TẬP NGẠC NHIÊN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này!”.

“Quen thuộc và gần gũi không giống nhau! “Quen thuộc” – điều không thể tránh – xảy ra gần như thường tình. “Gần gũi” thì khó cảm nhận hơn; nó phải được tìm kiếm, mở ra và đáp trả. “Quen thuộc” luôn luôn có; “gần gũi” thì phải tìm, hiểu biết và cảm kích cá nhân. Bạn cần tập ngạc nhiên với những gì thân quen!” – Gordon Lester.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng cần ‘tập ngạc nhiên’ của Lester được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Thật thú vị, cả hai bài đọc cùng liên kết qua một nhân vật khá độc đáo – Giôna! Giôna kêu gọi Ninivê tái khám phá Thiên Chúa; Chúa Giêsu cũng làm ngần ấy việc với người đương thời.

Với Chúa Giêsu, bao phép lạ, các giáo huấn và sự thánh thiện của Ngài là điều không ai phủ nhận; ấy thế, một số người vẫn không hài lòng. “Người đương thời không hiểu rằng, Chúa là Thiên Chúa của sự ngạc nhiên, Ngài luôn mới mẻ; không bao giờ phủ nhận chính mình. Vì không hiểu điều này nên họ khép kín, co mình lại và đòi thêm dấu lạ!” – Phanxicô.

Cũng thế, chúng ta vẫn thường dễ rơi vào thái độ tương tự! Thay vì đánh giá cao sự giàu có được bảo tồn trong Hội Thánh, không ít người vẫn chạy theo những dấu lạ bất thường. Các Mối Phúc, các phép lạ trong Tin Mừng, kể cả việc người chết sống lại… nghe có vẻ nhàm; đang khi những mặc khải tư, chuyện linh hồn hiện về… lại thu hút nhiều người. Mùa Chay, thời điểm quay lại với những gì căn bản, ‘tập ngạc nhiên’ với những gì thân quen, tập “gần gũi, mở ra và đáp trả” trước những thông điệp của Chúa gửi đến trong Thánh Kinh, trong Thánh Lễ hoặc trong tràng hạt… như thể lần đầu!

Thật ra, sự hiện diện của Chúa Kitô trong hành tinh này đã là một dấu lạ vĩ đại; nhưng khi nói về Giôna, Ngài nói đến dấu lạ ‘tử nạn và phục sinh’ của Ngài. Trên thực tế, không dấu lạ nào vĩ đại hơn dấu lạ này, và việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh là cao trào thực sự mà Mùa Chay hướng đến. Mùa Chay, mùa ‘tập ngạc nhiên’ với cuộc tử nạn và phục sinh của Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta – các tội nhân. “Lạy Thiên Chúa, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê!” – Thánh Vịnh đáp ca. Thế nhưng, thông thường, chúng ta là những tội nhân chểnh mảng; vì thế, để “gần gũi” lại với Chúa, bạn phải “kiếm tìm”. Một người ‘từng trở lại’ tâm sự, “Đừng trì hoãn vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến! Chúa hứa thứ tha nếu bạn quay lại; nhưng Ngài không hứa, bạn sẽ có ngày mai để có một cơ hội!” – Augustinô.

Anh Chị em,

“Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này!”. ‘Dấu lạ Giêsu’ lớn hơn ‘dấu lạ Giôna’ xảy ra cách đây hơn 2.000 năm và vẫn xảy ra hằng ngày trên các bàn thờ. Hãy tái khám phá dấu lạ này trong mỗi Thánh Lễ, mỗi trang Phúc Âm; khám phá trong từng con người thân quen dưới một mái nhà; trong mỗi phút giây chúng ta hít thở. Hãy “tìm kiếm, mở ra và đáp trả” trước huyền nhiệm Thiên Chúa, huyền nhiệm Giêsu trong các Bí tích, trong những ai đang ở bên cạnh! Đó không phải là những gì quá “quen thuộc” nhưng thật “gần gũi” mà bạn tái khám phá mỗi ngày hầu có thể ngạc nhiên. Đừng đợi thêm dấu lạ nào nữa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hời hợt với những gì quen thuộc, hững hờ với những gì gần gũi. Dạy con biết tập lại – ‘tập ngạc nhiên’ – để nhìn mọi sự, mọi người với đôi mắt trẻ thơ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************************

Thứ Tư Tuần I Mùa Chay

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” 


 

Tóm tắt chính sách đối ngoại của Tổng thống Ronald Reagan -Trần Trung Đạo

Ba’o Tieng Dan

Trần Trung Đạo

11-3-2025

LGT của Tiếng Dân: Có nhiều điều về Tổng thống Ronald Reagan được người dân Mỹ nhớ tới, nhưng có lẽ dân Mỹ và thế giới luôn nhớ đến ông là vị tổng thống thời Chiến Tranh Lạnh đầu tiên, chủ trì tám năm hòa bình không bị phá vỡ và là người đầu tiên đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân với Liên Xô, qua việc đề xuất Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) năm 1982.

Người dân Liên Xô và các nước cộng sản cũng sẽ nhớ đến ông Reagan là vị tổng thống Mỹ đã giúp Tổng thống Liên Xô Gorbachev có thể bắt đầu quá trình tái cấu trúc xã hội Liên Xô, cùng với hành động của những người Đông Đức thời đó, để rồi chính dân Đông Đức đã phá vỡ bức tường Berlin ngày 9-11-1989, dẫn đến sự sụp đổ của khối Cộng sản ở Đông Âu không lâu sau đó. Sau đây là bài viết của nhà văn Trần Trung Đạo về vị tổng thống thứ 40 của Mỹ.

***

Ronald Wilson Reagan, tổng thống thứ 40 của Mỹ, sinh ngày 6 tháng 2 năm 1911 và qua đời ngày 5 tháng 6 năm 2004. Ông xuất thân như một xướng ngôn viên cho các chương trình thể thao tại Iowa trước khi di chuyển California để bắt đầu nghề nghiệp đóng phim.

Ronald Reagan nguyên là đảng viên đảng Dân Chủ và xem TT Franklin D. Roosevelt như một anh hùng của nước Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và Thế Chiến Thứ Hai. Ông ủng hộ TT Harry Truman trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống 1948.

Năm 1962 ông thay đổi từ đảng Dân Chủ sang đảng Cộng Hòa và ủng hộ các chiến dịch tranh cử tổng thống của Dwight Eisenhower năm 1952 và Richard Nixon năm 1960.

Năm 1966, ông thắng cử chức vụ thống đốc tiểu bang California. Năm 1976, ông tranh cử ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Ronald Reagan chống lại chính sách đối ngoại hòa hoãn với LX của ứng cử viên Gerald Ford nhưng thất cử sít sao trước Gerald Ford. Gerald Ford, sau đó, thất cử trước ứng cử viên đảng Dân Chủ Jimmy Carter.

Năm 1980, Reagan tranh cử tổng thống lần nữa. Sự thất bại kinh tế và các chính sách đối ngoại sai lầm của TT Jimmy Carter đã tạo điều kiện cho Thống đốc Ronald Reagan trở thành tổng thống thứ 40 của Mỹ.

Học thuyết Reagan (Reagan Doctrine)

Theo tài liệu lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, “Học thuyết Reagan” được dùng để mô tả chính sách của chính quyền Reagan (1981-1988) nhằm hỗ trợ các lực lượng chống Cộng ở bất cứ nơi nào họ có thể đến. Trong bài phát biểu về Tình hình Liên bang năm 1985, Tổng thống Ronald Reagan đã kêu gọi Quốc hội và người dân Mỹ đứng lên chống lại Liên Xô, nước mà trước đây ông gọi là “Đế chế Ác quỷ”.

Ông phát biểu: “Chúng ta phải đứng về phía tất cả các đồng minh dân chủ của mình. Và chúng ta không được phép phản bội lòng tin của những người đang liều mạng sống của mình—trên mọi lục địa, từ Afghanistan đến Nicaragua—để thách thức sự xâm lược do Liên Xô hậu thuẫn và bảo vệ các quyền mà chúng ta đã có từ khi sinh ra” — (Reagan Doctrine, 1985, US Department of State, Archive).

Với quan điểm đó, học thuyết Reagan còn được gọi là lý thuyết “phục hồi” (Rollback).

Nhắc lại, đối phó với sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản từ sau Thế Chiến Thứ Hai, hai chiến lược đối ngoại quan trọng của Mỹ gồm “bao vây” (containment) và “phục hồi” (rollback). Chiến lược “bao vây” được biết đến lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1946 khi George F. Kennan, nhân viên ngoại giao làm việc cho tòa đại sứ Mỹ tại Liên Xô, gởi Bộ Ngoại giao Mỹ một bản phân tích qua hình thức một điện tín dài 5.500 chữ tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chính sách đối ngoại chỉ đạo của Mỹ đặt cơ cở trên những phân tích của George Kennan, được gọi là “ngăn chặn” (containment).

Lý thuyết “phục hồi” không thay đổi hay thay thế lý thuyết “ngăn chặn” nhưng tích cực và chủ động hơn. Hai lý thuyết cùng một gốc này chế ngự chính sách đối ngoại của Mỹ trong và cả sau chiến tranh lạnh, tùy thuộc hoàn cảnh chính trị tại mỗi quốc gia mà một hay cả hai chính sách được áp dụng.

Mục đích của “phục hồi” nhằm đánh bại hay đưa về vị trí cũ tại những nơi bị Cộng sản chiếm được trước hết nhắm đến các quốc gia Cộng sản chư hầu của Liên Xô tại Đông Âu và “ngăn chặn” sự bành trướng của Cộng sản tại các nước mầm mống độc tài vừa phát sinh như tại Afghanistan, Nam Mỹ.

Người cổ võ mạnh mẽ nhất cho lý thuyết này là cố Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles và được Tổng thống Ronald Reagan khai triển thành Chủ thuyết Reagan.

Về mặt quốc phòng, Reagan Doctrine chủ trương chạy đua vũ trang. Ông thuyết phục quốc hội chuẩn chi ngân sách quốc phòng khổng lồ để xây dựng một bộ máy quân sự hùng mạnh nhất thế giới với những võ khí tiên tiến như Stealth Technology của Không Quân, M-1 Abrams tanks. Tổng thống Reagan còn có công trong việc phục hồi niềm tin và danh dự của quân đội Mỹ sau chiến tranh Việt Nam (Tom Bowman, Reagan guided huge buildup in arms race, Baltimore Sun, Jun 08, 2004).

Nhưng để học thuyết được thành công, bản thân ông chưa đủ, Tổng thống Reagan cần (1) một nội các gồm những chuyên gia lỗi lạc về mọi lãnh vực, nhất là đối ngoại, (2) liên kết chặt chẽ với các đồng minh Châu Âu, nhất là Anh và Đức, (3) lôi kéo sự đồng tình ủng hộ của khối chống Cộng thuộc Thế giới Thứ Ba nhất là các “sân sau” ở Nam Mỹ. Ông biết, cuộc đấu tranh chống lại thế giới Cộng sản là cuộc đấu tranh tổng hợp và toàn diện.

Trước hết, Tổng thống Reagan thành lập một nội các gồm những nhà chính trị tài năng và chuyên nghiệp

Tổng thống  Reagan không mang vào tòa Bạch Ốc những người mới, thiếu kinh nghiệm, theo ông từ California hay những người không đủ khả năng nhưng trung thành, mà là những chuyên viên lỗi lạc có sẵn trên đất nước.

Ngoại trưởng đầu tiên của Tổng thống Reagan là tướng bốn sao trẻ nhất của quân đội Hoa Kỳ Alexander Haig. Tướng Haig có một quá trình phục vụ cho đất nước Mỹ dài hơn rất nhiều chính trị gia. Đại tướng Haig từng là Tổng Tư lịnh Quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu và có một vốn hiểu biết rất dày về sức mạnh quân sự của Liên Xô. Alexander Haig từng là Tham mưu trưởng của Tổng thống Nixon và Tổng thống Ford.

Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Caspar Weinberger vốn là một viên chức cao cấp phục vụ 30 năm dưới thời các Tổng thống Nixon và Tổng thống Ford.

Giám Đốc CIA William Casey từng là nhân viên Sở Tình Báo Chiến Lược OSS từ Thế Chiến Thứ Hai và các thời Tổng thống Nixon, Ford.

George Shultz, người kế vị Alexander Haig trong chức vụ Bộ trưởng Ngoại Giao là nhà kinh tế, chính trị đầy kinh nghiệm. Từ năm 1955, ông đã là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Dwight Eisenhower. Giống như Tổng thống Reagan, mục tiêu ưu tiên cần giải quyết của Tiến sĩ George Shultz là Liên Xô.

Tổng thống Reagan không quan tâm những người ông mời vào nội các từng phục vụ các đối thủ chính trị của ông trong đảng Cộng Hòa. Ông không mang vào tòa Bạch Ốc những người chỉ biết thừa hành, mà là những người có cùng một tầm nhìn giống ông về tương lai của nước Mỹ và thế giới.

Thứ hai, Tổng thống Reagan liên kết chặt chẽ với các đồng minh Châu Âu

Để đánh bại khối Cộng sản đứng đầu là Liên Xô hùng mạnh, Tổng thống Reagan biết trước hết liên minh với các lãnh đạo Châu Âu chống Cộng.

Ý định này của ông được ghi lại trong tài liệu tối mật của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) được giải mật ngày 5 tháng 6 năm 2013, trong đó TT Reagan nhấn mạnh: “Hoa Kỳ phải xây dựng lại uy tín cho cam kết chống lại sự xâm phạm của Liên Xô vào lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh và bạn bè của mình, đồng thời hỗ trợ hiệu quả các quốc gia Thế Giới Thứ Ba sẵn sàng chống lại áp lực của Liên Xô hoặc phản đối các sáng kiến thù địch của Liên Xô với Hoa Kỳ, hoặc là mục tiêu đặc biệt của chính sách Liên Xô” — (US Relations with the USSR, CIA, Declassified 2013/06/05).

Ngày 12 tháng Sáu, 1987, Tổng thống Reagan đứng cách bức tường phân chia Đông và Tây Đức một quảng không xa, đọc diễn văn nhân dịp kỷ niệm 750 năm thành lập thành phố Berlin. Trong diễn văn, Tổng thống Reagan thách thức Tổng Bí thư Gorbachev “Hãy Phá Bỏ Bức Tường Này” (Tear Down This Wall). Câu nói của Tổng thống Reagan được xem là điểm khởi đầu cho một chuỗi những thay đổi của Châu Âu, dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ khối Cộng sản Châu Âu.

YouTube player

Đồng minh giữa Tổng thống Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher là một mối quan hệ đặc biệt. Họ bước vào chính trường trong cùng thời điểm và đối diện với một thế giới tự do đang trên đà suy giảm ảnh hưởng. Họ là bạn nhiều năm trước khi trở thành lãnh đạo quốc gia. Cả hai chia sẻ tầm nhìn về phương pháp đối nội cũng như đối ngoại.

Tổng thống Reagan đánh giá cao vai trò của NATO

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập liên minh quân sự này, Tổng thống Reagan ra một bản tuyên bố: “Vào tháng 5, Hoa Kỳ sẽ tổ chức cuộc họp mùa xuân của các bộ trưởng ngoại giao NATO tại Washington. Đây sẽ là cơ hội đặc biệt để kỷ niệm 35 năm thành lập liên minh chung của chúng ta và xem xét những thách thức trong tương lai mà quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương phải đối mặt. Tôi kêu gọi Quốc hội và người dân Hoa Kỳ cùng tôi bày tỏ sự ủng hộ của chúng ta đối với một mối quan hệ đã phục vụ chúng ta rất tốt trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục là yếu tố thiết yếu đối với phúc lợi của chúng ta trong tương lai” — (Proclamation 5158 – 35th Anniversary of NATO. March 6, 1984, by the President of the United States of America).

Thứ ba, Tổng thống Reagan tích cực yểm trợ các nước nhỏ trên con đường dân chủ hóa

Tháng 2 năm 1985, Tổng thống Ronald Reagan phát biểu: “Chúng ta phải ủng hộ tất cả các đồng minh dân chủ của Mỹ. Và chúng ta không được phép phá vỡ niềm tin với những người đang mạo hiểm mạng sống của họ—trên mọi châu lục, từ Afghanistan đến Nicaragua—để thách thức sự xâm lược do Liên Xô hậu thuẫn và bảo vệ các quyền mà chúng ta đã có từ khi sinh ra” — (Reagan Doctrine, 1985, US Department of State, Archive).

Ngoài Liên Xô, Tổng thống Ronald Reagan còn là người đã thấy rõ dã tâm của Trung Cộng và là người cương quyết bảo vệ Đài Loan. Các tổng thống trước ông và sau ông đều nói, nhưng Tổng thống Reagan có ra văn bản rõ ràng. Văn bản được gọi là Sáu Bảo Đảm (Six Assurances) được xem như văn bản chỉ đạo của hành pháp cho các chính sách đối với Đài Loan. Dù nội dung đã đươc biết rộng rãi, mãi cho tới tháng 9 năm 2020, bản điện tín gốc của văn bản “Sáu Bảo Đảm” vẫn còn là “tài liệu tối mật”.

Khi quan sát chính sách đối ngoại của Tổng thống Reagan, người ta thường nghĩ ông đặt quan tâm quá lớn đối với Liên Xô và Nam Mỹ. Thật ra ông có quan tâm tương xứng dành cho Á Châu chỉ khác là ưu tiên hóa từng mục tiêu trong mỗi thời kỳ.

Khi cuộc đàm phán về một thông cáo chung giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, vấn đề “bán vũ khí cho Đài Loan” gặp phải bế tắc. Thay vì nhân nhượng, tổng thống Reagan chủ trương thừa nhận bế tắc và hứa hẹn sẽ được giải quyết sau.

Dù sao, đoán trước sự lo lắng của Tổng thống [Đài Loan] Tưởng Kinh Quốc, Tổng thống Reagan chỉ thị James Lilley, Giám Đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, tương tự như chức vụ Đại Sứ Mỹ tại Đài Loan, trao cho tổng thống Đài Loan văn bản, ngày nay được gọi là “Sáu Bảo Đảm”, vào ngày 14 tháng 7 năm 1982, tức khoảng một tháng trước khi có thông cáo chung ra đời. Tổng thống Reagan cũng đồng ý để chính phủ Đài Loan công bố nội dung của điện tín.

Thứ tư, TT Reagan chinh phục tình cảm của người dân các nước Cộng sản

Trong tác phẩm “Three Days in Moscow”, ký giả Bret Baier kể lại, khi vừa đến Moscow sau chuyến bay dài vào cuối tháng 5 năm 1988, thay vì nghỉ ngơi, Tổng thống Ronald Reagan đã cùng phu nhân dành thời gian ngoài nghị trình viếng thăm chính thức để ra phố thăm những người dân Nga bình thường.

Tổng thống Ronald Reagan có thể là vị tổng thống Mỹ đã bị bộ máy tuyên truyền Liên Xô bôi đen hơn nhiều tổng thống khác vì năm năm trước đó ông đã gọi chế độ Cộng sản Liên Xô là “đế quốc tội ác” (The evil empire). Thông tấn xã TASS tức khắc trả đũa. Qua nhiều bài bình luận TASS gọi Tổng thống Reagan là người “chống Cộng điên cuồng”. Nhưng thay vì bị khinh thường, sỉ vả hay thờ ơ, chiều 31 tháng 5 năm 1988, vị tổng thống thứ bốn mươi của Mỹ đã được dân chúng Moscow hoan hô nồng nhiệt.

Sau bảy mươi năm tranh đấu trong âm thầm, trong chịu đựng, nhận thức của người dân Nga cuối cùng đã thắng bộ máy tuyên truyền Cộng sản. Trước mặt họ Tổng thống Reagan không phải là người “chống Cộng điên cuồng” như hãng tin TASS bôi nhọ, mà là lãnh đạo của một cường quốc tự do, dân chủ, được người dân các quốc gia Cộng sản yêu mến và kính trọng.

Ánh sáng tự do đã thắng bóng tối độc tài và đó là tín hiệu cuộc cách mạng dân chủ đang đến. Thật vậy, chỉ một năm sau, hệ thống toàn trị Cộng sản rạn nứt và ba năm sau chế độ Cộng sản chính thức cáo chung.

Trong phần kết luận của diễn văn đọc trước hội nghị toàn quốc hàng năm của Hội Truyền Giáo Phúc Âm (The Annual Convention Of The National Association Of Evangelicals) tổ chức tại Orlando, Florida, USA ngày 8 tháng 3 năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan phát biểu:

“Tôi tin chúng ta sẽ đáp ứng được thử thách. Tôi tin rằng chủ nghĩa Cộng sản là một chương buồn, kỳ quái trong lịch sử loài người mà những trang cuối cùng đang được viết ngay trong thời điểm này. Tôi tin điều này bởi vì nguồn sức mạnh trong nỗ lực mưu cầu tự do của con người không phải là vật chất mà là tinh thần. Và bởi vì nguồn sức mạnh đó không giới hạn, làm khiếp sợ và cuối cùng sẽ thắng những kẻ nô lệ hóa chính đồng bào họ”.

Tổng thống Reagan không chỉ là tổng thống Mỹ, mà còn là nhà lãnh đạo của thế giới tự do.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Suu Kyi

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

10/03/2025

Cuối cùng (hay nói chính xác hơn là cuối đời) rồi tôi cũng thấy một cây hoa gạo, mọc cạnh tường thành bao quanh Cung Điện Mandalay – kinh đô cuối cùng của vương triều Miến. Có thể vì mới đầu tháng bahttps://www.danchimviet.info/s-t-t-d-tuo%cc%89ng-nang-tien-suu-kyi-2/03/2025/33709/, chưa tới giai đoạn mãn khai, và cũng vì tôi đứng khá xa (khoảng cách là cả một cái hào nước rộng) nên ảnh chụp những cành hoa gạo trông … không rõ nét! Kể cũng hơi đáng tiếc nhưng dù sao thì tôi cũng đã nhìn được tận mắt, và (tưởng) thế cũng đã đủ vui rồi.

  • Sao không đi tới gần hơn?
  • Hổng dám “gần” đâu. Hoa (cũng như người) nên trông từ xa thường vẫn đẹp hơn!

Ở bên này hào nước của Cung Điện Hoàng Gia là ngôi giáo đường của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý, Methodist Church. Cách đó không xa là nhà thờ Anh Giáo (St. Mary Church) nằm ngay góc đường 26th Street & 77th St. Kề bên là chùa Chà Shri Mariamman Temple, tất nhiên là nghi ngút và sực nức mùi nhang trầm Ấn Độ.

Chỉ trong vòng mươi phút đi bộ thôi đã có đến mấy nơi thờ phượng trang trọng của vài tôn giáo khác nhau. Ai dám nói là người Miến Điện kỳ thị tín ngưỡng? Ấy thế mà họ đối xử phân biệt tới nơi, tới chốn, và cách họ ngược đãi sắc dân Hồi Giáo Rohingya đã khiến cả thế giới đều phải hãi hùng:

Wikipedia khái quát: “Cuộc đàn áp quân sự lên người Rohingya đã kéo đến những lời chỉ trích từ Liên Hiệp Quốc; tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tếBộ Ngoại giao Hoa Kỳ; và chính phủ Malaysia. Bà Aung San Suu Kyi người đứng đầu của chính phủ trên thực tế đặc biệt bị chỉ trích cho sự không hành động và giữ im lặng của mình về vấn đề này và hành động rất ít để ngăn chặn các lạm dụng quân sự.”

Đâu phải chỉ là những lời chỉ trích (suông) sự việc đã đi xa hơn thế, và tồi tệ hơn nhiều. Tất cả những vòng nguyệt quế mà thế giới phương Tây trao cho Suu Kyi đều đã bị giật lại thẳng tay. Nhật báo Independent, còn ái ngại loan tin rằng do cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya mà đã có 400 ngàn chữ ký yêu cầu tước bỏ Giải Nobel của Aung Sang Suu Kyi (Rohingya Muslim crisis: 400,000 sign petition to strip Aung Sang Suu Kyi of Nobel Prize).

Rồi khi tình cảm với phương Tây đã hết mặn mà thì Suu Kyi, và cả nước Miến, đã quay trở lại với anh nhân tình cũ – Trung Cộng. Cứ mỗi lần nhìn thấy hình ảnh nàng đứng cạnh Tập Cận Bình là lòng tôi tan nát, gan ruột muốn đứt thành từng khúc luôn.

Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt: dù có chút chênh lệch về tuổi tác, tôi không chối được rằng đã có lúc mình phải lòng Suu Kyi. Tuy chỉ là tình yêu đơn phương nhưng giữa chúng tôi không thiếu những kỷ rất … êm đềm và rất khó quên!

Năm 2015, ngay sau khi Đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) của Suu Kyi thắng cử vẻ vang là tôi bay qua Yangon tức khắc. Tôi muốn đến tận nơi để chia sẻ niềm vui lớn lao này với mỹ nhân mà mình ái mộ. Bước ra khỏi phi trường, vừa phóc lên taxi là tôi hớn hở hỏi liền:

  • Are you happy ?
  • Wait and see!

Chú tài xế trẻ xối ngay cho vào mặt tôi một xô nước lạnh.

  • Wait cái con mẹ gì nữa, hả Trời? Bọn quân phiệt thua đau và thua đậm. Đảng NLD của Lady nắm quyền rồi. Một thời cơ lịch sử để Burma thoát khỏi độc tài, thoát Tầu, và thoát nghèo luôn. Đất Miến hiện có đủ điều kiện để thực hiện tất cả những ước mơ này: một đảng đối lập có thực lực, một vị lãnh đạo có tâm có tầm và được quần chúng tin yêu. Đây là một cơ hội bằng vàng tụi bay phải nắm lấy ngay, đừng thờ ơ, phải chung tay nhập cuộc với mọi người đi chớ …

Bữa đó, tui nói hơi nhiều, và hoàn toàn tin tưởng vào những suy nghĩ hết sức lạc quan và chân thật của mình. Niềm tin này –  tiếc thay – tôi không giữ được luôn và cũng chả nắm được lâu. Sau khi nghe người đẹp của lòng mình tuyên bố một câu nghe rất chướng (nàng sẽ “đứng trên tổng thống” luôn) là tôi bắt đầu hơi bị lăn tăn chút xíu. Tôi ngại rằng quyền lực đã khiến cho mỹ nhân của Burma (người vẫn được thiên hạ xưng tụng là “biểu tượng dân chủ”) thay lòng đổi dạ.

Sau khi 6,700 người Rohingya (kể cả trẻ con) bị sát hại, và sau khi con số thuyền nhân đào thoát khỏi Myanmar lên đến hơn nửa triệu (503,698) mà Suu Kyi vẫn cứ lặng thinh thì tôi biết rằng sự nghi ngại của mình đã thành hiện thực. BBC bình luận: Myanmar’s democratic transition, analysts say, appears to have stalled.

Vấn đề không chỉ “nghẽn” ở lãnh vực tự do, dân chủ, hoặc nhân quyền. Cái nghèo cũng đẩy Burma vào con đường … kẹt. Ngày 5 tháng 4 năm 2016 tôi cũng có mặt ở đất nước này. Hôm đó, theo tường thuật của nhật báo The Global New Light of Myanmar, Bộ Trưởng Vương Nghị đến thủ đô Naypyitaw để chúc mừng tân chính phủ – với một thái độ vô cùng nhũn nhặn – cùng lời “cam kết sẽ không can thiệp vào nội bộ của Myanmar” (pledging that China would not interfere in the internal affairs of Myanmar).

Tuy thế, cuối cùng, Miến Điện vẫn không thoát khỏi Tầu. Bỉnh bút của RFA, Hoàng Gia Phúc cho hay:

“Ngày 17/1/2020, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức đến Myanmar – quốc gia thuộc ASEAN. RFI cho biết có hai dự án quan trọng được đề xuất trong chuyến thăm này, đó là: Bắc Kinh đề nghị xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Miến Điện (CMEC) với một cảng nước sâu 1,3 tỉ đô la tại Kyaukphyu ở bang Rakhine, mở lối vào Ấn Độ Dương cho Trung Quốc. Một dự án lớn khác có thể được bàn bạc trong dịp này, đó là đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Với chuyến thăm này của ông Tập, Myanmar thể hiện quyết tâm tiến sâu vào quan hệ với Trung Quốc trong Dự án Con đường tơ lụa mới…”

Tôi thành thực không tin rằng Burma có chút tương lai sáng sủa nào trên Con Đường Tơ Lụa Mới của Tập Cận Bình, và xem ra thì đất nước này cũng chả còn có lựa chọn nào khác nữa.  Cũng y như Miên, Việt với Lào thôi. Suu Kyi của lòng tôi, và Đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (của nàng) quả đã làm cho không ít người thất vọng!

Cố nhân ơi biết chiều nay ta buồn!

Điều an ủi là, thỉnh thoảng, tôi vẫn còn bắt gặp mấy cái tuk tuk (trên mọi nẻo đường ở Miến) với chân dung nhỏ nhắn xinh xắn của Suu Kyi –  dù hai bên lề vẫn không thiếu những kẻ không nhà đang nằm vật vạ khắp nơi. Hoá ra hô hào tự do, kêu gọi cải cách kinh tế – chính trị vẫn là chuyện dễ; thực hiện kìa mới gian nan.

Dân chủ, theo nhận xét của nhà báo Ngô Nhân Dụng, không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay. Ấy thế mà ở nước tôi thì ngay cả “nước sôi” cũng chưa mấy ai buồn nghĩ đến.


 

Vì sao cựu Tổng thống Philippines Duterte bị bắt?- BBC

BBC

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Cảnh sát Philippines đã bắt giữ cựu Tổng thống Rodrigo Duterte sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh truy nã, cáo buộc ông phạm tội ác chống lại loài người liên quan đến “cuộc chiến chống ma túy” đẫm máu của mình.

Ông bị cảnh sát bắt giữ tại sân bay Manila ngay sau khi từ Hong Kong trở về.

Cuộc trấn áp chống ma túy tàn bạo của ông Duterte, diễn ra khi ông còn là tổng thống của quốc gia Đông Nam Á này từ năm 2016 đến 2022, đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Cựu tổng thống 79 tuổi trước đó đã tuyên bố sẵn sàng ngồi tù khi trả lời các thông tin về khả năng bị bắt giữ.

Liên minh Quốc tế về Nhân quyền (ICHRP) ở Philippines gọi vụ bắt giữ là “khoảnh khắc lịch sử”.

“Công lý có thể đến muộn nhưng đã được thực thi hôm nay. Việc bắt giữ Duterte là khởi đầu cho sự trừng phạt những kẻ gây ra các vụ giết người hàng loạt, thứ đã định hình chế độ cai trị tàn bạo của ông ta,” Chủ tịch ICHRP Peter Murphy nói.

“Cuối cùng, chúng ta dần dần sẽ giành được công lý cho tất cả các nạn nhân… Nhưng mặt khác, hy vọng rằng không chỉ dừng lại ở việc bỏ tù,” báo Philippines Rappler dẫn lời một người được gọi là Ana. Chồng và bố chồng của cô bị giết trong cuộc chiến chống ma túy của Duterte vào năm 2017.

”Cũng mong rằng ông ta sẽ thừa nhận mọi sai lầm và xin lỗi tất cả những người bị hại, để linh hồn của những người đã khuất cũng được yên nghỉ,” Ana nói.

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Ông Rodrigo Duterte cầm một khẩu súng bắn tỉa trong một buổi lễ của cảnh sát vào năm 2018

Vị cựu tổng thống đã đến Hong Kong để vận động tranh cử cho danh sách thượng nghị sĩ của mình trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 12/5 sắp tới.

Những thước phim được phát trên truyền hình địa phương cho thấy ông chống gậy bước ra khỏi sân bay. Các nhà chức trách cho biết ông “có sức khỏe tốt” và đang được các bác sĩ chính phủ chăm sóc.

“Tôi có tội gì? Tôi làm mọi thứ trong thời gian tại nhiệm để mang lại hòa bình và cuộc sống yên ổn cho nhân dân Philippines,” ông nói với đám đông người Philippines ở nước ngoài hò reo trước khi rời Hong Kong.

Một video do con gái ông, Veronica Duterte, đăng tải cho thấy ông Duterte bị giam giữ trong một phòng chờ ở Căn cứ Không quân Villamor tại thủ đô Manila. Trong video, có thể nghe thấy ông đặt câu hỏi về lý do bị bắt giữ.

“Luật là gì và tôi đã phạm tội gì? Tôi bị đưa đến đây không phải do tôi tự nguyện mà do người khác. Các người phải trả lời ngay lập tức về việc tước đoạt sự tự do của tôi.”

‘Cuộc chiến chống ma túy’

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Các nghi phạm ma túy bên trong đồn cảnh sát ở thủ đô Manila, Philippines năm 2016

Duterte, người từng là thị trưởng của một trong những thành phố lớn nhất ở Philippines, đã giành được chiếc ghế tổng thống bằng lời hứa về một cuộc trấn áp tội phạm trên diện rộng.

Nhưng các nhà phê bình cho rằng “cuộc chiến chống ma túy” của ông đã dẫn đến sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát và tình trạng nhiều nghi phạm ma túy bị hành quyết không qua xét xử. Ông đã phủ nhận các cáo buộc này.

Ông xây dựng hình ảnh mình là một người đàn ông cứng rắn, chống lại giới tinh hoa và gần gũi với quần chúng, khiến những người dân Philippines bầu ông làm tổng thống đầu tiên của đất nước đến từ đảo Mindanao ở miền nam.

Với lời lẽ hùng hồn, ông đã tập hợp lực lượng an ninh để bắn chết những nghi phạm ma túy. Hơn 6.000 nghi phạm đã bị cảnh sát hoặc những kẻ tấn công không rõ danh tính bắn hạ trong chiến dịch, nhưng các nhóm nhân quyền cho biết con số này có thể lớn hơn.

“Hitler đã thảm sát ba triệu người Do Thái. Bây giờ có ba triệu con nghiện ma túy [ở Philippines]. Tôi rất vui khi tàn sát chúng,” ông nói sau vài tháng nhậm chức.

Nhưng những người chỉ trích cho rằng “cuộc chiến chống ma túy” của ông đã dẫn đến việc cảnh sát lạm dụng quyền lực và nhiều nghi phạm ma túy đã bị hành quyết ngay lập tức.

Các cuộc điều tra tại quốc hội tiết lộ “biệt đội tử thần” bí ẩn gồm những thợ săn tiền thưởng nhắm vào những nghi phạm ma túy.

Ông Duterte đã phủ nhận các cáo buộc.

ICC lần đầu ghi nhận các cáo buộc lạm dụng vào năm 2016 và bắt đầu điều tra vào năm 2021. Tòa án này xử lý các vụ án từ tháng 11/2011, khi ông Duterte còn là thị trưởng Davao, cho đến tháng 3/2019, trước khi Philippines rút khỏi ICC.

Ông Duterte có bốn người con, trong đó có con gái lớn là Sara Duterte, hiện là phó tổng thống Philippines và được dự báo là ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2028.

Trong những tháng gần đây, liên minh của gia tộc Duterte với đương kim Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã tan vỡ một cách chấn động trước công chúng cả nước. Ông Marcos và bà Sara Duterte từng cùng nhau giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2022.

Hồi tháng 11/2024, bà Duterte đã nói với các phóng viên rằng quan hệ giữa bà với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã trở nên độc hại và bà mơ đến chuyện chặt đầu ông ta.

Bà cũng đe dọa sẽ đào mộ cha của tổng thống Marcos Jr. từ Nghĩa trang Anh hùng ở Manila và đổ tro cốt xuống biển.


 

Chúa dạy cho bạn cách thức cầu nguyện. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”-Cha Vương

Một ngày tràn đầy tình yêu trong Chúa là Đấng yêu thương bạn trước. Lovely day!

Cha Vương

Thư 3, 1MC: 11/3/2025

TIN MỪNG: Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời… (Mt 6:9a)

SUY NIỆM: Nếu cầu nguyện thực sự là hơi thở của linh hồn thì mình nghĩ trong thế giới ngày nay có rất nhiều linh hồn đang thoi thóp, xanh sao vàng úa đó. Hôm nay Chúa dạy cho bạn cách thức cầu nguyện. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” Khi gọi Chúa là Cha, thái độ của bạn như thế nào? Thánh Cyprianô nói: “Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải hành động như những người con của Thiên Chúa”. Hành động hàng ngày của bạn có minh chứng cho những gì bạn tin hay không? “Anh em không thể gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành nếu vẫn còn lòng độc ác và bất nhân; bởi vì anh em không còn giữ được trong mình chứng tích về sự nhân lành của Cha trên trời nữa.” (Thánh Gioan Kim Khẩu) Trong Mùa Chay này, mời bạn cố gắng thực hiện 3 cái đổi:

(1) Đổi cách suy nghĩ,

(2) Đổi góc nhìn,

(3) Đổi cách làm việc để cho đời sống Kitô hữu của bạn là phản ánh của người Cha tràn đầy yêu thương và tha thứ.

LẮNG NGHE: Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan? / Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; /hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hòa. (Tv 34:13-15)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong sạch, đổi mới tâm hồn con nên giống Chúa.

THỰC HÀNH: Đưa 3 cái đổi vào cuộc sống hàng ngày.

From: Do Dzung

***********************

Chưa có ca sĩ chuyên nghiệp nào hát bài này, nhưng bất ngờ nghe Sr Giang hát ôi..YÊU NHƯ THẾ ĐÓ..!

Ý NGHĨA CON SỐ 40 TRONG KINH THÁNH – Lm. Anmai, CSsR

Lm. Anmai, CSsR

Khi bước vào Mùa Chay Thánh, Giáo hội Công giáo dành ra 40 ngày – khởi đầu từ Thứ Tư Lễ Tro – để nhắc nhở các tín hữu sống tinh thần sám hối, chay tịnh, tập luyện nhân đức và chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh.  Vậy tại sao lại là 40 ngày mà không phải một con số khác?  Con số 40 trong Kinh Thánh ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa, gắn liền với những sự kiện quan trọng, đánh dấu những cột mốc “thanh tẩy”, “chuẩn bị” hay “hoán cải” trong lịch sử cứu độ.

  1. Con số 40 trong Cựu ước 
  • 40 ngày lụt Đại hồng thủy (St 7, 4.17)

Theo sách Sáng Thế, cơn lụt Đại hồng thủy kéo dài 40 ngày đêm, như một cuộc thanh tẩy hoàn toàn trái đất khỏi những gian ác của con người.  Khi nước rút, ông Nô-ê và gia đình bắt đầu một khởi đầu mới, biểu tượng cho lòng thương xót của Thiên Chúa và sự đổi mới trong đời sống đức tin.

Ý nghĩa: Thời gian 40 ngày ở đây mang hàm ý “thanh tẩy”, “tái sinh” và “bắt đầu một giai đoạn mới” cho nhân loại.

  • 40 ngày ông Môsê lên núi Sinai (Xh 24, 18; 34, 28)

Ông Môsê đã lên núi Sinai 40 ngày để lắng nghe lời Thiên Chúa, đón nhận Thập Giới và giao ước.  Thời gian này đánh dấu sự chuẩn bị và kết hiệp sâu xa giữa con người với Thiên Chúa.

Ý nghĩa: “Tìm kiếm Lời Chúa” và “được biến đổi” trong tương quan với Ngài.  Con số 40 cho thấy quá trình tập trung, kiên trì và sẵn sàng đón nhận những chỉ dẫn mới cho cuộc sống dân Chúa.

  • 40 năm dân Israel lưu lạc trong sa mạc (Ds 14, 33-34)

Sau khi rời khỏi Ai Cập, dân Israel mất 40 năm để băng qua sa mạc tiến về Đất Hứa.  Trong thời gian này, họ trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, đồng thời học cách tin tưởng, phó thác hoàn toàn vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

Ý nghĩa: “Thử thách” và “rèn luyện” đức tin.  Hành trình 40 năm này biểu thị giai đoạn thanh luyện cần thiết để dân Chúa được xứng đáng bước vào miền đất hứa.

  • 40 ngày ông Môsê đi khám phá vùng đất mới (Ds 13, 25)

Môsê cử các thám tử đi dò xét vùng đất Ca-na-an trong 40 ngày để chuẩn bị cho việc định cư của dân Israel.

Ý nghĩa: “Khám phá” và “tìm kiếm” hướng đi mới.  40 ngày này là thời gian để cân nhắc, đánh giá thực trạng và lập kế hoạch cho tương lai.

  • 40 ngày ông Giona dành cho thành Ninivê (Gn 3, 4)

Tiên tri Giona loan báo cho dân thành Ninivê biết rằng họ chỉ còn 40 ngày để sám hối nếu không sẽ bị hủy diệt.  Cuối cùng, họ đã hoán cải và được Thiên Chúa tha thứ.

Ý nghĩa: “Sám hối” và “hoán cải” để được cứu rỗi.  40 ngày đánh dấu cơ hội cuối cùng để thay đổi cuộc sống, từ bỏ đường tội lỗi.

  • 40 năm trị vì của vua Đavít và vua Salômôn (2 Sm 5,4; 1 V 11,42)

Kinh Thánh ghi lại rằng vua Đavít và vua Salômôn đều cai trị 40 năm.  Triều đại của họ là thời gian thiết lập và củng cố vương quốc, xây dựng đền thờ, thúc đẩy sự thờ phượng đúng đắn.

Ý nghĩa: “Chuẩn bị” và “xây dựng” đời sống đức tin.  Dưới thời trị vì 40 năm, dân Chúa được hưởng một giai đoạn an bình, tạo điều kiện để tôn vinh và phụng sự Thiên Chúa.

  1. Con số 40 trong Tân Ước
  • 40 ngày Chúa Giêsu vào sa mạc (Mt 4, 1-2; Mc 1, 12-13; Lc 4, 1-2)

Trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã vào sa mạc ăn chay, cầu nguyện suốt 40 ngày.  Ở đây, Người chịu ma quỷ cám dỗ nhưng đã chiến thắng nhờ sự kết hiệp với Chúa Cha.

Ý nghĩa: “Chay tịnh và cầu nguyện” để chuẩn bị bắt đầu sứ vụ.  Đây cũng là tấm gương cho các Kitô hữu noi theo: trước khi làm việc lớn, cần có thời gian tĩnh lặng, kết hợp với Thiên Chúa và canh tân đời sống thiêng liêng.

  • 40 ngày Chúa Giêsu ở lại thế gian trước khi lên trời (Cv 1, 3)

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trong 40 ngày, dạy dỗ và củng cố đức tin cho họ, trước khi về trời.

Ý nghĩa: “Xây dựng và củng cố” đức tin.  Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu rõ sứ mạng, đồng thời nhận lãnh Thánh Thần để tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng.

  1. Con số 40 và mùa Chay Thánh

Từ những sự kiện Cựu Ước và Tân Ước, ta thấy con số 40 gắn liền với ý niệm “thanh tẩy”, “rèn luyện”, “sám hối” và “chuẩn bị” cho một giai đoạn mới.  Trong Mùa Chay, Giáo hội Công giáo dành 40 ngày để nhắc nhở các Kitô hữu:

  • Tập luyện nhân đức và canh tân đời sống: Bằng cách thực hành chay tịnh, hãm mình, cầu nguyện, và làm việc bác ái, mỗi tín hữu được mời gọi bước vào cuộc hành trình nội tâm, sửa đổi những yếu đuối và định hướng lại đời sống theo tinh thần Tin Mừng.
  • Sám hối và hoán cải: 40 ngày là thời gian để kiểm điểm lương tâm, ý thức tội lỗi, xin ơn tha thứ và đón nhận bí tích Hòa Giải, chuẩn bị tâm hồn để kết hợp mật thiết hơn với Chúa.
  • Thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: Mùa Chay gắn liền với biến cố Thương Khó – Phục Sinh.  Khi ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành, ta cùng chia sẻ nỗi khổ đau của Chúa, để sau đó được vui mừng đón nhận ơn Phục Sinh.
  • Đón nhận niềm vui Phục Sinh: Qua 40 ngày tập luyện, thanh luyện bản thân, chúng ta sẽ hân hoan mừng đại lễ Phục Sinh với một tâm hồn mới mẻ, tràn đầy niềm tin và ơn sủng.
  • Kiên trì và bền chí: Con số 40 gợi nhắc đến sự bền chí trong thời gian dài.  Hành trình đức tin đòi hỏi chúng ta kiên trì vượt qua thử thách, cám dỗ, không chỉ trong Mùa Chay mà suốt cả đời sống.
  • Tâm tình sám hối và hoán cải: Mỗi Mùa Chay là một dịp để chúng ta “làm mới” lại giao ước với Chúa, làm mới lại tương quan với anh chị em, và quan trọng hơn là học cách bỏ đi những gì cản trở ta đến với Thiên Chúa.
  • Chuẩn bị cho tương lai: Dân Israel đã trải qua 40 năm sa mạc trước khi vào Đất Hứa, Chúa Giêsu ở trong sa mạc 40 ngày trước khi bắt đầu sứ vụ.  Tương tự, 40 ngày Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho đại lễ Phục Sinh, giúp chúng ta canh tân tinh thần và sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ.

Con số 40 trong Kinh Thánh không chỉ là một con số mang tính biểu tượng, mà còn chất chứa những thông điệp sâu xa về sự thanh tẩy, sám hối, rèn luyện và chuẩn bị cho một cuộc sống mới.  Đối với người Kitô hữu, 40 ngày của Mùa Chay Thánh là cơ hội quý báu để sống lại những sự kiện cứu độ trong lịch sử dân Chúa, đồng thời canh tân mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.

Bằng việc tham dự Thánh Lễ, lắng nghe Lời Chúa, chay tịnh, cầu nguyện, và làm việc bác ái trong 40 ngày này, chúng ta được mời gọi biến đổi nội tâm, để sẵn sàng cùng Chúa Giêsu bước vào cuộc Thương Khó và Phục Sinh.  Cũng như Chúa Giêsu đã dùng 40 ngày sa mạc để chuẩn bị cho sứ vụ công khai, chúng ta hãy dùng 40 ngày Mùa Chay để thanh luyện tâm hồn, củng cố đức tin và đón nhận niềm vui Phục Sinh cách trọn vẹn hơn.

 Lm. Anmai, CSsR

From: Langthangchieutim


 

HOA TRÁI THINH LẶNG- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc!”.

Trong “Thoughts in Solitude”, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1] – người viết dịch, Thomas Merton nhận định, “Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo! Lắng nghe và đáp trả là việc của con; nhờ đó, con được cứu độ. Vì thế, con phải lặng thinh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với cảm nhận của Thomas Merton – “Con phải lặng thinh!” – Lời Chúa hôm nay nói đến tĩnh lặng và hoa trái của nó như một ‘chuyển động kép!’. Một từ trời xuống, lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người – Kinh Lạy Cha – ‘hoa trái thinh lặng!’.

Chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaia mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời…; lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả!” – bài đọc một. Lời Thiên Chúa là Lời biến đổi, Lời nuôi sống, Lời củng cố hy vọng! Và “Kinh Lạy Cha” Chúa Giêsu dạy hôm nay là kết quả đạt được của Lời’ “trở về trời”. “Nó là ‘ma trận’ của mọi lời cầu Kitô giáo; vì lẽ, mọi ước nguyện biểu lộ trong đó. Một mặt, Kinh Lạy Cha như chiêm ngưỡng Thiên Chúa, sự huyền bí, vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài; mặt khác, nó như một lời khẩn xin chân thành, can đảm, về những gì chúng ta cần. Thiên Chúa yêu tôi. Đó là một bảo đảm tuyệt vời!” – Phanxicô.

Cầu nguyện là ‘hoa trái thinh lặng!’; vậy mà, xem ra không ít người coi thường những hoa trái đó! Họ thích nói nhiều, muốn được hiểu nhiều, nhưng lại quá ít lắng nghe. Chúng ta thường không thể lắng nghe, không học lắng nghe, vì không quen thinh lặng! Mẹ Têrêxa từng viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái thinh lặng!’”. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu cầu nguyện là ‘để lắng nghe hơn là để nói’. Khi ở cùng một người am tường về một chủ đề mà bạn quan tâm, bạn hạn chế nói và dành bản thân để nghe. Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, điều đó có nghĩa là, mối quan tâm chính của chúng ta trong cầu nguyện là nên hỏi Ngài về Chúa Cha; sau đó, chuyên tâm lắng nghe! Hãy hỏi Chúa Giêsu về điều gì cần nhất cho sự cứu rỗi của mình! Đó là lý do tại sao Ngài dạy “Kinh Lạy Cha”. Cầu nguyện với lời kinh này còn nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và mọi người là anh em của nhau.

Anh Chị em,

“Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!”. Chúa không ngừng dạy bảo chúng ta qua Lời, qua những con người, qua các biến cố. Ngài mong ước mỗi sứ điệp của Ngài thấm vào ‘đất lòng’ chúng ta và trổ sinh hoa trái. Hoa trái đầu tiên có lẽ là bạn và tôi biết lặng thinh để lắng nghe Ngài; lắng nghe từ ‘đôi tai của trái tim’ trong giây phút hiện tại; để sau đó, vượt lên chính mình và làm theo tiếng nói ấy! Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; ‘làm theo tiếng nói ấy’ chính là hoán cải để được biến đổi! Cầu nguyện là lắng nghe và cầu nguyện còn là biến đổi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; dạy con để Lời thấm vào ‘đất lòng’ khi con ‘thực sự là con’ trước Chúa là Cha!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: Kim BangNguyen

*************************************

Thứ Ba Tuần I Mùa Chay

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ;

12xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con ;

13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’

14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.

15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”


 

CUỘC ĐỜI CHÚA JESUS (phim đẹp và rõ nét)

CUỘC ĐỜI CHÚA JESUS | The Life of JESUS | 4K

Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo. Ngài tạo ra vũ trụ, Ngài cũng tạo ra con người theo hình ảnh của chính Ngài. Chúa đặt A-đam và Ê-va là con Ngài trong Vườn Địa đàng để chăm sóc và nuôi dưỡng vùng đất. Một ngày nọ, Satan đến cám dỗ Adam và Eva ăn trái cây cấm khiến họ chống nghịch lại Thiên Chúa. Đây được xem là khởi đầu của tội lỗi, tạo ra một rào cản lớn giữa con người và Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là Chúa của tình yêu, Ngài đã lên kế hoạch giải cứu thay vì từ bỏ loài người. Ngài chọn Áp-ra-ham là một đầy tớ trung thành, khiến ông là một trong những người đầu tiên nhìn xem kế hoạch của Chuá và lập thành một lời hứa trên ông. Thiên Chúa cũng chọn dân tộc Do Thái để ban phước lành cho họ, Chúa cũng dùng họ để bày tỏ và rao truyền về Ngài. Đức Chúa Trời ban luật pháp và chương trình của Ngài được làm trọn khi Chúa Jesus đến (Ma-thi-ơ 5:17). Vì ngay cả Con Người cũng không đến để được phục vụ mà để phục vụ người khác, và hiến mạng sống của mình làm giá chuộc tội lỗi cho nhiều người. (Mác 10:45). Chúa đến để rịt lành mối quan hệ gãy đổ của con người với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cũng nói rằng “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài” (Ga-la-ti 4:4-5).

Chúa Jesus được sinh ra tại thành Bết-lê-hem. Chúa chịu phép báp-têm và đến khi ba mươi tuổi thì Chúa Jesus bắt đầu công việc mà Đức Chúa Cha giao phó cho Ngài. Chúa chọn 12 người làm sứ đồ của mình. Chặng đường hầu việc của Chúa, Ngài đã tiết lộ vinh quang của mình là Con Thiên Chúa, Ngài đã chữa lành rất nhiều bệnh tật và áp bức, Ngài bày tỏ quyền năng vô hạn khi dẹp yên cơn bão trên biển, Ngài còn đi trên nước và bày tỏ Ngài qua nhiều phép lạ khác. Nhưng điều quan trọng nhất, Ngài đến trần gian để làm chứng về chính mình Ngài cũng là Đức Chúa Trời, rao giảng để những ai tin nhận Ngài được cứu rỗi.

Chúa Jesus là một Đấng ngay lành công chính, mọi hành động của Ngài đều phù hợp với bản tính thiên thượng của Ngài. Vì Chúa ngay thẳng nên mọi người có xu hướng ghét Chúa, đặc biệt là các nhà lãnh đạo và bậc cầm quyền thời bấy giờ, họ nghĩ rằng Chúa Jesus đã chiếm được trái tim và tâm trí của mọi người và khiến dân chúng không còn ủng hộ họ. Nhưng trên hết, họ ghét Chúa Jesus vì Ngài là Đức Chúa Trời, là Chúa Cứu Thế.

Chúa Jesus đã rao giảng khoảng ba năm rưỡi trước khi chịu chết. Vào ngày Ngài bị xử tử, Ngài đã bị làm cho ô nhục, bị giằng xéo cả quần áo, họ nhổ và đánh vào mặt Ngài, họ thúc Ngài đi. Sau khi chế nhạo Ngài, những người lính còn đánh vào đầu Ngài, cố mang cho Ngài chiếc mão triều gai sâu vào da đầu Ngài. Họ đóng đinh Chúa Jesus, họ đóng cổ tay và chân Ngài vào một cây thập tự giá lớn. Khi Ngài đã trút hơi, họ còn cầm một ngọn giáo để đâm vào Ngài chỉ để xác nhận rằng Ngài đã chết. Mọi việc đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Hơn 500 nhân chứng thấy Ngài trở về từ cõi chết ba ngày sau đó, và trong 40 ngày tiếp theo, nhiều người ở cả miền Nam và Bắc nước Do Thái khẳng định Ngài đã sống lại. Đây là một bằng chứng thuyết phục cho thấy Chúa Jesus tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời là có thật.

Chúng ta không chỉ có lời hứa về sự sống đời đời với Chúa Jesus, nhưng khi tin nhận Chúa, chúng ta còn được nhận Đức Thánh Linh, nhận một đời sống hoàn toàn mới, đắc thắng tội lỗi, từ bỏ con người cũ mà bước theo Chúa Jesus. Sự cứu rỗi là món quà miễn phí của Chúa. Kinh thánh Rô-ma 10:9 “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu”. Quyết định thuộc về bạn!

Mỹ rút khỏi thỏa thuận tài trợ nỗ lực bỏ điện than của Việt Nam, Indonesia (BBC)

(BBC)

Nguồn hình ảnh,Vietnam-US

10 tháng 3 2025, 12:35 +07

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết hôm 6/3 rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi thỏa thuận Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), một cơ chế hợp tác tài chính giữa các quốc gia giàu có hơn nhằm giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch hơn.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã rút Hoa Kỳ khỏi các thỏa thuận JETP với Nam Phi, Indonesia và Việt Nam, một phát ngôn viên của bộ này cho Reuters biết.

Cam kết của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam và Indonesia trị giá hơn ba tỷ đô la, chủ yếu thông qua các khoản vay thương mại.

Trong khi ở Nam Phi, Mỹ cam kết cung cấp 1,063 tỷ đô la trong tổng số 11,6 tỷ đô la đến từ các quốc gia khác.


 

CÁI TÔI

Lương Văn Can

Thiếu dấu mũ thành TOI

Thêm dấu sắc thành TỐI

Thêm dấu huyền thành TỒI

Thêm dấu nặng thành TỘI

– CHO NÊN:

Nếu ta không biết mình là ai thì TOI

Nếu ta không học hỏi là TỐI

Nếu ta không giúp đỡ người khác là TỒI

Nếu ta không làm điều đúng là TỘI LỖI

Kiểu gì cũng phải quản lý cái TÔI của mình thật tốt

thì mọi việc mới trở nên tốt đẹp với bạn!


 

Vấn Đề Hỗ Trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Tại Phiên Rà Soát của Liên Hợp Quốc

Ba’o Dat Viet

March 11, 2025

Vào ngày 6 và 7 tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã tham gia phiên rà soát đầu tiên về việc thực thi Công ước về Quyền của Người Khuyết Tật (CRPD) tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ. Trong phiên rà soát, vấn đề về hỗ trợ cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH) sau ngày 30/4/1975 đã được đưa ra làm điểm nóng tranh luận.

Bà Amalia Gamio, Phó Chủ tịch ủy ban về Quyền của Người khuyết tật, đã chỉ ra rằng hàng trăm nghìn cựu quân nhân VNCH bị thương tật không được hỗ trợ bởi Nhà nước Việt Nam như các đối tượng khuyết tật khác. Đáng chú ý, bà nhấn mạnh rằng hiện có vài chục nghìn TPB VNCH chỉ nhận được trợ giúp từ các nguồn từ thiện do cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài quyên góp, thường thông qua các chương trình được tổ chức tại một số ngôi chùa và nhà thờ tại TP.HCM.

Trong phản hồi của mình, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã khẳng định rằng theo luật của Việt Nam, không có sự phân biệt đối xử giữa các cựu chiến binh dựa trên lý lịch của họ. Ông cũng nói thêm rằng có những biện pháp chế tài và quy định nhằm trừng phạt bất kỳ cán bộ nào từ chối hỗ trợ cho người khuyết tật và không có sự phân biệt đối xử với bất kỳ nhà thờ hay tổ chức tôn giáo nào.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bắc Truyển, người có mặt tại phiên điều trần, đã phản bác câu trả lời của đại diện nhà nước. Làm việc trong chương trình chăm sóc cho thương phế binh của Dòng Chúa Cứu Thế, ông Truyển chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình khi tiếp xúc với khoảng 5000 thương phế binh, cho biết họ không nhận được sự chăm sóc như những gì được khẳng định.

Vấn đề này đã làm dấy lên những câu hỏi lớn về tính hiệu quả và công bằng của chính sách hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc đối xử với cựu quân nhân VNCH. Sự chênh lệch giữa chính sách và thực tế mà các thương phế binh này đang phải đối mặt là một thách thức đáng kể cho chính phủ Việt Nam trong việc thực thi cam kết quốc tế về quyền của người khuyết tật.


 

ĐỘNG LỰC THÁNH KHIẾT- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh!”.

“Hải đăng không bao giờ hụ còi, nó chỉ toả sáng! Các Kitô hữu thánh thiện thường ít nói, họ chỉ làm; nơi họ, lòng bác ái – ‘động lực thánh khiết’ – là linh hồn của sự thánh thiện!” – Moody.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với Moody, Lời Chúa hôm nay tiết lộ sự thánh thiện cũng có một linh hồn, nó có tên “Bác Ái”. Nói cách khác, bác ái là ‘động lực thánh khiết’ – linh hồn của thánh thiện!

Vậy mà, sự thánh thiện đích thực chỉ phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh, “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh!”. Về căn bản, sống thánh là tìm kiếm điều tốt cho người khác! Vậy “Nếu Hội Thánh là thân thể gồm những bộ phận khác nhau, nó không thể thiếu một trái tim, bộ phận cao quý nhất trong tất cả các bộ phận. Đúng thế! Hội Thánh phải có một trái tim cháy bỏng tình yêu. Và tôi nhận ra rằng, chỉ tình yêu mới là ‘động lực thánh khiết’ giúp các thành viên của Hội Thánh hành động; nếu không có động lực này, các tông đồ sẽ quên rao giảng Phúc Âm, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu!” – Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hứa ân thưởng Nước Trời cho “chiên đứng bên phải”, những ai đã làm điều tốt cho người khác; và Ngài cũng gửi đến lời nguyền vĩnh viễn cho “dê đứng bên trái”, những ai đã không làm gì để giúp đỡ tha nhân. Họ là ai? Họ là tất cả những người chúng ta phục vụ; người tội lỗi, yếu đuối, bệnh tật; người mất khả năng lao động, người đói và vô gia cư. Cũng không loại trừ, họ là những người gần gũi trong gia đình, trong cộng đoàn, những người không làm ra tiền, không thể tự phục vụ… đang ở bên chúng ta. Họ là con cái Chúa, vốn có một phẩm giá cao quý mà chúng ta phải triệt để tôn trọng với động lực bác ái một cách sâu sắc nhất.

Động lực đó phải được thể hiện một cách cụ thể, “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng!”; “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình!” – bài đọc một. Được như thế, chúng ta trở nên con cái Chúa, Đấng cho biết, không sự thánh thiện đích thực nào ngoài việc hướng đến lợi ích tinh thần và vật chất cho tha nhân. Nói cách khác, đường dẫn đến sự thánh thiện là đường bác ái, linh hồn của nó vậy!

Anh Chị em,

“Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh!”. Đây không chỉ là một đề nghị; nhưng còn là một mệnh lệnh định hướng đời sống người môn đệ Giêsu mọi thời. Và như thế, nên thánh không phải là ‘nên làm, hay không nên làm’ điều này, điều kia; nhưng là tình yêu dành cho Thiên Chúa, Đấng yêu thương mọi tội nhân; trong đó, có chúng ta! Những ngày Mùa Chay, bạn và tôi cố gắng lắng nghe và sống Lời Chúa, vì “Lời Chúa là thần khí và là sự sống!” – Thánh Vịnh đáp ca – đồng thời, làm tất cả những gì có thể – kể cả việc trao tặng Lời Chúa – cho anh chị em mình, và chúng ta sẽ là những ngọn hải đăng “không bao giờ hụ còi nhưng chỉ toả sáng” với ‘động lực thánh khiết’ là tình yêu và chỉ tình yêu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để một việc bác ái nào của con khởi đi từ một ‘động lực thế tục’, cho dù nó được tô vẽ mỹ miều đến mấy dưới lớp ‘vỏ đạo đức!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**********************************************

Thứ Hai Tuần I Mùa Chay

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?’ 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”