Linh mục Nguyễn Viết Chung

Linh muc Nguyễn Viết Chung

(Trong bài Đức Tin Là Một Hồng Ân)

 Tác giả : Phùng Văn Phụng

Một ngày vào năm 1973, các báo ở Sài gòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một người Pháp, nguyên là Giám Mục Sài gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài gòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công giáo, thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh.

Năm 1974. Chung học Y Khoa Đại Học Sài gòn. Tại đây anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh, giáo sư bác sĩ Lichtenberger người Bỉ, dạy môn Mô phôi học. Chung ngưỡng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm một cách lạ lùng làm cho Chung mê mẩn. Chung kinh ngạc khám phá vị giáo sư khả kính này là một Linh Mục dòng tên. Anh thường cùng các bạn trường Y đến nhà thờ để xem Giáo sư Lichtenberger dâng lễ.

Những năm học Y khoa không phải là dễ dàng đối với Nguyễn Viết Chung anh phải làm thêm nhiều việc nặng nhọc kể cả đạp xích lô để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình.

Năm 1984, bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y tế Lâm Đồng. Bà trưởng phòng ngạc nhiên hỏi:

– Anh có điên không hay là anh bị cùi?

– Nếu tôi cùi thì bà đã thấy rồi.Còn có điên hay không thì tôi không biết, nhưng điều tôi biết là tôi mong muốn phục vụ những người cùi.

Từ ngày 01-7-1986 anh về làm việc tại phòng chống sốt rét của tỉnh Đồng Nai cho tới năm 1989. Từ năm 1990-1992 đổi về làm tại phòng xét nghiệm của bịnh viện da liễu Sài gòn. Ở đây anh xin học thêm chuyên khoa da liễu, vì anh không bao giờ anh quên mộng ước của mình.

Năm 1993 Bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây, anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình giống như Đức Giám Mục Cassaigne trong việc phục vụ bịnh phong cùi. Anh hết sức tận tụy không nề hà. Nhưng dù như thế anh vẫn thấy mình thua xa các nữ tu nữ tử Bác ái trong việc yêu thương phục vụ người bịnh. Các nữ tu luôn nhẫn nại lắng nghe phục vụ người bịnh hết lòng, không bao giờ làm họ buồn tủi. Tinh thần hy sinh, quảng đại đó khiến cho anh cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế, anh phải trở thành một người giống như các nữ tu. Anh chưa phải là người công giáo, nên anh không thể hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ. Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.

Ngày 28-8-1993 bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng văn Đoàn, dòng tên, tại Bình Dương xin học giáo lý tân tòng. Ngày 15 tháng 5 năm 1994 bác sĩ Chung được cha chính xứ Bến Sắn, Linh mục Trần Thế Thuận làm lễ rửa tội cho anh tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn. Nhưng bác sĩ Chung không hài lòng khi chưa được trở nên giống các Sơ để có thể yêu thương phục vụ người nghèo. Ở tuổi tứ tuần theo đuổi ơn gọi tu sĩ là một điều quá khó khăn.

Ngày 15.9.1994 bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của dòng Vinh Sơn nam số 40 đường Trần Phú, Đà Lạt. Ngày lễ truyền tin 25.3.2003 Giáo hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung qua lễ đặt tay của Giám mục Giuse Vũ Duy Thống tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.

Ngày 3.4.2003, Linh Mục Nguyễn Viết Chung quay về trại phong Bến sắn dâng Thánh lễ tạ ơn trong sự hân hoan của các bịnh nhân phong với sự hiện diện của cha sở Bến sắn, người mà 9 năm trước đây đã làm lễ rửa tội cho cha. Vẫn thái độ khiêm nhường, yêu thương và cung kính với các người bịnh vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bịnh nhân lớn tuổi.

Tháng 3 năm 2009 tôi có về Sài gòn có dẫn người cháu đến thăm Linh mục Nguyễn Viết Chung, cha dong dỏng cao, hơi ốm, nói năng nhỏ nhẹ: “ “con” cũng chỉ là cái máng để hứng lấy tình yêu thương của mọi người để mang đến cho những người kém may mắn”.

Nhà văn Hương Vĩnh có viết: “Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Cassaigne, Linh mục Lichetenberger và Dì hai Loan ( phục vụ trại phong Bến Sắn 17 năm, chết vì bịnh ung thư ở tại trại này). Cả ba cùng có mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói.

Trong bài “Nguyễn Viết Chung và tiếng gọi của Chân Thiện Mỹ” cố Giáo sư Trần Duy Nhiên đã viết trong đoạn kết của bài này như sau:

“Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời Nguyễn Viết Chung bằng những bước đi nhè nhẹ. Nhưng mỗi lần Ngài đến là Ngài để lại dấu ấn sâu sắc trong một tâm hồn biết lắng nghe. Giữa bao nhiêu thần tượng trên thế gian. Nguyễn Viết Chung biết chắt lọc một vài khuôn mẫu định hướng cho cuộc đời mình: Đức Cha Cassaigne, Cha Lichtenberger, Dì Hai Loan.. đấy là chưa kể đến nhiều người khác trong đó có thân mẫu của mình một người mẹ đã suốt đời âm thầm chịu đựng cho đến khi mù lòa. Giữa các gương mặt ấy có một nhân vật gần giống như Nguyễn Viết Chung: Linh Mục Bác sĩ Marcel Lichtenberger. Thế nhưng con đường Chúa dẫn hai vị đi thì hoàn toàn trái ngược nhau. Năm 25 tuổi Cha Lichtenberger vì tình yêu Thiên Chúa thúc bách phải đến với những con người bất hạnh tại Trung Hoa. Và trước những thương tích của Chúa Kitô thể hiện trên hình hài các bịnh nhân, cha đã trở về ngồi lại trên ghế nhà trường để rồi trở thành bác sĩ năm 48 tuổi. Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Viêt Chung tốt nghiệp bác sĩ năm 25 tuổi, thế rồi muốn chia sẻ trọn vẹn sự khốn cùng của bịnh nhân nên rốt cục đã gặp Chúa Kitô chiụ đóng đinh trong những con người bất hạnh. Và điều này khiến cho vị bác sĩ tận tâm kia từ bỏ mọi sự để trở thành Linh Mục của Chúa vào tuổi 48.”

 Phùng Văn Phụng

Tôi trở thành một Kitô Hữu

Tôi trở thành một Kitô Hữu

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Tháng ba năm 1983, tôi được trả tự do, trở về đời sống bình thường, với gia đình vợ và các con. Nhưng những dấu ấn gần tám năm trong các trại cải tạo của Cộng Sản tôi không thể nào quên đuợc, như ngay bây giờ lúc viết bài bày, dấu ấn kỷ niệm khó quên đã in hằng sâu đậm trong tâm hồn tôi.

Tôi thích nhất năm năm dạy học tại trường Lương văn Can, ở đây tôi được nói những tư tưởng, những ý nghĩ mà tôi cho rằng đúng, có một nơi để trình bày, diễn tả nỗi lòng, tâm sự của tôi và có những em học trò nhỏ đã đến tuổi hiểu biết, suy nghĩ để tiếp thu, phán đoán những lời nói, những điều tôi trình bày.

Về những năm dài đi học, tôi chỉ giữ lại nhiều kỷ niệm nhất là thời gian tôi học tại trường trung học Cần Giuộc và hai năm tôi học tại trường Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Ðại Học Ðà Lạt nhưng dạy ở Thương Xá Tax Sài gòn.

Về những kỷ niệm khó quên, in sâu đậm trong tâm hồn tôi là thời gian bảy năm chín tháng mười lăm ngày tôi bị giam giữ ở trong các trại gọi là trại cải tạo của Cộng Sản từ các trại Long Thành, Thủ Ðức, Lào Cai, Vĩnh Phú và Hà Nam Ninh.

Những chuổi dài sự kiện thúc đẩy, ảnh hưởng đến tâm hồn tôi, đưa đẩy diễn biến tư tưởng lâu ngày của tôi để tôi được trở thành  Kitô hữu.

Niên khoá 1961-1962, tôi học lớp 12 của trường Trung học Chu văn An, thầy dạy Anh văn của tôi là vị Linh Mục. Bộ áo màu đen của Ngài đã gây cho tôi sự chú ý và tôi đã có ý nghĩ tốt về Ngài do màu áo đen mà Ngài đang mặc. Tôi tự nhiên có cảm tình với Ngài vì tôi biết rằng các Linh Mục không có vợ.

Nhưng vì lo dùi mài  kinh sử, lo học trối chết các môn học Toán, Lý Hóa và Triết học để làm sao phải thi cho đậu Tú Tài hai, vì nếu rớt thì phải đi lính ngay. Tôi chỉ cần học ba môn Toán, Lý Hóa và Triết là có thể qua được phần thi viết, còn phần thi vấn đáp thì sẽ tính sau. Nên môn Anh văn lúc đó được coi là môn phụ, chúng tôi ít chú ý tới môn này và màu áo đen của Thầy Linh Mục dần dần phai mờ trong tâm trí tôi.

Khoảng năm 1970, tôi có ý định làm Luật sư, tôi tìm một Luật sư để xin tập sự, nhưng tôi đã không tìm được vì ba tôi chỉ là người lao động bình thường chạy xe Lam ba bánh ngày hai buổi, không quen biết nhiều, tôi thì mới tốt nghiệp trường luật vài năm, còn trẻ cũng không quen biết ai, tôi có người bạn thân là Nguyễn văn Bái, người Công Giáo hứa giúp tôi, bạn tôi đến gặp Linh Mục Chánh Xứ Bắc Hà ở đường Lý Thái Tổ. Bạn tôi dẫn vào gặp Cha, nhờ Cha giúp đỡ, tìm giùm một Luật sư  để nhận tôi làm một Luật sư tập sự. Thế là tôi được Luật sư Lê Quang Trọng nhận tôi tập sự. Tôi tự hỏi tại sao chỉ một lời nói của Cha Chánh Xứ Bắc Hà mà Luật sư Trọng lại đồng ý giúp. Phải có sự gì đó, một cái gì đó tôi không hiểu nổi một lời nói của Cha Xứ  lại có giá trị đến như vậy.

Sau này tôi học ở trường Chính Trị Kinh Doanh, tôi được Linh Mục Kim Ðịnh đến thuyết trình những đề tài thuộc về dân tộc học, về Kinh Dịch. Ngài mặc áo toàn màu trắng, tôi rất có cảm tình với Ngài, rất quí mến Ngài vì sự hiểu biết rộng rãi của Ngài. Ðặc biệt tôi quí mến Ngài vì Ngài sống độc thân, không có vợ.

* * *

Cuối năm 1976, Cộng Sản còng tay chúng tôi hai người cùng chung một cái còng, họ đưa chúng tôi xuống hầm tàu chở than đá bẩn thỉu, hôi hám để đưa chúng tôi ra Bắc để trả thù chúng tôi vì tội theo “ Mỹ Ngụy” dám chống lại Cộng Sản.

Trên chuyến tàu định mệnh này, bạn tôi Lê Như Ninh (1), Luật Sư, người Công giáo chỉ cho tôi biết Ðức Cha Nguyễn văn Thuận (2), người cao ráo khoảng 1m70, nước da trắng đang đứng nói chuyện cùng anh em ở một góc trong khoang tàu lúc nhúc các tù nhân chen chúc trong khoang dùng để chở súc vật hay chở than đá vì dưới chân chúng tôi than đá còn rải rác khắp nơi. Lê Như Ninh có nói Ðức Cha Thuận biết nhiều thứ tiếng và có thể nói được cả tiếng La tinh nữa, khi đi họp ở La Mã, Ngài đã phát biểu bằng tiếng la tinh trong các phiên họp này.

Tại trại tù K3 Vĩnh Phú, tôi ở chung với ba vị Linh Mục Cha Nguyễn văn Khoa tự Khải, Cha Thấy và một cha trẻ nữa ( tôi quên mất tên) bị bắt ở Mỹ Tho chuyển ra Bắc cùng một lượt với tôi.

Cha Khoa, cha Thấy và Cha còn rất trẻ ở chung phòng với chúng tôi một thời gian ngắn rồi chuyển qua K5 Vĩnh Phú. Sau này tôi được tin Cha Khoa, trước là Hiệu Trưởng trường Ðồng Tiến?, đã chết trong sà lim, trại giam riêng, nhà tù của trại giam, nếu bị giam ở trong sà lim thì bị bớt phần ăn hàng ngày. Ở trong trại giam hàng ngày đã đói, khi bị giam ở trong trại giam riêng còn đói hơn nữa, hạn chế bớt nước uống và không được tắm rửa, chân bị cùm. Sau khi ở trong sà lim này được thả ra nhiều người đi không nổi phải cỏng xuống bịnh xá để điều trị bịnh, nhiều người bị cùm lâu ngày, ống chân bị lỡ loét  có khi những chỗ lỡ loét đó vòi bọ làm ổ trong đó. Ðược tin Cha Khoa tự Khải đã mất ở trong tù vì Ngài lớn tuổi không chịu nổi sự đói khát, bị hành hạ về tinh thần lẫn thể xác của cán bộ Cộng Sản. Còn Cha Thấy tôi nghe các bạn bên K5 Vĩnh Phú nói Cha bị bịnh mà mất. Nguyên nhân bị bịnh là vì chúng tôi bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn, thiếu vitamin, thiếu đủ thứ chất để nuôi sống cơ thể. Chúng tôi ở trong trại một thời gian có người mất 10 kí lô, 20 kí lô hay hơn nữa cũng là sự thường. Có lần tôi hỏi Cha Thấy vì sao Cha bị bắt? Cha nói có lẽ trên xe của tôi lúc đó có một triệu đồng, tiền của năm 1975, tương đương với 25 cây vàng vào thời điểm đó nên Cộng Sản bắt tôi để lấy số tiền đó.

