THÁNH CLARA ĐỒNG TRINH

THÁNH CLARA ĐỒNG TRINH

Thánh Clara sinh năm 1193 tại Assisi miền Umbria, thuộc dòng họ danh giá Offreducciô.  Người ta nói thánh nữ sinh ra với nụ cười trên môi và không bao giờ thấy Ngài khóc. Ngài dành nước mắt để tưới chân Chúa Giêsu chịu đóng đinh.  Khi nghe biết một thanh niên giàu có đã trở nên người nghèo thành Assisi, người thiếu nữ danh giá cảm kích trước mẫu gương của thánh nhân – thánh Phanxicô Assisi.  Trong khi gia đình nhắm cưới gả cho nàng, thì nàng chỉ nhắm đến cuộc sống sám hối khiêm hạ.  Sau khi nghe bài giảng của thánh nhân, Ngài đã đi tới quyết định dâng hiến đời mình cho Chúa.

Khi ấy thánh Clara 18 tuổi.  Vào ngày Lễ Lá, 18 tháng 3 năm 1212, thánh nữ ăn mặc sang trọng tới nhà thờ chính tòa dự lễ.  Theo thói quen, các bà tiến lên nhận lá từ tay Đức Giám mục.  Hôm ấy Clara quá xúc động, khiến chính Đức Giám mục phải rời ghế đưa lá đến cho Ngài.  Chiều về, Ngài đã cùng với một người bạn lén bỏ nhà theo lối cửa hậu rồi theo ánh đuốc tới gặp thánh Phanxicô tại Porsiuncula…  Giai thoại thật cảm động, một cô gái 18 sang trọng đã bỏ tất cả những gì là quen thuộc và an toàn để đi theo Đấng vô hình, còn Phaxicô 30 tuổi không có lấy một xu dính túi đã nhận lấy trách nhiệm về cả tinh thần lẫn vật chất đối với cô.  Giữa đêm xuân trong rừng cây và dưới ánh đuốc của đoàn anh em, Clara buông xõa mái tóc huyền trên bàn thờ cho Phanxicô cắt bỏ.  Hành động hoàn toàn ngoại lệ và không một chút quyền hạn theo giáo luật.  Phanxicô đã lãnh bản ly biệt của Clara đối với thế gian, rồi gởi cô vào một nữ tu viện Beneđictô gần đó.

Biến cố nổ lớn làm cả thành phố xúc động.  Thế gian kết án Clara.  Ông Monaldo, cậu của thánh nữ đến nhà dòng bắt thánh nữ về, nhưng Ngài ôm cứng chân bàn thờ quyết chọn Chúa mà thôi.  Phanxicô dẫn thánh nữ tới một nữ tu, tu viện Bênêdictô khác, cùng với em của mình là Anê.  Sau cùng Phanxicô thiết lập cộng đoàn cho Clara.  Một tu viện tại San Đamianô, nơi đây bà Ortolanta, mẹ của thánh nữ cũng nhập dòng.  Trong một thời gian cộng đoàn độc lập như những người hành khất đầu tiên. Phanxicô viết cho cộng đoàn một bản luật sống vắn gọn, đòi kỷ luật gắt gao và chay tịnh khắc khổ. Năm 1215 Phanxicô đặt Clara làm tu viện trưởng và có lẽ đã trao cho Ngài một bản luật dòng thánh Bênêđictô.

Vào những năm cuối đời thánh Phanxicô, mọi liên hệ với San Đamianô bị gián đoạn.  Câu chuyện hay về bữa ăn tối với Clara không được chính xác lắm.  Nhưng cơn đau cuối cùng Phanxicô đã được Clara cho trú ngụ trong một mái chòi bằng lá cây ở cổng tu viện Đamianô, nơi Phanxicô trước tác bài ca mặt trời.  Ngài ban phép lành cuối cho Clara rồi về Porsiuncula và qua đời tại đó.  Ngài cũng xin anh em đưa xác về Assisi qua ngả San Đamianô.  Thánh Clara và chị em tiếp rước và có dịp chiêm ngưỡng các vết thương ở tay và chân Ngài.

Clara thực hiện đúng lý tưởng của người nghèo thành Assisi.  Đức Innôcentê III đã đích thân ban phép cho Ngài được giữ đức nghèo khó tuyệt đối.  Nhưng Đức Grêgôriô IX nguyên là hồng y Ugôlinô đã muốn cải sửa luật cho phép nhà dòng có đất đai nhà cửa.  Clara cưỡng lại và năm 1228 đã được hưởng đặc ân như sở nguyện.  Ngài đã thưa với Đức Grêgôriô:

– Thưa Đức Cha, xin tha tội cho chúng con, nhưng đừng tha cho con khỏi theo Lời Chúa.

Năm 1247, một lần nữa Đức Innocentê IV kiểm soát lại luật thánh Phanxicô, muốn sống đời khó nghèo tuyệt đối.  Luật này được Đức Innocentê chấp thuận vội vã, hai ngày trước khi thánh nữ qua đời.  Năm 1893 người ta tìm thấy sắc chỉ nguyên thủy trong mộ thánh nữ.

Trong cơn bệnh của Ngài, Đức hồng y Rainalđô, tức là Đức Giáo hoàng Alexandrô sau này, đã đến trao mình Thánh Chúa và khuyên nhủ thánh nữ, thánh nữ trả lời:

– Từ khi nếm thử chén đắng và cuộc tử nạn của Chúa, con thấy không còn gì làm con đau đớn nữa.

Sau khi chúc lành cho các nữ tu đến thăm, Ngài nói với chính mình:

– Hãy an tâm, ngươi đã theo đúng đường, cứ tin tưởng vì Chúa tạo thành đã thánh hiến và không ngừng gìn giữ ngươi, đã yêu ngươi với tình mẹ thương con, ôi lạy Chúa xin chúc tụng Chúa vì đã dựng nên con.

Thánh nữ qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1253 và năm 1255 được tôn phong hiển thánh.

Thánh nữ Clara đã vì Chúa mà bất chấp tất cả những khó khăn, những cản ngăn…để được toại nguyện với ơn gọi dâng hiến. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết noi gương thánh nữ sống trọn vẹn cho tình yêu Chúa Kitô bằng việc mau mắn đáp lại lời mời gọi của Ngài.

Sưu tầm

From: ngocnga_12 & Anh chị Thụ Mai gởi

 

Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556): Nhà Lãnh Đạo Theo Tinh Thần Phúc Âm

Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556): Nhà Lãnh Đạo Theo Tinh Thần Phúc Âm

Dòng tên Việt  Nam

http://dongten.net/wp-noidung/uploads/2014/07/saint-inhaxio-1.jpg

Theo một số nhà chú giải, khi viết về những đức tính mà vị Tổng Quyền phải có, Thánh Inhaxiô phác họa chân dung của chính mình.

Những đức tính mà vị TỔNG QUYỀN DÒNG TÊN phải có: những điều làm nên sự toàn thiện trong tương quan với Thiên Chúa, những điều hoàn thiện các đặc tính tâm hồn, trí tuệ và cách hành xử.

1. Điều ưu tiên phải có là những đức tính siêu nhiên.

“Đức tính thứ nhất, là sự kết hợp mật thiết cao độ với Thiên Chúa”.  “Sống thân mật thâm sâu với Chúa trong cầu nguyện và trong tất cả mọi sinh hoạt”.

Một con người được hướng dẫn và bao bọc bởi ân sủng huyền nhiệm. Tức là được Chúa ban ơn để thi hành sứ mạng Chúa giao phó.

2. Các nhân đức căn bản: bác ái và khiêm tốn. Đức ái là mối dây liên kết, hoà hợp các nhân đức khác:

“Nêu gương về mọi nhân đức cho các tu sĩ trong dòng. Nơi ngài, đặc biệt chói sáng lòng bác ái đối với tha nhân và cách riêng, đối với Dòng, cũng như sự khiêm tốn đích thực làm cho mình được Thiên Chúa yêu thương và mọi người quý chuộng”.

Thánh Augustinô viết: “Ubi humilitas, ibi caritas” (nơi đâu có sự khiêm tốn, nơi đó có bác ái). .

a/ Thoát khỏi những quyến luyến lệch  lạc, bằng cách nhờ ân sủng, biết chế ngự và hãm dẹp diệt chúng; nhờ thế, phán đoán bên trong của lý trí không bị  xáo trộn và bên ngoài luôn biết làm chủ chính mình; cách đặc biệt cẩn trọng, mực thước trong lời nói.

b/ Tuy nhiên, ngài nên học biết hoà hợp sự chính trực và sự nghiêm khắc cần thiết phải có với sự hiền lành dịu dàng. Không bị trệch hướng khỏi điều ngài nghĩ là đẹp lòng Chúa hơn hết, tuy nhiên cũng không thiếu lòng yêu thương thông cảm đối với con cái.

c/ Ngài cũng cần phải có lòng đại lượng và quả cảm, để gánh chịu sự yếu đuối của nhiều người và khởi xướng nhiều công việc lớn lao để phụng sự Thiên Chúa và cương quyết kiên trì khi cần thiết. Không thất đảm trước những chống đối (cả từ phía những người có quyền chức và địa vị), không nao núng bởi những dụ dỗ hoặc đe dọa từ họ, mà đi xa điều lý trí hoặc việc phụng thờ Thiên Chúa đòi hỏi. Ngài phải vượt trên mọi biến cố, không bị giao động trước những điều xảy ra: không vênh vang khi gặp thành công và quỵ ngã khi gặp thất bại. Sẵn sàng chịu chết vì quyền lợi của Dòng, để phụng sự Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa và là Chúa chúng ta.

3. Các đức tính thuộc trí tuệ.

“Có trí khôn minh mẫn và óc phán đoán tuyệt vời. Để có thể đương đầu với những điều trừu tượng cũng như giải quyết những vấn đề thuộc lãnh vực thực hành. Kiến thức thì rất quan trọng để lãnh đạo những người thông thái, nhưng sự khôn ngoan, cẩn trọng (prudence) và kinh nghiệm trong các thực tại thiêng liêng và nội tâm thì cần thiết hơn để có thể biện phân các loại thần và đưa ra những lời khuyên hay phương dược cho những ai đau khổ  và có nhu cầu thiêng liêng.”

“Cũng đặc biệt cần thiết đối với ngài là ân sủng biết phân định, cân nhắc trong những công việc bên ngoài và trong cách giải quyết nhiều công việc khác nhau, cũng như trong việc tiếp xúc với nhiều người khác nhau ở trong và ngoài Dòng.”

4. Luôn canh chừng, thức tỉnh và lưu tâm đến công việc từ đầu cho đến cuối.

“Đức tính thứ tư rất cần thiết cho việc quản trị hữu hiệu, đó là tình trạng tỉnh táo dè chừng và lưu tâm để ý đến công việc khi bắt đầu và nghị lực để đưa công việc cho đến khi hoàn tất và hoàn chỉnh, để không vì xao lãng hay bất lực mà không thể hoàn thành một công việc đã bắt đầu”.

5. Đức tính thuộc hình thể, dóc váng, tình trạng sức khoẻ thể lý.

“Đức tính thứ năm liên quan đến thân xác. Về sức khoẻ, hình dáng, tuổi tác, một đàng cần phải chú ý đến phẩm cách và uy tín (dignity and authority); đàng khác phải xem xét sức khoẻ thể lý như trách nhiệm đòi buộc, để có thể hoàn thành nhiệm vụ cho vinh quang Thiên Chúa, Chúa chúng ta.”

6. Danh thơm tiếng tốt và những điều làm nên uy tín cá nhân.

“Đức tính thứ sáu liên quan đến những yếu tố bên ngoài. Theo đó, những đức tính giúp xây dựng kẻ khác và phụng sự Thiên Chúa thì đáng quý chuộng hơn. Theo sự thường, đó là được kính trọng, danh thơm tiếng tốt, và tất cả điều gì tạo nên uy tín (authority) trước những người ở bên ngoài cũng như ở bên trong Dòng.”

7. Người có công trạng và được nhiều người biết đến.

“Cuối cùng ngài phải là một trong những người nổi bật về tất cả mọi đức hạnh, có công với Dòng và được biết như vậy trong Dòng từ nhiều năm nhất.

Nếu không có những đức tính trên, thì ít nhất không thể thiếu :

“Sự liêm chính lớn lao và tình yêu lớn lao đối với Dòng, phán đoán khách quan, chính xác cùng với kiến thức rộng rãi vững chắc, sâu sắc” (great probity and love for the Society, good judgment accompanied by sound learning).

Kết luận

Theo quan điểm của Thánh Inhaxiô, Linh Thao nhằm huấn luyện những con người được tuyển chọn để trở thành những hiệp sĩ của Chúa Kitô. Phải chăng Linh Thao cũng là nơi đào luyện các lãnh đạo tôn giáo -và cả lãnh đạo dân sự- theo tinh thần Phúc Âm?

(Lm. Antôn Ngô văn Vững, SJ)

THÁNH MARTHA

THÁNH MARTHA

Chúng ta biết chắc về thánh Martha qua 2 giai thoại trong Tin Mừng, khi bà nhiệt thành đón rước Chúa Giêsu (Lc 10, 38-42) hay khi bà tín thác vô giới hạn vào Chúa Giêsu trước cái chết của Lazarô (Ga 11,1-44).  Martha, theo tiếng aramêô, có nghĩa là bà chủ.  Martha, Maria và Lazarô ở làng Bêtania, là những người bạn thân tình của Chúa Giêsu.  Người hay đến trú ngụ ở nhà họ để nghỉ ngơi sau những chuyến hành trình mệt nhọc. Martha đóng vai gia chủ, đã tỏ ra rất hiếu khách và tận tụy. Ngày kia, trong lúc bận rộn với việc phục dịch, bà nói:

– Thưa Thầy, Thầy không màng nghĩ tới sao? em con để cho con một mình phục dịch.  Vậy xin Thầy bảo nó đỡ đần con.

Chúa Giêsu đáp lại:

– Martha, Martha, con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Cần thì ít thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất rồi và sẽ không bị ai lấy mất.

Như thế Chúa Giêsu đã cho Martha biết rằng đối với Người không có gì quý hơn một tâm hồn biết suy tư cầu nguyện, Martha đã hiểu, bà sẽ để lộ đức tin ấy ra dịp Lazarô từ trần.  Bà nhắc tin cho Chúa Giêsu:

– Thưa thầy, kẻ Thầy thương đang ốm liệt.

Vượt đường xa, Chúa Giêsu đã đến. Nhưng Người cố ý đến chậm, khi Lazarô đã chết.  Đức tin của Martha vẫn không thay đổi.

-Thưa Thầy, nếu thầy có mặt ở đây, em con đã không chết.

Và bà thêm:

– Nhưng ngay lúc này, con biết là bất cứ điều gì Thầy xin với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho thầy.

Khi Chúa Giêsu cho biết Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người thì dù chết cũng sẽ sống, rồi Người hỏi:

– Con có tin thế không ?

Martha đã mau mắn tuyên xưng:

-Vâng, thưa Thầy, con tin Thầy là đức Kitô Con Thiên Chúa, đấng phải đến trong thế gian.

