AI ĐÃ THÀNH LẬP GIÁO HỘI VIỆT NAM

 AI ĐÃ THÀNH LẬP GIÁO HỘI VIỆT NAM?    

Tác giả:  Gs. Nguyễn Đăng Trúc (chuyển ngữ).
 
 LTS Tập San Định Hướng :  Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ngày 18/1/1996 tường trình về chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn hàng giáo phẩm Công Giáo Pháp đến Việt Nam. Phái đoàn do Tổng Giám Mục Joseph Duval, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp hướng dẫn. Ký giả Frédéric Mounier viết rằng: “Cho đến ngày 28-1, các Giám Mục Pháp sẽ gặp các Giám Mục Việt Nam. Chuyến đi sẽ dẫn họ từ Hà Nội đến Huế. Dẫu có lời yêu cầu của họ, chính quyền không cho phép họ đi đến miền Nam. Đức Cha Duval nhấn mạnh đến “bổn phận” của Giáo Hội Pháp đối với Giáo Hội huynh đệ Việt Nam. “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Như thế trong tinh thần của những người đã khai sáng nên Giáo Hội này, đây đúng là một cuộc hành hương”. Mười Linh Mục của Hội Thừa Sai Balê đã chết tử đạo tại đây, và đã được phong thánh…”.

Lối tường trình sự kiện và nội dung câu trích dẫn lời phát biểu (nhấn mạnh) của Giám Mục Joseph Duval đã dấy lên một câu hỏi cho Roland Jacques, một nhà nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội Việt Nam: trên bình diện khách quan của lịch sử, có những vấn đề nào cần lưu ý về lời phát biểu này?. Tháng 2-96, Roland Jacques đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Joseph Duval để trình bày về quan điểm của mình liên quan đến lời phát biểu đó.

Một bản văn tóm lược bức thư này đã được đăng trên nhật báo La Croix vào tháng 6-1997. Nguyên bản bức thư được Nguyễn-Đăng-Trúc, dịch ra Việt ngữ  và đăng  trên Tập San Định Hướng số  14 / Winter 1997  Pp 120-124- *  Tập San Đinh Hướng,  Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ

  Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có phải phát xuất từ Pháp không? 

 

Ts Roland Jacques.

           Gs khoa trưởng Phân khoa Giáo Luật,

Đại hc Công Giáo St Paul, Ottawa, Canada

  Thư gởi Đức Cha Joseph Duval,

 Chủ Tịch Hội Đồng Các Giám Mục Pháp.

 Kính Đức Cha, 

Nhật báo Công Giáo La Croix ngày 18-1-1996 đã cho phổ biến một bài báo ký tên Frédéric Mounier với tựa đề: “Giáo Hội Pháp quay lại với Giáo Hội của Việt Nam”. Cơ hội để có bài báo này, một bài báo vốn rất đáng lưu ý, là cuộc khởi hành của một phái đoàn Giám Mục Pháp đi Việt Nam. Ký giả trích dẫn trong ngoặc kép những lời phát biểu mà Đức Cha đã nói để giải thích lý do chuyến viếng thăm này: “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Có lẽ người ta đã méo mó những lời nói của Đức Cha, nhưng dẫu sao một sự xác quyết như thế là một sự sai lầm lịch sử, và là một phương cách rất đáng tranh cãi để chuẩn bị khung cảnh (thuận lợi) cho cuộc gặp gỡ. 

Ai đã thành lập nên Giáo Hội Việt Nam? 

Trả lời cho câu hỏi có tính cách lịch sử này, phải khẳng định (sans ambiguité) rằng các vị thành lập, kể từ năm 1615, là những giáo sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, tỉnh dòng có tính cách quốc tế trong việc tuyển chọn (nhân sự) và thuần túy Bồ Đào Nha trong các mối lệ thuộc về mặt pháp lý. Từ thế kỷ 16, các vị thừa sai Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thuộc nhiều Hội dòng tu khác nhau đôi lúc đã cố thử mở đường rao giảng Phúc Âm, nhưng phải đợi đến phương pháp và sự kiên trì quyết tâm của các tu sĩ dòng tên để thấy được những hy vọng đó được cụ thể hóa. Khi những vị người Pháp đầu tiên – các tu sĩ Joseph Francis Tissanier và Pierre Jacques Albier – đi tàu biển đến xứ này vào năm 1658, thì có gần 70 vị truyền giáo gồm tám quốc tịch đã tiếp tục nhau đến trước, trong số đó có 35 vị người Bồ Đào Nha, 19 vị người Ý và 7 vị người Nhật. Vào chính thời gian này, theo những ước tính lạc quan nhất, thì số người Kitô hữu Việt Nam đã có trên 100.000 rải rác trong vài trăm cộng đoàn địa phương. Những người giáo dân được đào tạo kỹ lưỡng hướng dẫn họ; (những giáo dân này) có đủ khả năng để đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất; ngay từ các năm 1644 đến 1645, họ đã có những vị tử đạo của họ, đó là những vị tử đạo đầu tiên với một danh sách rất dài.

Thật sự có sự kiện là lịch sử được viết theo lối người Pháp cố nêu lên sự nghiệp to lớn này cho một mình cha Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên cần thiết phải đặt lại con người truyền giáo nổi danh này trong khung cảnh thực (của lịch sử). Ngài sinh tại Avignon, lãnh địa của Giáo Hoàng, cha Rhodes cũng không phải người Pháp như trường hợp của thánh François de Sales, dẫu ngài thuộc nền văn hóa Pháp như vị kia. Ngài vào Hội Dòng Chúa Giêsu tại Roma, và chính lý lịch Roma này đã cho phép ngài được đi đến Đông Phương vào một thời kỳ mà người Pháp không có quyền. Khi cha Rhodes đến Việt Nam vào năm 1624, các nền tảng xây dựng Giáo Hội Kitô giáo đã được thành lập vững chắc tại vùng miền Trung; công trạng lớn lao của ngài là đã đưa cuộc truyền bá Phúc Âm đến miền Bắc xứ này; ở đây ngài chỉ lưu lại một thời gian duy nhất từ năm 1627 đến năm 1630 và đó là một thành quả lớn lao cho việc truyền giáo. Ngoài ra, tên tuổi ngài được gắn liền với các công trình ngữ học về tiếng Việt nhờ những tác phẩm ngài đã xuất bản tại Âu Châu vào năm 1651. Trong lãnh vực này cũng như trong công việc truyền giáo nói riêng, sự thành công của ngài lệ thuộc vào công trình của các vị tiên phong đi trước ngài. Đây là một công trình tập thể rõ rệt, không thể gán cho công lao một xứ nào riêng, dẫu người Bồ Đào Nha gián tiếp đã là những bậc thầy thi công, cũng như họ là những người thợ đông nhất. 

Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris (MEP) và các vị tử đạo. 

Khởi từ năm 1664 (miền Trung Việt Nam) và 1666 (miền Bắc), Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris đã cống hiến một thế hệ thứ ba các người thợ Phúc Âm, và đặc biệt những vị Giám Mục đầu tiên mà Roma muốn ban cho Giáo Hội còn trẻ này. Tiếp đó, các Cha đường du Bac đã đóng một vai trò có tầm vóc quan trọng to lớn không thể chối cãi được trong Giáo Hội của Việt Nam. Nhưng không vào một thời kỳ nào bất kỳ, kể cả dưới thời thực dân Pháp trong các năm của thập niên 1860, các vị truyền giáo Pháp không phải đã là những vị truyền giáo duy nhất tại Việt Nam. Tác giả bài báo đã nhắc lại rất đúng rằng mười trong các vị truyền giáo Pháp đã bị giết chết vì đức tin trong thế kỷ 19; cách đây vài năm, họ được tôn vinh vào bậc thánh tử đạo cùng một lúc với 96 vị tử đạo tại Việt Nam. Nhưng khi nói đến các vị truyền giáo ngoại quốc chịu tử đạo, có lẽ đúng hơn đừng cho người ta hiểu rằng người Pháp là những vị tử đạo đầu tiên, và chỉ có người Pháp mà thôi. Trong nhóm các vị thánh đã được Giáo Hội tôn vinh, thực ra có 11 vị dòng Đaminh gốc Tây Ban Nha, mà những vị lâu đời nhất trong họ đã từng chịu án tử ngay từ năm 1745, nghĩa là 88 năm trước thánh François Isidore Galelin. Còn những vị tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Nhật bản, họ lại đã đi trước tất cả các vị này, với hai vị tử đạo người Ý vào năm 1723, ba vị người Bồ Đào Nha và một vị người Đức vào năm 1737; sự việc Roma đã chưa chuẩn y sự tử đạo của hai nhóm này lệ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử, trong đó các nạn nhân này không can dự gì. 

Những người Công Giáo Việt Nam và nước Pháp.

Trong các lời nói của Đức Cha, không phải chỉ có sự sai lầm lịch sử là đáng tiếc. Thật vậy, hẳn nhiên là vô tình, nhưng Đức Cha đã mang lại một thế dựa cho một luận cứ từng gây nên nhiều tai hại cho người Công Giáo Việt Nam, và luận cứ đó từ mấy năm nay lại dấy lên lại một cách mạnh mẽ. Lời mỉa mai của dân chúng hoặc cả đến các giáo sư đại học tên tuổi đã từng kịch liệt chứng minh về sự thông đồng giữa Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp và sự lan tràn của đạo Công Giáo vào Việt Nam. Nhiều đợt, người Công Giáo xứ này đã phải đương đầu với lời luận tội như là “đảng” của người ngoại quốc, đóng vai kẻ thù của xứ sở. Hôm nay cũng như hôm qua, ở Việt Nam và ở hải ngoại, nhiều người thuộc nhiều chủ trương ý hệ khác nhau dường như muốn thấy tôn giáo nhập cảng từ trong các gói hành lý của người Pháp (theo lối nói của họ) tan biến đi. Nếu ngày nay các mối liên hệ của Giáo Hội Việt Nam với các Giáo Hội anh em trên toàn thế giới còn gặp nhiều khó khăn, một phần lớn cũng do sự nghi ngờ luôn hiện hành này, do chính sự bất công lịch sử trong đó chúng ta, những người Pháp, không phải là bàn tay hoàn toàn sạch.

Vào lúc lên đường đến Việt Nam, Đức Cha thấy phải khẩn trương để nhắc lại cho Giáo Hội xứ này một nguồn gốc người Pháp nặng tính cách giả thiết này hay không? Làm như thế, các lời nói của Đức Cha dường như lại đặt Giáo Hội ấy trong một vị thế mãi lệ thuộc và mang nợ với Giáo Hội Pháp, hoặc nước Pháp nói gọn như thế; các lời ấy củng cố cho những lập trường của những người gièm pha Giáo Hội Việt Nam, và làm giảm uy thế những luận chứng của tất cả những ai đang nỗ lực thiết định lại chân lý lịch sử hầu trả lại danh dự cho Giáo Hội Việt Nam.

Kính thưa Đức Cha, không phải như thế, Giáo Hội Việt Nam không phải phát sinh do người Pháp. Giáo Hội đó là con của Giáo Hội hoàn vũ đúng theo mẫu mực điển hình của nó; trong thời còn non trẻ, Giáo Hội này đã hưởng được sự cung ứng của nhiều nền văn hóa và truyền thống dị biệt, cho phép nó dần hồi bước đến tuổi trưởng thành theo con đường đặc thù của mình. Ngày nay, khi phải đương đầu với nhiều vấn đề, Giáo Hội này ưu tiên phải (tự củng cố), xác định vị thế đặc thù của mình, tìm lại chỗ đứng trọn vẹn trong lòng của xã hội Việt Nam và trong nền văn hóa có từ ngàn năm của Việt Nam, với những giá trị mà Giáo Hội đó đang ôm sẵn và chúng cũng là những giá trị của Công Giáo tính phổ quát. Trong viễn tượng này, Giáo Hội Việt Nam không cần đến một quyền lực đỡ đầu, nó không chờ đợi để được “bú mớm” bởi bất cứ ai. Người Công Giáo Việt Nam chỉ cần tìm lại những mối liên hệ hiệp thông, chia sẻ và liên đới cụ thể hơn và thiết thực hơn với những người Kitô hữu anh em trên thế giới, như bao nhiêu người Công Giáo trong tất cả các xứ khác. Chúng ta hết lòng mong mỏi rằng cuộc viếng thăm của phái đoàn Giám Mục Pháp sẽ cống hiến điều đó.                                  

Nguồn: conggiaovietnam.net

Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

Vài suy nghĩ về ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

một chứng nhân cho đức tin tình yêu Thiên Chúa

và tinh thần khiêm tốn, phó thác

  by Msgr Peter Nguyen Van Tai

 Vài suy nghĩ về ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: một chứng nhân cho đức tin,  tình yêu Thiên Chúa và tinh thần khiêm tốn, phó thác.

(Radio Veritas Asia – 17/09/2002) – ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình qua đời lúc 18 giờ (giờ Roma) thứ hai  ngày 16/09/2002, tại “Bệnh Viện Pio XI” ở Roma, trên đường Aurelia, sau bốn tháng điều trị, trước hết tại  Bệnh viện Gemelli và sau đó Bệnh Viện Pio XI, nơi người qua đời.

Sau lễ Phục sinh năm 2001, ÐHY đã được giải phẫu tại Boston (Hoa kỳ). Cuộc giải phẫu lần thứ hai vào tháng 5 năm  2002, được làm tại Trung tâm ung thư quốc tế ở Milano, một trong bẩy trung tâm thời danh chuyên về ung thư trên thế giới: Milano, Lyon, Paris, London, Amsterdam, Washington và Tokyo. Sau hai cuộc giải phẫu, bệnh tình của ÐHY không khả quan hơn. Thực ra chứng ung thư của ngài có tính cách khác thường. Tại Ý cứ một triệu người mới có một người mắc chứng ung thư này. Tuy vậy, trên nguyên tắc, chứng ung thư nầy không phải là chứng bệnh không thể chữa được. Nhưng trong trường hợp của ÐHY, thì chứng bệnh ung thư,  đã đi vào giai đoạn  khó khăn. Vì thế, trong cuộc giải phẫu lần thứ hai tại Milano, nhóm bác sĩ không thể làm gì hơn. Trong  những tháng điều trị tại hai bệnh viện ở Roma. Không bao giờ nghe ÐHY than phiền. Trong những lúc đau đớn, bác sĩ muốn cho thuốc làm dịu cơn đau, ngài không muốn, hay chỉ dùng một chút, để làm vui lòng bác sĩ mà thôi. Dù trong tình trạng yếu mệt, ngài không bao giờ từ chối các người đến viếng thăm. Ngài nhớ từng người và có lúc còn khôi hài, để làm cho các người viếng thăm lên tinh thần. Chỉ trong ít ngày trước khi qua đời, vì quá yếu sức, ngài mở mắt như chào các người viếng thăm, nhưng không nói gì nữa.

Nói đến đây, chúng tôi nhớ lời ngài thuật lại trong thời gian ở tù, như sau: “Nếu tôi đợi đến lúc được trả tự do mới làm việc, thì không biết chờ đợi đến bao giờ. Chúa cho mình ở trong tình trạng này, mình làm việc theo hoàn cảnh này”. Có thể trong những tháng trên giường bệnh, ÐHY cũng theo nguyên tắc như lúc ở trong tù: làm việc trong cơn bệnh và làm tông đồ, truyền giáo bằng đau khổ lại có giá trị và công hiệu lớn lao hơn nữa, vì được cộng tác với công việc cứu chuộc của Chúa Kitô trên Thánh giá. Những ai đọc các sách ngài viết, có thể hiểu ngài đã sống những điều ngài viết ra như thế nào. Ngài đã sống những điều ngài đã viết ra.  Những người đã đọc sách của ngài và nghe ngài giảng đều công nhận ngài là chứng nhân của đức tin, của tình yêu và của tinh thần khiêm tốn, phú thác.

Chứng nhân của Ðức tin – ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận không phải đổ máu như nhiều vị tử đạo trong các thời kỳ bách hại, nhưng trong hơn 13 năm tù, ngài đã sống  “Via Crucis” (chặng đường Thánh giá) của Chúa Giêsu. “Per Crucem ad Lucem”: qua đau khổ mới tới vinh quang.

ÐHY Phanxicô là chứng nhân của tình yêu. Trong những năm sống trong tù, ngài chỉ dùng tình yêu thương để chinh phục các người gây đau khổ cho ngài hoặc anh em công an canh giữ ngài. Trong những năm làm việc tại Roma, chúng tôi thường đến viếng thăm ngài, nhưng không bao giờ nghe ngài nói xấu ai, cả những người đã gây đau khổ, tù đầy cho ngài. Ngài không hở miệng chỉ trích Nhà Cầm quyền đã giam tù ngài. Ngài chỉ lấy đức ái đáp lại những lời chỉ trích, vu khống,  theo gương Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là gương mẫu đức khiêm tốn, phú thác. Trong những năm ngài sống tại Roma, mọi người đều thấy rõ sự khiêm tốn của ngài, cách riêng các vị cộng tác của ngài tại Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Một vị cấp cao của cơ quan làm chứng rằng: “Ngài thật  là người cha của riêng tôi và của tất cả chúng tôi”. Luôn luôn hiền từ, dịu dàng, nhã nhặn, khiêm tốn với người trên cũng như người dưới. Ân cần hỏi thăm, và hiểu biết từng nhân viên làm việc với mình.

Vì là chứng nhân của đức tin, của tình yêu thương, và khiêm tốn – phú thác, ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được mọi người mến phục, không phải chỉ các người thường dân, nhưng cả các vị cấp cao trong Giáo hội hoặc thuộc giới chính trị, trí thức, ngoại giao. Ngài đã được mời diễn thuyết tại Ðại học Nhà nước ở Roma hai lần. Vào các ngày Chúa nhật, ngài thường được mời  đi giảng hay diễn thuyết nơi này, nơi kia, không những trong nước Ý, nhưng còn tại Pháp, Ðức, Thụy sĩ, Hoa kỳ. Ngài không đi nghỉ hè. Ngài dùng các ngày nghỉ để đi giảng hoặc diễn thuyết các nơi. Vì chứng tá đời sống của ngài, nhiều giám  mục Ý và nước ngoài thường mời ngài giảng tuần tĩnh tâm cho các linh mục hoặc thanh niên. Trước khi đi Milano giải phẫu, theo lời thỉnh cầu của ÐHY Giovanni Battista Re, Tổng trưởng Bộ Giám mục, bạn thân của ngài, đã mời ngài đến Brescia giảng. ÐHY Camillo Ruini, Tổng đại diện Roma, thường mời ngài giảng tại Ðền thờ Thánh Gioan in Laterano cho nhóm nay, nhóm khác… Với sự khiêm tốn ngài trả lời: “Chúng con ở trong giáo phận Roma, con cái ÐHY. ÐHY dạy bảo  gì con xin vâng như vậy”. Vì là một chứng tá sống động, ÐTC chỉ định ngài giảng Tuần tĩnh tâm của Giáo Triều, với sự hiện diện của ÐTC. ÐHY  nhận với nhiều lo sợ. Trở lại nhà,  ngài chạy vào nhà nguyện quì gối cầu nguyện: “Lạy Chúa xin dạy con phải nói gì”. Ðơn sơ, khiêm tốn, phú thác: đây là tinh thần của ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài qua đi, nhưng sách vở và nhất là chứng tá đời sống của ngài sẽ không qua đi.

Vài nét chấm phá về Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận:   xem thêm

Bài vở liên quan đến Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận    xem thêm