Trong thời gian bị giam giữ, các vị Linh Mục đã sinh hoạt, lao động như các tù nhân khác, sống cuộc sống tù nhân như anh em cải tạo, ăn uống thiếu thốn, ngủ chật chội, nằm ngủ không thể cong chân đuợc, vì nếu cong chân mình thì đụng vào lưng người bên cạnh. Các vị Linh Mục cũng cuốc đất, gánh nước trồng khoai, trồng bắp, trồng rau cũng đói khát như các anh em tù nhân, cũng làm việc nặng nhọc như các anh em tù nhân khác. Nhưng các vị được sự chú ý đặc biệt của Cộng Sản vì họ biết các vị Linh Mục này luôn luôn có uy tín với tín đồ của mình. Họ cũng biết rằng các vị Linh Mục này không vợ con, thường không hoạt động chính trị, nhưng bị bắt chỉ vì có một tội duy nhất là tội làm Linh Mục.

Tôi còn nhớ tôi đã đọc trong một bài báo của Hồ Hữu Tường (3) có phân tích trên thế giới có ba nền văn minh: văn minh chính ủy, văn minh tu sĩ và văn minh kỹ sư. Văn minh kỹ sư là nền văn minh khoa học, kỷ thuật. Ðại biểu cho nền văn minh này là sự tiến bộ về khoa học, kỷ thuật  của quốc gia Hoa Kỳ, do Mỹ dẫn đầu lảnh đạo.

Văn minh chính ủy, tức là cách cai trị, là cách thức tổ chức chính quyền đó là sức mạnh của Ðảng Cộng Sản do Nga Sô chỉ huy để chống lại phe tư bản. Trước năm 1975, phe Cộng Sản lấn lướt phe tư bản, thống trị các nước Ethiopie, Angola, Afganistan, Việt Nam.

Còn văn minh tu sĩ, theo Hồ Hữu Tường là văn minh Thiên Chúa Giáo dưới sự lảnh đạo của Ðức Giáo Hoàng. Ngài không có phi cơ chiến đấu, oanh tạc, không có súng đạn, không có hoả tiển, vệ tinh, không có bom nguyên tử, nhưng tiếng nói của Ngài trên một tỉ người nghe theo.

Từ năm 1989 trở đi, Cộng Sản Ðông Âu tan rã dần, đảng Cộng Sản Liên Sô phải tự giải tán vào năm 1991, điều đó chứng tỏ rằng văn minh chính ủy, theo cách nói của Hồ Hữu Tường, đã thất bại và hiện nay đảng Cộng Sản lần lượt tự giải tán chỉ còn vài nước như Trung Hoa, Bắc Hàn, Cu ba, Việt Nam cố gắng duy trì đảng Cộng Sản trên hình thức, thực chất chủ nghĩa Cộng Sản đã lỗi thời, đang dần dần bị đào thải theo thời gian.

Hiện nay khoa học kỷ thuật càng ngày càng tiến bộ, vệ tinh, điện tử, máy vi tính v.v. . phát minh rất nhiều điều mới lạ nhưng con người vẫn cần có đời sống tâm linh, cần có đời sống tôn giáo vì chỉ có tôn giáo mới giải quyết được những vấn nạn của con người về sự sống, sự chết, bịnh hoạn, tai nạn… sự sống đời sau sau khi chết…

Chính sự tan rã của Liên Bang Sô Viết hơn bảy mươi năm ngự trị ở Liên Sô là một điều kỳ diệu, lạ lùng nếu chúng ta tin có Thượng Ðế giúp sức đến lúc cần thiết tạo nên hoàn cảnh, con người để cho đảng Cộng Sản tan rã.

Năm 1917 khi đảng Cộng Sản Liên Sô nắm được quyền hành lảnh đạo ở Liên Sô, họ chủ trương vô thần, độc tài, độc đảng, độc quyền tư tưởng, tiêu hủy tất cả quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Họ tìm đủ mọi cách để triệt hạ các hình thức tôn giáo ở Liên Bang sô viết để đưa chủ thuyết Cộng sản lên làm một thứ tôn giáo mới, tuyên truyền bắt buộc người dân phải  theo “tôn giáo Cộng Sản”.

Cũng trong năm 1917, Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima nói với ba trẻ mục đồng rằng “ nước Nga sẽ trở lại”. Và năm 1991 lời nói ấy của Ðức Mẹ hồi năm 1917 đã ứng nghiệm về sự tan rã của chủ nghĩa Cộng Sản tại Liên Sô.

Từ năm 1970 đến năm 1975, tôi làm thơ ký Hội Phụ Huynh học sinh trường trung học Lương văn Can, lúc đó ông Ðỗ Ðăng Lợi làm Hội Trưởng, khi tôi đi cải tạo về, tôi ghé thăm ông Lợi thì ông đã theo đạo Tin lành. Có một điều lạ là ông Lợi trước đây theo Phật giáo, có chức sắc ở các hội đình làng, về thủ tục cúng kiến rất rành. Sự kiện này gây cho tôi một sự chú ý đặc biệt. Sau năm 1983 mỗi lần tôi ghé thăm ông Lợi thì  ông Lợi thường đem Kinh Thánh ra bàn, thảo luận, thường nói về Chúa Kitô với tôi. Ông Lợi cho tôi mượn cuốn Thánh Kinh về nhà để đọc.

Sau này một người bạn khác dạy cùng trường trung học Lương văn Can là anh Tạ văn Hười giáo sư Việt Văn, một giáo sư biết nhiều về Hán văn, Pháp văn và Anh văn. Sau khi đi cải tạo về, gia đình anh cũng theo đạo Tin Lành.

Tôi băn khoăn nhiều vì mẹ tôi theo đạo Cao Ðài, tôi có người bạn thân theo Phật Giáo đêm nào anh cũng gõ mõ, tụng kinh. Tôi biết một số kinh của Ðạo Cao Ðài. Tôi có đọc cuốn sách Tận Thế và Hội Long Hoa của Vương Kim. Tôi cũng có đọc kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa do anh Ngô Thanh Nhàn, cựu Giáo sư trường Trương Vĩnh Ký trước năm 1975, người anh bà con theo đạo Phật cho mượn. Tôi cũng đọc cuốn Thánh Kinh do ông Lợi đưa. Tôi nhớ rất kỹ những câu như “ Hãy yêu thương ngay cả kẻ thù của mình nữa.” Làm sao mà yêu được kẻ thù của mình. Hồi còn bị giam giữ tại trại cải tạo Vĩnh Phú, tôi có sống với tên Phạm Ðình Thanh, cán bộ xây dựng nông thôn ở Bình Dương, làm Ðội trưởng đội hai, đội trồng khoai lang, khoai mì, trồng bắp. Sau đương sự lên làm thi đua ở K3 Vĩnh Phú, không cho tôi khai bịnh vào cuối năm 1978 đầu năm 1979, mặc dầu lúc đó tôi bị cảm liên miên, sức cùng lực kiệt, tôi phải đi lao động dưới trời mưa tầm tả, suốt ngày đêm hơn hai tháng trời cộng thêm với giá rét của miền Bắc mùa đông, mà mỗi ngày chỉ ăn được nắp bình thủy cơm trộn với khoai mì, khoai lang hay bắp hột, bo bo không xay cùng với canh rau muống luộc với muối có khi trong một tô canh lềnh bềnh vài cọng rau muống mà thôi. Bắp thì cứng, loại để nuôi súc vật ở miền Bắc. Không phải là loại bắp mềm, ngon ngọt như loại bắp trong Nam, bà con đem ra chợ bán mỗi buổi sáng. Tên Thanh đã hành hạ anh em, làm khó dễ bạn tù. Ðể lấy lòng cán bộ trại giam, hy vọng được tha về sớm, đã báo cáo từng chuyện đổi thuốc rê hay thuốc lào để lấy muối ăn, chuyện lấy rau, khoai sắn đem vào trại, báo cáo những lời than vãn, chán nản và tư tưởng chống đối của anh em bạn tù. Ngay cả anh em trong trại lấy miếng sắt nhỏ mài thành con dao chiều dài chừng 5,6 phân để gọt khoai, xắt rau cũng bị báo cáo, tịch thu.

Ðến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ như in vào ký ức tôi khuôn mặt lạnh như tiền, luôn luôn nhăn nhó, lúc nào cũng hiển hiện sự hằn học, nhớ khuôn mặt lúc nào cũng tái mét, anh em gọi là khuôn mặt “ gà mái ” của Phạm đình Thanh. Khuôn mặt bành bạnh ra, đôi mắt thì láo liên như tìm kiếm, như chờ đợi sự sơ hở nào đó của anh em để hắn hành hạ cho thoả mản bản năng “sung sướng trong sự đau khổ của người khác ”.

Nhưng tôi suy nghĩ nếu tôi thù ghét tên Thanh thì tim tôi đập mạnh, tôi tự làm khổ tôi, tôi bực dọc với chính mình chứ tên Thanh đâu có biết gì. Sự thù ghét này chỉ có hại cho tôi mà thôi, chứ tên Thanh chẳng có hề hấn gì. Trong khi tôi thù ghét hắn, tôi tức giận hắn, thì biết đâu tên Thanh đang ăn nhậu với bạn bè hay đang đi nghĩ mát ở bãi biển Vũng Tàu, đang ăn uống vui vẻ với vợ con đương sự. Chúa nói “ Hãy yêu thương ngay cả kẻ thù của mình nữa” thật là điều vô cùng khó khăn đối với tôi vì làm sao tôi có thể yêu thương người đã hành hạ tôi nhiều năm trong trại cải tạo, tôi oán ghét đương sự còn nhiều hơn là oán ghét cán bộ giam giữ tôi nữa. Tuy nhiên tôi suy nghĩ lại nếu mình thù ghét tên Thanh chỉ hại cho mình mà thôi, tôi đã chuyển ý nghĩ, tư tưởng sang tình yêu thương, mình tôi nghiệp người đó vì họ muốn về sớm quá nên họ có hành động không phải, không tốt đối với anh em trong trại tù. Chúa ơi con cố gắng không thù hận và cầu nguyện cho người đã hành hạ con để họ thay đổi tấm lòng của họ nhưng khó khăn lắm Chúa ơi.

Con vẫn nhớ trong Thánh Kinh có những câu: “Nếu người ta tát con má bên phải, con hãy đưa má bên trái cho người ta tát. Ngươi chỉ thấy cọng rơm trong mắt người ta mà không thấy đà ngang trong mắt mình.” Những câu này bản thân tôi còn phải học tập, thực hành, tự sửa chữa mình hằng ngày không biết có làm được, làm nỗi hay không.?

Cộng sản có mấy chục triệu đảng viên, có chính quyền có súng đạn, có xe tăng, có máy bay, có vệ tinh, hỏa tiển, bom nguyên tử, có nhà tù để giam giữ những thành phần chống đối, có lực lượng an ninh hùng hậu, có KGB, cơ quan tình báo anh ninh chặt chẻ mà sao chỉ tồn tại có 73 năm. Còn tôn giáo như Thiên Chúa Giáo gần hai ngàn năm sao không tan rã. Ngay cả những lúc bị cấm đạo gắt gao là những lúc đạo phát triển, tăng thêm tín đồ. Nếu đạo Thiên Chúa làm sai, không thích hợp với tâm tình của con người thì đã tan rã từ lâu chứ sao lại tồn tại đến ngày hôm nay đã có nhiều người theo và đã chết vì đạo Thiên Chúa. Lịch sử các Thánh Tử Ðạo Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Những chiếc xe lưu thông trên đường phố cần có bảng chỉ đường, cần có đèn xanh đèn đỏ để tránh tai nạn. Những lời Chúa dạy trong Thánh Kinh là bảng chỉ đường như luật lệ giao thông rất cần thiết để tránh được nhiều va chạm trong đời sống hàng ngày. Nếu chúng ta sống đúng như lời dạy trong Thánh Kinh thì cuộc sống chúng ta rất hạnh phúc, mọi người đều được bình an, vui vẻ thì Thiên Ðàng đã có ở trên trái đất của chúng ta rồi vậy.

Gương các Thánh Tử đạo Việt Nam, gương nhiều bà Sơ phục vụ trong các nhà thương, trong các trại cùi hay sống kham khổ thiếu thốn trên các vùng rừng núi hiểm trở với đồng bào thiểu số xa rời đời sống văn minh hiện tại, xa rời cuộc sống tiện nghi vật chất bình thường.

Tại sao Mẹ Theresa thành Calcutta, 86 tuổi vẫn còn chịu khó lặn lội các nơi để phục vụ người nghèo khổ, bịnh hoạn, những người tàn tật không nơi nương tựa, những người cùng khổ, hôi hám, dơ dáy mà Mẹ vẫn không nản lòng. Ðiều gì để Mẹ có thể làm việc đó nếu không phải Mẹ đã nghe tiếng gọi của tình thương, tiếng gọi của Thiên Chúa. Con người là chi thể của Chúa. Thương người hôi hám, què quặt, bịnh hoạn đó chính là yêu Chúa vì con người là chi thể của Chúa cơ mà. Mẹ cũng đã từng nói: “Không phải tôi làm mà chính Chúa đã làm trong tôi” Hay chính Mẹ cũng từng nói tôi chỉ là cây viết chì của Chúa. Trong một bài báo đăng trong số 206 của Nguyệt san Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp có chép về công việc phục vụ của các sơ dòng tu của Mẹ Têrêsa có một đoạn như sau: “ Sau đó chúng tôi đã nhặt được một người đàn ông ở một cống rãnh, một nửa thân mình đã bị sâu bọ rút rỉa, và sau khi chúng tôi đã mang ông ta vào nhà, ông chỉ nói rằng: “ tôi đã sống như một con thú trên đường phố, nhưng tôi sắp chết như một thiên thần, được yêu thương và săn sóc’’. Ðoạn, sau khi chúng tôi đã lấy hết mọi thứ sâu bọ khỏi mình mẩy của ông, tất cả những gì ông nói với chúng tôi kèm theo nụ cười tươi là “Sơ ơi, tôi sắp về cùng Thiên Chúa” rồi ông tắt thở. Bài báo ấy viết tiếp: “Thật là tuyệt vời khi chứng kiến thấy sự cao cả của con người đàn ông đã có thể nói như thế mà không trách cứ một ai, không so sánh bất cứ sự gì.”

*  *  *

Hồi hai mươi ba tuổi, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Sài Gòn, tôi được đổi về dạy học ở quận Ðất Ðỏ, tỉnh Bà Rịa. Khi tôi đến thăm một phụ huynh học sinh, ngồi nói chuyện bình thường với chủ nhà, bà này là người Công giáo bà ấy nói: “ Nếu gia đình nào có một người con đi tu, làm Linh Mục thì gia đình đó có phước lớn lắm”. Hồi đó còn trẻ, tôi không có đạo, tôi nghe, nhưng mà tôi không để ý lắm. Bây giờ, ba mươi năm sau, tôi đã chứng kiến, đã thấy, đã hiểu và đã cảm nghiệm cuộc đời của chính mình, gia đình mình và gia đình bạn thân, gia đình những người quen biết thì tôi phần nào cảm nghiệm câu trên là rất đúng, vì nếu gia đình nào có người anh, người em hay bà con xa gần làm Linh Mục, hy sinh cuộc sống cá nhân, không vợ con không nhà cửa, không tài sản thì những người thân trong gia đình nếu có ý nghĩ hành động nào sai quấy, trái với lương tâm cũng e dè, ngại ngùng không dám làm bậy vì không có lý do gì cuộc sống mình về vật chất vẫn đang sung sướng hơn người bà con đang làm Linh Mục sống không tài sản, không vợ con, mà còn muốn kiếm thêm nhiều hơn nữa bằng hành động bất chánh thì làm sao dám nhìn người thân đang làm Linh Mục hay Bà Sơ đang tu, đang làm công tác ở nhà thương, ở các trại cùi, đang giúp đỡ những người cùng khổ, nghèo nàn bịnh hoạn, tàn tật ở bất cứ nơi nào dù hẻo lánh xa xôi ở trên miền núi non hiểm trở. Bà con anh em mình đang tu hành làm những điều tốt, điều phúc đức, chịu cực khổ lo săn sóc cho người nghèo, người tàn tật, hướng về đời sống tâm linh, tu đức thì làm sao không ảnh hưởng đến mình về đời sống hướng đến điều thiện nhiều hơn, đến đời sống tâm linh, tu đức nhiều hơn. Chưa kể nhờ trong gia đình có người tu hành, Ngài sẽ cầu nguyện, Chúa ban cho nhiều ơn phước mà những gia đình khác có thể không có được.

Trong suốt cuộc sống của con người ai chẳng có lúc làm ăn thất  bại, chịu nhiều thử thách gian nan, chịu nhiều đau khổ về tinh thần lẫn vật chất, bị tù đày bị lường gạt, bị bịnh hoạn, bị tai nạn v.v.. Khi gặp những trường hợp cực kỳ khó khăn, cảm thấy dường như không thể nào vượt qua nổi, Chúa đã hứa nếu có ba người họp lại nhân danh Chúa Kitô để cầu xin thì Chúa sẽ ở giữa họ. Nếu ngược lại không có đức tin gì về tôn giáo nào cả, mình sẽ tự dày vò mình, sẽ than thở, tự dằn vặt lấy mình và nhiều khi vượt quá khả năng giải quyết của mình, không tìm thấy lối thoát hay cách giải quyết, nhiều khi đưa tới tâm lý khủng hoảng dữ dội, bốc đồng, không kịp suy nghĩ có thể đưa đến trường hợp tự quyên sinh.

Tôi có danh sánh đi Mỹ theo diện HO vì đi cải tạo gần tám năm. Trên nguyên tắc trước khi đi Mỹ tôi phải ký giấy giao nhà cho nhà nước Cộng Sản vì tôi có chức vụ là Phó Bí Thư đảng Tân Ðại Việt cấp quận. Nhà này trị giá trên 50 cây vàng. Hồi nhỏ lúc còn đi học lớp 12, ba tôi đã để tôi đứng tên một nền nhà. Sau này, ba tôi xin phép cất nhà và chính ba tôi đã tự bỏ tiền ra xây cất do công lao mồ hôi, nước mắt, công sức của ba tôi chạy xe lam, dành dụm từng đồng, từng cắc mới có tiền để xây căn nhà trên. Nhưng Cộng Sản muốn lấy căn nhà của ba tôi nên họ cho rằng tôi đi ngoại quốc thì phải giao nhà cho họ vì họ xếp tôi thuộc diện phải hiến nhà, giao nhà cho họ.

Tôi áy náy không yên, vì nhà này có phải là nhà của tôi đâu mà tôi có quyền ký giao nhà này cho nhà nước.Thật ra nếu là nhà của tôi, do công sức của tôi làm ra, thì tôi cũng sẵn sàng ký giao cho Cộng Sản, để sớm được đi ra nước ngoài, thoát khỏi chế độ độc tài bất nhân, mình ký giao cho họ coi như cúng cô hồn. Nhưng ngặt một nổi nhà này được xây dựng do công sức của cha mẹ tôi, tôi chỉ đứng tên dùm chứ không có công sức gì. Tôi không phải là chủ căn nhà này vì trên nguyên tắc tôi chỉ đứng tên trên cái nền nhà mà thôi.

Tôi đã hoàn toàn bất lực để giải quyết vấn đề căn nhà, nếu tôi được đi Mỹ thì tôi phải giao nhà cho nhà nước quản lý. Từ khi tôi bước trở về ngôi nhà cũ đầu năm 1983, vài tháng sau tôi đã làm hồ sơ chui xin đi Mỹ, tôi gởi hồ sơ qua Thái Lan, trong thời gian này lúc nào tôi cũng bồn chồn, bực tức, tôi lo âu để giải quyết căn nhà làm sao cho hợp tình, hợp lý không làm cho ba má tôi buồn. Tôi đi hỏi thăm bà con, bạn bè, nhờ họ giúp sang tên căn nhà. Tất cả mọi người quen biết đều trả lời không thể được, muốn đi Mỹ chỉ còn có cách giao nhà cho nhà nước mà thôi, vì đây là chủ trương của Cộng Sản muốn lấy nhà của những người muốn đi ra nước ngoài.

Tôi đã nhờ Nguyễn Gia Phách, bạn dạy học cùng trường trung Học Lương văn Can, dẫn tôi đến nhà thờ Fatima ở Thủ Ðức để cầu nguyện, mặc dầu lúc đó tôi chưa có đạo, tôi chưa phải là Kitô hữu, tôi chưa tin vào Chúa Kitô. Tôi cứ đi cầu nguyện vì tôi không còn cách nào khác, tôi bị khủng hoảng thật sự về vấn đề giải quyết căn nhà của ba tôi mà tôi đã đứng tên hồi còn nhỏ, làm thế nào để có thể sang tên căn nhà này cho ba má tôi hay cho em tôi thì khi ra đi tôi mới bình an được.

Tôi bất lực và buồn khổ hết sức. Nếu đi Mỹ mà giao nhà cho nhà nước ba má tôi sẽ buồn ghê gớm lắm. Tôi đứng ngồi không yên, lo lắng quá, đau khổ rất nhiều. Tôi ở trong tình trạng hoàn toàn bế tắc, không có lối thoát.

Cuối cùng, tôi chỉ còn biết có cầu nguyện mà thôi. Khi đi lên Fatima tôi chỉ cầu xin có ba điều:

  • Xin được rời khỏi nước Việt Nam sớm vì tôi có trong danh sách HO 23 nên chắc sẽ ra đi rất trễ.
  • Xin được giao nhà cho em ruột tôi để cho cha mẹ tôi vui. Khi tôi ra đi, rời khỏi nước mới được thoải mái, không còn vướng bận, lo âu về chuyện nhà cầm quyền Cộng Sản quản lý căn nhà của mình.
  • Xin cho con cái tôi được đi hết vì có đứa muốn ở lại, muốn lập gia đình ở Việt Nam, không tha thiết chuyện ra đi.

Ba vấn đề trên là ba vấn đề then chốt, lo âu nhất của tôi, vô cùng quan trọng trong đời của tôi, nhưng ba vấn đề này hoàn toàn nằm ngoài khả năng giải quyết của tôi. Tôi rất lo âu, ăn không ngon, ngủ không yên và thường xuyên bị cảm vì quá lo lắng.

Tôi nghĩ với tấm lòng thành của tôi, Ðức Mẹ đã ban ơn riêng đặc biệt cho gia đình tôi, ba điều cầu xin của tôi, Ðức Mẹ đã nhậm lời hết.

Gia đình tôi được ra đi trong danh sách HO19, sớm hơn thường lệ gần một năm, vì gia đình tôi được đôn lên danh sách RD4. Các con tôi đều qua Mỹ đầy đủ cả, không có đứa nào còn sót lại ở Việt Nam, nhất là vào giờ chót, trước 24 giờ, Sở nhà đất Thành phố mới chấp thuận cho tôi sang nhượng nhà cho em ruột tôi vào chiều thứ bảy mà chiều Chúa Nhật thì tôi có chuyến bay rời khỏi nước.Trước đó ngày thứ năm tôi đã nhận đươc giấy đình chỉ chuyến bay với lý do chưa khai trình nhà đất. Hoang mang và lo âu tột độ. Thất vọng nặng nề. Lo lắng quá làm cho tôi bị cảm liên miên trong tháng cuối cùng. Mọi công việc làm ăn đã thanh toán hết, đã bán hết chỉ còn chờ ngày ra đi mà thôi. Ðình chỉ chuyến bay, ở lại vài tháng có thể gặp nhiều biến cố bất ngờ một đứa con nào đó có thể thay đổi ý kiến đòi ở lại. Mấy tháng trời chờ đợi giấy phép ra đi của nhà cầm quyền Cộng Sản, chờ chuyến bay sắp tới, không làm gì ra tiền cả, ăn không ngồi rồi mà còn phải tiêu xài tốn kém nữa không biết việc gì sẽ xảy ra.

Tôi đã chầu chực ở Sở Nhà đất từng ngày một nhất là tuần lễ cuối cùng, để tìm cách làm quen để xin giấp phép của Sở Nhà đất. Trước 24 giờ, Sở nhà đất mới đồng ý cho tôi sang tên nhà cho em tôi và giải tỏa lệnh đình chỉ chuyến bay.

            Nhờ cầu nguyện mà tôi bớt được nhiều âu lo.

Tôi có một người bạn là anh Hà Hớn Liếu , hiện nay ở Virginia gần Washington DC, trước năm 1992, nhà ở đường Âu Dương Lân, anh có người vợ rất hiền hậu, thật tử tế với bạn bè. Anh chị có bốn đứa con, nhỏ nhất khoảng 5, 6 tuổi lớn nhất khoảng 17 tuổi. Anh Liếu đi cải tạo về khoảng năm 1980. Hai vợ chồng làm sirô để bán. Tôi bán bia và nước ngọt có bán thêm sirô nên đến gia đình anh để mua về bán. Trước năm 1992 trông chị mập mạp khỏe mạnh. Tôi thường đến mua sirô của anh chị, hơn nữa lúc đó tôi nghiện thuốc lào, cứ hàng ngày tạt ngang qua nhà anh Liếu để hút một vài điếu, nói với nhau vài ba câu chuyện, tin tức kẻ ở người đi, hay những tin sốt dẽo truyền miệng của anh em HO đang mong ngóng về những điều tốt, những chuyện vui khi đi ra nước ngoài.

Gia đình anh thờ Phật. Ngoài bàn thờ Phật còn có bàn thờ Quan Công nữa. Anh cũng rất rành về nghi thức cúng kiến vì anh gốc người Hoa. Một hôm tôi đến nhà anh để hút thuốc lào, như thường lệ mỗi ngày, bất ngờ tôi không còn thấy bàn thờ Phật nữa. Tôi hỏi anh bàn thờ Phật đâu rồi.? Anh nói vợ anh lúc bịnh ung thư khi biết mình sắp mất đã xin theo đạo Công giáo và yêu cầu chồng con theo đạo luôn.

Tôi hết sức ngạc nhiên về sự thay đổi quá đặc biệt của bạn tôi và từ khi chị Liếu mất, anh Liếu và các con anh đã đi lễ nhà thờ đều đặn vào các ngày Chúa Nhật và cũng thường xuyên cầu nguyện cho chị Liếu theo nghi thức công giáo.

Tôi cũng nhiều lần đến nhà anh rũ anh qua nhà thờ Chợ Quán để tham dự các Thánh Lễ, gặp các ngày lễ lớn như lễ Giáng Sinh tôi cũng cùng anh đi dự lễ ở các nhà thờ khác trước ngày anh và các con đi Mỹ. Tôi cảm thương hoàn cảnh gà trống nuôi con của anh, một mình phải lo cho đàn con nhỏ dại không biết rồi anh có lo nổi không? Tháng 9 năm 1999, tôi có lên nhà anh để dự lễ đám cưới của con trai trưởng của anh cưới vợ. Ðứa con gái nhỏ nhất nay đã học hết lớp 12. Tôi mừng cho anh vì thấy các cháu đã lớn cả rồi.