Và bà đã không lầm.  Chúa Giêsu đã phục sinh Lazarô.

Tin Mừng không nói rõ các bạn hữu của Thiên Chúa sẽ ra sao.  Chắc chắn Martha có mặt trong số phụ nữ theo Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và xức dầu thơm xác Người trước khi mai táng.

Có truyền thuyết nói rằng ba chị em làng Bêtania đã bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền không buồm không chèo không lái.  Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước Pháp.  Lazarô đã trở thành Giám mục tiên khởi của thành này.  Riêng Martha, ngài đã rao giảng Tin Mừng ở Aix Avignon và Tarascon.  Một huyền thoại còn kể thêm việc thánh nữ tiêu diệt quái vật Tarasque.  Dân chúng khổ cực vì con vật dữ tợn, mồm phun lửa hoành hành.  Thánh nữ đã dùng cây thánh giá áp đảo con vật, rồi trói chặt nó lại.  Quái vật bị hạ sát và bị tiêu diệt, người ta gọi là Tarascon.

Thánh nữ Matta đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng về lòng hiếu khách.  Khi chúng ta chào đón hay phục vụ ai, Đức Chúa Giêsu coi đó như là chúng ta làm cho chính bản thân Người.  Thánh nữ Matta cũng nêu gương sáng về lòng tin tưởng và niềm trông cậy.  Ngài là bạn thân của Đức Chúa Giêsu và ngài biết có thể tin tưởng vào lời Đức Chúa Giêsu đã nói.  Xin thánh nữ Matta cũng giúp chúng ta biết tạo mối tương quan thân thiện với Đức Chúa Giêsu như ngài.

Sưu tầm

__._,_.___

From: suyniemhangngay1 & Anh chị Thụ Mai gởi

 

THÁNH NỮ CATARINA SIÊNA, ĐỒNG TRINH TIẾN SĨ

THÁNH NỮ CATARINA SIÊNA, ĐỒNG TRINH TIẾN SĨ

(1242-1380)

Truyện thánh nữ Catarina Siêna một lần nữa chứng tỏ ơn Chúa đặc biệt kêu gọi mỗi người. Nhưng để theo tiếng Chúa gọi, con người nhiều khi gặp phải những trở lực lớn lao: phải chiến đấu gay go với chính bản thân, với những người thân quyến trong gia đình.

Thánh nữ Catarina sinh ngày 25-3-1342. Ông thân sinh Giacômô Bênincasa là một người thợ nhuộm hiền lành, nết na. Thân mẫu là bà Lapa, con gái một nhà thi sĩ. Bà có một đức tính cương nghị hiếm có của một người phụ nữ. Catarina đã thụ hưởng đức tính cương nghị của mẹ, lòng đạo đức và sự dịu hiền của cha. Kể cả con nuôi và con đẻ, hai ông bà có tất cả 24 người con. Trong số đó, có một người con nuôi tên là Tômasô Fontê sau này làm linh mục dòng Đaminh, là người đã gieo một ảnh hưởng sâu rộng vào tâm hồn Catarina. Một buổi tối kia, Tômasô đọc cho Catarina nghe một truyện hay trong cuốn Sử vàng mà ông đã có dịp đọc. Từ đó, cô bé Catarina ngày càng ôm ấp ý định được đi tu dòng để theo gương bắt chước thánh nữ Êuphôsina.

Năm lên sáu tuổi, cô được thị kiến lần đầu tiên và lúc đó cô như vẳng nghe tiếng Chúa mời gọi. Từ đó, Catarina chỉ mơ màng một ngày kia được vào một cánh rừng thâm u để làm một nhà nữ ẩn sĩ. Thế rồi một ngày kia cô bé ấy bỏ nhà trốn đi tới một cái hang ở chân một hốc đá mà cả nhà không ai hay biết.

Lên 12 tuổi, cái tuổi xuân xanh mơn mởn, Catarina là một thiếu nữ xinh đẹp, Vẻ đẹp đó còn tăng thêm đậm đà, ý vị nhờ ở tư cách đoan trang thùy mị của Catarina, khiến cô đã lọt mắt nhiều chàng trai. Gia đình cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện gây dựng cho Catarina. Nhưng tất cả những đám cầu hôn trước sau đều bị Catarina cự tuyệt. Người ta phải nhờ đến sự can thiệp của Tômasô bấy giờ đã là linh mục dòng Đaminh và làm cha giải tội của Catarina. Với người bạn hồi niên thiếu đó, Catarina đã cởi mở tâm hồn và giãi bày cho ngài biết rằng mình đã khấn giữ mình đồng trinh, vì thế sẽ không kết duyên với một người trần nào. Theo lời khuyên của Tômasô, Catarina cắt tóc ngắn và trùm trên đầu một khăn trắng; đó là dấu hiệu một thiếu nữ đã khấn dâng mình cho Thiên Chúa. Bà Lapa biết điều đó lắm, nhưng bà vẫn giả điếc làm ngơ; bà lột khăn choàng của con ra và nói: “Tóc cô sẽ mọc và cô sẽ phải lấy chồng”. Từ đó cả gia đình cũng hùa theo với bà để làm khổ Catarina; cô không còn được một phòng riêng như trước để thi hành những việc mà người ta gọi là những việc “đạo đức rởm”; trái lại cô phải làm việc như một tôi tớ trong nhà và nhiều khi còn bị hành hạ diếc mắng: nhưng Catarina lại cho đó là dấu Chúa thương yêu cách riêng.

Một đêm kia, Catarina chiêm bao thấy thánh Đaminh cho biết chắc chắn rằng cô sẽ được mặc áo dòng ngài. Sáng dậy, trong bữa ăn họp mặt của gia đình, cô tuyên bố cho mọi người biết không ai có thể làm cho cô thay đổi được ý định. Ông Giacômô trước đây đã được trông thấy một chim câu bay liệng trên đầu con gái mình và ông cho đó là dấu hiệu của ý Chúa mà không ai có thể chống cưỡng được. Ông bắt đầu ra mặt bênh con và nói: “Thôi từ nay không ai được làm khổ con gái yêu quí của tôi nữa. Hãy để cho nó được tự do và an vui phụng sự Tình Quân của nó, để cầu nguyện cho chúng ta”. Từ đó người ta cho phép Catarina được chọn lấy một phòng ở căn nhà bếp để làm nơi tĩnh tu. Ở đó, một mình trong vắng lặng, Catarina tha hồ thực hiện những việc hãm mình ép xác như các vị tu rừng xưa.

Bà Lapa trước đây đã vâng lời chồng để cho con gái được tự do, lúc này bà lại lo sợ vì thấy con hãm mình và sống khổ hạnh quá. Lòng thương con của người mẹ một lần nữa lại thúc đẩy bà hành động để ngăn cản đà sốt sắng của con gái. Bà lột áo nhặm và bắt cô phải nằm trên giường đàng hoàng chứ không được nằm ở ghế. Catarina chỉ vâng lời mẹ lúc đó, sáng ra người ta lại thấy cô nằm ngay dưới chân giường. Bà không ưng thuận cho Catarina làm một nữ tu Đaminh chút nào. Vì thế, bà đã vận động với bà bề trên dòng ở Siêna để người ta không nhận Catarina. Đúng như ý bà mong muốn; người ta trả lời cho bà biết rằng ở đây chỉ nhận những quả phụ chứ không thể tiếp nhận một thiếu nữ trạc tuổi như Catarina. Buồn rầu vì thấy ý định của mình không thành công, Catarina ngã bệnh. Ma quỷ thừa dịp đó tấn công hết sức, hy vọng làm cho cô đổi ý định tu dòng. Cuối cùng, cha Batôlômêô Montucci đành chấp thuận cho Catarina được mặc áo dòng ba Đaminh. Nhưng quỷ dữ vẫn chưa chịu lui, chúng còn cố sức gợi lên trong trí óc Catarina những hình ảnh dâm ô nhơ bẩn mà cô phải chiến đấu mãnh liệt, và dùng khí giới là kêu tên cực trọng Chúa Giêsu mới đánh lui được chước cám dỗ. Cũng chính trong dịp đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với Catarina dưới hình một người bị đóng đinh mình còn bê bết những vết thương đẫm máu. Thừa dịp đó cô thưa với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu nhân từ và dịu hiền, khi tâm hồn con bị dằn vật quấy rối như thế thì Chúa ở đâu? – Cha ở ngay trong tâm hồn con chứ còn ở đâu nữa, vì Cha không hề xa cách người nào, trừ khi người đó bỏ rơi Cha trước. – Lạy Chúa, có lý nào Chúa ở trong tâm hồn con giữa khi con bị cám dỗ với những hình ảnh nhơ bẩn như thế? – Nhưng Cha hỏi con: cơn cám dỗ đó làm cho con vui sướng hay sầu khổ? – Ôi lạy Chúa, con cảm thấy kinh tởm và sầu khổ hết sức! – Tại sao như vậy? Con tin rằng nếu Cha không ở trong tâm hồn con và đóng cửa linh hồn con lúc đó, thì những hình ảnh nhơ bẩn kia có thể lọt vào linh hồn con được không? Cha ở trong tâm hồn con y như khi Cha ở trên cây thánh giá, đau khổ nhưng có pha vui sướng. Thôi được từ nay Cha sẽ sống thân mật với con hơn và sẽ năng thăm viếng con”.

Trong ba năm liền Chúa thường hiện ra thăm viếng người tôi tớ trung tín của Chúa như thế và dạy cô học đọc để có thể hát lời ca tụng Chúa. Từ đó Catarina thích đọc kinh nhật khóa hơn cả, vì nhờ đó cô được tiếp xúc thân mật với các vị thánh. Cô sống thân mật và kết hợp chặt chẽ với Chúa, đến nỗi như đời sống trần gian của cô là chỉ để truyền lan lửa bác ái hằng cháy rực trong tâm hồn cô.

Cô hòa mình trong đời sống thường ngày để giúp đỡ mọi người trong gia đình. Cô dịu dàng, khiêm nhường, vui vẻ với mọi người, và không bao giờ người ta thấy cô to tiếng gắt gỏng với ai. Những người đau yếu nghèo khổ được cô thương yêu săn sóc cách riêng. Người ta thường thấy cứ mỗi bữa ăn cô để dành lại một phần bánh cho người nghèo. Cô hay đến các bệnh viện để săn sóc bệnh nhân. Tại một bệnh viện cùi kia, chính tay cô hầu hạ, rửa và băng bó các vết thương cho một bà lão hầu như bị mọi người bỏ rơi; nhưng trái nghịch thay: bà này là người rất khó tính, bà thường hay gắt gỏng và chửi rủa Catarina. Dầu vậy cô vẫn một lòng nhẫn nhục và tận tâm giúp đỡ bà.

Thực ra có thể nói: chị Catarina đã đem tất cả nhiệt tâm hăng hái trong việc cứu giúp các linh hồn bằng lời cầu nguyện và sự khuyên bảo. Vì thế người ta thường thấy chị hay tới nói truyện ở những nơi công cộng có đông người và đã làm cho nhiều người trở lại. Nhưng rồi cũng có những kẻ manh tâm ghen tương công việc của chị, họ kết tội cho chị là đồ giả hình; cả đến các cha giải tội và các vị bản quyền cũng đã vì hiểu lầm mà cấm chị không được năng rước lễ. Điều đó làm cho chị khổ tâm hơn cả. Nhưng chị Catarina đã biết hy sinh danh dự của mình để chăm lo đến hạnh phúc của tha nhân.

Chị Catarina còn làm một việc đáng chú ý hơn cả là hòa giải được bao nhiêu gia đình từ bao đời đã chia rẽ nhau vì những mối thù truyền kiếp. Danh hiệu “Sứ giả của hoà bình, Thiên thần của hòa giải” mà người đời tặng cho chị quả rất xứng đáng. Đâu đâu người ta cũng ước ao chị đến ở với họ, vì có chị người ta cảm thấy như được nâng đỡ và an ủi nhiều. Tư cách hiền hòa và lời nói dịu dàng của chị đã thức tỉnh được cả những tâm hồn cứng cỏi và ngang ngược nhất. Lần kia người ta cho chị biết sắp xử tử một phạm nhân chính trị, tên là Nicôla Tulđô. Trước giờ chết, tù nhân đó đã tỏ ra bực tức, và phẫn uất đến nỗi như bất chấp cả tôn giáo; anh đã luôn miệng nói những lời lộng ngôn phạm thánh và khinh rẻ nhiều người. Chị Catarina đến thăm anh, và ngọn lửa căm hờn đốt cháy lòng anh đã bị dập tắt để nhường chỗ cho tâm tình nhẫn nhục và tình yêu, khiến anh đã phải ngỏ lời với chị: “Tôi sẽ rất vui vẻ bước lên đoạn đầu đài, nếu như trong lúc ấy chị có mặt ở đó”. Chị Catarina đã thi hành như ý anh xin. Tulđô đã vui vẻ bước lên máy chém và chính lúc anh bị chém đầu, chị Catarina đã được ơn xuất thần và trông thấy linh hồn anh Tulđô nhẹ nhàng như cánh chim bay về nơi vĩnh phúc.

Lo lắng cho phần rỗi cá nhân như thế, chị Catarina chắc phải băn khoăn đến mực nào trước vận mệnh của Giáo hội thời đó. Năm 1372, chị viết một bức thư cho Đức Phêrô Estaing, Đặc sứ Toà thánh tại Ý (các Đức Giáo hoàng thời đó ở Avignon), để giãi bày những nguyện vọng thánh thiện của chị. Và cũng từ đó chị bắt đầu công khai hoạt động nhằm ba mục đích:

* Chấn hưng lòng đạo đức của Giáo hội đã bị sa sút vì những gương xấu của hàng giáo sĩ, như tội buôn thần bán thánh và cuộc đời xa hoa phù phiếm của các ngài.

*Xin chuyển giáo đô về Rôma, nơi từ lâu đã trở nên chốn hiu quạnh và buồn tẻ vì vắng bóng các Giáo hoàng.

* Xin tổ chức Nghĩa binh Thánh giá để chống với quân Hồi giáo. Với ơn Chúa và thiện chí kèm theo nhiều cố gắng và hy sinh, chị đã thực hiện được một phần nào những ước vọng lành thánh trên đây.

Chị đã sống cuộc đời ngắn ngủi chưa đầy 33 năm, nhưng thực ra chị đã làm nhiều việc hữu ích cho Giáo hội và dân tộc Ý. Trong 33 năm đó sự việc siêu nhiên đã phát hiện mỗi lúc trong cuộc đời của chị. Rất nhiều lần Chúa đã hiện ra dạy chị học đọc. Một trong những lần hiện ra Chúa đã phán với chị rằng:

“Con sẽ tưởng nhớ đến Cha thôi, nếu con giữ đúng như thế, thì cha cũng tưởng nghĩ đến con”. Lần khác, bằng một cuộc kết hôn thần bí, Chúa ban lời khuyến khích và nâng đỡ khi chị làm những việc hãm mình quá sức, khi chị lâm bệnh chị không ăn không uống được. Mình thánh Chúa lúc ấy là lương thực  nuôi sống chị. Chị đã phân biệt được Mình Thánh Chúa với bánh thường mà người ta có lần đánh lừa chị. Lần kia chị nằm liệt giường, một linh mục ở Lucques đã cả dám kiệu bánh không truyền phép đến cho chị. Chị nghiêm nét mặt và nói thẳng với linh mục đó: “Cha chẳng lấy làm hổ thẹn vì đã mang đến cho tôi một bánh thường mà giả làm Mình thánh Chúa để ép tôi tôn thờ quấy quá sao?”

