Một Kiếp Người – Khánh Giao BS Phùng Văn Hạnh

Khánh Giao

BS Phùng Văn Hạnh

Cách mạng Mùa Thu 1945, tiếp theo là Toàn quốc kháng chiến 1946, là những thời điểm mà thế hệ lưu vong trên 70 tuổi nhớ đến với nhiều nỗi đau thương, ngậm ngùi. Riêng tôi kỷ niệm tản cư những năm kháng chiến chống Pháp thật khó quên. Gia đình tôi bỏ làng ở tỉnh Quảng Nam, chạy vào tận Bình Định. Lúc đầu sống ở Bồng Sơn sau dời lên Hội Yên, và sống ở đó cho đến ngày hồi cư về làng cũ. Một kỷ niệm khó quên là sông Lại Giang. Sông xuất phát từ thung lũng An Lão, chảy ra cửa biển Bàu Tượng, xuyên qua các cánh đồng phì nhiêu quận Hoài Ân, Hoài Nhơn. Về mùa đông, con sông thu hẹp, cạn dòng, trừ khi lũ lụt. Trái lại mùa nắng, mức nước sông lên cao, chảy chậm lại vì cứ độ một cây số thì có hệ thống dẫn thủy nhập điền gọi là “bờ xe gió” hay “dàn xe gió”(noria): Vào đầu Xuân, các làng ven sông bắt đầu đóng cừ ngang sông, ghép vỉ tre vào cừ, làm thành đập chắn, dồn nước vào một lạch chảy xiết sát bờ. Một giàn chừng 5 đến 10 bánh xe đặt ngang qua lạch. Giàn là một kiến trúc giống như sườn một căn lầu hai từng gồm những cột gỗ đóng sâu vào lòng lạch, và những xà ngang dọc, nối kết vào cột, bằng dây mây. Giàn có nhiều ngăn, và trong mỗi ngăn là một bánh xe. Xà ngang nâng bánh xe có khấc lót sắt cho trục tựa vào. Mỗi bánh xe, có trục gỗ bịt sắt hai đầu, từ đó các nan gỗ dài 3m tỏa ra nâng vành có bề ngang 1m. Tất cả đều ghép lại bằng những sợi mây, do những thợ chuyên nghiệp làm. Những tấm vỉ tre cản nước 1m X 1m, được cột, cách khoảng đều đặn, vào đầu mút nan, sát vành. Nước đẩy những tấm vỉ làm bánh xe quay trên trục. Các ống tre lồ ô, có đáy là mắt tre, và có miệng hướng lên cao khi vành xe được nâng lên khỏi mặt nước sông, cột nghiêng 45 độ trên vành, múc nước. Lên đến đỉnh, ống tre nằm ngang, trút nước vào các máng xối dẫn nước vào ruộng. Giữa các bờ xe gió, là những hồ nước xanh biếc, phẳng lặng. Bờ cừ cũng chừa một lối hẹp ở giữa dòng sông cho đò dọc đi lại. Hội Yên là một làng nông nghiệp ven sông Lại Giang, có xưởng dệt vải Ba-ta (của dân tản cư từ Phú bông, Quảng Nam vào), có xưởng giấy sản xuất loại giấy màu vàng sẫm (vì thiếu hóa chất tẩy bột giấy), có Ủy Ban Kháng Chiến Miền Nam (UBKCMN) trấn đóng, nên cuộc sống ở đây có phần náo nhiệt. Với tôi, Lại Giang thay thế Thu Bồn nơi quê cũ, cũng đầy ắp kỷ niệm thiếu thời: tắm sông, chèo thuyền…

Kháng chiến chống Pháp bước vào năm thứ sáu. Liên khu 5 từ Đèo Hải Vân vào đến Bình Thuận, gồm cả Cao Nguyên Trung Phần là một quân khu lớn. Từ Đèo Cả vào Nam, toàn bộ Cao Nguyên, và hơn nửa tỉnh Quảng Nam mạn Bắc, là vùng xôi đậu hoặc hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Pháp, và chính quyền Quốc gia thời Bảo Đại, nhất là các thị xã, quận lỵ, và thành phố. Vùng hoàn toàn do UBKC Liên khu 5 kiểm soát gồm nửa tỉnh Quảng Nam mạn Nam, tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên. Năm 1952 Liên quân Pháp và Bảo an Đoàn, trong chiến dịch Atlante, đổ bộ lên Qui-Nhơn, và Tuy hòa, (thành phố bỏ ngỏ do tiêu thổ kháng chiến), rồi lan tỏa ra các vùng phụ cận, thu hẹp phạm vi kiểm soát của UBKC. Vợ chồng Bác sĩ Hoa, làm việc ở Bệnh viện Song Thanh, gần Qui-Nhơn, phải di tản ra làng Hội Yên. Họ tá túc trong nhà ông Chánh Bích, một địa chủ giàu có trong làng. Trang trại ông Bích là một khu vườn rộng lớn gần một mẫu tây, có hàng rào xương rồng dày, kín, vây bọc bốn phía. Cổng vào là một ngôi nhà nhỏ, lợp ngói, khép lại bằng hai cánh cửa lim. Tiếp theo cổng là lối đi vào nhà, giữa hai hàng dâm bụt cắt xén đẹp mắt, và những chậu hoa lớn, trồng đủ thứ hoa nhiều màu, thơm ngát. Bóng mát những cây ăn quả làm lối đi mát rượi. Rời lối đi rợp mát, khách bước vào sân gạch rộng lớn, chan hòa ánh sáng, mà vào mùa gặt dùng để phơi lúa. Một dãy nhà dài, lợp ngói đỏ, có hàng hiên rộng, làm thành chữ U, bọc hai bên và chính diện sân. Vườn sau dãy nhà là thế giới êm mát, rợp bóng cây ăn quả. Gia đình tôi đã thuê một góc vườn, dựng một mái nhà tranh để ở. Chính vì thế mà tôi có dịp gần gũi hai ông bà Bác sĩ Hoa.

BS Hoa đã tốt nghiệp Y khoa, đại Học Paris năm 1942. Vợ ông, bà Khương Băng Tuyết, tốt nghiệp viện Quốc gia Âm Nhạc Paris khoa Dương cầm cùng năm ấy. Ông, quê Đà Nẵng, con một phú thương. Cha ông có tàu buôn lớn, chở hàng đi về các cảng Sài gòn, Hải Phòng,Vinh, và là chủ nhân những dãy phố cho thuê, dày đặc ở Đà Nẵng. Bà quê Sài gòn cũng con một đại phú gia. Hai người đã quen biết nhau ở Paris, trong một buổi họp mặt sinh viên du học, và một tình yêu lớn đã nảy nở, trong khung cảnh lãng mạn của kinh đô hoa lệ nhất Châu Âu. Sau ba năm say đắm, tràn đầy hạnh phúc, cộng với nỗi mừng vui đỗ đạt, công thành, danh toại, họ hối hả về Việt Nam để thành hôn cuối năm 1942. Lễ cưới được cử hành ở Sài gòn thật linh đình. Rước dâu về Đà Nẵng phải thuê bao cả hai toa tàu hạng nhất. Lễ ra mắt cô dâu ở họ nhà trai cũng linh đình không kém. Đám cưới xong, đôi tân hôn đi hưởng tuần trăng mật ở Ý, rồi ghé Paris để sống lại kỷ niệm thân thương. Ba tháng sau họ trở về Đà Nẵng. Nhưng không phải là để mở phòng mạch hành nghề. Cả hai ông bà đều là con một, và cùng kế thừa một sản nghiệp đồ sộ của đôi bên phụ mẫu đã qua đời vài năm sau. Các nghiệp vụ doanh thương đã có những gia nhân thân tín đứng cai quản, và hàng tuần báo cáo thu nhập. Vì thế BS Hoa thấy không phải hành nghề chi cho mệt, mà cùng vợ hưởng thụ cuộc sống thư nhàn, đi du lịch khắp nước, từ Bắc, chí Nam. Họ giao du rộng rãi và như Mạnh thường Quân, trong nhà lúc nào cũng đầy thực khách, và cả ba, bốn bàn mạt chược. Nhưng biến cố năm 1945 dồn dập đến: Cách mạng Mùa Thu rồi Toàn quốc kháng chiến. Pháp trở lại tái chiếm Đà Nẵng. Ông Cử Diện, cha BS Hoa, xưa kia đã từ quan thời Pháp để xoay qua kinh doanh. Ông đã giúp đỡ rộng rãi phong trào yêu nước Đông du, cấp học bổng cho học sinh giỏi và có chí hướng du học Pháp. Vì thế BS Hoa, cũng chẳng ưa gì chế độ thực dân, đã chọn lựa đi tản cư, khi thành phố lọt vào tay Pháp. Hai ông bà đã gói ghém vàng bạc, nữ trang đi vào tận Quảng Ngãi rồi Bình Định. Bà không quên mang theo đàn dương cầm, mà sự chuyên chở kềnh càng tốn tiền không ít. Ngày mà bà chở dương cầm về Hội Yên, ít nhất phải sáu người lực lưỡng mới đem được đàn xuyên qua cổng nhà ông Chánh Bích.

Ở lứa tuổi 16, lối sống của ông bà BS Hoa thu hút trí tò mò của tôi. Ông lúc ấy độ 30 tuổi, nét mặt nghiêm nghị, thanh tú, trí thức. Bà khoảng 25, với vẻ đẹp quý phái, cân đối, khỏe mạnh, đúng như lời thơ ông tặng bà lúc mới quen nhau:

…Xinh xinh sao thân nở đặn đầy

Xinh xinh sao đôi má hồng hồng

Xinh xinh sao nụ cười êm ái

Xinh xinh sao dáng đi quý phái

Xinh xinh sao vầng trán phẳng phiu

Xinh xinh sao mái tóc mỹ miều

Mái tóc xõa của tuổi xanh ngăn ngắt

Và đôi mắt, ồ đôi mắt

Là một trời tình tứ, ngây thơ..

Ngước nhìn, anh những thẫn thờ,

Nàng tiên tiền kiếp, trong mơ đây rồi…

Trong khi mọi người ăn mặc xuềnh xoàng với vải ta sần sùi, ông bà với áo quần vải vóc ngoại mượt mà, trắng tinh hoặc màu sắc óng ả. Ban ngày khi ông đi làm ở bệnh viện Liên khu cách Hội Yên một cánh đồng, bà ở nhà, làm bếp, trồng hoa, và nhất là đàn dương cầm cả giờ. Bà không đi chợ mua đồ ăn, mà gửi tiền, nhờ người khác mua. Để tránh con mắt tò mò, ông bà ít ra ngoài. Thảng hoặc có đi dạo trong làng thì lựa ban đêm, trên những hẻm mờ tối. Thấy tôi nghe lén bà đàn, bà nẩy ý dạy tôi đánh đàn. Nhờ cách dạy tận tâm và có phương pháp, tôi tiến bộ nhanh. Tôi bước vào thế giới huyền diệu của âm thanh qua các bài menuet đơn giản nhưng réo rắt, những bài Songe d’été, Princesse Czardas, La prière d’une vierge, La chapelle au clair de lune, Lettre à Élise, v.v… dịu dàng thơ mộng. Những bài bà đàn thì rất khó và dài dặc của những nhạc sĩ cổ điển nổi danh, như Beethoven, Bach, Mozart, Chopin, Mendelssohn, Brahms, cùng rất nhiều nhà soạn nhạc khác mà tôi không nhớ hết. Tôi nghe tâm tình bà qua bài “sonate au clair de lune” của Beethoven, lúc xao xuyến, lúc hối tiếc, giận dỗi và sự thanh thản cuối cùng. Bà kể tôi nghe Beethoven lúc nhỏ đã bị cha xiềng chân vào đàn, để tập đánh đàn cả ngày cho giỏi. Bà cũng kể uy lực của âm nhạc qua chuyện nhạc sĩ nầy có cô học trò cũ đến thăm, thổ lộ ông nghe nỗi buồn vô vọng vì đứa con mới chết. Ông không nói gì, ngồi trước dương cầm, dạo những khúc nhạc êm ái đến nỗi một giờ sau, người học trò thấy lòng thanh thản trở lại, vơi đi nỗi buồn mất con… Bà cũng kể khi mới về làm dâu, cha mẹ chồng nghe bà tốt nghiệp dương cầm, bèn bảo bà đánh đàn cho nghe. Ngồi trước phím đàn, bà e lệ hỏi:

-Thưa ba mẹ muốn con đàn bài gì?

