cho dự tính của mình, thì cuộc đời chúng ta có cơ may thành tựu như cuộc đời của thánh I-nhã.

 

Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thánh Alphonsô Maria Liguori, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh

 Thánh Alphonsô Maria Liguori, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh

                                                                                              Ngày 1/8:

 

Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em. Ngay từ trong nôi, Ngài là giáo điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ. Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng: Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa. Người lãnh nhiều phải trả nhiều.

Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ. Alphongsô học tiếng Hylạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán. Ngài say mê âm nhạc và hội họa. Là một con người có chí. Alphongsô gây ảnh hưởng tốt đối với chúng bạn. Bằng sự trong trắng tế nhị và lòng đạo đức của mình.

Alphongsô thành công rất sớm. 17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư. Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với hậu quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn. Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng. Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy. Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài.

Thất bại, Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền. Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng: Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao…? Bỏ nghề, Ngài nói: “Ôi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa”

Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái. Một ngày kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi: Ngươi làm gì ở thế gian này? Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa. Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm Linh mục. Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói: Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa.

Nghe tin này cha Ngài giận dữ nói: con quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của con sao? Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả. Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn đến Ngài nữa. Năm 1726, Ngài thụ phong Linh mục.

Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples. Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe. Ngày kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng. Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng. Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông. Kết thúc giờ phụng vụ ra về, ông nói: Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa.

Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng. Ngài thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu. Ngài mang đặc điểm của một Linh mục truyền giáo. Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732. Dầu cho từ đầu, hội dòng đã bị phân rẽ thành hai phe và thánh Alphongsô phải khởi đầu lại, với hai người bạn, nhưng hội dòng cũng khởi sự tốt đẹp và phát triển. Dòng được chuẩn nhận ngày 21 tháng 2 năm 1749.

Năm 1548 thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được Đức Giáo hoàng Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.

Năm 1762 Đức Giáo hoàng Clementô XIV đặt Ngài làm Giám mục cai quản địa phận Agata. Ngài nỗ lực thăng tiến lòng đạo đức trong điạ phận, khởi sự từ viêc canh tân hàng giáo sĩ. Năm 1775 Ngài được Đức Giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.

Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu trong “đêm tối của linh hồn” Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt”. Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787.
Thánh Alphongsô Maria Liguori đã nêu gương cho chúng ta về đời sống hy sinh, hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa. Xin cho mỗi chúng ta cũng biết noi gương Ngài quảng đại dâng hiến cho Chúa tất cả những gì chúng ta có. Để Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài ngang qua cuộc đời của ta.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Ignatiô Loyola Linh mục

Thánh Ignatiô Loyola Linh mục

Ngày 31/7:

Don Inigo Lopez de Recalde sinh khoảng năm 1491 tại miền đồi núi Basque gần làng Azpeytia. Ngài là con út trong số 11 người con của một gia đình quí tộc. Được rửa tội với tên Inigo, một vị thánh Tây Ban Nha dòng thánh Bênêdictô, nhưng sau này Ngài thường dùng tên Ignatiô thành Antiokia. Hồi còn niên thiếu, người giúp việc cho một người bạn quí tộc của một gia đình là Giuan Velasquez. Sau khi Velasquez từ trần, Ngài lại phục vụ bá tước Najera, phó vương miền Navarre. Ngài được giáo dục một cách hời hợt. Thời đó, Ngài chỉ ham chơi, thích những chuyện hào hùng, nhất là những ngày lễ duyệt binh.

Trong cuộc chiến Pháp-Tây Ban Nha năm 1521, quân đội Pháp đã vượt núi Pyrênê và tới phong tỏa Pampeluna. Nhiều người đã tính chuyện đầu hàng, nhưng Ignatiô quyết cầm cự. Trong cơn bão tố tại pháo đài, Ignatiô bị trúng đạn pháo ở đùi, Ngài được chuyển về lâu đài ở Loyola. Nơi đây người ta khám phá ra rằng xương đùi đã bị xếp trật, phải mổ ra và sắp xếp lại. Ngài đã can đảm chịu đựng cơn đau. Thời gian dưỡng bệnh lâu dài, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh làm mủi lòng Ignatiô. Ngài nói:

– Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phanxicô và Dominico đã làm chăng?

