NGÀI CHỈ CẦN LẤY ĐI HƠI THỞ

Quyên Di

Thứ Sáu tuần trước, tôi gặp lại Cha Phaolo Nguyễn Hoài Chương trong đám tang của thân nhân một người bạn. Gặp nhau, Cha báo cho biết vừa tìm được mấy tài liệu liên quan đến tờ Tuổi Hoa và hứa sẽ gửi cho tôi.

Tôi biết Cha từ hơn 30 năm qua, lúc tôi còn loay hoay với tờ tạp chí Tuổi Hoa hải ngoại. Khi ấy Cha đã thành lập bút nhóm Lửa Việt (Lua Viet Youth Association,) quy tụ các bạn trẻ không phân biệt tôn giáo, hăng say phục vụ cộng đồng trong những lãnh vực giáo dục, y tế, xã hội.

Nhiều bạn trẻ quý mến Cha và xem Cha như thần tượng. Rất nhiều bạn trẻ gọi Cha là bố: bố Chương.

Mới gặp nhau hôm thứ Sáu, thế mà hôm nay Cha đã được Chúa gọi về. Ngài chỉ cần lấy đi một hơi thở của Cha. Tôi buồn não ruột, dù biết rằng Cha ra đi là về với Chúa.

Cậy vì công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa đón nhận tôi tớ Chúa là thầy cả Phaolo Nguyễn Hoài Chương vào thiên đàng hưởng nhan Thánh Chúa.

TRỌN ĐỜI CON, MỘT ĐIỀU MONG ƯỚC

Trọn đời con, một điều mong ước

Ngài ở đâu, con cũng ở bên

Mong ước ấy hôm nay đạt được

Ở cùng Ngài hưởng phúc trường sinh.

Ngài chỉ cần lấy đi hơi thở

Hồn liền bay lên chốn thiên cung

Trần gian này là nơi tạm ở

Trời cao kia quê thật ngàn trùng.

Tuổi thanh xuân đã dâng cho Chúa

Và giờ đây dâng cả xác hồn

Tình yêu con tràn đầy chan chứa

Rất ấm nồng trong quả tim son.

Vẫy tay chào bạn ơi ở lại

Tôi ra đi không hẹn quay về

Trình diện Đấng tạo sinh nhân loại

Cầu mong Ngài không nỡ chối chê.

Rồi sẽ lại gặp nhau, bạn nhé

Khi chúng ta đoàn tụ quê trời

Sẽ không còn cô đơn quạnh quẽ

Nhưng cùng chung vinh phúc chói ngời.

Quyên Di

“Cho Tôi xin chút nước!” – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Hôm nay, một số nhà thờ sẽ cử hành nghi thức đầu tiên trong ba nghi thức Kiểm Tra những người trưởng thành đang chuẩn bị lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm vào Đêm Vọng Phục Sinh. Từ Latin “Scrutari”, có nghĩa là điều tra hoặc tìm kiếm một cái gì đó; nó đề cập đến việc lục lọi trong đống rác để tìm một thứ gì đó có giá trị. Đây là điều Chúa Giêsu đang làm với chúng ta! Ngài sẽ sắp xếp sự rối loạn của bản chất con người sa ngã và tội lỗi nơi chúng ta, để chỉ ra ‘sự tốt lành và vẻ đẹp của đứa trẻ’ mà Thiên Chúa đã tạo thành. Đó là ‘cơn khát của linh hồn Ngài!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện Tin Mừng mô tả hành động này một cách tuyệt vời. Đó là một câu chuyện dài, đầy cảm hứng về một phụ nữ bên giếng nước Giacóp. Câu chuyện này chứa đầy tính biểu tượng, mà phần lớn người đọc bình thường có thể dễ dàng bỏ qua: ‘cơn khát của linh hồn Chúa Giêsu!’.

Để bắt đầu, điều quan trọng là bạn và tôi phải thành tâm sống lại cảnh tượng đó. Chúa Giêsu ngồi một mình bên bờ giếng vào khoảng giữa trưa. Rất ít phụ nữ đến giếng vào thời điểm đó trong ngày vì nắng nóng; nhưng phụ nữ này đến vào giờ này vì cô ấy biết những người khác sẽ không đến đó. Cô là một tội nhân, và nhiều phụ nữ khác trong thành biết điều đó. Vì thế, để tránh mặt họ và tránh cảm giác xấu hổ, rất xấu hổ, cô đã đến vào thời điểm mà cô có thể tránh những phụ nữ khác. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta cần xem xét là sự đau khổ mà phụ nữ này phải chịu đựng vì sự xấu hổ về cuộc sống tội lỗi của mình.

Đến gần giếng, cô ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu xin cô nước uống, “Cho Tôi xin chút nước!”. Cô, người Samari; người Do Thái coi người Samari là ô uế. Vì lý do đó, họ sẽ không uống nước từ bình của người Samari. Nhưng Chúa Giêsu đã phá bỏ phong tục tệ hại này và xem cô như đứa con gái yêu của Chúa Cha với phẩm giá và giá trị bẩm sinh khi Ngài bắt chuyện với cô.

Giữa trưa hè, Chúa Giêsu trìu mến ngỏ lời với cô, “Cho Tôi xin chút nước!”. Thánh Augustinô nói, “Cách tượng trưng, Chúa Giêsu khao khát linh hồn cô, khao khát sự cứu rỗi của cô. Ngài ao ước sớm ban cho cô ơn chiến thắng nhờ Thập Giá của Ngài. Và việc cô sẵn lòng đón nhận món quà này cũng sẽ mang lại sự thỏa mãn cho Trái Tim Rất Thánh của Ngài!”. Ngài không sống trong quá khứ của cô; Ngài biết tất cả về nó; Ngài đọc được tâm hồn cô. Tất cả những gì Ngài muốn là lục lọi trong đống tội lỗi và rác rưởi chất đầy tâm hồn cô để khám phá ra phẩm giá bên trong của cô. Nếu cô để cho Chúa Giêsu ban cho cô lòng thương xót này, thì không những cô sẽ nhận được Nước Hằng Sống đích thực vốn dĩ làm dịu cơn khát tâm linh của mình, mà cô còn thỏa mãn được cơn khát tâm linh trong chính linh hồn Chúa Giêsu, một cơn khát vốn chỉ có thể thỏa mãn nhờ việc ban phát lòng thương xót. Đó là ‘cơn khát của linh hồn Ngài!’.

Anh Chị em,

“Cho Tôi xin chút nước!”. Hãy suy ngẫm về người phụ nữ bên giếng nước này. Cô là biểu tượng của mọi người đến với niềm tin vào Chúa Kitô đang chuẩn bị lãnh nhận Nước Hằng Sống của Phép Rửa trong Lễ Phục Sinh, nhưng cô ấy cũng là biểu tượng của tâm hồn bạn và tôi trong tình trạng ở mức nó trở nên lộn xộn với rác rưởi của tội lỗi và rối loạn. Đừng để sự xấu hổ, sợ hãi hoặc cảm giác không xứng đáng ngăn cản bạn tham gia vào cuộc trò chuyện tương tự này với Ngài. Hãy nghe Ngài nói với bạn rằng, Ngài khao khát bạn và khao khát được thoả mãn bởi hành động thần linh của việc ban Lòng Thương Xót Thiêng Liêng của Ngài, được tuôn đổ qua Nước Hằng Sống dồi dào, vốn được ban cho bạn khi bạn chịu phép Rửa hoặc Bí tích Hoà Giải.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa khát khao con; cho con biết khát khao Chúa. Và nhất là, cho con biết thoả mãn ‘cơn khát của linh hồn Ngài’; bằng việc mở lòng đón nhận lòng thương xót Chúa!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen

GÓC SUY GẪM…- Không có ai sửa cho con!

Van Pham

Không có ai sửa cho con!

Ngày xưa, có một ông họa sĩ và ông muốn truyền nghề cho học trò của mình. Người học trò rất sung sướng nhận lời thầy.

Ông nói :

– Con hãy vẽ một bức tranh đẹp nhất mang đến đây.

Người học trò mang tác phẩm của mình đến và nói :

– Đây là bức tranh tâm huyết nhất của con

– Con hãy mang bức tranh này đến treo ở trung tâm thành phố và ghi rõ: “Nếu ai tìm được điểm sai thì hãy đánh dấu chỉ giúp tôi”.

Một tuần sau …

– Thầy ơi bức tranh của con có cả nghìn người đánh dấu.

– Hãy vẽ lại một bức tranh giống hệt như vậy, đặt lại chổ củ và ghi dòng chữ: “Nếu bức tranh bị sai thì hãy sửa lại giúp tôi.”.

Một tuần sau …

– Thầy ơi lạ thật , sao không có ai sửa cho con cả!

Bây giờ người thầy mới nói :

– Dù con làm việc có giá trị đến đâu , nhưng vẫn có hàng triệu người sẵn sàng vạch lá để tìm sâu , để chê bai việc của con làm ….

Nhưng để tìm một người dám dấn thân để hành động thì khó lắm con à , vì họ sợ người khác cũng sẽ chê bai giống vậy.

“Dễ thay thấy lỗi người.

Lỗi mình biết mới khó

Lỗi người ta phanh tìm.

Như tìm thóc trong gạo.

Còn lỗi mình che đậy.

Như kẻ gian giấu bài.”.