Lòng đạo đức thánh thiện của chị Catarina đã lôi cuốn được một số đông người thuộc đủ mọi giai cấp trong xã hội theo làm môn đệ, trong số đó có cả thân mẫu chị là bà Lapa. Trong những năm cuối đời, chị đi đâu người ta cũng theo đó để thu tập và ghi chép những lời của chị. Chị biết dùng con đường khiêm tốn và xả kỷ hầu nâng đỡ lòng mọi người lên cùng Chúa. Tất cả lý thuyết tu đức của chị được gồm tóm trong hai chữ: yêu mến và nhẫn nhục” lý thuyết đó thực ra chỉ là phản ảnh cuộc đời của chị.

Tất cả những môn sinh của chị, giáo dân hay tu sĩ ai nấy đều làm chứng rằng Chị Catarina ăn nói giảo hoạt lạ thường, dầu rằng trước đây chị là người tối tăm và không có học hành chi cả. Được vậy là do chính Chúa đã trực tiếp dạy bảo chị như lời thú nhận sau này. Chị thường đọc cho hai hoặc ba người thư ký viết cùng một lúc về những vấn đề hoàn toàn khác nhau mà chính chị không bị lầm lộn hay tỏ ra bối rối chút nào. Khi đề cập đến cuốn Đối thoại, một tác phẩm chị để lại, Đức Hồng Y Guidini đã viết trong cuốn hồi ký của ngài như sau: “Trong lúc xuất thần, nghĩa là lúc người ta mất hết sử dụng các giác quan, trừ ra cơ quan để phát thanh, thế mà chị đã đọc được cho người ta chép được một quyển sách giá trị và quan trọng không kém gì một quyển sách lễ. Thật cả là một sự lạ; những người không được mục kích chắc khó lòng mà công nhận được; nhưng chính tôi đây đã được mục kích, đã nghe và đã chép, thì đối với tôi không có chi là khó tin”.

Từ khi được Đức Giáo Hoàng Ubanô triệu vời đến Roma để làm cố vấn cho ngài, chị Catarina ở lại đó cho đến khi chết. Chủ nhật Sáu mươi, ngày 29-09-1380, Chúa Giêsu hiện ra với chị lần sau cùng và đặt lên vai chị một con thuyền nhỏ là hình ảnh Giáo hội. Từ đó chị cảm thấy yếu dần.

Trong vòng nửa tháng kể từ ngày đó chị còn trải qua nhiều cơn xuất thần liên tiếp. Nhưng đồng thời chị cũng phải chịu đựng những giây phút hãi hùng kinh sợ, vì quỉ ma tấn công dữ tợn. Ngày 16-02, chị đọc lời di chúc rất cảm động và bày tỏ ước vọng được dâng mạng sống cho Chúa. Dân chúng và các môn đệ đứng quanh giường chị, ai nấy đều ngậm ngùi như muốn khóc, vì biết rằng chị chẳng còn sống được mấy nỗi. Nhưng chị Catarina vẫn bình tĩnh lạ thường, chị dùng lời Chúa trong Phúc âm thánh Gioan mà khuyên bảo các môn đệ: “Anh chị em hãy thương yêu nhau”.

Chủ nhật trước lễ Thăng Thiên, chị ngỏ ý muốn được xưng tội. Sau khi chịu phép xức dầu, hình như chị còn bị ma quỉ tấn công gắt gao trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Chị lại đòi xưng tội lần nữa, và ước ao được nhận phép lành của bà thân mẫu. Rồi người ta nghe chị cầu nguyện riêng cho Giáo hội, cho Đức Thánh Cha Ubanô VI. Dứt lời nguyện chị giơ tay làm dấu Thánh giá như để chúc lành cho mọi người hiện diện. Người ta chỉ còn nghe tiếng chị nói qua hơi thở: “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay chúa”. Rồi mặt chị bỗng giãi sáng khác thường. Chị từ từ ngã đầu về một bên trút linh hồn. Hôm ấy là ngày 29-4-1380.

Trong khi đó, tại Gênes cha Raymunđô Capu (Raymond de Capoue) đang sửa soạn đi Pise; làm lễ xong cha nghe như có tiếng ai thầm bảo: “Đừng sợ, tôi đang ở trên trời để phù hộ cho cha”. Sau cha được tin chị Catarina đã tắt thở vào giờ đó và cha hiểu chính chị đã nói để khuyến khích cha.

Người ta mặc cho chị áo dòng thánh Đaminh, rồi liệm xác vào một quan tài quý giá, kiệu đến Minerva và để tại nhà nguyện. Năm 1461, Đức Giáo Hoàng Piô II đã phong chị lên bậc hiển thánh. Đức Ubanô lại dịch lễ kính thánh nữ sang ngày 30 tháng 04 năm 1866; Đức Piô IX còn đặt thánh nữ Catarina thành Siêna làm thánh quan thầy thứ hai của thành Rôma.

Thánh Luy Gonzaga – Tuổi trẻ dâng hiến

Thánh Luy Gonzaga – Tuổi trẻ dâng hiến

(lễ nhớ ngày 21.06)

http://dongten.net/noidung/37102


St. Aloysius Gonzaga

Luy Gonzaga sinh ngày 9 tháng 3 năm 1568, là con trưởng của hầu tước xứ Castiglione, miền bắc nước Ý. Danh tiếng gia đình và kỳ vọng của hầu tước đều được đặt cả vào Luy. Lên bốn tuổi, Luy đã bắt đầu cùng bố sống trong quân đội, cậu mặc đồ lính, đeo súng và học hỏi nghiệp binh đao. Ông hầu tước ắt hẳn hài lòng về những gì cậu quý tử đang theo đuổi và hy vọng cậu sẽ làm rạng danh dòng họ Gonzaga hơn nữa. Lên 9 tuổi, Luy và cậu em Rudolpho được gởi đến cung điện của hầu tước Francesco de’Medici ở Firenze để học hỏi những nghi lễ của lối sống vương giả. Cũng ở nơi ấy, Luy nhìn ra mặt trái của lối sống xa hoa và phóng khoáng; nơi mà người ta luôn có những âm mưu và sẵn sàng lừa gạt nhau, họ giải quyết vấn đề bằng dao và thuốc độc. Nhưng ngay trong môi trường nhiều cạm bẫy đe dọa, bàn tay Chúa bắt đầu hướng dẫn Luy theo con đường yêu thương của Ngài.

Mặc dù cuộc sống bên ngoài của Luy mang nhiều vẻ khác nhau, nội tâm của cậu vẫn hướng về điều thiện bằng việc cầu nguyện và thích thú đọc Thánh vịnh. Nhờ vậy, Luy khám phá ra rằng chỉ còn cách rút lui khỏi những cuộc vui và bàn tiệc để tránh phạm tội. Sau thời gian ở Firenze, Luy được gởi tới Mantua sống với những người họ hàng. Tại đây, cậu tình cờ đọc được cuốn Tóm lược Giáo lý của Cha Phêrô Canisiô, trong đó có cả phần suy niệm. Luy liền dùng tập sách này làm đề tài cầu nguyện hàng ngày và cảm nếm những an ủi lớn lao. Cậu ăn chay 3 ngày mỗi tuần, suy niệm cả ban sáng lẫn ban tối, tham dự thánh lễ hành ngày.

aloysius gonzagas

 

Trong một chuyến đi với gia đình đến Tây Ban Nha, Luy gặp một cha giải tội dòng Tên ở Madrid và cậu ngày càng muốn trở thành Giêsu hữu. Ngày 15 tháng 8 năm 1583, đang khi cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trong nhà thờ, từ nội tâm, Luy cảm thấy mình được Chúa gọi theo bậc sống tu trì và mong ước gia nhập dòng Tên. Ý đã quyết, Luy nguyện theo đuổi đến cùng ơn gọi của mình.

Tin này đến tai vị hầu tước và ngay lập tức ông nổi trận lôi đình khiển trách Luy nặng lời và tìm đủ mọi cách ngăn cản với hy vọng cậu đổi ý. Nhưng tất cả mọi cách ông hầu tước áp dụng chẳng đem lại thay đổi gì bởi Luy một mực xin được từ bỏ tất cả để gia nhập dòng Tên. Ông hầu tước, mặc dù đặt mọi kỳ vọng vào cậu quý tử sẽ là người thừa kế mình trong gia tộc, đành phải để Luy ra đi. Tròng lòng hầu tước chẳng hề muốn điều này, nhưng vì thương con, ông đành chiều ý cậu. Đối với ông, Luy là “kho tàng quý báu nhất trên cõi đời này”.

Tháng 11 năm 1585, Luy nhường lại ngôi thế tử cho em trai và lên đường hướng về nhà Tập thánh Anrê ở Rôma. Cùng đi với anh là cả một đoàn tuỳ tùng: cha tuyên uý của gia đình, viên thái sư, một tu sĩ, những người hầu cận. Trên đường, nhắc đến chuyện nhường ngôi thế tử, một người trong đoàn tuỳ tùng nói với anh: “Chắc công tử Rudolpho vui lắm”, Luy trả lời:“Tôi còn vui hơn”.

Khi vào nhà Tập, Luy tâm niệm rằng: “Tôi là thanh sắt cong, phải vào nhà Dòng để được uốn lại cho thẳng”. Trong thực tế, Luy nhận thấy rằng nếp sống nhà Tập lại ít đòi hỏi hơn những gì cậu tự đặt ra cho mình khi còn ở nhà. Thực vậy, theo sự hướng dẫn của Cha giám tập, Luy không được tiếp tục việc đánh tội như đã quen làm, cậu cũng không được ăn chay thường xuyên như đã thực hành trước đây. Trên hết, Luy từ bỏ chính mình để tuân thủ cách tỉ mỉ tiến trình đào luyện trở thành Giêsu hữu. Luy bắt đầu tập làm những việc nhỏ nhặt trong nhà như rửa chén, lau nhà, quét mạng nhện… những việc mà trước đây anh chưa từng đụng đến. Hết thời gian nhà Tập, Luy tuyên khấn lần đầu ngày 25 tháng 11 năm 1587 và chuyển đến Đại học Rôma để tiếp tục chương trình thần học.

Đầu năm 1591, nước Ý lâm nạn đói kém và dịch bệnh hoành hành. Cùng với các anh em khác, Luy đi quyên góp thực phẩm, quần áo giúp những bệnh nhân. Luy đưa những người bệnh đang hấp hối ngoài đường phố đến bệnh viện, tắm rửa và cho họ ăn, sau đó chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích sau cùng. Một lần sau khi trở về từ bệnh viện, Luy nói với Cha linh hướng Roberto Bellarmino rằng: “Con tin rằng mình chẳng sống thêm bao lâu nữa. Con cảm thấy nơi mình một khao khát mãnh liệt để làm việc và phục vụ Chúa nơi các bệnh nhân. Con nghĩ rằng Chúa đã không cho con cơ hội này nếu Ngài không muốn đưa con về với Ngài.”

Những ngày sau đó, nhiều anh em trẻ bị ngã bệnh, Cha bề trên buộc phải yêu cầu các học viên hạn chế tiếp xúc với người bệnh và chỉ cho phép anh em đến giúp ở bệnh viện Đức Mẹ An Ủi, nơi có những người bệnh nhẹ và ít lây. Một hôm, Luy đến bệnh viện, bế một người bệnh và chăm sóc cẩn thận. Về nhà anh ngã bệnh ngay và nằm liệt giường từ ngày 3 tháng 3 năm 1591.

Những ngày sau đó, Luy đón nhận tất cả những khó chịu thể xác với tâm hồn phó thác kiên vững. Qua cầu nguyện, anh được biết mình sẽ được đưa về với Chúa vào ngày cuối của tuần bát nhật kính Mình Thánh Chúa. Thời gian ấy đến, ngày 21 tháng 6 năm 1591, Luy xin được lãnh các bí tích sau cùng. Vào khoảng 11 giờ, Luy, tay nắm chặt tượng thánh giá, mắt nhìn thẳng vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh và môi miệng anh cố gắng thốt lên Danh Thánh Giêsu lần cuối cùng. Anh ra đi trong bình an khi chỉ mới 23 tuổi.

Ngài được Đức Phaolô V tuyên phong chân phước vào ngày 19.10.1605 và được Đức Bênêđictô XIII nâng lên hàng hiển thánh vào ngày 31.12.1726. Anh em Dòng Tên kính nhớ ngài vào ngày 21 tháng 6 hàng năm. Ngài được nhiều người chọn làm đấng cầu bầu cho giới trẻ, sinh viên, những người chăm sóc các bệnh nhân. Anh em Dòng Tên chọn ngài làm đấng cầu bầu cho các học viên thần học.

Thánh Luy Gonzaga là một tấm gương cho chúng ta, nhất là các bạn trẻ, về sự quảng đại từ bỏ vinh hoa phú quý để bước theo Đức Giêsu Kitô nghèo khó, chịu sỉ nhục, khiêm hạ và hiến thân phục vụ cho anh chị em mình.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin giúp chúng con biết noi gương thánh Lu-y Gonzaga, người anh em của chúng con đã từ bỏ vinh hoa phú quý để nên người môn đệ Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường. Xin đừng để chúng con lây nhiễm tinh thần thế tục, nhưng xin dạy chúng con biết tôn vinh Cha trong mọi sự. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

Vị Thánh Lỗi Lạc- Thánh Tôma-Aquina

Vị Thánh Lỗi Lạc- Thánh Tôma-Aquina

Lm.  Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Ngày mai, 28 tháng 1, giáo-hội kính nhớ thánh Tôma Aquinô (Thomas Aquinas), một vị thánh lỗi lạc của giáo-hội trần thế.  Một tu sĩ Đa-Minh đã để lại cho hậu thế Bộ “Tổng Luận Thần-học”.

Thánh Tô-ma A-qui-na sinh năm 1225 tại thành Naples nước Ý Ðại Lợi trong một gia đình phú quí và đạo hạnh.  Ngài được hấp thụ một nền đạo đức sâu sắc, đặt căn bản trên đức tin và giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và các tông đồ.  Cha của Tô-ma là lãnh Chúa đảo Aquina.

Tuy danh vọng cao vời, nhưng gia đình cha mẹ của thánh nhân luôn biết kính sợ Chúa và giáo dục con cái theo luật Chúa và Giáo Hội.  Nhờ thế, thánh Tôma Aquina đã sớm tiến tới trong đường nhân đức, có một đức tin sắt đá và một nền học vấn uyên thâm để có thể hiểu và giải đáp được những vấn nạn trong xã hội cũng như những giải đáp cho thời đại đang tiến bộ.