Năm 1522, sau khi bình phục, Ngài đi hành hương kính Đức bà Montserrat. Nơi đây Ngài đã thực hiện cuộc xưng tội trong ba ngày, trao tặng đồ hiệp sĩ cho một kẻ ăn xin, đặt gươm trên bàn thờ Đức Mẹ và tới thành Manresa kế cận để phục vụ trong một nhà thương. Đã một thời Ngài bị nguy hiểm rơi vào một cuộc khổ hạnh quá độ. Ngài đã thoát hiểm nhờ sự vâng phục hoàn toàn đối với cha giải tội. Chính tại Manresa, Ngài được Thiên Chúa soi sáng, sự soi sáng hướng dẫn trọn những ngày còn lại của cuộc đời Ngài. Ngài viết cuốn linh thao, trong đó vạch ra những nguyên tắc mà một người công giáo phải theo để “điều khiển đời sống mình”, một đời sống nhằm ca tụng Chúa, tôn kính và phụng sự Chúa để được cứu rỗi. Ngài phác họa một giáo thuyết của mình về “sự chọn lựa” và đòi hỏi làm mọi sự để “vinh danh Chúa” (Ad Majorem Dei gloriam).

Thánh nhân ở lại Manresa khoảng một năm và từ đó hành hương đi Palestina, trên đường đi có dừng lại ở Roma. Sau khi đã kính viếng các nơi thánh ở Palestina, Ngài trở về Barcelona. Nơi đây, dầu đã 30 tuổi, Ngài vẫn đến trường, ngồi chung ghế với các em nhỏ, để sửa chữa lại kẽ hở trong việc học hành, cho tới khi Ngài có thể dự lớp tại đại học Alcala và Salamanca. Tại cả hai nơi này, Ngài đã bị truy tố ra tòa án tôn giáo và bị tống giam ít ngày. Nhưng cuối cùng giáo thuyết của Ngài đã thắng.

Năm 1528, Ngài bỏ Salamanca đi Paris và Sorbonne. Ngài ở Paris 7 năm, nơi đây Ngài tụ họp được sáu môn sinh đầu tiên. Vào ngày lễ Mông Triệu năm 1524, bảy anh em đã long trọng hiến thân phụng sự Thiên Chúa, khấn giữ đức nghèo khó và trong sạch nơi đền thờ thánh Denis tại Montmartre. Lúc đó, họ dự định đi Giêrusalem và hiến thân cho việc cứu rỗi các linh hồn trong các miền còn ngoại giáo.

Ignatiô trở về Tây Ban Nha. Năm1535, tu hội đã lên tới 10 người. Họ gặp nhau ở Vienitia, định cùng đáp tàu đi hành hương thánh địa. Nhưng tình hình miền Đông Địa Trung Hải không cho phép. Bù lại một số đi Roma, để Ignatiô tại Vienitia. Đức Giáo hoàng Phaolô III ưu ái tiếp họ. Trở lại Vientia, họ mang theo phép của Đức Giáo hoàng cho Ignatiô và 6 anh em được thụ phong Linh mục. Một năm sau, thấy rằng: không thể tới thánh địa được, Ignatiô kết luận rằng ý Chúa không muốn cuộc hành hương này. Thay vào đó, Ngài đặt tu hội dưới danh hiệu “dòng Chúa Giêsu” dưới quyền sử dụng của toà thánh. Họ đi Roma và Ignatiô dâng thánh lễ đầu tiên ở đó vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1538 tại đền thờ Đức Bà Cả, Ngài soạn thảo hiến pháp mới của dòng và đến trình diện Đức Giáo hoàng Phaolô III. Đức Giáo hoàng đã phát biểu khi gặp họ:

– Đây là bàn tay Thiên Chúa.

Và trong sắc lệnh Regimini Militantis Ecclesioe, ban hành tháng 9 năm 1540 Ngài đã chính thức công nhận Hội dòng. Hội dòng đã thêm 1 lời khấn đặc biệt vào 3 lời khấn Phúc âm: nghèo khó, vâng lời, trong sạch, lời khấn đặc biệt vâng phục Đức giáo hoàng.

Trong hiến pháp đầu tiên, hội dòng giới hạn con số có 60 tu sĩ. Ignatiô được đồng thanh bầu làm bề trên ngày 7 tháng 4 năm 1541. Luật hạn định tu sĩ vào số 60 được rút lại bởi sắc lệnh của Đức Giáo hoàng ngày 15 tháng 3 năm 1543.

