Nguyễn Thị Hoài Thanh – Tưởng Năng Tiến

Ba’o NguoiViet

February 20, 2025

Tưởng Năng Tiến

Trong những phụ nữ thuộc thế hệ chị và mẹ của mình, tôi thương nhất chị Thanh và dì Bẩy. Khi còn đôi tám, người ta thường gọi dì là con Bẩy.

“Giọng hát của con Bẩy đưa đò khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh; giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng sông, chuyển rung mặt nuớc.” (Sơn Nam. “Con Bẩy Đưa Đò”. Hương Rừng Cà Mau. Trí Đăng, Sài Gòn: 192).

Tài sắc, cũng như đức hạnh, không mấy khi mang lại hạnh phúc và may mắn cho những kẻ sinh ra trong thời ly loạn. Cuộc đời cô Bẩy (rất) không may và (hoàn toàn) không hạnh phúc.

Lúc còn thanh xuân, cô gặp (và yêu) một chàng trai trên dòng Cái Lớn. Chàng từ Bình Thủy xuống, đẹp trai, lịch thiệp, và hò hát cũng rất hay. Chỉ có điều đáng tiếc là người ta không phải loại “thường dân” nên không chịu cùng cô Bẩy kết duyên đôi lứa và sống an phận thủ thường (như những đám lục bình trôi) nơi ao hồ sông rạch.

Nghe qua con Bẩy bùi ngùi tấc dạ; từ chỗ kính mến đến chỗ yêu thương chàng trai đó cũng không xa mấy. Con Bẩy nhìn vầng trăng khuyết vừa hé lên khỏi ngọn bần.

– Bao giờ chàng trở lại em xin chờ.
Chàng cười mà đáp:
– Cảm ơn.
– Lời em hứa là chắc. Hay là chàng không tin nơi lời nguyền của gái đưa đò.
– Đâu phải vậy. Chỉ sợ tôi không giữ đúng lời hứa … Chí trai bốn biển là nhà…
Dứt lời chàng đứng dậy cất mái chèo. Con Bẩy xúc động rưng rưng nước mắt. Duyên may một đời chưa chắc gặp hai lần.
– Vậy thì xin chàng dậy cho em một hai câu hò để em nhớ đời.
– Cô hò đã hay mà lại có duyên. Tôi còn biết gì mà dậy thêm. Họa chăng chỉ có một tấm lòng này…
Một tấm lòng! Con Bẩy mãi suy nghĩ về ba tiếng đó, chừng giựt mình nhìn lại thì chàng đã khuất dạng trong lớp sương khuya.
 (Sơn N. sđd, tr. 57).

Con Bẩy chờ hoài, chờ hủy nhưng người xưa không quay về bến cũ. Thời gian thì đâu có chịu đợi ai. Tuổi đời khiến con Bẩy Đưa Đò trở thành một phụ nữ bán thịt tại chợ Vàm, ở ven sông. Thịt luộc của dì Bẩy nổi tiếng là “ngon hết biết” luôn.

“Một hôm, có người năn nỉ xin chỉ cho cách luộc thịt. Dì Bẩy thoáng ngậm ngùi:

– Cái việc hò hát cũng như cái việc luộc thịt heo vậy. Ai làm cũng được. Cách thức dễ ợt. Nhưng mà công phu lắm.
– Công phu là thế nào dì Bẩy?
– Ở đây, hồi đó có người nói là cần một tấm lòng”. (Sơn Nam. sđd trang 59).

Chao ơi, một tấm lòng! Sống không có (ngó) cũng kỳ mà có thì phiền lắm và (đôi khi) phiền lớn. Cũng như dì Bẩy, chị Thanh lao đao lận đận – suốt cả cuộc đời – cũng chỉ vì một tấm lòng thủy chung, và đôn hậu của mình.

Tương tự như thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha (vào đầu thập niên 1940) nơi mà nhiều người dân Âu Châu đã tìm đến, với hy vọng có cơ may chạy thoát khỏi sự săn đuổi chủ nghĩa phát xít. Hải Phòng, hồi đầu thập niên 50, cũng thế. Cũng là  ngưỡng cửa của sự tử sinh.

Hàng triệu người Việt muốn lánh nạn cộng sản cũng đã tìm đến bến cảng này, với hy vọng tìm được một con tầu để đưa họ vào Nam. Chỉ riêng Nguyễn Thị Hoài Thanh quyết định ở lại thôi. Bà Nguyễn Thị Thêu kể lại: “Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước, gia đình tôi ra Hải Phòng để chờ ngày di cư vào Nam. Hoài Thanh vốn là người Hải Phòng nên ba tháng hè chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Tôi rủ Hoài Thanh di cư vào Sài Gòn nhiều lần, nhưng Hoài Thanh bảo: “Tao chờ anh Trúc ở ngoài kháng chiến về.” (Nguyễn Thị Hoài Thanh. “Luyến Tiếc”. Hoa Phượng. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2007).

Không ai trở lại, như chị Thanh (và dì Bẩy) đã mong ngóng cả. Người đời rồi cũng dần lãng quên cái giọng hát “khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh” của cô gái đưa đò (xuân sắc) năm xưa. Thời gian cứ để mặc cho dì Bẩy sống mãi trong lặng lẽ và cô đơn, cạnh một bến sông êm đềm, ở miền Nam.

Chị Thanh, buồn thay, đã không có được sự “may mắn” tương tự như dì Bẩy hồi mấy mươi năm trước. Cái giá mà chị phải trả cho tấm lòng trung hậu của mình mắc mỏ hơn nhiều. Ở miền Bắc, nơi mà (miếng thịt lợn chao ơi là vĩ đại, miếng thịt bò vĩ đại gấp hai) thịt thà được phân phối độc quyền bởi nhà cầm quyền nên chị Thanh đành phải bán than :

Em lội giữa đống than như con cá mắc cạn
Cố vẫy vùng cho vượt khỏi gian truân…

(Chu Tất Tiến. “Viết Về Một Người Mang Tên Nguyễn Thị Hoài Thanh.” Hoa Phượng. Tiếng Quê Hương, Virginia: 2007).

Sống “trong lòng cách mạng” mà muốn “vượt khỏi gian truân” thì e là điều bất khả. Lý lịch trích ngang của Nguyễn Thị Hoài Thanh được Bùi Ngọc Tấn tóm tắt, như sau:

“Có việc gì mà không trải qua. Hãy kể những việc chính: Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất nhập khẩu, đứng máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, súc sạc ắc qui Công Ty Quốc Doanh Đánh Cá Hạ long… Đó là chưa kể còn đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm … Đồng lương không đủ nuôi mình mà còn phải nuôi con.”  (Bùi Ngọc Tấn. “Một Mơ Ước Về Kiếp Sau.” Viết Về Bè Bạn. Tiếng Quê Hương, Virginia: 2005).

Chưa hết, còn có “huyền thoại” là chị Thanh có hai ông anh đã di cư: Nguyễn Xuân Vinh và Nguyễn Cao Kỳ. Cả hai đều (từng) là tư lệnh không quân của miền Nam. Huyền thoại này chỉ đúng năm chục phần trăm. Quả thực, chị là em của ông Nguyễn Xuân Vinh. Ở miền Bắc, có một ông anh cỡ đó cũng đủ chết (dở) rồi. Đâu cần đến cả hai. “Dường như biết rằng có những dư luận bất lợi cho mình và mọi người nhìn mình bằng con mắt nghi kỵ xa lánh nên chị không chủ động thân thiết gần gũi với một ai.” (Bùi N.T. sđd, trang 99).

Chị sống thui thủi một mình là phải :

Sau hổi kẻng tan ca
Tôi ngã vào vòng tay lạnh lẽo của mùa đông.

Đời sống cái gia đình nhỏ bé của riêng chị Thanh lại là một thảm kịch khác. “Thời con gái chị vốn xinh đẹp. Nhất dáng nhì da. Chị được cả hai. Nhưng hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn, hai lần ly dị. Vẻ đẹp của tuổi ba muơi đang chín. Cái sắc đẹp không chủ đã gây cho chị biết bao nhiêu khó khăn, nhiều khi cả nguy hiểm nữa… Hình như Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh ra là để gặp rắc rối và  vượt qua những rắc rối khó khăn. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh, không kêu ca như cuộc đời vốn như vậy.” (Bùi N.T. sđd, trang 101 -104).

Hình: tác giả cung cấp)

Thì quả đúng “như vậy” thật nhưng sao, đôi lúc, tôi vẫn nghe dường như có tiếng chị thở dài – dù (rất) khẽ :

Sông Cấm ơi! Sông như người bạn mới quen
Thân thiết thế mà sao không hiểu được
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi, với bóng là ba
Bóng tôi nghiêng với bao la
Sông mang về biển
Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông?

Sông Cấm, đã có lúc, mang “nguyên vẹn” hình bóng của người thơ ra biển nhưng  chị Thanh đã không giữ được nguyên vẹn hình hài của chính mình: “Tai nạn xẩy ra ngay ngã Sáu, gần nhà tôi. Chị nằm ngất trên đường mưa dầm ngày tết, mặt đường sền sệt một thứ nước bùn hoa. Cánh tay dập nát, xương gẫy… Chị bảo người nhà xin cho người tài xế đã gây ra tai nạn vì người ta không cố ý, người ta cũng khổ như mình.” (Bùi N.T. sđd, trang 111-112).

Sau đó, sau khi bị thương tật – ở tuổi sáu muơi – chị Thanh sẽ không bao giờ còn được “khổ như” nhiều người dân Việt (trung bình) khác nữa. Có lẽ, chỉ còn có cách ăn xin để sống còn – như chị đã từng nghĩ thế. Nhưng lòng tự trọng quá lớn đã không cho phép chị Thanh làm thế. Loay  hoay một thời gian rồi chị cũng nghĩ ra một cách sinh nhai khác, lịch sự hơn: chị vào Nam đi … mót!

Với dân Việt thì gặt lúa, bẻ bắp, rỡ khoai, rỡ lạc là những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày. Mót lúa, mót bắp, mót khoai, mót lạc …cũng là những sinh hoạt quen thuộc khác – với những nông dân khốn khó hơn, như trường hợp của chị Thanh. Có chiều, ở Đồng Xoài, trong khi chờ người ta thu hoạch xong (để mót lạc) chị đang ngồi chơi vẩn vơ đùa nghịch với những cây hoa mắc cỡ thì ý thơ chợt đến :

Chiều lặng ngồi bên cây xấu hổ
Lá thẹn thò sau đám cỏ rối bời
Hãy ngoảnh mặt lại đây
Có gì đâu mà mắc cở
Chỉ mình ta bầu bạn với ta thôi.

Có gì đâu mà mắc cở? Vậy mà tôi cứ xấu hổ mãi, sau khi đọc xong tập thơ Hoa Phượng – nhất là những bài chị Thanh viết về Di Linh, Đức Trọng, Tùng Nghĩa … Đó là những địa danh mà tôi cũng đã từng sống qua, một cách rất vô tình, và đã đành đoạn bỏ đi – cũng vô tình không kém!

Chị Thanh thì khác. Từ Bắc vào Nam, không một người thân quyến, chị không đi để “nhận họ nhận hàng” với bất cứ ai. Chị bước qua tất cả những vùng đất xa lạ của quê hương, với tất cả sự hồn nhiên và bằng một tấm lòng phơi phới :

Khi ta đến Di Linh chiều rất trẻ
Tiếng nắng về dát bạc dưới lòng thung…

Chị Thanh đến mọi nơi với tất cả sự thiết tha, khi chia tay cũng vô cùng tha thiết :

Tạm biệt nhé Di Linh thôi chào nhé
Ở chưa quen đã vội vã ra về …

Trong chị Thanh chỉ có một tấm lòng, chứ tuyệt nhiên không có “những bức tường lòng” phân cách Bắc/ Trung/ Nam – như rất nhiều người Việt khác. Tình cảm của chị tinh khiết, trong veo, và tươi mát tựa như dòng nước của một con suối nhỏ – róc rách, len lách – khắp mọi miền của tổ quốc thân yêu. Bởi thế, dù không biết chính xác chị được chôn cất nơi nao tôi vẫn tin rằng ở bất cứ đâu thì đất nước này cũng đều hân hoan ấp ủ hình hài của người thơ đa cảm, tài hoa, và truân chuyên nhất của dân tộc. Vĩnh biệt Nguyễn Thị Hoài Thanh. Em mong chị mãi mãi được an nghỉ trong an lành và thanh thản!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Năm ngàn & năm cắc

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:Tưởng Năng Tiến

18/02/2025

Vài bữa sau, sau ngày đổi tiền ở miền Nam, tờ Sài Gòn Giải phóng (số ra hôm 27 tháng 9 năm 1975) đã gửi đến những người dân ở vùng đất này đôi lời an ủi:

“Nhiệm vụ của đồng bạc Sài Gòn (là) giữ vai trò trung gian cho Diệm xuất cảng sức lao động của đồng bào ta ở miền Nam cho Mỹ… Làm trung gian để tiêu thụ xương máu nhân dân miền Nam, làm trung gian để tiêu thụ thân xác của vô số thiếu nữ miền Nam, làm trung gian cho bọn tham nhũng, thối nát, làm kẻ phục vụ đắc lực cho chiến tranh, làm sụp đổ mọi giá trị tinh thần, đạo đức của tuổi trẻ miền Nam, làm lụn bại cả phẩm chất một số người lớn tuổi… Nó sống 30 năm dơ bẩn, tủi nhục như các tên chủ của nó, và nay nó đã chết cũng tủi nhục như thế. Đó là một lẽ tất nhiên, và đó là lịch sử… Cái chết của nó đem lại phấn khởi, hồ hởi cho nhân dân ta.”

Ba mươi tám năm sau, nhà báo Huy Đức lại có lời bàn thêm, và bàn ra, nghe như một tiếng thở dài: “Không biết ‘tủi nhục’ đã mất đi bao nhiêu … nhưng rất nhiều tiền bạc của người dân miền Nam đã trở thành giấy lộn.” (Bên thắng cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).

Tôi sinh ra đời tại miền Nam, cùng thời với “những tờ bạc Sài Gòn” nhưng hoàn toàn không biết rằng nó đã “làm trung gian cho bọn tham nhũng, thối nát, làm kẻ phục vụ đắc lực cho chiến tranh, làm sụp đổ mọi giá trị tinh thần, đạo đức của tuổi trẻ” của nửa phần đất nước. Và vì vậy, tôi cũng không thấy “phấn khởi” hay “hồ hởi” gì (ráo trọi) khi nhìn những đồng tiền quen thuộc với cuộc đời mình đã bị bức tử – qua đêm!

Suốt thời thơ ấu, trừ vài ba ngày Tết, rất ít khi tôi được giữ “nguyên vẹn” một “tờ bạc Sài Gòn” mệnh giá một đồng. Mẹ hay bố tôi lúc nào cũng xé nhẹ nó ra làm đôi, và chỉ cho tôi một nửa. Nửa còn lại để dành cho ngày mai.

Tôi làm gì được với nửa tờ giấy bạc một đồng, hay năm cắc, ở Sài Gòn – vào năm 1960 – khi vừa mới biết cầm tiền?

Năm cắc đủ mua đá nhận. Đá được bào nhỏ nhận cứng trong một cái ly nhựa, rồi thổ ra trông như hình cái oản – hai đầu xịt hai loại xi rô xanh đỏ, lạnh ngắt, ngọt lịm và thơm ngát – đủ để tôi và đứa bạn chuyền nhau mút lấy mút để mãi cho đến khi xi rô bạc hết cả mầu mới ngừng tay, lễ phép xin thêm:

– Cho con thêm chút xi rô nữa được không?

– Được chớ sao không. Bữa nào tụi bay cũng vậy hết trơn mà còn làm bộ hỏi nữa!

Năm cắc đủ cho một chén bò viên, dù chỉ được một viên thôi nhưng khi nắp thùng nước lèo mở ra là không gian (của cả Sài Gòn) bỗng ngạt ngào hương vị. Chút nước thánh đó – sau khi đã nhai thiệt chậm miếng thịt pha gân vừa ròn, vừa ngậy – hoà nhẹ với chút xíu tương đỏ, tương đen, cùng ớt xa tế ngọt ngọt cay cay có thể khiến cho đứa bé xuýt xoa mãi cho đến… lúc cuối đời.

Năm cắc cũng đủ làm cho chú Chệt vội vã thắng xe, mở ngay bình móp, lấy miếng kem – xắn một phần vuông vắn, cắm phập vào que tre – rồi trịnh trọng trao hàng với nụ cười tươi tắn. Cắn một miếng ngập răng, đậu xanh ngọt lạnh thấm dần qua lưỡi, rồi tan từ từ… suốt cả thời thơ ấu.

Năm cắc là giá của nửa ổ bánh mì tai heo, nửa má xoài tượng hay một xâu tầm ruột ướp nước đường vàng, một cuốn bò bía, một trái bắp vườn, một ly đậu xanh đậu đỏ bánh lọt, một dĩa gỏi đu đủ bò khô, một khúc mía hấp, năm cái bánh bò nước dừa xanh đỏ, mười viên “cái bi ròn ròn cái bi ngon ngon” nho nhỏ/xinh xinh…

Một đồng thì (Trời ơi!) đó là cả một trời, và một thời, hạnh phúc muôn mầu!

Một đồng mua được hai quả bóng bay. Chiều Sài Gòn mà không có bong bóng bay (cầm tay) để tung tăng e sẽ là một buổi chiều… tẻ nhạt. Những chùm bóng đủ mầu sẽ rực rỡ hơn khi phố mới lên đèn, và sẽ rực rỡ mãi trong ký ức của một kẻ tha hương dù tóc đã điểm sương.

Còn hai đồng là nguyên một tô cháo huyết có thêm đĩa giò cháo quẩy ròn rụm đi kèm. Hai đồng là một tô mì xắt xíu với cái bánh tôm vàng ươm bên trên, và nửa cọng rau xà lách tươi xanh bên dưới. Tờ giấy bạc với mệnh giá quá lớn lao và rất hiếm hoi này, không ít lúc, đã khiến cho tuổi thơ của tôi vô cùng phân vân và bối rối!

Và trong cái lúc mà tôi còn đang suy tính, lưỡng lự, cân nhắc giữa bốn cái kem đậu xanh năm cắc, bốn cuốn bò bía, bốn ly nước mía, hay một tô hủ tíu xắt xíu thịt bằm béo ngậy (cùng) giá hai đồng thì ở bên kia chiến tuyến người ta đã quyết định cho ra đời Mặt trận Giải phóng Miền Nam – vào ngày 20 tháng 12 năm 1960.

Hệ quả thấy được, vào mười lăm năm sau – vẫn theo báo Sài Gòn Giải phóng, số thượng dẫn: “Miền Nam đã có một nền tiền tệ mới, khai sinh từ sự độc lập toàn vẹn của xứ sở, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nâng niu từng tờ bạc của Ngân hàng Việt Nam với một niềm hãnh diện chưa từng thấy sau bao nhiêu thế kỷ mất nước phải ép mình sống với đồng bạc của ngoại bang.”

Niềm hãnh diện được nâng niu từng tờ bạc mới (nếu có) cũng nhỏ dần sau từng đợt đổi tiền. Rồi với thời gian nó từ từ biến thành… giấy lộn.

  • Tuổi Trẻ Online cho biết: “Tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, đến chị hàng rong cũng… chê. Dù vẫn đang được lưu hành nhưng những tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng đang bị chê trong nhiều giao dịch thanh toán hằng ngày như từng diễn ra với tiền xu trước đó nhiều năm.”
  • Vietnamnet tường thuật: “Trong khi ngồi đợi xe ở trạm trung chuyển xe bus Long Biên, tôi được dịp chứng kiến cảnh một bà lão ăn xin chê tiền của khách. ‘Cô tính thế nào chứ 2 nghìn bây giờ chả đủ mua mớ rau, lần sau đã mất công cho thì cho ‘tử tế’ nhá !’

Câu nói của bà lão ăn xin khiến nhiều người phải sốc… Chị Hương (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ câu chuyện có thật mà như đùa: ‘Nói thật, có lần gặp hai chị em nhà này đi ăn xin, thương tâm quá tôi liền rút ví ra đưa cho chúng 3 nghìn lẻ. Ngay lập tức, nó gọi tôi lại, giơ tờ 5 nghìn đồng lên trước mặt tôi bảo: cho chị thêm 2 nghìn cho đủ mua mớ rau nhé.”

Điều lo ngại nhất là bó rau muống sẽ không ngừng ở giá năm ngàn đồng bạc. Dù với số tiền này – vào năm 1960 – đủ để mua hai ngàn tô phở gánh, hay hai ngàn năm trăm tô mì xe, hoặc mười ngàn chiếc bong bóng đủ mầu.

Bù lại, theo lời của bà Cựu Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan, là mọi người được sống với “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân… khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản.”

Cái giá của “dân chủ” (cũng như Độc lập – Tự do – Hạnh phúc) của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, rõ ràng, hơi mắc. Dân Việt, tội thay, không những đã bị hớ mà còn mua nhầm đồ giả và đồ đểu nữa cơ!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Bi chừ bên nớ ra răng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

08/02/2025

Từ lâu, tôi vẫn nghe thiên hạ nói ở đâu có khói ở đó có dân Tầu. Gần đây, tôi mới biết thêm rằng chỗ nào có người Tầu thì cũng có luôn cả người Việt nữa. Hôm rồi, tôi vừa gặp một người đồng hương ở Viêng Chăn. Nhìn cái nón lá là biết đúng đồng bào của mình rồi, muốn sáp lại nói chuyện chơi nhưng cô em ngó bộ không vui (đang “tâm tư” thấy rõ) nên đành thôi vậy.

Rời thủ đô nước Lào, tôi quá giang xe tải xuôi Nam. Tài xế dừng bánh ở Paske – một phố thị đông đúc, nơi giao lưu của sông Xe Don và Mê Kong – và nói tỉnh queo (y như thiệt) rằng “chỉ cần quẹo phải ngay nơi con đường phía trước chút xíu thôi là sẽ thấy khách sạn liền”.

Tôi đeo ba lô lội bộ gần hai cây số giữa trưa (nắng như đổ lửa) mà không gặp nhà trọ, guest house, phòng ngủ, motel hay hotel gì ráo trọi. Mồ hôi nhỏ giọt long tong từ gáy xuống lưng như đang bị mắc mưa. Chợt thấy quán ăn, tôi tắp vô liền. Lúc này mà không có cái gì uống (ngay) chắc chết, chết chắc!

  • Ở đây có bán bia không?
  • Sao lại không!

Ôi, thiệt là mừng muốn chết luôn. Xin tạ ơn Chúa/Phật. May mà có bia, đời còn dễ thương. Lào, cũng như Miến -– có thể – thua kém thiên hạ về tất cả mọi mặt nhưng Beerlao và Mayanmar Beer thì bảo đảm nếu không nhất (chắc) cũng nhì Châu Á.   

Tôi đang “trầm tư” về bia bọt thì chợt có một thiếu nữ tay phải cầm một cây quạt và xâu mực khô, tay trái xách một cái lò than nhỏ, đến đứng ngay cạnh bàn. Xâu mực và lò than, giữa trưa hè hầm hập, làm cả quán như nóng thêm lên vài độ… nhưng chiếc nón lá tả tơi cùng ánh mắt (cũng buồn thiu) của người đối diện khiến lòng tôi dịu xuống.

Lại thêm một người đồng hương nữa. Ở đâu có khói nơi đó có người Việt mình mà!

  • Việt Nam hả?
  • Dạ.
  • Quê ở đâu?
  • Nghệ An.
  • Em qua lâu chưa?
  • Dạ lâu.
  • Tết rồi có về không?
  • Dạ không.
  • Chú qua lâu chưa?
  • Mới thôi.
  • Bi chừ bên nớ ra răng?

Câu hỏi thiệt bất ngờ nên khiến tôi hơi bối rối. Tôi rời Việt Nam lâu lắm rồi (trước khi cô gái bán mực này mở mắt chào đời chắc cũng phải cỡ chục năm là ít) nên làm sao biết được “bi chừ bên nớ ra răng” ?

Sự lặng im bất chợt của tôi, tiếc thay, đã gây ra chút ngộ nhận vô cùng đáng tiếc. Có lẽ em nghĩ rằng tôi không muốn mua hàng và cũng không muốn tiếp tục trò chuyện nên lặng lẽ quay lưng, bước nhanh ra khỏi quán.

Tôi ngồi chết trân!

Tôi muốn gọi em lại, muốn mời em ngồi chơi một lát, muốn nói với em đôi lời… nhưng chả hiểu sao cứ như kẻ bị chôn chân tại chỗ. Tôi nhìn theo dáng em đi khuất mà không dưng cảm thấy áy náy, bất an và buồn muốn khóc luôn.

Tôi rất ít máu địa phương. Tôi thành thực yêu mến tất cả mọi người, bất kể là ai. Tuy thế, nói thiệt tình (với đôi chút xấu hổ) tôi vẫn thấy mình có phần trân trọng (hơn) khi gặp được đồng bào.

Vậy mà tôi vừa làm cho một người đồng hương, một cô gái nhỏ, phải buồn bã quay lưng. Tôi giận tôi hết sức.

Khi hỏi “bên nớ ra răng” – có lẽ – em chỉ muốn biết xem thành phố quê hương (Nghệ An) của mình “bi chừ” ra sao? Có chi thay đổi nhiều không? Mọi người vẫn bình an chứ?

Em ơi, đất nước chúng ta “ra răng” là điều tôi cũng rất quan tâm nhưng chưa bao giờ được tường tận lắm, nói chi riêng đến Nghệ An – nơi mà tôi chưa đặt chân đến lần nào! Đã thế, những thông tin về quê em mà tôi được biết lại (thường) hoàn toàn trái ngược với nhau.

Khi tôi vừa sinh ra đời, vào những năm đầu của thập niên 1950 (lúc cuộc cách mạng vô sản vừa mới thành công ở nửa nước V.N) thì Nghệ An sắp trở thành… thiên đường – theo như hứa hẹn của một vị cán bộ địa phương :

“Chúng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta, toàn Đảng ta đã lạc quan đánh giặc thắng lợi, bắt địch phải kí với ta hiệp định Genève. Như thế là kẻ địch đã phải công nhận chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một chính phủ đàng hoàng đứng ngang hàng với tất cả các chính phủ trên thế giới.

Lạc quan đánh giặc xong, chính phủ ta, Đảng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta lại lạc quan xây dựng đất nước không kém gì các cường quốc trên thế giới… Nhà của ta ở hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu.

Tất cả mọi nhà đều xây thành nhà cao tầng. Từ nhà đi ra đồng có ô tô đưa đi. Làm ruộng mệt mỏi thì ngừng tay xem xi-nê…” (Võ Văn Trực. Cọng Rêu Dưới Đáy Ao. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công Ty Văn Hoá & Truyền Thông Võ Thị, 2007. Bản điện tử do talawas chủ nhật thực hiện).

Những lời hứa hẹn kể trên, tuy nghe có vẻ hơi quá “lạc quan” nhưng đã trở thành hiện thực – theo tường thuật của tác giả Võ Hoài Nam, báo Dân Trí :

“Thành phố đã trở mình thay da đổi thịt thật sự! Nhà cao hàng chục tầng chót vót, nhà 4, 5 tầng như đan cửi. Cửa hiệu, hàng quán nhan nhản sáng đèn với những bảng quảng cáo sặc sỡ đủ các loại. Công sở hoành tráng. Ga Vinh, Bến xe Vinh…cũng khác hẳn ngày xưa.

Hàng cây xanh ven đường cắt tỉa gọn gàng bắt mắt. Đường phố rộng mở thênh thang và nhiều hơn trước, với những tên phố lạ hoắc mà tôi chỉ biết đọc và để đọc mà thôi! Xe máy đủ loại sắc màu nội ngoại nườm nượp hoa cả mắt! Ô tô xịn ngoại quốc bóng nhoáng lướt nhẹ trên đường phố …”

Thảo nào mà liên tiếp trong nhiều năm qua tỉnh Nghệ An đều có tổ chức lễ dâng bánh chưng (nặng hàng ngàn ký lô) để tri ân thân mẫu bác Hồ và tổ chức bắn pháo hoa tại Quảng Trường Hồ Chí Minh để mừng Đảng, mừng Xuân.

Em gái bán mực khô mà tôi gặp trưa nay – tiếc thay – đã không có cái “diễm phúc” được tham dự vào những màn trình diễn hoành tráng ấy. Em không phải kẻ duy nhất bị bỏ quên hay bị đứng ngoài mấy cuộc vui chơi, lễ lạc, hay những “bữa tiệc đời” của tỉnh Nghệ An.

Ở Lào, cũng như ở Thái, tôi đã gặp vô số những thanh niên và thiếu nữ Việt Nam đang tha phương cầu thực y như em vậy. Họ lầm lũi đi sau những chiếc xe kem, xe nước dừa, xe bán trái cây… Họ tất bật suốt ngày trong những quán ăn nóng bức. Họ nhễ nhại mồ hôi giữa những công trường ngập nắng. Tất cả nếu không phải là dân Nghệ An thì cũng quê… Hà Tĩnh!