Trong quá trình theo học, Tôma được gửi học ở tu viện Cassino do các Cha Bênêđitô điều khiển.  Một biến cố chính trị đưa đến việc giải tán tu viện sau 9 năm thánh nhân đã theo học với các cha Bênêđitô.  Sau đó, thánh nhân lại tiếp tục học ở Naples, nơi đây thánh nhân có dịp tiếp xúc với các cha dòng Ðaminh, Tôma say mê với lý tưởng sống cho người nghèo và làm việc trí thức để truyền bá cho những người khác chân lý, lý tưởng mà ngài đã ghiền ngẫm, đã suy nghĩ.

Lý tưởng của thánh Ðaminh đã đánh động ngài tới tận căn, nên ngài đã quyết định xin vào dòng thánh Ðaminh vào năm 1244.  Việc này làm phật ý thân mẫu Tôma vì bà luôn luôn muốn Tôma làm tu viện trưởng Cassino.  Thân mẫu của Tôma quyết định bắt Tôma về giam trong gia đình và dùng mọi mưu kế để cho Tôma trở về thế gian.  Mọi mưu chước của mẹ đều bị thất bại.  Sau cùng trong cơn mù quáng tột độ, bà đã dùng một cô gái trắc nết để quyến rũ thánh nhân, vì bà hy vọng Tôma sẽ bị ngã gục.  Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Tôma đã chiến thắng, đuổi cô gái hư ra khỏi nơi ngài ở.

Chúa đã yêu thương ngài, sai thiên thần đến cột giây trinh khiết cho ngài để biểu tỏ sự chiến thắng của ngài, đúng như lời sách đệ nhị luật đã viết:” Chúa ấp ủ và lo dưỡng dục (Tôma), luôn gìn giữ chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa” (trích sách Ðệ-nhị-luật 32: 10 ).  Thấy ý chí sắt đá, lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa của Tôma, thân mẫu ngài đành làm ngơ để ngài trốn về lại tu viện.

Thánh Tôma lúc đó được thụ huấn với thánh Albertô, một học giả uyên bác, nổi tiếng thời đó.  Năm 27 tuổi, thánh Tôma đã trở thành giảng sư đại học trẻ tuổi với một kiến thức sâu rộng tuyệt vời có thể hướng dẫn được giới trí thức đang say mê triết học Hy Lạp ngoại giáo.  Ngài đã viết bộ “Tổng luận thần học” đầy giá trị, để lại cho Giáo Hội và hậu thế.  Ngài nói ngài đã múc tất cả sự khôn ngoan nơi Chúa Giêsu qua suy niệm và cầu nguyện để viết nên “Tổng luận thần học” này.

Ngài qua đời đột ngột lúc mới có 49 tuổi, cái tuổi đang sung sức và việc dậy học đang nổi tiếng vào năm 1274.

Ðức thánh cha Gioan XXII phong ngài lên bậc hiển thánh năm 1328.

Năm 1567, Ðức Giáo hoàng Piô V lại cất nhắc ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh với tước hiệu “Tiến Sĩ Thiên Thần”.

Năm 1880, Ðức thánh cha Lêo XIII đặt ngài làm quan thầy các trường công giáo.

~^~

Lạy Chúa,

Chúa đã làm cho thánh Tôma trở nên một bậc thầy lỗi lạc,

vì đã ban cho ngài lòng tha thiết sống cuộc đời thánh thiện,

và hăng say giảng dạy đạo lý cao siêu.

Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con

ngày càng hiểu biết điều ngài dạy,

và ra công bắt chước điều ngài làm.

Amen.

(Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh ).

Lm.  Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

From: ThiênKim

Thánh Phaolô, Tông đồ của mọi người

Thánh Phaolô, Tông đồ của mọi người

Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ)

Chúa Cứu Thế


VRNs (25.01.2014) – Sài Gòn – Từ một người hăng say bắt đạo Chúa, thậm chí còn tham gia giết chết Thánh Stêphanô (Phó tế, Tử đạo tiên khởi), đã trở thành người nhiệt thành rao giảng Chúa-Giêsu-bị-đóng-đinh. Có thể nói rằng nếu không nhờ con người mạnh mẽ, thông minh và có ảnh hưởng rộng lớn này, thì niềm tin Kitô giáo có thể vẫn chỉ ở phạm vi nhỏ hẹp tại Do thái.

Từ Giêrusalem đến Damascô, sau 3 năm Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập giá, một thanh niên Do thái ở Tarsus tên Saolê bị ngã ngựa vì một thị kiến ấn tượng. Tiếng Chúa Giêsu gọi: “Saolê! Tại sao anh tìm bắt tôi?”. Bị mù vì thị kiến, thanh niên này phải có người dẫn vào thành phố. Chưa đầy 3 ngày, thanh niên này bình phục và trở nên một thụ tạo mới – một người được tuyển chọn của Thiên Chúa.

Như vậy, nhờ sự thay đổi lớn trong tâm hồn, một trong các nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử Kitô giáo đã trở nên một người có đức tin. Chàng đã bỏ tên Do thái để thay tên Latin là Phaolô. Với tư cách là Tông đồ của dân ngoại, Phaolô được sai đi truyền giáo ở Địa trung hải. Ông chuyển Kitô giáo từ một giáo phái nhỏ Do thái thành một tôn giáo có tầm cỡ thế giới. Khi thuyết giảng và thư từ, Phaolô đã có hệ tư tưởng mà cho đến nay vẫn là nền tảng của việc giáo huấn Kitô giáo.

Ngoài các thư chúng ta có, trong sách Công vụ Tông đồ là nhật ký của bạn bè, thánh Luca – thầy thuốc và tác giả Phúc âm thứ ba. Từ các nguồn đó nổi bật một đời sống có nhiều khủng hoảng, quyết định nhanh chóng, lối thoát nhỏ hẹp, những dịp gặp gỡ, và những bùng nổ rải rác tạo nên câu chuyện phiêu lưu kỳ thú.

Thánh Phaolô sinh khoảng năm 5 tại Tarsus, Tiểu Á, ngày nay là thành phố tĩnh lặng ở Thổ nhĩ kỳ, nhiều người ở đây đã trở nên công dân của Đế quốc Rôma.

Khi còn nhỏ, Saolê học kinh doanh, có thể vì người cha là người buôn vải. Nhưng Saolê lại có tài lãnh đạo. Hơn 10 tuổi, Saolê đến Jerusalem học với thầy Gamaliel. Trong đền thờ chật người, lần đầu Saolê nghe nói đến Đức Kitô rao giảng ở Galilê. Dù chưa hề gặp Chúa Giêsu, “tiếng gọi” kia vẫn làm ông thay đổi. Ông đã bách hại Giáo hội sơ khai bằng cách hành hạ các tín hữu cho đến chết, trói và tống ngục cả đàn ông lẫn phụ nữ. Người đầu tiên bị Phaolô thủ tiêu là thánh Stêphanô, bị ném đá đến chết trước mặt người Pharisiêu. Vô tri bất mộ. Nhưng rồi Phaolô đã nhận là mình được Thiên Chúa thương đặc biệt. Phaolô đã tin tưởng, kiên trì, tự nhận mình yếu đuối, và ơn tha thứ tuôn đổ trên ông. Phaolô cũng đã than phiền về tính vô định của mình: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19). Nhưng nhiệm vụ lịch sử của Phaolô là định mệnh không chọn một người khá hơn. Là dân biệt phái, Phaolô đã trích Cựu ước khoảng 200 lần trong các thư gởi các Giáo đoàn. Là người Rôma, Phaolô đã đi khắp Đế quốc, nói 3 ngôn ngữ: tiếng Aram, tiếng Do thái và tiếng Hy lạp, đồng thời còn thông thạo tiếng Latin nữa.

Với tài năng như vậy, Phaolô khả dĩ tự biến thành “mọi sự cho mọi người” – Do thái đối với người Do thái, Rôma đối với người Rôma, ngụy biện đối với người ngụy biện, chân chất đối với người chân chất. Trổi vượt, khôn ngoan và hòa đồng, Phaolô còn là người rất nhân bản, dám tin rằng mọi người đều bình đẳng dù sống ở thời kỳ phân biệt giai cấp.

Hành trình tông đồ của thánh Phaolô đã đưa ngài tới những miền đất lạ, rảo bước khắp Tiểu Á, đến đảo Cyprus để “thả lưới”, vượt sang Âu châu để rửa tội cho những người ở Macedonia. Ngài đến đâu cũng gặp thuận lợi và được chấp nhận như một người Do thái. Chỉ khi đến với dân ngoại, thánh Phaolô mới gặp sự tức giận của người Do thái. Các tư tế cho rằng nam giới phải chịu cắt bì mới được cứu độ, vì luật đã ghi như vậy. Nhưng với tư cách một nhà truyền giáo, thánh Phaolô yêu cầu mỗi Kitô hữu phải bỏ luật Môi-sê, nếu không Kitô giáo không bao giờ là tôn giáo của mọi người, mà vẫn chỉ là sự thay đổi của Do thái giáo: Đức tin mới là vấn đề chứ không phải lề luật theo nghĩa hạn hẹp của nó. Từ đó phân chia thành Công giáo và Do thái giáo.

Không hiểu bằng cách nào mà thánh Phaolô “thương lượng” được để có thể đi qua vùng Cilician Gates, nơi có nhiều bọn thảo khấu ẩn nấp trên các vách đá cheo leo và các thác nước hiểm trở như thế. Ngài thường đi bộ, nhiều đêm phải ở lại trong hang động ẩm ướt, gió lộng, tuyết phủ, mưa bão liên tiếp. Chỉ một mục đích duy nhất khiến ngài miệt mài hành trình tông đồ là “tận hiến cuộc đời cho Chúa Giêsu Kitô”.

Ngài vẫn mưu sinh khi có thể, bằng cách làm vải lều – nghề cũ của ngài. Chẳng hạn ở Côrintô, thành phố trù phú của người Hy lạp, ngài làm chung với vợ chồng người Ý. Cơ sở phát triển tốt. Mọi tầng lớp dân chúng đều ghé vào mua hoặc tham quan và trò chuyện. Tính cách và sự duyên dáng của ngài đã gây ấn tượng với khách thập phương: Một cộng đoàn mới.

Nhiều người ngoại giáo gia nhập đạo. Thánh Phaolô khuyên họ đừng nóng giận, xảo trá, nguyền rủa hoặc mỉa mai người khác. Thời gian ngài ở Côrintô khoảng năm 51 (sau công nguyên), cũng là thời điểm ngài viết các thư gởi các giáo đoàn và các sứ đồ. Kho tàng văn chương độc nhất vô nhị này là một phần trong Tân ước ngày nay, được xuất bản cùng với các Phúc âm. Được viết bằng tiếng Hy lạp cho các giáo đoàn sơ khai và các cá nhân, các thư của ngài viết không có ý tạo nên công việc đơn lẻ. Kết hợp với nhau, các thư có cấu trúc chặt chẽ về tư ưởng tôn giáo, làm cho thánh Phaolô trở nên thần học gia đầu tiên của Kitô giáo. Ngài còn là học giả uyên bác, tử tế, lịch thiệp. Những điều ngài viết ra là những trân châu ngọc bảo.

Thư gởi giáo đoàn Rôma là thư dài nhất và là kiệt tác của thánh Phaolô. Các nền tảng như ân sủng, công trạng và ý muốn tự do, bắt đầu bằng khả năng và chính xác, đó là khởi nguồn cho các thần học gia Kitô giáo. Quan niệm chính của thánh Phaolô là Ơn Cứu Độ: Loài người sống trong tội cho đến khi Thiên Chúa sai Con Ngài là Đức Giêsu đến cứu thoát. Nhờ cuộc sống và cái chết trên Thập giá, Đức Giêsu đã cứu độ nhân loại. Mọi người thực hiện Ơn Cứu Độ của chính mình bằng ân sủng và đức tin. Thánh Phaolô ẩn dụ bằng việc cởi bỏ “con người cũ” có thể ám chỉ việc thay đổi tâm tính của ngài sau biến cố ở Damascus. “Con người mới” sống trong Đức Kitô và “cái chết không còn thống trị trên Ngài”. Trước đây cô đơn và bị bỏ rơi, nhưng thánh Phaolô đã tìm thấy nguồn vui nơi chính Đức Kitô và anh em, và hân hoan tuyên bố vào cuối thời gian rằng chúng ta được kết hợp với Chúa trong vinh quang của Ngài, chúng ta sẽ gặp Ngài trực diện.

Nhiệm vụ của thánh Phaolô gọi ngài đến một nơi khác là Giêrusalem, dù ngài định đi Rôma. Ngài đến Palestine với điềm chẳng lành. Sự thù ghét manh nha trong giới lãnh đạo Do thái. Khi thánh Phaolô vào đền thờ, có tiếng gọi giật ngược. Ngài bị kết án tử vì tội đưa dân ngoại vào đền thờ. Họ kéo ngài ra khỏi đền thờ và hành hạ gần chết. Một binh sĩ Rôma kịp xông vào cùng với vài binh sĩ khác giải cứu thánh Phaolô. Rồi sau đó ngài lại bị tống ngục ở Rôma. Nhiều học giả cận đại cho rằng thánh Phaolô bị kết án và được tha bổng. Các tác giả viết sách Kitô giáo cho biết thánh Phaolô đến tận Tây ban nha và Á châu. Đó là thời gian chống Kitô giáo dữ dội. Khoảng năm 60, thánh Phaolô bị bắt lần nữa và bị giải về Rôma. Tương truyền chính vua Nero, người chống Kitô giáo kịch liệt, đã ngồi ghế thẩm phán kết án thánh Phaolô bị xử trảm tại Hang Khuynh Diệp gần Rôma. Người ta nói rằng thủ cấp của thánh Phaolô rơi xuống và nảy lên 3 lần trên đất tạo thành 3 giếng nước. Cách đó khoảng 2 dặm là Đại Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành được xây dựng chỉ sau khi ngài tử đạo một thời gian ngắn.

Đức Giêsu đã tạo lập một niềm tin mới, chuyển hóa một Saolê thành một Phaolô hiên ngang đem niềm tin đó tới mọi nơi trên thế giới để có một đạo Công giáo như ngày nay.

ERNEST O. HAUSER

Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ)

THÁNH PADRE PIO (1887-1968)

THÁNH PADRE PIO (1887-1968)

Lễ Kính 23-9
Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền Nam nước Ý. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.
Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910, và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.
Vào ngày 20.9.1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, Ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.
Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội, và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924, ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.
Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ, mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu, trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật, vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, “Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ” được hình thành với 350 giường bệnh.
Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.

Một trong những sự đau khổ của Cha Piô, là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề, mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài từ trần ngày 23.9.1968, và được phong thánh năm 2002.

