Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh

Ngày 13/9

 

Thánh Gioan Kim Khẩu sinh tại Antiôchia nước Syria, năm 347, cha Ngài là một sĩ quan quân đội, đã qua đời ít lâu sau khi Ngài sinh ra. Mẹ Ngài goá bụa vào tuổi đôi mươi đã từ khước tái hôn để dành trọn tình mẫu tử vào việc giáo dục con cái. Vì vậy thánh nhân liên tiếp được hướng dẫn sống đời cầu nguyện thinh lặng. Gioan còn được mẹ ký thác cho Libaniô, nhà hùng biện thời đó, dạy cho Ngài thuật ăn nói. Thánh nhân nhanh chóng bắt kịp rồi qua mặt thầy về khoa này. Một ngày kia, khi đọc bài tập của Gioan, Libanio đã phải thốt lên:

– “Phúc cho những Hoàng đế nào được tán tụng như vậy”. 20 tuổi, Gioan đã biện hộ trứơc tòa án với một tài năng đặc biệt khiến nhiều người thán phục. Gioan một thời gian đã để mình bị lôi cuốn theo nhiệt tình của dân chúng. Nhưng rồi Ngài đã sớm nhận ra mối nguy của danh vọng và dứt khoát giã từ pháp đình để tự hiến cho Thiên Chúa. Sau khi học thánh kinh, Ngài theo thánh Meletô (+381). Giám mục Antiochia, là người đã dạy dỗ, rửa tội và phong cho Ngài tác vụ đọc sách.

Năm 374, thánh Gioan ẩn mình trong miền núi Syria, thụ giáo với môt tu sĩ thánh thiện trong 4 năm. Sau đó Ngài ẩn mình trong một hang đá hai năm để cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh. Ngài ngã bệnh vì cuộc sống quá khắc khổ, Ngài trở lại Antiochia và được thánh Melatiô phong chức Phó tế năm 318. Năm 386, Ngài thụ phong Linh mục và bắt đầu giảng dạy, một phận vụ mà lúc ấy chỉ do các Giám mục phụ trách. Suốt 38 năm, tài lợi khẩu của Ngài thật đặc biệt có sức lôi cuốn cả dân thành Antiochia.

Ngày 26 tháng 2 năm 398, thánh Gioan được tấn phong Giám mục thành Constantinople. Ngài mau mắn sửa đổi lại Tòa Giám mục. Ngài bán của cải, phân phát cho người nghèo khó và xây dựng một nhà thương, Ngài lo lắng nhổ tận gốc rễ những lạm dụng trong giáo đoàn. Với tất cả sự hùng biện, Ngài công kích những người sống vô kỷ luật xa hoa. Ngay tại triều đình, Hoàng Hậu vận động chống lại thánh nhân.

Thánh nhân đã mạnh dạn lên tiếng:

– “Hãy nói với Hoàng Hậu rằng: Gioan Kim Khẩu chỉ sợ có một điều, không phải lưu đày tù tội, cũng không phải nghèo túng và phải chết đi nữa, mà chỉ sợ phạm tội thôi”.

Và Ngài đã bị lưu đày nơi Cucusus ở Armenia. Đức Giám mục tại đó tiếp đón Ngài nồng hậu. Đức Giáo hoàng Innocentê I, gởi đặc sứ tới Constantinople triệu tập một công đồng để dàn xếp nội vụ. Nhưng các thành viên bị tống giam và thánh Gioan Kim Khẩu còn bị lưu đầy đi xa hơn nữa. Lúc ấy Ngài đã già nua. Cuối cùng Ngài bị bất tỉnh và được đưa vào nguyện đường thánh Basiliô gần miền Cappadocia. Nơi đây sau khi chịu các phép bí tích cuối cùng, Ngài qua đời ngày 14 tháng 9 năm 407. Năm 438 xác thánh nhân được long trọng rước về Constantinople. Vị tân Hoàng đế và em gái ông đã hối hận vì tội lỗi của cha mẹ họ.

Kim Khẩu có nghĩa là miệng vàng. Tài lợi khẩu và việc rao giảng đã khiến cho thánh nhân xứng đáng mang danh hiệu này. Tên Ngài cũng dính liền với phụng vụ thánh Gioan Kim Khẩu, thịnh hành ở Đông phương. Tuy nhiên thánh nhân nổi tiếng vì chính con người của Ngài hơn là tài giảng thuyết. Ngài là một khuôn mặt có ảnh hưởng lớn lao và sống động thời đó. Qua các bài giảng của Ngài, chúng ta thấy phản ảnh một con người nhẫn nại và đầy sức sống. Qua các tác phẩm và nhất là qua các thư từ của Ngài, ngày nay chúng ta cảm được thế nào là một con người đầy nhân bản.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã nêu cao tinh thần học hỏi và nhất là với một đời sống nhiệt thành, trung kiên. Ước gì chúng ta cũng biết học nơi thánh nhân tinh thần ấy.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

 

10 cách xả giận trong đời sống gia đình

10 cách xả giận trong đời sống gia đình

 

Trong đời sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn sinh ra xích mích và
tức giận. Những lúc nước sôi lửa bỏng ấy, làm thế nào để kiềm chế nóng giận.
Sau đây là 10 cách giải quyết trong những tình huống ấy.

 

 

Một cốc nước lạnh

Trong những lúc cả ông bà đều đang nóng như lửa và căng thẳng đó, một cốc nước lạnh
sẽ làm hạ hỏa, mang lại cảm giác dễ chịu trong mỗi người.

Nếu bạn đang “nóng” hãy cố trấn an mình bằng uống một cốc nước hay rửa mặt. Còn nếu
chàng đang trong tình trạng đó, hãy đưa ngay cho chàng một cốc nước để chàng kiềm chế cơn giận. Có thể chàng tiện tay hất ra, bạn nên kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Chàng sẽ dễ chịu khi bạn can thiệp kịp thời.

Không chấp vặt

Khi cuộc khẩu chiến xảy ra nếu cả hai đều tỏ ra bất phân thắng bại sẽ chẳng bao giờ
dẫn tới một kết quả tốt đẹp. Để giữ cho gia đình êm ấp thì một trong hai phải biết bỏ qua cho nhau những thứ không quan trọng.

Cách tốt nhất, lúc đó người vợ/chồng cần bình tĩnh, tìm cách dò hỏi nguyên nhân tại
sao và tìm cách giúp người ấy chia sẻ, giải quyết khó khăn.

Bạn cũng không nên tỏ ra thờ ơ hay lạnh nhạt trước những hành động của người ấy.
Thái độ hoà nhã, thân thiện,vui vẻ của bạn sẽ làm vợ/chồng bớt căng thẳng.

Tự hòa giải

Giảng hòa luôn là một cách ứng xử tốt và khéo léo trong mối quan hệ vợ chồng. Biết
dừng đúng lúc trong mọi cuộc tranh cãi sẽ luôn làm tan biến mọi áp lực trong
gia đình. Cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, sóng gió và
chèo lái con thuyền hạnh phúc phụ thuộc rất lớn vào cả hai người.

Lúc này, bạn có thể nói những lời lẽ xuề xòa và tỏ ra chịu yếu thế so với đối
phương. Bằng sự hòa giải, bạn sẽ loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, làm
giảm những cơn căng thẳng thần kinh và giữ cho gia đình luôn hạnh phúc.