Trong danh sách 200 người trúng cử Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khoá XII, rất nhiều người (hơn hai mươi vị) cũng đều quê quán ở Nghệ An hay Hà Tĩnh. Dường như có sự trùng hợp, và tương đồng, giữa số lượng quí vị đảng viên “trúng cử Trung Ương” với đám con dân địa phương phải sống đời phiêu bạt!

Chỉ tay của các em, chắc chắn, đều có đường xuất ngoại nhưng (e) thiếu đường may mắn. Tuy thế, nghĩ cho cùng, các em vẫn còn may hơn nhiều người còn ở lại tại làng quê. Báo Dân Sinh ái ngại cho hay :

“UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phân bổ 727,875 tấn gạo cho 14 UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cứu đói cho 12.476 hộ với 48.525 khẩu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.”

Nghệ An vừa bắn pháo hoa, vừa tổ chức đủ thứ lễ lạc/tiệc tùng, vừa lái những chiếc “ô tô xịn ngoại quốc bóng nhoáng,” và vừa xin cứu đói. Nghệ An ngày nay, nói nào ngay, chỉ là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ. Em ơi, từ phương xa, làm sao chúng ta biết được “bi chừ bên nớ ra răng!”.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Xuân Nghe Nhạc Tết

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

03/02/2025

Nếu thực sự có mùa xuân êm đềm, và tươi thắm tới cỡ đó mà bạn vẫn chưa hài lòng thì xin nghe thêm vài câu nhạc nữa – cũng  từ bản “Hoa Xuân,” của Phạm Duy :

Có một chàng thi sĩ miền quê
Hái bông hoa trao người xuân thì
Có một bầy em bé ngoài đê
Hát câu i tờ đón xuân về …

Tôi dám cá là  ngay cả vào Thời Trung Cổ, cũng không nơi nào có một mùa xuân an bình và tươi đẹp đến như vậy. Mà Phạm Duy đâu phải là người thuộc Thời Trung Cổ. Vậy chớ thằng chả kiếm ở đâu ra một mùa xuân (vào thời đại chúng ta) mà thái hòa và an lạc dữ vậy cà?

Thiệt nó đẹp như mơ vậy đó nha. Và sao tui nghi là ổng đã nằm mơ (thiệt) quá hà. Chớ giữa chúng ta, nhất là những kẻ sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam, có mấy ai đã từng nhìn thấy cái đê. Bờ đê trần trụi vắng hoe cũng khỏi có luôn, nói chi đến “một bầy em bé … hát câu i tờ đón xuân về ” – vào một buổi chiều xuân nào đó, đã xa lắc xa lơ – trên bờ đê lộng gió!

Còn chuyện “có một chàng thi sĩ miền quê, ngắt bông hoa trao người xuân thì ”   (… ôi thôi) nhắc đến làm chi cho nó thêm buồn. Tìm đâu ra (nữa) một ông nội làm thơ dễ thương và hiền lành đến thế?

Tui nói vậy bạn dám cãi lắm nha. Bạn dám sẽ đưa Nguyễn Bính ra làm bia đỡ đạn, với lý do “ổng là thi sĩ miền quê cuối cùng” của thời đại chúng ta. Tệ hơn nữa, bạn còn dám mang những bài thơ lục bát (đã được “phóng ảnh treo tường” để bán) của Nguyễn Duy ra để hù tui nữa – không chừng?

Xin lỗi bạn chớ, cỡ Tú Xương đây mà cũng đã có lúc phải ứa lệ – rấm rứt khóc thầm (dám bằng tiếng Pháp) vì nạn đô thị hóa, đây nè :

Sông kia giờ đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò …

Sá gì Nguyễn Bính, nói chi tới cỡ Nguyễn Duy. Tóm lại, tui tin rằng Nguyễn Khuyến mới đích thực là thi sĩ miền quê cuối cùng của dân tộc Việt Nam :

Tháng Giêng hai mươi mốt chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không
Dở giời mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đền được mấy ông

Chớ còn mấy trự làm thơ (lóc nhóc) sau này đều đã bị đô thị hóa, đã “phong sương mấy độ qua đường phố” hết trơn rồi – theo như cách nói của Sơn Nam. Và tôi ngại nhất là cái kiểu bụi đời (ướt át) của ông Thế Lữ :

Rũ áo phong sương trên gác trọ
Ngắm nhìn thiên hạ đón xuân sang

Cái gác trọ này – tôi bảo đảm – nằm ở Hà Thành, vào cuối thập niên ba mươi hay đầu bốn mươi gì đó. Thêm cái kiểu cách “rũ áo phong sương” đủ khiến chúng ta hình dung ra được cả đám Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Xuân Diệu, Huy Cận … đã sống cải lương chết mẹ đi rồi. Đâu còn “thi sĩ miền quê” nào nữa, mấy cha?
Đô thị hóa, tất nhiên, không phải chỉ xảy ra ở Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường. Không tin, cứ đọc Nguyễn Bính mà xem:

Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Đã mấy mùa xuân én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa mận nở
Riêng ta với người buồn lắm thay

Bạn thấy chưa : lại thêm hai ông nhô con bỏ nhà “dzô” Nam, thuê gác trọ, sống giữa Sài Thành Hoa Lệ. Mà đi giang hồ chút đỉnh vậy là phải chớ. Chính quê hương của Nguyễn Bính cũng đã nhiễm bụi thị thành từ lâu rồi, còn nấn ná ở đó làm chi cho mụ người ra :

Hoa chanh mọc ở vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hoa đồng cỏ nội bay đi ít nhiều …

Coi : nàng mới ra tỉnh về (có chút xíu hà) mà hoa đồng cỏ nội đã bay đi mất liền một mớ. Lỡ mà “ẻm” ghé chơi Hà Nội hay Hải Phòng ( chậm lắm ) ba đêm kể như rồi, còn gì là “người xuân thì” theo tiêu chuẩn “chân quê” nữa ?

Bạn hết cãi chưa ? Dù bạn đã tắt đài, tôi biết bạn vẫn còn ấm ức vì cái giọng điệu hoài cổ cực đoan và (hơi) quá khích của tui từ khi đặt bút xuống cho tới bây giờ – phải không nào?

Đừng có nghĩ bậy bạ như vậy, mang tội chết à nha, mấy cha! Coi : cuộc tình dấm dớ của một anh thi sĩ miền quê với một cô gái xuân thì – hay hình ảnh một bờ đê lộng gió, với bầy em bé tung tăng, hát câu i tờ, vào buổi chiều xuân có nắng vàng hanh nào đó – hoàn toàn và tuyệt đối có liên quan, dính dáng gì tới tui đâu. Cớ sao tui lại hoài cổ chớ ? Đây là chuyện riêng của … Bà Huyện Thanh Quan hay ( cùng lắm ) là của ông nội hoặc của ông già tôi thôi hà.

Mà hoài cổ, theo tôi, là thứ tình cảm hơi khó hiểu. Làm sao chúng ta có thể yêu mến hay ngưỡng mộ một thời đại mà mình tuyệt đối không có mắc mớ gì tới nó ? Hoài vọng hay hoài cảm, có lẽ, dễ hiểu và phổ biến hơn. Mọi người, khi bắt đầu luống tuổi, hẳn đều thấy tiếc nuối ít nhiều khoảng ấu thơ hay niên thiếu của mình – dù chúng ta sinh ra và trưởng thành ở bất cứ đâu.

Dù vậy, tôi vẫn lậy Trời cho bạn đừng xui tới cỡ là sinh ra ở miền Bắc – vào khoảng thập niên 1940, 50, hay 60 – và cứ phải sống mãi ở nơi đó cho đến bây giờ. Tuổi thơ và tuổi trẻ của bạn – tất nhiên – cũng đẹp, cũng thơ mộng vậy; tuy nhiên, tôi tin là nó sẽ đẹp hơn, mộng mơ hơn (chút đỉnh) nếu Bác và Đảng đừng xía vô cuộc đời bạn quá nhiều – như họ vẫn cứ thích làm như thế, từ nửa thế kỷ qua.

Còn nếu bạn sinh trưởng ở miền Nam thì đỡ mệt biết chừng nào mà nói. Sẽ không ai bắt bạn phải đeo khăn quàng đỏ và đi nhặt rác để hoàn thành kế hoạch nhỏ. Bạn cũng được miễn cái vụ “thay trời làm mưa” hay “nghiêng đồng cho nước chảy ra ngoài,” và bạn được tự do đi biểu tình  “đả đảo” hoặc chửi rủa bất cứ thằng cha hay con mẹ (cà chớn) nào mình không thích.

Trong một hoàn cảnh sống tương đối dễ thở như thế (và nếu bạn lại sống trong một thành phố ở cao nguyên ) thì hình ảnh “xuân về trên bãi cỏ non” (kể như) chỉ là chuyện nhỏ thôi. Điều đáng tiếc là những ngày tháng an lành, phẳng lặng đó không kéo dài lâu.

Đến khoảng cuối thập niên năm mươi, theo trí nhớ non nớt của tôi, trong không khí an bình của miền Nam thoang thoảng đã có mùi vị chiến tranh – qua những bản nhạc tâm lý chiến (thường được hát ở phòng trà và nghe ra hơi nhiều kịch tính ) của những ông nhạc sĩ quân đội, như bản “Phiên Gác Đêm Xuân” của Nguyễn Văn Đông chả hạn:

Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chờ xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay
Nào ngờ đâu hoa lá rơi …

Trời đất, đơn vị bạn đụng địch, “súng xa vang rền” mà Nguyễn văn Đông vẫn đang mơ ngủ. Không hề nghe ổng ban lệnh ứng chiến hay kế hoạch cứu viện gì hết trơn hết trọi; đã vậy, sau khi tỉnh giấc, ổng bắt đầu … mơ mộng :

Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Và ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thuơng…

Thiệt tình, ổng làm đảo ngược binh pháp hết trơn. Người ta thì cư an tư nguy còn ổng thì cư nguy tư an. Những sĩ quan cao cấp trong quân đôi miền Nam, như đại tá Nguyễn văn Đông, chắc có hơi nhiều ; bởi vậy, chỉ chừng mười năm sau, năm 1968 thì súng AK của Trung Cộng và Tiệp Khắc nổ thiệt và nổ khắp bốn mươi tỉnh lị và thành phố của miền Nam (kể luôn thủ đô Sài Gòn).

Cũng từ đây, chiến tranh lan vô thành phố. Nay, “plastic” đặt nổ “lầm” chỗ này ; mai, hỏa tiễn 122 ly rơi “lộn” vô chỗ khác. Và dù vậy, xã hội miền Nam vẫn cứ vui như tết – khi Tết đến.

Nếu so với miền Bắc – nơi mà vì “hoàn cảnh đất nước khó khăn” nên chỉ có quí vị ủy viên trung ương đảng CSVN uống rượu mừng xuân, thay cho cả nước – người dân miền Nam hoàn toàn bình đẳng trong chuyện đón xuân. Cứ nghe bản “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương là đủ biết:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Á … a … a … a
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á … a … a … a
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á … a … a … a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rót thêm tràn đây chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đường …

Coi : nẫy giờ mới chừng mười phút mà mỗi người đã uống đâu cỡ chục ly : ly tặng anh nông phu, ly chào anh công nhân, ly mừng ông thương gia, ly mừng người nghệ sĩ … Chưa đã, còn thêm vài “chén quan san” để “chúc người binh sĩ lên đường” nữa. Thiệt, vui còn hơn tết và cả nước (chắc chắn) đều “xỉn” thấy mẹ luôn!

Thỉnh thoảng mới có vài chiến sĩ say mê chiến đấu (hay đãng trí) đến độ quên luôn cả nhậu, và nhất định “Xuân Này Con Không Về” :

Con biết không về mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lớp trai hùng chào xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này không về …

Những chàng “trai hùng chào xuân chiến trường” như thế, tiếc thay, không nhiều và cũng không mấy khi được giữ những chức vụ cao trong quân đội. Điều đáng tiếc hơn nữa là trong cuộc chiến tự vệ vừa qua, quân dân miền Nam đã áp dụng một chiến lược (rất) sai lầm. Thay vì “vui nhiệm vụ không quên xuân” thì họ đã làm ngược lại là “vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ”. Nói cách khác “vui xuân” mới là chuyện chính, còn “nhiệm vụ” chỉ là chuyện phụ (và là chuyện nhỏ) thôi !

Cùng lúc – ở miền Bắc Việt Nam – khi Tết đến (sau khi nghe chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, tổng bí thư, thủ trưởng ban ngành, đơn vị … chúc tết xong ) là mọi người đâm bổ đi “tranh thủ làm việc gấp hai” để “thi đua lập chiến công dâng đảng.” ( Đ … mẹ chơi vậy ai chơi cho lại, mấy cha ! )

Cuộc chiến Bắc Nam chấm dứt ra sao, vào mùa Xuân năm 1975, mọi người đều biết (và đều tiên đoán được). Từ đó, nhân dân hai miền đều chỉ còn được nghe một bản nhạc xuân duy nhất : “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh, ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào. Sài Gòn ơi cả nước vẫy tay chào …”

Cũng như bạn, tôi chịu không nổi cái loại nhạc (thổ tả) này nên đã vẫy tay chào  “thành phố Hồ Chí Minh quang vinh” để … ra đi, và đi hơi sớm. Từ đó đến nay đã mấy chục năm qua. Biết bao nhiêu là nước sông, nước suối, nước mương, nước rãnh … đã ào ào chảy qua cầu (và qua cống) ?

Chiều nay, chiều cuối năm, ở một góc trời xa, tôi ngồi ghi lại những ý nghĩ lan man vụn vặt để gửi bạn đọc chơi – sau khi nghe hết một CD nhạc trong quán vắng, bắt đầu từ bản Hoa Xuân của Phạm Duy, đến bản cuối cùng (“Xuân Này Con Không Về”) của Trịnh Lâm Ngân.

Nhạc xuân gì mà nghe buồn quá má ơi!

Tưởng Năng Tiến (1990)

Cái Tết (& Cái Tát) Năm Thân – Tưởng Năng Tiến

Ba’o Nguoi-Viet

January 31, 2025

Tưởng Năng Tiến

Cái gì chớ hệ thống can chi (Thiên Can Địa Chi) và Âm Lịch (Lunar Calendar) thì tôi không được rành rẽ gì cho lắm, hay nói chính xác hơn là rất lờ mờ. Bởi vậy, tôi vô cùng ngần ngại khi phải hầu chuyện với những vị trưởng thượng mà miệng vừa lẩm bẩm (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Thân, Dậu …) vừa bấm đốt ngón tay, hoặc thỉnh thoảng lại nhíu mày khi cố nhớ những sự kiện đã xa lắc xa lơ (vào những năm một ngàn bẩy trăm, tám trăm, chín trăm … nào đó) đại loại như Chiến Thắng Năm Kỷ Dậu, Hòa Ước Năm Giáp Thân, Trận Lụt Năm Thìn …

Phải gu gồ (chút xíu) mới biết rằng Chiến Thắng Năm Kỷ Dậu vào năm 1789, Hòa Ước Năm Giáp Thân ký năm 1884, và Trận Lụt Năm Thìn xẩy ra hồi 1964 … Riêng Cuộc Thảm Sát Mậu Thân thì tôi biết ngay là năm 1968 vì đã qua tuổi ấu thơ, và vẫn nhớ mãi cái tát (như trời giáng) đúng vào ngày Tết.

Nhà tôi ở Dốc Nhà Làng. Con dốc này còn có tên chính thức là đường Nguyễn Biểu nhưng không mấy ai biết thế, kể cả người địa phương. Dân Đà Lạt thường chỉ biết đây là nơi tụ tập cả ngày lẫn đêm của cả trăm sòng bầu cua, xóc đĩa, tài xỉu (lớn nhỏ đủ cỡ) suốt cả mùa Xuân!

Sáng hôm đó tôi thức sớm vì sự im ắng khác thường bao quanh. Vừa mở cửa, chưa bước hẳn chân ra đến ban công, đã thấy vài người lính trẻ – cỡ cùng tuổi mới lớn như tôi – tay lăm lăm vũ khí (đang đứng nép vào thành tả luy ngay trước nhà) với nét mặt vô cùng căng thẳng, và lo âu, chứ hoàn toàn không có vẻ chi là hung dữ hay đe dọa cả.

Tôi chưa biết phản ứng ra sao thì họ đưa ngón tay trỏ lên môi ra dấu im lặng. Theo phản xạ tự nhiên, tôi gật gật đầu rồi quay nhanh vào bên trong lấy mấy cái bánh chưng trên bàn thờ thẩy xuống đường.

Cả đám mừng rơn. Tôi còn định lấy thêm cam chuối nữa nhưng chưa kịp làm thì bố tôi xuất hiện. Ông nắm cổ áo giật mạnh khiến tôi loạng choạng lùi hẳn vào bên trong, rồi tiện tay tát cho thằng con một cái (nổ đom đóm mắt) trước khi vội vàng khép ngay cửa lại.

(Hình: tác giả cung cấp)

Chuyện gì vậy, Trời?

Sau này, tôi mới biết những người lạ là cán binh Cộng Sản. Họ xuất hiện mọi nơi, chứ chả riêng chi Đà Lạt, theo kế hoạch “Tổng Tấn Công/ Nổi Dậy” của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương Miền Bắc.

Kế hoạch này tuy thành công nhờ yếu tố bất ngờ (được thực hiện trong thời gian hưu chiến) nhưng vì dân miền Nam “không chịu nổi dậy” nên lực lượng xâm nhập chả chiếm được một thành phố nào ráo trọi, ngoài Huế. Đây là nơi duy nhất mà Bắc Quân làm chủ được tình hình hơn ba tuần lễ, và đã xẩy ra một cuộc thảm sát ghê rợn với con số tử vong lên đến vài ngàn nhân mạng!

Sự kiện, hình ảnh đều được báo đài miền Nam đăng tải và trình chiếu nhiều lần qua màn ảnh TV. Lần nào ngồi xem tôi cũng kinh hoảng và kinh sợ. Trong những hố chôn tập thể có vô số những thi thể bị trói quặt (hay trói chặt vào nhau) trước khi hành quyết, kể cả xác trẻ con, và cả những nạn nhân bị chôn sống nữa.

Tôi vô cùng hoang mang khi nhớ lại hình ảnh nhỏ thó, ốm o, gầy guộc, xanh xao,  ngơ ngác … của đám lính mà mình đã giáp mặt trước nhà hôm Tết. Sao những người mặt mũi trông hiền lành, ngây thơ (và trẻ thơ) như vậy lại có thể là những kẻ sát nhân tàn ác, và tàn bạo đến thế được?

Lịch sử cận đại không thiếu những cuộc lên đồng tập thể, cùng vô số tội ác kinh hoàng gây ra bởi nhiều tổ chức (Hitler Youth, Blackshirts, Vệ Binh Đỏ, Khmer Rouge …) mà phần lớn thành viên đều là trẻ con mới lớn nhưng tất cả đều chả tồn tại được bao lâu, và kẻ đầu xỏ – Hitler, Mussolini, Mao, Pol Pot…–  đều bị điểm mặt là những tên đồ tể!

(Hình: tác giả cung cấp)

Riêng Cuộc Thảm Sát Mậu Thân thì kẻ thủ ác lại thuộc bên thắng cuộc, và họ vẫn giữ được quyền bính cho mãi đến nay nên tội trạng chả những không bị trừng phạt mà còn được vinh danh (bằng nhiều hình thức) suốt từ năm này sang năm khác:

Ngoài những buổi lễ lạc tưng bừng để kỷ niệm và xưng tụng “Cuộc Tổng Tấn Công/ Nổi Dậy Mậu Thân,” nhà nước hiện hành còn không ngần ngại vận dụng (và lạm dụng) mọi phương tiện truyền thông để tráo đổi nạn nhân thành thủ phạm.

Với đề mục Thảm Sát Huế Mậu Thân, Wikipedia (Hà Nội) đã ghi lại những lời phát biểu trơ tráo như sau:

  • Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân: “Cuộc thảm sát Mậu thân là sản phẩm tưởng tượng của một cuộc tâm lý chiến.”
  • Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan : “Biết bao nạn nhân mà sau này bị rêu rao là nạn nhân của Việt Cộng”!
  • Đạo diễn Lê Phong Lan: “Tôi đã gặp những nhà báo Mỹ, những người lính bên kia chiến tuyến, họ đã nói, tất cả những thông tin về vụ thảm sát năm 1968 tại Huế chỉ là sự vu cáo của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đổ lên đầu Quân Giải phóng miền Nam.”

Miệng lưỡi của bà Lan khiến tôi chợt nhớ một câu thành ngữ Việt (“gái đĩ già mồm”) và một vụ “vu cáo” khác, cũng tráo trở không kém, xẩy ra hồi đầu Thế Chiến Thứ II.

Ngày 3 tháng 9 năm 1940, con tầu Anthem của Anh – chở 1,103 người đi từ Glasgow đến Montreal – bị tầu ngầm U 30 Đức bắn chìm. Hơn trăm hành khách  và thủy thủ đoàn thiệt mạng, trong số nạn nhân có 28 công dân Mỹ.

Bá Linh không chỉ chối phắt mà còn phát động một chiến dịch tuyên truyền đổ vấy tội cho Hải Quân Hoàng Gia là đã cố ý đánh chìm con Tầu Athenia với âm mưu làm Đức mất mặt và lôi kéo Hoa Kỳ vào vòng chiến: “Berlin accused London of intentionally sinking the Athenia in a plot to discredit Germany and to curry favour with the United States to join the war.”  (Donald Fullarton. “Burgh Cook Never Recovered From Sinking”. Helensburgh – Heritage 13 June 2015).

Mãi cho đến khi có những phiên xử tội phạm chiến tranh – diễn ra ở Nuremberg, Đức Quốc – cùng với bằng chứng vô phương chối cãi, sự kiện Athenia mới hoàn toàn sáng tỏ vào năm 1946. Mai hậu, Việt Nam rồi cũng sẽ có những phiên toà tương tự vì đã có quá nhiều cái chết oan khốc gây ra bởi chế độ hiện hành:

  • 1945: Thảm sát 3000 tín đồ Tin Lành tại Quảng Ngãi
  • 1956: Thảm sát 1000 tín đồ Công Giáo tại Quỳnh Lưu
  • 1965: Đặt chất nổ giết chết 43 thường dân tại nhà hàng Mỹ Cảnh
  • 1967: Thảm sát 256 dân làng Dak Son
  • 1968: Trên 5000 người bị giết hoặc chôn sống tại Huế
  • 1971: Thảm sát 183 thường dân tại Tân Lập
  • 1971: Thảm sát tại Dục Đức 100 dân làng bị giết, 150 bị thương
  • 1972: Pháo kích Đại Lộ Kinh Hoàng – Quảng Trị 3000 người thiệt mạng
  • 1972: Pháo kích vào trường học tại Cai Lậy 42 học sinh chết, 50 bị thương.

(Vietnam Film Club. Những Vụ Thảm Sát Đẫm Máu Của CSVN Trong Lịch Sử. 2021)

Vấn đề không phải là truy thù hay báo oán nhưng quá khứ cần phải được thanh thoả để chúng ta yên tâm sống với hiện tại, và tránh bớt tội ác cho những thế hệ đến sau.


 

Truyện Tưởng Năng Tiến – Sáng mùng một

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

31/01/2025

Vừa rời nhà thì trời lấm tấm mưa, đường trơn và tối nên tôi lái xe rất chậm – dù thuở ấy tuổi đời còn trẻ. Phải qua đêm nay, đêm giao thừa,  tôi mới bước qua tuổi ba mươi – nếu tính theo âm lịch. Tam thập nhi lập nhưng tôi đang hơi lập cập vì vừa bắt đầu một cuộc đời mới, đời tị nạn.

Nghề ngỗng không, tiền bạc không, vốn liếng tiếng Anh cũng không được nhiều nhặn gì cho lắm. Chỉ có điều may mắn là tôi không đến nỗi thất nghiệp thôi. Việc làm tuy chỉ với đồng lương tối thiểu nhưng được cái rất nhẹ nhàng và dễ dàng như chơi vậy. Tôi có thể đi học ban ngày. Mãi đến 10 giờ tối mới phải có mặt ở trạm xăng, để thay thế cho người làm việc ca chiều, rồi loanh quanh ở đó cho đến sáng sớm hôm sau.

Tháng Giêng, tháng Hai ở California trời thường mưa nên khách hàng rất lưa thưa, thỉnh thoảng mới có người dừng xe, và càng về khuya càng vắng. Tôi gần như chả phải làm gì cả nên đóng kín cửa, mở máy sưởi tay, kê lọ thức ăn làm sẵn đựng trong lọ thủy tinh sát ngay bên cạnh, rồi ngồi học bài hay đọc báo. Sau một lúc lâu, khi đã hơi đoi đói, tôi sẽ có một bữa ăn nóng sốt ngon lành.

Giữa một đêm Đông mưa lạnh mà được ở trong phòng kín, có máy sưởi ấm áp, với một lọ cơm đầy đang bốc khói (thịt cá gia vị tiêu ớt đầy đủ) thì không còn gì để phàn nàn nữa cả. Tôi sắp thưởng thức bữa ăn khuya thì khách lạ xuất hiện, một người đàn ông trung niên, trông có vẻ là dân Mễ Tây Cơ.

Ông đứng trước khung cửa kính nhìn vào – ướt như chuột lột, áo quần nhầu nhĩ, dáng điệu thiểu não – với ánh mắt lo âu. Một người vô gia cư, cần đi tiêu đi tiểu gì đó, tôi đoán vậy.

Restroom của trạm xăng chỉ dành cho khách hàng. Để cho dân homeless sử dụng tự do thì họ cứ đến hoài, đám nhân viên tụi tôi sẽ phải lau chùi và dọn dẹp muốn khùng luôn.

Tuy biết thế nhưng tôi vẫn bước ra bên ngoài, đưa ra chìa khoá nhà vệ sinh như thường lệ. Ổng không cầm, chừng như không hiểu tại sao, cho đến khi tôi chỉ tay vào cánh cửa có hai chữ WC thì người khách lạ mới gật đầu, vội vã đi vội vào bên trong.

Vài phút sau y trở ra (chắc đã bỏ quên chìa khoá bên trong) đứng ở chỗ cũ, vai run run vì lạnh, ngơ ngác nhìn quanh. Cái gì chứ đói lạnh thì tôi “rành” lắm nên không khỏi chạnh lòng. Người khách lạ khiến tôi nhớ đến những ngày tháng không nhà của chính mình –  sau một chuyến vượt biên thất bại, và lạc mất hết giấy tờ cùng tiền bạc – ở một thành phố không một người quen.

Vào mùa mưa, Rạch Giá hay có những ngày biển động. Trời thấp, ẩm, lạnh, mây xám màu chì. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang, tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Sáng nào tôi cũng loanh quanh trong chợ Nhà Lồng của thị xã, mắt láo liên nhìn quanh những bàn ăn, chỉ chờ thực khách buông đũa là nhào vào húp vội phần ăn thừa còn lại. Tôi trải qua nhiều tháng ngày như thế (ngay giữa lòng quê hương của chính mình) nhưng chưa bao giờ nhận được một nụ cười thân thiện, hay một cử chỉ thân ái, của bất cứ ai.

Tôi mở cửa mời người người khách lạ bước vào bên trong, rồi xẻ phần cơm sắp ăn vào một cái đĩa giấy – cắm thêm vào cái nĩa nhựa – ra dấu mời bằng một nụ cười hơi vụng về. Không khách sáo hay ngượng ngùng gì ráo, y vội vã làm dấu rồi cắm cúi ăn ngay.

Để cho không khí đỡ ngượng nghịu, tôi chỉ vào ngực mình tự giới thiệu:

  • My name is Tien, my name is Tien…
  • Ổng ta hiểu nên cũng chỉ chỉ vào ngực, đáp lại ngay dù đang nhai ngồm ngoàm:
  • Domingo, Domingo …
  • Chúng tôi vui vẻ bắt tay nhau. Nụ cười hiền lành của người khách lạ khiến tôi yên tâm và cảm thấy dễ chịu:
  • You speak English?
  • No!
  • No English?
  • No!

Xong, tôi lấy một lon cà phê và một bao thuốc lá, hàng bán của trạm, ngỏ ý “thân tặng” trước khi từ giã. Domingo đón nhận, gật đầu cảm ơn, rồi miễn cưỡng mở cửa lầm lũi bỏ đi. Tôi nhìn theo, áy náy và ái ngại nhưng còn biết làm gì hơn và làm sao khác!

Chỉ độ vài ba phút sau thì Domingo quay lại, nhè nhẹ gõ vào khung kính. Tôi chưa biết nói sao thì y móc túi chìa ra một manh giấy nhỏ, với vài dòng chữ mực xanh nghuệch ngoạc và nhoè nhẹt. Tôi đọc chữ được, chữ mất nhưng vẫn đoán được nội dung vì giản dị đây chỉ là một cái địa chỉ của một tiệm bánh nhưng không rõ số nhà (King Bakery … King Road … San Jose) và số điện thoại.

