Ta cứ tưởng trần-gian là cõi “thật”

Ta cứ tưởng trần-gian là cõi “thật”

Người viết:Phùng Văn Phụng

Đề tài này vẫn hấp dẫn con người cho đến khi nào ta nhắm mắt, xuôi tay. Tuần nào ở Giáo xứ Ngôi Lời Nhập Thể cũng làm đám tang tiễn đưa người mất, về với Chúa.  Trung bình mỗi tuần có hai hay ba đám tang. Đi dự đám tang thường xuyên, ghé nhà quàn cầu nguyện cho bạn bè, anh em, hay cầu nguyện cho cả những nguời không quen biết, không chỉ vì lòng bác ái, chia xẻ nỗi buồn với tang gia, mà còn nhắc nhở lại chính mình, ngày nào đó mình cũng sẽ ra đi như thế. Vì sao vậy? Vì có người ra đi lúc tuổi còn rất trẻ 27 tuổi, 43 tuổi trong khi bản thân người viết đã trên 75 tuổi rồi. Thứ bảy này (28-07-2018) có hai đám tang, lúc 9 giờ và 11 giờ sáng.

Tuy nhiên vẫn nhiều người không dám nghĩ đến ngày mình ra đi.  Tránh né, nhắc nhở đến sự chết. Mặc dầu sinh, lão,bịnh, tử là qui luật của trời đất.

Cá nhân mỗi con người không thể biết Chúa gọi ra đi lúc nào, vậy mà con người vẫn tranh nhau, hơn thua từ lời ăn tiếng nói?

*   *   *

Hiện nay ở Việt Nam bịnh ung thư là vấn nạn số một không thể giải quyết được.

Chia sẻ bên lề nghị quốc tế về kiểm soát ung thư mới diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương cho biết, ung thư đang là vấn đề lớn của nhiều nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 126.00 trường hợp mắc ung thư mới và trên 94.000 người tử vong do ung thư, cao hơn 9 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông.

Ta cứ tưởng trần-gian là cõi “thật”.

Thế cho nên tất bật đến bây giờ!

Ta cứ ngỡ xuống trần chỉ một chốc.

Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay.

Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ.

Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi.

Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ.

Khi trở về cát bụi cũng trắng tay.

Cuộc đời ta phù-du như cát bụi.

Sống hôm nay và đâu biết ngày mai?

Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi.

Rồi cũng về với cát bụi mà thôi.

Thì người ơi! Xin đừng ganh, đừng ghét.

Đừng hận-thù tranh-chấp với một ai.

Hãy vui sống với tháng ngày ta có.

Giữ cho nhau những giây phút tươi vui.

Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc.

Vì đời ta đã sống trọn kiếp người.

Với tất cả tấm lòng thành thương mến.

Đến mọi người xa lạ cũng như quen.

Ta là Cát ta sẽ về với Bụi.

Trả trần-gian những cay đắng muộn phiền.

Thơ Bùi Giáng

Và cũng nên đọc vài câu ngắn ngủi sau đây may ra chúng ta có “Ngộ Lẽ Trời chăng?”

TRĂM NĂM NGÓ XUỐNG ĐỜI HƯ ẢO – PHÚT CHỐC NHÌN LÊN NGỘ LẼ TRỜI. 

Only friends and family will be present in sickness. Stay in touch.

(Chỉ có gia đình và bạn bè bên cạnh khi đau ốm. Nhớ gần gũi họ.)

Life is too short. Don’t waste time hating anyone.

(Cuộc đời quá ngắn ngủi. Đừng phí thì giờ ghét bỏ ai làm gì.)

Make peace with your past so it won’t screw up the present.

(Hãy chôn quá khứ để hiện tại không bị xáo trộn.)

Don’t compare your life to others. They have different journeys.

(Đừng đem đời mình so với ai đó; đời mỗi người mỗi khác)

Everything can change in the blink of an eye.

(Mọi chuyện ở đời có thể thay đổi trong chớp mắt)

You don’t need to win every argument. Agree to disagree.

(Không cần thắng trong mọi cuộc tranh luận. Hãy chấp nhận bất đồng.)

Crying is good, but it’s more healing crying with friends.

(Khóc cũng tốt, nhất là khi khóc với bạn bè.)

Take a deep breath. It calms the mind.

(Hít thở sâu giúp tinh thần ổn định)

Get rid of anything that is neither useful, beautiful, nor joyful.

(Hãy gạt bỏ những gì vô ích, xấu xa, buồn bã)

What doesn’t kill you really makes you stronger.

(Điều gì không giết ta được sẽ giúp ta mạnh hơn)

Today is special. Enjoy it.

(Ngày hôm nay là ngày đặc biệt. Phải tận hưởng nó)

Your belief of your being right doesn’t count. Keep an open mind.

(Đừng tin rằng mình luôn luôn đúng. Phải có đầu óc cởi mỏ̉)

Forgive everyone everything.

(Hãy tha thứ tất cả cho mọi người)

What other people think of you is none of your business.

(Đừng bận tâm về nhận xét của ai đó về mình)

It’s OK to yield.

(Nhường nhịn một chút cũng không sao)

However good or bad a situation is, it will change.

(Tình thế dù tốt hay xấu, rồi cũng thay đổi)

Don’t take yourself so seriously. No one else does.

(Đừng quá nghiêm khắc với bản thân. Không ai làm như vậy)

Release your children when they become adults, its their life now.

(Hãy buông con cái ra khi chúng trưởng thành. Chúng đã có cuộc sống riêng.)

Time heals almost everything. Give time time.

(Thời gian hàn gắn gần như mọi sự. Hãy để cho thời gian có thì giờ)

(Sưu Tầm)

Chị Kim Bằng Nguyễn gởi

Bài này chỉ là bài cũ, nhưng xin gởi lại để hy vọng bà con, anh chị em tìm thấy niềm vui, hạnh phúc đơn sơ trong những ngày chúng ta còn sống, trên con đường hành trình dương thế, để rồi lúc nào đó, sẽ về quê trời thật, vĩnh cữu trong tương lai.

Người viết: Phùng Văn Phụng

         08-2018

Thời thơ ấu (phần 2)

Thời thơ ấu (phần 2)

Tác giả: Phùng Văn  Phụng

Hiệp định Geneve ấn định ngày đình chiến là ngày 20 tháng 07 năm 1954. Tất cả học sinh đều nghỉ học. Không có ai đi lại vì sợ lộn xộn. Riêng tôi và em chú bác là Phùng V. Th. vì còn nhỏ chưa hiểu cũng như chưa đoán được cái gì sẽ xảy ra. Vì chưa hiểu biết nhiều, nên trong ngày đó cùng nhau lấy hai chiếc xe đạp, đi qua Long Phụng, qua đò Thủ bộ, đến trường tư thục Tấn Thành ở Chợ Trạm.

            Đêm hôm trước ngày đình chiến, Việt Minh (Cộng sản) đã tổ chức các nhà có cảm tình với Việt Minh đánh thùng thiếc để uy hiếp tinh thần của những người quốc gia. Do đó sáng hôm sau là ngày 20 tháng 7, các trường học đều tự động đóng cửa, dân chúng cũng ít đi ra đường vì sợ rủi ro.           

Hôm đó tôi và em chú bác Phùng V. Th. đến trường Tấn Thành thì trường đóng cửa, thay vì đi về nhà bằng ngả chợ Trạm, tôi lại đi lên Quận Cần Giuộc, rồi mới đi qua ngả Tân Thanh mà về nhà. Trên đường đi từ Chợ Trạm lên quận lỵ Cần Giuộc, tôi không thấy có xe cộ nào đi qua. Đi được giữa đường, tôi thấy cờ đỏ sao vàng ở dưới ruộng hoặc cạnh đường đi, tôi đã lấy cờ đỏ sao vàng bỏ vào cặp của mình. Tôi chưa biết gì về lá cờ này. Nhưng khi đi về tới gần quận lỵ Cần Giuộc, Thành, con chú Út bảo tôi bỏ hết mấy lá cờ đó ra ngoài cặp đi. Tôi không dám giữ nữa và quăng xuống ruộng.           

Quả nhiên khi vô quận lỵ, đi qua hàng rào kẻm gai mà chánh phủ quốc gia đã kéo ngang đường, chỉ chừa một khoảng nhỏ đủ cho một người đi qua, tôi bị chặn lại và bị xét cặp học sinh của tôi. Nếu không vất lá cờ đó đi, mà mang vào quận lỵ Cần Giuộc, tôi cũng không biết cái gì đã xảy ra cho tôi? Tôi sẽ bị tra hỏi có phải là người của Việt Minh không? Tại sao tôi có cờ Việt Minh trong cặp? Tôi sẽ bị bắt để điều tra?

                                                                       &   &    &

            Tôi đi học từ Chợ Núi lên Cần Giuộc bằng xe Lam ba bánh. Cho đến năm 1954, muốn đi từ Chợ Núi lên Cần Giuộc phải đi bằng xe ngựa. Nhưng từ năm 1955, xe Lam bắt đầu nhập vào nước ta, một vài người bắt đầu mua xe Lam để đưa hành khách thay thế xe ngựa. Xe ngựa có bánh bằng sắt nên dễ làm cho đường lộ đá đỏ bị hư, dễ tạo thành các vũng nước, vũng sình lún đường. Xe lam chạy bằng bánh cao su nên đường ít bị hư hơn. Từ khi đậu vào lớp đệ thất (lớp sáu), trường Trung Học Cần Giuộc, mỗi ngày tôi đều thức sớm ăn cơm với đậu phọng rang rồi đón xe đi lên quận lỵ Cần giuộc học. Tôi phải qua đò Tân Thanh. Nhiều khi qua đò quá đông chen lấn nhau, chủ đò muốn chở nhiều để có lợi hơn, nên hành khách thường chen lấn nhau để qua đò, có lần tôi bị lấn, rớt xuống song, áo quần sách vở bị ướt hết.

            Khoảng năm 1959 buổi sáng sớm, trời còn tối, tôi đón xe lam lên Cần Giuộc để đi học, tôi ngồi ở phía trước của xe lam. Khi xe chạy đến “Rạch đập”, tài xế vừa pha đèn để thấy đường mà chạy xe, tôi thấy một cái đầu của một người để trên cái trụ bằng xi măng của đập. Tôi hết sức sợ. Không biết ai đã giết người này, sao lại để trên trụ cột như thế. Mọi người đều rất sợ. Bắt đầu có khủng bố ở nông thôn. Sau này tôi được biết người bị giết chỉ là trưởng ấp. Mặt Trận Giải phóng Miền Nam (Cộng sản), đã ám sát, khủng bố, giết chóc các viên chức xã ấp để gây hoang mang, gây nỗi sợ hãi trong dân chúng.

                  Về quê, làng Tân Tập ăn giỗ, tôi nhớ bà con dùng lưới để bắt cá đối. Giăng tấm lưới, hai người cầm hai đầu, kéo lưới căng ra giữa ruộng. Phía bên kia ruộng một người cầm cái chổi hay cành cây đập xuống nước từ từ đuổi cá đến cái lưới, vậy mà cá đối dính vào lưới khá nhiều. Bắt còng cũng là cái thú. Khi xuống ruộng, mang theo bên mình một cái giỏ bằng tre, phía trên miệng nhỏ hơn, rộng chừng nắm tay, có nắp đậy để khi bỏ còng vào, con còng không thể nào bò ngược lên được. Khi đi bắt còng, chân thụt (đạp) xuống đất, trước các lỗ nhỏ bằng đầu đủa ăn cơm, nếu có còng, nó sẽ chạy lên, dùng tay khéo léo cầm ngang hông nó rồi bắt bỏ vào giỏ.

            Khi tôi lên lớp đệ lục, đệ ngủ, tôi học Pháp văn, Việt văn với thầy Trần Văn Quới còn gọi là ông Đốc Quới. Thầy Trần Văn Quới cũng là Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Trung học Cần Giuộc.Trường thành lập năm 1955. Tôi thi đậu tiểu học năm 1954 vì chưa có trường Trung học công lập, nên phải qua Chợ Trạm học trường tư thục Tấn Thành do ông Nguyễn Tấn Thành sáng lập và cũng là Hiệu Trưởng. Sau này ông Nguyễn Tấn Thành là Dân biểu Đệ Nhất Cộng Hoà, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm.Trong thời gian học ở trường Tấn Thành tôi đi học chung với Phùng V. Th.  ở nhà gọi là hai Hưởng.Trước khi về hưu, hai Hưởng là Giám đốc nhà máy bao bì ở Hà Tiên.

            Khi hai Hưởng đậu bằng tiểu học, Chú Út tôi không có tiền để cho đi học tiếp lên trung học. Chú Út tôi dự định cho hai Hưởng về Tân Tập làm ruộng. Ba tôi thấy thế mới gọi hai Hưởng ra Chợ Núi, ở nhà ba má tôi để tiếp tục đi học. Hai Hưởng cùng với tôi đi học ở trường Tấn Thành bằng xe đạp. Sau một năm học ở trường Tấn Thành, tôi thi đậu vô trường trung học Cần Giuộc năm 1955. Hai Hưởng thi vào trường Cao Thắng, dạy nghề ở Sài gòn. Hai Hưởng đang học lớp 11 tại trường này, nhà nước cần học sinh đi du học ở Pháp về ngành xi măng để lập nhà máy xi măng ở Hà Tiên và Thủ Đức.Tìm người có Tú Tài hai, biết về máy móc không có, nên đành phải lấy trình độ lớp 11. Sau khi đi tu nghiệp gần hai năm hai Hưởng về làm ở nhà máy xi măng ở Thủ Đức hoặc nhà máy xi măng ở Hà Tiên tùy nhu cầu.

