Xuân về – nhớ những Bạn Tù Năm Xưa.

Xuân về – nhớ những Bạn Tù Năm Xưa.

Đoàn Thanh Liêm

*     *     * Vào tiết Trung Thu năm Nhâm Thân 1992, tôi cùng với Thày Đạt (Hoà Thượng Thích Huệ Đăng) bị chuyển từ trại giam Chí Hòa đến khu K2 thuộc trại Thủ Đức mà thường được gọi là trại Z30D ở Hàm Tân, Phan Thiết. Trong gần 4 năm tại Z30D, hai chúng tôi ở chung với rất nhiều bạn tù chính trị khác và với cả ngàn tù nhân thường phạm khác nữa trong các khu K1, K2, K3, K4.

Năm 2016 này, tôi xin ghi lại ít câu thơ để riêng tưởng nhớ đến những bạn tù đã ra đi mà tôi được biết rõ ràng – điển hình như hai vị cao niên Nguyễn Quốc Sủng, Lý Trường Trân, Thày Đạt, nhà thơ Vương Đức Lệ, các bạn Phạm Thế Công, Lê Nghiêu, Trần Phước Huệ (hai bạn sau chết tại Hàm Tân năm 1994-95) v.v…

Và cũng xin được gửi đến tất cả các bạn tù chính trị khác mà đã cùng bị giam giữ tại Hàm Tân trong thời gian 1992 – 1996.

Bài thơ chỉ có bốn câu lục bát thật ngắn ngủi như sau :

Xuân xưa – với bạn trong tù

                             Ngọt bùi cay đắng – tâm tư sáng chiều

                                   Xuân nay – tóc bạc thêm nhiều

                           Người còn, người mất – thương yêu vẫn tròn./

Costa Mesa, California Tháng Giêng 2016

Đoàn Thanh Liêm.

1 – Tặng Bạn Về Hưu

1 – Tặng Bạn Về Hưu

Đoàn Thanh Liêm

Vào năm 1987, lúc còn ở Việt nam, tôi có đọc được câu thơ cuả nhà thơ nổi danh cuả Liên Xô là E Evtushenco được dịch ra tiếng Anh như sau :” Don’t die before you’re dead” (Đừng chết trước khi bạn tắt thở).
Do đó tôi đã có cảm đề để viết thành mấy câu thơ để tặng người bạn vưà bắt đầu về hưu như sau :

* Đường trần chưa vẹn, sao yên nghỉ
Non nước vơi đày, nỗi xót xa
Phong cách buông lơi phường quân tử
Trách chi bá tánh bỏ quên nhà?
Saigon 1987
English version :
To a Friend on His Retirement
How can you rest, the pilgrimage’s not yet finished?
How painful is to find the country in tatters!
The patricians have already neglected their good manners,
Why can one reproach that the masses abandon themselves?
Saigon 1987

Version francaise :
Pour un ami en retraite
Comment te reposer, ce pèlerinage pas encore achevé ?
Quelle amertume devant ce pays en lambeaux !
Les patriciens ayant négligé leurs bonnes manières,
Pourquoi reprocher que la masse s’abandonne ?
Saigon 1987
(Trích lại tại Virginia, ngày 9 tháng Năm 2010)

Đoàn Thanh Liêm

2 – Nhớ Đà lạt

Vào giữa mùa mưa năm 1990, lúc bị biệt giam tại trại B34 trong khu vực Tổng Nha Cảnh sát cũ, tôi nhớ đến bài thơ nổi tiếng của Robert Frost nhan đề là “Stopping by woods on an snowy evening” – nên cảm đề làm bài thơ ngắn như sau :
Thông xanh dẫu nặng ý thơ
Ta còn mắc hẹn cơ đồ nước non
Đường xa vạn lý mỏi mòn
Vẫn nòi quân tử sắt son với đời./
Saigon 1990

Đoàn Thanh Liêm
(Sao lục tại California năm 2010)

Thơ Xuân gửi Bạn

Thơ Xuân gửi Bạn

Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

 1 – Mai Đào li sp n

Nh đến bn gn xa

Bao mến thương dào dt

Xin gi khp mi nhà

 

2 – Năm tháng c trôi qua

Tình ta càng thm thiết

Nhân sinh du kh ly

Vn gn bó rut rà .

 

3 – Bày tr nay khôn ln

Tung cánh khp năm châu

Tâm thành nh ngun ci

Cu mong dt hn su

 

4 Dòng sông chy đon cui

Sp gia nhp đi dương

Nơi trăng sao miên vin

Tràn ngp nhng Yêu Thương.

 

5 – Xin cm ơn,

Xin cm ơn tt c

Nhng ân hu bao la

Lòng t bi đ lượng

Khp thế gii nhân qun./

Costa Mesa, California

Cuối năm Quý Tỵ 2013

Đoàn Thanh Liêm

Nhớ Hà nội xưa thuở thiếu thời.

Nhớ Hà nội xưa thuở thiếu thời.

 Bút ký của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Gia đình chúng tôi đã qua định cư tại California được gần 20 năm. Tính ra thì số những năm tháng này cũng tương đương với khỏang thời gian tôi sinh sống trên quê hương đất Bắc là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Lúc này là vào giữa tháng 10 năm 2014, thì khí hậu ở đây tại bờ biển miền Tây nước Mỹ (West Coast) đã bắt đầu mát dịu, nhiệt độ ban ngày chỉ vào khỏang trên dưới 20 độ C – chứ không còn nóng bức ở mức 35 – 37 độ như hồi tháng trước vào cuối mùa hè nữa. Có thể nói Mùa Thu đang tới trên đất Mỹ đây rồi.

Buổi sáng nay, tôi nhớ lại mấy câu thơ mình đã làm hồi 30 năm trước, lúc bắt đầu bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” và đang sinh sống tại Sài gòn. Xin được ghi lại đày đủ bài thơ đó như sau :

Mùa Thu Nhớ Bạn

Mùa Thu chợt đến – lòng man mác

Nhớ Hà nội xưa – thuở thiếu thời

Bạn bè năm ấy – giờ đâu nhỉ?

Kẻ vắng người còn – dạ khó nguôi!

Sài gòn 1983.

Tôi sinh trưởng tại một làng quê trong tỉnh Nam Định cách xa Hà nội chừng trên 100 cây số thôi. Vì thế mà ngay từ trước năm 1945 trong làng đã có nhiều bà con đi làm hay định cư ở ngay tại đất Hà thành hoa lệ này. Khi về thăm viếng bà con trong làng, thì những người này thường hay kể chuyện về cuộc sống văn minh tiến bộ của người dân tại Hà nội. Và bọn trẻ con chúng tôi luôn luôn thích thú kể lại cho nhau nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh đó về phong cảnh và con người của cái thành phố ngàn năm văn vật này.

Huynh Luong Thien-Doan Thanh Liem- My Loi

Rồi đến năm 1952 lúc đã bước vào tuổi 18, thì tôi được gia đình gửi ra theo học tại Trường Chu Văn An ở Hà nội. Đã từng trải qua cảnh chiến tranh tàn phá kinh hòang ác liệt ở miền quê, tôi thật chóang ngợp với tình hình an ninh trật tự và sung túc thịnh vượng của thành phố là thủ phủ của miền Bắc Việt nam vào thời gian đó. Và chỉ vài ba tháng sau, là tôi đã có thể thích nghi hòa nhập vào với cuộc sống chung với các bạn đồng trang lứa với mình nơi thành phố xinh đẹp dễ thương, thanh lịch và đày dãy những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh này. Xin được ghi chi tiết hơn về cuộc sống thời trai trẻ của thế hệ chúng tôi ở Hà nội thời kỳ trước năm 1954.

I – Cái thời vui sống ở Hà nội năm xưa ấy.

Với tính vô tư năng động của tuổi trẻ, lớp bạn học chúng tôi lao mình vào chuyện học tập để bù đắp lại quãng thời gian bị mất trong những năm phải di tản chạy lọan trước đây. Mà thành phố Hà nội lúc nào cũng hào phóng cung ứng cho bọn trẻ chúng tôi những cơ hội giải trí thư giãn thỏai mái – sau những giờ phút phải tập trung suy nghĩ, học tập miệt mài căng thẳng.

Một địa điểm chúng tôi thường lui tới để gặp gỡ nhau và nhìn ngắm phố phường, đó là Hồ Hòan Kiếm ở trung tâm thành phố. Nơi di tích lịch sử với truyền thuyết con rùa mang lưỡi gươm trả về cho nhà vua Lê Lợi (The Lake of the Returned Sword), thì lúc nào cũng tấp nập xe cộ qua lại và người đi bộ vòng quanh ven hồ. Và vào những ngày mùa hè oi bức chúng tôi còn thường rủ nhau đi tắm bơi lội tại khu hồ Quảng Bá Nghi Tàm sát với Hồ Tây.

Gặp ngày trời đẹp, chúng tôi còn rủ nhau dành cả một buổi chiều để đạp xe chạy vòng quanh khu vực Hồ Tây dài đến trên 20 cây số – để hít thở không khí trong lành và thưởng thức những vẻ đẹp nơi đồng quê êm ả thanh bình tại vùng ngọai thành Hà nội. Ở vào tuổi mười tám đôi mươi, chúng tôi thật lòng say mê hồn nhiên vui sống với “cái tuổi thanh xuân thơ mộng ấy”.

Chúng tôi còn rủ nhau đi coi những phim từ Hollywood của Mỹ thật hấp dẫn với những tài tử gạo cội, màu sắc âm thanh tòan hảo. Đặc biệt phim “Gone with the wind” (Cuốn theo chiều gió) với cặp diễn viên Clark Gable – Vivien Leigh trổ tài diễn xuất thật tuyệt vời.

 1 / Mùa thu Hà nội.

Và đặc biệt là cảnh vật nơi đất kinh kỳ vào mùa thu, thì thật đày vẻ quyến rũ – quả thật nó đã gây ấn tượng thật sâu đậm trong tâm hồn nhạy cảm của lớp thanh thiếu niên chúng tôi. Đó là phương diện khách quan của khung cảnh địa lý nhân văn. Còn về mặt tâm lý chủ quan, thì chúng tôi chịu ảnh hưởng nhiều bởi thơ văn và âm nhạc thời tiền chiến – với những bài thơ bất hủ của cụ Nguyễn Khuyến như “Thu ẩm”, “Thu điếu”, Thu vịnh” v.v…, hay các bài nhạc của Đặng Thế Phong như “Giọt Mưa Thu”, “Con Thuyền Không Bến”. Và cả của những bài văn, bài thơ trong kho tàng văn chương của Pháp nữa, điển hình như bài “Chanson d’automne” (Ca khúc Mùa Thu) tuyệt vời của Paul Verlaine. Tôi thật vui thích sảng khóai mỗi khi ngâm nga những câu thơ tuyệt đẹp trong Truyện Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du, cụ thể như câu : “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.

Vì thế, mà các văn nghệ sĩ ấy đã giúp cho chúng tôi biết thưởng ngọan những vẻ đẹp ngây ngất của mùa thu một cách cực kỳ linh động viên mãn. Điều này rõ rệt đã góp phần rất quan trọng để làm tăng thêm phẩm chất trong đời sống tình cảm của thế hệ thanh niên chúng tôi (quality of life) – mặc dầu hồi đó cuộc chiến tranh đang ở vào giai đọan ác liệt ngay tại các miền quê không cách xa Hà nội bao nhiêu.

 2 / Chuyện học hành, thi cử hồi ấy.

 Tại trường Chu Văn An là một cơ sở giáo dục có danh tiếng vào bậc nhất ở miền Bắc từ lâu, thì tôi được sát cánh với nhiều bạn học thật thông minh xuất sắc – nhờ vậy mà mình cũng phải cố gắng để mà theo kịp với chúng bạn. Hồi đó, các sách giáo khoa bằng tiếng Việt vẫn còn thiếu, nên chúng tôi phải học bài trong các sách viết bằng tiếng Pháp với lối trình bày in ấn thật rõ ràng, sáng sủa đẹp mắt. Và nói chung, thì các thầy giáo đều rất tận tâm trong việc sọan bài giảng và hết lòng hướng dẫn cho chúng tôi trong việc học tập để đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi kết thúc hai năm cuối bậc Trung học.

Và chừng vài tháng trước kỳ thi văn bằng Tú Tài I vào năm 1953 cũng như Tú Tài II vào năm 1954, chúng tôi thường họp thành từng nhóm 3 – 4 người để cùng học ôn bài chung với nhau. Nhờ vậy, mà trong lớp có đến gần một nửa học sinh trường công lập đều vượt qua được cửa ải kỳ thi Tú Tài I – mà hồi đó được coi là rất gay go hóc búa. Trong khi đó, thì số thí sinh từ các lớp tư thục lại đậu rất ít, có lớp không quá 10% số học sinh thi đậu. Vì số học sinh thi đậu không nhiều, nên danh sách các học sinh trúng tuyển đều được công bố trên các tờ báo ở Hà nội nữa, để bà con tiện bề theo dõi.

 II – Bạn bè năm ấy – giờ đây ai còn, ai mất?

 Có thể nói trong mấy năm sinh sống và học hành tại Hà nội hồi đó, thì tôi có duyên quen biết gắn bó thân thiết được với cả trăm bạn đồng môn, bạn cùng lứa tuổi với mình. Chúng tôi sống gần gũi nhau, học tập sát cánh với nhau – và cùng có chung những mộng đẹp về một tương lai tươi sáng cho bản thân mỗi người, cũng như cho đất nước và dân tộc Việt nam thân yêu của mình.

Thế nhưng do Hiệp định Geneva quy định việc chia cắt phân đôi đất nước, mà anh em chúng tôi lại phải rời xa nhau, kẻ thì di cư vào miền Nam, người thì theo với gia đình ở lại miền Bắc. Cho đến năm 2014 này, thì chúng tôi đã chia tay sống xa cách nhau đúng 60 năm rồi. Xin ghi lại danh tánh các bạn đã ra đi và các bạn mà tôi đã có dịp gặp lại trong thời gian gần đây.

1 / Những người bạn đã vĩnh viễn ra đi.

Ít nhất phải có đến cả chục bạn đã ra đi từ giã cõi đời, mỗi người trong một hòan cảnh khác nhau. Xin liệt kê như sau.

*Trong số các bạn ở lại miền Bắc sau năm 1954, thì gần đây tôi biết rõ các bạn này đã từ giã cõi đời : Các anh Phạm Xuân Nhàn, Đặng Mộng Lân, Đặng Công Tọai.

*Số bạn di cư vào miền Nam và đã mất ở đây : Các anh Đỗ Vinh, Nguyễn Bá Khánh, Nguyễn Hồ Quỳ, Nguyễn Văn Quí, Nguyễn Hữu Đạo.

*Số bạn mất ở California : Các anh Vũ Ngô Luyện, Nguyễn Ngọc Đĩnh, Nguyễn Hữu Tuệ, Nguyễn Duy Hy, Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Tri Phương, Đoàn Hữu Khánh.‎

 2 / Những người bạn vẫn còn liên lạc được gần đây.

A – Khá nhiều bạn hiện định cư trên đất Mỹ, cụ thể như :

*   Tại California : Các anh Trịnh Đình Cương, Trần Quang Hải, Đỗ Phan Ngọc, Nguyễn Trọng Hiền, Vũ Ngọc Óanh, Nguyễn Ngọc Thụy, Ngô Văn Quang, Trần Văn Điền, Lưu Trung Khảo, Nguyễn Quang Hạ.

  • Tại Texas : Các anh Vũ Tiến Thông, Đặng Văn Đức, Vũ Hữu Bao, Đỗ Huy Hòang.
  • Tại Washington DC : Các anh Hòang Song Liêm, Ngô Đình Thuấn, Bùi Hữu Thư.
  • Tại New Jersey : Anh Chu Văn Hồ.
  • Tại Florida ; Anh Vũ Ngọc Đại

B – Tại Paris Pháp quốc, thì tôi đã gặp lại các bạn : Đỗ Đăng Di, Võ Thế Hào, Bạch Lý Từ, Vũ Dương Tuyền, Phạm Xuân Yêm.

C – Tại Montréal Canada, thì có các bạn : Trần Văn Kim, Đinh Bảo Lĩnh, Bùi Thiệu Tường.

D – Tại Việt Nam, thì ở Hà nội có các bạn : Đỗ Xuân Lôi, Ngô Văn Trọng, Nguyễn Phúc Giác Hải.

* Ở Sài gòn, thì có Phạm Hòai Đức, Lê Đức Cửu và đặc biệt có ba anh là Linh mục Công giáo : Hòang Sĩ Quí, Nguyễn Đức Thiệp, Đoàn Phú Xuân.

III – Để tóm lược lại.

