‘Cá chết xếp lớp dưới đáy biển ở Quảng Bình’
Nguoi-viet.com
QUẢNG BÌNH (NV) – Ngư dân lặn biển cho hay “cá chết xếp lớp dưới đáy biển ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình” theo bản tin của tờ Tiền Phong hôm Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016.
Tấm lưới cũ thành “mới” sau khi thả xuống đáy biển của ngư dân Quảng Bình. (Hình: Tiền Phong)
Tờ Tiền Phong đưa tin rằng: “Ngư dân các xã bãi ngang ven biển Quảng Bình cho biết: Họ phát hiện cá chết xếp lớp dưới đáy biển từ bờ ra từ 1 đến 6 hải lí.”
Báo này thuật lời ông Nguyễn Hơn, ngư dân ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết khi lặn xuống đáy biển, nơi có rạn san hô để bắt cá, thấy cá chết xếp lớp. Bên cạnh đó, rạn san hô bị phủ một lớp bùn đen kịt khác với ngày xưa.
“Nhìn trên mặt biển thì thấy màu nước vẫn bình thường rứa đó, nhưng mà lặn xuống thì có màu vàng đục,” ông Hơn được báo Tiền Phong dẫn lời.
Báo nói trên thuật lời ông Nguyễn Cần cũng ở xã Nhân Trạch, chuyên thả lưới bắt cá gần bờ cho biết, khi tấm lưới cũ của ông thả xuống đáy biển, sau đó kéo lên thì sạch bóng. “Lưới đánh ở vùng rạn thường rất bẩn, chỉ vài tháng là đen sì. Nhưng đợt này tui mà thả xuống, khi kéo lên lưới lại trắng tinh như mới mua. Tui nghi đáy biển có chất tẩy rửa,” ông Cần nói.
Theo nguồn tin trên, ngư dân các xã bãi ngang của Quảng Bình, từ Quảng Trạch vào đến Lệ Thủy cho biết, đáy biển có hiện tượng tương tự. Các vùng rạn san hô gần bờ từ 1 đến 6 hải lí, xác cua, xác cá, các loài giáp xác chết nằm la liệt, nhiều hơn lượng cá trôi dạt vào bờ.
Theo tờ Tiền Phong, trước phản ánh của người dân, “Ngày 5 tháng 5, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Quảng Bình đã có công văn đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi Trường vào cuộc.”
Đây là các phát hiện mới cho thấy thảm họa môi trường biển bị đầu độc tại miền Trung Việt Nam những ngày qua đề cập mới chỉ là phần nổi của một đại họa kép dài nhiều thập niên chứ không phải nhỏ.
Phát hiện của ngư dân nói trên mới chỉ là riêng ở một vùng biển thuộc tỉnh Quảng Bình, nếu người ta có thể lặn sâu xuống biển các khu vực suốt từ Hà Tĩnh đến tận các tỉnh phía Nam xuống cả Khánh Hòa để tìm hiểu và điều tra, rất có thể người ta biết được nhiều hơn nữa.
Vẫn theo tờ Tiền Phong, chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Xã vừa nhận được thông báo Sở Tài Nguyên và Môi Trường sẽ tiến hành khảo sát và thuê thợ lặn tìm hiểu ở vùng biển xã Nhân Trạch, nơi ngư dân phát hiện cá chết xếp dưới đáy biển. Cuộc khảo sát dự kiến tiến hành vào sáng 7 tháng 5.”
Trong một bản tin tờ Tiền Phong thuật lời ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triền Nông Thôn cho biết, các mẫu phân tích về cá chết ở các tỉnh Bắc Trung Bộ của bộ này đã có kết quả. Tuy nhiên, ông này lại nói: “Chúng tôi đã gửi cho Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Khoa Học và Công Nghệ. Các mẫu tất nhiên có cả kim loại nặng, còn về số lượng thế nào thì bộ không được công bố.”
Suốt một dải bờ biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến phía Nam của Thừa Thiên-Huế, cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển nhiều ngày qua. Không những vậy, số lượng lớn cá đặc sản nuôi lồng (cá mú, cá hồng…) của người dân địa phương cũng “bỗng dưng” chết bất thường.
Cho tới nay, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn nín lặng về nguyên nhân làm cá biển chết như thế, khuyến cáo người dân không ăn cá chết. Quan chức một số tỉnh thì biểu diễn tắm biển và ăn cá trên trên bờ biển để chứng tỏ thảm kịch đã qua rồi trong khi vẫn chưa trả lời câu hỏi của người dân.
Nay nếu tình trạng cá chết chìm đầy dưới đáy biển kéo dài qua hàng trăm km, các ông sẽ khó trả lời hơn đối với nghi vấn nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả chất thải độc hại đầu độc biển Việt Nam.
Trong cuộc họp báo ngày 5 tháng 5, sau phiên họp của chính phủ, viên chức cấp cao của chế độ Hà Nội nhìn nhận đã cấp giấy phép cho Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất gồm 103 loại hóa chất khác nhau để sử dụng.
Từ đầu năm 2016 đến nay, công ty Formosa mới sử dụng khoảng 51 tấn hóa chất, trong đó có cả việc súc xả đường ống và còn tồn trong kho khoảng 248 tấn hóa chất. Hiện Formosa chưa chính thức hoạt động. Nếu mỗi ngày họ xả ra biển 45,000 tấn nước thải khi hoạt động mà không được khử độc đầy đủ, sẽ là đại họa muôn đời cho biển và người Việt Nam. (TN)