Thánh Isidore

 

15 Tháng Năm

   Thánh Isidore

   (1070 – 1130)

    Thánh Isidore là quan thầy của các nông dân và làng quê. Ðặc biệt, ngài là quan thầy của Madrid, Tây Ban Nha, và của Hội Nghị Ðời Sống Công Giáo Thôn Quê Hoa Kỳ.

     Khi lớn tuổi, ngài làm công cho gia đình ông Gioan de Vergas, một địa chủ giầu có ở Madrid, và trung thành làm việc cho đến mãn đời. Isidore kết hôn với một thiếu nữ đạo đức và chính trực mà sau này bà được tuyên xưng là thánh Maria de la Cabeza. Hai người có được một con trai nhưng chẳng may cậu chết sớm. Cả hai ông bà tin rằng ý Chúa không muốn hai người có con, do đó họ quyết định sống khiết tịnh cho đến suốt đời.

   Isidore là người đạo đức thâm trầm bẩm sinh. Ngài thức dậy từ sáng sớm để đi lễ và dành thời giờ trong những dịp lễ lớn để đi viếng các nhà thờ ở Madrid và vùng phụ cận. Trong khi làm việc, ngài luôn chuyện trò với Thiên Chúa. Khi bị các đồng nghiệp cho rằng ngài trốn tránh nhiệm vụ qua việc tham dự Thánh Lễ hằng ngày, lấy nhiều thời giờ để cầu nguyện, v.v., Isidore trả lời rằng ngài không còn lựa chọn nào khác hơn là tuân theo Ông Chủ tối cao. Truyền thuyết kể rằng, một sáng kia khi ông chủ đến cánh đồng để bắt quả tang Isidore trốn việc đi nhà thờ, ông thấy các thiên thần đang cầy cấy nơi khu ruộng của Isidore.

    Isidore còn nổi tiếng là thương người nghèo và cũng thường để ý đến việc chăm sóc loài vật.

     Isidore từ trần ngày 15 tháng Năm 1130, và được phong thánh năm 1622, cùng với các Thánh I-nhã, Phanxicô Xaviê, Têrêsa và Philip Nêri.

    Lời Bàn

  Chúng ta có thể tìm thấy nhiều sự ứng dụng nơi vị lao công thánh thiện này: Công việc lao động có phẩm giá; sự thánh thiện không bắt nguồn từ địa vị xã hội; sự chiêm niệm không lệ thuộc vào học thức; đời sống thanh bạch là con đường dẫn đến sự thánh thiện và hạnh phúc.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

CHÚA CHỌN CON.

CHÚA CHỌN CON.

(Ga. 15, 9 – 17)    nguồn: conggiaovietnam.net

                               Lm Vĩnh Sang DCCT

 “Không phải anh em đã chọn Thầy,

Nhưng chính Thầy đã chọn anh em.

Và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái”

 Không phải con chọn Chúa,

mà chính Chúa chọn con,

 Thế mà bấy lâu nay con cứ tưởng con chọn Chúa,

vì con nghĩ con chọn Chúa nên con đòi phần thưởng thuộc về con,

con nghĩ con chọn Chúa nên con ganh đua với anh em,

con thích nhìn về sau để thoả mãn lòng tự ái,

con thích so sánh để ve vuốt tính kiêu căng,

con thích tung hô để củng cố lòng tự đắc,

con thích phê bình người khác để tự trang điểm mình.

 Con đã làm bao nhiêu điều lố bịch

mà cứ huênh hoang ca tụng mình !

 Thế mà Chúa vẫn thương yêu con,

rồi sai con đi theo lòng nhân từ của Chúa.

 Lạy Chúa xin đừng chấp tội con.

 Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct.

Chúa nhật thứ 6 Phục Sinh.

13/05/2012

Tác giả:  Lm. Vĩnh Sang, DCCT

Thư gởi mẹ

                      

                                               Thư gởi mẹ

                                                                                            Tác giả:  Jos Thanh Phong

 “Thư Gửi Con” là tâm tình của người mẹ muốn được chia sẻ cùng đứa con trai độc nhất của mình. Lời của người mẹ thật chân tình và tha thiết như muốn được trải lòng cùng con, với những ước mong con hiểu đời mẹ và luôn sống mãi đời Hiến Dâng Phục Vụ. Đừng nặng lòng lo cho Mẹ, cũng như đừng để trái tim hồng nào xâm chiếm trái tim con, ngoài Chúa.

 Tình yêu đáp đền tình yêu. Những tâm tình của người mẹ chẳng rơi vào quên lãng, mà trái lại được trân trọng yêu thương và được nâng lên thành một thứ tình cao quý thiêng liêng: Tình mẹ, tình Chúa muôn đời.

 Những tâm tình của người con dành cho mẹ cũng thật chân tình, tha thiết, yêu thương và rất thật, như đã thấu hiểu nỗi lòng người mẹ, chia sẻ với mẹ những vui-buồn-đắng-cay trong đời… Lời thiết tha của con vẫn là lời kinh nguyện, thánh lễ dâng lên Chúa cầu cho mẹ sống đời hạnh phúc yên vui. Và xin mẹ cũng khẩn nguyện cho đứa con hư dại và bất hiếu này sẽ mãi mãi trung thành trong lý tưởng Ơn gọi – rao truyền chân lý, phục vụ yêu thương.