Ignatiô khó rời bỏ Roma cho đến cuối đời. Nhưng Hội dòng đã lan rộng tới mọi miền trên thế giới, dưới quyền hướng dẫn của Ngài như một phép lạ, khi Ngài từ trần vào ngày 3 tháng 7 năm 1556, Hội dòng đã có 12 tỉnh dòng với 101 nhà và gần 1000 phần tử.

Thánh Ignatiô được tôn phong hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.

 

Thánh Ignatiô đã nêu gương cho chúng ta về lòng nhiệt thành vì Chúa, vì Giáo hội. Xin Chúa cho chúng ta cũng luôn biết hăng say và trung thành với Chúa qua ơn gọi của mình, theo kế hoạch của Thiên Chúa.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Leopold Mandic

Thánh Leopold Mandic
(1887-1942)
                                                                    

                                                               28 Tháng Bảy

 

 Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.

Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa “con-Chúa-ban.”

Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.

Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Ðạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.

Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Ðông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.

Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.

Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.

Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.
Lời Bàn

Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ “hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa” (Quy Luật 1223, Chương 10) — đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ “sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu.”
Lời Trích

Thánh Leopold thường hay tự nhủ: “Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn… Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: ‘Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'” (Gioan 10:16).

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Padre Pio, vị đại thánh của Đức Mẹ Fatima

Padre Pio, vị đại thánh của Đức Mẹ Fatima  

7/16/2012                                                                 Lm. Nguyễn Hữu Thy

                                                                                                   trích: Vietcatholic.net

Cách đây đúng 125 năm, vào ngày 25.5.1887, Padre Pio, một tu sĩ Dòng Kapuziner (một chi nhánh của Dòng Phanxicô), cất tiến khóc chào đời tại xứ đạo Pietrelcina thuộc tỉnh lẻ Benevent, Kampanien, miền Nam Ý. Vì cha mẹ ngài vốn có lòng tôn kính thánh Phanxicô Assisi đặc biệt, nên khi đem con đi rửa tội, các ngài đã lấy tên thánh Phanxicô để đặt tên cho con. Và như vị đại thánh, Đấng sáng lập Dòng các Anh Em Hèn Mọn, đã từng canh tân và củng cố đức tin Kitô giáo trong thời trung cổ một cách sâu rộng và hiệu quả, Padre Pio cũng là một trong các vị đại thánh của Giáo Hội trong thời tân tiến ngày nay. Qua lời khuyên bảo và giảng dạy, qua đời sống thánh thiện và qua các hành động lạ lùng của ngài, vị tu sĩ đơn sơ thuộc Dòng Kapuziner ở San Giovanni Rotondo này đã dẫn đưa hằng triệu người trở lại với đức tin của Giáo Hội. Và thánh Padre Pio – cũng như thánh Phanxicô, Đấng sáng lập Dòng, đã được diễm phúc mang 5 dấu đanh của Chúa trên mình – rất có lòng yêu mến Mẹ Maria và hằng ngày lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Nhất là đối với Đức Mẹ Fatima, Padre Pio đã có một mối liên lạc hết sức đặc biệt. Cách đây mười năm, vào ngày 16.6.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tấn phong Padre Pio lên bậc Hiển Thánh.  

 

 Vào ngày 24.4.1959 Padre Pio bị lâm trọng bệnh. Nhưng ngày hôm ấy cũng chính là ngày tượng Đức Mẹ Fatima thánh du đến nước Ý, để trong nhiều tháng tiếp sau đó lần lượt được hàng vạn tín hữu cung nghinh và chào đón tại nhiều Thánh Đường ở các thành phố khác nhau trên lãnh thổ nước Ý. Bắt đầu từ ngày ấy trở đi, bệnh tình của Padre Pio mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng. Các bác sị chuẩn đoán là ngài bị bệnh sưng phổi và bị ung nhọt trong phổi. Bệnh tình khiến cha không còn có thể cử hành Thánh Lễ hay ngồi tòa giải tội được nữa. Và ngày 6.4.1959, khi tượng Đức Mẹ Fatima thánh du được nghinh đón tại San Giovanni Rotondo, nơi cha Pio ở, và dừng lại ở đây trong vòng mấy tháng trời. Cha Pio đã đón nhận tin vui đó như một „ơn đặc biệt“. Vì thế, bắt đầu ngày 27.7.1959, cha đã làm Tuần Chín Ngày để kính nhớ cuộc thăm viếng của Đức Mẹ.

