Hitler rất đông fans cuồng, khi lãnh đạo nước Đức quốc xã

Ba’o Tieng Dan

Nguyễn Thị Bích Hậu

21-2-2025

Sau Thế chiến 1, Đức thua trận. Từ một đế quốc hùng mạnh, nước này rơi vào vực thẳm của suy thoái kinh tế và tâm lý đại bại. Trong khi đó, họ phải gánh một khoản bồi thường chiến phí khủng là khoảng 63 tỉ USD quy đổi lúc đó, khoảng 768 tỉ USD ngày nay. Con số này sau đó đã được hạ xuống còn 33 tỉ USD, khoảng 402 tỉ USD ngày nay. Một con số mà trong thời điểm Đức suy thoái kinh tế trầm trọng, không đào đâu ra mà trả.

Dân Đức đa phần cảm thấy đau khổ, buồn bã, thất vọng, tinh thần xuống dốc, cùng nạn thất nghiệp và nghèo đói đe dọa cuộc sống cá nhân và gia đình họ.

Đúng lúc đó, Hitler xuất hiện và đưa ra học thuyết riêng muốn vực dậy nước Đức, đưa nước này trở lại vị trí hùng mạnh ở châu Âu và thậm chí sẽ là số 1 toàn cầu. Theo đó đế chế thứ 3 của Hitler sẽ nối tiếp đế chế La Mã và đế chế Bismarck. Và đây chính là sứ mệnh của “một dân tộc thượng đẳng”.

Để hiện thực hóa điều này, Hitler đi diễn thuyết khắp nơi và tài diễn thuyết của ổng khiến không ít dân Đức phát cuồng, thành fans trung thành của ổng.

Ngày 30/1/1933, Hitler đắc cử trong cuộc bầu cử Thủ tướng Đức. Vào ngày 2/8/1934, Tổng thống Hindenburg qua đời. Ngay sau đó, Hitler ra thông báo gộp hai chức vụ Thủ tướng và Tổng thống làm một. Vậy là ổng thành lãnh tụ tối cao.

Để chứng minh năng lực của mình có thể làm nền kinh tế vực dậy, Hitler dùng một giải pháp đơn giản hơn ‘đan rổ’ là bắt người Do Thái phải đăng ký tất cả tài sản trên 2.000USD, thực ra là để truy thu, và đã thu về hơn ba tỷ USD cho chính quyền Đức bấy giờ.

Ổng khôn khéo đưa nước Đức thoát khỏi cái bóng của Hòa ước Versailles. Kế đến là tiến hành chương trình tái vũ trang quân đội quy mô lớn.

Cùng lúc, Hitler chặt đứt những tiếng nói phản biện, đồng thời xóa sổ những tổ chức có thể là địch thủ, cùng lúc với việc đẩy hệ thống tuyên truyền lừa mị với mọi thông tin dối trá lên tới đỉnh cao.

Khi nhiều người dân Đức từ sự cả tin trước những lời lừa dối, họ chuyển qua việc đi theo Đức Quốc xã một cách mê muội, thì Hitler hoàn toàn thành công. Ổng dẫn tất cả tới việc châm ngòi Thế chiến 2 và nạn diệt chủng Holocaust, khiến cỡ 85 triệu người trên toàn cầu chết thê thảm.

Tóm lại ngay cả dân một xứ rất trọng lý tính, làm việc kỷ luật và bài bản như Đức mà khi rơi vào thế khó khăn cũng có thể bị thành fans cuồng và ủng hộ một kẻ khủng khiếp như Hitler, thì những dân xứ khác cũng khó tránh khỏi nanh vuốt của những kẻ tương tự.

Tỉnh táo, bình tĩnh, có đủ hiểu biết và lương tri để không mắc sai lầm khi chạy theo một chính khách thâm độc, luôn là điều khó.


 

CHẶNG THỨ 6: Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lau mặt-Cha Vương

Cha Vương

Thư 6: 21/02/2025

CHẶNG THỨ 6: Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lau mặt

TIN MỪNG: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:40,42)

SUY NIỆM: Bà Veronica có lẽ là một người rất can đảm và liều lĩnh, dám lấy khăn thấm máu mặt một tên tử tội trên đường đến pháp trường. Không biết bà có nhận ra đó là Chúa Giê-su hay không nhưng cử chỉ của bà đã vạch ra một lối sống, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình thì bà lại luôn quan tâm đến người khác, lòng bà bị dày vò bởi sự khốn khổ của nhân loại, cho dù người đó là một người xa lạ, hay thậm chí là kẻ thù. Có bao giờ lòng bạn bị dày vò trước nỗi khổ của người khác chưa? Phản ứng của bạn ra sao? Ai là người cần đến sự giúp đỡ của bạn trong lúc này?

XÉT MÌNH: Đã bao lần bạn ngoảnh mặt làm ngơ hoặc thiếu bác ái trước những hoàn cảnh khốn khó của một ai đó, hoặc không chia sẻ gánh nặng hằng ngày với những người trong gia đình và những người chung quanh? Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, qua gương của bà Veronica, xin mở mắt con để con  khám phá ra khuôn mặt của Chúa nơi những người đang sống trong cảnh bần cùng đói khổ mà biết quan tâm, chia sẻ với hết khả năng của con hôm nay. Amen.

From: Do Dzung

***************************

Bảo Trân – Chúa Trong Đời Con 

“Ông bán số trứng này giá bao nhiêu?”-Truyện rất ngắn

Dao Van Ba is with Nguyễn Trung Tính

Một bài viết từ e-mail của bạn Khanhvngo st, tôi chép lên Facebook để nhiều bạn đọc lại vẫn thấy thấm nhé !

Lâu lâu đọc lại vẫn thấy thấm

Người phụ nữ hỏi lão già: “Ông bán số trứng này giá bao nhiêu?”

Lão bán trứng trả lời: “3.000₫ một quả, thưa bà.”

Người phụ nữ liền nói: “6 quả 12.000₫, không bán tôi mua chỗ khác.”

Lão bán trứng nói: “Cứ mua với cái giá mà bà muốn. Có thể đây là khởi đầu tốt, bởi từ sáng tới giờ tôi vẫn chưa bán được quả nào.”

Người phụ nữ lấy những quả trứng và rời đi, lòng thầm đắc thắng.

Bà ta ngồi trên chiếc ô tô ưa thích của mình, tới một nhà hàng sang trọng để dùng bữa với bạn bè. Ở đó, bà và người bạn gọi bất cứ món ăn nào họ thích. Sau đó, bà ra quầy thanh toán. Hóa đơn trị giá 1.950.000₫ trả tới 2 triệu và còn dặn người chủ nhà hàng không cần thối lại.

Tình huống này xem ra khá quen thuộc với người chủ cửa hàng, nhưng thật quá nhẫn tâm với ông già nghèo khổ bán trứng gà kia.

Vấn đề mấu chốt ở đây là: Tại sao chúng ta cứ phải tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó? Và tại sao chúng ta luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta?

Có lần tôi đọc được ở đâu đó một câu chuyện:

“Bố tôi có thói quen mua những thứ đồ nho nhỏ với giá cao từ những người nghèo khó, mặc dù ông không hề cần đến. Thỉnh thoảng ông thậm chí còn trả thêm tiền cho chúng. Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy? Bố tôi bèn nói: “Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ.”

Sưu tầm


 

MƠ ƯỚC NHƯ NGÀI ƯỚC MƠ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”.

“Tôi ước đủ trung thực để thừa nhận mọi khiếm khuyết; đủ thông minh để phân định lời tâng bốc; đủ cao để đứng trên sự dối trá; đủ mạnh để trân trọng tình yêu; đủ dũng cảm để đón nhận lời chỉ trích; đủ từ bi để hiểu yếu đuối của người khác; đủ sáng suốt để nhận lỗi; đủ khiêm tốn để đánh giá sự vĩ đại; đủ công chính để tận hiến cho Chúa; và đủ quảng đại để nên giống Chúa Kitô, hầu có thể mơ ước như ngài ước mơ!” – G. Taggart.

Kính thưa Anh Chị em,

Giấc mơ của Taggart được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Nó đặt ra một câu hỏi căn bản, “Bạn có muốn theo Chúa Kitô không?”; nói cách khác, “Bạn có muốn trở nên con người mà Chúa muốn bạn trở thành hầu có thể ‘mơ ước như Ngài ước mơ?’”.