Nơi tôi làm việc cách trạm xe buýt Greyhound không xa lắm, chỉ chừng một giờ đi bộ. Có lẽ Domingo là di dân lậu. Y băng qua biên giới vào được San Diego, một thành phố cực Nam của Mỹ giáp ranh với Mexico. Từ đây chắc có người giúp y mua vé xe buýt lên San Jose để tìm người thân. Đến một nơi xa lạ, giữa đêm mưa, đi loanh quanh mãi rồi không biết đi đâu nữa nên y dừng chân ở nơi này.

Chúng tôi bất đồng ngôn ngữ nên mọi suy đoán của tôi vô phương kiểm chứng. Tần ngần một lát, tôi lấy cuốn niên giám điện thoại trang vàng – Yellow Pages San Jose – lật kiếm vần B coi thử :

Bingo!

Chắc phải có đến mấy trăm tiệm bánh ở thành phố đông cả triệu dân  này nhưng riêng trên đường King thì tôi tìm được hơn chục. Tôi bắt đầu bấm số, giữa khuya không ai bắt máy nhưng tôi để lại được lời nhắn rõ ràng và gọn gàng:

Tôi gọi từ cây xăng Shell, số 1455 đường The Alameda, có ông Domingo vừa từ Mexico đến đây. Xin đến đón ông ấy ngay hay gọi lại tôi càng sớm càng tốt (ASAP, as soon as possible) ở số này …

Domingo có vẻ an tâm hơn đôi chút sau khi thấy tôi gọi xong hơn chục cú phone. Đồng hồ mới chỉ 11:45 PM, cũng sắp giao thừa, tôi nghe tiếng pháo nổ lác đác đó đây. Những tiệm bánh không mở cửa trước 6 hay 7 giờ sáng nhưng chắc chắn họ đến làm việc rất sớm để chuẩn bị ra lò cho loạt hàng đầu tiên.

Hy vọng là sẽ có người đến đón Domingo trước khi đổi ca, chứ không thì cũng lôi thôi lắm. Thiệt là hy vọng  mỏng manh. Lỡ không ai tới thì sao? Tôi sẽ “làm gì” với người khách lạ này vào sáng ngày mai, sáng mùng một Tết? Domingo lo lắng đã đành, tôi cũng bắt đầu lo thấy mẹ luôn vì “tình trạng cư trú” của tôi không được sáng sủa gì cho lắm.

Tôi đang “chia” chỗ nằm, ở phòng khách, trong apartment một phòng, với một người đồng hương. Ổng cũng mới chân ướt chân ráo tới Mỹ y như tôi vậy, và đang làm assembler cho một hãng điện tử nhỏ. Lương lậu cũng gần ở mức tối thiểu, nghĩa là chả khá hơn tôi bao nhiêu nhưng cả vợ lẫn con vẫn còn kẹt ở VN, đó là chưa kể khoản nợ tiền vượt biên – nghe đâu cũng gần chục cây vàng – nên thằng chả phải “cày hai job” lận.

Chúng tôi chả mấy khi trò chuyện vì ổng làm việc suốt ngày, còn tôi thì vắng mặt suốt đêm nhưng tôi biết đương sự không phải là người dễ tính. Mấy tháng trước, vào một đêm đông cận ngày Lễ Tạ Ơn, cũng đúng lúc tôi sắp ăn bữa khuya thì một con chihuahua bé tí teo xuất hiện. Chó lạc ở Mỹ ngó là biết liền: mệt lả, xơ xác, ngác ngơ, và nhếch nhác cũng y như Domingo bữa nay vậy. Chỉ có điều khác là con thú khô ráo vì đêm đó không mưa.

Tôi cũng sẻ phần cơm của mình cho chó. Gần đến giờ về, trong khi tôi loay hoay chùi rửa cầu tiêu nhà tiểu chú chó nhỏ vẫn kiên nhẫn đứng đợi bên ngoài. Nó theo tôi ra đến nơi đậu xe với ánh mắt lo âu và dò hỏi.

Tôi ngần ngừ một lát, có lẽ chưa tới một giây, rồi bồng nó lên xe. Tới lúc đó tôi mới nhận ra là con vật nhỏ bé này bẩn thỉu hôi hám quá. Tôi phải hạ cả hai kính xe phía trước, dù trời bên ngoài lạnh buốt.

Về đến nhà tôi mang con chó vào phòng tắm, mở nước nóng, sát xà phòng tắm luôn. Trời ơi là nó dơ dễ sợ. Tôi phải xối nước ào ào nên mãi với nghe tiếng nói bên ngoài:

  • Làm gì ở hoài trong đó hoài vậy, cha nội? Cho tui tắm rửa đi làm nữa chớ, trễ rồi.

Cửa mở, hơi nước mù mịt khiến cho ông bạn chung nhà nhăn mặt. Rồi  ngay sau khi nhìn thấy con chihuahua đang loi ngoi trong bồn tắm thì ông bạn đồng hương của tôi bất chợt nổi điên. Tôi bị chửi rủa không tiếc lời, và toàn những lời nặng nề thái quá. Ổng lớn tiếng quát tháo tới mức hàng xóm có kẻ phải ghé mắt vào xem.

Khi hiểu ra sự việc, may quá, có người mách là nếu tôi không muốn nuôi chó thì có thể mang nó đến animal shelter của thành phố. Tôi bồng con thú đi ngay, dù lòng buồn vời vợi!

Kinh nghiệm “hãi hùng” sáng hôm đó vẫn chưa phai thì hôm nay tôi lại lâm vào hoàn cảnh khó xử khác, và khó xử hơn. Tôi thực không biết sẽ xoay trở ra sao nhưng tôi biết chắc là mình không thể thản nhiên “bỏ rơi” ông bạn Mễ Tây Cơ này được. Nước Mỹ ở đâu cũng có shelter cho người vô gia cư nhưng phải là cư dân hợp pháp kìa.

Đang suy nghĩ “miên man” thì chuông điện thoại reo. Đầu giây bên kia là giọng một người phụ nữ líu lo nghe như tiếng chim, hẳn là tiếng Spanish. Tôi mừng quýnh đưa máy cho Domingo. Y toét miệng cười ngay sau khi mở miệng nói “hola” khiến tôi cũng nở một nụ cười (theo) nhẹ nhõm.

Chỉ mười lăm phút sau, một cái xe Ford Torino cũ mèm thắng gấp giữa sân. Bốn người Mễ cùng túa ra ôm chầm lấy Domingo mừng rỡ. Tôi cũng mừng luôn, và không chừng (dám) tôi là người mừng nhứt.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tết Thái

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

18/01/2025

Từ làng nổi Koh K’ek tôi giang ghe ra Pursat, rồi bắt xe đò trở lại Phnom Penh. Dọc theo quốc lộ 5, thỉnh thoảng, có nhà bầy bán mai vàng. Nhìn những cành hoa vừa nhu nhú nụ mà (chợt) thấy nôn nao.

Tết đến rồi đa!

Vào đến thủ đô Nam Vang lúc chiều vừa tắt nắng. Ngang công viên Tượng Đài Độc Lập, đôi chỗ, thấy bán bóng bay. Những chùm bóng đủ mầu rực rỡ, to hơn kích cỡ bình thường, với hàng chữ Việt (Cung Chúc Tân Xuân – Chúc Mừng Năm Mới) khiến tôi thoáng ngẩn ngơ.

Không dưng thấy mắt hơi cay. Tôi nghĩ thừa tại khói xe nhưng lại nhớ đến lời kêu gọi thiết tha của ông Nguyễn Thiện Nhân hồi mấy năm trước : “Tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về… chắc chắn sẽ thấy nó phát triển.”

Năm nay, Ban Tuyên Giáo còn “tiếp sức” với ông Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc bằng nguyệt san Di Sản Việt Nam (Vietnam Heritage ) với nội dung vô cùng phong phú. Tất cả những bài viết đều bằng Anh Ngữ, kèm nhiều hình ảnh sống động: đua thuyền, thổi cơm thi, đá gà, dựng nêu, múa lân, đốt pháo…

Xem mà nhớ quê hương muốn ứa nước mắt luôn, và chỉ ước ao sao mình có thêm đôi cánh (hay được cấp cái visa) để bay về quê tức khắc. Nước Việt thiệt là nền nã, an bình, và phú túc.

Đọc đến trang cuối mới thấy một mẩu tin (“Vietnam to slap higher fines on public urination”) ngăn ngắn, khiến độc giả – dù là người Việt – cũng phải bàng hoàng :

“People who urinate in public will be fined VND1-3 million ($44-133) from February 1, 2017, according to a new government decree.

The fines have been raised significantly from the current $9-13.

Public urination is nothing strange in Vietnam, where there is an acute shortage of public toilets…

Data from Hanoi’s Department of Construction shows that the capital has 340 public toilets, but two thirds are located in residential areas and only 100 are situated along streets or at entertainment facilities.

Ho Chi Minh City faces the same problem with only 200 public toilets serving the needs of its 10 million residents and the 5 million foreign tourists that visit the city each year.”

Úy, trời, đất, quỉ, thần, ơi? Giữa Thủ Đô Của Lương Tri & Phẩm Giá Con Người và Thành Phố Hồ Chí Minh (Quang Vinh) mà mười lăm triệu người phải dùng chung chỉ có hai trăm cái nhà vệ sinh công cộng thôi sao? Nếu thế, nếu có bệnh tiểu đường thì sống làm sao ở một đất nước mà khắp nơi đều có bảng ghi “cấm đái”. Đã thế, theo luật lệ mới, mỗi lần tè bậy là có thể bị phạt đến 144 Mỹ Kim thì chịu đời sao thấu.

Đ…mẹ, tiền (dollar) chớ bộ giấy lộn hay sao – mấy cha? Thảo nào mà nhà báo Lê Phú Khải đã phải nặng lời : “Có lẽ không có ở đâu trên trái đất này có một chính quyền cư xử với dân ti tiện như vậy.”

Thế là “giấc mơ hồi hương” tan vỡ. Lại phải tiếp tục đi thôi, dù chưa biết sẽ đi đâu? Thôi, cứ ghé đại chỗ nào làm vài ly cái đã :

Dừng chân nơi quán lạ

Thèm cơm chiều hương quê

Chị ơi thôi đừng đợi

Chiều nay em chưa về (tnt)

Chả quen biết ai ở Nam Vang, và cũng đã trải qua hai mấy cái Tết chán ngắt ở Xứ Chùa Tháp rồi nên tôi nghe lời rủ rê của một người bạn đồng nghiệp (đang làm thông tín viên thường trực cho RFA, ở Thái Lan) bay sang Bangkok, rồi đi xe về vùng quê nghỉ chơi vài bữa.

Anh kết hôn với một cô giáo Thái, người vùng Chai Nat. Họ sống cách thủ đô chỉ chừng hai trăm cây số mà khung cảnh nơi đây an bình và trầm lặng khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Nhà hai người nằm cạnh bờ sông. Dòng sông (Chao Phraya) mà chỉ mới chỉ thoạt trông thôi tôi cũng đã “phải lòng” rồi : tĩnh lặng, hiền hoà và yêu kiều quá!

Tôi sinh trưởng ở cao nguyên, nơi chả có biển rộng hay sông dài gì ráo trọi. Suốt thời thơ ấu, tôi chỉ quen với những buổi sáng rừng tưng bừng (tiếng con vượn hú) và những đêm trăng tà ngây ngất, hoang vu.

Mãi đến năm mười sáu – trong một chuyến giang hồ (vặt) đầu đời – khi đặt chân đến Tân Châu, tôi mới được nhìn thấy một nhánh sông Tiền đang cuồn cuộn cuốn mau dưới ánh nắng chiều lấp lánh. Tôi đoán đó là “Giòng An Giang” của Anh Việt Thu mà ca sĩ Ánh Tuyết đã khiến cho nhiều người thương mến :

Giòng An Giang sông sâu nước biếc

Giòng An Giang cây xanh lá thắm

Lả lướt về qua Thất Sơn

Châu Đốc giòng sông uốn quanh

Soi bóng Tiền Giang Cửu Long… 

Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông

Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi 

Trâu lang thang, đôi cò trắng tung bay dập dìu. 

Tôi không thấy cô gái Thái nào giặt yếm, hay phơi khăn, trên sông Chao Phraya cả. Cũng không nghe “tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi” nhưng cò trắng và cò quăm thì (ôi thôi) không phải từng đôi mà dễ đến hàng ngàn, bay rợp cả bầu trời.

Đôi lúc, tôi cũng bắt gặp vài cánh cò lạc lõng ở California nhưng đến Chai Nat thì mới nhìn thấy tận mắt – lần đầu – cảnh vật an bình mà mình chỉ được nghe qua tiếng đàn và giọng hát (trầm ấm) của Phạm Ngọc Lân :

Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh

Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm

Cùng mùi khói rơm quen thuộc…

Đồng xanh, cánh cò, khói rơm, và trâu bò dục mõ… tuy cũng quyến rũ nhưng chính nét diễm kiều và hiền dịu của dòng sông Chao Phraya mới khiến cho tôi say đắm. Chợ họp không đông, ngay tại bến đò. Những con đò thưa khách, từ từ cặp bến rồi chầm chậm rời bờ. Dù không đón, cũng chả đưa (ai) mà cũng thấy bận lòng và chút bâng khuâng.

Người dân Chai Nat đều có dáng vẻ chậm rãi và khoan thai y như con sông và bến đò của họ. Ở đây, rõ ràng, chả ai có việc gì phải vội. Tôi cũng thế, tôi cũng “chậm” lại (luôn) mà chả hiểu tại sao và tự lúc nào?

Sáng, chiều thơ thẩn đi dọc bờ sông. Nhìn nắng, nhìn nước, nhìn trời, nhìn mây; ngó lá, ngó hoa, ngó cây, ngó trái. Chao ơi, xứ sở gì mà thơ mộng và trù phú dữ vậy nè? Đu đủ, mía, xoài, vú sữa, chuối, dừa… mọc tá lả khắp nơi – kể cả ở những khúc sông hoang dã. Thiệt là quá đã! Đã nhứt là đứng sau bất cứ búi tre, bụi chuối nào cũng có thể vạch quần tè mà không sợ làm bận mắt tha nhân. Tuy thế, đái bậy dường như chỉ là thói quen của người dân Việt (và người dân Miên nữa) chớ người Lào và ngườinThái thì không.

