CẢM NHẬN VỀ CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI THÁNH AUGUSTINÔ

CẢM NHẬN VỀ CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI THÁNH AUGUSTINÔ

Tâm Thương

Mỗi lần lắng nghe tiểu sử cuộc đời của nhiều vị thánh, chúng ta thường có những suy nghĩ gì?  Phải chăng chúng ta cảm nhận các ngài dường như là những người không có khuyết điểm gì cả?  Và dường như chúng ta cảm thấy đời sống của các ngài thật cao và thật xa với đời sống của chúng ta?

Bạn thân mến, một tác giả đạo đức Công giáo nào đó đã cảm thấu như sau: “Không có một thánh nhân nào mà không có quá khứ.  Và không có một tội nhân nào lại không có tương lai.”  Nếu đọc lại tiểu sử cuộc đời và con người của thánh Augustinô, chắc hẳn chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào câu nói trên.  Cuộc đời của thánh nhân được cắm vào ba cột mốc quan trọng: một con người tội lỗi, một tội nhân biết sám hối, và một thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội.  Vậy, mỗi Kitô hữu chúng ta đã cảm nhận được gì ở ba khoảnh khoắc quan trọng này nơi của cuộc đời thánh Augustinô?

Một con người đắm chìm trong tội lỗi

Trước tiên, thánh Augustinô là một con người tội lỗi.  Có người đã ví von rằng: nếu trên trần gian này có bao nhiêu thứ tội lỗi thì Augustinô đã phạm hình như gần hết. Vậy, Augustinô đã phạm những tội lỗi nào?  Thiết nghĩ, không cần phải kể hết ra đây.  Nhưng tội mà Augustinô thường phạm nhiều nhất, nặng nhất đó là chạy theo nhục dục của xác thịt. Bởi vậy, trong quyển Tự Thú thánh Augustinô đã viết thế này: “Nhưng khốn thay, đang lúc tình dục sôi nổi, con buông theo sự hăng say của làn sóng bên trong, mà bỏ Chúa và lỗi phạm các giới răn của Chúa…”  Ngoài ra, Augustinô đã nhiều lần chạy theo bè rối chống lại đạo Chúa.  Mất đức tin. Điều đáng nói nhất là tội dâm dục của Augustinô: “Vào năm 16 tuổi, xác thịt của con, khi con chịu quyền cai trị và hoàn toàn vâng phục cơn sốt tình dục, mà sự sỉ nhục của loài người dung túng, còn luật Chúa thì nghiêm cấm.”  Thật vậy, Augustinô đã ngụp lặn và đắm chìm trong những đam mê của xác thịt.

Bạn thân mến, đã là con người ai mà chẳng có tội.  Ai cũng có quá khứ vấp ngã và sai lầm.  Vì thế, thánh Augustinô cũng không ngoại lệ. Điều này cho thấy cuộc đời và con người của thánh Augusitnô thật gần gũi với chúng ta biết bao.  Chúng ta cũng yếu đuối như Augustinô.  Chúng ta cũng nhiều lần khô khan, nguội lạnh và kém đức tin như Augustinô.  Chúng ta cũng là một con người đắm chìm trong tội lỗi như Augustinô.  Chìm đắm trong đam mê xác thịt.  Chìm đắm trong tiền bạc và quyền lực tiếng tăm v.v…  Tuy nhiên, Augustinô đã thức tỉnh và sám hối trở về với Chúa.

Một tội nhân biết quay đầu sám hối

Tiếp đến, điều đáng ca ngợi nơi Augustinô bởi vì ông là một tội nhân biết quay đầu sám hối. Augustinô nhận ra mình đã yêu Chúa quá muộn màng: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.  Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa.  Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.  Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.”  Vâng, Augustinô đã sám hối nhờ ơn Chúa và tình yêu thương tha thứ của Chúa.  Chúa đã dùng Giám mục Ambrosiô để thức tỉnh lương tâm Augustinô.  Chúa đã dùng những lời dạy của thánh Phaolô để Augustinô nhận ra tội lỗi tày trời của mình: “Ðừng sống theo dục tính và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô”.

Vậy, có lần nào bạn và tôi biết sám hối như thánh Augustinô chưa?  Con người ai cũng có vấp ngã. Điều quan trọng là sau những lần vấp ngã chúng ta có quyết tâm đứng dậy bắt đầu lại hay không mà thôi.  Chúa không bao giờ đặt dấu chấm hết cho bất kỳ một tội nhân nào.  Lòng thương xót của Chúa luôn rộng lòng tha thứ cho những ai biết sám hối quay đầu trở về.  Dù vậy, thật không dễ cho chúng ta tí nào.  Nhưng Augusitinô đã làm được điều đó.

Một thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa và phục vụ Giáo hội bằng cả tình yêu

Cuối cùng, từ một tội nhân Augustinô đã trở thành một thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa và phục vụ Giáo hội.  Sau những tháng ngày đắm mình trong nhục dục xác thịt, Augustinô cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và linh hồn con còn khắc khoải cho đến khi nào được yên nghỉ trong Chúa mà thôi.”  Kể từ giây phút ấy, Augustinô xác tín Chúa là tất cả đời mình.  Từ xác tín sâu xa ấy, thánh Augustinô đã phục vụ Giáo hội.  Phục vụ bằng suy tư sắc bén của trí tuệ.  Phục vụ bằng tài giảng thuyết sâu sắc đánh động lòng người.  Và phục vụ bằng cả tình yêu.  Bởi vậy, thánh nhân nói: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.”

Bạn thân mến, một tác giả đã cảm nhận câu nói trên như sau: “Câu nói trên của Thánh Augustinô tự nhiên thoáng vang lên trong trí khiến tôi phải trầm mình và suy nghĩ, đúng là thánh nhân luôn có những cái hơn người như thế!”  Dù vậy, phải chăng chúng ta cũng cảm nhận thánh nhân cũng mang thân phận con người mỏng giòn và yếu đuối như chúng ta.  Thánh nhân thật gần gũi với chúng ta.  Từ một con người trở thành một tội nhân.  Từ một tội nhân trở thành một thánh nhân.  Quả thật, chỉ có Chúa mới có thể làm thay đổi cuộc đời 360 độ như thế.   Mừng lễ thánh Augustinô là dịp để mỗi Kitô hữu chúng ta lắng đọng tâm hồn để suy nghĩ và cầu nguyện về bản thân, về cuộc đời và về Thiên Chúa.

Tâm Thương

From: ngocnga_12 & Anh chi Thụ Mai gởi

Người “Canh Gác” giữa đời thường

Người “Canh Gác” giữa đời thường

Tâm Thương

 

WGPSG — Góc nhìn xã hội

Bạn thân mến, nơi mảnh đất Sài Gòn này có biết bao người canh gác và bảo vệ. Người canh gác đứng ở một nơi trên cao để quan sát. Họ là những người lính ở các đồn biên phòng hay nơi hải đảo xa xôi. Họ là những người bảo vệ đầu đội trời chân đạp đất chứ không phải ở “vọng gác canh sương” hay “lầu son gác tía”. Họ bảo vệ cho công ty. Bảo vệ cho ngân hàng. Bảo vệ cho trường học. Bảo vệ cho bệnh viện. Bảo vệ cho siêu thị v.v… Nói tóm lại,  đó là dịch vụ người bảo vệ. Công việc của họ thấy dễ mà khó. Họ phải được huấn luyện và phải có kinh nghiệm. Họ phải quan sát tỉ mỉ từng người, từng biến cố xảy ra trong từng khoảnh khắc của một ngày sống. Công việc của họ đòi hỏi sự
nhạy bén quan sát tinh tế và tinh thần trách nhiệm cao. Họ phải hy sinh thời
gian, sức khỏe thức khuya, dậy sớm, xa nhà xa quê hương vì nhiệm vụ đã được
giao phó.

Khởi đi từ góc nhìn như thế, cha mẹ cũng đóng vai trò người canh gác cho con cái. Người mẹ phải thức trắng đêm để canh chừng người con gái vừa mới mổ ruột thừa ở bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Người mẹ phải mất ngủ cả đêm vì con mình đang bệnh sốt cao. Người cha phải thấp thỏm lo âu vì tối nay đứa con trai của ông đi mừng sinh nhật bạn bè tới khuya không thấy về. Nói tóm lại, cha mẹ là người luôn dõi ánh mắt về con.

Góc nhìn tôn giáo

Vậy, dưới góc nhìn tôn giáo, người “Canh Gác” có gì khác và giống với người “Canh Gác” ở góc độ xã hội? Tôi nhớ lại bài đọc 2, giờ Kinh Sách, ngày 03.09.2012, ngày lễ nhớ Thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả. “Người Canh Gác” là ba từ được ngài lặp lại tới bốn lần: “Hỡi con người, Ta đã đặt người làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Cần lưu ý rằng Chúa gọi kẻ Người sai đi rao giảng là người canh gác. Người canh gác luôn luôn phải đứng trên cao, để thấy được từ xa chuyện gì xảy tới. Và bất cứ ai được đặt làm người canh gác…” Thế thì đâu là những phẩm chất của một người “Canh Gác” lý tưởng như lòng Chúa ước mong?

Người “Canh Gác” biết quan sát “nhìn xa trông rộng”

Trước tiên, người Canh Gác phải có khả năng quan sát tốt và tầm nhìn xa. Điều này làm ta nghĩ tới Đức Giáo hoàng, các Hồng y, các Đức Giám mục và linh mục. Các ngài là những người “Canh Gác” của Giáo hội và của Chúa Kitô. Các ngài được đặt lên làm mục tử chăn giữ đoàn chiên. Người mục tử luôn quan sát từng con chiên một. Người mục tử để ý đến nhu cầu  của từng con chiên. Người mục tử để ý đến những gì nguy hiểm xảy đến cho đoàn chiên mình chăn dắt. Vì thế, Thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả mới nói: “Người canh gác luôn luôn phải đứng trên cao, để thấy được từ xa chuyện gì xảy tới.”

Thế nhưng, thời đại hôm nay có quá nhiều bất ngờ phức tạp. Xã hội càng văn minh lại càng sa sút về đạo đức. Bởi vậy, không dễ gì bắt kịp thời cuộc. Không dễ gì lội ngược dòng. Do đó, trọng trách của những người “Canh Gác” cho Giáo hội Chúa Kitô thật nặng nề. Bởi lẽ, các ngài cũng chỉ là những con người yếu đuối. Điều này đã được Thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả trải nghiệm: “Thật vậy, tôi buộc phải suy xét về các vấn đề của các Giáo hội cũng như các tu viện, nhiều lần tôi nghĩ tới nếp sống và hành vi của các cá nhân; hơn nữa, tôi còn phải giải quyết một số công việc của người
dân, phải lo lắng vì quân mandi xông vào giết chóc, phải đề phòng những con sói
đang rình rập đàn chiên đã ủy thác cho tôi… Có lúc phải bình tĩnh chịu đựng
những quân trộm cướp, nhưng cũng có lúc phải đối đầu với chúng để bảo trì đức
ái.” Thế nên, người canh gác không chỉ biết thời cuộc mà còn phải biết chính
mình. Ngoài ra, người “Canh Gác” cần có những phẩm chất nào khác hơn?