Lời Bàn
Hơn bất cứ ai khác, có lẽ người Hoa Kỳ ngày nay rất thích những cuốn sách chỉ dẫn, cùng những chương trình truyền thanh, các bài báo có tính cách chỉ bảo. Chúng ta say mê với tiến bộ kỹ thuật, và không ngừng tìm kiếm các lối tắt để tiết kiệm thời giờ và sức lực. Nhưng như Thánh Phanxicô và Cha Piô biết rất rõ, không có con đường nào ngắn hơn khi sống theo Phúc Âm, không có cách nào tránh được những “giáo huấn khó khăn” của Chúa Giêsu (x. Gioan 6:60). Rao giảng về Kitô Giáo mà không có sự hy sinh cá nhân, không có thập giá, thì cũng không khác gì người mãi võ sơn đông quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh. Cha Piô coi sự đau khổ của ngài, như đáp ứng với lời kêu gọi sống Phúc Âm.

Lời Trích

“Cuộc đời Kitô hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều, nếu không phải trả giá sự đau khổ” (Lời của Cha Piô).

*******************

Xác thánh Padre Piô năm dấu thánh được trưng bầy cho dân chúng kính viếng

SAN GIOVANNI ROTONDO –

Một trong những vị thánh đương thời, được coi là đã làm nhiều phép lạ nhất, là Padre Pio. Sau 40 năm, hôm qua thi hài thánh nhân lại được trưng bầy cho những người ngưỡng mộ khắp thế giới đến kính viếng tại nơi ngài đã từng sống và cầu nguyện.
Hai mắt nhắm lại, và trên khuôn mặt thoát ra một vẻ thanh thản dịu dàng như đang ngủ. Tuy nhiên, Padre Piô đã qua đời từ năm 1968 hưởng thọ 81 tuổi, và kể từ hôm qua, 24.4.2008, thi hài thánh nhân lại được quàn công khai tại vương cung thánh đường San Giovanni Rotondo (miền Nam nuớc Ý) cho dân chúng kính viếng.



Hôm qua, có tới 15.000 người tham dự thánh lễ do ĐHY Jose Saraiva Martins cử hành, khi thi hài của thánh Piô được đưa ra trưng bầy. Thi hài của thánh Padre Piô được khai quật hôm 03.3.2008 và cho thấy còn trong tình trạng “vừa phải” sau 40 năm chôn cất. Từ ngày đó đến nay, một nhóm chuyên gia gồm các bác sĩ y khoa và chuyên ngành hóa chất, đã làm việc tận tình để tân tạo thi hài thánh nhân hầu có thể giữ và bảo tồn thi hài được lâu dài hơn, trong suốt thời gian 9 tháng trưng bày cho dân chúng đến kính viếng.

Khi còn sinh thời, Padre Piô từng là vị thánh sống của đại chúng người Ý, và là một Thầy Dòng lạ lùng của thế kỷ XX:
• Cha được in năm dấu đanh (Stigmata) tương tự như Chúa Giêsu khi chịu đóng đanh trên thánh giá, nghĩa là ngực, hai bàn tay và hai bàn chân bị đâm thủng qua, và hằng ngày máu từ các vết thương đó chảy nhỉ ra làm ướt đẫm các khăn băng và cả áo quần, khiến ngài vô cùng đau đớn.
• Cha có thể hiện diện một lúc trong nhiều địa điểm khác nhau: Nhiều lần cha vừa có mặt tại Milanô (miền Bắc Ý), vừa có mặt tại Rôma (miền Trung Ý) để cứu vớt những người tự tử, và đồng thời cha lại ngồi giải tội ở Tu Viện của cha tại miền Nam Ý.

Ba vị Giáo Hoàng đã kết án cha là người giả hình đóng kịch. Nhưng năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng cất nhắc cha lên hàng Thánh Nhân.

Nhưng trước khi được đưa trưng bày công khai cho các tín hữu kính viếng, khuôn mặt thánh Padre Piô đã được sửa sang lại bằng chất Silicon như chúng ta thấy trong hình kèm đây, và thi hài thánh nhân cũng đã được xức thuốc. Hiện người ta chỉ nhìn thấy đầu các ngón tay của thánh nhân hơi bị đen. Còn hai chân được mang tất che kín lại.
Cho đến nay, đã có khoảng 800.000 tín hữu từ khắp mọi nơi kéo về kính viếng và cầu nguyện bên thi hài thánh Padre Piô.

Lạy thánh Padre Piô, xin cầu cho chúng con!
LM Gioan Bosco Nguyễn Hữu Thy

Cha Thánh Padre Piô được trưng bày tại Vương Cung Thánh Đường San Giovanni Rôtndo, Miền Nam Nước Ý, để công chúng được tự do đến chiêm bái.




Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”
Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.
Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:
“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ.

Cha nói:
“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.

Chân dung nhà truyền giáo Phanxicô Xavie

Chân dung nhà truyền giáo Phanxicô Xavie

Trầm Thiên Thu

12/3/2013

Thánh Lm Phanxicô Xavie (Francis Xavier), vị Đại Thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, trong đó có Việt Nam, được Giáo Hội mừng kính ngày 3-12 hàng năm, và cũng là ngày giỗ của ngài, vì ngài mất ngày 3-12-1552.

Ngài sinh ngày 7-4-1506 tại Xavier, thuộc Vương quốc Navarre (nay là Tây Ban Nha). Tên khai sinh của ngài là Francisco de Jasso y Azpilicueta. Ngài là con út của ông Juan de Jaso, cố vấn riêng của Vua John III (Jean d’Albret, cai trị Navarre) và bà Doña Maria de Azpilcueta y Aznárez. Ngài có bà con với thần học gia và triết gia Martín de Azpilcueta danh tiếng.

Ngài là học trò của Thánh Inhaxiô Loyola (lập Dòng Tên, Society of Jesus -= SJ), đồng sáng lập viên của Dòng Tên, là nhà truyền giáo và là một trong bảy tu sĩ đầu tiên của Dòng Tên tại Montmartre năm 1534. Ngài làm trưởng nhóm truyền giáo tại Á châu. Ngài có công truyền bá và duy trì Công Giáo ở Ấn Độ, kể cả Nhật, Borneo, quần đảo Maluku, và những vùng chưa có dấu chân các nhà truyền giáo. Tại những vùng này, ngài tiên phong và cố gắng học tiếng bản xứ, ngài thành công nhất ở Ấn Độ. Thật lòng ngài muốn tới Việt Nam, nhưng Chúa có kế hoạch khác, nên Việt Nam không được đón tiếp ngài.

Năm 1525, ngài học ĐH Sainte-Barbe ở Paris (Pháp). Năm 1530, ngài nhận bằng thạc sĩ văn chương và dạy triết học Aristotes tại ĐH Beauvais, tương lai rộng mở, danh vọng hứa hẹn. Ngài gặp Inhaxiô Loyola và Pierre Favre tại ĐH Sainte-Barbe. Thánh Inhaxiô đặt vấn đề với ngài: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16:26). Thế là ngài bỏ tất cả để đi tu và làm linh mục, rồi tình nguyện đi truyền giáo.

Thánh Inhaxiô cùng với Thánh Phanxicô Xavie và năm anh em khác thành lập Dòng Tên ngày 15-8-1534 tại một nhà nguyện ở Montmartre, cùng nhau khấn đức nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời, đồng thời khấn hoán cải người Hồi giáo ở Trung Đông. Dòng Tên đã được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn, khi đó tu sĩ Phanxicô Xavie tới Venice (Ý) để thụ phong linh mục vào ngày 24-6-1537. Đến cuối tháng 10, bảy anh em tới Bologna và cùng làm việc trong một bệnh viện địa phương. Sau đó, Thánh Phanxicô Xavie phục vụ một thời gian ngắn tại Rôma với tư cách thư ký của Thánh Inhaxiô. Sau đó, Thánh Phanxicô Xavie dành phần nhiều cuộc đời để truyền giáo tại Á châu, chủ yếu qua lại bốn nơi là Malacca, Amboina, Ternate (Nhật) và Trung Hoa.

Ngài rời Lisbon ngày 7-4-1541 lúc ngài 35 tuổi, đi cùng hai tu sĩ Dòng Tên khác. Từ tháng 8-1541 tới tháng 3-1542, ngài tới Goa, lúc đó là thủ phủ của Ấn Độ (thuộc địa của Bồ Đào Nha), ngày 6-5-1542, 35 tháng sau khi rời Lisbon. Mùa Xuân năm 1545, Lm Phanxicô Xavie đi Malaca (cũng là thuộc địa của Bồ Đào Nha). Khoảng tháng 1-1546, ngài rời Malacca đi quần đảo Maluku, nơi ngài truyền giáo 1 năm rưỡi cho dân đảo Ambon. Ngay sau lễ Phục Sinh năm 1546, ngài trở lại Malacca.

Tháng 12-1547, tại Malaca, Lm Phanxicô Xavie gặp một người Nhật tên là Anjirō. Chính Anjirō cũng đã nghe nói về Lm Phanxicô Xavie từ năm 1545. Sau khi bị kết tội sát nhân, Anjirō trốn khỏi Nhật. Ông nói hết với Lm Phanxicô Xavie về quá khứ của mình, về văn hóa và văn chương Nhật. Anjiro làm thông dịch cho Lm Phanxicô Xavie để giao tiếp với người Nhật. Và rồi Anjirō trở thành Kitô hữu người Nhật đầu tiên và lấy tên là Paulo de Santa Fe.

Sau khi qua đời, thi hài Thánh Phanxicô Xavie được an táng trên đảo Shangchuan. Tháng 1-1553, người ta khai quật mộ Ngài và thấy thi hài Ngài còn nguyên vẹn. Rồi người ta đưa thi hài Ngài tới Nhà thờ Thánh Phaolô tại đảo Malaca vào ngày 22-3-1553. Ngày 11-12-1553, thi hài Ngài lại được chuyển tới Goa. Hòm thánh tích của Ngài được chuyển tới Nhà thờ Chúa Giêsu Giáng Sinh tại Goa từ ngày 2-12-1637.

Cánh tay phải, đã từng chúc lành và rửa tội cho nhiều người, được Tổng bề trên Claudio Acquaviva tách ra từ năm 1614 để trưng bày cho mọi người kính viếng tại Nhà thờ Il Gesù ở Rôma. Cánh tay trái của ngài được đưa về Macau. Cuối cùng được chuyển tới Nhà thờ Thánh Giuse năm 1978, rồi lại chuyển tới Nhà nguyện Thánh Phanxicô Xavie trên đảo Coloane. Mới đây, thánh tích của ngài được chuyển tới Chủng viện Thánh Giuse và Viện bảo tàng Nghệ thuật Thánh (Sacred Art Museum).

Lm Phanxicô Xavie được ĐGH Phaolô V tôn phong chân phước ngày 25-10-1619, và được ĐGH Grêgôriô XV tôn phong hiển thánh ngày 12-3-1622, cùng với Thánh Inhaxiô Loyola. Cuối cùng, ĐGH Piô XI tôn phong Thánh Phanxicô Xavie làm bổn mạng các xứ truyền giáo (Patron of Catholic Missions).

Tôi trung không thờ hai chủ.

Tôi trung không thờ hai chủ.

“Tôi trung không thờ hai chủ” lời cuối cùng phát ra từ miệng thánh Phanxicô Nguyễn Cần tóm tắt cuộc đời của thày, một người tôi trung, đã suốt đời trung thành với Chúa, phục vụ tha nhân, sống trung thực với suy nghĩ của mình, trung tín với giáo lý Tin Mừng và cuối cùng đã trung kiên vượt qua mọi thử thách, xứng đáng nhận lời chúc phúc “hãy vào hưởng niềm hoan lạc của Chúa trên trời”. (Mt. 25,21).

Phanxicô Nguyễn Cần còn có tên Nguyễn Tiên tức Tiên Truật, sinh năm 1803, tại làng Sơn Miệng, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, Hà Nội. Từ niên thiếu, cậu Cần đã ước ao dâng mình trong nhà Chúa, nhưng mẹ cậu vì thương nhớ, không muốn xa con nên từ chối. Cậu phải nói với mẹ: “Nếu mẹ không bằng lòng con ở với cha xứ nhà, con sẽ trốn đi, ở với cha xứ khác”. Thế là bà mẹ cũng phải chiều ý, cho cậu ở với cha Nghi, chánh xứ Sơn Miêng.

Nhờ đức hạnh tốt và siêng năng, cậu được vào chủng viện, trở thành thày giảng, được cử đi giúp Đức cha Havard Du, rồi cha Retord Liêu (năm 1838 lên chức Giám mục, gọi là Đức Thày Liêu). Cha Liêu đã nhận xét về thày Cần: “Thày giúp tôi học tiếng Việt, chia sẻ với tôi mọi khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn. Thày rất nhiệt tâm trong việc tông đồ”.

Ngày 19.4.1836, cha Liêu nhờ thày đi mời cha Tuấn về xứ Kẻ Chuông giảng, chuẩn bị lễ Phục Sinh. Nhưng khi thày đến xứ Kẻ Vạc, nơi cha Tuấn ở thì bị bắt. Quân lính dấu ảnh tượng vào túi xách của thày để có chứng cớ cụ thể. Thày bị giải về huyện Thanh Oai và bị tống giam vào ngục.

Trước công đường, quan nói thày đừng tin vào các đạo trưởng, và hãy đạp lên ảnh đạo, quan sẽ tha cho về nuôi mẹ già. Thày trả lời : “Thưa quan, tôi chưa thấy các đạo trưởng lừa dối ai bao giờ, còn mẹ già tôi không lo, tôi xa nhà đã lâu chẳng giúp gì cho bà”. Sau đó quan dùng nhiều lời khiếm nhã phê bình về đạo, thày bình tĩnh giải thích lại rồi trình bày về 10 điều răn Thiên Chúa và sáu điều răn Hội Thánh, thày kết thúc bằng một lời tự nguyện, tự phát rất cảm động. Mọi người ở đó đều cản phục. Quan tuyên bố kết thúc phiên tòa, đưa thày về trại giam. Nhưng quan nói nhỏ với những người đứng bên : “Anh này nói cũng có lý. Những giới răn và kinh nguyện của anh ta chứa đựng nhiều điều tốt lành, có lẽ còn dễ hiểu hơn bản “thập điều” của nhà vua nữa”.

Một dạ sắt son.

Phần cha Liêu ở nhà rất buồn, cha tìm mọi cách cứu mạng cho thày Cần. Cha cho người đem tiền theo thân mẫu thày lên huyện để chuộc. Mới đầu quan đòi 300 quan, sau tăng lên 500, rồi 600, vượt qua con số dự trù, có lẽ vị quan đó không dám cho chuộc thì đúng hơn. Thày Cần an ủi mẹ: “Xin mẹ đừng lo cho con, con đã ước ao tử đạo từ lâu, xin mẹ chỉ cầu nguyện cho con là đủ”.