Tháng 9 năm 2004 tôi lại đến nhà anh để làm chủ hôn cho đứa con trai kế vì anh đã mất tháng  giêng năm 2004. Cháu này trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nên các anh chị trong nhà thờ đã lo giúp cho cháu. Đám cưới đầy đủ tất cả nghi thức ở nhà trong gia đình hai bên đàng trai,  đàng gái và các nghi thức ở nhà thờ Công giáo. Anh chị em trong nhà thờ đã tham dự rất đông.

Tôi tin một điều từ ngày anh có Chúa và Ðức Mẹ thì tâm hồn anh bình an hơn. Tôi cũng vậy, cũng cảm thấy bình an, vui vẻ hơn nhiều so với trước khi tôi chưa có đạo, chưa có niềm tin vào Ðấng siêu nhiên nào cả.

Tôi cũng suy nghĩ nếu mình đi tham dự đều đặn các Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, để tự xét mình, tự sám hối mỗi tuần xem mình có làm điều gì sai trái, có làm phật lòng Thiên Chúa hay không? Mình có thực hiện bốn chữ “Kính Chúa yêu người chưa?”

Tự vấn lương tâm thường xuyên, cầu nguyện thường xuyên thì cuộc đời mình sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu vì biết rằng mình không cô đơn mà luôn có Chúa đồng hành, có Ðức Mẹ hướng dẫn trong cuộc sống hiện tại, trong cuộc sống ngày mai và ngay cả đời sau nữa.

__________________________________________________________

(1) Lê Như Ninh mất vào khoảng tháng giêng năm 2000

(2) Ðức Cha Nguyễn văn Thuận là Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa bình tại Tòa Thánh Roma và được phong Hồng Y ngày 21/02/2001.

( 3) Hồ Hữu Tường, Cựu Dân biểu Ðệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. Bị Chánh quyền ông Ngô đình Diệm kết án tử hình vì theo Bình Xuyên.

Houston, ngày 17 tháng 3 năm 2000

Phùng Văn Phụng

Nhà giàu cũng khổ.

Nhà giàu cũng khổ.

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

 Mấy câu sưu tầm trong net sau đây cũng làm cho chúng ta suy ngẫm:

Tiền mua được ngôi nhà nhưng không mua được một tổ ấm
Tiền mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian
Tiền mua được chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ
Tiền mua được sách nhưng không mua được kiến thức
Tiền mua được thuốc nhưng không mua được sức khỏe
Tiền mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng
Tiền mua được máu nhưng không mua được cuộc sống
Tiền mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu

Tiền mua được đời này nhưng không mua được đời sau.

Thông thường người nghèo mới khổ vì người nghèo không đủ tiền chi dùng trong gia đình, tiền cho con học hành, tiền nợ nhà phải trả , tiền ăn , tiền bảo hiểm, tiền thuế, v.v…ít có ai nói nhà giàu mà khổ? Nhưng thực tế, nhiều người rất giàu có, nhưng vẫn khổ.

Trường hợp ở Hoa Kỳ:

  • Trường hợp 1: Anh chị Nguyễn Khương H. đã vượt biên qua Mỹ năm 1980.  Một cuộc ra đi thừa sống, thiếu chết. Gặp sóng to, gió cả, không ăn uống được, ói mửa tới mật xanh, tưởng chết trên tàu, ở ngoài biển cả. Từ khi đặt chân đến đất Mỹ, hai vợ chồng làm đủ thứ việc, chạy bàn rồi nấu ăn trong nhà hàng. Làm việc cật lực, vất vả từ sáng sớm cho tới trời tối mịt mới về tới nhà. Làm 7  tới nhà để lo cơm nước. Mỗi ngày anh mất khoảng 14, 15 giờ cho tiệm giặt.

Anh H. năm nay đã sáu mươi bốn tuổi. Anh cho biết anh vừa mổ tim xong tốn khoảng 300,000 đô la nên phải làm giấy ly dị giả với vợ để không phải mất tài sản. Anh cũng cho biết đứa con trai ba mươi ba tuổi của anh đòi mua chiếc xe hơi đắt tiền anh không cho, nó bỏ nhà đi mất tiêu luôn. Còn đứa con trai mười lăm tuổi hiện nay ở trong tù vì có liên hệ đến bạch phiến, xì ke, ma túy. Lần này bị bắt vì đã bị cơ quan công lực cảnh cáo nhiều lần, theo dõi hắn, nhưng hắn không sợ, nên vẫn tiếp tục tham gia nên bị  bắt. Có lẽ đương sự sẽ ở tù lâu lắm mặc dầu còn vị thành niên.

Làm cha mẹ chỉ lo làm giàu, lo kiếm tiền, đến ngày hôm nay, có nhiều tiền, có tài sản, giàu có đó nhưng cũng không ăn uống được vì bị bịnh hoạn, con cái thì tứ tán, đứa thì bỏ nhà ra đi, đứa thì đi vào nhà tù.

Trường hợp 2: Anh Nguyễn văn T.

Một gia đình người bạn khác nữa, rất giàu có, chủ cây xăng và grocery, tài sản trên triệu đô la. Hai vợ chồng không sống được với nhau và đã thôi nhau. Người chồng về Việt nam cưới vợ khác, đã bảo lảnh vợ sau qua Mỹ.

Chị T. buồn quá, phải bỏ hết công ăn việc làm, chỉ lo làm thiện nguyện và lo tu hành. Tài sản cây xăng và tiện grocery giao cho con trai quản lý. Tuy nhiên, vì là con trai duy nhất, được cưng chiều từ nhỏ, buồn chuyện cha mẹ ly dị, nên cháu sa vào hút sì ke, không chịu làm ăn đàng hoàng đành phải bán cây xăng rồi.

Chị T. quá đau khổ, buồn chán, ăn uống không được, không ngủ được nên sức khỏe càng sa sút, sau cùng bị ung thư ruột mà mất.

Vợ sau của anh T. sau khi qua Mỹ được hai năm, có thẻ xanh, cũng ly dị anh, để bảo lảnh chồng cũ và các con ở Việt Nam qua.

Trường hợp ở Việt Nam:

  • Theo tin từ đài BBC, Cựu trưởng phòng Vinashin bị án tử hình (BBC)

Cáo trạng nói ông Giang Kim Đạt lấy 260 tỷ đồng hoa hồng của Vinashinlines, đưa 150.000 USD cho ông Liêm. Phần tiền còn lại được chuyển vào 22 tài khoản của bố để mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 chiếc ôtô.


HINH 1

 

 

 

 

 

 

 

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Hình minh họa

TAND Hà Nội hôm 22/2 tuyên án tử hình với ông Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh của công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines).

Một bị can khác, Trần Văn Liêm, nguyên tổng giám đốc Vinashinlines, cũng bị án tử hình.

Cả hai người bị kết tội Tham ô tài sản.

Tại phiên tòa, ông Trần Văn Khương, nguyên kế toán trưởng Vinashinlines, án tù chung thân.

Người bố, Giang Văn Hiển, cũng bị ra tòa và chịu án 12 năm về tội Rửa tiền.

Hai trăm sáu chục tỷ (khoảng 13 triệu đô la) tất nhiên là người quá giàu có nhưng bây giờ ông chịu án tử hình thì cũng không xài được số tiền mà ông đã tham nhũng.

nguồn tin từ đài BBC

2) Theo đ ài RFA,

Năm 2012 ông Hà Văn Thắm là một đại gia nổi tiếng trên sàn chứng khoán và đứng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất thời điểm bấy giờ, với tổng tài sản lên đến hơn 1.800 tỷ đồng.

Ông là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank. (Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Đại Dương)

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao thì ông Hà Văn Thắm đã có hàng loạt hành vi sai phạm  khiến nợ xấu của ngân hàng này đến thời điểm 31/3/2014 tăng đến 15.000 tỷ đồng, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.

Tòa án Hà Nội đưa ra xét xử ông Hà Văn Thắm vào ngày 27 tháng 2 tới đây.

nguồn tin từ đài RFA (Á Châu Tự Do)

httpv://www.youtube.com/watch?v=Fbsj4437bAA

TIN NHANH | Xét xử thêm đại án kinh tế

Những người trên đây là tiêu biểu cho những nhà giàu mới, bằng mọi thủ đoạn bất chính để làm giàu.  Rất nhiều người chỉ biết đến tiền của, đặt tiền của là lý tưởng của đời họ, phải có thật nhiều tiền.

Nhưng Chúa nói: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn vẫn nuôi chúng.(Mt 6,câu 26)

Và Chúa nói:  “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”. (Mt 6, câu 33)

Vì sao vậy? Rõ ràng vì sự say mê tiền của quá đáng, đặt lý tưởng của họ là tiền, họ đã làm điều bất chính, phạm pháp, đã đưa họ vào tù tội vì lòng tham không đáy của họ.

Nếu họ biết đặt Thiên Chúa làm chủ của cuộc đời họ hơn là kiếm thật nhiều tiền bằng mọi giá, và biết dùng tiền để phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân, giúp ích cho người nghèo khổ thì cuộc đời của họ chắc chắn đã khác.

Cho nên, Chúa nói hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa trước, tiền của sẽ đến sau. Chúa sẽ ban cho sức khỏe, sự bình an để có gia đình vui tươi, hạnh phúc không cần phải có quá nhiều tiền rồi gặp những hoàn cảnh như đã nói ở trên.

Tội nghiệp thay cho những người làm giàu bất chính (tham nhũng, lường gạt…) và những người làm giàu chân chính, nhưng làm quá sức của họ, 7 ngày trong tuần, 15, 16 giờ mỗi ngày) vì những anh em này đã không nghe lời Chúa. Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. (Mt 6, Câu 34)

Kết:  Vậy chúng ta (trong đó có tôi nữa) cần suy nghĩ: nên làm tôi Thiên Chúa hay làm tôi Tiền Của. Chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai: Thiên Chúa hay Tiền Của làm ưu tiên đời sống của chúng ta, chứ không thể chọn ưu tiên cả hai được.

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. (Mt 6, câu 24).

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Trở về cát bụi.

Trở về cát bụi.

 

 

 

Tác giả:  Phùng văn Phụng

“vì Thầy đi để dọn chỗ cho anh em”.  (Ga 14, 2)

Tuần vừa qua tôi nhận được điện thoại của hai khách hàng báo tin người thân mất . Cháu Diệp báo tin mẹ là bà Nguyễn thị Rớt mất vì bị bịnh tim (heart attack), sau khi ăn sáng, bị biến chứng đau tim, chở đi nhà thương không chửa trị được.?

Cùng trong một ngày, một người khác nữa báo tin đứa con trai tên là Tommy Cao mất vì bị ung thư xương . Cháu mất còn rất trẻ, mới 17 tuổi.

Rồi hôm sau, sáng chúa nhật, đi thăm “nursing home Westwood” ở số 8702  đường S. Course cùng với nhóm Tân tòng của Giáo xứ Ngôi Lời Nhập Thể, tình cờ gặp anh Phạm đắc Toàn báo tin mẹ của anh là cụ bà Huỳnh thị Kim Thanh mất vì tuổi già, sức yếu, không ăn uống được nữa  rồi ra đi.

Vậy là trong tuần qua, ba người khách hàng của tôi đã mất . Hai người lớn tuổi trên bảy mươi và một cháu mới có 17 tuổi đã ra đi.

*        *         *

Sáng thứ hai 19 tháng 12, tôi đến nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt nam để tham dự thánh lễ tiễn đưa cháu  Matthew Tommy.

Anh chị có hai người con mà đã mất một cháu. Sự chịu đựng đau buồn của người cha, người mẹ chắc phải âm ỉ lâu dài mới nguôi ngoai được.

Trong thời gian điều trị bịnh tại nhà, các đoàn thể công giáo tiến hành có đến nhà anh chị đọc kinh . Một ngày trước khi ra đi, Hội Legio Maria có đem mình thánh Chúa đến cho em, em đã cố gắng ngồi dậy cùng đọc kinh Lạy Cha với cộng đoàn thăm viếng em. Hôm sau, em mới ra đi.

Làm sao họ thấy được ý Chúa, thấy được lòng thương xót của Chúa qua biến cố trên???

Phải có niềm tin vững vàng, xác tín thật thâm sâu, phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa mới tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa được. Một người bạn ở Palacios, khi  mất đứa con 10 tuổi, đã nói: “ Mình chỉ là ngưòi quản lý, Chúa ban cho rồi Chúa lấy lại, chứ mình đâu phải là người sở hữu con mình đâu?”

*      *      *

Sách khôn ngoan đã viết rằng:   Lúc họ xa rời chúng ta, chúng ta tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thật ra là họ được hưởng an bình. (Kn 3: 3)

Chúa cũng nói:  Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.  (Ga 14: câu 1-2)

Con người không ai thoát khỏi sự chết. Hành trình cuộc đời của chúng ta, ai cũng phải đi đến  đó là sự chết. Vậy mà tại sao nhiều người vẫn quá tham lam, đam mê tiền bạc quá đáng. Làm việc hai “jobs”, làm từ tờ mờ sáng đến 9, 10 giờ đêm mới về nhà.

Cũng có người quá tham tiền, muốn mau giàu có, đã làm ăn gian lận. Lường gạt người khác,  mua gian, bán lận, mục đích để kiếm thật nhiều tiền.  

Nhiều người khi có quyền lực trong tay, lại gây khó khăn người khác để đòi hối lộ. Tranh giành quyền lực, giết hại lẫn nhau, tham nhũng ngân sách nhà nước để giàu có…(1).   Họ muốn có nhà thật lớn, thật sang trọng. Họ muốn nhiều tài sản ở trong nước và nước ngoài. Nhưng thực tế, họ chỉ có thể ở trong một căn nhà và ngủ một chiếc giường nhưng không hiểu sao họ lao tâm khổ trí để giành giật tài sản như thế.?

Làm ra đồng tiền, gia đình, vợ (chồng) con cái cùng hưởng chung, nhưng khi mình làm điều ác, điều xấu để có tiền, riêng cá nhân người làm sẽ lảnh hậu quả. Không biết có bao giờ họ nghĩ đến điều đó không?

Nếu biết nghĩ đến tha nhân một chút, có được lòng thương người khác một chút họ đâu dám hại người để lợi mình.  Vì Chúa nói: ‘Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu. ( 1 Ga 4,8).

Khi về bên kia thế giới, tất cả tiền bạc, tài sản đó có mang theo được xuống mồ đâu, khi ra đi chỉ mang theo có hai bàn tay trắng mà thôi.

Tại sao không cố gắng đem hết sức mình, đóng góp tinh thần, vật chất cho tha nhân, làm những việc lành, phúc đức để lại cho đời sau, nuôi dưỡng cho linh hồn bất tử của mình sau khi chết.?

Ngày 19 tháng 12 năm 2016

Tác giả: Phùng văn Phụng

(1)  Vụ bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái gây rúng động dư luận ngày 18/8. (Tin từ BBC)

10 vụ án tham nhũng lớn nhất của Viet Nam, tiêu biểu Bùi Tiến Dũng, Huỳnh Ngọc Sĩ, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh  v.v…)

Vài kinh nghiệm sống.

Vài kinh nghiệm sống.

 Tác giả : Phùng văn Phụng

  Trong tâm tình chia sẻ lại cho những người thân yêu, bạn bè, con cháu những câu nói này đã giúp cho người viết thêm bình an, vui tươi, yêu mến cuộc đời hơn, bớt chán nản, bớt buồn phiền, tránh phần nào những thói hư, tật xấu thường ngày:

  1.  Không có sự đau khổ nào là không chửa trị được. Không có khó khăn nào là không tìm ra giải đáp .

                                                                                Raymont De Saint Laurent

                                                           Tế Xuyên dịch trong sách “Sống lạc quan”

2.  Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, để chi vậy? Để vui sống vì ngày mai mình đâu còn ở trên đời nữa mà giận hờn, thù ghét ai làm gì.

3.  Tạ ơn Trời trong mọi hoàn cảnh. Gặp khó khăn, gian nan thử thách cũng cám ơn đấng Tối cao, đấng tạo dựng nên vũ trụ và loài người chúng ta trong đó có mình. Chỉ có tạ ơn khi gặp khó khăn mới làm cho mình bình tâm, còn nếu oán hận, thù ghét chỉ gia tăng sự khổ sở, đau buồn cho chính mình mà thôi. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh .   Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su (1Thê-xa-lô-ni-ca  5, câu 18)

4.  Không suy nghĩ tiêu cực, chán nản. Không nói những lời tiêu cực làm cho người nghe mất tinh thần, làm cho họ chán nản, buông xuôi và cũng làm cho chính mình mất niềm tin, chán nản, đầu hàng, bỏ cuộc.

5.  Không chỉ trích cá nhân người khác khi không cần thiết, khi sự chỉ trích đó không có lợi ích cho ai cả. Mỗi lần chỉ trích, nói xấu ai sẽ làm tâm mình bị động, không được bình an.

6.  Nói lời tích cực, khuyến khích, nâng đỡ, yêu thương có thể thay đổi số phận một con người. Nói lời chê bai, mạt sát, khinh bỉ cũng có thể làm cho người nghe chán nản, hư hỏng, thất bại.

7.  Cần có lòng thương xót mọi người như Cha trên trời có lòng thương xót vì mỗi người đều có cảnh khổ riêng, nghèo thường gặp nhiều khó khăn, khổ sở, mà giàu cũng không thể tránh được sự đau khổ, người ta nói nhà giàu cũng khóc, nhờ vậy tâm hồn mình rộng mở, không thù ghét ai, nhờ đó có được lòng khoan dung, độ lượng với mọi người. Bản chất con người luôn luôn hướng thiện, có lương tri (Nhân chi sơ tánh bổn thiện). Hoàn cảnh xã hội, gia đình đã tạo nên con người xấu, tàn ác và mình nên thương xót, nghĩ về bản chất thiện đó để lòng mình được thanh thản, bình an. Thương xót con người của họ vì họ cũng là con cái Chúa.

8.  Tìm cho chính mình một lý tưởng, một mục đích tốt để luôn luôn cố gắng theo đuổi mục đích đó, để cho cuộc sống mình thú vị và có nhiều ý nghĩa hơn.

9.  Trong nội tâm con người luôn có hai khuynh hướng, hướng thiện làm những điều gì giúp ích cho tha nhân và huớng xấu, ích kỷ chỉ muốn có lợi cho bản thân mình và có hại cho gia đình, bạn bè, cho người khác. Cho nên luôn tự vấn lương tâm hàng ngày sẽ giúp ích chúng ta biết làm điều thiện, điều đúng. Tránh được điều xấu, làm được điều tốt thì tâm hồn ta sảng khoái, vui tươi, sung sướng. Niềm vui tươi, sảng khoái này thường lâng lâng theo ta lâu dài thích thú.

10.  Học tập và áp dụng lời dạy của Chúa: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5 câu 44). Câu này đem áp dụng trong đời sống rất khó, làm sao yêu kẻ đã hành hạ mình, có thể đã làm cho gia đình mình tan nát, chia ly, chết chóc v.v…

Yêu kẻ đã hảm hại mình, vì sao vậy? vì họ cũng là con người, là con cái của Thiên Chúa cùng một Cha chung trên trời. Ta yêu con người nhưng phải lên án, chê trách hành động xấu xa đó. Yêu con người đó với tinh thần bao dung, dùng tình yêu để xoá bỏ hận thù để nhờ đó xã hội tốt đẹp hơn.

11.  Đức tin là tin những điều gì mình không thấy, phần thưởng của đức tin là thấy những điều gì mình tin. Câu này trong sách “Những Kinh Nghiệm sống để lại” của Giáo Sư Trần văn Điền.

12.  Để được sống hạnh phúc ở đời này và đời sau, Chúa dạy : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4) Chúng ta sống không phải chỉ vì đồng tiền, sự giàu có, nhiều tài sản mà còn cần học hỏi lời Chúa, sống và làm việc theo lời Chúa dạy trong thánh kinh.

13.  Cần biết phó thác vào Thiên Chúa toàn năng nên “Mọi nỗi lo âu  anh chị hãy trút cả cho Người, vì Người lo đến anh chị.” (1 Peter 5: 7)

14.  Hãy bắt chước Chúa Giê-su, sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

15.  Hạnh phúc lớn nhất của đời người là bố thí. Mẹ Têrêsa Calcutta còn nói rằng: “Không phải là bạn đã làm được bao nhiêu việc bác ái mà bạn đã để bao nhiêu tình thương vào việc bác ái đó.”

dsc03617

Hình chụp trên bàn làm việc có cái hộp màu vàng tượng trưng cho cái hòm, mỗi ngày nhìn nó, để  nhắc nhở rồi mình sẽ vào đó trong thời gian tới (chưa biết ngày nào).

Viết xong ngày 21 tháng 12 năm 2016

Tác giả : Phùng văn Phụng

Nền y tế của nước Mỹ theo tôi được biết.

Nền y tế của nước Mỹ theo tôi được biết.

Tác giả: Phùng văn Phụng

Sở dĩ nhiều người muốn định cư ở Mỹ là muốn được phúc lợi xã hội mà nước Mỹ dành cho họ.

+ 1)   Một người được con cháu bảo lảnh qua Mỹ, không có một ngày nào làm việc đóng thuế ở nước Mỹ, nhưng khi đến tuổi về hưu, 65 tuổi, nếu có quốc tịch Mỹ, họ vẫn được hưởng phúc lợi đầy đủ. Họ được hưởng trợ cấp xã hội, một tháng hai vợ chồng nhận được khoảng 1100 đô la và tiền thức ăn (food) khoảng 150 đô la. Nếu bị bịnh, họ có “Medicaid”, nằm nhà thương không mất tiền.

Tôi có đứa cháu bị cancer (bướu) ở ruột già,  chưa có thẻ xanh là thẻ thường trú nhân, vì trục trặc về di trú, nhưng có làm việc ở Mỹ, có đóng thuế hàng năm nên được điều trị ở bịnh viện công (Ben Taub), chỉ đóng số tiền rất nhỏ tượng trưng.

Nếu trị bịnh ung thư ở nước Mỹ, mất vài tháng, chi phí điều trị lên đến vài trăm ngàn đô la là sự thường vì phải trả tiền khám bịnh của bác sĩ, tiền thuốc (thường rất mắc), tiền phòng khi nằm trong bịnh viện.

Lần trước phải mổ bướu ở ruột, thời gian mổ khoảng 3 giờ, anh ta chỉ phải trả $50 đô la. Khi bịnh ung thư ruột già lây lan sang gan, lần thứ hai này phải mổ gan nên mất nhiều thời gian hơn, khoảng 5 giờ, nhưng cũng chỉ phải trả tượng trưng là $150 đô la. Hiện nay đang điều trị, vừa xạ trị, vừa hoá trị không mất tiền vì không có “income”, không có tài sản.

+ 2)  Khi thất nghiệp hay không có đủ tiền mua bảo hiểm và không có tài sản, nếu ở quận Harris, thành phố Houston, Texas có thể xin thẻ vàng, khám bịnh, lấy thuốc không mất tiền, chỉ có chịu khó chờ đợi hơi lâu để khám bịnh và lấy thuốc mà thôi. Nếu bị bịnh nhiều thì xin vào nằm điều trị tại bịnh viện “Ben Taub” cũng không mất tiền (giống như nhà thương Chợ Rẫy, Bình Dân, Hồng Bàng ở Sài gòn trước năm 1975, là nhà thương thí khám bịnh, nằm điều trị không tốn tiền).

Ngoài ra nếu người nào có lương thấp (low income) có thể nộp đơn xin bảo hiểm sức khỏe gọi là  “Obama care” chánh phủ trợ giúp thêm để có bảo hiểm sức khỏe.

+ 3)  Sau năm 1975, từ khi ‘nhà thương’ đổi thành bịnh viện, dân chúng dầu giàu nghèo đều cũng phải trả tiền mới được điều trị. Cho nên hiện nay ở Việt nam nếu bị bịnh nặng như đau tim cần mổ, bịnh ung thư, v.v… không có tiền chỉ có chết mà thôi.

+ 4)  Khi về hưu :

Khi đến tuổi 65 nếu có đi làm đủ 10 năm hay 40 “quarter” thì được cấp medicare.

Nếu bị bịnh khi đi bác sĩ hay nằm nhà thương thì Medicare chỉ trả 80% chi phí, còn cá nhân người bịnh trả 20% chi phí. Do đó nhiều người mua thêm “Supplement Medicare” để khi nằm nhà thương hay đi bác sĩ thì “supplement medicare” trả hết những chi phí nào mà medicare không trả.Ngoài ra không chỉ được nằm trong bịnh viện có 150 ngày, bịnh nhân còn được chi trả cho thêm một năm (365 ngày) nữa nếu phải nằm trong bịnh viện.

Nếu một cá nhân không khả năng mua “Supplement Medicare” thì vào một chương trình Advange Medicare thì phải trả một phần “deduct” tiền mình phải đóng góp lúc đi khám bịnh hay nằm trong nhà thương. Số tiền đóng góp của mình tùy theo qui định trong giao kèo (policy) của mỗi hảng.

Người bịnh dầu giàu hay nghèo khi vào bất cứ nhà thương nào cũng được chăm sóc như nhau. Lương bổng của y tá, bác sĩ đã khá cao rồi nên họ không làm khó dễ bịnh nhân để đòi tiền “hối lộ”. Khi trở về nhà, bịnh nhân được bác sĩ hay y tá gọi hỏi thăm sức khỏe và được thăm dò để biết nhân viên bịnh viện có làm việc đàng hoàng không, có cần sửa chữa điều gì không?

Có một lần tôi đi khám, mổ mắt cườm. Buổi sáng vào phòng thay quần áo, mặc áo nhà thương, đẩy xe vào khu săn sóc, chuyền nước biển, cân, đo huyết áp, hỏi han thật kỹ các bịnh đang có, đang uống thuốc gì, hai ba bác sĩ đến thăm, trước khi gây mê và mổ mắt.

Sau đó họ đẩy xe vào phòng mổ mắt, hai y tá đến thăm, sau đó bác sĩ mổ mắt đến  và họ đã gây mê lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, sau chừng một giờ đã thấy đưa ra bên ngoài, phòng chờ đợi, có y tá đưa mình đến tận xe nhà, đậu bên ngoài, dẫn mình lên xe , rồi họ mới vào bên trong, không phải hối lộ cho ai một đồng nào. Họ rất tử tế, vui vẻ dầu mình là người Á châu không phải là người Mỹ.

Vì có bảo hiểm “medicare supplement” nên không phải trả đồng nào.

Xem thêm  :   Những điều nên biết về hành nghề Y ở Mỹ

Mùa tạ ơn cuối tháng 10 năm 2016

Phùng văn Phụng

Thấy gì sau ngày 30 tháng 04 năm 1975.

 Thấy gì sau ngày 30 tháng 04 năm 1975.