Ngày 6.8.1959, các Thầy Dòng trong Tu Viện đã chở Padre Pio vào phòng thánh nhà thờ Tu Viện để cha có thể chào kính tượng Đức Mẹ Fatima. Dù đang bị bệnh nặng, cha cũng đã cố gắng đem hết sức lực để âu yếm ôm hôn tượng Đức Mẹ và dâng kính Đức Mẹ một chuỗi tràng hạt. Nhưng vì sức khỏe quá yếu, nên Padre Pio đã không thể ở lại lâu bên tượng Đức Mẹ được. Vào buổi chiều cùng ngày, khi chiếc trực thăng cất cánh để chở tượng Đức Mẹ tới một Nhà Thờ khác, cha Pio đã xin các anh em Tu Sĩ trong Dòng giúp đưa ngài đến bên cửa sổ phòng của ngài, để ngài có thể giả từ tượng Đức Mẹ thánh du. Khi nhìn chiếc trực thăng chở tượng Đức Mẹ cất cánh bay lên, cha đã không cầm nỗi nước mắt. Cha đã khóc và thầm thì cầu nguyện: „Lạy Mẹ dấu yêu, Mẹ đã tới thăm nước Ý còn con thì đau ốm. Nhưng bây giờ Mẹ lại ra đi, Mẹ muốn bỏ lại con cứ đau ốm thế này một mình sao?“. 

 

 Trong giây lát ấy, bỗng chốc người phi công tự nhiên quay trực thăng lại và bay ba vòng trước cửa sổ phòng Padre Pio, rồi mới bay đi luôn. Sau này chính vị sáng lập Đạo Binh Xanh Đức Mẹ người Ý lúc bấy giờ cũng ngồi trong chiếc trực thăng ấy đã kể lại: „Lúc ấy khi chúng tôi vừa cho trực thăng bay lên và định bay đi luôn, thì người phi công bỗng vặn tay lái cho chiếc trực thăng quay trở lại và bay đi lượn lại trên Tu Viện San Giovanni Torondo mấy vòng nữa rồi mới bay đi hẳn. Thấy vậy tôi đã hỏi người phi công là tại sao anh lại hành động như thế, thì anh đã trả lời là có một sức mạnh vô hình bắt anh phải quay trực thăng lại và bay vòng trên cửa sổ Tu Viện, nơi Pdre Pio đang đứng.“ Và trong khi chiếc trực thăng chở tượng Đức Mẹ bay mấy vòng đặc biệt trước cửa sổ vòng cha Pio ở như thế, thì đã xảy ra một hiện tượng lạ lùng: Cha Pio hoàn toàn được khỏi bệnh. Sau này, cha giải tội của Padre Pio tường trình: „Trong lúc bấy giờ, cha Pio cảm thấy trong mình tràn ngập một sức mạnh vô hình và ngài đã gọi các Thầy lại và nói: „Tôi đã được khỏi bệnh rồi! Đức Mẹ Fatima đã chữa lành cho tôi. Khi đứng ở cửa sổ tôi cảm thấy khắp các xương cốt trong người run lên và tôi lập tức được khỏi bệnh.“ Và về sau, ngài còn kể: „Tôi cảm tạ Đức Trinh Nữ Fatima. Trong chính ngày Đức Mẹ giả từ chúng ta ở đây, tôi lại cảm thấy trong người rất dễ chịu.“ Quả thật, từ giây phút ấy trở đi, Padre Pio lại khỏe mạnh bình thường như thể ngài chưa bao giờ bị bệnh tật gì cả.

Khi một phóng viên hỏi ngài là tại sao Đức Mẹ được chở từ Fatima bay sang San Giovanni Torondo mà lại không tới thánh địa nổi danh tôn kính Tổng lãnh Thiên Thần Michael tại núi Sant´Angelo ở gần đó, thì người tôi tớ Chúa đã trả lời một cách hết sức đơn sơ dí dỏm: „Đức Mẹ Fatima đến San Giovanni Torondo là vì Đức Mẹ muốn chữa bệnh cho cha Pio.“