Đặt mình vào vị trí người ấy

 

Vợ/chồng bạn hay nổi cáu và thường về nhà gây gổ xích mích với bạn? Hãy chủ động tìm
hiểu nguyên nhân vì sao và tìm ra cách tốt nhất để giúp đỡ người ấy.

Vợ/chồng bạn hay mang bực dọc về trút lên đầu bạn? Hãy thử đặt mình vào người đã làm bạn giận, biết đâu bạn sẽ tìm được nguyên nhân của mọi việc. Bạn sẽ hiểu vì sao họ
cư xử hoặc có hành động như vậy.

Không gian riêng

Mỗi chúng ta cần có một không gian riêng để tĩnh tâm trở lại. Khi bạn đang căng
thẳng hay bực bội trong người, bạn nên vào phòng riêng hay những nơi mà bạn chỉ
có một mình. Không gian yên tĩnh và thoải mái sẽ làm bạn tốt hơn nhiều.

Viết ra những suy nghĩ của mình

Đây cũng là một cách rất tốt để giải thoát những bực tức trong người mình. Những
dòng nhật kí về những điều bạn đang suy nghĩ sẽ giúp bạn vơi đi những căng
thẳng.

Bạn có thể viết trên giấy, blog, email hay forum, biết đâu những tâm sự của bạn sẽ
được mọi người quan tâm và cùng chia sẻ. Lúc đó bạn sẽ có người đồng cảm.

Thư giãn

Hít thở sâu, thả lỏng cơ thể, nhắm mắt linh dim và tưởng tượng đến những gì tốt đẹp
nhất đang chờ đón bạn, mọi tức giận tan biến.

Bạn cũng có thể tham gia các lớp yoga để học cách trấn an và thư giãn cơ thể cũng
như tâm hồn. Bên cạnh đó các bài tập thê dục nhẹ nhàng như bơi, đi bộ cũng rất
tốt cho bạn.

Đi tắm

Những dòng nước chảy mơn man trên cơ thể bạn là một cách thư giãn lý tưởng, sẽ làm
bạn cảm thấy khoan khoái và lấy lại được tinh thần sau những mệt mỏi và căng
thẳng chuyện gia đình.

Bạn có thể nhảy vào hồ bơi vùng vẫy trong làn nước mát hoặc ngâm mình trong bồn
nước cùng với dược liệu và hoa. Bên cạnh đó tắm hơi và massage cũng là cách
giảm căng thẳng tốt nhất.

Cười lên

Chồng/vợ làm bạn tổn thương, nhưng tất cả vì hạnh phúc gia đình, mọi chuyện rồi sẽ qua.
Nếu bạn cố chấp hay để bụng càng làm bạn đau đầu, mệt mỏi, cảm giác bị tổn
thương, hạ thấp… rồi sẽ chẳng đến đâu nếu cả hai không nhường nhịn.

Hãy luôn mỉm cười vì nó có ích trong việc động viên bạn, giúp bạn yêu đời hơn. Nếu
người ấy đã xin lỗi bạn, bạn hãy bỏ qua và để quá khứ sang một bên, cùng nhau
sống hết mình cho ngày hôm nay và tương lai của cả gia đình.

Trò chuyện cùng nhà tư vấn

Những nhà tư vấn tâm lý luôn sẵn sàng chia sẻ mọi thắc mắc của bạn và họ sẽ có cách
giúp bạn xóa tan mọi bực tức trong người. Bạn dễ dàng trao đổi với họ qua các
phòng tư vấn, tổng đài điện thoại hay viết thư tư vấn.

Maria Thanh Mai gởi

Khúc Ruột Bắt Đầu Cạn

Khúc Rut Bt Đu Cn

(09/12/2012)

nguồn:Vietbao.com

Tác giả : Tâm Việt

 

“Năm 2010, với 8 tỷ 26 đô-la đổ về, Việt-nam là nước nhận được nhiều ngoại-tệ từ nước ngoài gởi về đứng thứ 9 trong các nền kinh tế đang phát triển nhận được loại tiền đó.

“Năm 2011, Việt-nam nhận được 9 tỷ đô-la ở ngoài nước gởi về, giúp bù đắp
đến 92% cán cân thương mại bị hụt.

“Tiền gửi từ nước ngoài về bao giờ cũng đóng một vai trò rất quan-trọng
trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia.  Những con số thống-kê sơ-khởi
cho thấy là ít nhất 4 tỷ 7 đã đi vào thị-trường địa-ốc ở trong nước.

“Tuy-nhiên, số tiền do người Việt hải-ngoại gởi về trong sáu tháng đầu năm
2012 đã hạ xuống đáng kể tới 23%, đánh dấu một ‘mùa tiền ngoại gởi về khá bết’
cho toàn năm 2012.”

Nói không được

Trên đây là phần mở đầu của một bài báo mới đây ở trong nước viết bằng tiếng
Anh trên mạng VietNamNet Bridge (ngày 5 tháng 9, 2012).

Như chúng ta đều biết, tiền người Việt hải-ngoại gởi về là tiền “rất ngon” đối với ở trong nước.  Vì sao?  Vì không phải làm gì mà tiền cứ như trên trời rớt xuống.  Người nhà nhận được tiền đã vui, nhà nước VNCS lại còn vui hơn nữa bởi tiền thì trước sau gì cũng phải chuyển thành tiền VN không mấy giá trị trong khi đô-la gởi về thì Nhà nước thu vào ngân-hàng Nhà nước nếu chưa đi vào túi tham của các quan CS.  Do đó nên quan dân đều
rất “hồ hởi,” dân nhắc gia-đình bạn bè ngoài này gởi về, Nhà nước ung-dung đút túi.  Mà đâu phải chuyện nhỏ, bạc tỷ đấy các bạn!

Muốn thấy sự thành công của chính-sách Nhà nước CS “rút ruột… mấy khúc ruột xa ngàn dặm” này, ta chỉ cần nhìn vào mấy con số: Nếu trong những năm của thập niên 1990 thì chỉ có vài chục triệu mỗi năm thì sau khi Mỹ bãi bỏ cấm vận (1994) rồi tái-lập bang-giao (1995), con số đó đã nhảy vọt lên đến:

1 tỷ 34 đô năm 2000

2 tỷ năm 2001

2 tỷ 7 mỗi năm trong hai năm 2002 và 2003

3 tỷ 2 năm 2004

4 tỷ năm 2005

4 tỷ 8 năm 2006

7 tỷ 2 năm 2008

6 tỷ 8 năm 2009 (có xuống một chút)

8 tỷ 26 năm 2010

9 tỷ năm 2011

nghĩa là nhân lên gấp gần 7 lần trong 12 năm (2000-2011).

Như vậy, ta có thể thấy là chính-sách của một số hội-đoàn, tổ-chức ngoài này kêu gọi bà con “không gửi tiền về, không đi du-lịch về VN” v.v. là gần như thất bại hoàn-toàn.  Dù như ai cũng biết là nếu ta tắt cái vòi nước đô-la chuyển về đó chỉ cần vài tháng là CS ở nhà ngất ngư.

Tương-đương với cái gì?

Muốn biết tầm quan-trọng của số tiền đồng-bào hải-ngoại gởi về thì ta thử đem so sánh với một vài món tiền khác xem sao.Theo một nghiên cứu của tổ-chức MPI (Migration Policy Institute) thì 9 tỷ do đồng-bào gởi về trong năm 2011 tương-đương với:

Gần gấp đôi (= 183%) số tiền chính-thức các nước (tất cả các nước trên thế-giới) viện-trợ cho VN để phát triển (ODA, Official Development Assistance).

