Trump: Mỹ không kích 3 cơ sở nguyên tử ở Iran

Ba’o Nguoi-Viet

June 21, 2025

WASHINGTON, DC (NV) – Mỹ không kích ba cơ sở nguyên tử ở Iran hôm Thứ Bảy, 21 Tháng Sáu, Tổng Thống Donald Trump loan báo trên mạng xã hội Truth Social của ông, theo USA Today.

Vụ không kích này xảy ra giữa lúc cuộc chiến Israel với Iran bước qua tuần thứ nhì.

Tổng Thống Donald Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc tối 21 Tháng Sáu về cuộc tấn công Iran. (Hình: Carlos Barria – Pool/Getty Images)

“Chúng tôi vừa hoàn tất cuộc tấn công rất thành công vào ba cơ sở nguyên tử ở Iran, gồm Fordo, Natanz, và Esfahan,” ông Trump viết trên Truth Social. “Toàn bộ phi cơ hiện đã ra khỏi không phận Iran. “Phi cơ chở đầy bom thả xuống cơ sở chính, Fordo.”

“Toàn bộ phi cơ đang trên đường trở về an toàn,” ông Trump thêm. “Chúc mừng những chiến binh Hoa Kỳ tài giỏi của chúng ta. Không quân đội nào trên thế giới làm được như vậy. Bây giờ là thời điểm cho hòa bình.”

Phi cơ ném bom B2 được dùng trong chiến dịch này, một nguồn tin biết vụ này cho hay, theo CNN.

Tối Thứ Bảy, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump phát biểu về cuộc tấn công ba cơ sở nguyên tử ở Iran: “Tối nay, tôi có thể báo cáo với thế giới rằng các cuộc tấn công này là một thành công quân sự ngoạn mục. Các cơ sở làm giàu uranium nguyên tử quan trọng của Iran đã bị xóa sổ hoàn toàn và triệt để. Iran, kẻ bắt nạt Trung Đông, giờ đây phải tạo dựng hòa bình. Nếu không, các cuộc tấn công trong tương lai sẽ lớn hơn nhiều và dễ dàng hơn,” theo Reuters.

“Hoặc là hòa bình hoặc sẽ có thảm kịch cho Iran, lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã chứng kiến trong tám ngày qua. Hãy nhớ rằng, vẫn còn nhiều mục tiêu. Đêm nay là mục tiêu khó khăn nhất trong số đó, và có lẽ là mục tiêu nguy hiểm nhất. Nhưng nếu hòa bình không đến nhanh chóng, chúng tôi sẽ nhắm vào những mục tiêu khác với tốc độ, sự chính xác và kỹ năng,” ông Trump tuyên bố.

“Tôi muốn cám ơn và chúc mừng Thủ Tướng Bibi Netanyahu (tên của ông Benjamin Netanyahu, thủ tướng Israel). Chúng tôi đã làm việc như một đội, có lẽ chưa từng có đội nào làm việc như vậy trước đây, và chúng tôi đã đi một chặng đường dài để xóa bỏ mối đe dọa khủng khiếp này đối với Israel,” ông Trump nói.

Khói bốc lên từ những đám cháy ở khu vực bị nghi là nơi phóng hỏa tiễn của Iran bị Israel không kích trên núi Shiraz, Iran, hôm Thứ Bảy, 21 Tháng Sáu, trước khi Tổng Thống Donald Trump tuyên bố Mỹ không kích ba cơ sở nguyên tử Iran. (Hình minh họa: Hiroon/Middle East Images/AFP via Getty Images)

Chiến dịch hôm Thứ Bảy lập tức bị ít nhất một giới chức Cộng Hòa chỉ trích. Đó là Dân Biểu Thomas Massie của Kentucky.

Ông Massie đăng lại thông báo của Tổng Thống Trump lên mạng xã hội cùng với câu: “Vụ này không hợp Hiến Pháp.”

Trước đó, ông Massie đưa ra dự luật ngăn chặn ông Trump tham gia cuộc chiến Israel-Iran nếu Quốc Hội không chuẩn thuận.

Cũng hôm Thứ Bảy, trước khi Tổng Thống Trump công bố chiến dịch ném bom Iran, Bộ Ngoại Giao Mỹ bắt đầu di tản công dân Mỹ ra khỏi Israel và vùng West Bank, ông Mike Huckabee, đại sứ Mỹ ở Israel, cho hay trên mạng xã hội X.

Cuộc chiến bùng nổ hôm Thứ Sáu tuần trước sau khi Israel không kích phủ đầu Iran, chủ yếu nhắm vào cơ sở làm giàu uranium để ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí nguyên tử. Kể từ đó, hai bên tấn công qua lại, và mới tuần này, Tổng Thống Trump cho biết đang có “nhiều cơ hội” để Mỹ đàm phán với Iran nên ông muốn chờ thêm hai tuần mới quyết định tấn công nước này hay không. (Th.Long) [qd]


 

Fordo, Natanz và Ispahan : Những điều cần biết về các sở hạt nhân Iran

 RFI

Có thực là « toàn bộ » khả năng làm giàu chất uranium của Iran đã bị hủy hoại như tổng thống Mỹ đã khẳng định trong cuộc họp báo đêm qua ? Quân đội Hoa Kỳ đã huy động những phương tiện và những loại vũ khí nào để nhắm vào ba cơ sở hạt nhân « thiết yếu » của chế độ Teheran ?

Đăng ngày: 22/06/2025 

Ảnh ghép ba cơ sở hạt nhân Iran từ trái sang gồm Fordo, Natanz và Ispahan, trước khi bị Mỹ oanh kích trong đêm qua, 21/06/2025. © AP

Thanh Hà

Theo các dữ liệu chính thức hãng tin Pháp AFP tổng hợp, ba nhà máy hạt nhân bị tấn công đêm qua, Natanz, Ispahan và Fordo là « những cơ sở quan trọng » nhất của Iran

Natanz là một nhà máy ở miền trung Iran, cách thủ đô Teheran 240 km về phía nam. Ảnh vệ tinh phát hiện cơ sở này từ 2002. Đây là trung tâm « được biết đên nhiều nhất » với 2 tòa nhà : một lộ thiên và một được vùi sâu trong lòng đất. Natanz được coi là nơi đặt « hàng hàng máy ly tâm » để « làm giàu uranium ». Ngay khi khởi động chiến dịch Sư Tử Vươn Mình hôm 13/06/2025, Israel cho biết đã tấn công Natanz. Nhưng trước đó, hồi tháng 04/2021 một vụ nổ cũng đã xảy ra tại khu nhà máy này và vụ « phá hoại » đó được cho là do tình báo Israel tiến hành.

Về phần cơ sở tại Fordo : Theo AFP, Iran đã « hoàn toàn vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc » khi xây dựng nhà máy này. Fordo là một cơ sở được chôn sâu dưới lòng đất, sâu đến nỗi mà « chỉ bom xuyên boong-ke GBU 57 » của Mỹ mới có thể chọc thủng. Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) phát hiện Fordo năm 2009. Teheran xác nhận đây là « một nhà máy làm giàu uranium với 3 000 máy ly tâm ». Báo cáo hồi 2023 của AIEA ghi nhận tại đây « Iran làm uranium với nồng độ 83,7 % ».

Nhìn đến thực thể tại Ispahan : cơ sở này cách thủ đô Iran khoảng 350 km về hướng đông nam, hoạt động từ năm 1984 và được xem là « trung tâm » của các chương trình hạt nhân Iran Ispahan là nơi khoảng 3.000 nhà khoa học làm việc. Nhà máy này có nhiệm vụ sản xuất các loại khí để phục vụ các máy ly tâm trong mục đích làm giàu uranium. Gần đây nhất, 2024 Teheran thông báo « bắt đầu công trình xây dựng một lò phản ứng » để phục vũ « mục đích nghiên cứu ». Theo AFP một phần cơ sở tại Ispahan đã bị Israel oanh tạc ngay từ hôm 13/06/2025.

Liên quan đến những phương tiện quân sự Mỹ đã huy động trong loạt oanh kích vào những mục tiêu chính xác trên lãnh thổ Iran đêm qua, tổng thống Donald Trump đã tránh đi vào chi tiết. Nhưng theo truyền thông quốc tế : để can thiệp vào những mục tiêu đặc biệt vừa nêu, Lầu Năm Góc đã phải sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2, cùng 6 quả bom xuyên boong-ke đánh trúng Fordo và 30 tên lửa Tomahawk tấn công hai địa điểm còn lại. Máy bay ném bom của Mỹ cũng được cho là đã mang theo bom GBU-57 Massive Ordnance Penetrator (MOP) để có thể nhắm trúng các mục tiêu nằm sâu trong lòng đất và được nhiều lớp bê tông kiên cố bảo vệ.


 

Trump tuyên bố Không quân Mỹ “xóa sổ” 3 cơ sở hạt nhân Iran, cảnh báo sẽ còn đánh mạnh hơn

Ba’o Dat Viet

June 22, 2025

Washington D.C. – Tối 21 tháng Sáu (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tuyên bố trước toàn quốc rằng quân đội Mỹ đã thực hiện cuộc tấn công chính xác nhằm vào ba cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran: Fordow, Natanz và Esfahan, đánh dấu bước leo thang quân sự lớn nhất trong quan hệ Mỹ–Iran kể từ đầu năm.

Phát biểu từ Nhà Trắng, ông Trump gọi chiến dịch này là “một thành công quân sự ngoạn mục” và nhấn mạnh rằng toàn bộ các cơ sở làm giàu uranium của Iran đã bị “xóa sổ hoàn toàn và triệt để.”

“Tất cả mọi người đã nghe những cái tên này suốt nhiều năm khi Iran âm thầm xây dựng những cơ sở hủy diệt khủng khiếp này. Giờ đây, chúng tôi đã phá hủy năng lực hạt nhân của họ để ngăn chặn mối đe dọa từ nhà nước tài trợ khủng bố số một thế giới,” ông Trump khẳng định.

Trong bài phát biểu dài gần 20 phút, ông chủ Nhà Trắng lặp lại thông điệp cứng rắn đối với Tehran, nói rằng nếu Iran không chấp nhận hòa bình, “các cuộc tấn công trong tương lai sẽ lớn hơn nhiều và dễ dàng hơn rất nhiều.”

Nhắc đến những khẩu hiệu “chết cho nước Mỹ” và “chết cho Israel” mà Iran thường tuyên truyền trong 40 năm qua, ông Trump nhấn mạnh:

“Tôi đã quyết định rằng tôi sẽ không để điều đó tiếp diễn. Nó chấm dứt ngay bây giờ.”

Tổng thống Mỹ cũng cảm ơn Thủ tướng Israel Benjamin “Bibi” Netanyahu, gọi chiến dịch là thành quả của “một đội ăn ý chưa từng có tiền lệ.” Ông không giấu sự hài lòng với vai trò của quân đội Israel và đặc biệt tán dương những người điều khiển “những cỗ máy tuyệt vời” của quân đội Mỹ – người mà ông gọi là “những người yêu nước vĩ đại.”

Cũng trong bài phát biểu, ông Trump gửi lời chúc mừng đến Tướng Dan “Razin” Caine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, cho biết hai quan chức này sẽ chủ trì cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc lúc 8 giờ sáng ngày 22 tháng Sáu để công bố thêm chi tiết.

Ông Trump đưa ra một cảnh báo lạnh lùng: “Hãy nhớ rằng còn rất nhiều mục tiêu khác. Tối nay là mục tiêu khó khăn nhất – và nguy hiểm nhất. Nhưng nếu hòa bình không đến nhanh chóng, chúng tôi sẽ nhắm vào những mục tiêu còn lại với tốc độ, sự chính xác và kỹ năng. Hầu hết có thể bị tiêu diệt trong vài phút.”

Ông cũng không quên “khoe” về sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ, khẳng định “không có quân đội nào trên thế giới làm được những gì chúng tôi đã làm tối nay – thậm chí không gần bằng.”

Chưa đầy 24 giờ sau khi Iran đưa ra tuyên bố tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân bất chấp cảnh báo từ phương Tây, chiến dịch không kích quy mô lớn này đã được tung ra, được cho là không chỉ mang tính răn đe quân sự mà còn có mục tiêu chính trị rõ rệt, giữa lúc ông Trump đang bước vào giai đoạn nước rút tái tranh cử.

Với đòn đánh táo bạo này, giới quan sát quốc tế giờ đây lo ngại: liệu đây là khúc dạo đầu của một cuộc xung đột quy mô lớn, hay là đòn cân não cuối cùng trước khi buộc Iran trở lại bàn đàm phán? Câu trả lời có thể sẽ rõ hơn trong cuộc họp báo sắp tới tại Lầu Năm Góc.


 

CHIỀU KÍCH CỘNG ĐỒNG-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê!”.

“Thánh Lễ không tách biệt chúng ta khỏi thế giới, nhưng đặt chúng ta trong lòng cộng đoàn, với đôi mắt biết nhận ra Chúa nơi tha nhân!” – Henri Nouwen.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhân Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, có lẽ chúng ta nên nhấn mạnh một điều thường bị bỏ qua: ‘chiều kích cộng đồng’ của việc cử hành Thánh Thể. Bởi lẽ “Thánh Lễ đặt chúng ta trong lòng cộng đoàn, với đôi mắt biết nhận ra Chúa nơi tha nhân!”

Chúng ta có xu hướng “đi lễ” theo nghĩa cá nhân. Nếu “tôi” không “đi lễ” Chúa Nhật, “tôi” mắc tội trọng. Chúng ta nói về “tham dự” với câu hỏi như “Ai cử hành?”; thậm chí nghe chủ tế thông báo, “Hôm nay tôi dâng lễ để cầu cho linh hồn…”. Ngẫm lại, thật kỳ cục, như thể chúng trình bày một điều gì đó mà chỉ Linh mục làm thay cho những người khác. Mọi người cảm thấy mình như trong một ‘buổi diễn’ mà họ chỉ được mong đợi có mặt ‘về thể chất’. Vì thế, khá nhiều người đến muộn và rời đi trước khi kết thúc. Những điều này phổ biến đến mức không ai còn để ý; thậm chí chấp nhận chúng ‘là đương nhiên’. Vậy mà nó cho chúng ta biết rất nhiều về ý nghĩa của việc có mặt hay không có mặt trong Bí tích này.

Thánh Thể về căn bản là một cử hành mang ‘chiều kích cộng đồng’ mà mọi người được kỳ vọng sẽ tham gia tích cực. Trước hết, tôi có mặt để nhớ lại điều khiến tôi trở thành Kitô hữu – đồng nhất cuộc sống mình với cuộc sống, sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Sự đồng nhất này không thông qua mối quan hệ ‘một – Một’, nhưng trong mối quan hệ cộng đồng với Ngài đang ở trong tất cả những ai là Kitô hữu; chúng ta thông hiệp với Ngài qua Nhiệm Thể của Ngài. Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân trong Kitô giáo, nhưng tôi đến với Chúa ‘cùng với’ và ‘thông qua’ anh chị em tôi.

Vậy nếu chỉ đến nhà thờ để ‘giữ điều răn Thứ Ba’ hoàn toàn riêng tư thì không có gì ngạc nhiên khi tôi đến muộn về sớm. Và với tâm lý đó, ‘đi lễ’ là chuyện cá nhân đối với tôi và những người khác ‘tình cờ’ cũng có mặt. Một số thậm chí còn bực bội vì có quá nhiều thứ diễn ra; họ tự hỏi tại sao không ‘được yên tĩnh để cầu nguyện’. Đúng, một số buổi lễ có thể quá sôi nổi hoặc quá xâm phạm; nhưng mặt khác, đó không chỉ là thời gian để cầu nguyện riêng tư – người ta có thể làm tốt hơn nhiều ở nhà – nhưng là cùng nhau tạ ơn Chúa, một ‘chiều kích cộng đồng’ của toàn Giáo Hội.

Anh Chị em,

“Mọi người đều ăn”. Thánh Thể còn là thời gian chúng ta thể hiện sự hiệp nhất thông qua việc cùng nhau ăn và uống Thân Thể đó. Chìa khóa để chúng ta ở trong Chúa Kitô là tình yêu – không chỉ dành cho Chúa, mà còn dành cho từng người. Thánh lễ không phải là thời gian để tạo ra cộng đồng; đúng hơn, thời gian để cử hành cộng đồng. Không được vậy, chúng ta đến nhà thờ như những người xa lạ với nhau. Vì thế, cần ý thức rằng, tôi đang tham gia vào lễ kỷ niệm vui tươi, một lễ mang ‘chiều kích cộng đồng’. Sự hiệp thông này đòi hỏi sự chia sẻ, cầu nguyện và giao tiếp ở một mức độ tự phát và tự nhiên nhất định.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con yêu mến Thánh Lễ – nơi con ở trong lòng Nhiệm Thể – với đôi mắt biết nhận ra Chúa nơi anh em con. Cho con đừng đi trễ về sớm nữa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

********************************************

 CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, NĂM C

Mọi người đều ăn, và được no nê.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.         Lc 9,11b-17

11b Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.

12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng : “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.” 13 Đức Giê-su bảo : “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp : “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” 14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” 15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. 16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.


 

THƯ GỬI EM – Maria VŨ THỊ DUNG

Công Giáo Việt Nam

Gửi em – cô bé vừa rời bỏ thế gian vì trượt kỳ thi lớp 10…

Dung ơi,

Anh không biết em là ai, chưa từng gặp em một lần trong đời. Nhưng hôm nay, khi đọc tin em ra đi ở tuổi 15 chỉ vì một kỳ thi không như mong đợi, lòng anh nghẹn lại. Em còn nhỏ quá, còn cả một tuổi thanh xuân phía trước, thế mà em lại chọn rời đi mãi mãi.

Thi trượt không phải là dấu chấm hết. Một kỳ thi không thể quyết định cả cuộc đời. Nếu em ở lại, anh tin chắc em sẽ còn nhiều cơ hội để làm lại, để sống một cuộc đời đúng với bản thân – không cần phải chạy theo kỳ vọng của ai khác.

Nhưng em đã không kịp nghe những lời đó.

Anh không biết trong những ngày cuối cùng em đã trải qua những gì. Có phải em đã thấy mình thật vô dụng? Có phải em sợ ánh mắt của ba mẹ, sợ lời dèm pha, sợ trở thành gánh nặng?

Có phải em chỉ mong ai đó lắng nghe em, ôm em một cái, và nói: “Không sao đâu con.”

Anh không trách em. Anh chỉ buồn. Buồn vì em đã không được ai đó kéo lại trước bờ vực tuyệt vọng. Buồn vì xã hội này vẫn còn quá nhiều áp lực đè nặng lên vai những đứa trẻ chưa đủ lớn.

————-

Gửi những bạn trẻ ngoài kia,

Làm ơn, đừng nghĩ rằng một lần vấp ngã là hết. Các em xứng đáng có cơ hội thứ hai, thứ ba. Điểm số không quyết định giá trị của con người. Thất bại chỉ là bước đệm để các em mạnh mẽ hơn.

Gửi những bậc cha mẹ,

Xin đừng chỉ quan tâm đến bảng điểm. Xin đừng biến sự kỳ vọng thành áp lực. Xin đừng dùng những lời lẽ này với con cái

“Con học kém quá!”

“Người ta đậu hết, chỉ có con rớt!”

“Đừng để ba mẹ mất mặt với hàng xóm!”

Khi con thất bại, xin đừng mắng mỏ. Hãy ôm con. Hãy nói: “Không sao, con đã cố gắng rồi.” Hãy cho con cảm giác được yêu thương vô điều kiện, không vì thành tích, không vì thứ hạng.

Một cái ôm, một lời động viên có thể cứu lấy con mình khỏi vực sâu tuyệt vọng. Hãy yêu con vô điều kiện – yêu ngay cả khi chúng thất bại, YÊU NHƯ CHÚNG LÀ…..