Dọc theo bờ sông Chao Phraya, tại những khoảng cách nhất định, đều có những nhà vệ sinh chung. Tuy chỉ nhỏ nhắn thôi nhưng xinh xắn và sạch sẽ nên dân chúng không ai bị bệnh… đái đường!

Vợ chồng anh bạn còn cho tôi biết thêm rằng phong trào xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở Thái Lan đã phát khởi từ hai mươi năm trước. Bởi thế, những chiếc ghế đá đặt cạnh bên cho khách nghỉ chân đều đã nhuốm rêu nhưng bồn tiểu và bồn cầu thì vẫn trắng tinh vì được thay thế định kỳ và cọ rửa thường xuyên.

Nghe mà lại nhớ đến lời khẳng định về sự “phát triển đất nước” của ông Nguyễn Thiện Nhân, và những bài viết (dùng toàn những lời có cánh) trên Vietnam Heritage mà không khỏi thở dài!

Loài vật có thể tiểu tiện hay đại tiện bất cứ nơi đâu vì chúng không có ý thức gì về ngoại cảnh. Ép buộc con người phải sinh hoạt gần như cầm thú – trong những đô thị với hàng trăm ngàn người mới có một nhà vệ sinh chung – là điều chỉ có thể xẩy ra trong một chế độ bất nhân, nơi mà những kẻ nắm quyền “ăn không từ một thứ gì” – kể cả những cái cầu tiêu hay buồng tiểu.


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Lê Đình Công & Lê Đình Chức

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

16/01/2025

Hồi đầu thế kỷ, có bữa, tôi nhận được thư của Vũ Thư Hiên. Ông hớn hở cho hay “Anh Tấn sắp sang Pháp chơi với anh vài tuần”. Thuở ấy, hai ông còn khá trẻ trung (và còn sung lắm) nên chắc chắn là đôi bạn già sẽ đi lung tung khắp Âu Châu, chứ dễ gì mà chịu quanh quẩn ở Paris.

Mãi cả chục năm sau, sau khi nhà văn Bùi Ngọc Tấn lâm trọng bệnh, tôi mới nghe ông nhắc đến chuyến du hành thú vị này (với ít nhiều tiếc nuối) trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC – vào hôm 14 tháng 11 năm 2014: “Sang châu Âu, tôi quan sát dáng người đi, nét mặt của họ khác dân mình lắm … Đi thì mới biết mình bị mất những gì.”

Giờ ạ! Tưởng gì? Chứ nếu “đi mới biết mình bị mất những gì” thì cần chi phải qua đến tận Âu Châu làm chi (cha nội?) chỉ cần xẹt qua Cambodia cũng đủ “biết” là “họ khác dân mình lắm”, và khác “toàn tập” luôn.

“Trên đường phố mù bụi đỏ, những tủ đổi tiền, cỡ bằng tủ thuốc lá của ta, vẫn hoạt động bình thường, thong thả với hàng cọc tiền đủ từ mọi quốc gia chứa bên trong. Tiền bày ra đường, an nhiên, tự tại như vậy, ắt hẳn nạn trộm cướp ở đây không hề là nỗi ám ảnh thường xuyên của những ngân hàng đường phố kiểu này …

Dừng chân hỏi đường với một anh xe ôm đen sạm, phong sương bên đường bằng một thứ tiếng Miên bồi, tôi đã không khỏi ngạc nhiên và cảm động khi câu trả lời chỉ được thốt ra sau khi giở nón. Rõ ràng, người xe ôm này thuộc về một nền văn hóa lớn, mà những con người của nó đã học cách sống lễ độ và văn minh một cách rất tự nhiên.” (Lê Đình Phương. “Về Một Nền Du Lịch Lễ Độ.” Lang Thang Như Gió. Phụ Nữ: 2013).

Cho đến nay số người Việt có cơ hội “lang thang như gió” vẫn chưa nhiều nhặn gì cho lắm nên ít kẻ có cơ hội để so sánh, và nhận thức được về sự thua thiệt hay “mất mát” của mình. Phần lớn vẫn chấp nhận chuyện bị giựt đồ, bị thu phí thu thuế vô tội vạ, bị công an giao thông trấn lột, bị bắt đi bầu, bị công an phường mời lên làm việc (bất kể ngày giờ) … chỉ là những chuyện xui thôi. Cũng không mấy ai phiền hà chi, khi hỏi đường thì bị đòi tiền công (“10K”) chỉ dẫn.

Cho đến khi “đụng” phải sự mập mờ, lập lờ, gian giảo, lật lọng, tráo trở (trắng trợn) của Bộ Luật Đất Đai Thuộc Sở Hữu Toàn Dân thì “toàn dân” mới thực sự biết thế nào là “mất mát”, và mới có những phản ứng thích đáng, sau khi “bừng con mắt dậy thấy mình trắng tay”. Cái giá mà dân Việt phải trả cho sự phản kháng quyết liệt của họ, tất nhiên, không rẻ. Không ít người, Kinh cũng như Thượng, vẫn đang (hoặc đã) lãnh án tù.

Sự việc gần nhất (và nổi cộm nhất) liên quan đến chuyện tranh chấp đất đai, giữa Đảng và Dân, được mệnh danh là Vụ Án Đồng Tâm. Từ California, ký giả Nguyễn Tuyển (nhật báo Người Việt) tóm lược như sau:

Vào sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020, nhà cầm quyền CSVN đưa một lực lượng hùng hậu gồm một trung đoàn cảnh sát cơ động cùng các lực lượng công an khác tấn công xã Đồng Tâm. Dân làng cương quyết chống đối lại việc tịch thu khu đất thường được gọi là “cánh đồng Sênh” mà dân làng canh tác hàng chục năm. Họ có các văn kiện địa bạ chứng minh quyền sở hữu, canh tác trong khi nhà cầm quyền lấy cớ đó là đất “quốc phòng” nên đòi lại.

Các vụ tranh cãi, kiện tụng và cưỡng chế hụt cũng như chống cưỡng chế đất tại xã Đồng Tâm kéo dài suốt nhiều năm. Trước khi xảy ra vụ tấn công đầu năm ngoái, vào Tháng Tư, 2017, dư luận trong ngoài nước rúng động khi dân làng đã bắt giữ gần 40 cảnh sát cơ động, công an, viên chức huyện Mỹ Đức. Những người vừa kể chỉ được thả một tuần sau khi nhà cầm quyền cam kết giải quyết thỏa đáng, căn cứ theo đúng luật đất đai và quyền lợi của người dân.

Nhưng sau đó, nhà cầm quyền CSVN trở mặt, vẫn lập luận là dân địa phương chiếm cứ bất hợp pháp, đòi trả đất nhưng không lấy được, dẫn tới đàn áp.

Từ phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm, các nhân chứng quan trọng có mặt khi xảy ra vụ việc như bà vợ ông Kình, con dâu, cháu dâu cùng nhiều dân làng khác đã có lời yêu cầu triệu tập ra tòa làm chứng. Không những không cho triệu tập mà còn bị ngăn chặn từ xa, không cho đến gần tòa án.

Trước phiên xử phúc thẩm, các luật sư biện hộ đã gửi một đơn kiến nghị, yêu cầu thực nghiệm lại hiện trường để xem những cáo buộc qua lời khai của công an có đúng hay trái với sự thật. Tuy nhiên, họ đã bị tảng lờ. Nói chung, phiên tòa xử mang tính áp đặt, bất chấp luật lệ tố tụng hình sự của chính họ đặt ra…

Phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội chiều Thứ Ba, 9 Tháng Ba, với kết quả không làm mấy ai ngạc nhiên khi chủ tọa phiên xử phúc thẩm đọc bản án y án tử hình với hai anh em ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức. Hai ông là con ông Lê Đình Kình, người bị công an CSVN giết chết khi xông vào nhà ông vào sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020. Con trai ông Công là Lê Đình Doanh bị y án chung thân…

Vào thời điểm trên tuy ông Tô Lâm đang giữ chức Bộ Trưởng Công An (lực lượng đã tấn công vào xã Đồng Tâm và hạ sát ông Lê Đình Kình) nhưng T.B.T kiêm C.T.N Nguyễn Phú Trọng mới là kẻ “chịu trách nhiệm trực tiếp và cao nhất trong vụ án kinh hoàng” này. Ông đã qua đời vào ngày 19 tháng 07 vừa qua (hoặc trước đó vài hôm) và để lại không ít eo sèo, cùng rất nhiều điều tiếng.

Bên cạnh những mỹ từ cố hữu (anh minh, đạo đức, vỹ đại, giản dị, liêm chính, hết lòng vì dân vì nước…) của mọi cơ quan truyền thông quốc doanh – đây đó – trên những trang Thông Tấn Xã Vỉa Hè là vô số những lời chỉ trích, phê bình, chê bai, chửi rủa, mạt sát: lạc hậu, bảo thủ, giáo điều, hèn nhát, tham quyền cố vị …

Giữa hai thái cực này là thái độ và ngôn từ trung dung, dễ được công luận tán đồng: hãy để lịch sử phán xét, nghĩa tử là nghĩa tận …

Ơ hay! Hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức đã “tử” đâu (mà “tận” được) cả hai vẫn còn đang vật vờ – sống dở/chết dở – với hai bản án tử hình lơ lửng trong tù mà, đúng không?

Vào những giây phút cuối đời (khi vẫn còn thoi thóp thở) nếu Nguyễn Phú Trọng chợt nhận thức ra được việc làm tàn ác/bất nhân/thất đức của mình – chắc chắn – ông đã ký lệnh miễn tử cho Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Thế là làm giảm nhẹ được phần nào tội nghiệt của mình, và cũng xóa luôn được cái bản án “tru di”, một vết nhơ không nhỏ của loài người ở thế kỷ này.

Nguyễn Phú Trọng, tiếc thay, đã không “ngộ” ra được điều chi cho đến khi nhắm mắt/xuôi tay. Ông xứng đáng bị thế nhân nguyền rủa mà khỏi cần chờ đến thời gian hay lịch sử gì sất cả!

Nay thì mạng sống hai lương dân vô tội này đang trong tay của ông Tô Lâm. Nếu còn nhất điểm lương tâm – ông tân Chủ Tịch Nước – cũng nên ký lệnh “ân xá” (và phóng thích tất cả những người dân Đồng Tâm đang bị cầm tù) dù hy vọng như thế thật rất mong manh. Người còn chút nhân tính đâu ai nhẫn tâm để “đớp” một miếng thịt bò dát vàng (trị giá “tương đương với tám tấn lúa khô”) trong khi suy dinh dưỡng vẫn là vấn nạn lớn đối với rất nhiều trẻ thơ, ở đất nước mình.


 

Nước Mất & Mất Nước – Tưởng Năng Tiến

Tưởng Năng Tiến

Tập bút ký Quê Hương Ngày Trở Lại – xuất bản năm 2019 – của nhà phê bình văn học & xã hội Thụy Khuê, có đôi đoạn, hơi nhậy cảm :

“Khi miền Nam thua trận năm 1975, nhiều người Việt phải bỏ nước ra đi, không ít người kêu than ‘mất nước’. Kêu như thế là chưa hiểu gì về đất nước: đất nước ta là một tập hợp sông núi, con người, văn hoá và lịch sử ngàn năm, nó có cái vinh quang cũng có cái ô nhục, bởi nó là tổ tiên ta, ta phải gánh tất cả, bởi nó đã ở trong ta, trong dòng máu…

Vì thế, nước không bao giờ mất, chỉ thay đổi chế độ. Nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn không phải là chủ đất nước, họ là những người cai trị đất nước trong một thời đại. Nhìn như thế, ta sẽ thấy lòng an nhiên tự tại, một niềm hãnh diện mở ra tới vô cùng, bóp chết những thương đau, thù hận.”

Tác giả viết không có chi sai. Tuy thế, “sau khi miền Nam thua trận năm 1975”, lắm kẻ ở vùng đất này (e) khó có thể chia sẻ cái quan niệm bao dung và khoáng đạt của thượng dẫn.

Tập bút ký đầy ắp những tài liệu lịch sử khả xác và khả tín (được viết bởi một ngòi bút tài hoa) đã được đăng tải làm 10 kỳ trên trang Văn Việt. Sau đó, tác phẩm này còn được phổ biến trên trang TV&BH thêm hai kỳ nữa (và chỉ 2 thôi) với lời giải thích của ban biên tập:

Đến kỳ 3, chúng tôi quyết định không tiếp tục giới thiệu loạt bài này trên TV&BH nữa. Lý do tại sao, xin kính mời quý độc giả cùng theo dõi bài viết dưới đây của nhà văn Khuất Đẩu, người có gốc gác ở Khánh Hòa Nha Trang, hiện đang sinh sống ở Việt Nam.

Bài viết này (“Thụy Khuê Trở Lại Quê Hương Để Làm Gì”) mở đầu bằng những câu chữ hơi gay gắt:

Kính thưa bà Thụy Khuê,

Tôi xin mạn phép được viết những dòng này, sau khi đọc xong bài bút ký của bà nhan đề là: Quê hương ngày trở lại (kỳ 3)

Tôi xin nói ngay rằng, đó không phải là một bài viết ca ngợi quê hương, như tôi lầm tưởng, mà chỉ để chửi và dạy khôn người dân Việt Nam (trong đó có tôi).

Phần kết luận cũng thế, cũng không được thân thiện, hay nhẹ nhàng (hoặc dịu dàng) gì cho lắm:

Nói đến tài liệu thì bà là nhất.

Nhưng nói tới tình cảm, nhất là tình yêu quê hương thì, xin nói thực, bà hãy còn “hô khẩu hiệu” lắm.

Tôi không quen Khuất Đẩu, và chỉ biết ông qua tác phẩm (Lão Tiền BốiNhững Tháng Năm Cuồng NộNgười Giữ Nhà Thờ Họ …) cùng những bài viết đã được phổ biến rộng rãi trên nhiều trang mạng. Tác giả nguyên là nhà giáo, trước khi trở thành nhà binh, thuộc bên bại cuộc. Tôi cũng thế (cũng là một tên lính thất trận) nên chủ quan tin rằng mình có thể hiểu được, phần nào, cái tâm trạng (phẫn uất) của người đồng cảnh!

Vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến VN, không ít đồng đội của chúng tôi bỗng mất liên lạc vô tuyến với thượng cấp. Vô cùng hoang mang, họ tìm đường trở về đơn vị. Gần đến nơi, tất cả đều bàng hoàng và kinh sợ khi thấy lá cờ lá cờ đỏ sao vàng đang phất phới giữa sân bộ chỉ huy.