 Trên 60 năm đã qua, bao nhiêu chuyện đổi thay với những hệ lụy buồn vui đã xảy ra trên đất nước ta. Mà khủng khiếp nhất là những đau thương tang tóc chồng chất gây ra bởi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn – khiến làm thiệt mạng đến cả mấy triệu con người – mà tất cả đều là bà con ruột thịt thân yêu của hết thảy chúng ta. Rồi tiếp theo đó lại là một chế độ độc tài đảng trị hủ lậu và khắc nghiệt nhất trong lịch sử trên 4,000 năm của đất nước ta.

Mặc dầu vậy, cái tình cảm thân thương gắn bó giữa các bạn học năm xưa tại Hà nội lúc chúng tôi mới ở vào tuổi mười tám đôi mươi, thì không bao giờ lại có thể bị suy xuyển phai lạt đi được. Vào năm 2014 lúc này, chúng tôi đều đã bước qua tuổi 80 cả rồi và cũng đều đủ từng trải để mà biết an phận vui sống cho đến hết những ngày cuối đời của mình.

*Bài viết ngắn ngủi này nhằm gợi lại chút ít kỷ niệm của thế hệ bọn trai trẻ chúng tôi đã có duyên gặp gỡ, sinh sống và học tập chung với nhau nơi thành phố lịch sử thân yêu hồi những năm đầu của thập niên 1950.

Để kết thúc, ngòai bài thơ “Mùa Thu Nhớ Bạn” đã ghi ở phía trên, tôi xin được gửi thêm đến tất cả các bạn hai câu thơ sau đây nữa :

Cái tuổi thanh xuân thơ mộng ấy

Hãy còn vang vọng mãi trong ta”.

Và cũng xin được gửi lời thăm hỏi thân ái đến với tất cả các bạn.

Xin được bày tỏ nỗi niềm thương tiếc và quý mến đối với tất cả các bạn đã vĩnh viễn ra đi.

Xin cầu chúc các bạn cùng gia quyến luôn được mọi sự An Lành./

 Thành phố Costa Mesa, California Tháng Mười 2014

Đoàn Thanh Liêm

Đi đâu mà vội mà vàng?

Đi đâu mà vội mà vàng?

Bài ghi ngắn của Đoàn Thanh Liêm

* * *

Hồi tôi ở độ 7 – 8 tuổi còn theo học lớp sơ cấp tiểu học, thì được thày giáo

cho các học sinh chép một bài học thuộc lòng gồm có 4 câu thơ mộc mạc đơn

giản theo thể lục bát. Mà nay sau đã trên 70 năm, tôi vẫn còn nhớ rất rõ về

bài thơ đó như sau:

 

“Đi đâu mà vội mà vàng

Mà vấp phải đá, mà quàng phải giây

Thủng thỉnh như chúng anh đây

Chẳng đá nào vấp, chẳng giây nào quàng”

 

Tôi xin mượn câu đầu để làm nhan đề cho bài viết ngắn này.

Sau này, thì tôi được nghe các bậc tôn trưởng cũng nhắc lại câu tục ngữ bằng

chữ Hán gồm có 4 chữ thế này “Dục tốc bất đạt” – có nghĩa là khi làm việc gì

mà cứ muốn có kết quả mau lẹ ngay tức khắc, thì không thể thành đạt được.

Người Pháp cũng có câu khuyên bảo có ý nghĩa tương tự: “ On ne peut pas

bruler les étapes” có nghĩa là “ Người ta không thể đốt giai đọan”. Túc là mọi

sự việc trên đời, thì thường phải diễn ra trong nhiều giai đọan; do vậy mà ta

không thể quá sốt ruột nôn nóng để mà bỏ qua các giai đọan cần thiết bình

thường đó được.

Hồi còn sinh tiền, nhà báo Đỗ Ngọc Yến thường hay tâm sự với bạn bè về

một số nhân vật trong cộng đồng người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ như sau:

“Các ông A, ông B đó là những người rất năng nổ tháo vát và có tài năng

nữa, nhưng các ông ấy lại ít thành công do cái lối nôn nóng, cứ đòi đi lối tắt

(anh Yến nói nguyên văn tiếng Anh là short cut). Vì thế mà việc làm của các

ông ấy không lôi cuốn được nhiều người cùng tham gia cộng tác lâu bền

được. Và kết quả là các ông ấy đã không thể thực hiện được một công trình

dự án nào có quy mô lớn lao hòan chỉnh được cả.

Nhìn rộng ra về đại khối trên 4 triệu người Việt chúng ta hiện định cư tại

nước ngòai từ 40 năm qua, thì quả thật đã có rất nhiều gia đình có con, cháu

gặt hái được những thành công thật đáng ca ngợi về nhiều phương diện, đặc

biệt về mặt khoa học kỹ thuật. Đó là một điểm son đáng kể nhất của người

Việt ở hải ngọai vậy.

Nhưng trong sinh họat tập thể cộng đồng, thì vẫn còn có những chuyện lấn

cấn, bất cập kể cả những chia rẽ phân hóa nơi nhiều đơn vị tổ chức – ngay cả

ở những Hội Ái Hữu, Tương Trợ vốn là những tổ chức hòan tòan có tính cách

tự nguyện, bất vụ lợi mà thường không nên có những tranh chấp vì tiền bạc

hay địa vị danh vọng gì cả.

Lại còn cái chuyện rất phổ biến trong nhiều năm nay mà thường được gọi là

“chụp mũ, đội nón cối” tố cáo lẫn nhau, gán cho nhau cái nhãn hiệu là “ Việt

gian, tay sai cộng sản” nữa. Và xét cho kỹ ra, thì cái sự chia rẽ đó phần lớn

đều do những chuyện lẩm cẩm lặt vặt phát sinh từ lòng tự ái, tính hay chấp

nhất bắt bẻ lẫn nhau về mấy chi tiết nhỏ nhoi mà thôi.

Dù thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng không nên quá bi quan trước tình trạng

không mấy sáng sủa phấn khởi nơi một số sinh họat cộng đồng nói trên. Mà

do nơi môi trường sinh sống mới lạ nơi đất khách, đa số bà con ta còn gặp

nhiều bỡ ngỡ, hụt hẫng đến độ chóang váng mất phương hướng trong cuộc

sống của cá nhân cũng như của tập thể. Vì thế mà chúng ta cần phải giữ thái

độ kiên nhẫn, bao dung thông cảm nhường nhịn đối với nhau – thay vì vội vã

lên án chỉ trích mạt sát nặng lời với nhau – như một vài người khó tính

thường hay vấp phải.

Nói vắn tắt lại, việc điều chỉnh ổn định cuộc sống nơi môi trường văn hóa xã

hội mới lạ ở xứ người là một quá trình vận động sinh họat rất phức tạp – quá

trình này thường đòi hỏi một thời gian tương đối lâu dài hơn, chứ không thể

được phát triển một cách thuận lợi dễ dàng mau chóng theo như mong ước

chủ quan của chúng ta được.

Vì thế mà người tỵ nạn chúng ta cần có sự bình tĩnh, sáng suốt và nhẫn nại

để lần hồi tìm ra được những phương cách thuận lợi êm thắm trong chiều

hướng hội nhập tốt đẹp với dòng chính nơi xã hội sở tại, bởi vì đây chính là

nơi chốn mà chúng ta đã chọn lựa như là một quê hương thứ hai cho cả gia

đình mình vậy./

Westminster California, Tháng 12 năm 2015

Đoàn Thanh Liêm

Cuối năm, tưởng nhớ đến các bạn học đã ra đi.

Cuối năm, tưởng nhớ đến các bạn học đã ra đi.

 Đoàn Thanh Liêm

                                                        *     *     *

Ở vào tuổi bát tuần như tôi lúc này, thì con số bà con trong thân tộc cũng như bạn bè thân thiết ra đi khỏi cõi đời này đã mỗi ngày một chồng chất lên thêm khá nhiều rồi. Tôi thật không thể nào mà liệt kê ra cho đày đủ hết danh tính của những vị đó trong bất kỳ một tài liệu nào được. Vì thế trong bài viết ngắn này, tôi xin chỉ ghi ra đây một số trường hợp tiêu biểu về sự ra đi của những người bạn đã từng sát cánh gắn bó với mình nơi học đường từ cấp trung học ở quê nhà miền Bắc đến cấp đại học ở miền Nam.

I – Các bạn học cùng thời ở miền Bắc từ 1950 đến 1954.

 Dưới chế độ của chính quyền quốc gia, trong hai năm 1950-52, tôi bắt đầu theo học mấy lớp trung học trong huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định gần với gia đình – đầu tiên tại một lớp ở tư gia của Thày Đặng Vũ Tiển trong làng Hành Thiện, rồi sau lên học lớp Đệ Tam tại trường công lập Hồ Ngọc Cẩn ở làng Trung Linh gần với Tòa Giám Mục Bùi Chu.

Rồi từ năm 1952-54, thì tôi được gia đình cho ra Hà nội để theo học tại Trường Chu Văn An. Tại trường này, trong hai năm ấy, tôi đã thi xong văn bằng Tú Tài 1 và 2. Sau đó, thì di cư vào miền Nam vào tháng 8/1954 và tiếp tục học lên cấp đại học.

Ở vào cái tuổi thiếu niên vô tư hồn nhiên thời đó, các bạn học rất đông cùng ở miền đồng quê chúng tôi đều rất thân thiết gắn bó với nhau. Mà nay sau trên 60 năm rồi, thì đã có rất nhiều bạn đã lìa xa cõi thế, bỏ lại anh em, từ giã bạn bè. Xin liệt kê danh tính của một số bạn ấy như sau

1(1) – Những bạn cùng theo học tại quê nhà ở Xuân Trường, Nam Định.

Xin ghi mấy trường hợp đáng ghi nhớ nhất của các bạn Trần Tuấn Nhậm, Vũ Lục Thủy, Vũ Văn Giai và Đặng Công Tọai.

 A/ Bạn Trần Tuấn Nhậm mất vào năm 1981 tại nhà tù trong rừng U Minh, Rạch Giá. Trước năm 1975, Nhậm làm giáo sư dạy học ờ Sài gòn. Và có thời gian bị bắt giam vì họat động chính trị tích cực theo nhóm “đối lập thuộc thành phần thứ ba”. Thế mà sau này, vào cuối thập niên 1970, Nhậm lại bị cộng sản bắt vì lý do “móc nối tổ chức vượt biên” cho mấy em cháu trong gia đình. Và cuối cùng Nhậm đã qua đời trong nhà tù ở vào tuổi 45.

 B/ Bạn Vũ Lục Thủy tên thật là Vũ Năng Phương. Nhưng hầu hết bà con ở hải ngọai thì chỉ biết đến nhà biên khảo nổi danh có tên là Vũ Lục Thủy. Anh bạn lấy tên làng Lục Thủy quê hương mình làm bút hiệu luôn, kể từ khi qua Mỹ năm 1975. Anh có sức làm việc bền bỉ say mê, ít người sánh kịp. Công trình sưu khảo nghiên cứu của anh được các bậc thức giả đàn anh như Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Đình Hòa đánh giá cao. Rất tiếc anh đã qua đời vì bệnh tim ở San Diego năm 2001 lúc mới có 65 tuổi.

C/ Vũ Văn Giai là một sĩ quan cấp tướng duy nhất trong số các bạn học chung với tôi tại trường Hồ Ngọc Cẩn ở Xuân Trường trước năm 1954. Vào miền Nam, Giai theo binh nghiệp và suốt bao năm tháng rong ruổi với những cuộc hành quân liên miên ở vùng giới tuyến sát sông Bến Hải. Không may sau vụ Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Giai bị đưa ra xử trước Tòa Án Quân Sự và bị giam giữ vì chuyện rút quân sai trái sao đó. Rồi đến năm 1975, lại còn bị đi tù ra ngòai Bắc nữa. Giai vừa mất cách nay không lâu ở California ở vào tuổi chưa đến 80.

D/ Đặng Công Tọai ở lại miền Bắc sau năm 1954. Mãi đến sau 1975, chúng tôi lại mới có dịp gặp nhau và nhờ Tọai mà anh em chúng tôi mới biết rõ hơn về những chuyện tàn bạo của chính quyền cộng sản ở miền Bắc vào thời kỳ sắt máu đen tối kinh hoàng ghê gớm đó. Người hay liên hệ với Tọai là Chu Văn Hồ hiện định cư ở New Jersey và qua anh Hồ, chúng tôi được biết Tọai cũng đã qua đời ba năm trước đây thôi ở vào tuổi gần 80.

1(2) – Những bạn cùng theo học tại Hà nội trong các năm 1952-54.

 Rất nhiều bạn đã ra đi, xin ghi ra một số trường hợp mà tôi biết rất rõ về những bạn này: Nguyễn Bá Khánh, Nguyễn Ngọc Đĩnh, Nguyễn Ngọc Phan, Vũ Ngô Luyện.

 A/ Nguyễn Bá Khánh vào Nam đậu cử nhân Toán và đi dạy ở trường Chu Văn An. Bà xã của Khánh là chị Quỳnh hồi năm 1960 lại làm việc chung với tôi tại văn phòng Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhưng do bệnh bao tử, Khánh đã mất rất sớm vào năm 1967 lúc mới ngoài 30 tuổi.

B/ Nguyễn Ngọc Đĩnh trọ học chung với tôi năm 1954, anh rất giỏi về sinh ngữ và là người bạn thân thiết với tôi trong nhiều năm ở Việt nam cũng như ở Mỹ. Tôi rất gắn bó với gia đình cha mẹ chị em của Đĩnh từ ngày còn ở miền Bắc cho đến sau này ở miền Nam. Về công việc chuyên môn, Đĩnh từng được chính quyền thời Đệ Nhất Cộng Hòa cử đi làm việc ở Lào, Thái Lan. Sau này tham gia viết báo và sau 1975 bị bắt đi tù khá lâu. Qua Mỹ được chừng trên 10 năm, thì Đĩnh lìa đời tại California vì bệnh vào năm 2005 ở vào tuổi trên 70.

C/ Nguyễn Ngọc Phan có tài viết văn, năm 1953 anh được giải thưởng khuyến khích văn chương toàn quốc của giới học sinh. Nhưng vào Nam, Phan lại theo học Quốc gia Hành chánh và đi làm công chức. Qua Mỹ từ năm 1975, Phan định cư ở San Diego và gia đình anh lại là suôi gia với gia đình anh chị Vũ Lục Thủy. Phan người thể tạng yếu và đã qua đời vào năm 2008 ở tuổi 75.

D/ Vũ Ngô Luyện là trưởng nam của Thày Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xán. Vào Nam, Luyện đi du học ở Mỹ chuyên về kinh tế. Trước 1975, anh được cử đi làm chuyên viên đại diện Việt Nam tại Ngân Hàng Phát triển Á Châu (ADB = Asian Development Bank). Rồi lại tiếp tục làm việc ở cơ sở đó như là đại diện của Pháp. Do bệnh ngặt nghèo anh đã qua đời ở California vào năm 2006 lúc mới có ngoài 70 tuổi.

E/ Một số bạn mất ở Việt nam gần đây như bác sĩ Phạm Xuân Nhàn (hồi còn đi học với bọn tôi anh đã có tiếng là một võ sĩ quyền Anh – boxeur), giáo sư Đặng Mộng Lân, giáo sư Nguyễn Hữu Đạo.

F/ Một số bạn mất ở California Mỹ gần đây như các giáo sư Nguyễn Hữu Tuệ, Nguyễn Duy Hy.

G/ Một số bạn mất tại Pháp như các giáo sư Phạm Huy Ngà, Phạm Xuân Trường (anh của Phạm Xuân Yêm).

II – Những bạn cùng theo học tại Đại học ở Sài gòn sau năm 1954.

 Có đến 7 – 800 sinh viên từ miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 và trong số này thì ước chừng 250 sinh viên cư ngụ tại Đại học xá Minh Mạng bắt đầu vào năm 1955. Còn lại, thì phần đông ở với gia đình hoặc tại cư xá tư nhân khác. Xin ghi chi tiết về một số trường hợp của các bạn đã ra đi.

2(1) – Anh Nguyễn Đức Nhuần sinh viên Dược khoa mất năm 1957.

Anh Nhuần học cùng thời với tôi ở Hà nội trước năm 1954. Di cư vào Nam anh học ở Dươc khoa và từ năm 1956 tôi lại có dịp chung sống với anh nơi cư xá sinh viên Phuc Hưng trên đường Nguyễn Thông Sài gòn. Ngòai chuyện học, Nhuần lại họat động hăng say trong tổ chức Thanh Niên Lao Động Công Giáo (viết ngắn là Thanh Lao Công) để giúp đỡ giới công nhân giữ vững tinh thần đạo hạnh theo lý tưởng công bằng bác ái trong môi trường lao động thường ngày. Có vài lần, anh nhờ tôi dịch một số bài từ tiếng Pháp để làm tài liệu học tập cho các đòan viên Thanh Lao Công.