Dung ơi,

Có thể em đã không còn nữa, nhưng anh tin cái tên của em sẽ không biến mất vô nghĩa. Em sẽ được nhớ đến – như một lời cảnh tỉnh, như một nỗi đau khiến cả xã hội phải nhìn lại.

Ngủ yên nhé, cô bé nhỏ.

Thương em!

Từ FB PeterGiung


 

NẾU BẠN MẤT LÒNG TIN VÀO SỰ TỬ TẾ, HÃY ĐỌC HẾT BÀI NÀY

Maria Mai Tâm

Nhà tỷ phú Mỹ John Jacob Astor IV có mặt trên tàu “Titanic”, khi nó sắp chìm.

Tiền trong tài khoản ngân hàng của ông đủ để chế tạo 30 con tàu như “Titanic”. Tuy nhiên, đối mặt với cái chết, ông đã chọn điều mà ông cho là đúng đắn về mặt đạo đức, và nhường chỗ của mình trên chiếc thuyền cứu hộ cho hai đứa trẻ đang hoảng hốt.

Isidor Strauss, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất nước Mỹ Macy’s, người cũng có mặt trên tàu “Titanic”, nói:

“Tôi không bao giờ lên thuyền cứu hộ trước những người đàn ông khác”.

Vợ ông cũng từ chối lên thuyền, nhường chỗ cho cô giúp việc mới thuê. Bà quyết định sống những giây phút cuối đời bên chồng.

Những người giàu này thà mất đi tài sản, thậm chí mạng sống của mình, hơn là từ bỏ các nguyên tắc đạo đức.

Sự lựa chọn các giá trị đạo đức của họ đã thể hiện vẻ đẹp huy hoàng của nền văn minh nhân loại và bản chất con người.

Cho nên, dù cho có đến hàng tỉ kẻ bỉ ổi trên thế gian này, mình cũng vẫn phải tin rằng luôn tồn tại phép màu của sự tử tế. Hãy cứ bao dung và kiên nhẫn…

Từ Fb : Color Man


 

MỘT CƠN ĐAU TIM

MỘT CƠN ĐAU TIM                                                          

 Tối thứ ba tuần trước, tôi đi ngủ rất ngon đến hơn 6 giờ sáng, dậy đi tắm và sửa soạn đi làm, cảm thấy thoải mái bình thường, không có triệu chứng gì khác lạ. Khoảng 7 giờ hơn, khi với tay tắt ngọn đèn trên đầu tủ hơi cao, tôi bỗng thấy mặt nóng bừng, mồ hôi toát ra, hai cánh tay rã rời như vừa khiêng vác vật nặng quá sức. Khi đó, tôi hơi nghi là bị stroke đứt hoặc nghẽn mạch máu dẫn vào óc, liền lấy máy đo huyết áp, thấy rất cao, khoảng 180/100. Tôi vội lấy 2 viên thuốc chống cao máu uống liền một lúc. Tiếc rằng nhà không có sẵn aspirin. Ngay sau đó, tôi xuống cầu thang thì bắt đầu thấy tức ngực, đau khoảng giữa lồng ngực, nửa như đau bao tử , xót bao tử khi đói, nửa như bị ai đấm vào chấn thủy. 

Nhìn vào gương, cười, nói, dơ tay lên xuống thì không thấy có gì biến đổi hay khó khăn, không nhức đầu chóng mặt, hát thử vài câu vẫn thấy dở như thường, nghĩa là không có những triệu chứng của stroke.

 Tôi liền nghĩ ngay đến heart attack – cơn đau tim, chứ không phải stroke. Không chần chờ nữa, tôi gọi số cấp cứu 911 ngay. Lúc đó vào khoảng 7 giờ 20, chỉ chừng 10 phút sau khi tôi nhận thấy triệu chứng khó chịu đầu tiên.

 Qua điện thoại, nhân viên cấp cứu bảo tôi ngồi hoặc nằm ở tư thế nào thấy thoải mái nhất, nhờ người nhà lấy tất cả những thứ thuốc tôi đang uống để sẵn và để ngỏ cửa vào nhà. Khi đó tôi vẫn tỉnh táo, đọc tên từng loại thuốc và liều lượng đang uống cho họ, nhưng rất khó thở và hai cánh tay rất mỏi.

 Vẫn không thấy nhức đầu và không nói líu lưỡi không phải stroke.

Chừng 5 phút sau, xe cấp cứu tới. Người paramedic – chuyên viên cấp cứu cho tôi nhai ngay chừng 5 hay 6 viên baby aspirin loại 81 mg, nhai rồi nuốt trửng chứ không nhai với nước để cho thuốc thấm theo nước miếng vào các mạch máu nhỏ dưới lưỡi, mục đích là làm cho máu loãng ra. Đồng thời họ xịt Nitroglycerin lỏng vào dưới lưỡi tôi ba lần, mỗi lần cách nhau chừng 5 phút, để cho các mạch máu gian nở , không được dùng quá 3 lần, kẻo sự giãn nở mạch máu quá đáng, có thể gây stroke. Tôi thấy bớt tức ngực, thở dễ hơn, nhưng hai cánh tay vẫn rã rời. Trái lại, đầu óc tỉnh táo, không nhức đầu và chân đi vẫn vững vàng , không stroke.

 Chừng 5 phút sau, xe cứu thương tới. Tôi đã cảm thấy dễ thở hơn và có thể tự đi ra trèo lên băng-ca cấp cứu. Trên đường vào vào bệnh viện, tôi để ý thấy xe không hụ còi – có nghĩa là không có gì khẩn cấp lắm. Trên xe, người paramedic hỏi chuyện tôi liên tục, mục đích là coi tôi có tỉnh táo, có bị stroke khiến nói ngọng không. Có người vừa bị heart attack vừa bị stroke, rất nguy hiểm. 

Khoảng 15 phút sau đến bệnh viện, họ đưa tôi vào khu cấp cứu, có bác sĩ chăm sóc ngay lập tức. Họ tiếp “nước biển” hòa thuốc làm loãng máu và làm tan máu đông (blood clots), morphine làm bớt đau, chụp quang tuyến X lồng ngực để tìm dấu vết sưng phổi – pneumonia nếu có, đo tâm động đồ – EKG. Đồng thời họ cho thử máu để tìm chỉ số enzyme định bệnh tim.

 Khi tim bị thiếu máu, tim sẽ tiết ra loại enzyme này.

 Nếu chỉ số enzyme cao tức là bệnh nhân đã bị heart attack.