Dhammapada

Thà khóc trong Mercedes còn hơn cười trên xe đạp

RFA

Bình luận của Trần Mai
2023.03.09

Một phụ nữ đi xe đạp qua một căn biệt thự mới xây ở Nghệ An năm 2020 (minh hoạ)

 AFP

Mặt trời ở đâu không thấy nổi vì khắp trời chỉ toàn ánh nắng trắng lóa như muôn vàn vụn thủy tinh sắc nhói. Đôi kính mát đen ngòm cũng không cản hết tia tử ngoại đâm như kiếm vào tròng mắt khiến nó chói lòa đến nỗi chỉ muốn nhắm kín lại để bảo vệ. Áo khoác dày, găng tay, tất chân và giày, mũ bảo hiểm dày cộp cũng không cản được bao nhiêu sức nóng dữ dội. Những trận gió Lào nóng khủng khiếp như trong luyện ngục thỉnh thoảng tràn tới khiến không khí rung rinh và gây ra những ảo ảnh như mặt đường phía trước có những vũng nước nhấp nhoáng. Nắng nóng rút cạn sinh lực tận từng lỗ chân lông, cảm tưởng như các chất dịch trong cơ thể đều đông đặc lại.

Miền Tây Nghệ An, chó ăn đá gà ăn sỏi

Từ 6h 30 sáng, chúng tôi cố gắng chạy xe được dài thêm chút nào hay chút nấy để sớm tới được điểm đến trong hành trình, nhưng khí hậu của vùng miền Tây Nghệ An mùa gió Lào khiến chỉ đến 13h 30 thì cả bọn kiệt sức. Lao xe vào chiếc quán đầu tiên trông có vẻ mát mẻ bên đường, cởi tháo hết khăn áo găng mũ chống nắng, uống liền một lúc hai ly nước mía đầy mới có cảm giác máu trong người đã loãng và chảy trở lại. Không thể nhìn ra ngoài trời, chúng tôi gục ngay bên chiếc bàn nhựa nho nhỏ màu xanh của quán, thiếp đi ngay tại trận.
Chủ quán không nói gì mà để mặc chúng tôi ngủ gục đến mấy tiếng. Chắc bà đã quá quen với cảnh những người nơi khác đến, không biết lượng sức mình mà dang đầu chạy xe đường dài giữa trưa trong thời tiết này.

Mãi đến gần 4 giờ chiều, nắng dịu bớt, chúng tôi mới lại có thể leo lên chiến mã tiếp tục hành trình. Vậy mà xa xa trên những ngọn đồi tròn thấp ủm như bát úp, vẫn lấp ló những chiếc nón trắng di động giữa những luống chè cùm cụm xanh biếc.

Nhà máy, xí nghiệp ở vùng này rất ít.

Chẳng hiểu sao người ta có thể sống nổi quanh năm ở nơi đây, giữa những trận gió Lào mà chỉ nếm một lần đã đủ khiếp đến già.

Tôi hỏi bâng quơ với bạn mình như thế. Bạn tôi trả lời đơn giản nhưng ngẫm lại thật đúng là chân lý:
-Họ sinh ra lớn lên, quê hương bản quán dòng họ ở đây. Bảo đi đâu khó lắm!

Đi luôn thì đúng là khó, nhưng để cho những người đang ở lại có một điều kiện sống tốt hơn, như buổi trưa gió Lào có thể chui vào phòng bật máy lạnh nằm ngủ đến tận chiều tối, khi mặt trời đã chui về sau núi ngủ và bớt thiêu đốt mặt đất, thì những người trẻ khỏe không còn cách nào khác là phải đi làm ăn xa. Phổ biến là họ đi biền biệt vài chục năm, đến già mới quay lại về quê cha đất tổ.

“Được” tiếng là vùng có những làng tỷ phú giàu nhất Việt Nam, nơi kiều hối mỗi năm những người lao động xa xứ gửi về lên tới hàng trăm triệu USD (Nghệ An khoảng 500 triệu USD năm 2022, chiếm hơn một nửa tổng thu ngân sách toàn tỉnh 2022), nhưng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… không bao giờ là vùng đất có thể thu hút người ngoài đến làm ăn sinh sống, do khí hậu quá khắc nghiệt, đất đai khô cằn.

Bức ảnh dưới đây có thể giúp quý bạn hình dung một phần về sự mâu thuẫn này:

Một góc làng tỷ phúc Đô Thành, huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An. Hình: VietnamNet

Một thành phố nhỏ san sát biệt thự chen chúc, nhưng chỉ đi mấy bước ra ngoài làng thì vẫn là ruộng lúa không phì nhiêu, ngay sát đó là núi. Đó chính là làng tỷ phú của Việt Nam, làng Đô Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nơi tất cả các gia đình trong làng đều có ít nhất một người đi lao động xa xứ, cá biệt có những nhà tất cả con trai, con gái, dâu, rể… đều đi, đến 10 người.

Ở tất cả các vùng trọng điểm xuất khẩu lao động, những gia đình có nhiều con cái đi lao động nước ngoài bất kể hợp pháp hay không hợp pháp, đều có đời sống kinh tế khá hẳn lên sau một thời gian. Họ có thể đập ngôi nhà lụp xụp xây nhà mới khang trang, mua sắm tất cả các vật dụng sinh hoạt cần thiết và đắt tiền. Người lớn tuổi có thể ngừng công việc làm ruộng hay đi biển vất vả mà ít tiền để ở nhà nghỉ ngơi.

Và nuôi dạy cháu chắt thay cha mẹ chúng-họ đều đã ở nước ngoài.

8 tiếng làm ở Việt Nam được 200.000 đ-300.000 đ, ở Nhật nhân lên 6 lần

“Một ngày mất 8 tiếng làm ở Việt Nam chỉ có thể đem về 200.000 – 300.000 đồng còn ở Nhật con số này được nhân lên hơn 6 lần”.

Đó là quảng cáo của một doanh nghiệp chuyên đưa lao động xuất khẩu dạng thực tập sinh kỹ thuật sang Nhật (tức không có tay nghề, sẽ được đào tạo trước khi đi, hoặc chỉ làm những việc chân tay như phụ hồ, bốc vác, làm việc ở nông trại…v.v). Nó đánh thẳng vào trọng tâm và rất thực tế. Cạnh đó là bức ảnh về những thắng cảnh đặc chất Nhật, như dòng kênh hai bên rợp hoa anh đào hồng như thế ngoại đào viên, những khu làng cổ be bé xinh xinh như bức tranh anime ngoài đời thực, ngọn Phú Sĩ tuyết trắng xóa như những tấm poster quảng cáo du lịch, những đường phố nhà cao tầng san sát và ánh đèn đủ màu lấp lóe như một hộp ngọc xếp đặt ngăn nắp…

Cả về vật chất lẫn tinh thần, chúng đều khiến dậy lên trong lòng hàng ngàn thanh niên khao khát được đặt chân đến nơi ấy. Vừa được đi nước ngoài, trải nghiệm cuộc sống xứ lạ, vừa có một khoản dành dụm để xây nhà, lấy vợ, hoặc làm ăn sau khi về nước… còn gì bằng nữa chứ?

Hãy gõ vào Google “Tuyển lao động sang Nhật”, quý vị sẽ hình dung được một phần cơn sốt hừng hực này.

Nếu ở lại Việt Nam thì đi đâu?

Con đường phổ biến nhất là vào Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… làm công nhân trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhưng hai năm dịch dã đã khiến doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt. Hậu COVID, chiến tranh Nga-Ukraine lại khiến một loạt doanh nghiệp nữa cắt giảm lao động vì không tìm được đơn hàng mới.

Chỉ từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023 đã có gần 550.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm hoặc ngừng việc (số liệu từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam). Số này tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam. Đây là những ngành thâm dụng lao động, thu hút rất nhiều lao động phổ thông hoặc tay nghề thấp ở các tỉnh. Những doanh nghiệp còn đang… ngáp ngáp cũng bị cắt đơn hàng rất nhiều khiến không có công việc cho công nhân tăng ca, trong khi lương tăng ca vốn là khoản thu nhập rất đáng kể mà công nhân mong đợi.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 51.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ở chiều ngược lại, chỉ có gần 38.000 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động trong hai tháng đầu năm (Tổng cục Thống kê tháng 2/2023).

Doanh nghiệp “chết” thì lấy đâu ra việc cho công nhân làm?

Cái chết bi thảm của 39 người Việt trong container bịt kín ở Anh năm 2019 khi cố vượt biên sang Anh tuy không đủ sức ngăn cản toàn bộ những ai đang phải đau đáu mưu sinh nhưng chắc chắn vẫn làm nản lòng một số người muốn chọn con đường phi chính thống sang nước ngoài.

Đám tang của hai nạn nhân người Nghệ An chết trong xe container đông lạnh bị phát hiện tại Anh năm 2019. AFP

Những yếu tố đó cộng lại khiến người dân nhiều nơi vô cùng mừng rỡ đón tin Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu 110.000 người lao động trong năm 2023. Thiếu điều họ “reo lên một mình như nói cùng dân tộc/Hạnh phúc là đây cơm áo đây rồi” (bài thơ của Chế Lan Viên tả tâm trạng Hồ Chí Minh khi tiếp nhận được Luận cương Lê-nin. Trong nguyên bản, chữ đầu tiên là “Bác”).

Đó là những cảnh đời thực khi nỗi lo buồn và niềm vui ngấm ngầm đan xen: cha mẹ cầm cố nhà cửa đóng tiền thế chân cho con ra đi, biết chắc ít nhất ba năm nữa không gặp mặt; vợ bế con tiễn chồng, nước mắt giàn giụa; người ra đi cố nện bước mạnh hơn và không quay đầu lại. Nhưng trong tim ai cũng lấp lánh tia hy vọng về ngôi nhà kiên cố khang trang, trong tủ đầy sữa cho con, tết đến có thể sắm cho mình chiếc áo mới, biếu bố mẹ món quà…

Bất chấp bao nhiêu cười cợt, thương hại hay khinh rẻ về việc đem bán sức lao động phổ thông cho người khác làm giàu trên đất nước họ, bị gọi là “nô lệ lao động” hay “lao nô”, thì những chàng trai cô gái thanh xuân vẫn ra đi. Ai dám nói trong trái tim và trí óc của họ đang chứa những gì? Tiền bạc, đời sống cho hiện tại, sự đảm bảo cho tương lai, kỹ năng, kiến văn, lối sống, kiến thức, ý chí quyết thay đổi cuộc đời… có thể là tất cả.

Họ quần quật bốc vác sắt thép, phụ hồ trộn bê tông, khuân cột xi măng trên công trường. Trồng trọt trong trang trại. Tận tụy chăm sóc người già, chăm chút bữa ăn cho gia đình người khác trong khi chính con cái mình ở nhà thèm đến đứt ruột một bữa cơm mẹ nấu. Nước mắt, mồ hôi, máu, cả tủi nhục. Nhưng họ chịu đựng tất cả để có một ngày thực hiện được những gì đã ước mơ. Cho dù ước mơ đó chỉ là miếng cơm manh áo cho gia đình, nhưng ai dám cười nó không cao cả và vĩ đại?

Sự khinh bỉ và căm phẫn nếu có, phải dành sự căm phẫn cho những kẻ đã gián tiếp đẩy hàng trăm ngàn thanh niên vào kiếp “lao nô”. Cũng chính là những kẻ đã ăn sập cái đất nước Việt Nam thảm thương bằng tham nhũng, hối lộ, ăn trên những xác người.

Ai đẩy hàng triệu thanh niên Việt Nam vào kiếp “lao nô”?

Theo Kết quả điều tra PCI năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến 41,4% doanh nghiệp phải “bôi trơn” cho bộ máy thẩm tra xét duyệt khi đầu tư hoặc kinh doanh, như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Con số giai đoạn 2010 -2015 là 60%.

Tỉ lệ bôi trơn cao nhất là trong thanh tra xây dựng (khoảng 67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (khoảng 61,36%), cụ thể là quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.

Còn Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực cho biết qua thanh tra, kiểm toán năm 2022 đã kiến nghị xử lý tài chính thu hồi gần 82,6 ngàn tỷ đồng và gần 1.000 ha đất. 539 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý; 2 phó thủ tướng, 3 thứ trưởng và tương đương bị cho thôi chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, UBND tỉnh…

Số tiền trên mới chỉ là phần rất nhỏ của hiện trạng tham nhũng lộng hành khắp đất nước, trong mọi lĩnh vực, mọi cấp. Doanh nghiệp không thể làm ăn nếu không biết hối lộ, chịu hối lộ. Người ta nói trong số vốn chi xuống để làm đường giao thông, chỉ có 40% là ra tới mặt đường, tức 60% đã bị các cấp các ngành liên quan thi nhau ăn hết trước khi biến thành nhựa đường, xi măng… Nhưng doanh nghiệp không thể làm ăn không có lời, vậy chỉ có cách tìm mọi cách cắt giảm các khoản chi cho người lao động.

Tiền lương công nhân thấp đến mức chỉ đủ tồn tại. Hàng chục năm hết liên đoàn nọ đến ngành kia lên tiếng về tăng lương, phúc lợi, chỗ ở miễn phí cho công nhân, nhưng mãi mãi chỉ là ba xạo, hứa hão. Trong thời buổi này, không còn câu gì dối trá, khốn nạn như câu “Giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong của cách mạng”. Cái giai cấp tiên phong đó mấy chục năm nay lay lắt tồn tại, hiện tại tối tăm và tương lai mù mịt.

Làm thùng nhân sang Anh trồng cần. Làm thuyền nhân trên thuyền cao su vượt eo biển Manche bất chấp sóng to gió lớn và nước lạnh. Làm “lao nô” ở khắp các nước.

Hên thì đổi đời. Xui thì đổi kiếp.

Người dân còn có chọn lựa nào nữa không? Sao họ phải chọn con đường lương thiện khi khắp nơi trên đầu họ là bọn quan chức tham nhũng sâu dân mọt nước?

Thà khóc vì buồn trong xe Mercedes còn hơn khóc vì đói trên xe đạp.

______________

Tham khảo:

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-thang-dau-nam-hon-51000-doanh-nghiep-rut-lui-khoi-thi-truong-122503.html

https://vnexpress.net/hon-nua-trieu-lao-dong-bi-giam-gio-lam-ngung-viec-4574697.html

https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-414-doanh-nghiep-phai-boi-tron-dau-tu

https://vietnamnet.vn/ong-nguyen-dinh-cung-rat-kho-du-bao-tren-nen-tang-so-lieu-hien-nay-2117437.html?fbclid=IwAR3B2uwzLYbPnkO5DoNGkfJ1k-RauVH28slFlMA9hylnGdEyPsBdd7i6YdU

Bà ấy không còn biết tôi nữa nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai.

Hữu Quang

(Tác giả: không rõ)

Lúc đó khoảng 8;30 sáng, phòng cấp cứu rất bận rộn. Một ông cụ khoảng trên 80 tuổi bước vào phòng và yêu cầu được cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông cu nói ông rất vội vì ông có một cuộc hẹn vào lúc 9 giờ. Tôi bắt mạch, đo huyết áp cho ông cụ xong, tôi bảo ông ngôi chờ vì tôi biết phài hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có người đến cắt chỉ khâu cho ông. Tôi thấy ông nôn nóng nhìn đồng hồ nên tôi quyết định sẽ đích thân khám vết thương ở ngón tay cái của ông cụ. vì lúc đó tôi cũng không bận với một bịnh nhân nào khác cả.

Khi khám tôi nhận thấy vết thương đã lành tốt vì vậy tôi đi lấy dụng cụ để tháo chỉ khâu ra và bôi thuốc vào vết thương cho ông cụ. Trong khi săn sóc vết thương cho ông cụ tôi hỏi ông là ông vội như vậy chắc là ông có môt cuộc hẹn với một bác sĩ khác sáng hôm nay phài không.

Ông nói không phải vậy nhưng ông cần phải đi đến nhà dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà cụ vợ của ông ở đó. Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ thì ông cho biết là bà

đã ở viện dưỡng lão một thời gian khá lâu rồi và bà bị bịnh Alzheimer (bịnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi). Khi nói chuyện tôi có hỏi ông cụ là liệu bà cụ có buồn không nếu ông đến trể một chút. Ông cụ nói bà ấy không còn biết ông là ai nữa và đã 5 năm nay rồi bà không còn nhận ra ông nữa. Tôi ngạc nhiên quá và hỏi ông cụ:

– và Bác vẫn đến ăn sáng với Bác gái mỗi buồi sáng mặc dù Bác gái không còn biết Bác là ai nữa?

Ông cụ mĩm cười, vỗ nhẹ vào tay tôi rồi nói:

“Bà ấy không còn biết tôi nữa nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai.”

Khi ông cụ bước ra khỏi phòng, tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật khóc. Tôi vô cùng xúc động và thầm nghĩ, “Ước gì đời mình có được một tình yêu như thế!”

Tình yêu thật sự không phải là tình yêu thân xác, cũng không phải là tình yêu lãng mạn.

Tình yêu thật sự là sự chấp nhận tất cả những gì đang có, đã từng có, và sẽ có hoặc không.

Mỗi ngày bạn nhận được rất nhiều email và phần lớn là chuyện vui hoặc chuyện khôi hài; nhưng thỉnh thoảng cũng có những email mang theo những thông điệp có ý nghĩa như thế này. Và hôm nay tôi muốn được chia xẻ thông điệp này với các bạn.

Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được. Tôi hy vọng bạn chia xẻ ý tưởng nay với những người mà bạn yêu mến.

“Cuộc sống không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa”.

Cám ơn đời, mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!!!

   Trăm Nghìn Nhánh Khổ – Vũ Thế Thành

    Vũ Thế Thành

Sau 1975, tôi học được một điều, mà đến nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Lịch sử thuộc về người chiến thắng. Chân lý cũng thuộc về người chiến thắng luôn. Đánh thắng cả 3 tên đế quốc đầu sỏ, sao lại không đúng?

Cái gì không có nội dung, mới cần tới hình thức là thế. Người chiến thắng tự hào là đúng rồi, nhưng tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm đất nước ra nông nỗi thế này, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.

Các quán nhậu vỉa hè dọc kênh Nhiêu Lộc dạo này nhiều người hát rong, cũng ampli, loa, micro không dây, nhạc đệm… Họ chỉ hát toàn nhạc xưa, nhạc sến, với điệu rumba, bolero nghe tưởng như đồng hồ đếm ngược.

Lần trước về Sàigòn, tôi đã ngồi quán vỉa hè, nghe những bài ca vỉa hè như thế… Lặng cả người, “…Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người, mà yêu thương trót trao nhau trọn lời…”.

Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng tư 1975, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để “đối phó” với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại tưởng họ đã đến bến bờ thiên đường.

Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ, không phải là chuyến xe Sàigòn – Đà Lạt. Có khi Hà bá mời xuống chơi, có khi tủi nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ người cũng chưa hết.

Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, “Xứ này không ăn dơ như thế”.

Cũng có người đi làm nail, tiền tươi thóc thật, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con, hiểu sát nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt.

Tiền gửi về nhà, người thân trong nước tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng, không mua bảo hiểm y tế.

Nhưng cũng có người kiên nhẫn vừa làm vừa học, thành danh nơi xứ người. Nhưng cho dù thế nào nơi xứ người, vẫn còn ít nhiều cơ hội, có chịu nắm hay không mà thôi. Trong nước thì coi như bế tắc.

Hồi đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm 5- 7 học sinh. Có em học xuất sắc, bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy” còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ… bãi gửi xe.