Bà mẹ chồng âu yếm bảo:

-Con đàn sáu câu vọng cổ cho ba mẹ nghe.

Bà đã khóc thầm, trong bụng thấy tủi, vì công phu mình học thật quá thừa để đàn 6 câu vọng cổ đơn giản. Phải chi nói mình đàn sonate của Beethoven hay mazurkas của Chopin cho thỏa chí.

Qua những chuyện bà kể, qua đối thoại tâm tình của hai ông bà, tôi biết mối tình họ được xây đắp trong sự hài hòa, quên mình, lắng nghe nguyện vọng của nhau để đem lại niềm vui cho người mình yêu. Tôi biết được Paris có sông Seine chảy về hướng Tây (nước ta phần lớn sông đều chảy về Đông) và chia Paris thành hai phần Nam (tả ngạn), Bắc (hữu ngạn). Trung tâm thành phố là nhà thờ Notre Dame nằm trên cù lao giữa dòng sông Seine. Từ trung tâm ấy, Montmartre với đền thờ Sacré Coeur ở hướng Bắc. Hướng Nam là Montparnasse. Quảng trường Bastille ỏ hướng Đông. Tháp Eiffel cao vọi ở hướng Tây. Vì những cuộc hẹn hò trên các nẻo đường Paris, mà họ thuộc thành phố rộng lớn nầy như trong lòng bàn tay, chỗ nào có cà-phê ngon, chỗ nào có tiệm ăn Việt Nam, tiệm Mandarin bán tới con vịt số mấy. Họ tìm kỷ niệm nhiệt đới ở đường Cherche Midi. Họ đi trên “bâteau mouche” để nhớ lại kỷ niệm chuyến đi trước. Họ lang thang trên những nẻo đường ngoại ô, tay cầm tay, nói không bao giờ hết chuyện như: -“trời hôm nay đẹp”õ, -“ừ, trời hôm nay đẹp thật” –“anh có nhớ mình quen nhau lúc nào?”, -“Em có biết tối qua, nhớ em không ngủ được” v.v…

Ông Chánh Bích có một thuyền gỗ dài độ 10m. Giữa thuyền là một căn nhà nhỏ 3m X 4m có mái lợp cót che mưa nắng, có cửa sổ treo rèm hai bên, có cửa ra vào, đằng lái và đằng mũi. Trong nhà nhỏ có một bộ bàn ghế tiếp khách. Thời trước ông hay đi lại trên Lại giang, hoặc tiếp đãi bạn bè trên thuyền nầy. Nhưng từ ngày Cách mạng Mùa Thu, ông biết chính quyền không ưa gì lối sống tư sản, nên ông không dùng thuyền nữa, mà chỉ cho mượn đãi khách. Ông bà BS Hoa đã mượn thuyền để thưởng thức vẻ đẹp đêm trăng trên Lại giang, nhân kỷ niệm 10 năm thành hôn. Vì biết chèo thuyền nên tôi được tháp tùng hai ông bà. Hôm ấy cũng có BS Đồi, đi xe đạp trên 100km, từ Quảng ngãi vào thăm. Chúng tôi 4 người, đợi hoàng hôn xuống, mới rời nhà ra bến xưởng giấy, mang theo đèn cầy, trà, bếp cồn cùng đồ ăn. Trăng rằm đã lên ở chân trời, tròn, sáng. Hàng dừa hai bên bờ sông, lá đung đưa theo gió, lấp lánh ánh trăng. Mặt nước phẳng lặng in trăng xuống đáy, lan tỏa những vòng vàng rực.

Chúng tôi xuống thuyền. Tôi mở dây buộc thuyền và ra sau lái khua chèo, nhẹ nhàng đẩy thuyền ra giữa sông. Đến nơi tôi thả neo, giữ thuyền đứng yên một chỗ. Tôi giúp khiêng bàn ra đằng mũi, chúng tôi ngồi vào bàn, im lặng ngắm vẻ đẹp chung quanh: Bầu trời có ít vẩn mây, sâu thẳm. Trăng lên cao một ngọn sào trên chóp hàng dừa, tỏa ánh sáng bàng bạc trên sông. Dàn xe gió lấp lánh dưới trăng, nước đổ ra trên máng xối như những dòng bạc sáng lung linh. Tiếng nước đổ rào rào, tiếng trục xe gió mài trên đà nâng, rên rỉ kéo dài nghe thật buồn. Tình tự xa quê nhà vì tản cư, nỗi khổ chiến tranh, làm chùng lòng mọi người. Bà BS Hoa lên tiếng trước phá tan im lặng: “Tôi vào trong pha trà, nấu chè và sửa soạn thức ăn.” Tôi vào giúp bà và để hai bác sĩ ngồi tâm sự với nhau. BS Đồi có mang theo một hộp phó mát Canembert và hai ổ bánh mì dài. Ông có người bà con, là gián điệp nhị trùng, đã lén mang những thức ấy từ Đà Nẵng vào cho ông. Vì muốn chia với bạn thân, ông phải giấu của “quốc cấm” ấy vào xách tay, và lặn lội đường xa. Tối hôm ấy, sau khi chúc vợ chồng BS Hoa tràn đầy hạnh phúc, chúng tôi bắt đầu ăn bánh mì với phó mát, mà gần 7 năm không được ăn, một món ăn không có gì đặc biệt ở Paris hoặc Đà Nẵng, song trong hoàn cảnh tản cư hiện tại, quả là ngon tuyệt, mặc dù bánh mì đã lâu ngày, không còn giòn và ngọt. Hai ông bác sĩ còn uống thêm rượu đế, để giải sầu. Sau đó tráng miệng với chè đậu xanh đánh, mùi vị rất ngon, mà bà BS Hoa đã nấu từ chiều với một “recette” đặc biệt. Cuối cùng là uống trà Bắc Thái, mà một cán bộ miền Bắc vào, tạ ơn BS Hoa đã chữa trị cho anh ta bệnh sốt rét. Trà ngon thơm, và làm mọi người tỉnh ngủ. Hai bác sĩ, ngồi giữa sông, không sợ tai vách, mạch rừng, đã phê bình những mưu toan UBKCMN che đậy dã tâm xích hóa cuộc kháng chiến, dành công đầu cho đảng Lao động, một đảng Cộng sản trá hình. Sự bất mãn của họ giải nghĩa vì sao họ trốn về thành, chừng sáu tháng sau cuộc gặp gỡ trên. Trăng đã xế về Tây lạnh lùng, xa vắng. Chúng tôi đi nghỉ. Hai vợ chồng BS Hoa trải chiếu nằm trong phòng nhỏ. Tôi và BS Đồi nằm dưới trăng ở mũi thuyền. Vì uống trà, tôi trằn trọc, khó ngủ, và nghe vợ chồng BS Hoa to nhỏ, âu yếm. Đến gần sáng thì tôi chợp mắt ngủ.

Cũng nhờ có tiền, ông bà BS Hoa đã móc nối với ngư dân ở Tam Quan. Một ngày cuối tuần họ giả đi tắm biển. Trong đêm tối họ xuống thuyền buồm, ra khơi. Chuyến đi trót lọt, và hai ngày sau họ đã về đến bãi biển Sơn Chà. Trình diện với cơ quan an ninh thành phố xong, ông bà được bạn bè cũ đến bảo lãnh. Vì ngôi nhà cũ bị lính Pháp trấn đóng, ông bà phải lang thang sống nhờ người quen, đồng thời mướn luật sư, tìm cách lấy lại tài sản cũ. Lúc ra đi tản cư vội vã, không mang theo giấy tờ sở hữu nhà đất. Giấy tờ của sở nhà đất chính phủ cũng bị cháy rụi, lúc giao tranh trong thành phố. Các nhà cho thuê nay có chủ mới. Riêng những tàu buôn thì phần bị phá hoại, lúc Pháp tái chiếm cảng Đà Nẵng, phần bị trôi dạt mất tăm. Tài sản bên bà BS Hoa ở Sài gòn lại càng khó thu hồi lại được, vì không tìm lại được gia nhân cũ, và những chứng từ sở hữu. Vì cứ đinh ninh sẽ trở về lối sống nhàn nhã trước kia, hai ông bà theo đuổi kiện tụng, cả ở Sài gòn và Đà Nẵng. Rốt cuộc chỉ đòi lại được hai căn nhà nhỏ, nhưng phải bán đi để lo luật sư. Thế là phải lang thang sống nhờ bạn bè. Nhưng tình bác ái lâu ngày rồi cũng mệt mỏi. Bạn bè xa lánh, và có người nói xúc phạm. Hai ông bà thấy tủi nhục, ôm nhau khóc lóc cho tình đời đen bạc. Ông bà bàn định sẽ cùng nhau tự tử. Thuốc ngủ đã mua hai liều mạnh. Trong tuyệt vọng não nề, bỗng ông sực tỉnh:

-“A quên mình còn cái bằng Bác sĩ.”

Thế là hai ông bà đứng lên, hăng hái kiến tạo cuộc đời mới. Họ vay mượn bạn bè ít vốn để mở phòng mạch. Ba năm sau họ đã trang trải được nợ nần, mua xe, mua nhà, có đời sống ổn định và tìm lại hạnh phúc ngày xưa. Gia đình có thêm hai đứa con, một trai, một gái. Ông không quên mua cho bà một đàn dương cầm mới. Trong nhà lại dập dìu tiếng nhạc rộn vui, thanh thản. Thời đệ nhất Cộng hòa ông làm ty trưởng y tế Đà Nẵng, đồng thời là giám đốc bệnh viện thành phố. Khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào Việt Nam và leo thang chiến tranh, có những đoàn văn nghệ từ Mỹ sang, đi khắp chiến trường, biểu diễn cho lính Mỹ xem, để nâng cao tinh thần chiến đấu của họ. Có một đoàn văn nghệ biểu diễn quanh Đà Nẵng trong nhiều tháng, trong ấy có một nhạc sĩ dương cầm Mỹ trẻ, tên gọi là Bill, tốt nghiệp âm nhạc viện Nữu Ước. Anh chỉ là Trung sĩ, chắc là để thi hành nghĩa vụ quân sự. Đoàn văn nghệ ấy, gồm nhiều ca sĩ nổi danh, có lần giúp vui cho bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng trong dịp Giáng sinh. Phần lớn họ hát các bài thánh ca như Jingle Bell, Silent Night, v.v… Cảm động nhất là các ca sĩ ngoại đã hát những bài thánh ca Việt như bản “Đêm đông” của nhạc sĩ Hải Linh. Bill và bà Băng Tuyết đệm đàn, rồi không biết vì sao, hai người lại cho hội trường thưởng thức độc tấu dương cầm , bà với bản Rhapsodie Hongroise của Litz, Bill với bản Lieder của Brahms. Họ âm thầm so tài và mọi người đều bị lôi cuốn bởi dòng nhạc êm ái, điêu luyện. Sau đêm biểu diễn ông bà BS Hoa mời Bill đến tư gia ăn những món đặc sản Việt. Bà Tuyết và Bill lại có dịp bàn luận về âm nhạc. Bill xuất thân gia đình vọng tộc, nói tiếng Pháp thạo, vì đã từng qua Paris học hỏi dương cầm. Chàng lại đẹp trai, khiêm nhường, ăn nói có duyên và nhiệt tình. Bà Tuyết được trời ưu đãi, trẻ lâu, lúc ấy tuy gần 40, song da dẻ vẫn mịn màng, đẹp mà không cần son phấn. Hai người phục tài nhau, và cùng một mê say: nhạc dương cầm cổ điển. Từ đó, Bill thường đến nhà bà Tuyết và hai tâm hồn đa cảm làm giàu cho nhau bằng những khám phá lý thú bên đàn dương cầm, thâm nhập vào sự tinh anh, tài ba, xuất thần của các nhạc sĩ thiên tài.