Trong suốt đời ngài, thánh Padre Pio luôn gắn bó mật thiết với Đức Mẹ Fatima và sứ điệp của Mẹ. Padre Pio đã sống và thực thi lời kêu mời của Mẹ „Các con hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày“ một cách rất nghiêm chỉnh. Vì thế, người ta nhìn thấy thánh nhân luôn cầm tràng chuỗi Mân Côi trong tay, và ở bất cứ nơi nào ngài đến, thánh nhân đều quảng bá phép lần hạt Mân Côi. Có lần một khách hành hương nữ nói với ngài: „Thưa cha, người ta nói rằng ngày nay mà còn lần hạt Mân Côi là không hợp thời, và trong nhiều nhà thờ người ta cũng bỏ không còn lần hạt nữa.“ Padre Pio đã trả lời: „Chúng ta hãy làm điều cha ông chúng ta đã từng làm, rồi mọi sự lại tốt đẹp thôi“. „Nhưng Satan đang thống trị thế giới“, người khách hành hương nữ đáp lại. Bấy giờ Padre Pio liền nói: „Bởi vì thế giới muốn để cho Satn cai trị mình! …Ai siêng năng cầu nguyện, thì được rỗi, còn ai lười biếng cầu ngyện, thì sẽ gặp nguy hiểm. Còn những người không hề cầu nguyện, sẽ mất linh hồn.“

Ngày 23.9.1968, khi đang trong cơn hấp hối tại Tu Viên San Giovanni Torondo, cha Pio đã thì thầm nói với các anh em Tu Sĩ của ngài: „Anh em hãy yêu mến Mẹ Maria và hãy truyền bá tình yêu ấy ra cho mọi người! Hãy luôn luôn lần hạt Mân Côi!“

Đó là những lời cuối cùng, và đồng thời cũng là những trăn trối của của Padre Pio, của một đại thánh thời đại chúng ta ngày nay. Và tất nhiên, trong lúc hấp hối thánh nhân vẫn cầm chặt trong tay chuỗi tràng hạt Mân Côi và ngài sẽ cầm chặt như thế mãi cho tới khi vượt qua biên giới cuộc đời tạm bợ này để bước vào cuộc sống vĩnh cửu trên Quê Trời, vì ngài là một vị đại thánh của Đức Mẹ Fatima!

(Trích từ Nguyệt San „Fatima Ruft“, 2/2012, số 217)

Lm Nguyễn Hữu Thy

Pedro Calungsod, vị Hiển Thánh thứ 2 người Phi luật Tân

Pedro Calungsod, vị Hiển Thánh thứ 2 người Phi luật Tân

 

                                                                                       Văn Chính SDB chuyển ngữ

 

Chân phước Pedro Calungsod của Cebu, người đã được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong chân phước vào năm 2000, sẽ được phong hiển thánh trong Giáo Hội Công giáo Rô-ma vào ngày 21.10.2012.

Tin này đã được công bố vào ngày 20.12.2011 trên Website của Vatican, sau khi Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã chính thức ký nhận vào sắc chỉ tấn phong hiển thánh cho Calungsod và 6 vị khác nữa với những phép lạ đã xảy ra.

Calungsod là một nhà truyền giáo người Cebu đã chịu tử đạo tại Guam vào năm 1672. Ngài sẽ là vị hiển thánh thứ hai người Phi luật Tân, sau thánh Lô-ren-xô Ruiz, người đã được nâng lên hàng các thánh vào năm 1987.

Calungsod sinh năm 1654 tại Visayas. Ngài đã bị giết ở tuổi 18 vào hôm trước Chúa nhật Lễ Lá ngày 02.04.1672 trong khi đang thực hiện sứ mệnh truyền giáo tại Guam.

Sáu người khác được phong thánh cùng với Calungsod là Giovanni Piamarta, một linh mục người Ý và cũng là Đấng Sáng lập Hội dòng Thánh Gia Na-da-rét và Hội dòng Các Nữ tu Tôi tớ Khiêm tốn của Thiên Chúa; Jacques Berthieu, một linh mục tử đạo người Pháp thuộc Hội dòng Tên; Maria del Carmen, người Tây Ban Nha, Đấng Sáng lập Hội dòng Các Nữ tu Thừa sai; Maria Anna Cope, Nữ tu người Đức thuộc Hội dòng Các Nữ Tu dòng Ba của Thánh Phan-xi-cô ở Syracuse; Kateri Tekakwitha, một phụ nữ thổ dân Mỹ; và Anna Schaffer, một phụ nữ người Đức.

Nguồn: donboscoviet.org

Thánh Maria Goretti, đồng trinh tử đạo

Thánh Maria Goretti, đồng trinh tử đạo

                                                                                        Ngày 06/7

 

Thánh Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Ancona. Cha mẹ Ngài là những người nhà quê thất học. Vì hoàn cảnh nghèo túng, năm 1899, gia đình Ngài dời về sống trong một nông trại ở làng Auziô, gần Neturô. Đây là một gia đình nghèo khó nhưng giàu lòng tin đến độ chuyển núi dời non. Nhưng gia đình đã bị giao động khi người cha bất ngờ qua đời. Bà góa phụ Assunta không biết nương tựa vào đâu và quyết định tiếp nối công việc nặng nhọc vừa khởi sự. Bà giao các con nhỏ cho trưởng nữ mới 10 tuổi săn sóc. Maria, người con gái ấy là một đứa trẻ hiền lành can đảm biết vâng phục. Thánh nữ thật là một nguồn an ủi cho người mẹ hiền lành, nhưng tỏ ra cương nghị với các em. Dù còn trẻ thánh nữ đã sớm trở thành một người nội trợ giỏi.

Hàng xóm của bà Assunta, là gia đình Serenrlli, họ là những người có tinh thần phục vụ. Nhưng Alessandrô lại chơi với các bạn bè xấu và ham đọc sách nguy hiểm. Nhiều lần anh ta giúp đỡ Maria trong những việc nặng nhọc. Người ta có thể nghĩ là Alessandrô đã cải tính sửa nết vì những ảnh hưởng tốt từ Maria. Maria thì biết ơn và rất trong sáng trong quan hệ tình bạn, nhưng Alessandrô đã không ngần ngại đưa ra những đề nghị bỉ ổi, lại còn đe dọa cô không được nói với ai, không hiểu biết gì, Maria Goretti cảm thấy nguy hiểm phạm tội, và đã thú thực hết với mẹ. Run sợ cho tâm hồn còn tinh trong của con bị hoen ố, bà Assunta đã dạy cho Maria cách thắng vượt sự dữ, đề phòng cho cô khỏi mắc cơn nguy hiểm mà cô chưa biết đến. Maria Goretti hứa sẽ không bao giờ nhượng bộ.

Năm Maria mới 12 tuổi, Alessandrô lại tìm cách cám dỗ nhưng người thiếu nữ đã biết giữ gìn và chống cự lại. Thảm cảnh diễn ra ngày 5 tháng 7 năm 1902. Sáng hôm đó, đợi cho mọi người đi khỏi, Alessandrô tới gần ve vãn cô gái. Cầm dùi trong tay, anh còn đe dọa :
– Nếu cô không chịu, tôi sẽ giết cô.
Cô gái la lớn:
– Không, đó là việc tội Chúa cấm ! Anh sẽ phải vào hỏa ngục.

Không còn kềm được bản năng , Alessandrô lao vào con mồi, đâm cô hơn 14 nhát.

Tiếng kêu la của kẻ hung bạo và của nạn nhân vang tới mọi người lân cận. Bà Assunta vội đưa người con hấp hối của mình tới nhà thương ở Nettunô. Dọc đường Maria nói với mẹ:

– Mẹ ơi ! Anh đã muốn con phạm tội, nhưng con đã cự tuyệt.

Linh mục tới đầu giường cô và nhắc lại cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá với lưỡi đòng, sự hối cải của người trộm lành… rồi Ngài hỏi:

– Maria, con có tha thứ không ?
– Dạ tha, vì tình yêu Chúa Giêsu, chớ gì anh được lên thiên đàng với con.

Alessandrô bị kết án 30 năm khổ sai. Tính hung hăng của anh càng tăng làm các bạn tù khiếp sợ. Tám năm sau, một đêm đã làm biến đổi tất cả. Tội nhân mơ thấy Maria sáng chói giữa vườn huệ và hái một bông trao cho chàng. Hôm sau anh viết lời thú tội, tự thú tất cả cho Đức Giám mục và kể lại cả giấc mơ cho Ngài. Từ ngày đó, thái độ của anh rất gương mẫu. Năm 1929 anh được phóng thích. Năm 1937, quì dưới chân bà Assunta, anh hỏi:

– Bà có tha thứ cho con không ?

Và mẹ của thánh nữ trả lời:

– Nó đã tha cho con rồi, tôi làm khác sao được ?