Có nhiều người tỏ lòng thương hại thày Cần. Quan khuyên thày bước qua Thập Giá, thày cương quyết từ chối. lính khiêng thày đặt lên tượng ảnh Chúa, thày ôm chặt lấy chân và la lên: “Tôi không đạp lên ảnh Chúa đâu”. Một số giáo dân đã bỏ đạo nói: “Tội nào Chúa chẳng tha, Phêrô chối Chúa ba lần mà còn làm thủ lãnh Giáo Hội”. Người khác lừa dối: “Cha Liêu nhắn thày cứ bước qua Thánh Giá, rồi sẽ về liệu sau”. Họ còn đe dọa: “Nếu thày không nghe, quan sẽ làm khổ cả làng đó”. Nhưng tất cả không làm xoay chuyển ý chi sắt đá của vị chứng nhân đức Kitô.

Thày quả quyết : “Dù thiên thần xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng tin. Dù kính trọng cha Liêu, tôi không thể làm điều sai lạc đó được. Hơn nữa, tôi biết chắc ngài không ra lệnh tôi làm như vậy. Còn với dân chúng, tôi thương mến thật, nhưng cũng không vì họ mà tôi xúc phạm đến Chúa”.

Nhiều người ngoại giáo nói với nhau: “Giá như đạo mình bị cấm, chắc ta đã bước qua ảnh tượng trăm lần… Tượng đồng, ảnh giấy có chi mà sợ”. Thấy không thể lay chuyển được người tôi chung của Chúa Kitô, quan cho giải thày Cần lên Hà Nội. Tám tháng tù ở Thanh Oai, mười tháng từ ở Hà Nội, là cả chuỗi ngày cực hình đổ trên người thày : cổ mang gông, tay mang xiềng xích, chân bị cùm… nhà tù thì nồng nặc mùi hôi hám, vì tù nhân phóng uế tại chỗ, lính canh đánh đập thày mỗi ngày để tra khảo tiền bạc. Trong một lá thư gửi cha Liêu, thày viết : “Con bị tra tấn ba lần, hai lần đầu, mỗi lần 60 roi, lần sau 50 roi, nhà giam đã chật hẹp hôi hám, lại có hơn chục anh đầu trộm đuôi cướp, ăn nói lỗ mãng, ban ngày say sưa, ban đêm cờ bạc, lúc nào cũng ồn ào làm con khó cầu nguyện quá”.

Tông đồ trong trại giam

Thế nhưng, thày không chán nản, mà coi đó là môi trường Chúa gởi đến. Thày kiên nhẫn giúp được hai tù nhân hối cải, dạy giáo lý và rửa tội được vài người, chúng ta hãy đọc một đọan thư thày viết từ trạigiam ở Hà Nội :

“Con báo để cha an tâm. Ở đâu con cũng được mọi người thương mến, dù quan hay dân và các bạn tù đều kính trọng gọi con bằng thày, có người còn tặng con danh hiệu khác nữa. Hầu hết họ cảm thương con bị đau khổ, hoặc khen con vững chí. Con hay bàn luận với họ và biết nhiều điều mê tín của họ, nhưng chưa biết khuyyên bảo họ sao bây giờ. Có một ông Chánh tổng cũng bị giam ở đây, hứa với con khi ra tù sẽ theo đạo và sống theo những điều con giảng… Thưa cha, con thấy người đời sẵn sàng chịu nhiều khổ sở để được giầu sang hoặc danh vọng chóng qua, lẽ nào con không nhẫn nại, chịu những sự khó qua mau này, để được vinh quang đời đời”.

Viên cai ngục Hà Nội thấy tác phong của thày Cần, dự đoán : “Ông này chỉ bằng nắm tay mà nghị lực phi thường. Ông ta mà chết chắc sẽ trở lên Thành Hoàng của làng chứ chẳng chơi”. Cũng trong thời kỳ ở Hà Nội, có lần thày Cần bị bệnh nặng, một linh mục giả làm thày lang vào giải tội, cho thày được rước lễ và xức dầu. Nhưng sau đó thày được bình phục ngay.

Ngày 20.11.1837, bản án vua Minh Mạng châu phê ra tới Hà Nội. Quan Tổng trấn khuyên thày nhắm mắt bước qua Thập Giá. Thày nói: “Mắt thì nhắm được, chứ lòng trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm”. Quan lại cho xếp chéo hai khúc gỗ và nói: “Đây không phải ảnh Chúa, gỗ này cũng chưa được làm phép, cứ bước qua đi sẽ thoát chết”. Nhưng thày không làm vì biết đó là dấu hiệu chối đạo.

Và thiên thu vĩnh phúc.

Một tuần sau, thày Phanxicô Cần bị điệu ra pháp trường cửa ô Cầu Giấy. Năm viên quan cưỡi voi đi trước, 10 cai đội cưỡi ngựa theo sau, rồi đến 300 lính vũ lâm, mặc binh phục đỏ, tay cầm kiếm. Một người cầm tấm thẻ ghi bản án: “Can phạm theo đạo Gia Tô, không chịu bước qua Thập Giá, án xử giải”. Dân chúng hôm đó, đi xem rất đông.

Tại pháp trường, khoanh dây thừng đã quấn quanh cổ, thày Cần vẫn bình tĩnh cám ơn mọi người, nói với họ về cái hết theo đức tin Công Giáo, về hạnh phúc đời sau và hứa sẽ nhớ đến họ khi về bên Chúa. viên quan cố thuyết phục lần chót: “Anh có thể cứu mạng mình. Anh không trộm cướp, cũng không làm loạn, bản án của anh còn có thể rút lại được, chỉ cần anh bước một bước qua Thập Tự. Nhưng thày trả lời : “Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ an mà thi hành”. Quan ra lệnh, tức khắc quân lính kéo mạnh hai đầu dây, người môn đệ Chúa Kitô gục dầu tắt thở, lãnh cành vạn tuế tử đạo ngày 20.11.1837, khi mới 34 tuổi.

Thi hài vị tử đạo được an táng tại Chân Sơn, sau cải táng về nhà thờ xứ Sơn Miêng. Đức Lêo XIII suy tôn thày Nguyễn Cần lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lời tiên đoán vô tình của viên cai ngục đã trở thành hiện thực. Ngày nay, thánh Phanxicô Nguyễn Cần không những là “Thành Hoàng” của làng Sơn Miêng, mà hơn thế, là Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam và được cả Giáo Hội hoàn cầu ngưỡng mộ.

CHÚA GỬI THÁNH NỮ TERESA AVILA ĐẾN HỎA NGỤC

CHÚA GỬI THÁNH NỮ TERESA AVILA ĐẾN HỎA NGỤC

(Trích chương 32 của tác phẩm Thánh Têrêsa Avila, Tiểu Sử và Tự Thuật.)

ALT

Một thời gian lâu sau khi Chúa đã ban cho tôi nhiều hồng ân mà tôi đã trình bày, cùng với một số ân huệ cao siêu khác nữa, thì một hôm đang khi cầu nguyện, đột nhiên không biết làm sao tôi thấy mình nhào thẳng vào hỏa ngục.  Tôi nhận thức đó là ý Chúa muốn cho tôi thấy cái chỗ ma quỷ đã dọn sẵn cho tôi trong hỏa ngục, và tôi đáng vào chỗ ấy vì tội lỗi của tôi.

Cảnh tượng này diễn ra trong giây lát, nhưng thiết nghĩ, dù có sống bao nhiêu năm đi nữa, tôi cũng không thể quên đi được.  Lối vào hỏa ngục coi giống như ngõ hẻm dài và hẹp, hay như một đường hầm ẩm thấp, tối tăm, chật chội, ngập tràn một thứ bùn hôi thối, dơ bẩn và lúc nhúc những rắn độc.  Cuối đường là một cái hốc rất chật hẹp khoét vào tường, và tôi bị dồn nén trong cái hốc đó.  Tả như vậy thì còn là dễ chịu so với những gì thực sự tôi cảm thấy ở đó, vì tôi không có cách nào diễn tả cho đủ.

Quả thật, những đau khổ, khốn nạn tôi phải chịu lúc đó, tôi không thể nào diễn tả được trong muôn một: mà cũng không ai có thể hình dung được chút nào.  Tôi cảm thấy một thứ lửa thiêu đốt linh hồn tôi mà tôi không thể diễn tả bản chất nó như thế nào.  Trong khi thân xác tôi cũng phải chịu những đau đớn thật là khủng khiếp.

Trong đời tôi, tôi đã chịu những đau đớn dữ dội nhất, chẳng hạn như giây thần kinh co rút trong suốt thời kỳ tôi bị tê bại, mà theo các bác sĩ, đó là những đau đớn tột bực, và còn nhiều thứ đau đớn khác nữa, mà một số do chính ma quỷ gây nên cho tôi, như đã nói.  Nhưng tất cả những đau đớn ấy không là gì cả, so với thứ đau đớn tôi cảm thấy trong lúc ở hỏa ngục.  Càng không thể nói gì về nỗi kinh hoàng bởi biết rằng những đau đớn ấy sẽ kéo dài vô tận và không bao giờ nguôi ngoai.  Dẫu vậy, tất cả những đau đớn này vẫn không là gì so với cơn hấp hối của linh hồn.

Linh hồn như bị bóp nghẹt, khắc khoải, kinh hoàng và sầu khổ vô hạn, một thứ sầu khổ tuyệt vọng và cùng cực không thể diễn tả.  Nói rằng nỗi đau đớn ấy giống như linh hồn bị liên lỉ xé rời khỏi xác thì còn quá êm dịu, vì nói như thế có thể có nghĩa là một người nào khác đoạt lấy sự sống của mình; còn trong trường hợp này, chính linh hồn tự xé nát mình ra từng mảnh.

Thật sự, tôi không thể tìm được lời lẽ nào để diễn tả thứ lửa nội tâm và sự tuyệt vọng đó, một thứ tuyệt vọng ray rứt não nề còn hơn những cực hình và đau đớn cay đắng nhất.  Tôi không thấy ai gây nên những khổ cực ấy, nhưng tôi cảm thấy như vừa bị thiêu đốt, vửa bị phân ra từng mảnh.  Tôi xin nhắc lại: yếu tố làm cho linh hồn khốn cực nhất là thứ lửa nội tâm và nỗi tuyệt vọng kia.  Trong chốn cực hình, không mảy may hy vọng khuây khỏa đó, nằm không được mà ngồi cũng không được, vì không có chỗ.  Tôi bị nhét vào đó như trong cái lỗ khoét vào tường, mà mặt tường thì coi khủng khiếp biết bao!  Cảnh tượng này đè nặng trên tôi làm cho tôi nghẹt thở hoàn toàn.  Không có ánh sáng.  Mọi sự đều ở trong tối tăm dầy đặc.  Điều tôi không sao hiểu được là dẫu không có ánh sáng, vẫn có thể nhìn thấy mọi sự gây nên đau khổ cho mình trước mắt.

Lúc ấy Chúa không muốn cho tôi gì hơn nữa về hỏa ngục, nhưng trong một thị kiến khác, tôi đã thấy những hình phạt hãi hùng để phạt một vài nết xấu.  Nhìn vào những hình phạt ấy, tôi thấy còn khủng khiếp hơn nhiều; nhưng vì tôi không phải chịu những hình phạt ấy, nên tôi ít sợ hãi hơn.  Còn trong thị kiến trước, trái lại, Chúa đã muốn cho tôi thực sự cảm thấy bằng lòng trí, những cực hình và thống khổ ấy như thể chính thân xác tôi đã phải chịu những cực hình ấy vậy.  Tôi không hiểu việc ấy xẩy ra làm sao, nhưng tôi nhận thức rõ ràng, đó là một ân huệ lớn lao và chính là ý Chúa muốn cho tôi nhìn tận mắt cái vực thẳm mà Lòng Thương Xót Chúa đã cứu tôi thoát khỏi.

Những sách vở mô tả cảnh tượng hỏa ngục chẳng là gì cả, so với chính sự thật.  Người ta không thể hình dung ra được thứ hình khổ nào tương tự (như đôi khi tôi vẫn tưởng tượng, dù chỉ họa hiếm, vì con đường sợ hãi không thích hợp cho linh hồn tôi).  Những cảnh tượng ma quỷ xâu xé người ta và nhiều thứ khổ hình khác như tôi đã đọc thì cũng chẳng là gì so với cực hình này.  Đó là hai thực tại khác nhau như bức họa so với chính sự thật.  Bất cứ sự thiêu đốt nào trên mặt đất này đều chẳng là gì so với chính lửa hỏa ngục.

Tôi khiếp đảm khi chịu tất cả những khổ hình này và dù đã gần sáu năm trôi qua, mà khi viết những dòng này, tôi vẫn cảm thấy dường như tôi đang ở đó, nỗi sợ hãi xâm chiếm hết con người tôi, làm tôi lạnh toát.  Không khi nào nhớ lại cảnh tượng này mà tôi lại không thấy những đau khổ thử thách và bất cứ những gì chúng ta có thể chịu trên mặt đất này đều chẳng là gì cả.

Vì thế, về phương diện nào đó, tôi nghĩ chúng ta phàn nàn là phi lý.  Tôi xin nhắc lại: thị kiến đó là một trong những hồng ân đặc biệt nhất Chúa đã đoái thương ban cho tôi, và hồng ân ấy đã sinh ích lớn lao nhất cho tôi.  Nó vừa chữa tôi khỏi sợ hãi trước những đau khổ buồn phiền và những phản kháng của người đời, vừa tăng cường sức mạnh cho tôi để chịu đựng tất cả với niềm tri ân cảm tạ Thiên Chúa, vì tôi tin chắc rằng chính Người đã cứu tôi thoát khỏi những khổ hình kinh khiếp và vô tận ấy. Tôi nói lại, là từ đó, mọi sự đều trở nên nhẹ nhàng đối với tôi, so với chỉ một giây lát của cực hình tôi đã trải qua trong thị kiến.  Tôi bàng hoàng nhớ lại trước kia, sau khi đọc nhiều sách trình bày những hình phạt hỏa ngục, mà tôi chẳng hề biết sợ như đáng phải sợ, và tôi cũng chẳng có một ý niệm xác đáng về những hình khổ ấy.  Vậy thì lúc ấy tôi ở đâu?  Làm sao tôi có thể thản nhiên trong những gì lôi cuốn tôi vào chốn khủng khiếp như thế?  Lạy Thiên Chúa của con, chúc tụng Chúa đời đời!  Thật rõ ràng là Chúa yêu con hơn con yêu chính mình con nhiều biết bao!  Lạy Chúa, chẳng phải là đã bao phen Chúa giải thoát cho con khỏi tù ngục ghê sợ ấy và rồi con lại lao mình vào đó nghịch với ý Chúa đó sao?

Thị kiến này còn gây cho tôi một nỗi đau đớn rất sâu xa vì thấy vô số linh hồn phải trầm luân, cách riêng là những người ly giáo Luthêrô, vì họ đã chịu phép rửa tội và trở nên chi thể của Giáo Hội.

Thị kiến cũng gợi cho tôi ước muốn mãnh liệt được nên hữu ích cho các linh hồn: tôi sẵn sàng chết muôn ngàn lần để giải thoát dù chỉ được một trong những linh hồn khốn khổ ấy khỏi cực hình khủng khiếp kia.