Em đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Đất nước này không dung những tiềm năng như em…

Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi chính trị. Sao lại có thể xây dựng đất nước bởi những con người bằng thiệt học giả? Những năm sau 1975, đói khổ và ê chề thấy rõ. Giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, người bơm mực bút bi, bán bún riêu, buôn hàng lạc xon… Lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô la…

Năm 1978, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam lũ, nhưng đẹp, qúy phái, không quá 30, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê 2 bao than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: “Lát nữa gần đến ga Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi 2 bao than này xuống”. Chị buôn lậu than, đến ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của bà mẹ trong một tác phẩm của C. V. Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi nơi ẩn nấp của con bà. Gheorghiu đã mô tả đôi mắt của bà cũng buồn và nhẫn nhục như thế.

Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu – Trương Minh Giảng, ăn mặc chắp vá màu mè như phường tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, “Cho trẫm điếu thuốc”. Hoàng thượng đã chiếu cố xin thuốc dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc và cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, “Cho lui…”. Lui rồi, ngoái cổ lại, thấy hoàng thượng tiếp tục múa chổi đi quyền.

Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ trước rồi, sau 1975 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho khổ?

Mà Sài Gòn lúc đó sao lắm người điên thế! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông ăn mặc lịch sự lắm, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre…

Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng 1,5 kg kèm bức thư ngắn: “Gửi mày mấy hộp thuốc tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần đó”. Tâm thần phải chăng là lối thoát của con người với thực tại quá phũ phàng?

Ngẫm lại, một nhà chính trị tài giỏi là người có thể đưa đất nước tới mục tiêu mà ít đổ máu nhất, chứ đâu cần phải đốt cả dãy Trường Sơn, đánh tới người cuối cùng. Mạng người quá bèo. Bèo thì cũng đành, nhưng hệ lụy cho người còn sống, cha mẹ vợ con họ mới là nỗi đau gặm nhấm cả đời.

Cả đất nước sống bằng khẩu hiệu, đất nước ta dân chủ gấp vạn lần… Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?

Người lẽ ra phải điên mà không chịu điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối chợ cả tiếng đồng hồ, có khi chẳng mua được thứ gì.

Mà có tiền đi chợ là còn may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ… quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.

Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ, mà lo.

Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, “Tội nghiệp cho cả gia đình tôi! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con”. Não lòng đến thế là cùng! Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên, bà này chắc có căn phần phúc đức.

Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải phong… Thánh.       (quá hay )

Tháng tư năm nay, Sàigòn nóng khủng khiếp. Sàigòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng tư năm nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ở Couvent des Oiseaux đối diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.

Đà Lạt 8 giờ tối đã như 12 giờ khuya ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về nhà như kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn yên tĩnh như đêm.

Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan chập chờn trên mặt sân. Cuối tháng tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sàigòn để ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này của kẻ buồn, không nói cho thế hệ sau biết những buồn bã sau 1975 là như thế đó, lòng dạ nào yên?

Năm 1975 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người thành danh, đứa bầm dập, và cho dù có ở phương trời nào, tây hay ta, nỗi khổ vẫn theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn cuộc đời rồi?

Tháng tư, tôi thắp ngọn nến trong lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được ở quán rượu “…Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…” (*)

Vũ Thế Thành 

(*) Lời ca trong bản tình ca “Xin thời gian qua mau” của Lam Phương. (Người đăng bài thêm chú thích nầy)

From: Tu-Phung

HOLODOMOR: CUỘC ĐẠI CHẾT ĐÓI CỦA NGƯỜI DÂN UKRAINE DƯỚI BÀN TAY KHÁT MÁU STALIN

ĐHL 24/2/2022
Posted by GLN

JOSEPH STALIN VÀ CUỘC DIỆT CHỦNG NGƯỜI DÂN UKRAINE

https://cla.umn.edu/chgs/olocaust-genocide-education/resource-guides/holodomor
HOLODOMOR
(manmade famine = nạn đói do bàn tay con người dàn dựng)

Xác người dân Ukraine chết đói được mang đi thiêu 1932-33 dưới chế độ Stalin

Holodomor có nghĩa là NẠN ĐÓI VĨ ĐẠI (ĐẠI CHẾT ĐÓI)để chỉ một cuộc diệt chủng do Stalin hay đảng CS Sô Viết lên kế hoạch một cách cố ý (manmade famine) và thâm hiểm bằng cách giữ lại thực phẩm để hàng triệu người dân Ukraine phải chết đói oan khiên khi quốc gia họ bị đảng CS Liên Xô thống trị. Giáo sư Andrea Graziosi thuộc đại học Naples nước Ý Đại Lợi đã minh định như thế trong bài giảng về lịch sử.

UKRAINE TRƯỚC KHI BỊ LIÊN XÔ SÁT NHẬP LÀ AI?

                                         JOSEPH STALIN 

Bắt đầu thế kỷ thứ 18 đất nước Ukraine bị đế quốc Áo và đế quốc Nga phân chia. Sau Thế Chiến I và sau khi chế độ Nga Hoàng bị Lenin lật đổ vào năm 1917, Ukraine liền thành lập Chính Phủ Lâm Thời và tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Ukraine từng chiến đấu chống Hồng quân Bolshevik của Lenin trong 3 năm ròng rã từ 1918 cho đến 1921 nhưng bị Hồng Quân đánh bại và phần lớn đất nước Ukraine bị sát nhập vào lãnh thổ của Liên Xô tức là USSR vào năm 1922 Ukraine bị ép trở thành Cộng Hòa XHCN xô viết Ukraine (UkrSSR).

Liên xô dưới thời Lenin đã trưng dụng tất cả sản phẩm nông nghiệp dư thừa tại nông thôn dẫn đến nạn suy thoái kinh tế và bất mãn trong giới nông dân khiến Lenin mở ra chính sách KINH TẾ MỚI (New Economy Plan/ NEP) nới bàn tay sắt thống trị lên nông nghiệp tư nhân nhỏ và riêng lẻ hầu lấy lại sự ủng hộ của nông dân nhất và nông dân Ukraine.
Nhưng bắt đầu 1923 Liên Xô áp dụng phi dân tộc hóa để xóa tan phong trào Ukraine hóa của dân tộc Ukraine hầu phá đi phong trào dùng ngôn ngữ Ukraine trong văn hóa truyền thng cũng như kinh tế xã hội của Cộng Hòa XHCN Sô Viết Ukraine.

NẠN ĐÓI VĨ ĐẠI / HOLODOMOR

Trong lịch sử Ukraine, cuộc chống đối sự cai trị của Liên Xô rõ ràng là mối đe dọa với Sô Viết. Lenin từng lo ngại người dân Ukraine phản đối sẽ ly khai khỏi Sô Viết do đó ông ta đã ra chính sách ép đặt CHỈ TIÊU thu mua ngũ cốc cao hơn và nhiều hơn một cách phi thực tế ngoài khả năng.

Người Ukraine chen lấn đổi tất cả của cải giá trị nào hòng lấy cái ăn nhằm khỏi chết đói (hình lịch sử)

Song song với chỉ tiêu phi lý đó Lenin đã áp dụng các biện pháp hà khắc khác nhằm xóa đi một phần lãnh thổ Ukraine. Ví dụ vào tháng 8/1932 Lenin ra sắc lệnh “5 Nhành Lúa/ Five Stalks” quy định rằng bất kỳ ai dù là trẻ con nếu lấy đi dù chỉ một nhành lúa của cánh đồng hợp tác đều bị bỏ tù vào tội “TRỘM CẮP TÀI SẢN XHCN”. Tính ngang đầu năm 1933 đã có 54,645 người Ukraine bị kết án và 2000 người bị hành quyết một cách dã man.

Thu giữ nông phẩm nhiều như thế ngoài cả sức sản xuất của người Ukraine, đưa đến tình trạng người Ukraine phải từ bỏ nông thôn ra đi ngoài Ukraine kiếm sống.  Sau khi Lenin chết đi (1922) các chỉ thị của Stalin và người cộng sự đắc lực của y là Molotov đưa ra vào tháng Giêng 1933 ngăn cấm người Ukraine bỏ đi và phong tỏa gắt gao biên giới Ukraine. Thâm hiểm hơn, Stalin cho phát hành một hệ thống hộ chiếu trong nước nhằm hạn chế sự đi lại của nông dân Ukraine, không thể nào lên thành phố hay đi đó đây, không hề có được một vé tàu ngoại trừ trường hợp đặc biệt.

Vào thời Nạn Đói Vĩ Đại đó 1/3 số làng mạc của Ukraine bị vào “sổ đen” của Stalin do không đạt được “chỉ tiêu” mà Stalin đề ra. Những ngôi làng này bị quân đội Stalin bao vây và người dân Ukraine này bị phong tỏa hoàn toàn không được rời và cũng không có một nguồn cung cấp nào. Đây là một BẢN ÁN TỬ HÌNH TẬP THỂ do bàn tay sắt độc ác của Stalin và đảng CS Sô Viết đề ra. Các toán mật thám của Stalin được phái đến từng nhà tại vùng nông thôn của Ukraine bị ghi sổ đen đó. Bọn mật vụ Stalin khám xét từng nhà, từng chuồng lợn, không sót một mảy may. Bọn mật thám Stalin còn đào tường khoét bếp xem người Ukraine còn cất dấu thức ăn ở đâu chăng?

