Lời cám ơn đọc trong buổi lễ phát tang

Lời cám ơn đọc trong buổi lễ phát tang

6 giờ tối ngày 13-10-2021

Kính thưa Cha Phó Xứ, quý Thầy Phó Tế, quý vị trong Hội Đồng Mục Vụ và Tài Chánh, các ban ngành của Giáo Xứ Đức Ki Tô Ngôi Lời Nhập Thể cùng cộng đồng dân Chúa.

Kính thưa quí vị,

Con xin đại diện nhà hiếu, trước hết xin cám ơn quí Cha, quí Thầy Phó Tế cùng Ông Bà cô bác và quí anh chị em tham dự lễ phát tang tối hôm nay.

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Thiên Chúa đã soi sáng để con tôi là Quốc gia nhập hội Thánh Chúa, đã được rửa tội trong dịp lễ Vọng Phục sinh vừa qua, vào ngày 03 tháng 04, cách nay 6 tháng, để được làm con cái Chúa.

 Nhờ vậy, trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh và niềm tín thác vào Thiên Chúa toàn năng, chúng con rất đau buồn phải xa cách người thân yêu. Nhưng hy vọng vào lời hứa của Chúa:

“Lòng các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em, và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho anh em rồi, Thầy sẽ trở lại đem anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó.” (Ga 14, 1-3)

Phaolô Phùng Ái Quốc chẳng có công nghiệp gì đáng kể trong đời thường, nhưng cũng nhờ vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa toàn năng, xin Cha trên trời mở lượng hải hà đem linh hồn Phaolô Phùng Ái Quốc vào nước hằng sống của Cha trên trời.

Chắc chắn trong đời sống thường nhật của Phaolô Phùng Ái Quốc đã làm nhiều tội lỗi với Thiên Chúa và phiền lòng các ông bà anh chị em. Chúng con xin cầu cùng Thiên Chúa toàn năng, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria tha mọi tội lỗi cho linh hồn Phaolô. Chúng con cũng xin ông bà và anh chị em tha thứ những lỗi lầm của Phaolô Phùng Ái Quốc đã xúc phạm đến ông bà và anh chị em trong thời gian qua.

Chúng con kính xin ông bà và anh chị em tiếp tục cầu nguyện thêm cho linh hồn Phaolô Phùng Ái Quốc để linh hồn Phaolô sớm được hưởng vinh quang của nước Chúa trên quê Trời thật, hưởng vĩnh phúc đời đời, trong tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa toàn năng.

Con xin đại diện toàn thể gia đình kính xin cám ơn Cha Phó xứ, quí Thầy Phó Tế, quí ông bà, cô bác cùng anh chị em đã bỏ thì giờ đến tham dự lễ phát tang tối hôm nay.

Chắc chắn chúng con có nhiều điều sơ sót. Vì lòng thương yêu gia đình chúng con, xin quí vị niềm tình tha thứ.

Một lần nữa chúng con vô cùng cảm tạ và tri ân.

Phùng Văn Phụng

13 tháng 10 năm 2021

Đọc trong buổi lễ phát tang cho Phùng Ái Quốc

Mời xem vài kỷ niệm hình ảnh của Phaolô Phùng Ái Quốc

https://www.dignitymemorial.com/obituaries/houston-tx/phaolo-phung-ai-quoc-10393661

Thư Cảm Tạ

Thư Cảm Tạ

Gia đình chúng con xin chân thành tri ân và cảm tạ:

Linh mục Gioan Vianney Nguyễn Ngọc Thụ

Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể

Linh Mục Giuse Bùi Phương Tiến

Phó Xứ Giáo Xứ Ngôi Lời

Thầy Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch và Chị Nguyễn Phương

Thầy Phó Tế Đoàn Hồng Phúc và Hạnh

Thầy Phó Tế Nguyễn Cường và Hằng

Thầy Phó Tế Hoàng Dũng và Tâm

Thầy Phó Tế Phạm Hưng và Lan.

Hội đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chánh Giáo Xứ Ngôi Lời

Anh Bùi Minh, Nguyễn Đình Khuyến và anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm

Anh Vũ Duy Chinh và Ban Xã Hội

Chị Nguyễn Thi Anna và Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Legio Marie, Anh chị Hưng Đại và Đoàn Tông Đồ Fatima, Chị Nguyễn Thị Thê và Dòng Ba Đa Minh. Anh Nguyễn Mỹ và Huynh Đoàn Đa Minh

Ban Điều Hợp Giáo Lý Tân Tòng

Lớp Học Hỏi Thánh Kinh- Con Hẹn Gặp Chúa

Nhóm Cầu Nguyện Kính Lòng Thương Xót Chúa

 Anh Nguyễn Duy Khang và Quý Anh chị em Ca đoàn. Anh Đinh Tấn Nhà quàn Vĩnh Cửu. Anh chị Rung Nga Nguyễn, Cựu Chủ Nguyền Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia đình

Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, Dòng Nữ Đa Minh Houston. Dòng Sứ Giả Fatima

Anh Cao Minh Kim và Hội Ái Hữu Cựu Học sinh trường Châu Văn Tiếp

Lê Hồng Kỉnh và Nhóm Đồng Hương Cần Giuộc và Cần Đước

Thầy Uông Đại Bằng và Cựu Học sinh trường Lương Văn Can

Bố Mẹ đỡ đầu anh chị Phạm Tác và Lưu Thị Sâm

Gia đình Chú Thím Tư, Gia đình chú Thím ba, Chú thím năm, Chú thím sáu, gia đình cô Hà và Diệp Dallas, Gia đình chú thím Phùng Văn Thành ở Việt Nam. Gia đình Anh chị Bày Tri-Kỷ và các con, cháu

Gia đình Thông Gia Bà Quả Phụ Đinh Vương Thân và các con cháu

Gia đình Thông Gia Bà Quả Phụ Ngô Văn Ruy- Chính Taylor và các con cháu

Gia đình Thông Gia Trương Văn Thành và các con cháu

Gia đình Anh Chị Nguyễn Văn Ri và các con gồm Thuyên, Uyên Thy và Bé My.

Anh chị Lê Phát Minh, Nguyễn Tấn Trí và các anh chị em Liên Minh Dân Chủ Việt Nam

Anh chị Nhà Văn Nguyễn Thế Giác

Anh chị em Đoàn Financial Group, Đoàn Hữu Đức, Bảo Hân, Bảo Thy

Anh chị em Bưu Điện

Nhân viên của Hillcroft Medical Clinic

Quý Thân nhân và bạn hữu xa gần ở các tiểu bang khác trong nước Mỹ, ở Úc, Canada, Pháp.

Đã điện thư, điện thoại, an ủi, thăm viếng, cầu nguyện, hiệp thông trong nghi thức phát tang, Thánh Lễ an táng để tiễn đưa người thân của chúng con là:

Phaolô Phùng Ái Quốc

Đến nơi an nghỉ cuối cùng

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria, Thánh cả Giuse ban muôn ơn lành cho quý Cha, quý Thầy cùng toàn thể quý vị.

Trong lúc tang gia bối rối, có điều chi thiếu sót, kính xin quý Cha, quý Thầy cùng toàn thể quý vị niệm tình tha thứ.

Tang Gia Đồng Bái Tạ

Cha Mẹ: Ông Bà Phùng Văn Phụng

Vợ: Trương Kim Tâm

 Chấp Nhận Cuộc Đời

 Chấp Nhận Cuộc Đời

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

Làm sao vui vẻ chấp nhận cuộc đời nếu gặp:

1-Sự bất như ý:

Nhìn lại quãng đời đã qua của chúng ta, chắc chắn mỗi người trong chúng ta, đa số đều gặp những hoàn cảnh bất như ý:

* Làm nghề nghiệp mà mình không thích, không phải sở trường. Tốt nghiệp ngành này lại đi làm ngành nghề khác. Riêng tôi tốt nghiệp đại học luật khoa, không làm luật sư mà làm nghề dạy học. Rồi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, lại đi tù cộng sản. Năm 1983 ở tù về, không được dạy học, phải làm nhiều nghề để sống: dạy kèm tư gia, giặt bao nylon, bán bia và nước ngọt. Qua Mỹ, làm chỗ sang băng nhạc, tiệm grocery, bán bảo hiểm.

* Nhiều người thất nghiệp, mất nhà, mất xe, không có tiền bạc, sống cơ cực, khổ sở.

* Nhiều người gặp gia đình đỗ vỡ, chia ly tan tác ngoài ý muốn, con cái thất học, nheo nhóc.

*Nhiều khi con cái không làm theo ý mình hoặc hư hỏng, không chịu học hành theo băng đảng, hút sách.

 Nếu gặp sự bất như ý chúng ta không thể giải quyết được vì nó vượt ngoài tầm tay, sự hiểu biết, khả năng của chúng ta thì ta phải làm sao?

Chỉ có cách duy nhất là chịu đựng, không than van, và liên tục cầu nguyện. Cho nên nhà thờ, đoàn thể, các nhóm cầu nguyện rất cần thiết để chúng ta chia sẻ những khó khăn, những lo âu, chán nản mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Chẳng những cầu nguyện mà còn nên ca ngợi Chúa về những hoàn cảnh bất như ý mà ta đã gặp phải. (1)

Đời sống tâm linh rất quan trọng.  Chúng ta thường xuyên đến nhà thờ, cầu nguyện với Thiên Chúa toàn năng, chắc chắn khi Chúa đóng cửa này sẽ mở cửa khác cho chúng ta. “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gỏ thì cửa sẽ mở cho.” (Mt 7, 7-12)

2- Bịnh hoạn, Tật nguyền

Nhà Phật có nói: Sinh Lão Bịnh Tử. Ai trong chúng ta cũng phải đi qua con đường này. Không thoát được.

Bịnh tật là tất yếu phải xảy ra. Khi lớn tuổi, sức khoẻ suy yếu, sinh ra bịnh tật… tiểu đường, cao máu, cao mở, đau nhức… chưa kể có người bị các chứng bịnh nan y như ung thư, đau thận, đau gan, đau phổi, đau tim, mổ tim… Không phải chỉ có những người già cả mới bịnh hoạn, có khi còn trẻ cũng đã vướng nhiều bịnh nan y rồi. Vậy làm sao được bình an khi gặp trường hợp không may xảy ra như bịnh hoạn?

Rất khó chấp nhận hoàn cảnh đau khổ, bịnh tật. Để được an ủi, để có thể chịu đựng những đau đớn về thể xác và về tinh thần, có thể học hỏi niềm tin, niềm cậy trông của thánh Gióp, niềm tin vào Chúa để chịu đựng khổ sở, khó khăn, chịu nhục hình như các thánh tử đạo Việt Nam. Học tập gương Thánh Giu se, gương Đức Mẹ, nhất là gương Chúa Giê su chịu đựng khổ hình đau đớn nơi thập giá. Nhờ đó chúng ta có thể chịu đựng được những đau khổ, khó khăn của chính mình. (1)

 3- Đau khổ, cô đơn.

Sự cô đơn, sống một mình, chịu đựng hoàn cảnh trống vắng, đơn độc.

Đến lúc nào đó, một trong hai vợ chồng phải ra đi sớm. Người còn lại phải chịu đựng sự cô đơn, mất mát vô cùng lớn lao không có gì bù đấp được. Vì gặp cảnh cô đơn chúng ta mới đến với Chúa, chúng ta cần Chúa nhiều hơn nữa. Xem cô đơn là một điều kỳ diệu!

 Làm sao khám phá niềm vui trong đau khổ?

Trong đau khổ làm sao có niềm vui? Tìm thấy “thú đau thương” chăng?

Thánh Phaolô biểu lộ ước muốn của mình là biết “thông phần những đau khổ của Đức Kitô, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.”

Thánh nhân đã nghe Chúa phán với mình: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”

 “Thầy ở trong Cha, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.”

Hàng ngày luôn luôn thức tỉnh, học tập, cố gắng thực hành yêu thương và tha thứ. “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em.” (Mt 5, 44) Nói thì dễ, nhưng làm rất khó. Với sức con người bình thường chúng ta không làm được, nhưng với ơn Chúa chúng ta có thể làm được.

4- Sự chết:

Dầu là dân thường hay vua chúa, quan quyền, đến lúc nào đó cũng phải ra đi. Sự chết là tất yếu của đời sống của con người. Ai ai cũng trúng số “độc đắc” một lần, đó là sự chết. Nhưng vẫn có rất nhiều người, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ chết?

Để cảm nghiệm về cái chết, ta nên thường xuyên đi đọc kinh nhà quàn, tham dự các thánh lễ an táng, tiễn đưa những người bạn bè, người thân quen, đã ra đi, để cảm nghiệm: “rồi chính mình cũng sẽ chết” cũng sẽ nằm im lặng, bất động trong quan tài giống như thế.

Khi nhắm mắt rồi, cát bụi lại trở về với cát bụi hư vô:

*Khi đôi mắt nhắm nghiền và đôi tay lạnh ngắt

Quả tim không chuyển nổi máu tươi hồng

Thì danh vọng phải trả về cho sắc sắc

Thì bạc tiền đành hoãn lại chốn không không…

Những ân ái, hận thù và mưu chước

Những thăng trầm vinh nhục cũng luôn trôi. (2)

*Đời sống con nguời mong manh, mỏng dòn:

“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,

Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,

cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.” (Thánh Vịnh 90,10)

*“Con đừng sợ án chết.

Hãy nhớ rằng: có những kẻ đã đi trước con,

Và sẽ có những người theo sau.

Đó là điều Đức Chúa quyết định cho hết mọi người phàm

Tại sao cưỡng lại điều Đấng Tối Cao đã muốn?” (Sách huấn ca 41, 3-4)

Đối với người kitô hữu:

Người chết là người đã vĩnh viễn hoàn tất đời mình. Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô đã xác định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15, 53)” (LM Thái Nguyên, bài “Suy gẫm về sự chết”, nguồn simonhoadalat.com).

Đức Giê-su khi biết mình sẽ phải chết, đã nhắc đến cuộc ra đi vượt qua của Ngài để các môn đệ yên tâm và không hoảng sợ trước sự chết. “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 1-2).

Trong thư Rô-ma, thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6, 8).”

Với niềm tin tưởng vào Đức Kitô, niềm an ủi lớn lao là chết không phải là yên nghỉ mà là tiếp tục sống. Vì cái chết chính là ngưỡng cửa đi vào đời sống vĩnh cửu. Với người Ki-tô hữu, “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi).

Quả thật, với một cái nhìn đầy lạc quan và hy vọng, một niềm tin về đời sống vĩnh cửu, có sự sống lại đời sau nên trong giờ phút lâm chung thi sĩ Tagore đã thốt lên: “Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết”. (3)

 Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng nói: “Sự chết cũng là một bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến”. (Sách Đường Hy Vọng và Dẫn Giải)

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

Tháng 08 năm 2021

(1) Sách Quyền Năng của Tâm Hồn biết ca ngợi LM Nguyễn Đức Mầu

(2) Trong bài Cảm Nghĩ tuổi già:

xem thêm: Đời Người Luôn Có: 2 Thứ Không Thể Sợ

(3) Trong bài “Kitô Hữu và Sự Chết” của Aug Trần Cao Khải

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Trận bịnh dịch virus corona (Covid 19) đã xảy ra hơn một năm nay, đến ngày hôm nay 05 tháng 05 năm 2021 đã lắng dịu. Số người bị bịnh và số người chết đã giảm xuống rõ rệt. Chừng nào tình trạng lây lan virus này chấm dứt hẳn, chưa biết?

**Cũng do không thể vào nhà thờ được nên lớp Tân Tòng mới tổ chức học trên Zoom, nhờ đó con trai tôi là Phùng A. Quốc, mới chịu học đạo, (học qua Zoom) và đã làm lễ rửa tội (thanh tẩy) vào đêm lễ Vọng Phục Sinh ngày 02 tháng 04 năm 2021 vừa qua.

**Vì lý do không thể rời khỏi nhà được trong cuối tháng 03 và đầu tháng 04 -2020 nên thầy Bạch và vợ chồng thầy Hưng (Lan) đã thành lập Zoom để đọc kinh mân côi và kinh lòng thương xót Chúa. Như vậy anh chị em gặp nhau trong Zoom hàng ngày 3 lần 8 giờ sáng, 3 giờ trưa và 9 giờ tối.

Đứa cháu nội Jayden, cũng như bao nhiêu người khác, phải ở trong nhà, nên cũng tham gia đọc kinh do thầy Hưng, cô Lan, tổ chức đọc kinh mỗi tối và do thói quen đó mà Jayden vẫn đều đặn đọc kinh mỗi tối cho đến ngày hôm nay.

Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Khi chúng ta thiệt thòi cái gì, Chúa sẽ đền bù cái khác cho chúng ta.

Những thử thách, những sự hy sinh, chịu đựng, những khó khăn, đau khổ, sau khi qua đi rồi, thông thường chúng ta được đền bù điều gì đó, cái gì đó tốt hơn.

** Nếu tôi không ở tù khổ sai gần 8 năm trong các trại cải tạo lao động của cộng sản, đã chịu đựng đói khổ triền miên, đã chịu nhiều đau khổ từ tinh thần đến vật chất từ trại Long Thành, Thủ Đức, Lào Cai, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh… Nếu ở tù dưới ba năm, tôi sẽ không được xếp vào diện HO, được đi cả gia đình (6 người) sang Mỹ định cư.

Ngày hôm nay các con tôi đều có gia đình riêng, có công ăn việc làm ổn định. Nếu không có đi tù cộng sản, tôi và các con tôi chắc cũng còn ở lại Việt Nam, đâu có hưởng được đời sống tự do, cuộc sống tiện nghi, ổn định, bình an. Riêng tôi không còn sợ cộng sản quấy nhiểu, theo dõi, hay bắt tôi bỏ tù lần nữa, tập trung cải tạo lần nữa.

Tạ ơn trời để cho tôi đã chịu đựng được những khó khăn, đau khổ gần 8 năm trong các trại cải tạo khắc nghiệt ở miền Bắc Việt Nam.

(Bỏ đỡ đầu của Phùng Quốc (2 người bên trái) cùng với gia đình  chụp hình kỹ niệm với Cha Chánh Xứ)

 

 

 

 

 

Phùng Quốc đã rửa tội trong mùa dịch Virus Corona

Phùng Văn Phụng

Ngày 05/05/2021

Chuyện Đổi Đời: Trình Diện Đi Tù

Chuyện Đổi Đời: Trình Diện Đi Tù

Tác giả: Phùng Văn Phụng
 

Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ: Những ngày đầu tiên đến nước Mỹ; Làm Ông Ngoại rất thích thú; Và “Câu chuyện của ba người.” Bài viết mới của ông không viết về nước Mỹ, nhưng vẫn là một ký ưc chung của nhiều gia đình Việt trên đất Mỹ, về một thời cay đắng, khi bị phỉnh để tự mình nạp mạng, đi “trình diện học tập…”.

* * *
Trước năm 1975, tôi là giáo sư trường Trung học Lương văn Can, quận 8 Sài gòn.

Sau năm 1975, tôi bị đi cải tạo gần 8 năm. Chỉ là một giáo chức, không thuộc diện sĩ quan phải trình diện, vậy mà cũng vô trại Long Thành, Thủ Đức, rồi Lào Cai và Vĩnh Phú ngoài Bắc.

Thực sự, thì trước năm 1975, khi giáo sư Nguyễn Ngọc Huy còn làm phó chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, tôi có tham gia đảng Tân Đại Việt của Giáo sư Huy nhưng chỉ với chức vụ phó Bí thư.

Giữa tháng 6 năm 1975, Ủy Ban Quân Quản Thành phố Sài gòn, ra lịnh tất cả quân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải trình diện học tập cải tạo. Tôi xin ba tôi mười ba ngàn đồng, bằng nửa tháng lương công chức hạng A của tôi (là hạng có mức lương khá lúc bấy giờ) để đi trình diện tại trường Lê văn Duyệt ở Gia Định.

Theo lời kêu gọi đăng trong báo chí và đài phát thanh lúc bấy giờ, “chính phủ cách mạng” yêu cầu chúng tôi mang mùng mền, thức ăn và tiền bạc để đóng tiền ăn trong một tháng. Trước đó, hạ sĩ quan quân đội cũ được yêu cầu đi học một tuần rồi về làm ăn. Vậy là mọi người đều đinh ninh rằng vậy là những người chịu trình diện, chịu đầu hàng, sẽ chỉ học tập chính trị trong vòng một tháng để hiểu biết đường lối, chính sách của chế độ mới, rồi chắc chắn sẽ được cho về làm ăn. Vì nếu không thả về sau khi học một tháng thì đóng tiền làm gì. Không lẽ nhà cầm quyền vừa thắng trận lại lường gạt kẻ bại trận sao?

Do đó, khi em tôi chở tôi đến trường nữ Trung học Lê văn Duyệt, thấy hai đầu đường có hai xe tăng chỉa họng súng về hai phía của đầu đường Lê văn Duyệt, tôi có cảm giác không yên, lòng xao xuyến khó tả. Sao kỳ quá vậy. Súng ống, xe tăng sắp hàng như đang chuẩn bị đánh trận.

Cũng ngây thơ như tôi, anh Trương chí Thiện là đoàn viên Phong Trào Quốc gia Cấp Tiến và là Tổng Thơ Ký của Liên Minh các đảng gồm Cấp Tiến, Công Nông… không nằm trong diện phải đi trình diện cải tạo. Từ cấp bậc Phó Chủ Tịch và Chủ Tịch cấp quận trở lên mới phải trình diện mà thôi. Nhưng anh Thiện làm ký giả báo Tàu, sau ngày 30 tháng 04, các báo đều bị đóng cửa, ngưng hoạt động, ở nhà cũng buồn, nên xin đi trình diện cùng với anh Trương Tấn Lộc là Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến là cựu Nghị Viên Hội Đồng Đô Thành Sài gòn. Anh Thiện không thuộc diện này nhưng cũng nhất định xin đóng tiền để được học tập, hy vọng sau khi học xong sẽ có “giấy chứng nhận” đã học tập để dễ làm ăn sau này, không còn “bị làm khó dễ”.

Anh Thiện cũng lầm tưởng chỉ đi trong một tháng mà thôi.Sau đó anh ở tù hơn 7 năm, bị bịnh lao phổi, ho ra máu trong trại và anh được về trong bịnh hoạn, tức tối vì bị lường gạt.

Ở trường Lê văn Duyệt, chúng tôi được nhà hàng Bát Đạt đem cơm tới mỗi ngày, cho nên bữa ăn nào cũng thịnh soạn, ăn uống dư thừa, được cho ăn no và ngon nữa nên cứ nghĩ rằng nhà nước mới tử tế, chiêu đãi “trại viên” bằng thức ăn của nhà hàng sang trọng bậc nhất nhì của thành phố Sài gòn.

Sau vài ngày làm thủ tục ghi tên đóng tiền, nộp giấy căn cước, họ phân chúng tôi thành từng đội, tạm thời ở trong các phòng học của nhà trường.

Giữa đêm, đang ngủ ngon giấc, bỗng nhiều ánh đèn “pin” chiếu sáng vào mùng, gọi chúng tôi thức dậy gấp, thu dọn đồ đạc cho gọn nhẹ để di chuyển. Trong đầu óc anh em chúng tôi hết sức hoang mang, đi về đâu, đem ra biển Vũng Tàu thả xuống biển hay đi đâu mà lại lên xe hơi, kéo cửa xe xuống kín mít để không cho ai nhìn thấy và lại đi nửa đêm. Tới gần sáng, chúng tôi được chở vô làng cô nhi Long Thành. Chúng tôi được phân vào dãy bên trái của làng cô nhi. Khu vực này dành cho anh chị em đảng phái chính trị.

Họ phân ra 4 khối: khối một là khu dành cho các viên chức hành chánh từ cấp Chánh Sự Vụ trở lên, các Dân Biểu, Nghị sĩ của Việt Nam Cộng Hoà. Khối hai dành cho những người hoạt động trong đảng phái chịnh trị chống cộng. Khối ba là khối Tình báo đa số làm trong Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo. Khối bốn là các viên chức trong ngành Cảnh Sát quốc gia.

Chúng tôi, hoạt động đảng phái được xếp vào khối hai, ở dãy nhà bên tay trái của trại, phân ra nhiều đội. Trong số những viên chức lãnh đạo, tôi nhớ lúc bấy giờ có Luật sư Trần văn Tuyên, Ông Vũ Hồng Khanh, Cựu Nghị Sĩ Trần Trung Dung, Trong đội tôi có Nguyễn Ngọc Minh, anh có 6 người con, là Chủ Tịch đảng Tân Đại Việt quận 5, chủ nhà in. Anh nói với tôi là anh còn 40 triệu ở ngân hàng cho nên anh làm kế hoạch nuôi heo gởi lên cán bộ để hy vọng lấy được số tiền này ra. Đó là hy vọng của anh. Anh đang ở trong tù mà vẫn còn thơ ngây, tin tưởng họ sẽ trả lại cho anh số tiền 40 triệu đồng đó. trong khi ngoài kia, Cộng sản đang chuẩn bị đánh tư sản, cầm tù những người có tài sản mà anh lại còn hy vọng lấy được số tiền này nữa. Nhìn chung, những người quốc gia hoạt động chính trị của phía chúng tôi đa số đều ngây thơ như thế.

Trong tù tôi gặp lại giám đốc Nha Khảo Thí Nguyễn Kim Linh mà trước đây tôi có làm việc hai năm ở nha Khảo Thí. Tôi gặp lại thầy Hà Khải Hoàn, thầy dạy tôi môn Việt văn ở trường trung học Cần Giuộc năm 1957, 1958 nay là phó Giám Đốc Nha học chánh thuộc Bộ Giáo Dục.

Từ Thủ Đức đến trại Lào Cai

Cũng được gọi bất ngờ giữa đêm tối, yêu cầu sắp xếp đồ đạc gọn gàng, hai người chung một cái còng, từ trại Long Thành chúng tôi bị đưa về giam ở nhà tù Thủ Đức. Ở đây không có cuốc đất trồng khoai. Mỗi ngày đọc báo “nhân dân” tờ báo của đảng Cộng Sản. Tuy ở gần Sài gòn nhưng từ ngày trình diện giữa tháng 6 năm 1975 đến nay, đã hơn một năm trời, gia đình không biết chúng tôi còn sống hay đã chết và bị giam giữ ở đâu.?

Tháng 12 năm 1976 chúng tôi được kêu ra sân tập họp cũng hai người cùng chung một còng số 8 lên xe chạy trên xa lộ Biên hoà và đưa xuống bến sông Sài gòn giữa đêm khuya, để lên tàu chuyển ra Bắc.

Lần lượt chúng tôi xuống hầm tàu còn dấu vết than đá trên nền. Khi tàu chạy, họ đóng nắp hầm tàu lại, chúng tôi bị ngộp thở và đã la hét ôm sồm, nấp hầm mới được kéo ra để chúng tôi thở.

Trong chuyến đi này bạn tôi là Lê Như Ninh, người công giáo giới thiệu cho tôi biết Đức Phụ Tá Giám Mục Sài gòn, sau này là Hồng Y Nguyễn văn Thuận, cùng ra Bắc một chuyến với chúng tôi. Anh em đi vệ sinh bằng “sô” xách nước. Khi cái sô đầy phân và nước tiểu thì xách lên trên “boong” tàu để đổ xuống biển. Nhiều khi đang lên cầu thang bị sóng đánh, tàu nghiêng sô nước tiểu và phân người đổ vào đầu, vào cổ, vào áo quần anh em đang ngồi ở phía dưới. Anh em nào bị dính phân, nước tiểu vào người cũng phải chịu trận như vậy trong suốt mấy ngày tàu chạy lênh đên trên biển chứ đâu có được tắm rửa gì đâu?

Con tàu chở tù miền Nam đến cảng Hải phòng vào buổi sáng mùa đông năm 1976. Trời lạnh buốt. Vài chiếc tàu nhỏ đậu ở cảng giống như ở bến đò quê nào đó, chứ không thấy gì to lớn cả. Trời thì lạnh mà đa số anh em tù không có đủ áo quần ấm để mặc hầu có thể chống lại cái lạnh, cái rét của mùa đông miền Bắc. Năm đó có lúc lạnh tới 6 độ C lạnh gần đông đá.

Mùa đông năm 1976, trời quá lạnh, có khi nửa tháng tôi mới dám tắm một lần. Mỗi lần xối nước lên mình, nước bốc thành hơi, khói bay lên mù mịt. Khi nói chuyện, thấy hơi nước bay ra khỏi miệng. May mắn thay tôi có mang theo cái áo mưa lớn bằng “nylon” rộng thùng thình quá đầu gối. Nhờ nó, tôi chịu đựng được cái lạnh mùa đông năm 1976 và những mùa đông kế tiếp. Cái áo mưa này tôi vá đùm, vá chụp hơn chục miếng vá, đến nỗi “cán bộ quản giáo” tức cai tù nói: “Anh không còn cái áo nào khác sao mà anh cứ mặc cái áo này vậy”. Cái áo này vá tứ tung làm xấu hổ cán bộ cai tù chăng? thấy sự nghèo khổ tột cùng của tôi, không có cái áo lành lặn mà mặc?. Có những anh em khác còn may bao bố để mặc khi gia đình chưa có gởi áo quần vào, trông còn tệ hơn là cái áo vá đùm vá chụp của tôi nữa.

Xuống xe tại cổng trại trung ương số 1 Lào Cai, chúng tôi được dẫn vào khu nhà khá sạch sẽ. Được cho ăn bữa chè nóng hổi. Mấy ngày sau, ngày nào cũng ăn cơm trắng, thịt cá đầy đủ. Chúng tôi có cảm tưởng ở miền Bắc, công an tử tế hơn trong nam. Nhưng chỉ được vài ngày rồi thôi. Mỗi bửa ăn chỉ là một miếng bánh mì mỏng dính, xẹp lép chưa được nửa nắm tay. Ăn hết rồi vẫn còn thấy đói. Có khi trại phát bắp luộc, được vài ba trái. Ăn bắp trái, càng thấy đói hơn nữa vì ba trái bắp thì ăn được mấy hột. Có hôm, chúng tôi được phát bánh mì, nhưng trộn lẫn với than đá. Ăn vào đụng răng, nghe lộp cộp, không thể nhai được. Nhà bếp thu hồi lại, nấu thành cháo, phát cho một ít nước bánh mì để cầm hơi. Đói quá, không ngủ được, nhưng chúng tôi cũng phải chịu chớ có kêu ca được với ai bây giờ.

Lúc nào cán bộ cũng theo dõi chúng tôi xem chúng tôi có nói lời nào chống đối họ không?. Có tìm cách trốn trại không. Vậy mà năm 1976 cũng có mấy anh trốn ra khỏi trại, nhưng đều bị bắt lại ngay hôm đó vì không thể đi xa được. Đa số những người sinh sống ở vùng này là dân tộc thiểu số. Trong trại này, khi chúng tôi đến ở, đã thấy trên các tấm ván trên các hộc đựng đồ lĩnh kỉnh ở đầu chỗ nằm, có khắc tên người Mỹ đã từng bị giam ở đây. Sau này tôi mới biết trại này cũng từng giam tù binh Mỹ. Đó là trại Trung ương số 1 Lào Cai. Đây là trại kiểu mẫu giam tù chính trị.

Trại K3 và K4 Vĩnh Phú

Tôi ở trại K3 Vĩnh Phú ròng rã bốn năm trời. Trại này có nhiều kỹ niệm với tôi hơn hết. Một người tôi không bao giờ quên tên được, đó là đội trưởng đội hai, đội trồng bắp, trồng khoai lang, khoai mì. Sau đó, đương sự nhờ quá tích cực được cất nhắc lên làm thi đua toàn trại K3 Vĩnh Phú. Người đó là Phạm Đình Thanh.

Khi Trung Quốc chuẩn bị tấn công vào các tỉnh tiếp giáp với Việt Nam, Cộng Sản đưa chúng tôi xuôi về miền nam. Hai bạn tù bị còng tay với nhau, đẩy lên xe bít bùng. Trong khi di chuyển, bên ngoài trời mưa to, xe lắc lư dữ dội, khi chạy có lúc tôi cảm thấy chắc là sắp sa xuống thung lũng hay xuống hố sâu. Tôi ở phía trong xe, gần tài xế, khi xe ngả nghiêng, lôi kéo cả mấy chục người tù từ phía sau xe, chúi mũi dồn về phía trước, đè lên chúng tôi, tưởng đâu đã ngộp thở.Tôi nghĩ chắc mình sẽ chết vì ngộp thở, hay có thể chết vì xe lăn xuống hố và rồi gia đình vợ con, chẳng có ai biết được mình chết ở đâu?.

Mùa hè năm 1978, tôi bị đưa về trại K3 Vĩnh Phú, nơi có đền thờ vua Hùng Vương. K3 Vĩnh Phú nằm ở giữa thung lũng, núi đồi vây phủ xung quanh. Ở đây tôi gặp Cha Khoa tự Khải, Hiệu Trưởng trường trung học Đồng Tiến, Cha Thấy ở Mỹ Tho bị bắt vì trong xe có tiền bạc triệu lúc bấy giờ là số tiền lớn. (Lương công chức hạng A khoảng 30,000 hay 40,000 đồng một tháng).Tôi được phân chia vào đội trồng khoai lang, khoai mì. Mỗi sáng sau khi được phát cho một củ khai lang hay khoai mì nho nhỏ, vác cuốc ra rẫy, cuốc đất, lật từ vuông đất lên, rồi bừa cho nhuyễn để khi mưa xuống gieo hột bắp hay đặt các dây khoai lang. Không đủ trâu để cày, nên người tù chúng tôi phải thay trâu kéo cày.

Tôi ở chung với Luật sư Lê Như Ninh, sống ở Nha Trang, ở tù vì tham gia đảng Dân Chủ, và các anh Võ văn Bé, Phùng văn Chấn, Lê Tấn Hà… nhân viên Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo. Những tháng ngày dài lê thê sống ở K3 này công việc thường là cuốc đất, trong khi ngày ba bữa ăn toàn bo bo không xay. Sau khi ăn chừng năm mười phút thì tất cả bo bo đều được tống ra ngoài hết vì bao tử người không thể tiêu hoá bo bo không xay, bo bo còn nguyên vỏ được. Loại này dùng để cho ngựa hay trâu, bò ăn. Cho nên chúng tôi ăn bo bo được vài tháng, mọi người chỉ còn da bọc xương giống như những con khỉ ốm đói biết đi, những con ma đói đang cuốc đất. Mỗi lần phát cơm, phân chia cơm, mỗi người được một nắp bình thủy cơm, còn là bắp trái loại cứng ngắc nhai không được. Tù nhân chỉ được ăn loại bắp cứng dành cho trâu bò.

Đói mờ mắt. Đói triền miên. Đói dữ dội. Đói quá có nhiều anh em ăn bất cứ thứ gì anh em nghĩ là có thể ăn được, nên anh em thường nói: “cái gì nhúc nhích thì ta ních liền”. Ra ngoài đồng gặp rau má, rau tàu bay, bất cứ thứ rau gì tù nhân đều ngắt ăn sống. Có người khi đi ra đồng làm việc, ăn rau trừ bửa, hay gom ba phần của trại phát, sáng trưa và tối, ăn một lần buổi tối cho no. Anh em tù đa số đều bị bịnh phù thũng. Mùa đông năm 1978 là mùa đông khủng khiếp nhất trong đời tù của chúng tôi. Lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là mưa phùn, gió bấc. Ở trong Nam chỉ có mưa nắng hai mùa chứ chưa bao giờ gặp cảnh mưa gió mà còn lạnh lẽo liên tục như thế.

Tôi còn nhớ anh Quế là Giáo sư ở Quảng Nam, Đà Nẳng, là Thanh tra của Sở Giáo dục. Anh bị tù vì tham gia đảng Dân Chủ. Vì quá ốm yếu nên làm việc chậm chạp, cuốc đất không đạt “chỉ tiêu trong ngày”, bị đội trưởng cự nự. Anh cố cuốc mạnh tay hơn, nhanh hơn, nhiều hơn. Tối hôm đó vào khoảng hai ba giờ khuya, anh em nằm gần bên anh Quế hô to lên:

“Anh Quế chết rồi ”.

Không ai biết anh Quế chết vì bịnh gì, nhưng chắc chắn anh đã chết vì bị thiếu ăn, bị bỏ đói lâu dài, bị kiệt sức mà thôi.

Mới mấy hôm trước trong đội tù cũng có người chết vì ăn cóc nướng ở lò rèn. Có lẽ vì anh nướng vội vã, không kịp làm sạch sẽ, nên khoảng vài giờ sau khi ăn thịt cóc, chừng nửa đêm, anh kêu đau bụng, không có thuốc và cũng không chở đi cấp cứu kịp và hôm sau thì anh chết.

Trong thời gian này khoảng cuối năm 1978 đầu năm 1979, cứ vài ngày là có vài người ra đi. Anh em liên tục đóng hòm chôn cất bạn tù. Vài người tù khiêng bạn mình ra bìa rừng, chôn vội vàng vùi dập. Không có ai được phép khóc thương. Vợ con ở nhà cũng chẳng hay một con người, một tù nhân đã chết.

Ở K3 Vĩnh Phú tôi có gặp Nguyễn Minh Diệu học cùng lớp trường Trung học Cần Giuộc 1955 – 1959. Gặp Phan tấn Ngưu ở K5, gặp Dương Bồng Quảng con chủ nhà máy xay lúa ở Chợ Trạm, bạn học chung ở trường Tấn Thành, Chợ Trạm 1954-1955.

Những tháng này là thời gian đói khát dữ dội nhất và cũng bị kềm kẹp, khống chế nhiều nhất. Một lời nói than van hay dèm pha nhà nước được báo cáo lên cán bộ là có thể bị cùm chân, cùm tay từ 14 ngày trở lên.

Một lần đang ở trong phòng nghe tiếng la thất thanh ở bên ngoài, tôi dòm qua cửa sổ phòng giam thấy 4 cán bộ đang đá một tù nhân như đá banh. Họ đá anh này từ trái sang phải, từ góc nầy sang góc kia, đá chán thấy mệt, họ mang anh vào phòng giam riêng.

Mùa hè năm 1982, tôi được chuyển sang K4 Vĩnh Phú và được đưa về đội 8, đội làm ruộng. Tôi được biết đây là nơi thường giam giữ những người tội nặng của miền Bắc. Vùng này có tên là Mai Côi, Thác Guồng. Đến Mai Côi, Thác Guồng này mà được trở về đời sống bình thường là chuyện hy hữu. Thông thường đã bị giam ở đây coi như sẽ chết.

Mỗi buổi sáng sớm chúng tôi vác cuốc ra ruộng, lội xuống nước sâu quá đầu gối. Ruộng này là vũng nước ao tù, là vùng tận cùng là chỗ trũng, nước từ các con suối ở thượng nguồn trong vùng rừng núi trên cao gôm về, cho nên chứa đủ tất cả các chất độc nhất do lá rừng, vi trùng, chất thối rửa của súc vật, côn trùng qui tụ về đây. Chúng tôi làm ruộng này chừng một tháng thì rụng hết lông chân và bị sốt vàng da. Loại sốt này rất đặc biệt, ai bị bịnh này không thể đứng được, tay chân rã rời, không ăn uống gì được, nếu ăn chút cháo cũng bị ói ra hết. Mỗi khi bị bịnh, không đi đứng được, phải nhờ bạn bè cõng.

Trong đội 8 của chúng tôi quá nửa đội bị bịnh sốt vàng da. Anh Minh cùng đội đã phải cỏng anh Đề lên trạm xá, vài ngày sau anh Đề lại cõng anh Minh lên trạm xá vì bịnh này. Tôi cũng bị bịnh này không ăn uống được hơn một tuần lễ. Nếu không có bác sĩ Thịnh biết cách điều trị bịnh này, chắc tôi cũng như nhiều anh em tù khác đã được chôn cất ở bìa rừng thuộc thung lũng Mai Côi, Thác Guồng của tỉnh Vĩnh Phú này.

Mai Côi, Thác Guồng là địa danh mà dân miền Bắc, Hà nội rất sợ, đó là nơi “đi dễ, khó về”. Một lần trong dịp Tết ta, anh em trong trại đang nấu nướng vì được nghỉ ngơi trong mấy ngày này. Vợ một anh lính gác, áo quần vá nhiều chỗ, ẩm đứa con, đi vào bên trong trại tìm xin thuốc uống cho con. Chị này đi hỏi anh em nào có thuốc cảm hay thuốc ho để cho cháu dùng. Tôi không hiểu tại sao chị không lên trạm xá của công an. Nhưng tôi thấy chị ăn mặc áo quần vá víu như thế, chứng tỏ chị cũng nghèo quá, khổ như chúng tôi mà thôi. Chúng tôi ở tù trong, thì chị ở tù ngoài.

Tôi còn nhớ có lần đi làm rẩy ở Vĩnh Phú, gặp dân chúng ngoài đường, họ nói: “Tôi tưởng mấy anh sẽ giải phóng chúng tôi chứ, tôi đâu có ngờ ngày hôm nay tôi gặp các anh ở đây”

Sau mấy năm thấy tù nhân chết quá nhiều, trại cho tổ chức nhận quà năm ký từ miền Nam, để cho vợ con của tù nuôi tù, đỡ gánh nặng nhà nước. Sau này, mới hiểu sở dĩ có vụ cho thăm nuôi là vì bắt đầu có thương thuyết vơi phía Mỹ về sô phận tù chính trị của miền Nam. Nếu để bọn tù chết hết, đâu còn thứ gì mang ra đổi chác với Mỹ được. Do vậy, nhiều khi gia đình gởi nhiều hơn năm ký mỗi ba tháng cũng được cho thông qua vì khi có quà cáp anh em cũng có biếu cán bộ như thuốc lá, đường, bánh trái, thuốc uống trị bịnh cảm, thuốc bổ, vitamin, thuốc sốt rét…

Trại Hà Nam Ninh

Cuối năm 1982, chúng tôi được chuyển đến trại Hà nam Ninh gần Hà nội. Đây cũng là lúc diễn ra nhiều thay đổi.

Một lần khám xét đồ đạc của tù, thấy mấy cuốn sách về Lê Nin, một cán bộ coi tù nói “giờ này mà còn đọc cuốn sách này”. Từ câu nói này, tôi thấy văn hóa miền Nam đã tác dụng ngược trở ra miền Bắc.

Khi tôi còn bị giam giữ ở K3 Vĩnh Phú cán bộ cấm chúng tôi hát nhạc vàng, gọi là “nhạc ngụy”, nhạc làm cho mất nước. Nếu có ai hát nhạc vàng bị báo cáo lên thì có thể bị cùm chân bị giam riêng. Cái nón có mũ lưỡi trai ở phía trước cũng bị chê là của Mỹ ngụy yêu cầu cắt bớt. Đội nón từ miền nam đem ra là bị phê bình, chỉ trích. Đi dép râu thì được. Nón cối thì được. Cái gì của miền nam đều là xấu cả.

Nhưng rồi một hôm tôi được phân công nhổ cỏ ở chung quanh khu nhà cán bộ ở vì lúc đó tôi bị bịnh quá không ra ngoài đồng cuốc đất được. Tôi nghe từ trong phòng của cán bộ đang hát nhạc vàng của miền nam. Tôi bắt đầu suy nghĩ, cấm tù nhân hát nhạc vàng mà cán bộ lại hát nhạc vàng. Như vậy văn minh, văn hoá miền nam đã ảnh hưởng ra miền Bắc bằng chứng là nhạc vàng bị cấm hát, nhưng họ lại thích nghe, say mê những bản nhạc vàng đó.

Bắt đầu ở đây anh em hát “nhạc vàng” thoải mái. Ban đêm, bên ngoài buồng giam có lính gác đi tuần kiểm soát, bên trong anh em hát “nhạc vàng” không còn bị phạt nữa. Trong trại lúc bấy giờ tôi nhớ có thầy Hòa là Đại Đức tuyên úy Phật giáo, thuộc hàng trăm bài hát “nhạc vàng”. Thầy Hoà có thể hát liên tục vài giờ cũng không hết nhạc. Đêm nào không hát, cán bộ ở bên ngoài còn yêu cầu anh em hát “nhạc vàng” cho vui. Cán bộ cộng sản đã mê “nhạc vàng” rồi.

Văn minh, văn hóa miền Nam Việt nam đã ảnh hưởng vào tâm tư, tình cảm của người cộng sản miền Bắc.

Sau ba mươi năm tất cả những điều gì trước đây họ chỉ trích, họ cấm đoán, họ bỏ tù ngày hôm nay họ cho thực hiện lại hết như buôn bán tự do, không còn ngăn sông cấm chợ nữa. Nhưng họ áp dụng chế độ tư bản theo luật rừng rú vì tất cả luật pháp cũ họ đều hủy bỏ mà luật lệ mới chưa thành hình. Khi chiếm miền nam xong, họ đóng cửa trường Luật, đóng cửa trường Đại học Văn khoa Sài gòn.

Sau khi thắng trận họ tưởng làm kinh tế như đánh đấm ngoài mặt trận. Bán cà phê vĩa hè, hớt tóc vĩa hè cũng phải vô hợp tác xã. Do đó mà toàn dân phải ăn độn bo bo, ăn gạo có nhiều bông cỏ, trước khi nấu phải mất rất nhiều thì giờ lượm bông cỏ ra.

Sự dối trá đã ăn sâu vào nhà cầm quyền lẫn dân chúng, phải lường gạt nhau để sống. Nhà cầm quyền lường gạt dân. Dân lường gạt nhà cầm quyền và lường gạt lẫn nhau. Lương tâm của con người đem dấu vào sọt rác.

Nếu sống đàng hoàng, mua bán đàng hoàng thì không sống nổi. Nên dân chúng phải lươn lẹo. Trong giai đoạn ngăn sông cấm chợ, muốn sống còn, phải dối trá, phải lươn lẹo, đi mua thịt lậu từ dưới quê lên để bán, mua đường, mua áo quần cũ, mua bán đồ phế thải. Chở ít gạo từ tỉnh này sang tỉnh kia để kiếm lời. Khi đi buôn bán nếu qua mặt được công an kinh tế thì sống, nếu bị bắt thì mất vốn. Nhưng không buôn bán thì lấy gì mà sống.

Hôm nay nhà cầm quyền thông báo nói không đổi tiền, sáng hôm sau, giới nghiêm, đổi tiền làm cho nhiều người sạt nghiệp. Thông cáo kêu gọi quân nhân, công chức, sĩ quan trình diện học tập trong một tháng, nhưng giam mãi không biết ngày về, không ra tòa kêu án, ngồi bốc lịch dài dài. Mỗi ba năm anh em gọi là một “cây gậy”. Không ai biết mình sẽ phải ở mấy “cây gậy” đây? Ba năm, sáu năm, chín năm, mười hai năm … Ở tù không biết ngày nào về với gia đình hay vĩnh viễn sống trong miền rừng núi Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh …Trung Quốc có Tân Cương. Nga sô có Tây Bá Lợi Á dành cho tù nhân vĩnh viễn định cư ở đó.

“Tù cải tạo” dành cho người miền Nam thua trận thực sự không hy vọng có ngày trở về với gia đình, nếu những lãnh tụ cộng sản không thình lình thấy là mạng sống của đám tù này bỗng là thứ có thể thương thuyết đổi chácvới phía Mỹ. Nhờ vậy mà trình trạng nhà tù bỗng thấy dễ thở hơn.

Thời gian sống tại trại Nam Hà là thời gian thoải mái nhất trong cuộc đời ở tù. Lúc này quà cáp thường xuyên gởi ra từ vợ con ở trong nam. Cán bộ đã cởi mở hơn. Họ đã nhìn thấy sĩ quan, công chức miền Nam không phải là những người ăn gan, uống máu. Họ đã hiểu phần nào về người bại trận.

Thân nhân của các tù nhân từ trong Nam gởi tiền ra cho chúng tôi, để chúng tôi mua thịt cá, trái cây. Nhiều khi cán bộ dễ dãi để chúng tôi nấu chè, nấu cơm, nấu canh chua trong phòng giam. Họ dễ dãi cho nấu nướng là để họ bán được hàng, để họ kiếm thêm tiền. Với cái lon Guigoz chúng tôi kho thịt, nấu cơm, nấu canh v.v…thật là tiện dụng. Cần giẻ rách, một ít dầu là chúng tôi có thể đun một nồi chè ở trong phòng giam.

Mỗi sáng chúng tôi đi ra đồng làm cỏ để cấy lúa. Tôi thấy nhiều người ra đồng quá trễ. Hơn 11 giờ mới cầm cuốc, lếch thếch kéo ra đồng làm việc.

Tôi hỏi họ: “Sao các anh đi làm trễ quá vậy?”

Họ trả lời: “Đi ra sớm mà làm gì. Làm cho hợp tác xã chứ có phải cho mình đâu. Làm nhiều, làm ít cũng chia chác như vậy mà thôi.”

Khi cuốc đất, họ khều khều vài lát cuốc như phủi bụi; một lát, họ đã kéo nhau về nghỉ. Tôi suy nghĩ dân miền Bắc làm việc như vậy hỏi rằng khá giả làm sao được. Vậy mà họ đã thắng miền nam. Thế mới lạ chứ.

Nếu “Trương Chi đẹp trai” đó là tựa bài viết của Dương Hùng Cường để mô tả dân miền nam nghe tiếng hát Trương Chi thì những người nhẹ dạ rất mê, rất thích nhưng trong thực tế thấy gương mặt của Trương Chi thì không còn có thể mê được nữa. Nghe Cộng Sản tuyên truyền thì đa số đều rất thích nhưng thực tế, họ làm ngược lại những điều họ nói, nên sau khi chiếm miền nam rồi thì “Nếu cái cột đèn biết đi nó cũng bỏ xứ mà đi”. Cho nên dân miền Nam không bao giờ quên được câu nói để đời của Cựu Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”

Ba tôi có cảm tình với Việt Minh, Cộng sản vì bạn của ba tôi là ông tư Lê đã theo kháng chiến từ những năm 1945. Khoảng năm 1948, 1949 Việt Minh đánh đồn Chợ Núi, quận Cần Giuộc, Tư Lê có vào nhà ba tôi để trò chuyện. Ba tôi cho mượn ống quẹt để châm hút thuốc lá. Sau trận đánh đồn đó ba tôi bị ông Tổng Nhì và Pháp bắt, đánh để khai thác về Việt Minh (Cộng sản) và ba tôi đã bị bịnh nhiều, nằm điều trị ở nhà gần một năm.Từ đó ba tôi rất hận và ghét Pháp và có cảm tình với Việt Minh. Sau này dĩ nhiên ba tôi cũng không có cảm tình với người Mỹ và quân đội quốc gia. Khi tôi ra ứng cử Nghị viên Hội đồng đô thành Sài gòn, ba tôi đã nói: “Ẩm tao ngồi chức đó tao cũng nhảy xuống” có ý nói với tôi là “bỏ tiền ra ứng cử chi cho tốn kém, mất thì giờ” mà ba tôi cũng không ưa chức vụ đó nữa.

Khi di chuyển từ K4 Vĩnh Phú qua trại Hà nam Ninh, tôi được đưa về phân trại A. Tôi gặp đủ hết các anh em cùng bị giam chung với tôi ở Long Thành như Mai Kim Đỉnh cùng học chung ban Cao Học trường Chính Trị Kinh Doanh ở thương xá Tax, Sài gòn những năm 1972-1974, Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa chủ nhiệm của Ban Tuyên Huấn của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và của đảng Tân Đại Việt. Gặp lại một số học trò cũ bị giam ở đây vì theo nhóm kháng chiến “phục quốc”, chống Cộng sau năm 1975.

Nhóm này cũng ở tù khá lâu, bảy, tám năm hay hơn nữa nhưng khi có chương trình HO để đi định cư tại Hoa Kỳ thì những người này không được xếp vào diện HO vì họ được xem là những thành phần chống đối sau năm 1975.

Sống ở phân trại A một thời gian ngắn, họ lại tách một số chúng tôi ra, di chuyển về phân trại C của trại Hà Nam Ninh.

Không khí tù đày đã dễ thở hơn so với những thời gian trước. Khi chúng tôi có quà cáp thăm nuôi đã đút lót cán bộ thuốc lá, bánh kẹo, thuốc uống từ trong Nam gởi ra. Chúng tôi được mua thức ăn do cán bộ tổ chức bán như thịt heo, thuốc lá. Ngay cả rượu chúng tôi cũng có thể mua được bằng cách liên hệ với người dân sống chung quanh trại.

Tôi đã ở tù lâu quá rồi, gần tám năm. Mang trong người đủ thứ bịnh, không chết là may mắn lắm rồi.

Sau khi ăn Tết trong trại Hà Nam Ninh chừng vài tháng, cán bộ gọi anh em tập họp lại, ngồi ngoài sân, gọi tên từng người sang ngồi một bên và yêu cầu đứng lên vào phòng thu dọn đồ đạt. Lúc đó, anh em mới biết mình sẽ được thả cho về.

Khi ra khỏi trại, tôi không muốn nhìn trở lại chỗ mà tôi đã bị giam cầm trong thời gian dài ở đó.

Xe hơi chở chúng tôi bỏ vào khu nhà ga xe lửa chờ có chuyến đi vào trong nam. Vài người trong chúng tôi đi tìm cà phê để uống. Phố xá tiêu điều. Thành phố Hà Nội lúc bấy giờ (đầu năm 1983) là thành phố chết, không có buôn bán gì. Uống cà phê cũng phải uống chui. Đi ra nhà sau của tiệm cà phê không có bảng hiệu gì cả, mua cà phê đen uống với đường đã là quí lắm rồi. Họ không có bán cà phê sửa vì đó là một xa xỉ phẩm.

Ngồi trên xe lửa xuôi về miền Nam, đến Quảng Ngãi chúng tôi còn mấy bộ áo quần cũ trên bảy năm, mùng mền mang theo lúc đi trình diện vậy mà tôi bán cũng được mấy chục đồng bạc lúc đó. Với số tiền này tôi mua được tô hủ tiếu để ăn uống dọc đường.

Khi đến ga Hàng Xanh trời vừa sáng. Tôi chỉ còn đủ tiền để kêu chiếc xe xích lô chở về bến xe Phạm thế Hiển. Leo lên xe Lam chạy dọc đường Phạm thế Hiển, tôi nhìn không ra được con đường cũ mà tôi đã đi qua lại thường xuyên trước năm 1975. Bây giờ, sau gần tám năm, cảnh vật thay đổi nhiều quá. Nhà cửa xây cất thêm lấn ra lề đường. Có những nhà mới cất tôi nhìn không ra. Về tới nhà lúc nào tôi cũng không hay.

Bước vào nhà của mình mà thấy quá xa lạ. Có mấy đứa trẻ con ngồi học ở trong nhà mà tôi đâu có biết đứa nào là con tôi đâu. Khi tôi đi “học tập cải tạo” con út tôi mới vừa tám tháng, khi về đứa út cũng đã 8 tuổi rồi, làm sao tôi biết nó cho được. Đứa con trai 9 tuổi chạy xuống nhà sau, lúc đó bà xã tôi đang nấu cơm. Nó nói: “Má ơi có ông nào vô nhà kìa.”

Tôi vừa bước vô nhà mình, đi thẳng ra phía sau nhà, gặp bà xã đang nấu cơm, gặp cậu bảy Bích, tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi đã khóc, không thể nào cầm giữ nước mắt cho được. Người ta khóc vì buồn rầu, đau khổ. Tôi khóc vì tưởng chừng như đã chết rồi mà được sống lại. Tôi đâu có ngờ tôi còn sống để được về với gia đình sau gần 8 năm trong các trại tù khắc nghiệt ở các miền thượng du, núi rừng âm u miền bắc.

Giấy ra trại ký ngày 28 tháng 02 năm 1983, ngày tôi về tới nhà trình diện công an phường là 9 tháng 3 năm 1983 ngót nghét còn ba tháng nữa là đủ 8 năm tù, vì cái tội duy nhất là tội tham gia đảng phái quốc gia.

Ngẫm lại, tôi thấy mình còn được ông trời thương, được sống sót về với gia đình, để cho các con của tôi có cha, cho tôi có cơ hội phụ giúp phần nào sinh kế cho gia đình vợ con. Và rồi sau cùng, có cơ hội đưa gia đình tới được nước Mỹ tự do để làm lại cuộc đời.

Xin tạ ơn trời, tạ ơn người, và biết ơn nước Mỹ.

Ngày 26 tháng 04 năm 2015

Phùng Văn Phụng

Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần

Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần

Phùng Văn Phụng

*Tin tức về Virus Corana từ tháng 02 -2020 khi bùng phát ở Vũ Hán

 (Trung Quốc) cho đến ngày hôm nay, 21 tháng 02 năm 2021  

Trên thế giới đã có 111, 812, 000 người nhiễm bịnh covid 19

                                     2,475,000 người chết

Riêng ở Hoa Kỳ có:       28,714,000 người bị nhiễm bịnh

                          Và có:        510,000 người mất vì virus này.

*Một đợt bão tuyết tràn xuống Texas làm cho hệ thống điện nước bị tê liệt.

Nhà tôi ở Houston bị cúp điện nước hai đêm không có điện, trong nhà lạnh đến 50 độ F (10 độ C) lạnh cóng mặc 5, 6 lớp áo, đầu trùm mũ, chụp hai lỗ tai, đấp mền loại dày, vẫn không ngủ được vì quá lạnh.

Trong số khoảng 70 cái chết được cho là do tuyết, băng đá và nhiệt độ lạnh cóng trên toàn nước Mỹ gây ra, có hơn một chục người được tìm thấy chết trong các căn nhà bị mất sưởi, và phần lớn các vụ này ở Texas, theo bản tin của hãng thông tấn AP hôm Thứ Bảy, 20 Tháng Hai.

Bà ngoại và 3 cháu gốc Việt thiệt mạng trong hỏa hoạn giữa giá rét ở Texas

Những biến cố hơn một năm qua không có ai dự đoán được, không ai tin rằng nó có thể xảy ra, mà vẫn xảy ra.

Cách đây hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng. (Mc 1,15)

Và tôi miên man suy nghĩ, chừng nào cuộc đời tôi được kết thúc và sẽ kết thúc như thế nào?

Và thế giới này sẽ đi về đâu…?

Phùng Văn Phụng

21 -02-2021

Nước Mỹ nơi tôi đang sống

Nước Mỹ nơi tôi đang sống

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

Tôi có người cháu ở Houston, Texas, bảo lãnh gia đình em ruột qua. Thời gian chờ đợi để qua Mỹ mất hơn 12 năm. Cháu tôi lo tất cả mọi thứ tiền kể cả tiền mua vé máy bay cho bốn người sang đây. Mới qua, gia đình được bảo lãnh, tạm thời tá túc trong cùng một ngôi nhà của người bảo lãnh cho nên rất chật chội. Người bảo lãnh phải chở gia đình này đi làm giấy tờ, chở đi đi học thêm anh văn, chở đến trường học Nails, chỉ cách mua tem thơ, chỉ cách đổ xăng v.v…

Nhưng gia đình người em mới qua chưa được ba tháng, đã tự ý mua vé máy bay một chiều về lại Việt Nam, bất chấp lời can gián của gia đình người anh, chấm dứt tình nghĩa anh chị em, mất tình cảm giữa hai gia đình, tạo ra sự xung khắc, thù ghét giữa anh chị em, giữa hai gia đình ruột thịt.

Hỏi: tại sao gia đình vừa qua Mỹ, chỉ ở có mấy tháng rồi lại trở về Việt Nam?

** *

Tôi bị tù từ năm1975, ra khỏi trại cải tạo đầu năm 1983, mãi tới cuối năm 1993, tôi mới có giấy tờ rời khỏi Việt Nam để đi định cư tại Hoa Kỳ.

Bỏ tất cả công ăn việc làm đang tốt đẹp, phát đạt, để ra đi đến nơi chỗ ở mới, tôi chưa biết sẽ làm nghề gì? cuộc sống mới sẽ ra sao khi tuổi đã lớn (51 tuổi).

Bao nhiêu lo âu? Nhưng phải đi vì không thể sống với cộng sản được. Một tờ truyền đơn của ai đó rải trong khóm, trong phường mình ở, số phận mình sẽ ra sao? Hằng ngày được công an khu vực theo dõi sít sao? xem tôi nói chuyện với ai? tôi có làm gì chống đối nhà cầm quyền không?

Trước hoàn cảnh đó, không thể sống được với cộng sản thì phải ra đi mà thôi.

Sau một chuyến đi dài giờ trên máy bay, cả gia đình tôi 6 người từ phi trường ở Seattle đưa chúng tôi về phi trường Hobby và được bà con gia đình em ruột, gia đình người bảo trợ cùng bạn bè đón tại phi trường Hobby này. Cháu Trung con anh Xin đã đem theo xe tải nhỏ chở áo quần, đồ đạc lỉnh kỉnh … mang từ Việt Nam qua về phòng trọ “apartment” ở đường Town Park, gần chợ Hồng Kông 1 cũ.

Rất lo âu, bỡ ngỡ để bắt đầu cuộc đời mới hoàn toàn không biết trước được, rồi đây gia đình mình sẽ ra sao?

Tại sao những người được bảo lãnh qua Mỹ vài tháng rồi lại muốn quay trở về Việt Nam.

Sự thay đổi cách sống, cách sinh hoạt, mất bạn bè, mất thói quen sống hàng ngày, thói quen ngủ trưa, uống cà phê buổi sáng với bạn bè, buổi chiều lai rai vài chai bia với bạn bè v.v… không còn nữa. Phải đi học anh văn, học lái xe v.v… làm lại từ đầu bằng một nghề mới để kiếm sống không phải dễ dàng. Làm việc ở hảng xưởng phải cật lực siêng năng, đúng 8 giờ vàng ngọc, đi và về đúng giờ, không thể thờ ơ được. Chưa kể nếu còn mang nặng tâm trạng khá giả, nhàn hạ ở Việt Nam, mặc cảm thua kém người anh, em qua trước sẽ làm cho họ hụt hẩng, khó chịu, bực mình, đau khổ, bất mãn, chán sống ở nơi mới, gây gỗ, nói nặng nhẹ với người bảo lãnh là anh chị em ruột của mình, cho rằng, anh chị em “không chịu lo gì hết”? mà còn đòi bảo lãnh qua?

Tại sao người Việt Nam muốn định cư ở nước Mỹ:

Nếu ai có óc cầu tiến, chịu khó làm việc, bỏ lại sau lưng tất cả thói quen cũ có thể nhàn hạ, làm ăn dễ dàng vì quen biết công việc, bạn bè, nhà chức trách… chấp nhận cuộc sống mới khác biệt nhiều với cuộc sống cũ khoảng chừng vài năm là ổn định, có thể mua nhà, mua xe trả góp, và hội nhập vào xã hội Mỹ bình thường.

Tự do chính trị: Ở Mỹ là nước có tự do ngôn luận bậc nhất trên thế giới, tự do nghiệp đoàn, tự do báo chí, in sách không cần phải xin phép ai. Tự do tôn giáo. Tự do bầu cử và ứng cử. Bằng chứng là người Việt có Cựu dân biểu Liên bang Cao Quang Ánh. Bà Stephanie Murphy, nhũ danh Đặng Thị Ngọc Dung (Florida)

Dân biểu tiểu bang Texas: Hubert Võ

Thiếu Tướng Lương Xuân Việt làm tư lịnh lục quân Hoa Kỳ,

Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn

HQ Đại Tá Lê Bá Hùng

Đại Tá Thomas Nguyễn

Trung Tá Bác Sĩ Joshepine Cẩm Vân-US Navy

Thiếu Tá Elizabeth Phạm v.v…

Giáo Sư Đinh Việt, Giáo Sư Luật lừng lẫy ở Washington DC

Về đảng phái chính trị mọi người đều có quyền tự do theo đảng Cộng Hoà hay đảng Dân Chủ hay đảng nào khác.

Nhờ có tự do bầu cử và ứng cử mới chọn được người tốt, người có khả năng xây dựng đất nước, xây dựng xã hội.

Hưởng nền giáo dục tốt: Tiểu học và trung học miễn phí. Tự do phát triển năng khiếu, không phải học chính trị nhồi nhét một chiều chủ nghĩa Mác Lê nine.

Ăn trưa miễn phí. Có xe đưa rước từ nhà đến trường miễn phí.

Vào Đại học nếu ai không có tiền có thể mượn tiền học cho đến khi thành tài, ra bác sĩ, kỹ sư… đi làm trả nợ từ từ.

Vì có được nền giáo dục tốt, cuộc sống tương đối dễ kiếm việc làm, đi làm cật lực chừng năm mười năm là có thể mua nhà, mua xe trả góp dễ dàng. Mọi người đều được hưởng tiện nghi mà xã hội Mỹ cung cấp như cầu cống, đường sá, trường học, chợ búa v.v…

Hệ thống xe bus cũng giúp cho bà con đi lại dễ dàng.

Tỉ lệ du học sinh tìm cách ở lại Mỹ sau khi học xong trên 80%, một du học sinh tôi gặp đã nhận định như thế?

Tính đến tháng 3/2019, có hơn 30.900 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ.

Môi trường trong sạch.

Chánh phủ kiểm soát rất kỹ về môi trường. Nhà máy thường ở xa khu dân cư. Nếu làm ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt rất nặng.

Người lớn cũng như trẻ con đều có ý thức bảo vệ môi trường. Không thấy trẻ con vất rác ngoài đường. Nếu xả rác ở nơi công cộng, bị bắt, sẽ bị phạt rất nặng.

Mức sống cao, cuộc sống ổn định.

Khi làm ăn mở nhà hàng, tiệm nails, hay bất cứ cơ sở nào khác… đều có luật lệ, thuế má rõ ràng không phải hối lộ ai cả.

Tốt nghiệp đại học, lương kỹ sư mới ra trường khoảng 40 đến 50,000 đô la một năm. Làm công nhân sắp xếp hàng hoá trong chợ Hồng Kông chẳng hạn, lương khoảng 18,000 đô la một năm.

Nếu chi tiêu cẩn thận, tiết kiệm, không xa xỉ, còn có thể gởi tiền để giúp đỡ cho bà con ruột thịt ở Việt nam nữa. (1)

Về hưu sống ra sao?

Điều quan trọng khi đến Mỹ, ta phải làm việc cật lực, không nghĩ về quá khứ giàu có, sung sướng, danh phận, địa vị cao trong xã hội cũ (nếu có).

Nếu làm việc tại Mỹ trên 20 năm, đóng thuế đầy đủ, tiền hưu trí (SSA: Social Security Account) chánh phủ trả về hàng tháng từ 1200 đến 1500 đô la một tháng. Tính luôn tiền hưu của vợ, bằng phân nửa của chồng 1200:2= 600 đô, thì hai vợ chồng lãnh được 1800 đô la một tháng. Ngoài ra còn có tiền hưu trí của hảng, tiền hưu do để dành riêng (IRA: individual retirement account) v.v… đủ trả bảo hiềm nhà, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe, điện, nước, gas … đóng thuế nhà cuối năm, tiền chợ và các chi phí lặt vặt khác.

Ngoài ra còn có thể đi du lịch được nữa.

Nếu về hưu, tiền lãnh hàng tháng thấp, thì được chánh phủ trợ cấp đủ sống (hai vợ chồng được lãnh khoảng 1100 đô la và tiền thức ăn (food) khoảng 150 đô la.

Khi về hưu không lo đói khát, ít nhất cũng có tiền trợ cấp xã hội đủ sống.

Nếu thực sự nghèo, khi bị bịnh, đi bác sĩ, mua thuốc hay nằm nhà thương không mất tiền vì có sự trợ cấp của chính phủ.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

03/2020 Chỉnh sửa 02-14-2021 

 (1)Lợi tức tính theo đầu người tại vài nước tiêu biểu: Nguồn: BBC

Như bảng thống kế phía dưới cho thấy, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam kém hàng chục lần với những nước được cho là nhiều người Việt Nam di cư muốn tới.

Nước

 

 

 

GDP/Đầu người

Việt Nam 2.343,12 USD
Mỹ 59.531,66
Anh 39.720,44
Nhật 38.428,1
Hàn Quốc 29.742,84
Đài Loan 25.534,00
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, theo ước tính năm 2017

Ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống

Ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Năm mới, năm Tân Sửu sắp đến, xin gởi đến bà con, anh chị em, các con cháu mấy câu nói như sau và xem có giúp gì được cho mình để có lòng thanh thản, vui tươi, bình an, lạc quan yêu đời, chứ không bi quan chán đời?

*1) Hãy yêu kẻ thù.

-Tôi hoạt động chính trị trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, người sáng lập là Giáo Sư Nguyễn Văn Bông và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, có thiện ý muốn xây dựng miền Nam theo chế độ tư bản, đem sự sung túc, bình an và hạnh phúc cho người dân miền Nam. Sau này, nếu hoàn cảnh quốc tế cho phép thì hai bên miền Nam và miền Bắc sẽ thống nhất bằng bầu cử. Nhưng rồi, miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn đã dùng võ lực để tiến chiếm miền Nam, bất chấp hiệp định Paris ngày 27-01-1973 vừa được ký kết chưa ráo mực, với sự bảo đảm của quốc tế.   Khi chiếm được miền Nam rồi, cộng sản đã tập trung tất cả những người đối kháng ở miền Nam, trong quân đội, cấp Chuẩn úy trở lên, trong hành chánh, cấp Chánh sở trở lên, trong đảng phái, cấp phó bí thơ cấp quận trở lên đều phải đi “học tập cải tạo” tức là đi tù dài hạn.

Tôi đã kiệt sức vì thiếu ăn mỗi ngày chỉ được ăn 1 chén bo bo không xay, hay một vài muổng cơm cộng với vài ba củ khoai mì miền Bắc gọi là sắn cứng ngắt, có hôm nhận được ba trái bắp luộc, 1 tô canh lỏng bỏng vài cọng rau. Ăn xong vẫn thấy đói. Đói triền miên, đói khủng khiếp, đói bủn rủn chân tay, đói mờ mắt… cho nên, khi đi lao động, ra khỏi trại tù, lúc cuốc đất trồng khoai, trồng bắp  khi thấy bất cứ loại rau gì như rau tàu bay, rau má, rau sam…hay con nhái, con cóc… thấy bất cứ “con gì nhúc nhích” thì ta “ních liền”.

Bị bỏ đói gần 8 năm như vậy, bị mắng chửi nặng lời vì lấy rau, bắt cóc nhái v.v…

Rồi khi trở về với gia đình cũng đâu có yên. Hàng tuần, sáng thứ hai phải trình diện công an phường, nộp cuốn sổ ghi trong tuần qua, ai đến thăm, đã nói gì và đã làm gì? Phó chủ tịch phường bắt đi đấp đất làm bờ ruộng, mục đích xem thái độ “các cựu tù nhân” có phục tùng nhà cầm quyền hay còn chống đối.Vậy để  quên đi quá khứ đau thương đó để tâm bình an, chỉ còn cách duy nhất là:

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em” (Mt 5,44)

2- *Tha thứ.

Khi qua Mỹ định cư, tôi làm nghề bảo hiểm. Hàng tuần, tôi đã gặp rất nhiều người, dĩ nhiên cũng phải gặp vài người kỳ khôi, nóng tánh, nghi ngờ tôi đến nhà họ để lường gạt họ. Họ đã chửi thẳng tôi “mấy anh đến đây để lường gạt hả, tôi kêu lính bắt bây giờ”. Một người khác đã nói: “Mấy thằng bán bảo hiểm đều lường gạt hết, đi ra khỏi nhà tôi!”. Những hiểu lầm, nặng lời, oán trách làm cho ta tức giận không ngủ được, nhưng phải nhớ rằng:

Tức giận là lấy sự sai lầm của người khác mà trừng phạt chính mình.

Vì sao vậy? Nếu mình tức giận người nào đó, không tha thứ người đó tức là mình để sự oán hận ở trong lòng mình, mình nuôi hận thù, dĩ nhiên, sự tức giận đó làm cho ta không ngủ được. Nếu không ngủ được chừng một tháng vì tức giận, sức khỏe ta sẽ suy sụp, dễ đưa tới nhiều thứ bịnh, có thể đưa tới trầm cảm, bị bịnh điên khùng, hay phát sinh nhiều thứ bịnh khác do ta uất ức, tức giận, không chịu tha thứ. Vậy tức giận hay không chịu tha thứ, người chịu thiệt thòi chính là ta vậy.

3 * Yêu thương.

*Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu. (1Gioan 4,8)

George Sand đã nói: Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời này, đó là yêu thương và được yêu thương.

Thiên Chúa yêu thương đặc biệt nhất là đối với những con người tội lỗi vì yêu thương nên Chúa mới xuống thế làm người để cứu chuộc con người. Vậy mà nhiều khi con người thù ghét nhau, tìm cách ám hại nhau. Có người còn nói rằng “Khi tôi chết đừng cho hắn tới thăm, tôi sẽ nứt hòm đó”.

Yêu thương, tha thứ, không oán thù, đó là bài học từ Chúa Giêsu và cũng có thể bắt chước thánh Ghandi, Nelson Mandela, Martin Luther King Jr. của thời hiện đại.

  1. Giá trị tinh thần, tâm linh cao hơn vật chất.

*Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. (Mt 4,4)

Ưu tiên trong đời sống của chúng ta là chúng ta chọn vật chất hay chúng ta chọn giá trị tinh thần, hay đời sống tâm linh. (Có câu chuyện cổ tích: một bà già ẩm đứa con vô một hang động tìm vàng. Đã vào hang này, lúc đi ra, tự nhiên cửa hang sẽ đóng lại, không vô được nữa. Khi thấy vàng bạc châu báu nhiều quá, vì tham lam, lo mang vàng bạc, châu báu  ra ngoài, rồi bỏ quên đứa con trong hang động. Khi trở ra rồi thì hang động đóng cửa lại, được vàng bạc mà mất đứa con)

Có nhiều người coi trọng tiền bạc quá. Sống ích kỷ chỉ muốn thu gom về cho cá nhân mình thật nhiều, mọi thứ khác đều không muốn để ý. Nhưng khi chết, xuôi tay đâu có mang gì theo được đâu. Alexande Đại đế khi chết đã để lại di chúc: “cho những bác sĩ giỏi nhất khiêng hòm. Khoét hai lỗ ngang hông cái hòm, đưa hai tay ra ngoài để nói rằng “chết thì trắng tay, không mang theo của cải gì. Vòng vàng, tiền bạc đem rãi theo quan tài”.

Cho nên, lời Chúa mới là quan trọng hơn của cải vật chất vì khi ta chết đi của cải vật chất sẽ để lại cho thế gian, lúc đó chỉ còn có linh hồn ta, khi còn sống đã cho đi, đã làm việc thiện ra sao… Những điều tốt, việc thiện đã làm mới theo ta mãi mãi. Thiên Chúa sẽ không hỏi ta lúc còn sống giàu có ra sao, có bằng cấp gì, chức vụ cỡ nào. Chúa chỉ hỏi nhà ngươi có yêu mến ta không, đã làm gì cho người chung quanh, gia đình, chòm xóm, tha nhân…

Tôi có viết câu “Nếu ngày mai ta không còn nữa thì hôm nay ta nghĩ gì, làm gì?” trước bàn làm việc để nhắc nhở là “hôm nay là ngày cuối cùng trong cuộc đời” tôi phải làm gì?

Rồi cuối cùng tôi cũng phải chết. Đâu có ai thoát khỏi sự chết đâu? Làm sao chấp nhận sự chết như Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Chính sự chết cũng là một bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến.”(Sách Đường Hy Vọng Và Dẫn Giải, câu 32, trang 25)

Sinh lão bịnh tử là qui luật tất yếu của đời sống con người. Làm người ai cũng phải chết. Tôi làm người, vậy tôi phải chết. Làm sao vui để chết tốt hơn là buồn rồi chết.

Khi sinh ra thì ta khóc, người chung quanh ta mĩm cười, làm sao để khi chết đi, ta mĩm cười, mà người xung quanh ta thì khóc lóc?

 Phùng Văn Phụng  

Tháng 12/2020

Thân phận con người trong đại dịch Virus Corona

Thân phận con người trong đại dịch Virus Corona

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Hôm nay, 5 giờ chiều, ngày 25 tháng giêng 2021 số người chết trên thế giới là 2 triệu 147 ngàn người. Ở Hoa Kỳ có 431,000 người chết.

Tuần này, tuần cuối cùng của tháng 02 năm 2021, Giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập thể làm lễ an táng cho 6 người, trong đó có làm lễ an táng cùng một lúc cho hai vợ chồng ông Đa Minh Nguyễn và bà Maria Nguyễn là thân phụ mẫu của chị Nguyễn T. H.  Thứ hai trước cũng có làm lễ an táng cho em chị Nguyễn T.H. là Đa Minh Nguyễn …, 53 tuổi. Như vậy trong vòng hai tuần cô H. mất ba người thân là cha, mẹ và em ruột.

Trong số người ra đi có hai người bạn của tôi cũng được làm lễ an táng trong tuần này.

Đâu có sự đau xót, não lòng, buồn bã, đắng cay nào hơn cho các gia đình có những người thân vừa mất vì Covid 19. Làm sao để thân nhân của người qua đời có thể chịu đựng nỗi những đau thương, mất mát không có gì có thể bù đấp được. Giải thích thế nào để cho những người thân của người đã mất bớt đau khổ, bớt buồn rầu?

Xin cầu nguyện cho linh hồn những người đã ra đi sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa, hưởng vĩnh phúc trên nước Thiên Đàng.

Gia đình tôi không còn có tập họp vui chơi như các năm trước. Ai ở nhà nấy. Hạn chế đi ra ngoài đường, đi chợ, đi nhà thờ v.v… Tết này cũng vậy mà thôi. Không có tập họp, đoàn tụ, một cái Tết buồn tẻ, cô đơn. Rất dễ bị stress vì quá lo âu cho tương lai công ăn việc làm, nghề nghiệp không ổn định, không có tiền trả tiền nhà, sợ mắc bịnh Virus corona …

Thôi thì chỉ còn cách bám vào Chúa mà thôi. Tôi đọc kinh liên tục, 3 giờ trưa, đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa, 8 giờ sáng, 9 giờ tối đọc kinh Mân côi.

Vì sao vậy, vì “Mọi nỗi lo âu, anh chị hãy trút cả cho Người vì Người lo cho anh chị. (1 Peter 5:7)

Trong đầu luôn nhắc nhở đến sự thật ai ai cũng phải đón nhận, dầu là Tổng Thống hay thứ dân, dầu còn trẻ hay người già, dầu là tỷ phú, triệu phú hay kẻ nghèo rớt mồng tơi, ai ai cũng không thể thoát khỏi, đó là SỰ CHẾT. Đứng trước cái CHẾT, làm sao ráng thực hiện phần nào lời của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận:” Chính sự chết cũng là một bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến.” Sách Đường Hy Vọng và dẫn giải”(Câu 32 trang 25). Khó quá phải không?

Phùng Văn Phụng

Ngày 25-01-2021

Xem thêm:

https://www.worldometers.info/coronavirus/?fbclid=IwAR1jM_jCvde2y6ra5PY1Zs_3hutCzj1EQGizYObaUVcJHMZm5UQQjADei1M

Vắn tắt nền chính trị nước Mỹ

Vắn tắt nền chính trị nước Mỹ

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Nước Mỹ là một nước tự do, dân chủ, có báo chí hoàn toàn tự do. Có tam quyền phân lập: hành pháp, tư pháp và lập pháp. Quốc hội có hai viện: Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Mỗi tiểu bang cũng có thượng viện và hạ viện của tiểu bang.

Nước Mỹ chấp nhận đa đảng.  Hiện nay ở Mỹ có hai đảng chính là đảng Dân Chủ và đảng Cộng hoà, còn một số đảng nhỏ nữa như đảng xanh v.v…

Ai thích theo đảng nào thì theo không bị ép buộc. Lúc trước theo Cộng Hoà rồi chán, không thích, lại qua đảng Dân Chủ hay ngược lại, cũng như người dân có quyền không theo đảng nào. Ở nước Mỹ không có ngụy Dân chủ hay ngụy Cộng Hoà. Thông thường một đảng cầm quyền trong 8 năm hay 4 năm thì đảng đối lập lên thay thông qua cuộc bầu cử.

Hiện nay ở Thượng viện số đại biểu của đảng Cộng Hòa có 50 và đại biểu của đảng Dân chủ cũng 50, số đại biểu ngang ngữa nhau.

Còn ở Hạ nghị viện liên bang có 435 đại biểu, hiện nay số Đại biểu của đảng Dân Chủ nhiều hơn đảng Cộng Hoà, khoảng chừng 11, 12 đại biểu, là một đa số mỏng manh.

Từ ngày qua Mỹ tôi luôn luôn ủng hộ đảng Cộng hoà.

Năm 2016 và 2020 tôi đều bầu cho đảng Cộng Hoà tức là bầu cho Tổng thống Trump vì yếu tố chống Trung quốc. Ngược lại các con cháu tôi lại bầu cho đảng Dân Chủ vì cho rằng Trump không phải là người “good job”, và đảng Dân Chủ lo cho người da màu trong đó có người Viêt Nam. Trong một gia đình ở Mỹ có khi chồng là Cộng Hoà, vợ là Dân chủ, cha là Dân chủ con là Cộng Hoà là bình thường. Ai thích đảng nào thì bầu cho đảng đó. Trong gia đình vẫn hoà thuận, vui vẻ với nhau dầu ý kiến, quan điểm lập trường kh ác nhau.

Nhưng kỳ này Tổng Thống Trump thua ở phiếu phổ thông lẫn phiếu cư tri đoàn. (Joe Biden 306, Trump 232). Tổng thống Trump không chấp nhận kết quả này và tố cáo bầu cử gian lận, rồi thưa gởi ở các toà án và ở Tối cao Pháp Viện tất cả 60 đơn, nhưng bị bác hết 59.

Rồi ngày 06-01-2021 vừa qua, khi quốc hội lưỡng viện làm việc xác nhận kết quả bầu cử thì các Nhóm theo ông Trump như Proud Boys …tràn vào quốc hội làm cho quốc hội phải ngưng họp một thời gian. Trong cuộc xung đột đó, kết quả có 5 người chết, trong đó có một cảnh sát viên của quốc hội. Các người tấn công vào quốc hội đang bị truy lùng và bị bắt.

Ở Mỹ, bây giờ mọi sự đều đã xong, đều trở lại sinh hoạt bình thường, chờ 4 năm nữa lại có bầu cử Tổng Thống.

tháng 01/2021

Phùng Văn Phụng

 Xem thêm:

Giải thích đơn giản về hệ thống chính trị Mỹ (BBC)

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53736930

 Biden đạt 306 phiếu đại cử tri, sẽ là tổng thống 46

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/dai-cu-tri-bau-tong-thong-my/

Đinh Quang Anh Thái – Thuyết Âm Mưu: Sự Thật và Dối Trá

https://www.youtube.com/watch?v=ulPUKbYzoag

Suy nghĩ về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ vừa qua

Suy nghĩ về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ vừa qua.

Phùng Văn Phụng

Nền dân chủ lâu đời cũa Mỹ vẫn tồn tại vì kết cấu Tam Quyền Phân Lập rõ ràng. Đây mới là điều thật tuyệt vời.

Cơ quan lập pháp (quốc hội) vẫn đủ uy lực, tỏ ra sức mạnh để ngăn cản hành pháp lộng hành. Và tư pháp (toà án) độc lập xét xử vô tư, không thiên vị, cũng nhờ tinh thần tôn trọng hiến pháp và pháp luật, không vì tình riêng, không vì tiền bạc, phe phái, hay khiếp sợ uy quyền mà xử án theo chỉ đạo của hành pháp.

Việc Phó tổng Thống Mike Pence (đảng Cộng Hoà) xác nhận kết quả bầu cử Joe Biden (đảng Dân chủ) đã thắng cử với 306 phiếu cử tri đoàn trong khi Tổng thống Trump chỉ có 232 phiếu cử tri đoàn, mặc dầu bị áp lực từ Tổng Thống Trump rất mạnh mẽ.

Tin giả tràn ngập làm cho con người hoang mang, không biết tin nào thật, tin nào giả. Ngày 06 tháng 01, (ngày Quốc Hội lưỡng viện xác nhận kết quả bầu cử), phe nhóm của Tổng Thống Trump tràn vào Quốc Hội, với sự kích động của Tổng Thống Trump, để mong lật ngược kết quả bầu cử, làm chết hết 5 người. Rồi lại có tin ngày 19 tháng 01 chưa phải là 20, (ngày tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống 20-01-2021), để rồi xem Tổng Thống Trump lật ngược thế cờ bắt nhốt hết kẻ chống đối, cho bọn nó vào tù?

Mấy tháng qua người Việt trong nước cũng như người Việt nước ngoài thách thức nhau, chửi bới nhau, dùng những từ ngữ tục tỉu, chửi bới nặng nề,  kêu tổ tiên ông bà cha mẹ ra chửi; từ ngữ nào dữ dội, ác độc nhất đều đem ra dùng để mạt sát nhau.

Người Việt dường như không có tinh thần bao dung, không bao giờ tôn trọng ý kiến khác biệt. Nếu có ý kiến khác biệt thì bị chụp mũ những điều bần tiện, xấu xa, là kẻ thù cần phải triệt hạ.

Không hiểu tại sao mà người Việt không khoan dung với nhau, không tôn trọng nhau, không chấp nhận ý kiến khác biệt của nhau.?

Chừng nào Việt Nam có tam quyền phân lập rõ ràng, ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp kềm chế lẫn nhau. Lập pháp (Quốc hội) và Tư pháp (Toà án) có thẩm quyền giám sát thực sự, không bị chi phối bởi cơ quan hành pháp, không để cơ quan hành pháp chuyên quyền, lộng hành.

Chừng nào người Việt biết bao dung, không chụp mũ, không chửi bới nặng nề nhau.?

Phùng Văn Phụng

Ngày 20-01-2021

Đức Khiêm Nhường và Sự Kiêu Ngạo

Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11:29)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Trong bảy mối tội đầu thì

1)Thứ nhất là khiêm nhường chớ kiêu ngạo.

Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29).

Trong một thế giới đề cao “cái tôi” và cách sống đầy ích kỷ như ngày nay, sống khiêm nhường là một thách đố lớn. Thế nên, chúng ta lại càng phải cố gắng tập sống khiêm nhường. Càng khó càng phải cố. Hãy bắt chước tác giả Thánh Vịnh mà luôn tự nhủ:

Lòng con chẳng dám tự cao

Mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước

Việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu

Hồn con, con vẫn trước sau

  Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. (Tv 131:1-2)

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con có thể sống khiêm nhường theo đúng Thánh ý của Chúa.

 2-“Hãy học cùng ta vì Ta khiêm nhường”

   Đức khiêm nhường là gì? Thưa là nhân đức nền tảng của đời sống đạo đức. Nhờ khiêm nhường, người môn đệ của Chúa có thể dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa và gặp được Ngài trong cuộc đời của mình. Nhờ khiêm nhường mà chúng ta thấy cuộc đời của mình vui tươi, hạnh phúc.

Chuyện kể:

Đầu tháng bảy năm 1870, một phái đoàn người Pháp đến chầu Đức giáo hoàng Piô IX tại Roma. Sau khi trưởng phái đoàn đã đọc bài chào mừng, Đức giáo hoàng đã nói chuyện thân mật với từng người và ai nấy đều xin ơn nọ ơn kia. Nhưng khi nhìn thấy một thanh niên có vẻ khô khan lạnh nhạt, Đức giáo hoàng đã hiền từ hỏi:

– Còn con, con không xin ơn gì sao?

Chàng thanh niên lạnh lùng đáp:

– Thưa không.

Đức giáo hoàng hỏi thêm:

– Cha con còn sống không?

Chàng thanh niên lửng khửng đáp:

– Thưa còn.

Đức giáo hoàng lại hỏi:

– Còn mẹ con thì sao?

Chàng thanh niên chậm chạp lí nhì đáp lại

– Mẹ con chết lâu rồi.

Bấy giờ Đức giáo hoàng cầm tay anh thanh niên mà nói với giọng cảm động rằng:

– Con không xin ơn gì với cha; còn cha, cha xin con một điều, là con hãy cùng cha quì gối xuống đất, đọc một kinh lạy cha, một kinh kính mừng, một kinh sáng danh, cầu nguyện cho mẹ con được lên thiên đàng, và khi được hưởng mặt Chúa. Mẹ con sẽ xin cùng Chúa cho con được sốt sắng giữ đạo để sau này con cũng được lên thiên đàng với mẹ con. Nói xong Đức giáo hoàng quỳ xuống đất, hai tay chắp trước ngực, mắt nhìn lên trời, đọc kinh rất sốt sắng, làm cho chàng thanh niên phát cảm động phải khóc nức nở.

Đức Giáo Hoàng quì xuống trước mặt mọi người. Ngài có làm gì lạ lùng không. Không. Ngài chỉ cùng đọc với mọi người những lời kinh đơn sơ nhất”.

Chúng ta hãy nhìn vào đó mà bắt chước để cuộc sống của mỗi người chúng ta xứng đáng với Chúa hơn. Amen.

3-Kiêu ngạo là gì? 5 dấu hiệu giúp bạn nhận biết người kiêu ngạo.

Kiêu ngạo khác với khiêm nhường vì người kiêu ngạo:

a)Luôn khẳng định mình đúng

Kiêu ngạo là gì? Một dấu hiệu dễ thấy nhất của sự kiêu ngạo đó là luôn cho rằng mình đúng trong mọi trường hợp bất kể đúng sai và chẳng bao giờ tiếp thu lời khuyên, ý kiến của người khác.

b)Luôn xem mình là trung tâm

Những người kiêu ngạo luôn cho rằng bản thân mình là trung tâm của mọi người. Khi người kiêu ngạo đạt được một thành công nào đó, họ thích khoe khoang về những thành công của mình hơn là cảm ơn sự giúp đỡ của người khác.

 c)Luôn coi thường những người xung quanh

Tính kiêu ngạo sẽ làm bạn luôn coi thường những người xung quanh. Họ luôn cho rằng mình giỏi hơn người khác. Họ thường xem thường đồng nghiệp và có thái độ khó chịu, chê bai người xung quanh.

d)Không biết lắng nghe

Những người kiêu căng sẽ không bao giờ dành thời gian để lắng nghe và chia sẻ với những người xung quanh.  

e)Không muốn nhận lỗi và thay đổi

Đây là một điều tồi tệ mà những người kiêu căng thường mắc phải. Nhận lỗi và thay đổi là một việc làm rất khó khăn đối với họ. Họ là người luôn đỗ lỗi cho người khác. 

Kiểu người này có cái tôi rất cao, vì thế họ sẽ không bao giờ chấp nhận được việc bị người khác phê bình và dùng mọi lý lẽ để biện hộ cho những sai lầm và rắc rối mà mình đã gây ra.

 Thái độ kiêu ngạo làm cho mọi người sẽ dần dần xa lánh họ, họ sẽ là người rất cô đơn vì không có ai là bạn, không có ai dám tiếp xúc, nói chuyện với họ.  

 4-Nguyên nhân kiêu ngạo.

Thông thường những ai nếu thành công đôi chút như làm ăn khá giả, trả hết nợ nầng xe cộ, nhà cửa, có mức sống cao, dễ bắt đầu sự kiêu ngạo. Chỉ một mình ta là người giỏi hơn hết mọi người khác. Nếu có ai chạm tự ái họ, họ sẽ nỗi “khùng” lên, nặng lời, mắng chửi người khác không còn nể mặt, e dè.

Bản chất kiêu ngạo của con người là do tổ tiên chúng ta, ông Adam và Eve truyền lại, đã không tuân lệnh Thiên Chúa, đã ăn trái cấm ở vườn điạ đàng, cũng như xây tháp Ba-ben để lên tận trời cao.

Nếu con người không học tập, suy nghiệm, cầu nguyện, nhờ ơn trên giúp sức khó từ bỏ được tính kiêu ngạo.

5-Hiện tượng kiêu ngạo:

*Trong gia đình nếu gặp phải người kiêu ngạo, gia trưởng, bắt mọi người trong gia đình phải làm theo ý mình, không được trái ý, thì vợ con sẽ sống rất khổ sở vì không được tự do. Người kiêu ngạo thường hay lãi nhãi, la lối, cự nự, nếu có ai trong gia đình làm trái ý mình; đôi khi dùng cả bạo lực để khống chế người khác. Do đó, họ thường chịu cảnh cô đơn, hiu quạnh, vì không ai muốn nói chuyện, đến gần.

* Anh Nguyễn luôn chỉ trích người khác, người nào càng nổi tiếng trong cộng đồng là thế nào anh cũng chỉ trích nói xấu.

Một lần tôi nói: “Anh A. siêng năng, viết sách hay, súc tích”.

Anh Nguyễn trả lời liền: “Cái thằng A. lăng xăng, lúc nào cũng như vội vã. Có gì mà hay đâu”.

Tôi nói: “Anh H. chịu khó sinh hoạt nổi tiếng trong cộng đồng”.

Anh Nguyễn trả lời ngay: “Cái thằng bợ đỡ, mặt mập, bịnh hậu…”

Khi nhắc đến bất cứ ai thì anh Nguyễn cũng có âu nói dè biểu, chê bai, nói ra ngay những khuyết điểm của người đó. Đó là cái tật của anh Nguyễn.

*Anh Trần đã có nhà. Có hai chiếc xe. Nên anh rất tự cao tự đại. Anh cho mình hơn người, không ai bằng anh. Anh có nghề nghiệp vững chắc, có tiền. Anh chỉ chiếc xe BMW và nói với tôi dẫn tôi đến bên xe của anh và nói: “Chú xem xe mới đẹp không? mới mua đó.”

Anh chồng lúc nào cũng cho rằng mình đúng, vợ không được cãi. “Tao là nhất nhà rồi vì tao có tiền, tao có xe, tao có nhà đã trả hết, tao qua Mỹ chỉ cần 30 năm, tao đã thành công”.

*Trong môt quốc gia nếu nhà cầm quyền kiêu ngạo, quá khích, khư khư giữ quan điểm của mình, không biết lắng nghe người khác.

Hậu quả của “kiêu ngạo cộng sản” là sau khi chiếm được miền Nam ngày 30 tháng 04 năm 1975, cộng sản Việt Nam đã cắt đứt liên lạc ngoại giao với các nước Tây Phương, áp dụng chính sách tự cung tự cấp, chỉ dựa vào sự viện trợ của Liên sô mà thôi.

Trong nước, cộng sản đã tịch thu tài sản của các nhà tư bản miền Nam, đầy họ đi vùng kinh tế mới, thành lập các hợp tác xã, đã làm cho toàn thể đất nước Việt Nam đi vào con đường đói kém, sản xuất ngưng trệ, kinh tế suy sụp, xã hội hỗn loạn. Nếu không có thay đổi từ năm 1986 trở về nền kinh tế tự do, (mà miền Nam đã áp dụng từ lâu), thì tình trạng đói kém, rối loạn xã hội không biết sẽ xảy ra như thế nào nữa. Nền kinh tế đang phát triển bị đẩy lùi hàng chục năm cho đến ngày nay (2020) vẫn còn thua kém so với các nước Đông Nam Á khác. Cũng vì kiêu ngạo không thèm thấy cái hay của Việt Nam Cộng Hòa đem ra áp dụng, mà phá bỏ tất cả, hậu quả giáo dục chậm tiến, văn hóa xã hội suy đồi, chính trị độc quyền, độc tài, không tôn trọng ý kiến khác biệt, nhân quyền không có.

Kết: Bịnh kiêu ngạo làm cho gia đình rối loạn, nghi kỵ lẫn nhau, ganh ghét nhau, xung đột nhau, không có hạnh phúc, bình an.

Bịnh kiêu ngạo làm cho nhà cầm quyền tưởng mình là “thánh”, là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, không bao giờ chấp nhận sai lầm, khiến cho toàn thể dân tộc chịu điêu đứng vì quyết định sai lầm của mình. Ai dám nói ngược với ý của nhà cầm quyền thì bị chụp mũ phản động, tìm cách bỏ tù dài hạn.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Ngày 29- 06-2020