Sở dĩ tôi biết được các chi tiết trên về gia đình BS Hoa vì sau khi ông bà về thành, gia đình tôi cũng hồi cư về làng cũ. Tôi ra Huế tiếp tục học, rồi vào trường Y Sài gòn. Khi đi học cũng như khi ra trường, tôi vẫn thường xuyên đến thăm ông bà. Lúc về Tổng Y Viện Duy Tân, cuối tuần tôi thường chơi mạt chược ở tư thất ông bà. Kết thúc bi thảm sau đây tôi đã cố tìm hiểu, và cho đến nay nghĩ đến tôi vẫn còn bàng hoàng:

Sự đi lại thân thiết giữa bà Tuyết và Bill đi vào một ngã rẽ định mệnh. Không hề nghi ngờ lòng chung thủy của vợ, bỗng một hôm, sau một ca mổ căn thẳng, BS Hoa đột nhiên muốn về nhà nghỉ ngơi. Mở khóa vào nhà, phòng khách không có ai, trong nhà im ắng. Ông đoán là vợ đi phố và các con đều đến trường. Ông lặng lẽ đi vào phòng ngủ và thấy Bill ôm vợ mình, hai người say sưa trong giấc ngủ. Ông choáng váng, lặng người, song cũng vẫn bình tĩnh, không làm ồn ào. Khóa cửa nhà lại như cũ, ông trở lại nhà thương làm việc. Chiều đến ông về nhà, xem như không có gì xảy ra. Trong bữa ăn tối ông vẫn vui vẻ trò chuyện với vợ và con. Nhưng tối đó ông không vào phòng ngủ như thường lệ. Bà Tuyết có trực giác là có điều gì nghiêm trọng. Bà trăn trở, và cuối cùng ra phòng làm việc của chồng. Đèn vẫn sáng. Đồng hồ phòng khách ngân nga điểm hai giờ. Chồng bà gục đầu trên bàn viết, thân thể bất động, chùng xuống trên ghế bành rộng. Hai cánh tay xoải trên bàn, đè một lá thư. Như cái máy, bà rút lá thư xem:

“Em thân yêu. Em hãy xem cái chết của anh như một tai nạn xuất huyết não cấp tính, và làm ma chay bình thường, để khỏi gây những lời dị nghị, có hại cho em và cho con cái chúng ta. Anh vẫn yêu em như thuở ban đầu, và cầu mong em thanh thản, yên vui trong hạnh phúc mới. Riêng anh đã ích kỷ chọn sự yên lặng của nấm mồ.”

Trong hốt hoảng bà điện thoại cho tôi đến gấp. Năm phút sau tôi đã có mặt ở nhà bà. Khám xác và nhìn lọ thuốc ngủ trên bàn, tôi biết BS Hoa đã dùng một liều cực mạnh, và đã tắt thở từ lâu. Thể theo lời người quá cố, tôi đứng ra lo việc ma chay long trọng, mà hầu hết những nhân vật tai mắt của thị xã đều đến phúng điếu, song không mảy may hay biết sự tình, chỉ thương tiếc BS Hoa đã sớm ra đi vì bạo bệnh.

Chừng ba tháng sau tang lễ, bà BS Hoa xuống tóc, vào tu ở một ngôi chùa gần nhà. Bà từ biệt thế giới dương cầm, âm nhạc. Bà buộc vợ chồng tôi dọn về ở nhà bà, tiếp tục coi sóc phòng mạch của chồng bà, và theo dõi hai con bà nay đã vào Đại học ở Sài gòn.

Vì sao BS Hoa đã chọn cái chết? Có lẽ vì quen sống trong tiện nghi, cuộc đời không có những thử thách, lao đao, nên sự thích nghi, đối đầu với biến cố rất yếu. Ông đã có một tình yêu lớn, ông trân quý, xây đắp, và là nơi trú ẩn an toàn cho ông . Ông đã tìm thấy ở đó hạnh phúc lớn nhất của mình. Nhưng biến cố xảy đến, làm cho lâu đài tình ái của ông sụp đổ tan tành. Những điều đẹp đẽ ông trân quý trở nên xấu xa, đen tối không phương cứu vãn. Ông thất vọng não nề. Ông quan niệm cuộc đời quá đẹp. Ông không chấp nhận sự yếu đuối, bội phản. Thật ra vợ ông chỉ là yếu đuối, mà không bội phản. Thiên chúa Giáo khác Phật Giáo ở điểm căn bản. Phật giáo hoàn toàn đặt sự giải thoát khỏi thất tình, lục dục bằng sự tự chủ bản thân, nghĩa là chỉ ta cứu lấy ta. Trái lại Chúa Jesus đã nói: “Linh hồn, thì siêu thoát, nhưng xác thịt yếu đuối.” Sai lầm là nhân bản (to err is human). Biết con người yếu đuối tội lỗi nên Chúa đã đổ máu ra cứu chuộc nâng đỡ, và sẵn sàng thứ lỗi, khi con người biết hối lỗi và trở về với đường ngay, lẽ thẳng. Sự cứu rỗi con người không thể tự người làm được, mà phải nhờ vào sự cộng tác, dẫn dắt của Thượng Đế. Bởi người là người, không phải là thần thánh. Tự biết mình yếu đuối, và thấy sự yếu đuối của người khác là sự cao cả của con người. (la grandeur de l’homme est grande en ce qu’il se connait misérable, et aussi en ce qu’il a vu la misère d’autrui). BS Hoa phải rộng lượng thứ lỗi cho sự yếu đuối của vợ. Sự im lặng của ông thật đáng ca ngợi, để tránh những đổ vỡ to lớn hơn nữa. Nhưng ông đã ích kỷ tìm sự im lặng của nấm mồ. Ông không biết như thế là làm tan nát tấm lòng yêu thương chân thật của vợ ông, và mối tình lớn mà hai người un đúc sẽ đứt đoạn. Ông phải chấp nhận đau thương, để tình yêu thêm sâu sắc và biết hy sinh hơn nữa. Ông đã làm vợ ông từ bỏ một sự phong phú, giàu có tâm hồn là âm nhạc, vì bà cho đam mê nầy là đầu mối của sự sa đọa.

Một tục ngữ Đức có nói:“Khi người ta đưa quỷ nắm ngón tay, nó sẽ chụp luôn cả cánh tay.” Một cách tránh xa quyến rũ tội lỗi, là đừng bao giờ thử xem một tí. Đây cũng là bài học quá muộn cho bà Tuyết. Trong thâm sâu tâm hồn, bà đau khổ biết bao, khi thấy chính lỗi lầm mình đã đưa chồng vào tuyệt vọng. Tôi thường hay đến chùa thăm bà và đàm đạo với bà về triết lý nhà Phật. Bà đã tìm lại được sự thanh thản tâm hồn ở cửa thiền, và sự tương thông với người chồng quá cố thân yêu. Bà tận tâm trong công việc từ thiện của Chùa. Nhưng điều làm tôi vui mừng nhất là bà đã cho mang đàn dương cầm của bà vào chùa. Bà đã trở lại với âm nhạc để tìm lại sự an bình mới. Bà đã sáng tác nhiều ca khúc thâm trầm siêu thoát, mà mỗi khi tôi vào thăm, bà đàn cho tôi nghe. Đó là những truyền cảm linh thiêng của người mẹ thứ hai trong đời tôi. Tôi ra về với tâm hồn thơ thới và những quyết tâm mới. Tôi đã cùng nhà chùa tổ chức các buổi trình diễn dương cầm của bà cho mục đích từ thiện. Chắc nhiều thính giả lúc ra về cũng thấy cõi lòng hân hoan thơ thới, ít nhất là vì dư âm của những dòng nhạc bất tận, huyễn hoặc, thâm trầm, và cũng có những tâm hồn đồng điệu nhập vào sự huyền nhiệm của tình yêu, sự sống và tài ba, qua sự sắp xếp thần kỳ của tiết tấu và âm thanh, thoát ra dưới ngón tay huyền diệu của ni-cô Băng Tuyết.

Riêng với Bill, tôi đã báo tin cho anh ta về cái chết của BS Hoa. Anh ta có gửi vòng hoa phúng điếu, và không dự đám tang theo lời khuyên của tôi. Sự có mặt một ngoại nhân có thể gây dị nghị. Thư anh gửi cho bà Tuyết sau đó, tôi đã hủy đi hết và dặn anh nên chỉ liên lạc với tôi. Anh có trao đổi với tôi nhiều ý kiến hay. Anh nói là những năm cuối trung học Loyola, tại thị trấn quê anh, do các linh mục dòng Tên (jesuites) cai quản, anh đã học qua nhiều khóa giáo lý. Khi nói đến hôn nhân, các linh mục giảng dạy nhấn mạnh, là phải giữ thanh khiết trước ngày thành hôn. Ở Mỹ hiện nay trong các trường trung học, có những hội đoàn thanh niên nam nữ, thệ giữ đồng trinh (virgin) trước khi lập gia đình. Giáo lý đưa ra nguyên tắc là không được tách rời tình yêu ra khỏi nhục dục (sex). Chỉ tìm thú vui xác thịt là tội lỗi. Anh nói:

-“Tôi đã xem thường điều giảng dạy trên, và hậu quả là đổ vỡ và hối tiếc không nguôi. Trong 10 giới răn mà Moise nhận lãnh từ Thượng Đế có điều: chớ lấy vợ chồng người. Tôi đã phạm tội trọng (péché mortel)”

Sau nầy khi tôi qua Mỹ, tôi có đến nhà anh chơi. Anh đã 60 tuổi. Anh kể là sau khi giải ngũ, anh trở về dạy âm nhạc tại trường trung học Loyola, ở Wichita, quê anh. Anh đổi qua chơi phong cầm cho các nhà thờ. Anh rất mộ đạo và đã yên vui xây dựng gia đình gương mẫu trong giáo xứ. Anh khoe với tôi, các con và cháu của anh đều là hội viên hội “Thệ giữ đồng trinh trước ngày thành hôn.” Trên góc bàn thờ Chúa trong nhà có để ảnh bà Tuyết ngồi trước dương cầm lúc ở Đà Nẵng. “Như thế để nhắc nhở gia đình tôi cầu nguyện cho bà”, anh nói. Trầm ngâm giây lát anh thêm: “Những tình cảm sôi nổi, những thị hiếu nhất thời, những say mê của trào lưu mới, những thú vui thân xác, theo thời gian sẽ qua đi, nhưng đạo đức, luân lý, bổn phận, trách nhiệm, tự chế, khắc kỷ, là trường cửu, và là những yếu tố tạo nên giá trị của con người.