Vài hôm sau ngày 30-4-1975, tôi đi trên đường Lê Lợi, thấy từng đống sách bị đem ra để trên vĩa hè, trước nhà sách Khai trí mà đốt. Tôi nhìn thấy những quyển sách bìa cứng, dày, giấy trắng đẹp như tự điển Anh Việt, Pháp Việt, những sách về y khoa, những sách về văn học quí hiếm bị đem ra đốt, làm tôi liên tưởng đến thời Tần Thủy Hoàng ( tháng 12 năm 259 TCN  đến tháng  8 năm 210 TCN)….    của Trung Hoa , đốt sách chôn học trò.

Tôi không biết thời đó đốt sách ra sao, chứ thời này, cuối thế kỷ 20, các sách rất quí, được biểu tượng cho sự hiểu biết của nhân loại bị đốt , lòng tôi chán nản và buồn vô hạn. Rồi đây dân tộc này sẽ ra sao? Khi sách vở đã bị đốt, bị xem thường.?

Nhà tôi có những sách quí như bộ Chiến tranh và Hoà Bình của Leon Tolstoi do nhà văn Nguyễn Hiến Lê dịch, có 4 cuốn, sách giấy trắng, đẹp cũng phải xé bìa vất vào thùng rác. Mất một tủ sách xé bìa, bán ve chai hoặc đốt bỏ. Đau lòng lắm khi đốt những sách mà tôi yêu quí.

Tần Thủy Hoàng 

Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đem tất cả trên 460 nho sinh đó chôn sống ngoài thành Hàm Dương

Để tránh sự phản kháng của dân chúng, Thừa tướng Lý Tư đã áp dụng chính sách “ngủ gia liên bảo” , năm nhà xài chung một con dao và năm nhà kiểm soát lẫn nhau. Một nhà làm tội trừng phạt bốn nhà kia.

Tần Thủy Hoàng giết hơn 460 nho sinh đã mang tiếng ngàn đời là tội “đốt sách chôn học trò”

Trong cuối thế kỷ 20 này, sau hơn hai ngàn năm, thì người cộng sản Việt nam đã dựa theo chính sách của Tần Thủy Hoàng, áp dụng triệt để chánh sách này. Để lường gạt dân miền nam hiền hậu, thơ ngây , nhà cầm quyền cộng sản ra thông báo , người lính đi học ba ngày rồ về. Sau ba ngày lính được thả về thực. Sau đó thông báo sĩ quan cấp úy đi trình diện học trong 10 ngày,  sĩ quan cấp tá , hành chánh cấp phó quận, đảng phái phó chủ tịch cấp quận trở lên , đi trình diện  đem thức ăn đi học một tháng. Mục đích để quân cán chính Việt nam cộng hòa lầm tưởng đi học trong 10 ngày hay một tháng rồi sẽ về.

Nhà tù không dùng trại tù  mà dùng chữ mỹ miều “ Trường học tập cải tạo” giống như trường trung học, trường đại học để lừa gạt nhân dân miền nam thơ ngây.

Một sự lừa dối lường gạt vĩ đại vô tiền, khoáng hậu trong lịch sử nhân loại

Số người đi học tập 

Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các đảng phái “phản động”.[18] Theo Phạm Văn Đồng, con số người phải trải qua giam giữ sau này 30/4/1975 là hơn 200.000 trong tổng số 1 triệu người ra trình diện.[19] Tính đến năm 1980 thì chính phủ Việt Nam xác nhận có 26.000 người vẫn còn giam trong trại. Tuy nhiên một số quan sát viên ngoại quốc ước tính khoảng 100.000 đến 300.000 vẫn bị giam.[9] Ước tính của Hoa Kỳ cho rằng khoảng 165.000 người đã chết trong khi bị giam.[2

Chưa kể trong một tháng đầu sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 sự giết chóc, trả thù lén trong toàn miền nam ước tính khoảng 60,000 người.

Tác giả Phùng văn Phụng

Sự kiêu ngạo và thân phận con người.

Sự kiêu ngạo và thân phận con người.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Vì phàm ai tôn mình lên s b h xung; còn ai h mình xung s được tôn lên. (Luca 18,14b)

Sự kiêu ngạo, thiếu khiêm nhường là bản chất của con người. Muốn rèn luyện đức khiêm nhường phải học hỏi, suy tư, lắng nghe và suy ngẫm lời Chúa để từ từ sửa đổi bản thân mình. Lúc sống trên dương thế, sự kiêu ngạo, vì cái tôi quá lớn thường làm cho cuộc đời của chúng ta gặp nhiều gian truân, khúc khuỷu, đưa đẩy chúng ta đến những hoàn cảnh ta không muốn, không lường trước được.

                 1)  Câu truyện về tháp Ba-ben.

 Thông thường con người luôn luôn xem cái tôi của chính mình là lớn lao, là vĩ đại. Nhân loại đầu tiên là ông Adam và bà Ave bị cám dỗ muốn ngang bằng ông Trời, muốn biết hết mọi sự nên đã ăn “trái cấm” và bị đuổi khỏi vườn địa đàng.

Chuyện tháp Ba-ben

Trong sách Sáng thế chương 11 ( câu 1 đến câu 9) có ghi:

Họ kiêu căng muốn xây một tháp cao tận trời  nhưng bị Thiên Chúa trừng phạt thói kiêu căng, ngạo mạn ấy…làm cho họ không hiểu ngôn ngữ của nhau và họ phải dừng xây dựng công trình này lại và bị tản ra khắp nơi trên mặt đất.

1 Thuở ấy mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau , họ kiêu ngạo, họ muốn lên thẳng tới trời cao nên:  Họ nói “Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lừng lẫy …”vì thế Đức Chúa Trời không muốn để họ kiêu ngạo quá như vậy nên  Đức Chúa nói:  Nào! Ta xuống và làm tiếng nói của họ bị xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa.” và phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất và họ phải thôi không xây thành phố nữa.   Bí ẩn về tháp Ba-ben trong Kinh Thánh

                    2) Sự kiêu ngạo của cộng sản Bắc việt:

 Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, khi người cộng sản miền Bắc chiếm được miền Nam Việt nam bằng quân sự họ rất kiêu ngạo, tự mãn. Họ là số một trên thế giới,  tự xưng mình là “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Lê Duẩn đã từng tuyên bố “ba dòng thác cách mạng” sẽ  tiêu diệt các nước tư bản Mỹ, Pháp, Anh, Đức v.v Họ trịch thượng không cần giao dịch với các nước Tây phương như Mỹ, Pháp Anh cho rằng kẻ cựu thù, chỉ giao dịch nước duy nhất là Liên sô và các nước Đông Âu mà thôi.

Họ tưởng rằng sau khi chiến thắng miền nam rồi họ có thể làm được mọi sự ngay cả về phát triển kinh tế hay về an sinh xã hội. Họ bắt chước Liên sô, quốc hữu hóa tất cả nhà máy của tư nhân ở miền nam và bắt mọi người làm ăn buôn bán phải vào hợp tác xã. Làm ruộng, hớt tóc, bán quán tạp hóa nhỏ cũng phải vào hợp tác xã. Hậu quả sau 10 năm, nền kinh tế miền nam hoàn toàn kiệt quệ, thiếu gạo, phải ăn bo bo, hàng hóa khan hiếm, cái gì cũng thiếu thốn. Do đó, để sống còn,  họ phải quay trở lại kinh tế thị trường. Để đỡ mắc cở họ gọi là đổi mới, kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” . Không ai có thể giải thích được “định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì.?

Hậu quả của sự kiêu ngạo này đã còn tác động lên toàn dân Việt nam, làm cho đất nước không chịu phát triển, một đất nước nghèo nàn, tụt hậu so với các nước khác ở Đông Nam Á.

                    3) Chuyện anh Nguyễn:

Anh Nguyễn vượt biên qua Mỹ đầu thập niên 1980, anh đã cố gắng, chăm chỉ làm việc hết sức  trong thương trường và anh đã rất thành công. Sự thành công trong thương trường đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng anh Nguyễn. Anh cho rằng mình đã thành công lớn, có nhiều tiền và tâm lý của anh Nguyễn là lúc nào cũng cảm thấy mình hơn người khác. Anh Nguyễn cho rằng khó có người nào theo kịp anh ,thành công như anh.Thấy người khác thành công tự nhiên anh Nguyễn không ưa vì anh không muốn có người thành công như mình hay hơn mình. Do đó không bao giờ anh khen bất cứ ai trong thành phố anh ở. Anh luôn luôn tìm khuyết điểm người khác để chê bai. Với tâm trạng hơn người của anh, anh không hài lòng với bất cứ người nào mà anh tiếp xúc.  Anh là người tự ái rất cao. Anh không thích người nào làm trái ý anh. Anh cũng không thích người nào có ý kiến khác biệt với anh. Anh không sống được với người vợ nào cả.

Anh có rất nhiều “bạn gái” nhưng anh vẫn sống một mình, anh không chọn được người nào làm vợ anh cả. Anh chỉ thích sống một mình vì anh chỉ yêu chính mình anh mà thôi.   Anh giống với anh chàng  Narcissus  trong huyền thoại Hy Lạp.

narcissus

Anh chàng  Narcissus

 Anh từng nói: “ Tôi đến tuổi về hưu rồi, tuổi gần đất xa trời rồi, phải ăn nhậu, ăn chơi cho đã trước sau gì cũng chết. Chết là hết.” (1)

Đó là quan niệm sống của anh Nguyễn mà một số người cũng thích sống “độc thân”  ăn chơi, vui chơi như vậy.

Sự thành công, sự giàu có dẫn đến sự tự cao, tự đại làm cho họ cô đơn vì họ không thể sống cùng, sống với bất cứ người thân yêu nào ngay cả với vợ (chồng) hay con cái của họ nữa.

Về ông chủ của Iphone Apple là Steve Jobs

steve-jobs

Chính Steve Jobs cũng phải viết: Trong lúc này trên giường bnh vin, hi tưởng v cuc đi, nhng li khen ngi, t cao, t hào v tài sn nhưng tôi cm thy tht vô nghĩa trước t thn, cái chết. Chính ông đã phải than thở :

 Tuy vậy phía sau của công việc tôi có rất ít niềm vui. 

Không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn.

Thượng Đế to dng chúng ta đ cm nghim được tin yêu trong tim, ch không phi nhng o tưởng v tin tài, danh vng như tôi đã làm trong sut cuc đi nhưng không th đem theo tôi được.

Làm ơn hãy nâng niu và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu, gìn giữ sức khỏe cho bạn và chăm sóc đồng bào của bạn.”

Kết:  Tôi sực nhớ đến Thánh Luca 18 ,câu 14b.

“ Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống thì được tôn lên”

Rồi kinh nhật tụng hàng ngày thường đọc :

Con xin dâng các lễ Misa , các Thầy cả ở khắp tứ phương thiên hạ làm trong ngày hôm nay, để Chúa con thương đến các kẻ có tội đang mong sinh thì bây giờ và sẽ CHẾT TRONG NGÀY HÔM NAY. Chớ gì máu châu báu Đức Chúa Giêsu là Đấng chuộc tội làm cho Chúa con thương đến các kẻ ấy.

Câu kinh này tôi rất yêu thích và đã giúp cho tôi rất nhiều trong cuộc sống  là lúc nào cũng nghĩ sẽ CHẾT TRONG  NGÀY HÔM NAY để định hướng cho cuộc sống của mình, để luôn có niềm vui trong đời này và hy vọng hạnh phúc thiên đàng trong đời sau.

25-09-2016

Tác giả : Phùng văn Phụng

(1) Xem thêm: Chết là hết

Khi các quan chức cao cấp bị bắn hay Giàu có và quyền lực là một thảm họa.?

Khi các quan chức cao cấp bị bắn hay Giàu có và quyền lực là một thảm họa.?

Tác giả Phùng Văn Phụng

Mấy ngày nay báo chí cũng như “facebook” làm rùm beng, tràn ngập tin tức về sự kiện hai quan chức cấp cao của tỉnh Yên Bái bị bắn chết. Sự kiện trên làm chấn động mọi người Việt nam, làm cho bà con trong và ngoài nước hết sức đặc biệt quan tâm, theo dõi và bàn luận “sốt sắng ,dữ dội ” và cũng tốn quá nhiều “giấy mực”  quá nhiều ý kiến, phê bình “ tốt xấu ” trong tấn thảm kịnh này.

Nguồn tin từ đài BBC:

1.Vụ bắn xảy ra khi nào?

Bà Phạm Thị Thanh Trà (Chủ tịch UBND tỉnh), chủ trì họp báo, cho biết ngày 18/8 dự kiến khai mạc kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh lúc 8h sáng. Các đại biểu có mặt sớm, thường là khoảng 7h45 để chuẩn bị.

Khoảng 7h sáng, Chi cục trưởng Kiểm lâm Đỗ Cường Minh đến xin gặp và được cho vào phòng làm việc Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường, Tại đây, ông Minh dùng súng quân dụng K59 bắn ông Cường.

Sau đó ông Minh di chuyển sang phòng của Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Ngô Ngọc Tuấn, cách đó 150 mét, dùng súng bắn ông Tuấn, rồi tự sát tại đây.

nguồn:      BBC tiếng Việt

 2. Nguyên nhân vì sao hai quan chức cấp cao (Bí thư và Chủ tịch HĐND tỉnh) bị bắn? và vì sao viên chức cấp cao khác (Chi cục trường Kiểm lâm) lại giết người rồi tự sát.

 Theo đài Á Châu Tự Do (RFA) (Đây là vấn đề mâu thuẫn quyền lực cũng như lợi ích. Đặc biệt vấn đề hiện nay là cấp trên ăn no đủ rồi bây giờ tìm một thằng để tế và như thế thì mình phải xem xét lại toàn bộ hệ thống cái nhân cách của con người trong bộ máy rõ ràng nó đang có vấn đề. Ăn chia với nhau không sòng phẳng nên diệt nhau.

Ô. Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương)

nguồn: Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái bị bắn chết (RFA)

Pham Huy Cuong Bi thư tinh uy Yen Bái

 

 

 

 

 

 

 

Ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Tại sao lại xảy ra tình trạng giết chóc nhau của viên chức cao cấp nhà nước như vậy?

Nhà báo Phạm Chí Dũng ghi nhận:

Tôi cho rằng nó đặc biệt quan trọng ở chỗ này: đó là không khí xung đột trong nội bộ đảng đã phát triển tới tiệm cận giới hạn bùng nổ thảm sát cá nhân, có nghĩa là căng thẳng lắm rồi. )

 3. Con người thường say mê quyền lực và giàu có.. Say mê quyền lực làm con người tha hoá, mù quáng, mất lý trí . Say mê này còn hơn say rượu , say thuốc phiện. Say rượu, thuốc phiện chỉ trong thời gian ngắn còn say mê quyền lực thì không bao giờ chấm dứt được.

Khi say mê quyền lực, tiền bạc thì khó mà giữ được tình cảm tự nhiên, sống bình thường, biết yêu thương đồng loại. Say mê quyền lực, tiền bạc khó mà làm việc công tâm, theo lẽ phải, vì khi có quyền hành rồi thì sẽ bằng mọi thủ đoạn xấu xa để cũng cố quyền lực, đem quyền lợi về cho cá nhân mình. Say mê quyền lực, tiền bạc thường có hành vi mờ ám, lươn lẹo, dối trá, bất chấp lẽ phải, trù dập, hại người bằng mọi giá, mục đích thăng quan tiến chức cho cá nhân mình, thu tóm quyền lợi, tiền bạc cho cá nhân mình, phe nhóm mình?

Thông thường khi say mê quyền lực, tiền bạc con người khó thoát ra được hoàn cảnh mê muội đó.

Khi có quyền lực trong tay, không có ai nghĩ rằng quyền lực này chỉ tạm thời, thông thường họ cho rằng quyền lực này sẽ vĩnh viễn, giàu có vĩnh viễn, tưởng chừng như ta sống không bao giờ chết.

Nhưng thực sự ai cũng biết quyền lực và giàu có chỉ là tạm thời, khi ta chết đi ta đâu có mang sự giàu có theo ta, chỉ có tình thương yêu và công đức mà ta đã giúp đỡ cho tha nhân. Những gì ta đã đóng góp cho cho xã hội, mới có thể tồn tại lâu dài mà thôi.

DO CUONG MINH

 

 

 

 

 

 

Ông Đỗ Cường Minh – thủ phạm vụ án mạng Yên Bái nhưng được nhiều facebooker cám ơn và xem như “anh hùng”. (Hình: Kiểm lâm Yên Bái)

Mời xem:  Viên chức bắn nhau là chuyện nhỏ, nhân tâm mới là chuyện lớn (báo Nguoi-viet)

Tại sao người dân lại có tâm lý hả hê, vui mừng, không thương tiếc khi hai quan chức cao cấp bị bắn chết. Lòng dân đã chán ngán tình trạng tha hoá, bất công, hạch sách người dân quá đáng,  nhà cầm quyền thường nhũng nhiểu, đòi hối lộ, gây khó khăn trong các sinh hoạt thông thường của người dân. Đó là tâm lý phản kháng của người dân đối với nhà cầm quyền  độc tài, không do dân bầu. Họ không thể yêu mến nhà cầm quyền mà họ không được quyền lựa chọn.

Mời xem thêm:

MẤY KHÍA CẠNH TÂM LÝ QUA VỤ BÍ THƯ VÀ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH YÊN BÁI BỊ BẮN CHẾT  của  Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang.

Chắc chắn ba viên chức cao cấp trên không bao giờ nghĩ đến thảm cảnh này vì họ đang ở trên đỉnh cao quyền lực và giàu có. Tất nhiên họ không bao giờ có một chút suy nghĩ về SỰ CHẾT, nhưng thực tế , ai ai cũng phải trúng số độc đắc một lần đó là SỰ CHẾT.

Kết: Trong Kinh thánh có nói đến một người giàu có đã hảnh diện vui mừng:

Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm.

Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! . Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Luca 12 (câu 19-21)

Chắc qua sự kiện này, các quan chức đầy quyền lực và đang giàu có cần phải suy nghĩ về thân phận của mình và gia đình vợ con mình, xem mình đã gieo bao tai ương, gây bao khốn khó cho đồng nghiệp và cho dân nghèo cơ cực, bần cùng.

Tác giả Phùng Văn Phụng

Bốn mươi năm thời gian dài quá đủ.

Bốn mươi năm thời gian dài quá đủ.

Tác giả: Phùng văn Phụng

Tạ ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy,

Cho con còn ngày nữa để yêu thương. (1)

   *    *    *

Vào đầu năm 1970,  tôi có nhờ Ông Hiệu Trưởng Uông Đại Bằng đề nghị với Nha Khảo Thí để tôi chuyển về trường Lương văn Can, còn được gọi là trường Trung học Tổng Hợp Đô Thị Quận 8, để giữ vai trò Tổng giám thị. Năm đó tôi được 28 tuổi . Ông Uông Đại Bằng và Giám Học Hồ Công Hưng lúc đó hơn tôi chừng vài tuổi.

Thời gian 40 năm hơn nửa đời người cũng là thời gian quá dài  “ biết bao vật đổi, sao dời ” vui mừng cũng có mà đau buồn cũng không ít . Ngày nay nhiều cựu học sinh đã là ông bà nội, ông bà ngoại rồi đã trên dưới 60. Tại sao thời gian dài như thế tình thầy trò, tình bạn hữu của các em cựu học sinh vẫn gắn bó nhau. . Vậy sự gắn bó, liên kết, chia xẻ ngọt bùi với nhau phải có lý do chứ?

Với tuổi đời hiện tại” thất thập cổ lai hy” mới cảm nghiệm được rằng thời gian trôi qua quá mau, đã hiểu được rằng đời người như “ bóng câu qua cửa sổ”. Nhớ lại mới đó mà thấm thoát nay đã già.

Vài ghi nhớ về trường Lương văn Can.

Nhìn lại thời gian qua, trước năm 1975  số giáo sư trong ban giảng huấn khoảng 100 tới nay đã ra đi khoảng 14 người ( 14%),  ban giám thị khoảng 13 và mất khoảng  5 người (gần phân nửa). Trong số học sinh cũng đã có các em lẽ tẻ ra đi với tuổi chưa đầy 60 .

Tại sao hơn bốn mươi năm qua tình thầy trò vẫn đậm đà thấm thiết? Tôi nghĩ là nhờ có tình yêu thương thật sự đã gắn bó với nhau.

Tôi nhớ có lần trong khi tập hợp học sinh chào cờ buổi sáng có một em học sinh bị xỉu tại sân trường và đích thân chính ông Hiệu trưởng Uông Đại Bằng đã chở học sinh này đi nhà thương mà không nhờ nhân viên nào khác trong trường, đủ thấy tấm lòng yêu thương lo lắng cho học sinh của Ông Hiệu trưởng .

Với với số lương hàng tháng cuộc sống của thầy cô lúc bấy giờ cũng tạm đủ sống không thiếu thốn gì. Hơn nữa đa số thầy cô giáo ra trường đi dạy học cũng còn rất trẻ, sống có lý tưởng, nên đã cố gắng làm việc hết lòng, hết khả năng, làm việc đàng hoàng mà còn cố gắng sống đời sống gương mẫu, sợ mang tai tiếng, để làm chứng nhân  cho học trò noi theo, bắt chước.

Ông Hiệu trưởng Uông Đại Bằng trong những năm làm việc không có mang tiếng gì về tiền bạc mà sáng sớm đã thấy ông ngồi trong văn phòng và tối mịt mới rời văn phòng về nhà. Việc thi tuyển vào học trường Lương Văn Can đều do hội đồng thi tổ chức và chấm điểm rất công tâm . Không có việc chạy chọt tiền bạc hay thế lực nào áp đặt .

Ngoài ra tinh thần làm việc cộng đồng cùng nhau chia xẻ khó khăn, nâng đỡ nhau trong công việc cũng đã làm cho tình thầy trò,tình bạn hữu giữa các học sinh với nhau càng yêu thương gần gũi nhau hơn.

Tôi vẫn không quên câu nói như sau : Giá trị của bạn chính là việc bạn đã làm gì, đóng góp gì, chứ không phải vỏ bọc hình thức bạn tốt nghiệp trường nào, có bao nhiêu bằng cấp.

Bằng cấp rất cần thiết nếu bằng cấp ấy là do học tập siêng năng, cần mẫn mà có, do tài năng thật sự mà có, chớ không phải bằng cấp do chạy chọt bằng tiền bạc hay do áp lực quyền hành mà có. Ngoài ra với tài năng thực sự đó cũng chưa đủ, giá trị con người chính là sự đóng góp cho xã hội,  cho tha nhân, làm việc hữu ích cho con người mới là điều quan trọng, phải không ?

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã đóng góp cho hậu thế gần một trăm đầu sách đủ loại vừa sách học làm người, sách dịch các tác phẩm nổi tiếng của Mỹ, của Pháp, sáng tác đủ loại để giúp cho các bạn trẻ, sinh viên, học sinh học hỏi hiểu biết triết lý Đông Phương, Tây Phương, nền văn minh Âu Mỹ để các bạn trẻ tìm cho mình con đường lý tưởng để sống . Ông có thuật lại ông cùng học chung một lớp với người bạn học rất giỏi luôn luôn đứng đầu lớp, ông không thể nào học hơn người bạn đó được, nhưng rồi thời gian trôi qua ông không còn thấy tin tức, sự đóng góp gì của người bạn đó nữa.

  Đến cuối cuộc đời có gì để tiếc:

Là một người có tài, tác giả truyện Kiều là Nguyễn Du đã viết:

“ Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Còn người viết bài này là người tầm thường, không có gì xuất sắc chỉ:

Tạ ơn trời – hôm nay tôi còn sống
Mt còn nhìn, còn đc được Emails
Đi còn vui, đâu đến ni cô liêu.
Thêm kiến thc, thêm t tâm h x !
T ơn các bn gn xa
Hng ngày chia s cùng ta đ điu.
Emails nhn được bao nhiêu
Là bao tình cm thương yêu nng nàn.
* – Cám ơn tất cả các bạn đã cho tôi biết bao kỷ niệm buồn vui, những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được.

*. – xin cám ơn tất cả … những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi từng biết mà chưa quen.
* – Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này thật vô cùng ý nghĩa …

* – Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây chán nản buồn phiền nhất, để quên đi những sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương, để vui mà sống .

T ơn Tri mi sm mai thc dy,

Cho con còn ngày na đ yêu thương .(1)

(Sưu tầm trong internet)

Vài kỹ niệm về Hội Phụ Huynh Học Sinh Trường Lương Văn Can (trước năm 1975)

Tôi còn giữ hai quyển kỷ yếu đóng chung thành một tập do cựu học sinh Nguyễn Tấn Luyện từ Canada gởi tới.

Hai cuốn đều có tên là “Trung Học Tổng Hợp Đô Thị Quận 8” Kỷ Yếu 1972-1973 và Kỷ Yếu 1973-1974 . Nhờ hai cuốn này tôi nhớ lại được những hình ảnh, những sinh hoạt của thầy cô và học sinh trong thời gian tôi làm việc tại trường này.

Lúc tôi về trường chỉ có dãy lầu ở bên trái, đối diện với dãy lầu này chỉ là khu đất trống.

Trong cuộc bầu cử ban Quản Trị  Hội Phụ Huynh học sinh và Giáo chức, ông Đỗ Đăng Lợi được bầu làm Hội trưởng còn tôi làm Chánh thơ Ký, ông Nguyễn văn Sinh làm Chánh Thủ Quỹ của Hội.

Tôi còn nhớ Hội Phụ Huynh lo việc xây cất dãy bên phải của trường.

Khi đào mống để xây trường học gặp rất nhiều hòm chôn người chết. Đào chỗ nào cũng đụng hòm do đó bà con mới biết khu này là khu nghĩa địa cũ.

Chủ thầu xây cất phải lo cúng kiến và lo cải táng cho các ngôi mộ đó.  Nhà thầu làm mấy phòng học ở phía sau để có đủ chỗ cho học sinh học, sau đó mới xây dãy bên phải có lầu. Ông Đỗ Đăng lợi rất cẩn thận thường xuyên kiểm soát thât chặt chẻ việc xây cất. Chính ông Lợi và ban Quản trị Hội đã đích thân đến kiểm soát từng giai đoạn xây cất, xem có đủ chất lượng, đúng theo bản vẽ họa đồ không rồi mới cho tiếp tục xây cất.

Mỗi tháng Hội phụ huynh họp một lần, luôn luôn lấy ý kiến đa số các thành viên của Hội.

Xây cất nửa chừng nhà thầu bị lỗ lúc đó công việc đạt được 70, 80 phần trăm. Nhà thầu bỏ trốn vì vật giá gia tăng .

Lúc đó Hội phụ huynh rất có uy tín dưới sự điều hành của ông Đỗ Đăng Lợi và với sự theo dõi của Hiệu trưởng Uông Đại Bằng.

Về phần trợ giúp cho học sinh nghèo Hội cũng thường họp Ban Quản trị Hội để lấy ý kiến xem xét để trợ cấp từng trường hợp một, chỉ trợ cấp cho các em học khá mà gia đình nghèo thật sự.