Trừ khi câu hỏi này được trả lời trước, phần còn lại của những gì Chúa Giêsu nói sẽ không ảnh hưởng gì đến bạn và tôi! “Ai muốn theo tôi” tiết lộ rằng, ước muốn đi theo Chúa Kitô thường không phải là bước đầu tiên mà là bước cuối cùng! Bước đầu tiên là hiểu biết sự thật và yêu mến nó; bước thứ hai là làm theo những gì đã chọn; và bước thứ ba, sống và ‘mơ ước như Ngài ước mơ’ – vì lẽ – ân sủng Chúa Kitô đã tác động và bắt đầu biến đổi. Vậy, bạn sẽ “ước” điều gì một khi đã quyết định đi theo Chúa Kitô? Bạn sẽ ước muốn cả những gì Chúa Giêsu tiết lộ tiếp theo, đó là ước ao từ bỏ chính mình, vác thập giá và bước theo Ngài mỗi ngày. Bạn có thực sự ước được điều đó?

Thật dễ dàng để khao khát yêu và được yêu; tất cả chúng ta đều thích những lời tử tế và quan tâm, cả khi cho và khi nhận chúng. Nhưng một khi tình yêu Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta hướng đến sự vị tha và hy sinh ở một cấp độ cao hơn – hoặc cao nhất – và nếu bạn làm được thì đây chính là sự hoàn hảo của tình yêu! Nói cách khác, chúng ta được mời gọi để yêu thương mà không cần cân nhắc giá phải trả hay những đòi hỏi mà tình yêu đặt ra. Chúng ta được mời gọi yêu thương cả những gì đau đớn và gai góc một khi đó là ý muốn của Chúa. Ý muốn của Ngài hẳn bao gồm mọi hy sinh, ngay cả cái chết. Và như thế, tình yêu đích thực của chúng ta với Ngài – cuối cùng – là ‘mơ ước như ngài ước mơ!’.

Anh Chị em,

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”. Việc theo Chúa Kitô của bạn đòi hỏi một sự sẵn sàng đón nhận; thậm chí khao khát tất cả những gì ‘việc đi theo’ đó đòi hỏi! Chính Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài sẽ đặt ước muốn tốt lành ấy trong bạn. Hãy nói “Có” với Ngài, với Thập Giá của Ngài. Cuối cùng, bạn sẽ mãi mãi biết ơn chính mình về những gì đã làm! Và như thế, bạn đã đạt đến mức độ yêu thương mà qua đó, ước muốn hiến thân hoàn toàn cho Ngài mà không tính toán, dè giữ; thậm chí ước muốn cả những hành vi toàn hiến như Ngài, Đấng đã ôm lấy thập giá đời mình mà không do dự vì tình yêu Chúa Cha và tình yêu nhân loại; trong đó, có bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn nên giống Chúa! Dạy con bỏ mình mỗi ngày – từ việc nhỏ cho đến việc lớn – ý Chúa, không phải ý con; hầu con có thể ‘mơ ước như Ngài ước mơ!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************

Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 8,34 – 9,1)

8 34 Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ? 37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ? 38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”

9 1 Đức Giê-su còn nói với họ : “Tôi bảo thật các người : trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

Nguyễn Thị Hoài Thanh – Tưởng Năng Tiến

Ba’o NguoiViet

February 20, 2025

Tưởng Năng Tiến

Trong những phụ nữ thuộc thế hệ chị và mẹ của mình, tôi thương nhất chị Thanh và dì Bẩy. Khi còn đôi tám, người ta thường gọi dì là con Bẩy.

“Giọng hát của con Bẩy đưa đò khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh; giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng sông, chuyển rung mặt nuớc.” (Sơn Nam. “Con Bẩy Đưa Đò”. Hương Rừng Cà Mau. Trí Đăng, Sài Gòn: 192).

Tài sắc, cũng như đức hạnh, không mấy khi mang lại hạnh phúc và may mắn cho những kẻ sinh ra trong thời ly loạn. Cuộc đời cô Bẩy (rất) không may và (hoàn toàn) không hạnh phúc.

Lúc còn thanh xuân, cô gặp (và yêu) một chàng trai trên dòng Cái Lớn. Chàng từ Bình Thủy xuống, đẹp trai, lịch thiệp, và hò hát cũng rất hay. Chỉ có điều đáng tiếc là người ta không phải loại “thường dân” nên không chịu cùng cô Bẩy kết duyên đôi lứa và sống an phận thủ thường (như những đám lục bình trôi) nơi ao hồ sông rạch.

Nghe qua con Bẩy bùi ngùi tấc dạ; từ chỗ kính mến đến chỗ yêu thương chàng trai đó cũng không xa mấy. Con Bẩy nhìn vầng trăng khuyết vừa hé lên khỏi ngọn bần.

– Bao giờ chàng trở lại em xin chờ.
Chàng cười mà đáp:
– Cảm ơn.
– Lời em hứa là chắc. Hay là chàng không tin nơi lời nguyền của gái đưa đò.
– Đâu phải vậy. Chỉ sợ tôi không giữ đúng lời hứa … Chí trai bốn biển là nhà…
Dứt lời chàng đứng dậy cất mái chèo. Con Bẩy xúc động rưng rưng nước mắt. Duyên may một đời chưa chắc gặp hai lần.
– Vậy thì xin chàng dậy cho em một hai câu hò để em nhớ đời.
– Cô hò đã hay mà lại có duyên. Tôi còn biết gì mà dậy thêm. Họa chăng chỉ có một tấm lòng này…
Một tấm lòng! Con Bẩy mãi suy nghĩ về ba tiếng đó, chừng giựt mình nhìn lại thì chàng đã khuất dạng trong lớp sương khuya.
 (Sơn N. sđd, tr. 57).

Con Bẩy chờ hoài, chờ hủy nhưng người xưa không quay về bến cũ. Thời gian thì đâu có chịu đợi ai. Tuổi đời khiến con Bẩy Đưa Đò trở thành một phụ nữ bán thịt tại chợ Vàm, ở ven sông. Thịt luộc của dì Bẩy nổi tiếng là “ngon hết biết” luôn.

“Một hôm, có người năn nỉ xin chỉ cho cách luộc thịt. Dì Bẩy thoáng ngậm ngùi:

– Cái việc hò hát cũng như cái việc luộc thịt heo vậy. Ai làm cũng được. Cách thức dễ ợt. Nhưng mà công phu lắm.
– Công phu là thế nào dì Bẩy?
– Ở đây, hồi đó có người nói là cần một tấm lòng”. (Sơn Nam. sđd trang 59).

Chao ơi, một tấm lòng! Sống không có (ngó) cũng kỳ mà có thì phiền lắm và (đôi khi) phiền lớn. Cũng như dì Bẩy, chị Thanh lao đao lận đận – suốt cả cuộc đời – cũng chỉ vì một tấm lòng thủy chung, và đôn hậu của mình.

Tương tự như thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha (vào đầu thập niên 1940) nơi mà nhiều người dân Âu Châu đã tìm đến, với hy vọng có cơ may chạy thoát khỏi sự săn đuổi chủ nghĩa phát xít. Hải Phòng, hồi đầu thập niên 50, cũng thế. Cũng là  ngưỡng cửa của sự tử sinh.

Hàng triệu người Việt muốn lánh nạn cộng sản cũng đã tìm đến bến cảng này, với hy vọng tìm được một con tầu để đưa họ vào Nam. Chỉ riêng Nguyễn Thị Hoài Thanh quyết định ở lại thôi. Bà Nguyễn Thị Thêu kể lại: “Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước, gia đình tôi ra Hải Phòng để chờ ngày di cư vào Nam. Hoài Thanh vốn là người Hải Phòng nên ba tháng hè chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Tôi rủ Hoài Thanh di cư vào Sài Gòn nhiều lần, nhưng Hoài Thanh bảo: “Tao chờ anh Trúc ở ngoài kháng chiến về.” (Nguyễn Thị Hoài Thanh. “Luyến Tiếc”. Hoa Phượng. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2007).

Không ai trở lại, như chị Thanh (và dì Bẩy) đã mong ngóng cả. Người đời rồi cũng dần lãng quên cái giọng hát “khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh” của cô gái đưa đò (xuân sắc) năm xưa. Thời gian cứ để mặc cho dì Bẩy sống mãi trong lặng lẽ và cô đơn, cạnh một bến sông êm đềm, ở miền Nam.

Chị Thanh, buồn thay, đã không có được sự “may mắn” tương tự như dì Bẩy hồi mấy mươi năm trước. Cái giá mà chị phải trả cho tấm lòng trung hậu của mình mắc mỏ hơn nhiều. Ở miền Bắc, nơi mà (miếng thịt lợn chao ơi là vĩ đại, miếng thịt bò vĩ đại gấp hai) thịt thà được phân phối độc quyền bởi nhà cầm quyền nên chị Thanh đành phải bán than :

Em lội giữa đống than như con cá mắc cạn
Cố vẫy vùng cho vượt khỏi gian truân…

(Chu Tất Tiến. “Viết Về Một Người Mang Tên Nguyễn Thị Hoài Thanh.” Hoa Phượng. Tiếng Quê Hương, Virginia: 2007).