       Người Ukraine chết đói lang thang dưới chế độ Sô Viết 

Người Ukraine chết đói vất vưởng 

A crowd gathers around a man who has fallen, dead on the streets. Ukraine, USSR. 1933

Để thoát chết đói người Ukraine ăn tất cả những gì họ ăn được, từ cỏ, quả sồi … thậm chí chó mèo. Theo các tài liệu còn lại của mật thám Sô Viết ghi lại về nỗi thống khổ và tuyệt vọng của người Ukraine đã đến đường cùng. Họ chặt chém, ăn thịt đồng loại… nạn đói khủng khiếp đó được ghi chứng tích qua nhiều ngôi mồ tập thể đào lên từ vùng nông thôn Ukraine sau này.


      Con nít Ukraine tranh nhau moi đất hòng kiếm ra củ khoai tây nào còn sót lại (lịch sử chết đói Ukraine)

      Du kích CS gác kho thóc sẽ bắn những ai vào trộm 

Thời đỉnh cao của cuộc Đại Chết Đói này là vào tháng 6/ 1933 người Ukraine đã chết đến28,000 người một ngày. Có khoảng 3,9 triệu nạn nhân Ukraine đã chết đói dưới bàn tay khát máu của tên đồ tể Stalin bậc thầy của Putin người đang thi hành chính sách xâm lược Ukraine một lần nữa trong thế kỷ 21 hôm nay.

From: Đo Tan Hung & KimBang Nguyen

Xem thêm:

Ukraine: Mồ chôn tập thể lớn nhất từ thời Stalin và Nạn đói Holodomor (BBC)

Biên giới Canada – Hoa Kỳ

Mai Thanh Mai

Biên giới Canada – Hoa Kỳ dài gần 9000km kéo dài từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương là đường biên giới dài nhất trên thế giới giữa hai quốc gia. Đây cũng là đường biên giới yên bình nhất, đường biên giới này không hề có biên phòng vũ trang cũng chẳng có cột mốc hàng rào thép gai loa phóng thanh gì cả.

Đường biên giới này đi qua các rừng cây, lúc này đường biên rộng 6m không có cây mọc, mỗi bên Mỹ và Canada tự trả kinh phí phụ trách 3m cắt cây để lộ một đường thẳng xuyên rừng.

Đường biên này đi qua cả sông hồ thác nước, nước thì không kẻ được, Mỹ và Canada kệ nó.

Đường biên đi qua cả các con phố, các thị trấn làng mạc, con phố… lúc này đường biên là các vạch kẻ sơn.

Đường biên đi qua cả những ngôi nhà, đất đai họ sở hữu tư nhân, nhà họ nằm giữa hai quốc gia kệ họ, không ai vào được. Có anh chị chủ sở hữu căn nhà có đường biên đi qua, một lần anh chủ nhà người Mỹ đứng trong nhà và đi ra ban công, nhưng ban công anh lại thò sang đất Canada. Khi đó tình cờ có sĩ quan Canada đi qua, anh sĩ quan dừng lại đứng dưới phố nhìn lên ban công và nói :

“ Chào mừng đến với Canada, chúc quý khách có một chuyến đi vui vẻ “
Đường biên giới này đi qua cả những thư viện, họ kẻ vạch khắp sàn nhà thư viện và để người dân hai nước tự  do ra vào thư viện và đọc sách miễn phí.

Đường biên này đi qua cả các quán bar, thông thường mọi người vào quán bar có kẻ vạch biên giới. Lúc mới vào, người Mỹ ngồi một bên, người Canada ngồi bên phần đất của họ, đến lúc riệu say rồi thì hai bên bắt đầu vượt biên và nhẩy múa.

Biên giới Mỹ- Canada, đường biên giới nhiều cảm xúc nhất, yên bình nhất và là đường biên nhiều du khách muốn khám phá nhất.

Mai Thanh Mai

From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Việt Nam có nhiều “sứ mạng cao cả” thật

Việt Nam có nhiều “sứ mạng cao cả” thật. Từ cà phê của “qua” đến điện thoại thông minh của “Quảng nổ” và giờ là xe hơi điện của anh Vượng.
 
Nhưng cái sứ mạng cao cả nhất là của đảng cộng sản Việt Nam: dẫn dắt dân tộc này đến thiên đường XHCN.
 
Tuy nhiên, gần nửa thế kỷ rồi mà vẫn phải dựa vào bọn tư bản giẫy chết để tồn tại thì cái sứ mạng ấy chắc chắn cũng chỉ là hàng dỏm và “thùng rỗng kêu to” như cái điện thoại thông minh hay chiếc xe hơi điện VinFast mà thôi!

NGHỆ SĨ NHÂN DÂN VÀ TIẾN SĨ CÃI NHAU

Thu Vu

NGHỆ SĨ NHÂN DÂN VÀ TIẾN SĨ CÃI NHAU

Nghệ sĩ nhân dân do Bộ Văn trao danh hiệu. Tiến sĩ do Bộ Dục cấp bằng. Việc đề xuất Nghệ sĩ nhân dân tương đương Tiến sĩ bị Bộ Dục phản bác.

Cuộc nhậu tối nay, Nghệ sĩ nhân dân và Tiến sĩ cãi nhau dữ dội. Tiến sĩ ực nửa chừng ly rượu thì huỵch toẹt luôn:

– Mày chỉ giỏi hát hò ồn ào, mà từ khi có karaoke thì ai cũng hát được, cả đời học được mấy chữ mà đòi trình độ tương đương như là Tiến sĩ?

Nghệ sĩ Nhân dân nhổ toẹt ngụm rượu xuống đất, phang lại luôn:

– Gớm ỉa. Báo nói có người mới học xong lớp ba cũng làm được Tiến sĩ kia!

Xem chừng căng. Một người vội can:

– Đừng cãi nữa. Thời buổi này mà đem so sánh trình độ của Nghệ sĩ nhân dân với trình độ Tiến sĩ thì quá khó, chẳng có căn cứ nào.

Một người khác chen vào:

– Có một căn cứ khả dĩ. Mỗi người hãy uống hết một chai rồi tự khai thật xem. Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân tốn bao nhiêu? Bằng Tiến sĩ tốn bao nhiêu? Cứ lấy tiền ra đo thì biết ai danh giá hơn ai!

Mọi người khen có lý, có lý…

Vậy là Nghệ sĩ nhân dân và Tiến sĩ thi nhau nốc hết chai. Và anh nào cũng tự đội giá lên đến mấy trăm triệu để chứng minh rằng, danh hiệu của người này danh giá hơn cái bằng của người kia. Tiến sĩ đưa ra mức giá 100 triệu thì Nghệ sĩ nhân dân gác lên giá 200 triệu. Tiến sĩ đưa ra mức giá 200 triệu thì Nghệ sĩ nhân dân gác lên 400 triệu. Đến khi Tiến sĩ đưa ra giá 500 triệu thì bị Nghệ sĩ nhân dân mắng:

– Dừng lại đi. Ông có tính đi tính lại, cộng gian mấy trăm lần phong bì cũng khó có cái giá 500 triệu hoặc hơn nữa để theo chúng tôi. Trừ quan chức ra, chúng tôi không theo được. Lương viên chức của ông bao nhiêu mà có số tiền ấy để bỏ phong bì? Nhưng đối với nghệ sĩ chúng tôi thì chỉ một vài đêm hát ở phòng trà, chứ chưa nói nhà hát lớn, đã có thừa số tiền ấy để lấy danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Nói vậy thôi là đã đủ biết ai danh giá hơn ai. Hiểu chưa?

Tôi khen, rằng trong hội chứng nổ hiện nay, cái sự nổ của hai anh lộ ra nhiều sự thật và rất có ý nghĩa, đáng ghi nhận…

Chu Mộng Long

14.000 đô la – Bình luận của Trần Mai (RFA)

RFA

Bình luận của Trần Mai

2023.03.04

L.T.T.L tại một phiên toà ở Nhật

Hiệp hội chung sống với người nước ngoài (Nhật Bản) cung cấp

14.000 đô la Mỹ, khoảng trên 300.000 triệu đồng Việt Nam. Đây là khoản nợ mà L.T.T.L phải gánh để trả cho công ty môi giới, đổi lấy việc cô được sang Nhật làm việc theo dạng thực tập sinh kỹ thuật, hay còn gọi là tu nghiệp sinh kỹ năng. Cả hai tên gọi đều là uyển ngữ của xuất khẩu lao động tay nghề thấp.

Hai triệu đồng-năm triệu đồng để sống tại Nhật

18 tuổi, L. bắt đầu làm việc trong một trang trại trồng quýt ở miền Nam Nhật Bản vào tháng 8.2018. Cô kiếm được 1.400 USD/tháng (150.000 yên, tương đương hơn 31 triệu đồng), nhưng gửi về nhà hầu hết số này để trả nợ và phụ giúp gia đình. Cô gửi đến 1.100 USD-1.200 USD (120.000 yên-130.000 yên) mỗi tháng, chỉ còn giữ 100 USD-200 USD (20.000 yên-30.000 yên), tức khoảng hơn hai triệu đến gần năm triệu đồng để chi phí cho cuộc sống của bản thân tại Nhật.

Mức sống của L. được đánh giá là “vô cùng khó khăn” (theo  một tờ báo Nhật).

Trung bình chi phí ăn uống, đi lại, thuê nhà… tối thiểu của thực tập sinh kỹ thuật như L., tại các vùng xa xa, có vật giá tương đối thấp hơn thủ đô Tokyo hay tỉnh Chiba… vào khoảng 50.000 yên-60.000 yên/tháng.

Một cô gái vừa mới chạm ngưỡng cửa trưởng thành, vẫn còn trong tuổi đang lớn, nhưng phải gần như tuyệt đối bóp mồm bóp miệng, nhịn ăn nhịn tiêu để chi phí hàng tháng giảm xuống chỉ còn một nửa hoặc hơn 1/3 đôi chút. Mức sống này còn eo hẹp hơn ở Việt Nam.