            Xin nói qua về địa danh chùa Linh Sơn, bài viết của ThầyTrần Văn Trí năm 1974.

            Sơ lược tiểu sử chùa “Linh sơn”

            Tục truyền gò núi đất trước kia do người Miên cư trú, họ vốn là một dân tộc sùng tín đạo Phật nên chỗ nào cũng có chùa và thường cất trên những chỗ đất cao. Do đó họ phải tạo nên một hòn núi nhỏ để cất chùa. Phong cảnh chùa rất nên thơ xinh đẹp với những cây cổ thụ hàng trăm năm, những góc me trái sai quằn nhánh, lá xanh tươi mát rười rượi. Dưới chân núi có con rạch chạy bao quanh như con rồng ôm theo vòng núi đất. Chân núi cây cối sầm uất, vườn tược sum xuê, thật là sơn thủy hữu tình. Đó là thắng cảnh và địa danh của quận Cần Giuộc.

            Nguyên khởi của ngôi chùa.

            Trước năm 1867 vùng đất này của người Miên thuộc Thủy Chơn Lạp, xưa kia ông bà chúng ta lấn và chiếm đất họ. Họ bèn bỏ chạy và ngôi chùa của họ cũng hư hại luôn.

            Đến năm 1867 (Đinh Mão) có Thầy Nguyên Quới tự lập am, cất một cái chùa sơ sài bằng cây vách lá để tu luyện. Thầy không ăn cơm mà chỉ ăn rau hoặc đậu nên gọi là Thầy rau.

            Nhị tổ kế truyền: Khi Thầy Quới viên tịch, ông sư Hiền về kế tiếp giữ chùa lo việc hương khói. Vì dân cư còn hiếm hoi, chùa chưa được mở mang gì nhiều.

             Tam tổ kế vị: (1870) Ông sư Hiền viên tịch, Tổ Minh nghĩa kế tự bắt đầu có phát triển hành dạo, chùa có người lui tới, làng xã đến chiêm bái và cúng dường chút ít. Tổ Minh Nghĩa hành trì ít lâu rồi thị tịch.

            Tứ tổ kế vị:(1873) Đến Tổ Như Đức (người Bình Định) thay Tổ Minh Nghĩa trụ trì công việc hoằng dương Phật sự lúc bấy giờ còn quá khiếm khuyết. Dân chúng mãi lo khẩn hoang, đạo pháp chưa có cơ duyên phát triển. Hành đạo một thời gian thì Tổ Như Đức tịch.

            Ngủ Tổ kế vị: (1876) Khi Tổ Như Đức viên tịch rồi thì chùa không ai coi, chỉ còn lại một đạo đồng sáu tuổi tên là Lê văn Đuổi, gọi là Trùng Huệ, Pháp Hiệu Quảng Trí giữ chùa. Đạo đồng Quảng Trí có lẽ có cơ duyên với đạo pháp nên ban ngày giữ chùa và vào xóm xin ăn, ban đêm không dám ngủ tại chùa phải tìm nhà đồng bào xin ngủ trọ. Khi được 8 tuổi, bổn đạo mới đem gởi đi học đạo tại chùa Như Đức (trước gọi là Trúc Lâm) nay thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Đến năm 18 tuổi, Quảng Trí được hương chức và bổn đạo thỉnh về trụ trì. Ông mở mang đạo mạch?, làm ruộng, lập vườn, nuôi tăng chúng. Chùa bắt đầu phát triển đạo pháp, bổn đạo lui tới chùa rất đông và phát triển đến nay. 

            Lục Tổ kế vị: Sư Trùng Huệ trụ trì đến năm 1942 thì viên tịch nhập cõi niết bàn, chùa được giao cho đệ tử là Thích Trùng Lễ. Thích Trùng Lễ tục danh là Lê văn Thượng từ năm 1942 đến năm 1944 thì viên tịch.

            Thất tổ kế vị: Hoà Thượng Thích Thiện Lợi, tục danh Lê văn Giáp tiếp tục lo việc Phật sự từ năm 1944 đến nay.

            Lãnh trách nhiệm từ 30 tuổi vào thời kỳ khói lửa đao binh bùng cháy trên mảnh đất quê hương, Hoà Thượng chịu đựng nhiều gian khổ cho chùa. Ba mươi năm trụ trì là ba mươi năm chiến tranh bom dạn cày nát quê hương, làng mạc, nhân dân điêu đứng tản cư chạy giặc, luôn luôn sống trong hồi hộp lo âu. Tuy nhiên Hòa Thượng vẫn kiên gan ở lại giữ ngôi chùa. Thôn xóm quanh chùa đã bị đỗ nát vì bom đạn rơi rớt, thế nhưng nhờ oai linh chư Thiên, Phật Tổ chùa vẫn còn toàn vẹn không bị ảnh hưởng chi hết.

            Kết luận: Nói chung ngôi chùa còn đến hôm nay là nhờ hồn thiêng đất nước, nhờ oai linh của địa phương thành hoàng bổn cảnh phò trì bá tánh nhân dân xã đóng góp giữ gìn mới được viên thành như ngày hôm nay.                                                                   

                                                         Soạn năm 1974 

    Ông Trần văn Trí, Hiệu Trưởng THCĐ Rạch Núi kiêm UVVHGDTN xã Đông Thạnh.

     (bài này trích từ Bản tin đồng hương Cần Giuộc,   Xuân Bính Tý 1996).

&  &  &

            Tôi còn nhớ học thầy Nguyễn Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng kiêm dạy lớp nhất trường tiểu học Rạch Núi. Thầy Kiệt thay thế ông Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Chắc. Trong thời gian thầy Kiệt làm Hiệu Trưởng là năm tôì thi đậu bằng tiểu học 1954, hiệp định Genève ra đời, chia đôi đất nước Việt Nam. Tôi lúc đó còn quá nhỏ để hiểu biết về chính trị, nhưng tin tức dồn dập về đình chiến giữa Pháp và Việt Minh cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm hồn còn non nớt của tôi. Tin tức đó cũng làm cho tôi quan tâm một chút về tình hình chính trị, về tình hình đất nước Việt Nam. Năm đó tôi thi vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký bài luận văn nói về sự đoàn kết. Tựa đề bài thi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” hay “Đoàn kết thì sống chia rẻ thì chết”. Tôi không hiểu sao lúc đó tôi có cảm tình với kháng chiến cho nên không thích ông Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Diệm vừa về nước chấp chính làm Thủ Tướng. Tôi làm bài luận văn viết nếu Hòa Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài hợp lại đoàn kết thực sự đánh lại ông Diệm thì ông Diệm không thể nào chống đỡ nổi. Dĩ nhiên kỳ thi này tôi đã không đậu vào trường Trương Vĩnh Ký. Không biết có phải do bài làm này hay không?

            Năm 1955 là năm đầu tiên khai giảng lớp đệ thất, của trường Trung học Cần Giuộc. Năm 1955 cũng là năm tôi thi đậu vào trường này. Tôi học trường này từ năm 1955 đến năm 1959. Sau khi đậu trung học Đệ nhất cấp, tôi tiếp tục lên lớp đệ tam (lớp 10), chuyển lên Sài Gòn học ở trường Chu văn An nằm phía sau trường Trương Vĩnh Ký.

            Trong thời gian tôi học tại trường Trung Học Cần giuộc, giờ Việt văn của Thầy Trần văn Quới luôn luôn nói đến lòng yêu nước như khi dạy về Nguyễn Đình Chiểu thì Thầy nhắc đến “chùa ông Ngộ” và “Trận giặc mù u”.

            Theo lời của Thầy Trần văn Qưới kể lại “Trận giặc mù u” như sau:

            Nghĩa quân kháng Pháp thời đó dưới quyền chỉ huy của Ông Trương Công Định, đâu có súng ống, chỉ dùng dao mác mà thôi?  Từ quận lỵ Cần Giuộc lính Pháp đi tuần vào xã Mỹ Lộc. Nghĩa quân phục kích lính Pháp tại chùa ông Ngộ. Chùa này ở vị thế cao hơn đất bằng cho nên nghĩa quân dùng trái mù u là loại trái hình tròn như trái banh boong nhỏ, rải lên trên triền dốc. Nghĩa quân đi chân không. Trong khi lính Pháp đi giày. Nghĩa quân đứng trên cao. Quân Pháp phải trèo lên để đánh nghĩa quân, nhưng vì đi giày nên đạp trái mù u mà té, không chạy lên cao được. Nghĩa quân đi chân đất chạy xuống giết nhiều lính Pháp. Trong trận đánh này, nghĩa quân Việt Nam lần đầu tiên đã thắng Pháp. Sau năm 1862, khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng Pháp, ký hoà ước với Pháp, cắt ba tỉnh miền Đông Nam phần cho Pháp, (nghĩa quân đã tự động nổi lên chống Pháp).

&   &   &                  

            Sau khi tôi thi đậu Trung Học Đệ nhất cấp, vì ở quận Cần Giuộc không có lớp đệ tam (lớp 10), nên Thầy Đinh văn Lô liên lạc với trường Chu văn An là trường của người Bắc từ Hà nội di cư vào Nam. Chúng tôi là dân Nam kỳ mà lại vào học trường Chu Văn An. Thầy Đinh văn Lô là người miền Bắc, xin các nơi khác không được vì không có chỗ, chỉ còn có trường Chu văn An nhận mà thôi. Không biết có phải nhờ thầy Đinh Văn Lô quen biết Hiệu Trưởng trường này không? nhờ đó chúng tôi được nhận. Hiệu Trưởng trường Chu văn An lúc bấy giờ là thầy Trần Văn Việt.Tổng Giám Thị là Nguyễn Hữu Lãng chúng tôi thường gọi là Tổng Lãng. Giám Học là Nguyễn Văn Kỹ Cương.

            Nhờ học được trường nổi tiếng này nên đa số chúng tôi đi thi Tú Tài hai đều đậu gần hết. Chỉ có một số ít học sinh thi rớt Tú Tài hai mà thôi. Lớp Đệ Tam và Đệ Nhị học ở phía sau trường Trương Vĩnh Ký. Lớp Đệ Nhứt chúng tôi học ở khu trường mới gần nhà thờ ngả sáu. Những giáo sư chúng tôi học đều dạy giỏi, rất nổi tiếng thời bấy giờ như Toán là Giáo sư Đào Văn Dương, Nguyễn Văn Kỹ Cương, Lý Hóa Trương Đình Ngữ, Lê Văn Lâm, Triết Nguyên Sa Trần Bích Lan, Trần Văn Hiến Minh, Sử Vũ Khắc Khoan….

            Giáo sư Trương Đình Ngữ đi dạy học bằng xe hơi có tài xế đội kết trắng lái. Khi tới trường, tài xế bước ra phía sau, mở cửa xe cho Thầy xuống. Hồi đó rất ít người có xe hơi. Đa số giáo sư đi xe gắn máy hay đi xe đạp. Giáo sư Vũ Khắc Khoan đi dạy bằng xe taxi.

            Tôi thuộc loại giỏi của trường Trung học Cần Giuộc vậy mà khi chuyển trường, vào học tại trường Chu Văn An không còn đứng nhất nhì của lớp học được nữa.  

            Tôi thi vào trường Đại học sư phạm ban Lý Hoá không đậu nổi. Thi vào Kỹ sư Phú Thọ, Quốc Gia Hành Chánh cũng không đậu. Muốn học Y khoa, ba tôi nói không đủ khả năng nuôi tôi học thêm nữa vì tôi có nhiều em (4 đứa) và còn các con dì sáu, bà vợ sau của ba tôi nữa, cũng bốn đứa em còn nhỏ.  Ba tôi bảo tôi nộp đơn vào học Cán sự y tế không phải thi vì có Tú Tài hai. Tôi có đến bịnh viện Chợ Rẩy lấy đơn vì trường Cán Sự Y Tế ở trong khuôn viên bịnh viện này. Nhưng tôi không có nộp vì tôi không thích ngành này hơn nữa nó chỉ là ngành trung cấp mà thôi. Túng quá, cần đi làm có tiền, tôi đã nộp đơn thi vào trường Sư Phạm hai năm. Thi vào trường Sư Phạm hai năm chỉ cần Tú Tài một. Tôi đã có Tú Tài hai rồi nhưng vẫn thi vì tôi cần đi làm để ba tôi không phải tốn tiền lo lắng cho tôi nữa. Tôi thi đậu vào trường Sư Phạm vào năm 1963. Năm 1965 tôi ra trường Sư Phạm đổi về dạy tại trường tiểu học Phước Hòa Long, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Trường này do Ngô Văn Lương đang làm Hiệu Trưởng có 5 lớp nhưng học sinh rất thưa thớt, một lớp chừng mười mấy đứa học trò mà thôi.

