TÌM NGƯỜI ĐỂ XƯNG TỘI –  Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Có lẽ hơn hết thảy, trong vô thức, chúng ta đều mong tìm được một cha giải tội, một người mà chúng ta có thể trải lòng ra, hoàn toàn không hề giấu diếm điều gì, giải bày hết các hoang mang trong lòng, thừa nhận tội lỗi của mình mà không e ngại.  Sâu bên trong cuộc kiếm tìm người tri âm của chúng ta là kiếm tìm một người để xưng tội.  Nhưng tìm một cha giải tội tốt không phải là chuyện dễ dàng.  Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất Brooklyn, tác giả Colm Toibin đưa ra một trong những lý do như sau:

Nhân vật chính, Eilis, một cô gái trẻ người Dublin, đến New York và phải lòng chàng trai Tony.  Sau vài tháng yêu nhau, Eilis phải trở về Ireland vì em gái Rose của cô qua đời.  Cảm thấy bất an và sợ rằng Eilis sẽ không quay lại, Tony thuyết phục cô kết hôn theo thủ tục dân sự với anh trước khi đi.

Trở lại Dublin, ở với mẹ, đau buồn trước cái chết của người em gái và phải trì hoãn việc trở lại New York vì đám cưới của một người bạn, Eilis được chàng trai Jim Farrell đeo đuổi, cô hẹn hò nhiều lần với anh mà không nói với anh về người chồng Mỹ của mình.  Nhưng cô bị ám ảnh bởi việc giấu diếm này và đau khổ không biết nên xử sự ra sao.  Điều cô tha thiết muốn làm nhất là nói cho anh biết bí mật, giải bày mớ rối rắm trong lòng mình, để anh là người nghe cô xưng tội, và nhờ anh giúp cô giải quyết chuyện này, nhưng sự ngây thơ trong trắng của anh khiến cô ngần ngại.  Toibin viết: Liệu cô có thể nào nói cho Jim biết những gì cô đã làm chỉ trước đó một thời gian ngắn ở Brooklyn?  Người ly hôn duy nhất mà ai trong thành phố đó cũng biết là Elizabeth Taylor và có lẽ vài siêu sao màn bạc khác.  Cũng có thể giải thích được với Jim nguồn cơn khiến cô đi tới hôn nhân, nhưng anh là một người chưa từng bao giờ sống ở đâu khác ngoài Dublin.  Cô nghĩ, sự ngây thơ và lịch duyệt của anh, hai đức tính khiến người ta cảm thấy dễ chịu khi gần bên anh, thật ra có thể lại là những hạn chế, đặc biệt nếu nêu ra điều gì đó chưa từng nghe nói đến và ngoài sức suy nghĩ hay trải nghiệm của anh như chuyện ly hôn.  Cô nghĩ, tốt nhất là gạt toàn bộ chuyện này ra khỏi tâm trí.

Doris Lessing từng nhận xét về George Eliot rằng Eliot chắc hẳn sẽ viết hay hơn, sâu sắc hơn, nếu bà không quá đức hạnh như vậy.  Dường như sự ngây thơ có thể là những hạn chế, điều cản trở thông cảm và thấu hiểu, như cả Eilis và Doris Lessing đều lo sợ.  Nhưng có đúng như vậy không?

Ngày nay có cả một luồng tư tưởng phổ biến mạnh mẽ cho rằng đúng như vậy.  Bạn sẽ thấy những dạng thô của điều này ở chủ nghĩa khắc kỷ trong văn hóa của chúng ta về sự trinh bạch và ngây thơ trong trắng, mà cả hai đều được đồng nhất một cách giản đơn quá mức với ngây thơ khờ khạo và chưa trưởng thành.  Trên thực tế, việc thiếu kinh nghiệm tình dục được đặc biệt coi là khờ khạo nhất trong những sự ngây thơ khờ khạo.  Phổ biến nhất là con tính đơn giản đánh đồng trải nghiệm với “việc từng hẹn hò quanh quất” và đánh đồng “từng hẹn hò quanh quất” với việc hiểu đời.  Các sách giáo lý xưa của chúng ta dạy rằng khi A-đam và E-và ăn trái cấm, tâm trí họ trở nên tăm tối.  Suy nghĩ phổ thông ngày nay nhấn mạnh rằng lúc đó họ lại sáng mắt ra, cái trải nghiệm đó, dù đúng đắn hay không, là cái làm cho họ mở mang tâm trí.  Từ đó, người ta dễ dàng có suy nghĩ rằng con người lý tưởng để nghe xưng tội, con người hiểu đời, là một người nào đó “từng hẹn hò quanh quất.”

Nhưng chúng ta không thật sự tin điều đó.  Tại sao vậy?  Bởi vì những gì chúng ta tìm kiếm trong vô thức ở một người để xưng tội chứng tỏ điều ngược lại.  Trong khi tìm kiếm một người để xưng tội (không nhất thiết là một người nghe xưng tội theo nghĩa bí tích), không phải là chúng ta đi tìm một ông bạn nhậu, một tay đồng lõa phạm tội, một người sẽ không phê phán chúng ta bởi vì đời họ cũng rối rắm và xáo trộn y như đời chúng ta.  Khi kiếm tìm một người để xưng tội, một cách có ý thức hay vô thức, chúng ta đang đi tìm một người mà sự thông hiểu và chấp nhận của người đó sẽ đưa chúng ta tới một chỗ khác, vượt qua tình trạng rối rắm và yếu ớt của chúng ta.  Trong sâu thẳm chúng ta biết rằng tội lỗi của chúng ta sẽ không được chữa lành bằng tội lỗi của một người khác, mà thay vào đó, nó cần phải tiếp xúc được với một điều gì đó ngây thơ hơn, giống Chúa hơn, giống như tấm lòng khoan dung của người cha đối với đứa con trai hoang đàng.