Hơn (= 121%) số xuất cảng dịch-vụ thương mại (Commercial Services Exports).

Bằng 90% số tiền ngoại-quốc đầu tư thẳng vào VN (Foreign Direct Investment).

Bằng 12% tổng-số hàng xuất cảng trong năm, và

Bằng 7% tổng-sản-lượng quốc gia (GDP, Gross Domestic Product).

Tóm lại, số tiền “chùa” mà 3 triệu bà con ngoài này gởi về một năm bằng số tiền làm quần quật của hơn 6 triệu người (7% dân-số) làm đầu tắt mặt tối ở trong nước.  Thế thì làm gì Nhà nước chẳng khoái?  Nhất là khi đồng-bào gởi về là gởi đô-la hay Euro hay tiền Nhật, tiền Đại-Hàn… toàn thứ tiền cứng chứ không phải tiền Hồ mà không ai chịu nhận nếu đem ra khỏi nước.

Không trách nhiều người bực mình hay đau xót với ý-thức chính-trị còn thấp kém của đa-phần người Việt hải-ngoại gởi về nhiều khi vô tội vạ để cho người trong nước phè phỡn ăn chơi (chớ không phải để giúp gia-đình hay bạn bè cho những việc thực-sự cần thiết)!

Sự thực, đồng-bào cũng có phần ý-thức

Sự thực, đồng-bào cũng có phần ý-thức chứ không phải không.  Bằng-chứng là
VNCS đã có luật đầu tư từ nước ngoài từ năm 1987 nhưng nếu ta thấy là
ngoại-quốc đã bỏ vào hàng trăm tỷ đầu tư trong mọi lãnh-vực ở trong nước thì
đồng-bào ta ở ngoài này đã dè dặt hơn nhiều.  Học được bài học CS chỉ
thích ăn cướp của dân (như qua mấy lần đổi tiền hay vụ đánh tư-sản mại-bản),
đồng-bào hải-ngoại đã rất rón rén khi đầu tư vào trong nước.  Chẳng thế mà
trong 25 năm (từ 1987 đến giờ), người Việt hải-ngoại vẫn chưa đầu tư đến 2 tỷ
bạc vào các dự-án làm ăn với chính-quyền CS ở trong nước–nghĩa là chưa bằng
1/4 số tiền tươi họ gửi về trong nước trong một năm (2011).

Thế tiền họ gởi về đi đâu, các bạn có thể hỏi.Không lẽ người ở trong nước lại có thể ngồi đó mà “ăn” hết số tiền bà con ngoài này gởi về, dù như người ta có câu “ăn không thì đến núi cũng lở.”

Không, người Việt ngoài này cũng hiểu là ta ở xa, khó lòng mà ăn có với những tên CS lưu manh có quyền có thế ở quê nhà.Những gương tầy liếp như anh em Nguyễn Gia Thiều (ở Pháp về) hay Trịnh Vĩnh Bình (ở Hoà-lan về) còn sờ sờ ra đó: nó để cho mình ăn một lúc rồi nó cướp mình trắng tay.

Do đó nên nhiều người cho rằng mình khôn thì mình không về, chỉ cần gởi tiền về
cho người nhà đi đầu tư vào những món hời là tốt rồi.Người nhà ở tại chỗ, quen lối làm ăn chụp giựt của CS rồi, quen biết những chỗ phải bôi trơn, hối lộ thì chắc sẽ thành thạo hơn, không sợ bị “tiền mất tật mang.”Nói cách khác, nếu người Việt không trực-tiếp đầu tư thì lại gián-tiếp đầu tư trong nền kinh tế đó qua trung-gian của người nhà, người quen.

Đã tưởng thế là khôn nhưng chính ra vẫn còn dại.Bởi người nhà thì cũng không
qua mặt được những cái cú cáo, móc nối, phe phẩy của bọn “bán trời không văn-tự.”  Bỏ tiền vào thị-trường chứng-khoán ư?  Nhất là khi tiền lãi nhiều khi nghe chóng mặt!Chẳng cần làm nhiều, chỉ cần bỏ vào nhà băng là cũng có tiền lời 15-16% rồi.  Ai mà không ham?

Rồi nếu còn tham hơn nữa thì bỏ vào địa-ốc với giá nhà, giá đất lên vùn vụt (có chỗ ở trung-tâm Hà-nội, một thước vuông có thể đắt gấp mấy lần đất ở Tokyo) làm sao mà lỗ vốn được?  Đó là lối suy nghĩ “ăn xổi ở thì” mà nhiều người cho là khôn ngoan, ăn chắc.

Bong bóng địa-ốc bể

Đó là thảm-trạng của không biết bao nhiêu người “ốm dở, khóc dở” ngày
hôm nay, cả ở Trung-quốc lẫn ở Việt-nam.

Khi giá nhà lên thì người ta đổ xô vào xây nhà, mua nhà, đầu tư vào địa-ốc.  Nhưng đến khi kinh tế chậm lại (như ở Trung-quốc là tỷ-lệ tăng trưởng đang ở mức 10-11% bỗng xuống 9% hay thấp hơn nữa, còn ở VN thì đang ở 6-7% thụt xuống còn có 4%) thì tiền trả nhà băng kiếm cũng không ra, vay thì giá quá đắt (tiền lãi lên đến hơn 20%, có khi đến 23-24%), thế là vỡ nợ, bỏ của chạy lấy người.  Và những vụ như vậy thường có hiệu-quả dây chuyền, đỡ
không nổi.

Chẳng thế mà cũng bài báo nói trên mách cho ta thấy là “ít ra 4 tỷ 7 đô-la,” nghĩa là hơn một nửa số tiền 9 tỷ đồng-bào gởi về, đã “đổ vào thị-trường địa-ốc.”  Và 4 tỷ 7 này thì chẳng mấy lúc ra mây ra khói khi cái bong bóng địa-ốc bị bể gần như khắp nước, không chỉ ở Hà-nội, Sài-gòn mà còn ở cả Cần-thơ, Đà-nẵng, v.v…

Có người ác miệng thì bảo “đáng kiếp!”  Lúc bảo thì không nghe, đến khi tiền thành mây khói rồi thì ngồi đó mà khóc!

Thì ra Đức Phật sáng suốt biết bao, có nhân thì có quả, có tham sân si thì có ngã, có vấp!  Ai giàu ba họ, ai khó ba đời?  Những “đại-gia” hôm nay có thể ăn ngập miệng, tiền vất ra ngoài cửa sổ, nhưng có lẽ cũng không lâu sẽ phải trả giá cho những sung sướng đó bằng tù tội,
bằng chết chóc, không thể lường được.

Ở trên ta đã thấy là tiền hải-ngoại gởi về đã xuống gần 1/4 trong sáu tháng đầu năm nay.  Riêng ở Thành-phố HCM tức Sài-gòn, tiền bà con gởi về đã sụt nửa tỷ (= 500 triệu) trong sáu tháng đầu năm đang là một mối lo khắc khoải mà nhà cầm quyền đang chưa biết cách nào chống đỡ hay bù đắp.

Có lẽ người ở ngoài này cũng đã học được bài học khi bị bỏng tay.  Chính-quyền CS đang nghĩ cách bù đắp bằng cách kêu gọi tăng-cường số người du-lịch vào Việt-nam.  Khổ nỗi, nếu tiền tươi bà con gởi về lên đến 9 tỷ trong năm 2011 thì cùng năm, ngành du-lịch chỉ mang về có 5 tỷ 1 thôi.  Trong khi mọi nơi đều xuống cấp thì không hiểu làm sao mà có thể mong du-lịch mang về chỗ thiếu hụt khi đồng-bào đã hết tin tưởng và không còn muốn đầu tư lối dốt nát như trước đây?

 

EPHATA

EPHATA

 

Tác giả: Lm. Vĩnh Sang, DCCT

nguồn:Conggiaovietnam.net

Trong tuần qua, có một ngày tôi được tin cha già Chân Tín sẽ rời bệnh viện về lại Nhà Dòng, ngóng cả ngày không thấy ngài về, tối xuống, khi
đã đến giờ chuẩn bị Kinh Tối, cô cháu ngài báo điện thoại: “Thưa cha, cha già sắp về”, tôi quyết định bỏ đọc kinh chung để đón ngài. 10g khuya ngài mới về đến nhà, ông cụ vẫn vui vẻ như thường lệ, mặt bị ứ nước do truyền dịch và thận bị suy nên xem ra có vẻ mập hơn. Cụ mừng rỡ hỏi thăm mọi người, trả lời cụ vài câu rồi tôi hỏi cụ: “Cụ có hỏi thăm gì về đất nước không ?” Cụ bật cười rồi lại nhanh tay lau nước mắt.

Có lần chúng tôi vào thăm cụ trong bệnh viện, cụ cũng hỏi thăm mọi người rồi cụ hỏi chúng tôi: “Tình hình đất nước ra sao rồi ?” Khi đó cụ đang rất mệt, anh em mới nói với cụ: “Cụ cứ bình an nghỉ, chuyện đất nước để người khác lo”. Một người khác đùa vào: “Cụ gần về với Chúa rồi mà còn lo chuyện đất nước !” Mọi người cười vui vẻ, cụ cũng vẫn hiền hòa đùa vui với anh em và cười vui vẻ, lúc đó, mắt cụ cũng ngấn lệ.

Hôm nay cụ xuất viện về trễ, quá trễ, nên tôi đùa với cụ:
“Nhà thương nào mà làm giấy xuất viện cho cụ vào 8 giờ tối ? Chắc cụ đi chơi
đâu rồi bây giờ mới về phải không ?” Chợt nhớ ra điều gì cụ bảo mấy đứa cháu
lấy hình cho tôi xem, hình vừa mới chụp còn trong máy, vừa chuyển hình mấy đứa
cháu tranh nhau kể cho chúng tôi nghe. Câu chuyện ly kỳ và độc đáo.

Trong những ngày ở bệnh viện, cụ được con cháu đẩy xe đi chơi buổi chiều để dạo mát, một ngày cụ khám phá ra trong góc khuất của bệnh viện Chợ Rẫy một hang đá Đức Mẹ Lộ Đức bị bỏ hoang, nhiều năm qua không ai biết đến, những chữ viết trên bia đá chứng tỏ hang đá này được lập năm 1963, mục đích để các bệnh nhân cầu nguyện, hàng chữ “Đức Mẹ phù hộ các bệnh nhân” nói lên điều đó.

Cụ tìm cách liên lạc với những người có trách nhiệm trong bệnh viện, yêu cầu để cụ phục hồi lại hang đá, được chấp thuận, cụ bảo con cháu lau chùi dọn dẹp hang đá, đem tượng Đức Mẹ đi sơn lại, bắt điện làm đèn cháy sáng cho hang, cố gắng làm xong mọi việc. Ngày cụ được xuất viện, cụ đã nán lại chờ cho công việc mọi mặt xong xuôi, thánh hiến lại hang đá, tổ chức cầu nguyện trước hang… Tất cả chu tất khi trời đã khuya, khi đó cụ mới về, đó là lý do cụ xuất viện trễ.

Chúa dùng ông cụ thật lạ lùng. Năm 1990 cụ bị đưa đi quản thúc ba năm ở huyện Duyên Hải ( Cần Giờ ). Duyên Hải là một huyện nghèo, tuy thuộc thành phố giàu sang nhất nước, nhưng Duyên Hải vô cùng xơ xác đìu hiu, tuyệt đại đa số dân nghèo ở sâu ở xa trong các rừng bần, rừng đước, sông rạch chằng chịt, việc học không được quan tâm, y tế còn lạc hậu, nhà toàn bằng tranh bằng nứa, nền đất, muỗi mòng gieo rắc mầm bệnh khắp nơi. Các
nhà giáo, các nhân viên y tế… Nói chung nhân viên mọi ngành nghề đều ngán ngẩm tránh né, Nhà Nước phải ra chính sách tăng lương, kèm phụ cấp và chỉ sau vài năm hứa sẽ cho quay trở về đất liền thì mới có người chịu ra nhiệm sở.

Kể từ khi phát kiến nuôi tôm, bộ mặt huyện này có phần thay đổi nhất là khi con đường nối huyện với thành phố Sàigòn được hình thành, một số gia đình bán đất cho các nhà đầu tư nuôi tôm, có tiền nên một số nhà gạch được xây cất, lượng xe hai bánh gắn máy của huyện cũng tăng lên. Nhưng rồi khi chuyện nuôi tôm tràn lan không quy hoạch, không được hỗ trợ đúng nghĩa, đầu ra đầu vào không ổn định nên thất bại thảm hại, đất đai ngổn ngang, người nghèo mất hết đất nên vẻ tiêu điều héo hắt lại y như hồi xưa…

Khi cụ Chân Tín về, ngày ấy dân Duyên Hải còn nghèo lắm, có hai gia đình được nghe Lời Chúa khi người cha trong nhà đi tù cải tạo, đến khi đoàn tụ rồi, họ lang thang tìm đến Nhà Thờ, may mắn được gặp cụ, cụ chăm sóc phần hồn, dạy Giáo Lý và ban Bí Tích Thánh Tẩy cho hai gia đình đầu tiên theo đạo ở xã An Thới Đông, một xã hoàn toàn không có người theo Đạo.

Cứ như vậy cho đến khi mãn hạn quản thúc năm 1993, cụ cứ lang thang len lỏi trong “hang cùng ngỏ hẻm” với dân Duyên Hải, dạy Giáo Lý, thăm viếng từng gia đình nghèo, bao nhiêu ngăn trở cụ cương quyết và hiên ngang vượt qua… An Thới Đông đã trở thành một Giáo Họ, khoảng hơn 500 người theo đạo, đã có Nhà Thờ khang trang và một cộng đoàn anh em chúng tôi bây giờ đang tiếp nối công việc của cụ ở đó.

Nghe kể lại rằng có những lần người ta ngăn cấm không cho cụ dạy Giáo Lý ở các gia đình, cụ cứ đến dạy, Công An xông vào, cụ cất sách kinh, bảo đang ngồi chơi thăm bà con, có luật nào cấm đi thăm nhau nhỉ ? Công An đi  rồi, cụ mở sách ra dạy tiếp, cả gia đình sau một ngày lao động về bên ánh đèn dầu chăm chỉ học, ngoài sân đất, đầu hè, hàng xóm tò mò sang ngồi nghe, nghe đôi ba lần rồi mê, xin cụ sang nhà dạy cho gia đình họ, cứ thế đất An Thới Đông được nghe Tin Mừng.

Một lần khác cụ làm Lễ ngay tại gia đình, Công An cấm, kết tội “hoạt động tôn giáo ngoài phạm vị Nhà Thờ”, cụ cứ làm, biết Công An sẽ đến, cụ cho dọn sẵn bát đĩa và đồ ăn gần đấy rồi cụ dâng Lễ, khi chó sủa báo hiệu họ đến, cụ cất chén Lễ và sách Lễ, ngồi nhậu khề khà với dân, “người anh em” chẳng làm gì được cụ !

Bài đọc thứ nhất Chúa Nhật 23 Quanh năm B hôm nay trích trong sách Ngôn Sứ Isaia kêu gọi chúng ta đừng sợ vì có Chúa, nếu cụ Chân Tín sợ thì làm sao ngày nay có Nhà Thờ, có Giáo Họ An Thới Đông hơn 500 người theo Đạo ? Không chỉ An Thới Đông nhưng sẽ còn nhiều Giáo Điểm nữa. Nếu cụ ngày ấy sợ, hễ “họ” cứ ho một cái là rụt lại, không xác tín được sứ mạng của mình, không ý thức được quyền năng của mình được Thiên Chúa trao phó, cũng không dám đòi những quyền sống tối  thiểu của mình, không dám lên tiếng cho Sự
Thật thì cả đời cứ đi trong tăm tối thôi.

Vâng, nếu ngày ấy chúng tôi ngăn cản cụ đừng làm thế, e rằng sẽ bị gây phiền nhiễu ảnh hưởng đến hoạt động chung của mọi anh em trong Dòng thì bây giờ và ngày sau sẽ ra sao ? Liệu chúng tôi có mãi tiếp tục hãnh diện về một thứ bình an giả tạo, khiếp nhược và hèn hạ không ? Lương tâm của chúng tôi có mãi yên ổn để hãnh diện kể công về một “mối tình tốt
đẹp giữa chúng tôi và Nhà Nước” không ?

Lao mình vào giữa rừng sâu, vượt qua ngăn trở sông rạch, cụ Chân Tín tìm đến với người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả. Thay vì chè chèn giao du với các đại gia, đi lại với người có quyền thế, cụ tìm đến gặp gỡ người nghèo.

Bài đọc hai của Chúa Nhật hôm nay trích trong thư của Thánh Giacôbê, nghe mà thấm thía, Thánh Giacôbê buộc chúng ta phải chọn lựa cách ứng xử trước mặt Thiên Chúa. Có hai người, một giàu có sang trọng bước vào, vòng vàng đầy tay, áo quần lộng lẫy, lại một nghèo hèn ăn mặc tồi tàn cũng tìm đến, cách chúng ta tiếp đón sẽ ra sao ?

Khối lần ta khúm núm trước người giàu, khối lần ta nghe lời tư vấn khuyến dụ của người quyền thế, khối lần ta để người có tiền quyết định cả những điều thánh thiêng theo hướng và quan điểm của họ, cho dù hướng ấy, quan điểm ấy nghịch hẳn với Tin Mừng. Đã có kẻ bỏ hẳn việc chia sẻ tiệc mừng với một cộng đoàn Giáo Xứ để đi dự tiệc của người giàu, đã có kẻ cho cả lớp Giáo Lý hàng trăm người “leo cây” ngồi chờ để đi vui với kẻ có tiền, kẻ đã tài
trợ cho mình…

Thánh Giacôbê buộc ta phải trả lời trước Chúa: “Đừng nghe xuông mà lừa dối chính mình”.

Ephata ! Mở rộng tai ra để nghe Lời của Chúa. Ephata ! Mở miệng tôi ra để cao rao Lời của Chúa. Đừng bưng tai bịt mắt, đừng nhát đảm sợ hãi mà không nói Sự Thật. Sự Thật nguồn cội là chính Chúa Giêsu.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa nhật 9.9.2012 (Ephata 526)

Cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành quán quân Vua đầu bếp của Mỹ

Cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành quán quân Vua đầu bếp của Mỹ

Cô Christine Ha không tin là mình giành chiến thắng trong cuộc thi MasterChef, và
cô là bằng chứng sống về việc đạt được mơ ước dù vấp phải nhiều khó khăn trong
cuộc sống
11.09.2012
Cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành quán quân Vua đầu bếp của Mỹ
Christine Ha đã vượt qua hơn 100 ứng viên khác để trở thành người giành chiến
thắng trong chương trình thi nấu ăn có tên gọi MasterChef (Vua đầu bếp) của Mỹ.
Trong vòng chung kết của chương trình được phát sóng hôm 10/9, cô Christine đã
nấu các món ăn mang đậm hương vị Việt Nam và châu Á để giành ngôi vị quán quân
với giải thưởng trị giá 250.000 đôla cùng với một hợp đồng viết sách về nấu ăn.
Giám khảo của cuộc thi, đầu bếp danh tiếng Gordon Ramsay, nói cô Christine đã
biết tận dụng thế mạnh nguồn gốc Việt Nam của mình.
Cô Christine cho biết cô không tin là mình lại giành chiến thắng trong cuộc thi
MasterChef, và cô là bằng chứng sống về việc đạt được mơ ước dù vấp phải nhiều
khó khăn trong cuộc sống.
Cô Christine là người dự thi khiếm thị đầu tiên của Vua đầu bếp.
Cô Christine đang học cao học tại Đại học Houston.
Nguồn: People Magazine, Examiner, Monster
and Critics, Houston Chronicle

Hạt giống Kitô trong đất Jrai

 


    Hạt giống Kitô trong đất Jrai (16)

    Đăng bởi pleikly lúc 2:54 Sáng 11/09/12

     

    VRNs (11.09.2012)
    – Gia Lai – Nếu chỉ nhìn người thuộc các sắc tộc thiểu số lá người bị
    thiệt thòi, không có cơ hội tiếp nhận các nền văn hóa văn minh trên thế
    giới, thì có nguy cơ bỏ qua những giá trị lớn lao do Thiên Chúa ban cho
    họ. Nhiều anh chị em thuộc các cộng đoàn  Công giáo người Kinh, khi được
    khuyên nên dành giờ đọc Thánh Kinh, thường trả lời là đọc không hiểu,
    nên không đọc. Nhiều linh mục cũng cho rằng đọc Thánh Kinh cao quá, chỉ
    nên khuyến khích các giáo dân đọc các sách giáo lý thôi. Nhưng đối với
    các anh chị em thuộc các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, và người
    Jrai nói riêng thì Thánh Kinh là một quyển sách cứu họ và cứunền văn
    hóa của họ.










     
     
     
     
    Giuse TRẦN SĨ TÍN, CSsR

    ÚC CHÂU THÁNG CHÍN,

    ÚC CHÂU THÁNG CHÍN,
    Kính tặng quý Thầy Cô và các bạn LVC.

    Úc châu tháng chín gió chuyển mùa,
    Phấn hoa đan kín giữa trời trưa,
    Bướm ong lã lướt khoe thêm sắc,
    Nay ở bên mình nắng hay mưa?
    Chợt nhớ ngày xưa nơi quán nhỏ,
    Cô hàng tóc xõa đẹp như mơ,
    Cà phê đăng đắng hương vị ngọt,
    Có phải cô thêm muỗng hững hờ…
    Từ buổi xa nhau luôn cứ ngỡ,
    Mai mốt quay về dệt mối tơ,
    Mà nay thu đến rồi thu chết,
    Người ấy ra sao? tôi thẫn thờ…
    Xứ lạ quê người đếm lá rơi,
    Nhớ thương ôm ấp suốt cả đời,
    Gởi mây xuôi gió mang về xứ,
    Một mãnh hồn trôi nữa rối bời…
    Liverpool.  10/9/2012.
    Song Như.

    Từ bi với mình…

    Từ bi với mình…

    BS Đỗ Hồng Ngọc

    Hình như ta chẳng bao giờ thực sống trong hiện tại cả! Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương
    lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có đựơc cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ,  cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú! Tóm lại, ta chẳng biết quý những phút giây hiện tại.  Từ ngày “thế giới phẳng”,  ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng trò chuyện với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm
    với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp! Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết qúy thời gian hơn,  quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn.

    Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ, vị lai. Dĩ nhiên, không phải là trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết “enjoy” nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá. Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi  60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao  cứ
    phải… nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!

    Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch… Cơ thể ta cứ tiến triển theo một “lộ trình” đã được vạch sẵn của nó, không cần biết có ta! Mà hình như,  càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu  nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Anh chàng Alexis Zorba nói: “Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn
    với. Cho nó nghỉ với.  Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi” (Nikos Kazantzaki). Từ ngày  biết thương “con lừa” của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi… cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá! Một người cô tôi “ăn không được”, ăn “không biết
    ngon” vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút thì hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng! Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đẫy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được! Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: cơ tắc xan  hề khốn tắc miên! Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền! trong bài Cư trần lạc đạo, ở đời mà vui đạo! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi
    Yên tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn
    nứơc ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp!

    Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ  thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!

    Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó tai cũng sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đầu óc bắt đầu kém sắc sảo.  Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại; mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là “căn” hết tiếp xúc được với “trần”.  Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!

    Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là “hoa đốm hư không” chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chính cái “tưởng” của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh  tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết
    chấp nhận và nhìn lại mình.

    Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả  có ai nghĩ gì về mình cả!

    Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút vậy!

     

    BS Đỗ Hồng Ngọc

    nguồn: Huỳnh Thanh Trúc gởi

    CHỈ CÒN SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

    CHỈ CÒN SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

    Trích báo Ephata  526

    Thế giới vào năm 1917 chỉ có 1,8 tỷ người, đang xẩy ra Thế Chiến thứ nhất làm thiệt mạng 11 triệu người thì Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cho biết các phương thế hữu hiệu để cứu vãn nhân loại gồm có:

    1. Ăn năn đền tội, cải thiện đời sống.

    2. Tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ

    3. Lần chuỗi Mai Khôi.

    Đây hoàn toàn là những phương thế hướng nội, đặt trọng tâm vào việc cầu nguyện hy sinh của mỗi cá nhân. Lạ lùng thay ta không thấy Đức Mẹ nhắc nhở về những hoạt động bên ngoài hướng tới tha thân như làm phúc bố thí, giáo dục thanh thiếu niên, chữa bệnh cho người nghèo.

    Tại Fatima, Đức Mẹ còn cho biết những thảm họa khác kinh sợ hơn sẽ xẩy đến trong tương lai như:

    1. Thế Chiến thứ hai làm thiệt mạng 60 triệu người.

    2. Chủ nghĩa Cộng Sản làm thiệt mạng 100 triệu người.

    Nhưng Đức Mẹ nói ra thảm họa bi thảm nhất không phải về số người phải chết ( xét cho cùng thì mọi người sinh ra đều sẽ phải chết đi ) nhưng là hỏa ngục, tức là số phận đời đời của những kẻ không làm theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời này.

    Ðức Mẹ cho chúng con ( ba trẻ tại Fatima ) thấy một biển cả lửa hồng dường như ở dưới mặt đất. Chìm ngập trong lửa này là quỷ dữ và các linh hồn dưới hình thể con người, giống như những cục than hồng trong suốt, đen đủi hoặc xám xịt. Họ nổi lên trong đám cháy, bị các ngọn lửa nâng lên cao, những ngọn lửa này phát ra từ thân mình họ cùng với một đám
    khói lớn. Họ lại rớt xuống mọi phía, giống như những tia lửa trong một đám cháy lớn, vô trọng lượng hoặc mất thăng bằng, và giữa những tiếng la hét và rên rỉ vì đau đớn và tuyệt vọng, làm kinh khiếp chúng con và làm chúng con run lên vì sợ hãi. ( Bí mật thứ nhất Fatima ).

    Ngày nay nói về hỏa ngục thì chẳng mấy ai còn sợ nữa. Các Linh Mục trên tòa giảng ít khi nói về hỏa ngục vì có vẻ hoang đường ấu trĩ làm sao đó. Nói về Lòng Thương Xót Chúa, rằng Chúa thương xót mọi người và sau cùng ai cũng được lên Thiên Đàng trọn gói thì hấp dẫn người ta hơn.

    Mỗi khi đọc tin về cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2012 thì tôi lại thấy ngoại trừ cầu nguyện, hy sinh, lần chuỗi hạt Mai Khôi (tức là những phương thế được Đức Mẹ Fatima đề ra ) thì không còn sức mạnh nào khác còn có thể cứu rỗi chúng ta.

    – Ngày 10.2.2012 Tổng thống Obama ký Sắc Lệnh (HHS Mandate ) bắt buộc tất cả các cơ sở tôn giáo ( mà Công Giáo là đối tượng chính ) phải tài trợ cho nhân viên ngừa thai và phá thai.

    – Ngày 9.5.2012 lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm, ông Obama lên tiếng công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính.

    – Ngày 3.9.2012 Đại Hội đảng Dân Chủ tại Charlotte, North Carolina đã biến thành một cuộc liên hoan ầm ĩ chào mừng chiến thắng của phong trào phá thai (được núp dưới mỹ từ quyền tự do chọn lựa của phụ nữ ).

    Suy nghĩ cho kỹ thì ông Obama chỉ là một cá nhân, đảng Dân Chủ chỉ là một đảng phái chính trị. Đàng sau ông Obama và đảng Dân Chủ còn có đại đa số dân chúng Hoa Kỳ theo Thiên Chúa Giáo đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2008 và vẫn đang ủng hộ ông vào năm 2012 ( theo cuộc thăm dò của CNN vào ngày 24.8.2012 thì 49% người Mỹ vẫn tán đồng ông Obama so với 47% theo phe ông Rommey là người chống đối phá thai ).

    Obama chỉ là một chính trị gia thừa gió bẻ măng, chiều theo nguyện vọng của đa số cử tri để tiến thân trên con đường sự nghiệp. Mỗi cá nhân có thể có những khuynh hướng khác nhau. Tôi không thể ép người khác phải  theo lập trường của tôi. Nhưng khi một dân tộc với đa số theo Thiên Chúa Giáo bỏ ngoài tai mọi hướng dẫn của Giáo Hội là người đại diện cho Chúa để tự đặt ra và quyết định cho mình những gì chỉ thuộc về quyền hạn của Chúa thì đất nước đó sẽ đi về đâu ?

    Sự sống là của Chúa và chỉ có Chúa mới có quyền quyết định trên sự sống của một thai nhi. Những người ủng hộ phá thai nói rằng sự sống của thai nhi là của người mẹ vì thế người mẹ có quyền giữ con hay giết con. Trong trường hợp này người mẹ đã muốn trở thành Thiên Chúa.

    Hôn nhân do Chúa thiết lập khi tạo dựng con người có nam có nữ nhằm mục đích thánh hóa con người và truyền sinh. Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính nói rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa hai cá nhân, có thể giữa hai người nam hoặc giữa hai người nữ với nhau.
    Những người này đã muốn trở thành Thiên Chúa khi bác bỏ mục đích truyền sinh của hôn nhân.

    Nhưng họ không phải chỉ là một thiểu số nhưng là đa số trong một dân tộc của một đất nước hùng mạnh nhất thế giới, có tầm ảnh hưởng vô song về chính trị, kinh tế, văn hóa trên toàn nhân loại. Một dân tộc đã luôn in lên đồng dollars của mình câu khẳng định “Chúng Con Tin Vào Chúa” ( In God We Trust ) mà đang trược dốc ra khỏi con đường của Chúa như thế sẽ đi về đâu và nhân loại này sẽ đi theo về đâu ?

    Trong khi đó những lời nhắc nhở của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ luôn bị chính những người Công Giáo thờ ơ. Chung quanh ông Obama luôn có những nhân vật quyền thế nhất là người Công Giáo triệt để ủng hộ ông. Trong số những người sẽ bỏ phiếu cho ông Obama được tiếp tục nhiệm kỳ hai chắc chắn có rất đông người Công Giáo. Khi đó ông sẽ tha hồ đẩy việc phá thai lên tầm cao mới, hàng loạt các cơ sở Công Giáo sẽ phải đóng cửa nếu không tài trợ cho phá thai ( tức là phản bội và bán đứng Chúa Giêsu như Giuđa đã từng làm ).

    Đối với những người nghèo và thất nghiệp thì chắc chắn tiền trợ cấp là cực kỳ quan trọng. Vì quyền lợi này họ sẽ đặt Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu.

    Đối với những người nhập cư lậu thì không có gì quan trọng cho bằng được hợp pháp hóa quyền ở lại Hoa Kỳ. Vì thế thân nhân của họ sẽ ủng hộ ông Obama.

    Đối với nhiều cô gái lỡ có thai ngoài ý muốn và gia đình của họ, giết đi một bào thai xem ra là giải pháp tốt đẹp nhất nên họ ủng hộ đảng Dân Chủ.

    Tôi có dịp trao đổi với một số vị cao niên Công Giáo Việt Nam từ Mỹ về, họ đều cho biết sẽ bỏ phiếu cho Obama tại vì tiền hưu dưỡng của họ sẽ được nhiều hơn. Khi tôi hỏi họ có quan tâm về chủ trương phá thai của Obama không thì họ nói rằng hơi sức đâu mà lo chuyện bao đồng !

    Đứng trước một trào lưu nhân loại hùng mạnh như thế dù có năng nổ hoạt động cách mấy chúng ta cũng đành bất lực.Tiếng nói của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng chỉ như gió thoảng vào nhà trống.

    Chúng ta chỉ còn biết như Phêrô sau khi đã kiệt sức đánh cá suốt đêm thâu, ta vẫn phải luôn luôn làm một cái gì đó cho người nghèo bị bỏ rơi, mà không bắt được một con cá nào. Qua cầu nguyện chúng ta phải nhận ra Chúa Giêsu đang đi trên mặt nước để đến với ta, và phải nghe được Lời Chúa nói: Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền. Ta vẫn phải bỏ lưới xuống. Khi làm theo lời đó ta đã có một hoạt động phát xuất từ cầu nguyện. Mọi việc còn lại Chúa sẽ làm cho ta.

     

    NGUYỄN TRUNG, 9.2012

    ĐỒNG TIỀN LIỀN CHỨC VỤ ĐỂ LÀM GÌ?

    ĐỒNG TIỀN LIỀN CHỨC VỤ ĐỂ LÀM GÌ?

    Lm Bùi Trọng Khẩn

    Không ai phủ nhận giá trị và hấp lực của tiền của vật chất. Vì “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý, là chân lý cuộc đời”.

    Trong Tin mừng có rất nhiều chỗ nói về Chúa Giêsu liên quan đến tiền của. Dụ ngôn những nén bạc (Mt 25, 14-30; Lc 19,11-27) ; Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10) ; Dụ ngôn người quản gia bất lương (Lc 16,1-8) ; Dụ ngôn tên mắc nợ không biết xót thương (Mt 18,23-35). Ngài cũng nói đến mối nguy hiểm của nó: Chuyện người thanh niên có nhiều của cải (Mt 19,16-22) ; Người giầu có khó vào Nước Trời (Mt 19,23-26) ; Dụ ngôn ông nhà giầu và Lagiarô nghèo khó (Lc 16,19-31) ; Đức Giêsu đánh đuổi những người đang mua bán trong đền thờ (Mt 21,12-17) ; Xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a (Ga 12, 4-6) ; Giuđa nộp Đức Giêsu
    (Mt 26,14-16) cũng vì tiền rồi Giuđa đi thắt cổ (Mt 27,3-10). Cho nên Ngài cũng khiển trách người Pharisêu ham tiền (Lc16,14-15) ; khi sai 12 tông đồ (Lc 9,1-6) và 72 môn đệ đi rao giảng (Lc 10,4) Ngài cũng dặn họ đừng mang tiền bạc. Nhưng trong hành trình truyền giáo của mình, Đức Giêsu cũng cần đến tiền của khi phải nộp thuế cho Xê-da (Mt 22,15-22 ; Lc 20,20-26); trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 5); vì thế, đã có những người phụ nữ lấy tiền của của mình để giúp đỡ cho Chúa và các môn đệ (Lc 8,1-3). Cuối cùng, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải nhìn thấy nơi tiền của có một giá trị tương đối : Hai đồng tiền nhỏ của bà góa (Lc 20,1-4) nên phải biết sử dụng nó một cách đúng ý nghiã và mục đích : Bán của cải đi mà bố thí (Lc 12,33-34) ; Khi đãi khách hãy mời những người nghèo khó (Lc 14,12-14) ; và Trung tín trong việc sử dụng tiền của (Lc 16, 9-12). Đó là một minh chứng thực tế về tiền của là con dao hai lưỡi.

    Cao hơn nữa”con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu” (Lc 9, 58). Vậy “là đầu giáo đoàn, các linh mục sẽ thực hiện hiện đời sống tu trì riêng biệt của các Chúa chiên : từ bỏ những tiện nghi cá nhân, không tìm kiếm lợi ích riêng tư của mình, mà công ích đông đảo quần chúng, để họ được cứu rỗi(1Cr 10,23) (số 13).

    “Trên thực tế, nhiều người chọn sai đường. Không những không biết sợ, mà còn hãnh diện. Nếu cả đến người môn đệ Đức Kitô, mà lại sống đời hưởng thụ ở mức độ cao, ít cầu nguyện, nghèo bác ái, ngại dấn thân, không thường ngày tập luyện nhân đức, không nhận thấy sự có Chúa trong mình và thực thi ý Chúa mới là tài sản lớn nhất của mình, thì còn đâu là chứng nhân cho sự lựa chọn con đường Chúa muốn. Hơn nữa, con đường thênh thang lại được người môn đệ Chúa bình thường hoá, thì người đời sẽ dễ bị dụ dỗ theo gương sai lầm đó.
    Chính mình đi sai đường, lại khuyến khích người khác đi theo mình. Sự kiện này rất nguy hiểm” (Đức cha GB. Bùi Tuần, Hãy biết sợ, báo CGDT số 1483, trang 17).

    “Chúa Giêsu, Đấng vốn giầu có, đã vì chúng ta trở nên nghèo, để chúng ta được giàu có bởi sự nghèo khó của Người (2 Cr 8, 9). Mẫu gương tuyệt vời đó dạy ta”Nhớ rằng ân huệ  mình lãnh nhận là nhưng không, linh mục sẽ sẵn sàng ban cho nhưng không và sử dụng vào thiện ích của giáo hội và vào các việc bác ái tất cả những gì mình nhận được khi thi hành phận vụ sau khi bảo đảm cuộc sống và chu toàn mọi bổn phận của đấng bậc mình. Xét cho cùng mặc dù ngài không sống đức khó nghèo do lời khấn công khai, linh mục vẫn phải sống một cuộc sống giản dị và xa lánh hết những gì là phù phiếm, tự nguyện sống khó nghèo để theo sát Đức Kitô. Trong mọi lãnh vực (nhà ở, phương tiện đi lại, nghỉ ngơi….) linh mục phải loại trừ mọi kiểu cách và xa hoa(Chỉ nam LM tr.73). “Sống bình dị trong cách ăn mặc là biểu hiện một tâm hồn đơn sơ rộng rãi và không cố chấp, đó là đức hạnh của linh mục. Sống bình dị trong cách ăn uống là biểu hiện một tâm hồn đạo đức hi sinh và vui  tươi, đó là đức hạnh cuả linh mục”(Lm.Nhân tài, tr. 88). Phải xếp đặt nhà ở mình làm sao cho mọi người có thể lui tới, và không một ai, dù là kẻ nghèo hèn, phải sợ hãi không dám lui tới”(17).

    Linh mục, tu sĩ phải chứng minh cho sự hiện diện của Đức Kitô là Đấng đã đến “không phải để cho người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 46 ; x.Ga 13, 12-17) ; “tôi đến cho chúng được sống dồi dào” (Ga 10,10). Cũng như bắt chước Phaolô “trở nên tôi tớ mọi người hầu cứu chuộc được nhiều người hơn”
    (1Cr 9,19).

    Như vậy, quyền hành trong giáo hội là để phục vụ. “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ  người” ((1Tm 1,12). “Vì thế, chúng tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống”(thư HĐGMVN, Sống đạo hôm nay, vai trò của linh mục và tu sĩ, số 8). Thật là đẹp đẽ hình ảnh người tông đồ Chúa Giêsu sống như
    Ngài là”mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ
    của chúng ta”.

    Gần thời đại chúng ta có những con người thánh thiện đã qua đi,  nhưng gương sáng và lời dạy còn nóng hổi. Như Mẹ Têrêxa Calcutta: “việc yêu thương luôn đem lại bình an. Yêu thương là trái cây có quanh năm trong tầm tay hái của mọi người”. Như  ĐHY Px. Nguyễn Văn Thuận nói: nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Đức Giêsu (bởi vì Người là tình yêu). Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Mẹ Maria. Và Mẹ Têrêxa Calcutta phát biểu: “Để yêu mến một người cần phải tiến tới gần người đó…Tôi không bao giờ
    săn sóc các đám đông mà chỉ săn sóc các con người cụ thể thôi” (Chúa mang cho con tình yêu, Roma 1979, tr.48). Yêu thương là cách loan báo Tin mừng tốt nhất vì đạo chúng ta là đạo yêu thương-bác ái.

    Một cách năng động hơn là luôn ý thức rằng “khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,9-10) như thánh Augustinô đã tâm sự : vì anh em tôi là linh mục, với anh em tôi là kitô hữu. Đúng thế, “Thiên Chúa luôn luôn gọi các linh mục của Người từ các môi trường
    nhân loại cũng như từ các giáo hội nhất định; các linh mục không thể không mang đậm những dấu ấn của những môi trường đó để phục vụ Tin mừng của Đức Kitô” (Tông Huấn các mục tử, số 5).

    Quảng đại cho ®i còn bộc lộ bằng sự hiệp thông dựa trên nền tảng tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô, niềm khao khát mãnh liệt hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Nên hãy tránh tìm lợi lộc cá nhân, phe nhóm chủ nghĩa, mua tiếng khen danh vọng ; vô tình tạo ra hàng rào biên giới trong cộng đoàn hay giữa giáo xứ này với giáo xứ kia, tầng lớp này với tầng lớp khác. Thời đại cần chứng nhân hơn thầy dạy, không có nghĩa là coi thường thầy dạy nhưng đề cao giá trị của lời nói đi đôi với việc làm, nhất nữa là sống theo gương mẫu Đức Kitô
    sống chết vì đoàn chiên, đến để được phục vụ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

    Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng : “Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế cả kẻ gieo lẫn người gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ kẻ này gieo người kia gặt quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ” (Ga 4, 36-38).

    Lm Bùi Trọng Khẩn

    nguồn:Maria Thanh Mai gởi

    SINH NHẬT ĐỨC BÀ

    SINH NHẬT ĐỨC BÀ

     

    “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói:

    ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng,

    Đức Chúa ở cùng bà.'”

    (Lu-ca 1:28)

     

    Kính mừng Sinh Nhật Đức Bà

    Cuộc đời Thánh Mẫu thật là đẹp thay

    Diệu huyền không mấy ai hay

    Gia đình nghèo khó, rủi may phận người

    Hôm nay ngày rất cao vời

    Cõi trần nhờ Mẹ sáng ngời niềm vui

    Xóa tan tuyệt vọng, tối thui

    Khổ đau thần chết đẩy lui hoàn toàn

    Giê-su nhập thể huy hoàng

    Đêm đông thiên sứ từng đoàn hát ca

    Hồng ân kỷ niệm thiết tha

    Ma-ri-a hỡi, bao la cửu trùng

    Ngôi Hai Cứu-Chúa ở cùng

    Phàm nhân hạnh phúc, khắp vùng hân hoan!

     

    * Nguyễn Sông Núi

     

    (Tv Thánh Gioan Neumann, Dallas, TX,

    Sinh Nhật Trinh Nữ Maria, Sept. 9, 2012)

     

     

    AI LÀ THẦY CỦA NGÀI ?

    AI LÀ THẦY CỦA NGÀI ?

     

    Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông:

    “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?”

    Hasan đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của
    các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian
    của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.

    Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm
    đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối
    cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng.
    Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời:

    “Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông
    không ngại ở chung với một tên trộm.”

    Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm
    ông ta lại bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!” Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: “Có trộm được gì không?” và ông ta đều đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.

    Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được
    một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết:

    “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!”

    Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó
    xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng
    của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác.

    Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối
    cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta
    hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta:  Con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.

    Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé
    trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé:

    “Con tự thắp cây nến này phải không?”

    Đứa bé đáp:

    “Thưa phải.”

    Đoạn ta hỏi:

    “Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy
    con có biết ánh sáng từ đâu đến không?”

    Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói:

    “Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?”

    Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp
    đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả
    những tự hào về kiến thức của mình.

    Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta
    không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy.

    Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia.

    Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò.

    Điều này có nghĩa là gì?

    Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.

    nguồn: Chị Nguyễn Kim Bằng gởi