Kính Thánh Phanxicô Xaviê

3 Tháng Mười Hai

 Kính Thánh Phanxicô Xaviê

(1506-1552)

Kính  Mừng Thánh Phanxico Xavie ngày 3-12,

Thánh Quan Thầy  của các xứ Truyền Đạo

cũng là Quan Thầy của Cha Phanxico Xavie Trần Gia Điền ,  Cha Điền là một trong các Cha Linh Hướng  Đạo Binh Hồn Nhỏ Dòng Chúa Cứu Thế và Vùng Phụ Cận Houston , Texas

  *Đạo Binh Hồn nhỏ chúng con trước tiên xin cảm tạ CHÚA MẸ muôn vàn và xin cảm ơn rất nhiều tới Tất cả Quý Cha đã Linh Hướng chúng con sống trong Thánh Ý CHÚA. Chúng con cầu xin THIÊN CHÚA  ban cho Cha Phanxico-Xavie Trần Gia Điền cũng như Quý Cha :

Xin CHÚA  giáng phúc như hoa

Tuôn xuống trần thế cho Cha khắp miền 

Tin Mừng loan báo triền miên

Làm vinh danh CHÚA  , mang chiên lạc về

Bổn Mạng Truyền Giáo (Thánh Phanxicô Xaviê) chẳng nề

Cầu các Ngài được tràn trề Ơn Thiêng

Bước theo Thập Tự trung kiên

Đạo CHÚA khắp chốn…..triều thiên Nước Trời.

Kính Mừng

Các Hồn Nhỏ

……………………………………………………………………………………………………..

Phanxicô Xaviê – Vị Thánh Say Mê Chinh Phục Các Linh Hồn

Posted by: fx.hongan

Được mệnh danh là Phaolô của thế kỷ XVI, thánh Phanxicô Xaviê luôn luôn thao thức về số phận của những linh hồn chưa bao giờ được nghe Tin Mừng. Lời Chúa Giêsu:

Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10, 20) luôn vang vọng và thôi thúc trong tâm trí thánh nhân. Thánh nhân đã xúc động cực độ khi thấy có rất nhiều người không được làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu.

Phanxicô chào đời ngày 07/04/1506 tại lâu đài Javier (Javier Castillo) gần thành phố Pamplona, miền Navarra, Tây Ban Nha, trong một gia đình danh giá và giàu có. Ngài là con út trong gia đình có năm người con. Năm lên 19 tuổi, Phanxicô được gửi đến Paris học tại học viện Sainte – Barbe thuộc đại học Paris. Sau khi tốt nghiệp văn chương và triết lý, Phanxicô được bổ nhiệm làm giáo sư triết lý tại đại học Paris. Vị giáo sư trẻ Phanxicô sớm nổi tiếng và được ca tụng trong giới sinh viên đại học thời bấy giờ.

Những tưởng vị giáo sư trẻ Phanxicô sẽ còn tiến xa hơn trên con đường công danh và sự nghiệp, thế nhưng, qua trung gian của một người bạn chí thân – thánh Inhaxiô, câu Lời Chúa:

nếu được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt 16,16) đã chinh phục và làm thay đổi hoàn toàn nơi vị giáo sư trẻ vốn thông minh và đầy tham vọng. Kể từ đó, Phanxicô đã tùy thuộc hoàn toàn vào kế hoạch nhiệm mầu của Chúa và trở nên khí cụ đắc lực của Tin Mừng.

Ngày 15/08/1534, cùng với Inhaxiô và năm anh em khác, Phanxicô đã dâng lời khấn khó nghèo, trinh khiết và sống cộng đoàn để “cùng nhau phục vụ Chúa”, khai nguyên Dòng Tên (Société de Jésus). Ngày lễ thánh Gioan Tẩy Giả 24/06/1537, tại Venise, Phanxicô được chịu chức linh mục. Kể từ đó, ngài gia tăng việc ăn chay, hãm mình, suy niệm và thực hành bác ái nhằm không ngừng thánh hóa bản thân và chuẩn bị hành trang cho sứ vụ mà Chúa sắp trao phó cho ngài.

Được thúc đẩy và hun nóng bởi khát vọng và lòng say mê cho Danh Chúa được cả sáng (Ad majorem gloriam Dei) và cho nhiều linh hồn được cứu rỗi (Ad salutem aminarum), vị linh mục trẻ Phanxicô Xaviê đã khao khát được đến với khắp mọi nơi để đem Chúa đến cho mọi người. Với con tim rực cháy lửa mến Chúa và cháy bỏng khát khao thu phục các linh hồn đã đưa Phanxicô Xaviê vượt đại dương đến với miền Viễn Đông xa xôi, đầy khó khăn và nhiều khác biệt. Cũng nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo đó, Phanxicô Xaviê đã can đảm gặp gỡ các vị lãnh chúa miền Á Đông, tiếp xúc với các tôn giáo truyền thống như Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Khổng giáo. Trên tất cả, ngài luôn trăn trở làm sao đem Chúa Giêsu và Tin Mừng tình yêu của Người đến với tất cả những ai chưa có cơ hội nhận biết Người.

Ngày 07/07/1543, thánh Phanxicô Xaviê lần đầu tiên đặt chân lên thành phố Goa, miền tây nam Ấn Độ – một vùng đất hoàn toàn xa lạ đối với ngài, nhưng thánh nhân đã ngày đêm thăm viếng và nâng đỡ đức tin cho những người nghèo, giúp đỡ những người thuộc đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Ấn thời bấy giờ. Ngài dành nhiều thời gian để di đến các làng mạc thăm viếng, khích lệ những người ốm đau bệnh tật, rửa tội cho trẻ em, dạy giáo lý cho người lớn và tổ chức các giờ kinh lễ. Trong một lá thư viết từ Ấn Độ gửi cho thánh Inhaxio ở Rôma, thánh Phanxicô viết rằng: “Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học Châu Âu, trước hết là đại học Paris, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: tiếc thay, chỉ vì lỗi của các ông mà biết bao linh hồn không được cứu rỗi!” [1]

Nhờ sức mạnh của lòng mến, thánh Phanxicô Xaviê đã ngày đêm hăng say chinh phục các linh hồn, mặc dù ngài luôn bị những người theo Ấn giáo và Hồi giáo chống đối. Trong thư gửi về Rôma cho các anh em Dòng Tên, ngài viết: Tôi tin rằng, ai thực lòng yêu mến thánh giá Chúa Kitô sẽ tìm thấy an bình khi đương đầu với những thử thách” [2] . Trong một thư khác, thánh nhân viết: “Xin Chúa ban cho chúng ta được biết và nhận ra ý muốn rất thánh của Chúa, và khi đã nhận ra, xin Chúa ban dồi dào sức lực và ân sủng, để với đức mến, chúng ta chu toàn thánh ý Chúa ngay ở đời này” [3]. Và để sức mạnh của lòng mến sinh hiệu quả, theo thánh Phanxicô, lòng mến phải được cụ thể trong hành động ngay ở đời này, và sẵn sàng “đi đến bất cứ nơi đâu để có thể phục vụ Chúa” [4] .

Là một nhà truyền giáo Tây phương, bị đặt vào thế lưỡng nan, hoặc phải bảo vệ quyền lợi của thực dân Bồ Đào Nha hay bênh vực cho người bản xứ Ấn Độ, nhưng nhờ ơn Chúa, thánh Phanxicô đã chọn con đường khác: liên kết ý muốn của con người theo ý muốn của Thiên Chúa, kết hợp phương tiện với mục tiêu hướng đến tình yêu đích thực và nhắm lợi ích các linh hồn. Trọn vẹn ý muốn của thánh nhân để chỉ hoàn toàn phục vụ thánh ý Chúa và mưu ích cho các linh hồn, như trong lá thư gửi về Rôma đề ngày 20/09/1542, ngài viết: “xin Chúa ban sức mạnh cho chúng ta ở đời này để chúng ta phục vụ Chúa trong mọi sự như Chúa truyền dạy, và chu toàn thánh ý Chúa ở đời này” [5] .

Niềm đam mê các linh hồn đã dẫn đưa thánh nhân mạo hiểm dấn thân vào những hoàn cảnh tối tăm bao trùm và dường như bị Chúa bỏ rơi, nhưng sau khi trải qua kinh nghiệm về “sự thing lặng của Thánh Thần” đó, thánh nhân đã đạt đến điểm tận cùng của ý Chúa và khám phá ra niềm an ủi thiêng liêng lớn lao từ bên trong tâm hồn nhờ chu toàn ý muốn rất thánh của Người. Khi đến quần đảo Môrô ở Nam Dương (Indonesia ngày nay), ngài đã viết thư cho các anh em Dòng Tên ở Rôma đề ngày 20/01/1548, rằng: “Tôi nhớ ngày xưa chưa từng được an ủi thiên liêng lớn lao và liên tiếp như trên đảo này, lại ít cảm thấy phải cực nhọc về phần xác […]. Thay vì gọi đó là Các Đảo Môrô, có lẽ nên gọi là Các Đảo Hi Vọng Vào Chúa thì hơn” [6].

Hăng say dấn thân vì đức tin nơi các vùng đất xa lạ và khắc nghiệt, thánh nhân luôn ước ao nên giống Đức Kitô nhằm phục vụ các linh hồn được nhiều hơn. Trong tâm trí thánh nhân, điều làm ngài thao thức mãnh liệt và thường trực nhất là những vùng đất và những con người chưa được nhận biết Đức Kitô. Dù nhận thấy đầy dẫy những hiểm nguy phía trước, như ngài viết: “những nỗi sợ, những hiểm nguy, những đau khổ mà bạn bè nói tới, tôi kể là số không; tôi chỉ còn sợ Thiên Chúa” [7], nhưng thánh nhân vẫn một lòng tận hiến cho kế hoạch của Chúa qua những thúc bách trong chính tâm hồn ngài. Trong một lá thư viết cho thánh Inhaxiô, đề ngày 01/02/1549, ngài viết: “Con thấy tâm hồn rất phấn khởi. Con không ngại đi Nhật Bản, vì con cảm nhận trong tâm hồn mình cái gì đó dạt dào, mặc dầu con hầu như chắc chắn sẽ gặp nhiều hiểm nguy lớn lao hơn những gì con từng gặp xưa nay” [8].

Chuyện kể lại rằng, một đêm kia, trong lúc ngủ, thánh Phanxicô đã kêu lên: “mas, mas, mas”. Và sau này, chính ngài giải thích: “Tôi thấy công việc truyền giáo quá mênh mông, nhiều mệt nhọc và nhiều ưu phiền gây nên bởi đói khát, giá lạnh, các chuyến ra đi, những vụ đắm tàu, những cuộc bách hại, những phản bội và nhiều hiểm nguy khác… được gửi đến cho tôi; vì lòng yêu mến mà chính Chúa ban cho tôi và với ơn trợ giúp của Người, tôi chịu đựng được. Vì thấy chưa đủ, tôi xin Người ban thêm và luôn luôn thêm mãi; nên tôi đã thốt lên những lời ‘mas, mas, mas’, có nghĩa là: ‘nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa’”. Những lời “nhiều hơn nữa” của Thánh Phanxicô dường như là những thúc đẩy thần bí làm cho thánh nhân hoàn toàn tận hiến cho Chúa Kitô để ơn cứu độ của Người đến được với các linh hồn.

Lòng say mê các linh hồn không bao giờ vơi cạn nơi thánh Phanxicô, với ý Chúa nhiệm mầu, thánh nhân đã phải nhìn về đại lục Trung Hoa mênh mông với tình yêu lai láng và ước nguyện lớn lao, nhưng chưa thành hiện thực. Rạng sáng ngày 03/12/1552, thánh nhân qua đời tại đảo Shanchuan (Trường Xuyên) nơi cửa ngõ của đất Trung Hoa. Tháng 03/1553, xác ngài được đưa về Malacca (Malaysia) trong tình trạng vẫn tươi nguyên. Và mùa Chay năm 1554, xác ngài được đưa về Goa (Ấn Độ), một lần nữa, quan tài được mở ra và xác ngài vẫn tươi nguyên như đang ngủ.

Ngày 25/10/1619 Phanxicô Xaviê được Đức Phaolô V phong chân phước, và đến ngày 12/03/1622, Đức Grêgôriô XV nâng ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1748, thánh nhân được tôn phong làm Bổn Mạng của Phương Đông; và đến năm 1904, ngài được tôn phong làm Bổn Mạng công cuộc truyền bá Đức Tin. Năm 1927, Đức Piô XI tôn phong ngài làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo.

Chỉ với 46 năm tuổi đời, 15 năm linh mục, thánh Phanxicô Xaviê dù không sống lâu, nhưng ngài đã sống nhiều, sống hết và sống hoàn toàn cho Chúa và vì các linh hồn. Cũng chỉ có hơn 10 năm ra đi truyền giáo, nhưng thánh nhân đã đi tới hơn 100 ngàn cây số, rửa tội cho khoảng 30 ngàn người tại Á Châu.

Thánh Phanxicô Xaviê là một Phaolô mới – một Ðại Tông Ðồ, là mẫu gương cho những người trẻ, đặc biệt cho các chủng sinh, linh mục và tu sĩ trong thời đại hôm nay về lòng khao khát đem Tin Mừng đến cho những người chưa nhận biết Đức Kitô. Đã có rất nhiều nhà truyền giáo can đảm lên đường nhờ gương sáng và lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Xaviê. Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Ấn Ðộ tháng 02/1986, khi huấn từ cho các linh mục và nam nữ tu sĩ tại nhà thờ chính tòa Goa, nơi giữ xác không bị hư nát của Thánh Phanxicô Xaviê, sau khi thuật lại những chặng đường truyền giáo của thánh nhân, vị tông đồ không biết mỏi mệt của miền duyên hải Ấn Ðộ, của quần đảo Maluku (Indonesia), của Nhật Bản và của Trường Xuyên (đảo Shanchuan, Trung Hoa), Đức Gioan Phaolô II nói: “Ngày nay, các tông đồ của Tin Mừng phải theo bước chân của Nhà Truyền Giáo thời danh và nhiệt thành này để chiếu dọi ánh sáng Chúa Kitô cho mọi người dân của Lục Ðịa Á Châu này”.

Fx. Hồng Ân

From: hnkimnga & Anh chi Thu & Mai

TÊRÊSA AVILA, TÂM HỒN NHẠY CẢM

TÊRÊSA AVILA, TÂM HỒN NHẠY CẢM

Vũ Duy Thống, Gm 

Trong kho tàng truyện kể về đời thánh nữ Têrêsa Avila, có một truyện được nhiều tác giả nhắc đến, vừa như một điển hình đời sống thiêng liêng, vừa như một tính cách rất riêng của thánh nữ.  Đó là truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn.”   Chắc nhiều người đã biết?  Truyện kể: Trong lần xuất thần, thánh nữ nhìn thấy tình trạng tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa ghê gớm quá, nặng nề quá.  Thế là thánh nữ buồn bã vật vã ba ngày liên tiếp không ăn uống gì.  Cuối ngày thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra, dáng vẻ dịu hiền, an ủi bằng cách trao cho thánh nữ một miếng bánh và một ly nước.  Nhưng thánh nữ làm mặt giận chối từ.  Chúa Giêsu dỗ dành: “Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh giá sao?” Và thánh nữ trả lời: “Hèn chi Chúa có ít bạn.”   Vâng, chỉ với mẩu truyện đó thôi, có lẽ người ta cũng nhận ra tính cách của Têrêsa Avila.  Đó là sự nhạy cảm.

  1.  Nhạy cảm trước tình yêu bao la của Thiên Chúa.

Đọc Phúc Âm, ai trong chúng ta cũng biết định nghĩa nổi tiếng của thánh Gioan “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), nhưng để cảm nghiệm thế nào là sức nặng của định nghĩa vắn gọn và tầm cỡ này, đó lại là chuyện không chỉ dừng lại trong ngôn từ sách vở một thời, mà còn cần đến cả một đời dấn bước kiếm tìm, thậm chí vào sinh ra tử nữa kìa.  Thánh Gioan Tông đồ được Chúa Giêsu yêu dấu, nên từ cảm nhận tới cảm nghiệm có thể là vắn gọn như chính định nghĩa về Thiên Chúa của ông, nhưng với Têrêsa Avila lại là cả một sự vật lộn giữa sóng gió cuộc đời vừa hoạt động để kiếm tìm, vừa chiêm niệm để chiêm ngưỡng.

Trên bức tượng “Ecce Homo – Này là Người” (Ga 19,5) trình bày Chúa Giêsu vì yêu thương loài người mà chịu khổ nạn, để nên tình yêu lớn nhất của người dám chết vì người mình yêu, Têrêsa đã gặp được “tiếng sét ái tình” vào năm 1545, để nghiệm ra rằng: nếu Chúa vì yêu con người mà phải chịu khổ, thì con người cũng phải làm sao đáp lại cho cân xứng, với tình yêu của Chúa dành cho mình.  Và thế là khởi đi từ sự nhạy cảm trong nhận thức ấy, thánh nữ đã tìm ra nẻo đi của riêng mình là “lấy tình yêu đáp trả tình yêu,” và cứ thế, như ngọn lửa một khi đã bừng lên thì không gì có thể dập tắt được nữa, thánh nữ làm tất cả mọi sự do tình yêu thúc đẩy và dâng hiến tất cả cho tình yêu.

Chả thế mà người ta vẫn bảo: đường nên thánh của Têrêsa là con đường “bốc lửa”: lửa chiêm niệm tìm ra ý Chúa mãnh liệt đến độ thường xuyên xuất thần mỗi khi cầu nguyện, và lửa yêu thương tìm gặp gỡ Chúa khít khao như lòng với lòng, đến nỗi có cảm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa thánh nữ với Chúa không khác chi những lời gần gũi giữa cánh bạn bè, của người bạn dành cho bạn mình.

  1.  Nhạy cảm trước tội lỗi của con người.

Một khi đã coi “phải làm sao cho xứng với tình yêu của Chúa” như một hướng sống, một hướng nên thánh, một hướng cải cách đời tu, thì tâm hồn Têrêsa Avila bỗng trở nên nhạy cảm vô cùng trước những gì được xem là không xứng với tình yêu ấy, trong đó tội lỗi là điều đáng buồn nhất, không phải vì nó xúc phạm tới Thiên Chúa tối cao cho bằng nó phản bội lại Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã làm tất cả vì con người và cho con người.

Phản bội trong chính trường được xem là mưu mô, phản bội trong thương trường được coi là mánh mung, nhưng phản bội trong tình trường, dù là tình Chúa hay tình người đi nữa, cũng vẫn là điều đáng buồn nhất.  Chính Chúa Giêsu đã buồn rầu hỏi Giuđa trong vườn Cây Dầu là “anh lấy cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48) vì Giuđa là kẻ phản bội.  Và trong truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn” kể trên, Têrêsa buồn bã những ba ngày liền, không phải vì tội mình mà vì tội tình của người khác, đã cho thấy một con tim nhạy cảm, không rỗi hơi thương vay khóc mướn, mà chỉ vì tê tái quặn đau thấy người ta phản bội tình yêu của Chúa, còn mình trong tư cách là bạn tâm giao lại chẳng có cách nào mà can ngăn.

Rõ ràng, Têrêsa là một tâm hồn nhạy cảm.  Từ nhạy cảm ngây ngất trước tình thương xót khôn cùng của Chúa, một tình yêu dám từ bỏ “lá ngọc cành vàng” để đành đoạn ôm lấy “phận cỏ mình rơm” cho rặm bụng một đời cứu thế, Têrêsa tự nhiên nhạy cảm khổ đau trước sự khốn cùng của tội lỗi nhân sinh, tội bạc tình, một thứ tội làm tê dại cõi lòng.  Hoá ra, ai càng nhạy cảm với tình thương xót của tấm lòng Thiên Chúa, càng nhạy cảm hơn với sự khốn cùng của tội lỗi con người.

  1.  Nhạy cảm trước đường nên thánh là đường Thánh giá.

Đã có lần Chúa Giêsu bảo “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13), để rồi từ đó trở thành quy luật của muôn đời cho những ai dám gán đời mình cho tình yêu Thiên Chúa hoặc mon men muốn nên bạn hữu của Ngài.  Vâng, “yêu ai yêu cả đường đi”, yêu Chúa cũng yêu cả con đường Chúa đi năm xưa là đường Thánh giá, không phải là “mười bốn chặng đường” ngắn ngủi êm ả dễ chịu trong giáo đường, mà là những cảnh đời thường lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở đó ý Chúa như búa đập trên ý mình và ý mình như kình chống lại ý Chúa.

Nếu “yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì yêu Chúa cũng là phải chết đi ít một trong ý riêng để ý Chúa được thể hiện từng ngày.  Như lương thực hằng ngày của “Kinh Lạy Cha” mà người theo Chúa phải làm quen dần dần từ những bước chập chững đầu tiên cho đến khi thuần thục nhuần nhị để có thể hiên ngang tiến tới trên đường trọn hảo.  Đó là đường tình yêu.  Mênh mông tình Chúa, mong manh tình người, nên cũng là đường Thánh giá, đường Thương khó.

Đó, “yêu Chúa” nói và hát thì dễ, nhưng khi dấn bước vào, người ta mới thấy những nỗi đa đoan vất vả không bao giờ hết, mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm mới có thể dự đoán và an tâm bước đều.  Chúa chúng ta kỳ lắm.  Người yêu những kẻ đóng đinh Người và tha thứ cho họ dễ dàng, nhưng Người lại đóng đinh những kẻ Người yêu và tặng những kẻ yêu Người Thánh giá, không chỉ một lần mà xem ra còn dai dẳng hoài hoài trong đời.  Bằng một tâm hồn nhạy cảm thánh đức, Têrêsa đã hiểu đó là lộ trình nên thánh cho bất cứ ai chọn đi theo Chúa.

Tóm lại, ba nét nhạy cảm: với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, hy vọng đã một phần nào phác vẽ lên cách đơn giản chân dung của một vị thánh lớn, thánh Têrêsa mẹ, vị anh thư cải cách dòng Cát Minh thế kỷ XVI tại Tây Ban Nha, vị tiến sĩ đã để lại cho Hội Thánh bí quyết chinh phục đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa, và cũng còn là vị thánh thân thương có một tâm hồn nhạy cảm phi thường muốn đem tình yêu Thiên Chúa nhân rộng đến hết mọi người.

Xin nhờ lời chuyển cầu của ngài, cho cộng đoàn Cát Minh và cho những ai chân thành yêu mến thánh nữ, được luôn nhạy cảm bền bỉ khơi lên ánh lửa yêu mến trước tình yêu Chúa, để đến khi Chúa muốn, Người sẽ cho biến thành những đám cháy kỳ diệu có khả năng thiêu huỷ tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn và lôi cuốn người ta đến với tình yêu thánh hoá, cho dẫu trước mắt vẫn còn là ngổn ngang những Thánh giá của mùa xây dựng, nhưng trong lòng đã nóng bừng hy vọng.  Mong rằng câu nói “Hèn chi Chúa có ít bạn” không phải là một chân lý bất biến, nhưng là một câu nói đang chờ sự đáp ứng, để một khi mọi người đều nhạy cảm quan tâm trở nên bạn hữu của Chúa, thì thay vì ba ngày buồn bã, có lẽ Têrêsa Avila sẽ có nhiều lần ba ngày vui vẻ vì ngỡ ngàng thấy Chúa luôn có nhiều bạn mới.

Vũ Duy Thống, Gm 

Anh chị Thụ & Mai gởi

CHÂN DUNG “CON BÒ” LUCA

CHÂN DUNG “CON BÒ” LUCA

  Trầm Thiên Thu

Ngày 18 tháng 10, Giáo hội kính nhớ Thánh sử Luca.  Ngài là một lương y của Chúa, một sử gia và một họa sĩ.  Biểu tượng của ngài là Con Bò.  Tên Luca viết theo tiếng Hy Lạp cổ là Λουκᾶς hoặc Loukás.

Thánh Luca viết một phần chính của Tân ước, đó là sách Phúc Âm thứ ba và sách Công vụ Tông đồ.  Trong 2 cuốn này, ngài cho thấy song song giữa cuộc đời Chúa Kitô và cuộc sống của Giáo hội.  Ngài là người duy nhất không phải là Do Thái trong số các tác giả Tin mừng.  Truyền thống cho biết ngài là dân bản xứ Antiôkia, thuộc Syria, theo văn hóa cổ Hy Lạp.  Thánh Phaolô gọi ngài là “thầy thuốc yêu quý của tôi” (Cl 4:14).

Thánh Luca xuất hiện trong sách Công vụ Tông đồ trong hành trình thứ hai của Thánh Phaolô, lưu lại Philippi vài năm cho đến khi Thánh Phaolô trở về sau hành trình thứ ba, đi cùng Thánh Phaolô tới Giêrusalem và vẫn ở bên cạnh nhau cho tới khi Thánh Phaolô bị tù ở Caesarea.  Trong 2 năm đó, Thánh Luca có thời gian tìm hiểu thông tin và phỏng vấn những người biết Chúa Giêsu.  Ngài theo thánh Phaolô trên chặng đường nguy hiểm tới Rôma, như Thánh Phaolô xác nhận: “Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi” (2 Tm 4:11). Thánh Luca còn được nhắc tới trong Plm 1:24 và Cl 4:14, còn trong 2 Cr 8:18 có thể là Luca hoặc Banaba: “Cùng với anh Titô, chúng tôi cử một người anh em rao giảng Tin Mừng nổi tiếng trong khắp các Hội Thánh.”

Thánh Luca là một trong bốn tác giả sách Tin Mừng, một trong ba Tin Mừng nhất lãm hoặc kinh điển.  Phúc âm theo Thánh Luca có thể được viết trong những năm 70 tới 85.  Trong Tân ước, Thánh Luca được nhắc tới thoáng qua vài lần, được Thánh Phaolô gọi là “thầy thuốc” trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê, ngài là đệ tử của Thánh Phaolô.  Các Kitô hữu thời sơ khai coi ngài là thánh tử đạo, nhưng cũng có những tài liệu nói khác nhau.

Giáo hội Công giáo Rôma tôn kính Thánh Luca là thánh sử, các tôn giáo lớn khác tôn kính ngài là thánh bổn mạng của các họa sĩ, các thầy thuốc, các bác sĩ phẫu thuật, các sinh viên và các đồ tể.

Có chứng cớ cho thấy Thánh Luca ở thành phố Troas, thành này được kể trong vụ hủy hoại thành Troy cổ.  Đóng vai đệ tam nhân (ngôi thứ ba số ít), Thánh Luca viết trong sách Công vụ về Thánh Phaolô và các chuyến đi của ngài tới khi họ tới thành Troas, rồi ngài chuyển sang ngôi thứ nhất số nhiều: Chúng tôi.

Dựa vào cách diễn tả chính xác về các thành phố và các hòn đảo, nhà khảo cổ Sir William Ramsay viết: “Thánh Luca là một sử gia hàng đầu, không chỉ bởi các câu nói của ngài về các sự kiện đáng tin… Nên đặt ngài ngang hàng với các sử gia nổi tiếng khác.”  Giáo sư khoa cổ điển tại đại học Auckland là E. M. Blaiklock đã viết: “Đối với chi tiết chính xác, sách Công vụ là tài liệu đáng tin… Khoa khảo cổ đã làm sáng tỏ sự thật.”  Học giả Colin Hemer, khoa Tân ước, đã đưa ra nhiều cách hiểu bản chất lịch sử và sự chính xác của các bản văn do Thánh Luca viết.

Truyền thống Kitô giáo nói rằng Thánh Luca là họa sĩ đầu tiên đã vẽ các hình ảnh thánh.  Ngài cũng được coi là người đã vẽ hình Đức Mẹ bồng Chúa Con trên vải thô ở Constantinople, nhưng nay đã thất lạc.  Số hình ảnh thánh được coi là do Thánh Họa sĩ Luca vẽ lên tới 600 bức trong thời Trung cổ, kể cả họa phẩm “Black Madonna of Częstochowa” (Đức Mẹ Séc da đen) và họa phẩm “Our Lady of Vladimir” (Đức Mẹ Vladimir).  Ngài cũng được coi là tác giả họa phẩm chân dung hai Thánh Phêrô và Phaolô, và đã minh họa sách Phúc Âm bằng các bức tiểu họa.

Truyền thống cũng cho biết rằng Thánh Luca đã vẽ cách hình ảnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu rất phổ biến, nhất là trong Chính thống giáo Đông phương.  Truyền thống còn đồng ý rằng các Kitô hữu của Thánh Thomas ở Ấn Độ vẫn giữ một trong các biểu tượng Theotokos mà Thánh Luca đã vẽ, và được chính Thánh Thomas đem tới Ấn Độ.

Bạo quân George của Serbia đã mua hài cốt của Thánh Luca từ vua Murad II của Ottaman với giá 30.000 đồng tiền vàng.  Sau khi Ottaman chiếm Bosnia, cháu gái của George là Mary đã đem hài cốt Thánh Luca đi từ Serbia như của hồi môn, rồi bán cho Cộng hòa Venetia của Ý.

Thánh Luca sống độc thân và qua đời ở tuổi 84 tại Boeotia.  Thi hài ngài được chuyển tới Constantinople năm 357.  Ngày nay, thánh tích của Thánh Luca được “phân chia” và được lưu giữ ở 3 nơi: Phần thân ở Tu viện Santa Giustina tại Padua, phần đầu ở Thánh đường St. Vitus tại Prague (tức là thành phố Praha, Cộng hòa Séc), và phần xương sườn ở ngôi mộ của ngài tại thành phố Thebes (Hy Lạp).

Lạy Thánh Luca, xin nguyện giúp cầu thay.  Ngài là lương y, xin chữa bệnh linh hồn chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

 

LỄ THÁNH TERESA AVILA 15-10

From facebook:   Hoa Kim Ngo added 2 new photos — with Anhhong Laithi and 4 others.

LỄ THÁNH TERESA AVILA 15-10 

Hôm nay là ngày lễ Thánh Teresa Avila, thánh bổn mạng của Sương Quỳnh. Năm nào vào ngày này mình cũng về Dòng Cát Minh đi lễ. 
Tên Thánh Teresa Avila là do cha Giuse Đặng Chí San – cha đỡ đầu của mình đặt. Khi mình ra gặp Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, ngài hỏi tên thánh của mình, mình kể cho Đức Cha nghe, ngài khen cha San khéo chọn tên cho mình. Một người nữa là cha Giuse Thoai Huu Dinh cũng rất thích tên Thánh của mình khi mình nói với ngài xin đặt tên Thánh là Teresa Avila – ngài và cha San là những người đầu tiên mình thổ lộ ước nguyện xin được rửa tội. Sương Quỳnh vinh hạnh được hai cha bề trên là cha Vincent Phạm Trung Thành và cha Giuse Hồ Đắc Tâm ban Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức trong đêm Vọng Phục Sinh năm 2015.
Thánh Teresa Avila viết nhiều sách, bà được phong làTiến Sĩ Giáo Hội. Sách của bà đã ảnh hưởng đến các nhà thần học, các thi hào và các nhà tư tưởng như Pascal, Malebranche, Leibnitz, cả Voltaire.
Hôm nay mình mua mấy cuốn sách do bà viết, để tìm hiểu thêm tư tường của bà.
Nguyện xin Thánh Teresa Avila luôn sáng soi và dẫn dắt con đi trên con đường YÊU THƯƠNG – THIÊN CHÚA.
Con xin làm nô lệ của Tình yêu
Con xin làm khí cụ của Tình Yêu
Để cho mọi người nhận biết Chúa yêu thương..
* Trích trong bài “Lậy đấng tình quân con tôn thờ…” của TG Ân Đức
Teresa Avila Sương Quỳnh

Image may contain: 2 people, text
Image may contain: 4 people, text
 
 

Tiểu sử Thánh Phanxicô

Tiểu sử Thánh Phanxicô

 

VÀI NÉT TIỂU SỬ CỦA VỊ THÁNH NGHÈO THÀNH ASSISI

Thánh Phanxixô Assisi còn được gọi bằng những tên khác như: Phanxicô Khó Khăn, Phanxicô Khó Nghèo, Phanxicô Năm Dấu, và có người gọi là Thánh Phan-Sinh do phiên âm từ chữ San Francesco.
1. GIAI ÐOẠN NIÊN THIẾU
  1. – Phanxicô chào đời năm 1182 tại thành phố Assisi bên nước Ý (Italia).
  2. -Cha của Phanxicô là ông Bênađônê, một thương gia giàu có chuyên xuất nhập cảng hàng vải vóc tơ lụa.
    Mẹ của Phanxicô là bà Pica, quê ở Provence nước Pháp, là một phụ nữ hiền từ và đạo đức.
  3. -Phanxicô đã lãnh nhận bí tích Rửa tội tại nhà thờ Thánh Ruphinô với tên thánh là Gioan Baotixita. Nhưng sau khi trở về từ nước Pháp, ông Bênađônê đổi tên cho con trai thành Phanxicô (tiếng Ý là Francesco, có nghĩa là “chú Tây con”) để ghi nhớ chuyến đi buôn bên Pháp (Francia).
  4. -Bẩm sinh Phanxicô có tính cao thượng, trong sáng, tế nhị, lại thích thơ nhạc và có khiếu thẩm mỹ. Cậu được học giáo lý cũng như văn hóa ngay tại họ đạo với các linh mục. Vì có khiếu về thương mại, nên mới 14 tuổi, Phanxicô đã được gia nhập vào Hiệp hội thương gia Assisi và được cha giao cho công việc trông coi cửa hàng của gia đình.
  5. -Phanxicô rất được các bạn trẻ yêu mến. Họ đã gọi cậu là “Ông Hoàng của Giới trẻ”.
  6. -Khi đến tuổi trưởng thành, chàng mơ làm hiệp sĩ, nên đã sắm áo giáp, vũ khí và ngựa chiến để tòng quân.
  7. -Nhưng ngay lần giao chiến đầu tiên giữa Assisi và Pêrugia năm 1202, Phanxicô đã bị bắt làm tù binh. Mặc dù ở trong tù, suốt ngày chàng vẫn ca hát vui vẻ và luôn nâng đỡ tinh thần các bạn tù.
2. GIAI ÐOẠN HOÁN CẢI
  1. -Phanxicô được phóng thích năm 1203 vì bị bệnh nặng.
  2. -Chàng bị bệnh kéo dài suốt năm 1204.
  3. -Cuối năm 1204 hay vào mùa xuân 1205, được tin tướng Gauthier de Brienne chiêu mộ binh lính để chống người Hồi giáo, Phanxicô xin gia nhập vào đoàn quân ấy.
  4. – Trong đêm trước ngày lên đường, chàng chiêm bao thấy mình đang ở trong một lâu đài thật nguy nga tráng lệ, đầy vũ khí có hình Thánh Giá, lại có cả một thiếu nữ thật kiều diễm, rồi chàng nghe tiếng nói: “Tất cả là của ngươi nếu ngươi phục vụ dưới ngọn cờ Thánh Giá”. Chàng rất vui mừng, tin tưởng sẽ trở thành hiệp sỹ.
  5. -Một hành vi quảng đại: trên đường đi, gặp một hiệp sỹ chính danh với bộ áo giáp nghèo nàn, Phanxicô đã đổi bộ áo sang trọng của mình cho người hiệp sĩ ấy.
  6. -Nhưng đêm hôm đó, trong quán trọ ở Spôlêtô, cách Assisi khoảng 40 cây số, Phanxicô lại có giấc mộng thứ hai, trong đó có mẩu đối thoại như sau:
“Phanxicô, con chờ mong ân huệ nơi ai? Nơi người chủ hay nơi người tôi tớ?”
“Dĩ nhiên là con mong chờ nơi người chủ”.
“Vậy tại sao con bỏ người làm chủ để đi phục vụ người tôi tớ?”
“Lạy Chúa! Vậy con phải làm gì bây giờ?”
“Hãy trở về Assisi rồi con sẽ rõ”
  1. – Sáng hôm sau, Phanxicô quay trở về Assisi. Mặc cho mọi người ngạc nhiên và đàm tiếu chàng bắt đầu xa lánh bạn bè, thích tìm nơi thanh vắng để suy tư, cầu nguyện và chờ đợi.
  2. -Một hôm, trên đường đi, Phanxicô gặp một người phong cùi. Theo phản ứng tự nhiên, chàng sợ hãi muốn tránh. Nhưng chàng đã tự trấn tĩnh và đến ôm hôn người cùi ấy. Kể từ ngày ấy, chàng thích gần gũi, chăm sóc những con người xấu số mà xã hội bấy giờ hất hủi.
  3. -Phanxicô thường lấy của cải mình có để chia cho những người hành khất. Vào một dịp đi hành hương Rôma, chàng đã đổi áo cho một người hành khất để suốt ngày ngồi xin bố thí.
  4. -Vào mùa thu hoăc cuối năm 1205, tại nhà nguyện Thánh Ðamianô, đang khi cầu nguyện, Phanxicô nghe tiếng nói từ cây Thánh Giá: “Con hãy xây lại nhà Ta đang đổ nát”. Phanxicô tức tốc về nhà lấy vải vóc tơ lụa đem bán lấy tiền giao cho cha sở để sửa nhà thờ. Nhưng cha sở không nhận, Phanxicô quẳng túi tiền vào một góc cửa sổ, và đi xin vật liệu để tự tay sửa nhà thờ.
  5. -Khi trở về, ông Bênađônê nổi giận vì biết rằng Phanxicô đã bán vải và ngựa để có tiền sửa nhà thờ, ông đã tìm đến cha sở để đòi lại. Rồi, vì không thể thuyết phục Phanxicô trở về, ông đã kiện Phanxicô với Ðức giám mục thành Assisi.
  6. – Vào tháng giêng hoặc tháng hai năm 1206, được gọi ra tòa của Ðức giám mục, Phanxicô đã từ khước quyền thừa kế và trả luôn bộ y phục đang mặc cho ông Bênađônê, và tuyên bố: “Xưa nay, tôi vẫn gọi ông Bênađônê là cha. Nhưng bây giờ, tôi có thể nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời”
  7. -Suốt mùa hè năm 1206 đến tháng hai năm 1208, Phanxicô đã sửa nhà nguyện Thánh Ðamianô, rồi nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Ðức Bà Nữ Vương Các Thiên Thần (Portiuncula).
  8. -Ngày 24.02.1208 tại nhà thờ Portiuncula, Phanxicô nghe đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu (Mt 10: 7-14): “Dọc dường hãy rao giảng. Ðừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Ði đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy.”. Chàng đã reo lên: “Chính đây là điều tôi mong ước, tìm kiếm và nóng lòng thực hiện”.
3. GIAI ÐOẠN HOẠT ÐỘNG
Nhờ nếp sống và lời rao giảng, Phanxicô đã thu hút mọi thành phần trong xã hội. Từ những thương gia giàu có, những nhà trí thức, hay những thiếu nữ đài các, cho đến những thường dân trong xã hội, từ những kẻ độc thân, cho đến người đã lập gia đình, ai ai cũng say mê lý tưởng sống nghèo của Phanxicô. Và vì vậy, Phanxicô trở thành vị sáng lập Dòng mà chính ngài đã không dự tính trước.


       THÀNH LẬP DÒNG I

  1. – Ông Bênađô Quintavalô là một phú thương, sau khi bán hết của cải để chia cho người nghèo đã xin đi theo Phanxicô. Một tuần sau đó, ông Phêrô Cattani là một luật gia và một thanh niên khác tên là Egiđiô đã xin gia nhập nhóm. Vào giai đoạn này, các anh em tạm trú ngụ tại Portiuncula. Mỗi ngày anh em đi rao giảng, và làm thuê để sinh sống. Anh em dứt khoát không nhận tiền bạc.
  2. – Năm 1210 khi số anh em đủ 12 người, Phanxicô đưa anh em đi Rôma xin Ðức Giáo Hoàng Innocentiô III phê chuẩn luật sống. Ðức Giáo Hoàng đã phê chuẩn và giao cho anh em nhiệm vụ rao giảng về sự thống hối. Khi trở về, anh em đã trú ngụ tại một cái chòi ở Rivô-Tortô.
  3. – Khi một người dân muốn giành cái chòi ấy cho con lừa của ông ta, Phanxicô đã xin viện phụ dòng Biển đức ở Subasiô cho sử dụng nhà thờ Portiuncula. Kể từ đây, nhà thờ Ðức Bà Các Thiên Thần (Portiuncula) trở thành nhà thờ mẹ của Hội Dòng.
  4. -Thế là Dòng I, cũng gọi là Dòng Anh Em Hèn Mọn, đã ra đời.THÀNH LẬP DÒNG II
  1. Ðêm Chúa Nhật Lễ Lá năm 1212, tại Nhà thờ Ðức Bà các Thiên Thần, Phanxicô đã đón nhận Clara và trao ban áo dòng. Sau đó, ngài gửi Clara đến tạm trú tại Ðan Viện Nữ Tu Biển Ðức. Ít lâu sau, Anê, em gái của Clara, cũng đến xin gia nhập. Từ đó, hai chị em cư ngụ tại nhà nguyện thánh Ðamianô và phát triển thành Dòng II. Ðây là một dòng kín chuyên sống đời chiêm niệm.THÀNH LẬP DÒNG III
  1. -Năm 1216 tại Canara và Pốtgibonsi, một thị trấn ở giữa Firenxê và Siêna, cặp vợ chồng giàu có là ông Lukêsiô và bà Buônađôna đã trở thành những người Dòng III đầu tiên. Thời bấy giờ Dòng III có tên là “Dòng Những Người Qui Thiện” hay dòng “Những Người Ðền Tội”.
  2. – Năm 1221 do lời khuyên của Ðức Hồng y Hugôlinô, Phanxicô đã viết bản Luật tiên khởi gọi là “Bản Ghi Nhớ Dự Phóng Ðời Sống” cho Dòng III. Bản Luật này đã được Ðức Giáo Hoàng Hônôriô III chuẩn y.
  3. -Năm 1289, Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV lại ban sắc chỉ để phê chuẩn bản Luật 1221 với một vài sửa chữa.
  4. -Năm 1883, Ðức Lêô XIII đã cho soạn thảo một bản Luật khác.
  5. -Và vào năm 1978, Ðức Phaolô VI đã phê chuẩn bản Luật mới do ba nhánh Dòng I và Dòng Ba Tại Viện hợp tác soạn thảo.
4. CÁC BIẾN CỐ KHÁC
  1. – Phanxicô đã xin Ðức giáo hoàng Hônôriô IV ban Ơn Toàn Xá cho những ai thành tâm kính viếng nhà nguyện Portiuncula. Và Ơn Toàn Xá này ban một năm một lần vào ngày kỷ niệm cung hiến nguyện đường, tức là ngày 2 tháng 8 mỗi năm.
  2. -Năm 1223, trong một hang đá tại Greccio, Phanxicô có sáng kiến tái diễn biến cố Giáng Sinh.
  3. – Năm 1224, trên đỉnh núi La Vécna, trong thời gian ăn chay để mừng lễ thánh Micaen, có lẽ vào ngày 14 hoặc 15 tháng 9, Phanxicô nhận được một thị kiến về Thiên thần sốt mến chịu đóng đinh và nhận các dấu thánh của Chúa Giêsu.
  4. – Tháng 4-5 năm 1225, Phanxicô trú ngụ tại nhà nguyện Thánh Ðamianô để chữa bệnh, nhưng bệnh không thuyên giảm. Một đêm kia, Chúa đã hứa ban cho ngài sự sống đời đời. Sáng hôm sau, ngài đã sáng tác “Bài Ca Tạo Vật”.
  5. -Tháng 6 năm 1225, ngài đã thêm vào Bài Ca Tạo Vật một tiểu khúc nói về sự tha thứ, nhờ đó đã giao hòa được Ðức giám mục với ông thị trưởng thành Assisi.
  6. -Tháng 4 năm 1226, anh em đưa ngài đến Siêna để tìm cách chữa bệnh cho ngài. Tại đây ngài đã đọc cho anh em chép một Di chúc ngắn gọi là Di chúc Siêna. Sau đó có lẽ ngài đã về Coóctôna, và tại đây ngài đã soạn Di chúc chính thức. Cảm thấy cái chết đã đến gần, ngài thêm vào Bài Ca tạo vật một tiểu khúc cuối cùng nói về cái chết, mà ngài gọi là Chị Chết.
  7. -Ðêm thứ bảy, 3.10.1226, ngài đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thờ Nữ Vương Các Thiên Thần. Và ngày 4.10, ngài được an táng tại nhà thờ Thánh Gioócgiô.
  8. – Ngài được Ðức giáo hoàng Grêgôriô IXphong thánh vào ngày 16.07.1228.
  9. -Ngày 25.05.1230, dân thành Assisi đã di chuyển cách trọng thể di hài của Thánh Phanxicô về Vương Cung Thánh Ðường đã được xây cất để tôn kính ngài.
5. KẾT LUẬN
Thánh Phanxicô đã qua đời từ thế kỷ13, nhưng tinh thần của ngài vẫn tồn tại cho tới ngày nay, và những đặc điểm phong phú của tinh thần Phan sinh vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trong giáo hội Công Giáo, trong các tôn giáo khác, cũng như trong các dân tộc trên toàn thế giới. Quả thật, Phanxicô là một Kitô hữu đích thật.
Nhân loại rất hãnh diện vì sự hiện diện của một người như Phanxicô!
Giáo Hội rất vui mừng khi phong thánh cho một người như Phanxicô!
Hội Dòng rất tự hào vì có một vị Thánh Tổ Phụ như Phanxicô!

Câu chuyện của một tu sĩ Dòng Tên người Phi ở tuổi 26 trên con đường phong thánh.

Câu chuyện của một tu sĩ Dòng Tên người Phi ở tuổi 26 trên con đường phong thánh.

(EWTN News/CNA) Richie Fermando là một thày dòng Tên ở tuổi 26, người Phi đã bị chết vào năm 1996 để cứu những học sinh người Cam-bốt thoát khỏi trái lựu đạn ném tay.
Câu chuyện của một tu sĩ Dòng Tên người Phi ở tuổi 26 trên con đường phong thánh
Câu chuyện của một tu sĩ Dòng Tên người Phi ở tuổi 26 trên con đường phong thánh
Hiện nay thày đang trên con đường phong thánh nhờ vào một quy định được ĐGH Phanxicô ban hành vào mùa hè này nhằm tiến hành phong thánh cho tất cả những ai đã “ tự hiến cuộc đời mình vì người khác và kiên trì cho đến chết vì sự dâng hiến đó”

Cha Antoni Moreno, Giám Tỉnh Dòng Tên ở Phi Luật Tân nói với báo Rappler vào ngày 30 tháng Bẩy rằng nhà dòng đã được phép bắt đầu mở hồ sơ phong thánh cho thày Fernando.

Thày Richard (còn gọi là Richie) Fernando thuộc Dòng Tên đã đến Cam-bốt vào năm 1995 trong một tu hội Dòng Tên để phục vụ những người bị khuyết tật do bệnh tật, bom mìn hay những tai nạn khác.

Theo các tu sĩ dòng tại Hội Nghị Châu Á Thái Bình Dương, thày Richie mau chóng được sự tin tưởng quý mến của các học sinh khi thày học tiếng địa phương và dành thời gian lắng nghe những câu chuyện thương tâm.

Một trong các học sinh của thày là một trẻ mồ côi tên là Sarom đã bị bắt đi lính vào năm 16 tuổi và bị tàn phế bởi bom mìn. Ngay cả nhiều người cho rằng thái độ của Sarom gây rắc rối thì thày Richie trong một lá thư gởi cho các bạn của mình vẫn xác định rằng Sarom luôn có chỗ đứng trong trái tim mình.

Vào ngày 17 tháng Mười, 1996, Sarom đến trường học của nhà dòng gặp ban giám hiệu để xin được tiếp tục đi học sau khi em đã hoàn tất chương trình, và lời yêu cầu của em bị từ chối vì ban giám hiệu cho rằng Sarom là người đã gây nhiều rắc rối trong trường.

