Người Đàn Ông Gốc Việt ở Mỹ Nhận Tội Sử Dụng Danh Tính Thiếu Niên Đã Chết Để Xin Hộ Chiếu

Ba’o Dat Viet

March 14, 2025

Một người đàn ông gốc Việt sống tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ, vừa thừa nhận hành vi sử dụng danh tính của một thiếu niên 13 tuổi đã qua đời để xin hộ chiếu Mỹ. Vụ việc gây chấn động khi tiết lộ rằng ông này đã dùng danh tính giả để hành nghề y tế và thậm chí làm lính cứu hỏa trong nhiều năm.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết bị cáo là Truong Nguyen, 40 tuổi, đã nhận tội gian lận hộ chiếu và trộm cắp danh tính nghiêm trọng. Ông này bị bắt vào tháng 5/2024, bị truy tố vào tháng 9/2024 và chính thức nhận tội vào ngày 12/3/2025.

Sự việc bắt đầu vào tháng 3/2023 khi Truong Nguyen đến một bưu điện ở thành phố Weymouth để nộp đơn xin hộ chiếu, sử dụng danh tính của HH, một thiếu niên đã qua đời vào năm 2002 tại Boston. Để hợp thức hóa giấy tờ, ông ta cung cấp giấy khai sinh của nạn nhân, số An sinh xã hội và cả bằng lái xe bang Massachusetts mang tên HH.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra phát hiện HH thực chất đã qua đời từ năm 13 tuổi. Một tháng sau, hồ sơ của ông ta bị chuyển đến cơ quan thực thi pháp luật liên bang, dẫn đến cuộc điều tra sâu rộng.

Truong Nguyen không chỉ sử dụng danh tính của thiếu niên đã mất để xin hộ chiếu mà còn dùng nó để xây dựng cả một sự nghiệp.

  • Năm 2021, ông ta đăng ký chứng chỉ Kỹ thuật viên Cấp cứu Y tế căn bản (EMT-Basic).
  • Năm 2023, tiếp tục xin chứng chỉ EMT để hành nghề nhân viên y tế.

EMT - 1: Overview of How to Get your EMT Basic Certification

  • Từ tháng 11/2023 đến 1/2024, ông ta tham gia đào tạo tại Học viện Phòng cháy chữa cháy Massachusetts.
  • Sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển dụng vào Sở Cứu hỏa Melrose, làm việc như một lính cứu hỏa chính thức cho đến khi bị bắt vào tháng 5/2024.

Cơ quan điều tra còn phát hiện ông ta đã từng làm lính cứu hỏa ở hai thị trấn khác nhau dưới hai danh tính khác nhau—một là tên của thiếu niên đã chết, và một là Truong Nguyen.

Truong Nguyen không phải là một “kẻ vô danh” trong hệ thống tư pháp Mỹ.

  • Ông ta nhập cảnh vào Hoa Kỳ năm 1979 với tư cách Thường trú nhân hợp pháp (LPR).
  • Năm 1991, bị kết án trộm cắp cấp độ hai, dẫn đến việc mất thẻ xanh vào năm 1995 và bị ra lệnh trục xuất.
  • Tuy nhiên, ông không bị trục xuất về Việt Nam mà tiếp tục sống ở Mỹ.
  • Năm 2010, ông lại bị bắt vì biển thủ và trộm cắp, bị cáo buộc đánh cắp hơn 46.000 USD từ Liên đoàn lính cứu hỏa Norwell.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, tội gian lận hộ chiếu có mức án tối đa 10 năm tù, 3 năm quản chếphạt tiền 250.000 USD. Trong khi đó, tội trộm cắp danh tính nghiêm trọng có mức án tối thiểu 2 năm tù.

Thẩm phán Denise Casper đã ấn định ngày tuyên án vào 12/6/2025. Sau khi thi hành xong bản án, Truong Nguyen sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ.

Vụ việc không chỉ dấy lên lo ngại về lỗ hổng trong hệ thống quản lý danh tính tại Mỹ mà còn khiến cộng đồng bất ngờ về cách một người có thể xây dựng cuộc sống mới bằng danh tính của một người đã khuất. 


 

TÔI ĐÃ THẤY… – HƯƠNG TRÀ

8 SÀI GÒN

“Ở sân bay, người ta chứng kiến nhiều nụ hôn chân thành hơn ở lễ đường. Sau bức tường bệnh viện, người ta nghe được nhiều lời cầu nguyện hơn ở nhà thờ.”

Tôi đã  nghe câu này từ lâu, nhưng phải đến khi ngồi suốt đêm trong bệnh viện, bên giường bệnh của người thân, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó.

Bệnh viện, nơi mà người ta hay nghĩ đến với những toa thuốc, những ca phẫu thuật, những chiếc giường trắng xóa… nhưng với tôi, đó là nơi chứng kiến những yêu thương chân thành nhất, những khoảnh khắc xót xa nhất, và cả những tiếc nuối không thể nào bù đắp.

Tôi đã thấy một cô gái trẻ ngồi bên giường mẹ, đôi mắt sưng đỏ vì những đêm thức trắng. Tay cô nắm chặt bàn tay gầy guộc kia, cứ như sợ nếu lơi lỏng, bàn tay ấy sẽ rời xa mãi mãi. Cô cúi xuống, ghé sát tai mẹ mình, giọng run run: “Mẹ ơi,… Con cứ nghĩ là mình còn nhiều thời gian… Con chưa kịp đưa mẹ đi du lịch, chưa kịp nói với mẹ rằng con thương mẹ biết bao nhiêu…”

Người mẹ im lặng. Chỉ có tiếng máy đo nhịp tim kêu từng tiếng đều đều, lạnh lùng.

Tôi thấy một người đàn ông trung niên, đứng lặng bên cha mình, run rẩy cầm chiếc khăn nhỏ lau khuôn mặt già nua ấy. Cả một đời ông ấy là người mạnh mẽ, nhưng lúc này, vai ông khẽ run. Ông không nói gì, chỉ có nước mắt lặng lẽ rơi. Chắc có lẽ ông đang nhủ thầm: “Giá như con có thể gánh thay cha một phần đau đớn này. Giá như con có thể quay ngược thời gian… Giá như……

Ở bệnh viện, tôi thấy người ta ôm nhau chặt hơn, nắm tay lâu hơn, gọi nhau bằng những từ ngữ dịu dàng hơn.

Tôi cũng thấy chính mình trong đó.

Bao nhiêu năm qua, tôi cứ mải miết chạy theo công việc, những mục tiêu, những ước mơ của riêng mình. Tôi vẫn luôn tin rằng mình còn thời gian. Rằng một ngày nào đó, khi tôi ổn định hơn, rảnh rỗi hơn, tôi sẽ dành thời gian cho bố mẹ nhiều hơn.

Nhưng hóa ra, thời gian không bao giờ chờ đợi ai cả.

Chỉ đến khi ngồi suốt đêm bên giường bệnh, tôi mới nhận ra:

Cái gọi là “khi nào có thời gian” chính là lời hứa suông lớn nhất đời người.

Cái gọi là “bận quá” thật ra chỉ là cái cớ để trì hoãn những điều quan trọng.

Cái gọi là “để mai làm” đôi khi không bao giờ có cơ hội để thực hiện nữa.

Tôi đã ước gì mình về nhà sớm hơn, dành nhiều thời gian hơn, hỏi thăm nhiều hơn. Tôi đã ước gì mình không trả lời bố mẹ bằng những câu hời hợt “Dạ, con biết rồi” mà thực sự ngồi xuống, lắng nghe. Tôi đã ước gì mình không phớt lờ những  cuộc điện thoại:  “Con nhớ giữ sức khỏe nhé” để rồi đến khi đứng trước giường bệnh, tôi mới nhận ra người cần giữ sức khỏe thật sự là họ, chứ không phải tôi.

Hóa ra, người ta chỉ nhận ra điều gì quan trọng nhất khi đã quá muộn màng.

Tôi không viết những dòng này để khuyên ai phải làm gì. Tôi chỉ muốn chia sẻ một điều:  Nếu hôm nay bạn còn có thể gọi điện cho cha mẹ, xin hãy gọi ngay. Nếu bạn còn có thể trở về nhà, hãy dành thời gian nhiều hơn nữa. Nếu bạn còn có thể ngồi bên mâm cơm với gia đình, xin hãy gác điện thoại xuống, lắng nghe họ nhiều hơn.

Vì một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra, điều đáng sợ nhất không phải là mất đi ai đó – mà là nhận ra mình đã có cơ hội để yêu thương nhưng lại không làm.

HƯƠNG TRÀ


 

Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Vĩnh Phúc, nhận hối lộ hàng triệu đô la

Ba’o  Nguoi – Viet

March 17, 2025 : 2:56 PMFacebookTwitterEmailPrint

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, khi còn đương chức đã nhận hối lộ 25 tỷ đồng ($979,240) và $1 triệu từ tập đoàn Phúc Sơn. Hôm 17 Tháng Ba, bà Lan bị Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng, Kinh Tế và Buôn Lậu, thuộc Bộ Công An, đề nghị truy tố về tội “nhận hối lộ.”

Theo truyền thông tại Việt Nam, ngoài bà Lan, còn có ông Lê Duy Thành, cựu chủ tịch tỉnh và Phạm Hoàng Anh, cựu phó bí thư thường trực Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, cũng bị Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng đề nghị truy tố về tội “nhận hối lộ.”

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, hồi Tháng Giêng, 2024. (Hình: VNExpress)

Riêng bị can Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu Pháo, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn Phúc Sơn, bị đề nghị truy tố với cáo buộc cùng lúc ba tội “đưa hối lộ; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.”

Trong 41 bị can của vụ án còn có ông Phạm Văn Vọng, cựu bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc; ông Ngô Đức Vượng, ông Nguyễn Doãn Khánh, cùng từng là cựu bí thư Tỉnh Ủy Phú Thọ và ông Lê Viết Chữ, cựu bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ngãi.

Đặc biệt, bị can Đặng Trung Hoành, chánh văn phòng Huyện Ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, cháu Võ Văn Thưởng, cựu chủ tịch nước, bị cáo buộc “lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.”

Vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn được khởi tố hôm 26 Tháng Hai, 2024, và gây chú ý công luận khi có nhiều bị can bị bắt ngay trong lúc là đương chức bí thư, chủ tịch tỉnh.

Báo Tuổi Trẻ dẫn kết quả điều tra xác định, các bị can này “vì vụ lợi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo, can thiệp, tạo điều kiện thuận lợi” cho công ty Thăng Long của Hậu Pháo được làm chủ đầu tư, điều chỉnh, giao đất thực hiện dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, cùng nhiều dự án khác “trái quy định pháp luật.”

Qua đó, bị can Nguyễn Văn Hậu đã đưa tổng số 45.4 tỷ đồng ($1.77 triệu) và $2.32 triệu cho các quan chức nêu trên, trong đó bà Hoàng Thị Thúy Lan nhận 25 tỷ đồng ($979,240) và $1 triệu; Lê Duy Thành nhận 20 tỷ đồng ($783,392) và $1.3 triệu; Phạm Hoàng Anh nhận 400 triệu đồng ($15,668) cùng $20,000.

Ngoài ra, từ năm 2022 đến Tháng Giêng, 2024, bị can Hậu còn đưa Phạm Hoàng Anh bốn lần với tổng số tiền là 5 tỷ đồng ($195,848) và $500,000.

Kết luận xác định, dự án chợ đầu mối do công ty của bị can Hậu làm chủ đầu tư có 673 lô đất được bán cho khách hàng, thu tổng 2,603 tỷ đồng ($101.9 triệu). Trong đó, hơn 1,000 tỷ đồng ($39.1 triệu) thu theo hợp đồng để hạch toán sổ sách, 1,599 tỷ đồng ($62.6 triệu) để ngoài sổ sách. Từ đó, gây thiệt hại cho nhà nước 290 tỷ đồng ($11.3 triệu) thuế thu nhập doanh nghiệp và hơn 101 tỷ đồng ($3.9 triệu) thuế giá trị gia tang (VAT).

Tổng trong vụ án này, bị can Hậu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “đưa hối lộ” số tiền tổng cộng 132 tỷ đồng ($5.1 triệu).

Theo ghi nhận của báo Nhân Dân, ba tháng trước khi bị bắt, bà Thúy Lan là quan chức đứng đầu về số phiếu “tín nhiệm cao” của tỉnh Vĩnh Phúc.

Công an phong tỏa, khám xét tư gia của bà Hoàng Thị Thúy Lan chiều 8 Tháng Ba,2024. (Hình: Người Lao Động)

Hồi năm 2021, bà Lan gây bàn tán khi sắp ghế con gái ruột, Trần Huyền Trang, thời điểm đó 31 tuổi, làm phó giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư Tỉnh Vĩnh Phúc.

Bà Trang về công tác tại sở nêu trên ở vị trí chuyên viên, sau đó “leo” lên ghế phó phòng, trưởng phòng, trước khi được mẹ mình chỉ định làm phó giám đốc. Do công luận chỉ trích vụ “mẹ bổ nhiệm con,” bà Trang mất ghế phó giám đốc sở sau ba tháng. (Tr.N) [kn]


 

Ai đứng sau âm mưu xóa sổ VOA và RFA?

Ba’o Nguoi – Viet

March 17, 2025

Trúc Phương/Người Việt

Sắc lệnh Tổng Thống Donald Trump ký ngày 14 Tháng Ba, 2025 với nội dung Cơ Quan Truyền Thông Toàn Cầu Hoa Kỳ (USAGM), đơn vị giám sát Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America -VOA) và một số cơ quan truyền thông khác (trong đó có Đài Á Châu Tự Do, Radio Free Asia – RFA), phải “bị loại bỏ ở mức độ tối đa theo luật hiện hành” (“eliminated to the maximum extent consistent with applicable law”) đã gây chấn động làng truyền thông…

Khung cảnh làm chương trình phát thanh của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America) năm 1950. (Hình: Three Lions/Getty Images)

Chương VIII của Project 2025 viết gì?

Những hành động liên quan đến USAGM cho thấy chính quyền Trump sẽ đóng cửa hoàn toàn, hoặc ít nhất là cắt giảm đáng kể, các nền tảng truyền thông mà họ giám sát. Trump đã nhiều lần tấn công VOA từ nhiệm kỳ đầu. Trước khi nhậm chức vào năm nay, Trump nói rằng ông muốn Kari Lake, một nhân vật MAGA trung thành và cựu phát thanh viên Fox News, điều hành USAGM.

Cùng thời điểm với sắc lệnh “khóa cửa” VOA, USAGM cũng gửi thông báo cho RFA và Radio Free Europe/Radio Liberty, với nội dung họ bị cắt tài trợ và đóng băng hoạt động “ngay lập tức.” Vụ việc đang gây sốc không chỉ đối với giới truyền thông Mỹ mà còn cả thế giới. Ai thật sự đứng sau tất cả chuyện này? Thủ phạm chính xác: Project 2025.

Lật lại bộ “Cẩm Nang Project 2025” có thể thấy những gì liên quan VOA và RFA đã được đề cập chi tiết trong Chương VIII, trong đó nhóm soạn Project 2025 đã đề xuất loại bỏ hoàn toàn tính độc lập biên tập của các cơ quan truyền thông được liên bang hỗ trợ thông qua USAGM – hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn USAGM. Chưa hết, họ còn tìm cách cắt giảm Quỹ Công Nghệ Mở Độc Lập (Open Technology Fund), vốn có mục tiêu chống lại tình trạng giám sát nội dung trên không gian mạng và kiểm duyệt internet.

Project 2025 còn đưa ra việc cắt toàn bộ nguồn tài trợ cho Tập Đoàn Phát Thanh Công Cộng (Corporation for Public Broadcasting – CPB), nơi cấp ngân sách cho NPR (National Public Radio) và PBS (Public Broadcasting Service). CPB lâu nay hỗ trợ các phương tiện truyền thông địa phương độc lập. Bị chụp mũ là “cánh tả,” CPB bị dọa rằng nếu không “cải tổ” để đại diện cho khuynh hướng tư tưởng được Project 2025 chấp thuận, trong trường hợp cụ thể này là (ngưng) chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump hoặc các nhân vật chính trị MAGA, thì họ sẽ bị dẹp tiệm.

Các kênh truyền thông USAGM là trụ cột lâu đời của truyền thông tự do Mỹ. VOA là đài tin tức quốc tế lâu đời nhất Mỹ, được thành lập từ năm 1942. Các tổ chức như VOA, RFA và Đài Châu Âu Tự Do (Radio Free Europe), Đài Tự do (Radio Liberty)… hoạt động như những kênh đưa tin không bị kiểm duyệt về những gì diễn ra ở các quốc gia độc tài bằng ngôn ngữ bản địa của người dân các quốc gia đó.

Cụ thể, RFA cung cấp tin tức không bị kiểm duyệt từ ở những nơi như Myanmar, Cambodia, Việt Nam và Trung Quốc. Các kênh này có phạm vi tiếp cận rộng. Chẳng hạn, VOA phát bằng 48 ngôn ngữ và tiếp cận lượng khán giả hàng tuần khoảng 326 triệu người trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, với Project 2025, các kênh này phải được “cải tổ toàn diện từ trên xuống” hoặc bị đóng cửa vĩnh viễn. Trong thực tế, việc “cải tổ” USAGM chẳng mang tính chấn chỉnh gì cả hoặc giảm thiểu ngân sách mà chỉ nhằm tước bỏ quyền độc lập biên tập của USAGM và các kênh liên kết và biến họ thành những cái loa tuyên truyền một chiều cho chính quyền Trump.

Những đề xuất “cải tổ” của Project 2025, về cơ bản, đi ngược lại các chuẩn mực báo chí được chấp nhận rộng rãi và có tiền lệ lâu đời. Cần nhắc lại, Đạo Luật Phát Thanh Quốc Tế Hoa Kỳ (U.S. International Broadcasting Act) năm 1994 đã đưa ra luật “bức tường lửa” (firewall) với nội dung cấm bất kỳ viên chức chính phủ Hoa Kỳ nào can thiệp việc đưa tin khách quan, độc lập của VOA. Luật “bức tường lửa” đã bị phá tan nát thời Trump 1.0.

Để biện minh cho lý do tại sao chính sách bức tường lửa cần được gỡ bỏ, ở trang 239, Project 2025 nêu: “Phóng viên Tòa Bạch Ốc của VOA đã đăng nội dung chỉ trích gay gắt và xúc phạm cá nhân Tổng thống Hoa Kỳ.”

Project 2025 nói thêm rằng “[Những thiếu sót của USAGM] là hướng tới, hoặc trực tiếp góp phần, tham gia điệp khúc chống Mỹ, cùng với các phương tiện truyền thông chính thống, đồng thời hạ thấp câu chuyện của nước Mỹ. Tất cả đều nhân danh cái gọi là tính độc lập báo chí. Thật vậy, những nội dung liên quan chính quyền Trump đều tràn lan những điểm thảo luận quen thuộc điển hình với nội dung tấn công tổng thống và nội các của ông, hệt như các phương tiện truyền thông dòng chính.”

Một cách tổng quát, ngôn ngữ chụp mũ nhằm “ma quỷ hóa” USAGM cho thấy sự thay đổi về mặt tư tưởng đối với các tiêu chuẩn báo chí độc lập; và nỗ lực của Project 2025 là biến USAGM/VOA/RFA… thành những cơ quan ngôn luận trung thành với “đảng và nhà nước,” phá bỏ các nguyên tắc cốt lõi của một nền báo chí tự do.

Trong khi đó, ai cũng biết rằng RFA, tương tự Radio Free Europe/Radio Liberty thường có sự tham gia của các cây bút lưu vong và tiếng nói của giới bất đồng chính kiến – những người phải trả giá đắt vì nói lên sự thật. Khi tước đi tính toàn vẹn báo chí của những tổ chức này, nhóm Project 2025 đã hạ thấp vai trò công luận và kìm hãm sự phát triển của báo chí tự do, ngăn chặn sự tiếp cận quan điểm trái chiều, biến nền báo chí tự do thành nền báo chí tuyên truyền theo cách tương tự các quốc gia độc tài.

Báo chí, kẻ thù không đội trời chung của Trump

Kể từ khi bước vào chính trường từ cách đây 10 năm, Trump luôn chỉ trích giới báo chí, gọi truyền thông là “kẻ thù của nhân dân,” “mối đe dọa đối với nền dân chủ,” “lan truyền tin giả” và giới báo chí là “những tên khốn gian trá.” Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Bộ Tư Pháp đã giám sát các phóng viên; bây giờ, Tòa Bạch Ốc tiếp tục tùy tiện từ chối quyền tiếp cận của báo chí.

Trong Project 2025, Dustin Carmack, cựu chánh văn phòng của giám đốc tình báo quốc gia thời Trump 1.0, viết: “Bộ Tư pháp nên sử dụng tất cả công cụ có trong tay để điều tra việc rò rỉ (thông tin nhà nước)…”

Bộ Tư pháp dưới thời Trump đã giám sát ít nhất tám nhà báo (tại New York Times, Washington Post và CNN) và (chính quyền Trump) thực hiện đến 334 cuộc điều tra rò rỉ (dẫn đến việc đưa ra những thông tin bất lợi cho “chế độ” Trump).

Năm 2024, trong chiến dịch tranh cử và trong các cuộc phỏng vấn, Trump công khai nói rằng, nếu đắc cử, ông sẽ trả thù các hãng tin từng khiến ông khó chịu. Trump “thề” tống các phóng viên vào tù và tước giấy phép phát sóng của các mạng truyền hình lớn. Không chỉ USAGM, Trump còn khống chế cả Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang (Federal Communications Commission – FCC), được thành lập cách đây hơn 90 năm như một cơ quan độc lập. Chủ tịch FCC được tổng thống bổ nhiệm nhưng không phải tuân theo chỉ thị tổng thống. FCC nhận tài trợ và được giám sát từ Quốc hội. Dù vậy, Trump nhiều lần nói rằng FCC phải thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của Tòa Bạch Ốc.

Ngày 14 Tháng Ba, tại Bộ Tư Pháp, Trump nói: “Tôi tin rằng CNN và MS-DNC viết đến 97.6% điều tệ hại về tôi, (chúng) là cánh tay chính trị của đảng Dân Chủ; và theo tôi, bọn này thực sự hư hỏng và bất hợp pháp, những gì chúng làm là bất hợp pháp… Và điều này cần phải dừng lại, nó nhất thiết phải được xem là bất hợp pháp, nó đang tác động đến các chánh án và thực sự đang thay đổi luật pháp, và nó không thể hợp pháp. Tôi không tin rằng nó hợp pháp, và bọn chúng phối hợp với nhau để làm điều đó.”

Hôm sau, Trump ký sắc lệnh “cho nghỉ hành chính” nhằm vào VOA, một ngày sau khi ông ký lệnh “khóa cửa” USAGM cùng sáu cơ quan liên bang khác. Kari Lake, nhân vật được Trump chọn điều hành VOA, nói rằng việc này tiết kiệm được $53 triệu.

Kari Lake nói: “Chúng ta không nên trả tiền cho các tổ chức tin tức bên ngoài để họ nói cho chúng ta biết tin tức là gì”. Cách nói “các tổ chức tin tức bên ngoài (“outside news organizations”) là sự mặc nhiên công khai thừa nhận những cơ quan báo chí nào lên tiếng chống Trump đều nằm bên ngoài quỹ đạo Trump và đều phải bị tiêu diệt.

Cách đây tám tháng, Trump giãy nảy nói ông không liên quan gì đến Project 2025. Trên Truth Social ngày 5 Tháng Bảy, 2024, Trump viết: “Tôi chẳng biết gì về Project 2025. Tôi không biết ai đứng sau nó. Tôi không đồng ý với một số điều họ nói và một số điều họ nói hoàn toàn vô lý và tệ hại. Bất cứ điều gì họ làm, tôi đều chúc họ may mắn, nhưng tôi không liên quan gì đến họ.”

Trong khi đó, một ủy ban hành động chính trị ủng hộ Trump đã chạy các quảng cáo trực tuyến quảng bá Project 2025, gọi công khai rằng đó là “Dự án 2025 của Trump”. Bây giờ, gần như tất cả những gì được bày binh bố trận trong “cẩm nang” Project 2025 đã và tiếp tục được thực hiện, với mức độ nhanh như hỏa tiễn.

Chưa thể biết số phận và tương lai thật sự của VOA và RFA như thế nào nhưng chắc chắn rằng tự do báo chí ở Mỹ đang lùi dần vào bóng đêm, nếu không muốn nói nó đang bị bóp cổ cho chết. [kn]


 

Thánh Patrick (Patricio), Giám mục—385?-461- Cha Vương

Mừng Lễ Thánh Patrick đến bạn và gia đình nhé! Đây là ngày lễ hội truyền thống của nước Ái Nhĩ Lan. Ở phương Tây, màu y phục thích hợp cho ngày hôm nay là màu xanh lá cây. Tối thiểu bạn phải mang một tí màu xanh trên người, nếu không có thì bạn sẽ bị thiên hạ nhéo cho bầm người luôn đó.

Cha Vương

Thứ 2, 2MC: 17/3/2025

Thánh Patrick (Patricio), Giám mục—385?-461. Truyền thuyết về Thánh Patrick thì quá nhiều; nhưng điều có ích lợi cho chúng ta là khi nhìn đến hai đức tính chắc chắn của ngài: khiêm tốn và dũng cảm. Chính thái độ cương quyết khi chấp nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người Ái Nhĩ Lan.

    Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan, có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.

    Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.

    Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.

    Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám mục. Trong một thị kiến, dường như “mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong lòng mẹ vươn cánh tay” đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.

    Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn. Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của ngài.

    Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, County Down, Ái Nhĩ Lan là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.

    Ngày nay cả toàn dân Á Nhĩ Lan qua các thời đại, nhớ công ơn người, ngày 17 tháng 3 được coi là ngày quốc lễ. Ái Nhĩ Lan, qua các vị thừa sai, các dòng tu đã đem Tin Mừng cho nhiều nước khác. (Nguồn: Nhóm Tinh Thần)

    Thánh Patrick viết: “Khao khát của tôi là: dù không có khả năng chu toàn một công trình tốt đẹp và xứng đáng, tôi ước ao giống như những người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng làm chứng cho Người trên khắp thế giới.” (Trích “Lời tuyên xưng đức tin của thánh Patriciô Giám mục,” Bài đọc 2 Kinh Sách, ngày 17/3)

    Ước mong bạn hãy noi gương thánh nhân luôn nuôi dưỡng khát khao làm điều tốt đẹp, rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, và đưa mọi người đến gần với Chúa hơn mỗi ngày. 

From: Do Dzung

************************

Thánh Ca Phụng Vụ  – Hãy Sống Cuộc Đời Ngôn Sứ

Bà Liz Truss, thủ tướng Anh phải từ chức sau chỉ 44 ngày nhậm chức.

  Nguyễn Thị Bích Hậu

Bà Liz Truss, thủ tướng Anh vốn làm Ngoại trưởng trước đó rất thành công. Vào tháng 9 năm 2022, bà lên chức Thủ tướng đầy oanh liệt. Bà rất vui khi bước vào làm chủ nhà số 10 phố Downing. Tuy nhiên, bà chỉ là Thủ tướng đúng 44 ngày là phải xin từ chức trong thảm bại. Một thủ tướng có thời gian tại vị ngắn hàng kỷ lục thế giới.

Vì sao lại vậy? Là do chính sách về kinh tế của bà mang tên là gói Ngân sách nhỏ.

Nôm na là bà cắt giảm thuế hàng chục tỷ đô la  cho doanh nghiệp và trả bằng cách vay nhiều hơn, thay vì cắt giảm chi tiêu.

Khi bà tiết lộ cái gọi là “ngân sách nhỏ” này, các nhà đầu tư trái phiếu đã tháo chạy, do họ lo lắng về tính bền vững của tài chính chính phủ Anh.

Việc bán tháo trái phiếu chính phủ Anh, đã đẩy chi phí thế chấp lên cao.

Một số quỹ hưu trí đã đầu tư vào trái phiếu chính phủ Anh đã bị đẩy đến bờ vực phá sản, khiến Ngân hàng Anh phải vào cuộc.

Sự hỗn loạn của thị trường cuối cùng đã buộc Truss phải hủy bỏ dự án tai hại của mình.

Kết quả bà phải từ chức sau chỉ 44 ngày nhậm chức.

Bà Liz Truss tốt nghiệp ngành Kinh tế của trường Oxford ra, từng làm Bộ trưởng Tư pháp, Tài chánh, Thương mại, Ngoại giao của Anh trước khi làm Thủ tướng.

Tuy nhiên bà đã sai lầm khi ban hành 1 chính sách sai. Và chỉ cần thị trường tài chánh của Anh phản ứng dữ dội là bà phải lập tức về vườn.

______________

Hình bà khi mới nhậm chức rất vui mừng bận áo đỏ-áo tím và ngày cuối cùng đọc diễn văn từ nhiệm bà bận áo đen.


 

Bức ảnh có được khoảnh khắc hoàn hảo nhất

Nhiếp ảnh gia người Brazil, Leonardo Sens đã chờ đến 3 năm mới có thể chụp được bức ảnh này, tổng cộng hơn 

400 ảnh đã được chụp, đây là bức ảnh có được khoảnh khắc hoàn hảo nhất.

Thời gian chụp được xác định vào lúc 6:28 sáng Chủ nhật ngày 4/6/2023.

10 điểm cho nỗ lực và sự kiên nhẫn của nhiếp ảnh gia

Cre: Leonardo Sens

CẢM THƯƠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ!”.

“Lòng thương xót không gượng ép. Nó như cơn mưa từ thiên đường tưới đẫm phước huệ xuống người cho và kẻ nhận. Nó hùng mạnh nhất trong những kẻ hùng mạnh nhất. Quyền trượng một vị vua cho thấy sức mạnh quyền lực thế gian – trong đó – ẩn chứa sợ hãi và kinh hoàng. Lòng thương xót cao hơn quyền trượng này, nó ngự trị trong trái tim của các vị vua, nó là thuộc tính của Thiên Chúa. Và quyền lực trần gian sẽ thể hiện như quyền lực của Chúa khi lòng thương xót và cảm thương ban phước huệ cho công lý!” –  Shakespeare.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ, “Lòng thương xót cao hơn quyền trượng của một vị vua” bởi nó là thuộc tính của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng ta ‘cảm thương’ anh chị em mình như Thiên Chúa ‘cảm thương’; Ngài nói, “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ!”.

Đó không chỉ là một đề nghị, nhưng là một đòi buộc! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải là một tình yêu không mệt mỏi Thiên Chúa dành cho con người. Ngài yêu con người với một tình yêu không biên giới. Cái chết thập giá của Con Một Ngài là đỉnh cao của câu chuyện tình giữa Chúa và người, một chuyện tình lớn đến nỗi chỉ mình Thiên Chúa hiểu! So với tình yêu vô bờ này, tình yêu con người luôn què quặt, chắp vá và khập khiễng.

Trái tim con người thì sao? Trái tim của nó là một bãi chiến trường! Hãy xem, chúng ta thường tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để tự bào chữa cho những bất công đã chịu; hoặc dẫu không nhớ đến những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn thường tìm cách ‘cung phụng’ những vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn và tôi biết ‘cảm thương’ khi nhìn vào trái tim kẻ xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Hãy đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, cuối cùng, sự thiện hấp dẫn trái tim hơn là cái ác ‘được thần tượng hoá!’. Nhìn vào trái tim, Chúa Giêsu luôn đặt cược cho mặt tốt của nó!

Những gì Đaniel thốt lên cho thấy trái tim tuyệt vời của ông! Lời cầu của ông – ‘mang tính quốc gia’ – mô tả sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người – bài đọc một. Đaniel không ngồi phán xét những thiếu sót và tội lỗi của dân; thay vào đó, ông cầu xin Chúa ‘cảm thương’, tha thứ và phục hồi. Sự xấu hổ sẽ biến thành niềm vui và hy vọng nếu chúng ta xưng ra với Chúa và cầu xin tình yêu chữa lành của Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật ‘hàm ân’, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.

Anh Chị em,

“Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ!”. Nhân từ như Thiên Chúa là có một trái tim ‘cảm thương’ như trái tim Ngài. “Kêu gọi chúng ta nhân từ như Thiên Chúa, Chúa Giêsu không có ý nói đến số lượng! Ngài yêu cầu các môn đệ của Ngài trở thành những dấu chỉ, những kênh dẫn, những chứng nhân cho lòng thương xót của Ngài!” – Phanxicô. Trên thập giá, Chúa Giêsu phơi trần một trái tim thoi thóp, bị đâm thủng mà trong đó, chỉ có ‘cảm thương!’. Hãy cầu xin cho mình có một trái tim như trái tim của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế giới cần những trái tim ‘đập nhịp xót thương’. Đừng để tim con ‘lạc nhịp’ với những nhịp ‘cảm thương’ của trái tim Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

****************************************

Thứ Hai Tuần II Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

36 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”