Khánh Giao BS Phùng văn Hạnh

From: KimTrong Lam

CÁM ƠN CUỘC SỐNG

    CÁM  ƠN  CUỘC  SỐNG

Tác giả:  BS Phùng văn Hạnh

Nếu khó ngủ, bạn nên nghĩ đén

kẻ không  nhà, không nệm, không chăn

Găp tồi tệ nơi việc làm

nghĩ kẻ thất nghiệp, lo toan đêm ngày

Quan hệ bạn xấu đi, chán nãn

Hãy nghĩ kẻ không bạn, cô đơn

Buồn phiền, vô vị cuối tuần

Nghĩ nàng quần quật, lo ăn cả nhà

Hư xe đi bộ xa, mỏi mệt

Hãy nghĩ kẻ tê liệt đôi chân

Nhiều mất mát, lắm băn khoăn

cám ơn cuộc sống trui rèn thân tâm

Nghĩ đên kẻ không làm nên chuyện

để tuổi trẻ bình lặng trôi qua

không  trải nghiệm, phí tài hoa

Nếu đời đem lại xót xa đau buồn,

nạn nhân  những ghen tuông, đố kỵ

của những kẻ cạn nghĩ, nhỏ nhen 

Bạn tự an ủi nghĩ rằng

lắm chuyện tệ hại gấp trăm trên đời

Bạn hãy nhớ chuyển lời nhắn nhũ

đến người bạn ấp ủ, mến yêu

Lời khuyên sẽ giúp họ nhiều

để lòng thanh thản, phiêu diêu thoát trần

 

NẾU KHÔNG CÓ TÌNH YÊU

Trách nhiệm không có tình yêu

hành xử bất nhã, gây nhiều tổn thương

Công bằng mà lại không bác ái

hóa tàn nhẫn, gây hại mục tiêu

Ngôn luận không có tình yêu

hóa ra xoi mói, đặt điều, ghét ganh

Hiểu biết sẽ biến anh láu cá

nếu chủ đích không có tình yêu

Đon đả mời đón có chiều

giả dối, nếu vắng tình yêu mặn nồng

Tình yêu không đi cùng học tập

bạn sẽ thành cố chấp, hẹp hòi

Quyền lực hóa áp bức thôi

nếu yêu thương vắng tim người quyền năng

Không tình yêu biến anh kiêu ngạo

khi danh tiếng đang thổi anh lên

Anh sẽ tham lam, ham tiền,

nếu yêu thương không đi kèm giàu sang

Lòng tin sẽ biến thành cuồng tín

nếu yêu thương không chiếm cõi lòng

Nói chung đời không yêu thương

Bạn chỉ sẽ là số không khổng lồ

BS Phùng văn Hạnh

Louis Pasteur – Nhà bác học thiên tài – Một tâm hồn khiêm tốn

Louis Pasteur – Nhà bác học thiên tài – Một tâm hồn khiêm tốn

Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội.

Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng:

“Thưa Ông, Ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?”

Cụ già thản nhiên trả lời: “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?”

Người thanh niên xấc xược trả lời:

“Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi Ông sẽ thấy rằng những gì Ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.”

Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên:

“Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?”

Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời:

“Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.”

Cụ già từ từ rút ra trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi:

Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris.

Scientific Identity, Portrait of Louis Pasteur

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Louis Pasteur – Nhà bác học thiên tài – 

Một tâm hồn khiêm tốn và cầu nguyện

 Trên tuyến xe lửa đi Ba Lê

có sinh viên ngồi bên cụ già

cụ lấy ra, khi tàu chuyển bánh

cổ tràng hạt chìm đắm nguyện cầu

Sinh viên quan sát cụ già

cử chỉ bực bội, xoay qua, xoay về

Sau một hồi, im re không nổi

anh mạnh dạn gặn hỏi cụ già:

“-Thưa ông sao còn thiết tha

“tin chuyện nhảm nhí, nguyện cầu đọc kinh?

Cụ thản nhiên: -“tôi tin cầu nguyện”

“còn anh không tin chuyện tôi làm?”

Sinh viên xấc xược nói :- “vâng

“tôi tin lúc bé, nhưng sang trang rồi

“khoa học mở mắt tôi nhìn thấy

“chuyện nguyện cầu nhảm nhí ngày xưa

“Khám phá khoa học dẫn đưa

“cho thấy tôn giáo phỉnh lừa dân gian

“Ông sẽ thấy rõ ràng chứng cớ”

Cụ già liền nói nhỏ nhẹ rằng:

-“Khám phá khoa học mà anh

“vừa nói đến tôi rất cần biết qua

“để tôi hiểu đâu là sự thật”

Sinh viên liền thân mật trả lời:

-“Ông viết địa chỉ cho tôi

“ tôi sẽ gửi sách sáng soi vấn đề

“rồi ông sẽ say mê tìm được

“thế gìới của khoa học văn minh”

Cụ già rút danh thiếp mình

từ tốn trao cho anh sinh viên nầy

Đọc danh thiếp tía tai, anh lủi

Qua toa khác vì bởi thiệp danh

ghi: Louis Pasteur rành rành

Viện nghiên cứu khoa học thành Ba-Lê

BS Phùng Văn Hạnh cảm tác

CÂU CHUYỆN THÁNH KINH

CÂU CHUYỆN THÁNH KINH

 Bác sĩ Phùng Văn Hạnh

Ở Colombie có cô học sinh

Nhà trường cho quyển Thánh Kinh dặn rằng

Mỗi ngày nhớ đọc siêng năng

Và cô thích thú chuyên cần sớm trưa

Nhưng cha cô bất ngờ thấy được

Bảo con rằng : ‘’chớ đọc sách nầy

Dạy điều gian dối trái sai”

Khuyên con nghe lấy lời cha dặn dò’’

Tuần sau cũng bất ngờ ông thấy

Con gái đoc mê mãi Phúc âm

Muốn con từ bỏ quyết tâm

Ông tịch thu sách, nhẹ nhàng trách con

rồi nhét sách vào trong túi áo.

Ông lên xe đến sở mỏ than

Ngày ấy ông phải xuống hầm

Kiểm tra khai thác ở tầng dưới sâu

Một giờ sau bỗng đâu báo động

Hơi than nổ chôn sống công nhân

Cứu cấp gặp phải khó khăn

5 ngày sau mới đến tầng hầm sâu

Nhưng đã trễ, thương đau đến trước

31 người chết ngột thảm thay

Ông kỷ sư cầm trong tay

Quyển thánh kinh ông lấy ngày ra đi

Cuối sách ông có ghi hàng chữ:

“Con ơi hãy gìn giữ sách nầy

Những lời dạy dỗ trong đây

Sự thật vĩnh cửu tràn đầy yêu thương

Cha tìm lại Thiên đường đánh mất

Vì đam mê vật chất, kiêu căng

Trước mặt Thiên Chúa từ nhân

Cha đã sám hối ăn năn thật lòng.

Con nhớ đọc những dòng cha viết

Và không ngừng đọc tiếp Phúc âm

Lạ thay 30 công nhân

Cùng ký vào sách tâm thành tuyên xưng:

Thánh kinh là tin mừng mạc khải

Vì yêu thương nhân loại lạc loài

Thượng đế xuống thế làm người

Nối kết giao hảo giữa Trời, thế gian

Trong ta Chúa ẩn tàng cùng sống

Dìu đắt ta vào chốn vĩnh hằng

Bác sĩ Phùng Văn Hạnh

CHỈ SỐ LÀM NHÓI LÒNG NGƯỜI !

CHỈ SỐ LÀM NHÓI LÒNG NGƯỜI !

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Ở trong nhà chăn ấm nệm êm sẽ chẳng bao giờ thấy được cảnh nghèo người khổ quanh ta. Cứ bước chân ra đường, ta sẽ bắt gặp biết bao nhiêu hình ảnh của những người nghèo.

Người nghèo đó chẳng phải là ai xa lạ. Người nghèo đó có thể là chính người thân ruột thịt của ta, người bà con của ta, người hàng xóm của ta và ắt hẳn họ cùng dòng máu đỏ da vàng của ta.

Nơi chốn đô thị ồn ào và sầm uất, ta ít nhận ra những người nghèo bởi lẽ ra đường nơi phố thị ai cũng mặc đẹp, đi xe sang và làm những công việc mang tính đầu óc, trí tuệ. Có chăng ta bắt gặp được số ít người bán vé số, bán hàng rong … Họ là ai ? Họ là những người xa quê, họ là những người phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm về những đô thị lớn để sống phận “di dân”.

Cũng không khó hiểu lắm khi những thành phố lớn, đặc biệt là Thủ Đô và Sài Thành phải đón nhận số lượng di dân đến mức báo động. Vì sao họ phải bỏ quê để đi lên thành thị sống ? Bởi lẽ họ không còn cách nào khác để tìm kế sinh nhai.

Thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn để sống ở vùng Phú Thọ – Hưng Hóa còn in đậm trong trí của tôi khi dân ở đó không tìm ra đâu công ăn việc làm. Một số người lên rừng để cạo dầu chai. Công việc phải thức thật sớm bởi lẽ khi nắng lên thì không làm được nữa. Nhìn những bàn tay nứt nẻ vì bị dầu chai ăn khi họ lên chịu Lễ mà nhói lòng.

Hỏi ra thì thu nhập của họ đổi ra không đủ mua được một đô la.

Những người có hoàn cảnh thì đành phải ở lại nhà quê để sống với mức sống như thế. Những người khá hơn thì họ tìm cách để thoát khỏi quê nghèo tìm hướng sống. Cái nghèo đã bám víu mảnh đất Phù Lao – Phú Thọ – Hưng Hóa này.

Mới đây, trên quãng đường ngắn từ Huế ra La Vang, tôi lại chứng kiến hình ảnh của những con người nghèo. Những ngày mưa phụn lạnh giá nhưng người làm nông ở vùng này phải tìm cách quấn áo mưa hay những mảnh ni-lông tự chế sao cho ấm người để kịp ra đồng cày cấy. Không còn cách nào khác họ phải dầm sương như thế để kiếm sống qua ngày. Cái nghèo như ôm chầm cuộc đời của họ.

Nhìn thoáng qua với những tòa nhà cao ngất, với những chiếc xế hộp trị giá đến chục tỷ chạy bon bon trên đường và những nhà hàng cửa hiệu lộng lẫy thì thấy vui với một đất nước đang trên đà phát triển. Đúng thật là phát triển nhưng khi nhìn lại những con số thống kê thì thật đau lòng và choáng !

Cuối năm 2013 này, GDP bình quân đầu người tính bằng USD ước đạt 1.900 USD.

Nhìn con số này, thoạt tiên là mừng vì thấy thu nhập đầu người bình quân đến cả ngàn đô la. Thế nhưng, một sự thật phủ phàng và đau đớn là hiện nay ở Việt Nam có tới 17 triệu lao động vẫn nằm ở mức thu nhập dưới cận nghèo và chỉ đạt chưa đến 2 USD/ngày.

Đang khi đó thì Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra mục tiêu GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đến năm 2015 đạt 2.000 USD.

Với những thành quả như thế, dĩ nhiên người ta hết sức lạc quan khi dự đoán rằng mục tiêu này dễ đạt vì lẽ GDP bình quân đầu người tính bằng USD trong năm 2013 đang tiến tới mốc 1.900 USD.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 12/12 cho biết, hiện còn khoảng 17 triệu lao động Việt Nam có thu nhập quá thấp, không vượt lên trên chuẩn nghèo 2 USD/ngày (khoảng hơn 40 ngàn đồng/ngày).

Dân số Việt Nam như hiện nay, có khoảng 23 triệu người khác đang sống mấp mé trên ngưỡng chuẩn nghèo và rất dễ tái nghèo khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Nhìn thấy con số biết nói 40 ngàn đồng thu nhập của mỗi ngày, chẳng lẽ ta không quặn lòng sao ?

40 ngàn đồng, ở mảnh đất Sài Thành, chắc có lẽ được 1 tô phở Anh ở đường Kỳ Đồng. Ở những tiệm khác có thể giá còn cao hơn nữa chứ không dừng lại ở cái giá 40 ngàn.

40 ngàn đồng hiện nay làm được gì ? Và con số những người thu nhập như thế này không chỉ ở con số một vài hay chục nhưng lên đến 23 triệu người nghèo.

Mỗi ngày, người dân kiếm được thu nhập như thế thì thử hỏi đời sống của họ sẽ như thế nào và đi về đâu. Ăn không đủ ăn nữa chứ đừng nói gì đến mặc, học hành, y tế … Có nằm mơ chắc họ cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện giải trí.

Nhìn vào cuộc sống, khoảng cách giàu nghèo ngày càng cách biệt rõ nét.

Có những ngôi biệt thự giá từ chục tỷ đến hàng trăm tỷ.

Có những chiếc xe sang từ vài tỷ đến chục tỷ.

Và, có những người chỉ mơ có cuộc sống bình dị với mức thu nhập đủ sống nhưng nào giấc mơ đó có thực.

Không phủ nhận chuyện đất nước phát triển nhưng số người nghèo và quá nghèo sao còn nhiều quá. Làm sao cho họ có lối thoát để họ sống đúng mức là một người bình thường đây ?

Những ngày cận Tết đang đến. Có những gia đình đang, đã và sẽ tìm cho mình những kỳ nghỉ xa và dài, thậm chí ở ngoài nước nhưng ngược lại cũng còn đó nhiều và rất nhiều gia đình đang chạy ăn từng bữa và lo lắng cho cuộc sống.

Và, hình ảnh những người xa quê lại phải lao đao vất vả cho hành trình về thăm quê lại hiện ra. Người xa quê có tiền về thăm quê cũng là diễm phúc bởi lẽ có nhiều người ngậm ngùi ở lại đất khách vì không đủ khả năng về quê.

Hình ảnh của những người nghèo, những người di dân xa quê lại cứ hiện về rõ nét hơn trong những ngày tháng cuối năm.

Làm sao cho họ thoát nghèo, làm sao cho họ được sống với mức sống bình quân với tư cách là người hơn đây ?

Anmai, CSsR

MẠNH SỨC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NƯỚC TRỜI

MẠNH SỨC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NƯỚC TRỜI

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Is 35, 1-6a.10; Gc 5, 7-10; Mt 11, 2-11

Ai trong chúng ta cũng hơn một lần cảm được cái nóng của thời tiết. Khi ấy, chỉ mong có một cơn mưa làm dịu đi khí trời nóng bức. Khi nóng bức như vậy, ai cũng mong và thậm chí cầu khẩn “ơn trên” để cho có mưa móc. Và, khi có mưa rồi thì niềm vui khôn tả được bày tỏ.

Trong tâm tình chờ đợi mưa móc đó, Isaia cho ta thấy niềm vui của những đồng cỏ cháy gặp được mưa :

Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,

vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,

hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,

và hân hoan múa nhảy reo hò.

Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng,

vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron.

Niềm vui mà Isaia nói đây không chỉ dừng lại ở ơn mưa móc mà còn hơn thế nữa, đó là Đấng Công Chính – Đấng Cứu Độ trần gian đến. Khi Đấng Cứu Độ trần gian đến thì muôn dân sẽ thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa.

Isaia nói tiếp :

Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa,

và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.

Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,

cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!

Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,

ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.

Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.

Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,

miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.

Vì có nước vọt lên trong sa mạc,

khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.

Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về,

tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,

mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.

Họ sẽ được hớn hở tươi cười,

đau khổ và khóc than sẽ biến mất.

Cũng dễ hiểu niềm vui mà Isaia nói vì không phải là mưa móc tự nhiên mà là Đấng Cứu Độ. Và vì thế, niềm vui này là niềm vui khôn tả bởi lẽ khi Đấng Cứu Độ trần gian đến rồi thì sẽ cứu muôn dân thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Và, khi đó, họ vui cười hớn hở vì đau khổ và khóc lóc không còn nữa.

Và, như Gioan đã loan báo, Đấng Cứu Độ trần gian đã đến trần gian.

Đấng Cứu Độ trần gian đã đến không chỉ dọn lòng mà còn phải đương đầu với những thế lực đen tối mới có thể gặp và đoạt được. Chúa Giêsu nói rõ trong Tin Mừng hôm nay : “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”.

Trong chờ đợi, có những người đã mất kiên nhẫn để rồi nản chí và khi nản chí rồi không đủ sức mạnh để chiếm lấy Nước Trời. Thánh Giacôbê mời gọi ta sống tâm tình kiên nhẫn trong thư của Ngài : “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới. Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa”.

Phận con người mỏng dòn non yếu nên đôi khi đánh mất kiên nhẫn, đánh mất sự chờ đợi.

Thật sự thì Chúa đã đến giữa cuộc đời ta rồi nhưng lòng ta không hân hoan để đón Chúa bởi lẽ đón Chúa vào lòng ta thì làm sao ta sống như Chúa muốn được. Ta đã buông lòng ta theo những cám dỗ của trần gian, của xác thịt để rồi chúng ta không đủ “công lực” để đón Chúa nữa.

Cuộc sống, nhất là ngày hôm nay giữa sóng xô của cuộc đời và ngày mỗi ngày con người tăng thêm lòng ích kỷ, hờn ghen, chụp giật thì lại càng căng thẳng cho sự chiến thắng của ta với những cám dỗ cứ bày ra trước mặt của ta. Phần con người, chúng ta dễ ngã để đi tìm nhưng giá trị trần gian mau qua chóng tàn mà quên đi rằng quê hương chúng ta ở trên Trời và chúng ta ngày mỗi ngày vẫn trông mong và chờ đợi.

Gioan Tẩy Giả cũng là người mỏng dòn xác thịt và như Chúa Giêsu nói Gioan là người nhỏ nhất nhưng vì Gioan biết tìm ai và chọn ai. Dĩ nhiên Gioan cũng phải đấu tranh với lòng mình để khỏi phải thiệt thân, thiệt mạng của mình. Cũng chỉ vì sự thật, chân lý mà Gioan đã bị chém đầu. Không giản đơn để chấp nhận cuộc xử trảm như Gioan. Chỉ vì niềm tin vào Thiên Chúa đặc biệt qua Chúa Giêsu mà Gioan đã chấp nhận chém đầu.

Cuộc chiến đấu mà Gioan chiến đấu không phải là cuộc chiến đấu đơn giản nhưng là cuộc giằng co kinh khủng trong cuộc đời. Gioan chiến thắng bởi vì Gioan từ ngày lọt lòng mẹ cho đến ngày chết luôn luôn gắn kết với Chúa, kết hiệp với Chúa và đặc biệt sống tâm tình khiêm hạ nhỏ bé.

Ngày mỗi ngày, chúng ta đã vẫn phải chiến đấu giữa những phong ba bão táp của cuộc đời với Nước Thiên Chúa. Tự sức người của ta chắc chắn ta sẽ không làm được nhưng nhờ ơn Chúa giúp ta sẽ chiến thắng để đạt được Nước Trời như lòng Chúa mong muốn và lời Chúa mời gọi.

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

TẬT THƯƠNG NGUYỀN

TẬT THƯƠNG NGUYỀN

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Lâu ngày anh em mới có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự. Đang miên man kể về công việc, Anh chợt nhớ ra câu chuyện vừa xảy ra và Anh kể luôn. Câu chuyện mà Anh kể câu chuyện nóng hổi Anh vừa gặp hôm qua. Không chỉ là gặp nhưng Anh cũng là người dính dự trong câu chuyện mà Anh muốn kể.

Chuyện là có một em sinh viên nghèo mắc bệnh tim nhờ Anh trợ giúp để kiểm tra về tim mạch. Biết là ngày thứ Hai thường bận rộn nên Anh nói với bên kia điện thoại rằng đi khám sao cũng giúp được nhưng tránh ngày thứ Hai vì thứ Hai đầu tuần bận lắm. Lát sau, bên kia báo lại là bệnh nhân chỉ được nghỉ học ngày thứ Hai thôi và không dám phiền Anh để bệnh nhân tự đi. Anh nghe xong áy náy làm sao đó và Anh vẫn hẹn đển giúp cho bệnh nhân khám vào sáng thứ Hai.

Sáng thứ Hai đầu tuần, quả thật là công việc ngổn ngang tứ phía nhưng vì hẹn giúp nên Anh tranh thủ giúp. Anh kể lại là tối Chúa Nhật chỉ hẹn nhau qua điện thoại, sáng thứ Hai mới biết được cô bé hẹn trong điện thoại là người đưa đi chứ cô bé bệnh nhân là bé khác. Khi gặp, Anh nhận ra cô bé hẹn là cô bé bị tật nguyền ở chân, cô bé di chuyển một cách khó khăn chứ không như bao người bình thường khác.

Anh kể lại là khi nghe hẹn phải giúp vào sáng thứ Hai thì cũng hơi khó chịu một chút nhưng khi thấy cô bé đưa cô bé đi khám tim lại là cô bé tật nguyền nên sự khó chịu cũng qua đi. Thay vì khó chịu thì Anh cảm thấy vui vì làm được điều gì đó giúp cho người bệnh.

Vừa kể xong câu chuyện, điện thoại của Anh đổ chuông và Anh chào đi công việc vì có hẹn.

Anh dắt xe quay đi nhưng câu chuyện mà Anh kể còn ở lại.

Câu chuyện còn ở lại đó là hình ảnh của cô bé tật đưa cô bé nguyền đi khám bệnh. Như Anh chia sẻ, ban đầu Anh cũng ngại giúp vì là ngày đầu tuần nhưng khi tiếp xúc Anh cảm thấy vui vì Anh chia sẻ một chút gì đó cho bệnh nhân nghèo vùng đảo xa.

Quả thật hình ảnh của cô bé có tật ở chân thương cô bé mang chứng bệnh ở tim thật đẹp. Hình ảnh quá đẹp giữa chợ đời, giữa cuộc sống bon chen và đặc biệt ở cuộc sống mà người nghèo, người tật nguyền bị bỏ rơi, bị kỳ thị.

Nhìn người, nghĩ đến ta ! Cô bé có tật đã không quản ngại sự di chuyển thật khó khăn của mình để dìu bước một cô bé bệnh tim đi khám bệnh. Còn tôi, tôi may mắn hơn nhiều người, tôi may mắn hơn cô bé dị tật ở chân, tôi may mắn hơn cô bé bị bệnh tim kia nhưng liệu rằng tôi có mở lòng ra để chia sẻ hay tôi cứ mãi khư khư ôm vào.

Đến tối, giờ kinh được cất lên, một cha đứng cạnh tôi ghé tai nói nhỏ : “Nhìn hủ cốt kia mà chẳng muốn đọc kinh nữa ! Phận người là như thế ! Mới hôm nao đó còn sống, còn đầy những vinh hoa phú quý của cuộc đời nay chỉ nằm trong cái hủ !”. Nghe cha nói tôi mỉnh cười và ngẫm nghĩ : “Phận người sớm muộn gì cũng chỉ có thế thôi ! Cũng chỉ ở trong cái hủ con con bé bé đó thôi chứ có mang theo được gì sau khi chết”

Trước đó, buổi sáng khi đưa tiễn người cha thân yêu vừa qua đời tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Cách riêng, sáng nay khi đưa tiển một đoàn xe tang dài nối đuôi nhau chờ đến lượt xe mình chuyển quan tài người quá cố đi thiêu. Không hiểu lý do nào đó mà sao sáng nay đông quá để rồi dường như trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa như quá tải. Nhìn dòng người ngược xuôi sụt xùi sau khi tiễn đưa người thân của mình về với cát bụi.

Hình ảnh cô bé tật nguyền giúp bạn khám bệnh, hình ảnh của đoàn xe tang như muốn nói với tôi rằng hãy làm điều gì đó khi còn sống, khi còn thở và khi có thể được kẻo lỡ qua đi rồi ta không làm được gì nữa. Nhất là khi ta may mắn hơn người khác, ta được lành lặn, đầy đủ hơn người khác.

Nói như thế, nghĩ như thế nhưng trong thực tế vẫn là sự giằng co của kiếp người. Trong suy nghĩ, ta cũng muốn cho đi nhưng trong thực tế ta cứ muốn khư khư giữ chặt lấy những gì ta đang có. Thế nhưng thực tế hơn là khi ta nằm xuống ta chẳng còn gì và chẳng có gì để mang theo cả. Có chăng là thân phận mỏng dòn yếu đuối mong manh của phận người và nắm tro tàn còn lại.

Những dịp ra nghĩa trang, những dịp đến trung tâm hỏa táng, những dịp nhìn người này người kia biết sẻ chia trong hoàn cảnh khó khăn của họ cũng là những dịp nhắc nhớ về lối sống của ta. Hãy yêu thương, hãy chia sẻ cho người khác khi có dịp kẻo lỡ qua rồi ta muốn chia cũng không thể nào chia được.

Ta không bị tật, ta không bị nguyền, ta may mắn hơn nhiều người khác nhưng ta cứ khư khư giữ lấy và khép lòng lại thì quả thật : thật là chán cho lòng người của ta !

Anmai, CSsR

NÀY LÀ DÒNG DÕI NHỮNG NGƯỜI TÌM CHÚA

NÀY LÀ DÒNG DÕI NHỮNG NGƯỜI TÌM CHÚA

Anmai, CSsR

Thánh vịnh 24 được chọn làm Thánh Vịnh đáp ca trong Thánh Lễ các Thánh Nam Nữ. Linh mục nhạc sĩ Phêrô Thành Tâm DCCT viết nhạc và lời của Thánh Vịnh này dựa trên ý của Thánh Vịnh thật hay :

Này là dòng dõi những người tìm Chúa,

đây là những người mong bệ kiến Ngài,

một đời lòng ngay không hề gian dối,

giữa bao hận thù luôn sống mến yêu

Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài

làm chủ địa cầu cùng toàn thể dân cư

còn nền trái trất Ngài dựng trên biển cả

và đặt vững vàng trên mặt nước bao la …

Dòng dõi những người tìm Chúa mà Thánh Vịnh mô tả sao mà hay quá ! Họ là những người cả cuộc đời đi tìm một mình Thiên Chúa là Chúa, là Cha, là Chủ cuộc đời của họ. Cha, Chúa, Chủ cuộc đời của họ là Tình Yêu và là Chân Lý. Nét đặc trưng hay nói đúng hơn là căn cốt của đời những người này là “một đời lòng ngay không hề gian dối, giữa bao hận thù luôn sống mến yêu”.

Người ta vẫn thường ví von thế gian là cái thế giới mà đầy sự gian dối. Nói như thế cũng có cái lý của họ bởi lẽ giữa cái thế gian này, hình như nhìn đâu đâu cũng thấy sự gian dối, sự gian tà. Gian dối, gian tà đó xuất phát tự ma quỷ.

Thuở ban đầu, lòng con người đẹp tinh tuyền tựa đóa hoa tươi thắm mà Thiên Chúa dệt nên nhưng rồi theo thời gian và với thời gian lòng con người thay đổi bởi ma quỷ và đã chống lại Thiên Chúa. Chính sự gian tà đã làm thay đổi lòng người. Và, từ ngày đó, từ ngày mà Ađam – Eva phạm tội thì tội lỗi đã đi vào trong thế gian, sự gian dối đã đi vào trong cõi đất này. Cũng từ ngày đó, bóng tối tìm cách che lấp ánh sáng và sự hận thù muốn tiêu diệt tình yêu.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình cho thế gian như thánh Tông Đồ Gioan cảm nghiệm. Tình Yêu Thiên Chúa đã đến thế gian, Thần Chân Lý của Thiên Chúa cũng đã đến trong thế gian để gửi vào thế gian luồng gió mới của tình yêu, của sự thật.

Những người mà cả đời canh cánh đi tìm Thiên Chúa không đi con đường nào khác của con đường chân lý và con đường tình yêu. Những người đó như những người lội ngược dòng của thế giới, của xã hội, của con người trống vắng tình yêu Thiên Chúa và Chân Lý.

Tưởng chừng bóng tối, sự gian ác đè bẹp được ánh sáng và chân lý nhưng vẫn còn đó những con người, những tấm lòng can đảm và kiên trung để sống giữa thế gian này. Số người này không chỉ dừng lại ở một người, một nhóm người như các môn đệ tiên khởi hay của một dân tộc nào đó mà lan rộng khắp toàn cõi đất này. Sách Khải Huyền đã mô tả đoàn người đông đảo đó ở chương 7, câu 9 : “Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế”

Đoàn người đông vô kể mà sách Khải Huyền nói đó chính là những người đi tìm Con Chiên, đã theo Con Chiên, đã giặt áo mình trong máu của Con Chiên. Đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi đó là các thánh nam nữ của Thiên Chúa. Trong đoàn người đó có thể có ông bà cha mẹ thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Những người đó là những người hết sức bình thường nhưng đã sống cái bình thường đó gói gọn trong chân lý và tình yêu.

Nhìn lại một chút của cuộc đời các thánh, chúng ta thấy đậm nét của đoàn người đi tìm Chúa.

Một Stêphanô bị người ta ném đá nhưng đã ngước cao lên Trời và xin Chúa tha cho những người giết hại mình.

Một Maximilianô Kônbê đã can đảm chết thay cho người bạn tù của mình.

Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã yêu thương đến cùng trong hoàn cảnh cay nghiệt của người đời cách riêng qua những người sống chung với chị Thánh.

Một Têrêsa Calcutta đã bồng ẵm trên tay những con người nghèo, những con người bị đẩy ra ngoài lề của xã hội để chỉ mong cho họ chết với tư cách là người hơn mà thôi.

Và, một dòng dõi người đông đảo tử đạo trên mảnh đất hình chữ S thân thương này vẫn còn in dấu trong tâm thức của người dân Việt. Dòng người đông đảo này đã “hân hoan khi lao tù, mừng rỡ lúc gươm vung dù thịt tan xương nát” để minh chứng lòng tin và tình yêu của mình vào Thiên Chúa. Triều Thiên Vinh Hiển được gắn trên đầu những con người đã mến yêu trước đau khổ tột cùng của đòn roi, của gươm giáo, của máy chém, của thú dữ. Nếu như họ căm thù, họ oán hận chắc chắn họ sẽ không được triều thiên Tử Đạo mà Thiên Chúa ban cho họ.

Trong dòng người tử đạo đó, họ có khi là quan chức, có khi là thương gia nhưng cũng có khi họ là những người nông dân chân lấm tay bùn hay là những bà mẹ mỏng dòn và non yếu. Họ sống hết sức thường trong cuộc đời nhưng họ đã minh chứng sự thật, minh chứng tình yêu với Đấng mà họ tin theo. Họ là những người cũng mang trong mình cái phận người yếu đuối của mình nhưng khi minh chứng họ đã minh chứng bằng cả cuộc đời của họ, bằng chính thân xác của họ.

Cuộc đời vẫn là một cuộc giằng co giữa thiện và ác, dữ và lành, yêu và hận thù. Khi còn sống, còn thở ta luôn phải đấu tranh mãnh liệt giữa hai ranh giới đó. Không giản đơn để sống sự thật trước mặt nhan nhản những điều gian dối và cũng không đơn giản để sống yêu thương giữa một thế giới còn quá nhiều hận thù bất công.

Khi và chỉ khi sống chân thật và yêu thương như Thầy Chí Thánh thì mới được thừa hưởng gia nghiệp mà Thiên Chúa đã hứa ban. Thật khó để sống bởi lẽ khoảng cách giữa miệng đến tay tuy gần nhưng thật xa. Thật khó sống bởi lẽ khoảng cách giữa nói và làm là một khoảng cách coi chừng trở nên bất tận.

Chợt nhớ đến tâm tình của nhạc sĩ nào đó gởi đến trong tâm tình bài hát : Tình thương nhiệm mầu :

Xin cho con lòng mến thương để dù đời đắng cay trăm chiều,

cho con yêu một Chúa thôi, để đời sẽ hết nỗi đìu hiu.

Cho con mê say tình Ngài, để tình đời chẳng còn vương vấn.

Dâng mạng sống con cho Ngài, luôn sẵn sàng minh chứng cho tình yêu.

Yêu thương là thế đấy, tình yêu ôi đắm đuối nhiệm mầu.

Yêu con, chính vì yêu con, Chúa đã chết trên đồi vắng.

Con xin hy sinh cuộc tình nguyện theo tiếng Chúa mời gọi.

Dầu có lúc sầu héo hon, xin trung kiên theo Chúa suốt cuộc đời.

Vâng ! Tình yêu thật nhiệm mầu ! Nhiệm mầu hơn nữa đó là chính Tình Yêu chết cho người mình yêu mà người mình yêu là người tội lỗi.

Chỉ khi nào ta chận chân ra rằng ta tội lỗi mà ta được tha thứ, ta được yêu thương thì ta mới có thể tha thứ và yêu thương anh chị em thật lòng ta được.

Giữa những nổi trôi của cuộc đời, giữa một xã hội đầy gian ác và hận thù, chỉ xin Chúa nung nấu tình yêu thương và lòng mến trong lòng ta để ta luôn sống : “một đời lòng ngay không hề gian dối, giữa bao hận thù luôn sống mến yêu”. Có như thế thì sau cõi đời này ta cũng có một chỗ trong hàng ngũ của dòng dõi những người tìm Chúa được.

Anmai, CSsR

CHẾT KHÔNG ĐỢI TUỔI

CHẾT KHÔNG ĐỢI TUỔI

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Đời người ! Nghĩ cũng lạ ! Có ngày bước vào trần đời ắt có ngày phải ra đi hay gọi là ngày chết. Ngày sinh ra, ngày bước vào đời có đó nhưng ngày chấm hết cuộc đời này không ai biết trước được. Chuyện sống chuyện chết là chuyện của Đấng tạo hóa, thụ tạo chỉ việc vui vẻ sống ngày nào hưởng ngày đó tùy vào đấng nhào nắn ra mình thôi.

Đứa trẻ con của hai vợ chồng thân quen được sinh ra, sống và lớn lên được 5 tuổi. Bỗng một ngày kia cháu sốt, nhập viện được vài tuần và cháu ra đi mãi mãi. Gia đình ngậm ngùi chào từ biệt em …

Người cha kể lại cho tôi hoàn cảnh bi đát của gia đình anh gặp phải đó là chuyện cô con gái 15 tuổi của gia đình. Bé đang đi học bình thường, bỗng dưng đến ngày kia bé sốt và đưa bé nhập viện. 2 tuần lễ chống chọi với cơn sốt và bé ra đi mãi mãi. Gia đình anh sốc đến cực độ nhưng rồi đúng 1 năm sau đó, Chúa lại ban cho anh chị một cháu nữa tạm gọi là thay vào nỗi đau cũng như trống vắng của gia đình.

Bé cháu ở nhà năm nay mới vừa bước vào cái tuổi thần tiên. Vì hoàn cảnh cha mẹ là nhà giáo, cháu cắm đầu cắm cổ học để cho mọi người khỏi cười chê. Ham học như thế, có những hôm chẳng nhớ là mình đã ăn chưa và mình đã đến giờ ngủ chưa … Và rồi những cơn đau đầu ập đến. Bé kể lại là cứ nghĩ là vì học nhiều nên đau đầu chứ cũng chẳng là gì đáng ngại để không cần phải đi kiểm tra sức khỏe. Cứ lướt qua, lướt qua và rồi một ngày kia đi bác sĩ kiểm tra thì kết quả thật đau lòng : bé bị ung thư não.

Với kết quả như vậy, bác sĩ bảo bây giờ không mổ cũng không được và mổ cũng không có khả năng lắm bởi lẽ chứng bệnh này hết sức đặc biệt. Cách đây vài tuần, bé đã mê man 3 ngày không biết gì nữa. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, cháu bảo mạng sống của cháu giờ chỉ tính tháng tính ngày thôi chứ không còn tính năm nữa …

Buồn và đau khi nghe tin dữ ấy nhưng đành chịu bởi lẽ ngoài tầm tay với của cả gia đình, của đội ngũ bác sĩ giỏi trong một đất nước tiến bộ … Thế là cứ chờ và cứ đợi đến ngày cuối đời của cháu trong đau buồn của phận ngườ.

Mới đây thôi, một vị bác sĩ chuyên môn khá giỏi của một bệnh viện cũng lớn cũng đã qua đi vì chứng ung thư não. Khi phát hiện ra bệnh tình của mình, vị bác sĩ này nghiên cứu tỉ mỉ và thu thập tất cả các thông tin về bệnh của mình và gửi sang Pháp để nhờ các bác sĩ quen biết hỗ trợ nhưng vẫn không tìm ra giải pháp nào cho căn bệnh mà vị bác sĩ khá trẻ này đang mang. Sau một thời gian vắn, vị bác sĩ 41 tuổi đời này đã ra đi để lại niềm thương nỗi nhớ của gia đình, của bạn bè, của đồng nghiệp và cả những bệnh nhân mà bác sĩ đã tận tình chăm sóc khi còn sinh thời. Đặc biệt, cả bệnh viện gần như mọi người cảm thấy tiếc nuối cho một vị bác sĩ vừa giỏi vừa có tấm lòng đặc biệt với những bệnh nhân nghèo …

Có lẽ đây cũng là vài ba trường hợp mà tôi có dịp tiếp xúc, có dịp gặp gỡ, có dịp quen biết mà nay đã qua đi hay đang đón chờ cái chết đến mỗi ngày trong họ.

Thật ra chẳng có gì là lạ cả bởi lẽ sinh tử là chuyện của Đấng tạo hóa. Điều này chẳng có gì lạ và cũng chẳng có gì mới nơi thân phận con người.

Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,

Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,

Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.

(Tv 89, 10)

Ở Thánh Vịnh 144, câu 4 nhắc ta :

Ấy con người khác chi hơi thở,

vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.

Không chỉ vài đoạn Thánh Vịnh như thế này nhắc ta về sự sống, về cái chết của con người nhưng phản phất và trải dài trong Thánh Kinh và ngay trong những biến cố đời thường ta vẫn thấy hạn chế của con người trước sự sống. Cái chết đến vào lúc con người không ngờ và vào giờ con người cũng chẳng biết.

Nhìn những biến cố như thế để không phải là ta bi quan chán nản buông xuôi cuộc đời của ta nhưng nhìn đó để thấy cái phận người hạn hẹp và mong manh của ta. “Hôm nay người người vui cười rồi mai đây lệ rơi, đời là giấc điệp qua mau nuối tiếc chi bóng sầu …” Tâm tình bài hát tiễn đưa nhắc nhớ phận của con người là như vậy.

Khi nhìn về phận người, về sự sống, về sự chết như vậy để ta nhìn lại cái phận người nhỏ bé và mong manh để rồi kịp nhận ra rằng cuộc đời ta hết sức vắn vỏi và hãy sống đẹp với những ngày tháng mà mình đang có. Và, trong cái đẹp nhất của đời người vẫn là tình yêu thương, vẫn là lòng mến mà Thiên Chúa đã trao ban và mời gọi. Hãy yêu nhau đi khi còn có cơ hội để lỡ may cơ hội vụt mất mà ta không kịp yêu thương cũng là điều dáng tiếc.

Ta đâu biết được ta sẽ sống được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, báo nhiêu ngày trên đời để rồi ta phải bận lòng và tính toán thiệt hơn. Biết đâu được ngày hôm nay là ngày cuối cùng của ta sống trên cõi tạm này thì sao ?

Anmai, CSsR

KHỔ ĐAU

KHỔ ĐAU

Tác giả: Anmai, CSsR

thanhlinh.net

Đời là bể khổ ! Đức Phật nói như thế về cuộc đời.

Nhìn về cuộc đời, đúng thật là ai cũng có những nỗi khổ đau của riêng mình, của tập thể và thật sự khó có thể nói trước, khó có thể nói hay hay cũng chẳng có thể biết được khi nào nỗi khổ đến trong cuộc đời. Chỉ giật mình nhận ra và thấy rằng sao cuộc đời của mình, người thân của mình và đồng loại của mình sao khổ thế !

Trong một đất nước mà khí hậu không được ôn hòa cho lắm thì con người phải nhận hậu quả nhất định nào đó. Ở cái dải đất hình chữ S thân yêu này thì những ai ở vào những vùng có thời tiết khắc nghiệt ắt mới hiểu được phần nào nỗi đau khi cơn bão chưa đi qua và cơn lũ đang gần đến.

Những ngày này, bão đang dần đi vào dĩ vãng nhưng những người dân ở miền Trung đang đối diện với những cơn lũ do hậu quả của bão. Hậu quả bão lũ đã làm cho hàng ngàn gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Bao nhiêu năm trời chắt chiu một nắng hai sương và tằn tiện cho cuộc sống nhưng khi đối diện với bão dữ thì tất cả những lao nhọc tan biến cùng theo bão.

Những người ở xa vùng tâm bão hay ở những nơi mà bão chẳng bao giờ ghé được chắc có lẽ chẳng cảm được những nỗi đau, những nỗi mất mát về cả vật chất lẫn con người sau bão. Vài lần có việc để đi ra miền Trung rơi vào những ngày bão nhỏ hay chỉ với những cơn áp thấp nhiệt đới thôi tôi cảm được một chút gì đó của thời tiết khắc nghiệt. Thật ra, nó chẳng thấm tháp gì với những cơn siêu bão cứ ập đến với người nghèo. Tận mắt nhìn những người dân Quãng Trị trong trời giá rét phải mặc áo mưa để đi làm lúa thì phải biết rằng cái lạnh, cái buốt thấm vào xương thịt của họ là gì. Thế nhưng không còn việc gì khác ngoài cái việc phải bán lưng cho trời và bán mặt cho đất để đắp đổi cuộc sống qua ngày.

Ta chỉ nhìn thấy khổ đau của họ khi ta đi ngang qua được gặp họ trong hoàn cảnh trời rét mướt như thế mà phải cấy cày. Và khi nhìn thấy như thế ta chỉ cảm một chút gì đó chứ ta không rơi vào cảnh như thế nên ta không thể nào hiểu được nỗi đau mà ngày này tháng nọ và năm tới năm kia họ phải gánh chịu.

Hay trong những ngày này, cảnh tan thương trời đất sau bão ta cũng chỉ nhìn thấy qua hình ảnh hay có khi ta nhìn thấy tận mắt nhưng ta không thể nào thấu hiểu được nỗi đau như đang ôm chầm lấy họ. Nỗi đau của họ đang khốn cùng sau mưa lũ.

Có những đám táng phải dầm mình trong mưa lũ để đưa người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Có những gia đình những đứa trẻ phải cám cảnh mồ côi cha lẫn mẹ khi tuổi còn chưa khôn phải nương nhờ vào bà nội hay bà ngoại.

Có đứa trẻ mồ côi cha do cơn bão cách đây gần chục năm trước, mẹ phải đi làm xa và em ở nhà với ngoại. Cơn bão đến, em tìm cách trú ẩn dưới “hầm trú” đơn sơ xây bằng gạch với tôn xi măng và phên bằng tre. Trong “căn hầm” đó là gói mì và gọn đèn cầy gọi là tránh bão …

Và vừa mới đây, có gia đình ra đi trên chuyến bay định mệnh … nỗi đau không thể nào bù đắp được cho những người thân còn ở lại.

Cũng khá lâu không có dịp nói chuyện với đứa cháu ở xa. Trước đây thì chú cháu thi thoảng cũng hỏi thăm nhau về cuộc sống. Sáng nay, trong điện thoại, giọng của cháu cứ sụt sùi.

Trong nghẹn ngào nỗi đau, cháu nói rằng vì gia đình nhà giáo, sau khi qua bên kia thì cháu nỗ lực để học. Vì ham học và gắng học đến độ đôi khi không còn nhớ đến giờ ăn giấc ngủ. Đến một ngày kia bị đau đầu, cháu đi khám bác sĩ gia đình, họ không tìn ra bệnh và chuyển cháu vào viện. Tin dữ đến với bản thân cháu và gia đình là cháu đã bị ung thư não. Cách đây hai tuần, cháu mê sản 3 ngày không biết gì cả. Sau khi tỉnh dậy, bác sĩ tập dần tập dần để khơi lại trí nhớ cho cháu. Giờ đây mạng sống của cháu đang ở độ căng thẳng. Cháu nói là bác sĩ cho biết là mổ cũng không giải quyết được gì và không mổ cũng không được. Trong tiếng khóc, cháu nói cháu sẽ ra đi trước chú …

Đứng trước cảnh đau như thế, chỉ nhanh trí tìm cách nói chuyện bâng quơ cuộc sống để cháu qua đi cơn đau đang âm ĩ trong đầu của cháu cũng như để cháu qua đi những suy nghĩ quá đau của cuộc đời.

Mới vừa bước qua tuổi 20, tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Với cơn đau nghiệt ngã như vậy, cháu phải dừng lại chương trình y khoa mà vài năm nữa cháu sẽ ra trường làm bác sĩ. Tất cả dừng lại bởi chứng bệnh khổ đau mà cháu phải chịu.

Nghe dòng tâm sự của cháu, biết được chứng bệnh cũng như cơn đau mà cháu đang mang trong mình. Dù có nghe và thậm chí nghe cả tiếng nấc nghẹn ngào đi chăng nữa nhưng làm sao tôi có thể hiểu và cảm được nỗi đau và cú sốc mà cháu và gia đình đang gánh chịu. Cũng chỉ biết sẻ chia với cháu đôi lời và hẹn dịp khác lại chia sẻ.

Nghe nhưng làm sao thấu và làm sao có đủ sức để gượng dậy với cuộc sống như hoàn cảnh của cháu được. Nghe nhưng đâu có hiểu được ngày sống của mình cứ cuốn dần cuốn dần không biết được bao lâu.

Quả thật là đau khổ đến với mỗi người, mỗi gia đình mỗi vẻ mỗi cách chẳng ai giống ai. Có khi ở một đất nước gọi là văn minh tiến bộ đó nhưng người ta vẫn khoanh tay trước những căn bệnh hiểm nghèo. Có khi ở trong một gia đình có thể là giàu sang phú quý đó nhưng khổ đau nó vẫn cứ đến bằng cách này hay cách khác qua mọi nẻo đường mà không ai ngờ đến. Có khi như gia đình kia vừa ky cóp sắm chiếc xe tìm kế sinh nhai lại bị bão lũ cuốn đi và đang chịu cảnh tù tội. Có khi là đang yên ổn trong căn nhà mà bấy lâu chắt chiu xây được nay lại tan tành sau cơn bão lũ …

Mỗi người, mỗi gia đình và có thể cả một tập thể đang có những nỗi đau của riêng mình, của gia đình đó.

Chỉ biết cầu xin cho mỗi người có đủ sức để vượt qua những nỗi đau mà mỗi người đang gặp phải. Và, cũng nguyện xin những ai có khả năng cũng như điều kiện có thể sẻ chia cách này cách khác cho anh chị em đồng loại của mình nhẹ đi phần khổ đau mà họ đang mang bởi lẽ khi nhìn người khác đau khổ thì làm sao lòng mình có thể an được.

Anmai, CSsR

BÀI HỌC CHIA SẺ

BÀI HỌC CHIA SẺ

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Am 6, 1a.4-7; 1Tm 6, 11-16; Lc 16, 19-31

Bài học người quản lý bị cho nghỉ việc, Chúa Giêsu nói nhè nhẹ về cuộc đời của người quản lý. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này như là khởi đầu cho nhiều bài học nói về đời sau cõi tạm này, cái chết sau cuộc sống này.

Ở đời, người ta vẫn thường nói : “cái gì nó cũng có cái giá của nó”. Quả không sai, nó như quy luật nhân quả của cuộc đời. Nếu như trong đời sống, mình gieo điều tốt thì ắt hẳn mình sẽ nhận được điều tốt và ngược lại.

Chúa Giêsu ví dụ hết sức cụ thế chứ không có nói bóng nói gió hay dùng dụ ngôn nữa. Đi vào thẳng vấn đề của cuộc sống luôn đó là câu chuyện về hai con người :một là giàu, ngược lại bên kia là nghèo.

Người giàu này được một cái là ngày ngày yến tiệc linh đình. Chuyện hết sức bình thường như những câu chuyện bình thường mà người ta vẫn thường nói : “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng, trong cái bình thường này có cái không bình thường đó là có anh ăn xin ngồi ngay trước cổng nhà ông ta. Người ăn xin ghẻ chốc đầy và rồi them được ăn những miếng dư thừa từ nhà của ông nhà giàu nhưng không được ăn.

Chuyện gì đến nó phải đến. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, ông nhà giàu kia cũng chết và người ăn xin cũng chết. Có điều là không biết ai chết trước hay chết sau nhưng bảo đảm là phải chết vì dù giàu dù nghèo thì cũng không thoát được cái chết.

Nhưng, đàng sau cái chết, màn hình được mở ra. Dưới âm phủ, người chủ lại van xin với Ápraham : “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” Nghe sao mà thương dễ sợ.

Chúng ta nghe ông Ápraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

Khi nghe tổ phụ nói như thế, nhớ lại những người thân và đặc biệt là anh em mình còn sống ở dương gian nên bèn thưa : “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!

Nghe thế, ông Ápraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.

Nài nỉ thêm : “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.Ông Ápraham đáp: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”

Chuẩn hơn chỉnh luôn ! Không chỉ Môsê, các ngôn sứ mà nhiều và quá nhiều những chứng nhân cho những thực tại của đời này và gia tài vĩnh cửu ở đời sau rồi nhưng mấy ai chịu nghe. Hay, có chăng thì nghe đó nhưng thực hành được bao nhiêu với lời mà các vị tiền nhân đã nói, đã để lại.

Và, cũng chẳng cần phải nghe ai nói nữa, chỉ cần nhìn vào thực tại và thực tế cuộc sống thì thấy ngay vấn đề : Con người, ai cũng phải chết. Và, sau khi chết, có mang theo được cái gì đi theo mộ phần, mang theo bên kia thế giới hay không để rồi cứ phải ky cóp. cứ phải tham lam, cứ phải ích kỷ. Tham lam, ích kỷ để làm gì để rồi sau cái chết phải hưởng, phải đón nhận tất cả những gì mà mình đã hành xử khi còn sống.

Sống trên đời, chẳng ai mong mình nghèo và cũng chẳng ai có thể nghi rằng mình giàu cả. Giàu hay nghèo đến từ nhiều lý do. Có thể khách quan, có thể chủ quan, có thể có sự may mắn như người ta nói là thiên thời – địa lợi – nhân hòa nữa. Nếu như ai nào đó có tài nhưng rồi thời cơ không đến hay sự may mắn không đến thì cuộc sống của họ mãi mãi trong lam lũ nghèo khó. Có những người có tí tài năng cộng thêm với sự may mắn, sự thuận tiện để rồi sống trong cuộc sống dư giả giàu có.

Và, hết sức bình thường trong mọi thời, mọi nơi, mọi xã hội ta đều thấy những người giàu và người nghèo. Giàu không phải là cái tội và nghèo cũng chẳng phải là cái tội. Tội hay chăng đó là ta giàu mà ta không biết cách sống như thế nào cho đúng với lương tâm, đúng với luân thường đạo lý.

Chuyện quan trọng, chuyện căn cốt là ta sống như thế nào khi ta giàu có, ta có nhiều của cải vật chất. Không phải những người giàu là xấu. Có những người giàu nhưng họ khôn ngoan sống theo cái nhìn, theo lối sống của con cái Thiên Chúa chú không theo lối sống của thế gian.

Sống khôn ngoan theo lối sống của Thiên Chúa thì giàu hay nghèo cũng chẳng là cái gì cả. Cách riêng với những người giàu thì phải biết dùng những của cải vật chất mà Chúa ban cho như thế nào có ý nghĩa và đặc biệt có hậu về sau sau khi đã chết.

Những bằng chứng hết sức sống động trong cuộc sống của ta. Có những người ta thấy họ hết sức quảng đại, không phân biệt tôn giáo.

Khi nghe trang Tin Mừng hôm nay, có thể ta bảo rằng ông chủ này thật quá quắt, ngay cái người đầy tớ ở trước của nhà mà ông không đoái hoài đến nhưng hình phạt cho ông như vậy cũng là đúng ! Nếu ta nghĩ như thế, ta xét đoán như thế, ta kết án như thế không chừng ta lại kết án chính bản thân ta.

Có khi nào đó, ngay trong gia đình của ta, người nghèo không ngồi ở ngoài cổng hay ngồi ở vệ đường như ta tưởng nhưng người nghèo đó lại ngồi ngay bên cạnh của ta. Họ thèm ta cho họ một chút gì đó, có khi không chỉ phải là cơm bánh, vật chất nhưng điều họ cần đó chính là tình cảm. Có thể những cái mà ta cho những người xung quanh ta đó chính lại là cái thừa thãi của ta nhưng ta lại nghĩ đó là ân phúc mà ta trao ban. Ta quên đi điều căn cốt là những cái mà ta có, nhất là cái thân xác, cái hơi thở, cái sự sống mà ta đang có chính là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban.

Nếu như Chúa lấy hơi thở, lấy sự sống của ta đi thì còn gì là giàu với nghèo, còn gì là sang với hèn. Chẳng còn là gì cả như người giàu có và kẻ ăn xin cùng chết. Chuyện quan trọng là sau cái chết đó, ta sẽ có gì trong tay. Ta sẽ được ơn cứu độ hay đánh mất ơn cứu độ mà cả đời ta ky cóp.

Sống sao đừng để một ngày kia khi sau cõi tạm này thì trên Thiên Đàng toàn là những người nghèo, những người trộm cắp, những người đĩ điếm, những người tội lỗi như Chúa Giêsu vẫn thường nhắc ta.

Luôn luôn ghi khắc trong tâm trí ta rằng cuộc đời ta có ngần có hạn và tất cả những gì ta có như là quà tặng từ nơi Thiên Chúa để ta biết san sẻ cho anh chị em đồng loại. Chúng ta, có kẻ giàu người hèn, kẻ sang người hèn nhưng ai ai cũng có tấm lòng, có trái tim. Tấm lòng và trái tim đó sẽ quý biết mấy khi nó san sẽ tình thương cảm, lòng mến cho những người đang sống ngay bên cạnh ta, trong mái ấm của ta, trong gia đình của ta.

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Thường, sau giờ cơm, anh em chúng tôi có chút thời gian thư giãn, tếu táo với nhau một lát rồi đi nghỉ.

Trưa hôm nay, cảm hứng dậy lên trong lòng và người anh em kia ngêu ngao : “Hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man nâng đỡ tình con trong tay trong tay vòng tay thương mến …”. Nghe hát như thế, một người trêu lại : “… rơi xuống đời con te tua te tua …”.

Chắc có lẽ, dưới góc nhìn của người anh em về những kẻ thân phận phiêu bạt, trôi dạt vào một góc nào đó của cuộc đời nên trêu nhau tí cho đỡ buồn. Anh nói như thế như chia sẻ, cảm thông về phận của những kẻ bị gạt ra bên lề.

Hiểu lòng chạnh thương của anh và tôi nói với anh rằng biết là anh đùa nhưng mình không nên nghĩ như thế bởi lẽ trong cuộc sống, tất cả đều là hồng ân. Không phải sống trong cảnh khó khăn, bị bỏ rơi, bị gạt là hồng ân nhưng trong cảnh sống đó, ta có cơ may nắt gặp lòng “chạnh thương” thật sự của Thiên Chúa qua một số anh em.

Tôi nói, anh có nhớ hôm thứ Ba vừa rồi, trong bài chia sẻ của mình, cha giảng mời gọi anh em nhìn lại lòng chạnh thương của Chúa Giêsu khi Ngài thương cảnh mẹ góa phải chôn con côi. Cha nói rằng không phải lòng chạnh thương đó mình đặt ở đâu đó cách đây vài ba ngàn cây số hay ở đâu đâu. Lòng chạnh thương đó cần lắm ở những anh em đang nằm bệnh hay những anh em ở trên cao kia kìa, những anh em đang đang gặp khó khăn thử thách kìa …

Hóa ra rằng trong những giây phút khó khăn của cuộc đời, cũng có người chạnh thương đến anh em đang gặp khó khăn. Phải chăng đó là hồng ân mà Thiên Chúa đang trao gửi.

Và, tôi cũng nhắc với người anh em là mới hôm qua thôi. chẳng hiểu duyên cơ nào đến, cha giảng lại gợi lại hình ảnh của Phêrô và Giuđa. Cha giảng chia sẻ rằng có thể hôm nay con thấy mình thánh thiện nhưng biết đâu được đến một lúc nào đó con phản bội Chúa như Phêrô và Giuđa. Thế nhưng, chuyện quan trọng là trong lúc tăm tối của cuộc đời, ta có chạm đến ánh mắt chạnh thương của Chúa Giêsu hay không ? Ánh mắt của Chúa Giêsu đang bị trói ở góc sân Dinh Thượng Tế chứ không phải là ánh mắt khi làm phép lạ, khi hóa bánh ra nhiều, khi làm cho sóng gió yên lặng … Và, trong cuộc sống, ánh mắt của ta có chạm, có chạnh thương đến với những con người nghèo khổ đang ở ngay bên cạnh ta không ? …

Thế đó ! Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh như Thánh Phaolô mời gọi. Trong hoàn cảnh bi đát nhất của cuộc đời khi bị loại trừ, khi bị lên án, khi bị sỉ nhục đi chăng nữa thì ta vẫn còn một nơi để ta bám víu đó là chính ánh mắt, đó chính là lòng chạnh thương của Chúa Giêsu.

Trong cái thân phận bi đát tủi nhục của cuộc đời, ông Giob vẫn tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Cuối đời, Thiên Chúa đã phục hồi cho ông những gì ông bị mất mát, đau khổ.

Trong cái nhìn khinh khi của cuộc đời, Đavit đã cúi đầu nhận tội với Thiên Chúa và ông được Thiên Chúa tha thứ. Trong cảm thức đau khổ, Đavít luôn xin Chúa chạnh thương con người yếu hèn của mình. Hồng ân thương xót tha thứ của Thiên Chúa đã đổ tràn trên đời của vua Thánh Đavít.

Với cảm nhận thực tại của cuộc sống ta sẽ cảm nhận đời ta quả là hồng ân Chúa cứ miên man miên man. Không phải chỉ nhắm đến cái ăn cái mặc cho cái thân xác tạm bợ bảy tám chục ký này nhưng khi nhìn vào thực tại cuộc sống, ta hạnh phúc hơn rất nhiều người.

Nghĩ xa hơn một tí, ta có thể bị thế này thế kia trong cuộc đời nhưng ta chưa phải lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau hay phải chạy ăn từng bữa.

Những ngày này, thời tiết không như ta nghĩ và cũng không như ta mong muốn bởi ảnh hưởng của giông bão. Có thể sáng nắng đó nhưng chiều đến thì những cơn mưa giông thật lớn trào xuống. Và, cũng có thể trước khi ta đi ngủ, bỗng dưng cơn mưa nặng hạt như trút nước xuống. Và, dù mưa to gió lớn như thế nào đi chăng nữa, ta vẫn ấm êm trong căn nhà kiên cố để rồi gió và bão cũng chẳng làm gì được ta.

Và, ta đang vẫn còn hạnh phúc vơi thân thể chưa phải lâm vào cảnh trọng bệnh. Khi nào ta rơi vào cảnh đó ta mới cảm được thấu nỗi đau của phận người. Phận người vẫn mong manh và thật nhỏ bé trong bàn tay của Đấng Tạo Thành.

Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, hãy chúc tụng Danh Chúa bởi vì muôn ơn lành Chúa vẫn ngày đêm tuôn đổ xuống trên đời ta và nhất là ánh mắt chạnh thương của một Giêsu giàu lòng thương xót luôn dõi nhìn ta dù cho ta có lỗi tội, dù ta phản bội Ngài.

Hãy xin cho có ơn như Phêrô và Giuđa để luôn dõi mắt nhìn ánh mắt chạnh thương của Chúa để được ơn cứu độ sau cõi tạm này.

Anmai, CSsR

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.