Lễ Giáng sinh năm ấy, hai người cùng tiến lên bàn thờ rước lễ. Maria Goretti được phong chân phước ngày 27 tháng 4 năm 1927. Đến ngày 24 tháng sáu năm 1930, trước mặt người mẹ đã 87 tuổi, Maria Goretti được Đức Giáo hoàng Piô XII tôn phong lên bậc hiển thánh.

Thánh nữ Maria Goretti nêu gương cho chúng ta về đời sống thanh khiết. Luôn hướng lòng về Chúa với một tình yêu trong sáng, xa tránh tội lỗi. Đặc biệt Ngài đã biết tha thứ a tránh tội lỗi. Đặc biệt Ngài đã biết tha thứ cho người xúc phạm đến mình. Chúng ta cũng hãy xin Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết ấy để hoàn thiện bản thân mỗi ngày một trở nên xứng đáng hơn.

Phê-rô và Phao-lô:

 Phê-rô và Phao-lô:

                                                                                  29 THÁNG SÁU

Chết Cho Đức Tin

Giáo Hội công bố cái chết tử đạo của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô. Và qua việc tưởng niệm cái chết của các ngài, chúng ta cử hành chính cuộc sống của các ngài. Thật vậy, cái chết không phải là kết cục của cuộc sống. Cái chết tựa như dấu ấn cuối cùng mà Thiên Chúa đóng trên toàn bộ cuộc hiện hữu trần thế của con người.

Do đó, cái chết của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô cũng đồng thời trình bày lịch sử đời sống của các ngài. Cuộc sống của mỗi vị càng có ý nghĩa phi thường do bởi mối quan hệ của các ngài với Đức Kitô, Đấng đã gọi các ngài đi theo Người. Đức Kitô đã gọi Simon, con của Giôna, một ngư phủ ở Galilê, và đặt tên cho ông là Phê-rô – nghĩa là “đá”. Người cũng đã gọi Sao-lô thành Tarsus, vốn là một kẻ bách hại các Kitôhữu, và biến ông thành Phao-lô: vị Tông Đồ của các dân ngoại, “một khí cụ do Ta tuyển chọn” (Cv 9,15).

Đời sống của các ngài thật rất phi thường – nhờ ở quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã giúp các ngài làm chứng cho Đức Kitô chịu đóng đanh và phục sinh: “Người sẽ làm chứng về Thầy; cả anh em nữa, cũng làm chứng về Thầy…” (Ga 15,26-27).

Cái chết thảm khốc mà cả Phê-rô và Phao-lô đã trải qua ở Rôma vào thời Nê-ron chính là tiếng nói cuối cùng của chứng tá ấy. Cái chết của các ngài – cái chết đổ máu vì đức tin – là sự hoàn thành trọn vẹn sứ mạng làm chứng của các ngài. Chính vì cái chết tử đạo ấy mà các ngài vẫn còn sống mãi một cách đặc biệt trong sự tưởng niệm của Giáo Hội. Trước hết, các ngài vẫn tiếp tục sống trong Thiên Chúa, Đấng “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt 22,32). Các ngài vẫn sống trong Thiên Chúa cũng như tất cả chúng ta hiện đang sống trong Thiên Chúa.

Nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Thánh Antôn Maria Giacaria, Linh mục

 Thánh Antôn Maria Giacaria, Linh mục

                                                                          Ngày 5/7

                                 

 Thánh Antôn Maria Giacaria sinh năm 1502 tại Grêmôna, cha Ngài mất sớm. Mẹ Ngài, người góa phụ trẻ 18 tuổi không còn biết tới hạnh phúc nào hơn trên trần gian là đào tạo tâm hồn người con nhỏ của mình. Thấy con thích làm việc hơn là chơi giỡn và biết kiên trì hy sinh hãm mình, bà rất mừng rỡ, chính bà cũng phát huy tình bác ái đối với người nghèo khổ để làm gương cho con.

Thành Grêmôna nơi Antôn sinh trưởng vừa mới hết chiến tranh. Sau cuộc chiếm đóng của người Pháp, dân thành lại phải chiến đấu với Ludorse Sforza. Tình cảnh thật khốn khổ. Ngày kia trên đường đi học về, cậu bé Antôn đã cởi tấm áo thêu của mình cho người nghèo mặc. Thấy vậy, người mẹ đã âu yếm ôm con vào lòng. Từ đó Antôn xin mẹ cho mình được ăn mặc bình thường, có khi còn nhịn phần ăn cho người nghèo nữa.