Người “Canh Gác” trách nhiệm và nhiệt tâm

Một cha sở nói với thầy xứ như thế này: “Con cố gắng chu toàn những việc bổn phận như nguyện gẫm, đi lễ, viếng Chúa, dạy giáo lý. Cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm. Vậy mới làm gương cho người khác và bước đường ơn gọi của mình sẽ cảm thấy hạnh phúc.” Còn một linh mục khác nói với thầy giúp xứ như sau: “Cha luôn ưu tư làm sao thổi ngọn lửa nhiệt tình vào trong lòng mỗi người trẻ hôm nay. Nơi họ có một tinh thần dấn thân rất cao. Vì thế, làm sao để huấn luyện tốt nhằm khơi lên ngọn lửa nhiệt huyết nơi giới trẻ và những người làm tông đồ.” Tựu trung lại, người canh gác cần sự nhiệt tâm và trách nhiệm trong công việc. Trách nhiệm chỉ dừng lại ở mức độ làm cho đủ. Nhiệt tâm vượt xa mức độ đủ và vươn tới sự dấn thân.

Bạn thân mến, có bao giờ bạn đặt câu hỏi: hạnh phúc của người linh mục là gì không? Phải chăng hạnh phúc của các ngài là hạnh phúc của người khác? Hạnh phúc khi người linh mục đi thăm những gia đình nghèo. Hạnh phúc khi linh mục đem Mình Thánh Chúa cho nhiều bệnh nhân hấp hối. Hạnh phúc khi ngồi tòa giải tội lắng nghe những tiếng nói, những giọt nước mắt của nhiều hối nhân đang đau khổ. Hạnh phúc khi khám bệnh cho nhiều bệnh nhân nghèo khổ, già cả lương cũng như giáo v.v.. Và phải chăng hạnh phúc sâu xa nhất của người linh mục là được kết hiệp với Chúa qua từng Thánh lễ, từng giờ nguyện gẫm, giờ kinh phụng vụ mỗi ngày…? Hạnh phúc ấy không đơn giản đạt được. Hạnh phúc ấy đòi hỏi người linh mục có tầm nhìn, sự hy sinh, trách nhiệm và thức tỉnh với bổn phận Chúa giao phó cho các ngài. Thế nên, Thánh Cả Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả cảm thấu: “Tôi nhìn nhận là tôi có lỗi, tôi thấy mình uể oải và lơ là. Khi ở đan viện, tôi có thể vừa giữ miệng lưỡi không nói lời vô ích, vừa hầu như liên lỉ cầm trí lo việc cầu nguyện. Nhưng một khi đã ghé vai mang gánh
nặng mục vụ thì tôi bị chi phối về nhiều chuyện nên không thể dễ dàng hồi tâm
được.”

Người “Canh Gác” là đầy tớ khiêm tốn phục vụ Chúa Kitô

Cuối cùng, người canh gác là đầy tớ khiêm tốn phục vụ Chúa Kitô. Phục vụ như, vì và trong Chúa Kitô. Vì thế, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ các tông đồ: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Bởi vậy, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường dùng câu nói: “Tôi Gioan Phaolô II, tôi tớ của mọi tôi tớ.” Thật vậy, người đầy tớ không hơn chủ. Người đầy tớ phục vụ chủ của mình. Thế nên, Chúa Giêsu mới dạy các tông đồ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).

Vậy, người “Canh Gác” của Giáo hội là người cắm mốc cuộc đời vào Chúa Kitô. Họ còn là người luôn mở lòng phục vụ tha nhân với cả tấm lòng yêu thương. Vì thế, ước mong mỗi Kitô hữu chúng ta cũng cảm thấu mình là người canh gác vốn dĩ thấp hèn yếu đuối như Thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả đã thú nhận: “Vậy, tôi là ai và tôi thi hành nhiệm vụ canh gác như thế nào, nếu tôi không đứng trên núi cao là công việc
phải làm, mà vẫn còn nằm bẹp dưới thung lũng là tính yếu đuối của tôi ? Nhưng
dù tôi bất xứng, thì Đấng tạo dựng và cứu chuộc loài người vẫn có khả năng ban
cho tôi cả đời sống cao quý lẫn tài nói năng thuyết phục, bởi lẽ vì yêu mến
Người mà tôi không quản ngại nói về Người.”

Maria Thanh Mai gởi

“Người Samari” nhân hậu hôm nay

“Người Samari” nhân hậu hôm nay

Tâm Thương

 

WGPSG — Đã hơn một tuần lễ nay, các phương tiện truyền thông ồ ạt đề cập đến chuyện một cô gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1984, ngụ P. Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, Tp. Hồ Chí Minh) bị bọn cướp mang trong người dòng “máu lạnh”, chém cánh tay phải gần đứt lìa, hiện đang còn nằm bệnh viện Chấn Thương – Chỉnh Hình Tp. Hồ Chí Minh. Tai nạn kinh hãi này đã làm cho biết bao người không khỏi bàng hoàng, xót xa và lo lắng; đồng thời đã làm dấy lên một làn sóng dư luận xôn xao phẫn nộ trước những con người tàn ác, hoặc những người đi đường vô cảm bỏ mặc chị Thúy bị cướp chém lìa cánh tay khi đang chạy trên cầu Phú Mỹ, hướng từ quận 7 về quận 2.

Thế nhưng, có một người đàn ông can đảm, tốt bụng, đã động lòng xót thương, ra tay cứu giúp chị Thúy trong cơn hoạn nạn “thập tử nhất sinh”. Đó là ông Đặng Văn Nỡ (42 tuổi, ngụ quận 2, Tp. Hồ Chí Minh). Hành động yêu thương xuất phát từ tình người của ông làm tôi nhớ đến người Samari mà Chúa Giêsu đã đề cập trong Tin Mừng gần 2000 năm qua (Lc 10,25-37). Phải chăng vì hành động can đảm, yêu thương như thế mà mỗi Kitô hữu chúng ta có thể ví ông như người Samari nhân hậu hôm nay?

Hành động yêu thương cứu người của ông Đặng Văn Nỡ

Trên tờ báo Dòng Đời số 28, thứ Sáu 30.11.2012, có đề cập đến tình huống ông Đặng Văn Nỡ bắt gặp người bị bọn cướp chém gần đứt lìa cánh tay phải: “Khi vừa đổ dốc cầu Phú Mỹ, trong ánh đèn lờ mờ, ông thấy một cô gái còn rất trẻ đang bò lết dưới đường, trên người đầy máu… Ông vội ra tín hiệu cho một số xe dừng lại cùng ứng cứu nạn nhân nhưng không một xe nào đáp ứng.” Tình huống này làm tôi nhớ đến những người kinh sư, biệt phái đã lặng lẽ làm ngơ bỏ đi khi một người đàn ông đang kêu cứu vì bị bọn cướp chặn đường đánh một trận nhừ tử và cướp hết tài sản. Trong tình huống ấy chỉ có một người Samari tốt bụng, đến gần người bị nạn, cho lên ngựa, đưa về quán trọ nhờ người săn sóc và sẵn sàng thanh toán mọi chi phí cho chủ quán.

Trong trường hợp tai nạn thương tâm và kinh hãi của chị Thúy, xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 24.11 cũng tương tự như dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Tin Mừng. Người đàn ông cứu giúp chị hoàn toàn xa lạ, không nghĩ đến chuyện sợ bị người khác làm liên lụy đến bản thân, sẵn sàng giúp người chị em đồng loại bằng tất cả tình người: “Lúc này, khi bọn cướp đã bỏ đi, nhiều người dân mới dừng lại xôn xao bàn tán. Cô gái đang trong tình thế rất nguy hiểm, máu tuôn xối xả từ cánh tay bị đứt lìa, ông Nỡ nhanh chóng lấy áo của mình bó chặt vết thương cho nạn nhân. Lúc này, có rất nhiều người đứng xem, ông Nỡ nhờ người phụ đưa nạn nhân vào bệnh viện nhưng ai cũng từ chối. Không thể trễ hơn, một tay điều khiển xe, một tay quàng ra sau ôm nạn nhân, ông vội đưa cô gái đi cấp cứu. Sau hai lần chuyển viện, ông ngủ lại ở Bệnh Viện Chấn Thương – Chỉnh Hình Tp. HCM. Chờ ca cấp cứu thành công và người nhà nạn nhân đến ông mới ra về.”

Những “người Samari” nhân hậu hôm nay

Bạn thân mến, cuộc sống hôm nay luôn biến  động, khó khăn về mọi mặt, và ngày càng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như cướp của, giết người, xì ke, ma túy, hay những trò đỏ đen thâu đêm suốt sáng… Điều này dẫn đến những hậu quả tai hại cho chính cá nhân, gia đình và xã hội như vướng vào những căn bệnh nan y, vào tù ra khám, nợ nần chồng chất, người dân hoang mang không dám ra đường vì sợ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, an ninh và trật tự xã hội lộn xộn. Hơn thế nữa, cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay chạy theo đồng tiền, hưởng thụ cá nhân đã làm cho não trạng, tâm lý của phần đông người ta chỉ biết nghĩ đến bản thân, ngại dấn thân và nghĩ đến tha nhân bằng những nghĩa cử giúp đỡ với hết tấm lòng như ông Nỡ đã làm trong câu chuyện trên đây.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn ý nghĩa khi có những người Samari tốt bụng hôm nay. Đó là những mạnh thường quân ủng hộ hàng trăm ngàn phần cơm từ thiện cho nhiều bệnh nhân từ Bắc, Trung, Nam vào Tp. HCM trị bệnh. Đó còn là những người phụ nữ âm thầm, một tuần ba ngày vào bệnh viện gội đầu miễn phí, hoặc chăm sóc những bệnh nhân nghèo neo đơn, ít người thân chăm sóc. Động lực của những người Samari hôm nay là gì? Phải chăng đó là tình thương, sự sẻ chia không toan tính vị lợi đối với những mảnh đời nghèo túng, bệnh tật và cô thế cô thân?

Vậy thì điều cốt lõi để trở nên người Samari nhân hậu hôm nay như Chúa Giêsu muốn đó chính là tình yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thế nhưng, phải làm gì để gọi là yêu thương thật sự, hay tình yêu thương dựa vào những điều gì? Phải chăng đó là những hành động xuất phát từ quả tim muốn sẻ chia và đồng cảm với những buồn vui của kiếp người, hay với những người anh em đồng loại đang trong cảnh nghèo túng, hoạn nạn và khổ đau?

Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta sẽ là những người Samari nhân hậu, trở nên dấu chỉ tình yêu như Chúa muốn trong cuộc sống luôn biến động, phức tạp hôm nay, và cho những con người chưa một lần biết yêu thương bao giờ.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Mệt mỏi giữa đời thường

Mệt mỏi giữa đời thường

Tâm Thương

WGPSG Câu chuyện của một người bạn

Bạn tôi làm kế toán cho một công ty đã hơn bốn năm qua. Vừa rồi, bạn ấy than thở rằng: “Em thấy chán và mệt mỏi quá anh ơi! Chuyện gì giám đốc và mọi người cũng đổ lỗi cho em. Em bị rầy la. Em bị nghi kỵ. Nếu không có người yêu của em trên này thì em đã về quê lâu rồi. Làm lương chẳng bao nhiêu mà áp lực thì nhiều quá!”