Sống “trong lòng cách mạng” mà muốn “vượt khỏi gian truân” thì e là điều bất khả. Lý lịch trích ngang của Nguyễn Thị Hoài Thanh được Bùi Ngọc Tấn tóm tắt, như sau:

“Có việc gì mà không trải qua. Hãy kể những việc chính: Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất nhập khẩu, đứng máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, súc sạc ắc qui Công Ty Quốc Doanh Đánh Cá Hạ long… Đó là chưa kể còn đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm … Đồng lương không đủ nuôi mình mà còn phải nuôi con.”  (Bùi Ngọc Tấn. “Một Mơ Ước Về Kiếp Sau.” Viết Về Bè Bạn. Tiếng Quê Hương, Virginia: 2005).

Chưa hết, còn có “huyền thoại” là chị Thanh có hai ông anh đã di cư: Nguyễn Xuân Vinh và Nguyễn Cao Kỳ. Cả hai đều (từng) là tư lệnh không quân của miền Nam. Huyền thoại này chỉ đúng năm chục phần trăm. Quả thực, chị là em của ông Nguyễn Xuân Vinh. Ở miền Bắc, có một ông anh cỡ đó cũng đủ chết (dở) rồi. Đâu cần đến cả hai. “Dường như biết rằng có những dư luận bất lợi cho mình và mọi người nhìn mình bằng con mắt nghi kỵ xa lánh nên chị không chủ động thân thiết gần gũi với một ai.” (Bùi N.T. sđd, trang 99).

Chị sống thui thủi một mình là phải :

Sau hổi kẻng tan ca
Tôi ngã vào vòng tay lạnh lẽo của mùa đông.

Đời sống cái gia đình nhỏ bé của riêng chị Thanh lại là một thảm kịch khác. “Thời con gái chị vốn xinh đẹp. Nhất dáng nhì da. Chị được cả hai. Nhưng hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn, hai lần ly dị. Vẻ đẹp của tuổi ba muơi đang chín. Cái sắc đẹp không chủ đã gây cho chị biết bao nhiêu khó khăn, nhiều khi cả nguy hiểm nữa… Hình như Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh ra là để gặp rắc rối và  vượt qua những rắc rối khó khăn. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh, không kêu ca như cuộc đời vốn như vậy.” (Bùi N.T. sđd, trang 101 -104).

Hình: tác giả cung cấp)

Thì quả đúng “như vậy” thật nhưng sao, đôi lúc, tôi vẫn nghe dường như có tiếng chị thở dài – dù (rất) khẽ :

Sông Cấm ơi! Sông như người bạn mới quen
Thân thiết thế mà sao không hiểu được
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi, với bóng là ba
Bóng tôi nghiêng với bao la
Sông mang về biển
Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông?

Sông Cấm, đã có lúc, mang “nguyên vẹn” hình bóng của người thơ ra biển nhưng  chị Thanh đã không giữ được nguyên vẹn hình hài của chính mình: “Tai nạn xẩy ra ngay ngã Sáu, gần nhà tôi. Chị nằm ngất trên đường mưa dầm ngày tết, mặt đường sền sệt một thứ nước bùn hoa. Cánh tay dập nát, xương gẫy… Chị bảo người nhà xin cho người tài xế đã gây ra tai nạn vì người ta không cố ý, người ta cũng khổ như mình.” (Bùi N.T. sđd, trang 111-112).

Sau đó, sau khi bị thương tật – ở tuổi sáu muơi – chị Thanh sẽ không bao giờ còn được “khổ như” nhiều người dân Việt (trung bình) khác nữa. Có lẽ, chỉ còn có cách ăn xin để sống còn – như chị đã từng nghĩ thế. Nhưng lòng tự trọng quá lớn đã không cho phép chị Thanh làm thế. Loay  hoay một thời gian rồi chị cũng nghĩ ra một cách sinh nhai khác, lịch sự hơn: chị vào Nam đi … mót!

Với dân Việt thì gặt lúa, bẻ bắp, rỡ khoai, rỡ lạc là những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày. Mót lúa, mót bắp, mót khoai, mót lạc …cũng là những sinh hoạt quen thuộc khác – với những nông dân khốn khó hơn, như trường hợp của chị Thanh. Có chiều, ở Đồng Xoài, trong khi chờ người ta thu hoạch xong (để mót lạc) chị đang ngồi chơi vẩn vơ đùa nghịch với những cây hoa mắc cỡ thì ý thơ chợt đến :

Chiều lặng ngồi bên cây xấu hổ
Lá thẹn thò sau đám cỏ rối bời
Hãy ngoảnh mặt lại đây
Có gì đâu mà mắc cở
Chỉ mình ta bầu bạn với ta thôi.

Có gì đâu mà mắc cở? Vậy mà tôi cứ xấu hổ mãi, sau khi đọc xong tập thơ Hoa Phượng – nhất là những bài chị Thanh viết về Di Linh, Đức Trọng, Tùng Nghĩa … Đó là những địa danh mà tôi cũng đã từng sống qua, một cách rất vô tình, và đã đành đoạn bỏ đi – cũng vô tình không kém!

Chị Thanh thì khác. Từ Bắc vào Nam, không một người thân quyến, chị không đi để “nhận họ nhận hàng” với bất cứ ai. Chị bước qua tất cả những vùng đất xa lạ của quê hương, với tất cả sự hồn nhiên và bằng một tấm lòng phơi phới :

Khi ta đến Di Linh chiều rất trẻ
Tiếng nắng về dát bạc dưới lòng thung…

Chị Thanh đến mọi nơi với tất cả sự thiết tha, khi chia tay cũng vô cùng tha thiết :

Tạm biệt nhé Di Linh thôi chào nhé
Ở chưa quen đã vội vã ra về …

Trong chị Thanh chỉ có một tấm lòng, chứ tuyệt nhiên không có “những bức tường lòng” phân cách Bắc/ Trung/ Nam – như rất nhiều người Việt khác. Tình cảm của chị tinh khiết, trong veo, và tươi mát tựa như dòng nước của một con suối nhỏ – róc rách, len lách – khắp mọi miền của tổ quốc thân yêu. Bởi thế, dù không biết chính xác chị được chôn cất nơi nao tôi vẫn tin rằng ở bất cứ đâu thì đất nước này cũng đều hân hoan ấp ủ hình hài của người thơ đa cảm, tài hoa, và truân chuyên nhất của dân tộc. Vĩnh biệt Nguyễn Thị Hoài Thanh. Em mong chị mãi mãi được an nghỉ trong an lành và thanh thản!


 

CÂU CHUYỆN ĐÁNG NHỚ VỀ STEVE JOBS

Năm 2005, Steve Jobs được mời tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp cho các sinh viên của trường Đại học Stanford với tư cách là khách mời danh dự. Tại đây, trước hàng ngàn sinh viên, Steve Jobs đã có một bài diễn văn dù chỉ kéo dài chưa đến 15 phút nhưng những gì ông nói đã trở thành “kinh điển”. Lần đầu tiên trong cuộc đời đầy những biến cố thăng trầm, vinh quang và cay đắng của mình, Steve Jobs đã tiết lộ những chuyện mà ông chưa từng nói như lý do vì sao ông bỏ học, về tình yêu, cuộc sống và cả về cái chết.

Đến nay, những câu nói của ông vẫn được những nhiều người trích dẫn, sử dụng như những “kim chỉ nam” cho cuộc đời của họ.

Ngày 5/10/2011, Steve Jobs đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 56. Để tưởng nhớ Steve Jobs, chúng ta hãy cùng nghe lại bài diễn văn và 3 câu chuyện về cuộc đời ông.

Tôi rất vinh dự được có mặt tại lễ phát bằng tốt nghiệp của các bạn ngày hôm nay tại một trường đại học danh giá bậc nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Nói một cách trung thực nhất thì thực ra, tôi chưa bao giờ học đại học.

Ngày hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe ba câu chuyện đã từng xẩy ra trong cuộc đời tôi. Chỉ như vậy thôi, không có gì to tát, chỉ đơn giản là ba câu chuyện.

Câu chuyện thứ nhất là về việc kết nối những dấu chấm

Tôi đã bỏ học chỉ sau sáu tháng theo học trường cao đẳng Reed, tôi lưu lại đó tạm thời trong vòng 18 tháng nữa trước khi tôi chính thức rời trường Reed.

Tại sao tôi lại bỏ học?

Tôi đã bắt đầu điều đó khi tôi mới được sinh ra. Mẹ ruột của tôi là một nữ sinh viên trẻ, độc thân và bà đã quyết định cho tôi đi làm con nuôi. Bà thực sự muốn tôi được làm con nuôi của những người đã tốt nghiệp đại học. Vì vậy, tất cả mọi chuyện đã được sắp đặt để tôi trở thành con nuôi của một cặp vợ chồng luật sư. Tuy nhiên, tất cả chuyện đó đã bị thay đổi ở giờ chót khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời, họ đã đổi ý và nói rằng họ muốn nhận một đứa bé gái làm con nuôi chứ không phải tôi.

Chính vì thế, cha mẹ nuôi của tôi lúc đó trong danh sách chờ đã nhận được một cú điện thoại vào lúc nửa đêm hỏi có muốn nhận tôi, một đứa bé trai được sinh ra không mong đợi, làm con nuôi hay không. Cha mẹ tôi đã trả lời rằng họ đồng ý. Tuy nhiên, sau đó, mẹ ruột của tôi biết được mẹ nuôi tương lai của tôi chưa tốt nghiệp đại học và cha nuôi của tôi chưa tốt nghiệp trung học, bà đã từ chối ký vào giấy tờ giao nhận con nuôi. Một vài tháng sau bà mới đồng ý khi cha mẹ nuôi của tôi hứa sẽ cho tôi đi học đại học.

17 năm sau, tôi cũng vào đại học, nhưng tôi đã rất ngây thơ khi chọn một trường đại học danh giá ngang hàng với Stanford. Tất cả tiền tiết kiệm của cha mẹ tôi đã phải dành để đóng học phí cho tôi. Sau sáu tháng, tôi chẳng thấy được ích lợi gì của việc học đại học. Tôi chẳng có một câu trả lời nào về việc tôi sẽ làm gì với cuộc đời của mình và cũng chẳng tin rằng trường đại học có thể giúp tôi trả lời câu hỏi đó. Tôi đã tiêu tất cả tiền tiết kiệm của cha mẹ tôi dành dụm phòng khi về hưu vào trường đại học. Vì vậy tôi đã quyết định bỏ học và tin tưởng rằng rồi mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp thôi. Tại thời điểm đó, mọi việc dường như có vẻ rất khó khăn nhưng khi nhìn lại, tôi lại thấy rằng đó là một quyết định đúng đắn nhất của tôi. Giây phút mà tôi bỏ học, tôi đã từ bỏ những môn học mà tôi không hề thích, thay vào đó, tôi bắt đầu tìm hiểu những môn học khác có vẻ như thú vị hơn rất nhiều.

Mọi chuyện diễn ra không lãng mạn một chút nào. Tôi không có phòng trọ vì vậy, tôi phải ngủ nhờ dưới sàn nhà trong phòng trọ của các bạn tôi. Tôi kiếm tiền mua đồ ăn bằng việc bán các vỏ chai Coca-cola với giá 5 xu và mỗi tuần tôi đi bộ 7 dặm qua phía bên kia thành phố để có được một bữa ăn ngon ở trại Hare Krishna. Tôi rất thích những món ăn ở đó. Sau này, tôi mới biết được rằng những gì mà tôi đã phải trải qua khi cố gắng theo đuổi niềm đam mê của mình là vô giá. Tôi sẽ lấy một ví dụ cho các bạn:

Có lẽ ở thời điểm đó, trường Reed là trường duy nhất của cả nước giới thiệu nghệ thuật viết chữ đẹp. Ở tất các các khu học xá, tất cả các poster, tiêu đề của tất cả các tranh vẽ đều được viết tay rất đẹp. Vì tôi đã thôi học và không phải tham gia vào những khóa học bắt buộc thông thường nên tôi đã quyết định tham gia khóa học nghệ thuật viết chữ đẹp. Tôi học cách viết các chữ có nét ở chân, những biến đổi về khoảng cách giữa các nét chữ, học cách trình bầy một bản in lớn sao cho đẹp. Tôi nhận thấy rằng đây là một môn học mang tính nghệ thuật, lịch sử và đẹp một cách tinh vi mà khoa học không thể làm được.

Những thứ đó dường như chẳng có ý nghĩa thực tế gì cho cuộc sống của tôi. Tuy nhiên, 10 năm sau này, khi chúng tôi đang thiết kế thế hệ đầu tiền của máy tính Machintosh, tất cả những điều đó dường như lại trở lại với tôi và chúng tôi đã thiết kế để cài đặt tất cả những mẫu chữ đó vào máy tính, Machintosh là máy tính đầu tiên có những mẫu chữ nghệ thuật rất đẹp. Nếu như tôi không tham gia vào khóa học đó ở trường thì Mac sẽ chẳng bao giờ có nhiều phông chữ như vậy. Kể từ khi Windows copy những mẫu chữ đó của Mac thì không có một máy tính cá nhân nào không có những phông chữ đó. Nếu tôi không bỏ học và không tham gia vào khóa học viết chữ đẹp thì tất cả các máy tính cá nhân bây giờ có thể chẳng có được chúng. Tất nhiên là khi tôi đang ở trường đại học thì tôi không thể kết nối những điểm mốc đó khi nó còn đang ở tương lai phía trước. Nhưng 10 năm sau thì những điều đó rất, rất rõ ràng.

Một lần nữa tôi muốn nói với các bạn rằng, chúng ta không thể biết những điểm mốc có nối kết với nhau trong tương lai không, các bạn chỉ có thể biết những điều đó khi nhìn lại mà thôi. Vì thế, các bạn hãy tin tưởng rằng, theo một cách nào nó, những điểm mốc sẽ nối kết với nhau trong tương lai của bạn. Các bạn cũng cần phải tin vào một số thứ khác như: sự quyết tâm, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả hoặc bất cứ cái gì. Phương pháp đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng và nó đã tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của tôi.

Câu chuyện thứ hai của tôi là về tình yêu và sự mất mát

Tôi đã rất may mắn khi tôi đã muốn bắt đầu làm việc từ rất sớm. Woz và tôi đã bắt đầu những trang đầu tiên cho lịch sử của Apple trong gara của cha mẹ tôi khi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để sau 10 năm, từ chỗ chỉ có 2 người, trong cái gara bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ đô la Mỹ với hơn 4000 nhân viên. Một năm trước đây, chúng tôi vừa mới bỏ đi sáng tạo đầu tiên của mình, máy tính Macintosh và tôi vừa mới bước sang tuổi 30. Sau đó, tôi bị sa thải. Làm sao mà bạn lại có thể bị sa thải bởi một công ty mà bạn đã sáng lập ra nó ? Oh, khi mà Apple đã phát triển lớn hơn, tôi đã thuê một người mà tôi đánh giá là có năng lực cùng tôi lãnh đạo công ty.

Khoảng một năm gì đó, tình hình có vẻ rất khả quan. Nhưng sau đó, quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác nhau, thậm chí chúng tôi còn trở nên bất hòa. Khi có mối bất hòa đó xẩy ra giữa chúng tôi, hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, và tôi, ở tuổi 30, đã bị sa thải một cách rất rõ ràng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng đã bị phá hủy.

Trong một vài tháng, tôi đã thực sự chẳng biết phải làm cái gì. Tôi cảm giác rằng mình đã làm cho những thế hệ đi trước tôi thất vọng và rằng tôi đã đánh rơi lá cờ khi nó đã được chuyền đến tay tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi cho việc cư xử không hay của mình. Tôi đã thua một cách rõ ràng và thậm chí, tôi đã có ý định bỏ cuộc. Nhưng có một cái gì đó bắt đầu chậm chậm sáng lên trong tôi. Tôi vẫn rất yêu quý những gì tôi đã tạo ra. Sự việc xẩy ra ở Apple có thay đổi tình yêu đó một chút nhưng trong tôi, tình yêu ấy vẫn còn. Chính vì thế, tôi đã quyết định bắt đầu lại.

Ngay lúc đó tôi không nhận thấy, nhưng sau này, tôi mới biết rằng việc tôi bị Apple sa thải hóa ra lại là một việc tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Gánh nặng của sự thành công đã được thay thế bằng ánh sáng của sự bắt đầu mới tuy không có điều gì chắc chắn. Tôi đã để cho mình tự do bước vào một quãng đời đầy những sáng tạo của cuộc đời mình.

Trong khoảng 5 năm sau đó, tôi đã bắt đầu xây dựng công ty NeXT và một công ty khác tên là Pixar. Tôi gặp và đã yêu một người phụ nữ tuyệt vời, chính là vợ tôi sau này. Pixar đã sáng tạo ra phim truyện hoạt hình máy tính đầu tiên trên thế giới, câu chuyện đồ chơi. Hiện tại, nó đã trở thành xưởng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Một sự kiện thay đổi đáng ghi nhớ đã xẩy ra khi Apple mua NeXT, tôi trở lại Apple, những kỹ thuật mà NeXT đã phát triển trở thành nguồn sinh khí cho thời kỳ phục hồi của Apple.

Tôi và Laurene cũng có một gia đình hạnh phúc.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả những điều đó sẽ chẳng bao giờ xẩy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Đó là một viên thuốc đắng nhưng tôi chắc bệnh nhân sẽ rất cần đến nó.

Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phấn lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách để tạo ra những công việc tuyệt vời là bạn hãy yêu việc mình làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và cũng sẽ giống như bất kỳ một mối quan hệ nào, nó sẽ trở nên tốt dần lên khi năm tháng qua đi. Vì vậy hãy cố gắng tìm kiếm cho đến khi nào bạn tìm ra được tình yêu của mình, đừng từ bỏ.

Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết

Khi tôi 17 tuổi, tôi đã đọc được một câu châm ngôn như sau: Nếu bạn sống mỗi ngày đều như ngày cuối cùng của cuộc đời mình, một ngày nào đó bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng bạn đã đúng. Câu châm ngôn đó đã để lại ấn tượng rất sâu trong tôi và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi mình: nếu ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, tôi sẽ muốn làm gì và tôi chuẩn bị làm gì hôm nay? Và nếu trong nhiều ngày, câu trả lời vẫn là “không” thì tôi biết, tôi cần phải thay đổi điều gì đó.

Suy nghĩ rằng mình sắp chết chính là điều quan trọng đã động viên tôi tạo ra cơ hội lớn cho cuộc đời mình. Bởi vì tất cả mọi điều từ sự kỳ vọng của mọi người vào bạn, tất cả mọi niềm tự hào cho đến nỗi sợ phải đổi mặt với sự xấu hổ hay thất bại, tất cả sẽ biến mất khi bạn phải đổi mặt với cái chết. Khi đó, chỉ còn lại điều gì thực sự quan trọng.Ý nghĩ rằng chúng ta đang đối mặt với cái chết, khi chúng ta sắp chẳng còn gì nữa, là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh khỏi việc chúng ta cảm thấy sợ hãi khi sắp đánh mất đi thứ gì đó.

Chẳng có lý do gì để bạn không lắng nghe sự mách bảo của trái tim mình.

Khoảng một năm trước đây tôi đã bị chẩn đoán là bị ung thư. Tôi đã chụp cắt lớp lúc 7:30 sáng và trên phim hiện rõ ràng một khối u trong tuyến tụy. Thậm chí tôi chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Các bác sĩ nói với tôi rằng đây là một dạng của ung thư và bệnh này không chữa được, rằng tôi nên chuẩn bị tinh thần mình sẽ chỉ sống được từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Bác sĩ của tôi khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại các công việc của mình, đó là cách họ nói khi khuyên bệnh nhân chuẩn bị cho cái chết. Điều đó có nghĩa là hãy về và sử dụng mấy tháng còn lại để nói với các con bạn những gì mà bạn dự định sẽ nói với chúng trong khoảng mười năm tới. Điều đó cũng có nghĩa là hãy cố gắng kín đáo để gia đình bạn có thể chấp nhận điều này một cách dễ dàng hơn. Điều đó có nghĩa là bạn hãy nói lời vình biệt.

Tất cả mọi ngày tôi đều sống với sự chẩn đoán đó. Sau đó, vào một buổi tối, tôi tiến hành kiểm tra sinh thiết, họ đút một cái ống qua cổ họng tôi, luồn sâu xuống dạ dày, sâu xuống ruột, ấn một cái kim vào tuyến tụy của tôi để lấy mẫu một số tế bào của khối u. Khi đó, tôi rất bình thản, nhưng vợ tôi, người có mặt lúc đó đã kể với tôi rằng khi các bác sĩ phân tích những tế bào đó dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện ra rằng đây là một trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng cách phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.

Đó là cảm giác mà tôi đã có khi phải đối mặt với cái chết và tôi cũng hy vọng tôi sẽ còn cái cảm giác đó một vài thập kỹ nữa. Khi đã từng trải qua điều đó, tôi có thể nói với các bạn một cách chắn chắn hơn là chỉ đơn thuần nhắc đến cái chết như là một điều hữu ích nhưng chỉ hoàn toàn là một nội dung mang tính trí tuệ mà thôi.

Không ai muốn chết. Thâm chí những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết chỉ vì muốn được lên đó. Và cái chết là cái đích mà tất cả chúng ta đều phải đến, không ai trong chúng ta thoát khỏi nó. Và đó là cách mà nó phải diễn ra bởi lẽ cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại đi những người già để mở đường cho những người trẻ. Ngay lúc này, các bạn đang là những người trẻ tuổi, nhưng sẽ không lâu nữa, khi các bạn tốt nghiệp, rồi trở nên già đi, và sẽ bị loại bỏ.

Tôi xin lỗi vì có vẻ như tôi hơi xúc động nhưng điều đó là sự thật.

Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng bị mắc kẹt trong giáo điều. …Đừng để tiếng ồn của ý kiến người khác lấn át tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm theo đuổi sự mách bảo của trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó, chúng sẽ biết bạn thực sự muốn trở thành người như thế nào.”

Những điều khác chỉ là thứ yếu.

Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách kỳ lạ được xuất bản với cái tên Cẩm nang toàn thế giới, cuốn sách này giống như kinh thánh của thế hệ chúng tôi. Người sáng tạo ra cuốn sách này là Steward Brand, một nghiên cứu sinh ở Menlo Park, cách đây không xa. Anh ta đã tạo ra nó bằng cảm giác đầy tính thi sỹ của mình. Thời điểm đó là vào cuối thập kỷ 60, trước khi có máy tính cá nhân và máy tính xách tay. Tất cả cuốn sách được đánh bằng máy chữ, cắt bằng kéo và bằng máy ảnh. Nó giống như trang Google trên giấy vậy, 35 năm trước khi có trang Google. Nó thực sự mang tính duy tâm, được tạo ra từ những công cụ tinh xảo và những ý tưởng vĩ đại.

Steward và các đồng sự của ông đã xuất bản một số tập của Cẩm nang toàn thế giới và sau đó, họ xuất bản tập cuối cùng. Thời gian đó vào khoảng giữa những năm 70 và tôi chỉ bằng tuổi các bạn bây giờ. Ở trang bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường vùng nông thôn trong ánh bình minh, điều mà bạn có thể tìm thấy sự an bình nếu bạn là người ưa mạo hiểm. Bên dưới tấm ảnh có dòng chữ: “Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ“. Đó là lời tạm biệt của họ khi kết thúc cuốn sách. “Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ” Và tôi luôn cầu chúc điều đó cho chính mình. Ngày hôm nay, các bạn đã tốt nghiệp và chuẩn bị bước vào con đường mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.

Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ – Stay Hungry. Stay Foolish.

From: Tu-Phung


 

Tại sao phụng vụ lặp lại hàng năm?- Cha Vương 

Good morning! Mỗi ngày, khi Chúa mở cánh cửa Thiên Đàng, với khuôn mặt hiền từ Ngài hỏi: ”Điều ước hôm nay của con là gì?” Mình trả lời: Xin Ngài hãy bảo vệ, trợ giúp, và hướng dẫn người đang đọc tin nhắn này!

Cha Vương 

Thứ 5: 20/02/2025 (23)

GIÁO LÝ: Tại sao phụng vụ lặp lại hàng năm? Như việc người ta mừng ngày sinh hay ngày cưới hàng năm, phụng vụ cũng cử hành những biến cố rất quan trọng của lịch sử cứu độ được lặp lại hàng năm. Nhưng có một khác biệt quan trọng là mỗi thời đại như thời đại ta bây giờ đều là thời gian của Chúa. Những tưởng nhớ đến sứ điệp và cuộc đời Chúa Giêsu đều là những gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống trong thời sự của chúng ta. (YouCat, số 185)

SUY NIỆM: Triết gia người Đan Mạch Kierkegaard có nói: “Hoặc ta coi mình như sống đồng thời với Chúa Giêsu, hoặc ta có thể để tất cả chìm vào dĩ vãng”. Sống Năm Phụng vụ theo đức tin làm cho ta trở nên người đồng thời với Chúa Giêsu. Không phải vì ta có thể dùng tư tưởng để đi vào thời của Người, đi vào đời sống của Người; nhưng bởi vì nếu ta dành chỗ cho Người, thì chính Người đi vào thời của ta và đi vào đời sống ta, nhờ sự có mặt của Người để chữa lành và tha thứ, nhờ sức mạnh phi thường của sự sống lại của Người.(YouCat, số 185 t.t.)

LẮNG NGHE: Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa. (Gv 3:1-8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con hiểu rằng giá trị đời người không tính bằng thời gian ngắn hay dài, nhưng ở chỗ sử dụng nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ Chúa ban để phục vụ cuộc sống ra sao. Xin giúp con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong tình yêu.

THỰC HÀNH: Hãy dành cho Chúa một chỗ trong khoảng thời gian 24 giờ mà bạn có hôm nay nhé. Nếu không thì ngày hôm nay cũng chỉ là ngày hôm qua không gì mới mẻ và ý nghĩa cả.

From: Do Dzung

*************************

Sống Trong Niềm Vui | Hà Thanh Xuân 

 

50 Năm & Những Tờ Lịch Mới – Trần Mộng Tú 

– Trần Mộng Tú 

50 năm như một giấc ngủ dài, thức dậy vẫn còn lãng đãng giữa chiêm bao.

 Từ những cái Tết đầu tiên còn độc thân, còn cha mẹ, anh em chưa mất người nào. Cả gia đình ngơ ngác đất lạ, quê người … nén nhang thắp lên cành hoa ngoài vườn cắt vào, cùng với bao nhiêu xúc động.

 Đốm nhang cháy đỏ như quầng mắt

 Khói có bay về tận cố hương

 Vườn người tôi chiết cành xuân thắm

 Nhớ quê vết cắt trượt xuống hồn. (tmt)

 Như bao nhiêu người Việt lưu vong khác, chúng tôi làm lại cuộc đời mình, và bằng một cách nào đó, chúng tôi chấp nhận thích nghi với đời sống như hoa cỏ thích nghi với khí hậu, như cây quýt ở Giang Nam bên Tàu, mang sang vùng khác vẫn ra hoa kết trái tuy vị ngọt đã khác đi, nhưng cây vẫn sống và sinh hoa, kết quả hàng năm.

 Thời gian đã một phần nào chữa lành những vết thương và giúp những vết sẹo lên da non, mờ dần. Trong mấy chục năm làm người di tản, chúng ta, chắc ai cũng hơn một lần thay đổi nhà cửa, thay thành phố hay sang hẳn một tiểu bang khác, và mỗi một lần thay đổi là một lần hoang mang, một lần nén nỗi ngậm ngùi, cho dù nhà có đẹp hơn, thành phố có thích nghi hơn. Bởi vì đi đâu cũng thấy mình là “Người Di Tản”

 Trong 50 năm, thế hệ hậu duệ của “Người Di Tản” đã làm nên bao nhiêu kỳ tích. Cái xấu cũng có xảy ra nhưng so với cái tốt thì quả thực hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa xứng đáng cho những quốc gia cưu mang mình không thất vọng.

 Thời gian cứ thản nhiên trôi qua, Cha Mẹ chúng tôi và một vài người thân đã nằm im nơi đất khách, thế hệ của chúng tôi đã nhiều bạn bè bỏ đi biền biệt, họ chơi trò trốn tìm nhau dưới những đám cỏ xanh. Họ có tìm được nhau không?

 Những người chưa chơi trò “Trốn Tìm” còn lại … Sáng thức dậy cùng mặt trời thấy mình hiện hữu, soi gương mắt đã rạn chân chim, tóc mỏng và trắng như sương mù, sương muối, biết là mình đã ở đây lâu lắm rồi. Lòng hoài hương nhớ về cố quận thì ai mà không có, nhưng họ vẫn sống với tất cả những gì họ có để gây dựng cho một thế hệ tương lai tốt đẹp hơn trong khả năng của mỗi người. Người Việt là một trong những số người Á Đông có sức chịu đựng bền bỉ, thông minh và chăm chỉ.

 Hậu duệ của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã có mặt ở mọi nơi, từ quân đội, chính trị, văn học, tôn giáo. Họ cống hiến và được đánh giá cao. Cái xấu đôi khi cũng có, nhưng so với cái tốt gặt hái được trên mọi lãnh vực, từ các nơi trên thế giới, giúp cho những người Quốc Gia đã hy sinh nằm xuống cũng được an ủi đôi phần.

 Sau 50 năm nước Việt hoàn toàn về tay Cộng Sản, Cộng Sản vẫn sợ bóng, sợ vía lá cờ VNCH. Chỉ cần lá cờ mà họ đã khinh miệt, chà đạp đó xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào, nhà cầm quyền Cộng Sản đã ầm ầm báo động và bắt phạt những người vô tình đứng cạnh. Mặc dù sau 50 năm khi có thiên tai xảy ra, trong nước vẫn không quên kêu gọi người Việt hải ngoại đóng góp. “Tình Đồng Bào” vẫn được ân cần nhắc tới.

 50 năm, Nick Út, cựu nhiếp ảnh viên của AP rủ tôi về Hà Nội, nơi hiện thời AP có chi nhánh văn phòng ở đó. Tôi đã từ chối và nói cho Nick Út hiểu rằng, trong văn phòng đó không có một cựu phóng viên Mỹ nào của Saigon ngày cũ làm việc cùng chúng tôi nữa. Họ phần đông đã qua đời vì tuổi tác, nếu chúng tôi có về thì toàn gặp những nhân viên mới, cả Mỹ lẫn Việt, và những người Việt nếu có trong văn phòng đó, chắc chắn không phải là người quốc gia, nên đâu có thể gọi là re-union được, nó sẽ mang lại cho chúng tôi sự lạc lõng và  … buồn.

 Thời gian của tôi trôi về đâu

 Năm mươi năm lòng vẫn còn đau

 Tay vuốt tóc tay gày như tóc

 Một nhánh hổ ngươi vạn nhánh sầu. (TMT)

 Những tháng cuối năm, tôi hay mong ngóng những cuốn lịch mới. Từ những cuốn Lịch của nhà thờ, họ đạo ở thành phố tôi cư ngụ, có ghi những ngày Lễ các Thánh, Lễ quan trọng như Phục Sinh, Giáng Sinh… để nhắc nhở mình sửa soạn một tâm hồn nhẹ nhàng thanh sạch đến Thánh Đường dự lễ, tôi cũng tìm đến những cuốn lịch ở các siêu thị Á Đông có ghi những ngày tháng âm lịch để tiện theo dõi những Mồng Một, ngày Rằm, của tháng âm lịch. Tôi cũng hay lang thang vào tiệm sách để tìm mua Lịch mới, loại lịch xé mỗi ngày một tờ là loại tôi thích nhất, loại này hiếm, không phải dễ tìm.

 Tôi thích những tờ Lịch mỗi ngày này. Tôi có thể ghi xuống đó những công việc sắp tới và khi ngày đó đi qua, tờ lịch được xếp sang một bên và tôi có thể xếp nỗi buồn vui của mình như xếp lại một tờ lịch đã hoàn tất. Những tờ lịch xé ra tôi để ngay vào một cái hộp bên cạnh đó.

 Thỉnh thoảng lại nhìn xem đã phung phí hết mấy phần thời gian trong đời sống và cuối năm có thể đếm được bao nhiêu giọt nước mắt với bao nhiêu tiếng cười.

 Việc mua Lịch xé từng tờ này tôi yêu thích từ khi còn trẻ ở quê nhà. Bây giờ nhớ lại thời gian đã xé “Những Tờ Lịch Cũ” và đã thả chúng bay như bươm bướm từ văn phòng làm việc ở lầu 4 của Thương Xá Eden xuống dưới đường vào những ngày cuối năm trong một thành phố thơ mộng của ngày xa xưa đó chỉ còn là kỷ niệm …

 Bây giờ ở quê người, tôi vẫn thích có cuốn lịch rơi từng tờ mỗi ngày, nhưng không phải năm nào tôi cũng tìm được. Cuốn lịch xé mỗi ngày năm nay của tôi là cuốn lịch có 365 tấm hình “Chim Trong Vườn Sau” đầy màu sắc. Cuốn này tôi có được do nhân dịp chị bạn thân Trùng Dương, ghé chơi vài ngày. Hai chị em lang thang trong một tiệm sách gần nhà, tôi tìm thấy lịch xé từng tờ mỗi ngày, mừng quá, reo ầm lên, Chị thấy tôi vui quá, vội vàng mua tặng.

 Hình con chim đầu tiên trên cuốn lịch là con Northern Cardinal và con cuối năm là Western Tanager. Cả hai con chim này đều màu sắc rực rỡ.

 Trong năm mới sắp tới này, hơn 300 con chim đầy màu sắc của vùng Tây Bắc nước Mỹ trên bàn viết, sẽ là niềm vui của tôi mỗi ngày. Mỗi lần mở một ngày mới, sẽ có hình một con chim mới khác nhau hiện ra, tôi sẽ đọc Thơ cho những con chim trong lịch nghe:

 Ngày xưa anh đón em

 Nơi gác chuông chùa nọ

 Con chim nào qua đó

 Còn để dấu chân im

 Anh một mình gọi nhỏ

 Chim ơi biết đâu tìm.

 (Phạm Thiên Thư)

 Như những con chim để lại dấu chân trên gác chuông, chúng tôi những người di tản đã để lại nhiều dấu tích tốt đẹp: đó là thành công của con cháu người Việt gần như hầu hết trên mọi lãnh vực trên những quốc gia, những thành phố họ định cư.

 Chúng tôi dù ở tuổi nào, luôn có niềm tự hào của những con chim bé nhỏ: Tự tin, xoải cánh trên bầu trời bát ngát.

 Trần Mộng Tú –  Xuân Ất Tỵ  2025

From: dominhtam9238 & NguyenNThu


 

ĐỨC KITÔ BÊN TRONG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em bảo Thầy là ai?”.

Một giọng rè rè gọi đến kho quân cụ của sư đoàn; người ấy muốn biết số lượng quân trang, quân dụng. Viên trực nói, “Chúng tôi còn 3 xe Jeep, 4 xe tăng, 500 súng trường và một tấn đạn. Chúng tôi cũng còn hai chiếc Cadillac dành cho các tướng béo!”. Im lặng. Sau đó, “Một cách riêng tư, anh biết tôi là ai không?” – “Không!”. “Tôi là đại tướng Westin!”; “Tướng quân, ông biết tôi là ai không?” – “Không!”; “Hẹn gặp lại, Béo!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cuộc điện thoại thú vị đưa chúng ta về cuộc đối thoại của Tin Mừng hôm nay – dĩ nhiên – nghiêm túc hơn! Chúa Giêsu hỏi các môn đệ, “Anh em bảo Thầy là ai?” – một câu hỏi khó! Bởi lẽ, nó đặt câu hỏi về một ‘Đức Kitô bên trong’ mà chỉ trái tim mới có thể trả lời!

“Anh em bảo Thầy là ai?”. Với câu hỏi này, mỗi người chỉ có thể trả lời nó bằng cả đời sống; vì lẽ, phải sống nó, chiến đấu với nó và cam kết với nó! Câu hỏi ‘không xác định nhiều’ về Chúa Kitô, nhưng ‘xác định nhiều về người’ trả lời nó! Tôi đã có kinh nghiệm nào về Ngài? Cá nhân tôi đã học được gì nơi Ngài? Bởi lẽ, lịch sử của Ngài và lịch sử của tôi phải kết hợp với nhau để làm nên một chương duy nhất – ‘Ngài và tôi!’.

Vậy, nếu tôi không có gì nhiều để nói về Chúa Kitô – vì nội tâm của tôi bị lu mờ bởi vật chất và hơi hướng thế tục – thì tôi phải đưa câu hỏi về Ngài lên một cấp độ cao hơn, “Tôi là ai đối với Ngài?”. ‘Tôi là ai’ sẽ quyết định phần lớn đời sống cầu nguyện và cách cư xử thường ngày của tôi. ‘Đức Kitô bên trong’ chỉ được biết đến bởi những ai được Ngài mặc khải và sống trong ân sủng Ngài! Điều này sẽ không xảy ra theo cách tiếp cận đơn thuần khả giác – sáng lễ chiều kinh – cũng không diễn ra theo dòng chảy của các nghi lễ phụng vụ; nhưng Đức Kitô chỉ có thể được biết bằng một trải nghiệm cá nhân qua cầu nguyện, sống bác ái và qua việc kết hiệp với Ngài ‘trong từng hơi thở!’.

Vậy tại sao “Chúa Kitô là ai đối với tôi?” và “Tôi là ai đối với Chúa Kitô?” lại quan trọng đến thế? Quan trọng vì Ngài là mặc khải trọn vẹn ý định cứu độ của Chúa Cha, giao ước muôn đời của Cha. Và như thế “Cầu vồng”, dấu giao ước của Thiên Chúa thời Nôê – bài đọc một – là hình ảnh báo trước Đức Kitô, “Dấu Giao Ước” đời đời Chúa Cha dành cho con người! “Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần!” – Thánh Vịnh đáp ca – mang ý nghĩa trong Đức Kitô, qua Đức Kitô, Thiên Chúa đoái thương cõi trần!

Anh Chị em,

“Anh em bảo Thầy là ai?”. Cho bạn và tôi, “Thầy là ai đối với con?”. Là những người được gọi, được sai đi; sao tôi vẫn vật vờ ươn ế? Là những người theo Chúa lâu năm – bị thói quen mài mòn – tôi đã đánh mất mặn nồng thuở ban đầu? Từng là sứ giả của hy vọng – nay chùn bước – tôi cần vực dậy bản thân để bắt đầu lại? Đúng thế! Chúa Kitô muốn trở thành ‘một Ai đó’ bên trong bạn và tôi; Ngài phải là trung tâm, điểm quy chiếu cho đời sống. Tắt một lời, Ngài muốn là tình yêu của tất cả mọi cuộc sống! Không quan tâm đến các ý kiến về mình, Ngài quan tâm ‘kích cỡ’ chỗ của Ngài trong tim mỗi người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì Chúa chiếm ngự toàn vẹn trái tim con! Từ đó, mọi tư tưởng, lời nói việc làm của con sinh ích cho tha nhân, cho thế giới… đều phát xuất từ Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

***************************************************

Thứ Năm Tuần VI Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” 28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” 


 

LÒNG VỊ THA – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi nói đến lòng vị tha, chúng ta giống như người nghệ sĩ vụng về chơi một cung đàn lạc điệu.  Những tin tức hằng ngày tại xã hội Việt Nam mà chúng ta đọc thấy trên mạng truyền thông cho thấy con người ngày càng hung dữ đối với đồng loại, thậm chí ngay cả trong gia đình.  Như một quán quân cần phải tập luyện gian khổ mới xứng nhận phần thưởng, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta phải vượt lên lối ứng xử của thời đại để trở nên những người vị tha nhân hậu.  Nền tảng cho lòng vị tha của Ki-tô hữu là “vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.  Người chậm giận và giàu tình thương” (Thánh vịnh 102 trong phần Đáp ca).  Con người được mời gọi sống nhân hậu, vì chính mỗi người cũng đã hơn một lần đón nhận lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mặc dù có thể họ không nhận ra.  Như người con chẳng mấy khi ý thức hoặc nhận ra lòng tốt của cha mẹ, trong khi tình thương cha mẹ thì luôn mênh mông tràn đầy.

Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, và những ai tin vào Ngài cũng phải sống nhân hậu.  Đó là thông điệp chính mà Lời Chúa hôm nay muốn chuyển đến chúng ta.  Vua Đa-vít là một mẫu gương về lòng vị tha.  Chính lúc đang bị Sa-un truy đuổi để sát hại, vì ghen tương, Đa-vít có cơ hội tiếp cận Sa-un trong một cái hang rộng lớn.  Lúc này, ông có thể giết chết người đang truy đuổi mình một cách dễ dàng.  Tuy vậy, Đa-vít không làm thế, vì ông là người trung nghĩa.  Ông tôn trọng người đã được Thiên Chúa xức dầu, mặc dù người đó có lỗi lầm đến đâu chăng nữa.  Vua Đa-vít để lại tiếng thơm cho các thế hệ người Do Thái và cho tất cả chúng ta.  Ông được tôn vinh là “Thánh Vương” và là niềm tự hào của dân tộc Do Thái.

Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa.  Người được sai xuống trần gian để rao giảng về lòng từ bi nhân hậu của Chúa Cha.  Trong giáo huấn của Người, Người luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên những người lành cũng như kẻ dữ, làm mưa xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương.  Người đã chúc phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (x. Mt 5, 7).  Những đề nghị của Người trong Tin Mừng hôm nay xem ra vô cùng khó khăn và đòi hỏi Ki-tô hữu phải có nhân đức tới mức anh hùng.  Những đề nghị của Chúa trong Tin Mừng cũng đi ngược hoàn toàn với quan niệm đời thường.  Bởi lẽ người đời tự nhiên có khuynh hướng hơn thua, ăn miếng trả miếng, chứ nhất định không chịu thiệt.  Đó cũng là quan niệm của Kinh Thánh Cựu ước, theo giáo huấn của ông Môi-sen.  Trong khi đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta: hãy tha thứ và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình.  Đức bác ái Ki-tô giáo đạt tới mức siêu việt ở những điểm này.  Đối với các môn đệ của Chúa Giê-su, không ai còn là kẻ thù, nhưng tất cả là huynh đệ trong cùng một gia đình có Chúa là Cha.  Như trên đã nói, nền tảng của lòng vị tha Ki-tô giáo đặt để trên chính bản tính của Thiên Chúa.  Điều đó có nghĩa, nếu chúng ta thực thi lòng nhân hậu, là vì Chúa là Đấng nhân hậu.  Chính chúng ta cũng đã từng đón nhận lòng nhân hậu của Chúa, nên chúng ta hãy sống nhân từ như Chúa Cha.  Thực thi lòng nhân hậu, đôi khi phải chịu thiệt thòi về danh dự hoặc những điều khác.  Hãy nhìn lên thập giá, nơi Đức Giê-su chịu khổ hình.  Người bị người đời xỉ vả khinh thường, nhưng cũng qua biến cố này, Chúa Giê-su trở nên nguyên nhân cứu rỗi và là gương mẫu cho chúng ta trong sự hy sinh và lòng quảng đại.

Dẫu đang sống trong cuộc đời dương thế, Ki-tô hữu là người thuộc về thượng giới.  Thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh ông A-đam để so sánh với Chúa Giê-su.  A-đam tượng trưng cho những gì thuộc về đất (lưu ý, trong nguyên ngữ Do Thái, chữ “A-đam” có nguồn gốc từ chữ ADAMA có nghĩa là “đất”), và Chúa Giê-su tượng trưng cho những gì thuộc về trời.  Nhờ tin vào Chúa Giê-su, chúng ta thuộc về trời, và đang tiến bước tiến về quê trời.  “Hướng về trời”, đó là cách nói diễn tả những cố gắng nỗ lực để nên hoàn thiện trong chính hoàn cảnh cụ thể của mình, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em đồng loại.

Giữa bối cảnh xã hội còn nhiều xung đột và bạo lực, Ki-tô hữu được mời gọi trở nên dấu chỉ của lòng nhân hậu.  Khi thực thi bác ái và tha thứ, sẽ có nhiều hệ lụy kèm theo, nhưng chắc chắn một điều, là khi tha thứ, chính bản thân chúng ta cảm nhận niềm vui và chính chúng ta cũng được Chúa thứ tha.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

Đôi Mắt Người Thương – [Nguyễn Đức Cung & Nguyễn Xuân Dậu] – Dau Nguyen

Đôi Mắt Người Thương – [Nguyễn Đức Cung & Nguyễn Xuân Dậu] – Dau Nguyen

Thầy Hiệu Trưởng Trung học Bán Công, Xuân Lộc: Thầy Nguyễn Xuân Dậu, trong ngày hội ngộ LTTH Long Khánh năm 2017 (cách đây 7 năm )

Thầy đã được yên nghỉ trong Hồng ân Thiên Chúa ngày 20 tháng 5 năm 2021 ,

***************

Vì lượng oxy trong máu và mức đường xuống quá thấp, tôi chìm vào vô thức hơn 2 tiếng đồng hồ. Tỉnh dậy, hình ảnh đầu tiên tôi nhận ra là người vợ ngồi cuối giường. Đôi mắt khẩn khoản thổn thức: ” Đừng vội đi anh, em không thể sống thui thủi một mình được, anh ơi” .

Xúc động, tôi làm bài thơ “Đôi mắt người thương” để tặng vợ, nói lên phần nào những nhọc nhằn của người vợ một viên chức nhỏ bé chế độ cũ phải gánh chịu thời gian sau biến cố tháng 4-1975. Tôi gởi lên trang facebook cá nhân và may mắn được ông bạn cố tri Nguyễn Đức Cung tận London phổ nhạc.

Dòng nhạc thiết tha như những lời tâm sự , làm rung động con tim người thưởng thức. Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Đức Cung và trân trọng giới thiệu đến quý vị và qúy anh chị.

Nguyên văn bài thơ “Đôi mắt người thương”:

 Mình ơi, Lẽ ra tôi đã đi rồi, Đôi mắt khẩn khoản kéo tôi trở về. Nhớ ngày chúng đẩy lên xe, (1)

 Cũng đôi mắt ấy, tôi se sắt lòng. Ngỡ ngàng thảng thốt vời trông, Ước mơ hội ngộ, nào mong có ngày. Bóng câu cửa sổ như bay, Sáu năm tù tội có ngày được ra. Mây chiều vần vũ Cây Da (2)

Đón tôi, đôi mắt thiết tha ân cần. Rồi cơn bạo bệnh người thân, (3) Đôi mắt hoảng hốt, tay chân rụng rời. Nhìn tôi như nhắc nhở tôi: Gia đình khốn khổ nổi trôi dòng đời.

*** Những đôi mắt, thật xa xôi, Cùng đôi mắt ấy đưa tôi trở về. Tạ ơn Thiên Chúa lắng nghe, Thỏa nguyện những gì mình ước đầy vơi. Thương mình lắm lắm, mình ơi.

Nguyễn Xuân Dậu.

(1) Tôi bị bắt và bị đẩy lên xe gắn máy chở đi.

 (2) Cây Da là tên một khu Kinh Tế Mới.

(3) Người thân bị bạo bệnh, nằm nhà thương Biên Hòa và Chợ Rẫy.

Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. (Lc 19:2) – Cha Vương

Thứ Tư chúc  thánh thiện và tốt lành nhé.

Cha Vương

Th 4: 19/02/2023-25

TIN MỪNG: ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. (Lc 19:2) 

SUY NIỆM: Khi nghĩ đến một người thánh thiện, ai là người đầu tiên mà bạn nghĩ đến? Thiết tưởng rằng người mà bạn nghĩ đến là một vị thánh nổi tiếng?Một linh mục khiêm nhường? Một nữ tu thánh thiện? Một thầy dòng đơn sơ? Hay một người tốt lành nào đó mà bạn ngưỡng mộ… Những người này tuy rằng họ tốt lành và thánh thiện đó những không phải điều gì họ làm cũng là hoàn toàn tốt và đúng bởi vì họ vẫn là con người. Đã là con người thì chắc chắn phải có bất toàn. Sự thánh thiện và tốt lành của họ cũng chỉ là tương đối thôi. Hôm nay Chúa nói: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Điều này muốn nói vời bạn rằng, thánh thiện và hoàn thiện đều thuộc về Thiên Chúa và tội lỗi là bản chất của con người. Nói cách khác đi, tất cả loài người đều là tội nhân, các thánh cũng đã từng như vậy! Nhưng đối với các thánh, các ngài tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và không để cho những yếu đuối của các ngài gây tê liệt ước muốn nên thánh mỗi ngày. Để đạt được một đời sống thánh thiện không phải là điều dễ dàng bạn ạ. Bạn phải ao ước và quyết tâm. Có bao giờ bạn đón chào một ngày mới với một quyết định rằng: “ngày hôm nay tôi phải sống thánh thiện” chưa? Việc quyết định và quyết tâm sống thánh thiện của bạn là khởi điểm của một hành trình nên thánh mỗi ngày đó. Nếu bạn không ao ước, không quyết định và không quyết tâm thì bạn không bao giờ đạt được. Để đạt được đời sống thánh thiện bạn chỉ cần luyện tập hai nhân đức thôi: (1) lòng khiêm nhường bước theo chân Chúa, (2) hết lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Tất cả các thánh đã đạt được hai nhân đức này trong công việc hằng ngày của họ. Chúc bạn thành công trong hành trình nên thánh mỗi ngày.

LẮNG NGHE: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5:48)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cất đi những yếu đuối và bấn hèn của con và ban cho con lòng khiêm nhường để con bước theo chân Chúa suốt cuộc đời con. Lạy Chúa Giêsu con hết lòng tin tưởng nơi Chúa!

THỰC HÀNH: Hãy chọn một lĩnh vực tội lỗi hoặc cám dỗ mà bạn đang cố gắng vượt qua và quyết định cách thức bạn cũng có thể thực hành đức tính ngược lại.

From: Do Dzung

***********************

Tin Vào Tình Chúa – Nguyễn Hồng Ân