Tóm lại, trên trái đất này, khi chúng ta trông thấy ai, nhất là những người thân yêu của chúng ta phải chịu đau khổ thử thách nặng nề hay đau đớn dữ dội, thì tự nhiên chúng ta đã động lòng thương, và nếu thấy họ đau đớn quá mức, thì ta lại càng cảm thương hơn.  Vậy thì còn ai có thể đứng dửng dưng nhìn một linh hồn phải chịu cực hình khủng khiếp trên mọi khủng khiếp ấy?  Không một trái tim nào lại không tan vỡ khi nhìn thấy nỗi đau đớn ấy.  Vì ngay những đau đớn ở thế gian này, chúng ta biết là có ngày sẽ hết và sẽ chấm dứt với cái chết, mà chúng ta cũng còn xúc động cảm thương sâu xa.  Phương chi những nỗi đau đớn kia, vô cùng vô tận, thì sao chúng ta lại có thể thản nhiên nhìn ma quỷ hằng ngày lôi cuốn vào đó biết bao linh hồn!

Thị kiến này cũng làm cho tôi có một ý định dứt khoát rằng trong vấn đề tối quan trọng là việc cứu rỗi các linh hồn, chúng ta chỉ được phép thỏa mãn với điều kiện làm hết mọi việc phải làm, làm hết mọi việc chúng ta có thể làm.  Nguyện xin ban ơn cho chúng ta thực hiện được ý định đó.”

From: langthangchieutim

ASSISI, QUÊ HƯƠNG THÁNH PHANXICÔ

ASSISI, QUÊ HƯƠNG THÁNH PHANXICÔ

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

10/2/2013

Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Assisi ngày 4 tháng 10. Trong dịp này, Đức Thánh Cha sẽ đến viếng mộ Thánh Phanxicô và mộ Thánh Clara. Ngài cũng sẽ gặp những người nghèo và giới trẻ.Vào lúc 7 giờ sáng, máy bay trực thăng chở Đức

Thánh Cha rời Roma và đáp xuống sân vận động của Trung tâm Thánh Phanxicô tại Assisi lúc 7g45. Tại đây Đức Thánh Cha sẽ gặp các bệnh nhi và trẻ khuyết tật. Sau đó ngài đến viếng Đền thánh San Damiano vào lúc 8g45. San Damiano là ngôi nhà nguyện nhỏ được Thánh Phanxicô trùng tu. Sau đó Đức Thánh Cha đến Toà giám mục gặp những người nghèo được Caritas trợ giúp.Tiếp theo, Đức Thánh Cha đến Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô. Tại đây Đức Thánh Cha xuống khu hầm mộ để viếng mộ Thánh Phanxicô.Lúc 11g00, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ tại Quảng trường Thánh Phanxicô Assisi, sau đó đến Trung tâm tiếp nhận của Caritas, để dùng bữa ăn trưa với những người nghèo.Sau khi ăn trưa, Đức Thánh Cha đến thăm Tu viện Carceri và cầu nguyện trong căn phòng của Thánh Phanxicô. Buổi chiều, lúc 15g15, Đức Thánh Cha gặp các giáo sĩ, tu sĩ và các thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo phận tại Nhà thờ chính toà Thánh Ruffinô.

Sau đó ngài đến Vương cung thánh đường Thánh Clara, và thinh lặng suy niệm trước Thánh giá Thánh Đamianô.Tiếp theo Đức Thánh Cha đến Vương cung thánh đường Nữ vương các Thiên thần; vào lúc 17g45, Đức Thánh Cha gặp giới trẻ vùng Umbria tại quảng trường và trả lời các câu hỏi.

Chặng cuối cùng, lúc 18g45, Đức Thánh Cha viếng thăm Đền thánh Rivotorto.Cuối cùng Đức Thánh Cha đáp máy bay trực trăng lúc 19g15 và trở về Vatican lúc 20g00. (Vatican Radio).

Năm Đức Tin, tôi đi hành hương đến Assisi, xin gởi đến quý độc giả những ghi nhận từ những nơi hành hương để cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tại Assisi.

1. Thánh Phanxicô chọn nếp sống nghèo khó

Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi phía bắc Rôma. Cha của ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ. Mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức.Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gauthie de Brienneur đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát !”. Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại các Nhà thờ cạnh Assisi. Trong hai năm, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula.Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24-2-1208, đang dữ lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng… Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy…” (Mt 10,10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, nên quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Giá (Mt 19,21; Lc 9,1-6; Mt 16,24). Phanxicô công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ.Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu những người nghèo, những bệnh nhân. Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.

Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật. Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn. Họ trở thành 12 “người đền tội” và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định. Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.

Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, “Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần.” Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.

Ngài qua đời vào ngày 3-10-1226.
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.

2. Vương Cung Thánh Đường Đức Maria Các Thiên Thần

Vương cung Thánh đường nằm ở vùng đồng bằng dưới chân đồi Assisi. Sau khi chụp tấm hình chung đoàn tiến vào Nhà thờ. Bề ngoài trông đơn sơ nhưng bên trong rất rộng cùng với nhiều nhà nguyện nhỏ và nhiều bức tượng tranh ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp.

Trong lòng Nhà thờ có “The Portiuncola”, nơi đây được coi như là nhà mẹ đầu tiên, nơi Thánh Phanxicô lập dòng Anh em hèn mọn.

Ngôi Nhà thờ nhỏ từ thế kỷ thứ 9 là Porziuncola, nơi linh thánh nhất đối với các tu sĩ Phanxicô. Đây là nơi Thánh Phanxicô thời thanh niên tìm hiểu ơn gọi rồi từ bỏ thế gian để sống nghèo khó giữa những người nghèo và bắt đầu phong trào Phan Sinh.

Sau khi thánh nhân qua đời năm 1226, các tu sĩ xây dựng những túp lều nhỏ chung quanh Porziuncola. Năm 1230, một phòng ăn và một số tòa nhà kế cận được thêm vào. Theo dòng thời gian, những mái cổng nhỏ và những phòng ở của các tu sĩ được thêm vào chung quanh Porziuncola. Từ năm 1967 và 1969, trong khi khai quật, người ta đã phát hiện một số cơ sở dưới nền của ngôi Vương cung Thánh đường hiện tại.

Khi khách hành hương đến Assisi ngày càng đông để lãnh nhận “ân xá Assisi”, không gian nhỏ bé của Porziuncola đã không còn đủ sức chứa. Nhu cầu là cần phải xây dựng một ngôi nhà thờ mới kết hợp với Porziuncola. Theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô V (1566-1572), các tòa nhà chung quanh Đền thánh bị tháo gỡ, trừ nguyện đường Transito và căn phòng nơi Thánh Phanxicô qua đời.

Ngày 25 tháng 3 năm 1569, khởi công.Vương cung Thánh đường này được xây dựng theo phong cách Mannerist đến 1679 mới hoàn thành.

Phong cách Mannerist, tiền thân của phong cách Baroque. Hai kiến trúc sư nổi tiếng là Galeazzo Alessi và Vignola thiết kế. Công trình xây dựng tiến triển chậm chạp do thiếu tiền liên tục vì chỉ nhờ vào sự đóng góp địa phương. Mái vòm nằm trên cái trống hình bát giác với tám cửa sổ và những đường gờ trang trí chạy chung quanh, được hoàn thành năm 1667. Công trình xây dựng cuối cùng đã được hoàn thành vào năm 1679. Đến năm 1684, một tháp chuông đã được thêm vào. Ban đầu dự định có một tháp đôi, nhưng tháp thứ hai không được xây dựng.

Ngày 15 tháng 3 năm 1832, động đất đã phá hủy một phần nhà thờ. Đến năm 1836 tái thiết lại dưới sự điều khiển của kiến trúc sư Luigi Poletti. Công trình hoàn thành vào năm 1840. Ông sửa lại mặt tiền theo phong cách tân cổ điển. Khoảng năm 1924 – 1930, Cesare Bazzani đã đưa mặt tiền thánh đường trở lại phong cách Baroque ban đầu. Điêu khắc gia Colasanti đã tạc bức tượng mạ vàng Madonna degli Angeli và đặt trên đỉnh đầu của mặt tiền nhà thờ vào năm 1930.

Ngày 11 Tháng 4 năm 1909, Nhà thờ đã được Đức Giáo Hoàng Piô X nâng lên hàng “Vương Cung Thánh Đường thượng phụ và là nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng”.

Nhà thờ với 126 mét dài, 65 mét rộng và mái vòm cao 75 mét.

Bên trong Thánh đường có gian giữa và lối đi hai bên với 10 nhà nguyện. Porziuncola nằm dưới mái vòm.

Nội thất Nhà thờ đơn giản nhưng thanh lịch với ít đồ trang trí, hoàn toàn trái ngược lối trang trí các nhà nguyện phụ. Gian giữa và các lối đi được xây dựng lại theo phong cách Doric tân cổ điển do Luigi Poletti thực hiện. Phần bán nguyện phía sau cung thánh là chỗ ca đoàn được làm bằng gỗ vào năm 1689 và được các tu sĩ Phanxicô tạc hình Nhà thờ Chính tòa và bàn thờ Giáo hoàng. Nhà nguyện của Transito có phòng nơi Thánh Phanxicô qua đời, vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Các nghệ sĩ lừng danh đã trang trí các nhà nguyện hai bên vào nhiều thời kỳ khác nhau. Antonio Circignani đã họa các bức tranh trong Nhà nguyện Thánh Anna (1602-1603). Francesco Appiani trang trí hai Nhà nguyện Thánh Antôn và Thánh Phêrô bị xiềng (1756-1760). Ventura Salimbeni trang trí Nhà nguyện Loại trừ Chúa (1602).

Rời Vương Cung Thánh Đường chúng tôi theo hướng Foligno đi khoảng 3 km đến Đền thờ Đức Maria Rivotorto là ngôi nhà đầu tiên của các tu sĩ Phanxicô.

3. Đền thánh Đức Maria ở Rivotorto.

Bước vào bên trong Nhà thờ, ngay cửa chính, tôi thấy có hai ngôi nhà cũ kỹ xây bằng đá, trần lợp tôn ximăng rất thấp. Đây là nơi các môn đệ đầu tiên của thánh Phanxicô trú ngụ, sau đó họ di chuyển đến Porziuncola.

Trong ngôi nhà nhỏ bé này, Thánh Phanxicô đã triển khai, áp dụng và viết luật Dòng theo tinh thần đơn sơ, khó nghèo và cầu nguyện.

Năm 1209, từ nơi này, thánh nhân đã khởi hành cùng với 11 người bạn đến Roma yết kiến Đức Giáo Hoàng Innocentê III. Đức Giáo Hoàng đã chấp thuận bằng miệng Luật dòng của ngài. Đến năm 1223, Đức Giáo Hoàng Onorio III đã chuẩn y Luật dòng.

Hai ngôi nhà nhỏ này có lẽ không phải là hai ngôi nhà nguyên thủy vào năm 1200, nhưng là kết quả của việc tái cấu trúc lại ngôi nhà từ năm 1445 do tu sĩ Monk Francecso Saccardo thực hiện. Linh mục Tổng đại diện ở Assisi đã cho phép xây dựng ngôi nhà nguyện để cử hành Thánh Lễ.

Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng lại theo phong cách Gothic sau trận động đất năm 1854, nó thuộc quyền sở hữu của dòng Phanxicô thuộc phái Conventual (tuân thủ) có nhà dòng nằm bên cạnh.

Các cánh cửa được trang trí rất đẹp và trình bày những phép lạ của Rivotorto: Thánh Phanxicô đang chờ đợi để được hầu chuyện với Giám mục Guido II với hình ngài đang bay trên một toa xe ánh sáng từ các tu sĩ ở Rivotorto.

Chúng tôi tiếp tuc thăm nhà thờ Thánh Đamianô, nơi thánh Phanxicô lập tu viện cho dòng Clara. Xuôi theo con dốc gần cây số, 2 bên đường là vườn ôliu, tôi thấy tu viện Đamianô đơn sơ và thanh thoát.

4. Nhà Thờ Thánh Đamianô

Nơi đây, Thánh Phanxicô gặp gỡ Chúa Giêsu. Thánh nhân đã cầu nguyện tại San Đamiano ngay tại thời điểm Nhà thờ bị hư hại. Thánh Phanxicô đã nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh sống động. Chúa với ngài: “Phanxicô, con không thấy ngôi nhà của Ta đổ nát hay sao, hãy đứng lên và khôi phục nó lại!”. Thánh Phanxicô đã sửa chữa lại nhà thờ San Đamiano. Sau đó, thánh nhân hiểu rằng sứ điệp của Chúa nói với ngài là phục hồi lại Giáo Hội hơn là sửa chữa ngôi thánh đường San Đamiano.

Cây Thánh Giá mà từ đó Chúa Giêsu nói với Thánh Phanxicô được coi như là cây Thánh giá Thánh Đamiano. Hiện nay cây Thánh giá đang được treo tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Clara.

Nhà thờ Thánh Đamiano nối liền với tu viện. Đây là Tu viện đầu tiên của Dòng Thánh Clara, nơi Thánh nữ thiết lập cộng đoàn tiên khởi.

Chúng tôi thăm phòng nguyện, thăm nhà cơm nơi đặt bình hoa là chỗ ngồi hàng ngày của Clara. Lên gác thăm phòng ngũ thấy các Nữ tu sống khổ hạnh trong những phòng quá nhỏ bé nghèo nàn.

Từ Tu viện đi bộ lên dốc cao, rồi đi thang cuốn lên một dốc cao hơn chúng tôi đi đến Vương cung Thánh đường Clara.

5. Vương Cung Thánh Đường Thánh Clara

Vương cung Thánh đường Thánh Clara được xây dựng theo phong cách Gothic Ý giữa 1257 và 1265. Vật liệu kiến trúc là loại đá màu hồng được chiết xuất từ các mỏ đá của núi Subasio. Trong Đền thờ có những bức bích họa quý giá với niên đại vào khoảng từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV.

Bên phải có nhà nguyện, nhiều người đang chiêm ngắm tượng Chúa chịu nạn. Theo truyền thống, tượng chịu nạn này đã mời gọi Phanxicô “vực dậy Giáo Hội” ở Nhà thờ Thánh Đamiano.

Nhà nguyện này là di tích còn lại của ngôi Nhà thờ trước đó kính Thánh Giorgio.

Từ bên trái cung thánh có lối xuống tầng hầm. Nơi đây có phần mộ đặt thi hài thánh Clara. Ở đây lưu giữ một số di tích đặc biệt, trong đó có áo dòng của Thánh Phanxicô và tu phục của Thánh nữ Clara.

Từ quảng trường phía trước Đền thờ chúng tôi ngắm nhìn thung lũng Umbrian từ Montefalco tới Perugia trong ánh nắng lên đuổi bớt gió se lạnh đang thổi.

Thánh Clara làm bề trên tu viện trong 40 năm, nhưng có đến 29 năm ngài luôn đau yếu. Vậy mà lúc nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói: “Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự nghèo hay không?”