                                                  Sài Gòn, ngày…tháng…năm

Thư Gởi Mẹ

Mẹ kính yêu,

 Lời đầu tiên của con dành cho mẹ là lời thăm hỏi trong Chúa, nguyện cầu cùng Mẹ Maria và lời chào trong thánh phụ Giuse.

 Cám ơn mẹ thật nhiều, nhiều lắm! Vì đã nhớ đến con, viết thư thăm con và chia sẻ những nỗi niềm buồn vui trong cuộc sống cùng con. Nỗi buồn xa quê nhà chỉ mong có vậy…

 Mẹ ơi ! Con đã đọc được thư của mẹ rồi, không chỉ đọc một lần thôi, mà cứ đọc đi đọc lại, đọc đến độ thuộc từng con chữ. Càng đọc, con càng cảm thấy thương mẹ và yêu mẹ nhiều, thật nhiều! Vâng, con biết tình mẹ thật bao la vô bờ bến, đến độ đại dương có lớn, có sâu, có rộng đến mấy cũng không sánh bằng tình mẹ dành cho con. Con nhớ đến ngày xa xưa ấy, những tháng ngày mà mẹ con mình ấp ủ bên nhau, cùng nhau trốn tránh nắng mưa bụi đời, cùng nhau chia sẻ kiếp đời gian dối, cùng nhau vượt thác trèo đồi… Gian khổ biết chừng nào mà mẹ vẫn bồng bế con trên đôi tay gầy yếu. Biết bao thương đau mà mẹ hứng chịu.

Đúng, đời mẹ là một chuỗi dài nước mắt. Con biết, con biết chứ! Từ nhỏ mẹ đã côi cút, lớn lên làm tôi thiên hạ, và rồi cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, ước mơ có một mái ấm gia đình. Mẹ đã đến với bố con. Nhưng đâu ngờ, hạnh phúc nó lại không mỉm cười với mẹ. Mẹ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của biển đời gian dối, khổ ải, chán trường, tuyệt vọng.

 Những lúc như thế mẹ đã muốn đập đổ và phá huỷ tất cả : “Hôn nhân, cuộc đời và ngay cả mạng sống nữa…”, nhưng vì con, lo cho con mà mẹ đành hy sinh vượt lên tất cả: bất chấp khổ đau, quên đi sầu luỵ, vượt qua cái vòng luẩn quẩn của biển đời gian dối ấy. Con nhớ lại những tháng ngày mà mẹ gánh chịu những trận đòn thê lương, cuồng dại của bố con trong cơn say mà con còn rùng mình khiếp sợ. Vậy mà mẹ vẫn chấp nhận và gánh chịu tất cả.

  Ôi, mẹ của con, mẹ không chỉ khổ đau, tan nát về những lời chửi rủa, mắng nhiếc cay nhiệt, những cú đấm – đá tàn ác, dã man, mà còn đau khổ tan nát hơn nữa, là người, mà cả cuộc đời của mẹ đã đặt cả niềm tin, tình yêu và hạnh phúc của mình và coi đó là chỗ dựa tinh thần duy nhất của đời mẹ. Vậy mà mẹ cũng không có. Ước mơ vẫn chỉ là mơ ước. Niềm vui, tình yêu và hạnh phúc nó cứ vẫy chào mẹ. Một ngày bình yên trong đời mẹ cũng không.

 Con nghĩ người phụ nữ đau khổ, bầm giập, tan ná, bi thương nhất trên cuộc đời này có lẽ là Mẹ của con. Người chịu đựng và hy sinh nhất cũng là mẹ. Mẹ là người con yêu thương và quý trọng nhất trong cuộc đời này. Mẹ là dòng suối dịu hiền của đời con, là cánh chim đưa con vào đời, là bóng mát cho đời con trú ẩn. Mẹ là tất cả. Nhờ mẹ, vì mẹ mà con có ngày hôm nay…

 Tình thương và dấu ấn của mẹ ngày càng sâu đậm nơi tiềm thức của con theo thời gian. Dù cho cuộc sống có đổi thay, thời gian có thoi đưa, nhưng con luôn nhớ đến mẹ, hướng về mẹ và gọi tên mẹ. Những lúc trống trải của cuộc đời, những lúc trời buồn gió lạnh, những lúc thất vọng ê chề, con cũng muốn  buông xuôi tất cả. Nhưng nhớ đến mẹ lại là động lực để con tiến bước. Tiếp bước để đáp đền công ơn mẹ. Tiếp bước để đi trọn Lý Tưởng. Mẹ đã chẳng nói cuộc đời của mẹ chỉ có hai người đàn ông: Bố con và con đó sao? Và biết đâu những đau khổ, phiền lụy mẹ chịu lại sinh hoa trái là con?

 Nhưng mẹ ơi, Ơn gọi và cuộc đời huyền nhiệm lắm. Có nhiều lúc con tự hỏi bao đau khổ mẹ chịu sao không phải là ai khác mà là mẹ? Phải chăng mẹ đến với bố con trong đau khổ ấy mà con có mặt trong cuộc đời? Một con người yếu đuối và tội lụy như con liệu có theo Chúa làm môn đệ Ngài được chăng? Mẹ mong mỏi nơi con và đặt nhiều niềm hy vọng, nhưng con không làm được điều mẹ ước mong thì sao? Sự thực, có lúc con mệt mỏi, chán chường và để đời mình như đám lục bình trôi sông đấy mẹ ạ. Nhưng con nghĩ đến tình Chúa yêu con và nhất là nghĩ đến những hy sinh của mẹ, con lại gắng mình tiếp bước cho trọn hành trình dang dở, dẫu đường đời còn dài, nhiều gian nan và thử thách đang đợi phía trước. Con cũng lắng lo và sợ lắm, nhưng con tin có mẹ và con tin vào sức mạnh của Chúa. Chỉ có thế thôi mẹ ạ. Và giả như điều xấu nhất có thể xảy ra…, thì con vẫn mãi là con của mẹ.

 Vâng, con biết tất cả những gì mẹ làm là vì bố con và con. Mẹ đã sống trọn nghĩa vẹn tình, con biết chắc chắn và tin rằng Chúa không bao giờ quên mẹ đâu! Ngài sẽ bù đắp cho mẹ tất cả. Giờ đây, bố con đã đi xa, nhưng con luôn tin tưởng ở trên bầu trời trong xanh nào đó bố đang thầm nguyện cầu cho mẹ. Còn con, nơi không gian nhỏ bé của tu viện này, luôn nhớ đến mẹ, cầu nguyện cùng Chúa cho mẹ sống đời hạnh phúc bình yên, trọn vẹn, như mẹ đã sống trọn vẹn với bố con và con. Tất cả con xin gửi trao cho Chúa, Đấng an bài mọi sự.

 Mẹ ơi! Màn đêm đã chìm vào sâu. Trời oi bức khiến giấc ngủ của con đêm nay không thành. Trằn trọc suy nghĩ về mẹ và đường đời Ơn gọi, con ngồi viết những dòng tâm tình này đến mẹ như những dòng chia sẻ sâu xa nhất của con trai dành cho mẹ. Vâng, con muốn viết thật nhiều, nhưng ngọn đèn leo lét báo hiệu thời gian, con xin khép lại trên trang giấy này, cầu chúc mẹ nơi phương trời ấy giấc ngủ bình yên và tình thương của Chúa ấp ủ, chở che mẹ suốt cả cuộc đời. Xin mẹ cũng nhớ đến và cầu nguyện cho đứa con bất xứng và hư dại này. Con xin gởi lại đây với tất cả những gì là yêu nhất, qúy  nhất, thương nhất.

 Chào mẹ kính yêu!

Con trai của mẹ

Đứa con bất xứng

Jos. Thanh Phong                  nguồn: Maria Thanh Mai gởi 

Thư Gửi Con

Thư Gửi Con

                                                                               Tác giả: Maria T. M.

 Cần Thơ ngày… tháng… năm…

 

 Con xa nhớ, có phải đây là lần đầu tiên mẹ viết thư cho con không nhỉ? Nhận được thư chắc con ngạc nhiên lắm? Vì như có lần mẹ nói với con: Mẹ cũng ngại viết, nhưng chắc con cũng bận học, nên thôi thì có chuyện gì cần gấp lắm mẹ mới biên vài chữ thôi nhé! Đọc thư mà có thấy mẹ viết lủng củng, linh tinh gì thì cũng thông cảm cho mẹ.

 Hạnh phúc của mẹ con mình thật quá ít ỏi, hiếm hoi. Con thấy đấy, cuộc đời mẹ là một chuỗi dài nước mắt: Nhỏ thì côi cút, lớn lên thì đi làm thuê làm mướn, rồi gặp bố con, những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình, nào ngờ gia đình rơi vào vòng túng quẫn, việc làm ăn đổ bể, bố con chán nản rồi sinh rượu chè… tánh nết của bố đổi khác quá, càng ngày càng đoạ ra nghiện ngập, mất hết ý chí, nhu nhược, niềm tin vào cuộc sống và cả Chúa nữa cũng chẳng còn. Sau mỗi lần bố đi nhậu về là mỗi lần mẹ con mình phải “chạy loạn”, rồi đòn rồi vọt, đánh đấm…

 Nhớ lại những ngày đầy nước mắt ấy mẹ lại rùng mình khiếp sợ. Mẹ nhớ nhiều lúc mẹ muốn đạp đổ, muốn phá huỷ tất cả: hôn nhân, cuộc đời và ngay cả mạng sống bản thân, nếu như mẹ không nghĩ đến con và còn cố giữ cho mình một chút niềm tin, hy vọng. Mẹ vẫn còn tin vào giá trị thiêng liêng của Bí tích mà mẹ đã lãnh nhận trong ngày mẹ đứng trước cộng đoàn Dân Chúa và thề nguyền: “Tôi, Maria Nguyễn Trần T.M., nhận anh Giuse Nguyễn Hoàng T.L. làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc yếu đau, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời tôi”.

 Mẹ chỉ còn biết nhìn lên Chúa và Đức Mẹ của mẹ để mà cầu xin, để mình còn can đảm, nghị lực để trung thành, chung thuỷ. Con đường đau khổ mà mẹ đã đi qua ngẫm lại cũng còn có Chúa ở bên giữ gìn, bảo ban và có con ở bên để an ủi mẹ. Mỗi lần nhìn vào khuôn mặt ánh mắt tự tin đầy sức sống của con là mẹ lại gắng gượng tiếp tục xây dựng cuộc đời, chăm sóc bố con. Đến giờ phút lâm chung bố mới chịu lãnh các phép; khi đó mẹ mới an lòng là Chúa đã nhận lời cầu xin của mẹ – cầu cho bố con tỉnh ngộ tìm lại cho mình đức tin, mong cứu được phần hồn. Trong hơi thở cuối cùng, bố con thì thào xin lỗi vì những khổ đau mà bố đã gây ra cho mẹ con mình. Những lời của một người sắp chia ly vĩnh viễn cõi trần này thì thảng thốt, chân thành và thật, mẹ tin như thế và tha thứ cho bố con. Thôi thì tha thứ để cho người hấp hối được an lòng nhắm mắt ra đi, còn kẻ ở lại thì bớt áy náy con ơi! Mẹ mong con cũng tha thứ và cầu nguyện cho bố!

 Giờ đây, bố con đã ra đi, con cũng đã đủ khôn lớn mẹ mới dám tỏ bày cho con sự thật: trong quãng đời đau khổ đó, lúc mà bố con tàn tạ, người chẳng ra người, mẹ cũng có lúc như xiêu lòng, nghiêng tới một sự bảo bọc của “đối tượng” khác mà không phải là bố con.

 Con yêu quý của mẹ ơi! Mẹ tin tưởng là con hiểu và thông cảm cho những tâm sự, tình cảm rất con người trên đây của mẹ. Nhưng con hãy yên tâm và đừng hoài công thắc mắc về “đối tượng” ấy. Mẹ viết thư nói lên sự thật này không phải ý tứ báo trước rằng con sẽ có bố dượng đâu! Giờ mẹ quyết rằng: Cuộc đời mẹ chỉ có hai người đàn ông: Bố con và Con thôi!

 Con yêu! Mẹ dám chắc rằng không ai hiểu tính tình con cho bằng mẹ. Này nhé: bố nghiện ngập, nhu nhược, yếu đuối bao nhiêu thì con có ý chí, mạnh bạo, quả cảm bấy nhiêu. Con cương nghị, con suy nghĩ biết nhìn mọi việc trước sau và con quyết định làm một việc gì đó là con làm cho đến cùng. Xét ra điều đó tốt! Nhưng con ơi, có những điều chỉ có sức con người và cậy dựa vào tài lực chính mình thôi chưa đủ, mà còn phải có Ơn Trên. Mẹ nói thế không phải mẹ nói suông đâu, vì đó là những điều mẹ cảm nhận được khi nhìn lại đời mình.

 Con ơi, mẹ nghĩ, đời mẹ có thể có những đau thương, phức tạp nhất định, và đơn giản hơn cuộc đời, hướng đi mà con chọn cho mình hiện nay – Đường Tu. Mẹ nghĩ thế chẳng biết có đúng không? Nhưng một câu Kinh Thánh mà mẹ nhớ: “Chính Thầy đã chọn các con chứ không phải các con chọn Thầy” nói lên phần nào sự khó khăn đó.

 Ơn gọi là một điều gì đó bí ẩn con ạ! Và như mẹ thấy ngay cả khi bố mẹ sống với nhau trong ơn gọi, trong bậc vợ chồng biết bao khó khăn, đau khổ thất bại nhưng mẹ vẫn thấy ơn gọi đó thật bí ẩn và nhiều lúc mẹ thắc mắc : những đau khổ mà mẹ phải chịu đựng trong cuộc sống vợ chồng biết đâu chẳng được đền bù, chẳng sinh hoa trái là con đó sao? Và giả như, nếu mẹ chiều theo những đam mê, khát vọng của riêng mình mà bỏ rơi bố và con thì thử hỏi giờ này con có phải là con của ngày hôm nay nữa không?

 Mẹ biết con đường nào cũng có những khó khăn vất vả của nó. Nhưng mẹ nghĩ dù là đường vợ chồng hay đường tu trì, thì điều cốt yếu vẫn là sự tha thiết với ơn gọi mà mình theo đuổi. Cũng như mẹ, có lúc tưởng như không vượt qua được chính những yếu đuối, cám dỗ và những khó khăn mà mẹ phải chịu nhưng, vì mẹ còn sự tin tưởng là chính Chúa đã an bài để mình trong ơn gọi như thế, nên mẹ cố giữ lấy cho mình một tia hy vọng, và Chúa đã trợ giúp mẹ chu toàn bổn phận, trách nhiệm… Mẹ tin rằng trên cõi đời này cũng đã và đang có rất nhiều người sống đau khổ, bất hạnh nhưng họ cố gắng tin vào một điều gì đó tốt đẹp hơn vào ngày mai để sống. Và chỉ có như thế thì mới còn dám tiếp tục dấn bước, tiếp tục cuộc đời mình.

 Cũng như thế, mẹ nghĩ rằng nếu con đã tin Chúa đã gọi con thì cứ bước đi, đừng sợ nếu con còn cảm thấy trong cõi lòng mình một đốm lửa của lòng mến, sự tha thiết với ơn gọi. Mẹ dám đoan chắc với sự thiết tha, tin tưởng dù nhỏ của con, Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi con cô đơn một mình với những khó khăn về tình cảm hay vật chất đâu. Chào con yêu qúi nhất của Mẹ!

 Mẹ của con,

Thương con lắm lắm.

Maria T. M.           nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Chân Phước Damien ở Molokai

 

 Chân Phước Damien ở Molokai                                                                                       (1840 – 1889)

     Chân Phước Damien, tên thật là Giuse “de Veuster”, sinh ở Bỉ ngày 3 tháng Giêng 1840, trong một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.

     Ngay từ nhỏ, cậu Giuse mạnh khoẻ và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp cha trong công việc đồng áng. Cậu chăm chỉ giúp đỡ gia đình trong nhiều năm, nhưng tâm hồn cậu vẫn ở một nơi nào đó. Vào lúc 19 tuổi, theo gương anh mình, Giuse gia nhập Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và lấy tên là Damien. Vì nhất quyết theo đuổi việc học và để hết tâm hồn trong đời sống tu trì, chẳng bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc giáo dục trước đây.

     Vào năm 1863, Cha Pamphile, anh ruột của Thầy Damien, chuẩn bị đến quần đảo Hạ Uy Di trong công tác truyền giáo. Nhưng cha lâm bệnh nặng, và Thầy Damien tình nguyện thế chỗ. Sau năm tháng dòng dã trên biển, thầy đến hải cảng Honolulu. Trong vòng hai tháng tiếp đó, thầy được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm phục vụ ở Ðại Ðảo của Hạ Uy Di. Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của ngài thu hút được nhiều người. Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ các người bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi. Vào lúc Cha Damien đến đây, những người mắc bệnh cùi bị đầy ra đảo này đã hơn mười năm qua.

     Cha Damien, lúc ấy 33 tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang là cuốn sách kinh và một ít quần áo. Theo dự định ban đầu của tu hội, ngài chỉ ở đây một vài tháng rồi sau đó có các linh mục khác lần lượt ra thay thế. Nhưng sau khi đến đây được ít lâu, ngài đã viết thư xin cha bề trên cho phép ngài vĩnh viễn ở lại Molokai.

     Có thể nói, ngài sống với người cùi — ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, chào đón họ. Cha Damien được giao cho trông coi một cộng đồng Công Giáo. Hàng ngày, cha như chìm đắm trong sự cầu nguyện, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng, do đó ngài lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo. Nhưng tâm hồn của cha vẫn ở với tất cả các nạn nhân của bệnh Hansen, dù Công Giáo hay không Công Giáo. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những tâm sự đau lòng. Ngài giúp cải tiến hệ thống dẫn nước cũng như nơi ăn ở của họ. Ngài trông coi việc xây cất một trường học, một cô nhi viện và tổ chức sinh hoạt thiếu nhi cũng như ca đoàn. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an táng.

     Người ta không rõ khi nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài biến dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi. Lúc ấy được 16 năm sau khi ngài đến Molokai, và 25 năm kể từ khi ngài đến Hạ Uy Di để bắt đầu công việc truyền giáo.

     Trong những ngày cuối đời, Cha Damien được Mẹ Bề Trên Marianne Cope chăm sóc, là người đã hứa sẽ tiếp tục công việc mà cha đã khởi sự. Và sơ đã thể hiện điều đó trong 30 năm kế tiếp với sự cộng tác của các sơ trong tu hội.

     Theo lời yêu cầu, ngài được chôn cất ở Kalaupapa, nhưng vào năm 1936, chính phủ Bỉ đã thành công trong việc đưa thi hài của ngài về Bỉ. Một phần thân thể của Cha Damien được đưa về Hạ Uy Di sau lễ phong chân phước năm 1995.

     Khi Hạ Uy Di trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, tiểu bang này đã chọn Cha Damien là một trong hai đại diện của quốc gia có tượng đặt trong Statuary Hall ở trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.

     Lời Trích

     Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Sự thánh thiện không phải là sự tuyệt hảo theo tiêu chuẩn con người; sự thánh thiện cũng không dành riêng cho một ít người đặc biệt. Sự thánh thiện là cho mọi người; chính Chúa là người đưa chúng ta đến sự thánh thiện khi chúng ta sẵn sàng cộng tác trong công trình cứu độ thế giới vì sự vinh hiển của Thiên Chúa, bất kể tội lỗi của chúng ta hay tính khí bất thường của chúng ta.”

Trích Lẽ Sống     nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi 

Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu

    Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu

      Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.

     Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.

     Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: “Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”.

     Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.

     Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: “Chính ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”.

    Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ…

     Kinh Thánh thuật lại rằng trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa mạc, dân Israel đã bị rắn cắn. Môi sen đã sai đúc một con rắn đồng và treo lên một ngọn cây để tất cả những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành…

     Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Ngài.

    Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi.

    Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa.

    Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

     Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn…

   Nhìn lên thập giá Chúa để cảm mến được ơn tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta còn được mời để gọi tha thứ nhiều hơn. Còn tha thứ nhiều hơn, chúng ta còn dễ cảm mến được ơn tha thứ của Chúa…

 Trích Lẽ Sống           Nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Dòng Suối Yêu Thương

Dòng Suối Yêu Thương

 (Suy niệm Tin Mừng Gioan (15, 9-17 trích đọc vào Chúa Nhật 6 phục sinh)

  Nếu có ai đó chưa biết gì về đạo thánh Chúa, yêu cầu chúng ta: “Bạn có thể giúp tôi hiểu cách vắn gọn về bản chất của đạo Thiên Chúa trong vòng năm phút được không?”

 Đề nghị nầy có thể làm cho chúng ta lúng túng. Trước một vấn đề quan trọng như thế thì dễ gì tóm gọn trong dăm ba phút? Thế nhưng lời Chúa hôm nay có thể giúp chúng ta giải quyết phần nào vấn nạn nầy.

 Có thể hiểu cách đơn giản rằng Đạo Chúa không gì khác hơn là Dòng Suối Yêu Thương với ba chiều kích:

 1. Dòng Suối Yêu Thương bắt nguồn từ Chúa Cha.

2. Dòng Suối Yêu Thương thông qua Chúa Con đến cùng chúng ta.

3. Dòng Suối Yêu Thương thông qua chúng ta đến với tha nhân.

Theo quy luật tự nhiên, các suối đầu nguồn luôn trao hết, trút hết nguồn nước của mình vào lòng các dòng sông. Suối sẵn sàng cho đi luôn mãi, không nghỉ không ngừng.

Các dòng sông, một khi đã nhận được nước từ những con suối ở thượng nguồn, cũng không ngừng cho đi, cho đi ngày đêm không ngơi nghỉ, trút hết nguồn nước của mình cho vùng hạ lưu và cho ra biển cả.

Thiên Chúa là Tình Yêu, mà đặc tính của tình yêu là thông ban, là lưu chảy như nước từ khe suối đầu nguồn trút hết vào các dòng sông rồi tuôn chảy vào đại dương.

 Dòng suối Yêu Thương bắt nguồn từ Chúa Cha

 Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn Tình Yêu. Tình yêu của Người như Suối đầu nguồn. Tình yêu ấy được thể hiện qua việc Chúa Cha yêu thương Chúa Con đến nỗi trao ban tất cả mọi sự cho Chúa Con như Lời Chúa Giê-su xác nhận: “Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (Gioan 5, 26).

“Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Con” (Gioan 3, 35)

Bởi vì Chúa Cha đã trao ban mọi sự cho Chúa Con nên Chúa Giê-su khẳng định: “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy” (Gioan 17, 10)

 Dòng suối Yêu Thương thông qua Chúa Con đến cùng chúng ta.

 Chúa Giê-su chẳng những không giữ lại những gì Chúa Cha trao cho mình, mà còn đem tặng ban tất cả cho nhân loại, kể cả mạng sống của Người. Tình yêu của Chúa Giê-su lên đến cao điểm khi nâng con người phàm hèn lên hàng bạn hữu nghĩa thiết và hiến ban cả mạng sống mình cho họ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gioan 15,13). “Yêu thương nhân loại đến cùng” (Gioan 13,1) là châm ngôn sống của Chúa Giê-su.

 Dòng Suối Yêu Thương thông qua chúng ta đến với tha nhân.

 Chúa Cha như suối đầu nguồn đã trút hết tình yêu cho Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su như dòng sông cả đón nhận tình yêu của Chúa Cha và đã trút hết tình yêu ấy cho chúng ta.

Đến lượt mình, chúng ta được kêu mời trút hết tình yêu cho tha nhân như Chúa Giê-su đã trút hết tình yêu của Người cho chúng ta.

 “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Gioan 15,12)

 Thế là dòng suối Yêu Thương xuất phát từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giê-su, tuôn tràn xuống chúng ta và thông qua chúng ta để đến với mọi người khắp nơi trên thế giới. Cứ thế, dòng suối Yêu Thương lưu chảy không ngừng, không nghỉ… đem lại hạnh phúc và sự sống cho tất cả mọi người.

 Đừng cản trở dòng Suối Yêu Thương

 Thỉnh thoảng có những thân cây to lớn bên bờ ngã xuống lòng suối hoặc những ghềnh đá làm cản trở dòng chảy của con sông khiến nước không thể chảy xuôi về nuôi những cánh đồng phía dưới.

 Đừng để cho hận thù, chia rẽ, nghi kỵ… trong lòng ta trở thành những chướng ngại vật cản trở dòng chảy của tình yêu Thiên Chúa đến với anh chị em chung quanh.

 Khi không còn thương mến nhau, chúng ta tự loại mình ra khỏi gia đình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế chúng ta tự làm cho mình trở thành kẻ lạc loài và cô độc.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn “ở lại trong Tình Thương” của Chúa như Chúa “hằng ở lại trong Tình Thương” của Chúa Cha (Ga 15, 9-10) bằng cách chân thành yêu mến phục vụ những anh chị em mà chúng con gặp gỡ hằng ngày.

 Linh mục Inhaxiô Trần Ngà    nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Gì cũng cười

Gì cũng cười

                                                                         Nguyễn văn Vĩnh 

 An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì; phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.

Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi.

Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.

Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế…

Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng thì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì hì, thì ai không phải phát tức.

Ta phải biết rằng, khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tuỳ ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khi phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết những điều mình muốn cho biết mà thôi, và khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa.

Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp.

Nguyễn văn Vĩnh   trong Đông Dương Tạp Chí   

Chân Phước Waldo

     8 Tháng Năm

   Chân Phước Waldo

    (c. 1320)

       Waldo, còn được gọi là Vivaldo hay Ubaldo, là môn đệ của một linh mục thánh thiện, Cha Bartolo, cả hai quê quán ở miền bắc nước Ý. Khi Cha Bartolo bị bệnh cùi và phải nằm bệnh viện, Waldo đã đi theo hầu hạ ngài cho đến khi chết trong vòng 20 năm. Ðổi lại, nền tảng đạo lý của Waldo được phong phú hơn nhờ sự chỉ dẫn của vị linh mục thánh thiện.

     Sau cái chết của cha linh hướng, Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Thiên Chúa và hướng lòng đến những sự trên trời. Theo đó, ngài đi vào một khu rừng không xa nơi sinh trưởng là bao, và tìm thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó. Và ngài đã sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm, hoàn toàn cô độc.

     Người ta kể rằng, một ngày trong tháng Năm 1320, chuông nhà thờ ở ngôi làng gần đó tự nhiên vang lên từng hồi một cách lạ lùng. Khi dân làng đổ về nhà thờ để chứng kiến cảnh kỳ lạ ấy, thì một người thợ săn từ khu rừng đi ra. Ông cho biết trong khi đi săn, ông thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu và các con chó của ông vừa quấn quít chung quanh cây ấy vừa cất tiếng sủa một cách vui mừng. Khi quan sát thân cây thì ông khám phá ra vị ẩn tu đã chết trong tư thế quỳ ở chỗ lõm của cây. Ngay khi ông ngừng kể thì tiếng chuông cũng im bặt.

  Ðối với người dân trong làng, hiển nhiên vị ẩn tu ấy là một người thánh thiện. Họ vào rừng, đem thi thể Waldo về nhà thờ và chôn cất ngay dưới bàn thờ chính. Trong những năm kế đó, nhiều phép lạ đã xảy ra ở ngôi mộ của Chân Phước Waldo, và một nhà nguyện được xây cất ở nơi khu rừng ngài sinh sống để kính Ðức Maria.

nguồn từ Maria Thanh Mai gởi

Biết Tha Thứ

 Biết Tha Thứ

 Lịch sử Hoa kỳ còn ghi lại một hành động tha thứ nổi bật của vị tổng thống nổi tiếng của họ, ông Abraham Lincoln. Trong thời tranh cử tổng thống, Abraham Lincoln đã bị địch thủ chính trị của mình là ông Edwin McMasters Stanton đã kích, vu oan đủ điều. Dầu vậy, Abaraham Lincoln vẫn đắc cử làm vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ðến lúc phải chọn những người cộng tác trong chính phủ, Abaraham Lincoln bắt đầu chọn người cho những chức vị phụ thuộc trước. Và cuối cùng, đến chức vụ quan trọng cuối cùng của thời đó, chức vụ tương đương với chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng ngày nay. Mọi người mong đợi ông Abaraham Lincoln chọn kẻ có công nhất trong cuộc tranh cử, thì ông lại chọn chính kẻ đã thóa mạ mình, ông Edwin McMasters Stanton. Những cộng tác viên nhắc khéo: “Thưa Tổng thống, ngài hẳn quên ông Edwin Stanton này đã từng công kích và vu oan cho ngài trong lần bầu cử vừa qua hay sao? Ông ta sẽ phá hoại chương trình hành động của ngài. Ông có suy nghĩ kỹ chưa, thưa tổng thống?” Tổng thống Abaraham Lincoln lúc đó trả lời: “Ðúng vậy, tôi biết rất rõ ông Stanton này là ai, đã làm cho tôi những gì. Nhưng tôi đã tha thứ cho ông ta, và nhìn nhận ông ta là kẻ có tài năng hơn những người khác để giữ chức vụ này”. Và ông Stanton đã trở thành người cộng tác viên đắc lực nhất của tổng thống Abaraham Lincoln. Rủi thay, không bao lâu sau, tổng thống Abaraham Lincoln bị ám sát. Giữa những lời từ biệt trong lễ an táng, thì lời từ biệt của Stanton đáng giá hơn cả. Ông Stanton đã gọi tổng thống Abaraham Lincoln là con người cao cả nhất, con người lưu danh mãi mãi trong lịch sử vì đã tha thứ cho kẻ thù mình, và biến kẻ thù thành bạn, thành người cộng tác.

 Chắc chắn rằng, tổng thống Abaraham Lincoln không phải là người đầu tiên đã làm cử chỉ đẹp tha thứ cho kẻ vu oan mình. Chúng ta hãnh diện vì Chúa Giêsu Kitô, vị thầy và là đấng cứu rỗi chúng ta, cũng đã tha thứ cho những kẻ bách hại, đóng đinh Ngài trên thập giá. Ngài đã để lại cho chúng ta lời dạy quan trọng: Hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ bách hại anh em… Chỉ như thế, anh em mới xứng đáng làm con cái của Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời, và không ngừng thi ân cho tất cả mọi người lành cũng như kẻ dữ.

 Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con học được bài học tha thứ của Chúa. Sự tha thứ có sức mạnh giải thoát và biến cải người anh chị em. Xin giúp con nhìn thấy điều tốt nơi anh chị em và đừng để con sống nô lệ cho những tâm tình ganh tương, hận thù. Xin dạy con sống quảng đại yêu thương như Chúa đã nêu gương. Amen.

 nguồn: do Cindy Do gởi

10 ĐIỀU LÃNG PHÍ TRONG CUỘC ĐỜI

10 ĐIỀU LÃNG PHÍ TRONG CUỘC ĐỜI

 Trong hành trình tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa, nếu bạn lỡ coi thường một trong 10 điều thiết yếu dưới đây, coi như bạn đã tự đánh mất một phần nhựa sống của chính mình.

1. Sức khoẻ: Lúc còn trẻ, người ta thường ỷ lại vào sức sống tràn trề đang có. Họ làm việc như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống không điều độ… Cứ như thế, cơ thể mệt mỏi và lão hoá nhanh. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn.

2. Thời gian: Mỗi thời khắc “vàng ngọc” qua đi là không bao giờ lấy lại được. Vậy mà không hiếm kẻ ném 8 giờ làm việc qua cửa sổ. Mỗi ngày, hãy nhìn lại xem mình đã làm được điều gì. Nếu câu trả lời là “không”, hãy xem lại quỹ thời gian của bạn nhé.

3. Tiền bạc: Nhiều người hễ có tiền là mua sắm, tiêu xài hoang phí trong phút chốc. Đến khi cần một số tiền nhỏ, họ cũng phải đi vay mượn. Những ai không biết tiết kiệm tiền bạc, sẽ không bao giờ sở hữu được một gia tài lớn.

4. Tuổi trẻ: Là quãng thời gian mà con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ để làm những điều lớn lao. Vậy mà có người đã quên mất điều này. “Trẻ ăn chơi, già hối hận” là lời khuyên dành cho những ai phí hoài tuổi thanh xuân cho những trò vô bổ.

5. Không đọc sách: Sách truyền bá văn minh. Không có sách, lịch sử im lặng, văn chương câm điếc, khoa học tê liệt, tư tưởng và suy xét ứ đọng. Từ sách, bạn có thể khám phá biết bao điều kỳ thú trên khắp thế giới. Thật phí nửa cuộc đời cho nhưng ai chưa bao giờ biết đọc sách là gì.

6. Cơ hội: Là điều không dễ dàng đến với chúng ta trong đời. Một cơ may có thể biến bạn thành giám đốc thành đạt hay một tỷ phú lắm tiền. Nếu thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay, bạn khó có thể tiến về phía trước.

7. Nhan sắc: Là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ. Có nhan sắc, bạn sẽ tự tin và chiếm được nhiều ưu thế hơn so với người khác. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của nhan sắc có hạn. Thật hoang phí khi để sắc đẹp xuống dốc. Hãy chăm sóc mình ngay từ bây giờ.

8. Sống độc thân: Nhiều người ngày nay theo trào lưu “chủ nghĩa độc thân”. Thực tế là khi sống một mình, bạn rất cô đơn và dễ cảm thấy thiếu vắng vòng tay yêu thương của chồng/vợ và con cái. Bận bịu gia đình chính là một niềm vui. Sống độc thân, bạn đã lãng phí tình cảm đẹp đẽ ấy.

9. Không đi du lịch: Một vĩ nhân đã từng nói: “Khi đi du lịch về, con người ta lớn thêm và chắc chắn một điều là trái đất phải nhỏ lại”. Vì thế, nếu cho rằng đi du lịch chỉ làm hoang phí thời gian và tiền bạc, bạn hãy nghĩ lại nhé.

10. Không học tập: Một người luôn biết trau dồi kiến thức sẽ dễ thành công hơn người chỉ biết tự mãn với những gì mình biết. Nếu không học hành, bạn đang lãng phí bộ óc.

Nguồn: MariaThanh Mai gởi

Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn
thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.

Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: “Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội
họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi”.

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: “Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu… Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh
giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ… Xin Chúa tha thứ cho tôi”.

Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau: “Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…”.

Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người…

Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu
sát.

Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người… Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ…

Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải…

Trích Lẽ Sống
nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi