Báo chí Việt Nam than bị ‘nền tảng xuyên biên giới lấy cả người và quảng cáo’

10/03/2023

Đài VOA

Một sạp báo ở Hà Nội.

Một sạp báo ở Hà Nội.

Đại diện một cơ quan truyền thông Việt Nam lên tiếng báo động về tình trạng bị các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, Netflix và TikTok “lấy cả người và quảng cáo của báo chí” trong nước.

Nhận định được ông Nguyễn Đức Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức – Đào tạo HTV, đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023 mới đây, khi ông cho rằng các nền tảng xuyên biên giới trên, với tiềm lực tài chính hùng hậu, không chỉ thu hút lượng người dùng mà còn làm ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo của báo chí Việt Nam.

Một số tờ báo cho biết doanh thu đã bị giảm 60-70%. Tình trạng sụt giảm quảng cáo cộng thêm chi phí sản xuất chương trình tăng lên khiến nhiều cơ quan báo chí Việt nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Theo ông Quang, một trong những thách thức lớn là các cơ quan báo chí phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, phổ biến các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước mà vẫn phải đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên.

Điều này có nghĩa là các cơ quan báo chí phải cạnh tranh với các nền tảng kỹ thuật số và trả chi phí sản xuất cao hơn để có sản phẩm tốt cho độc giả. Ngoài ra, họ còn phải phân bổ thu nhập cho các chương trình tuyên truyền. Đây được xem là một “nhiệm vụ khó khăn” đối với các cơ quan báo chí Việt Nam trong thời điểm này.

Trong khi đó, các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài có nguồn lực tài chính mạnh mẽ, lại không bị rang buộc những nội dung trên, nên có thể dễ dàng thu hút người dùng.

Tại Diễn đàn, các đại diện truyền thông Việt Nam cũng phàn nàn rằng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Bộ Truyền thông và Thông tin đã có các quy định hướng dẫn định mức về sản xuất chương trình, nhưng trong thời gian qua, về cơ chế, việc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chưa đủ mạnh và nguồn lực tài chính cho hoạt động của cơ quan báo chí ngày càng giảm sút.

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông Việt Nam cũng cho rằng họ gặp nhiều trở ngại về vấn đề biên chế, phải tuân theo nhiều quy định pháp luật vốn chưa bắt kịp với xu thế phát triển, dẫn đến không có sự đầu tư hợp lý để sản xuất nội dung và trả lương cho người làm, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Trung ương, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.

Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đã gia tăng các biện pháp kiểm tra, xử phạt các cơ quan báo chí vì lo ngại tình trạng mà chính phủ gọi là “báo hóa” tạp chí và “tư nhân hoá” báo chí, theo Reuters.

Việt Nam cho đến nay không cho phép tư nhân được làm báo, nhưng Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cho phép các cơ quan báo có liên quan đến các đơn vị trực thuộc các thành phần kinh tế đủ năng lực được phép hoạt động. Đây được cho là kẽ hở dẫn đến tình trạng “tư nhân hoá” báo chí và “báo hóa” tạp chí, theo nhận định của Bộ Thông tin & Truyền thông.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay