Trình thuật Lc 22:54-62 (≈ Mt 26:57, 69-75; Mc 14:53-54, 66-72; Ga 18:12-18, 25-27) cho biết: Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!”
Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải đâu!” Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.” Nhưng ông Phêrô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Có lẽ ba lần ông Simôn Phêrô chối Thầy là lúc đáng tiếc nhất trong đời ông. Biết rõ Thầy mình là Đức Giêsu Kitô, là sư phụ, là bạn hữu, và Chúa, thế mà ông vẫn chối phăng. Thật khiêm nhường khi Phêrô chia sẻ chuyện buồn đó với Giáo Hội sơ khai, và thật tuyệt vời vì Chúa Thánh Thần linh hứng để câu chuyện đó được ghi chép lại trong các Phúc Âm. Ông Simôn Phêrô cho chúng ta biết rằng người sa ngã có thể đứng dậy, người lang thang có thể trở về, các tội nhân đều có thể được tha thứ, dù cho người đó phạm tội nặng thế nào cũng có thể trở nên các vị đại thánh.
Chúa Giêsu phục hồi chức vụ cho Phêrô sau khi Ngài sống lại, lúc đó có đống lửa ở bờ biển Galilê. Như phản ánh ba lần Phêrô chối Thầy, Chúa Giêsu cũng hỏi ông ba lần: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Simôn Phêrô thưa: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giêsu bảo ông chăm sóc chiên con và chiên mẹ. Bí tích Hòa Giải (xưng tội) là cách gặp gỡ Chúa Giêsu khi chúng ta tuyên xưng tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa và lãnh nhận ơn tha thứ qua thừa tác viên linh mục.
Mặc dù tội của Simôn Phêrô đã được tha nhưng vẫn không phải là không mất mát và các cơ hội bị lãng phí. Trong khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, người ta thấy Ngài kiệt sức nên bắt ông Simôn người Kyrênê vác đỡ thập giá. Nếu Simôn Phêrô không phạm tội chối Thầy đêm trước thì có lẽ ông có mặt lúc đó để giúp đỡ Thầy mình bằng cách vác thập giá mà đi với Thầy. Thế thì tuyệt vời biết bao! Nhưng cơ hội lại dành cho ông Simôn khác.
Tạ ơn Chúa, Thánh Phêrô đã sám hối. Ông không thất vọng như Giuđa Iscariot. Khi Giuđa thấy Chúa Giêsu bị kết án tử và bị dẫn đi hành hình, ông cũng rất hối hận về việc làm sai trái của mình. Có người cho rằng lý do Giuđa bán Thầy vì muốn đối chất với các nhà lãnh đạo Israel về việc bắt Chúa Giêsu phải dùng quyền năng của Ngài và lên ngôi. Giuđa đã trả lại 30 đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục rồi thú nhận: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt 27:4a). Nhưng họ thản nhiên trả lời: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” (Mt 27:4b). Chính tay Giuđa đã ném trả số bạc đó vô Đền Thờ rồi đi thắt cổ.
Nếu như chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Giuđa chạy ngay lên Can-vê thì sao? Nếu ông sụp lạy dưới chân thập giá đang treo Đức Kitô và xin Ngài tha thứ thì sao? Chúa Giêsu đã nói gì và làm gì? Có lẽ ai cũng biết câu trả lời, hoặc là cũng đoán được kết quả. Chắc hẳn là Chúa Giêsu đã tha thứ cho Giuđa.
Hãy đến với Chúa Giêsu qua Bí tích Hòa Giải, không bao giờ muộn. Tội gì cũng có thể được tha thứ, chúng ta biết rằng mọi tội lỗi hoặc trì hoãn thú tội đều kéo theo hệ lụy mất mát, và cơ hội bị bỏ lỡ.
Chúng ta đang sống trong Tháng Mười, tháng biệt kính Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta có thể nhớ lại những lần Đức Mẹ hiện ra và nói về Chuỗi Mân Côi.
Năm 1917, ba trẻ mục đồng ở Fatima, Bồ Đào Nha, đã được gặp Đức Mẹ tại Cova da Iria, nơi chúng đang chăn đàn chiên gần những ngọn núi gần nhà. Lucia, Francisco và Jacinta đã đi vào lịch sử về lòng sùng kính các em dành cho Đức Mẹ vì sứ điệp mà các em có thể trao cho thế giới để cảm ơn Mẹ Thiên Chúa đã ưu tiên thăm viếng các em. Đây là 10 bài học Đức Mẹ Fatima dạy về việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.
Cầu nguyện có chủ tâm
Khi Đức Mẹ gặp các em, chúng có thể nhận biết sức mạnh của lời cầu nguyện của chúng. Khi người ta biết chuyện lạ, họ xin các em chuyển ý nguyện với Bà Đẹp mà các em gặp mỗi tháng vào ngày 13 tại Cova da Iria – từ tháng Năm tới tháng Mười. Người ta trĩu nặng vì các vấn nạn của thế giới này, và luôn có nhiều ý nguyện để cầu xin. Ba trẻ trở thành những chiến binh cầu nguyện thực sự, quyết tâm cầu nguyện cho người khác, kể cả các nhu cầu lớn lao của thế giới này. Các em đặc biệt cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho các linh hồn và xin hòa bình cho thế giới.
Kinh Mân Côi là cách tốt để suy niệm cuộc đời Đức Kitô
Mỗi ngày, một Kitô hữu có thể đọc Kinh Mân Côi và suy niệm về cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Fatima là nền tảng các mầu nhiệm về Sự Sống và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô. Bắt đầu mỗi chục kinh, một mầu nhiệm được chú ý để suy niệm, và chúng ta cùng sống mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô.
Bình thường nên đọc Năm Chục Kinh
Đức Mẹ yêu cầu các em đọc trọn terço – tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là cả năm chục kinh Mân Côi. Cảm ơn Thánh Gioan Phaolô II, vì chúng ta ngày nay có thêm Năm Sự Sáng, và cảm ơn Chân phước Bartolo Longo, tổng cộng có 20 mầu nhiệm Mân Côi. Có thể người ta không đủ kiên nhẫn đọc 15 chục kinh hoặc 20 chục kinh, nhưng 5 chục kinh là mức trung bình mà đa số chúng ta có thể thực hiện.
Kinh Mân Côi là cách tốt để chống chiến tranh
Ba trẻ được gặp Đức Mẹ trong thời gian chịu nỗi thống khổ của Thế Chiến I. Mặc dù các em không tiếp xúc với chiến tranh, nhưng các em được động viên cầu xin cho chấm dứt chiến tranh. Các em nhận Chuỗi Mân Côi như một loại vũ khí khác để chấm dứt chiến tranh.
Kinh Mân Côi là cách tốt để xin hòa bình
Ngoài việc cầu xin cho chiến tranh chấm dứt, Kinh Mân Côi còn là phương cách để đạt được sự bình an riêng mỗi cá nhân. Ba trẻ trở nên những tông đồ đích thực của Kinh Mân Côi và có thể đạt được bình an nội tâm, mặc dù các em phải chịu nhiều đau khổ vì ý kiến của người khác – xã hội và gia đình.
Kinh Mân Vôi là cách tốt để cứu các linh hồn
Lời nguyện Fatima sau Kinh Sáng Danh là lời nguyện cầu cho các linh hồn, lời nguyện này do chính Đức Mẹ dạy các em. Lời cầu xin này thấm vào việc đọc Kinh Mân Côi thường xuyên, người ta trở nên quen cầu xin theo ý nguyện tốt lành: cầu xin Ơn Cứu Độ cho các linh hồn.
Kinh Mân Côi là cách đối thoại riêng
Kinh Mân Côi có ảnh hưởng sâu sắc tới ba trẻ. Các em lãnh nhận nhiều ơn lành nhờ được gặp Đức Mẹ, nhưng các em cũng cũng được giới thiệu cách sống đời sống cầu nguyện thực sự để giúp các em bước đi trên con đường đối thoại riêng. Việc cầu nguyện thường xuyên làm thay đổi thái độ và ước muốn trong cuộc sống.
Kinh Mân Côi là cách tốt để học cầu nguyện
Kinh Mân Côi ngắn gọn và dễ cầu nguyện. Đó là cách tốt để học cầu nguyện. Đó cũng là lời cầu nguyện vừa bằng lời nói vừa bằng tâm trí. Sự lặp đi lặp lại các từ ngữ là lời cầu bằng lời nói và là cách cầu nguyện dễ dàng nhất. Sự kết hợp với việc suy niệm các mầu nhiệm là lời nguyện tâm trí. Như vậy, người đọc Kinh Mân Côi đi vào lời cầu nguyện, bắt đầu bằng những gì quen thuộc và chuyển tới những gì khó khăn hơn.
Kinh Mân Côi là cách tốt để cầu nguyện liên lỉ
Kinh Mân Côi có thể trở nên thói quen tốt trong cuộc sống hằng ngày, giúp các Kitô hữu đáp lại lời động viên của Thánh Phaolô về việc cầu nguyện không ngừng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18). Đức Mẹ không yêu cầu ba trẻ đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, nhưng cầu nguyện luôn luôn.
Sự lặp đi lặp lại trong Kinh Mân Côi là tặng phẩm
Một số người cho rằng sự lặp đi lặp lại trong Kinh Mân Côi gây nhàm chán. Tuy nhiên, sự lặp lại này làm cho người ta suy niệm ý nghĩa của các câu chữ và có thời gian để cầu nguyện. Trong một thế giới tìm cách xâm chiếm cả các ý tưởng riêng, sự lặp lại trong Kinh Mân Côi giúp tạo nên khiên thuẫn để bảo vệ đời sống nội tâm của chúng ta. Điều quan trọng nhất khi đọc Kinh Mân Côi là chúng ta đối xử với Đức Maria là Mẹ Hiền của chính chúng ta.
Lạy Đức Mẹ Fatima, xin cầu cho chúng con. Lạy Hiền Mẫu của chúng con, xin nguyện giúp cầu thay.
Lm. Nicholas Sheehy, L.C (Legionaries of Christ – Dòng Đạo Binh Chúa Kitô)
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Sống ở đời, người ta có thể học biết nhiều điều, nhưng không ai học được chữ NGỜ. Đối với những người lo vỗ béo thân xác mà bỏ mặc linh hồn gầy ốm, mê làm giàu đời này mà quên đời sau, Chúa Giêsu nói: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12:20).
Chữ NGỜ luôn bất ngờ. Trong Việt ngữ, chữ NG có âm “ngờ” – vừa kỳ lạ, vừa kỳ cục. Ngốc Nghếch hóa Ngớ Ngẩn, Ngớ Ngẩn hóa Ngẩn Ngơ, Ngẩn Ngơ nên Ngờ Nghệch, Ngờ Nghệch vì Ngu Ngốc. Thật là đáng Ngại Ngần và Ngại Ngùng lắm!
Chuyện kể rằng… Một ông chủ ngân hàng rất giàu có. Ông bị chứng viêm màng não. Một bác sĩ danh tiếng nhất được mời đến khám bệnh, và bác sĩ lạnh lùng nói:
– Ngài không sống được ba giờ nữa!
Bệnh nhân yêu cầu:
– Xin bác sĩ làm thế nào cho tôi sống được tới ngày mai để tôi thanh toán các công việc. Tôi sẽ thưỏng cho bác sĩ bội hậu.
Bác sĩ vừa lắc đầu vừa nói:
– Thưa ngài, bác sĩ chúng tôi có thể kê toa để ngài đi mua thuốc, nhưng bác sĩ chúng tôi không thể bán thời giờ, vì THỜI GIỜ Ở TRONG TAY CHÚA.
Tất cả là của Thiên Chúa, chúng ta chỉ có đôi tay không – vào đời và ra đi vẫn chỉ có vậy thôi. Thế nên Chúa Giêsu khuyên chúng ta tín thác vào Ngài, bởi vì Thiên Chúa quan phòng mọi sự: “ĐỪNG lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng ĐỪNG lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc. Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao! Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay? Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì? Hãy nhìn hoa huệ mà suy: chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Phần anh em, ĐỪNG tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và ĐỪNG BẬN TÂM. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12:22-31).
Để ý quan sát, chúng ta có thể thấy rằng gia đình đang trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Là những người theo Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội nhỏ bé là gia đình mình, chúng ta phải cố gắng cứu lấy con cái, cứu lấy giới trẻ, bằng cách cứu lấy chính gia đình của mình. Tính bi quan, tính diễu cợt, và tính hoài nghi không thể ngự trị trong tâm hồn chúng ta, mà phải là sự tự tin và hy vọng để chúng ta có thể xây dựng thế giới tốt đẹp hơn bằng cách cố gắng làm cho gia đình thánh thiện hơn.
Chúng ta có Mười Vitamin để tăng sức sống cho gia đình. Bằng cách này, chúng ta có thể giúp nhau thanh lọc, cải thiện, và làm cho gia đình hoàn hảo hơn. Thánh GH Gioan Phaolô II diễn tả sự thật này rất rõ ràng: “Gia đình là tòa nhà nền tảng của xã hội… Gia đình tiến bộ thì xã hội cũng tiến bộ”. Hy vọng rằng các gợi ý dưới đây thực sự tạo sự khác biệt trong cuộc chiến làm cho gia đình tốt đẹp. Đừng bao giờ quên những lời an ủi của Tổng Thần Gabriel nói với Đức Maria: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37).
CẦU NGUYỆN CHUNG
Một trong các lý do đầu tiên để xung khắc, cãi nhau, cay đắng, lạnh nhạt và chia tay là thiếu cầu nguyện trong gia đình. Ôxy cần cho phổi, cầu nguyện cần cho linh hồn. Cầu nguyện là trung tâm và là trái tim của gia đình. Hãy nhớ lời của một linh mục mệnh danh là linh mục của Kinh Mân Côi – Lm Patrick Peyton: “Gia đình nào cầu nguyện với nhau thì hài hòa với nhau”.
NGƯỜI CHA VÀ NGƯỜI MẸ
Người cha phải là đầu của gia đình, người mẹ phải là trái tim của gia đình. Gia đình không có đầu thì giống như quái vật Frankenstein; gia đình không có trái tim là gia đình chết. Mong sao người cha là người lãnh đạo tinh thần của gia đình!
Người cha cũng phải là người bảo vệ sự sống, luôn yêu thương vợ con. Là người lãnh đạo tinh thần của gia đình, nghĩa là người cha dẫn đầu trong cuộc sống cầu nguyện của gia đình. Người cha nên noi gương sáng của Đức Thánh Giuse.
THA THỨ VÀ THƯƠNG XÓT
Trong nhiều gia đình, sự lạnh nhạt, sự hờ hững, và thậm chí là sự cay đắng thâm nhập vào cơ cấu gia đình. Tại sao? Một trong các lý do là thiếu sự tha thứ. Các thành viên gia đình phải có lòng thương xót và tha thứ, không chỉ 7 lần mà 70 lần 7 – nghĩa là tha thứ luôn luôn! Nếu chúng ta muốn được tha thứ thì chúng ta phải thật lòng tha thứ cho người khác. Lời Kinh Lạy Cha: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
LỜI HAY Ý ĐẸP
Thi sĩ Alexander Pope, người Anh, viết: “To err is human, to forgive is divine” (Sai lầm là phàm nhân, tha thứ là siêu phàm). Các thành viên gia đình phải học cách nói những lời hay ý đẹp: Xin lỗi, cảm ơn,… Lời này rất quan trọng: “Thôi, bỏ qua!”. Những lời tốt lành như vậy được thường xuyên sử dụng sẽ có thể cứu được gia đình!
THÁI ĐỘ PHỤC VỤ
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, đã rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Mỗi thành viên gia đình không chỉ mong được phục vụ, mà còn phải luôn luôn sẵn sàng phục vụ mọi người trong gia đình. Yêu thương và phục vụ luôn đồng nghĩa với nhau.
BÀY TỎ BIẾT ƠN
Mặc dù có thể là điều nhỏ và không quan trọng, nhưng lời cảm ơn là loại gia vị nên thêm vào “thực đơn sống” của gia đình. Thánh Inhaxio Loyola nói: “Bản chất của tội lỗi là sự vô ơn”. Hãy nuôi dưỡng lòng biết ơn trong gia đình! Có điều gì chúng ta có mà không nhận từ Thiên Chúa? Chỉ có một điều: Tội lỗi của chúng ta – chúng ta tự chọn cho chính mình. Thiên Chúa yêu thương những tâm hồn khiêm hạ và biết ơn!
HOẠT ĐỘNG DỨT KHOÁT
Thời gian quan trọng trong đời sống gia đình là giờ ăn. Đó là lúc gia đình nối kết, chia sẻ kinh nghiệm, dành thời gian cho nhau, và là lúc phát triển tình yêu thương dành cho nhau. Mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13:34).
Có truyện khôi hài về gia đình: Cùng ngồi bên nhau nhưng người cha xem ti-vi, người mẹ dùng điện thoại thông minh, các con thì đứa này chơi game, đứa kia lướt weg, đứa nọ chat qua zalo, viber, twitter, hoặc gắn tai nghe… Một cảnh tượng bình thường ngày nay mà lại rất ư là bất thường. Họ ngồi gần nhau nhưng lại rất xa nhau. Vấn đề cần làm ngay để cứu lấy gia đình là phải dẹp bỏ hết mọi thứ để cùng nhau ăn cơm và chia sẻ với nhau trong khoảng 30 phút. Đặc biệt là hãy cùng nhau cầu nguyện, ít là một chục Kinh Mân Côi, trước khi đi ngủ. Tùy thuộc vào mỗi chúng ta mà hòa bình có hay không đối với thế giới và chính đất nước mình. Đức Mẹ vẫn luôn chờ đợi chúng ta!
HỌC CÁCH LẮNG NGHE
Lắng nghe là nghệ thuật khó, nhất là đối với các thành viên gia đình. Chúng ta có xu hướng tránh né nhau, và không muốn lắng nghe nhau, thế nhưng lại dễ nghe người ngoài – mà rồi họ chỉ xúi dại chứ đâu có thật lòng. Hãy cảnh giác, và hãy nghe Kinh Thánh dạy: “Trước mặt người lạ, chớ làm điều phải giữ kín, vì con chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đừng tâm sự với bất cứ người nào, đừng tưởng làm như vậy là người ta thích” (Hc 8:18-19).
KỶ NIỆM
Các dịp lễ, tết, sinh nhật, giỗ chạp,… hoặc ngày rửa tội, thêm sức,… Đó là những cơ hội tốt để thể hiện tình cảm gia đình. Chúng ta nên có thói quen tốt đẹp đó. Thánh Phaolô đã động viên:“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4:4)
TẬN HIẾN CHO ĐỨC MẸ
Khi hiện ra tại Fátima, một trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ nhắn nhủ là “tôn sùng Mẫu Tâm”. Có nhiều cách yêu mến Đức Mẹ, một cách phổ biến và đơn giản là đọc Kinh Mân Côi – và cũng là một mệnh lệnh khác trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ đưa ra tại Fátima. Với 20 mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta “đi tắt” suốt Tân Ước và “trải qua” các chặng đời của Đức Kitô. Như Đức Mẹ đã hứa, lòng sùng kính Đức Mẹ sinh nhiều hoa trái trong gia đình: bình an, vui mừng, yêu thương, hạnh phúc, chia sẻ, hiểu nhau, kiên nhẫn, thanh khiết, khiêm nhường, tử tế,… Tóm lại, tận hiến cho Đức Mẹ là nhờ Mẹ mà tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, gia đình sẽ trở nên nơi thánh theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
ED BROOM, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Chắc chắn ai cũng biết rằng nói dối là điều không thể chấp – dù trong chuyện nhỏ, và lời chân thật luôn được đề cao. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã minh định: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37). Cái “gian” nhỏ sẽ dẫn tới cái “dối” lớn, và người ta ngụy biện đủ kiểu, hóa thành vô cảm mà “miễn nhiễm” với cái xấu. Rất nguy hiểm, lỗ nhỏ làm đắm thuyền!
Tuy nhiên, khi vì lợi ích của người khác, nhất là vì lợi ích cho trẻ em, không làm “hoen ố” tâm trí trắng trong của trẻ em, lúc đó lời nói dối lại cần thiết và thực sự có giá trị cao.
Có câu truyện kể rằng, tại một thị trấn nhỏ của Anh quốc đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng. Tên cướp đã không thể cướp được tiền mà lại bị bảo vệ bao vây trong ngân hàng.
Hắn bắt có một cậu bé 5 tuổi rồi yêu cầu phía cảnh sát phải chuẩn bị cho hắn 500.000 USD và một chiếc xe ô-tô, nếu không sẽ nổ súng giết chết con tin.
Phía cảnh sát đã cử chuyên gia đàm phán Nelson tới hiện trường. Sau thời gian lâu đàm phán mà không đạt kết quả, ông đành phải tận lực kéo dài thời gian để phía cảnh sát vào vị trí.
Khi thấy tên cướp muốn giết con tin, phía cảnh sát đã nổ súng bắn tỉa, tên cướp kêu lên một tiếng rồi lăn xuống đất. Cậu bé nhìn những vết máu bắn tung tóe trên người tên cướp và trên mặt đất mà sợ hãi khóc thất thanh. Ông Nelson tranh thủ cơ hội chạy tới ôm cậu bé vào lòng.
Giờ phút ấy, bên ngoài, các hãng truyền thông ùn ùn kéo đến. Chợt mọi người nghe tiếng ông Nelson hô to:
– Diễn tập đến đây là kết thúc!
Cậu bé nghe xong câu nói ấy liền ngừng khóc, và cậu hỏi mẹ xem có đúng không. Mẹ cậu ngậm nước mắt và gật đầu. Một viên cảnh sát khác cũng đi đến bên cạnh cậu an ủi và nói:
Ngày hôm sau, truyền thông cả thị trấn đều im lặng, không ai nói một lời về vụ cướp bởi vì họ tự hiểu ngầm với nhau rằng, đó là cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn cậu bé.
Nhiều năm sau, có một người đàn ông trung niên tới gặp và hỏi Nelson:
– Khi ấy, tại sao ông lại hô lên câu nói đó?
Ông Nelson cười và trả lời:
– Khi tiếng súng vang lên, tôi nghĩ rất có thể cậu bé sẽ bị ám ảnh cả đời vì chuyện này. Nhưng khi tôi tới gần cậu bé hơn thì hình như Thượng Đế đã gợi ý cho tôi và tôi nói ra câu “Diễn tập kết thúc!”.
Lúc này, người đàn ông trung niên với vẻ mặt xúc động bỗng ôm chầm lấy ông Nelson và nói:
– Con đã bị nói dối suốt 30 năm qua, mãi cho tới gần đây, mẹ của con mới nói rõ sự thật cho con biết. Con cảm ơn cha Nelson. Cha đã cho con có được một cuộc đời lành mạnh!
Nelson mở to mắt nhìn người đàn ông trung niên rồi cười nói:
– Con đừng cảm ơn ta! Nếu con muốn cảm ơn thì hãy cảm ơn tất cả những người đã biết chuyện đó mà vẫn sẵn lòng “lừa gạt” con!
SUY TƯ: Cuộc sống luôn nhiêu khê, thế nên rất cần khôn ngoan để phân định chính xác. Giáo dục là vấn đề quan trọng, có thể biến đổi một con người. Nhìn vào nền giáo dục của một quốc gia, người ta có thể biết được tương lai của dân tộc đó.
Lời nói cần cẩn trọng, “đừng tâm sự với bất cứ người nào, đừng tưởng làm như vậy là người ta thích” (Hc 8:19). Về cuộc sống, đôi khi phải biết buông bỏ tư lợi để hành động vì công ích. Buông bỏ mọi thứ – hữu hình và vô hình, nhất là “cái tôi” – để có thể nhẹ bước.
Về đời thường, một người mang nhiều hành lý trên mình không thể đi nhanh bằng một người có ít hành lý hoặc không có hành lý gì. Về tâm linh, chắc chắn không thể mang bất cứ thứ hành lý gì khi qua “cửa khẩu” Sinh – Tử, nhân viên kiểm soát Tử Thần sẽ bắt bỏ mọi thứ mới được qua.
Giáo dục là một cách yêu thương, không thể giáo dục hận thù, ghen ghét, căm thù,… Giáo dục những điều sai lầm là giết chết cả một thế hệ. Thánh Gioan nói: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3:15).
Khi suy nghĩ về lịch sử và phụng vụ của Lễ Ngũ Tuần, chúng ta có 7 bài học sau đây.
Chúng ta không thể “có đủ” Thiên Chúa
Cân nhắc: các tông đồ trải qua 3 năm sống với Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể. Họ nghe Ngài giáo huấn, thấy Ngài làm phép lạ, thấy Ngài bị đóng đinh. Rồi họ nhận biết Đức Kitô phục sinh và tin Ngài thật là Con Thiên Chúa. Nhưng sau khi trải nghiệm biến đổi với Thiên Chúa, có điều khác chờ đợi họ: Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúng ta không bao giờ “có đủ” Thiên Chúa. Chúng ta có thể đầy ắp nhưng vẫn muốn lại được có Ngài tràn đầy.
Ngôi này dẫn tới Ngôi khác trong Ba Ngôi
Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu “không đủ” đối với các tông đồ. Hơn nữa, mỗi Ngôi trong Ba Ngôi cho chúng ta biết các Ngôi khác. Chúng ta càng gần một Ngôi thì càng muốn các Ngôi khác. Điển hình về điều này là diễn từ về cây nho thật và cành nho trong Ga 15:1-17.
Thiên Chúa đến với chúng ta qua nhiều cách
Thời Tân Ước, trước tiên Chúa Giêsu đến với chúng ta qua việc hóa thành nhục thể – Thiên Chúa nhập thể. Rồi Ngài hứa ở với chúng ta qua Bí tích Thánh Thể với hình bánh và rượu. Chúa Thánh Thần nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đến với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, đó là gió thổi đến từ trời và hình lưỡi lửa.
Cảm nghiệm Thiên Chúa – riêng tư và cộng đồng
Lễ Ngũ Tuần vừa mang tính riêng tư vừa mang tính cộng đồng. Lưỡi lửa đậu trên đầu các tông đồ: mỗi lưỡi lửa đầy Chúa Thánh Thần. Nhưng đó cũng là cảm nghiệm cộng đồng với ý nghĩa rộng lớn hết sức có thể.
Như Thánh Luca nói trong Cv 2:1-13, tại Giêrusalem “có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” Họ đã từng vô tổ chức trong cộng đồng Do Thái mà nay trở thành cộng đồng toàn cầu và Giáo Hội được khai sinh.
Chuẩn bị cho Thiên Chúa
Trong những ngày gần tới Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ tích cực chuẩn bị, mặc dù họ không biết phải chuẩn bị thứ gì. Theo Cv 1, các tông đồ làm ba việc chính: [1] thành lập cộng đoàn, [2] chuyên cần cầu nguyện, và [3] chọn một tông đồ mới cho đủ số mười hai – vì Giuđa đã chết. Mặc dù chúng ta chuẩn bị lãnh nhận Thiên Chúa bằng những cách khác nhau, chúng ta có thể noi gương họ về mức độ cơ bản trong việc yêu thương người lân cận, yêu mến Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, và vẫn vững vàng trong Nhiệm Thể Đức Kitô – Giáo Hội.
Mong chờ Thiên Chúa
Lúc này, sự chuẩn bị có vẻ dẫn tới sự trái ngược: mong chờ. Ngay cả sau khi Thiên Chúa can thiệp mạnh mẽ vào cuộc sống của chúng ta, các tông đồ vẫn phải phục vụ Thiên Chúa. Về phương diện này của Nước Trời, chúng ta cũng không ngừng làm điều đó.
Thiên Chúa không đến thế gian mà không có Đức Mẹ
Chúa Giêsu không đến thế gian này mà không có Đức Mẹ, và Chúa Thánh Thần cũng vậy. Tác giả sách Công Vụ rất cẩn thận cho biết rằng Đức Mẹ ở với họ và cùng cầu nguyện chuẩn bị Lễ Ngũ Tuần: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1:14). Dĩ nhiên cũng các phụ nữ khác cũng ở đó, nhưng Đức Mẹ là người duy nhất được nhắc tới cùng với 11 tông đồ. Sự hiện diện của Đức Mẹ vô cùng quan trọng khi chúng ta nhớ lại rằng Đức Mẹ sống từng thời điểm trong sứ vụ của Chúa Giêsu – từ tiệc cưới Cana tới đồi Canvê. Trên thế gian, nơi nào có Đức Mẹ thì nơi đó có Thiên Chúa làm công việc của Ngài.
Stephen Beale
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Kinh Thánh nhắn nhủ: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để ĐÓN CHỊU THỬ THÁCH. Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ” (Hc 2:1-2). Thử thách đó không chỉ là những nỗi khổ niềm đau, mà còn là những cơn cám dỗ như sóng xô không ngừng.
Phàm nhân là cát bụi, tro bụi, vì được Thiên Chúa tạo nên từ đất, thế nên rất yếu đuối, dễ dàng sa ngã, nhưng khốn nạn là vẫn kiêu căng, và tất nhiên cũng luôn cần nhận diện mình mà ăn năn sám hối. Thánh Louis Marie de Montfort nói: “Thiên Chúa thường xuyên và thực sự rất thường xuyên để cho các tôi trung cao cả của Người vấp phải những sai lỗi nhục nhã nhất. Điều ấy hạ thấp họ trước mắt họ và trước mắt những người đồng sự của họ. Điều ấy giữ cho họ khỏi nhìn thấy và không kiêu hãnh về những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho họ.”
Sám hối liên quan cầu nguyện và ăn chay. Ăn chay không chỉ là nhịn đói và từ khước thói quen vui thú nào đó, mà còn liên quan thực tế đời sống. Kinh Thánh đặt ra vấn đề thực tế: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58:9b-10). Còn thời gian để ăn chay và đền tội là còn diễm phúc lắm.
Mùa Chay – dịp tốt ăn năn
Bụi tro nhắc nhớ chớ quên phận mình!
Ăn chay, sám hối, hy sinh
Yêu thương, bác ái, công bình, thứ tha
Mùa Chay là thời điểm hành động cụ thể – làm thật chứ không chỉ mong ước hoặc nói suông. Mùa Chay nhắc nhớ về thân phận bụi tro, yếu đuối và tội lỗi, chắc chắn như vậy, nhưng quan trọng là nhớ đến cái chết: Memento Mori – Hãy nhớ mình sẽ chết. Màu Tím phủ đầy: Tím cõi lòng, tím ăn năn, tím sám hối, tím khiêm nhường, tím yêu thương, tím chia sẻ, tím cầu nguyện, tím nghĩ suy, tím tin kính, tím thú tội… Màu tím tươi đẹp sắc thánh đức chứ không buồn sầu thảm não.
Ai cũng sa ngã, nhưng quan trọng hơn là can đảm đứng dậy. Thánh François de Sales động viên: “Sau khi đã sa ngã, hãy hướng tâm hồn lên một cách dịu dàng và êm đềm. Hãy sấp mình trước thánh nhan Thiên Chúa trong sự ý thức về nỗi khốn cùng của mình. Đừng ngạc nhiên trước sự yếu đuối của mình, bởi vì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, sự yếu đuối thì phải yếu đuối thôi.” Đừng bao giờ ỷ lại hoặc tuyệt vọng, bởi vì như thế là động thái cố chấp và kiêu ngạo!
Cần Thiết Trở Về
Trở về không chỉ cần thiết mà còn cấp bách, vì đó là bước khởi đầu để được Thiên Chúa xót thương. Vả lại, chính Đức Kitô đã khuyến cáo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2; Mt 4:17).
Biết ăn năn sám hối là điều tốt, nhưng coi chừng thói hợm mình và ỷ lại, rồi tự nhủ: “Tôi đã phạm tội nhưng nào có sao? Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại! Đừng ỷ được tha thứ mà khinh thường, rồi cứ chồng chất tội này lên tội khác” (Hc 5:4-5). Đừng lần lữa hoặc chần chừ, mà hãy nghe lời nhắn nhủ của Đức Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van”(Ge 2:12). Tuy nhiên, vấn đề là “ĐỪNG xé áo, nhưng HÃY xé lòng” và “TRỞ VỀ cùng Đức Chúa là Thiên Chúa, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2:13). Vì thế, nếu chúng ta thành tâm sám hối, nhận biết sự khốn nạn của mình, Thiên Chúa sẽ “nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu chúng ta có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” (Ge 2:14). Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi tội nhân ăn năn.
Từ xưa, qua miệng ngôn sứ Giô-en, Thiên Chúa đã tuyên ngôn: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” (Ge 2:16). Ai cũng đã từng phạm tội nên cũng phải sám hối: “Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và thân thưa: Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại!” (Ge 2:17). Quả thật, “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát” (Ge 2:18). Thiên Chúa không muốn ai phải hư mất, bởi vì ai cũng là tác phẩm do Ngài tạo nên, ai cũng là con cái của Ngài.
Mới được hình thành, chưa được sinh ra, chúng ta đã mắc tội rồi: Tội Tổ Tông. Rồi lớn khôn, càng sống lâu càng nhiều tội. Như vậy, không ai lại không có tội, cho nên không ai lại không phải khẩn khoản cầu xin Lòng Chúa Thương Xót: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4). Phạm tội là lầm đường lạc lối, vì lầm lạc mà phải trở về.
Trở về là từ bỏ con đường cũ, là sám hối, là ăn năn. Nhưng để có thể trở về thì phải khiêm nhường nhận ra sự đốn hèn của mình: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Tv 51:5-6). Và rồi lại phải tiếp tục van xin: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14). Chắc chắn Thiên Chúa sẽ mủi lòng mà động lòng trắc ẩn.
Thiên Chúa kêu gọi: “Hãy RỬA cho sạch, TẨY cho hết, và VỨT BỎ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. ĐỪNG làm điều ác nữa!” (Is 1:16). S ám hối và cầu nguyện không chỉ phải thực hiện trong Mùa Chay, mà phải thực hiện suốt đời – bao lâu còn thở, như Giáo Hội vẫn cầu xin hằng ngày: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17). Đời sống tâm linh lúc nào cũng cấp bách: “Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi; đừng lần lữa hết ngày này qua ngày khác, vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và trong thời trừng phạt, con sẽ phải tiêu vong” (Hc 5:7).
Chân thành khuyên nhủ, Thánh Phaolô cho biết: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:20-21). Chúng ta không thể hiểu thấu và không thể dùng trí thông minh của phàm nhân mà lý luận về cách hành động “ngược đời” như vậy của Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ có thể cúi đầu mà cảm phục và tạ ơn Ngài mà thôi, đồng thời tín nhân chúng ta cũng phải không ngừng cố gắng sống “ngược đời” như Ngài.
Và rồi Thánh Phaolô còn cho biết thêm: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:2). Sám hối lúc nào cũng cần đối với loài người chúng ta, nhưng sám hối càng cần hơn vào các thời điểm đặc biệt như cuối ngày, đặc biệt là Mùa Chay.
Mục Đích Trở Về
Làm gì cũng đều có mục đích. Học hỏi để thành nhân. Kiêng cữ để giảm cân hoặc chữa bệnh. Ăn chay để kiềm chế xác thịt – vì “ăn no rửng mỡ.” Trở về để gặp gỡ Thiên Chúa, để được Ngài xót thương, tha thứ và cứu độ. Thế nhưng trở về cũng phải biết cách: Ăn chay đúng cách, sám hối đúng cách, làm việc lành đúng cách. Chúa Giêsu hướng dẫn cụ thể: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng”(Mt 6:1). Chúa Giêsu sống khiêm nhường nên Ngài rất thích những người khiêm nhường. Và Ngài tiếp tục khuyến cáo: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:2). Những mệnh lệnh phủ định mang thông điệp mạnh mẽ về cách thực hiện: Đừng và Chớ.
Cách thức của Chúa Giêsu luôn khác cách thức của chúng ta, chắc hẳn đôi khi chúng ta cũng thực sự cảm thấy “khó chịu”, bởi vì những gì mình làm không được ai biết đến – nhất là những điều hay, điều tốt. Chỉ trong một đám tiệc nhỏ, chẳng nhiều người, vậy mà người ta cũng muốn thể hiện “tài năng” của mình bằng cách giành nhau hát, giành nhau nói. Thế nhưng Chúa Giêsu lại bảo chúng ta phải âm thầm và kín đáo, không được phô trương hoặc khoe khoang. Thật vậy, chính Ngài kề tai nhắn nhủ mỗi chúng ta: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn” (Mt 6:3-4).
Để chúng ta có thể nhận thức rõ ràng hơn, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ rất cụ thể: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn bạn, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của bạn, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn” (Mt 6:5-6). Im lặng là khôn ngoan, im lặng là mạnh mẽ, không phải ai cũng có thể làm được như vậy!
Mùa Chay có một chuỗi hoạt động liên kết chặt chẽ với nhau: sám hối – ăn chay – cầu nguyện – bác ái. Đó là quy trình cần thiết trong Hành Trình Mùa Chay. Hành trình đó không là 40 ngày hoặc 40 năm, mà là hành trình cả đời, không được lơ đãng bất kỳ một giây phút nào. Tịnh tâm rất cần để hồi phục, cả về thể lý lẫn tinh thần. Trai tịnh nghĩa là ăn chay cả thể lý lẫn tinh thần.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin biến đổi chúng con, xin giúp chúng con biết chân thành trở về với Ngài và trở về với tha nhân bằng hành động cụ thể là yêu thương và tha thứ cho nhau, để chúng con xứng đáng được thông phần đau khổ với Con Một Ngài, tràn trề hy vọng được sống lại với Đấng-Tử-Nạn-và-Phục-Sinh. Xin biến đổi các tội nhân và nâng đỡ những người đau khổ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen!
Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 –2001) nổi tiếng từ lúc còn sinh thời, cả quốc nội và quốc ngoại. Ông là một trong ba “cây lạ” của làng nhạc Việt Nam – hai “cây” đàn anh kia là nhạc sĩ Văn Cao ( 1923–1995) và Phạm Duy (một “phù thủy” âm nhạc, 1921–2013).
Các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không cầu kỳ về tiết tấu và giai điệu, nhưng ca từ như thơ và chứa đầy triết lý sống của kiếp người, có gì đó “bí ẩn.” Khi sinh thời, cuộc sống đời thường của ông cũng thâm trầm, ít nói. Hầu như những người có tư tưởng “khác người” thì thường có phong cách như vậy, có lẽ họ “bận” suy tư nhiều.
Thật vậy, văn sĩ William Hazlitt (1778-1830, Anh quốc) vừa so sánh vừa định nghĩa: “Bản chất giản dị là kết quả tự nhiên của tư tưởng sâu sắc.” Còn ngạn ngữ Hy Lạp nói: “Bình dị là nhịp cầu nối nhân ái và cái đẹp.”
Một trong số ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bài “Biển Nghìn Thu Ở Lại.” Bài này rất ngắn, chỉ 40 chữ, hiếm có bài ngắn như vậy, nhưng nó lại có thể “chở nặng” loại triết lý sống tích cực: Yêu thương và tha thứ. Ca khúc này được viết ở âm thể LA thứ (Am), nhịp 4/4, tiết tấu cũng hoàn toàn đơn giản.
Ông dùng hình ảnh biển để mô tả, với những mệnh lệnh cách ở thể phủ định:“Biển đánh bờ, xôn xao bờ đánh biển. Đừng đánh nhau, ơi biển sẽ tàn phai! Đừng gạch tên, vì yêu đừng xé nát! Biển là em ngọt đắng trùng khơi.”
Biển luôn có gì đó rất đặc biệt, rất tĩnh mà cũng rất động, rất hiền dịu mà cũng rất dữ dội, rất mềm mà cũng rất cứng, rất yếu mà cũng rất mạnh… Đặc biệt là biển luôn bao la và sâu thẳm, khôn dò, bí ẩn. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi là biển cả. Chỉ vì yêu thương mà biển luôn nôn nao, luôn xao xuyến, luôn nổi sóng, lúc thì lăn tăn, lúc thì cồn cào, có lúc vỗ về bờ cát và vách đá, nhưng cũng có lúc biển biết ghen nên xô bờ dữ dội. Thủy triều cũng biến động theo con trăng, lúc thì nước ròng, lúc thì nước lớn. Biển rất kỳ lạ! Và con người cũng vậy…
“Đừng đánh nhau” vì đánh nhau là tự làm hại mình, tự làm mình tàn phai; “đừng gạch tên” bất kỳ ai và “đừng xé nát” mối quan hệ nào, thế mới là “vì yêu thương.” Chữ “em” ở đây không có nghĩa là một cô gái hoặc một phụ nữ, mà là những người lân cận, những người ở bên mình, những người mà mình gặp gỡ và nhìn thấy hằng ngày – dù người đó cao hay thấp, đẹp hay xấu, dở hay giỏi, dại hay khôn, mập hay gầy, bình thường hay khuyết tật, già hay trẻ, giàu hay nghèo, thông minh hay chậm hiểu, nam hay nữ, quen hay lạ, ưa hay ghét… Chỉ cần biết một điều: Họ là con người. Họ có đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền cũng như mình. Thế thôi!
Câu cuối được chuyển sang LA trưởng (A) như một điệp khúc, với 9 chữ được lặp lại 2 lần: “Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi.” Chỉ vài chữ nhưng khiến lòng lắng đọng, trầm tư, buồn riêng cho phận mình, vừa chịu đựng vừa chấp nhận thiệt thòi chứ không trách cứ ai khác.
Thật tốt đẹp thay những người có “tấm lòng của biển”, biết quên mình, biết nhịn nhục và chịu đựng như vậy!
Đức mến rất quan trọng. Đức mến không chỉ là mến Chúa, mà còn là yêu thương nhau, là thương xót nhau. Tại sao đức mến quan trọng? Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” 1 Cr 13:1-3).
Và rồi Thánh Phaolô giải thích tường tận: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn” (1 Cr 13:4-9).
Còn Thánh Gioan phân tích: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20).
Lạy Thiên Chúa Cha, xin giúp chúng con “thuộc lòng” Bài Học Yêu của Chúa Con đã dạy, và quyết tâm thực hiện bằng mọi giá. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.
Vô Nhiễm Nguyên Tội là đặc ân Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ. Nhưng tại sao là Đức Maria mà không là người khác? Tại sao chúng ta phải chịu hệ lụy của Tội Nguyên Tổ? Tại sao Áp-ra-ham, Mô-sê hoặc Đa-vít được tuyển chọn mà không là người khác?
Theo Kinh Thánh, người được tuyển chọn luôn được chọn vì người không được chọn. Như vậy, Áp-ra-ham được chọn để các quốc gia không được chọn trên trái đất sẽ được chúc lành qua ông. Cũng vậy, Mô-sê và dân Ít-ra-en được chọn để họ có thể là dân tư tế vì các dân-tộc-không-được-chọn trên thế giới. Đa-vít được chọn để con trai của ông có thể dẫn đưa các dân-tộc-không-được-chọn đến với Vương Quốc của Thiên Chúa.
Với Đức Maria cũng vậy. Ơn Cứu Độ được Thiên Chúa hoàn tất qua Mẹ. Ơn Cứu Độ hoàn toàn mang tính ngăn ngừa chứ không mang tính chữa trị, không là dấu chỉ loại trừ. Đó là dấu chỉ về quyền năng cứu độ nơi Chúa Giêsu, dành cho chúng ta theo sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, để chúng ta chiến đấu với Tội Nguyên Tổ. Vì Đức Mẹ là biểu tượng của Giáo hội và là thụ tạo đặc biệt trong các thụ tạo của Thiên Chúa, chính Đức Mẹ có thể đưa ra một ước lệ đối với sự kiêu ngạo và lời hứa giải thoát qua cuộc nổi loạn bằng cách cho chúng ta thấy rằng:
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa.
Con người phát xuất từ Thiên Chúa và được tạo nên để kết hiệp với Ngài.
Quyền tha tội của Chúa Giêsu được biểu hiện trọn vẹn nơi Đức Mẹ, chúng ta có thể biết chắc rằng Ngài cũng có quyền tha tội của chúng ta, dù tội nặng tới mức nào.
Con người là sản phẩm tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Tội lỗi không là sự thật nền tảng, cũng không là nền tảng cuối cùng của con người. Chính Chúa Giêsu mới là nền tảng.
Con người được xác định bởi tình yêu, chứ không bởi sự hận thù.
Con người được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
Con người phản ánh lý lẽ, trật tự và tình yêu của Thiên Chúa.
Con người tìm thấy sự sống khi mất sự sống và tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa.
Con người chỉ trở nên “người” hơn qua tình yêu, lòng khiêm nhường và lòng thương xót.
Con người lớn lên trong tình yêu bằng cách quan tâm “những người bé mọn” vì họ quý giá đối với Đức Kitô, Đấng đã tự hạ tới mức sinh nơi hang đá.
Con người nên tìm kiếm tình yêu tự dâng hiến ngay trên thế gian và phần thưởng trên trời, vì cuộc đời này không tồn tại mãi.
Chúng ta nên khiêm nhường vì chúng ta “được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa”, và sự thật là thế. Khiêm nhường giúp chúng ta nhận biết mình cần có ơn Chúa.
Bản chất Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta chỉ là thụ tạo, chúng ta không tìm thấy mình bằng cách tôn thờ bản chất đó mà bằng cách tôn thờ chính Thiên Chúa, Đấng tạo nên chúng ta và cứu độ chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.
Tóm lại, khi nhân loại tạo nên văn hóa sự chết, Chúa Thánh Thần đã đưa Giáo hội đến với Đức Mẹ, Đấng trung gian cầu xin Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Đức Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, nhân chứng duy nhất về ơn cứu độ của Đức Kitô. Là người che chở nhân loại, Đức Mẹ như hàng rào bao quanh sự thật về Ơn Cứu Độ của Đức Kitô. Là Tông Đồ mẫu mực, Đức Mẹ cho chúng ta biết Ơn Cứu Độ vô biên của Đức Kitô có thể tẩy sạch tội lỗi của chúng ta và cho chúng ta biết sự xứng đáng về nguồn gốc của chúng ta từ Thiên Chúa. Đức Mẹ là “máng chuyển” ơn Chúa, như Thánh Irênê nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống viên mãn.”
Cuối tháng Chín hàng năm, Giáo hội kính nhớ Thánh tiến sĩ Giêrônimô, bổn mạng các dịch giả. Ngài sinh ra không là thánh ngay, ngài có tính nóng này và gay gắt nên nhiều người không ưa, ngài còn bị cám dỗ dữ dội về đức khiết tịnh nên ngài chiến đấu bằng cách cầu nguyện và ăn chay nhiều.
Mặc dù khuyết điểm về tính khí và thường xuyên bị kẻ thù tấn công, ngài vẫn là người thông minh xuất chúng, đam mê nghiên cứu, nhất là say mê Lời Chúa.
Giáo Hội rất biết ơnThánh Giêrônimô, đặc biệt về lòng yêu mến Lời Chúa và tác phẩm nghiên cứu của ngài. Có điều quan trọng là ngài đã hoàn tất bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin – chúng ta gọi là “Vulgate” (bản phổ thông), và từ bản phổ thông này, Kinh Thánh đã tiếp tục được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ khác – tiếng Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt Nam,… Kinh Thánh là sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất, khoảng 2.500 ngôn ngữ. Tất cả đều nhờ công việc khó nhọc của Thánh Giêrônimô.
Công Đồng Vatican II đã xuất bản bốn Hiến chế về Tín lý, bốn cột trụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay: Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh), Gaudiumet Spes (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội), Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) và Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) – đề cập sự mặc khải và Lời Chúa. Thánh Giêrônimô nổi tiếng với câu nói này: “KHÔNG BIẾT Kinh Thánh là KHÔNG BIẾT Đức Kitô – IGNORANCE of Sacred Scripture is IGNORANCE of Christ.”
Đúng vậy! Nếu chúng ta không đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các Phúc Âm, chúng ta không thể biết Chúa Giêsu là ai, không biết Ngài thì không thể yêu mến Ngài, do đó mà khó có thể đi theo Ngài và làm môn đệ của Ngài được. Vì thế, chúng ta phải dành cho Chúa tâm hồn mình, yêu mến và quý trọng Lời Chúa, bằng cách thực hiện ít nhất vài điều trong số các điều này:
SỞ HỮU KINH THÁNH – Kinh Thánh có nhiều cuốn và đa dạng, nhưng bạn nên có được cuốn Kinh Thánh của Giáo Hội Công giáo. Với điện thoại thông minh, bạn có thể sử dụng các Apps liên quan Kinh Thánh, nhưng phải cẩn trọng và chọn đúng Kinh Thánh Công giáo!
TRAO TẶNG KINH THÁNH – Các dịp đám cưới, sinh nhật, kỷ niệm ngày rửa tội, thêm sức, ngân khánh, kim khánh,… Thật là rất ý nghĩa nếu chúng ta tặng nhau một cuốn Kinh Thánh.
YÊU MẾN KINH THÁNH – Hãy đặt cuốn Kinh Thánh ở nơi trang trọng, đừng bao giờ bất kính. Điều đó có nghĩa là đừng bao giờ để sách Kinh Thánh ở nơi bất xứng – để trên nền nhà, ghế ngồi,… Kinh Thánh là Lời Chúa, chúng ta phải nâng niu, trân quý.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM – Kinh Thánh không là phần trang trí hoặc bộ sưu tập của lễ Giáng Sinh, cũng chẳng là vật kỷ niệm. Kinh Thánh là để đọc và suy niệm không ngừng. Hãy khắc dạ ghi tâm lời Thánh Vịnh: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”(Tv 1:1-2). Ước gì chúng ta cũng thích đọc Kinh Thánh và suy niệm Lời Chúa suốt ngày đêm!
GHI NHỚ NHỮNG CÂU QUAN TRỌNG– Chúa Giêsu là gương mẫu của chúng ta! Ngài ăn chay 40 đêm ngày, ma quỷ cám dỗ Ngài. Cơn cám dỗ thứ nhất nó xúi giục Chúa Giêsu biến đá thành bánh mà ăn. Ngài nói thẳng với nó: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4:4).
BẢO VỆ ĐỨC TIN BẰNG LỜI CHÚA – Thánh Phaolô nói rằng Lời Chúa như gươm hai lưỡi tách xương và tủy. Ngài có ý nói rằng Lời Chúa mạnh mẽ, nên được dùng làm linh khí để chiến đấu với Satan và đồng bọn của nó – những kẻ dối trá. Hãy đọc Thánh Thomas Aquinô với Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) và cách ngài bảo vệ tín lý dựa vào Lời Chúa.
THÁNH LỄ VÀ LỜI CHÚA – Hãy tham dự Thánh Lễ hằng ngày – cách cầu nguyện tuyệt vời nhất trên thế gian này! Hiến chế Sacrosanctum Concilium giải thích về Thánh Lễ và Phụng Vụ, cho biết rằng có hai bàn tiệc nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh Lễ: Bàn Tiệc Lời Chúa với Bàn Tiệc Thánh Thể. Hãy tham dự Thánh Lễ – thực sự là Bàn Tiệc Nước Trời!
LINH THAO VÀ LỜI CHÚA – Khi có cơ hội, cố gắng sống theo cách Linh Thao (Spiritual Exercises) của Thánh Inhaxiô Loyola. Có thể đó là cuộc tĩnh tâm một tháng, tám ngày, hoặc một tuần, hoặc ngay hôm nay, tĩnh tâm giữa đời thường, có thể kéo dài sáu tháng hoặc một năm, cùng với một vị linh hướng. Phương pháp Linh Thao của Thánh Inhaxiô Loyola là cách suy niệm hoặc chiêm niệm Lời Chúa. Hãy thử và bạn sẽ không bao giờ hối tiếc!
ĐỨC MẸ VÀ LỜI CHÚA – Khi cố gắng phát triển lòng yêu mến đối với Lời Chúa,đừng quên đến với Đức Trinh Nữ Maria, vì chính Đức Mẹ đã cưu mang Ngôi-Lời-hóa-thành-nhục-thể trong cung lòng 9 tháng. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ đã suy niệm Lời Chúa trong Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Sau khi các mục đồng đến kính viếng Hài Nhi, Đức Mẹ hoàn toàn im lặng: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”(Lc 2:19). Cầu xin Đức Mẹ thêm sức cho chúng ta làm được như vậy – suy niệm Lời Chúa bằng cách đọc Kinh Thánh, cầu nguyện bằng Kinh Thánh, thấm nhuần Kinh Thánh và noi gương Đức Mẹ sống Lời Chúa!
Tác giả Kimberly Scott cho biết: Tôi có người bạn thân, người mẹ của 6 đứa con đã khôn lớn, nói rằng định nghĩa sự khôn ngoan có nhiều điều để nói – và đừng nói về nó. Tôi luôn phá vỡ quy luật này, điều mà tôi cho rằng sẽ khiến tôi ngớ ngẩn. Nhưng đôi khi chúng ta phải nói ra từ đáy lòng, ngay cả khi chúng ta có nguy cơ bị hiểu lầm.
Một số vị thánh được gọi làm “những người ngớ ngẩn vì Đức Kitô”. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ vui mừng được kể vào số những người đó. Và đây là lá thư của một người mẹ viết cho con trai vào đúng ngày lễ Chúa Phục Sinh. Thư viết như sau… Con trai yêu dấu của mẹ,
Mẹ muốn chia sẻ với con về tất cả ánh sáng, vẻ đẹp và niềm vui mà mẹ phát hiện từ khi mẹ gia nhập Giáo hội Công giáo. Mẹ biết con miễn cưỡng tin “Thiên Chúa ở với chúng ta” vì một vấn đề chung: Nếu Ngài ở với chúng ta, tại sao vẫn có đau khổ trên đời này?
Đó là điều mầu nhiệm lớn lao. Chắc chắn rằng đau khổ mà là kết thúc như chính nó thì thật là kinh khủng. Nhưng khi đau khổ vượt qua chính nó – như khi đau khổ hướng về Đức Kitô trên Thánh Giá, nó trở nên có giá trị cứu độ và thánh hóa. Mẹ đã cầm tay cha con khi ông qua đời, thế nên mẹ biết rằng nước mắt và đau khổ có thể trở nên “ngọt ngào” nếu đau khổ đó được kết hiệp với đau khổ của Đức Kitô trên Thánh Giá. Nếu con sống trong tình yêu thương của cha con thì con nhận ra rằng chẳng có gì có thể làm mẹ tổn thương – không đau đớn, bệnh tật hoặc già nua, thậm chí cả cái chết. Vì Thiên Chúa ở với chúng ta, không ở xa trên những đám mây trên trời kia. NGÀI Ở GẦN CHÚNG TA NHẤT KHI CHÚNG TA ĐAU KHỔ. Mẹ biết đó là sự thật, vì mẹ đã gặp Ngài trong những đêm tăm tối nhất của cuộc đời.
Từ khi Đức Kitô phục sinh, tử thần bị tước quyền, chúng ta còn sợ gì nữa? Bệnh tật, bạo lực, hỏa hoạn, lụt lội và các tai họa khác có thể giết chết chúng ta. Vậy thì sao? Với cái chết trên Thập Giá và phục sinh vào ngày thứ ba, Đức Kitô đã đánh bại tử thần vĩnh viễn và trao ban cho chúng ta sự sống đời đời.
Điều đó thực sự là TIN VUI MỪNG – tin tốt lành như thế mà đầu óc thời đại mới của chúng ta khó có thể tin được, vì “bị mắc kẹt” trong sự rối loạn của tiếng ồn ào, u uẩn và thất vọng! Nghe có vẻ như chuyện thần thoại vậy. Hãy nhìn vào những người nằm lặng lẽ nơi nghĩa địa mà xem. Họ chết rồi, phải không?
TÌNH MẪU TỬ
Đúng và không đúng. Bề ngoài có thể đánh lừa chúng ta. Thật khó tin, ánh sao trên bầu trời đêm đã rời bỏ những ngôi sao đó từ hằng trăm hoặc hằng ngàn năm trước. Các nhà vật lý cho chúng ta biết rằng mọi vật thể trên thế giới này có vẻ rắn theo cách nhìn của chúng ta – đá sỏi, cây cối, trái đất – lại được tạo nên từ những phân tử vô hình luôn chuyển động không ngừng.
Cuộc sống là điều mầu nhiệm. Ngay cả các phát hiện khoa học mới nhất khiến chúng ta kinh hãi. Tin các phần tử đó đang chuyển động không ngừng là chấp nhận tin vào sự sống và thấy vẻ đẹp kỳ diệu của sự sống. Tin những người nằm im trong mộ đã chết (trong thế giới hữu hình) và vẫn sống (trong tầm nhìn của Thiên Chúa) cũng là chấp nhận tin.
Ngay cả trọng lực cũng phải chấp nhận tin. Mẹ muốn nói với con rằng có một lực vô hình neo giữ chúng ta trên trái đất này, không có nó thì chúng ta có rơi vào không gian? Điều này cũng giống như thần thoại vậy. Nhưng dù muốn hay không thì con vẫn tin vào trọng lực, con vẫn là người thừa hưởng sự tốt lành của nó. Con không thể trốn khỏi sự tốt lành của trọng lực, cũng không thể trốn khỏi sự tốt lành của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa nắm giữ chúng ta an toàn trong bàn tay của Ngài, giống như tọng lực neo giữ chúng ta an toàn trên trái đất vậy. Cả ngàn cách từ chối thực tế cũng chẳng bao giờ làm cho nó hóa thành điều không thật.
Điều mà con coi mẹ là “liều lĩnh” (vì mẹ làm nhiều việc hèn mọn và không lương cho Giáo hội, trong khi mẹ có thể kiếm nhiều tiền) phát xuất từ sự bình an nội tâm và vì mẹ trút bỏ mọi lo lắng. Trước khi mẹ tìm thấy Thiên Chúa (hoặc có thể là trức khi Ngài tìm thấy mẹ, bởi vì Ngài luôn đi bước trước), mẹ thường lo lắng nhiều thứ trên thế gian này. Mẹ thường lo sợ, một điều nguy hiểm, về bạo lực không đến từ Thiên Chúa, mà đến từ sự sợ hãi của con người. Khi chúng ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa (mẹ nói về Thiên Chúa đích thực chứ không nói về ảo giác mà chúng ta có trong đầu), nỗi sợ hãi được biến thành niềm tin. Có lẽ con cho rằng mẹ lẩn thẩn và khổ sở với tuổi già. Điều con hiểu sai mà cho rằng mẹ “quá liều lĩnh” lại chính là cách mẹ trút bỏ nỗi sợ hãi. TÌNH YÊU HOÀN HẢO CỦA NGÀI LOẠI BỎ SỰ SỢ HÃI.
Con ơi, tình yêu thương của mẹ dành cho con chưa trọn vẹn, thế nên con buồn vì điều đó. Nhưng như Chúa Giêsu và Đức Mẹ cho chúng ta biết, mối quan hệ giữa mẹ và con thiêng liêng lắm, và không thể dễ dàng rạn nứt, cả trong đời này và đời sau. Mẹ con mình hãy bỏ qua những khác biệt và hãy đơn giản là yêu thương nhau thật lòng, luôn tin rằng Thiên Chúa quan phòng và định liệu mọi sự. Con trai ơi, ĐỨC KITÔ ĐÃ PHỤC SINH!
Hằng ngày, càng ngày càng có nhiều người lưu tâm con người lịch sử là Giêsu Nadarét. Với một người bị người ta ghét cay ghét đắng đến nỗi giết chết mà tại sao ngày nay người ta vẫn quan tâm tới cuộc đời và các giáo huấn của Ngài như vậy?
ĐIỀU PHÁT HIỆN Mọi điều về Ngài đều xảy ra chính xác: Các lời tiên tri về việc Ngài đến, sinh ra, cuộc sống, giáo huấn, phép lạ, sự chết, và nhất là sự sống lại của Ngài. Đó là các sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Hiệu quả chính xác về chính Ngài đối với sự Phục Sinh – dù Ngài đã sống lại từ cõi chết hay vẫn còn trong mộ đá. Nhiều người đa nghi nói rằng tin vào Đức Kitô phục sinh không gì hơn chỉ là “bước nhảy mù quáng của niềm tin vô căn cứ” (sic!).
Tuy nhiên, khi đối diện với các sự kiện này, những người chân thật một cách thông minh đã phải chân nhận rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu là một sự kiện lịch sử dựa trên các chứng cớ không thể bác bỏ.
Trên hành trình tâm linh từ không biết gì tới lúc tin vào Đức Kitô, người ta có vấn đề về sự phục sinh. Nhưng xét kỹ thì chúng ta thấy sức thuyết phục rằng sự sống lại về thể lý là lời giải thích duy nhất về ngôi mộ trống, nơi đã mai táng thi hài Đức Kitô.
Đây là vài chứng cớ lịch sử khiến tâm phục khẩu phục:
CHỨNG CỚ PHỤC SINH
• Đức Kitô đã báo trước việc Ngài phục sinh. Kinh thánh nói: “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21). Mặc dù những người theo Ngài không hiểu Ngài nói gì với họ lúc đó, nhưng họ vẫn ghi nhớ lời Ngài.
Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với những người theo Ngài. Ngài an ủi những người than khóc bên ngoài mộ vào sáng Chúa Nhật. Trên đường đi Emmaus, Ngài đã giải thích những điều nói về chính Ngài từ Cựu Ước. Sau đó, Ngài ăn uống trước mặt họ và mời họ chạm vào Ngài. Kinh thánh nói rằng Chúa Giêsu được hơn 500 người thấy một lúc. Một số người có thể cho rằng chỉ có một số ít người đồng ý với sự dối trá đó, nhưng làm sao người ta có thể giải thích về sự cộng tác của 500 người đó?
Đức tin kiên cường của các Tông đồ đủ thuyết phục chúng ta về việc Chúa Giêsu phục sinh. Các Tông đồ này đã từng sợ hãi mà bỏ trốn và chối bỏ Thầy, nhưng nay họ can đảm công bố tin vui này, rao truyền mà không sợ chết. Hành động kiên cường và can đảm của họ sẽ vô nghĩa nếu họ không biết với sự chắc chắn tuyệt đối rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.
Sự phát triển của Kitô giáo đủ xác minh Chúa Giêsu phục sinh. Bài giảng đầu tiên của ông Phêrô, nói về sự phục sinh của Chúa Giêsu, đã khiến người ta tin nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Độ hằng sống của họ. Thánh Luca cho biết một con số kỷ lục: “Hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn ngườitheo đạo” (Cv 2:41). Cho tới nay, số người tin đó càng ngày càng tăng thêm trên khắp thế giời. Ngày nay, có hàng tỷ người tin.
Chứng cớ của hàng tỷ người đã thay đổi đời sống qua các thế kỷ qua cho thấy sức mạnh của Đức Kitô phục sinh. Nhiều người đã bỏ được các chứng nghiện. Những người nghèo khổ và những người thất vọng đã tìm được niềm hy vọng. Những cuộc hôn nhân đổ vỡ đã được hàn gắn. Chứng cớ thuyết phục nhất về sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô là ngày nay Ngài vẫn đang sống giữa những người tin vào sự sống lại và sức mạnh hoán cải.
Sự Phục Sinh làm cho Kitô giáo trở nên đặc biệt. Chưa có một vị lãnh đạo tôn giáo nào đập tan sức mạnh của Tử thần và chiến thắng tội lỗi như Đức Giêsu Kitô.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ PHỤC SINH
Sự Phục Sinh xác nhận rằng Chúa Giêsu là Đấng mà chính Ngài đã tuyên bố. Chúng ta hãy cân nhắc tầm quan trọng của sự kiện này:
Sự Phục Sinh chứng tỏ rằng Đức Kitô là Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu chết trên Thập Giá không chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa. Chúa Giêsu chứng tỏ thần tính của Ngài bằng việc hoàn tất các lời tiên tri về cái chết của Ngài và bằng việc Ngài trỗi dậy từ trong mộ. Kinh thánh tuyên bó: “Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:4).
Sự Phục Sinh chứng tỏ quyền năng của Đức Kitô trong việc tha tội. Kinh thánh quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15:17). Qua việc sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu chứng tỏ quyền năng và quyền lực phá vỡ mối ràng buộc của tội lỗi, bảo đảm ơn tha thứ và sự sống đời đời cho những ai tin vào Ơn Cứu Độ của Ngài.
Sự Phục Sinh mặc khải quyền lực của Đức Kitô đối với sự chết. Kinh thánh cho biết: “Một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6:9). Sự Phục Sinh bảo đảm chúng ta cũng chiến thắng sự chết: “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2:6).
Sự Phục Sinh đánh bại kẻ thù của Thiên Chúa. Từ cuộc nổi loạn đầu tiên cho đến Thập Giá, ma quỷ đã nham hiểm đấu tranh và xảo quyệt muốn lật đổ Thiên Quốc. Satan phải biết rằng nó đã bị một đòn chí tử trong cuộc chiến xưa kia. Nhưng cuộc chiến này là sự tính toán sai lầm của ma quỷ. Thập Giá là chiến thắng của Nước Trời. Khi Đức Kitô sống lại, quyền lực của tội lỗi và Tử thần đã bị đập tan vĩnh viễn. Nhờ sự Phục Sinh của Đức Kitô, các Kitô hữu không còn sợ Satan hoặc Tử thần nữa!
HOÀN TẤT ƠN CỨU ĐỘ
40 ngày sau khi Chúa Giêsu chết và sống lại, Ngài đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ. Có lần Ngài quy tụ 11 môn đệ (không còn Giuđa) trên núi tại Galilê và trao cho họ sứ vụ quan trọng. Ngài nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:18-20).
Rồi sau đó, sách Công vụ nói: “Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần. Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt,8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:4-5, 7-8).
Ngay sau đó, Ngài lên trời và biến vào trong đám mây, để các môn đệ ngơ ngẩn nhìn theo, mắt chữ O mà miệng chữ A. Chúa Giêsu lên trời là hành động cuối cùng trong công cuộc cứu độ. Sứ vụ của Ngài hoàn tất, Đức Giêsu Kitô được tán dương và vinh quang. Sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô là sự kiện cách mạng nhất trong lịch sử nhân loại.
Người ta không thể từ chối rằng Ngài đã làm rung động thế giới khi Ngài làm người trên thế gian. Nhưng cuộc đời Ngài đã hình thành lịch sử cả trong thời đại chúng ta. Sự Phục Sinh là minh chứng cuối cùng rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng mà chính Ngài đã tuyên bố.
Nhân chứng sống của chàng trai trẻ Gioan, người luôn kề cận Chúa Giêsu và chứng kiến từ đầu tới cuối, ngay cả khi đứng dưới chân Thập Giá, đã viết: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21:24-25).