S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Hun Sen

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

25/03/2025

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh từng có nhận định ngắn, về một vị quan chức cao cấp của xứ sở láng giềng (“Hunxen là nhà cai trị hiểu biết và bản lĩnh”) và đã nhận được không ít những lời lẽ tán đồng nồng nhiệt:

  • Đình Ấm Nguyễn: Chính xác.Một thời tôi đã hiểu sai về anh này.
  • Phuong Lam: Nếu ko bản lĩnh thì ông ấy ko tồn tại đến hôm na.
  • Nguyễn Ngoc Anh: Ông ấy là kẻ thức thời.
  • Tran Trong Duc: Campuchia là một nước nhỏ nhưng có một nhà lãnh đạo mang tầm vóc thời đại làm rạng rỡ dân tộc.

Tất cả quí vị thức giả thượng dẫn – tiếc thay – đều rất kiệm lời, không ai chịu nói thêm (đôi câu) về “bản lĩnh” của ông Samdech Hun Sen để người đọc được dịp mở mang tầm mắt. Tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến London, Moscow, New York, Paris, Varsovie … (và cũng không cảm thấy hào hứng lắm, khi nghĩ đến những nơi xa xôi như thế) duy Kampuchea thì tôi có dịp lui tới rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ nhận ra được cái “tầm vóc thời đại làm rạng rỡ dân tộc” của vị thủ tướng của đất nước này.

Lần gần nhất tôi ghé qua Cambodia là hồi năm 2022, trước khi khai mạc Hội Nghị Cấp Cao Asean – kỳ thứ 40 và 41, tại Phnom Penh – chừng độ vài hôm. Bộ mặt thủ đô của xứ sở này, giờ đây, đã hoàn toàn đổi khác.

Phố xá ngăn nắp và sạch sẽ hơn thấy rõ, nhất là con đường Preah Sisowath Quay và khu công viên (Riverside Park) nằm ngay mé sông Tonlé Sap. Lũ trẻ con trần truồng, đen đủi, nhếch nhác (vẫn thường lê la chơi đùa trước Hoàng Cung) đều đã … đi chỗ khác chơi. Những kẻ vô gia cư hay nằm vật vã trên ghế đá cũng không còn nữa. Đám hành khất cũng thế, cũng biến mất tiêu. Cứ như thể là họ chưa bao giờ có mặt trên đất nước này, dù chỉ một ngày.

Sự đổi thay không chỉ diễn ra ở Phnom Penh. Dọc Quốc Lộ 1, hằng trăm bức ảnh của Hun Sen (khi ngồi, lúc đứng) đã được gỡ bớt và thay bằng chân dung của hoàng gia: Quốc vương Norodom Sihamoni, phụ vương Norodom Sihanouk, và hoàng thái hậu Norodom Monineath.

Dù chậm – cuối cùng – Hun Sen cũng đã hiểu ra rằng ngoài giới tăng lữ, ông còn cần thêm một liên minh chính danh (một ông vua làm cảnh kề bên) để bộ mặt của chế độ quân phiệt trông bớt phần tệ hại!

Cả ngàn bảng hiệu Cambodian People’s Party (Đảng Nhân Dân Cam Bốt) của Hun Sen cũng thế, cũng không còn xuất hiện trên từng cây số nữa. Xen vào đó là tên hiệu của dăm bẩy cái đảng dấm dớ nào đó: Candlelight Party, Youth Party, Liberty Party … Tuy không ai tin rằng Kampuchea đang thực thi chính sách đa nguyên hay đa đảng nhưng cái mớ hoa giả (cầy) này cũng giúp cho không khí toàn trị ở Phnom Penh đỡ khó thở hơn – chút xíu!

Quốc lộ 5, dài hơn 400 KM – nối liền Nam Vang với Thái Lan – kể như đã hoàn tất. Không còn những đoạn lởm chởm ổ gà, và mịt mù bụi đỏ, như những năm trước nữa. Chạy suốt một mạch từ thủ đô cho đến tỉnh Pursat, gần cả dặm trăm đường (êm ru bà rù) nhưng tuyệt nhiên không có một cái BOT nào ráo trọi, và cũng chả thấy bóng dáng của một anh cảnh sát giao thông nào sất.

Ngay cả đến hương lộ (ngã rẽ vào làng nổi, Kampong Luong Floating Village, ở cuối Biển Hồ) cũng đã được sửa sang. Dù chỉ “tân trang” chút đỉnh thôi nhưng vẫn đỡ “gập ghềnh” thấy rõ.

Tôi hớn hở khoe những thành tích mà mình vừa chứng kiến với dăm ba tân hữu nhưng không nhận được chút đồng tình nào (ráo) mà còn bị chọc quê:

  • Mày còn ở đây bao lâu nữa?
  • Vài bữa nữa.
  • Sao không ở luôn cho qua ngày hội nghị rồi hãy đi.
  • Ở chi lâu dữ vậy, mấy cha?
  • Để thấy đất Kampuchea sẽ trở về … nguyên trạng, sau cái màn trình diễn rất ngoạn mục và vô cùng tốn kém này của Hun Sen!

Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông. Những người bạn trẻ trí thức mà tôi quen biết ở Cambodia – xem ra – chả mấy ai có cảm tình gì với vị thủ tướng (trường trị muôn năm) của đất nước họ nên mọi “thiện ý” của ông ta, nếu có, cũng đều bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ hay dè bỉu.

Giới bình dân thì khác. Hun Sen, xem chừng, được họ dành cho nhiều thiện cảm hơn vì không chỉ hứa hẹn (suông) mà còn thực hiện được – đôi điều – thiết thực. Ông tuyên bố: Kể từ năm 2016, người lái xe grab, xe tuk-tuk, xe công nông, và ghe thuyền sẽ không phải đóng thuế nữa. Kẻ buôn thúng bán mẹt cũng thế, cũng được miễn thuế luôn. (Kang Sothear, “Hun Sen Announces Broad Cuts of Petty Taxes,” Cambodia Daily: October 23, 2015).

Khi có dịp tiếp xúc với vài vị đồng hương, đang lênh đênh trên Hồ Tonlé Sap, tôi còn được nghe nhiều lời tán thưởng về sự nới lỏng trong luật lệ di trú (vốn rất khắt khe) dành cho thân phận nổi trôi của họ. Có người còn bắt đầu nhen nhúm chút hy vọng là sẽ có lúc được sống (và chết) trên bờ, như đa phần nhân loại.

Chưa hết, gần triệu dân Việt ở Cambodia đều tin chắc chắn rằng cuộc sống tha phương cầu thực của họ sẽ khốn khổ và khốn nạn hơn nhiều, nếu Sam Rainsy (đối thủ chính trị của Hun Sen) có cơ hội cầm quyền.

Trong thời gian qua, Hun Sen còn nhận được hàng loạt tràng pháo tay không ngớt của rất nhiều người (chứ chả riêng chi người Việt) vì đã công khai lên án Nga xâm lăng Ukraine và ngang nhiên bỏ phiếu chống lại Putin. Hun Sen, rõ ràng, không chỉ là một tay bản lãnh mà còn là một kẻ thức thời.

Ông có niềm tin vào tương lai (ít nhất thì cũng là tương lai của gia tộc và phe nhóm) với kỳ vọng là “không chỉ con mà đến cháu mình cũng sẽ thành thủ tướng Campuchia.” Và có lẽ vì thế nên đương sự không vơ vét hết ngân quỹ và tài sản quốc gia như quí vị lãnh đạo (vốn vừa đồng chí, vừa là anh em) bên nước láng giềng.

Ngoài những điểm son vừa kể, hồ sơ của Hun Sen – tất nhiên – không ít những điểm đen:

  • Chính phủ của Hun Sen đã chịu trách nhiệm việc cho thuê 45% tổng diện tích đất ở Campuchia, chủ yếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong những năm 2007- 08, làm hơn 150.000 người Campuchia bị đe dọa trục xuất.
  • Hun Sen có liên quan đến tham nhũng tài nguyên dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản của Campuchia, trong báo cáo Global Witness
  • Còn theo ước tính của Global Witness 2016 thì Hun Sen và gia đình đã thâu tóm khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ Mỹ Kim, và bọn thủ hạ thì cũng hốt làm của riêng một mớ không phải ít. (Hun Sen and his family were estimated to have amassed between US$500 million and US$1 billion by Global Witness in 2016, and a number of allies have also accumulated considerable personal wealth during his tenure.)

Bằng cách nào mà gia tộc Hun Sen có thể hốt được tiền tỷ (U.S. Dollar) một cách dễ dàng, gọn gàng như thế? Câu trả lời có thể tìm được qua hai dữ kiện sau:

  • Hun Sen và đảng chính trị của ông, CPP, đã nắm giữ quyền thống trị gần như toàn bộ trên các phương tiện truyền thông chính thống trong phần lớn thời gian cai trị.
  • Tất cả 125 dân biểu quốc hội đều là người của Đảng Nhân Dân Cam Bốt, 58 trong số 62 thượng nghị sỹ cũng vậy, cũng đều nằm trong túi áo của Hun Sen tuốt luốt.

Khó mà phủ nhận được rằng Hun Sen là một tay bản lĩnh (có thừa) nhưng bản lĩnh của ông – tiếc thay – đã không giúp được cho dân tộc Khmer có đủ áo cơm, dù đã phải cầm cố gần nửa phần (45%) đất đai của Cambodia!


 

Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy. (Lc 9:23)- Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Truyền Tin, mừng bổn mạng đến những ai chọn Mẹ làm gương mẫu mực nhé. Mình cũng ước mong vài dòng gợi ý suy niệm chặng thứ 2 của Đàng Thánh Giá hôm nay đưa bạn đến gần với Chúa và vơi nhau hơn.

Cha Vương

Thư 3: 25/03/2025

CHẶNG THỨ 2: Chúa Giêsu vác thánh giá

TIN MỪNG: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy. (Lc 9:23)

SUY NIỆM: Hằng ngày bạn gặp hai loại thánh giá. Một loại được trang trí lộng lẫy và được treo trên đỉnh hoặc trên tường của các nhà thờ nhà hội. Ngay cả chốn bạn cư ngụ, trong xe, và trên cổ trên tai của một số người cũng có cây thánh giá nữa. Còn một loại thánh giá khác thì bạn không dễ nhìn thấy, đôi khi lúc ẩn lúc hiện trên khuôn mặt đau khổ của những người chung quanh. Bạn phải có lòng thương cảm thì mới nhìn thấy được.

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn nghĩ rằng chính bạn là cây thánh giá đang đè nặng trên vai của những người chung quanh hay không? Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, gánh nặng đang đè nặng trên vai của Chúa chính là con tim chai cứng đầy ích kỷ, tham vọng, và cố chấp của con; xin cho con biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, biết khiêm nhường, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi cho nhau để làm giảm bớt đi những căng thẳng đang làm tổn thương đến hạnh phúc gia đình và làm con xa lìa Chúa. Amen. 

From: Do Dzung

**************************

Thánh Ca: Nếu Con Không Vác Thập Giá – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý

LỜI “XIN VÂNG” TRONG LỄ TRUYỀN TIN – ĐGM GB. Bùi Tuần

 ĐGM GB. Bùi Tuần

Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng.  Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Đức Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.  Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ.  Phản ứng của Đức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1, 38).  Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa.  Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa.  Lập tức sau lời “xin vâng” của Đức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Đức Mẹ.  Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn.  Từ đó “xin vâng” đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.

 Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1, 39 – 45).  Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét.  Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác.  Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác.  Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

 Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.

 Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1, 46 – 55).  Tâm tình Đức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa.  Tâm tình Đức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại.  Tâm tình Đức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

 Thiết tưởng đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.

 Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su tại hang đá Bê-lem (Lc 2, 1 – 7).  Đang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu giá trị con người, thì Đức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy.  Trái lại, Đức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo.  Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bê-lem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Đức Mẹ.  Trên con đường đó, Đức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.

 Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng.  Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Đức Mẹ là con người mới.  Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ (Lc 1, 35).

 Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Đức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.

 Do đó, Đức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh.  Với đặc điểm là Đức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.

Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.

 Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại.  Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa.  Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa.  Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình.  Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình.  Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở.  Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Đức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu.  Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân.  Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hoà bình thế giới.  Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Đức Mẹ.

 Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta.  Ta có lắng nghe ý Chúa không?  Và ta có xin vâng ý Chúa thực không?  Đoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:

 “Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.  Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”  “Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13, 1 – 5). 

Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa.  Đó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình.  Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình.  Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.

 Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó.  Rất rõ ràng.  Ở Fatima Đức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó.  Cũng rất rõ ràng.  Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.

 Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa.  Hãy bước đi với những bước nhỏ.  Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi.  Như hằng ngày đến bên trái tim Đức Mẹ, để xin trái tim Đức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó.  Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ.  Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị.  Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

 Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Đức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.

 ĐGM GB. Bùi Tuần

From: Langthangchieutim 


 

THUỘC ĐẤNG TOÀN NĂNG  – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”.

“Khởi đầu của lo lắng là kết thúc của đức tin! Khởi đầu của đức tin là kết thúc của lo lắng! Trước những câu hỏi “Tại sao?”, “Tại sao lại là tôi?”, bạn đừng tìm câu trả lời. Nó ‘thuộc Đấng Toàn Năng’, hãy trao nó cho Ngài! Ngài có câu trả lời!” – George Mueller.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài có câu trả lời!”, đó cũng là trải nghiệm của Đức Maria qua biến cố Truyền Tin! Câu hỏi “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?” của Maria là một câu hỏi rất nhân bản; để cuối cùng, trong đức tin, cô đã nhận được một câu trả lời, nó ‘thuộc Đấng Toàn Năng!’.

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà!”. Sứ thần đáp lại như thế – qua đó – mời gọi Maria đừng tin vào mình, hãy tin vào Chúa; một lời đáp ‘rất quy thần!’. Và Maria đã không đặt thêm một câu hỏi nào khác ngoài việc chờ đợi và lắng nghe! Cô được yêu cầu đảm nhận chức vụ làm Mẹ Con Chúa không bằng sức mình, nhưng bằng sức mạnh của Đấng trên cô rợp bóng! Với trấn an này, Maria đầu hàng, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần!”. Maria dành phần ưu tiên cho Chúa; ‘không thể quy thần’ hơn!

Đang khi với chúng ta, “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?” có thể ức chế, kìm hãm, bức bối; bởi lẽ, chúng ta chưa ‘thuộc Đấng Toàn Năng’. Vì quên rằng, “Khởi đầu của lo lắng là kết thúc của đức tin!” nên chúng ta loay hoay tìm câu trả lời vốn không ‘quy thần’ mà chỉ ‘quy ngã’; bởi đó, luôn bế tắc. Hãy như Đức Mẹ, quy nó về Chúa – “Khởi đầu của đức tin là kết thúc của lo lắng!” – Ngài sẽ mở ra những chân trời của Thánh Linh!

Tin Mừng cũng bàng bạc câu hỏi này, “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”. Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa, Gioan phản ứng tương tự; trước đoàn người đang đói, các môn đệ hỏi, “Nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh?”; chính Chúa Giêsu đã hỏi Philipphê, “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn?”. Thú vị thay! Chính Thiên Chúa nhiều lần tự hỏi, “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”. Vua Cả Đất Trời làm người? Tạo Hóa trở nên tạo vật? Đúng thế, chỉ vì quá yêu thương, Ngài giữ lời, “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai… và tên con trẻ là Emmanuel” – bài đọc một. Và Ngôi Lời đã làm người! “Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài!”, những lời ‘thuộc Đấng Toàn Năng’ – bài đọc hai và Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”. Trước bao nan đề về cuộc sống: tha nhân, công việc, kể cả cám dỗ, tội lỗi – không ít lần – chúng ta cảm thấy Thiên Chúa xa vắng! Bạn và tôi bất lực khi tự đi tìm câu trả lời. Bên cạnh đó, các vấn nạn của thế giới, vấn đề của Giáo Hội, Giáo Hội địa phương; hoặc thậm chí, những gì trực tiếp liên quan đến cộng đoàn, gia đình mình. Hãy đến trường học Maria, quy về Chúa, chờ đợi và lắng nghe! “Hãy nhìn lên thập giá, một Giêsu đang giãy giụa; một Thiên Chúa hạ mình đến mức tự gánh mọi khổ đau và tội lỗi nhân loại!”. Ngài yêu cầu bạn tìm cho mình câu trả lời – không ở đâu khác – chỉ trong mối quan hệ với Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Ở đó, sẽ có câu trả lời tốt nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để lo lắng kết thúc đức tin của con; như Đức Mẹ, cho con biết trao cho Chúa mọi uẩn khúc đời mình!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*********************************

LỄ TRUYỀN TIN,

THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


 

Một người đàn ông bị lạc ở đâu đó trong sa mạc – Truyen ngan HAY

TokyoLife 

Ảnh Steve McCurry

Một người đàn ông bị lạc ở đâu đó trong sa mạc.

Lương thực và nước uống ít ỏi của anh nhanh chóng cạn kiệt.

Anh biết rõ rằng nếu không tìm được nước trong vài giờ tới, chờ đợi anh sẽ là bóng tối vô hạn.

Nhưng sâu trong lòng, anh vẫn tin một phép màu nào đó sẽ xảy ra.

Rồi anh nhìn thấy một túp lều. Anh không thể tin vào mắt mình. Trước đó, anh đã nhiều lần bị ảo giác và những hình ảnh đánh lừa. Nhưng giờ đây, anh chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tin tưởng.

Dù sao đi nữa, đây chính là hy vọng cuối cùng của anh.

Anh dùng chút sức lực còn lại để đi về phía túp lều. Càng tiến gần, hy vọng của anh càng lớn dần và lần này may mắn cũng đứng về phía anh.

Thật sự có một túp lều ở đó!

Nhưng tại sao vậy? Tại sao túp lều hoàn toàn hoang vắng? Dường như đã không có ai đặt chân đến đây suốt nhiều năm. Dẫu vậy, người đàn ông vẫn bước vào, mang theo hy vọng tìm được nước.

Nhưng cảnh tượng bên trong khiến anh không thể tin vào mắt mình.

Có một chiếc máy bơm nước bằng tay ở đó!

Anh như được tiếp thêm sức mạnh. Khao khát từng giọt nước, anh lao tới và bắt đầu bơm liên tục.

Nhưng chiếc máy bơm đã cạn khô từ lâu. Anh tuyệt vọng, cảm thấy rằng lần này chẳng gì có thể cứu được mình nữa.

Kiệt sức, anh ngã xuống. Đúng lúc ấy, anh nhìn thấy một chai nước treo trên trần túp lều.

Hy vọng lại trào dâng trong tâm trí. Anh lao đến, định mở ra và uống ngay. Nhưng rồi anh thấy một tờ giấy dán trên chai, trên đó viết:

“Hãy dùng nước này để khởi động máy bơm, và đừng quên đổ đầy chai trước khi rời đi.”

Anh rơi vào một tình huống khó khăn. Anh không biết nên uống nước ngay để sống sót hay đổ vào máy bơm để khởi động nó.

Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu anh:

Nếu máy bơm không hoạt động thì sao?

Nếu tờ giấy này chỉ là một trò đùa?

Và ai biết được, có thể dưới lòng đất cũng chẳng còn giọt nước nào…

Nhưng cũng có thể máy bơm sẽ hoạt động.

Có thể điều viết trên tờ giấy là sự thật.

Anh không biết phải làm gì. Sau một hồi bối rối, anh run rẩy mở nắp chai và đổ nước vào máy bơm. Anh cầu nguyện và bắt đầu bơm…

Một lần, hai lần, ba lần… và dòng nước mát lạnh trào ra!

Nước ấy chẳng khác nào thần dược cứu mạng anh. Anh uống thỏa thuê, cảm nhận sự sống trở lại trong cơ thể mình. Đầu óc anh tỉnh táo trở lại.

Anh đổ đầy chai nước rồi treo lại lên trần túp lều. Đúng lúc ấy, anh chợt nhìn thấy một chiếc chai thủy tinh khác ngay trong góc. Mở ra, bên trong có một cây bút chì và một tấm bản đồ, chỉ dẫn lối thoát khỏi sa mạc.

Anh ghi nhớ đường đi, rồi đặt tấm bản đồ lại chỗ cũ. Sau đó, anh đổ đầy những bình nước của mình và rời khỏi túp lều.

Đi được một đoạn, anh quay lại nhìn lần nữa. Nghĩ ngợi một lúc, anh quay trở lại, cầm tờ giấy dán trên chai nước và viết thêm một dòng: “Hãy tin tôi, chiếc máy bơm này thực sự hoạt động!”

Câu chuyện này chính là hình ảnh thu nhỏ của cuộc đời.

Ngay cả trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất, ta cũng nên giữ vững hy vọng.

Và trước khi nhận được điều gì lớn lao, ta phải biết cho đi trước.

Trong câu chuyện này, nước tượng trưng cho những điều quan trọng trong cuộc sống.

Đối với một số người, đó là tri thức.

Đối với người khác, đó là tình yêu.

Còn với nhiều người, đó là tiền bạc.

Dù là gì đi nữa, để đạt được, ta phải cho đi trước, như đổ nước vào máy bơm, rồi sau đó nhận lại gấp bội phần những gì đã bỏ ra.

-Food for thought-

Theo Bhagwan Sahai Meena

Ảnh Steve McCurry

TokyoLife chia sẻ


 

TẠI SAO BUỘC MÌNH GIÀ? TG: Nguyễn Ngọc Yến

Công Tú NguyễnChuyện tuổi Xế Chiều

TG: Nguyễn Ngọc Yến

Chị của mình hỏi mình một câu thằng thừng không tránh né

” Bô mày không biết mày già hả Yến? Tao thấy mày chụp hình ẹo qua ẹo lại tao mắc cở quá “

Tôi im lặng không dám trả lời nhưng trong lòng cứ thắc mắc

” Tại sao mình phải già? Và tại sao lớn tuổi không được tạo dáng khi chụp hình? Tại sao già không được mặc quần áo đẹp? Tại sao già không được rong chơi?

Suy nghĩ tích cực là một trong những điều cần thiết để người lớn tuổi tự tin hơn. Tập luyện thân thể để chống lão hoá, ngăn chặn bệnh tật và để giữ cho thân thể dẻo dai khỏe mạnh.

Chúng ta không cố ý khoe dáng vì ở tuổi 70 thì có còn sức hút gì với các lão công công?

Và cũng không phải để người khác khen đẹp.

Nhan sắc  và địa vị xã hội ở tuổi 70s đã trở thành vô giá trị đổi với những người đã có đủ tiền tiết kiệm và tiền hưu để không phải vất vả mưu sinh.

Bạn giàu bạn cũng không thể xài hết tiền.

Tôi nghèo cũng được 2 chén cơm mỗi ngày.

Chúng ta chỉ muốn biết được rằng với vòng eo nhỏ là số ngày tháng sống còn vài năm nữa, cái lưng chưa khòm là bệnh loãng xương chưa trầm trọng. Còn khoe đùi được là chưa bị suy giản tĩnh mạch.

Thật ra không phải Chúng ta muốn chối bỏ tuổi già. Nó sờ sờ ra đó,  làm sao mà trốn cho được.

Nhưng mà

Cả một đời khổ cực trả hiếu cho mẹ cha, nuôi dạy con cái, giờ đây con đã trưởng thành,  cha mẹ không còn nữa…

Thì chúng ta phải tự chăm sóc và yêu thương bản thân thôi. Muốn sống khỏe thì chăm cho thân thể đẹp và nhìn thấy mình đẹp là một nguồn hạnh phúc không tốn tiền cũng không làm tổn thương hay tổn hại đến ai. Quần áo cũ bỏ đi thì phí…thôi thì không luật Pháp nào cấm người cao tuổi mặc áo đầm hay Quần shorts. Nó vừa đẹp vừa gọn nhẹ trẻ trung lại dễ giặt.

Người ta cũng thắc mắc tại sao già rồi mà không mang dép hay giày thời trang mà lại mang giày thể thao? Bà già gì chẳng giống ai? Xin thưa

” Giày thể thao vừa nhẹ nhàng vừa êm chân lại có độ bám cao nên không sợ trơn trợt té ngã, tổn hại thân thể.

Thế thôi

Hỡi những người cao tuổi

Chúng ta đã sống trọn một đời người cho cha mẹ,  cho xã hội,  cho chồng,  cho con,  giờ đây còn lại những ngày tháng ngắn ngủi, hãy bao dung cho chính mình và cho những người chung quanh để cả mình cả người cùng hanh phúc .

Ảnh st.


 

 Vừa là Bác Sĩ, vừa là Nữ Tu

Make Christianity Great As Always is at Temple University Hospital.

  Philadelphia, PA

Sơ Jocelyn Edathil là bác sĩ Nội khoa thuộc Bệnh viện Đại học Temple (Pennsylvania, Mỹ). Sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Ấn Độ, sơ Jocelyn nhận được học bổng của Đại học Villanova (Công giáo) và tốt nghiệp xuất sắc. Sau đó sơ lấy bằng kép MD/PhD (Bác sĩ/Tiến sĩ Y khoa) tại Đại học Bang Pennsylvania năm 2010.

Trong thời gian học tập, sơ tìm hiểu ơn gọi Dòng Nữ Tử Betania, một dòng tu gốc Ấn Độ có truyền thống mục vụ bệnh nhân. Hiện sơ vừa tham gia khám chữa bệnh, vừa làm Phó Giáo sư Y khoa lâm sàng Đại học Temple. Sơ cũng nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu vì những cống hiến của mình cho nền y tế Tiểu bang.

Sơ Jocelyn là một trong rất nhiều nữ tu, linh mục đang phục vụ và làm chứng cho Chúa cách thầm lặng (nhưng không kém phần tích cực) trong hệ thống y tế Mỹ, ở nhiều cương vị khác nhau.


 

PHÓ TRƯỞNG CÔNG AN TỰ TỬ BẰNG SÚNG LỤC

BBC News Tiếng Việt 

UBND phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã báo cáo về cái chết của Trung tá N.X.T, Phó trưởng Công an phường Quang Trung, tại nơi làm việc vào hôm nay 24/3.

Theo báo cáo, vào đêm 23 và sáng 24/3, Trung tá T cùng 3 cán bộ khác đang làm nhiệm vụ trực ban tại Công an phường Quang Trung.

Khoảng 5 giờ sáng ngày 24/3, các cán bộ trực ban nghe thấy tiếng nổ phát ra từ phòng làm việc của trung tá T trên tầng 2.

Khi chạy lên kiểm tra, họ phát hiện ông T đã bất tỉnh.

Các cán bộ đã gọi điện cho Trạm y tế Công an tỉnh Kon Tum gần đó. Khi nhân viên y tế tiến hành kiểm tra thì ông T đã tử vong.

Qua kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng xác định ông T tự tử bằng súng lục.

Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ.

#BBCTiengViet

#Congan

 

Công an tỉnh Kon Tum: Hình minh họa

CHẶNG THỨ 1: Chúa Giêsu bị kết án tử hình – Cha Vương

Nửa đường của Mùa Chay đã qua rồi bạn ơi! Chúc mọi sự an lành đến bạn và gia đình nhé. Thiên Chúa là tình yêu. (1 Ga 4:8) Ngài không thể lặng thinh trước những nỗi thống khổ của nhân loại. Do đó qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài mang lấy thánh giá, và chia sẻ những đau khổ của bạn. Ngài muốn biến đổi trái tim chai đá của bạn thành một trái tim bằng thịt để bạn biết rung cảm và biết chia sẻ trước sự đau khổ của người khác. Vậy trong những ngày còn lại của Mùa Chay thánh này, mời bạn cùng với mình suy niệm 14 Chặng Đàng Thánh Giá mà Con Chúa đã đi qua. Ước mong bạn dành thời gian mỗi ngày để xét mình, xin ơn hoán cải, đi xưng tội và tiến đến nguồn tình yêu bất tận của Thiên Chúa.

Cha Vương

Thư 2, 3MC: 24/3/2025

CHẶNG THỨ 1: Chúa Giêsu bị kết án tử hình.

TIN MỪNG: Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây?” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27:22)

SUY NIỆM: Nhìn vào xã hội ngày nay chuyện bất công vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức, người công chính thì bị cầm tù nhạo báng còn kẻ vô luân thì lại huênh hoang hoành hành. 

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn tham gia hoặc cổ võ cho những việc làm bất chính trong môi trường sống của bạn hay không? (Tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận và trong hành động.)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương con Chúa đã chấp nhận chịu xét xử và bị kết án tử hình một cách bất công để cho con được sống dồi dào trong tình yêu của Chúa, xin cho con luôn mặc lấy trái tim của Chúa, để con biết rung động và thương xót trước nỗi cơ cực của anh chị em, ngõ hầu con biết đứng về phía sự thật để trở nên chứng nhân của lòng Chúa xót thương. Amen.

From: Do Dzung

*****************************

Con Đường Chúa Đã Đi Qua – Lệ Hằng

Dân Mỹ phải kiếm được bao nhiêu tiền để được coi là trung lưu?

Ba’o Nguoi- Viet

March 24, 2025

SUITLAND, Maryland (NV) – Nếu có lợi tức sáu con số thì một gia đình chưa chắc khá giả, mà trong nhiều trường hợp, đó chỉ được coi là thuộc thành phần trung lưu.

Tại tất cả tiểu bang ở Hoa Kỳ, để được coi là có mức lợi tức cao nhất của thành phần trung lưu, các gia đình phải kiếm được hơn $100,000, SmartAsset cho biết trong một phân tích về dữ liệu lợi tức mới nhất năm 2023 do Cơ Quan Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ USCB công bố, theo NBC.

Phúc trình này tính toán số liệu trong cả 50 tiểu bang, dựa trên định nghĩa do Pew Research đưa ra về thành phần gia đình trung lưu có mức lợi tức cao nhất: con số cao gấp hai phần ba cho tới tới gấp đôi mức trung vị (median).

Gia đình đi chơi ngoài biển. (Hình minh họa: Ray Bilcliff/Pexels)

Theo tiêu chuẩn đó, Massachusetts có mức lợi tức theo thành phần trung lưu cao nhất, vượt qua New Jersey so với bảng xếp hạng năm ngoái. Một gia đình tại Massachusetts cần kiếm từ $66,565 tới $199,716 để được coi là trung lưu, trong đó mức cao nhất tăng gần $11,000 so với phúc trình trước đó.

California thì một gia đình trung lưu có mức lợi tức trung vị là $95,521, trong khoảng từ $63,674 tới $191,042. 

Kể cả khi ngày càng có nhiều gia đình kiếm được mức lương sáu con số, nhiều người thuộc thành phần trung lưu vẫn cảm thấy áp lực. Mặc dù mức lương theo lạm phát tăng lên từ năm 2022, nhưng những lợi ích đó phần lớn bù vào chi phí gia tăng từ lúc Covid-19 dậy lên vào năm 2020.

Đặc biệt, nhà ở và thức ăn ngày càng đắt đỏ hơn. Từ Tháng Giêng 2020 tới Tháng Mười Hai 2024, giá nhà tăng 52%, theo Chỉ Số Giá Nhà Quốc Gia Case-Shiller tại Hoa Kỳ, còn giá thức ăn tăng 30%, dựa trên dữ liệu Chỉ Số Giá Tiêu Thụ CPI. Trong cùng thời kỳ, tổng mức lạm phát tăng 25%.

Chi phí tăng cao góp phần giải thích lý do vì sao hai phần ba người Mỹ thuộc thành phần trung lưu cho biết họ đang gặp khó khăn về tài chánh và không nghĩ rằng tình hình sẽ khá khẩm, Liên Minh Chi Phí Sinh Hoạt Thực Tế Quốc Gia cho biết trong một khảo sát năm 2024.

Từ đó cho tới nay, lạm phát hàng năm duy trì quanh mức 3%, vẫn cao hơn mục tiêu 2% do Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Fed đề ra, nhưng thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 9.1% vào Tháng Sáu 2022. Tuy nhiên, dù tình trạng tăng giá có chựng lại, nhưng tác động dồn nén trong nhiều năm qua làm xói mòn sức tiêu thụ của nhiều người Mỹ. Do đó, lợi tức sáu con số có thể không còn dư dả để bảo đảm cuộc sống sung túc như trước kia. (TTHN)