Nhưng nếu hàng tháng không gửi đủ tiền về, số nợ gia đình L. đã lo cho cô đi Nhật sẽ tăng lãi suất, khiến tổng số tiền phải trả nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc sau khi kết thúc mấy năm lao động, L. sẽ dành dụm được ít tiền hơn để mang về Việt Nam làm vốn làm ăn.

Hoặc, như thường diễn ra-sau khi trả hết nợ, gia đình cô sẽ xây, sửa lại nhà cửa-nhà cửa của những người dân Việt Nam nghèo vùng nông thôn thường hết sức tạm bợ ọp ẹp. Xây nhà mới đồng nghĩa với việc mua sắm hoặc thay mới các phương tiện gia dụng khá đắt tiền, với những thứ được chọn lựa đầu tiên là xe máy-tivi-tủ lạnh-máy giặt-bếp ga… Tiếp theo là mua sắm nông cụ, nếu nhà làm nông. Mua thêm đất đai. Tiếp theo nữa có thể là dùng vốn để mở cửa hàng tạp hóa hay buôn bán nông sản, phân bón thuốc trừ sâu…v.v và từ giã nghề làm ruộng. Gia đình nào có con trai thì khi có tiền sẽ nuôi con tiếp tục đi học đến bậc đại học hoặc học nghề.

Đó là cả một quá trình đổi đời lâu dài của toàn bộ người trong gia đình, có thể tính bằng chục năm. Tất cả quá trình đó phụ thuộc, trông đợi vào đồng tiền mà đứa con đang lao động ở nước ngoài gửi về.

Một gánh gia đình

Tại nhiều vùng làm nông nghiệp miền Bắc và miền Trung Việt Nam, xuất khẩu lao động đem về nhiều tiền cho quê hương đến nỗi nó được chính quyền xác định là một trong những thế mạnh kinh tế. Huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD, tức khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Số tiền này gấp 13 lần tổng thu ngân sách toàn huyện (khoảng 380 tỷ đồng vào năm 2020).

Nguồn ngoại tệ mạnh do những người con lao động xa xứ gửi về để xây nhà cửa đã khiến bộ mặt làng xóm thay đổi toàn diện. Xã Đô Thành ở huyện Yên Thành nằm gần núi, trước kia dân chỉ sống bám vào cây lúa, rất khó khăn, nhưng sau nhiều năm ồ ạt đi lao động nước ngoài thì giờ đã thành “làng tỷ phú” xứ Nghệ. Làng có hơn 4.000 hộ thì ¾ có nhà cao tầng hoặc biệt thự. Người lớn tuổi không phải làm ruộng nữa, hầu hết chỉ ở nhà chăm cháu nếu bố mẹ chúng đều đi lao động nước ngoài.  Hầu như mỗi gia đình đều có người đi lao động nước ngoài, có những nhà đi 3-5 người, cả con trai, con gái, rể, dâu. Đó là những tấm gương sáng rực động viên và cổ vũ cho những gia đình khác.

Năm 2020, thu nhập bình quân của nông dân Việt Nam là 43 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu đồng/tháng (con số từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

18 tuổi, vẫn chỉ là đi làm nông nhưng L.T.T.L nhận được 1.400 USD/tháng tiền công. Theo tỷ giá USD trung bình là khoảng 31 triệu-33 triệu đồng. Nghĩa là gấp bảy tám lần 10 lần thu nhập bình quân nông dân ở Việt Nam. Nếu vẫn còn ở nhà, L. và gia đình có nằm mơ cũng không thể có.

Chính vì thế, tuy phải thế chấp nhà đất vay ngân hàng cộng với vay nợ bà con họ hàng, thậm chí vay lãi nặng thêm để có đủ ba bốn trăm triệu cho một suất “đi đơn hàng” tại những nước có thu nhập cao, yêu cầu về nhân công tay nghề thấp như Nhật, thì hầu như mọi gia đình đều sẵn lòng.

Lời xin lỗi nghẹn ngào vì “đường đi nước ngoài không thành”

Cuối năm 2019, thảm kịch 39 người Việt Nam chết trong thùng một chiếc xe tải đông lạnh ở Anh đã gây chấn động thế giới. Trong số các nạn nhân có 10 thanh thiếu niên, hai em nhỏ nhất 15 tuổi, một em 17 tuổi, bốn em 18 tuổi và ba em 19 tuổi. Những người còn lại ở độ tuổi 20-35, người lớn nhất 44 tuổi-đều trong lứa tuổi lao động.

Chúng tôi đã cố gắng lần tìm thông tin và nói chuyện với người nhà của một số nạn nhân. Có những người đã ở vài nước Đông Âu vài năm, làm nhiều công việc chân tay khác nhau trước chuyến đi này. Vợ của một số người đàn ông cho chúng tôi biết ngôi nhà ở quê đã được xây khang trang nhờ tiền của những chuyến đi trước. Tuy nhiên, ở Đông Âu không có nhiều việc và nhiều tiền, chồng họ định đi lần này nốt vài năm, kiếm thêm tiền làm vốn về Việt Nam chuyển nghề rồi ở lại hẳn.

Nguyễn Thị Trà My, cô gái 18 tuổi quê ở Nghèn, thị trấn nhỏ thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, trước khi chết vì ngạt thở trong container đã nghẹn ngào xin lỗi bố mẹ vì con đường đi nước ngoài không thành.

Bố mẹ Trà My đã chuyển cho người môi giới 40.000 USD-gấp 100 lần tổng thu nhập hàng tháng của cả gia đình ở Việt Nam, để đưa Trà My sang Anh. Trà My đặt chân đến được nước Anh một lần trước khi chui vào thùng chiếc container định mệnh. Lần đó cô từ Pháp sang Anh, nhưng bị cảnh sát Anh bắt và buộc phải quay trở lại Pháp. Ở Pháp vài hôm, cô lại tìm cách sang Anh và cuối cùng có mặt trong chiếc container.

Bùi Thị Nhung, cô gái 18 tuổi thứ hai, sang Anh bằng tiền vay mượn của bạn bè. Lê Văn Hà, 30 tuổi, gia đình đã thế chấp hai miếng đất để vay 25.000 USD trả cho người môi giới. Anh C.H.D, một vợ hai con, vay 400 triệu đồng; anh C.H.T, một vợ bốn con, cầm cố nhà đất, vay 500 triệu đồng… Tất cả đều đã nằm lại ở Essex, để lại cho gia đình khoản nợ cụ thể và nỗi đau vô hình, tất cả đều khổng lồ.

Nhưng ngay trong những đêm đau đớn đầu tiên, khi danh sách các nạn nhân vừa được phía Cảnh sát Anh đưa ra, ngay khi các lực lượng pháp luật của Anh và Việt Nam đang rốt ráo thắt chặt mọi hoạt động kiểm soát việc buôn người thì vài gia đình cùng làng với một số chàng trai đã chết, vẫn nhận được tin tức đầy vui mừng của con trai họ. Chúng cũng chỉ mới 18, 19 tuổi, chụp ảnh trên trang mạng Facebook thông báo đã đến Pháp và đang chờ sang Anh. Một hai ngày sau, một chàng trai up tấm ảnh chụp ở Anh lên Facebook, báo hiệu chuyến đi thành công mỹ mãn.

Bên dưới có hàng trăm lời chúc mừng của bạn bè, những người họ hàng lớn tuổi, hàng xóm, người quen… Nhiều người cho biết bản thân hoặc người thân của họ cũng sắp bước vào hành trình này và hy vọng cũng được thuận lợi như vậy.

Niềm vui được mô tả là “vỡ òa” này cân xứng với gánh nặng tài chính mà người đó có nghĩa vụ đáp lại với toàn thể gia đình, như trên đã kể. Đó là một trọng trách vô cùng nặng nề.

Chính vì thế khi biết mình sắp chết, điều đầu tiên cô gái Nguyễn Thị Trà My trăng trối với bố mẹ không  phải là nỗi kinh hoàng về cái chết đang đến, mà lại là lời xin lỗi. Xin lỗi vì khi cô chết, bố mẹ sẽ phải gánh một khoản nợ cực lớn trong khi tương lai đổi đời đã tắt ngấm.

Trong giờ lâm chung, cô gái nạn nhân trong thảm kịch gây ra bởi bọn buôn người lại tự lên án mình, cho rằng mình chính là thủ phạm cho sự nghèo khổ của cả gia đình.

Xót xa, tội nghiệp và phẫn nộ làm sao!

Cô đơn và quẫn bách trên đất Nhật

Cũng như thế, khi biết mình mang thai, L.T.T.L cực kỳ lo sợ. Trước khi sang Nhật, công ty môi giới cảnh báo các cô gái rằng nếu mang thai, họ sẽ bị đưa về nước. Bị trả về nước nghĩa là chôn vùi hy vọng đổi đời cho chính các cô gái và cho cả gia đình, và món nợ gia đình đã vay sẽ trở thành khổng lồ, không thể trả nổi. Hơn thế, họ sẽ bị nhiều người khác chê cười và lên án là chỉ vì ham yêu đương, “đú đởn” mà đẩy cả gia đình vào bần cùng. Đó chính là tội đồ. Chính bản thân những cô gái cũng sẽ tự giày vò và không tha thứ cho mình vì việc ấy. Tuy đã ở thế kỷ 21 nhưng ở một số làng quê, cái tiếng con gái chưa chồng mà chửa, lại vì chửa mà bị đuổi về nước, chính là điều tiếng nhục nhã cho cả dòng họ.

Với vốn tiếng Nhật ít ỏi, L. không hề biết rằng chính phủ Nhật bảo đảm cho lao động nữ nước ngoài quyền được nghỉ thai sản và chăm sóc con cái như những đồng nghiệp Nhật Bản.

Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiếu lao động bao gồm nông nghiệp và ngư nghiệp yêu cầu các “thực tập sinh” làm việc liên tục trong thời gian hợp đồng (01-3 năm). Nếu nghỉ thai sản nghĩa là không thể làm việc, cũng có nghĩa là phá vỡ hợp đồng.

Nếu ở Việt Nam, L. có thể xưng một cái tên giả, được người yêu hoặc bạn thân đưa đến bất cứ bệnh viện nào có dịch vụ chấm dứt thai kỳ. Nhưng ở Nhật, do chế độ khuyến khích sinh sản nên việc phá thai đi kèm những điều kiện rất khắt khe mà người vi phạm có thể bị đi tù. Tùy vào bệnh viện và tình trạng thai nhi, chi phí phá thai thường dao động từ 80.000 yên đến 200.000-300.000 yên, tương đương 14 triệu đồng-hơn 50 triệu đồng/lần. Nếu tính thêm chi phí khám ban đầu như thử máu, thử nước tiểu, chụp phim… thì tổng chi phí tăng thêm từ 10.000 yên đến 20.000 yên nữa. Tức khoảng 16 triệu đồng đến 56 triệu đồng.

Một cô gái chỉ dám dành cho bản thân tối đa năm triệu đồng trên tổng số 31-33 triệu đồng kiếm được mỗi tháng, làm sao dám bỏ ra khoản tiền lớn đến thế để chấm dứt thai kỳ? Chưa kể, nếu em dám thì với sự thiếu hụt số tiền lớn đến vậy, L. sẽ rất khó giải thích khi gia đình hỏi han, thắc mắc.

Em cũng không dám hỏi ai vì sợ lộ chuyện.

Hoang mang và cô độc, L. chọn cách làm quen thuộc nhất với những người ở tuổi cô ở vùng quê Việt Nam: lên mạng mua thuốc phá thai và uống.

Thuốc phá thai mua trên mạng không giúp được L. Cái thai vẫn phát triển. Cô bó bụng và vẫn đi làm bình thường.

Giữa tháng 11/2020, L. sinh non khi chỉ có một mình tại phòng ở Ký túc xá. Cô sinh đôi và tự cắt dây rốn cho con, nhưng cả hai bé trai đều đã chết khi rời bụng mẹ. L. quấn thi thể hai con bằng chăn, đặt chúng vào hai lần hộp carton, viết một bức thư trong đó cô xin lỗi hai con, viết rõ tên họ của chúng, và cầu mong hai đứa bé sớm về nơi an lạc-như phong tục của người Việt Nam. Bức thư nhòe nước mắt chấm dứt bằng câu niệm “Nam mô a di đà Phật”. Câu niệm này người Việt theo đạo Phật thường đọc lên khi cần có sự bằng an trong lòng, cũng là câu niệm để tiễn chân người qua đời được bằng an trong lòng từ bi của Phật. Cô đặt hai chiếc hộp đã được dán băng keo kín lên chiếc giá bằng mây ở gần cửa phòng.

Ngày hôm sau, L. đến bệnh viện và kể với một bác sĩ về tình trạng của cô, để xin lời tư vấn.

Vị bác sĩ này sau khi nghe câu chuyện đã tố cáo cô với cảnh sát. L. bị bắt giữ về tội Từ bỏ thi thể. Tại phiên tòa đầu tiên, các công tố viên cho rằng cô đã có ý định vứt bỏ thi thể hai đứa bé để che giấu việc mang thai. L. bị kết án tám tháng tù treo, thử thách trong vòng ba năm.

Tại phiên tòa thứ hai vào ngày 21/01/2022, sau khi nhóm luật sư của L. viện dẫn tình cảnh cô đơn và quẫn bách của cô, L. được giảm án còn ba tháng tù treo, thử thách trong hai năm.

Ảnh hộp đựng thi thể trước khi hỏa táng. Nguồn ảnh: Hiệp hội chung sống với người nước ngoài (Nhật Bản) cung cấp.

Sự cay nghiệt của đồng hương

L. và cả nhóm luật sư của cô tiếp tục kháng cáo vì cho rằng mình vô tội. Cô nói việc đặt thi thể hai bé sinh đôi trong hộp là để chờ sau khi cô hồi phục sức khỏe sẽ chôn cất chúng chứ không có ý định vứt bỏ.

Tình cảnh của L. là câu chuyện đau buồn về một mặt tối trong hiện trạng nữ lao động nước ngoài tại Nhật. Bất chấp những hình ảnh lung linh về một nước Nhật tình nghĩa  và hy sinh cho nhau, bất chấp luật pháp của nước Nhật, những lao động nữ như L., biết tiếng Nhật ít, khả năng tìm hiểu văn hóa, pháp luật, gần như không có chỗ dựa tinh thần và luật pháp tại nước sở tại… đều bị nhiều chủ doanh nghiệp và các công ty môi giới xem là một cỗ máy lao động, chứ không hoàn toàn là một con người.

Đáng buồn là trong khi có những luật sư và người ủng hộ Nhật Bản rất nhiệt tình giúp đỡ và lên tiếng tìm sự đồng cảm cho L. thì ngay tại tổ quốc của cô, L. lại phải hứng chịu nhiều cuộc bạo hành tinh thần trên mạng. Hầu hết bình luận của những người cũng là tu nghiệp sinh kỹ thuật như L. đều chửi bới và lên án cô vì hành vi phá thai. Tuy cùng hoàn cảnh đi lao động xa xứ để giúp đỡ gia đình nhưng nhiều bình luận rất cay nghiệt, mà lý lẽ trong đó không khác gì lập luận của các công ty môi giới hoặc các chủ doanh nghiệp đã đề cập ở trên.

Sự nghèo khó có thể tha hóa con người đến như thế, đến nỗi bản thân những người trong cuộc cũng cho rằng tốt nhất họ nên là một cỗ máy, ít nhất trong ba năm “đi đơn” ở Nhật, chứ đừng là con người.

_____________

Tham khảo:

https://vnexpress.net/nhat-ket-an-thuc-tap-sinh-viet-voi-cao-buoc-vut-xac-con-4419036.html

https://vietnamnet.vn/lang-ty-phu-nho-xuat-khau-lao-dong-778841.html

https://yenthanh.nghean.gov.vn/kinh-te-xa-hoi-63073/yen-thanh-tong-ket-nganh-nong-nghiep-va-ptnt-nganh-tai-nguyen-moi-truong-484991

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Kẻ Đi Tìm

Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: “Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ”.

Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.

“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những “anh em” được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.

Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.

Nguồn: Giáo xứ Ba Thôn

BỨC ẢNH ĐẸP NHẤT CỦA SỰ CHẤP NHẬN…

Hình ảnh này được coi là một trong những bức ảnh đẹp nhất trong 10 năm qua, vì nó khiến người chụp rơi vào trạng thái….trầm cảm.

Câu chuyện xảy ra:

2 con báo cheetah này đã tấn công con linh dương vào lúc nó đang chơi đùa với con nhỏ.

Và thực tế là con linh dương có cơ hội trốn thoát. Khoảng cách và lối thoát cho mạng sống là có lợi cho bản thân nó. Nhưng nó quyết định đầu hàng 2 con báo hoa mai theo cách này.

Tại sao???

Để cho những đứa con nhỏ của nó có cơ hội trốn thoát … Bởi vì nếu nó rời đi trước, sẽ không có thời gian cho những đứa con nhỏ của nó trốn thoát.
Hình ảnh này là khoảnh khắc cuối cùng của linh dương mẹ, với cổ họng rơi vào hàm 2 con báo cheetah, khi nó nhìn lại để đảm bảo những đứa con nhỏ của mình thoát ra ngoài an toàn trước khi nó bị nuốt chửng.

Mẹ là người duy nhất trên thế giới này có thể hy sinh cuộc sống của mình cho bạn một cách vô hạn.

(Cang Huỳnh lược dịch từ Nature Merveilleuse)

From: Do Tan Hung & KimBằng Nguyễn 

NGƯỜI VIỆT, NGƯỜI TÀU VÀ CON ẾCH (CHRIS PHAN)

(CHRIS PHAN)

MƯA LÂU THẤM ĐẤT

Năm 1996, Daniel Quinn viết cuốn sách có tên là Truyện của B (The Story of B) nói về lịch sử nhân loại trong đó ông dành riêng một chương để viết về con ếch, với những dòng như sau:

Nếu ta bỏ một con ếch vào một nồi nước sôi, thì con ếch sẽ dẫy dụa và nhẩy ngay ra khỏi nồi nước. Nhưng nếu ta bỏ ếch vào nồi nước lạnh, để ếch nằm trong đó, rồi từ từ nâng nhiệt độ lên, thì ếch ngồi trong đó thoải mái cho đến khi bị luộc chín lúc nào không biết.

Olivier Clerc năm 2005 cũng viết một bài ngắn có tên hơi dài là «Con ếch không biết mình đang bị luộc….và những bài học khác ở đời», được Michel Debaig và Luis Maria Huette phổ biến dưới tiêu đề Sự Nghịch Lý của con ếch.

Sau này, để cảnh tỉnh nhân loại trước nguy cơ trái đất đang bị hâm nóng từ từ, cựu phó TT HK là ông Algore có thực hiện một cuốn phim gọi là Sự Thực Mất Lòng cũng khai thác đề tài này.

Câu chuyện bắt nguồn từ một tài liệu xuất hiện năm 1897 ghi lại một cuộc thí nghiệm tại Institut John-Hopkins năm 1982: Một con ếch bị bỏ trong một nồi nước lạnh, sau đó người ta nâng nhiệt độ lên một cách rất chậm, chỉ 0,002 độ C mỗi giây. Sau 2 giờ 30 phút, con ếch bị luộc chín mà không nhúc nhích gì.
Câu chuyện lý thú nói trên khiến người ta liên tưởng đến hoàn cảnh nước Việt Nam ta, với tà quyền CS trong nước, và khối người Việt Hải Ngoại.

Vào đầu thập niên 1980, những người Việt định cư tại nước ngoài căm thù CS đến thâm gan, tím cật. Ai nói đến CS, là người ta chống đối mãnh liệt. Rồi ngày tháng qua đi, CS thì vẫn thi hành một chính sách độc tài, độc đảng như cũ, vẫn hà hiếp, bóc lột người trong nước như xưa, nhưng người tỵ nạn thì không phải tiếp xúc trực tiếp với những cán bộ ác ôn hàng ngày. Mối hận thù cũng không thể quên, nhưng cường độ một ngày một giảm đi. Hơn nữa, sau một thời gian dài cần cù làm ăn, người tỵ nạn đã có của ăn, của để, họ nghĩ đến việc trở về cố hương, để trước là thăm nơi quê cha đất tổ, nhưng cũng có phần để lên mặt với đời.

Mới đầu, số người về rất ít, sau càng ngày càng nhiều, nhất là vào các dịp Tết,

Rồi Ông Nguyễn Cao Kỳ, Rồi ông Phạm Duy, rồi các ca sỹ nổi tiếng như Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương, gia đình Tuấn Ngọc, Khánh Hà..v..v.., ngày nào lếch thếch nơi Mã Lai. Hồng Kông, hay Thái Lan, Nam Dương, trong các trại tỵ nạn, nay áo quần diêm dúa, môi son đỏ choét, về lại cố hương, để có được «hạnh phúc hát trước đồng bào», làm như lòng yêu nước của họ to hơn số đô la chứa trong các phong bì mà họ nhận được sau những buổi trình diễn cuối đời.

Ngày nào, khi Đàm Vĩnh Hưng qua hát, người ta bảo nhau đi phản đối, tay cầm cờ vàng, miệng hô đả đảo. Ngày nay, Nguyễn Thanh Sơn, người quan trọng gấp mấy lần Đàm Vĩnh Hưng, đi Mỹ, đi Canada, chẳng ai thèm đặt vấn đề, lại còn bắt tay, phỏng vấn xỳ xèo.

Việc này, thực đâu có gì lạ, mà phải la làng, chỉ là một trong muôn ngàn thí dụ của «boiling frog syndrome»@

Trung Hoa là một nước láng giềng của Việt Nam. Anh chàng láng giềng này lúc nào cũng muốn nuốt chửng Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ này, họ dùng 2 chiến thuật:

– Chiến thuật «tầm ăn dâu»: Từng bước, từng bước lấy của VN những tấc đất, những vùng biển, như Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Quan, đất đai vùng biên giới, việc này gây ra sự chống đối mãnh liệt, nhưng ít quan trọng hơn so với chiến thuật thứ hai.

– Chiến thuật «luộc ếch»: Thâm độc hơn nhiều: Lập công ty Trung Hoa khai thác các tài nguyên thiên nhiên, di dân , lấy vợ, đẻ con, xây chùa chiền theo kiểu Tầu, viết chữ Tầu trên các mặt tiền và trong các chỗ thờ phương, các bảng hiệu, lập các làng Tầu trên đất Việt…v.v. Ngày một, ngày hai, người Việt sẽ thấy người Tầu, văn hóa Tầu, cách sống Tầu, quá thân thuộc với mình. Khi ấy, thì Việt Nam có thành một ngôi sao trên lá cờ Tầu, cũng chẳng có gì quan trọng.

Nghĩ đi, nghĩ lại, người Việt, và các con ếch, có gì khác nhau đâu?

(CHRIS PHAN)

CON DÂNG CHÚA BAO MUỘN PHIỀN LÀM TINH THẦN MỆT MỎI RÃ RỜI

Tuyết Mai

Ôi lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của yêu thương! Dù chúng con được bao nhiêu tuổi đời thì hình như không ngày nào mà chúng con không phải suy nghĩ về cơm áo gạo tiền … làm sao cho đủ để nuôi cả gia đình trong một thân xác với sức khỏe có giới hạn. Thân xác làm không đủ thì những lúc rảnh tay lại bắt cái đầu nó làm việc không ngừng; chắc thế mà càng có tuổi, về già thì có rất nhiều người mang chứng bệnh hay quên (Alzeimer’s) do quá lao tâm, suy nghĩ nhiều!?.

Ở tuổi trẻ có phải là tuổi sung sướng nhất trên đời cho những ai có đủ cha đủ mẹ; sướng nhất là không biết cái cảm giác bị đói khát bao giờ. Mọi thứ đều được cha mẹ lo cho đầy đủ, không khác với bạn bè hay phải bị xấu hổ, mắc cở với ai. Nhưng ai bảo chúng không phiền cha mẹ của chúng và đã ghim tất cả trong lòng khi cha mẹ thì ngày ngày phải vất vả với công việc. Không có giờ cho chúng và có nhiều cha mẹ phải vất vả làm thêm cuối tuần thì mới có đủ tiền để trang trải đủ mọi thứ trên đời … Nên cũng đã hy sinh thời giờ chở chúng đi học Việt ngữ và tham gia vào TNTT suốt hai ngày cuối tuần là để cho chúng có nơi chỗ tốt lành vui chơi và học tập.

Rồi có nhiều cha mẹ cũng cho chúng học thêm võ nghệ để ra ngoài không dễ bị ai ăn hiếp; cho đi học đàn piano nghe nói là để giỏi toán, tốn biết bao nhiêu tiền mà kể. Toàn là sự hy sinh nhịn đi ăn nhà hàng, nhịn đi chơi vacation, nhịn sắm sửa của cha mẹ nhưng chúng nào hiểu cho nên đến lớn, có tuổi rồi mà chúng còn trách cứ cha mẹ là không dành thời giờ cho chúng và không muốn gần chúng. Hóa ra đối với chúng con nít thì sự dành thời giờ bên chúng là quý hơn cả. Là yêu thương, là gần gũi nhưng thưa rằng trong mắt chúng con nít thì không cha mẹ nào có thể làm chúng thỏa mãn được cả. Có đứa chỉ khoảng 8, 9 tuổi là đã không muốn có mặt cha mẹ đưa đón ngay tận cổng trường vì chúng xấu hổ, vì bị bạn chọc ghẹo là giống baby (nhất là con trai).

Vâng, sự thật thì cũng có nhiều cha mẹ nghĩ sai và làm sai! Sai theo sự nhận định non nớt của chúng. Sai theo cách cha mẹ chiều con quá mức nên chúng đổ hư, đổ đốn và ăn nói rất mất dạy với cha mẹ của chúng … Thì lạy Chúa công việc và trách nhiệm làm cha mẹ thì hẳn là cực vô cùng và là những cơn nhức đầu không bao giờ ngừng, cho đến khi xuống nằm dưới mộ sâu. Tưởng chừng khi chúng lớn, ra ngoài xã hội và sống riêng thì chúng hiểu được sự hy sinh và công khó nhọc để nuôi chúng lớn khôn. Để so sánh nếu nhìn ngang thôi thì chúng cũng hơn bao nhiêu người nhưng chúng không làm thế mà chúng chỉ nhìn lên để thấy mình thua thiệt và đổ thừa tất cả lên đầu của cha mẹ chúng.

***

Thôi thì bậc làm cha mẹ ở mọi lứa tuổi chỉ biết làm những gì tốt nhất cho con cái của mình trong khả năng rất có giới hạn. Vì thật sự người nghèo họ cũng có thể cho con cái điều tốt nhất mà họ có thể. Thử tưởng tượng họ nghèo mà Chúa ban cho có được 10 người con thì làm sao đây? Chẳng thấy có đứa con nghèo nào mà tự tử vì nghèo cả, mà không là ngược lại. Mỗi người là một hoàn cảnh, mỗi nhà là một tổ chức riêng cá biệt có trên có dưới, có tôn ti trật tự nên con cái phải ngoan ngoãn, phải biết vâng lời và phải có bổn phận trong thứ ngôi chớ không dừa cho người khác phải gánh hết cho mình được, mà lười biếng không làm gì.

***

Chúng tôi cha mẹ luôn luôn chắp tay cầu nguyện, dâng kinh Mân Côi và khẩn xin cho mọi điều tốt đẹp theo thánh ý Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con cái công việc làm ăn theo khả năng của chúng vì ngay cả chúng chưa chắc đã biết khả năng cá biệt Chúa ban cho là gì?… Để chúng bỏ công sức, phát triển tài năng hay bung hết khả năng cùng tiền của có được để đầu tư vào khả năng chúng có được, v.v…

Trên hết xin Chúa ban cho hết thảy chúng con có được sức khỏe vì nếu không có sức khỏe thì chúng con bị giới hạn trong nhiều lãnh vực tuy ngày nay kỹ thuật tân tiến rất nhiều, mọi thứ đều có thể cống hiến cho con người dù chỉ còn có cái bộ óc là làm việc. Có phải khi con người chúng con ở khoảng thời gian bị nghèo khổ nhất, bị bệnh thập tử nhất sinh, bị mất hết tài sản và ra ngoài đường sống như người vô gia cư; bị nghiện ngập, bị thương tích và gần đến cái chết — được Chúa chữa lành thì họ mới hiểu, mới thấm được là tất cả sự sống còn là phải do chính bộ óc, hai bàn tay và đôi bàn chân của họ chớ không ai còn có trách nhiệm gì trên họ cả. Xin Chúa thương xót và tha tội cho chúng con! Amen.

Y tá con Chúa,
Tuyết Mai
1 tháng 3, 2023