               Chiến tranh đang lan rộng khắp nơi trong quận. Ban đêm tôi ngủ ở các phòng kế bên rạp hát Quốc Thống. Lính thường đến gác trên sân thượng của lầu này. Tối Cộng Sản về, ở dưới đất bắn lên. Nghĩa quân ở trên nóc lầu Quốc Thống bắn xuống. Chúng tôi ở giữa chịu trận. Trong xã Phước Hòa Long, lính quốc gia và cộng sản lúc nào cũng có thể đánh nhau, đụng độ với nhau. Họ đánh nhau bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Từ đường cái đi vô trường, tôi phải qua đồn nghĩa quân.

                 Một hôm buổi sáng sớm, tôi đi vào trường. Khi gần đến trường, trên đường đi, tôi nhìn thấy một sợi dây giăng ngang, hai đầu sợi dây cấm hai cây tre nhỏ có treo hai quả lựu đạn. Lỡ đi tới tôi phải nhấc xe đạp lên bước nhẹ nhàng, chậm rãi qua sợi dây đó mà đi vào trường. Hôm sau, tôi không dám đi con đường này nữa, tôi phải đi vòng qua xóm để vào trường.

Thời tuổi thơ

Thời tuổi thơ

Tác giả: Phùng Văn Phụng

           Thuở nhỏ tôi sống ở miền quê hẻo lánh, đó là làng Đông Thạnh, cách xa quận lỵ Cần Giuộc về hướng đông nam khoảng sáu, bảy cây số. Từ nhà muốn đi lên quận Cần Giuộc phải đi bằng xe ngựa hay bằng xe đạp, mất khoảng từ bốn mươi phút tới một giờ.

            Làng Đông Thạnh thụộc Tổng Phước Điền Hạ, phía Bắc là làng Phước Vĩnh Tây, phía Đông là làng Phước Vĩnh Đông và làng Tân Tập, phía tây là làng Long Phụng, phía Nam là làng Long Hựu. Nếu đi về hướng đông sẽ gặp sông Soai rạp và Rừng Sát nổi tiếng có nhiều cọp dữ thời gian trước khi Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam phần.

            Tôi còn nhớ, lúc tôi vào khoảng sáu bảy tuổi, ở phía trước căn nhà lá nghèo nàn, có vũng sình cho nên muỗi rất nhiều, buổi tối chưa kịp giăng mùng, muỗi cắn phủi không kịp. Nhà tôi buôn bán tạp hóa đủ các món lặt vặt như đường cát, dầu hôi, đậu trắng, đậu đỏ, giấy tiền, vàng bạc, gạo, muối, sà bông … Tối giăng mùng ngủ rồi cũng còn có người kêu cửa để mua thuốc lá hay kẹo bánh v.v… 

            Khi mưa xuống, đường sá ở quê tôi rất trơn trợt. Sau cơn mưa, khi chạy xe đạp, hai bánh xe sẽ dính đầy bùn đất sét. Hai bánh xe sẽ kẹt cứng, chỉ có cách dùng que củi để nại từng miếng bùn ra khỏi bánh xe. Muốn đi đâu, chỉ có cách lội bộ, dùng các ngón chân bấm vào đất, từ từ mà bước nếu không sẽ trợt té, “đo đất” dễ dàng. Mùa nắng, một cơn gió thoảng qua, bụi bay tứ tung, đưa bụi đất đỏ bám vào áo quần, đầu tóc. Mỗi lần có chiếc xe lam chạy qua, phải nín thở, lấy khăn tay che miệng, bịt mũi để không phải hít bụi màu đỏ sậm rất là dơ bẩn.

              Thầy hai Lang dạy tôi lớp hai, nước da thầy xanh xao, khuôn mặt gầy gò, thân hình thầy ốm nhom, sau này tôi mới biết thầy bị bịnh lao phổi.

             Lên lớp ba, tôi học thầy ba Hương, anh cậu bảy Nhẫn làm y tá, bác ruột của Thanh Thủy, cùng học chung trường trung học Cần Giuộc với tôi. Thầy ba Hương dạy rất kỹ lưởng. Nắn nót từng chữ viết cho chúng tôi. Gạch hàng ngay ngắn trong giờ tập viết. Hồi đó chỉ có loại ngòi viết chấm mực tím hay mực đen. Học sinh nào cũng mang theo bình mực, ngòi viết dùng một thời gian thì phải bỏ, mua ngòi viết khác. Lúc đó chưa có loại viết bút bi không cần chấm mực như bây giờ.

            Thanh Thủy hơn tôi hai tuổi. Tôi đang học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ), mỗi buổi sáng tôi đợi chiếc xe Lam từ ngả tư ra để đi học ở quận Cần Giuộc. Hôm nào lên xe, thấy có Thanh Thủy tôi thích thú lắm. Hôm nào không có cô nàng, tôi tiếc nuối ngẩn ngơ.

            Cuối năm học lớp đệ ngủ, tôi lên ở nhà thầy Lê Xuân Thu, giáo sư dạy nhạc của trường Trung học Cần Giuộc, để học nhạc và học thêm Toán Lý Hoá. Nguyễn Minh Diệu cũng cùng ở nhà thầy Thu với tôi để học thêm. Mặc dầu những năm tôi học lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngủ tôi đều đứng hạng nhất, hạng nhì của lớp B1. Vì nhà thầy Thu ở Khánh Hội, quá nhiều muỗi, khi ngủ tôi thường lăn ra khỏi mùng, nên bị muỗi cắn và bị bịnh sốt rét. Mùa tựu trường của năm học lớp đệ tứ, mấy tháng đầu nhập học tôi đã bị sốt nhiều lần. Tôi nghĩ rằng tôi chỉ bị cảm thường, nhưng thực ra tôi bị bịnh sốt rét nặng, gọi là sốt rét ngã nước. Mỗi lần sốt tôi bị nóng nhiệt độ 40, 41 độ C, sau đó tôi lại lạnh run, lạnh quá, đấp bao nhiêu cái mền cũng không hết run. Đi khám bác sĩ Pham hữu Chương, đi khám bịnh ở bác sĩ Thức cũng không bác sĩ nào chửa khỏi. Có lúc phải nằm nhà thương cả tuần lễ. Vì là năm thi Trung học đệ nhất cấp đầu tiên của trường Trung Học Cần Giuộc cũng là năm thi đầu tiên của toàn quận, nên thầy cô và cả gia đình tôi đều kỳ vọng vào kỳ thi này. Tôi sợ bị bịnh không thể thi được. Cuối cùng tôi đi bác sĩ người Pháp cho tôi uống 20 viên thuốc “kí-nin” trong một tuần, ngày đầu tiên uống năm viên và giảm lần mỗi ngày cho đến ngày cuối cùng là hai viên. Uống thuốc nhiều ngay trong những ngày đầu, vi trùng sốt rét đã chịu thua, nhưng tôi cũng bị ảnh hưởng là bị lùng bùng lỗ tai vì dùng quá nhiều thuốc. Sau khi uống thuốc “kí nin” theo cách trị bịnh của bác sĩ người Pháp này tôi khỏi hẳn không còn bị sốt rét nữa. Nhưng sức khỏe của tôi không còn như xưa. Tôi không còn chơi thể thao, chạy xa hay chạy nhanh được nữa. 

           Năm 1959, lần đầu đi thi Trung học đệ nhất cấp, thi cả hai môn viết và vấn đáp. Phụ huynh học sinh, ông Hiệu trưởng Trần văn Quới, thầy cô giáo của trường đều lo lắng theo dõi cuộc thi lần đầu tiên này. Gia đình tôi là gia đình nông dân, thân nhân bà con cô bác ở làng Tân Tập sống bằng nghề làm ruộng, cho nên họ thấy ai có đi học thì họ quý lắm.

            Ngày đầu tiên xuống Mỹ Tho để thi Trung học đệ nhất cấp, tôi ở chung với các bạn trong Thánh Thất Cao Đài, khi ngủ phải nằm san sát nhau, hôm sau, ba tôi xuống mướn phòng ngủ để tôi có chỗ nghỉ ngơi, yên tĩnh, thoải mái. Ban đêm có chỗ ngủ đàng hoàng để có tinh thần và có sức khỏe làm bài thi. Năm đó tôi đã đậu Bình thứ.

            Thầy Thu bị động viên và đã chết trận khi thầy chưa vợ, chưa con. Em thầy Thu là Lê Hữu Đông cũng chết trận khi lên đến Trung Tá. Em gái cũng chết vì vượt biên mất tích.

            Một kỷ niệm khó quên vào năm học lớp hai tại trường tiểu học Rạch Núi vì gia đình nghèo chỉ có bộ đồ bà ba đen mặc đi học hàng ngày. Thấy Trần Khương Thới nhà ở xã Tân Tập đi học có một bộ đồ Py-gia-ma có sợi dây buộc ngang hông, tôi thích lắm, tôi ao ước quá sức nhưng tôi biết rằng ba má tôi cũng không thể nào mua cho tôi được.

            Một lần khi đi học về, đang bước vô nhà thì từ đàng sau, không biết đứa bạn học nào, đã đấm mạnh vào lưng rồi bỏ chạy mất. Tôi khóc và chạy vào nhà.  

            Sau khi hiệp định Geneve được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, hy vọng sau hai năm sẽ thống nhất đất nước, nhưng thực tế không phải như vậy mà chiến tranh triền miên mãi cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước mới thống nhất nhưng dưới bạo lực không phải do bầu cử. Hàng trăm ngàn người đi tù, hàng triệu người bỏ nước ra đi bằng mọi cách, mọi phương tiện bằng đường hàng không, đường biển hoặc đường bộ.

            Họ ra đi trên những chiếc thuyền mỏng manh chịu đói khát, chịu cướp bóc, bị hải tặc, bị bảo tố, chết chóc ngoài biển khơi hay trong rừng rậm. Đi đường bộ qua Campuchia, để từ đó vượt qua Thái Lan.

HAPPY NEW YEAR 2018

Ngày 31 Dec 2017

Lạy Chúa,

Ngày cuối cùng của năm cũ sắp qua đi. Chỉ còn vài giờ nữa mà thôi, năm mới 2018 sắp đến.

Lạy Chúa trong năm qua con đã cố gắng sống cho đẹp lòng Chúa, nhưng con biết rằng, con vẫn chưa làm hết bổn phận của mình vẫn còn làm nhiều điều gây cho anh em buồn phiền.

Con vẫn còn lo âu, chưa hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa toàn năng, chưa cậy trông vào Chúa, mà con vẫn còn dựa vào sức của con. Con biết con đã già rồi, năm nay bước lên tuổi 76, sức khỏe bắt đầu yếu, ăn uống ít đi, mọi việc con xin dâng cho Chúa, tất cả sự khó khăn, cực nhọc con xin phó dâng cho Chúa.

Con xin Chúa tha thứ những lỗi lầm của con đã phạm mất lòng Chúa

  và xin anh chị em tha thứ cho những lỗi lầm con đã phạm vì mất lòng anh em.

 Xin anh chị em tha thứ những lời nói và việc làm đã xúc phạm đến anh chị em cũng như có cử chỉ, lời nói, việc làm đã gây sự hiểu lầm cho anh chị em.

 Năm mới tôi xin chúc cho bà con, bạn bè, con cháu được sức khỏe, bình an được vui tươi hạnh phúc nhất là được YÊU THƯƠNG.

Tất cả những buồn phiền nào tôi đã gây ra cho anh chị em, nếu có, xin thứ tha.

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Phùng Văn Phụng

Vài tâm sự của ngày thứ tư 27-12-2018

Vài tâm sự của ngày thứ tư 27-12-2018

Đến tuổi này rồi, theo kinh nghiệm sống, trong con người của chính ta, có hai sức lôi cuốn:

+ Thần dữ hay là lực ma quỷ, lực xấu luôn luôn lôi cuốn ta đó là sự ích kỷ, muốn lợi mình mà hại người, muốn chia rẽ, ly dị dành quyền lợi cho riêng mình. Thù ghét là bị ảnh hưởng của ma quỷ.

+ Thần hiền hay Chúa Thánh Thần , Thần bổn mạng của mỗi người cũng lôi cuốn chúng ta làm điều tốt lành, yêu gia đình (chồng,vợ, con cháu) luôn luôn đặt tình yêu thương vào mọi cư xử, hành động. Vợ chồng nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi. Không bao giờ nghĩ đến ly dị vì “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly”. Yêu thương là do tác động của Chúa Thánh thần.

Hai lực này luôn lôi kéo chúng ta, cho nên chúng ta cần cầu nguyện thật nhiều để điều tốt lành, lòng thiện hảo, tình yêu thương trong gia đình và ngoài xã hội càng ngày càng thăng tiến hơn lên.

Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện cho gia đình biết yêu thương nhau, không thù ghét nhau, và cầu nguyện cho chính mình biết những điều gì xấu xa mà cố gắng tránh.

Cũng như vậy, ngày nào, tôi cũng đi nhà thờ, cầu nguyện thật nhiều cho gia đình con tôi biết hoà thuận, yêu thuơng nhau.

Phùng Văn Phụng

HAPPY THANKSGIVING

 

 

 

 

 

 

 

Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giêsu. ( 1 Thê-xa-lô-ni-ca , chương 5, câu 18)

Vài điều muốn tâm sự.

Vài điều muốn tâm sự.

Tác giả: Phùng văn Phụng

Ngày thứ sáu 14- 07 là buổi họp chót trong văn phòng . Tôi nghỉ hưu thực sự. Nghỉ hẳn. Phải từ bỏ. Phải thôi việc, không làm việc nữa. Không tiếc nuối gì hết. Vì sao vậy?

 

 

 

 

 

 

Tác giả cùng toàn thể anh chị em trong văn phòng 

Vì:
Tụi mình trên dưới bảy mươi;
Nhìn đi ngó lại chỉ mười năm thôi. 
Số đông biến mất đâu rồi; 
Số hên còn lại lẻ loi chắc buồn. 
Đếm kỹ còn mấy trăm tuần; 
Thời gian vun vút, bao lần gặp nhau? 
Thôi thì còn lại ngày nào; 
Hãy vui ngày ấy, miệng chào thật tươi. 
Khác biệt gì cũng thế thôi; 
Mai kia nằm xuống để rồi được chi. 
Sao bằng ta cứ vui đi; 
Hơn thua dẹp hết, ôm ghì bạn xưa. 
Tay với trời cao không thấu nổi 
Tuổi già mất bạn cũng mồ côi …

trích trong bài : “Còn bao lâu nữa”

Mấy ngày qua, trong facebook các em học trò cũ, các con, các cháu , bạn bè chúc mừng sinh nhật, rất ấm áp tình nghĩa yêu thương. Trân trọng cám ơn hết mọi người đã gởi đến những tình cảm quý mến đó.

Trân trọng những người bạn cũ và quý mến những người bạn mới.

Đã U80 rồi. Đã cảm nghiệm đủ mọi buồn khổ và vui tươi, đói khát và no đủ, cay đắng , đau buồn và niềm vui, hạnh phúc.

Tạ ơn Trời, đến tuổi này rồi (75 tuổi), vẫn còn sống, khỏe mạnh và sáng suốt.

I ) Cần có một lý tưởng?

Tôi nhớ, hồi còn đi dạy, tôi có nói, có nhắc nhở các em học sinh rằng, cần có một mục đích để sống cũng giống như ta cần có ngọn núi để trèo lên. Nhiều con đường để đi lên ngọn núi đó. Đi thẳng, đi vòng v.v..Có thể các em sẽ lên tới đích, cũng có thể các em sẽ gục ngã giữa chừng. Tuy nhiên, ít ra là các em còn có mục đích để sống.

Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng có viết: Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời
Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động. (1)

 Trước năm 1975, tôi có viết một bài báo để  khen ngợi hai nghề thẩm phán và nghề dạy học. Hai nghề không ăn hối lộ. Sau này tôi mới thấy nhận xét đó sai.

      Chỉ có nghề dạy học mới không ăn hối lộ. Vì sao?

  • Vì họ có lương cao, đủ sống, không giàu nhưng không thiếu thốn.
  • Họ cần làm gương cho học trò của mình nên không dám ăn hối lộ, mà còn phải ráng sống cho tử tế, đàng hoàng nữa. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Thầy cô giáo luôn luôn có các em học trò để ý, bắt chước noi theo.

Thầy giáo, cô giáo không giàu tiền bạc nhưng rất giàu học trò. Tôi chỉ dạy có 5 năm trường Lương văn Can, vậy mà 42 năm sau, tình nghĩa Thầy trò vẫn thắm thiết.

Thế gian, tài sản, tiền bạc, danh vọng tất cả đều phù du, bởi vì khi chết, đâu có ai mang theo xuống mồ được gì đâu.

 Tuổi này rồi (75 tuổi) thấy điều gì là quan trọng nhất?

*Sức khỏe là quan trọng nhất. Tôi có anh bạn rất giàu có, chủ ba bốn tiệm “furniture”, là triệu phú. Nhưng chẳng may anh bị bịnh ung thư phồi. Anh nói : Tôi đã bán hết các cơ sở làm ăn rồi và nghỉ hoàn toàn. Tôi nói: “Sao anh không đi du lịch.” 

Bây giờ đâu còn sức khỏe nữa để đi du lịch . Anh phân trần: Nói thiệt nha, ai lảnh cái bịnh của tôi, tôi sẽ giao hết tài sản cho người đó.

Vậy mà, sao quá nhiều người lao tâm, khổ trí, tranh giành tiền bạc, nhà cửa, danh vọng, quyền hành, hãm hại, giết chóc lẫn nhau. Lường gạt nhau, hãm hại nhau, để gôm góp tài sản, của cải, tiền bạc cho thật nhiều. Anh chị em cùng một cha mẹ, thay vì yêu thương nhau, giúp đỡ nhau thì trở thành thù ghét nhau, đến ngày cha mất, mỗi gia đình làm đám giỗ riêng, không ai còn muốn gặp nhau nữa. Vì sao vậy?

*Kế đến là đoàn tụ gia đình. Làm sao tập hợp được con cháu, thường xuyên gặp gỡ nhau, yêu thương nhau thì quý giá vô cùng. Chứ các con cháu giàu có nhưng mỗi gia đình hoàn toàn sống riêng rẻ, không hỏi han nhau, không biết tình trạng sống của anh  chị em ra sao. Sống ích kỷ chỉ lo riêng cho bản thân mình, cho gia đình mình, do đó  nhiều khi họ có thể rất giàu có về vật chất nhưng họ lại hết sức cô đơn, thiếu thốn tình thương yêu lẫn nhau… .chưa kể anh em có thể ghen ghét nhau vì hơn thua lời nói, vì đứa giàu, đứa nghèo v.v…mà khộng thèm nói chuyện, nhìn mặt nhau.  

II) Cần có một tấm lòng (yêu thương) để sống.

Có nên để lại tài sản cho con không?

Tôi có người quen, qua Mỹ rồi, chị ấy đi giúp việc nhà giữ con cho người khác, mỗi tuần chỉ về nhà ngày chúa nhật, mỗi tháng được khoảng 1200 đô la. Vậy mà chị không xài. Chỉ để dành tiền cho con chị là mộ kỹ sư lương 5, 6 chục ngàn đô la một năm. Lý do chị thương con trai của chị nên chị muốn tỏ tấm lòng săn sóc thương yêu con trai chị.

Một tỷ phú nói: “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng”.

Cái gì cho đi mới là của mình vì nó đi vào lòng người .

Chuck Feeney: – Từ tay trắng thành tỉ phú, mỉm cười, cho đi 8 tỉ USD rồi lại trở về trắng tay.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tỷ phú Chuck Feeney là người đầu tiên ở Mỹ bỏ ra số tiền lớn là tài sản của mình để làm từ thiện. Ông chính thức rỗng túi, đi ở thuê vào tuổi ngoài 80, nhưng đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống”.

Ông làm từ thiện và tặng hết tài sản rất đơn giản là bởi vì, “vải liệm không có túi”, người chết ra đi không mang được gì. Con người “sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”.

Linh mục Nguyễn Viết Chung: sinh ngày 07-09-1955, rửa tội và thêm sức ngày 15-05-1994, lúc 39 tuổi. Đi tu ngày 01-10- 1994 , chín năm sau,  ngày 25 tháng 3, được thụ phong Linh mục.

Cha đến với đạo công giáo và đi đi tu lúc Cha đã lớn tuổi. Cha Chung là vị thừa sai của những người cùi bịnh, bịnh Sida.

Cha sống với người thiểu số ở Kontum và về với Chúa ngày 10 -05-2017 vừa qua, khi Cha ở tuổi 62 .

 

Xem thêm: Nguyễn Viết Chung và tiến gọi của Chân Thiện Mỹ của cố Giáo Sư Trần Duy Nhiên:

 

Mẹ Teresa Calcutta:

Ngày 10 tháng 9 năm 1946, Mẹ nhận được từ Chúa Giêsu lời mời gọi “để lại tất cả mọi thứ phía sau và phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Do đó, Mẹ đã trở thành một biểu tượng của dịu dàng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người không được yêu thương, bị khước từ và bỏ rơi. Một người bị bịnh tật, bị bỏ rơi ở ngoài đường phố, sắp chết. Mẹ Teresa đem về nhà hấp hối, tắm rửa săn sóc, vài hôm sau thì chết. Người ấy nói: “ Tôi sống như một con thú nhưng tôi chết như một thiên thần.”

Khám phá cuộc đời Mẹ Teresa, từ một nữ tu thành một vị Thánh

Triết lý sống của Mẹ Teresa.

Kết: Trong thế giới phức tạp đua đòi vật chất, hơn thua giàu nghèo, đời sống con người trở nên ích kỷ chỉ nghĩ đến cá nhân, gia đình của riêng mình mà thôi, việc sống vì người khác, cho người khác Hy sinh tiền bạc hay bỏ tất cả danh vọng, tiền tài, sức khỏe để hy sinh cho người nghèo, phục vụ người nghèo như các vị nêu trên rất là quý hiếm.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều người, nhiều tổ chức xã hội vẫn hăng say phục vụ, đâu có đòi hỏi quyền lợi hay danh vọng tiếng tăm gì đâu. Vì họ có tấm lòng yêu thương và thực hiện lời dạy của Chúa “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8)

 

 

 

 

 

 

Câu nói đáng suy ngẫm như sau: Khi được sinh ra thì ta khóc lóc, còn người xung quanh thì mĩm cười, làm sao khi chết đi, thì ta mĩm cười mà những người xung quanh thì khóc lóc.

Phùng văn Phụng

07/2017

(1) Trong bài thơ Quyết sống của Đằng Phương

Suy nghĩ về các giai đoạn của cuộc đời.

Suy nghĩ về các giai đoạn của cuộc đời.

Tôi quên mất tên của người giảng thuyết nói rằng tâm trạng, suy tư của mỗi con người chúng ta thay đổi tùy theo tuổi tác.

+  Khi còn trẻ, lúc ta 24, 25 tuổi, thông thường vừa mới tốt nghiệp đại học, chúng ta có nhiều mơ ước lớn lao, những tưởng rằng mình có thể làm được rất nhiều việc cho cộng đồng, cho xã hội. Những mơ ước “đội đá vá trời” thay đổi thế giới, thay đổi xã hội.

+  Nhưng rồi thời gian qua mau, tuổi đời chồng chất, tiến đến tuổi 50, “ngủ thập tri thiên mệnh”, thấy những mơ ước lớn lao của mình không thể thực hiện được vì tài năng không có, sức hiểu biết có giới hạn, mà công việc mình mơ ước thì quá lớn lao, xây dựng thế giới, xây dựng quốc gia, xây dựng xã hội. Thấy không thể làm được những mơ ước lớn lao đó, nên tự lượng sức mình, tự điều chỉnh giới hạn công việc của mình lại, chỉ còn dám mơ ước nhỏ hẹp hơn là xây dựng gia đình riêng, nhỏ hẹp của mình, làm thế nào có hạnh phúc, có nền nếp, trật tự, huấn luyện cho con cái trong nhà biết chịu khó làm việc, để trở nên người hữu dụng cho gia đình, cho xã hội. Làm sao cho con cái biết thương yêu nhau, có lòng thương người, có tình bác ái với đồng loại.

+  Nhưng rồi thời gian cũng lại trôi qua rất mau, đến tuổi “lục thập nhi bất hoặc” , soát xét lại cuộc đời mình, công việc của mình đã làm trong quá khứ và chợt  thấy, cuối cùng chẳng thực hiện, xây dựng được những gì như mình mơ ước. Tất cả  những điều gì mình mong muốn cũng không xảy ra như dự định. Con cái suy nghĩ và làm theo ý riêng, có khi hoàn toàn khác biệt với những  điều mình mong muốn.

Khi đó, không còn có ý nghĩ xây dựng hay dạy dỗ con cái nữa, mà lúc đó lại cố gắng xây dựng chính bản thân mình cho được tốt đẹp hơn, biết yêu thương, biết  tha thứ, sống tuân theo thánh ý của Thiên Chúa.

Rồi cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay, thấy rằng xây dựng cho bản thân mình cũng không xong, thấy rằng những điều mình mong muốn cũng chưa thực hiện được.

Lúc đó chỉ còn an ủi, dầu sao đi nữa mình cũng đã cố gắng hết sức trong ý hướng tốt với tinh thần xây dựng nhưng “ông Trời” hay Thiên Chúa không cho thì mình cũng vui mừng là đã có đóng góp cho đời dầu nhỏ nhoi nhưng cũng là có thiện chí đóng góp.

Phùng văn Phụng

Tháng 12 năm 2002

Ơn Trời, Ơn người

Ơn Trời, Ơn người

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

Chuyện kể rằng:

Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ ngao du sơn thủy, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, tay đánh đàn, miệng ca hát không ngừng. Đức Khổng Tử hỏi:

“Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ như thế?”

Ông Vinh Khải Kỳ nói:

“Trời sinh muôn vật, loài người quí nhất mà ta được làm người. Trong loài người đàn ông quí hơn đàn bà mà ta được làm đàn ông. Người ta sinh ra có đui què, non yểu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh, nay đã chín mươi tuổi. Đó là ba điều đáng vui, có gì mà phải lo buồn” (VietCatholic News Nov 2004)

 1) Kỹ niệm tuổi 75.

            Tháng 07 năm nay (2017), tôi vừa tròn 75 tuổi. Tôi không ngờ tôi sống đến tuổi này vì hồi nhỏ, lúc học lớp 9, tôi bị bịnh hoài, thường xuyên đi bác sĩ để trị bịnh sốt rét và suy nhược cơ thể.

Nhìn lại thời gian qua, có nhiều việc xảy ra trong đời tôi, tôi không thể nào biết trước được như:

+   Biến cố ngày 30 tháng 04 năm 1975: có ai nghĩ miền Nam thua trận, hàng triệu người đi tù. Tôi không ngờ tôi cũng bị đi tù từ tháng 06 năm 1975 đến tháng 2 năm 1983 mới được trả tự do. Tôi trình diện đi tù mới là chuyện hy hữu.

+  Ở trong tù đâu có ai hy vọng gì được thả ra vì ở Liên sô, ở Trung quốc thành phần chống đối bị đày đi Tây Bá lợi Á hay Tân Cương và đa số bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc.

+   Chuyện đi sang Mỹ định cư theo diện HO là một chuyện ngoài suy nghĩ, hiểu biết, tưởng tượng của gia đình tôi lúc đó. Bạn bè nói : “lo làm ăn không lo chỉ lo chuyện mò kim đáy biển” (chuyện đi Mỹ). Rồi còn cái nhà ở đường Phạm Thế Hiển tôi đang ở, đáng lẽ ra tôi phải ký giao cho cộng sản vì tôi thuộc diện “xuất cảnh phải giao nhà cho nhà nước quản lý”, vậy mà khi xuất cảnh, tôi không mất nhà, được giao lại cho em ruột.

+  Qua tới Mỹ rồi cũng đâu biết làm nghề gì để sống và Thiên Chúa đã đẩy đưa tôi quen một người bạn làm nghề bảo hiểm nhân thọ hơn 10 năm, mời tôi vô nghề này.

Tôi không ngờ tôi làm được cái nghề mà 10 người vô làm một thời gian, chừng vài tháng thì 9 người phải bỏ nghề.

Nhờ Trời thương, tôi trụ được nghề này từ năm 1994 cho đến ngày về hưu (2017).

Bây giờ, tôi mới cảm nghiệm được rằng tất cả các biến cố lớn, nhỏ trong đời tôi đều ngoài dự tính của tôi.

Với tuổi này rồi (75 tuổi) điều gì làm cho tôi thường xuyên suy nghĩ: Đó là “SỰ CHẾT”

Vì: Sự chết là tất yếu, ai ai cũng phải “trúng số độc đắc” một lần.

Và tôi đã lấy nhà thờ làm chỗ dựa, làm trung tâm đời sống của tôi. Tôi muốn làm môn đệ Đức Giê Su vì tôi muốn được bình an trong tâm hồn.

*Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống, ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. (Gioan 11: câu 26)

Hay :

* Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc nghìn thu. (1Cor 15: câu 19,20)

Và Cố Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận có viết về sự chết như sau:

“Chính sự chết cũng là một bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến”.

 Sách “Đường Hy Vọng và Dẫn Giải” (câu 32 trang 25).

Tin tưởng vào Chúa Giê Su, Thầy Chí Thánh, tin tưởng vào đời sau vĩnh cửu thì có lẽ cũng cần tập quen dần “yêu mến sực chết”, để chuẩn bị cho lúc gặp bịnh hoạn nhiều, đau đớn nhiều, đó là lúc thực hành lời Chúa, yêu Chúa nhiều hơn, cũng là lúc thông phần với đau khổ của Chúa Kitô phục sinh.

Trước những biến cố xảy ra trong đời sống của tôi trong 75 năm qua, có vui, có buồn, có hạnh phúc, có đau khổ, có thuận lợi mà cũng gặp nhiều nghịch cảnh, khó khăn. Nhưng rốt cục lại, tôi học được một điều là “ Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.” (1 TX, 5 câu 18).

  • Kỹ niệm 50 năm lập gia đình.

50 năm là thời gian quá dài. Năm mươi năm gặp biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong đời sống của một gia đình và cho mỗi người vợ hay chồng.

Vợ chồng sống được với nhau lâu dài là phải nhờ ƠN CHÚA, chứ khả năng của con người không thể làm được. Tôi cũng không ngờ, không tưởng tượng được vợ chồng tôi sống với nhau được năm mươi năm.

Vì sao vậy?

  • Có thể một trong hai người chết vì bịnh hoạn hay tai nạn.
  • Có thể đã chia tay vì tâm tính khác biệt . Mỗi bên bước thêm bước nữa và có gia đình mới. Hay có thể ở trong một căn nhà mà ăn riêng, ở riêng, không thèm nói chuyện với nhau, coi nhau như người xa lạ. Đó là tình trạng ly thân.

Làm sao ở với nhau được 50 năm?

Làm sao không bất đồng ý kiến, làm sao không gây gỗ nhau. Không thèm nói chuyện với nhau một thời gian là bình thường. Tôi đã tham gia dự khóa căn bản của Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình vào năm 2000, do Cha Chu Quang Minh sáng lập, đã giúp tôi rất nhiều trong đời sống hôn nhân gia đình.

Các cuốn sách như : “Cảm Thông Để Vơi đau khổ”, “Vợ chồng căng thẳng làm sao hoà hợp”, “Biết mình để sống vui” của Cha Chu Quang Minh giúp tôi rất nhiều và nhờ đó, biết tranh cãi trong gia đình giữa vợ, chồng không có kẻ thắng, người thua.

Biết là một chuyện. Thực hành mới là khó. Làm sao áp dụng đoàn sủng của chương trình “yêu thương gần gũi bằng việc làm”. Thông thường, tự ái, “cái tôi” rất lớn, rất là quan trọng. Con người thường chỉ biết có mình “tôi” mà thôi vì kiêu ngạo là đầu mối mọi sự phá hoại hạnh phúc gia đình. Sự kiêu ngạo của con người là do tội tổ tông Adam và Ave (muốn bằng Trời) mà ra. Chuyện con người làm tháp Babel để lên tận trời.

Làm sao biết khiêm nhường, nhịn nhục, sức con người không làm được nhưng với ơn Chúa thì con người có thể làm được. Vợ chồng sống với nhau là ƠN GỌI, ơn gọi thành lập gia đình, sinh con đẻ cái cho xã hội. Cho nên: “ Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly.(Mt 19:6)”, chứ không phải như con chuồn chuồn khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.

Vợ chồng chịu đựng được lẫn nhau, tất cả đều nhờ Ơn Chúa, nhờ đức khiêm nhường mà ra.

Chúa nói: Hãy bắt chước ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. “Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang” (Cn 18,12).

Kết: Chúa Giê Su vô tội bị đánh đập, chịu mọi sự đau đớn, bị đóng đinh, chịu cực hình là vì yêu thương con người chúng ta, để cứu rỗi linh hồn chúng ta. Chúng ta có bao giờ chịu đau đớn như Chúa đâu. Như vậy bất cứ sự đau buồn, đau khổ, đau đớn nào, chúng ta hãy dâng lên Chúa để thông phần, chia xẻ với sự đau khổ của Chúa.

Chỉ có Chúa giúp ta chịu đựng được mọi đau khổ về tinh thần cũng như đau đớn về thể xác. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô 2, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã chịu đựng bịnh tật về cuối đời là gương sáng cho ta bắt chước. Sự chịu đựng đau đớn, đau khổ một mình ta không làm được, nhưng có Chúa, Thầy chí Thánh, cùng đồng hành ta có thể chịu đựng được.

Vì nhờ đó, ta được thông phần đau khổ với Chúa chịu đóng đinh, mới được hưởng phúc vinh quang nước Trời trong hiện tại và tương lai sau khi mất.

Phùng Văn Phụng

Tháng 05/ 2017

Xem thêm: Đức khiêm nhường:

http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Duc-Khiem-Nhuong-3374.html

42 năm qua dưới sự cai trị của cộng sản, người Việt Nam được gì?

42 năm qua dưới sự cai trị của cộng sản, người Việt Nam được gì?

Tác giả Phùng Văn Phụng

Hai triệu người Việt nam chết trong chiến tranh ba mươi năm, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà TBT Nguyễn Phú Trọng than thở không biết cuối thế kỹ này có thực hiện được hay không nữa.?

Sau ba mươi năm chiến tranh gia đình nào cũng có người chết hay bị thương tật.

Một triệu người vượt biên trốn chạy cộng sản ra nước ngoài

Ước tính năm trăm ngàn người chết ở biển đông hay trong rừng sâu Campuchia, Thái lan.

Sau 42 năm cộng sản cai trị miền Nam, dân tộc Việt nam được gì?

  • Trước năm 1975 công kỹ nghệ miền Nam đang cất cánh hàng tiêu dùng đủ cho nhu c cùng làm không đủ sống.
  • Hỉện nay, VN không có tự do nghiệp đoàn. Trước năm 1975 có Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam v.v….
  • Báo chí không có tự do. Không có báo chí tư nhân. Trước năm 1975 báo chí hoàn toàn tự do, báo chí có thể chỉ trích chính quyền  như các báo Tin Sáng, Đại Dân Tộc, Chính Luận, Sống Thần v.v …
  • Đại Học không được tự trị
  • Không có tự do kinh doanh
  • Không có tự do biểu tình
  • Không có tự do cư trú.
  • Không có tự do thành lập đảng phái. Trước năm 1975, các đảng phái được tự do hoat động, đối lập với chánh quyền như Đai Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, đảng Tân Đại Việt v.v…
  • Không có tự do bầu cử và ứng cử. Ở miền nam trước 1975, bầu cử Thượng Viện rất nhiều Liên danh ra tranh cử. Bầu cử Hạ Nghị Viện, có đơn vị cần một người, có 5, 7 người ra tranh cử . Người dân có quyền đi bầu cử hay không đi bầu cử. Muốn thắng cử phải tranh đua quyết liệt chứ không như bây giờ, đảng cử dân bầu. Chưa bầu cử đã biết ai thắng cử rồi.
  • Bây giờ tam quyền nhập cục, dưới sự lảnh đạo của đảng cộng sản. Trước đây có Tối Cao Pháp Viện, Toà án, Tư pháp hoàn toàn độc lập với Hành pháp. Quốc hội thực sự do dân bầu, độc lập với Hành pháp. Ba cơ quan Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp kiểm soát lẫn nhau.( Tam quyền phân lập)
  • Nhờ có báo chí đối lập, có dân biểu, nghị viên đối lập mà cơ quan hành pháp không dám làm bậy, bớt tham nhũng vì sợ báo chí và các thành phần đối lập phanh phui.
  • Hiện nay người dân Việt nam đi làm mướn ở khắp nơi trên thế giới qua Đại Hàn, Đài Loan, ngay cả qua Lào và Campuchia để làm mướn.
  • Phụ nữ qua Singapore, Mã Lai bán dâm.
  • Vẫn còn người Việt tìm cách trốn chạy khỏi Việt nam qua nhiều cách khác nhau.

Như vậy, hy sinh 2 triệu người trong chiến tranh, 500 ngàn chết vì vượt biên, gia đình nào cũng có người thân chết hay bị thương tật. Người dân hy sinh tất cả các quyền tư do căn bản như đã nói trên, cuối cùng dân tộc Việt nam được gì?

Việt nam từng là đất nước đứng đầu Đông Nam Á, thập niên 1960, Lý Quang Diệu mơ ước Singapore bằng được Sài gòn là mừng lắm rồi.

Sau 42 năm cộng sản cai trị, ở Việt Nam, mọi thứ đều tụt hậu,  đứng chót Đông Nam Á,  thua cả Lào và Campuchia.Tại sao?

Chỉ duy nhất một nhóm nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền giàu có nhờ tham nhũng, tước đoạt tài sản của dân mà thôi.

Ghi thêm: Năm 1945 Nhật Bản thua trận, tất cả nhà máy đều tan hoang, 20 năm sau, 1965 thành một cường quốc.

Năm 1975, Việt cộng chiếm miền Nam, nhà máy còn nguyên, tại sao 42 năm sau Việt nam có tình trạng tụt hậu như ngày hôm nay.?

NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN ĐẾN NƯỚC MỸ

Những Ngày Đầu Tiên Đến Nước Mỹ

08/03/200700:00:00(Xem: 150866)
  • Phùng Văn Phụng
  • Vietbao.com
  • Tác giả Phùng văn Phụng, định cư  tại Mỹ theo diện HO đã13 năm. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là nhìn lại những khó khăn buổi đầu. Mong ông sẽ tiếp tục viết và vui lòng bổ túc dùm sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

*

Mới đến Mỹ chừng một tháng bà xã tôi đã cự nự:

– Tôi đã bảo đi Mỹ mà làm gì, ở nhà buôn bán rần rần, đang sung sướng,  bây giờ qua đây, ngồi ” trông ngốc ” trong phòng này như ở tù.” Bà xã tôi than phiền như vậy.

Tôi cứng họng không biết trả lời ra sao”

Bà xã nói tiếp:

– Đi lên Tulsa ở tiểu bang Oklahoma với Hồng Thu, kiếm chuyện gì làm ăn, vô hảng nào cũng được chứ ở đây làm gì để sống đây””  Bà xã tôi cự tôi, đòi lên tiểu bang miền Bắc, ít người Việt, nhiều hảng xưởng may ra dễ tìm việc làm, có chỗ nào, hảng nào  mướn, làm gì cũng được. 

Tất cả chúng tôi gồm có sáu người, hai vợ chồng bốn đứa con, hai trai, hai gái chen chút trong “apartment” hai phòng ở đường Town Park thành phố Houston, Texas ; cuối tháng lảnh tiền trợ cấp của chánh phủ Mỹ trả tiền mướn phòng và nhận ” food tem ” để đi chợ cũng chỉ vừa đủ chi dùng trong tháng. Sau 8 tháng hết trợ cấp thì sống làm sao đây” tiền đâu trả tiền mướn nhà, tiền đâu mua thức ăn, trả tiền điện thoại v.v.”

Đó là câu hỏi thường xuyên trong đầu óc các thành viên trong gia đình tôi trong những ngày bước chân lên đất Mỹ .

                         *

Khi tôi được trả tự do từ trại tù Nam Hà đầu năm 1983, tôi đã nộp đơn chui qua tòa Đại sứ Mỹ ở Thái Lan để xin tỵ nạn, bà xã tôi và thím tư mỗi lần gặp tôi cứ chọc quê tôi và nói đùa  rằng: “lo làm ăn không lo chỉ lo chuyện mò kim đáy biển”. Tôi cũng có cảm tưởng như thím tư tôi nói nhưng hy vọng vẫn nhen nhúm dầu rất nhỏ trong lòng tôi cũng như vợ và các con của tôi đang sống trong khó khăn, cực nhọc và tôi thì đang bị mất quyền công dân. Từ năm 1983 tới năm 1990 đa số bà con cho rằng thành phần đi “cải tạo” về, những người được thả từ trong tù, trong trại cải tạo mà được đi Mỹ là chuyện “mò kim đáy biển.”  

Cho nên khi tất cả gia đình chồng vợ và các con đã lên được máy bay và khi máy bay cất cánh rồi vào cuối năm 1993, tôi mới biết rằng gia đình tôi thực sự được đi Mỹ, rời khỏi quê hương yêu dấu nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên thành người.

Ai mà không khỏi đau lòng khi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, xa cha mẹ, xa bà con, dòng họ, xa anh chị em ruột thịt, xa bạn bè thân thương, xa những học trò cũ hàng ngày thường gặp mặt. Vậy mà phải rủ bỏ tất cả để ra đi. Đang buôn bán làm ăn, công việc đang trôi chảy phát đạt, phải sang lại cho người em ruột.

Tại sao phải dứt khoát ra đi” Tại sao không ở lại khi đang làm ăn được” Quyết định nào cũng có những khó khăn và quyết định ra đi càng khó khăn gấp bội. Nếu được đối xử tử tế, bình thường như bao nhiêu người dân khác thì đâu có ai phải bỏ nước ra đi. Người dân miền Nam còn không được đối xử bình thường, được xem như kẻ bị trị bởi người cùng nòi giống, huống hồ là  người đã từng chống đối lại họ.

                   *

Một hôm phòng bên cạnh có người cần khiêng đồ đạc trong nhà như bàn ghế, tủ giường v.v lên xe để di chuyển. Họ thấy gia đình tôi có hai cháu thanh niên nên gọi đi khiêng đồ đạc giúp. Tôi mới khiêng được mấy lần đã thấy nôn nao trong bụng, muốn ói vì khiêng nặng không quen. Hôm đó được mấy chục đô la coi như lần đâu tiên kiếm tiền ở nước Mỹ bằng nghề khuân vác. 

Chú thím tư cùng người cháu bà con là người bảo trợ, đã  đi xin các bạn bè giường ngủ để ở hai phòng, có máy truyền hình cũ ở phòng khách cho nên khi vào nhà ở đường Town Park đã thấy rất ấm cúng. 

Hình dung lại trước khi ra đi, sáng thứ bảy, đến sở nhà đất để lấy giấy tờ chứng nhận không thiếu thuế, phải đợi cho đến chiều tối khi giấy tờ họ đã có, để ở trên bàn nhưng họ không chịu đưa, cho nên phải ngồi ngoài sân mà đợi. Họ đòi tiền mà tôi không biết và lúc đó thật ra cũng không dám đưa vì có thể bị họ cho rằng mình đưa hối lộ sẽ làm khó dễ giữ mình ở lại  thì phiền phức vô cùng. Nhưng cuối cùng rồi cũng phải chi cho họ một ít tiền mới lấy được giấy tờ để  lên máy bay vào ngày hôm sau.  Tôi nhận được giấy báo đình chỉ chuyến bay ngày thứ năm vì không có giấy chứng nhận không có chủ quyền nhà. Tới tối thứ bảy tôi mới lấy được giấy chứng nhận này. Trong mấy tháng trước khi ra đi vì quá lo lắng, tôi bị bịnh cảm liên tục, không ăn uống được phải uống thuốc thường xuyên mà cũng không hết. 

Qua một chuyến đi dài lần đầu tiên đến Mỹ tôi cứ suy nghĩ miên man qua Mỹ làm sao mà sống đây” Mình không có nghề nghiệp chuyên môn nào cả, muốn trở lại nghề dạy học cũng phải mất bốn hay năm sáu năm nữa học lại Anh văn, học lại chuyên môn về giáo dục, mà mình cũng đã hơn năm mươi tuổi rồi sau khi học ra trường chắc gì ai mướn mình đi dạy đây”

 Tôi suy nghĩ: mình chưa bao giờ lái xe hơi, làm sao học lái và chạy xe đây.”

Cháu Trung con anh Xin chở áo quần, đồ đạc lỉnh kỉnh từ phi trường Hobby về bằng xe truck. Hôm đi đón có anh Độ bạn cũ ở quận 8 Sài gòn, vợ chồng chú tư và các con, vợ chồng Lẫm và các con, đến quán Ba Lẹ có thêm Đoàn Hữu Đức là cháu thầy Đoàn văn Nghĩa, thường gọi là ông Đốc Nghĩa (thầy dạy Pháp văn của tôi lớp 6, lớp 7 ở trường trung học Cần Giuộc khoảng năm 1957-1958 ), lúc đó tôi mệt quá sau cuộc hành trình dài hơn 24 giờ đồng hồ. Thấy bà con đông đảo đến đón, thật là đượm tình nghĩa anh chị em, bạn hữu quá sức tưởng tượng của tôi.

Khi vào căn nhà do Lẫm mướn cho ở đường Town Park là một chung cư có nhiều dãy nhà sát liền nhau, xung quanh đa số là người Mỹ da đen chỉ có một ít người Mễ làm cho tôi thấy lo âu, cảm thấy hơi sợ.

 

*Đi tìm trường học Anh văn.

Mới qua Mỹ chưa có xe hơi phải đi bằng xe bus. Từ nhà muốn đến trường phải đi bộ một đoạn đường khoảng một cây số mới tới được đường chính là Bellaire rồi từ đó đón xe bus đi đến đường Cookin mới có lớp ESL. Có người bạn cho biết có trường dạy Anh văn miễn phí nếu xin trợ cấp của chánh phủ ở gần đường Chimney Rock và Gulfton. Tôi không biết rõ trường nằm phía nào nên khi xuống Bellaire tìm được Gulfton rồi thay vì đi bên phải một đoạn đường ngắn là đến trường Đại học cộng đồng, tôi đi về phía trái cùng với con trai là Quốc đi hơn nửa giờ mà không tìm được trường đến nỗi Quốc mệt quá, cự nự, đành phải tìm đường trở về nhà.

Muốn đi học tiếp để có thể nói được tiếng Anh nên tìm trường để học. Học ESL cùng với các em, các cháu khoảng chừng ba mươi tuổi chỉ cần vài tháng các em nói tiếng Anh khá nhanh, còn tôi viết thì đúng văn phạm nhưng nói thì cứ ngọng, có nói được câu nào cho trôi chảy đâu. Phân vân giữa đi học tiếp và đi làm. Đi học thì có thể xin vay tiền đóng học phí nhưng không làm ra tiền để trả ” bill “. Nếu bây giờ học lại phải mất mấy năm nữa, già rồi ai mướn đây” Làm sao làm ra tiền để có cuộc sống ổn định”.

* Làm cho tiệm grocery

Tôi đi tìm việc làm, nộp đơn ở tiệm fast food “Jax in the Box” ở đường Gessner, nộp đơn ở hảng làm điện tử, ở hảng sản xuất vàng, vào chợ Auchun nộp đơn xin bán hàng hay làm bất cứ nghề gì cũng được nhưng ở đâu người ta cũng không nhận. Lý do tuổi đã lớn trên năm mươi, không có ” back ground ” quá khứ làm việc ở Mỹ, nói tiến Anh không thông thạo, không có nghề gì chuyên môn. Cùng với con gái là Uyên Phương đi nộp đơn ở hảng K.Tec, hảng làm điện tử, con gái được nhận đi làm, còn tôi thì không. Đi nộp đơn ở hảng chuyên làm vàng mà chú tư đang làm hảng cũng không nhận.

Đành đi fill hàng cho tiện Grocery ở đường Dairy Asford. Sáng sớm mặc áo lạnh đi bộ từ nhà ra bến xe bus khoảng hai dặm, đứng đợi xe bus chừng 10, 20 phút, xe bus chạy khoảng 15 phút, xuống xe bus, lại đi bộ khoảng hai dặm đến chỗ làm. Bửa nào gặp mưa gió, trời lạnh mùa đông, gió rít từng cơn, gió rét căm căm mới thấy nỗi lòng nhớ nhung quê hương, nhớ bà con, nhớ ba má, anh chị em bạn bè v.v. của người xa xứ. Rồi khi vô chỗ làm cần phải đeo kính để đọc tên của món hàng, sắp xếp hàng hóa lên kệ tủ, nên làm khá chậm chạp không bằng những người trẻ không đeo kính. Do đó anh Vương, chủ tiệm bảo: “Sao chú làm chậm quá vậy, mai về nghỉ đi.”

Tôi làm cho tiệm Grocery khoảng hai tuần lễ thì mất việc.

* Đi làm tiệm sang băng nhạc.

Bà xã thấy tôi không có chuyện gì làm nên nhờ người quen giới thiệu đi làm ở tiệm sang băng nhạc ở trong khu chợ Hồng Kông 1 ở đường Gessner. Nghề máy móc tôi đâu có biết vì gốc gác là thầy giáo chỉ biết đi dạy học mà thôi. Khi sang băng dĩ nhiên rất chậm chạp thời gian làm việc từ 10 giờ sáng cho đến 8 giờ tối. Tiền lương mỗi tháng được trả là 600 đô la.  Ngày đầu tiên tôi đến làm việc đã được em của bà chủ hay là em của ông chủ” hạch sách ngay.

Anh ta nói: ” Ở Việt Nam sướng quá mà qua đây làm gì cho khổ.” Đi qua đây chỉ có nước đi làm công, làm mướn chứ làm được gì”

Tôi tức lắm nhưng không muốn tranh luận  với anh này làm gì. Khi thấy tôi lớ ngớ đứng không biết làm gì thì anh ra lịnh ngay:

“Anh phải lau bàn ghế,lau tủ cho sạch sẽ đi chớ “.

Tôi vội vả cầm khăn lau bàn ghế, lau tủ kiếng, sau một lúc anh bắt tôi sang băng cải lương, phim chưởng, phim Trung Quốc  để cho mướn.

Anh đâu có hiểu rằng tôi ra đi là vì tôi không thể sống với Cộng Sản được. Tôi là kẻ từng chống đối với chế độ, một con người bị để ý, canh chừng. Làm sao sống được khi mình luôn luôn bị nghi ngờ, bị thường xuyên theo dõi. Một lần tôi đến thăm anh Ngọc, trước cũng ở trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến thì công an khu vực đã hỏi anh Ngọc: ” Ông Phụng đến nhà anh làm gì đó. Có âm mưu gì không”” Anh Ngọc sợ quá bảo :  “Thôi anh đừng đến thăm tôi nữa, công an khu vực hỏi thăm tôi về anh đó. Hắn hỏi anh đến đây là gì, bàn tính, âm mưu chuyện gì “

Một số bạn bè sĩ quan thường đến thăm tôi thì công an khu vực hỏi thăm ông bảy Bích là tổ trưởng ở sát bên nhà: ” Anh thấy ông Phụng thế nào.” Tại sao nhiều sĩ quan chế độ cũ cứ đến thăm và theo ông thì ông Phụng này có tính toán chuyện gì chống đối nhà nước không”

Ông tổ trưởng phải trả lời là ông Phụng có giấy tờ đi Mỹ rồi còn tính toán chuyện gì nữa. Nói như vậy nhưng anh công an khu vực có  tin điều đó không”

Lúc nào tôi cũng lo âu, hồi hộp không biết bị bắt lại bất cứ lúc nào. Thường xuyên tôi bị theo dõi.

* Đi bán bảo hiểm

Tình cờ nói đúng hơn là  Thiên Chúa sắp xếp, tôi gặp ông Đoàn Hữu Đức vừa mới mở văn phòng Đoàn Agency nên rất cần người. Tôi đã phải thi 8 lần mới đậu bằng “group one” để được bán bảo hiểm. Mất gần một năm trời mới xong bằng và được tiểu bang chấp nhận cấp giấp phép hành nghề. Đoàn Hữu Đức là cháu ông Đốc Nghĩa, dạy pháp văn  trường trung học Cần Giuộc.

Những ngày đầu đi làm, đi bán bảo hiểm là một thách đố lớn. Nhiều khi bị trời mưa tầm tả cũng phải cố gắng đến nhà bà con vì mình lỡ hẹn rồi. Có khi đến nơi rồi tìm không ra nhà dưới trời mưa không dứt hột, cũng phải đi kiếm địa chỉ của khách hàng, vì Apartment ở khu làng Park Place phòng này sát với phòng kia nhưng cách một dãy nhà thành ra tìm không ra. Kiếm nhà không được, đi dưới trờì mưa đến cây xăng gần đó dọc Freeway  South45 và đường Broadway, bỏ 25 cents vào điện thoại công cộng để hỏi anh chỉ giùm căn nhà đó chỗ nào”. Sau khi anh bạn mình chỉ thì mình mới biết rằng mình cũng vừa đứng ở chỗ đó vậy mà không thấy được số nhà vì lúc đó trời đang mưa mà ban đêm, trời lại tối nữa. Sau khi bán đươc anh chương trình bảo hiểm 25,000 đô la, hảng đã thuận đem “policy” là sổ hợp đồng hay giao kèo đến cho anh thì anh lại không nhận, công của mình đã trở thành vô ích, nhưng lâu lâu mới gặp trường hợp như thế chứ nếu ngày nào cũng như vậy chắc đã bỏ nghề đã từ lâu.  

Tôi có cái hẹn vô nhà người khách hàng để giới thiệu chương trình bảo hiểm nhân thọ. Tôi đang giải thích nhu cầu bảo hiểm cho người con vừa mới mua nhà, nếu có mệnh hệ nào thì vợ làm sao có tiền để trả nợ  nhà. Tôi chỉ mới hỏi vài câu và vừa mở máy computer ra; người cha từ bên kia đường bước qua lớn tiếng nói với người con: ” Mầy đi qua đây ăn cơm. Không được mua bán gì hết. Đến đây để lường gạt con tao hả”.”

Thấy không khí có vẻ căng thẳng, tôi gấp máy computer lại, bước ra khỏi nhà, mở cửa xe sẵn có mấy tờ báo trên xe, tôi lấy hai cuốn báo đem đến cho người này.

–   Cháu xin gởi bác hai tờ báo này “

–  Đi đi , đi đi  tao kêu cảnh sát bắt mầy bây giờ, đến đây để dụ dỗ, gạt gẫm con tao hả.”” . Lần đầu tiên tôi bị cự nự dữ dội như vậy. Hết sức tức giận nhưng tôi cố gắng tự trầm tỉnh, mở máy xe, hít thật dài hơi và tự nhủ: ” tự nhiên bị hiểu lầm, bị cự nự vô lý, nếu mình giận ông này mình cũng điên như ông ấy vậy. Thôi bỏ qua đi. Tai nạn nghề nghiệp mà. Tuy nhiên phải mất hơn mười phút tôi mới lấy lại được bình tỉnh mà lái xe về văn phòng.

Một lần khác ghé nhà một người quen do anh Tommy làm nghề bán xe hơi giới thiệu, vừa bước vô nhà, mới hỏi thăm sơ sơ về hoàn cảnh gia đình, bà vợ đứng ở bếp đang nấu ăn, nói lớn tiếng:

– Mấy thằng bán bảo hiểm là những thằng lường gạt, tôi mua bảo hiểm mấy năm trước ở Cali, bây giờ tăng giá, lúc mua nó không nói. Tôi đã bỏ rồi không đóng tiền nữa. Toàn là những đứa lường gạt.”

Vì mới vào nghề bảo hiểm tôi chẳng biết phải trả lời thế nào, cứng họng, vội bỏ tài liệu vào cặp và rút êm ra khỏi nhà anh chị này mà trong lòng tức tối lắm vì chị quơ đủa cả nắm ai làm nghề bảo hiểm đều xấu xa cả. Chị ấy chửi mình mà mình chẳng biết trả lời ra sao.

 

* Kết: Tạ Ơn.

Hơn mười ba năm trôi qua từ tháng 11 năm 1993, hiện tôi đã và đang sống trong nghề bảo hiểm hơn 12 năm. Có ba cháu lập gia đình. Có ba cháu ngoại và một cháu nội. Bà xã tôi dứt khoát không muốn về Việt Nam ở luôn nếu có về chỉ muốn ở một, hai tháng như đi du lịch mà thôi vì các con, các cháu đều hiện sống ở Houston, Texas.

Tạ ơn Thượng Đế ban gia đình của con, các con, các cháu đều khỏe mạnh và bình an. Xin cám ơn nước Mỹ, chánh quyền và người dân Mỹ đã chấp nhận gia đình chúng tôi đến định cư ở quốc gia này như là một quê hương thứ hai của tôi.

Phùng văn Phụng

Buồn vui nghề bảo hiểm nhân thọ.

       Buồn vui  nghề bảo hiểm nhân thọ.

                                 Tác giả: Phùng Văn Phụng

 Khi đặt chân đến đất Mỹ vào cuối năm 1993 theo diện HO, tôi không biết phải làm nghề gì để sống ở quốc gia mới lạ này. Đường sá rộng thênh thang, các cây cầu trên xa lộ (Freeway) đan kẻ, giao nhau làm tôi ngơ ngác, thấy quá bở ngở của người dân Sài gòn, đã từng hảnh diện Sài gòn là “Hòn Ngọc Viễn Đông” với xa lộ Biên Hòa cũng có bốn “lane” đã cho là lớn lắm rồi.

Khi được xếp có áo che mưa bằng cao su dùng nó để chống cái lạnh miền Bắc. Nửa tháng mới dám tắm một lần. Mỗi lần tắm nước bốc thành hơi, thành khói, bay mù mịt.

Về Sài gòn đầu năm 1983, làm đủ nghề lao động để sống. Đi dọn ống cống. Giặt bao ni lông. Mua bán báo cũ. Chạy xích lô. Bán vé số dạo. Dạy kèm trẻ tư gia. Dùng xe đạp chở bia, nước ngọt, giao các quán để kiếm sống qua ngày. Cuối cùng cũng có được một quán bán bia nước ngọt. Tạm ổn định sau mười năm làm việc cật lực. Khi làm đơn đi Mỹ theo diện HO bạn bè nói: “đang làm ăn “ngon lành” như vậy (bán bia nước ngọt) mà bỏ đi nước ngoài rồi qua bên đó (Mỹ) làm gì để sống.”

Tôi cũng không biết làm nghề gì để sống. Nhưng tôi phải “đứt ruột” ra đi vì lý do đơn giản tôi là người tù về từ trại cải tạo. Mới về đoàn tụ với gia đình vợ con, niềm vui chưa trọn, mỗi tuần phải trình diện công an Phường. Công an đưa cuốn tập yêu cầu phải ghi, phải báo cáo hằng ngày gặp ai, làm gì, nói gì. Phải lội sình, đào mương, đấp đường. Người cải tạo về được công an, ủy ban phường chiếu cố, theo dõi thường xuyên. Có một lần cậu bảy nhà bên cạnh nói: “Công an khu vực vừa hỏi tao, mầy làm gì, sao tiếp xúc với nhiều sĩ quan cũ quá vậy, có âm mưu gì không?” Cậu bảy thương tình trả lời: “Nó đã làm đơn đi Mỹ rồi có làm gì đâu?”

Lý do mà tôi phải ra đi vì sợ bị bắt lại, tôi muốn “được sống tự do”. Nhưng khi sang đất mới, có tự do rồi, không sợ bị bắt bớ, bị làm khó dễ nữa, nhưng làm sao có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền chợ và bao nhiêu thứ tiền lặt vặt khác nữa.

            Biết làm nghề gì để sống đây?

Tôi theo đứa con gái vô chợ “Auchan” dọc Belway 8, gần đường Beechnut, nộp đơn bán hàng. Không thấy trả lời. Tôi cùng đứa con gái đến khu bắc Gessner để nộp đơn vào tiệm ăn “Jax in the Box” cũng không thấy gọi. Đến đường Harwin, nộp đơn xin làm ở hảng điện tử, chỉ có đứa con gái được gọi đi làm, còn tôi thì cứ mỏi mòn, lặng lẽ chờ. Lại nhờ em ruột chở đến hảng làm vàng, nộp đơn rồi cũng mỏi mòn chờ gọi đi làm. Không có hảng nào gọi. Nhờ anh bạn giới thiệu tôi đi “fill” hàng ở tiệm grocery, nhưng làm cũng chỉ được hơn tuần lễ, cũng bị cho nghỉ việc vì mắt kém. Đến làm cho tiệm sang băng nhạc làm 10 giờ một ngày, lương 600 đô la một tháng .Vì không ưa mấy người đi theo diện HO nên hắn nói: “Ở Việt Nam sướng quá đi, qua Mỹ làm gì, chỉ làm công, làm mướn mà thôi, chứ làm ông, làm tướng gì mà qua đây”.

Vì đang rảnh rỗi tôi đến thăm văn phòng của anh  Đức Đoàn vừa mở được mấy tháng. Anh Đức và tôi cùng quê Cần Giuộc, cùng học trường trung học Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đến thăm văn phòng này ở lầu bốn, tôi nhớ mới mấy tháng trước có dẫn hai đứa con gái đến đây, ở lầu hai để xin tiền trợ cấp học Nails.

Anh Đức mời tôi vào ngành bảo hiểm.Tôi vừa mới qua Mỹ làm sao bán bảo hiểm được, nhiều người đã qua từ năm 1975 làm vài tháng không làm được, cũng bỏ nghề.Tôi hỏi thăm vài người bạn. Họ nói: “Làm nghề gì thì làm đừng có làm nghề bán bảo hiểm vì tôi có đứa em làm được vài tháng rồi cũng nghỉ, có làm được đâu.”- “Nghề bán nước bọt, nói gảy lưỡi, chẳng có ai mua đâu. Nghề gì quá khó, nên kiếm nghề khác mà làm”. Đa số bạn bè đều nói như thế.

Tôi tự nhủ rằng: “Phải cố gắng hết sức, phải tiến tới chứ không thể thối lui được, vì nếu thối lui, không chịu khó làm việc, làm sao sống được ở xứ sở giàu có nhất thế giới này. Khi anh Đức giới thiệu tôi làm nghề bảo hiểm, đi đến nhà khách hàng để giới thiệu chương trình bảo hiểm và làm đơn cho họ, tôi thấy cũng có lý. Nhưng làm sao có người cho hẹn, có chỗ để đến đây. Nhiều người qua Mỹ từ năm 1975 đã không làm được, tôi mới vừa đến  Mỹ, vừa hết tám tháng trợ cấp, lại nhảy vô cái nghề mà nhiều người đã “chào thua vì khó quá”. Trong cuốn sách “Quẳng gánh lo đi và vui sống” Dale Carnegie viết như sau: “Cũng đừng lựa những nghề mà mười phần bạn chỉ có một phần hy vọng để kiếm ăn được. Chẳng hạn nghề bán vé bảo hiểm.Trăm người thì có chín chục sẽ đau tim, thất vọng và chỉ một năm là giải nghệ. (Trang 334).

            Sự ích lợi của nghề bảo hiểm nhân thọ:

Ngành bảo hiểm nhân thọ chỉ là bước khởi đầu của ngành tài chánh ở Mỹ. Sống trên đất Mỹ, nếu chẳng may khi vợ hay chồng ra đi, người ở lại cần gì?

  • Cần tiền để chôn cất.
  • Cần tiền để trả nợ nhà, nợ xe v.v…
  • Cần tiền cho con học Đại học.
  • Cần tiền chi phí y tế, sửa chữa nhà cửa, xe cộ v.v…

–     Họ còn dùng bảo hiểm để lại tài sản cho con không phải đóng thuế lợi tức.

–     Dùng bảo hiểm để có tiền đóng thuế khi để lại tài sản cho người thân yêu.

–    Chưa kể, khi về hưu tiền đâu mà sống. Cho nên khi còn trẻ lúc đi làm, cần để dành tiền vào quỹ hưu trí (retirement). Tiền sẽ đẻ ra tiền, nhờ lãi kép (compound interest) Ngoài ra mọi người đều cần phải có Bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm khi bị tàn tật v.v…

Làm thế nào để có thể sống được trong nghề bảo hiểm.

             Cần mười cái hẹn mỗi tuần.Trong mười cái hẹn đó, trung bình bán được ba hồ sơ. Làm sao có mười cái hẹn đây. Gọi bằng phone. Lấy cuốn niên giám điện thoại, kiếm những người họ Nguyễn, Lê, Trần … gọi liên tục để hẹn. Hoặc khi đi đám cưới, đám tang, khi đi sinh hoạt trong các đoàn thể đồng hương, trong các đoàn thể tôn giáo .v.v… ở đâu cũng làm quen được, cũng có thể hẹn được, để đến nhà họ giới thiệu chương trình bảo hiểm, làm đơn cho họ.

Hai mươi hai năm trong nghề bảo hiểm đã có 64 người khách hàng đã mấ. Hảng đã trả “tiền tử” cho thân nhân. Số tiền đóng vào chưa được bao nhiêu, hảng đã phải trả số tiền lớn gấp năm, gấp mười lần số tiền đã bỏ ra.

             Những khó khăn, cực nhọc khi đi bán bảo hiểm.

Gọi điện thoại đến bà con để lấy hẹn đã khó khăn. Gọi hàng trăm cú điện thoại mới có được đủ số hẹn trong tuần. Có được cái hẹn để đến nhà khách hàng, mừng lắm. Khi đi đến nơi họ không mở cửa, không cho vào nhà. Một lần, tôi đến nhà anh M. khu South 45, từ nhà đến anh phải mất 50 phút, vậy mà khi gõ cửa họ không mở.Tôi thấy đèn trong nhà vẫn sáng. Ra xe, tôi dùng điện thoại cầm tay gọi vào. Anh M. không biết tôi đang ngồi ngoài xe trước nhà họ. Vì anh không biết tôi gọi nên bắt máy điện thoại.Tôi nói: “Tôi đã đến trước nhà anh, vừa mới gõ cửa nhà anh đó.”

Anh ấy nói:

-“Để tôi ra mở cửa cho anh”.

Vừa mở hé cửa, anh nói nhỏ:

-“Mới gây lộn với bà xã, xin anh thông cảm, bửa khác tới. Hôm nay không nói chuyện gì được đâu.”

Những năm 1995, 1996 chưa có điện thoại cầm tay. Vào một đêm mùa đông, trời mưa gió lạnh lẽo, ướt át, tôi đi vào khu “apartment” đường Park Place, các dãy nhà trong “apartment” này các số nhà rất là khó kiếm. Trời tối, tôi đứng ở dãy lầu, cạnh dãy lầu có phòng của anh Trạch vậy mà tôi không tìm ra số phòng của anh. Tôi phải đi ra đường, tìm đến cây xăng bỏ 25 cents vào ở chỗ điện thoại công cộng, gọi anh, anh mới chỉ cho tôi vào nhà. Sau khi làm đơn xong, hảng thuận bán cho anh, nhưng khi đến giao hợp

đồng “policy” cho anh, anh lại từ chối, không nhận. Không cho vô nhà khi cho hẹn. Làm đơn, hảng xét đơn hơn một tháng, hảng đồng ý bán, nhưng lúc giao hồ sơ lại không nhận. Có người mua được vài tháng, vài năm đổi ý không muốn mua nữa.

Làm thế nào cho họ thấy bảo hiểm rất cần thiết. Nếu hiểu được nhu cầu thì họ sẽ tiếp tục đóng tiền vì từ lúc đóng cho đến ngày mất họ bỏ ra một đô la họ lấy về ít nhất là bốn đô la. Gọi đến bà con để họ cho hẹn đã là khó. Tôi mới qua Mỹ, ở Houston chừng tám tháng, chỉ quen có hai gia đình bà con là em ruột và người cháu bảo lảnh qua. Dùng niên giám điện thoại, kiếm họ nào là người Việt nam, như họ Nguyễn, Lê, Trần, Lý cứ gọi đến họ để xin hẹn. Như vậy mà tuần nào tôi cũng có người cho hẹn để đến nhà giới thiệu chương trình bảo hiểm. Có người mua, có người không mua. Trung bình một tuần bán được hai ba người. Lần đầu tiên đến nhà bà con, lọng cọng, nói không trơn tru, vậy mà họ vẫn mua. Vì sao vậy? Vì họ biết chết có tiền chôn cất. Bán thêm vài người nữa, trong đó có anh G., nhà ở đường Wirt, mới đóng có một lần, khoảng 70 đô la, chẳng may bị “stroke” lúc xem TV, do bịnh cao huyết áp, hảng trả đủ 25,000 đô la cho bà xã. Tôi càng tin tưởng hơn. Tôi thấy bảo hiểm nhân thọ có lợi quá. Nên tôi không còn mắc cở, ngại ngùng, khi gọi bà con để giới thiệu bảo hiểm nhân thọ. Vì ai gặp tôi vẫn có lợi hơn là không gặp. Làm sao mình biết được tương lai sẽ ra đi lúc nào?. Ai ai cũng phải “trúng số độc đắc” một lần, không bao giờ tránh khỏi được. Đã ra đi còn để lại gánh nặng cho người thân hay sao? Nếu có bảo hiểm để lại chút đỉnh tiền cho chồng (vợ) con thì người thân đỡ khổ biết mấy.        Có lần tôi đã có hẹn trước tại nhà anh H là người bạn khá thân, ở chung cư đường Beechnut.Tôi mới mở máy “computer” ra định giới thiệu chuơng trình bảo hiểm chừng 25,000 đô la để sau này anh có mệnh hệ gì thì chị có tiền để lo chôn cất anh. Mới vừa ngồi xuống ghế, chị K. vợ anh H. trong nhà bếp bước ra la lớn tiếng: “Tôi nói với anh không có mua gì hết. Anh mua cái gì đó. Con người của anh thật là … Chị la lối, cự nự, nói nặng lời với anh H., bạn tôi, mục đích cũng là cự nự gián tiếp tôi luôn, làm cho tôi bỡ ngỡ, ngạc nhiên, sao bà này “dữ” quá vậy, không biết phải phản ứng ra sao, nói gì bây giờ, tôi vội xếp máy “computer” lại, rồi lặng lẽ chào anh, ra về.

Vì tôi gọi trong “phone book” nên khách hàng không có chọn lọc được, nhiều khi gặp khách khó tánh, có nhiều khi gặp khách dễ chịu, tử tế. Nhiều người hay cự nự, tôi cũng phải nhẫn nhịn, chịu đựng mà thôi. Tôi đến thăm anh N. một anh HO lãnh tiền bịnh. Tôi cũng giới thiệu bảo hiểm nhân thọ cho anh vì tôi nghĩ cứ nói cho bất kỳ ai, biết đâu họ mua. Vừa giải thích xong, anh bắt đầu nói:

-“Tôi nói cho anh biết. Tôi là Đại Uý Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau này Mỹ sẽ trả lương đầy đủ cho tôi kể từ tháng tư năm 1975 đến nay, họ phải có trách nhiệm chứ. Tôi đã chiến đấu cho họ nhiều năm. Anh coi, tôi sẽ giàu có chứ đâu có phải nghèo nàn như ngày hôm nay. Đâu có ai ăn hiếp tôi được. Có phải không anh? Rồi anh ấy kể chuyện đánh giặc ngày trước, kể những chuyện sung sướng, lên xe xuống ngựa, quyền hành lúc anh còn là sĩ quan chỉ huy, lúc đó lính tráng sợ sệt, kính nể.”

Tôi để cho anh nói hơn mười phút.Tôi thấy quá bực mình mà không dám nói. Tôi lặng lẽ chào anh, đứng dậy, ra về. Khi ra khỏi cửa, bước ra ngoài hàng hiên, anh nói nhỏ với tôi:

– “Anh đừng buồn nghe. Tôi chửi xéo bà xã tôi đó. Bả khi tôi quá, tôi tức lắm, nên hôm nay có dịp anh đến, tôi nói cho hả giận.”

Lần khác tôi gặp anh Tâm làm ở chợ Mỹ Hoa. Sau khi làm đơn cho anh xong, anh mới nói: “bà xã tôi làm “nails” chưa về nên không có “check” ở đây. Ngày mai anh đến tôi đưa cho. Rồi anh kể lễ:

-“Hồi ở Việt nam tôi là công tử, giàu có. Tôi đâu có thèm động móng tay. Cái gì cũng có người làm hết. Bây giờ, tôi phải làm ở chợ Mỹ Hoa, sau này tôi sẽ về bên Việt nam ở, chứ ở xứ Mỹ này làm việc như trâu. Ở đây cực nhọc quá. Về Việt nam tôi sướng như tiên”. Tôi đành hẹn anh tối mai đến lấy “check”. Tối mai, đúng giờ hẹn, tôi đến. Anh lại nói thời vàng son cũ của anh và tiếp tục chỉ trích đời sống cực nhọc ở Mỹ làm việc quá nhiều, quá chán nản, thua đời sống ở Việt nam quá xa. Anh hẹn với tôi hôm sau đến lấy “check”. Hôm sau tôi lại đến. Anh lại hẹn:

– “Bà xã tôi chưa về, thôi ngày mai anh có rảnh đến chợ Mỹ Hoa tôi đưa cho anh”.

Ngày hôm sau tôi đến chợ Mỹ Hoa vào khoảng 11 giờ trưa, tôi nghĩ giờ này chắc vắng khách.Tôi gặp anh đang “fill” hàng.Tôi hỏi anh:

-“Anh có mang “check” theo không?

Anh nói:

-“Tôi quên rồi, ngày mai anh ghé lấy nghe”

Ngày mai tôi lại thăm anh. Anh lại nói:

-“Tôi lại quên nữa rồi, ngày mai thế nào cũng có”.

Tôi đến gặp anh như vậy là 8 lần nhưng anh cứ “hẹn lần hẹn lữa” với tôi. Phải chi anh nói tôi không mua thì đỡ cho tôi biết mấy. Anh sai tôi đi tới, đi lui cho tôi mất thì giờ. Tôi thành thật không hiểu ý anh muốn gì. Có lẽ anh muốn chọc quê tôi, để tôi đi tới đi lui như vậy, anh lấy làm vui, chắc anh suy nghĩ “sao có người ngây thơ, khờ khạo quá vậy?”

Tháng rồi, có hẹn 8 giờ tối ngày thứ tư để gặp hai vợ chồng anh chị Hiền để trình bày bảo hiểm. Từ nhà đến đó phải chạy chừng 45 phút lái xe. Đến nơi, gọi điện thoại nhờ họ chỉ đường. Ông chồng trả lời: “Bà xã tôi đi New York chưa về, hẹn khi khác vậy”.Tôi nói:

– “Anh chỉ đường trước đi, lần sau khỏi phải chỉ đường nữa.”

Anh nói:

-“Thôi chừng nào bả về hãy hay.”

Nghề này dạy cho mình hai chữ. Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.

Nghề này cũng dạy cho mình luôn luôn phải cố gắng và lạc quan.

Đặt quyền lợi của bà con là chính. Nhiều khi gặp những trường hợp quá khó khăn, phải suy nghĩ, tính toán  nhiều. Có lúc tôi phải cầu nguyện, đọc kinh, trước khi đến nhà khách hàng để nhờ “Thiên Chúa giúp sức” cho tôi bán được bảo hiểm cho một khách hàng quá khó khăn.

Mới qua Mỹ được tám tháng, may mắn “Trời thương”, run rủi tôi gặp được anh Đức vừa mở văn phòng bảo hiểm nên cần người. Sau năm 1990 anh chị em HO qua nhiều. Tôi nhờ sự tin tưởng, quí mến của anh chị em HO giới thiệu mà tôi đã theo đuổi nghề này cho đến tuổi về hưu.

Tưởng chết ở trong tù Cộng sản ở miền Bắc sau năm 1975, tường rằng suốt đời bị chỉ định cư trú, vĩnh viễn sống ở miền rừng núi âm u ở Thanh hoá hay Nghệ an, giống như những tù nhân của Liên sô hay của Trung Hoa cộng sản, suốt đời phải sống ở Tây Bá Lợi Á giá lạnh hay ở Tân Cương miền sa mạc đèo heo hút gió.

Mầu nhiệm kỳ diệu đưa tôi trở về từ trại cải tạo mà chưa chết. Mầu nhiệm kỳ diệu đã đưa tôi đến bến bờ tự do. Mầu nhiệm kỳ diệu đã đưa tôi đến một nghề nghiệp vừa giúp người, giúp đời, vừa mang đến cho tôi niềm vui, ý nghĩa sống.

            Tạ ơn Thiên Chúa. 

Xin cám ơn chánh phủ và nhân dân Mỹ đã mở rộng vòng tay nhân đạo cho tôi và gia đình tôi đến định cư và làm ăn sinh sống ở quốc gia giàu có, tự do và ổn định nhất thế giới này. Xin cám ơn Tổng thống Ronald Reagan. Xin cám ơn ngoại trưởng George Shultz đã can thiệp không mệt mõi với nhà cầm quyền cộng sản Việt nam, để đưa cựu “tù cải tạo” sang Mỹ định cư. Xin cám ơn ông Funseth, bà Khúc Minh Thơ cùng nhiều người khác nữa đã hết lòng vận động liên tục cho các cựu tù nhân chính trị đã chịu đựng quá nhiều đau khổ, đắng cay trong các trại tù khắc nghiệt khắp nơi trong toàn cõi Việt nam.

Xin cám ơn tất cả những người đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua nhất là những người đã giúp đỡ tôi về vật chất lẫn an ủi tinh thần trong những ngày đầu tiên bơ vơ, bỡ ngỡ khi đặt chân đến Houston này. Xin cám ơn anh Hoàng Huy Năng (nhà thơ Lưu thái Dzo), Linh Mục Hoàng Minh Toản đã đến thăm viếng, an ủi lúc mới qua vài tháng, khi còn ở “apartment” đường Town Park. Xin cám ơn Nguyễn văn Lãm người đã ký tên bảo trợ cho gia đình tôi đến Houston, cám ơn em tôi là Phùng văn Tư sắp xếp chỗ ở, cám ơn anh Đoàn Hữu Đức đã hướng dẫn tôi vô nghề bảo hiểm này. Xin cám ơn bà con, bạn hữu tin tưởng vào tôi mà tham gia vào chương trình bảo hiểm, vào quỹ hưu trí mà vẫn còn giữ cho đến ngày hôm nay.

            Phùng văn Phụng

           Tháng 03 năm 2017