WGPSG — “Một chàng trai ngạc nhiên nhìn ông lão vẽ hình trái tim, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh khác nhau. Chàng trai thắc mắc:
– Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao cụ lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim
lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?
Ông cụ mỉm cười rồi nói:
– Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thực sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người tình cờ mà tôi gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim
này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ cho tôi bao giờ cũng
lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vào nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc trái tim tôi nhớ về những người mà tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…
Ông lão nói tiếp:
– Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi mà chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn.”
Hôm nay là lễ nhớ Mẹ Sầu Bi. Mẹ Maria của chúng ta ngoài bảy sự thương khó lúc sinh thời, bây giờ tim Mẹ còn đầy những vết lõm do chính chúng ta, đàn con của Mẹ, gây ra. Mẹ vẫn luôn hiện ra nhắc nhở nhưng chúng vẫn chưa hồi tâm hối lỗi.
Mẹ Maria có quả tim sẵn sàng chịu đau khổ theo gương Đức Kitô để mưu cầu phần rỗi cho các linh hồn. Mẹ đã thực thi Lời Chúa:
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”
WGPSG — “Xưa kia, có một bà cụ hay ủ rũ khi nghĩ đến 2 người con ở xa : trời
mưa thì bà nghĩ đến người con bán dép rơm bị ế ẩm, vì không ai mua dép
rơm để đi mưa; trời nắng thì bà lại nghĩ tới người con bán dù, vì ai lại
mua dù mùa nắng.
Hàng xóm thấy vậy xúm vào khuyên bà hãy nghĩ ngược lại: trời nắng thì nghĩ
tới người con bán dép rơm được đắt hàng, còn trời mưa thì nghĩ tới đứa
con làm dù không đủ bán.
Bà cụ nghe theo và từ đó sống thật vui vẻ.”
Câu truyện như lời nhắc nhở chúng ta hãy sống phó thác mọi sự trong tay
Chúa. Muốn cho cuộc đời đầy hoan lạc thì phải để Chúa dẫn dắt theo ý
Ngài. Thánh Phêrô và các bạn ngư phủ đầy kinh nghiệm biết không thể bắt
được cá nếu thả lưới vào lúc Đức Giêsu bảo, nhưng vì vâng lời Người nên
các ông đã nghe theo. Các ông đã được hưởng niềm vui bất ngờ vì đã làm
theo thánh ý Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã bảo chúng con đừng sợ nhưng chúng con cứ
mãi lo âu khi thấy biển đời đầy sóng gió. ‘Nắng mưa là chuyện của Trời’
mà chúng con muốn bắt phải theo ý mình. Chúng con xin mượn lời bài hát
“Phó thác” để dâng cuộc đời chúng con trong tay Chúa:
“Một niềm phó thác đời con trong tay Ngài. Đừng bỏ con mồ côi, gục ngã trong đêm dài…” Đừng sợ (Lc 5,10).
WGPSG — “Ngày xưa có một người tên là Vinh Khải Kỳ tỏ ra là một bậc tiên ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, ngày ngày giao du ở sơn thủy, vui thú cầm ca chậm rãi rảo bước, tay đánh đàn miệng ca hát không ngừng. Một hôm, Đức Khổng Tử đi dạo gặp Vinh Khải Kỳ, ngài mới hỏi ông: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ ca hát như thế?”
Khải Kỳ thưa: “Trời sanh muôn vật, loài người cao quý nhất. Ta đã được làm người, đó là điều đáng vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu… mà ta thì khỏe mạnh sống lâu, thế là hai điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì lo buồn nữa?”
Quan niệm sống lạc quan của nhân vật trong câu chuyện tương tự như những đức tính cơ bản của các Kitô hữu. Được làm con Chúa và được sống theo đúng phẩm giá của mình là một hồng ân.
Hôm nay, Hội Thánh nhớ đến Thánh Magarita Tô Cách Lan là một mẫu gương sống đời tín hữu tuyệt hảo. Chúng ta có thể thấy được điều này qua trích đoạn tiểu sử của thánh nữ:
“Magarita là một ơn huệ Chúa ban cho người dân Tô Cách Lan. Trước khi bà đến đây, có rất nhiều người dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Bà tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, bà khích lệ tổ chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân, tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với đức lang quân, bà xây dựng nhiều nhà thờ trong
nước và chính tay bà thêu áo lễ cho các linh mục.
Magarita không chỉ là một hoàng hậu mà còn là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã ban cho ông bà sáu con trai và hai con gái. Ðích thân bà trông coi việc giáo dục cũng như dạy giáo lý cho con. Người con út của bà sau này là Thánh David.
Mặc dù rất bận rộn với công việc nhà cũng như việc nước, bà cố giữ mình khỏi bị ảnh hưởng của thế gian. Ðời sống riêng tư của bà rất khắc khổ. Bà dành thời giờ để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Bà ăn uống thanh cảnh và ngủ rất ít để có thời giờ suy niệm. Hàng năm, hai ông bà tuân giữ hai mùa Chay, một lần trước Phục sinh và một lần trước Giáng Sinh. Trong thời gian này bà thường thức giấc vào nửa đêm để đi dự Thánh lễ…”.
Thánh Magarita suốt cuộc đời chỉ biết quên mình để phục vụ gia đình và tha nhân. Ngài đã thực hành như lời Tin Mừng theo thánh Luca: Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống(Lc 17,33).
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, biết bao lần chúng con đã sống theo thói thế gian, chỉ biết chạy theo những phù vân của thế tục. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con biết tỉnh ngộ kịp lúc và biết sống cuộc đời đẹp tươi theo Thánh ý Chúa trọn đời chúng con. Amen
WGPSG — “Bộ phim Occurrence at Owl Creek Bridge (biến cố xảy ra ở cầu Owl Creek) kể lại chuyện một người đàn ông sắp bị treo cổ.
Bọn lính phía đối địch của anh dẫn anh ra một chiếc cầu bắc ngang qua sông Owl Creek. Chúng lấy một tấm ván đặt một phân nửa lên cầu còn phân nửa kia để lòi ra khỏi thành cầu. Đoạn một tên lính đứng lên nửa tấm ván trên thành cầu, còn người tử tội bị dẫn ra đứng trên nửa tấm để lòi ra khỏi thành cầu. Kế đó, người ta cột chặt tay chân người tử tội, đoạn
thòng một sợi dây từ đỉnh cầu xuống quấn vào cổ anh ta. Khi mọi sự đã sẵn sàng, viên chỉ huy ra hiệu lệnh thì người lính nhảy ra khỏi tấm ván, lập tức người tử tội bị hất xuống phía dưới với sợi dây siết vào cổ anh.
Ngay bấy giờ một điều kỳ lạ đã xảy ra. Sợi dây bị đứt và người tử tội rơi tõm xuống lòng sông. Anh ta chìm sâu dưới nước. Lúc bấy giờ anh ta ý thức được mình vẫn còn sống và anh
cố gắng tháo gỡ dây trói nơi tay và chân ra. Thật kỳ diệu thay, anh đã tự cởi trói cho chính mình được. Thế rồi khi nhận ra mình có cơ may sống sót, anh ta bắt đầu lặn sâu xuống.
Sau đó, anh bơi ngang qua một cành cây đang bềnh bồng trên mặt nước. Anh xúc động vì vẻ đẹp của những tàu lá cây. Anh sững sờ vì những đường gân phức tạp nơi tàu lá. Một lúc sau, anh nhìn thấy một chú nhện đang giăng lưới. Anh lại xúc động trước vẻ đẹp của màng nhện và những giọt nước bám vào đó lấp lánh không khác gì những hạt kim cương. Anh cảm thấy mình sũng nước, anh liền ngước lên nhìn vào bầu trời xanh biếc, đối với anh, chưa bao giờ thế giới lại xinh đẹp thế!
Bỗng nhiên đám lính đứng trên cầu bắt đầu nhả đạn xuống. Anh liền cố gắng lướt tới dưới làn mưa đạn, bơi nhanh nhẹn như một chú rắn nước băng qua nhiều ghềnh thác. Cuối cùng, anh cũng bơi được vào bờ và hoàn toàn kiệt sức. Anh ngã xuống cát, lăn qua lăn lại. Khi ngước nhìn lên anh trông thấy một bông hoa. Anh liền bò tới đưa mũi ngửi và thầm nhủ: “Ôi! Mọi sự sao mà đẹp thế! Được sống sót quả là một điều vĩ đại biết bao!” Nhưng ngay sau
đó có tiếng đạn rít qua các tàn cây; anh vội đứng lên và bắt đầu co giò chạy tiếp.
Anh chạy hoài chạy mãi tới khi đến được một căn nhà có hàng rào trắng bao quanh. Những cánh cổng bỗng mở ra một cách kỳ diệu. Anh không thể nào tin vào mắt mình: thế là anh đã về được đến nhà bình an. Anh gọi tên vợ anh và nàng vội chạy thật nhanh ra cổng giang tay chào đón anh.
Ngay khi họ vừa ôm nhau, máy quay phim mang khán giả trở lại chiếc cầu Owl Creek. Bây giờ, khán giả lại không thể tin được vào mắt mình khi nhìn thấy xác của anh tử tội bị treo thòng xuống đang đong đưa qua lại với sợi dây siết quanh cổ. Thì ra anh đã chết rồi!”
Khán giả xem phim cảm thấy bị sốc khi thấy cái kết bi thương của người tù. Nhưng với nhãn quan của một Kitô hữu, chính những chi tiết: bầu trời xanh biếc, giọt nước lấp lánh như kim cương, một bông hoa thơm… nhắc chúng ta hãy biết tận hưởng vũ trụ xinh đẹp Chúa dành cho chúng ta mà dâng lên lời cảm tạ Đấng Sáng Tạo khi đang còn sống, chứ đợi đến giờ chết
thì sẽ không còn kịp nữa.
Mười người cùi trong Tin Mừng thánh Luca còn bi thảm hơn, với căn bệnh đang mang, họ sống mà như đã chết. Điều kỳ diệu đã đến khi họ được gặp gỡ Chúa Giêsu, họ được lành sạch hoàn toàn. Nhưng chỉ có một người Samari mới thật sự cảm nhận được hồng ân
này: Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa (Lc 17,15).
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, khi chúng con không biết tạ ơn Chúa và sống trọn vẹn từng giây phút của đời sống, chúng con không khác gì bệnh nhân phong, vì mất cảm giác nên không biết được bao thứ xấu đang rúc rỉa thân mình. Xin Chúa giúp chúng con được lành sạch và biết hát khúc ca tri ân khi bình minh đến cũng như lúc chiều tà. Amen.
“Một người phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà thì nhìn thấy có 3 cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên phiến đá ở trước sân nhà. Bà không quen biết họ, nhưng là người tốt bụng, bà lên tiếng nói: “Tôi không quen biết các cụ nhưng chắc là các cụ đang đói bụng lắm, vậy xin mời các cụ vào nhà tôi dùng một chút gì cho ấm bụng nhé… “.
– Rất tiếc thưa bà, cả ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được. Họ đồng thanh đáp.
– Vì sao lại thế thưa các cụ…. Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
Một cụ già bèn đứng dậy từ tốn giải thích:
– Cụ ông này tên là Giàu Sang, còn kia là cụ ông Thành Đạt, và còn lão già đây là Tình Thương. Bây giờ bà hãy vào nhà hỏi ông nhà xem sẽ mời ai trong ba lão chúng tôi vào nhà trước nhé. Người phụ nữ đi vào nhà và kể lại sự việc cho chồng.
– Ồ vậy thì tuyệt quá! Người chồng vui mừng nói.
– “Vậy thì tại sao chúng ta không mời cụ ông Giàu Sang vào trước. Cụ là điềm phước rồi đây, sẽ cho chúng ta nhiều tiền bạc của cải sung túc”. Nhưng người vợ lại không đồng ý. “Nếu vậy thì tại sao chúng ta lại không mời cụ Thành Đạt vào trước chứ… Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể. ” Hai vợ chồng cứ tranh cãi một lúc mà vẫn chưa đi đến quyết định.
Cô con gái nãy giờ đứng nghe yên lặng ở góc phòng bỗng lên tiếng nhỏ nhẹ: “Ba mẹ ạ, tại sao chúng ta không thử mời ông già Tình Thương vào nhà trước đi. Nhà mình khi ấy sẽ tràn ngập tình thương yêu ấm áp, và ông già sẽ cho gia đình chúng ta thật nhiều hạnh phúc. ”
– “Có lẽ con gái mình nói đúng”.
Người chồng suy nghĩ rồi bảo vợ, “Vậy thì em hãy mau ra ngoài mời cụ Tình
Thương vào trước đi vậy. ”
Người phụ nữ ra ngoài và cất tiếng mời, “Gia đình chúng tôi xin hân hạnh mời cụ Tình Thương làm vị khách mời đầu tiên vào với gia đình của chúng tôi”. Cụ già Tình Thương từ tốn đứng dậy và chầm chậm bước vào nhà. Nhưng hai cụ già kia cũng từ từ đứng dậy và bước
theo cụ già Tình Thương…
Rất đỗi ngạc nhiên, người phụ nữ bước lại gần hai cụ Giàu Sang và Thành Đạt hỏi:
– “Tại sao hai cụ cũng cùng vào theo… Các cụ đã chẳng nói là cả ba cụ không thể vào nhà cùng một lúc sao”. Khi ấy cả hai cụ cùng trả lời: “Nếu bà mời cụ Giàu Sang hay Thành Đạt tôi đây, thì chỉ một trong hai chúng tôi vào nhà được thôi, nhưng vì bà mời cụ ông Tình
Thương, nên cả hai chúng tôi cũng sẽ vào theo. Bởi vì ở đâu có Tình Thương thì ở đó sẽ có Giàu Sang và Thành Đạt đó bà ạ”.
Câu chuyện minh họa như nhắc nhở chúng ta điều quan trọng nhất trong cuộc đời là tình thương. Chúa Giêsu cũng vì yêu thương đã mang lấy thân phận con người để cứu độ chúng ta. Trong đời rao giảng, Chúa làm mọi việc cũng vì yêu, nhưng những người kinh sư và Pharisêu hay rình mò để bắt lỗi Người. Phúc Âm thánh Luca hôm nay đã ghi lại việc Chúa chữa người bại tay cho dù những người Do Thái đưa những luật lệ của họ ra để ngăn cản Người.
Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay
điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9)
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa luôn bảo chúng con hãy yêu thương nhau, nhưng chúng con quá cứng lòng nên làm khổ nhau vì tính ích kỷ của mình. Xin cho chúng con biết thực thi Lời Chúa để cuộc đời đầy những niềm vui và những nụ cười.
WGPSG — “Một cô gái tên Muối đã có tình nhân mà còn làm đám cưới với một anh Việt kiều Mỹ, định sau này sẽ ly dị chồng để rước người tình qua. Nhưng đến ngày đàng trai đến rước lại không thấy cô dâu đâu khiến cho công trình mồi chài bao ngày tháng trở thành công cốc. Nguyên nhân vì đâu? Tại sao cô lại không về làm cô dâu để thực hiện chương trình đánh lừa anh chàng Dick ngơ ngáo kia?
Số là tối hôm trước ngày rước dâu, sau khi nhậu nhẹt say sưa, nhảy nhót tưng bừng cho đến gần sáng, cô Muối cùng tình nhân thuê khách sạn ngủ, dự định sáng mai về cũng còn kịp chán. Muốn cho đêm tạm biệt thêm vui, họ phi một đợt xì ke (ma túy), sau đó họ lăn ra ngủ. Đến gần chiều hôm sau cả hai mới giật mình tỉnh dậy. Cô Muối hối hả lên xe, chạy về.
Xe hoa đã lên đường được hơn nửa giờ rồi.!”
“Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần, Thượng Đế trao cho mỗi bé một cái chân đèn bằng đồng, và bảo chúng trong lúc chờ Ngài trở lại, hãy giữ cái chân đèn sao cho luôn được sáng bóng. Nhưng rồi một tuần đã trôi qua đi mà vẫn chưa thấy Thượng Đế trở lại, tất cả các em bé đã nản chí, không còn chùi bóng chân đèn của mình nữa.
Một hôm, Thượng Đế đột nhiên đến thăm, chân đèn của mỗi đứa bé lười nhác đều đã đóng một lớp bụi dày, chỉ duy có em bé mà thường ngày cả bọn vẫn kêu bằng thằng ngốc, dù cho Thượng Đế chưa thấy đến, hằng ngày bé vẫn nhớ lời dặn, lau chùi cái chân đèn sáng bóng.
Kết quả em bé ngốc này được trở thành thiên thần.”
Hai câu chuyện: một cô dâu gian dối bị vuột mất chàng rể và một em bé bị bạn bè xem là ngốc nhưng nhờ tính kiên trì đã đạt được ước mơ, là những minh họa điển hình cho Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay.
Nếu Kitô hữu chúng ta cứ suy nghĩ một cách chủ quan rằng mình đã giữ đạo tốt lắm rồi nên không lo chỉnh đốn cách sống đạo cho đẹp lòng Chúa, chúng tôi sẽ rơi vào trường hợp như cô dâu Muối. Trong ngày tái ngộ, Chúa sẽ nói với chúng ta rằng: “Ta chẳng biết các ngươi là ai”.
Giữa thời buổi yêu chuộng vật chất và duy tục như ngày nay, con người sống như thể rằng mình không bao giờ chết, nên để cho tâm hồn mình bị che phủ bởi bụi phù hoa. Chúng ta thà làm ’em bé ngốc’ lội ngược dòng để giữ được lòng trinh trong Chúa đã ban cho còn hơn để đời mình bị cuốn theo chiều gió hư vong.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con có mong ước tốt nhưng với bản tính yếu mềm của con người, không có Chúa giúp chúng con không làm gì được. Xin cho chúng con luôn hướng về trời là cùng đích của đời tín hữu, hầu có thể đón Chúa trở lại trong hân hoan.
Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào (Mt 25,13).
WGPSG — Bài phóng sự của Trường Long “Vết trượt của nam giảng viên ngữ văn hoạt ngôn” cho độc giả thấy kết cuộc đáng tiếc của bị can Vinh (cựu giảng viên lý luận văn học), người có tài ăn nói, quan hệ xã hội khá phức tạp cùng “khả năng kiếm tiền” vượt trội.
“Ông Vinh năm nay 53 tuổi, quê gốc ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh, người này được nhận vào làm giảng viên ở Đại học Đồng Tháp. Hơn 10 năm sau (1997), thạc sĩ Vinh xin chuyển về Đại học Vinh, công tác tại Khoa ngữ văn.
Đầu năm 2000, với khả năng hoạt ngôn, ông Vinh khoe quan hệ rộng với nhiều sếp ở Thanh Hóa nên có thể “chạy” nhận thầu san lấp mặt bằng, cung cấp vật liệu… tại dự án xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu ở Khu công nghiệp Nghi Sơn.
Tin lời vị giảng viên có tài ăn nói này, một nữ giám đốc ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) đã đưa trước 700 triệu đồng nhờ “tác động” để có được hợp đồng san lấp mặt bằng nhà máy và thi công con đường ở huyện Quảng Xương. Giao xong tiền, vị doanh nhân ngồi đếm hết cái hẹn này tới cái hẹn khác của ông Vinh mà vẫn không thấy có được hợp đồng nào. Biết bị lừa, nữ giám đốc tới công an tố cáo.
Cùng thời gian này tại quê nhà, ông Vinh khoe có khả năng đưa người đi nước ngoài, “chạy việc”, “chạy dự án”. Nhận tiền của nhiều người “nhờ vả”, vị giảng viên mua ôtô, chi tiêu phóng tay khiến nhiều đồng nghiệp ngỡ ngàng về tài làm ăn của thạc sĩ lý luận văn học này.
Khi bị bắt ông Vinh không nhớ hết danh tính của những nạn nhân đã bị ông ta lừa đảo “chạy việc”, “chạy dự án”, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng, trong đó có nhiều nạn nhân là học trò cũ của ông ta.
Một vị giáo sư có tài lợi khẩu mà dùng sự khéo nói của mình để lường gạt thì thật đáng tiếc biết bao!
Hội thánh hôm nay kính nhớ đến một vị thánh được xưng tụng là cao trọng nhất trong nam giới, được nhớ đến trong ngày sinh nhật và cả ngày về với Chúa. Đó là thánh Gioan Tiền Hô, ngài bị vua bắt vào tù cũng vì lời nói, nhưng là lời nói thật.
Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài. (Mc 6,18)
Bực bội vì bị thánh nhân nói đúng tim đen, nhưng vua vẫn thích nghe ngài nói chuyện. Chỉ tiếc rằng vua lại nghe lời của bà vợ loạn luân đầy lòng thù hận, ra lệnh chém đầu thánh Gioan trong ngục vì lời hứa trong cơn say điệu vũ.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, thánh Gioan Tẩy Giả đã sống, đã chết vì tình yêu với Đấng là Sự Thật mà ngài loan báo. Xin cho chúng con biết noi gương thánh nhân, luôn sống cho, sống với và sống vì sự thật, nhất là luôn trung thành với Chúa cho đến cùng. Amen.