Nhưng không phải kiểu ngây thơ nào cũng vượt qua được thử thách này.  Sự ngần ngại của Eilis trong việc thổ lộ những dằn vặt của mình trước sự ngây thơ của Jim Farrell thật ra có thể lại là một quyết định đúng đắn.  Có một loại ngây thơ mà, vì nó cố tình không nhìn thấy ở một điểm nào đó, nên miễn nhiễm một cách không lành mạnh đối với những điều phức tạp.  Nhưng cũng có một loại ngây thơ – đó là loại chúng ta kiếm tìm trong vô thức – thật sự vượt qua được thử thách này.

Một lần nọ, một chủng sinh trẻ đau đầu với các vấn đề tình dục viết thư cho Têrêxa Lisieux để tìm lời khuyên.  Anh nói bóng gió tới các vấn đề của mình nhưng lại bảo bà: “Nếu tôi chia sẻ với bà những gì tôi đang thật sự vất vả chống đỡ, tôi sợ rằng bà sẽ bị sốc nặng và cảm thấy chướng tai gai mắt quá rồi sẽ không viết thư trả lời tôi.”  Têrêxa viết đáp lại: “Nếu anh nghĩ như vậy, thì thật sự anh không hiểu tôi rồi!”

Cha xứ d’Ars là một người hết sức giản dị và vô cùng ngây thơ trong trắng.  Ấy vậy mà trong khi còn sống, ông có lẽ là người được nhiều người mong muốn gặp để xưng tội nhất.  Chúng ta khao khát chính một người như vậy để xưng tội, một người mà với họ chúng ta có thể thoải mái giải bày tâm tư phức tạp của mình, nhưng người đó không mắc những tội lỗi như chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim 


 

THƯỚC ĐO PHỤC VỤ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai muốn làm người đứng đầu, phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người!”.

“Hãy quan sát một cái cây! Nó hướng xuống đất; sau đó, vươn lên trời cao. Phải cắm rễ sâu, chồi ngọn mới có thể vươn cao. Không có khiêm nhường, không đạt được những điều cao cả. Vươn lên mà không có gốc rễ không phải là phát triển, mà là sụp đổ!” – Augustinô.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của thánh Augustinô được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đảo ngược tất cả các tiêu chuẩn về sự cao trọng của thế gian. Với Ngài, người cao trọng, vĩ đại thực sự được đo bằng ‘thước đo phục vụ!’, “Ai muốn làm người đứng đầu, phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người!”.

Với Chúa Giêsu, giá trị của một người không phụ thuộc vào việc họ là ai, làm gì và có gì; với Ngài, giá trị của một người được đo bằng một ‘dụng cụ’ rất khác – ‘thước đo phục vụ!’ – Chúng không dựa trên những gì ‘ai đó có’, mà dựa trên những gì ‘họ cho đi’. Bạn muốn làm người đứng đầu? Không có cách nào khác, hãy phục vụ, hãy cho đi!

Vậy ai thực sự là người vĩ đại? Họ không phải là những người đặc biệt có tài năng, trí tuệ, nhưng là những người sử dụng tài năng, trí tuệ của mình hoàn toàn vì hạnh phúc của người khác đến mức hy sinh mạng sống. Ngoài tấm gương hiển nhiên của Chúa Giêsu, chúng ta còn có một danh sách dài các vị thánh, tất cả họ đều có một điểm chung – hoàn toàn dấn thân phục vụ tha nhân. Thành công, địa vị, của cải, quyền bính chẳng là gì đối với họ; họ phục vụ, và phục vụ là sức mạnh truyền cảm hứng theo cách mà không một nhà chính trị nào có thể làm được. Phục vụ không phải là khuất phục hay yếu đuối, nó không đặt mình ở một ‘cấp độ thấp hơn’ so với những người được phục vụ; nó chỉ đơn giản là hoàn toàn cam kết vì lợi ích của người khác và tìm thấy hạnh phúc của mình khi thực hiện những cam kết đó.

Đó là những con người cậy trông vào Chúa, “Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn!”; “Hãy tin vào Người, Người sẽ nâng đỡ con!” – bài đọc một. Như một lời khuyên thâm trầm, Thánh Vịnh đáp ca viết, “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay!”.

Anh Chị em,

“Hãy làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người!”. “Mọi người” ở đây là tất cả những ai dễ bị tổn thương, yếu đuối. Hình ảnh em bé Chúa Giêsu ôm vào lòng là hình ảnh của ‘chính Ngài’ – biểu tượng của tất cả những ai yếu thế – họ là những con người cần được phục vụ, bảo vệ và yêu thương. Khi phục vụ những con người này – nhà tạm di động của Chúa Giêsu – chúng ta phục vụ chính Ngài. “Ngày nay, từ “phục vụ” có vẻ hơi sáo rỗng, cũ kỹ vì được sử dụng quá nhiều. Nhưng nó có một ý nghĩa chính xác và cụ thể trong Phúc Âm. Phục vụ không phải là một cách diễn đạt lịch sự: nó có nghĩa là  hành động như Chúa Giêsu, Đấng đã tóm tắt cuộc đời mình trong vài từ, “Tôi đến, không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để con có thể sớm trưởng thành tâm linh, cho con biết rằng, Chúa chấm công mọi việc con làm bằng ‘thước đo phục vụ’ – ‘thước đo cho đi!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************

Thứ Ba Tuần VII Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

30 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”


 

Hãy Yêu Kẻ Thù –  Lm Tạ Duy Tuyền

 Lm Tạ Duy Tuyền

Hãy Yêu Kẻ Thù

Lời dạy của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 6,27-38) là một lời mời gọi vượt lên trên lẽ thường của con người: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” Đây không phải là một lời dạy dễ thực hiện, nhưng chính là điều làm nên sự khác biệt giữa người Ki-tô hữu và những người chưa biết Chúa.

Bởi lẽ, sự thường ở đời người ta đối xử với nhau theo nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”: ai yêu thương mình thì mình yêu thương lại, ai làm hại mình thì mình tìm cách đáp trả. Nhưng Chúa Giê-su mời gọi chúng ta bước vào một tình yêu cao cả hơn, một tình yêu không biên giới: yêu cả kẻ thù, chúc lành cho kẻ nguyền rủa, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.

Câu chuyện của nữ tu Natalia là một minh chứng sống động. Khi bọn cướp đột nhập vào nhà mồ côi mà các chị phục vụ để cướp bóc, nhưng ngay sau đó sào huyệt của bọn cướp bị một cơn dịch bệnh nguy hiểm, thay vì căm hận hay oán trách, các nữ tu đã tình nguyện đi cứu chữa chính những kẻ đã bắt bớ mình. Đó chính là cách sống theo gương Chúa Giê-su, Đấng trên thập giá vẫn cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).

Chúa Giê-su không chỉ dạy chúng ta yêu thương, nhưng Người còn chỉ ra lý do: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36). Người mời gọi chúng ta sống theo gương Thiên Chúa, Đấng ban mưa xuống trên kẻ lành cũng như kẻ dữ (Mt 5,45). Khi sống tinh thần này, chúng ta không chỉ làm theo lẽ công bằng thông thường, mà còn thể hiện lòng nhân từ của Chúa giữa thế gian.

Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta sống quảng đại không chỉ với người yêu thương ta, mà cả với những người làm hại ta. Ngài hứa rằng: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn.” (Lc 6,38).

Tha thứ trong gia đình: Nhiều khi chúng ta dễ dàng giận dữ, oán trách nhau chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Hôm nay, Chúa mời gọi ta tập bao dung với vợ/chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em mình.

Tha thứ trong xã hội: Khi bị nói xấu, bị đối xử bất công, chúng ta hãy chọn cách cầu nguyện cho người đó thay vì oán trách họ.

Sống quảng đại: Chúa mời gọi ta cho đi không chỉ tiền bạc, mà cả thời gian, sức lực, tài năng của mình để phục vụ tha nhân. Khi ta trao ban, Chúa sẽ đổ lại cho ta ơn lành gấp bội.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim rộng mở, biết yêu thương không chỉ những người yêu thương chúng con, nhưng cả những ai làm tổn thương chúng con. Xin giúp chúng con biết tha thứ, biết làm ơn mà không mong đáp đền, để chúng con thực sự là con cái của Cha trên trời. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

https://thanhlinh.net/vi/hay-yeu-ke-thu-6

CỨ TRỖI DẬY! – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế


 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Thần câm điếc, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé, không được nhập vào nó nữa!”.

“Tội lỗi sẽ đưa bạn đi xa hơn quãng đường bạn từng nghĩ bạn sẽ đi lạc; nó khiến bạn lạc lối và nghĩ rằng, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy đường về. Tội lỗi sẽ giữ bạn lâu hơn bạn nghĩ bạn sẽ ở lại; nó khiến bạn trả giá đắt hơn cái giá bạn nghĩ bạn phải trả; và nó sẽ kìm hãm ý chí của bạn đến mức bạn nghĩ, bạn sẽ tuyệt vọng, không bao giờ trỗi dậy!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đến mức bạn nghĩ, bạn sẽ tuyệt vọng, không bao giờ trỗi dậy!”. Có thể như thế! Nhưng Tin Mừng hôm nay cho biết, không phải vậy! Sau khi Chúa Giêsu truyền lệnh cho một tên quỷ “ra khỏi đứa bé”, Ngài bảo, “Không được nhập vào nó nữa!” – điều này có nghĩa là – “Đừng sợ, tình trạng cũ sẽ không còn, ‘cứ trỗi dậy!’”.

Mệnh lệnh kép của Chúa Giêsu đáng cho chúng ta suy ngẫm. Chắc chắn, việc cứu một đứa bé khỏi sự chiếm hữu của quỷ là điều quan trọng; nhưng hành động thương xót này rồi sẽ kết thúc trong bi thảm nếu quỷ lại nhập vào nó sau khi Chúa Giêsu rời đi. Vì thế, mệnh lệnh thứ hai – cấm quỷ trở lại – cũng là một hành động rất xót thương.

Hành động này nói với chúng ta rằng, chiến thắng cái ác là không đủ, vì những cám dỗ và áp bức đến từ “quân đoàn các cơ binh” là liên tục và không ngưng nghỉ. Điều thường xảy ra là khi một người đã thoát khỏi ảnh hưởng của ma quỷ hay một tội lỗi nào đó, nếu người ấy lại sa vào tội cũ, họ sẽ trở nên buông thả hơn. Vậy hãy nhớ, một khi đã chiến thắng một tội, một cám dỗ hay một áp bức nào đó, bạn phải cảnh giác ‘gấp ngàn lần’ để không sa vào lối cũ. Cứ mạnh mẽ tiến về phía trước, khiêm tốn nhìn nhận sự bất lực của mình, gia tăng cầu nguyện, để chỉ cậy trông vào Chúa – vào chỉ một mình Ngài – và cho dầu có ngã trở lại, bạn ‘cứ trỗi dậy!’.

Hãy suy ngẫm về bất kỳ cám dỗ nào mà bạn đã chịu đựng, vượt qua, chỉ để lại rơi vào nó! Đặc biệt, suy ngẫm về tầm quan trọng của sự cảnh giác cần thiết để không những quyết tâm không tái phạm tội cũ mà còn tiến tới trong đàng thiêng liêng. Đừng quên, ma quỷ không bao giờ nương tay, nhưng Thiên Chúa lại ‘càng không khoan nhượng’ trong lòng trắc ẩn và ân sủng của Ngài! Hãy tiếp tục tiến bước để không bao giờ trượt ngã và tái phạm tội lỗi trước đó!

Anh Chị em,

“Ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!”. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui mừng, vì Chúa hứa, “Đừng sợ, tình trạng cũ sẽ không còn, ‘cứ trỗi dậy!’”; đồng thời, xin ơn khiêm nhượng và hiền lành. Khiêm nhượng không hệ tại ở việc hạ thấp bản thân, mà ở chỗ nhận ra thực tế yếu đuối tiềm tàng cũng như sự khốn cùng của mình. Từ sự khốn cùng này, khiêm tốn khiến chúng ta rời mắt khỏi chính mình để hướng mắt về Chúa – nguồn mạch khôn ngoan – cũng là Đấng có thể làm mọi sự và thậm chí đạt được cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình đạt được, vì Ngài “rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến” – bài đọc một. Chúa Giêsu từng nói, “Hãy đến với tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, tôi sẽ bổ sức cho!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con quên ‘dụng cụ cuối cùng’ trong hộp đồ nghề: lòng cậy trông! Nhờ đó, con sẽ không bao giờ thất vọng và luôn quyết tâm đi tới mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**********************************

Thứ Hai Tuần VII – Mùa Thường Niên

Thưa Thầy, tôi tin, nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.       Mc 9,14-29

14 Khi ấy, Đức Giê-su và ba môn đệ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. 15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người. 16 Người hỏi các môn đệ : “Anh em tranh luận gì với họ thế ?” 17 Một người trong đám đông trả lời : “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy ; cháu bị quỷ câm ám. 18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.” 19 Người đáp : “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin ! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ? Đem nó lại đây cho tôi.” 20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. 21 Người hỏi cha nó : “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi ?” Ông ấy đáp : “Thưa từ thuở bé. 22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” 23 Đức Giê-su nói với ông ta : “Sao lại nói : nếu Thầy có thể ? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” 24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên : “Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi !” 25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ : “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi : ra khỏi đứa bé, và không được nhập vào nó nữa !” 26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói : “Nó chết rồi !” 27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. 28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người : “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy ?” 29 Người đáp : “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”


 

CHẶNG THỨ 9: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba-Cha Vương

Chúc bạn một ngày thật sáng suốt khi xem xét khuyết điểm của mình, mà mù tối đối với khuyết điểm của người khác. Hãy cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 24/02/2025 24

CHẶNG THỨ 9: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

TIN MỪNG: Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời,

con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan. (Tv 22:15)

SUY NIỆM: Phạm tội thì dễ, xin lỗi thì khó, quyết tâm đừng phạm tội nữa thì càng khó hơn. Việc Chúa ngã xuống đất lần thứ ba nhắc nhở cho bạn về sự yếu đuối và mỏng dòn của con người, khi đã được tha thứ lại quay trở về những thói quen xấu trước đây. Căn tính “ngựa quen đường cũ” này làm cho Chúa hoàn toàn đuối sức kiệt quệ. Nhưng Ngài không nằm đó! Ngài gượng dậy một cách khó khăn đau đớn vì chỉ muốn cứu sống nhân loại. Tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa là thế đấy! Để đáp trả lại tình yêu này bạn hãy cố gắng và quyết tâm vươn lên để quay về ẩn náu trong mái ấm của người Cha nhân hậu và đừng nằm bẹp trong vũng bùn của tội lỗi nữa nhé.

XÉT MÌNH: Nếu bạn chân thành nhìn lại cuộc đời mình, có những tội nào bạn cần đến sự tha thứ của Chúa? Như bạn cần lương thực hàng ngày thế nào thì  bạn cũng cần được tha thứ như thế để được sống bình an và hạnh phúc. Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, khi con kiệt sức đừng để con bỏ cuộc nhưng hãy nâng con lên. Dù quá khứ con thể nào chăng nữa, xin giúp con biết quay về với Chúa để bắt đầu làm lại cuộc sống mới trong lòng đại dương của lòng thương xót Chúa.

From: Do Dzung

****************************

Đại dương thương xót -tinmung.net

SỰ CHẾT DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ VỀ CÁC MỐI TƯƠNG QUAN CỦA MÌNH- Lm. Nnamdi Moneme, OMV


Lm. Nnamdi Moneme, OMV

Nếu có thể, tôi sẽ trao tặng bất cứ thứ gì để ông ấy sống lại.

Đây không phải là một dòng trong một bản tình ca buồn, ít ra cũng không phải là một câu hát mà tôi biết.

Trái lại, đây thực sự là một lời cầu nguyện chân thành mà tôi đã nói với Chúa cách đây vài tháng khi bố tôi đột ngột qua đời.  Tôi biết điều đó là không thể nhưng tôi chỉ muốn bày tỏ ước muốn sâu sắc nhất của tôi với Chúa cho dù điều đó nghe có vẻ vô lý hay sai lầm về mặt thần học đến mức nào.

Lúc ấy, tôi không hề nhận ra rằng cái chết đang dạy cho tôi một trong những bài học quan trọng nhất trong cuộc đời.  Qua kinh nghiệm, tôi học được rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta là mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với người khác.  Khi trải nghiệm sự ra đi của người thân, chúng ta thấy mọi thứ khác như lu mờ đi so với việc có những giây phút quý giá ở bên những người mình yêu thương.

Sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác có vị trí ưu tiên trong cuộc sống này, trước hết là vì Thiên Chúa là mối tương quan của các Ngôi vị – Cha, Con và Thánh Thần.  Thiên Chúa cũng mong muốn đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu sắc hơn với Ngài và với người khác, đến nỗi đã chia sẻ sự sống của chính Ngài với chúng ta bằng ân sủng ngay trong hiện tại, và bằng vinh quang trong tương lai, “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.

Đây không phải là mong muốn hão huyền về phía Thiên Chúa.  Thiên Chúa sẽ ban cho và làm bất cứ điều gì để đưa chúng ta vào mối tương quan sâu sa hơn với Ngài.  Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài vì mối tương quan với chúng ta như là con cái của Ngài.  Con Thiên Chúa là Đức Giêsu đã phó mình trên thập giá cũng vì mối tương quan này, “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu, Ðấng tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1Tm 2, 5-6)  Chúng ta nhận được Chúa Thánh Thần cũng là để biến mối tương quan được thừa nhận này thành hiện thực.  Thiên Chúa không ngừng tha thứ tội lỗi và ban cho chúng ta những ân sủng vì mục đích này.

Được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, chúng ta cần tự vấn xem mình sẵn sàng để làm gì, để cho đi điều gì, và để lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và người khác?  Liệu chúng ta có đang nhận được lòng thương xót và ân sủng biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại đã không cố gắng để yêu mến Thiên Chúa và người lân cận không?

Người quản gia bất lương trong Tin Mừng Lc 16, 1-13 là một đầy tớ ích kỷ và hoang phí, anh ta dường như thường lạm dụng tài sản của ông chủ.  Anh đã bừng tỉnh khi nghe ông chủ nói, “Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” (c. 3).  Thời gian phục vụ của anh ta đã kết thúc.  Đây chẳng phải là điều mà Thiên Chúa cũng sẽ nói với chúng ta khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng và thời gian phục vụ trên trần gian của chúng ta cũng đến hồi kết sao?

Người quản lý đã biển thủ tiền bạc và trở thành người sử dụng tất cả những gì anh ta có trong tay – những tờ hẹn trả nợ – để đảm bảo tương lai của mình thông qua các mối tương quan tốt hơn với người khác.  Giờ đây, anh ta đầu tư vào các mối tương quan chứ không phải vào những mong muốn và mục tiêu ích kỷ của bản thân nữa, “Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (c. 4).

Đức Giêsu hướng sự chú ý vào người quản lý như một điển hình về cách chúng ta tận dụng hiệu quả tất cả những gì chúng ta đang có trong hiện tại, bởi vì tương lai của chúng ta phụ thuộc vào các mối tương quan của chúng ta hiện nay, “Thầy bảo cho các con biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (c. 9). Bất kể kiếm được và sử dụng như thế nào, thì sớm muộn gì của cải, dù đó là tiền bạc, sức khỏe, thành công, danh vọng, thú tiêu khiển,… cũng sẽ lụi tàn.

Nhưng sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác trên trái đất này chuẩn bị cho chúng ta sự giàu có không phai nhạt trên thiên đàng.

Có 3 câu hỏi giúp chúng ta tự phân định rằng liệu chúng ta có thực sự tận dụng mọi thứ để lớn lên trong mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác không:

  1. Những thứ này kiếm được như thế nào?

Có phải tôi thủ đắc những thứ này theo cách tôi tôn trọng quyền của Thiên Chúa không? Có phải do tham lam, trộm cắp, hoặc thiếu trung thực mà tôi giành được nó không?  Có phải tôi tìm kiếm và sở hữu của cải mà không quan tâm gì đến ý muốn của Thiên Chúa không?

Tôi có chà đạp lên quyền và phẩm giá của người khác; Tôi có lợi dụng người khác để có được của cải này không?

  1. Của cải đang được sử dụng như thế nào?

Của cải có được sử dụng để giúp tôi làm theo ý Chúa và giúp người khác cũng làm như thế hay nó là cách để tôi tự thỏa mãn hoặc tự khoe khoang?  Của cải có được sử dụng để phục vụ và quan tâm đến người khác hay để thống trị họ?  Của cải có đang làm vinh danh Chúa hay góp phần vào vương quốc bóng tối?  Của cải giúp tôi lớn lên trong sự thánh thiện hay khiến tôi trở nên xấu xa hơn?

  1. Ảnh hưởng của vật này đối với tôi là gì?

Món đồ này làm cho tôi biết ơn và tin tưởng vào Chúa hơn hay nó làm cho tôi kiêu ngạo và tự phụ?  Món đồ này có giúp tôi nhạy cảm với nhu cầu của người khác không?  Món đồ này khiến tôi trở nên ích kỷ hay vị tha hơn?  Món đồ này có phải là thần tượng, thứ mà tôi tôn thờ và khao khát khôn nguôi không?  Nó làm cho tôi nên tệ hại hay mang lại điều tốt nhất nơi tôi?

Chúng ta cần tự vấn với những câu hỏi này nếu chúng ta muốn tìm kiếm và tận hưởng của cải theo cách thế giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và người khác. Mọi thứ trong cuộc đời của chúng ta – thời gian, của cải, và tài năng – đều được trao cho chúng ta để chúng ta lớn lên trong tình yêu bằng việc sử dụng một cách thận trọng tất cả những gì chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa.  Chúng ta lãng phí khi tìm cách thu nhận và sử dụng chúng theo cách làm tổn thương mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác.

Vào giờ chết, sự phục vụ trên trần gian của chúng ta sẽ kết thúc.  Chúng ta phải tường trình với Thiên Chúa về tất cả những hồng ân mà Ngài ban cho chúng ta và chúng ta đã sử dụng những ân ban ấy như thế nào.  Thiên Chúa rất quảng đại khi ân ban nhưng Ngài hề lãng phí.  Hiện tại là thời điểm để chúng ta phát triển mối tương quan với Thiên Chúa và người khác bằng những khả năng, và sự hỗ trợ của ân sủng.

Thiên Chúa, Đấng thiết lập các mối tương quan, luôn nỗ lực để đưa chúng ta đi vào mối tương quan sâu sắc hơn với Ngài.  Thiên Chúa đến với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể để làm mới lại tình yêu của chúng ta đối với Ngài và người khác.  Thiên Chúa luôn hành động vì mối tương quan tốt lành và lâu dài này đối với chúng ta và người khác.  Ngài mời gọi chúng ta hãy luôn làm như vậy đối với tất cả những gì chúng ta sở hữu.

Chúng ta đừng đợi đến giây phút lâm chung – giờ chết của người thân hay của chính mình – để rút ra bài học này.

Lm. Nnamdi Moneme, OMV

Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP– 

(catholicexchange.com (20. 9. 2022)

From: Langthangchieutim


 

Tuổi thọ dài ngắn của con người nằm ở 4 chữ : cân bằng tâm lý

Bang Uong

Elizabeth Blackburn, người từng đoạt giải Nobel về Tâm lý học, nội dung nghiên cứu của bà có đề cập đến điểm đáng để mọi người chú ý. Đó chính là: Cân bằng tâm lý. Báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra: Người muốn sống trăm tuổi, ăn uống hợp lý chiếm 25%, những cái khác chiếm 25%, cân bằng tâm lý chiếm 50%. Vậy vì sao nhân tố “cân bằng tâm lý” lại chiếm một nửa yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ? Chúng ta nên làm thế nào để đạt được điều này?

Bởi vì “hormone căng thẳng” có khả năng gây tổn hại cho cơ thể, vì vậy trước khi trị bệnh cần chữa lành “trái tim”. Nghiên cứu tâm lý đã phát hiện ra rằng khi một người tức giận thì cơ thể sản sinh ra lượng hormone gây căng thẳng đủ để giết chết chuột. Vì vậy “hormone căng thẳng” còn được gọi là “hormone độc hại”.

Bệnh tật có liên quan đến việc cảm xúc bị đè nén

Khi con người hạnh phúc, não của họ sẽ tiết ra những “hormone có lợi”. Các hormone có lợi sẽ làm cho con người thư giãn và cảm thấy vui vẻ, đó là trạng thái thoải mái về cả thể chất lẫn tinh thần, từ đó điều phối và cân bằng các chức năng khác nhau trong cơ thể con người và tăng cường sức khỏe.

Vậy chúng ta áp dụng nó vào thực tế như thế nào để tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và giúp con người sống lâu hơn? Y học hiện đại đã phát hiện ra rằng 65% đến 90% các bệnh ở con người như xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, loét dạ dày, kinh nguyệt không đều, v.v. đều liên quan đến tâm lý cảm xúc bị đè nén. Do đó, những bệnh như vậy được gọi là bệnh tâm thân. Nếu một người cả ngày sống trong nôn nóng bất an, tức giận, căng thẳng… mức độ hormone căng thẳng duy trì ở mức cao trong thời gian dài, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ bị ức chế và phá hủy, hệ thống tim mạch cũng sẽ trở nên đặc biệt yếu đuối do phải làm việc quá sức trong thời gian dài.

Các mối quan hệ có thể còn quan trọng hơn việc bổ sung rau quả cũng như tập thể dục và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

“Nhân tế quan hệ” (mối quan hệ giữa người với người) là yếu tố số một quyết định tuổi thọ

Có người nói rằng, một phụ nữ nông dân ở Georgia đã sống được 132 năm 91 ngày. Khi ở tuổi 130, phóng viên từng hỏi bà bí quyết sống lâu, bà đã trả lời rằng: “Đầu tiên là gia đình hòa thuận…” Hai giáo sư tâm lý học ở Mỹ đã tiến hành nghiên cứu suốt 20 năm và phát hiện ra rằng, trong số những nhân tố quyết định ảnh hưởng đến tuổi thọ, yếu tố số một là “Mối quan hệ giữa người với người”. Họ nói rằng các mối quan hệ có thể còn quan trọng hơn việc bổ sung trái cây và rau củ cũng như tập thể dục và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Bốn chữ này – nhân tế quan hệ, mới là chìa khóa quyết định tuổi thọ của một người.

Con người là một quần thể sinh mệnh, tồn tại chính là sống trong mối quan hệ giữa người và người. Nhà tâm lý học Maslow đã tóm tắt 5 loại nhu cầu cuộc sống từ thấp đến cao như thế này: “nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thể hiện bản thân”. Ngoài nhu cầu sinh lý ra, những nhu cầu còn lại đều liên quan đến mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Khi “nhu cầu” được thỏa mãn, con người mới có được cảm giác vui sướng hạnh phúc!

“Mục tiêu” có thể kích thích lực sống của sinh mệnh

Nghiên cứu mới cho thấy “ý thức mạnh mẽ về mục tiêu” rất tốt cho sức khỏe, bởi vì trong cuộc sống này, việc có hay không có sự truy cầu sẽ quyết định trạng thái tâm lý của một người, cuối cùng là quyết định đến tình trạng sinh lý của người đó.

Mạch máu não của những người siêng năng suy nghĩ thường ở trạng thái căng ra, từ đó duy trì khả năng hoạt động của tế bào não và ngăn chặn tình trạng não bị lão hóa sớm. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng khi não luôn hoạt động sẽ làm cho lượng đường glucose gửi đến những nơi cần thiết nhất trong não được nhiều hơn.

Khi nghỉ ngơi, tỷ lệ sử dụng glucose trong não của người già thấp hơn so với người trẻ, nhưng khi não được sử dụng, lượng đường glucose thu được ở những phần hoạt động mạnh nhất của não không thấp hơn so với người trẻ.

Vì vậy, hoạt động não bộ cũng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và trì hoãn lão hóa của não.Đối xử tốt với người khác và thường xuyên làm những việc tốt giúp đỡ người sẽ sinh ra một cảm giác vui mừng, tự hào khó tả trong lòng, từ đó giảm khả năng sản sinh hormone căng thẳng và thúc đẩy tiết ra những “hormone có lợi”.

“Giúp đỡ mọi người” là liều thuốc chữa trầm cảm

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giúp đỡ về mặt “vật chất” cho người khác có thể làm giảm tỷ suất tử vong xuống 42%; hỗ trợ tinh thần cho người khác có thể giảm tỷ suất tử vong xuống 30%.

Tại sao giúp đỡ người khác lại có tác dụng chữa bệnh? Bởi vì đối xử tốt với người khác và thường xuyên làm những việc tốt giúp đỡ người sẽ sinh ra một cảm giác vui mừng, tự hào khó tả trong lòng, từ đó giảm khả năng sản sinh hormone căng thẳng và thúc đẩy tiết ra những “hormone có lợi”.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần cho rằng, việc dưỡng thành thói quen lấy việc giúp đỡ người khác làm vui là liều thuốc tốt nhất điều trị và ngăn ngừa bệnh trầm cảm.

“Cho đi thiện lương” là “nhận về lương thiện”

Như đã đề cập ở trên: “Mối quan hệ giữa các cá nhân là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến tuổi thọ”. Vậy chúng ta làm thế nào để tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân?

Quản Trọng nói: “Thiện khí nghênh nhân, thân như huynh đệ; ác khí nghênh nhân, hại vu qua binh”. Ý tứ rằng, mang theo thiện ý đón tiếp người thì mối quan hệ đó sẽ thân thiết như anh em, còn mang theo ác ý đón tiếp người thì mối quan hệ tiếp theo sẽ là thù địch. Mối quan hệ giữa người với người tốt hay không tốt dựa trên thiện tâm hay ác tâm. Người thiện tâm thì lời nói thiện lành. Người ác tâm thì lời nói ra chứa toàn ác ý.

Sự “cho đi thiện tâm” sẽ giúp mối quan hệ giữa người với người trở nên hài hòa hơn, như: khen ngợi, hài hước, mỉm cười, tôn trọng, lịch sự, hiền hòa, bao dung, tha thứ, quan tâm, cảm thông, trung thành, lắng nghe, v.v. Hãy luôn nhớ rằng: “Tâm trạng vui vẻ” mới là bí quyết để nâng cao tuổi thọ.

San San biên dịch.


 

Có hai tù nhân lương tâm vừa lặng lẽ trở về

Tác Giả: Đàn Chim Việt

22/02/2025

Nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quang Thuận

Ông Trần Phi Dũng (sinh năm 1966), thành viên nhóm Ân Đàn Đại Đạo (còn được gọi là Hội đồng Công Luật Công Án Bia Sơn hay Công Án Bia Sơn) vừa mãn án hôm 10/2/2025, sau 13 năm tù.

Ông Trần Phi Dũng

Ông Dũng bị bắt tháng 2/2012 cùng với 21 thành viên khác với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”- điều 79-BLHS năm 1999. Trong vụ án này, tòa án Phú Yên đã kết án 21 người tổng cộng 299 năm tù giam, chưa kể hàng chục năm bị quản chế sau án tù. Riêng ông Phan Văn Thu, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo, bị tuyên án “Chung thân” và đã qua đời trong nhà tù Gia Trung vào năm 2022, sau 10 năm thụ án.

Ân Đàn Đại Đạo xây dựng khu sinh thái Đá Bia rộng 48 héc-ta tại khu vực Suối Lớn, Đèo Cả, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên theo hướng “tiền sinh thái, hậu tổ đình”. Khu sinh thái Đá Bia được chính Nhà nước công nhận là khu “sinh thái quốc gia”. Tuy nhiên, hồi tháng 2 năm 2012, nhà cầm quyền bất ngờ lùa công an đột nhập vào khu sinh thái và bắt giữ hàng chục người, đương nhiên cướp trắng tài sản mà họ đã gầy dựng được.

Ngoài ông Phan Văn Thu, hai người khác cũng đã qua đời trong tù do bị ngược đãi và bệnh tật là ông Đoàn Đình Nam (qua đời năm 2019) và ông Phan Thanh Ý (năm 2022).
Ông Trần Phi Dũng ra tù trong tình trạng sức khỏe suy kiệt với một số căn bệnh nan y như tiểu đường, viêm khớp và huyết áp…

Do hoàn cảnh nghèo khó nên trong suốt 13 năm ở tù, gia đình ông chỉ đi thăm nuôi khoảng một năm từ một đến hai lần. Vì thế, con đường tù đày của ông Trần Phi Dũng càng trở nên khắc nghiệt. Hiện ông Dũng vẫn chưa thể đi bệnh viện để khám bệnh vì kinh tế quá khó khăn và việc đi lại của ông gặp khó khăn do án quản chế.

Trong một diễn biến khác, nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quang Thuận, còn được biết tới với biệt danh “Võ Phù Đổng” vừa được trả tự do vào sáng 22/2/2025. Thông tin được xác nhận bởi trang facebook Huỳnh Nghĩa. Ông Thuận được trả tự do sớm 9 ngày so với bản án 8 năm tù giam ông đã bị tuyên.

Tin cho hay, sáng ngày 22, cán bộ trại giam Nam Hà đã chở ông Thuận từ nhà tù này tới một bệnh viện tại Hà Nội để khám bệnh. Khám bệnh xong, công an đã chở ông về Thái Bình, là nơi ông có hộ khẩu thường trú, thay vì đưa ông về Hà Nội theo nguyện vọng, nơi trước khi bị bắt ông đã sống cùng mẹ và em trai trong một căn nhà trọ.

Ông Vũ Quang Thuận sinh năm 1966, người sáng lập phong trào Chấn Hưng Nước Việt, bị bắt vào đầu tháng 3 năm 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88-Bộ luật Hình sự 1999, cùng với hai đồng sự khác là Nguyễn Văn Điển và sinh viên Trần Hoàng Phúc. Ông Thuận bị kết án 8 năm tù giam, 5 năm quản chế. Trong thời gian ở tù, ông Thuận đã phải chiến đấu chống lại bệnh tật và sự ngược đãi của cai tù. Ông Thuận bị bệnh phổi nặng và sức khỏe ngày càng suy kiệt, đặc biệt là 3 năm trở lại đây.

Chính phủ Mỹ và nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế đã phản đối bản án dành cho Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc và ca ngợi họ như những công dân can đảm, chiến đấu vì các giá trị tự do.

Phạm Thanh Nghiên


 

Mẹ chỉ có thể kiểm soát bản thân mình -Truyện ngắn HAY

Thầy Cao Anh

Mẹ tôi không ngủ được. Bà cảm thấy kiệt sức. Bà cáu kỉnh, khó chịu và đắng cay. Bà luôn bị ốm, cho đến một ngày, đột nhiên, bà thay đổi.

Một ngày, ba tôi nói với mẹ: “Anh đã tìm việc suốt ba tháng nhưng không được, anh sẽ đi uống vài chai bia với bạn bè cho đỡ buồn.”

Mẹ tôi trả lời: “Ok anh.”

Anh trai tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, ở trường đai học, các môn con học đều không tốt.”

Mẹ tôi trả lời: “Được rồi, con sẽ vượt qua thôi, nếu không được thì con phải học lại, nhưng con phải tự đóng học phí.”

Chị gái tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con đã làm hỏng xe.”

Mẹ tôi trả lời: “Được rồi con, đem xe đi sửa và tìm cách trả tiền, trong khi chờ xe sửa xong, con có thể đi lại bằng xe buýt hoặc tàu điện ngầm.”

Chị dâu nói với mẹ: “Mẹ, con đến ở vài tháng với mẹ.”

Mẹ tôi trả lời: “Được rồi, con ở phòng khách và tìm mấy cái chăn trong tủ.”

Tất cả chúng tôi tất cả đều lo lắng vì những phản ứng lạ kiểu này của mẹ.

Chúng tôi nghi rằng do mẹ đã đi bác sĩ và bác sĩ kê cho mẹ một loại thuốc gọi là “Mẹ không quan tâm”… Có lẽ mẹ đang dùng thuốc này quá liều!

Sau đó, chúng tôi định tổ chức một cuộc “can thiệp” với mẹ để loại bỏ khả năng mẹ bị nghiện thuốc chống cáu giận gì đó.

Nhưng rồi… mẹ tập hợp chúng tôi lại và giải thích:

“Đã mất rất lâu mẹ mới nhận ra rằng mỗi người đều có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Mẹ đã phải mất nhiều năm để phát hiện ra rằng sự lo âu, căng thẳng, trầm cảm, giận dữ, mất ngủ và stress của mẹ không giải quyết được vấn đề của các con mà chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề của chính mẹ.

Mẹ không chịu trách nhiệm về hành động của bất kỳ ai và không phải là việc của mẹ để mang lại hạnh phúc cho các con, nhưng mẹ có trách nhiệm với cách mẹ phản ứng với những điều đó.

Vì vậy, mẹ đã đi đến kết luận rằng bổn phận của mẹ với chính mình là giữ bình tĩnh và để mỗi người các con tự giải quyết những gì thuộc về mình.

Mẹ đã tham gia các khóa học về yoga, thiền, phát triển con người, vệ sinh tâm trí và lập trình ngôn ngữ thần kinh, và trong tất cả các khóa học ấy, mẹ thấy có một điểm chung…

Mẹ chỉ có thể kiểm soát bản thân mình, các con có đủ tài nguyên cần thiết để giải quyết vấn đề của riêng các con dù có khó khăn đến đâu. Công việc của mẹ là cầu nguyện cho các con, yêu thương các con, động viên các con, nhưng việc giải quyết vấn đề và tìm kiếm hạnh phúc là trách nhiệm của chính các con.

Mẹ chỉ có thể đưa ra lời khuyên nếu các con yêu cầu, và các con có thể chọn làm theo hay không. Quyết định của các con sẽ có hậu quả, tốt hay xấu, và các con phải sống với những hậu quả đó.

Vì vậy, từ bây giờ, mẹ không còn là thùng rác chứa đựng trách nhiệm của các con, là bao gạo chứa đựng sự tội lỗi của các con, là máy giặt rửa những tiếc nuối của các con, là người bào chữa cho những lỗi lầm của các con, là bức tường của những lời than vãn, là kho chứa đựng các nhiệm vụ của các con, hay là người phải giải quyết vấn đề của các con hoặc thay lốp xe mỗi khi các con không thực hiện trách nhiệm.

Từ bây giờ, mẹ tuyên bố tất cả chúng ta đều là những người trưởng thành độc lập và tự chủ.

Tất cả chúng tôi đều ngẩn người khi nghe mẹ nói.

Từ ngày đó, gia đình bắt đầu hoạt động tốt hơn vì mỗi người trong nhà đều biết chính xác những gì mình cần phải làm.

Với một số người trong chúng ta, điều này thật khó khăn vì chúng ta đã lớn lên trong vai trò chăm sóc và cảm thấy có trách nhiệm với người khác. Làm mẹ và làm vợ, chúng ta luôn là người sửa chữa mọi thứ. Chúng ta không bao giờ muốn người thân yêu của mình phải trải qua những khó khăn hay đấu tranh. Chúng ta muốn mọi người đều hạnh phúc.

Tuy nhiên, càng sớm gỡ bỏ trách nhiệm đó khỏi vai mình và giao nó cho từng người thân yêu, chúng ta càng chuẩn bị tốt hơn cho họ để trở thành những người có trách nhiệm với cuộc sống của mình.

Chúng ta không ở trên đời này để phục vụ tất cả mọi người. Đừng đặt áp lực đấy lên bản thân.

St từ Chau Doan


 

CHẶNG THỨ 8: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem – Cha Vương

Chúc bạn một ngày thật sáng suốt khi xem xét khuyết điểm của mình, mà mù tối đối với khuyết điểm của người khác. Hãy cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ CN/23/02/2025 24

CHẶNG THỨ 8: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem

TIN MỪNG: Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. (Lc 23:27-28)

SUY NIỆM: Thương xót (thương cảm) nghĩa là đặt cảm xúc của mình vào hoàn cảnh khốn khổ của người khác để thấu hiểu nỗi đau của họ và được thể hiện qua hành động, còn thương hại (tội nghiệp) là chia sẻ nỗi đau mà một người dành cho người khác nhưng không được thể hiện qua hành động cụ thể để giúp đỡ/hỗ trợ. Những người phụ nữ này đã thể hiện cả hai phẩm chất này khi họ đồng hành với Chúa Giê-su, khi họ thấy thân xác Ngài bị bầm dập rách nát. Là những người theo Chúa, thốt lên hai chữ “tội nghiệp” không thì chưa đủ, bạn phải có lòng thương cảm nữa.

Noi gương các phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem, ước mong bạn có tấm lòng thương cảm khi bạn lắng nghe những khó khăn hoặc đau khổ của người khác, khi bạn nắm tay người ốm đau trên giường bệnh hoặc ôm ấp người đang đau buồn vì mất đi người thân yêu.

XÉT MÌNH: Thái độ của bạn thế nào khi bạn gặp kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc, kẻ vô gia cư? Đối với những người đau yếu bệnh tật, bạn đối xử với họ như thế nào? Có bao giờ bạn tự nguyện chia sẻ nỗi đau vì sự mất đi người thân yêu bằng cách đi tham dự nghi thức an táng cho người không liên hệ gì đến bạn không?

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sống vị tha, đừng khép kín trong cuộc sống ích kỷ cá nhân, đừng chạy theo những thú vui bên ngoài mà quên đi bổn phận và trách nhiệm cá nhân, lo cho gia đình và những người chung quanh con.

From:Do Dzung

**************************

Thập giá đời con | Nguyễn Hồng Ân (sáng tác : Lm. Phong Trần)