Bạn thân mến, con người ai mà chẳng trải qua những giây phút mệt mỏi trong cuộc đời. Mệt mỏi vì áp lực công việc. Mệt mỏi vì đời sống hôn nhân không hạnh phúc. Mệt mỏi vì cha mẹ suốt ngày cãi cọ v.v… Tựu trung lại, đó là những mệt mỏi giữa đời thường. Mệt mỏi thể xác. Mệt mỏi tinh thần. Ai cũng thế và ở đâu cũng vậy thôi. Vậy, làm thế nào để vượt qua những giờ phút mệt mỏi trong đời?

Mệt mỏi thể lý

Trước tiên, con người thường mệt mỏi thể lý. Nhiều công nhân mệt mỏi vì suốt tuần tăng ca ở công ty. Nhiều sinh viên và học sinh mệt mỏi vì thức khuya học bài thi cử. Nhiều bệnh nhân mệt mỏi bởi những chứng bệnh phải mang trong người. Nhiều bạn trẻ mệt mỏi vì thức khuya uống bia tới sáng v.v… Mệt mỏi thể xác làm ta chán ăn. Mệt mỏi thể xác làm ta mất ngủ. Mệt mỏi thể xác làm ta thấy nhức đầu v.v… Bởi vậy, một bạn gái đã thốt lên: “Em thật sự cảm thấy mệt mỏi, thấy bức bối, thấy uất ức một điều gì đó mà lúc này em chưa gọi nó ra
thành tên được.”  Những lúc mệt mỏi như thế khiến bạn và tôi chẳng muốn làm gì cả.

Thật vậy, nhịp sống và lối sống Sài Gòn đô thị hiện đại dễ làm con người ta mệt mỏi thể lý. Họ nhức đầu bởi tiếng ồn của xe cộ. Họ khó thở bởi khí độc ở nhiều khu công nghiệp thải ra. Họ bất ngờ mang những chứng bệnh bởi nhiều thức ăn nước uống có nhiều hóa chất v.v… Quả thế, môi trường sống làm cho con người trở nên mệt mỏi thể lý. Những mệt mỏi thể xác kéo theo những mỏi mệt  của tinh thần. Vậy, những mệt mỏi tinh thần của phần đông con người thời đại hôm nay là gì?

Mệt mỏi tinh thần

Tiếp đến, con người thường mệt mỏi tinh thần. Ngạn ngữ Latinh có câu: “Một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện” (Mens sana in corpore sano). Vì thế, nếu mệt mỏi thể xác thì tinh thần không thể sáng suốt được. Những lúc nằm trên giường bệnh người ta thường suy nghĩ tiêu cực bi quan. Nhịp sống hối hả và bận rộn của Sài Gòn dễ làm con người ta căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Họ thấy chán nản. Họ thấy bất an. Họ muốn tự tử v.v… Dù vậy, người ta vẫn phải chấp nhận thích nghi với cuộc sống với bộn bê lo toan ấy thôi. Ví dụ một bạn trẻ chân thành thổ lộ rằng: “Công việc cơ quan thì bề bộn, cộng với
bao nhiêu sự thay đổi trong nhân sự, đổi mới trong công nghệ tại công ty. Mà phòng em thì anh quá biết rồi, vì đặc thù công việc nên phòng chỉ toàn nữ thành ra sự rắc rối càng nhân lên gấp bội. Em thấy mệt mỏi vì sự đố kỵ, kèn cựa lẫn nhau… và bao nhiêu điều khác nữa mà em không thể gọi nó ra thành tên.”

Chị tôi đã trải nghiệm quá nhiều về sự mệt mỏi tinh thần. Thất bại trong chuyện mở quán ăn làm chị chán nản. Mệt mỏi vì phải lo lắng chuyện trả lại mặt bằng. Mệt mỏi vì phải tìm người mua lại chén tô, bàn ghế. Mệt mỏi đi thuê một căn nhà cho con chị đi học ở Sài Gòn. Chị quá mệt mỏi tinh thần vì phải bon chen với cuộc sống thị thành. Ngoài ra, chị ta còn mệt mỏi vì tánh chồng chị hay ghen bóng ghen gió. Điều này cho thấy sự mệt mỏi thường xảy ra do ngoại cảnh tác động. Hơn nữa, sự mệt mỏi tinh thần thường xảy ra trong đời sống
gia đình. Người vợ mệt mỏi vì ông chồng suốt ngày cờ bạc, say xỉn. Người chồng mệt mỏi hoang mang vì vợ chỉ lo chuyện công ty đi sớm về khuya. Sự mệt mỏi thường dẫn đến những đổ vỡ trong đời sống hôn nhân. Bởi lẽ, sức chịu đựng của con người luôn có giới hạn. Vì thế, biết chấp nhận và vượt qua những lúc mệt mỏi tinh thần là một kỹ năng sống quan trọng cho con người hôm nay. Vậy, chúng ta phải làm gì?

Làm thế nào để vượt qua mệt mỏi?

Người bạn của tôi tâm sự như thế này: “Mình thích cảm giác của ngày thứ Bảy cuối tuần. Được nghỉ ngơi vì sáng mai Chúa nhật không phải đi làm. Nhưng tới sáng thứ Hai thì thấy mệt mỏi vì lại phải đi làm tiếp.” Điều này cho chúng ta thấy nghỉ ngơi và thư giãn là nhu cầu cần thiết cho con người. Và đó cũng là cách giúp ta vượt qua những lúc mệt mỏi. Nghỉ ngơi để giảm bớt mệt mỏi thể lý. Thư giãn để đầu óc thoải mái bớt căng thẳng. Vì thế, người Sài Gòn thường đi mua sắm, ăn uống và du lịch Suối Tiên, Đầm Sen… trong những ngày cuối
tuần. Đối với các linh mục Sài Gòn thì được nghỉ ngơi vào ngày thứ Hai v.v… Sự
mệt mỏi bởi cuộc sống bộn bề lo toan ảnh hưởng đến đời sống đạo của chúng ta.
Vậy, phải làm sao?

Cuối cùng, Chúa Giêsu đã khuyến khích các môn đệ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Thật vậy, mỗi Kitô hữu cần nghỉ ngơi lắng đọng tâm hồn. Chúng ta cần tĩnh tâm. Chúng ta cần cầu nguyện. Điều này sẽ ích lợi nội tâm và đời sống đạo của chúng ta. Bởi thế, một người Công giáo đã tâm sự chân thành: “Mới đây tôi nói với một người bạn rằng tôi có thể đi đâu đó vài ngày để tĩnh tâm. Bạn tôi là người đã có gia đình với ba đứa con, nói rằng: ‘Tôi có thể đánh đổi tất cả
mọi sự chỉ để được vài ngày trong thanh vắng!’ Điều đó cũng còn cho thấy đối với hầu hết mọi người cuộc sống hiện đại tất bật làm sao!”

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Mẹ, động lực tình yêu cho cuộc đời

Mẹ, động lực tình yêu cho cuộc đời

Tâm Thương

Đoàn Thị Sáu vẫn cố gắng hết sức đi lượm ve chai đem bán mỗi ngày

WGPSG — Câu chuyện cảm động giữa đời thường

Trên trang báo mạng có đăng một câu chuyện với tựa đề “Mẹ già gần 70 tuổi nhặt ve chai nuôi 2 con tâm thần”. Người mẹ ấy tên là Đoàn Thị Sáu (ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Già rồi, bệnh tật nhiều, bà vẫn cố gắng hết sức đi lượm ve chai đem bán mỗi ngày. Bà lấy chồng năm 22 tuổi, sinh được 3 người con trai. Thế nhưng, thật trớ trêu, chồng và hai người con trai của bà đã vĩnh biệt bà. Thật ngậm ngùi và xót xa. Tác giả bài báo này viết như
sau: “Chiều về trong căn nhà nhỏ thật buồn: con trai ngồi nhe răng cười vô hồn, con gái thu mình trong góc nhà ẩm tối; còn bà cụ nước mắt ngắn dài. Ở độ tuổi thất thập, dù mắc nhiều căn bệnh khó chữa nhưng bà vẫn phải oằn lưng kiếm từng đồng lẻ.”

Bạn thân mến, câu chuyện trên đây gợi ta nhớ tới sự hy sinh âm thầm và quả tim vĩ đại vô bờ bến của những người Mẹ giữa đời thường hôm nay. Ngày Lễ Vu Lan (31.08.2012) mới vừa diễn ra cách đây một tuần lễ. Người ta cài lên chiếc áo của mẹ chiếc bông hồng. Đó là loài hoa của tình yêu. Đó là nghĩa cử của tình yêu. Và động lực để Mẹ sống trong cuộc đời này là động lực tình yêu. Vậy, bạn và tôi trải nghiệm “Mẹ, động lực tình yêu cho cuộc
đời” như thế nào?

Mẹ hy sinh trong âm thầm vì yêu thương con

Trước hết, động lực tình yêu của Mẹ được thể hiện bằng sự hy sinh âm thầm cho con cái. Điều này đã được thể hiện cụ thể nơi cuộc đời của người mẹ già gần 70 tuổi trong câu chuyện trên đây. Tác giả diễn tả sự hy sinh của bà như thế này: “Ở độ tuổi thất thập, bà vẫn phải oằn lưng nuôi con. Vài chục ngàn từ gánh ve chai chỉ có thể lo cho 3 mẹ con rau cháo qua ngày. Hằng ngày phải chăm sóc, tắm giặt cho con đã lấy đi của bà Sáu không biết
bao nhiêu sức lực. Vì tuổi cao sức yếu cộng với sự thiếu thốn trăm bề nên nhiều  năm nay, bà Sáu mang trên mình các căn bệnh khó chữa: hen phế quản, suy tim độ 2 do suy mạch vành, tụt huyết áp…”. Bà cụ tâm sự cảm động: “Một tháng 30 ngày, hết 20 ngày tôi nằm điều trị ở BV đa khoa Dầu Giây rồi. Uống thuốc nhiều hơn là ăn cơm. Chỉ tội cho 2 đứa con vất vưởng. Đi lên đây mà ruột gan cứ nóng hừng hực…”

Bạn thân mến, nếu không có tình yêu thì người mẹ già trên đây đâu đủ sức hy sinh phi thường như thế. Hy sinh sống ở căn nhà cũ kĩ, nghèo nàn hơn 10 năm. Hy sinh lao động cực nhọc vất vả suốt ngày để kiếm tiền lo cho 2 người con bệnh tâm thần. Bởi thế, nếu không có hy sinh thì tình yêu trở nên vô nghĩa. Nếu không có tình yêu thì không thể hy sinh. Cho nên, Marie Antoinette đã cảm thấu: “Không ai có thể hiểu những đau khổ của tôi, hay
nỗi kinh hoàng dâng lên trong lồng ngực, nếu người đó không hiểu trái tim của một người mẹ.” Còn Thánh Augustinô thì khẳng định: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Điều này phải chăng được thể hiện cụ thể nơi những hy sinh âm thầm của Mẹ giữa cuộc sống đời thường hôm nay?

Mẹ luôn tha thứ và che chở đời con

Tiếp đến, động lực tình yêu nơi Mẹ được thể  hiện qua tha thứ và che chở đời con. Từ thuở chúng ta còn trong nôi, Mẹ luôn dõi mắt chăm nom và bảo vệ từng giấc ngủ của chúng ta. Lời ru của Mẹ, bàn tay của Mẹ đút ta từng bữa cháo, từng ly sữa khi ta còn tấm bé. Đến khi ta lớn khôn, ánh mắt và bàn tay ấy vẫn dõi theo cuộc đời chúng ta. Thật vậy, Mẹ lúc nào cũng muốn bảo vệ và che chở con cái của mình. Cho dù con mình có bệnh hoạn, tật nguyền hay bị người ta khinh ghét nhưng mẹ vẫn luôn là điểm tựa chắc chắn cho cuộc đời của con cái mình. Thế nên, bạn Vũ Vinh Quang tâm sự nỗi lòng nhớ mẹ như sau: “Những lúc gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống, gặp những điều không ưng ý, hay là khi qua đây, mỗi khi làm việc vất vả quá, những lúc cảm thấy cô đơn, buồn quá thì Quang nghĩ đến Mẹ nhiều. Ngay cả trong giấc ngủ, từ lúc qua đây đến giờ đã 3 năm rồi, Quang nằm mơ thấy Mẹ liên tục. Nói chung, thường những lúc mình cảm thấy chán nản trong cuộc sống thì Quang hay mơ đến Mẹ, giống như là Mẹ tạo cho mình niềm tin động viên vậy đó.”

Tôi biết được hoàn cảnh cảm động của một người chị ở một vùng quê nghèo. Chồng chị mất sớm với chứng bệnh ung thư cổ. Chị phải sống trong cảnh “gà mẹ nuôi con” cho tới giờ phút này. Bây giờ ba người con trai của chị đều học hành đến nơi đến chốn. Ngẫm nghĩ mới thấy chị thật tuyệt vời. Luôn chăm sóc, che chở và bảo vệ con. Bởi vậy, cũng không lạ gì khi Mẹ tôi thường bảo rằng: ‘Người ta có nói gì thì nói, ghét gì thì ghét nhưng Mẹ làm sao bỏ con cái của mình cho được.” Quả thật, Mẹ lúc nào cũng đón nhận và tha thứ cho con. Dù con có lỗi lầm, sa ngã. Dù con có thất bại hay thành công. Thử hỏi, nếu không có tình yêu thì làm sao có sự tha thứ của Mẹ trong cuộc đời này?

Mẹ, động lực tình yêu cho con cái và cho cuộc đời

Bạn thân mến, thật hạnh phúc khi Thượng Đế ban cho chúng ta những người Mẹ trong cuộc đời. Mẹ luôn sống vì và cho tình yêu. Bởi thế, diễm phúc cho những ai còn Mẹ trong cuộc đời này. Phải chăng, mất cha là mất cả một bầu trời và mất Mẹ là mất cả một cuộc đời? Mẹ là minh chứng của giá trị tình yêu cho cuộc đời. Bởi vậy, bổn phận là con cái, chúng ta cần phải làm gì? Có bao giờ, bạn và tôi đã đọc được những câu ca dao hỏi lòng như thế này: “Mẹ anh quần quật một đời. Sao anh ngoảnh mặt anh cười cợt hoa … Mẹ anh lội bụi lội bờ. Sao anh áo lụa quần tơ ngày ngày. Mẹ anh bụng đói thân gầy. Sao anh vui thú mâm đầy cỗ cao?”

Ngày Lễ Vu Lan qua đi nhưng âm hưởng của nó vẫn còn vang lên tình yêu của Mẹ. Vì thế, đã có những dòng cảm thấu động lực tình yêu của Mẹ nơi những người con thật đáng trân quý. Chẳng hạn cảm nhận của một người con mới chập chững bước chân vào đời như sau: “Em nghĩ tới Mẹ lúc em đi học về, lúc em đói bụng. Nghĩ hồi trước về nhà, đi học về, có Mẹ nấu đồ ăn, có cơm sẵn cho mình ăn. Bây giờ, đi học về, ngồi gặm bánh mì thui thủi một mình hay nấu mì gói.” Hay như bạn Trần Trung Đạo mồ côi Mẹ đã cảm thấu Mẹ là tình
yêu vĩ đại bằng những câu thơ thấm thía như sau: “Giá mà tôi đổi thời gian được. Ðổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.” Hay một người con hiếu thảo nào đó đã trải nghiệm: “Con dù lớn vẫn là con của Mẹ. Đi hết đời lòng Mẹ vẫn theo con.”

Vậy, động lực của mỗi Kitô hữu chúng ta sống trong cuộc đời này là gì? Phải chăng đó là động lực tình yêu như những người Mẹ đã sống? Phải chăng đó là một cuộc đời luôn quy hướng về Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu như Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8)?

nguồn:Maria Thanh Mai gởi

Sống để tìm cái gì?

Sống để tìm cái gì?