Không ít người đã tự xử ngay tại chỗ. Số đông còn lại thì đi tù. Có kẻ đi đến chục năm, và khi về thì mất ráo cả nhà cửa lẫn vợ con. Ở vào hoàn cảnh đó, thật khó để có thể giữ được cho mình “lòng an nhiên tự tại” – dù đất nước có mất đi tấc đất nào đâu mà còn hoàn toàn thống nhất!

Trong nhiều hoàn cảnh khác cũng thế, cũng khó mà khỏi bật tiếng kêu than là “quê hương của mình” không còn nữa. Xin ghi lại một câu chuyện nhỏ (qua một mẩu tin ngắn) đọc được trên Báo Công An Nhân Dân, số ra ngày 31 tháng 7 năm 2020:

Lúc 6h30’ cùng ngày, Tổ công tác của Trạm kiểm soát thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Chi cục Hải Quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phát hiện hàng chục đối tượng (gồm người lớn và trẻ em), di chuyển từ phía Campuchia qua tuyến biên giới tỉnh An Giang, trên 8 thuyền máy.

Tổ công tác tiến hành dừng phương tiện, dẫn giải người, phương tiện về Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế xác minh, điều tra, làm rõ.

Qua lấy lời khai, được biết có 7 hộ gia đình với 41 khẩu (20 người lớn, 21 trẻ em) sống tại tỉnh Siem Reap và tỉnh Pur Sát (Campuchia). Do hoàn cảnh sống khó khăn nên có ý định trốn về Việt Nam sinh sống tại tỉnh Đồng Tháp và Tây Ninh. Tất cả đều không có giấy tờ hợp pháp, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép bằng hình thức cảnh cáo đối với 14 đối tượng là chủ hộ gia đình, cho làm cam kết không tái phạm.

Đêm vẫn còn dài nên xin phép được ghi thêm một câu chuyện nữa, qua lời kể của đôi bạn đồng hương:

Năm 1993, Yến chết thảm ở tuổi 21. Đám tang của Yến diễn ra trong một ngày mùa đông buồn thảm. Cái buồn thảm không giống những nỗi buồn tôi từng chứng kiến trong các đám tang khác khi còn ở Việt Nam. 

Lần cuối cùng người ta thấy Yến đi với một gã người Campuchia khoảng một tuần trước. Khách đã thỏa thuận và chi tiền trước với chủ chứa để ‘bao’ Yến trong hai ngày. Nhưng ba, rồi bốn ngày vẫn không thấy Yến về.

Linh tính có điều gì chẳng lành xảy ra với cô nên hai người chị kết nghĩa là Hương và Trầm bỏ tiền nhờ người đi tìm. Để có thêm tiền chi trả việc tìm bạn, tất nhiên Hương và Trầm phải ‘làm thêm’, tức là tiếp khách nhiều hơn ngày thường. 

Người ta tìm thấy xác của Yến (khi ấy đã không còn nguyên vẹn do thương tích, do côn trùng bâu kín thân thể) bị vứt ở chân núi Mô Păng. Vì chủ chứa – một mụ đàn bà người Việt có nước da bợt như xác chết, không cho làm tang ở đấy, thành ra mấy người thợ mộc hàng xóm phải đi kiếm gỗ, dựng tạm cho cái chòi tại khu đất trống để có chỗ kê quan tài.

Đám tang lèo tèo vài ba người hàng xóm thất nghiệp trong đó có tôi, ngồi dự cho đỡ tủi. Yến có thằng con trai lên bốn tuổi, tên là Hên. Thấy mẹ chết, nó gào khóc, tiếng khóc tôi chưa từng nghe thấy bao giờ : 

  • Ụ má mày, mày xí gạt Mày hứa đưa tao về quại mà mày hổng đưa. Mày bỏ tao mày đi. Choi me hặn…hặn tau na… cùm ngợp. (Đù má mày…mày đi đâu… đừng chết.) … Dậy đưa tao về quại! (Phạm Thanh Nghiên. “Chuyện Kể Của Chồng”. Tiếng Dân – 05/08/2020 ) .

Bà Yến từ trần vào năm 1993, khi Hên mới vừa lên 4. Tính đến năm nay thì cậu bé năm xưa nay đã trở thành một người ở tuổi trung niên. Tôi băn khoăn tự hỏi: nếu vẫn còn sống sót, chả hiểu ông Hên có còn muốn về quê ngoại hay không?  Và “lỡ” muốn thì cách sao mà về được nhỉ?

Lịch sử của một triều đại, hay một chế độ, có thể kéo dài đến vài thế kỷ nhưng kiếp người thì chỉ tính bằng năm. Trong những năm tháng đó, không phải ai cũng có chỗ tạm cư (trong cơn quốc biến) và có điều kiện để hồi hương bằng thông hành, chiếu khán, cùng ít nhiều ngoại tệ. Với những kẻ lâm vào bước đường cùng, không có một mảnh giấy lận lưng, không được một đồng xu dính túi (và cũng chả tìm được chỗ nương thân) thì chuyện nước/non – xem ra – không chỉ xa vời mà còn xa xỉ lắm!

TNT


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Ông Già Ba Tri Lê Đình Kình

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

10/01/2025

Tôi mém viết hồi ký mấy lần, lần nào cũng đang lúc chuyến choáng hơi men. Ngủ một giấc – thức dậy – ngẫm nghĩ thấy đời mình chán như con gián và nhạt còn hơn nước ốc nữa (chả có cái con mẹ gì để mà “ký” cả) nên … thôi!

Thôi, không viết thì đọc vậy. Cho nó đỡ buồn. Năm trước, tôi coi lại nguyên bộ Trả Ta Sông Núi của Đại Tá Phạm Văn Liễu. Năm nay, nghe Đinh Quang Anh Thái dụ, tôi đặt mua cuốn Hồi Ký Tống Văn Công – do Người Việt Books xuất bản.

Tống Văn Công cùng quê với Xuân Vũ. Cả hai ông đều là dân miền Nam nên không biết làm dáng, cũng không quen mầu mè (riêu cua) gì ráo, viết cứ như nói, và nghĩ sao thì nói vậy hà. Xin coi chơi một đoạn ở chương dẫn nhập:

“Tôi cứ tưởng ông già Ba Tri là chỉ những vị nổi tiếng của quê tôi như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan văn Trị nhưng ông nội tôi bảo sự tích này có từ thời Minh Mạng: Ông Trần văn Hạc, Hương cả của làng An Hòa Tây cho đắp con đập ngăn vàm rạch làm tắc nghẽn đường ghe chở hàng hóa vào chợ Ba Tri.

Dân chúng cả vùng phát đơn kiện, nhưng thế lực Trần Văn Hạc quá mạnh, quan tổng, quan huyện, quan tỉnh đều xử ông ta thắng kiện. Bà con bàn bạc cử ba ông già có uy tín nhất vùng là Thái Hữu Kiếm, Nguyễn Văn và Lê Văn Lợi mang đơn ra Huế kiện lên triều đình.

Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn. Vua Minh Mạng cho các ông vào chầu tấu trình sự việc. Vua nghe xong, hạ chiếu cho các ông thắng kiện. Từ đó, danh xưng ‘ông già Ba Tri’ là chỉ những cụ già nhưng chí khí không già, dám dũng cảm bảo vệ lẽ phải.”

Thiệt, đọc mà ái ngại hết sức: “Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn.” May mà còn gặp vị vua nhân đức (“hạ chiếu cho các ông thắng kiện”) chớ không thì công cốc.

Thời nay lỡ xẩy ra những chuyện oan khuất tương tự thì chả ai còn phải cất công đi lại xa xôi như vậy nữa. Địa phương nào cũng có hội đồng nhân dân các cấp, trên nữa là quốc hội. Thêm vào đó là hàng ngàn tờ báo, chưa kể vô số các cơ quan truyền thông, mọi chuyện khuất tất đều sẽ bị phơi bầy trước công luận tức thì nên mấy ông già Ba Tri bị thất nghiệp là cái chắc (và cũng hết còn đất sống) đúng không?

Không!

Tưởng vậy chớ không phải vậy đâu. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Năm rồi, xã Đồng Tâm vừa xuất hiện một ông già Ba Tri khiến cả nước phải giật mình kinh ngạc. Ông được Tạp Chí Luật Khoa bình chọn là một trong “Mười Nhân Vật Chính Trị Việt Nam Năm 2017,” cùng với không ít lời ưu ái:

“Trước tháng 4/2017, công chúng không biết Lê Đình Kình là ai. Vụ chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội xô xát và bắt giữ ông cụ 82 tuổi này vào ngày 15/4 đã thổi bùng làn sóng phản đối của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, vốn đang có tranh chấp đất đai tại khu vực đồng Sênh.

Tất cả những diễn biến sau đó cho người ta thấy hình ảnh của một lãnh đạo cả về tinh thần lẫn quyết sách của những người nông dân Đồng Tâm. Ngoài trí tuệ minh mẫn và khả năng trình bày khúc chiết, ông Lê Đình Kình hội tụ nhiều yếu tố để trở thành người được tín nhiệm ở một làng nông thôn Bắc Bộ …”

Về vụ “xô xát” nói trên, nhà báo Nguyễn Đình Ấm cho biết thêm chi tiết:

“Việc ngày 15/4/2017  ba sĩ quan quân đội và đội cảnh sát, an ninh CAHN mời dân ra đồng Sênh ‘kiểm tra mốc giới’ khi đến mốc 15- 20 thì nổ súng uy hiếp, trung tá Trần Thanh Tùng phó CA huyện Mỹ Đức đá cụ Kình văng 2m rồi cùng ‘côn đồ mặc quần bò, áo thun’ xốc nách cụ đưa lên ô tô khóa tay, bịt miệng đồng thời bắt 4 người nữa chở lên Hà Nội thẩm vấn, tra khảo…”

Ông già Ba Tri của xã Đồng Tâm – huyện Mỹ Đức – bị “côn đồ đấm đá, tra khảo” nhưng cả trăm đại diện của Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hà Nội  đều câm như hến. Còn ĐBQH Đào Thanh Hải thì đứng về phía … công an, để vu cáo nạn nhân: “Gia đình ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân” – theo như tường trình của báo Người Lao Động, đọc được vào hôm 7 tháng 11 năm 2017.

Một năm sau, trên trang Tiếng Dân – đọc được vào ngày 6 tháng 8 năm 2018 –  Nguyễn Đăng Quang (một nhà báo tận tụy và đặc biệt quan tâm về sự việc Đồng Tâm) cho biết:

“Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vẫn đang bế tắc. Người dân đã hai lần gửi TÂM THƯ đến HNTƯ7 và Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội vừa qua, nhưng không có ai trả lời họ. Mới đây, cụ Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm, với danh nghĩa người bị hại trong biến cố Đồng Tâm, đã gửi tới Ủy ban Tư pháp Quốc hội và bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban này một “Thư công dân gửi ĐBQH”.

Thư gửi qua ‘Chuyển phát nhanh’, song đến nay đã hơn 2 tháng mà chẳng một ai hồi âm hay phúc đáp cả!

Cụ Kình nhờ tôi hỏi giúp việc này. Tôi có điện hỏi bà Lê Thị Nga, được bà cho biết là chưa nhận được, và đề nghị tôi nhắn cụ Kình gửi lại cho riêng bà, đừng gửi cho ai khác…

Trong cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, người viết bài này cũng như tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần hồi đáp đơn thư và các nguyện vọng, kiến nghị của người dân.”

Khi đất nước còn ở trong tình cảnh một cổ hai tròng (thực dân & phong kiến) nếu bị đám quan lại địa phương ức hiếp, mấy ông già Ba Tri thời trước chỉ cần mất vài tháng đi bộ từ quê mình ra đến kinh đô – nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn – rồi chầu tấu trình sự việc là … kể như xong.

Còn bây giờ “tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng hồi đáp đơn thư” thôi nhưng điều “mong muốn” giản dị này – xem ra – vẫn hơi có vẻ xa vời, nếu chưa muốn nói là xa xỉ.

Chúng ta đang sống vào cái thời đại (thổ tả) gì vậy, hả Trời?

27/08/ 2018


 

Dư Thị Thành- Tưởng Năng Tiến

Ba’o Tieng Dan

09/01/2025

Tưởng Năng Tiến

9-1-2024

Hồi ký (Đồng Bằng) của Nguyên Ngọc có dành đôi ba trang viết về Rạch Gốc – một địa danh hẻo lánh, ở tuốt luốt tận dưới mũi Cà Mau lận:

Rạch Gốc chẳng chợ búa gì hết, mọi thứ phải chạy đò lên Năm Căn mua… Một buổi sáng, bước ra trước sân Ủy ban, tôi ngạc nhiên thấy treo cờ tang.

Hỏi sao vậy … trả lời: Ông Andropov chết.

Tôi hỏi lại: Ông Andropov là ai thế?

Trả lời: Không biết, nghe đài Hà Nội biểu treo cờ tang thì mình treo…

Cờ tang cho ông Andropov nào đó treo rất đúng quy cách, chỉ kéo tới nửa cột, thòng kèm một dải vải đen nhỏ phất phơ trong gió biển…”

Cái ông Andropov (“nào đó”) nghe tên cũng có vẻ quen quen nhưng nhất thời thì tôi không thể nhớ ra được là ai. Cả ủy ban nhân dân Rạch Gốc và nhà văn Nguyên Ngọc cũng vậy, cũng bù trất, không ai biết thằng chả ở đâu ra nữa.

Tuy vậy, cả nước, ai cũng biết rằng trong cái thế giới “bốn phương vô sản đều là anh em” thì bất cứ đồng chí lãnh đạo (cấp cao) nào mà chuyển qua từ trần thì đều “thuộc diện quốc tang” ráo trọi – bất kể Tây/Tầu.

Nói chi đến chuyện tang ma của một đồng chí cỡ Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước của nước ta. Tang lễ, truy điệu, điếu văn, nhang khói, hoa hòe, hoa sói, cờ phướn, cờ tang, cờ liệt, cờ rũ … thì (ôi thôi) tá lả bùng binh – theo như thông tin rầm rộ của báo chí nước nhà:

Ở thời điểm này, phu nhân của cố TBT – tất nhiên – cũng trở thành một yếu nhân, thuộc diện trung tâm. Mọi hình ảnh của bà đều được ký giả, phóng viên, nhà báo … ghi lại qua ống kính, không sót một góc cạnh nào:

Thế mới biết là giới truyền thông của nước CHXHCNVN “tác nghiệp” cũng rất nhiệt tình và hăng hái, trong điều kiện an toàn. Riêng báo Tuổi Trẻ còn có bài (“Thư Tay Của Phu Nhân Tổng Bí Thư Lào Gửi Phu Nhân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng”) cảm động hết biết luôn, khiến cho mọi tầng lớp độc giả đều phải sụt sùi, rơi lệ:

“Chị Mận kính mến!        

Hôm nay (ngày 19-7), khi vừa về đến nhà, anh Thongloun Sisoulith bước đến gần em với sắc mặt buồn rầu và cất giọng nói khác thường: ‘Naly ơi, anh vừa nhận được tin anh Nguyễn Phú Trọng mất, anh đã rời xa chúng ta rồi’.

Chị Mận ơi, trong giây phút đó em thật sự đứng tim, không thể nói nên lời và em không thể cầm được nước mắt, anh Thongloun Sisoulith đã ôm em vỗ nhẹ vào lưng và an ủi rằng: ‘Anh cũng rất đau buồn và thương tiếc khi nhận được báo cáo khẩn từ Hà Nội, em hãy bình tĩnh và mạnh mẽ. Anh Trọng đã ra đi một cách thanh thản, anh ấy đã nhắm mắt đi xa trong niềm tiếc thương và đau buồn vô tận của nhân dân cả nước Việt Nam’.

Ai mà dè dân Lào lại đa cảm dữ vậy chớ? Tình cảm của bà Naly dành cho bà Mận (không dưng) khiến tôi thốt nhớ đến tình cảnh buồn bã và cô quạnh của một người đàn bà khác, bà quả phụ Lê Đình Kình – nhũ danh Dư Thị Thành.

Chồng bà Thành cũng là một đảng viên Cộng Sản (và cũng đã qua đời cách đây chưa lâu lắm) nhưng cái chết của ông ta bất ngờ, rùng rợn, thảm thiết lắm kìa. Tang ma thì não nề, và u uất. Tình cảnh vợ con/cháu chắt của người quá cố, xem ra, cũng vô cùng bi đát – theo tường thuật của RFA:

Đã bốn năm trôi qua kể từ ngày hàng ngàn cảnh sát cơ động tấn công vào thôn Hoành lúc rạng sáng, bắn chết cụ Lê Đình Kình – thủ lĩnh tinh thần của người Đồng Tâm, nhưng những ký ức đau buồn vẫn còn hiển hiện đối với những người liên quan như mới hôm qua…

Những người đàn ông trụ cột trong nhà, người thì bị bắn chết như ông Lê Đình Kình, người thì bị tuyên án tử hình như hai con trai của ông là Lê Đình Công và Lê Đình Chức, cháu nội ông Kình là Lê Đình Doanh bị án chung thân, và ba người khác bị án tù từ 12 năm đến 16 năm về tội “giết người” trong khi sáu người khác bị kết án từ 5-6 năm về tội “chống người thi hành công vụ.”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của RFA trước ngày giỗ chồng lần thứ tư, bà quả phụ Dư Thị Thành cho biết đến nay, chính quyền xã không làm giấy khai tử cho ông Kình vì bà không đồng ý ký giấy thừa nhận ông bị bắn chết ở Đồng Sênh, là cánh đồng mà dân Đồng Tâm cho là của mình còn chính quyền thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức nói là đất quốc phòng.

Facebooker Lã Việt Dũng, người có mặt tại hiện trường, cho biết thêm chi tiết qua BBC:

“Sáng nay đám tang cụ Kình, an ninh chìm nổi dày đặc…không cho một ai quay phim, chụp ảnh và cắt liên lạc toàn vùng. Tuy nhiên vẫn có một phóng viên … tiếp cận và lấy được lời kể của vợ cụ Kình:

‘Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân,’ bà Thành nói”.

Sao mà đối xử phân biệt “kỹ” dữ vậy, hả Trời?

Cả hai ông đều là đảng viên cộng sản lão thành (và đều tin vào chủ nghĩa này cho đến hơi thở cuối) mà. Nguyễn Phú Trọng thì nhất định dẫn dắt cả nước đi theo con đường XHCN, dù không tin rằng nó có thể “hoàn thiện đến cuối thế kỷ này”. Còn Lê Đình Kình thì “tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ đảng tuyệt đối”, bất kể đúng sai. Vậy mà ông Tổng Bí Thư nỡ hạ sát ông Bí Thư Xã bằng nhiều phát đạn. Chưa đã, nạn nhân còn bị phanh thây, không cho khai tử, rồi tịch thu luôn cả tiền phúng điếu, và bắt con cái người ta phải chịu án tử hình – y như một vụ án tru di!

Nay thì cả hai ông đều đã xuống tới Suối Vàng (nơi mà sức mạnh của chuyên chính vô sản chắc không còn hiệu lực) nên hy vọng họ có thể nói chuyện phải quấy với nhau một cách bình đẳng và tử tế hơn – chút xíu!

Sự bình đẳng và tử tế không hề có trên dương thế:

Cùng là phận đàn bà
Một người chìm dưới đáy
Người tột đỉnh vinh hoa
Nhưng băng tang cũng vậy

Cũng màu tang trắng ấy
Phanh thây Lê Đình Kình
Cũng màu tang trắng ấy
Cả triều đình tụng kinh

Thơ thay mặt thần linh
Cất tiếng lòng Đỗ Phủ
Trần gian lắm bất bình
Người với người dã thú

Cùng là thân phụ nữ
Xót bà vợ dân lành
Tiếng khóc than ai oán
Thấu chín tầng trời xanh!

Bùi Chí Vinh  – 29/7/2024

Nước ta – may quá –  bên cạnh 820 tờ báo và 41.000 người cầm viết ăn lương, vẫn còn có được một nhà thơ, và một bài thơ … tử tế!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến –  Lê Đình Kình

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

07/01/2025

Khi có dịp gặp nhau, ở bất cứ nơi đâu, những người Việt tị nạn Cộng Sản vẫn thường hay sa đà vào những câu chuyện có liên quan đến vấn đề thời sự hay chính trị ở quê nhà. Bữa rồi, trong tiệc cưới, có ông mượn một thành ngữ thường nghe ở Hoa Kỳ (“The only good Indian is a dead Indian”) để lên tiếng giễu cợt: “Thằng cộng sản chỉ tốt khi nó không còn thở nữa.” Câu nói được nhiều người ngồi chung bàn người bật cười tán thưởng.

Sự thực (e) không giản dị thế đâu. Khối thằng đã chết từ lâu nhưng di hại vẫn kéo dài mãi mãi:

Bác Hồ đang sống bỗng chuyển qua từ trần vào năm 1969 nhưng hơn một phần tư thế kỷ qua ổng vẫn gây ra hao tốn đều đều, và mỗi lúc một thêm hao. FB Vũ Huy Hoàng  cho biết “ngân sách cho BQL Lăng đã tăng từ 157,300 tỷ đồng năm 2010 lên tới 318,730 tỷ đồng cho năm 2016.” Thảo nào mà số nợ công hằng năm cũng  tăng theo vùn vụt.

Cái kiểu lìa đời của bác Trần Đại Quang cũng phiền nhiễu lắm. Ổng chiếm một “khu lăng mộ vài chục ngàn mét vuông” lận. Khoảnh đất bao la này mà mang bán cho anh Vượng Vin để xây chung cư thì số nợ công chắc cũng giảm kha khá, chứ không phải ít. Bác Phạm Văn Đồng tuy đã rời xa nhân thế khá lâu nhưng vẫn để lại một dấu ấn khó phai: Công Hàm (158). Bác Nguyễn Văn Linh và bác Đỗ Mười, tất nhiên, cũng không kém cạnh: Mật Ước Thành Đô

Gần đây, có lẽ, chỉ có một đảng viên cộng sản duy nhất khi sống (cũng như lúc thác) vẫn được coi là một người tốt là ông Lê Đình Kình. Nhân vật này bị giết hại  một cách tàn bạo, vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, và ngay hôm sau kẻ thủ ác được Đảng và Nhà Nước truy tặng huân chương chiến công hạng nhất. Tuy thế,  cái chết thương tâm của ông (tựa như một giọt nước tràn ly) đã gây ra một hiệu ứng tích cực về mặt nhận thức nơi rất nhiều người:

  • TS. Mạc Văn Trang: Sự kiện đảng viên Đảng CSVN LÊ ĐÌNH KÌNH 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời, một lý lịch đảng viên đầy chiến tích, mà không một UV Trung ương hay UV Bộ Chính trị nào hiện nay dám so sánh với Cụ, đã bị chính các đồng chí của mình sát hại, vẫn gây chấn động nhân tâm. Nhân đây, nhìn lại TÌNH ĐỒNG CHÍ của các đảng viên Đảng cộng sản thì mới rõ. ĐỒNG CHÍ = “ĐỒNG CHÓ”!
  • Nhà báo Lê Phú Khải : “Máu ở Đồng Tâm như một thứ thuốc hiện hình làm rõ những điều mà trước đây người ta không thể nghĩ tới! Nó là một bước ngoặt vô hình của lịch sử.
  • Nhà văn Nguyên Ngọc: “Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu.”

Lời kêu gọi “thiết tha” thượng dẫn được đáp ứng tức thì:

  • BBT trang Bauxite Việt Nam lên tiếng: “Nhiệt liệt hưởng ứng lời tuyên bố nóng hổi của nhà văn Nguyên Ngọc và qua trang mạng chúng tôi cũng như nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác, rất mong tiếng nói tố cáo trung thực của nhà văn sớm lan tỏa rộng rãi khắp trong nước và trên toàn thế giới.”
  • Thành viên của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng gửi thư đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi sự can thiệp trong vụ việc Đồng Tâm: “Mong Ngài Tổng Thư ký LHQ có tiếng nói kịp thời để ngăn chặn giải pháp tàn bạo của một nhà nước vừa được đảm nhận vai trò Uỷ viên Không Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-202.”

Sau bức thư lịch sử này, có thể, cụm từ “đối lập trung thành” sẽ biến mất luôn khỏi ngôn ngữ VN. Cũng từ nay –  hy vọng – sẽ không còn lời kêu cầu, bản kiến nghị, hay đơn thư (tâm huyết) nào gửi đến Bộ Chính Trị, Văn Phòng Thủ Tướng hay Quốc Hội như trước nữa. Ông Hà Sĩ Phu bình luận: “Việc thảm sát đảng viên lão thành rất yêu đảng như cụ Kình là lời tuyên ngôn khai tử hình thức đấu tranh trong nội bộ đảng, cũng chấm dứt hy vọng dùng đường lối cải lương để cải biến tình hình.”

Nguyễn Quang Lập  khái quát vấn đề một cách vô cùng dung dị: “Nguyễn Trọng Tín đánh xe tới nhà tui, nói, tui nói với ông một câu rồi tui dzề: Dzụ Đồng Tâm cho biết điều quan trọng này: Thực sự chính quyền này không phải của dân. Dzậy thôi!”

Sao “thôi ngang” như vậy được, cha nội? Chơi vậy đâu có “fair”! Nẫy giờ toàn trích dẫn ý kiến của một phe thôi – phe của những đảng viên ly khai và của đám dân đen sôi sục vì bất mãn. Còn phía Đảng và Nhà Nước nữa chớ. Để cho nó khách quan xin nghe thêm tiếng nói của hai ông (cố) TBT và TT:

  • Nguyễn Phú Trọng: “Không có một lực lượng nào khác ngoài ĐCSVN có đủ bản lĩnh, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn.”
  • Nguyễn Xuân Phúc: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này.”

Sự thực ra sao? Thực trạng và thực lực của Đảng CSVN hiện nay thế nào?

Hãy nghe đôi lời từ vài nhân chứng khả tín và thế giá:

“Tôi ‘thoái Đảng’ vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên ĐCSVN, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương, mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của ‘một thời đáng quên!’.

Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau. Đến nay, đã bao nhiêu đảng viên cộng sản chọn cách này để ‘tạm biệt’ Đảng, không một ai có thể biết chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số này ước khoảng 45%! Số còn lại, mang tiếng là ‘vẫn yêu Đảng’, nhưng thực tế đa số họ đã ‘chán Đảng’, họ miễn cưỡng phải tiếp tục ở lại sinh hoạt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến lý do hàng đầu là sợ liên lụy đến con cháu, tiếp đến là sợ ảnh hưởng đến ‘sổ hưu’, tức kế sinh nhai hàng ngày của họ.”

  • Nhà văn Tạ Duy Anh, một người ngoài Đảng, viết trong tác phẩm (“Dưới Bàn Tay Vô Hình’) chưa xuất bản như sau: “…Lần ấy P. Thắng, nhân viên chính trị của tiểu đoàn, nhận lệnh đi công tác một tháng. Theo thông lệ, cậu ta bàn giao lại việc cho tôi, nhân viên quân lực. Tuy không phải đảng viên nhưng tôi thông thuộc hết mọi thủ tục để hoàn thiện bộ hồ sơ cho một đảng viên mới, chính là nhờ một tháng làm thay ấy

Vốn là người chu đáo, trước khi đi, Thắng bỏ ra một buổi chiều dặn kỹ tôi phải làm gì. Bấy giờ tôi mới biết: Trọn vẹn một bộ hồ sơ để kết nạp ai đó vào đảng, từ đơn xin gia nhập đảng, lời của hai đảng viên giới thiệu, đến tất cả những trích biên bản cuộc họp, (họp quần chúng, họp chi đoàn, liên chi đoàn, chi bộ, chi ủy…) đều do nhân viên chính trị làm.

Tức là bịa ra hoàn toàn. Càng bịa giỏi càng được coi là có năng lực… Suốt cái tháng cuối năm ấy, tôi “chế” được cả thảy hơn chục bộ hồ sơ “đẹp như mơ”, có bút tích, chữ ký của tôi với cái tên Tạ Duy Anh chưa bao giờ được công nhận về mặt hành chính. Nhiều năm sau thỉnh thoảng tôi vẫn thấy khoái trá với ý nghĩ: “Mình chỉ làm thay có một tháng, trong phạm vi một tiểu đoàn, mà đã góp cho đội ngũ trùng trùng điệp điệp hơn chục thành viên, vẻ vang là cái chắc.”

Cái “đội ngũ trùng trùng điệp” mấy triệu đảng viên CSVN, xem ra, chỉ là những con số không hồn. Nền không chắc mà tường cao thì sự sụp đổ nằm sẵn nơi đó rồiẤy thế mà hôm 3 tháng 2 vừa qua, họ vừa “Kỷ Niệm Trọng Thể 90 Năm Ngày Thành Lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.” Rõ ràng là nguyên một dân tộc bị đè đầu cưỡi cổ gần một thế kỷ qua mà không nhóc nhách gì được cả.

Sao thế nhỉ?

Và liệu nghịch lý này sẽ còn kéo dài thêm bao nhiêu năm nữa?