Không may, Nhuần bị bệnh nặng về phổi và qua đời vào đầu năm 1957 lúc mới ở tuổi ngòai 20 trước sự thương tiếc ngậm ngùi của số đông bạn hữu.

2(2) – Các anh Đoàn Mạnh Hoạch, Đỗ Vinh trong số các bác sĩ quân y tử trận.

Anh Hoạch là người cùng quê với tôi trong tỉnh Nam Định. Anh học lớp trên, nhưng chúng tôi gặp nhau khi cùng cư ngụ tại trường Gia Long là trại tiếp cư dành riêng cho các sinh viên di cư từ Hà nội vào Sài gòn năm 1954. Hồi đó anh Hoạch là một trong những sinh viên rất năng nổ họat động trong sinh họat văn nghệ báo chí. Đặc biệt là nhờ người em của anh là Đoàn Trọng Cảo có tài kéo accordéon đệm đàn giúp cho bọn sinh viên chúng tôi ca hát trong các buổi trình diễn văn nghệ thật là lôi cuốn sôi nổi.

Còn Đỗ Vinh và người em song sinh Đỗ Kỳ đều là bạn học chung với tôi tại trường Trung học Chu Văn An Hà nội. Rồi vào Nam, Vinh và tôi cũng thường gặp nhau trong những sinh họat của giới sinh viên di cư. Đỗ Vỹ em của Vinh du học ỏ Canada về, thì chẳng bao lâu bị chết vì tai nạn xe cộ ở xa lộ Biên Hòa.

Cả hai anh Hoạch và Vinh đều là bác sĩ quân y mà bị tử thương tại mặt trận vào đầu thập niên 1960, vào lúc mới có ngoài 30 tuổi. Vì thế mà tên của các anh được đặt cho bệnh viện của quân đội như Quân y viện Đòan Mạnh Hoạch ở Ban Mê Thuật, Bệnh viện Đỗ Vinh thuộc Sư Đoàn Dù ở Sài gòn.

2(3) – Hai người bạn sinh viên di cư cùng ở chung trong lều trên khu đất xưa là Khám Lớn Sài gòn: Nguyễn Xuân Nghiên, Nguyễn Văn Thiệu.

Vào cuối năm 1954, sinh viên di cư chúng tôi được chuyển từ trường Gia Long đến sinh sống trong những lều vải một thời gian chừng 4 tháng trước khi dọn vào khu Đại học xá Minh Mạng ở Chợ Lớn. Tôi được ở trong một lều với 7 anh bạn khác nữa, mà tôi vẫn nhớ chuyện vào mùa nắng nhiệt độ buổi trưa trong căn lều thật là oi bức.

Anh Nghiên quê tại làng Hành Thiện rất gần với làng Cát Xuyên của tôi cùng thuộc huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, thành ra tình cảm gắn bó giữa hai chúng tôi càng thêm chặt chẽ vì nghĩa đồng hương với nhau. Sau này, anh Nghiên là một giáo sư dạy môn Lý Hóa rất nổi tiếng ở Sài gòn. Vào năm 1977, Nghiên bị thiệt mạng vì tai nạn xe ở xa lộ Biên Hòa lúc mới ngoài 40 tuổi. Hồi đó, vì tình hình cực kỳ xáo trộn, nên rất ít bạn bè được thông tin để đến nhà viếng thăm linh cữu và tiễn đưa anh.

Còn anh Thiệu hồi đó được bạn bè tặng cho cái danh hiệu là Thiệu Cốp vì trông anh rất giống với ông Malenkov là một lãnh tụ của Liên Xô thời kỳ hậu Stalin. Sau này anh đã tốt nghiệp là một bác sĩ y khoa. Có thời anh Thiệu đã giữ chức vụ Tổng Quản Trị Chương Trình Diệt Trừ Sốt Rét. Qua Mỹ năm 1975, gia đình anh Thiệu định cư ở California và tôi cũng đã gặp lại anh chị mấy lần trước khi anh qua đời vì bệnh vào năm 2004.

Hiện tôi chỉ gặp lại hai người trong số 7 bạn ở cùng căn lều nói trên; đó là các anh bác sĩ Chu Bá Bằng và Phạm Ngọc Tùng. Cả hai gia đình các bạn này hiện đều định cư tại thành phố Houston, Texas.

2(4) – Các bạn học chung tại Trường Luật Sài gòn cuối thập niên 1950.

Các bạn cùng theo học khóa đầu tiên tại Trường Luật Sài gòn do người Pháp chuyển cho chính phủ Việt nam năm 1955, thì vào năm đầu khá đông, nhưng sau 3 năm đến khi tốt nghiệp văn bằng Cử nhân vào năm 1958 chỉ còn lại chừng 70 – 80 người. Và trong số các bạn đồng môn đó, thì đã có rất nhiều người đã lìa xa cõi thế này rồi. Xin ghi ngắn gọn một số trường hợp của các bạn đó như sau xếp theo theo nghề nghiệp của mỗi người.

A/ Các bạn làm luật sư: Trần Tiễn Tự (mất ở Sài gòn năm 1988), Đoàn Văn Lượng (mất ở Pháp năm 1988, có thời anh còn là Nghị sĩ nữa), Nguyễn Phượng Yêm (mất ở Canada năm 1996, cựu Nghị sĩ)

B/ Các bạn làm giáo sư Đại học: Nguyễn Hữu Trụ (mất ở Thụy Sĩ năm 2014), Lê Quế Chi (mất ở Pháp).

III – Để tóm lược lại.

 Thời còn đi học ở ngoài Bắc cũng như trong Nam, chúng tôi đều còn độc thân son trẻ chưa phải lo gánh năng gia đình, nên có nhiều thời giờ sát cánh gắn bó thân thiết với nhau. Do đó mà tình bạn mỗi ngày thêm sâu đậm, anh em kết nghĩa quy tụ vui đùa thoải mái với nhau và còn giúp đỡ tương trợ lẫn nhau mỗi khi có ai gặp chuyện khó khăn.

Riêng đối với tôi, trong những năm tháng theo học ở trung học và đại học, thì tôi quen biết gắn bó thân thương được ước tính tổng cộng đến tới khoảng 500 bạn. Sau này, khi ra trường thì lại còn gặp nhau nơi sở làm, nơi những tổ chức văn hóa xã hội, nơi quân ngũ và sau 1975 lại còn ở trong tù chung với nhau nữa. Và ra đến hải ngoại, thì lại càng dễ dàng gặp nhau vì có nhiều thời gian rảnh rỗi ở vào cái tuổi hưu trí nữa.

Mà nay sau trên 50 – 60 năm, phải có ít nhất 50% trong số các bạn học thuở ấy đã ra người thiên cổ mất rồi. Nhưng trên đây, tôi chỉ có thể ghi ra danh tính của chừng 30 bạn mà thôi. Đó chỉ là một con số điển hình tiêu biểu cho thế hệ tuổi trẻ chúng tôi – mà đã phải sống vào cái thời đất nước chia đôi với cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và sau này lại là vụ di tản ty nạn phân tán ở khắp nơi trong các xứ người.

Vào dịp cuối năm Ất Mùi 2015 sắp tới đây, tôi muốn gợi lại chút ít kỷ niệm vui buồn thân thương với tập thể các bạn cùng theo học sát cánh với nhau ở vào cái tuổi hoa niên thơ mộng ấy. Dù đã có nhiều bạn lìa xa cõi đời, nhưng cái tình cảm chân thật – giữa những người “cùng một lứa bên trời lận đận” với nhau – thì vẫn còn tươi đẹp mãi mãi nơi tâm khảm của mỗi người hiện còn sống sót để mà tiếp tục cái nghiệp duyên của mình trong cõi nhân sinh trên dương thế này.

Và chắc chắn là chẳng bao lâu nữa, chúng ta tất cả rồi cũng sẽ cùng quây quần quy tụ lại bên nhau nơi cõi Vĩnh Hằng đấy thôi./

Costa Mesa, California cuối năm Ất Mùi 2015

Đoàn Thanh Liêm

Giới thiệu sách mới : Cuộc Hội Tụ lớn lao

Giới thiệu sách mới : Cuộc Hội Tụ lớn lao

 Đoàn Thanh Liêm

*Nguyên tác tiếng Anh :   The Great Convergence

                             Asia, the West and the Logic of One World

*Tác giả : Kishore Mahbubani, người Singapore gốc Ấn Độ.

*Nhà xuất bản Public Affairs New York ấn hành năm 2013,

*Sách dày315 trang, giấy trắng, khổ chữ 12, bìa cứng.

I – Giới thiệu vắn tắt về tác giả và nhà xuất bản.

 1/ Tác giả Kishore Mahbubani hiện là Khoa trưởng của Lee Kuan Yew School of Public Policy tại National University of Singapore (NUS). Ông theo học tại Singapore và Canada và đã từng giữ chức vụ Đại sứ của Singapore tại Liên Hiệp Quốc trong nhiều năm. Có thời ông đã giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc.

Ông cũng đã cho xuất bản 3 cuốn sách có nhan đề “ Can Asians Think ? Understanding the Divide between East and West” xuất bản năm 2001, – “ Beyond the Age of Innocence : Rebuilding Trust between America and the World” xuất bản năm 2005, – “The New Asian Hemisphere : The Irresistible Shift of Global Power to the East” xuất bản năm 2008. Và cuốn sách được giới thiệu trong bài viết này là tác phẩm thứ tư của ông ấn hành vào đầu năm 2013.

Ông còn tham gia viết nhiều bài báo cho các tạp chí và nhật báo có uy tín như Foreign Affairs, Foreign Policy, Financial Times. Tờ Foreign Policy liệt kê ông là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu về những vấn đề có tầm vóc tòan cầu (top 100 global thinkers) trong các năm 2005, 2010 và 2011.

Tên gọi của ông Kishore Mahbubani sinh năm 1948 tại Singapore – rõ ràng là khác biệt với tên của đa số người Singapore có nguồn gốc từ Trung quốc. Trong cuốn sách, tác giả cho biết lai lịch của gia đình là xuất phát từ tiểu lục địa Ấn độ – do cha mẹ thuộc lớp người di dân tỵ nạn đến Singapore thời kỳ sau chiến tranh thứ hai – để tránh thóat cuộc tàn sát đẫm máu giữa người theo Ấn Độ giáo và Hồi giao với kết cục là khu vực này bị chia thành 2 quốc gia đối địch là Ấn Độ và Pakistan.

2/ Nhà xuất bản Public Affairs khởi sự thành lập từ năm 1997 ở New York, với logo gồm 3 chữ BBS nhằm vinh danh ba nhân vật có sự đóng góp lớn cho ngành sách báo ở Mỹ. Đó là các ông Benjamin C. Bradlee người lãnh đạo lâu năm của tờ Washington Post, ông Robert L. Bernstein giám đốc điều hành của nhà xuất bản Random House và cũng là sáng lập viên của tổ chức Human Rights Watch, ông I.F. Stone chủ nhân của tuần san I.F. Stone’s Weekly, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Trial of Socrates. Nhà xuất bản Public Affairs đã cho ra đời nhiều cuốn sách có giá trị được giới độc giả khắp thế giới hoan nghênh tìm đọc.

 II – Trình bày mấy nét chính yếu trong cuốn sách.

 Là một nhà ngọai giao kỳ cựu và cũng là một học giả có tiếng tăm trên thế giới, tác giả Kishore Mahbubani đã trưng dẫn ra những sự kiện lạc quan về tình hình thế giới, đại khái như sau : Nạn nghèo khó cùng cực đã giảm bớt – Không còn chiến tranh lớn giữa các quốc gia – Giai cấp trung lưu càng ngày càng đông đảo hơn – Sự cải thiện về mức sống chỉ riêng trong thời gian 30 năm gần đây vào cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI – đã rộng lớn hơn là trong suốt 300 năm trước đó.

Nhưng cục diện chung của thế giới cũng đòi hỏi đặc biệt là khối Âu Mỹ gồm Hoa kỳ và Tây Âu phải có những nhượng bộ đáng kể để mà thích nghi được với mối tương quan lực lượng mới do sự lớn mạnh của những quốc gia ngòai khối Tây phương (Non-Western World) – điển hình là Trung Hoa, Ấn Độ, Brazil và Nigeria.

Cụ thể là phải cải tổ cơ cấu của Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế căn bản như Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF = International Monetary Funds), Ngân Hàng Thế Giới (WB =World Bank).

Tác giả đưa ra một hình ảnh thật sinh động là : Thế giới ngày nay giống như một con tàu lớn mà có đến 193 khoang cabin tức là 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nhưng mỗi chủ khoang cabin chỉ chăm lo riêng cho cabin riêng biệt của mình – mà không có ai chịu lo chung cho tòan thể con tàu. Tức là cần phải có một thứ thẩm quyền tòan cầu (A Global Governance) – để mà giải quyết những vấn đề sinh tử liên hệ đến vận mạng của trên 7 tỷ con người hiện sống chung trên hành tinh trái đất đang gặp phải nhiều nguy cơ mỗi ngày một trầm trọng hơn mãi.

Về mặt bố cục, sách được phân bố trong 7 chương với phần Dẫn nhập ở đầu và phần Kết luận ở cuối. Mỗi chương có tiểu đề riêng như sau :

1 – Nền Văn minh Tòan cầu Mới.

2 – Lý thuyết Một Thế giới.

3 – Tính Vô lý Tòan cầu

4 – Bảy Mâu thuẫn Tòan cầu

5 – Địa Chính trị có làm lệch hướng sự Hội tụ chăng?

6 – Bức Rào ngăn cản sự Hội tụ.

7 – Quy tụ về Thẩm quyền Tòan cầu.

Kết luận : Bởi vì Tất cả Cái gì Hướng thượng thì đều Hội tụ lại với nhau. Câu văn này làm ta nhớ lại lời phát biểu của nhà khảo cổ học người Pháp lừng danh từ hồi đầu thế kỷ XX là Teilhard de Chardin – với nguyên văn tiếng Pháp như sau : “Tout ce qui monte, converge”.   Vào mùa hè năm 1967, Viện Đại học Đalat có tổ chức một cuộc Hội thảo khá quy mô với chủ đề là : “Tìm cách xác định những Mục tiêu Quốc gia” (Our National Goals) – thì Ban Tổ chức có cho trưng bày tại Đại sảnh đường một bảng khẩu hiệu thật lớn ghi nguyên văn lời phát biểu này của nhà khoa học de Chardin.

 III – Đánh giá của giới thức giả quốc tế về tác phẩm.

 Cuốn sách này được nhiều học giả và giới chức quốc tế đánh giá cao, điển hình như mấy nhân vật sau đây :

*Ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký LHQ ghi nhận : ” Kishore Mahbubani đưa ra lời nhắc nhủ thú vị rằng nhân lọai sẽ mạnh mẽ nhất khi chúng ta cùng làm việc với nhau vì lợi ích chung của tất cả mọi người”.

*Giáo sư Joseph S. Nye, tác giả sách “The Future of Power”, thì viết : “Trên hết, tác giả tìm cách hòa giải 12% dân số thế giới sinh sống tại phương Tây với tuyệt đại đa số ở ngòai phương Tây. Kết cục đây là cuốn sách tốt và quan trọng.”

*Ông Pascal Lamy, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization = WTO) thì nhận định : “”Đây là cuốn sách cần phải đọc đốí với những ai quan tâm đến vấn đề chính trị quyền lực và tương lai của sự cai trị tòan cầu (global governance).

*Ông Fareed Zakaria, tác giả sách “The Post-American World”, thì viết : “Cuốn sách có tính khích động, quyến rũ và thông minh. Tác giả đem lại một viễn tượng sâu sắc về tình hình tòan cầu, bắt nguồn từ Á châu, nhưng cũng tìm hiểu cả Âu châu và Mỹ châu nữa…”

IV – Xin ghi thật tóm tắt một số điểm đáng chú ý nhất trong cuốn sách quan trọng này.

Nói chung, thì cuốn sách nêu ra những vấn đề có tầm vóc thật lớn lao quan trọng cho tòan thể nhân lọai vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Những vấn đề được nêu ra ở đây, thiết nghĩ cần được sử dụng như là những gợi ý cho các cuộc trao đổi thảo luận rộng rãi cả trong môi trường hàn lâm đại học, cũng như trên các diễn đàn truyền thông đại chúng. Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, người viết xin lần lượt trình bày qua những tiểu mục sau đây :

1 – Người nói có sách, mách có chứng.

Là một nhà ngọai giao kỳ cựu và hiện là một giáo sư và tác giả có tiếng tăm, nên trong cuốn sách này tác giả đã trưng dẫn rất nhiều tài liệu tham khảo khả tín và cập nhật cho đến tháng 9 năm 2012 mới đây – chủ ý nhằm làm sáng tỏ cho lập luận vững chắc của mình. Những số liệu thống kê, những biểu đồ, những lập luận của các học giả và những nhận định của giới chức lãnh đạo quốc tế v.v… đã được tác giả thận trọng chọn lựa sử dụng để chứng minh cho quan điểm mạnh bạo mà độc đáo của mình. Trong phần Ghi Chú được dàn trải trong suốt hơn 20 trang ở cuối sách (từ trang 275 đến trang 297) – tác giả cho ta thấy xuất xứ của những tài liệu tham khảo – để người đọc nếu muốn thì có thể đào sâu thêm vấn đề được nêu ra.

2 – Những phê phán thẳng thắn, không hề khoan nhượng đối với những sự vô lý và bất cập trong chính sách hiện nay của những cường quốc – đặc biệt là của Hoa Kỳ.

Lúc này là một nhà giáo, nên tác giả không còn phải uốn lưỡi lựa lời như khi còn là nhà ngọai giao – do đó Mahbubani đã không ngần ngại lên tiếng phê phán nặng nề đối với chính sách trái khóay ngược đời của những cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ và Tây Âu. Tác giả chỉ trích mạnh mẽ chuyện Hoa Kỳ (và một vài nước lớn khác như Trung Hoa, Nga, Ấn Độ) không chịu ký vào Hiệp Ước Luật Biển (Law of the Sea Treaty) đã được Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 1982 – không tham gia ký Nghị Định Thư Kyoto về việc giảm khí thải do Hiệu ứng Nhà Kiếng (Kyoto Protocol on GHG = Green House Gas) – không tham gia vào Tòa Án Hình sự Quốc tế (ICC = International Criminal Court) – không ký vào Hiệp ước cấm sử dụng mìn (Mine Ban Treaty = Ottawa Treaty) v.v… – mặc dầu các định chế này đã được đa số các quốc gia thành viên của LHQ thông qua.

Tác giả còn vạch ra sự cấu kết của Hoa Kỳ và Tây Âu trong việc lũng đọan các định chế quốc tế cao cấp nhất như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế , Ngân Hàng Thế Giới. Ông còn phê phán cả tính cách lỗi thời trong việc điều hành của Hội Đồng Bảo An LHQ – và đề nghị cần phải mạnh dạn cải tổ tòan bộ những cơ cấu đã được phát sinh trong bối cảnh của Đệ nhị Thế chiến, mà ngày nay không còn thích hợp nữa.

3 – Những dấu hiệu lạc quan.

  1. a) Trong nhiều trang, tác giả đưa ra những số liệu phản ánh sự đi lên của xã hội – và đó là cơ sở cho thái độ lạc quan của nhiều người, đặc biệt là của người dân châu Á mà điển hình là người Ấn Độ và Trung Hoa. Cụ thể như nơi trang 24, tác giả trưng dẫn 2 biểu đồ ghi ra sự tăng trưởng của giai cấp trung lưu (middle class) ở vùng À Châu Thái Bình Dương như sau : Vào năm 2009, thì giai cấp này chiếm tỷ lệ 28%; nhưng đến năm 2020, thì tỷ lệ này sẽ là 53% đối với tổng số giới trung lưu trên tòan cầu – tức là chiếm vị trí đa số. Ngược lại, cũng trong thời gian đó, thì tỷ lệ của Mỹ và Âu châu lại tụt giảm từ 54% xuống còn có 32% – tức là ợ vị trí thiểu số.

Nhưng điều quan trọng là khối trung lưu có thể lên tới con số cả ngàn triệu người này lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đó là làm áp lực trong việc xây dựng tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới.

  1. b) Tác giả còn trưng dẫn nhiều trường hợp biểu lộ sự đóng góp của các think tank, các viện nghiên cứu, các đại học, các NGO (tổ chức phi chính phủ) v.v… vào việc giải quyết những tranh chấp căng thẳng trên thế giới. Điển hình như tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF = World Economic Forum) nhóm họp vào tháng Giêng mỗi năm tại thành phố Davos Thụy Sĩ, thì các NGO sát cánh với những viên chức chính phủ làm giảm bớt đáng kể bàu không khí căng thẳng thường xảy ra trong giới ngọai giao vì những mâu thuẫn tranh chấp giữa nước này với nước khác. Đó là một thứ Sức Mạnh Mềm (Soft Power) mỗi ngày càng lớn lao của đông đảo khối quần chúng trên khắp thế giới ngày nay.

Nói cách khác, các tổ chức thuộc Xã hội Dân sự càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực bang giao quốc tế – mà được gọi là những “Tác nhân không phải là Nhà nước” (Non – State Actors).

 *     * Để tóm tắt lại, đây là một cuốn sách rất có giá trị do người am hiểu sâu sắc và có tầm nhìn bao quát về tình hình thế giới – cung cấp cho công chúng những thông tin, tư liệu, kể cả các giai thọai hấp dẫn mà ít người được biết đến. Tác giả đưa ra những suy luận, những gợi ý nhằm góp phần cải thiện môi trường chính trị tòan cầu với một thiện chí xây dựng tích cực và một thái độ lạc quan thông thóang.

Người viết rất hân hạnh được giới thiệu với độc giả người Việt cuốn sách có tầm vóc thật bao quát rộng lớn này./

Costa Mesa California, tháng Hai 2014

Đoàn Thanh Liêm

Peter F Drucker : Một con người chính trực

Peter F Drucker : Một con người chính trực

(1909 – 2005)

 Bài của : Đoàn Thanh Liêm

Peter Ferdinand Drucker sinh năm 1909, tại thành phố Vienna, thủ

đô nước Áo. Ông mới qua đời tại thành phố Claremont, thuộc miền

Nam California vào năm 2005, ở tuổi thọ 96. Trong suốt trên 60

năm ông chuyên dậy học tại nhiều trường đại học ở Mỹ, viết rất

nhiều sách chuyên về vấn đề quản lý, và đồng thời còn làm cố vấn

cho rất nhiều đại công ty kinh doanh tư nhân, cho các cơ quan

chánh phủ tại ba quốc gia Mỹ, Nhật và Canada, và đặc biệt ông đã

tận tình hỗ trợ cho các tổ chức thiện nguyện bất vụ lợi.

Có thể nói Peter Drucker là một mẫu người ngoại hạng, với sự

nghiệp chuyên môn hết sức lớn lao, và nhất là một nhân cách sáng

ngời của sự ngay thẳng chính trực.

Bài viết này xin được giới thiệu chi tiết với quý bạn đọc người Việt

về con người sĩ phu trí thức rất mực cao quý này của thế kỷ XX.

 

A – Học tập ở Âu châu, thành danh ở Mỹ châu.

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức tên tuổi, với người cha là

một vị luật sư và giáo sư đại học, Peter Drucker ngay từ buổi thiếu

thời đã được tiếp xúc với những vị thức giả có tên tuổi lớn tại Âu

châu, điển hình như Sigmund Freud là người đã khai sinh ra ngành

Phân tâm học (Psychanalysis).

Sau khi tốt nghiệp trung học tại quê nhà vào năm 1927, thì Peter

qua học về luật tại đại học Frankfurt bên nước Đức. Tại đây, ông

đậu văn bằng tiến sĩ về luật quốc tế và công pháp. Ông chịu ảnh

hưởng của bậc đại sư, mà cũng là một người bạn của thân phụ ông,

đó là giáo sư Joseph Schumpeter về sự quan trọng của tinh thần

sáng tạo và tài năng tháo vát trong lãnh vực kinh doanh. Rồi sau

này khi rời bỏ nước Đức lúc Hitler lên cầm quyền vào năm 1933,

để qua sống tại Anh quốc, thì ông được thụ giáo với cả vị kinh tế

gia lừng danh thời trước chiến tranh là John Maynard Keynes

Ở tuổi đôi mươi ông đã hăng say tham gia viết báo, làm việc trong

ngành bảo hiểm, rồi ngành xuất nhập cảng và ngân hàng tại nước

Đức và nước Anh.

Vào năm 1937, với tư cách là đặc phái viên cho một nhóm báo chí

Anh quốc, ông qua Hoa Kỳ cùng với người vợ mới cưới là Doris

Schmitz. Vào tuổi ba mươi, với tài năng chín mùi, Peter Drucker

đã có nhiều cơ hội phát huy sở học và kinh nghiệm thâm hậu của

mình. Ông được mời giảng dậy tại nhiều trường đại học tại phía

miền đông nước Mỹ như trường New York University trong gần 30

năm. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các tờ báo nổi danh

về kinh tế tài chánh như Wall Street Journal, The Economist,

Harvard Business Review, và với cả các tờ báo có uy tín hàng đầu

như The Saturday Evening Post, The Atlantic Monthly v.v…

Kể từ năm 1945, ông được nhiều đại công ty như General Motors

mời làm cố vấn. Tính ra ông đã nhận làm cố vấn cho trên 50 công

ty tầm cỡ rất lớn như General Electric, Coca Cola, IBM, Citycorp,

Intel… Ông cũng được giới doanh nhân ở Nhật rất tín nhiệm và

mời ông vào chức vụ cố vấn cho các vị giám đốc của Toyota Motor

Corp., Ito-Yokado Group v.v… nữa. Đó là chưa kể đến việc làm cố

vấn miễn phí cho các tổ chức bất vụ lợi như Hội Nữ Hướng đạo

Mỹ, Salvation Army, Hội Hồng Thập Tự, tổ chức CARE v.v…

Sau đó vào thập niên 1970, thì ông qua California, tiếp tục việc

dậy học và làm cố vấn cho nhiều cơ sở kinh doanh tại phía bờ biển

miền tây nước Mỹ. Ông giữ chức vụ Giáo sư về Khoa học Xã hội

và Quản trị tại trường Cao học về Quản trị Claremont, mà sau này

được đổi tên là “Peter F. Drucker School of Management” để vinh

danh ông vào năm 1987. Lớp học cuối cùng ông dậy tại trường này

là vào năm 2002, lúc ông đã bước vào tuổi 92.

Về sự nghiệp biên soạn sáng tác, ông đã cho xuất bản 39 cuốn

sách, phần lớn bàn về vấn đề quản trị, mà điển hình là cuốn “The

Practice of Management” xuất bản năm 1954 và cuốn

“Management : Tasks, Responsabilities, Practices” xuất bản năm

  1. Riêng về lãnh vực các tổ chức bất vụ lợi, thì có cuốn viết

năm 1990 với nhan đề : “Managing the Non-Profit Organisation:

Principles and Practices”. Phần lớn các sách của ông đã được dịch

ra trên 30 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

 

B – Các giai thọai về nhân vật xuất chúng Peter Drucker.

Ít có nhân vật nào mà lại xông xáo họat động năng nổ tích cực

trong cả ba khu vực cấu thành “không gian xã hội” như là Peter

Drucker (the social space bao gồm khu vực Nhà nước, khu vực Thị

trường kinh tế và khu vực Xã hội dân sự). Ông giúp cho các nhà

lãnh đạo cơ sở công quyền, cũng như giám đốc công ty xí nghiệp

tư nhân trong việc họach định được một chính sách tối ưu. Mà đặc

biệt ông còn hỗ trợ hết mình cho các tổ chức phi chánh phủ, bất vụ

lợi thực hiện được những thành tựu tốt đẹp cao nhất trong công

cuộc phục vụ nhân quần xã hội.

Những khám phá của ông trong lãnh vực quản lý xí nghiệp đã trở

thành một huyền thọai, được truyền tụng trong giới doanh nhân

cũng như trong giới hàn lâm đại học. Nhiều người đã gọi ông là

nhà tư tưởng táo bạo, một triết gia của xã hội kỹ nghệ đang ở vào

giai đọan phát triển cao độ. Lớp học do ông giảng dậy thu hút quá

đông sinh viên theo học, đến nỗi nhà trường phải sử dụng cả khu

tập thể dục mới có đủ chỗ rộng rãi cho thầy trò sinh họat, trao đổi

thảo luận với nhau cho thoải mái được

Một cựu sinh viên kể lại câu chuyện như sau : Dù lớp học đày ắp

sinh viên, mà giáo sư Drucker vẫn tìm cách nêu các câu hỏi gợi ra

sự tranh luận sôi nổi giữa cử tọa. Có lần ông hỏi cả lớp như thế này

đây : “ Các bạn cho tôi biết sự kiện nào nổi bật, gây ảnh hưởng

nhất trong thời gian 100 năm gần đây trong xã hội nước Mỹ? Các

sinh viên lần lượt kê ra, nào là sự phổ biến điện thọai, điện lực, hai

cuộc thế chiến, cuộc khủng hỏang kinh tế …Tất cả các câu trả lời

đều bị giáo sư lắc đầu, từ chối. Cuối cùng thì ông cho chúng tôi

biết : Đó là việc sản xuất xe hơi hàng lọat (the mass production of

automobile), vì nó tạo cho giới nông dân phương tiện để chở vợ

con ra thành phố vào cuối tuần – nhờ đó mà họ mới tránh được lọai

bệnh tâm thần do sự cô lập quạnh hiu ở nông thôn gây ra… Đây

quả thật là một lối suy luận độc đáo, bất ngờ khiến cả lớp chúng tôi

cứ nhớ hòai!”

So với các bậc tiền bối, thì quả thật Peter Drucker là thứ “hậu sinh

khả úy”, là môn đệ mà đã vượt qua cả bậc sư phụ của mình. Cụ thể

như đối với Frederik Taylor (1866 – 1915) là người khai sáng ra

môn tổ chức công việc sản xuất theo khoa học nhằm nâng cao

năng xuất trong kỹ nghệ, thì Drucker đã bổ túc môn này bằng cách

mở rộng sự nghiên cứu trong lãnh vực văn hóa, quan hệ nhân bản,

và nhất là viễn tượng tương lai đối với những thách đố và khả năng

trong xã hội kỹ nghệ. Và đối với John Maynard Keynes (1883-

1946) thì cũng vậy, Drucker đưa thêm vào lý thuyết định lương vĩ

mô (macro-economics) của vị đại sư này cái phương pháp nghiên

cứu về động thái con người (behavior of people); như vậy là làm

tăng thêm khía cạnh nhân bản trong lãnh vực kinh tế vi mô (micro-

economics).

Các giám đốc công ty đã không tiếc lời ca ngợi vị đại sư Peter

Drucker. Điển hình như Andy S. Grove của công ty Intel Corp., thì

đã viết : “Lời khuyến cáo của ông đã ảnh hưởng đến không biết

bao nhiêu hành động hàng ngày tại các xí nghiệp. Và riêng đối với

tôi, thì cái ảnh hưởng đó đã kéo dài liên tục trong nhiều thập niên”.

Tom Peters thì gọi Drucker là người đã sáng lập ra môn khoa học

quản lý hiện đại; ông là người đầu tiên đã cung cấp cho chúng ta

thứ dụng cụ để quản lý những tổ chức kinh doanh mỗi ngày càng

trở thành phức tạp hiện nay.

 

C – Con người ngay thẳng chính trực.

Nhưng Peter Drucker còn làm cho bao nhiêu người mến phục bởi

sự ngay thẳng chính trực lạ thường của ông. Ngay từ thời còn ở

bên nước Đức, lúc mới có 23-24 tuổi, ông đã viết một cuốn sách về

nhà triết học Friedrich Julius Stahl, mà đã bị chính quyền Đức

quốc xã tịch thu và cho đốt hết đi. Mấy năm sau, thì cuốn sách thứ

hai nhan đề “Vấn đề Người Do Thái tại nước Đức” cũng lại chịu

chung số phận đó. Đến nỗi mà hiện nay chỉ còn sót lại một cuốn

duy nhất trong văn khố nước Áo với dấu hiệu chữ vạn đóng trên

bìa sách.

Được nuôi dưỡng theo truyền thống nghiêm túc của đạo Tin lành,

Peter Drucker đã sống và hành động theo những nguyên tắc chặt

chẽ về luân lý và đạo hạnh. Mặc dầu được các đại công ty trả

lương rất hậu cho dịch vụ cố vấn của ông, Drucker cũng không

ngần ngại phê phán những thiếu sót bất cập của giới doanh nghiệp

tại Mỹ. Khi được biết giới đứng đầu doanh nghiệp dành cho mình

những bổng lộc quá lớn, lên đến cả trăm lần lương của người công

nhân bình thường, ông đã không cầm được sự giận dữ và lên tiếng

phê phán gắt gao chuyện này. Ông nói : “Đó là điều không thể tha

thứ được, xét về mặt luân lý cũng như về mặt xã hội; và chúng ta

sẽ phải một cái giá nặng nề cho tình trạng này.” (This is morally

and socially unforgivable, and we will pay a heavy price for it).

Ông còn ghi rõ là : “ Thâu nhập của người giám đốc không được

gấp quá 20 lần mức lợi tức của người công nhân”.

Thất vọng trước sự sa sút về phương diện giá trị đạo đức của giới

doanh nghiệp Mỹ, ông đã phải thốt lên : “Đó là sự thất bại cuối

cùng của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp” (the final failure of

corporate capitalism).

Và kết cục là ông đã dành hầu hết thời giờ và năng lực vào việc

yểm trợ cho các tổ chức bất vụ lợi. Đó là lãnh vực xã hội dân sự,

mà ông tin tưởng sẽ góp phần quan trọng vào việc phục hồi lại hệ

thống giá trị tốt đẹp truyền thống của nước Mỹ. Ông đặc biệt dành

sự ưu ái cho mục sư và cũng là một tác giả nổi danh với cuốn sách

bestseller “The Purpose-driven Life” Rick Warren của Nhà thờ

Saddleback tại thành phố Lake Forest trong Quận Cam miền Nam

California. Vị mục sư này thuật lại rằng : Ông Peter Drucker căn

dặn tôi : “Chức năng quản lý trong một nhà thờ là làm cho nhà thờ

đó mỗi ngày đích thực là nhà thờ hơn, chứ không phải là một loại

tổ chức kinh doanh (to make the church more churchlike, not more

businesslike). Như vậy thì nhà thờ mới có thể thực hiện đúng sứ

mệnh riêng biệt của mình.”

** Tóm tắt lại, ta có thể ghi nhận rằng Peter Drucker là một mẫu

người ngoại hạng của thế kỷ XX. Sự đóng góp chuyên môn trong

việc giáo dục đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trong ngành quản trị

doanh nghiệp, trong sự nghiệp trước tác, cũng như trong việc cố

vấn hướng dẫn cho giới lãnh đạo cơ sở công quyền, cũng như xí

nghiệp tư nhân, và nhất là trong sự yểm trợ cho các tổ chức bất vụ

lợi thuộc khu vực Xã hội Dân sự, thì thật là lớn lao vĩ đại ít người

nào có thể sánh kịp được.

Mà còn hơn thế nữa, cái nhân cách trong sáng và tính ngay thẳng

chính trực của ông mãi mãi là một tấm gương cao quý cho giới sĩ

phu trí thức cùng khắp thế giới hiện nay noi theo vậy./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010

Đoàn Thanh Liêm

Raymond Aron và Tôi

 Raymond Aron và Tôi

Tác giả : Đoàn Thanh Liêm

Doan Thanh Liem

I — Tóm lược : Thân thế và Sự nghiêp.
(Raymond Aron : 1905 – 1983)

Raymond Aron sinh năm 1905 tại Pháp, ông là con của vị luật sư gốc Do Thái. (Xin viết tắt cho gọn : RA). Ông là người đương thời và cũng là bạn đồng môn với Jean – Paul Sartre, khi cùng theo học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Superieure) ở Paris. Cả hai vị này, mỗi người mỗi vẻ, đều để lại một sự nghiệp đồ sộ, làm vinh dự cho nước Pháp vào nửa sau của thế kỷ 20. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Sư Phạm, RA đã được sang bên nước Đức nghiên  cứu thêm về Triết học, Xã hội học, và trở về dậy học tại một trường trung học ở miệt tỉnh. Ông  đậu bằng Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ một cách dễ dàng, và được các bạn đồng môn đánh giá là có trí  thông minh vượt trội, ngang ngửa với Jean-Paul Sartre.

RAYMOND ARON 1

Vừa mới bắt đầu lên dậy bậc Đại học, thì chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) xảy ra. Và
sau khi nước Pháp bại trận năm 1940, thì RA phải lưu vong sang nước Anh. Tại đây RA đã nhận  làm chủ biên cho Tập san “La France Libre” (Nước Pháp Tự Do) do Chánh Phủ lưu vong của  Tướng De Gaulle chủ trương. Hết chiến tranh, RA tham gia vô ngành báo chí và viết cho báo Le  Figaro là một tờ báo vào loại hàng đầu của Pháp với lập trường “thiên hữu”. Từ giữa thập niên 1970, thì ông sang viết cho tuần báo Express. Đồng thời ông cũng dậy ở Đại học Sorbonne, Học viện Chính trị (Sciences Po.), nhưng vẫn tham gia viết báo. Có thể nói RA vừa là nhà giáo, mà cũng vừa là nhà báo.

RA không những dậy học ở Pháp, mà ông còn được mời đi dậy ở Đức, ở Mỹ và tại nhiều nước
khác nữa. Ông còn được mời đến dậy ở Collège de France (Học viện Pháp quốc) là cơ sở giáo
dục bậc cao nhất của nước Pháp.Về sự nghiệp viết báo, thì ông đã có nhiều công trình biên khảo  được đăng trên những tập san chuyên môn hàng đầu của thế giới, kể cả trong bách khoa toàn thư Enclycopedia Britannica. RA còn là tác giả của trên 40 cuốn sách, mà phần đông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Anh, và được rất đông người đọc mến chưộng.

Khác với Sartre là người có lập trường thiên về phía cộng sản, RA phân tích mổ xẻ rành mạch
những khuyết điểm, sai lầm tai hại của phe cộng sản, nhất là tại Liên Xô.Vào thập niên 1950-60, phần đông giới trí thức ở Pháp thiên vị về phía công sản, do vậy mà RA bị coi là ở phe thiểu số. Dầu vậy, ông vẫn kiên định trong lập trường chống độc tài cộng sản, và không bao giờ tỏ ra có sự chao đảo như một số nhà trí thức khác ở Âu châu thời sau chiến tranh. Cũng vì thế, mà Raymond Aron đã không được bầu vào trong Hàn Lâm Viện của Pháp, danh dự mà ông rất xứng đáng được trao tặng.

Những phân tích, nghiên cứu của ông rất nghiêm túc, chính xác theo tinh thần khách quan của giới hàn lâm khoa học. Điều này đã được thực tế xã hội chứng minh rành rành, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và ở chính Liên Xô vào cuối thập niên 1980, nơi mà xưa kia phe cộng sản vẫn tung hô là “thiên đường của chủ nghĩa xã hội”. Chỉ tiếc là đến lúc đó, thì Aron đã ra người thiên cổ mất rồi (ông qua đời năm 1983)

• Cuốn sách “L’opium des intellectuals” (Nha phiến của giời trí thức) xuất bản năm 1955 lúc ông vừa 50 tuổi, được coi là một công trình biên soạn thời danh, gây chấn động khắp thế giới, cùng lúc với 2 cuốn khác là cuốn “Giai cấp mới” của Milovan Djilas người Nam Tư và cuốn “Doctor Zhivago” của văn hào Nga mà được giải thưởng Nobel về Văn chương là Boris Pasternak. Khác với văn hào Andre’ Malraux là người chỉ biết xưng tụng tôn vinh De Gaulle, mà cũng khác với Jean Paul Sartre là người luôn thiên về phe cộng sản, Aron thật sự nghiêm túc trong sự phân tích khoa học về các vấn đề chính trị xã hội có tầm mức ảnh hưởng toàn cầu. Là nhà báo, ông có cơ hội tiếp cận thường xuyên với tình hình thực tế khắp nơi trên thế giới, và trao đổi với các đồng nghiệp trong ngành truyền thông, cũng như gặp gỡ tiếp súc với giới lãnh đạo chính trị tại nhiều nước. Mà cũng vì là nhà giáo, Aron cũng rất thận trọng, khúc chiết mạch lạc trong cách trình bày lý luận của mình nơi các bài giảng cho sinh viên tại Sorbonne, cũng như cho sinh viên tại Mỹ, tại Đức v.v… Chính Henry Kissinger, một bậc kỳ tài của Đại học Harvard, mà còn phải tôn Raymond Aron là sư phụ của mình, như được ghi trong Lời Giới thiệu cuốn Hồi ký RA, bản dịch sang tiếng Anh xuất bản năm 1990.

Raymond aron 2

Raymond Aron rất chững chạc trong lối phát biểu, cũng như trong lối viết. Ông không bao giờ
dùng những lời “đao to búa lớn” như Sartre là người sử dụng những từ ngữ miệt thị vô trách
nhiệm đối với giới tư bản trưởng giả, như là chữ “cochons, salauds” (đồ con heo, đồ đểu giả)
nhằm mỵ dân, lôi cuốn giới trẻ người non dạ. Hoặc đưa ra những khẩu hiệu như: “l’enfer, c’est
les autres” (người khác là địa ngục đối với ta) v.v…Về đời sống gia đình riêng tư, Aron cũng rất mực thước, phải chăng, vợ chồng con cái thuận hòa êm thắm. Khác hẳn với Sartre vốn là người  thường tự cho mình được quyền ở ngoài vòng cương tỏa của luân lý xã hội, tha hồ tung hoành vối lối sống phóng túng, bất cần đời, coi thường cái khuôn khổ luân thường lễ giáo xưa nay của xã hội.

Về cuối đời của ông, học giới tại nước Pháp đã thành lập một trung tâm nghiên cứu lấy tên ông là: “Centre de Recherches Politiques Raymond Aron – CRPRA” đặt tại Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội (Ecole des Hautes Etudes des Sciences Sociales – EHESS ). Trung Tâm được khởi sự từ năm 1982, đúng một năm trước khi RA qua đời vào năm 1983, và sau này được hoàn chỉnhnhằm khuếch trương công cuộc nghiên cứu thâm sâu về khoa học xã hội, đặc biệt dành cho giới sinh viên bậc cao học và tiến sĩ. Mỗi năm lại có việc Trao Giải Thưởng Raymond Aron cho các công trình nghiên cứu xuất sắc về các đề tài đã được RA khai mở. Cho đến nay, vào tháng 12/2007, thì đã có tới 38,120 vị ân nhân đóng góp cho Trung tâm CRPRA này

Gần đây học giới ở Pháp đã phục hồi lề lối nghiên cứu khoa học xã hội theo “truyền thống
Raymond Aron”, đó là tách việc nghiên cứu khoa học xã hội ra khỏi sự chi phối của “ý thức hệ” như các trí thức phe tả thường lấn áp trong thời kỳ sau chiến tranh thứ hai, với cao điểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản. Và đây chính là sự đóng góp vĩ đại của RA trong lãnh vực học thuật và tư tưởng hiện đại trên thế giới ngày nay.

Có thể nói RA đã góp phần rất đáng kể trong việc phát triển ngành xã hội học chính trị (political sociology) nối tiếp truyền thống của những Alexis de Tocqueville, Max Weber, Joseph Schumpeter v.v…Và RA cũng giống như Karl Popper là những người đều chủ trương sự cải thiện xã hội bằng phương thức bất bạo động, kiên nhẫn và khiêm tốn, chứ không bằng lối cưỡng bức sắt máu như của cộng sản. Cái khẩu hiệu “Piecemeal Social Engineering” của Karl Popper hiện nay đang được người môn đệ nổi danh từ London School of Economics, là George Soros khai triển và ứng dụng qua chủ trương của cơ quan “Open Society Institute” (OSI) với trụ sở chính đặt tại New York, để góp phần phục hồi Xã hội Dân sự tại các nước Đông Âu và Nga kể từ ngày chế độ cộng sản sụp đổ gần 20 năm nay.

II — Raymond Aron và Việt Nam … và Tôi.

Là một nhà báo thượng thặng, ông chú trọng đến chuyện chiến tranh Việt nam ngay từ hồi cuối thập niên 1940. RA có kể lại chuyến viếng thăm VN vào năm 1953, nhưng coi như không có mấy tiếp xúc với chính quyền Bảo Đại trong dịp này. Mãi đến năm 1968, RA mới chú ý đến tài liệu của cựu Đại sứ Phạm Duy Khiêm, người bạn cùng học chung ở Cao Đẳng Sư Phạm hồi 40 năm trước. Bản thông báo của Đại sứ Khiêm về cuộc thảm sát ở cố đô Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 rõ ràng là có sức thuyết phục đối với giới trí thức ngay thẳng, lương thiện như Aron, sự kiện mà tác giả đã ghi lại khá chi tiết trong cuốn hồi ký với tựa đề nguyên văn là : “Cinquante ans de reflexion politique” (Năm mươi năm suy ngẫm chính trị). Nói chung, thì lập trường của RA đối với cuộc chiến tranh VN trong suốt 30 năm là “thiên hẳn về phía Mỹ và Tây Âu”, chứ không có thiên vị về phe cộng sản như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre v.v…

ARON-Raymond_NB

Tư tưởng của RA được giới trí thức miền Nam VN theo dõi, tán thưởng. Cụ thể như Luật sư
Trần Văn Tuyên, học giả Nguyễn Hiến Lê, các giáo sư Vũ Quốc Thông, Nguyễn Văn Bông,
Nguyễn Ngoc Huy …, các nhà báo Hà Thượng Nhân, Phan Lạc Phúc, Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý
Toàn v.v…Phần đông học giới ở VN hồi trước 1975 đều tỏ ra rất khâm phục cái lối lý luận sắc
bén, khúc chiết, vô tư và thẳng thắn của vị giáo sư khả kính và khả ái này. Đã có một vài bản
dịch sách của RA, nhưng hầu hết giới trí thức của ta thời ấy đều đọc trực tiếp từ nguyên tác bằng tiếng Pháp. Sinh viên các ngành thuộc khoa học xã hội ở miền Nam hồi trước 1975 phần đông cũng đều được học tập về môn xã hội học chính trị, mà RA là một giáo sư tiêu biểu cho sự chính xác, trung thực và sắc xảo.

Bản thân tôi, thì bắt đầu “mê Raymond Aron” từ năm 65-66, lúc đang say sưa với công tác xã hội trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon. Cuốn “18 lecons sur la societe industrielle” là tài liệu của khóa giảng tại Sorbonne và tiếp theo là cuốn “Lutte des classes” và cuốn “Democratie et Totalitarisme” đã làm tôi say mê theo dõi cái môn phân tích xã hội học về phương diện chính trị của vị “đại sư” này.

Rồi sau 1975, với nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi lại hay ra chợ sách phía sau rạp Đại Nam để tìm kiếm thêm sách đọc về loại này. Nhờ vậy mà tích lũy thêm được một số kiến thức vững vàng hơn, mà thời trước vì bận rộn với chuyện làm ăn, tôi đã không có dịp trau dồi, học tập để bắt kịp với sự tiến bộ của ngành khoa học xã hội này.

bertrand russellBertrand Russell

Tôi có dịp thường xuyên trao đổi với cụ Nguyễn Hiến Lê, và được cụ cho đọc thêm nhiều cuốn sách chỉ có trong tủ sách riêng của cụ.Vào năm 1979-80, cụ có cho tôi cuốn sách “Les
désillusions du progres” do RA viết năm 1969. Đây là bản Pháp văn của mục phân tích về “tình hình xã hội đương thời” tác giả đóng góp cho Encyclopedia Britannica. Cụ đã đọc rất kỹ và ghi chú bằng bút chì trên lề nhiều trang sách. Tôi thật cảm động vì lời đề tặng của cụ cho tôi như sau : “ Xin tặng ông Đoàn Thanh Liêm. Xin ông giữ làm kỷ niệm – NHL”.

A/ — “ Nước Pháp là Nước Pháp, không có tĩnh từ”

Năm 1981, lần đầu tiên Đảng Xã Hội Pháp có đại diện là Francois Mitterand được bầu làm
Tổng Thống. Lúc đó RA đã già yếu rồi, nhưng ông cũng đóng góp một bài báo gây chấn động với nguyên văn tựa đề như sau : “La France, c’est la France ou la Republique Francaise; sans adjectifs” ( Nước Pháp là nước Pháp hay Cộng Hòa Pháp quốc, chứ không cần thêm một tĩnh từ nào khác). Tư tưởng này đã nung nấu trong tôi suốt bao nhiêu năm, vì kể từ năm 1976, đảng cộng sản đã tự ý ngang nhiên đổi tên nước Việt nam thành “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN” (Socialist Republic of VN – SRV). Tức là người cộng sản đã gắn cái chủ nghĩa xã hội của họ vàodanh tánh của nước Việt nam đã có từ ngàn đời do cha ông chúng ta xây dựng tạo thành và truyền lại cho thế hệ chúng ta ngày nay. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Jean Paul Sartre

Tuy nhiên vào thời đó, chế độ cộng sản còn quá hung hãn, bạo ngược. Với lại hoàn cảnh chiến tranh với Trung quốc, tại Cambodia; cho nên anh em trí thức chúng tôi cũng chưa thể làm cái gì cụ thể nhằm góp phần chấn chỉnh lại tính thế được. Mà phải đợi đến sau 1986 với phong trào “Đổi mới” từ Liên Xô lan tới Đông Âu và dĩ nhiên cũng bắt đầu ảnh hưởng tới Việt nam, thì chúng tôi mới bắt đầu thảo luận trao đổi với nhau về những chuyện căn bản của đất nước, của dân tộc. Và với sự sụp đổ của cộng sản tại Đông Âu cuối năm 1989, cùng với sự rệu rã của hệ thống Xô Viết tại chính nước Nga, thì vào đầu năm 1990, tôi đã soạn thảo một văn bản “Năm điểm thỏa thuận căn bản” chỉ ngắn gọn trong nửa trang giấy, nhằm góp phần vào việc làm “guideline cho việc soạn thảo một bản Hiến pháp mới cho nước Việt Nam sau này”. Xin ghi lại điểm 1 trong văn bản này như sau :

“Điểm 1 : Quốc gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.
Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức của dân tộc.
Nhằm tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tổ chức tôn giáo”.

