NHÂN ĐỨC
Fr. Huynhquảng
Kính gởi lời chào thân ái đến quí bạn hữu đã đồng hành và chia sẻ mục Sống Sao Cho Đẹp qua chín mươi bài vừa qua. Đời người vẫn còn đó những biến chuyển đổi thay; nổi thao thức cho một cuộc đời có ý nghĩa hay và đẹp vẫn bám chặt trong con tim khối óc của mỗi chúng ta. Với tinh thần học hỏi trao đổi giúp nhau sống tốt hơn, tác giả mục Sống Sao Cho Đẹp xin tiếp tục chia sẻ loạt bài cuối với chủ đề mới: Nhân đức.
* * *
Theo bạn, cuộc đời như thế nào được gọi là có ý nghĩa hay và đẹp? Câu hỏi này tựa như thật đơn giản, nhưng thực ra cả nhân loại từ nhiều ngàn năm qua vẫn đi tìm câu trả lời cho nó. Các nhà triết học, tôn giáo vẫn đi tìm câu trả lời cho nó; và đến lượt chúng ta hôm nay vẫn đi tìm câu trả lời cho nó. Tại sao nó khó quá vậy? Xin thưa, vì để trả lời cho câu hỏi về một cuộc đời hay và đẹp, không ai có thể thoả mãn câu trả lời này qua những minh giải lý thuyết của những người khác, nhưng chỉ thực sự hay và đẹp khi mình cảm nghiệm được cuộc đời hay và đẹp trong cuộc sống. Nói cách khác, đó là sự cảm nghiệm một cuộc sống hạnh phúc trong chính mình. Nhưng để đạt được sự hạnh phúc ấy, bên cận những yếu tố trợ lực, cũng có những yếu tố trở lục. Có những yếu tố trợ lực giúp chúng ta đạt hạnh phúc dễ dàng, nhưng cũng có những yếu tố trở lực ngăn cản chúng ta đạt hạnh phúc. Dầu vậy, có khi những yếu tố trở lực này đôi khi lại trở nên nguồn trợ lực khi chúng ta biết tận dụng nó cho hợp lý. Nói tóm lại, các tôn giáo, các triết gia phần nào chỉ cho chúng ta thấy đâu là trợ lực và đâu là trở lực trong hình trình đi tìm hạnh phúc cho mỗi đời người. Nhân đức chính là yếu tố trợ lực cho chúng ta đạt được hạnh phúc.
Nhân đức là gi? Thật đơn giản, Giáo lý Công giáo định nghĩa như sau: “Nhân đức là những thói quen tốt và bền vững, giúp ta làm sự thiện một cách dễ dàng hơn” (GLCG # 1803). Có hai loại nhân đức, nhân đức nhân bản và nhân đức hướng thần. Trong loạt bài cuối của mục SSCĐ, chúng ta sẽ lần lượt ôn lại bốn nhân đức nhân bản chính yếu và ba nhân đức hướng thần. Bốn nhân đức nhân bản chính yếu bao gồm: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ; ba nhân đức hướng thần bao gồm: đức tin, đức cậy và đức mến.
* * *
Nhân đức là thói quen tốt, và bền vững. Nhân đức có thể đạt được qua tập luyện, tuy nhiên việc tập luyện nhân đức không chỉ như là việc rèn luyện một kỹ thuật nào đó (ví dụ như chơi thể thao), nhưng nó là một sự biến đổi con người – điều này tạo ra tính bền vững; nó trở nên như bản tính tự nhiên thứ hai trong người chúng ta.
Giáo sư Kinh thánh Yohanna Katanacho, người Palestine bị cho là đối tượng bị tình nghi nằm trong nhóm người khủng bố tại Israel. Ông thường xuyên bị ngăn chặn và bị kiểm tra thẻ căn cước; có lúc ông bị giam giữ hằng giờ để bị thẩm vấn. Điều này làm ông vô cùng bực bội và căm thù những người lính Israel. Là người rao giảng Lời Chúa, ông hiểu rằng Chúa dạy phải yêu thương kẻ thù. Nhưng trong trường hợp này, làm sao ông có thể tha thứ và yêu thương những “kẻ thù” làm phiền và bắt bớ ông một cách vô cớ?!
Sau nhiều tháng trăn trở và cầu nguyện, ông cảm nghiệm được rằng, tình yêu kẻ thù mà Tin Mừng mời gọi không phải là loại tình yêu cảm tính, nhưng là một hành động. Nhưng phải làm gì để chứng tỏ tình yêu qua hành động với những người lính này? Ông nghĩ ngay tới việc “chia sẻ Lời Chúa” với những người lính. Nhưng làm cách nào để làm cho những người lính đối thoại với ông trên đường phố? Ông làm những mãnh giấy nhỏ có in đậm câu Lời Chúa trích từ sách Isaiah, “Yêu thật lòng” bằng tiếng Do Thái. Cứ mỗi lần bị chặn lại và yêu cầu đưa thẻ căn cước, ông đều tặng cho người lính câu Lời Chúa này. Vì câu Lời Chúa bằng tiếng Do Thái, nên những người lính thường hỏi han và trao đổi với ông trước khi để ông đi. Sau một thời gian, ông Yohanna nhận ra sự biến đổi trong con người ông; ông không còn cảm thấy hận thù và nhục nhả trong lòng mình nữa. Cũng hoàn cảnh đó, những con người đó, nhưng trong ông đã thay đổi khi gặp những người lính trên đường. Vì thế, khi bắt đầu đi ra khỏi nhà, ông đều cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin để cho con bị chận lại để con chia sẻ tình yêu của Chúa Kitô cho họ.”
* * *
Mẫu chuyện trên giúp chúng ta suy nghĩ đến việc luyện tập nhân đức. Ai trong chúng ta cũng thường hay gặp phải những chuyện không vừa lòng, trái ý trong cuộc đời. Có nhiều cách để vượt qua những trở ngại khó khăn đó, nhưng nếu chúng ta giải quyết bằng cách lấy mình làm trung tâm, có lợi cho mình, mà gạt Chúa và tha nhân ra khỏi bức tranh đời mình, thì có lẽ thành quả sẽ không đạt và bình an cũng không chiếm ngự được. Vì thế, tập nhân đức trước hết và cần trên hết chính là tập sống với Chúa. Lấy Chúa làm trung tâm chi phối mọi sinh hoạt, suy nghĩ của đời ta. Chỉ trong Chúa, ta mới thực sự trở nên người biết sống đẹp và có ý nghĩa.
Fr. Huynhquảng