Lần đầu, có lẽ vì thử nghiệm quá sớm, nên chỉ số không cao. Họ chờ 2 tiếng sau thử lại thì mới rõ ràng là bị heart attack. Vì nhịp tim của tôi đập không quá nguy cấp nên Bác sĩ không mổ ngay. Trong thời gian đó, tuy vẫn nằm ở khu cấp cứu, nhưng tôi rất tỉnh táo, bớt đau ngực và tay và còn có thể lấy smart phone ra trả lời ngắn gọn một hai emails.

Lạ một điều là tâm động đồ làm mấy lần đều không có dấu hiệu heart attack rõ ràng.

Sau này, Bác sĩ giải thích rằng bắp thịt tim tôi chưa bị hư hại và còn hoạt động mạnh dù bị attacked, có lẽ nhờ vào việc tôi bơi lội thường xuyên , tôi thường bơi 40 đến 60 chiều dài hồ bơi trong một giờ, một hai lần mỗi tuần – nhưng từ sáu tháng nay bận nhiều việc quá nên không bơi, không tập thể dục gì hết !

 Khoảng 3 giờ chiều thì Bác sĩ chuyên khoa tim quyết định làm phẫu thuật thông mạch máu tim – angioplasty. Theo kỹ thuật này, Bác sĩ cắt một lỗ rất nhỏ ở mạch máu gần háng hay cổ tay – trường hợp của tôi , Bác sĩ cắt ở cổ tay – rồi luồn một camera cực nhỏ ở đầu một catheter – ống mềm rất mảnh đưa vào đến động mạch tim. Camera sẽ chiếu lên màn ảnh computer lớn như TV cỡ 60″ để cho thấy chỗ bị tắc nghẽn. Khi đó tôi vẫn tỉnh, chỉ hơi mơ mơ buồn ngủ do được chích thuốc an thần, không làm mê hoàn toàn và không cảm thấy đau đớn gì hết. Khi tìm ra chổ mạch máu nghẽn, Bác sĩ sẽ “bắn” cho cục máu đông – blood clot tan ra, rồi đẩy một “bong bóng” – balloon vào chỗ đó, xong bơm cho bong bóng căng lên, làm phồng khúc mạch máu nghẹt khiến cho máu thông dễ dàng, trước khi xì hơi bong bóng, còn để lại một “giàn lưới”- stent hình ống, nằm lót bên trong nhằm căng khúc mạch máu đó ra. Lưới sẽ nằm vĩnh viễn trong mạch máu tim nên bệnh nhân sẽ phải uống thuốc làm loãng máu dài dài, nếu không, máu đông có thể kẹt vào đó làm heart attack nữa!

 Cuộc giải phẫu, ban đầu dự tính chừng 45 phút, đúng hai giờ mới xong ! Mà vẫn còn hai mạch máu nữa chưa được thông, nên vài tuần nữa tôi sẽ phải vào bệnh viện làm tiếp. Tuy nhiên, lần sau sẽ dễ dàng hơn nhiều, có thể làm xong trong ngày, trừ khi tôi để cho bị heart attack nữa. Sau khi mạch máu tim được thông, tôi cảm thấy dễ chịu ngay lập tức. Hai cánh tay hết mỏi rã rời, ngực hết tức, nhịp thở gần bình thường trở lại.

 Bác sĩ đã mổ từ mạch máu ở cổ tay tôi, luồn vào tim, nên tôi mau hồi phục hơn là mổ từ dưới háng. Sau ba ngày, mở băng ra, cổ tay tôi chỉ còn vết đóng vảy cỡ như bị con kiến lửa cắn rồi mình gãi ra mà thôi! Tuy nhiên, dọc theo cánh tay có vết bầm phía bên trong, chắc là do đường ống luồn qua gây nên. Không đau đớn gì cả. Tim không có cảm giác gì mới lạ, vẫn yêu, thương, hờn, giận… như thường! Đặc biệt là sau khi được thông mạch máu tim, huyết áp của tôi xuống và nằm ở mức rất tốt, rất ổn định. Bác sĩ giải thích là do mạch máu được thông nên tim đỡ phải làm việc nhiều, không cần bơm máu mạnh như trước nữa, nên áp suất nén vào thành mạch máu cũng giảm đi. Thật là một công đôi việc!

Qua tai biến này, tôi rút ra được vài kinh nghiệm quý báu như sau, xin được chia sẻ cùng anh chị em:

 Thứ nhất:

BÌNH TĨNH MÀ RUN! Đúng vậy, ai mà không run khi nghĩ đùng một cái mình đang bị một trong hai chứng bệnh giết người nhiều nhất và nhanh chóng nhất: Heart attack đứng đầu, stroke thứ ba, chỉ sau ung thư. Nhưng phải thật bình tĩnh và tỉnh táo để không lãng phí từng giây phút và làm bệnh thêm trầm trọng.

Thứ hai: NGƯNG MỌI HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỂ Ý NGAY KHI CÓ TRIỆU CHỨNG LẠ THỨ NHẤT, trường hợp tôi là toát mồ hôi dù buổi sáng khá lạnh. Nếu đang lái xe, cần phải tìm chỗ an toàn đậu lại ngay. Chú ý: Nếu có cell phone, luôn luôn mang bên mình, không để trong cặp hay giỏ đàng sau cóp xe.

Thứ ba: GỌI CẤP CỨU NGAY KHI CÓ NHIỀU HƠN MỘT TRIỆU CHỨNG LẠ của stroke hay heart attack .

thí dụ: cánh tay mỏi rã, tức ngực, ngay sau khi toát mồ hôi.

Ở Mỹ: Không nên nhờ người nhà chở vô nhà thương, mà phải gọi 911. Lý do: bệnh viện có bổn phận phải cấp cứu ngay lập tức khi tiếp nhận một bệnh nhân do 911 đưa tới. Người paramedic đưa mình tới phải chờ cho đến khi thấy mình được chăm sóc bởi bác sĩ, rồi mới đi được.

Nếu mình tự tới xin cấp cứu, trừ khi bị thương máu me đầm đìa như bị đụng xe, còn không sẽ phải làm nhiều thủ tục và chờ đợi trước khi được cấp cứu. Nếu bị stroke hay heart attack mà mất chừng 15 phút là nguy lắm rồi.

Thứ tư: Cố gắng PHÂN BIỆT CÁC TRIỆU CHỨNG GIỮA STROKE VÀ HEART ATTACK.

Khi chuyên viên cấp cứu đến nhà, cố gắng trả lời rõ ràng sao cho họ có thể hướng sự cấp cứu về một loại tai biến: Stroke hay Heart Attack.

Lý do: những giây phút cấp cứu đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Nếu không phải stroke vì máu nghẽn mà vì đứt mạch máu, nhức đầu mạnh, mạch máu chính trên đầu bị bể mà nhân viên cấp cứu cho thêm aspirin làm loãng máu, nitroglycerin làm giãn mạch… thì tiêu luôn tại chỗ !

Theo các Bác sĩ, khi thiếu máu vào nuôi, tế bào óc sẽ chết mau hơn tế bào tim nhiều. Do đó, nếu nhân viên cấp cứu tin là bệnh nhân bị stroke do đứt, bể mạch máu thì nhiều phần là họ sẽ lo chở bệnh nhân vào bệnh viện thật sớm . Bây giờ ở Mỹ và các nước tiên tiến có thuốc chích có thể hồi phục stroke, nếu được chích trong vòng một, hai giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, càng sớm càng tốt. Nếu tin là heart attack thì họ sẽ thử làm cho máu loãng và mạch nở tại chỗ, mất chừng 10 phút trước khi họ chở đi. Mười phút phù du đầu tiên đó quý giá bằng 10 năm hay có thể bằng cả quãng đời còn lại !

Thứ năm: Trong bệnh viện, cần TỈNH TÁO khi còn có thể, NÓI CHUYỆN NHÌỀU với Y tá, Bác sĩ , không hiểu thì yêu cầu người thông dịch.

Đặt câu hỏi mỗi khi nhân viên Y tế làm bất cứ thủ thuật nào trên cơ thể mình.

Thí dụ: Chích thuốc này làm gì? Tại sao cần chụp X-ray ngực hai lần trong vòng vài giờ khi tình trạng không có gì thay đổi?

Nhờ hỏi mà tôi tránh được 1 lần X-ray vô ích do lỗi của Y- tá, người ca trước đã làm, người ca sau lại định làm nữa!

Thứ sáu: Khi đã lên bàn phẫu thuật mà không bị đánh thuốc mê thì hãy quên hết mọi sự mà chNGHĨ VỀ CHUYỆN VUI. Chẳng có gì phải lo lắng nữa!

Vài hàng chia sẻ cùng anh chị em.

 Nguyễn Hưng

From: Tu-Phung


 

 HỒNG ÂN THÁNH THỂ – Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 (Suy niệm Lễ Mình Máu thánh Chúa)

 Sứ điệp: Kết hợp nên một với Chúa Giê-su để được sống đời đời.

***

Sự sống quý hơn mọi báu vật trên đời

 Trên cõi đời nầy, không gì quý bằng sự sống. Được sống vui, sống khỏe là mơ ước, là khát vọng mãnh liệt và thâm sâu nhất của con người. Vì thế, khi mắc những chứng bệnh nguy hiểm đe dọa mạng sống, người ta tìm cách chạy chữa với bất cứ giá nào, miễn là được khỏi bệnh và được sống.

Tuy nhiên, cuộc sống con người trên dương gian chỉ như bông hoa sớm nở tối tàn, có thể tan biến bất cứ lúc nào như sương, như khói…

Vì thế, ai cũng muốn sống lâu và tìm cách kéo dài tuổi thọ. Tuy vậy, con người không thể thắng được sự chết và sớm muộn gì cái chết cũng đến cướp đi sự sống của từng người trên dương gian.

 Thiên Chúa thông ban sự sống đời đời   

Thiên Chúa là Cha của mọi người và Ngài hết lòng yêu thương họ. Ngài cũng là chủ của sự sống, là cội nguồn thông ban sự sống cho muôn vật, muôn loài.

Ngoài việc thông ban cho loài người sự sống đời nầy, Thiên Chúa còn muốn ban sự sống vĩnh cửu của chính Ngài cho con người, để họ được sống đời đời với Ngài, để họ được hạnh phúc vĩnh cửu như Ngài

Nhưng làm sao thực hiện được điều tuyệt vời nầy?

Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho.

Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.

Để thực hiện điều nầy, Chúa Giê-su lập nên bí tích Thánh thể, hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài cách xứng đáng, thì được hòa nhập nên một với Ngài như giọt nước hòa trong chén rượu, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).

Và những ai “ở lại trong Chúa Giê-su và có Chúa Giê-su ở lại với mình”, thì người đó là một với Chúa Giê-su và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho người ấy.

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.

Đức Giê-su khẳng định điều nầy khi nói rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…” (Ga 6, 54).

Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giê-su khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu”[1] với Chúa Giê-su và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời với Chúa! Hạnh phúc biết bao!

 Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con cơ hội để hiệp thông nên một với Chúa, hòa tan trong Chúa như giọt nước hòa trong chén rượu và nhờ đó Sự Sống đời đời của Chúa được thông truyền cho chúng con.

Xin cho chúng con sốt sắng tham dự Thánh lễ hằng ngày để đón nhận hồng phúc vô cùng cao quý nầy. 

 Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

From: NguyenNThu


 

THÁNH THỂ, MỘT ƠN BAN TỘT ĐỈNH CỦA THIÊN CHÚA – Phêrô Phạm Văn Trung

Phêrô Phạm Văn Trung

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô mà chúng ta cử hành Chúa nhật hôm nay là một biểu lộ hân hoan đối với sự hiện diện thường hằng của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.  Lễ này được cử hành theo truyền thống với một cuộc rước Thánh Thể khắp khu vực xung quanh nhà thờ sau thánh lễ.  Kết thúc cuộc rước, Thánh Thể được đưa trở lại Nhà thờ để Chầu.  Đó là một việc tôn sùng lớn lao hướng về Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.

 1.Vài nét lịch sử

 Trong Giáo Hội Sơ Khai, việc tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô chỉ giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể và rước lễ, và các Giáo Phụ như Augustinô và Ambrôsiô khuyến khích thái độ thờ lạy trong Thánh Lễ.  Tuy nhiên, vào thế kỷ 13, để đền tạ những phạm thánh và bất kính của những người phủ nhận Bí tích Thánh Thể, nhiều phong trào giáo dân ở Bắc Âu đã cổ động lòng sùng kính bí tích này.  Họ tổ chức những giờ chầu Thánh Thể, linh mục ban phép lành với Mình Thánh Chúa, kéo chuông nhà thờ khi linh mục thánh hiến bánh và rượu.  Tại Liège, Bỉ, nhờ thánh nữ Juliana (1193-1258), một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của dòng Augustinô tại Mont-Cornillon, họ đã xin Đức cha Robert de Thorete, là giám mục địa phương, cử hành một lễ kính Mình Thánh vào ngày thứ năm sau Chúa nhật kính Chúa Ba Ngôi.  Mặc dù ban đầu còn do dự, nhưng vào năm 1246, Đức Giám Mục Thorete chấp thuận lời thỉnh cầu cho phép cử hành lễ Mình Máu Chúa Kitô trên toàn giáo phận.  Như vậy, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành lần đầu tiên tại Liège, Bỉ, vào năm ấy.  Sau này tại Ý, năm 1263, trong nhà thờ thánh Catarina, tại Bolsena, phía bắc thành phố Rôma và phía nam thành phố Orvieto, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu và Thịt Chúa Giêsu.  Tức thì Máu Thánh chảy đẫm khăn thánh và khăn bàn thờ.  Ðức Giáo Hoàng nghe tin này, bèn ra lệnh đem khăn về để tạm tại nhà thờ Orviette.  Chính Phép Lạ này khiến Ðức Giáo Hoàng Urbano IV (1262-1268) ban hành Tông sắc Transiturus de hoc mundo, năm 1264, thành lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu, như một ngày lễ cho toàn thể Giáo hội Latinh.  Trong bức Tông Sắc của mình, Đức Urbano IV đã viết rằng: “Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.  Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện.” [1]  Khi Đức Giáo Hoàng Piô V (1504-1572) sửa đổi Lịch Rôma chung, Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Corpus Christi – được ngài giữ lại cùng với Lễ Chúa Ba Ngôi.

 Ðức Giáo Hoàng Urbano IV giao cho Thánh Tôma Aquinô, đang là nhà thần học của Giáo hoàng, soạn thảo những bản văn phụng vụ cho ngày lễ trọng này.  Thánh Tôma Aquinô đã sáng tác một bài thánh ca dành cho Kinh Chiều của ngày lễ này, Pange Lingua, cũng được hát vào Thứ Năm Tuần Thánh trong cuộc rước Mình Thánh Chúa đến bàn thờ tạm.  Hai câu cuối của Pange Lingua [2] trở thành bài thánh ca Tantum Ergo, được sử dụng cho các Giờ Chầu Mình Thánh Chúa. 

2.Tin mừng và ý nghĩa của Thánh Thể 

Mặc dù Thứ Năm Tuần Thánh cũng được coi là Lễ Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng ngày đó dành để nhớ đến việc Chúa Giêsu thiết lập Chức Linh mục: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22: 19) và giới răn yêu thương qua việc rửa chân phục vụ nhau: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.  Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 3: 13-15). 

Lễ Mình Máu Thánh Chúa được thiết lập là để dành ra một ngày lễ chỉ tập trung vào Bí tích Thánh Thể: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.  Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6: 51). 

Khi chúng ta quy tụ trong Thánh Lễ, chúng ta biết rằng với tư cách là những người đã được rửa tội, chúng ta tạo thành cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn này với việc chủ sự của linh mục, sẽ tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua – cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh – của Chúa Giêsu Kitô.  Chúng ta hiệp dâng lễ vật của chúng ta với lễ vật của linh mục, Đấng đại diện cho Chúa Kitô, để lễ vật bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, mà chúng ta lãnh nhận khi Rước lễ, để chúng ta có được sự sống thần linh muôn đời của chính Chúa Kitô: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6: 58). 

Sự sống này bắt nguồn từ tâm điểm của Thánh Lễ: hiệp thông với Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6: 56).  Thánh lễ – cuộc cử hành Bí Tích Thánh Thể – là sự tái hiện hành động của Chúa Giêsu vào đêm trước khi Ngài chịu chết.  Trong Bữa Tiệc Ly: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em.  Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”  Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22: 19-20).

 Trong những lời nói và hành động đó, trong giây phút trao hiến thiêng liêng đó, Chúa Giêsu đã hình dung trước hành động cao cả nhất của Ngài là hiến thân trên Thập giá.  Hội thánh tin tưởng và lặp lại hành động thánh thiêng đó để tuân theo mệnh lệnh của Ngài mỗi khi chúng ta tập trung quanh bàn thờ, kết hợp lại với nhau, để cùng nhau đón nhận Bánh được bẻ ra và Chén được chia sẻ, chính là Thân Mình bị tan nát và Máu bị đổ ra của Chúa Kitô, để đem lại sự sống đích thực đời đời cho những ai tin vào sự hiện diện của Ngài trong Giáo hội và trong Bí tích Thánh Thể: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6: 53-55). 

Việc nâng tâm hồn chúng ta lên Thiên Chúa chắc chắn là một yếu tố quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta.  Nhưng việc thờ phượng Thiên Chúa mà chúng ta dâng lên qua bí tích thánh thiêng này không chỉ đơn thuần là việc của riêng con người.  Chính việc Chúa Giêsu biến đổi bánh, là “hoa mầu ruộng đất,” và rượu là “sản phẩm từ cây nho,” mà chúng ta được mời gọi tham dự vào bằng việc dâng “công lao của con người,” trở thành Mình và Máu của Ngài, mới làm cho việc thờ phượng của chúng ta trở nên việc thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực: là sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá qua lời tuyên bố “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2: 19) báo trước về mầu nhiệm thập giá, về cái chết và sự phục sinh của Ngài.  Giờ đây con người gặp gỡ Thiên Chúa không cần phải qua trung gian nào khác, kể cả Đền thờ và Lề luật, nhưng qua Chúa Kitô.  Bánh và rượu được cộng đoàn dâng lên, tượng trưng cho lao động, cuộc sống với tất cả những khiếm khuyết của chúng ta, và chúng ta liên kết chúng với sự tự hiến của Chúa Kitô cho Chúa Cha để trở nên hy tế tột đỉnh: hy tế Thánh Thể.  Nhờ đó, chúng ta được biến đổi và trở nên điều mà thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ nhất: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Chúa Kitô ư?  Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Ngài sao?” (1Cr 10: 16). 

3.Sống ý nghĩa Thánh Thể

 Một trong những cảnh gây xúc động nhất trong Tin Mừng của Thánh Gioan là cảnh Chúa Giêsu Biến Hình trên Núi Tabor.  Các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn níu giữ giây phút chiêm niệm đó. “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!  Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9: 33).  Nhưng giống như mọi khoảnh khắc xuất thần, thời gian trôi qua.  Chúng ta phải trở về với những điều bình thường của cuộc sống. 

Lễ Mình Máu Thánh Chúa là một cơ hội đặc biệt để chúng ta không chỉ chứng kiến mà còn tham dự vào sự biến hình của Chúa Giêsu khi chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện luôn mãi của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.  Nhưng giây phút thiêng liêng này không thể kéo dài mãi được.  Bởi vì chúng ta phải quay trở lại sự phức tạp của cuộc sống hiện tại.  Nhiệm vụ của chúng ta là biến đổi thế giới mà chúng ta đang sống, như những lời của Thánh Irênê, tiến sĩ Hội Thánh: “Gloria Dei est vivens homo – Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống.” 

Được nuôi dưỡng bằng Lương Thực từ Thiên Đàng này, chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua ân huệ của Chúa Thánh Thần, được trang bị và tăng thêm sức mạnh để tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô trong các khu phố, nơi làm việc, bệnh viện, trường học và các khu vực khác trong cộng đồng của chúng ta.  Đây là ơn kêu gọi của chính chúng ta – trở thành bánh bẻ ra cho người khác, như Thân Mình Chúa Kitô tự hiến cho tất cả mọi người mọi nơi.

 Vào ngày lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa này, một lần nữa chúng ta hãy nhận ra và quý trọng hơn nữa đặc ân được tham dự Bí tích Thánh Thể và tự do lãnh nhận món quà Mình và Máu Chúa Kitô để chúng ta luôn nghiệm được sự hiện diện đồng hành của Chúa Giêsu trên hành trình cuộc sống trần thế này: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang.  Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con.” [3]

Phêrô Phạm Văn Trung

From: Langthangchieutim 


 

Suýt sặc cơm! – Chau Doan

Chau Doan

Suýt sặc cơm!

Người Việt Nam ở nước ngoài dù chỉ một người cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm” – đó chỉ là lời nói sáo rỗng nếu không xử lý được việc chăm lo thực chất.

Trước hết, hãy nhìn về đất nước.

Bao nhiêu dân oan mất đất, mất nhà, mất sinh kế vẫn đang gào khóc từng ngày ở quê hương mình? Hay họ không phải người Việt?

* Từ những Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Lộc Hưng… cho đến hàng trăm vụ “dân oan” nhỏ lẻ, công lý dường như đang bị bỏ quên. Có ai đặt ra câu hỏi: nếu người Việt ở trong nước chưa được quan tâm đầy đủ, thì bên ngoài dù có người hay không, cũng chỉ là miệng lưỡi sáo rỗng.

“Quan tâm” bằng cách nào?

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát:

* Các chuyến bay “giải cứu” công dân nước ngoài đắt đỏ:

 * Bộ máy tổ chức gần 1.000 chuyến bay, đưa khoảng 200.000 người về nước. Nhưng mức phí cao gấp nhiều lần giá thương mại, khiến nhiều người dân nghèo không kham nổi. Một số người phải bay charter “cắt cổ” — mỗi người mất hàng triệu đồng, chỉ để về nước.

 * “Phong bì” chảy đến các lãnh đạo ngoại giao, y tế, công an… khi 54 người, trong đó nhiều cựu thứ trưởng, bị bắt vì nhận hối lộ từ các chuyến bay cứu trợ này .

* Trong nước? Phong trào “chọc mũi” xét nghiệm COVID cũng trở thành công cụ kiếm lời, mở đường cho Việt Á:

 * Công ty Việt Á tham ô, hối lộ hơn 770 tỷ đồng; trục lợi trên 1.200 tỷ. Cột mốc làm sụp niềm tin đối với chính sách y tế cộng đồng của cả nước.

Đừng đầu môi chót lưỡi mị dân nữa!

* Thời đại bắn khẩu hiệu để thu tiền dân đã qua rồi.

* Internet rực rỡ sự thật. Người dân có trình độ, kỹ năng tìm kiếm – không thể bị lừa bằng các chiêu đánh bóng hình ảnh qua màn hình.

* Cứ hô khẩu hiệu mà không giải quyết các vấn đề nổi cộm – như tham nhũng, đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm…, rồi hỏi sao dân mất niềm tin, rồi còn bảo “một người Việt ở nước ngoài cũng được quan tâm”?

Thay vì hô hào, hãy làm thật.

Thay vì mị dân, hãy minh bạch.

Thay vì lấy tiếng bên ngoài, hãy chăm lo người trong nước trước.

Chừng nào vẫn còn dân oan ngơ ngác mất đất, vẫn còn công trình cứu dân trở thành công cụ thu lợi nhóm, vẫn còn người góp “thóc” để phong bì, thì tất cả những lời “quan tâm” chỉ là lời hứa trên… giấy trải sàn “tuyên truyền”.


 

Việt Nam: Hãy trả tự do cho nhà báo nổi tiếng, sức khỏe đang gặp nguy hiểm 

Ba’o Tieng Dan

Human Rights Watch

Dương Lệ Chi dịch

20-6-2025

Tóm tắt: Lê Hữu Minh Tuấn đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe

Các nhà báo tự do Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thụy (trước, bên trái) và Lê Hữu Minh Tuấn (sau, bên trái) trong phiên tòa xét xử họ tại thành Hồ ngày 5-1-2021. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam/AFP/ Getty Image

(New York) – Chính phủ Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức cho nhà báo bị cầm tù Lê Hữu Minh Tuấn và cho phép ông được điều trị y tế tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hôm nay. Gia đình của Tuấn cho biết, ông đang bị bệnh trĩ nội gây chảy máu nghiêm trọng và cần được chăm sóc khẩn cấp.

Patricia Gossman, phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Lê Hữu Minh Tuấn nằm trong danh sách dài những người Việt Nam bị cầm tù vì quan điểm ôn hòa của họ. Việc truy tố ông ấy một cách sai trái và sau đó không cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà ông ấy cần, chính quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho tình trạng ngày càng tồi tệ của ông ấy”.

Tuấn, 36 tuổi, là thành viên của Hiệp Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông đã viết về các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông và chính trị ở Việt Nam. Ông tuyên bố rằng, ông muốn “vận động cho một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách đóng góp tiếng nói phản biện trên mọi mặt trận của cuộc sống”.

Cảnh sát đã bắt giữ Tuấn tại tỉnh Quảng Nam vào ngày 12 tháng 6 năm 2020 và cáo buộc ông về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu và sản phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật hình sự. Vào tháng 1 năm 2021, ông bị kết án 11 năm tù, cùng với các nhà báo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy.

Kể từ khi bị giam giữ, Tuấn thường xuyên bị đi cầu ra máu, đau bụng và các vấn đề về đường tiêu hóa khác. Ủy ban Nhân quyền Lantos của Hoa Kỳ báo cáo rằng, tháng 1 năm 2024, Tuấn mô tả tình trạng sụt cân nghiêm trọng, khó tiêu, tê ở cả hai bắp chân, mất ngủ, chóng mặt, choáng váng, lẫn lộn, đau ngực và khó thở.

Theo quy định 27 về Quy tắc tối thiểu theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp quốc về đối xử với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela), “Tất cả các nhà tù phải bảo đảm [tù nhân] được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế nhanh chóng trong các trường hợp khẩn cấp. Các tù nhân cần điều trị chuyên khoa hoặc phẫu thuật sẽ được chuyển đến các cơ sở chuyên khoa hoặc bệnh viện dân sự“.

Bà Gossman nói: “Chính quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm vì đã từ chối cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cho Lê Hữu Minh Tuấn. Họ phải trả tự do ngay cho Tuấn và tất cả các tù nhân khác bị giam giữ sai trái”.