Tức giận vì bị từ chối, Sarom liền lấy ra một trái lựu đạn để sẵn trong túi xách và tiến đến một lớp học đang có rất nhiều học sinh. Cửa sổ của lớp học đóng kín và học sinh không có lối thoát.

Thày Richie nhanh chân bước đến phía sau Sarom và cố nắm lấy trái lựu đạn mà Sarom toan ném vào lớp học.

Sarom giằng co, “Hãy để kệ em, em không muốn giết thày đâu”. Thế rồi trái lựu đạn bất ngờ rớt xuống phía sau Sarom và thày Richie và nổ tung, giết chết vị tu sĩ dòng Tên, đang nằm đè lên mình Sarom để cứu em và mọi người trong lớp khỏi phải chết.

Totet Banaynal là một tu sĩ dòng Tên nói rằng bốn ngày trước khi chết, Richie đã viết một lá thư cho các bạn và các tu sĩ cùng dòng như sau “Tôi biết trái tim tôi hiện đang ở đâu. Tim tôi đang ở cùng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dành tất cả cho người nghèo, người bệnh, trẻ mồ côi… Tôi vững tin rằng Thiên Chúa không bao giờ quên dân của ngài là những anh chị em khuyết tật của chúng ta. Và tôi rất vui mừng vì Thiên Chúa đã dùng tôi để bảo đảm với anh chị em của chúng ta là Thiên Chúa yêu thương anh chị em. Tôi tin tưởng rằng đây chính là ơn gọi của tôi.”

Trong nhật ký tĩnh tâm của mình, thày Richie đã viết rằng “Tôi ước rằng khi tôi chết đi, người ta sẽ không nhớ là tôi giỏi giang, mạnh mẽ và tài năng như thế nào, nhưng nhớ đến những việc tôi phục vụ, những lời tôi nói về sự thật, tôi làm chứng cho những điều phải, tôi chân thành trong mọi công việc và hành động, nói một cách khác, tôi đã yêu và bước theo chân Chúa Giêsu.”

Vào năm 1997, cha mẹ của thày Richie đã viết thư cho Ông Hoàng Norodom Sihanouk của Cam-bốt, xin tha thứ cho Sarom. Một lần nữa, Sarom nói anh ta không muốn giết thày Richie và anh ta coi thày như một người bạn.

Phi Luật Tân là một nước đa số theo đạo Công Giáo, nhưng cho đến nay mới chỉ có hai vị tử đạo vào thế kỷ 17 được phong thánh, đó là Thánh Lerenzo Ruiz, tử đạo ở Nagasaki và Thánh Pedro Calungsod, tử đạo ở Guam.

Tuy nhiên rất nhiều hồ sơ phong thánh đã được mở ra trong những năm gần đây.

Ngày 31 tháng Bẩy là ngày lễ kính Thánh I-Nhã, vị sáng lập Dòng Tên, cha Moreno nói rằng thày Richie là một trong số các tu sĩ dòng Tên noi gương Thánh I-Nhã “tự hiến đời mình bằng việc hy sinh phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.”

Trong bản ghi nhớ của Tỉnh Dòng Tên của Phi-Luật Tân, cha Moreno ghi rằng “nhiều biểu lộ khác nhau về lòng tôn kính đối với Richie đang nở rộ và vẫn tiếp tục, không những chỉ ở Phi Luật Tân và Cam-Bốt mà còn ở nhiều nơi khác nữa.”

Một trang mạng xã hội Facebook đã vinh danh ngài được đặt tên là “Các bạn của thày Richie R. Fernando, dòng Tên.”

Bước kế tiếp trong tiến trình phong thánh của thày Richie là tìm hiểu về cuộc đời đạo hạnh của thày qua các bài viết, cuộc nói chuyện, và phỏng vấn những người đã từng biết thày và những sự việc liên quan khác. 

Cha Moreno nói rằng, “Chúng ta cùng cầu nguyện, xin Chúa giúp cho tiến trình phong thánh và nếu ngài muốn, việc ấy sẽ đem lại phần ơn ích cho mọi người.”

Giuse Thẩm Nguyễn

THÁNH INHAXIÔ, TỔ PHỤ DÒNG TÊN

THÁNH INHAXIÔ, TỔ PHỤ DÒNG TÊN

Từ Lộ Đức (Pháp) đến Burgos (Tây Ban Nha) hơn 400km.  Tại Burgos có Đền Thánh Loyola nổi tiếng.  Từ xa, nhìn Nhà thờ với dáng vẻ cổ kính và khuôn viên rộng lớn.  Bên trong Nhà thờ có nhiều nhà nguyện ở chung quanh với những cột đá cẩm thạch nhiều màu sắc khác nhau thật lộng lẫy, có nhiều tác phẩm nghệ thuật trên cung thánh, trên trần và trên các bức tường.

Chúng tôi viếng thăm những nơi liên hệ đến cuộc hoán cải của Thánh Inhaxiô.  Hướng dẫn chương trình tham quan đã được thu âm bằng nhiều ngôn ngữ.  Chọn phần tiếng Việt, chúng tôi lắng nghe về hành trình hoán cải và nên thánh của Inhaxiô, đi đến những căn phòng giới thiệu về cuộc đời của thánh nhân và đến Nhà nguyện “hoán cải” dâng thánh lễ.

  1. Đôi dòng tiểu sử Thánh Inhaxiô

 Thánh Inhaxiô sinh tại Loyola vào năm 1491, trong một gia đình quí tộc xứ Basque của Tây Ban Nha.  Inhaxiô là người em út trong số 13 người con.  Thời niên thiếu, Ignatiô được nhà vua chọn làm người hầu cận, tiếp đến là chiến sĩ trong quân đội hoàng gia.

Năm 1509, Inhaxiô tòng quân Antonio Manrique de Lara, Duke thành Najera và Viceroy thành Navarre với mục đích là được thăng tiến thành một công tước.  Dưới sự lãnh đạo của Duke, Inhaxiô đã tham gia nhiều trận đánh mà không bị thương tích gì.

Ý Chúa thật nhiệm mầu.  Sức mạnh lại bày tỏ qua sự yếu đuối như lời thánh Phaolô:“…vì quyền năng của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối ” (2 Cr 12,9).  Ngày 20 tháng 5 năm 1521, cột mốc ghi dấu đặc biệt.  Quân Pháp đánh chiếm thành Pamplona.  Inhaxiô bị một viên đạn đại bác bắn gãy chân và bị thương nặng.  Bức tượng bằng đồng phía ngoài hành lang kể lại sự kiện này.  Trở về dưỡng bệnh trong lâu đài của gia đình, Inhaxiô giết thời giờ bằng cách đọc những sách kể lại những hành động phi thường và lãng mạng của các hiệp sĩ.  Người chị dâu đã đem đến cho ngài cuốn “Cuộc đời Chúa Kitô” và cuốn “Hạnh các thánh”.  Dần dần, những quyển sách này đã thu hút ngài.  Khi đọc về cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi, Thánh Đaminh và nhiều tu sĩ nổi tiếng khác, Inhaxiô quyết tâm noi gương các bậc thánh nhân hiến mình để đi chinh phục Đất Thánh cho Giáo hội.  Sau khi phục hồi, Inhaxiô đến thăm tu viện Santa Maria de Montserrat của dòng Biển Đức.  Tại đây, ngài treo bộ quân phục của mình trước một bức hình Đức Mẹ Maria.  Sau đó, ngài đến thị trấn Manresa, Catalonia và đã dành nhiều tháng sống trong một hang động để thực hành khổ hạnh khắt khe.  Tại Manresa, Inhaxiô bắt đầu thay đổi lối sống và cảm nghiệm sự thay đổi trong tâm hồn xen lẫn niềm vui và nỗi khổ đau.  Được Chúa đánh động, từ đó ngài khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô.  Một lời cầu nguyện cho các hối nhân mà Inhaxiô rất tâm đắc: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do, trí khôn và cả ý chí con.  Tất cả những gì con có và đang làm chủ, Chúa đã cho con; nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa xử dụng hoàn toàn theo tôn ý Ngài.  Lạy Chúa, xin hãy ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa.  Đối với con, thế là đủ.  Amen!”

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat.  Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria, thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện.  Chính trong thời gian hoán cải này, Linh Thao là con đường thiêng liêng đặc biệt và ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, đó là cuốn “Những Thao Luyện Tâm Linh”.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Roma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây.  Vì lo sợ cho tính mạng của ngài, các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona.  Tin tưởng rằng, kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Paris.

Sau khi đi hành hương ở Đất Thánh về, Inhaxiô quyết định trở thành một linh mục.  Việc này đòi hỏi ngài phải bắt đầu lại việc học hành.  Inhaxiô đã cố gắng học tiếng La tinh và ghi tên vào học ở Đại học Paris.  Trong lúc theo học ở Paris, ngài đã thu phục được một nhóm nhỏ sinh viên thành lập một hội đoàn trong đó có Phanxicô Xaviê và Pierre Fabre.

  1. Sáng lập Dòng Tên

Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15-8-1534, bảy sinh viên Đại Học Paris cùng nhau đến nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre (Crypte du Martyrium de Montmartre) để tuyên khấn.  Chân phước Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng lễ, một lễ dành riêng cho họ.  Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn.  Trong tinh thần này, bảy anh em đã ý thức được một tâm tình: Tất cả là những người Bạn của Chúa Kitô.  Trong số bảy người đó, ngoài Thánh Inhaxiô ra còn có Thánh Phanxicô Xaviê.  Khi viếng thăm nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre, chúng tôi đọc được một bảng bằng đồng viết bằng tiếng La tinh: “Societas Jesu Quae Sanctum Ignatium Loyolam Patrem agnoscit, Lutetiam matrem Hic nata est. – Dòng Tên sinh tại nơi đây.  Cha: Thánh Inhaxiô, Mẹ: Paris”.

Sau thời gian sống ở Paris, Inhaxiô và nhóm bạn bảy người đã nuôi mộng sẽ đi Giêrusalem và dấn thân ở đó.  Tuy nhiên, họ cũng có một ý tưởng thứ hai, là nếu điều kiện không cho phép họ đi Giêrusalem, thì tất cả sẽ xin tự nguyện tùng phục Đức Thánh Cha, và sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để phục vụ Giáo Hội.

Khi từng người lần lượt đã đến Roma, họ nhận được sự chúc lành của Đức Thánh Cha, Ngài cũng cho phép họ đi Đất Thánh và Ngài còn cho phép tất cả được chịu chức Linh Mục.

Trong năm đó, năm 1537, vì điều kiện không cho phép, nên việc đi Giêrusalem phải hoãn lại, và với thời gian, Chúa đã muốn hướng đi khác cho những người trẻ này.  Đặc biệt trong thời gian này Inhaxiô đã có được một thị kiến tại La Storta: “Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, Inhaxiô nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt ông cùng Chúa Kitô, con của Ngài.  Inhaxiô không thể nào nghi ngờ điều đó chỉ biết rằng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con” (Hồi ký I-nhã số 96).  Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp Inhaxiô và các anh em nhận ra được ơn gọi để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.

Trong thời gian này, các anh em tiếp tục sống tinh thần tông đồ, giúp các các linh hồn, và đưa mọi người về với Đức Kitô đúng theo tinh thần của Linh Thao.  Đây cũng là một trong những trọng tâm sống của họ.  Các anh em đều tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình trên đặc sủng Linh Thao.  Họ cũng nhận định và suy nghĩ về tương lai của mình.  Một trong những điều họ suy nghĩ là: “Nên đặt tên cho nhóm bạn mình là gì đây?”  Với tâm tình “là những người bạn trong Chúa Kitô”, tất cả đều đồng tâm chọn chính tên của Đấng đã làm cho mọi người yêu mến và ao ước phục vụ.  Vì thế, họ đã chọn tên cho nhóm là: “Societatis Jesus – Cộng đoàn Giêsu hữu”.

Sau đó, vào Mùa Chay năm 1539 tại Roma, Inhaxiô và các bạn đã nhất trí xin lập một dòng tu mới.  Đức Thánh Cha Phaolô III đã chính thức phê chuẩn Dòng Chúa Giêsu vào năm 1540, với tên gọi “Cộng đoàn Giêsu hữu”.  Thánh Inhaxiô được bầu làm bề trên đầu tiên.  Ở đây xin mở ngoặc để phần nào trả lời cho câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam lại kêu Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên?”  Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên “Dòng Chúa Giêsu” đã được kêu là “Dòng Tên”, để không phạm húy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo.

Khi Dòng Tên được phê chuẩn và hình thành, Inhaxiô và các anh em đã quyết định một vài điều liên quan đến đời sống thiêng liêng và phục vụ.  Cộng đoàn Dòng Tên sẽ không có giờ kinh phụng vụ chung, tu sĩ dòng không có áo dòng như các tu viện và dòng Tu thời đó, và Dòng Tên cũng không là một tu viện với một “chỗ gối đầu” êm ấm, được bao quanh bởi bốn bức tường kiên cố.  Nhưng tại sao lại có những quyết định như thế?  Đơn giản là các tu sĩ Dòng Tên cần phải sống ơn gọi tông đồ mà Thiên Chúa đã mời gọi.  Vì thế, họ đã chọn lựa một số cách thức giúp họ dễ dàng thi hành sứ mạng tông đồ hơn.  Vì thế, tu viện của Dòng Tên sẽ là phố phường và thế giới, nơi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân tới để giúp các linh hồn và phục vụ anh chị em.  Đó chính là tinh thần sống của Inhaxiô, một người lữ hành, và của những anh em Dòng Tên từ xưa cũng như hôm nay.

Từ đó trở đi, theo gương của Chúa Giêsu, các tu sĩ Dòng Tên đã đi đến từng phố phường, làng mạc…, để đem Tin Mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cùng chia sẻ và giúp đỡ từng tâm hồn nhận ra được tình yêu của Chúa, tin vào Tin Mừng của Ngài, và tập sống theo mẫu gương của Đức Kitô.  Đặc biệt, ở đâu cần giúp đỡ hơn, ở đâu khó khăn hơn, ở đâu Tin Mừng Chúa cần “nở hoa” hơn thì các anh em Dòng Tên quyết tâm lên đường dấn thân nơi đó.  Vì vậy mà Phanxicô Xaviê đã phải xa lánh nhóm bạn, đáp tàu đến một vùng đất xa xôi và lạ lẫm ở Ấn Độ và Nhật Bản, Mattheo Ricci và Adam Schall ở Trung Quốc, Alexandre de Rhode (cha Đắc Lộ) ở Việt Nam, và còn bao tu sĩ Dòng Tên khác đã đặt chân lên Nam Mỹ, Châu Phi.

Ngoài ra, môi trường phục vụ của dòng Tên ngày xưa, cũng như hiện nay với trên 20 ngàn tu sĩ tại 127 quốc gia, không giới hạn ở một chân trời nào cả.  Không chỉ có chân trong triều đình nhà Vua thời xưa, mà còn ở những góc phố dơ bẩn tại Manila thời nay.  Không chỉ ở tại những đại học danh tiếng như Georgetown University – Hoa Kỳ, mà còn tại những vùng hoang vu đất đỏ ở Việt Nam.  Thực vậy, nơi nào Vinh Danh Thiên Chúa hơn, thì các tu sĩ Dòng Tên có mặt ở đó.

  1. Inhaxiô một vị thánh lớn của Giáo hội

Trong khi các bạn đồng hành được Đức Giáo Hoàng sai đi truyền giáo thì Inhaxiô vẫn ở Roma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.

Trong thị kiến ở La Storta, Inhaxiô xin và đã được “Chúa Cha và Đức Giêsu vác thập giá nhận Inhaxiô làm người phục vụ.”  Đức Giêsu vác thập giá đã nói với Inhaxiô: “Ta muốn con phục vụ chúng ta”.

Thánh Inhaxiô qua đời ngày 31-7-1556, hưởng thọ 65 tuổi.  Đức Giáo hoàng Phaolô V phong chân phước cho ngài vào ngày 27-7-1609.  Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV phong thánh ngày 13-3-1622.  Lễ kính Thánh Inhaxiô vào ngày 31-7 hằng năm.

Thánh Inhaxiô đích thực là một nhà thần bí.  Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể.  Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên “ad majorem Dei gloriam” nghĩa là  “để Thiên Chúa được vinh danh hơn”.  Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội.  Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện.  Vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà Đức Giáo Hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.

Các linh mục Dòng Tên gồm những nhà bác học, thần học, giáo dục, khoa học cho đến những nhà truyền giáo danh tiếng và nhiều đấng tử đạo.  Những thần học gia vĩ đại, con cái của Thánh Inhaxiô như: Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) và Henri de Lubac (1896-1991) của Pháp, Karl Rahner (1904-84) của Đức, Bernard Lonergan (1904-84) của Canađa và John Courtney Murray (1904-67) của Hoa Kỳ, Hans Urs von Balthasar (1905-88), người Thụy Sĩ… Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng là Tu sĩ Dòng Tên.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 2012, tổng số tu sĩ Dòng Tên là 17.637 tu sĩ, trong đó có 12.526 linh mục, 1.470 tu huynh, 2.896 học viên và 745 tập sinh, phục vụ tại 133 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới trong 84 tỉnh dòng, 5 miền độc lập và 10 miền phụ thuộc.  Các tu sĩ của Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội (suy tư thần học, giảng thuyết, mục vụ giới trẻ, giúp Linh thao, truyền giáo…) cũng như của xã hội (giáo dục, truyền thông, phục vụ người tị nạn và di dân,…) nhằm phục vụ và thăng tiến con người.  Họ là các thần học gia, các vị linh hướng, giáo sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, tâm lý gia, bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà truyền giáo…(x.dongten.net).

Khi dâng lễ ở Nhà nguyện “hoán cải”, tôi suy gẫm về ơn trở lại của thánh nhân.  Nhờ đọc sách thiêng liêng mà Inhaxiô được biến đổi.  Thiên Chúa đã dùng sách thiêng liêng như một khí cụ để hoán cải Inhaxiô.  Việc đọc sách thiêng liêng đã tạo nên nhiều vị thánh.  Nhờ việc đọc sách thiêng liêng, con người trau dồi tri thức về giáo lý Kitô Giáo, đồng thời tìm được những kiến thức cho cuộc thưa chuyện mỗi ngày với Thiên Chúa.  Một cuốn sách thiêng liêng hay có thể được coi như một người bạn tốt.

Thời đại kỹ thuật số hôm nay, các phương tiện truyền thông hằng ngày luôn tấn công con người bằng những âm thanh và hình ảnh thế tục, nó muốn tách lìa từng người ra khỏi Thiên Chúa.  Một quyển sách tốt có thể trở thành một người bạn tuyệt vời, một nhà tư vấn khôn ngoan.  Một quyển sách tốt là một kho tàng tâm linh.  Một vài phút suy niệm về một bài đọc thiêng liêng sẽ giúp chúng ta gần Chúa hơn.

Inhaxiô là một vị đại thánh cho Giáo Hội và một nhân cách lớn cho xã hội.  Ngài là một thiên tài trong lịch sử loài người.  Nơi ngài, ân sủng và tự nhiên hòa hợp cách mỹ mãn để biến đổi một hiệp sĩ đầy tham vọng thế tục thành một vị thánh lớn để bước theo Chúa Kitô xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa và phục vụ mọi người.  Thật khó mà mô tả đầy đủ những đức tính phong phú và có phần đối nghịch của Inhaxiô: hăng hái nhưng biết kềm chế; dũng cảm, quyết tâm, nhưng đơn sơ, cẩn trọng; mạnh mẽ, cương nghị nhưng dịu dàng, yêu thương.  Một con người của những khát vọng lớn lao.  Cả những tham vọng, đam mê thế tục.  Trước khi hoán cải, phục vụ vua chúa trần gian, tìm kiếm danh vọng cho bản thân.  Sau khi hoán cải, cũng với khát vọng và hoài bão lớn lao cố hữu, nhưng được thanh luyện, để không còn tìm kiếm chính mình mà tìm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Mừng lễ kính thánh Inhaxiô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta được noi gương ngài luôn sống và làm việc “Để Thiên Chúa được vinh hiển hơn”.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thánh Giuse FERNANDEZ HIỀN, Linh Mục dòng Đaminh (1775-1838)

 Thánh Giuse FERNANDEZ HIỀN, Linh Mục dòng Đaminh (1775-1838)

Ngày 24 Tháng 07

Cuộc hội ngộ trong tù.

Khi bị thẩm vấn về các thừa sai, linh mục Fernandez Hiền liền nhận là có quen thân với hai Giám mục Delgado Y và Henares Minh. Cha xin quan cho gặp mặt vì biết hai vị đang bị giam cầm ở đây. Cuộc gặp kéo dài gần tiếng đồng hồ, mỗi vị một cũi. Nhưng cũng đủ để ba vị thủ lãnh giáo phận Đông trao đổi, an ủi và khích lệ nhau. Đức cha Delgado Y vì bệnh nặng nên ít nói hơn. Nhưng bỗng nhiên ngài hỏi cao giọng bằng tiếng Việt, chắc có ý cho quan quân nghe được: “Này cha bề trên phụ tỉnh, cha đã sẵn lòng tự nguyện để người ta chém đầu chưa ?” Không chút ngần ngừ, cha chính Hiền trả lời: “Dĩ nhiên đã sẵn sàng”. Các quan và lính tráng có mặt hôm đó đều ngạc nhiên hết sức khi thấy những tù nhân của họ nói đến cái chết cận kề, mà vẫn bình tĩnh, nếu không nói là vui vẻ nữa.

Hai ngày sau, tân tư của cha Hiền được khẳng định rõ hơn cho các quan: “Xin các ngài biết cho, không bao giờ tôi chà đạp Thánh Giá. Còn việc về nước (Tây Ban Nha) thì tôi không muốn, vì tôi đến đây với ước nguyện là giảng đạo Chúa Kitô, đạo chân chính duy nhất giúp con người sống tốt đẹp ở đời này và đạt hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Tôi sẵn sàng lấy máu mình để làm chứng cho người dân Việt biết đạo Thiên Chúa là đạo thật. Đó là mục đích và niềm vui của tôi”.

Hành trình rao giảng

Giuse Fernandez sinh ngày 03.12.1775 trong một gia đình đạo đức ở Ventosa de la Cuesta, tỉnh Valladolid, giáo phận Avila, Tây Ban Nha. Cha mẹ cậu rất hân hoan khi cậu xin vào dòng Đaminh, và coi đó là một vinh dự cũng như đặc ân Chúa ban cho gia đình. Tại tu viện thánh Phaolô (ở Valladolid) cậu tuyên khấn ngày 02.08.1796, khi mới 17 tuổi. sau đó thày Fernandez học triết lý và thần học, rồi được thụ phong linh mục.

Để thực hiện hoài bão truyền bá Tin Mừng cho niền Viễn Đông, cha Fernandez xin chuyển qua Tỉnh Hạt Rất Thánh Mân Côi và tới Manila (Phi Luật Tân) ngày 16.04.1805. Từ đây ngài đến Macao cùng với ba cha dòng Đaminh khác: Luis Villanova, Giacôbê Mateo và Manuel Gonzalez. Ngày 18.02.1806, bốn tu sĩ thuyết giáo theo một tàu của Anh vào bến Cửu Hàn (Đà Nẵng). Từ đây, bốn vị riệng rẽ đi bộ lên giáo phận Đông Đàng Ngoài, trời có bão, các thuyền bè không ai giám chở. Tháng 6 năm đó, cha Fernandez đến được trụ sở Bề trên phụ tỉnh.

Việt Nam thời này đang dưới quyền Gia Long, các thừa sai tương đối tự do giảng đạo. Sau một vài tháng học tiếng, vị tông đồ trẻ tuổi đã bắt tay vào công việc truyền giáo hăng say. Vốn bản tính hiền lành, khiêm tốn và nhã nhặn, cha Hiền được mọi người cả giáo lẫn lương đều quí mến. Nhờ đó cha đã giúp nhiều lương dân đón nhận đức tin, nhất là tại làng Xuân Dục.

Giáo xứ cha Hiền phụ trách lâu nhất là Kiên Lao, nơi cha đã nâng số tín hữu lên đến 5.000 khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ. Từ đây cha phụ trách chủng viện của giáo phận. Năm 1837, sau một cơn bệnh kiết lỵ suýt chết, tỉnh dòng trao cho cha chức vụ Bề Trên Phụ Tỉnh. Cha vâng lời nhận trách nhiệm với sự trợ giúp của linh mục phụ tá Hermosilla Vọng. Tuy làm cha chính có vài tháng, cha đã phải lãnh trách nhiệm trong giai đọan bão tố của giáo phận Đông. Những lá thư của cha Viên bị tịch thu đã tố cáo sự hiện diện của các linh mục ngoại quốc tại Nam Định.

Cô đơn và niềm an ủi.

Trong cơn truy lùng gắt gao của Tổng đốc Trịnh Quang Khanh năm 1838, cha Hiền đang ở chủng viện Ninh Cường, được giáo dân yêu cầu dọn đi nơi khác: “xin cha thương chúng con mà lánh đi nơi khác, kẻo nếu họ bắt được cha ở đây, chúng con sẽ mất hết tài sản và có lẽ mất cả đầu nữa”. Thế là vị linh mục 63 tuổi đang mang trọng bịnh, đành phải ra về Quần Liêu, có hai thày giảng theo giúp đỡ ngài.

Khi đến Quần Liêu, giáo hữu ở đây cũng lo sợ không kém bên Ninh Cường. Vì sợ liên lụy, họ đã xin ngài đừng ở lại. Một lần nữa cha Hiền và hai thày giảng lại ra đi mà không biết đến đâu, vừa đi vừa nghĩ đến gương của Thày Chí Thánh: “Cáo có hang chim trời có tổ, còn Con Người không chỗ gối đầu”. Nhưng may mắn thay, đang tình trạng bế tắc đó thì một linh mục Việt Nam xuất hiện.

Cha Phêrô Tuần đang coi xứ Lác Môn khi biết tin, liền đến Quần Liêu can thiệp. Cha trách các tín hữu ở đây bội bạc, và yêu cầu họ cho cha Hiền lưu lại vài ngày. Cha Tuần cũng quyết định ở lại để tìm chỗ ẩn mới cho vị thừa sai. Hai ngày sau, hai cha vượt sông qua giáo phận Tây đàng Ngoài, ghé vào xứ Kim Sơn. Nhưng vừa đến nơi thì hay tin quan tỉnh Nam Định đã ra lệnh cho quan địa phương lùng bắt hai vị rồi. Dân xứ Kim Sơn vì thế không giám lưu giữ, họ mời hai vị linh mục lên một chiếc thuyền nhỏ rồi đưa các vị vào vùng xình lầy gần đó. Địa điểm này tuy an toàn không bị truy lùng, nhưng quả là gian khổ vì bùn lầy tanh hôi, ban ngày thì nắng cháy da, đêm về thì làm mồi cho muỗi đốt.

Con đường thập giá.

Cũng may có cha xứ Kim Sơn khi biết tình trạng bi đát của hai chứng nhân đức tin liền tìm cách thu xếp. Hai ngày sau, ngài cho người rước hai cha về trú ở nhà ông Bát Biên (hàm Bát Phẩm), là người thọ ơn cha xứ nhiều lần. Hơn nữa ông này ngoại giáo nên ở đây an toàn hơn. Thực tế Bát Biên xử với hai vị rất tốt suốt tám ngày liền, trước khi lập mưu giao nộp để lãnh thưởng.

Đêm 18.06, ông ta nói dối rằng: “Con nghe tin quan biết hai cha ở đây, và quan quân sắp đến vây làng, con phải đem hai cha đi nơi khác, an toàn hơn”. Rồi ông ta mời cha chính Hiền xuống thuyền đem nộp ngài cho quan quân trên bờ sông Qui hậu. Sau đó, về nói dối để chở cha Tuần đi nộp tiếp. Nhờ việc tố giác này, Bát Biên được vua Minh Mạng tăng thêm một cấp quan và thưởng cho 100 nén bạc.

Đêm hôm đó, hai môn đệ Chúa Kitô bị giam tại huyện, các ngài giải tội cho nhau và khích lệ nhau chịu đựng gian khổ dù phải chết. Sáng hôm sau, quân lính điệu hai cha lên Ninh Bình, cha Hiền bị nhốt trong cũi bằng tre, cha Tuần phải mang gông nặng. Ngày 22.06, hai cha được giải về Nam Định, các quan và lính võ trang ra đón hai cha giữa tiếng hò reo chiến thắng. Sau đó họ giam mỗi vị một nơi.

Ngồi bó gối trong cũi tại ngục Nam Định, cha Hiền phải chịu đói khát, và nhất là cơn nóng nực. có lẽ ngài đã chết tại đó nếu không được anh Đường, một tín hữu tốt bụng đến tiếp cứu. Anh đã bỏ tiền ra mua chuộc lính gác để được vào tiếp tế mỗi ngày một ít lương thực. Mấy ngày đầu, anh còn phải giúp ngài đưa từng miếng cơm, ngụm nước vào miệng vị linh mục quá kiệt sức đến độ tự mình không thể ăn uống được nữa.

Một tháng trong tù, nhiều lần cha bị đưa ra tòa để đối chất. Quan Tổng đốc mới Lê Văn Đức điều tra ngài về lý lịch, đến đây làm gì, bao lâu ? Cha cố trả lời vắn tắt để không liên lụy đến ai. Cha nói: “Từ ngày vua cấm đạo, chúng tôi mạnh ai nấy chốn, chẳng biết ai ở đâu cả”. Quan hứa sẽ đặt cha làm thông dịch viên nếu chịu bỏ đạo, cha đáp: “Tôi đến đây không để phục vụ vua chúa trần gian này mà chỉ để rao giảng đạo Đức Chúa Trời thôi”. Thế rồi, cha xin được gặp hai Đức cha đã bị giam trước, và bình tĩnh tỏ lòng sẵn sàng chết vì đức tin theo vị chủ chăn của mình. Thấy không thể làm cha bỏ đạo, đạp lên Thánh Giá, các quan họp nhau và nên án trảm quyết ngài. Bản án của cha và cha Tuần được vua Minh Mạng châu phê tới Nam Định ngày 18.07. Cha Phêrô Tuần vì tuổi già sức yếu, đã về với Chúa trước đó ba ngày.

Giây phút vinh quang.

Sáng ngày 24.07, trước khi đem đi xử, các quan còn khuyên dụ cha Hiền lần cuối: “Lát nữa ông sẽ bị chém đầu nếu không đạp lên Thập Giá. Hãy quyết định lại đi, ông sẽ được tha về Âu châu”. Vị chứng nhân trả lời: “Tôi không chịu đạp lên Thánh Giá, các ông muốn chém thì cứ chém”. Sau đó nhốt cha trong cũi, các quan để mặc dân chúng đến xem chế nhạo. Họ kéo đến chửi mắng, bứt tóc giật râu hoặc thò tay đấm vào người cha.

Khoảng 2 giờ chiều, quan quân mới đưa vị linh mục đến pháp trường Bẩy Mẫu. Khi quân lính kéo ngài ra khỏi cũi và ném lên chiếu, ngài hầu như không gượng dậy nổi, phần vì đau mệt, phần thì đói lả, ngài nằm sõng soài ra đó. Tuy thế, cặp mắt của vị anh hùng vẫn hướng về trời cao, dâng lên Thiên Chúa hy tế đời mình và dâng lời cảm tạ sốt sắng qua 32 năm đã được phúc làm chứng cho Thiên Chúa ở Việt Nam. Lý hình vung gươm xử chém đang lúc chứng nhân còn chìm sâu trong ý nguyện.

Đầu vị tử đạo phải bêu ba ngày trước khi bị ném xuống sông. Các giáo hữu đem áo quan theo sẵn, đút tiền để đưa thi hài ngài về án táng tại chủng viện Lục Thủy. Hiện hài cốt ngài còn để tại nhà thờ Phú Nhai.

Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn cha Giuse Fernandez Hiền, dòng Đaminh, lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Hạnh Các Thánh

 Hạnh Các Thánh

11/05/2017

 

11 Tháng Năm

    Thánh Y-Nhã ở Laconi

    (1701 – 1781)

    Thánh Y-Nhã là một thầy khất thực thánh thiện.

    Ngài là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở Sardinia và tên thật là Francis Ignatius Vincent Peis. Ngay từ nhỏ Vincent đã biết cái nghèo là gì, nhưng trong mái nhà đơn sơ ấy là bầu khí thánh thiện của một người cha siêng năng làm việc và người mẹ đạo đức, luôn dạy con cái trở nên xứng đáng là con Chúa.

    Ngay từ nhỏ, Vincent đã thường đau yếu luôn, và khi 18 tuổi anh bệnh nặng đến nỗi phải nằm liệt giường trong nhiều tháng. Chạy đến với Ðức Trinh Nữ Maria, anh hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Ðức Mẹ chữa khỏi. Và Vincent bắt đầu hồi phục, nhưng lại quên đi lời hứa ấy. Mãi cho đến một biến cố thứ hai, khi anh đang cưỡi ngựa thì con ngựa trở chứng chạy lồng lộn tưởng như muốn hất anh xuống đất nhưng bỗng nhiên nó thuần thục trở lại, và anh tin rằng Thiên Chúa đã can thiệp để nhắc lại lời hứa trước đây. Năm 1721, anh gia nhập tu viện Thánh Biển Ðức ở Cagliari, và sau khi mặc áo dòng, anh lấy tên là Thầy Y-Nhã.

    Sau khi tuyên khấn, thầy được sai đến tu viện ở Buoncammino làm đầu bếp trong vòng hai năm. Và mười năm tiếp đó thầy đi khất thực cho tu viện ở Iglesias và sau lại trở về Buoncammino làm nghề dệt. Tuy nhiên, chỉ được vài năm, thầy lại trở về công việc khất thực cho nhà dòng. Có thể nói, “công việc” của thầy bao gồm việc lang thang trên đường phố Cagliari để xin thức ăn cho nhà dòng. Không bao lâu, thầy là khuôn mặt quen thuộc của dân chúng và họ gọi thầy là “Padre Santo” (Cha Thánh).

    Thầy được sự yêu quý của người già cũng như sự tin tưởng của người trẻ. Trẻ con ở Cagliari lại càng quý mến “Padre Santo” là chừng nào khi thầy luôn kể cho chúng nghe các câu truyện hấp dẫn của các thánh, dạy bảo cho chúng biết về Thiên Chúa, cũng như chỉ vẽ chúng cách cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

    Lòng thương yêu tha nhân đã trở nên phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của thầy, và từ đó xuất phát sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành có sức thu hút người khác.

    Trong hai năm cuối của cuộc đời, thầy bị mù, và từ trần ngày 11 tháng Năm 1781. Thầy được phong thánh năm 1951.

    Lời Bàn

    Tại sao người dân ở Cagliari lại giúp đỡ các tu sĩ? Các môn đệ của Thánh Phanxicô là những người siêng năng làm việc nhưng đó là những công việc không đủ sống. Trong những điều kiện ấy, Thánh Phanxicô cho phép họ đi xin ăn. Cuộc đời Thánh Y-Nhã cho chúng ta thấy, những gì Thiên Chúa coi là giá trị thì không liên hệ đến đồng lương cao hay thấp.

    Lời Trích

    “Tôi thường làm việc với đôi bàn tay, và tôi vẫn muốn làm việc; tôi thực sự mong muốn tất cả các anh em đều tận tình làm việc. Những ai không biết cách làm việc hãy học làm việc, không phải vì muốn được trả lương nhưng vì sống gương mẫu và để tránh sự lười biếng. Và khi chúng ta không được trả lương, hãy trông nhờ vào bàn ăn của Thiên Chúa, mà đi ăn xin từng nhà” (Thánh Phanxicô, Bản Di Chúc).

Thánh Catarina ở Genoa

Ngày 24 Tháng 3

Thánh Catarina ở Genoa
(1447 – 1510)

Khi Thánh Catarina chào đời thì nhiều nhà quý tộc ở Ý lúc bấy giờ hỗ trợ các văn nghệ sĩ thuộc phong trào Phục Hưng. Các nhu cầu của người nghèo và người bệnh tật thường bị lu mờ bởi cái đói khát giầu sang và lạc thú.

Cha mẹ của Catarina thuộc dòng họ quý tộc ở Genoa. Lúc 13 tuổi, ngài muốn đi tu nhưng không được nhận vì còn quá trẻ. Năm 16 tuổi, bởi sự thúc giục của cha mẹ, Catarina kết hôn với ông Guiliano Adorno, một người quý tộc nhưng đó là một hôn nhân bất hạnh. Ông Guiliano là một người không có đức tin, cọc cằn, hoang phí và không chung thủy. Trong một thời gian, Catarina muốn quên đi những chán chường của đời sống bằng cách hòa đồng với xã hội.

Một ngày kia, khi đi xưng tội, ngài được ơn Chúa cho thấy tội lỗi của mình và tình thương của Thiên Chúa. Ngài thay đổi lối sống và làm gương cho chồng, mà không lâu sau đó, chính ông Giuliano cũng đã từ bỏ đời sống ích kỷ, hoang đàng. Cả hai quyết định sống trong khu nhà thương ở Genoa để chăm sóc bệnh nhân, thi hành đức bác ái. Sau khi ông Giuliano qua đời năm 1497, bà Catarina đứng trông coi bệnh viện.

Những thị kiến bà được cảm nghiệm từ khi hai mươi sáu tuổi cho đến lúc chết, được cha giải tội ghi nhận lại trong hai cuốn “Những Ðối Thoại của Linh Hồn và Thân Xác,” và “Luận Về Luyện Ngục“. Trong Luận Về Luyện Ngục, bà coi toàn thể cuộc đời Kitô Hữu là sự thanh luyện. Nếu sự thanh luyện ở đời này chưa hoàn tất thì sẽ phải tiếp tục sang đời sau. Những gì chúng ta phải đền bù vì tội lỗi của chúng ta ở đời này thì quá nhỏ so với những gì phải đền bù ở Luyện Tội. Ðời sống với Thiên Chúa ở thiên đàng là một tiếp nối của đời sống đã được hoàn thiện được khởi sự từ trần gian.

Kiệt quệ vì sự hy sinh, bà từ trần ngày 15 tháng Chín, 1510, và được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong thánh năm 1737.

Lời Bàn

Xưng tội và rước lễ thường xuyên có thể giúp chúng ta nhìn thấy con đường hướng về Thiên Chúa. Những người có cảm nhận thực tế về tội lỗi của mình và sự cao cả của Thiên Chúa thường là những người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân. Thánh Catarina bắt đầu công việc ở bệnh viện với lòng nhiệt thành, và trung thành với công việc ấy qua những thời kỳ khó khăn bởi vì ngài được khích động bởi tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu ấy được canh tân qua Kinh Thánh và các bí tích.

Lời Trích

Trước khi từ giã cõi đời, Thánh Catarina nói với cô con gái đỡ đầu: “Tomasina! Ðức Giêsu trong tâm hồn con! Vĩnh cửu trong tâm trí con! Thánh ý Thiên Chúa trong hành động của con! Nhưng trên hết mọi sự, hãy sống bác ái, Thiên Chúa là tình yêu, hoàn toàn tình yêu!

Trích từ NguoiTinHuu.com

…………………………………………………………………………………………………….

Vững Niềm Tin

Vào năm 1856 các nhà khảo cổ đã thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị tại đồi Palatino tại thành phố Roma. Khi đào bới những lớp đất bao phủ một trại lính Roma cổ, trên vách một bức tường, họ tìm thấy một cây thập giá được một người lính nào đó dùng đinh hay mũi dao khắc vụng về vào tường. Bên cạnh là hình một chàng thanh niên giơ tay chào kính cây thập giá. Trên cây thập giá có vẽ hình một người, nhưng đầu người ấy là hình một con lừa. Dưới hai hình vẽ, người ta thấy có viết hàng chữ: Alexamenos thờ lạy Chúa của hắn.

Các nhà khảo cổ cho rằng: Có thể bức tranh đã được thực hiện vào những năm 123 đến năm 126. Nếu sự phỏng đoán về niên hiệu này là đúng thì đây có lẽ là hình vẽ thập giá cổ nhất, nhưng lại là hình thập giá bị nhạo báng, chê cười: Nếu Thiên Chúa lại chết trên thập giá thì đây là hành động yếu hèn, khờ dại như hành động của một con lừa và cả những người thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng thế.

Vào năm 1870, các nhà khảo cổ lại tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của một chàng thanh niên mang niềm tin Kitô tên là Alexamenos. Ở một cột trụ bằng đá  dựng hình thần Mars tức là vị thần chiến tranh, người ta khám phá thấy được khắc vào đó dòng chữ: “Alexamenos vẫn vững tin”.

Vâng, hình ảnh Thiên Chúa chết treo trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp, yếu đuối, dại khờ.Nhưng Thánh Phaolô đã biện hộ cho hành động có thể gọi được là điên rồ của Thiên Chúa như sau:

“Tiếng nói của thập giá đối với những kẻ hư hỏng là điên dại, còn đối với các người được cứu rỗi, tức là chúng ta, thì là sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, người Do Thái đòi hỏi phép lạ, người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Còn chúng tôi thì giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Người Do Thái cho điều đó là xấu xa, còn các người ngoại giáo thì cho là dại dột. Song với tất cả được Thiên Chúa tuyển chọn thì Chúa Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Trích sách Lẽ Sống

Anh chị Thụ & Mai gởi

Các phép lạ mới và ít được biết đến của cha Thánh Piô

Các phép lạ mới và ít được biết đến của cha Thánh Piô

“Cha Piô”, tên gọi đơn giản nhưng thân thuộc mà tín hữu khắp nơi trên thế giới dùng để gọi cha Thánh Piô thành Pietrelcina. Cha Piô sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887, với tên Francesco Forgione, trong một gia đình Công giáo đạo hạnh ở Pietrelcina, Italia.

Vào năm 15 tuổi, cha gia nhập dòng capuchinô và trở thành Linh mục. Trong suốt cuộc đời, cha Piô được biết đến như là một nhà huyền bí, được mang 5 dấu thánh của Chúa Giêsu trong suốt 50 năm – các vết thương ở chân tay và cạnh sườn như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Nhiều phép lạ và dấu lạ đã được thực hiện bởi cha Piô như các vụ chữa lành, đọc được nội tâm, bay lên và thậm chí xuất hiện ở hai nơi khác nhau trong cùng thời gian. Ngài là một trong những vị thánh vẫn đang thực hiện nhiều phép lạ trong Giáo hội cho đến ngày nay, cho những ai xin ngài khấn cầu.

Còn cha John Paul Zeller là một thừa sai dòng Phanxicô Ngôi lời vĩnh cửu và là một thừa sai Lòng thương xót đến từ thành phố Birmingham, tiểu bang Alabama, Hoa kỳ. Cha đang giữ một thánh tích hạng nhât của cha Piô và đã tận mắt chứng kiến những lần chữa lành qua lời cầu bầu của cha Piô với thánh tích cầm trên tay. Đối với cha Zeller, cha Piô là một vị thánh bầu cử rất quyền thế. Cha Zeller kể lại rằng ban đầu cha không có lòng kính mến đặc biệt đối với cha Piô.

Cha luôn tưởng tượng ra cha Piô rất là nghiêm khắc và sợ xin ngài cầu bầu vì sợ cha Piô cũng nghiêm khắc với cha. Nhưng vào năm 2004, sau khi cha Pio được Thánh Giao hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh, cha Zeller đã hành hương đến thành phố San Giovanni Rotondo, nơi cha Pio đã phục vụ trong thánh chức Linh mục phần lớn thời gian ởđó, và lòng yêu kính đối với cha thánh Piô đã gia tăng từ đó. Cha Zeller đột nhiên cảm thấy mình có mối liên hệ với cha Piô, vì thánh nhân đã chọn ngài chứ không phải ngài chọn thánh nhân. Giờ đây cha nhận ra cha Piô thật sự là một tu sĩ vui vẻ. Cha nghĩ là cha Piô có vẻ nghiêm khắc là vì “thánh nhân biết khi nào người ta không ăn năn hoán cải.” Người ta nói là Cha Piô có thể ngửi được mùi của tội. Cha lo lắng cho ơn cứu độ của các linh hồn và mang lòng thương xót và tha thứ của Chúa đến cho các linh hồn của dân chúng.

Sau khi học biết về cuộc đời của cha Piô, cha Zeller được đánh động và lấy hết can đảm để xin các bề trên tu viện ở San Giovanni cho cha một thánh tích của cha Piô. Cha bề trên đã đồng ý và tặng cho cha Zeller không chỉ một, nhưng tới hai mảnh băng thấm máu mà cha Piô buộc quanh vết thương của các dấu thánh. Sau khi nhận được thánh tích của cha Piô, cha đã tặng cho cộng đoàn của cha, được Mẹ Angelica, người sáng lập mạng lưới truyền  hình Công giáo thành lập và được phép giữ cho mình thánh tích còn lại. Cha mang thánh tích này theo mình mọi lúc. Là giám đốc hành hương của trung tâm Mạng lưới truyền hình Lời vĩnh cửu, cha có nhiều cơ hội cầu nguyện với nhiều người. Cha cầu nguyện với các tín hữu hành hương và có những trường hợp, theo cha, có sự chữa lành nhờ lời cầu bầu của cha Piô.

Một trường hợp xảy ra vào gần giữa năm ngoái (2016), trong một buổi cử hành chữa lành ở đền thánh Thánh Thể ở Hanceville vào ngày lễ Đức Mẹ Fatima, khi cha và 2 Linh mục khác đã dùng hai băng vải thánh tích của cha Pio để cầu nguyện trên dân chúng. Khi họ đang cầu nguyện, một phụ nữ bị đau thần kinh tọa tiến lên và cha đã cầu nguyện cho bà. Sau  đó, phụ nữ này trở lại và cho cha biết là sau khi trở về chỗ ngồi, cơn đau của bà đã biến mất. Một trường hợp khác, không lâu sau khi nhận được thánh tích, cha Zeller đang trò chuyện với vài người bạn thì nhận ra đứa con gái 12 tuổi của một người bạn đang đau đớn vì bị viêm tai và dường như không thể lành.

Cha Zeller hỏi đứa bé xem ngài có thể cầu nguyện trên cô với thánh tích không. Cô bé trả lời được. Cha Zeller cho người mẹ và cô gái thấy thánh tích. Khi cha vừa đặt thánh tích đụng tai của cô gái và bắt đầu cầu nguyện, cô bé trượt khỏi tay cha và ngã xuống đất. Cha Zeller không kịp đỡ cô bé vì nghĩ có chuyện gì xảy ra với cô. Khi cha đang lo sợ thì mẹ cô bé rất bình tĩnh, bà tin đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhưng từ lúc đó cô bé không còn bị viêm tai nữa. Một trường hợp của một phụ nữ bị bệnh tim đã 40 năm cũng được chữa lành sau khi được cha đặt thánh tích của cha Pio trên bà và cầu nguyện. Cha Zeller nhấn mạnh rằng không phải là cha, nhưng việc chữa lành là nhờ lời cầu bầu của cha thánh Piô. (CNA 22/09/2016)

Hồng Thủy

Anh chị Thụ & Mai gởi

Thánh Gioan Bosco

Thánh Gioan Bosco
(1815 – 1888)

Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bosco đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay. Ðó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa.

St John Bosco

Ðược khuyến khích đi tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.

Sau thời gian làm tuyên uý cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô “de Sales” cho các em trai. Một vài người bảo trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.

Vào năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và các nhà xuất bản Công Giáo.

Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô “de Sales”.

Với sự hỗ trợ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.

Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi.

 Lời Bàn

Thánh Gioan Bosco giáo dục toàn thể con người — thể xác và linh hồn. Ngài tin rằng tình yêu Ðức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta — học hành, chơi đùa, làm việc. Ðối với Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực, không chỉ một tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm Thiên Chúa trong sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Gioan nhận ra được tầm quan trọng của sự huấn nghệ và giá trị con người cũng như sự tự trọng do bởi tài nghệ và khả năng làm việc, do đó ngài cũng huấn luyện các người trẻ trong các ngành nghề.

    Lời Trích

“Mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về đời sống, thì đó không phải là giáo dục” (G.K. Chesterton, The Common Man).

    Trích từ NguoiTinHuu.com