Thánh Clara là người nữ đầu tiên viết luật dòng cho chị em mình. Năm 1252, Đức Giáo Hoàng Innocentê IV đã chính thức phê chuẩn luật dòng của Thánh nữ khi ngài tới ban phép lành cho Dòng “Clarisse” vào ngày 9-8-1253.

Thánh nữ qua đời vào ngày 11-8 -1253. Đức Giáo Hoàng Innocentê IV cử hành lễ tang cho ngài. Chính Đức Giáo Hoàng không muốn hát bộ lễ cầu hồn, ngài cử hành nghi thức thánh lễ các trinh nữ. Chỉ hai năm sau, Clara đã được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV phong thánh.

6. Vương Cung Thánh Đường Thánh Rufinô

(Có giếng rửa tội nơi thánh Phanxicô và Clara đã được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy; trong Nhà thờ còn có tượng Pietà theo nghệ thuật của Đức vào thế kỷ XV).

Vương cung Thánh đường Thánh Rufino có tầm mức quan trọng trong lịch sử của dòng. Thánh Phanxicô, Thánh Clara và nhiều đệ tử ban đầu của Thánh nhân đã được rửa tội tại đây khi nghe Thánh Phanxicô rao giảng trong nhà thờ này. Năm 1209, Clara cảm động trước sứ điệp của Phanxicô rao giảng và thực hiện lời kêu gọi của ngài.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách Umbrian Roman và được xây dựng trên địa điểm có lưu giữ di tích của Giám mục Rufino tại Assisi, chịu tử đạo vào thế kỷ thứ III. Công trình khởi công từ năm 1140 theo thiết kế của Giovanni da Gubbio. Các dòng chữ ở bên trong vòng cung sau cung thánh đã chứng thực điều này. Có thể cũng chính Giovanni là người đã thiết kế các cửa sổ hoa hồng trên mặt tiền của Nhà thờ Đức Maria Maggiore vào năm 1163.

Năm 1228, trong khi đến Assisi để phong thánh cho Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Gregoriô IX đã thánh hiến bàn thờ. Đức Giáo Hoàng Innocent IV đã khánh thành Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1253.

Mặt tiền Nhà thờ theo phong cách Roma được xây dựng bằng đá lấy từ núi Subasio. Đây là một ví dụ điển hình của phong cách các nhà thờ vào thế kỷ thứ 12 ở vùng Umbria.

Ở bên trong Nhà thờ, giếng rửa tội được đặt ở đầu cánh bên phải Nhà thờ, Thánh Phanxicô đã được rửa tội ở đây vào năm 1182. Thánh nữ Clara được rửa tội ở đây vào năm 1193. Giếng rửa tội được làm bằng một miếng đá granit cổ đại và có một cái đai sắt. Nhà tạm bằng đất nung đỏ có từ năm 1882 nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày sinh của Thánh Phanxicô.

Cánh bên phải là Nhà nguyện Mình Thánh Chúa theo phong cách Baroque (bắt đầu năm 1541 và mở rộng năm 1663), 9 bức tranh tường được cho là vào thế kỷ 17 do họa sĩ Andrea Carlone thực hiện.

Ngôi Nhà nguyện Đức Mẹ An Ủi được xây dựng vào năm 1496.

Vào thế kỷ XIX, bàn thờ chính ở dưới mái vòm hình bát giác thời phục hưng nằm trên di tích của Thánh Rufinô. Ở hai bên có tượng cẩm thạch của Thánh Phanxicô và Thánh Clara do Giovanni Dupré thực hiện.

Có một vài bức tranh do Dono Doni vẻ: Các Thánh thờ lạy Đức Kitô (1555), ở hai bàn thờ hai bên có hai tác phẩm: Hạ xác Chúa (1562) và Chúa bị đóng đinh (1563).

Dưới Vương cung Thánh đường là hầm mộ với quan tài của một người Roma ngoại giáo từ thế kỷ thứ III. Nơi đây có hài cốt của Thánh Rufinô.

7. Francesco Piccolino (nơi sinh của Thánh Phanxicô).

Nơi sinh của Thánh Phanxicô được xem như là một nơi linh thiêng. Sau năm 1250 một thời gian ngắn, Piccardo, con trai của Angelo và là cháu của thánh nhân, đã biến căn phòng lưu trữ này trong ngôi nhà của Thánh Phanxicô thành một nguyện đường. Đến năm 1281, ông đã tôn tạo bên ngoài với một mái vòm lớn. Vào khoảng đầu Thế kỷ thứ 14, dòng chữ Latin được khắc trên mái vòm theo phong cách Gothic này dòng chữ: Đây là nguyện đường có thời là chỗ cho bò và lừa, nơi đó Thánh Phanxicô, tấm gương của thế giới được sinh ra. Bên trong có những bức bích họa chồng lên nhau có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 13 và hai thế kỷ kế tiếp đó.

8. Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô, di sản thế giới.

Từ vương cung Thánh đường Clara đi bộ hơn cây số là đến Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô. Nổi bật trước mặt tiền Thánh đường là quãng trường rộng xanh mướt những thảm có.

Thánh Phanxicô Assisi qua đời ngày 3-10-1226 tại Porziuncula. Ngày hôm sau, 4-10, xác ngài được đưa về Assisi, và tạm thời được an táng trong nhà thờ thánh Georgiô. Anh Êlia đã viết một lá thư luân lưu cho Dòng, trong đó anh loan tin buồn về cái chết của Thánh Phanxicô.

Anh Êlia đã là Phó Tổng Phục vụ từ Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1221. Tại Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1227, ngày 30-5, anh Gioan Parenti, Tỉnh Phục vụ Tỉnh Dòng Tây Ban Nha đã được bầu lên thay anh Êlia và trở thành người kế vị Thánh Phanxicô trong vai trò Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn.

Cùng năm ấy, ngày 19-3-1227, Đức Hồng Y Hugôlinô, Hồng Y Bảo trợ Dòng, được bầu làm Giáo Hoàng, lấy hiệu là Grêgôriô IX. Một trong các ưu tiên của ngài là tôn vinh Thánh Phanxicô. Ngày 29-4-1228, ngài ra sắc dụ “Recolentes” trong đó ngài loan báo ý định của ngài là cho xây cất một ngôi “nhà thờ đặc biệt” để tôn vinh Thánh Phanxicô, trong đó thi hài Thánh nhân sẽ được cất giữ. Anh Elia được chỉ định làm kiến trúc sư điều hành công trình vĩ đại này, xây một tầng hầm đặt ngôi mộ và một ngôi nhà thờ tu viện.

Ngày 16-7-1228, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX long trọng phong thánh cho Thánh Phanxicô tại Assisi, và ngày 19-7, sắc dụ phong thánh “Mira circa nos” đã được phổ biến. Trong cùng thời gian ấy, ngài đã đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường mới mà ngài tuyên bố là sở hữu của Đức Giáo Hoàng, và ngài xin anh Tôma Xêlanô viết một cuốn tiểu sử chính thức về Thánh Phanxicô.

Năm 1230, tầng hầm mộ hoặc ngôi thánh đường tầng dưới đã hoàn tất. Hài cốt Thánh Phanxicô được rước về ngôi thánh đường mới ngày 25-5-1230 cách trọng thể. Anh Elia vội vã cất giữ hài cốt trong ngôi thánh đường mới mà Đức Giáo Hoàng tuyên bố là “caput et mater” (đầu và mẹ) của Dòng Anh em Hèn mọn.

Tại Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1230, anh Êlia toan tính nắm lấy việc quản trị Dòng, nhưng anh em bầu lại Anh Gioan Parenti. Một ủy ban đã được thành lập trong đó có anh Antôn Padua, đi Rôma xin Đức Giáo Hoàng Grêgôgiô IX một lời giải thích chính thức về Bản luật và Di chúc của Thánh Phanxicô. Đức Giáo Hoàng trả lời bằng sắc dụ “Quo elongati” (28-9-1230), qua đó, cùng với nhiều điều khác, ngài tuyên bố rằng bản Di chúc không buộc anh em phải tuân giữ như một bổn phận, và anh em được phép có một “người trung gian” (nuntius) và “những bạn thiêng liêng” để họ cung cấp cho anh em những nhu cầu cần thiết hằng ngày như Bản luật chung kết ấn định, tuy nhiên anh em không được sở hữu gì, nhưng chỉ được “sử dụng hợp với lời khấn nghèo khó” (usus pauper) những gì anh em đã nhận được.

Tại Tổng Tu nghị Riêti, 1232, Anh Êlia Bombarone được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh đã hoàn tất việc xây cất Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô. Một tổng thể kiến trúc to lớn gồm cả một Tu viện rộng rãi cho anh em (Sacro Convento), và nhà ở của Đức Giáo Hoàng.

Chiều dài Đền thờ 80 mét, chiều rộng 50 mét, chiều rộng gian giữa 18 mét. Từ năm 2000, Unesco đã công nhận Đền thờ này là Di sản thế giới.

Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng mang tên Thánh Phanxicô (Basilica Sancti Francisci Assisiensis) là Nhà thờ Mẹ của Dòng Phanxicô tại Assisi. Kế cận với Đền thờ là Tu viện Dòng Phanxicô.

Năm 1228 khởi công xây dựng Đền thờ bên cạnh một ngọn đồi gồm hai phần: Nhà thờ trên và Nhà thờ dưới. Có hầm mộ nơi để phần mộ của Thánh nhân. Phần trang trí bên trong của ngôi Nhà thờ trên theo phong cách Gothic ở Ý. Cả hai nhà thờ trên và dưới được trang trí với các bức bích họa do các danh họa thuộc trường phái La mã và Tuscan vào cuối thời Trung cổ, bao gồm các tác phẩm của Cimabue, Giotto, Simone Martini, Pietro Lorenzetti và của cả Pietro Cavallini. Đặc điểm này nói lên sự phát triển nghệ thuật Italia vào thời kỳ này.

Kiến trúc Đền thờ là một tổng hợp hai phong cách Roman và Gothic. Đền thờ có kiến trúc hình thập giá đơn giản, bên hông trái Nhà thờ có một tháp chuông theo phong cách Roman.

Nhà thờ dưới được xây dựng hoàn toàn theo phong cách Roman, không gian của Nhà thờ đã được mở rộng với một số nhà nguyện ở hai bên. Lối vào chính của gian giữa nhà thờ thông qua một ô cửa Gothic trang trí công phu được xây dựng giữa những năm 1280 và 1300.

Nhà thờ trên với mặt tiền gạch trắng và có một cánh cửa chính lớn theo phong cách Gothic. Phần phía trái của mặt đứng ta có thể nhìn thấy từ cả hai sân trước của Nhà thờ trên và Nhà thờ dưới thì lại theo phong cách Baroque, khi Đền thờ này được nâng lên hàng Vương cung Thánh đường vào năm 1754.

Bên trong của Nhà thờ trên vẫn mang hình chữ thập theo sự thiết kế của thầy Elias

Đền thờ này mang đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Ý, những bức bích họa có sớm nhất nằm ở Nhà thờ dưới. Có nhiều nghệ sĩ trong đó có những người nổi tiếng như Cimabue và Giotto, nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ không được biết đến thực hiện những công trình nghệ thuật này.

Trên cung thánh mái vòm cung thứ hai có những bức tượng bán thân Chúa Giêsu đối diện với Thánh Phanxicô và Đức Trinh nữ đối diện với Thánh Gioan Tẩy Giả. Mái vòm cung ở cửa ra vào có bốn vị Tiến sĩ Giáo Hội: Thánh Gregoriô đối diện với Thánh Giêrônimô, Thánh Ambrosio đối diện với Thánh Augustinô.

Phía tây của cánh ngang có nhiều bức bích họa của Cimabue trong đó có bức bích họa tráng lệ mang tên cuộc đóng đinh, trong đó Thánh Phanxicô quỳ gối tại chân cây Thánh Giá để tôn thờ cuộc Khổ nạn của Đức Kitô.

Có một loạt 28 bức bích họa do họa sĩ Giotto thời trẻ thực hiện dọc theo phần dưới của gian giữa. Họa sĩ này dựa theo tác phẩm Legenda Maior của thánh Bonaventure viết tiểu sử thánh Phanxicô (1266) để tái tạo lại những sự kiện lớn trong đời sống của thánh nhân. Những bức họa này mang nét sinh động như thể Giotto là chứng nhân những sự kiện chính này. Nhưng việc coi Giotto là tác giả những bức họa này còn đang trong vòng tranh cãi, người ta nghĩ rằng ít nhất có 3 họa sĩ riêng biệt sử dụng khái niệm nguyên thủy của Giotto để vẽ những bức họa này.

Mặt tiền của Vương cung Thánh đường có một cổng ra vào theo phong cách Gothic

Tu sĩ Êlia đã thiết kế Nhà thờ dưới như là một hầm mộ rất lớn giống như những phần mộ bằng đá cứng ở Syria.

Trên các cửa ra vào là một cửa sổ lớn kiểu hoa hồng, hai bên là hai cửa nhỏ hơn, người ta gọi chúng là “con mắt của ngôi nhà thờ đẹp nhất trên thế giới”. Ugolinuccio da Gubbio (khoảng năm 1550) đã trang trí phần bên trái cánh cửa gỗ, còn một nghệ sĩ vô danh vùng Umbrian thực hiện phần cửa bên phải vào năm 1573. Chúng miêu tả những câu chuyện về đời sống của Thánh Phanxicô, Thánh Clara, Thánh Louis và Thánh Antôn. Trên bức tường bên trái của mái hiên là tượng bán thân của Đức Giáo Hoàng Benedict XIV đã ban cho nhà thờ này tước hiệu Vương Cung Thánh Đường Thượng phụ. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đổi tên Đền thờ này là Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng của Thánh Phanxicô.

Cổng chính Nhà thờ dưới ăn thông ra một Quảng trường nhỏ, dọc hai bên quảng trường là hai hành lang có mái che và có hàng cột. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến tổ chức buổi cầu nguyện liên tôn mỗi năm một lần tại quảng trường này. Ngài mời đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới đến cùng cầu nguyện với nhau cho hòa bình thế giới. Truyền thống được các đấng kế vị tiếp tục cho đến ngày nay. Nhờ đó, nhiều người trên thế giới biết đến quảng trưởng nhỏ này trong khu vực nhà dòng cạnh Đền thờ.

Chúng tôi dâng lễ tại Nhà thờ trên, sau đó mọi người thinh lặng xuống Nhà thờ dưới quỳ cầu nguyện trước phần mộ thánh Phanxicô. Tham quan nhiều nhà nguyện nhỏ và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thư gửi Dòng Phanxicô nhân dịp lễ sinh nhật lần thứ 800 của vị Thánh Nghèo đã viết rằng, “trong suốt giòng lịch sử, thiên hạ vẫn luôn luôn ngưỡng mộ và yêu mến Thánh nhân vì họ thấy thực hiện nơi ngài một cách lạ lùng, điều mà họ ao ước cho mình, trên hết mọi sự trong đời: đó là niềm vui, sự tự do, hòa bình, hòa thuận và hòa hợp giữa loài người và giữa các dân tộc”.