Thân mẫu Antôn đã chọn cho Ngài những bậc thầy nổi danh về văn chương Hy lạp và Latinh. Vào tuổi 15, Antôn đã theo môn triết học ở Pavie, rồi lại theo đuổi y học ở Padua. Ở đại học người ta chế nhạo nếp sống nghèo khó của Ngài. Tốt nghiệp bằng tiến sĩ hạng ưu, Ngài được rất nhiều khách hàng tín nhiệm. Nhưng Antôn bỏ nghề thuốc để theo môn thần học.

Antôn Giacaria bắt đầu tụ tập trẻ em lại, Ngài nói cho chúng nghe về các chân lý cao trọng. Cha mẹ chúng cũng thường tới nghe dạy. Họ nói: Nào chúng mình đến nghe thiên thần của Chúa.

Tay cầm thánh giá, thánh nhân rảo qua khắp các đường phố nói về ơn cứu chuộc và việc thống hối. Nơi nào bị chế nhạo, bị xỉ nhục, Ngài càng năng lui tới hơn.

Năm 1528, lúc được 36 tuổi, Antôn được thụ phong Linh mục. Ngài đến ở Milan, thăm viếng các người đau khổ trong các nhà thương, nhà tù, nơi các xóm nghèo. Các nghĩa cử Ngài làm đã mang lại cho Ngài danh hiệu “người cha dân tộc”. Ngài ngồi tòa hàng giờ để phục sinh các linh hồn. Ngài chống lại phái thệ phản và đối đầu với bất cứ ai muốn tấn công đức tin tinh tuyền. Cha Antôn có hai người bạn tông đồ là Mariggia và Ferrari. Đức Giáo hoàng truyền cho các Ngài lập một hội dòng mới, các tu sĩ dòng thánh Phaolô. Các Ngài được trao cho việc coi sóc thánh đường thánh Barnabê, nên người ta gọi các Ngài là các cha Barnabê.

Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh:
– “Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác”.

Ngài dạy họ phải quen với những phỉ báng khinh miệt nhưng không làm được nếu không hướng trọn ý tưởng về với Chúa. Thánh nhân còn dẫn anh em rảo qua đường phố bằng cách vác Thánh giá mà rao giảng. Họ còn tự động cột giây vào cổ, làm những việc nặng nhọc và một số khác còn đi ăn xin cho người nghèo. Thấy vậy, nhiều người thống hối và cải thiện đời sống. Thánh Antôn còn cổ động lòng sùng kính Thánh Thể khuyên năng rước lễ hơn. Thời đó người ta chỉ rước lễ một hai lần trong năm. Trước sự đổi mới này, nhiều người coi sự nhiệt thành của Ngài là cuồng tín dị đoan. Thánh nhân vẫn an lòng và cảm nghiệm điều Ngài thường nói:
– Bạn sẽ được tháp nhập vào Chúa đến độ không còn lo tưởng đến những sự trên thế gian này nữa.
Năm 1930, Ngài giúp nữ công tước Torelli thành lập một hội dòng nữ. Đức Giáo hoàng Phaolô III đã chuẩn y hội dòng này và đặt tên là “Dòng chị em các thiên thần”.

Năm 1536, cha Antôn Giacaria từ chức bề trên nhà dòng mà Ngài đã giữ từ đầu để đi truyền giáo. Ngài rao giảng Phúc âm và giải hòa các cuộc tranh chấp. Công việc thật bề bộn, không thể lường trước được, dầu vậy thánh nhân vẫn trung thành với tác vụ, các cuộc tĩnh tâm và thư tín. Tuy nhiên lần này, tại Guastalla, thánh nhân đã kiệt sức. Xa các môn sinh, Ngài lui về với thân mẫu. Bà khóc lóc khi thấy con. Nhưng Antôn nói:
– Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nữa. Chẳng bao lâu rồi mẹ cũng được vui mừng với con trong vinh quang bất tận mà bây giờ con đang tiến vào.

Ba giờ chiều ngày 5 tháng 7 năm 1539, Linh mục trẻ 37 tuổi Antôn Maria Giacaria thở hơi cuối cùng trong tay mẹ hiền.
Thánh Antôn Maria Giacaria là mẫu gương cho chúng ta về nhiệt huyết tông đồ. Xin Chúa ban cho chúng ta cũng biết noi gương thánh nhân, luôn hăng say nhiệt thành trong công cuộc truyền giáo.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi