VỀ GIÀ

Chuyện tuổi Xế ChiềuCông Tú Nguyễn

Về già, là khi ta có một đôi mắt mờ đi nhưng lại nhìn cuộc đời rõ hơn trước. Vì có những thứ không thể nhìn bằng mắt thịt, và cũng có những điều không thể nghe bằng tai trần.

Về già, là khi đôi chân mỏi mệt khi đã bị kéo lê gần hết quãng đường đời nhưng khi ngoái đầu lại ta dường như mới là đứa trẻ ngày hôm qua. Bây giờ ta bước chậm hơn trước, chắc hơn trước và cũng trân trọng hơn từng cái chạm đất, vì có thể ngày mai ta không còn bước đi được nữa.

Về già, là khi ta dùng đôi tai điếc của mình để nghe thiên hạ đang xôn xao về chuyện đời và ta biết rằng hơn một nửa trong số ấy không là thật. Bây giờ, âm thanh êm dịu duy nhất chỉ có tiếng chim tiếng gió và những âm thanh còn đọng lại trong lòng ta, của những người ta từng trân quý nhưng bây giờ không còn thể gặp lại nữa.

Về già, là khi ta nhận ra rằng ta đã may mắn như thế nào khi từng được hít thở không khí một cách thoải mái, vì bây giờ, mỗi hơi thở là một thước đo của sự sống. Ta thở ra nhưng ta không thể biết có thể hít vào một lần nữa được hay không?

Về già, là khi những người tri kỷ ta còn ngồi lại cùng ta hoài niệm về một thời xa xưa, tuy là không nhiều. Âu đó cũng là quy luật tự nhiên, khi ta không còn giá trị, những bằng hữu sẽ rời xa ta, người còn ở lại nhất định ta phải trân quý.

Về già, là khi ta nếm đủ ngọt bùi đắng cay của cuộc đời. Những thứ làm ta say đắm ngẫm lại vui sướng không là bao nhưng đau khổ lại rất nhiều. Có những thứ ta cứ tưởng nắm chặt trong tay rồi thì ngày mai lại trôi đi mất. Cuộc đời như một trò đùa mộng mị mà người chơi phải trả bằng cả tuổi thanh xuân của mình, bây giờ ngẫm lại chỉ toàn là hối tiếc…

Suốt đời quý nhất cũng chỉ là hai tiếng bình yên. Hạnh phúc cũng không phải là điều gì quá xa vời, nhưng có những người gần lúc cuối đời mới nhận ra được điều đó.

Sưu tầm


 

VỀ VỚI CỘNG ĐOÀN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, có cả Tôma ở đó với các ông!”.

“Không có cộng đoàn thì khó tìm được Chúa Giêsu!” – Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ kính thánh Tôma tông đồ cho thấy cách tốt nhất, nhanh nhất để gặp lại Chúa Giêsu là ‘về với cộng đoàn!’.

Khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ chiều ngày Phục Sinh, Tôma không có mặt. Thật thú vị, tên của ông có nghĩa là “Đi đy mô!”; nhưng “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, có cả Tôma ở đó với các ông”, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ. Rõ ràng tự tách mình khỏi cộng đoàn, Tôma bỏ lỡ cơ hội gặp Thầy; rời xa cộng đoàn, đương nhiên Tôma sống trong sợ hãi, buồn sầu và nghi nan. Khi Tôma trở lại, những người bạn thân yêu nói với ông, “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Dĩ nhiên là Tôma không tin và ông đưa ra một loạt các điều kiện.

Chúa Giêsu đã đến, đáp ứng những điều kiện đó; Ngài chỉ cho Tôma thấy những vết thương theo cách thông thường, trước mặt mọi người, trong cộng đoàn chứ không phải bên ngoài. “Cộng đoàn là nơi những vết thương được đụng chạm và đức tin được phục hồi. Không ở đó, Tôma không thể chạm vào những dấu đinh!” – James Martin. Chúa Giêsu như muốn nói với Tôma rằng, “Muốn gặp Thầy, con đừng tìm đâu xa; hãy về đây – ‘về với cộng đoàn’ của con – anh em của con, đừng bao giờ rời xa họ! Hãy cầu nguyện với họ, bẻ bánh với họ!”.

Chúa Giêsu cũng nói điều này với chúng ta, “Hãy ‘về với cộng đoàn’, về với gia đình; ở đó, con sẽ tìm thấy ta. Đó là nơi ta sẽ tỏ cho chúng con thấy những dấu đinh của những vết thương in trên cơ thể ta – những dấu hiệu của tình yêu – dấu hiệu của sự sống chiến thắng sự chết, tình yêu chiến thắng ích kỷ và tha thứ chiến thắng trả thù. Chính ở đó – cộng đoàn, gia đình – chúng con sẽ khám phá ra khuôn mặt của ta, khi chúng con chia sẻ những khoảnh khắc nghi ngờ và sợ hãi với những người thân yêu. Hãy bám chặt vào họ hơn!”. “Chúa Giêsu không hiện ra riêng cho Tôma trong một khoảnh khắc đặc biệt cá nhân, nhưng nơi các môn đệ tụ họp. Đó là bài học cho tất cả những ai tìm Ngài!” – Erik Varden.

Anh Chị em,

“Có cả Tôma ở đó với các ông!”. ‘Về với cộng đoàn’ cho dù cộng đoàn không hoàn hảo, nhưng là nơi Chúa hiện diện. Tôma phải quay lại cộng đoàn để thấy điều ông khao khát. Cộng đoàn là nơi phải trở về vì ít nhất ba lý do: nơi an ủi chúng ta trong những lúc bất an; nơi mọi nghi ngờ đều có thể dẫn đến một kết quả sáng sủa hơn – bất chấp một sự không chắc chắn nào đó; và cuối cùng, thông thường, đó là nơi Chúa Giêsu tỏ mình cho những ai biết gắn bó với nhau trong cầu nguyện, trong hiện diện và trong những chia sẻ yêu thương. “Tôma không tin không phải vì ông thiếu lý trí, mà vì ông ‘thiếu cộng đoàn’. Đức tin được củng cố trong sự hiệp thông. Nơi nào có hai hay ba người họp lại, nơi đó có Đức Kitô sống động như Ngài đã nói!” – Luis Antonio Tagle.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, rời xa cộng đoàn, con có thể giữ lý thuyết về Chúa, nhưng đánh mất sự hiện diện của Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**************************************

LỄ KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ 03/7

Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên

Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.       Ga 20,24-29

24 Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”


 

NHỮNG KIỂU PHỤ NỮ RẤT KHÓ ĐỂ HẠNH PHÚC

Huy Chiêu

Anh Nguyen 

– Kiểu phụ nữ luôn tự cho mình quyền áp chế, im lặng như một kiểu bạo hành tâm lý với chồng, con mình.

– Kiểu phụ nữ luôn coi đàn ông là nơi “trú nắng trú mưa” mà không nghĩ rằng cuộc sống vợ chồng là nơi cả 2 cùng xây mái ấm.

– Kiểu phụ nữ xem tình yêu là một cuộc giao dịch hơn là sự đồng hành và sẻ chia.

– Kiểu phụ nữ luôn thấy mình đúng, không chịu lắng nghe hay nhìn lại chính mình.

– Kiểu phụ nữ coi việc hy sinh của đàn ông cho mình là đặc quyền rồi dùng nó để mặc cả tình cảm.

– Kiểu phụ nữ không biết chăm sóc chính mình, nhưng lại đòi hỏi người khác phải chăm sóc mình đủ đầy.

– Kiểu phụ nữ luôn nghĩ rằng đàn ông phải đọc được suy nghĩ mình, thay vì học cách giao tiếp rõ ràng.

– Kiểu phụ nữ thích kiểm soát, nhưng lại không bao giờ chịu trách nhiệm khi mọi thứ không như ý.

– Kiểu phụ nữ xem con cái là “tài sản riêng”, bắt chồng đứng ngoài trong việc dạy dỗ, rồi quay lại trách chồng vô tâm.

– Kiểu phụ nữ luôn sống trong thế giới của “người ta” – người ta đẹp hơn, giàu hơn, chồng tốt hơn – nên chẳng bao giờ thấy đủ với những gì mình có.

– Kiểu phụ nữ nghĩ rằng hôn nhân là sự đảm bảo vĩnh viễn cho hạnh phúc, nên buông xuôi việc làm mới bản thân.

– Kiểu phụ nữ sống quá nhiều bằng cảm xúc, để cảm xúc quyết định mọi hành vi và lời nói, rồi vô tình khiến người bên cạnh kiệt sức.

– Kiểu phụ nữ không bao giờ biết biết ơn, chỉ nhớ những gì chồng chưa làm được, mà quên hết những điều tốt đẹp anh ấy từng làm.

– Kiểu phụ nữ không bao giờ có từ “xin lỗi” và “cảm ơn” trong từ điển!


 

NGÀY CỦA CHA- Truyện ngắn HAY

Xuyên Sơn

Một bài viết lấy đi nhiều nước mắt, đọc để thấy được sự vĩ đại của người CHA dành cả cuộc đời cho con mình

Xin chuyển tải hầu quí anh chị

———————–

Một ngày, anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen.

Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt:

– Ông lại bán xe rồi hay sao mà đi tàu lên đây?

Anh cúi đầu trả lời lí nhí trong hổ thẹn:

– Ừ thì bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm!

Chị sầm mặt xuống:

– Ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không ngóc đầu lên được. Hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?

Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều mà anh muốn nhờ.

Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối:

– Nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e sẽ chẳng còn được bình yên nữa!

Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối:

– Con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được. Anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi. Chỉ cần nửa năm hay vài ba tháng gì cũng được. Em là phụ nữ em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ,

sau đó anh sẽ lại đón nó về.

Chị thở dài:

– Ông lúc nào cũng mang xui xẻo cho tôi. Thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã. Có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau.

Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi, tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

……….

Anh và chị trước kia là vợ chồng.

Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Ðông Ðức.

Chị theo học Ðại Học Sư Phạm Hà Nội

Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây Ðức.

Chị tốt nghiệp đại học, về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.

Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị,rồi làm thủ tục đón chị sang Ðức.

Vừa sang Ðức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt, đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán,

chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta.

Chị trách anh vô dụng.

Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu:

Ðể có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Chỉ vì vậy mà anh đã không dám mạo hiểm ra làm ăn.

“Ðồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng…” đó là câu nói cửa miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.

Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nửa năm mới được về nhà.

Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh.

Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó: Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn thì hỏi làm được gì chứ.

Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh.

Chị nói, ông buông tha cho tôi,sống với ông đời tôi coi như tàn.

Anh đồng ý vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ ràng buộc sẽ làm khổ chị.

Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói.

Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ.

Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.

Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá.

Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.

Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau.

Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố.

Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.

Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ.

Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Chị chỉ hiểu, dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu nhưng anh rất thương nó.

Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan.

Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều.

Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà…

………..

Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm.

Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.

Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng.

Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được.

Ði học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Ðứa em trai cùng mẹ của nó, cũng như mẹ nó và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó.

Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố.

Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Em trai nó học thêm piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn piano rất đẹp để ở phòng khách.

Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt.

Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa.

Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lõm bõm:

“…đàn… đàn…klavia…con muốn…” Anh thở dài và hát cho nó nghe.

Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó.

Rồi thưa dần, thưa dần….

Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa.

Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học.

Chị không biết gì cứ mắng nó giở chứng.

Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn piano vang lên.

Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa.

Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng.

Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc.

Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi piano điêu luyện như vậy.

Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng nên chị không quan tâm.

Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì… Và chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: “…Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo… sống với cha êm như làn mây trắng… Nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con…với tháng năm nhanh tựa gió… Ôi cha già đi, cha biết không…”

Chị vòng tay ra trước cổ nó và ôm nó vào lòng.

Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm.

Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lồng ngực.

Nó khóc.

Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó.

Nó chìa cho chị một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.

Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa.

Nó chìa bốn ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, bốn tháng rồi hả.

Nó gật đầu. Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.

Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ.

Ðại ý là nó diễn đạt rằng:

– Bố lên ở trên Thiên Ðường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con.

(Đoàn Đức)

Nguồn fb Lê Trung Thận


 

Thêm chi tiết về Linda Tôn

Tác Giả: Đàn Chim Việt

30/06/2025

Hai vợ chồng Linda Tôn và Chris Hồ ra trình diện cơ quan chức năng ở New York

 Cách nay mấy hôm, truyền thông Mỹ đưa tin về Linda Tôn, một phụ nữ Mỹ gốc Hoa tầm 40 tuổi, công chức có số má trong Văn phòng Thống đốc tiểu bang New York, bị cáo buộc về tội gian lận cung cấp thiết bị y tế trị giá 8 triệu USD và tội bí mật phục vụ cho Trung Quốc. Nay trang mạng The Bureau có thêm chi tiết về vụ này, ĐCV xin tóm lược một số điểm chính.

Làm giàu cá nhân

Trong thời gian làm trong Văn phòng của Thống đốc Andrew Cuomo và bà Kathy Hochul, người thay thế ông Cuomo sau khi ông này mất chức vì tai tiếng, bà Tôn đã dùng chức vụ và sự quen biết của mình để lèo lái những hợp đồng mua thiết bị y tế, đặc biệt là thiết bị bảo hộ chống dịch Covid, cho những nhà cung cấp Trung Quốc để bà và chồng là Chris Hồ được hưởng lợi từ nhà cung cấp.

Bà đã giới thiệu với Văn phòng Thống đốc hai công ty Mỹ làm ăn quen thuộc với các nhà cung cấp thiết bị y tế trong tỉnh Giang Tô. Kết quả điều tra của FBI cho biết công ty thứ nhất do người em họ của bà đứng tên, công ty thứ hai do ông Hồ và một người bạn đứng tên.

Một tài liệu từ máy tính của cặp vợ chồng cho thấy trong năm 2020 và 2021, công ty của người em họ đã trả cho cặp vợ chồng khoảng 2,3 triệu đô la tiền lại quả, không có khoản nào trong số tiền này được họ khai thuế liên bang. Ngoài ra, ông Hồ còn dùng bằng lái xe của một người bà con để mở một tài khoản ngân hàng, chuyển vào đó 1,5 triệu đô la trong ba lần, mỗi lần nửa triệu.

Phục vụ Bắc Kinh

Các công tố viên liên bang cáo buộc Linda Tôn hoạt động như một đặc vụ cao cấp bí mật của Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất của Bắc Kinh.

Một số hoạt động cụ thể gồm có việc liên tục can thiệp để ngăn cản các đại diện Đài Loan muốn gặp các quan chức hàng đầu của New York, viết lại các tuyên bố chính thức của tiểu bang để loại bỏ cụm từ “Trung Hoa Dân Quốc” mà Đài Loan hay dùng, ngăn chặn bất kỳ đề cập nào về việc Trung Quốc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ký những thư mời giả để giúp các quan chức Trung Quốc có thị thực Hoa Kỳ, có quan hệ với các quan chức Trung Quốc mà không khai báo.

Thành quả tích lũy

Với đồng lương công chức, bà Tôn có một biệt thự trị giá 3,6 triệu đô la ở Manhasset, khu nhà giàu nằm cách Quận Manhattan của Thành phố New York 20 dặm, chỗ này thường được làm nơi chiêu đãi các quan chức cấp cáo Trung Quốc đi thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, bà còn một căn condo trị giá 1,9 triệu đô la ở thành phố Honolulu của tiểu bang Hawaii và một chiếc Ferrari đời 2024.

Mỗi khi đến Bắc Kinh, hai vợ chồng thường ở trong một suite của khách sạn, trước đây là suite dành cho cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama, họ nhận những món ăn cầu ký do đầu bếp riêng của một quan chức Trung Quốc cấp cao nấu. Hoạt động kinh doanh hải sản của ông Chris Hồ ở Trung Quốc nhận được nhiều ưu đãi của chính quyền địa phương.

Các tội bị cáo cuộc

Ngoài những tội được cáo buộc trước đây, cơ quan chức năng Hoa Kỳ còn cáo buộc Linda Tôn vi phạm Đạo luật Đăng ký làm Đại diện cho Nước ngoài, gian lận thị thực, buôn người từ nước ngoài và rửa tiền; còn ông chồng Chris Hồ phải đối mặt với các cáo buộc âm mưu rửa tiền, gian lận ngân hàng và sử dụng sai trái giấy tờ tùy thân.


 

Tại Sao Hay Quên ? Giảm Trí nhớ ? Mất Trí Nhớ

Kimtrong Lam

Hay quên, giảm trí nhớ, thường xuyên nói sai…(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Hay quên, giảm trí nhớ, thường xuyên nói sai… Những dấu hiệu này có thể không chỉ là sự lão hóa tự nhiên mà có thể là triệu chứng cảnh báo của bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer, một dạng bệnh thoái hóa thần kinh, thường bắt đầu bằng sự suy giảm trí nhớ gần và các vấn đề ngôn ngữ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu và can thiệp kịp thời có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và duy trì chất lượng sống cho người bệnh.

Bệnh Alzheimer là một căn bệnh thoái hóa thần kinh, với những triệu chứng lâm sàng chủ yếu bao gồm rối loạn nhận thức, thay đổi hành vi tâm lý và suy giảm chức năng xã hội. Bệnh bắt đầu một cách âm thầm, và hiện tại chưa có phương pháp điều trị có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, may mắn thay, Alzheimer có quá trình tiến triển, nếu phát hiện sớm các dấu hiệu, thông qua sàng lọc và chẩn đoán sớm chúng ta có thể nắm bắt cơ hội điều trị và can thiệp kịp thời. Điều này giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh và duy trì chất lượng sống tốt cho bệnh nhân trong một thời gian dài sau khi mắc bệnh. Nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, chúng ta cần đặc biệt chú ý.

Giảm trí nhớ

Ví dụ như thường xuyên quên những gì vừa nói hoặc vừa làm, không thể xử lý các công việc quen thuộc và các công việc hằng ngày, không biết sử dụng thiết bị điện tử hoặc điện thoại, không tìm thấy đồ vật, hay quên đồ đạc, v.v.

Trong lâm sàng, một số gia đình cho rằng việc giảm trí nhớ ở người cao tuổi là hiện tượng bình thường, hoặc cho rằng nếu người già vẫn có thể nhớ rõ những sự kiện đã xảy ra từ nhiều năm trước thì chứng tỏ trí nhớ của họ vẫn còn tốt. Tuy nhiên, thực tế bệnh Alzheimer giai đoạn đầu thường biểu hiện qua việc giảm trí nhớ ngắn hạn trong khi trí nhớ lâu dài vẫn còn.

Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, trí nhớ dài hạn cũng sẽ suy giảm, và nếu không được can thiệp kịp thời, suy giảm nhận thức sẽ ảnh hưởng đến các vùng nhận thức như tính toán, định hướng không gian, thực hiện các nhiệm vụ, hiểu biết và khả năng khái quát hóa. Điều này sẽ làm tăng đáng kể khó khăn trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân Alzheimer ở mức độ vừa và nặng có thể gặp tình trạng lạc đường, không tìm thấy nhà, thậm chí là mất tích.

Giảm khả năng ngôn ngữ và diễn đạt

Ví dụ, khi giao tiếp với người khác, họ có thể quên những gì mình muốn nói, không thể diễn đạt đúng ý của mình, thường xuyên nói sai, và điều này thường không được họ nhận ra và rất khó sửa chữa. Đây khác với việc người trẻ đôi khi nói sai do công việc bận rộn hoặc không tập trung. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp khó khăn trong việc hiểu các thông tin từ báo chí, truyền hình, không hiểu những gì người khác nói, hoặc có phản ứng chậm.

Thay đổi về cảm xúc và hành vi

Ví dụ, bệnh nhân có thể giảm hoạt động, cảm thấy cô đơn, mất hứng thú với môi trường xung quanh, lạnh nhạt với người thân, cảm xúc không ổn định, dễ cáu giận, thay đổi cảm xúc thất thường, dễ bị kích động, có cảm giác buồn bã, sợ hãi không rõ lý do, hoài nghi hoặc hoang tưởng (như nghi ngờ người khác ăn cắp đồ, nghi ngờ bạn đời có quan hệ ngoài luồng, v.v.), rút lui khỏi các hoạt động xã hội và xuất hiện các hành vi bất thường khác.

Nếu người cao tuổi có những triệu chứng này, gia đình nên đưa họ đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra toàn diện, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Chăm sóc bệnh nhân Alzheimer

Khi chăm sóc bệnh nhân mắc chứng Alzheimer hay các vấn đề về trí nhớ khác, yêu cầu sự kiên nhẫn và kỹ năng đặc biệt để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc hiệu quả:

  1.   Tạo môi trường an toàn và thân thiện

– Đảm bảo môi trường sống xung quanh đơn giản và dễ dàng điều hướng. Ví dụ, đặt các vật dụng trong nhà ở những vị trí cố định và dễ thấy.

– Sắp xếp không gian sống gọn gàng, tránh những yếu tố có thể gây xao nhãng hoặc làm bệnh nhân cảm thấy mất phương hướng.

  1.     Giúp người bệnh giữ thói quen tốt

– Khuyến khích bệnh nhân giữ các thói quen hằng ngày như ăn uống đúng giờ, luyện tập thể dục nhẹ nhàng, và duy trì hoạt động trí não.

– Cố gắng giữ một lịch trình cố định giúp bệnh nhân cảm thấy an toàn và dễ dàng kiểm soát cuộc sống.

  1.     Sử dụng các công cụ nhắc nhở

– Dùng lịch, đồng hồ hoặc các thiết bị điện tử thông minh để giúp bệnh nhân ghi nhớ các cuộc hẹn, công việc cần làm hoặc thông tin quan trọng.

– Ghi chú lời nhắc về những điều quan trọng (như uống thuốc, đi gặp bác sĩ) và đảm bảo rằng bệnh nhân có thể dễ dàng thấy chúng.

  1.     Lắng nghe và giao tiếp đơn giản

– Dùng câu đơn giản và rõ ràng khi trò chuyện để bệnh nhân dễ tiếp thu.

– Đừng thúc ép hoặc khiến bệnh nhân cảm thấy bị quấy rầy khi họ quên hay không nhớ điều gì. Hãy kiên nhẫn lắng nghe và nhắc lại nếu cần thiết.

  1.     Thực hiện hoạt động kích thích trí óc

– Khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các hoạt động trí óc như chơi trò chơi trí tuệ, đọc sách, hoặc thực hiện các bài tập nhớ.

– Để tăng cường khả năng nhận thức và giảm lo âu, có thể tổ chức các hoạt động xã hội nhẹ nhàng và an toàn.

  1.   Duy trì kết nối xã hội

– Khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các cuộc trò chuyện, sự kiện gia đình, hoặc các hoạt động cộng đồng giúp họ không cảm thấy cô đơn.

– Giới thiệu và kết nối họ với những người thân yêu để tạo cảm giác thân thuộc và cảm giác an toàn.

  1.   Theo dõi và hỗ trợ về sức khỏe

– Theo dõi những thay đổi trong tâm lý và hành vi của bệnh nhân để có thể can thiệp sớm khi cần thiết.

  1.     Hỗ trợ cảm xúc

– Luôn động viên và hỗ trợ cảm xúc bằng cách trò chuyện với bệnh nhân, giúp họ cảm thấy không bị cô lập hay bỏ rơi.

– Giúp họ đối mặt với lo âu, trầm cảm (nếu có) thông qua sự quan tâm, chia sẻ hoặc hỗ trợ về tâm lý khi cần thiết.

Việc chăm sóc bệnh nhân bị hay quên hay gặp khó khăn trong giao tiếp đòi hỏi sự kiên nhẫn, đồng cảm và sự thay đổi trong cách tiếp cận. Quan trọng nhất là tạo một môi trường đầy sự hỗ trợ và cảm giác an toàn để bệnh nhân có thể duy trì chất lượng cuộc sống càng lâu càng tốt.

Trúc Nhi t/h

Theo Soundofhope


 

SỰ HỐI HẬN MUỘN MÀNG

Travid Duong

Ông Oh Kil Nam là người Nam Hàn, được cho đi Tây Đức du học và hoàn thành bằng tiến sĩ vào năm 1985.

Nhưng ông này lúc đó ngu ngơ, đọc chủ nghĩa cộng sản của Các Mác lại cho là chân lý, khi quay về Nam Hàn ông tham gia phong trào phản chiến chống Mỹ, lên án chính quyền Nam Hàn là độc tài.

Ông Oh Kil Nam lập tức được đám cộng sản Bắc Hàn nằm vùng liên lạc, móc nối, dụ dỗ ông đưa gia đình tập kết ra Bắc để phục vụ chế độ cộng sản.

Ông được hứa hẹn sẽ được cho chân giảng dạy ở trường đại học kinh tế, vợ ông có bệnh gan sẽ được chữa chạy miễn phí, con cái được đi Nga du học ..v.v…

Sẵn đang mê muội với chủ nghĩa xã hội của Mác, ông Oh Kil Nam đồng ý, mặc dù vợ ông hết sức phản đối.

Ông lý luận với vợ rằng ” Họ cũng là người Hàn Quốc, họ đâu có thể nào đối xử tệ bạc với đồng hương đâu mà bà lo ! “

Sau đó ông được đưa đi Tây Đức, trốn sang Đông Đức và Nga rồi đáp máy bay đến Bình Nhưỡng.

Vừa đặt chân xuống phi trường Bình Nhưỡng, ông Oh Kil Nam đã nhận ra mình lầm lẫn quá lớn.

Tuy nhà nước Bắc Hàn cho thiếu nhi quàng khăn đỏ ôm hoa ra đón ông rất trang trọng, nhưng ông nhìn thấy ngay rằng những đứa trẻ này ốm tong teo, mặt mũi ngơ ngáo và co ro trong những bộ quần áo mỏng manh cũ kỹ dù đang giữa mùa đông lạnh buốt, chân không có vớ và đi dép nhựa chứ không có giày da.

Vài ngày sau, ông Oh Kil Nam sáng mắt ra là mình đã bị lừa. Vợ ông không được chữa trị gì cả, con ông không được đi du học, bản thân ông càng không được dạy dỗ ai.

Ngược lại cả gia đình phải đi học những khóa tuyên truyền nhồi sọ về chủ nghĩa cộng sản, về lãnh tụ Kim Jong Il, học bài không thuộc thì bị trừng phạt !

Sau đó công an đến làm việc với ông Oh Kil Nam, cho biết ông sẽ được đưa đi Copenhagen Đan Mạch, tại đây ông sẽ đóng giả nhân viên lãnh sự quán, nhưng nhiệm vụ của ông là phải tìm cách liên lạc

và dụ dỗ sinh viên ở Đan Mạch theo cách mạng, dụ họ tập kết đi Bắc Hàn.

Công an hù dọa rằng, nếu không dụ được ai thì vợ con ông sẽ phải trả giá !

Tối đó về nhà 2 vợ chồng ông Oh trùm chăn thì thầm bàn bạc với nhau. Ông định làm theo lời công an để cứu vợ con thì vợ ông tát ông 1 cái nảy lửa.

Bà nói ông đã ngu bị lừa thì phải ráng mà chịu, không thể làm hại đến người khác. Bà chấp nhận hy sinh chứ không cho ông hại

người !

Ông bà đồng ý với nhau rằng khi đến Đan Mạch, ông phải tìm cách trốn, rồi sau đó tìm cách cứu vợ con ra sau.

Khi đến phi trường Đan Mạch, ông Oh Kil Nam lén kẹp vào hộ chiếu của mình 1 tờ giấy nhỏ ghi 2 chữ ” Help Me ” ( Giúp Tôi ).

May mắn là nhân viên Đan Mạch có kinh nghiệm với người cầm hộ chiếu Bắc Hàn hay xin tỵ nạn nên đã âm thầm giúp đỡ, đưa ông thoát ra bằng lối khác và liên lạc với tòa đại sứ Đức giúp ông.

Tuy trốn thoát, nhưng từ đó đến nay, mặc dù ông Oh Kil Nam đã cố gắng hết sức và chạy vạy khắp nơi cầu cứu, ông vẫn không thể đưa được vợ con rời khỏi Bắc Hàn.

Người liên lạc bí mật ở Bắc Hàn cho ông biết rằng vợ con ông đã bị trừng phạt vì sự trốn chạy của ông, đã bị đưa vào trại cải tạo lao động khổ sai.

Năm 1991 ông nhận được 6 tấm ảnh của vợ và con gái với 1 cuộn băng cassette ghi âm vợ con ông kêu gọi ông quay lại Bắc Hàn, nhưng ông biết đây là cái bẫy, ông mà quay trở lại thì cả gia đình vẫn chỉ có 1 con đường chết mà thôi.

Cho đến nay, ông Oh Kil Nam vẫn sống 1 mình ở Nam Hàn, ông không biết vợ con mình ở Bắc Hàn còn sống hay đã chết.

Ông sống trong đau khổ, dằn vặt triền miên cả cuộc đời là chỉ vì ngu ngốc tin vào lý thuyết ảo của Các Mác, tin vào những lời hứa hẹn đường mật của cộng sản, mà ông đã hại chết vợ con, tàn hại cả cuộc đời mình !

Ở VN, cũng có không ít trí thức miền Nam và hải ngoại ngu ngốc bị cộng sản miền Bắc lừa gạt như thế , cắm đầu đi theo cộng sản để rồi thân tàn ma dại, gia đình tiêu tán !

Vậy mà đến tận bây giờ, vẫn có hàng chục ngàn trí thức chưa sáng mắt, thật là kinh khủng !!


 

BỨC THƯ CỦA MỘT BÀ MẸ TỪ VIỆN DƯỠNG LÃO

Công Tú NguyễnChuyện tuổi Xế Chiều

Năm nay tôi 82 tuổi, tôi có 4 người con, 11 đứa cháu, và 2 chắt, hiện tại thì tôi đang sống trong một căn phòng rộng chừng 12m vuông..Bây giờ nhà cửa không còn, những thứ xa hoa phù phiếm cũng không có, bù lại tôi được chăm sóc tận tình từ A đến Z; có người lo dọn dẹp phòng, chăn drap gối nệm sạch sẽ, cơm nước được lo tận nơi, mỗi ngày được đo huyết áp và cân đo thường xuyên, nói chung tôi không làm gì cả, mỗi giờ trôi đi là sự hưởng thụ trong tuổi già.

Tôi rất nhớ! Nhớ tiếng cười đùa của lũ cháu, tôi không còn thấy chúng lớn tiếng cãi vã rồi vật nhau. Không còn được là trọng tài để phán xử đứa nào đúng, đứa nào sai. Nhớ chúng nhiều lắm. Tôi thèm được trở về nơi chốn cũ để tận hưởng không gian ấm áp của một thứ gọi là gia đình…

Bây giờ các con tôi, có đứa thì cách 15 ngày đến thăm tôi một lần, có đứa thì ba bốn tháng mới thấy chúng một lần, và có đứa thì chưa thấy mặt nó một lần kể từ khi tôi đến ở Viện Dưỡng Lão này.

Tôi nhớ da diết căn bếp ấm cúng của tôi, nơi đó tôi đã làm đủ các loại bánh, mùi bánh nướng thơm ngậy vẫn còn lưu giữ trong tiềm thức của tôi. À, còn mảnh vườn sau nhà nữa, đào xới đất để trồng rau, trồng hoa cũng một tay tôi dù lúc đó tôi cũng không còn khoẻ. Giờ thì mất hết rồi!

Tôi có sở thích đọc sách, giờ vẫn luôn có cuốn sách bên mình nhưng tôi không đọc được vì mắt đã mờ…

Tôi không biết thời gian của tôi còn bao lâu nữa, còn bao lâu thì tôi cũng phải sống trong sự cô đơn và chờ đợi…

Ở căn phòng này xem như ngôi nhà cuối đời của mình, tôi cố gắng xua đuổi nỗi buồn trong sinh hoạt hằng ngày, tôi như một nhóm trưởng, tôi giúp những người tồi tệ hơn tôi trong giới hạn cho phép của tôi qua những mẫu chuyện vui trong sách, những lời an ủi cho họ và cho chính tôi. Chúng tôi hát cùng nhau một bài hát cũ, và hôm sau tôi biết được người bạn phòng bên đã ra đi mãi mãi…

Họ nói bây giờ tuổi thọ kéo dài hơn. Tại sao? Tôi phải sống trong nỗi cô đơn dài nữa ư?

Lấp đầy sự trống trải bằng cuốn Album hình mà tôi đem theo đến đây. Hình cưới ngày xưa của tôi, hình lúc tôi sanh đứa đầu đến đứa cuối, hình tôi cười sung sướng khi ẵm đứa cháu đầu lòng, rồi đứa chắt bụ bẫm bên bà già đã đầy nếp nhăn. Hình gia đình đầy đủ, hình lúc ông chồng già của tôi bỏ tôi đi mà về với Chúa. Và đó là tất cả!

Nếu được mơ ước thì tôi mong các con, cháu, chắc của tôi đừng bao giờ quên hai chữ “GIA ĐÌNH” ngay cả khi cha mẹ về già, các con nên xem đó là bổn phận phải chăm lo khi họ không tự lo được cho mình…

Tôi hy vọng các thế hệ tiếp theo sẽ hiểu rằng Gia Đình là một Đại Gia Đình gồm nhiều thế hệ, gọi là sóng sau dồn sóng trước, như một chu kỳ tuần hoàn vì ai rồi cũng đến “sanh lão bệnh tử”…

Các con hãy chăm lo tốt cho cha mẹ khi họ về già…cũng giống như khi họ còn trẻ lo cho các con là chúng ta vậy…

Nguồn : sưu tầm


 

 Thúng hột vịt lộn – Tác giả : Nguyễn Đan Tâm-Truyện ngắn HAY

 Tác giả : Nguyễn Đan Tâm

Lài là con gái lớn nhứt trong một gia đình lao động nghèo ở Xóm Chiếu, Khánh Hội quận 4, Sài gòn, trước năm 1975. 

Sau khi xong bậc tiểu học, Lài đã phải nghỉ học để giúp gia đình. Hằng ngày, Lài đội thúng hột vịt lộn đi dọc theo đường Trình Minh Thế ra bến Bạch Đằng, bán cho du khách hóng gió mát, ngắm cảnh ghe tàu đi lại trên sông Sài gòn. 

Tiếng rao: 

– “Ai vật lộn hôn?” kéo dài nghe ngọt ngào, khiến đám thanh niên có cớ chọc ghẹo. 

Lài nghiêm mặt, ngó thẳng đi luôn. Cũng may, đám thanh niên không có hành động xàm xở. Đi từ xế chiều đến tối hẳn mới về. Hôm nào gặp trời mưa, vắng khách thì hột vịt ế, Lài thường về trễ. Tiền lời kiếm được phụ vào chi tiêu gia đình tất cả 8 miệng ăn. 

Ba Lài làm lao công khuân vác bến tàu. 

Má Lài bán gánh cơm tấm nhỏ ở chợ Xóm Chiếu. 

Gia đình Lài tạm sống trong căn chòi lá nằm ven rạch đổ ra sông Sài gòn. 

Những ngày cuối Tháng Tư năm 1975, bến Bạch Đằng trở nên náo nhiệt lạ thường, người người xuôi ngược, chạy đôn, chạy đáo kiếm tàu để vượt biên xa lánh làn sóng đỏ. 

Mấy hôm đó, Lài bán được nhiều, mỗi ngày hơn 3, 4 thúng. Tiền lời kiếm được nhiều khiến cả nhà vui vẻ. 

Hôm nay là 29 hay 30 Tháng Tư gì đó, Lài đã chuẩn bị luộc nhiều hột vịt. Thằng em được giao nhiệm vụ đi, về bưng thêm hột vịt cho chị. Thấy mọi người hối hả leo lên chiếc tàu lớn, Lài bưng thúng đi theo, hy vọng bán được hơn. Thiệt vậy, đông người qua lại, người mua cũng nhiều, có người cho Lài luôn tiền thối. Dường như ai cũng nghĩ tiền sẽ vô dụng. Thúng hột vịt hết mau. Đây là thúng thứ ba kể từ sáng. Lài bưng thúng định xuống tàu để lên bờ. Nhưng con tàu đã tách khỏi bờ mà vì lo bán cho khách, Lài không biết. Lài hốt hoảng, cố len đám đông chạy tìm lối xuống nhưng con tàu ngày càng xa bờ.

Lài mếu máo rồi khóc thành tiếng:
– Ba ơi, Má ơi, các em ơi! Làm sao bây giờ?

Có mấy bà tội nghiệp an ủi Lài mấy câu. Con tàu ngày càng xa dần bến, tiến ra giữa sông Sài gòn trực chỉ biển Đông. Trời tối dần. Lài cứ khóc thút thít rồi ngủ gục bên cái thúng.

Tiếng la to:
– “Tới biển rồi” làm Lài tỉnh giấc thì trời đã sáng.

Gió mát thổi mạnh. Con tàu lắc lư nhưng cứ tiến về hướng đông. Tàu đến Phillippines, rồi Lài được máy bay đưa sang đảo Guam. Sau đó, đến Camp Pendleton thuộc tiểu bang California. Cuộc hành trình tuy dài và mệt, nhưng không khổ vì có quân đội Mỹ lo cho mọi thứ. Vì Lài mới 13 tuổi nên được gia đình người Mỹ bảo trợ ra trại sau mấy tháng chờ đợi. Lài được đến trường đi học. Gia đình nầy không con, thấy Lài lanh lợi, năng động trong công việc nên quí Lài vô cùng. Cha mẹ nuôi khuyến khích Lài đi làm thêm tại các siêu thị sau giờ học nên Lài để dành được khoản tiền nhỏ.

Năm năm sau, Lài bắt đầu liên lạc thơ từ với ba má tại Việt Nam. Mọi người mừng rỡ khi biết tin Lài còn sống và đang ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Lài học nghề nursing 4 năm rồi đi làm trong bịnh viện. Lài còn học thêm mấy chứng chỉ chuyên môn nên tay nghề khá vững. Công việc lương cao cộng thêm cách ăn xài của con nhà nghèo giúp Lài để dành một khoản tiền lớn. Thỉnh thoảng, từng gói quà được Lài chắt chiu gởi về giúp ba má, các em qua cơn thiếu thốn. Lài mua nhà, ra riêng, khi cha mẹ nuôi quyết định về hưu tại miền bắc. Rồi ngày vui đến khi cả xóm nghèo rộn lên để tiễn đưa ba má Lài và các em sang Mỹ đoàn tụ. Lài đón cả gia đình về căn nhà nhỏ ở Garden Grove.

Trong nhà, cái thúng hột vịt lộn do Lài mang ra từ trại tị nạn được đặt vào chỗ trang trọng nhứt, để kỷ niệm những ngày xuôi ngược nơi bến Bạch Đằng, cũng như nhờ nó mới có ngày nay.

Từ bây giờ, Lài có khả năng lo cho ba má và các em tạo dựng cuộc đời mới. Lài nghĩ tới chuyện mở một quán cơm tấm tại khu Bolsa để tạo việc làm cho cả gia đình.

Má Lài là đầu bếp chánh, các em phụ giúp trong ngoài nên không cần mướn ai.
Quán cơm tấm bình dân “Viễn Xứ” khai trương không rầm rộ nhưng nhờ cơm tấm ngon nên khách đồn nhau kéo đến.
Ngoài việc nhà, các em lo học tiếng Mỹ, học nghề để mưu sinh mai sau. Một tương lai tươi sáng chờ đón gia đình Lài tại Mỹ.
Tất cả đều từ thúng hột vịt lộn. “Ai vật lộn hôn?” cứ vang lên mãi trong đầu của Lài.
Nguyễn Đan Tâm ( Tác giả )
From: Tu – Phung

CHUYỆN CẢM ĐỘNG !- Truyen ngan HAY

Lê Diệu 

Nhà Tuấn thuộc hàng đại gia giàu có, biệt thự có đến gần chục căn. Người như anh thì chỉ nhắm mắt cũng lấy được vợ đẹp vợ giàu nhưng người anh phải lòng lại là 1 cô gái rất bình thường tên là Uyên.

Uyên xinh đẹp, giỏi giang trong công việc lại có tấm lòng lương thiện, hay đi làm từ thiện nhưng khổ nỗi nhà cô lại vô cùng nghèo khó. Mẹ cô bị bệnh xương khớp, đi lại khó khăn, còn bố thì bị tàn tật cụt chân do 1 lần bị điện giật khiến chân hoại tử, buộc ông phải cưa bỏ đôi chân vốn dĩ khỏe mạnh của mình. Nhà Uyên là nghèo nhất xóm nhưng may mắn cô học giỏi nên mọi người đều nghĩ rằng cuộc đời của Uyên rồi sẽ tươi sáng hơn.

Nhớ lại ngày đó bố Uyên đi đâu cũng phải đưa 2 ghế nhựa theo để di chuyển từng bước. Ông khéo tay giỏi đan lát và lấy nghề đó để nuôi chị em Uyên khôn lớn. Cứ nghĩ đến cảnh bố tàn tật vẫn vất vả nuôi mình từng bữa là Uyên lại thấy thắt lòng. Uyên luôn cố gắng thật nhiều để bù đắp cho bố mẹ và nuôi em ăn học.

Thế rồi duyên phận khiến Tuấn dành tình cảm cho Uyên. Mặc cảm mình là cô gái nghèo khổ, Uyên không dám đáp lại tình cảm với anh. Nhưng sự kiên trì bền bỉ suốt 2 năm của Tuấn khiến cô động lòng. Ngày Tuấn đưa bạn gái về nhà ra mắt, bố mẹ anh kinh ngạc vì không nghĩ con mình lại yêu 1 cô gái như

Uyên cũng kể với bố mẹ về Tuấn, thay vì vui mừng bố cô lại thở dài:

– Bố không mơ mộng con lấy chồng giàu vì sợ người ta khinh thường nhà mình rồi làm khổ con. Điều bố mong ước chỉ là con tìm được 1 nửa yêu thương và khiến con hạnh phúc. Nhưng nếu đây là lựa chọn của con thì bố cũng ủng hộ, bố mẹ chỉ hối tiếc vì đã không cho con được 1 mái ấm đầy đủ, bố xin lỗi.

Câu nói của ông nghẹn lại khiến Uyên và cả nhà đều khóc:

– Không, với con bố mẹ là người tuyệt vời nhất. Nhờ bố mẹ con mới được ăn học đàng hoàng như thế này. Con tự hào về bố mẹ nhiều lắm.

Sau đó nửa năm thì đám cưới của Uyên và Tuấn diễn ra, mọi chi phí đều là nhà trai lo. Đám cưới được tổ chức tại một khách sạn sang trọng ở Hà Nội, nhưng bố mẹ cô dâu xin phép không đến vì ông bà xấu hổ, sợ con gái mất mặt vì mình. Nhưng suy đi tính lại cuối cùng bố Uyên vẫn lên Hà Nội, ngồi sau lưng do người cháu cõng, đứng bên kia đường nhìn mà không hiểu sao nước mắt ông cứ lặng lẽ rơi. Đúng khoảnh khắc ấy, một người họ hàng nhận ra bố Uyên vội thông báo lại với bố mẹ chú rể, hai ông bà liền âm thầm đi ra ngoài.

Khi cô dâu chú rể bắt đầu tiến lên phía sân khấu, cả hội trường đang vui vẻ vỗ tay chúc mừng thì chợt lặng đi. Họ thấy bố chú rể cõng 1 người đàn ông tàn tật cụt 2 chân tiến vào theo phía sau.

Đám đông bắt đầu xôn xao, bình luận về người đàn ông tật nguyền:

– Bố cô dâu đấy, khổ lấy ai không lấy lại đi lấy 1 gia đình hoàn cảnh như thế thật chẳng biết chọn lựa gì.

– Ôi vậy à, nhà ông Danh này giàu nổi tiếng như thế mà lại chấp nhận chuyện này sao, thật khó tin. Hay cô dâu có bầu rồi.

– Có khi vậy thật.

Bố Uyên mặt đỏ tía tai vì quá xấu hổ. Ông nhìn Uyên rồi nhìn con rể đầy ái ngại còn Uyên òa khóc nức nở vì thấy bố đến chúc mừng mình. Khi đặt ông thông gia xuống ghế rồi, bố Tuấn bất ngờ lên tiếng:

– Xin giới thiệu với mọi người có mặt tại đây hôm nay, người đàn ông này là 1 nhận vật rất quan trọng. Ông ấy chính là bố của cô dâu.

Cả hôn trường xì xào, bố Uyên đỏ mặt tía tai nhìn con gái lí nhí:

– Bố xin lỗi, đáng lẽ bố không nên đến đây.

– Không sao mà bố, con vui khi bố đã đến dự.

Bố Tuấn nói tiếp:

– Ông ấy bị tai nạn phải cưa đi 2 đôi chân quý giá của mình, , dù vậy ông thông gia của tôi đây đã cố gắng hết sức để nuôi Uyên – con dâu tôi khôn lớn thành người. Tôi nghĩ có khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh éo le ấy sẽ không đủ ý chí để làm trụ cột của gia đình như người đàn ông này, vậy mà ông ấy đã làm được 1 cách xuất sắc. Tôi và gia đình thực sự khâm phục nghị lực của ông ấy. Nhân lễ thành hôn của 2 con, tôi thay mặt con trai tôi cũng như đại gia đình xin cảm ơn ông vì đã sinh ra và nuôi dạy cho chúng tôi 1 cô con dâu tuyệt vời thế này. Tôi xin cảm ơn.

Cả hội trường vỗ tay, có người còn khóc, cả Uyên, Tuấn cùng ông bà thông gia đều khóc. Bố Uyên cũng khóc nghẹn không nói được câu gì, nhìn con gái hạnh phúc và được gia đình chồng nể trọng, người làm bố như ông vui sướng vô cùng. Thật may vì bố mẹ Tuấn không phải là người trọng phú khinh bần dù gia đình họ rất giàu có.

Theo Webtretho


 

XA CÁCH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy”.

Mùa đông đến, một thợ săn muốn có một chiếc áo lông gấu, anh vào rừng. Một con gấu xuất hiện, anh đưa súng lên. “Chờ đã!”, con gấu nói, “Tại sao bạn muốn bắn tôi?” – “Tôi lạnh!”. “Nhưng tôi đói!”, con gấu trả lời, “Chúng ta nên có một thoả thuận!”. Thợ săn đồng ý. Rốt cuộc, anh ‘được bao bọc’ bởi một bộ lông ấm áp; và con gấu đã chén xong bữa tối!

Kính thưa Anh Chị em,

Đối thoại với ma quỷ, bạn luôn thiệt! Đó là bài học của ngụ ngôn. Tin Mừng hôm nay nói đến tội lỗi, điều khiến chúng ta ‘xa cách’ Thiên Chúa và ‘xa cách’ tha nhân. Hai người bị quỷ ám nhất định giữ khoảng cách với Chúa Giêsu, họ muốn Ngài để họ yên, nhưng Ngài đã trục xuất chúng và chúng nhập vào đàn heo!

Dù trọng hay nhẹ, tội lỗi luôn đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người. Nó lấy đi ân sủng thánh hoá, cắt đứt chúng ta khỏi Ngài, khiến Thiên Chúa trở nên ‘xa lạ’; đồng thời làm phương hại các mối tương quan của chúng ta đối với tha nhân – ‘xa cách’ cộng đồng. “Tội lỗi biến trái tim thành sa mạc – nơi không còn chỗ cho Thiên Chúa ngự và không còn nước cho người lân cận uống!” – Catharina Siêna.

Mọi tội lỗi đều ‘mang tính xã hội’, gây ra những ‘hậu quả xã hội’. Cả những tội thầm kín vẫn làm thiệt hại Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô; đó là chưa nói đến những tội công khai, vốn sẽ tác hại nghiêm trọng, gây tai tiếng và có thể dẫn người khác vào đường tội lỗi; thậm chí, mất đức tin. Địa vị càng cao, tàn phá của tội càng lớn!

Tội lỗi, dĩ nhiên, tác hại – trước hết – linh hồn. Marcô viết, “Người bị quỷ ám tru tréo và lấy đá rạch vào mình” – biểu tượng một nỗi đau tinh thần sâu sắc. “Lỗi lầm âm thầm của linh hồn còn làm cho lòng đau hơn những vết roi trên da thịt!” – Thomas à Kempis. Con người là vậy, nhưng Thiên Chúa thì không! Ngài làm mọi cách để đến gần, cứu lấy tội nhân. Làm sao một Đấng mủi lòng vì lời than vãn của một người mẹ nô tỳ đến nỗi không cầm mình khi nghe tiếng khóc của đứa bé, con nàng, giữa rừng – bài đọc một – lại có thể để một linh hồn chết trong tội? Hai câu chuyện hôm nay, một lần nữa, cho thấy Thiên Chúa là Đấng cứu kẻ khốn cùng, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Không ai dám qua lại lối ấy”. Vậy ‘quỷ dữ’ nào đang trói buộc bạn; tội lỗi nào đang làm bạn ‘xa cách’ Thiên Chúa và ‘xa cách’ anh chị em mình; xiềng xích nào đang khiến bạn và tôi sợ hãi sự hiện diện và can thiệp xót thương của Ngài? Không ai trong chúng ta không ước muốn được giải thoát; với Thiên Chúa, đó không chỉ là ước muốn nhưng là khát khao! Ngài khát khao chúng ta, khát khao linh hồn chúng ta! Ngài đang ở trong Bí tích Hoà Giải để tháo cởi, ở trong Bí tích Thánh Thể để chữa lành. Hãy đến, đừng chạy trốn Ngài! “Không gì làm cho Thiên Chúa phải ‘chuyển động’ nhanh bằng một tiếng rên rỉ của tội nhân đang cố gắng quay về!” – Bernard Clairvaux.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tội lỗi luôn làm con ấm áp dễ chịu, nhưng cuối cùng, luôn ‘chén’ con. Dạy con khôn ngoan, đừng bao giờ ngồi xuống thoả hiệp với nó!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***************************************************

Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên, Năm Lẻ

Chưa tới lúc mà Ngài đã đến đây làm khổ loài ma quỷ chúng tôi.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 8,28-34

28 Khi ấy, Đức Giê-su sang bờ bên kia, đến vùng đất của dân Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người ; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. 29 Chúng la lên rằng : “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao ?” 30 Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. 31 Bọn quỷ nài xin Người rằng : “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.” 32 Người bảo : “Đi đi !” Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. 33 Các người chăn heo bỏ chạy vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám. 34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.