Cũng vì bản văn 5 điểm này, mà công an đã theo dõi và bắt giữ tôi, khi tôi mới từ Saigon bay ra Đà nẵng vào ngày 23/4/1990. Rồi họ đưa tôi ra xét xử trong phiên tòa ngày 14/5/1992 tại tòa án Saigon, với bản án 12 năm tù về tội “Tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội”, y hệt như các vụ xử linh mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài gần đây vậy.

B/ — Tranh chấp chủng tộc, chứ không phải tranh đấu giai cấp.

Tôi vẫn còn nhớ lối biện luận của RA, là: Hầu hết các tranh chấp trên thế giới ngày nay đều
phát sinh từ chuyện “tranh chấp chủng tộc” (lutte des races) chứ không phải là “tranh đấu giai cấp” (lutte des classes) như người cộng sản thường chủ trương. RA nêu ra trường hợp tranh chấp đẫm máu ở Bắc Ái nhĩ lan, căng thẳng ở Québec, Canada v.v…, thì đều là tranh chấp chủng tộc lồng trong sự khác biệt tôn giáo, chứ không hề có sự đấu tranh giai cấp tại các nơi như thế này. Điều này lại càng sáng tỏ hơn trong trường hợp của Bosnia, Kosovo sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nam tư vào đầu thập niên 1990..

Đó là lý do tại sao tôi viết “Điểm 2” trong “Bản văn 5 điểm” ghi trên .

“Điểm 2 : Dân tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống lịch sử và văn hóa khác nhau

Như vậy nền tảng của xã hội VN phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hóa”.
Tại phiên tòa, chánh án Lê Thúc Anh gọi tôi: “Anh là thứ cáo già chính trị”, vì chủ trương “đa
nguyên, đa đảng” mà khôn khéo ngụy trang trong điểm này. Cũng như Đại tá Quang Minh trong lúc điều tra, thì lại gọi tôi là thứ “assassin de genie” – ông nói nguyên văn tiếng Pháp như vậy – (Kẻ sát nhân ngoại hạng). Nói chung là người cộng sản vẫn còn rất “dị ứng” (allergic) với loại suy nghĩ rất bình thường trong bất kể xã hội dân chủ, tự do nào.

(Ghi chú : Toàn văn Bản “Năm điểm thỏa thuận căn bản ” sẽ được ghi nơi “Phần Phụ lục” kèm theo bài viết này.)

III — Đôi lời tâm tình .

Bài viết này được chuẩn bị vào cuối năm 2007. Năm hết, Tết đến, tác giả xin được ghi ra ít lời tâm tình sau đây :

Năm 2008 là năm kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của Raymond Aron. Nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với vị giáo sư và tác giả khả kính là người đã soi sáng, hướng dẫn rất nhiều cho kẻ hậu sinh, cả về phương pháp luận (methodology), cả về nội dung những khám phá tìm kiếm của ông trong lãnh vực khoa học xã hội hiện đại. Đọc RA, tôi thấy toát ra một tinh thần nhân bản cao độ, một tác phong cao quý của bậc mô phạm, và nhất là sự kiên trì nhẫn nại hiếm có nơi lớp người trí thức thường bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh ý thức hệ tại Âu châu thời kỳ sau thế chiến thứ hai.Có thể nói RA là một thứ sĩ phu quân tử ở phương Tây.

Tiếp theo, người viết cũng xin bày tỏ niềm thương tiếc và quý mến đặc biệt đối với Luật sư Trần Văn Tuyên, Học giả Nguyễn Hiến Lê là những vị đã chỉ dẫn cho tôi trong các vấn đề chính trị xã hội mà Raymond Aron đã nêu lên. Tác giả cũng không thể nào quên được nhà báo Đỗ Ngọc Yến, là người đã tặng cho tôi khá nhiều sách báo, trong đó có cuốn Hồi ký Raymond Aron, bản dịch tiếng Anh – mà nhờ đó tôi đã có thể đào sâu được nhiều chi tiết chính xác cho bài viết này.

Sau cùng tác giả còn muốn ghi nhận cái công lao của Anh Vũ Ngọc Trân là thân phụ của nhạc sĩ Trường Kỳ vì đã chuyển cho cuốn Hồi Ký RA nguyên tác tiếng Pháp vào đầu năm 1990 ở
Saigon. Lúc đó tôi đã say sưa đọc cuốn sách này. Nhưng chưa kịp trả lại anh Trân, thì tôi bị công an bắt giữ. Và khi ở trong tù, tôi đã ân hận vì không kịp trả cuốn sách cho anh Trân. Nay anh lại vừa mới ra đi vài năm gần đây tại Saigon. Nhưng chắc anh cũng thông cảm cho hoàn cảnh bất khả kháng của tôi, khiến làm thất lạc mất cuốn sách quý này.Chuyện này có vài chi tiết lý thú khác nữa, người viết xin được kể lại đày đủ hơn trong một dịp khác, bởi lẽ bài này hiện đã quá dài rồi.

Westminster California, cuối tháng 12, năm 2007.

Đoàn Thanh Liêm
* * *
PHỤ LỤC

• Năm Điểm Thỏa Thuận Căn Bản .
Điểm 1 :
Quốc gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.
Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức của dân tộc.
Nhằm tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ của
các tổ chức tôn giáo.

Điểm 2 :
Dân tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống văn hóa và lịch sử khác nhau.
Như vậy, nền tảng của xã hội VN phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hóa.

Điểm 3 :
Phát huy truyền thống nhân bản và nhân ái của dân tộc, hệ thống chính trị và luật pháp VN sẽ
được xây dựng trên những nguyên tắc đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Điểm 4 :
Về phương diện kinh tế, vai trò của Nhà nước là làm trọng tài để bảo vệ công bằng xã hội và trật
tự xã hội.
Như vậy, Nhà nước không thể vừa làm trọng tài, vừa làm một bên đương sự trong các hoạt động
kinh doanh làm ăn được (không thể vừa thổi còi, vừa đá banh).
Hệ quả là hệ thống quốc doanh hiện nay sẽ được giảm tới mức tối thiểu.

Điểm 5 :
Thể hiện tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, quốc gia sẽ ban hành lệnh khoan hồng đại xá đối với
mọi vi phạm do cá nhân, hay do tập thể gây ra.
Nghiêm cấm mọi sự tùy tiện báo ân, báo oán.
Mọi khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại sẽ được xử lý theo đúng thủ tục luật pháp.

Làm tại Saigon, Tháng Hai năm 1990

Đoàn Thanh Liêm

Chuyện về những hậu duệ và truyền thống gia tộc.

Chuyện về những hậu duệ và truyền thống gia tộc.

 Đoàn Thanh Liêm

* * *

Từ xa xưa cha ông chúng ta vẫn thường nói: “Cha mẹ hiền lành để đức cho

con”. Và trong dân gian, người ta cũng hay nhắc đến câu “Phúc đức ông bà”,

hay câu “Nhờ âm đức tổ tiên” v.v… Những câu nói thông dụng này đều mang

một ý nghĩa nòng cốt là: Lớp hậu sinh tức là người đến sau thì thường được

thụ hưởng những điều tốt lành do cha mẹ, ông bà để lại cho thế hệ của mình.

Vì thế mà có nhiều gia đình đã có những đóng góp lớn lao tích cực cho xã hội

và được người đời xưng tụng là “danh gia vọng tộc”.

Ngược lại, cũng có trường hợp mà cha mẹ lại là người ăn ở bất lương thất

đức, thì con cái sẽ phải gánh chịu những hậu quả xấu xa, tệ hại – như được

diễn tả trong câu tục ngữ “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nhiều gia thế

lâm vào cảnh lụn bại thảm thương, mất hết uy tín trong xã hôi bởi vì có

những người con gây ra những điều tàn bạo độc ác đối với bà con lối xóm.

Do đó mà họ bị người đời khinh chê ghét bỏ và gọi đó là những thứ “nghịch

tử”, “phá gia chi tử”.

Nhân dịp đầu xuân Bính Thân 2016 năm nay, tôi xin được góp phần trình bày

về chuyện liên hệ giữa lớp hậu duệ với truyền thống gia tộc – dựa vào những

tài liệu cụ thể qua những sách báo đã được phổ biến xưa nay.

Trước hết, xin kể chuyện về vài gia tộc đã định cư lập nghiệp lâu đời qua

nhiều thế hệ trên đất Mỹ. Sau đó sẽ trình bày về một gia tộc ở Việt nam.

I – Về gia tộc của hai người Mỹ sinh sống cùng thời là ông Jonathan Edwards

và ông Max Jukes

 Jonathan Edwards (1703 – 1758) là một vị mục sư, học giả tinh thông cả

khoa học, triết học lẫn thần học mà lại có một đời sống tâm linh đạo hạnh rất

sâu xa vững chắc. Ông được sự quý trọng của giới trí thức đương thời ở Mỹ

vào nửa đầu của thế kỷ XVIII. Qua đến thế kỷ XX, ảnh hưởng tinh thần đạo

đức của ông vẫn còn có sức lôi cuốn đặc biệt đối với phong trào canh tân

Thiên chúa giáo theo truyền thống Tin lành ở nước Mỹ.

Cha của ông là Timothy Edwards cũng là một vị mục sư ở Connecticut và mẹ

của ông là Esther Stoddard cũng là con gái của vị mục sư Solomon Stoddard

ở Massachusetts.

Bà vợ của ông là Sarah Pierpont thì là con của ông James Pierpont là người

sáng lập Đại học Yale. Bà Sarah cũng còn được tiếng là một người rất đạo

đức lành thánh. Ông bà Edwards có tất cả 11 người con.

  • Đặc biệt là ông bà để lại cho xã hội nước Mỹ một lớp hậu duệ gồm nhiều

người vừa có tài năng nổi trội, vừa có đức hạnh đáng quý. Xin ghi chi tiết

như sau đây.

1(1) – Hậu duệ của ông bà Jonathan Edwards

Vào năm 1900, tức là sau gần 150 năm kể từ ngày ông Edwards qua đời, thì

một tác giả tên là Albert E Winship cho ấn hành một cuốn sách có nhan đề là:

“Jukes-Edwards: A Study in Education and Heredity”.

Trong cuốn sách này, tác giả cho biết đã tra cứu tìm hiểu đến 1,400 hậu duệ

của ông bà Edwards và tìm thấy có đến hàng mấy chục vị là giáo sĩ, 13 vị

làm Viện trưởng Đại học, 65 vị là giáo sư cùng nhiều vị có thành tích nổi trội

khác nữa.

Xin kê khai một vài danh tính: Aaron Burr cháu ngọai là vị Phó Tổng Thống

thứ ba của nước Mỹ phụ tá cho Tổng thống Thomas Jefferson, các nhà văn O.

Henry và Robert Lowell, Đệ nhất Phu nhân Edith Roosevelt của Tổng thống

Ted Roosevelt, các Viện trưởng Đại học Timothy Dwight, Jonathan Edwards

Jr, và Merrill Edwards Gates v.v…

1(2) – Hậu duệ của ông bà Max Jukes.

Trái lại, tác giả cũng tìm hiểu 1,200 hậu duệ của một “nhân vật phản diện” là

người cùng thời với ông Jonathan Edwards, đó là ông Max Jukes người gốc

Hòa Lan ở New York. Xin chú ý: Cái tên “Max Jukes” này do tác giả đặt ra

để thay thế cho tên thật của một người thuộc lọai xấu xa “tội lỗi” (guilty) –

nhằm tránh gây bối rối phiền muộn cho gia tộc của chính đương sự. Và cũng

vì thế mà tác giả đã không hề nêu rõ danh tính của bất kỳ người nào trong gia

tộc của nhân vật “Max Jukes” này nữa. Tác giả chỉ ghi rõ bằng tiếng Anh thế

này: “Max Jukes, a New York Dutchman”

Trong số hậu duệ của ông “Max Jukes” này, thì có đến trên 300 người thuộc

lọai “nghèo khó chuyên nghiệp” (professional paupers), 50 phụ nữ xấu xa

trắc nết (women of ill repute), 7 kẻ sát nhân (murderers), 60 trộm cắp thường

xuyên (habitual thieves) và 130 tội phạm bị kết án khác nữa (convicted

criminals) v.v…

Để bạn đọc có thêm ý niệm nhằm so sánh với các nhân vật có danh tiếng

khác mà cũng sinh sống vào thế kỷ XVIII như Jonathan Edwards – tức là

cách nay đã đến 3 thế kỉ – thì tại Việt nam phải kể đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm,

học giả Lê Quí Đôn; tại Pháp có những văn hào Rousseau, Voltaire,

Montesquieu; tại Anh có triết gia David Hume, kinh tế gia Adam Smith v.v…

Sau 300 năm, thì số hậu duệ dàn trải trong 15 thế hệ (bình quân mỗi thế hệ

cách nhau là 20 năm) của mỗi người trong các nhân vật này có thể lên đến

hàng nhiều ngàn người. Nếu các nhà nghiên cứu mà ra công sức tìm kiếm các

chi tiết về hậu duệ của những nhân vật xuất chúng đó, thì chắc chắn sẽ tìm ra

được nhiều điều rất bổ ích lý thú vậy.

Tiếp theo, xin trình bày về một gia tộc ở Việt nam chúng ta.

II – Về ba thế hệ trong gia đình của nhà ái quốc Phan Châu Trinh tại Việt

nam (1872-1926).

Vào đầu thế kỉ XX, lúc nước ta còn bị thực dân Pháp đô hộ, thì có hai nhà ái

quốc rất nổi tiếng và được tòan dân kính phục mến chuộng, đó là các cụ Phan

Bội Châu gốc ở Nghệ An và Phan Châu Trinh gốc ở Quảng Nam. Đã có rất

nhiều tài liệu sách báo viết về hai nhân vật kiệt xuất này rồi, nên trong bài

này, tôi chỉ viết riêng về ba thế hệ trong gia đình của cụ Phan Châu Trinh mà

thôi.

2(1) – Thế hệ thứ nhất: Ông Bà Phan Châu Trinh và Lê Thị Tỵ.

Hai ông bà cưới nhau vào năm 1896 và sinh hạ được ba người con gồm một

con trai và hai con gái. Bà Lê Thị Tỵ sinh năm 1877 thua ông 5 tuổi, nhưng

bà mất sớm vào năm 1914 ở tuổi chưa đến 40 – giữa lúc đó thì ông và người

con trai lớn đang ở bên Pháp, còn hai người con gái thì hãy còn nhỏ tuổi.

Được tin bà mất, ông Phan Châu Trinh vô cùng xúc động và làm một câu đối

khóc bà bằng chữ Hán được dịch nghĩa như sau:

“Hai mươi năm cầm sắt vắng teo, dãi gió dầm mưa, nhìn ảnh làm chồng,

một mực nuôi con lau lệ nóng.

Dưới chín suối bạn bè han hỏi, dời non lấp biển có ai giúp tớ, nhìn lo mình

lão múa tay không”.

Ông cũng làm một câu đối thay cho con trai đang ở với ông để “khóc mẹ”

giọng điệu thật là lâm ly thống thiết nguyên văn như sau:

“Con tưởng mẹ, mẹ ơi! Mẹ đau con chẳng biết, mẹ mất con chẳng hay, biển

rộng trời cao, nghìn dặm luôn trông tin mẹ mạnh;

Mẹ thương con, con rõ! Con ở mẹ nhọc lo, con đi mẹ nhọc nhớ, ơn dày nghĩa

nặng, trăm năm đành để nợ con mang”.

Một người cháu trong gia đình có kể lại rằng: “Hồi cụ Phan còn đang làm

quan trong triều đình tại Huế, thì đã có ý định cưới thêm một bà vợ khác theo

như tập tục đa thê vẫn còn thịnh hành vào thời kỳ đó. Thế nhưng có lần ông

cụ về thăm gia đình vẫn còn sinh sống tại miền quê ở Quảng Nam, thì thấy cụ

bà đi làm ruộng về rất trễ, mà quần áo thì lấm lem xộc xệch, coi bộ thật lam

lũ tất bật vất vả. Thấy vậy, ông cụ đâm ra cảm thương, mủi lòng và nhất

quyết từ bỏ cái chuyện đi cưới thêm một bà vợ lẽ nữa. Vì thế mà ông cụ chỉ

có một dòng con duy nhất mà thôi…”

2(2) – Thế hệ thứ hai: Những người con của ông bà Phan Châu Trinh.

Ông bà có tất cả ba người con gồm một con trai và hai con gái. Xin ghi chi

tiết về từng người con như sau

A – Con trai đầu Phan Châu Dật (1897 – 1921)

Vào năm 1911, ở tuổi 14 cậu Dật theo cha sang bên Pháp. Tại đây, cậu được

đi học và nhờ siêng năng nên học hành tiến bộ, đã thi đậu văn bằng Tú Tài và

còn chịu khó đi làm việc thêm để giúp cha nữa. Nhưng không may, cậu bị lao

phổi và tuân theo lời cha vào năm 1919 thì về lại Việt nam để chữa bệnh và

qua đời tại đây năm 1921. Cậu Dật chưa kịp lập gia đình, nên ông bà Phan

Châu Trinh đã không có cháu nội.

B – Con gái lớn là Phan Thị Châu Liên (1901 – 1996)

 Trong gia đình, bà Châu Liên còn có tên là Cô Đậu. Bà lập gia đình với giáo

sư Lê Ấm là vị thày giáo nổi tiếng dạy học lâu năm tại Huế và Quy Nhơn. Bà

là người sống thọ nhất (95 tuổi) trong số 3 người con của cụ Phan.

Vào năm 1914 khi bà cụ Phan Châu Trinh mất, mà ông cụ và anh trai Châu

Dật còn ở bên Pháp, thì cô Đậu mới được 13 tuổi, ấy thế mà sau ít năm cô

Đậu đã có thể lấy được tấm chồng danh giá là vị giáo sư được nhiều người

tôn vinh là ông Đốc Ấm. Ông bà Lê Ấm sinh được nhiều người con, tất cả

đều được học hành tươm tất.

Suốt thời kỳ của chính quyền quốc gia, ông bà vẫn ở miền Nam và không ai

nói gia đình bà Châu Liên có gặp khó khăn gì với cơ quan an ninh cả – mặc

dầu trong nhà ông bà lại có mấy người con lớn đi ra miền Bắc họat động cho

cộng sản. Ông Lê Ấm mất ở Đà nẵng năm 1976 vào tuổi 80.

C – Con gái út là Phan Thị Châu Lan (1904 – 1944).

Bà con gái út Châu Lan này còn có tên là Cô Mè. Bà lập gia đình với ông

Nguyễn Đồng Hợi gốc cũng ở Quảng Nam và là một tham tá công chánh

(agent technique). Cũng giống người chị Châu Liên, bà Châu Lan mới được

10 tuổi khi mẹ mất vào năm 1914 và cha thì ở mãi bên nước Pháp – ấy thế

mà sau này bà cưới được người chồng có trình độ chuyên môn và nghề

nghiệp danh giá như ông Hợi – với việc làm bảo đảm trong cơ quan chính

quyền Pháp ở Nam kỳ và Cambodia cho đến năm 1945. Ông bà có đông con

mà sau năm 1954, thì hầu hết các con đi theo cha tập kết ra miền Bắc. Không

may bà Châu Lan mất sớm vì bệnh vào năm 1944 lúc mới có 40 tuổi.

Còn ông Hợi, thì có tài liệu ghi là ông được kết nạp vào đảng cộng sản năm

1947 lúc còn ở miền Nam. Ông mất ở Hà nội năm 1969 vào tuổi 70.

2(3) – Thế hệ thứ ba: Các người cháu của ông bà Phan Châu Trinh.

Cụ Phan chỉ có 3 người con, nhưng mà lại có đến tất cả là 13 cháu ngọai là

con của 2 người con gái Châu Liên và Châu Lan. Xin ghi ra những chi tiết về

các người cháu ngọai này như sau.

A – Những người con của bà Phan Thị Châu Liên và ông Lê Ấm.

Ông bà Lê Ấm có tất cả 7 người con gồm 1 trai và 6 gái với tên theo thứ tự

lớn nhỏ như sau đây: Lê Thị Khoách, Lê Thị Kinh, Lê Thị Lộc, Lê Khâm, Lê

Thị Sương, Lê Thị Chi và Lê Thị Trang.

Trong số này, có 3 người tập kết ra miền Bắc mà đặc biệt 2 người được nhiều

người biết đến qua những việc làm và tác phẩm để lại. Ba người đó là bà Lê

Thị Khoách, Lê Thị Kinh và Lê Khâm.

*Bà Khoách chị cả là giáo sư sinh ngữ ở Đà nẵng sau năm 1954. Do họat

động theo cộng sản bị bại lộ, nên phải chạy ra ngòai Bắc và sau năm 1975 thì

về làm trong ngành giáo dục ở Quảng Nam. Bà đã qua đời từ ít lâu nay.

*Bà Kinh sinh năm 1925, còn lấy tên là Phan Thị Minh đã giữ chức vụ Đại

sứ tại Italia vào thời gian 1982 – 1990. Hiện nay đã nghỉ hưu. Bà được nhiều

người biết đến gần đây vì là tác giả bộ sách lớn với nhan đề “Tuyển tập Phan

Châu Trinh qua những tài liệu mới” xuất bản vào năm 2000 – 2002.

*Ông Lê Khâm người con trai độc nhất, sinh năm 1930 là một nhà văn với

bút hiệu là Phan Tứ. Ông lấy tên Tứ, vì hồi nhỏ trong nhà vẫn gọi ông là Bốn

tức là người con thứ tư sau ba người chị. Nhà văn này được biết đến qua

nhiều tác phẩm đã được xuất bản ở Hà nội. Ông qua đời năm 1995 ở Đà

nẵng.

Còn lại 4 người con gái khác, thì họ vẫn ở miền Nam với cha mẹ và sinh họat

làm ăn bình thường, tất cả đều phục vụ trong ngành Y tế của chánh phủ Việt

nam Cộng hòa – mà không nghe nói có họat động gì liên hệ với cộng sản cả.

Trong số này, hiện có bà Lê Thị Sương cùng gia đình định cư tại Mỹ theo

người chồng là cựu sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

B – Những người con của bà Phan Thị Châu Lan và ông Nguyễn Đồng Hợi.

Ông bà Nguyễn Đồng Hợi có tất cả 6 người con gồm 2 con gái và 4 con trai

với danh tính theo thứ tự lớn nhỏ như sau: Nguyễn Châu Sa, Nguyễn Đông

Hà, Nguyễn Đông Hải, Nguyễn Châu Loan, Nguyễn Đông Hồ và Nguyễn

Đông Hào.

Châu Sa sinh năm 1927, tên Sa là vì sinh ra ở Sa Đéc. Đông Hà, tên là Hà vì

sinh ra ở Hà Tiên. Còn lại, thì tất cả đều sinh ở Cambodia. Hai người con lớn

đều là cán bộ cộng sản có tên tuổi thường được khen tụng trong các sách báo

tuyên truyền của chế độ cộng sản.

Đặc biệt là bà Nguyễn Châu Sa sau này đổi tên là Nguyễn Thị Bình với nhiều

chức vụ lớn như Bộ Trưởng Ngọai Giao, Bộ Trưởng Giáo Dục và Phó Chủ

Tịch Nhà Nước. Bà Châu Sa thành hôn với ông Đinh Khang cũng là một sĩ

quan cán bộ cộng sản cao cấp trong quân đội (1923 – 1989). Hai vợ chồng có

hai người con nay đều đã trưởng thành.

Còn Nguyễn Đông Hà nằm vùng ở miền Nam và bị bắt giam ở Côn Đảo cho

đến ngày 30/4/1975. Đông Hà đã qua đời ít lâu nay trong thập niên 1990.

Còn lại những người con khác trẻ hơn, thì họ đều theo cha ra ngòai Bắc và có

người còn được đi du học ở ngọai quốc nữa.

Vào năm 1995, bà Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình có đến thăm trại tù

Z30D ở Hàm Tân, Phan Thiết. Nhưng cán bộ ở đó đã bố trí không đưa bà đến

chỗ giam giữ tù nhân chính trị chúng tôi – mà chỉ đưa bà đến khu dành riêng

cho các tù nhân phụ nữ mà thôi. Đó là lần duy nhất mà tôi trông thấy rõ mặt

bà Bình từ khỏang cách chừng 30 mét.

Một nhà báo kỳ cựu có thuật lại rằng: Khi nói chuyện riêng với bà Bình, thì

bà tỏ ra có tinh thần cởi mở, phóng khóang. Nhưng đến khi đưa micro ra để

ghi lời phát biểu của bà, thì bà lại nói y chang như lập trường quan điểm

chính thức của đảng cộng sản. Thật đúng là người cán bộ cộng sản nào thì

cũng làm cái trò “chuyên môn đóng kịch” như vậy thôi. Họ luôn có “lối sống

hai mặt” – che dấu suy nghĩ và tình cảm riêng của mình trước công chúng.

Bà Bình đã nghỉ hưu từ lâu và năm 2012 bà có cho xuất bản cuốn Hồi ký với

nhan đề “Gia Đình, Bạn Bè, Đất Nước” – kèm theo rất nhiều hình ảnh vừa

đen trắng, vừa có màu. Cuốn sách này mới được dịch sang tiếng Anh và được

ấn hành ở Việt nam vào giữa năm 2015.

III – Để tóm lược lại.

1 – Vì khuôn khổ của bài báo có giới hạn, người viết chỉ cố gắng trình bày sơ

lược ngắn gọn về ba thế hệ của nhà ái quốc Phan Châu Trinh mà thôi. Tác giả

không tìm hiểu đến thế hệ thứ tư, thứ năm trong gia tộc cụ Phan (tức là lớp

con, lớp cháu của thế hệ thứ ba là cháu ngọai của cụ). Mặc dầu qua đến thế

kỷ XXI hiện nay, thì lớp người này cũng đã trưởng thành và có người đã ở

vào lứa tuổi 50 – 60 và đã có thành tích sự nghiệp nào đó nữa rồi.

2 – Như đã ghi ở trên, trong gia tộc cụ Phan thì có người con rể là ông Hợi và

nhiều người cháu đều họat động theo cộng sản. Những người này về mặt

khách quan mà xét, thì rõ ràng là họ đã ra sức tiếp tay góp phần vun đắp cho

cái chế độ độc tài toàn trị hủ lậu hiện nay. Đúng là mấy hậu duệ đó đã không

tiếp nối cái lý tưởng Dân quyền nhân bản và Dân chủ khai phóng của cụ

Phan Châu Trinh. Đó là một điều thật đáng tiếc lắm lắm vậy.

Dầu sao, thì cái thực tế khách quan phũ phàng như thế đó đã là một chuyện

dĩ lỡ của lịch sử, đã vuột khỏi tầm tay của chính các đương sự đó rồi.

Bây giờ, thì chỉ còn lại hy vọng ở lớp người thuôc thế hệ thứ tư, thứ năm và

sau nữa – với tinh thần cởi mở tiến bộ và tấm lòng nhân ái đôn hậu – thì họ có

thể có những đóng góp tích cực tốt đẹp hơn cho đất nước và dân tộc Việt nam

chúng ta mà thôi.

3 – Về mặt tài liệu tham khảo, thì ngòai các tư liệu có sẵn trên Internet, còn

có hai cuốn sách đáng chú ý sau đây:

A – Jonathan Edwards – A Life

By George M. Marsden

Yale University Press ấn hành năm 2003

Sách dày trên 600 trang, bìa cứng.

B – Nguyễn Thị Bình – Hồi Ký

Gia Đình – Bạn Bè – Đất Nước

Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2012

Sách dày trên 400 trang, bìa giấy.

Costa Mesa California cuối năm Ất Mùi 2015

Đoàn Thanh Liêm

Ước mơ cuối đời của cha tôi

Ước mơ cuối đời của cha tôi

 Bút ký của Đoàn Thanh Liêm

DOAN THANH LIEM

Cha tôi là người con trưởng của một ông cụ đồ nho. Ông sinh vào khỏang năm 1897 tại một làng quê trong tỉnh Nam Định thuộc vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt nam. Cũng như đa số bà con trong làng thời ấy, cha mẹ tôi đều theo đuổi nghề làm ruộng – như tôi vẫn còn nhớ trong giấy khai sinh của mình thời trước năm 1945 thì được ghi bằng tiếng Pháp – mà trong mục nghề nghiệp của người cha, thì được viết là “cultivateur”.

Tên thật của cha tôi là Đoàn Đức Hải, nhưng bà con thường gọi là ông Chánh Hải. Chữ Chánh ở đây là một “chức vị hàm” như Chánh Hương, Chánh Hội – chứ không phải là chức vị thực sự hẳn hòi trong hệ thống chính quyền ở thôn quê miền Bắc dưới thời Pháp thuộc như chức vụ Chánh Tổng là một viên chức có uy quyền cai quản cả một khu vực gồm đến 5 -7 xã trong một huyện (ở trong Nam, thì gọi là ông Cai Tổng). Như vậy là cha tôi đã không hề là một viên chức của chính quyền vào thời kỳ trước năm 1945; ông chỉ là một nông dân bình thường mà thôi.

Mẹ tôi cho biết là: “Bố con là người có sức khỏe tốt, tinh thần lành mạnh, lại có nhiều sáng kiến, siêng năng làm việc và có tính quyết đáp – một khi đã khởi sự làm việc gì, thì quyết tâm theo đuổi công việc đó cho đến cùng. Vì thế mà bố con gặt hái được nhiều thành công trên đời. Đó là một đức tính tốt, đàn ông con trai như con thì sau này phải tập noi theo cái gương đó…”

Kể từ giữa năm 1945 trở đi, cuộc sống của bà con trong làng Cát Xuyên chúng tôi đã hồi phục lại sau nạn đói khốn khổ hồi đầu năm Ất Dậu khiến làm thiệt mạng đến cả trăm người dân. Và trong các gia đình, ai nấy đã bắt đầu tìm lại được bàu không khí an vui phấn khởi như xưa. Tòan thể dân làng đều biểu lộ sự vui mừng nô nức trước hoàn cảnh mới của nền độc lập tự chủ trên đất nước, sau khi nước nhà vừa mới thóat khỏi được tình trạng đô hộ kềm kẹp của thực dân Pháp. Đặc biệt là lớp thiếu niên nhi đồng cỡ tuổi 11- 12 như tôi, thì suốt ngày say mê hát hò theo những bài ca mới lạ, kêu gọi lòng yêu nước, yêu dân tộc.

Trong khí thế sôi nổi hăng say như thế đó, cha tôi thường hay tâm sự với bà con trong làng như thế này: “Bây giờ nước ta có độc lập tự do rồi, riêng tôi thì chỉ còn có mỗi một điều mong ước – đó là có thể leo lên máy bay mà đi thăm bà con bạn bè ở khắp nơi trên đất nước Việt nam mình. Rồi thì có nhắm mắt, xuôi tay cũng được thỏa chí vui lòng mà không còn điều gì tiếc nuối ân hận nữa cả …”

Nhưng, bất hạnh thay cái ước mơ nhỏ bé đơn sơ ấy của cha tôi lúc ở vào cái tuổi 50 đã không làm sao thực hiện được – bởi lẽ đơn giản là chẳng bao lâu sau đó vào đầu năm 1948 ông đã bị người Việt minh cộng sản bắt đi biệt tăm và chẳng bao giờ gia đình chúng tôi lại còn có dịp gặp lại ông nữa. Trong bài viết ngắn này, tôi xin lần lượt ghi lại những kỷ niệm vui buồn thật đáng nhớ của những ngày tháng cuối cùng mà cha con chúng tôi còn sinh sống chung với nhau trong mái ấm gia đình. Xin trình bày sự việc như đã xảy ra cách nay đã đến 70 năm với các chi tiết sau đây.

I – Hồi đó, vào thời kỳ những năm 1945 – 46 tôi đang ở lứa tuổi 11 – 12, thì hay được cha tôi cho đi theo ông trong các cuộc viếng thăm bà con, bạn hữu thân thiết của ông trong các làng xã lân cận. Nhờ được gần gũi sát cánh với cha như vậy, nên trí óc tôi lần hồi được tiếp nhận thêm sự hiểu biết về con người, về các sự việc trên đời. Và tâm hồn tôi cũng được nâng cao thêm lên theo với lý tưởng đạo hạnh truyền thống của dòng họ nhà mình. Và tôi thực sự có lòng quí mến và cảm phục đối với người cha nhân hậu và quả cảm gương mẫu như thế đó.

Ông ôn tồn kiên nhẫn giảng giải cho tôi nhiều điều thật có ích lợi cụ thể thiết thực cho tôi sau này khi đã đến tuổi trưởng thành. Đại khái như các bài học qua mấy câu ngắn gọn như thế này: * Con nhà gia giáo, thì phải biết “Kính Trên, Nhường Dưới” – tức là luôn tỏ ra khiêm tốn, lịch sự nhã nhặn đối với mọi người, bất kể người đó là ai.

* Người trượng phu quân tử thì luôn “lấy chữ Tín làm trọng” – tức là phải giữ đúng lời mình đã hứa với người khác.Và người quân tử đích thực thì phải có đày đủ ba phẩm chất như các cụ xưa gọi là “Nhân, Trí, Dũng” * Khi muốn hỏi tên của người nào mà lớn tuổi hơn mình, thì con nên nói “Xin cho biết quí danh” nghe có vẻ lịch sự hơn – chứ không nên nói “Xin cho biết tên”. * Dòng họ Đoàn nhà ta tuy không phải là một “danh gia vọng tộc” với tước vị cao sang quyền quý gì. Ấy thế nhưng cha ông chúng ta cũng chưa hề bị vướng mắc bởi những việc làm xấu xa tệ hại, hoặc do việc gây ra ân óan thù hằn gì đối với bất kỳ một ai trong xóm làng. Vì thế mà các con phải nhắc nhở lẫn nhau để cùng ra sức cố gắng “giữ gìn mãi được cái tiếng thơm đó” của gia tộc nhà mình v.v…

Do cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946, trường học đóng cửa nên tôi phải ở nhà suốt trong năm 1947. Tôi được cha giao cho việc chăn giữ con trâu, dẫn nó đi ăn cỏ ngoài đồng, cho nó đi tắm ngoài sông rạch vào ban trưa và buổi chiều còn đi cắt cỏ để cho nó ăn thêm vào ban đêm nữa. Tôi thật thích thú với công việc này, vì thấy mình được góp phần có ích lợi cho việc canh tác của gia đình và cũng được tự do cùng các bạn ngang lứa tuổi đi tung tăng khắp các nẻo đường trong thôn làng nữa. Cha tôi còn dẫn tôi đến tiệm thuốc bắc của ông lang trong khu chợ làng để nhờ ông dậy kèm thêm cho về môn chữ nho. Nhưng sau đó tôi bị bệnh sốt rét ngã nước rất nặng, nên chuyện học hành này cũng bị ngưng lại.

II – Cuộc sống của gia đình tôi tại làng quê đang êm ả thuận chiều ấm cúng như vậy, thì bỗng dưng xáo động vì những tai vạ khủng khiếp do người cộng sản gây ra đối với những người thân thiết trong gia tộc.Cụ thể là mấy chuyện như sau:

2(1) – Việc sát hại cậu út Tống Văn Dung vào mùa hè năm 1947.

Cậu Dung là người em út của mẹ tôi. Cậu đẹp trai, trắng trẻo lanh lợi và đã đậu văn bằng trung học (diplôme) vào khoảng năm 1939. Cậu là người thày giáo dạy khai tâm cho tôi tại trường sơ học trong làng Cát Xuyên vào năm 1941 – 42 lúc tôi mới lên 7 – 8 tuổi. Vào năm 1946, hai người em của mẹ tôi là cậu Tú và cậu Dung đều chuyển sang sinh sống với gia đình bên vợ các cậu ấy tại Ninh Bình, Phát Diệm.Và đến đầu năm 1947, cha tôi và cậu Lý Đạc là người em khác sát kế với mẹ tôi đã thực hiện một chuyến đi thăm hai cậu ấy bên Phát Diệm. Tôi và em Bính con cậu Lý Đạc được cho đi theo trong chuyến đi này.

Thế mà chẳng bao lâu sau đó vào mùa hè năm 1947, gia đình chúng tôi được tin cậu Dung đã bị Việt minh bắt giết và ném xác xuống sông Trì Chính gần thị xã Phát Diệm. Được tin khủng khiếp này, mẹ tôi đã vật vã sầu khổ khóc lóc, bỏ ăn bỏ ngủ suốt mấy ngày liền – khiến cho anh chị em chúng tôi đều xúc động không cầm được nước mắt. Trong nhà, ai nấy đều đem lòng oán hận những người đã tàn ác ra tay sát hại người cậu yêu quí của chúng tôi như vậy. Khi cậu mất, thì mới ở vào tuổi ngoài 30, để lại mợ Dung và hai em Dũng và Trinh còn rất nhỏ tuổi.

Rồi chỉ vài tháng sau vào cuối năm 1947, thì cậu Lý Đạc cũng lại qua đời vì bệnh, lúc đó cậu cũng mới được chừng 45 tuổi. Anh chị em chúng tôi thương mẹ vô cùng, vì chỉ trong vòng chưa đày 6 tháng mà bà đã mất đi hai người em ruột của mình.

2(2) – Đến lượt cha tôi bị công an đến tận nhà bắt đi vào đầu năm 1948.

Vào khoảng tháng 3 năm 1948, mấy người công an Việt minh lại đến nhà “mời cha tôi cùng đi với họ” nữa. Lại thêm một tai họa cho cả gia đình chúng tôi vì sau cái chết liền nhau của hai người cậu chỉ vừa cách đây có mấy tháng, mà bây giờ thì cha tôi lại bị bắt dẫn đi khỏi nhà nữa. Mẹ con chúng tôi ai nấy đều sầu khổ buồn rầu và càng thêm oán hận đối với người cộng sản đã gây ra cái chuyện đau thương ác nhân ác đức tột cùng như thế đối với cả gia đình.

Họ dẫn cha tôi đi biệt tăm, mẹ tôi chẳng có cách nào mà cử người đi thăm nuôi tiếp tế cho ông được.Chỉ nghe có người nói là họ đã dẫn giải cha tôi đến trại Đầm Đùn gọi là trại giam Lý Bá Sơ thật xa xôi nơi vùng rừng núi hẻo lánh mãi tận tỉnh Thanh Hóa thuộc Liên Khu IV.

Do khí hậu khắc nghiệt, lại thiếu thốn dinh dưỡng thuốc men, nên nhiều tù nhân đã phải kiệt sức mà bỏ xác nơi đây. Và chắc chắn là cha tôi cũng đã là một trong những người tù bất hạnh đó. Trong gia tộc chúng tôi lại còn có chú Lý Ty là người em đôi con dì với cha tôi. Chú Lý Ty là em của chú Tổng Biểng, cả hai chú là con ông bà Bá Đàm ở xã Liên Thủy. Bà Bá Đàm là em ruột của bà Đồ Nhuận bà nội của tôi, nên tôi đã có nhiều lần đi theo mấy anh chị lớn đến biếu Tết tại nhà ông bà. Chú Ty cũng bị bắt vào năm 1948 lúc chú mới có hai con trai còn rất nhỏ tuổi tên là em Minh và em Trí và chú bị dẫn đi biệt tăm tích – mà gia đình không hề được hay biết gì về ngày giờ chú lìa đời và thân xác được chôn cất nơi đâu. Cũng y hệt như trường hợp của cha tôi vậy. Như thế là riêng về phía họ nội nhà tôi đã có ít nhất hai người bị chết trong nhà tù cộng sản rồi.

Vì không biết rõ ngày mất của cha tôi, nên từ lâu nay anh chị em chúng tôi thường tổ chức Lễ Giỗ Tưởng Niệm chung cho cả cha và mẹ vào ngày mẹ tôi mất vào cuối tháng 11 năm 1952. Từ ngày qua định cư ở Mỹ, thì hằng năm chúng tôi đều tổ chức Lễ Giỗ vào đúng ngày Thanksgiving cuối tháng 11. Và năm 2015 này là kỷ niệm năm thứ 63 ngày mẹ tôi mất – giữa lúc bà phải chạy loạn mà đến tá túc tại nhà bà cô là bà Phó Tích ở làng Ngọc Cục huyện Xuân Trường kề sát với làng Hành Thiện.

III – Bây giờ thì lớp con lớp cháu của cha tôi lại có thể đi khắp năm châu bốn biển rồi.

Như đã ghi ở trên, vào hồi năm 1945 – 46 lúc ở vào độ tuổi 50, cha tôi chỉ có một niềm mong ước là được đi bằng máy bay để thăm viếng bà con bạn bè trên khắp nước Việt nam của mình. Ấy thế mà do bị cộng sản bắt giữ, cha tôi đã không thể nào thực hiện được cái điều ước muốn bé nhỏ khiêm tốn đó.

Nhưng đến thế hệ chúng tôi là con, là cháu của cụ, thì kể từ năm 1954 tất cả chúng tôi đều di cư vào sinh sống ở miền Nam và nhiều người lại còn đi khắp các tỉnh ở miền Trung và miền Lục Tỉnh Hậu Giang nữa. Và sau năm 1975, thì hầu hết gia đình chúng tôi đã qua định cư ở bên nước Mỹ nữa.

Và riêng tôi, thì từ năm 1960 tôi còn được đi du học tu nghiệp tại Mỹ và sau này vào đầu thập niên 1970 tôi còn được mời đi tham dự rất nhiều hội nghị quốc tế ở Âu châu và Á châu nữa. Và kể từ khi qua định cư ở Mỹ năm 1996 đến nay, thì tôi đã đi đến mấy chục vòng xung quanh lục địa nước Mỹ và Canada. Tôi cũng đi thăm bà con, bạn bè ở nhiều thành phố tại Úc châu và ở nhiều quốc gia khác tại Âu châu nữa.

Mà rồi đến lượt thế hệ thứ ba là các cháu nội ngoại của cha tôi, thì các cháu lại còn có nhiều dịp đi và làm việc ở khắp năm châu bốn biển nữa rồi.

Và đặc biệt là đến lượt các cháu thuộc thế hệ thứ tư, thứ năm lại được sinh ra và trưởng thành trên đất Mỹ, thì các cháu lại càng hội nhập sâu sắc vào trong xã hội sở tại – do tiếp nhận được những kiến thức vững vàng về khoa học kỹ thuật cũng như thông thạo về ngôn ngữ, nên các cháu đều có công ăn việc làm với thu nhập cao, đời sống nhiều tiện nghi sung túc. Rõ ràng đó là một điều thật may mắn cho lớp hậu duệ trong gia tộc chúng tôi vậy.

IV – Để tóm kết lại.

Bài này được viết vào trung tuần tháng 11 năm 2015, trong lúc anh chị em chúng tôi đang chuẩn bị Lễ Giỗ Cha Mẹ hàng năm vào đúng ngày Lễ Thanksgiving là ngày Thứ Năm 26 tháng 11 sắp tới. Tôi muốn ghi lại một ít kỷ niệm vui buồn thật đáng nhớ trong gia đình chúng tôi ở ngoài Bắc trước năm 1954. Và rồi cũng nói qua về sinh hoạt thật phấn khởi sinh động của lớp hậu duệ thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư tức là các cháu, các chắt của cha mẹ chúng tôi hiện nay trên đất Mỹ.

Đó cũng là để cùng nhau ôn lại những khó khăn vất vả mà thế hệ cha mẹ chúng tôi đã trải qua – trong khi các ngài vẫn cố gắng vun đắp cho lớp anh chị em chúng tôi trở thành những con người lương thiện, có nhân có nghĩa – biết ra sức cố gắng làm điều lành điều thiện, tránh điều gian ác lươn lẹo khuất tắt.

Và nhân dịp này, tôi cũng kêu gọi tất cả anh chị em, các cháu, các chắt trong gia tộc hãy hợp cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên trong dòng họ nhà mình – đồng thời cũng nhắc nhở động viên lẫn nhau để cùng tiếp tục con đường đạo hạnh nhân ái mà các bậc tiền nhân đã khai mở ra trước đây lúc các ngài còn hiện diện sinh sống trên cõi đời này vậy./

Costa Mesa California, ngày 15 tháng 11 năm 2015

Đoàn Thanh Liêm

Tâm tình nhân Mùa Lễ Tạ Ơn 2015

Tâm tình nhân Mùa Lễ Tạ Ơn 2015

 Bài Ghi ngắn của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Vào dịp Lễ Thanksgiving năm 1960, mấy sinh viên du học tại Washington DC chúng tôi được một gia đình người Mỹ đón về nhà riêng tại một thành phố kế cận trong tiểu bang Virginia. Bà chủ nhà là một giáo sư về âm nhạc, nên có mời thêm cả vài môn sinh nữa để cùng tham dự buổi Họp Mặt Gia Đình thân mật với chúng tôi là những sinh viên ngọai quốc. Đầu tiên, chúng tôi được chở đến dự Thánh Lễ trong một nhà thờ Tin Lành. Sau đó, thì đến nhà gia chủ để dùng cơm trưa với tòan thể gia đình. Bữa ăn khá thịnh sọan đặc biệt với món gà tây đút lò (roasted turkey) truyền thống mà tôi được thưởng thức lần đầu tiên trong đời.

Đến nay, thì đã trên 55 năm tôi vẫn còn nhớ đến cái ngày Lễ Tạ Ơn đó trên đất Mỹ với ấn tượng thật sảng khóai an tâm trong bàu không khí ấm cúng của gia đình giữa lúc luồng gió lạnh đã thật sự bao phủ khắp vùng Bắc Mỹ. Xin được ghi thêm lần nữa lời cám ơn đến với gia đình bà giáo sư đã mở rộng vòng tay đón tiếp anh em chúng tôi bữa đó.

Năm 2015 này, tôi muốn ghi lại một vài dòng để bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những ai đã góp phần giúp cho tôi có được một cuộc sống tốt đẹp an lành viên mãn. Trước hết, tôi xin mượn một câu trong bài hát rất thông dụng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nói lên tâm sự đó như sau:

Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người

Tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi

Tình sáng ngời như sao xuống từ trời”

 1 – Cũng như mọi người, trước tiên tôi phải biết ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên trong dòng họ nội ngoại của mình – vì nhờ có các ngài mà tôi mới có được một danh tính, một nhân cách, một danh dự, một chỗ đứng vững vàng trong xã hội ngày nay. Tôi thật sự có niềm tự hào vì cái truyền thống lương hảo và nhân ái mà các tiền nhân của gia tộc đã truyền lại cho thế hệ ngày nay của anh chị em trong gia đình chúng tôi.

2 – Tiếp theo, tôi phải biết ơn Đất nước và Dân tộc Việt nam – vì Đất nước đã nuôi nấng và cung ứng cho tôi mọi thứ như trường học từ các lớp sơ cấp, tiểu học, trung học đến đại học – nhờ đó mà tôi tiếp nhận được một hành trang kiến thức tiến bộ cần thiết để vào đời. Dân tộc Việt nam cũng trao cho tôi cả ngôn ngữ tiếng Việt, kho tàng văn hóa đạo đức tinh thần thật quí báu mà được tích lũy từ bao nhiêu thế hệ trước đây của cha ông chúng ta. Nhờ vậy mà tôi mới có được “một căn tính đặc thù Việt nam” (Vietnamese Identity) – khác hẳn với đặc tính của người Tàu, Nhật hay Pháp là những dân tộc đã từng xâm chiếm đô hộ nước Việt nam từ bao nhiêu năm xưa.

3 – Và sau cùng tôi cũng phải biết ơn Đất nước và Dân tộc Mỹ vì đã mở rộng vòng tay đón nhận gia đình chúng tôi đến định cư tỵ nạn tại xứ này – hầu tránh thóat được chế độ độc tài tàn bạo của đảng cộng sản vốn đã và còn đang hòanh hành trên đất nước Việt nam chúng tôi. Đặc biệt là lớp cháu nội ngoại của chúng tôi được sinh trưởng trên đất Mỹ, thì các cháu đã được thụ hưởng bao nhiêu điều tốt lành từ giáo dục chuyên môn đến cơ hội thuận lợi về an sinh xã hội, về công ăn việc làm vững chắc v.v…

Trường hợp của bản thân tôi hiện nay cũng y hệt như 2 triệu người Việt nam khác hiện đang được sinh sống an lành trên “quê hương đất nước của những con người tự do và can đảm này”. Như được diễn tả thật chính xác trong câu cuối của bài quốc ca Hoa Kỳ là: “The Land of the Free and the Home of the Brave” vậy

Once again, Thank You America./

Westminster California, November 2015

Đoàn Thanh Liêm