                                                             Tâm Thương

                                                    nguồn: Thanhlinh.net

Bạn thân mến, cuộc đời này là một hành trình đi tìm. Có người đi tìm cho mình một công việc thật nhiều tiền. Nhiều người đàn ông giàu có, thành đạt lại muốn tìm cho mình một người vợ sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”. Nhiều bạn trẻ lo tìm cho mình một trường dạy Anh văn thật nổi tiếng để hy vọng có một chỗ làm cho nhiều công ty nước ngoài thu nhập rất cao. Gần tới ngày tựu trường, nhiều sinh viên tất bật lo đi tìm cho mình một chỗ ở trọ như ý muốn v.v… Tựu trung lại, ai cũng muốn đi tìm hạnh phúc cho đời mình. Đó là hành trình đi tìm nhiều thứ. Thế nhưng, có bao giờ bạn và tôi thử đi tìm chính mình. Vậy, đi tìm chính mình nghĩa là gì? Phải chăng sống là đi tìm chính mình cũng là hành trình đi tìm người khác và đi tìm Thiên Chúa?

Đi tìm người khác

Trước tiên, đi tìm chính mình cần phải được cắm mốc trong mối tương quan với người khác. Vì thế, một linh mục nhạc sĩ đã viết: “Tôi chỉ thật sự là người nếu tôi sống với anh em tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo. Loài hoa này không có loài hoa lạc loài.” (Bài hát Không Ai Là Một Hòn Đảo – Linh mục Giuse Đào Trung Hiệu). Ngoài ra, một nhà tư tưởng trứ danh nào đó đã trải nghiệm: “Sống không bạn chết cô đơn.” Thật vậy, cuộc đời này sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi mỗi chúng ta đánh mất mối tương quan tốt đẹp với người khác. Không được người khác quan tâm, chúng ta sống trong cô đơn chán chường.

Không có tình yêu thương nơi người khác, cuộc đời này vô vị biết bao. Bởi thế, Thánh Phaolô đã viết những lời thật thấm thía: “Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoài món nợ của tình thương.” Quả thật, đây là món nợ bám víu thân phận cuộc đời mỗi Kitô hữu chúng ta. Bởi vậy, có người bảo rằng: “Nợ tiền đem trả thì vơi. Nợ tình đem trả ai ơi càng đầy.”

Mấy ngày trước đây, cha tôi lên bệnh viện Đại học y dược Tp. Hồ Chí Minh khám bệnh. Cha đi từ ba giờ sáng. Đến chiều tối, mẹ tôi không thấy cha về. Cha đi không mang theo điện thoại. Vì phải đợi kết quả vào sáng hôm sau nên cha ở lại Sài Gòn một đêm. Mẹ tôi thấp thỏm lo âu trong nước mắt. Mọi người ai cũng tìm mọi cách để tìm cha tôi. Cuối cùng, cha tôi bình an.

Mọi người ai cũng thấy ấm áp vui mừng trong lòng. Vậy đó, cuộc sống luôn dệt nên bởi nhiều mối tương quan với tha nhân.

Tương quan giữa chồng với vợ. Tương quan giữa cha mẹ và con cái. Tương quan bạn bè anh em v.v… Khi đánh mất những mối tương quan ấy, con người ta sẽ cảm thấy hụt hẫng. Đánh mất tương quan với tha nhân làm ta đau khổ. Đánh mất chính mình cũng là đánh mất cả một cuộc đời. Vì vậy, chúng ta cần phải đi tìm chính mình như thế nào?

Đi tìm chính mình

Triết gia Socrate có câu nói trứ danh: “Hãy tự biết mình.” Quả thật, con người hôm nay hiểu biết rất nhiều thứ. Tuy nhiên, người ta thường không hiểu biết về chính mình. Nhiều người sống nhưng không tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống. Nhiều người không biết mình đang muốn cái gì, sống để làm gì? Vì thế, đi tìm chính mình nghĩa là trở về với sự thật sâu thẳm lòng mình. Dám nghĩ và dám sống thật với con người của mình. Đó là hành trình đi tìm chính mình. Danh ngôn có câu: “Biết người biết ta. Trăm trận trăm thắng.” Thế nên, biết rõ chính mình là một sự thành công lớn trong đời ta.

Thế nhưng, dòng chảy cuộc sống hôm nay luôn cuốn hút ta dính bén bởi nhiều thứ. Nào là những dính bén tình cảm. Nào là những dính bén quyền lực và tiền tài. Dính bén những thú vui thế thái nhân tình. Càng dính bén nhiều vào những thứ như thế, chúng ta càng dễ đánh mất chính mình. Bởi vậy, một tác giả đã cảm nghiệm như sau: “Dòng đời ngược xuôi, Chúa ơi con biết về đâu. Về đâu con đi tìm Ngài. Đi giữa cuộc đời con bơ vơ. Năm tháng cuộc đời con ngu ngơ.” Vậy, sống chỉ để tìm chính mình thôi vẫn chưa đủ. Con người cần đi tìm Thiên Chúa.

Đi tìm Thiên Chúa

Thiên Chúa là cội nguồn của vũ trụ. Ngài là ý nghĩa tối hậu cho vận mệnh con người. Thế nhưng, mỗi Kitô hữu chúng ta thường dễ để lạc mất sự hiện diện của Chúa trong đời. Ma quỷ, xác thịt và thế gian lôi kéo chúng ta ra khỏi mối tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta lo tìm nhiều thứ không phải là Thiên Chúa. Cuối cùng, tâm hồn chúng ta cảm thấy trống rỗng.

Dù vậy, Chúa vẫn đi tìm chúng ta. Chúa yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Chúa vẫn chờ đợi chúng ta như người cha già đợi chờ đứa con út đi hoang trở về như một tác giả nào đó đã viết: “Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn. Ngài bên con khi mà con không biết gì.”

Cuối cùng, có lẽ bạn và tôi đã biết mình sống trên đời để đi tìm cái gì cho đời mình. Vậy, chúng ta cần phải làm gì để dấn thân cho lý tưởng tìm Chúa làm lẽ sống cho đời mình?

Nguồn: WGPSG