Suốt mấy năm Ông Đỗ Đăng Lợi làm Hội trưởng (1970-1975) không hề bị mang tai tiếng gì mà mỗi lần họp Đại Hội Phụ Huynh Học sinh rất đông bà con phụ huynh tham dự và bầu cử,  kiểm phiếu công khai không hề có sự sắp đặt nào trước.

Sinh hoạt của Hội Phụ Huynh Học sinh trường Lương văn Can  chấm dứt vào ngày 30 tháng 04 năm 1975.

Không biết có phải vì đặt tình yêu thương lẫn nhau và đã làm việc công tâm, đàng hoàng, không tơ hào, không gian lận, dính líu tiền bạc vì tư lợi thì sẽ được yêu thương dầu  là 40 năm hay 50 năm hay lâu hơn nữa.

Tất cả là tình yêu thương.

Phùng Văn Phụng  

(1) Câu thơ nguyên văn là:

  Cám ơn đời mi sm mai thc dy
Ta có thêm ngày n
a đ yêu thương

 Tác gi nguyên thy ca 2 câu thơ này là 1 thi sĩ lng danh, người Lebanese (Li Băng) 
tên là Kahlil Gibran (1883-1931), tri
ết gia ln lên sinh sng Mỹ .

Gibran

 

 

 

 

 

 

 

Hình Kahlil Gibran

 Xem thêm về Kahlil Gibran:  https://en.wikipedia.org/wiki/Kahlil_Gibran

DSC03342

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả cùng với Giáo sư Trần Nguyên Khôi

Hình chụp trước năm 1975 tại trường Lương văn Can

trong ngày bầu cử Ban Quản Trị Hội Phụ Huynh Học Sinh và Giáo Chức

http://luongvancan.avcyber.com/D_1-2_2-1401_4-12890_5-15_6-1_17-8_14-2_15-2/

Niềm tin có Chúa ở cùng.

Niềm tin có Chúa ở cùng.

   Tác giả Phùng văn Phụng

Trong cuộc đời mỗi người, ai ai cũng có những biến cố vui, buồn, đau khổ hay hạnh phúc, riêng tôi, tôi đã ghi nhận vài sự việc sau đây, với cái nhìn của đời sống tâm linh, tôi nghĩ là tôi đã “có Chúa ở cùng” trong cuộc đời trôi nổi của tôi:

I ) Những điểm nổi bật cần ghi nhận như sau:

  • 1) Tôi bị tai nạn hồi còn nhỏ lúc 7, 8 tuổi. Ngồi trên bàn, phía sau bàn là tủ kiếng chứa đồ tạp hóa, sơ ý, tôi ngồi bật ngửa ra sau, té, đập đầu sau ót vào tấm kiếng. Chở lên nhà thương quận cách chợ núi khoảng 5,6 cây số bằng xe ngựa. Sau khi khám vết thương, kiếng chỉ đâm vào giữa hai đưòng gân, không chạm vào đường gân nào hết. Chích thuốc cầm máu, rửa vết thương, băng bó và cho về nhà ở với ông cậu bảy. Thoát chết.
  • 2) Năm 1978, khi cộng sản đưa chúng tôi từ Lào Cai về Vĩnh Phú trên chiếc xe bít bùng, xe chạy trong mưa gió. Hai người tù chúng tôi bị còng chung với nhau trong một cái còng.   Tay người tù này bị còng chung tay với người tù kia . Chúng tôi lên xe trước, ngồi gần tài xế. Khi đổ đèo, xuống dốc, tất cả mấy chục người phía sau xe đổ dồn một lúc lên phía trước, đè lên người tôi, ngộp thở. Tưởng chết, nhưng chưa chết. Khi đỗ đèo, dưới cơn mưa tầm tả, sợ rơi xuống đèo, nhưng nhờ trời thương vẫn về tới trại giam Vĩnh Phú. Tôi cũng không chết.
  • 3) Sống ở trại tù K3 Vĩnh Phú chịu đựng cái lạnh thấu xương, chắc khoảng 10 độ C, gió bấc, mưa phùn liên tục hơn hai tháng. Dầu trời lạnh và mưa gió như thế, chúng tôi phải đi ra đồng nhổ cỏ, trồng khoai lang, khoai mì. Gió lạnh, mưa phùn lất phất suốt ngày đêm. Chúng tôi tù nhân bị đói triền miên. Đói quá anh em thường nói “con gì nhúc nhích thì ta ních liền” .

Ăn rau tàu bay, rau má, rau dấp cá, lá khoai mì … con nhái, con cá, con đuông… đói quá, có người ăn cóc, nướng sơ sơ mà ăn nên bị trúng độc mà chết .

Buồi sáng đi làm, buổi chiều về trại, áo quần ướt hết, không thể khô được. Ngày hôm sau mặc áo ướt đó lại đi ra đồng, dưới trời mưa phùn, gió bấc vừa đói, vừa lạnh . Mỗi ngày chỉ ăn bo bo không xay, loại bo bo cho trân bò ăn . Ăn vô 10, 15 phút sau thì tống ra ngoài hết . Ăn khoai mì lát hay củ khoai mì chỉ có hai đầu toàn xơ không có bột . Ăn vô, mấp mấp lấy nước rồi nhả ra hết . Loại khoai mì người dân miền Bắc đóng nghĩa vụ, đóng thuế. Canh rau muống vài cọng rau với nuớc muối . Một năm được ăn thịt ba lần ngày 2 tháng 9, Tết ta và ngày 30 tháng 04. Có lần nấu da trâu, ninh hơn một ngày, một đêm rồi phát cho tù ăn.

Sau vài tháng ở Vĩnh Phú, anh em tù nhân chỉ còn là những bộ xương cách trí biết đi . Cứ vài ngày đóng hòm đưa tù nhân ra chôn. Anh Quế là Giáo sư trung học, người Quảng Nam, đi tù vì tham gia đảng Dân Chủ. Anh người ốm yếu,vì ăn thiếu thốn, bị đói mà còn cuốc đất vất vả nữa , nên anh bị kiệt sức . Một hôm, đang đêm khuya người bạn nằm gần bên la lớn lên “Anh Quế chết rồi.”

Bị bỏ đói triền miên như vậy tôi thường xuyên bị cảm, cứ mỗi lần đi ra đồng trở về là tôi bị cảm . Nóng hâm hấp. Tim đập mạnh . Y tá trại nói tôi bị bịnh tim. Chân bước lên thềm không nổi phải lấy tay nâng đỡ chân lên. Đi muốn không nổi. Cảm tới, cảm lui hoài Thường xuyên  ăn cháo. Chân bị phù thủng . Bạn bè ra đi nhiều quá .Tôi nghĩ rằng chắc sẽ tới phiên mình không biết lúc nào ? Chắc sẽ không còn nhìn thấy gia đình, cha mẹ, vợ con. Vậy mà tôi không chết nên bây giờ mới viết bài này.

  • 4)   Chuyển về trại giam K4 Vĩnh Phú bị sốt vàng da, đi không nổi, anh bạn cỏng lên bịnh xá, nhờ có bác sĩ Thịnh trữ thuốc trụ sinh trị mới hết bịnh sốt vàng da này. Ở đây người ta gọi là Mai Côi ,Thác Guồng, nằm giữa thung lũng chung quanh là rừng núi, ban đêm chỉ nghe tiếng chim kêu “bắt cô trói cột” mà thôi. Nơi đây, anh em tù ở ngoài Bắc gọi là nơi “đi dễ khó về”, bị đày đến đó rồi khó mà sống sót trở về nhà.
  • 5) Qua tới Mỹ một tai nạn tưởng như đã ra đi . Đang chạy trên đường Beechnut, đến ngả tư đường wilcrest, đèn xanh vừa bật lên tôi tiếp tục chạy tới bình thường . Nhưng xe bên trái của tôi chạy trên đường wilcrest, vượt đèn đỏ, đâm vào đầu xe của tôi làm cho xe tôi quay 90 độ. Nhờ đâm vào gốc của đầu xe nên xe tôi xê dịch, người không sao, nhưng xe thì bị hư hại nặng . Nếu tôi chạy nhanh hơn chừng hai giây thì xe bên trái đã đụng ngay vào chỗ ngồi của tôi, không chết thì cũng bị thương nặng vì họ vượt đèn đỏ và chạy rất nhanh . Tôi lại thoát chết .

II ) Suy ngẫm: Nếu nhìn vào cuộc sống bằng cái nhìn tâm linh thì trong suốt cuộc đời tôi, tôi phải tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ vì nhiều lần tôi suýt chết, mà không chết.

 Phải tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (1) dù thành công hay thất bại cũng phải tạ ơn .Tạ ơn khi thất bại mới có ý nghĩa, vì biết đâu thử thách này để mình cần Chúa hơn , cần cầu nguyện với Chúa, xin Chúa nâng đỡ mình, an ủi mình, mình sẽ càng gắn bó, gần gủi với Chúa nhiều hơn .

Có những điều chúng ta hiểu biết được do kiến thức của chúng ta. Nhưng hiểu biết của chúng ta luôn luôn bị giới hạn . Tất cả biến động của thế giới hay của một nước thì vô cùng. Làm sao biết hết được.

Cho nên phải cầu nguyện trong mọi sự và mọi sự đều phải cầu nguyện .

Trước năm 1975 tôi đâu có thể tin rằng miền Nam thua miền Bắc được. Một thế giới tự do văn minh không thể thua một chế độ độc tài, man rợ.

Và đâu có ai tin rằng phía đã chiến thắng rồi còn giam giữ người thua trận đến thời gian

quá lâu dài đến như thế. Nhiều người ở tù 10, 15 năm, 17 năm.

Làm sao biết được có chương trình H.O. ra đi trong trật tự .

Làm sao biết được công ăn việc làm sẽ ra sao ? khi qua Mỹ sinh sống.

Nếu nhìn mọi sự việc với cái nhìn của đời sống tâm linh thì ta cũng phải tạ ơn Chúa mọi việc, ngoài khả năng tính toán của ta.

Câu chuyện “tái ông mất ngựa” hay chuyện “thánh Gióp” nói lên rất nhiều ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Lúc sung sướng, lúc khổ sở, lúc có công ăn việc làm, lúc thất nghiệp, lúc nghèo, lúc khá giả, lúc khỏe mạnh, lúc đau yếu. Làm sao ta có thể biết trước được. Cho nên phải chấp nhận cuộc đời, chấp nhận mọi sự, tạ ơn Chúa khi thất bại, đau khổ, thì cuộc sống ta mới bình an được.

III ) Kết : Trong gia đình tôi có Bác hai là người biết trước được ngày chết của mình. Hôm đó ông tắm rửa sạch sẽ, măc bộ đồ trắng, thắp nhan trên bàn thờ , rồi ông nằm trên giường và ra đi trong bình an không than khóc.

Một người khác cũng trong dòng họ tôi gọi là ông Út, ông thường ngồi thiền . Ông cũng biết được ngày mất. Ông ngồi thiền khoảng 7 ngày và ông đã ra đi trong lúc ngồi thiền . Hòm để chôn cất ông có hình bát giác.

Khi làm đám tang, bà út,vợ ông khóc, người con trai là chú sáu Rẩy kéo ra phía sau nói:  “Tía dặn chết không được khóc sao má lại khóc.” Vì vậy, bà út khi khóc phải ra phía sau nhà mà khóc, chứ không khóc ở nhà trên lúc có nhiều người bà con đến thăm viếng nữa.

Tôi cứ suy nghĩ hoài: “Làm sao lúc ra đi, lúc chết, người thân xung quanh đều khóc lóc mà mình ra đi thì mỉm cười”.

    Tác giả Phùng văn Phụng

(1)  Thơ của Thánh Phao lô (1TX5, câu 17)

viết xong ngày 27 -02-2016

Tĩnh Tâm Tân Tòng 2016

Tĩnh Tâm Tân Tòng 2016

Tối ngày thứ sáu 29 -01 và nguyên ngày thứ bảy 30-01-2015 vừa qua, gần 20 tân tòng tĩnh tâm tại Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể .

Chương trình tĩnh tâm cho các tân tòng là để giúp các anh chị em gặp gỡ Đức Kitô .

“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

“ Hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng thương xót” (LK 6:36)

Ban điều hợp đã hoá trang mặc áo quần người Do Thái xưa, trình diễn “Mầu Nhiệm Đau khổ” thuật lại chuyện Thánh Gióp bị thử thách, gian nan, đã mất con, mất tài sản, bị bịnh ghẻ lỡ, hôi hám. Ông chịu quá nhiểu đau khổ nhưng vẫn một lòng yêu mến Thiên Chúa không có một lời ta thán, oán trách Chúa .

Cảm động nhất là đêm thứ bảy, dưới ánh sáng mờ mờ, anh chị em tân tòng và các anh chị em điều Hợp Viên ngồi thành vòng tròn . Thầy Phó Tế quỳ xuống rửa chân cho từng người, lập lại công việc mà Chúa đã làm trong buổi tiệc ly . Chúa rửa chân cho các môn đệ . Khi thầy Sáu đến từng người quỳ xuống rửa chân và hôn chân họ . . Rất nhiều anh chị em cảm động quá chảy nước mắt, phải khóc.

Ghi chú của Phùng Văn Phụng

Xem the^m:

PopeFrancis-17Apr2014-6ru7a chan cho ke tat nguyen

 

 

 

 

 

 

 

 

Đức Thánh Cha rửa chân cho kẻ tật nguyền

ghruachan3 Rửa chân cho tù nhân và phụ nữ

 

 

 

 

 

 

 

 

Đức Thánh Cha rửa chân cho tù nhân và phụ nữ

http://vietcatholic.org/News/Html/99872.htm